Ngày 12-04-2020
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thánh lễ Vọng Phục Sinh 11/4/2020 cho những người không thể đến nhà thờ
VietCatholic Network
00:00 12/04/2020
Bài Ðọc Thánh Thư: Rm 6, 3-11

"Chúa Kitô, một khi tự trong cõi chết sống lại, Người không chết nữa".

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.

Anh em thân mến, tất cả chúng ta đã chịu phép rửa trong Ðức Giêsu Kitô, tức là đã chịu phép rửa trong sự chết của Người. Và chúng ta đã cùng chịu mai táng với Người, bởi được thanh tẩy trong sự chết của người, để như Ðức Kitô nhờ vinh hiển của Chúa Cha mà sống lại từ cõi chết thế nào, thì cả chúng ta cũng phải sống đời sống mới như thế.

Vì nếu chúng ta được liên kết với Người trong cùng một cái chết, giống như cái chết của Người, thì chúng ta cũng được hợp nhất với Người, trong sự sống lại giống như vậy. Nên biết điều này: con người cũ của chúng ta đã cùng chịu đóng đinh khổ giá, để xác thịt tội lỗi bị huỷ đi, hầu cho chúng ta không còn làm nô lệ tội lỗi nữa, vì con người đã chết, tức là được giải thoát khỏi tội lỗi.

Mà nếu chúng ta đã chết với Ðức Kitô, chúng ta tin rằng chúng ta cũng sẽ cùng sống với Người, vì biết rằng Ðức Kitô, một khi từ cõi chết sống lại, Người không chết nữa, sự chết không còn làm chủ được Người nữa. Người đã chết, tức là chết một lần dứt khoát đối với tội lỗi, mà khi Người sống, là sống cho Thiên Chúa. Cả anh em cũng thế, anh em hãy tự kể như mình đã chết đối với tội lỗi, nhưng sống cho Thiên Chúa, trong Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 117, 1-2. 16ab-17. 22-23

Ðáp: Alleluia, alleluia, alleluia.

Xướng: Hãy cảm tạ Chúa, vì Chúa hảo tâm, vì đức từ bi của Người muôn thuở. Hỡi nhà Israel, hãy xướng lên: "Ðức từ bi của Người muôn thuở".

Xướng: Tay hữu Chúa đã hành động mãnh liệt, tay hữu Chúa đã cất nhắc tôi lên. Tôi không chết, nhưng tôi sẽ sống, và tôi sẽ loan truyền công cuộc của Chúa.

Xướng: Phiến đá mà những người thợ xây loại bỏ, đã biến nên tảng đá góc tường. Việc đó đã do Chúa làm ra, việc đó kỳ diệu trước mắt chúng ta.

Sau bài Thánh Thư, mọi người đứng lên. Linh mục, nếu cần thì phó tế hoặc ca viên giúp, long trọng xướng Ha-lê-lu-ia và mọi người lặp lại. Hát ba lần, mỗi lần lên giọng cao hơn. Giáo dân đáp theo giọng được xướng. Rồi ca viên hát thánh vịnh đáp ca và dân chúng hát Ha-lê-lu-ia đáp lại.

Khi đọc Tin Mừng, không mang đèn nến, nhưng nếu có xông hương thì mang bình hương mà thôi.

Phúc âm năm A: Mt 28, 1-10

"Ngài đã sống lại và sẽ đến xứ Galilêa".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Qua chiều ngày Sabbat, khi ngày thứ nhất trong tuần vừa tảng sáng, Maria Mađalêna và bà Maria khác đến thăm mồ. Bỗng chốc đất chuyển mạnh vì Thiên Thần Chúa từ trời xuống và đến lăn tảng đá ra, rồi ngồi lên trên đó. Mặt Người sáng như chớp và áo Người trắng như tuyết. Vì thế những lính canh khiếp đảm run sợ và hầu như chết. Nhưng Thiên Thần lên tiếng và bảo các người nữ rằng: "Các bà đừng sợ. Ta biết các bà tìm Chúa Giêsu, Người đã chịu đóng đinh. Người không có ở đây vì Người đã sống lại như lời Người đã nói. Các bà hãy đến mà coi nơi đã đặt Người và đi ngay bảo các môn đệ Người rằng: Người đã sống lại, và kìa Người đến xứ Galilêa trước các ông: Ở đó các ông sẽ gặp Người. Ðây Ta đã báo trước cho các bà hay".

Hai bà vội ra khỏi mồ, vừa sợ lại vừa hớn hở vui mừng, chạy báo tin cho các môn đệ Người. Và này Chúa Giêsu đón gặp các bà, Người nói: "Chào các bà". Các bà liền lại gần ôm chân Người và phục lạy. Bấy giờ Chúa Giêsu bảo: "Các bà đừng sợ. Hãy đi báo tin cho các anh em Ta phải trở về Galilêa, rồi ở đó, họ sẽ gặp Ta".

Ðó là lời Chúa.
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
07:53 12/04/2020

13. Trong lòng chúng ta nếu không ôm một sự vui vẻ chân thật, thì không thể làm việc thiện.

(Thánh Bernard)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong"Cách ngôn thần học tu đức")


-------------

http://www.vietcatholic.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:11 12/04/2020
92. GIÓ DẸP (LÉP) TRÂU MÚA

Đới Đại Tân mới tám tuổi mà đã đi học, đến mười ba tuổi thì đỗ cử nhân.

Một lần nọ, có một quan viên đến nhà tham kiến ba của nó, thấy Đới Đại Tân đang chơi đùa bên cạnh trong sân nhà và cho rằng nó chẳng qua chỉ là một học sinh tiểu học, bèn nói ra một câu đối:“Trăng tròn月圓”.

Đới Đại Tân lập tức trả lời:

- “Gió dẹp 風扁”(1).

Quan viên hỏi: -“Gió tại sao bị dẹp hử?”

Đới Đại Tân nói:

- “Ngay cả khe hở cửa nó cũng có thể đi vào được, không dẹp thì sao có thể chứ?”

Người ấy lại ra câu đối khác:

- “Phụng hót 鳳鳴”.

Đới Đại Tân tựa hồ như không suy nghĩ liền trả lời:

- “Trâu múa 牛舞”.

Quan viên hỏi:

- “Trâu làm sao có thể nhảy múa hử?”

Đại Tân nói:

- “Bách thú cùng múa, trâu không phải là một trong trăm con thú cùng nhảy múa sao?”

Quan viên nọ càng thêm tán thưởng, và lại tìm hiểu kỹ thì mới biết đó là tiểu cử nhân Đới Đại Tân.

(Cổ kim tiếu sử)

Suy tư 92:

Thời xưa cũng như thời nay cha mẹ nào cũng muốn con mình trở thành...thần đồng, cho nên không tiếc công tiếc của chạy chọt cho con mình vào học các trường chuẩn của thành phố...

Thời xưa cũng như thời nay đều có những trường học muốn đào tạo...thần đồng cho đất nước, nên đầu tư cái mặt tiền bên ngoài rất bắt mắt, quảng cáo rất thu hút làm cho các bậc phụ huynh nô nức đưa con đến học, nhưng học đã lâu mà không thấy con mình trở thành thần đồng giỏi giang như con nhà nghèo bên bàng xóm học trường phổ thông bình thường...

Nếu cha mẹ nào cũng lo đời sống đạo đức của con mình như lo cho chúng nó thành thần đồng, thì xã hội tương lai đầy ắp tiếng cười hạnh phúc; nếu cha mẹ nào cũng biết đầu tư cho con mình trở thành người kính mến Thiên Chúa và yêu thương tha nhân, thì Giáo Hội sẽ có rất nhiều tâm hồn nhiệt thành phục vụ tha nhân trong yêu thương.

Đức Chúa Giê-su đã trở thành...thần đồng thánh kinh khi mới mười hai tuổi lúc Ngài ngồi giữa các bậc thầy, vừa nghe họ, vừa đặt câu hỏi, làm cho mọi người nghe đều kinh ngạc về trí thông minh của Ngài (Lc 2, 46-47).

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Phục Sinh Đức Tin
Lm JB Nguyễn Minh Hùng
14:39 12/04/2020

Một lần nữa chúng ta bước vào mùa Phục sinh. Hội Thánh mời gọi con cái mình đừng chỉ nói "phục sinh" mà hãy sống mầu nhiệm ấy bằng những gì thiết thực nhất.

Có nhiều cách để sống ơn Phục sinh của Chúa, để nhập cuộc vào hành trình Phục sinh với Chúa, để được sống lại từ trong cõi tâm của mình từ hôm nay.

Một trong những cách chúng ta có thể đề nghị nhau là: Hãy quyết tâm, từ hôm nay thoát ly những nhu cầu giả tạo (đó là ngẫu tượng thời đại) để được thanh thoát, nhẹ nhàn trong một tinh thần nghèo khó, nhằm phục sinh chính đức tin của mình vào Đấng đã Phục sinh.

1. Từ ngẫu tượng thời đại.

Một trong những nguy cơ giết chết đức tin của tín hữu chính là lòng ham mê ngẫu tượng thời đại. Một số không nhỏ những tín hữu Kitô đã và vẫn rơi vào vực thẳm hiểm nguy ấy.

Họ trang bị mọi thứ vật chất, mọi tiện nghi, mọi phương thế thụ hưởng. Họ xem đó là những thứ cần thiết như đích điểm của đời người, đến nỗi cuốn mình chạy theo nó, quay quắt với nó như cơn bão xoáy không chừa một chỗ nào cho sự sống tinh thần có thể ngoi ngóp.

Đúng hơn, đấy chính là trận bão của những nhu cầu giả tạo, nhu cầu trước mắt, cuốn phăng lòng người theo nó. Bởi vậy mà không ít người đau khổ khi mình thua anh kém chị dù chỉ một chiếc áo, một đôi dép.

Họ tôn thờ vật chất đến độ như chỉ có nó mới là vẻ đẹp của đời mình. Chính vì thế, ngày càng có nhiều người tôn thờ chủ nghĩa thời thượng, chủ nghĩa “mode”.
Sự tôn thờ này đã biến họ thành nô lệ vật chất. Họ phải hết đổi di động, đổi xe, đổi đồng hồ, đến những thứ trang sức khác…, sao cho họ phải mới liên tục, “mode” liên tục.

Họ tôn thờ vật chất, ngẫu tượng của thời đại, một cách đam mê và cuồng tín.


Điều mỉa mai đau đớn là, dù con người trầm mình với vật chất, ngụp lặn trong thế giới vật chất như thể nên một với nó, thì vượt trên sự tìm tòi về vật chất ấy, lại có một thực tế khác, dù âm thầm, vẫn không kém mạnh mẽ lên án thái độ nô lệ ngẫu tượng thời đại của con người.

Đó chính là tiếng lương tâm, là đời sống tinh thần, là thế giới thiêng liêng của tâm hồn.

Nếu cố tình vượt qua giới hạn của tiếng nói nội tâm ấy, con người trở nên chao đảo, bấp bênh, thiếu bình an, đói khát chân lý. Tình trạng này làm con người sống hết sức ngột ngạt.

2 . Đến chủ nghĩa cá nhân.

Bởi con người đâu chỉ là vật chất, nhưng trước hết là tinh thần. Đời sống tinh thần mới là sức mạnh làm nên giá trị đời người. Vì thiếu niềm tin, vì lạc mất tinh thần, sự tôn thờ ngẫu tượng của thời đại sẽ đẩy chủ nghĩa cá nhân lên ngôi. Bởi càng tiện nghi bao nhiêu, con người càng dễ sống một mình bấy nhiêu.

Nhưng các tiện nghi vật chất không bao giờ là đối tượng chia sẻ sự sống, suy nghĩ, tình cảm…, điều mà từ xa xưa, Ađam đã cảm nghiệm, vì ông không thể “tìm được một trợ tá tương xứng” (St 2, 20). Không thể chấp nhận một xã hội chỉ là cá nhân, Ađam thao thức tìm kiếm sự chia sớt tương xứng, và Chúa đã ban cho ông như lòng ông mong đợi.

Nhưng oái oăm và nghịch lý quá đỗi! Trong khi tổ tông của mình cố thoát ra khỏi chủ nghĩa cá nhân, thì loài người hôm nay, dẫu quá kinh nghiệm về sự tai hại của chủ nghĩa này, lại cứ tìm về, cứ cố tình đuổi theo nó bằng mọi thứ tiện nghi, mọi thứ trang bị cho chính cá nhân, biến cá nhân thành trọng tâm cho sự quan tâm của chính mình.

Vô phúc cho ai sống gần những cá nhân chỉ tôn thờ chính mình như thế!

3. Cuối cùng là cô độc.

Rồi từ chỗ chỉ biết sống cho riêng cá nhân, sự tôn thờ ngẫu tượng của thời đại, càng biến con người thành động vật sống ích kỷ không thể tả. Nhưng như một hệ luận tất yếu: càng sống ích kỷ, con người càng cô độc.

Nếu tiếng nói của nội tâm bị coi thường, cuộc sống của con người vốn đã ngột ngạt, sự cô độc sẽ làm con người ngày càng chơi vơi hụt hẩng, ngày càng cay đắng với chính mình, với thế giới quanh mình gấp nhiều lần hơn.

Không còn chỗ bám cho đức tin, con người tự giết chết mình, giết chết cả những tương quan quanh mình cách thảm hại. Bởi dù họ sống, nhưng lối sống ích kỷ ấy chỉ là lối sống thiếu sức sống. Nói nặng hơn, cá nhân mình, một khi chỉ là đối tượng chăm sóc của bản thân, cá nhân ấy trở thành cá nhân què quặt, dị tật.

2. Hãy phục sinh đức tin.

Hãy phục sinh đức tin. Phục sinh đức tin là để cho đức tin quay về với tâm tư, tình yêu, biểu hiện sống, tương quan sống. Phục sinh đức tin là mệnh lệnh khẩn thiết của thời đại, khi con người bị chôn lấp bởi quá nhiều thứ lệch hướng, lệch chuẩn như đã nói.

Chỉ có đức tin, chỉ nhờ đức tin, chỉ bám lấy đức tin, con người mới thật sự sống có ý nghĩa. Đức tin sẽ nâng cao giá trị sự sống. Đức tin mặc lấy hạnh phúc cho con người, dẫu phải chật vật với cuộc sống trần đời mỗi ngày. Đức tin là chốn tựa mình của mọi người.

Họ cần để cho lòng thanh thoát khỏi những vướng bận của trần gian, của những tiện nghi vật chất. Chỉ có vươn lên khỏi mọi thứ tầm thường ấy, con người mới thực sự sống trong đức tin, mới thực sự tiến về hướng của ánh sáng phục sinh nơi Đấng Phục Sinh đợi chờ.

Người tín hữu cần học biết điều này: Đức tin là đức tin cá nhân của bản thân gắn bó với Thiên Chúa. Càng chìm sâu bao nhiêu trong sự gắn bó với Chúa, sẽ càng đầy tràn lòng yêu mến, và chắc chắn đức tin càng sáng chói bấy nhiêu.

Đức tin đòi hỏi ý thức và sự dấn thân thực sự của cá nhân trong tương quan với Chúa Kitô, với Thiên Chúa.

Nhưng đức tin chỉ có thể được nuôi dưỡng trong đời sống cộng đoàn. Bởi Thiên Chúa, nền tảng của đức tin chúng ta là một Thiên Chúa “không phải trong một ngôi đơn độc, nhưng trong Ba Ngôi cùng một bản thể” (kinh Tiền Tụng lễ Chúa Ba Ngôi). Người không cứu chuộc từng người đơn độc, nhưng trao ban tình thương cho tất cả mọi người.

Cũng vậy, Chúa Kitô không phải là “Đấng ở cùng một người”. Nhưng Người là Đấng “Emmanuel – Thiên Chúa ở cùng chúng ta”.

Chúa Kitô không nhập thể và chết cho bất cứ cá nhân nào, nhưng cho cả thế giới qua lớp lớp thế hệ.

Chính vì thế, hôm nay Chúa Kitô đã phục sinh, chúng ta cũng hãy làm phục sinh đức tin của mình trong tương quan với cộng đoàn Hội Thánh, với mọi người xung quanh.

Trong sự phục sinh đức tin của mình, cùng với việc sống và liên kết mật thiết với Chúa Kitô, người tín hữu hãy ra khỏi chính mình để sống đức tin với anh chị em. Không co cụm nhưng mở rộng trái tim với Chúa, với mọi người, đó là cách tốt để giết chết đơn côi và nếm cảm hạnh phúc.

Chính trong cộng đoàn mà ta liên kết, gương tốt của người này sẽ ảnh hưởng trên người kia; yếu đuối, lỗi lầm của người này sẽ là bài học lớn cho kinh nghiệm sống của người kia, để có thể lách mình khỏi những sai sót mà anh em vấp phải.

Ngoài ra, đức tin còn phải được gìn giữ, phát triển nhờ sự đào tạo liên tục trong suốt đời người bằng mọi nỗ lực cá nhân như: Tìm về một lối sống đơn sơ, giản dị chứ không tìm một lối sống dễ dãi; không nhắm tiện nghi và hưởng thụ, nhất là không nhắm vào nó đến nỗi quay quắt với vật chất như chỉ có nó là sự bảo đảm cho đời mình.

