Ngày 05-04-2010
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ba nguồn chứng cứ liên can đến sự Phục Sinh
LM Phêrô Nguyễn Thiên Cung
06:39 05/04/2010
Suy niệm Mùa Phục Sinh 2010:
VỀ BA “NGUỒN CHỨNG CỨ PHỤC SINH”


Theo Thánh Kinh, đặc biệt các tường thuật Tin Mừng sau Phục sinh, có ít nhất là ba “nguồn chứng cứ liên can đến sự Phục Sinh”:

1) Từ “các lời đã báo trước”;
2) Từ dữ kiện “ngôi mộ trống”;
3) Từ các nhân chứng đã mục thị Đức Giêsu đã chết nay vẫn sống…

Các tường thuật Phục sinh cũng còn chứng tỏ cho thấy rằng ba nguồn chứng cứ nầy, một đàng, vốn liên đới với nhau và bổ sung cho nhau, đàng khác, liên đới và tùy thuộc vào thái độ “tin-cậy-mến” của mỗi người…

I- TỪ “CÁC LỜI ĐÃ BÁO TRƯỚC”:

1- Các dữ kiện: Các lời đã báo trước bao gồm các Ý định đã trù liệu trước của chính Thiên Chúa (Cv 2, 23-24), các lời của chính Đức Giêsu trước khi “chết” (Mc 8, 31; 9, 31; 10, 33-34; Mt 16, 21; 17, 22-23; 20, 18-19; Lc 9, 22; 9, 44-45; 18, 31-34; v.v…) và các lời tiên tri trong Cựu Ước (xem Lc 24, 25-27; Cv 3, 21-28; 8, 31-35; 1 Pr 1, 11; v.v…):

“…thể theo ý định đã vạch sẵn và sự dự tri của Thiên Chúa…” (Cv 2, 23).

“Và Ngài bắt đầu giảng dạy họ rằng: ‘Con người phải chịu nhiều đau khổ, và bị hàng niên trưởng và các thượng tế cùng ký lục phế thải, bị giết đi, và sau ba ngày sẽ sống lại’.” (Mc 8, 31)

“Bấy giờ, Ngài mới nói cùng họ: ‘Hỡi những kẻ ngu độn và trí lòng chậm tin vào mọi điều các tiên tri đã nói ! Thế thì Đức Kitô lại không phải chịu khổ nạn như thế đã, rồi mới vào vinh quang của Ngài sao ?’ Và, khởi từ Môsê và hết thảy các tiên tri, Ngài dẫn giải cho họ các điều đã viết về Ngài trong toàn bộ Kinh Thánh” (Lc 24, 25-27).

2- Các phản ứng:

Nói chung, phản ứng của các Tông đồ và các môn đệ của Chúa Giêsu là không tin, không hiểu và vì thế không mấy quan tâm và để ý đến các lời loan báo trước nầy (xem Lc 24, 25; Mc 9, 32; Mt 16, 22; 17, 23; Lc 9, 45; 18, 34; v.v…)…Vì thế, phản ứng chung ban đầu của các Tông đồ và các môn đệ của Chúa Giêsu sau khi Ngài “chết” là hoang mang, lo âu, sợ hãi và thất vọng…

Nhưng, một khi đã nhớ lại được và hiểu được những lời loan báo trước đó, cùng với sự “gặp gỡ được chính Đức Giêsu Phục sinh”, niềm tin, tỉnh yêu và niềm hy vọng sẽ tràn ngập cõi lòng họ, và có khả năng thay đổi hoàn toàn con người của họ: đó chính là Thần Khí Tình Yêu của Đức Giêsu-Kitô Phục sinh đang hiện diện trong con người và hiện sinh của họ…(xem Lc 24, 6-8.31-35; ).

II- TỪ DỮ KIỆN “NGÔI MỘ TRỐNG”:

1- Dữ kiện: Cả bốn tác giả các Sách Tin Mừng đều có nói tới dữ kiện nầy (Mc 16, 1-9; Mt 28, 1-10; Lc 24, 1-12; Ga 20, 1-2):

“Ngày thứ nhất trong tuần, vừa tang tảng bình minh, các bà đến mồ, có mang theo hương liệu họ đã dọn sẵn. Và họ thấy viên đá đã lăn ra khỏi mồ, nhưng khi vào trong, họ không gặp thấy xác Chúa Giêsu.” (Lc 24, 1-2)

2- Các phản ứng: Đối diện với dữ kiện “ngôi mộ trống”, có nhiều phản ứng khác nhau:

2.1- Các thượng tế và hàng niên trưởng, vì một cách tiên thiên đã không tin, nên đã “phao tin thất thiệt”:

“Các thượng tế hội cùng hàng niên trưởng, và sau khi đã bàn bạc, thì họ cho lính tráng một số tiền lớn, mà rằng: ‘Các anh hãy nói: Môn đồ hắn đã đến ban đêm trộm hắn, đang lúc chúng tôi ngủ” (Mt 28, 12-13).

2.2- Phêrô, các Tông đồ và các môn đệ khác: Thái độ chủ yếu của Phêrô và của họ là “kinh ngạc” vì “chậm hiểu” các lời đã báo trước, và vì thế không mấy tha thiết với dữ kiện “mồ trống” nầy (Lc 24, 11-12; Ga 20, 6-7.9-10):

“Nhưng Phêrô chỗi dậy chạy đến mồ. Cúi mình nhìn vào, ông thấy chỉ có những dải vải mà thôi. Và ông lui về nhà, kinh ngạc về sự xãy ra” (Lc 24, 12).

2.3- “Người môn đệ kia (?)”: Cùng với Phêrô, cả hai cùng thấy những dữ kiện như nhau, nhưng “người môn đệ kia” “đã thấy và đã tin” (Ga 20, 8). Có vẻ như ở đây, Thánh Kinh chứng tỏ cho thấy có một tương quan mật thiết và hỗ tương giữa lòng mến, niềm tin và sự nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc đời nầy: càng được yêu mến nhiều và càng yêu nhiều càng dễ tin, tin nhiều và nhanh chóng nhận ra được sự hiện diện của Đức Kitô phục sinh…Chẳng phải “người môn đệ kia” cũng là người đã đuợc Chúa Giêsu yếu mến nhiều và ngài cũng yêu mến Thầy mình nhiều đó sao ? (xem Ga 13, 23; 19, 25; 21, 7). Chỉ có Tình Yêu mới có đôi con mắt nhìn ra chân tướng của mọi sự và mọi người và cả chính sự hiện diện tình yêu của Thiên Chúa giữa lòng lịch sử. Trong ngôn ngữ nhà Phật, cái nhìn đó được gọi là “tâm nhãn”…

2.4- Maria thành Magđala và một số người phụ nữ khác từng đi theo Chúa Giêsu (xem Lc 24, 10): Có vẻ như đối diện với dữ kiện “ngôi mộ trống”, những người phụ nữ nầy cũng chẳng hiểu gì nhiều hơn so với các Tông đồ và môn đệ khác của Chúa Giêsu (xem Ga 20, 13.15). Nhưng, bù lại, họ có trái tim: họ yêu mến Đức Giêsu khi “còn sống” cũng như “sau khi Ngài đã chết”. Những người phụ nữ nầy không nhìn con người Đức Giêsu và các biến cố liên quan đến Ngài qua lăng kính lý trí, toan tính hơn thiệt, mà bằng cả trái tim, tức là nhìn qua “tâm nhãn”…(xem Ga 20, 1.11; Mt 28, 1; Mc 16, 1-3; Lc 24, 1). Và, liệu phải chăng chính bằng cái nhìn “tâm nhãn” đó mà Maria thành Magđala và những người phụ nữ đã từng đi theo Chúa Giêsu đó là những người “đầu tiên” đã được gặp gỡ Đức Giêsu Phục Sinh và chính họ là những người “đầu tiên” loan báo Tin Mừng Phục Sinh thậm chí cho cả các Tông đồ ? (xem Lc 24, 10; Ga 20, 18)…

Thật vậy, có thể các phụ nữ nầy đã không tin Đức Giêsu, Thầy mình, sẽ sống lại, và cũng không hy vọng thế:

“…Bà nói: ‘Người ta đã cất Chúa tôi đi, mà tôi không biết họ đã đặt Ngài ở đâu ? …Thưa ông, nếu chính ông đã đem Ngài đi, xin nói cho tôi biết: ông đã đặt Ngài ở đâu, tôi sẽ đến cất lấy Ngài’.” (Ga 20, 13.15).

Nhưng, có một điều chắc chắn là họ đã yêu mến Ngài khi Ngài còn sống cũng như khi Ngài “đã chết”: cần lưu ý Maria thành Magđala trong Ga 20, 13.15 không nói người ta cất hay đem “xác Chúa tôi” mà là “cất Chúa tôi đi” và “đem Ngài đi” (xem thêm Ga 20, 11.13.15.17). Và, đó chính mới là điều quan trọng: Tình Yêu. Và, chính trong Tình Yêu đối với Đức Giêsu-Kitô đã mặc nhiên bao hàm Niềm Tin và Niềm Hy vọng (xem 1 Cr 13, 13; 1 Ga 4, 16)…

III- TỪ CÁC NHÂN CHỨNG…:

“…Chúng tôi là chứng nhân về mọi điều Ngài đã làm trong vùng người Do Thái và ở Giêrusalem, Ngài mà họ đã treo trên súc gỗ mà giết đi. Chính Ngài, Thiên Chúa đã làm cho sống lại ngày thứ ba, và đã cho hiện tỏ, không phải cho toàn dân, nhưng là cho những nhân chứng Thiên Chúa đã chọn trước, tức là chúng tôi, những kẻ đã được cùng ăn cùng uống với Ngài, sau khi Ngài đã sống lại từ cõi chết…” (Cv 10, 39-41).

“Vậy, trong hàng những người đã cùng đi với chúng tôi, suốt cả thời gian Chúa Giêsu đã ra vào giữa chúng tôi, khởi từ lúc Gioan thanh tẩy, cho đến ngày Đức Giêsu bị cất khỏi chúng tôi, phải chọn thêm một người để cùng với chúng tôi làm chứng cho sự sống lại của Ngài” (Cv 1, 21-22).

1- Nhân chứng là những kẻ đã được Thiên Chúa tuyển chọn: Không phải bất cứ ai cũng có thể là nhân chứng, mà chỉ những ai đã được Thiên Chúa tuyển chọn. Vì thế, đó là một ơn gọi có tính liên vị (une vocation interpersonnelle), tức là giữa các ngã vị với nhau, chứ không phải là một ơn gọi chung chung, trừu tượng, trung tính. Điều đó đòi hỏi phải có những tương quan mật thiết với nhau, tương quan tình yêu: có những mời gọi và có những đáp trả, có những chung sống và cùng có những kỷ niệm chung với nhau (xem Ga 20, 14-16; Lc 24, 30-31)…

2- Nhân chứng Phục sinh phải là những kẻ đã từng mục thị và chung sống với Đức Giêsu trước và sau Biến cố Phục Sinh: có nghĩa đó phải là những con người “trong cuộc”, nhờ đó niềm xác tín mới đủ mạnh mẽ để có thể từ đó thay đổi cả một đời còn lại: từ những kẻ đầy tham vọng, đầy toan tính nhỏ mọn, cá nhân, nhút nhát, sợ hãi, tham sống, sợ chết của Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, họ trờ thành những chứng nhân suốt đời cho Đức Kitô Phục Sinh, cho Giáo hội của Ngài và cho tha nhân, đến độ hy sinh cả tính mạng của mình vì Tình Yêu, như chính Đức Giêsu-Kitô, Thầy của họ…

Và, chính vì thế, họ mới trở thành những chứng nhân khả tín cho chúng ta và cho mọi người, mọi nơi và mọi thời đại…

Và, đến lượt chúng ta, cũng vậy, chỉ có một tình yêu dâng hiến tột cùng như thế, đến độ dám hy sinh cả mạng sống mình vì tình yêu đối với Thiên Chúa, với Đức Giêsu-Kitô, với Giáo hội của Ngài và với mọi người, mà chúng ta và Giáo hội chúng ta mới có thể trở thành những chứng nhân “khả tín” trong một thế giới, như thế giới chúng ta đang sống, vốn tin vào những chứng nhân hơn là những thầy dạy…
 
Niềm vui Phục Sinh nơi chúng ta
Gm. Gioan B. Bùi Tuần
11:32 05/04/2010
Chúa Giêsu phục sinh là nguồn vui vô tận cho chúng ta.

Chúng ta rất vui, khi hy vọng Người cho chúng ta cũng sẽ được sống lại như Người.

Chúng ta rất vui, khi tin rằng: Chúa phục sinh đang ở trước mặt ta. Người ở bên ta, để dẫn ta trên con đường đi tới phục sinh.

Chúng ta rất vui, khi cảm nhận được sự hiện diện của Chúa phục sinh trong ta. Người ở trong chính ta. Niềm vui ấy sẽ trọn vẹn, khi ta có thể nói: "Không phải tôi sống, nhưng Chúa Kitô sống trong tôi" (Gl 2,20). Người là Chúa Kitô phục sinh.

Niềm vui phục sinh là một ơn huệ Chúa ban. Chúa ban ơn đó cho những ai biết đón nhận.

Ở đây, xin nhắc tới một số điều kiện cần có, để đón nhận ơn phục sinh.

1/ Phải chiến đấu chống sự ác

Phục sinh của Chúa Giêsu là một chiến thắng sự chết. Để chiến thắng, chúng ta phải chiến đấu chống lại sự tội và những gì gây ra tội lỗi.

a) Trước hết là chiến đấu chống lại sự mù quáng của xác thịt.

Sự mù quáng của xác thịt thường rất nặng nề. Thánh Phaolô mô tả tình hình đó trong vài câu tâm sự sau đây: "Điều tôi muốn, thì tôi không làm, còn điều tôi ghét thì tôi lại làm" (Rm 7,14). Ngài cắt nghĩa: "Vẫn biết rằng Lề luật là bởi Thần Khí, nhưng tôi thì lại mang tính xác thịt, bị bán làm tôi cho ma quỷ" (Rm 7,14). Tuy vậy, khi chúng ta nhờ Đức Kitô mà chiến đấu, thì chúng ta sẽ thắng. Chiến thắng đó đem lại niềm vui. Niềm vui này có thể gọi là niềm vui phục sinh.

b) Ngoài xác thịt, chúng ta phải chiến đấu chống các thần dữ.

Các thần dữ, tuy bị Chúa phạt, nhưng vẫn có nhiều khả năng làm những chuyện đáng sợ. Một trong những chuyện đáng sợ, là gây hại cho người ta bằng nhiều cách, từ thô lỗ đến tinh vi.

Phúc Âm nói nhiều đến những trường hợp quỷ ám. Con người bị quỷ khống chế dã man. Thời nay quỷ ám, quỷ nhập vẫn xảy ra, nhưng một cách khá kín đáo. Cách thông thường nhất mà quỷ dùng để hại con người là cám dỗ. Phúc Âm thuật lại chuyện quỷ cám dỗ Chúa Giêsu trong sa mạc (x. Mt 4,1-11). Nó xúi Ngài làm những việc kiêu ngạo phô trương vì mục đích làm sáng danh Thiên Chúa. Chứng tỏ nó rất mưu mô.

