Ngày 06-05-2016
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Chúa Thăng Thiên
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
05:50 06/05/2016
Chúa Nhật VII PHỤC SINH, năm C
Cv 1, 1-11 Dt 9, 24-28 Lc 24, 46-53

CHÚA THĂNG THIÊN

Chúa Giêsu về với Thiên Chúa Cha sau khi hoàn tất sứ mạng Cha trao. Bước chân của Ngài và của các môn đệ mới chỉ rảo khắp xứ Palestina bé nhỏ và những vùng phụ cận chung quanh. Cả một thế giới còn mênh mông, bao la với nhiều dân tộc khác nhau đang chờ đón bước chân thừa sai của nhiều người. Chúa Giêsu muốn chúng ta làm chứng nhân cho Ngài cho đến tận cùng thế giới. Hôm nay, Chúa Giêsu phục sinh được siêu thăng về Nước Trời như lời Kinh Thánh nói :” …Người dẫn các ông tới gần Bêtania, rồi giơ tay chúc lành cho các ông. Và đang khi chúc lành, thì Người rời khỏi các ông và được rước lên trời “ ( Lc 24, 50-51 ).

Sau khi sống lại, Chúa Giêsu phục sinh đã hiện ra với các môn đệ nhiều lần, Ngài ở với các ông bốn mươi ngày bốn mươi đêm để củng cố đức tin của các ông và minh chứng rằng Ngài đã sống lại thật. Sứ vụ dưới đất, Thiên Chúa Cha trao cho Ngài, Chúa Giêsu đã hoàn tất một cách anh hùng.Kế hoạch cứu rỗi nhân loại đã được Chúa Giêsu thực hiện theo ý Chúa Cha cách hoàn hảo.

Hôm nay, Ngài được siêu thăng về trời giữa tư thế Ngài đang chúc lành cho các môn đệ, cho thế giới và cho trái đất. Sứ mạng của nhân loại, của Giáo Hội là phải làm chứng cho Chúa Giêsu phục sinh. Trách nhiệm và bổn phận của Giáo Hội còn rất nặng nề bởi vì mới có một phần tám nhân loại biết Chúa. Do đó, việc Chúa thăng thiên nghĩa là được siêu tôn trong tư thế Ngài đang chúc lành cho thế giới, cho mọi người là một hồng ân cao quí tuyệt vời bởi vì như lời thiên thần nói :” Hỡi người Galilêa, tại sao cứ đứng nhìn trời ? " , nhân loại còn quá nhiều việc phải làm ở dưới đất.

Biết bao người chưa được nghe lời của Chúa, chưa nhận biết Chúa ! Biết bao nhiêu người còn đang đợi được lắng nghe lời của Chúa, được nghe rao giảng Tin Mừng. Nhân loại phải nhiệt tình bảo vệ môi trường, xây dựng vũ trụ, làm đẹp trái đất. Việc sống nhân ái, sống tình thương hiệp nhất đòi hỏi chúng ta không được mải mê nhìn trời, chúng ta không được khoanh tay ngó nhìn để mặc kệ ai muốn làm gì thì làm. Nhân loại, con người phải tích cực, quảng đại, chia sẻ và nhiệt tình xây dựng văn minh tình thương chờ ngày Chúa trở lại.

Chúng ta đầu đội trời, chân đạp đất, xây dựng nước đời nhưng lòng phải hướng về trời, hướng lên cao để xin ơn từ trên cao đổ xuống bởi vì xây dựng thế giới mà không biết hướng về trời, không biết cầu khẩn ơn trên, thì sẽ không tìm được giải đáp tối ưu cho công việc.

Cần có ơn trên, cần có sức mạnh của Chúa Thánh Thần, nhân loại, con người chúng ta mới tránh được những ung nhọt đang xói mòn nhân loại, đang làm tan rữa con người như tệ nạn ma túy, sì ke, HIV, cờ bạc, trai gái, rượu chè sau sưa, tứ đổ tường vv…Con người dễ bám chặt vào những ảo ảnh chóng qua của thế gian. Con người đang sống trong một thế giới văn minh tột bậc với internet tốc độ siêu cao, với muôn cám dỗ làm lung lạc đức tin con người.

Chúa về trời với Thiên Chúa Cha trong tư thế đang chúc lành để nói rằng :” Ngài luôn chúc lành, luôn đổ muôn vàn hồng ân xuống cho nhân loại “. Quê hương của chúng ta không phải ở đời này nhưng là ở trên cao, nơi vĩnh hằng ( Pl 3, 20) Thế giới chúng ta đang sống là nơi tạm bợ, mọi sự đều sẽ qua đi, ngay cả mạng sống con người.

Lễ Thăng Thiên là một trong những lễ quan trọng của năm phụng vụ. Do đó, Giáo Hội mừng lễ này cách đặc biệt. Vâng, cách đây 2016 năm, Chúa Giêsu đã về với Chúa Cha và trao cho các môn đệ, trao cho Giáo Hội sứ mạng loan truyền Tin Mừng cho toàn thế giới.

Chúa Giêsu đã phán :” Các con là muối ướp cho mọi người, nếu muối nhạt, thì chẳng còn cách gì làm cho nó mặn lại được; nó trở thành vô dụng, chỉ còn nước ném ra ngoài cho người ta chà đạp lên nó.Các con là ánh sáng cho toàn thế giới, là một thành phố xây trên ngọn đồi nên không thể giấu được… Cũng thế, ánh sáng chúng con phải sáng lên trước mặt thiên hạ để họ nhìn xem những việc thiện các con làm mà ngợi khen Cha các con ở trên trời
( Mt 5, 13-16 ).

Lạy Chúa Giêsu, Chúa về trời nhưng đã hứa không để chúng con mồ côi…Xin sai Thánh Thần đến để Ngài đổi mới mặt địa cầu. Amen.


GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ :

1.Chúa về với Chúa Cha, Ngài có bỏ rơi con người không ?
2.Ai sẽ sai Thánh Thần đến thế gian ?
3.Lễ Thăng Thiên là một trong những lễ có quan trọng của năm phụng vụ không ?
4.Sứ mạng của Giáo Hội là gì ?
 
Làm chứng cho Chúa thế nào cho hiệu quả
Lm. Đan Vinh
08:56 06/05/2016
HIỆP SỐNG TIN MỪNG CHÚA NHẬT 7 PHỤC SINH

LỄ CHÚA THĂNG THIÊN C

Cv 1,1-11 ; Ep 1,17-23 ; Lc 24,46-53

Làm Chứng Cho Chúa Thế Nào Cho Hiệu Quả

I. HỌC LỜI CHÚA

1.TIN MỪNG: Lc 24,46-53

(46) Khi ấy Đức Giêsu hiện ra với các môn đệ và bảo: “Có lời Kinh thánh chép rằng: Đấng Kitô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại. (47) Và phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giêrusalem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội. (48) Chính anh em là chứng nhân của những điều này”. (49) Và đây, chính Thầy sẽ gửi cho anh em điều Cha Thầy đã hứa. Còn anh em, hãy ở lại trong thành, cho đến khi nhận được quyền năng từ trời cao ban xuống. (50) Sau đó, Người dẫn các ông tới gần Bêtania, rồi giơ tay chúc lành cho các ông. (51) Và đang khi chúc lành, thì Người rời khỏi các ông và được rước lên trời. (52) Bấy giờ các ông bái lạy Người, rồi trở lại Giêrusalem, lòng đầy hoan hỷ, (53) và hằng ở trong Đền thờ mà chúc tụng Thiên Chúa.

2. Ý CHÍNH:

Tin mừng hôm nay thuật lại việc Đức Giêsu sau khi phục sinh đã hiện ra với các môn đệ vào chiều ngày Thứ Nhất trong tuần, nhằm mục đích dạy các ông hiểu Người trải qua cuộc tử nạn và phục sinh đúng như lời Thánh kinh, và các ông có bổn phận làm chứng về những điều mắt thấy tai nghe ấy. Người cũng hứa sẽ ban Thánh Thần đến giúp đỡ các ông. Sau đó, Đức Giêsu lên trời đang khi giơ tay chúc phúc cho các ông gần làng Bêtania. Rồi các ôing trở về Giêrusalem cầu nguyện đón nhận ơn Thánh Thần.

3. CHÚ THÍCH:

- C 46-48: + Khi ấy Đức Giêsu hiện ra với các môn đệ: Về con số môn đệ được chứng kiến việc Chúa Giêsu lên trời thì Tin mừng Luca không nêu rõ, đang khi Tin mừng Mátthêu và Máccô nói là 11 ông (x Mt 28,16; Mc 16,15). Về nơi Chúa lên trời thì các tác giả không thống nhất: Luca cho biết ở gần làng Bêtania (x Lc 24,50), Mátthêu xác định là xứ Galilê, tại quả núi đã được Người chỉ định trước (x. Mt 28,16). Sách Công vụ thì cho biết Đức Giêsu lên trời tại núi Ôliu gần thành Giêrusalem (x Cv 1,12) + Phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giêrusalem: Luca luốn nhấn mạnh về tầm quan trọng của Giêrusalem. + Chính anh em là chứng nhân của những điều này: Các Tông đồ được sai đi nói cho mọi người biết về Đức Giêsu, dựa theo những điều mắt thấy tai nghe tay sờ, sau khi Người đã từ cõi chết sống lại (x. Ga 21,24; Cv 3,15).

- C 49-50: + Chính Thầy sẽ gửi cho anh em điều Cha Thầy đã hứa: Đức Giêsu tiên báo điều Chúa Cha đã hứa là gửi Chúa Thánh Thần đến với các Tông đồ sau khi Người bỏ thế gian mà về cùng Chúa Cha (x Cv 1,8). + Cho đến khi nhận được quyền năng từ trời cao ban xuống: Quyền năng này chính là sức mạnh của Thánh Thần. Trong Tân ước, Chúa Thánh Thần và quyền năng luôn gắn liền với nhau. Chẳng hạn trong biến cố truyền tin, sứ thần đã nói với Trinh nữ Maria: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên Bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên Bà” (Lc 1,35). Sau khi chiến thắng Xatan cám dỗ, Đức Giêsu đã trở về Galilê trong quyền năng Thánh Thần để bắt đầu sứ vụ (x. Lc 4,14-19). Giờ đây, Đức Giêsu lại sắp trao cho các Tông đồ quyền năng Thánh Thần sau cuộc Tử Nạn và Phục Sinh của Người. Từ đây, các Tông đồ đã cố gắng chu toàn sứ vụ làm chứng về mầu nhiệm Chúa Giêsu đã chết và sống lại (x. Cv 4,33). Các ông không dùng sức riêng làm các phép lạ, nhưng nhờ quyền năng Thiên Chúa và nhờ Danh Đức Giêsu Kitô (x Cv 3,16; 4,7-10). + Người dẫn các ông tới gần Bêtania: Với tư cách là Vua Mêsia, Đức Giêsu đã khải hoàn tiến vào thành Giêrusalem, bắt đầu từ làng Bêtania (x. Lc 19,28-29). Giờ đây với tư cách là Đấng Phục Sinh chiến thắng tử thần, Đức Giêsu cũng khải hòan về trời từ làng Bêtania này (x. Lc 24,50). + Rồi giơ tay chúc lành cho các ông: Thời Cựu ước, các Tổ phụ dân Ít-ra-en thường chúc lành cho con cháu trước khi chết như: I-xa-ác chúc lành cho Gia-cóp (x. St 27,23-29) ; Gia-cóp chúc phúc cho 12 con trai (x. St 49,28) ; Môsê chúc phúc cho con cái Ít-ra-en (x. Đnl 33,1). Ở đây, trước khi về trời, Chúa Giêsu cũng chúc lành cho các Tông đồ. Ngày nay, vào cuối Thánh lễ, linh mục chủ tế cũng chúc lành cho các tín hữu trước khi giải tán họ.

- C 51-52: Người rời khỏi các ông và được rước lên trời: Qua sự kiện lên trời ở đây, tác giả Tin mừng Luca muốn cho thấy hai mầu nhiệm Phục Sinh và Thăng Thiên luôn gắn bó mật thiết với nhau. Trong sách Công vụ (1,6-11), tác giả Luca coi việc Thăng Thiên như kết thúc các lần Chúa hiện ra với các môn đệ, khởi đầu sứ vụ làm chứng cho Người tại Giêrusalem cho đến tận cùng thế giới (x. Cv 1,8).

4. CÂU HỎI:

1) Chúa Giêsu đã lên trời ở nơi nào? Bao nhiêu môn đệ đã được chứng kiến Người lên trời ? 2) Theo Tin mừng Luca: Giêrusalem có vai trò gì trong công cuộc cứu độ của Đức Giêsu ? 3) Các Tông đồ phải làm gì để thi hành sứ vụ làm chứng nhân cho Đức Giêsu ? 4) Đức Giêsu hứa ban quyền năng từ trên cao xuống trên các Tông đồ. Vậy các ông đã nhận được quyền năng ấy khi nào ? 5) Tin mừng Luca cho thấy hai mầu nhiệm Phục Sinh và Thăng Thiên có liên quan với nhau ra sao?

II. SỐNG LỜI CHÚA

1.LỜI CHÚA: “Chính anh em là chứng nhân của những điều này” (Lc 24,47-48).

2.CÂU CHUYỆN:

1) SỨ MỆNH HOÀN TẤT TÁC PHẨM CỦA THẦY:

GIACOMO PUCCINI, một nhạc sư sáng tác người Ý, đã để lại cho đời một số những tác phẩm ca nhạc kịch (opera) rất nổi tiếng. Năm 1922, khi được 64 tuổi, nhạc sư Puccini bị bệnh ung thư ác tính. Mặc dù bị cơn bệnh hành hạ đau đớn, nhưng ông vẫn quyết tâm hoàn tất vở ca kịch TURANDOT mà bây giờ nhiều người đánh giá là vở ca kịch hay nhất của ông. Ông đã làm việc ngày đêm không nghỉ. Nhiều người khuyên ông hãy nghỉ ngơi vì chắc ông sẽ khó lòng hoàn tất được vở ca kịch này. Khi cơn bệnh trở nên trầm trọng, Puccini đã viết cho các học trò của ông như sau :”Nếu thầy phải ra đi không kịp hoàn tất được vở ca kịch Turandot, thầy muốn các trò tiếp tục công việc để hoàn thành tác phẩm ấy cho thầy”.

Năm 1924, Puccini được đưa sang một bệnh viện tại nước Bỉ để chịu giải phẫu và hai ngày sau thì qua đời. Sau khi ông mất, các học trò của ông đã qui tụ lại, phân công mỗi người một phần tùy theo tài năng để hoàn tất vở ca kịch TURANDOT của thầy, và sau nhiều ngày vất vả, họ đã hoàn tất được vở ca kịch nổi tiếng này.

