Ngày 02-05-2012
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thực tập sống nhân bản Kitô Giáo: Các phương cách gây thiện cảm
LM. Đan Vinh
08:04 02/05/2012
THỰC TẬP SỐNG NHÂN BẢN KITÔ GIÁO

CÁC PHƯƠNG CÁCH GÂY THIỆN CẢM


1.LỜI CHÚA: Thánh Phaolô khuyên tín hữu Cô-lô-xê: ”Anh em là những người được Thiên Chúa tuyển chọn, hiến thánh và yêu thương. Vì thế, anh em hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hoà và nhẫn nại. Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em người này có điều gì phải trách móc người kia. Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ cho nhau. Trên hết mọi sự, anh em phải có lòng bác ái: Đó là mối dây liên kết tuyệt hảo” (Cl 3, 12-14).

2.CÂU CHUYỆN: ĐI TÌM MỘT CON NGƯỜI HOÀN HẢO.

NASRUDDIN là hiện thân của những anh chàng độc thân khó tính. Trong một buổi họp vui với bè bạn, khi được hỏi tại sao đến tuổi này mà chưa chịu lấy vợ, anh đã trả lời như sau :

”Tôi đã dành trọn thời gian tuổi thanh niên để đi tìm cho mình một người phụ nữ hoàn hảo: Tại Cairô thủ đô Ai cập, tôi đã gặp một người đàn bà vừa đẹp người lại vừa thông minh, với đôi mắt đen huyền như hạt ô-liu. Nhưng người phụ nữ này lại ăn nói cộc cằn không chút dịu dàng. Tôi đành bỏ Cairô để đến thành Baghdad thủ đô Irắc, hy vọng tìm được một người phụ nữ như lòng mong ước. Tại đây, tôi đã may mắn sớm tìm được một phụ nữ hoàn hảo đẹp người đẹp nết và thông minh. Nhưng khi tiếp súc, tôi thấy hai người chúng tôi lại khắc khẩu vì không đồng quan điểm về bất cứ điều gì. Rồi bỏ cô này tôi tìm đến cô khác: cô thì chấm được về điểm này nhưng lại thiếu mất điều quan trọng kia và ngược lại... Đến một ngày tôi thất vọng và nghĩ mình sẽ không bao giờ có thể tìm được một con người lý tưởng làm vợ, thì một hôm tôi rất mừng khi gặp được một người phụ nữ toàn vẹn mọi bề: Nàng vừa đẹp, vừa bao dung nhân hậu và còn luôn biết cách ứng xử tế nhị thông minh… Nàng đúng là một mẫu người vợ lý tưởng. Nhưng các bạn có biết tại sao đến giờ này tôi vẫn còn độc thân hay không?... Vì khi nghe tôi ngỏ lời cầu hôn, nàng đã thẳng thắn từ chối vì nàng cũng như tôi: đang đi tìm một mẫu người chồng hoàn hảo, và tôi được nàng đánh giá là người đàn ông quá nhiều khuyết điểm!!!”.

3.SUY NIỆM:

1. Nhân vô thập tòan: Thực tế cho thấy: Con người không ai là người hòan hảo, bởi vì ai cũng có tội, ai cũng sai lỗi hoặc lớn hoặc nhỏ, nên không ai có thể tự hào mình là người hoàn hảo, ngòai một mình Thiên Chúa là Đấng hoàn hảo tuyệt đối. Do đó, thay vì đánh giá người khác cách khắt khe theo lăng kính của mình, thì chúng ta hãy chấp nhận người khác với cả ưu lẫn khuyết điểm của họ như thánh Gioan viết: ”Nếu chúng ta nói là chúng ta đã không phạm tội, thì chúng ta coi Người là kẻ nói dối, và lời của Người không ở trong chúng ta” (1 Ga 1,10).

2. Không thể làm vừa lòng mọi người ?

Chúng ta không thể tìm thấy trong xã hội một người nào hoàn thiện có thể làm vừa lòng được mọi người. Chính Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa làm người, luôn quên mình vị tha bác ái, xót thương phục vụ những người nghèo khổ, bệnh tật và bất hạnh… thế mà Người cũng bị dân Do thái thù ghét và đòi đóng đinh vào thập giá như một tử tội đai gian đại ác. Còn chúng ta, là con người vốn yếu đuối mỏng dòn, chắc sẽ không bao giờ có thể làm vừa lòng hết mọi người được.

3. Các phương cách gây thiện cảm:

Chúng ta khó có thể thay đổi được lòng người khác. Tuy nhiên điều có thể làm được là mỗi người hãy thay đổi bản thân bằng cách tập sống như một con người dễ thương. Sau đây là một số phương cách đề nghị thực hành để gây thiện cảm và sống vui vẻ hòa hợp với mọi người:

1) Nghĩ đến người khác: Cần luôn quên mình để nghĩ đến người khác. Hãy tập thành thói quen biết quan tâm đến người bên cạnh và sẵn sàng giúp đỡ hết mình.

2) Đến với tha nhân: Cần chủ động bắt chuyện làm quen với người mới gặp trên tàu xe, nơi công viên, tại nhà thờ hay trong các buổi sinh họat họp mặt. Nên tế nhị tìm hiểu về tên tuổi, địa chỉ, số điện thọai, gia cảnh nghề nghiệp… tùy theo từng trường hợp và mức độ tình cảm thân thiện.

3) Lắng nghe cảm thông: Nên gợi chuyện để người khác trình bày về họ và lắng nghe với sự cảm thông. Đây là phương pháp gây thiện cảm hữu hiệu. Tuy nhiên cần tránh thái độ tọc mạch, tò mò khi muốn biết các điều bí mật mà người kia không muốn tiết lộ.

4) Đáp ứng nhu cầu: Tìm hiểu nhu cầu về vật chất cũng như tinh thần để đáp ứng theo kinh “Thương người” như: Cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống… Vì yêu thương phục vụ là dấu chỉ môn đệ đích thực của Chúa Giê-su.

5) Cho phúc hơn nhận (x Cv 20,35): Cần thực hành theo lời Chúa dạy. Những ai đã từng tham gia các chuyến đi công tác bác ái đều có thể cảm thấy hạnh phúc khi biết chia sẻ cơm áo cho người nghèo.

6) “Mau nghe chậm nói khoan giận” (x Gc 1,19): Trong cuộc sống cần quan tâm thực hành lời thánh Gia-cô-bê nói trên. Đây là phương cách hữu hiệu để gây thiện cảm với người chung quanh.

7) Nụ cười kết thân: Nên mỉm cười khi tiếp xúc với người khác. Mỉm cười là cách tốt nhất để làm quen và rút ngắn khỏang cách giữa hai người xa lạ và là điều kiện để xích lại gần nhau hơn.

8) Biết tên và ngày sinh của người khác: Biết tên và ngày sinh của ai là dấu tỏ ra sự quan tâm và là phương thế hữu hiệu để đạt được thiện cảm của người khác.

9) Xét đóan ý tốt: Cần luôn xét đóan ý tốt và nói tốt cho người khác. Tránh nghĩ xấu cho người mình không ưa. Vì từ nghĩ xấu sẽ dẫn đến nói xấu và quan hệ giữa hai bên ngày một xấu đi. Trước khi phê bình người nào, cần xét lại bản thân để tự sửa lỗi trước rồi mới đủ tự tin để giúp sửa lỗi anh em cách tế nhị khoan dung (x Mt 7,1-5). Nên khiêm tốn tự phê trước khi phê bình người khác

10) Khen ngợi thành thật: Nên rộng rãi về lời khen như người ta thường nói: “Lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Lời khen phải thành thật chứ đừng khen giả dối hình thức, không đúng lúc đúng chỗ, vì sẽ dẫn tới kết quả trái ngược.

11) Tôn trọng tha nhân: Cần có thái độ tôn trọng tha nhân khi tiếp xúc nói chuyện. Sự tôn trọng biểu lộ qua cách xưng hô xứng hợp địa vị và thân sơ, lắng nghe người khác khi nói chuyện… Sự tôn trọng của ta chắc sẽ được đáp lại và quan hệ giữa hai bên ngày một tốt đẹp hơn.

12) Nhiệt tình dấn thân: Cần nhiệt tình trong mọi việc, sẵn sàng đi bước trước đến với người khác, nhất là người mới tiếp xúc để chủ động làm quen, sẵn sàng dấn thân phục vụ quét dọn, lau nhà, dọn bàn và rửa chén bát sau bữa liên hoan nội bộ… Tuy nhiên cũng cần động viên mọi người cùng làm, tránh bị hiểu lầm đó là nhiệm vụ của ta.

13) Khiêm tốn phục vụ: Sẵn sàng phục vụ tha nhân cách khiêm tốn. Không làm việc để tìm tiếng khen. Ánh sáng phục vụ sẽ có sức mạnh chiếu tỏa giúp tha nhân nhìn thấy việc lành chúng ta làm mà ngợi khen Chúa Cha trên trời.

14) Chia sẻ niềm vui: Nên chia vui sẻ buồn với nhau như lời thánh Phao-lô: “Vui với người vui khóc với người khóc” (Rm 12,15). Hãy noi gương Mẹ Ma-ri-a đem thai nhi Giê-su đến chia sẻ cho gia đình Gia-ca-ri-a làm cho thai nhi Gio-an nhảy mừng (x Lc 1,39-45). Tuy nhiên khi gặp gỡ nhau, cần tránh nói về những chuyện kín đáo trong nội bộ.

15) Cho phúc hơn nhận: Cần luôn sống quên mình vị tha. Tập quảng đại cho đi hơn nhận lãnh (x Cv 20,35). Tránh đòi tha nhân phải làm gì cho mình, nhưng luôn tự hỏi mình đã làm gì cho tha nhân?

16) Trạng sư chữa lỗi: Khi nghe một lời phê phán chỉ trích về một người khác, cần tránh nói thêm như “đổ dầu vào lửa”, nhưng nên phản ứng bằng sự im lặng và chuyển sang đề tài khác. Nhất là tích cực làm trạng sư bào chữa cho người bị chỉ trích, để minh oan hoặc ít là để giảm nhẹ sự kết án, noi gương Chúa Giê-su đã bênh vực người đàn bà cô thế bị bắt quả tang phạm tội ngọai tình (x Ga 8,1-11).

17) Viên thuốc bọc đường: Cần tế nhị khôn ngoan khi phải sửa lỗi tha nhân. Cần “khen trước chê sau” để lời chê giống như viên thuốc được bọc đường, sẽ làm cho kẻ có lỗi dễ dàng đón nhận và ít bị chạm tự ái hơn.

18) Thảo luận hơn tranh luận: Thảo luận là khi trao đổi nói chuyện người này biết tôn trọng người kia bằng cách chú ý lắng nghe, dù đó là ý kiến khác biệt để tìm ra chân lý. Còn tranh luận là thái độ của kẻ háo thắng, thể hiện qua sự không lắng nghe lý lẽ mà chỉ muốn “lấy thịt đè người”, thể hiện qua thái độ cướp lời người đang nói và nói to tiếng để lấn át đối phương.

19) Sứ giả hòa bình: Cần năng đọc “Kinh Hòa Bình” của thánh Phan-xi-cô để xin Chúa giúp chu tòan sứ mệnh làm chứng nhân Nước Trời, đem bình an và niềm vui của Chúa đến mọi người. Học cách giải hòa tranh chấp giữa hai người đang thù ghét nhau.

20) Công khai tài chánh: Cần làm các việc chung tập thể với tinh thần công minh chính trực. Khi quyên góp cần đi hai ba người, mang theo sổ sách và sớm báo cáo kết quả với cấp trên.

4.LỜI CẦU: Lạy Chúa. Thánh Phaolô đã khuyên các tín hữu Cô-lô-xê cũng là khuyên chúng con: ”Anh em là những người được Thiên Chúa tuyển chọn, hiến thánh và yêu thương. Vì thế, anh em hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hoà và nhẫn nại. Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em người này có điều gì phải trách móc người kia. Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ cho nhau. Trên hết mọi sự, anh em phải có lòng bác ái: Đó là mối dây liên kết tuyệt hảo” (Cl 3, 12-14). Xin Chúa đổ Thần Khí giúp mỗi người chúng con biết sống tinh thần “Hiệp Sống- xin vâng và phục vụ” noi gương Chúa Giêsu như Mẹ Maria xưa, để chúng con có thể gây được thiện cảm với người khác là điều kiện để chu tòan sứ mệnh loan báo Tin Mừng cho mọi người.- AMEN.

LM ĐAN VINH
 
Hiệp thông với Chúa và với tha nhân
LM Đan Vinh
08:31 02/05/2012
CHÚA NHẬT V PHỤC SINH B (Cv 9,26-31 ; 1 Ga 3,18-24 ; Ga 15,1-8)

1. Têrêsa: Mãu gương hiệp thông với Chúa:

Thánh nữ Tê-rê-sa Hài Đồng Giê-su, sinh năm 1873 tại A-lăng-sông (Alancon) nước Pháp. Ngay từ năm 15 tuổi, Tê-rê-sa đã được đặc ân gia nhập dòng kín Các-men. Chín năm sau, tức năm 1897, chị Tê-rê-sa đã an nghỉ trong Chúa do bị bệnh lao phổi. Thế mà, ngay sau khi qua đời, tiếng thơm nhân đức của ngài đã vang đi khắp nơi. Rồi 28 năm sau, tức vào năm 1925, Tê-rê-sa đã được Đức Pi-ô XI phong lên bậc hiển thánh và được đặt làm bổn mạng các xứ truyền giáo, ngang hàng với thánh Phan-xi-cô Xa-vi-ê. Mới đây, Đức Gio-an Phao-lô Đệ Nhị lại phong Tê-rê-sa làm tiến sĩ của Hội Thánh.

Đọc tiểu sử của thánh nữ, ta thấy chị không phải vất vả đi khắp nơi giảng dạy giáo lý Thánh Kinh cho dân chúng, đương đầu với lạc giáo như thánh Đa-minh; Không sống khắc khổ hay ăn chay đánh tội như thánh Phan-xi-cô Khó Khăn; Không phải bỏ quê hương đi đến những vùng xa xôi truyền giáo như thánh Phan-xi-cô Xa-vi-ê ; Không để lại nhiều tác phẩm có giá trị triết lý và thần học như thánh Tô-ma A-qui-nô ; Không làm nhiều phép lạ giúp đỡ những người nghèo khổ bất hạnh như thánh Mác-tin Po-rê; Không chịu cực hình đau khổ để làm chứng cho Chúa như các thánh tử đạo Việt Nam... Thế nhưng tại sao Tê-rê-sa lại được Hội Thánh tôn vinh như một đại Thánh của thế kỷ XX và XXI? Thưa chính là nhờ chị có đời sống nội tâm đạo đức, luôn kết hiệp mật thiết với Đức Giê-su như cành nho gắn liền với thân cây nho. Nhờ sự kết hiệp đó, dù không làm được những việc lớn lao bề ngoài, nhưng Tê-rê-sa đã đem lại nhiều ích lợi cho Hội Thánh, đặc biệt là đường lối nên thánh của chị thánh phù hợp với Lời Chúa dạy và với tâm lý của con người thời đại mới. Nhờ kết hiệp mật thiết với Đức Giê-su, mà Tê-rê-sa đã đem lại một sinh lực mới cho Hội Thánh, như lời Chúa phán: “Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái. Vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15,5).

2. Hiệp thông với Chúa như cành nho kết hiệp với thân cây nho:

Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy sự hiệp thông với Đức Giê-su là điều kiện để đức Tin của các môn đệ phát sinh hoa trái. Cũng như cành nho phải kết hiệp mật thiết với thân cây mới sinh hoa kết quả thế nào, thì các tín hữu cũng phải kết hiệp mật thiết vối Chúa Giê-su mới có thể chu tòan sứ mệnh làm vinh danh cho Thiên Chúa và góp phần cứu rỗi anh em.

3. Hiệp thông với Chúa để hiệp thông với tha nhân:

Qua tác phẩm “Tự thuật” mà Tê-rê-sa đã vâng lời bề trên trình bày về linh đạo của mình. Linh đạo ấy được gọi là Con Đường Thơ Ấu Thiêng Liêng, là Đức Bác Ái rút ra từ lời dạy và gương lành của Đức Giê-su trong Tân Ước, và được tóm gọn như sau:

- Luôn tin yêu phó thác mọi sự cho Chúa quan phòng, giống như đứa con thơ ở trong lòng bà mẹ.

- Quyết tâm thực thi tình mến Chúa yêu người trong cuộc sống hằng ngày: “Sống đời thường bằng một cách thức phi thường”.

- Tận hiến toàn thân để làm vinh danh Chúa và khiêm nhường phục vụ tha nhân.

- Vui vẻ đón nhận những sự hiểu lầm bất công hay khinh dể của tha nhân, như những món quà Chúa gởi đến giúp ta nên thánh.

Tê-rê-sa đã viết trong cuốn Tự Thuật như sau: “Đức Ái đã cho tôi thấy chìa khóa về ơn gọi của tôi. Tôi hiểu rằng: nếu Hội Thánh là một thân thể gồm nhiều chi thể, thì các chi thể đương nhiên phải có một chi trọng yếu hơn. Đó là trái tim luôn cháy lửa yêu mến. Chỉ có lòng mến mới thúc bách mọi thành viên trong Hội Thánh hăng hái hoạt động. Nếu ngọn lửa mến đó tắt đi thì các tông đồ không còn rao giảng Tin mừng, các vị tử đạo sẽ không hy sinh đổ máu. Tôi hiểu lòng mến bao trùm mọi ơn gọi khác, bao quát mọi không gian và thời gian. Tóm lại lòng mến là vĩnh cửu”. Quả vậy, chính lòng mến Chúa tha thiết đã làm cho Tê-rê-sa tiến lên tới đỉnh trọn lành, và kết thúc cuộc đời trong sự bình an hạnh phúc.

Về đời sống nội tâm, Tê-rê-sa đã thưa với Đức Giê-su trong cuốn Tự Thuật như sau: “Ôi Giê-su là Tình Yêu của con. Con đã khám phá ra ơn gọi của con là Sống Tình Yêu! Con đã tìm ra chỗ đứng của con trong lòng Hội Thánh là mẹ con mà Chúa đã ban cho con. Con sẽ là Tình Yêu, và như vậy con sẽ là tất cả...”

4. Lạy Chúa Giêsu.

Hôm nay xin Chúa cũng giúp chúng con biết noi gương Đức Maria trong việc hiệp thông với Chúa và với tha nhân: Sau khi thụ thai Hài nhi Giêsu, Mẹ đã đem Thai Nhi đi viếng thăm bà chị họ để chia sẻ niềm vui ơn cứu độ cho cả gia đình Gia-ca-ri-a. Nhờ đó thai nhi Gio-an Tẩy Giả đã nhảy mừng trong dạ mẹ vì được khỏi tội tổ tông truyền. Xin cho chúng con hôm nay, mỗi lần dự lễ và rước Chúa Giêsu vào lòng, cũng biết đem Chúa là tình yêu đến chia sẻ cho những người thân chưa tin nhận Chúa, thăm viếng thắt chặt tình thân với các thành viên trong cộng đoàn… và sẵn sàng khiêm tốn phục vụ Chúa hiện thân trong những người neo đơn bệnh tật và bất hạnh... Nhờ được luôn hiệp thông với Chúa, chúng con sẽ biết quên mình, vác thập giá là những rủi ro trái ý gặp phải hằng ngày và bước theo chân Chúa trên đường lên Núi Sọ noi gương Mẹ Maria xưa. AMEN.
 
Kết hợp và sinh trái
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
08:34 02/05/2012
Chúa nhật 5 phục sinh B

Phúc âm Chúa nhật tuần trước, Chúa Giêsu dùng hình ảnh con chiên và người chăn chiên để nói về mối liên hệ giữa Thiên Chúa và loài người. Mục tử chăm sóc đoàn chiên.

Phúc âm hôm nay, Chúa Giêsu dùng hình ảnh cây nho và cành nho để nói đến sự thông hiệp giữa loài người với Thiên Chúa. Cành nho phải gắn vào thân nho để sống và sinh hoa trái.

Ý nghĩa của lối so sánh là kết hợp và sinh trái. Càng kết hợp chặt chẽ càng sinh nhiều hoa trái. Chúa dạy chúng ta điều kiện căn bản là kết hợp với Chúa, mới đem lại hoa quả thiêng liêng cho chính mình và cho người khác.

Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái”(Ga 14,5). Có tới 9 lần cụm tụ “ở lại trong” được lặp lại trong đoạn Tin mừng này. Mỗi người phải “ở lại trong” Thầy, bởi vì: “Không có Thầy, các con không thể làm được gì”(Ga 14,5).

Nếu chúng ta được ở trong Chúa Giêsu, được kết hợp với Ngài thì chúng ta sẽ lãnh được sức sống của Ngài. Chúa Giêsu ở trong Thiên Chúa nên khi kết hợp với Ngài, chúng ta cũng được kết hợp với Thiên Chúa và múc được sự sống của Chúa Ba Ngôi.

Cành nho gắn với thân nho và liên kết với những cành khác. Cành nho nào không tiếp nhận nhựa sống sẽ cằn cỗi, khô héo. Nhựa sống trong thân cây lưu chuyển, cho mọi cành để cùng nhau sinh nhiều hoa trái. Chúng ta cần cộng tác với nhau, cần nâng đỡ nhau, cần kết hợp với nhau trên con đường nên thánh.

Thiên Chúa là nguồn mạch sự sống. Tách lìa Người, chúng ta không thể sống, càng không thể phát triển được. Thiên Chúa là dòng sông ân sủng. Khi kết hiệp với Người, ân sủng tuôn đổ vào linh hồn, làm cho chúng ta được sống và sống sung mãn. Ân sủng thấm nhập nội tâm, uốn nắn tình cảm, củng cố ý chí, sinh ra những hoa trái thiêng liêng trong tư tưởng, lời nói, việc làm. Nhờ kết hiệp mật thiết với Chúa, chúng ta được sống sự sống của Người, nói lời nói của Người, hành động theo gương của Người, phán đoán theo chuẩn mực của Người, nhìn con người và sự việc bằng cặp mắt của Người, yêu thương bằng trái tim của Người. Khi sự kết hiệp đã đến mức hoàn hảo, chính Người hành động qua ta và vì thế, những hoa trái sẽ vô cùng phong phú.