Hiện nay những cơn cám dỗ của quỷ có thể nói là rất tâm lý và văn minh. Khi chúng ta nhờ ơn Chúa mà chiến đấu với quỷ và thắng được những cám dỗ của nó, thì chúng ta sẽ nếm được niềm vui. Niềm vui ấy đáng gọi là niềm vui phục sinh. Bởi vì phục sinh ấy chính là chiến thắng sự chết vô hình và lực lượng ác thần gây ra sự chết.

c) Trong mặt trận đòi ta chiến đấu, còn có thế gian gian tà.

Thế gian gian tà nói đây là những con người gian trá, những nét văn hoá giả dối, những dư luận gian ác, những lý luận gian giảo, những thói quen gian manh. Những cái xấu ấy xen vào những cái tốt, làm cho xã hội trở thành một cuộc nội chiến giữa ác và thiện.

Chúng ta phải nhờ ơn Chúa để biết phân định xấu tốt, rồi phải chiến đấu dùng thiện đẩy lùi sự ác.

Khi chúng ta nhờ ơn Chúa mà chiến thắng, chúng ta sẽ cảm nhận được niềm vui thiêng liêng và tự nhiên. Niềm vui đó là niềm vui phục sinh. Bởi vì chúng ta thắng được những gì là sự chết vô hình, và những gì đưa tới sự chết đó.

2/ Phải chiến đấu với chính mình

Chúa Giêsu phán: "Ai muốn theo Thầy, thì phải từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo" (Mt 16,24).

Từ bỏ mình, từ bỏ cái tôi là chuyện tu đức cần cho mọi người. Kinh nghiệm cho thấy: Cái tôi nếu không được chế ngự, kiểm soát và từ bỏ, thì con người sẽ dễ trở thành người đạo đức giả, ngôn sứ giả, đôi lúc cũng dám tự phong mình như một thứ lãnh đạo, nhưng lãnh đạo giả. Chiến đấu với cái tôi là chuyện không dễ.

Nếu vác thánh giá mình là chu toàn việc bổn phận mình, thì phấn đấu làm việc bổn phận mình không phải là dễ.

Nếu theo Chúa Giêsu là phục vụ Chúa và phục vụ con người trong tinh thần vâng phục Chúa Cha, thì những việc ấy đâu phải dễ.

Có thể nói: Sự từ bỏ mình đòi nhiều phấn đấu. Vác thánh giá mình cũng đòi rất nhiều phấn đấu. Bước theo Chúa Giêsu cũng đòi muôn vàn phấn đấu. Phục vụ Chúa và phục vụ con người càng đòi nhiều thứ phấn đấu. Nhưng những phấn đấu ấy sẽ mang lại niềm vui phục sinh.

Rồi chúng ta sẽ được Chúa dùng để tham gia vào việc phục sinh bao người khác.

3/ Phải chiến đấu để ở lại trong Chúa

Được ở lại trong Chúa Giêsu, đó là một niềm vui phục sinh rất lớn lao. Chúa Giêsu phán: "Anh em sẽ biết rằng: Thầy ở trong Cha Thầy. Anh em ở trong Thầy, và Thầy ở trong anh em" (Ga 14,20).

Chiến đấu để được ở lại trong Chúa Giêsu một cách thân mật, đó là một thứ chiến đấu riêng biệt.

Nó đòi phải siêng năng cầu nguyện, suy gẫm, chiêm niệm và tỉnh thức. Nếu chúng ta phấn đấu làm những việc đó một cách nhiệt tình trung tín, chúng ta sẽ nếm được một niềm vui thiêng liêng. Niềm vui đó rất đáng gọi là niềm vui phục sinh với tất cả ý nghĩa của mầu nhiệm phục sinh.

***

Những suy niệm trên đây cho phép xác định rằng: Cuộc đời người sống đức tin là một cuộc chiến đấu cam go. Cuộc chiến đấu ấy sẽ đem lại nhiều niềm vui phục sinh cho mình và cho kẻ khác.

Như vậy, chúng ta không nên đi tìm bất cứ niềm vui nào. Có những niềm vui phục sinh, nhưng cũng có những niềm vui giết phần rỗi mình và giết linh hồn kẻ khác.

Xin cảm tạ Chúa đã ban cho nhân loại nhiều chứng nhân về niềm vui phục sinh.

Hội Thánh Việt Nam hôm nay rất cần những chứng nhân như thế.
 
Sứ điệp Phục Sinh 2010 của ĐTC Bênêđictô XV
Bình Hòa (chuyển ngữ)
11:46 05/04/2010
“Chúng ta đã được tự do, chúng ta đã được cứu thoát”

VATICAN CITY – Sau đây là Sứ Điệp Phục Sinh năm 2010 của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đọc trước phép lành “urbi or orbi” bằng 65 thứ tiếng vào trưa Chúa nhật 4 tháng 4 năm 2010.

***

Cantemus Domino: gloriose enim magnificatus est.

“Nào chúng ta hãy hát mừng Chúa: bởi vì Ngài thật cao cả uy hung!"

Anh chị em thân mến,

Tôi xin mang đến cho anh chị em lời loan báo Phục sinh bằng những lời của phụng vụ, vọng lại bài thánh thi chúc tụng cổ xưa của dân Do thái sau khi vượt qua Biển Đỏ. Sách Xuất hành (ch 15,19-21) thuật lại rằng sau khi dân Do thái đã băng qua giữa lòng biển khô cạn thì bà Myriam, em gái của hai ông Mosê và Aaron cùng với các phụ nữ đã đánh trống nhảy múa xướng lên bài ca hoan hỉ: "Hãy hát mừng Chúa, Đấng cao cả uy hùng: kỵ binh cùng chiến mã, Người xô xuống đại dương". Người Kitô-hữu lặp lại bài ca này vào đêm Vọng Phục sinh, và một lời nguyện riêng đã giải thích ý nghĩa của nó dưới ánh sáng của lễ Phục sinh, lời nguyện mà chúng ta hân hoan coi như là của mình: "Lạy Chúa, kể cả vào thời nay, chúng con được chứng kiến những kỳ công của Chúa. Điều mà xưa kia bàn tay dũng lực Chúa đã thực hiện khi giải thoát một dân tộc khỏi cảnh áp bức của vua Pha-ra-on, thì ngày nay Chúa thực hiện qua nước của bí tích Rửa tội để cho muôn dân được ơn cứu độ; xin ban cho toàn thể nhân loại được đón nhận vào những con cái của ông Abraham và được thông dự vào phẩm giá của dân tộc được tuyển chọn".

Tin mừng mặc khải cho chúng ta biết những hình bóng cổ xưa thì nay đã hoàn tất: Đức Giêsu Kitô, nhờ cái chết và sống lại của mình, đã giải thoát nhân loại khỏi cảnh nô lệ tận căn, ách nô lệ của tội lỗi, và đã mở ra cho chúng ta con đường vào Đất hứa thực nghĩa, vào Vương quốc của Thiên Chúa, Vưong quốc của công lý, tình yêu và hoà bình. Trước tiên cuộc "xuất hành" này diễn ra ở ngay trong bản thân chúng ta, hệ tại một cuộc tái sinh trong Thánh Linh, công hiệu của bí tích Thanh Tẩy mà Chúa Kitô đã ban cho chúng ta trong mầu nhiệm vượt qua. Con người cũ nhường chỗ cho con người mới; chúng ta bỏ lại đàng sau nếp sống trước kia, và có thể tiến bước theo cuộc sống mới (xc. Rm 6,4). Nhưng cuộc "xuất hành" tinh thần là nguyên uỷ của một cuộc giải phóng toàn diện, có khả năng thay đổi hết mọi chiều kích của con người, cá nhân và xã hội.

Quả vậy, anh chị em thân mến, lễ Phục sinh là cuộc cứu độ đích thực của toàn nhân loại! Nếu Đức Kitô - Chiên Thiên Chúa - đã không đổ máu mình vì chúng ta, thì chúng ta sẽ chẳng có niềm hy vọng nào, định mệnh của toàn thể thế giới sẽ đương nhiên là cái chết. Nhưng sự Phục sinh đã lật ngược lại tình thế: sự Phục sinh của Chúa Kitô là một cuộc sự tạo dựng mới, như một cành chiết mang lại khả năng làm cho toàn thể thân cây được hồi sinh. Cuộc Phục sinh của Chúa Kitô là một biến cố đã làm thay đổi hướng đi của lịch sử, làm nghiêng cán cân về phía điều thiện, sự sống, sự tha thứ. Chúng ta đã được tự do, chúng ta đã được cứu thoát! Đó là lý do vì sao chúng ta hoan hỉ thốt lên tự đáy lòng: “Nào chúng ta hãy hát mừng Chúa: bởi vì Ngài thật cao cả uy hùng”

Đoàn dân Kitô hữu, ra khỏi nước Rửa tội, được phái đi khắp hoàn cầu để làm chứng cho ơn cứu độ, để mang đến cho mọi người hoa trái của cuộc Phục sinh, cốt ở một cuộc sống mới, được giải thoát khỏi tội lỗi và được hoàn phục vẻ đẹp nguyên thuỷ, điều thiện và sự thật Trải qua hai ngàn năm, các Kitô hữu - cách riêng là các thánh - đã liên tục làm cho lịch sử được phong phú nhờ kinh nghiệm sống động của cuộc Phục sinh. Hội thánh là đoàn dân xuất hành, bởi vì luôn luôn sống mầu nhiệm vượt qua và quảng bá ở mọi thời và mọi nơi niềm tin mang sức đổi mới. Kể cả vào thời nay, nhân loại cần một cuộc "xuất hành", không phải là những sự thích ứng hời hợt, nhưng là một sự hoán cải tinh thần và luân lý. Nhân loại cần được ơn cứu độ của Tin mừng, để có thể ra khỏi cuộc khủng hoảng sâu đậm, và vì thế đòi hỏi những thay đổi sâu xa, bắt đầu từ việc thay đổi lương tâm.

Tôi cầu xin Chúa Giêsu để cho tại miền Trung đông, cách riêng, miền đất đã được thánh hoá nhờ cái chết và sự sống lại của Người, các dân tộc thực hiện một cuộc "xuất hành" thực sự và dứt khoát ra khỏi chiến tranh và bạo lực, và đi đến hoà bình và hoà giải. Với các cộng đoàn Kitô hữ đang nếm nhiều thử thách và đau khổ, đặc biêt là tại Irak, xin Đấng Phục sinh lặp lại lời nói đầy niềm an ủi và phấn khích với các tông đồ tại nhà Tiệc ly: "Bình an cho các con!” (Ga 20,21)

Với các quốc gia ở Châu Mỹ Latinh và vùng Caraibi đang chứng kiến cảnh gia tăng tội phạm liên quan đến việc buôn bán ma tuý, ước mong cho cuộc Phục sinh đánh dấu cuộc sống chung hòa bình và tôn trọng ích chung. Mong cho dân tộc Haiti thân yêu, bi tàn phá bởi thảm cảnh động đất, thực hiện được một cuộc xuất hành ra khỏi tang tóc và cảnh tuyệt vọng bước sang niềm hy vọng mới, nhờ tình liên đới quốc tế nâng đỡ. Mong sao cho các công dân Chile, đã bị ngã quỵ vì một cuộc thiên tai nặng nề khác, biết bắt tay vào công cuộc tái thiết nhờ sự nâng đỡ của đức tin.

Trong quyền lực của Chúa Giêsu phục sinh, mong sao bên Phi châu được chấm dứt những cuộc xung đột tiếp tục gây ra cảnh tàn phá và đau khổ, và mong sao cho họ đạt được nền hoà bình và hoà giải, là những bảo đảm cho sự phát triển. Tôi xin ký thác cho Chúa tương lai của Cộng hoà dân chủ Congo, Guinea và Nigeria.

Nguyện xin Chúa Phục sinh nâng đỡ các Kitô hữu vì đức tin mà phải chịu bắt bớ và thậm chí bị sát hại như là tại Pakistan. Nguyện xin Chúa ban cho các nước đang bị nạn khủng bố và kỳ thị hoành hành được sức mạnh dấn thân vào con đường đối thoại và chung sống an hoà. Nguyện xin cuộc Phục sinh của Chúa Kitô đem lại ánh sáng và sức mạnh cho các nhà hữu trách của mọi quốc gia, ngõ hầu hoạt động kinh tế và tài chánh được định hướng theo những tiêu chuẩn của công bằng và tương trợ. Nguyện xin quyền năng cứu độ của cuộc Phục sinh của Chúa Kitô thấm nhập toàn thể nhân loại, ngõ hầu họ vượt bỏ những đường lối biểu lộ "văn minh từ thần" đang lan rộng, để xây dựng một tương lai đầy tình yêu và chân lý, trong đó mạng sống con người được kính trọng và tiếp nhận.

Anh chị em thân mến, Lễ Phục sinh không phát sinh bùa phép nào hết. Cũng như sau khi băng qua Biển đỏ, người Do thái gặp thấy sa mạc, thì Hội thánh, sau cuộc Phục sinh của Chúa, luôn gặp thấy lịch sử cùng với những nỗi vui mừng và niềm hy vọng, những đau khổ và lo âu của nó. Tuy vậy lịch sử này đã biến đổi, đã được đánh dấu bởi giao ước mới và vĩnh viễn, đã thực sự mở rộng đến tương lai. Vì thế, nhờ được cứu rỗi trong hy vọng, chúng ta tiếp tục cuộc lữ hành, mang trong tâm hồn bài ca cổ xưa nhưng vẫn luôn mới mẻ: “Nào chúng ta hãy hát mừng Chúa: Đấng cao cả uy hùng”.
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:57 05/04/2010
MƯA

N2T


Có một người làm nghề buôn bán cưỡi ngựa phóng nhanh về nhà, ông ta từ thành phố bên cạnh khẩn cấp trở về, trên người mang rất nhiều tiền bạc. Trời đang trút những trận mưa lớn, thật tội nghiệp cho ông ta toàn thân ướt như chuột lột, tinh thần của ông ta lại không tốt nên trên đường đi luôn miệng báo oán trách Thiên Chúa, tại sao đợi ông ta trên đường trở về nhà rồi lại làm cho thời tiết xấu đi.

Ông ta núp vào đám rừng u tối, đột nhiên có một tên cướp từ trong rừng nhảy ra, tay cầm cây súng trường và ngón tay đã đặt vào cò súng, ông ta kinh hoảng sợ đến phát run, nghĩ rằng chuyến này chắc chết mất. Nhưng nào ngờ, vì trời mưa lớn nên thuốc súng bị ướt và cây súng trở thành vật vô dụng, thế là ông ta giục ngựa phóng nhanh, cuối cùng ông ta thoát hiểm.

Sau khi đến nơi an toàn, ông ta nói với mình:

- “Mình oán trách thời tiết xấu, thực ra như thế là không đúng. Mình nên đem nó biến thành quà tặng của Thiên Chúa và cam tâm tình nguyện đón nhận nó mới phải. Nếu như hôm nay trời quang đãng, bầu trời vừa đẹp vừa trong xanh, thì mình toàn thân đầy máu ngã ngay bên đường, các con của mình đợi mãi cũng sẽ không thấy ba của chúng nó trở về, trận mưa lớn này bị mình oán trách đã cứu mạng sống và tài sản của mình”.

