Ngày 29-04-2011
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Bình an cho các con
Giuse Đinh Lập Liễm
08:57 29/04/2011
CHÚA NHẬT 2 PHỤC SINH A
+++
A. DẪN NHẬP

Sau khi Đức Giêsu chịu chết và táng trong mồ, các môn đệ bàng hoàng lo lắng vì, theo các ông, chết là hết, bao nhiêu mộng ước đã tan thành mây khói. Nhưng Chúa Giêsu đã hiện ra để củng cố đức tin cho các ông, yên ủi các ông, nâng đỡ các ông, đem sự bình an và niềm vui đến cho các ông. Trong niềm tin tưởng đó, các ông hãy đi rao giảng Tin Mừng cho muôn dân. Tuy được niềm tin và niềm vui Phục sinh nâng đỡ, các ông cũng phải gặp nhiều gian nan thử thách trong cuộc sống :”Anh em sẽ được vui mừng mặc dầu còn phải ưu phiền ít lâu giữa trăm chiều thử thách”.

Trong những lần hiện ra với các môn đệ, Đức Giêsu đặc biệt quan tâm đến lời chào các ông:”Bình an cho các con”(Ga 20,19). Phải chăng đây là quà tặng của Chúa Giêsu Phục sinh tặng ban cho các ông ? Đúng vậy, đây không phải chỉ là lời chào thông thường của người Do thái chào nhau mà còn có ý nghĩa thâm thúy hơn. Bình an mà Chúa Phục sinh ban cho các ông là ân ban của Chúa Thánh Thần giúp các ông giữ vững được tình yêu đối với Chúa và kiên tâm rao giảng Tin mừng trong những hòan cảnh phức tạp.

Muốn đón nhận và kiên trì giữ được sự bình an ấy, chúng ta phải cố gắng thực hiện : mặt tiêu cực là đừng phạm tội vì tội là phản nghịch cùng Chúa, sẽ gây xáo trộn trong tâm hồn ; mặt tích cực là phải nỗ lực xây dựng sự bình an trong tâm hồn mình trong mọi hòan cảnh, dù gặp những phong ba bão táp trong cuộc đời. Sự bình an đích thực chỉ có được nơi những tâm hồn biết chiến đấu chứ không phải cho những người ngồi chờ sự an nhàn hưởng thụ.

B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA

+ Bài đọc 1 : Cv 2,42-47

Sau ngày lễ Hiện xuống, các tông đồ chia nhau đi rao giảng Tin Mừng, bắt đầu từ Giêrusalem. Cộng đoàn tín hữu sơ khai này có một điểm nổi bật đó là tình huynh đệ keo sơn. Mọi thành viên trong cộng đoàn yêu thương nhau, chỉ có một trái tim, một tấm lòng, một linh hồn : họ cùng nhau chia sẻ lời Chúa, tham dự lễ nghi bẻ bánh, góp của riêng thành của chung, phân phát cho nhau để không một ai trong cộng đoàn phải đói khát. Cộng đoàn tiên khởi này là khuôn mẫu tình huynh đệ cho Kitô hữu hôm nay. Cần phải trở về nguồn, cần phải canh tân đời sống Giáo hội theo khuôn mẫu cộng đoàn tiên khởi ấy.

+. Bài đọc 2 : 1Pr 1,3-9

Trong thư gửi cho tín hữu ở Tiểu Á, thánh Phêrô đã nói lên tâm tình cảm tạ và chúc tụng Thiên Chúa vì Người cho ta được tái sinh nhờ việc Đức Kitô sống lại từ cõi chết. Ngài khuyên nhủ các tín hữu, trong niềm tin vào Đức Kitô Phục sinh, hãy sống trung thành với ơn gọi của mình trong mọi hoàn cảnh. Theo Ngài, những khó khăn thử thách mà Kitô hữu phải đối diện hằng ngày là nhằm thanh luyện và củng cố đức tin vì đức tin phải được thử thách mới có giá trị. Vì thế, các tín hữu hãy sống trong hy vọng về sự phục sinh của mình để sống vui tươi và vững vàng trong mọi cơn gian nan thử thách.