Bài đọc 1, kể chuyện thánh Phaolô trở lại trên đường Đamat. Từ con người phản nghịch trở thành con người của ơn thánh. Từ con người ghét đạo trở thành con người nhiệt thành rao giảng Tin Mừng. Phaolô đã đúc kết mối liên kết cuộc đời mình với Chúa Kitô trong một câu bất hủ: "Tôi sống, nhưng không phải tôi, mà là chính Đức Kitô sống trong tôi" (Gal 3, 20).

“Đức Kitô sống trong tôi” nên tôi mới sinh hoa trái yêu thương như lời Thánh Gioan trong bài đọc 2 : “Ai tuân giữ giới răn của Thiên Chúa thì ở trong Thiên Chúa và Thiên Chúa ở trong kẻ ấy. Và giới răn của Thiên Chúa là tin vào Danh Đức Giêsu Kitô, Con của Ngài, và yêu thương nhau như Ngài đã truyền dạy”. Thánh Gioan còn căn dặn: “Chúng ta đừng yêu thương nơi đầu môi chót lưỡi, nhưng phải yêu thương thật sự bằng việc làm”. “Sinh hoa trái” là yêu thương một cách hữu hiệu, bằng việc làm có sức biến đổi môi trường chung quanh, đem niềm vui và hạnh phúc cho người khác.

Lúc ban đầu, khi các môn đệ mới theo Chúa, Thánh Gioan viết: “Các môn đệ đã đến xem chỗ Ngài ở và lưu lại với Ngài” (Ga 1,39). Sau những năm sống với Chúa, Thánh Gioan đổi cách dùng ngôn ngữ: “Các con hãy ở lại trong Thầy cũng như Thầy ở trong các con” (Ga 15, 17). Ở với là ở bên cạnh. Ở trong là trọn vẹn thuộc về người ấy. Khi Phêrô ở với Chúa là ở bên cạnh thôi nên vẫn còn hai bước chân khác nhau, hai ý nghĩ không chung đường và Phêrô đã có những bước chân sai đi lạc lối. Còn ở trong là nên một trong nhau. Chính nhờ ở trong Chúa mà Phêrô đã trở nên con người mới, hoàn toàn thuộc về Chúa.

“Ở lại trong” và “gắn liền với” Chúa là điều kiện cần thiết để “sinh nhiều hoa trái”. Chúa Giêsu đã sống chân lý đó trong sự kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa Cha, và Ngài đã cầu nguyện cho chúng ta được nên một với Ngài trong sự sống đó (Ga 17,21-22).Chúng ta kết hợp với Chúa qua đời sống cầu nguyện, Thánh Lễ và các Bí Tích. Chúng ta còn kết hợp với Chúa qua việc biểu lộ lòng trung tín như lời Thánh Phêrô: "Bỏ Thầy chúng con biết theo ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời" (Ga 6,68).

“Gắn liền với” hay “ở lại trong” Chúa Giêsu, chúng ta sẽ nhận được sức sống, sức mạnh của Ngài, chúng ta sẽ có một cuộc đời tươi đẹp, ý nghĩa, chẳng những đầy nội lực, an vui, hạnh phúc mà còn là nguồn sức mạnh, nguồn an vui hạnh phúc cho mọi người nữa. Mối liên kết này làm cho chúng ta có cùng bản tính với Chúa Giêsu, được nên một với Ngài: một sự sống, một tình yêu, một tinh thần, một ý chí và hành động. Từ đó, trở nên chi thể trong nhiệm thể Chúa Kitô, chúng ta là óc để suy tư, là mắt để nhìn thực tại trần thế, là tai để nghe tiếng rên rỉ đòi hỏi, là vai để vánh vác, là tay để cứu vớt, là chân để đi đến với người khổ đau, là quả tim để khắc khoải yêu thương, và là miệng để nói những lời bác ái ủi an (ĐHY 341).

Dụ ngôn “cây nho” là bài diễn từ về cuộc sống siêu nhiên. Lời Chúa mời gọi chúng ta hãy luôn gắn bó mật thiết với Chúa. Nhờ ân sủng của Chúa, đời sống chúng ta sẽ trổ sinh nhiều hoa trái tốt lành. Hoa trái chính là yêu thương, chia sẻ, cảm thông, tấm lòng rộng mở, biết quan tâm đến người khác. Sống được như vậy, chúng ta mới xứng đáng là môn đệ của Đấng Phục Sinh, đồng thời cũng làm cho Chúa Cha ngày càng được vinh hiển, như lời dạy của Chúa Giêsu: “Đây là điều làm cho Cha Thầy được vinh hiển là các con sinh nhiều trái, và như thế, các con trở nên môn đệ của Thầy”.
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
20:12 02/05/2012
N2T

12. Thiên Chúa không mong muốn chúng ta nương tựa vào kẻ khác, mà chỉ nương tựa vào sự thánh thiện vô cùng của Ngài mà thôi.

(Thánh Charles Borromeo)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Việc nâng Bánh Rượu phải kéo dài bao lâu?
Nguyễn Trọng Đa
07:33 02/05/2012
Việc nâng Bánh Rượu phải kéo dài bao lâu?

ROMA - Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô, giáo sư Phụng vụ tại Đại học Regina Apostolorum (Nữ vương các thánh Tông đồ), Roma.

Hỏi: Việc nâng Bánh Rượu phải kéo dài bao lâu? Linh mục của chúng tôi nâng Bánh thánh và Chén thánh gần hai phút mỗi khi truyền phép. Sau đó có hai lần ngài nâng Bánh thánh và Chén thánh. Mỗi lần như thế, ngài nâng Bánh và Chén cao hết cả cánh tay, càng cao càng tốt. - H.B., Bethlehem, Pennsylvania, Mỹ

Đáp: Trước tiên độc giả của chúng tôi nên tri ân vì có một linh mục nhiệt tâm, mặc dầu phải nhìn nhận rằng hai phút là quá lâu cho mỗi lần nâng Bánh thánh và Chén thánh. Tôi vẫn nghi ngờ về thời gian này trong thực tế, mặc dầu độc giả này nói chắc là đúng thôi.

Chữ đỏ nói có ba lần nâng Bánh thánh và Chén thánh, mặc dầu nhiều chuyên viên phụng vụ cho rằng thực ra chỉ có một lần nâng cao xét về kỹ thuật mà thôi.

Lần đầu tiên là ngay lập tức sau khi linh mục thánh hiến bánh rượu. Chữ đỏ nói rằng linh mục "nâng Bánh thánh cho tín hữu nhìn ngắm, sau đó đặt Bánh vào Đĩa thánh, và bái gối thờ lạy." Tương tự như vậy cho Chén thánh, "Linh mục nâng Chén thánh cho các tín hữu nhìn ngắm, rồi đặt Chén thánh trên khăn thánh, và bái gối thờ lạy."

Không có dấu hiệu chỉ dẫn về thời gian nâng Bánh và Rượu, hoặc thời gian bái gối. Ở đây người ta phải được hướng dẫn bởi các nguyên tắc chung của nghi thức Rôma, vốn tránh các cử chỉ phóng đại hoặc có tính sân khấu. Bởi vì việc nâng là nhằm cho các tín hữu nhìn thấy Bánh thánh và Chén thánh, và sự quỳ gối là một hành động tôn thờ, các cử chỉ này không nên được thực hiện cách vội vàng, nhưng với một mức độ kéo dài vừa phải và đàng hoàng, vốn nhấn mạnh chức năng phụng vụ của việc này.

Có lẽ độ cao tốt nhất là Linh mục nâng Bánh và Rượu ở ngang đầu của ngài, để ngài có thể chiêm ngưỡng Bánh Rượu một cách tự nhiên.

Việc nâng cao Bánh thánh và Chén thánh ở mức cao nhất có thể, là tốt nhất dành cho khi linh mục dâng lễ ad orientem (hướng mặt về bàn thờ theo kiểu cũ, chứ không hướng về cộng đoàn). Nếu việc nâng cao được thực hiện trong khi linh mục hướng về cộng đoàn, việc ấy có thể là vô duyên và là nguyên nhân gây chia trí hơn là xây dựng.

Việc nâng cao cho phép Bánh Rượu được chiêm ngắm, nhưng không nên kéo dài quá mức, vì đó không phải là lần nâng quan trọng nhất xét về mặt phụng vụ.

Lần nâng Bánh Rượu quan trọng nhất về mặt phụng vụ là lần nâng thứ hai trong Vinh tụng ca ở cuối Kinh Nguyện Thánh Thể. Nghi thức này được thực hiện bởi bản thân linh mục, hoặc cùng với một thầy phó tế hoặc một linh mục đồng tế. Chữ đỏ nói rằng linh mục cầm Chén thánh, Đĩa thánh có Bánh thánh, nâng cao cả hai, và đọc: "Chính nhờ Người, ..." Một thầy phó tế hoặc một linh mục đồng tế hiện diện, nâng Chén thánh.

Về việc nâng này, cần chú ý các điểm sau đây:

- Chỉ Đĩa thánh có Mình Thánh được nâng lên; Mình thánh không được hiển thị rõ cho cộng đoàn tại thời điểm này.

- Chỉ có một Chén thánh và Đĩa thánh có Mình Thánh được nâng cao. Nếu có nhiều Bình thánh bên cạnh Bình thánh chính, chúng đều được để yên trên bàn thờ.

- Cả Chén thánh và Đĩa thánh được nâng cao cho đến khi cộng đoàn kết thúc chữ "Amen" cuối cùng của Kinh Nguyện Thánh Thể, dù khi chữ Amen được hát hoặc được lặp đi lặp lại lâu hơn thường.

Bản chất của cử chỉ này, thường đi kèm với việc linh mục hát Vinh tụng ca, thường có nghĩa là Chén thánh và Đĩa thánh được nâng lên hơi thấp một chút so với lần thánh biến Bánh Rượu. Một luật là ngón tay cái của linh mục ở ngang tầm mắt của linh mục, hoặc hơi cao hơn một chút.

Lần nâng thứ ba cũng là lần cuối diễn ra ngay trước khi linh mục rước lễ. Chữ đỏ nói rằng, sau kinh “Lạy Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian...”, trong đó linh mục thầm lặng dọn mình rước lễ, và bẻ chút Bánh cho vào Chén thánh, “linh mục bái gối, rồi cầm bánh, và nâng Bánh hơi cao trên Đĩa thánh hay trên Chén thánh, hướng về phía cộng đoàn, và đọc to: “Đây chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian, phúc cho ai được mời đến dự tiệc Chiên Thiên Chúa”

Sự chọn nâng Bánh thánh trên Đĩa thánh hoặc trên Chén thánh là tùy ý của linh mục, mặc dù cử chỉ này có vẻ thích hợp về mặt thẩm mỹ hơn.

Vị linh mục nên giữ cao Bánh thánh cho đến khi ngài và cộng đoàn đọc xong câu: “Lạy Chúa, con chẳng đáng Chúa ngự vào nhà con..."

Một lần nữa, tốt hơn là không nên nâng Bánh thánh quá cao, nhưng ở mức như lần nâng thứ hai là vừa.

Sẽ có lỗi phụng vụ khi nâng Bánh mà không có Đĩa thánh hoặc Chén thánh ở phía dưới, tức là chỉ nâng Bánh trên Khăn thánh. Bởi vì vào lúc này, Bánh đã được bẻ ra, khả năng vụn bánh có thể rơi ra nhiều hơn, do đó tốt hơn vụn bánh cần rơi trực tiếp lên Đĩa thánh hoặc vào Chén thánh.

Nguyễn Trọng Đa
 
Giải thích thêm về Kinh khẩn cầu Thánh Linh trong Kinh Nguyện Thánh Thể
Nguyễn Trọng Đa
07:37 02/05/2012
Giải thích thêm về Kinh khẩn cầu Thánh Linh trong Kinh Nguyện Thánh Thể

Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô, giáo sư Phụng vụ tại Đại học Regina Apostolorum (Nữ vương các thánh Tông đồ), Roma.

Hỏi: Câu trả lời của cha ngày 17-4 về Kinh khẩn cầu Thánh Linh trong Lễ Quy Rôma đã nhắc tôi nhớ lại câu hỏi đến từ Palo Alto, California: "Liệu Kinh Nguyện Thánh Thể thứ nhất, được biết đến như là Lễ Quy Rôma, có là Kinh nguyện Thánh Thể quy phạm cho Thánh lễ Chủ nhật không?"

Đáp: Trong khi có lẽ là đi hơi xa khi nói rằng Lễ Quy Rôma là Kinh Nguyện "quy phạm" cho Thánh Lễ Chúa Nhật, tôi nghĩ thật công bằng để nói rằng Kinh nguyện này, cùng với Kinh Nguyện Thánh Thể III, là các Kinh nguyện được ưa thích nhất vào ngày Chủ nhật.

Kinh Nguyện Thánh Thể II, tuy không bị cấm sử dụng ngày Chủ nhật, đặc biệt được khuyến khích sử dụng cho các ngày trong tuần. Sự ngắn gọn của nó có thể tạo ra một sự thiếu cân đối nhất định giữa Phụng Vụ Lời Chúa dài ngày chủ nhật với ba bài đọc, Kinh Tin kình, Lời nguyện Tín hữu bắt buộc và Phụng vụ Thánh Thể.

Kinh Nguyện Thánh Thể IV không thể bị tách rời khỏi Kinh Tiền tụng của nó, do đó, nếu sử dụng kinh này ngày Chủ nhật, nó chỉ có thể được sử dụng trong mùa thường niên. Thật là tốt để sử dụng nó trong dịp đặc biệt, khi sứ điệp các bài đọc có thể được liên kết vào cái nhìn tổng quan của lịch sử cứu độ. Kinh Nguyện Thánh Thể này ban đầu được dành riêng cho các nhóm tín hữu có trình độ Kinh thánh tốt. Nói chung, người Công giáo đã khá hiểu biết Kinh thánh hơn trong các thập niên qua, sau cuộc cải tổ phụng vụ, và kinh nghiệm đã cho thấy rằng Kinh nguyện IV có thể được sử dụng cho tác dụng mục vụ tốt, khi nó được sử dụng một cách khôn ngoan.

Kinh Nguyện Thánh Thể xin ơn Hoà giải là tốt nhất khi sử dụng vào Chủ Nhật mùa Chay, nhưng với kinh Tiền tụng Mùa Chay thích hợp.

Bởi vì các Kinh Nguyện Thánh Thể riêng cho “Các Thánh Lễ vì các nhu cầu khác nhau” và “cho các thánh lễ thiếu nhi” bị giới hạn cho các công thức Thánh lễ đặc biệt hoặc cho các nhóm cụ thể, như học sinh trẻ, các Kinh nguyện này trong thực tế không bao giờ được sử dụng cho Thánh Lễ chủ nhật ở giáo xứ. (Zenit.org 30-4-2012)

Nguyễn Trọng Đa
 
ĐTC: Mục tử tốt lành hiến đời mình cho đàn chiên
Jos. Tú Nạc, NMS
08:28 02/05/2012
Đó là ngày để tưởng nhớ 9 vị trợ tế được thụ phong linh mục và Ngày thế giới Cầu nguyện cho Ơn Thiên triệu này bởi ĐTC Benedict XVI tại Vương Cung Thánh Đường công trường Thánh Phê-rô. Tám trợ tế từ giáo phận Roma, một người nguyên là phi công, một người nữa tốt nghiệp đại học hóa học. Cùng được thụ phong vào Chúa Nhật là một trợ tế Việt Nam, người vừa trở thành luật sư.

Phát biểu trước cộng đoàn vào hôm Chúa Nhật gôm có gia đình và thân bằng quyến thuộc của các tân linh mục, Đức Thánh Cha nói, “Linh mục như một Mục Tử được kêu gọi để dẫn dắt giáo dân được giao phó cho mình trước cuộc sống thực tế, “một đời sống viên mãn”.

Các tân linh mục đã lắng nghe khi Đức Thánh Cha nói với họ rằng giá trị đời sống linh mục của họ không chỉ là những công việc xã hội, mà nó còn thuộc về sự tồn tại của một cuộc sống trong sự hiện diện sinh tồn của Thên Chúa.

Sự hiện diện đó, tiếp theo đã tạo cho tất cả sự mạnh mẽ hơn khi thập giá của linh mục càng nặng nề hơn trong cuộc sống.

Ngụ ý của những bài đọc Chúa Nhật, Đức Thánh Cha cũng đã lưu ý, trong bài giảng của Ngài, rằng Chúa Giê-su đã sống trải qua sự chối bỏ bởi những người lãnh đạo dân Người, nhờ sự trợ giúp của Thiên Chúa người đã đặt nền móng cho một giáo đường mới.

Linh mục, Đức Thánh Cha nói, được kêu gọi để trải nghiệm cuộc đời mà Chúa Giê-su đã sống, tự hiến tràn đầy công cuộc của mình với tư cách là người rao giảng và hàn gắn đau thương.

Theo sau Thánh Lễ, Đức Thánh Cha đã liên hệ đến Kinh Nữ Vương trong khi Ngài cầu nguyện để nhiều người nghe được tiếng gọi của Đức Ki-tô.

“Tin Mừng hôm nay đề cao hình ảnh của Đức Ki-tô vị Mục Tử Tốt Lành, người mà đã hạ đời mình cho đàn chiên. Hôm nay chúng ta cầu nguyện cho những ơn thiên triệu với thiên chức linh mục: xin cho nhiều người trẻ nghe được tiếng gọi để bước theo Người mật thiết hơn, và dâng hiến đời mình để phục vụ anh chị em của họ. Bình an của Chúa ở cùng anh chị em.”

Đưc Thánh Cha cũng nói thêm rằng các linh mục trẻ mà được Ngài tấn phong Chúa Nhật không có sự khác biệt với những người trẻ khác, nhưng họ đã được chuyển đổi bởi tình yêu sâu thẳm của Thiên Chúa.
 
Tòa Thánh ban hành qui chế mới và nội qui cho Caritas quốc tế
Lm Trần Đức Anh OP
10:14 02/05/2012
VATICAN. Hôm 2-5-2012, Tòa Thánh đã ban hành qui chế mới và nội qui của tổ chức Caritas quốc tế, cùng với một sắc luật của ĐHY Quốc vụ khanh Tòa Thánh, về hoạt động của tổ chức bác ái quốc tế này. Từ nay Caritas quốc tế sẽ thuộc quyền kiểm soát của Hội đồng Tòa Thánh Cor Unum (Đồng Tâm).

Theo Sắc luật, mọi hoạt động định chế của Caritas quốc tế từ nay thuộc thẩm quyền của Hội đồng Tòa Thánh Cor Unum (Đồng Tâm), là cơ quan bác ái của ĐTC. Sắc luật cũng xác định một số thẩm quyền của Phủ Quốc vụ khanh Tòa Thánh về hoạt động của Caritas Quốc Tế. Đây là một tổ chức qui tụ 165 Caritas địa phương và được Tòa Thánh công nhận tư cách pháp nhân với thủ bút của ĐTC Gioan Phaolô 2 hồi năm 2004.

Qui chế mới của Caritas quốc tế nhắm xác định rõ hơn thủ bút vừa nói không những về vai trò của Hội đồng Tòa Thánh Đồng Tâm, nhưng còn qui định rõ hơn thẩm quyền của Hội đồng này về những khía cạnh nội bộ cũng như hoạt động chính thức của Caritas quốc tế. Qui chế mới giúp tổ chức này chu toàn hữu hiệu hơn sứ mạng trong Giáo Hội của Caritas quốc tế, cũng như sự hiệp thông đức tin và đức mến trong những can thiệp trợ giúp nhân đạo.
Như vậy theo qui luật mới, Caritas quốc tế không còn là một tổ chức độc lập. Sắc luật của ĐHY Quốc vụ khanh có khoản qui định rằng ”Bất kỳ văn bản nào của Caritas quốc tế có nội dung hoặc đường hướng đạo lý hoặc luân lý, thì đều phải có sự phê chuẩn trước đó của Hội đồng Tòa Thánh Cor Unum, giữ nguyên thẩm quyền chung của Bộ giáo lý đức tin”.

Ngoài ra, các hiệp định của Caritas quốc tế với các tổ chức và cơ quan phi chính phủ, phải được Hội đồng Tòa Thánh Cor Unum phê chuẩn trước khi ký kết, ngoại trừ những trường hợp khẩn cấp về nhân đạo”. Ngoài ra, Hội đồng Cor Unum có nhiệm vụ giám sát về việc quản lý tài sản và tài chánh của Caritas quốc tế”. Hội đồng này cũng có thẩm quyền bổ nhiệm một vị giáo sĩ làm Tuyên úy. Vị này sẽ tham dự tất cả những phiên họp có tính chất quyết định của Caritas quốc tế.

Bộ ngoại giao Tòa Thánh có thẩm quyền liên lạc với các chính quyền chính trị, ngoại giao, hành chánh và tư pháp của các nước, đặc biệt với các thẩm quyền của Nhà Nước Italia, cũng như những quan hệ với các tổ chức quốc tế, miền; Bộ cũng cho phép khởi xướng hoặc phản đối một cuộc tranh tụng nhân danh Caritas quốc tế trước các tòa án dân sự của các nước, cũng như các tòa án quốc tế và các tòa làm trọng tài trung gian'.

Sắc luật do Phủ Quốc vụ khanh Tòa Thánh công bố hôm 2-5-2012 nhắm chấm dứt cuộc tranh chấp từ lâu giữa Phủ Quốc vụ khanh và Caritas quốc tế.

Trong thời gian trước đây, bà Lesley Anne Knight đã không được tái nhiệm Tổng thư ký Caritas quốc tế vì những căng thẳng do những can thiệp do Caritas quốc tế thực hiện và vì thế không được Phủ quốc khanh Tòa Thánh cho tái cử. Từ nay, hai chức vụ Chủ tịch và Tổng thư ký Caritas quốc tế đều phải được ĐTC phê chuẩn dựa trên một danh sách 3 ứng viên do Đại hội đồng của Caritas quốc tế đề nghị.

