Ngày 03-04-2022
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 04/04: Khả năng chinh phục - Lm. Anthony Nguyễn Hữu Quảng, SDB
Giáo Hội Năm Châu
03:21 03/04/2022

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.

Khi ấy, Đức Giê-su đến núi Ô-liu.

Vừa tảng sáng, Người trở lại Đền Thờ. Toàn dân đến với Người. Người ngồi xuống giảng dạy họ. Lúc đó, các kinh sư và người Pha-ri-sêu dẫn đến trước mặt Đức Giê-su một phụ nữ bị bắt gặp đang ngoại tình. Họ để chị ta đứng ở giữa, rồi nói với Người : “Thưa Thầy, người đàn bà này bị bắt quả tang đang ngoại tình. Trong sách Luật, ông Mô-sê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà đó. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao?” Họ nói thế nhằm thử Người, để có bằng cớ tố cáo Người. Nhưng Đức Giê-su cúi xuống lấy ngón tay viết trên đất. Vì họ cứ hỏi mãi, nên Người ngẩng lên và bảo họ: “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi.” Rồi Người lại cúi xuống viết trên đất. Nghe vậy, họ bỏ đi hết, kẻ trước người sau, bắt đầu từ những người lớn tuổi. Chỉ còn lại một mình Đức Giê-su, và người phụ nữ thì đứng ở giữa. Người ngẩng lên và nói: “Này chị, họ đâu cả rồi? Không ai lên án chị sao?” Người đàn bà đáp: “Thưa ông, không có ai cả.” Đức Giê-su nói: “Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa!”

Đó là lời Chúa
 
CN 5C Mùa Chay : Phiên toà chỉ còn lại hai
LM. Anphong Nguyễn Công Minh, ofm
08:45 03/04/2022
CN 5C Mùa Chay : Phiên toà chỉ còn lại hai

Trong bộ phim của Liên Xô trước đây được mang tựa đề khá thi vị “Sân ga chỉ có hai người,” kể về chuyện trễ tàu của một ông kia và một bà nọ, xa lạ, nhưng rồi vì sân ga chỉ còn hai người, nên đi dần đến thân nhau, yêu nhau...

Hôm nay bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe cũng có thể đặt cho cái tựa đề như thế. Sân ga chỉ có hai người – hay “Phiên toà chỉ còn lại hai”

Người có công nghĩ ra tựa đề này là thánh Augustino. Và chính thánh nhân đã chơi chữ thật kỳ diệu : Chỉ còn lại hai : Miseria và Misericordia.

Dịch là “sự khốn cùng” và “lòng xót thương.” Miseria, thêm cor, cordis là trái tim, ở giữa, sẽ có misericordia. Dịch thoát ý là, chỉ còn lại hai : “người đáng thương” và “Chúa xót thương.”

Do đâu mà đưa đến phiên toà rốt cuộc chỉ còn 2 người. Và 2 người đó là ai? Ta sẽ tìm hiểu.

1. Do đâu mà chỉ còn hai. Ta rảo qua phiên toà.

Đức Giêsu đang giảng giữa đám đông, thì các thầy Thông giáo và Biệt phái dẫn một người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, đem đến gài bẫy Chúa. Hẳn là người phụ nữ này phải run bắn lên vì vừa xấu hổ vừa sợ chết. Mà không phải sợ chết nữa mà là sẽ chết thật, vì chiếu luật Mosê Đnl 22,22 và Levi 20,10 : Sẽ phải bị ném đá cho chết cả gian phu lẫn dâm phụ. Không cần xét xử gì.

Đây là cơ hội bằng vàng để gài bẫy Chúa. Và đây cũng là câu hỏi sinh tử mà Chúa gặp phải trong cuộc đời rao giảng.

Nếu không cho ném đá: Đức Giêsu sẽ bị cáo là lỗi lề luật, vi phạm luật pháp.

Nếu cứ cho ném đá : lòng nhân từ của Thiên Chúa mà Ngài rao giảng sẽ vô nghĩa. Lòng nhân ở trên mây ! Ở đây ta thấy, họ vừa khiêu khích Chúa lỗi luật Môsê, vừa gián tiếp công nhận giáo lý về lòng nhân từ mà Chúa rao giảng, chứ nếu không công nhận, thì họ chẳng thử thách Chúa làm gì : Còn Thầy, Thầy dạy sao?

Chúa đã trả lời bằng một hành động và bằng một lời nói. Bằng hành động là lấy tay viết viết, vạch vạch trên đất hai lần.

Chúa viết gì? Ta không cần biết, mặc dầu đã có nhiều người đoán già đoán non Chúa viết điều này điều nọ (như thánh Jêrôme nghĩ : viết tội những người tố cáo…), nhưng cái chính là Chúa tránh trả lời, Chúa từ chối xét đoán – nghĩa Sêmít : xét đoán là lên án.

Cho đến khi họ cứ hỏi đi hỏi lại thầy nghĩ sao, thầy dạy thế nào về trường hợp này, Đức Giêsu đã trả lời một câu. Một câu mà ai cũng cảm phục là cực kỳ khôn ngoan. Vừa theo luật (công bình) vừa nhân từ (tha thứ). Luật Đnl 13,9-10; 17,7 dạy : Chính chứng nhân sẽ tra tay trước. Toàn dân sẽ ra tay sau. Vậy nếu không ai tra tay trước, không ai ném viên đá đầu tiên thì cũng sẽ chẳng có những hòn đá khác ném đi…

Vậy thì Chúa Giêsu đã dựa vào Luật Môse, chứ không lỗi luật, để trả lời họ. Ai xét mình là kẻ vô tội, thì hãy ném viên đá đầu tiên. Lời này vừa thốt ra –cũng khen là lương tâm của đám đông vẫn còn trong sáng, chưa chai lì– nên ai cũng tự xét mình và rút lui. Cảnh rút lui là một cảnh cười ra nước mắt: bởi bắt đầu là những kẻ cao niên –càng thêm tuổi càng thêm tội. Phải chăng vì kẻ cao niên thay vì càng dày tháng năm càng tăng công đức, thì ngược lại; hay là phải chăng vì kẻ cao niên thì khôn ngoan biết là không bắt bẻ được Chúa, nên lẩn đi cho sớm kẻo lại được dự một buổi lên lớp mất mặt nữa dành cho những ai tự coi mình là đạo đức, có trách nhiệm bắt người khác giữ luật: Khốn cho các ngươi, hỡi luật sĩ và biệt phái ! (x. Lc 11,27-54)

2. Chỉ còn lại hai.

Dầu lý do nào đi nữa, thì rồi rốt cuộc sân sa chỉ còn hai người. Phiên toà chỉ còn lại hai: Kẻ đáng thương và Đấng xót thương. Miseria và Misericordia.

Thánh Augustino cũng mạnh dạn nói : Đó là tóm tắt toàn bộ Tin Mừng. Đấng xót thương đứng trước kẻ đáng thương. Lòng nhân hậu đối diện với điều khốn cùng. Ta đến để cứu người tội lỗi. Đó là tóm tắt sứ mạng của Chúa, là tóm tắt toàn bộ Phúc m.

Câu hỏi của Chúa giúp người phụ nữ có thể nói được ít là một câu, vì từ đầu đến giờ chị đã cúi gầm mặt, xấu hổ, lặng thinh.

Chúa không hỏi : Sao chị lại phạm tội? Sao chị dại dột thế? hay, Chị phạm tội trong hoàn cảnh nào? Nếu hỏi như vậy, chắc chị cũng lặng thinh. Và cũng không có đối đáp. Sân ga hai người mà vẫn độc thoại. Nên Chúa hỏi: Này chị, họ ở đâu cả rồi, không ai lên án chị sao?

Chị trả lời được ngay: không ai cả, thưa ông.

Không ai cả, vì không ai vô tội cả, cho nên chẳng ai dám ném viên đá đầu tiên.

Đây là một đoạn Tin Mừng nhiều người rất thích. Thích vì nó rất phù hợp trong việc ngăn cản kết án người khác. Nó làm cho tôi nguôi giận ngay mỗi khi có ai đó làm tôi bực mình muốn lên tiếng chửi bới. Gặp những trường hợp đáng bực bội đó mà kịp nghĩ đến lời Đức Giê-su: “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi’, thì tôi lại cười xòa, và mọi cơn giận hay khuynh hướng muốn kết án bị giập tắt ngay. Tại sao? Vì chính tôi cảm thấy rằng mình cũng đã từng làm cho một ai đó bực mình, bị thiệt hại, buồn phiền; đã từng làm những điều hết sức ngu xuẩn...

Chẳng hạn, ngoài công lộ, một ai đó chạy xe ẩu làm tôi suýt bị té, khiến tôi bực bội đến nỗi buột miệng chửi toáng lên. Nhưng khi tôi chợt nghĩ rằng trước đây mình cũng đã từng làm cho một vài người suýt bị té y như vậy, thì tôi tan hết sự bực mình ngay. Nhiều khi con cái tôi làm tôi tức lộn ruột lên, khiến tôi muốn phạt chúng một trận nên thân, nhưng khi chợt nhận ra rằng tôi cũng đã từng làm cho cha mẹ tôi tức lộn ruột y như vậy, thì tự nhiên cơn giận tôi biến mất ngay.

Trong phiên toà thông thường, trước khi tuyên án, quan toà cho đòi nhân chứng, cho đòi nguyên cáo. Nếu nhân chứng không có mà nguyên cáo thì lại bỏ cuộc, hoặc bãi nại thì phiên toà dừng lại. Cũng có lúc bên nguyên bãi nại mà toà vẫn xử thì công tố viên đứng ra đóng vai nguyên cáo. Vai trò này trong sách Khải Huyền dành cho Satan: “Vì Satan kẻ tố cáo anh em của Ta, ngay đêm tố cáo họ trước toà Thiên Chúa, nhờ máu của Con Chiên nay đã bị tống ra ngoài” (Kh 12,10). Vậy là cũng chỉ còn lại có hai. Người có tội và Đấng tha tội. Kẻ đáng thương và Đấng xót thương. Kẻ khốn khó bần cùng và lòng nhân hậu vô cùng. Khi nhìn nhận mình là kẻ có tội, tức người khốn khó đáng thương, ta sẽ gặp ngay Đấng xót thương, Đấng tha tội.

Có hai tội nhân vào sa mạc ăn chay đền tội trước khi được xét xem có đáng nhận vào tu viện hay không. Sau một năm thử thách, có khác biệt ở hai người : một kẻ ốm o buồn phiền, một người vui tươi khoẻ mạnh. Họ được dẫn tới bề trên để chờ sự phán quyết xem có được nhận vào tu không. Trả lời câu hỏi “làm gì trong năm qua,” người ốm o nói : Suốt năm tôi suy nghĩ về tội của tôi, tôi nghĩ tới hình phạt, tôi sợ hãi đến quên ăn mất ngủ.

Còn người vui tươi đáp : Suốt năm qua, tôi nghĩ đến ơn lành Chúa ban, tôi nghĩ tới lòng nhân hậu tha thứ của Chúa. Tôi ca tụng Ngài –lòng sám hối biến thành lời tụng ca. Anh được nhận vào tu viện.

Nhưng … người ốm o cũng được nhận vào cộng đoàn.

Đấng xót thương luôn thương xót kẻ đáng thương. Sân ga chỉ còn 2 người. Ai nhìn nhận mình là kẻ tội lỗi đáng thương (miseria) liền gặp ngay lập tức Đấng nhân hậu xót thương (Misericordia). Dại gì mà không nhận đi ! Phiên toà chỉ còn lại hai thôi.

LM. Anphong Nguyễn Công Minh, ofm
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
09:13 03/04/2022

12. Ai muốn khắc phục sự giận dữ thì phải có khát vọng bị sỉ nhục vô hạn; ngược lại ai khát vọng được tôn vinh vô hạn thì không nghi ngờ gì nữa đó là sự tham lam hư vinh.

(Thánh John Climacus)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


------------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
09:17 03/04/2022
39. NGƯỜI LÙN MẮC NẠN

Có một ngừi lùn cùng ngồi thuyền đi du ngoạn với mọi người, thuyền mắc nạn, mọi người cũng rời thuyền lên bờ kéo dây thừng (chão), anh lùn không ngờ lỡ tay nên rơi xuống sông.

Nước sông cao không quá đầu anh lùn, anh ta vội vàng bò dậy lớn tiếng chửi:

- “Sao cứ để tôi mắc nạn ở chỗ sâu thế này?”

(Tiếu lâm quảng ký)

Suy tư 39:

Ở đời, có những ông quan vì tri thức “lùn thấp” nên luôn làm bộ làm tịch ta đây là bậc trí thức, nên cứ hay “nói chữ”, cứ hay chê nhân viên, cứ hay có ý kiến riêng và bắt mọi người phải làm theo, thế là loạn, thế là công trình bị “rút ruột”, thế là tụt hậu...

Vóc dáng lùn thấp thì không có gì phải sợ, nhưng hãy sợ tri thức bị lùn thấp, bởi vì khi tri thức lùn thấp thì đó là một nỗi lo của gia đình cộng đoàn, và là nỗi đau của xã hội và Giáo Hội.