Năm 1926, vở ca kịch TURANDOT lần đầu tiên được trình diễn tại nhà hát kịch ở Milan. Vở ca kịch đã được nhạc trưởng là môn sinh rất được Puccini ưa thích điều khiển. Khi dàn hòa tấu trình diễn tới khúc nhạc mà Puccini đã sáng tác dang dở, những giọt nước mắt đã rơi xuống trên khuôn mặt của người điều khiển. Ông đã ngưng dàn nhạc lại, buông cây đũa điều khiển xuống, quay ra phía khán giả nói lớn: ”Nhạc sư đã viết đến đây, rồi ông qua đời”. Cả nhà hát im lặng một hồi lâu không một tiếng động! Sau đó, nhạc trưởng cầm cây đũa, quay ra khán giả, mỉm cười qua những giọt lệ và nói lớn: ”Nhưng các môn sinh của ông đã tiếp tục hoàn tất tác phẩm này”. Khi vở ca kịch kết thúc, cả nhà hát bùng lên những tràng pháo tay như sấm nổ vang trời. Mắt mọi người đều rơi lệ và từ đó về sau không ai có thể quên được giây phút đáng nhớ ấy (viết theo Sống Lời Chúa giữa dòng đời, tr 190).

Rao giảng Tin mừng là sứ vụ Đức Giêsu đã trăn trối lại cho các môn đệ Người, cho Giáo Hội nói chung và cho mỗi tín hữu chúng ta nói riêng. Trước khi lìa xa môn đệ về trời, Chúa Giêsu đã để lại chúc thư cho Hội Thánh qua các Tông đồ như sau: ”Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây Thầy sẽ ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,19-20).

2) LÀM CHỨNG CHO CHÚA BẰNG LỜI NÓI:

Cách đây ít lâu, tờ “Lơ Figarô” (Le Figaro) đã có đăng một bài báo phỏng vấn Tổng thống Nga Putin, nội dung thuật lại việc ông Putin đã tuyên xưng đức tin để làm chứng cho Chúa như sau: Phóng viên hỏi ông Putin về chuyến đi Giêrusalem của ông mới đây, nhiều người đã thấy ông đến cầu nguyện tại mồ Đức Giêsu và trên tay có cầm cây thánh giá. Vậy ông có cảm thấy mâu thuẫn giữa việc trước đây từng là cựu sĩ quan của tình báo KGB với việc ngày nay lại bày tỏ đức tin vào Chúa Giêsu hay không?” Tổng thống Putin đã trả lời như sau: “Cuộc sống được tạo nên bằng những điều mâu thuẫn. Chỉ khi nào chết thì người ta mới hết mâu thuẫn... Mẹ tôi là một phụ nữ theo đạo. Mẹ tôi đã bí mật làm lễ rửa tội cho tôi tại nhà thờ. Vậy tại sao các ông lại ngạc nhiên khi thấy tôi cầm cây thánh giá mà cầu nguyện tại ngôi mộ của Chúa Giêsu? Tôi tự hào là một tín hữu Kitô... Niềm tin của tôi đã cho tôi thêm tinh thần và bình an trong tâm hồn”.

3) CHỨNG NHÂN BÁC ÁI : PHƯƠNG THẾ TRUYỀN GIÁO HIỆU QUẢ HÔM NAY.

Một tân tòng gặp một anh bạn vô tín. Người vô tín này đã hỏi thăm về việc theo đạo của anh như sau:

- Nghe nói anh mới theo đạo Công Giáo phải không ?

- Vâng, đúng hơn là tôi mới theo làm môn đệ Chúa Giêsu.

- Thế thì chắc anh đã phải biết rõ về ông ta. Vậy hãy cho tôi biết ông Giêsu sinh ra ở đâu?

- Tôi đã học rồi, nhưng rất tiếc bây giờ tôi lại quên mất.

- Thế ông Giêsu sống ở trần gian bao nhiêu năm ?

- Tôi không nhớ rõ lắm.

- Vậy anh có biết ông ta đã giảng bao nhiêu bài, làm bao nhiêu phép lạ, có bao nhiêu tác phẩm đã viết về ông ta ?...Nói chung, sự nghiệp của ông ta như thế nào ?

- Tôi cũng không rõ lắm.

- Như vậy là anh đã biết quá ít về ông Giêsu. Vậy tại sao anh lại theo đạo của ông ta ?

- Anh đã nói đúng. Tôi rất xấu hổ vì mới chỉ biết qúa ít về Đức Giêsu. Thế nhưng, điều mà tôi biết rất rõ là như thế này : ba năm trước, tôi là một tên nghiện rượu, sáng say chiều xỉn, nợ nần chồng chất. Gia đình lâm vào tình trạng bất hạnh. Vợ con đều buồn giận và không muốn nhìn mặt tôi. Tôi chán nản tuyệt vọng, thậm chí muốn đâm đầu vào xe lửa để chết quách đi cho xong. Nhưng một hôm tôi đã gặp được Đức Giêsu qua một người bạn Công Giáo. Anh này đã đưa tôi đến gặp một vị linh mục và tôi được vị linh mục khuyên chừa bỏ thói hư, được giới thiệu công ăn việc làm và được ghi tên theo học giáo lý Công Giáo. Sau một năm tôi đã trả hết được nợ nần, đã chừa bỏ được tật say sỉn, gia đình tôi đã tìm lại được hạnh phúc. Mỗi chiều vợ con tôi đều vui vẻ chào đón tôi về nhà sau giờ tan sở. Sở dĩ tôi được hạnh phúc như ngày nay, tất cả đều bắt nguồn từ niềm tin vào Đức Giêsu. Và đó là tất cả những gì tôi biết rõ về Người !!!

3.THẢO LUẬN: 1) Con người ngày nay thích nghe các chứng nhân hơn các bậc thầy dạy, thích nhìn thấy những gương sáng hơn nghe lời giảng suông, như Ba-banh (Babin) đã nói: “Người ta chỉ có thể tin vào Đức Giêsu, khi họ tin vào tình yêu của những kẻ đi loan báo Người”. Bạn có đồng ý với các nhận định nói trên hay không ? Tại sao ? 2) Trong quá khứ, bạn đã làm được việc nào tâm đắc nhất để làm chứng cho Chúa ? Bạn quyết tâm sẽ làm chứng cho Chúa như thế nào trước mặt bạn bè, đồng nghiệp hay người xa lạ trong những ngày sắp tới ?

4.SUY NIỆM:

1) Cần xác tín về quê trời đời sau: Trước cuộc tử nạn, Đức Giêsu dã khích lệ các môn đệ như sau: ”Lòng anh em đừng xao xuyến. Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy. Trong nhà Cha của Thầy có nhiều chỗ ở; nếu không, Thầy đã nói với anh em rồi. Vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em. Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy sẽ trở lại, và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó”(Ga 14,1-3). Thánh Phaolô cũng khẳng định: ”Quê hương chúng ta ở trên trời, và chúng ta nóng lòng mong đợi Đức Giêsu Kitô từ trời đến cứu chúng ta” (Pl 3,20).

Trong thực tế, chúng ta phải thừa nhận như thánh Phaolô: “Có nhiều người sống thù nghịch với thập giá Ðức Kitô. Chung cuộc đời họ là hư vong, chúa tể của họ là cái bụng, và họ đặt vinh danh của họ trong những điều ô nhục; Họ chỉ ưa chuộng những cái trên cõi đời này” (Pl 3,17). Có nhiều tín hữu đã quá bám víu vào các thực tại trần gian là những cái nay còn mai mất, như: tiền tài, sắc đẹp, danh vọng, chức quyền… Thánh Phaolô khuyên các tín hữu Philipphê, cũng là khuyên mỗi người chúng ta hôm nay: Phần chúng ta, chúng ta có quê hương thật ở trên trời, nơi đó chúng ta sẽ gặp đấng cứu chuộc là Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” (Pl. 3,17-20)

2) Điều kiện để được lên trời là phải sống đức Tin bằng đức Cậy và đức Mến:

Để được vào Nước Trời do Đức Giêsu thiết lập, các tín hữu phải tin Thiên Chúa và tin vào Đấng Thiên Chúa sai đến là Giêsu Kitô. Tin bằng lời tuyên xưng đức tin mà thôi chưa đủ, nhưng còn phải thể hiện đức tin bằng hành động, là vâng phục thánh ý Thiên Chúa như Chúa Giêsu đã dạy: ”Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: “Lạy Chúa ! Lạy Chúa !” là được vào Nước Trời cả đâu ! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy, là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi” (Mt 7,21-23). Cụ thể muốn vào Nước Trời phải tuyên xưng đức tin bằng đức Cậy là sự chuyên cần cầu nguyện và thực thi đức Mến là quan tâm chia sẻ và khiêm nhường phục vụ Chúa dang hiện thân nơi tha nhân, đặc biệt phục vụ những người nghèo hèn bệnh tật và đau khổ...

3) Về sứ vụ loan báo Tin Mừng và làm chứng cho Chúa Giêsu hôm nay? :

- Đức giáo hòang Phaolô VI đã nói: ”Mỗi ngưởi giáo dân, tự bản chất, là một chứng nhân”. Bởi vì khi lãnh nhận phép rửa tội và thêm sức, chúng ta đã được Đức Giêsu trao cho sứ vụ làm chứng cho Người. Ngày nay tuy chúng ta không xem thấy, không được gặp gỡ tiếp xúc trực tiếp với Chúa Giêsu như các Tông đồ hay như dân Do thái khi xưa, nhưng chúng ta nhờ đức tin, vẫn có thể suy niệm và thực hành Lời Chúa và nhận được ơn Thánh Thần để nên con người mới giống như Đức Giêsu. Cách thức làm chứng tốt nhất là bằng lối sống quên mình vị tha bác ái noi theo gương mẫu và lời dạy của Đức Giêsu với sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần.

- Cụ thể đòi người tín hữu phải làm cho tình yêu thương, sự khiêm nhường phục vụ của Chúa thấm nhập vào môi trường gia đình và xã hội. Một kitô-hữu đích thực không thể làm ngơ, hoặc khoanh tay trước những vấn đề bức súc của xã hội như: sự bất công, nghèo đói, thất nghiệp, luân lý suy đồi, các tệ nạn tham ô, trộm cướp, mãi dâm, ma túy, dịch bệnh, ô nhiễm môi trường v.v... Lối sống đạo của các tín hữu hôm nay không phải chỉ dừng lại ở việc đọc kinh đi lễ để được lên thiên đàng, và mặc kệ nỗi đau của tha nhân bên cạnh. Giáo Hội kêu gọi mỗi tín hữu phải ý thức sứ vụ loan báo Tin Mừng bằng lời rao giảng kèm theo lối sống chứng nhân bác ái, tích cực góp phần xây dựng môi trường ngày một Xanh Sạch Đẹp, không còn cảnh bất công bóc lột và góp phần bài trừ các tệ nạn xã hội…

4) Phải truyền giáo thế nào để giúp anh em lương dân nhận biết tin yêu Chúa?:

Nên nhớ rằng: Việc giúp một người lương từ bỏ đạo mình đang theo để gia nhập vào đạo Công Giáo không dễ thực hiện chút nào. Nó đòi các tín hữu chúng ta phải áp dụng các phương pháp tích cực phù hợp như sau:

a) Cần tránh những lối hành đạo chỉ mang tính đạo đức bề ngoài: như thi đua xây dựng nhà thờ mình cho to, tổ chức những lễ hội mang tính phô trương hoành tráng … Nhưng cần chú trọng xây dựng một lối sống đạo dựa trên việc học sống Lời Chúa, thực thi bác ái cụ thể …

b) Cần tránh lối hành xử coi thường người lương, vì dễ gây bất mãn khi họ có dịp tiếp xúc với ban hành giáo hay các mục tử chăn thuê vụ luật và thiếu lòng thương xót như Mục Tử Giêsu.

c) Cần năng cầu nguyện cho việc truyền giáo như Đưc Giêsu dạy: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít. Anh em hãy xin Chủ ruộng sai thêm thợ gặt đến”. Việc truyền giáo là công việc vượt quá tầm sức tự nhiên của loài người chúng ta nên cần được Thánh Thần trợ giúp, như Chúa Giêsu đã nói: “Vì không có Thầy anh em chẳng làm gì được” (Ga 15,5), hoặc như lời sứ thần Gáprien nói với Đức Maria: “Vì không có gì mà Chúa không làm được” (Lc 1,37), và lời của thánh Phaolô: “Tôi trồng, Apôlô tưới, nhưng Chúa mới làm cho cây mọc lên” (1 Cr 3,6).

d) Việc truyền giáo phải cụ thể: Cần quan tâm cầu nguyện và ưu tiên tiếp xúc với người lương là thân nhân của mình như cha mẹ, chồng vợ, anh chị em ruột thịt, bạn bè cùng cơ quan… để xin Chúa ban ơn giúp họ sớm nhận biết tin yêu Chúa... Hãy trao tặng các sách báo Công Giáo để họ có dịp tìm hiểu về đạo như các sách giáo lý Công Giáo, sách giải đáp thắc mắc về đức tin, sách truyện Kinh thánh Cựu Tân Ước, truyện các thánh…

e) Vai trò của Chúa Thánh Thần: Thời Hội Thánh Sơ Khai, nhờ lời giảng của Chúa Giêsu về Nước Trời, lời rao giảng của các Tông đồ về mầu nhiệm Tử Nạn và Phục Sinh của Chúa Giêsu với ơn soi dẫn của Thánh Thần, mà nhiều người lương đã nhận biết tội lỗi để ăn năn sám hối và tin vào Chúa Giêsu và nhận được tái sinh trong phép rửa tội và thêm sức.

f) Cần phải có cú “hích” cụ thể: Các việc tốt nói trên mới chỉ là tạo điều kiện giúp người lương hiểu biết và có thiện cảm với đạo. Họ cần phải có một “cú hích” để quyết tâm vượt qua mọi khó khăn rào cản do thành kiến quá khứ, do gia đình hay người thân cấm cản. Cũng nhờ có tình yêu của người Công Giáo mà một bạn trai hay gái ngoại đạo sẽ quyết tâm vượt qua các rào cản tâm lý tinh thần nói trên. Nhờ tham dự khóa giáo lý dự tòng, giáo lý hôn phối, mà người lương tập sống thành thói quen đạo đức và đức tin dựa trên thực hành Lời Chúa sẽ ngày một thêm vững chắc hơn.

g) Vai trò của các phép lạ: Ngày nay anh em lương dân cũng rất cần những “cú hích” là các phép lạ do lòng Chúa Thương Xót ban cho, các phép lạ qua lời bầu cử của Đức Mẹ Lavang, Đức Mẹ Tàpao, thánh cả Giuse, thánh Vinh Sơn, thánh Antôn hay cha Trương bửu Diệp… Nhờ đó họ sẽ dễ dàng đạt tới đức tin hơn.

h) Để thực hành, các tín hữu chúng ta hãy mời các người lương quen biết cùng đi nghe giảng các dịp lễ lớn trong đạo, cùng tham dự các buổi hành hương đến các linh địa để khấn nguyện, cùng tham gia các công tác thăm viếng bác ái như chia sẻ cơm áo cho người nghèo vùng sâu vùng xa, các trại khuyết tật, trại mồ côi, trại dưỡng lão… nhờ đó họ sẽ dễ dàng đón nhận đức tin hơn.

