Ngày 05-05-2013
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Các mầu nhiệm thương và mầu nhiệm vinh quang của Kinh Mân Côi. Mầu nhiệm của Chúa Kitô mầu nhiệm của con người
Linh Tiến Khải
08:46 05/05/2013
Kinh mân Côi hiện nay giúp tín hữu suy niệm 20 mầu nhiệm trong cuộc đời Chúa Giêsu: sau năm mầu nhiệm của sự vui và năm mầu nhiệm của sự sáng, là năm mầu nhiệm của sự thương khó cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa Giêsu và năm mầu nhiệm sự mừng của vinh quang.

Đức Gioan Phaolô II viết trong Tông thư Kinh Mân Côi của Đức Trinh Nữ Maria: Các Phúc Âm gán cho các mầu nhiệm khổ đau của Chúa Kitô một tầm quan trọng lớn. Từ luôn mãi lòng đạo đức Kitô, đặc biệt trong Mùa Chay, qua việc đi Đàng Thánh Giá, đã dừng lại trên các lúc đặc biệt của cuộc Khổ Nạn, bằng cách trực giác được rằng đây chính là tột đỉnh mạc khải của tình yêu và chính đây là suối nguồn ơn cứu độ của chúng ta. Kinh Mân Côi lựa chọn vài lúc của cuộc Khổ Nạn, bằng cách thuyết phục người cầu nguyện dán cái nhìn của con tim vào đó và sống chúng. Như thế lộ trình suy niệm mở ra với vườn Giệtsêmani, nơi Chúa Kitô sống một lúc đặc biệt lo âu trước ý muốn của Thiên Chúa Cha, mà sự yếu đuối của xác thịt sẽ bị cám dỗ nổi loạn. Chính tại nơi này Chúa Giêsu đã đặt để tất cả mọi cám dỗ của nhân loại, và trước tất cả mọi tội lỗi của loài người, để thưa với Thiên Chúa Cha: ”Không phải theo ý con, mà là theo ý Cha” (Lc 22,42 và song song).

Tiếng ”xin vâng” này của Người lật ngược tiếng ”không” trong vườn Địa Đàng. Và sự gắn bó ấy với ý muốn của Thiên Chúa Cha bắt Người phải trả giá mắc mỏ chừng nào, nổi bật từ các mầu nhiệm theo sau, trong đó có việc leo lên núi Sọ, bị đánh đòn, bị đội mão gai, chết trên thập giá. Người đã bị ném vào trong sự khước từ lớn lao nhất: Nầy là người!

Trong sự khước từ đó không chỉ có tình yêu của Thiêm Chúa được vén mở, mà cũng được vén mở chính ý nghĩa của con người. Này là người: ai muốn hiểu biết con người, phải biết nhận ra ý nghĩa, nguồn gốc và sự thành toàn của nó trong Chúa Kitô. Thiên Chúa tự hạ mình xuống vì tình yêu ”cho tới chết và chết trên thập giá” (Pl 2,8). Các mầu nhiệm thương đưa tín hữu tới chỗ sống trở lại cái chết của Chúa Giêsu, bằng cách đứng dưới chân thập giá bên cạnh Mẹ Maria để cùng Mẹ bước sâu vào vực thẳm tình yêu của Thiên Chúa và cảm nhận được tất cả sức mạnh tái sinh của nó (s. 22)

Việc chiêm ngắm gương mặt của Chúa Kitô không thể dừng lại ở hình ảnh của Chúa chịu đóng đinh. Người là Đấng Phục Sinh. Từ luôn mãi Kinh Mân Côi diễn tả ý thức này của đức tin, bằng cách mời gọi tín hữu đi xa hơn sự tối tăm của cuộc Khổ Nạn, để gắn cái nhìn vào vinh quang của Chúa Kitô trong sự Phục Sinh và Lên Trời. Khi chiêm ngắm Kinh Mân Côi, Kitô hữu tái khám phá ra các lý do đức tin của mình (x. 1 Cr 15,14), và sống trở lại niềm vui, không phải chỉ của những người mà Chúa Kitô đã tự tỏ hiện ra: các Tông Đồ, bà Maria Madalena, các môn đệ làng Emmaus -, nhưng cả niềm vui của Mẹ Maria, là Đấng đã phải sống một kinh nghiệm không kém sâu đậm về cuộc sống mới của Người Con được vinh hiển. Cùng với việc Lên Trời sự vinh quang này đặt để Chúa ở bên hữu Thiên Chúa Cha, và chính Mẹ cũng sẽ được nâng lên vinh quang này với việc Hồn xác lên Trời, và bởi đặc ân rất đặc biệt Mẹ đạt trước số phận dành cho tất cả mọi người công chính với sự phục sinh của thân xác. Sau cùng được đội triều thiên vinh quang - như xuất hiện trong mầu nhiệm vui cuối cùng - Mẹ rạng ngời như Nữ Vương các Thiên thần và các Thánh, là việc thực hiện trước và tột đỉnh điều kiện cánh chung của Giáo Hội.

Ở trung tâm lộ trình vinh quang của Con và của Mẹ, Kinh Mân Côi đặt trong mầu nhiệm thứ ba lễ Ngũ Tuần cho thấy gương mặt của Giáo Hội như gia đình được quy tụ với Mẹ Maria, được làm sống trở lại bởi việc đổ tràn đầy Thần Khí, sẵn sàng cho sứ mệnh loan báo Tin Mừng. Việc chiêm ngắm mầu nhiệm này cũng như các mầu nhiệm vinh quang phải đưa tín hữu tới chỗ luôn ý thức sinh động hơn về cuộc sống mới của họ trong Chúa Kitô, bên trong thực tại của Giáo Hội, một cuộc sống mà cảnh Chúa Thánh Thần hiện xuống là ”hình ảnh” lớn lao. Như thế các mầu nhiệm vinh quang dưỡng nuôi nơi các tín hữu niềm hy vọng của mục đích cánh chung, mà chúng ta tất cả đều đang bước tới như là các thành phần của Dân Thiên Chúa lữ hành trong lịch sử. Điều này không thể không thúc đẩy họ tới một chứng tá can đảm của ”tin vui”, trao ban ý nghĩa cho toàn cuộc sống của họ. (s. 23).

Từ các mầu nhiệm sang Mầu Nhiệm: con đường của Mẹ Maria. Các chu kỳ suy niệm mà Kinh Mân Côi đề nghị chắc chắn không được đầy đủ, nhưng nhắc lại điều nòng cốt, bằng cách dẫn đưa tâm hồn tới chỗ nếm hưởng một sự hiểu biết về Chúa Kitô; sự hiểu biết ấy liên tục kín múc nơi suối nguồn tinh tuyền của văn bản tin mừng. Mỗi một đường nét riêng biệt trong cuộc đời Chúa Kitô, như được các thánh sử kể lại, rạng ngời Mầu Nhiệm vượt qúa mọi sự hiểu biết (x. Ep 3,19). Đó là Mầu Nhiệm của Ngôi Lời nhập thể, trong đó ”cư ngụ tất cả thiên tính sự tràn đầy một cách xác thể” (Cl 2,9). Vì thế Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo nhấn mạnh đến thế trên các mầu nhiệm của Chúa Kitô, bằng cách nhắc lại rằng ”tất cả trong cuộc đời của Đức Giêsu đều là dấu chỉ Mầu Nhiệm của Người”. Việc ra khơi của Giáo Hội trong Ngàn năm thứ ba được đo lường trên khả năng của các Kitô hữu ”bước vào trong sự hiểu biết toàn vẹn mầu nhiệm của Thiên Chúa, nghĩa là của Chúa Kitô, trong đó dấu ẩn tất cả các kho tàng của sự khôn ngoan và của khoa học” (Cl 2,2-3). Lời cầu mong của thư gửi các tín hữu Êphêxô được hướng tới từng tín hữu đã được rửa tội: ”Ước chi Chúa Kitô nhờ đức tin ở trong tim anh em và như thế được đâm rễ và xây dựng trên đức mến, anh em có thể ... hiểu biết tình yêu của Chúa Kitô vượt mọi sự hiểu biết, để anh em được tràn đầy tất cả sự toàn vẹn của Thiên Chúa” (Ep 3,17-17).

Kinh Mân Côi phục vụ lý tưởng này, bằng cách cống hiến ”bí mật” giúp rộng mở một cách dễ dàng hơn cho một sự hiểu biết sâu xa và lôi cuốn về Chúa Kitô. Chúng ta có thể nói đó là con đường của Đức Maria. Đó là con đường gương sống của Đức Trinh Nữ thành Nagiarét, là phụ nữ của đức tin, sự thinh lặng và lắng nghe. Đó vừa là con đường của một lòng sùng mộ Đức Mẹ được linh hoạt bởi ý thức về tương quan không thể phân rẽ được gắn liền Chúa Kitô với Mẹ Rất Thánh của Người: các mầu nhiệm của Chúa Kitô, trong một nghĩa nào đó, cũng là các mầu nhiệm của Mẹ Maria, cả khi Mẹ không bị liên lụy một cách trực tiếp, vì chính sự kiện Mẹ sống vì Chúa và cho Chúa. Khi khiến cho các lời của thiên sứ Gabriel và của bà Elidabét trở thành lời của chúng ta, chúng ta cảm thấy được thúc đẩy luôn tìm kiếm Mẹ Maria một cách mới mẻ, giữa vòng tay và trái tim của Mẹ, “hoa trái được chúc phúc của lòng Mẹ” (x. Lc 1,42) (s. 24).

Mầu Nhiệm của Chúa Kitô, mầu nhiệm của con người. Trong chứng tá năm 1978 về Kinh Mân Côi như là lời kinh được yêu mến nhất của tôi, tôi đã diễn tả một ý niệm mà tôi muốn lập lại. Hồi đó tôi đã nói rằng lời cầu đơn sơ của Kinh Mân Côi đập nhịp cuộc sống con người.