Vóc dáng lùn thấp thì không thể cao thêm được nữa, nhưng tri thức lùn thấp thì có thể làm cho nó ngày càng cao hơn, và nó chỉ lùn và thấp xuống khi chúng ta đã quá thỏa mãn với mớ trí thức của mình mà thôi.

Biết vóc dáng mình lùn thấp thì phải cố gắng làm cho tri thức của mình cao lên bằng cách học hỏi với người khác, bằng cách đọc sách.v.v… có như thế mới không mắc nạn và không oán trời trách người được...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Bài giảng của Đức Thánh Cha trong thánh lễ tại Malta
Bản dịch Việt Ngữ của J.B. Đặng Minh An
16:25 03/04/2022


Như chúng tôi đã đưa tin, lúc 08:30 sáng thứ Bẩy 2 tháng Tư, Đức Thánh Cha đã khởi hành bằng máy bay từ phi trường quốc tế Fiumicino của Rôma để đến Sân bay quốc tế Malta.

Đức Thánh Cha đã bắt đầu ngày thứ hai tại Malta với cuộc gặp gỡ với các tu sĩ Dòng Tên đang phục vụ tại Malta ở Tòa Sứ Thần Tòa Thánh.

Lúc 08:30, Đức Thánh Cha đã thăm khu hầm Thánh Phaolô tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phaolô ở Rabat. Tại đây, Đức Thánh Cha đọc lời cầu nguyện sau.

Sinh hoạt tiếp theo của Đức Thánh Cha là thánh lễ tại quảng trường các vựa thóc ở Floriana.

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha nói:

“Sáng sớm, Chúa Giêsu lại đến đền thờ; muôn dân đến với Người “(Ga 8: 2). Những dòng chữ này giới thiệu câu chuyện của người phụ nữ bị bắt quả tang ngoại tình. Bối cảnh thật thanh bình: một buổi sáng ở nơi thánh, ở trung tâm thành phố Giêrusalem. Ở trọng tâm câu chuyện là dân Chúa đang tìm kiếm Chúa Giêsu, là vị Thầy, trong sân đền thờ: họ muốn lắng nghe Ngài, vì những lời Ngài nói thật sâu sắc và ấm lòng. Không có gì trừu tượng trong những lời giáo huấn của Ngài; nó chạm vào, giải phóng, biến đổi và canh tân cuộc sống thực. Ở đây chúng ta thấy “trực giác” của dân Chúa; họ không hài lòng với đền thờ xây bằng đá, nhưng đổ xô quanh con người của Chúa Giêsu. Trong đoạn văn này, chúng ta có thể thấy những tín hữu của mọi thời đại, dân thánh của Thiên Chúa. Ở đây, ở Malta này những người như thế đông vô kể và linh hoạt, trung thành tìm kiếm Chúa qua một đức tin cụ thể, sống động. Vì điều này, tôi cảm ơn tất cả anh chị em.

Trước sự hiện diện của những người đó, Chúa Giêsu dành thời gian của mình: Tin Mừng cho chúng ta biết rằng, “Người đã ngồi xuống và dạy dỗ họ” (câu 2). Tuy nhiên, vẫn có những chỗ trống trong trường học của Chúa Giêsu. Người phụ nữ và những người tố cáo cô ấy không có ở đó. Không giống như những người khác, họ không đến gặp Thầy. Tất cả đều có lý do của họ: các kinh sư và người Pharisêu nghĩ rằng họ đã biết hết mọi sự và không cần đến giáo huấn của Chúa Giêsu; còn người phụ nữ thì lầm đường lạc lối và bối rối, một người lạc lối tìm kiếm hạnh phúc ở những nơi sai lầm. Họ vắng mặt vì những lý do khác nhau, và câu chuyện sẽ kết thúc khác nhau đối với mỗi người. Chúng ta hãy suy nghĩ về những “người vắng mặt”.

Trước hết, chúng ta hãy xem xét những người tố cáo người phụ nữ. Ở họ, chúng ta nhìn thấy sự phản chiếu của tất cả những người tự hào mình là người công chính, những người tuân thủ luật pháp của Thiên Chúa, những người đàng hoàng và đáng kính. Họ không quan tâm đến những lầm lỗi của mình, nhưng họ rất quan tâm đến những lỗi phạm của người khác. Họ đến với Chúa Giêsu: không phải với tấm lòng rộng mở để nghe lời Ngài, nhưng “để thử thách Ngài và tìm dịp bắt lỗi chống lại Ngài” (câu 6). Điều này tiết lộ suy nghĩ bên trong của những người tu luyện và mộ đạo, những người biết Kinh thánh và viếng thăm ngôi đền, nhưng làm thế vì lợi ích cá nhân của họ và không chống lại những ý nghĩ xấu xa đang ấp ủ trong lòng mình. Trong mắt mọi người, họ có vẻ là chuyên gia về những điều của Thiên Chúa, nhưng họ không nhận ra Chúa Giêsu; thực sự, họ xem Ngài như một kẻ thù cần phải loại bỏ. Để đạt được điều này, họ đặt ra trước mặt Ngài một người mà họ khinh bỉ gọi là “người đàn bà này”, coi cô như một thứ đồ vật, và công khai tố cáo cô ngoại tình. Họ kêu gọi mọi người ném đá người phụ nữ, và trút lên đầu cô ấy tất cả sự thù địch của họ đối với lòng trắc ẩn của Chúa Giêsu. Và họ làm như vậy dưới tấm áo choàng của danh tiếng là những người mộ đạo và công chính.

Anh chị em thân mến, những nhân vật Phúc Âm này nhắc nhở chúng ta rằng lòng mộ đạo của cá nhân và cộng đồng của chúng ta luôn có thể che dấu vết sâu của thói đạo đức giả và sự thôi thúc chỉ tay lên án người khác. Chúng ta luôn có nguy cơ không hiểu Chúa Giêsu, chúng ta chỉ có danh Ngài trên môi miệng nhưng lại từ chối Ngài qua cách chúng ta sống. Ngay cả khi chúng ta giơ cao ngọn cờ thánh giá. Vậy thì làm thế nào chúng ta có thể chứng minh được chúng ta có phải là môn đệ chân chính của Thầy hay không? Chúng ta có thể làm được bằng cách nhìn xem chúng ta đối xử với người lân cận ra sao và đối với chính mình như thế nào. Đây là một điểm quan trọng trong định nghĩa chúng ta là ai.

Thứ nhất là xét xem chúng ta đối xử với người lân cận của mình ra sao: chúng ta làm điều này với cái nhìn thương xót, như Chúa Giêsu cho chúng ta thấy ngày hôm nay, hay với cái nhìn phán xét, thậm chí khinh miệt, như những người tố cáo được Phúc âm mô tả, những người tự cho mình là người bảo vệ Thiên Chúa nhưng thất bại không nhận ra rằng họ đang chà đạp lên anh chị em mình. Những người tin rằng họ đang giữ vững đức tin bằng cách chỉ tay vào người khác có thể có một lòng “mộ đạo” nào đó, nhưng họ đã không chấp nhận tinh thần của Phúc Âm, vì họ coi thường lòng thương xót, là tấm lòng của Thiên Chúa.

Thứ hai, để hiểu chúng ta có phải là đệ tử chân chính của Thầy hay không, chúng ta cần phải suy nghĩ về cách chúng ta nhìn nhận bản thân. Những người tố cáo người phụ nữ bị thuyết phục rằng họ không có gì để học. Vẻ ngoài của họ là hoàn hảo, nhưng họ thiếu sự thật của trái tim. Họ đại diện cho những tín hữu, những người ở mọi thời đại biến đức tin thành một phần mặt tiền của họ; họ trình bày một diện mạo bên ngoài đầy ấn tượng và trang trọng, nhưng họ nghèo nàn bên trong, và thiếu kho tàng lớn nhất của trái tim con người. Đối với Chúa Giêsu, điều thực sự quan trọng là sự cởi mở và ngoan ngoãn của những người không coi mình là tốt lành, nhưng nhận ra nhu cầu cần được cứu rỗi của họ. Khi đó, thật tốt cho chúng ta, bất cứ khi nào chúng ta cầu nguyện, cũng như bất cứ khi nào chúng ta tham gia vào các buổi lễ tôn giáo đáng yêu, hãy tự hỏi mình xem chúng ta có thực sự hòa hợp với Chúa hay không. Chúng ta có thể hỏi Ngài một cách thành thật rằng, “Lạy Chúa, con ở đây với Chúa, nhưng Chúa muốn gì nơi con? Điều gì trong trái tim con, trong cuộc sống của con, mà Chúa muốn con thay đổi? Chúa muốn con coi người khác như thế nào?” Cầu nguyện như thế sẽ tốt cho chúng ta, bởi vì Thầy không bằng lòng với những dáng vẻ bên ngoài; Ngài tìm kiếm sự thật của trái tim. Một khi chúng ta mở lòng với Ngài trong sự thật, Ngài có thể làm nên những điều kỳ diệu trong chúng ta.

Chúng ta thấy điều này ở người phụ nữ bị bắt quả tang ngoại tình. Tình cảnh của cô tưởng chừng như vô vọng, nhưng rồi một chân trời mới đầy bất ngờ đã mở ra trước mắt. Cô đã bị sỉ nhục và đang chờ sự phán xét tàn nhẫn và sự trừng phạt nghiêm khắc. Tuy nhiên, trước sự ngạc nhiên của cô, cô thấy mình được Thiên Chúa tha bổng, và chỉ cho cô đến một tương lai mà cô không hề đoán trước: “Không ai lên án cô sao?” - Chúa Giêsu nói với cô ấy - “Tôi cũng không kết án chị đâu; hãy đi và đừng phạm tội nữa” (câu 10,11). Thật là khác biệt giữa Chúa và những kẻ tố cáo người phụ nữ! Họ viện dẫn Kinh thánh để kết án cô ấy; Chúa Giêsu, chính Ngôi Lời của Thiên Chúa, đã hoàn toàn phục hồi người phụ nữ, khôi phục lại hy vọng của cô ấy. Từ câu chuyện này, chúng ta học được rằng mọi phán xét không được truyền cảm hứng và cảm động bởi lòng bác ái sẽ chỉ khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn cho những người nhận được phán xét ấy. Mặt khác, Chúa luôn có chỗ cho cơ hội thứ hai; Ngài luôn có thể tìm thấy những con đường dẫn đến giải thoát và cứu rỗi.

Sự tha thứ đã thay đổi cuộc đời người phụ nữ đó. Thương xót và khốn khổ bao trùm. Xót xa và khốn khó gặp nhau ở đó, cuộc đời người phụ nữ đã thay đổi. Chúng ta thậm chí có thể suy đoán liệu sau khi được Chúa Giêsu tha thứ, cô ấy có thể lần lượt tha thứ cho người khác hay không. Có lẽ cô ấy thậm chí đã đi xa đến mức xem những người tố cáo cô ấy không còn là những người đàn ông thô bạo và gian ác nữa, mà là phương tiện dẫn đến cuộc gặp gỡ của cô ấy với Chúa Giêsu. Chúa cũng muốn chúng ta, các môn đệ, Hội Thánh của Ngài, cũng như những ai được Ngài tha thứ, trở thành những chứng nhân hòa giải không mệt mỏi. Nhân chứng của một vị Chúa mà từ “vô phương cứu chữa” không hề tồn tại, một vị Chúa luôn tha thứ. Chúa luôn tha thứ. Chúng ta là những người cảm thấy mệt mỏi khi cầu xin sự tha thứ. Thiên Chúa của chúng ta là một Thiên Chúa không bao giờ ngừng tin tưởng vào chúng ta và luôn cho chúng ta cơ hội để bắt đầu lại. Không có tội lỗi hay thất bại nào mà chúng ta có thể mang lại trước mặt Người mà không thể trở thành cơ hội để bắt đầu sống một cuộc sống mới và khác biệt dưới ngọn cờ của lòng thương xót. Không có tội lỗi nào mà không thể được đối xử theo cách này. Chúa tha thứ cho tất cả mọi thứ. Ngài tha thứ mọi tội lỗi.