5. NGUYỆN CẦU

- LẠY CHÚA GIÊSU. Tuy là Con Thiên Chúa, nhưng vì yêu thương nhân lọai mà Chúa đã vâng lời Chúa Cha, từ trời xuống thế làm người. Chúa đã tình nguyện mang thân phận một người phàm. Chúa đã nên giống như chúng con mọi đàng ngoại trừ không phạm tội. Chúa đã biểu lộ một tình yêu tột đỉnh khi sẵn sàng chấp nhận mọi nỗi đau khổ và cả cái chết trên cây thập giá, để đền tội thay cho chúng con và sống lại để phục hồi sự sống cho chúng con.

- LẠY CHÚA. Hôm nay mừng ngày Chúa về trời. Xin cho chúng con nhớ rằng: “Quê hương chúng con ở trên trời, nơi đó chúng con sẽ gặp Đấng Cứu Chuộc” là Chúa. Xin giúp chúng con chu toàn bổn phận làm con yêu của Chúa Cha và làm anh chị em của mọi người. Xin cho chúng con tích cực góp phần xây dựng xã hội chúng con đang sống ngày một tươi đẹp hạnh phúc hơn, công bằng nhân ái hơn. Xin cho chúng con ý thức rằng: tuy sống giữa thế gian nhưng chúng con không thuộc về trần gian. Xin đừng để chúng con quá quyến luyến những của cải vật chất đời này nay còn mai mất, nhưng luôn biết phó thác cậy trông, và quảng đại chia sẻ cơm áo cho những người nghèo, an ủi giúp đỡ những người đau khổ ... để sau này chúng con được về quê trời vui hưởng hạnh phúc mãi mãi bên Chúa.

X) HIỆP CÙNG MẸ MARIA - Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.

LM ĐAN VINH - HHTM
 
Úng thùy
Lm Vũđình Tường
16:23 06/05/2016
Khô hạn và úng thuỷ là tình trạng xảy ra cho cây cối ngoài thiên nhiên. Mưa nhiều thì ngập nước, mưa ít, nắng dài hạn khô cằn. Lí do gây nên bởi thay đổi bất thường của tiết trời. Không phải chỉ có cây cối ngoài thiên nhiên bị ảnh hưởng mà ngay cả cây trồng quanh nhà hay trong các chậu kiểng cũng khó tránh khỏi tình trạng úng thủy và khô hạn. Kì Giáng Sinh vừa qua tôi được tặng một cây bonsai tuyệt đẹp. Vì phải đi xa tôi nhờ người thân chăm sóc cho vài tuần và dặn kĩ chỉ tưới một lần trong tuần. Bởi tính cẩn thận lại thêm bệnh lãng trí đang phát hiện. Anh nhà tưới rồi quên, vài hôm sau lại tưới nữa. Chị nhà sợ cây khô nên cũng âm thầm tưới cho cây. Vài tuần sau cây bắt đầu héo lá, vàng úa, rơi rụng. Khi tôi về thì cây đã bị thối rễ từ tận gốc và không còn cách nào cứu vãn được nữa, nó chết từ trong chết ra.

Vũ trụ chúng ta đang sống dư sức cung cấp nước trong lành và thực phẩm nuôi nhân loại với điều kiện con người biết chia sẻ cho nhau. Thực tế rất khác, hầu như đâu cũng có tình trạng nhu cầu cần thiết cho sự sống nằm trong tay thiểu số. Nhóm này lạm dụng khả năng trời ban cấu kết, kéo phe, lập đảng tìm mọi cách thu vét cho bản thân. Chúng còn lạm quyền làm luật bảo vệ của riêng và bắt đại đa số phải thật vất vả mới có miếng ăn. Hố ngăn cách giầu nghèo càng ngày càng cách biệt không phải do thiên nhiên gây nên mà do lòng tham, tính ích kỉ của thiểu số. Một khi từ chối tình yêu Đức Kitô rao giảng họ cũng từ chối luôn công bằng, bác ái và lòng yêu mến đồng loại. Từ chối tình yêu Đức Kitô là từ chối tình người. Họ tìm mọi cách để tăng của cải vật chất và thêm quyền lực mà không nhận ra họ đang chết đuối trong của cải và quyền lực. Họ như những cây đang úng thủy, mầm chết bắt đầu từ nội tâm, trong tim. Vật chất và quyền lực giúp họ danh tiếng, được phục vụ nhưng luôn lo lắng sợ mất những gì đang có. Cuộc sống thiếu bình an vì kẻ khác đang muốn tranh ghế họ đang ngồi.

Ai cũng cần vật chất nuôi cơ thể, đồng thời cần của nuôi tâm hồn. Vật chất nuôi cơ thể nhưng không nuôi được tâm hồn vì thế thiếu thương người là thiếu sự sống thật; sự sống thật quan trọng hơn sự sống tạm bở đời này. Ai cũng biết tiền mang lại sự sống nhưng nhiều người quên tiền cũng mang lại sự chết. Người ta tự tin là mình có thể làm ra tiền nên cũng có khả năng giữ tiền. Thực tế cho thấy rất nhiều người chết vì tiền. Có của nên phải canh của, canh của giống như người ta canh đập nước, mưa gió thất thường không biết lúc nào đập bị bể và khi bể đập thì mất sạch.

Kitô hữu khôn ngoan hơn bởi ngoài vật chất của cải họ còn tìm kiếm một sức mạnh khác, sức mạnh này không bị ảnh hưởng bởi vật chất vì nó không lệ thuộc vào vật chất. Đó là sức mạnh tâm linh đến từ trời cao. Ơn Chúa ban bình an tâm hồn, khiến con tim thanh thản, tâm thần thoải mái. Chìm đắm trong ơn Chúa không bao giờ bị chết ngọp trái lại còn được hướng về trời cao vì ơn Chúa ban chính là tình yêu Chúa và tình yêu Chúa là nguồn sống và nguồn sống Chúa ban là nguồn sống vĩnh cửu. Yêu Chúa là yêu cuộc sống tạm bợ và sự sống trường sinh; yêu vật chất, của cải là yêu sự sống tạm bợ và chói bỏ sự sống trường sinh.

Lm Vũđình Tường
TiengChuong.org
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Phanxicô và Donald Trump
Vũ Văn An
01:25 06/05/2016
Đầu năm nay, ký giả Tim Stanley đã đặt câu hỏi: người Công Giáo có đầu óc nghĩ gì về ứng cử viên tổng thống Donald Trump? Yêu ông ta? Ghét ông ta? Cười ông ta? Bất kể trả lời ra sao, “ông ta vẫn dẫn đầu bằng cả một dặm vùng quê”.

Tim Stanley nhắc tới một người Công Giáo, tên Pat Buchanan, cũng thuộc Đảng Công Hòa, từng là cố vấn cao cấp của ba tổng thống Nixon, Ford và Reagan, và cũng vận động để được Đảng Cộng Hòa cử ra tranh chức tổng thống Hoa kỳ các năm 1992, 1996 và 2000. Donald Trump được nhiều người so sánh với Buchanan, người vốn được mô tả là cực hữu và được lòng dân, và có cương lĩnh tranh cử rất giống với Trump: chống di dân, phê phán mậu dịch tự do và hoài nghi sự can thiệp của ngoại quốc. Cả hai đều ca ngợi chủ nghĩa kinh doanh duy quốc gia của truyền thống Hoa Kỳ, không muốn chính phủ can dự vào việc tư ngoại trừ để bảo vệ kỹ nghệ và nâng cao viễn tượng của người dân bé nhỏ. Buchanan hoan nghinh tư cách ứng cử của Trump và Trump vốn ca ngợi Buchanan. Cả hai đều phò sự sống và chống kiểm soát súng ống.

Nhưng Buchanan chỉ đại biểu cho cánh hữu của chính trị Công Giáo Hoa Kỳ, trong khi đa số người Công Giáo Hoa Kỳ hiện thời theo khuynh hướng tự do cấp tiến, coi Đức Phanxicô là quán quân của tiến bộ. Buchanan, ngược lại, chỉ trích thần học của Đức Phanxicô. Trump thì chỉ trích chủ trương kinh tế của ngài.

Về di dân, Donald Trump cho rằng “lời lẽ” của Đức Phanxicô “rất đẹp đẽ và tôi trọng kính Đức Giáo Hoàng” nhưng người Hoa Kỳ không thể đài thọ việc lấy thêm người. Còn về việc thay đổi khí hâu, Trump kết luận: “Khí hậu thay đổi và bạn có giông bão, gió mưa, và những ngày đẹp trời. Nhưng tôi không tin chúng ta nên gây nguy hại cho các công ty tại xứ sở ta được”. Kinh doanh phải trước nhất.

Cũng như với Buchanan, chắc chắn người Công Giáo Hoa Kỳ không bỏ phiếu cho Trump. Đây cũng là kết luận của CatholicVote, một tổ chức chuyên hướng dẫn lá phiếu của người Công Giáo Hoa Kỳ. Trong bài “Not. Trump.”, ngày 27 tháng Giêng, tổ chức này cho hay: chúng tôi “không thể đứng bên lề được nữa rồi”, buộc phải chia sẻ một số phê phán đối với cuộc đua, ít nhất đối với một ứng cử viên đặc thù. Và họ đặt câu hỏi: “Người Công Giáo có nên ủng hộ Donald Trump không?” Câu trả lời là: Không!

Ký giả John L. Allen Jr., ngày 17 tháng Hai, 2016 thì cho rằng cả người Công Giáo Hoa Kỳ tả hữu đều không ủng hộ Donald Trump. Phía hữu nghi ngờ chủ trương “pro-choice” (ủng hộ phá thai) trước đây của Trump (một quảng cáo trên truyền hình South Carolina năm 1999 cho thấy Trump tuyên bố ông “rất phò phá thai”). Phía tả dĩ nhiên không thích chính sách di dân của Trump.

Ngày 7 tháng Ba, 2016, Robert P. George và George Weigel, cùng bốn mươi nhà trí thức hàng đầu của Hoa Kỳ, ra hẳn một lời kêu gọi “các đồng đạo Công Giáo của chúng tôi và mọi người nam nữ có thiện chí” cho hay: “Donald Trump hiển nhiên không xứng đáng là tổng thống của Hiệp Chúng Quốc. Chiến dịch tranh cử của ông ta đã kéo nền chính trị của ta xuống hàng tầm thường mới. Các lời kêu gọi kỳ thị chủng tộc và sắc tộc đầy thiên kiến của ông ta đang xúc phạm tới nhậy cảm Công Giáo chân chính. Ông ta hứa sẽ ra lệnh cho nhân viên quân sự Hoa Kỳ tra tấn những người tình nghi là khủng bố và sát hại các gia đình của người khủng bố, những hành động bị Giáo Hội kết án và các chính sách đem nhục nhã lại cho đất nước chúng ta. Và không có bất cứ điều gì trong chiến dịch tranh cử của ông ta hay các thành tích cũ của ông ta cho ta cơ sở để tin rằng ông ta thực sự chia sẻ các cam kết của ta đối với quyền sống, quyền tự do tôn giáo và các quyền lương tâm, tái xây dựng nền văn hóa hôn nhân, hay tính phụ đới và nguyên tắc cai trị có giới hạn”.

Mị dân, đần độn, một tên hề

Các nhà trí thức trên không ngại gọi Trump là người mị dân, tầm thường, đần độn, ngu ngốc đến phát khiếp. “Thành tích của ông Trump và chiến dịch tranh cử của ông ta không cho ta hứa hẹn cao cả nào; chúng chỉ hứa sẽ làm cho nền chính trị và văn hóa của chúng ta xuống cấp thấp hơn mà thôi”.

Ấy thế, nhưng Trump tiếp tục thắng hết kỳ bỏ phiếu “đầu tiên” (primary) này đến kỳ bỏ phiếu “đầu tiên” khác. Khiến Terry Mattingly, ngày 9 tháng Ba, thuật lại câu hỏi có người đã nêu lên ở truyền thông: phải chăng Donald Trump đang đánh bại Đức Giáo Hoàng và thắng phiếu của người Công Giáo Cộng Hòa?

Theo Mattingly, trước kỳ bỏ phiếu “đầu tiên” ở Michigan, cuộc thăm dò của Fox News cho thấy Trump là ứng viên được lòng các cử tri Công Giáo. Và nhiều tít lớn của báo chí viết nguyên văn: “Cử tri Công Giáo chọn Trump thay vì Đức Giáo Hoàng Phanxicô” dù Đức Phanxicô nói rõ: chủ trương di dân của Trump “không phù hợp với Kitô Giáo”.

Tuy nhiên, theo Mattingly, nếu đúng như thế, thì đây chỉ là những người Công Giáo theo danh nghĩa hay thống thuộc chứ không hẳn Công Giáo theo nghĩa đầy đủ của cả ba chữ B: belief (tin), behaviour (tác phong) và belonging (thống thuộc).

Gây kinh hoàng

Dù sao, sự thắng thế liên tục của Trump khiến tờ The Guardian phải chạy hàng tít “Tổng Thống Trump làm cho các nhà lãnh đạo thế giới tràn ngập lo sợ: từ vui nhộn tới kinh hoàng thực sự”. Họ gọi ông ta là: nguy hiểm, điên rồ, vô lý, gây lo sợ, kinh hoàng, vô trách nhiệm, một tên hề, một tai họa.

Kinh hoàng nói đây chính là kinh hoàng nguyên tử: ông ta vốn coi thoả hiệp hạch nhân với Iran gần đây là một sai lầm. Vô lý là ông ta đe sẽ tăng thuế quan đánh trên hàng hóa Trung Quốc lên tới 45%. Vô trách nhiệm vì “ông ta sẽ thực hiện một đóng góp quan trọng cho các tình cảm phản Hoa Kỳ ở khắp nơi trên thế giới”. Và ai cũng biết, chỉ có Nga mới ủng hộ Trump mà thôi.