(100 câu chuyện suy tư)

Suy tư:

Con người ta thường lấy những hoàn cảnh không thuận lợi, hoặc lấy trí khôn hạn hẹp, hoặc lấy lòng dạ nhỏ nhen để oán trách Thiên Chúa, mà không nhìn thấy những kỳ công mà Thiên Chúa đã ban cho mình trong cuộc sống, bởi vì trong đêm tối âm u Thiên Chúa luôn an bài ánh sáng cho chúng ta; trong đau khổ gian nan Thiên Chúa luôn sắp xếp hạnh phúc và vui tươi cho chúng ta, chỉ cần chúng ta tin tưởng và phó thác cho Ngài.

Sách Gióp đã ca tụng Thiên Chúa và đã nhắc nhở chúng ta như sau:

“Này, Thiên Chúa toàn năng chẳng khinh thường ai cả,

Người toàn năng, trí tuệ khôn lường.

Người không để cho kẻ gian tà được sống,

Người xử công minh với ai nghèo hèn,

để mắt trông nom người chính trực”. (G 36, 5-6)

Thiên Chúa là Đấng toàn năng, là Cha yêu thương tất cả mọi loài, Ngài không hề bênh vực người này từ chối người kia, nhưng tất cả những ai có tâm hồn biết cảm tạ Thiên Chúa thì đều nhận ra tình yêu của Ngài trong sự khốn khó và trong đau khổ của cuộc sống, bởi vì Thiên Chúa là Tình Yêu.

Mưa hay nắng, vui hay buồn, đau khổ hay hạnh phúc đều được Thiên Chúa yêu thương an bài cách khôn ngoan cho chúng ta.

---------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://vn.myblog.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:58 05/04/2010
N2T


19. Vác Thánh Giá lâu ngày so với việc dùng sự phấn đấu cực lớn để đánh kẻ thù, thì càng thêm khó khăn và cũng càng có công đức.

(Thánh Thomas Aquinas)
 
Mỗi ngày một câu cách ngôn
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:00 05/04/2010
N2T


409. Ý sáng tạo của cuộc sống đến từ quan sát giữa cái động và tĩnh.

 
Phục sinh
L.m Giuse Hoàng Kim Toan
22:02 05/04/2010
Phục sinh là xác định rõ ràng nhất về Thiên Chúa hiện hữu. Quyền trên mọi sự sống và phục hồi sự sống mới. Phục sinh là một trong những khả năng ngoài tầm tay của con người, bao năm qua con người vẫn chết dù y học tiến bộ vượt bậc, dù nhiều trường phái vẫn khao khát trường sinh, nhưng con người vẫn chịu cảnh phải chết.

Thần thoại Hy Lạp kể rằng: Khi Asclépios là vị thần y học, con trai Apollon, được con nhân mã Chiron truyền cho bí mật cứu những người chết sống lại thì đã bị thần Zeus, dùng sét để đánh chết.

Trong Thánh Kinh, con người được sống bất tử trước khi ăn trái cấm. Con người đã bị dụ dỗ ăn trái cấm và mất đi sự sống bất tử, con người đã phải chết vì không tùng phục Thiên Chúa.

Quy luật thiên nhiên cũng cho thấy điều kỳ diệu của sự sống là sự biến đổi giữa sự chết và sự sống liên hoàn xảy ra. Thời gian bốn mùa nối tiếp nhau: Xuân – Hạ - Thu - Đông. Mùa Thu lá rụng để mùa Đông quạnh hiu giá lạnh và hồi phục vào mùa Xuân, để sang Hạ trái chín đầy cành. Sự tuần hoàn đó đẩy thiên nhiên mỗi ngày trưởng thành hơn rồi già cỗi và sau cùng mất đi trước khi để lại nhiều đàn con cháu chắt. Kết thúc của chu kỳ là sự chết hẳn của một cá thể thành viên. Quy luật có sinh ắt có tử.

Thoát vòng sinh tử là một triết lý giải thoát. Không còn sinh không còn tử, con người đi vào chốn an không. Ra khỏi bánh xe luân hồi để đạt tới cõi vĩnh hằng không còn sinh không còn tử.

Thiên Chúa là chủ mọi sự sống, nơi Người không có ý niệm sự chết. Sự chết thuộc về con người đã đón lấy nó khi bất tuân phục Thiên Chúa. “Thật vậy, cũng như vì một người duy nhất đã không vâng lời Thiên Chúa, mà muôn người thành tội nhân, thì nhờ một người duy nhất đã vâng lời Thiên Chúa, muôn người cũng sẽ thành người công chính, nghĩa là được sống”. (Rm 5, 19).

Chúa Giêsu sống lại, xác nhận Người là Thiên Chúa, và ai thuộc về Chúa Kitô là tham dự vào sự sống, dù con người vẫn đối diện với sự chết nhưng đó là ngưỡng cửa để đi vào sự sống đời đời. Sự sống thay đổi chứ không mất đi. “Vậy khi cái thân phải hư nát này mặc lấy sự bất diệt, khi cái thân phải chết này mặc lấy sự bất tử, thì bấy giờ sẽ ứng nghiệm lời Kinh Thánh sau đây: Tử thần đã bị chôn vùi. Đây giờ chiến thắng! “ (1 Cor 15, 54).

Tin nhận Chúa Phục Sinh là đón nhận Thiên Chúa chủ quyền mọi sự sống. Con người trở lại tuân phục Thiên Chúa trong Chúa Giêsu Kitô để được sống và sống dồi dào. Đó là con đường phục sinh mỗi ngày con người đuộc mời gọi sống trong Chúa.
 
Quả trứng
joshkimt
22:08 05/04/2010
Có rất nhiều câu chuyện thần thoại của nhiều nền văn hóa khác nhau chỉ về điểm xuất phát nguyên sơ của con người và vũ trụ. Quả trứng tự nó mang một tiềm tàng đầy bí hiểm chưa được biểu lộ, trong đó có mầm của sự sống đang phát triển và sẽ mở ra những điều kỳ diệu.

Người Celtes cho đó là quả trứng rắn tiềm ẩn trong con nhím biển hóa thạch, người Ai cập cho đó là quả trứng do con Kneph nhả ra, người Trung Quốc cho là do con rồng nhả ra, người Việt Nam tin rằng bà Âu Cơ đẻ ra bọc trứng nở ra trăm con. Rất nhiều thần thoại khác kể về quả trứng chứa đựng những mầm mống nguyên sơ.

Quả trứng phục sinh, mang ý nghĩa của sự tái sinh, sống mới lại theo chu kỳ mới, tăng trưởng hơn về tâm linh, cũ đã qua và cái mới đang thành hình.

Những quả trứng bằng đất tìm thấy được trong các phần mộ của người Nga và Thụy Điển, được diễn giải là “biểu hiện bất tử và phục sinh”. Trong các tôn giáo, ngày kỵ, ngày giỗ, người ta dâng trên bàn thờ người quá cố những quả trứng, đó là gắn vào một niềm tin người quá cố sẽ sống lại.

Quả trứng cũng nói đến một ý nghĩa khác nữa trong đời sống tâm linh của con người. Bản thân quả trứng như lòng mẹ cưu mang, như vỏ ốc bao phủ, như vỏ bao bọc hạt, như ngôi mồ chôn thể xác. Sẽ có ngày nở bung ra, ra khỏi lòng mẹ, ra khỏi vỏ ốc, ra khỏi vỏ, ra khỏi mồ. Đó là giai đoạn tìm đến giải thoát ra khỏi tù túng, tối tăm vào nơi ánh sáng. Biểu hiện của một khát khao sống giữa trời và giữa đời trong ngày ánh sáng không bóng đêm tội lỗi.

Quả trứng còn là biểu hiện của đời sống phong phú, như con gà đẻ trứng vàng, như con cóc và những quả trứng của nó. Sự phong phú, dồi dào, thịnh vượng chỉ có được khi trong lòng của quả trứng mang mầm của sự sống, đó là sự thiện trong lòng mỗi người cần có để làm giảm bớt cái ác. Không thể giao trứng cho ác.

Vài dòng về quả trứng, và hãy mang lấy mầm sự sống để triển nở sự sống phong phú và xây dựng “nền văn minh sự sống”.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Tấn công của truyền thông chống Giáo Hội: một tín hữu Do Thái bày tỏ tình liên đới
Lm. Giuse Vũ Tiến Tặng
06:33 05/04/2010
ROMA (zenit.org) - Gợi lên những đợt tấn công qua phương tiện truyền thông đại chúng chống lại Giáo Hội, cha Raniero Cantalamessa, vị giảng thuyết thuộc phủ Giáo Hoàng đã nhắc đến hôm Thứ Sáu Tuần Thánh vừa qua lá thư của một người anh em Do Thái giáo muốn bày tỏ tinh thần liên đới và tâm tình huynh đệ của mình với Đức Thánh Cha và với toàn thể Giáo Hội.

Cha Raniero Cantalamessa đã kết thúc bài giảng trong buổi cử hành Cuộc Khổ Nạn của Đức Kitô vào cuối buổi chiều Thứ Sáu Tuần Thánh tại vương cung thánh đường thánh Phêrô do Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI chủ sự bằng một ý tưởng dành cho dân Do Thái.

« Qua sự trùng lặp hy hữu, năm nay Lễ Phục Sinh của chúng ta trùng với tuần lễ Vượt Qua của Do Thái Giáo », ngài nhấn mạnh.

Tiếp tục triển khai suy tư của mình về đề tài bạo lực, cha Raniero Cantalamessa đã khẳng định rằng người Do Thái « thấu hiểu bằng chính kinh nghiệm của mình điều liên quan đến những nạn nhân của bạo lực tập thể, và chính vì thế, họ được thúc đẩy nhìn nhận về vấn đề này như là sự tái diễn của những triệu chứng ».

Sau đó, ngài nêu ra một trích đoạn trong lá thư của người anh em Do Thái giáo này: « Tôi chán ngấy những tấn công đầy bạo lực tập trung chống lại Giáo Hội, Giáo Hoàng và tất cả những tín hữu trên toàn thế giới. Sử dụng điệu bộ lặp lại máy móc, sự chuyển giao trách nhiệm, và khuyết điểm của cá nhân bị gán cho tập thể gợi lại cho tôi những khía cạnh tủi hổ nhất về phong trào bài Do Thái. Chính vì vậy, tôi muốn bày tỏ với cá nhân Đức Giáo Hoàng và toàn thể Giáo Hội sự liên đới đối thoại của mình, cũng như của tất cả những người trong giới Do Thái Giáo chia sẻ những tình cảm huynh đệ này. Lễ Vượt Qua của chúng tôi và Lễ Phục Sinh của quý vị có những yếu tố khác biệt không thể phủ nhận, tuy nhiên cả hai đều sống trong niềm hy vọng nơi Đấng Mêssia, Ngài chắc chắn quy tụ chúng ta trong tình yêu của Người Cha chung. Tôi xin kính chúc Đức Thánh Cha và toàn thể Người Công Giáo một Lễ Phục Sinh tốt lành.

Vị giảng thuyết thuộc phủ Giáo Hoàng kết thúc cũng bằng lời cầu chúc những anh em Do Thái Giáo một Lễ Vượt Qua an lành.
 
Bangladesh: Người Công giáo giàu có chia sẻ niềm vui Phục Sinh với người nghèo.
Tiền Hô
07:44 05/04/2010
Bangladesh: Người Công giáo giàu có chia sẻ niềm vui Phục Sinh với người nghèo.

DHAKA (UCAN) - Người Công giáo giàu có trong một giáo xứ lớn nhất của Bangladesh đã trợ giúp người nghèo ăn mừng Lễ Phục sinh bằng việc đóng góp tiền mặt và nhu yếu phẩm hàng ngày.

Hôm 30 tháng 3 năm 2010, các thành viên Hội Dòng Thánh Vinh Sơn Phaolô (SVP) tại Nhà thờ Rất Thánh Mân Côi ở Tejgaon, thủ đô Dhaka đã nhận được 25.000 Taka (khoảng 357 Mỹ Kim) từ giáo dân để mua gạo, dầu và đỗ tương, phân phát cho 30 gia đình nghèo khó.

"Hàng năm, vào dịp Lễ Giáng Sinh và Phục Sinh, chúng tôi cố gắng giúp đỡ anh chị em Công giáo nghèo khó nhằm chia sẻ niềm vui của ngày lễ trọng đại. Tôi muốn cảm ơn anh chị em Công giáo giàu có đã hào phóng đóng góp cho người nghèo", Paschal Pamer, 60 tuổi, vị chủ tịch SVP của giáo xứ nói.

Trong lễ phân phát diễn ra tại nhà thờ, 30 gia đình, mỗi gia đình nhận được 5 kg gạo, 1 kg dầu, 1 kg đỗ và 100 taka bằng tiền mặt.

Chị Pushpa Gomes, một ân nhân 30 tuổi làm nội trợ nói với hãng tin UCA News: "Tôi có được sự hoan lạc lớn lao trong việc chia sẻ niềm vui của ngày lễ Phục Sinh với người nghèo. Tôi muốn thấy họ ăn mừng lễ Phục Sinh được hạnh phúc.”

Anh chị em Công giáo nghèo khó bày tỏ lòng biết ơn những vị ân nhân vì những đóng góp của họ.

"Tôi phải vật lộn ngày này sang ngày khác vì bốn đứa con. Món quà này sẽ giúp gia đình tôi ăn mừng Lễ Phục Sinh", Mary Theresa Sangma, 45 tuổi, một người làm nghề giúp việc chia sẻ.

Còn Pushpa Costa, 38 tuổi, một phụ nữ cũng làm giúp việc nói với UCA News, "Tôi không thể trợ giúp gì cho gia đình tôi với thu nhập ít ỏi mà tôi nhận được. Là một Kitô hữu, tôi không thể cầu xin hoặc nhận tiền thông qua những cách phi đạo đức [mại dâm]", chị nói trong nước mắt. "Vì vậy, tôi đến nhận đóng góp tại nhà thờ và tôi hạnh phúc khi nhận được nó" chị nói thêm.

Michael Cruze, 36 tuổi, thường làm thợ gốm tại một ngôi chợ gần đó vào buổi tối, ông đang sống tại nhà của chị gái mình. Sau khi nhận được phần của mình, ông nói với UCA News, "Tôi không có khả năng lo ba bữa ăn hàng ngày, vì vậy tôi rất biết ơn với những người hào phóng đã giúp chúng tôi đón chào ngày lễ Phục Sinh tốt đẹp hơn."

Theo nguồn tin từ Nhà thờ, có khoảng 1.000 Kitô hữu nghèo khổ sống trong các khu nhà ổ chuột ở Dhaka.

(nguồn: http://www.ucanews.com/2010/04/05/wealthy-catholics-share-easter-joy-with-poor )
 
Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu trở thành sứ giả tình yêu Thiên Chúa
LM Trần Đức Anh, OP
12:20 05/04/2010
CASTEL GANDOLFO. ĐTC Biển Đức 16 mời gọi các tín hữu trở thành những người loan báo mầu nhiệm phục sinh và tình thương của Thiên Chúa.

