Ngày 03-04-2009
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
02:14 03/04/2009
THÁI QUÁ CŨNG HẠI NHƯ BẤT CẬP

N2T


Một vị đệ tử tràn đầy một quả tim cuồng nhiệt muốn đi dạy người khác về “chân lý”, đến trưng cầu ý kiến của sư phụ, sư phụ chỉ nói: “Đợi chút xíu.”

Mỗi năm vị đệ tử ấy đều đề xuất ra vấn đề ấy, và mỗi năm câu trả lời của sư phụ cũng vẫn là: “Đợi chút xíu.”

Một hôm, anh ta nhịn không được bèn chất vấn sư phụ: “Xét cho cùng phải đợi đến lúc nào thì con mới đủ tư cách để dạy người khác ?”

Sư phụ trả lời: “Đợi đến lúc lòng nhiệt thành muốn làm thầy người khác của con giảm bớt.”

(Trích: Huệ nhãn thiền tâm)

Suy tư:

Thời nào cũng thế, có một số người rất muốn làm thầy đời lên mặt dạy người khác, bởi vì cái tôi của họ thì lớn hơn sự khiêm tốn và to hơn cả đức ái, vì thế nên ở đâu có những hạng người này thì ở đó sẽ có sự xáo trộn, và làm cho mọi chuyện trở nên rối rắm.

Lòng nhiệt thành dạy người khác về chân lý là tốt, nhưng khi quá nhiệt thành thì sẽ không tránh khỏi những sai lầm và bất cập, cho nên khi lòng nhiệt thành bới đi mà tinh thần vẫn yêu thích dạy thì đó là một điều hay và có ý nghĩa, bởi nếu dạy người khác vì lòng nhiệt thành thái quá đến khi lòng nhiệt thành không còn nữa thì sinh ra chán nản, chán nản sinh ra lười biếng, lười biếng sinh ra mỏi mệt, và cuối cùng thì bỏ cuộc...

Giáo dục cần phải có thời gian lâu dài, nếu chỉ nhiệt tình nhất thời thì không làm gì được cả, và có khi phản tác dụng...
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
02:15 03/04/2009
N2T


128. Nếu con người ta không biết làm việc cách thứ tự, thì loại không biết này có thể quấy nhiễu đến thành tích của công đức.

(Thánh Ambrosius)
 
Mỗi ngày một câu Cách Ngôn
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
02:17 03/04/2009
N2T


73. Bí quyết thành công của cuộc sống là khi cơ hội đến, thì lập tức nắm bắt nó ngay.

 
Suy niệm thứ sáu tuần thánh
LM. Inhaxiô Trần Ngà
02:23 03/04/2009

Suy niệm thứ sáu tuần thánh: Chết vì yêu



Xưa kia có một vị hoàng đế rất giàu sang và cũng rất đại lượng. Vua rộng ban vàng bạc châu báu cho tất cả những ai làm đẹp lòng vua. Thế là nịnh thần mọc lên như nấm khắp triều đình.

Các hoàng tử thì xu nịnh với hy vọng được vua cha ban cho ngai vàng. Các quan trong triều đình thì nịnh bợ để được thêm nhiều bỗng lộc hoặc được thăng quan tiến chức. Ai cũng huênh hoang cho rằng mình hết lòng trung nghĩa với vua, sẵn sàng hiến mạng sống để bảo vệ nhà vua, sẵn sàng chết thay cho vua bất cứ lúc nào.

Nhà vua vốn là người đơn sơ tốt bụng, dễ tin vào những lời nịnh hót nên đã ban phát cho họ bỗng lộc dồi dào khiến ngân khố của triều đình cạn kiệt.

Cả triều đình chỉ có quan ngự y là người trung nghĩa. Ông đã nhiều lần can gián, thuyết phục vua đừng tin bè lũ xu nịnh, nhưng vua chẳng chịu nghe.

Ngày nọ, vua lâm trọng bệnh thập tử nhất sinh, tính mạng nhà vua chỉ còn được đếm từng giờ. Quan ngự y tâu trình vua là bệnh của vua chỉ có thể chữa lành nếu một vị hoàng tử nào đó hiến tặng trái tim mình làm thuốc cho vua.

Nghe tin nầy loan ra, các hoàng tử trong cung trốn biệt!

Khi không thể tìm được trái tim của hoàng tử làm thuốc, nhà vua hỏi quan ngự y xem có thể sử dụng tim của một người khác làm thuốc được không. Quan ngự y trả lời nếu không có trái tim của hoàng tử thì ít ra phải dùng trái tim của các vị quan lớn trong triều.

Nghe tin đó, các quan lớn rồi các quan nhỏ trong triều đều biệt tăm.

Túng quá, thôi thì dùng tạm trái tim của công chúa, của lính hầu cũng được. Nghe tin đó, cả công chúa, cả lính hầu, cả hàng trăm thê thiếp không còn ai lai vãng trong cung điện nữa. Cung điện thường ngày nhộn nhịp người ra kẻ vào để cầu xin ân huệ, giờ nầy vắng lặng như bãi tha ma!

Hoá ra, chính quan ngự y đã khéo dàn dựng kịch bản lấy tim làm thuốc để chứng tỏ cho vua thấy rằng chẳng có ai trên đời nầy, ngay cả những người thân yêu nhất, chịu hy sinh mạng sống vì vua!

Cuộc đời là thế! Không mấy ai trên đời có lòng yêu thương đủ lớn đến độ dám hy sinh trái tim của mình để cứu mạng người khác, cho dù người đó là cha mẹ hay ân nhân của mình.

Vậy mà có một Đấng vô cùng cao cả không chỉ cống hiến trái tim mà còn trao ban toàn bộ cuộc đời và hiến dâng cả mạng sống trên thập giá để cứu mạng cho cả những kẻ phản bội mình.

“Như ông Mô-sê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời. Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Gioan 3, 14-16)

Tình Chúa yêu thương loài người thật cao vời khôn ví. “Không có tình yêu nào cao cả bằng tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu mình” (Gioan 15,13)

Tình thương đã khiến Thiên Chúa Ngôi Hai “trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế” (Philip 2,7) để chia sẻ thân phận con người, mang lấy tội lỗi của muôn người và chịu chết để đền tội thay cho họ.

“Tội lỗi của chúng ta, chính Người đã mang vào thân thể mà đưa lên cây thập giá, để một khi đã chết đối với tội, chúng ta sống cuộc đời công chính. Vì Người phải mang những vết thương mà anh em đã được chữa lành” (1 Pr 2, 21-24)

***

Ôi, Chúa Giê-su, tình thương của Ngài thật bao la! Chúa thương chúng con hết lòng, hết sức, trên hết mọi sự nên đã trao ban tất cả vì chúng con.

Chúng con xin cúi mình thẳm sâu để cảm tạ tình thương Chúa.

Chúng con nguyện ghi sâu dấu ấn yêu thương của Chúa tận đáy lòng.

Chúng con quyết đem hết tình yêu mọn hèn của chúng con để đáp trả tình yêu cao vời của Chúa, nguyện hiến dâng cuộc đời còn lại để báo đền cuộc sống của Chúa đã trao hiến vì chúng con.
 
Qua đau khổ Thánh Giá, tới vinh quang Phục Sinh
LM. Trần Bình Trọng
06:08 03/04/2009
QUA ÐAU KHỔ THÁNH GIÁ, TỚI VINH QUANG PHỤC SINH

Chúa Nhật Lễ Lá tưởng niệm cuộc Thương Khó của Chúa, Năm B
Is 50:4-7; Pl 2:6-11; Mc 14:1 – 15:47


Vào những ngày cuối đời tại thế, Ðức Giêsu bị Giuđa phản bội, nộp Thầy mình để đổi lấy ba mươi đồng bạc (Mt 26:15). Nghĩ đến viễn tượng đau khổ và tử nạn Người sắp phải chịu, Ðức Giêsu đi ra Núi Cây Dầu cầu nguyện. Cầu nguyện xong thì Giuđa, kẻ phản bội dẫn một toán vệ binh Đền thờ đến bắt Ðức Giêsu bằng một dấu hiệu là nụ hôn. Ðể bảo vệ Thầy mình, một người trong nhóm các tông đồ tuốt gươm chém đứt tai phải tên đầy tớ của thượng tế (Mc 14:46). Phúc âm Nhất lãm không nêu danh người chém. May thay, Phúc âm thánh Gioan có xác định là ông Phêrô chủ động và nêu danh cả viên đầy tớ bị chém là Man-khô nữa (Ga 18:10).

Nói đến việc chém đứt tai tên đầy tớ, thì có linh mục kia từ khi vào chủng viện trung học cứ thắc mắc: Sao thánh Phêrô chém kiểu nào mà chỉ làm đứt tai tên đầy tớ thôi, mà không làm bị thương vai hay cổ? Hay phải dịch là xẻo tai? Mà xẻo tai thì lại không thực tế trong trường hợp này. Ðể xẻo, thì một tay cần phải cầm tai của tên đầy tớ, còn tay kia cầm gươm để xẻo thì mới có điểm tựa. Nếu vậy, đối phương thấy đau sẽ vùng vẫy để tẩu thoát. Còn nếu nhờ các tông đồ khác kìm kẹp hắn lại để thực hiện việc xẻo, thì cũng không giúp được gì, bởi vì vệ binh Đền thờ đi bắt Ðức Giêsu thế nào cũng phải đông hơn và có khí giới lợi hại hơn để áp đảo nhóm Mười Một.

Trở lại việc chém đứt tai thì linh muc đó lý luận: Nếu thánh Phêrô bổ thẳng từ trên xuống dưới thì thế nào cũng làm bị thương vai của tên đầy tớ. Nếu chém chéo, thì không những làm đứt tai mà còn làm bị thương cả đầu hay cổ nữa. Nếu tai cụp gần vào đầu thì lại càng khó chém. Có lẽ tên đầy tớ có tai vảnh ra như tai lừa nên mới dễ chém như vậy. Dầu sao đi nữa, linh mục đó cũng kết luận rằng thánh Phêrô phải có võ thuật, nhất là làm nghề chài lưới ở biển hồ Tibêria thì càng phải biết võ mà đề phòng hải tặc, nếu có. Như vậy khi chém tên đầy tớ, thánh Phêrô đã phải dùng thiên giác để cho thanh gươm dừng lại ở điểm nào đó cho khỏi làm bị thương cổ hoặc vai của tên đầy tớ. Nói cách khác, thánh Phêrô phải dùng trí óc để điều khiển thần kinh, rồi thần kinh phối trí với nhãn quan và bắp thịt cánh tay để điều khiển hướng đi của thanh gươm, cho gươm dừng lại ngay trước vai. Như thế thánh Phêrô chỉ chém để cảnh cáo nhóm người đến bắt Thầy mình như là ngụ ý nói với chúng: Tụi bay đừng có đụng đến Thầy của chúng ta nghe không, kẻo phải ăn đòn như thế này. May thay, Phúc âm thánh Luca có ghi lại việc Chúa chữa tên đầy tớ: Người sờ vào tai tên đầy tớ mà chữa lành (Lc 22:51).

Như vậy đường lối của Ðức Giêsu khác với đường lối loài người. Ðường lối của Ðức Giêsu là vâng phục thánh ý Chúa Cha cho nên Người bảo Phêrô dừng lại và xỏ gươm vào bao (Mt 26:52). Hãy tưởng tượng xem những đau khổ về thân xác và tâm hồn mà Chúa phải chịu vào những ngày cuối đời. Một tông đồ thân tín phản bội bằng một nụ hôn, tông đồ khác chối Thầy. Số còn lại thì lẩn trốn như trạch, không dám xuất đầu lộ diện để khỏi bị liên lụy. Có một chàng trai đi theo Đức Giêsu, thấy nguy cơ, liền trút tấm vải che thân, tẩu thoát, mình trần như nhộng (Mc 14:51-52). Những nhà chú giải Thánh kinh đưa ra nhận định: chàng trai đó chính là thánh sử Mác-cô. Nếu theo nhận định của những nhà chú giải Thánh kinh về căn tính của chàng thanh niên tẩu thoát, mình trần trụi, thì tình tiết trần truồng có thể được giải thích như sau. Đức Giêsu và các tông đồ có lẽ ăn bữa Vượt qua tại nhà thân mẫu ông Mác-cô, trong một căn lầu, rộng rãi, có trường kỉ như Người đã chỉ bảo (c. 12). Khi Chúa Giêsu và các tông đồ xuống lầu đi ra vườn Gét-sê-ma-ni, Mác-cô ở dưới lầu nghe hay nhìn thấy – có lẽ vữa tắm xong - cũng đi theo, vội lấy khăn bằng vải gai khoác vào người cho đỡ lạnh - lạnh vì ông Phêrô phải ngồi gần lửa mà sưởi (c. 54).

Philatô thấy Ðức Giêsu không làm chi đáng tội cho nên muốn tha cho Người, nhưng lại nể dân. Còn dân chúng thì nhạo báng, vu oan, khinh rể và xúc phạm đến Chúa. Họ cứ khăng khăng đòi đóng đinh Chúa. Vì áp lực, Philatô đã phải nhượng bộ cho đóng đinh Chúa.

Trên thập giá, chỉ có ba cái đinh giữ xác Chúa lại, chứ người ta không cột chân tay Chúa vào thập giá, và không có bệ đỡ chân Chúa đâu. Ða số những cây thập giá mà người ta làm để tôn kính thì thấy có bệ dốc. Mà bệ dốc bốn mươi lăm độ như vậy thì cũng không đỡ được chân Chúa khỏi trụt xuống. Ðóng đinh ai trên thập giá là một hình phạt của tội nhân. Với hình phạt xưa kia khi chưa có phong trào nhân quyền bảo vệ phạm nhân, người ta đâu có quan tâm đến việc làm cho tội nhân đỡ đau đớn bằng cách đặt bệ chân đâu? Cho nên thân xác kéo ghì xuống, làm vết thương ở hai cổ tay và hai chân toạc ra, đau nhức, và xương sườn bị giãn ra. Máu cùng nước trào ra từ tay chân và cạnh sườn. Ðau đớn, nhức nhối, kiệt sức và ngộp thở mà chết!

Ðừng tưởng rằng những đau khổ mà Chúa phải chịu không là gì vì Người là Thiên Chúa. Không phải vậy đâu. Chúa Giêsu cũng là người. Và Chúa chịu đau khổ và chịu chết với tư cách là người. Ðức Giêsu không phải là năm mươi phần trăm Chúa và năm mươi phần trăm người cộng lại. Nơi Ðức Giêsu có 100% Chúa và 100% người. Ai chủ trương nơi Ðức Giêsu chỉ có 50% thiên tính và 50% nhân tính cộng lại là rối đạo. Ðức Giêsu là Chúa hoàn toàn và trọn vẹn. Ðức Giêsu cũng là người hoàn toàn và trọn vẹn, ngoại trừ tội lỗi. Với tư cách là Chúa, Ðức Giêsu không thể chịu đau khổ và chịu chết được. Còn với tư cách là người, Ðức Giêsu cũng sợ đau khổ và sợ chết. Vì thế mà Ðức Giêsu đã xin với Thiên Chúa Cha - nếu có thể được - cho Người khỏi uống chén đắng, nghĩa là khỏi chịu đau khổ và chịu chết, nhưng Người cũng xin vâng theo thánh ý Chúa Cha (Mc 14:36). Và Ðức Giêsu đã chịu đau khổ tột bậc.

Phúc âm hôm nay ghi lại, vào giờ sầu khổ trong vườn cây dầu: Người bắt đầu cảm thấy hãi hùng xao xuyến (Mc 14:33). Rồi Người nói với các môn đệ: Tâm hồn Thầy buồn đến chết được (Mc 14:34). Phúc âm thánh Luca ghi thêm: Và mồ hôi Người như những giọt máu rơi xuống đất (Lc 22:44). Sầu khổ hay khổ nạn theo nguyên tự Hy ngữ mà La ngữ gọi là agonia. Theo Ronald Rolheiser thì vào thời Đức Giêsu, agonia là từ ngữ mà giới thể tháo gia dùng để làm ấm hay làm nóng thân thể cho ra mồ hôi để tranh giải ô lim pích. Theo nghĩa này thì thánh sử Luca muốn nói trong giờ khổ nạn Chúa cũng cầu nguyện, chiến đấu với nội tâm đến toát mồ hôi ra để sửa soạn cho bản án đóng đinh trên thập gía (1).

Ðức Giêsu xin với Thiên Chúa Cha cho Người khỏi phải uống chén đắng, nghĩa là khỏi phải chịu khổ và chịu chết. Tuy nhiên Người cũng xin vâng theo thánh ý Chúa Cha. Ðức Giêsu đã phải đồng hoá mình với người tôi tớ chịu đau khổ của Giavê Thiên Chúa trong sách ngôn sứ Isaia hôm nay: Tôi đã đưa lưng cho người ta đánh đòn, giơ má cho người ta giật râu. Tôi đã không che mặt khi bị mắng nhiếc phỉ nhổ (Is 50:6). Còn thánh Phaolô thì ghi lại về Ðức Giêsu như sau: Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập giá (Pl 2:8).

Nếu việc suy niệm về cuộc thương khó và khổ hình của Ðức Giêsu không khơi dậy được tâm tình sám hối về tội lỗi mình và khóc thương Chúa, thì nên đi coi phim: The Passion of the Christ của Mel Gibson. Những học giả Thánh kinh cho rằng đó là cảnh diễn tả khá trung thực việc quân lính đánh đòn Chúa. Ðó là hình phạt mà các thể chế có pháp lý thời Chúa Giêsu tại miền Trung Đông dùng để phạt phạm nhân. Hình phạt phạm nhân của những thể chế chịu ảnh hưởng Hồi giáo đời nay, xuất phát từ Trung Ðông, vẫn dùng roi da để cho lí hình có vai u thịt bắp quật vào phạm nhân.

Trong rạp coi phim The Passion of the Christ, mà nhậy cảm, ta sẽ thấy nước mắt mình tuôn trào ra làm ướt đẵm hai gò má. Ta sẽ nhận ra chính tội lỗi mình đã khiến Chúa bị đóng đinh. Rồi sẽ thấy mình ngậm ngùi khóc thương Chúa trên đường ra về. Kín đáo hơn thì có thể khóc thầm từ rạp hát tới lúc mở cửa vào xe. Rồi cũng sẽ thấy mình bớt phạm tội.

Chúa Giêsu đã chịu chết không phải chỉ cho nhân loại tội lỗi xa xưa. Chúa còn chịu khổ hình và chịu chết cho tội lỗi mỗi người để ta được sống. Vậy thì trong Mùa chay ta đã làm gì để đền bù tội lỗi? Ta đã làm gì để nhổ gai nhọn nhận vào đầu Chúa hay ta đã đóng thêm gai nhọn và đinh sắt vào đầu và mình Chúa? Ta đã làm gì để an ủi Chúa và an ủi những người xấu số là hình ảnh và là hiện thân của Thân thể Màu nhiệm của Chúa: đói khát, rách rưới, đau yếu, bệnh tật, tù đầy, vô gia cư, vô nghề nghiệp? Hay ta chỉ phàn nàn, than thân trách phận và còn kêu trách Chúa?

Lời cầu nguyện của kẻ sám hối:

Lạy Ngôi Hai Thiên Chúa làm người!
Vì tội lỗi nhân loại và cả tội riêng con,
mà Chúa phải chịu khổ hình và chịu chết,
đau đớn và ô nhục trên thập giá.
Con xin sám hối ăn năn tội lỗi con:
những tội con đã xúc phạm đến Chúa,
và những tội xúc phạm đến anh chị em
là thân thể Mầu nhiệm của Chúa.
Xin Chúa thương xót thứ tha
để con được sống lại về phần linh hồn.
Với Chúa PHỤC SINH. Amen.


________________________
1. Dựa theo Ronald Rolheiser trong Catholic Update. Cincinnati, Ohio: St Anthony Messenger Press, February 2008
 
Cách chiến thắng mặt trận văn hóa
Vũ Văn An
06:56 03/04/2009
Cách chiến thắng mặt trận văn hóa

Muốn thắng một trận chiến, ta phải biết ba điều cần thiết sau đây: biết mình đang có chiến tranh, biết kẻ thù của mình là ai và biết phải dùng vũ khí hay chiến thuật nào để thắng kẻ thù ấy. Muốn thắng trận chiến văn hóa, ta cũng cần biết rõ ba điều ấy.

Đang có chiến tranh

Nhiều người, kể cả những nhà trí thức hàng đầu, vẫn chưa hay thế giới chúng ta sống hiện đang trải qua một cơn khủng hoảng. Tờ Time, chẳng hại, vẫn không ngần ngại chạy một bài báo ngoài bìa với một câu hỏi hết sức lạc quan: Tại sao mọi sự cứ mỗi ngày một tốt hơn lên? Tại sao ngày nay cuộc sống lại tốt đẹp đến thế? Tại sao ai cũng thấy mình thỏa mãn đến thế về phẩm chất cuộc sống?

Đọc kỹ bài báo mới hay mọi khía cạnh đời sống, mọi lý do được nêu ra đều thuộc phạm vi kinh tế. Con người ta giầu hơn. Chỉ có thế. Có lẽ Time cũng chỉ là một thứ Playboy có mặc quần áo. Đối với Playboy chính hiệu, đời chỉ là một nhà thổ vĩ đại. Đối với thứ Playboy có mặc quần áo, đời chỉ là một nhà băng khổng lồ. Đối với cả hai, mọi sự thẩy đều mỗi ngày mỗi tốt đẹp hơn lên.

Khổ một nỗi, chứng cớ khoa học đang chối bỏ thứ Triết Lý Của Heo đó: thống kê cho thấy tự tử, cái chỉ số bất hạnh đập thẳng vào mặt con người hơn cả ấy, trực tiếp tỷ lệ thuận với sự giầu có. Bạn càng giấu có, gia đình bạn càng có của, xứ sở bạn càng thịnh vượng, thì dường như bạn càng có nhiều cơ hội hơn để quyết định tự đập vỡ sọ mình.

Kể từ những ngày hạnh phúc của thập niên 1950 đến nay, tỷ lệ tự tử của người lớn đã gia tăng 5000%. Nếu tự tử không phải là chỉ số của khủng hoảng, nhất là đối với thế hệ đang tới, thì chả còn điều gì khác. Đêm đen đang dần dần buông. Điều mà Chuck Colson gọi là “Thời Đen Tối Mới” đang ló dạng. Nhiều ‘tiên tri’ đã từng cảnh giác chúng ta từ lâu. Cách nay 150 năm, Kierkegaard nói về nó trong The Present Age; cách nay 100 năm, Spengler nhắc đến nó trong The Decline of the West; 70 năm trước đây, Aldous Huxley nói đến nó trong Brave New World; và 40 năm trước đây, C. S. Lewis nói đến nó trong The Abolition of Man. Chính các vị giáo hoàng của chúng ta cũng đã nói về nó từ lâu. Đức Lêô XIII, Đức Pi-ô IX, Đức Pi-ô X và nhất là Đức Gioan Phaolô II, vị giáo hoàng được coi là con người vĩ đại nhất của thế giới, con người vĩ đại nhất của thế kỷ tồi tệ nhất. Không như Ronald Reagan, người từng gọi đế quốc Cộng Sản là “đế quốc tội ác”, Đức Gioan Phaolô II gọi chúng ta là “văn hóa sự chết”. Chúng ta đây là Mỹ, là Ý, nơi có tỷ xuất sinh thấp nhất, và Ba Lan, nơi đang ngang ngửa thế giới về nạn diệt sinh phá thai.

Chắc chắn Đấng Thiên Chúa của Thánh Kinh, Đấng Thiên Chúa của Israel, Đấng Thiên Chúa của cô nhi quả phụ, Đấng bênh vực kẻ không tự bênh vực được mình này, không thể làm ngơ những kẻ chạy theo văn hóa sự chết kia, những kẻ thỏa hiệp hay làm ngơ cái thứ văn hóa giết người ấy.

Nhưng có người bảo: Người không phải là Đấng hay tha thứ đấy ư? Đúng là Chúa hay tha thứ. Nhưng kẻ không biết ăn năn đâu có tiếp nhận tha thứ. Làm sao một kẻ duy tương đối về luân lý lại chịu tiếp nhận tha thứ? Làm sao một anh Biệt Phái lại chịu tiếp nhận ơn cứu độ?

Nhưng há Thiên Chúa không có lòng sót thương đó hay sao? Người đâu có sót thương Moloch và Baal cũng như Ashtaroth và những người Ca-na-an sẵn sàng thờ phụng chúng. Họ khiến “con cái họ phải bước qua lửa”. Có lẽ chỉ có Thiên Chúa của bạn sót thương bọn chúng, Đấng Thiên Chúa trong mộng mơ của bạn, Đấng Thiên Chúa trong “sở thích tôn giáo” của bạn, chứ không phải Đấng Thiên Chúa đã được mạc khải trong Thánh Kinh.

Có người lại cho rằng: há Thiên Chúa của Thánh Kinh đã không tự mạc khải một cách trọn vẹn và sau hết trong Tân Ước hơn là trong Cựu Ước đó sao? Trong Chúa Giêsu ngọt ngào và dịu dàng hơn là trong Đấng Giavê đầy giận dữ và hiếu chiến đó sao? Mang hai thực tại ấy chống chọi nhau là lạc giáo, giống bọn Ngộ Đạo, Ma-ni-kê và Mac-xiô-nít xưa kia. Vì “Ta với Cha Ta là một”. Mang Chúa Giêsu nhân hậu ra chống chọi với Giavê dữ dằn là chối bỏ chính yếu tính của Kitô giáo, bởi căn tính của Đức Kitô chính là Con Thiên Chúa. Cả thần học lẫn khoa sinh vật học của ta đều cho rằng: cha nào con nấy.

Nhưng há Thiên Chúa chẳng phải là người yêu hơn là dũng sĩ hay sao? Không, Thiên Chúa là người yêu mà người yêu này là một dũng sĩ. Câu hỏi trên hình như không hiểu tình yêu là gì. Yêu là gì thì Chúa là thế ấy. Yêu là chống lại thù hận, phản bội, vị kỷ, và mọi kẻ thù của tình yêu. Yêu là tranh đấu. Hãy hỏi bất cứ người làm cha mẹ nào. Tình híp-pi, cũng như tình mèo chuột (puppy-love), có thể chỉ là “cảm thương” (compassion, kiểu nói thời thượng hiện nay), nhưng tình cha và tình mẹ chắc chắn là tình tranh đấu.

Trên thực tế, Sách Thánh sáng loáng lưỡi gươm, từ Sáng Thế 3 tới Khải Huyền 20. Con đường từ Địa Đàng Đã Mất tới Địa Đường Tìm Lại loang đầy máu. Và ở tâm điểm của lịch sử là một cây thập tự, biểu hiệu của chống đối. Đề tài về một cuộc chiến đấu thiêng liêng không bao giờ vắng bóng trong Sách Thánh, cũng như không bao giờ vắng bóng trong cuộc đời và trước tác của một vị thánh nào. Nhưng ngày nay, người ta ít thấy nó trong chương trình giáo dục tôn giáo dành cho các thanh thiếu niên. Cho nên khi nghe nói tới cuộc chiến đấu ấy, người trẻ đều im lặng, ngẩn tò te như đang đi vào một thế giới khác. Họ còn phải ngẩn tò te hơn nữa. Họ cần phải vượt qua cái thứ áo khoác nhung lụa của tâm lý học giả danh tôn giáo để bước vào thế giới thực nơi họ gặp mặt Chúa Kitô Vua, chứ không phải một Chúa Kitô dưới lốt Mèo Con.

Vậy thì cái văn hóa sự chết kia từ đâu mà đến? Peter Kreeft, giáo sư triết tại Boston College, trả lời: từ đây, từ những nước có nền văn minh Kitô giáo lâu đời như Mỹ. Nước Mỹ là trung tâm của văn hóa sự chết. Nước Mỹ là siêu cường văn hóa duy nhất của thế giới. Siêu cường ấy từng bị thế giới Hồi Giáo mệnh danh là “Xatan Vĩ Đại”. Peter Kreeft cho rằng danh hiệu ấy không hẳn sai.

Tuy nhiên, nước Mỹ có một nền tảng công chính nhất, hợp luân lý nhất, khôn ngoan nhất, hợp thánh kinh nhất trong lịch sử và trong hiến pháp của mình. Nước Mỹ là một trong những nước có lòng đạo nhất trên thế giới. Giáo Hội tại Mỹ vừa lớn, vừa giầu, lại vừa tự do nữa. Nhưng, nếu Chúa còn thương Giáo Hội của Người ở Mỹ, chẳng chóng thì chầy, Người cũng sẽ làm cho giáo hội ấy ra nhỏ bé, nghèo nàn và chịu bách hại, giống như Israel xưa, ngõ hầu giữ cho nó sinh động. Nếu Người còn thương ta, Người sẽ tỉa xén ta, làm ta chẩy máu, và máu tử đạo một lần nữa sẽ trở thành hạt giống gieo mầm Kitô hữu, nhờ thế, mùa xuân thứ hai sẽ xuất hiện, nhưng không thể không đổ máu. Mùa xuân ấy không bao giờ xuất hiện mà không có máu, không có hy sinh và không có đau khổ. Việc tiếp nối công trình của Chúa Kitô, nếu đúng là công trình của Người chứ không phải là thứ công trình êm ái giả mạo, không bao giờ diễn tiến được mà không có Thánh Giá.

Ở đây, thiển nghĩ chúng ta không chỉ nói tới cái chết của nền văn minh Tây Phương. Việc ấy không đáng lo bao nhiêu. Nhưng là cái chết phần hồn. Biết bao linh hồn sẽ sa hỏa ngục. Đó là vấn đề chính trong cuộc chiến này: không phải chỉ là việc liệu nước Mỹ có trở thành một nước lạc hậu, sống nhờ (banana republic) hay không, hay liệu nước Mỹ có quên khuấy mất Shakespeare hay không, hay cả việc liệu những tên khủng bố hạch nhân có hủy diệt cả hàng nửa dân số hoàn cầu hay không, nhưng đúng hơn là liệu con cháu ta có được thấy Chúa vĩnh viễn hay không. Peter Kreeft bảo: đó mới là điều ta phải tranh đấu trong trận chiến giữa Hồ Ly Vọng và Mỹ Quốc. Biết mình đang có chiến tranh là bước đầu thắng cuộc chiến tranh ấy.

Biết kẻ thù mình là ai

Kẻ thù ta là ai? Chắc chắn không phải là người Thệ Phản. Gần nửa thiên niên kỷ nay, nhiều người trong chúng ta vẫn nghĩ kẻ thù của mình là những người lạc giáo Thệ Phản, cho nên đã giải quyết tình trạng ấy bằng cách gửi thân xác họ ngoài mặt trận và gửi linh hồn họ xuống hỏa ngục. Dư âm của ‘chiến thuật’ ấy hình như vẫn còn nghe được rất rõ ở Ái Nhĩ Lan. Nhưng dần dần, ánh sáng đã lộ rõ: người Thệ Phản không phải là kẻ thù của ta, họ là “anh em phân cách” của ta, họ sẽ chiến đấu với ta.

Chắc chắn không phải là người Do Thái. Gần hai ngàn năm nay, nhiều người trong chúng ta vẫn nghĩ và vẫn làm những điều không giống Chúa Kitô chút nào cho “cha ông ta trong đức tin” đến nỗi khiến người Do Thái không nhận ra Thiên Chúa của họ, Thiên Chúa đích thực, ở trong ta.

Cũng chẳng phải người Hồi Giáo, là người đôi khi còn trung thành với nửa-Chúa Kitô của họ hơn là chúng ta trung thành với trọn Chúa Kitô của mình, và là người thường sống cuộc sống hợp với Thiên Chúa bằng cách dựa vào Sách Thánh và vị tiên tri có thể sai lầm của họ hơn là chúng ta tự hào dựa vào Sách Thánh và Đấng Tiên Tri không thể nào sai lầm của mình. Cũng chẳng phải người Mormons, Chứng Nhân Giêhôva hay người Quakers.

Kẻ thù ta cũng chẳng phải là “phe tự do”. Vì một đàng, hạn từ này uyển chuyển đến gần như vô nghĩa. Đàng khác, nó là một hạn từ chính trị, chứ không phải một hạn từ tôn giáo. Những gì tốt hay xấu đối với chủ nghĩa duy tự do của chính trị chẳng phải là nguyên nhân hay thuốc chữa cho căn bệnh thiêng liêng của ta hiện nay. Cuộc chiến thiêng liêng không do việc gia tăng hay giảm bớt chi phiếu trợ cấp xã hội quyết định.

Kẻ thù của ta không phải là những người kỳ thị Công Giáo chỉ muốn đóng đinh chúng ta. Vì họ là những người ta đang cố gắng cứu vớt. Họ là bệnh nhân của ta, chứ không phải là căn bệnh của ta. Lời ta nhắn với họ là lời sau đây của Chúa Kitô: “Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm”. Ta ngỏ lời ấy với những nhà độc trị cộng sản Trung Hoa, từng giam cầm và bách hại người Công Giáo, và với các tên khủng bố Hồi Giáo người Sudan từng nô dịch và sát hại người Công Giáo. Họ không phải là kẻ thù của ta, vì cả họ nữa cũng là bệnh nhân của ta. Ta là các y tá của Chúa Kitô. Bệnh nhân tưởng các y tá là kẻ thù của họ, nhưng các y tá biết tốt hơn thế.

Kẻ thù của ta cũng chẳng phải là cơ quan truyền thông của văn hóa sự chết, không phải Ted Turner (sáng lập CNN), hay Larry Flynt (sáng lập tạp chí khiêu dâm Hustler), hay Howard Stern (xướng ngôn viên đắt giá nhất của truyền thanh Mỹ), Disney hoặc Time-Warner (phim ảnh). Họ nữa cũng chỉ là nạn nhân, bệnh nhân, mặc dù đang phá phách bệnh viện, chuốc độc các bệnh nhân khác. Mà ngay những tên chuốc độc cũng là các bệnh nhân của ta. Các người tranh đấu cho đồng tính luyến ái, những mụ phù thủy duy nữ và ngay những người chủ trương phá thai cũng thế. Nếu ta là chi thể của Chúa Kitô, ta phải đi vào cống rãnh, lượm lặt các người đang hấp hối về phương diện thiêng liêng và ôm hôn những người đang phỉ nhổ ta. Nếu tự bản thân thể lý không vào được cống rãnh, ta nên đi vào các cống rãnh thiêng liêng, bất cứ nơi nào cần đến, ta đều phải đi vào.

Kẻ thù ta không phải là những người lạc giáo ngay trong lòng Giáo Hội, những ông bà “Công Giáo phòng trà”, những ông bà “Công Giáo họ Kennedy”, những ông bà Công Giáo “làm theo kiểu riêng tôi”. Cả họ nữa cũng là các bệnh nhân của ta, dù họ là những người đào ngũ, phản bội (Quislings). Họ là nạn nhân của kẻ thù ta, không phải là kẻ thù của ta.

Kẻ thù ta không phải là các thần học gia trong những phân ngành tự mệnh danh là thần học Công Giáo, những người sẵn sàng bán rẻ linh hồn đổi lấy 30 đồng bạc tài trợ và chuộng tiếng vỗ tay của chúng bạn hơn là lời khen của Thiên Chúa. Cả họ nữa, cũng là các bệnh nhân của ta. Kẻ thù ta cũng không phải là số ít các linh mục và cả giám mục nữa sẵn sàng làm ứng viên cho ta cột Cối Đá của Chúa Kitô vào cổ, những người Biệt Phái tân thời. Họ cũng là nạn nhân, cần được chữa trị.

Hai kẻ thù

Vậy ai mới là kẻ thù của ta? Có hai trả lời cho câu hỏi này. Mọi vị thánh và giáo hoàng trong lịch sử Giáo Hội đều cùng đưa ra hai câu trả lời này, vì hai câu này lấy từ Lời Chúa bằng giấy là Tân Ước và từ Lời Chúa bằng thịt là chính Chúa Giêsu Kitô. Tuy nhiên, hai câu trả lời ấy ít được ai biết đến. Thực vậy, câu trả lời đầu tiên hầu như ngày nay không được ai nhắc đến nữa. Peter Kreeft bảo rằng trong đời ông, ông chưa nghe được một bài giảng nào hay một nhà thần học Công Giáo nào nhắc đến kẻ thù này. Kẻ thù ấy chính là ma qủy. Các thiên thần sa ngã. Các thần xấu. Chúa Giêsu Kitô nói thế này: “Các con đừng sợ những người giết được thân xác các con, nhưng sau đó, không còn khả năng gì trên các con nữa. Ta cho các con hay phải sợ ai. Phải sợ kẻ có khả năng hủy diệt cả thân xác lẫn linh hồn trong hoả ngục”. Thánh Phêrô, vị giáo hoàng thứ nhất, nói như sau: “Ma qủy, giống con sư tử gầm thét, đang rảo khắp thế gian tìm cách hủy hoại các linh hồn. Hãy chống lại nó, hãy bền vững trong đức tin”. Còn Thánh Phaolô thì viết rằng: “Chúng ta không vật lộn với thịt và máu, mà với các vương quốc và lực lượng sự ác trên cao”.

Kẻ thù thứ hai còn đáng sợ hơn kẻ thù thứ nhất, vì nó nằm ngay trong ta. Qủy dữ còn ở bên ngoài, chứ kẻ thù này ở ngay trong linh hồn ta. Đó là tội lỗi. Mọi tội lỗi đều là việc làm của Ma Qủy dù nó thường dùng xác thịt và thế gian làm khí cụ. Tội là mời Ma Qủy vào linh hồn. Và chính ta làm việc ấy. Đó là lý do duy nhất giúp nó có thể thực hiện được công trình ghê tởm của nó; Thiên Chúa sẽ không để nó thực hiện công trình ấy nếu không có sự thuận tình tự do của ta.

Vũ khí hay chiến thuật

Đây là lý do tại sao Giáo Hội trở nên yếu ớt và thế giới trở thành hấp hối: vì chúng ta không thánh thiện. Vũ khí để ta đánh thắng cuộc chiến vì thế chính là sự thánh thiện. Bạn có thể tưởng tượng điều gì sẽ xẩy ra cho thế giới, nếu ta có thêm 12 Mẹ Têrêxa nữa? Bạn có thể tưởng tượng điều gì sẽ xẩy ra nếu lúc này ta có được 12 người dâng cho Chúa 100% trái tim họ, không giữ lại điều chi? Không, bạn không thể tưởng tượng được, cũng như đâu có ai ngờ được là 12 thiếu niên Do Thái lại có thể khuất phục được Đế Quốc La Mã. Bạn không thể tưởng tượng được, nhưng bạn có thể làm được. Bạn có thể trở nên thánh. Không ai có thể ngăn cản bạn làm việc ấy. Bạn được tự do chọn lựa. Sau đây là một trong những câu nói đúng sự thật và khủng khiếp nhất xưa nay, trích từ Serious Call của William Law: "Nếu bạn chịu nhìn vào trái tim mình một cách hoàn toàn trung thực, hẳn bạn phải nhìn nhận rằng chỉ có một và một lý do duy nhất tại sao bạn không là một vị thánh: vì bạn hoàn toàn không muốn thế”.

Nhận định trên khá hãi hùng vì đó là một lời kết án. Nhưng nó cũng đem lại hy vọng lớn lao bởi đó là một đề nghị, một chiếc cửa mở rộng. Mỗi người chúng ta đều có thể là một vị thánh. Ta thực sự có thể làm được việc ấy. Nhưng sao ta lại không làm? Vì sợ phải trả giá.

Giá ấy ra sao? Câu trả lời khá đơn giản. Thi sĩ T.S. Eliot từng định nghĩa đời sống Kitô hữu là “một thân phận hết sức đơn giản / Không tốn kém chi / Chỉ tốn mọi sự”. Giá ấy là mọi sự: trăm phần trăm. Một cuộc tử đạo nặng nề hơn dây thừng hay dàn hỏa: một cuộc tử đạo phải chết đi hàng ngày, chết cho mọi ham muốn và kế sách, bao gồm cả kế sách làm thế nào để trở nên thánh. Một chi phiếu trắng gửi cho Chúa. Thuần phục hoàn toàn, một thứ “islam” (nguyên nghĩa có nghĩa: thuần phục, submission), “fiat”, một điều của Đức Mẹ (Mary-thing). Hãy nhìn điều đơn giản Đức Mẹ làm cách nay 2000 năm: nó đem Thiên Chúa xuống trần gian và cứu chuộc được thế gian. Điều ấy cần được tiếp tục. Nếu ta chịu làm điều của Đức Mẹ, và ta chỉ cần làm có thế, thì mọi việc tông đồ của ta sẽ có hiệu quả: bất kể đó là việc truyền giáo, dạy giáo lý, làm cha, làm mẹ, dạy học hay học hành, làm y tá hay kinh doanh, làm linh mục hay giám mục, mọi việc. Còn nhớ có vị giám mục kia yêu cầu các linh mục trong giáo phận đưa ra sáng kiến làm cách nào gia tăng số ơn gọi. Một linh mục kia đáp: “Thưa đức cha, cách tốt nhất để lôi cuốn thanh niên của giáo phận này làm linh mục là đức cha được phong thánh”.

Theo Peter Kreeft, giáo sư triết tại Boston College, InsideCatholic.com 20-02-2009.
 
Con sẽ làm người dắt lừa về cho Chúa
Lm. Jude Siciliano, OP
15:11 03/04/2009
CHÚA NHẬT LỄ LÁ (B) -

Mc: 11: 1-10 hay Ga. 12: 12-16

Is 50: 4-7; Pl 2: 6-11; Mc 14:1- 15:47


Anh chị em thân mến,

Chúa nhật này phụng vụ khác với các chúa nhật khác. Gồm 3 phần:

* Tưởng nhớ Chúa Giêsu vào thành Giê-ru-sa-lem,

* Phụng vụ lời Chúa,

* và phụng vụ Thánh Thể.

Có 2 Phúc âm để chọn khi kiệu lá. Tôi thích Phúc âm thánh Mác-cô, và sẽ chú trọng bài đó. Chúng ta có bài Thương Khó của thánh Mác-cô.Tôi không muốn phân chia bài này, nhưng sẽ triển khai đề tài trong bài Phúc âm đó. Chúng ta thường ít nghe trọn vẹn bài Thương Khó. Sách lễ khuyến khích nên có một bài giảng ngắn gọn, không nên vì bài Thương Khó dài mà bỏ bài giảng.