Hãy biết hy sinh, hãy chấp nhận giới hạn trong tất cả những đòi hỏi vật chất.

Hãy là người khôn ngoan nói không với những nhu cầu giả tạo.

Hãy bền chí theo đuổi cái đẹp của tinh thần, của tình yêu, của sự thầm lặng, của ơn gọi sống nghèo khó, chứ không khoác lên mình những hào quang chỉ được xây dựng từ trần thế cho riêng cá nhân mình.
 
Phục Sinh Mùa Covid-19
Lm. Nguyễn Trung Tây
20:32 12/04/2020
Tuần Thánh và tuần Phục Sinh đầu tiên của dòng lịch sử ơn cứu rỗi cũng là hai tuần lễ đong đầy những phiền muộn, bối rối, và lo lắng không lối thoát cho những người môn đệ của Đức Giêsu.

Bắt đầu từ những giây phút bỏ chạy trong Vườn Cây Dầu cho tới giây phút chứng kiến cảnh tảng đá đang lăn tròn che kín ngôi mộ, những người Kitô hữu đầu tiên đã trải qua hết thất vọng này sang thất vọng khác. Thoạt tiên là chuyện Giuđa bán đứng đại sư phụ với một cái hôn, nối tiếp là bản án tử của Đức Giêsu được đóng dấu bởi nhà nước bảo hộ La Mã, theo sau là nhọc nhằn con đường thập giá với đá và sỏi dẫn lên Núi Sọ, tiếp nối là kinh hoàng tiếng đinh xé rách thân xác và sắc nhọn tiếng búa lạc thần đôi mắt của Đức Giêsu. Trong thất vọng, cuối cùng mọi người dẫn nhau ra về sau khi tảng đá đóng lại che kín xác Đức Giêsu.

Nhưng rất tiếc, đúng như cụ Tiên Điền đã từng nói, “đùng đùng gió giục mây vần,” câu chuyện thất vọng không chịu dừng lại ở chỗ tảng đá được lăn tới chôn lấp một xác chết, nhưng được tiếp nối với một bản tin động trời do những người đàn bà hốt hoảng chạy về thông báo vào sáng sớm thứ Hai của ngày đầu tiên trong tuần lễ. Theo như những người nữ môn đệ, xác Đức Giêsu đã không còn nằm trong ngôi mộ đá nữa. Mà nếu xác Đức Giêsu đã biến mất, không còn trong ngôi mộ, không ai trên cõi đời vào đầu thiên niên kỷ lại dùng niềm tin Phục Sinh để giải thích cho hiện tượng ngôi mộ trống; nhưng, người người từ những em bé cho tới những cụ già, từ những nhà lãnh đạo tôn giáo cho tới chính quyền bảo hộ La Mã đều tin rằng có người đã lẻn vào ngôi mộ đánh cắp mang xác Đức Giêsu đi dấu cho một âm mưu đen tối (Gioan 20:2). Bởi thế, khi bản tin xác Đức Giêsu đã biến mất, nhà nước bảo hộ La Mã không chịu nhắm mắt bỏ qua, nhưng sẽ bắt đầu một cuộc tảo thanh, lùng kiếm xác của Ngài trên từng góc phố và trong từng căn nhà của kinh thành Giêrusalem. Khi cuộc săn lùng thi thể của Đức Giêsu bắt đầu, những người nam môn đệ sẽ là những nhân vật đầu tiên nằm trong danh sách bị truy nã, bị săn lùng, và bị tra khảo. Cho nên, không ai lạ chi nếu những cánh cửa của căn nhà nơi những người môn đệ đang ẩn sâu trốn kỹ bắt đầu từ đêm khuya của ngày thứ Năm tuần trước lại càng thêm cửa đóng then cài vào ngày thứ Hai đầu tuần của người Do Thái. Bởi thế, khi nhận được bản tin là xác Đức Giêsu đã biến mất, những người môn đệ của Đức Giêsu đã không đứng dậy hân hoan nhảy múa hét to, “Tạ ơn Chúa! Allelujah! Ngài đã sống lại!”, nhưng mà là ngược lại. Cho nên, vào ngày Phục Sinh đầu tiên, ngoài thất vọng, những người môn đệ lại có dịp nếm thêm mùi vị đắng cay của muộn phiền, bối rối, và hồi hộp chờ đợi giây phút cánh cửa căn nhà bật tung bởi xích xiềng, giáo mác và áo trận La Mã.

Cánh cửa rồi cũng mở ra, nhưng không phải bởi chính quyền La Mã, mà là hai người môn đệ nguyên gốc Emmau. Trong khi những người nam môn đệ của Đức Giêsu đang run sợ, tiếp tục giấu mình sâu hơn nữa vào trong bóng tối của căn phòng kín, hai người môn đệ vừa từ thị trấn Emmau quay về cung cấp một bản tin khác về thi hài của Đức Giêsu, lần này bản tin thật sự đã biến thành trái bom nổ tung và giựt đứt những sợi giây thần kinh căng cứng của những người môn đệ. Theo như hai người môn đệ của thị trấn Emmau, ngôi mộ đá đã trở thành ngôi mộ trống không phải bởi vì người ta cướp mất xác của Đức Giêsu cho những toan tính mờ ám, nhưng bởi vì Ngài đã phục sinh. Và chính Ngài đã hiện ra chuyện trò với họ trên suốt một quãng đường dài mười một cây số.

Trong căn phòng kín của gần hai ngàn năm về trước, bản tin về Đức Giêsu Phục Sinh đồng hành trên con đường Emmau không mang lại tiếng cười hân hoan tiếng hát tạ ơn Thiên Chúa, nhưng bản tin đã khiến cho những người môn đệ của Đức Giêsu lại thêm nặng trĩu đôi vai, hằn sâu vầng trán, thâm đen đôi mắt, bởi vì lo lắng và sợ hãi trước những tin đồn thiệt hư không biết đâu mà kiểm chứng. Vào giây phút hội ngộ giữa Emmau và Giêrusalem, ngoại trừ ông Cleopas và người môn đệ đồng hành, tâm hồn của người người trong căn phòng đóng kín cửa đều tiếp tục ngân vang khúc nhạc cung thứ nốt giáng (b) của những dòng nhạc chán nản, nghi ngờ, và hoang mang.

Không trách chi, khi Đức Giêsu với thể xác thần khí hiện ra, đứng giữa căn phòng đóng kín cửa, các người môn đệ của Đức Giêsu tin rằng họ đã thấy ma. Không biết có người nào té ra bất tỉnh hay không, nhưng nếu Đức Giêsu không chúc “Bình An cho các con” và trấn an họ bằng cách ngồi ăn cá nướng với những người môn đệ thân thương, có lẽ nhiều người đã bị máu cơ tim nhồi lên mà chết bởi biến cố Phục Sinh mà họ đang chứng kiến tận mắt trong căn phòng kín.

Suy Niệm

Bạn,

Trong ngày hôm nay giữa mùa đại dịch Covid-19, hơn bao giờ hết, lời chúc bình an của Đức Kitô Phục Sinh là một điều mà bạn và tôi đang cần đến.

Bắt đầu từ những tháng cuối cùng của năm 2019, sự xuất hiện của một chủng Corona mới bất ngờ trở thành mối đe dọa tới đời sống nhân loại. Chủng mới Corona hạ gục từng con phố, từng ngôi làng, từng tỉnh thành và quốc gia. Chủng mới đi tới đâu, phố phường đông đúc tấp nập bỗng nhiên trở nên vắng lặng như bãi tha ma. Không bóng người, không tiếng cười, không dấu vết của sự sống. Công trường tấp nập thánh Phêrô của thủ đô Công Giáo, thành phố New York không bao giờ ngủ, thủ đô Manila ồn ào tiếng xe jeepney ngày và đêm giờ này tự nhiên hóa ra phố ma. Tất cả đã xảy ra cũng chỉ bởi siêu vi khuẩn Vũ Hán.

Chủng Corona mới đã thay đổi đời sống thường nhật của chủng người. Giờ này không còn ai tin ai. Gặp nhau, chủng người không bắt tay, đứng gần. Giờ này bởi chủng Corona, người sợ người, phố phường rào chắn cách ly, quốc gia đóng cửa đường biên giới. Một người trong xóm nhiễm Covid-19, cửa nhà trong xóm đóng chặt. Trong những căn nhà đóng kín cửa bởi chủng mới Corona là nỗi lo sợ, không biết khi nào siêu vi khuẩn của người hàng xóm sẽ tự động mở cửa bước vào lấy đi sinh mạng của ông bà bố mẹ hoặc của chính mình!

Trên hết tất cả, tính tới ngày hôm nay, thuốc chủng ngừa và phương thuốc trị liệu siêu vi khuẩn SARS-CoV-2 vẫn là một dấu chấm hỏi. Bởi thế, nỗi lo sợ chủng Corona giờ này không chỉ gói gọn trong một vài con đường hoặc một con phố nhưng là nỗi sợ toàn cầu. Ngày nào chủng Corona Covid-19 còn tung hoành, ngày đó chủng người còn sống lo sợ phập phồng trong những ngôi nhà đóng kín cửa.

Tương tự như những người môn đệ của thuở xưa, người tín hữu sẽ còn tiếp tục thất vọng, lo lắng, phiền muộn, và bối rối bởi đại dịch Covid-19.

Vào những lúc cảm thấy phiền muộn, bối rối, thất vọng bởi siêu vi khuẩn Covid-19, mời bạn, chúng ta cùng hướng về căn phòng đóng kín cửa với Đức Giêsu Phục Sinh đang hiện diện ở giữa căn phòng, và nói với Ngài:

Lạy Chúa, trong Mùa Phục Sinh giữa mùa đại dịch, xin chúc lành trên con lời chúc bình an năm xưa để con thôi không còn lo lắng, phiền muộn, và bối rối như những người môn đệ trong căn phòng đóng kín cửa của thời xưa.

 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Thông điệp Phục sinh Urbi et Orbi 2020 của Đức Thánh Cha Phanxicô
J.B. Đặng Minh An dịch
06:34 12/04/2020


Khác với những buổi đọc thông điệp Phục sinh Urbi et Orbi trong các năm trước, năm nay không có thảm đỏ thật lớn treo trên ban công chính giữa Đền Thờ Thánh Phêrô; không có ban nhạc trỗi quốc thiều Vatican; không hoa Hà Lan trang trí quảng trường Thánh Phêrô. Các đường phố gần đó vắng tanh và im lặng, vì Ý tiếp tục áp dụng lệnh cách ly trước dịch bệnh coronavirus kinh hoàng.

Bên trong Đền Thờ Thánh Phêrô, bao quanh bởi các cộng tác viên gần gũi nhất của ngài, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi thông điệp Urbi et Orbi truyền thống đến Rôma và thế giới.

Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.


Anh chị em thân mến, chúc mừng lễ Phục sinh!

Hôm nay lời loan báo của Giáo Hội vang lên trên toàn thế giới: “Chúa Giêsu Kitô đã sống lại! Ngài đã sống lại thật!”

Như một ngọn lửa mới, Tin mừng này loé lên trong đêm: đêm của một thế giới đã phải đối mặt với những thách thức mang tính thời đại và bây giờ lại bị đè bẹp bởi một đại dịch đang thách thức nghiêm trọng cả gia đình nhân loại chúng ta. Trong đêm nay, tiếng nói của Giáo Hội vang lên: “Chúa Kitô, niềm hy vọng của tôi, đã sống lại!” (Ca tiếp liên).

Đây là một sự “lây lan” khác, một thông điệp được truyền đi từ tâm hồn này đến tâm hồn khác - cho mỗi tâm hồn con người đang chờ đợi Tin Mừng này. Đây là sự lây lan của hy vọng: “Chúa Kitô, niềm hy vọng của tôi, đã sống lại!” Đây không phải là công thức ma thuật làm cho vấn đề biến mất. Không, sự phục sinh của Chúa Kitô không phải là điều đó. Thay vào đó, nó là chiến thắng của tình yêu trên gốc rễ của cái ác, một chiến thắng không “tránh né” đau khổ và cái chết, nhưng đi qua chúng, mở ra một con đường trong vực thẳm, chuyển ác thành tốt: đây là một dấu ấn độc đáo của quyền năng Thiên Chúa.

Chúa Phục sinh cũng là Đấng bị đóng đinh chứ không phải ai khác. Trong cơ thể vinh quang của Người, Chúa mang những vết thương không thể xóa nhòa: đó là những vết thương đã trở thành những cửa sổ hy vọng. Chúng ta hãy hướng ánh mắt về Người để có thể chữa lành vết thương của một nhân loại đau khổ.

Hôm nay, suy nghĩ của tôi trước hết hướng đến nhiều người bị ảnh hưởng trực tiếp bởi coronavirus: các bệnh nhân, những người đã chết và các gia đình đang tiếc thương sự mất mát người thân, trong một số trường hợp, họ thậm chí không thể chia tay nhau lần cuối. Xin Chúa của sự sống chào đón những người đã ra đi vào vương quốc của Người và ban ơn an ủi và hy vọng cho những người vẫn còn phải đau khổ, đặc biệt là những người già và những người cô đơn. Xin Người đừng bao giờ rút lại sự an ủi và giúp đỡ những người đặc biệt dễ bị tổn thương, chẳng hạn như những người làm việc trong viện dưỡng lão, hoặc sống trong các doanh trại và những nhà tù. Đối với nhiều người, đây là một lễ Phục sinh cô độc, khi phải sống giữa những nỗi buồn và khó khăn mà đại dịch đang gây ra, từ đau khổ về thể xác đến khó khăn về kinh tế.

Căn bệnh này không chỉ làm mất đi sự gần gũi của con người mà còn làm mất đi khả năng đích thân nhận được sự an ủi tuôn chảy từ các bí tích, đặc biệt là Bí tích Thánh Thể và Hòa giải. Ở nhiều quốc gia, các tín hữu đã không thể tiếp cận các bí tích này, nhưng Chúa không để chúng ta cô đơn! Khi được hiệp nhất trong lời cầu nguyện, chúng ta tin rằng Ngài đã đặt tay trên chúng ta (x Tv 138: 5), mạnh mẽ trấn an chúng ta rằng: Đừng sợ, “Thầy đã sống lại và Thầy vẫn ở cùng các con!” (x. Sách Lễ Rôma, Ca Nhập Lễ, Thánh lễ Chúa Nhật Phục Sinh).

Xin Chúa Giêsu, là Lễ Vượt Qua của chúng ta, ban sức mạnh và hy vọng cho các bác sĩ và y tá, những người ở khắp mọi nơi đang đưa ra một chứng tá về sự chăm sóc và yêu thương người lân cận, đến mức kiệt sức và thường phải trả giá bằng sức khỏe của chính mình. Lòng biết ơn và tình cảm của chúng ta dành cho họ, dành cho tất cả những người làm việc siêng năng để bảo đảm các dịch vụ thiết yếu cho xã hội dân sự, và dành cho các cơ quan thực thi pháp luật và quân đội ở nhiều quốc gia đã giúp giảm bớt khó khăn và đau khổ của mọi người.

Trong những tuần lễ này, cuộc sống của hàng triệu người đã đột ngột thay đổi. Đối với nhiều người, việc phải ở nhà là một cơ hội để suy ngẫm, rút lui khỏi nhịp sống điên cuồng, ở bên những người thân yêu và tận hưởng sự đồng hành của họ. Tuy nhiên, đối với nhiều người, đây cũng là thời gian lo lắng về một tương lai không chắc chắn, về những công việc có nguy cơ bị mất và về những hậu quả khác của cuộc khủng hoảng hiện tại. Tôi khuyến khích các nhà lãnh đạo chính trị tích cực làm việc vì lợi ích chung, cung cấp các phương tiện và nguồn lực cần thiết để mọi người có một cuộc sống trong tôn nghiêm và, khi hoàn cảnh cho phép, hãy giúp họ tiếp tục các hoạt động bình thường hàng ngày.

Đây không phải là thời gian cho sự thờ ơ, bởi vì cả thế giới đang đau khổ và cần phải đoàn kết để đối mặt với đại dịch. Xin Chúa Giêsu Phục sinh ban hy vọng cho tất cả những người nghèo, cho những người sống ở các vùng ngoại vi, cho những người tị nạn và những người vô gia cư. Cầu xin cho những anh chị em này, những người dễ bị tổn thương nhất trong số các anh chị em của chúng ta đang sống ở các thành phố và các vùng ngoại vi ở mọi nơi trên thế giới, không ai bị bỏ rơi. Chúng ta hãy bảo đảm rằng họ không thiếu các nhu yếu phẩm cơ bản, (đặc biệt khó khăn trong lúc này, vì hiện nay nhiều doanh nghiệp đã đóng cửa) như thuốc men và nhất là khả năng được chăm sóc sức khỏe đầy đủ. Trong bối cảnh hiện nay, các biện pháp trừng phạt quốc tế nên được nới lỏng, vì những điều này gây khó khăn cho các quốc gia bị trừng phạt trong việc cung cấp các hỗ trợ đầy đủ cho công dân của họ, và cầu xin cho tất cả các quốc gia có thể đáp ứng nhu cầu lớn nhất của thời khắc này qua việc cắt giảm, nếu không thể tha hết, các khoản nợ đang đè nặng lên bảng thu chi của các quốc gia nghèo nhất.

Đây không phải là thời gian để tự quy hướng về chính mình, bởi vì thách thức mà chúng ta đang đối mặt được chia sẻ bởi tất cả mọi người, không phân biệt người này người khác. Trong số nhiều khu vực trên thế giới bị ảnh hưởng bởi coronavirus, tôi nghĩ cách riêng đến Âu châu. Sau chiến tranh thế giới thứ hai, lục địa yêu dấu này đã có thể trỗi dậy trở lại, nhờ một tinh thần liên đới cụ thể cho phép nó vượt qua các thù hằn trong quá khứ. Điều cấp bách hơn bao giờ hết, đặc biệt là trong hoàn cảnh hiện tại, là những thù hằn này không lấy lại được động lực của chúng, nhưng tất cả đều tự nhận mình là một phần của một gia đình và hỗ trợ lẫn nhau. Liên minh Âu châu hiện đang phải đối mặt với một thách thức mang tính thời đại, ảnh hưởng đến tương lai của mình và của cả thế giới. Chúng ta đừng để mất cơ hội đưa ra chứng tá về tình đoàn kết, đồng thời hướng đến các giải pháp sáng tạo. Nếu không chắc chắn Âu châu lại rơi vào sự ích kỷ lo toan đến những lợi ích riêng, và bị cám dỗ trở về với quá khứ, có nguy cơ làm tổn hại nghiêm trọng đến sự chung sống hòa bình và phát triển của các thế hệ tương lai.

Đây không phải là thời gian cho sự chia rẽ. Xin Chúa Kitô là hòa bình của chúng ta soi sáng tất cả những người có trách nhiệm trong các cuộc xung đột, để họ có thể có can đảm hỗ trợ cho một lời kêu gọi ngừng bắn toàn cầu ngay lập tức ở tất cả các nơi trên thế giới. Đây không phải là thời gian để tiếp tục sản xuất và kinh doanh vũ khí, không phải lúc để tiếp tục chi tiêu những khoản tiền khổng lồ cho khí giới mà lẽ ra phải được sử dụng để chăm sóc và cứu sống người khác. Cầu xin đây là thời điểm cuối cùng kết thúc cuộc chiến kéo dài gây đổ máu kinh hoàng tại Syria, cuộc xung đột ở Yemen và sự thù địch ở Iraq và ở Li Băng. Cầu xin cho đây là lúc người Israel và Palestine tiếp tục đối thoại để tìm ra những giải pháp ổn định và lâu dài cho phép cả hai được sống trong hòa bình. Cầu xin những đau khổ của những người sống ở khu vực phía đông Ukraine được chấm dứt. Cầu xin các cuộc tấn công khủng bố được thực hiện nhằm chống lại rất nhiều người dân vô tội ở các quốc gia Phi châu khác nhau được ngừng lại.

Đây không phải là thời gian cho sự lãng quên. Cuộc khủng hoảng mà chúng ta đang phải đối mặt không nên khiến chúng ta quên đi nhiều cuộc khủng hoảng khác mang lại đau khổ cho rất nhiều người. Cầu xin Chúa của sự sống gần gũi với tất cả những người ở Á Châu và Phi Châu đang trải qua những cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng, như ở Tỉnh Cabo Delgado ở phía bắc Mozambique. Xin Chúa sưởi ấm trái tim của nhiều người tị nạn phải di dời vì chiến tranh, hạn hán và nạn đói. Xin Chúa bảo vệ người di cư và người tị nạn, nhiều người trong số họ là những đứa trẻ đang sống trong điều kiện không thể chịu đựng nổi, đặc biệt là ở Libya và trên đường biên giới giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ, và tôi không quên nhắc đến hòn đảo Lesbos. Ở Venezuela, xin Chúa cho các bên có thể đạt được các giải pháp cụ thể và tức thời ngõ hầu các hỗ trợ quốc tế có thể đến được với một dân tộc đau khổ vì tình trạng chính trị, kinh tế xã hội và y tế nghiêm trọng.

Anh chị em thân mến,

Sự thờ ơ, tự quy hướng, chia rẽ và quên lãng không phải là những từ chúng ta muốn nghe vào lúc này. Chúng ta muốn cấm những từ này mãi mãi! Chúng dường như thắng thế khi nỗi sợ hãi và cái chết lấn át chúng ta, đó là khi chúng ta không để Chúa Giêsu chiến thắng trong trái tim và cuộc sống của chúng ta. Xin Chúa Kitô, Đấng đã chiến thắng sự chết và đã mở ra cho chúng ta con đường đến với ơn cứu rỗi muôn đời, xua tan bóng tối đang bao trùm nhân loại khổ đau của chúng ta và đưa chúng ta vào ánh sáng của ngày vinh quang của Người, một ngày chẳng bao giờ cùng. Chúc anh chị em một lễ Phục sinh vui vẻ.


Source:Holy See Press Office
 
Hơn 100 các linh mục Italia đã qua đời khi đi phục vụ bệnh nhân Coronavirus
LM John Trần Công Nghị
16:02 12/04/2020
Roma - Sự bùng phát dịch bệnh coronavirus tại Italia cho đến nay là một trong những vụ làm chết người cao thứ hai trên thế giới (sau Hoa Kỳ), và trong khi các bác sĩ và y tá ở tiền tuyến phía bắc Italia đã trở thành biểu tượng của sự hy sinh chống lại kẻ thù vô hình, các linh mục và nữ tu cũng là những chiến sĩ hy sinh trong khi phục vụ nhu cầu thiêng liêng của các bệnh nhân. Đặc biệt là ở những khu vực bị nhiễm bệnh sâu như ở thành phố Bergamo, các linh mục còn đang mạo hiểm và hy sinh cả cuộc sống mình đời để đáp ứng nhu cầu tâm linh của những người già và sùng đạo còn đang bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi coronavirus.

Theo thống kê của Hội Đồng Giám Mục Italia thì cho tới hôm nay (12/4/2020) trên khắp cả nước, virus đã giết chết hơn 100 linh mục, nhiều người trong số họ đã nghỉ hưu và dễ bị tổn thương trước một tai họa đối với người già, cho dù các vị đi thăm nhà dưỡng lão hay sống trong tu viện.

Tờ báo Avvenire, do Hội đồng Giám mục Italia điều hành, đang vinh danh các linh mục qua đời với hashtag “PriestsForever.”

Chính Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng đã nhớ đến họ trong Thánh lễ Thứ Năm Tuần Thánh tại được Ngài cử hành Nhà thờ Thánh Phêrô trống rỗng.

Ngài nói: "Trong những ngày này, các linh mục ở Italia đã chết để chăm sóc cho những người bệnh trong các bệnh viện, họ là những vị thánh ngay bên cạnh các bệnh nhân, những linh mục đã hy sinh cho họ”.

Claudio Del Monte sửa soạn đi làm phép
Thời báo New York Times hôm 12/4/2020, tường thuật về trường hợp Linh mục Claudio Del Monte như sau: “Vào Chúa Nhật trước lễ Phục sinh, điện thoại linh mục chuông reo. Cha Claudio Del Monte đến bệnh viện mang theo điện thoại, được nhân viên trong bệnh viện Bergamo đưa cho ngài, cùng với một cây thánh giá nhỏ và một số chất khử trùng tự chế. Thay vì mang cổ áo linh mục thông thường của mình, ngài mang áo khăn lau dùng một lần, mặt nạ phẫu thuật được che bằng một mặt nạ khác, kính bảo vệ và mũ trùm đầu. Trên ngực ngài vẽ một cây thánh giá màu đen.

Ngài thăm hai bệnh nhân coronavirus trong bệnh viện như đã được gọi qua phone. Vài phút sau, ngài đến bên giường của một người đàn ông lớn tuổi mà ngài đã gặp vài ngày trước đó. Mặt nạ oxy bây giờ che khuất khuôn mặt người đàn ông, và các nhân viên chăm sóc cấp cứu quây quanh giường bệnh nhân.

Cha Claudio 53 tuổi kể lại như sau: “Tôi đã ban phép lành cho ông ta và ban phép giải, ông ta xiết chặt tay tôi và tôi ở đó với ông cho đến khi nhắm mắt. Sau đó, tôi đọc lời cầu nguyện cho người chết, rồi tôi thay găng tay và tiếp tục đi thăm các bệnh nhân khác”.


Đức cha Francesco Beschi, giám mục của Bergamo cho biết: Giáo phận của ngài đã mất 24 linh mục trong vòng 20 ngày, nơi có hơn 2.600 người đã chết vì virus này. Khoảng một nửa các linh mục đã nghỉ hưu và không còn giữ chức vụ mục vụ, nhưng các ngài vẫn còn chăm lo nhiệm vụ mục vụ cho giáo dân.

Các linh mục này nói lời an ủi thông qua các nhóm WhatsApp, hoặc vẫy tay từ phía sau cửa sổ xe khi mang thức ăn cho người bệnh, dựa vào khung cửa phòng người bị nhiễm bệnh khi thực hiện các nghi thức cuối cùng cho bệnh nhân, và bao chung quanh mình trong các thiết bị bảo vệ cá nhân khi các ngài thì thầm cầu nguyện và khích lệ tại giường bệnh viện.

Các linh mục phát biểu cảm tưởng phàn nàn rằng các ngài không thể đến gần bệnh nhân hơn, rằng lần chạm tay cuối cùng với bệnh nhân là qua găng tay, rằng khuôn mặt cuối cùng họ nhìn thấy bệnh nhân thường là qua màn hình. Với một loại virus ngăn cách gia đình, ngăn cách vợ chồng khi nó giết chết, các linh mục nói rằng các ngài cũng đau đớn khi phải xa cách với đàn chiên khi họ cần đến các ngài nhất.

Một trong số đó là Linh mục Fausto Resmini, 67 tuổi, là tuyên úy của nhà tù Bergamo, trong gần 30 năm và là người sáng lập một trung tâm dành cho những thanh thiếu niên gặp khó khăn. Các linh mục bạn hữu của ngài cho biết: trong quá trình làm việc vào tháng trước, ngài đã bị nhiễm virut. Ngài đã được điều trị tại bệnh viện Humanitas Gavazzeni, nơi Cha Claudio Del Monte thường làm mục vụ, trước khi chết vào ngày 23 tháng 3, 2020.

Cư dân địa phương đang cố gắng đặt tên cho một bệnh viện dã chiến mới theo tên của Linh mục Fausto Resmini. Linh mục Roberto Trussardi, giám đốc Caritas của Bergamo nói rằng: “Cái chết của cha Fausto là một mất mát to lớn đối với giáo phận Bergamo".

Những sự hy sinh như vậy cũng đã không ngăn cản nhiều linh mục khác tiếp tục đi thăm viếng và làm mục vụ cho bệnh nhân hiểm nghèo. Khi chọn làm linh mục có nghĩa là “chọn cuộc sống nên hữu dụng cho tha nhân”.

Những linh mục chăm sóc cho bệnh nhân đang thể hiện một tầm nhìn của Giáo hội được ĐTC Phanxicô nói rõ, người thường gọi hình ảnh của một bệnh viện dã chiến và các nhân vật của kiệt tác Italia “The Betrothed”, trong đó các linh mục người Milan hy sinh thân mình phục vụ cách anh hùng đối với những người bị bệnh dịch.

Vào ngày 10 tháng 3, 2020, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cầu nguyện trong một thánh lễ ban sáng: “cho các linh mục của chúng ta, để họ có can đảm ra ngoài và đến với những người bị bệnh”.

Đức Hồng Y Michael Czerny, một cố vấn thân cận của Đức Phanxicô nói rằng Đức Giáo Hoàng có vẻ bình tĩnh nhưng cũng tham gia quyết liệt vào cách Giáo hội đáp ứng đối với virút trong những ngày gần đây.

ĐHY Czerny nói: “Những gì làm cho ĐGH hạnh phúc nhất là có những linh mục không cần được nhắc bảo, nhưng các vị biết rằng đây là việc họ nên làm. Các vị sẽ sẵn sàng ra tiền tuyến. ĐGH muốn chúng ta ở tiền tuyến và vượt qua ngay cả giới hạn của riêng mình”.

Đức Giám Mục Beschi nói cũng phát biểu như sau: “Những giới hạn đó không được đặt một cách an toàn. Và một khi nguy cơ lây nhiễm trở nên rõ ràng, các linh mục bắt đầu áp dụng các biện pháp phòng ngừa thích hợp”. Trong một lá thư cho các linh mục của mình, GM Beschi nói với họ rằng: “Chúng ta muốn mang Chúa đến cho mọi người nhưng không truyền nhiễm. Đây là một lựa chọn đau đớn, bởi vì đó là một hạn chế”.
 
Những cơn đại dịch thế kỷ
Thanh Quảng sdb
20:28 12/04/2020
Những cơn đại dịch thế kỷ

Các nghi lễ Tuần thánh và Phục sinh như năm 2020 đã diễn ra không phải là chưa từng xảy ra trong lịch sử Giáo hội. Các vị Giáo hoàng và các Giám mục trong những cơn đại dịch của các thế kỷ đã thúc đẩy các biện pháp phi thường để ngăn chặn sự lây lan ví dụ như cơn đại dịch năm 1576 ở Milan và Rome năm 1656 là những ví dụ điển hình.

(Tin Vatican)

Nét độc đáo của lễ Phục sinh năm nay là hàng triệu Kitô hữu trên khắp thế giới đã trải nghiệm một lễ Phục sinh như chưa từng có! Vì để tránh bị nhiễm và bị lây lan vi khuẩn Covid-19, mà các tín hữu của nhiều quốc gia không thể tham dự các nghi thức trọng thể của Tam nhật thánh và lễ Phục sinh để tưởng niệm cuộc thương khó, cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu.

Không thiếu các cuộc tranh luận và thậm chí chỉ trích các giám mục đã tuân thủ các quy định của chính phủ!

Nhìn vào lịch sử của các thế kỷ trước, để giúp chúng ta có cái nhìn được tình hình và hoàn cảnh mà chúng ta đang phải trải qua như thế nào.

Đây không phải là lần đầu tiên mà hàng trăm ngàn nạn nhân bị chết bởi con vi khuẩn và hàng triệu người bị nhiễm bệnh làm cho chính phủ và các nhà hữu trách phải ban hành những lệnh giới nghiêm về các cuộc tụ họp xã giao về mặt xã hội lẫn tâm linh tôn giáo.

Bệnh dịch năm 1656

Trong trận dịch năm 1656, Đức Giáo Hoàng Alexander VII đã quyết tâm thực hành các chính sách cách ly, hạn chế tối đa để ngăn chặn sự lây lan đã làm cho một triệu người chết trên nước Ý. Trong một tài liệu lịch sử (Desc Descione del contagio che da Napoli si comunicò a Roma nell'anno 1656 Rome, 1837), chúng ta được biết:" Không chỉ các cộng đồng dân sự mà cả những cộng đồng tín ngững cũng bị cô lập, cụ thể như Đền thờ Thánh Phêrô, các cuộc triều yết và các nghi lễ… Các thánh đường v.v.. tất cả đều bị đình chỉ và đóng cửa.

Đức Giáo Hoàng "đã cử hành Thánh lễ không có người tham dự và đình chỉ mọi cuộc tụ họp, rước sách cũng như nghi lễ không có giáo dân.

Ký giả Marco Rapetti Arrigoni, một nhà báo, nhà văn và tác giả của nhiều bài báo về các cơn đại dịch trong lịch sử và thái độ hành xử của các nhà chức trách tôn giáo, đã viết trong blog của ông rằng Giáo Hội và bộ Y tế của thành phố Rome đã đối phó với cơn dịch hạch bằng cách ly nghiêm ngặt bệnh viện với các khu vực khác của thành phố. Có những nơi dành riêng cho người bệnh, có nơi cho những người bị nghi ngờ nhiễm bệnh...

Ngoài ra, ông Arrigoni cũng ghi chú: "Thánh bộ lo về Y tế, theo lệnh của Đức Thánh Cha, đã điều chỉnh các nghi thức phụng vụ bằng cách đưa ra những hạn chế đáng kể như đình chỉ việc tập trung cử hành Bí tích Thánh thể, cấm không có các cuộc rước sách và tụ tập cầu nguyện. "

Bất chấp những thông báo, dân chúng La Mã vẫn tiếp tục tới Nhà thờ Đức Mẹ tại Portico, một biểu tượng Đức Trinh Nữ, Đấng bảo vệ thành phố khỏi cơn dịch… Trước thực trạng đó, Giáo hội đã phải ra lệnh đóng cửa nhà thờ.

Bệnh dịch năm 1576

Giống như ở Rome, Đức Giáo Hoàng luôn quan tâm đến sự cứu rỗi linh hồn cũng như sức khỏe của người dân, thì giáo quyền của Giáo phận Ambrosio ở Milan cũng hành xử như vậy.

Khi Milan bị tấn công bởi một cơn đại dịch vào năm 1576, Thống đốc thành phố, ông Antonio de Guzman y Zuñiga, đã đưa ra những hạn chế cấm các cuộc hành hương. Ký giả Arrigoni ghi lại rằng việc ra vào thành phố chỉ cho phép một nhóm nhỏ vài chục người là các nhân viên ngân hàng, các nhân viên y tế và một số người được phép ra vào thành phố mà thôi!

Đức Hồng Y Charles Borromeo, Tổng Giám mục giáo phận thánh Ambrosio, kêu gọi các linh mục giúp đỡ những người bệnh và chính ngài cũng làm như vậy. Ký giả Arrigoni đã ghi lại nhiều việc dấn thân của Đức Hồng Y.

Nhận thức được những nguy cơ lây nhiễm và để tránh bị lây lan, Đức Hồng Y đã duy trì một khoảng cách an toàn trong khi phải tiếp xúc với một người nào đó... Ngài thường xuyên thay quần áo và giặt chúng bằng nước nóng. Đức Hồng Y cũng khử trùng mọi thứ ngài chạm vào bằng hơ chúng trên lửa và bằng một miếng bọt biển ngâm giấm mà ngài luôn mang theo bên mình. Trong khi viếng thăm giáo phận của mình, Đức Hồng Y Borromeo đã ngâm các đồng xu, tiền bố thí trong lọ giấm.

Để cầu xin Chúa giúp ngăn chặn cơn dịch bệnh, Đức Tổng Giám Mục Milan đã triệu tập bốn cuộc rước. những người được tham dự là những người nam trưởng thành, được đi thành hai hàng, với khoảng cách 3 mét cách nhau. Những người bị nhiễm bệnh và những người bị nghi ngờ bị nhiễm thì bị cấm tham dự.

Đi chân không và với một sợi dây cuốn quanh cổ, Đức Hồng Y Borromeo đã dẫn đầu đoàn rước đi từ Nhà thờ Chính tòa đến Vương cung thánh đường Thánh Ambrosio.

Đức Tổng Giám Mục cũng đề xuất việc cách ly cho tất cả các công dân và giáo dân phải tự cách ly tại nhà mình trong vòng 40 ngày. Một số báo cũ đã ghi rõ việc làm của Đức Hồng Y, Tổng Giám mục giáo phận đã làm hầu giúp người bệnh cũng như những người nghèo đói cô thế cô thân…

Vào ngày 15 tháng 10 năm 1576, Chính quyền Thành phố đã chấp nhận đề nghị của Đức Hồng Y Borromeo và ra lệnh cách ly cho toàn thể cư dân trong thành phố Milan.

Vào ngày 18 tháng 10 năm 1576, Đức Hồng Y cũng ban hành một tâm thư cho tất cả các giáo sĩ phải "ở nhà", trừ các linh mục và tu sĩ lo việc mục vụ tâm linh và vật chất giúp dân chúng.

Giáo dân tại Milan bị cách ly không thể đến nhà thờ để cầu nguyện hoặc tham dự thánh lễ. Thánh Charles Borromeo ra lệnh thiết lập các bàn thờ tại các ngã tư phố xá để cử hành các thánh lễ hầu dân chúng có thể tham dự từ các lan can và qua các cửa sổ.

Cho đến tháng 12 năm 1576, sự lây lan của dịch bệnh mới được khắc phục; nhưng chính quyền vẫn quyết định gia hạn thời gian cách ly kiểm dịch. Mặc dù Đức Hồng Y chấp thuận việc gia hạn này, nhưng ngài lấy làm tiếc vì dân chúng không thể đến nhà thờ để cùng nhau mừng lễ Giáng sinh.
 
Đức Phanxicô gửi thông điệp Phục Sinh cho các Phong Trào Xã Hội
Vũ Văn An
23:33 12/04/2020
Trong một lá thư đáng lưu ý vào Chúa Nhật Phục sinh gửi cho các thành viên của các phong trào xã hội khắp thế giới, Đức Giáo Hoàng Phanxicô, khi nhận định sự đau khổ phổ quát do đại dịch coronavirus gây ra không giáng xuống đồng đều, đã đề nghị rằng cuộc khủng hoảng này đòi phải thiết lập ra một mức thu nhập căn bản hoàn cầu. Ngài cũng mô tả cơn đại dịch như là cơ hội để các xã hội giầu có dừng lại và tái thẩm định các khuôn mẫu tiêu dùng và khai thác của họ.



Ngài viết: “đây có thể là thời gian để xem xét mức lương căn bản hoàn cầu, một mức lương biết nhìn nhận và đánh giá cao các nhiệm vụ cao quí và chủ yếu mà anh chị em đang thi hành. Nó sẽ bảo đảm và đạt được một cách cụ thể lý tưởng này: không công nhân nào không có quyền lợi, một lý tưởng vừa hết sức nhân bản vừa hết sức Kitô giáo”.

Đức Phanxicô viết tiếp “tôi hy vọng thời gian nguy hiểm này sẽ giải thoát chúng ta khỏi việc vận hành như một phi công tự động, lay động lương tâm ngái ngủ của ta và giúp đạt được sự hồi tâm hóan cải nhân bản và môi sinh, một sự hoán cải sẽ kết liễu việc thờ ngẫu thần tiền bạc và đặt sự sống và phẩm giá con người vào trung tâm”.

Ngài bảo “nền văn minh của chúng ta, một nền văn minh hết sức cạnh tranh, hết sức cá nhân chủ nghĩa, với những nhịp độ sản xuất và tiêu dùng điên cuồng, những xa hoa quá đáng, lợi nhuận bất tương xứng của một số ít người, nền văn minh này cần đi xuống, kiểm tra và tự canh tân”. Theo ngài “các mô hình kỹ trị, bất luận do nhà nước hay thị trường thúc đẩy, không đủ để giải quyết cuộc khủng hoảng này hay những nan đề lớn lao khác đang ảnh hưởng tới nhân loại”.

Ngài nói “hơn bao giờ hết, hiện nay, các con người, các cộng đồng và dân tộc phải được đặt ở tâm điểm, thống nhất đề hàn gắn, để chăm sóc và chia sẻ”.

Đức Giáo Hoàng gọi các thành viên của các phong trào xã hội, tức các phong trào gồm các tác nhân thay đổi xã hội dân sự, từ các nghiệp đoàn lao động và các nhà tranh đấu quyền lợi cho các dân tộc bản địa, tới các nhà tranh đấu cho người vô gia cư và môi trường là “các nhà thơ xã hội vì, từ những khu ngoại vi bị lãng quên nơi anh chị em đang sinh sống, anh chị em đã tạo ra các giải pháp đáng khâm phục đối với các vấn đề cấp bách nhất ảnh hưởng tới những người bị hắt hủi”.

Đức Giáo Hoàng viết thêm “Trong những ngày đầy lo lắng và khó khăn này, nhiều người đã sử dụng mỹ ngữ giống như chiến tranh để nói về đại dịch mà chúng ta đang gặp phải. Nếu cuộc đấu tranh chống COVID-19 là một cuộc chiến tranh, thì anh chị em thực sự là một đội quân vô hình, đang chiến đấu trong những chiến hào nguy hiểm nhất; một đội quân chỉ có vũ khí là sự liên đới, lòng hy vọng và tinh thần cộng đồng, tất cả hồi sinh ngay ở thời điểm mà không ai có thể tự cứu mình một mình”.

Nhận định rằng các giải pháp thị trường và sự can thiệp của nhà nước thường xuyên không bao giờ đến được với các tác nhân này ở các vùng ngoại vi kinh tế và địa lý của cuộc sống hiện đại, Đức Giáo Hoàng Phanxicô khuyến khích các thành viên của các phong trào xã hội tiếp tục “xắn tay áo và tiếp tục làm việc cho các gia đình, các cộng đồng của anh chị em và cho thiện ích chung”.

Đức Giáo Hoàng Phaxicô nói rằng “Sự kiên cường của anh chị em giúp tôi, thách thức tôi và dạy tôi rất nhiều điều”.

Ngài nói, cộng đồng người lao động hoàn cầu này, trong đó, nhiều người đang lao công cách bấp bênh trong thị trường phi chính thức, đã bị loại trừ khỏi những lợi ích của việc hoàn cầu hóa”. Họ “không được hưởng những thú vui hời hợt gây mê rất nhiều lương tâm, nhưng lại luôn phải chịu đựng những tác hại mà họ đã tạo ra. Những căn bệnh đang ảnh hưởng tới mọi người đã giáng xuống họ đến gấp đôi”.

Ngài bảo “Thật khó khăn xiết bao khi phải ở nhà đối với những người sống trong những căn nhà nhỏ xíu, xiêu vẹo, hoặc đối với những người vô gia cư. Thật khó khăn xiết bao đối với những người di cư, những người bị tước đoạt tự do và những người cai nghiện ngập. Anh chị em luôn kề vai sát cánh cùng họ, giúp họ làm cho mọi việc bớt khó khăn, bớt đau khổ. Tôi xin chúc mừng và cảm ơn anh chị em bằng cả tâm hồn tôi”.

Đức Giáo Hoàng đề nghị rằng việc sắp xếp lại các ưu tiên sau cuộc khủng hoảng này cuối cùng nên dẫn đến “quyền phổ quát có ba chữ T vốn được [các phong trào xã hội] bảo vệ: Trabajo (việc làm), Techo (nhà ở) và Tierra (đất đai và thực phẩm). Đức Giáo Hoàng Phanxicô thường xuyên đề cập đến việc cung cấp thoả đáng ba chữ T mà trong tiếng Anh là ba chữ L, tức Land (đất đai), Labor (lao động) và Lodging (nhà ở), như là căn bản cho các xã hội được xếp đặt hợp công lý. Chúng là những thành tố tối thiểu cho một cuộc sống xứng đáng vốn được trích dẫn bởi các phong trào bình dân có trụ sở trong Giáo Hội, ví dụ, trong Tuyên bố Sau cùng của Đại hội năm 2017 của Phong trào Công nhân Kitô giáo.

Lá thư của ngài bao gồm những lời khích lệ mạnh mẽ dành cho những người mà các chiến dịch thay đổi xã hội thường bị xã hội rộng lớn nghi ngờ “khi thông qua tổ chức cộng đồng, anh chị em cố gắng vượt lên trên hoạt động từ thiện hoặc khi, thay vì nhẫn nhục và hy vọng lượm được vụn bánh rơi từ bàn ăn của quyền lực kinh tế, anh chị em đã đòi các quyền lợi của mình”.

Ngài nói với họ: “Anh chị em là những người xây dựng không thể thiếu của sự thay đổi này, một sự thay đổi không còn có thể bị trì hoãn nữa”.

Ngài cũng kêu gọi họ tiếp tục công việc quan trọng của họ, thường không được ca ngợi, vì thiện ích chung. Ngài viết, “Tôi nghĩ đến tất cả mọi người, đặc biệt là phụ nữ, những người hóa bánh ra nhiều trong các căn bếp nấu cháo của nọ: hai củ hành và một gói gạo đã tạo thành món hầm ngon cho hàng trăm trẻ em. Tôi nghĩ đến người bệnh, tôi nghĩ đến người già. Họ không bao giờ xuất hiện trên tin tức, cũng như những người nông dân nhỏ và gia đình họ làm việc chăm chỉ để sản xuất thực phẩm lành mạnh mà không hủy hoại thiên nhiên, không tích trữ, không khai thác nhu cầu của người ta”.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô kết luận “Tôi muốn anh chị em biết rằng Cha Thiên Đàng của chúng ta dõi theo anh chị em, trân quí anh chị em, đánh giá cao anh chị em và hỗ trợ anh chị em trong dấn thân của anh chị em”.
 
Văn Hóa
Đại dịch Covid-19 và nguyên lý thời gian lớn hơn không gian
Vũ Văn An
05:15 12/04/2020
Đại dịch Covid-19 dạy ta rất nhiều bài học qúy giá, chắc chắn sẽ ảnh hưởng rất lâu trên cuộc sống bản thân, gia đình, cộng đồng, quốc gia và cả Giáo Hội nữa. Nhiều nhà bình luận đã bàn về viễn ảnh ấy. Riêng bản thân tôi học được một bài học không hẳn “thiết thực” lắm, nhưng cũng đủ để thấy mối liên kết thân thiết giữa thực tại lịch sử và mầu nhiệm cái học mênh mông.



Cái học mênh mông ở trước mặt ta quả là một mầu nhiệm. Như tôi chẳng hạn, khi Đức Phanxicô nói rằng thời gian lớn hơn không gian, tôi nghĩ ngài nói chuyện ruồi bu, chẳng ăn nhập gì với thực tại, chỉ là một thứ triết lý nói để mà nói. Từ ngày ngài nói câu ấy cho đến nay, có dễ cũng đã 7 năm trời, thực ra tôi không hiểu ngài muốn nói gì.

Thực thế, lần đầu tiên Đức Phanxicô “chính thức” nói câu nói đó, theo Phó Tế Jim Russell (ALETEIA), là trong thông điệp Lumen Fidei (29/6/2013), sau đó trong Thông Điệp Laudato Si’ và trong cả hai Tông Huấn Evangelii Gaudium Amoris Laetitia.

Trong Lumen Fidei (số 57), Đức Phanxicô viết: “Chúng ta hãy từ khước việc bị tước mất hy vọng hay để cho hy vọng của chúng ta leo lét bởi các giải đáp và giải pháp dễ dãi vốn chặn đứng tiến bộ của chúng ta, ‘phân mảnh’ thời gian và thay đổi nó thành không gian. Thời gian luôn lớn hơn không gian. Không gian làm khô cứng các diễn trình, trong khi thời gian đẩy ta về tương lai và khuyến khích ta tiến bước trong hy vọng”.

Phần đầu dễ hiểu phần sau, từ “phân mảnh thời gian...” trở đi, nghe như một thứ triết lý mây khói, không liên hệ gì tới thực tại. Đúng như Robert P. Imbelli, trong bài The Principled Ambivalence of Pope Francis, nhận định: nhiều người hoài nghi nguồn phát xuất của nó. Chúng có phải là các áp đặt triết lý đúng hơn là các mệnh lệnh Tin Mừng? Họ cũng lưu ý tới tính trừu tượng của nó và cái nghịch lý của việc nó được nói ra từ cửa miệng một Giáo Hoàng luôn tỏ ra không mấy thích các “ý niệm” nguyên tuyền.

Nghiên cứu kỹ hơn, Imbelli cho rằng nguồn gốc nguyên lý kia nằm trong một luận án tiến sĩ không bao giờ được hoàn tất về tư tưởng của Romano Guardini mà linh mục Jorge Mario Bergoglio bắt đầu ở Đức năm 1986.

Đối với Imbelli, hình như Đức Phanxicô “nhẩy sảng”: đang nói thời gian và không gian, nhẩy qua nói thời gian là diễn trình, không gian là quyền lực, không hề đưa ra luận chứng, chỉ khơi khơi khẳng định.

Ta hãy nghe thêm: trong Evangelii Gaudium, Đức Phanxicô cung cấp nhiều chi tiết hơn. Trong số 222, ngài viết: “một căng thẳng không thôi luôn hiện hữu giữa viên mãn và giới hạn. Viên mãn gợi lên ước muốn chiếm hữu hoàn toàn, trong khi giới hạn là một bức tường dựng lên trước mặt chúng ta. Nói một cách đại khái, “thời gian” liên hệ tới viên mãn như nói lên chân trời không ngừng mở ra trước mặt chúng ta, trong khi mỗi khoảnh khắc cá thể liên hệ tới giới hạn như nói lên việc vây khốn (enclosure). Người ta sống lơ lửng (poised) giữa mỗi khoảnh khắc cá thể và chân trời lớn lao hơn, tươi sáng hơn của tương lai không tưởng như nguyên cớ sau cùng lôi kéo chúng ta tới nó. Ở đây, ta thấy nguyên lý đầu tiên cho tiến bộ: thời gian lớn hơn không gian”.

Ngài viết tiếp liền sau đó, ở số 223: “Nguyên lý trên giúp chúng ta làm việc từ từ nhưng chắc chắn, không bị ám ảnh bởi các kết quả tức khắc. Nó giúp chúng ta kiên nhẫn chịu đựng các tình huống khó khăn, hay các thay đổi không thể tránh trong các kế hoạch của chúng ta. Nó mời gọi ta chấp nhận sự căng thẳng giữa viên mãn và giới hạn, và dành ưu tiên cho thời gian. Một trong các lỗi lầm ta thỉnh thoảng quan sát thấy nơi sinh hoạt xã hội chính trị là các không gian và quyền lực được ưa thích hơn thời gian và các diễn trình. Dành ưu tiên cho không gian có nghĩa là điên cuồng mưu toan duy trì mọi sự trong hiện tại, cố gắng chiếm hữu mọi không gian quyền lực và tự khẳng định (self-assertion); nó thủy tinh hóa các diễn trình và mạo muội ghì chặt nó về phía sau. Dành ưu tiên cho thời gian có nghĩa là quan tâm đến việc khởi diễn các diễn trình thay vì chiếm hữu các không gian. Thời gian cai trị các không gian, soi sáng các không gian và làm chúng trở thành các móc xích trong một dây chuyền không ngừng mở rộng, bất khả trở lui. Như thế, điều chúng ta cần là dành ưu tiên cho các hành động nào phát sinh ra các diễn trình mới trong xã hội và mời gọi người khác và các nhóm khác tham gia, những người và những nhóm có thể phát triển chúng tới chỗ sinh hoa kết trái trong các biến cố có ý nghĩa lịch sử. Một cách không lo lắng, nhưng đầy xác tín và kiên trì rõ ràng”.

Trước đây, quả tình tôi không đọc kỹ số 223 của Evangelii Gaudium. Đức Phanxicô biết thế, nên ngài đã một lần nữa nhắc lại nguyên lý ấy trong Laudato Si’, tức Thông điệp của ngài về môi sinh. Có gì liên hệ giữa “thời gian lớn hơn không gian” và môi sinh? Ta hãy đọc lại số 178: “Sự cận thị của nền chính trị quyền lực đã triển hạn việc lồng nghị trình môi sinh đầy viễn thị vào trong nghị trình tổng thể của các chính phủ. Do đó, chúng ta quên rằng ‘thời gian lớn hơn không gian’, chúng ta quên rằng chúng ta luôn hữu hiệu hơn khi sản sinh ra các diễn trình thay vì bám lấy các chức vị quyền lực”.

Chưa hết, hình như biết tôi lơ đễnh, Đức Phanxicô còn nói đến sự tương phản giữa “thời gian” và “không gian” nhiều lần khác nữa. Trong Amoris Laetitia, trong khi kiểu nói “thời gian lớn hơn không gian” nổi bật nhất ở số 3, ta hãy xem ngài nói gì ở đoạn số 261 về việc làm cha mẹ vì số này giúp ta hiểu hơn ngài muốn nói gì ở số 3:

261. Tuy nhiên, ám ảnh không phải là giáo dục. Ta không thể kiểm soát mọi hoàn cảnh mà một đứa con có thể trải qua. Ở đây, điều mãi mãi đúng là ‘thời gian lớn hơn không gian’. Nói cách khác, khởi đầu một diễn trình là điều quan trọng hơn việc khống chế không gian”.

Khẳng định ấy giúp ta hiểu rõ hơn điều ngài nói ở phần dẫn nhập:

3. Vì ‘thời gian lớn hơn không gian’, tôi xin minh xác điều này: không phải mọi cuộc thảo luận về các vấn đề tín lý, luân lý hay mục vụ đều cần được giải quyết thanh thỏa bởi các can thiệp của huấn quyền. Việc thống nhất giữa giáo huấn và thực hành chắc chắn là điều cần thiết trong Giáo Hội, nhưng điều này không loại trừ các cách giải thích đa dạng một số khía cạnh của giáo huấn ấy và từ đó rút ra một số hệ quả. Điều này luôn luôn đúng vì Thần Khí hướng dẫn chúng ta hướng về sự thật toàn vẹn (xem Ga 16:13), cho tới khi Người hướng dẫn ta vào mầu nhiệm Chúa Kitô một cách trọn vẹn và giúp ta thấy mọi sự như Người thấy”.

Covid-19

Đức Phanxicô dọn cỗ sẵn để tôi hiểu ý nghĩa thực sự của nguyên lý “thời gian lớn hơn không gian”. Nhưng tôi đã bỏ qua, cho tới khi vì Covid-19, không gian của tôi buộc phải thu hẹp hẳn lại, dù có muốn, tôi cũng không được ai cho phép tự do lui tới những không gian quen thuộc, đừng nói chi đến việc mở rộng thêm. Tôi chỉ còn một không gian rất nhỏ và một thời gian vẫn còn mênh mông phía trước, ít nhất cũng “mênh mông” hơn không gian hiện nay của tôi nhiều.



Tôi không còn chia sẻ không gian với nhiều người như trước. Ở những nơi tôi đã đi qua: Việt Nam, Tân Gia Ba, Mã Lai Á, Ai Cập, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Pháp, Đức, Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp, Ý, Vatican, Bosnia, Croatia, Anh, Hoa Kỳ, Trung Hoa, Nhật Bản, Đại Hàn, Đài Loan...

Ở Úc này, tôi đã được chia sẻ không gian với các cư dân Victoria, Canberra, Tasmania, Queensland. Riêng ở New South Wales, nhờ mỗi kỳ nghỉ hàng năm đi cùng đại gia đình, tôi chia sẻ không gian với rất nhiều cư dân thuộc South Coast và North Coast.

Bây giờ thì không gian của tôi phần lớn bị giới hạn ở mảnh đất hơn 6 trăm mét vuông. Dù sau này, Covid-19 có qua đi, thì viễn tượng không gian thu hẹp dần vẫn là viễn tượng mỗi ngày một đúng hơn đối với tôi. Cuối cùng, may lắm tôi có được chiếc giường mấy mét vuông ở một bệnh viện nào đó. Nơi mình khổ công xây dựng bấy lâu cũng sẽ không còn.

Nhưng thời gian thì tôi vẫn còn, có khi dư nữa, ít nhất là lúc này. Và thời gian thì không ai lấy được của tôi. Tôi có thể sử dụng nó cho riêng mình và tôi có thể sử dụng nó cho người khác.Tùy ở tôi. Nghĩ cho cùng, chỉ có thời gian mới thực sự cho tôi tự do.

Thời gian giúp tôi vượt không gian. Thực vậy, ở cái không gian hạn hẹp giữa 4, 5 bức tường nhà và tường rào, tôi vẫn có thể, trong một giây, vượt không gian mênh mông, hiệp thông với mọi tín hữu khắp hoàn cầu, cùng một lúc, “tham dự” Thánh Lễ và cầu nguyện với vị Đại diện Chúa Kitô ở trần gian.

Có người bảo dự thánh lễ trực tuyến đâu bằng dự thánh lễ bí tích. Tôi biết thế chứ. Nhưng không gian nhỏ hơn thời gian. Tôi biết làm sao. Tôi đâu làm gì để mở rộng không gian. Nhưng tôi toàn quyền dành thời gian của tôi, vượt không gian, “thông công” cùng mọi tín hữu khác, trong một hành động cùng một lúc thờ phượng Thiên Chúa. Không phải 2 hay 3 người, mà là hàng tỉ người! Trước đây, có bao giờ nghĩ tới làm điều này, quả tình, “thời gian lớn hơn không gian”.

Cũng chính cái lúc không gian thu nhỏ dần và thời gian lớn lên dần này, tôi mới chịu đọc lại nguyên tắc ấy theo giảng giải của chính Đức Phanxicô và mới ngộ ra chân lý của nó.

Điều quan trọng là khởi diễn các diễn trình, mà diễn trình là hàm số của thời gian. Đời sống ta, đời sống bản thân và đời sống cộng đoàn, ơn gọi ta, ơn gọi thánh hiến hay ơn gọi hôn nhân tất cả đều là 1 diễn trình. Chỉ có trên diễn trình ấy, ta mới hiểu như Đức Phanxicô rằng không ai tốt và xấu hoàn toàn, xấu không có nghĩa là không tốt, có khi chỉ là chưa tốt, hay mới chỉ tốt chút xíu, y hệt như hôn nhân “hợp lệ” (regular) và hôn nhân “bất hợp lệ” (irregular) trong Niềm Vui Yêu Thương (296-300): chúng không mâu thuẫn nhau như người ta thường nghĩ. Đã đành theo Giáo Luật, chúng mâu thuẫn nhau. Đức Phanxicô chấp nhận nhị phân này, nhưng ngài hạ thấp chúng xuống bình diện tiếng Anh gọi là subcontrary opposition. Từ điển VNDIC.NET dịch “subcontrary” là “hơi trái nghĩa” trong khi từ điển Merriam-Webster giả thích là “a proposition so related to another that though both may be true they cannot both be false” (một tuyên bố liên hệ với nhau đến nỗi dù cả hai có thể đúng, chúng không thể sai cả hai).

Có người đưa ra thí dụ: mâu thuẫn là “đen” và “không đen”. Nhưng trong chùm “đen” đối với “trắng”, “trắng” chỉ tách xa ra khỏi “đen” chứ không hẳn là “không đen”, thành thử không phải mọi điều “không đen” đều là không đen, nó vẫn có thể là xanh dương, xanh lá cây, hay đỏ.

Đức Phanxicô vẫn coi những cuộc hôn nhân “bất hợp lệ” là “bất hợp lệ” nhưng khi ngài để chữ bất hợp lệ trong ngoặc đơn thì chữ này không nên hiểu theo nghĩa tĩnh tụ mà là nghĩa năng động của một điều đang chuyển động, đang trên một hành trình, tuy có tách ra xa “hợp lệ” nhưng không hẳn là “bất hợp lệ”, rất có thể vừa bất hợp lệ vừa hợp lệ. Dù sao ngài tin Thiên Chúa vẫn đang yêu thương họ.

Giống hệt câu kết luận của Đức Tổng Giám Mục Anthony Fisher, trong bài giảng Lễ Vọng Phục Sinh năm 2020: nói với những người chưa tin Chúa Kitô, ngài bảo “bất luận bạn tin Người hay không, nhưng Người tin bạn; bất luận bạn có yêu Người hay không, Người vẫn yêu bạn”. Đời người là một diễn trình, hàm số của thời gian. Kiên nhẫn hành trình, chân trời luôn mở ra, hướng tới viên mãn.

Trái lại, bám vào nơi chốn, dừng tại một chỗ, quả là điên rồ, vì nơi chốn, dù có vẻ cố định hơn thời gian, thực ra cũng không cố định gì. Với tôi, quả như lời Thánh Kinh, đến “nơi nó sinh ra cũng chẳng còn vết tích”. Nơi tôi sinh ra, tôi rời bỏ lúc lên 15 để gia nhập chủng viện Chân Phúc Liêm Hải Phòng. Rồi rời bỏ Hải Phòng, tôi vào Bến Saint Jacques, rồi Mỹ Tho, rồi Sài Gòn, rồi Đà Lạt, rồi Sàigòn trở lại, rồi đi tù 1975, rồi về lại Sài Gòn, sau đó qua Singapore, rồi Úc. Có chỗ nào cố định?

Thời gian, dĩ nhiên, cũng chẳng cố định gì hơn. Hồi học tâm lý với linh mục Trần Văn Hiến Minh ở Trung học Bùi Chu, gần Nhà Thờ Huyện Sĩ, tôi nhớ mãi bài luận văn: không ai tắm trong cùng một dòng sông. Thời gian lúc trước khác với thời gian lúc sau. Thời gian luôn chuyển động, rời bỏ. Nhưng đó là điều Đức Phanxicô gọi là khoảnh khắc cá thể. Ngài bảo ta đừng “phân mảnh” thời gian thành những khoảnh khắc ấy, những khoảnh khắc ngài coi tương đương với không gian. Nếu tôi không lầm ngài hiểu thời gian đây là Kairos tức thời gian như một chân trời viễn tưởng luôn mở ra trước mắt chúng ta và chúng ta luôn hướng tới nó đến lúc đạt được viên mãn, trong khi những khoảnh khắc cá thể là Chronos, tức thời gian đong đếm được, trong đó, ta chỉ thấy giới hạn.

Nói thế, tôi vẫn muốn không gian của tôi được mở rộng như đầu năm 2020, không bị giới hạn nặng nề như hiện nay vì Covid-19 mà có người gọi là Covid-Tầu.
 
Chúa Đã Sống Lại
Lê Đình Thông
08:24 12/04/2020
Chúa cứu vớt nhân trần lầm lỗi
Đắm đuối trong tăm tối tội tình
Trên cây thập giá khổ hình
Giêsu chịu chết thân hình máu tuôn.

Chúa chỗi dậy từ trong cõi chết
Ra khỏi mồ còn vết thương đau
Phục sinh Thần khí nhiệm mầu
Tin Mừng nhất lãm nhịp cầu đức tin :

Ngày thứ nhất niềm tin mong đợi
Magdala cùng tới nhà mồ
Từ mờ mờ sáng tinh mơ
Đá kia mở lối bước vô diệu kỳ.

Chúa sống lại sinh thì cõi chết (Rm 4,24)
Do quyền năng chuyển biến Phục Sinh
Vinh quang Thần Khí Thiên đình
Tình yêu sáng tạo quang vinh cội nguồn (1 Pr 3,18).

Chúa Phục sinh nguồn ơn sự thật (Ga 2,1)
Với quyền năng trời đất muôn đời (Mt 28,18)
Quang vinh muôn thuở đất trời (Ga 17,5)
Thánh thần ban xuống đầy vơi ơn lành.

Chúa siêu tôn thông phần vinh hiển (Pl 3,21)
Ban ơn lành bất biến thân thương (Cl 3,3)
Nước Trời nguồn cội quê hương
Mai sau cùng hưởng tình thương Chúa Trời.

Mỗi tín hữu rạng ngời ơn phước
Là chứng nhân cứu chuộc Phục Sinh
Dấn thân trời mới kính tin
Cùng nhau reo rắc ơn lành Phúc âm (2 Cr 5,17)

Chúa sống lại trọng tâm : Giáo Hội
Sống hiệp thông nên một tôn thờ (Ga 17,21)
Xây trên đá tảng Phêrô (Mt 16,18)
Đời đời kiên vững đất trời hiển vinh. *

Lê Đình Thông

---
* Tu es Petrus, et super hanc petram aedificabo Ecclesiam meam,
 
Câu đối Phục Sinh
Lm Nguyễn Hồng Phúc
09:14 12/04/2020
 
Video nhạc Händel: Messiah Hallelujah mừng Chúa Phục Sinh -- Hợp xướng 200 ca viên
Mormon Tabernacle Choir
09:16 12/04/2020
 
Thơ Phục Sinh: Người Nữ Môn Đệ
Trần Bá Lộc, Michigan
09:31 12/04/2020






Nắng đã tắt trên đường lên núi sọ,

Mới hồi chiều Thầy bị họ đóng đinh,

Sau những giờ chịu đủ mọi cực hình,

Trên Thánh Giá trút Linh Hồn phó thác!

* * *

Mây theo gió mang chiều về bàng bạc,

Lòng ngẩn ngơ ta cố lạc hướng này

Vết máu Thầy khô bụi phủ còn đây,

Màn đêm kéo lung lay từng ảo giác.

Quỳ dốc vắng ngẫm nghiệm đời luân lạc,

Tiếng chim đêm than nốt nhạc vấn vương.

Thánh Giá buồn trên đồi nhỏ lệ thương,

Trời cao rộng gieo làn sương mù mịt.

Đêm canh thức thấy lòng ta cảm kích,

Nhớ tiếng roi xé thịt máu thấm loang.

Bàn chân chai vấp sỏi ngã đồi hoang,

Mồ hôi đỏ đẫm áo choàng nhàu nát.



Lòng canh cánh hướng về nơi liệm xác,

Thầy đi rồi ta ngờ ngạc nhớ thương.

Các anh em cùng chia nỗi đoạn trường,

Phòng đóng kín lo sợ phường hung ác.

* * *

*

Sáng thức dậy với nỗi buồn man mác,

Đường ra mồ không người gác sớm mai.

Ta nhìn quanh trong mồ chẵng có ai,

Thiên Thần báo đêm qua Ngài sống lại!

“Ngôi mộ trống” không làm ta sợ hãi,

Thầy là quá khứ, hiện tại, tương lai.

Thần Khí mang sức sống đến cùng Ngài,

Là dấu chỉ của ngày sau tươi sáng.



Ta nhắm mắt nghe không gian tĩnh lặng,

Ân sủng Người lấp cay đắng nhạt nhòa.

Máu của Người đổ theo ý Chúa Cha,

San bằng đi những nẻo tà uẩn khúc.

Ánh sáng chiếu cửa mồ dâng cảm xúc,

Lửa phập phồng như thúc giục lòng mình.

Ta hít vào làn hơi ấm Phục Sinh,

Thầy Chí Thánh, cứu tinh từ Thiên Quốc!

Nay ta chọn con đường không quen thuộc,

Báo Tin Mừng, tin Cứu Chuộc loài người.

Ta thấy mình đầy sức sống vui tươi,

Vì có Thầy đồng hành nơi cuộc sống.
 
Mừng Chúa Phục Sinh
Đinh Văn Tiến Hùng
09:50 12/04/2020
“Ngày thứ nhất trong tuần, vừa tảng sáng, các bà đến mồ, có mang theo hương liệu họ đã dọn sẵn. Và họ thấy viên đá đã lăn ra khỏi mồ, nhưng khi vào trong họ đã không gặp thấy xác Chúa Giê-su. Đang khi họ phân vân về điều ấy, thì này: bỗng có hai người hiện ra cho họ, áo chói lòa. Họ đâm sợ, sấp mình xuống đất, hai người kia mới nói cùng họ: Làm sao các ngươi đi tìm Đấng sống giữa người chết? Ngài không
còn ở đây, nhưng đã sống lại !..” ( Lc.24: 1- 6 )


“Vang khúc khải hoàn ca vang đại thắng,
Con Chúa Trời đã hiển hách thành công,
Vị Cứu Tinh bằng chiến thắng oai hùng,
Cây Thập Tự nơi chính Ngài tự hiến.” (*)

*Chúa sống ba mươi ba năm trần thế,
Ba mươi năm đời nghèo khó âm thầm,
Ba năm truyền yêu thương cho thế nhân,
Chết khổ nhục để Phục Sinh Vinh Hiển.

Muôn sức sống bừng lên trong vạn vật,
Ánh bình minh lan tỏa khắp không gian,
Trải qua rồi đêm tăm tối kinh hoàng,
Ngài tiên báo ba ngày sau sống lại.

Họ vội vã tới chân đồi cỏ dại,
Thăm Xác Thày đang khâm liệm nơi hang,
Phiến đá bật tung, rực rỡ hào quang,
Thiên sứ đứng uy nghi nơi cửa mộ.

“Hỡi các người đừng sững sờ lo sợ,
Hãy vui lên Ngài đã Phục sinh rồi,
Báo tin mừng cho nhân thế khắp nơi,
Chúa sống lại vinh quang từ cõi chết “

Hai môn đệ chưa nguôi sầu ly biệt,
Trên đường về chiều xuống làng Em-mau,
Cùng Khách lạ đang chia sẻ mối sầu,
Khi chia bánh nhận ra Thày quí mến.


Thả lưới suốt đêm thuyền vừa cập bến,
Tâm trí u sầu, lòng dạ nôn nao,
Phía chân trời lấp lánh những vì sao,
Ngài tiến đến lướt mình trên sóng nước

Quây quần đây với bao niềm mơ ước,
Gặp lại Thày hồn khắc khoải chờ trông,
Luồng gíó ào đến từ cõi hư không,
Ngài xuất hiện giữa nguyện đường sáng chói.

Hỡi Tô-Ma sao con cứng lòng thế?
Hãy lại đây mà xỏ vào cạnh sườn Thày,
Con đã thấy rồi mới xác tín ngay,
Không thấy vẫn tin mới là diễm phúc.

Thần khí dâng tràn, xua tan ảm đạm,
Chúa giơ tay chúc phúc các môn đồ
Lời thân thiết vang vọng mãi đến giờ,
Đem sức mạnh Tin Yêu từ ngày đó.

Cuộc đời con trải qua bao sóng gió,
Con tin yêu và trông cậy chờ mong,
Lời Chúa dạy luôn ấp ủ trong lòng,
Chúa Sống Lại đổ đầy ơn Thần Khí.

Ôi Chúa Sống lại chính là dấu chỉ,
Thắng sự chết để Sự Sống vươn lên,
Nay đại dịch đang gieo rắc cuồng điên,
Xin Chúa ban bình an cho nhân thế

“BÌNH AN CHO CÁC CON ! “

*Lời nguyện:

Lạy Chúa Cha kính mến !
Chúng con tạ ơn Cha, chương trình cứu chuộc là do sáng kiến của Cha.
Cha không tiếc Con Một của Cha là Đức Giêsu, mà sẵn sàng ban Ngài cho chúng con.
Lạy Chúa Giêsu yêu mến !
Chúng con sấp mình thờ lạy Tình yêu cao cả của Chúa.
Vì hạnh phúc nhân loại chúng con, Chúa đã chấp nhận tất cả mọi đau đơn, mọi cực hình. Ngài đã yêu chúng con và yêu đến cùng.
Lạy Chúa Thánh Linh chí ái !
Sau công trình của Chúa Giêsu hoàn tất, Chúa Thánh Linh đã thánh hóa chúng con dẫn vào hàng nghĩa tử để cùng với Chúa Giêsu, chúng con kêu lên với Thiên Chúa : Abba ! Cha ơi !
Lạy Thiên Chúa nhân từ !
Ngày hôm nay Thánh Tử Giêsu đã đánh bại thần chết, khai đường mở lối cho chúng con vào cuộc sống muôn đời. Nay chúng con đang hân hoan mừng Người Sống Lại. Xin Cha ban Thánh Thần làm cho chúng con trở nên người mới, để sống một cuộc đời tràn ngập ánh sáng Đấng Phục Sinh. Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Đức Chúa Cha và Chúa Thánh Thần đến muôn đời.
Ôi lạy Thiên Chúa Ba Ngôi cực thánh !
Xin tha thứ tội lỗi loài người đang xúc phạm đến Lòng Nhân Ái Chúa.
Xin tỏ quyền năng Thiên Chúa xua tan bóng tối của ma quỉ đang vây hãm chúng con và xin cứu giúp chúng con mau qua cơn đại dịch đang gieo rắc kinh hoàng trên khắp trái đất. – Amen -

Đinh văn Tiến Hùng

(*) Trich Thánh Thi Phụng Vụ






.
 
Tâm thư Cha Anton Phạm Hữu Tâm chia sẻ với anh em Linh mục
Lm. Anton Phạm Hữu Tâm, ICM
10:17 12/04/2020
New York City, ngày 11-4-2020

Quí Cha quí mến,

Qua những mạng xã hội chắc một số Cha cũng đã biết tin con lên New York City để giúp hỗ trợ Y Tế trong thời Dịch Bệnh Vi Rút Vũ Hán. Nhưng con muốn viết thư này như một báo tin trong Gia đình anh em Linh Mục của Liên Đoàn chúng ta.

Con rời Houston vào thứ Hai Tuần Thánh, làm thủ tục giấy tờ với NYC ngày thứ Ba, và bắt đầu làm việc sáng thứ Tư, cho gần 3 tuần. Nơi làm việc là Elmhurst Hospital, thành phố Queens, là tâm điểm của Dịch Bệnh, thường hay lên TV News vì số người chết, người bệnh quá nhiều. Số bệnh nhân hiện nay quá tải 110%, hầu hết 95% là bệnh nhân Covit. Tất cả cơ sở, các ngành chuyên khoa đều tập trung chữa trị bệnh nhân Covit mà thôi. Thời gian này trong bệnh viện không còn giải phẫu, sản phụ, tâm thần,… nhung các bác sĩ và y tá chia thành nhiều Team để chữa bệnh nhân Covit.

Con trong Team Palliative Care, giúp về giảm đau và những nhu cầu khác như tinh thần, gia đình, tâm linh. Khi bệnh nhân Covit nhập viện là cách ly gia đình, không thể thăm viếng, và nếu hôn mê là kể như gia đình hoàn toàn mất liên lạc. Trong những ngày qua, nhiều lần con đã phải liên lạc với gia đình hỏi ý kiến về Do Not Resuscitate vì tình trạng bệnh đang nghiêm trọng. Con cũng đã phải Facetime để gia đình ở nhà có thể thấy mặt người thân, khóc, cầu nguyện, nói lời từ biệt khi bệnh nhân đang hấp hối. Con cũng đã vài lần làm Bí tích Xức Dầu vì Cha tuyên úy bệnh viện không thể vào khu vực ICU cách ly.

Mỗi lần vào phòng bệnh nhân Covit là phải đối diện với nguy hiểm rập rình. Vi rút vô hình, có thể ở khắp nơi tấn công, và tình trạng nhiễm trùng trong phòng bệnh nhân bao nhiêu cũng khó đoán biết được. Quí Cha ở các khu vực nhiễm bệnh nặng, như NY, NJ, Seatle, Cali, New Orleans, … hay đã từng đi Xức Dầu cho bệnh nhân Covit, rất biết sự nguy hiểm này.

Là những linh mục của Chúa, anh em chúng ta đã dấn thân trọn cuộc đời, hy sinh, phục vụ, làm chứng cho tình yêu của Chúa. Tạ ơn Chúa con được thêm cơ hội này để làm sáng rỏ hơn hình ảnh và lý tưởng đời linh mục chúng ta. Xin Chúa cho con thêm sức mạnh và con tim chia sẻ. Xin quí Cha thêm lời cầu nguyện cho con.

Hiệp nhất trong tình anh em linh mục của Chúa,

Lm. Anton Phạm Hữu Tâm, ICM
 
Lời ca tụng Halleluja hay Alleluja
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
11:38 12/04/2020
Bắt đầu từ đêm canh thức ngày thứ Bảy tuần Thánh đón mừng Chúa Giêsu Kitô phục sinh sống lại, lời ca mừng reo hò Halleluia được cất hát xướng lên trọng thể ba lần loan báo tin mừng Chúa Giêsu phục sinh sống lại từ cõi chết.

Và rồi trong suốt mùa mừng lễ Chúa phục sinh, cùng trong mùa phụng vụ thường niên lời ca tụng Halleluja cũng được xướng hát lên trước khi đọc bài phúc âm trong thánh lễ Misa.

Đâu là ý nghĩa lời ca tụng reo mừng Halleluja?

Câu ca tụng reo mừng Halleluja cùng với câu Amen, câu Hosianna là những câu chữ bắt nguồn từ tiếng Do Thái được dùng phổ biến sâu rộng nhất trên thế giới, nhất là trong các kinh phụng vụ Giáo Hội Công Giáo.

Hallelu mang ý nghĩa „ ca tụng“, còn chữ -Ja ở cuối ẩn chứa viết tắt chữ „Jahwe“, mà trong Kinh Thánh được phiên dịch là „Thiên Chúa“. Như thế Halleluja nói lên tâm tình ý nghĩa sâu xa „ Hãy ca tụng Thiên Chúa!“.

Halleluja là cách chuyển trong tiếng Đức từ ngôn ngữ Do Thái הַלְּלוּיָהּ (hallelu-Jáh). Theo tiếng Latinh viết là Alleluia có nguồn gốc từ tiếng Hy lạp „ἁλληλουϊά“. Vì trong tiếng Hy Lạp không có mẫu tự h.

Câu tung hô Halleluja trong các Thánh Vịnh phần Cựu ước có tới 23 lần: TV. 104,35; 105,45; 106,1.48; 111,1; 112,1; 113,1.9; 115,18; 116,19; 117,2; 135,1.21; 146,1.10; 147,1.20; 148,1.14; 149,1.9; 150,1.6.

Các Thánh vịnh từ 112 tới 118 theo cung cách truyền thống đều bắt đầu bằng câu Hallel : Hãy ca ngợi.

Câu HaleluJah có trong sách Khải Huyền của Thánh Gioan bốn lần ( KH 19,1–6).

Dựa theo phụng vụ Do Thái, các tín hữu Chúa Kitô ngay từ thời sơ khai đã nói lên vui mừng cùng ngợi thành Giêrusalem trên trời bằng lời Halleluja : „ Các cửa thành Giê-ru-sa-lem vang tiếng ca hoan hỷ, mọi nhà sẽ cùng hát: "Ha-lê-luj-a!„ (Sách Tobia 13,18)

Bằng lời ca ngợi Halleluja trong sách Khải Huyền, Con Chiên Thiên Chúa được tung hô ca mừng là người chiến thắng: "Ha-lê-luj-a!Thiên Chúa ta thờ là Đấng cứu độ, Đấng vinh hiển uy quyền! (Kh 19,1.)

Chữ Halleluja là chữ rất cổ xưa có từ thời kinh thánh được các vị Tư Tế xướng lên và dân chúng tín hữu lặp lại trong lễ nghi phụng vụ, để ca tụng Thiên Chúa

Câu chữ Halleluja được dùng đọc hay hát lên trong các lời Kinh phụng vụ của Giáo Hội Công Giáo, nhưng không dịch ra các ngôn ngữ địa phương, mà giữ nguyên chữ như vậy, tương tự như tiếng Amen, chữ Hosiana.

Halleluja là lời hát diễn tả niềm hy vọng trong lúc gặp khủng hoảng. Hy vọng luôn luôn là dấu chỉ về một tương lai mới như trong Thánh Vịnh 112 đã có lời cầu nguyện: „ Halleluja. Hạnh phúc thay, người kính sợ CHÚA, những ưa cùng thích mệnh lệnh Chúa truyền ban.“ (Tv 112, 1)

Lời ca tụng Halleluja này không là thứ tiếng reo hò qua môi miệng bên ngoài, nhưng liên quan mật thiết với tâm tình lòng yêu mến và tin tưởng sâu thẳm từ trong tâm hồn.

Trong đời sống khi người nào nói lời ca tụng ai, là họ muốn biểu lộ tình thân thiết gắn bó với người được ca tụng. Và qua đó muốn nói lên: Bạn đã làm điều tốt, điều hay chính đáng phải lẽ!

Cũng thế, khi người tín hữu Chúa Kitô nói hát lời ca tụng Halleluja, muốn biểu lộ tấm lòng chân thành của mình với Thiên Chúa: Lạy Thiên Chúa, con hướng nhìn về Chúa. Trong niềm vui mừng hân hoan con ca hát chúc tụng Chúa. Vì Chúa đã thực hiện điều tốt lành thánh thiện cho chúng con!

Lời ca tụng Halleluja không do các tín hữu Chúa Kitô phát minh ra. Nhưng đã có gốc rễ ăn sâu trong lịch sử của dân Do Thái từ hàng ngàn năm rrước đó rồi. Vì thế họ đã viết những Thánh Vịnh Hallel- Ca tụng Thiên Chúa Giavê.

Chúa Giêsu Kitô sinh trưởng trên trần gian là người Do Thái có nếp sống giữ đạo Do Thái đạo đức. Nên Ngài đã cùng đọc cầu nguyện bằng Thánh vịnh Hallel cùng ca hát những Thánh Vịnh Hallel trong các Hội Đường, để ca tụng ngợi khen Thiên Chúa. Vì Thiên Chúa đã sáng tạo công trình vũ trụ thiên nhiên cho mọi loài sinh sống, vì Thiên Chúa đã cứu giải thoát dân ra khỏi cảnh tù tội nô lệ bên Aicập cho được sống trong tự do trên quê hương đất nước của mình.

Hai biến cố lịch sử sáng tạo này là căn bản này luôn thuộc về đêm canh thức phục sinh trong Giáo hội. Thiên Chúa đã trao tặng con người không gian và sự tự do cho đời sống. Đón mừng Chúa Giêsu Kitô phục sinh sống lại là biến cố sáng tạo mới, mà Thiên Chúa thực hiện cho con người được thoát khỏi hình phạt xiềng xích nô lệ của tội lỗi. Vì thế, người tín hữu Chúa Giêsu Kitô cùng với dân Do Thái hát lời ca tụng Halleluja, bài ca ngợi tạ ơn của những người được cứu độ giải thoát.

Năm nay 2020, người tín hữu Chúa Kitô trên khắp trần gian không có cơ hội cùng chung mừng lễ Chúa Giêsu Kitô phục sinh long trọng như mọi năm trước. Vì hoàn cảnh bệnh dịch do vi trùng Corona lây lan nguy hiểm đe dọa sức khoẻ sự sống con người. Nên mọi sinh hoạt lễ nghi phụng vụ mục vụ bị giới hạn thu hẹp tạm ngưng đình hoãn, để cùng phòng chống tình trạng bệnh dịch lây lan truyền nhiễm lan rộng.

Lẽ dĩ nhiên, các lễ nghi phụng vụ Giáo hội cũng được cử hành thu hẹp trong giới hạn về không gian, thời gian và số người tham dự, và được trực tiếp truyền hình trên các hệ thống kênh truyền hình, truyền thanh. Nhưng đó cũng chỉ là một phần nào bù đắp vào sự thiếu thốn giới hạn cùng xa cách không gian thôi. Nó thiếu không khí linh thiêng sống động, thiếu thốn trống vắng không khí cùng chung mừng vui đọc kinh ca hát gặp gỡ.

Và do đó, lời Halleluja ca tụng mừng kính Chúa Giêsu Kitô phục sinh sống lại trong đêm thánh sáng tạo mới và trong các nghi lễ phụng vụ biến thành lời cầu nguyện:

Xin Thiên Chúa, Đấng sáng tạo cùng nuôi dưỡng gìn giữ vũ trụ thiên nhiên,

Đắng đã cứu độ giải thoát dân Do Thái thoát khỏi cảnh nô lệ bên Aicập,

và đã đánh thức cho Chúa Giêsu Kitô chỗi dậy sống lại từ cõi chết,

gìn giữ ban cho thế giới loài con người ân đức chúc lành, cho chúng con sống bằng an mạnh khoẻ mau sớm được giải thoát cứu nguy khỏi bệnh dịch hoành hành đe dọa loài người. Amen.

Lễ mừng Chúa phục sinh 12.04.2020

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long

 
Văn Hoá: Đại dịch Covid-19 và nguyên lý thời gian lớn hơn không gian
Vũ Văn An
19:19 12/04/2020
Đại dịch Covid-19 dạy ta rất nhiều bài học qúy giá, chắc chắn sẽ ảnh hưởng rất lâu trên cuộc sống bản thân, gia đình, cộng đồng, quốc gia và cả Giáo Hội nữa. Nhiều nhà bình luận đã bàn về viễn ảnh ấy. Riêng bản thân tôi học được một bài học không hẳn “thiết thực” lắm, nhưng cũng đủ để thấy mối liên kết thân thiết giữa thực tại lịch sử và mầu nhiệm cái học mênh mông.



Cái học mênh mông ở trước mặt ta quả là một mầu nhiệm. Như tôi chẳng hạn, khi Đức Phanxicô nói rằng thời gian lớn hơn không gian, tôi nghĩ ngài nói chuyện ruồi bu, chẳng ăn nhập gì với thực tại, chỉ là một thứ triết lý nói để mà nói. Từ ngày ngài nói câu ấy cho đến nay, có dễ cũng đã 7 năm trời, thực ra tôi không hiểu ngài muốn nói gì.

Thực thế, lần đầu tiên Đức Phanxicô “chính thức” nói câu nói đó, theo Phó Tế Jim Russell (ALETEIA), là trong thông điệp Lumen Fidei (29/6/2013), sau đó trong Thông Điệp Laudato Si’ và trong cả hai Tông Huấn Evangelii Gaudium Amoris Laetitia.

Trong Lumen Fidei (số 57), Đức Phanxicô viết: “Chúng ta hãy từ khước việc bị tước mất hy vọng hay để cho hy vọng của chúng ta leo lét bởi các giải đáp và giải pháp dễ dãi vốn chặn đứng tiến bộ của chúng ta, ‘phân mảnh’ thời gian và thay đổi nó thành không gian. Thời gian luôn lớn hơn không gian. Không gian làm khô cứng các diễn trình, trong khi thời gian đẩy ta về tương lai và khuyến khích ta tiến bước trong hy vọng”.

Phần đầu dễ hiểu phần sau, từ “phân mảnh thời gian...” trở đi, nghe như một thứ triết lý mây khói, không liên hệ gì tới thực tại. Đúng như Robert P. Imbelli, trong bài The Principled Ambivalence of Pope Francis, nhận định: nhiều người hoài nghi nguồn phát xuất của nó. Chúng có phải là các áp đặt triết lý đúng hơn là các mệnh lệnh Tin Mừng? Họ cũng lưu ý tới tính trừu tượng của nó và cái nghịch lý của việc nó được nói ra từ cửa miệng một Giáo Hoàng luôn tỏ ra không mấy thích các “ý niệm” nguyên tuyền.

Nghiên cứu kỹ hơn, Imbelli cho rằng nguồn gốc nguyên lý kia nằm trong một luận án tiến sĩ không bao giờ được hoàn tất về tư tưởng của Romano Guardini mà linh mục Jorge Mario Bergoglio bắt đầu ở Đức năm 1986.

Đối với Imbelli, hình như Đức Phanxicô “nhẩy sảng”: đang nói thời gian và không gian, nhẩy qua nói thời gian là diễn trình, không gian là quyền lực, không hề đưa ra luận chứng, chỉ khơi khơi khẳng định.

Ta hãy nghe thêm: trong Evangelii Gaudium, Đức Phanxicô cung cấp nhiều chi tiết hơn. Trong số 222, ngài viết: “một căng thẳng không thôi luôn hiện hữu giữa viên mãn và giới hạn. Viên mãn gợi lên ước muốn chiếm hữu hoàn toàn, trong khi giới hạn là một bức tường dựng lên trước mặt chúng ta. Nói một cách đại khái, “thời gian” liên hệ tới viên mãn như nói lên chân trời không ngừng mở ra trước mặt chúng ta, trong khi mỗi khoảnh khắc cá thể liên hệ tới giới hạn như nói lên việc vây khốn (enclosure). Người ta sống lơ lửng (poised) giữa mỗi khoảnh khắc cá thể và chân trời lớn lao hơn, tươi sáng hơn của tương lai không tưởng như nguyên cớ sau cùng lôi kéo chúng ta tới nó. Ở đây, ta thấy nguyên lý đầu tiên cho tiến bộ: thời gian lớn hơn không gian”.

Ngài viết tiếp liền sau đó, ở số 223: “Nguyên lý trên giúp chúng ta làm việc từ từ nhưng chắc chắn, không bị ám ảnh bởi các kết quả tức khắc. Nó giúp chúng ta kiên nhẫn chịu đựng các tình huống khó khăn, hay các thay đổi không thể tránh trong các kế hoạch của chúng ta. Nó mời gọi ta chấp nhận sự căng thẳng giữa viên mãn và giới hạn, và dành ưu tiên cho thời gian. Một trong các lỗi lầm ta thỉnh thoảng quan sát thấy nơi sinh hoạt xã hội chính trị là các không gian và quyền lực được ưa thích hơn thời gian và các diễn trình. Dành ưu tiên cho không gian có nghĩa là điên cuồng mưu toan duy trì mọi sự trong hiện tại, cố gắng chiếm hữu mọi không gian quyền lực và tự khẳng định (self-assertion); nó thủy tinh hóa các diễn trình và mạo muội ghì chặt nó về phía sau. Dành ưu tiên cho thời gian có nghĩa là quan tâm đến việc khởi diễn các diễn trình thay vì chiếm hữu các không gian. Thời gian cai trị các không gian, soi sáng các không gian và làm chúng trở thành các móc xích trong một dây chuyền không ngừng mở rộng, bất khả trở lui. Như thế, điều chúng ta cần là dành ưu tiên cho các hành động nào phát sinh ra các diễn trình mới trong xã hội và mời gọi người khác và các nhóm khác tham gia, những người và những nhóm có thể phát triển chúng tới chỗ sinh hoa kết trái trong các biến cố có ý nghĩa lịch sử. Một cách không lo lắng, nhưng đầy xác tín và kiên trì rõ ràng”.

Trước đây, quả tình tôi không đọc kỹ số 223 của Evangelii Gaudium. Đức Phanxicô biết thế, nên ngài đã một lần nữa nhắc lại nguyên lý ấy trong Laudato Si’, tức Thông điệp của ngài về môi sinh. Có gì liên hệ giữa “thời gian lớn hơn không gian” và môi sinh? Ta hãy đọc lại số 178: “Sự cận thị của nền chính trị quyền lực đã triển hạn việc lồng nghị trình môi sinh đầy viễn thị vào trong nghị trình tổng thể của các chính phủ. Do đó, chúng ta quên rằng ‘thời gian lớn hơn không gian’, chúng ta quên rằng chúng ta luôn hữu hiệu hơn khi sản sinh ra các diễn trình thay vì bám lấy các chức vị quyền lực”.

Chưa hết, hình như biết tôi lơ đễnh, Đức Phanxicô còn nói đến sự tương phản giữa “thời gian” và “không gian” nhiều lần khác nữa. Trong Amoris Laetitia, trong khi kiểu nói “thời gian lớn hơn không gian” nổi bật nhất ở số 3, ta hãy xem ngài nói gì ở đoạn số 261 về việc làm cha mẹ vì số này giúp ta hiểu hơn ngài muốn nói gì ở số 3:

261. Tuy nhiên, ám ảnh không phải là giáo dục. Ta không thể kiểm soát mọi hoàn cảnh mà một đứa con có thể trải qua. Ở đây, điều mãi mãi đúng là ‘thời gian lớn hơn không gian’. Nói cách khác, khởi đầu một diễn trình là điều quan trọng hơn việc khống chế không gian”.

Khẳng định ấy giúp ta hiểu rõ hơn điều ngài nói ở phần dẫn nhập:

3. Vì ‘thời gian lớn hơn không gian’, tôi xin minh xác điều này: không phải mọi cuộc thảo luận về các vấn đề tín lý, luân lý hay mục vụ đều cần được giải quyết thanh thỏa bởi các can thiệp của huấn quyền. Việc thống nhất giữa giáo huấn và thực hành chắc chắn là điều cần thiết trong Giáo Hội, nhưng điều này không loại trừ các cách giải thích đa dạng một số khía cạnh của giáo huấn ấy và từ đó rút ra một số hệ quả. Điều này luôn luôn đúng vì Thần Khí hướng dẫn chúng ta hướng về sự thật toàn vẹn (xem Ga 16:13), cho tới khi Người hướng dẫn ta vào mầu nhiệm Chúa Kitô một cách trọn vẹn và giúp ta thấy mọi sự như Người thấy”.

Covid-19

Đức Phanxicô dọn cỗ sẵn để tôi hiểu ý nghĩa thực sự của nguyên lý “thời gian lớn hơn không gian”. Nhưng tôi đã bỏ qua, cho tới khi vì Covid-19, không gian của tôi buộc phải thu hẹp hẳn lại, dù có muốn, tôi cũng không được ai cho phép tự do lui tới những không gian quen thuộc, đừng nói chi đến việc mở rộng thêm. Tôi chỉ còn một không gian rất nhỏ và một thời gian vẫn còn mênh mông phía trước, ít nhất cũng “mênh mông” hơn không gian hiện nay của tôi nhiều.



Tôi không còn chia sẻ không gian với nhiều người như trước. Ở những nơi tôi đã đi qua: Việt Nam, Tân Gia Ba, Mã Lai Á, Ai Cập, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Pháp, Đức, Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp, Ý, Vatican, Bosnia, Croatia, Anh, Hoa Kỳ, Trung Hoa, Nhật Bản, Đại Hàn, Đài Loan...

Ở Úc này, tôi đã được chia sẻ không gian với các cư dân Victoria, Canberra, Tasmania, Queensland. Riêng ở New South Wales, nhờ mỗi kỳ nghỉ hàng năm đi cùng đại gia đình, tôi chia sẻ không gian với rất nhiều cư dân thuộc South Coast và North Coast.

Bây giờ thì không gian của tôi phần lớn bị giới hạn ở mảnh đất hơn 6 trăm mét vuông. Dù sau này, Covid-19 có qua đi, thì viễn tượng không gian thu hẹp dần vẫn là viễn tượng mỗi ngày một đúng hơn đối với tôi. Cuối cùng, may lắm tôi có được chiếc giường mấy mét vuông ở một bệnh viện nào đó. Nơi mình khổ công xây dựng bấy lâu cũng sẽ không còn.

Nhưng thời gian thì tôi vẫn còn, có khi dư nữa, ít nhất là lúc này. Và thời gian thì không ai lấy được của tôi. Tôi có thể sử dụng nó cho riêng mình và tôi có thể sử dụng nó cho người khác.Tùy ở tôi. Nghĩ cho cùng, chỉ có thời gian mới thực sự cho tôi tự do.

Thời gian giúp tôi vượt không gian. Thực vậy, ở cái không gian hạn hẹp giữa 4, 5 bức tường nhà và tường rào, tôi vẫn có thể, trong một giây, vượt không gian mênh mông, hiệp thông với mọi tín hữu khắp hoàn cầu, cùng một lúc, “tham dự” Thánh Lễ và cầu nguyện với vị Đại diện Chúa Kitô ở trần gian.

Có người bảo dự thánh lễ trực tuyến đâu bằng dự thánh lễ bí tích. Tôi biết thế chứ. Nhưng không gian nhỏ hơn thời gian. Tôi biết làm sao. Tôi đâu làm gì để mở rộng không gian. Nhưng tôi toàn quyền dành thời gian của tôi, vượt không gian, “thông công” cùng mọi tín hữu khác, trong một hành động cùng một lúc thờ phượng Thiên Chúa. Không phải 2 hay 3 người, mà là hàng tỉ người! Trước đây, có bao giờ nghĩ tới làm điều này, quả tình, “thời gian lớn hơn không gian”.

Cũng chính cái lúc không gian thu nhỏ dần và thời gian lớn lên dần này, tôi mới chịu đọc lại nguyên tắc ấy theo giảng giải của chính Đức Phanxicô và mới ngộ ra chân lý của nó.

Điều quan trọng là khởi diễn các diễn trình, mà diễn trình là hàm số của thời gian. Đời sống ta, đời sống bản thân và đời sống cộng đoàn, ơn gọi ta, ơn gọi thánh hiến hay ơn gọi hôn nhân tất cả đều là 1 diễn trình. Chỉ có trên diễn trình ấy, ta mới hiểu như Đức Phanxicô rằng không ai tốt và xấu hoàn toàn, xấu không có nghĩa là không tốt, có khi chỉ là chưa tốt, hay mới chỉ tốt chút xíu, y hệt như hôn nhân “hợp lệ” (regular) và hôn nhân “bất hợp lệ” (irregular) trong Niềm Vui Yêu Thương (296-300): chúng không mâu thuẫn nhau như người ta thường nghĩ. Đã đành theo Giáo Luật, chúng mâu thuẫn nhau. Đức Phanxicô chấp nhận nhị phân này, nhưng ngài hạ thấp chúng xuống bình diện tiếng Anh gọi là subcontrary opposition. Từ điển VNDIC.NET dịch “subcontrary” là “hơi trái nghĩa” trong khi từ điển Merriam-Webster giả thích là “a proposition so related to another that though both may be true they cannot both be false” (một tuyên bố liên hệ với nhau đến nỗi dù cả hai có thể đúng, chúng không thể sai cả hai).

Có người đưa ra thí dụ: mâu thuẫn là “đen” và “không đen”. Nhưng trong chùm “đen” đối với “trắng”, “trắng” chỉ tách xa ra khỏi “đen” chứ không hẳn là “không đen”, thành thử không phải mọi điều “không đen” đều là không đen, nó vẫn có thể là xanh dương, xanh lá cây, hay đỏ.

Đức Phanxicô vẫn coi những cuộc hôn nhân “bất hợp lệ” là “bất hợp lệ” nhưng khi ngài để chữ bất hợp lệ trong ngoặc đơn thì chữ này không nên hiểu theo nghĩa tĩnh tụ mà là nghĩa năng động của một điều đang chuyển động, đang trên một hành trình, tuy có tách ra xa “hợp lệ” nhưng không hẳn là “bất hợp lệ”, rất có thể vừa bất hợp lệ vừa hợp lệ. Dù sao ngài tin Thiên Chúa vẫn đang yêu thương họ.

Giống hệt câu kết luận của Đức Tổng Giám Mục Anthony Fisher, trong bài giảng Lễ Vọng Phục Sinh năm 2020: nói với những người chưa tin Chúa Kitô, ngài bảo “bất luận bạn tin Người hay không, nhưng Người tin bạn; bất luận bạn có yêu Người hay không, Người vẫn yêu bạn”. Đời người là một diễn trình, hàm số của thời gian. Kiên nhẫn hành trình, chân trời luôn mở ra, hướng tới viên mãn.

Trái lại, bám vào nơi chốn, dừng tại một chỗ, quả là điên rồ, vì nơi chốn, dù có vẻ cố định hơn thời gian, thực ra cũng không cố định gì. Với tôi, quả như lời Thánh Kinh, đến “nơi nó sinh ra cũng chẳng còn vết tích”. Nơi tôi sinh ra, tôi rời bỏ lúc lên 15 để gia nhập chủng viện Chân Phúc Liêm Hải Phòng. Rồi rời bỏ Hải Phòng, tôi vào Bến Saint Jacques, rồi Mỹ Tho, rồi Sài Gòn, rồi Đà Lạt, rồi Sàigòn trở lại, rồi đi tù 1975, rồi về lại Sài Gòn, sau đó qua Singapore, rồi Úc. Có chỗ nào cố định?

Thời gian, dĩ nhiên, cũng chẳng cố định gì hơn. Hồi học tâm lý với linh mục Trần Văn Hiến Minh ở Trung học Bùi Chu, gần Nhà Thờ Huyện Sĩ, tôi nhớ mãi bài luận văn: không ai tắm trong cùng một dòng sông. Thời gian lúc trước khác với thời gian lúc sau. Thời gian luôn chuyển động, rời bỏ. Nhưng đó là điều Đức Phanxicô gọi là khoảnh khắc cá thể. Ngài bảo ta đừng “phân mảnh” thời gian thành những khoảnh khắc ấy, những khoảnh khắc ngài coi tương đương với không gian. Nếu tôi không lầm ngài hiểu thời gian đây là Kairos tức thời gian như một chân trời viễn tưởng luôn mở ra trước mắt chúng ta và chúng ta luôn hướng tới nó đến lúc đạt được viên mãn, trong khi những khoảnh khắc cá thể là Chronos, tức thời gian đong đếm được, trong đó, ta chỉ thấy giới hạn.

Nói thế, tôi vẫn muốn không gian của tôi được mở rộng như đầu năm 2020, không bị giới hạn nặng nề như hiện nay vì Covid-19 mà có người gọi là Covid-Tầu.
 
VietCatholic TV
Đón nhận Ơn Toàn Xá và phép lành Phục sinh Urbi et Orbi từ Đức Thánh Cha Phanxicô
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
08:16 12/04/2020

Khác với những buổi đọc thông điệp Phục sinh Urbi et Orbi trong các năm trước, năm nay không có thảm đỏ thật lớn treo trên ban công chính giữa Đền Thờ Thánh Phêrô; không có ban nhạc trỗi quốc thiều Vatican; không hoa Hà Lan trang trí quảng trường Thánh Phêrô. Các đường phố gần đó vắng tanh và im lặng, vì Ý tiếp tục áp dụng lệnh cách ly trước dịch bệnh coronavirus kinh hoàng.

Bên trong Đền Thờ Thánh Phêrô, bao quanh bởi các cộng tác viên gần gũi nhất của ngài, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi thông điệp Urbi et Orbi truyền thống đến Rôma và thế giới.

Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.


Anh chị em thân mến, chúc mừng lễ Phục sinh!

Hôm nay lời loan báo của Giáo Hội vang lên trên toàn thế giới: “Chúa Giêsu Kitô đã sống lại! Ngài đã sống lại thật!”

Như một ngọn lửa mới, Tin mừng này loé lên trong đêm: đêm của một thế giới đã phải đối mặt với những thách thức mang tính thời đại và bây giờ lại bị đè bẹp bởi một đại dịch đang thách thức nghiêm trọng cả gia đình nhân loại chúng ta. Trong đêm nay, tiếng nói của Giáo Hội vang lên: “Chúa Kitô, niềm hy vọng của tôi, đã sống lại!” (Ca tiếp liên).

Đây là một sự “lây lan” khác, một thông điệp được truyền đi từ tâm hồn này đến tâm hồn khác - cho mỗi tâm hồn con người đang chờ đợi Tin Mừng này. Đây là sự lây lan của hy vọng: “Chúa Kitô, niềm hy vọng của tôi, đã sống lại!” Đây không phải là công thức ma thuật làm cho vấn đề biến mất. Không, sự phục sinh của Chúa Kitô không phải là điều đó. Thay vào đó, nó là chiến thắng của tình yêu trên gốc rễ của cái ác, một chiến thắng không “tránh né” đau khổ và cái chết, nhưng đi qua chúng, mở ra một con đường trong vực thẳm, chuyển ác thành tốt: đây là một dấu ấn độc đáo của quyền năng Thiên Chúa.

Chúa Phục sinh cũng là Đấng bị đóng đinh chứ không phải ai khác. Trong cơ thể vinh quang của Người, Chúa mang những vết thương không thể xóa nhòa: đó là những vết thương đã trở thành những cửa sổ hy vọng. Chúng ta hãy hướng ánh mắt về Người để có thể chữa lành vết thương của một nhân loại đau khổ.

Hôm nay, suy nghĩ của tôi trước hết hướng đến nhiều người bị ảnh hưởng trực tiếp bởi coronavirus: các bệnh nhân, những người đã chết và các gia đình đang tiếc thương sự mất mát người thân, trong một số trường hợp, họ thậm chí không thể chia tay nhau lần cuối. Xin Chúa của sự sống chào đón những người đã ra đi vào vương quốc của Người và ban ơn an ủi và hy vọng cho những người vẫn còn phải đau khổ, đặc biệt là những người già và những người cô đơn. Xin Người đừng bao giờ rút lại sự an ủi và giúp đỡ những người đặc biệt dễ bị tổn thương, chẳng hạn như những người làm việc trong viện dưỡng lão, hoặc sống trong các doanh trại và những nhà tù. Đối với nhiều người, đây là một lễ Phục sinh cô độc, khi phải sống giữa những nỗi buồn và khó khăn mà đại dịch đang gây ra, từ đau khổ về thể xác đến khó khăn về kinh tế.

Căn bệnh này không chỉ làm mất đi sự gần gũi của con người mà còn làm mất đi khả năng đích thân nhận được sự an ủi tuôn chảy từ các bí tích, đặc biệt là Bí tích Thánh Thể và Hòa giải. Ở nhiều quốc gia, các tín hữu đã không thể tiếp cận các bí tích này, nhưng Chúa không để chúng ta cô đơn! Khi được hiệp nhất trong lời cầu nguyện, chúng ta tin rằng Ngài đã đặt tay trên chúng ta (x Tv 138: 5), mạnh mẽ trấn an chúng ta rằng: Đừng sợ, “Thầy đã sống lại và Thầy vẫn ở cùng các con!” (x. Sách Lễ Rôma, Ca Nhập Lễ, Thánh lễ Chúa Nhật Phục Sinh).

Xin Chúa Giêsu, là Lễ Vượt Qua của chúng ta, ban sức mạnh và hy vọng cho các bác sĩ và y tá, những người ở khắp mọi nơi đang đưa ra một chứng tá về sự chăm sóc và yêu thương người lân cận, đến mức kiệt sức và thường phải trả giá bằng sức khỏe của chính mình. Lòng biết ơn và tình cảm của chúng ta dành cho họ, dành cho tất cả những người làm việc siêng năng để bảo đảm các dịch vụ thiết yếu cho xã hội dân sự, và dành cho các cơ quan thực thi pháp luật và quân đội ở nhiều quốc gia đã giúp giảm bớt khó khăn và đau khổ của mọi người.

Trong những tuần lễ này, cuộc sống của hàng triệu người đã đột ngột thay đổi. Đối với nhiều người, việc phải ở nhà là một cơ hội để suy ngẫm, rút lui khỏi nhịp sống điên cuồng, ở bên những người thân yêu và tận hưởng sự đồng hành của họ. Tuy nhiên, đối với nhiều người, đây cũng là thời gian lo lắng về một tương lai không chắc chắn, về những công việc có nguy cơ bị mất và về những hậu quả khác của cuộc khủng hoảng hiện tại. Tôi khuyến khích các nhà lãnh đạo chính trị tích cực làm việc vì lợi ích chung, cung cấp các phương tiện và nguồn lực cần thiết để mọi người có một cuộc sống trong tôn nghiêm và, khi hoàn cảnh cho phép, hãy giúp họ tiếp tục các hoạt động bình thường hàng ngày.

Đây không phải là thời gian cho sự thờ ơ, bởi vì cả thế giới đang đau khổ và cần phải đoàn kết để đối mặt với đại dịch. Xin Chúa Giêsu Phục sinh ban hy vọng cho tất cả những người nghèo, cho những người sống ở các vùng ngoại vi, cho những người tị nạn và những người vô gia cư. Cầu xin cho những anh chị em này, những người dễ bị tổn thương nhất trong số các anh chị em của chúng ta đang sống ở các thành phố và các vùng ngoại vi ở mọi nơi trên thế giới, không ai bị bỏ rơi. Chúng ta hãy bảo đảm rằng họ không thiếu các nhu yếu phẩm cơ bản, (đặc biệt khó khăn trong lúc này, vì hiện nay nhiều doanh nghiệp đã đóng cửa) như thuốc men và nhất là khả năng được chăm sóc sức khỏe đầy đủ. Trong bối cảnh hiện nay, các biện pháp trừng phạt quốc tế nên được nới lỏng, vì những điều này gây khó khăn cho các quốc gia bị trừng phạt trong việc cung cấp các hỗ trợ đầy đủ cho công dân của họ, và cầu xin cho tất cả các quốc gia có thể đáp ứng nhu cầu lớn nhất của thời khắc này qua việc cắt giảm, nếu không thể tha hết, các khoản nợ đang đè nặng lên bảng thu chi của các quốc gia nghèo nhất.

Đây không phải là thời gian để tự quy hướng về chính mình, bởi vì thách thức mà chúng ta đang đối mặt được chia sẻ bởi tất cả mọi người, không phân biệt người này người khác. Trong số nhiều khu vực trên thế giới bị ảnh hưởng bởi coronavirus, tôi nghĩ cách riêng đến Âu châu. Sau chiến tranh thế giới thứ hai, lục địa yêu dấu này đã có thể trỗi dậy trở lại, nhờ một tinh thần liên đới cụ thể cho phép nó vượt qua các thù hằn trong quá khứ. Điều cấp bách hơn bao giờ hết, đặc biệt là trong hoàn cảnh hiện tại, là những thù hằn này không lấy lại được động lực của chúng, nhưng tất cả đều tự nhận mình là một phần của một gia đình và hỗ trợ lẫn nhau. Liên minh Âu châu hiện đang phải đối mặt với một thách thức mang tính thời đại, ảnh hưởng đến tương lai của mình và của cả thế giới. Chúng ta đừng để mất cơ hội đưa ra chứng tá về tình đoàn kết, đồng thời hướng đến các giải pháp sáng tạo. Nếu không chắc chắn Âu châu lại rơi vào sự ích kỷ lo toan đến những lợi ích riêng, và bị cám dỗ trở về với quá khứ, có nguy cơ làm tổn hại nghiêm trọng đến sự chung sống hòa bình và phát triển của các thế hệ tương lai.

Đây không phải là thời gian cho sự chia rẽ. Xin Chúa Kitô là hòa bình của chúng ta soi sáng tất cả những người có trách nhiệm trong các cuộc xung đột, để họ có thể có can đảm hỗ trợ cho một lời kêu gọi ngừng bắn toàn cầu ngay lập tức ở tất cả các nơi trên thế giới. Đây không phải là thời gian để tiếp tục sản xuất và kinh doanh vũ khí, không phải lúc để tiếp tục chi tiêu những khoản tiền khổng lồ cho khí giới mà lẽ ra phải được sử dụng để chăm sóc và cứu sống người khác. Cầu xin đây là thời điểm cuối cùng kết thúc cuộc chiến kéo dài gây đổ máu kinh hoàng tại Syria, cuộc xung đột ở Yemen và sự thù địch ở Iraq và ở Li Băng. Cầu xin cho đây là lúc người Israel và Palestine tiếp tục đối thoại để tìm ra những giải pháp ổn định và lâu dài cho phép cả hai được sống trong hòa bình. Cầu xin những đau khổ của những người sống ở khu vực phía đông Ukraine được chấm dứt. Cầu xin các cuộc tấn công khủng bố được thực hiện nhằm chống lại rất nhiều người dân vô tội ở các quốc gia Phi châu khác nhau được ngừng lại.

Đây không phải là thời gian cho sự lãng quên. Cuộc khủng hoảng mà chúng ta đang phải đối mặt không nên khiến chúng ta quên đi nhiều cuộc khủng hoảng khác mang lại đau khổ cho rất nhiều người. Cầu xin Chúa của sự sống gần gũi với tất cả những người ở Á Châu và Phi Châu đang trải qua những cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng, như ở Tỉnh Cabo Delgado ở phía bắc Mozambique. Xin Chúa sưởi ấm trái tim của nhiều người tị nạn phải di dời vì chiến tranh, hạn hán và nạn đói. Xin Chúa bảo vệ người di cư và người tị nạn, nhiều người trong số họ là những đứa trẻ đang sống trong điều kiện không thể chịu đựng nổi, đặc biệt là ở Libya và trên đường biên giới giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ, và tôi không quên nhắc đến hòn đảo Lesbos. Ở Venezuela, xin Chúa cho các bên có thể đạt được các giải pháp cụ thể và tức thời ngõ hầu các hỗ trợ quốc tế có thể đến được với một dân tộc đau khổ vì tình trạng chính trị, kinh tế xã hội và y tế nghiêm trọng.

Anh chị em thân mến,

Sự thờ ơ, tự quy hướng, chia rẽ và quên lãng không phải là những từ chúng ta muốn nghe vào lúc này. Chúng ta muốn cấm những từ này mãi mãi! Chúng dường như thắng thế khi nỗi sợ hãi và cái chết lấn át chúng ta, đó là khi chúng ta không để Chúa Giêsu chiến thắng trong trái tim và cuộc sống của chúng ta. Xin Chúa Kitô, Đấng đã chiến thắng sự chết và đã mở ra cho chúng ta con đường đến với ơn cứu rỗi muôn đời, xua tan bóng tối đang bao trùm nhân loại khổ đau của chúng ta và đưa chúng ta vào ánh sáng của ngày vinh quang của Người, một ngày chẳng bao giờ cùng. Chúc anh chị em một lễ Phục sinh vui vẻ.


Source:Holy See Press Office
 
Đức Thánh Cha cử hành Thánh lễ Phục sinh 12/4/2020 dành cho những người không thể đến nhà thờ
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
19:23 12/04/2020
Bài Ðọc I: Cv 10, 34a. 37-43

“Chúng tôi đã ăn uống với Người, sau khi Người từ cõi chết sống lại”.

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Trong những ngày ấy, Phêrô lên tiếng nói rằng: “Như anh em biết điều đã xảy ra trong toàn cõi Giuđêa, khởi đầu từ Galilêa, sau khi Gioan rao giảng phép rửa: ấy là Chúa Giêsu thành Nadarét. Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu cho Người. Người đi khắp nơi, ban bố ơn lành và chữa mọi người bị quỷ ám, bởi vì Thiên Chúa ở cùng Người. Và chúng tôi, chúng tôi là chứng nhân tất cả những gì Người đã làm trong nước Do-thái, và tại Giêrusalem, Người là Ðấng người ta đã giết treo Người trên thập giá. Nhưng ngày thứ ba, Thiên Chúa đã cho Người sống lại và hiện ra không phải với toàn dân, mà là với chúng tôi là nhân chứng Thiên Chúa đã tuyển chọn trước, chính chúng tôi đã ăn uống với Người sau khi Người từ cõi chết sống lại. Và Người đã truyền cho chúng tôi rao giảng cho toàn dân và làm chứng rằng chính Người đã được Thiên Chúa tôn làm quan án xét xử kẻ sống và kẻ chết. Mọi tiên tri đều làm chứng về Người rằng: Tất cả những ai tin vào Người, thì nhờ danh Người mà được tha tội”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 117, 1-2. 16ab-17. 22-23

Ðáp: Ðây là ngày Chúa đã lập ra, chúng ta hãy mừng rỡ hân hoan về ngày đó

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng: Hãy cảm tạ Chúa, vì Chúa hảo tâm, vì đức từ bi của Người muôn thuở. Hỡi nhà Israel, hãy xướng lên: “Ðức từ bi của Người muôn thuở”.

Xướng: Tay hữu Chúa đã hành động mãnh liệt, tay hữu Chúa đã cất nhắc tôi lên. Tôi không chết, nhưng tôi sẽ sống, và tôi sẽ loan truyền công cuộc của Chúa.

Xướng: Phiến đá mà những người thợ xây loại bỏ, đã biến nên tảng đá góc tường. Việc đó đã do Chúa làm ra, việc đó kỳ diệu trước mắt chúng ta.

Bài Ðọc II: Cl 3, 1-4

“Anh em hãy tìm những sự trên trời, nơi Ðức Kitô ngự”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côlôxê.

Anh em thân mến, nếu anh em đã sống lại với Ðức Kitô, anh em hãy tìm những sự trên trời, nơi Ðức Kitô ngự bên hữu Thiên Chúa. Anh em hãy nghĩ đến những sự trên trời, chứ đừng nghĩ đến những sự dưới đất. Vì anh em đã chết, và sự sống anh em được ẩn giấu với Ðức Kitô trong Thiên Chúa. Khi Ðức Kitô là sự sống anh em xuất hiện, bấy giờ anh em sẽ xuất hiện với Người trong vinh quang.

Ðó là lời Chúa.

Hoặc đọc: 1 Cr 5, 6b-8

“Anh em hãy tìm những sự trên trời, nơi Ðức Kitô ngự”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Cô-rintô.

Anh em thân mến, anh em không biết sao?: chỉ một tí men là đã đủ làm dậy men cả khối bột! Anh em hãy tẩy trừ men cũ để nên bột mới anh em là bánh không men. Vì Chiên Vượt Qua của ta, là Ðức Kitô, đã chịu sát tế. Cho nên ta hãy mừng lễ, đừng với men cũ, và men gian tà, ác độc, nhưng là với Bánh không men của lòng tinh tuyền và chân thật.

Ðó là lời Chúa.

Ca Tiếp Liên

Các Kitô hữu hãy tiến dâng

lời khen ngợi hy lễ Vượt Qua.

Chiên con đã cứu chuộc đoàn chiên mẹ:

Ðức Kitô vô tội đã hoà giải tội nhân với Chúa Cha.

Sống và chết hai bên song đấu cách diệu kỳ,

tướng lãnh sự sống đã chết đi, nhưng vẫn sống mà cai trị.

Hỡi Maria, hãy nói cho chúng tôi nghe

bà đã thấy gì trên quãng đường đi?

Tôi đã thấy mồ Ðức Kitô đang sống

và vinh quang của Ðấng Phục Sinh,

thấy các thiên thần làm chứng,

thấy khăn liệm và y phục.

Ðức Kitô là hy vọng của tôi đã phục sinh,

Người đi trước chư vị tới xứ Galilêa.

Chúng tôi biết Ðức Kitô đã sống lại thật từ cõi chết!

Lạy Chúa, Vua chiến thắng, xin thương xót chúng con.

Alleluia

Alleluia, alleluia! - Lễ Vượt Qua của chúng ta là Ðức Kitô đã hiến tế vậy chúng ta hãy mừng lễ trong Chúa. - Alleluia.

PHÚC ÂM: Ga 20, 1-9

“Người phải sống lại từ cõi chết”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Ngày đầu tuần, Maria Mađalêna đi ra mồ từ sáng sớm khi trời còn tối và bà thấy tảng đá đã được lăn ra khỏi mồ, bà liền chạy về tìm Simon-Phêrô và người môn đệ kia được Chúa Giêsu yêu mến, bà nói với các ông rằng: “Người ta đã lấy xác Thầy khỏi mồ, và chúng tôi không biết người ta đã để Thầy ở đâu”. Phêrô và môn đệ kia ra đi đến mồ. Cả hai cùng chạy, nhưng môn đệ kia chạy nhanh hơn Phêrô, và đến mồ trước. Ông cúi mình xuống thấy những khăn liệm để đó, nhưng ông không vào trong. Vậy Simon-Phêrô theo sau cũng tới nơi, ông vào trong mồ và thấy những dây băng nhỏ để đó, và khăn liệm che đầu Người trước đây, khăn này không để lẫn với dây băng, nhưng cuộn lại để riêng một chỗ. Bấy giờ môn đệ kia mới vào, dù ông đã tới mồ trước. Ông thấy và ông tin, vì chưng các ông còn chưa hiểu rằng, theo Kinh Thánh, thì Người phải sống lại từ cõi chết.

Ðó là lời Chúa.