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong bài huấn dụ tại buổi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng trưa thứ hai 5-4-2010 với hàng ngàn tín hữu hành hương tại khuôn viên dinh thự Castel Gandolfo. ĐTC nhắc đến sự kiện thứ hai sau Phục sinh cũng được gọi là ”Thứ hai các thiên thần” và gợi lại các trình thuật Phúc Âm về sự hiện diện của các thiên thần nơi mộ Chúa Giêsu phục sinh, đồng thời giải thích rằng các thiên thần là những sứ giả loan báo tình thương của Thiên Chúa, và đây cũng là một trong những tước hiệu cổ kính nhất được dành cho chính Chúa Giêsu. Ví dụ nơi Giáo phụ Tertulliano, chúng ta đọc thấy: ”Người, tức là Chúa Kitô, cũng được gọi là ”Thiên thần chỉ bảo”, tức là vị loan báo, đây là từ chỉ một chức vụ chứ không phải chỉ bản tính. Thực vậy, Người phải loan báo cho thế giới đại kế hoạch của Thiên Chúa Cha tái tạo loài người” (De carne Christi, 14). Vì thế, Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa cũng được gọi là Thiên THần của Thiên Cha. Ngài là Sứ giả tuyệt hảo của tình yêu Chúa”.

Và ĐTC nhắc lại lời Chúa Giêsu phục sinh nói với các Tông Đồ: ”Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con” (Ga 20,21), và Chúa thông ban Thánh Linh cho các môn đệ. Điều này có nghĩa là ”cũng như Chúa Giêsu là người loan báo tình thương của Thiên Chúa Cha, cả chúng ta cũng phải là người loan báo tình thương của Chúa Giêsu: chúng ta là những sứ giả về sự sống lại, về chiến thắng của Chúa trên sự ác và sự chết, là những người mang tình yêu thương của Chúa. Dĩ nhiên, tự bản chất chúng ta vẫn là những người nam nữ, nhưng chúng ta nhận lãnh sứ mạng của ”các thiên thần”, những sứ giả của Chúa Kitô: Tất cả mọi người được trao ban sứ mạng đó trong bí tích rửa tội và thêm sức. Và các linh mục, thừa tác viên của Chúa Kitô, nhận lãnh sứ vụ ấy một cách đặc biệt, qua bí tích truyền chức thánh, đó là điều tôi muốn nhấn mạnh trong Năm Linh Mục này”.

Hiện diện tại buổi đọc kinh, còn có Đức Cha Semeraro, GM giáo phận Albano sở tại, ông thị trưởng Castel Gandolfo và chính quyền địa phương.

Sau khi ban phép lành cho mọi người, ĐTC còn chào thăm các tín hữu bằng nhiều thứ tiếng khác nhau, và ngài không quên chào thăm các tín hữu tụ tập tại Quảng trường Thánh Phêrô ở Roma, cách đó 25 cây số.

Giống như năm ngoái, ĐTC đã đến dinh thự Castel Gandolfo từ chiều chúa nhật phục sinh 4-4-2010 để nghỉ ngơi vài ngày cho đến chiều thứ bẩy, 10-4 tới đây. Nhưng sáng thứ tư 7-4, ngài sẽ trở về Vatican để tiếp kiến chung các tín hữu hành hương (SD 5-4-2010)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Mừng đại lễ phục sinh tại Nhà thờ Chính tòa Hà Nội
JB Phạm Bình Minh
07:16 05/04/2010
Mừng đại lễ phục sinh tại Nhà thờ Chính tòa Hà Nội

Hà nội - Vào hồi 9 giờ sáng, ngày 04/4/2010, tại Nhà thờ Chính tòa Hà Nội, Đức cha Phụ tá Lorenxo cùng với quý cha trong giáo hạt Hà Nội đã cử hành trọng thể Thánh lễ Mừng Chúa Ki tô Phục sinh, với sự tham dự của đông đảo giáo dân trong và ngoài giáo phận.

Mở đầu Thánh lễ, Đức Cha Phụ tá gợi lên niềm hân hoan thường thấy ở nơi người Ki tô hữu đó là những lời chúc mừng nhau thật chân tình và thắm đượm niềm tin trong ngày mừng đại lễ Phục sinh “Chúa đã sống lại rồi Aleluia và người đối thì đáp lại là Chúa đã sống lại thật rồi Aleluia”. Mùa chay đã qua và Chúa nằm trong mồ ba ngày, nay Chúa đã sống lại. Chúng ta là những người Kito, chúng ta cùng chết với Chúa trong tội lỗi để rồi cùng sống lại vinh quang với Người.

Trong phần chia sẻ tin mừng, Đức Cha Phụ tá quảng diễn ngày Lễ Chúa ki tô Phục sinh như là mùa xuân đến và cũng là dịp nhắc nhở sự chết và sự sống lại của Đức Giê su Ki tô. Đó là niềm tin căn bản của người Ki tô và là mầu nhiệm căn bản của đạo Ki tô. Lễ Phục sinh cũng là dịp tốt để làm chứng về Chúa Giê su và quan trọng nhất là tình yêu Thiên Linh của Chúa Cha dành cho toàn thể nhân loại, qua sự hy sinh của chính con một của Ngài là Đức Giê su Ki tô, để ai tin vào con một của Ngài thì không bị hư mất và được sống đời đời.

Phục sinh cũng là món qùa hy vọng, bình an, và là món quà tình yêu. Hãy vui mừng trong Thiên Chúa Ba ngôi, đấng ban phát sự sống vĩnh cửu.

Qua bài Phúc Âm, thì các phụ nữ đến ngôi mộ để sức thuốc thơm cho xác thể Đức Ki tô, ngôi mộ có phải điểm cuối của cuộc đời không? Đối với người không tin, thì ngôi mộ là điểm tận cùng của một kiếp người, nơi đây Vua quan cũng như thứ dân, tướng cũng như quân, bậc anh hùng cũng như tên vô lại, người quyền quý cũng như kẻ cơ bần đều phải dìm mình xuống để mà mục nát đi và trở thành cát bụi. Theo quan điểm này ngôi mộ là điểm tận cùng của kiếp người, là dấu chấm hết của tất cả mọi sự nghiệp trần gian.

Một quan niệm khác là ngôi mộ là cửa đi xuống âm ty, theo quan niệm của một số người khác thì ngôi mộ không phải điểm tận cùng nhưng là điểm kết thúc của một kiếp người và đó là cánh cửa hãi hùng, cửa đi xuống âm ty, khi vào chín tầng địa ngục, nhưng đối với những người Ki tô chúng ta, ngôi mộ không phải là cửa tử nhưng là cửa sinh, bằng thực là để vượt qua chính mình Đức giê su đã bật tung cửa sống lại để nhìn sự chết đang bao chùm thế giới thì đến ngôi mộ là điểm cuối của đời người trở thành cửa ngõ dẫn vào cõi trường sinh, vì cửa mồ đã trở thành cổng trào hân hoan đón tiếp nhân loại vào nước trời, Người đã biến đau thương của sự chết thành hoan lạc của ngày phục sinh, biến ngày cuối của kiếp người trên trần gian trở thành ngày thứ nhất trong đời sống mới trên Thiên Cung. Từ đây ngôi mộ không là cửa tử nhưng là cửa sinh, đưa mọi người vào đời sống vinh quang bất diệt. Với sự phục sinh của Chúa Giê su Ki tô để cho ngôi mộ không còn là điểm tận cùng bi đát nhưng trở thành cửa ngõ vào cuộc sống vinh quang. Trước hết chúng ta hãy gắn bó với Chúa Giê su, như chi thể liên kết với thân mình và cũng tin vào người như lời mời gọi của Chúa Giê su Ki tô. Ngài nói, “Ta là sự sống lại và là sự sống, ai tin Ta dù có chết cũng sẽ được sống và ai sống mà tin Ta sẽ không chết bao giờ”.

Cuối phần chia sẻ lời Chúa, Đức cha Phụ tá mời gọi mỗi người ki tô hữu hãy cùng với Đức Giê su Ki tô hãy cởi mở bỏ những dây băng, những khăn chùm đầu, những tấm vải niệm ràng buộc, gò bó chúng ta bây lâu để vùng đứng lên cho cuộc sống mới, cụ thể là chúng ta từ bỏ những đam mê tội lỗi chói buộc chúng ta và làm cho đời sống tâm linh bị lịm chết. Chúa Giê su là đầu, Ngài đã khải hoàn bước vào Thiên quốc, chúng ta là chi thể là thân hình của Người, chúng ta chắc chắn được Người cứu vào vinh quang bất diệt. Vậy, ngày hôm nay chúng ta hãy bắt đầu ngày thứ nhất của cuộc đời đổi mới cùng với Đức Giê su Ki tô bằng tiếng reo mừng Aleluia Aleluia với niềm vui tràn ngập tâm hồn.
 
Hội Nghị Liên Đoàn Sinh Viên Giáo Tỉnh Hà Nội tại Ba Làng
Xuân Mai
08:02 05/04/2010
Hội Nghị Liên Đoàn Sinh Viên Giáo Tỉnh Hà Nội tại Ba Làng

Ba Làng (Thanh Hoá) – Ngày 04/04/2010 (Đại Lễ Chúa Phục Sinh), tại giáo xứ Ba Làng (nơi Cha Đắc Lộ đặt chân truyền giáo trên đất Việt) đã diễn ra Hội Nghị Liên Đoàn Sinh Viên Giáo Tỉnh Hà Nội. Về dự Hội Nghị lần này có đại diện 28 Cộng Đoàn Sinh Viên Công Giáo trong Giáo Tỉnh Hà Nội:
Cộng Đoàn Sinh Viên Công Giáo Bắc Ninh tại Hà Nội
Công Đoàn Sinh Viên Công Giáo Bùi Chu tại Hà Nội
Công Đoàn Sinh Viên Công Giáo Cổ Nhuế tại Hà Nội
Công Đoàn Sinh Viên Công Giáo Công Nghiệp tại Hà Nội
Công Đoàn Sinh Viên Công Giáo Di Trạch tại Hà Nội
Công Đoàn Sinh Viên Công Giáo Hà Nam tại Hà Nội
Công Đoàn Sinh Viên Công Giáo Hà Nam tại TP. Hà Nam
Công Đoàn Sinh Viên Công Giáo Hà Thành
Công Đoàn Sinh Viên Công Giáo Hải Hà tại Hà Nội
Công Đoàn Sinh Viên Công Giáo Hải Phòng tại TP. Hải Phòng
Công Đoàn Sinh Viên Công Giáo Hưng Hoá tại Hà Nội
Công Đoàn Sinh Viên Công Giáo Lạng Sơn tại Hà Nội
Công Đoàn Sinh Viên Công Giáo Nam Định tại Hà Nội
Công Đoàn Sinh Viên Công Giáo Nam Định tại TP. Nam Định
Công Đoàn Sinh Viên Công Giáo Nông Nghiệp tại Hà Nội
Công Đoàn Sinh Viên Công Giáo Phát Diệm tại Hà Nội
Công Đoàn Sinh Viên Công Giáo Phú Mỹ tại Hà Nội
Công Đoàn Sinh Viên Công Giáo Phú Thọ tại Phú Thọ
Công Đoàn Sinh Viên Công Giáo Thạch Bích tại Hà Nội
Công Đoàn Sinh Viên Công Giáo Thái Bình tại Hà Nội
Công Đoàn Sinh Viên Công Giáo Thái Bình tại TP. Thái Bình
Công Đoàn Sinh Viên Công Giáo Thái Nguyên tại TP. Thái Nguyên
Công Đoàn Sinh Viên Công Giáo Thanh Hoá tại Hà Nội
Công Đoàn Sinh Viên Công Giáo Thanh Hoá tại TP. Thanh Hoá
Công Đoàn Sinh Viên Công Giáo Vinh tại Hà Nội
Công Đoàn Sinh Viên Công Giáo Vinh tại TP. Vinh
Công Đoàn Sinh Viên Công Giáo Xuân Hoà tại Vĩnh Phúc
Công Đoàn Sinh Viên Công Giáo Xuân Mai tại Hà Nội

Với ước mong có tình liên đới và gần gũi giữa các Cộng Đoàn Sinh Viên Công Giáo trong Giáo Tỉnh Hà Nội, Hội Nghị đã quyết định bầu anh Giuse Nguyễn Tiến Đạt làm Chủ Tịch Liên Đoàn Sinh Viên Giáo Tỉnh Hà Nội, chị Maria Goretti Trần Thị Hoài - Phó Chủ Tịch, anh Giuse Trần Văn Thiện - Tổng Thư Ký, chị Maria Trần Thị Kiều - Phó Tổng Thư Ký, anh Giuse Trần Ngọc Thuận - Thư Ký Văn Phòng Chủ Tịch, chị Maria Nguyễn Thị Nhung - Phó Thư Ký Văn Phòng Chủ Tịch.

Tuy là lần đầu tiên diễn ra Hội Nghị nhưng với tình anh em cùng một Cha trên trời, cùng một lý tưởng sống tinh thần hy sinh và phục vụ, các bạn đã có những tâm tình chia sẻ rất cảm động và có những ý kiến đóng góp hữu ích cho sự phát triển của các Cộng Đoàn Sinh Viên Công Giáo trong Giáo Tỉnh Hà Nội. Hy vọng với tinh thần hiệp nhất và noi theo bước chân truyền giáo của Cha Đắc Lộ, các bạn sinh viên trong Liên Đoàn Sinh Viên Giáo Tỉnh Hà Nội sẽ là những chứng nhân loan báo Tin Mừng Chúa Kitô Phục Sinh trong xã hội hôm nay.

Xuân Mai
Thông tin liên lạc với Liên Đoàn Sinh Viên Giáo Tỉnh Hà Nội:
Email: ldsvgthn@gmail.com
 
Nhật ký chuyến mục vụ Tuần Thánh 2010 tại đảo Phú Qúy, Gp Phan Thiết
Hồng Hương
08:33 05/04/2010
NHẬT KÝ CHUYẾN MỤC VỤ ĐẢO PHÚ QUÝ TUẦN THÁNH 2010 -NGÀY THỨ NHẤT

Sáng ngày 30.3.2010, chuyến mục vụ tuần thánh cho bà con đảo Phú Quý đã xuất phát từ TGM Phan Thiết. Đây là lần thứ 4 giáo dân ở đảo được tham dự đầy đủ các nghi thức Tam Nhật Vượt Qua và Đại Lễ Phục Sinh với linh mục, thầy và quý soeurs. Chuyến đi do cha Phêrô Nguyễn Đình Sáng, quản lý giáo phận kiêm Trưởng Ban Caritas Phan Thiết, làm trưởng đoàn. Cùng đi với thầy Xuân, 3 soeurs dòng MTG Phan Thiết và 1 soeur Khiết Tâm Đức Mẹ. Đức Cha Giuse Vũ Duy Thống đã có lời chúc lành cho đoàn trước giờ khởi hành.

Khởi hành ngày 30.3.2010

10g sáng tàu khởi hành đưa đoàn ra Phú Quý. Hôm nay biển sóng to và gió lớn nên hầu hết người trên tàu đều mệt nhoài. Trong lần đi này, các soeurs đã chuẩn bị chu đáo tất cả những đồ dùng cần thiết trong Phụng Vụ và Thánh Lễ để trao tặng lại cho cộng đoàn Phú Quý.

Xem hình mục vụ trên đảp Phú Quý

16g45: Sau 7 giờ vật lộn trên song biển, tàu cặp cảng Phú Quý. Thật bất ngờ vì anh chị em giáo dân đã đừng chờ đón đoàn từ trước đó cả tiếng đồng hồ. Cha con sau 1 năm gặp lại tay bắt mặt mừng. Anh chị em vui đón các soeurs thầy mới nhưng luôn miệng nhắc hỏi thăm những thầy soeurs đã ra đảo lần trước. Thế mới thấy được cái tình quý mến mà anh chị em xứ đảo đối với những người nhà Chúa đến với mình. Những mệt mỏi của anh chị em trong đoàn dường như tan biến hết, chỉ còn lại niềm vui khi thấy được niềm vui khi gặp gỡ với anh chị em trong gia đình giáo phận của mình ở nơi xa xôi này.

17g15: cộng đoàn Phú Quý quây quần đón tiếp đoàn tại nhà cô Anna Nguyễn Thị Lý. Đây là nơi mỗi Chúa Nhật bà con giáo dân tụ họp để cử hành suy tôn Lời Chúa vì không có linh mục dâng lễ. Tâm tình của người đại diện cộng đoàn gởi tới đoàn là niềm vui vì 1 năm bà con ở đây mới được dâng lễ, lòng khao khát Chúa, được rước Thánh Thể bao tháng ngày giờ đã thành sự thật. Và khi được nghe cha Sáng tiết lộ Đức Cha Giuse đang thúc đẩy nhanh việc tiến hành xây nhà thờ cho cộng đoàn Phú Quý, cộng đoàn hết sức hân hoan, có người rơi lệ vì quá vui mừng. Một bà tâm sự, thế là bà có hy vọng truớc khi chết được chịu các Bí tích khi đoả có linh mục.

19g30: Thánh lễ Tạ ơn sau một năm không có thánh lễ được cử hành trang trọng và ấm cúng. Khoảng 80 anh chị em đã tham dự Thánh Lễ cách sốt sắng. Những ánh mắt ngời sáng, những gương mặt chăm chú như nuốt lấy từng lời giảng của linh mục. Thương nhất là các em nhỏ còn ngỡ ngàng chưa biết thưa đáp trong lễ vì quá lâu không được dự lễ.

Ngay sau Lễ, soeur Thảo và thầy Xuân tranh thủ tập hát liền cho ca đoàn chuẩn bị Tam Nhật Vượt Qua.

Tạ ơn Chúa đã cho chúng con tới nơi bình an, được được gặp gỡ và dâng lễ với anh chị em đảo Phú Quý. Xin Chúa tiếp tục đồng hành và chúc lành cho những công việc tiếp theo chúng con sẽ làm trong ngày mai. Amen.

NHẬT KÝ CHUYẾN ĐI MỤC VỤ ĐẢO PHÚ QUÝ LỄ PHỤC SINH 2010 - NGÀY THỨ 2 (31.3.2010)

BÌNH MINH TRÊN ĐẢO PHÚ QUÝ


Từ bờ biển thành phố Phan Thiết, theo hướng Đông – Đông Nam, vượt 56 hải lý, chúng ta gặp một hòn đảo với hình thù rất kỳ thú. Nhìn từ phía Đông của Đảo, ta thấy nó nổi lên như một con rồng, nhìn từ phía Bắc, nó giống như một con cá thu và nếu ở phía Tây Nam, ta dễ dàng hình dung nó là một con cá voi khổng lồ đang trồi lên trên mặt nước. Toàn cảnh bức tranh thiên nhiên hùng vĩ ấy là Phú Quý – một huyện đảo của tỉnh Bình Thuận.

Trò chuyện với dân đảo, anh em cho biết: Đảo Phú Quý còn gọi là “Cù Lao Thu”, là một đảo nhỏ nằm ở giữa và Nam biển Đông. Diện tích tự nhiên 32 km2, Phú Quý cách TP. Phan Thiết 56,7 hải lý (111 km) về phía Đông Nam và cách quần đảo Trường Sa 196 hải lý (385 km) về phía Tây. Nằm giữa trung tâm khai thác hải sản lớn nhất Nam Trung bộ và miền Đông Nam bộ. Từ Phú Quý ngư dân có thể vươn ra các ngư trường xa khơi để khai thác nhiều loại hải đặc sản, bình quân sản lượng khai thác hàng năm đạt trên 50.000 tấn. Ngoài ra, với lợi thế về vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên, Phú Quý có khả năng phát triển mạnh kinh tế dịch vụ và du lịch biển.

Là một huyện đảo có khí hậu trong lành, biển ở xung quanh, nước trong xanh thấy rõ địa hình, địa vật dưới độ sâu 5-7m bằng mắt thường. Đặc biệt quanh đảo có một thảm thực vật rạn san hô rất đa dạng phong phú, nhiều chủng loại.

Nghề mới: Có một ngạc nhiên và vui vui vì khi chúng tôi hỏi nghề nghiệp chính dân đảo là gì? Hầu hết đều nghe bà con trả lời: “Nghề làm biếng”. Ai trong đoàn cũng tròn xoe mắt ??? Xin khoan giật mình nhé, vì đó là tiếng địa phương: “biếng” có nghĩa là “biển” đó.

Tiếp tục hành trình

5g: Sau một đêm ngủ lại sức, đoàn bắt đầu đón bình minh sáng trong, tinh khôi trên hòn đảo xinh đẹp này với giờ kinh sáng, chuỗi Mân Côi và giờ nguyện gẫm cùng lời cầu nguyện xin Chúa chúc lành cho công việc làm trong ngày.

7g30: Đoàn đến thăm UBND Huyện Phú Quý. Tiếp đoàn có ông Mạc Văn Linh, Phó chủ tịch huyện và ông Phó văn phòng Nguyễn Hoài Tân. Cha Sáng thay mặt đoàn có lời chào, thăm hỏi và chúc sức khoẻ các cán bộ huyện. Cha cũng chuyển lời chào thăm của Đức Cha Giuse đến các cán bộ huyện và bày tỏ mong ước của Đức Cha là sớm được đến thăm và đặt viên đá xây dựng nhà thờ cho giáo dân trên hòn đảo xinh đẹp này. Cha Sáng cũng ngỏ ý về vấn đề cấp học bổng cho một số em học sinh trên đảo và việc xây dựng nhà máy nước uống sạch phục vụ bà con trên đảo với giá rất bình dân. Ông Linh, đại diện UBND huyện Phú Quý, trò chuyện rất cởi mở và cho biết Huyện sẽ tạo điều kiện để trong thời gian tới để các công việc sớm được tiến hành tốt đẹp mang lại ích lợi cho giáo dân và bà con trên đảo.

8g: Đoàn rời UBND huyện và đến viếng thăm Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Phú Quý.

8g30: Đoàn đến thăm đất Nhà thờ Tin Lành mới được khởi công xây dựng trên đảo. Mục sư Nhựt vui vẻ đón tiếp và trao đổi thân tình với cha Sáng về công trình đang tiến hành.

9g: Đoàn ghé thăm gia đình ông Rô là Phó Chủ tịch HĐMV giáo họ Phú Quý và một số gia đình bà con giáo dân khác.

9g30: Đoàn đến chào thăm UBND xã Long Phụng, nơi có mảnh đất sau sẽ xây dựng Nhà thờ Giáo họ Phú Quý. Các cán bộ xã đón tiếp đoàn rất nồng hậu và thân tình. Hai bên đều vui mừng trao đổi về những dự tính sắp tới Giáo phận Phan Thiết sẽ thực hiện để cộng đoàn Giáo dân Phú Quý có được cơ sở và nhà thờ đáp ứng nhu cầu tâm linh của bà con giáo dân nơi đây. Một nhà thờ Công giáo xây dựng trên đảo sẽ góp phần tích cực vào việc phát triển các hoạt động xã hội, văn hoá và tinh thần cho người dân trên đảo. Sự cởi mở của các cán bộ xã Long Phụng cho chúng tôi nhiều hy vọng về hoạt động của giáo họ trong tương lai.

Rời UBND xã Long Phụng, đoàn cũng đến xem khu vực đất dự tính sẽ xây nhà thờ Phú Quý trong tương lai.

Buổi chiều, cha Sáng dành hết thời gian để chuẩn bị tâm hồn cho anh chị em đón nhận Bí tích Hoà giải bằng 1 giờ tĩnh tâm, cầu nguyện. Sau đó cha ngồi toà giải tội. Người xưng tội gần nhất là Lễ Phục Sinh năm trước (2009), còn là 2-3 năm hoặc nhiều hơn nữa. Có người còn không nhớ cách xét mình xưng tội !!! Thật thương cho đoàn chiên thiếu Mục Tử chăm sóc, cầu mong sao nhà thờ Giáo họ Phú Quý sớm được xây dựng hầu đáp ứng nhu cầu tôn giáo của anh chị em ở đây.

19g30: Thánh lễ Thứ Tư Tuần Thánh được cử hành rất sốt sắng. Cộng đoàn tham dự đông hơn hôm trước và số anh chị em lên rước Thánh Thể cũng nhiều hơn. Tất cả mọi người hiện diện nơi đây đều thấy vui mừng hạnh phúc vì linh mục, Vị đại diện Chúa, đại diện Đức Giám Mục GP đang ở giữa họ, giúp họ lãnh nhận các Bí tích mà sau gần 1 năm khao khát. Và nhất là tâm hồn họ được chuẩn bị chu đáo đón mừng Đại Lễ Phục Sinh sắp đến.gặp gỡ và dang lễ với anh chị em đảo Phú Quý. Xin Chúa tiếp tục đồng hành và chúc lành cho những công việc tiếp theo chúng con sẽ làm trong ngày mai. Amen.
 
Thư ĐHY Roger Mahony mời ĐHY Gioan B. Phạm Minh Mẫn
Đăng văn Kiếm
11:56 05/04/2010
SÀI GÒN -- Ngày 5 tháng 4 năm 2010, Văn Phòng Toà Tổng Giám mục Sài Gòn phổ biến lá thư đề ngày 10 tháng 3 năm 2010 của Đức Hồng Y Roger Mahony mời Đức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn thăm Tổng Giáo phận Los Angeles và đến Long Beach chủ sự Thánh Lễ tôn vinh Lòng Chúa thương xót, cử hành vào Chúa nhật II Phục sinh. Bản thân Đức Hồng Y Mahony cũng có thể sẽ đến thăm Tổng Giáo phận Sài Gòn vào cuối năm nay. Dưới đây là thư của ĐHY Mahony gửi ĐHY Phạm Minh Mẫn:

Ngày 10-3-2010

Kính gửi ĐHY Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn

Toà Tổng Giám mục

Đức Hồng Y kính mến,

Tôi được biết ngài có thể đến với chúng tôi tại Tổng Giáo phận Los Angeles. Tôi mong ngài hiểu cho rằng, tôi cùng các Giám mục của Tổng Giáo phận này rất thân ái đón chào ngài. Đặc biệt, trong mối quan hệ chị em rất cần thiết giữa hai Giáo phận, sự hiện diện của ngài ở đây được tất cả chúng tôi tại Tổng Giáo phận này đánh giá rất cao. Chúng tôi rất mong ngài đến.

Tôi được biết rằng, cộng đoàn hy vọng ngài sẽ chủ tế Thánh Lễ tại Long Beach vào ngày 11-4 là ngày kính Lòng Thương Xót Chúa. Tôi biết rằng ĐGM Alex Salazar, Giám đốc Văn phòng Mục vụ Sắc tộc của Tổng Giáo phận chúng tôi, đang sắp xếp để hiện diện trong Thánh lễ này, và sẽ nồng nhiệt chào đón ngài. Theo tôi hiểu thì ĐGM Oscar Solis, Giám mục vùng San Pedro (Long Beach), cũng hy vọng sẽ được đồng tế với ngài.

Tôi cũng quan tâm điều này là, có thể có những lý do khiến ngài có thể quyết định không đến miền Nam Cali. Tôi thành thật hy vọng rằng những lý do đó sẽ không ngăn cản ngài đến với Tổng Giáo phận của chúng tôi. Sự hiện diện của ngài giữa chúng tôi sẽ mạnh mẽ chứng minh cho tất cả chúng tôi cảm nhận được một lời mời gọi hoán cải, hoà giải và hiệp thông. Khi biết rõ thời điểm ngài đến, tôi sẽ viết thư cho các cộng đoàn Công giáo Việt Nam của chúng tôi, cho tất cả các linh mục Việt Nam, và cho tất cả các chủng sinh, để mọi người có thể cùng với tôi chào đón sự hiện diện của ngài như một món quà dành cho chúng tôi.

Xin ngài tin vào lòng thành của tôi muốn gửi đến ngài những lời cầu chúc và cầu nguyện tốt đẹp nhất, để hành trình của ngài đến Nam Cali được an toàn và đạt nhiều kết quả.

Thân ái trong Chúa Kitô,

Hồng y Roger Mahony

Tổng Giám mục Los Angeles
 
HĐGM VN họp Hội nghị thường niên lần thứ 1 năm 2010 và Lễ cung hiến Nhà thờ Chánh tòa Bà Rịa
WHD
13:31 05/04/2010
HĐGM VN họp Hội nghị thường niên lần thứ 1 năm 2010 và Lễ cung hiến Nhà thờ Chánh tòa Bà Rịa

WHĐ (5.04.2010) – Chiều nay thứ hai 5-04-2010, Hội đồng Giám mục Việt Nam khai mạc Khóa họp lần thứ 1 năm 2010 tại Đền thánh Đức Mẹ Bãi Dâu, Vũng Tàu, thuộc giáo phận Bà Rịa. Đây là sinh hoạt thường lệ theo Quy chế của HĐGMVN.

Nội dung chính của Khóa họp lần này chủ yếu liên quan đến Năm Thánh 2010, gồm có việc Nhìn lại lễ Khai mạc tại Sở Kiện, Chuẩn bị “Đại Hội Dân Chúa 2010” tại Trung tâm Mục vụ TGP TP.HCM và Hướng tới lễ Bế mạc tại La Vang.

Ngoài ra Hội nghị cũng thảo luận và thông qua bản Ratio (Ratio Institutionis Sacerdotalis – “Đào tạo linh mục - định hướng và chỉ dẫn”) và chuẩn bị “Thư Chung” dịp Đại Hội HĐGMVN lần thứ XI.

Trong dịp này các Đức Giám mục cũng tham dự lễ Cung hiến Nhà thờ Chính Tòa Bà Rịa.

Khóa họp sẽ kết thúc vào sáng thứ bảy 10 tháng 4 năm 2010. WHĐ sẽ gửi đến quý độc giả những thông tin chính thức của Hội nghị.
 
Hướng dẫn cách dùng VPSKey tránh virus
Người Việt
13:37 05/04/2010
Hướng dẫn cách dùng VPSKey tránh virus

Nguyễn Tuyển/Người ViệtMấy ngày qua, thông tin nói rằng, hai công ty Google và McAfee cùng nghiên cứu, và phát hiện tin tặc (có nguồn gốc từ Việt Nam) thay đổi nhu liệu font chữ Việt VPSKeys của Hội Chuyên Gia Việt Nam, nhằm gài virus Trojan vào máy điện toán của người sử dụng, khi “download” nhu liệu này, sẽ bị nhiễm virus. Giới quan sát tin rằng, tin tặc (hacker) có liên quan đến nhà nước Hà Nội, nhằm trấn áp quan điểm của người chống đối, và cụ thể là ngăn chặn quan điểm phản đối khai thác bauxite tại Việt Nam. Hội Chuyên Gia Việt Nam là một tổ chức bất vụ lợi, thành lập từ năm 1990, có mặt tại nhiều quốc gia. Hiện nay, hội có hơn 25 phân hội trên toàn thế giới. Người Việt đã liên lạc (qua email), và được ông Trần Hữu Nhân, Tổng Thư Ký Hội Chuyên Gia Việt Nam, trả lời phỏng vấn sau đây về vụ tin tặc có nguồn gốc Việt Nam.

Người Việt đã liên lạc (qua email), và được ông Trần Hữu Nhân, Tổng Thư Ký Hội Chuyên Gia Việt Nam, trả lời phỏng vấn sau đây về vụ tin tắc có nguồn gốc Việt Nam.

Người Việt: Những ai đang sử dụng nhu liệu VPSkey phải làm sao? Xóa bỏ cái đã có trước đây rồi download cái mới?

Trần Hữu Nhân: Những người đang sử dụng VPSKeys, nếu đã dùng VPSKeys từ lâu rồi thì không có gì phải lo cả. Chỉ có những ai có lấy (download) bộ VPSKeys 4.3 từ trang web www.vps.org trong khoảng thời gian từ tháng 11, 2009 đến hết tháng 1, 2010, là có thể bị nhiễm virus. Nếu bị nhiễm thì cần tháo gỡ virus trước đã. Tháo gỡ luôn ấn bản VPSKeys có trong máy. Rồi download lại.

Người Việt: VPSkey mới, có bộ phận chống “trojan,” malware xâm nhập không? Nếu không thì người sử dụng phải làm sao?

Trần Hữu Nhân: VPSKeys chỉ là nhu liệu để gõ/đánh máy tiếng Việt, không phải là nhu liệu phòng chống virus. Trong thời buổi hiện nay, máy vi tính sử dụng đều phải có những nhu liệu phòng chống virus của các công ty, như McAfee, Norton, Kasperky, ZoneAlarm, v.v... Những nhu liệu này làm công việc phòng chống virus, trojan, malware xâm nhập.

Người Việt: Ðại đa số người sử dụng VPSkey để đánh máy đều là những người hiểu biết rất kém về an toàn trên Internet, cũng chẳng hiểu bao nhiêu về cách sử dụng các chương trình điện toán. Các anh cho lời khuyên.

Trần Hữu Nhân: Chúng tôi có soạn một số câu hỏi/trả lời những thắc mắc có thể có, đính kèm theo đây, cũng như cho lên trang web www.vps.org.

Người Việt: Các anh nói “đang hợp tác với các công ty liên hệ trong việc này và những công ty chuyên truy tìm nguồn gốc tin tặc,” vậy bây giờ câu chuyện đã tới đâu? Tìm thấy nguồn gốc từ đâu không? Có đúng từ cơ quan an ninh cộng sản Việt Nam không? Có liên quan gì đến công ty an ninh mạng của ông Nguyễn Tử Quảng không? (BachKhoa Internetwork Security Center - BKIS).

Trần Hữu Nhân: Ðại diện của Hội Chuyên Gia Việt Nam đã gặp bên Google để tìm hiểu thêm về vụ việc này. Bên phía Google xác nhận lại những điều mà tin tức đã đưa ra trong những ngày qua. Về phía chúng tôi thì biết chắc là tin tặc đến từ Việt Nam qua hai địa chỉ IP: #yiv1997301504 #AOLMsgPart_3_e914f731-a70f-4cfe-8c26-8d3b2b7d65e8 td{color:black;}#yiv1997301504 #AOLMsgPart_3_e914f731-a70f-4cfe-8c26-8d3b2b7d65e8 p.MsoNormal, #yiv1997301504 #AOLMsgPart_3_e914f731-a70f-4cfe-8c26-8d3b2b7d65e8 li.MsoNormal, #yiv1997301504 #AOLMsgPart_3_e914f731-a70f-4cfe-8c26-8d3b2b7d65e8 div.MsoNorma {margin:0in;margin-bottom:.0001pt;font-size:12.0pt;font-family:“Times New Roman”;} _filtered #yiv1997301504 {margin:1.0in 1.25in 1.0in 1.25in;}#yiv1997301504 #AOLMsgPart_3_e914f731-a70f-4cfe-8c26-8d3b2b7d65e8 div.Section1 {} 125.234.5.26 (viettel.vn) và 203.162.3.165 (vdc.com.vn).

Còn qua cuộc điều tra của công ty McAfee thì họ dùng chữ “may” tức là “có thể” liên hệ đến chính quyền Việt Nam, chứ họ không khẳng định dứt khoát. Về phần chúng tôi thì cũng chỉ khẳng định là hacker đến từ IP ở Việt Nam chứ không thể kết luận gì hơn. Phần kết luận tùy ở độc giả.

Còn về công ty BKIS thì chúng tôi không có ý kiến.

Người Việt: Xin cám ơn ông.
 
Bài Thuyết trình của ĐGM. Phêrô Nguyễn Văn Khảm tại Đại hội Giáo lý Los Angeles
+ĐGM Phêrô Nguyễn Văn Khảm
18:30 05/04/2010
Bài Thuyết trình của ĐGM. Phêrô Nguyễn Văn Khảm tại Đại hội Giáo lý Los Angeles

WGPSG (2.4.2010) -- Đức Hồng Y Mahoney của Tổng giáo phận LA đã nhân danh mối liên kết chị em giữa hai tổng giáo phận LA và TPHCM để mời ĐGM Phêrô Nguyễn Văn Khảm sang thuyết trình tại Đại hội Giáo lý Los Angeles. Đại hội đã diễn ra từ ngày 19 đến 21-3-2010 với hơn 40.000 người tham dự. Dưới đây là Bài Thuyết trình của ĐGM. Phêrô Nguyễn Văn Khảm tại Đại hội.

GIÁO HỘI VIỆT NAM VÀ NĂM THÁNH 2010

Hầu như năm nào Đại hội Giáo lý Los Angeles cũng mời một giám mục từ Việt Nam đến để gặp gỡ và trao đổi, cách riêng với cộng đoàn công giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ. Sáng kiến đó vừa nói lên mối quan tâm mục vụ của Đức Hồng Y Los Angeles với cộng đồng người Việt ở đây, vừa làm nổi bật sự liên đới giữa hai Giáo Hội Hoa Kỳ và Việt Nam trong sứ mạng phục vụ con người. Vì thế, trước hết, tôi muốn nói lên lời cảm ơn chân thành đối với Đức Hồng Y Mahoney về sáng kiến tuyệt vời này, và xin bày tỏ niềm vui được hiện diện ở đây hôm nay với anh chị em.

Nếu chỉ nhắm mục đích mời một thuyết trình viên có kiến thức uyên bác và tài diễn thuyết hấp dẫn, tôi chắc chắn rằng có rất nhiều diễn giả nổi tiếng trên đất Mỹ, hoặc là người Mỹ bản xứ, hoặc người Mỹ gốc Việt. Tuy nhiên Ban Tổ Chức đã muốn mời một giám mục từ Việt Nam đến, ắt hẳn là vì quan tâm đến sự hiệp thông gắn bó giữa cộng đồng công giáo Việt Nam tại đây với Giáo Hội tại quê nhà. Hiểu như thế, bài nói chuyện này không nên bàn đến quá nhiều về những vấn đề lý thuyết cho bằng chia sẻ những thông tin và tâm tình để anh chị em đồng cảm với Giáo Hội quê nhà. Do đó, tôi xin chia sẻ với anh chị em chút ít thông tin và suy nghĩ về Năm Thánh 2010 của Giáo Hội Việt Nam.

1. Tại sao lại chọn năm 2010 làm Năm Thánh?

Qua các phương tiện truyền thông, ai trong anh chị em cũng biết năm 2010 là Năm Thánh đặc biệt đối với Giáo Hội Việt Nam. Nhưng tại sao lại là năm 2010? Để trả lời câu hỏi này, ta hãy thử nhìn vào đời sống của mỗi người và mỗi gia đình. Năm nào ta cũng tổ chức mừng sinh nhật cho người thân trong gia đình, tổ chức mừng kỷ niệm hôn phối nhất là trong những thời điểm đặc biệt như 25 năm hay 50 năm. Những ngày kỷ niệm đó đánh dấu một cột mốc trong đời sống của mình, và là cơ hội cho chúng ta nhìn lại quá khứ, nhìn vào hiện tại cũng như nhìn tới tương lai. Nhìn lại quá khứ để tạ ơn vì qua biết bao thăng trầm của cuộc đời, ta vẫn còn tồn tại đến hôm nay. Nhìn vào hiện tại và nhìn tới tương lai để thấy những điều còn dang dở và cố gắng đi tới.

Tương tự như thế, Năm Thánh 2010 là cột mốc đặc biệt trong lịch sử Giáo Hội Việt Nam vì năm nay gọi về những thời điểm quan trọng trong đời sống Giáo Hội: (1) 350 năm thiết lập hai địa phận tông toà Đàng Ngoài và Đàng Trong, đánh dấu bước phát triển của công cuộc truyền giáo tại Việt Nam, so với trước kia là những bước chân lẻ loi của các thừa sai trên nhiều miền đất tại Việt Nam; (2) 50 năm thiết lập hàng giáo phẩm Việt Nam, phân chia thành 3 tổng giáo phận, đánh dấu sự trưởng thành của Giáo Hội tại Việt Nam, so với trước kia là các giám mục người nước ngoài.

2. Đâu là những tâm tình chính yếu trong Năm Thánh 2010?

Khi cử hành Năm Thánh 2010, Giáo Hội Việt Nam mang những tâm tình cụ thể: nhìn lại quá khứ để tạ ơn và sám hối, nhìn vào hiện tại để nhận diện những thuận lợi và khó khăn, nhìn tới tương lai để định hướng và lên kế hoạch nhằm chu toàn sứ mạng của Giáo Hội. Câu hỏi đặt ra là: đâu là chuẩn mực để tạ ơn và sám hối (thấy điều tốt và chưa tốt), để nhận diện (thuận lợi và khó khăn), để lên kế hoạch (định hướng xây dựng và phát triển). Chính ở đây, chúng ta hiểu được lý do tại sao trong dịp Năm Thánh 2010, HĐGMVN phổ biến bản đề cương mang tựa đề GIÁO HỘI TẠI VIỆT NAM: Mầu nhiệm, Hiệp thông, Sứ vụ. Nghĩa là phải tìm lại cội nguồn, mục đích và sứ mạng của Giáo Hội trong Thánh ý Thiên Chúa, từ đó ý thức những điều cần chỉnh sửa cũng như những điều cần xây dựng.

3. Phải hiểu thế nào về Giáo Hội mầu nhiệm, hiệp thông, sứ vụ?

Khi nói đến Giáo Hội: mầu nhiệm-hiệp thông-sứ vụ, có cách giải thích quen thuộc và dễ hiểu là áp dụng ba từ này cho 3 mối tương quan: mầu nhiệm là tương quan với Chúa, hiệp thông là tương quan với nhau trong nội bộ Giáo Hội, và sứ vụ là tương quan với mọi người. Đúng là dễ hiểu, nhưng thiết nghĩ cần bổ túc thêm cho rõ nghĩa. Nếu hiểu hiệp thông ở đây chỉ là tương quan với nhau, vậy phải chăng từ “hiệp thông” ở đây không liên quan gì đến Chúa? Phải chăng hiệp thông chỉ thuần tuý là tương quan hàng ngang? Nếu thế, cái gọi là hiệp thông trong Giáo Hội có khác chi với lời hô hào rất quen thuộc: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”?

Chính vì thế, chúng ta cần tìm lại ý nghĩa đích thực của một từ ngữ tưởng chừng rất quen thuộc là từ hiệp thông. Khi HĐGMVN phổ biến đề cương trong Năm Thánh, nên hiểu rằng đề cương này viết về Giáo Hội. Vì thế phải có một nền giáo hội học làm nền tảng cho những suy tư được trình bày, và đó chính là giáo hội học về hiệp thông. Đây không hề là sáng tạo riêng của HĐGMVN, đúng hơn các ngài chỉ khai triển giáo huấn của Giáo Hội và áp dụng cho hoàn cảnh Việt Nam. Trong Thượng Hội Đồng GM Thế giới năm 1985, các nghị phụ đã khẳng định rằng hiệp thông (koinonia) là tư tưởng trung tâm và nền tảng của Công Đồng Vaticanô II (x. Final Statement). Đức Gioan Phaolô II đã vận dụng nền giáo hội học này vào trong những tài liệu căn bản của ngài, ví dụ các tông huấn về Đời Sống Thánh Hiến (Vita consecrata), Giáo Dân (Christifideles laici), Đào Tạo Linh Mục (Pastores dabo vobis). Cụ thể nhất đối với Giáo Hội Việt Nam là tông huấn Giáo Hội tại Á Châu (Ecclesia in Asia).

Cho nên từ ngữ then chốt ở đây là hiệp thông. Tuy nhiên, chúng ta phải hiểu thế nào khi sử dụng từ hiệp thông? Thiết nghĩ cách tốt nhất là trở về với nguồn Thánh Kinh, và để không làm mất nhiều thời giờ của anh chị em, tôi chỉ xin trích dẫn một đoạn thư của thánh Phaolô: “Khi ta nâng chén chúc tụng mà cảm tạ Thiên Chúa, há chẳng phải là dự phần vào Máu Đức Kitô ư? Và khi ta cùng bẻ Bánh thánh, đó chẳng phải là dự phần vào Thân Thể Người sao? Bởi vì chỉ có một tấm bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một Bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể” (1Cor 10,16-17). Thiết nghĩ cần có ghi chú nhỏ ở đây: những từ mà ta dịch là “thông phần” hay “dự phần”, khi tìm lại bản Hi Lạp, đều là koinonia, nghĩa là hiệp thông.

Căn cứ trên bản văn Thánh Kinh này, koinonia trước hết không có ý nói đến sự hiệp thông hàng ngang trong đời sống xã hội, nhưng là hiệp thông với Thiên Chúa, với Máu Chúa, với Thân Thể Chúa, với ân huệ Thánh Thần. Sự hiệp thông với Chúa là nền tảng và điều kiện cho sự hiệp thông với nhau: “Vì chỉ có một tấm bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một Bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể”.

Khi còn là hồng y, Đức Bênêđictô XVI đã nói và viết khá nhiều về sự hiệp thông này. Ngài dùng hai từ vắn gọn và dễ hiểu để giúp ta xác định nội dung đích thực của hiệp thông trong đời sống Giáo Hội: Từ bên trên và từ bên trong. Từ trên xuống (thay vì từ dưới lên), nghĩa là hiệp thông trước hết là hồng ân Thiên Chúa ban chứ không phải do nỗ lực của con người. Trong lịch sử nhân loại, đã nhiều lần con người đề xướng xây dựng một thế giới hiệp thông (đại đồng) bằng chính nỗ lực của con người và loại trừ Thiên Chúa ra bên ngoài; thế nhưng lịch sử làm chứng rằng những nỗ lực đó chỉ đưa đến thất bại. Từ trong ra (thay vì từ ngoài vào) nghĩa là sự hiệp thông đích thực phải phát xuất từ trái tim con người. Nếu chỉ là sự hiệp thông từ bên ngoài áp đặt, có lẽ nhà tù và trại giam là những địa điểm lý tưởng của hiệp thông vì ở đó, người ta giống nhau từ cơm ăn, áo mặc đến giường nằm! Nhưng thực ra, đó không phải là hiệp thông mà chỉ là sự đồng hoá phi nhân nhất khi mỗi con người chỉ còn là một con số chứ không phải một nhân vị. Hiệp thông đích thực chỉ có thể có từ bên trong khi con người đến với nhau bằng tất cả tự do và trách nhiệm, và sự hiệp thông ấy được khơi nguồn từ sự hiệp thông với Thiên Chúa.

Sự hiệp thông này còn cần được mở rộng đến tất cả mọi người, và đó chính là sứ vụ của Giáo Hội. Giáo Hội được định nghĩa là Bí tích, tức là dấu chỉ và khí cụ của sự hiệp nhất giữa Thiên Chúa và giữa nhân loại với nhau.

4. Những định hướng căn bản trong Năm Thánh

a) Củng cố sự hiệp thông với Chúa: nền tảng và điều kiện cho sự hiệp thông với nhau

Những suy nghĩ trên làm nổi bật chân lý này: chính sự hiệp thông với Chúa là nền tảng và điều kiện của mối hiệp thông đích thực giữa các tín hữu với nhau. Khi trình bày Giáo Hội như là bí tích của sự hiệp nhất, Giáo Hội nhấn mạnh trước hết đến sự hiệp nhất giữa nhân loại với Thiên Chúa (nhưng trong thực tế lại dễ bị lãng quên và chỉ nhấn mạnh một vế là sự hiệp nhất với nhau). Thiết nghĩ chân lý này đã được trình bày ngay từ những trang đầu của Sách Thánh. Sách Sáng Thế kể lại rằng trước khi tổ tông loài người phạm tội, nghĩa là còn hiệp thông với Thiên Chúa, thì họ gắn bó yêu thương nhau như một xương một thịt; nhưng khi họ đã phạm tội thì một đàng họ lẩn trốn Thiên Chúa và đàng khác, tương quan vợ chồng cũng bị bẻ gẫy, trở thành tương quan “thèm muốn” và “thống trị”. Tương quan giữa anh em một nhà với nhau cũng bị biến chất đến độ giết hại lẫn nhau như Cain và Abel. Đến cả tương quan giữa con người và vũ trụ cũng bị tổn thương nặng nề.

Khi nhìn vào thực tế cuộc sống ngày nay, chẳng lẽ chúng ta lại không thấy những hậu quả đó sao? Tương quan vợ chồng và tình yêu gia đình bị đổ vỡ rất nhiều. Người ta có thể nói đến nhiều nguyên nhân về kinh tế, xã hội, tâm lý… nhưng lý do sâu xa nhất vẫn là sự ích kỷ, chỉ muốn chiếm đoạt và thống trị thay vì hiến dâng và trao ban. Tương quan trong xã hội cũng vậy. Trong Sứ điệp Mùa Chay 2010, Đức Bênêđictô XVI bàn đến sự công chính Thiên Chúa và ngài cũng nói đến công bằng xã hội. Dựa vào Lời Chúa, ngài chỉ cho ta thấy cội nguồn của sự bất công là chính lòng người. Vì thế, nếu nghĩ rằng để xây dựng công bằng xã hội, chỉ cần loại trừ những nguyên nhân bên ngoài, thì Đức Thánh Cha nói rằng suy nghĩ đó thật thiển cận. Phải đổi mới con người từ bên trong, phải thanh tẩy chính tâm hồn thì mới có thể loại trừ cái ác tận gốc rễ. Phân tích đó làm ta liên tưởng đến lời hát của thiên thần trong Đêm Giáng Sinh “Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời, Bình an dưới thế cho người Chúa thương”. Ai trong chúng ta cũng khao khát bình an nhưng lại dễ quên chân lý căn bản này: phải “vinh danh Thiên Chúa” nghĩa là phải đặt Thiên Chúa trên hết, phải hiệp thông với Chúa thì mới có “bình an dưới thế”.

Hiểu như thế, để có sự hiệp thông đích thực trong gia đình, trong cộng đoàn giáo xứ hay dòng tu cũng như trong Giáo Hội, mỗi người cần củng cố mối hiệp thông với Thiên Chúa; đồng thời mỗi người trong gia đình và cộng đoàn phải hướng về Chúa như tâm điểm và mục đích. Trong thực tế, nhiều khi ta hô hào sự hiệp thông nhưng lại hàm nghĩa phải lấy tôi làm trung tâm và phải giống như tôi… cho nên mãi mãi chẳng có hiệp thông. Có thể mượn cách diễn tả của Antoine de St-Exupery ở đây: “Yêu nhau không phải là nhìn nhau nhưng là cùng nhìn về một hướng”. Khi tất cả chúng ta đều có Chúa là tâm điểm và cùng đích, thì ta mới được hiệp thông với nhau cách sâu xa và trọn vẹn.

Chính vì thế, Năm Thánh là cơ hội cho mỗi người trong Giáo Hội xem xét lại, đánh giá và củng cố mối hiệp thông của chính mình với Thiên Chúa. Đây cũng là ý nghĩa căn bản của từ “thánh” trong Thánh Kinh: thuộc về Chúa là Đấng Thánh. Vì thế, trong Năm Thánh, tất cả chúng ta đều được mời gọi củng cố ơn gọi nên thánh của mình: các linh mục củng cố đời sống ơn gọi của mình, các tu sĩ củng cố đời sống thánh hiến, các đôi vợ chồng củng cố đời sống hôn nhân, để gia đình thực sự thuộc về Chúa.

b) Củng cố sự hiệp thông với nhau

Nếu Giáo Hội được trình bày như bí tích, nghĩa là dấu chỉ và khí cụ của sự hiệp nhất thì trước hết chính Giáo Hội phải là cộng đoàn hiệp nhất yêu thương. Làm sao Giáo Hội có thể là dấu chỉ và khí cụ xây dựng sự hiệp nhất khi không có sự hiệp thông yêu thương trong cộng đoàn Giáo Hội?

Ở đây ta phải đối diện với một vấn đề hết sức tế nhị và khó khăn là những xung đột ngay trong lòng Giáo Hội. Trong đời sống gia đình cũng như xã hội, thực tế cho thấy sự bất đồng ý kiến là chuyện đương nhiên. Khi dự một khoá học về xung đột, giáo sư hỏi sinh viên rằng: thời giờ và năng lực mà người lãnh đạo phải bỏ ra để giải quyết xung đột là bao nhiêu… câu trả của chính giáo sư là 50%. Trong đời sống Giáo Hội cũng thế, không thể tránh được chuyện bất đồng ý kiến. Tôi nhớ đến những vụ việc lớn như khi Đức Cố Giáo hoàng Gioan Phaolô II, trong Năm Thánh 2000, đề nghị Gíao Hội xin lỗi về những lỗi lầm mà Giáo Hội đã mắc phải trong suốt chiều dài lịch sử. Lời đề nghị của ngài đã gặp phải sự kháng cự khá mạnh, kể cả từ một số vị hồng y (x. Quand le Pape demande pardon). Khi Đức Bênêđictô XVI ra quyết định về huynh đoàn Piô X, ngài cũng bị chỉ trích nặng nề đến độ ngài phải viết một lá thư gửi cho các giám mục, trong đó ngài nhắc lại cách đau đớn lời của thánh Phaolô “Anh em cắn xé lẫn nhau”! Cho nên trong đời sống của bất cứ cộng đoàn nào, lớn hay nhỏ, luôn luôn có sự bất đồng ý kiến, có thể dẫn đến xung đột.

Suy nghĩ về ý nghĩa của koinonia giúp ta thấy: nếu lấy sự hiệp thông với Thiên Chúa là nền tảng, thì điều đó có nghĩa là phải xây dựng sự hiệp thông theo mục đích và đường lối của Chúa. Điều đó có nghĩa là phải xác định sứ mạng, mục đích của Giáo Hội là gì. Sách Thánh kể lại rằng khi Chúa Giêsu loan báo cuộc thương khó sắp tới Người phải trải qua, thánh Phêrô đã can gián Chúa, nhưng Phêrô bị mắng là Satan. Thánh Phêrô vừa mới được Chúa khen là người có phúc mà ngay sau đó lại bị mắng là Satan! Có lẽ Phêrô vẫn nuôi hình ảnh về Thầy mình là Đấng Mêsia mang nặng tính chính trị xã hội, sẽ giải thoát dân Israel khỏi ách nô lệ đế quốc Rôma và đưa Israel lên vũ đài chính trị quốc tế. Thế nhưng Chúa nói với Phêrô: Tư tưởng của anh là tư tưởng của loài người chứ không phải của Thiên Chúa! Tất cả chúng ta đều có thể rơi vào cơn cám dỗ của thánh Phêrô. Vì thế ta cần bình tâm tự hỏi: Tôi quan niệm thế nào về Giáo Hội của Chúa? Đâu là sứ mạng lớn nhất của Giáo Hội? Đâu là động lực sâu xa nhất thúc đẩy tôi hành động?

Đồng thời cũng cần phải tìm xem đâu là những phương thế phù hợp với Thánh Ý Chúa. Lại một lần nữa, thánh Phêrô cung cấp cho ta một bài học để đời. Khi quân lính xông đến bắt Chúa Giêsu, thánh Phêrô đã rút gươm và chém đứt tai một tên lính, nhưng Chúa Giêsu bảo Phêrô “Hãy xỏ gươm vào bao, kẻ nào dùng gươm sẽ chết vì gươm”. Đường lối của Chúa khác xa đường lối thế gian. Trong vườn Cây Dầu, chính Chúa Giêsu cũng phải vất vả vật lộn với Thánh Ý Chúa Cha, với đường lối cứu độ của Thiên Chúa. Vì thế, có nhiệt tâm đối với Giáo Hội mà thôi chưa đủ, ta còn cần phải cầu nguyện để xin Chúa soi sáng cho mình biết đâu là đường lối và phương thế phù hợp với Thánh Ý Chúa nhất; nếu không, có thể có nguy cơ là ai cũng nghĩ rằng mình nhiệt thành bảo vệ Giáo Hội mà hoá ra làm khổ nhau và đánh mất sự hiệp nhất trong Giáo Hội.

Kết luận

Tên gọi của Đại hội Giáo lý LA lần này là Incredible Abundance (Phong phú tuyệt hảo). Có được sự phong phú đó trước hết là nhờ mối hiệp thông với Chúa là nguồn sự sống dồi dào. Đồng thời, sự phong phú đó có được còn nhờ mối hiệp thông giữa chúng ta với nhau, khi ta chia sẻ cho nhau những ân huệ Chúa ban. Vì thế, cùng với những chia sẻ này, tôi ước mong anh chị em cùng góp ý, trao đổi để chúng ta đón nhận cách sâu sắc hơn sự phong phú mà Chúa ban cho ta.
 
Tuần thánh tại giáo phận Bắc Ninh
Hoàng Dung
20:33 05/04/2010
TUẦN THÁNH TẠI GIÁO PHẬN BẮC NINH

Bắc Ninh là một trong những giáo phận lớn nhất của Giáo Hội Việt Nam, trải dài trên các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Bắc Kạn, Thái Nguyên và Vĩnh Phúc cùng một số huyện, xã của các tỉnh lân cận như thành phố Hà Nội, Tuyên Quang, Hưng Yên, Hải Dương, Lạng Sơn và Phú Thọ. Dân số trong Giáo phận khoảng 9,000,000 người, trong đó số người Công giáo khoảng 125,000 người. Người dân ở các tỉnh đồng bằng sống chủ yếu bằng nghề nông, trong khi người dân ở miền núi chủ yếu sống nhờ vào nương rẫy và các sản phẩm từ rừng núi. Trong Giáo phận, ngoài người Kinh còn có các dân tộc anh em khác sống rải rác ở các tỉnh vùng núi như H’Mông, Dao, Tày, Nùng, Cao Lan, Hoa Mèo và Sán Dìu. Với ước mong sao cho nhiều người được lãnh nhận ơn toàn xá trong năm thánh này, Đức Cha Cosma, giám mục Giáo phận Bắc Ninh, đã quyết định đi một số nơi trên khắp Giáo phận cử hành Thánh Lễ và các nghi thức Tuần Thánh.

* Chúa Nhật Lễ Lá: Chúa Nhật Lễ Lá diễn ra hoành tráng và náo nhiệt như cảnh tượng Đức Giêsu tiến vào thành Thánh cách đây gần hai nghìn năm. Hàng ngàn các bạn trẻ từ khắp nơi trong giáo phận về Tòa Giám Mục tham dự đại hội giới trẻ lần thứ nhất của giáo phận Bắc Ninh. Khi nghe các bạn trẻ cầm cành lá trên tay hô vang khẩu hiệu “Tôi chọn Giêsu! Tôi chọn Giêsu!”, tôi nhớ đến lời ca hùng tráng cùa dân thành Giêrusalem xưa “Hôsana! Hôsana! Vạn tuế Con vua Đavít mà đến.”

* Thứ Hai Tuần Thánh: Ngay từ sáng sớm Đức Cha đã khởi hành từ Tòa Giám Mục đến giáo xứ Vĩnh Ngọc, cách Tòa Giám Mục Bắc Ninh 265 Km về phía Bắc. Vĩnh Ngọc là một trong những xứ miền núi xa xôi nhất của giáo phận, thuộc huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang. Có khoảng 1000 người đến tham dự Thánh Lễ vào lúc 2g00 chiều. Thánh Lễ diễn ra thật sốt sắng và cảm động, bởi vì “từ tạo thiện lập địa đến nay”, đây là lần đầu tiên giáo xứ mới có Đức Cha đến cử hành Thánh Lễ vào Tuần Thánh. Sau thánh lễ Đức Cha lên đường về giáo xứ Đồng Chương cách Vĩnh Ngọc 100 Km để hôm sau thuận tiện cho lễ Làm Phép Dầu.

*Thứ Ba Tuần Thánh: Khác với những năm trước, năm nay lễ Làm Phép dầu được cử hành vào thứ ba Tuần Thánh và được cử hành tại giáo xứ Đồng Chương để cho bà con giáo dân ở vùng núi được tham dự Thánh Lễ Làm Phép Dầu. Cảnh tượng Thánh Lễ hôm nay càng chứng tỏ cho thấy giáo phận là một gia đình duy nhất, vì mọi thành phần Dân Chúa (linh mục, phó tế, nam nữ tu sĩ và khoảng 6000 giáo dân) trong giáo phận đã quy tụ về đây với vị chủ chăn chung là Đức Cha giáo phận để cùng nhau cử hành Thánh Lễ. Đức Cha Cosma cử hành Thánh Lễ lúc 9g00 sáng, hầu hết các cha trong giáo phận cùng về đây hiệp dâng Thánh Lễ và để nhắc lại lời hứa trong ngày lễ truyền chức. Buổi chiều, Đức Cha đến giáo xứ Vân Cương thuộc huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú thọ để dâng Thánh Lễ ngày thứ ba Tuần Thánh cho hơn 1000 giáo dân tại đây.

* Thứ Tư Tuần Thánh: Đức Cha đến giáo xứ Tử Nê cách Tòa Giám Mục Bắc Ninh 40 Km về phía Nam để dâng Thánh Lễ an táng cho ông cố của cha Đaminh Nguyễn Xuân Trường. Ngay sau Thánh Lễ, Đức Cha cùng cha quản lý Tòa Giám Mục Phêrô Chu Quang Tòng và thầy phó tế Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thắng đã đến thăm phế tích của giáo xứ Kẻ Mốt (Đức Trai) xưa. Khu phế tích giáo xứ Kẻ Mốt thuộc tỉnh Hải Dương, nằm bên hữu ngạn sông Thái Bình, hiện chỉ còn lại duy nhất một đoạn móng nhà thờ dài khoảng 7-8 m. Kẻ Mốt là một trong những xứ truyền thống, lâu đời nhất của Giáo Hội Việt Nam nói chung và giáo phận Bắc Ninh nói riêng, ngay từ khi thành lập hai giáo phận tông tòa Đàng Trong và Đàng Ngoài cách nay 350 năm, Kẻ Mốt đã có tên trong danh sách các xứ của giáo phận Đàng Ngoài. Không những chỉ là một xứ truyền thống lâu đời, Kẻ Mốt còn là một xứ sầm uất và năng động vào loại bậc nhất ở Việt Nam, nơi đây đã từng là trụ sở của Tòa Giám Mục Đông Đàng Ngoài (1841), có chủng viện (1841-1883) và dòng tu. Hơn thế nữa, xứ Kẻ Mốt là nơi sản sinh ra 6 trong số 117 vị thánh tử đạo của Việt Nam. Sau khi thăm khu phế tích Kẻ Mốt, phái đoàn đã cùng về giáo xứ Thọ Ninh để dâng Thánh Lễ ngày thứ tư Tuần Thánh vào lúc 6g 30’ tối.

* Thứ Năm Tuần Thánh: Đức Cha khởi hành đi thăm họ Đồng Bầu, họ La Muôi và họ Làng Chanh, đây là ba họ đạo nhỏ nằm rải rác ở vùng núi thuộc huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên. Buổi tối, Đức Cha đến dâng Thánh Lễ Tiệc Ly lúc 7g00 tại giáo xứ Nhã Lộng thuộc tỉnh Thái Nguyên, cách Tòa Giám Mục 60 km về phía Bắc. Khoảng 2000 người tham dự Thánh Lễ trong bầu khí trang nghiêm sốt sắng, đặc biệt Đức Cha đã rửa tội và ban bí tích thêm sức cho 9 anh chị em dự tòng trong Thánh Lễ này.

* Thứ Sáu Tuần Thánh: Đức Cha đi thăm giáo họ Rõm và khu giáo điểm Dược Thượng thuộc huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội. Sau đó Đức Cha đến họ Bến Đông thuộc huyện Đông Anh, họ Kim Anh (Bến Già) và họ Bến Dừa ở huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội để lần chuỗi Mân Côi, đi Đàng Thánh Giá và cử hành nghi thức Suy Tôn Thánh Giá cách trong thể với cha xứ và với khoảng 2000 giáo dân trong xứ Nội Bài và các xứ họ lân cận.

* Thứ Bẩy Tuần Thánh: Đức Cha đi đến xứ Ngọ Xá thuộc huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc giang để cử hành Thánh Lễ vọng Phục sinh. Thánh Lễ vọng Phục sinh được cử hành lúc 7g00 tối, có khoảng gần 2000 người tín hữu tham dự. Trong Thánh Lễ, Đức Cha cũng đã rửa tội và ban bí tích thêm sức cho 11 anh chị em dự tòng.

* Chúa Nhật Phục Sinh: Đức Cha đi xứ Dâu thuộc huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh để cử hành lễ Phục Sinh. Xứ Dâu nằm ở phía tả ngạn sông Đuống và là vùng đất văn hiến của vùng Kinh Bắc. Ngôi Chùa của làng Dâu có niên biểu từ thế kỉ thứ hai, và từ trung tâm này, Phật Giáo đã phát triển khắp nơi ở Miền Bắc và Miền Trung Việt Nam qua các thế kỷ. Đến với xứ Dâu, chúng ta cũng có thể ghé thăm vết tích cố đô Luy Lâu của vùng đất Giao Chỉ, thăm nơi ở, nơi làm việc và lăng của thái thú Sĩ Nhiếp (187-226). Trong Thánh Lễ, Đức Cha mời gọi mọi người hãy cầu nguyện cách đặc biệt cho những người đã có công đưa Phật giáo, Nho giáo vào vùng đất này, bởi vì hạt giống Lời Chúa đã được Chúa Thánh Thần ươm trồng nơi hai tôn giáo này để chuẩn bị trước cho Tin Mừng của Chúa đến. Đức Cha cũng kêu mời người Kitô hữu trong Thánh Lễ hôm nay hãy làm cho hạt giống Lời Chúa được ươm trồng trong vùng đất dày truyền thống văn vật này được nảy mầm và mọc lên.

Qua hành trình đi khắp nơi trong giáo phận để cử hành các mầu nhiệm trong Tuần Thánh, người viết nhận thấy Bắc Ninh đang dần dần được hồi sinh sau những thăng trầm của lịch sử giáo phận trong hơn 100 năm qua. Giống như những ngày sau hết trong cuộc đời dương thế của Đức Giêsu, giáo phận Bắc Ninh có những lúc lúc gặp khó khăn thử thách và tưởng như giáo phận không còn tồn tại được nữa, nhưng Chúa đã Phục Sinh thì chúng ta hoàn toàn có thể hy vọng về một tương lai tươi sáng hơn cho giáo phận. Ngày nay, tuy vẫn còn mang nhiều “vết thương” nơi mình, nhưng nhờ vào sự quan phòng của Đấng Phục Sinh, giáo phận Bắc Ninh vẫn đang dần được hồi sinh cùng với Đức Kitô.

Bắc Ninh ngày 5/04/2010
 
Họp mặt Cộng đồng Giáo sĩ và Tu sĩ miền Đông Bắc Hoa Kỳ
Paul Lê Xuân Lộc
20:42 05/04/2010
Họp mặt Cộng đồng Giáo sĩ và Tu sĩ miền Đông Bắc Hoa Kỳ

New Jersey 5.4.2010 - Trong niềm vui mừng Chúa Phục Sinh và theo truyền thống hằng năm, Cộng đồng Giáo sĩ, Tu sĩ Miền Đông Bắc Hoa Kỳ đã tổ chức một buổi họp mặt tại nhà thờ Chúa Ba Ngôi Rất Thánh (Holy Trinity Church), New Jersey.

Buổi họp mặt được bắt đầu bằng thánh lễ thật sốt sắng và ấm cúng trong Hội trường của nhà thờ Chúa Ba Ngôi. Thánh lễ do cha Nguyễn Quang Vinh, chủ tịch Cộng đồng Giáo sĩ, tu sĩ miền Đông Bắc, chủ tế. Cùng đồng tế trong thánh lễ có khoảng 10 linh mục và với sự tham dự của khoảng 40 tu sĩ nam nữ đang hoạt động mục vụ cũng như đang du học trong miền Đông Bắc Hoa Kỳ.

Xem hình họp mặt

Tiếp sau bàn tiệc Lời Chúa và Thánh Thể là bữa tiệc Buffet với những món ăn rất ‘quê hương’do cha Chủ tịch đạo diễn. Các linh mục, tu sĩ đã có dịp ngồi lại với nhau để chia sẻ những thông tin cũng như những chuyện vui buồn trong công việc mục vụ cũng như học tập. Một số tiết mục văn nghệ bỏ túi cũng được các linh mục và các tu sĩ nam nữ trình diễn cho nhau làm cho bầu khí buổi họp mặt càng thêm vui tươi và đầy tình huynh đệ.

Nhân dịp này Công đồng cũng thông báo và chúc mừng một số cha trong Cộng đồng có ngày lễ đặc biệt sắp tới như:

- Chúc mừng cha Gioan Trần Đảm, nhậm chức chánh xứ tại Monticello, New York (thánh lễ nhậm chức ngày 2/5/2010).

- Mừng 15 năm linh mục cha Giuse Trần Việt Hùng, nhà thờ St. Nicholas of Tolentine, Bonx, New York. (Thánh lễ mừng ngày 9/5/2010)

- Mừng ngày mãn nhiệm mục vụ tuyên úy bệnh viện của cha Anrê Nguyễn Trường Cửu, cựu chủ tịch, (cuối tháng 5/2010) sau hơn 31 năm phục vụ.

- Mừng 40 năm linh mục 40 năm linh mục Giuse Phạm Tri Tân, ngày 25.4.2010.

Buổi họp mặt kết thúc vào lúc 15 giờ. Trước khi chia tay, các linh mục, tu sĩ đã không quên chụp chung với nhau tấm hình lưu niệm.

Đây là một buổi họp mặt được tổ chức hằng năm nhằm thúc đẩy tình huynh đệ hiệp thông, sự liên đới và chia sẻ những thông tin vui buồn giữa những các linh mục và tu sĩ đang hoạt động mục vụ cũng như các linh mục, tu sĩ nam nữ đang du học tại miền Đông Bắc Hoa Kỳ.

Paul Lê Xuân Lộc
 
Thông Báo
Phân ưu: Nhạc Mẫu Giáo Sư Lê Đình Thông tạ thế
VietCatholic
07:11 05/04/2010
CÁO PHÓ

Trong niềm tin vào Chúa Ki-tô Phục Sinh,

VietCatholic trân trọng thông báo cùng quý Đức Cha, quý cha, quý tu sĩ và anh chị em

Cụ Bà Maria Lưu Thị Nhan

Hưởng thọ 86 tuổi

Là nhạc mẫu của Giáo Sư Lê Đình Thông

Cộng Tác Viên Thường Trực của VietCatholic.

Lm. Trần Công Nghị và toàn Ban Biên Tập VietCatholic thành kính phân ưu cùng giáo sư Lê Đình Thông.

Nguyện xin Chúa sớm đưa linh hồn Maria về hưởng nhan thánh Chúa
 
Văn Hóa
Lữ hành Emmau
Ngô Xuân Tịnh
16:48 05/04/2010
Lữ hành Emmau



Trên đường chiều tím Emmau

Con tim nặng trĩu sầu đau chán chường

Niềm tin sụp đổ tan hoang

Đuốc soi hy vọng lỡ làng tắt câm

Hai người thất thểu âm thầm

Trên con đường vắng về thăm quê nhà

Đâu rồi rực rỡ kiệu hoa

Thăng quan tiến chức về nhà vinh quy

Tưởng rằng thầy sẽ rồi thì

Dẫn đưa dân tộc bước đi oai hùng

Đập tan kềm kẹp thoát vòng

Đế quốc La Mã để vùng đứng lên

Xây nền độc lập vững bền

Nhưng rồi thầy chết oan khiên nhục nhằn

Môn đồ tứ tán tan tành

Lại còn tin được lan nhanh ra rằng

Mồ thầy xác mất rồi chăng

Niềm hoang mang lại thêm càng rối tơ

Bóng ma nét mặt bơ phờ

Tim đau xé nát dật dờ bước đi

Chiều buông nhạt nắng trúc khê

Gió vi vu thổi tái tê cõi lòng

Lại thêm giá lạnh cù phong

Khi con tim đã mênh mông rã rời

Bỗng đâu gặp được một người

Đồng hành nhịp bước tìm lời hỏi han

Trình bày sau trước ngọn ngành

Bao nhiêu sự kiện rành rành xảy ra

Sau khi tường tận nghe qua

Khách liền giải thích sâu xa rạch ròi

Từ nguồn Cựu ước xa xôi

Chứng minh biến cố những thời diễn ra

Chính Người từ bở Ngôi Cha

Hoàn thành sứ mệnh bao la nhiệm mầu

Đức tin đem để ở đâu

Mà không nhận biết cao sâu phúc lành

Tình yêu Thiên Chúa chí nhân

Viên thành cứu độ trần gian tội tình

Xác Người nay đã phục sinh

Hồng ân cứu độ hiển linh rạng ngời

Càng nghe lòng dạ bồi hồi

Như là lửa đốt sục sôi trong lòng

Cất đi được mớ bòng bong

Niềm tin phấn khởi mênh mông đất trời

Ngài ơi đêm đã xuống rồi

Xin Ngài ở lại nghỉ ngơi đêm này

Lữ hành quá bước vào ngay

Và rồi bữa tiệc trưng bày tinh tươm

Cầm lên chiếc bánh vàng thơm

Bàn tay Người bẻ chúc thêm phúc lành

Thế rồi Người biến đi nhanh

Hai người liền nhận tinh anh tỏ tưòng

Chính thầy bằng thịt bằng xương

Đã từng chung sống thân thương hằng giờ

Một niềm phấn khởi vô bờ

Con tim lại được ước mơ đong đầy

Hai người vội cất bước ngay

Mau cùng bằng hữu xưa nay đã từng

Ngọn đuốc lý tưởng soi chung

Tin mừng vừa nhận để cùng sẻ chia

Phúc âm trao gửi cho ta

Tấm gương bài học mặn mà noi theo

Dù cho thách đố bao nhiêu

Đừng nên thất vọng để liều bỏ nhau

Một mình gậm nhấm thương đau

Hãy cùng ở lại để sầu sẻ chia

Cùng nhau cầu nguyện sớm khuya

Phó thác cho Chúa dẫn đưa an toàn

Nỗi buồn hay lúc hân hoan

Cũng như ngay cả lo toan điều gì

Cùng chung nhau để nghĩ suy

Trong bàn tay Chúa lo chi u sầu

Gắng dùng đôi mắt nhiệm mầu

Thấy Chúa hiện diện trong nhiều anh em

Để cho ngày một tiến thêm

Anh em nên một trong niềm vui chung

Cha chung con thảo một lòng

Cùng chung lý tưởng để cùng dựng xây

Sao cho ý Chúa càng ngày

Hiển vinh thực hiện ở ngay cõi trần

Cũng như nước Trời ở trên

 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Biển Vắng
Nguyễn Đăng Khoa
22:12 05/04/2010

BIỂN VẮNG



Ảnh của Nguyễn Đăng Khoa (Giáo phận Vinh, Việt Nam)

Anh có nghe không lời biển nói

Ta cùng nhau nhé chung lòng mơ

Quay mũi thuyền trôi về bến bờ

Thăm Cam Ranh, Nha Trang, Xóm Bóng..

(Trích thơ của Sương Anh)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền