Ngày 09-04-2017
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Phút linh thiêng bên Thập giá
Lm. Vinh Sơn. SCJ
08:55 09/04/2017
Chúa Nhật Lễ Lá và Tuần Thánh :

PHÚT LINH THIÊNG BÊN THẬP GIÁ

Mt 26,14 - 27,66 ; Mc 14,1 – 15,47 ; Lc 22,1 – 23, 56 ; Ga 18,1 - 19,42

Trong một ngôi nhà thờ bên Tây Ban Nha, có một thập giá cổ được giáo hữu rất tôn sùng. Đó là tượng thập giá tha tội, tượng Chúa Giêsu bị đóng đinh có cánh tay phải rời khỏi thập giá và hạ thấp xuống. Người ta có kể rằng dưới chân cây thánh giá này, có một người tội lỗi đến với cha xứ. Tuy ông xưng thú mọi tội lỗi với lòng thống hối ăn năn, cha giải tội lưỡng lự không biết có nên tha cho ông không, vì thấy ông phạm quá nhiều tội. Sau cùng, cha nghiêm nghị bảo ông: "Tôi ban phép giải tội cho ông nhưng mà trong tương lai thì phải để ý". Ông ta hứa với cha xứ là sẽ cố gắng sửa mình và tránh mọi tội lỗi. Nhưng vì yếu đuối quá, sau một thời gian ông lại tìm đến xưng tội, Lần này thì cha xứ nói với ông giọng quả quyết: "Tôi ban phép giải tội cho ông lần này nữa là lần cuối cùng đó nghe". Vài tháng trôi qua, ông lại tìm đến cha xứ và quỳ xuống chân cha năn nỉ: "Thưa cha, con thống hối đến tận đáy tâm lòng. Lần nào con cãng nhất quyết giữ lời hứa, nhưng con yếu đuối quá, xin cha tha tội cho con một lần nữa". Cha xứ đáp: "Đâu có thể đùa giỡn với Chúa được. Tôi không ban phép giải tội cho ông nữa". Khi đó cha nghe có tiếng nấc nghẹn ngào. Từ trên thánh giá, bàn tay phải của Chúa Giêsu hạ xuống làm phép tha tội trên đầu người tín hữu thống hối. Rồi Chúa Giêsu nói với vị linh mục: "Chính Cha đã đổ máu ra để cứu chuộc ông ấy chứ không phải con". Và cũng từ ngày ấy, bàn tay của Chúa Giêsu chịu đóng đinh ở trong tư thế ban phép xá giải.

Tuần Thánh là tuần lễ quan trọng nhất của các tín hữu Kitô, vì tuần lễ cuối cùng của Chúa Giêsu: Ngài bước vào cuộc khổ nạn chịu chết và phục sinh. Bắt đầu từ Chúa Nhật Lễ Lá: Chúa Kitô khải hòan vào Thành Giêrusalem (x. Mt 21,1-11; Mc 11,1-10; Lc 19,28-40 ; Ga 12,12-19 ) báo trước cuộc Phục sinh của Ngài. Tuần Thánh được kế tiếp với Thứ Hai: Chúa nhìn thấy trước cái chết bằng việc để người phụ nữ rửa chân với dầu thơm để nói về cái chết của Ngài (x. Ga 12,1-11), Thứ Ba : Ngài thấy các môn đệ bỏ Ngài và đồ đệ trung tín chối Ngài (x. Ga 13,21-33.36-38) - và Thứ Tư Tuần Thánh : môn đệ phản bội Ngài và bán Ngài, (x. Mt 26, 14-25). Trước khi ra đi, ra đi chịu chết vì nhân loại, Ngài trao ban Lời di chúc yêu thương cùng với gia tài : Thánh Thể và Bí Tích truyền chức (Thứ Năm Tuần Thánh) Và Thứ Sáu Tuần Thánh Ngài “lên đường vác thập giá trên vai đến nơi gọi là sọ trường, tiếng Do Thái kêu là Gôngôta” (Ga 19,17) và chịu đóng đinh và chịu chết. Kết thúc vào ngày Thứ bảy, bên Mộ thánh – nơi táng xác Ngài.

Tuần Thánh dành những khoảng khắc linh thiêng để nhìn lại chặng đường Thập giá của Đức Kitô, con đường mà Ngài dâng hiến tình yêu bằng hy sinh trên thập giá :” Không có tình yêu nào cao vời cho bằng tình yêu của người hiến mạng sống vì người mình yêu” (Ga 15,13). Đường hy sinh dẫn Ngài tới cái chết cũng là đường dẫn tới nguồn ơn cứu rỗi cho mọi người : Nơi thập giá, Chúa Giêsu qui tụ mọi người trong ơn cứu độ và lôi kéo về cùng Cha : « Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời (Ga 3,14b-15) và chính Ngài xác quyết : « khi nào Ta chịu đưa lên cao khỏi đất, Ta sẽ kéo mọi người lên cùng Ta” (Ga 12,32).

Đường Thập giá là đường cho người Kitô hữu như Thánh Phêro chia sẻ « Chúa Kitô đã chịu đau khổ vì anh em, để lại một gương mẫu cho anh em dõi bước theo Ngài”( 1Pr 2,24).

Mỗi năm, vào Tuần Thánh đặt mình trong thinh lặng trước Chúa Giêsu bị đóng đinh trên thánh giá, chúng ta cảm nhận lại tình yêu của Ngài cho nhân loại : Ngài sinh ra chia sẻ kiếp người, Ngài trao cho nhân loại Tin Mừng cứu độ và chết cho nhân loại được sống.

Mầu nhiệm Thập giá của Ngài chiếu rọi vào tâm hồn của tôi của bạn, để chúng ta dù bao hoàn cảnh cuộc sống trong đó có vất vả lao nhọc và đau khổ, chúng ta luôn tiến bước vì tin rằng mọi cố gắng là tham dự vào cuộc Thương Khó của Chúa Kitô như Thánh Phaolô xác tín:

“Tôi bỏ khuyết những thiếu sót trong cuộc khổ nạn của Chúa Kitô” (Cl 1,24).

Và nhận được bình an vì “Phúc thay ai cùng chịu đau khổ với Đức Kitô” (1P 4,1)

Lm Vinh Sơn scj
 
Suy niệm Thứ Sáu Tuần Thánh
LM. Anthony Trung Thành
21:29 09/04/2017
Suy Niệm THỨ SÁU TUẦN THÁNH 2017

Chúng ta vừa nghe Thánh Gioan tường thuật lại Cuộc Khổ Nạn đẫm máu của Đức Giêsu qua bài Thương Khó. Qua đó, chúng ta thấy được hình phạt tàn nhẫn mà con người nghĩ ra để đối xử với Con Thiên Chúa như thế nào. Chúng ta biết, vào thời của Đức Giêsu, thập giá là một hình phạt dành cho các trọng tội, họ thuộc lớp bần đinh hoặc nô lệ, các tên đại tặc hoặc là phiến loạn. Tội nhân thường bị đánh đòn, và sau đó phải vác thập giá đến pháp trường. Thông thường tử tội bị lột hết áo xống, và bị cột hoặc đóng đinh vào khổ giá.

Hình phạt cách chung chung là như vậy. Nhưng khi thi hành án, người ta còn nghĩ ra nhiều cách khác nữa để làm cho tội nhân thêm đau đớn như chúng ta vừa nghe Thánh Gioan tường thuật lại Cuộc Thương Khó của Đức Giêsu. Ngài không chỉ phải vác thập giá, chịu đóng đinh mà Ngài còn phải chịu trăm nghìn hình khổ khác: bị Philatô xét xử như một tử tội, bị tên vệ binh vả mặt, sự vô ơn của đám đông, bị người ta nhạo cười là “vua dân Do Thái”, bị trói, bị người ta kết vòng gai đội trên đầu, chịu roi đòn suốt đêm ngày, chịu vác thập giá, chịu đóng đinh, chịu uống dấm chua, bị đâm thủng cạnh sườn dầu đã chết…Họ tìm mọi cách để hạ nhục Đức Giêsu. Họ làm cho Ngài trở thành thân tàn ma dại, không còn ai nhận ra. Tiên tri Isaia đã thấy trước những đau khổ tột cùng của Đức Giêsu qua bài ca thứ tư của người tôi tớ đau khổ rằng: “Người chẳng còn hình dáng, cũng chẳng còn sắc đẹp để chúng ta nhìn ngắm, không còn vẻ bên ngoài, để chúng ta yêu thích; bị người đời khinh dể như kẻ thấp hèn nhất, như kẻ đớn đau nhất, như kẻ bệnh hoạn, như một người bị che mặt và bị khinh dể, bởi đó, chúng ta không kể chi đến người” (Is 53, 2-3).

Càng suy niệm về sự đau khổ của Đức Giêsu, chúng ta lại càng cảm nhận được tình yêu bao la vô bờ bến của Thiên Chúa đối với nhân loại chúng ta. Có nhiều định nghĩa về Thiên Chúa, nhưng có lẽ định nghĩa đầy đủ và ý nghĩa nhất đó là của Thánh Gioan Tông đồ, Ngài cho biết: “Thiên Chúa là tình yêu.” (x. 1Ga 4,16). Thật vậy, vì tình yêu nên Thiên Chúa đã dựng nên chúng ta. Vì tình yêu nên Ngài đã sai Con Một Xuống Thế làm người để cứu chuộc nhân loại chúng ta. Tình yêu đó được diễn tả một cách rõ nét nhất qua các nghi thức của Tam Nhật Vượt Qua trong Tuần Thánh, mà cao điểm là nghi thức chiều thứ sáu hôm nay. Thật vậy, vì tình yêu nên Con Thiên Chúa đã chấp nhận bước vào cuộc khổ nạn. Vì tình yêu nên Ngài đã chấp nhận chịu vác thập giá. Vì tình yêu nên Ngài chấp nhận chịu đội mạo gai. Vì tình yêu nên Ngài đã chấp nhận chịu đóng đinh thân mình vào Thập giá. Vì tình yêu nên Ngài đã để cho một tên lính lấy ngọn giáo đâm thủng cạnh nương long. Vì tình yêu nên Ngài đã tha thứ tội lỗi cho Phêrô, cho các môn đệ, cho những kẻ đóng đinh Ngài.

Tóm lại, Đức Giêsu đã chấp nhận đau khổ vì yêu thương nhân loại chúng ta. Trong bài đọc II, tác giả thư Do Thái cho chúng ta biết: “Người đã học vâng phục do những đau khổ Người chịu, và khi hoàn tất, Người đã trở nên căn nguyên ơn cứu độ đời đời.” (Dt 5,8-9).

Vậy trước tình yêu bao la của Thiên Chúa, chúng ta phải làm gì?

Thứ nhất, chúng ta hãy luôn suy niệm Cuộc Thương Khó của Đức Giêsu để cảm nhận được tình yêu của Ngài đã dành cho chúng ta, để từ đó chúng ta luôn biết dâng lời cám tạ Ngài. Vì, “Không có tình yêu nào cao cả cho bằng tình yêu của người hiến mạng sống cho bạn hữu mình” (Ga 9,13).

Thứ hai, chúng ta hãy đến với Chúa để lãnh nhận nguồn ân sủng qua các Bí tích nhất là Bí tích Giao hòa và Thánh Thể. Thư Do Thái cho chúng ta biết: “Vị Thượng Tế của chúng ta không phải là Đấng không biết cảm thương những nỗi yếu hèn của ta, vì Người đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta, nhưng không phạm tội. Bởi thế, ta hãy mạnh dạn tiến lại gần ngai Thiên Chúa là nguồn ân sủng, để được xót thương và lãnh ơn trợ giúp mỗi khi cần.” (Dt 4,15-16).