Dưới ánh sáng các suy tư đã được khai triển cho tới nay về các mầu nhiệm của Chúa Kitô, thật không khó đào sâu quan hệ nhân chủng học này của Kinh Mân Côi. Một quan hệ triệt để hơn lúc mới xem ra rất nhiều. Ai chiêm ngưỡng Chúa Kitô bằng cách lần theo các chặng cuộc sống của Người, thì không thể không nhận được nơi Chúa chân lý về con người. Đó là khẳng định lớn của Công Đồng Chung Vaticăng II, mà ngay từ đầu Thông điệp ”Đấng Cứu Độ con người” biết bao lần tôi đã lấy làm đối tượng cho huấn quyền của tôi: ”Thật ra, mầu nhiệm con người chỉ được thực sự soi sáng trong mầu nhiệm của Ngôi Lời nhập thể” (GS 22). Kinh Mân Côi giúp rộng mở cho ánh sáng này. Khi bước theo con đường của Chúa Kitô, trong đó con đường của con người ”được thâu tóm”, vén mở và cứu chuộc, tín hữu tự đặt mình trước hình ảnh của con người thật. Khi chiêm ngưỡng việc sinh ra của mình, nó học biết tính cách thánh thiêng của sự sống; khi nhìn vào thánh Gia Nagiarét, nó học sự thật nguyên thủy của gia đình theo chương trình của Thiên Chúa; khi lằng nghe Thầy mình trong các mầu nhiệm cuộc sống công khai của Người, nó kín múc được ánh sáng giúp bước vào trong Nước Chúa; và khi đi theo Người trên con đường Núi Sọ, nó học biết ý nghĩa của khổ đau cứu rỗi. Sau cùng, khi chiêm ngưỡng Chúa Kitô và Mẹ Người trong vinh quang, nó trông thấy điểm tới mà mỗi người trong chúng ta được mời gọi, và để cho mình được Chúa Thánh thần chữa lành và biến đổi. Như thế, có thể nói rằng mỗi một mầu nhiệm của Kinh Mân Côi, khi được chiêm ngắm tốt đẹp, đều dãi ánh sáng trên mầu nhiệm của con người.

Đồng thời, nó trở thành điều tự nhiên, khi đem vào cuộc gặp gỡ này với nhân tính thánh thiện của Đấng Cứu Chuộc biết bao nhiêu các vấn đề, tấn kích, mệt nhọc và dự án ghi dấu con đường đời sống chúng ta. ”Hãy trút bỏ cho Chúa sự mệt nhọc của ngươi và Người sẽ cho ngươi sự trợ giúp” (Tv 55,23). Suy niệm Kinh Mân Côi có nghĩa là trao phó các mệt nhọc của chúng ta cho con tim xót thương của Chúa Kitô và của Mẹ Người. Hai mươi lăm năm sau, khi nghĩ tới các thử thách đã không thiếu cả trong việc thực thi sứ vụ Phêrô nữa, tôi cảm thấy phải nêu bật, hầu như là một lời mời gọi nồng nhiệt gửi tới tất cả mọi người, để họ cũng lấy đó làm kinh nghiệm riêng: phải, đúng thật là Kinh Mân Côi ”đập nhịp của cuộc sống nhân loại” để hòa hợp nó với nhịp đập cuộc sống của Thiên Chúa, trong sự hiệp thông vinh quang của Thiên Chúa Ba Ngôi, là số phận và là ngưỡng vọng của cuộc sống chúng ta”.

(Thánh Mẫu Học bài 359)
 
Hãy là chứng nhân của Thầy
Jos. Vinc. Ngọc Biển
16:45 05/05/2013
Hãy là chứng nhân của Thầy

(Lễ Chúa Thăng Thiên, năm C)

Toàn Giáo Hội hân hoan mừng lễ Chúa Thăng Thiên, tức là lên trời. Việc Chúa lên trời, Ngài đã chấm dứt cuộc đời trần thế theo ý muốn của Chúa Cha.

Vậy, đâu là ý nghĩa của việc Chúa lên trời? Ngài lên trời có chấm dứt sự hiện diện trong Giáo Hội hay không? Trước khi lên trời, Chúa đã để lại cho Giáo Hội sứ mạng gì? Và, mỗi người Kitô hữu chúng ta sống niềm hy vọng Thiên Quốc ra sao?

1. Ý nghĩa của việc Chúa lên trời

Sự kiện Chúa Giêsu về trời cho chúng ta thấy: Ngài đã hoàn toàn vâng phục Chúa Cha. Đã chu toàn sứ mạng cứu độ con người qua cái chết trên thập giá. Ngài đã sống lại để làm chứng những lời Ngài đã loan báo. Và, hôm nay, Ngài lên trời để đem lại cho chúng ta niềm hy vọng mai ngày cũng được về trời với Ngài như lời Ngài đã nói: “Ai phục vụ Thầy, thì hãy theo Thầy, và Thầy ở đâu, kẻ phục vụ Thầy cũng sẽ ở đó” (Ga 12,26).

Việc Chúa Giêsu lên trời cũng là lúc kết thúc những cuộc gặp gỡ bằng xương bằng thịt và mở ra một cuộc gặp gỡ thiêng liêng, vượt lên trên không gian và thời gian. Sự kiện này không chấm dứt mọi hoạt động của Ngài trên trần gian. Nhưng qua đó, Chúa Giêsu hiện diện cách phổ quát: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20). Ngài hiện diện trong Bí tích Thánh Thể, qua Giáo Hội, trong con người của các chứng nhân. Vì thế, Chúa Giêsu trở về với Chúa Cha, nhưng Ngài lại khai mở ra cho các Tông đồ và Giáo hội một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của việc loan báo và làm chứng về Đấng Phục Sinh.

2. Sứ mạng của các Tông đồ sau khi Chúa Giêsu lên trời

Chúa Giêsu về trời, Ngài trao ban sứ mạng truyền giáo cho Giáo hội, khởi đi từ các Tông đồ. Lệnh truyền của Chúa Giêsu:“Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16,15), để “muôn dân trở thành môn đệ”(Mt 28,19) phải là lời mời gọi, một lệnh truyền cấp thiết hơn bao giờ hết.

Trước khi Chúa Giêsu về trời, về với Đấng là Cha đã sai mình đến trần gian, Ngài đã truyền lệnh cho các tông đồ: “Như Cha đã sai Thầy vào thế gian, Thầy cũng sai anh em vào thế gian” (Ga 17,18; x. 20,21). Anh em hãy ra đi và loan báo về: “Đức Mêsia phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba sẽ từ cõi chết chỗi dậy. Phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân bắt đầu từ Giêrusalem” (Lc 24,46-47).

Khi Chúa đã lên trời, thì cũng là lúc các Tông đồ phải xuống núi, phải ra đi để đến với muôn dân như lời Ngài đã truyền. Các ông ra đi để tuyên xưng niềm tin của mình vào Đấng đã chết và đã phục sinh. Vào Đấng là đường, là sự thật và là sự sống. Vào Đấng đã yêu thương con người, đã chết và đã sống lại vì hạnh phúc và phần rỗi của con người. Đấng ấy đã lên trời để đem lại niềm hy vọng cho những ai tin vào Ngài cũng được lên trời như các ông đã thấy Ngài lên trời.

Chính trong giây phút này, các ông nhận lãnh sứ mạng xây dựng Giáo Hội, một Giáo Hội có Thiên Chúa là Chủ và có nhau là anh em. Một Giáo Hội yêu thương, hiệp nhất. Một Giáo Hội công bằng văn minh.

Khi Ngài lên trời, Ngài đã giơ tay chúc lành cho các Tông đồ. Hành vi giơ tay được hiểu như là cử chỉ của sự trao ban bình an và đồng thời cũng là biểu hiện sự tin tưởng và trao phó sứ mạng loan báo Tin Mừng cho các Tông đồ.

Sứ mạng mà các ông lãnh nhận và tiếp nối nơi Thầy của mình không phải là một công việc dễ dàng. Chính Chúa Giêsu đã cảnh báo: “Này Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói” (Lc 10,3). Vì thế, "anh em hãy ở khôn như rắn và đơn sơ như chim bồ câu" (Mc 10,16b).

Khó khăn! Đúng vậy. Chẳng bao lâu, các ông đã bị vua Chúa, quan quyền truy nã vì loan báo về danh Chúa Giêsu... Vì thế, các Tông đồ phải chạy trốn hết thành này sang thành nọ. Hơn bao giờ hết, các ông thấm thía chân lý của hạt lúa gieo vào lòng đất. Chân lý ấy đã được Thầy của mình sống cách triệt để và mời gọi mình bước theo: “Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất không chết đi thì nó chỉ trơ trọi một mình, nhưng nếu nó chết đi, thì nó sinh nhiều bông hạt” (Ga 12,24). Hiểu được điều đó, các ông đã không sợ bất cứ ai hay một thế lực nào làm cản trở công cuộc loan báo Tin Mừng. Quả thế, Thánh Phaolô đã nói: “Về bất cứ điều gì, đừng sợ những kẻ chống đối anh em: đó là dấu chỉ cho thấy họ sẽ bị hư vong, còn đối với anh em, thì lại là dấu chỉ ơn cứu độ. Điều ấy là ân huệ Thiên Chúa ban. Quả thế, nhờ Đức Kitô, anh em đã được phúc chẳng những là tin vào Người, mà còn được chịu đau khổ vì Người. Nhờ vậy, anh em được tham dự cùng một cuộc chiến mà anh em đã thấy tôi phải đương đầu trước kia, và nay anh em nghe biết là tôi vẫn còn tiếp tục” (Pl 1,28-30). Cuối cùng, các ông đã không thể ngồi yên khi biết bao con người chưa nhận biết Chúa, nên lại một lần nữa, Phaolô diễn tả tâm trạng đó như sau: “Khốn thân tôi, nếu tôi không loan báo Tin Mừng” (1 Cr 9,16).

3. Sứ mạng loan báo Tin Mừng của mỗi chúng ta

Tiếp nối các Tông đồ, có biết bao nhiêu người đã lên đường, đến những nơi heo hút treo leo. Đã biết bao vị thừa sai bỏ lại mạng sống nơi rừng thiêng nước độc. Miễn sao Tin mừng được loan báo. Quả thật: việc truyền giáo hay loan báo Tin mừng là bản chất của Giáo hội Chúa Kitô (x. Công đồng Vatican II, Sắc lệnh Ad Gentes, số 4;16). Sứ mạng ấy bắt nguồn từ việc Chúa Cha đã trao cho Con của Ngài là Chúa Giêsu, và chính Ngài cũng trao phó cho các Tông đồ và cho mỗi chúng ta: “Như Cha đã sai Thầy vào thế gian, Thầy cũng sai anh em vào thế gian” (Ga 17,18; x. 20,21).