Hồi tháng 5 năm ngoái, đại hội đồng Caritas quốc tế đã tái nhiệm ĐHY Oscar Maradiaga, dòng Don Bosco, TGM Tegucigalpa, Honduras, trong chức vụ Chủ tịch và cử ông Michel Roy người Pháp, làm tân Tổng thư ký của Caritas quốc tế. (SD 2-5-2012)
 
Đức Thánh Cha tiếp kiến 40 ngàn tín hữu hành hương ngày 2/5
Lm Trần Đức Anh OP
10:16 02/05/2012
VATICAN. Sáng thứ tư 2-5-2012, đã có lối 40 ngàn tín hữu hành hương đã tham dự buổi tiếp kiến chung hằng tuần của ĐTC tại Quảng trường thánh Phêrô, dưới bầu trời nắng đẹp.

Đúng 10 giờ rưỡi, ngài đã đi xe mui trần từ nội thành Vatican tiến ra quảng trường, đi qua các lối đi để chào thăm các tín hữu hành hương. Họ vẫy cờ và reo hò chào mừng khi xe chở ĐTC đi qua. Sau cùng, lên tới lễ đài ở thềm Đền thờ, ĐTC đã khai mạc buổi tiếp kiến với dấu Thánh Giá và lời chào phụng vụ, trước khi cùng với mọi người nghe đoạn Sách Thánh được công bố bằng năm thứ tiếng khác nhau

Huấn giáo về cầu nguyện và Kinh Thánh

Như thường lệ, ĐTC đã dùng buổi tiếp kiến như một cơ hội để huấn giáo cho các tín hữu. Chẳng hạn bằng tiếng Đức, ngài nói:
Anh chị em thân mến

Hôm nay tôi muốn tiếp tục hướng suy tư của chúng ta, theo gương của thánh Stêphanô vị Tử đạo đầu tiên của Giáo Hội, về tương quan phong phú giữa việc cầu nguyện và Kinh Thánh. Sách Tông Đồ công vụ cho chúng ta biết thánh Stephano bị cáo buộc về tội tuyên bố chống lại Đền thờ và chống luật của Môisê. Trong diễn văn trước Thượng Hội đồng Do thái, ngài trình bày sự kiện toàn bộ Kinh Thánh đều làm chứng về Chúa Giêsu. Người là Đấng công chính được các ngôn sứ báo trước. Chúa Giêsu chính là nơi cử hành việc thờ phượng chân thực dâng lên Thiên chúa, vì ”Đấng Tối Cao không ở trong Đền thờ do tay con người làm ra” Cv 7,48). Đền thờ nơi Thiên Chúa cư ngụ, chính là Người Con duy nhất của Ngài, là Nhân Tính của Chúa Kitô. Hy tế thập giá của Chúa Kitô chính là việc phụng tự mới, thay thế cho việc tế tự cũ. Cả thư gửi Tín Hữu Do thái cũng nói về Thân Mình Chúa Kitô như lễ vật đền tội chúng ta (Xc Dt 10,10tt). Trong Chúa Giêsu Kitô, là Thiên Chúa và là Người, Thiên Chúa và thế giới liên kết với nhau. Chúa Kitô gánh lấy mọi tội lỗi của nhân loại, để đưa chúng vào trong tình thương của Thiên Chúa và thanh tẩy chúng. Sau cùng chúng ta thấy chính thánh Stephanô cho thấy mình là môn đệ của Chúa được đưa vào trong hy tế ấy. Diễn văn của thánh nhân, lời rao giảng của Ngài không chấm dứt, nhưng được viên mãn trong cuộc tử đạo của Ngài, qua đó thánh nhân được trở nên một với Chúa Kitô cho đến cả lời nguyện của Đấng Chịu Đóng đanh trên thập giá. Thánh Stephano đã nhận lấy kinh nguyện của Chúa Giêsu trên thập giá và cầu nguyện như Chúa cho những kẻ bách hại mình, và ngài cũng thưa với chính Chúa Giêsu mà thánh nhân thấy ở bên hữu Thiên Chúa: ”Lạy Chúa Giêsu, xin đón nhận tinh thần con” (Cv 7,59).

Bài huấn giáo bằng tiếng Ý

Trong bài huấn giáo dài trước đó bằng tiếng Ý, ĐTC đã trình bày những ý tưởng trên đây với nhiều chi tiết hơn.
Ngài nhắc lại rằng trong những bài huấn giáo trước đây, chúng ta đã thấy trong kinh nguyện bản thân và cộng đoàn, việc đọc và suy niệm Kinh Thánh mở ra cho chúng ta sự lắng nghe Thiên Chúa nói với chúng ta và đổ tràn ánh sáng để chúng ta hiểu hiện tại. Bài huấn giáo hôm nay muốn nói đến tấm gương của thánh Stephano, một trong 7 Phó tế đầu tiên của Giáo Hội, và gương của Thánh Nhân cũng cho thấy quan hệ giữa việc cầu nguyện và Kinh Thánh.

Thánh Stephanô bị dẫn ra tòa án, trước Thượng Hội đồng Do thái, vì bị cáo là đã tuyên bố ”Chúa Giêsu sẽ phá hủy Đền thờ và đảo lộn các tục lệ do Môisê truyền lại” (Cv 6,14). Trong cuộc sống công khai, Chúa Giêsu đã thực sự loan báo việc phá hủy Đền thờ Jerusalem: ”Các ông hãy phá hủy Đền thờ này đi và trong 3 ngày tôi sẽ xây dựng lại” (Ga 2,19). Nhưng như thánh Gioan Thánh Sử nhận xét, ”Chúa nói về Đền thờ là Thân Thể Ngài. Và rồi khi Người sống lại từ cõi chết, các môn đệ nhớ lại điều Chúa nói và tin nơi Kinh Thánh cũng như lời Chúa Giêsu nói” (Ga 2,21-22)

Diễn văn của Thánh Stephano trước Thượng Hội đồng Do thái là diễn văn dài nhất trong sách Tông Đồ công vụ, và được khai triển dựa trên lời tiên tri vừa nói của Chúa Giêsu, Ngài là Đền thờ mới, khai mạc việc phụng tự mới và thay thế các hy tế cũ bằng việc dâng hiến chính mình Ngài trên thập giá. Thánh Stephano muốn chứng tỏ sự vô căn cứ của những lời cáo buộc ngài là khuynh đảo luật Môisê và minh họa quan điểm của ngài về lịch sử cứu độ, về giao ước giữa Thiên Chúa và loài người. Ngài đọc lại toàn bộ trình thuật Kinh thánh, hành trình chứa đựng trong Kinh Thánh, để chứng tỏ rằng hành trình ấy dẫn đến ”nơi” có sự hiện diện chung kết của Thiên Chúa là Chúa Giêsu Kitô, đặc biệt là cuộc khổ nạn, cái chết và sự sống lại của Chúa..

ĐTC đặc biệt rút ra bài học từ chứng tá của thánh Stephano và nói rằng:
“Anh chị em thân mến, chứng tá của thánh Stephano mang lại cho chúng ta một số chỉ vẫn về việc cầu nguyện và cuộc sống của chúng ta. Chúng ta có thể tự hỏi: Từ đâu mà vị tử đạo đầu tiên kín múc được sức mạnh để đương đầu với những người bách hại Ngài và đạt tới sự hiến chính mạng sống mình như vậy? Câu trả lời thật đơn giản: thưa từ quan hệ của Ngài với Thiên Chúa, từ sự hiệp thông của thánh nhân với Chúa Kitô, từ sự suy niệm về lịch sử cứu độ, từ việc nhìn thấy hoạt động của Thiên Chúa, đạt tới tột đỉnh trong Chúa Giêsu Kitô. Cả kinh nguyện của chúng ta cũng phải được nuôi dưỡng bằng việc lắng nghe Lời Chúa, trong sự hiệp thông với Chúa Giêsu và Giáo hội của Người.

Một yếu tố thứ hai: thánh Stephano thấy báo trước hình ảnh và sứ mạng của Chúa Giêsu, trong lịch sử tương quan yêu thương giữa Thiên Chúa và loài người. Chúa Giêsu - Con Thiên Chúa -, là Đền thờ không do tay người thế tạo thành, trong đó sự hiện diện của Thiên Chúa Cha trở nên gần gũi đến độ đi vào trong xác thể của chúng ta để mang cho Thiên Chúa cho chúng ta, để mở cho chúng ta cửa trời. Vì thế, kinh nguyện của chúng ta phải là một sự chiêm ngắm Chúa Giêsu ở bên hữu Thiên Chúa, Chúa Giêsu như là Chúa tể đời sống hằng ngày của tôi. Nơi Ngài, dưới sự hướng dẫn của Thánh Linh, cả chúng ta cũng có thể thân thưa với Thiên Chúa, tiếp xúc thực sự với Thiên Chúa lòng tín thác của những người con ngỏ lời với một Người Cha yêu thương họ vô biên.

Chào thăm các tín hữu

Buổi tiếp kiến được tiếp tục với phần giới thiệu các phái đoàn lên ĐTC và ngài tóm tắt ý chính bài huấn dụ đồng thời chào thăm họ. Với các tín hữu nói tiếng Pháp, ĐTC đặc biệt nhắc đến các nhóm hành hương do các GM giáo phận liên hệ hướng dẫn, cũng như các linh mục, chủng sinh, giáo hữu thuộc các giáo xứ khác nhau, và giới trẻ. Ngài nói: ”Tôi mời gọi anh chị em hãy cầu nguyện hàng ngày xin Chúa Giêsu là Thầy Dậy trong cuộc sống của anh chị em. Nơi Người và nhờ Người, chúng ta có thể ngỏ lời với Thiên Chúa là Cha chúng ta với tất cả lòng tín thác.” Với các tín hữu nói tiếng Anh, ĐTC nhắc đến các đoàn hành hương từ các nước như Anh quốc, Ai Len, Na Uy, Thụy Điển, và cả những nước xa xem như Nigeria bên Phi châu, Ấn độ, Australia, Philippines và cả Indonesia, không kể các tín hữu đến từ Canada và Hòa kỳ. Đặc biệt ĐTC chào Hội đồng Kitô của Na Uy và nhóm đại kết từ Thụy Điển.

Khi ngỏ lời chào thăm đông đảo các tín hữu nói tiếng Ba Lan, về Roma nhân dịp kỷ niệm 1 năm phong chân phước cho Đức Gioan Phaolô 2 hôm 1-5 vừa qua, ĐTC nói: ”Ứơc gì cuộc sống chứng tá, giáo huấn và tình yêu của Đức Chân Phước giáo hoàng đối với quê hương tiếp tục là gia sản đặc biệt của anh chị en. Được sự chuyển cầu của Người từ thiên quốc, anh chị em hãy trung thành với Thiên Chúa, với Thánh Giá và Tin Mừng. Bằng tiếng Rumani, ĐTC chào thăm phái đoàn các linh mục trẻ thuoc giáo phận Iasi và nói rằng ước gì cuộc hành hương của các con nơi Mộ các thánh Tông đồ và cuộc gặp gỡ với truyền thống của Thành Thánh, là nguồn mạch giúp các con được phong phú tinh thần cho chức linh mục của các con và củng cố lòng can đảm tin nơi Sự Phục Sinh của Chúa Kitô”.
Tại buổi tiếp kiến, có rất đông các học sinh ngừơi Italia và các nhóm đến từ các xứ đạo khác nhau. ĐTC đặc biệt chào thăm họ và cả các tham dự viên hội nghị của Hội đồng Tòa Thánh mục vụ y tế về những người khiếm thị.

Sau cùng ĐTC nói rằng: ”Tôi nghĩ đến những người trẻ, các bệnh nhân và các đôi vợ chồng mới cưới. Ước gì niềm vui Phục Sinh tiếp tục làm cho cuộc sống của các con được vui tươi. Hỡi những người trẻ, các con đừng dập tắt khát vọng hạnh phúc trong lứa tuổi của các con, với ý thức rằng chỉ có Đấng Phục Sinh mới có thể trao ban niềm vui đích thực. Hỡi anh chị em bệnh nhân thân mến, anh chị em hãy can đảm đương đầu với thử thách đau khổ, vì biết rằng cần phải luôn luôn đón nhận sự sống như một hồng ân của Thiên Chúa; và hỡi các đôi vợ chồng mới cưới quí mến, các con hãy biết rút ra từ Giáo huấn của Tin Mừng những gì cần thiết để xây dựng một cộng đoàn tình thương chân thực.”

Cuối buổi tiếp kiến vào lúc 12 giờ ĐTC đã cùng mọi người hiện diện hát kinh Lạy Cha và ngài ban phép lành Tòa Thánh cho họ.
 
Thiên Chúa không bao giờ nản chí trong việc tìm đến với con người
Bùi Hữu Thư
10:27 02/05/2012
5/2/2012: Nhật Báo L’Osservatore Romano

Thiên Chúa không bao giờ nản chí trong việc tìm đến với con người; cho dù Người thường gặp phải một thái độ hiểu nhầm và thờ ơ, nếu không nói là "bướng bỉnh chống đối". Đức Thánh Cha nói như vậy trong buổi triều kiến chung ngày thứ tư, 2 tháng 5, tại quảng trường Thánh Phêrô. Ngài nói về nhân chứng và lời cầu nguyện của Thánh Têphanô, một trong bẩy thầy phó tế được các Tông Đồ lựa chọn để thi hành dịch vụ bác ái cho người nghèo.

Đề cập đến lời tuyên bố của vị tử đạo đầu tiên của Kitô giáo trước thượng hội đồng Do Thái, Đức Thánh Cha nhấn mạnh là ngài "giải thích toàn bộ trình thuật Phúc Âm, hành trình chứa đựng trong Kinh Thánh đưa dẫn đến 'chỗ' của sự hiện diện quyết định của Thiên Chúa, đó là Chúa Giêsu Kitô, và đặc biệt trong cuộc khổ nạn, cái chết và sự Phục Sinh của Người." Thánh Têphanô cũng giải thích trong bối cảnh này, vì ngài là một môn đệ của Chúa Giêsu, đến độ lựa chọn việc tử dạo, quyết định này trở nên "sự viên mãn của đời sống của ngài và sứ điệp của Đức Kitô."

Vì vậy theo ý kiến vị tử đạo tiên khởi, "đền thánh mới nơi Thiên Chúa ngự là Chúa Con, đấng đã mang lấy nhục thể, là nhân bản của Chúa Kitô, Đấng đã sống lại, tụ tập dân Người và kết hiệp họ trong bí tích Mình Máu Thánh Người." Trong Người "Thiên Chúa và con người, Thiên Chúa và tất cả thế gian thực sự được kết hiệp." Thực vậy, Chúa Giêsu "đã mang lấy tất cả gánh nặng của tội lỗi con người vào trong tình yêu của Thiên Chúa và 'thiêu hủy' hết trong tình yêu này."

Đến gần thập giá như thế có nghĩa là "bước vào sự hoán cải này" như chính thánh Têphanô đã làm, để trở nên "một với Đức Kitô" qua việc tử đạo. Nhân chứng của ngài cho các tín hữu thấy là qua mối tương quan với chính Thiên Chúa, vị thánh này đã tìm được "sức mạnh để đối chất những kẻ đàn áp mình, đến mức tự hiến thân." Về phương diện này, Đức Thánh Cha đề nghị là các kinh nguyện của chúng ta phải được "nuôi dưỡng bằng việc lắng nghe Lời Chúa, trong sự hiệp thông với Chúa Giêsu và Giáo Hội của Người."

Trong những gian truân của thánh Têphanô, viễn tượng của mối tương quan yêu thương giữa Thiên Chúa và con người, trong đó hình ảnh và sứ mệnh của Chúa Kitô được tiên báo và nổi bật. Đức Thánh Cha Benedict giải thích: Đâu là đền thờ, trong đó sự hiện diện của Chúa Cha trở nên hết sức mật thiết đến độ nhập thể để đem chúng ta đến với Thiên Chúa, để mở cửa thiên đàng cho chúng ta?” Vì vậy kinh nguyện của chúng ta phải là một sự chiêm ngắm Chúa Giêsu như cánh tay mặt của Thiên Chúa, như là Chúa của chúng ta, của tôi, trong đời sống hàng ngày." Vì chỉ có trong Người, "chúng ta cũng có thể nói với Thiên Chúa, tiếp xúc thật sự với Thiên Chúa với lòng tin cậy và phó thác của những đức con nói với người cha yêu thương chúng vô bờ."
 
Khi Đức Thánh Cha Benedict XVI phong chân phước cho Đức Gioan Phaolô II
Bùi Hữu Thư
04:08 02/05/2012
1/5/2012 Radio Vatican

Cách nay một năm Đức Thánh Cha Benedict XVI phong chân phước cho vị tiền nhiệm yêu quý của mình là Đức Gioan Phaolô II tại quảng trường Thánh Phêrô, trước Vương Cung Thánh Đường nơi các khách hành hương tụ tập đông như một biển người và tràn lan sang các phố xá lân cận.

Đó là một thời điểm để cầu nguyện nhưng cũng là lúc mọi người hân hoan và các khách hành hương đến từ quê hương Ba Lan của Karol Wojtylas đã tham dự rất đông đảo.

Về phương diện các giới chức chính quyền và tôn giáo có hàng chục các vị quốc trưởng cũng như các hồng y, giám mục, linh mục và các tu sĩ nam nữ đã được xếp ngồi gần bàn thờ.

Chỉ mới sáu năm qua kể từ khi Đức Gioan Phaolô II qua đời và trong bài giảng nhân dịp này Đức Thánh Cha đã cho hay ngài mong muốn nguyên nhân phong chân phước được xúc tiến khá nhanh chóng và ngài tuyên bố: " Và giờ đây ngày mong đợi đã đến, ngày này đã đến nhanh chóng vì đây là điều làm đẹp lòng Thiên Chúa: " Đức Gioan Phaolô II đã được Thiên Chúa chúc lành..."

Trong cùng một bài giảng Đức Thánh Cha Benedict XVI đã nhắc là nghi lễ này đã được hoạch định cho trùng hợp với Chúa Nhật Thứ Hai Phục Sinh là ngày Đức Cố Giáo Hoàng người Ba Lan đã cung hiến cho Lòng Chúa Thương Xót.

Nhưng cũng vào đầu tháng Năm, là tháng theo truyền thống được dành cho Mẹ Maria, Mẹ Thiên Chúa là đấng Đức Cố Giáo Hoàng đã đặc biệt tôn sùng.

Khẩu hiệu 'totus tuus', tiếng La Tinh có nghĩa là 'Con hoàn toàn thuộc về Mẹ' nhắm vào Mẹ Maria và chúng ta hãy nhớ lại là ngài đã đặt chữ M bên cạnh huy hiệu của ngài. Và Đức Thánh Cha Benedict XVI ghi nhận: "Phúc thật của đức tin đã có gương mẫu là Đức Maria, và tất cả chúng ta hân hoan vì việc phong chân phước cho Đức Gioan Phaolô II đã xẩy ra vào ngày đầu tiên của tháng Năm, dưới đôi mắt mẫu tử trìu mến của đấng nhờ đức tin của Mẹ, đã duy trì đức tin của các tông đồ, và vẫn thường xuyên duy trì đức tin của các người kế vị họ, nhất là những người được mời gọi để giữ ngôi vị của Thánh Phêrô ".

Đức Thánh Cha Benedict XVI cũng nhấn mạnh về những lời nói đầu tiên của Đức Gioan Phaolô II sau khi ngài được bầu vào ghế Thánh Phêrô vào tháng 10 năm 1978: “Xin đừng sợ hãi! Hãy mở rộng các cánh cửa cho Chúa Kitô!" Đức Thánh Cha Benedict XVI giải thích: ”Điều vị giáo hoàng vừa được bầu lên yêu cầu tất cả mọi người vào dịp này là chính là việc đầu tiên ngài đã làm":. ..Bằng nhân chứng đức tin, đức mến và lòng can đảm trong công vụ tông đồ, kèm theo một đặc sủng lớn lao, người con gương mẫu của Ba Lan đã giúp cho các tín hữu trên khắp thế giới không cảm thấy sợ hãi vì mình là Kitô hữu, trực thuộc giáo hội, và dám loan báo Phúc Âm.

Nói tóm lại: ngài giúp chúng ta không sợ hãi sự thật, vì sự thật bảo đảm cho tự do."
 
Một Kitô hữu người Pakistan bị bắn chết vì đức tin
Trầm Thiên Thu
17:55 02/05/2012
CatholicCulture (2-5-2012) – Chaudhry Irshad Younas, Kitô hữu người Pakistani, đã bị bắn chết tại Lahore ngày 27-4-2012.

Nguồn tin địa phương cho hãng thông tấn Fides biết rằng Younas là “người chống lại bất công, muón đem lại sự thay đổi”. Ông đã hy sinh tính mạng vì người nghèo và các Kitô hữu.
 
Top Stories
Suu Kyi takes parliamentary oath
Vatican Radio
10:34 02/05/2012
Myanmar opposition leader Aung San Suu Kyi took an historic oath today to join Burma’s parliament, ushering in a dramatic new political era.

The parliamentary session was to have ended on Monday but was extended in part to allow Suu Kyi and fellow members of the National League for Democracy (NLD) to take their seats.

The 1991 Nobel Peace Prize winner's debut in a parliament stacked with uniformed officers could accelerate reforms that have already included the most sweeping changes in the former British colony since a 1962 military coup, including the release of political prisoners and a loosening of strict media controls.

Suu Kyi said she was hoping to bring democratic values to the assembly: “We would like our parliament to be in line with genuine democratic values. It’s not because we want to remove anybody as such. We just want to make the kind of improvements that would make our national assembly a truly democratic one.”

It was unclear, however, how rapidly she can deliver on her ambitious campaign promises, including the overhaul of Myanmar's army-drafted constitution, in a legislature dominated by former members of the military junta who ruled for nearly half a century before cedin to a quasi-civilian government last year.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo xứ Bắc Hải mừng tháng hoa Đức Mẹ
Giuse Khổng Hữu Nguồn
17:13 02/05/2012
HỐ NAI - Hòa với niềm vui của Hội Thánh, mừng tháng năm tháng hoa Đức Mẹ đã về, nhiều Giáo Đường khắp nơi trên Quê hương Việt Nam, từ thành thị đến nông thôn rộn ràng sắc hoa, những tâm tình hân hoan dâng kính Mẹ Maria, Mẹ Ngôi Hai Thiên Chúa, Mẹ của chúng con.