Thứ ba, chúng ta hãy tránh xa các dịp tội và luôn giục lòng sám hối vì những tội lỗi chúng ta đã phạm như người trộm lành trên thánh giá, vì tội lỗi đã góp phần vào sự đau khổ của Đức Giêsu: “Chính Ngài đã bị đâm vì chúng ta phạm tội, Ngài bị nghiền nát vì chúng ta lỗi lầm” (Is 53,5).

Thứ tư, chúng ta không dùng bạo lực để gây đau khổ cho người khác, trái lại cố gắng đóng góp phần mình làm giảm bớt đau khổ cho anh chị em mình, tránh thái độ vô cảm với khổ đau của người khác, như lời Thánh Vịnh: “Hãy bênh quyền lợi kẻ mồ côi, người hèn mọn; minh oan cho người khốn khổ, kẻ bần cùng, giải phóng ai hèn mọn, ai nghèo túng, cứu khỏi nanh vuốt bọn ác nhân” (Tv 82, 3-4).

Thứ năm, chấp nhận thập giá mình để cộng tác với Đức Giêsu trong việc cứu độ nhân loại, nhất là để xứng đáng với môn đệ Đức Giêsu, vì “Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng với Thầy” (Mt 10,38).

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã vâng phục Chúa Cha trong việc chấp nhận bước vào cuộc khổ nạn để nên duyên cớ cứu độ nhân loại chúng con. Xin cho chúng con khi nhìn ngắm Thánh giá biết nhận ra tình yêu của Chúa dành cho chúng con, để chúng con biết yêu Chúa và chấp nhận những thập giá trong cuộc đời chúng con. Amen.

Lm. Anthony Trung Thành
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Chúa Nhật Lễ Lá đẫm máu ở Cairo, Ai Cập
Đặng Tự Do
03:24 09/04/2017
Cảnh tượng bên trong nhà thờ Thánh George
Đài truyền hình quốc gia của Ai Cập cho biết ít nhất 21 người bị thiệt mạng và hơn 50 người khác bị thương trong một vụ đánh bom tại nhà thờ Thánh George trong vùng phụ cận Tanta của thủ đô Cairo.

Diễn biến này xảy ra chỉ vài tuần trước khi Đức Thánh Cha Phanxicô tông du Ai Cập trong hai ngày 28 và 29 tháng này.

Nhóm khủng bố Liwa al-Thawra tuyên bố chịu trách nhiệm trong vụ nổ bom tự sát này xảy ra vào lúc 10h sáng giờ địa phương khi hàng trăm các tín hữu Công Giáo Coptic đang tụ tập chuẩn bị các nghi thức làm phép lá.

Đài truyền hình CBC cho thấy một cảnh hoang tàn từ bên trong nhà thờ ra đến bên ngoài, nơi rất nhiều người tụ tập quanh những thi thể đẫm máu.

Bọn khủng bố Liwa al-Thawra, một nhóm trong tổ chức Huynh Đệ Hồi Giáo, cũng đã tuyên bố chịu trách nhiệm về vụ tấn công hôm 1 tháng Tư nhắm vào một học viện đào tạo cảnh sát ở Tanta, làm 16 người thiệt mạng.
 
Bài giảng của Đức Thánh Cha trong Lễ Lá tại Vatican ngày 9 tháng Tư, 2017
J.B. Đặng Minh An dịch
19:48 09/04/2017
Sáng Chúa Nhật 9 tháng Tư, Đức Thánh Cha đã cử hành Lễ Lá tại quảng trường Thánh Phêrô. Trong phần đầu lễ, Đức Thánh Cha nhắc nhở rằng hôm nay cộng đoàn tụ họp nơi đây để cùng toàn thể Giáo Hội khai mạc tuần thánh tưởng niệm mầu nhiệm Vượt Qua, tức là cuộc thương khó và Phục Sinh của Ðức Ki-tô. Ðể chuẩn bị Tuần Thánh, trong suốt mùa chay, chúng ta đã cầu nguyện, thống hối, chia sẻ tình thương và cơm áo cho nhau.

Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Chúa Nhật Lễ Lá hôm nay là ngày kỷ niệm Ðấng Cứu Thế vào thành thánh Giê-ru-sa-lem để hoàn tất mầu nhiệm Vượt Qua đem lại cho loài người ơn cứu độ, chúng ta hãy đem cả niềm tin mà hăng hái bước theo Người. Xin Người ban ơn để chúng ta thông phần đau khổ mà Người đã chịu trên thập Giá, hầu được chia sẻ vinh quang Phục Sinh và sự sống của Người.

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng nhắc nhở rằng khi Tuần Thánh bắt đầu, chúng ta nên chiêm ngắm không chỉ vinh quang khi dân chúng tung hô Chúa Giêsu là Vua khi Ngài vào thành Giêrusalem, nhưng cũng phải chiêm ngắm sự đau khổ mà Người phải chịu đựng trước khi chết, và điều này ngày nay chúng ta vẫn phải chứng kiến trong cơ man những người đau khổ vì chiến tranh, bạo lực và chế độ nô lệ hiện đại.

Khi Giáo Hội bước vào tuần lễ trước khi Chúa Giêsu trải qua cuộc thương khó, và cái chết, Chúa không yêu cầu chúng ta chiêm ngưỡng Ngài chỉ qua các tranh ảnh, hoặc qua các đoạn phim được lưu hành trên internet. Không. Không phải như thế.

Thay vào đó, Chúa Giêsu hiện diện “trong nhiều anh chị em của chúng ta ngày hôm nay đang chịu đựng những đau khổ: họ bị khổ đau vì chế độ lao động nô lệ, vì những bi kịch gia đình, và bệnh tật”.

Nhiều người cũng đau khổ vì “chiến tranh và nạn khủng bố, từ những nguồn lợi nhuận khiến cho người ta vũ trang và sẵn sàng tấn công. Nhiều phụ nữ và nam giới bị lừa dối, bị xâm phạm nhân phẩm, bị bỏ rơi.”

Những lời của Đức Thánh Cha xảy ra gần như đồng thời với vụ đánh bom tại thủ đô Cairo của Ai Cập. Thật vậy, ngay vào lúc Đức Thánh Cha bắt cầu cử hành cuộc rước lá tại quảng trường Thánh Phêrô thì tại vùng phụ cận Tanta của thủ đô Cairo, Ai Cập nơi Đức Thánh Cha sẽ viếng thăm trong vài tuần tới đây, khủng bố Hồi Giáo đã tấn công vào nhà thờ Thánh George của Công Giáo Coptic.

Đài truyền hình quốc gia của Ai Cập cho biết ít nhất 21 người bị thiệt mạng và hơn 50 người khác bị thương trong vụ nổ bom tự sát xảy ra vào lúc 10h sáng giờ địa phương khi hàng trăm các tín hữu Công Giáo Coptic đang tụ tập chuẩn bị các nghi thức làm phép lá.

Cảnh tượng từ bên trong nhà thờ ra đến bên ngoài thật là kinh hoàng với những những thi thể đẫm máu nằm bất động.

Đức Thánh Cha nói:

“Chúa Giêsu ở trong họ, trong mỗi người, với những hình ảnh thê thảm và những tiếng kêu lạc giọng, Ngài muốn được nhìn vào mắt, được nhìn nhận, và yêu thương”

Sự hiện diện của Chúa Giêsu trong mỗi anh chị em này không phải là “một Chúa Giêsu khác”, nhưng “chính là cùng một Chúa Giêsu đã vào thành Giêrusalem khi được người ta vẫy chào bằng các nhành lá. Đó cũng chính là cùng một Chúa Jêsus đã bị đóng đinh trên cây thập giá và đã chết giữa hai người trộm cướp”

“Chúng ta không có Chúa nào khác ngoài Chúa Jêsus, Đấng là vị vua khiêm nhường của công lý, lòng thương xót và bình an”.

Đức Thánh Cha đã nói như trên và khích lệ các tín hữu suy ngẫm về những đau khổ của Chúa Giêsu trong Tuần Thánh và tìm kiếm Người trên gương mặt của những người anh chị em đau khổ của chúng ta.

Như thường lệ, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bắt đầu với việc làm phép lá tại cây cột cao ở trung tâm của quảng trường. Sau khi làm phép lá, ngài chủ sự một cuộc rước kiệu lên bàn thờ chính, nơi Đức Thánh Cha tiếp tục cử hành phần còn lại của Thánh lễ.

Dưới đây là toàn bộ bài giảng của Đức Thánh Cha:

Buổi cử hành ngày hôm nay có thể nói được là vừa ngọt ngào vừa cay đắng. Vừa có niềm vui lại đồng thời lại có những sầu buồn. Chúng ta kỷ niệm việc Chúa vào thành Giêrusalem với những tiếng tung hô Ngài là Vua của những người theo Ngài. Tuy nhiên, chúng ta cũng long trọng công bố bài tường thuật Tin Mừng về cuộc thương khó của Ngài. Trong sự tương phản sâu sắc này, trái tim chúng ta cảm nghiệm chỉ một chút xíu những gì chính Chúa Giêsu đã phải cảm nhận trong lòng vào ngày hôm đó, khi Ngài vui mừng với những bạn bè và khóc lóc cho thành Giêrusalem.

Trong ba mươi hai năm nay qua, khía cạnh vui mừng của ngày Chúa Nhật này đã được phong phú hóa nhờ nhiệt tình của giới trẻ, nhờ vào việc cử hành Ngày Giới trẻ Thế giới. Năm nay, biến cố này được cử hành ở cấp giáo phận, nhưng ở Quảng trường Thánh Phêrô, nó sẽ được đánh dấu bằng một khoảng khắc sâu sắc và cảm động khi thánh giá Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới được những người trẻ của Kraków truyền lại cho các bạn trẻ đến từ Panama.

Bài Phúc Âm mà chúng ta đã nghe trước cuộc rước lá (xem Mt 21: 1-11) tường thuật việc Chúa Giêsu xuống khỏi Núi Ô-liu trên lưng một con lừa chưa ai cỡi bao giờ. Bài Phúc Âm kể lại nhiệt tình của những người theo Chúa đã hoan nghênh Thầy mình bằng những tiếng tung hô vui mừng, và chúng ta có thể hình dung trong tâm trí mình sự phấn khởi của những trẻ em và thanh thiếu niên trong thành khi tham gia vào sự phấn khích này. Chính Chúa Giêsu cũng thấy trong sự chào đón vui nhộn này một sức mạnh không thể lay động của Thiên Chúa. Đối với những người Pharisêu bực tức về chuyện này, Ngài trả lời: “Tôi bảo các ông: họ mà làm thinh, thì sỏi đá cũng sẽ kêu lên” (Lc 19:40).

Tuy nhiên, Chúa Giêsu, Đấng hoàn tất lời Kinh Thánh, đi vào thành thánh theo cách này, không phải như một người ban phát những sai lầm, ảo tưởng, cũng chẳng phải một tiên tri thời mới, hay một kẻ lừa đảo. Đúng hơn, Ngài chính thật là Đấng Messia, là Đấng được sai đến như một người tôi tớ, tôi tớ của Thiên Chúa và của con người, và Ngài đang tiến dần đến cuộc thương khó của mình. Ngài là một “bệnh nhân” vĩ đại, là Đấng gánh chịu tất cả những đau khổ của nhân loại.

Vì vậy, khi chúng ta hân hoan tung hô Vua của chúng ta, chúng ta hãy cùng suy nghĩ về những đau khổ mà Ngài sẽ phải chịu đựng trong tuần này. Chúng ta hãy nghĩ đến những lời phỉ báng và xúc phạm, những bẫy rập và phản bội, nỗi buồn bị bỏ rơi và một bản án bất công, những cú đấm, những roi đòn và cái vương miện đầy những gai nhọn.. . Và cuối cùng là con đường thánh giá dẫn đến nơi chịu đóng đinh.

