Ngày 07-05-2016
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
02:01 07/05/2016
44. SỐNG NHỜ CÂY MÁI.
Vào thời Đường Hiến Tông, Bùi Độ làm tể tướng, có người tặng cho ông ta một khúc gỗ gụ sống tầm gởi trên cây hòe, ông ta rất thích thú, sau khi gọt đẽo thêm bớt thì muốn làm cái gối.
Quan lang trung Canh Uy Thế gọi đó là bác vật, Bùi Độ liền mời ông ta đến xem xét và phân biệt.
Canh Uy Thế ôm khối u trêu đùa một hồi lâu mới nói với Bùi tể tướng:
- “Khối u này sống là nhờ cây mái, e rằng không tiện sử dụng.”
Bùi tể tướng hỏi:
- “Quan lang trung sinh năm giáp nào ?”
Canh Uy Thế cảm thấy câu hỏi kỳ cục bèn trả lời:
- “Không phải tôi với ngài cùng năm giáp thìn sao !”
Bùi tể tướng cười nói:
- “Vậy thì quan trung lang là giáp thìn mái ?!”
(Hài Cự lục)

Suy tư 44:
Cây tầm gởi là cây sống nhờ vào thân cây khác, thời đại ngày nay người ta có thể dùng khoa sinh vật học tạo ra rất nhiều loại cây tầm gởi đẹp và có giá trị về kinh tế. Cây cối thì như thế, nhưng cuộc sống tầm gởi của con người tại thế gian thì không như thế, nó có giá trị rất nhiều về đời sống tâm linh.
Cuộc sống tại thế của con người thì cũng giống như cây tầm gởi, thế gian chỉ là nơi tạm thời mà người Ki-tô hữu, qua giáo huấn của Giáo Hội dựa vào lời của Đức Chúa Giê-su cầu nguyện cùng Đức Chúa Cha: “Con đã truyền lại cho họ lời của Cha, và thế gian đã ghét họ, vì họ không thuộc về thế gian, cũng như con đây không thuộc về thế gian” đã xác tín như thế. Họ sống ở đời này nhưng không thuộc về đời này, vì họ được ghi danh là con cái của Cha trên trời, trong bí tích Rửa tội họ thuộc về Đức Ki-tô, Đấng cũng đã mang thân phận tầm gởi trong thế gian tạm này với ba mươi ba năm ngắn ngủi, để trở nên một con người như chúng ta, gần gũi chúng ta, và như cây tầm gởi tốt đẹp đến thời kỳ nở hoa và được đem về đặt nơi chỗ đẹp nhất, cao nhất để cho mọi người chiêm ngưỡng, Ngài cũng đã vượt qua sự chết, vượt qua cõi đời tạm để trở nên nguồn ơn cứu độ cho nhân loại, cho chúng ta.
Mỗi một cây tầm gởi đều có một sắc thái dáng vẻ riêng, một mùi hương riêng biệt.
Cũng vậy, mỗi một Ki-tô hữu cũng có những nét đẹp riêng biệt tùy theo Thiên Chúa ban cho để làm đẹp vũ trụ này, cho nên tuy là thân tầm gởi ở thế gian, nhưng chúng ta được bảo chứng của Đức Ki-tô Phục Sinh: “Thầy đi Thầy sẽ dọn chỗ cho anh em...”
Chúa chỉ dọn chỗ cho chúng ta mà thôi, còn đến ở hay không, hoặc nói cách văn hoa hơn, chúng ta có bằng lòng dứt khoát từ bỏ thân phận tầm gởi hay không, để dọn đến chỗ đời đời mà Đức Chúa Giê-su đã chuẩn bị cho chúng ta ? Đó chính là điều đáng nói và đáng để cho chúng ta suy nghĩ !

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư

---------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi tuần SỐNG một câu Lời Chúa (Lễ Thăng Thiên)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
02:03 07/05/2016
Chúa Nhật LỄ THĂNG THIÊN

Tin Mừng : Lc 24, 46-53.
“Đang khi chúc lành, thì Người rời khỏi các ông và được đem lên trời.”


Anh chị em thân mến,
Hôm nay lễ Giáo Hội long trọng mừng lễ Đức Chúa Giê-su lên trời, lên trời đối với các thần học gia thì lên trời là lên ngự bên hữu Đức Chúa Cha, là Đức Chúa Giê-su đi vào viên mãn vinh quang của Thiên Chúa, nhưng đối với người Ki-tô hữu chúng ta lên trời là lên thiên đàng. Đơn giản nhưng đầy ý nghĩa.

Đức Chúa Giê-su lên trời là một thực tại có thật theo lời tường thuật của thánh Lu-ca trong sách Công Vụ Tông Đồ cũng như trong Tin Mừng của ngài: “Và đang khi chúc lành thì Ngừơi rời khỏi các ông và được đem lên trời” , “...Nói xong, Người được cất lên ngay trước mặt các ông, và có đám mây quyện lấy Người, khiến các ông không còn thấy Người nữa” . Hợp rồi tan, tan rồi hợp là lẽ thường của người thế gian và hợp tan nào cũng có mất mát và đau thương, các tông đồ cũng vậy: nhớ thương và tiếc nuối. Nhưng rồi các lòng ngài cũng tràn ngập hân hoan vì lời hứa của Chúa Giê-su: Thầy đi và rồi Thầy sẽ trở lại.

Đức Chúa Giê-su lên trời là lên thiên đàng sau khi đã chiến thắng tử thần của ma quỷ, là niềm hy vọng của chúng ta và của những ai vì Ngài mà chịu sỉ nhục ở đời này.

Cuộc sống đời này của chúng ta là chuẩn bị cho ngày sau ở trên thiên đàng, như Đức Chúa Giê-su đã chiến thắng tội lỗi và sự chết, chúng ta cũng sẽ chiến thắng cái làm cho chúng ta không được lên thiên đàng, mà cái gì làm cho chúng ta không được lên trời với Đức Chúa Giê-su, đó là:

- Tội lỗi: đây là ngục tù kiên cố nhất nhốt chúng ta lại không cho chúng ta lên trời với Đức Chúa Giê-su.
- Cái tôi: đây là cái đã xiềng đôi chân của chúng ta, không cho chúng ta đi tới với Đức Chúa Giê-su trong cuộc sống đời thường...
- Kiêu ngạo: là nguyên nhân thứ nhất để cho tội lỗi vào trong thế gian, nó cũng là cái làm cho chúng ta xa lìa ân sủng của Thiên Chúa trong cuộc sống thường ngày...