Đây là Chúa Giêsu. Chúng ta thực sự biết Ngài khi chúng ta cảm nghiệm được sự tha thứ của Ngài, và khi, giống như người phụ nữ trong Phúc âm, chúng ta khám phá ra rằng Chúa đến với chúng ta qua vết thương nội tâm của chúng ta. Đó quả thật là nơi Chúa rất thích làm cho mình được biết đến, vì Người đến không phải vì những người khỏe mạnh mà là vì những ai đau yếu (x. Mt 9,12). Hôm nay, người phụ nữ đó, người đã tìm thấy lòng thương xót trong lúc khốn khổ của mình và đã ra đi được chữa lành nhờ sự tha thứ của Chúa Giêsu, mời gọi chúng ta, với tư cách là Giáo hội, trở lại trường học Tin Mừng, để học hỏi từ Thiên Chúa của niềm hy vọng, Đấng không ngừng làm chúng ta ngạc nhiên. Nếu chúng ta noi gương Ngài, chúng ta sẽ không có khuynh hướng tập trung vào việc lên án tội lỗi, nhưng tập trung vào việc lên đường với tình yêu thương để tìm kiếm tội nhân. Chúng ta sẽ bằng lòng với những người đã có mặt, nhưng sẽ đi tìm những người vắng mặt. Chúng ta sẽ không quay lại việc chỉ tay lên án, mà sẽ bắt đầu lắng nghe. Chúng ta sẽ không loại bỏ những người bị khinh thường, nhưng xem trọng nhất là những người mà những người khác coi là kém nhất. Thưa anh chị em, đây là điều Chúa Giêsu dạy chúng ta ngày nay qua gương của Ngài. Chúng ta hãy để cho Ngài làm chúng ta ngạc nhiên. Chúng ta hãy hân hoan chào đón tin vui mà Ngài mang đến.
Source:Holy See Press Office
 
Tại Malta, Đức Phanxicô bênh vực di dân
Vũ Văn An
21:33 03/04/2022
Theo hãng tin Reuters (https://www.reuters.com/world/europe/pope-struggles-with-leg-pain-malta-trip-defends-migrants-2022-04-03/), hôm Chúa nhật, Đức Giáo Hoàng Phanxicô, đang vật lộn với chứng đau chân, nói rằng các quốc gia nên luôn giúp đỡ những người đang cố gắng sống sót "giữa sóng biển" khi ngài kết thúc chuyến thăm Malta, nơi đang là trọng tâm của cuộc tranh luận về di dân của châu Âu.

Vào đầu ngày cuối cùng của chuyến đi tới đảo quốc Địa Trung Hải, Đức Phanxicô đã đến thăm hang động ở thị trấn Rabat. Theo truyền thống, Thánh Phaolô đã sống ở đó hai tháng sau khi ngài nằm trong số 75 người bị đắm tàu trên đường đến Rome vào năm 60 sau Công nguyên. Kinh thánh cho biết họ đã nhận được lòng tốt khác thường ở đây.

Trong một buổi cầu nguyện tại hang động, Đức Giáo Hoàng nói rằng "Không ai biết tên họ, nơi sinh hay địa vị xã hội của họ; người ta chỉ biết một điều: đó là những người cần được giúp đỡ".

Vị giáo hoàng 85 tuổi đang bị chứng đau chân bùng phát và đi lại khó khăn trong hang động nhỏ. Trong thánh lễ dành cho khoảng 20,000 người sau đó, ngài chủ yếu ngồi trong khi Đức Tổng Giám Mục Charles Scicluna của Valletta chủ trì phần lớn phần phụng vụ.

Đức Phanxicô phải sử dụng thang máy để lên chuyến bay của mình ở Rome và xuống khi đến Valletta vào thứ Bảy, và vào cuối Thánh lễ ngày Chủ nhật, ngài bỏ qua cuộc rước kết lễ theo truyền thống với mọi các giám mục hiện diện.

Malta là một trong những tuyến đường quan trọng hơn được sử dụng bởi những người di cư từ Libya đến châu Âu.

Trong lời cầu nguyện tại hang động, Đức Giáo Hoàng nói "Xin giúp chúng con nhận ra từ xa những người đang gặp khó khăn, đang vật lộn giữa những cơn sóng biển, đang lao vào những rạn san hô ở những bờ biển vô danh".

Chính phủ của Thủ tướng Robert Abela khẳng định rằng hòn đảo, cho đến nay là quốc gia có mật độ dân số cao nhất châu Âu, nay đã "đầy người" rồi, nên phải từ chối cho phép đưa những người di cư không phải là những người được cứu trong khu vực cứu người của chính nó.

Điểm dừng chân cuối cùng của Đức Phanxicô là chuyến thăm một trung tâm dành cho người di cư, được biết đến như là một "phòng thí nghiệm hòa bình". Tại đây, ngài đã nghe Daniel, một người Nigeria, kể về một vài chuyến ráng đến châu Âu bằng những chiếc thuyền không đủ tiêu chuẩn đi biển và cung cách anh bị giam giữ ở Libya, Tunisia và Malta.

Daniel nói, "Đôi khi con bật khóc! Đôi khi con ước chi mình chết đi cho rồi... tại sao những người như chúng con lại đối xử với chúng con như tội phạm chứ không phải như anh em?".

Đức Phanxicô nói với họ rằng cuộc khủng hoảng nhân đạo về di cư là "một vụ đắm tàu của nền văn minh, một vụ đắm tầu đe dọa không những người di cư mà còn tất cả chúng ta". Ngài nói, việc ngược đãi người di cư đôi khi xảy ra "với sự đồng lõa của các cơ quan có thẩm quyền".

Hôm thứ Sáu, tàu Sea Eye IV của tổ chức phi chính phủ Đức đã ở bên ngoài lãnh hải Malta để tìm cách đưa 106 người di cư được cứu khỏi vùng biển Libya nhưng đã bị từ chối nhập cảnh.

Các tổ chức nhân quyền đã chỉ trích hòn đảo này vì dính líu đến "những vụ đẩy lui" trong đó, những người di cư, được vớt do sự phối hợp với Malta, đã bị đưa trở lại Libya. Các tổ chức này cho rằng điều này vi phạm luật pháp quốc tế vì Libya không phải là một quốc gia an toàn.

Phát biểu trước các viên chức chính phủ Malta hôm thứ Bảy, Đức Phanxicô đã tố cáo "những thỏa thuận bẩn thỉu với những tên tội phạm nhằm nô dịch những hữu thể nhân bản khác". Trước đây, ngài từng so sánh điều kiện ở các trung tâm giam giữ người di cư ở Libya với các trại tập trung của Đức Quốc xã và Liên Xô.

Malta cho rằng châu Âu nên có một cơ chế “chia sẻ gánh nặng” hữu hiệu. Đức Phanxicô cũng đã nhiều lần kêu gọi chia sẻ trách nhiệm đối với người di cư giữa các nước châu Âu.

Tuy nhiên, có lẽ vì tế nhị trước các khó khăn của Malta trong khía cạnh di dân, nên Tòa Thánh đã không nhấn mạnh tới cuộc tiếp xúc của Đức Phanxicô với di dân tại đây, chỉ cung cấp Lời cầu nguyện của Đức ngài ở cuối cuộc tiếp xúc đó, chứ không cung cấp chính bài phát biểu của ngài. Chúng tôi xin dịch Lời kinh của ngài như sau:

Lời cầu nguyện của Đức Giáo Hoàng Phanxicô khi kết thúc cuộc gặp gỡ với những người di cư ở Malta

Lạy Chúa là Đấng tạo dựng vũ trụ,

là nguồn của mọi tự do và hòa bình,

tình yêu và tình anh em,

Chúa đã tạo ra chúng con giống hình ảnh của chính Chúa,

thổi vào chúng con hơi thở sự sống

và biến chúng con trở thành những người chia sẻ cuộc sống hiệp thông của chính Chúa.

Ngay cả khi chúng con phá vỡ giao ước của Chúa

Chúa vẫn không bỏ rơi chúng con cho quyền lực sự chết,

nhưng vẫn tiếp tục, vì lòng thương xót vô hạn của Chúa, kêu gọi chúng con trở về với Chúa,

để sống như con trai và con gái của Chúa.

Xin Chúa tuôn đổ Chúa Thánh Thần của Chúa xuống chúng con

và ban cho chúng con một trái tim mới,

nhạy cảm với những lời cầu xin, thường im lặng,

của những anh chị em của chúng con, những người đã mất hết

sự ấm áp của ngôi nhà và quê hương của họ.

Xin ban ơn cho chúng con biết đem lại niềm hy vọng cho họ

Bằng sự chào đón của chúng con và thể hiện tình người của chúng con.

Xin biến chúng con thành công cụ của hòa bình

và tình yêu huynh đệ thiết thực.

Xin giải phóng chúng con khỏi nỗi sợ hãi và thành kiến;

xin giúp chúng con biết chia sẻ những đau khổ của họ

và cùng nhau chiến đấu chống bất công,

cho sự phát triển của một thế giới trong đó mỗi người

được tôn trọng trong phẩm giá bất khả xâm phạm của họ,

phẩm giá mà Cha, lạy Cha, Cha đã ban cho chúng con

và Con Cha đã thánh hiến đời đời.

Amen.
 
Văn Hóa
Thơ Thánh Giáo Hoàng Phaolô II : Hoa Trắng
Lê Đình Thông
08:50 03/04/2022
 
Lạm bàn về việc bác ái
Jos. Hoàng Mạnh Hùng
17:46 03/04/2022
LẠM BÀN VỀ VIỆC LÀM BÁC ÁI

Theo Wikipedia, bác ái (tiếng Latinh: caritas), nghĩa là "tình yêu cao cả, rộng khắp", đôi khi cũng được gọi là đức mến. Theo thần học Kitô giáo được hiểu là "tình cảm để giữ mối liên hệ giữa con người với Thiên Chúa". Đối với nhà thần học Tôma Aquinô, bác ái "không chỉ là tình cảm đối với Thiên Chúa mà còn là tình cảm dành cho những người xung quanh chúng ta". Vì thế, ông nhận định rằng bác ái là nhân đức cao đẹp nhất trong ba nhân đức đối thần (gồm: đức tin, đức cậy và đức mến).

Thuật ngữ "caritas" cũng là gốc của thuật ngữ "charity" trong tiếng Anh, để chỉ những hoạt động giúp đỡ cộng đồng, người yếu thế. Đối với những hoạt động như vậy, người Công Giáo nói riêng và Kitô hữu nói chung thường sử dụng thuật ngữ "làm bác ái" để thay thế thuật ngữ tương ứng với "làm từ thiện" mà người ta thường dùng.

Trong xã hội ngày nay, chúng ta thấy có nhiều công việc từ thiện, và nhiều người làm việc từ thiện. Tại nhiều ngôi chùa, các nhà sư và những Phật tử thường xuyên làm việc từ thiện với nhiều hình thức khác nhau. Họ làm những việc từ thiện như thế vì cái Tâm, vì lẽ từ bi hỉ xả như đức Phật đã dạy.

Dịp Tết vừa qua chúng ta cũng thấy có những chuyến xe không đồng chở nhiều công nhân, sinh viên … về quê ăn Tết. Những người xa quê ở lại thành phố cũng được nhiều chương trình với những tên gọi khác nhau giúp đỡ để được hưởng những ngày Xuân ấm áp nghĩa tình. Rồi nhiều chương trình khác trên truyền hình, chẳng hạn như “Ngôi Nhà Mơ Ước”, “Vượt Lên Chính Mình”, “Hát mãi ước mơ” … cũng đã mang lại niềm vui, sự ấm áp và tình yêu thương cho những mảnh đời khó khăn và bất hạnh.

Người Công Giáo chúng ta từ trước đến nay cũng đã làm được rất nhiều việc bác ái, nhất là trong đợt đại dịch Covid-19 và cái Tết vừa qua. Tất cả đều xuất phát từ lời dạy của Chúa Giêsu: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13,34).

Nhưng bên cạnh đó cũng còn có những “hạt sạn” nảy sinh trong quá trình thực thi bác ái. Nổi bật và “hoành tráng” nhất là số lượng các hội, nhóm đua nhau làm bác ái khiến công việc trở nên manh mún nhiều khi dẫn đến trùng lặp địa chỉ người nhận, đoàn này mới đi đoàn khác đã đến. Rồi trên các trang mạng xã hội những hình ảnh, video clip, livestream … kêu gọi giúp đỡ và “đi làm bác ái” đua nhau xuất hiện khiến người xem “rối não” không biết đâu là giả - thiệt!

Đồng ý là cũng phải đưa lên mạng xã hội để những nhà hảo tâm đã đóng góp thấy được việc làm của hội, nhóm mình nhưng chỉ cần 1 vài hình ảnh là đủ; không nên cùng lúc đưa lên vừa hình ảnh, vừa livestream, vừa video … để người xem phải mỏi tay vì like cho mình.

Chúa Giêsu đã dạy: “ Vậy khi bố thí, đừng có khua chiêng đánh trống, như bọn đạo đức giả thường biểu diễn trong hội đường và ngoài phố xá, cốt để người ta khen. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi. Còn anh, khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm, để việc anh bố thí được kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.” (Mt 6,2-4).

Điều cốt lõi của những việc làm từ thiện, bác ái là âm thầm. Những người làm từ thiện phải nhắm đến đối tượng là những người được hưởng lợi ích của những việc bác ái, chứ không phải quy về cho chính bản thân, hội nhóm của mình. Nếu những việc làm từ thiện, bác ái quy về cá nhân, hội nhóm nào đó thì sẽ không mang lại lợi ích thiêng liêng gì và rốt cuộc thì cũng chỉ vì háo danh rồi “khua chiêng đánh trống” cho người ta khen mà thôi.

Người hoạt động bác ái phải khiêm tốn, không đặt mình vào vị trí cao hơn người khác, không lên mặt kẻ cả vì hoạt động bác ái là một hồng ân. Khi giúp đỡ cho người khác là chính mình cũng đuợc giúp đỡ và khả năng giúp được kẻ khác không phải do công đức của mình. (Thông Điệp DEUS CARITAS EST của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, bản dịch Việt ngữ của Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin HĐGMVN)

Ngay trong nội bộ đoàn thể, hội đoàn chưa thực sự bác ái với nhau; mới chỉ đồng hành với nhau chứ chưa hiệp hành trong việc bác ái. “Bằng mặt nhưng không bằng lòng”, vẫn còn có ý này, ý nọ, so sánh, phê bình … vì ý kiến của mình, “công trạng” của mình … chưa được coi trọng! Từ đó đưa đến việc kéo bè, kết phái gây chia rẽ, mất đoàn kết. “Chúng con hãy ý tứ trong mọi công việc, phải có tình bác ái. Những phê phán, chỉ trich, chúng con đừng dại dột bàn tán, a dua theo.” (SỐNG BÁC ÁI - ĐHY FX. Nguyễn Văn Thuận)

Khi chúng ta có bác ái đối với nhau thì mọi việc sẽ suôn sẻ hết và ngược lại. Bác ái là điều quan trọng nhất trong đời sống Kitô hữu vì bác ái chứng mình thật sự chúng ta là người môn đệ của Chúa. Bác ái được khởi sự trong tư tưởng, lời nói, rồi mới tỏ ra qua việc làm. Thánh Phaolô đã viết: "Sao bạn lại xét đoán người anh em?... Sao bạn khinh dể người anh em?...Vậy ta đừng xét đoán nhau nữa." (Rm 14,10-13).

Có nơi theo thời theo thế để đòi hỏi những người lãnh đạo hội nhóm phải “sao kê”, đòi hỏi việc bác ái phải dàn trải và công bằng theo kiểu cân đo đong đếm, tiêu chuẩn … cho mọi người. Tự cho mình đứng trên người khác, thay vì sắn tay áo vào cùng nhau làm việc lại dùng khả năng lý luận, hoạt ngôn của mình nhận xét, phê phán. Đa số những nhà hảo tâm, có lòng bác ái đều không đòi hỏi những người thực hiện bác ái phải thế này thế nọ mà chỉ những người “đạo đức giả” mới lên mặt kẻ cả soi mói, xét đoán công việc của người khác.

"Anh em đừng xét đoán, để khỏi bị Thiên Chúa xét đoán, …" (x. Mt 7,1-5). Hoặc đúng hơn: đừng xét đoán, vì Thiên Chúa đã không xét đoán ta. Ðây không phải là thứ luân lý thực dụng, nhưng là luân lý của Tin Mừng. Theo lời Chúa nói, lỗi của người bị xét đoán chỉ bằng cái rác, trong khi lỗi của người xét đoán to như cái xà. Và cái xà đầu tiên chính là việc xét đoán. Phải lấy được cái xà trong mắt ta ra đã, rồi mới có thể nhìn rõ và lấy được cái rác trong mắt anh chị em. Tức là phải loại bỏ thái độ không yêu thương của ta trước, rồi điều chúng ta nhận xét mới hy vọng được đón nhận, và người anh chị em có lẽ mới để ta lấy cái rác trong mắt họ.

Những hạt sạn nêu trên tuy nhỏ và chỉ là cá biệt nhưng nếu ta không để ý thì nó cũng có thể gây ra những khó chịu không đáng có trong việc “hiệp thông, tham gia và sứ vụ” của người tông đồ đoàn thể. Xin Chúa ban cho mỗi người hoạt động bác ái ý thức giới hạn của mình là công cụ trong bàn tay của Chúa, phục vụ Ngài trong khả năng và sức lực Chúa ban, thực hiện những gì có thể làm vì Thiên Chúa điều khiển thế giới chứ không phải con người. Do đó, người làm việc bác ái không bao giờ kiêu căng như thể chính mình làm cho thế giới này tốt đẹp hơn. Sự kiêu căng coi thường con người sẽ không giúp xây dựng gì cả, nhưng chỉ đem đến phá hoại và thiệt hại. (Thông Điệp DEUS CARITAS EST)
 
VietCatholic TV
Tư Lệnh Lữ Đoàn Nhảy Dù Nga được cử chiếm phủ tổng thống hy sinh. Ukraine giải phóng toàn vùng Kiev
VietCatholic Media
03:18 03/04/2022


1. Tư Lệnh Lữ Đoàn Nhảy Dù được lệnh chiếm dinh tổng thống Ukraine hy sinh

Hôm 2 tháng Tư, đài BBC có bài tường trình nhan đề “The heavy losses of an elite Russian regiment in Ukraine”, nghĩa là “Tổn thất nặng nề của một lữ đoàn tinh nhuệ của Nga ở Ukraine” nói về Lữ Đoàn Nhảy Dù được giao nhiệm vụ chiếm dinh tổng thống Ukraine. Tuy nhiên, mộng không thành, Đại tá Sergei Sukharev, Tư Lệnh Lữ Đoàn Nhảy Dù này vừa được Nga truy tặng huân chương sau khi hy sinh trên chiến trường Ukraine.

Trong bất kỳ cuộc chiến nào, có những đơn vị nổi bật với những đơn vị khác và trở thành biểu tượng của sự thất bại. Lữ đoàn Nhảy dù Cận vệ 331 từng có nhiều hy vọng trở thành người trước hết, nhưng giờ đây lại cho thấy sự tan rã của kế hoạch tiến hành một cuộc chiến tranh chớp nhoáng của Nga.

Tư Lệnh Lữ Đoàn, Đại tá Sergei Sukharev, đã bị giết ở Ukraine vào ngày 13 tháng 3 và được truy tặng huân chương Anh hùng Liên bang Nga. Tại lễ tang của ông, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tướng Yuri Sadovenko nói rằng viên đại tá “sống vì tương lai, vì tương lai của nhân dân chúng ta, một tương lai không có chủ nghĩa Quốc xã”.

Thương vong của các lực lượng Nga không được báo cáo rộng rãi ở chính nước Nga, nhưng bằng cách sử dụng tài liệu nguồn mở, BBC đã ghép các câu chuyện về quá trình tiến công của họ và phát hiện ra rằng ít nhất 39 thành viên khác của trung đoàn 331 tinh nhuệ đã thiệt mạng.

Những người đàn ông này là một phần của một đoàn xe tiến vào Ukraine từ Belarus, do lực lượng không quân Nga dẫn đầu, được biết đến với tên viết tắt là VDV. Sự hiện diện của họ nhấn mạnh mức độ ưu tiên của mục tiêu – là tiến chiếm thủ đô Kiev.

Cuộc tiến công đó nhanh chóng rơi vào một sự bế tắc hủy diệt ở các quận thuộc vùng ngoại ô Kiev, nơi nhanh chóng trở thành đồng nghĩa với sự tàn khốc của chiến tranh: Bucha, Irpin và Hostomel.

Một video chúng tôi tìm thấy cho thấy một số xe thiết giáp hạng nhẹ của VDV bị hư hỏng, bị bỏ lại sau một cuộc tấn công của lực lượng đặc biệt Ukraine. Một bức ảnh khác cho thấy một số phương tiện của lực lượng không quân Nga xem ra đã bị bỏ rơi.

Những người đàn ông ở Lữ đoàn 331 tự coi mình là ưu binh của quân đội Nga. Trong một đoạn video được đăng trực tuyến vào tháng 5 năm ngoái, một vị tướng nói với những người lính của Lữ đoàn Nhảy dù 331 rằng họ là “những người giỏi nhất trong số những người giỏi nhất”. Đơn vị này đã phục vụ tại Balkans, Chechnya, và năm 2014 khi Nga can thiệp vào vùng Donbas của Ukraine, và thường xuyên tham gia các cuộc diễn hành trên Quảng trường Đỏ ở Mạc Tư Khoa.

Lữ đoàn 331 cũng là nơi giới thiệu chính sách của Nga trong việc thay thế các binh sĩ nghĩa vụ quốc gia bằng các contraktniki – tức là những người chuyên nghiệp được ký hợp đồng tại ngũ. Thành ra, có thể hiểu được lý do các vị tướng phải dành cho lữ đoàn này một vai trò quan trọng trong cuộc xâm lược.

Từ đầu tháng 3, các báo cáo bắt đầu lan truyền về những ca tử vong trong Lữ đoàn 331. Phải mất thời gian để các thi thể được đưa về Kostroma, nơi đặt trụ sở của Lữ đoàn, cách Mạc Tư Khoa 300km về phía đông bắc.

Do sự giấu diếm của Nga, cho đến nay vẫn không rõ lữ đoàn Dù tinh nhuệ nhất của Nga có còn tồn tại hay không. Tuy nhiên, với lễ tang của Tư Lệnh Lữ đoàn, Đại tá Sergei Sukharev, do Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga chủ tọa, Lữ đoàn này đã như rắn mất đầu và mất thêm ít nhất là 39 sĩ quan và binh lính khác.

2. Quân đội Ukraine giành lại quyền kiểm soát toàn bộ lãnh thổ của vùng Kiev

Các lực lượng Ukraine đã giành lại quyền kiểm soát toàn bộ lãnh thổ của khu vực Kiev, Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Hanna Malyar đã cho biết như trên.

“Irpin, Bucha, Gostomel và toàn bộ vùng Kiev - được giải phóng khỏi kẻ xâm lược,” cô nói.

Sau khi các lực lượng Ukraine đã chiếm lại toàn bộ khu vực Kiev, đã có thêm thông tin về những gì đã xảy ra với các cộng đồng trong cuộc xâm lược. Người đứng đầu làng Motyzhin, Olha Sukhenko, bị quân đội Nga bắt cùng gia đình vào ngày 25 tháng 3, được tin là đã chết. Các báo cáo sơ bộ cho thấy gia đình cô ấy cũng được tìm thấy đã chết cùng cô ấy.

Ngoài ra còn có một ngôi mộ tập thể với gần 300 người, các thi thể bị bỏ lại trên đường phố và dân thường bị giết theo kiểu hành quyết, Bộ Quốc phòng Ukraine đã tìm thấy bằng chứng cho thấy quân đội Nga cũng cố gắng thiêu xác một số thường dân đã chết.

Các nhà báo đã chụp được những hình ảnh đáng sợ ở Bucha, một trong những thành phố ở vùng Kiev vừa được quân Ukraine tái chiếm. Ở đây, cũng có các hình ảnh xác nhận báo cáo rằng một số thường dân được tìm thấy đã chết trên đường phố Bucha đã bị giết theo kiểu hành quyết, với tay bị trói và đeo một cái túi trên đầu.

Anatoly Fedoruk, thị trưởng Bucha, nói với AFP rằng thành phố đã chôn 280 người trong một ngôi mộ tập thể. Ông nói, xác chết vứt bừa bãi trên đường phố, một số trẻ mới 14 tuổi. Fedoruk nói: “Tất cả những người này đã bị bắn, bị giết, vào sau ót”.

Nhiều người trong số các thi thể có các băng trắng trên người “chứng tỏ rằng họ không có vũ khí,” ông nói.

Tại làng Novyi Bykiv, cách Kiev khoảng 100 dặm về phía bắc, người ta cho rằng các trẻ em đã được đặt trước xe tăng Nga. Lyudmila Denisova, thanh tra nhân quyền Ukraine cho biết: “Các trường hợp sử dụng trẻ em làm lá chắn được ghi nhận ở các khu vực Sumy, Kiev, Chernihiv, Zaporizhzhia.

Thống đốc Chernihiv Viacheslav Chaus cũng cáo buộc quân đội Nga đặt mìn khi họ rút lui khỏi các vị trí xung quanh thủ đô khu vực.

“Có rất nhiều mìn. Đầy mìn nằm rải rác trong các làng”, ông nói trên truyền hình quốc gia. Trong một số trường hợp, quân Nga gài mìn cả trên thi thể của những người đã chết của cả lính Nga, lẫn thường dân Ukraine.

3. Nga đã ra lệnh cho các trường đại học của họ chuyển tất cả nội dung trên các mạng xã hội về Nga

Nga đã ra lệnh cho các trường đại học của họ phải chuyển tất cả nội dung trên các mạng xã hội, đặc biệt là trên Youtube về nền tảng truyền thông xã hội VK Video của Nga và RuTube, là nền tảng video của Nga.

Google vẫn đang hoạt động ở Nga, mặc dù công ty đã đóng cửa hoạt động kinh doanh quảng cáo tại nước này. Tháng trước, Bloomberg đưa tin, Youtube đã cấm Bộ Quốc phòng Nga sử dụng nền tảng của mình, báo hiệu căng thẳng giữa nền tảng này và chính phủ Nga.

4. Liên Hiệp Quốc phàn nàn về việc Nga phá hủy một cách có hệ thống các di tích lịch sử của Ukraine

Hơn 50 di tích lịch sử, tòa nhà tôn giáo và bảo tàng của Ukraine đã bị hư hại kể từ cuộc xâm lược của Nga vào tháng trước.

Unesco, cơ quan văn hóa của Liên Hiệp Quốc, đã công bố danh sách 53 địa điểm bị hư hại ở miền bắc và miền đông đất nước, trong đó có hơn chục địa điểm ở miền đông Kharkiv, 5 địa điểm ở thủ đô Kiev và 5 địa điểm khác ở vùng Chernihiv, miền bắc Ukraine.

Unesco báo cáo rằng: Nhìn chung, 29 địa điểm tôn giáo, 16 tòa nhà lịch sử, 4 bảo tàng và 4 tượng đài được xác nhận là đã bị hư hại ở Ukraine.

Danh sách này không bao gồm thông tin từ thành phố Mariupol bị bao vây hoặc thành phố Kherson đã bị Nga chiếm đóng.

Một phát ngôn viên của Unesco nói với AFP:

Đây là danh sách mới nhất nhưng không đầy đủ vì các chuyên gia của chúng tôi đang tiếp tục xác minh một số báo cáo.

Cơ quan này đã sử dụng hình ảnh vệ tinh và báo cáo của nhân chứng từ hiện trường để xác minh thông tin do chính quyền Ukraine cung cấp.

Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk nói với hội nghị về các Giáo Hội Đông phương đang diễn ra tại Rôma rằng bình quân có hai nhà thờ bị phá hủy mỗi ngày ở Ukraine, và thậm chí cả các linh mục cũng đang bị giết.

5. Thị trưởng của Kiev yêu cầu các cư dân đã di tản không nên quay trở lại thành phố vì còn nhiều nguy hiểm

Thị trưởng của Kiev, Vitali Klitschko, đã cảnh báo những người chạy trốn khỏi thủ đô của Ukraine khi bắt đầu cuộc chiến với Nga không nên quay trở lại vì “nguy cơ tử vong là khá cao”, ngay cả khi ông đưa ra nhiều sắc lệnh nhằm bình thường hóa cuộc sống ở thủ đô Ukraine, chẳng hạn như, dỡ bỏ một phần lệnh cấm rượu.

Nhà cựu vô địch quyền anh hạng nặng thế giới cho biết ông dự kiến sẽ có “những trận chiến lớn” trong những ngày tới tại các thị trấn vệ tinh và ngoại ô thành phố, nơi mà quân Nga đã nhiều lần cố gắng bao vây nhưng không thành công.

Klitschko nói:

Nguy cơ tử vong là khá cao, và đó là lý do tại sao lời khuyên của tôi cho những ai muốn quay trở lại là: làm ơn, hãy chờ thêm một chút thời gian.

Oleksiy Arestovych, cố vấn chính trị của tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy, cũng lặp lại những lo ngại của thị trưởng.

Ông cho biết các cuộc tấn công của Nga đang tiếp tục diễn ra xung quanh Kiev và thành phố Chernihiv bị bao vây, cách đó 100 dặm về phía bắc, bất chấp tuyên bố từ Điện Cẩm Linh rằng họ rút lui vì tôn trọng các cuộc đàm phán hòa bình đang diễn ra.

Arestovych nói:

Quân đội của chúng tôi đang đuổi truy kích quân Nga cả hai phía tây bắc và đông bắc của Kiev, nhằm đẩy kẻ thù ra khỏi Kiev.

Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ cho biết các hình ảnh vệ tinh cho thấy các lực lượng Nga đang có kế hoạch sử dụng một nhà thờ ở phía tây bắc Kiev làm bệ phóng cho một cuộc tấn công mới.

Các quan chức cho biết:

Chúng tôi tin rằng quân đội Nga đang sử dụng điểm dàn dựng này như một phần của cuộc tấn công vào Kiev.

Ít nhất 2 triệu người - một nửa dân số của thành phố - đã rời khỏi Kiev trong vài tuần đầu tiên của cuộc xung đột khi quân đội Nga tiến đến rìa phía đông bắc của thành phố với ý định tấn công thủ đô và có khả năng cướp chính quyền để dựng nên một chính phủ bù nhìn do Nga điều khiển.

Kế hoạch đó đã thất bại, và việc nới lỏng lệnh cấm bán rượu trong các cửa hàng và ngành khách sạn đã được áp dụng từ ngày thứ Sáu 1 tháng Tư đã mang lại cho người dân ở Kiev một chút bình thường. Theo quy định, rượu có thể được mua trong khoảng thời gian từ 11 giờ sáng đến 4 giờ chiều. Lệnh cấm ban đầu ban đầu được áp dụng do lo ngại gây rối trật tự công cộng.

6. Quốc hội Ukraine phê chuẩn việc quốc hữu hóa tài sản của công dân Nga

Quốc Hội Ukraine, được gọi là Verkhovna Rada, đã thông qua một đạo luật quy định việc quốc hữu hóa tài sản của các công dân Nga, cũng như các công dân Ukraine công khai phủ nhận chiến tranh.

Tổng số 305 nghị sĩ đã bỏ phiếu thông qua Dự luật số 7169 “Về việc áp dụng các sửa đổi đối với luật của Ukraine về các nguyên tắc cơ bản của việc tịch thu bắt buộc ở Ukraine đối với tài sản của Liên bang Nga và người dân của nó.”

Tài liệu làm rõ rằng đối tượng bị quốc hữu hóa tài sản là các cư dân là người Nga (ngoại trừ các pháp nhân) có quốc tịch Nga, cũng như những người không phải là công dân Nga nhưng có mối liên hệ gần gũi nhất với Nga, cụ thể là những người cư trú tại Nga hoặc đang tham gia vào các hoạt động chính ở Nga.

Ngoài ra, theo quyết định của Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Ukraine hoặc tòa án, cư dân Nga có thể bị đánh đồng với các cá nhân hoặc pháp nhân (bất kể quốc tịch, nơi cư trú, địa điểm, tham gia vào các hoạt động lớn hay không, v.v.) nếu công khai phủ nhận hoặc ủng hộ hành động xâm lược vũ trang của Nga đối với Ukraine, cũng như tán thành việc thiết lập và chấp thuận việc chiếm đóng một phần lãnh thổ Ukraine.

Điều khoản này cũng sẽ áp dụng đối với những người không ngừng hoạt động kinh tế trên lãnh thổ của Nga trong thời gian thiết quân luật ở Ukraine.

Những người này cũng sẽ bị cưỡng chế tịch thu tài sản của họ ở Ukraine.

Ngày 3 tháng Ba, Verkhovna Rada đã thông qua luật quy định việc quốc hữu hóa tài sản của Nga ở Ukraine. Cục An ninh Kinh tế đã bắt đầu quốc hữu hóa tài sản trị giá 35 triệu tiền Ukraine của Nga.


Source:UKRInform
 
Các nữ tu nhất định không chịu tiêm phòng, tu viện gặp nguy cơ. Lưu ý của Bộ Phụng Tự về Tuần Thánh
VietCatholic Media
06:03 03/04/2022


1. Một tu viện ở Ý sẽ bị đóng cửa vì phản đối vắc-xin COVID-19

Mẹ bề trên một tu viện Dòng Biển Đức ở Perugia, miền trung nước Ý, đã nói rằng cộng đồng của bà sẽ bị đóng cửa vì các nữ tu phản đối vắc-xin COVID-19.

Tin đồn về việc đóng cửa Tu viện Santa Caterina đã rộ lên kể từ khi có tin tức rằng Vatican đã tiến hành một chuyến thanh tra tông tòa. Nhưng tổng giáo phận địa phương nói với CNA rằng họ không biết gì về khả năng đóng cửa của tu viện.

Trong một cuộc phỏng vấn với trang web Nuova Bussola Quotidiana, Mẹ bề trên nói rằng lý do duy nhất khiến tu viện bị đóng cửa là năm nữ tu nội trú không muốn tiêm phòng.

Mẹ Caterina cho biết: “Ngay sau giữa tháng Hai, đã có chuyến viếng thanh tra tông tòa sau khi báo cáo được gửi đi. Bây giờ chúng tôi đang chờ phản hồi từ Bộ Đời Sống Thánh Hiến Và Các Hiệp Hội Đời Sống Tông Đồ”

Mẹ Caterina nói rằng đã biết về chuyến thăm từ Đức Hồng Y Gualtiero Bassetti, tổng giám mục của Perugia-Città della Pieve, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Ý, nhưng chỉ khi Mẹ đến gặp ngài để xin ký một văn bản. Đức Hồng Y cho biết ngài không biết lý do của chuyến thanh tra tông tòa và chỉ đơn giản là được thông báo rằng chuyến thanh tra sắp diễn ra.

Vị thanh tra tông tòa là Mẹ Bề Trên Cristina Ianni của Dòng Thánh Clara Khó nghèo ở Orvieto.

Tu viện Santa Caterina là một tòa nhà lịch sử. Đó từng là tu viện của Dòng Thánh Clara Khó nghèo vào đầu thế kỷ 13 và ban đầu được dành kính Thánh Giuliana thành Nicomedia. Năm 1649, tu viện được chuyển giao của các nữ tu dòng Dòng Biển Đức của Thánh Caterina thành Vecchia. Từ đó, tu viện được lấy tên như hiện nay là Tu viện Santa Caterina.

Sau khi nước Ý thống nhất vào thế kỷ 19, một phần của tu viện đã được thiết kế lại để có thể làm một nhà máy sản xuất diêm cho các nữ tu mưu sinh.

Theo Mẹ Caterina, không có lời giải thích nào khác cho việc đóng cửa ngoài việc 5 chị em còn lại từ chối tiêm vắc-xin COVID-19.


Source:Catholic News Agency

2. Chủ tịch Hội đồng Giám mục Tây Ban Nha báo động nạn nghèo đói lan rộng mạnh

Đức Hồng Y Juan José Omella, Tổng giám mục Barcelona, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Tây Ban Nha, báo động vì nạn nghèo đói đang lan rộng tại nước này. Riêng tại miền Catalunha, 29.1% dân chúng đang có nguy cơ rơi vào tình trạng bị loại trừ xã hội.

Đức Hồng Y Omella kêu gọi chính quyền điều chỉnh lại những ưu tiên trong các hoạt động chính trị và đừng để bị “xao nhãng” vì vấn đề phụ thuộc trước nạn nghèo đói và chênh lệch xã hội đang gia tăng mạnh.

Trong thư mục vụ, công bố ngày 27 tháng Ba vừa qua, với tựa đề: “Phải chăng là một sự bình thường mới?”, Đức Hồng Y Omella nhận định rằng hai năm đã trôi qua từ đầu đại dịch, trong đó nhiều cố gắng đã được thực hiện để sống với thứ virus nguy hiểm lèo lái chúng ta. Sau nhiều đau khổ và lo âu, nay chúng ta đang bắt đầu trỗi dậy và nhìn thấy con đường phục hồi về cảm xúc và kinh tế, nhưng chiến tranh tại Ucraina lại cản trở chúng ta. Sự bình thường mới mà chúng ta mong đợi từ lâu vẫn chưa tới”.

Đức Hồng Y Tổng giám mục Barcelona cám ơn vì những nghiên cứu y khoa, các biện pháp y tế đã được đề ra và sự can dự của công chúng đã giúp kiểm soát được tình trạng lây bệnh, nhưng ngài cảnh giác rằng: “Chúng ta không thể nhắm mắt trước thực tại mới chúng ta đang phải sống trong đó”.

“Ngoài cuộc khủng hoảng y tế và bao nhiêu mất mát về nhân mạng, đại dịch Covid-19 còn để lại những hậu quả trầm trọng, làm gia tăng tình trạng nghèo đói của nhiều người và đào sâu thêm hố chia cách trong xã hội”.

Đức Hồng Y Omella nhắc đến tình trạng miền Catalunha như một ví dụ cụ thể, Ngài nói rằng hồi năm 2018 có 16.9% dân chúng có nguy cơ bị loại trừ về mặt xã hội, trong năm ngoái, 2021, tỷ lệ này tăng lên 29.1%. Đức Hồng Y cho biết Tổ chức FOESSA do Caritas Tây Ban Nha thành lập năm 1965, đã thực hiện cuộc nghiên cứu sâu rộng về ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 tại Tây Ban Nha và sẽ trình bày các dữ kiện này tại thành phố Barcelona vào ngày 01 tháng Tư tới đây. Kết quả các cuộc điều nghiên này cho thấy tình trạng rất đáng lo âu: “Hàng ngàn người trong tổng giáo phận chúng ta ở trong tình trạng nghiêm trọng bị gạt ra ngoài đề xã hội, điều kiện sống của họ ngày càng đồi tệ, nhất là đối với những người đã ở trong tình trạng rất dễ bị tổn thương trước đại dịch này, công ăn việc làm bấp bênh, khó khăn lớn trong việc tìm nhà ở, v.v.”

Ví dụ, tại giáo phận Barcelona, năm ngoái 33,000 gia đình chịu đói, 360,000 gia đình, tức là một phần ba tổng số gia đình trong giáo phận, không có hoặc không bảo trì được nhà ở xứng đáng, 490,000 người, tức là 18% không mua được thuốc men hoặc bộ phận giả về y tế vì khả năng tài chánh của họ bị suy sụp.

3. Lưu ý của Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích cho các Giám mục và các Hội đồng Giám mục về các cử hành trong Tuần Thánh

Trong các dịp lễ Phục sinh của những năm qua, được đánh dấu bởi hoàn cảnh khó khăn của đại dịch, Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích đã đưa ra những hướng dẫn để giúp các Giám mục trong nhiệm vụ đánh giá các tình huống cụ thể và cung cấp lợi ích thiêng liêng cho các mục tử và tín hữu trong việc cử hành Tuần Thánh, trung tâm của toàn bộ năm phụng vụ.

Trước tình hình mới là đại dịch đang diễn ra chậm lại, mặc dù với tốc độ khác nhau ở các quốc gia riêng lẻ, chúng tôi không có ý định đưa ra bất kỳ hướng dẫn nào thêm cho việc cử hành Tuần Thánh. Kinh nghiệm mà các Hội đồng Giám mục thu được trong những năm gần đây chắc chắn là đủ để đối phó với các tình huống khác nhau theo những cách thích hợp nhất, luôn chú ý tuân thủ các quy tắc nghi lễ có trong các sách phụng vụ.

Do đó, chúng tôi muốn kêu gọi mọi người hãy thận trọng và tránh những hành động và hành vi có thể gây ra rủi ro. Mọi đánh giá và quyết định phải luôn được thực hiện theo thỏa thuận với Hội đồng Giám mục, Hội đồng sẽ xem xét thích đáng các quy định mà các cơ quan dân sự có thẩm quyền của các quốc gia khác nhau thông qua.

Trong những ngày gần đây, Đức Thánh Cha đã liên tục mời gọi chúng ta cầu nguyện, cầu xin Chúa ban cho ân sủng hòa bình cho Ukraine, để “cuộc chiến kinh hoàng” này có thể kết thúc. Cùng với Ukraine, chúng tôi cũng muốn nhắc lại tất cả các cuộc xung đột khác, đáng tiếc là luôn xảy ra rất nhiều, ở nhiều quốc gia trên thế giới, một tình huống mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã mô tả như một cuộc chiến tranh thế giới thứ ba. Trong cử hành kính nhớ cuộc Thương khó Chúa vào Thứ Sáu Tuần Thánh, phụng vụ mời gọi chúng ta nêu lên những lời kêu xin Chúa cho Giáo hội và cho toàn thế giới. Trong lời Cầu bầu Trọng thể, chúng ta sẽ cầu khẩn Chúa cho những người có chức vụ công quyền (lời cầu nguyện thứ chín) xin Thiên Chúa và là Chúa của chúng ta hướng tâm trí và trái tim của họ theo thánh ý của Ngài vì hòa bình thực sự và tự do của tất cả mọi người, và cho những người đang gặp hoạn nạn (lời cầu nguyện thứ 10 ) để tất cả mọi người có thể vui mừng, bởi vì họ được Chúa thương xót trong giờ khắc họ cần đến. Bây giờ chúng ta hãy biến những lời cầu nguyện này thành những lời cầu nguyện của riêng mình cho tất cả anh chị em chúng ta, những người đang trải qua nỗi kinh hoàng của chiến tranh, đặc biệt là ở Ukraine.

Chúng tôi chỉ ra rằng “trong hoàn cảnh công chúng có nhu cầu nghiêm trọng, Giám mục Giáo phận có thể cho phép hoặc bổ sung một ý định đặc biệt” (Missale Romanum, editio typica tertia, p. 314, n. 13).

Cầu xin việc cử hành Lễ Phục sinh mang đến cho mọi dân tộc niềm hy vọng đến từ sự phục sinh của Chúa

Từ Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích, ngày 25 tháng 3 năm 2022, Lễ Trọng Truyền Tin của Chúa.

✠ Arthur Roche

Tổng trưởng

✠ Vittorio Francesco Viola, OFM

Tổng giám mục thư ký
 
Kho dầu Nga bị lần thứ hai, chấn động nhà cửa. Thế giới bàng hoàng trước hành vi của Nga ở Bucha
VietCatholic Media
16:46 03/04/2022


1. Kho dầu của Nga bị lần thứ hai, chấn động nhà cửa

Anton Gerashchenko, một phụ tá của Bộ Nội vụ nước này, cho biết một số hòa tiễn của Nga đã bắn trúng cảng Mykolaiv ở Biển Đen của Ukraine hôm Chúa Nhật.

Các lực lượng Nga đã tấn công các cảng phía nam của Ukraine bao gồm Odesa, Mykolaiv và Mariupol khi họ cố gắng phong tỏa Ukraine không ra được Biển Đen và thiết lập một hành lang trên bộ từ Nga đến Crimea, là bán đảo mà Nga chiếm giữ vào năm 2014.

Reuters đưa tin hai vụ nổ đã được nghe thấy ở thành phố Belgorod của Nga gần biên giới với Ukraine hôm Chúa Nhật, vài ngày sau khi chính quyền Nga cáo buộc lực lượng Ukraine tấn công một kho nhiên liệu ở đó.

Nguyên nhân của các vụ nổ ngay lập tức không được làm rõ. Một người dân cho biết vụ nổ mạnh đến mức làm rung chuyển cửa sổ nhà cô.

2. Bản cập nhật tình hình Ukraine của Bộ Quốc phòng Anh

Bộ Quốc phòng Anh đã đưa ra bản cập nhật sau về tình hình ở Ukraine:

Trong tuần trước, đã có sự tập trung của các hoạt động không quân của Nga về phía đông nam Ukraine, có thể là do Nga tập trung các hoạt động quân sự của mình ở khu vực này.

Bất chấp những nỗ lực không ngừng của Nga nhằm làm giảm khả năng phòng không của Ukraine, Ukraine vẫn tiếp tục đưa ra thách thức đáng kể đối với các hoạt động hỏa tiễn và Phòng không của Nga. Do đó, máy bay Nga vẫn dễ bị tấn công trước các hệ thống phòng không tầm ngắn và tầm trung.

Việc Nga không thể tìm thấy và phá hủy các hệ thống phòng không đã cản trở nghiêm trọng nỗ lực của họ trong việc giành quyền kiểm soát trên không, do đó đã ảnh hưởng đáng kể đến khả năng hỗ trợ tiến công của lực lượng mặt đất trên một số mặt trận.

3. Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Dmytro Kuleba đã kêu gọi tòa án hình sự quốc tế đến Ukraine

Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Dmytro Kuleba đã kêu gọi các phái bộ từ Tòa án Hình sự Quốc tế và các tổ chức quốc tế đến Bucha cũng như các thị trấn và làng mạc khác trong vùng Kiev càng sớm càng tốt để thu thập bằng chứng về việc người Nga phạm tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người.

Ông Kuleba đưa ra lập trường trên vào hôn Chúa Nhật, ngày 3 tháng 4, trong một cuộc phỏng vấn với Đài phát thanh Thời đại của Vương quốc Anh.

Ngoại trưởng Kuleba nói:

“Tôi kêu gọi Tòa án Hình sự Quốc tế và các tổ chức quốc tế cử phái bộ của họ đến Bucha cũng như các thị trấn và làng mạc đã được giải phóng khác trong khu vực Kiev để thu thập tất cả bằng chứng về tội ác chiến tranh của Nga với sự hợp tác chặt chẽ nhất có thể với các cơ quan thực thi pháp luật Ukraine”,

Ông nói thêm rằng Bộ Ngoại giao Ukraine đã gửi một yêu cầu tương ứng lên Tòa án Hình sự Quốc tế.

Ông nhấn mạnh rằng bằng chứng này sẽ được sử dụng tại các tòa án quốc tế và nước ngoài để đưa ra công lý những kẻ đã thực hiện những hành vi tàn bạo này.

Ông cũng nói về những tội ác hàng loạt của quân đội Nga ở Ukraine, bao gồm giết người, tra tấn, cướp bóc, hãm hiếp và lưu ý rằng hàng trăm thường dân đã bị giết bởi những quân xâm lược Nga.

“Chúng tôi vẫn đang thu thập và tìm kiếm các thi thể, nhưng đã có hàng trăm thi thể. Xác chết nằm la liệt trên đường phố. Quân đội Nga đã giết hại dân thường khi ở trong những ngôi làng và thị trấn này và trong khi rút lui

Theo Kuleba, không thể tưởng tượng được điều này ở thế kỷ 21, nhưng “nó đang diễn ra trước mắt chúng ta.”

Ông nói: “Nga còn khốn nạn hơn bọn khủng bố Hồi Giáo IS”.

Kuleba nhấn mạnh rằng việc đưa thủ phạm ra trước công lý là vấn đề của cuộc đời ông, ông sẽ đấu tranh cho đến hơi thở cuối cùng.

4. Phản ứng của quốc tế đối với tội ác của quân Nga

Đại sứ Israel tại Ukraine Michael Brodsky cho biết ông vô cùng sốc trước việc quân đội Nga sát hại thường dân ở Bucha một cách quá ghê tởm.

“Thật sự bị sốc trước những bức ảnh từ Bucha. Giết thường dân là một tội ác chiến tranh và không thể biện minh được”, đại sứ Israel viết trên Twitter.

Các báo cáo trước đó nói rằng một ngôi mộ tập thể đã được tìm thấy ở Bucha, một thị trấn phía tây bắc thủ đô Kiev của Ukraine, nơi chôn cất gần 300 người, với hàng chục thi thể nằm la liệt trên đường phố, một số bị trói tay.

AFP đưa tin, Chính phủ Đức hôm Chúa Nhật cũng lên án vụ sát hại dân thường ở thị trấn Bucha của Ukraine là “tội ác chiến tranh khủng khiếp” và kêu gọi các biện pháp trừng phạt mới của Liên Hiệp Âu Châu đối với Nga.

Robert Habeck, phó thủ tướng và bộ trưởng kinh tế, nói với tờ Bild của Đức một ngày sau khi thi thể của gần 300 thường dân được tìm thấy trong các ngôi mộ tập thể sau khi quân đội Nga rút đi.

“Tôi nghĩ rằng cần tăng cường các biện pháp trừng phạt. Đó là những gì chúng tôi đang chuẩn bị với các đối tác Liên Hiệp Âu Châu của mình,” Ông Habeck nói thêm.

Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock cho biết những hình ảnh từ Bucha là “quá sức kinh khủng”.

Chủ tịch Ủy ban Liên Hiệp Âu Châu, Ursula von der Leyen, cho biết bà “kinh hoàng” trước các báo cáo về “sự khủng khiếp không thể diễn tả” ở những khu vực mà Nga đã rút quân và cho biết cần phải khẩn trương điều tra độc lập.

Hôm Chúa Nhật, một nhóm nhân quyền hàng đầu cho biết họ đã ghi lại những gì họ mô tả là “tội ác chiến tranh quá rõ ràng” do lực lượng quân sự Nga thực hiện chống lại dân thường ở Ukraine.

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Human Right Watch ra thông báo cho biết họ đã phát hiện “một số trường hợp lực lượng quân đội Nga vi phạm luật chiến tranh” tại các khu vực do Nga kiểm soát như Chernihiv, Kharkiv và Kiev

Tuyên bố, được công bố tại Warsaw, được đưa ra một ngày sau khi thi thể các thường dân thiệt mạng được tìm thấy nằm rải rác trên các đường phố của thị trấn Bucha của Ukraine, ba ngày sau khi quân đội Nga rút lui sau một tháng chiếm đóng khu vực phía tây bắc của Kiev.

5. Cuộc gặp gỡ trực tiếp giữa Putin và Zelenskiy có thể sẽ diễn ra ở Thổ Nhĩ Kỳ

Interfax Ukraine đang đưa tin rằng Thổ Nhĩ Kỳ có khả năng là nơi mà Vladimir Putin và tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy sẽ gặp nhau để đàm phán hòa bình.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã gọi điện cho Putin và Zelenskiy hôm thứ Sáu “và xem ra đã nhận được sự đồng ý của cả hai rằng họ sẵn sàng sắp xếp một cuộc gặp trong tương lai gần”, nhà đàm phán David Arakhamia cho biết.

Diễn biến này cho thấy Putin đã nhận thức được khả năng quân sự của Nga không thể đạt được các tham vọng của ông ta. Chỉ mới đầu tuần này, khi được hỏi về khả năng có một cuộc gặp gỡ trực tiếp giữa Tổng thống Zelenskiy và Putin, Ngoại trưởng Nga nói chuyện đó còn quá xa vời.

Theo Reuters, các cuộc đàm phán trong vài ngày qua đã gặp khó khăn, trong đó Điện Cẩm Linh nói rằng một trong những mục tiêu của “cuộc hành quân đặc biệt” ở Ukraine là khôi phục các trạng thái của Donetsk và Luhansk trong biên giới được đàm phán vào năm 2014.

Trong khi đó, nhà đàm phán hàng đầu của Ukraine nói rằng Mạc Tư Khoa đã đồng ý “bằng lời nói” với các đề xuất quan trọng của Ukraine, AFP đưa tin.

Dưới đây là một số chi tiết khác từ AFP:

Nhà đàm phán David Arakhamia nói với các kênh truyền hình Ukraine rằng bất kỳ cuộc gặp nào giữa Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Tổng thống Nga Vladimir Putin đều “có khả năng cao” sẽ diễn ra tại Thổ Nhĩ Kỳ.

“Liên bang Nga đã đưa ra câu trả lời chính thức cho tất cả các lập trường, đó là họ chấp nhận lập trường Ukraine, ngoại trừ vấn đề Crimea (bị Nga sáp nhập vào năm 2014),” Arakhamia nói.

Ông nói rằng trong khi “không có xác nhận chính thức bằng văn bản”, phía Nga đã nói như vậy “bằng lời nói”.

Arakhamia cho biết Mạc Tư Khoa đã đồng ý trong các cuộc đàm phán rằng một cuộc trưng cầu dân ý về quy chế trung lập của Ukraine “sẽ là cách duy nhất để thoát khỏi tình trạng này”.

Khi được hỏi điều gì sẽ xảy ra nếu người Ukraine bỏ phiếu chống lại quy chế trung lập cho đất nước, Arakhamia cho biết “chúng tôi hoặc sẽ trở lại tình trạng chiến tranh, hoặc quay trở lại các cuộc đàm phán mới.”

Điện Cẩm Linh luôn cố ép Ukraine phải áp dụng quy chế trung lập.

6. Ukraine cho biết các trận chiến nặng nề đang diễn ra ở phía nam và phía đông

Cố vấn tổng thống Ukraine Oleksiy Arestovych cho biết các trận chiến khốc liệt đang diễn ra ở các khu vực phía đông và phía nam của Ukraine và đặc biệt là ở thành phố Mariupol đang bị bao vây.

Phát biểu trên kênh truyền hình quốc gia, Arestovych cho biết quân đội Ukraine xung quanh Kiev đã chiếm lại hơn 30 thị trấn và làng mạc trong khu vực và đang trấn giữ chiến tuyến chống lại lực lượng Nga ở phía đông.

“Chúng ta đừng ảo tưởng - vẫn còn những trận chiến nặng nề ở phía nam, ở Mariupol, ở phía đông Ukraine,” ông nói.

Những điểm chính của Arestovych là:

Quân đội Ukraine đã chiếm lại hơn 30 khu định cư ở khu vực Kiev từ lực lượng Nga

Quân đội Ukraine đang trấn giữ tiền tuyến ở phía đông

Những trận chiến khốc liệt đang diễn ra ở phía đông, phía nam và Mariupol

Hôm qua, một nhóm 2,000 người đã thoát ra khỏi thành phố Mariupol bị bao vây của Ukraine sau khi tự mình đi đến Berdyansk gần đó. Một đoàn xe buýt gồm 42 chiếc do chính phủ Ukraine tổ chức và được sự hộ tống của Hội Chữ thập đỏ đã đưa những người tụ tập ở thành phố Berdyansk do Nga chiếm đóng gần đó đến thành phố Zaporizhzhia do Ukraine quản lý vào chiều thứ Sáu.

Lực lượng Nga đã cho phép các phương tiện vượt qua, đây là một bước đột phá nhỏ sau thất bại của một số nỗ lực di tản trước đó. Những người trên xe buýt đã rời Mariupol đến Berdyansk mà không cần hỗ trợ, sau đó họ được phép rời khỏi lãnh thổ do Nga kiểm soát.

Các nhà chức trách Kiev nhắc lại hôm thứ Sáu rằng không có đoàn xe viện trợ hoặc di tản nào được phép đến Mariupol. Hàng trăm người tị nạn Ukraine cũng đã vượt qua biên giới từ Shehyni của Ukraine đến Medyka, Ba Lan, vì các thành phố như Kharkiv và Mariupol ở phía đông cạn kiệt nguồn cung cấp.

7. Trung Quốc bị cáo buộc tấn công các mạng của Bộ Quốc Phòng Ukraine trước cuộc xâm lược của Nga

Theo một báo cáo của tờ Times, Trung Quốc đã hiệp đồng tác chiến với Nga trong cuộc xâm lược Ukraine. Điện tặc Trung Quốc đã tiến hành các cuộc tấn công mạng vào các mục tiêu quân sự và hạt nhân của Ukraine ngay trước khi Nga xâm lược.

Chính phủ Anh xác nhận rằng Trung tâm An ninh mạng Quốc gia đang điều tra các cáo buộc, trong đó cho rằng hơn 600 trang web, bao gồm cả các trang của Bộ Quốc phòng Ukraine, đã bị hàng nghìn nỗ lực tấn công do chính phủ Trung Quốc điều phối.

Người phát ngôn của chính phủ Vương quốc Anh cho biết: “Trung tâm An ninh mạng Quốc gia đang điều tra những cáo buộc này với các đối tác quốc tế của chúng tôi”.

Các tuyên bố dựa trên các bản ghi nhớ tình báo mà Times thu được. Tuy nhiên, cơ quan an ninh Ukraine, gọi tắt là SBU, vào tối thứ Sáu Ukraine cho rằng họ không cung cấp bất kỳ thông tin nào về các cuộc tấn công bị cáo buộc.

SBU nói thêm: “Chúng tôi không liên quan gì đến những phát hiện của tờ Times. Cơ quan An ninh Ukraine hiện không có dữ liệu về vấn đề này và không có cuộc điều tra nào đang được tiến hành”.

Jamie MacColl, một thành viên nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia Anh, cho biết những nỗ lực được báo cáo dường như phù hợp với một chiến thuật của Trung Quốc nhằm quét các lỗ hổng trong cơ sở hạ tầng, chẳng hạn như tường lửa và mạng ảo.

“Điều này nghe có vẻ tương đối thường xuyên đối với tôi, nếu đúng. Một số nhóm Trung Quốc đã được yêu cầu thu thập thông tin tình báo về cuộc xung đột Ukraine. Cơ quan an ninh thu thập thông tin để thông báo chính sách. Và đó là những gì dường như đã xảy ra trong trường hợp này.”

Tờ Times cho biết một loạt bản ghi nhớ tình báo, được cho là do một quốc gia khác chuẩn bị, nêu chi tiết quy mô của vụ tấn công và bao gồm các mục tiêu hạt nhân, được tường trình đạt đến đỉnh cao vào ngày 23 tháng 2, một ngày trước cuộc xâm lược của Nga.

Vào ngày 18 tháng 3, Tổng thống Mỹ, Joe Biden, đã cảnh báo Tập Cận Bình, về “hậu quả” nếu Trung Quốc hỗ trợ vật chất cho Nga trong cuộc xâm lược”.

Ông Tập và ông Vladimir Putin đã gặp nhau tại Bắc Kinh khi bắt đầu Thế vận hội mùa đông vào tháng 2 và đưa ra một tuyên bố chung nói rằng mối quan hệ giữa hai nước là “không có giới hạn”. Ông Tập và ông Putin cũng nói rõ trong tuyên bố rằng họ phản đối bất kỳ sự mở rộng nào của Nato.

Ciaran Martin, giáo sư tại trường Blavatnik của chính phủ thuộc Đại học Oxford và là cựu lãnh đạo cơ quan tình báo Anh, gọi tắt là NCSC, cho biết: “Chúng ta nên hết sức thận trọng về vấn đề này trong hai lĩnh vực. Đầu tiên, có một sự khác biệt quan trọng giữa gián điệp kỹ thuật số và tấn công gây rối. Trên cơ sở thông tin được công bố công khai, xem ra đây chỉ là vấn đề gián điệp kỹ thuật số.”

“Thứ hai, không có bất kỳ bằng chứng nào được công bố công khai ám chỉ sự thông đồng giữa Trung Quốc và Nga. Tất nhiên, thêm vào điều này bây giờ, là lời từ chối chính thức từ Cơ quan An ninh Ukraine. Cần thêm nhiều dữ kiện nhưng hiện tại chúng ta không nên vội vàng kết luận”.

8. Anh: Các cuộc tấn công vào dân thường ở Ukraine 'phải bị điều tra là tội ác chiến tranh'

Ngoại trưởng Anh, Liz Truss, cho biết các cáo buộc tấn công dân thường trong cuộc xâm lược Ukraine phải được điều tra là tội ác chiến tranh, Ngoại trưởng Anh Liz Truss cho biết, đồng thời cho biết thêm rằng Anh sẽ hoàn toàn ủng hộ bất kỳ động thái nào như vậy của tòa án hình sự quốc tế.

“Khi quân đội Nga buộc phải rút lui, chúng tôi đang thấy ngày càng nhiều bằng chứng về những hành động kinh hoàng của các lực lượng xâm lược ở các thị trấn như Irpin và Bucha,” Truss nói trong một tuyên bố, khi đề cập đến các thị trấn gần Kiev.

“Các cuộc tấn công bừa bãi của họ nhằm vào dân thường vô tội trong cuộc xâm lược bất hợp pháp và phi lý của Nga vào Ukraine phải bị coi là tội ác chiến tranh”.

Trước đó, Nga đã phủ nhận việc nhắm mục tiêu vào dân thường và bác bỏ các cáo buộc về tội ác chiến tranh trong cái mà nước này gọi là “cuộc hành quân đặc biệt” ở Ukraine
 
Tông Du Malta: Cuộc gặp gỡ cầu nguyện tại Đền thờ Quốc gia Ta Pinu ở Gozo
VietCatholic Media
16:50 03/04/2022

Như chúng tôi đã đưa tin, lúc 08:30 sáng thứ Bẩy 2 tháng Tư, Đức Thánh Cha đã khởi hành bằng máy bay từ phi trường quốc tế Fiumicino của Rôma để đến Sân bay quốc tế Malta

Lúc 11:50 Đức Thánh Cha đã có một bài diễn văn trong cuộc gặp gỡ với chính quyền dân sự và ngoại giao đoàn.

Sau khi nghỉ trưa tại Tòa Sứ thần Tòa Thánh, lúc 15:50, Đức Thánh Cha sẽ dùng một chiếc giang tốc đỉnh để di chuyển từ cảng chính của Valletta đến cảng Mgarr ở Gozo vào lúc 17g.

Lúc 17:30, Đức Thánh Cha đã có cuộc gặp gỡ cầu nguyện tại Đền thờ Quốc gia Ta 'Pinu ở Gozo. Trong bài giảng tại đây, Đức Thánh Cha nói:

Đứng dưới chân Thánh Giá của Chúa Giêsu có Mẹ Maria và thánh Gioan. Người Mẹ đã sinh ra Con Thiên Chúa đang khóc thương cái chết của Người, ngay cả khi bóng tối bao trùm thế giới. Người môn đệ yêu quý, người đã từ bỏ mọi sự đi theo Người, giờ đây đứng thinh lặng dưới chân vị Tôn sư bị đóng đinh trên thập giá. Mọi sự dường như đã mất, đã hết, vĩnh viễn. Mang lấy trên mình vết thương của nhân loại, Chúa Giêsu cầu nguyện: “Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?” (Mt 27,46; Mk 15,34). Đây cũng là lời cầu nguyện của chúng ta vào những lúc đau khổ. Ông bà Sandi và Domenico thân mến, nó là lời cầu nguyện chân thành mà ông bà thưa với Thiên Chúa mỗi ngày. Cảm ơn tình yêu kiên trì và chứng tá đức tin của ông bà!

Tuy nhiên “giờ” của Chúa Giêsu, trong Tin Mừng thánh Gioan là giờ chết của Người trên thập giá, không có nghĩa là sự kết thúc của lịch sử. Nhưng nó đánh dấu sự khởi đầu của một sự sống mới. Đứng trước Thánh giá, chúng ta chiêm niệm tình yêu thương xót của Chúa Kitô, Đấng mở rộng vòng tay của Người để ôm lấy chúng ta và bằng cái chết của mình, Người mời gọi chúng ta đến với niềm vui của sự sống vĩnh cửu. Vào giờ cuối cùng đó, sự sống mới mở ra trước chúng ta; từ giờ của sự chết đó, một giờ khác, tràn đầy sự sống, được bắt đầu. Đó là thời gian của Giáo hội. Bắt đầu với hai người đứng bên dưới Thánh giá, Chúa sẽ quy tụ một dân tộc tiếp tục đi trên những nẻo đường quanh co của lịch sử, mang trong lòng mình sự an ủi của Thánh Linh, để lau khô nước mắt của nhân loại.

Thưa anh chị em, từ đền thánh Ta’ Pinu này, chúng ta có thể cùng nhau chiêm ngắm sự khởi đầu mới đã diễn ra trong “giờ” của Chúa Giêsu. Ở đây, thay cho tòa nhà lộng lẫy mà chúng ta thấy ngày nay, chỉ có một nhà nguyện nhỏ trong tình trạng đổ nát. Việc phá hủy nó đã được quyết định: nó dường như là dấu chấm hết. Tuy nhiên, một loạt các sự kiện sẽ xoay chuyển tình thế, như thể Chúa cũng muốn nói với dân tộc này rằng: “Chẳng ai còn réo tên ngươi: 'Đồ bị ruồng bỏ!' Xứ sở ngươi hết bị tiếng là 'Phận bạc duyên đơn.' Nhưng ngươi được gọi: 'Ái khanh lòng Ta hỡi!' Xứ sở ngươi nức tiếng là 'Duyên thắm chỉ hồng'“ (Is 62,4). Ngôi nhà thờ nhỏ bé ấy đã trở thành đền thánh quốc gia, là điểm đến của những người hành hương và là nguồn sống mới. Jennifer thân mến, bạn đã nhắc nhở chúng tôi về điều này: ở đây, nhiều người phó thác những đau khổ và niềm vui của họ cho Đức Mẹ và tất cả đều cảm thấy được chào đón. Thánh Gioan Phaolô II - hôm nay kỷ niệm ngày ngài qua đời - cũng đã hành hương đến đây. Một nơi từng bị nghĩ rằng đã bị bỏ rơi, thì giờ đây làm sống lại đức tin và hy vọng trong dân Chúa.

Dưới ánh sáng này, chúng ta hãy thử đánh giá cao ý nghĩa của “giờ” của Chúa Giêsu đối với cuộc sống của chúng ta. Giờ cứu độ đó cho chúng ta biết rằng, để canh tân đức tin và sứ mạng chung của chúng ta, chúng ta được mời gọi trở về nguồn cội, trở về với Giáo hội sơ khai mà chúng ta nhìn thấy dưới chân Thánh giá được thể hiện qua Mẹ Maria và Thánh Gioan. Quay trở lại những nguồn gốc đó có nghĩa là gì? Quay lại từ đầu nghĩa là gì?

Đầu tiên, nó có nghĩa là khám phá lại những điều cốt yếu trong đức tin của chúng ta. Quay trở lại với Giáo hội sơ khai không có nghĩa là quay lại và cố gắng tái tạo mô hình Giáo hội của cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi. Chúng ta không thể “bỏ qua lịch sử”, như thể Chúa chưa bao giờ nói hoặc thực hiện những điều vĩ đại trong đời sống của Giáo hội trong những thế kỷ sau đó. Nó cũng không có nghĩa là lý tưởng thái quá, nghĩ rằng trong cộng đoàn đó không có khó khăn; trái lại, chúng ta đọc thấy rằng các môn đệ đã tranh luận và thậm chí tranh cãi với nhau, và họ không phải lúc nào cũng hiểu được những lời dạy của Chúa. Ngược lại, quay trở lại nguồn cội có nghĩa là tìm lại tinh thần của cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi, trở về với trọng tâm và khám phá lại cốt lõi của đức tin: mối quan hệ của chúng ta với Chúa Giêsu và việc rao giảng Tin Mừng cho toàn thế giới của Người. Đó là những điều cần thiết!

Thật vậy, sau “giờ” Chúa Giêsu chết, các môn đệ đầu tiên, như bà Maria Mađalena và Gioan, sau khi nhìn thấy ngôi mộ trống, với sự phấn khích tột độ đã vội vã trở về loan báo tin mừng Chúa Phục Sinh. Sự đau buồn của họ ở chân thập giá đã biến thành niềm vui mừng khi họ loan báo Chúa Kitô đã sống lại. Tôi cũng nghĩ đến các tông đồ, về những người mà Kinh Thánh đã viết: “Mỗi ngày trong đền thờ và tại tư gia, họ không ngừng giảng dạy và loan báo Tin Mừng về Đức Kitô Giêsu” (Cv 5,42). Mối quan tâm chính của các môn đệ của Chúa Giêsu không phải là uy tín của cộng đoàn hoặc các thừa tác viên của cộng đoàn, địa vị xã hội hoặc những điểm tốt đẹp trong việc thờ phượng của nó. Không. Họ được thúc giục để rao giảng và làm chứng cho Tin Mừng của Chúa Kitô (Rm 1,1).

Thưa anh chị em, Giáo hội Malta có thể giới thiệu một lịch sử phong phú mà từ đó có thể rút ra những kho tàng mục vụ và tâm linh tuyệt vời. Tuy nhiên, đời sống của Giáo hội - chúng ta hãy luôn ghi nhớ điều này - không bao giờ chỉ là “một quá khứ để tưởng nhớ”, nhưng là một “tương lai tuyệt vời để xây dựng”, luôn tuân theo các kế hoạch của Thiên Chúa. Một đức tin được tạo thành từ những truyền thống đã được tiếp nhận, những cử hành long trọng, những lễ hội phổ biến và những khoảnh khắc mạnh mẽ và đầy cảm xúc là không thể đủ; chúng ta cần một đức tin được xây dựng và không ngừng đổi mới trong cuộc gặp gỡ cá nhân với Chúa Kitô, trong việc lắng nghe lời Người hằng ngày, trong việc tham gia tích cực vào đời sống của Giáo hội và trong lòng đạo đức bình dân đích thực.

Sự khủng hoảng đức tin, sự thờ ơ thực hành tôn giáo, đặc biệt là hậu quả của đại dịch, và sự dửng dưng của nhiều người trẻ đối với sự hiện diện của Chúa: đây không phải là những vấn đề mà chúng ta nên “coi nhẹ” và nghĩ rằng, xét cho cùng, vẫn còn một tinh thần tôn giáo nào đó tồn tại. Đôi khi, các công trình kiến trúc có thể mang tính tôn giáo, nhưng bên dưới những hình dáng bên ngoài, đức tin đang phai nhạt dần dần. Không phải vẻ đẹp đẽ của phẩm phục tôn giáo lúc nào cũng tương ứng với một đức tin sống động được đánh dấu bằng lòng nhiệt thành loan báo Tin Mừng. Chúng ta cần đảm bảo rằng các thực hành tôn giáo không bị thu hẹp thành việc lặp lại quá khứ, nhưng vẫn là biểu hiện của một đức tin sống động, cởi mở, truyền bá niềm vui của Tin Mừng.

Tôi biết rằng, với Thượng Hội đồng, anh chị em đã bắt đầu một tiến trình canh tân và tôi cảm ơn anh chị em vì điều này. Thưa anh chị em, bây giờ là lúc quay trở lại với điểm khởi đầu đó, dưới chân Thánh giá, và nhìn vào cộng đồng Kitô hữu sơ khai. Để là một Giáo hội quan tâm đến tình bạn với Chúa Giêsu và việc rao giảng Tin Mừng của Người, chứ không phải tìm kiếm chỗ đứng và sự chú ý; một Giáo hội tập trung vào việc làm chứng, chứ không phải một số phong tục tôn giáo nhất định; một Giáo hội mong muốn đi ra gặp gỡ mọi người với ngọn đèn Tin Mừng đang cháy sáng, chứ không là một vòng tròn khép kín. Đừng sợ khởi hành, như bạn đã làm, trên những con đường mới, thậm chí có thể là những con đường đầy rủi ro, để loan báo Tin Mừng và rao giảng điều sẽ thay đổi cuộc sống.

Vì vậy, một lần nữa chúng ta hãy hướng đến nguồn cội, hướng về Mẹ Maria và thánh Gioan dưới chân Thánh giá. Tại chính cội nguồn của Giáo hội là hành động trao phó các ngài cho nhau. Chúa trao phó cho mỗi người chăm sóc người khác: thánh Gioan cho Đức Maria và Đức Maria cho thánh Gioan, kết quả là “kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình” (Ga 19,27). Quay trở lại ban đầu cũng có nghĩa là phát triển nghệ thuật chào đón. Những lời của Chúa Giêsu trên Thánh giá, nói với Mẹ Người và với thánh Gioan, kêu gọi chúng ta làm cho việc chào đón trở thành dấu ấn của người môn đệ. Thật vậy, đây không phải đơn giản là một hành động cảm thương, theo đó, Chúa Giêsu đã giao Mẹ của Người cho thánh Gioan để Mẹ không đơn độc sau khi Người qua đời. Ngược lại, việc thánh Gioan chào đón Đức Maria vào nhà ngài là một dấu hiệu cụ thể cho thấy chúng ta nên sống điều răn cao trọng nhất, giới răn yêu thương, như thế nào. Việc thờ phượng Thiên Chúa được thực hiện qua sự gần gũi với anh chị em của chúng ta.

Trong Giáo hội, tình yêu huynh đệ và việc chúng ta chào đón tha nhân quan trọng biết bao! Chúa nhắc nhở chúng ta điều này vào “giờ” của thập giá, khi tín thác cho Đức Maria và thánh Gioan chăm sóc lẫn nhau. Người kêu gọi cộng đồng Kitô hữu ở mọi thời đại đừng quên ưu tiên này: “Này là con bà”, “Này là Mẹ của anh” (cc. 26.27). Như thể Người đã nói: “Anh em đã được cứu bởi cùng một dòng máu, anh em là một gia đình, vì vậy hãy chào đón nhau, yêu thương nhau, chữa lành vết thương cho nhau.” Hãy dẹp bỏ những nghi ngờ, chia rẽ, đồn thổi, đàm tiếu và ngờ vực. Hãy là một “thượng hội đồng”, hay nói cách khác, là “bước đi cùng nhau”. Bởi vì Thiên Chúa hiện diện ở bất cứ nơi nào tình yêu ngự trị!

Anh chị em thân mến, việc đón tiếp lẫn nhau, không phải vì hình thức thuần túy nhưng nhân danh Chúa Kitô, vẫn mãi là một thách đố. Một thách đố, trước hết là đối với các mối quan hệ trong Giáo hội của chúng ta, vì việc truyền giáo của chúng ta sẽ sinh hoa trái nếu chúng ta cùng nhau làm việc trong tình bạn và tình hiệp thông huynh đệ. Anh chị em là hai cộng đồng xinh đẹp, Malta và Gozo, giống như Đức Maia và thánh Gioan là hai người! Vậy thì, ước gì những lời của Chúa Giêsu trên Thánh giá trở thành sao Bắc Đẩu hướng dẫn anh chị em đón tiếp nhau, nuôi dưỡng sự thân thiết và làm việc trong sự hiệp thông! Hãy tiến về phía trước, luôn luôn cùng nhau!

Nhưng việc chào đón cũng là phép thử để đánh giá xem Giáo hội đã thấm nhuần tinh thần Tin Mừng đến mức độ nào. Đức Maria và thánh Gioan chấp nhận nhau không phải trong nơi ấm áp của Phòng Tiệc Ly, mà là dưới chân thập giá, nơi nghiệt ngã, nơi người ta bị kết án và bị đóng đinh như các tội phạm. Chúng ta cũng không thể chào đón nhau trong các mái ấm của những ngôi nhà thờ đẹp đẽ, trong khi bên ngoài rất nhiều anh chị em của chúng ta phải đau khổ, bị đóng đinh bởi nỗi đau, sự nghèo đói và bạo lực. Quốc gia của anh chị em nằm ở vị trí địa lý trọng yếu, nhìn ra Địa Trung Hải; đất nước của anh chị em giống như một thỏi nam châm và là cánh cổng cứu rỗi cho những người bị áp đặt bởi những thử thách của cuộc sống, những người, vì nhiều lý do, bước lên bờ biển của anh chị em. Chính Chúa Kitô, Đấng hiện ra với anh chị em trong gương mặt của những người đàn ông và phụ nữ đáng thương này. Đó là kinh nghiệm của thánh tông đồ Phaolô; sau vụ đắm tàu kinh hoàng, ngài đã được tổ tiên của anh chị em chào đón niềm nở. Như chúng ta đọc thấy trong sách Công vụ Tông đồ, “người dân địa phương... đốt một đống lửa và tiếp đón tất cả chúng tôi, vì trời đã bắt đầu mưa và lạnh”(Cv 28,2).

Đây là Tin Mừng mà chúng ta được mời gọi thực hiện: chào đón người khác, trở thành “chuyên gia về lòng nhân đạo” và thắp lên ngọn lửa yêu thương dịu dàng cho những người nếm trải sự đau đớn và khắc nghiệt của cuộc sống. Trong trường hợp của thánh Phaolô cũng vậy, một điều gì đó quan trọng đã nảy sinh từ trải nghiệm ấn tượng đó, nhờ đó thánh Phaolô rao giảng Tin Mừng và sau đó, nhiều nhà giảng thuyết, các linh mục, các nhà truyền giáo và các nhân chứng đã theo bước chân ngài. Tôi muốn thêm một lời tri ân đặc biệt đến họ: đến nhiều nhà truyền giáo người Malta, những người đã truyền bá niềm vui của Tin Mừng trên khắp thế giới, đến nhiều linh mục, tu sĩ nam nữ và tất cả anh chị em. Như Đức cha Teuma đã nói, anh chị em là một hòn đảo nhỏ, nhưng có trái tim vĩ đại. Anh chị em là một kho báu trong Giáo hội và cho Giáo hội. Để bảo tồn kho báu đó, anh chị em phải trở về với bản chất của Kitô giáo: với tình yêu của Thiên Chúa, động lực của niềm vui của chúng ta, điều khiến chúng ta đi ra và dong duổi các nẻo đường của thế giới; và với sự tiếp đón, tình yêu tha nhân, là bằng chứng đơn giản nhất và hấp dẫn nhất mà chúng ta có thể trình bày với thế giới.

Cầu xin Chúa đồng hành với anh chị em trên hành trình này, và xin Đức Thánh Trinh Nữ hướng dẫn bước đường của anh chị em. Xin Đức Mẹ, Đấng đã yêu cầu chúng ta cầu nguyện ba kinh “Kính Mừng”, nhắc nhở chúng ta về tấm lòng mẫu tử của Mẹ, nhen nhóm trong lòng chúng ta, những người con của Mẹ, ngọn lửa truyền giáo và ước muốn chăm sóc cho nhau. Xin Đức Mẹ phù hộ cho anh chị em!

Lúc 18:45, Đức Thánh Cha khởi hành bằng giang tốc đỉnh từ cảng Mgarr về Valletta. Ngài sẽ cập vào cảng Cirkewwa lúc 19:30 và di chuyển bằng xe hơi về Tòa Sứ thần Tòa Thánh ở Rabat.