Xem hình ảnh

Những cơn mưa đêm trong mấy ngày qua, những làn gió nhẹ mát mẻ tràn về, không khí trong lành dễ chịu. Ngôi Thánh Đường giáo xứ Khang Trang – Uy Nghiêm – Thánh Thiện hiện diện giữa cộng đoàn Dân Chúa Bắc Hải.

Bài giảng trong thánh lễ, Cha chánh xứ Đaminh Bùi Văn Án, Ngài vui mừng về sự hiện diện rất đông đảo của cộng đoàn, điều này nói lên tình yêu của mỗi người, mỗi gia đình dành cho Đức Mẹ.

Trước khi kết lễ, Cha chánh xứ nói lời cảm ơn đến Quý Dì Hội Dòng Mến Thánh Giá Xuân Lộc đã tập luyện cho các em kiệu hoa, dâng hoa, dâng những bài thánh ca, những vũ khúc thay cho cộng đoàn dâng lên Đức Mẹ trong suốt tháng năm này, Ngài cũng cảm ơn đến tất cả quý vị ân nhân đã giúp cho các em có những trang phục đẹp như Thiên Thần. Trong dịp này Ngài tha thiết kêu gọi mỗi người, mỗi gia đình trong cộng đoàn: “Chúng ta hãy chạy đến với Mẹ, xin Đức Mẹ cầu bầu cùng Chúa ban cho những công việc của giáo xứ, nhất là ngày đại lễ Cung Hiến Thánh Đường và Bàn Thờ của Giáo xứ sắp tới được muôn phần tốt đẹp.

Giáo xứ Bắc Hải, Hạt Hố Nai, Giáo phận Xuân Lộc, lại càng vui mừng hơn gấp bội, bởi lẽ! xuyên suốt lịch sử gần 60 năm thành lập giáo xứ, có một không hai. Lúc 9 giờ sáng thứ Năm ngày mồng 10 tháng 5 sắp tới, Đức Cha chánh Giáo phận Xuân Lộc Đaminh Nguyễn Chu Trinh sẽ về dâng lễ Cung Hiến Thánh Đường và Bàn Thờ Giáo Xứ Bắc Hải.

Kết thúc thánh lễ, tiếng hát dễ thương của ca đoàn thiếu nhi âm vang nơi tâm hồn mỗi người: “Mẹ Ma-ria xin thương đến xứ đạo con đây. Ban nguồn an bình hiệp nhất yêu thương. Mẹ luôn thăm viếng giúp đỡ mãi xứ đạo con đây. Trong tình yêu Mẹ liên kết muôn tâm hồn…Mẹ thương xứ đạo con đây, đoàn con liên kết trong niềm vui. Muôn người luôn sống theo gương Mẹ, niềm tin mãi sáng lên đẹp tươi”.
 
Hội trại Truyền Thống Lớp Giáo Lý Hiệp Nhất giáo xứ Khiết Tâm
Quân Tuấn Anh
08:59 02/05/2012
Đến hẹn lại lên, ngày hội trại truyền thống 30/04-01/05 đến như một điều không thể thiếu trong một năm mà con tàu “Lớp Giáo Lý Hiệp Nhất” – Di dân Giáo xứ Khiết Tâm vận hành . Thật vậy, ngày 01/05 là ngày mà Lớp Giáo lý Hiệp nhất mừng kính lễ Bổn mạng Thánh Giuse Thợ, và là dịp để các thành viên trong lớp nối kết với nhau, hiệp nhất với nhau trong tình yêu của Thiên Chúa qua các trò chơi và cuộc thi hấp dẫn.

Xem hình ảnh

Người ta có thể thấy sự háo hức chuẩn bị của các tổ trước ngày lên đường đi Vũng Tàu (địa điểm lớp cắm trại) từ giữa tháng ba, điều đó hứa hẹn một cuộc hội trại hấp dẫn thu hút và là sân chơi thú vị trong những ngày nghỉ.

Đêm trước ngày lên đường là một đêm khiến nhiều bạn mất ngủ, có bạn tâm sự : suốt đêm đó mình không thể ngủ, cứ mong sao kim đồng hồ mau chỉ đến ba giờ. Vậy là hơn một tháng chuẩn bị bây giờ đã đến ngày lên đường. 2 giờ 30 phút ngày 29/04 lúc mà mọi người đang chìm trong giấc ngủ thì nhà thờ Giáo xứ Khiết Tâm lại rộn ràng lên vì cảnh chuẩn bị lên đường đi căm trại của Lớp Giáo lý Hiệp nhất, niềm vui như được nhân lên vì có sự đồng hành của cha Giuse Đinh Đức Huỳnh, trưởng ban di dân Dòng Thánh Thể Việt Nam và cha Giuse Hoàng Yến Linh cùng với 25 người con của ngài ở giáo xứ An Phú cùng đi với đoàn .

Đúng 3 giờ sáng chuyến hành trình bắt đầu, cũng như năm trước hội trại năm nay gồm sáu đội gồm : Anton, Eyma, Teresa, Phanxico, Gioan và Anre, tuỳ số lượng thành viên của từng đội mà có sự phân chia thêm các bạn ở giáo xứ An Phú vào từng đội . Đoàn chia làm ba xe, mỗi xe có cả quý cha, quý thầy, quý sơ và ban điều hành. Đoàn xuất phát trong sự hào hứng của tất thảy mọi người. Sau hơn ba tiếng đi đường đoàn có mặt tại khu cắm trại ở bãi biển Vũng Tàu. Mọi người bước xuống xe trong sự thích thú và hồi hộp.

Nghi thức nhập trại được cử hành trang nghiêm nhưng cũng đầy thú vị, một điều hứa hẹn cho những gì trại sinh sắp được trải nghiệm trong hai ngày cắm trại. Sau đó thánh lễ đồng tế được cử hành bởi hai cha Giuse, sự vui vẻ không làm mất đi sự trang nghiêm của thánh lễ nhưng nó lại tăng thêm lòng sốt sắng của các trại sinh. Những lời chia sẻ của cha Giuse Đinh Đức Huỳnh trong thánh lễ với nội dung là người chăn chiên nhân lành cũng như những chia sẻ đầy ý nghĩa về ngày hội trại, sau hơn 30 phút thánh lễ kết thúc trong bình an và thánh ân của Chúa.

Sau thánh lễ các đội biết rõ hơn về thành phần ban tổ chức do một anh đại diện lên giới thiệu, bên cạnh đó là giờ phút thật oai nghiêm và trang trọng khi Thầy Phêrô Nguyễn Trường Tú – Trại Trưởng lên tuyên bố khai mạc trại với chủ đề “Sống Lời Chúa” và trao quyền trưởng trực cho anh Trưởng Ban điều hành Lớp Hiệp Nhất và ngay sau đó là bài ca chủ đề “Lời Chúa nguồn hạnh phúc” được vang lên cùng với cử điệu nhịp nhàng như muốn mời gọi mọi người hòa nhập vào Lời của Chúa qua những chương trình trong cuộc hội trại lần này.

Mỗi đội mang đến hội trại những mẫu cổng trại khác nhau với những thông điệp khác nhau, làm cho hội trại năm nay thêm phần đặc sắc. Các bạn được thầy Thuận cho khởi động bằng trò “lăn – lê – bò – trườn” với những phần thưởng phạt cũng “trườn – bò – lê – lăn” mọi người đã thật sự nóng qua phần khởi động này và qua đó các bạn ở giáo xứ An Phú cũng đã hoà cùng một “nhịp đập hiệp nhất”.

Trong ngày hôm đó còn diễn ra nhiều cuộc thi hấp dẫn và được các bạn chờ đợi như : Đố vui kinh thánh, Nấu cơm chạy, các trò chơi vận động khác với những tên gọi như “Con lạc đà chui qua lỗ kim”, “Lượm manna”, “Tìm ngọc quý”, “Biến nước thành rượu” đã làm tăng thêm sự hào hứng của các trại sinh trong đợt trại này và khi hầu hết các bạn đã ướt đẫm mồ hôi thì tắm biển lúc này thật sự rất lý tưởng. Lúc 4 giờ chiều, đoàn tiến về bãi biển cách đó khoảng 500 mét, tắm biển và vui chơi trút hết mệt mỏi sau một ngày tham gia nhiều hoạt động để lấy lại tinh thần cho những chương trình tiếp theo.

Đêm lửa trại – một phần không thể thiếu trong ngày hội trại, đã diễn ra thực sự trang nghiêm và nhiều ý nghĩa. Từ nghi thức lấy lửa trại đến các tiết mục văn nghệ đều được chuẩn bị công phu mọi người được thoả sức nhảy múa, hát ca, được cùng nắm tay nhau nối kết tình hiệp nhất. Nghi thức kết thúc đêm lửa trại diễn ra cách trang nghiêm trong một không gian linh thiêng lạ thường và để lại biết bao ấn tượng cho những người tham dự. Ngày đầu kết thúc để lại nhiều dư âm thú vị !

Các hoạt động ngày thứ hai được bắt đầu lúc 3 giờ sáng. Trò chơi lớn là trò chơi khó khăn nhất, vất vả nhất nhưng cũng có nhiều trải nghiệm nhất. Trước hết các thành viên trong đội phải có tinh thần tốt, phải vượt qua bản thân mình rồi mới có thể vượt qua được những thử thách ban tổ chức tạo ra. Trò chơi lớn năm nay khác với mọi năm về thời gian chơi cũng như cách tổ chức, tất cả các trại sinh trong vai dân Israen được Mô sê dẫn đường vượt qua sa mạc để về đích là miền đât hứa mà Thiên Chúa đã hứa với họ. Và với tinh thần hiệp nhất các đội đã hoàn thành khá tốt chuyến hành trình của mình về đất hứa trong hoạt cảnh Mô sê chết trước khi vào miền đất hứa đầy xúc động và ý nghĩa.

Trong cuộc trại này, mỗi đội đem đến hội trại những mẫu cổng trại khác nhau, những tiết mục văn nghệ khác nhau nhưng ở các bạn có một điểm chung là tinh thần đoàn kết, hiệp nhất và chơi hết mình. Ngày thứ hai khép lại với việc đi tắm biển lần hai không còn sự lo lắng, mệt mỏi trên khuôn mặt các bạn trại sinh cũng như ban tổ chức. Tất thảy mọi người cầm tay nhau và vui chơi dưới nước. Niềm vui, tình đoàn kết luôn lên ngôi trong mọi hoàn cảnh.

Điểm số là quan trọng, nhưng đó không phải là mục tiêu chính cua các đội. Có thể thấy niềm vui vỡ oà của các đội Gioan, Anton, Phanxico với những điểm số cao. Nhưng cũng thấy ở đội Anre, Teresa, và Eyma những nụ cười , những cái bắt tay và luôn hô to hai chữ “hiệp nhất” dù điểm số chung cuộc không cao .

Hội trại khép lại, để lại trong lòng mọi ngượi nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Ra về có sự nuối tiếc, lưu luyến có người còn cố gắng chụp thêm vài bức hình lưu niệm về mảnh đất thân yêu đã cho ta hai ngày cắm trại thật vui và ý nghĩa.

Cuộc hội trại là một sự trải nghiệm thú vị, là điều kiện lý tưởng để mọi người hiểu nhau hơn, gắn kết với nhau hơn. Thật vậy, mọi người đã cắt đứt mọi ranh giới để đến với nhau, tham gia mọi hoạt động cách nhiệt tình và tâm huyết nhất...

Sau cuộc hội trại, dù vẫn mệt mỏi vì hai ngày “hoạt động mạnh” nhưng các thành viên trong Lớp Giáo lý Hiệp nhất không quên ngày lễ bổn mạng của mình – Lễ Thánh Giuse Thợ và cũng là ngày khai mạc tháng Hoa kính Đức Mẹ. Một cuộc rước long trọng, một thánh lễ trang nghiêm được diễn ra vào chiều 01/05. Lớp Giáo lý Hiệp nhất rước kiệu thánh Giuse sau kiệu Đức Mẹ của các giáo khu, mỗi người cầm trên tay một cành hoa Huệ với lòng thành kính dâng lên vị Thánh bổn mạng của mình với tâm tình thiết tha trìu mến mà các anh chị em di dân muốn dâng lên Thánh Cả cũng như Mẹ Maria.

Nguyện cầu Chúa qua lời chuyển cầu của Thánh Giuse quan thầy thương ban cho Lớp Hiệp nhất chúng con luôn mãi tồn tại và mở rộng, luôn là bến đỗ lý tưởng cho những anh chi em di dân sống và làm việc tại Giáo xứ Khiết Tâm thân yêu này.
 
Ngày Hội Di Dân giáo xứ Hà Xá
Gx Hà Xá
09:34 02/05/2012
Biên Hoà (01/05/2012): Hà Xá quê hương tôi, với những con người thật chất phát, quanh năm gắn bó với nghề nông: trồng lúa, trồng màu và nghề thủ công dệt chiếu, đánh đay. Xứ Hà Xá thuộc Giáo phận Thái Bình, được tọa lạc trên mảnh đất ven đê Sông Hồng và giáp danh với Tỉnh Hưng Yên. Do mưu kế sinh nhai, nhiều người đã rời quê đi vào Sài Gòn trong những thập niên 50 và 80, họ đã định cư tại nhiều vùng rải rác và coi đó là quê hương thứ hai.

Xem hình ảnh

Những năm 2000 gần đây, rất nhiều bạn trẻ thanh niên nam nữ của Xứ Hà lại tiếp tục vào Sài Gòn để học tập, tìm kiếm việc làm và sinh sống. Dù sống ở xứ người, xa nơi chôn nhau cắt rốn, nhưng người Xứ Hà vẫn còn giữ được cái hương đồng gió nội, tình làng nghĩa xóm trong những tương quan trọng nghĩa trọng tình. Đúng là “cho bạc cho vàng không bằng gặp người làng ta”.

Nhiều năm qua đã có những nhóm họp giỗ tổ, họp họ, họp miền của các lớp cha anh đi trước. Buổi gặp gỡ đông nhất phải kể đến đó là cái tên Đồng Hương Hà Xá khu vực Miền Nam vào lễ Mẹ Mân Côi hàng năm. Sự nhiệt tình của các Cha đồng hương gốc Hà Xá và các vị bô lão đã đem đến cho những buổi sinh hoạt thật ý nghĩa và sinh động. Nay như một cánh tay nối dài và noi gương các vị tiền bối, lớp lao động trẻ xứ Hà tại Miền Nam cũng lấy ngày 01-05 hàng năm để họp mặt và nhận Thánh Giuse thợ làm bổn mạng. Hội Giuse lao động bắt đầu sinh hoạt từ ngày 01-05-2010 đến nay vừa tròn 3 tuổi. Nói là lớp lao động trẻ, nhưng thực ra các thành viên đủ mọi lứa tuổi: những người lớn, các thanh niên, thiếu nhi và thậm chí cả các anh chị em tôn giáo bạn. Anh chị em đồng hương Hà Xá gặp nhau với mục đích giao lưu, gặp gỡ và chia sẻ những ưu tư vui buồn cuộc sống, nhằm thắt chặt sự đoàn kết cùng nhau khích lệ làm cho cuộc sống ngày càng tươi đẹp hơn.

Đồng hành cùng hội, có sự dẫn dắt, cộng tác của quí Thầy từng giúp xứ tại quê hương Hà Xá nhiều năm. Đúng là “ngọt ngào tốt đẹp lắm thay, anh em được sống vui vầy bên nhau”.

Thánh lễ hôm nay do một Cha thuộc Dòng Đaminh chủ tế, có sự hiện diện của thầy phó tế, thầy đồng hương và gần 200 ông bà, anh chị em từ nhà xứ tới các họ lẻ thuộc xứ Hà Xá đang sinh sống tại Miền Nam cùng về nhà thờ Thái An, Biên Hòa. Thánh lễ thật sốt sáng, mọi người chung lòng, chung hướng để tạ ơn Chúa, mừng kính Thánh Giuse Bổn Mạng và cầu xin ơn bình an. Ước gì những sinh hoạt đẹp và đầy ý nghĩa này luôn được Chúa chúc lành, và tổ chức ngày một lớn mạnh trong sự đoàn kết yêu thương của con cùng một Cha trên Trời.
 
Giáo Xứ Tuy Hòa Mừng Tân Quản Xứ
GX Tuy Hòa
17:13 02/05/2012
GIÁO XỨ TUY HÒA MỪNG TÂN QUẢN XỨ

Vào tháng tư của mười năm về trước (2002), giáo xứ Tuy Hòa vui mừng đón cha sở mới sau bốn tháng, sáu ngày mồ côi cha. Giờ đây cũng vào tháng tư của sau mười năm (2012), giáo xứ Tuy Hòa lại ngậm ngùi chia tay cha quản xứ Giuse Trương Đình Hiền để đón nhận cha quản xứ mới. Đây một ngày thật đặc biệt giữa niềm vui và nỗi buồn “buồn trong nước mắt, vui trong nụ cười”.

Hôm nay, 02.05.2012 , Đức Giám mục Phêrô Nguyễn Soan giáo phận Qui Nhơn đã chủ sự thánh lễ đồng tế cùng với cha Tổng đại diện Phêrô Hoàng Kym, hạt trưởng Bình Định, tân hạt trưởng Quảng Ngãi, quí cha trong giáo phận Qui Nhơn, quí cha dòng Đồng Công.

Trong Thánh lễ, Đức Giám mục Qui Nhơn trao mọi quyền quản xứ Tuy Hòa cho cha Phêrô Đặng Son qua nghi thức:

- Đọc văn thư bổ nhiệm tân quản xứ

- Trao dây các phép để nói lên rằng Đức Giám mục là chủ chăn còn linh mục là cộng tác viên của ngài.

- Tuyên xưng đức tin qua kinh tin kính để nói lên lòng trung thành của cha đối với Chúa, với Hội thánh và chấp hành mọi quy luật của Hội thánh.

- Lặp lại lời hứa khi chịu chức linh mục là luôn trung tín với hàng giám mục trong việc chăn dắt dân Chúa, sốt sắng trung thành cử hành các mầu nhiệm thánh, chu toàn xứng đáng và khôn ngoan nhiệm vụ rao giảng lời Chúa, liên kết mật thiết với Chúa Kitô Thượng tế, tôn kính vâng phục Đức giám mục giáo phận cùng các đấng kế vị.

- Ngồi vào ghế chủ tọa để từ đây cha chính thức là người chủ tọa mọi cuộc tụ họp phụng vụ của cộng đoàn dân Chúa.

- Mở cửa nhà Tạm để ban phát Thánh Thể, trao của ăn thiêng liêng là Mình Máu Chúa cho anh chị em giáo dân.

- Trao tòa giải tội để ban bí tích giải tội, qua tay cha Thiên Chúa tha thứ lỗi lầm cho anh chị em để tâm hồn anh chị em được thanh sạch và bình an.

- Mở cửa nhà thờ, nhà thờ như tàu cứu rỗi của Nôê, cửa nhà thờ như cửa chuồng chiên để ai vào sẽ được cứu rỗi. Cha chánh xứ mở cửa nhà thờ để thay mặt Chúa Kitô mục tử kêu mời đoàn chiên đến hưởng nhờ.

- Kéo chuông như là tiếng Chúa gọi mời mọi Kitô hữu mau đến nhà thờ để thờ phượng Ngài.

Sau giờ phút này cha Phêrô Đặng Son đã trở thành quản xứ Tuy Hòa và hạt trưởng Phú Yên. Trứơc sự hiện diện của cộng đoàn giáo xứ Tuy Hòa cũng như đại diện mười hai giáo xứ thuộc giáo hạt Phú Yên và trước mặt Đức giám mục, cha tân quản xứ xin đem hết sức mình để phục vụ giáo xứ cho dù tuổi đời đã trên sáu mươi nhưng phải vâng lời Đức cha để lên đường nhận nhiệm sở mới. Xin cộng đoàn đón nhận cha trong tin yêu, sống bác ái để có sự hiệp thông trong Giáo hội.

Chia tay để nối kết,

Hoán đổi thêm yêu thương

Từ đây, hai giáo hạt Quảng Ngãi và Phú Yên sẽ nối vòng tay lớn, thắm thiết tình huynh đệ để làm cho vườn hoa Giáo hội thêm phong phú sắc màu.

Nguyện chúc hai cha quản xứ Giuse Trương Đình Hiền và Phêrô Đặng Son luôn là những mục tử tốt lành thánh thiện, biết cai quản, biết hy sinh cho đoàn chiên mình như ý Chúa muốn.

Giáo xứ Tuy Hòa.


BÀI CÁM ƠN CỦA CHỦ TỊCH HĐ.GIÁO XỨ TUY HÒA

Trọng kính Đức Cha

Kính thưa cha tổng đại diện

Kính thưa quý Cha Hạt Trưởng

Kính thưa quý Cha đồng tế

Kính thưa Quý Tu sĩ, quý nữ tu

Kính chào quý khách, đặc biệt những người anh em đến từ Quảng Ngãi xa xôi, cực bắc của giáo phận.

Kính thưa Đức Cha, còn gì khích lệ lòng tin, lòng yêu mến của người tín hữu nhiều hơn khi giữa cộng đoàn bé nhỏ này có mặt người kế vị thánh Phêrô. Đức Cha có mặt nơi đây để giúp chúng con xác tín một cách mạnh mẽ rằng: Chúng con đang thuộc về hội thánh này, một hội thánh thánh thiện, một hội thánh công giáo, một hội thánh tông truyền.

Chúng con cảm ơn Đức cha.

Nhìn chiếc mũ Mitra chói ngời nhân đức, nhìn cây gậy mục tử chăn dắt đoàn chiên, hôn lên chiếc nhẫn tín trung nơi Đức Cha để chúng con thấm thía hiểu rằng: Giáo hội yêu mến chúng con dường nào!

Đức cha đến với đàn chiên trong biến cố mục vụ quan trọng này còn như muốn lặp lại lời vỗ về của Đức cha mỗi khi có dịp : “Chúng con đừng ngại gì, đừng xao xuyến gì, có Đức cha đây’’ Chúng con thấy mình hạnh phúc vì đang nằm trên vai Đức Cha như người mục tử vác lấy chiên trên vai mình.