+. Bài Tin Mừng : Ga 20,19-31

Trong bài Tin Mừng hôm nay, thanh Gioan thuật lại cho chúng ta hai lần hiện ra của Chúa Giêsu. Lần thứ nhất là ngay chiều phục sinh và lần thứ hai là sau tám ngày. Mặc dù bà Maria Madalena đã báo cho các tông đồ biết rằng Chúa đã hiện ra với bà, nhưng các ông không tin. Chúa Giêsu phải hiện ra trước mặt các ông để các ông tin rằng Ngài đã sống lại như lời đã báo trước. Ngài hiện ra để củng cố đức tin cho các ông, đem lại an bình và niềm vui cho các ông để các ông vững mạnh đi rao giảng Tin mừng. Chính các ông sẽ là chứng nhân của việc Chúa sống lại. Còn sự cứng lòng tin của ông Tôma chỉ là cơ hội khơi lại đức tin nơi các tông đồ, giúp các ông vững tin trong việc rao giảng Tin mừng mặc dù gặp gian nan thử thách.

C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA

Bình an cho các con

I. ĐỨC GIÊSU BAN BÌNH AN CHO CÁC MÔN ĐỆ

Chúng ta đang ở vào cuối tuần bát nhật Phục sinh. Mầu nhiệm lớn lao của Chúa Phục sinh còn đang chi phối tâm hồn chúng ta. Bài Tin mừng hôm nay vẫn còn tiếp tục bàn về việc Chúa sống lại hiện ra với các Tông đồ.

Đức Giêsu đã sống lại được một tuần rồi, hôm nay thánh Gioan kể gồm hai lần Chúa hiện ra : một lần hiện ra ngay chính chiều ngày Chúa sống lại không có mặt Tôma và một lần có mặt Tôma. Mục đích việc Chúa hiện ra là làm cho các Tông đồ tin rằng Ngài đã sống lại thật.

Mặc dầu đã được Kinh Thánh cũng như Đức Giêsu báo trước về Ngài, các môn đệ vẫn tỏ ra bàng hòang khi chứng kiến cuộc khổ nạn và cái chết của Đức Giêsu. Ông Phêrô thì chối Chúa, các môn đệ hầu hết đã bỏ trốn chỉ còn một số ít theo Ngài xa xa. Bao nhiêu mộng ước của các ông dường như đã tiêu tan cùng với cái chết của Thầy mình. Khi được báo tin Chúa sống lại, các ông vẫn còn bán tín bán nghi. Đức Giêsu đã phải hiện ra nhiều lần để trấn an, giải thích và củng cố niềm tin cho các ông.

Tin mừng của thánh Gioan hôm nay thuật lại hai lần hiện ra của Đức Giêsu với các môn đệ trong phòng cửa đóng kín và lời đầu tiên của Ngài là lời chúc bình an cho các ông. Trong cả hai lần gặp gỡ, Đức Giêsu đã lập lại lời chúc này tới ba lần :”Bình an cho các con”. Ngài đã cho các ông xem tay chân và cạnh sườn Ngài, các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa, nhưng lần này vắng mặt Tôma.

Tám ngày sau các môn đệ lại tụ họp trong nhà, có cả Tôma ở đó nữa. Trong khi các cửa đều đóng kín, Đức Giêsu đến đứng giữa các ông, và sau lời chào bình an Ngài bảo Tôma :”Đặt ngón tay vào đây và hãy nhìn xem Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin”(Ga 20,27). Xem ra Chúa có ý trách ông Tôma vì sự cứng lòng của ông, nhưng chính nhờ đó mà các môn đệ, và các thế hệ sau này là chúng ta có thêm bằng chứng mạnh mẽ về việc Chúa sống lại. Ở những lần hiện ra khác, Đức Giêsu cũng tỏ ra ân cần và thân mật khi gặp gỡ, giải thích Kinh Thánh hoặc cùng ăn cùng uống với các ông.

Sau khi chỗi dậy từ cõi chết, món quà đầu tiên mà Đức Giêsu trao tặng cho các môn đệ không phải là những gì kiêu sa, huy hòang hay lộng lẫy, mà là một câu nói đơn sơ chất chứa tấm lòng chân thành thương yêu và săn sóc :”Bình an cho các con”(Ga 20,19).

Chính vì yêu thương, Đức Giêsu đã đi bước trước và sớm nhận ra nhu cầu thiết yếu của các môn đệ trong hòan cảnh lúc đó. Đức Giêsu đã trấn an, củng cố niềm tin và ban Thánh Thần để gìn giữ các ông. Một trong những điểm nổi bật khiến chúng ta nên dừng lại và cùng suy tư tại sao Đức Giêsu lại lặp đi lặp lại nhiều lần lời chúc bình an trong đọan Tin mừng hôm nay.

Phải chăng Ngài muốn nhấn mạnh cho chúng ta biết ý nghĩa thâm sâu của nguồn bình an đích thực ? Không có bình an của Đức Kitô, cuộc đời các môn đệ khi xưa cũng như mọi người chúng ta hôm nay sẽ dễ dàng bị lún sâu trong phiền muộn, chán nản thất vọng và dần dần sẽ đánh mất đi niềm tin của mình.

II. BÌNH AN TRONG CUỘC SỐNG CHÚNG TA

1. Lý do cần sự bình an

Đọc những trình thuật Phục sinh trong bốn cuốn sách Tin mừng, chúng ta nhận thấy các tác giả đều nhắc lại lời chào của Đức Giêsu đối với các môn đệ :”Bình an cho các con”. Chúng ta phải thắc mắc tại sao Đức Giêsu chúc bình an cho các ông nhiều như vậy. Chắc hẳn phải có vấn đề khi Ngài chúc bình an cho các ông.

* Các ông còn đang nói, thì chính Đức Giêsu đứng giữa các ông và bảo :”Bình an cho các con”(Lc 24,37).

* Vào chiều ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do thái, Đức Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói:”Bình an cho các con”(Ga 20,19).

* Người lại nói với các ông :”Bình an cho các con ! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai các con”(Ga 20,21).

* Tám ngày sau, các môn đệ Đức Giêsu lại có mặt trong nhà, có cả Tôma ở đó với các ông. Các cửa đều đóng kín. Đức Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói :”Bình an cho các con” (Ga 20,26).

Đức Giêsu chúc bình an nhiều như vậy, chắc chắn tâm hồn các môn đệ đang ở trong trạng thái hoang mang SỢ HÃI và mất BÌNH AN. Họ thiếu thốn bình an cho nên công việc đầu tiên khi Đức Giêsu hiện ra với họ là phải cung cấp ngay cho họ sự bình an của Ngài. Nếu đọc lại trình thuật Phục sinh trong Tin mừng của thánh Luca và của thánh Gioan một lần nữa, ta thấy cả hai thánh sử đều nói rằng khi các môn đệ đối diện với Đức Giêsu Phục sinh thì họ đang ở trong tâm trạng kinh ngạc, nghi ngờ và sợ hãi.

Ai ở trong tâm trạng sợ hãi thì mất bình an. Kinh nghiệm cũng cho chúng ta thấy những lúc tâm hồn bị những SỢ HÃI thống trị và bao trùm cuộc đời của chúng ta thì lúc đó tâm hồn chúng ta mất bình an. Sau này, chúng ta thấy Đức Giêsu khuyên các môn đệ cũng như chúng ta ngày nay là ĐỪNG SỢ. Hai chữ “Đừng sợ” được nhắc rất nhiều lần trong Kinh Thánh, nhất là trong Tân ước.

2. Thế giới thiếu bình an

Có lần người ta hỏi đại thi hào DANTE của nước Italia rằng : đâu là điều mà ông mong mỏi và tìm kiếm nhất trong cuộc sống ? Bậc vĩ nhân đã trả lời như sau :”Tôi vẫn luôn đi tìm kiếm điều mà bất cứ ai cũng tìm kiếm : đó là sự bình an”.

Đó là điều mà chúng ta vẫn cầu xin cho người quá cố : trên bia mộ, chúng ta luôn ghi lời cầu xin : requiescat in pace : xin cho họ được an nghỉ ngàn thu. Phải chăng trong cuộc sống hiện tại nơi trần thế này, chúng ta sẽ không bao giờ tìm được hòa bình và an nghỉ ? Trong những giây phúc cuối đời, Đức Giêsu đã hứa hẹn với chúng ta :”Thầy ban bình an cho các con. Thầy ban bình an mà thế gian không thể ban tặng cho các con”.

Trước Chúa Kitô 600 năm tại Rôma, một đền thờ đã được xây lên để kính nhớ thần Janus, vị thần mà người ta đã lấy tên để đặt cho tháng đầu tiên trong năm. Theo ước mong của tòan dân trong đế quốc La mã, đền thờ này chỉ được mở cửa trong thời bình. Trong vòng 600 năm ấy, dường như các cửa của đền thờ chỉ được mở trong ba giai đọan ngắn ngủi. Cánh cửa Hòa bình đóng mãi đối với con người ở mọi thời đại.