Hôm nay Chúa Giêsu đi vào thành thánh, nơi Ngài sẽ gặp nhiều thử thách, chống đối. Và Ngài sẽ chẳng ngại ngùng gì khi gặp việc này, Ngài không sợ những lời vu khống, và quyền lực ức chế Ngài. Ngài không có vũ khí, và Ngài cũng không kêu gọi quần chúng đón chào Ngài bằng bạo động. Ngài không kín đáo đi vào thành để tổ chức bạo loạn. Có người trong số quần chúng muốn Ngài lãnh đạo để chống đối chính quyền bằng bạo lực. Những kẻ chống đối Ngài không cần phải dùng an ninh chìm cài vào các môn đệ để xem Ngài rao giảng những gì, vì những lời Ngài nói với quần chúng và hành vi của Ngài rất công khai, ai cũng có thể trông thấy được nếu họ muốn.

Chúa Giêsu đi vào thành một cách khiêm nhường để ứng nghiệm lời ngôn sứ Da-ca-ri-a (9:9) "Nào thiếu nữ Xi-on, hãy vui mừng hoan hỷ! Hỡi thiếu nữ Giê-ru-sa-lem, hãy vui sướng reo hò! Vì kìa Đức Vua của ngươi đang đến với ngươi: Người là Đấng Chính Trực, Đấng Toàn Thắng, khiêm tốn ngồi trên lưng lừa, một con lừa con vẫn còn theo mẹ". Đó là lời ca ngợi của quần chúng trong lời "Hosanna, Giêsu". Đây là một vị "vua" tiến vào thành trên lưng lừa. Thật là một hình ảnh không có vẻ long trọng tí nào. Ngài vào thành không kèn trống, ăn mặc như dân thường, ngồi trên lưng lừa. Trong Phúc âm, Chúa Giêsu không có tài sản gì: Ngài mượn một chiếc thuyền để giảng dạy, Ngài mượn một cái phòng để ăn bữa tiệc lễ Vượt Qua với các môn đệ. Ngay cả mộ Ngài cũng là mộ mượn. Vậy, làm sao Ngài có thể giải phóng một dân tộc đang bị nô lệ bởi một cường quốc có binh lực hùng mạnh như đế quốc La-Mã được? Và giới lãnh đạo Do Thái ở Giê-ru-sa-lem nghe được gì và sợ gì nơi người nông dân ở Ga-li-lê-a này?

Mặc dù bề ngoài của Chúa Giêsu có vẻ khiêm nhường, nhưng dân chúng vẫn không rời xa Ngài, nhất là ngày hôm nay. Thường người ta hay dùng quyền lực để ra oai với kẻ khác cho họ sợ mình. Trong một số lễ lớn của các nước giàu mạnh, có phi cơ phản lực bay trên không, khiến quần chúng trố mắt nhìn, kèm theo tiếng gầm rú đầy khí thế của đoàn phi cơ. Chúa Giêsu không thu hút người ta với những cách bày tỏ uy quyền bên ngoài, nhưng Ngài mang hy vọng đến cho những người lo lắng và thất vọng do đang bi áp lực của quyền lực tôn giáo, quân sự, hay kinh tế ở trần gian.

Nhà thần học Đức, Dietrich Bonhoeffer, bị lính Quốc Xã giết, cảnh báo, nếu chúng ta bỏ qua hành vi tội lỗi, sự tha thứ sẽ trở nên dễ dàng, và mời gọi hãy nên người phục vụ. Trong tuần này, chúng ta, những môn đệ của Chúa Kitô, được mời gọi để chết với Ngài, chết với tội, và chết với chính mình. Suốt tuần này, chúng ta phải chú trọng đến sự chết của Chúa Kitô, và nổi thất vọng của các môn đệ Ngài không phải là đoạn cuối của câu chuyện. Vì mọi sự sẽ được hoàn tất trong sáng Chúa Nhật khi Chúa Kitô chiến thắng sự chết và Sống lại với sự sống mới. Đây chính là sự sống mới được triển nở trên cái chết. Trong tuần này, khi đi vào sự thương khó của Chúa Kitô, chúng ta sẽ thấy quyền lực của Thiên Chúa trong đời sống chúng ta, vì Ngài là Đấng có quyền cho người chết sống lại với một sức sống mới.

Phúc âm thánh Mác-cô từ đầu đến giờ trình bày mọi sự việc một cách nhanh chóng. Nhưng đến đây Phúc âm lại thay đổi, diễn tả mọi chi tiết một cách khoan thai và rõ ràng hơn. Ví như việc Chúa Giêsu vào Giê-ru-sa-lem, thánh Mác-cô diễn tả chi tiết việc Chúa Giêsu chỉ cách cho hai môn đệ đem con lừa về cho Ngài. Dù rằng, đây chỉ là những việc làm bình thường của người dân sở tại.

Trước đó, hai môn đệ muốn kẻ ngồi bên tả, người ngồi bên hữu Chúa Giêsu khi Ngài về nước Trời. Thái độ của hai môn đệ là hành vi đặc biệt được mô tả trong phúc âm thánh Mác-cô. Hai môn đệ không bao giờ để ý đến chủ đích giảng dạy của Chúa Giêsu về cách phục vụ và cây Thập giá. Dù vậy, Chúa Giêsu vẫn muốn dạy các môn đệ trở nên những tôi tớ khiêm nhường, ngay cả khi Ngài thấy giờ sau cùng sắp đến. Chúng ta không biết tên hai môn đệ Ngài sai đi mượn con lừa. Có lẽ vì vậy mà Mác-cô diễn tả nhiều chi tiết về câu chuyện đơn sơ này.

Dân chúng đang mong đợi một vua vinh quang, nhưng Chúa Giêsu lại ngồi trên lưng lừa. Đó là dấu hiệu chứng tỏ rằng Ngài không phải là vị Vua mà mọi người đang mong đợi. Và ai muốn theo chân Ngài phải giống Ngài là biết phục vụ người khác, không huy hoàng như họ muốn. Ở giáo xứ tôi vừa giảng, Hội đồng giáo xứ đang giúp những người tinh nguyện ỏ tầng dưới nhà thờ để làm bánh mì với bơ đậu phọng và mứt cho người nghèo ăn. Dưới một cách nhìn chung đó là chúng ta đang phục vụ.

Giáo sư thần học Thomas Long, ở trường Candler có viết một bài báo nói về môn đệ Chúa Giêsu phải là những người dẩn lừa về cho Chúa, họ phải phục vụ một cách khiêm nhường. Mở đầu Phúc âm thánh Mác-cô: có tiếng người hô to: "Hãy dọn sẵn con đường của Đức Chúa", nhưng Phúc âm diễn tả rõ là dọn đường đó là làm những việc thường ngày, đôi khi cũng có việc nặng nhọc. Cuối cùng bài viết, "dọn đường cho Đức Chúa" là những việc thường làm trong chuồng lừa để đem lừa về cho Chúa Giêsu.

Phúc âm Mác-cô viết rất giản dị và rỏ nét. Mặc dù có nhiều phấn kích cho những người chung quanh Chúa Giêsu, Ngài chỉ hướng dẫn đường cho hai môn đệ, và Ngài rất im lặng trong suốt câu chuyện. Chúng ta muốn biết thêm chi tiết của cuộc "đi vào vinh quang", chúng ta hãy đọc Phúc âm thánh Mát-thêu chứ trong Phúc âm thánh Mác-cô không có. Chúa Giêsu cảm thấy Ngài không còn đi trên đường ở Ga-li-lê-a để đối đáp với những kẻ chống đối Ngài. Thay vào đó Ngài đang ở kinh đô, nơi có nhiều chức sắc tôn giáo và chinh trị thách đố Ngài.

Nếu các môn đệ nhớ lại lời Chúa Giêsu nói về việc đi Giê-ru-sa-lem là đến với sự chết. Suy nghỉ của các tông đồ chưa thấu hiểu, và các ông đang bị chi phối bởi những tiếng reo hò chung quanh. Nhưng Chúa Giêsu vẫn thinh lặng, bình tĩnh tiến bước. Sau ngày Chúa Giêsu sống lại các môn đệ được ơn Chúa Thánh Thần mới hiểu được lời Chúa Giêsu giảng dạy và việc Ngài đã làm, theo giáo sư Long viết, việc của các môn đệ là "đi tìm lừa về cho Chúa Giêsu"

Trong mùa Chay, Phụng vụ dùng màu tím, nhưng hôm nay lại dùng màu đỏ. Đó là màu dùng trong lễ các thánh tử đạo và lễ Chúa Thánh Thần ngự xuống trên cộng đoàn.. Vi thế, màu áo phụng vụ hôm nay nhắc chúng ta là những người muốn theo chân Chúa Giêsu, với sự tràn đầy ơn Chúa Thánh Thần, để sẵn sàng chết với Chúa Giêsu.

Chuyển ngữ FX Trọng Yên, OP
 
Khiêm Nhường
Lm Vũđình Tường
16:14 03/04/2009
Đức Kitô vào thành thánh Giêrusalem không được chuẩn bị đón tiếp. Không ban tiếp tân, chẳng khán đài và cũng không nhạc vàng, kèn trống. Nhà cầm quyền làm ngơ, vờ như không biết sự kiện này.

Ý Chúa nhiệm mầu, dù không có tổ chức Con Chúa vẫn được đón tiếp trọng thể, linh đình, ngoài dự đoán của thành phần chống đối. Dùng cành lá vệ đường làm cờ phất phới miệng ca vang ‘hoan hô con vua Đavít’. Dân chúng đón Ngài như đón vị quân vương đại thắng trở về. Quả thế Ngài chiến thắng sự chết. Ban sự sống trường sinh cho những ai tin theo.

Hơn nữa, đám đông còn người lấy lá trải đường, kẻ cởi áo choàng trải lối, thay thảm đỏ đón Chúa. Sự việc chưa từng xảy ra.

Trong chiến tranh lính bại trận thường trút bỏ giáp trận, quăng vất vũ khí tứ tung, ngổn ngang tháo chạy. Ngày đón chào Con Chúa cũng áo choàng đầy đường, cành lá phủ khắp chốn. Đám đông không hoảng sợ, trốn chạy nhưng tìm đến reo hò, ca vang. Cởi áo choàng đang mang trên người trải đường diễn tả tâm tình yêu mến. Đức Kitô đi trên áo choàng kia nhưng đám đông cảm thấy như Ngài đang đi vào lòng mỗi người.

Đoàn người lũ lượt đông đảo ca dậy vang trời

‘chúc tụng Đấng Nhân Danh Chúa mà đến’.

Lạ thay chủ tướng đại thắng không cưỡi ngựa, chẳng hoàng bào hay xa giá mà cưỡi một con lừa nhỏ. Đoàn quân thắng trận lại thưa thớt, hơn chục người tính cả Thầy lẫn môn đệ.

Đức Kitô khiêm nhường tiến vào thành Thánh. Kẻ chống đối Ngài dù cao ngạo, dù bực dọc vẫn chỉ lấp ló, lén lút nhìn. Chúng run sợ trước sức mạnh của đám đông bên đường reo hò, ca vang đón mừng quân vương oai phong lẫm liệt trên lưng lừa.

Với kẻ chống đối cưỡi lừa thiếu oai phong của đấng quân vương. Với đại chúng Ngài lại là vị vua họ mong đợi. Với Đức Kitô oai phong không phải do con vật mà do người ngồi trên con vật. Thật thế, nói điều tốt chưa đủ. Làm điều tốt, sống lành thánh giúp ta nên thánh.

Đức Kitô cưỡi lừa vào thành cho biết mọi biến cố xảy ra trong đời đều mang ân sủng Chúa khi chúng ta đón nhận trong tin yêu, khiêm tốn. Ân sủng Chúa có đó nhưng ta không nhận ra vì thiếu xét mình mỗi ngày.

Chúa dùng cuộc thương khó dậy ta sống khiêm nhường, phó thác và vâng phục. Các nhân đức trên chinh phục lòng người. Cao ngạo và quyền thế không chinh phục nhưng chiếm đoạt. Chiếm đoạt khẩu phục, tâm không phục. Chúa chinh phục lòng người bằng cách chết thay, vác thập giá thay, đau khổ thay. Vì thế người ta tâm phục, khẩu phục. Chúa còn dậy hạnh phúc, đau khổ và khốn khó ở đời đều qua đi. Chúng xuất hiện khi cao ngạo và chuyên quyền lãnh đạo, làm chủ. Đau khổ không dễ gì chấp nhận và cũng không thể tránh khỏi. Không thể tránh. Tốt hơn học đối diện để đón nhận. Kết quả chúng biến đổi đời ta nên tốt hơn.

Đón mừng Phục Sinh trọn vẹn nhất là từ bỏ cao ngạo, tiếm quyền, thói hư, tật xấu, ngõ tối trong tâm hồn. Mở rộng tâm hồn, vui mừng đón nhận ánh sáng Phục Sinh hầu nhận sự sống mới Chúa ban.

Không thể thành tâm cầm nhành lá đón Chúa khi nội tâm thiếu khiêm hạ. Sống vâng phục và khiêm hạ là môn đệ chân chính của Đức Kitô.

TÌM BÀI CŨ:

Suy Niệm: http://www.stmarksinala.net.au/suyniem.html

Truyện ngắn: http://www.stmarksinala.net.au/truyen.html

Hình ảnh: http://www.stmarksinala.net.au/Photos.html
 
Con Lừa ngày lễ Lá
LM. Đaminh Nguyễn Ngọc Long
16:53 03/04/2009
Con Lừa ngày lễ Lá

Bên các nước Âu Châu trong dân gian ngày xưa có câu nói: Ngày Chúa nhật lễ Lá mà đi lễ trễ muộn, bị chế diễu là „chú Lừa ngày lễ Lá!“.

Câu nói chế diễu đó ngày nay không còn ai nói nữa. Vì lễ ngày Chúa nhật lễ Lá không còn sớm như xưa nữa, nhưng bây giờ thường vào lúc 10.00 hay 11.00 giờ sáng.

Là Lễ Lá nên Lá ngày lễ vẫn có đó và chú Lừa vẫn được đọc nhắc đến trong phúc âm.