Chúng con cũng xin Đức Cha cho chúng con được hưởng lấy niềm vui đang có nơi Đức Cha khi chúng con thấy được chung quanh Đức Cha có nhiều linh mục thánh thiện, luôn trung thành và yêu quý Đức cha để các ngài luôn biết sẵn sàng chấp nhận sự đổi thay vốn là điều khó khăn nhất là với các linh mục có nhiều công hiến. Các linh mục của Đức cha đã đọc được tâm tư của Đức cha cũng là tâm tư của Đức Kitô mà hình ảnh cụ thể vừa rồi minh chứng cho điều đó khi linh mục quỳ gối trước mặt Đức Cha để đáp lại lời mời gọi của Đức Cha cũng là của Hội thánh không chút do dự., chẳng chút rụt rè: Thưa con muốn.

Kính thưa cha Phêrô Đặng Son

Giờ nầy trước mặt Đức Giám Mục giáo phận, trước mặt các cha đồng tế , cộng đoàn Tuy Hòa xin được gọi cha là cha sở của chúng con, là ông cố của thiếu nhi Tuy Hòa.

Kính thưa cha,

Tuy hòa không biết gì về cha, khi nghe tin chúng con sắp có cha sở mới, mọi người hỏi nhau: Cha mới từ đâu đến? và già hay trẻ? Lần hồi họ biết rằng cha về từ Quảng Ngãi, từ vùng đất chịu ảnh hưởng nặng nề bởi chiến tranh, nhiều nhà thờ đổ nát, hoang tàn ,nhiều cộng đoàn giáo dân phải di tản.

Biết cha về từ vùng đất dữ ấy là quá đủ để Tuy Hòa thán phục, yêu mến và ngưỡng mộ.

Cha về Tuy hòa để điều khiển ban đại hợp xướng với gần 4000 ca viên mà linh mục nhạc sĩ Sơn ca Linh để lại, cha không chỉ gặp những giọng Soprano trong trẻo, những giọng alto cao vút, giọng bass trầm hùng mà còn nghe cả những giọng chẳng thuộc về bè nào nhưng lại thích hát to và hét lớn để cha còn khổ công uốn nắn

Nếu ở Quảng Ngãi , trong tư cách hạt trưởng cha đã cảm nghiệm sự chao đảo của lòng tin mỗi khi lên thuyền về thăm Lý sơn, nơi đầu sóng ngọn gió của giáo hạt thì hôm nay cha đổi nghề từ người chài lưới sang anh nông dân để cảm nghiêm lúa chín thì nhiều mà thợ gặt lại ít nơi cánh đồng Tuy Hòa, cánh đồng lớn của eo đất miền trung. Chúng con xin được theo cha trong vai thợ gặt mà cha là ông bầu, là người dẫn đầu đi trước . Còn về chuyện tuổi tác, trẻ già, chúng con xin được dí dỏm nói rằng: Cha trẻ hơn cha sở Giuse mặc dù cha sinh ra trước ngài, phải chăng tên của cha như một định mệnh để cha không được phép già đi trong dấn thân, trong chuyện lên đường – Cha mãi mãi là SON

Kính thưa cha Giuse Trương đình Hiền

Cách đây khoảng 120 năm, có một nhà thơ không nổi danh lắm nhưng lại có bài thơ nổi tiếng, bài Rondel de l’Adieu – khúc Ronđô giã biệt của Edmond Haraucourt, khởi đầu bài thơ, tác giả viết: Ra đi nghĩa là chết một ít.

Vâng, ra đi là chết nhưng với Haraucourt chỉ là một ít vì nhà thơ còn muốn gởi một chút ta ở lại, mỗi nơi mỗi phút trên đường nhưng với linh mục thì quyết liệt hơn, không là một ít nhưng là tất cả - Bỏ lại sau lưng tất cả những gì của ngày hôm qua cho dù ngày hôm qua ấy có đáng yêu cỡ nào.

Cha thấy đó, ba chàng lính ngự lâm (cha Hiền, cha Đệ, cha Bản) mà Đức cha phong tặng ngày nào thì Cha là người lính già nhất, là mảnh ghép lớn nhất hôm nay đâu còn nằm chung một chiến hào, mỗi người mỗi nẻo, tổ ấm Mằng lăng năm nào đi vào cổ tích, những gương mặt dễ thương của ngày hôm qua phải được vượt qua, phải để lại để cha đủ lực tìm gặp những gương mặt mới làm giàu cho Giáo hội.

Nhìn chiếc giường ngủ mà chiếu được cuốn lại cách đây hơn một tháng, chúng con hiểu rằng tính vâng phục và luôn sẵn sàng của Cha dù biết rằng: Đi là chết trong lòng một ít.

Sẵn sàng là biểu lộ lòng không sợ hãi trước tương lai, sẵn sàng là luôn biết hy vọng bao điều tốt đẹp phía trước, ở đó cha tiếp tục chăm sóc cây nghĩa sâm đức tin, sản vật quý hiếm dùng để tiến vua của đất Quảng; để cha xây dựng tình hiệp thông keo sơn như mạch nha Đức phổ, tạo dựng một cộng đoàn yêu thương mát dịu như dưa hấu Bình Sơn, để cha giúp cộng đoàn mới mỗi khi thưởng thức cá bóng Sông Trà là nhớ về cội nguồn đức tin mà cả giáo phận đang chuẩn bị kỷ niệm 400 năm đón nhận tin mừng.

Cộng đoàn tín hữu Tuy Hòa xin lỗi cha vì những yếu đuối của phận người không thể tránh khỏi trong ứng xử, trong quan hệ thường ngày và nhất là trong đời sống đạo, chúng con hết lòng cảm ơn cha về những cống hiến cha dành hết cho chúng con, Cha đã không chỉ chào từ biệt những người còn sống mà hình ảnh cha nơi đất thánh Tuy Hòa ngày hôm qua còn như một lời chào chia tay với những tín hữu đã qua đời. Sống hết mình, sống trọn vẹn với đàn chiên được giao đến thế là cùng.

Nếu được xin một đặc ân giờ này, phục vụ của cha tại đây: Thánh lễ Tuy hòa đã hết, chúc cha lên đường, chúng con ước gì được đứng vào vị trí của cha để nói với cha lời chào chúc cuối thánh lễ lên đường bình an vì cha là người ra đi còn chúng con ở lại. Xin tạ ơn Chúa muôn đời.

Thân chào những người anh em đến từ Quảng ngãi.

Nói được gì với anh em, khi Quảng Ngãi quá ư hào phóng đã cống hiến cho Giáo hội nhiều linh mục tài đức mà Tuy hòa chúng tôi là những người hưởng lấy tài đức đó nhiều hơn anh em, liên tiếp hai linh mục hạt trưởng gốc Quảng Ngãi về phục vụ tại đây nói lên điều đó.

Chúng tôi học được nơi anh em , sự đồng tâm hiệp lực với chủ chăn mà lòng quyến luyến của anh em đối với cha Phêrô thể hiện qua chuyến tiễn chân ngài cách đông đảo để đưa ngài về đây.

Chúng tôi xin được chia sẻ cùng anh em về những khó khăn trước mắt khi ngôi giáo đường to lớn của anh em chưa phủ đầy tín hữu.

Chúng tôi thán phục anh em vì không sao hiểu nổi chỉ với bao con người anh em đã kiên trì trong đức tin, đủ can đảm đối diện với nhiều thử thách bủa vây tứ phía.

Chúng ta cùng tạ ơn Chúa vì nhờ cuộc chuyển đổi này để Quảng Ngãi và Tuy hòa gần nhau hơn, anh em có dịp đến Tuy hòa để gặp gỡ người đồng hương yêu quý của anh em còn chúng tôi có cơ hội về thăm Quảng Ngãi như thăm một ân nhân chí thiết. Xin gởi đến anh em cái bắt tay thắm tình huynh đệ.

Một lần nữa, chúng con xin tri ân Đức cha, cha tổng đại diện, quý cha cùng toàn thể quý khách.

Chúng con xin dâng lên Đức cha bó hoa hiếu thảo của chúng con

Chúng con xin Cha Giuse Trương đình Hiền nhận nơi chúng con bó hoa tri ân

và xin dâng lên cha sở mới của chúng con bó hoa vâng phục.

Chúng con xin hết lời
 
Hội Bác Ái Vinh Sơn Đức tổ chức một chuyến hành hương kính viếng quê hương của thánh Faustina và ĐGH JPII
Thanh Sơn
17:49 02/05/2012
Hội Bác Ái Vinh Sơn Đức Quốc tổ chức một chuyến hành hương kính viếng "Lòng Thương Xót Chúa" và quê hương của Đức Cố GH. John Paul II.

Xe bắt đầu chuyển bánh từ Mönchengladbach lúc 21 giờ tối tới Krefeld đón nhóm thứ 2, và tiếp tục đón chúng tôi tại Düsseldorf lúc 22 giờ đêm.

Ông Nguyễn Văn Rị thay mặt BTC. chào mừng 2 LM. linh hướng là cha Nguyễn Hữu Công và cha Kasimir người Ban Lan. chào mừng anh chị em đến từ Moenchengladbach,Frankfurt. Koeln, Krefeld, Düsseldorf, Meerbusch, Dortmund, Oberhausen, Kamen, Unna. Schüttorf

Tổng cộng tất cả là 44 tham dự viên hành hương và hai tài xế xe bus, Ông Breidenach và Ông Better cũng là người công Giáo.

Ông cho biết là xe Bus sẽ chạy xuyên đêm, qua ngày hôm sau khoảng 12 giờ trưa sẽ đến địa đểm nơi nhà dòng của Thánh Nữ Faustina. Nơi đây Thánh Nữ Faustina đã được Chúa Giêsu hiện ra và truyền cho Chị về sứ điệp "LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT". Ngài thương nhân loại chúng ta vô cùng, nên đã hiện ra với Chị Thánh Faustina để nhắn nhủ chúng ta hãy hoán cải, ăn năn, thực thi,và tôn sùng sứ điệp "LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT" để được cứu chữa đừng để đến lúc qúa muộn.

Lạy Chúa Giêsu, chúng con tín thác vào Ngài.

Chúng con lên đường HH.để đến nơi mà khi xưa Chúa đã trao cho chị Faustina trọn trái tim từ ái của Chúa, chính là trái tim lòng Chúa thương xót chúng con vô bờ bến. Hôm nay đoàn chúng con mong muốn được đến tận nơi mà khi xưa Chúa đã hiện ra đây thật nhiều lần, và con tha thiết cầu xin Ngài ban cho con một trái tim nồng ấm thiết tha yêu mến LCTX. để cảm nếm được tình yêu thương mà Chính trái tim Ngài đã yêu thương và dành cho chúng con.

2 giờ sáng xe dừng lại bãi nghỉ giải lao khoảng 1/2 giờ sau đó xe tiếp tục lên đường. Đoàn HH. cùng hiệp lời dâng hương kinh kính LCTX. Đây là lần đầu tiên tôi cùng lần chuỗi LCTX. với mọi người vào lúc 3 giờ sáng.

DÂNG LỜI KINH ĐÊM
Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu
Thân xác này nặng trĩu những tội nhơ
Suốt đêm ngày con mong mỏi hằng giờ
Cho thân xác được thở ơn Thần khí
Để chuyển luân thêm sức lực, ý chí
Dệt nên những thi vị của hồn thơ
Tỏa chút hương dâng lên Đấng con thờ
Lời kinh đêm bất ngờ! thành đôi ý...

Thứ sáu 27.04.2012

6 giờ 15 xe dừng lại một nơi đẹp cho mọi người điểm tâm.ở một cái Park trên phần đất Ba Lan khá đẹp và sạch sẽ có cả chỗ cho tắm rửa miễn phí nhìn rất mới chắc là mới làm xong. Thời tiết sáng hôm nay nắng đẹp khoảng 15 độ C. Sau 45 phút giải lao đánh rrang rửa ráy rồi uống cà phê ăn sáng xong, xe tiếp tục lên đường nhắm hương Krákaw nơi nhà dòng của chị Thánh Faustina.

Cha Ferznan Nguyễn Hữu Công hướng dẫn buổi kinh sáng thật êm đềm và tâm tình.

Sau đó Ngài dẫn nhập vào chương trình ơn cứu độ của "LCTX." qua chị Thánh Faustina.

ĐÔI DÒNG TIỂU SỬ VỀ CHỊ THÁNH FAUSTINA TÔNG ĐỒ CỦA LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA.

Tên thật là Helena Kowalska, sinh ngày 25.08.1905 tại Glogowiec nước Ba lan.

Là người con thứ 3 trong 10 anh chị em. Nhà nông nghèo nên chị chỉ được đi học đến lớp 2.

Ngay từ lúc còn nhỏ chị đã rất có lòng đạo hạnh. khi lên 15 tuồi chị xin đi tu nhưng cha mẹ từ chối

Năm 20 tuổi chị được phép gia nhập dòngTỷ Muội Đức Mẹ Thương Xót ở Kraków Ba Lan. Lấy tên là Maria Faustina.

Trong tu viện Chị làm những công việc rất tầm thương như nấu bếp, làm vườn,và gác cổng v.v...

Chị luôn ăn chay hãm mình mặc áo nhặm, đeo thắt lưng và Thánh Gía có gai và đánh tội. Chị mau chóng nổi bật với việc đạo hạnh.Ngày 22.02.1931 chị đưọc Chúa cho thị kiến thấy được chúa Giêsu mặc áo trắng tinh tuyền với tay phải Ngài giơ lên ban phép lành, và tay trái chỉ vào trái tim cực Thánh Chúa, có 2 luồng ánh sáng phát ra. Bên trái màu trắng và bên phải màu đỏ. Chúa truyền cho chị để ghi chép lại sứ điệp LCTX. và rao truyền lại cho nhân loại. Ngài nói Trái tim Ngài sẽ cứu khổ cho những kẻ lầm đường lạc lối. Hãy tôn sùng sứ điệp của Ngài. Ngài cũng truyền cho chị Thánh Faustina phải họa lại bức ảnh lúc được thị kiến và bên dưới phải ký lại dòng chữ

-"LẠY CHÚA GIÊSU CON TÍN THÁC VÀO NGÀI"

-Chị Fautina lâm bệnh phổi nặng nhưng luôn chấp nhận đớn đau để dâng lên Thiên Chúa xin cứu các linh hồn.

-Ngày 05.10.1938 Chị trút hơi thở cuối đời lúc được 33 tuổi.

-Vào ngày 30.04.2000 ĐGH. John Paul II đã tôn phong chân Phước Maria Faustina Kowalska lên hàng Hiển Thánh.

-Ngài cũng truyền cho giáo hội hoàn vũ hãy nhớ Chúa Nhật thứ II Phục Sinh là Chúa Nhật "LÒNG CHUA THƯƠNG XÓT"

Phái đoàn tới trung tâm LCTX. lúc 12giờ trưa 27.04.2012.

Qúy Sơ Ba Lan thật niềm nở và trẻ trung.

Đây là biểu hiện của một giáo hội công giáo đang còn rất năng động va sự nhiệt thành trong hội thánh Chúa tại Ba Lan.

13 giờ dùng cơm trưa: Hôm nay là thứ sáu nên nhà dòng cho ăn món cá rất là ngon sau đó là giờ nghỉ trưa.

15giờ trong ngôi nhà nguyện nơi chị Thánh Faustina cha Công hướng dẫn chuỗi LCTX. và giải thích, cũng như chia sẻ với phái đoàn rất nhiều những cảm nhận của 5 lần ngài đã tới đây.

Nói về bức hình LCTX. chính nguyên thủy sau rất nhiều họa sĩ vẽ lại chị mới ưng thuận và cho là giống nhất mà nay đang đặt giữa đại Vương Cung Thánh Đường nơi đây để kính LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT. Thì có mấy điểm chúng ta nên lưu ý như sau.

Điểm thứ nhất:

Nếu chúng ta nhìn vào đôi mắt trong bức hình Chúa đặc biệt nơi đền thánh. Đôi mắt Ngài luôn dõi theo chúng ta dù chúng ta đứng ở góc độ nào thi cũng vậy. Và nếu ta có một đôi mắt tinh khiết thì sẽ nhìn thấy, dưới bàn tay trái Chúa đang kẹp một con rắn. Đây là 1 dấu hiệu Ngài cho chúng ta thấy thế gian có rất nhiều sự dữ, nhưng nếu chúng ta cương quyết theo đường lối của Ngài, thì sự dữ sẽ bị tiêu diệt và quyền năng của LCTX. sẽ giúp chúng ta chiến thắng được sự dữ.

Điểm thứ 2:

bên luồng sáng trắng, nếu người nhìn, với một cặp mắt tinh khiết, thì sẽ thấy có một linh hồn đang qùy cầu nguyện. Có thê là luống ánh sáng màu trắng đang bao phủ cả tấm linh hồn này. Để tinh luyện cho nên trong sạch, và đang được hưởng những ân hụê của lòng bao dung từ ái của LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT.

Trong việc Chúa hiện ra ngài đã nói với thánh Faustina hãy họa lại bức hình Chúa. Sau đó biết bao nhiêu họa sĩ tài năng đã vẽ ra theo sự diễn tả của chị Thánh. Cho đến bức ảnh của hiện nay thì chị mới cho là giống như hình Chúa mà chị đã nhìn thấy, và bên dưới có hành chữ:

"LẠY CHÚA GIÊSU; CON TÍN THÁC VÀO NGÀI"

Đây là một câu kinh nguyện đẹp vô cùng.

(Nhưng có nhiều bản kinh lại dịch khác đi, làm giảm mất đi cái giá trị của lời Kinh).

CẢM TÁC VỀ CHỊ THÁNH FAUSTINA
Cả đời Chị đã xin vâng
Ăn chay đánh tội để dâng hiến đời
Đến giờ nhắm mắt nghỉ ngơi
Biết bao năm tháng xuân thời đẹp thay!
Tấm gương thánh đức tịnh chay
Thực thi ý Chúa từng ngày khắc ghi
Lòng Thương Xót Chúa thầm thì
Từng Lời Chúa dạy chép ghi cho đời.

17giờ phái đoàn dâng thánh lễ tại chính nơi đất thánh này. Một thánh lễ hết sức là ý nghĩa cho mọi người.

Đặc biệt nơi đây với những thao thức về Quê Hương và giáo hội VN. Bởi vì tận mắt chứng kiến được một nước Ban Lan, Một dân tộc có đức tin kiên cường tuyệt với!. Vì vậy đã được Thiên Chúa giải thoát khỏi vòng kìm kẹp của sự dữ sau gần nửa thế kỷ. Chúng ta thử đặt một câu hỏi thật lòng mình đi, nhờ đâu??? Xin Thưa, Đó là nhờ Đức Tin. vâng! nhờ đức Tin. Nếu chúng ta có đến tận nơi, chứng kiến tận mắt, thì chúng ta sẽ không ngần ngại thốt lên rằng: Ôi ĐỨC TIN TUYỆT VỜI!

Khi tôi nhìn thấy dân tộc Ba Lan tuyên xưng lòng tin của họ, thì tôi đã không còn ngạc nhiên gì, khi thấy chính nơi đây đã sinh ra một người con tuyệt vời! Một công nhân gương mẫu và sau này làm thủ lãnh sáng ngời của toàn thể Giáo Hội Công Giáo hoàn vũ! Vâng! một con người vô cùng tuyệt vời! thánh thiện, đó là ĐGH. Gioan Paul II. Để cả thế giới đã phải khâm phục và tán dương Ngài. Nhờ Ngài đã đóng một vai trò rất quan trọng, để thay đổi vận mệnh cho dân tộc Ban Lan và toàn khối Đông Âu. Ngài đã luôn lạc quan và tin tưởng tuyệt đối vào Thiên Chúa. Và chúng ta đã tận mắt chứng kiến được việc của Thiên Chúa làm, thật là lạ lùng,để giải thoát dân tộc Ban Lan nói riêng và nhân loại nói chung.

Lạy đấng chân phước khả kính John Paul II xin ngài hãy phù trợ cho dân tộc Việt Nam chúng con. Để cho đất nước Việt Nam chúng con cũng được thoát ách cộng sản vô thần như dân tộc và đất nước Ba Lan của Ngài.

18giờ cơm chiều:

sau dó mỗi người có một giờ trống để thong dong đi dạo vì thời tiết hôm nay nơi đây qúa đẹp và lý tưởng để đi xung quanh khu "Vương Cung Thánh Đường" LCTX. Hoặc vào đền Thánh lần chuỗi LCTX. và Chầu Thánh Thể. Chính trong đền Thánh này vào năm 19 Chúa Giêsu đã thường xuyên tỏ mình ra với Chị Thánh Faustina để truyền cho Chị ghi lại những những lời về LCTX. để cứu nhân loại. Và Ngài còn tiếp tục mời gọi chúng ta cùng cộng tác với NGÀI để giải thoát sự dữ. Từng người trong phái dơàn chúng tôi đã được hôn xương Thánh Faustina.

20giờ chia sẻ cảm nhận, kinh tối và 21giờ đi nghỉ đêm. Vì sau một ngày dài đi đường xa mệt mỏi. Phải nói thêm một chút là chúng tôi thật là may mắn được sự dẫn dắt của cha Fernand Nguyễn Hữu Công.Vì Ngài đã sang đây rất nhiều lần nên Ngài đã giao thiệp và đặt chỗ trước cho chúng tôi. Ngài lại còn nhờ thêm Linh Mục Casimir người Ba Lan cùng hướng dẫn nữa, nên nhờ vậy phái đoàn được ở trong nhà dòng chính nơi sinh sống của Chị Thánh Faustina khi trước. Chúng con xin tạ ơn Chúa và cám ơn hai Cha rất nhiều.

Ngày 28.04.2012

7 giờ điểm tâm trong nhà dòng xong. Vì còn sớm hơn giờ hẹn 15 phút nên phái đoàn tranh thủ ra trước sân tu viện chụp hình lưu niệm. Ôi! thôi đây là cơ hội trổ tài bấm máy của các nhiếp ảnh, có nhưng người tay cầm tới 7-8 máy chụp hình bấm thoải mái luôn. Thấy mà thương cho tấm ảnh mẫu của chị Thánh Faustina hì hì.

ĐỨC MẸ ĐEN JASNA GÓRA, NỮ VƯƠNG BA LAN

8 giờ sáng xe bắt đầu khởi hành đi Zcestockowa thăm Đức Mẹ Đen. Phái đoàn làm giờ kinh sáng thật là hạnh phúc trong tâm tình hiến dâng thật đẹp của buổi sáng.

Sau đó là chương trình sinh hoạt và chia sẻ tâm tình HH. và cầu nguyện cho Quê Hương Việt Nam rất phong phú.

Thanh Sơn xin được ghi lại một chút xíu chia sẻ khi nhớ được nhé.

Ban Lan là một nước tương đối nhỏ so với Liên xô nên họ cũng bị xự xâm lăng triền miên. Cũng giống như VN. quê hương chúng ta sát bên tên khổng lồ thâm độc Trung Quốc ngàn năm cứ xâm lăng nhòm ngó và luôn đòi xâm chiếm sát nhập vào nước của họ...

Vương cung thánh đường Đức Mẹ là một trung tâm HH. lớn nhất của nước Ba Lan. Mà qủa là lớn thật. Lớn hơn tôi tưởng nhiều. Khi xưa ai muốn vào nơi đây thì phải vướt qua 4 cánh cổng thì mới vào thành được. vì nơi đây lúc đầu tiên là một lâu đài. Chuyển đổi theo thời gian của chiến tranh và chính trị. Cho

đến khoảng thế ký thứ 13 thì nơi đây trở thành 1 Đan Viện.

Tại sao nơi đây luôn luôn là 1 trung tâm rất quan trọng của Ba Lan?

Thưa, vì đất nước Ba Lan là 1 đất nước gần như toàn tòng người công giáo. Và dân tộc Ba Lan rất là sùng kính Đức Mẹ giống giáo hữu VN. chúng ta.

Và Đức Mẹ đã cứu dân tộc họ nhờ họ cầu nguyện luôn không ngơi lần chuỗi cậy trông Đức Mẹ. Xin Đức Mẹ chuyển cầu lên Thiên Chúa ban cho Ba Lan được thoát ách hiểm nguy ngoại xâm, để khỏi mất nước.

Điển hình là những trận xâm lăng của quân Thổ Nhĩ Kỳ. và cũng nhiều lần cậy trông Đức Mẹ để thoát hiểm đại họa Hồi Giáo.

Đặc biệt là: Một lần nơi đây vào năm 1665 bị một đạo quân của Thụy Điển vây hãm công phá rất dữ dội... và trong thành không còn lương thực nữa, gần như sắp bị tiêu hủy vì không thể nào chống đỡ nổi nữa. Mọi người trong thành chỉ còn tin tưởng vào sự giúp đỡ của Đức Mẹ và và Thiên Chúa mà thôi. Đến khi mà qúa nguy hiễm như sợi chỉ mành treo chuông rồi. Cuối cùng vị đan viện trưởng đưa đến một quyết định là mọi người cầu nguyện và rước kiệu Thánh Thể đi xung quanh trên thành, và ồ kià! một phép lạ đã xảy ra nhãn tiền. Quân Thụy Điển bị một trận tan nát và vội vã rút lui trong thảm bại.

The Black Madonna (Đức Mẹ Đen) rất linh, và được dân Ba Lan sùng kính. Vào năm 1947 trên một triệu rưỡi người đến Đền Thánh để xin được giải thoát khỏi ách Cộng Sản. Theo Đức Giáo Hoàng John Paul II nói, đền Đức Mẹ Jasna Gora là một thành trì của đức tin, đã cứu rỗi dân tộc Ba Lan. Đền thánh Jasna Gora nằm trên đường đi Warsaw đến Kraków. Kraków là thủ đô củ cũa nước Ba Lan trước khi triều đình dời đô về Warsaw. Phái đoàn đến kính viếng nơi rất quan trọng trong lịch sử nước nầy:

Đan Viện Jasna Gora ở Czestochova gần Krakow là một Đan Viện lâu đời và nhiều uy tín nhất ở Ba Lan, nổi tiếng với hình Đức Mẹ Đen tên The Black Madonna. Đức Mẹ màu đen nầy đã làm rất nhiều phép lạ, đặc biệt nhất đả giúp cứu Đan Viện khỏi sự phá hoại cũa quân xâm lăng Thụy Điển ở thế kỷ 17. Vua Ba Lan long trọng tuyên bố đất đai Ba Lan là cũa Đức Mẹ. Do đó đức Mẹ Đen còn được tôn kính với danh hiệu Nữ Vương Ba Lan. Đây là điểm hành hương nổi tiếng của người công giáo khắp nơi từ mấy trăm năm nay. Mỗi năm có trên 2 triệu người đến hành hương. Đức Giáo Hoàng John Paul II có lần đến thăm viếng tu viện nầy. Chính Ngài chủ sự Thánh Lễ lôi cuốn đám đông tín đồ từ khắp thế giới với 1.500.000 (một triệu rưỡi) người đến tham dự.

“Đối với người dân Ba Lan thì Czestochowa là nơi chốn phúc lành gắn liền với các biến cố lịch sử, đặc biệt với lịch sử đấu tranh dành độc lập. "Czestochowa có đền thánh quốc gia tức đền thánh Đức Mẹ Jasna Góra. Đền Thánh tọa lạc trên ”Minh Sơn - Clarus Mons”. ”Minh Sơn - Núi Sáng” tên gọi nhắc nhở rằng Ánh Sáng xóa tan bóng tối của tội lỗi. Thật thế, Ánh Sáng vào những giờ phút đen tối của chiến tranh, của phân tán và của chiếm đóng. Mọi người Ba Lan đều biết rõ suối nguồn Ánh Sáng hy vọng này đến từ sự hiện diện của Đức Mẹ MARIA qua bức ảnh phép lạ. Câu chuyện khởi đầu với cuộc xâm lăng của đoàn quân Thụy Điển vào năm 1655. Mặc dầu với sức tấn công vũ bão, tràn ngập nhanh như trận lụt đại-hồng-thủy, vậy mà vẫn thất bại ê chề. Đền Thánh kiên vững đến độ quân thù không xâm nhập được. Từ sau biến cố lịch sử đó, quốc gia Ba Lan nhận ra một lời hứa chiến thắng. Lòng tin tưởng vững chắc nơi sự bảo trợ của Đức Mẹ MARIA đã giúp người dân Ba Lan đánh tan sức tấn công của kẻ thù. Kể từ ngày ấy, Đền Thánh Đức Mẹ Jasna Góra trở nên thành trì của Đức Tin, của tâm trí, của văn hóa và của tất cả những gì thiết lập nên căn tính quốc gia. Điều này còn minh chứng cách rõ ràng hơn về sau, kể cả trong thời gian dài bị phân tán và bị mất chủ quyền quốc gia.

Chính Đức Thánh Cha Piô XII (1939-1958) cũng khẳng định đặc tính này trong thời kỳ xảy ra đệ nhị thế chiến 1939-1945: Ba Lan đã không biến mất và sẽ không biến mất bởi vì Ba Lan tin, Ba Lan cầu nguyện và Ba Lan có Đức Mẹ Jasna Góra.

Nhờ ơn Chúa, lịch sử minh chứng lời nói của Đức Giáo Hoàng Pio XII là đúng. Sau thế chiến thứ hai là thời kỳ đen tối khác của lịch sử Ba Lan. Đó là thời Ba Lan sống dưới ách thống trị của đảng cộng sản vô thần. Giới cầm quyền cộng sản Ba Lan ý thức sâu xa tầm quan trọng của Bức Ảnh Phép Lạ Jasna Góra trong đời sống người dân Ba Lan cũng như lòng kính mến tín hữu Công Giáo Ba Lan dành cho Bức Ảnh. Vì thế, khi Hội Đồng Giám Mục Ba Lan, đặc biệt dưới sự điều động của Đức Hồng Y Stefan Wyszynski (1901-1981), phát động chương trình đưa Bức Ảnh Đức Mẹ Jasna Góra đi thăm viếng từng giáo xứ từng Cộng Đoàn trên toàn nước Ba Lan, thì giới lãnh đạo Cộng Sản Ba Lan dùng trọn quyền hành và tìm đủ trăm phương nghìn cách để ngăn chặn cuộc Hành Hương của Bức Ảnh Đức Mẹ Jasna Góra. Bức Ảnh Đức Mẹ bị công an nhà nước tịch thu và giam vào tù. Thế là tín hữu Công Giáo Ba Lan chỉ có thể tổ chức các buổi rước kiệu và thăm viếng của Đức Mẹ với cái khung trống không có Ảnh Đức Mẹ Jasna Góra. Thật là sứ điệp hùng hồn và hy hữu. Nó minh chứng dân tộc Ba Lan không được hưởng quyền tự do tôn giáo. Càng thấy mình không được hưởng quyền tự do tôn giáo toàn dân Ba Lan lại càng tha thiết cầu xin cho có ngày được hưởng quyền tự do này. Và tình trạng vắng bóng tự do tôn giáo kéo dài ròng rã gần trọn 25 năm trời. Cùng lúc, thời gian thử thách đã củng cố tín hữu Công Giáo Ba Lan trong Đức Tin, Đức Cậy và Đức Mến. “Mọi người dân Ba Lan có Đức Tin đều đi hành hương Đền Thánh Đức Mẹ Jasna Góra ở Czestochowa. Tôi cũng thế. Ngay từ thơ trẻ, tôi đã tham dự các cuộc hành hương. Năm 1936 diễn ra cuộc hành hương đại qui mô của giới sinh viên toàn quốc Ba Lan. Cuộc hành hương kết thúc với lễ tuyên thệ trọng thể trước Bức Ảnh Đức Mẹ Đen. Sau đó cuộc hành hương này tiếp tục diễn ra hàng năm..” ( Lời c ủa Đức Cố Giáo Hoàng John Paul II).

CẢM TÁC ĐỨC MẸ ĐEN BA LAN
Con về thăm Mẹ Ba Lan
Vui trong ân sủng bình an cuộc đời
Dâng lời tha thiết Mẹ ơi!
Cứu cho Nước Việt thoát đời khổ đau
Bao năm Đất Nước bạc màu
Quê Hương yêu dấu nhuộm sầu héo hon
Xin Mẹ nâng đỡ chúng con
Và cho Tổ Quốc không còn cùm gông
Dưới chân Đức Mẹ cậy trông
Xin mẹ giải thoát khỏi tròng hiểm nguy
Tà thần mau chóng ra đi
Ngàn đời con mãi khắc ghi ơn Người.

BUỔI CHIỀU TRÊN ĐƯỜNG TRỞ VỀ

Phái Đoàn đi thăm trại tù Auschwitz. Đây là một trại tù nổi tiếng thế giới thời Hít le thế chiến thứ 2.

Có tới đây chúng ta mới thấy được tội ác kinh hoàng của con người gây ra. (Sẽ trình bày vào một bài khác)

Buổi tối ở nhà dòng phái đoàn họp lại chia sẻ kinh tối và thông báo chương trình cho hôm sau.

Cha Công và ban tổi chức quyết định sửa lại chương trình.

Thay vì sáng hôm sau Chúa Nhật 29.04.2012 chúng tôi đi thăm thành phố nơi ĐGH. John Paul II thì sẽ ở lại nhà dòng để tham dự thánh lễ quốc tế kính "LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT".Sau đó cha Fernand sẽ hướng dẫn phái đoàn tĩnh tâm và đào sâu về sứ điệp LCTX. tại nhà nguyện Thánh Faustina này. Suốt cả một ngày hôm nay chúng tội cầu nguyện Cho Quê Hương Việt Nam và dân tộc. Và bao con tim đã thổn

thức xót xa cho Đất Nước Việt Nam. Bởi vì: Trông người mà ngẫm đến ta. Người được giải thoát còn ta lao tù. Thì thử hỏi ai không nát lòng. Kính lạy Chúa đầy lòng thương xót! Xin ban cho dân tộc con được thoát khỏi gông cùm của sự dữ, và xin Mẹ dẫn đưa dân tộc chúng con đến nơi an bình.

Sau bữa cơm tối nơi nhà dòng chúng tôi từ giã Qúy Sơ và xe Bus chuyển bánh trở về Đức Quốc. Mười mấy giờ trên xe phái đoàn lần chuỗi Lòng Chúa Thương Xót. Và không quên cầu nguyện cho Quê Hương, Dân Tộc và Giáo Hội Việt Nam. Hôm nay là ngày 30.04. Chắc chắn những con người trong phái đoàn này làm sao quên được Quê Hương. Chúng tôi cũng cầu xin đăc biệt với chị Thánh Faustina, vì hôm nay cũng đúng vào ngày mà Giáo Hội đã tôn kính Chi lên bậc Hiển Thánh.

Tạ ơn Chúa đã ban cho chúng con một chuyến Hành Hương thật sốt sắng và tự do trong tình bác ái. Mọi người được Chúa ban ơn cho hưởng ơn ích của Ngài. Lòng ai cũng sung sướng tạ ơn.

Chúng tôi cũng không quên chia sẻ tới những linh hồn Thai Nhi tại Việt Nam. Chưa được sinh ra làm người đã bị giết chết quăng vào những thùng rác ở Quê nhà. Có những người vô thần và vô lương tâm còn thầu mang về nuôi heo. Đọc và chia sẻ những chuyện như thế hỏi ai không đau lòng. chúng tôi đã tự nguyện đóng góp với nhau được 525 Euro và hội Bác Ái Vinh Sơn sẽ gởi đến qũy chôn cất thai nhi dòng Chúa Cứu Thế.

Người viết bài này cũng xin mạn phép thay mặt Anh Chị Em trong chuyến Hành Hương nói lời cám ơn BTC. LM. Casimir và đặc biệt cám ơn LM. Fernand Nguyễn Hữu Công đã bỏ ra rất nhiều công sức hướng dẫn và giúp đỡ cho ACE. chúng con có được chổ ở tại trong Tu Viện của nhà dòng, nơi xưa chị Thánh Faustina đã ở. Để cho mọi người dễ cảm nhận hơn.
 
Tâm thư Tuyên Úy Đoàn Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam Úc Châu
LM Paul Văn Chi
18:41 02/05/2012


TÂM THƯ CỦA TUYÊN ÚY ĐOÀN
CỘNG ĐỒNG CÔNG GIÁO VIỆT NAM - ÚC CHÂU


Trọng Kính Quý Đức Cha,
Kính Thưa Quý Đức Ông, Quý Cha, Quý Tu Sĩ Nam Nữ,
Anh Chị Em thân mến trong Chúa Kitô và Mẹ La Vang,

Chúng tôi, những thành viên trong Tuyên Úy Đoàn Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam Úc Châu, xin kính gửi đến Quý Đức Cha, Quý Đức Ông, Quý Cha, Quý Tu Sĩ Nam Nữ, và toàn thể anh chị em trong các Cộng Đồng, Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam Úc Châu lời chào bình an trong yêu thương và hiệp nhất.

Trong thời điểm của Năm Hồng Ân mà Hội Đồng Giám Mục Úc Châu phát động từ Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống năm 2012 đến lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống năm 2013, chúng tôi thành kính dâng lên Thiên Chúa và Mẹ Maria tâm tình tạ ơn, vì nhờ lời chuyển cầu của Mẹ Maria mà Thiên Chúa ban phát bao nhiêu ơn lành cho Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam Úc Châu nói chung và Tuyên Úy Đoàn chúng tôi nói riêng. Hồng ân Thiên Chúa ban tặng được thể hiện qua quá trình xây dựng và phát triển của các cộng đoàn Dân Chúa tại Úc Châu trong 37 năm sống đời tha hương.

Chúng tôi xin chân thành cám ơn Quý Đức Cha, Quý Cha, Quý Đức Ông, Quý Tu Sĩ Nam Nữ, và toàn thể anh chi em, đặc biệt Quý Hội Đồng Mục Vụ, Ban Chấp Hành các Phong Trào, Đoàn Thể, các Khu / Xóm Giáo / Giáo Đoàn, đã tích cực quảng đại đóng góp tinh thần lẫn vật chất, cộng tác trong tiến trình xây dựng và phát triển Cộng Đồng Dân Chúa, phù hợp với Giáo Hội địa phương và hài hòa với tinh thần Dân Tộc Việt Nam.

Dưới sự hướng dẫn và soi sáng của Chúa Thánh Thần, chúng tôi, anh em Linh Mục Tuyên Úy Đoàn, được Giáo Quyền địa phương chính thức bổ nhiệm làm Tuyên Úy đặc trách mục vụ cho các Cộng Đồng, Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam Úc Châu, cùng với sự hiện diện của Đức Giám Mục Vincent Nguyễn Văn Long, Giám Mục Phụ Tá Tổng Giáo Phận Melbourne, đã về hội ngộ trong khóa họp thường niên. Chúng tôi cùng nhau cử hành Thánh Lễ, cầu nguyện, và thảo luận, để nâng đỡ, chia sẻ và hợp tác trong công việc mục vụ, nhằm thăng tiến đời sống Đức Tin, phát huy nền Văn Hóa Dân Tộc. Đồng thời, liên kết với Giáo Hội Địa Phương trong tiến trình hội nhập và cùng đồng hành với tất cả các Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam Thế Giới.

Trong khóa họp này, Tuyên Úy Đoàn Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam Úc Châu đã bầu cử Ban Đại Diện nhiệm kỳ 2012-2014 với các thành viên như sau:

1. Chủ Tịch: Cha Paul Chu Văn Chi - Sydney.
2. Phó Chủ Tịch: Cha Raphael Võ Đức Thiện - Melbourne.
3. Thư Ký: Cha Peter Bùi Xuân Mỹ - Canberra.
4. Thủ Quỹ: Cha Phêrô Nguyễn Mộng Huỳnh – Perth.

Quan tâm đặc biệt đến Quý Phong Trào Đoàn Thể, Tuyên Úy Đoàn đã đề cử quý Linh Mục đặc trách:

1. Linh Giám Legio Mariae Liên Bang: Cha Raphael Võ Văn Thiện – Melbourne.
2. Linh Hướng Phong Trào Cursillo Liên Bang: Cha Paul Chu Văn Chi - Sydney.
3. Tuyên Úy Tổng Liên Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể Việt Nam: Cha Raphael Võ Văn Thiện – Melbourne.
4. Linh Nguyền Chương Trình Thăng Tiến Hôn Nhân Gia Đình Liên Bang: Đức Ông Phaolô Nguyễn Minh Tâm - Adelaide.
5. Linh Hướng Phong Trào Lòng Chúa Thương Xót Liên Bang: Cha FX. Nguyễn Văn Tuyết - Sydney.
6. Tuyên Uý Giới Trẻ Công Giáo Việt Nam Liên Bang: Cha Phêrô Dương Thanh Liêm – Sydney.
7. Chủ Nhiệm Nguyệt San Dân Chúa Úc Châu: Cha Anthony Nguyễn Hữu Quảng SDB – Melbourne.

Chúng tôi muốn công khai bày tỏ lòng kính mến, trung thành và vâng phục với Đức Thánh Cha và các Đức Giám Mục Giáo Phận, liên hệ với các Giáo Hội Địa Phương qua Hội Đồng Giám Mục Úc Châu, để hợp tác và đồng hành, nhờ đó, công tác chăm sóc các linh hồn và loan báo Tin Mừng được hữu hiệu hơn.

Chúng tôi không quên hướng về Giáo Hội Công Giáo tại quê hương Việt Nam với lòng yêu thương và hiệp thông trong lời cầu nguyện. Chúng tôi luôn xác tín mình là người Việt Nam tại Úc Châu, để yêu thương, gắn bó, duy trì, và phát triển nền Văn Hóa Việt Nam, cũng như luôn thao thức và đồng hành với Quê Hương và Dân Tộc Việt Nam trong hoàn cảnh phức tạp khó khăn và đau thương hiện tại.

Chúng tôi mong ước được sát cánh với Quý Đức Cha, Quý Đức Ông, Quý Cha và anh chị em Liên Tu Sĩ, đồng hành trong tình yêu Chúa Kitô, nâng đỡ nhau trong đời sống tận hiến và hợp tác phục vụ Giáo Hội Ngài trong mọi môi trường và hoàn cảnh khác nhau.

Chúng tôi mong ước được chia sẻ với tất cả anh chị em giáo dân, đặc biệt những anh chị em đang gặp phải khó khăn, thử thách trong cuộc sống, với những niềm vui cũng như nỗi buồn trong tình bác ái và hiệp thông để xây dựng Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam thành một Cộng Đồng Chứng Nhân Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô, tức là một Cộng Đồng Phúc Âm Hóa Mới, xây dựng nền Văn Minh của Tình Thương như Đức Kitô đã mời gọi: “Mọi người sẽ nhận biết chúng con là môn đệ Thầy, là chúng con hãy yêu thương nhau.” (Jn. 13:35).

Chúng tôi tha thiết mời gọi anh chị em cùng với chúng tôi cổ vỏ, duy trì, phát triển, và tích cực sống hiệp nhất trong đức tin, đức ái, và đức cậy. Anh chị em hãy cùng nhau thăng tiến đời sống thiêng liêng trong gia đình với những truyền thống tốt lành của Văn Hóa Việt Nam và dấn thân hoạt động trong các phong trào đoàn thể, đặc biệt là Giới Trẻ Việt Nam.

Trong những giờ kinh nguyện chung và các Thánh Lễ Đồng Tế cảm động sốt sắng, chúng tôi đã nhớ đến tất cả anh chị em, đặc biệt là những người cao niên yếu đuối, những người đau ốm bệnh tật, những gia đình, và nhất là những người trẻ Việt Nam đang gặp khó khăn đau khổ. Với tâm tình phó thác, chúng tôi đặt trọn vẹn tương lai Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam tại Úc Châu trong bàn tay Thiên Chúa yêu thương và Mẹ Maria từ ái.

Nguyện xin Thiên Chúa Toàn Năng và nhờ lời cầu bầu của Mẹ La Vang, chúc lành cho mỗi người và mọi người chúng con, và tiếp tục đồng hành với chúng con mãi mãi.

Nguyện chúc Quý Đức Cha, Quý Đức Ông, Quý Cha, Quý Tu Sĩ Nam Nữ, và toàn thể anh chị em, đầy tràn hồng ân, bình an, hiệp nhất, và yêu thương, đặc biệt trong Năm Hồng Ân của Giáo Hội Úc Châu.

Thân mến trong Chúa Kitô và Mẹ La Vang.

Melbourne ngày 25.4.2012.
Ban Đại Diện Tuyên Úy Đoàn.

Chủ Tịch: Cha Paul Chu Văn Chi - Sydney.
Phó Chủ Tịch: Cha Raphael Võ Đức Thiện - Melbourne.
Thư Ký: Cha Peter Bùi Xuân Mỹ - Canberra.
Thủ Quỹ: Cha Phêrô Nguyễn Mộng Huỳnh – Perth.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Ngọn cờ sau Ba Mươi năm
Bảo Giang
07:44 02/05/2012
Ngọn cờ sau Ba Mươi năm

Vào buổi sáng ngày 30-4-1975, tôi đứng trong thềm căn biệt thự không lớn lắm ở đường Nguyễn Văn Lạc, Thị Nghè, nhìn về phía mặt trời mọc. Trời cao xanh, nắng vừa lên, đổ bóng xuống trên nền cái sân rộng. Tôi lặng lẽ bước ra sân, đi lần ra phía cổng. Bên ngoài cánh cổng khép kín kia, tôi không thấy nhiều dấu hiệu của chết chóc, của tàn phá, nhưng hình như đã có một vài đổi thay.

Khi quay vào trong nhà, tôi gặp hầu hết những người có mặt trong căn nhà Chung này. Họ đã thức dậy, nhìn nhau, dấu kín niềm vui sau một đêm... "chờ đợi biển máu", nhưng không có máu. Tuy thế, không thể tìm được một nụ cười. Thay vào đó là những đôi mắt nặng âu lo. Họ như dò hỏi nhau, chuyện gì sẽ xảy ra? Hôm nay và ngày mai sẽ ra sao? Không có câu trả lời. Bữa ăn sáng không một ai còn nhắc đến.

Khoảng 9 giờ sáng, tôi lại ra ngoài sân. Đất trời như đã đổi thay. Trước mặt tôi, ngay phía ngoài cánh cổng còn khép kín kia là từng đoàn người chạy ngược, chạy xuôi. Đuổi theo lưng họ là những loạt đạn đinh tai nhức óc, vọng lại từ phía cầu Tân Cảng, ngã tư Hàng Xanh, hay gần hơn thế. Tiếng đạn càng rát, bước chân người càng gấp rút hơn. Vào lúc ấy, tiếng đạn vang trở thành một thứ ma lực, giật đứt tung những hàng nút áo. Làm rớt lại phía sau lưng những mũ đỏ cánh dù, những màu xanh ó biển, những mũ nâu hoa rừng, những mũ sắt với lưới ngụy trang. Tang thương hơn thế, những màu áo của non sông, của một thời ngang dọc với chí làm trai đang bị gío cuốn lăn trên mặt đường, hoặc cuộn theo bước chân người chạy qua.

Tôi đứng chết lặng, dõi mắt về cuối con đường. Không phải tôi chỉ thấy có bấy nhiêu. Trái lại, súng đạn là những loại vũ khí nhiệm màu của đoàn quân đi bảo vệ quê hương. Lúc này xem ra không còn linh nghiệm. Nó bị vất bỏ dưới gốc cây, trên lề đường, không ai thương tiếc. Rồi những đôi giày sô, vật bất khả ly thân dưới chân người lính. Nó đã theo người lính đi khắp mọi nẻo đường của quê hương. Từ rừng sâu núi thắm, đến sông hồ biển cả. Từ thành thị cho đến thôn quê. Ở bất cứ nơi nào có bước chân của họ đến là nới ấy người dân Việt có niềm vui, có bình an, có hơi thở ấm. Và dĩ nhiên, có lũ chuột đồng nằm nín thở chờ chết trong những hang ổ hôi tanh. Nhưng nay, hỡi ơi, giày sô, áo trận vất ngổn ngang như rác ruới trên đường, Cuộc chiến bại chăng?...

- Anh làm ơn cho tôi cái áo được không?

Tôi nhìn xững hai người thanh niên trạc bằng tuổi tôi, mình trần, chạy ngang qua. Tôi nhìn và chưa hiểu anh ta nói gì. Tôi hỏi lại:

- Anh cần áo gì?

Một người kéo tay bạn, dục:

- Thôi đi.

Tôi ngơ ngác nhìn anh. Rồi vỡ lẽ khi thấy những người cùng khu xóm, tay ôm từng bó quần áo đứng nấp nửa người trong khung cửa, đưa tay ra ngoài:

- Quần áo đây, quần áo đây các chú ơi! Mặc vào đi. Thôi kể chi, cứ khoác lên người là được rồi.

Nghe thế, tôi cởi ngay chiếc áo đang mặc trên người ra đưa cho anh và bảo:

- Chờ một tý, tôi vào lấy quần áo cho các anh.

Nói xong, tôi chạy vào ôm ra một ít quần áo. Tiếc thay, khi ra đến nơi, hai người kia đã đi rồi. Tôi ân hận vì đã không kịp thời biếu cho họ manh áo để che thân lúc cần thiết. Tuy thế, nỗi ân hận không kéo dài lâu. Bởi vì chính tôi lại có dịp trao những cái áo, cái quần kia cho những người khác đang chạy trờ tới. Rồi tôi bỏ đống quần áo trên tay xuống, chạy vào vơ vét bất cứ cái áo, cái quần khả dụng nào đem ra đứng trước cánh cổng chờ họ ngang qua. Tôi đứng đó thật lâu. Lòng trĩu nặng đầy lo âu. Ánh mắt không có đủ niềm vui. Rồi tôi muốn khóc khi nhìn thấy cảnh bà con lối xóm gọi nhau ơi ới, đem quần áo trong nhà ra cho những người lính thất trận trở về. Và hơn thế, có nhiều cánh cổng nhà mở ra và tiếng dục vội vã:

- Trời ơi, chạy đi đâu nữa đây. Tụi nó tơi nơi rồi kia, vô đi, vô trong nhà đi, chờ cho nó lắng xuống rồi hãy đi!

Cùng với lời nói ấy. Những vòng tay mở ra. Mở ra như đón mừng con, mừng anh, mừng em trở về. Khi những vòng tay mở ra cũng là lúc những giọt nước mắt nóng trào lăn trên từng khuôn mặt trong giây hạnh ngộ, nhưng chưa bao giờ thấy nhau từ trước.

Một tiếng nổ thật lớn dội lại từ phía cầu Thị Nghè. Lập tức những tiếng gào thét trở nên thê thảm hơn. Chẳng bao lâu sau, bắt đầu có những tiếng nói lanh lảnh, những tiếng la hét của hàng tôm hàng cá bắt đầu vang ra, truyền đi từ cái loa phát thanh của xã Hạnh Thông Tây kêu gọi dân chúng ra đường đón... Việt cộng. Lời kêu gọi không một ai đáp trả. Trái lại, chỉ có những cánh tay vẫn giang ra đón người thất trận trở về trong nước mắt.

Một chiếc xe T54 lùi lũi tiến vào con đường Nguyễn Văn lạc. Đến ngay ngã ba, gần căn nhà tôi đang ở. Nó đứng lại, hạ thấp tầm súng xuống. Bà con hoảng thần hồn, gào thét bỏ chạy tán loạn. Tôi cũng vội vã chạy vào trong nhà đóng chặt cửa lại. Trong căn phòng khách khá rộng, người người ủ dột, ngồi bất động, không ai nói với nhau một lời nào. Nhưng đôi tai như mở thật lớn ra để nghe cho rõ ràng từng tiếng nói của Dương văn Minh và Nguyễn hữu Hạnh vừa truyền đi qua làn sóngcủa đài phát thanh quân đội.

Lát sau, tôi lại trở ra trước sân. Đứng nhìn trời. Mắt tôi hoa lên vì vừa thoáng thấy những cái bóng, như những bóng ma, vác lá cờ của cái gọi là" mặt trận giải phóng miền nam" chạy qua lại trên đường. Tự nhiên, hai bàn tay tôi xoắn chặt lấy nhau, nước mắt bỗng tuôn trào trên mặt.

Tôi khóc thương tôi. Tôi khóc thương cho những người lính vừa bị bó buộc tan hàng, hay là tôi khóc thương cho màu cờ từ nay không còn được tung bay trên phố, trên nhà và trên quê hương của tôi? Thú thật, tôi không biết vì lý do gì tôi đã khóc và khóc ngon lành đến thế…

Hôm nay, hơn ba mươi năm sau, ở một nơi mà trong đời tôi trước kia không hình dung ra được. Tôi lại thấy ngọn cờ tung bay. Không phải một, mà có thể nói là có cả một rừng cờ trong biển người tha hương cùng giơ lên cao. Nhìn lá cớ bay, niềm vui, nỗi mừng dâng lên nghẹn lòng.

Thực ra, đây không phải là lần đầu tiên tôi mừng cui vì là cờ của tổ quốc Việt Nam tung bay giửa bầu trời hải ngoại. Nhưng mỗi một lần thấy là cờ yêu dấu kia tung bay trên cao là một lần nó ghi khắc vào tâm khảm tôi và người đứng nhìn một dấu ấn riêng biệt.

Này là lần ghi dấu ngày quốc hận đầu tiên trên xứ người. Này là lần Võ văn Kiệt vỡ mật chui qua cổng hậu của phi trường Canberra khi nhìn thầy ngọn cờ vàng lững lẫy trên tay người tỵ nạn đứng ngoài cổng chính. Kia, lần bí thư có tay nghề thợ cạo Đỗ Mười bỏ cả chương trình mà chạy khi thấy đoàn người tỵ nan hùng dũng tiến lên với ngọn cờ Vàng của tổ quốc trong tay. Rồi những lần, từ Phan vân Khải, Nguyễn tấn Dủng, Nguyễn Minh Triêt bở vía, tan hồn khi nhìn thấy ngọn cờ chính nghĩa được giơ lên cao từ bàn tay của những thanh thiếu niên vừa trưởng thành nơi xứ lạ. Có thể nói, đó là tất cả những dấu ấn, là những chứng tích uy dũng của người Việt Nam vì đại nghĩa.

Rồi hôm nay, ngọn cờ thì vẫn ngọn cờ dấu yêu ấy. Ngày, vẫn là ngày ghi dấu quốc nạn của dân tộc Việt. Nhưng bóng cờ thiêng kia như đang vươn trải ra một ý nghĩa hoàn toàn khác biệt. Sự khác biệt ấy chính là vì ngọn cờ thiêng kia đang được những người trẻ Việt Nam khơi nguồn sinh khí mới. Nói cách khách, la cờ ấy đang được lớp trẻ đầy nhiệt tâm dựng lại thành một niềm hy vọng mới cho dân tộc.

Tại sao tôi lại nói đến sự khác biệt của lá cờ trong tay ngừơi đang nắm giữ nó. Thưa, có nhiều lý do, nhưng ít nhất có những điểm chính yếu sau đây:

Những năm về trước, đa phần ngọn cờ của dân tộc được nâng niu và bảo vệ từ thế hệ cha anh, một thế hệ không ít thì nhiều đã có ân, lộc hoặc it nhất là có liên hệ một phần của đời mình với ngọn cờ ấy. Theo đó, khi họ ra đi, dù là thương hay giận hờn, lá cờ ấy cũng đã nằm lòng trong họ. Họ vì quen mà giơ ngọn cờ lên cao. Họ vì nhớ mà trương cờ lên. Hoặc vì căm thù bọn cộng sản vô nhân mà tranh đấu.

Ý nghĩa ấy gói trong ngọn cờ tung bay thì không phải là không tạo ra dấu ấn. Tuy nhiên, ảnh hưởng của dấu ấn ấy không thể bay cao, truyền đi xa. Ấy là chưa kể đến đến mặt tiêu cực bị nhà nuớc Việt cộng và tay sai đánh phá khi chúng tung ra những chiêu thức đểu cáng là: trương cờ vì phục quyền, phục chức, chứ nào phải vì phục quốc!

Thoạt nghe những lời ấy, rất nhiều người đau tím gan, giận thâm ruột. Tuy nhiên, nhất thời cũng khó mà bào chữa, hoặc tẩy rửa cho hết được cái luận điệu tuyên truyền xảo trá của chúng. Nhưng khi bình tâm trở lại, cũng có người nhận ra một sự thật là có những kẻ gian manh đã lợi dụng lòng yêu nước cuồng nhiệt của đồng bào. Họ đã trương ngọn cờ lên để trục lợi cho mục đích riêng tư, phe nhóm? Sự thật này đúng hay sai, tôi không có t1 bàn đến ở đây.

Rồi một thập niên nữa trôi qua, những chiến binh trẻ trong ngày bó buộc phải tan hàng kia đã xiết lấy tay nhau. Ngọn cờ của họ đã khởi sắc, mang một ý nghĩa đấu tranh cứng rắn. Tuy thế, vì những liên hệ với màu cờ ấy. Nó cũng có một quy luật khắt khe là bị hạn chế. Theo đó, ngọn cờ dù có tung bay, cũng khó lòng mà vươn trải ý nghĩa tranh đấu cho hoài bão tự do, dân chủ cho quê hương được.

Nay thì khác rồi. Ngọn cờ đã bay cao và đưa vào vũ đài thế giói một ý nghĩa khác biệt. Bởi vì, người đi đầu, trương cao ngọn cờ kia đã không được sinh ra, lớn lên và trưởng thành dưới màu cờ sắc áo ấy. Nhưng là những hậu bối được sinh trưởng trên phần đất tự do. Họ đã đem tài đức, trí lực của mình ra mà tranh luận với thế giới rằng: Đây là ngọn cờ của Chính Nghĩa, của Lương Tâm, của Dân Chủ của Nhân Quyền, của Độc Lập, Tự Do và của Công Lý.

Dĩ nhiên, khi hiếu kỳ nhìn theo bước chân ngạo nghễ của những người trẻ tiến bước, dẫu là hòn đá bên đường cũng phải tự đặt ra vấn đề là: Tại sao những người trẻ này lại đem thân vào trường tranh đấu mới.?

Có phải vì họ được giáo dục và trưởng thành trong một môi trường đầy nhân bản. Họ hiểu được thế nào là Tự Do, thế nào là Dân Chủ, thế nào là nhân bản, thế nào là Nhân Quyền. Rồi họ hiếu thế nào là cưòng bạo, thế nào là độc tài, áp bức, thế nào là phi dân chủ, mà họ tiến bưóc đấu tranh cho đồng loại?

Có phải vì họ được đào tạo trong Tín Nghĩa. Họ hiểu thế nào là Liêm là Chính. Thế nào là xảo trá, lường gạt, là tham ô, hối lộ, độc ác và thế nào là cướp ngày?

Có phải vì họ được giáo dục trong lẽ thật. Họ hiểu thế nào là công bằng, là bác ái. Thế nào là bất công, thế nào là bóc lột, thế nào là buôn dân bán nước?

Và có phải vì họ thấm nhuần nền văn hóa nhân bản của dân tộc. Hơn thế, họ có những trái tim quảng đại, có bầu nhiệt huyết trào dâng và bằng một vòng tay mở rộng. Họ đã không ngần ngại dấn thân, giơ cao ngọn cờ của dân tộc lên mà tranh đấu cho cuộc sống ấm no của đồng bào ở quê xưa? Hay vì đại nghĩa, vì tự do, vì dân chủ vì nhân quyền và vì dân tộc mà họ bước tới? Nếu họ đã không đi vì mình, nhưng vì xã hội, vì quê hương thì đó chính là ý nghĩa khác biệt của ngọn cờ sau hơn ba mưoi năm, ngày cộng sản nhuộm đỏ toàn cõi Việt Nam.

Nhìn vào cuộc thế trong bước đi của ngày 30-4 hôm nay, anh thấy gì, chị thấy gì, bạn bè thấy chi?

Tôi tin rằng khi thấy những bước đi anh dũng của các bạn trang lứa từ hải ngoại và sau những ngày giao tiếp với thế giới bên ngoài, dù chỉ qua bàn máy tính, những người trẻ ở trog nước sẽ tự mặc cho mình tư duy mới. Họ sẽ có được cái nhìn rõ nét và trong sáng hơn theo nhịp bước của những ngưòi đồng trang lứa nơi hải ngoại. Họ sẽ nhìn ra được những ruồi trâu đang tàn phá quê hương Việt. Họ sẽ nhìn thấy thảm cảnh Văn Hóa của Việt Nam đang bị những ngụy chứng “Macle Maoho” xoáy mòn luân lý đạo đức. Họ sẽ nhìn ra được cái tai họa của dân tộc khi nên Văn Hóa Nhân Bản, Bao Dung của chủng tộc Việt bị phá sản. Họ cũng sẽ nhìn ra được một cuộc tầu hóa trên đất Việt từ phương bắc. Và sự nhận thức ấy chính là động cơ làm thức tỉnh lòng họ. Và từ một định đề, cùng nhau đổi mới quê hương. Họ ngại gì khi nhìn sang và cùng nắm lấy tay các bạn đồng trang lứa ở hải ngoại để cùng nhau lo cho quê hương. Như thế, Việt Nam mới có bước hưng thịnh.

Phần chúng ta thì sao. ( tôi muốn nói đến thế hệ cha, anh)Trâu chết để da, người ta chết để tiếng. Nếu như biết sức đã cùng, lực đã kiệt, không thể làm gì hơn được nữa thì ít ra nên giữ im lặng. Hay tích cực hỗ trợ cho lớp trẻ ngày nay tiến lên, hơn là bày vẽ ra những tổ này, chức khác. Bởi lẽ, theo cái nhìn thiển cận của tôi ( có thể không đúng) là: Càng vẽ hươu thì chỉ thấy rừng trút lá và thấy ngày rất ngắn. Và sẽ chẳng có niềm vui trong cảnh hoàng hôn.

Theo đó, ngoại trừ niềm tin và sức sống của lớp người trẻ hôm nay, thật khó có thể tìm được lực đẩy có khả năng mang lại Tự Do, Dân Chủ và Công Lý cho quê hương trong ngày mai. Bởi lẽ, lòng họ sạch, trí họ sáng, lực thì dồi dào, bụng không hám danh, quyền tước lợi lộc, lòng không tư vướng hận thù. Bấy nhiêu điều đã qúa đủ để những lớp đàn anh còn phục chí, phải khuất phục mà hỗ trợ cho những bước đi của tuổi trẻ. Có thế, may ra ý nguyện của cả dân tộc mới có cơ thực hiện. Trái lại, lớp tre gìa cũng khó cưỡng lại định luật của thòi gian. Nghĩa địa ngoại có thêm nhiều ngưòi tên Việt và quê nhà cũng không có một điều gì mới mẻ hơn!

Bảo Giang

ngày Quốc Hận 30-4

 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Tình yêu bị cấm: Sự loạn luân và y học
Lm Dominik O.C
09:51 02/05/2012
Lời tuyên án về sự loạn luân của tòa án nhân quyền thuộc tối cao pháp viện châu Âu ở Straßburg, đã chứng thực sự ngăn cấm đối với sự quan hệ tình dục giữa anh chị em ruột, phần lớn dựa trên bằng chứng y khoa. Đâu là những „nguy hiểm“ đối với hậu duệ con cháu trong một mối quan hệ loạn luân?

Bildquelle: Fotolia

Tại sao những mối quan hệ loạn luân lại bị đánh giá tùy thuộc vào những đời hay bậc họ hàng khác nhau? Và như thế nào thì anh em họ và chị em họ có thể kết hôn hợp pháp?

Theo điều 1307 của bộ luật dân sự nước Đức, một cuộc hôn nhân giữa những anh chị em ruột, giữa những người có họ hàng gần theo hàng ngang, và giữa những anh chị em cùng cha khác mẹ hay cùng mẹ khác cha, đều bị cấm tại nước Đức. Do đó, một mối quan hệ giữa những người mà họ chỉ có chung với nhau một bên cha hoặc mẹ, cũng bị coi là loạn luân. Sự loạn luân, tức sự quan hệ tính dục giữa những người có họ hàng gần, thì không những chỉ bất hợp pháp, mà còn là một chủ đề cấm kỵ mang tính xã hội nữa. Nó được chứng minh chủ yếu dựa vào y học, vì những hậu quả thuộc về sức khỏe đối với con cái trong những mối quan hệ loạn luân có thể là đáng kể. Vì: sự sinh sản đồng huyết tạo điều kiện thuận lợi cho những bệnh di truyền và sự dị dạng tương đối thuộc về di truyền nơi toàn bộ con cháu.

Toàn bộ mã di truyền của chúng ta sẽ bị hư hỏng.

Toàn bộ mã di truyền của chúng ta sẽ không còn hoàn hảo khi ở xa, vì tất cả chúng ta sở hữu những sự đột biến gien nhỏ xíu trong các gien của chúng ta. Những nhược điểm này thường tiến triển trong chất liệu di truyền của chúng ta nhưng không dễ nhận thấy, vì chúng ta tiếp nhận hai lần mỗi đặc điểm di truyền. Một lần chúng ta tiếp nhận từ người mẹ, và lần kia từ người cha. Người ta có thể hình dung nó như là một "Thiết bị An Toàn": thí dụ như gien từ người cha bị khuyết tật, vẫn còn có một phiên bản hoàn hảo của người mẹ, phiên bản này khắc phục sự khuyết tật đến từ bên ngoài nó. Nơi một số bệnh di truyền, trong hoàn cảnh này những gien khuyết tật phải tập hợp được thành bộ đôi như thế, để một người bị mắc bệnh. Người ta gọi những bệnh di truyền này là "di truyền lặn".

Những bệnh tật thuộc di truyền lặn và sự nguy hiểm tiềm ẩn

"Những yếu tố di truyền đã bị làm biến dị như nhau mà tích tụ lại thành cặp khi người ta có một người bạn đời không thuộc họ hàng, thì sự nguy hiểm là rất không đáng kể" - nữ chuyên gia di truyền học về người, giáo sư Ortrud Steinlein thuộc đại học Ludwig-Maximilians ở München giải thích. Khả năng có thể xảy ra là, trong một cặp hôn nhân bình thường những gien bị biến dị nơi chính họ tình cờ gặp nhau và kéo theo khuyết tật cho con cháu, người ta gọi đó là sự nguy hiểm tiềm ẩn với ba phần trăm.

Anh trai và em gái có khoảng 50 phần trăm gien giống nhau

Khả năng để cho một em bé không sức khỏe tăng lên nhưng nhanh chóng, khi anh trai và em gái cùng nhau tiến tới mối quan hệ tình dục. "Anh chị em ruột có chung 50 phần trăm yếu tố di truyền của họ xét về khía cạnh thuần tính toán. Từ vấn đề này, sự nguy hiểm được nâng cấp sau đó cũng như tự bộc lộ rằng, một đứa trẻ sinh ra trong đời với một bệnh di truyền lặn", - Giáo sư Steinlein nhận xét.

Nói cách khác: anh trai và em gái có căn nguyên di truyền giống hệt như nhau, đến nỗi họ còn mang lẫn cả cho nhau những khuyết tật ngay trong chính bản thân của họ. Chúng thường chỉ đi vào trong họ một cách không công khai vì hiện thời chúng sở hữu cái được gọi như ở trên là "Gien An Toàn". Tuy nhiên khi anh chị em ruột sản sinh hậu duệ trong tình trạng này, người ta ước lượng một khả năng có thể xảy ra tới 40 phần trăm việc hai khuyết tật thuộc di truyền lặn hội tụ lại và gây bệnh tật cho con cháu.

Sự nguy hiểm tăng lên đối với tất cả các bệnh di truyền

Những hậu quả đối với hậu duệ ở những mối quan hệ loạn luân như thế có thể là rất khủng khiếp. Sự giới hạn cả về thể chất lẫn tinh thần thì không phải là hiếm nơi những đứa con mà cha mẹ của chúng là anh chị em ruột. Những loại bệnh đặc trưng nào thường xuất hiện nơi sự loạn luân thì cũng thật khó để nói. "Thông thường, sự nguy hiểm đối với tất cả các loại bệnh di truyền được tăng lên, tùy thuộc vào cái được lưu lại trong toàn bộ mã di truyền của cha mẹ. Cái đó có thể phát triển từ một loại bệnh hay xảy ra như bệnh nhầy nhớt cho đến những loại rất hiếm xảy ra như bệnh rối loạn trao đổi chất" – nữ chuyên gia di truyền học Steinlein giải thích.

Anh em họ và chị em họ: sự hấp dẫn giới tính hợp pháp hơn, và sự thành hôn cũng hợp pháp

Trong trường hợp khác, đó là anh em họ và chị em họ - tất cả những mối quan hệ trực tiếp theo hàng thẳng – họ được phép kết hôn và sinh sản con cái trong nước Đức cũng như trong nhiều quốc gia khác. Thực ra, việc anh chị em họ kết hôn với nhau thì hình như rất hiếm ở Âu châu cũng như trong các quốc gia khác, nhưng một phần ở Thổ Nhĩ Kỳ và trong những quốc gia thuộc thế giới Ả rập thì không hiếm.

Giáo sư Steinlein cho biết: "nơi anh chị em họ thuộc bậc thứ nhất, chỉ một phần nhỏ bé của toàn bộ mã di truyền, những mã di truyền mà họ đã thừa kế từ những gốc tổ của chung, là đồng nhất thôi. Vì thế khả năng có thể xảy ra các bệnh về di truyền đối với con cháu thì khá ít hơn so với những cặp vợ chồng mà chính họ lại là anh chị em ruột của nhau". Với chỉ một phần tám của việc cấu thành nên các gien chung thì sự nguy hiểm tiềm ẩn đối với bệnh tật của con cái nằm vào khoảng sáu phần trăm, trong khi đó thì chỉ có ba phần trăm nơi những cặp vợ chồng không thuộc họ hàng.

Người ta có được phép cấm con cái kết hôn với nhau không?

Trong cuộc hội thảo về mối quan hệ loạn luân, một đề tài đóng vị trí quan trọng không chỉ trong lãnh vực y khoa mà còn quan trọng cả trong lãnh vực luân lý và xã hội nữa. Một số người đã phẫn nộ khi họ nghe rằng, Patrick S. sống tại Leipzig đã sinh hạ bốn đứa con với chính em gái của anh ta. Những người khác thì lại không thể hiểu được chuyện anh ta đã phải trải qua ba năm tù vì mối tình mắn con đối với em gái của mình. Khả năng tổn hại về phương diện di truyền nơi con cháu thì không có sự chứng minh đầy đủ về vấn đề để cấm một cặp vợ chồng có con cháu.

Nhân tiện đây, một ý kiến đưa ra rằng: Không có bộ luật nào cấm một người phụ nữ trên bốn mươi tuổi sinh con, chỉ vì người phụ nữ ấy cũng hiện diện trong nhóm nguy hiểm hệt như nhóm những cặp vợ chồng loạn luân để mang đến cho thế giới những đứa con bệnh tật và dị dạng.

(Lm Dominik O.C chuyển ngữ từ: Verbotene Liebe: Inzest und Medizin, Autor: Felix Gussone)
 
Văn Hóa
Kỷ Niệm 100 Năm Hàn Mặc Tử: Những Hàn Mặc Tử mới đang xuất hiện
Trần Văn Cảnh
07:58 02/05/2012
KỶ NIỆM 100 NĂM HÀN MẶC TỬ, BÀI 8

Lời bạt : Những Hàn Mặc Tử mới đang xuất hiện

Đây là bài thứ tám và cuối cùng trong loạt 8 bài « Kỷ Niệm 100 năm Hàn Mặc Tử »
1. Lễ cầu cho Hàn Mặc Tử
http://vietcatholic.net/News/Html/97284.htm
2. Giới thiệu Ngày Văn hóa 100 năm Hàn Mặc Tử và Thư viện Giáo xứ
http://vietcatholic.net/News/Html/97337.htm
3. Tình sử « Hàn Mặc Tử »
http://vietcatholic.net/News/Html/97362.htm
4. «Thinh lặng và siêu thoát trong thơ Hàn Mặc Tử »
http://vietcatholic.net/News/Html/97385.htm
5. «Thơ Tin, Cậy, Mến của Hàn Mặc Tử »
http://vietcatholic.net/News/Html/97407.htm
6. « HànMặc Tử người lữ hành dưới trăng »
http://vietcatholic.net/News/Html/97449.htm
7. Giáo sư Đặng Tiến cho cảm tưởng về Ngày Văn hóa Kỷ niệm 100 năm Hàn Mặc Tử
http://vietcatholic.net/News/Html/97550.htm
8. Lời bạt : Những Hàn Mặc Tử mới đang xuất hiện


Ngày Văn Hóa Thư Viện thứ 22, Giáo Xứ Việt Nam PARIS « Kỷ niệm 100 năm Hàn Mặc Tử », đã được thực hiện với một nội dung thật phong phú, do sự đóng góp có uy tín của Đức cha Hoàng Văn Đạt, Giáo sư Đỗ Mạnh Tri, Giáo Sư Lê Đình Thông, Giáo sư Đặng Tiến và của cha Đinh Đồng Thượng Sách và ba cộng tác viên công đầu là Kỹ Sư Trần Anh Dũng, Ca trưởng Nguyễn Kim Tuấn và Ca trưởng Bùi Văn Triển, những người thiết kế chương trình và điều hành thực hiện tổng quát lễ kỷ niệm và buổi văn nghệ.

Khi ghi lại và phổ biến những đóng góp này, tôi liên tưởng đến một đóng góp lớn hơn, ở bình diện cao và rộng hơn. Đó là những đóng góp về khảo cứu nghị luận, về sáng tác văn thơ. Qua những đóng góp ấy, đã hơn một lần tôi nghĩ rằng « Văn Học Công Giáo Việt Nam đang vào thời Trăm Hoa Đua Nở ». Dịp này, ghi lại những suy nghĩ về nhà thơ hàng đầu công giáo dịp « Kỷ Niệm 100 năm Hàn Mặc Tử, 1912-2012 » và liên tưởng đến những bài thơ mà tôi đã có dịp đọc từ dăm, mươi năm nay, tôi tự hỏi phải chăng hiện có « Những Hàn Mặc Tử mới đang xuất hiện » ?

1. VĂN HỌC CÔNG GIÁO VIỆT NAM TRĂM HOA ĐUA NỞ ?

Tiếng súng chiến tranh cuối cùng kết thúc vào năm 1975. Hai mươi lăm năm sau, từ năm 2000, thời thế thanh bình hơn, đời sống yên ổn hơn, kinh tế phát triển hơn, thương mại và thông tin hội nhập với thế giới hơn, sự tin tưởng vào tương lai bảo đảm hơn, tài năng tăng tiến hơn, sáng tác phong phú hơn. Mùa xuân văn học đang trở về với quê hương, trong đó văn học công giáo trăm hoa đua nở.

Vườn hoa văn học, bản chất là trăm hoa đua nở, vì gồm đủ mọi thể loại khác nhau, từ thơ phú, đến tiểu thuyết, chuyện nhắn, phóng sự, tùy bút, biên khảo,…

Từ 2000, thể Thư Mục Vụ đã được Hội Ðồng Giám Mục sáng tác đều đặn, đa dạng và phong phú : 2000 về “Sống, làm chứng và loan báo tin mừng trong cuộc sống Kitô hữu”. 2001 về “Ðể họ được sống và sống dồi dào”. 2002 về “Thanh hoá gia đình”. 2003 về “Sứ mạng loan báo tin mừng của Hội Thánh Việt Nam hôm nay”. 2004 về “Sống mầu nhiệm Thánh Thể”. 2005 về “Sống lời Chúa”. 2006 về “Sống đạo hôm nay”. 2007 “Giáo dục hôm nay, xã hội và giáo hội ngày mai”. 2008 « Môi trường Giáo dục Gia đình Công giáo ». 2009, Tin tức giáo hội Việt Nam : « Nghĩ về giải pháp cho những xung đột ». 2010 « Thư Hội Đồng Giám Mục Việt Nam gửi Cộng Đồng Dân Chúa ». 2011 « Cùng nhau bồi đắp nền văn minh tình thương và sự sống ».

Cũng từ năm 2000, nhiều tác phẩm nghiên cứu về nhiều đề tài khác nhau đã xuất hiện : về lịch sử giáo hội, các giáo phận, hội đoàn và dòng tu, về mục vụ, về hội nhập văn hóa, về thần học, về giáo hội học, về văn học công giáo… Nhiều sáng tác văn học, đặc biệt là thơ và truyện ngắn đã được phổ biến trên các mạng lưới tin học.

Trên tầm vóc quốc tế, tiếng việt hiện nay được nói và viết trên khắp thế giới. Các sách vở được tái bản, được sáng tác trên khắp năm châu. Đặc biệt trong giới tuổi 60-70, với đời sống vật chất dư giả hơn, với phương tiện sáng tác và sản xuất dễ dàng và hữu hiệu hơn, với thời giờ nhàn rỗi nhiều hơn, đang là những thi sỹ, văn sỹ, ký giả, nhà nghiên cúu,… đầy năng lực và có sức sản xuất phong phú. Thêm vào đó, số các linh mục và tu sĩ được đào tạo vững chắc và cao cấp càng ngày càng đông, có khả năng càng ngày càng vững, có nhiệt tình truyền giáo và sáng tác càng ngày càng tích cực đã là một đội ngũ sáng tác tiên phong. Số bài vở và sáng tác phổ biên trên các mạng lưới tin học tăng theo một tốc độ kỷ lục chưa từng thấy.

Cũng từ năm 2000, các mạng lưới tin học công giáo được khai trương rầm rộ. Khởi đầu với vài ba mạng, như http://vietcatholic.net/News/default.htm và http://www.dunglac.org. Đến khoảng năm 2005, số các mạng lưới tin học công giáo việt nam đã lên tới vài ba trăm. Vào năm 2007, tôi đếm được 302 mạng lưới công giáo, mà Dũng Lạc ghi trên mục Nối Kết Truyền Thông Công Giáo : 13 mạng Báo chí Công Giáo ; 12 mạng Phát thanh, Truyền hình ; 12 mạng Tin tức thế giới ; 24 mạng Chủng viện, Dòng tu ; 23 mạng Giáo phận ; 80 mạng Giáo xứ, Cộng đoàn, Trung tâm : 36 Hoa Kỳ, 3 Canada, 16 Âu châu, 25 Việt nam ; 40 mạng Phong trào, Hội đoàn, Tổ chức ; 44 mạng Ca đoàn, Giới trẻ ; 20 mạng Hội từ thiện ; 49 mạng hữu ích (thư liệu và chuyên môn).

Chính nhờ những mạng tin học này mà các tác giả được mời gọi, khuyến khích sáng tác, mà vì vậy, nhiều tác phẩm đủ mọi lãnh vực, từ văn học, giáo sử, giáo lý, giáo luật, giáo hội, thần học, tín lý, luân lý, triết học, văn hóa, hội nhập văn hóa, mục vụ, tổ chức, quản lý, …

2. NHỮNG HÀN MẶC TỬ MỚI ĐANG XUẤT HIỆN ?

Một Ưu Tư :Tối Thứ Ba, 16-5-2006, đêm thơ “Trăng Thập Tự - Thơ và Nguồn Đạo” được tổ chức tại Dòng Chúa Cứu Thế, 38 Kỳ Đồng, Q. 3, Sài Gòn, linh mục Trăng Thập Tự đã chia sẻ những ưu tư về thực tại « sáng tác quá ít, quá yếu, bị đứt quãng,.. » của Văn Học Công Giáo Việt Nam. Ông cũng nêu ra một sự kiện rằng : « Đầu năm 2002, phát biểu nhân lễ giỗ 100 ngày thi sĩ Nguyễn Xuân Văn, tác giả Sứ Điệp Tình Thương, Đức Cha Đặc Trách Văn Hoá đã gợi ý thực hiện một giải văn học nghệ thuật Công Giáo, nhưng đã hơn bốn năm rồi chúng ta vẫn chưa thực hiện được (BTDL, số ra mát, 01/01/2008, tr. 23)… ». Và mỗi lần có dịp, linh mục Trăng Thập Tự không ngừng lập lại một lời kêu gọi mời các thi sỹ,văn sỹ, nghệ sỹ sản xuất nhiều hơn, cộng tác với nhau nhiều hon, rao truyền Lời Chúa nhiều hơn.

Một luồng gió Thánh Linh mới : Có lẽ những chia sẻ trên đã lay động ý thức của nhiều tín hữu và của nhiều bậc hữu trách trong Giáo Hội. Trong lãnh vực THƠ, TRUYỆN NGẮN, một luồng gió mới đã được Chúa Thánh Thần thổi đến với 5 biến cố rất tích cực:

1- Ngày họp mặt Đồng Xanh Thơ ở Phan Thiết, 20/01/2008

2- Đêm Thơ KinhTrong Sương ở TP/HCM, 28/03/2008

3- Ngày phát hành sách "Ở thượng nguồn thi ca công giáo Việt Nam”, 04/10/2009.

4- Lễ trao giải thưởng "Sen giữa lầy" ngày 29/07/2010

5- Lễ trao giải thưởng Cuộc thi « Nhánh Huệ Nước Trời », ngày 30-6-2011 cho các tác giả giáo tỉnh Sài Gòn ; ngày 15-7-2011, cho các tác giả giáo tỉnh Huế ; và ngày 19-7-2011, cho các tác giả giáo tỉnh Hà Nội.

Một kết quả đang đến : 100 Nhà Thơ Công Giáo Mới : Và cái gì phải đến, đã đến. Ngày 08 tháng 05 năm 2011 vừa qua, Lm Trăng Thập Tự đã công bố kết quả của một dự án to lớn về Văn Học Công Giáo Việt Nam, đã được chuẩn bị từ trên 20 năm nay và sẽ kết thúc ra mắt vào dịp kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Hàn Mặc Tử, ngày 22-9-2012, tròn 100 năm ngày sinh HÀN MẠC TỬ. Đó là Dự Án “100 Năm Ngày Sinh Hàn Mạc Tử - 100 Nhà Thơ Công Giáo Mới”(http://vietcatholic.net/News/Html/91852.htm).

Chúng ta hãy nghe Lm Trăng Thập Tự :

Dự án “100 nhà thơ Công giáo sau Hàn Mạc Tử” nhằm giới thiệu hiện tại và xây dựng tương lai. Phần sưu tập của chúng tôi tập trung vào các tác giả thơ Công giáo Việt Nam từ sau Hàn Mạc Tử. Chúng tôi dự tính thực hiện 4 tập:

- tập đầu gồm Hàn Mạc Tử và 10 tác giả bắt đầu từ vần A.

- 3 tập tiếp theo, mỗi tập 30 tác giả, lần lượt xếp theo vần cho đến vần Y.

Tổng cộng là 100 tác giả nối gót Hàn Mạc Tử. Tuy nhiên vì cuộc tưởng niệm này có ý hướng về tương lai, nếu thực tế khả quan hơn dự tính, chúng tôi sẽ giới thiệu nhiều hơn 100 vị.

Sau hai mươi năm liên lạc thư từ với một số tác giả trong chương trình Góp Nhặt Thơ và sau hơn bốn năm quy tụ các tác giả trên chuyên san Đồng Xanh Thơ, cùng với hai cuộc thi viết Sen Giữa Lầy và Nhánh Huệ Nước Trời, hiện chúng tôi đã có được những kết quả như sau.

31 tác giả đã được chọn bài, đã có được ảnh chân dung, tiểu sử, địa chỉ liên lạc và bài chia sẻ cảm nghiệm đức tin : Cao Danh Viện, Diệu Hương, Đình Quang, Đỗ Thảo Anh, Đoàn Xuân Dũng, Đơn Phương, Đông Khê, H. C. N., H. T. S., Hàn Lệ Thu, Hương Kinh, Hương Vĩnh, Lê Quang Hận, Lê Quốc Hán, Lê Quý Long, Minh Tâm, Nghinh Nguyên, Nguyên Mai, Nguyễn Xuân Văn, Phạm Thái Sơn, Phanxicô, Thái An, Thanh Quân, Thế Nhân, Trầm Tĩnh Nguyện, Trần Mộng Tú, Trần Nguyễn Trang Đài, Trần Phương Nhã, Trần Quang Chu, Vũ Thủy, Xuân Ly Băng.

52 tác giả đã được chọn bài nhưng chưa có được các thông tin khác: An Trinh, Bạch Lạp, Bàng Sỹ Nguyên, Cao Huy Hoàng, Dzuy Sơn Tuyền, Đặng Thị Vân Khanh, Điệp Lan Đình, Đình Chẩn, Đình Hòe, Hàn Khê (+), Hoàng Sĩ Quý, Hoàng Vũ Đan Thanh, Jos. Trần Đức Xuân, Kim Chi, Kim Lệ, Lê Minh Bình Dương (+), Lê Đình Bảng, Liễu Giang, Lưu Minh Gian, Mai Đức Tây, Martinô Nguyễn Văn Tường, Mặc Lệ Tuyền (+), Mặc Trầm Cung, Mây Trắng, Nguyên Thông (+), Nguyễn Hải, Nguyễn Hồng Đức, Nguyễn Hồng Phúc, Nguyễn Ngọc Hạnh (+), Nguyễn Quốc Lâm, Nguyễn Quốc Tuấn, Nguyễn Tầm Thường, Nguyễn Tiến Lợi (+),Phạm Thị Thái Quý, Phạm Văn Thân, Phan Ngộ, Sa Mạc Hồng, Thanh Hương, Thiên Giang, Trần Đình Ngọc, Trần Phong Vũ, Trần Thị Gấm, Trần Thị Hồng Nhung, Trần Vạn Giã, Trần Vũ, Trịnh Tây Ninh, Tường Trâm, Vân Uyên Nguyễn Văn Ái, Võ Long Tê, Võ Thanh Tâm, Vũ Phan Long (+), Xuân Thanh.

Chúng tôi đặc biệt quan tâm tới những mầm non giàu triển vọng. Ước mong sẽ giới thiệu được trên 10 tác giả dưới 28 tuổi, tuổi của Hàn Mạc Tử. Hiện đã có được 4 tác giả dưới 25 tuổi.

Hiện chúng tôi còn nhận được tác phẩm của hơn 50 tác giả nữa nhưng số được chọn không nhiều, có những tác giả số bài còn quá ít chưa đủ để chọn, có những tác giả nhiều bài thơ hay nhưng chưa nổi rõ chất thơ đạo, có những tác giả viết nhiều nhưng quá vội, chỉ theo cảm tính riêng chứ chưa lưu ý những chuẩn mực khách quan. Khi chọn bài vào tuyển tập chúng tôi phải lưu ý đến giá trị khách quan của tác phẩm.

Trong số những nhà thơ đã và sẽ được chọn lựa vào sổ « 100 Năm Ngày Sinh Hàn Mạc Tử - 100 Nhà Thơ Công Giáo Mới », Văn Học Công Giáo Việt Nam, hay đúng hơn, Văn Học Việt Nam sẽ có quyền hy vọng tìm được những Hàn Mặc Tử Mới chăng ?

Với Ngày Văn Hóa « Kỷ niệm 100 năm Hàn Mặc Tử, 1912-2012 » ở Giáo Xứ Việt Nam Paris ngày 15 tháng 05 năm 2012 vừa qua, người Việt Nam Paris yêu thơ không khỏi không liên tưởng đến hai thi sĩ tài ba, qua hai nguồn hứng đậm đặc Tin Mừng Kytô : Huyền nhiệm tình yêu phu thê công giáo với thi sĩ Vân Uyên, Bs Nguyễn Văn Ái ; Đại Dương Tin Cậy Mến, ca tụng Thiên Chúa nhân ái, Thánh Mẫu Maria đầy ân đức, Các Thánh Tử Đạo Việt Nam trung kiên,…của thi sĩ Cung Chi, Lm Đinh Đồng Thượng Sách.

Paris, ngày 30 tháng 04 năm 2012

Trần Văn Cảnh
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm /Thiền: Bóng Dừa Trong Nắng
Đặng Đức Cương
21:25 02/05/2012
BÓNG DỪA TRONG NẮNG
Ảnh của Đặng Đức Cương
Như lược chải tơ vương
Gió đưa mây chải tóc
Bao chùm quả tròn lốc
Ôm nhau ngủ say xưa…
(Trích thơ của Duy Giang)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền