Ngày 01-05-2017
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Xin Chúa Ban Nhiều Tông Đồ Mở Nước Chúa
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
22:12 01/05/2017
Xin Chúa Ban Nhiều Tông Đồ Mở Nước Chúa

Suy niệm Chúa Nhật Chúa Chiên Lành

(Ga 10, 1-10)

"Đức Chúa phán thế này: Này Ta chống lại các mục tử, Ta sẽ đòi lại chiên Ta nơi tay chúng " (Ez 34, 10). Các mục tử đã làm gì để Thiên Chúa nổi giận và đòi lại chiên đây? Qua miệng ngôn sứ Ezêkiel, Thiên Chúa còn nói mạnh hơn nữa : "Ta sẽ không để chúng chăn chiên Ta nữa. Các mục tử sẽ không còn được chăn nuôi lấy mình chúng nữa. Ta sẽ giựt lấy chiên khỏi mõm chúng, khiến chiên Ta không còn là mồi ngon cho chúng ăn thịt nữa " (Ez 34, 10). À thì ra, các mục tử chỉ để ý đến lợi ích của mình, không dám xả thân vì để cứu chiên, nay Chúa đòi lại chiên và Ngài tuyên bố : "Chính Ta sẽ tìm kiếm chiên của Ta, và Ta sẽ chăm nom đến chúng " (Ez 34, 10). Thiên Chúa chăm nom chiên như thế nào? Ngài phán : " Như người mục tử chăm nom đàn chiên của mình vào ngày nó ở giữa chiên phiêu bạt thế nào, cũng vậy Ta sẽ chăm nom chiên của Ta. Ta sẽ kéo chúng ra khỏi nơi chúng tán loại, vào ngày mây mù đen tối. Ta sẽ đem chúng ra khỏi các dân. Ta sẽ thâu họp chúng lại từ các xứ. Ta sẽ dẫn chúng về lại thửa đất của chúng. Và Ta sẽ chăn nuôi chúng trên núi Israel " (Ez 34, 13-14).

Những "ngọn núi Israel " theo các tác giả Thánh Kinh là nơi an nhàn, có suối nước trong lành, không có gì độc hại và nguy hiểm, nơi ấy có đồng cỏ non tốt tươi, màu mỡ (x. Ez 34, 13-15). Nếu ta muốn an toàn thoải mái, hãy đến đó tận hưởng. "Đức Chúa phán: Chiên thất lạc, Ta sẽ tìm kiếm. Chiên tản mác, Ta sẽ lùa về. Chiên xây xát, Ta sẽ băng bó. Chiên bệnh hoạn, Ta sẽ bổ sức " (Ez 34, 16). Những ngọn núi chúng ta vừa nói ở trên còn ám chỉ dòng suối chảy Tin Mừng được rao giảng từ các Tông Đồ cho đến tận cùng thế giới : " Tiếng vang đã dội khắp hoàn cầu và thông điệp loan đi tới chân trời góc biển " (Ps 18, 5).

Thật là hình ảnh cụ thể tuyệt đẹp và đầy cảm động về một Vì Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa đã làm đối với chúng ta là những tạo vật, những con chiên của Ngài. Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa làm người, được Chúa Cha phái đến, cũng tuyên bố : " Ta là mục tử tốt lành, Ta biết các chiên Ta và các chiên Ta biết Ta" (Ga 10, 14 ).

Hôm nay, mỗi người chúng ta tự hỏi : tôi có phải là chiên của Chúa không, nếu phải thì tôi có biết Chúa không, biết thì biết thế nào ? "Biết" ở đây, không có nghĩa là "biết" nhờ đức tin, nhưng là "biết" nhờ đức mến. "Biết" không có nghĩa là "biết" được diễn tả qua thái độ tin, nhưng là "biết" được diễn tả qua việc làm. Chính thánh Gioan Tông Đồ đã viết điều này và làm chứng ở nơi khác : "Ai nói mình biết Thiên Chúa mà không tuân giữ các điều răn của Người, đó là kẻ nói dối" (1 Ga 2, 4).

Chúa Giêsu còn nói về các con chiên : " Chiên Tôi thì nghe tiếng Tôi, Tôi biết chúng và chúng theo Tôi, Tôi cho chúng được sống đời đời và chúng sẽ không bao giờ hư mất " (Ga 10, 27).

Vậy, ai chân thành đi theo Chúa Giêsu thì được nuôi dưỡng nơi đồng cỏ xanh tươi muôn đời. Đồng cỏ của đoàn chiên đây là gì nếu không phải là cảnh thiên đàng luôn xanh ngắt, khiến tâm hồn ngập tràn niềm vui, nơi có Thiên Chúa luôn hiện diện, nơi đây chiên theo Chúa và làm theo ý Chúa sẽ được hân hoan mừng lễ cùng với bao công dân Nước Trời.

Trên đây là những lý do với nhiều lý do khác mà Giáo Hội gọi Chúa Nhật thứ IV Phục Sinh là Chúa Nhật Chúa Chiên Lành, đồng thời mời gọi con cái mình suy nghĩ đặc biệt về hình ảnh của Thiên Chúa, Chúa Giêsu Kitô, Vị Mục Tử Tối Cao đã hy sinh Mạng Sống Mình vì đoàn chiên. Chúa Giêsu muốn không chỉ có các mục tử tiếp bước, Người muốn những người nam nữ dâng mình cho Chúa trong đời thánh hiến, đến lượt mình, cũng xả thân mình để bảo vệ đàn chiên, đưa các con chiên lạc trở về.

Vì thế, chủ đề ngày thế giới cầu cho ơn kêu gọi năm nay được Đức Thánh Cha đưa ra là : "Được Thần Khí Dẫn Dắt Cho Việc Truyền Giáo " như một dấu nhấn đối với người rằng "không thể không có sự cổ võ cho ơn gọi hoặc sứ mạng Kitô Giáo tách ra khỏi đời sống cầu nguyện chiêm niệm liên lỉ". Đức Thánh Cha nói : "Dấn thân cho việc truyền giáo không phải là một điều gì thêm vào đối với đời sống Kitô Giáo như một kiểu trang trí, mà thay vào đó là một yếu tố thiết yếu của chính niềm tin. Một mối quan hệ với Thiên Chúa", và Ngài khích lệ mối quan hệ sâu sắc này với Chúa, " trên hết vì sự khẩn xin từ trên cao những ơn gọi mới cho đời sống linh mục và đời thánh hiến ". Ngài nhắc lại rằng, ngang qua “Phép rửa, mọi Kitô Hữu là một ‘Christopher’, một người mang lấy Đức Kitô, cho anh chị em của mình”.

Đức Nguyên Giáo hoàng Bênêđictô XVI viết rằng : "Ngày nay vẫn vậy, sống trong cộng đồng các môn đệ là Giáo Hội, Chúa Giêsu Kitô kêu gọi đi theo Người". Ngài cũng đặc biệt mời giới trẻ "hãy trau dồi nét hấp dẫn các giá trị, các mục tiêu nâng cao, các chọn lựa triệt để, để có thể phục vụ tha nhân theo chân Chúa Giêsu". Chúa Giêsu không ngừng lặp đi lặp lại "Hãy đến! Hãy theo ta". Theo Chúa Giêsu "có nghĩa là nhấn chìm ý muốn của chính mình vào thánh ý Chúa Giêsu, dành ưu tiên cho thánh ý Người và đặt Chúa Giêsu ở vị trí đầu so với tất cả những gì làm nên cuộc sống chúng ta : gia đình, công việc, những lợi ích ca nhân và bản thân".

Xin cho giới trẻ hôm nay đang ở giữa biết bao những gợi ý nông cạn và phù phiếm, tạm thời, biết chuyên tâm trau dồi nét hấp dẫn đối với các giá trị, các mục tiêu cao thượng, những chọn lựa triệt để, hầu phục vụ tha nhân theo chân Chúa Giêsu. Đáp trả quảng đại và mau lẹ tiếng Chúa Kitô kêu gọi đi theo Người sát sao hơn nữa, đặc biệt với các thế hệ mới. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Vị Giáo Hoàng anh hùng và một chuyến đi thật đúng lúc
Đặng Tự Do
06:42 01/05/2017
Quá thường là khi một biến cố xảy ra, chúng ta khó biết được liệu biến cố ấy có phải là một sự kiện lịch sử đang thay đổi vận mệnh của một quốc gia, một dân tộc hay của cả thế giới hay không.

Tuy nhiên, có thể không sợ sai lầm để nói rằng chuyến tông du 27 tiếng đồng hồ của Đức Thánh Cha tại Ai Cập trong tuần qua có nhiều khả năng đi vào lịch sử nhân loại như là một trong những khoảnh khắc “lớn lao”.

Cộng đoàn Kitô hữu Coptic

Chữ “Coptic” là tiếng Hy Lạp xưa có nghĩa là “Ai Cập”.

Trong các bài đọc lễ Vọng Phục sinh, chúng ta nghe bài trích sách Xuất Hành, đoạn nói về việc con cái Israel đi vào giữa lòng biển khô cạn.

Trong những ngày ấy, Chúa phán cùng Môsê rằng: “Có gì mà kêu đến Ta? Hãy bảo con cái Israel cứ lên đường. Còn ngươi, đưa gậy lên, và giơ tay trên biển, hãy phân rẽ biển ra, cho con cái Israel đi vào giữa lòng biển khô cạn. Còn Ta, Ta sẽ làm cho lòng người Ai Cập ra chai đá, chúng sẽ rượt theo sau các ngươi. Bấy giờ Ta sẽ tỏ vinh quang cho Pharaon, toàn thể quân lực, chiến xa và kỵ binh của vua ấy biết. Người Ai Cập sẽ biết Ta là Chúa khi Ta tỏ vinh quang cho Pharaon, chiến xa và kỵ binh của vua ấy biết”.

Những người Coptic ngày nay là dòng dõi người Ai Cập đã được đề cập trong bài trích sách Xuất Hành này, nghĩa là dòng dõi của dân tộc do các vua Pharaon lãnh đạo. Trong tổng số 95 triệu dân Ai Cập ngày nay, họ chiếm 10%. 90% còn lại là những người ngoại bang, là những người Ả rập tràn vào Ai Cập theo cơn lũ của những cuộc thánh chiến Hồi Giáo do Muhammad gây ra.

Năm 1952, theo sau cuộc cách mạng Ai Cập nhằm xóa bỏ chế độ thực dân của Anh, người Coptic, đa số theo Chính Thống Giáo và Công Giáo bị coi là công dân hạng hai, và ở nhiều vùng nông thôn, họ bị đuổi tận giết tuyệt. Hàng mấy thập niên sau cuộc cách mạng 1952, người ta vẫn còn phải chứng kiến những cuộc di cư khổng lồ của người Coptic ra nước ngoài để tránh bị diệt chủng. Bên cạnh hơn 9 triệu người Coptic vẫn còn sống bên trong lãnh thổ Ai Cập còn có khoảng 2 triệu người Coptic sinh sống tại hải ngoại.

Các Kitô hữu Coptic vẫn còn sống bên trong lãnh thổ Ai Cập thường bị công khai phân biệt đối xử và chính phủ nước này chủ yếu là do người Hồi giáo nắm giữ thường xuyên bị chỉ trích vì đã làm ngơ trước cảnh ngộ của họ. Vì thế, từ thời Đức Giáo Hoàng Piô thứ 12, tình cảnh của các Kitô hữu Coptic luôn là một mối âu lo của các triều Giáo Hoàng.

Đức Bênêđíctô thứ 16 lên tiếng bênh vực các Kitô hữu Coptic và phản ứng từ Ai Cập

Chỉ sáu năm trước, vào ngày 1 tháng Giêng năm 2011, một quả bom đã phát nổ bên trong một nhà thờ Chính Thống Coptic ở Alexandria, khiến 23 người chết. Một ngày sau đó, tại Rôma, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI lên án hành động tàn bạo này trong buổi đọc Kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 2 tháng Giêng.

Ngài nói: “Tôi rất buồn khi hay tin về vụ tấn công nghiêm trọng chống lại cộng đồng Kitô giáo Coptic ở Alexandria, Ai Cập. Những hành động hèn nhát gieo rắc chết chóc như thế, cũng như vụ ném bom vào nhà các tín hữu Kitô tại Iraq nhằm buộc họ phải ra đi, xúc phạm đến Thiên Chúa và toàn thể nhân loại, là những người chỉ mới hôm qua đã cầu nguyện cho hòa bình và bắt đầu một năm mới với đầy hy vọng…Với các thành viên trong gia đình của họ, và nhân dân Ai Cập, tôi bày tỏ lời chia buồn chân thành của tôi và bảo đảm với anh chị em những lời cầu nguyện của tôi xin Chúa ban ơn chữa lành cho những người phải đau khổ vì biến cố này.”

Một tuần sau đó, hôm 10 tháng Giêng, 2011, trong cuộc gặp gỡ với ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh, Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 nói:

“Đối với những nhà cầm quyền và các nhà lãnh đạo Hồi giáo, tôi lặp lại lời kêu gọi chân thành của tôi rằng các đồng bào Kitô hữu của họ phải được sống an ninh, trong khi tiếp tục đóng góp cho xã hội mà họ là những thành viên đầy đủ… Có cần tôi lặp lại điều này không? Ở Trung Đông, các Kitô hữu là những công dân đích thực có gốc gác nguyên thủy ở đó, trung thành với tổ quốc của họ và đảm nhận những nhiệm vụ của họ đối với đất nước họ. Đương nhiên là họ đáng được hưởng tất cả các quyền công dân, tự do lương tâm, tự do tín ngưỡng và tự do trong việc giáo dục, giảng dạy và sử dụng các phương tiện thông tin đại chúng”.

Giáo sĩ Ahmad al-Tayeb, vốn dĩ đã bất mãn với Đức Bênêđíctô thứ 16 sau diễn từ của ngài tại Đại học Regenburgs hôm 12 tháng Chín, 2006 lập tức lên tiếng chỉ trích Đức Bênêđíctô là “có thành kiến với Hồi Giáo” và “xen vào nội bộ Ai Cập”. Một ngày sau đó, chính phủ Ai Cập của tổng thống Hosni Mubarak triệu hồi đại sứ cạnh Tòa Thánh về nước.

Đức Phanxicô lên tiếng và phản ứng của Ai Cập

Những gì đã xảy ra sáu năm trước đây, tức là vào tháng Giêng, 2011, đã lặp lại tương tự như vậy trước chuyến tông du của Đức Phanxicô. Bom đã nổ trong hai vụ tấn công khủng bố nhắm vào các tín hữu Kitô Coptic. 45 người chết và 125 người khác bị thương trong ngày Chúa Nhật Lễ Lá đẫm máu.

Và khi đến Cairo, Đức Thánh Cha Phanxicô, cũng lặp lại tương tự những gì Đức Bênêđíctô thứ 16 đã từng nói:

“Tôi cũng nghĩ đến nạn nhân các vụ tấn công vào các nhà thờ Coptic, trong tháng Mười Hai vừa qua và mới gần đây thôi ở Tanta và Alexandria. Với các thành viên của gia đình họ, và với mọi người dân Ai Cập, Tôi xin gửi lời chia buồn và lời cầu nguyện tận đáy lòng tôi xin Chúa ban cho họ được mau chóng chữa lành các vết thương.”

Lần này, người ta không rút đại sứ về nước, nhưng đứng dậy vỗ tay!

Ahmad al-Tayeb, Đại Imam của Đại Học Al-Azhar, trường thần học quan trọng bậc nhất trong thế giới Hồi Giáo Sunni, không những đã vỗ tay mà chính ông còn phụ họa với Đức Giáo Hoàng trong việc lên án những hành vi bạo lực tôn giáo.

Ông Tayeb thậm chí đã mở đầu diễn từ của mình bằng cách kêu gọi tất cả mọi người trong hội trường đứng dậy và yên lặng trong một phút để tưởng niệm các nạn nhân khủng bố và như một cử chỉ liên đới và an ủi gia đình họ!

Hôm thứ Sáu 28 tháng Tư, các kênh truyền hình toàn thế giới truyền đi hình ảnh Đức Giáo Hoàng và ông Tayeb ôm nhau thắm thiết, và ông ta lộ một vẻ xúc động mạnh khi Đức Thánh Cha Phanxicô gọi ông là “người anh em của tôi”.

Những gì đã thay đổi trong sáu năm qua?

Trước hết, bối cảnh chính trị ở Ai Cập đã thay đổi. Vào năm 2011, chính phủ của Tổng thống Hosni Mubarak đang phải đối mặt với cuộc phản kháng rộng rãi, và cuối cùng đã bị cuốn trôi khỏi quyền lực chưa đầy một tháng sau đó. Một số nhà phê bình Mubarak vào lúc đó thậm chí còn tố cáo rằng ông ta thực sự đã đứng đằng sau vụ tấn công khủng bố vào cộng đoàn Kitô hữu Coptic ở Alexandria, trong một nỗ lực tuyệt vọng nhằm biện minh cho một cuộc đàn áp quân sự lan rộng có khả năng ngăn chặn phong trào phản kháng.

Trong bối cảnh đối phó với tình hình trong nước còn không xong, chính phủ Hosni Mubarak còn đâu tâm trí để quan tâm đến những lời chỉ trích bên ngoài, kể cả những chỉ trích đến từ Đức Giáo Hoàng.

Lần này thì khác, chính quyền của Tổng thống Abdel Fattah al-Sisi tỏ ra vững chắc hơn, được sự ủng hộ khá rộng rãi của nhân dân trong nước, và chính Sisi là người đã lên tiếng mạnh nhất trong thế giới Hồi Giáo về sự cần thiết của một cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa cực đoan tôn giáo.

Tiếp đón Đức Giáo Hoàng, tổng thống cười thật rạng rỡ. Sự ủng hộ mạnh mẽ của Đức Giáo Hoàng cho chương trình chống khủng bố của ông ta được diễn dịch như một sự công nhận quyền bính hợp hiến của ông sau vụ lật đổ Mohammed Morsi, từ một thẩm quyền luân lý cao nhất thế giới, và như thế, nó còn có thêm một tác dụng to lớn là làm mờ nhạt đi những lời chỉ trích về hồ sơ nhân quyền của ông trong việc đàn áp các thành phần đối lập chính trị.

Hơn nữa, Đức Phanxicô là một hình ảnh được ưa thích trong thế giới Hồi giáo. Sự khăng khăng lặp đi lặp lại của ngài rằng Hồi giáo là một tôn giáo hòa bình, và không gắn kết Hồi Giáo với khủng bố và bạo lực đã khiến ngài trở thành một nhân vật rất được người Hồi Giáo ưa chuộng. Chẳng vậy, Al Jazeera đã không cho chạy hàng tít lớn: “Pope Francis in Egypt: A voice of reason”, nghĩa là “Đức Giáo Hoàng Phanxicô tại Ai Cập: Một tiếng nói của lý trí”.