Anh chị em thân mến,
Đức Chúa Giê-su lên trời trước mặt các môn đệ để cho chúng ta hiểu rằng, sứ mạng của Ngài ở trần gian đến đây là kết thúc, kết thúc mà không đóng lại, nhưng tiếp tục bắt đầu từ nơi các tông đồ là những người được sai đi, để làm cho muôn dân nhận biết Tin Mừng của Thiên Chúa, và quan trọng hơn chính là mọi người cùng nhau tham dự tiệc cưới trên thiên đàng của Con Chiên đã chiến thắng tử thần và tội lỗi.

Lên thiên đàng là mục đích sống của chúng ta ở trần gian này, vì thế Đức Chúa Giê-su muốn mỗi người trong chúng ta hãy mau mắn gởi “các vật liệu xây dựng” về thiên đàng để các thiên thần giúp xây nhà hạnh phúc viên mãn, “các vật liệu xây dựng” của chúng ta là khiêm tốn, hy sinh, phục vụ và yêu thương tha nhân như chính mình...” đó là các vật liệu bền chắc không sợ mối mọt gặm nhấm...

Mừng lễ Đức Chúa Giê-su lên trời vinh hiển, tức là chúng ta cũng mừng lễ lên trời của chúng ta, bởi vì không lẽ “đầu” –là Đức Chúa Giêsu- đã lên thiên đàng, còn “thân mình và các chi thể” –là Hội Thánh và chúng ta- thì ở mãi trần gian này hay sao ?

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.
--------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
02:06 07/05/2016

36. Trinh nữ mà xuất giá thì không có tội; trinh nữ mà không xuất giá thì vẫn luôn là trinh nữ; trước là cứu vãn yếu nhược, sau là quang vinh trinh khiết; trước thì không có chỗ dựa vào, sau thì được người ta tán tụng mãi không thôi.

(Thánh Ambrosius)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức"

---------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ Lời Thầy
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
05:56 07/05/2016
Chúa Nhật VI PHỤC SINH, năm C
Ga 14, 23-29

AI YÊU MẾN THẦY THÌ SẼ GIỮ LỜI THẦY

Thường khi ta yêu ai, mến thương ai, ta luôn giữ hình ảnh, kỷ niệm và đặc biệt những lời nói thân thương mà người ta yêu đã tâm sự, đã nói với ta.Đối với Chúa Giêsu, Ngài cũng luôn muốn các môn đệ và những người Ngài thương mến, giữ trong tâm hồn của mình những điều Ngài đã tâm sự, đã nói với họ. Do đó, khi sắp chia tay các môn đệ để về với Cha, Chúa Giêsu Phục Sinh đã loan báo cách tha thiết với các môn đệ và nhân loại là Ngài ở lại:”

Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy,
Cha của Thầy sẽ yêu mến người ấy.
Chúng Ta sẽ đến với người ấy,
và sẽ ở lại với người ấy “ ( Ga 14, 23 ).

Trước khi về với Chúa Cha, Chúa Giêsu đã khuyên các môn đệ hãy giữ lời của Ngài và Ngài hứa sẽ ban Thánh Thần đến, Đấng đó sẽ dạy các môn đệ mọi điều, và sẽ nhắc nhở các ông mọi điều Ngài đã nói với các ông ( Ga 14, 26 ).Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ rằng “ Ai yêu mến Thầy thì giữ lời Thầy “. Yêu mến là luôn giữ lấy những điều người mình thương đã dạy, đã nói với mình.Chúa Giêsu phục sinh không nói với các môn đệ phải ở lại trần gian để làm những việc lớn lao, kỳ diệu. Nhưng là giữ lấy lời của Thầy. Giữ lấy lời của Thầy là chứng tỏ lòng thương mến của mình đối với Chúa tình yêu.Chúa Phục Sinh đã dặn dò các môn đệ giữ và thực thi giới răn yêu thương.

Luật yêu thương là mối giây liên kết các môn đệ với nhau và với anh chị em đồng loại. Chính Đấng Bảo Trợ sẽ thổi sức mạnh vào các ông để các ông hiểu rõ tình yêu Chúa đã dành cho các ông và cho nhân loại, cho mọi người. Bởi vì, tình yêu của Chúa Giêsu là tình yêu tự hiến chết trên Thập giá để cứu độ mọi người. Ngài đã nói và đã thực hiện điều đó tới cùng:” Không có tình yêu nào cao quí cho bằng tình yêu của người hiến mạng sống vì người mình yêu “ ( Ga 15, 13 ).

Thánh Thần sẽ nhắc nhớ các môn đệ và mỗi người về tình yêu Thiên Chúa đã ban cho họ, nên, chúng ta cũng phải tỏa sáng tình yêu cho người khác.Yêu Chúa là sống giới răn Chúa, giữ trọn lề luật yêu thương mà Chúa đã truyền cho nhân loại. Yêu là đem lại sự hòa thuận, sự an bình cho người khác.Yêu là kiến tạo sự hiệp nhất, là làm những việc bác ái yêu thương, xoa dịu đau thương cho con người. Chúa Giêsu đã để lại sự bình an cho con người.Sự bình an cũng có nghĩa là sự hiện diện của Chúa phục sinh giữa con người. Yêu mến Chúa là để Chúa ngự trị trong lòng của mình. Do đó, mỗi lần ta rước lễ là mỗi lần ta gặp được chính Chúa đang ngự trong lòng của ta. Mỗi lần chúng ta để tâm hồn lắng đọng, chúng ta sẽ gặp được Chúa đang đối thoại với ta.