Dù thế mặc lòng, Trump vẫn tiếp tục thắng. Sau khi Trump trở thành ứng viên “độc diễn” của Đảng Cộng Hòa, tờ The Guardian đành có lời bình luận “Ác mộng Trump của Hoa Kỳ đã tới”: con người nhục mạ đàn bà, khuyến khích bạo lực, cấm người Hồi Giáo vào Hoa Kỳ, mới đây được Ku Klux Klan ủng hộ, một tên tay mơ chính trị rất có thể trở thành tổng thống Hoa Kỳ!

Viễn ảnh trên gây “kinh hoàng” cả cho dư luận Úc Châu. Nick Pearson của Nine News đặt phụ đề cho bài báo của ông như sau: “Tôi đang chứng kiến một đảng chính trị 160 tuổi phạm tôi tự sát”. Đó là lời phát biểu của Henry Olsen, một tư tưởng gia nổi tiếng của Đảng Cộng Hòa, lúc chứng kiến cuộc thắng vẻ vang của Trump tại tiểu bang Indiana.

Tự sát, vì nhiều đảng viên Cộng Hòa đe dọa sẽ bỏ phiếu cho Hilary Clinton vào tháng 11 này. Người ta coi Trump đang kéo đảng của ông tới chỗ thua đậm. Clinton không bỏ lỡ cơ hội, vội cho đăng tải một cuốn video tường thuật các lời bác bỏ Trump của các đảng viên Cộng Hòa nổi danh.

Thống Đốc Cộng Hòa Charlie Baker của Massachusetts đã tuyên bố sẽ không bỏ phiếu cho Trump. Cựu Thống Đốc New Jersey Christine Todd Whitman tuyên bố bà sẽ ủng hộ Clinton thay vì Trump. Trong khi ấy, nhiều đảng viên Cộng Hòa cho hay họ sẽ ở nhà, không đi bỏ phiếu lần này, hay bỏ phiếu trắng.

Thời khắc Phanxicô đã điểm

Như trên đã nói: Đức Phanxicô coi Trump không phải là Kitô hữu dù ông thuộc giáo phái Trưởng Lão. Ngài cực lực phản đối chính sách “xây tường” của ông, cho rằng xây tường không bao giờ thành công cả. Ngược lại, Trump cho rằng Đức Phanxicô không hề có ý niệm gì về vấn đề biên giới và chính sách kinh tế của ngài không phù hợp với đất nước ông. Ai cũng coi hai nhân vật này đi theo hai đường hướng trái ngược nhau.

Nhưng hiện tượng Trump, theo Charles Camosy, giáo sư đạo đức thần học và xã hội tại Đại Học Fordham, có khía cạnh tích cực của nó qua bài: “Chiến thắng của Trump có nghĩa thời khắc Phanxicô đã điểm” đăng trên tờ Crux ngày 4 tháng này.

Camosy nhận định rằng mùa bầu cử 2016 tại Hoa Kỳ cho thấy cả hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ đều đang mất dần sức lôi cuốn và uy tín chính trị và đều đang trên đường tự hủy, chứ không riêng gì Cộng Hòa. Đã đành Trump đang làm ta rã hàng ngũ lãnh đạo Đảng Cộng Hòa, làm cho Đảng này hiểu ra rằng đảng của họ đang rách bươm ở ngay những đường nối. Nhưng Đảng Dân Chủ cũng không hơn gì, vì tuy họ có viễn ảnh kiếm được nhiều phiếu từ các đảng viên Cộng Hòa bất mãn, nhưng với việc ứng viên Bernie Sanders đòi mang tranh chấp vào đại hội Đảng, đủ thấy đảng của ông ta cũng đến những hồi cuối của nó.

Nói tóm lại, mùa bầu cử này đang “gia tốc diễn trình tan rã của các phạm trù và giả thiết chính trị lỗi thời. Hàng triệu người đang sục sạo đi tìm một cách thế hoàn toàn khác để suy tưởng về chính trị”. Câu hỏi hiện nay là cuộc tập hợp chính trị mới này có hình dáng ra sao.

Camosy cho rằng việc này tùy thuộc ở lớp người ông gọi là “thiên niên kỷ” (millennials), lớp người sẽ gây tác động lớn bằng cách từ khước nhận mình là Dân Chủ hay Cộng Hòa. Và đối với lớp người này, Đức Phanxicô đến đúng lúc.

Trước hết, người Công Giáo Hoa Kỳ biết rõ: thần học luân lý và học thuyết xã hội Công Giáo không thích hợp chút nào đối với phương thức nhị phân cấp tiến/bảo thủ trong cuộc chiến văn hóa. Và, lần đầu tiên trong lịch sử, nền văn hóa chính trị của Hoa Kỳ đã mở rộng cửa để những người như Đức Phanxicô nói tới một giải pháp chân chính để thay thế.

Đây là một con người phản văn hóa đương thịnh đầy khiêm tốn, tự gọi mình trước hết là một người tội lỗi. Đây là một người tiếp nhận và sống thực nền đạo đức “hồng đậm [magenta]” (không đỏ không xanh dương), một nền đạo đức vừa bắt nguồn sâu xa từ các truyền thống và nguyên tắc xưa, vừa linh lợi khôn khéo đủ để đáp ứng các vấn đề độc đáo của thời ta.

Điều tuyệt diệu là Đức Phanxicô được giới trẻ yêu kính. Ta hãy lưu ý tới một vài điểm sau đây:

a. Giống những người thiên niên kỷ, Đức Phanxicô hết sức quan tâm tới môi trường và việc thay đổi khí hậu.
b. Giống những người thiên niên kỷ, Đức Phanxicô chống phá thai.
c. Giống những người thiên niên kỷ, Đức Phanxicô đặt việc chào đón các di dân và người tị nạn lên trên an ninh biên giới và chủ nghĩa duy quốc gia.
d. Giống những người thiên niên kỷ, Đức Phanxicô tin vào việc sống thực các giá trị của mình khi cố gắng thay đổi sự việc, không chỉ cậy nhờ các định chế lớn lao, xa xôi và chậm chạp của chính phủ để thực hiện việc mình làm.
e. Giống những người thiên niên kỷ, Đức Phanxixcô quan tâm tới tỷ lệ thất nghiệp cao nơi giới trẻ.

Quan trọng nhất có lẽ là việc Đức Phanxicô nhấn mạnh tới nền văn hóa gặp gỡ chân chính, một nền văn hóa khá lôi cuốn những người thiên niên kỷ, vì họ vừa từ khước việc phán đoán người ta dựa vào những phạm trù có thể bác bỏ được, vừa thấy mình càng ngày càng bị tách biệt khỏi các mối liên hệ chân chính.

Đức Phanxicô không chỉ lôi cuốn giới trẻ. Cuộc tông du Hoa Kỳ của ngài đã sản sinh nhiều thiện chí to lớn trong mọi phạm vi dân số, chính trị và thần học. Có lẽ ngài là khuôn mặt công cộng duy nhất vừa có những chủ trương mạnh mẽ trong các vấn đề gây tranh cãi nhiều nhất thời ta vừa thực sự chiếm được lòng yêu mến của người trẻ lẫn người già, người giầu lẫn người nghèo, người bảo thủ lẫn người cấp tiến, đàn ông lẫn đàn bà, người phàm lẫn người tu.

Điều cũng có lẽ nữa là viễn kiến phản văn hóa đương thịnh của Đức Phanxicô đã có đủ thời gian để thẩm thấu vào ý thức công Hoa Kỳ trước chu kỳ bầu cử đầy tính phá hoại nhất trong 60 năm nay của nước này. Với Đức Phanxicô, người ta có được một phương thức thay thế chân chính, một phương thức có tỷ lệ ủng hộ cao hơn của Trump tới 35%.

Mong sao nhận định của Camosy thành sự thực. Chỉ có điều sự thực này buộc ta phải chấp nhận Hilary Clinton, người nổi tiếng ủng hộ phá thai, làm tổng thống Hoa Kỳ.
 
Âu Châu vinh danh ĐGH Phanxicô với giải thưởng quốc tế Karlpreis Aachen 2016
Lm Phạm Văn Tuấn
13:51 06/05/2016
Âu Châu vinh danh ĐGH Phanxicô với giải thưởng quốc tế Karlpreis Aachen 2016

Vatican - Đúng vào trưa thứ sáu hôm nay, 06.5.2016 lúc 12g tại Tòa Thánh Vatican ở Điện Tông Tòa Sala Regia đã có nghi lễ trao trao giải thưởng Karlpreis rất long trọng cho ĐGH Phanxicô để tỏ lòng ngưỡng mộ và chứng nhận những gì ĐGH đang thực hiện xây dựng Hòa Bình và Hiệp Nhất Âu Châu, nhất là trong hoàn cảnh khủng hoảng tỵ nạn trầm trọng chưa từng có tại lục địa này.

Để nhìn thấy tầm quan trọng của ngày lễ trao giải cho năm 2016 đã có 11 vị nhận giải trước đây tham dự và các nhân vật quan trọng trong khối Liên Minh Âu Châu như chủ tịch Quốc hội Âu Châu ông Martin Schulz, chủ tịch Ủy Ban điều hợp khối Liên Minh Âu Châu ông Jean-Claude Juncker, chủ tịch Hội đồng Âu Châu ông Donald Tusk, nữ tổng thống Litauen Dalia Grybauskaite, thủ tướng Ý Matteo Renzi và nữ thủ tướng Đức Angela Merkel. Tất nhiên không thiếu được một phái đoàn đông đảo từ thành phố Aachen là nơi thường tổ chức trao giải thưởng do thị trưởng Aachen, ông Marcel Philipp dẫn đầu. Điện Tông Tòa Sala Regia chứa khoảng 450 người khách quan trọng, trong đó có Vua Tây Ban Nha Philippe VI. Buổi lễ được phụ họa thêm về phần âm nhạc do ca đoàn của nhà thờ chính tòa Aachen.

Giải thưởng Karlpreis Aachen đã được trao lần đầu tiên cho một vị Giáo Hoàng vào năm 2004 là ĐGH Gioan Phaolô II, ĐGH Phanxicô là Giáo hoàng thứ hai được vinh danh và là người đầu tiên đến từ Argentina.

Giải thưởng Karlpreis Aachen được đặt tên từ vị Đại đế Karl (742 - 814) là nơi ông sinh ra vào năm 742 và cũng là đế đô của Vương Quốc Karl lúc bấy giờ và hiện tại là thành phố Aachen của Ðức. Tên Ðức của ông là Karl der Große (tiếng latinh: Carolus Magnus, tiếng anh và Pháp: Charlemagne), bởi thế triều đại của ông và người kế vị được gọi là Karolinger. Ông được coi là nhà tư tưởng đầu tiên nghĩ ra một Âu Châu thống nhất. Từ đó trong vương quốc của mình và trong nhiều phần đất được mở rộng thêm ở phía Tây của Âu Châu, Đại đế Karl đưa vào một hệ thống luật pháp chung và sử dụng một loại tiền duy nhất.

Sau khi kết thúc Đệ nhị Thế Chiến nước Đức đã phải bắt đầu nhọc nhằn xây dựng lại quê hương trong hoang tàn đổ nát và nghèo đói, song song việc này họ còn tìm ra những biểu tượng tinh thần nhằm mục đích liên kết hoà bình và sự hiệp nhất của Âu Châu, điển hình với giải thưởng quốc tế Karlpreis Aachen được thành lập vào năm 1949. Họ chọn danh xưng này vì Đại đế Karl đã được gọi là người cha của lục địa Âu Châu. Từ đó Giải thưởng Karlpreis Aachen đã trở nên quan trọng của nước Đức và thế giới.

Giải thưởng Karlpreis Aachen thường được trao tặng vào dịp lễ mừng Chúa Giêsu Lên Trời (lễ nghỉ của toàn nước Đức) và ở tại thành phố Aachen, năm nay lễ nghi diễn ra trễ hơn một ngày và không phải ở Aachen nhưng tại Tòa Thánh Vatican.

Trưa nay, sau phần phát biểu của thị trưởng Aachen Marcel Philipp thì ông Philipp và ông Jürgen Linden, chủ tịch giải thưởng quốc tế Karlpreis tiến đến ĐGH Phanxicô trao Giải thưởng gồm một huy chương và một giấy chứng nhận.

Lý do trao giải thưởng được Ủy Ban Karlpreis Aachen cho biết ĐGH Phanxicô đã đưa ra một sứ điệp hy vọng và can đảm khi phát biểu tại Quốc hội Âu Châu tại Strasbourg ngày 25.11.2014 và tiếng nói của ngài đã trở thành một tiếng nói của lương tâm thời đại, nhất là trong bối cảnh khủng hoảng tỵ nạn đến từ các nước Hồi Giáo làm cho Âu Châu giao động và có thể rối loạn.

Bởi thế hôm nay tại Vatican nhiều nhà chính trị đánh giá buổi lễ trao giải thưởng Karlpreis tại Vatican là "Strasbourg phiên bản 2". Năm 2014 Ngài đã nhắc nhở "giờ đã điểm" để cùng nhau xây dựng Âu Châu mới, mà không chỉ nhắm vào vấn đề "kinh tế", nhưng cần chú trọng về "sự thiêng liêng của con người", một Âu Châu đang tăng trưởng và cần có lòng thương xót. Hôm nay ngài lại nhắc đến Âu Châu cần đi trên cùng một con đường, cần tìm ra giữa các giá trị tôn giáo và chính sách thực dụng.

Âu Châu vinh danh ĐGH Phanxicô với giải thưởng quốc tế Karlpreis Aachen vì những dấn thân bất vụ lợi của mình "cho hòa bình, sự cảm thông và lòng thương xót."

Chủ tịch Ủy ban Âu Châu Jean-Claude Juncker đã cảm ơn ĐGH Phanxicô vì những lời nói của ngài đã trở thành lời nhắn nhủ vào lương tâm Âu Châu. ĐGH liên tục đặt vào trong tâm trí của mọi người về các giá trị ban đầu của Âu Châu.

Chủ tịch Quốc hội Âu Châu Martin Schulz ca ngợi ĐGH Phanxicô là một trong những người truyền tải những giá trị quan trọng của nhân loại: "Hòa bình, đoàn kết và tôn trọng lẫn nhau". Âu Châu đang trải qua thời kỳ hỗn loạn, thậm chí có thể đứng trước một thử nghiệm rạn nứt. Vì thế đây là thời điểm để chiến đấu cho Âu Châu. "Đức Giáo Hoàng Phanxicô cho chúng ta niềm hy vọng rằng điều này có thể đạt được", ông Schulz nói trong bài diễn văn. Các tình nguyện viên giúp người tỵ nạn cho thấy một Âu Châu có khuôn mặt tốt, khuôn mặt đầy tình người của Âu Châu.

Chủ tịch Hội đồng Âu Châu Donald Tusk đã vinh danh Đức Giáo Hoàng cho tầm nhìn mới của ngài về Giáo Hội. "Một Giáo Hội - để nói nó với lời nói của ĐGH - như một bệnh viện dã chiến chứ không phải là một trạm thu thuế," ông Tusk nói.

"Có gì đang xảy ra với bạn vậy, hỡi Âu Châu đầy tình người?" ĐGH Phanxicô đặt câu hỏi và lại đặt thêm nhiều câu hỏi cho Âu Châu trong buổi lễ: "Âu Châu có còn là người bạn bảo vệ nhân quyền, dân chủ và tự do không?" "Có gì đang xảy ra với bạn vậy, hỡi Âu Châu, quê hương của các nhà thơ, triết gia, nghệ sĩ, nhạc sĩ, nhà văn?" "Có gì đang xảy ra với bạn vậy, hỡi Âu Châu, người mẹ của các dân tộc và các quốc gia, người mẹ của những người đàn ông tuyệt vời và những người phụ nữ luôn bảo vệ phẩm giá của anh chị em và cho đến cả việc hy sinh chính mạng sống của mình?"

ĐGH Phanxicô kêu gọi EU hãy nhớ đến những người cha sáng lập của nó và lý tưởng của họ. "Những người này đã táo bạo để mơ ước không chỉ đưa ra các ý tưởng của Âu Châu, nhưng còn dám dấn thân thay đổi triệt để các mô hình chỉ sinh ra bạo lực và tàn phá," Đức Giáo Hoàng nói trong buổi lễ.

"Các kế hoạch của những người sáng lập, những sứ giả của hòa bình và tiên tri về tương lai, không phải là lỗi thời: Ngày nay, hơn bao giờ hết hãy khuyến khích, xây dựng những cây cầu và phá đổ những bức tường", ĐGH Phanxicô nói tiếp.

ĐGH kêu gọi các nước Âu Châu hãy trở về một sự liên đới với nhau và không trốn tránh trong cuộc khủng hoảng người tị nạn, nhất là trong trong một thế giới tan vỡ và tổn thương này, thì cần thiết để trở về "một sự đoàn kết của hành động" như nó đã được thể hiện sau Chiến tranh Thế giới thứ hai. Bầu khí mới và mong muốn cháy bỏng để xây dựng sự hiệp nhất dường như luôn bị dập tắt.

Cuối cùng ĐGH Phanxicô bộc lộ giấc mơ của ngài về một "chủ nghĩa nhân văn mới của Âu Châu". "Tôi mơ về một Âu Châu, trong đó người dân di cư không có tội phạm, nhưng đúng hơn là một lời mời cho sự dấn thân lớn hơn với phẩm giá của con người toàn diện," Đức Giáo Hoàng kết thúc bài diễn văn với tâm tình thiết tha này.

Lm. Paul Phạm Văn Tuấn
 
Kitô hữu không gây tê nỗi đau của mình nhưng sống nỗi đau ấy trong hy vọng
Đặng Tự Do
18:03 06/05/2016
Trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Sáu mùng 6 tháng Năm tại nhà nguyện Santa Marta, Đức Thánh Cha nhận xét rằng Kitô hữu không gây tê nỗi đau của mình, không tìm cách làm mất đi cảm giác đau đớn nhưng sống nỗi đau ấy trong hy vọng rằng Thiên Chúa sẽ cho chúng ta một niềm vui không ai có thể cướp đi được.

Niềm vui và nỗi đau của một người phụ nữ sinh con

Lấy ý từ bài đọc trong ngày, trong đó Chúa Giêsu cảnh báo các môn đệ về một nỗi buồn đang ập đến, nhưng Chúa nói rằng nỗi buồn ấy sẽ được biến đổi sau này thành một tiếng reo vui, Đức Thánh Cha Phanxicô trình bày những suy tư về cách các Kitô hữu nên luôn luôn duy trì niềm vui và hy vọng của họ, ngay cả ở giữa những khổ đau. Ngài đã nêu ví dụ về người phụ nữ đang sinh con. Đức Thánh Cha nói: “Bà đau đớn khi thời khắc sinh em bé đến, nhưng bà quên đi những đau khổ.” Bà mang niềm hy vọng trong suốt thời kỳ đau đớn và sau đó bà vui mừng.

“Đây là tác động mà niềm vui và hy vọng có thể cùng nhau mang đến trong cuộc sống của chúng ta khi chúng ta đang đối mặt với đau khổ, khi chúng ta có vấn đề, khi chúng ta đang phải lao đao. Đó không phải là gây mê. Đau khổ là đau khổ nhưng nếu chúng ta sống với niềm vui và hy vọng, đau khổ sẽ mở ra cho anh chị em niềm vui của con người mới. Hình ảnh này của Chúa sẽ mang đến cho chúng ta niềm hy vọng lớn lao giữa những khó khăn của cuọc đời: khó khăn thường là khủng khiếp đến độ những khó khăn kinh hoàng ấy có thể làm cho chúng ta nghi ngờ đức tin của mình ... Nhưng với niềm vui và hy vọng chúng ta tiến về phía trước bởi vì sau cơn bão này, một con người mới được nảy sinh, như trong trường hợp người phụ nữ sinh con. Và Chúa Giêsu nói với chúng ta đó là một niềm vui lâu dài và niềm hy vọng này sẽ không lụi tàn”

Niềm vui và hy vọng, không chỉ đơn giản là hạnh phúc hay lạc quan

Đức Thánh Cha giải thích rằng niềm vui và hy vọng của người Kitô hữu luôn gắn liền với nhau và chúng không thể bị lẫn lộn với thứ hạnh phúc đơn giản hay thái độ lạc quan.

“Một niềm vui mà không có hy vọng chỉ là một sự thích thú hay một cảm giác hạnh phúc tạm thời. Hy vọng mà không có niềm vui không phải là hy vọng, và nó không thể vượt xa hơn một thái độ lạc quan lành mạnh. Niềm vui và hy vọng luôn sánh bước bên nhau và cả hai đều tạo ra một sự bùng nổ mà trong Phụng Vụ Giáo Hội gần như reo lên – xin cho tôi nói từ này không chút xấu hổ: “Hãy mừng vui lên vì Giáo Hội của anh chị em! Mừng vui lên không màu mè hình thức! Bởi vì khi đó là một niềm vui mạnh mẽ, thì nó không cần hình thức bên ngoài, chỉ đơn giản là niềm vui.”

Đức Thánh Cha Phanxicô đã giải thích niềm vui và hy vọng phụ thuộc vào nhau như thế nào để phát triển; và các Kitô hữu được mời gọi để mở lòng ra ra đối với người khác với hai nhân đức này.

“Niềm vui củng cố hy vọng, và hy vọng nở hoa giữa niềm vui. Và chúng ta tiến về phía trước như thế. Nhưng cả hai nhân đức Kitô này, cùng với thái độ trong đó Giáo Hội muốn thấy nơi hai nhân đức ấy, chỉ cho chúng ta con đường mở lòng mình ra đối với tha nhân. Người vui mừng không đóng kín trong chính mình: hy vọng làm cho anh chị em mở lòng mình ra, nó giống như một mỏ neo trên bờ thiên đàng kéo chúng ta lên và ra ngoài. Mở ra khỏi chính mình, với niềm vui và hy vọng.”

Một niềm vui lâu dài

Đức Giáo Hoàng cũng lưu ý rằng niềm vui của con người có thể bị lấy đi bất cứ lúc nào trong khi Chúa Giêsu ban cho chúng ta một niềm vui lâu dài mà không ai có thể cướp đi khỏi chúng ta. Nó vẫn còn “thậm chí ngay cả trong khoảnh khắc đen tối nhất của chúng ta” giống như khi các tông đồ được trấn an bởi các thiên thần sau khi Chúa Giêsu lên trời đã trở về “tràn đầy niềm vui.” Đức Thánh Cha nói rằng các tông đồ có niềm vui “nhận biết rằng nhân loại được lên trời lần đầu tiên”, niềm hy vọng của sự sống và được hội ngộ với Chúa chúng ta. Điều này, ngài kết luận, đã trở thành “một niềm vui tràn ngập trong toàn thể Giáo Hội.”
 
Bài giảng của Đức Hồng Y Parolin cho Hội nghị về Tự do Tôn giáo
Thanh Quảng sdb
19:41 06/05/2016
Bài Giảng của Đức Hồng Y Parolin cho Hội nghị về Tự do Tôn giáo
Thanh Quảng sdb

Đức Hồng Y Parolin
Đài Vatican thứ Năm 5/5/2016 đã phát tán bài giảng của Đức Hồng Y Pietro Parolin, Tổng trưởng Ngoại giao của Tòa thánh tại hội nghị về tự do tôn giáo, nhân quyền, và toàn cầu hóa đang được diễn ra tại Palazzo Madama. Đức Hồng Y nói đối thoại đại kết và liên tôn không phải là một sự xa xỉ viển vông mà là điều mà thế giới càng ngày càng bị thương tổn của chúng ta cần đến, nếu không chúng ta sẽ mãi luẩn quẩn trong vòng bạo lực và khổ đau.

Đức Hồng Y Parolin kêu gọi các nhà lãnh đạo tôn giáo hãy cùng các guồng máy chính phủ hoạt động như những khí cụ mang lại sự bình an cho quốc dân bằng cách kết hợp qua những trao đổi đối thoại hòa bình, cho những công tác phục vụ được tốt đẹp hơn. Ngài yêu cầu các đại biểu hãy làm mọi thứ có thể để hòa giải giữa các phe phái, không chỉ để giải quyết xung đột, mà còn thay thế các giải pháp quân sự. Ngài nói hòa bình sẽ được đảm bảo thông qua việc công nhận các quyền cơ bản của con người.

Đức Hồng Y cho hay đây là biên giới mới của các cuộc đối thoại đại kết và liên tôn, mà tôn giáo có thể ngồi lại với nhau để phát triển quá trình hòa bình, tránh gây nên những thảm cảnh đau khổ, oán giận và hận thù, cũng như nghèo đói và mọi hình thức khác của bất công.

Đức Hồng Y cũng nói về những bước tiến quan trọng của vai trò của Giáo Hội Công Giáo với công tác bảo vệ tự do tôn giáo. Ngài nói điều này không chỉ được đề cập đến trong “Thông điệp về quyền tự do của Tôn giáo "libertas Ecclesiae", một sự tự do cho Giáo Hội để bảo vệ cho các tín hữu và tất cả những nhóm tín đồ của các tôn giáo nhỏ và sắc tộc, những người đang bị tang thương đau khổ.

Đức Hồng Y Parolin cho rằng "với tinh thần tôn giáo và qua thời gian" tổ chức này đã mang lại nhiều hoa trái", tuy nhiên Ngài cũng nhấn mạnh rằng "trên thực tế những luồng ý thức hệ trần tục luôn muốn loại bỏ tôn giáo ra khỏi mọi hoạt động công cộng". Sự khác biệt mà Giáo Hội đề xuất, một mặt là "giúp người giáo dân trưởng thành hầu cộng tác với nhau và với mọi người một cách trưởng thành tôn trọng phẩm giá chống lại mọi hình thức bạo lực phản lại nhân phẩm con người". Ngài bày tỏ nỗi thất vọng khi nhìn vào những con số ngày càng gia tăng của việc chém giết các Kitô hữu và thái độ vô cảm của con người xã hội ngày nay.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Đức Cha Micae Hoàng Đức Oanh thăm Cộng đoàn Thánh Vinh Sơn Liêm
Trần Văn Minh
06:54 06/05/2016
Melbourne, Thánh lễ chiều Thứ Năm đầu tháng 5/5/2016. Cộng đoàn Công Giáo Việt Nam Thánh Vinh Sơn Liêm đã vui mừng được đón Đức Cha Micae Hoàng Đức Oanh, nguyên Giám mục Giáo phận Kontum đến thăm và dâng lễ cùng cộng đoàn.

Mời xem hình

Trước khi dâng lễ, Linh mục Giuse Trần Ngọc Tân quản nhiệm cộng đoàn đã vui mừng giới thiệu đến cộng đoàn, vì mặc dù Đức Cha Hoàng Đức Oanh không có chương trình ghé thăm Melbourne, nhưng vì lòng mến cộng đoàn, Đức Cha đã đến với cộng đoàn chúng ta, và Ngài sẽ dâng lễ cùng cộng đoàn và sẽ giảng trong giờ chầu Lòng Chúa Thương Xót chiều Thứ Sáu đầu tháng.

Ngỏ lời cùng cộng đoàn, Đức Cha Hoàng Đức Oanh đã nói cùng cộng đoàn là: chúng ta phải cảm tạ Chúa, vì những hạnh phúc mà Thiên Chúa đang ban cho chúng ta được hưởng. Phân tích rộng hơn trong bài giảng, Đức Cha đã nói tới Bí Tích Thánh Thể đã là nguồn hạnh phúc đời đời. Đức Chúa Giêsu đã lập ra và để lại cho nhân loại. Bí Tích Thánh Thể là trung gian giữa Chúa Cha và anh em. Bí Tích Thánh Thể và việc truyền giáo phải liên thông với nhau để loan báo tin mừng. Và khi chúng ta gắn bó với Chúa, thì chúng ta cũng phải gắn bó với anh em.

Sau Thánh lễ, Linh mục quản nhiệm đã đặt Mình Thánh Chúa trong mặt nhật để cộng đoàn và Hội Mân Côi có giờ lần chuỗi Mân Côi và Chầu Thánh Thể trước ảnh Đức Mẹ và Thánh Thể Chúa Giê Su.

Qua ngày Thứ Sáu, Đức Cha sẽ dự giờ Chầu Lòng Chúa Thương Xót, và dâng lễ Thứ Sáu đầu tháng kính Thánh Tâm Chúa Giê Su, cùng cộng đoàn, và Đức Cha Hoàng Đức Oanh thuyết giảng về Lòng Chúa Thương Xót. Đặc biệt Đoàn Liên Minh Thánh Tâm và Ngành Nữ Tông Đồ mừng bổn mạng bốn toán. Chia sẻ lời Chúa Đức Cha đã nói Giáo Hội luôn chúc bình an của Chúa đến với mọi người, ngay từ đầu lễ và cho đến kết lễ lời chúc bình an luôn được gửi đến mọi tín hữu.

Trong dịp đầu tháng Hoa kính Đức Mẹ. Đức Cha đã cùng cộng đoàn dâng hoa lên ngai tòa Đức Mẹ, những bông hoa tươi thắm được cả cộng đoàn kính dâng lên trước tòa, trong khi Đoàn Thánh Tâm Ca đã hát vang bài ca của tháng hoa.

Sau lời cám ơn của ông Mai Thanh Hải, đoàn trưởng Đoàn Liên Minh Thánh Tâm. Đức Cha đã có mấy lời thật chân tình nhắn nhủ đến mọi người hiện diện và vui vẻ chụp hình lưu niệm với đoàn, với các toán và cá nhân. Mặc dù tuổi lớn, lại di chuyển từ nơi này qua nơi khác liên tục trong mấy ngày qua, nhưng Đức Cha đã không tỏ sự mệt nhọc và luôn có nụ cười hiền từ bên đoàn chiên xa xứ thật gần gũi với mọi người. Mọi người đều lưu luyến và chúc Đức Cha có những ngày lưu lại trên đất Úc niềm vui và an bình.
 
Phong trào Liên Đới Nghể Nghiệp giáo xứ Việt Nam Paris mừng sinh nhật thứ 15
Trần Văn Cảnh
09:33 06/05/2016
PHONG TRÀO LIÊN ĐỚI NGHỀ NGHIỆP GIÁO XỨ VIỆT NAM PARIS MỪNG SINH NHẬT THỨ 15 TRONG ĐẠI HỘI 01.05.2016

« Hân hoan chào mừng Liên Đới Nghề Nghiệp (LĐNN) đã 15 tuổi tròn (2000-2015). Tuổi 15 là tuổi đầy nhựa sống, tuổi đứng trước một tương lai tươi sáng, tuổi ấp ủ nhiều dự án, vừa hữu hiệu, vừa cụ thể và sát với Tin Mừng ». Đó là lời mở đầu trong « Lá thư Mục Vụ tháng 05 năm 2016 » của Đức Ông Giám Đốc Giáo Xứ và Tuyên Úy Phong Trào Liên Đới Nghề Nghiệp. Và đó cũng là lời mở đầu thánh lễ hôm nay, thánh lễ mừng 15 năm sinh nhật của Phong Trào Liên Đới Nghề Nghiệp mà Đức Ông chủ tế và đồng tế với cha Đinh Đồng Thượng Sách và bốn phó tế vĩnh viễn, là các thầy Phạm Bá Nha, Tạ Đình Chung, Nguyễn Sơn và Cao Trọng Nghĩa.

Lời chào mừng này đã được rõ nghĩa hơn qua bài chia sẻ Tin Mừng khi Đức Ông nói đến những nét chính yếu chung của « Linh Đạo Liên Đới Nghề Nghiệp ». Bất kể thuộc nhóm nào, Thân Hữu Taxi, Liên đới Chuyên Gia, Liên Đới Xây Dựng, Liên Đới Doanh Thương hay Liên Đới Dịch vụ, tất cả năm ngành đều cùng có một « Linh Đạo Liên Đới Nghề Nghiệp » chung :

Chung một nguồn gốc là Tình Yêu liên đới giữa Ba Ngôi Thiên Chúa « Thiên Chúa là tình yêu » (1Ga 4,8).

Chung một cảm nghiệm rằng « Chúa Giêsu đã liên đới với con người cách thực tế và chặt chẽ. Ngài liên đới với mọi nỗi yếu hèn của chúng ta, trừ sự tội, Ngài chịu mọi thử thách như chúng ta và còn hơn chúng ta..(Dt 4, 14-16).

Chung một cuộc sống liên đới với nhau như những thành phần trong nhiệm thể mà đầu là Chúa Giêsu và chi thể là mỗi người chúng ta (1Cr 12,12-14).

Chung một tình liên đới huynh dệ, không phân biệt nghề sống hay việc làm : Vì trong liên đới nghề nghiệp không có sự phân biệt. Người gieo giống, kẻ trồng cây, hay người vun bón… đều liên đới công việc với nhau (1Cr 3, 6).

Chung một mục tiêu ‘Bác Ái -Truyền Giáo’, theo như lời dạy của Chúa Giêsu : ‘Anh em phải sống làm sao để người ta nhìn thấy việc anh em làm mà nhận ra Cha anh em ở trên trời’ (Mt 5,16).

Chung cùng một cách hành xử, theo « Những nét to đậm về gương lao động của thánh cả Giuse » : âm thầm, làm việc, sáng tạo, tin vào Chúa, tin vào nhau, tình nghĩa, liên đới, gây tình bạn. Cởi mở trao đổi, học hỏi và trao truyền kinh nghiệm nghề nghệp, mở rộng giới tuyến. Cùng nhau thi công thực hiện những chương trình bác ái, văn hóa hay xã hội cụ thể. Cùng nhau làm chứng cho Tin Mừng trong đời sống thường ngày và trong môi trường lao động, tức là làm việc tông đồ trong công việc và môi trường sống hằng ngày của minh.

Lời chào mừng này đã diễn tả những tâm tư liên đới mà 5 Nhóm Liên Đới đã ấp ủ, qua lời nguyện giáo dân của họ :

Ngày 01.05.2000, hoa huệ chuông muguet năm cánh nở hoa giữa Cộng Đoàn Giáo Xứ, là năm Ngành Liên Đới Nghề Nghiệp. Ngày hội LĐNN 2016 năm nay, giữa Năm Thánh Lòng Chúa Thương Xót, thể hiện trọn vẹn ý nghĩa Tin Mừng. « Liên đới và Bác ái » là hai nét chân dung độc đáo của các môn đệ Đức Kitô. Chúng con nguyện xin Chúa Kitô, nhờ lời cầu bầu của Thánh cả Giuse là bổn mạng của Phong Trào LĐNN, ban cho hoa Liên Đới của Phong trào LĐNN tỏa thêm nhiều hương thơm hơn, hầu làm sáng danh Chúa hơn.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhắc nhở các tín hữu rằng sự liên đới cần phải được phát triển trong các sinh hoạt của cộng đoàn giáo xứ. Năm ngành LĐNN, được thành lập tại Giáo Xứ từ năm 2000, đã đóng góp xây dựng và phát triển tình liên đới trong giáo xứ giữa các chủ chăn và giáo dân, giữa các giáo dân với nhau và giữa các giáo dân với lương dân. Chúng con nguyện xin Chúa Kitô, nhờ lời cầu bầu của Đức Mẹ La Vang, ban thêm nhiều ơn lành cho các vị chủ chăn, các vị trách nhiệm điều hành các hội đoàn, và toàn thể giáo dân giáo xứ chúng con được biết yêu thương và liên đới với nhau hơn, hầu làm sáng danh Chúa hơn trong mọi môi trường, nhất là môi trường nghề nghiệp.

Xã hội Việt Nam ngày xưa của chúng con có tứ dân là : sĩ, nông, công, thương. Ngày nay trong Giáo xứ Paris có năm ngành liên đới nghề nghiệp, đều đã cùng nhau học hỏi và thực hành học thuyết xã hội của Hội Thánh. Nhưng ở quê nhà Việt Nam của chúng con, nhiều người lao động còn gặp những khó khăn, bóc lột, bất công, lầm than, cơ cực. Chúng con nguyện xin Chúa Kitô, nhờ lời cầu bầu của Thánh Giáo Hoàng Gioan-Phaolô, người khi sinh tiền đã ban nhiều thông điệp lao động, soi sáng cho các giới lãnh đạo của quê hương Việt Nam chúng con được biết thông hiểu hơn mà thương xót hơn người lao động, hầu cải tiến nhân quyền và điều kiện làm việc, để người lao động được làm việc trong những điều kiện công bình và tình người hơn.

Mỗi năm trong Giáo Xứ Việt Nam chúng con lại có thêm nhiều bạn trẻ đi vào làm việc trong các ngành nghề khác nhau. Họ cần được hướng dẫn và soi sáng thêm về tình liên đới, và về các kỹ thuật thực hiện nghề nghiệp. Chúng con nguyện xin Chúa Kitô, nhờ lời cầu bầu của Thánh Phêrô Quý, là thánh tử đạo thanh niên trẻ nhất Việt Nam, ban nhiều ơn lành cho các thành phần lao động trẻ này, để họ biết sốt sắng mà tự nguyện tham gia vào các sinh hoạt LĐNN và mục vụ khác của Giáo Xứ.

Thánh cả Giuse là gương sáng lao động về liên đới nghề nghiệp của một gia trưởng trong gia đình thánh gia. Chúng con nguyện xin Chúa Kitô, nhờ lời cầu bầu của các thánh tử đạo Việt Nam, ban nhiều ơn lành cho các thành phần nghề nghiệp và gia trưởng trong cộng đoàn giáo xứ, để họ biết tích cực phát triển tinh thần và linh đạo LĐNN hơn trong Năm Thánh Lòng Chúa Thương Xót 2016 này. Xin cho họ được biết noi gương Thánh Gia Nazareth mà gây hạnh phúc cho mình, cho gia đình mình và cho các đồng nghiệp lao động của mình ; và được biết dần dà nhận rõ ra rằng giá trị lao động phải được hiệp thông trong giá trị cứu chuộc.

Lời chào mừng cũng đã gợi ra một số kết quả mà Liên Ngành LĐNN và mỗi ngành trong năm ngành đã chung nhau thực hiện được trong 15 năm qua.

Từ ngày thành lập 01.05.2000, Phong Trào Liên Đới Nghề Nghiệp vẫn gồm 5 Ngành : Thân Hữu Taxi, Liên Đới Chuyên Gia, Liên Đới Xây Dựng, Liên Đới Doanh Thượng và Liên Đới Dịch Vụ. Nhưng sinh hoạt có dần dà phong phú hơn. Thành quả sinh hoạt của mỗi ngành trong 15 năm qua, 2000-2015, đã được phổ biến trên mạng http://giaoxuvnparis.com/. Sau đây, chỉ xin nêu ra vài kết quả Liên Ngành LĐNN.

Trong ba năm đầu, 2000-2003, sinh hoạt Liên Ngành mỗi năm gồm ba việc chính : 1- Tham dự thánh lễ mừng kính Thánh Quan Thầy Giuse Thợ, là gương mẫu các người lao động ; 2- Tham dự Đại Hội 01.05 hằng năm, để thẩm lượng những việc đã làm và đưa ra chương trình hành động cho năm tới ; 3- Học hỏi về một đề tài đức tin, đức cậy, đức mến, hay về một khía cạnh cụ thể nghề nghiệp của người lao động.

Từ năm 2003, thêm công việc thứ 4- Tổ chức « Tiệc Truyền Giáo », gây quĩ gửi về giúp Hội Đồng Giám Mục Việt Nam có thêm phương tiện làm việc Truyền Giáo.

Và từ năm 2012, thêm việc thứ 5- Tổ chức « Bữa Cơm Huynh Đệ » vào ngày đại hội, gây quĩ giùp tu bổ cơ sở giáo xứ. Cũng từ năm 2012 này, sinh hoạt Liên Đới Nghề Nghiệp đã đổi một chút, không dành riêng cho LĐNN, nhưng mở rộng ra như một sinh hoạt chung cho cả giáo xứ. Các anh em các ngành LĐNN vẫn lãnh trách nhiệm tổ chức, nhưng được sự tham gia tích cực của nhiều Hội Đoàn, ban nhóm khác, như Đạo Binh Đức Mẹ, Hội các Bà Mẹ Công Giáo, Cursillo, Ban Bữa Cơm Chúa Nhật, Ban Du Ca,… Mỗi lần đều có khoảng trên dưới 300 người tham dự.

Tổng cộng theo sổ sách ghi lại, Phong Trào Liên Đới Nghề Nghiệp đã góp vào Quỹ Truyền Giáo của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam 41.096,00 € và vào quỹ Cơ Sở Giáo Xứ 44 140,00 €. Tạ Ơn Hồng Ân Chúa. Và cám ơn sự tham dự và khuyến khích của mọi thành phần trong giáo xứ.

Ý thức Hồng Ân Chúa đã ban, các thành viên Phong Trào LĐNN càng thấy bổn phận phải, cùng với mọi thành phần trong giáo xứ, làm phát triển hồng ân đã lãnh nhận, để chuẩn bị sinh nhật thứ 70 của Giáo Xứ Việt Nam Paris vào năm tới, 1947-2017.

Paris, ngày 01 tháng 05 năm 2016

Trần Văn Cảnh
 
Giáo xứ Lam Điền, Tổng Giáo phận Hà Nội khai mạc tháng hoa
Giáo xứ Lam Điền
18:36 06/05/2016
Giáo xứ Lam Điền, Tổng Giáo phận Hà Nội khai mạc tháng hoa

Ngày mùng 01 tháng 5 năm 2016, ngày Quốc Tế Lao Động, ngày lễ thánh Giuse Thợ, ngày giáo xứ Lam Điền Chầu Thánh Thể thay mặt Giáo phận, cũng là ngày khai mạc tháng hoa.

Xem Hình

Mẹ Maria ơi ! Nay Tháng Hoa đã về rồi, bao tâm tư hân hoan chung lời hát khúc ca trìu mến. Vâng, hàng năm, cứ mỗi độ tháng Năm về, con cái Mẹ trong khắp giáo xứ lại vang lên lời ca thánh thót kèm theo vũ điệu dâng hoa, ngân nga lời kinh Kính Mừng, cất cao lời Kinh Cầu Mẹ, cung nghinh tượng ảnh Mẹ và sau cùng là Thánh lễ.

Với lòng con thảo mến Mẹ, sau giờ Chầu tạ ơn, Giáo xứ Lam Điền hân hoan khai mạc tháng hoa kính Đức Mẹ.

Khởi đầu là cuộc cung nghinh Đức Mẹ chung quanh làng và nhà thờ. Tiếp đến là vũ điệu vãn hoa với lời kinh tha thiết nguyện cầu: Mẹ Maria ơi, cộng đoàn giáo xứ chúng con cùng quay quần trước ngai Mẹ, mang theo tình mến đầy ắp con tim, chứa chan bao lời kinh ngọt ngào, thiết tha dâng về Mẹ.

Mẹ Maria ơi, chúng con muốn cả đời con là những cánh hoa mỗi ngày hái dâng lên Mẹ, những cánh hoa yêu mến trong đời, của tình yêu biết cho đi, của lòng thương xót và tha thứ, bác ái luôn rộng mở với mọi người, và những cánh hoa của trông cậy, phó thác. Mẹ ơi, xin Mẹ đồng hành với chúng con khi vui cũng như lúc buồn, ngày bình an cũng như khi gian khổ. Hạnh phúc có Mẹ trong đời, hạnh phúc có Mẹ kề bên, Mẹ là người đi đầu để chúng con tiếp bước, Mẹ là người đi trước để chúng con được lôi kéo dắt dùi, chúng con vững bước tiến về quê Trời vinh phúc.

Lạy Mẹ Maria, chúng con cũng xin dâng lên Mẹ Giáo Hội nhất là Giáo Hội Việt Nam, dâng lên Mẹ Giáo xứ, từng gia đình và mỗi người chúng con, qua Mẹ dâng lên Thiên Chúa. Xin Mẹ nâng đỡ phù trì để mọi người chúng con được sống trong bình an và hạnh phúc.

Trước tiền sảnh nhà thờ xứ Lam Điền, dưới chân Mẹ Maria, vũ điệu đoàn hoa đồng dâng gồm có đội hoa Thiếu Nhi Lam Điền, Hội hoa Mân Côi Lam Điền, Hội hoa Têrêsa Tân An, Hội hoa con cái Đức Mẹ Sầu Bi Ứng Hòa, Hội hoa Têrêsa Lương Xá, Hội hoa con cái Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa đã sốt sáng trang nghiêm đại diện cộng đoàn dâng lên Mẹ Maria những đóa hoa tươi thắm, những vũ điệu ân tình, với điệu hát ngân nga, giúp cộng đoàn cùng dâng lên Mẹ hiền những đóa hoa lòng thành kính.

Năm nay, con cái Mẹ chọn những bông hoa muôn màu sắc, tươi thắm cung kính dâng lên Mẹ, hòa vào từng lời ca tiếng hát trầm bổng bay lên trước ngai Mẹ, nài xin Mẹ của Lòng Thương Xót nguyện giúp cầu thay.

Kết thúc buổi dâng hoa là Thánh lễ tạ ơn.

Giáo xứ Lam Điền
 
Trường ca ''Thánh Martinô'' Tấm Lòng Vàng
Dominiart
19:13 06/05/2016
SAIGÒN - Vào lúc 17g30 thứ sáu, ngày 06 tháng 05 năm 2016. taị nhà thờ Mai Khôi, 44 Tú Xương, Q 3, Saigòn đã có cuộc hát hơp xướng ca Đoàn Thiên Thanh nhân dịp kỷ niệm 54 năm ngày phong hiển Thánh của Thánh Martino, khánh thành tượng đài Thánh Martino, và giới thiệu trường ca Thánh Martinô (tác phẩm mới của nghệ sĩ Đa Minh Vũ Đình Ân)



Phần 1 Trình diển trường ca Thánh Martino: Hát hợp xướng ca đoàn Thiên Thanh (lĩnh xướng ca sĩ Xuân Trường – Hoàng Kim. Ban nhạc Được Sai Đi do ns Minh Mẩn phụ trách. Chỉ huy Ts, Ns Đa Minh Vũ Đình Ân.

Phần 2 Thánh lể Đồng Tế: do Lm Giuse Nguyễn Đức Hòa OP, Giám tỉnh dòng Đa Minh Việt Nam chủ tế, lm Giuse Phạm Hưng Thịnh OP, chánh xứ Mai Khôi và tập thể quý cha từ các vùng miền về hiệp dâng Thánh Lễ.

Phần 3 Nghi thức tôn vinh và khánh thành tượng đài Thánh Martino: Sau Thánh Lể Cha Giám Tỉnh Dòng Đa Minh Việt Nam và quý cha, quý tu sĩ nam nữ, quý hội dòng, cùng cộng đoàn dân Chúa đã đến tôn vinh và khánh thành tượng đài Thánh Martino. Chất liệu: Đá khối bazan màu đen, nặng 500kg, cao 1m63 do nhóm thực hiện: LM. Giuse Phạm Hưng Thịnh, OP, Điêu Khắc Gia. Giuse Đoàn Minh Quân, Kiến Trúc Sư. Phero Nguyễn Văn Nhi, Họa sĩ. AnPhong Nguyễn Bá Văn.

Phần 4 Phát hành ấn phẩm Thánh Martino de Porres: Một cuốn sách rất đặc biệt dầy 314 trang, in màu, đạt chuẩn Châu Âu do nhà thiết kế mỹ thuật, nổi tiếng trong và ngoài nước Mai Quế Vũ trình bày.

Phần 5 Liên hoan nhẹ gặp gở giao lưu: Lm Giuse Nguyễn Trọng Viễn OP chia sẻ những suy niệm về Thánh Martino trong tập sách nhỏ. Một vị Thánh da đen, một vị Thánh thuộc giai cấp bần cùng, một vị Thánh khơi dậy niềm trông cậy cho biết bao con người khốn khổ, ngày hôm nay…..
 
Văn Hóa
Hiền mẫu
Lm. Giuse Trần Việt Hùng
07:36 06/05/2016
HIỀN MẪU 2016

Ơn cha nghĩa mẹ cao vời,
Bảy nguồn chín suối, dòng đời nổi trôi.
Tháng ngày có mẹ bên nôi,
Nuôi con khôn lớn, tinh khôi vào đời.
Mẹ cha tần tảo khắp nơi,
Lao công sớm tối, thức thời bon chen.
Dập dùi sóng gió bao phen.
Kiên tâm gắn kết, sang hèn tín trung.
Dù cho cay đắng bão bùng,
Thương con xóa hết, bao dung tấm lòng.
Âm thầm nước mắt xuôi dòng,
Vẹn toàn chữ hiếu, thỏa lòng mẹ cha.
Tâm tình dâng Mẹ thiết tha,
Đoàn con tụ họp, bao là ước mơ.
Tựa nương êm ấm vô bờ,
Lời kinh thắm thiết, vần thơ tâm tình.
Cầu mong cha mẹ an bình,
Gia đình hạnh phúc, ân tình no say.
Đóa hồng dâng mẹ hôm nay,
Mừng ngày Hiền Mẫu, vui thay trong lòng.
Đoàn con khấn nguyện trông mong,
Mẹ Hiền vui sống, thong dong cuộc đời.
Tin yêu nung nấu diệu vời,
Chúa ban phúc lộc, ơn trời khấn xin.
 
Nhớ về Mẹ
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
08:53 06/05/2016
Nhớ về mẹ

Hằng năm nhiều nước trên thế giới đều dành một ngày nhớ về mẹ, hay còn gọi là ngày hiền mẫu, tùy theo tập tục nếp sống văn hóa mỗi dân tộc đất nước, để tôn vinh người mẹ.

Nhiều nước trên thế giới chọn ngày Chúa Nhật thứ hai trong tháng Năm là ngày nhớ về mẹ. Trong ngày này những người con nhớ đến với tâm tình vui mừng lòng biết ơn mẹ đã sinh thành dậy dỗ giáo dục mình nên người. Họ mang bông hoa hay chọn món qùa qúy gía tặng mẹ mình, để nói lên lòng vui mừng và biết ơn.

Những người không còn mẹ, vì mẹ đã qúa vãng về đời sau, cũng nhớ đến mẹ mình với lòng thành kính biết ơn, nhớ đến những kỷ niệm ngày xưa đã cùng chung sống với mẹ thời thơ ấu, tuổi thanh thiếu niên, tuổi khôn lớn đi vào đời, đến những thành qủa trong đời sống hôm nay là công lao kết qủa của mẹ đã gieo trồng vun xới khi xưa cho đời sống người con ngày mai.

Lòng thảo hiếu với mẹ đã sinh thành nuôi dậy người con không chỉ sống dậy trong ngày nhớ ơn mẹ. Nhưng hình ảnh, lời nói, cử chỉ tình yêu thương, sự lo âu đùm bọc săn sóc của người mẹ cho người con luôn hằng như cuốn phim chiếu lại, xuất hiện trong tâm trí người con mọi lúc trong đời sống.

Khi còn nhỏ thơ bé, người con không thể hiểu được tình yêu thương mẹ dành cho những người con của mẹ mình. Nhưng càng lớn lên đi vào trường đời sống, người con càng nhận ra rõ tình yêu của mẹ không phân tán chia ra giữa những người con, mà nó nhân thêm nhiều ra cho mọi người con trong gia đình.

Ngạn ngữ dân gian có suy tư: „Phúc đức tại mẫu Bà ơi!. Phải, tương lai đời sống tinh thần người con là công trình do người mẹ góp phần xây dựng từ căn bản và nhiều nữa.

Những điều căn bản trong đời sống, như cách giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, cách chào hỏi ăn nói lễ phép, biết cầm đũa bát ăn uống, cách tắm rửa mặc quần áo, biết đến người khác trong xã hội, đến đạo giáo…là do người mẹ uốn nắn chỉ dậy cho. Lẽ tất nhiên mẹ không thể nào dậy cho con mình biết hết tất cả. Vì chính bà cũng không biết hết tất cả. Nhưng là những căn bản cho đời sống, và từ đó ngừơi con học hỏi thêm, làm giầu thêm cho đời sống qua kinh nghiệm sống ở đời.

Từ căn bản đó đời sống người con có chân đà phát triển lớn lên đi vào đời. Và cũng từ căn bản đó người con không chỉ xây dựng đời sống thành công cho riêng mình, mà còn cho gia đình con cái họ thành lập sau này, cùng cho đời sống chung trong xã hội con người với nhau.

Người con nào cũng bắt đầu đời sống từ nơi cung lòng người mẹ. Nơi đó người mẹ ôm ấp che chở nuôi dưỡng sự sống hình hài thân xác cho người con được phát triển từ một trứng nước bào thai thành một con người.

Chưa hết khi người con chào đời, mẹ cũng luôn bồng bế mang con trong lòng mình. Vì lúc đó người con chưa có khả năng đứng ngồi, đi được. Và đến lúc người con đứng lên đi được, mẹ cũng luôn cầm tay dắt, và mang bồng con trên tay mình, khi đôi chân người con mỏi mệt không bước đi được nữa.

Mẹ là thầy cô giáo đầu tiên đời con người. Mẹ hiểu con muốn gì, dù lúc còn thơ bé người con chưa biết nói. Lúc con bập bẹ, mẹ là người đều tiên dạy con mình nói. Suốt những tháng năm dài tuổi thơ bé, con hằng nghe mẹ nói. Những âm thanh tiếng nói đó ăn rễ khắc ghi sâu đậm trong tâm trí người con. Và đến khi người con theo chu kỳ thiên nhiên Tạo Hóa ấn định bật môi lưỡi mở miệng phát ra thành tiếng thành lời giống gần như của mẹ mình. Và rồi trong suốt đời sống, con học thêm nơi mẹ mình nhiều chữ nghĩa nữa. Vì thế dân gian có ngạn ngữ: tiếng mẹ đẻ.

Đến khi em bé cắp sách đi học ở nhà trường, về nhà mẹ là người thúc dục kèm dạy con học bài, dạy con tô viết chữ, tập đọc, làm toán làm bài. Mẹ dạy con học ăn , học nói, học gói, học mở.

Nhớ về mẹ, dù mẹ đã khuất núi, hay dù mẹ là người dân giã quê mùa không văn minh tân tiến, mẹ luôn luôn vẫn là người mẹ duy nhất đời con. Vì thế dân gian có xác tín tin tưởng: Mỗi người chỉ có một người mẹ.

Mẹ hiểu biết con mình không như người khác hiểu biết về con của mẹ.

Mẹ luôn có trái tim cùng sự suy nghĩ nhận xét rộng mở bao dung cho người con.

Mẹ hằng quan tâm săn sóc người con trong mọi hoàn cảnh. Mẹ được Trời cao phú ban cho trực giác bén nhậy hiểu biết nhận ra những nhu cầu đời sống cho con mình.

Từ nơi mẹ chảy tuôn ra dòng sữa sức sống nuôi sống thân thể cùng tinh thần cho người con của mẹ.

Xin ngước mắt lên Trời cao dâng lời tạ ơn Đấng Tạo Hóa Càn Khôn đã dựng nên người mẹ chúng con thật cao cả kỳ diệu tuyệt vời.

Chúa Giêsu trên thập gía đã nói lời trối trăn Đức mẹ Maria cho Thánh Giaon: Đây là mẹ con!

Thiên Chúa cũng ban cùng trối trăn người mẹ sinh thành dưỡng dục uốn nắn đời sống cho mỗi người con: Con phải thảo kính cha mẹ con! ( Điều Răn thứ bốn.)

Xin cúi đầu nghẹn ngào nói lên tâm tình lòng hiếu thảo cám ơn mẹ đã sinh thành dưỡng dục uốn nắn đời sống chúng con ngày hôm qua, hôm nay cùng cho ngày mai.

Ngày nhớ về mẹ, 08.05.2016

Tặng các người mẹ trần gian

Lm. Đaminh Nguyễn ngọc Long
 
Tháng hoa dâng Mẹ
Đinh Văn Tiến Hùng
15:36 06/05/2016
Tháng Hoa Dâng Mẹ

“ Tháng Năm là tháng mà lòng đạo đức của giáo dân dâng kính cách riêng cho Đức Mẹ. Đó là dịp để bày tỏ niềm tin và lòng kính mến người Công Giáo khắp nơi trên thế giới đối với Đức Mẹ Nữ Vương Thiên Đàng. “ ( Thông điệp Tháng Năm của ĐGH Phao-lô Đệ Lục )

*Ngàn Hoa năm sắc cầu vồng,
Thơ vương ý nhạc sóng lòng dâng cao,
Hương thơm lan tỏa ngọt ngào,
Lòng con tràn ngập biết bao ân tình.
Ngàn hoa khoe sắc tươi xinh,
Lời thơ, điệu nhạc, câu kinh diệu huyền,
Bụi trần lọc suối tinh tuyền,
Bao nhiêu khắc khoải ưu phiền xua tan.

Bao nhiêu bài Thi- Vũ- Nhạc chúng ta thương nghe vang lên trong tháng 5- Tháng Hoa- nơi các giáo xứ Việt Nam suốt Trung- Nam- Bắc. Tín đồ Công Giáo có nhiều lễ hội trong năm như Mùa Giáng sinh, Mùa Chay hay Mùa Phục Sinh, nhưng có lẽ tưng bừng nhất là Lễ Hội Tháng Hoa kính Đức Bà. Đây không phải lễ hội phố phường trần tục như trong truyện Kiều ‘Dập dìu tài tử giai nhân, ngựa xe như nước áo quần như nêm’. Nhưng là lễ hội thanh thoát vườn quê nâng tâm hồn lên cao vút với những thôn nữ xuân thì rước kiệu Mẹ vòng quanh xóm nhỏ, với những em bé xinh tươi dâng tiến hoa muôn mầu trong khúc nhạc dìu dặt, với chiêng trống vang rền cùng tiếng chuông giáo đường ngân nga mời gọi, bàn thờ Đức Mẹ hoa đèn lung linh rực rỡ muôn màu, cờ Nữ Vương và cờ Hội Thánh tung bay khắp xóm làng…

Nhưng tập tục trên không phải chỉ có nơi quê hương Việt Nam thân yêu, mà đã bắt nguồn từ xa xưa nơi nhiều nươc Công Giáo trên thế giới.

Sau giấc ngủ dài mùa đông, thiên nhiên bừng tỉnh khi độ Xuân về tháng năm, trăm hoa đua nở, khoe sắc xinh tươi, biểu tượng cho Nữ Thần Mùa Xuân đến, khiến lòng người rạo rực đón chờ. Chính vì thế tháng năm được chọn để Kính Mừng Nữ Thần Mùa Xuân Đất Trời là Đức Trinh Nữ Maria Vương Mẫu Ngôi Hai Thiên Chúa.

Vào đầu Thế kỷ 13, vua Castittle Alfonso X đã so sánh vẻ đẹp Mẹ Maria với muôn loài hoa khoe sắc trong nhạc phẩm ‘Khúc ca tháng Năm’.

Trước Thế Kỷ 14, Linh Mục Henri Suzo, dòng Đa- Minh đã cổ võ dâng kính Đức Mẹ vào tháng 5.

Giữa Thế kỷ 15, tu sĩ Seidi dòng Biển Đức xuất bản sách ‘Tháng Năm thiêng liêng’ phổ biến rộng rãi.

Thánh Philip Neri thúc dục thanh thiếu niên bày tỏ lòng tôn sùng đặc biệt Đức Mẹ trong suốt tháng 5.

Rồi đến Thế Kỷ 17, các nữ tu dòng Phanxicô phát động phong trào hát kinh Phụng vụ kính Đức Mẹ tháng 5. Dòng cũng sốt sáng thu thập 30 bài thơ tôn kính Mẹ Tháng Hoa. Qua thế Kỷ 19 phong trào dâng kính Tháng Hoa cho Mẹ lan rộng khắp hoàn cầu.

Nhiều vị Giáo Hoàng đã ban Thông Điệp, Tông Huân…lòng sùng kính Đức Mẹ Tháng Hoa :

-Giáo Hoàng Piô IX ban ơn toàn xá cho những ai tham dự các nghi lễ kính Đức Mẹ Tháng 5.

-Giáo Hoàng Piô XII gởi Thông điệp Tháng Hoa ‘ Đấng trung gian Thiên Chúa .

-Giáo Hoàng Phaolô VI cũng gởi Tông huấn Tháng Hoa.

-Giáo Hoàng Gioan Phaolô II , nhân dịp kỷ niệm 25 năm lên ngôi Giáo Hoàng, tháng 10/2002 đã ra Thông điệp ‘Kính Rất Thánh Mân Côi’.

Chúng ta hãy suy gẫm những chuyện trùng hợp sau đây, phải chăng có bàn tay nhiệm màu can thiệp của Đức Mẹ trong tháng 5- Tháng Hoa :

-Ngày 13/5/17, Đức Mẹ hiện ra ở Fatima với 3 em Lucia, Phanxicô và Giaxinta.

-Ngày 13/5/17, Linh mục Eugeniô Pacelli được tấn phong Giám Mục tại Roma và sau được bầu làm Giáo

Hoàng Piô XII.

-Ngày 13/5/81, tại Roma tên khủng bố Thổ nhĩ Kỳ Mehmet Ali Agca ám sát Giáo Hoàng Gioan Phaolô II

tại quảng trường Thánh Phêrô, nhưng Đức Mẹ đã cứu Ngài thoát chết.

-Ngày 13/5/82, tại Fatima ĐTC Gioan Phao-lô II quì trước tượng Đức Mẹ cảm tạ đã cứu sống và dâng Thế giới cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ.

-Ngày 13/5/2000, tại Fatima, 2 trong 3 em là Phanxicô và Giaxinta được phong Chân Phước.

Còn biết bao sự kiện và phép lạ đã xảy ra trong Tháng Hoa Kính Đức Mẹ, do lòng mộ mến của con cái Mẹ

và lòng từ bi nhân hậu Mẹ ban xuống cho loài người.

Đức Trinh Nữ Maria là Người Nữ tuyệt vời cả thân xác và tâm hồn. Nhân đức Mẹ tỏa hương thơm ngào ngạt của muôn loài hoa. Sắc đẹp Mẹ lộng lẫy không hoa nào sánh bằng. Hoa trắng chỉ sự trong sạch như tâm hồn Mẹ. Hoa đỏ biểu dương sự hy sinh hãm mình của Mẹ. Hoa tím biểu tượng lòng tuân phục hoàn toàn vào Thiên Chúa qua lời ‘Xin vâng’ khi nghe Thiên Thần truyền tin. Hoa vàng là lòng mến yêu và hoa xanh chỉ tâm hồn trọn lành thánh thiện. Có nhiều loại hoa được so sánh với Đức Trinh Nữ Maria, nhưng hoa hồng và hoa huệ là biểu tượng được dùng nhiều nhất cho Đức Mẹ vì hoa hồng chỉ lòng yêu mến nồng cháy dâng hiến toàn vẹn Mẹ dâng cho Chúa – Hoa huệ với tâm hồn vô nhiễm cùng thân xác tinh khiết của Mẹ.

-“Ta là hoa huệ ngát hương thung lũng, là bông huệ ngát đồng Sharon” ( Diễm ca 2 : 1 )

-“Đức Bà như hoa hường màu nhiệm vậy” ( Kinh cầu Đức Bà )

Bởi vậy Mẹ chính là Bông Hoa Độc Nhất Vô Nhị đã được Thiên Chúa chọn làm Mẹ Chúa Cứu Thế. Hoa là loài đẹp nhất Thiên Chúa tạo dựng mà sự sang giàu của vua Salomon cũng không sánh bằng : “Chúng con hãy xem hoa huệ ngoài đồng. Chúng không canh cửi, không se dệt, thế mà Thày bảo cho các con biết, ngay cả vua Salomon dù vinh hoa tột đỉnh, cũng không thể mặc đẹp bằng một bông hoa’. Như vậy Đức Trinh Nữ Maria còn cao trọng và huy hoàng hơn muôn loài hoa nhiều.

Nhưng có một loại hoa mà Mẹ yêu thích nhất đó là Hoa Lòng. Mỗi Kinh Kính Mừng là một Bông Hoa. Mỗi Tràng Hạt Mân Côi là một Vòng Hoa kết nối muôn màu. Trong những lần Đức Mẹ hiện ra ở Fatima, Lộ Đức, La Vang, Mễ Du, La Salette, Guadalupe…Mẹ thường nhắc nhở hãy dâng lên Mẹ những Chuỗi Hoa Mân Côi. Đó là điều mà Mẹ yêu thích nhất và cũng chính nhờ Hoa Mân Côi qua tay Mẹ khẩn cầu sẽ cứu vớt được nhiều linh hồn, cùng ngăn cơn thịnh nộ Thiên Chúa giáng phạt loài người.

-Dòng đời trôi nổi bao Tháng Hoa,
Tình Mẹ trong con vẫn đậm đà,
Xưa mái đầu xanh, nay tuyết phủ,
Lòng con yêu Mẹ vẫn thiết tha.
Hương lòng dâng Mẹ Tháng Hoa,
Cúi mình khiêm hạ trước tòa Nữ Vương,
Lời thơ ý nhạc yêu thương,
Thay cho kinh nguyện thêm hương Hoa Lòng.

Truyện sau đây trích trong ‘100 truyện tích Mân Côi’ chứng minh chỉ một bông hồng dâng kính Đức Mẹ đã cứu một linh hồn khỏi sa hỏa ngục :

Pháp là nước có truyền thống theo Công Giáo hầu như toàn tòng, nên ngày xưa có câu nói bất hủ : “Nươc Pháp là con gái Hội Thánh”. Điều đó rất đúng vì Pháp xuất hiện nhiều Vị Thánh nổi tiếng hoàn cầu. Tuy vậy ngày nay Giáo Hội Pháp có phần sa sút hơn trước. Hàng năm cứ đến tháng 5 thì giáo dân tổ chức dâng hoa rước kiệu kính Đức Mẹ. Tại tư gia người ta trưng bày bàn thờ, tối đến vợ chồng con cái họp nhau lần chuỗi Mân Côi, nên Tháng Hoa đối với người Pháp là tháng rất quan trọng. Tôi còn nhớ câu hát “C’est le mois de Marie, c’est le mois le plus beau. À La Vierge Marie, disons un chant nouveau” (Đây là tháng Đức Mẹ Maria, tháng đẹp nhất. Bởi Đức Trinh Nữ Maria, chúng ta hát một bài ca mới.)

Do đó có tích truyện tại tỉnh Nancy Pháp, có một gia đình trung lưu. Bà vợ rất ngoan đạo, nhưng người chồng khô khan bê bối, chẳng bao giờ đọc kinh chung với vợ con, cứ tìm cách đi đây đi đó cho hết thì giờ. Bà vợ luôn cầu nguyện cho chồng ăn năn trở lại. Năm ấy, tháng Đức Mẹ bà vợ mua hoa nến trưng bàn thờ, mẹ con lần chuỗi Mân Côi kính Đức Mẹ, nhưng người chồng chẳng ngó ngàng gì đến. Một hôm Chúa Nhật ông đi chơi cả ngày. Tôi về đi qua tiệm bán hoa hồng. Ông nghĩ những bông hồng này chắc vợ mình thích lắm, ông ghé mua mấy bông cho bà trưng bày bàn thờ Đức Mẹ. Bà vợ lấy làm lạ hỏi : anh mua hoa ở đâu đẹp thế ? Ông trả lời đi qua chợ thấy về chiều mà còn bán hoa, mua mấy bông cho em trưng bày bàn thờ, vì mấy hôm nay anh thấy em ra vườn hái hoa dại thấy tôi nghiệp. Bà vợ cảm động vì cử chỉ ưu ái của chồng vốn rất khô khan nguội lạnh. Bà cám tạ Chúa và Mẹ đã nghe lời mẹ con bà cầu xin cho chồng hồi tâm.

Tuy nhiên vào ngày 15/5 ông bị tai nạn chết bất đắc kỳ tử, không kịp gặp Linh Mục để chịu các phép bí tích trước khi chết. Bà rất lo âu buồn phiền vì sợ ông mất linh hồn. Bà lo quá sinh bệnh, nên đi xa cho khuây khỏa. Khi bà đi ngang qua xứ Ars nơi cha Gioan Vianney đang làm chính xứ. Bà vào xin khấn cho chồng được ơn cứu rỗi. Bà gặp Cha vừa khóc vừa nói : Xin Cha cầu nguyện cho chồng con, vì anh ấy chết không đươc xưng tội rước lễ. Cha Gioan điềm nhiên bảo bà : “Thôi bà cứ về đi ! Ông ấy đã được cứu rỗi rồi. Bà còn nhớ cách đây mấy tuần, ông đã có thiện chí mua mấy bông hồng dâng kính Đức Mẹ không ? Cử chỉ ấy đẹp lòng Đức Mẹ, cho nên trong lúc gặp tai nạn, ông đã được Đức Mẹ giúp ăn năn tội cách trọn. Giờ ông ấy đang trong luyện ngục. Vậy bà và các con dâng lời cầu nguyện cho ông sớm về Thiên đàng hưởng Nhan Thánh Chúa.”

Tại sao cha Gioan Vianney biết trước sự kiện này ? Chính vì cha rất mộ mến Chuỗi Mân Côi, cho nên Mẹ đã cho cha biết trước sự việc để giảng dạy cho mọi người thêm lòng sùng kính Đức Mẹ, nhất là trong tháng 5- Tháng Hoa và tháng 10- Tháng Mân Côi.

Giờ đây, tóc đã phủ tuyết sương qua bao năm tháng dòng đời. Mỗi lần Tháng Hoa về lại nhớ đến kỷ niệm êm đềm thời tuổi thơ nơi Quê nhà. Mong rằng nơi đất khách quê người, những tập tục thánh thiện đẹp tươi sẽ không bị nhạt nhòa theo năm tháng.

*Những Tháng Hoa Kỷ Niệm.

Vâng thưa Mẹ làm sao con quên được,
Những Tháng Năm thơ ấu nơi quê nhà,
Chuông giáo đường vang vọng gọi thiết tha,
Đoàn con Mẹ lại cùng nhau qui tụ.

Dưới chân Mẹ trăm bông hoa rực rỡ,
Hai hàng đèn nến tỏa sáng lung linh.
Ôi muôn lòng cất cao tiếng cầu kinh,
Thật đầm ấm vây quanh hang Lộ Đức.

Lòng trải rộng vì cuộc đời đơn thật,
Các bé thơ niềm mơ ước bao la,
Mắt tròn xoe với gương mặt hiền hòa,
Tim nhộn nhịp đời tuổi thơ là thế.

Những thôn nữ má hồng lên e lệ,
Tà áo dài che khuất bước chân đi,
Hồn lâng lâng dạo khúc nhạc xuân thì,
Rước kiệu Mẹ vòng quanh khu xóm nhỏ.

Hoa muôn màu cùng hào quang rực rỡ,
Trống chiêng rền theo những cánh hoa rơi,
Đoàn con chiêm bái Đức Mẹ Chúa Trời,
Tim rạo rực miệng ca vang khúc hát.

Những cụ già miệng lâm râm lần hạt,
Mắt mơ màng nhưng nhìn rõ tương lai,
Bỗng nuối tiếc sao năm tháng không dài,
Để tiếp tục dâng lời kinh xám hối.

Riêng chúng con tâm hồn thật vô tội,
Chỉ thấy vui quên mất cả thời gian,
Đâu hiểu đời như mây gió hợp tan,
Nhìn cuộc sống đầy hoa thơm cỏ lạ,

Bóng Mẹ Hiền trùm lên con tất cả,
Ôm ấp vỗ về dịu ngọt tuổi thơ.
Vâng thưa Mẹ con nhớ mãi tới giờ,
Thời gian đó chỉ còn trong kỷ niệm,

Nhưng dư âm không bao giờ tan biến,
Con lớn lên theo năm tháng dòng đời,
Dù nơi đây cuối góc bể chân trời,
Con vẫn mơ về Những Tháng Hoa Kỷ Niệm.

ĐINH VĂN TIẾN HÙNG
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Nỗi Lòng Của Mẹ
Nguyễn Đức Cung
16:48 06/05/2016
NỖI LÒNG CỦA MẸ
Ảnh của Nguyễn Đức Cung
Nuôi con lo lắng đêm ngày
Lo ăn cũng đủ hao gầy tấm thân.
(nđc)