Trong kinh Thánh nói nhắc đến nhiều loại thú vật khác nhau. Hai con vật được nhắc đến trong phụng vụ ngày tuần thánh lễ Lá là con Lừa, mà Chúa Giêsu cỡi đi vào thành thánh Giêrusalem, và con Gà gáy lúc Phero chối Chúa Giêsu.

Vậy đâu là vai trò của con Lừa trong Kinh Thánh và trong đời sống đức tin?

Con Lừa được nhắc đến 139 lần trong Kinh Thánh. Tổ phụ Abraham cỡi Lừa đi dọc đường đến miền đất Thiên Chúa sai đến. Con Lừa theo tập tục Do Thái ngày xa xưa là con vật chuyên chở sang trọng để cho những nhân vật trưởng tộc hay vua chúa cỡi đi.

Ông Giuse, thuở xa xưa là thủ tướng nước Ai cập, khi hay tin cha mình là ông Giacop còn sống đang trong hoàn cảnh bị nạn đói hoành hành bên quê nhà Do Thái, đã gửi một con Lừa chất đầy hàng hóa chở về cho cha mình.

Thánh tiên tri Maisen cỡi Lừa chạy trốn vua Pharao cùng với gia đình. Sau này, khi Chúa Giêsu giáng sinh làm người, Thánh Giuse cũng cỡi Lừa cùng với hài nhi Giêsu và đức mẹ Maria trốn tỵ nạn sang Ai Cập tránh sự lùng bắt của Vua Herode.

Trong Kinh Thánh nơi sách Sáng Thế thuật chuyện con Rắn ở vườn địa đàng, đã nói chuyện cùng con người, nó nói lời đường mật cám dỗ Bà Evà ăn trái Chúa cấm ăn.

Trong Kinh thánh nơi sách Dân số (22, 2-32) thuật cảnh Tiên tri Bileam cỡi con Lừa cái. Con Lừa đã dẫn Bileam vượt qua khốn khó, nhưng Bileam đánh nó tới ba lần. Sau cùng nó nói chuyện với Ông và nhờ nó mà Ông nhận ra Thiên Thần Chúa hiện đến.

Chúa Giêsu gíang sinh làm người trong chuồng xúc vật Chiên Bò Lừa ở Bethlehem. Con Lừa là con vật nhân chứng như tiên tri Isaia đã nói trước hàng ngàn năm về điều này ( Isaia 1, 3). Như thế con Lừa có mặt trong đời Chúa Giêsu từ lúc Chúa sinh ra trong máng cỏ, đi tỵ nạn, trở về quê nhà Nazareth sinh sống, rồi sau cùng đi vào thành Thánh Giêrusalem chịu khổ hình.

Từ thế kỷ thứ tư trước chúa gíang sinh ở bên Ai Cập con Lừa đã được huấn luyện thuần thục làm con vật chuyên chở đồ vật, và từ đó nó trở nên con vật quan trọng chuyên chở hàng hóa, cày ruộng, việc buôn bán góp phần phát triển nền kinh tế

Là con vật chuyên chở người và đồ vật nặng, nhưng con Lừa cũng là tài sản của con người. Vì thế trong 10 Giới răn của Thiên Chúa cũng nói đến nó: “Ngươi không được ham muốn nhà người ta, người không được ham muốn vợ người ta, tôi tớ nam nữ, con bò, con Lừa hay bất cứ vật gì của người ta” ( Xuất hành 20,17, Đệ nhị Luật 5,14)

Tiên tri Sacharia đã diễn tả vị vua hòa bình đầy lòng khiêm tốn cỡi trên lưng con Lừa: “Nào thiếu nữ Xi-on, hãy vui mừng hoan hỷ! Hỡi thiếu nữ Giê-ru-sa-lem, hãy vui sướng reo hò!

Vì kìa Đức Vua của ngươi đang đến với ngươi: Người là Đấng Chính Trực, Đấng Toàn Thắng,

khiêm tốn ngồi trên lưng lừa, một con lừa con vẫn còn theo mẹ.” (Sacharia 9,9)

Chúa Giêsu, vua hòa bình Giêsu đã cỡi Lừa thay vì đi ngựa, xe chiến mã. Con Lừa đã trở nên dấu chỉ sự cứu rỗi và hòa bình.

Dù đã trở nên dấu chỉ hòa bình ơn cứu rỗi, nhưng con Lừa vẫn phải mang chịu một số phận hẩm hiu bị khinh bỉ coi thường. Trong dân gian bên phương tây, người ta nhìn cho con Lừa là con vật ngu dốt, cứng đầu, lười biếng. Vì thế người ta cũng dùng nó để ví von phê bình coi khinh người khác mà họ không ưa thích.

Dẫu vậy, như trong Phúc âm thuật ghi lại: Chúa Giêsu cần con Lừa ( Mc 11,3) để cỡi đi vào thành Giêrusalem. Con Lừa dưới con mắt của Chúa Giêsu là con vật nói lên sự khó nghèo, lòng khiêm nhượng và chịu đựng làm việc nặng nhọc chăm chỉ.

Cuộc đi vào thành của Chúa Giêsu cỡi trên con Lừa có vẻ như một khải hoàn chiến thắng của một vị Vua thôi. Ngài đi vào thánh Giêrusalem để hoàn thành sứ mạng chịu hy sinh đau khổ, và sau cùng chết cho tội lỗi loài người, nhằm đúng ngày lễ Vượt qua của người Do Thái. Đời sống của Chúa Giêsu sau cùng bị hất hủi coi khinh, bị bắt và bị đóng đinh trên thập gía. Ngài là con người và tôi tớ của Thiên Chúa, là Chúa cứu thế cùng là con Thiên Chúa

Thánh Augustinô đã gọi con Lừa là “con vật chuyên chở đồ vật nặng của Thiên Chúa”. Thánh Ambrosio kêu gọi hãy học gương đời sống của con Lừa đã mang vác chuyên chở Chúa Giêsu Kitô.

Trong đời sống làm người, hầu như ai cũng có lúc được vinh quang thành công. Nhưng lúc thất vọng, bị coi thường cũng không ít.

Cũng trong đời sống con đường thênh thang rộng mở cũng có. Nhưng con đường khó khăn phải hy sinh chịu đựng hầu như luôn có đó trong mọi hoàn cảnh.

Những khi bị coi thường, phải hy sinh chịu đựng không hẳn là bước đường xấu hay tận cùng. Trái lại, rất nhiều khi bước đường đó lại giúp đời sống tinh thần giầu có thêm, vững mạnh thêm hơn nhiều. Nhất là giúp đạo luyện bản tính trở nên con người thuần thành hơn.

Con Lừa ngày xưa mang chở Chúa Giêsu, vị Vua hòa bình tình yêu trên lưng. Là con người, nhất là người tín hữu Chúa Giêsu Kitô, chúng ta mang Ngài, Đấng là tình yêu ơn tha thứ làm hòa trong trái tim tâm hồn luôn mãi cho chính mình cùng cho mọi người.

Lễ Lá 05.04.2009
 
Ðồng Hành với Chúa Giêsu trên Đường Thập Giá – Bài 5
Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ
19:08 03/04/2009
Nơi Thứ Bốn: Ðức Mẹ Gặp Chúa Giêsu Vác Thánh Giá


Con Ðường Ðau Thương là Ðường Sự Sống (Ga 19:25)

Chúa Giêsu gặp Mẹ Người khi Người bị dẫn đi hành quyết. Ðức Mẹ Maria đã không ngất xỉu; Mẹ không điên cuồng gào thét hoặc thất vọng; Mẹ không cố ngăn cản quân lính để chúng đừng hành hạ Người thêm. Mẹ nhìn thẳng vào mắt Người và biết rằng đây là giờ của Người. Trong tiệc cưới Cana, khi Mẹ xin Người giúp đỡ, Người đã đặt một khoảng cách giữa Mẹ và Người và nói: “Thưa Bà… giờ Con chưa đến” (Ga 2:4). Sự đau khổ của Mẹ đã làm cho Mẹ không những trở thành Mẹ Chúa Giêsu, mà cũng trở thành Mẹ của tất cả con cái đau khổ của Mẹ. Mẹ đứng dưới cây thập giá; Mẹ đứng bất động ở đó và nhìn thẳng vào mắt những người đang muốn đáp lại sự đau khổ của họ bằng hận thù, trả đũa, hay thất vọng. Sự đau đớn của Mẹ đã làm cho Trái Tim Mẹ trở nên một Trái Tim ôm ấp tất cả con cái Mẹ, dù họ ở bất cứ đâu, và đem đến cho họ niềm an ủi và nâng đỡ của Mẹ hiền.

Khi tôi nhìn lên Mẹ Maria và tất cả những người mẹ đang đau khổ, trong đáy lòng tôi nảy ra một câu hỏi: “Bạn có thể còn đứng vững trong sự đau khổ của bạn và tiếp tục tha thứ trong tâm hồn bạn không?”

Tôi bị thương, bị thương bởi cảm nghiệm bị phản bội và bỏ rơi, bị thương bởi không bằng lòng với chính mình, bị thương vì tôi không có khả năng vươn tay ra để lấy đi những đau khổ của những người chung quanh tôi, dù gần hay xa. Nhưng tôi luôn muốn chạy trốn tất cả - để lẩn trốn trong phàn nàn hoặc lên án, để trở nên nạn nhân của thất vọng hay là một tiên tri diệt vong. Lời mời gọi thực sự của tôi là nhìn thẳng vào đôi mắt của Chúa Giêsu đang chịu khổ nạn mà không bị nghiền nát bởi sự đau thương của Người, nhưng để đón nhận sự đau thương đó vào trong tim tôi và để nó sinh hoa trái của lòng nhân từ. Tôi biết rằng càng sống lâu tôi càng chứng kiến nhiều đau khổ, và càng thấy nhiều đau khổ thì tôi càng phải sống trong đau khổ. Nhưng chính sự đau khổ cùng cực của con người lại liên kết trái tim bị thương của tôi với trái tim nhân loại. Hy vọng được che giấu trong chính mầu nhiệm của sự kết hợp trong đau khổ này.

Con đường của Chúa Giêsu là con đường đi vào tận đáy lòng sự đau khổ của con người. Ðó là con đường mà Ðức Mẹ Maria đã chọn và nhiều Maria khác còn tiếp tục chọn. Chiến tranh đến, rồi đi, rồi lại trở lại. Áp bức đến, rồi đi, rồi lại trở lại. Lòng tôi biết điều này ngay cả khi tôi làm đủ mọi cách để chống lại những kẻ đàn áp và tranh đấu cho hoà bình. Giữa tất cả những điều ấy, tôi phải tiếp tục chọn con đường hẹp, con đường đau khổ, con đường hy vọng. Những người phụ nữ đau khổ của thế giới này chính là những người dẫn đường cho tôi.

Lm. Henri J.M. Nouwen
 
5 Phút một tuần với Thánh Phaolô: Bài 5 - Thánh Phaolô, Tác giả các Thánh Thư
Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ
20:15 03/04/2009
Chúng ta biết Thánh Phaolô nhiều nhất qua chính các Thư của ngài. Trong khi Sách Tông Đồ Công Vụ cung cấp cho chúng ta nhiều tin tức về Thánh Tông Đồ, nhưng những chứng từ này chỉ là “do người khác kể lại” so với chúng những lời của Thánh Phaolô.

Có mười ba Thư mang tên Thánh Phaolô trong Tân Ước. Trong đó có bảy Thư không thể chối cãi được là của Thánh Phaolô (Rôma, 1 và 2 Côrinthô, Galatê, Philliphê, 1 Thessalônica và Philêmon); một vài học giả tranh luận rằng có thể sáu thư kia được viết bởi một môn đệ hay một người theo Thánh Phaolô sau này (Êphêxô, Côlôxê, 2 Thessalônica, 1 và 2 Timôthê, Titô).

Việc viết thư là một nghệ thuật được phát triển đầy đủ trong thế kỷ thứ nhất của thế giới La Hy và các Thư của Thánh Phaolô phản ảnh rõ ràng điều ấy. Cũng như trong thời đại chúng ta, có một số công thức được xử dụng thư chính thức: phần mở đầu xác định người gửi và người nhận là ai, một lời chào hỏi rộng rãi, thân thư, và sau đó là lời thăm hỏi cuối cùng và kết thư. Với một vài thay đổi tùy theo hoan cảnh, các Thư của Thánh Phaolô được viết theo cùng những công thức ấy.

Hệ thống bưu tín trong thế giới cổ rất bất thường. Hầu hết các thư được trao cho những khách du lịch tư nhân, với hy vọng rằng các thư ấy rốt cuộc sẽ đến tay người nhận. Vì thế không ai có thể lường được bao giờ thư sẽ đến nơi. Tuy nhiên, việc du hành rất phổ thông trong thế giới cổ, và hầu như 186 ngàn dặm đường xá của Rôma có phẩm chất tuyệt với (một số đường ngày nay vẫn còn được xử dụng!) cho nên thư đã đến nơi!

Các Thư của Thánh Phaolô gồm cả Thư chung lẫn Thư riêng. Ngài chào mừng những cá nhân cách nồng nhiệt (xem danh sách những người bạn mà ngài chào trong Roma 16:3-16) và, trong trường hợp thư ngắn gửi Philêmon, có thể dành cho một trường hợp rất đặc biệt. Nhưng các Thư của Thánh Phaolô cũng có tính cách công cộng, vì ý thức như ngài rằng các Thư này cũng được đọc cho toàn thể công đoàn hay hàng loạt những cộng đoàn. Có thể rằng những người nhận chép lại các Thư của Thánh Phaolô và gửi cho những cộng đoàn khác.

Qua các Thư của ngài, chúng ta học được khả năng của nền thần học của Thánh Phaolô và sức mạnh của cá tính của ngài. Chính Thánh Phaolô thật sự là các Thư này: có khi diễn tả ý nghĩa của Tin Mừng cách cao xa, khi thì lời của ngài chứa đầy tức giận và thất vọng. Ngài vừa khiển trách vừa yêu thương các Kitô hữu nhận được Thư của ngài.

Rõ ràng là Thánh Phaolô thường đọc các Thư của ngài cho người khác viết, khi thì ngài nói một cách say sưa và có lẽ ngài dùng nhiều hơn một thư ký một lần (xem tham khảo, Tertiô, người viết thư này” trong Roma 16:22 hay Thánh Phaolô xem ra cầm lấy bút và ký bằng chính tay ngài trong Galatê 6:11). Ngài cũng ám chỉ rằng một số Thư là việc làm của ngài và các cộng sự viên của ngài (như trong 1 Corinthô mà Thánh Phaolô nói là của chính ngài và “Sosthenes người an hem của chúng tôi”).

Trong các Thư của Thánh Phaolô, chúng ta thấy sự quan tâm của ngài đối với đời sống Kitô của các cộng đồng mà ngài đã thành lập hay dự định thăm viếng. Thường thì ngài trả lời những câu hỏi riêng biệt mà họ đưa ra cho ngài hay những vấn đề xảy ra trong cộng đồng đã được người ta trình cho ngài. Điều này rõ ràng cách đặc biệt. trong trường hợp Thư 1 Côrinthô là nơi mà Thánh Phaolô phải giải quyết hằng loạt những vấn đề khó khăn. Đọc các Thư Thánh Phaolô giống như nghe một cuộc điện đàm một chiều; chúng ta không biết được điều mà phía bên kia nói. Nhưng chúng ta có thể phỏng đoán từ giọng văn của các câu trả lởi của Thánh Phaolô. Và chúng ta có thể thấy rõ rằng những vấn đề và những câu hỏi mà những Kitô hữu tiên khởi này đưa ra cho Thánh Phaolô được rút ra từ những suy tư sâu sắc và được linh hứng của ngài về Đức Kitô và đời sống Kitô hữu đã định hướng sự hiểu biết của Hội Thánh cách vĩnh viễn từ đó.

CÁCH THỰC HÀNH TẠI GIA


Điểm để thảo luận: Trong các Thư của ngài, Thánh Phaolô nói từ đáy lòng, rút ra từ suy tư suốt đời về những truyền thống của cộng đoàn và những kinh nghiệm riêng của ngài và việc làm một môn đệ Đức Kitô có ý nghĩa gì. Là các Giáo Lý viên và thầy cô, đây cũng là sứ vụ của chúng ta. Việc trở thành một môn đệ Đức Kitô có ý nghĩa gì với bạn hôm nay?

LM Donald Senior, C.P.

từ: http://webelieveweb.com/catechist_development.cfm?cd_view=171

Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ

---------------------------------------------------------------------------

Cha Donald Senior, C.P. là Viện Trưởng Viện Đại Học Catholic Theological Union ở Chicago, đồng thới cũng là Giáo Sư về Tân Ước. Ngài thuộc dòng Passionist và thụ phong LM năm 1967. Ngài có bằng Tiến Sĩ về Tân Ước tại Đại Học Louvain, nuớc Bỉ, năm 1972. Năm 2001, ĐTC Gioan Phaolô II chỉ định ngài làm thành viên Ủy Ban Giáo Hoàng về Thánh Kinh, và ĐTC Bênêđictô XVI tái chỉ định ngài năm 2006. Bản Tiếng Anh của bài này được đăng trên webelieveweb.com.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Vatican nói việc bắt giam Giám Mục Trung Hoa là một trở ngại cho sự đối thoại
Bùi Hữu Thư
00:14 03/04/2009

Vatican nói việc bắt giam Giám Mục Trung Hoa là một trở ngại cho sự đối thoại



VATICAN (CNS)
– Vatican cho nay việc bắt giam một Giám Mục Trung Hoa mới đây và các trường hợp đàn áp tôn giáo khác tại Trung Quốc là một trở ngại cho việc đối thoại.

Vatican tuyên bố trong một tuyên cáo ngày 2 tháng 4: việc bắt giam Đức Giám Mục Julius Jia Zhiguo, 74 tuổi ở Zhengding "rất tiếc không chỉ là một trường hợp duy nhất” nhiều linh mục khác cũng mất quyền tự do và bị áp lực quá đáng cũng như bị giới hạn trong các hoạt động mục vụ của họ.

Trong tuyên cáo được phổ biến sau cuộc họp tại Rôma của Uỷ Ban Tòa Thánh về Giáo Hội Công Giáo tại Trung Quốc, Vatican bầy tỏ “sự buồn rầu sâu đậm khi nhận được tin vụ bắt bớ Đức Giám Mục Jia mới đây.

Tuyên cáo nói: "Các trường hợp như vậy gây nên các trở ngại cho một bầu khí đối thoại với các chức quyền chính phủ." Ghi nhận ước muốn đối thoại của Đức Thánh Cha Benedict XVI trong một lá thư ngài viết cho người Công Giáo Trung Hoa.

Đức Giám Mục Jia, không được đăng ký với chính quyền, đã bị 5 cảnh sát viên dẫn đi từ tư gia của ngài tại Tỉnh Hà Bắc ngày 30 tháng 3, đúng vào ngày Uỷ Ban Trung Quốc nhóm họp. Đức Thánh Cha Benedict thiết lập ủy ban này năm 2007 để nghiên cứu các vấn đề liên quan đến Giáo Hội Công Giáo tại Trung Quốc

Nhiều nguồn tin cho hãng thông tấn UCA News của Giáo Hội Á Châu hay: họ tin rằng biến cố này có liên quan đến một hoạt động mới đây nhằm hòa giải giữa hai cộng đồng Công Giáo: những người có đăng ký với chính phủ và không đăng ký.

Tuyến cáo của Vatican nói: Trong buổi họp tại Rôma, các thành viên của ủy ban bàn đến nhiều vấn đề phức tạp Giáo Hội Trung Quốc đang phải đối phó – các vấn đề “không chỉ phát xuất bên trong giáo hội, mà còn do những mối tương quan khó khăn đối với chính quyền gây nên.”

Một đề tài thảo luận chính trong buổi họp là việc đào tạo các chủng sinh, các tu sĩ sống cuộc đời tận hiến và việc đào tạo vĩnh viễn các linh mục.

Trong việc liên hệ với các giám mục của Giáo Hội Trung Quốc, ủy ban “sẽ cố gắng cổ võ một chương trình đào tạo nhân bản, trí thức, đạo đức và mục vụ cho các linh mục và các tu sĩ sống cuộc đời tận hiến."

Tuyên cáo nói các tu sĩ nam và nữ “có trách vụ quan trọng là sống như các môn đệ trung thành của Chúa Kitô và như những thành phần của Giáo Hội, và phải đóng góp cho sự yên vui của Quốc gia họ như những công dân gương mẫu."

Tuyến cáo của Vatican cho hay Đức Thánh Cha chỉ thị cho ủy ban vào ngày 1 tháng 4 rằng, điều quan trọng là giúp đỡ người Công Giáo tại Trung Quốc “cho thấy sự huy hoàng và hợp lý của đức tin Kitô giáo và để trình bầy đức tin này như có thể cung cấp những giải pháp tốt đẹp nhất trên phương diện trí thức và hiện sinh."

Các thành viên của ủy ban gồm có các giới chức của Vatican và giáo hội Trung Quốc

Giám Mục phụ tá Gioan Tong Hon ở Hồng Kông, là một trong các thành viên của ủy ban, cho hãng thông tấn Catholic News Service hay ngày 2 tháng 4 là Đức Thánh Cha đã dành 30 phút để lắng nghe các thảo luận của ủy ban vào ngày kết thúc.

Đức giám Mục Tong nói: Sau đó Đức Thánh Cha phát biểu vắn tắt với ủy ban là ngài biết “tất cả chúng ta đều đã cố gắng hết sức” để đối phó với các vấn đề người Công Giáo tại Trung Quốc đang gặp phải, và họ cũng đang: hoạt động cho sự yên vui của giáo hội Trung Hoa.”.

Ngài nói nhân dịp Giáo Hội chỉ định năm 2009 là “Năm Các Linh Mục” từ 19 tháng 6, 2009 đến 19 tháng 6, 2010, Vatican có thể viết một lá thư đặc biệt gửi cho các linh mục tại đại lục Trung Hoa.

Đức Giám Mục cũng nói, các thành viên của ủy ban cũng bàn đến mối lo âu là các giám mục được Vatican chấp thuận có thể bị bó buộc phải tham dự Đại Hội Toàn Quốc các Đại Biểu Công Giáo do chính phủ tổ chức trong thời gian sắp tới.

Theo tin cuả hãng UCA News, các giám mục được Vatican chấp thuận có thể bị bó buộc phải tham dự vào việc bầu cử các chủ tịch các Hội Công Giáo Ái Quốc Trung Hoa và Hội Đồng Giám Mục Trung Hoa được chính phủ chấp nhận. Việc bầu cử này sẽ xẩy ra trong dịp bầu Quốc Hội. Hội Công Giáo Ái Quốc được thiết lập để duy trì nguyên tắc của một Giáo Hội tại Trung Hoa “độc lập, tự trị và tự quản."

Hãng thông tấn AsiaNews đặt cơ sở tại Rôma nói ngày 30 tháng 3: các chức quyền Trung Hoa không hài lòng về sự kiện hai cộng đồng giáo hội có thể hợp tác, vì họ cho là giáo hội không đăng ký đang bị cai quản bởi một “quyền lực ngoại bang,” là Đức Thánh Cha.

Vatican đã nói giáo hội không muốn dinh líu đến các công việc nội bộ của quốc gia này, và đã bầy tỏ ước muốn di chuyển Tòa Khâm Sứ từ Đài Loan sang Bắc kinh, ngay khi có sự thiết lập lien hệ ngoại giao với Trung Hoa.
 
Đức Thánh Cha Benedict XVI thương tiếc một chuyên gia Vatican II
Bùi Hữu Thư
18:59 03/04/2009

Đức Thánh Cha Benedict XVI thương tiếc một chuyên gia Vatican II



Đức Hồng Y Umberto Betti qua đời năm 87 tuổi

VATICAN, ngày 2 tháng 4, 2009
(Zenit.org).- Đức Thánh Cha Benedict XVI đã bầy tỏ sự đau buồn vì cái chết của một Hồng Y người Ý là một trong những chuyên gia về thần học của Công Đồng Vatican II.

Đức Thánh Cha và Đức Hồng Y Umberto Betti


Đức Thánh Cha phân ưu về cái chết của Đức Hồng Y Umberto Betti, qua đời ngày Thứ Tư lúc 87 tuổi, trong một điện tín gửi cho linh mục José Rodríguez Carballo, Bề Trên Tổng Quyền của Dòng Phanxicô, là nhà dòng Đức Hồng Y trực thuộc.

Đức Thánh Cha ghi nhận “lòng biết ơn Thiên Chúa về các sứ vụ Đức Hồng Y đã thi hành sốt sắng."

Ngài đặc biệt nhắc lại việc Hồng Y Betti là "một chuyên gia về thần học tại Công Đồng Vatican II,” cũng là một “cố vấn xuất sắc của Bộ Tín Lý và Đức Tin, là Quốc Vụ Khanh, và cũng là một Viện Trưởng tuyệt vời của Đại Học Giáo Hoàng Lateran."

Đức Thánh Cha viết, "Tôi sốt sắng cầu nguyện cho linh hồn của một đầy tớ ưu tú của Phúc Âm, nguyện xin Thiên Chúa nhân lành vô cùng ban cho linh hồn ngài được nghỉ yên muôn đời." Ngài cũng ban phép lành Tòa Thánh cho gia đình và các người anh em trong Dòng của Đức Hồng Y, và tất cả những ai đang than khóc về sự ra đi của ngài.

Đức Hồng Y Umberto Betti sanh năm 1922 tại Ý và nhập Dòng Phanxicô năm 16 tuổi. Đức Thánh Cha Benedict XVI tấn phong ngài làm Hồng Y năm 2007.

Đức Hồng Y Giovanni Battista Re, bộ trưởng Thánh Bộ Giám Mục, sẽ chủ tọa Lễ an táng thứ sáu này.

Với cái chết của Hồng Y Betti, Hồng Y Đoàn bây giờ còn 186 thành viên, với 115 vị được bỏ phiếu.
 
Người trẻ hãy là hy vọng của Giáo hội như Gioan Phaolô II đã giảng dạy
Phụng Nghi
19:03 03/04/2009
Vatican City (AsiaNews) - Người trẻ phải là “hy vọng” của Giáo hội và cố tránh đi những mối nguy hiểm, hiện diện quá nhiều trong xã hội chúng ta, đến độ làm cho “niềm hy vọng Kitô giáo” có thể “giảm thiểu thành ý thức hệ, khẩu hiệu phe nhóm, hay cái vỏ che dấu bên ngoài.” Đặt Đức Giêsu làm nền tảng chân thật của niềm hy vọng cho lớp trẻ, đã là mối quan tâm sâu xa nhất của cố giáo hoàng Gioan Phaolô II, và đó cũng là điều tiếp tục thúc đẩy Bênêđictô XVI kiếm tìm để đương đầu với “sự thúc bách về giáo dục” hiện nay. Trong thánh lễ cử hành đêm hôm qua tại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô để tưởng niệm cố giáo hoàng Gioan Phaolô, qua đời ngày 2 tháng 4 bốn năm trước, người kế nhiệm của ngài nhấn mạnh đến nhu cầu vẫn còn phải quan tâm đến giới trẻ.

Những người trẻ đến từ Sydney và Madrid, một đô thị vừa mới và một đô thị sắp sửa, đứng ra tổ chức Ngày Giới trẻ Thế giới, đã cùng với giới trẻ Roma đến nghe Đức giáo hoàng giảng thuyết. Cùng với nhau, họ đại diện cho hàng triệu người đã tham gia cuộc hội ngộ quốc tế do cố giáo hoàng đề xướng. Cả những người trẻ từ Balan cũng đến đây, tháp tùng vị hồng y đương kim của giáo phận Krakow là Stanislaw Dziwisz, người đã làm thư ký riêng cho Gioan Phaolô II từ khi vị giáo hoàng này còn là tổng giám mục cho đến khi trút hơi thở sau cùng.

Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI phát biểu khi hướng tới những người trẻ tham dự thánh lễ: “Sự hiện diện của các con nhắc nhở cha nhớ đến nhiệt tình mà cố giáo hoàng Gioan Phaolô đã từng gây hứng khởi nơi các thế hệ trẻ. […] Từ khi còn niên thiếu, ngài đã là người can trường và nhiệt tâm bảo vệ Đức Kitô. Vì Đức Kitô mà ngài không nề quản dành bao nhiêu sinh lực để mà gieo rắc ánh sáng của Người ở khắp mọi nơi. Ngài đã không thỏa hiệp khi phải rao truyền và bảo vệ Chân lý của Đức Kitô. Ngài đã không mỏi mệt khi gieo rắc tình yêu thương. Từ lúc khởi đầu triều đại giáo hoàng cho đến ngày 2 tháng 4 năm 2005, ngài đã không lúc nào sợ hãi khi tuyên xưng cho mọi người rằng chỉ có Đức Giêsu là Đấng Cứu độ, là Đấng Giải phóng đích thực của nhân loại, của toàn thể loài người.”

“Nhìn vào cuộc sống của ngài chúng ta thấy lời Thiên Chúa cam kết cho tổ phụ Abraham được phong phú đã thể hiện ra sao. Đặc biệt là, chúng ta thấy được, trong triều đại giáo hoàng lâu dài, ngài đã làm thấm nhuần đức tin nơi rất nhiều người trẻ, trong Ngày Giới trẻ Thế giới, nay đã bước tới lần thứ 23. Có biết bao nhiêu người đã nhờ ngài mà có được ơn gọi vào đời sống linh mục hoặc tu trì! Có biết bao nhiêu gia đình trẻ đã chọn lựa sống theo lý tưởng Tin mừng để kiếm tìm sự thánh thiện, nhờ linh hứng bởi cách thức vị tiền nhiệm đáng kính của cha giảng dậy và làm chứng nhân! Có biết bao nhiêu thanh niên nam nữ đã trở lại hay đã tiếp tục con đường Kitô hữu nhờ ngài cầu nguyện, khuyến khích, hỗ trợ và nêu gương!”

“Quả đúng như thế! Gioan Phaolô II đã có khả năng đem lại sự thúc đẩy mạnh mẽ cho niềm hy vọng, đặt nền tảng trên Đức Giêsu Kitô. Là một người cha nhân ái và một nhà giáo dục nhiệt tâm, ngài đã chỉ ra con đường đi tới những điểm tham chiếu tốt đẹp cần yếu cho mọi người, nhưng đặc biệt là cho giới trẻ. Khi người nằm một chỗ sắp lìa đời, thế hệ mới đã chứng tỏ họ hiểu biết tấm gương của ngài, qui tụ tại quảng trường Thánh Phêrô và nhiều nơi khác trên khắp thế giới để lặng lẽ cầu nguyện, cảm nhận rằng họ sắp mất đi vị Giáo hoàng của họ, rằng “người cha” trong đức tin của họ đang sắp lìa đời. Thế nhưng họ cũng còn cảm nhận rằng ngài đang để lại cho họ kế thừa tấm lòng can trường và sự cố kết trong chứng ngôn của ngài.

“Chẳng phải là quả thực ngài đã nhiều lần nhấn mạnh rằng cần phải có niềm xác tín nơi Tin Mừng đó sao? Chẳng phải là ngài đã cổ võ người trưởng thành cũng như giới trẻ phải cùng nhau coi trọng trách nhiệm giáo dục đó sao? Cả cha nữa, cũng đã tập chú vào sự quan tâm này của ngài, đã nhiều dịp nhấn mạnh khi cha nói về nhu cầu giáo dục khẩn yếu nay đang ảnh hưởng đến các gia đình, đến Giáo hội, đến xã hội, và trên hết cả là đến mọi người trẻ. Khi lớn lên, những người trẻ cần có lớp người trưởng thành cung ứng cho họ các nguyên tắc và các giá trị đạo đức. Vào tuổi của họ, họ cảm thấy nhu cầu được người khác dạy bảo họ cách sống các lý tưởng cao cả bằng gương sáng hơn là lời nói suông. Nhưng chúng ta tìm đâu ra ánh sáng và sự khôn ngoan để hoàn thành sứ mạng như thế, sứ mạng liên hệ đến tất cả chúng ta trong Giáo hội và trong xã hội? Chắc chắn là không đủ khi chỉ cậy nhờ ở các nguồn tài nguyên của con người mà thôi; mà là trước hết chúng ta phải trông cậy vào sự trợ giúp của thiên Chúa.”

Các bạn trẻ thân mến, không có hy vọng thì cuộc sống không tồn tại. Kinh nghiệm cho biết rằng mọi sự, kể cả đời sống chúng ta, sẽ gặp nguy hiểm và có thể sụp đổ bất cứ lúc nào nếu không có lý trí nội tại hoặc ngoại tại. Đó là chuyện bình thường bởi vì tất cả những gì thuộc về con người, kể cả niềm hy vọng, đều không có nền tảng trong hoặc của chính nó, mà cần phải có một “khối đá” để đứng vững. Đó là lý do tại sao Thánh Phaolô viết rằng những Kitô hữu được kêu gọi xây dựng niềm hy vọng của con người trên “Thiên Chúa sống động” bởi vì “chỉ nơi Người niềm hy vọng đó mới chắc chắn và đáng tin.”

“Tuy nhiên, hãy cẩn thận, vào thời gian như thời gian của chúng ta đây, và trong bối cảnh văn hóa và xã hội như chúng ta đang sống đây, chúng ta có thể thấy niềm hy vọng Kitô giáo giảm thiểu xuống thành ý thức hệ, khẩu hiệu phe nhóm, một cái vỏ che đậy bên ngoài. Không có gì đối chọi với sứ điệp của Đức Giêsu hơn thế. Đức Giêsu không muốn các môn đệ của Ngài “diễn” một vai trò, ngay cả vai trò hy vọng. Ngài muốn họ “là” niềm hy vọng, và họ chỉ có thể được như thế nếu họ vẫn còn kết hiệp với Ngài. Ngài muốn mỗi người trong các con, hỡi các bạn trẻ thân mến của cha, trở thành một nguồn hy vọng nhỏ bé cho người bạn của mình. Để rồi cùng nhau tất cả các con có thể là ốc đảo hy vọng cho xã hội chúng con sống.”

Nếu lời Đức Kitô cư ngụ trong chúng ta, chúng ta có thể gieo rắc ngọn lửa yêu thương Người đã thắp lên trên mặt đất, và giương cao ngọn đuốc đức tin và hy vọng tiến bước về phía Người, trong khi chờ đợi ngày Người lại đến trong vinh quang lúc thời gian tận cùng chấm dứt.”

“Đó là ngọn đuốc Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II đã để lại cho chúng ta thừa kế. Ngài đã trao ngọn đuốc đó cho cha là người kế nhiệm ngài, và như một lý tưởng, cha trao lại cho các con, một lần nữa, đặc biệt cho các con, những người trẻ của Roma, để các con tiếp tục coi giữ từ buổi sáng hôm nay, trong tỉnh thức và vui mừng, trong buổi bình minh của thiên niên kỷ thứ ba này. Xin các con hãy vui lòng đáp lời kêu gọi của Đức Kitô với tấm lòng quảng đại.”

Để chấm dứt, ĐGH Bênêđictô XVI đã cầu khẩn Đức Mẹ Maria bằng những từ ngữ “Totus tuus (Con hoàn toàn là của Mẹ)” là khẩu hiệu của Gioan Phaolô II, và phó thác “linh hồn cao cả” của cố giáo hoàng cho Đức Trinh Nữ.
 
ĐTC Biển Đức 16 chủ sự Lễ giỗ lần thứ 4 Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2
G. Trần Đức Anh OP
23:19 03/04/2009
VATICAN. Chiều 2-4-2009, ĐTC Biển Đức 16 đã chủ sự lễ giỗ lần thứ 4 ĐGH Gioan Phaolô 2, trước sự hiện diện của 10 ngàn tín hữu ngồi chật Đền thờ Thánh Phêrô.

Đức Gioan Phaolô 2 qua đời lúc 9 giờ 37 phút tối ngày 2-4 năm 2005, giữa sự tiếc thương của nhiều người. Sự thương tiếc đó được biểu lộ qua hình ảnh hằng triệu người đứng xếp hàng, nhiều khi hàng chục tiếng đồng hồ, để chờ đến lượt vào viếng thi hài ngài lần chót. Lòng quí mến đó cũng được lộ qua sự kiện: trước đây, mỗi ngày chỉ có 300 du khách xuống hầm đền thờ để viếng mộ các Đức Giáo Hoàng, nhưng từ sau khi Đức Gioan Phaolô 2 được an táng, mỗi ngày có từ 10 ngàn đến 20 ngàn tín hữu xuống viếng mộ của ngài.

Đồng tế với ĐTC trong thánh lễ lúc 6 giờ chiều ngày 2-4-2009 có lối 30 HY tại Roma, ĐHY Dziwisz TGM Cracovia, Ba Lan, và ĐHY George Pell, TGM Sydney, trước sự hiện diện của đông đảo các GM, LM và nhất là hàng ngàn bạn trẻ thuộc Giáo phận Roma, vì thánh lễ này cũng là để chuẩn bị cho Ngày Quốc Tế giới trẻ lần thứ 24 sẽ được cử hành ở cấp giáo phận vào chúa nhật lễ lá 5-4 tới đây. Trong số các tín hữu hiện diện cũng có nhiều người Ba Lan, mang theo cờ và hình của Đức Cố Giáo Hoàng.

Trong lời chào mở đầu, ĐTC nói với mọi người rằng:

”Anh chị em và các bạn trẻ rất thân mến, họp nhau nơi đây để cử hành thánh lễ cầu nguyện cho Vị Tôi Tớ Chúa Gioan Phaolô 2, chúng ta hãy cầu xin Chúa giúp chúng ta hiến mạng sống mình vì Chúa Kitô và vì anh chị em chúng ta.

”Lễ Lá đã đến gần, trong đó chúng ta cử hành Ngày Quốc Tế Giới trẻ lần thứ 24. ĐGH Gioan Phaolô 2 thích định nghĩa những người trẻ là ”tương lai và hy vọng của Giáo Hội”: là những người canh chừng ban mai, được kêu gọi kiến tạo một tương lai hy vọng cho nhân loại, với tình yêu thương mà Chúa Thánh Linh đổ tràn trên chúng ta.”

Bài giảng của ĐTC

Trong bài giảng thánh lễ, ĐTC nói: ”Cách đây 4 năm, cũng vào ngày này, vị Tiền Nhiệm yêu quí của tôi, Vị Tôi Tớ Chúa Gioan Phaolô 2 đã kết thúc cuộc lữ hành trần thế, sau một thời gian dài chịu đau khổ nhiều. Chúng ta cử hành thánh lễ này để cầu cho linh hồn Người, trong khi chúng ta cảm tạ Chúa vì đã ban Người cho Giáo Hội, trong bao năm trời, như một vị Mục Tử nhiệt thành và quảng đại. Ký ức về Người tụ họp chúng ta nơi đây chiều tối hôm nay, ký ức ấy tiếp tục sinh động trong tâm hồn dân chúng, như làm sóng hành hương không ngừng của các tín hữu nơi mộ của Người dưới hầm Đền thờ Thánh Phêrô. Vì thế, với niềm xúc động và vui mừng tôi chủ sự thánh lễ này, đồng thời chào thăm và cám ơn vì sự hiện diện của anh em, là những chư huynh đáng kính trong hàng giám mục và linh mục, và tất cả anh chị em đến từ các nơi trên thế giới, đặc biệt là từ Ba Lan, nhân dịp kỷ niệm đầy ý nghĩa này.

Tiếp đến, ĐTC quảng diễn bài Phúc âm của ngài lễ trích từ Tin Mừng theo thánh Gioan nói về cuộc tranh luận giữa Chúa Giêsu và người Do thái về căn tính của Chúa, và áp dụng vào cuộc đời của Đức Cố Giáo Hoàng. Ngài nói:

”Các bạn thân mến, khi suy niệm về trang Tin Mừng này theo thánh Gioan, tự nhiên chúng ta thấy thật là khó dường nào khi làm chứng về Chúa Kitô. Và chúng ta nghĩ đến Vị Tôi Tớ Chúa yêu quí, Karol Wojtila - Gioan Phaolô 2, ngay từ hồi còn trẻ, Người đã tỏ ra là một người can trường và táo bạo trong việc bênh vực Chúa Kitô: vì Chúa, Người không do dự dồn mọi nghị lực để phổ biến ánh sáng của Chúa; Người không chấp nhận thỏa hiệp khi phải công bố và bảo vệ Chân Lý về Chúa; Người không bao giờ mệt mỏi phổ biến tình thương của Chúa. Từ đầu triều đại Giáo Hoàng của Người cho đến ngày 2-4-2005, Người không sợ luôn luôn công bố cho tất cả mọi người rằng chỉ có Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế và là Vị Giải Phóng đích thực của con người và của mọi người”.

"Ta sẽ làm cho Ngươi được phong phú, rất phong phú” (St 17,6). Nếu làm chứng về sự gắn bó của mình với Tin Mừng không bao giờ là điều dễ dàng, thì một điều an ủi là xác tín rằng Thiên Chúa làm cho sự dấn thân của chúng ta được phong phú, khi sự dấn thân ấy có tính chất chân thành và quảng đại. Về phương diện này, kinh nghiệm tinh thần của Vị Tôi Tớ Chúa Gioan Phaolô 2 cũng rất ý nghĩa. Khi nhìn cuộc sống của Người, chứng ta thấy như thể hiện lời hứa của Thiên Chúa với Abraham về sự phong phú hóa, và lời hứa ấy được âm vang trong bài đọc thứ I trích từ sách Sáng Thế. Ta có thể nói đặc biệt trong những năm dài của triều đại Giáo Hoàng, Người đã sinh ra rất nhiều con cái trong đức tin. Hỡi các bạn trẻ hiện diện nơi đây tối hôm nay, các con chính là dấu chỉ hữu hình về điều đó: các con là những người trẻ từ Roma, cũng như những người trẻ đến từ Sydney, Madrid, đại diện cho vô số những người trẻ nam nữ đã từng tham dự Ngày Quốc Tế giới trẻ thứ 23 từ nhiều nơi trên thế giới. Bao nhiêu ơn gọi linh mục và tu sĩ, bao nhiêu gia đình trẻ quyết định sống ý tưởng Tin Mừng và hướng đến sự thánh thiện, họ gắn bó với chứng tá và lời giảng của vị Tiền Nhiệm đáng kính của tôi! Bao nhiêu người trẻ nam nữ đã hoán cải hoặc kiên trì trên con đường Kitô nhờ lời cầu nguyện, nhờ sự khích lệ, nâng đỡ và nhờ tấm gương của Đức Cố Giáo Hoàng!

”Thực vậy, Đức Gioan Phaolô 2 đã thành công trong việc thông truyền năng lực đầy hy vọng mạnh mẽ, dựa trên niềm tin nơi Chúa Giêsu Ktiô, Đấng vẫn nguyên vặn hôm qua, hôm nay và mãi mãi (Dt 13,8), như khẩu hiệu của Đại Năm Thánh 2000. Như người cha yêu thương và như nhà giáo dục ân cần, Người chỉ dẫn cho mọi người những điểm tham chiếu chắc chắn và vững vàng không thể thiếu được, đặc biệt là cho giới trẻ. Và trong giờ hấp hối gần sinh thì, thế hệ trẻ đã muốn biểu lộ cho Người rằng họ đã hiểu giáo huấn của Người, họ tụ tập, trong thinh lặng và cầu nguyện tại Quảng trường Thánh Phêrô vào bao nhiêu nơi khác trên thế giới. Những người trẻ cảm thấy rằng sự ra đi của Đức Cố Giáo Hoàng là một mất mát: Người Cha của họ qua đời, Người mà họ coi là Cha của họ trong đức tin. Đồng thời chúng ta cảm thấy rằng Người đã để lại cho họ một gia sản là lòng can đảm và chứng tá với niềm tin của Người. Người đã nhiều lần nhấn mạnh cần phải quyết liệt gắn bó với Tin Mừng, Người nhắn nhủ những người lớn và người trẻ cùng coi trọng trách nhiệm giáo dục này. Cả tôi cũng muốn lấy lại nỗi lo âu ấy, và trong nhiều dịp tôi đã nói về nhu cầu giáo dục cấp thiết liên hệ tới gia đình ngày nay, Giáo Hội, xã hội và nhất là các thế hệ trẻ. Đang ở trong tuổi tăng trưởng, người trẻ cần những người lớn có khả năng đề nghị cho họ những nguyên tắc và các giá trị, họ thấy cần có những người biết dạy họ hiến thân cho các lý tưởng, bằng cuộc sống, trước khi bằng lời nói.”

ĐTC nhận xét rằng Đức Cố Giáo Hoàng đã kín múc ánh sáng và sự khôn ngoan để chu toàn sứ mạng từ nơi Thiên Chúa, Đấng luôn luôn trung tín. Và ngài nhắc đến Sứ điệp nhân Ngày Quốc Tế giới trẻ 5-4 tới đây để nhắn nhủ các bạn trẻ rằng:

”Hỡi những người trẻ thân mến, chúng ta không thể sống mà không hy vọng. Kinh nghiệm chứng tỏ rằng mọi sự, và chính cuộc sống của chúng ta sẽ lâm nguy, có thể sụp đổ bất cứ lúc nào vì những lý do bên trong và bên ngoài chúng ta. Đó là điều bình thường: tất cả những gì là phàm nhân, kể cả niềm hy vọng, đều không có nền tảng nơi chính mình, nhưng cần một đá tảng để dựa vào. Vì thế, thánh Phaolô đã viết rằng các tín hữu Kitô được mời gọi bắt niềm hy vọng nhân trền trên Thiên Chúa hằng sống. Chỉ trong Chúa, niềm hy vọng ấy mới trở nên vững chắc và đáng tin cậy... Các con hãy thận trọng: trong những thời điểm như hiện nay, trong bối cảnh văn hóa và xã hội chúng ta đang sống, có một nguy cơ mạnh mẽ là thu hẹp niềm hy vọng Kitô vào một ý thức hệ, vào những khẩu hiệu, những chiêu bài của nhóm, hoặc vào những cái vỏ bề ngoài. Không có gì trái với sứ điệp của Chúa Giêsu cho bằng thái độ như thế! Chúa không muốn các môn đệ của ngài ”dành cảnh, trình diễn” một phần, kể cả phần hy vọng. Ngài muốn họ là hy vọng, và họ chỉ có thể trở thành hy vọng nếu họ gắn bó với Chúa. Hỡi những người trẻ thân mến, Chúa muốn rằng mỗi người chúng ta là một nguồn suối nhỏ mang hy vọng cho tha nhân, Ngài muốn tất cả chúng ta cùng nhau trở thành một ốc đảo hy vọng cho xã hội nơi các con sinh sống. Điều này có thể thực hiện được với một điều kiện: đó là các con sống bằng Chúa và trong Chúa, nhờ kinh nguyện và các bí tích, như Cha đã viết trong sứ điệp năm nay. Nếu những lời Chúa Kitô ở trong các con, chúng ta có thể thông truyền ngọn lửa tình yêu mà Chúa đã thắp lên trên trái đất, chúng ta có thể nâng cao ngọn đuốc đức tin và hy vọng, nhờ đó chúng ta tiến về cùng Chúa, trong khi chúng ta chờ đợi ngày trở lại trong vinh quang của Chúa. Đó cũng là ngọn đuốc mà ĐGH Gioan Phaolô 2 đã để lại cho chúng ta làm gia sản.”

Trong phần lời nguyện giáo dân, mọi người đặc biệt cầu nguyện cho Vị Tôi Tớ Chúa, ĐGH Gioan Phaolô 2, người đã biết duy trì một con tim trẻ trung suốt đời và đã dấn thân không chút dè dặt cho sứ vụ tông đồ, để Người nhận được trong Nước Trời phần thưởng Chúa đã hứa ban cho những tôi trung của Tin Mừng.

Các tín hữu cũng cầu nguyện cho các bạn trẻ là tương lai của nhân loại và của Giáo Hội, để họ khám phá trong Thiên Chúa sự thành tựu viên những những khát vọng thiện hảo mà họ mang trong tâm hồn và trở thành những chứng nhân hy vọng cho những người đồng lứa tuổi.
 
Đức Thánh Cha tiếp Hội Thánh Phêrô
G. Trần Đức Anh OP
23:26 03/04/2009
VATICAN. ĐTC Biển Đức 16 đề cao việc thực thi bác ái như dấu hiệu kiểm chứng tính cách chân thực lòng trung thành của chúng ta đối với Tin Mừng.

Ngài đưa ra nhận định trong buổi tiếp kiến sáng 3-4-2009, dành cho phái đoàn 40 người thuộc Hội Thánh Phêrô (Circolo di San Pietro) đến trao cho ngài số tiền quên góp được trong các giáo xứ ở Roma, quen gọi là đồng tiền Thánh Phêrô, để ĐTC có phương tiện làm việc bác ái.

Ngỏ lời trong dịp này, ĐTC chân thành cám ơn các thành viên Hội Thánh Phêrô và nói rằng: 'Tôi cám ơn anh chị em vì qua những sáng kiến liên đới theo tinh thần nhân bản và Tin Mừng này, Anh chị em hiện tại hóa mối quan tâm của Người Kế Vị Thánh Phêrô đối với những người ở trong tình trạng đặc biệt túng thiếu. Chúng ta biết rằng đặc tính chân chính của lòng trung thành của chúng ta đối với Tin Mừng cũng được kiểm chứng qua sự quan tâm và ân cần cụ thể mà chúng ta cố gắng biểu lộ đối với những người yếu thế nhất và những người bị gạt ra ngoài lề xã hội.. Việc phục vụ bác ái, dưới nhiều hình thức khác nhau, trở thành một hình thức ưu tiên để rao giảng Tin Mừng, dưới ánh sáng giáo huấn của Chúa Giêsu, Đấng đã nói điều mà chúng ta làm cho anh chị em, nhất là những người bé mọn và bị bỏ rơi, chính là làm cho Chúa (xc Mt 25-40). Việc phục vụ của chúng ta không phải chỉ là một hành động thương người, tuy hữu ích và có công, nhưng cần phải được nuôi dưỡng bằng lời cầu nguyện liên lỷ và niềm tín thác nơi Thiên Chúa nữa”.

Sau cùng, ĐTC cũng đề cập đến Tuần Thánh đang đến gần và nhắc đến lời dạy của Thánh Lêô Cả Giáo Hoàng: ”Thập giá Chúa Kitô là nguồn mạch mọi phúc lành và là nguyên nhân mang lại mọi ân thánh” (Disc. 8 về sự thương khó của Chúa, 6-8). Từ thập giá nảy sinh niềm vui và an bình nội tâm, làm cho chúng ta trở thành những chứng nhân về niềm hy vọng mà con người thời đại khủng hoảng kinh tế ngày nay đang cảm thấy rất cần. Những sáng kiến bác ái của Hội THánh Phêrô đầy công trạng là những dấu chỉ hùng hồn về niềm hy vọng ấy, và nhất là cuộc sống của anh chị em được Thánh Linh của Chúa Kitô hướng dẫn”.

Hội thánh Phêrô được thành lập tại Roma cách đây 140 năm (1869) với khẩu hiệu là ”Cầu nguyện, hoạt động và hy sinh”, và chuyên làm việc bác ái. Trong số các sáng kiến của hội này đặc biệt có việc cung cấp mỗi năm hơn 70 ngàn bữa ăn cho người nghèo và cho những người vô gia cư trú ngụ ban đêm. (SD 3-4-2009)
 
Top Stories
VIETNAM: Un nouveau départ pour l'évangélisation
Eglises d'Asie
17:38 03/04/2009

VIETNAM: Un nouveau départ pour l'évangélisation



Des études sociologiques récentes, la diffusion de données statistiques sur le développement du christianisme au Vietnam, ont alerté les responsables de l'Eglise sur la nécessité d'une réflexion approfondie sur l'annonce de l'Évangile. Pour le moment, les progrès de l'évangélisation ne correspondent ni aux vœux ni aux efforts des catholiques du pays. Cette inquiétude était au coeur du récent colloque organisé par la Commission épiscopale pour l'évangélisation, qui s'est tenu à Hô-Chi-Minh-Ville, du 23 au 25 mars dernier. Le thème des débats était ainsi intitulé: « Missionnaires dans le champ pastoral ». Les 26 responsables des sous-commissions diocésaines, ainsi qu'un certain nombre de prêtres, religieux, religieuses et laïcs, sous la conduite de Mgr Michel Hoang Duc Oanh, évêque de Kontum et président de la commission, ont réécouté ensemble les consignes d'évangélisation laissées par le Christ à son Eglise. Ils ont fait le point sur la situation actuelle de la mission dans leur pays et ont cherché les moyens d'imprimer une nouvelle impulsion à l'évangélisation des non-chrétiens.

Voilà déjà quelques années que les études statistiques sur le développement de l'Eglise inquiètent les responsables, dans la mesure où elles indiquent une quasi-absence de progrès démographique du catholicisme vietnamien. Le P. Nguyên Ngoc Son a fait part de ses constatations à ce sujet à ses confrères du doyenné de Tân Dinh (Saigon) durant les récollections mensuelles de février et de mars (1). Selon les conclusions de ce prêtre, spécialisé dans les études sociologiques, de 1960 (date de la création de la hiérarchie catholique au Vietnam) à 2008, la proportion des croyants dans le pays s'est pratiquement maintenue au même niveau.

En 1960 la population globale du Vietnam était estimée à 30 172 000 habitants tandis que le nombre des catholiques s'élevait à 2 094 640, soit une proportion de 6,93 %. Le recensement général de l'année 2000 dénombrait 77 635 400 habitants dans le pays. Lors de leur assemblée générale, cette année-là, les évêques du Vietnam estimaient la population catholique a 5 234 303, soit une proportion de 6,7 %. La comparaison des statistiques montre que, pour la période en question, le développement de l'Eglise au Vietnam suit le rythme de la croissance démographique générale et est assurée davantage par les naissances que par les conversions. Entre 2000 et 2007, le nombre moyen de baptêmes d'adultes au Vietnam a été de 35 000, chaque année. Une grande partie d'entre eux étaient motivés par le désir de se marier avec un partenaire catholique.

Au cours de l'histoire de l'Eglise du Vietnam, le rythme de progression de la population catholique a varié selon les périodes. En 1802 (187 ans après l'arrivée des premiers jésuites et moins de 150 ans après la venue des premiers vicaires apostoliques), les catholiques, au nombre de 320 000, ne représentait encore que 3 % de la population du pays. Paradoxalement, c'est au cours des terribles persécutions qui sévirent contre les chrétiens à l'époque des Nguyên que se produisit le véritable développement de l'Eglise du Vietnam. De 1802 à 1886, alors que mouraient pour la foi des dizaines de milliers de martyrs, que des chrétientés entières étaient décimées lors de ‘la révolte des lettrés’, le nombre des catholiques a doublé (648.435) et leur proportion dans le pays est passée de 3 à 7 %. Depuis, elle n'a guère varié.

Mgr Oanh, dans une interview publiée sur le site de la Conférence épiscopale après le colloque de mars dernier a d'abord souligné la difficulté d'apprécier les résultats de l'évangélisation. Cependant, certaines réalités historiques sont indubitables: il ne fait pas de doute par exemple, que la grande période d'expansion de l'Eglise au Vietnam correspond exactement à la période des persécutions dans la première moitié du XIXe siècle. L'Eglise du Vietnam a vécu à cette époque la même histoire que celle des débuts de l'Eglise universelle. Les progrès accomplis par la suite ont été minimes. Les travaux du colloque ont déterminé un certain nombre de raisons expliquant cet état de choses. Les participants ont déploré par exemple la modestie des investissements consentis par l'Eglise dans le domaine de la mission, surtout si on les compare à ceux qui sont consacrés à la construction ou à d'autres domaines comme la culture, la formation... Par ailleurs, les difficultés de l’heure ont rendu le travail pastoral plus accaparant si bien que la tâche missionnaire a été oubliée ou est restée dans l'ombre.

Le récent colloque de Ho-Chi-Minh-Ville est sans doute le début d'un vaste travail de réflexion qui va se prolonger tout au long de l'année sainte à venir et débouchera sur des options de grande envergure. Pour le moment, le colloque s'est contenté de faire certaines propositions aux diocèses concernant la multiplication des postes missionnaires ou encore la diffusion de la Bible au sein de la population vietnamienne.

(1) Voir VietCatholic News le 3 et le 18 mars 2009
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Thánh Giá Trên Đồi
Sen K.
18:40 03/04/2009

THÁNH GIÁ TRÊN ĐỒI



Ảnh của Sen K. – Philippines

“Hãy đến cùng Ta, tất cả những ai lao nhọc và gánh nặng, và Ta sẽ cho nghỉ ngơi”

(Mat 11:28).

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền