Ngày 20-05-2014
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
22:58 20/05/2014
NHÌN SOI
N2T

Hoa sen muốn đến gần nước để soi dung nhan của mình, không ngờ hồ nước chỉ là một vũng nước bẩn hổn độn, không khỏi ngạc nhiên, nó giận dữ nói:
- “Ngài xem, hồ nước ô nhiễm như thế, bảo con làm thế nào nhìn rõ mình chứ?”
Đấng tạo hóa nhẹ lời nói:
- “Bé con, nhìn rõ hay không nhìn rõ mình, không ở tại nước trong hay đục, mà là ở tại nơi sự trong đục của tâm hồn”.
(Hạnh Lâm Tử)

Suy tư:
Các cô gái thích soi gương đã đành, vì trời phú cho như thế để làm đỏm làm dáng chứ !
Ấy vậy mà các chàng trai coi bộ cũng thích soi gương và chải tóc luôn, như các cô nàng vậy đó.
Mỗi ngày, con gái con trai đều có soi gương để coi mặt mũi của mình ngày hôm nay ra sao, họ chỉ coi được phía trước mặt, tức là thấy được mắt, mũi, miệng, lông mày, lông mi, chứ sau ót sau lưng thì làm sao mà thấy được?
Nhưng nếu mọi ngày, con trai, con gái và hết mọi người, đều soi lòng mình bằng chính lời của Thiên Chúa, thì chắc chắn khuôn mặt của tâm hồn họ sẽ đẹp hơn, dịu dàng hơn, khả ái hơn và hấp dẫn hơn.
Đúng là Lời Chúa hấp dẫn thật.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch và viết suy tư

-------------
http://nhantai.info
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
http://www.vietcatholic.net/nhantai
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
23:01 20/05/2014
N2T

11. Tính siêu việt của đức cậy là sự hy vọng của vĩnh phúc, vui vẻ, xác thực.

(Thánh Thomas de Aquino)
--------------
http://nhantai.info
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
http://www.vietcatholic.net/nhantai
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Chủ tịch HĐGM Italia: Cuộc sống không có công ăn việc làm là cuộc sống vô nhân
Linh Tiến Khải
10:09 20/05/2014
Phỏng vấn Đức Cha Giancarlo Bregantini, Chủ tịch Ủy ban vấn đề xã hội và lao động của Hội Đồng Giám Mục Italia, và ông Santino Scirè, Phó chủ tịch Hiệp hội công nhân Công Giáo Italia

Mùng 1-5-2014 là Ngày Lao Động Quốc Tế. Đó đây trên thế giới đã có các cuộc biểu tình và tuần hành của giới công nhân đòi quyền lợi của mình, trong đó trước tiên là quyền có công ăn việc làm. Cuộc khủng hoảng kinh tế tài chánh kéo dài từ năm 2008 tới nay đã khiến cho mấy chục triệu người tại Âu châu không có công việc làm. Tình trạng thất nghiệp đặc biệt nghiêm trọng tại vài nước như Hy Lạp, Italia, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha.

Hàng chục triệu người đã mất việc làm, vì các hàng xưởng bị phá sản phải đóng cửa, hay di chuyển ra nước ngoài. Hàng triệu người trẻ đã học xong, ra trường với nhiều mảnh bằng khác nhau kể cả bằng tiến sĩ, nhưng không tìm ra công ăn việc làm. Một số đã tìm di cư ra nước ngoài, nhưng đa số cam chịu cảnh thất nghiệp và bị bó buộc phải sống nhờ cha mẹ.

Trong sứ điệp gửi Ngày Lao Động Quốc Tế 2014 các Giám Mục Italia đã mạnh mẽ khẳng định rằng một cuộc sống không có công ăn việc làm là một cuộc sống vô nhân. Các Giám Mục kêu gọi chính quyền chiến đấu chống lại nạn thất nghiệp, nhất là nạn thất nghiệp của giới trẻ. Các vị khích lệ dân chúng duy trì niềm hy vọng, cả trong tình trạng xã hội bấp bênh hiện nay.

Sau đậy chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn Đức Cha Giancarlo Bregantini, Chủ tịch Ủy ban vấn đề xã hội và lao động của Hội Đồng Giám Mục Italia, và ông Santino Scirè, Phó chủ tịch Hiệp hội công nhân Công Giáo Italia, về vấn đề này.

Hỏi: Thưa Đức Cha Brigantini, Đức Cha nghĩ gì về tệ nạn thất nghiệp hiện nay tại Âu châu, cách riếng tại Italia?

Đáp: Nếu chúng ta chờ đợi một huyền thoại của một tình trạng sống có hệ thống một cách hoàn hảo trong thế giới ngày nay, chúng ta sẽ không bao giờ có được điều gì chắc chắn cả. Trái lại, trong cái bất ổn tôi đặt ra các dấu chỉ chắc chắn, can đảm, tin tưởng, tôi nhận ra rằng Chúa mở ra cho tôi các con đường và trợ giúp tôi một tay. Nghĩa là cả trong tình trạng tạm bợ cũng có thể sống một chiều kích hy vọng mạnh mẽ hơn chính sự bấp bênh. Bạn đã có thể sống một cách khác với kiểu sống cho tới nay: không phải với một con tim của sự tạm bợ, nhưng với con tim của người có bên trong mình một cảm hứng lớn, một sức mạnh lớn và biết bao hy vọng.

Hỏi: Theo Đức Cha, các cơ cấu quốc gia có thể và phải làm hơn nữa để loại trừ các tình trạng khó khăn này cho người dân. Có phải vậy không?

Đáp: Vâng, các cơ cấu chính quyền có thể làm rất nhiều. Tôi xin đề nghị ba điều. Trước hết là một luật lệ ít nghiêm ngặt hơn đối với công việc, làm sao để cả công việc nhỏ bấp bênh hai ngày một tuần cũng có thể làm. Ngày nay một doanh nhân lo sợ mọi sự. Nếu chúng ta thành công trong việc tạo điều kiện thuận tiện cho họ... Có đúng thật là đã có nhiều điều được làm, nhưng cần phải làm nhiều hơn nữa, liên quan tới việc phục hồi công ăn việc làm thường ngày, cho phép từ từ hợp thức hóa để công việc làm trở thành hợp pháp, chứ không phải là làm việc lậu. Thế rồi cần phải trợ giúp giới trẻ và vì thế phải trợ giúp các hãng xưởng, với một quy chế tập việc ít đòi buộc hơn. Cần phải khiến cho nó trở thành dễ dàng hơn, có điều kiện thuận tiện hơn, cả với một trợ giúp kinh tế từ phía Văn phòng xã hội cho các tháng đầu tiên... Nghĩa là làm sao để tạo dễ đãi tột độ cho việc dẫn nhập vào công việc làm, được trợ giúp với sự uyển chuyển cần thiềt, đồng thời cùng với khả năng thực sự học đươc một nghề tới nơi tới chốn. Thứ ba là phải hỏi xem có nên tu chính lại luật Fornero hay không, bởi vì luật này đã bắt công nhân tới tuổi về hưu phải làm việc thêm, và như thế là ngăn chặn công ăn việc làm của người trẻ đang kiếm việc làm mà không ra.

Tôi tự hỏi không biết trong tổng thể việc cải cách này có tạo ra sự mất quân bình sức nặng toàn xã hội hay không, vì nó loại trừ người trẻ khỏi công ăn việc làm. Tôi tin rằng phải có các bước tiến khác. Đó là ba điểm tôi muốn nêu lên: khả thể làm việc hàng ngày, sự tập việc và một sự uyển chuyển khác liên quan tới tuổi về hưu của các công nhân.

** Tiếp theo đây là một số nhận định của ông Santino Scirè, Phó chủ tịch Hiệp hội công nhân Công Giáo Italia.

Hỏi: Thưa ông, trong sứ điệp tưạ đề ”Niềm hy vọng trong sự bấp bênh” phổ biến nhân Ngày Lao ĐỘng Quốc Tế mùng 1 tháng 5 vừa qua, các Giám Mục Italia đã yêu cầu tất cả mọi người, trước tiên là chính quyền, cộng tác với nhau, không lùi bước, kể cả dám liều lĩnh đầu tư nhất là cho giới trẻ. Theo con số của Sở thống kê quốc gia, hiện nay có 4 triệu 393 ngàn người trẻ thất nghiệp. Ông nghĩ vì về lời các Giám Mục Italia kêu gọi đầu tư để tạọ công ăn việc làm cho người trẻ?

Đáp: Đây là việc đầu tư cho quốc gia. Thật thế, chúng tôi cho rằng ngày mùng 1 tháng 5 vừa qua là một ngày đặc biệt, nó vừa là ngày lễ vừa là ngày cầu nguyện. Chúng tôi xã xin các giáo xứ cử hành một vài thánh lễ và nêu bật đề tài lao động.

Hỏi: Nhưng thật là khó mà nói tới niềm hy vọng trước con số những vụ tự tử vì thiếu công ăn việc làm, và cảnh các hãng xưởng đóng cửa. Điển hình như trường hợp hãng Piombino...

Đáp: Vâng, đó là điều ai cũng thấy. Một hãng xưởng, nhất là một hãng xưởng nhỏ có tính cách gia đình, hằng ngày nếu không nghĩ tới việc đóng cửa, thì cũng nghĩ tới chuyện duyệt xét lại và giảm số nhân công. Liên quan tới các số thống kê chúng tôi có được, ít nhất có một trên bốn hãng xưỡng phải đóng cửa. Cần phải xem lại con số này, vì chúng gắn liền với các biện pháp của chính quyền, cả trong việc suy tư và hướng nhìn về các cuộc bầu cử Âu châu. Chúng ta hãy tưởng tượng ra một chiến thuật mới trên bình diện Âu châu đặt để công ăn viêc làm vào trung tâm các lo lắng của mình.

Hỏi: Dự luật lao động do Bộ trưởng Poletto đề ra đã bắt đầu lộ trình thảo luận trong quốc hội với các trò chơi thử sức bên trong đa số, thí dụ như đề tài canh tân các hợp đồng hữu hạn. Cũng có các biện pháp khác như Luật lao động, nghị quyết bảo đảm việc làm cho người trẻ, có đang tiến hành theo đúng hướng không thưa ông?

Đáp: Theo tôi thấy biện pháp này đã tạo ra một lay động và người ta bắt đầu đặc biệt chú ý tới giới trẻ. Chúng tôi thích kiểu định hướng việc làm cho người trẻ và nữ giới. Vì thế chúng tôi cầu mong rằng có một biện pháp nào đó tạo ra một lay động tại những vùng nạn thất nghiệp của giới trẻ đặc biệt cao.

Hỏi: Thưa ông tỷ lệ thất nghiệp tại Itaia hiện nay là 12,7%. Theo con số của sở thống kê quốc gia chưa bao giờ có nhiều người không có công ăn việc làm như thế: 4 triệu 393 ngàn người. Đó lại không phải là con số báo động sao?

Đáp: Từ ít lâu nay các dữ kiện thị trường cho việc và nạn thất nghiệp đã luôn luôn ở trong tình trạng đèn đỏ báo động, đặc biệt là tại miền nam Italia, nhưng mà không phải chỉ có miền nam Italia mà thôi. Chúng tôi đã phát động phong trào bắt đầu từ ngày mùng 1 tháng 5 gọi là ”sức mạnh của lao động giúp thắng vượt nghèo túng và bất bình đẳng”, bởi vì thất nghiệp tạo ra nghèo túng và bất bình đẳng, đặc biệt nơi giới trẻ. Hãy ít phung phí hơn, phải đối thoại giữa các lực lượng xã hội, đề ra một đường lối chính trị kinh tế hướng tới chỗ tạo ra các khả thể làm việc mới có phẩm chất, và như thế cũng là tạo ra một phát triển kinh tế mới.

Hỏi: Để ra khỏi tình trạng khủng hoảng viêc làm cần phải có sự đào tạo, lòng can đảm và tình liên đới với nhau. Đó là công thức mà Hội Đồng Giám Mục Italia đã đề ra. Có thể làm nhiều trong nghĩa này hay không thưa ông, đặc biệt là trong lãnh vực đào tạo?

Đáp: Các từ nòng cốt nói trên chúng tôi không chỉ đồng ý mà cũng đã lấy làm của chúng tôi. Thật thế góp phần vào một công việc tự do, sáng tạo, có tham dự, liên đới có thể là con đường đúng đắn giúp tái đầu tư. Thật không dúng, khi nói rằng không thể tạo ra một công việc làm cả trong bối cảnh phức tạp và khó khăn như bối cảnh mà chúng ta đang sống. (RG 1-5-2014)
 
Lần đầu tiên một đại hội của Hội đồng Giám Mục Italia được Đức Thánh Cha đích thân khai mạc
LM. Trần Đức Anh OP
10:10 20/05/2014
VATICAN. Lần đầu tiên ĐTC Phanxicô đã đọc diễn văn khai mạc Đại hội lần thứ 66 của HĐGM Italia.
Chiều ngày 19-5-2014, tại Hội trường Thượng HĐGM ở nội thành Vatican 300 GM Italia đã nghe ĐTC đề ra những đường hướng chính cho hoạt động của HĐGM và Giáo Hội tại Italia.

Trong bài diễn văn dài, sau kinh nguyện và lời chào mừng của ĐHY Angelo Bagnasco, Chủ tịch HĐGM Italia, ĐTC đã đề cập đến nhiều vấn đề khác nhau, và nhấn mạnh rằng ”Sự vắng bóng tình hiệp thông hoặc sự nghèo nàn trong lãnh vực này chính là một gương mù lớn nhất, một lạc giáo làm biến thái khuôn mặt của Chúa và sâu xé Giáo Hội của Chúa. Không gì có thể biện minh cho sự chia rẽ.. Vì thế, trong tư cách là chủ chăn, chúng ta phải xa tránh những cám dễ làm cho chúng ta bị biến dạng: việc quản lý thời gian theo kiểu cách riêng, như thể có một thiện ích tách biệt với thiện ích của các cộng đoàn chúng ta; những thói nói hành nói xấu, sự thật nửa vời trở thành nói dối, một chuỗi những lời than trách chứng tỏ sự thất vọng bất mãn trong lòng”.

Đề cập đến các LM, ĐTC nói với các GM Italia rằng: ”Như anh em biết, các LM của chúng ta thường bị thử thách vì những đòi hỏi của sứ vụ, và nhiều khi họ nản chí vì có cảm tưởng kết quả chẳng được bao nhiêu: anh em hãy giáo dục các LM đừng dừng lại, tính toán những người vào người ra, kiểm điểm xem những điều mình thu thập có tương ứng với những gì mình cho đi hay không”.

ĐTC cũng nhắn nhủ các GM hãy là những mục tử có lối sống đơn sơ, không dính bén, thanh bần và từ bi”.

Đàng khác những thách đố ngày nay rất nhiều, vì cuộc khủng hoảng không phải chỉ xảy ra trên bình diện kinh tế, nhưng nhất là về tinh thần và văn hóa. Cần có một thuyết nhân bản mới. Để được vậy, cần bảo vệ sự sống, từ lúc mới thụ thai cho đến lúc chết tự nhiên. Và luôn luôn có tinh thần từ bi thương xót. ĐTC nói: ”Anh em đừng ngại thương xót cúi mình trên những người bị thương tích trong tình cảm, và thấy dự phóng đời mình bị thương tổn... Anh em cần hết sức chú ý đến cuộc khủng hoảng vì công ăn việc làm, khiến cho người người thất nghiệp; quan tâm đến những người di dân đang tìm kiến một cơ may cho cuộc sống:

”Thảm kịch của người không biết làm sao mang cơm bánh về nuôi gia đình, đi đổi với thảm trạng của người không biết làm sao làm cho xí nghiệp của mình có thể tiếp tục hoạt động. Đó là một tình trạng khẩn cấp lịch sử, đang gọi hỏi trách nhiệm xã hội của tất cả mọi người. Trong tư cách là Giáo Hội, chúng ta hãy giúp họ đừng lâm vào thái độ coi thực trạng làm một thảm họa và có thái độ cam chịu, hãy nâng đỡ vất vả của những người cảm thấy bị mất cả phẩm giá trong công ăn việc làm, nâng đỡ họ bằng mọi hình thức liên đới với tinh thần sáng kiến”. (SD 20-5-2014)
 
Top Stories
Vietnam: Mobilisation des catholiques vietnamiens dans la prière et l’action pour la paix et la défense de leur patrie
Eglises d'Asie
09:42 20/05/2014
En mer de Chine méridionale, la confrontation des forces navales chinoises et vietnamiennes se prolonge autour de la plate-forme de forage pétrolier récemment installée par la Chine sur une « zone économique exclusive » du Vietnam. A l’intérieur du pays, la mobilisation populaire se poursuit, plus pacifiquement que la semaine dernière.

Dimanche 18 mai, les manifestations auxquelles vingt associations de la société civile avaient appelé se sont heurtées à de nombreuses difficultés. Pour sa part, à l’appel la Conférence épiscopale du Vietnam, la communauté catholique s’est fortement mobilisée dans la prière et la protestation pacifique, en particulier dans le diocèse de Vinh.

Dimanche 18 mai, la Sécurité publique a utilisé la force pour contenir au maximum les manifestations de protestation contre les agissements de la Chine populaire. A Hô Chi Minh-Ville, les forces de l’ordre ont obligé un groupe de manifestants à quitter un jardin public du centre de la ville où ils s’étaient rassemblés. A Hanoi, la Sécurité publique a bloqué les grandes avenues et les rues menant à l’ambassade de Chine, ainsi que le jardin public adjacent. Elles avaient également repoussé les manifestants et les journalistes vers d’autres lieux. Par ailleurs, la Sécurité avait posté des policiers devant les domiciles des personnalités de l’opposition susceptibles d’aller participer aux manifestations de protestation contre la Chine.

Par contre, la mobilisation des catholiques, souhaitée par l’appel de la Conférence épiscopale, s’est effectuée sans contrainte policière. Elle a même été considérable dans certains diocèses, en particulier dans le diocèse de Vinh.

Dans la matinée du dimanche 18, mai, sur les chemins menant à la cathédrale du diocèse, à Xa Doai, on pouvait voir, marchant en longues files, des milliers de personnes, chrétiens et non-chrétiens confondus. Ils portaient de très nombreuses pancartes sur lesquelles on pouvait lire des inscriptions comme : « Tous unis pour défendre la patrie », « Le peuple vietnamien dénonce les envahisseurs chinois » ; ou encore « Chrétiens et non-chrétiens unis pour la défense de la patrie », « Les catholiques de Vinh ne failliront pas à leur devoir patriotique ».

Les participants de cette marche, qui tenait autant du pèlerinage que de la manifestation, étaient certes animés par une ardeur patriotique indéniable mais également par une volonté pacifique. L’un des slogans proclamait : « Nous voulons la paix. ». A l’issue de la manifestation, l’évêque émérite du diocèse, Mgr Cao Dinh Thuyên, a célébré la messe dans la cathédrale (1).

La manifestation de Xa Doai est loin d’être isolée. La veille, le 17 mai, quelques centaines d’étudiants du grand séminaire commun aux diocèses de Vinh et de Thanh Hoa avaient participé à une veillée de prière aux flambeaux pour le salut de leur patrie et l’avènement de la justice et de la paix. Le dimanche 18 mai, la plupart des paroisses du diocèse de Vinh ont répondu à l’appel de la Conférence épiscopale. Partout, des milliers de fidèles se sont assemblés, ont participé à la messe et prié pour la paix et le salut de leur pays.(eda/jm)

(1) Voir le récit complet dans VietCatholic News, le 19 mai 2014.

(Source: Eglises d'Asie, le 20 mai 2014)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
"Rước Kính Đức Mẹ Thuyền Nhân" Bổn Mạng CĐCGVN-Nam Úc
VietCatholic Network
10:04 20/05/2014
 
Phát biểu của ĐC Vinh Sơn Nguyễn Văn Long tại cuộc biểu tình ở Melbourne
+GM Vincent Nguyễn văn Long
10:22 20/05/2014
BÀI PHÁT BIỂU NHÂN CUỘC BIỂU TÌNH CHỐNG TRUNG CỘNG
Do Cộng Đồng Người Việt Tự Do Victoria, Úc Châu tổ chức 18.5.2014


Qúy vị và đồng bào thân mến,

Cách đây hơn 1000 năm, khi nhà Tống từ phương Bắc đem quân xâm lược nước ta, một bài thơ mang tên Nam Quốc Sơn Hà đã được sáng tác và ngâm lên để khích lệ tướng sĩ và toàn dân ta, dẫn đến chiến thắng vẻ vang trên sông Bạch Đằng.

Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại Thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Ngữ đẳng hành khan thủ bại hư.

Sông núi nước Nam, vua Nam ở
Rành rành định phận tại sách trời
Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm
Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời.


Với những lời bất hủ trên, tổ tiên chúng ta đã khẳng định chủ quyền thiêng liêng của dân tộc trên mảnh đất hình chữ S và biển đảo chung quanh nó. Các thế hệ con cháu cũng đã tiếp nối truyền thống hào hùng được cô đọng trong bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên này. Đã bao nhiêu lần trong chiều dài lịch sử hơn 4000 năm, người dân Việt với một ý chí quật cường chống lại ngoại xâm và bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ.

Ngày hôm nay, lại một lần nữa, chúng ta đối diện với hiểm họa xâm lăng của ngoại bang. Nhà cầm quyền Trung Cộng bấp chấp những công ước quốc tế đã ngang nhiên chiếm đóng Trường Sa và Hoàng Sa. Họ còn thô bạo ngăn cản bắt giữ và giết hại ngư phủ của chúng ta. Rồi gần đây nhất, họ ngang nhiên đặt dàn khoan khai thác ngay trên thềm lục địa nước ta.

Đứng trước sự xâm lấn ngang tàng của Trung Cộng và sự nhu nhược hay nếu không nói là sự đồng lõa của Đảng Cộng Sản Việt Nam, người dân Việt trong nước đã vùng dậy đòi chủ quyền trong những cuộc xuống đường vô tiền khoáng hậu. Làn sóng này không những nói lên tinh thần ái quốc ngàn đời bất diệt, mà còn thể hiện một cuộc cách mạng dân chủ trong một đất nước bị hoàn toàn bế tắt, tê liệt, băng hoại vì một thể chế lỗi thời. Dân ta nói “cháy nhà ra mặt chuột”. Trước cơn điêu linh của tổ quốc, Đảng Cộng Sản Việt Nam giờ đây hiện nguyên hình là một bè lũ bán nước, hèn với giặc ác với dân. Họ đặt quyền lợi bổng lộc của đảng và của chính họ lên trên cả vận mệnh của tổ quốc.

Chính vì thế, hôm nay, người Việt tại Úc và trên khắp thế giới, chúng ta cùng thể hiện sự hiệp thông sâu xa với đồng bào trong nước. Chúng ta cùng đồng hành với dân tộc không chỉ qua những ngày xuống đường mà còn qua cuộc hành trình gian khổ tiến đến ngày cánh chung của chế độ Cộng Sản và ngày quang phục của một Việt Nam thực sự độc lập, dân chủ và vững mạnh trước những thử thách mới.

Hôm nay, trước công luận quốc tế và nhất là trước vong linh của những tiền nhân anh dũng, chúng ta cùng mạnh dạn lên tiếng:

1. Chúng tôi không chống người dân Trung Quốc và nhất là những kiều bào Trung Quốc cũng đã và đang chia sẻ những thăng trầm của lịch sử nước Việt Nam. Thế nhưng chúng tôi cực lực lên án những hành vi xâm phạm chủ quyền đất nước Việt Nam của nhà cầm quyền Trung Cộng bất chấp những công ước quốc tế về lãnh thổ và lãnh hải.

2. Chúng tôi cực lực lên án những hành vi gây hấn bằng bạo lực và võ trang của nhà cầm quyền Trung Quốc đối với các lực lượng quân sự và nhất là với các ngư dân Việt Nam trong vùng biển đặc quyền và thềm lục địa Việt Nam.

3. Chúng tôi cực lực lên án sự nhu nhược của nhà cầm quyền CSVN trước thái độ “hèn với giặc, ác với dân”. Một mặt họ thông đồng với quan thầy Trung Cộng qua chính sách “ mười bốn chữ vàng, bốn tốt”. Một mặt khác, họ dập tắt ngọn lửa ái quốc của quần chúng qua sự đàn áp sách nhiễu dã man những người bất đồng chính kiến, phong trào đòi nhân quyền dân chủ và những bạn trẻ yêu nước.

4. Chúng tôi xác định rằng: việc bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước Việt Nam chỉ có thể thực hiện một cách chính chắn và hữu hiệu khi đất nước được lãnh đạo bởi một chính phủ do dân, vì dân và cho dân (Trong kiến nghị của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam về việc sửa đổi Hiến Pháp, các ngài đã yêu cầu phải thực hiện một tiến trình dân chủ dẫn đến một “nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân” ). Nói một cách khác, một chế độ Cộng Sản lỗi thời và một tập đòan lãnh đạo Hà Nội gắn liền với Trung Cộng trong một liên minh ý thức hệ thì không thể đối phó với tình hình đất nước lâm nguy như hiện nay.

5. Chúng tôi kêu gọi những người trong guồng máy cai trị đất nước, đặc bịêt các anh em trong quân đội và mọi lực lượng trị an hãy vì tổ quốc ăn năn, vì thời giờ đã điểm, vận mệnh quốc gia đã đến ngày định đọat. Chúng ta không thể chống lại dân tộc và bảo vệ cho đảng để rồi phải chung số phận với những kẻ phản quốc. Hãy can đảm đứng về phía dân tộc. Hãy chấm dứt làm công cụ đàn áp khủng bố của một chế độ tàn ác vong nô.

Kính thưa toàn thể quý vị và đồng bào thân mến,

Bánh xe lịch sử đã lăn chuyển tới một khúc quanh hệ trọng. Đất nước đang đứng trước một giai đoạn chuyển tiếp và người dân Việt Nam đang vương mình đứng dậy dành lại quyền làm chủ đất nước sau hơn 70 năm lầm than dưới chế độ Cộng Sản vong nô. Không một chính quyền nào có thể ngăn được sức mạnh của lòng dân. Không một chính thể độc tài nào có thể chống lại xu hướng tất yếu của thời đại. Một Việt Nam tự do, dân chủ và một Việt Nam do dân và vì dân sẽ chiến thắng mọi thế lực xâm lược.

Vì sự nghiệp của tiền nhân và vì tương lai của những thế hệ nối tiếp, chúng ta hãy vượt qua sự vô cảm và sự sợ hãi. Chúng ta hãy cùng đoàn kết trong truyền thống bảo vệ tổ quốc hào hùng mà cha ông ta đã đề lại. Hãy “cùng nhau đứng lên đáp lời sông núi” (lời bài hát của anh Việt Khang) chống lại thù trong giặc ngoài và kiến tạo một Việt Nam dân chủ, văn minh, nhân ái, thái hòa cho xứng với hy sinh của tiền nhân và niềm kiêu hãnh của thế hệ tương lai.

Đất nước Việt Nam muôn năm.
Dân tộc Việt Nam muôn năm.

+Vincent Nguyễn văn Long, Giám Mục Phụ Tá Melbourne
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Bầu cử Dân biểu Nghị viện Âu châu 2014
Hà Minh Thảo
10:47 20/05/2014
BẦU CỬ DÂN BIỂU NGHỊ VIỆN ÂU CHÂU 2014

Theo nghị quyết do Nghị viện Âu châu (Parlement européen, tiếng Pháp, và European Parliament, tiếng Anh) chấp thuận ngày 22.11.2012, các cuộc tuyển cử Dân biểu đại diện cho 28 quốc gia thành viên Liên hiệp Âu châu tại Nghị viện Âu châu nhiệm kỳ 2014-2019 sẽ được tổ chức trong thời gian từ ngày 22 đến 25.05.2014.

I.- QUYỀN LẬP PHÁP LIÊN HIỆP ÂU CHÂU.

Quyền này được trao cho hai cơ quan:

A. Hội đồng Tổng trưởng (hay Hội đồng Liên hiệp Âu châu, Conseil de l'Union européenne) bao gồm 28 Tổng trưởng các quốc gia thành viên, theo từng lãnh vực chuyên biệt. Nhưng, số lượng các Tổng trưởng có thể tăng lên khi Hội đồng thảo luận các vấn đề liên quan đến nhiều Bộ.

Chủ tịch Hội đồng Tổng trưởng được trao luân phiên giữa các quốc gia thành viên 6 tháng một lần, khi nước đó giữ vai trò Chủ tịch Liên hiệp Âu châu. Vị Tổng trưởng được bầu phải lập chương trình nghị sự cho Hội đồng.

B. Nghị viện Âu châu. Đây là một nghị viện đa quốc gia lớn nhất thế giới, đại diện 492 triệu người dân Liên hiệp Âu châu, với nhiệm kỳ 5 năm, hoạt động theo phương châm ‘Hợp nhất từ những khác biệt’. Nghị viện Âu châu là định chế duy nhất bao gồm các dân biểu được công dân các nước Liên hiệp Âu châu trực tiếp bầu vào. Tuy nhiên, Nghị viện không hành sử trọn quyền làm luật như Quốc hội tại các quốc gia dân chủ.

Nghị viện Âu châu được tổ chức như sau:
- Chủ tịch trách nhiệm về các mối quan hệ đối ngoại, chủ trì các kỳ họp của Nghị viện...
- Viện Điều hành Hoạt động Nghị viện và các cơ quan trực thuộc, gồm một Viện trưởng, 14 Viện phó và 5 Cố vấn phụ trách công tác điều hành và tài chính liên quan đến các dân biểu.
- Các ủy ban chuyên môn khác nhau nhưng trách nhiệm chung là chuẩn bị nội dung cần thiết cho các buổi họp Nghị viện.
- Ban thư ký có trách nhiệm điều hành công việc Nghị viện, gồm một Tổng thư ký và 3.500 viên chức mà 1/3 trong số đó làm công tác dịch thuật.
- Liên hiệp Âu châu hoàn thành luật theo thủ tục như sau:

1. Ủy ban Âu châu (Commission Européenne) giữ vai trò Chính phủ (Hành pháp) Liên hiệp Âu châu, có nhiệm viết Dự Luật và gởi đến Hội đồng Tổng trưởng.
2. Hội đồng Tổng trưởng thảo luận Dự luật và tìm sự đồng thuận giữa Tổng trưởng và, khi đó, Dự luật được chuyển đến Nghị viện.
3. Nghị viện Âu châu có nhiệm vụ phê chuẩn hay không một đạo luật của Liên hiệp Âu châu. Bộ luật của Liên hiệp Âu châu có thẩm quyền cao hơn luật quốc gia thành viên. Tóm lại, Nghị viện Âu châu có các thẩm quyền:
a/ Quyền ‘đồng quyết’ với Hội đồng Tổng trưởng, tức một dự luật chỉ được trở thành luật khi cả hai bên cùng đồng thuận thông qua. Nguyên tắc được áp áp dụng trong hầu hết các lãnh vực, trừ chính sách đối ngoại hay nông nghiệp.
b/ Quyền kiểm soát ngân sách Liên hiệp Âu châu và, vào tháng 12 hằng năm, Nghị viện biểu quyết ngân sách cho tài khoá năm sau. Thống đốc Ngân hàng Trung ương Âu châu có trách nhiệm báo cáo các hoạt động tài chính của Ngân hàng cho Nghị viện trong phiên họp khoáng đại.
c/ Quyền quản lý ngân sách Liên hiệp Âu châu được chia với Hội đồng Tổng trưởng, giám sát các định chế của Liên hiệp Âu châu cùng xét duyệt các tân ủy viên Âu châu (ngang hàng với các Tổng trưởng trong Uũy ban Âu châu) và có thể bải nhiệm toàn bộ thành viên Uũy ban Âu châu.

II. BẦU CỬ DÂN BIỂU ÂU CHÂU NĂM 2014.

1.- Tổng số Dân biểu:

Hiệp định Lisbonne đặt những qui định mới cho tổng số (tối đa là 750 và vị Chủ tịch) tại Nghị viện và số dân biểu mỗi quốc gia thành viên gởi đến Nghị viện Âu châu theo dân số (tối đa: 96; tối thiểu: 6). Qui định này có hiệu lực từ kỳ tuyển cử năm nay 2014. Tổng số dân biểu phải bầu năm nay là 751.

2. Số dân biểu phải cử tại mỗi quốc gia.

Số dân biểu đại diện cho mỗi quốc gia được ấn định theo dân số như sau: Đức (96); Pháp (74); Ý đại lợi và Anh quốc (73); Tây ban nha (54); Ba lan (51); Lỗ ma ni (32); Hòa lan (26); Bỉ, Hy lạp, Hung gia lợi, Bồ đào nha và Cộng-hòa Séc (Tchèque) (21); Thụy điển (20); Áo quốc (18); Bảo gia lợi (17); Đan mạch, Phần lan và Cộng hòa Tiệp (Slovaquie) (13); Lituanie và Aùi nhỉ lan (11); Lettonie và Slovénie (8); Chypre, Lục
xâm bảo và Estonie và Malte (6).

Tại các quốc gia nhỏ (Lục xâm bảo, Malte), một dân biểu đại diện khoảng 80 000 dân cư. Tại các quốc gia ‘trung bình’, một dân biểu đại diện lối 500 000 dân cư. Tại các quốc gia lớn (Đức, Pháp, Ý đại lợi, Anh quốc, Tây ban nha, số dân cư này tăng đến 800 000.

3. Quyền bầu cử và ứng cử.

a - Mọi công dân Liên hiệp Âu châu, trọn 18 tuổi và hội đủ điều kiện bầu cử theo luật quốc nội có quyền bầu cử tại đơn vị bầu cử đang cư ngụ. Việc bầu phiếu bắt buộc tại Bỉ, Hy lạp, Lục xâm bảo và Malte. Tại Ý đại lợi, tuy việc bầu phiếu không bắt buộc, những được xem như một ‘bổn phận công dân’.

b - Mọi công dân Liên hiệp Âu châu hội đủ điều kiện ứng cử trong nước mình đều có quyền ứng cử tại quốc gia mình đang cư ngụ. Tuổi tối thiểu để được ứng cử thay đổi theo từng nước:
- 18 tuổi tại Đức, Đan mạch, Tây ban nha, Phần lan, Hung gia lợi, Hòa lan, Bồ đào nha, Thụy điển, Slovénie và Malte;
- 19 tuổi tại Áo-quốc;
- 21 tuổi tại Bỉ, Aùi nhỉ lan, Lục xâm bảo, Anh quốc, Cộng hòa Tiệp, Lituanie, Estonie, Lettonie, Ba lan, Cộng hòa Séc và Bảo gia lợi;
- 23 tuổi tại Pháp và Lỗ ma ni;
- 23 tuổi tại Chypre, Hy lạp và Ý đại lợi.

Tại 6 quốc gia (Đức, Đan mạch, Hy lạp, Hòa lan, Thụy điển và Cộng hòa Séc), chỉ các đảng và các tổ chức đồng hóa mới được đưa người ra ứng cử. Ở các nước khác, mọi người có thể trở thành ứng cử viên nếu hội đủ một số chữ ký cần thiết luật định cử tri. Tại Anh quốc, Hy lạp, Hòa lan, Ái nhỉ lan và Cộng hòa Tiệp, ứng cử viên phải đóng một số tiền ký quỹ.

4. Sự Phân chia Đơn vị bầu cử.

Mười sáu nước (Áo quốc, Chypre, Đan mạch, Phần lan, Tây ban nha, Lituanie, Estonie, Lettonie, Hung gia lợi, Bồ đào nha, Cộng hòa Séc, Lục xâm bảo, Hòa lan, Thụy điển, Malte và Cộng hòa Tiệp) chỉ có một Đơn vị bầu cử trên toàn thể quốc gia.

Bỉ chia quốc gia thành 4 Đơn vị bầu cử; Ba lan 13; Aùi nhỉ lan 4; Anh quốc 11; Ý đại lợi 5 và Hy lạp 56. Pháp 8. Tại Đức, các chính đảng có thể giới thiệu ứng cử viên theo cấp Land, hoặc nhiều Lảnder hay cấp quốc gia.

5. Thể thức Bầu cử và Chia Ghế.

Tất cả các quốc gia đều áp dụng thể thức bầu cử kín, trực tiếp và theo tỉ lệ tại Nghị viện Âu châu. Có những quốc gia cho phép thay đổi vị trí các ứng cử viên trong liên danh, nhưng cũng có những quốc gia khác như Đức, Tây ban nha, Pháp, Hy lạp… thì cấm ghi gì vào lá phiếu để không bị coi là bất hợp lệ. Nhiệm kỳ Dân biểu: 5 năm

III. BẦU CỬ DÂN BIỂU ĐẠI DIỆN NƯỚC PHÁP.

Khoảng 44,4 triệu cử tri Pháp được mời tham gia tuyển cử dân biểu Âu châu vào ngày 25.05.2014. Nhưng tại các lãnh thổ hải ngoại của Pháp (Saint-Pierre-et-Miquelon, Saint-Martin, Saint-Barthélemy, Guadeloupe, Martinique, Guyane và Polynésie Pháp) cùng các phòng đầu phiếu thiết lập tại các sứ quán và lãnh sự quán ở Mỹ châu, cuộc tuyển cử sẽ được tổ chức vào ngày 04.05.2014 để có thể cùng dự đoán kết quả toàn quốc vào lúc 20 giờ (giờ Paris) ngày 25.05.2014. Kết quả chính thức được công bố lúc 12 giờ ngày 26.05.2014.

A. Điều kiện tham gia.

1/ Qui định về cử tri và ứng cử viên.

Luật bầu cử Pháp quốc qui định để trở thành cử tri, người công dân phải trọn 18 tuổi và làm thủ tục ghi danh pháp định.

Muốn trở thành ứng cử viên, công dân phải trọn 23 tuổi và không bị tước quyền ứng cử bởi các cơ quan Tư pháp.

Ngoài ra, các liên danh ứng cử tại Pháp phải được thiết lập xen kẻ một nam ứng cử viên với một nữ ứng cử viên (Luật 06.06.2000).

2/ Số dân biểu Pháp quốc gởi đến Nghị viện Âu châu.

Số dân biểu Pháp tại Nghị viện Âu châu xuất nhiệm 2004-2009 là 72. Trong cuộc tuyển cử 2014, nước Pháp sẽ gởi 74 dân biểu tham gia nhiệm kỳ ngũ niên 2014-2019. Đó là theo qui định của Thỏa hiệp Lisbonne được 27 quốc gia Liên hiệp Âu châu phê chuẩn, có hiệu lực ngày 01.12.2009.

3/ Đơn vị bầu cử.

a. Một dơn vị duy nhất. Chỉ từ năm 1979, các dân biểu Âu châu mới được trực tiếp bầu bởi những công dân Liên hiệp và trong 5 lần bầu cử Nghị viện Âu châu đầu tiên từ năm 1979 tới 1999, toàn Pháp quốc chỉ là một đơn vị tuyển cử duy nhất. Trong lần bầu đầu tiên năm 1979, cử tri Pháp đã gởi đến Nghị viện Âu châu 81 dân biểu thuộc 4 đảng lớn chiếm ngự Quốc hội Pháp: Liên minh vì nền Dân chủ Pháp (UDF, Union pour la Démocratie Francaise, 25 dân biểu), Xã hội (PS, Parti Socialiste, 22), Cộng sản Pháp (PCF, Parti Communiste Franẫais, 19) và Tập hợp vì nền Cộng hòa (RPR, Rassemblement Pour la République, 15). 61% cử tri ghi danh đã đặt lá thăm vào thùng phiếu trong lần tuyển cử Nghị viện đầu tiên này.

Nhưng, trong 2 lần bầu cử năm 1994 và 1999, những liên danh chủ trương bảo vệ chủ quyền quốc gia như Phong trào vì Pháp quốc (MPF, Mouvement pour la France) hay Măt trận Quốc gia (FN, Front National) dành nhiều thắng lợi theo lối đầu phiếu tỷ lệ cấp toàn quốc. Do đó, bốn đảng lớn tại Quốc hội Pháp hợp ý để thay đổi thể thức bầu: chia nước Pháp thành đa vùng bầu cử.

b. Tám đơn vị bầu cử. Viện dẫn lý do ‘thật chính đáng’ là để dân biểu ở gần với cử tri hơn, nhưng bao nhiêu cử tri biết hay đã gặp vị này sau ngày bầu cử, như PS (Thủ tướng Lionel Jospin) và UMP (Thủ tướng Jean-Pierre Raffarin, muốn thay đổi luật chơi bằng chia nước Pháp với một đơn vị duy nhất thành 8 đơn vị nhỏ từ cuộc tuyển cử năm 2004. Do đó, so sánh kết quả hai kỳ bầu năm 1999 và 2004, đảng ‘Phong trào vì Pháp quốc’ mất rất nhiều ghế tại Nghị viện Âu châu (từ 13 dân biểu năm 1999 giảm xuống còn 3 trong cuộc bầu năm 2004.

Toàn lãnh thổ Pháp quốc được chia thành 8 đơn vị bầu cử (7 trong nội địa và 1 ở hải ngoại: Bắc-Tây (10 dân biểu); Tây (9); Đông (9); Nam-Tây (10); Nam-Đông (13), Vùng trung tâm (5); Vùng Paris (15) và Hải ngoại (3).

IV. THỂ THỨC PHÂN CHIA GHẾ.

Việc phân chia này được thực hiện theo thể thức liên danh với đại diện tỉ lệ theo trung bình cao nhất (représentation proportionnelle à la plus forte moyenne).

Kể tử ngày 01.04.2014, theo điều L.65 Luật Bầu cử, được điều chỉnh bởi luật số 2014-172 ngày 21.02.2014, cho phép công nhận các phiếu trắng (vote blanc) trong các cuộc đầu phiếu khác với phiếu bất hợp lệ và vẫn được tính riêng với số phiếu hợp lệ (có ý nghĩa, suffrages exprimés). Cuộc bầu cử Nghị viện Âu châu này là lần bỏ phiếu đầu tiên mà điều luật này được áp dụng.

A. Một thí dụ.

Trong một đơn vị bầu cử được tổ chức để chọn 10 dân biểu Âu châu và có 5 liên danh ứng cử: Mít, Xoài, Thơm, Nhãn và Mận. Mỗi liên danh có 10 ứng cử viên.

Cuộc kiểm phiếu có kết quả 600 000 phiếu hợp lệ được chia như sau:

- liên danh Mít thu được 200 000 phiếu;
- liên danh Xoài thu được 180 000 phiếu;
- liên danh Thơm thu được 175 000 phiếu;
- liên danh Nhãn thu được 25 000 phiếu, tức 4,17% số phiếu hợp lệ;
- liên danh Mận thu được 20 000 phiếu, tức 3,33% số phiếu hợp lệ.

Hai liên danh Nhãn và Mận không đạt được 5% số phiếu hợp lệ không được chia ghế (tức không có ứng cử viên đắc cử).

Sau đó, để tiến hành việc phân chia phiếu, chúng ta phải trừ ra số phiếu thu được bởi 2 liên danh Nhãn và Mận [(600 000 – (25 000 + 20 000)] = 555 000 phiếu. Từ đó, tính thương số bầu cử (quotient électoral) bằng chia tổng số phiếu 3 liên danh về đầu cho số ghế cần chia: 555 000/10 = 55 500, tức mỗi ghế tương đương với 55 500 phiếu. Như vậy, lần lượt các liên danh được chia ghế theo số phiếu của mình để có ghế như sau:

- liên danh Mít được chia: 200 000/55 500 = 3,6036 hay 3 ghế và dư 0,6036 tương đương 33 500 phiếu;
- liên danh Xoài được chia: 180 000/55 500 = 3,2432 hay 3 ghế và dư 0,2432 tương đương 13 500 phiếu;
- liên danh Thơm được chia: 175 000/55 500 = 3,1531 hay 3 ghế và dư 0,1531 tương đương 8 500 phiếu.

Như thế, chúng ta đã chia được 9 ghế đầu. Chiếc ghế thứ 10 được chia bằng so sánh các số đại diện tỉ lệ theo trung bình cao nhất hay, giản dị, so các số phiếu dư. Ở đây, liên danh Mít với 33 500 phiếu cao hơn 13 500 và 8 500 của hai liên danh Xoài và Thơm và được chia thêm chiếc ghế thứ 10.

Kết quả chung cuộc: liên danh Mít chiếm 4 ghế, liên danh Xoài được 3 ghế và liên danh Thơm cũng được 3 ghế.

B. Số liên danh ghi danh ứng cử.

Số liên danh tham gia bầu cử lần này tăng rất nhiều: 193 (169 liên danh năm 2004, 161 năm 2009). Tại đơn vị Vùng Paris có đến 31 liên danh. Lý do số liên danh tăng cao vì chỉ cần đạt 3% số phiếu hợp lệ, các liên danh được bồi hoàn chi phí tranh cử, khác với các cuộc bầu cử khác phải cần đến 5%.

C. Mặt trận quốc gia FN về đầu trong cuộc bầu cử Nghị viện năm nay ?

Theo dự đoán, thì số cử tri vắng mặt sẽ rất cao, có thể lên đến 62 hay 63% so với năm 2009 đã là 60% số người ghi danh. Ngay cuộc bầu cử Nghị viên Thành phố vòng 2 ngày 30.03.2014, cuộc bầu được cử tri ưa chuộng nhất, cũng đã lập kỷ lục về số người vắng mặt đến 37,87%. Do đó, có thể nói: Số người thất nghiệp tăng đã kéo theo số cử tri từ chối quyền (và cũng là bổn phận) đầu phiếu của mình.

Trong thời khủng hoảng, các đảng ở hai cực tả và hữu có khả năng thu được phiếu hơn thời kinh tế phát triển điều hòa. Trước kia, đảng cộng sản Pháp (PCF) đã thu đến trên 20% số phiếu bầu khi họ đưa cao ngọn cờ ‘chống tư bản bóc lột công nhân’ và được cộng đảng Liên xô tài trợ. Ngày nay, chủ không còn bóc lột mà họ chỉ sa thải và số thất nghiệp ngày càng tăng, cộng đảng Pháp mất số phiếu bầu và cũng không còn tiền để ra ứng cử dành phải đứng chung với Mặt trận tả phái (Front de gauche) trong cuộc tuyển cử này. Tổng công đoàn CGT (Confédération générale du travail, thời cộng sản phồn thịnh, được lãnh đạo bởi một thành viên Bộ Chính trị PCF), trong cuộc Tuyển cử Tổng thống năm 2012, đã kêu gọi ủng hộ ông François Hollande, và hiện nay, kinh tế Pháp không có tăng trưởng và thuế thì gia tăng. Do đó, nhiều thành viên CGT đặt hy vọng nơi Mặt trận quốc gia.

Qua nhiều cuộc điều tra dân ý liên tiếp, khuynh hướng đầu phiếu giống nhau từ nhiều tuần qua cho thấy hình như tiến trình tranh cử trong những ngày qua vẫn không làm thay đổi, do đó, cuộc khảo sát do viện BVA thực hiện, được báo ‘La Dépêche ngày 19.05.2014 công bố, xác nhận: FN về đầu bởi 23% số người được hỏi, kế đến UMP được 21%, rồi mới đến PS (đảng cầm quyền) chỉ được 17%, trước liên đảng trung phái Modem-UDI 9,5%, đảng Xanh 9%, Mặt trận Tả phái 8%... Trước đó, ngày 15.05.2014, cuộc thăm dò dân ý do viện CSA cho truyền hình BFMTV và báo Nice–Matin loan báo kết quả: FN 25% ý định đầu phiếu, UMP 21%, PS 18%, UDI-MoDem 9%, đảng Xanh 8% thật thấp so với 16% đạt được năm 2009,… Do đó, FN, với chỉ 3 dân biểu Âu châu xuất nhiệm, hy vọng sẽ gởi đến Nghị viện Âu châu từ 15 đến 20 đại diện cho Pháp tại Nghị viện này trong nhiệm kỳ 2014-2019.

Phiếu bầu theo chủ nghĩa dân túy (populiste, thu phục nhân tâm) luôn gia tăng trong các cuộc tuyển cử dân biểu Âu châu không phải là điều mới. Năm 1979, các đảng dân túy chỉ thu được 4,4% số phiếu hợp lệ; 1984: 7,5%; 1989: 8,7%; 1994: 9,8%; 1999: 11,8%; 2004: 14,4; 2009: 12,7%. Các đảng này đề cao chủ quyền quốc gia, bênh vực quyền của người dân chính xứ, chống lại đồng euro có hối suất cao so với mỹ kim… Hai cha con Jean Marie và Marine Le Pen theo đặt mục tiêu sẽ thành lập nhóm (groupe) cho nhiệm kỳ 2014-2019 này.

V. NGHỊ VIỆN BẦU CHỦ TỊCH ỦY BAN ÂU CHÂU.

Để thuyết phục cử tri đi đầu phiếu trong các ngày từ 22 đến 25.05.2014, giới phụ trách tuyển cử Ngị viện Âu châu ‘quảng cáo’ việc chưa từng có là chúng ta bỏ phiếu bầu không những cho các dân biểu mà còn, nhờ đó, chúng ta sẽ có dịp gián tiếp bầu Chủ tịch Ủy ban Âu châu (Président de la Commission Européenne) đầy quyền lực.

Thật vậy, Điều 9 Hiệp ước Lisbonne: « Chiếu kết quả tuyển cử Nghị viện Âu châu, và sau khi thực hiện các cuộc tham vấn rộng rãi, Hội đồng Âu châu, hiện diện với đa số đặc biệt, đề nghị với Nghị viện Âu châu một ứng viên vào chức vụ Chủ tịch Ủy ban Âu châu. Vị này được bầu bởi Nghị viện với đa số thành viên. Nếu vị này không đạt được đa số, Hội đồng Âu châu, trong thời hạn một tháng sau, đề cử một ứng viên khác sẽ được Nghị viện chuẩn nhận theo thể thức trên ».

Các ứng cử viên sau đây đã tuyên bố và đang vận động vào chức Chủ tịch Ủy ban Âu châu trong nhiệm kỳ 5 năm tới:
- Ông Jean-Claude Juncker, người Lục xâm bảo, được các dân biểu hữu phái ủng hộ;
- Ông Martin Schulz, người Đức, được ủng hộ bởi các dân biểu xã hội và thân cận;
- Ông Guy Verhofstadt, người Bỉ, trung phái;
- Ông Alexis Tsipras, người Hy lạp, đảng tả phái Âu châu;
- Bà Franziska Keller, người Đức, đảng Xanh;
- Ông José Bové, người Pháp, đảng Xanh Pháp.
 
Hành động thống hối?
Lm. Stêphanô Huỳnh Trụ
09:37 20/05/2014
Hành động thống hối?

1. Trong Nghi thức đầu lễ của Sách lễ Rôma, có phần chuẩn bị tâm hồn. Bản dịch Nghi thức thánh lễ xuất bản năm 2005 của Uỷ Ban Phụng Tự trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam dịch là “Hành động thống hối”, nguyên bản tiếng Latin là “Actus pænitentialis”, trước nay vẫn không thay đổi, nhưng các bản dịch tiếng Anh trước đây dịch là “Penitential Rite” (1975), nay đổi lại là “Penitential Act”[1] (2002); còn trong tiếng Việt, trước đây dịch là “Nghi thức thống hối”, nay dịch là “Hành động thống hối”. Cách dịch của tiếng Việt có chính xác không? Thuật từ thống hối đã được bàn đến trong bài “Thống hối”[2], nên trong bài này, chúng tôi chỉ bàn về từ actus dịch là hành động chính xác chưa?

2. Phần đầu lễ.

Nghi thức thánh lễ hiện nay gồm 4 phần: Nghi thức đầu lễ, Phụng vụ Lời Chúa, Phụng vụ Thánh Thể và Nghi thức kết lễ. Phần Nghi thức đầu lễ gồm: (1) Ca Nhập lễ, (2) Lời chào (bái chào Bàn thờ, Thánh giá, chào cộng đoàn), (3) Phần thống hối, (4) Kinh Thương Xót, (5) Kinh Vinh Danh, (6) Lời nguyện Nhập lễ.

Trong phần thống hối (Actus pænitentialis), Sách lễ Rôma đưa ra 3 công thức thống hối khác nhau như những kiểu mẫu chứ không mang tính cách bắt buộc (Kinh Cáo Mình, Xướng đáp, Kinh Thương Xót và có thể thay bằng nghi thức thánh hoá và rảy nước thánh). Chủ tế có thể lựa chọn một trong những công thức này hoặc có thể tự soạn theo những quy luật nhất định.[3]

Phần thống hối này khác với Nghi thức thống hối (Penitential Rite) trong cử hành sám hối chung trước khi lãnh nhận bí tích Giải Tội. Vì trong cử hành bí tích Giải Tội, việc xưng tội với linh mục là một yếu tố thiết yếu của bí tích này (x. GLHTCG, số 1424 và 1456), còn ở đây, chúng ta không chú trọng vào việc xét mình hay liệt kê các tội đã phạm như khi đi xưng tội, mà chú trọng đến lòng thương xót và sứ mạng giao hoà của Chúa Kitô[4].

Trọng tâm của phần thống hối trong thánh lễ không phải là thú nhận tội lỗi, nhưng là nhìn nhận ơn tha thứ và lòng Thiên Chúa từ bi thương xót, nhận rằng chúng ta cần đến ân sủng của Thiên Chúa qua người con của Ngài là Đức Kitô Giêsu trong hy lễ Tạ Ơn được cử hành. Theo A.G Martimort và J. Gelineau: “Nghi thức thống hối đầu lễ không nhất thiết có bản chất sám hối, nhưng là kinh thờ lạy, ngợi khen, giống như một hơi thở mà cuộc đời dao động của ta rất cần đến khi bắt đầu cử hành thánh lễ”[5]. Có thể nói từ khoá của phần này là xưng thú (Latin: confessio; Anh, Pháp: confession) vì các tín hữu nhìn nhận tình trạng tội lỗi và bất xứng của mình trước Thiên Chúa, nhất là qua cụm từ “tôi đã phạm tội nhiều trong tư tưởng, lời nói, việc làm…” như được đọc trong Kinh Cáo Mình (Confiteor). Ngay từ thời kỳ đầu của Giáo Hội, xưng thú (confess) còn có nghĩa là tuyên xưng niềm tin cách công khai và rõ ràng. Các tín hữu khi nhìn nhận tội lỗi của mình thì đồng thời cũng có nghĩa là tuyên xưng đức tin của mình vào tình thương của Chúa và nói lên lời cảm tạ tri ân vì ơn tha thứ của Ngài chứ không phải quy về những lầm lỗi và thiếu sót của mình.

Phần thống hối kết thúc bằng công thức xá giải: “Xin Thiên Chúa toàn năng thương xót, tha tội và dẫn đưa chúng ta đến sự sống muôn đời”. Khác với Quy Chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma ấn bản năm 1975, ấn bản 2002 nói rõ: “Lời xá giải này không có hiệu quả của bí tích thống hối”[6]. Theo Eliot L. Kapitan, đây chính là lý do mà tại sao (trong bản dịch tiếng Anh) tiêu đề “Penitential Rite” (Nghi thức[7] Thống hối) Sách lễ Rôma 1975 lại đổi thành “Penitential Act” (Phần Thống hối) trong Sách lễ hiện nay[8].

3. Actus, hành động, kinh

3.1 Nghĩa của chữ actus.

Actus trong tiếng Latin có thể là động từ hay danh từ, trong trường hợp này đương nhiên là danh từ, nghĩa là (1) Hành động, hành vi, tác động, việc làm (act) (2) Thúc đẩy, tiến hành, xúc tiến (progress). (3) Biểu diễn (một vở kịch), cử hành (một nghi thức), hay phát biểu (một ý kiến) (performance). (4) Màn của vở kịch, phần của nghi lễ (series/sequence). (5) Kinh, lời cầu nguyện có tính khuôn mẫu, lâu dài không thay đổi. (6) (Luật) Chứng thư, án từ, pháp án, pháp lệnh. (7) (Triết) Hiển thể, hiện thể (dùng đối lập với tiềm thể potencia).

Như vậy, actus (pænitentialis) có thể dịch là cử hành / phần / kinh (thống hối)?

3.2 Nghĩa của hành động.

Hành: có bảy chữ Hán: 行, 衡, 珩, 蘅, 桁, 莖, 茎, trong thuật từ hành động là chữ行. Nghĩa là (dt.) (1) Đường sá: Hành hữu tử nhân (trên đường có người chết). (2) Lối chữ hành, lối chữ hơi đá thảo gọi là hành. (3) Bài kể truyện bằng thơ cổ phong: Trường ca hành (bài hát dài). (4) Họ Hành. (5) Một trong 214 bộ chữ: Bộ hành. (6) Tạm bợ: Hành thự (dinh quan đóng tạm). (7) Một trong ngũ hành: Kim, mộc, thuỷ, hoả, thổ vi ngũ hành (vàng, gỗ, nước, lửa, đất là ngũ hành). (8) Quay quanh một thiên cầu: Hành tinh. (đt.) (9) Bước đi: Trực hành (đi thẳng). (10) Đi: Tống hành (đưa đi) (11) Di động: Vận hành (vận chuyển). (12) Lưu thông: Lưu hành. (13) Làm, nghề: Hành y (làm nghề y). (14) Ban bố: Phát hành. (15) Có thể: Hành bất hành (có thể được không). (16) Lúc này được ưa: Thịnh hành. (17) Đem ra làm: Thực hành; Hành động. (18) Cai trị: Hành chính. (19) Giết: Hành thích. (20) Thực thi án: Hành hình (thi hành án tử). (21) Ăn xin: Hành khất. (tt.) (22) Tài giỏi: Nễ chân hành (anh giỏi quá). (Pht.) (23) Tương lai: Hành tương tụ mộc (sắp chết). Nghĩa Nôm: (1) Từ đệm: Học hành; Họp hành. (2) Làm khổ: Mẹ chồng hành hạ nàng dâu.

Động: Có những chữ Hán: 洞, 動 (动), 働, 峒, 峝, ở đây là chữ動 (动). Nghĩa là (dt.) (1) Di chuyển: Tịnh cực tư động (yên quá muốn di chuyển). (đt.) (2) Bất cứ vật gì, tự sức mình, hay tự sức khác mà chuyển sang chỗ khác: Vi phong xuý động thụ diệp (gió nhẹ rung lá cây). (3) Sử dụng: Động bút (dùng viết). (4) Bắt tay vào việc: Động công (bắt đầu khởi công). (5) Gây cảm xúc mạnh: Động nộ (nổi giận). (6) Ăn (tiếng bình dân): Bất động huân tinh (không ăn mặn). (pht.) (7) Nhiều lần (cổ văn). Nghĩa Nôm: (1) Di dịch: Động đậy. (2) Cảm xúc mạnh: Động lòng bốn phương. (3) Đòi tình: Động cỡn; Động đực. (4) Bệnh giựt chân tay: Động kinh.

Trong tiếng Việt [9], “hành động” có nghĩa là: (1) (đt.) “Làm, ra tay” hoặc: “Làm việc gì để đạt được mục đích, ý nguyện: Ra tay hành động, hành động cho phải lẽ” (2) (dt.) “Việc làm” hoặc “việc làm có mục đích: Có hành động quả cảm, một hành động cao cả”; và “cử hành” có nghĩa là: (đt.) “Làm cách trịnh trọng, có quy củ” hay “Tiến hành một cách trọng thể, nghiêm trang: Cử hành tang lễ, buổi lễ được cử hành trọng thể”. Nói “hành động thống hối” thì có thể hiểu là “việc làm thống hối”, nhưng trong phụng vụ, chúng ta không bao giờ nói đến “việc làm” hay “hành động” (làm việc cách đơn giản, thô thiển) mà chỉ có các việc “cử hành” (làm việc cách trọng thể, nghiêm trang, trịnh trọng, có quy củ). Do đó, nếu hiểu actus ở đây theo nghĩa là hành động hay việc làm, thì phải dịch là “cử hành” mới thích hợp.

3.3 Nghĩa của kinh.

Kinh: Có 7 chữ Hán: 驚, (惊), 荊, (荆), 經, (经), 坕, 京, (亰), 痙, (痉), 仱. Ở đây là chữ經 kinh, nghĩa là (dt.) (1) Ðường dọc, sợi thẳng. (2) Về đường sá thì phía Nam Bắc gọi là kinh 經, phía Đông Tây gọi là vĩ 緯. (3) Về khoảng trời không và quả đất thì lấy con đường nam bắc cực chính giao với xích đạo là kinh: kinh tuyến (經線 theo hướng nam bắc, vĩ tuyến 緯線 theo hướng đông tây). (4) Kinh mạch của đông y, sách thuốc chia 12 kinh phân phối với các tạng phủ. (5) Đạo thường của con người, đạo đức pháp luật đã định không thể đổi được: Thiên kinh địa nghĩa 天經地義 (cái đạo thường như trời đất không thể di dịch được). (6) Sách có giá trị đặc biệt mà người ta phải tuân theo: Ngũ Kinh. (7) Lời dạy đời, sửa thân của thánh hiền hay bậc giáo chủ. (8) Lời cầu nguyện: Kinh Lạy Cha. (9) Đàn bà mỗi tháng máu tràn ra một kỳ: Kinh nguyệt. (10) Bài văn về việc chuyên môn: Trà kinh, mã kinh. (11) Số đếm cổ xưa, mười tỷ là một kinh. (12) Họ Kinh. (đt.) (13) Quản lý: Kinh thế tế dân. (14) Hoạch định việc làm: Kinh thương. (15) Trải qua: Kinh lịch. (16) Chia vạch địa giới. (17) Tự thắt cổ chết: Tự kinh. (tt.) (18) Luôn luôn: Kinh thường. (19) Lâu dài không thay đổi: Bất kinh chi luận (Lý luận để lại lâu dài). Thường kinh: Cách đối xử luôn phải theo: “Tưởng rằng trong đạo thường kinh” (Truyện Hoa Tiên).

Trong Kinh cầu Đức Chúa Thánh Thần, Kinh Lạy Cha, Kinh Kính Mừng, Kinh Ăn Năn Tội vv... Từ “kinh” được hiểu theo nghĩa là lời cầu nguyện có tính khuôn mẫu, lâu dài không thay đổi.

Actus có thể dịch là kinh, như Kinh Tin (Actus Fidei, Act of Faith), Kinh Cậy (Actus Spei, Act of Hope), Kinh Mến (Actus Caritatis, Act of Charity), Kinh Ăn Năn Tội (Actus Contritionis, Act of Contrition), Kinh Dọn Mình (Actus reparationis, Act of Reparation)... Trong tài liệu “Chú thích bản dịch Nghi thức thánh lễ 1992” của Ủy Ban Phụng Tự, khi nói về phần thống hối (trang 14), Ủy Ban đã dùng tiêu đề “Các mẫu kinh sám hối” (vì nội dung của phần này gồm 3 mẫu công thức thống hối (số nhiều). Chúng tôi nghĩ rằng tiêu đề Actus paenitentialis (số ít) không thể dịch là Các mẫu kinh... (số nhiều) được, hơn nữa, mẫu thống hối thứ hai (Xướng đáp) có thể thay đổi, không cố định như một bản kinh.

Góp ý về cách dịch Actus paenitentialis là “Hành động thống hối”, Cha Marie Bảo Tịnh Trần Văn Bảo (O.Cist.) viết: “Đọc một lời kinh, đấm ngực ba cái mà đã gọi là ‘hành động’ thì con thấy quá lố. ‘Actus’ của bản Latinh dùng không chỉ có nghĩa là ‘hành động’. Bản tiếng Pháp dùng ‘Préparation pénitentielle’ rất hay và đúng nghĩa: chuẩn bị đi vào cử hành. Con nghĩ nếu không biết dịch từ ‘actus’ là gì, chúng ta chỉ cần để ‘phần thống hối’, hoặc ‘lời kinh thống hối’ có vẻ rất nhẹ nhõm và ai cũng hiểu. Còn ‘hành động’? Con nghĩ phải bỏ của lễ đấy đi về tìm người anh chị em có vấn đề với mình rồi chào hỏi, bắt tay, quỳ gối van xin tha lỗi hoặc vác thập giá đến Giêrusalem làm việc đền tội thì mới gọi là ‘hành động’ được. Đọc những từ ‘hành động thống hối’, con cảm thấy gai gai người thế nào ấy!”[10]

4. Nhận xét

Tóm lại, theo chúng tôi Actus paenitentialis trong Sách lễ Rôma nên dịch là Phần thống hối hay Cử hành thống hối thì dễ hiểu hơn là Hành động thống hối.

Ước mong sao những nhận xét góp ý xây dựng trên đây của người viết cũng như của nhiều người khác bấy lâu nay có liên quan đế đến bản dịch Nghi thức thánh lễ nói riêng và Sách lễ Rôma nói chung, được các vị có thẩm quyền ghi nhận thích đáng để Hội Thánh tại Việt Nam trong một tương lai gần có được một bản dịch Sách lễ Rôma tốt hơn.

Lm. Stêphanô Huỳnh Trụ

[1] “Actus pænitentialis” bản của Hoa Kỳ và Úc trước năm 2012 thì dịch là “Act of Penitence”, còn của Canada, Anh và xứ Wales thì dịch là “Penitential Act”. Bản của ICEL (International Commission on English in the Liturgy) 19-11-2012 thì dịch là “Penitential Act”.

[2] Bài giảng Chúa Nhật, số tháng 08, 2008.

[3] Dominic Thuần, sss, CỬ HÀNH THÁNH LỄ, tr. 31-32.

[4] Vinh sơn Nguyễn Thế Thủ, GIẢI ĐÁP CÁC VẤN NẠN VỀ PHỤNG VỤ, tập 1, tr.147

[5] J. Gélineau, HỌP NHAU CỬ HÀNH PHỤNG VỤ, tập II, tr. 154

[6] “Penitential Rite: After greeting the congregation, the priest or other qualified minister may very briefly introduce the faithful to the Mass of the day. Then the priest invites them to take part in the penitential rite, which the entire community carries out through a communal confession and which the priest's absolution brings to an end: Nghi thức sám hối: Sau lời chào cộng đoàn, linh mục hay một thừa tác viên xứng hợp có thể nói rất vắn tắt để dẫn đưa giáo dân vào thánh lễ ngày hôm ấy. Tiếp đến, linh mục mời mọi người sám hối. Tất cả cộng đoàn thú tội chung, và linh mục đọc lời xá tội để kết thúc” (GIRM 1975, 29).

“The Act of Penitence: Then the priest invites those present to take part in the Act of Penitence, which, after a brief pause for silence, the entire community carries out through a formula of general confession. The rite concludes with the priest’s absolution, which, however, lacks the efficacy of the Sacrament of Penance: Nghi thức thông hối: Tiếp theo, vị tư tế mời mọi người thống hối. Sau một chút thinh lặng, tất cả cộng đoàn đọc công thức thú tội chung và vị tư tế đọc lời xá giải để kết thúc. Lời xá giải này không có hiệu quả của bí tích thống hối” (GIRM 2002, 51).

[7] Nghi thức (Rite): Theo quan niệm thông thường, nghi thức là một hành vi có tính cách văn hoá, hơn kém đã được cố định, cũng là một hành vi có tính cách tôn giáo, hơn kém đã thành thói quen. Ban đầu, từ ngữ này có nghĩa là “những thói quen đã được chấp nhận để duy trì trật tự thế giới” (xem: Dom Robert le Gall, Từ điển phụng vụ, 1982). Theo nghĩa Công Giáo: (1) Tổng thể những cử điệu, lời đọc, bài đọc trong một cử hành phụng tự Kitô Giáo, vd: Nghi thức thánh lễ; (2) Một phần của cử hành phụng tự, vd: Nghi thức kết lễ ở cuối thánh lễ.

[8] Eliot L. Kapitan: THE PENITENTIAL RITE, MASS, AND THE FORGIVENESS OF SIN: “But in order to be clear about the difference between Eucharist and penance, the newest version of the General Instruction of the Roman Missal gives this clarity: “The rite (act of penitence) concludes with the priest’s absolution, which, however, lacks the efficacy of the Sacrament of Penance” (no. 51). That is why the title will be changed from penitential rite to act of penitence in the new missal” (Ministry & Liturgy magazine, December 2006-January 2007, pages 44-45).

[9] Xem: TỰ ĐIỂN VIỆT NAM của Lê Văn Đức, Lê Ngọc Trụ, nxb. Khai Trí, Sài Gòn, 1970, và ĐẠI TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT của Bộ Giáo Dục Đào Tạo, Nguyễn Như Ý (chủ biên), nxb. Văn Hoá Thông Tin, Hà Nội, 1999.

[10] GÓP Ý VỀ NGHI THỨC THÁNH LỄ BẢN DỊCH 2006 của Fr. Marie Bảo Tịnh Trần Văn Bảo, Đan viện Xitô Thánh Mẫu Tâm Mỹ Ca, Giáo Phận Nha Trang, ngày 01/05/2006.
 
Biến cố Lễ Đen ở Harvard: một bài học tranh đấu cho Sự Thật đáng ghi nhớ.
Trần Mạnh Trác
18:34 20/05/2014


Biến cố ở Harvard

Vào tối thứ Hai ngày 12-5-14, một cuộc trình diễn Lễ Đen dự định tổ chức tại Memorial Hall cuả viện DH Harvard do một nhóm sinh viên bảo trợ đã bị hủy bỏ dưới sức ép cuả công luận từ mọi phiá, Công Giáo có, Tin Lành có, mà cả từ giới hàn lâm học giả ngoài Công Giáo nữa.

Nhóm sinh viên tổ chức cuộc lể Đen này có tên là Câu Lạc Bộ Nghiên Cứu Văn Hoá cuả trường Harvard Mở Rộng (the Harvard Extension Cultural Studies Club), danh xưng 'Harvard Mở Rộng' cho chúng ta biết rằng đây là những SV theo học các lớp không thuộc một chương trình khoa bảng truyền thống (traditional) nào (so sánh với 11 trường khác cuả viện DH Harvard,) mục đích ban đầu cuả trường 'Mở Rộng' này (năm 1910) là nhằm cung cấp các lớp đơn lẻ với học phí hạ, phục vụ cho nhu cầu điạ phương cuả vùng Boston (tương tự như những community college,) ngày nay trường đã được nới rộng để cung cấp thêm một số văn bằng Nhân Văn (Liberal Art), nhưng nhiều lớp học vẫn thuộc loại không có tín chỉ. Những SV theo học ở đây không có mục đích theo đuổi một nghề nghiệp chính thức nào, thống kê cho biết chỉ có khoảng 18% SV từng theo học ở đây sẽ học tiếp và lãnh nhận một văn bằng ở một nơi nào đó, còn ở tại trường thì chỉ có khoảng 2.5% sẽ ra trường mà thôi.

Cần phải nói rõ như thế để hiểu rằng cái biến cố xẩy ra là ở trong một môi trường rất nới lỏng do một số SV không có mục đích bền vững.

Tuy nhiên cái tiếng đồn ra, dù tốt hay xấu, thì trường Harvard nói chung vẫn phải nhận lãnh.

Cho nên theo lời phân bua cuả GS Robert Neugeboren, khoa trưởng sinh viên vụ và cựu sinh viện vụ cuả trường Harvard Mở Rộng (dean of students and alumni affairs at Harvard Extension School,) thì nhóm sinh viên này là một tổ chức SV độc lập (independent student organization,) tức là không do nhà trường bảo trợ, và mục đích cuả họ khi khai báo xin tổ chức Lễ Đen là để tìm hiểu về các nền văn hoá khác trong khuôn khổ là các sinh viên tự khám phá và tự tổ chức lấy (a student-led effort to explore different cultures.)

GS Robert Neugeboren cho biết vào ngày 9-5-14, nhà trường đã không đồng ý với quyết định cuả nhóm SV, ông dùng những tĩnh từ mạnh mẽ để mô tả đây là một sự việc 'xúc phạm và gây phiền muộn sâu xa' ('so deeply disturbing and offensive') không những cho cộng đoàn Harvard mà còn cho cả xã hội bên ngoài nữa.

Mặc dù nhà trường cho phép SV có khả năng tìm hiểu những vấn đề khó khăn, GS Robert Neugeboren nói tiếp, nhà trường khuyến khích họ thực hiện công việc một cách 'nhạy cảm' với những người khác (sensitive to others.)

GS Neugeboren cho biết ông đã 'làm việc' với những SV lãnh đạo để giải quyết nhiều vấn đề, như là họ sẽ không sử dụng 'Mình Thánh' (consecrated host) và họ sẽ tiếp xúc với các đoàn thể SV Công Giáo cuả nhà trường để mở rộng và phát huy tầm hiểu biết về tôn giáo một cách tích cực hơn.

GS Neugeboren cho biết các SV lãnh đạo cuả nhóm đã đồng ý với những đề nghị này.

Nhưng trong thực tế, đó chỉ là những lời hưá hão huyền.

Cuộc Lễ Đen sẽ do một nhóm có tên là 'the Satanic Temple' (đền thờ cuả Satan) ở New Yord thực hiện. Nhóm này viết trên Facebook cuả họ rằng một 'Mình Thánh' sẽ được đánh cắp để sử dụng, và họ quảng cáo rằng đây sẽ là một sự xúc phạm trực tiếp vào niềm tin mà Giáo Hội Công Giáo yêu quí nhất.

Lập tức giáo phận Công Giáo ở Boston lên tiếng phản đối, DHY Sean O'Malley mô tả sự việc là "repugant" (gớm guốc, đáng xa lánh vì ngang ngược không chịu tuân theo lẽ phải).

Thông cáo cuả Giáo Phận viết: "Vì lợi ích của các tín hữu Công Giáo và cuả tất cả mọi người, Giáo Hội đã giảng dạy rất rõ ràng về việc tôn thờ Satan. Hoạt động này tách rời Con Người ra khỏi Thiên Chúa và ra khỏi cộng đồng nhân loại, đó là những điều trái ngược với sự thiện và lòng bác ái, và hoạt động đó đưa những người tham gia tới kề ngay bên bờ huỷ hoại của sự ác."

Những SV Công Giáo cuả nhà trường sau đó đã thu thập 450 chữ ký cuả SV và cựu SV để phản đối và yêu cầu nhà trường rút lại giấy phép cuả nhóm này.

Trong những ngày kế tiếp, công luận trở nên nóng bỏng hơn lên. Tờ báo Examiner cho biết vào sáng ngày 12-5 thì đã có trên 60 ngàn chữ ký phản đối, tuy nhiên nhóm SV vẫn tuyên bố chương trình cuả họ sẽ không vì thế mà bị hủy bỏ.

Họ tuyên bố "Mục đích của chúng tôi không phải là để bôi nhọ bất cứ tôn giáo hay niềm tin nào, vì đó sẽ là một việc gớm guốc cho mục đích giáo dục, giáo dục là tìm hiểu và trải nghiệm lịch sử của các hoạt động văn hóa khác nhau."

"Những phản đối ầm ĩ chỉ là sự hốt hoảng điên dại cuả những kẻ cuồng tín, thực là không thể chịu nổi."

"Chúng tôi sẽ rõ rệt (unequivocally) không dùng Mình Thánh" họ hứa như thế.

Dù hứa như thế, Lucien Greaves, phát ngôn viên của nhóm 'đền thờ Satan" thì mập mờ hơn, anh chàng này tuyên bố trên email rằng:" đền thờ cuả chúng tôi sẽ không nỗ lực đi tìm một 'vật thánh hiến', nhưng", anh ta nói thêm, " Ngay dù cho vật ấy, bằng cách nào đó, đã được làm phép mà chúng tôi không hay biết, thì cũng không có gì khác biệt cho buổi lễ của chúng tôi cả, và bất cứ ai, từ bất kỳ niềm tin nào, cũng không thể phân biệt được vật ấy là giả hay thật. Vì đó chỉ là một miếng bánh mì. "



Ngay trong ngày sẽ xảy ra sự kiện, Bà Viện Trưởng DH Harvard Drew G. Faust, từng là một sử gia, đã chính thức lên tiếng bất đồng một cách mạnh mẽ với những luận điệu cuả nhóm tổ chức. Bà dùng những tĩnh từ rất mạnh để mô tả cuộc Lễ Đen như là một sự việc “abhorrent” (Ghê tởm, đáng trừng trị vì mâu thuẫn với phép tắc) bà viết:

"'Lễ Đen' có nguồn gốc lịch sử là một cách thức để phỉ báng Giáo Hội Công Giáo; nó chế riễu một sự kiện thiêng liêng thâm sâu cuả đạo Công Giáo, và nó xúc phạm lớn lao đến những người trong Giáo Hội và cả đến những người ngoài nữa. Quyết định của Câu Lạc Bộ sinh viên tài trợ cho nghi lễ này là đáng ghê tởm; nó là một sự xúc phạm cơ bản tới các giá trị như sự bao dung, quyền hiệp hội và sự tôn trọng lẫn nhau, là những giá trị văn hoá định nghiã cho cộng đồng của chúng ta. Thật là vô cùng đáng tiếc rằng những người tổ chức sự kiện này, dù nhận thức được hành vi cuả mình là một tội xúc phạm đến rất nhiều người khác, vẫn lựa chọn để tiến hành bằng một cách rất thiếu tôn trọng và trắng trợn kích động tới ngưòi khác."

"Dù vậy, để phù hợp với những cam kết của trường Đại học về quyền tự do phát biểu, kể cả những biểu hiện có thể gây xúc phạm sâu sắc, cho nên sẽ là tuỳ ở nơi họ (nhóm SV) mà quyết định sẽ tiếp tục tiến hành sự việc hay không. Nhưng đồng thời, chúng tôi cũng sẽ mạnh mẽ bảo vệ quyền lợi của những người bất mãn với họ dù cho sự đáp trả (cuả những người bất mãn này) có thể có những biểu hiện cũng có tính cách gây xúc phạm cuả riêng họ."

"Riêng tôi, tôi sẽ tham dự giờ chầu Thánh Thể tại nhà thờ Thánh Phaolô trong khuôn viên trường vào tối thứ hai để cùng tham gia với nhiều người khác tái khẳng định sự tôn trọng đức tin Công Giáo tại Đại học Harvard và để chứng minh rằng cách phản ứng mạnh mẽ nhất để đáp trả sự xúc phạm không phải là kiểm duyệt, nhưng là lý luận và phản đối một cách trưởng thành."

Phản đối một cách trưởng thành và mạnh mẽ là phương cách cuả Giáo Phận Boston và cuả những cộng đoàn tôn giáo bạn. Toà Tổng Giám Mục và ban Tuyên úy DH kêu gọi các SV và giáo dân Công Giáo tụ tập tại thánh đường Thánh Phaolô cuả trường MIT để tham gia một giờ chầu Thánh Thể và diễn hành một cách ôn hoà từ đó tới công trường cuả ĐH Harvard (tới trước Memorial Hall) để phản đối.



Theo tờ báo the Harvard Crimson cuả trường DH thì số người tham dự đã đứng đầy nhà thờ và tràn ra lề đường bên ngoài.

"Tôi ngạc nhiên trước việc nhiều người, thậm chí cả những người ngoài cộng đồng Harvard, đã cùng nhau thừa nhận và tôn vinh vẻ đẹp của những gì mà người Công Giáo yêu quí, " một nữ SV, cô Chisom M. Okpala ở ký túc xá khu 15 nói.

Một nữ SV khác, cô Rebecca E. Tweedie ở ký túc xá khu 14 nói rằng cô đã "không bao giờ nhìn thấy nhà thờ đầy người như thế. "

Trong nhà thờ, Bà Viện Trưởng Drew G. Faust và Mục sư Jonathan L. Walton, tuyên úy nhà nguyện Memorial Hall, đã có mặt với nhiều giáo sĩ và giáo dân từ khắp khu vực Boston để nghe Cha Michael E. Drea, chánh xứ và tuyên úy trưởng cuả nhà thờ Thánh Phêrô giảng.

Cha Drea đề cập đến tầm quan trọng của niềm tin Công Giáo và trực tiếp phê bình kế hoạch buổi Lễ Đen, mô tả nó là "một hành động thù hận và phỉ báng Giáo Hội Công Giáo và các tín hữu. "

Cha Drea hô hào đám đông trước khi biểu tình rằng, " Khi chúng ta ra khỏi nhà thờ và đi vào ánh đèn của công trường Harvard Square.. . chúng ta hãy tự nhắc nhớ về ơn gọi của chúng ta là mang sự hiện diện của Thiên Chúa hằng sống vào thế giới.. .. Đó là lời kêu gọi làm chứng cho Sự Thật ".

"Tự nhắc nhở mình về ơn gọi làm Kitô hữu và mang Chúa tới thế gian trong Sự Thật" quả là một phương cách mầu nhiệm cuả người Kitô hữu khi lâm vào những hoàn cảnh nhục nhã bất công.

Tờ Boston Globe thuật lại lời cuả bà Patricia McCarron ở North Andover noí: " Để đáp trả sự khinh miệt của họ đối với đức tin Công Giáo của chúng tôi, chúng tôi bày tỏ sự phẫn nộ một cách văn minh và can đảm. Chúng tôi sẽ tiếp tục bảo vệ đức tin của chúng tôi (chống lại những tấn công) như vậy."

Bà là một trong nhiều ngàn người đã rước Thánh Thể qua các đường phố tới công trường Harvard Square một cách trang nghiêm. Trước một sự xỉ nhục vô cùng lớn lao sẽ xảy ra, cách thức đáp trả cuả người Công Giáo tại đây chỉ đơn giản là nâng cao thánh giá và cất lên lời hát " Lạy Chúa Giêsu, con yêu mến Chuá, " theo tin cuả tờ the Harvard Crimson.



Nhiều sinh viên và nhân viên nhà trường đã đứng dọc hai bên đường để chứng kiến cảnh đoàn rước diễn hành, nhiều người đã quì xuống khi kiệu Thánh Thể đi ngang.

Trước một sự phát biểu tràn ngập như thế, đám SV và nhóm 'đền thờ Satan' có lẽ cảm thấy 'lạnh cẳng'. Khoảng 5 giờ chiều, nhóm SV viết email thông báo rằng họ quyết định di dời nơi cử hành buổi Lễ Đen và, lúc 7 giờ tối, họ lại thông báo đã huỷ bỏ buổi cử hành vì không tìm được chỗ nào. Cuộc cử hành Lễ Đen sau đó được nhóm 'đền thờ Satan' tuyên bố đã tổ chức một cách âm thầm vào lúc 11:00g đêm tại nhà hàng Hồng Kông ở Boston. Nhưng theo tờ NY Daily News thì nhân viên cuả nhà hàng cho biết đã không thấy họ làm gì cả ngoài việc ngồi nhậu ở quầy rượu.

"Ngoài những người cuả đền thờ Satan ra thì mọi người tham gia khác đã thực sự sợ hãi," tên Greaves, phát ngôn viên cuả đền thờ Satan nói với báo chí. "Và tôi không nhất thiết đổ lỗi cho họ, bởi vì tôi hiểu rằng họ đã nhận được rất nhiều lá thư cay độc, và tôi nghĩ rằng họ đã không ngờ tới."

Có thể đã có nhiều email phản đối một cách cay độc thật, nhưng cứ thử so sánh với những phản ứng cuả người Hồi Giáo trước việc đốt kinh Koran hay cuả người da đen trước sự kiện một nạn nhân bị nhóm KKK treo cổ, thì rõ ràng phản ứng cuả người Công Giáo thật là quá sức ôn hoà.

Vì vậy tên Greaves đã không thể trả lời câu hỏi cuả báo chí là đã có bao nhiêu người trong nhóm cuả hắn là nạn nhân cuả biến cố vừa qua.

Thực ra, chỉ những người Công Giáo mới thực sự là nạn nhân cuả những thù hận và phỉ báng cuả nhóm hắn. Chúng ta sẽ bàn về nhóm này khi có dịp.

Bài học ở Harvard

Dù thua đậm ở Harvard, nhưng chắc chắn Ma Quỉ, cha cuả sự gian dối, sẽ bày thêm những trò mới. Cho nên việc rút tiả khinh nghiệm từ quá khứ để chuẩn bị cho tương lai là điều cần thiết. Trong ý nghĩa đó, chúng tôi xin được mổ xẻ những yếu tố đã tạo nên chiến thắng Công Giáo ở Harvard vừa qua.

Có 3 yếu tố quan trọng: thứ nhất là nhận thức đúng vấn đề ngay từ đầu, thứ hai là một chương trình hành động hữu hiệu và thứ ba là sự kiên trì giữ vững lập trường.

-Thứ nhất, những người lãnh đạo Công Giáo ở hiện trường đã nhanh chóng đánh giá đúng đắn rằng đây là một vấn đề cuả hận thù chỉ nhằm việc lăng mạ niềm tin Công Giáo, và vì thế mà chúng ta, là những nạn nhân, có lý do để phản đối.



Ban tuyên úy Công Giáo cuả trường, với LM Michael E. Drea làm tuyên úy trưởng, khẳng định rằng một Lễ Đen mà Để xấy ra ở Harvard thì là một 'biến cố tuyệt đối phỉ báng' tới Đức tin Công Giáo.

"Đây là một vấn đề cuả hận thù" Cha Drea nói, "Nó lăng mạ và coi thường sự nhậy cảm cuả người Công Giáo."

"Những ai muốn lồng khung vấn đề này trong vấn đề cuả tự do học tập thì, đáng buồn thay, là một việc làm xai lầm và lạc hướng".

Ngài đưa ra những thí dụ rất sắc bén và đầy thách thức như: " Trường Harvard có khi nào dám ủng hộ một nhóm SV thực hiện một cuộc đốt kinh Koran (cuả Hồi Giáo) hay diễn lại việc thắt cổ một người da đen cuả hội KKK không ?"

Và Ngài viết cho bà viện trưởng Drew G. Faust rằng đây là "lần đầu tiên trong đời, tôi cảm thấy xấu hổ vì sự liên hệ với Harvard."

Cha Drea cũng lập tức gửi email cho tất cả các cựu SV ở khắp nơi trên thế giới yêu cầu họ lên tiếng. Đã có 450 chữ ký cuả các SV đang học và 60 ngàn chữ ký từ các cựu SV và người ngoài gởi tới phản đối.

Những nổ lực như vậy gây lên tiếng vang, và hầu như mọi cơ quan ngôn luận trên thế giới đều đổ dồn về theo dõi.

Việc có đúng vấn đề ngay từ đầu làm cho thông diệp cuả Giáo Hội mổi ngày mỗi rõ ràng và mạnh mẽ thêm, nhất là khi đối đầu với những tuyên bố mập mờ cuả nhóm SV và những luận điệu xu thời cuả nhóm 'đền thờ Satan.'

Cho nên chỉ sau 2 ngày đọ sức trên mặt trận cân não thì giới lãnh đạo cuả nhà trường, tuy đã từng ủng hộ và cho phép các SV cuả mình thực hiện buổi Lễ Đen đó, đã phải tìm đường chống chế để tự cứu lấy mình. GS khoa trưởng Robert Neugeboren phân bua rằng ông phiền muộn sâu xa. ông đồng ý rằng đây là một hành động xúc phạm, nhưng, theo ông, thì đám SV là một nhóm độc lập, cho nên ông chỉ có quyền khuyên bảo mà thôi (gợi ý rằng nếu chúng không nghe thì đó là lỗi cuả chúng!...)

-Thứ Hai, ban tuyên úy và gíáo phận Boston đã phác họa một chương trình đối phó hữu hiệu và hợp thời hợp cảnh.

Giáo Hội một mặt lên án mạnh mẽ hành động lăng mạ cuả nhóm tổ chức, một mặt yêu cầu giáo dân giữ sự bình tĩnh, ôn hoà và cầu nguyện. Cha Drea ra thông cáo khuyên các SV Công Giáo không có thái độ đối đầu (confrontation) nhưng hãy đề cao sự trông cậy vào ơn Chuá để 'bảo vệ niềm tin và các bí tích'.

"Chúng ta cần phải mạnh mẽ và kiên trì bảo vệ giáo lý của chúng ta, đặc biệt là những giáo lý liên quan đến bí tích Thánh Thể, là nguồn mạch và tột đỉnh của niềm tin Công Giáo," Cha Drea nhấn mạnh về những lời dạy cuả Công Đồng Vatican II.

Và nếu buổi Lễ Đen sẽ cử hành thì Giáo Hội sẽ làm 'Giờ Thánh' để đến bù tội lỗi tại thánh đường Thánh Phaolô, là nhà thờ giáo xứ cuả các SV Harvard.

Chương trình giờ thánh được hoan nghênh nồng nhiệt, giáo dân từ các vùng lân cận đổ về đông nghẹt thánh đường. Có những đoàn thể đến từ Tiểu Bang Pennsylvania. Và chính bà viện trưởng cũng tự ý xin được tham gia. Nhắc lại lời tuyên bố cuả bà:

"Riêng tôi, tôi sẽ tham dự giờ chầu Thánh Thể tại nhà thờ Thánh Phaolô trong khuôn viên trường vào tối thứ hai để cùng tham gia với nhiều người khác tái khẳng định sự tôn trọng đức tin Công Giáo tại Đại học Harvard.. ."

-Và thứ ba là kiên trì giữ vững lập trường.

Thật vậy, giới lãnh đạo cuả nhà trường đã tìm nhiều cách để làm nguội tinh thần tranh đấu cuả người Công Giáo.

GS Robert Neugeboren đề nghị rằng nhóm SV sẽ không dùng 'Mình Thánh' nữa, vậy thì vấn đề được giải quyết ổn thoả rồi phải không? Ban tổ chức sẽ cho phép một nhóm SV Công Giáo lên trình bày quan điểm trước khi buổi Lễ Đen cử hành, như vậy thì có sự công bình rồi phải không?

Rất may là giới lãnh đạo Công Giáo đã không mắc vào những cái bẫy như vậy. Đó là những màn nhử mồi kiểu 'thả con tép bắt con tôm' và sẽ tạo ra một tiền lệ không thể sửa chữa được về sau này. Nghiã là hôm nay, một nhóm SV có thể làm một buổi Lễ Đen 'giả' với sự mặc nhiên chấp nhận cuả người Công Giáo, thì ngày mai, vì lẽ nào mà chúng ta lại phản đối khi chúng làm một buổi Lễ Đen 'thật'. Vấn đề 'Thật Giả' thì có gì là khác biệt? đối với người ngoài Công Giáo ?

Nhờ đặt vấn đề đúng ngay từ đầu như vậy, Cha Neugeboren đã có thể trả lời rằng: "dù có Mình Thánh hay không, vấn đề vẫn là một hành động lăng mạ người Công Giáo, vẫn là một hành động hận thù đáng kinh tởm".

Và như vậy thì chúng ta không còn ngạc nhiên khi thấy bà Viện Trưởng DH Harvard Drew G. Faust, một người ngoài Công Giáo, với tư cách là một sử gia nặng ký, đã bắt buộc phải lên tiếng ủng hộ chúng ta một cách vô điều kiện:

"'Lễ Đen' có nguồn gốc lịch sử là một cách thức để phỉ báng Giáo Hội Công Giáo; nó chế riễu một sự kiện thiêng liêng thâm sâu cuả đạo Công Giáo, và nó xúc phạm lớn lao đến những người trong Giáo Hội và cả đến những người ngoài nữa. Quyết định của câu lạc bộ sinh viên tài trợ cho một nghi lễ này là đáng ghê tởm; nó là một sự xúc phạm cơ bản tới các giá trị như sự bao dung, quyền hiệp hội và sự tôn trọng lẫn nhau, là những giá trị văn hoá định nghiã cho cộng đồng của chúng ta. Thật là vô cùng đáng tiếc rằng những người tổ chức sự kiện này, dù nhận thức được hành vi cuả mình là một tội xúc phạm đến rất nhiều người khác, vẫn lựa chọn để tiến hành bằng một cách rất thiếu tôn trọng và trắng trợn kích động tới ngưòi khác."

Tới đây sẽ có nhiều độc giả đặt câu hỏi "Lễ Đen" là gì? Đây sẽ là một đề tài rất tế nhị mà chúng tôi dự định sẽ trình bày trong kỳ tới, hy vọng trong tháng 6, là tháng cuả Thánh Tâm Chuá, như là một cách để đền tạ những tội lỗi mà nhóm 'đền thờ Satan' đã xúc phạm tới bí tích Thánh Thể.
 
Giải đáp phụng vụ: Lễ phục nào cho linh mục không đồng tế?
Nguyễn Trọng Đa
21:24 20/05/2014
Giải đáp phụng vụ: Lễ phục nào cho linh mục không đồng tế?

Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Tôi đang thắc mắc về lễ phục thích hợp cho một linh mục tham dự Thánh Lễ, nhưng không đồng tế. Tôi được biết rằng một linh mục phải mang dây các phép (stole, stola) để rước lễ. Tuy nhiên, tôi chưa bao giờ thấy điều này được viết trong các hướng dẫn phụng vụ, và vì vậy tôi không thể làm sáng tỏ các vấn đề liên quan, chẳng hạn việc linh mục phải mang áo Dòng và áo các phép (choir dress, surplice) không. Liệu có đủ chăng khi khi ngài choàng dây các phép bên ngoài áo Dòng? Liệu dây các phép chỉ được mang cho việc rước lễ, hoặc cho bất kỳ phần nào khác của Thánh Lễ? Trong một vấn đề liên quan, lễ phục nào cho một phó tế tham dự Thánh Lễ, nhưng không phụ giúp chính thức Thánh lễ? Tôi thường xuyên gặp phải vấn đề này ở Mỹ, nơi hiện nay có nhiều phó tế vĩnh viễn trong các giáo xứ. Liệu họ phải mang dây các phép để Rước Lễ không? Ngoài ra, lễ phục nào là thích hợp cho các linh mục không đồng tế nhưng cho giáo dân rước lễ, và lễ phục nào là thích hợp cho các phó tế không phụ giúp Thánh lễ nhưng cho giáo dân rước lễ? - B. H., Latrobe, bang Pennsylvania, Mỹ.


Đáp: Có một số quy chế tổng quát về các điểm bạn hỏi. Tuy nhiên, việc áp dụng chúng còn tùy thuộc vào tình hình cụ thể của từng cuộc cử hành.

Do đó, liên quan đến lễ phục, Quy chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma nói:

"114. [...] Các linh mục hiện diện trong cử hành Thánh Thể, nếu không vì lý do chính đáng mà vắng mặt, nên thi hành phận vụ theo chức thánh mình, và do đó mặc phẩm phục mà tham dự vào đồng tế. Nếu không, họ mặc áo các phép bên ngoài áo Dòng" (Bản dịch Việt ngữ của Lm. Phanxicô Xaviê Nguyễn Chí Cần, Giáo phận Nha Trang) .

Liên quan đến vị trí của linh mục và phó tế, Quy chế cho biết thêm :

"310. [...] Cũng đặt ghế trong cung thánh cho các vị đồng tế và các linh mục hiện diện trong buổi cử hành mà không đồng tế, các vị này phải mặc áo các phép” (Bản dịch như trên).

Theo số 283, các linh mục không thể cử hành hay đồng tế Thánh Lễ cũng được rước lễ dưới hai hình.

Do đó, từ các quy chế cơ bản trên, chúng tôi có thể nói như sau:

Các linh mục nên đồng tế, nếu các vị tham dự thánh lễ.

Nếu các vị không thể đồng tế vì một lý do chính đáng (chẳng hạn, sẽ có công tác mục vụ khác, không hiểu ngôn ngữ địa phương của Thánh lễ sắp cử hành,...), thí các vị nên mang áo các phép.

Áo các phép thích hợp tùy thuộc vào điều kiện cụ thể của giáo sĩ. Nếu ngài có phẩm chức của Giáo Hội, chẳng hạn như Kinh sĩ hay Đức Ông, áo các phép của ngài tuân theo một số quy tắc qui định cho phẩm chức của ngài. Nếu ngài là một tu sĩ, áo các phép tùy thuộc vào qui định riêng của Dòng. Nếu ngài không có phẩm chức, hoặc lễ phục thích hợp không có sẵn, ngài mang áo Dòng và áo các phép như là một sự thay thế.

Một áo trắng dài (alba), có hoặc không có dây các phép, sẽ thường không được xem là áo các phép trong bối cảnh này, và có thể dễ dàng gây nhầm lẫn với các vị đồng tế.

Các linh mục không đồng tế cần mặc áo các phép và đứng trong cung thánh. Lẽ tất nhiên điều này tùy thuộc vào khả năng làm như vậy. Nếu cung thánh là quá nhỏ, nên dành vài băng ghế dài cho họ. Giải pháp này cũng có thể được chọn, nếu một số linh mục tham dự Thánh lễ mặc y phục giáo sĩ đơn giản.

Đối với việc sử dụng dây các phép để rước lễ: Không có quy tắc nào bắt buộc điều này, và cũng không có luật nào cấm việc này cả.

Ở nhiều nơi, có tập tục là sử dụng dây các phép, đặc biệt là vào Thứ Sáu Tuần Thánh, khi không có Thánh Lễ nào được cử hành, và tất cả linh mục rước lễ từ các Bánh thánh được truyền phép trong Thánh Lễ Tiệc Ly của Chúa vào ngày Thứ Năm Tuần Thánh.

Điều trên có thể là một tập tục phụng vụ được qui định trong một số Dòng và Tu hội, cũng như trong một số giáo phận hoặc giáo miền. Là một tập tục hợp lệ, vốn không chống lại luật nào, điều ấy có thể được tiếp tục áp dụng một cách hợp pháp.

Không có quy định cụ thể cho các phó tế không phụ giúp Thánh lễ, và không có qui định nào về lễ phục cho phó tế khi họ rước lễ. Do đó, cần nghĩ rằng phó tế rước lễ theo cách thức thông thường như giáo dân.

Tuy nhiên, có một số buổi cử hành đặc biệt, khi hoặc chữ đỏ hoặc tập tục địa phương mời gọi tất cả các phó tế có mặt tham dự lễ cử hành trong áo trắng dài và dây các phép. Trong các dịp như vậy, phó tế có thể rước lễ dưới hai hình riêng, hoặc đến bàn thờ sau các vị đồng tế và rước lễ từ vị đồng tế cuối cùng.

Phó tế luôn luôn rước lễ từ một thừa tác viên khác, và không bao giờ tự mình rước lễ theo cách thức của vị đồng tế. Việc phó tế rước Máu thánh còn sót lại trong chén thánh sau lúc rước lễ là một trường hợp khác biệt, vì thầy đã rước lễ rồi.

Cuối cùng, khi các linh mục không đồng tế hay phó tế không phụ giúp Thánh lễ, nhưng giúp cho giáo dân rước lễ, các vị có thể mặc hoặc áo trắng dài và dây các phép, hoặc áo Dòng, áo các phép và dây các phép. (Zenit.org 20-5-2014)

Nguyễn Trọng Đa
 
Thông Báo
Mời tham dự: Triển lảm Tôn giáo: Mỹ thuật và Nhân văn
LM Phạm trung Thành
16:26 20/05/2014
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Hoa Đồng Cỏ Nội
Vũ Đình Huyến, Lm
21:21 20/05/2014
HOA ĐỒNG CỎ NỘI
Ảnh của Vũ đình Huyến, Lm. (CMC)
Hoa đồng cỏ dại chim non
Thấy xuân man mác trong lòng tha nhân.
(bt)