Đức Phanxicô còn có một đặc sủng là đôi khi những cử chỉ rất nhỏ của ngài lại có một tác động rất lớn - chẳng hạn như ngài mở đầu tất cả mọi bài diễn văn ở Ai Cập, kể cả bài giảng của ngài trong Thánh Lễ Công Giáo hôm thứ Bẩy 29 tháng Tư, với cụm từ As-Salaam-Alaikum, nghĩa là “Bình an ở cùng các bạn”, mà người Hồi giáo nghe như một dấu chỉ của một sự kính trọng. Nhiều lần, người ta đã vỗ tay nhiệt liệt chỉ đơn giản là vì ngài đã dùng cụm từ này.

Khi ngài nói tại Đại Học Al Azhar: “Trong tư cách là các nhà lãnh đạo tôn giáo, chúng ta được kêu gọi để vạch trần bạo lực núp dưới mặt nạ của sự thánh thiêng… Chúng ta có nghĩa vụ tố cáo những vi phạm nhân phẩm và nhân quyền, vạch trần những nỗ lực nhằm biện minh cho mọi hình thức hận thù nhân danh tôn giáo, và lên án những nỗ lực đó như những bức biếm hoạ bôi bác Thiên Chúa: Tên Ngài là Đấng Thánh, là Thiên Chúa của Hòa bình, Thiên Chúa của salaam. Vì thế hòa bình là điều thánh khiết và không có hành vi bạo lực nào có thể biện minh nhân danh Thiên Chúa, vì đó là sự xúc phạm đến Danh Người”, các nhà lãnh đạo Hồi Giáo đã vỗ tay nhiệt liệt, đón nhận như một chính nghĩa chung.

Gió, thực sự, đã đổi chiều.
 
Venezuela: Đức Thánh Cha kêu gọi một giải pháp thương thuyết và chấm dứt bạo động
Bùi Hữu Thư
17:25 01/05/2017
Venezuela: Đức Thánh Cha kêu gọi một giải pháp thương thuyết và chấm dứt bạo động

Ngày 30 tháng 4, 2017: Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi một giải pháp thương thuyết và chấm dứt bạo động tại Venezuela.

Trong buổi tiếp kiến khoảng 70.000 thành viên của Phong Trào Công Giáo Tiến Hành Ý nhân dịp kỷ niệm 150 năm ngày thành lập, tại quảng trường Thánh Phêrô Chúa Nhật 30 tháng 4, 2017, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi đến họ nhiều sứ điệp khác nhau, trước khi đọc kinh “Nữ Vương Thiên Đàng.”

Sứ điệp thứ nhất dành cho Venezuela: “Chúng ta không ngừng tiếp nhận những tin tức bi đát về tình hình tại Venezuela và sự gia tăng những xung đột tại đây khiến cho rất nhiều người bị thương tích, thiệt mạng và bị bắt giữ.”

“Trong khi hiệp thông với những đau khổ của gia đình các nạn nhân, mà tôi đã hứa cầu nguyện cho họ, tôi muốn gửi lời kêu gọi thống thiết đến chính phủ quốc gia này và tất cả mọi thành phần của xã hội Venezuela để mong họ sẽ tránh được tất cả mọi hình thức bạo hành mới, để cho các nhân quyền được tôn trọng, và họ sẽ tìm kiếm được các giải pháp thương thuyết hòa giải cho cuộc khủng hoảng trầm trọng về đời sống con người, về vấn đề xã hội, chính trị và kinh tế, đang làm kiệt quệ dân chúng tại đây.”

Đức Thánh Cha Phanxicô đã mời gọi người Công Giáo cầu nguyện cho ý chỉ này, và ngài tiếp lời nói về tình hình tại Cộng Hòa Macédonie: “Chúng ta hãy gửi gấm trong tay Đức Nữ Đồng Trinh Maria nền hòa bình, sự hòa giải và nền dân chủ tại quốc gia thân yêu này. Chúng ta hãy cầu nguyện cho tất cả các quốc gia đang trải qua những khó khăn trầm trọng, đặc biệt trong những ngày này tại Cộng Hòa Macédonie.”

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắc đến tình hình tại Venezuela trong buổi họp với giới truyền thông trên máy bay đưa ngài từ Cairo về Rôma, ngày thứ bẩy 19, tháng 4.

Ngài đã nói rằng Tòa Thánh có thể can thiệp với tính cách “trung gian trợ giúp” nếu “các điều kiện được rõ ràng” khiền cho họat động ngọai giao này có thể thực hiện. Ngài đã nhắc rằng cũng đã có một thử nghiệm của Tòa Thánh theo lời yêu cầu của bốn quốc gia nhưng những đề nghị đưa ra đều gặp trở ngại khi “có hai quốc gia đồng ý thì hai quốc gia khác phản đối.”

Tất cả những gì có thể làm cho Venezuela, cần phài được làm với “những cam kết cần thiết”, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhấn mạnh như vậy trên máy bay.

Các điều kiện đó là: Một lịch trình bầu cử, việc trả tự do cho những thành phần chống đối bị giam giữ, cởi mở cho sự trợ giúp nhân bản của quốc tế, việc tái thiết quyền hành của Quốc Hội. Đây là những điều kiện cho một cuộc thương thuyết được ấn định vào tháng 12 năm rồi bởi Đức Hồng Y Pietro Parolin, Tổng Trưởng Ngọai Giao, người biết rõ quốc gia này vì đã từng là Khâm Sứ Tòa Thánh tại đây trước khi được Đức Thánh Cha Phanxicô mời về Rôma.

Bùi Hữu Thư
 
TV Thời Sự Giáo Hội và Thế Giới Ngày Nay 30/4/2017
VietCatholic Network
19:11 01/05/2017
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây

Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô. VietCatholic xin kính chào quý vị và anh chị em trong tình yêu thương của Chúa Kitô và Mẹ Maria. Kính thưa quý vị và anh chị em, chương trình Truyền Hình của chúng tôi hôm nay gồm có các tin chính như sau:

1- ĐTC tiếp 75.000 thành viên Công Giáo Tiến Hành Italia.

2- Chuyến viếng thăm lịch sử của ĐTC tại Ai Cập.

3- Trên đường trở về từ Cairo, ĐTC kêu gọi một giải pháp giải quyết căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Bắc Hàn.

4- ĐTC kêu gọi canh tân Công Giáo Tiến Hành.

5- Giáo Hội xác minh chuyện Đức Mẹ hiện ra như thế nào?

6- Hội Đồng Giám Mục Venezuela khẳng định: Bất tuân dân sự là cần thiết để lật đổ chế độ độc tài.

7- 3 Linh mục Hoa kỳ đạp xe để xin cầu nguyện cho ơn gọi.

8- Tuyên úy đoàn Công Giáo Việt Nam tại Úc châu họp thường niên.

9- Sơ Theresa Trịnh Vũ Phương, một Salesian Việt Nam, đã giúp hồi cư những ngư dân đánh cá lậu bị bắt tại đảo quốc Papua New Guinea.

10- Hội Đồng Liên Tôn Việt Nam họp báo về tình hình tôn giáo tại Việt Nam và vụ Formosa.

11- Giới thiệu Thánh Ca: Ca Vang Tình Yêu Chúa

Sau đây là phần tin chi tiết:

- ĐTC tiếp 75,000 thành viên Công Giáo Tiến Hành Italia.

Lúc 11 giờ sáng Chúa Nhật hôm qua ĐTC Phanxicô đã gặp gỡ khoảng 75,000 thành viên phong trào Công Giáo Tiến Hành Italia nhân dịp kỷ niệm 150 năm thành lập. Các phái đoàn giáo phận, giáo xứ đã do nhiều Giám Mục, Linh Mục, tu sĩ và các anh chị em chủ tịch vùng miền toàn nước Italia hướng dẫn về Roma gặp ĐTC.

Trong bài huấn dụ, ĐTC đã khích lệ các thành viên phong trào hăng say tiếp tục sứ mệnh giáo dân của họ là sống đức tin, làm việc tông đồ giữa đời, phục vụ trong các giáo xứ, giáo phận chung quanh các chủ chăn, luôn luôn rộng mở cho các thực tại cuộc sống, đối thoại và yêu thương tất cả mọi người. Ngài cũng bầy tỏ lòng biết ơn của Giáo Hội đối với chứng tá của họ. Đề cập tới việc khai sinh phong trào ĐTC nói:

Việc khai sinh Công Giáo Tiến Hành đã là giấc mơ nảy sinh từ con tim của hai người trẻ là Mario Fani và Giovanni Acquaderni. Với thời gian nó đã trở thành con đường lòng tin cho nhiều thế hệ, là ơn gọi nên thánh cho rất nhiều người gồm trẻ em, giới trẻ và người lớn đã trở thành môn đệ Chúa Giêsu, và vì thế họ đã thử sống như các chứng nhân tươi vui của tình yêu Chúa trong thế giới.

ĐTC nói thêm: “Lịch sử của phong trào Công Giáo Tiến Hành là lịch sử rất đẹp của tình yêu thương và lòng đam mê đối với thế giới và Giáo Hội. Chính vì thế không được nhìn về đàng sau hay yên nghỉ trên ghế bành, nhưng phải ý thức dấn thân hơn trong việc săn sóc các người khác, tiếp tục là môn đệ và thừa sai, sống tươi vui làm chứng cho tình yêu vô biên của Thiên Chúa đối với nhân loại.” Và ĐTC kêu gọi anh chị em thành viên Công Giáo Tiến Hành đem kinh nghiệm tông đồ của họ diễn tả sự hiện diện sinh động của Giáo Hội tại các địa phương, cũng như dấn thân tới các vùng ngoại biên! ĐTC nói: “Hãy ra đi và hãy là Giáo Hội tại đó, với sức mạnh của Chúa Thánh Thần!”

Trước khi đọc kinh Lậy Nữ Vương Thiên Đàng, ĐTC đã cám ơn sự hiện diện của các thành viên phong trào Công Giáo Tiến Hành Italia và tất cả các tín hữu khắp nơi trên thế giới về tham dự Thánh Lễ. ĐTC cũng mời gọi mọi người hiệp ý hướng về Mẹ Maria tạ ơn Thiên Chúa vì chuyến công du Ai Cập ngài vừa kết thúc. ĐTC xin Chúa chúc lành cho toàn dân Ai Cập rất hiếu khách, chính quyền và mọi tín hữu kitô và hồi giáo và xin Chúa ban hoà bình cho Ai Cập. Sau cùng ĐTC cất kinh Lậy Nữ Vương Thiên Đàng và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.

- Chuyến viếng thăm lịch sử của ĐTC tại Ai Cập.

ĐTC đã hoàn tất chuyến viếng thăm Ai Cập trong 2 ngày thứ Sáu và thứ Bẩy, 28, 29 tháng Tư, 2017 vừa qua. Gác qua một bên tất cả các quan ngại về an ninh, ĐTC đã cương quyết đến Ai Cập nhằm biểu dương tình liên đới và đem một sứ điệp hòa bình tới một quốc gia, trong nhiều năm qua, từng chịu đựng nhiều cuộc tấn công bằng bạo lực của những kẻ liên kết với nhóm Nhà Nước Duy Hồi Giáo. ĐTC cũng mong muốn sự có mặt của Ngài sẽ tạo một mặt trận thống nhất giữa Kitô Giáo và Hồi Giáo để đẩy lui bạo lực ngụy tạo danh Thiên Chúa.

Trong ngày đầu tiên ở Ai Cập, ĐTC đã hội kiến với Tổng thống Abdel-Fattah el-Sissi và Đức Giáo Hoàng Tawadros II, nhà lãnh đạo tinh thần của Giáo Hội Chính Thống Coptic của Ai Cập, cũng như đã gặp gỡ rất nhiều nhà lãnh đạo tôn giáo và chính trị của Ai Cập. ĐTC cũng đã viếng trường đại học Al-Azhar, vốn là trung tâm học thuật của thế giới Hồi Giáo Sunni đã có hơn một ngàn năm nay. Ở đây, ĐTC đã hội kiến Đại Imam Ahmed el-Tayeb Hồi Giáo Sunni, và tham dự một hội nghị hòa bình quốc tế do Al-Azhar tổ chức vào chiều thứ Sáu, dưới sự chủ tọa của vị Đại Imam.

Trong dịp này, ĐTC đã thúc giục các giáo sĩ Hồi Giáo hàng đầu của Ai Cập giảng dạy các sinh viên của họ bác bỏ bạo lực nhân danh Thiên Chúa và rao giảng hòa bình, đối thoại và hòa giải - chứ không xúi giục tranh chấp. Ngài nói rằng các nhà lãnh đạo tôn giáo có nghĩa vụ phải “phơi bày các mưu toan nhằm biện minh cho mọi hình thức hận thù nhân danh tôn giáo, và lên án các âm mưu này như là những biếm họa ngẫu thần về Thiên Chúa”.

Sáng Thứ Bẩy 29 tháng 4, 2017, ĐTC đã cử hành thánh lễ Chúa Nhật, có sự tham dự của Đức Ibrahim Isaac Sidrak, Thượng Phụ Công Giáo Copte Alessandria, tổng thống Abd Al-Fattah Al- Sisi và chính quyền Ai Cập cũng như các đại sứ các nước. Trong bài giảng thánh lễ, ĐTC đã nhấn mạnh đến các khía cạnh của đức tin nơi sự phục sinh. Ngài nói chính Giáo Hội được sinh ra bởi đức tin nơi sự phục sinh… Đức tin chân thật là đức tin khiến chúng ta bác ái hơn, thương xót hơn, trung thực và nhân đạo hơn… Đức tin ấy làm cho chúng ta thấy tha nhân không phải là kẻ thù cần phải vượt qua, nhưng là anh chị em với mình để yêu thương, phục vụ và giúp đỡ. Đức tin ấy thúc đẩy chúng ta truyền bá, bảo vệ và sống một nền văn hoá gặp gỡ, đối thoại, tôn trọng và huynh đệ. Đức tin ấy cho chúng ta lòng dũng cảm để tha thứ cho những người đã làm khốn mình … và dẫn chúng ta đến việc bảo vệ quyền của người khác với cùng một nhiệt tình như khi chúng ta bảo vệ cho chính mình vậy.

Sau Thánh lễ, ĐTC đã đến gặp gỡ hàng giáo sĩ, tu sĩ nam nữ và chủng sinh tại đại chủng viện toà Thượng Phụ Công Giáo Coptic. Sau đó, Ngài đã từ giã mọi người để ra phi trường quốc tế Cairo cách đó 40 cây số để đáp máy bay trở về Roma, kết thúc chuyến viếng thăm lịch sử tại Ai Cập, một quốc gia có lịch sử lâu đời liên hệ trực tiếp với Thiên Chúa Giáo nói chung và đã được nhắc đến rất nhiều trong Thánh Kinh.

- Trên đường trở về từ Cairo, ĐTC kêu gọi một giải pháp giải quyết căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Bắc Hàn.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho các cơ quan truyền thông trên đường trở về từ Cairo, ĐTC Phanxicô nói với các nhà báo rằng một giải pháp ngoại giao cần phải được tìm ra để giải quyết những căng thẳng đang leo thang giữa Bắc Triều Tiên và Hoa Kỳ.

Ngài đã đưa ra lập trường trên khi được hỏi về quyết định của TT Mỹ Donald Trump gửi tàu chiến Hải quân Mỹ đến khu vực này để đáp trả lại các cuộc thử nghiệm tên lửa liên tục của Bắc Triều Tiên và những lời đe dọa theo đó quốc gia cộng sản này sẽ phóng tên lửa hạt nhân tấn công Nam Hàn, Nhật Bản và Hoa Kỳ.

Tình hình ở Triều Tiên, theo ĐTC, đã âm ỉ trong một thời gian dài, “nhưng bây giờ xem ra đã nóng lên rất nhiều.” “Tôi luôn luôn kêu gọi [việc giải quyết các vấn đề] thông qua con đường ngoại giao, đàm phán” bởi vì tương lai của nhân loại phụ thuộc vào đối thoại. ĐTC Phanxicô nhắc lại một quan điểm đã được ngài lặp đi lặp lại nhiều lần rằng chiến tranh thế giới thứ ba đang diễn ra “từng phần”, và có thể được nhìn thấy tỏ tường ở những nơi đang có xung đột cục bộ như tại Trung Đông, Yemen và một phần của Châu Phi. Ngài nói “Chúng ta hãy dừng lại. Hãy tìm một giải pháp ngoại giao,” “Và ở đó, tôi tin rằng Liên Hợp Quốc có nhiệm vụ giành lại vai trò lãnh đạo của mình một chút vì vai trò này đã bị sa sút”.

- ĐTC kêu gọi canh tân Công Giáo Tiến Hành.

ĐTC kêu gọi canh tân Phong trào Công Giáo tiến hành để thực thi công cuộc truyền giáo trong bối cảnh xã hội ngày nay. Ngài đưa ra lời mời gọi trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 27-4-2017, dành cho 300 tham dự viên diễn đàn quốc tế của Phong trào Công Giáo tiến hành.

ĐTC nhắc đến 4 cột trụ truyền thống của Phong trào này là: cầu nguyện, huấn luyện, hy sinh và tông đồ. Tuy theo những bối cảnh lịch sử, các trục này được nhấn mạnh khác nhau. Sứ mạng của Phong trào là huấn luyện giáo dân để họ lãnh nhận trách nhiệm trong thế giới. Ngày nay, sứ mạng đó cụ thể là huấn luyện các môn đệ thừa sai.

ĐTC khẳng định rằng điều sinh tử là canh tận và cập nhập sự dấn thân của Công Giáo tiến hành cho việc loan bao Tin Mừng, đi tới mọi người, mọi nơi và trong mọi cơ hội, trong tất cả các môi trường ngoại ô của cuộc sống. Điều này có nghĩa là cần xét lại các chương trình huấn luyện, các hình thức tông đồ, thậm chí cả việc cầu nguyện của anh chị em, để việc làm này có đặc tính chủ yếu là thừa sai, chứ không phải tùy theo cơ hội. ĐTC kêu gọi hãy từ bỏ tiêu chuẩn cũ kỹ, cho rằng “vì từ trước đến giờ ta vẫn làm như vậy”. Và ĐTC nói thêm “Công Giáo tiến hành phải đảm nhận trọn vẹn sứ mạng của Giáo Hội trong sự quảng đại thuộc về giáo phận địa phương, bắt đầu từ giáo xứ”.

- Giáo Hội xác minh chuyện Đức Mẹ hiện ra như thế nào?

Khi đề cập về các sự kiện Đức Mẹ hiện ra, Giáo Hội Công Giáo luôn có cách tiếp cận khôn ngoan, tập trung nhiều vào thông điệp hơn là vào phép lạ. Các hiện tượng siêu nhiên, chẳng hạn như phép lạ về Mặt trời ở Fatima (Bồ Đào Nha) được nhắc đến cách đây gần 100 năm, không phải là yếu tố chính để công nhận một cuộc hiện ra là xứng đáng với đức tin.

Trong trường hợp đặc biệt đó, Giám mục của Giáo phận Leiria (nơi Fatima thuộc quyền) cho rằng các cuộc hiện ra – chứ không phải là chuyện kỳ lạ về Mặt trời – thì xứng đáng với đức tin. Quyết định của ngài được đưa ra vào năm 1930, nghĩa là hơn một thập kỷ sau khi Đức Mẹ Maria đã hiện ra với Lucia dos Santos và hai người em họ là Jacinta và Francisco Marto. Trên thế giới có hơn 1.500 thị kiến về Đức Mẹ Maria đã được trình báo, nhưng trong thế kỷ vừa qua, chỉ có chưa tới 20 trường hợp được Giáo Hội công nhận là xứng đáng với đức tin.

Hồi năm 1978, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã ban hành “Các tiêu chuẩn của Vatican về cách thức xử lý trong quá trình phân định những cuộc hiện ra hoặc mặc khải giả định”. Theo tiêu chuẩn nói trên, vị giám mục địa phương phải thành lập một ủy ban chuyên môn để giúp ngài xác định rằng thị nhân đó đứng đắn về suy tư, luân lý và tinh thần; đồng thời xem xét các thông điệp và lời khai của đương sự có trái nghịch với thần học và giáo lý hay không. Vị giám mục địa phương có thể đưa ra một trong ba kết luận: Một là ngài xác minh cuộc hiện ra này là đúng và xứng đáng với đức tin; Hai là ngài cho rằng sự việc này là giả tạo, điều này sẽ để ngỏ khả năng kháng nghị; Ba là ngài có thể nói rằng vào thời điểm này ngài không biết và cần được giúp đỡ thêm. Trong trường hợp cuối cùng, cuộc điều tra sẽ được đưa đến Hội đồng Giám mục của quốc gia. Dù vậy, Giáo Hội Công Giáo không đòi hỏi tín hữu phải tin vào những cuộc hiện ra, ngay cả khi nó được Giáo Hội công nhận.

Đức nguyên Giáo Hoàng Bênêđictô XVI nói trong Tông Huấn Lời Chúa (Verbum Domini) năm 2010 rằng: Khi Giáo Hội công nhận một mặc khải cá nhân, về bản chất, đó chỉ là cách mà Giáo Hội nói rằng nó không trái nghịch với đức tin và luân lý, được hợp pháp để công khai sứ điệp, và “các tín hữu tự thẩm định tin tưởng một cách thận trọng”.

- Hội Đồng Giám Mục Venezuela khẳng định: Bất tuân dân sự là cần thiết để lật đổ chế độ độc tài.

“Các cuộc phản kháng dân sự và ôn hòa không phải là một tội ác; đó là một quyền!” Các GM Venezuela đã khẳng định như trên trong một tuyên bố đưa ra hôm 20 tháng Tư vừa qua trong bối cảnh những cuộc biểu tình phản đối chống chính quyền đang lan rộng khắp đất nước.

Các GM nhấn mạnh rằng chính phủ “mất đi tính hợp pháp” khi không tôn trọng các quyền công dân. Các ngài nhận xét rằng: “Có nhiều yếu tố khác cho thấy không có dân chủ tại quốc gia này, chẳng hạn như việc tập trung quyền lực vào tay một thế lực duy nhất. Đây là tình hình hiện tại ở Venezuela. Việc bất tuân dân sự, do đó, là cần thiết để lật đổ một chế độ độc tài.”

Khoảng 6 triệu đã người tham gia các cuộc biểu tình ở Venezuela vào ngày 20 tháng 4, cho thấy sự sụp đổ hoàn toàn niềm tin vào chính phủ. Chính phủ đã đàn áp một vài cuộc biểu tình gây ra những cảnh bạo lực giữa đôi bên, khiến ít nhất ba người đã bị giết.

Tình trạng thiếu thuốc men, cũng như thực phẩm, đã đưa Venezuela đến cuộc khủng hoảng hiện nay.

- 3 Linh mục Hoa kỳ đạp xe để xin cầu nguyện cho ơn gọi.

Làm linh mục, đối với cha Michael Pica, cha Adam Cesarek và cha Tom Otto là điều rất hạnh phúc nên ba linh mục này đang chuẩn bị chia sẻ niềm vui của họ với dân chúng từ Rock Island đến Danville.

Từ ngày 24-28/04, ba linh mục sẽ đạp xe 350 dặm (khoảng 563 km) ngang qua giáo phận Peoria – bề rộng của bang Illinois – để nâng cao ý thức về các ơn gọi và tỏ cho người dân thấy đời sống linh mục là một cuộc sống tuyệt vời. Trên đường đi, các cha dự định sẽ dừng lại ở các trường học và giáo xứ để khuyến khích cầu nguyện cho các ơn gọi và kể về câu chuyện ơn gọi Linh mục của chính các cha.

Cha Otto chia sẻ: “(làm linh mục) chắc chắn là điều tốt nhất trong cuộc sống đối với chúng tôi; đạp xe chỉ là phương tiện để chúng tôi đến các trường học và giáo xứ để chia sẻ điều này với dân chúng.” Cha Pica thì nói rằng: “Chúng tôi không đạp xe để gây chú ý, chúng tôi chỉ muốn người dân khắp giáo phận … cầu nguyện cho ơn gọi trong tuần đạp xe này.” Cha Cesarek thì cho biết một khía cạnh quan trọng của cuộc đạp xe là tỏ cho người trẻ thấy rằng các linh mục, ngoài việc cử hành Thánh lễ và các bí tích và chăm sóc dân của họ, cũng làm những điều thú vị trẻ trung.

Một số linh mục, phó tế và giáo dân, những người thích đạp xe cho biết họ cũng thích tham gia vào một phần của hành trình.

- Tuyên úy đoàn Công Giáo Việt Nam tại Úc châu họp thường niên.

Sau đại lễ Phục Sinh, Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam - Nam Úc hân hoan chào mừng quý Linh Mục Tuyên Úy Việt Nam đang coi sóc mục vụ các Cộng Đồng-Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam từ các tiểu bang về tham dự kỳ họp Tuyên Úy Đoàn Việt Nam - Úc Châu. Tuyên Úy Đoàn mỗi năm họp tại một tiểu bang khác nhau. Năm nay, kỳ họp thường niên Tuyên Úy Đoàn Việt Nam - Úc Châu được tổ chức tại Trung Tâm Đức Mẹ Thuyền Nhân, thành phố Adelaide, từ ngày 24 đến 26 tháng 4 năm 2017.

Thành phần tham dự gồm: Đức Ông Phaolô Nguyễn Minh Tâm, thuộc vùng Adelaide, Linh Mục Phaolô Chu Văn Chi đến từ Sydney, và rất nhiều Linh Mục khác cũng từ Sydney, hay Melbourne, Canberra và Brisbane.

Mặc dù rất bận rộn với chương trình nghị sự dầy đặc, quý Cha cũng đã cố gắng thu xếp để có cuộc tiếp xúc thân tình, cởi mở và một bữa ăn vui vẻ với Ban Tuyên Úy và Ban Mục Vụ Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam - Nam Úc vào chiều ngày Thứ Ba, 25 tháng 4 năm 2017 tại Nhà Nazareth, Trung Tâm Đức Mẹ Thuyền Nhân Pooraka.

Trong dịp này, hai Sơ Phụ Tá Mục Vụ và Ban Mục Vụ cũng đã bày tỏ tinh thần hiệp thông và gắn kết chặt chẽ của Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam - Nam Úc với các hoạt động của Tuyên Úy Đoàn Úc Châu, cũng như qua các sinh hoạt của Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam - Nam Úc, với sự dìu dắt tận tụy và lòng quảng đại, hy sinh của vị chủ chăn là Đức Ông Quản Nhiệm Phaolô Nguyễn Minh Tâm.

- Sơ Theresa Trịnh Vũ Phương, một Salesian Việt Nam, đã giúp hồi cư những ngư dân đánh cá lậu bị bắt tại đảo quốc Papua New Guinea.

Theo thông tin của Đức Giám Mục Rolando Santos, CM, Giám mục Giáo phận Alotau-Sideia tại Papua New Guinea ngày 28 tháng 4 năm 2017 thì sơ Theresa Trịnh Vũ Phương, FMA, đã giúp đỡ những ngư dân Việt Nam bị bắt vì đánh cá trong hải phận của Papua New Guinea được trả tự do và hồi hương. Hơn 130 người trong số những ngư dân Việt Nam này đã bị giam trong các nhà tù Alotau, Giligili và Bomana ở Papua New Guinea vì đã đánh cá bất hợp pháp thuộc vùng biển tỉnh Milne Bay. Sơ Trịnh Vũ Phương quan tâm đến nhu cầu của những ngư dân Việt Nam bị giam giữ, sơ đã trở thành nhân viên thông dịch và hòa giải cho họ trong các phiên tòa. Sơ Phương còn liên lạc với gia đình của họ ở quê nhà, sắp xếp trả tiền phạt và lo các giấy tờ cần thiết và vé máy bay để họ trở về Việt Nam.

Sơ Phương đã thành công trong việc hồi hương 87 ngư dân Việt Nam. Khoảng 18 người nữa sẽ sớm được hồi hương. Tất cả có thể đoàn tụ cùng với gia đình. Sơ Phương đã dấn thân vào công việc này nhờ vào lòng can đảm của sơ với sự hỗ trợ của cộng đoàn Dòng Salesian của sơ.

Sơ Phương là nữ tu Dòng Salesian Việt Nam đang làm việc tại một trường đào tạo kỹ năng cho các thanh thiếu nữ ở đảo Sideia, thuộc giáo phận Alotau. Thống đốc tỉnh Milne Bay đã bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến sơ Phương trước sự dấn thân của sơ cho các tù nhân ngư dân Việt Nam. Giáo phận Alotau cũng rất tự hào về sơ. Công cuộc tông đồ từ thiện của sơ thực cao quý và đang quí trọng.

- Hội Đồng Liên Tôn Việt Nam họp báo về tình hình tôn giáo tại Việt Nam và vụ Formosa.

Tin tức về những vụ tranh đấu đòi công lý và đòi giải quyết những khúc mắc về tình trạng nhà nước Việt Nam chiếm đất của dân chúng và không bồi thường thỏa đáng đã dẫn đến những vụ xung đột rất lớn mà ngay cả báo chí Tây phương cũng tường thuật trong những ngày qua như vụ làng Đồng Tâm quận Mỹ Đức... hay làng đánh cá Đông Yên đứng lên tranh đấu đòi công lý và phản đối vụ gây ô nhiễm môi trường do nhà máy Formosa ảnh hưởng đến 4 tỉnh miền Trung mà cả hơn 1 năm nay vẫn còn đang quyết liệt... những vụ cưỡng chế đất đai thuộc các Dòng Tu như Thiên Ân ở Huế hay tu viện và nhà thờ Thủ Thiêm ở Sài Gòn còn đang là những ngòi nổ lớn về khía cạnh tranh đấu cho tự do tôn giáo tại Việt Nam.

Trong bối cảnh đó Hội Đồng Liên Tôn Việt Nam tại Hoa kỳ đã mời Đức Cha Hoàng Đức Oanh nhân dịp Ngài sang Cali để chủ sự thánh lễ suy tôn Lòng Chúa Thương Xót ở Long Beach đến chia sẻ về tình hình tôn giáo ở Việt Nam và Formosa, và sau đó tham dự một cuộc họp báo diễn ra tại Trung Tâm Công Giáo GP Orange vào ngày 26/4/2017.

Buổi họp báo đã được khai mạc đúng 1:00 giờ trưa với trên 60 người hiện diện. Các vị trong HDLT đã đến tham dự gồm có: LM Trần Văn Kiểm, LM Trần Công Nghị, LM Mai Khải Hoàn, Giáo Sư Nguyễn Thanh Giàu (Hòa Hảo), Chánh Trị Sự Hà Vũ Băng (Cao Đài) và đặc biệt là có thêm sự hiện diện của Mục Sư Đặng Ngọc Báu (Tin Lành). Các cơ quan báo chí, truyền thanh và truyền hình, trong đó có cả VietCatholic TV, cũng đã đến tham dự rất đông đảo. Bên cạnh đó còn có sự hiện diện của Phó Thị Trưởng Garden Grove kiêm Chủ Tịch Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Phát Bùi, đại diện của Dân Biểu Liên Bang Alan Lowenthal, Liên Hội Cựu Chiến Sĩ VNCH, Tập Thể Chiến Sĩ VNCH Miền Tây Nam, Đảng Việt Tân, Việt Nam Quốc Dân Đảng, Quỹ Nhân Quyền và v.v…

Trong phần mở đầu, Chánh Trị Sự Hà Vũ Băng, Chánh trị Sự Hà Quang Cảnh và Giáo Sư Nguyễn Thanh Giàu, Tổng Thư Ký Hội Đồng Liên Tôn đã trình bày thực trạng hai Giáo Hội Cao Đài và Hòa Hảo và việc nhà cầm quyền cộng sản bắt bớ xách nhiễu đồng đạo thuộc hai tôn giáo này. Sau đó, GM Hoàng Đức Oanh đã thuyết trình về hiện tình tôn giáo tại Việt Nam và những khổ đau của đồng bào vì tệ nạn Formosa. Trong phần thuyết trình dài trên 45 phút về thực trạng tôn giáo tại Việt Nam, GM Hoàng Đức Oanh đã mạnh dạn tuyên bố là “Việt Nam ngày nay không chỉ bị ô nhiễm môi trường, ô nhiễm đủ mọi thứ và luôn lương tâm con người cũng bị ô nhiễm”. Ngài nói, “Thảm hoạ Formosa là thật nghiêm trọng, là đại họa không chỉ cho đồng bào 4 tỉnh miền Trung mà còn cho cả đất nước Việt Nam, đại họa này không chỉ bây giờ mà còn lâu dài nữa, không chỉ có đại họa Formosa chỉ là một trong những đại họa của Việt Nam mà còn nhiều đại hoạ khác trên lãnh thổ Việt Nam”.

Nhiều câu hỏi từ các cơ quan truyền thông đã được nêu ra và tất cả đều được GM Oanh giải đáp rất tường tận và thẳng thắn. Buổi họp báo đã được kết thúc vào lúc 3:00 trưa cùng ngày.

Chúng tôi hân hạnh giới thiệu đến quý vị và anh chị em một bản thánh ca của nhạc sĩ Đinh Minh Hoàng, với phần hòa âm của nhạc sĩ Từ Duy và hình ảnh minh họa của anh Khắc Thái. Bản thánh ca này sẽ được trình bày bởi ca sĩ Cẩm Yến. Kính mời quý vị và anh chị em cùng thưởng thức.
 
Tông du Ai Cập và Diễn Văn Regensburg
Vũ Văn An
23:29 01/05/2017
Đức Phanxicô đã trở lại Rôma sau 2 ngày thăm viếng ngắn ngủi Ai Cập, nơi người Công Giáo chưa chiếm tới nửa phần trăm dân số mà lại thuộc nhiều nghi lễ khác nhau. Khối Kitô hữu đông đảo và thuần nhất lên tới 13 hay 15% dân số thì lại thuộc Giáo Hội Chính Thống Coptic. Số còn lại thuộc Hồi Giáo Sunni, một thứ Hồi Giáo không hẳn ủng hộ chủ nghĩa cực đoan nhân danh Thiên Chúa, nhưng cũng không hẳn rút phép thông công của họ.

Nhận định về chuyến đi tế nhị, mà Associated Press cho là chủ yếu nhằm tạo nên một mặt trận thống nhất giữa Kitô Giáo và Hồi Giáo chống lại chủ nghĩa đấu tranh tôn giáo này, ký giả John L. Allen lưu ý đặc biệt tới cung giọng Regensburg trong bài diễn văn của Đức Phanxicô với các nhà lãnh đạo của Ai Cập, khi nhấn mạnh rằng bạo lực là một “phủ nhận mọi phát biểu tôn giáo chân chính”.

Nhà báo này cho rằng các vị giáo hoàng có thể là bất cứ điều gì, trong đó có chính khách và nhà ngoại giao, và đôi khi muốn hiểu sứ điệp của các ngài, ta cần phải “đọc giữa các hàng chữ”. Tuy nhiên đôi khi, vì tình thế quá khẩn trương khiến các ngài phải lao thẳng đầu vào để giải quyết không còn trò chơi dùng chữ thông thường hay dè dặt chi nữa.

Ngày thứ Sáu vừa qua, tại Ai Cập, người ta thấy dường như đó là sắc khí của Đức Phanxicô. Muốn đặt mọi sự lên chiến tuyến! Thực thế, theo nhà báo này, điều Đức Phanxicô muốn nói vào ngày này, ngày đầu tiên của chuyến đi hai ngày, gần như là một ấn bản của bài diễn văn nổi tiếng, gây nhiều tranh luận của Đức Bênêđíctô XVI tại Regensburg, Đức, năm 2006, trong đó, Đức Bênêđíctô XVI làm dấy lên cả một cơn bão tố khi trích dẫn một câu nói liên kết Muhammed với bạo lực.

Đức Phanxicô không trích dẫn như thế, nhưng ngài ngỏ một lời kêu gọi rõ ràng và mạnh mẽ tới các nhà lãnh đạo tôn giáo đang tham dự một Hội Nghị Quốc Tế về Hòa Bình tại Đại Học, Al-Azhar, trung tâm học thuật đã có từ một ngàn năm nay của Hồi Giáo Sunni, một lời kêu gọi mà trong bối cảnh Ai Cập ai cũng thấy có nghĩa là Hồi Giáo phải là nơi trước nhất bác bỏ bạo lực nhân danh Thiên Chúa.

Ngài nói: “Chúng ta, một lần nữa, hãy nói chữ ‘không’ rõ ràng và mạnh mẽ với mọi hình thức bạo lực, trả thù và hận thù thực hiện nhân danh tôn giáo hay nhân danh Thiên Chúa. Cùng nhau, chúng ta hãy khẳng định sự bất tương hợp giữa bạo lực và đức tin, giữa niềm tin và lòng hận thù”.

Nói với một quốc gia đang gặp rắc rối lớn do chủ nghĩa cực đoan duy Hồi Giáo gây ra và là một quốc gia trong đó phong trào Huynh Đệ Hồi Giáo vừa cầm quyền năm 2013, Đức Phanxicô nhấn mạnh rằng điều khẩn trương là “lột mặt nạ bạo lực đang đội lốt thánh thiện”.

Ngài nói tiếp: “Chúng ta có nghĩa vụ tố cáo các vi phạm nhân phẩm và nhân quyền, lột mặt nạ các mưu toan biện minh cho mọi hình thức hận thù nhân danh tôn giáo, và kết án các mưu toan này như các biếm họa ngẫu thần về Thiên Chúa”.

Ngài cho hay “Không hành vi bạo lực nào được vi phạm nhân danh Thiên Chúa, vì nó sẽ tục hóa thánh danh Người”.

John Allen cho hay: nhiều quan sát viên so sánh bầu không khí ở Al-Azhar hôm thứ Sáu với cuộc tụ tập liên tôn do Thánh Gioan Phaolô II phát động ở Assisi, Ý, năm 1986, với đủ các giáo sĩ Hồi Giáo và pháp sư, giáo sĩ Do Thái Giáo và giám mục Kitô Giáo, tất cả gặp nhau để biểu dương chính nghĩa chung.

Luis Badilla, giám đốc trang tin “Il Sismografo” của Ý lưu ý tới việc có cả đại diện Do Thái Giáo ở Al-Azhar, dù Jordan và các quốc gia Trung Đông khác đều chống đối nước này.

Các Kitô hữu chiếm tỷ lệ không nhỏ tại Ai Cập nhưng thường bị chủ nghĩa đấu tranh tôn giáo duy Hồi Giáo tấn công. Mới cách đây hai tuần, bom đã nổ tại hai nhà thờ Kitô Giáo khiến ít nhất 45 người thiệt mạng.

Như đọc được sắc khí của Đức Phanxicô, Đại Imam của Al-Azhar, ở ngay đầu bài diễn văn của mình, đã mời gọi mọi người ở hội trường đứng lên im lặng ít phút để tưởng niệm mọi nạn nhân của khủng bố và an ủi gia đình họ.

Dù Tòa Thánh và Al-Azhar hiện đang có một ủy ban đối thoại hỗn hợp thường trực và đã triển khai được một sự hợp tác nhen nhúm trong các năm gần đây, sau khi bị ngưng trệ dưới thời Đức Bênêđíctô XVI, các nhà phê bình vẫn tiếp tục chỉ trích giai cấp giáo sĩ lãnh đạo Hồi Giáo tại đại học và đền thờ này thủ vai nhị trùng: giảng khoan dung và đa nguyên cho thế giới bên ngoài, nhưng sau bức màn, lại ủng hộ các trào lưu quá khích trong nền văn hóa Ai Cập.

Trong bối cảnh ấy, Đức Phanxicô đã yêu cầu mọi nhà lãnh đạo tôn giáo phải làm hơn nữa để chống lại điều ngài gọi là “luận lý học kích động sự ác”, và cho rằng nay là lúc phải biến “bầu khí bị ô nhiễm hận thù thành luận lý học huynh đệ”.

Ngài nhấn mạnh: bạo lực nhân danh Thiên Chúa là “phủ nhận mọi phát biểu tôn giáo chân chính”.

Câu ấy, cũng như nhiều câu tương tự trong bài diễn văn của Đức Phanxicô, được mọi người vỗ tay tán thành.

“Ác chỉ có thể đẻ ra nhiều ác hơn, và bạo lực đẻ ra nhiều bạo lực hơn, trong một vòng trôn ốc kết thúc bằng việc giam hãm mọi người”, Đức Phanxicô nói thế và đặc biệt nhắc đến sự quan trọng của việc giáo dục giới trẻ về hòa bình.

Giáo dục là lý do tranh cãi ở Ai Cập, vì Tổng thống Abdel Fattah al-Sisi đã kêu gọi phải sửa đổi lại chương trình học để chống lại sự trỗi dậy của chủ nghĩa cực đoan tôn giáo; gợi ý này đã bị một số phần tử trong giới lãnh đạo Hồi giáo ở trong nước chống lại.

Bác bỏ điều ngài mô tả như thái độ “cứng ngắc và não trạng khép kín”, Đức Phanxicô kêu gọi người Ai Cập vừa "qúy giá quá khứ vừa đặt nó vào cuộc đối thoại với hiện tại", học cách bao gồm người khác như “thành phần tạo thành" xã hội Ai Cập.

Đức Phanxicô biết rằng mặc dù hiến pháp Ai Cập, về mặt lý thuyết, bảo vệ tự do tôn giáo, và dù al-Sisi lên nắm quyền vào năm 2014 cam kết bảo vệ các Kitô hữu và các nhóm thiểu số tôn giáo khác, trên thực tế, cuộc sống ngày càng trở nên bấp bênh cho các Kitô hữu trong xã hội Hồi giáo Sunni áp đảo này.

Trong bối cảnh đó, Đức Phanxicô dường như không dè dặt chút nào trong việc bênh vực tự do tôn giáo và nhân quyền.

Ngài nói: "Nhìn nhận các quyền và các tự do căn bản, đặc biệt là tự do tôn giáo, là cách tốt nhất để cùng nhau xây dựng tương lai, thành những người xây đắp sự lịch thiệp”.

Lý luận rằng tôn giáo có một ơn gọi nội tại trong việc cổ vũ hòa bình, "ngày nay hơn bao giờ hết", Đức Phanxicô cho rằng các nhà lãnh đạo tôn giáo không thể đơn giản chỉ phục vụ đối thoại và khoan dung bằng môi bằng mép, nhưng các hành động của họ phải nhất quán với lời hoa mỹ của họ.

Ngài nói rằng ít hữu dụng hoặc không hữu dụng chút nào khi chúng ta lớn tiếng nói, và sau đó chạy khắp nơi tìm vũ khí để bảo vệ mình. Ngày nay, cần có những người kiến tạo hòa bình, chứ không phải những người xúi giục mâu thuẫn; các người chữa lửa, chứ không phải người cố ý đốt nhà; các nhà rao giảng hòa giải, chứ không phải những người xúi bẩy phá hoại".

Đức Phanxicô cũng cảnh báo chống lại "những hình thái dân túy mị dân", một chủ nghĩa trong bối cảnh Trung Đông thường là mã số của các nhà lãnh đạo chính trị và giáo sĩ lôi cuốn, những người chơi đùa trên các mâu thuẫn phe phái. Tương tự như vậy, ngài tố cáo "các hành động đơn phương", một kiểu nói chỉ các quyền lực thế giới chỉ lo khẳng định lợi ích riêng của họ trong khu vực, như là "một hồng phúc dành cho những người chủ mưu chủ nghĩa cực đoan và bạo lực".

Ngài cũng kêu gọi phải phân biệt rõ ràng giữa tôn giáo và chính trị - điều mà người Mỹ thường gọi là tách biệt Giáo Hội với nhà nước.
Ngài nói: "Các lĩnh vực tôn giáo và chính trị bị lẫn lộn và không được phân biệt thích đáng. Tôn giáo có nguy cơ bị đồng hóa với việc quản trị các sự việc trần thế và bị cám dỗ bởi sự quyến rũ của các thế lực trần gian, là các thế lực, trên thực tế, chỉ lo khai thác nó".

Cuối cùng, Đức Phanxicô nhấn mạnh rằng hòa bình phần chắc sẽ không nắm được nếu không chấm dứt "sự lan tràn vũ khí".

Đức Giáo Hoàng nói rằng "Chỉ bằng cách đưa ra ánh sáng mặt trời các thủ đoạn mờ ám nuôi dưỡng ung thư chiến tranh, ta mới ngăn chặn được các nguyên nhân thực sự của nó".

Al-Azhar thay đổi lớn?

Trong một bài báo viết ngày 30 tháng Tư, một ngay sau chuyến viếng thăm Ai Cập của Đức Phanxicô, Allen lưu ý thái độ của Al-Azhar đối với cùng một nội dung nhưng do hai vị giáo hoàng khác nhau trình bầy với họ.

Thực vậy, mới sáu năm trước đây, vào ngày 1 tháng Giêng năm 2011, bom nổ tại một nhà thờ Coptic ở Alexandria khiến 23 người thiệt mạng. Ở Rôma, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI lên án sự tàn ác dã man này trong bài nói chuyện lúc đọc kinh Truyền Tin của ngài.

Ngài nói rằng ngài “đau buồn nghe được tin về cuộc tấn công nghiêm trọng chống cộng đồng Kitô Giáo Coptic tại Alexandria, Ai Cập. Hành vi giết chóc hèn nhát này, giống cuộc đặt bom gần nhà của các Kitô hữu ở Iraq buộc họ phải trốn chạy, xúc phạm tới Thiên Chúa và toàn thể nhân loại, những người mới hôm qua đã cầu nguyện cho hòa bình và bắt đầu năm mới trong hy vọng.

Đức Bênêđíctô XVI nói rằng "Đứng trước chiến lược bạo lực nhằm vào các Kitô hữu, và có những hậu quả đối với toàn thể dân chúng này, tôi cầu nguyện cho các nạn nhân và các thành viên gia đình họ, và khuyến khích các cộng đồng Giáo Hội kiên trì trong đức tin và làm chứng nhân cho sự bất bạo động vốn phát sinh từ Tin Mừng".

Tình hình trên tương tự một cách lạ kỳ với tình hình gần sát chuyến thăm Ai Cập trong các ngày 28 đến 29 tháng 4 của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, lúc cũng có các vụ đánh bom tại hai nhà thờ Coptic ở Đồng Bằng Ai Cập và ở Alexandria, sát hại 45 người. Một lần nữa, Đức Giáo Hoàng, lần này là Đức Phanxicô, đề cập tới vụ tàn sát.

Ngày 28 tháng Tư, trong bài diễn văn với các nhà lãnh đạo chính trị và dân sự Ai Cập, ngài nói rằng "Tôi cũng nghĩ đến các nạn nhân của các cuộc tấn công vào các nhà thờ Coptic, cả trong tháng 12 năm ngoái và gần đây hơn ở Tanta và Alexandria.

"Với các thành viên của gia đình họ, và với mọi người Ai Cập, tôi xin bày tỏ lời chia buồn tận đáy lòng tôi và tôi cầu xin Chúa ban cho cho người bị thương mau chóng được chữa lành".

Tuy nhiên, điều khác biệt rõ rệt là phản ứng của giai cấp lãnh đạo chính trị và tôn giáo Ai Cập.

Năm 2011, chính phủ đã lên án các bình luận của Đức Bênêđictô XVI như là "can thiệp vào nội tình Ai Cập một cách không thể chấp nhận được" và đã rút đại sứ của mình từ Vatican về để tham khảo. Al-Azhar tham gia cuộc phản đối, bằng cách thông báo rằng họ đình chỉ cuộc đối thoại hàng năm với Vatican và xem xét lại các hình thức hợp tác khác vì Đức Bênêđíctô đã "liên tục đề cập đến Hồi giáo một cách tiêu cực".

Nay, Ahmad al-Tayeb, Đại Imam của Al-Azhar và thực tế là giáo sĩ Hồi giáo quan trọng nhất của đất nước, đã cùng mọi người vỗ tay hoan hô Đức Giáo Hoàng Phanxicô khi ông khẩn cầu các vị tử đạo Coptic, và gần như cũng mạnh mẽ như chính bản thân giáo hoàng trong việc tố cáo bạo lực tôn giáo.

Hai vị trên đã ôm nhau đầy thân tình vào hôm thứ Sáu, và, có lúc, Tayeb cảm động trông thấy khi Đức Phanxicô gọi ông là "người anh em của tôi". Tayeb thậm chí bắt đầu bài diễn văn của mình bằng cách kêu gọi mọi người trong hội trường đứng im lặng ít phút để tưởng niệm các nạn nhân của khủng bố và an ủi gia đình họ.

Điều gì đã thay đổi trong sáu năm qua?

Một lý do có thể là bối cảnh chính trị ở Ai Cập đã ra khác. Năm 2011, chính phủ của Tổng thống Hosni Mubarak lúc ấy đang phải đối mặt với cuộc phản kháng rộng rãi, và cuối cùng bị truất khỏi quyền lực chưa đầy một tháng sau đó. Một số nhà phê bình Mubarak lúc đó thậm chí còn cho rằng ông ta thực sự đứng đàng sau vụ tấn công nhà thờ ở Alexandria, trong một nỗ lực tuyệt vọng nhằm biện minh cho cuộc đàn áp quân sự rộng khắp để ngăn chặn phong trào phản kháng.

Trong bối cảnh đó, chính phủ không thể nào chịu đựng được các lời chỉ trích từ bên ngoài, kể cả của giáo hoàng. Lần này, chính quyền của Tổng thống Abdel Fattah al-Sisi tỏ ra vững chãi hơn, hưởng được sự ủng hộ khá rộng rãi, và chính Sisi đã coi cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa cực đoan tôn giáo như một ưu tiên quốc gia có tính quyết định.

(Người duy nhất có nhiều hài lòng đối với chuyến đi, hơn cả Đức Giáo Hoàng, có lẽ là chính ông Sisi, người được sự ủng hộ mạnh mẽ của Đức Giáo Hoàng về chương trình chống khủng bố của ông ta và ít bị giải thích như là chỉ trích đối với thành tích của ông ta về nhân quyền và bất đồng chính trị).

Hơn nữa, Đức Phanxicô không phải là Đức Bênêđíctô, người, công bằng hay không, không bao giờ thoát khỏi di sản của bài phát biểu gây tranh cãi năm 2006 tại Regensburg, Đức, một bài phát biểu làm sôi sục tâm tư người Hồi giáo qua việc xem ra đã liết kết Tiên Tri Muhammad với bạo lực.

Đức Phanxicô có được một khuôn mặt rất khác nơi thế giới Hồi giáo. Việc ngài không ngừng lặp đi lặp lại rằng Hồi giáo là một tôn giáo hòa bình, và không có điều gì gọi là "chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo" vì bạo lực như vậy là bất tương hợp với các giáo lý đức tin thực sự, đã giúp ngài tích lũy được cả một số vốn xã hội và chính trị to lớn.

Thêm vào đó, Đức Phanxicô còn có tài thiên bẩm dùng những cử chỉ tuy nhỏ mọn mà nói lên rất nhiều - chẳng hạn, ngài mở đầu mọi bài phát biểu ở Ai Cập, kể cả bài giảng trong Thánh Lễ Công Giáo vào hôm thứ Bảy, bằng cụm từ As-Salaam-Alaikum, lời chào tiêu chuẩn bằng tiếng Ả Rập có ý nghĩa "Bình an cho anh chị em", mà người Hồi giáo nghe như một dấu hiệu của sự tôn trọng. (Nhiều lần, Đức Phanxicô được vỗ tay chỉ vì đã dùng cụm từ này).

Do đó, khi Đức Phanxicô đến Ai Cập, và kêu gọi các nhà lãnh đạo tôn giáo "lột mặt nạ" cái cái cớ dùng bạo lực, và đồng thời, làm nổi bật sự đau khổ của Giáo Hội Coptic, lời lẽ của ngài đã được coi như nói lên chính nghĩa chung.

Tuy nhiên, có lẽ điều còn căn bản hơn nữa là người ta có ấn tượng rằng người dân thường Ai Cập đang ở một địa điểm khác hơn là địa điểm họ ở 6 năm trước đây.

Liên tục, đó là những gì Allen nghe được từ người dân ở Cairo, không phải chỉ từ các Kitô hữu mà từ đa số người Hồi giáo: Họ chán ngấy khủng bố rồi, họ nói thế. Họ chán ngấy lòng cuồng tín rồi và "những kẻ điên cuồng" cưỡng đoạt đức tin mà họ yêu mến, họ chán ngấy các cuộc đấu tranh và biến động phe phái, và họ không muốn có ở Ai Cập điều họ thấy đang diễn ra ở Syria, Iraq và các thành trì khác của ISIS .

Ngoài ra, não trạng trên cũng giúp giải thích sự hỗ trợ phổ quát dành cho ông Sisi, mặc dù hồ sơ nhân quyền của chế độ này ngày càng tồi tệ và mang tiếng tổng quát là độc tài. Bảy năm trước đây, người Ai Cập trung bình có lẽ muốn tự do hơn hết - ngày nay, họ muốn cả tự do lẫn an ninh để hưởng được nó, và có lẽ ngả hơn về việc hy sinh một chút tự do để được hưởng nhiều an ninh hơn.

Do đó, khi Allen hỏi người ta - giáo viên, người quét đường, người phục vụ nhà hàng, tài xế taxi, anh chàng bán thuốc lá trên đường phố gần khách sạn nơi các phương tiện truyền thông đặt bản doanh, v.v ... - họ nghĩ gì về điều Đức Giáo Hoàng phải lên tiếng, - Phản ứng gần như phổ quát đại khái như sau "Đã đến lúc rồi!"

Cứ theo cái đà thực tiễn, thì sau phản ứng trên sẽ là phản ứng "Tôi hy vọng người thích đáng đang lắng nghe".

Nói cách khác, giống như người tại các nước đang mở mang khác, nhiều người dân thường Ai Cập có xu hướng nhìn phương Tây như kẻ thù và nhìn các nhà lãnh đạo được coi như đại diện của nền văn hoá phương Tây, như giáo hoàng chẳng hạn, bằng con mắt nghi ngờ.
Ngày nay, họ dường như nghiêng về phía tin rằng kẻ thù thực sự đang ở bên trong và đang sẵn sàng tước quyền lãnh đạo ở bất cứ nơi nào nó phát xuất.

Cuối cùng, có lẽ cuộc tông du ngắn ngủi của Đức Phanxicô tại Ai Cập được coi như một cuộc va chạm của một trong những quốc gia Hồi giáo quan trọng nhất trên thế giới sẵn sàng vẽ một chiến tuyến chống lại lòng cuồng tín và một nhà lãnh đạo Kitô Giáo đơn độc trên thế giới có khả năng giúp họ vạch được đường ranh này.

Từ cuộc va chạm như vậy, đôi khi có động đất - và nhiều người Ai Cập ở đây dường như đang hy vọng đó là loại động đất làm thay đổi thế giới của họ.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Hình ảnh Giáo xứ ĐMHCG-Garland rước Linh ảnh Mẹ Hằng Cứu Giúp thánh du.
Phạm Thái Hùng
09:02 01/05/2017
Xem hình ảnh



Như là một phần trong việc mừng Kỷ niệm 150 năm Linh ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp được Chân phước Giáo hoàng Piô IX giao phó vào năm 1866 cho Dòng Chúa Cứu Thế với sứ mạng “Hãy làm cho thế giới biết đến Mẹ”, Giáo xứ ĐMHCG-Garland, TX, được Linh ảnh Mẹ Hằng Cứu Giúp đến thánh du trong hai ngày 29 & 30/4/2017.

Linh ảnh này là một trong 12 linh ảnh đã được Đức Thánh Cha Phanxicô ban phép lành tại Vatican vào ngày 18/5/2016 và được gửi đi khắp các tu viện, nhà thờ và nhà nguyện do linh mục tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế đảm trách.

Cuộc thánh du của Linh ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp là một dịp để Gx ĐMHCG tạ ơn Thiên Chúa nhờ lời cầu bàu của Đức Mẹ về những ân huệ Thiên Chúa ban cho, cách riêng khi Giáo xứ chuẩn bị mừng kỷ niệm 25 thành lập (1993-2018).

Cũng trong dịp Linh ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp thánh du đến Giáo xứ, Cha Nguyễn Xuân Đường thuộc Tỉnh dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam và cũng là một nhạc sĩ, đến giảng thuyết để giúp giáo dân được thêm lòng sùng kính Mẹ.
 
Hạt Bạc Liêu Giới Thiệu Ơn Gọi.
Tiểu Hổ
11:13 01/05/2017
Hạt Bạc Liêu Giới Thiệu Ơn Gọi.

Trung tâm hành hương Cha Fanxico Trương Bửu Diệp sáng nay rợp sắc màu của các dòng tu từ các nơi tề tự về tham dự ngày cổ võ ơn gọi.

Các em dự tu từ 21 giáo xứ của hạt Bạc Liêu thuộc giáo phận Cần Thơ được trân trọng chào đón như những thượng khách nhỏ của ngày lễ hội.

Xem hình

Bài hát cử điệu “ Tình yêu Đức Ki-tô thúc bách tôi, thúc bách tôi…” góp phần làm cho không khí thánh đường sôi lên sau lời khai mạc của cha Giu-se Trực ( cha đặc trách dự tu của hạt)

“ Thao thức của Giáo Hội về ơn gọi” là tâm tình được truyền tải từ cha quản hạt Bạc Liêu- Giu-se Võ Văn Hoài. Mọi người rồi sẽ nhớ lời nhắn nhủ mà như chân lý của cha rằng: “ Nơi nào có linh mục, nơi đó có thánh lễ và thánh lễ là nguồn sức mạnh của đời sống người Ki-tô hữu”

Tiếp theo là giờ gặp gỡ riêng dự tu nam với cha Dòng DSB và dự tu nữ với Dì Dòng Phao-lô. Những câu chuyện khơi nguồn cho một đời thánh hiến được các Ngài chia sẻ để mong khơi dậy hạt mầm ơn gọi. Họ vui cười vì những giản đơn của đời thường, những tiếng gọi có vẻ bình thường mà thắm đượm từ sâu thẳm tâm hồn để rồi họ dấn bước đi tìm và đeo đuổi đáp lại tiếng gọi mời của cha chí thánh.

Thánh lễ là tâm điểm kết nối sự hiệp nhất, lời nguyện cầu góp chung dâng lên Thiên Chúa để nhờ đó ân sủng dồi dào của Ngài triển nở trong tâm hồn những hoa trái ơn gọi. Bài chia sẻ tin mừng của cha Pet Lê Minh Tú cô đọng lại trong chiếc lọ thủy tinh mong manh dễ vỡ mà chưa đựng ơn gọi thánh hiến, nếu được trao ban thì hãy nâng niu giữ gìn không phải bằng sức con người mà bằng chính ân sủng chúa trao ban bằng đời sống liên lỉ cầu nguyện.

Sau bữa cơm trưa vui vẻ, no đủ là phần hào hứng nhất của buổi họp mặt. “ Gameshow” một chương trình được đầu tư nhiều chất xám và có tính chuyên nghiệp do các chú dự tu của giáo phận đảm trách, bằng cách vui chơi để hiểu biết dần dần hé màn cho sự hiện diện của các dòng sẽ góp mặt quảng bá ơn gọi.

Đại diện của các dòng bằng cách khôn ngoan và khéo léo của họ đã truyền tải hết những nét đẹp cũng như linh đạo của họ qua những câu hỏi đố vui hoặc những hoạt cảnh. Tất cả đã làm nên một ngày hội cỗ võ ơn gọi của hạt Bạc Liêu.

Tám địa chỉ vàng lần lượt được mở ra cho các bạn dự tu để các bạn lắng nghe và dấn bước theo tiếng thúc dục từ sâu thẳm tâm hồn để trở thành những tông đồ nhiệt thành nhất của chúa. Để góp phần làm nở hoa hạnh phúc trên trần gian vốn đầy đau khổ.

1. Chủng viện.

2. Dòng Đa Minh

3. Dòng Đồng Công.

4. Dòng Chùa Hài Đồng

5. Dòng Chúa Quan Phòng

6. Dòng Mến Thánh Giá

7. Dòng con Đức Mẹ.

8. Dòng Phao- Lô.

Một ngày vui khép lại. Mọi người ra về trong tâm trạng hẹn gặp lại nhau trong một ngày gần nhất, người chờ và người mong…!!

Tiểu Hổ.
 
Lễ Tưởng Niệm 30 tháng 4 lần thứ 42 tại giáo xứ CTTĐVN Seattle.
Nguyễn An Quý
17:38 01/05/2017
Lễ Tưởng Niệm 30 tháng 4 lần thứ 42 tại giáo xứ CTTĐVN Seattle.

Tukwila. Tháng Tư buồn lại một lần nữa đến khi trên quê hương Việt Nam người dân vẫn còn sống trong cảnh lầm than dưới ách thống trị của đảng cộng sản vô thần. Giáo xứ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam tổng giáo phận Seattle cử hành lễ tưởng niệm 30 tháng 4 để cầu nguyện cho quê hương Việt Nam, cầu nguyện cho các Quân Dân Cán Chính VNCH đã hy sinh cho lý tưởng tự do vào lúc 6 giờ chiều thứ Bảy ngày 29 tháng 4 năm 2017.

Đúng 6 giờ, vị MC thông báo nghi thức tưởng niệm với lời mở đầu:" Hôm nay giáo xứ CTTĐVN Seattle cùng với người Việt Quốc Gia khắp nơi trên thế giới hướng lòng về quê hương Việt Nam để tưởng niệm biến cố đầy đau thương 30 tháng 4 năm 1975. Chương trình tưởng niệm có 2 phần: Đầu lễ là nghi thức tưởng niệm và dâng hương. Phần thứ hai thắp nến cầu nguyện cho Việt Nam ngay sau Thánh lễ. Để mở đầu chương trình Tưởng niệm trân trọng kính mời anh Nguyễn Hoàng lên đọc diễn từ tưởng niệm 30 tháng 4.

Anh Nguyễn Hoàng đại diện ban tổ chức đọc diễn từ,Bài diễn từ được ghi nhận như sau:" Trân trọng kính chào quý cha, quý quan khách, quý cơ quan truyền thông báo chí, quý đồng hương cùng toàn thể Cộng Đoàn Dân Chúa.

Kính thưa quý vị: Người ta thường nói thời gian sẽ làm phôi pha, xóa mờ đi những nỗi đau niềm nhớ . ..và thời gian cũng có thể xóa dần đi những quá khứ đầy đau thương, sầu muộn. Nhưng cái mốc thời gian kể từ 30 tháng 4 năm 1975, không làm sao xóa được cái quá khứ đầy đau thương này khi miền Nam lọt vào tay cộng sản.

Vâng, làm sao quên được biến cố lịch sử phủ đầy tang tóc trên quê hương đất nước Việt Nam, nhất là khi nhìn lại thảm họa mà toàn dân miền Nam đã mất đi cuộc sống an lành, gia đình phân ly, quyền con người bị tướt đoạt, người dân miền Nam trở thành nạn nhân nô lệ của đảng cộng sản ngay chính nơi quê hương mình, hàng hàng lớp lớp người dân Việt đã rời bỏ quê hương đi tìm tự do, tất cả đã viết lên trang sử di tản lớn nhất trong lịch sử dân tộc Việt cũng như trên toàn thế giới. Tưởng niệm 30 tháng tư năm nay, đánh dấu 42 ly hương, chúng ta lại càng đau xót hơn khi nhìn thấy thảm họa của đất nước đang bị mất dần từ biển đảo đến đất liền do đảng cọng sản Việt Nam từ từ dâng cho Tàu cộng, để tiếp tục nắm quyền thống trị đất nước. Nạn ô nhiễm môi trường và thảm họa Formosa đang là mối đe dọa lớn lao cho tương lai đất nước, không chỉ ở nơi miền Trung mà còn lan rộng khắp mọi miền đất nước. Hôm nay, giáo xứ CTTĐVN Tổng Giáo Phận Seattle cùng với cộng đồng người Việt Quốc gia trong và ngoài nước cùng nhau tưởng niệm biến cố đầy đau thương 30 tháng tư. Trong giây phút thiêng liêng này, chúng ta cùng cầu nguyện cho tất cả Quân Dân Cán Chính VNCH và các chiến sĩ Đồng Minh đã hy sinh cho lý tưởng tự do. Cầu cho những đồng bào ruột thịt đã chết trên vạn nẻo đường khi đi tìm tự do, cầu cho các chiến sĩ nhân quyền cũng như các chiến sĩ VNCH bị tu đày đã chết trong các trại tù cộng sản. Nhất là xin cho khối đoàn kết toàn dân được can đảm để cùng nhau đứng lên bảo vệ đất nước trước nạn xâm lược của Tàu cộng và xin cho Quê hương Việt Nam sớm thoát khỏi ách thống trị của đảng cộng sản vô thần để mọi người dân được sống trong an bình hạnh phúc.Trân trọng kính chào".

Bài diễn từ vừa dứt, vị MC nói: Xin ba hồi chiêng trống. Tiếng chiếng trống chậm rải ngân vang làm tăng thêm vẻ thiêng liêng mang tính hồn Việt. Dứt ba hồi chiêng trống vị MC: Mời cộng đoàn đứng và gìũ thinh lặng. Nghi đoàn và quý cha tiến lên bàn thánh trong sự thinh lặng ttưởng niệm biến cố đầy đau thương. Đoàn chủ tế dừng lại. Vị MC nói: kính mời quý cha niệm hương. quý cha tiến đến bàn thờ Tổ Quốc niệm hương với tâm tất tâm tình cầu nguyện và tri ân những anh hùng vị quốc vong thân.

Xem hình

Thánh lễ cầu nguyện bắt đầu sau phần niệm hương. Mở đầu thánh lễ cha chánh xứ Đào Xuân Thành chủ tế thánh lễ ngỏ lơì chaò mừng, ngài nói: kính chào quý vị quan khách, quý lãnh đạo tinh thần các tôn giáo, quý đại diện các đoàn thể, quý đồng hương cùng toàn thể cộng đoàn dân Chúa, hôm nay chúng ta cùng nhau dâng thánh lễ cầu nguyện cho quê hương Việt Nam, cầu nguyện cho các Quân Dân Cán Chính VNCH đã hy sinh để bảo vệ miền Nam Việt Nam. Tưởng niệm 30 tháng 4 chúng ta nhớ lại những đau buồn của đất nước trong biến cố 30 tháng 4 năm 1975 và cùng ta ơn Chúa khi chúng ta đang sống trong một đất nước tự do.."

Thánh lễ được tiếp nối qua phần phụng vụ lời Chúa. Tin mừng thánh Luca giới thiệu câu chuyện hai môn đệ trên đường Emmau cùng đồng hành với Chúa nhưng cả hai môn đệ không nhận ra Chúa cho đến lúc cả hai cùng ngồi ăn với Chúa khi Ngài bẻ bánh, lúc đó hai môn đệ mới nhận ra Ngài.

Trong bài giảng lễ, cha chủ tế nhấn mạnh về sự vui mừng khi các môn đệ nhận ra Chúa đang hiện diện với họ, các môn đệ vui mừng và tràn đầy hy vọng, tất cả trở nên can đảm và hăng hái lên đường rao giảng tin mừng. Đề cập đến 30 tháng 4, ngài nói: nhân ngày tưởng niệm 30 tháng 4, chúng ta hồi tưởng lại biến cố đầy đau thương mà toàn dân miền Nam đã phải ngậm ngùi khi nhớ lại ngày 30 tháng 4 năm 1975. Tưởng niệm biến cố 30 tháng 4, chúng ta hết lòng tri ân các Quân Dân Cán Chính VNCH đã chết cho chính nghĩa miền Nam và cầu nguyện cho tất cả các linh hồn này. Cầu nguyện cho quê hương Việt Nam sớm đạt được nguyện vọng chung của toàn dân trong ước mơ đất nước Việt Nam là của toàn dân Việt Nam đích thực..."

Sau thánh lễ là buổi thắp nến cầu nguyện cho Việt Nam. Người điều hành buổi thắp nến cất tiếng mời gọi: kính thưa cộng đoàn dân Chúa, bây giờ là buổi thắp nến cầu nguyện cho Việt Nam, kính mời quý cha và cộng đoàn quỳ gối. Ánh nến được thắp lên tất cả trong thinh lặng, ca đoàn cất lên tiếng hát: "Mẹ rất Nhân Từ Quốc gia Việt Nam rất lầm than. Dân chúng điêu linh, gia đình tan hoang. Tà thuyết vô thần lan tràn càng tai ác tàn hung...". Bài hát vừa dứt là phút cầu nguyện cho Việt Nam. Cha chủ sự với giọng cảm động đã dóng lên lời cầu nguyện thiết tha: "Lạy Chúa là Cha Toàn Năng, trong giây phút thiêng liêng này, chúng con người Việt Quốc Gia hải ngoại cùng với cộng đoàn dân Chúa Việt Nam thuộc Tổng Giáo Phận Seattle cùng nhau hướng lòng về quê hương Việt Nam, nơi mà toàn dân đang sống trong cảnh lầm than. Lạy Chúa Dân Tộc Việt nam chúng con đã trải qua bao năm sống dưới ách thống trị độc tài của đảng cộng sản vô thần, kể từ ngày miền Nam lọt vào tay cộng sản. Bốn Mươi Hai năm nhìn lại, chưa một ngày người dân Việt được hoàn toàn sống trong an bình hạnh phúc. Chưa một ngày người dân Việt được hưởng một nền công lý và hoà bình đích thực. Xã hội ngày càng mất hết căn tính của Dân Tộc Việt. Nạn bất công ngày càng thậm tệ trước mối đe dọa của ngoại bang do đảng cộng sản Tàu Cộng đang ra sức khống chế các nhà lãnh đạo Việt Nam, nhất là, nhà nước Việt Nam lại tỏ ra hèn nhác nên đã im lặng trước nạn ô nhiểm môi trường đã và đang hoành hành các tỉnh miền Trung do Formosa gây nên.

Trong giờ phút thiêng liêng này, chúng con dâng lên Chúa lời khẩn nguyện thiết tha nhất của chúng con: Xin Chúa cho quê hương Việt Nam sớm chấm dứt nạn cộng sản vô thần để mọi người dân được sống trong an bình hạnh phúc. Xin cho toàn dân các tỉnh miền Trung bị ô nhiểm môi trường do Formosa tạo nên sớm được phục hồi để mọi người dân tìm lại được sự ổn định về đời sống, nhất là chúng con nài xin Chúa, cho quê hương Việt Nam chúng con có được sức mạnh của khối đoàn kết toàn dân, để cùng nhau giải cứu quê hương Việt Nam sớm thoát ra khỏi bàn tay xâm lăng của Tàu cộng do sự tiếp tay của đảng cộng sản Việt Nam vô thần, Xin Đức Mẹ La Vang và Các ThánhTử Đạo Việt Nam cầu bầu, chúng con cầu xin nhờ công nghiệp của Đức Kitô Chúa chúng con Amen."

Lời cầu nguyện vừa dứt, ca đoàn hát bài Kinh Hoà Bình: Lạy Chúa từ nhân...

Lời cầu nguyện của cha chủ sự đã đưa cộng đoàn hiện diện trở về với niềm đau nổi nhớ khi nhìn lại người dân trên quê hương Việt Nam đang còn sống trong cảnh đọa đày của chế độ cộng sản.Tất cả đã hiệp thông cầu nguyện soôt sắng hơn. Buổi thắp nến cầu nguyên kết thúc với bài hát kinh hòa bình và mọi người chia tay ra về trong tâm tình tạ ơn.

Nguyễn An Quý
 
Giáo Xứ Chợ Chiều- Giáo Phận Đà Nẵng Mừng Lễ Bổn Mạng
Toma Trương Văn Ân
17:52 01/05/2017
Giáo Xứ Chợ Chiều- Giáo Phận Đà Nẵng Mừng Lễ Bổn Mạng

Lúc 17 giờ chiều 1 / 5 / 2017, cộng đoàn Giáo xứ Chợ Chiều hân hoan đón mừng Đức Cha Giuse– Giám mục Giáo phận Đà Nẵng , Quý Cha . Quý Tu sĩ và quý Khách đến hiệp dâng Thánh lễ Kính Thánh Giuse Thợ- Bổn mạng Giáo xứ.

Xem Hình

Trong lời chào mừng cộng đoàn , Đức Cha mừng Giáo xứ trong ngày Lễ Bổn mạng. Ngài nêu ý nghĩa , giá trị của lao động. “Lao động để kiến tạo, canh tân , phục vụ… cộng tác với Thiên Chúa trong chương trình tạo dựng” , Đức Cha Giuse tiếp “ Mẫu gương của Thánh Giuse : để bảo bọc gia đình, như những gia đình khác , Thánh nhân phải lao động bằng đôi tay làm nghề thợ mộc, để phục vụ , để kiến tạo hạnh phúc, yêu thương… mỗi người cộng tác để xây dựng và làm đẹp thế giới, xã hội và Giáo Hội này. Lao động mang dấu ấn Truyền Giáo trong đời sống” .

Đức Cha cho biết nguồn gốc Thánh lễ do Đức Giáo Hoàng PIO XII thiết lập năm 1955 , mừng trong ngày 1 / 5 ngày Quốc tế lao động, ngày trân trọng các giá trị nhân bản và siêu nhiên của giá trị lao động.

Cuối Thánh lễ , Ông Trưởng Ban thường vụ Hội đồng mục vụ, Đại diện cộng đoàn cám ơn sự ưu ái của Đức Cha đối với Giáo xứ ( hơn 1 năm nhận Giáo vụ , Đức Cha đến Chợ Chiều lần thứ 2.)

Ông cũng cám ơn quý Cha đồng tế , Quý Tu sĩ và Quan Khách…. Vì tình yêu mến Giáo xứ đã đến hiệp dâng Thánh lễ cầu nguyện và chung chia niềm vui với Giáo xứ. Một ước nguyện cháy bỏng của Cộng đoàn được Ông kính trình , là sớm xây dựng lại nhà thờ, vì hiện nay chật chội nhỏ bé, nằm thấp dưới mặt đường, và xin Đức Cha , quý Cha và mỗi người cầu nguyện , cộng tác giúp đỡ…để công trình tái thiết Nhà Chúa được khởi công sớm trong năm 2018.

Những bó hoa tươi thắm và chút quà dâng tặng Đức Cha và quý Cha, gói ghém cả tấm lòng con thảo của cộng đoàn Giáo xứ.

Giáo xứ Chợ Chiều được tách ra từ Giáo xứ mẹ Sơn Trà và được thành lập ngày 21/ 9 / 2012, có 461 Giáo dân (theo thống kê, tháng 4 / 2017) , đa phần là người lao động phổ thông, một số ít buôn bán nhỏ, sống trong địa bàn rộng.

Cha Px Nguyễn Văn Thịnh- Quản xứ từ ngày thành lập Giáo xứ đến nay, Ngài đã xây dựng , củng cố mọi sự về cơ sở vật chất , các Đoàn thể, đời sống Đức Tin…. Giáo xứ ngày càng vững mạnh hiện hữu trong lịch sử Giáo phận Đà Nẵng. Cộng đoàn Giáo xứ mang dấu ấn truyền Giáo bằng đời sống yêu thương sẻ chia, quảng đại, đem bình an, yêu mến và tin tưởng …. làm chứng nhân Tin Mừng yêu thương của Thiên Chúa ngay trong đời sống thường ngày của mình.

Toma Trương Văn Ân
 
Khai Mạc Tháng Hoa Kính Đức Mẹ Tại La Vang
Trương Trí
22:18 01/05/2017
Khai Mạc Tháng Hoa Kính Đức Mẹ Tại La Vang

Sáng ngày 1 tháng 5, lễ Thánh Giuse thợ, cũng là ngày đầu tháng kính Đức Mẹ. Tổng Giáo phận Huế tổ chức trọng thể Dâng Hoa tại Linh Đài Đức Mẹ La Vang, khai mạc tháng Hoa.

Xem Hình

Dưới cái nắng chói chang của ngày đầu mùa Hạ trên vùng đất khô cằn đá sỏi Quảng Trị, Đức nguyên Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Huế Phanxico Xavie Lê Văn Hồng được sự ủy thác của Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Chí Linh đã chủ sự Nghi thức Khai mạc tháng Hoa và chủ tế Thánh lễ tạ ơn tại Linh Đài Đức Mẹ La vang.

Phát biểu mở đầu nghi thức khai mạc, Đức Tổng Giám mục Phanxico Xavie mời gọi các tín hữu trong tháng này, ở Nhà thờ cũng như tại tư gia hãy dâng lên Mẹ tấm lòng của mình bằng những lời cầu nguyện sốt mến, nhất là lòng hiếu thảo đối với Mẹ hiền. Trong tháng này, chúng ta tin chắc rằng ân phúc của Thiên Chúa sẽ đổ xuống trên mỗi người chúng ta qua bàn tay của Đức Mẹ. Ngài mượn lời của Đức Thánh Cha: “Tôi long trọng tuyên bố Khai mạc tháng Hoa tôn vinh Mẹ Maria.” Một màn pháo hoa rực sáng trước Linh Đài mừng kính Mẹ.

Các em thanh tuyển thuộc Hội Dòng Con Đức Mẹ Vô nhiễm đã dày công tập luyện trong suốt thời gian qua để dâng lên Mẹ Vũ khúc chào mừng Mẹ đầy ân sủng của Thiên Chúa.

Đại diện các Dòng tu Nam-Nữ thuộc Tổng Giáo phận Huế và đại diện Tín hữu dâng Mẹ những lẵng hoa tươi sắc màu bày tỏ tấm lòng tôn kính Mẹ là Mẹ Thiên Chúa.

Mở đầu Thánh lễ, Đức Tổng Giám mục Phanxico Xavie nhắc nhở Cộng đoàn hành hương: Thánh lễ khai mạc tháng Hoa tôn vinh Mẹ hôm nay là ngày của Mẹ, ngày đầu tháng Hoa. Là những người con, chúng ta bày tỏ tình yêu mến và hiếu thảo với Mẹ nhân lành. Hôm nay cũng là lễ Thánh Giuse thợ, người bạn đời thân thiết và công chính mà Chúa đã ban cho Mẹ, để cùng Mẹ cộng tác vào mầu nhiệm Nhập Thể và công trình cứu độ. Hôm nay cũng là ngày lao động quốc tế, Giáo Hội muốn nhắc nhở chúng ta: lao động là một ân huệ cộng tác với Thiên Chúa để làm đẹp cho vũ trụ này, để đem hạnh phúc đến cho con người và dẫn đưa con người đến hạnh phúc trên trời. Nhưng chúng ta nên nhớ rằng: lao động không phải là cùng đích của cuộc sống, để rồi ham mê của cải vật chất trần gian mà quên đi các giá trị thiêng liêng khác. Ngài mời gọi Cộng đoàn hướng về Đại hội La Vang lần thứ 31 nhân dịp kỷ niệm 100 Đức Mẹ hiện ra tại Fatima, xin Mẹ chúc lành cho Đại hội sắp tới và cho mỗi người chúng ta biết chuẩn bị tâm hồn hướng về Đại hội và biết lắng nghe lời Mẹ: “Hãy siêng năng lần hạt, cải thiện đời sống và tôn sùng Thánh tâm Mẹ”.

Sau Thánh lễ, Cha Quản nhiệm Trung tâm Hành hương Đức Mẹ La vang Giacôbê Lê Sĩ Hiền nói lời cảm ơn Đức Tổng Phanxico Xavie, cảm ơn quí Cha và Cộng đoàn đã về Linh địa La Vang tham dự Thánh lễ và nghi thức thức dâng hoa Khai mạc tháng Hoa tôn vinh Mẹ nhân lành. Ngài cũng cảm ơn đoàn vũ công của dòng Con Đức Mẹ Vô nhiễm đã hy sinh vất vả để dâng lên Mẹ vũ khúc tâm tình tri ân Mẹ, cảm ơn Ca đoàn Avê Maria của Giáo xứ Chính tòa Phủ Cam đã dâng lên Mẹ những lời ca tôn vinh Mẹ.

Đức Tổng Giám mục Phanxico Xavie ban phép lành cho cộng đoàn tham dự ngày khai mạc tháng Hoa hôm nay tại Linh đài Đức Mẹ.

Trương Trí
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Hình ảnh và Video: Cầu nguyện cho đồng bào đi tìm tự do và đã chết trên biển cả ngày 30/4/2017
Ken Khanh, VietCatholic
10:35 01/05/2017
Hình ảnh ngày lễ tưởng niệm và cầu nguyện

Video phần cầu nguyện của Công Giáo và Thiên Chúa giáo



Buổi lễ tưởng niệm và cầu nguyện cho các thuyền nhân đã chết trên biển cả hôm nay tại đây có sự hiện diện của Hội đồng Liên tôn Việt Nam tại Hoa Kỳ gồm có: Phó chủ tịch nội vụ Chánh Trị Sự Hà Vũ Băng (Cao Đài), Phó chủ tịch ngoại vụ LM Trần Công Nghị (Công Giáo), Thư ký Hội đồng Giáo Sư Nguyễn Thanh Giàu (PGHH), và các thành viên khác gồm có Hòa Thượng Thích Minh Nguyện (Phật giáo), LM Mai Khải Hòan và Ông Nguyễn Khanh (Công Giáo). Thêm vào đó còn có các vị chư tăng và chức sắc thuộc các Giáo Hội Phật Giáo, Cao Đài, Hòa Hảo…

Các vị chức sắc dân cử và đại diện chính quyền cũng có mặt đông đủ trong buổi lễ tưởng niệm hôm nay.

Mở đầu chương trình là các bài hát do Ban Tù Ca và các Ca đòan trình bầy để tưởng nhớ những linh hồn đã qua đời và nhắc nhở về Quê hương dân tộc.

Sau đó là lễ chào quốc kỳ Hoa Kỳ và Cờ Việt Nam Cộng Hòa và phút mặc niệm tưởng nhớ tới các tiền nhân và các chiến sĩ, các anh hùng dân tộc đã có công khai quốc và dựng nước Việt Nam, và tướng nhớ cầu nguyện cho các thuyền nhân đã chết trên đường tìm tự do.

Sau đó là lời chào mừng của Ban tổ chức ông Thái Tú Hạp nói lên ý nghĩa và mục đích của Tượng đài Thuyền Nhân và ý nghĩa ngày cử hành hôm nay.

Tiếp đến là lời phát biểu của các vị dân cử và trao bằng ghi ơn cho những vị có công thực hiện hay cổ võ hòan thành tượng đài Thuyền Nhân.

Sau cùng là nghi thức thắp hương và cầu nguyện cho các chiến sĩ và các nạn nhân thuyền nhân trên đường vượt biên tìm tự do nhưng đã chết vì lý tưởng đó. Mở đầu là lời cầu nguyện của Phật giáo Hòa hảo do giáo sư Nguyễn thanh Giầu đảm trách, thứ đến LM Trần Công Nghị đại diện Công Giáo và Thiên Chúa giáo cầu nguyện choc ác linh hồn qua đời; Chánh trị sự Hà Vũ Băng đại diện Cao Đài dâng lời cầu nguyện, và cuối cùng là lời cầu nguyện của Phật giáo do Hòa Thượng Thích Minh Nguyện chủ trì.

Thuyền Nhân Việt Nam (Boat People, một danh từ mới trong Anh ngữ được hình thành từ sự kiện những người Việt Nam bỏ nước ra đi tìm tự do trên những con thuyền rất thô sơ. Việc trốn chạy cộng sản của người Việt nam đã thành một biến cố chính trị và nhân đạo có một không hai trong lịch sử loài người nên đã làm rung động lương tâm nhân loại trong suốt hơn 10 năm trời, từ 1976 đến năm 1986. Ðã có hàng chục quốc gia tổ chức thiện nguyện phát động phong trào cứu trợ thuyền nhân khắp thế giới.

Trong lịch sử nhân lọai có những biến cố chính trị và những thảm họa làm nhiều người chết như sự diệt chủng Do thái Holocaust thời Đức quốc xã, nạn giết người Armenian trong thế kỷ trước… và đối với người Việt nam cũng có thể nói biến cố 1975 và những người yêu mến bỏ nước ra đi tìm tự do phải chết trên biển cả hay trong rừng sâu là một hành đông tàn sát và diệt chủng của Cộng sản Việt Nam. Ký ức về biến cố này phải được ghi trong lòng người Việt Nam và ký ức nhân lọai sau này để nhắc nhớ các thế hệ mai sau về sự dã man của chế độ Công sản vô thần.

Thuyền Nhân Việt Nam đã là tiếng nói biểu tượng cho con người khao khát tự do.

Cộng đồng Thuyền Nhân Việt Nam ở hải ngoại cũng đã nhiều lần trở về nơi các đảo tiếp cư ngày nào như Bidong,Galang để thăm viếng mộ phần thân nhân đã mất khi vừa đến được bến bờ tự do vì kiệt sức, vì uất ức, đau khổ bị hải tặc cướp bóc, hãm hiếp… Nhiều tổ chức đã thực hiện được những cuộc tìm kiếm mộ phần.

Ken Khanh & VietCatholic
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Chung Lối
Tấn Đạt
18:20 01/05/2017
CHUNG LỐI
Ảnh của Tấn Đạt
Sớm hôm chung một lối về
Buồn vui cay đắng sớt chia ta cùng
Suốt đời son sắt thủy chung
(Trích thơ của Nguyễn Quang Định)
 
VietCatholic TV
TV Thời Sự Giáo Hội và Thế Giới Ngày Nay 30/4/2017
VietCatholic Network
19:14 01/05/2017
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây

Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô. VietCatholic xin kính chào quý vị và anh chị em trong tình yêu thương của Chúa Kitô và Mẹ Maria. Kính thưa quý vị và anh chị em, chương trình Truyền Hình của chúng tôi hôm nay gồm có các tin chính như sau:

1- ĐTC tiếp 75.000 thành viên Công Giáo Tiến Hành Italia.

2- Chuyến viếng thăm lịch sử của ĐTC tại Ai Cập.

3- Trên đường trở về từ Cairo, ĐTC kêu gọi một giải pháp giải quyết căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Bắc Hàn.

4- ĐTC kêu gọi canh tân Công Giáo Tiến Hành.

5- Giáo Hội xác minh chuyện Đức Mẹ hiện ra như thế nào?

6- Hội Đồng Giám Mục Venezuela khẳng định: Bất tuân dân sự là cần thiết để lật đổ chế độ độc tài.

7- 3 Linh mục Hoa kỳ đạp xe để xin cầu nguyện cho ơn gọi.

8- Tuyên úy đoàn Công Giáo Việt Nam tại Úc châu họp thường niên.

9- Sơ Theresa Trịnh Vũ Phương, một Salesian Việt Nam, đã giúp hồi cư những ngư dân đánh cá lậu bị bắt tại đảo quốc Papua New Guinea.

10- Hội Đồng Liên Tôn Việt Nam họp báo về tình hình tôn giáo tại Việt Nam và vụ Formosa.

11- Giới thiệu Thánh Ca: Ca Vang Tình Yêu Chúa

Sau đây là phần tin chi tiết:

- ĐTC tiếp 75,000 thành viên Công Giáo Tiến Hành Italia.

Lúc 11 giờ sáng Chúa Nhật hôm qua ĐTC Phanxicô đã gặp gỡ khoảng 75,000 thành viên phong trào Công Giáo Tiến Hành Italia nhân dịp kỷ niệm 150 năm thành lập. Các phái đoàn giáo phận, giáo xứ đã do nhiều Giám Mục, Linh Mục, tu sĩ và các anh chị em chủ tịch vùng miền toàn nước Italia hướng dẫn về Roma gặp ĐTC.

Trong bài huấn dụ, ĐTC đã khích lệ các thành viên phong trào hăng say tiếp tục sứ mệnh giáo dân của họ là sống đức tin, làm việc tông đồ giữa đời, phục vụ trong các giáo xứ, giáo phận chung quanh các chủ chăn, luôn luôn rộng mở cho các thực tại cuộc sống, đối thoại và yêu thương tất cả mọi người. Ngài cũng bầy tỏ lòng biết ơn của Giáo Hội đối với chứng tá của họ. Đề cập tới việc khai sinh phong trào ĐTC nói:

Việc khai sinh Công Giáo Tiến Hành đã là giấc mơ nảy sinh từ con tim của hai người trẻ là Mario Fani và Giovanni Acquaderni. Với thời gian nó đã trở thành con đường lòng tin cho nhiều thế hệ, là ơn gọi nên thánh cho rất nhiều người gồm trẻ em, giới trẻ và người lớn đã trở thành môn đệ Chúa Giêsu, và vì thế họ đã thử sống như các chứng nhân tươi vui của tình yêu Chúa trong thế giới.

ĐTC nói thêm: “Lịch sử của phong trào Công Giáo Tiến Hành là lịch sử rất đẹp của tình yêu thương và lòng đam mê đối với thế giới và Giáo Hội. Chính vì thế không được nhìn về đàng sau hay yên nghỉ trên ghế bành, nhưng phải ý thức dấn thân hơn trong việc săn sóc các người khác, tiếp tục là môn đệ và thừa sai, sống tươi vui làm chứng cho tình yêu vô biên của Thiên Chúa đối với nhân loại.” Và ĐTC kêu gọi anh chị em thành viên Công Giáo Tiến Hành đem kinh nghiệm tông đồ của họ diễn tả sự hiện diện sinh động của Giáo Hội tại các địa phương, cũng như dấn thân tới các vùng ngoại biên! ĐTC nói: “Hãy ra đi và hãy là Giáo Hội tại đó, với sức mạnh của Chúa Thánh Thần!”

Trước khi đọc kinh Lậy Nữ Vương Thiên Đàng, ĐTC đã cám ơn sự hiện diện của các thành viên phong trào Công Giáo Tiến Hành Italia và tất cả các tín hữu khắp nơi trên thế giới về tham dự Thánh Lễ. ĐTC cũng mời gọi mọi người hiệp ý hướng về Mẹ Maria tạ ơn Thiên Chúa vì chuyến công du Ai Cập ngài vừa kết thúc. ĐTC xin Chúa chúc lành cho toàn dân Ai Cập rất hiếu khách, chính quyền và mọi tín hữu kitô và hồi giáo và xin Chúa ban hoà bình cho Ai Cập. Sau cùng ĐTC cất kinh Lậy Nữ Vương Thiên Đàng và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.

- Chuyến viếng thăm lịch sử của ĐTC tại Ai Cập.

ĐTC đã hoàn tất chuyến viếng thăm Ai Cập trong 2 ngày thứ Sáu và thứ Bẩy, 28, 29 tháng Tư, 2017 vừa qua. Gác qua một bên tất cả các quan ngại về an ninh, ĐTC đã cương quyết đến Ai Cập nhằm biểu dương tình liên đới và đem một sứ điệp hòa bình tới một quốc gia, trong nhiều năm qua, từng chịu đựng nhiều cuộc tấn công bằng bạo lực của những kẻ liên kết với nhóm Nhà Nước Duy Hồi Giáo. ĐTC cũng mong muốn sự có mặt của Ngài sẽ tạo một mặt trận thống nhất giữa Kitô Giáo và Hồi Giáo để đẩy lui bạo lực ngụy tạo danh Thiên Chúa.

Trong ngày đầu tiên ở Ai Cập, ĐTC đã hội kiến với Tổng thống Abdel-Fattah el-Sissi và Đức Giáo Hoàng Tawadros II, nhà lãnh đạo tinh thần của Giáo Hội Chính Thống Coptic của Ai Cập, cũng như đã gặp gỡ rất nhiều nhà lãnh đạo tôn giáo và chính trị của Ai Cập. ĐTC cũng đã viếng trường đại học Al-Azhar, vốn là trung tâm học thuật của thế giới Hồi Giáo Sunni đã có hơn một ngàn năm nay. Ở đây, ĐTC đã hội kiến Đại Imam Ahmed el-Tayeb Hồi Giáo Sunni, và tham dự một hội nghị hòa bình quốc tế do Al-Azhar tổ chức vào chiều thứ Sáu, dưới sự chủ tọa của vị Đại Imam.

Trong dịp này, ĐTC đã thúc giục các giáo sĩ Hồi Giáo hàng đầu của Ai Cập giảng dạy các sinh viên của họ bác bỏ bạo lực nhân danh Thiên Chúa và rao giảng hòa bình, đối thoại và hòa giải - chứ không xúi giục tranh chấp. Ngài nói rằng các nhà lãnh đạo tôn giáo có nghĩa vụ phải “phơi bày các mưu toan nhằm biện minh cho mọi hình thức hận thù nhân danh tôn giáo, và lên án các âm mưu này như là những biếm họa ngẫu thần về Thiên Chúa”.

Sáng Thứ Bẩy 29 tháng 4, 2017, ĐTC đã cử hành thánh lễ Chúa Nhật, có sự tham dự của Đức Ibrahim Isaac Sidrak, Thượng Phụ Công Giáo Copte Alessandria, tổng thống Abd Al-Fattah Al- Sisi và chính quyền Ai Cập cũng như các đại sứ các nước. Trong bài giảng thánh lễ, ĐTC đã nhấn mạnh đến các khía cạnh của đức tin nơi sự phục sinh. Ngài nói chính Giáo Hội được sinh ra bởi đức tin nơi sự phục sinh… Đức tin chân thật là đức tin khiến chúng ta bác ái hơn, thương xót hơn, trung thực và nhân đạo hơn… Đức tin ấy làm cho chúng ta thấy tha nhân không phải là kẻ thù cần phải vượt qua, nhưng là anh chị em với mình để yêu thương, phục vụ và giúp đỡ. Đức tin ấy thúc đẩy chúng ta truyền bá, bảo vệ và sống một nền văn hoá gặp gỡ, đối thoại, tôn trọng và huynh đệ. Đức tin ấy cho chúng ta lòng dũng cảm để tha thứ cho những người đã làm khốn mình … và dẫn chúng ta đến việc bảo vệ quyền của người khác với cùng một nhiệt tình như khi chúng ta bảo vệ cho chính mình vậy.

Sau Thánh lễ, ĐTC đã đến gặp gỡ hàng giáo sĩ, tu sĩ nam nữ và chủng sinh tại đại chủng viện toà Thượng Phụ Công Giáo Coptic. Sau đó, Ngài đã từ giã mọi người để ra phi trường quốc tế Cairo cách đó 40 cây số để đáp máy bay trở về Roma, kết thúc chuyến viếng thăm lịch sử tại Ai Cập, một quốc gia có lịch sử lâu đời liên hệ trực tiếp với Thiên Chúa Giáo nói chung và đã được nhắc đến rất nhiều trong Thánh Kinh.

- Trên đường trở về từ Cairo, ĐTC kêu gọi một giải pháp giải quyết căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Bắc Hàn.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho các cơ quan truyền thông trên đường trở về từ Cairo, ĐTC Phanxicô nói với các nhà báo rằng một giải pháp ngoại giao cần phải được tìm ra để giải quyết những căng thẳng đang leo thang giữa Bắc Triều Tiên và Hoa Kỳ.

Ngài đã đưa ra lập trường trên khi được hỏi về quyết định của TT Mỹ Donald Trump gửi tàu chiến Hải quân Mỹ đến khu vực này để đáp trả lại các cuộc thử nghiệm tên lửa liên tục của Bắc Triều Tiên và những lời đe dọa theo đó quốc gia cộng sản này sẽ phóng tên lửa hạt nhân tấn công Nam Hàn, Nhật Bản và Hoa Kỳ.

Tình hình ở Triều Tiên, theo ĐTC, đã âm ỉ trong một thời gian dài, “nhưng bây giờ xem ra đã nóng lên rất nhiều.” “Tôi luôn luôn kêu gọi [việc giải quyết các vấn đề] thông qua con đường ngoại giao, đàm phán” bởi vì tương lai của nhân loại phụ thuộc vào đối thoại. ĐTC Phanxicô nhắc lại một quan điểm đã được ngài lặp đi lặp lại nhiều lần rằng chiến tranh thế giới thứ ba đang diễn ra “từng phần”, và có thể được nhìn thấy tỏ tường ở những nơi đang có xung đột cục bộ như tại Trung Đông, Yemen và một phần của Châu Phi. Ngài nói “Chúng ta hãy dừng lại. Hãy tìm một giải pháp ngoại giao,” “Và ở đó, tôi tin rằng Liên Hợp Quốc có nhiệm vụ giành lại vai trò lãnh đạo của mình một chút vì vai trò này đã bị sa sút”.

- ĐTC kêu gọi canh tân Công Giáo Tiến Hành.

ĐTC kêu gọi canh tân Phong trào Công Giáo tiến hành để thực thi công cuộc truyền giáo trong bối cảnh xã hội ngày nay. Ngài đưa ra lời mời gọi trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 27-4-2017, dành cho 300 tham dự viên diễn đàn quốc tế của Phong trào Công Giáo tiến hành.

ĐTC nhắc đến 4 cột trụ truyền thống của Phong trào này là: cầu nguyện, huấn luyện, hy sinh và tông đồ. Tuy theo những bối cảnh lịch sử, các trục này được nhấn mạnh khác nhau. Sứ mạng của Phong trào là huấn luyện giáo dân để họ lãnh nhận trách nhiệm trong thế giới. Ngày nay, sứ mạng đó cụ thể là huấn luyện các môn đệ thừa sai.

ĐTC khẳng định rằng điều sinh tử là canh tận và cập nhập sự dấn thân của Công Giáo tiến hành cho việc loan bao Tin Mừng, đi tới mọi người, mọi nơi và trong mọi cơ hội, trong tất cả các môi trường ngoại ô của cuộc sống. Điều này có nghĩa là cần xét lại các chương trình huấn luyện, các hình thức tông đồ, thậm chí cả việc cầu nguyện của anh chị em, để việc làm này có đặc tính chủ yếu là thừa sai, chứ không phải tùy theo cơ hội. ĐTC kêu gọi hãy từ bỏ tiêu chuẩn cũ kỹ, cho rằng “vì từ trước đến giờ ta vẫn làm như vậy”. Và ĐTC nói thêm “Công Giáo tiến hành phải đảm nhận trọn vẹn sứ mạng của Giáo Hội trong sự quảng đại thuộc về giáo phận địa phương, bắt đầu từ giáo xứ”.

- Giáo Hội xác minh chuyện Đức Mẹ hiện ra như thế nào?

Khi đề cập về các sự kiện Đức Mẹ hiện ra, Giáo Hội Công Giáo luôn có cách tiếp cận khôn ngoan, tập trung nhiều vào thông điệp hơn là vào phép lạ. Các hiện tượng siêu nhiên, chẳng hạn như phép lạ về Mặt trời ở Fatima (Bồ Đào Nha) được nhắc đến cách đây gần 100 năm, không phải là yếu tố chính để công nhận một cuộc hiện ra là xứng đáng với đức tin.

Trong trường hợp đặc biệt đó, Giám mục của Giáo phận Leiria (nơi Fatima thuộc quyền) cho rằng các cuộc hiện ra – chứ không phải là chuyện kỳ lạ về Mặt trời – thì xứng đáng với đức tin. Quyết định của ngài được đưa ra vào năm 1930, nghĩa là hơn một thập kỷ sau khi Đức Mẹ Maria đã hiện ra với Lucia dos Santos và hai người em họ là Jacinta và Francisco Marto. Trên thế giới có hơn 1.500 thị kiến về Đức Mẹ Maria đã được trình báo, nhưng trong thế kỷ vừa qua, chỉ có chưa tới 20 trường hợp được Giáo Hội công nhận là xứng đáng với đức tin.

Hồi năm 1978, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã ban hành “Các tiêu chuẩn của Vatican về cách thức xử lý trong quá trình phân định những cuộc hiện ra hoặc mặc khải giả định”. Theo tiêu chuẩn nói trên, vị giám mục địa phương phải thành lập một ủy ban chuyên môn để giúp ngài xác định rằng thị nhân đó đứng đắn về suy tư, luân lý và tinh thần; đồng thời xem xét các thông điệp và lời khai của đương sự có trái nghịch với thần học và giáo lý hay không. Vị giám mục địa phương có thể đưa ra một trong ba kết luận: Một là ngài xác minh cuộc hiện ra này là đúng và xứng đáng với đức tin; Hai là ngài cho rằng sự việc này là giả tạo, điều này sẽ để ngỏ khả năng kháng nghị; Ba là ngài có thể nói rằng vào thời điểm này ngài không biết và cần được giúp đỡ thêm. Trong trường hợp cuối cùng, cuộc điều tra sẽ được đưa đến Hội đồng Giám mục của quốc gia. Dù vậy, Giáo Hội Công Giáo không đòi hỏi tín hữu phải tin vào những cuộc hiện ra, ngay cả khi nó được Giáo Hội công nhận.

Đức nguyên Giáo Hoàng Bênêđictô XVI nói trong Tông Huấn Lời Chúa (Verbum Domini) năm 2010 rằng: Khi Giáo Hội công nhận một mặc khải cá nhân, về bản chất, đó chỉ là cách mà Giáo Hội nói rằng nó không trái nghịch với đức tin và luân lý, được hợp pháp để công khai sứ điệp, và “các tín hữu tự thẩm định tin tưởng một cách thận trọng”.

- Hội Đồng Giám Mục Venezuela khẳng định: Bất tuân dân sự là cần thiết để lật đổ chế độ độc tài.

“Các cuộc phản kháng dân sự và ôn hòa không phải là một tội ác; đó là một quyền!” Các GM Venezuela đã khẳng định như trên trong một tuyên bố đưa ra hôm 20 tháng Tư vừa qua trong bối cảnh những cuộc biểu tình phản đối chống chính quyền đang lan rộng khắp đất nước.

Các GM nhấn mạnh rằng chính phủ “mất đi tính hợp pháp” khi không tôn trọng các quyền công dân. Các ngài nhận xét rằng: “Có nhiều yếu tố khác cho thấy không có dân chủ tại quốc gia này, chẳng hạn như việc tập trung quyền lực vào tay một thế lực duy nhất. Đây là tình hình hiện tại ở Venezuela. Việc bất tuân dân sự, do đó, là cần thiết để lật đổ một chế độ độc tài.”

Khoảng 6 triệu đã người tham gia các cuộc biểu tình ở Venezuela vào ngày 20 tháng 4, cho thấy sự sụp đổ hoàn toàn niềm tin vào chính phủ. Chính phủ đã đàn áp một vài cuộc biểu tình gây ra những cảnh bạo lực giữa đôi bên, khiến ít nhất ba người đã bị giết.

Tình trạng thiếu thuốc men, cũng như thực phẩm, đã đưa Venezuela đến cuộc khủng hoảng hiện nay.

- 3 Linh mục Hoa kỳ đạp xe để xin cầu nguyện cho ơn gọi.

Làm linh mục, đối với cha Michael Pica, cha Adam Cesarek và cha Tom Otto là điều rất hạnh phúc nên ba linh mục này đang chuẩn bị chia sẻ niềm vui của họ với dân chúng từ Rock Island đến Danville.

Từ ngày 24-28/04, ba linh mục sẽ đạp xe 350 dặm (khoảng 563 km) ngang qua giáo phận Peoria – bề rộng của bang Illinois – để nâng cao ý thức về các ơn gọi và tỏ cho người dân thấy đời sống linh mục là một cuộc sống tuyệt vời. Trên đường đi, các cha dự định sẽ dừng lại ở các trường học và giáo xứ để khuyến khích cầu nguyện cho các ơn gọi và kể về câu chuyện ơn gọi Linh mục của chính các cha.

Cha Otto chia sẻ: “(làm linh mục) chắc chắn là điều tốt nhất trong cuộc sống đối với chúng tôi; đạp xe chỉ là phương tiện để chúng tôi đến các trường học và giáo xứ để chia sẻ điều này với dân chúng.” Cha Pica thì nói rằng: “Chúng tôi không đạp xe để gây chú ý, chúng tôi chỉ muốn người dân khắp giáo phận … cầu nguyện cho ơn gọi trong tuần đạp xe này.” Cha Cesarek thì cho biết một khía cạnh quan trọng của cuộc đạp xe là tỏ cho người trẻ thấy rằng các linh mục, ngoài việc cử hành Thánh lễ và các bí tích và chăm sóc dân của họ, cũng làm những điều thú vị trẻ trung.

Một số linh mục, phó tế và giáo dân, những người thích đạp xe cho biết họ cũng thích tham gia vào một phần của hành trình.

- Tuyên úy đoàn Công Giáo Việt Nam tại Úc châu họp thường niên.

Sau đại lễ Phục Sinh, Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam - Nam Úc hân hoan chào mừng quý Linh Mục Tuyên Úy Việt Nam đang coi sóc mục vụ các Cộng Đồng-Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam từ các tiểu bang về tham dự kỳ họp Tuyên Úy Đoàn Việt Nam - Úc Châu. Tuyên Úy Đoàn mỗi năm họp tại một tiểu bang khác nhau. Năm nay, kỳ họp thường niên Tuyên Úy Đoàn Việt Nam - Úc Châu được tổ chức tại Trung Tâm Đức Mẹ Thuyền Nhân, thành phố Adelaide, từ ngày 24 đến 26 tháng 4 năm 2017.

Thành phần tham dự gồm: Đức Ông Phaolô Nguyễn Minh Tâm, thuộc vùng Adelaide, Linh Mục Phaolô Chu Văn Chi đến từ Sydney, và rất nhiều Linh Mục khác cũng từ Sydney, hay Melbourne, Canberra và Brisbane.

Mặc dù rất bận rộn với chương trình nghị sự dầy đặc, quý Cha cũng đã cố gắng thu xếp để có cuộc tiếp xúc thân tình, cởi mở và một bữa ăn vui vẻ với Ban Tuyên Úy và Ban Mục Vụ Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam - Nam Úc vào chiều ngày Thứ Ba, 25 tháng 4 năm 2017 tại Nhà Nazareth, Trung Tâm Đức Mẹ Thuyền Nhân Pooraka.

Trong dịp này, hai Sơ Phụ Tá Mục Vụ và Ban Mục Vụ cũng đã bày tỏ tinh thần hiệp thông và gắn kết chặt chẽ của Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam - Nam Úc với các hoạt động của Tuyên Úy Đoàn Úc Châu, cũng như qua các sinh hoạt của Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam - Nam Úc, với sự dìu dắt tận tụy và lòng quảng đại, hy sinh của vị chủ chăn là Đức Ông Quản Nhiệm Phaolô Nguyễn Minh Tâm.

- Sơ Theresa Trịnh Vũ Phương, một Salesian Việt Nam, đã giúp hồi cư những ngư dân đánh cá lậu bị bắt tại đảo quốc Papua New Guinea.

Theo thông tin của Đức Giám Mục Rolando Santos, CM, Giám mục Giáo phận Alotau-Sideia tại Papua New Guinea ngày 28 tháng 4 năm 2017 thì sơ Theresa Trịnh Vũ Phương, FMA, đã giúp đỡ những ngư dân Việt Nam bị bắt vì đánh cá trong hải phận của Papua New Guinea được trả tự do và hồi hương. Hơn 130 người trong số những ngư dân Việt Nam này đã bị giam trong các nhà tù Alotau, Giligili và Bomana ở Papua New Guinea vì đã đánh cá bất hợp pháp thuộc vùng biển tỉnh Milne Bay. Sơ Trịnh Vũ Phương quan tâm đến nhu cầu của những ngư dân Việt Nam bị giam giữ, sơ đã trở thành nhân viên thông dịch và hòa giải cho họ trong các phiên tòa. Sơ Phương còn liên lạc với gia đình của họ ở quê nhà, sắp xếp trả tiền phạt và lo các giấy tờ cần thiết và vé máy bay để họ trở về Việt Nam.

Sơ Phương đã thành công trong việc hồi hương 87 ngư dân Việt Nam. Khoảng 18 người nữa sẽ sớm được hồi hương. Tất cả có thể đoàn tụ cùng với gia đình. Sơ Phương đã dấn thân vào công việc này nhờ vào lòng can đảm của sơ với sự hỗ trợ của cộng đoàn Dòng Salesian của sơ.

Sơ Phương là nữ tu Dòng Salesian Việt Nam đang làm việc tại một trường đào tạo kỹ năng cho các thanh thiếu nữ ở đảo Sideia, thuộc giáo phận Alotau. Thống đốc tỉnh Milne Bay đã bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến sơ Phương trước sự dấn thân của sơ cho các tù nhân ngư dân Việt Nam. Giáo phận Alotau cũng rất tự hào về sơ. Công cuộc tông đồ từ thiện của sơ thực cao quý và đang quí trọng.

- Hội Đồng Liên Tôn Việt Nam họp báo về tình hình tôn giáo tại Việt Nam và vụ Formosa.

Tin tức về những vụ tranh đấu đòi công lý và đòi giải quyết những khúc mắc về tình trạng nhà nước Việt Nam chiếm đất của dân chúng và không bồi thường thỏa đáng đã dẫn đến những vụ xung đột rất lớn mà ngay cả báo chí Tây phương cũng tường thuật trong những ngày qua như vụ làng Đồng Tâm quận Mỹ Đức... hay làng đánh cá Đông Yên đứng lên tranh đấu đòi công lý và phản đối vụ gây ô nhiễm môi trường do nhà máy Formosa ảnh hưởng đến 4 tỉnh miền Trung mà cả hơn 1 năm nay vẫn còn đang quyết liệt... những vụ cưỡng chế đất đai thuộc các Dòng Tu như Thiên Ân ở Huế hay tu viện và nhà thờ Thủ Thiêm ở Sài Gòn còn đang là những ngòi nổ lớn về khía cạnh tranh đấu cho tự do tôn giáo tại Việt Nam.

Trong bối cảnh đó Hội Đồng Liên Tôn Việt Nam tại Hoa kỳ đã mời Đức Cha Hoàng Đức Oanh nhân dịp Ngài sang Cali để chủ sự thánh lễ suy tôn Lòng Chúa Thương Xót ở Long Beach đến chia sẻ về tình hình tôn giáo ở Việt Nam và Formosa, và sau đó tham dự một cuộc họp báo diễn ra tại Trung Tâm Công Giáo GP Orange vào ngày 26/4/2017.

Buổi họp báo đã được khai mạc đúng 1:00 giờ trưa với trên 60 người hiện diện. Các vị trong HDLT đã đến tham dự gồm có: LM Trần Văn Kiểm, LM Trần Công Nghị, LM Mai Khải Hoàn, Giáo Sư Nguyễn Thanh Giàu (Hòa Hảo), Chánh Trị Sự Hà Vũ Băng (Cao Đài) và đặc biệt là có thêm sự hiện diện của Mục Sư Đặng Ngọc Báu (Tin Lành). Các cơ quan báo chí, truyền thanh và truyền hình, trong đó có cả VietCatholic TV, cũng đã đến tham dự rất đông đảo. Bên cạnh đó còn có sự hiện diện của Phó Thị Trưởng Garden Grove kiêm Chủ Tịch Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Phát Bùi, đại diện của Dân Biểu Liên Bang Alan Lowenthal, Liên Hội Cựu Chiến Sĩ VNCH, Tập Thể Chiến Sĩ VNCH Miền Tây Nam, Đảng Việt Tân, Việt Nam Quốc Dân Đảng, Quỹ Nhân Quyền và v.v…

Trong phần mở đầu, Chánh Trị Sự Hà Vũ Băng, Chánh trị Sự Hà Quang Cảnh và Giáo Sư Nguyễn Thanh Giàu, Tổng Thư Ký Hội Đồng Liên Tôn đã trình bày thực trạng hai Giáo Hội Cao Đài và Hòa Hảo và việc nhà cầm quyền cộng sản bắt bớ xách nhiễu đồng đạo thuộc hai tôn giáo này. Sau đó, GM Hoàng Đức Oanh đã thuyết trình về hiện tình tôn giáo tại Việt Nam và những khổ đau của đồng bào vì tệ nạn Formosa. Trong phần thuyết trình dài trên 45 phút về thực trạng tôn giáo tại Việt Nam, GM Hoàng Đức Oanh đã mạnh dạn tuyên bố là “Việt Nam ngày nay không chỉ bị ô nhiễm môi trường, ô nhiễm đủ mọi thứ và luôn lương tâm con người cũng bị ô nhiễm”. Ngài nói, “Thảm hoạ Formosa là thật nghiêm trọng, là đại họa không chỉ cho đồng bào 4 tỉnh miền Trung mà còn cho cả đất nước Việt Nam, đại họa này không chỉ bây giờ mà còn lâu dài nữa, không chỉ có đại họa Formosa chỉ là một trong những đại họa của Việt Nam mà còn nhiều đại hoạ khác trên lãnh thổ Việt Nam”.

Nhiều câu hỏi từ các cơ quan truyền thông đã được nêu ra và tất cả đều được GM Oanh giải đáp rất tường tận và thẳng thắn. Buổi họp báo đã được kết thúc vào lúc 3:00 trưa cùng ngày.

- Thánh Ca: Ca Vang Tình Yêu Chúa.

Chúng tôi hân hạnh giới thiệu đến quý vị và anh chị em một bản thánh ca của nhạc sĩ Đinh Minh Hoàng, với phần hòa âm của nhạc sĩ Từ Duy và hình ảnh minh họa của anh Khắc Thái. Bản thánh ca này sẽ được trình bày bởi ca sĩ Cẩm Yến. Kính mời quý vị và anh chị em cùng thưởng thức.
 
Suy Niệm với Đức Thánh Cha Phanxicô 25/04 - 01/05/2017: Câu Chuyện Trên Đường Emmaus
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
22:53 01/05/2017
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Loan báo Tin Mừng trong khiêm nhường chứ không bằng quyền lực.

Việc loan báo Tin Mừng được thực hiện trong khiêm nhường, và cần vượt qua cám dỗ của niềm tự hào kiêu hãnh. Ðức Thánh Cha chia sẻ như thế trong thánh lễ sáng thứ Ba 25 tháng Tư năm 2017 tại nhà nguyện Marta.

Ra đi loan báo không ngừng nghỉ

Cần ra đi, để loan báo Tin Mừng. Biết đi ra, đây là phong cách sống của người rao giảng. Người rao giảng Tin Mừng không kiếm tìm sự an toàn, không kiếm tìm những gì là bảo hiểm là bảo đảm. Không. Nếu một nhà giảng thuyết mà kiếm tìm những bảo đảm này nọ, người ấy không phải là nhà rao giảng đích thật của Tin Mừng. Bởi lẽ những nhà giảng thuyết không chân thực ấy, sẽ không đi ra, sẽ tìm điểm dừng, sẽ tìm bến đậu an toàn.

Trước tiên là hãy đi, hãy đi ra. Tin Mừng mà Chúa Giêsu Kitô công bố, luôn cần chúng ta đứng dậy và đi ra, luôn là tiến bước trên đường. Tiến bước trên cả con đường vật lý lẫn con đường tâm linh, và chắc chắn với nhiều khó khăn vất vả khổ đau. Có nhiều người đau yếu, nhiều người khổ đau đang loan báo Tin Mừng cho Giáo Hội, cho các Kitô hữu, và cho bản thân chúng ta. Chúng ta hãy thử nghĩ về điều ấy.

Khiêm nhường loan báo Tin Mừng

Tin Mừng đích thật là Tin Mừng về Chúa Kitô chịu đóng đinh và đã phục sinh. Tại sao sự khiêm tốn lại cần thiết? Bởi vì chúng ta mang trong mình và ra đi loan báo sự khiêm nhường và thứ vinh quang rất khiêm nhường. Việc loan báo Tin Mừng gặp phải nhiều cám dỗ. Ðó là cám dỗ của quyền lực, cám dỗ của sự tự hào kiêu hãnh, cám dỗ của thế gian. Nhiều thói thế gian lẻn vào và dụ dỗ chúng ta trong việc rao giảng. Khi chiều theo những cám dỗ ấy, lời rao giảng mất đi sức mạnh của Tin Mừng.

Thế nên, Thánh Phêrô đã nói: “Hãy coi chừng, hãy cảnh giác, hãy cẩn thận vì kẻ thù của anh em là ma quỷ như sư tử gào thét rảo quanh tìm mồi cắn xé. Anh em hãy đứng vững trong đức tin mà chống cự, vì biết rằng toàn thể anh em trên trần gian đều trải qua cùng những nỗi thống khổ như thế”. Thế đó, việc loan báo Tin Mừng, nếu là việc loan báo đích thực, thì luôn phải đối diện với nhiều cám dỗ.

Có Chúa cùng đồng hành

Chúa sẽ ủi an chúng ta và ban sức mạnh, để chúng ta có thể tiếp tục tiến bước. Chúa luôn đồng hành cùng chúng ta, nếu chúng ta trung thành với sứ điệp Tin Mừng, nếu chúng ta biết ra khỏi chính mình để với lòng khiêm nhường chân thật ra đi rao giảng Chúa Kitô chịu đóng đinh. Cho dù đối với người đời, Chúa Kitô chịu đóng đinh, là cớ vấp phạm, là điều ngu ngốc, và là sự thất bại.

Nguyện xin Chúa ban ân sủng, để chúng ta khiêm tốn lên đường loan báo Tin Mừng, với lòng tự tin đặt nơi chính Chúa. Ðó là Tin Mừng chân thật, rằng Ngôi Lời đã trở nên người phàm, rằng Ngôi Lời Thiên Chúa đã làm người. Dù cho có người coi đó là sự điên rồ, là điều không chấp nhận được, thì chúng ta vẫn biết rằng Chúa ở gần chúng ta, ở trong chúng ta, ở bên chúng ta, đồng hành với chúng ta, cùng hoạt động với chúng ta và chuẩn nhận các việc chúng ta làm.

2. Câu Chuyện Trên Đường Emmaus

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Mỗi dịp Phục sinh, chúng ta lại được nghe lại câu chuyện “Trên đường Emmaus”. Câu chuyện còn được ghi khắc sâu xa trong tâm trí chúng ta hơn với nhạc phẩm bất hủ của linh mục Thành Tâm: “Trên đường Emmaus hai người lữ khách bước đi bên nhau. Mộng vàng tan mây, nhọc nhằn lê gót chân buồn đường dài. Này ngài tiến đến, về Emmaus tiến bước theo ngay bên. Họ không trông ra, người lữ khách đó chính là Ngài.”

Trong dịp viếng thăm Ai Cập vừa qua, Đức Thánh Cha đã phân tích trình thuật Tin Mừng này rất xúc tích. Do đó, trong chương trình này, Như Ý xin trình bày những dòng suy niệm của ngài.

Mở đầu, Đức Thánh Cha chào cộng đoàn như sau:

As-salamu alaykum! Bình an ở cùng anh chị em!

Bài Phúc Âm của Chúa Nhật Thứ Ba Phục Sinh hôm nay nói với chúng ta về cuộc hành trình đến Emmaus của hai môn đệ đã rời khỏi Giêrusalem. Bài Tin Mừng này có thể được tóm lược trong ba chữ: cái chết, sự phục sinh và sự sống.

Rồi Đức Thánh Cha phân tích từng điểm một như sau:

Cái chết.

Hai môn đệ đang trở lại với cuộc sống thường nhật với đầy những chán chường và thất vọng. Thầy đã chết và thế là chẳng còn gì để hy vọng. Họ cảm thấy chán chường và thất vọng. Cuộc hành trình của họ là một cuộc hành trình quay lại, khi họ để lại sau lưng những kinh nghiệm đau đớn về việc Chúa bị đóng đinh. Khủng hoảng của thập giá, thực sự là một “vụ tai tiếng” và một điều “điền rồ” (xem 1Cor 1:18, 2: 2) dường như đã vùi chôn mọi hy vọng của họ. Đấng mà họ đã dựa vào để xây dựng cuộc sống mình giờ đã chết; với thất bại của mình, Ngài đã mang xuống tuyền đài tất cả các ước mơ của họ.

Họ không thể tin rằng vị Thầy và Đấng Cứu Rỗi của họ, Đấng đã cho kẻ chết sống lại và chữa lành những người đau ốm, lại có thể bị treo trên thập giá một cách nhục nhã như thế. Họ không thể hiểu tại sao Thiên Chúa Toàn Năng đã không cứu Người khỏi cái chết đáng hổ thẹn đó. Thập giá Chúa Kitô là thập giá cho những ý tưởng của họ về Thiên Chúa; cái chết của Chúa Kitô là cái chết của những ý tưởng họ nghĩ về Thiên Chúa. Trên thực tế, chính họ đã chết, và được mai táng trong nấm mồ những hiểu biết hạn hẹp của mình.

Quá thường khi chúng ta làm tê liệt chính mình bằng cách từ chối vượt qua những ý tưởng của chúng ta về Thiên Chúa, trong đó chúng ta xem Ngài như một vị thần được tạo ra theo hình ảnh con người và giống như con người? Chúng ta tuyệt vọng đến mức nào khi từ chối tin rằng quyền năng vô biên của Thiên Chúa không phải là sức mạnh và uy quyền, nhưng là quyền năng của tình yêu, sự tha thứ và sự sống!

Các môn đệ đã nhận ra Chúa Giêsu khi Ngài “bẻ bánh”, nghĩa là trong Bí Tích Thánh Thể. Trừ khi chúng ta xé toạc bức màn che khuất tầm nhìn của chúng ta và phá vỡ sự cứng rắn trong trái tim chúng ta và những định kiến của mình, chúng ta sẽ không bao giờ có thể nhận ra thiên nhan Chúa.

Sự Phục Sinh.

Trong mịt mù của đêm tăm tối nhất của họ, vào thời điểm tuyệt vọng nhất của họ, Chúa Giêsu tiếp cận hai môn đệ và bước đi bên cạnh họ, để làm cho họ thấy rằng Ngài là “Đường, là Chân lý và là Sự sống” (Ga 14: 6 ). Chúa Giêsu biến sự thất vọng của họ thành sự sống, vì khi niềm hy vọng phàm trần biến mất, niềm hy vọng thánh thiêng bắt đầu tỏa sáng. “Những gì không thể được đối với loài người, thì đều có thể được đối với Thiên Chúa.” (Lc 18:27, xem 1:37). Khi chúng ta rơi đến tận vực sâu của sự thất bại và bất lực, khi chúng ta thoát ra khỏi cái ảo tưởng rằng chúng ta là giỏi nhất, có thể tự túc tự cường, và là trung tâm của thế giới chúng ta, thì lúc đó Thiên Chúa vươn đến chúng ta để biến đêm của chúng ta thành rạng đông, biến cái chết của chúng ta thành sự phục sinh. Ngài quay bước chúng ta trở lại Giêrusalem, trở lại với sự sống và với chiến thắng của Thập giá (xem Dt 11:34).

Sau khi gặp Chúa Phục Sinh, hai môn đệ trở lại lòng tràn đầy niềm vui, tự tin và nhiệt tình, sẵn sàng làm chứng. Đấng Phục Sinh đã làm cho họ trỗi dậy từ ngôi mộ của sự bất tín và nỗi buồn của họ. Khi gặp gỡ Chúa, Đấng đã chịu đóng đinh và sống lại, họ khám phá ra ý nghĩa và sự viên mãn của toàn bộ Kinh Thánh, Lề Luật và các Tiên Tri. Họ khám phá ra ý nghĩa của điều xem ra là một sự thất bại nhãn tiền của thập giá.

Những ai không vượt qua được kinh nghiệm của thập giá để đến với chân lý phục sinh thì tự mình lên án mình trong tuyệt vọng! Chúng ta không thể gặp gỡ Thiên Chúa nếu trước hết chúng ta không đóng đinh những khái niệm hẹp hòi của chúng ta về một vị thần chỉ phản ảnh những hiểu biết của chính chúng ta về sức mạnh và quyền lực.

Sự sống.

Cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu Phục Sinh đã làm thay đổi cuộc sống của hai môn đệ này vì cuộc gặp gỡ với Đấng Phục Sinh biến đổi mọi sự sống và làm cho những gì là sa mạc khô cằn trở nên xum xuê hoa trái (xem Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16, Buổi Tiếp Kiến Chung, ngày 11 tháng 4 năm 2007). Đức tin nơi sự phục sinh không phải là sản phẩm của Giáo Hội, nhưng chính Giáo Hội được sinh ra bởi đức tin nơi sự phục sinh. Như Thánh Phaolô nói: “Nếu Đức Kitô đã không sống lại, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng.” (1Cor 15:14).

Chúa Phục Sinh đã biến mất trước mắt các môn đệ để dạy chúng ta rằng chúng ta không thể giữ được Chúa Giêsu như Người đã xuất hiện trong lịch sử: “Phúc cho những ai không thấy mà tin” (Ga 21:29, xem 20: 17). Giáo Hội cần biết và tin rằng Chúa Giêsu sống trong Giáo Hội và trao ban sự sống của Ngài trong Bí Tích Thánh Thể, trong Kinh Thánh và trong các bí tích. Các môn đệ trên đường Emmaus nhận ra điều này, và trở lại Giêrusalem để chia sẻ kinh nghiệm của họ với những người khác: “Chúng tôi đã thấy Đấng Phục Sinh... Đúng vậy, Ngài thật sự đã sống lại!” (Lc 24:32).

Kinh nghiệm của các môn đệ trên đường Emmaus dạy chúng ta rằng thật là vô dụng khi lấp đầy những nơi thờ phượng của chúng ta nếu trái tim chúng ta trống rỗng vì sợ Thiên Chúa và sự hiện diện của Ngài. Thật là vô dụng khi cầu nguyện nếu lời cầu nguyện của chúng ta với Thiên Chúa không trở thành tình yêu đối với anh chị em mình. Tất cả các việc đạo đức của chúng ta đều là vô nghĩa trừ phi nó được linh hứng từ đức tin sâu xa và lòng bác ái. Thật là vô dụng khi chăm chuốt diện mạo của chúng ta, vì Thiên Chúa chỉ nhìn vào linh hồn và trái tim (xem 1 Sa-mu-ên 16: 7) và ghét sự giả hình (xem Lc 11: 37-54, Công-vụ 5: 3, 4 ) [1]. Đối với Thiên Chúa, thà đừng tin còn hơn là làm một tín hữu giả, một kẻ giả hình!

Đức tin chân thật là đức tin khiến chúng ta bác ái hơn, thương xót hơn, trung thực và nhân đạo hơn. Đức tin ấy làm rung động con tim của chúng ta để yêu thương mọi người mà không so đo tính toán hơn thiệt, không phân biệt và không chuộng người này bỏ người kia. Đức tin ấy làm cho chúng ta thấy tha nhân không phải là kẻ thù cần phải vượt qua, nhưng là anh chị em với mình để yêu thương, phục vụ và giúp đỡ. Đức tin ấy thúc đẩy chúng ta truyền bá, bảo vệ và sống một nền văn hoá gặp gỡ, đối thoại, tôn trọng và huynh đệ. Đức tin ấy cho chúng ta lòng dũng cảm để tha thứ cho những người đã làm khốn mình, để giang tay cho kẻ sa ngã, cho kẻ rách rưới ăn mặc, cho kẻ đói ăn, viếng kẻ tù rạc, giúp trẻ mồ côi, cho kẻ khát uống, giúp đỡ những người cao niên và những ai gặp khó khăn (xem Mt 25). Đức tin chân thật dẫn chúng ta đến việc bảo vệ quyền của người khác với cùng một nhiệt tình như khi chúng ta bảo vệ cho chính mình vậy. Thật thế, chúng ta càng tăng trưởng trong đức tin và tri thức, chúng ta càng lớn lên trong sự khiêm tốn và trong nhận thức về sự mọn hèn của chúng ta.

Anh chị em thân mến,

Thiên Chúa chỉ vui trước một đức tin được loan báo bằng chính đời sống chúng ta, vì sự cuồng tín duy nhất các tín hữu có thể có là lòng bác ái! Bất kỳ thứ cuồng tín nào khác đều không đến từ Thiên Chúa và không làm hài lòng Người!

Vậy giờ đây, giống như các môn đệ trên đường Emmaus, lòng tràn ngập niềm vui, can đảm và đức tin, chúng ta hãy trở lại Giêrusalem của mình, nghĩa là trở lại với cuộc sống hàng ngày của anh chị em, gia đình, công việc và đất nước yêu dấu của anh chị em. Đừng sợ mở lòng mình ra với ánh sáng của Chúa Phục Sinh, và để cho Người biến đổi sự bất định của anh chị em thành một sức mạnh tích cực cho chính mình và cho người khác. Đừng ngại yêu mọi người, bạn bè và kẻ thù bởi vì sức mạnh và kho báu của người tín hữu chính là trong một cuộc sống yêu thương!

Nguyện xin Đức Mẹ và Thánh Gia, đã ngự đến vùng đất đáng kính này của anh chị em, soi sáng tâm hồn chúng ta và ban phước cho anh chị em và đất nước yêu quý Ai Cập này, là đất nước mà trong buổi bình minh của Kitô giáo đã chào mừng việc rao giảng của Thánh Máccô, và trong lịch sử của nó đã đưa ra rất nhiều các vị tử đạo và vô số những người nam nữ thánh thiện.

Al Masih qam! Bi-l-haqiqa qam!

Chúa Kitô đã sống lại! Ngài thật sự đã sống lại!

3. Sống chứng nhân vâng theo ý Chúa

Chỉ có thể là Kitô hữu, khi biết sống vâng phục Thiên Chúa như Chúa Giêsu đã sống. Khi sống vâng phục, với tình yêu mến, người Kitô hữu sẵn lòng đón nhận tất cả những bách hại. Do đó thập giá không bao giờ vắng bóng trong đời sống người Kitô hữu. Đức Thánh Cha đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Năm 27 tháng Tư tại nhà nguyện Santa Marta

Làm theo ý muốn của Thiên Chúa

Kitô hữu là chứng nhân của con đường vâng phục. Nếu chúng ta không tiến bước trên con đường vâng phục, thì chúng ta không phải là người Kitô hữu. Chúng ta cần tiến bước trên con đường này, con đường của sự vâng phục, giống như Chúa Giêsu đã vâng lời Chúa Cha. Chúng ta không làm chứng cho một ý tưởng, hay một triết thuyết, hay một tổ chức, hay một ngân hàng, hay một quyền lực. Không. Chúng ta làm chứng cho con đường vâng phục, con đường vâng phục Thiên Chúa, như Chúa Giêsu đã vâng phục Chúa Cha.

Thần Khí giúp chúng ta trở thành chứng nhân

Chỉ có Thần Khí mới có thể làm cho chúng ta trở thành chứng nhân của con đường vâng phục như Chúa Giêsu đã sống. Người ta có thể nói: tôi đang đi theo con đường của những bậc thầy tâm linh, hoặc tôi đọc cuốn sách này cuốn sách kia… Tất cả những điều ấy thì tốt, nhưng chỉ có Thần Khí mới có thể thay đổi tâm hồn chúng ta. Và chỉ có Thần Khí mới có thể làm cho chúng ta trở thành chứng nhân của con đường vâng phục. Đây là công việc là tác động của Chúa Thánh Thần, và chúng ta cần cầu xin điều ấy. Đây là ơn sủng mà chúng ta cần nguyện xin. Chúng ta có thể thân thưa với Thiên Chúa: “Lạy Thiên Chúa là Cha, lạy Chúa Giêsu, xin sai Thánh Thần đến với chúng con, để Ngài biến đổi chúng con trở thành chứng nhân của đời vâng phục, nhờ đó con có thể thực sự là một Kitô hữu”.

Sống vâng phục là sẵn lòng đón nhận tất cả

Khi sống vâng phục thánh ý Thiên Chúa, chúng ta sẵn lòng nhận lấy những cuộc bách hại. Khi kết thúc bài giảng trên núi, Chúa Giêsu đã nói: Phúc cho anh em, khi vì Thầy mà bị người ta bắt bớ và sỉ nhục. Thế đó, thập giá không bao giờ vắng bóng trong đời sống người tín hữu Kitô. Cuộc sống người Kitô không phải là những địa vị xã hội này nọ, cũng không chỉ là một lối sống tốt về tâm linh, cũng không chỉ là điều giúp cho người ta tốt hơn. Như thế là chưa đủ. Đời sống người Kitô là một đời sống chứng nhân trong con đường vâng phục Thiên Chúa, và đời sống ấy cũng sẵn lòng chấp nhận biết bao hiểu lầm, biết bao sỉ nhục và bắt bớ.