Ngài đã nói rõ điều này với các môn đệ của mình: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mt 16:24). Chúa Giêsu chẳng bao giờ hứa danh dự và thành công. Các sách Phúc Âm đều nói rõ ràng về điều này. Ngài đã luôn cảnh báo bạn bè của mình rằng đây là con đường của Ngài, và rằng chiến thắng cuối cùng chỉ có thể đạt được qua cuộc thương khó và thập giá. Tất cả điều này cũng đúng cho chúng ta nữa. Chúng ta hãy cầu xin ân sủng được bền đỗ theo Chúa Giêsu một cách trung thành, không phải bằng lời nói mà bằng hành động. Chúng ta hãy cầu xin sự kiên nhẫn để vác lấy thập giá của chúng ta, không phải từ chối hay đặt nó sang một bên, mà là tìm kiếm Ngài để chấp nhận thập giá và vác thập giá hàng ngày.

Chúa Giêsu, Đấng đón nhận những lời tung hô hosannas của đám đông, biết rõ rằng những lời tung hô vạn tuế này sẽ sớm được tiếp nối bằng những tiếng kêu: “Đóng đinh nó đi!” Chúa không yêu cầu chúng ta chiêm ngưỡng Ngài chỉ qua các tranh ảnh, hoặc qua các đoạn phim được lưu hành trên internet. Không. Không phải như thế. Chúa Giêsu hiện diện trong nhiều anh chị em của chúng ta ngày hôm nay đang chịu đựng những đau khổ: họ bị khổ đau vì chế độ lao động nô lệ, vì những bi kịch gia đình, và bệnh tật. Họ cũng đau khổ vì chiến tranh và nạn khủng bố, vì những nguồn lợi nhuận khiến cho người ta vũ trang và sẵn sàng tấn công. Nhiều phụ nữ và nam giới bị lừa dối, bị xâm phạm nhân phẩm, bị vứt bỏ.

Chúa Giêsu ở trong họ, trong mỗi người, với những hình ảnh thê thảm và những tiếng kêu lạc giọng, Ngài muốn được nhìn vào mắt, được nhìn nhận, và yêu thương.

Đó không phải là một Chúa Giêsu khác, nhưng chính là cùng một Chúa Giêsu đã vào thành Giêrusalem giữa những nhành lá vẫy chào. Đó cũng chính là cùng một Chúa Giêsu đã bị đóng đinh trên cây thập giá và đã chết giữa hai người trộm cướp. Chúng ta không có Chúa nào khác ngoài Ngài: là Chúa Giêsu, Đấng là vị vua khiêm nhường của công lý, lòng thương xót và bình an.
 
Khủng bố Hồi Giáo tấn công lần thứ hai trong Chúa Nhật Lễ Lá tại Ai Cập, Đức Thượng Phụ Tawadros thoát chết
Đặng Tự Do
08:33 09/04/2017
Nhà thờ Thánh George sau vụ tấn công
Như chúng tôi đã loan tin, đúng vào lúc Đức Thánh Cha bắt đầu cử hành Lễ Lá tại quảng trường Thánh Phêrô, tức là lúc 10h sáng ngày 9 tháng Tư, thì cùng lúc đó khủng bố Hồi Giáo đánh bom vào nhà thờ Thánh George trong vùng phụ cận Tanta của thủ đô Cairo.

Nhà cầm quyền Ai Cập cho biết con số Kitô hữu bị thiệt mạng đã lên đến 25 người và có đến 60 người khác bị thương. Nhiều người trong số đó đang trong tình trạng nguy kịch.

Hai tiếng đồng hồ sau đó, một cuộc tấn công khác đã giết chết thêm 11 người tại một nhà thờ ở Alexandria. 35 người khác bị thương rất nặng.

Bộ Nội Vụ Ai Cập cho biết, Đức Thượng Phụ Tawadros II đang ở bên trong nhà thờ Thánh Máccô ở Alexandria chủ sự Lễ Lá. Cảnh sát đã tăng cường lực lượng an ninh tại đây sau khi xảy ra vụ khủng bố thứ nhất tại Tanta; và đã chặn xét một người tình nghi. Tên khủng bố khi bị chặn lại đã cho nổ bom quấn trên người. Các nhân chứng cho biết họ nghe thấy một tiếng nổ rất lớn bên ngoài nhà thờ và khói lửa mịt mù. Ít nhất 11 người bị thiệt mạng trong đó đa số là các nhân viên an ninh.

Cơ quan thông tin Amaq của bọn khủng bố Hồi Giáo IS tuyên bố chịu trách nhiệm về hai vụ đánh bom này.

Đài truyền hình quốc gia Ai Cập cho biết Tổng thống Abdel Fattah al-Sisi và Thủ tướng Sherif Ismail sẽ tới thăm các địa điểm bị tấn công này. Trong khi đó, tổng thống Sisi đã ra lệnh triệu tập một cuộc họp khẩn cấp của hội đồng quốc phòng.
 
Phản ứng của Đức Thánh Cha Phanxicô về vụ tấn công khủng bố tại Ai Cập
Đặng Tự Do
08:06 09/04/2017
Lúc Đức Thánh Cha Phanxicô bắt đầu chủ sự cuộc rước lá tại quảng trường Thánh Phêrô, bọn khủng bố Hồi Giáo IS đã gây ra vụ nổ bom tại quận Tanta ở phía Bắc thủ đô Cairo làm ít nhất 25 người thiệt mạng và 60 người khác bị thương.

Trong khi Đức Thánh Cha đang cử hành Lễ Lá, ngài đã được thông báo về biến cố bi thảm này. Vì thế, trước khi kết thúc thánh lễ ngài đã có mấy lời với cộng đoàn.

Đức Thánh Cha nói:

“Tôi cầu nguyện cho những người chết và các nạn nhân khác. Xin Chúa hoán cải con tim của những người gieo rắc khủng bố, bạo lực và cái chết, thậm chí là con tim của những người sản xuất và buôn bán vũ khí”

Đức Thánh Cha cũng bày tỏ lời phân ưu sâu sắc nhất với tất cả dân chúng Ai Cập và Đức Thượng Phụ Tawadros II, là người sẽ đón tiếp ngài trong tư cách những người chủ nhà trong chuyến tông du từ 28 đến 29 tháng 4 sắp tới, một chuyến đi được đánh giá là nguy hiểm nhất trong số 18 chuyến tông du hải ngoại của Đức Thánh Cha Phanxicô.
 
Phái đoàn do ĐTC Phanxicô bổ nhiệm kết thúc chuyến đi kinh lý Mễ Du
Chân Phương
08:58 09/04/2017
Phái đoàn do ĐTC Phanxicô bổ nhiệm kết thúc chuyến đi kinh lý Mễ Du

Phái đoàn do Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm đi kinh lý Mễ Du (Medjugorje) nói rằng: "có một bầu khí tâm linh đặc biệt" tại thị trấn này.

Đức Tổng Giám Mục Henryk Hoser của Tổng Giáo Phận Warsaw-Praga (Ba Lan) được Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm hồi Tháng Hai để đến tìm hiểu tình hình mục vụ tại thị trấn nhỏ này và nhu cầu của những người hành hương. Một tuần sau khi kết thúc chuyến đi, ngài đã tổ chức một buổi họp báo ở Mễ Du.

Đức Tổng Giám Mục nói với giới phóng viên rằng ngài không thể trả lời các câu hỏi về tính xác thực trong những lời tuyên bố của sáu người thanh niên cho rằng Đức Mẹ Maria đã hiện ra với họ thường ngày vào năm 1981.

Một vài người trong số sáu người này nói rằng Mẹ Maria vẫn hiện ra với họ và trao cho họ các thông điệp mỗi ngày. Những người còn lại thì nói rằng họ chỉ thấy Đức Mẹ mỗi năm một lần.

"Nhiệm vụ của tôi trong phải là bàn luận xem những hiện tượng này có đúng hay không, bởi vì Giáo Hội chưa xác minh được chuyện ấy. Công việc này thuộc về ủy ban mà Đức nguyên Giáo hoàng Bênêđíctô XVI đã thành lập hồi năm 2010”, ngài nói.

Đức Tổng Giám mục Hoser còn nói với các phóng viên là ngài hy vọng "quyết định chung cuộc của ủy ban này và của chính Đức Thánh Cha Phanxicô" sẽ sớm được công bố. Nhưng ngài cho rằng "phép lạ” lớn nhất của Mễ Du chính là mỗi ngày có hàng trăm người đón nhận ơn hòa giải".

Đức Tổng Giám Mục cũng nói Phúc Âm Hóa thực sự đã xảy ra ở Mễ Du, rõ ràng từ những buổi cử hành Thánh Lễ, Chầu Thánh Thể, những câu chuyện và ghi nhận của hàng trăm người Công Giáo chia sẻ những trải nghiệm của họ ở Mễ Du chính là chìa khóa để theo đuổi ơn gọi đi đến thánh chức linh mục hoặc đời sống tu trì.

Đức Tổng Giám Mục cho biết ngài đã gặp sáu người được gọi là những thị nhân, việc này là một phần nằm trong sự quan sát của ngài về nhu cầu mục vụ của người dân thị trấn và của khách hành hương. Theo sáu người này thì "hiện tượng vẫn còn tiếp diễn, nhưng hiện nay việc đưa ra một phán quyết cuối cùng là điều khá khó khăn".

Đức Tổng Giám Mục Hoser cũng đã gặp Đức Giám Mục Ratko Perić của Giáo phận Mostar-Duvno, là giáo phận bản quyền của Mễ Du.

Còn nhớ, hai tuần sau khi Đức Thánh Cha bổ nhiệm Đức Tổng Giám Mục Hoser đi kinh lý Mễ Du thì Đức Cha Perić tuyên bố khẳng định quan điểm của ngài rằng không có điều siêu nhiên nào xảy ra ở Mễ Du: "Qua việc xem xét tất cả những gì đã được khảo sát và nghiên cứu bởi Giáo Hội địa phương, bao gồm việc nghiên cứu bảy ngày đầu tiên của những cuộc hiện ra giả định, chúng ta có thể bình tâm mà khẳng định rằng: Đức Trinh Nữ Maria đã không hiện ra ở Mễ Du". (CatholicHerald)

Chân Phương
 
ĐGH nhắn nhủ trong Tuần Thánh: Chúng ta hãy tìm Chúa Giêsu nơi những người đau khổ.
Giuse Thẩm Nguyễn
20:49 09/04/2017
ĐGH nhắn nhủ trong Tuần Thánh: Chúng ta hãy tìm Chúa Giêsu nơi những người đau khổ.

(EWTN News/CNA) Trong Thánh Lễ Lá Chúa Nhật này, ĐGH nói rằng Tuần Thánh đã bắt đầu, chúng ta không chỉ suy niệm về vinh quang của Chúa Giêsu khi tiến vào thành Giêsu-salem, nhưng cũng suy ngẫm về những đau khổ mà Ngài phải chịu trước cuộc tử nạn được chứng kiến qua những người đang đau khổ vì chiến tranh, bạo lực và sự nô lệ ngày nay.

Khi Giáo Hội bước vào tuần lễ trước cuộc thương khó và tử nạn của Chúa Giêsu, Thiên Chúa không muốn chúng ta tưởng niệm về Ngài chỉ qua những hình ảnh hay những cuốn phim phát tán trên mạng xã hội. Không phải vậy đâu.

Nhưng đúng hơn là hãy nhận ra Chúa Giêsu nơi những anh chị em của chúng ta với bao đau khổ mà họ đang phải chịu giống như Giêsu ngày xưa đó là lao động nô lệ, những thảm kịch trong gia đình và những bệnh tật.

Nhiều người đang bị đau khổ vì “chiến tranh và khủng bố, vì quyền lợi mà sẵn sàng để tấn công. Bao người bị lừa gạt, phẩm giá con người bị xâm phạm và thân phận con người bị khước từ.

ĐGH cũng nhắc tới vụ nổ bom tấn công các tín hữu đang tụ tập đông đảo để tham dự Chúa Nhật Lễ Lá tại nhà thờ Coptic Christian ở Mar Gerges, vùng phía bắc của thành phố Tanta, thuộc Ai Cập, làm cho ít nhất là 21 người thiệt mạng và khoảng 40 người khác bị thương. ĐGH nói rằng chúng ta hãy để mắt tới họ, ý thức rõ được sự mất mát của họ và yêu thương họ vì “Chúa Giêsu ở trong mỗi nạn nhân, trong cảnh tang thương và trong những tiếng kêu thất thanh.”

Sự hiện diện của Chúa trong mỗi anh chị em chúng ta không phải là một Thiên Chúa nào khác, mà chính là Chúa Giêsu đã tiến vào thành Giêsu-salem cùng với đám đông, tưng bừng reo vui, tay vẫy cành lá tung hô Ngài. Đó cũng chính là Giêsu bị đóng đinh cùng với hai người tội phạm.

Chúng ta không có Chúa nào khác ngoài Giêsu, vị Vua khiêm nhường công chính, đầy lòng thương xót và an bình. Các tín hữu được kêu gọi hãy phán ánh sự thương khó của Chúa Giêsu trong Tuần Thánh bằng cách tìm kiếm Ngài nơi khuôn mặt của những người cùng khổ ở giữa chúng ta.

Cũng như mọi khi, ĐGH đã cử hành Lễ Lá Chúa Nhật 9 tháng Tư tại Quảng Trường Thánh Phê-rô, bắt đầu bằng nghi thức làm phép lá tại chính giữa quảng trường. Sau đó ngài tiến vào nơi cử hành thánh lễ như thường lệ.

Thánh lễ hôm nay cũng rơi vào Ngày Giới Trẻ Thế Giới lần thứ 32, với chủ đề là “Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi những điều cao cả và danh ngài là Thánh.” Và là giai đoạn đầu để chuẩn bị cho Ngày Giới Trẻ Thế Giới (WYD)2019 sẽ tổ chức tại Panama.

Nhân dịp này, một phái đoàn gồm 200 anh chị em trẻ đến từ Panama, đến từ các nước Trung Mỹ và Mexico đã có mặt tại Quảng Trường để nhận thánh giá WYD, cũng như biểu tượng Marian “ Salus Populi Romani” của các bạn trẻ Ba Lan, những người đã tổ chức Ngày Giới Trẻ Thế Giới tại Krakow.

Trong bài giảng, ĐGH nói rằng mừng Chúa Nhât Lễ Lá là một sự kiện “cay đắng ngọt ngào” vì chúng ta vừa buồn và cũng lại vừa vui khi Giáo Hội nhớ lại tiếng tung hô Giêsu như một vị Vua tiến vào thành Giêsu-salem, nhưng đồng thời cũng tưởng nhớ cuộc thương khó và tử nạn của Chúa.

Trong cái tương phản ấy, lòng chúng ta trải nghiệm được những gì Chúa đã phải chịu trong ngày ấy khi Ngài vừa vui mừng với những bằng hữu và cũng khóc thương thành Giêsu-salem.

ĐGH nói rằng chính Giêsu đã nhìn thấy trong nỗi vui mừng này là một sức mạnh cương quyết làm theo ý Thiên Chúa khi Ngài tiến vào thành trong tư cách chiến thắng. Như thế Chúa Giêsu không cho ta một ảo tưởng, một thời đại tiên tri mới hay hay là người giả mạo.

Rõ ràng Giêsu là một vị Vua Cứu Tinh đến như người phục vụ, phục vụ Thiên Chúa và phục vụ con người và đi vào cuộc thương khó. Ngài đã gánh hết mọi khổ đau của loài người và chúng ta được kêu gọi để phản ánh nỗi đau mà Chúa Giêsu phải chịu vào tuần trước khi chịu chết.

Khi nghe đám đông hò reo vui mừng tung hô Chúa Giêsu là Vua, thì chúng ta hãy nghĩ đến sự vu khống và lăng mạ, cạm bẫy và phản bội, bỏ mặc cho bị xét xử bất công, âm mưu, roi đòn và mạo gai và cuối cùng con đường thập giá dẫn đến việc đóng đinh.

Nhắn lại đoạn Tin Mừng của Thánh Mathêu khi Chúa Giêsu nói với các môn đệ rằng ai muốn theo Ngài “thì hãy tự bỏ mình và vác thập giá mà theo”, ĐGH khẳng định qua Tin Mừng rằng“ Chúa Giêsu không hứa vinh quang hay thành công”.Ngài luôn cảnh báo các môn đệ rằng theo Ngài là con đường đau khổ và chiến thắng cuối cùng sẽ đạt được qua cuộc thương khó và cái chết của Ngài trên thánh giá.

Chúa cũng nói với chúng ta như thế và mời gọi mọi người hiện diện hãy cầu xin để được ơn “trung thành theo Chúa Giêsu, không phải bằng lời nói, nhưng qua việc làm”, để được ơn bền đỗ “vác thánh giá của mình mà theo Chúa mỗi ngày trong cuộc sống.”

Giuse Thẩm Nguyễn
 
Linh mục nhân chứng kể về sự bách hại Kitô hữu ở Bắc Hàn
Chân Phương
21:13 09/04/2017
Linh mục nhân chứng kể về sự bách hại Kitô hữu ở Bắc Hàn

Cha Philippe Blot thuộc Hội Linh mục Paris đã khấn hứa đi truyền giáo ở nước ngoài, ngài đi Bắc Hàn (Bắc Triều Tiên) nhiều lần và gặp nhiều rủi ro. Hồi cuối tháng trước tại Nhà thờ Đức Bà Paris, ngài đã đến nói chuyện tại chương trình "Đêm của các nhân chứng" - một sáng kiến thường niên của Văn phòng tại Pháp trực thuộc Tổ chức Trợ giúp các Giáo Hội Đau khổ (Aid to the Church in Need).

Ngài kể:

Gần đây, tôi có dịp đi qua Bắc Hàn, và mặc dù bị công an liên tục theo dõi, tôi đã có thể xác minh sự thật về những báo cáo khác nhau và được nghe nhiều câu chuyện làm chứng từ những người tị nạn Bắc Hàn.

Trước hết là ở bệnh viện: tình trạng rất nghiêm trọng - không có thuốc kháng sinh, không có băng y tế, thậm chí không có cả xà bông. Để tôi đưa cho các bạn một ví dụ, thay vì dùng chai huyết thanh (serum) để truyền dung dịch, họ lại sử dụng các chai bia chứa đầy nước đường đun sôi!

Tôi được đến thăm một số trường học. Những ngôi trường này là minh chứng cho sự suy dinh dưỡng mãn tính của toàn bộ dân chúng, ngoại trừ đảng viên của chế độ, tất nhiên là vậy!

Người ta cần biết rằng một đứa trẻ khoảng bảy tuổi ở Bắc Hàn thường sẽ thấp hơn 8 inches và cân nhẹ hơn 22 pounds so với một đứa trẻ ở Nam Hàn (Hàn Quốc). Những người tị nạn [mà tôi đã gặp ở Nam Hàn] đều nhất loạt kể cho tôi biết rằng ở Bắc Hàn "Cha phải hối lộ một số đảng viên hoặc quân đội thì mới có được những nhu yếu phẩm cơ bản". Do đó, nạn tham nhũng gần như xảy ra thường ngày.

Tôi rất ngạc nhiên khi không thấy bất cứ người khuyết tật nào. Sự thật là chế độ Bắc Hàn, vốn theo chủ nghĩa phân biệt và kỳ thị, bị ám ảnh bởi khái niệm về sự thuần khiết sắc tộc; do đó, những người bị cho là "bất thường" thì không được tham dự vào xã hội. Cho nên, họ bị trục xuất khỏi các thành phố lớn.

"Bắc Hàn là một đất nước khép kín, không ai có thể vào dạo chơi mà không có visa - kể cả Thiên Chúa", những người tị nạn thêm vào một chút hài hước.

Hai trụ cột chính của sự đàn áp là: một mặt, toàn quyền khống chế tất cả các phong trào của dân chúng; và mặt khác, thực thi chính sách ngu dân, làm cho họ không biết gì về thế giới bên ngoài. Những người tị nạn Bắc Hàn đã thực sự ngạc nhiên khi thực tế mà họ được chứng kiến thì hoàn toàn khác xa với những gì họ đã được nghe kể từ khi chào đời.

Họ miêu tả rằng tất cả những tuyên truyền về chủ nghĩa Marxist đều áp đặt lên người dân để biến họ thành những xác sống vô hồn (zombie), phục tùng Đảng cộng sản. Nhà độc tài được diễn tả như là một "đấng tối cao" thật sự, tư tưởng này không ngừng được quảng bá trong mỗi bài phát biểu, trong tất cả bài thuyết giảng, và trong tất cả mọi thông tin. Triều đại họ Kim là đối tượng của một nỗ lực tuyên truyền mãnh liệt, với 30.000 bức tượng và chân dung khổng lồ của họ có ở mọi thị trấn và làng mạc, các khẩu hiệu được ghi lên những tấm bảng khổng lồ trên mọi phố phường.

Người Bắc Hàn được dạy phải theo dõi hàng xóm và đồng nghiệp của mình, và đi tố cáo lẫn nhau nếu có bất kỳ lỗi phạm nào đối với "lãnh tụ vĩ đại". Sau khi bắt giữ người phạm tội, toàn bộ xóm giềng và gia đình vây quanh để đấu tố người vi phạm. Sau đó, anh ta bị trục xuất, hoặc mọi người sẽ chứng kiến việc anh ta bị tống giam.

Hàng ngàn Kitô hữu đang ở trong những trại trục xuất này. Theo báo cáo của các nhân chứng và những nhà quan sát vệ tinh phương Tây thì ước tính số lượng người bị giam giữ trong các trại tập trung thực sự khoảng 100.000 đến 200.000 cá nhân. Sự tàn bạo của các lính canh trại giam là cho các tù nhân chỉ ăn bánh mì hàng ngày, và bắt họ lao động 16 giờ một ngày, bị tra tấn tàn nhẫn, chưa kể đến những vụ hành quyết những người bị coi là ngoan cố.

Trong số "tù nhân chính trị" thì những người bị đối xử tồi tệ nhất chính là các Kitô hữu, vì họ bị coi là gián điệp, là "những kẻ chống lại giai cấp". Theo chế độ, có khoảng 13.000 người, nhưng theo các tổ chức nhân đạo thì có từ 20.000 đến 40.000 người. Họ phải gánh chịu những kiểu nhục hình độc ác nhất - họ bị đóng đinh, bị treo cổ lên cầu hay cây cối, bị nhấn ngạt dưới nước, hoặc bị thiêu sống. Đó là một số hình thức tra tấn quá khủng khiếp mà không từ ngữ nào diễn tả được.

Nhà cai trị Bắc Hàn đã bãi bỏ tất cả các hình thức tôn giáo, đặc biệt là Kitô giáo và Phật giáo - bởi vì theo chủ nghĩa Marxism, tôn giáo là "thuốc phiện của nhân dân". Người dân Bắc Hàn không biết Kinh Thánh là gì, và cũng không biết Thiên Chúa là ai. Một vài năm trước đây, với sự quảng bá rộng rãi, chính phủ đã mở một nhà thờ Công Giáo, một nhà thờ Tin Lành, và một nhà thờ Chính thống giáo ở thủ đô - nhưng tất nhiên chúng chỉ là những thứ để trưng bày mà thôi!

Tuy vậy, cho dù tất cả những điều này là có, thì vẫn tồn tại một Giáo Hội hầm trú ở Bắc Hàn, và Giáo Hội ấy vẫn đang bị bách hại. Những người tị nạn Bắc Hàn xác nhận rằng họ đã thấy những người hàng xóm bị bắt vì cầu nguyện, ở trong nhà hoặc ở nơi bí mật. Cách đây hai năm, một phụ nữ 33 tuổi đang mang thai thì bị bắt vì đã giữ 20 quyển Kinh Thánh. Cô ấy bị đánh đập tàn nhẫn và sau đó bị treo ngược chân. Tháng 5 năm 2010, khoảng 20 Kitô hữu cũng bị bắt; Họ chính là những tín hữu thuộc Giáo Hội bí mật. Ba trong số họ đã bị giết ngay lập tức và số còn lại bị trục xuất cải tạo.

Người ta cho rằng từ năm 1995 có ít nhất 5.000 Kitô hữu đã bị hành quyết, chỉ vì họ cầu nguyện bí mật hoặc phân phát Kinh Thánh. Nhiều người Bắc Hàn đã trở thành Kitô hữu nhờ sự hiện diện của các nhà truyền giáo ngoại quốc ở biên giới. Người ta cũng biết là có một số mục sư người Mỹ và Canada gốc Triều Tiên hiện đang bị cầm tù trong các trại tù chính trị vì đã giúp đỡ cho những người tị nạn.

Những người tị nạn, nếu bị bắt, họ có nguy cơ bị cưỡng bức hồi hương - có nghĩa là nhà tù, tra tấn, trại giam và cái chết chờ đợi. Nếu họ không hồi hương, họ có nguy cơ rơi vào tay các tổ chức tội phạm trao đổi nội tạng người. Phụ nữ và các cô gái trẻ có nguy cơ bị những băng nhóm bắt cóc và bán về vùng quê hẻo lánh, hoặc thậm chí tệ hơn là rơi vào các nhà mại dâm. Một thiếu nữ Triều Tiên có thể được bán với giá từ 800 đến 1200 Đôla.

Và vì thế, là một nhà truyền giáo và là một linh mục Công Giáo, tôi đang ở đây thay lời cho tất cả những người Bắc Hàn đã hơn 60 năm sống trên con Đường Thập Giá dài nhất trong lịch sử loài người. Tôi thay lời cho những người bị cướp đi đôi mắt, hoặc một cơ quan nội tạng khác mà không có thuốc gây mê, để đem những thứ này cấy ghép vào người Trung Quốc, Nhật Bản hoặc những người khác! Tôi đang đại diện cho tất cả những người Bắc Hàn là nạn nhân của việc buôn bán nô lệ!

Tóm lại, dựa trên cơ sở địa chính trị - nhìn vào sự tương đối thờ ơ của Trung Quốc và các cường quốc phương Tây - 21 triệu người Bắc Hàn có nguy cơ phải chờ đợi một thời gian dài nữa trước khi được xem thấy bất kỳ sự cải thiện căn bản nào của họ. Ngoại trừ chỉ có thể xin Thiên Chúa can thiệp, nghĩa là - điều mà chúng ta nên làm là cầu nguyện sốt sắng mỗi ngày cho dân tộc đang bị đóng đinh này. (Zenit)

Chân Phương
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Đức Thánh Cha bổ nhiệm Cha Đaminh Nguyễn Văn Mạnh, Tân Giám Mục Phó Đàlạt
Lm. Trần Đức Anh OP
08:54 09/04/2017
VATICAN. Ngày 8-4-2017, Phòng báo chí Tòa Thánh thông báo: ĐTC đã bổ nhiệm cha Đaminh Nguyễn Văn Mạnh làm Giám Mục Phó với quyền kế vị tại Giáo Phận Đà Lạt.

Đức Cha Đaminh Nguyễn Văn Mạnh năm nay 62 tuổi, sinh ngày 12-8 năm 1955 tại Cần Thơ, theo học tại Tiểu chủng viện Simon Hòa Đà Lạt từ năm 1973 đến 1977, rồi học triết và thần học tại Giáo Hoàng Học Viện thánh Piô 10 Đà Lạt, thụ phong linh mục ngày 29-5 năm 1994 thuộc giáo phận Đà Lạt.

Sau 9 năm làm cha phó tại xứ Tân Hóa, Bảo Lọc, Cha Nguyễn Văn Mạnh du học Roma từ 2003 đến 2009 và đậu tiến sĩ giáo luật tại Giáo Hoàng Đại học Urbaniana của Bộ truyền giáo. Trở về nước năm 2009, cha Đaminh Mạnh làm Đại diện tư pháp tại giáo phận Đà Lạt.

Giáo phận này hiện có 377.500 tín hữu Công Giáo trên tổng số gần 1 triệu 250 ngàn dân cư, với 96 giáo xứ, 290 linh mục (166 triều và 124 dòng), 275 tu huynh và 932 nữ tu. Ngoài ra, giáo phận có 76 đại chủng sinh.

Trong nhiệm vụ mới, Đức Cha Đaminh Nguyễn Văn Mạnh phụ giúp Đức Cha Antôn Vũ Huy Chương, 72 tuổi, và đương nhiên kế nhiệm ngài khi giáo phận trống tòa (SD 8-4-2017)
 
Lễ Lá tại Vinh Sơn Liêm và Giáo xứ St. Margaret Mary 2017
Trần Văn Minh
06:05 09/04/2017
Melbourne 9/4/17. Hiệp cùng Giáo Hội Hoàn Vũ mở đầu Tuần Thánh. Các Thánh lễ Chúa Nhật Lễ Lá tại Trung Tâm Công Giáo Việt Nam Thánh Vinh Sơn Liêm đã được cử hành trọng thể, với các Thánh lễ đồng tế và cử hành nghi thức làm phép và rước lá do Linh mục quản nhiệm Trần Ngọc Tân chủ tế cùng hai linh mục khách đồng tế.

Mời xem hình

Tại Giáo xứ Saint Margaret Mary

Sáng Chúa Nhật, thời tiết xấu, có những cơn mưa nặng hạt. Thánh lễ 8.45 với nghi thức làm phép lá ngay tại cuối nhà thờ và đoàn đồng tế đã rước lá vào trong nhà thờ để dâng lễ, mở đầu cho Tuần Thánh. Thánh lễ 11.30 sáng Chúa Nhật Trời có tốt hơn, những cơn mưa tạm dứt đã giúp cho cộng đoàn tổ chức các nghi thức làm phép lá tại khuôn viên và rước lá đi vòng quanh ra đường lộ để vào nhà thờ bằng một cửa khác.

Được biết, Tại Trung Tâm Công Giáo Việt Nam Thánh Vinh Sơn Liêm mỗi Chúa Nhật có bốn giờ lễ cho cộng đoàn, bao gồm: 18.00 giờ chiều Thứ Bảy. Chúa Nhật có các giờ lễ 8.45, 11.30 và 17.00. Tất cả bốn lễ đều có các nghi thức của Chúa Nhật lễ Lá.

Vào lúc 17 giờ chiều, Thánh lễ dành riêng cho Cộng đoàn Việt Nam. Tại Giáo xứ Saint Margaret Mary, do Linh mục Chánh xứ Anthony Nguyễn Hữu Quảng có nghi thức làm phép lá và rước lá. Năm nay do cơn mưa chiều rất lớn, nên buổi rước lá được tổ chức ngay cuối nhà thờ.

Bên trong Ngôi Thánh đường, lá được trang hoàng khắp nơi, mỗi đầu hàng ghế đều có những cành lá dựng bên cạnh. Linh mục Anthony Nguyễn Hữu Quảng đã chủ sự nghi thức làm phép lá và rước vào nhà thờ dâng lễ.
 
Chúa Nhật Lễ Lá tại nhà thờ chính tòa Phủ Cam Huế
Trương Trí
08:18 09/04/2017
Chúa Nhật LỄ LÁ TẠI NHÀ THỜ CHÍNH TÒA PHỦ CAM HUẾ

Sáng hôm nay ngày 9 tháng 4, Chúa Nhật lễ Lá tưởng niệm cuộc Khổ nạm của Chúa Giêsu, mở đầu Tuần Thánh năm 2017.

Xem Hình

Cùng với Giáo Hội toàn cầu, Cộng đoàn giáo xứ Chính tòa Phủ Cam tề tựu trước Tiền đường Nhà thờ với cành lá trên tay, hường về cha Chủ sự dâng lời nguyện và làm phép lá. Nhắc lại sự kiện lịch sử cách đây 2 ngàn năm, khi Chúa Giêsu tiến vào thành Giêrusalem trong vinh quang. Ngài được đón tiếp hết sức long trọng cùng với những tiếng hô vang: “Chúc tụng Đấng nhân danh Chúa mà đến.” Mọi người đón Ngài như một vị vua của dân Do Thái, nhưng Ngài lại hết sức khiêm tốn ngồi trên lưng một con lừa con là con của một con lừa mẹ chở hàng hóa.

Thế nhưng chỉ vài ngày sau, cũng chính những người đã tôn vinh Ngài đã tìm cách tố cáo Ngài và yêu cầu phải đóng đinh Ngài trên Thập giá. Chính vì vậy ngày lễ Lá hôm nay còn là ngày mở đầu cho cuộc Khổ nạn của Đức Kitô.

Bài Thương Khó mở đầu Tuần Thánh là bài tường thuật về cuộc khổ nạn đó, có thể xem là bài Tin Mừng dài nhất. Khi đọc đến đoạn Ngài trút hơi thở, toàn thể Cộng đoàn dân Chúa đều quỳ gối, thinh lặng tưởng niệm về cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá.

Trương Trí
 
Lễ Lá tại họ đạo La Mã Bến Tre
Người Giồng Trôm
08:53 09/04/2017
Hôm nay, Lễ Lá, bầu khí của họ đạo La Mã đông vui hơn mọi ngày bởi lẽ có một số khách hành hương đến viếng Mẹ.

9 giờ 00, hai tòa Hòa Giải sẵn chờ cộng đoàn đến để lãnh Bí Tích Hòa Giải để trở về với Chúa và anh chị em trong Mùa Chay Thánh này.

Xem hình

9 g 45, cộng đoàn quy tụ rất đông ở cuối Ngôi Thánh Đường cổ kính để cùng với Cha Sở Giuse Cao Minh Hòa khai mạc tuần Thánh bằng nghi thức làm phép Lá và kiệu Lá. Sau khi công bố Tin Mừng, Cha Giuse ngỏ đôi lời với cộng đoàn và cộng đoàn cùng cất bước vào Nhà Thờ.

Ngoài giáo dân của họ đạo, có nhiều giáo dân đến từ các họ đạo lân cận vì giờ Lễ ở La Mã muộn hơn một chút cũng như có một số anh chị em trong các đoàn khách hành hương đến từ nhiều nơi. Trong Thánh Lễ này, có sự hiện diện của quý Thầy Học Viện DCCT đến giúp Họ Đạo trong những ngày Tuần Thánh cũng như Đại Lễ Phục Sinh sắp tới.

Trong bài chia sẻ, Cha Giuse mời gọi cộng đoàn cùng nhìn đến nụ hôn của Giuđa. Cha Giuse gợi lên hình ảnh, tình cảm hết sức đẹp của nụ hôn để triển khai nụ hôn phản bội của Giuđa ... kết thúc bài chia sẻ, Cha Giuse mời cộng đoàn nhìn lại chính mình để cảm thông, chia sẻ với những khổ đau của anh chị em mình và đừng làm anh chị em phải khổ đau.

Lễ hết, cộng đoàn ra về trong bầu khí bước vào Tuần Thánh – Tuần lễ đỉnh cao của Mùa Phụng vụ trong năm. Một số khách hành hương nán lại để xin với Mẹ La Mã điều gì đó.

Xin Chúa thương qua lời chuyển cầu của Mẹ La Mã ban cho giáo dân trong họ đạo nhỏ bé cũng như khách hành hương được nhiều ơn lành hồn xác và được bước vào Tuần Thánh trong tâm tình sốt sắng.
 
Đức cha Giuse Trần Văn Toản cử hành lễ Lá tại đảo Phú Quốc.
Bùi Duy Luật
12:40 09/04/2017
Đức Cha GIUSE CỬ HÀNH LỄ LÁ TẠI HUYỆN ĐẢO PHÚ QUỐC

Chiều tối thứ sáu ngày 07/04/2017, Đức Cha Giuse Trần Văn Toản – Giám mục phụ tá giáo phận Long Xuyên – đã có mặt tại nhà thờ An Thới (Hưng Văn) - huyện đảo Phú Quốc - để bắt đầu cho công việc mục vụ của ngài trong ba ngày liên tiếp.

Xem Hình

Cùng đi với ngài còn có cha Phêrô Lê Đức Hoàng -Tòa Giám Mục Long Xuyên – đến giúp tĩnh tâm ba ngày cho các giới tại nhà thờ An Thới. Trong từng buổi tĩnh tâm ấy, cha Phêrô đã chia sẻ khá nhiều đề tài thiết thực. Với khiếu thuyết trình dí dỏm, chân tình, cha đã đánh động được biết bao nhiêu “cõi lòng chai đá”, để họ biết nhận ra chính mình, biết sự tương quan giữa bản thân mình với Chúa, với tha nhân và với vạn vật. Trong đó, cha rất tâm đắc với ý hướng “Gặp gỡ tha nhân là hồng ân”, đó cũng là tư tưởng xuyên suốt trong ba ngày tĩnh tâm này.

Sáng Chúa Nhật ngày 09/04/2017, Đức Cha Giuse cử hành Lễ Lá tại Dương Đông. Vì nhà thờ cũ đã không còn trên nền đất thuở nao, nhà thờ mới thì còn ngổn ngang đang xây dựng, nên thánh lễ đã diễn ra trên một khoảng sân trống trước một gia đình Kitô hữu tốt bụng. Nhưng không vì thế mà sự sốt sắng của tất cả mọi người tham dự thánh lễ, từ vị chủ chăn đến từng thành phần dân Chúa, bị suy giảm.

Trong phần chia sẻ Lời Chúa, Đức Cha Giuse đã nhấn mạnh đến hai nội dung chính.

Thứ nhất, là sự vinh quang và đau khổ luôn đan xen nhau. Ngày giờ này khoảng 2000 năm trước, Chúa Giesu đã vào thành Gierusalem trong sự đơn sơ và được đón chào cũng bằng sự đơn sơ về “vật chất”, về các nghi thức và về cả các tấm lòng cũng đơn sơ của người Do Thái lúc bấy giờ...Nhưng không lâu sau đó, chính Chúa Giesu đã phải “nếm mùi” cay đắng và khổ nhục như thế nào trước những người vừa mới tôn vinh ngài.

Thứ hai, xuyên suốt của “cuộc thương khó của Chúa Giesu”, đã nổi bật lên hai thái độ tiêu biểu: sự tín trung và sự phản bội. Kìa một Giuda bán Chúa, phản bội Chúa. Kìa một Phêrô chối Chúa, phản bội Chúa. Kìa các tông đồ thân cận với Chúa hằng ngày, nay cũng “cao chạy xa bay”. Kìa một tên trộm thách thức, châm biếm Chúa. Và kìa một “đám” dân vừa hôm qua tung hô Chúa, hôm nay lại điên cuồng muốn giết chết ngài – đó là tận cùng của sự phản bội. Thế nhưng, vẫn còn đó những sụ tín trung (yêu mến) Chúa. Nào một Veronica lau (mát) mặt Chúa, một Simon (ngoại đạo, không quen biết Chúa), dù không hẳn tự nguyện, nhưng cũng đã thương cảm vác “phụ” thập giá cho Ngài. Rồi một Maria Madalena cùng với “các phụ nữ đạo đức” khác luôn theo phụ giúp Chúa trên từng nẻo đường. Hay một Nicodemo, và Giuse thành Arimathia đã “dám” hy sinh “nhường” lại ngôi mộ mới đẹp của mình để cho Chúa Giesu “khai trương”.

Và cái kết của từng số phận con người theo từng “trường phái” đó thì chúng ta đã rõ. Tuy nhiên, Chúa Giesu không muốn bất kỳ ai phải chết. Mà chỉ vì Ngài đã quá tôn trọng sự tự do của con người.

Chiều Chúa Nhật cùng ngày, Đức Cha Giuse trở lại An Thới để dâng thánh lễ dành cho thiếu nhi, cùng đồng tế với ngài có cha sở và cha phó nhà thờ An Thới. Đây cũng là dịp nhà thờ An Thới kỷ niệm 60 năm thành lập ( 10/04/1957 – 10/04/2017), Đức Cha đã thay mặt cha sở, cha phó và toàn thể cộng đoàn dân Chúa ôn lại từng bước đi, từng bước “lớn lên” của giáo xứ. Trong đó, ngài không quên nhắc và tri ân đến những người, còn sống hay đã chết, trong nước hay hải ngoại...đã từng sống-chết, phục vụ, cống hiến, chung tay...với ngôi nhà chung An Thới thân yêu này.

Một điều rất “đẹp”, tôi để ý thấy Đức Cha Giuse rất “siêng” ngồi tòa giải tội. Trong ba ngày mục vụ tại đây, hễ có giờ là ngài ra “ngồi tòa”. Và giáo dân có lẽ “được tin” Đức Cha giải tội, nên ai nấy đều hăng hái đến nhận bí tích hòa giải, đến nỗi có nhiều buổi lễ bị bắt đầu trễ, và cha sở phải “thế thân” ngồi tòa tiếp tục cho ngài mà không thể cùng ngài đồng tế thánh lễ được.

Điều “đẹp” nữa, ngài đã không “quản ngại” để chụp hình với các con chiên, chụp hình đến khi...hết thì thôi. Điều đó nói lên sự gần gủi, chân thành của vị chủ chăn. Ngài muốn được “kính mến” chứ không “kính sợ”- Đức Cha tâm sự.

Ba ngày ngắn ngủi đã kết thúc, nhưng niềm vui, tình yêu thương và sự liên đới thì mãi mãi vẫn còn kéo dài trên “điểm truyền giáo” xa xôi huyện đảo Phú Quốc này.

BS Antôn Bùi Duy luật
 
Ban Bác ái Xã Hội – Caritas Phát Diệm tổ chức khám bệnh và phát thuốc miễn phí cho những người nghèo
Caritas Phát Diệm
19:40 09/04/2017
Hôm nay, ngày 9/4/2017 – Ban Bác ái Xã Hội – Caritas Phát Diệm đã tổ chức khám bệnh và phát thuốc miễn phí cho những người nghèo, người già neo đơn, trẻ em mồ côi khuyết tật lương cũng như giáo tại giáo xứ Hướng Đạo và giáo xứ Dưỡng Điềm,với khoảng 450 bệnh nhân. Đợt khám phát thuốc này được sự tài trợ của Lm Gio-an Trần Bình Trọng và của quý Ân nhân.

Xem hình

Với đội ngũ các Bác sĩ – Y Sĩ Công Giáo và không Công Giáo tận tụy và nhiệt tình. Họ hy sinh ngày nghỉ Chúa Nhật để đi khám bệnh từ thiện, mong muốn cho những người dân nơi vùng sâu vùng xa, những nơi nghèo nàn bị thiệt thòi không được tiếp cận y tế, không hiểu biết gì về bệnh tật của mình để đề phòng. Hầu hết những người nghèo cả đời chẳng bao giờ được đi khán bệnh định kỳ. Khi đến được đến nhà thương thì bệnh đã quá nặng không thể cứu chữa. Đợi khám lần này không chỉ phát thuốc cho những người có bệnh và còn được các Bác sĩ tận tình căn dặn cách uống thuốc, tư vấn và đề phòng bệnh. Một số người được các Bác sĩ chỉ định cho đi khám chuyên khoa ở bệnh viện cao hơn để tìm ra nguyên nhân của bệnh.

Những người đến khám bệnh hôm nay rất vui mừng và cảm động trước tấm lòng yêu thương giúp đỡ của Cha Trọng, Qúy ân nhân và sự hy sinh nhiệt tình của các Bác Sĩ trẻ Công Giáo cũng như không Công Giáo. Ước mong sao mọi người đều chung tay xây dựng tình tương thân tương ái, để Lòng Thương Xót của Thiên Chúa được thể hiện giữa chúng ta.

Caritas Phát Diệm
 
Giới Trẻ Hạt Hương Quảng Phong Huế tĩnh tâm mùa Chay 2017.
Maria Thủy Tiên
21:35 09/04/2017
Giới Trẻ Hạt Hương Quảng Phong Huế tĩnh tâm mùa Chay 2017.

Trong sứ điệp mùa Chay năm 2017, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhấn mạnh “Mùa Chay là một khởi đầu mới, một con đường dẫn đến mục tiêu chắc chắn là Phục Sinh, chiến thắng của Chúa Kitô đối với sự chết. Mùa này thúc giục chúng ta hoán cải. Người Kitô hữu được mời gọi “hết lòng” trở về với Thiên Chúa (Joel 2,12), không chấp nhận lối sống tầm thường nhưng lớn lên trong tình bạn với Chúa. Chúa Giêsu là người bạn tín trung, không bao giờ bỏ rơi chúng ta. Ngay cả khi chúng ta phạm tội, Người vẫn kiên nhẫn chờ đợi chúng ta trở về; và qua sự đợi chờ đầy nhẫn nại ấy, Người tỏ lòng sẵn sàng tha thứ cho chúng ta...” Và “Mùa Chay là mùa thuận lợi để đi sâu vào đời sống thiêng liêng nhờ những phương tiện thánh hoá Giáo Hội đã đem đến cho chúng ta: ăn chay, cầu nguyện và bố thí. Nền tảng của mọi sự là lời Chúa, mà trong mùa này, chúng ta được mời gọi chuyên chăm lắng nghe và suy ngẫm...”

Gần hơn nữa, suốt mùa Chay chúng ta thường nghe những lời nhắn nhủ qua các bài thánh ca như: “Hãy trở về, trở về với Cha nhân lành. Hãy trở về, trở về để sớm hồi sinh. Hãy trở về, hãy trở về…”

Hay “Con nay trở về, trở về cùng Chúa Chúa ơi Con nay trở về, lòng sầu thống hối khôn nguôi. Muốn khóc cho một niềm tin đã trót bao phen ngã nghiêng. Bước chân hoang đàng, đây bến yêu thương tình đáp tình....”

Những giai điệu ngọt ngào của Mùa Chay ấy len lỏi vào trong tâm khảm mỗi người Kitô hữu như một lời mời gọi tha thiết - hãy lắng đọng tâm hồn để thực sự cảm nghiệm tình yêu của Chúa. Trong mùa hồng ân này, Giáo Hội tăng cường nhiều hoạt động mục vụ để mời gọi ta hãy tỉnh thức, và để Thánh Thần Chúa hoạt động thanh tẩy tâm hồn ta, khi ta thống hối và quay về với Chúa.

Trong tâm tình đó và để chuẩn bị sốt sắng mừng Đại lễ Phục Sinh 2017, vào lúc 13g30 ngày 09/04/2017, Chúa Nhật Lễ Lá, tại giáo xứ Thạch Bình, Cha Đặc Trách Matthêu Trần Nguyên đã tổ chức buổi tĩnh tâm Mùa Chay cho toàn thể các bạn Giới trẻ đến từ các giáo xứ trong Hạt Hương Quảng Phong, với sự hiện diện khá đông đảo các bạn trẻ.

Sự thân thiện, cởi mở và đầy nhiệt huyết của tuổi trẻ qua các bài hát và những cử điệu sinh hoạt, dưới sự hướng dẫn của quý thầy giúp xứ đã giúp cho bầu khí của buổi gặp gỡ trở nên sôi động hơn.

Đến tham dự buổi gặp gỡ của giới trẻ hôm nay, có sự hiện diện của Cha Giuse Phạm Văn Tuệ, lần đầu xuất hiện với giới trẻ trong vai trò Tân Hạt trưởng Hạt Hương Quảng Phong, Cha Matthêu Trần Nguyên, Đặc Trách giới trẻ của Hạt, Cha Phaolo Nguyễn Văn Hiệu, quản xứ Hương Phú- Nam Đông cùng một số Cha trong Hạt và quý thầy đang giúp ở các giáo xứ.

Theo định hướng của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, chủ đề Mục vụ cho 3 năm tới như sau :

- Năm 2016-2017: Chuẩn bị cho người trẻ bước vào đời sống hôn nhân;

- Năm 2017-2018: Đồng hành với các gia đình trẻ;

- Năm 2018-2019: Đồng hành với những gia đình gặp khó khăn.

Về chủ đề năm 2016-2017 Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhấn mạnh đặc biệt đến lãnh vực này: “ Kết hôn là một quyết định rất quan trọng, vì thế cần được chuẩn bị chu đáo hết sức có thể. Trong thực tế ngày nay, một số người trẻ chỉ quan tâm đến việc tổ chức lễ cưới thật lớn, mà không hiểu biết đầy đủ về trách nhiệm trong đời sống hôn nhân. Một số khác, vì vất vả với cuộc mưu sinh, ít có thời giờ để chuẩn bị kỹ lưỡng cho đời sống hôn nhân họ sắp bước vào. Vì thế, cần khuyến khích người trẻ tham dự những lớp chuẩn bị hôn nhân, đồng thời các giáo xứ phải tổ chức chương trình cho chu đáo. Mỗi giáo phận có thể có chương trình riêng tùy theo hoàn cảnh, tuy nhiên chúng tôi mong muốn các khóa chuẩn bị hôn nhân phải giúp cho các bạn trẻ thấy đích điểm không chỉ là ngày cưới mà là cả đời sống gia đình lâu dài sau này”(TC2016).

Để chuẩn bị cho giới trẻ bước vào đời sống hôn nhân trong hiểu biết, trách nhiệm và đạo đức. Trước hết, bản thân của mỗi người phải nhìn nhận lại Đức tin của mình, vì thế Cha Phaolo Nguyễn Văn Hiệu đã vượt gần 100km từ miền núi xuống đồng bằng giữa trời nắng nóng gắt gao để chia sẻ cho các bạn trẻ đề tài “Đức tin của giới trẻ trong thời buổi hôm nay”.

Mở đầu bài chia sẻ, cha Phaolo nhận thấy đức tin nơi lớp trẻ bị lung lạc, nếu không muốn nói là sa sút. Từ đó, lớp trẻ không nhìn hôn nhân dưới lăng kính đức tin, mà chỉ nhìn dưới lăng kính con người và dần đánh mất giá trị thiêng liêng của hôn nhân. Cái gì không thiêng liêng thì không bền vững. Người ta chỉ hiểu hôn nhân là bất khả phân ly, khi xác tín qua hôn nhân Thiên Chúa trói buộc loài người không được phân ly. Người có lòng đạo đức và thương nhau thật thì coi hai đặc tính hôn nhân Công Giáo: đơn hôn và bất khả phân ly là giây cương giữ đôi lứa đi trong hạnh phúc. Người yếu đức tin và không muốn vun trồng tình yêu thì coi đó là ách đeo vào cổ đôi lứa.

Theo Cha Phaolo, những nguyên do đưa tới khủng hoảng đức tin nơi các bạn trẻ đó là:

- Ảnh hưởng của vô thần lý thuyết

- Ảnh hưởng vô thần thực tiễn

- Ảnh hưởng do ít học giáo lý

Và để khắc phục những nguyên do đó, chúng ta cần nhận diện lại đức tin của mình bằng việc tin có Chúa, tin vào Chúa như sách Giáo lý Hội Thánh Công Giáo định nghĩa: “Đức tin là nhân đức đối thần giúp ta tin vào Chúa và tất cả những gì Ngài nói và mặc khải cho ta, vì Ngài là chân lý. Nhờ đức tin, con người tự nguyện phó thác toàn thân cho Chúa”.

Đức tin còn được xem như là hành vi của trí khôn, bởi trong đức tin, trí khôn khấu đầu đón nhận Chúa và các mầu nhiệm Chúa dạy, nghĩa là trí khôn chấp nhận một bước nhảy liều nào, vì các mầu nhiệm vượt tầm với của trí khôn con người. Đó là vì sự hiểu biết của con người còn quá ít so với chân lý mênh mông. Nếu phủ nhận đức tin, con người chỉ còn lại phần lý trí hẹp hòi mà thôi.

Ngoài ra, Đức tin còn có sự can dự của con tim, bởi tin là yêu, là gặp gỡ, là gởi thân nơi Chúa “Tin trước hết là chấp nhận được cứu rỗi, được tha thứ, được yêu thương vô cùng. Chúa không phải là Đấng bắt con người phải kính mến, nhưng là Đấng mà con người phải để cho Ngài yêu thương mình vô hạn” (ĐHV, 113).

Do đó, chỉ cần “quyết định để cho Chúa gặp bạn, không ngừng tìm kiếm Chúa mỗi ngày. Không có lý do để ai có thể nghĩ rằng lời mời gọi đó không phải là cho mình” (Tông huấn ”Niềm Vui Phúc Âm, 3).

Thế nhưng, trong cuộc sống ngày nay nhiều người trẻ đã không chọn Chúa làm lẽ sống, làm lý tưởng, xem thường luân lý, đạo đức, đôi lúc mất hết lương tâm, họ đã và đang đánh mất cảm thức về tội...tụt hậu về ý thức đạo đức, chỉ sống trong hận thù, ghen ghét, chém giết và khủng bố, hoặc rơi vào tình trạng nghiện ngập ma tuý, nhiễm HIV vì không tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống, chán chường với hiện tại, với gia đình, xã hội. Nhiều người trẻ ngày nay ra sức chạy đua với tiền tài, địa vị, kiến thức, danh vọng xã hội để lấp đầy cuộc sống của mình. Bây giờ, vật chất đối với họ là trên hết, nên hậu quả là họ bỏ bê, chểnh mảng bổn phận chăm lo đời sống thiêng liêng, một điều rất cần thiết cho đời sống tâm linh của người mang danh là Kitô hữu.

Vì thời gian có hạn, nên sau khi lắng nghe những chia sẻ của Cha Phaolo, các bạn trẻ di chuyển sang nhà thờ và bước vào nghi thức Sám Hối do Cha Hạt trưởng chủ sự

Cao điểm của buổi gặp gỡ hôm nay là giờ Chầu Thánh Thể được chuẩn bị một cách sốt sắng từ trong tâm hồn đến bên ngoài.

Để buổi gặp gỡ trở nên gần gũi và thân tình, giao hòa giữa đời sống thiêng liêng và tinh thần huynh đệ, các bạn trẻ giữa các giáo xứ đã tổ chức giao lưu bóng chuyền với nhau.

Kết thúc một buổi chiều gặp gỡ, mỗi người ra về với cuộc sống hiện tại của mình nhưng với một tình yêu cháy sáng và một niềm vui trào dâng. Hy vọng trong tương lai Cha Đặc Trách và Qúy Cha trong Hạt luôn tạo điều kiện để giới trẻ có những khoảng thời gian dừng lại, và ước mong có nhiều bạn trẻ nhiệt thành, cộng tác cách tích cực hơn giúp canh tân đời sống sinh hoạt của giới trẻ trong Giáo Hạt gần Chúa và gần nhau nhiều hơn trong cuộc sống với bộn bề lo toan và vất vả này.

Maria Thủy Tiên
 
Văn Hóa
Lễ Lá : Em có vào thành sáng hôm nay ?
Sơn Ca Linh
08:21 09/04/2017
EM CÓ VÀO THÀNH SÁNG HÔM NAY ?
(Cảm nhận Lễ Lá)

Sáng nay nghe vọng bên đường lớn,
Tiếng hô vang, bụi cát tung bay.
Mở cửa trông nhà em cuối xóm,
Em có vào thành sáng hôm nay ?

Thì ra em đã đi từ sáng,
Trên tay phất phới một cành xanh.
Chân bước miệng cười tươi rỡ rạng,
Người đông như sóng dạt vô thành !

Ta lủi thủi theo em đàng cuối,
Vừa nghe kháo láo chuyện về Ngài.
Đã mấy năm tiếng đồn vang dội,
Giêsu ngôn sứ lại là đây !

Lộng vàng, ngựa quý đâu chẳng có,
Giản đơn trên một chú lừa con.
Giáo khiên thay những cành lá nhỏ,
Đại đế quang lâm quá giản đơn !

Không lẽ Đấng dùng năm chiếc bánh,
Đãi đoàn dân đến cả mấy ngàn.
Đấng biến rượu ngon từ nước lạnh,
Mà sao chẳng có chút cao sang !

Đấng loan tin Nước Trời đang tới,
Cho điếc nghe, câm nói, què đi…
Nước Trời đó, nhà Cha đón đợi,
Con hoang đứng dậy bước quay về !

Đấng đã từng lau khô dòng lệ,
Đời xanh xao mẹ góa Na-in,
Người chết trở về trên dương thế,
Tử thần nay thua Đấng phục sinh !

Đấng dạy luật tình yêu tối thượng,
Dám hy sinh cho kẻ mình yêu.
Đấng dạy bảo những ai làm lớn,
Phải nên người phục vụ trăm chiều…

Đấng mới đây thôi từ huyệt mộ,
Đã thối om xác chết La-da-rô.
Quyền năng chỉ một lời tuyên bố :
Đứng lên đi ra khỏi nấm mồ !...

Cùng với em theo Ngài đi tới,
Chẳng biết ngày mai sẽ tới đâu ?
Nghìn năm đã dân ta mong đợi.
Biết đâu đây là phút nhiệm mầu !

Sơn Ca Linh (Lễ Lá 2017)
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Hương Sắc Đầu Xuân
Dominic Đức Nguyễn
18:25 09/04/2017
HƯƠNG SẮC ĐẦU XUÂN
Ảnh của Dominic Đức Nguyễn
Xuân tình nở thắm muôn nơi
Tràn muôn phước cả xuống đời nhân gian
Hương xuân phơi phới nồng nàn
Tỏa lên bát ngát trần hoàn nồng say
(Trích thơ của Trầm Hương Thơ)
 
VietCatholic TV
Phóng sự đặc biệt: Lễ Lá khai mạc Tuần Thánh tại Vatican ngày 9 tháng Tư, 2017
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
07:28 09/04/2017
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Lúc 10h sáng Chúa Nhật mùng 9 tháng Tư, Đức Thánh Cha đã cử hành Lễ Lá tại quảng trường Thánh Phêrô, khởi sự Tuần Thánh, là tuần lễ quan trọng nhất trong Phụng Vụ Công Giáo.

Dưới bầu trời nắng xuân và trước sự hiện diện của 50 ngàn tín hữu, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự lễ lá, tưởng niệm biến cố Chúa Giêsu khải hoàn vào thành Jerusalem, và thánh lễ tưởng niệm cuộc thương khó của Chúa sau đó.

Các cành lá dừa các bạn trẻ cầm trong cuộc rước lá do các Cộng đoàn Con đường Tân dự tòng trao tặng; còn các cây và cành ô liu trang trí bàn thờ và Quảng trường thánh Phêrô do miền Puglie nam Italia tặng. Sau cùng 2 ngàn cành lá dừa màu vàng được kết bện rất nghệ thuật, do các chính quyền ở thành phố San Remo và Bordighera và một số tổ chức khác ở miền Liguria trao tặng theo một truyền thống có từ thế kỷ 16. Các cành lá này được Đức Thánh Cha, các Hồng Y, Giám Mục, kinh sĩ đoàn Đền thờ Thánh Phêrô và đoàn giúp lễ và một số người khác cầm trong tay.

Đồng tế với Đức Thánh Cha và tham dự cuộc rước lá có 30 Hồng Y và 50 Giám Mục. Phần thánh ca, ngoài ca đoàn Sistina của Tòa thánh, còn có ca đoàn và ban nhạc của giáo phận Roma và ca đoàn Mẹ Giáo Hội.

Theo truyền thống, Đức Thánh Cha đã chủ sự cuộc rước lá từ ngọn tháp ở giữa quảng trường tới bàn thờ chính.

Trong Thánh lễ này, Thánh Giá Ngày Giới trẻ Thế giới đã được các bạn trẻ Ba Lan chuyển giao cho các bạn trẻ Panama để chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ quốc tế tiếp theo vào năm 2019. Như thường lệ, Đức Thánh Cha cũng công bố thông điệp Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới ở cấp địa phương trong năm nay với chủ đề “Đấng Toàn năng đã làm cho tôi những điều vĩ đại, và danh Ngài là thánh” trích từ Tin Mừng theo Thánh Luca, chương 1, câu 49.

Trong phần đầu lễ, Đức Thánh Cha nhắc nhở rằng hôm nay cộng đoàn tụ họp nơi đây để cùng toàn thể Giáo Hội khai mạc tuần thánh tưởng niệm mầu nhiệm Vượt Qua, tức là cuộc thương khó và Phục Sinh của Ðức Ki-tô. Ðể chuẩn bị Tuần Thánh, trong suốt mùa chay, chúng ta đã cầu nguyện, thống hối, chia sẻ tình thương và cơm áo cho nhau.

Chúa Nhật Lễ Lá hôm nay là ngày kỷ niệm Ðấng Cứu Thế vào thành thánh Giê-ru-sa-lem để hoàn tất mầu nhiệm Vượt Qua đem lại cho loài người ơn cứu độ, chúng ta hãy đem cả niềm tin mà hăng hái bước theo Người. Xin Người ban ơn để chúng ta thông phần đau khổ mà Người đã chịu trên thập Giá, hầu được chia sẻ vinh quang Phục Sinh và sự sống của Người.

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng nhắc nhở rằng khi Tuần Thánh bắt đầu, chúng ta nên chiêm ngắm không chỉ vinh quang khi dân chúng tung hô Chúa Giêsu là Vua khi Ngài vào thành Giêrusalem, nhưng cũng phải chiêm ngắm sự đau khổ mà Người phải chịu đựng trước khi chết, và điều này ngày nay chúng ta vẫn phải chứng kiến trong cơ man những người đau khổ vì chiến tranh, bạo lực và chế độ nô lệ hiện đại.

Khi Giáo Hội bước vào tuần lễ trước khi Chúa Giêsu trải qua cuộc thương khó, và cái chết, Chúa không yêu cầu chúng ta chiêm ngưỡng Ngài chỉ qua các tranh ảnh, hoặc qua các đoạn phim được lưu hành trên internet. Không. Không phải như thế.

Thay vào đó, Chúa Giêsu hiện diện “trong nhiều anh chị em của chúng ta ngày hôm nay đang chịu đựng những đau khổ: họ bị khổ đau vì chế độ lao động nô lệ, vì những bi kịch gia đình, và bệnh tật”.

Nhiều người cũng đau khổ vì “chiến tranh và nạn khủng bố, từ những nguồn lợi nhuận khiến cho người ta vũ trang và sẵn sàng tấn công. Nhiều phụ nữ và nam giới bị lừa dối, bị xâm phạm nhân phẩm, bị bỏ rơi.”

Những lời của Đức Thánh Cha xảy ra gần như đồng thời với vụ đánh bom tại thủ đô Cairo của Ai Cập. Thật vậy, ngay vào lúc Đức Thánh Cha bắt cầu cử hành cuộc rước lá tại quảng trường Thánh Phêrô thì tại vùng phụ cận Tanta của thủ đô Cairo, Ai Cập nơi Đức Thánh Cha sẽ viếng thăm trong vài tuần tới đây, khủng bố Hồi Giáo đã tấn công vào nhà thờ Thánh George của Công Giáo Coptic.

Đài truyền hình quốc gia của Ai Cập cho biết ít nhất 21 người bị thiệt mạng và hơn 50 người khác bị thương trong vụ nổ bom tự sát xảy ra vào lúc 10h sáng giờ địa phương khi hàng trăm các tín hữu Công Giáo Coptic đang tụ tập chuẩn bị các nghi thức làm phép lá.

Cảnh tượng từ bên trong nhà thờ ra đến bên ngoài thật là kinh hoàng với những những thi thể đẫm máu nằm bất động.

Đức Thánh Cha nói:

“Chúa Giêsu ở trong họ, trong mỗi người, với những hình ảnh thê thảm và những tiếng kêu lạc giọng, Ngài muốn được nhìn vào mắt, được nhìn nhận, và yêu thương”

Sự hiện diện của Chúa Giêsu trong mỗi anh chị em này không phải là “một Chúa Giêsu khác”, nhưng “chính là cùng một Chúa Giêsu đã vào thành Giêrusalem khi được người ta vẫy chào bằng các nhành lá. Đó cũng chính là cùng một Chúa Jêsus đã bị đóng đinh trên cây thập giá và đã chết giữa hai người trộm cướp”

“Chúng ta không có Chúa nào khác ngoài Chúa Jêsus, Đấng là vị vua khiêm nhường của công lý, lòng thương xót và bình an”.

Đức Thánh Cha đã nói như trên và khích lệ các tín hữu suy ngẫm về những đau khổ của Chúa Giêsu trong Tuần Thánh và tìm kiếm Người trên gương mặt của những người anh chị em đau khổ của chúng ta.

Như thường lệ, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bắt đầu với việc làm phép lá tại cây cột cao ở trung tâm của quảng trường. Sau khi làm phép lá, ngài chủ sự một cuộc rước kiệu lên bàn thờ chính, nơi Đức Thánh Cha tiếp tục cử hành phần còn lại của Thánh lễ.

Dưới đây là toàn bộ bài giảng của Đức Thánh Cha:

Buổi cử hành ngày hôm nay có thể nói được là vừa ngọt ngào vừa cay đắng. Vừa có niềm vui lại đồng thời lại có những sầu buồn. Chúng ta kỷ niệm việc Chúa vào thành Giêrusalem với những tiếng tung hô Ngài là Vua của những người theo Ngài. Tuy nhiên, chúng ta cũng long trọng công bố bài tường thuật Tin Mừng về cuộc thương khó của Ngài. Trong sự tương phản sâu sắc này, trái tim chúng ta cảm nghiệm chỉ một chút xíu những gì chính Chúa Giêsu đã phải cảm nhận trong lòng vào ngày hôm đó, khi Ngài vui mừng với những bạn bè và khóc lóc cho thành Giêrusalem.

Trong ba mươi hai năm nay qua, khía cạnh vui mừng của ngày Chúa Nhật này đã được phong phú hóa nhờ nhiệt tình của giới trẻ, nhờ vào việc cử hành Ngày Giới trẻ Thế giới. Năm nay, biến cố này được cử hành ở cấp giáo phận, nhưng ở Quảng trường Thánh Phêrô, nó sẽ được đánh dấu bằng một khoảng khắc sâu sắc và cảm động khi thánh giá Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới được những người trẻ của Kraków truyền lại cho các bạn trẻ đến từ Panama.

Bài Phúc Âm mà chúng ta đã nghe trước cuộc rước lá (xem Mt 21: 1-11) tường thuật việc Chúa Giêsu xuống khỏi Núi Ô-liu trên lưng một con lừa chưa ai cỡi bao giờ. Bài Phúc Âm kể lại nhiệt tình của những người theo Chúa đã hoan nghênh Thầy mình bằng những tiếng tung hô vui mừng, và chúng ta có thể hình dung trong tâm trí mình sự phấn khởi của những trẻ em và thanh thiếu niên trong thành khi tham gia vào sự phấn khích này. Chính Chúa Giêsu cũng thấy trong sự chào đón vui nhộn này một sức mạnh không thể lay động của Thiên Chúa. Đối với những người Pharisêu bực tức về chuyện này, Ngài trả lời: “Tôi bảo các ông: họ mà làm thinh, thì sỏi đá cũng sẽ kêu lên” (Lc 19:40).

Tuy nhiên, Chúa Giêsu, Đấng hoàn tất lời Kinh Thánh, đi vào thành thánh theo cách này, không phải như một người ban phát những sai lầm, ảo tưởng, cũng chẳng phải một tiên tri thời mới, hay một kẻ lừa đảo. Đúng hơn, Ngài chính thật là Đấng Messia, là Đấng được sai đến như một người tôi tớ, tôi tớ của Thiên Chúa và của con người, và Ngài đang tiến dần đến cuộc thương khó của mình. Ngài là một “bệnh nhân” vĩ đại, là Đấng gánh chịu tất cả những đau khổ của nhân loại.

Vì vậy, khi chúng ta hân hoan tung hô Vua của chúng ta, chúng ta hãy cùng suy nghĩ về những đau khổ mà Ngài sẽ phải chịu đựng trong tuần này. Chúng ta hãy nghĩ đến những lời phỉ báng và xúc phạm, những bẫy rập và phản bội, nỗi buồn bị bỏ rơi và một bản án bất công, những cú đấm, những roi đòn và cái vương miện đầy những gai nhọn ... Và cuối cùng là con đường thánh giá dẫn đến nơi chịu đóng đinh.

Ngài đã nói rõ điều này với các môn đệ của mình: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mt 16:24). Chúa Giêsu chẳng bao giờ hứa danh dự và thành công. Các sách Phúc Âm đều nói rõ ràng về điều này. Ngài đã luôn cảnh báo bạn bè của mình rằng đây là con đường của Ngài, và rằng chiến thắng cuối cùng chỉ có thể đạt được qua cuộc thương khó và thập giá. Tất cả điều này cũng đúng cho chúng ta nữa. Chúng ta hãy cầu xin ân sủng được bền đỗ theo Chúa Giêsu một cách trung thành, không phải bằng lời nói mà bằng hành động. Chúng ta hãy cầu xin sự kiên nhẫn để vác lấy thập giá của chúng ta, không phải từ chối hay đặt nó sang một bên, mà là tìm kiếm Ngài để chấp nhận thập giá và vác thập giá hàng ngày.

Chúa Giêsu, Đấng đón nhận những lời tung hô hosannas của đám đông, biết rõ rằng những lời tung hô vạn tuế này sẽ sớm được tiếp nối bằng những tiếng kêu: “Đóng đinh nó đi!” Chúa không yêu cầu chúng ta chiêm ngưỡng Ngài chỉ qua các tranh ảnh, hoặc qua các đoạn phim được lưu hành trên internet. Không. Không phải như thế. Chúa Giêsu hiện diện trong nhiều anh chị em của chúng ta ngày hôm nay đang chịu đựng những đau khổ: họ bị khổ đau vì chế độ lao động nô lệ, vì những bi kịch gia đình, và bệnh tật. Họ cũng đau khổ vì chiến tranh và nạn khủng bố, vì những nguồn lợi nhuận khiến cho người ta vũ trang và sẵn sàng tấn công. Nhiều phụ nữ và nam giới bị lừa dối, bị xâm phạm nhân phẩm, bị vứt bỏ.

Chúa Giêsu ở trong họ, trong mỗi người, với những hình ảnh thê thảm và những tiếng kêu lạc giọng, Ngài muốn được nhìn vào mắt, được nhìn nhận, và yêu thương.

Đó không phải là một Chúa Giêsu khác, nhưng chính là cùng một Chúa Giêsu đã vào thành Giêrusalem giữa những nhành lá vẫy chào. Đó cũng chính là cùng một Chúa Giêsu đã bị đóng đinh trên cây thập giá và đã chết giữa hai người trộm cướp. Chúng ta không có Chúa nào khác ngoài Ngài: là Chúa Giêsu, Đấng là vị vua khiêm nhường của công lý, lòng thương xót và bình an.