Yêu mến Chúa không phải là chuyện dễ vì Ngài ở xa ta, nếu ta không có đức tin, ta sẽ không thể nhận ra Ngài được. Giữ lời của Chúa cũng vô cùng khó khăn nếu chúng ta không có đức khiêm nhường, không có niềm tin sâu xa vào Chúa, vào Giáo Hội, chúng ta cũng dễ để cho lời của Ngài bay xa ta…Tuy nhiên, chúng ta được an ủi, được vững dạ cậy trông vì Chúa sống lại đã hứa với các môn đệ và chúng ta :” Thánh Thần sẽ giúp chúng ta vững mạnh để hiểu và tuân giữ lời Chúa dạy “. Thật lạ kỳ và linh thánh, yêu mến Chúa và giữ lời Chúa thì Chúa Cha và chính Chúa Giêsu sẽ đến và ở trong người ấy. Trong lời nguyện hiến tế, Chúa Giêsu đã cầu nguyện để mọi người hiệp nhất nên một “ như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha “. Yêu mến và giữ lời của Chúa, thì Ba Ngôi Thiên Chúa sẽ đến, biến đổi tâm hồn con người để con người luôn thuộc trọn về Chúa.

Chúa Giêsu đã nói :” Không phải các con đã chọn Thầy nhưng chính Thầy đã chọn các con “ ( Ga 15, 16 ). Chúa Giêsu nói điều này với chúng ta để biểu lộ tình yêu có tính cách hiệp thông, gắn bó thân tình. Lời của Giêsu nói khi xưa với các môn đệ, cũng là lời Ngài đang nói với chúng ta hôm nay. Chúa chọn con người, nghĩa là cho chúng ta được làm con Chúa qua bí tích rửa tội, nên chúng ta phải “ yêu mến Chúa và tuân giữ lời của Chúa “. Đây là sự đáp trả tình yêu đối với tình yêu.

Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nói :” Nhờ Chúa Thánh Thần, quả vậy, Chúa Cha và Chúa Con đến và thiết lập một nơi ở trong linh hồn ấy. Trong sự hiệp thông của ân sủng với Chúa Ba Ngôi “ không gian của sự sống “, con người được mở rộng ra, được nâng lên mức siêu nhiên của đời sống Thiên Chúa. Con người sống trong Thiên Chúa và nhờ Thiên Chúa : Nó sống “ theo Thần Khí “ và “ khao khát những gì là thiêng liêng “.

Lạy Chúa Giêsu, lời Chúa dặn dò với các môn đệ xưa trước khi Chúa đi về cùng Chúa Cha vẫn vang vọng nơi tai mỗi người ở muôn thời, muôn thế hệ:” yêu mến Chúa phải giữ lời của Chúa “, nhờ đó Thiên Chúa Ba Ngôi sẽ đến và cư ngụ nơi tâm hồn của người ấy. Amen.



GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ :

1.Chúa đã dặn dò, trăn trối với các môn đệ điều gì trước khi Ngài về trời ?
2.Ai yêu mến Thầy, thì giữ lời Thầy nghĩa là sao ?
3.Ai đã chọn các môn đệ ?
4.Tình yêu đáp trả tình yêu nghĩa là gì ?
5.Đấng bảo trợ là ai vậy ?
 
Truyền thông lời Chúa
Lm. JB. Nguyễn Minh Hùng
08:31 07/05/2016
TRUYỀN THÔNG LỜI CHÚA Chúa Nhật CHÚA THĂNG THIÊN 2016

“Phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân”. Chúa Kitô, trước khi về trời, đã để lại cho Hội Thánh mệnh lệnh truyền giáo như lời di chúc đặc biệt mà Hội Thánh phải cất giữ và ấp ủ từng ngày, để thao thức truyền giáo của Chúa Kitô trở thành nỗi thao thức và niềm say mê của Hội Thánh.

Có thể nói, ngày Chúa Kitô về trời là ngày mở ra sứ mạng của Hội Thánh: Hội thánh phải truyền thông Lời Chúa. Sứ mạng này phải được thi hành nhanh chóng, cấp bách. Đó là nhiệm vụ không miễn trừ một ai, miễn là chúng ta sống trong lòng Hội Thánh.

Nội dung của ngày lễ Chúa lên trời nhấn mạnh đến sứ mạng truyền giáo càng nói lên tính khẩn thiết, khi Hội Thánh gọi ngày lễ này là ngày Quốc tế Truyền thông.

Năm 1966, Đức Phaolô VI chọn ngày lễ Chúa Giêsu thăng thiên làm ngày Quốc tế Truyền thông. Có ba lý do để Đức Giáo Hoàng chọn ngày lễ này chứ không chọn ngày nào khác:

1. Đức Giáo Hoàng muốn nhấn mạnh việc rao giảng Lời Chúa, tức là truyền thông Lời Chúa cho anh chị em của mình.

2. Truyền thông Lời Chúa là mệnh lệnh mà Chúa truyền cho Hội Thánh trong chính ngày lễ này là hãy nhân danh Chúa mà rao giảng cho muôn dân.

3. Đức Giáo Hoàng nhắc nhở những người làm truyền thông, nhất là người Công Giáo, hãy truyền thông sự thật, truyền thông niềm hy vọng, truyền thông những điều tốt lành, phù hợp với Lời Chúa, phù hợp thánh ý Chúa.

Phải truyền thông Lời Chúa. Lệnh truyền ấy vừa là bổn phận, vừa làm cho Hội Thánh vinh quang:

- Bổn phận là vì Hội Thánh phải tiếp tục sứ mạng của Chúa Kitô: “Ngày sai các ông đi rao giảng Nước Thiên Chúa và chữa lành bệnh nhân” (Lc 9,2).

Và một khi thi hành sứ mạng truyền giáo, sứ mạng ấy trở thành nhiệm vụ cốt yếu của cả Hội Thánh và của từng người: “Chúng tôi không thể sao nhãng Lời Thiên Chúa để lo giúp việc bàn ăn” (Cv 6,2). Thánh Phaolô còn nói mạnh hơn về nghĩa vụ không thể bỏ qua của việc thực thi sứ mạng truyền giáo: “Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Phúc Âm”.

- Còn vinh quang là vì Hội Thánh được cộng tác với Chúa Kitô mang ơn cứu độ cho trần gian. Lời Thiên Chúa là Lời quyền năng, lại được trao và tay con người. Không phải chỉ hôm nay, nhưng đã có từ muôn thuở: “Thuở xưa nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã nói với cha ông chúng ta qua các ngôn sứ” (Dt 1,1).

Nhận lãnh sứ mạng truyền thông Lời Chúa, những con người mỏng dòn, yếu đuối lại tiếp tục trao gởi cho hết thế hệ này đến thế hệ khác Lời sự sống sống, để mọi thời, từng con người phải ấp ủ cho mình ngày càng trưởng thành, rồi đem Lời luôn được ấp ủ ấy san sẻ cho nhau.

Ý thức bổn phận vinh quang ấy, Hội Thánh luôn luôn lên đường dấn thân cho hoạt động truyền giáo.

Thế là con người tội lỗi được giao trách nhiệm công bố Lời thánh hoá, con người yếu đuối công bố Lời quyền năng, con ngươi giới hạn công bố Lời vĩnh cửu.

Ý thức mệnh lệnh cuối cùng của Chúa trước khi về Nhà Cha là hãy truyền thông Lời Chúa, ta lên đường bằng tất cả những gì có thể làm được để Lời Chúa được gieo vào lòng người.

Hãy tin tưởng và can đảm truyền thông Lời Chúa không bao giờ sợ hãi, để “những gì Thầy nói với anh em lúc đêm hôm, thì hãy nói ra giữa ban ngày; và điều anh em nghe rỉ tai, thì hãy lên mái nhà mà rao giảng” (Mt 10, 27).

Hãy gieo lời Chúa chăm chỉ miệt mài như người gieo giống: gieo khắp nơi, gieo trong mọi hoàn cảnh, dù đó là “đất tốt” kết quả đạt đến “gấp trăm, hoặc “sáu mươi”, hoặc “ba mươi”, hay đó chỉ là “vệ đường”, là “nơi sỏi đá”, là “bụi gai” (Mt 13, 3-9).

Hãy gieo Lời Chúa đến cùng, gieo “lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện”.

Lm. JB NGUYỄN MINH HÙNG
 
Hãy nhân danh Người mà rao giảng
Lm. Vũ Xuân Hạnh
08:48 07/05/2016
“HÃY NHÂN DANH NGƯỜI MÀ RAO GIẢNG”

LỄ THĂNG THIÊN – Chúa Nhật VII PHỤC SINH

Chính thánh Luca, đã từng ghi lại thao thức của Chúa Giêsu về sứ mạng truyền giáo, khi đề nghị các môn đệ: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin Chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về. (Lc 10, 2).

Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã chọn chính lời của Chúa Giêsu làm chủ đề cho Sứ điệp Ơn gọi 2004, để xin mọi người cầu nguyện cho việc truyền giáo, cách riêng cho những người sống ơn gọi tu trì “luôn trung thành với ơn gọi của mình và đạt tới mức cao độ nhất của sự hoàn thiện Phúc Âm” (Sứ điệp Ơn gọi 2004, số 3).

Đến lúc Chúa về trời, một lần nữa, thánh Luca đã không bỏ qua chi tiết quan trọng trong di chúc của Người: “Hãy nhân danh Người mà rao giảng việc sám hối và ơn tha tội trong mọi dân, bắt đầu từ Giêrusalem” (Lc 24, 47). Những lời ấy chỉ ít phút trước khi Người “lên trời, ngự bên hữu Thiên Chúa”, trở thành lẽ sống, thành hướng nhắm để đi tới, thành mục tiêu để theo đuổi và là hoạt động không ngơi nghỉ của Hội Thánh.

Bởi từ ngày Chúa rời trần gian, bất cứ làm gì, dù chiêm niệm, cầu nguyện, sinh hoạt thường nhật của đời sống, làm công tác xã hội và từ thiện… Hay suy nghĩ gì, cử hành mầu nhiệm và bí tích nào, tổ chức phong trào nào… Hội Thánh cũng chỉ quy về một việc duy nhất: giới thiệu Chúa Kitô cho con người, và thánh hóa lòng người. Hội Thánh làm như thế vì, hơn ai hết, Hội Thánh hiểu rõ: truyền giáo là sự sống của mình.

Riêng quê hương Việt Nam, cách đây trên dưới năm trăm năm, vào năm 1533, Hội Thánh Việt Nam đã bắt đầu phôi thai với sự hiện diện của một giáo sĩ Tây dương tên là Inikhu. Ngài đến làng Ninh Cường, và làng Trà Lũ, thuộc giáo phận Bùi Chu ngày nay…

Nhờ những bước chân mở mang truyền giáo ấy, Tin Mừng đã bắt đầu. Hạt giống Lời Chúa đã gieo, vẫn âm ỉ, để khi có điều kiện, sẽ nảy nở và trổ sinh trong lòng người. Tất nhiên, điều đó cần ơn Chúa và nỗ lực truyền giáo của người Kitô hữu, có khi rất gian truân, đòi hỏi công sức, hy sinh, kể cả mồ hôi, nước mắt và đổ máu.

Một nửa thiên niên kỷ, dù không thể sánh với nhiều Hội Thánh địa phương khác, càng không thể sánh với Hội Thánh hoàn vũ đã mấy ngàn năm, Hội Thánh Việt Nam vẫn tự hào vẽ thêm một đường lịch sử không bao giờ mệt mỏi, không bao giờ dừng lại trên trang sử đức tin.

Ý thức truyền giáo của Hội Thánh Việt Nam phải vượt nhiều thử thách, do lòng người đố kỵ, thù ghét, cả lo sợ sự phát triển và ảnh hưởng của Hội Thánh, nên chưa khi nào Hội Thánh Việt Nam sống trong bình yên thực sự, chưa bao giờ được tôn trọng đúng mức.

Thật lạ lùng, càng khó khăn, Hội Thánh Việt Nam càng thắm thiết với đức tin. Ơn gọi tu trì của Hội Thánh Việt Nam không thiếu, nơi nào có người Việt Nam sinh sống, dù quê nhà, hay quê người, vẫn có người Công Giáo Việt Nam hiến dâng cuộc đời cho Chúa. Các nhà thờ bao giờ cũng đông đảo. Các lớp giáo lý, các nhóm chia sẻ Lời Chúa, các hội đoàn, phong trào đạo đức, các tổ chức làm công tác xã hội… vẫn không ngừng phát triển.

Nhưng những gì Hội Thánh Việt Nam đã làm, chưa là tất cả của công tác truyền giáo. Nhiệm vụ của Hội Thánh Việt Nam chưa bao giờ kết thúc. Sau nửa thiên niên kỷ, hình như đó chỉ là cánh cửa vừa mở ra. Trách nhiệm của từng người Công Giáo Việt Nam hôm nay phải luôn luôn ra đi theo lối mở ấy của tiền nhân để nhân danh Thiên Chúa và làm chứng cho Người bằng cuộc sống chứng tá của mình ngay trong hoàn cảnh hiện tại.

Chúng ta cần ghi nhớ: Hội Thánh nơi quê hương này, thuở ban đầu, là cả một cánh đồng truyền giáo bao la. Nhưng đã năm thế kỷ đi qua, quê hương vẫn chỉ là một cánh đồng bao la mà chúng ta phải truyền giáo!

Mừng lễ Chúa về trời, ôn lại thao thức truyền giáo của Người, lắng nghe lời Người: “Hãy nhân danh Người mà rao giảng việc sám hối và ơn tha tội trong mọi dân, bắt đầu từ Giêrusalem” (Lc 24, 47), ta nhận ra nhiệm vụ lớn lao và vinh dự của mỗi người Việt Công Giáo hôm nay. Đó là tiếp nối bước chân truyền giáo của Chúa, noi gương Người, cùng với lớp lớp cha ông, lên đường mang ơn cứu rổi cho cuộc đời, cho con người.

Có hai cách để chúng ta hoạt động truyền giáo theo khả năng của mình:

Cách 1: Chúng ta hãy khẩn thiết: “Xin Chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về” (Lc 10, 2). Đó là bổn phận cầu nguyện cho việc truyền giáo của bạn và tôi. Chúng ta cầu xin Chúa “cho có nhiều trái tim quảng đại biết cảm thương những cảnh đời bơ vơ không người chăn dắt; nhiều tâm hồn thiện chí dấn thân ra đi loan báo Tin Mừng” (Thư chung 2004 – HĐGM VN).

Cách 2: Hãy nhớ rằng, trước khi là người loan báo Tin Mừng, bản thân người Công Giáo phải sống Tin Mừng ấy. Vì thế, “nêu gương sống lương tâm Công Giáo” là việc cấp bách, liên lỉ. Bởi vậy, người tín hữu “hãy nỗ lực cùng với đồng bào xây dựng một nếp sống lành mạnh trong khu phố xóm làng, loại trừ mọi tệ đoan tật xấu. Đặc biệt, hãy nêu gương tôn trọng sự sống, tôn trọng phẩm giá con người, sống theo lương tâm ngay thẳng… Nêu gương về đời sống hiệp nhất yêu thương. Không có lời rao giảng nào có sức thuyết phục bằng sự hiệp nhất yêu thương trong gia đình, xóm làng, trong giáo xứ, trong giáo phận…” (Thư chung 2003).

Chúa Giêsu đã về trời. Biến cố về trời ấy bế mạc giai đoạn hiện diện của Người trên trần gian, nhưng khai mạc giai đoạn hiện diện và hoạt động của Hội Thánh.

Bởi vậy, Hội Thánh nói chung và Hội Thánh tại Việt Nam nói riêng, vẫn tiếp tục được mời gọi chia sẻ chức vụ mục tử của Chúa Giêsu, đem ơn thánh hóa, cứu độ mọi người và chính đồng bào Việt Nam của mình.

Nhưng nỗ lực sống lời mời gọi chia sẻ chức vụ của Chúa Kitô, phải là nỗ lực của từng cá nhân, trong từng ngày sống. Vậy bản thân chúng ta hãy tiếp nối sứ vụ của Chúa, bằng cách sống vai trò chứng nhân của tình yêu Chúa trong từng giây phút sống của mình.

Lm. VŨ XUÂN HẠNH
 
Vì sao Chúa Con về trời : xét phía con người, xét từ Thiên Chúa
LM. Anphong Nguyễn Công Minh, ofm
11:45 07/05/2016
Vì sao Chúa Con về trời : xét phía con người, xét từ Thiên Chúa

Không phải trong nhà Đạo mới có “từ” này, mà trong ngôn ngữ dân gian, người ta nói nhiều đến “từ” này. “Từ” đó là : trời, chầu trời, về trời; “từ” đó là “từ” thăng : ông ấy đã chầu trời rồi ; cụ đã thăng rồi…

Hôm nay lễ Chúa về trời, lễ Thăng Thiên, tuy có cái khác rất xa giữa việc Chúa thăng thiên và con người thăng (ông kia, cụ nọ thăng) nhưng có cái giống giữa hai cái thăng đó, là xa cách, là không thấy bằng con mắt trần nữa. Ta không xét đến sự khác nhau giữa hai việc thăng : Chúa thăng thiên và con người thăng, mà chỉ dừng lại nơi điểm giống nhau giữa 2 việc thăng, tức là “thăng” là xa cách, với câu hỏi sau : Vì sao Chúa về trời, tức là vì sao Chúa xa cách ta ?

Ta sẽ xét dưới góc độ con người và ta sẽ thử xét dưới cái nhìn của Thiên Chúa.

1. Dưới góc độ con người .

Tại sao Chúa về trời, tại sao thầy Giêsu lại giã từ các đồ đệ ?

-Thưa là để các đồ đệ trưởng thành. Nếu thầy cứ ở mãi, đồ đệ không trưởng thành được Có thầy ở bên thì lúc nào cũng bám lấy Thầy, lúc nào cũng hỏi ý kiến Thầy. Cái này làm sao thưa Thầy ? Cái kia làm sao hả Thầy ? (Khổng Minh Gia Cát Lượng thì dùng túi gấm [cẩm nang] để thay mình chỉ dẫn).

Sư phụ Nasreddin đến Trung Quốc, ở đó ông thâu nhận một số môn đệ và dạy dỗ họ hầu giúp họ chuẩn bị giác ngộ. Nhưng khi đã giác ngộ rồi, các đồ đệ bỏ đi hết không nghe thầy Nasreddin giảng nữa. Người ta hỏi thầy có buồn không khi đồ đệ bỏ thầy như vậy. Nasreddin trả lời: “Không phải là danh sư (thầy nổi tiếng) nếu suốt đời đệ tử cứ phải ở với thầy”. Đệ tử phải ra đi xa thầy, thì thầy mới là danh sư. Trường hợp của thầy Giêsu thì ngược lại nhưng cũng cùng mục tiêu. Thay vì đệ tử xa thầy, thì thầy xa đệ tử, để đệ tử tự mình xoay sở và trưởng thành.

Bộ phim “Ở nhà một mình” với bé Mc Caulkin thủ vai chính cho ta thấy, khi cha mẹ đi vắng, bé này đã nảy ra nhiều sáng kiến độc đáo trong việc chống lại kẻ trộm. Đây là bộ phim, tưởng tượng, nhưng thực tế vẫn có thể như vậy. Những trẻ em mất bố mẹ sớm thường trưởng thành và chững chạc hơn những đứa trẻ đầy đủ mẹ cha và sống với cha mẹ cho đến già đầu.

Trong thuật lãnh đạo, người ta kể có 3 loại thầy :

-Loại 1 : Thày và trò cùng làm. Tam cùng : cùng ăn, cùng ở, cùng làm.

-Loại 2 : Thầy không cần làm, nhưng sự hiện diện của thầy cũng đủ cho đệ tử phấn chấn.

-Loại 3 : không có thầy hiện diện mà chỉ cần nhớ đến, nghĩ về thầy, là đệ tử hăng say làm việc.

Đức Giêsu chắc phải là loại thầy thứ ba này. Thứ ba theo liệt kê, nhưng lại là đệ nhất theo thứ hạng : đệ nhất danh sư. Chỉ cần nhớ đến thầy, là trò lên tinh thần. “Hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy.”

Vậy ở góc độ con người suy nghĩ, vì sao Chúa xa cách ta : là để đồ đệ trưởng thành…

2. Dưới góc độ Thiên Chúa

Tại sao Chúa Giêsu lại xa cách các môn đệ ? Ta hãy để chính Chúa Giêsu trả lời, và trả lời này Tin Mừng Gioan ghi rõ :

• Ga 14,3 : Thầy đi là để dọn chỗ cho anh em. Không phải trên Nước Trời sẽ có ghế có bàn, phải dọn phải dẹp, nhưng Đức Giêsu muốn nói Ngài đi trước. Trong ngành du lịch gọi là tiền trạm.

Người thứ nhất từ kẻ chết sống lại là Ngài, thì người thứ nhất lên trời cũng là Ngài. Người thứ nhất chứ không phải người duy nhất. Thứ nhất là đi trước. Chúng ta sẽ là thứ hai, thứ ba, thứ một tỷ... Người thứ nhất như vậy là để dọn đường dọn chỗ. Và rồi Thầy sẽ trở lại đón đồ đệ, để Thầy ở đâu, đồ đệ cũng ở đó với Thầy.

• Ga 16,7 : Thầy đi thì có lợi cho anh em .

Đức Giêsu không nói suông : Thầy đi, người khác tới. Mà nói rõ : có lợi cho anh em. Cán cân “lợi” đã nghiêng về người sẽ tới, tức Chúa Thánh Thần, Đấng Bảo Trợ.

Người ta thường sánh ví thế này :

-Nếu Giáo Hội là một toà nhà, thì người có sáng kiến xây toà nhà đó là Chúa Cha. Người thực hiện, người xây là Chúa Con, và người bảo trì, trang trí, làm cho toà nhà hoạt động là Chúa Thánh Thần. Vai trò bảo tri, trang hoàng, điều hành, quan trọng đến mức nào.

-Nếu Giáo Hội là một đoàn thể, thì người có ý định lập đoàn thể là Chúa Cha. Người thành lập là Chúa Con và Người nuôi dưỡng đoàn thể đó sống là Chúa Thánh Thần. Thầy đi thì có lợi vì lúc đó Đấng nuôi dưỡng mới tới. Ta hay nói, lập một đoàn thể không khó cho bằng duy trì đoàn thể đó hoạt động.

-Nếu Giáo Hội là một lớp học thì Đức Giêsu là thầy dạy, chất liệu để dạy là từ Chúa Cha, và Chúa Thánh Thần là Đấng Ôn Tập, làm cho học trò nhớ và làm điều thầy dạy. Thầy đi thì có lợi cho anh em, vì lúc đó Đấng Ôn Tập sẽ tới (Ga 16,13-15; 14,26).

• Ga 14, 12 Họ làm những việc Thầy làm và còn làm những việc lớn hơn nữa khi Thầy về cùng Cha.

Thầy ra đi, là để chứng tỏ tin tưởng vào đồ đệ. Người ta kể rằng khi Đức Giêsu hoàn tất sứ mạng ở trần gian, Người về trời. Thiên thần Gabriel đi đón từ xa, và phỏng vấn :

-Thưa Ngài, công trình Ngài được tiếp tục thế nào ở trần gian ?

-Ta có 12 tông đồ, một nhóm môn đệ và vài ba phụ nữ. Ta đã trao cho họ sứ mạng rao giảng Tin Mừng tới mút cùng trái đất.

Nghe vậy, chưa thoả mãn, thiên thần Gabriel hỏi thêm :

-Nếu nhóm nhỏ đó thất bại, Ngài có chương trình nào khác không ? Có phương án 2, kế hoạch B… không ?

Đức Giêsu mỉm cười :

-Không, ta không dự trù kế hoạch nào khác. Ta tin tưởng vào họ.

Tin Mừng Ga 14,12 ghi rõ : Họ làm những việc Thầy làm và còn làm những việc lớn hơn nữa khi Thầy về cùng Cha.

Chả trách gì Tin Mừng Luca hôm nay ghi rõ, khi xa cách Thầy, các môn đệ không buồn mà lại “lòng đầy hoan hỷ” (Lc 24, 52).

Mỗi người chúng ta đều có lúc phải ra đi. Ông bà sẽ ra đi, cha mẹ sẽ ra đi. Ta đã chuẩn bị gì cho con cái chưa để khi ra đi, con cái, con cháu ta đã trưởng thành, đủ hành trang vào cuộc sống.

Ta là người lãnh đạo, người thợ chuyên môn… Khi rời vị trí, ta phải làm sao để không có một khoảng trống nào, không có một công việc nào bị suy sụp, mà trái lại, người đến sau vẫn hoạt động và hoạt động còn hơn ta nữa, như vậy ta mới là danh sư đệ nhất, giông đệ nhất danh sư Giêsu : Thầy đi thì có lợi cho anh em.

LM. Anphong Nguyễn Công Minh, ofm
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Liên huynh đoàn Đa Minh Victoria mừng bổn mạng Thánh Catarina Siena
Trần Văn Minh
05:18 07/05/2016
Melbourne, vào lúc 10 giờ sáng Thứ Bảy 7/5/2016. Tại Nhà thờ Thánh Đa Minh vùng Camberwell. Liên huynh đoàn Đa Minh Victoria đã dâng lễ mừng kính Thánh nữ Catarina Siena là Thánh quan thầy liên huynh đoàn.

Mời xem hình

Thánh lễ đồng tế do Linh mục Hoàng Mạnh Hùng OP. Tổng linh hướng của Tỉnh dòng Đa Minh Đức Mẹ Lên Trời Việt Nam, Úc Châu và Linh mục Giuse Đinh Trọng Chính OP. đồng tế cùng với các tu sĩ Đa Minh, các đoàn viên thuộc các Huynh đoàn Đa Minh trong Tổng Giáo phận Melbourne về dâng lễ.

Trước khi cử hành Thánh lễ, mọi người đã cùng nhau đọc kinh Thần vụ một trong những kinh chính trong sinh hoạt Đa Minh. Trong ngôi nhà thờ chính của Dòng Đa Minh to lớn, lời kinh, tiếng hát vang vang của đoàn trong niềm vui mừng ngày lễ bổn mạng.

Linh mục Tổng linh hướng chủ tế đã chào mừng các đoàn viên và hướng về các ân nhân của Liên huynh đoàn và đặc biệt là cầu cho Linh hồn Cha Vinh Sơn Nguyễn Tiến Hải, người đã có công tổ chức các huynh đoàn Đa Minh Việt Nam tại Melbourne, những người già yếu không hiện diện với chúng ta hôm nay.

Trong bài giảng, ngắn gọn Linh mục chủ tế đã nói đến sự trưởng thành của vị Thánh nữ, và có trách nhiệm phải đối diện với những khó khăn của thời đại. Như thường lệ, Liên huynh có bữa ăn trưa do các đoàn viên góp tay nấu nướng để mọi người quay quần chung vui cùng nhau trong căn nhà chung của Dòng.
 
Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo làm Giám Mục Chính Tòa Xuân Lộc
Đặng Tự Do
07:53 07/05/2016
Tiếp theo thông cáo ngày thứ Năm 5 tháng 5, bổ nhiệm Đức Cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Long làm Giám Mục chính tòa Paramatta, Australia; sáng thứ Bẩy 7 tháng 5, Phòng Báo chí Tòa Thánh đã đưa ra tiếp một thông báo khác có liên quan đến các Giám Mục Việt Nam.

Thông báo cho biết:

“Đức Thánh Cha đã nhận đơn từ chức Giám Mục giáo phận Xuân Lộc của Đức Cha Đaminh Nguyễn Chu Trinh, theo khoản giáo luật số 401 triệt 1. Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo, Giám Mục Phó, sẽ lên kế nhiệm”.

Đức Cha Đa Minh Nguyễn Chu Trinh năm nay 76 tuổi, sinh ngày 20 tháng 3 năm 1940 tại Phú Nhai, Bùi Chu, thụ phong linh mục năm 1966 tại Sàigòn. Năm 2000, ngài là Cha Tổng đại diện Giáo Phận Xuân Lộc. Bốn năm sau, ngày 30-9 năm 2004, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã bổ nhiệm ngài làm Giám Mục chính tòa Xuân Lộc, kế nhiệm Đức Cha Phaolô Nguyễn Minh Nhật.

Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo năm nay 71 tuổi, sinh ngày 2 tháng 3 năm 1945 tại Thức Hóa, Bùi Chu. Ngài được thụ phong linh mục tại Roma vào năm 1971, rồi giữ chức Phó Giám Đốc Trung Tâm Linh Hoạt Truyền Giáo (gọi tắt là CIAM) ở Rôma trong 31 năm trước khi làm Giám Đốc Trung Tâm này năm 2007. Ngài cũng từng làm giáo sư rồi làm khoa trưởng phân khoa truyền giáo học tại Đại học Giáo Hoàng Urbaniana của Bộ truyền giáo.

Sau khi về nước, Cha Đinh Đức Đạo làm Giám đốc Đại chủng viện thánh Giuse Xuân Lộc từ năm 2009 đến 2013 ngài được Tòa Thánh bổ nhiệm làm Giám Mục Phụ Tá Xuân Lộc.

Ngày 4 tháng 6 năm 2015, Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo được Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm làm Giám Mục Phó với quyền kế vị Giáo Phận Xuân Lộc.

Theo niên giám năm 2016 của Tòa Thánh, Giáo Phận Xuân Lộc có đông tín hữu Công Giáo nhất tại Việt Nam, với 940,080 tín hữu, trên tổng số 3,205,000 dân, với 248 giáo xứ, 545 linh mục triều và dòng, 145 đại chủng sinh, và hơn 1,800 nữ tu
 
Đức cha Giuse Nguyễn Năng giáo phận Phát Diệm thăm trụ sở VietCatholic
Đồng Nhân
21:29 07/05/2016
Trụ sở VietCatholic ở Garden Grove
Cha Hiền, Đức Cha Năng và Cha Nghị
Ca sĩ Lệ Hằng và ca sĩ Phương Loan
GARDEN GROVE, CALIFORNIA - Hôm nay ngày 7 tháng 5, 2016 nhân chuyến viếng thăm miền Nam Cali, Đức Cha Giuse Nguyễn Năng, Giám mục giáo phận Phát Diệm, và cha thư ký Phêrô Nguyễn Văn Hiện đã ghé thăm trụ sở VietCatholic nơi cư trú của Cha Gioan Trần Công Nghị. Cha Gioan rất hân hạnh được đón tiếp Đức Cha Giuse và cha thư ký.