Ngày lãnh nhận Bí tích Rửa Tội, chúng ta thuộc về Chúa Kitô và nhận lãnh sứ mạng ngôn sứ từ nơi Ngài. Vì thế, mỗi người chúng ta hãy ra khỏi sự ổn định, an toàn của bản thân và hãy lên đường loan báo Tin Mừng, dẫu biết rằng, công cuộc ấy chẳng mấy tốt đẹp theo kiểu con người suy nghĩ. Vì thế, Chúa Giêsu đã tiên báo: “Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét” (Lc 21,17). Và "hãy nhớ lời Thầy đã nói với anh em: tôi tớ không hơn chủ nhà. Nếu họ đã bắt bớ Thầy, họ cũng sẽ bắt bớ anh em" (Ga 15,29). Nhưng hãy học nơi các Tông đồ: càng bị sỉ nhục, bắt bớ và tù đày, các ông lại càng “hân hoan bởi được coi là xứng đáng chịu khổ nhục vì danh Đức Giêsu” (Cv 5,41). Bởi xác tín rằng "... trong thế gian, anh em sẽ phải gian nan khốn khó. Nhưng can đảm lên! Thầy đã thắng thế gian" (Ga 16, 33; x. Rm 8,35-37).

Lời loan báo của chúng ta vào Đức Giêsu phục sinh quả là một hành trình, đòi hỏi chúng ta phải là những người đã cảm nghiệm được về Đấng mà chúng ta loan báo: "Chính anh em là chứng nhân về những điều này" (Lc 24,48). Không ai lại đi loan báo về một người mà chúng ta không biết và không tin; hay loan báo vào những thời điểm hay một nhóm người nhất định trong một không gian cụ thể, mà là: “Anh em hãy là nhân chứng cho Thầy đến tận cùng trái đất” (x. Cv 1,8). Trong hành trình loan báo đó, dù gặp phải muôn vàn khó khăn, nhưng chúng ta tin tưởng vào sự bảo trở của Đấng mà Chúa Giêsu đã ban xuống trên các Tông đồ khi xưa: “Anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em. Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giêrusalem và khắp cùng thế giới” (x. Cv 1,8).

Chúng ta mừng lễ Chúa lên trời, cũng là lúc một lần nữa chúng ta xác định về vai trò ngôn sứ và chứng nhân của mỗi chúng ta. Mong thay lời bài hát “Đẹp Thay” của Linh mục Nhạc sĩ Mi Trầm lại một lần nữa được vang lên trên môi miệng những ngôn sứ của Lời trong xã hội hôm nay: Ðẹp thay những bước chân gieo mầm cứu rỗi. Ðẹp thay những bước chân rảo khắp nẻo đường. Ai gieo trong lệ sầu, sẽ gặt trong vui sướng. Ai gieo trong nước mắt, sẽ về trong tiếng cười. Ôi đẹp thay những bước chân tiến vào giữa lòng thế giới, loan tình thương Chúa Trời, loan niềm vuii cứu đời, cho mọi người và mọi nơi.

Để kết thúc, xin cũng mượn lời của Đức cố Hồng y Phanxicô X. Nguyễn Văn Thuận trong tác phẩm Đường Hy Vọng của ngài, khi nói về những khó khăn mà người môn đệ của Chúa Giêsu sẽ phải chịu trên con đường loan báo Tin Mừng; đồng thời cũng xác tín mạnh mẽ những ân ban cho những ai trung thành đến cùng trong sứ mạng loan báo Tin Mừng. Ngài nói: “Con run sợ: vấp ngã, khó khăn, hiểu lầm, công kích, sỉ nhục, tử hình... Con quên Phúc Âm sao? Chúa Giêsu đã chịu tất cả. Cứ theo Ngài con sẽ Phục Sinh” (ĐHV số 44).

Lạy Chúa, hôm nay Chúa về trời, Chúa đã chúc lành cho các Tông đồ và cũng cho tất cả mỗi người chúng con là những người tin Chúa; đồng thời Chúa cũng trao phó cho các ngài và Giáo Hội phải loan báo Tin Mừng đến tận cùng trái đất. Xin Chúa cho mỗi chúng con ý thức được điều đó và sẵn sàng ra đi làm chứng cho Chúa trong lòng xã hội hôm nay dầu có phải chịu đau khổ, thử thách. Amen.

Jos. Vinc. Ngọc Biển
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
20:06 05/05/2013
NỮ OA TẠO NGƯỜI
N2T

Sau khi ông Bàn Cổ khai thiên lập địa thì các loại chim trời thú vật côn trùng và cá biển đầy cả mặt đất, thiên thần Nữ Oa nhìn thấy tình cảnh trên mặt đất và muốn sáng tạo một loại sinh mệnh thông minh, có năng lực suy nghĩ để coi sóc chim trời thú vật côn trùng, cá biển và các loài thảo mộc, khiến cho trên mặt đất đẹp tươi hơn.
Nữ Oa đi đến bên đầm nước, thuận tay bốc một nắm bùn, nhìn dung mạo của mình phản chiếu trong nước mà nặn ra thêm mấy hình Nữ Oa khác, sau đó thổi một hơi vào các mô hình ấy thì các mô hình ấy lập tức biết nói biết đi. Nữ Oa đặt tên cho các mô hình ấy là Người﹝人﹞ý nghĩa là có hai chân và một cái chóp đầu, có thể đứng thẳng mà đi.
Nữ Oa dạy người mà bà ta vừa tạo dựng phải biết tương thân tương ái, cháu chắt đông đàn đầy lũ, do đó mà con người gọi bà Nữ Oa là vị thần của hôn nhân.
(Phong tục thông nghĩa)

Suy tư:
Sách Sáng thế ký tường thuật: ngày thứ sáu Thiên Chúa tạo dựng con người giống hình ảnh của Ngài. Khi tạo dựng muôn loài thảo mộc, động vật các loài thú, thì Thiên Chúa chỉ phán một lời, nhưng khi tạo dựng con người thì Thiên Chúa không phán một lời mà bằng cách lấy bùn đất tạo dựng con người rồi thôi hơi vào và con người sống động.
Bùn đất là vật chất, hơi thở là tinh thần là sinh khí, cà hai kết hợp với nhau để trở thành con người hoàn thiện, và Thiên Chúa cho con người làm chủ vũ trụ này.
Truyện bà Nữ Oa là thần thoại của Trung Quốc nói lên nguồn gốc con người, nhưng cho đến nay thì không ai biết bà Nữ Oa như thế nào.
Sách Sáng thế ký là quyển sách Kinh Thánh chứa đựng lời của Thiên Chúa, chính Ngài là căn nguyên của vạn vật, chính Ngài là Đấng tạo dựng, và con người biết Ngài vẫn hiện hữu trong thế gian này, nhất là được nhìn thấy Ngài trong Đức Chúa Giê-su, vì chính Đức Chúa Giê-su đã nói với ông Phi-líp: ai thấy Thầy là thấy Cha của Thầy...
Chúng ta –người Ki-tô hữu- đều tin tưởng Đức Chúa Giê-su là Thiên Chúa làm người, cùng bản thể với Đức Chúa Cha và Đức Chúa Thánh Thần. Đó chính là đức tin của chúng ta.
-------------------
http://nhantai.info
http://www.vietcatholic.net/nhantai
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
20:09 05/05/2013
N2T

46. Trong lòng thật bình an thì không để lòng theo tư dục, mà khắc chế tư dục.

(sách Gương Chúa Giê-su)
---------------
http://nhantai.info
http://www.vietcatholic.net/nhantai
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Thánh Cha cử hành Thánh Lễ cho đội Vệ binh Thụy Sĩ - Sự thờ ơ làm khốn đốn Giáo Hội
Lã Thụ Nhân
00:17 05/05/2013
Theo thường lệ, hằng ngày Đức Thánh Cha cử hành Thánh Lễ sáng tại Nhà trọ Thánh Marta của Vatican. Hôm thứ Sáu 03/05/2013 vừa qua, nhà nguyện trở nên trẻ trung và đầy màu sắc nhờ vào sự hiện diện đông đảo của lực lượng Vệ binh Thụy Sĩ. Trong Thánh Lễ, Đức Thánh Cha giải thích rằng các Kitô hữu có trách nhiệm rao truyền đức tin của mình cho tha nhân. Tuy nhiên, để làm được điều này một cách thích đáng, cần phải có "lòng can đảm".

Đức Thánh Cha Phanxicô nhận định:

"Khi Giáo hội mất đi lòng can đảm, Giáo hội đi vào bầu khí ‘lãnh đạm’. Các Kitô hữu thờ ơ, lãnh đạm, mất hết can đảm. Điều đó làm tổn thương Giáo hội rất nhiều, bởi vì bầu khí nhạt nhẽo này lôi cuốn anh em ẩn vào bên trong, và các vấn đề nảy sinh giữa chúng ta, chúng ta không còn có những viễn tượng nữa, hoặc không còn can đảm hướng lòng về Thiên Đàng để cầu nguyện, hoặc mất hết can đảm để loan báo Tin Mừng ".

Đức Thánh Cha cũng nói về tầm quan trọng của lời cầu nguyện, nhấn mạnh thêm rằng sự Phục sinh của Chúa Giêsu không phải là một cái gì đó siêu nhiên hay mang tính biểu tượng, nhưng trái lại đó là một thực tại. Đức Thánh Cha cũng cho biết để có lòng tin, ta cần phải có lòng can đảm.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói:

"Chúng ta thờ ơ lãnh đạm. Chúng ta có can đảm để tham gia vào những lo lắng nhỏ nhặt, vào những ghen ghét, đố kỵ; vào việc thăng tiến trên những nấc thang danh vọng một cách ích kỷ. Tất cả điều này đều không tốt cho Giáo hội. Giáo hội phải can đảm! Tất cả chúng ta phải can đảm trong lời cầu nguyện, trong Chúa Giêsu, Đấng luôn thách đố những ai bước theo Ngài!"

Trước các Vệ binh Thụy Sĩ, ngài nói thêm rằng việc truyền bá đức tin cho thế hế tương lai cần phải được bắt đầu ngay từ giai đoạn ấu thơ. Sau đó, ngài chia sẻ câu chuyện cá nhân, và nói thêm rằng bà của ngài đã đóng vai trò then chốt trong việc củng cố đức tin khi ngài còn là một đứa trẻ.

Trang phục lễ hội của các Vệ binh Thụy Sĩ đã mang đến một số sắc thái cho các buổi tiếp kiến công chúng của Đức Thánh Cha. Đội Vệ binh gồm 110 nam thanh niên Thụy Sĩ đến Rôma để bảo vệ Đức Giáo Hoàng.

Các tân binh được bổ sung đến Vatican vào tháng Sáu, tháng Mười Một và tháng Hai. Trong vài tháng qua, họ tập dượt cho buổi lễ tuyên thệ ngày 6 tháng Năm sắp tới.

Vị Đại tá sẽ gọi từng người một lên tuyên thệ để trở thành thành viên của Đội Ngự Lâm cho Đức Giáo Hoàng với một tay đặt trên lá cờ Vệ binh Thụy Sĩ và tay kia giơ cao ba ngón, tượng trưng cho lời tuyên thệ trước Thiên Chúa Ba Ngôi.

Năm nay, 35 người trẻ Thụy Sĩ sẽ tuyên hứa trước mặt Thiên Chúa để bảo vệ Đấng kế vị Thánh Phêrô.

Họ có thể dấn thân vào Đội Vệ binh từ 2 đến tối đa 25 năm. Thành viên tương lai phải là nam, độc thân, người Công giáo dưới 30 tuổi. Họ phải là công dân Thụy Sĩ, cao ít nhất 1m73 và có bằng đại học.

Nhiệm vụ chính của họ là bảo vệ tất cả các lối vào thành Vatican, bảo vệ an ninh Dinh Tông Tòa, và duy trì trật tự trong suốt quá trình Đức Giáo Hoàng xuất hiện trước công chúng.
 
Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp Tổng thống Li băng. Syria và an ninh Trung Đông nằm trong chương trình nghị sự chính
Lã Thụ Nhân
00:18 05/05/2013
Đức Ông Georg Gaenswein đã đón Tổng thống Li băng Michel Sleiman, khi ông viếng thăm chính thức Tòa Thánh Vatican vào sáng thứ Sáu 03/05/2013. Tổng thống Sleiman đã đi qua các hành lang của Dinh Tông Tòa giữa hàng rào danh dự gồm các Ngự Lâm Quân Thụy Sĩ và các vị Chức Sắc Phủ Giáo Hoàng để tiếp kiến Đức Thánh Cha Phanxicô.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã hướng dẫn tổng thống Li băng đến văn phòng của ngài, nơi họ trao đổi trong vài phút, với sự hiện diện của một thông dịch viên thông thạo Pháp Ngữ và tiếng Ả Rập.

Nghị trình chính trong cuộc trao đổi giữa hai nhà lãnh đạo là cuộc chiến đang diễn ra ở Syria xô đẩy hàng ngàn người dân chạy sang lánh nạn tại Li băng. Cả hai vị đã kêu gọi các nỗ lực viện trợ mới nhằm xoa dịu nỗi khổ của người dân.

Họ cũng trao đổi về sự hợp tác của các cộng đồng đa sắc tộc và tôn giáo vốn hình thành nên Li băng, và tình hình các Kitô hữu tại Thánh Địa.

Sau cuộc tiếp kiến, Tổng thống giới thiệu phu nhân của mình và hàng chục vị lãnh đạo địa phương và trung ương đến từ Li băng. Trong số các vị khách có cựu đại sứ và đại sứ đương nhiệm của Li Băng cạnh Tòa Thánh. Chuyến thăm kết thúc với phần trao đổi quà tặng cho nhau.

"Đây là quang cảnh diễn tả Thiên Thần giải thoát cho Thánh Phêrô."

Đức Thánh Cha nói khi trao tặng cho Tổng thống Sleiman một huy chương lớn khắc hình ảnh của Vatican. Đáp lại, Tổng thống trao tặng Đức Thánh Cha Phanxicô một bức ảnh Đức Nữ Đồng Trinh từ thế kỷ 19.

Cuộc tiếp kiến giữa hai vị đã diễn ra chỉ ba ngày sau khi Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp kiến Tổng thống Do Thái là ông Shimon Peres.

Lần viếng thăm trước, Tổng thống Li băng Michel Sleiman đến Tòa Thánh Vatican vào tháng Mười Một, khi ông gặp Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI.
 
Viếng thăm Thánh Địa bằng video 3D
Lã Thụ Nhân
00:22 05/05/2013
Giờ đây, chúng ta có thể viếng thăm Thánh Địa chỉ trong một cái click chuột. Nhờ tour 3D này, ai cũng có thể thực hiện một chuyến thăm Giêrusalem ảo tại www.jerusalem.com. Tại đây, có tất cả các di tích thánh mang tính lịch sử liên hệ đến mầu nhiệm Chúa Giêsu nhập thể làm người.

Khi bước xuống những bậc thang này, sẽ có một lối vào phía sau tảng đá. Đó là nơi Chúa Giêsu đã được chôn cất và sau đó đã sống lại, sau cái chết trên Thánh giá. Trang web đưa ra lời giải thích bằng Anh ngữ, về lý do tại sao di tích thánh này được người Công giáo, Tin lành và Anh giáo tôn kính. Trang web cũng đưa ra đoạn Kinh Thánh mô tả về ngôi mộ.

Dù đồ họa trong tour du lịch ảo có vẻ không thật cho lắm, nhưng ta vẫn có thể thấy những điều rất thật. Một hướng dẫn viên sẽ dẫn chúng ta qua vùng đất nơi Chúa Giêsu bị đóng đinh. Sau khi bước qua cánh cổng, hướng dẫn viên giải thích thi thể của Chúa Giêsu được đặt ở đó khi được đưa xuống khỏi Thánh giá. Như tường thuật của Tin Mừng, ta thực sự có thể thấy ngôi mộ trống ở nơi này.

Sau đó, tour du lịch đưa chúng ta đến Nhà thờ Giáng sinh tại Bêlem, nơi Chúa Giêsu giáng sinh. Nhà thờ đã được xây dựng ở nơi mà theo truyền thống Đức Maria đã hạ sinh Chúa Giêsu. Giờ đây, di tích thánh được bao quanh bởi các biểu tượng và những ngọn đèn chùm.

Một di tích thánh khác nên viếng thăm, là nơi theo truyền thống đã lưu giữ cây Thánh Giá, trên đó Chúa Giêsu chịu đóng đinh. Đó là nơi hàng ngàn người hành hương đến cầu nguyện mỗi năm.

Trang web cũng có một phần dành cho trẻ em chơi các video game. Cùng với một con chim bồ câu trắng bay dọc theo màn hình máy tính, trẻ có thể thăm tất cả các Di tích Thánh và xem một loạt các hình ảnh.

Nếu bạn đang lập kế hoạch đến thăm Thánh Địa thật, trang web này có một bản đồ tương tác trình bày tất cả những nơi mà người ta phải ghé thăm và cũng là những địa điểm chính đánh dấu cuộc đời Chúa Giêsu tại Giêrusalem. Dĩ nhiên, một trong số đó là 14 chặng Đàng Thánh Giá, nơi Chúa Giêsu vác Thánh Giá khi Ngài lên đồi Golgotha.
 
Trời đất và Đức Hồng Y Bergoglio
Vũ Văn An
02:13 05/05/2013
Không như vị tiền nhiệm, tư tưởng và ý kiến của Đức Phanxicô ít được ai ở bên ngoài tổng giáo phận Buenos Aires biết đến, vì trước khi được bầu làm giáo hoàng, ngài viết rất ít và cũng chỉ xuất hiện trong một số cuộc phỏng vấn của giới truyền thông. Nên khi dịch bản tiếng Anh cuốn “Về Trời và Đất” xuất hiện gần đây, nó đã được nồng nhiệt chào đón. Đây là một cuộc đối thoại giữa Đức Hồng Y Bergoglio và giáo sĩ Do Thái Rabbi Abraham Skorka. Nhà xuất bản Image Books của Hoa Kỳ phát hành tác phẩm này với phụ đề “Đức Giáo Hoàng Phanxicô Nói Về Đức Tin, Gia Đình và Giáo Hội Trong Thế Kỷ Hai Mươi Mốt”. Như thế, trong tác phẩm này, người ta sẽ được biết tư tưởng của vị giáo hoàng tương lai về khá nhiều vấn đề, từ phá thai, hôn nhân đồng tính tới an tử và chủ nghĩa tư bản.

Đức HY Bergoglio khởi đầu bằng cách nhấn mạnh tới tầm quan trọng của đối thoại, điều mà theo ngài “phát sinh từ thái độ tôn trọng người khác, từ xác tín rằng người khác có điều gì đó tốt đẹp để nói ra”. Sau đó ngài và vị giáo sĩ Do Thái khởi sự một cuộc thảo luận lịch sự và thẳng thắn, mỗi người đưa ra tầm nhìn riêng.

Được chia thành 29 chương tùy theo chủ đề, nhưng chủ đề thuộc loại sớm liên quan tới Ma Qủy. Một nét được nhiều người lưu ý và ca ngợi Đức Phanxicô là ngài sẵn sàng nêu đích danh việc làm của ma qủy trong các bài giảng của ngài, và trong “Về Trời Và Đất” ngài đưa ra lời giải thích.

Ngài nói: “Có lẽ thành tựu vĩ đại nhất của hắn trong thời đại ngày nay là làm chúng ta tin rằng hắn không hề hiện hữu, và mọi sự đều có thể được điều chỉnh trên bình diện hoàn toàn nhân bản”. Nhưng theo ngài, “Cuộc sống con người trên mặt đất là chiến trận; Gióp nói cho ta biết điều đó, với ý nghĩa: con người không ngừng bị thử thách; nghĩa là bị thử thách để vượt thắng một tình thế và vượt thắng chính mình”.

Về chủ đề ấu dâm, Đức HY Bergoglio rất thẳng thừng, hoàn toàn chống đối việc hoán chuyển các linh mục phạm tội từ giáo xứ này sang giáo xứ khác (ngài cho đó là việc ngu xuẩn) và ca ngợi sự “can đảm và thẳng thừng” của Đức Bênêđíctô XVI khi cho áp dụng chính sách tuyệt đối không dung túng đối với loại tội ác này.

Trong cuốn sách, Đức HY Bergoglio thường xuyên nhấn mạnh tới tầm quan trọng của ý chí tự do và chống đối mọi hình thức giáo sĩ trị và chủ nghĩa quá khích. Linh mục không bao giờ được áp đặt đức tin mà chỉ được trình bày và bảo vệ giáo huấn của Giáo Hội một cách minh bạch. Ngài bảo: “Linh mục nào có thái độ chỉ biết hống hách, giống các nhóm quá khích, thực sự đã vô hiệu hóa và làm suy yếu những người đang tìm kiếm Thiên Chúa”. Ngài nhấn mạnh “Trong vai trò thầy dạy, linh mục phải huấn giáo, trình bày sự thật như đã được mạc khải, và đồng hành”.

Không đi vào cụ thể, ngài nhắc tới “những phe phái duy phục chế” (restorationist) hiện đang tiếp tục nhân thừa mà ngài coi là cực đoan. Ngài cho rằng: đối với người trẻ, cái lòng đạo đức cứng ngắc này khi bảo họ phải làm điều này hay phải làm điều nọ, sẽ dẫn họ tới việc chuẩn bị nghèo nàn cho cuộc sống, thiếu khả năng đương đầu với khủng hoảng và các thiếu sót nơi người khác. Ngài cho rằng : kết quả nó sẽ ngăn không cho người ta nhận biết và thấu hiểu lòng thương xót của Thiên Chúa. “Cái thứ đạo đức này tự hóa trang bằng những tín lý nhằm đem lại công chính hóa nhưng thực tế tước đoạt tự do của người ta và không để họ trưởng thành như những con người. Nhiều người kết cục với lối sống hai mặt”.

Ngài tiếp tục cho rằng chủ nghĩa quá khích ấy là một thứ thuốc phiện vì nó làm con người xa lánh Thiên Chúa hằng sống và rút gọn Đấng Thần Linh chỉ “còn là một hữu thể mà bạn có thể thao túng bằng pha chế”. Nó là một hình thức của “mua bán tiện nghi, phúc lợi, may mắn và hạnh phúc, nhưng để Thiên Chúa hằng sống lại phía sau, Đấng luôn đồng hành với bạn”.

Về an tử, vị giáo hoàng tương lai nói: ngài tin rằng một thứ “an tử trá hình” đang diễn ra. “hệ thống an sinh xã hội của ta trả đến một mức chữa trị nào đó rồi bảo ‘xin Chúa giúp đỡ bạn’. Người già không được chăm sóc như họ đáng được; thay vào đó, bị đối xử như những thứ vất đi”.

Nói tới phá thai, Đức HY Bergoglio để tôn giáo qua một bên để nhấn mạnh rằng theo quan điểm khoa học, hệ di truyền của một con người hiện hữu ngay từ lúc được thụ thai; nó làm họ thành một con người nhân bản từ lúc đó. “Phá thai là sát hại một con người không thể tự bảo vệ mình được”.

Ngài tiếp tục thảo luận với giáo sĩ Skorka về vấn đề hôn nhân đồng tính, loại hôn nhân bị ngài mô tả là “phản giá trị” và “thoái hóa về nhân học”. Nó làm suy yếu định chế hôn nhân, một định chế từng hiện hữu hàng ngàn năm nay và được “rèn đúc theo bản nhiên và nhân học”.

Nhưng một lần nữa, Đức Hồng Y nhắc đến tầm quan trọng của ý chí tự do, bao gồm cả tự do phạm tội. Dù linh mục có quyền đưa ra ý kiến nếu điều này phục vụ con người, nhưng ngài “không có quyền áp đặt bất cứ điều gì lên đời sống riêng của bất cứ ai. Nếu khi tạo dựng, Thiên Chúa mạnh dạn cho ta được tự do, thì tôi là ai mà dám làm ngược lại?”. Đức Hồng Y cho rằng “người ta phải nói thật rõ ràng về các giá trị, các giới hạn, các giới răn, nhưng xách nhiễu về thiêng liêng và mục vụ là điều không được phép”.

Về lòng khiêm nhường, Đức HY Bergoglio cho rằng: nó là nhân đức “bảo đảm rằng Thiên Chúa đang ở đấy”. Còn những ai “tự lấy mình làm đủ, có câu trả lời cho mọi vấn nạn, thì đó là bắng chứng Thiên Chúa không hiện diện với họ”. Đức Hồng Y nói thêm: tự lấy mình làm đủ “rất hiển nhiên nơi mọi tiên tri giả, nơi các lãnh tụ tôn giáo giả dạng, chuyên lợi dụng tôn giáo để phục vụ cái tôi riêng của mình”.

Khi thảo luận tới chính trị, vị giáo hoàng tương lai cho hay truyền giảng các giá trị nhân bản và tôn giáo luôn có một hậu quả chính trị “bất luận thích hay không”. Tuy nhiên, thách thức nằm ở chỗ đề xuất giá trị “mà không pha mình vào” một cách “chính trị phe phái”. Ngài phê phán báo chí đã rút gọn điều ngài nói vào “bất cứ điều gì thuận lợi”. Ngài bảo: “Ngày nay, từ hai hay ba sự kiện, báo chí gọt dũa ra một điều khác hẳn: họ thông tri sai lạc cho ta”.

Xa hơn chút nữa, ngài cho rằng các nhà lãnh đạo tôn giáo có nghĩa vụ phải bênh vực các giá trị chứ không giảng dạy “chống điều này điều nọ”. Ngài bảo “chúng ta không giảng dạy chống lại bất cứ ai. Chúng ta nhắc tới các gía trị đang lâm nguy và cần được bảo vệ”. Một lần nữa, ngài chỉ trích truyền thông, giới mà ngài cho là “đôi lúc bị nhiễm chứng viêm gan” vì “mầu vàng vàng của họ” và vì khuynh hướng hay “nhẩy bổ ra mà nói ‘phải khắt khe lên án điều này điều nọ’”.

Đức HY Bergoglio đặc biệt gay gắt khi thảo luận về chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa cộng sản. Ngài cho rằng chủ nghĩa tư bản “có cái sa đọa tâm linh của nó” vì đã tìm cách khống chế tôn giáo để nó đừng làm phiền mình thái quá, do đó đã ban phát cho tôn giáo một “chút siêu việt nào đó, nhưng không nhiều lắm”. Sự sa đọa tâm linh của chủ nghĩa cộng sản là bác bỏ thể siêu việt vì tin rằng thể này “làm tê liệt con người”, không cho con người tiến tới. Ngài cho rằng cả hai hình thức sa đọa ấy đều là biểu hiện của tính thế gian.

Về việc săn sóc người nghèo, Đức HY Bergoglio phân biệt giữa việc làm bác ái chân chính và các hoạt động xã hội làm yên lòng lương tâm, được thực hiện nhằm làm cho người làm “cảm thấy an ổn về chính mình”. Nhưng theo ngài, tình yêu “đòi con người phải ra khỏi chính họ, thực sự hiến thân cho người khác”. Ngài đơn cử trường hợp cơ quan bác ái của Giáo Hội bán đấu giá chiếc đồng hồ Rolex. Ngài bảo “Quả là một điều xấu hổ và lạm dụng bác ái. Vì đã đi kiếm một người dùng chiếc đồng hồ này để khoe mẽ hòng nuôi sống người nghèo ”.

Theo ngài, điều người nghèo cần hơn cả là một việc làm đem lại phẩm giá cho họ, và không được nhìn họ một cách khinh bỉ. Ngài bảo “phải nhìn thẳng vào mắt họ” và ngài lặp đi lặp lại câu này. Điều nguy hiểm nhất khi giúp đỡ người nghèo là sa vào thái độ “cha chú che chở”, một thái độ không dành chỗ để họ tăng trưởng.

Một đặc điểm được Đức Phanxicô ca ngợi hơn cả là sự hiền lành (meekness), nhưng ngài nhấn mạnh hiền lành không phải là yếu đuối. Ngài cho rằng “một nhà lãnh đạo tôn giáo có thể rất mạnh mẽ, cương quyết, nhưng không gây hấn” và từ ngày được bầu làm giáo hoàng, ngài thường cho rằng sức mạnh thực sự của một nhà lãnh đạo tôn giáo phát xuất từ chính sự phục vụ của họ.

Ngài cho thấy một nét đầy hy vọng khi cho rằng việc đi tìm Thiên Chúa theo kiểu tôn giáo nơi phần đông người ta vẫn “tiếp tục được đẩy mạnh dù phần nào lệch ra ngoài các cơ cấu định chế”. Ngài cho hay “phúc âm hóa là việc cần thiết, nhưng chủ nghĩa duy cải đạo (proselytism) thì không”. Ngày nay, việc cải đạo này “cám ơn Chúa đã bị xóa khỏi tự điển mục vụ”. Trích dẫn câu nói của Đức Bênêđíctô XVI “Giáo Hội là một đề xuất được tiếp nhận nhờ lôi cuốn chứ không nhờ chủ nghĩa duy cải đạo”, Đức HY Bergoglio cho rằng đức tin là “sự lôi cuốn nhờ chứng tá”.

Còn nhiều điều nữa trong sách, như các thảo luận về khoa học, hoàn cầu hóa, ly dị, giáo dục, Nạn Diệt Chủng và phụ nữ. Các đàm đạo về từng chủ đề phần lớn khá ngắn, chỉ cho ta nếm tạm mùi vị tư duy của vị giáo hoàng tương lai. Sau đây, xin trích dẫn một trích đoạn của cuốn sách nói về việc cảm nghiệm Thiên Chúa:

Cảm nghiệm Thiên Chúa

Giáo Sĩ Skorka: Đã nhiều năm kể từ ngày chúng ta gặp nhau lần đầu và một sợi dây thân ái đã được tạo nên giữa chúng ta. Khi nghiên cứu bộ Talmud, tôi thấy có câu nói rằng tình bằng hữu là ăn chung và dành thì giờ cho nhau, nhưng cuối cùng sách nhấn mạnh rằng dấu chỉ tình bạn chân chính là khả năng bộc lộ những gì trong trái tim mình cho người kia. Đó là điều đã xẩy ra cho hai chúng ta trong nhiều năm qua. Tôi tin rằng điều quan trọng nhất đem chúng ta lại với nhau chắc chắn đã là và vẫn còn là Thiên Chúa, Đấng khiến cho các nẻo đường của chúng ta gặp nhau và cho phép chúng ta mở lòng cho nhau. Trong các đàm đạo thường xuyên của chúng ta, dù đã đề cập tới nhiều chủ đề rồi, nhưng chưa bao giờ chúng ta minh nhiên nói tới Thiên Chúa. Dĩ nhiên, chúng ta luôn hiểu Người hiện hữu. Điều tốt đẹp là khởi đầu cuộc trao đổi mà chúng ta muốn để lại làm bằng chứng cho cuộc đối thoại của chúng ta, bằng cách thảo luận về Đấng hết sức quan trọng đối với cuộc sống của chúng ta.

Đức HY Bergoglio: Chữ “nẻo đường” quả là tuyệt diệu. Trong cảm nghiệm bản thân của tôi với Thiên Chúa, tôi chẳng làm gì được nếu không có nẻo đường. Tôi muốn nói rằng người ta gặp gỡ Thiên Chúa bằng cách bước đi, bằng cách chuyển động, bằng cách đi tìm Người và để mình được Người tìm ra. Đó chính là hai nẻo đường gặp nhau. Một đàng, là nẻo đường ta đi tìm Người, được thúc đẩy bởi khuynh hướng bẩm sinh phát xuất từ trái tim; và sau đó, khi đã gặp nhau rồi, ta hiểu ra rằng Người là Đấng đã đi tìm ta từ lúc ban đầu. Cảm nghiệm tôn giáo sơ khởi chính là cảm nghiệm bước đi: " hãy bước tới mảnh đất Ta sắp ban cho ngươi" (St 12:1). Đây là lời hứa mà Thiên Chúa đã làm với Ápraham. Trong lời hứa ấy, trong việc bước tới này, một liên minh đã được thiết lập và được củng cố theo thời gian. Chính vì vậy, tôi cho rằng cảm nghiệm của tôi về Thiên Chúa xẩy ra dọc theo một nẻo đường, cả trong việc tôi đi tìm lẫn trong việc tôi để mình được tìm thấy, dù cho đó là những nẻo đường đa dạng, của đau đớn, của hân hoan, của ánh sáng hay của bóng tối.

Giáo Sĩ Skorka: Điều ngài vừa nói khiến tôi nhớ tới một số câu trong Thánh Kinh. Thí dụ lúc Chúa bảo Ápraham: “hãy bước đi trước mặt ta và đừng mắc lỗi lầm” (St 17:1). Hay lúc muốn giải thích cho dân Do Thái điều Thiên Chúa muốn nơi họ, tiên tri Mika nói rằng “hãy thực hiện công lý và yêu điều thiện, và khiêm nhường bước đi với Thiên Chúa của các ngươi” (Mk 6:8). Dĩ nhiên, cảm nhận Thiên Chúa là điều năng động, nói theo kiểu chúng ta từng được học trong ngành khoa học căn bản chung của chúng ta (Giáo Sĩ Skorka có bằng tiến sĩ hóa học, còn Đức HY Bergoglio có bằng cao học về ngành này). Tuy nhiên, ngài nghĩ chúng ta có thể nói gì với con người thời nay khi thấy ý niệm Thiên Chúa quá bị tả tơi, phàm tục hóa và chẳng còn mấy quan trọng?

Đức HY Bergoglio: Điều phải nói với mọi người là hãy nhìn vào nội tâm của chính họ. Sao lãng là một gẫy đổ bên trong. Nó sẽ không bao giờ dẫn người ta tới chỗ gặp gỡ chính họ vì nó ngăn cản không cho họ nhìn vào tấm gương của chính tâm hồn họ. Tịnh tâm là bước đầu. Chính ở đó, cuộc đối thoại mới có thể bắt đầu. Đôi lúc, họ tin mình có câu trả lời duy nhất, nhưng không phải như thế. Tôi muốn mời con người thời nay tìm cảm nghiệm của việc bước vào cõi thân mật trong trái tim họ hòng biết được cảm nghiệm và khuôn mặt Thiên Chúa. Chính vì thế, tôi thích điều Gióp nói sau khi thấy cảm nghiệm khó chịu và các cuộc đàm đạo không giúp ích gì cho ông: “Con nghe lời người ta đồn đãi về Ngài, còn bây giờ, mắt con đã được thấy Người” (Gióp 42:5). Điều tôi nói với người ta không phải là biết Thiên Chúa chỉ bằng cách nghe mà thôi. Thiên Chúa Hằng Sống là Đấng các bạn có thể nhìn thấy bằng con mắt tâm hồn của các bạn.

Giáo Sĩ Skorka: Sách Gióp dạy chúng ta một bài học lớn vì, nói cho vắn tắt, nó cho rằng ta không bao giờ biết được cách Thiên Chúa tự tỏ mình ra qua các hoàn cảnh đặc thù. Gióp, một người công chính, một người chính trực, muốn biết tại sao ông mất hết mọi sự, thậm chí cả sức khỏe của mình. Các bằng hữu bảo ông rằng Thiên Chúa trừng phạt vì tội lỗi ông. Ông trả lời rằng cho dù ông có phạm tội, thì cũng đâu có đến nỗi. Gióp chỉ được an ủi khi Thiên Chúa hiện ra với ông. Các câu hỏi của ông không được giải đáp, nhưng việc cảm nhận sự hiện hữu của Người sẽ ở lại mãi trong ông. Trong câu truyện này, chúng ta có thể tìm được một số điều có thể lên khuôn nhận thức bản thân của tôi về Thiên Chúa. Thứ nhất, bằng hữu của Gióp tỏ ra ngạo mạn và vô lý khi chấp nhận lý thuyết cho rằng “mày phạm tội nên Thiên Chúa trừng phạt mày”, một lý thuyết biến Thiên Chúa thành một thứ máy vi tính chuyên tính toán phần thưởng hay hình phạt. Ở cuối câu truyện, Thiên Chúa bảo Gióp, kẻ từng trách móc các bất công của Đấng Tạo ra mình, rằng ông nên cầu bầu và cầu nguyện cho các bằng hữu của ông, vì họ đã nói sai lầm về Người (xem Gióp 42:7-8). Dưới con mắt Thiên Chúa, những kẻ lớn tiếng kêu than trong đau khổ, để cầu xin công lý của trời cao luôn làm Người hài lòng. Những kẻ nằng nặc duy trì quan điểm quá đơn giản (simplistic) về bản chất Thiên Chúa luôn bị Người ghét bỏ. Theo hiểu biết của tôi, Thiên Chúa tự tỏ mình Người cho chúng ta một cách rất tế vi. Các đau khổi hiện nay của chúng ta có thể là lời giải đáp cho người khác trong tương lai. Hoặc, có lẽ chúng ta là lời giải đáp cho một điều gì đó trong quá khứ. Trong Do Thái Giáo, Thiên Chúa được tôn kính qua việc chúng tôi tuân giữ các giới răn được Người mạc khải. Như ngài đã nhắc đến, mỗi con người và mỗi thế hệ phải tìm ra nẻo đường trên đó họ có thể tìm kiếm và cảm nhận được sự hiện hữu của Người.

Đức HY Bergoglio: Đúng vậy. Chúng ta tiếp nhận sáng thế trong tay như một hồng phúc. Thiên Chúa ban nó cho chúng ta, nhưng đồng thời, Người trao cho ta một trách vụ: là chúng ta phải khuất phục Trái Đất. Đây là hình thức đầu tiên của vô-văn hóa: điều con người tiếp nhận được, tức vật chất thô sơ phải được khuất phục để biến nó thành như văn hóa, cây gỗ phải biến thành chiếc bàn. Nhưng có lúc, con người đi quá xa trong trách vụ này; họ trở nên quá nhiệt thành và mất hết lòng kính trọng đối với thiên nhiên. Và thế là có các vấn đề sinh thái, như hâm nóng hoàn cầu, vốn là hình thức mới của vô-văn hóa. Công trình của con người trước Thiên Chúa và trước chính họ phải duy trì cho được thế quân bình thường hằng giữa hồng phúc và trách vụ. Khi con người chỉ duy trì hồng phúc mà không chịu làm việc, họ không chu toàn sứ mệnh và mãi mãi sơ khai; khi họ trở nên quá nhiệt thành với việc làm của mình, họ quên khuấy mất hồng phúc để tạo ra một nền đạo đức duy xây dựng: họ nghĩ rằng mọi sự đều là thành quả lao công của họ và không hề có hồng phúc gì cả. Đó là điều tôi gọi là hội chứng Babel.

 
Dạy dỗ ấm ớ, một linh mục Brazil bị vạ tuyệt thông
Đặng Tự Do
02:19 05/05/2013
Một linh mục Brazil, khét tiếng về những luận điểm bênh vực cho những tháo thứ về tính dục đã bị Đức Cha Caetano Ferrari của giáo phận Bauru, Brazil ra vạ tuyệt thông vào đầu tháng này.

Thông tấn xã Reuters cho biết linh mục Roberto Francisco Daniel, năm nay 47 tuổi, được thụ phong linh mục năm 2001, thường được người dân địa phương gọi là Padre Beto, đã chính thức bị hình thức kỷ luật nặng nề nhất của Giáo Hội là vạ tuyệt thông.

Trong tuyên bố của giáo phận Bauru, Đức Cha Caetano Ferrari cho biết ngài đau buồn đưa ra hình thức kỷ luật này vì linh mục Roberto đã “nhân danh tự do phát biểu để công khai chà đạp lời thề trung thành với các giáo huấn của Giáo Hội, gây thương tổn cho Giáo Hội với những tuyên bố đối nghịch hoàn toàn với giáo lý Công Giáo đến mức lạc giáo và ly giáo”.

Trong một đoạn video được đưa lên YouTube, linh mục Roberto, người đã theo học Thần Học tại Đức nói rằng những ai có những mối tình ngoài giá thú thì không mắc tội ngoại tình nếu như người phối ngẫu của người ấy đồng ý chấp nhận những mối tình này.

Quan điểm lạ lùng này đã vấp phải ngay sự chống đối dữ dội của anh chị em giáo dân trong giáo xứ. Thực tế là với cơ cấu kinh tế và văn hóa hiện nay của Brazil, phụ nữ thường khó kiếm việc làm hơn nam giới. Thu nhập kinh tế gia đình thường đến từ người chồng. Những quan điểm tháo thứ như thế chắc chắn sẽ đặt người phụ nữ vào những trạng huống rất khó khăn và đau lòng khi phải chấp nhận những mối tình ngoài giá thú như thế.

Dù đã vấp phải chống đối mãnh liệt của người dân địa phương, linh mục Roberto cứ nghĩ là mình đúng và cần phải gieo rắc quan điểm này trên toàn thế giới qua YouTube cùng với những tuyên bố ủng hộ hôn nhân đồng tính.

Tòa Giám Mục Bauru đã yêu cầu đương sự rút lại những tuyên bố lạc giáo của mình. Tuy nhiên, linh mục Roberto đã bất tuân phục và hậu quả là vạ tuyệt thông.

Phản ứng trước vạ tuyệt thông của Đức Cha Caetano Ferrari, đương sự tương tiếp lên YouTube một câu xanh rờn: “Tôi cảm thấy được vinh dự [vì vạ tuyệt thông này] trước những người đã chết thiêu trong lửa, chết rục trong tù trên con đường tìm kiếm kiến thức”.

Chuyện này, bên cạnh những tuyên bố ủng hộ hôn nhân đồng tính của một vài nhân vật trong Giáo Hội, cho thấy trào lưu tháo thứ về tính dục coi thân xác là phương tiện để hưởng thụ chứ không phải là đền thờ Đức Chúa Trời đang có những tác động sâu sắc đáng lo ngại trong Giáo Hội.

 
ĐTC Phanxicô: Không có đối thoại gì hết với quyền lực tăm tối thế gian
Đặng Tự Do
07:26 05/05/2013
"Chúng ta hãy luôn hiền lành và khiêm nhường hầu có thể đánh bại những lời hứa trống rỗng và sự thù hận của thế giới." Đó là thông điệp Đức Giáo Hoàng Phanxicô đưa ra vào sáng thứ Bảy 4 tháng Năm trong bài giảng Thánh Lễ tại nhà nguyện của Nhà Trọ Thánh Martha.

Khiêm nhường và hiền lành là những vũ khí chúng ta có trong tay để bảo vệ chúng ta khỏi sự hận thù của thế giới. Đây là trọng tâm bài giảng của Đức Thánh Cha, trong đó tập trung vào cuộc đấu tranh giữa tình yêu của Chúa Kitô và lòng căm ghét của thế gian.

Đức Thánh Cha đã nhắc lại đoạn Tin Mừng Ga 15, 18-20 “Nếu thế gian ghét anh em, anh em hãy biết rằng nó đã ghét Thầy trước. Giả như anh em thuộc về thế gian, thì thế gian đã yêu thích cái gì là của nó. Nhưng vì anh em không thuộc về thế gian và Thầy đã chọn, đã tách anh em khỏi thế gian, nên thế gian ghét anh em. Hãy nhớ lời Thầy đã nói với anh em: tôi tớ không lớn hơn chủ nhà. Nếu họ đã bắt bớ Thầy, họ cũng sẽ bắt bớ anh em.”

Đức Thánh Cha nói tiếp: “Con đường của các tín hữu Kitô là con đường của Chúa Giêsu. Nếu chúng ta muốn là các môn đệ của Người, chúng ta không có con đường nào khác, không có con đường nào ngoài con đường Ngài đã chỉ ra với những hệ lụy là bị thế gian căm ghét”.

“Đó là lý do cho những hận thù và khủng bố liên tục từ những ngày đầu của Giáo Hội thậm chí cho đến ngày nay.”

Đức Thánh Cha nhận định với vẻ mặt đầy cay đắng: “Có quá nhiều những cộng đoàn Kitô trong thế giới này đang bị bách hại. Thực sự, so với thời gian tiên khởi của Kitô Giáo, ngày hôm nay, ngay bây giờ, trong ngày này và trong giờ này đây đang có nhiều cộng đoàn bị bách hại”.

Thái độ của người Kitô hữu trước những bách hại ấy là gì? Đức Thánh Cha quảng diễn tiếp như sau:

"Ngày nay, đối thoại là cần thiết trong cộng đồng nhân loại chúng ta. Đó là điều cần thiết cho hòa bình. Đối thoại phải là một thói quen, phải là một thái độ mà chúng ta phải có để cảm thông và thấu hiểu nhau... và do đó đối thoại phải được duy trì mãi mãi. Đối thoại đến từ lòng bác ái và tình yêu”

“Nhưng đối với thủ lãnh thế gian, không thể đối thoại được”.

Đức Thánh Cha cảnh giác rằng đối thoại với ma quỷ thế gian chỉ dẫn đến chỗ bị chúng lừa đảo. Mánh lới của nó là: “Hãy làm chuyện nhỏ này thôi. Chuyện nhỏ thôi mà, không sao đâu – và rồi nó dẫn chúng ta đến một con đường chệch ra khỏi chính lộ chút xíu. Đó là một lời dối trá liên lỉ. Làm đi, làm đi, làm đi: không có chuyện gì đâu. Câu chuyện thường luôn bắt đầu bằng lời thoái thác: Không được đâu. Nhưng nó sẽ nói: Bạn là con người rất tốt, rất là tốt. Những lời tán tỉnh đó làm chúng ta yếu đuối dần và rồi là rơi vào bẫy”.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói tiếp rằng Chúa muốn chúng ta là chiên và ở lại trong đàn chiên vì ai tách ra khỏi đoàn chiên thì người ấy “không có vị mục tử bảo vệ cho mình và để mình rơi vào móng vuốt của bầy chó sói”.

Đức Thánh Cha nói tiếp: “Bạn có thể hỏi tôi: Thưa cha, như thế thì đâu là vũ khí để chống lại những cám dỗ, những lời xu nịnh, những hứa hẹn lừa đảo của ma quỷ thế gian. Vũ khí của chúng ta cũng chính là vũ khí của Chúa Giêsu, đó là Lời Thiên Chúa - không đối thoại gì hết - nhưng luôn luôn là Lời Thiên Chúa, và sau đó là lòng khiêm nhường và hiền lành.”

Hãy nghĩ đến Chúa Giêsu, khi người ta vả vào mặt Ngài: Ôi khiêm nhường và hiền lành biết bao. Thủ lãnh thế gian sỉ nhục được Ngài hay không? Không!

Hãy nghĩ đến cuộc thương khó Chúa Giêsu. Như Tiên Tri Isaia đã viết: “Như con chiên bị đem đi giết. Ngài không kêu la chút nào: Thật khiêm nhường và hiền lành biết bao.

Đó là những vũ khí mà thủ lãnh thế gian ngán nhất vì nó chỉ thắng được nhờ những hứa hẹn về quyền lực thế gian, về những phù hoa, và những phương thế làm giàu bất chính.

Đức Thánh Cha đã kết luận bài giảng của mình bằng lời kêu cầu xin Đức Mẹ giúp chúng ta trở nên hiền lành và khiêm nhường theo gương Chúa Giêsu.

Cùng đồng tế trong thánh lễ với ngài có Đức Tổng Giám Mục Lorenzo Baldisseri là thư ký Bộ Giám Mục.
 
Hoàng hậu nước Ý sắp được phong Chân Phước
Đặng Tự Do
06:21 05/05/2013
Trưa thứ Năm 2 tháng Năm, Đức Thánh Cha Phanxicô đã có buổi tiếp kiến với Bộ Phong Thánh do Đức Hồng Y Angelo Amato dẫn đầu và đã chuẩn y các án phong Chân Phước và nâng lên bậc Tôi Tớ Chúa cho những vị sau:

Án phong Chân Phước cho vị Tôi Tớ Chúa là Hoàng hậu Maria Cristina vùng Savoy, Sicilies thuộc nước Ý, sinh năm 1812 và qua đời năm 1836.

Án phong Chân Phước cho vị Tôi Tớ Chúa là chị Maria Bolognesi giáo dân người Ý sinh năm 1924 và qua đời năm 1980.

Hai vị đã được nâng hàng Chân Phước do những phép lạ được nhìn nhận là nhờ lời chuyển cầu của hai vị.

Hai vị khác sẽ được nâng lên hàng Tôi Tớ Chúa vì các nhân đức anh hùng là linh mục Joaquim Rosello Ferra, người Tây Ban Nha, sinh năm 1833, qua đời năm 1909; và nữ tu người Ba Lan là chị Maria Teresa của Thánh Giuse, tục danh là Janina Kierocinska, sinh năm 1885 và qua đời năm 1946.
 
Đức Hồng Y John Onaiyekan: Hai con ác quỷ sinh đôi đang hoành hành Nigeria
Đặng Tự Do
06:34 05/05/2013
Đức Hồng Y John Onaiyekan
Phát biểu tại Ủy ban Ngoại giao Nghị viện châu Âu ở Brussels, Đức Hồng Y John Onaiyekan của tổng giáo phận Abuja cho biết Nigeria đang bị đe dọa bởi "hai con quái vật sinh đôi là tham nhũng và bất an."

Tham nhũng, theo Đức Hồng Y, "đã tạo ra một mức độ mất tin tưởng rất cao nơi người dân, mà tối hậu đưa đến mối đe dọa hàng ngày khác là sự bất an"

"Rất thường khi những tên tội phạm được trang bị hùng hậu hơn so với lực lượng an ninh Nigeria", Ngài nói khi liên hệ đến Boko Haram. Đức Hồng Y Onaiyekan cáo buộc rằng các nhóm khủng bố Hồi giáo đã nhận được vũ khí từ Libya.

Trích dẫn trường hợp nhiều trường học của Giáo Hội, bệnh viện, và các hoạt động tông đồ khác, Đức Hồng Y nói thêm rằng "Giáo hội Công giáo quan tâm tới hạnh phúc của tất cả người dân Nigeria, không chỉ những người được rửa tội trong các nhà thờ của chúng tôi mà thôi. Chúng tôi có 170 triệu người Nigeria, gần một nửa là những Kitô hữu thuộc các hệ phái khác nhau và một nửa là người Hồi giáo. Cũng có các tôn giáo khác. Người Công giáo vẫn là nhóm tôn giáo lớn nhất trong nước, vì vậy chúng tôi có ảnh hưởng và trách nhiệm đáng kể."
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp Sàigòn Khai Mạc Tháng Hoa Kính Đức Mẹ
Anmai, CSsR
08:29 05/05/2013
Đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp Sàigòn Khai Mạc Tháng Hoa Kính Đức Mẹ

Tháng Hoa lại về, cùng với đoàn con cái Mẹ khắp nơi, cộng đoàn dân Chúa Đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp rước kiệu Đức Mẹ. Đoàn kiệu khởi bước sau Thánh Lễ thiếu nhi. Đoàn kiệu cất bước theo Mẹ qua những chặng đường của cuộc sống biểu trưng bằng con đường quanh nhà thờ và sân Tu Viện.

Xem hình

Kết thúc cuộc rước, cộng đoàn con cái Mẹ cùng dâng Thánh Lễ đồng tế tạ ơn do Cha Bề Trên Chánh Xứ Giuse Hồ Đắc Tâm chủ tế.
 
Đức Cha Matthêô Nguyễn Văn Khôi tham dự buổi rước kiệu dâng hoa kính Đức Mẹ tại Brunswich, Melbourne
Huy Hoàng & Thế Lực
14:12 05/05/2013
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
 
Đạo Đức Nghề Nghiệp : Cảm nghiệm một số trường hợp ở VN
Anmai, CSsR
21:42 05/05/2013
Đạo Đức Nghề Nghiệp : Cảm nghiệm một số trường hợp ở VN

Sống ở đời, chẳng ai không mong cho mình kiếm thật nhiều tiền để lo cho vợ, cho con, cho gia đình ... Thế nhưng, trong việc bôn ba với cuộc sống, trong việc kiếm tiền cũng ràng buộc con người sống trong chuẩn mực đạo đức của con người chứ không phải bằng mọi giá để kiếm tiền cho bằng được. Lý thuyết là như vậy. Nói lý thuyết thì dễ nhưng trong thực tế của cuộc sống ai can đảm sống đạo đức nghề nghiệp, đạo đức của con người mới là điều trân quý.

Cách đây vài hôm, tiện đường ngang tiệm sửa xe Honđa của em ở đường Cách Mạng Tháng 8, tôi dừng lại gặp em một chút. Gặp em để hỏi ý em rằng có một người quen nấu nước sâm bỏ mối. Thấy chỗ sửa xe của em là địa điểm khá tốt vì là mặt tiền và đối diện trường Trung Học nữa nên tôi gợi ý cho em kiếm thêm mỗi chai nước được 2 ngàn đồng khi người quen đưa đến.

Không kịp chần chừ, em bảo tôi là không được bởi vì trong hẻm gần nhà em đã có người bán nước sâm rồi. Em giải thích rằng bây giờ nếu lấy về bán nữa thì hàng xóm làm sao nhìn mặt nhau và khó nói với nhau lắm.

Chào em, tôi cất bước ra đi.

Về đến nhà, hình ảnh đẹp của em cứ miên man mãi trong lòng. Biết em ngót mười lăm năm về trước khi hay đến chỗ em nhờ sửa xe hộ. Cũng biết em chật vật cùng vợ nuôi 2 con nhỏ và cũng biết em quá vất vả từ quê xa vào Sài Thành kiếm kế sinh nhai ... Ấy vậy mà đứng trước một mối lợi hoàn toàn là đàng hoàng, chỉ bán nước sâm để lấy hoa hồng như bao người khác nhưng em lại không chịu.

Chỉ là người thợ sửa xe bên vệ đường nhưng em vẫn còn giữ một chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, đạo đức con người mà trong thời đại này không phải dễ kiếm ...

Mấy hôm nay, vào giờ thư giãn, tôi lại mở Tivi lên xem. Mở ra ngay bộ phim khá dài mang tựa đề "Khi người ta yêu". Thấy cũng được được nên cứ chiều chiều sau giờ cơm lại mở lên xem. Những ngày này, tình tiết bộ phim thật gay cấn khi nhiều nhân vật trong phim phải đương đầu với nhau để giành quyền lợi cho mình, để dành tình yêu cho mình. Bi đát hơn cả là để có được quyền lợi, tình yêu người ta đã bất chấp mọi thủ đoạn.

Phim thì phim nhưng nó cũng chẳng khác ngoài là mấy. Ở trên màn ảnh nhỏ cũng thế mà ngoài đời cũng thế. Để đạt được những mối lợi cho riêng mình, cho nhóm của mình, cho tập thể của mình người ta dùng những thủ đoạn hay hơn nữa những tiểu xảo có được để có bất chấp lương tâm và đạo đức của con người.

Phim hôm qua vừa hết thì chương trình thời sự người ta lại thông tin cho chuyện ở miền Tây người ta bắt được 2 người Trung Quốc vào Việt Nam để mướn đất trồng thơm. Giả dạng mướn đất như người lao động để rồi người ta dùng giống thơm có xuất xứ từ Trung Quốc và họ cho thuốc tăng trưởng, thuốc trừ sâu cũng từ Trung Quốc vào cho quả thơm. Đến ngày thu hoạch nhìn những trái thơm chín mọng vàng ươm thì chẳng ai biết được trái thơm đó được trồng ra sao và "ngậm" trong mình bao nhiêu thứ thuốc.

Đáng tiếc thay ngày nay không chỉ là thơm mà là dưa hấu, chuối, đu đủ, sầu riêng ... và bất cứ loại trái cây nào họ muốn cho tăng trưởng bao nhiêu, kích thích lớn như thế nào là tùy ý họ.

Đâu chỉ là trái cây mà ngày nay còn có cả động vật, gia cầm người ta cũng dùng thuốc cả. Nhìn con heo con bò no tròn béo tốt đó nhưng đâu ai biết được nó sinh ra như thế nào và lớn lên ra sao ? Chỉ biết ăn vào thì con người ngày càng phải đối diện với những căn bệnh mà không tìm ra thuốc chữa.

Nhìn vào cuộc sống, không biết có nên bi quan hay không nhưng khi nhìn quanh nhìn quẩn người ta đã đánh mất cái phẩm người, cái đạo đức của con người để thay vào đó lòng của ai đó mà can tâm sát hại cả đồng loại của mình.

Để giữ cho mình chuẩn mực đạo đức đơn sơ nhỏ bé như em thợ sửa xe mà tôi quen biết không phải là chuyện đơn giản. Em phải đấu tranh với lòng mình để lòng mình đừng bao giờ lóe lên cái chuyện hơn thua hay chà đạp người khác để kiếm sống.

Hơn bao giờ hết, ngày hôm nay khi con người ta quay cuồng trong vòng quay của vật chất, của danh vọng, của địa vị thì người ta lại càng bất chấp. Có thể chỉ vì một tí lợi nhuận cho họ, cho phe của họ mà họ có thể nhắm mắt làm ngơ đạp lên luân lý, lương tâm và đạo đức của con người. Chỉ tiếc thay là chiếc thang của quyền lực, sức mạnh của đồng tiền đã làm cho họ chẳng còn nhân còn nghĩa nữa.

Chỉ mong cho còn nhiều tâm hồn đơn sơ và có đời sống đạo đức chuẩn mực như em để như là điều gì đó an ủi cho những nỗi đau của con người do những con người không còn lương tâm hay đạo đức đang hủy hoại.

Anmai, CSsR

 
Thông Báo
Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam Tại Hoa Kỳ chúc mừng các tân LM năm 2013
Đức Ông Giuse Trịnh Minh Trí
16:50 05/05/2013
LIÊN ĐOÀN CÔNG GIÁO VIỆT NAM TẠI HOA KỲ

Hân Hoan Chúc Mừng Các Tân Linh Mục Việt Nam tại Hoa Kỳ Năm 2013

Phó tế sẽ được thụ phong Linh mục ngày 18 tháng 5 năm 2013

- PT. Peter Hoàng Văn Thi – GP Oakland, California
- PT. Gioan Nguyễn Vũ Việt - GP. St. Petersburg , Florida

Phó tế sẽ được thụ phong Linh mục ngày 8 tháng 6 năm 2013

- PT. Vũ Anh Dũng (Richard Vũ) - TGP. Atlanta , Georgia
- PT. Đaminh Nguyễn Tấn Công - TGP. Atlanta , Georgia

Phó tế sẽ được thụ phong Linh mục ngày 2 tháng 8 năm 2013

1. PT. Joseph Mary Đỗ Cao Nhân, OP –Dominican Friars of St. Vincent Liem, Oakland, California.

Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ hân hoan chúc mừng các Tân Chức và Gia đình. Quý tân chức năm 2013 chưa có tên trong danh sách này, xin vui lòng gởi về địa chỉ Email: ldcgvnhk@yahoo.com để mọi thành phần dân Chúa hiệp thông, cầu nguyện và chia sẻ niềm vui với các Tân Chức và Gia Đình.

HÂN HOAN CHÚC MỪNG!

Đức Ông Giuse Trịnh Minh Trí
Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Họa sĩ Với Thiên Nhiên
Tấn Đạt
21:21 05/05/2013
HỌA SỈ VỚI THIÊN NHIÊN
Ảnh của Tấn Đạt
Thế giới cần vẻ đẹp chân chính
và các nghệ sĩ có nhiệm vụ đem vẻ mỹ lệ
cho con người qua con đường nghệ thuật.
(Trích lời của Đức Giáo Hoàng Benedict XVI)