Nhân dịp này Cha Gioan Giám đốc VietCatholic cũng trình bầy cho Đức Cha Giuse và cha thư ký về hướng đi và chương trình phát triển tương lai của VietCatholic, đặc biệt nói về chương trình Truyền hình Công Giáo trực tuyến bằng tiếng Việt đang được thử nghiệm và sẽ được phát hình đi khắp thế giới vào cuối tháng 11, 2016 nhân dịp kỷ niệm 20 năm thành lập hệ thống VietCatholic.

Ngoài ra VietCatholic đang phát triển những ứng dụng apps cho giới trẻ khi dùng iphone, ipad, mobile hay intelligence phone.

VietCatholic cũng đặc biệt giới thiệu các bài thánh ca qua các videos và DVD chất lượng là những phương thức truyền giáo rất thích hợp và lôi cuốn giới trẻ hôm nay cũng như đông đảo quần chúng.

Trong tháng Tư vừa qua LM nhạc sĩ Văn Chi và LM Trần Công Nghị đã có cuộc gặp gỡ với trên 20 ca sĩ và nhạc sĩ Công Giáo nổi danh để hoạch định về những DVD này và đã được các ca nhạc sĩ hết lòng phấn khởi và hân hạnh cộng tác với VietCatholic.

Trong cuộc đàm đạo thân tình Đức Cha Giuse cũng đã trình bầy cho biết về những tiến triển tốt đẹp và tình hình cũng như nhu cầu của giáo phận quê nhà.

Đức Cha Giuse cũng cho biết hiện đang sửa soạn khởi công cho xây cất Nhà Hưu Dưỡng cho các Linh mục của giáo phận ngay tại Tòa Giám Mục Phát Diệm.

Nhân dịp này, Đức Cha Giuse đặc biệt cám ơn Đức ông Francis Phạm Văn Phương, Cha cố Giuse Phạm Văn Tuệ và Cha Gioan Trần Công Nghị đã ưu ái góp phần dâng tặng một số tiền cho việc xây dựng Nhà Hưu Dưỡng Linh Mục Phát Diệm nêu trên.

Sau chuyến thăm miền Nam Cali, Đức Cha Giuse sẽ lên đường đi thăm Đức ông Phạm Văn Phương tại Atlanta để đích thân chúc mừng Đức ông mừng 50 năm Linh mục và cám ơn đức ông về sự ưu ái mà đức ông dành cho giáo phận nhà.
 
Mời nghe bản tiếng Việt của bài hát chủ đề Đại hội Giới trẻ Thế giới Krakow 2016
Giang Tâm
18:18 07/05/2016
Dịch giả bản tiếng Việt này là Giang Tâm - một đại chủng sinh thuộc Đại chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn, Việt Nam. Bản dịch này được Giang Tâm thực hiện vào mùa xuân 2015 và đã được Đức Cha Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam phê chuẩn.

Tất cả các ca sĩ tham gia hát trong phiên bản tiếng Việt là thành viên của Dàn hợp xướng Trẻ Công Giáo Hà Nội (Hanoi Catholic Youth Choir - HCYC) với sự giúp đỡ thu âm của Anton Studio Hà Nội. Họ đã cố gắng đưa một số nhạc cụ truyền thống Việt Nam vào bản hòa âm để tạo ra một phiên bản mang tính dân tộc và độc đáo. Tuy nhiên, vì sự khác biệt giữa nền âm nhạc phương Tây và âm nhạc truyền thống Việt Nam nên họ mất khá nhiều thời gian và công sức để chỉnh sửa và hoàn tất bản thu âm này.

Dàn hợp xướng Trẻ Công Giáo Hà Nội là nhóm nhạc Công Giáo gồm hơn 30 thành viên được thành lập tại Hà Nội vào giữa năm 2015. Họ thường xuyên phục vụ hát lễ, biểu diễn thánh ca tại nhiều nhà thờ trong thành phố, thậm chí ở cả những sự kiện lớn của Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Việt Nam. Hoạt động mới nhất của Dàn hợp xướng Trẻ Công Giáo Hà Nội là dự thi chương trình truyền hình Vietnam's Got Talent với các bài thánh ca và đã được vào đến vòng chung kết. Đây là lần đầu tiên có sự xuất hiện của một dàn hợp xướng Công Giáo trong chương trình này.

"Chúng tôi muốn truyền giáo qua âm nhạc. Lấy cảm hứng từ Dụ ngôn những yến bạc (Mátthêu 25:14-30 hoặc Luca 19:12-27), chúng tôi đều là những tôi tớ của Thiên Chúa, người thì được Chúa trao ban cho mình nhiều yến bạc, người thì ít hơn... nhưng chúng tôi đều muốn nó sinh lời, chúng tôi không muốn làm những đầy tớ lười biếng", Phaolô Lê Đoài Huy, trưởng Dàn hợp xướng trẻ Công Giáo Hà Nội nói.

Bản thu âm tiếng Việt đã được ban tổ chức Đại hội Giới trẻ Thế giới Krakow 2016 đưa vào danh sách các phiên bản quốc tế của bài hát chính thức.

Xin nghe bài hát ở link YouTube của ban tổ chức:
 
Thông Báo
Phân ưu: Thân mẫu anh Đặng Minh An qua đời tại Saigòn
VietCatholic Network
02:24 07/05/2016
PHÂN ƯU

Chúng tôi vừa nhận được tin

Bà Cụ Lucia Đặng Thị Hòa

(thân mẫu Anh Đặng Minh An, Phó giám đốc VietCatholic)

vừa qua đời lúc 21h ngày 06/05/2016 tại Sàigòn.

Hưởng thọ 89 tuổi.



Gia đình VietCatholic xin thành kính phân ưu cùng gia đình họ Đặng

và nguyện xin Thiên Chúa giầu lòng thương xót sớm đưa

linh hồn bà Lucia hưởng cuộc sống sống mới đời đời.

Thánh Lễ An Táng được cử hành lúc 6h sáng ngày

Thứ Hai 09/05/2016

tại Nhà Thờ Thánh An Tôn,

Hạt Xóm Chiếu, Quận Tư, Sàigòn.

An Táng tại nghĩa trang Giáo Xứ Bùi Môn, Hóc Môn


Thành kính phân ưu

LM Gioan Trần Công Nghị

& Ban giám đốc, Công tác viên và độc giả

VietCatholic Network