Thời đại nào thế giới cũng mong hòa bình, thời đại nào con người cũng đợi hòa bình. Khát vọng của Hòa bình ăn rễ sâu trong lòng người, ngay cả những người suốt đời chỉ gieo rắc chiến tranh và đau thương cho người khác. Chúng ta thích khung cảnh tịch mịch thư thái, chúng ta ngây ngất trước ánh bình minh tươi sáng, chúng ta vui thỏa trước buổi chiều tà êm ả, chúng ta thích những cánh hoa tươi mát v.v… Chúng ta thán phục những con người luôn tỏ ra bình thản trước những hòan cảnh xáo trộn. Chúng ta đi tìm những tư tưởng bình an, những dòng nhạc êm dịu, những con người hiền lành (Đ.Ô Nguyễn văn Tài).

Thế giới của chúng ta dường như chưa bao giờ được hưởng những giây phút thái bình thực sự. Hòa bình chỉ là những khỏanh khắc tạm bợ đầy những rình rập của chiến tranh và lo sợ.

Truyện : Chiến tranh và hòa bình.
Trong cuốn Le retour de Jésus Christ, tiến sĩ René Pache có cho biết : kể từ năm 1496 trước Thiên Chúa giáng sinh cho đến năm 1861 của thời đại chúng ta, tức trong khỏang 3400 năm, tính được tất cả 3130 năm chiến tranh, thế giới chỉ được hưởng 268 năm hòa bình. Như thế, trung bình cứ 13 năm chiến tranh thiên hạ mới được hưởng một năm hòa bình.

Từ năm 1500 năm trước Thiên Chúa giáng sinh, cho đến năm 1860 đời ta, tính có tới 8000 hiệp ước hòa bình. Tuy mọi hiệp ước đều có giá trị vĩnh viễn, nhưng trên thực tế, hiệu quả của mỗi hiệp ước trung bình không quá hai năm. Chỉ trong 19 năm, giữa hai thế chiến (1920-1939) tính đã có đến 4568 hiệp ước hòa bình. Nguyên 11 tháng trước đệ nhị thế chiến, đã có tới 211 hiệp ước rồi.

3. Muốn có bình an thật sự

a) Tiêu cực : Phải tránh phạm tội

Muốn có sự bình an trong tâm hồn thì cần phải là người của Chúa. Thánh Phaolô giải thích Người của Chúa là người hòan hảo chính trực, đã được huấn luyện về mọi việc lành phải làm (2Tm 3,17).Thánh Ambrôsiô viết tiếp :”Người của Chúa phải là người sạch tội, vì tội và Chúa chống đối nhau. Đâu có Chúa đấy không có tội và ngược lại”. Thánh Phaolô viết :”Chúa chính là sự bình an của chúng ta”(Ep 2,14). Vậy thì muốn được sự bình an của Chúa – thứ bình an trong tâm hồn – tất nhiên phải sạch tội.

Cái gì đã phá vỡ đời sống thanh nhàn của các thiên thần ? (Js 14,12-13).
Cái gì đã làm cho tổ tông phải khóc lóc ? (St 3,11-12).
Cái gì đã làm cho lòai người phải chìm đắm trong đại hồng thủy ? (St 6,5).
Cái gì đã làm tháo thứ và khiến lửa bởi trời xuống đốt thành Sôđôma và năm thành kế cận ? (St 19,24).
Cái gì đã làm cho Đavít khóc lóc mất ăn mất ngủ ? (Tv 6,7)
Cái gì đã làm cho Phêrô đau đớn suốt đời ? (Lc 17,61-62).
Cái gì đã làm cho Giuđa buồn rầu bứt rứt phải đi thắt cổ ? (Cv 1,18).
Tất cả chỉ là TỘI. Hễ ở đâu có tội ở đấy không có bình an, vì lẽ sự bình an không ưa người có tội (Is 48,22; 55, 21).

Bắc thang thử hỏi ông Trời
Những người phạm tội có ngồi yên không ?

Họ không thể ngồi yên tại vì họ đã mất sự bình an. Mất sự bình an tức là mất Chúa vì Chúa chính là sự bình an của họ.

Truyện : Thiếu trách nhiệm
Bé Tám nhìn ba nó và nói :
- Ba ơi, chiếc cầu bắc qua mương để vào nhà mình sắp gẫy, Ba sửa lại đi, kẻo có người bị té đó !
- Con phải biết cách mà bước, đừng đặt chân giữa cầu, nhưng bước sát vào phía bờ thì không nguy hiểm đâu.
Bé Tám không an lòng :
- Nhưng những người gia đình mình không biết thì sao ba ?
- Chuyện không liên quan gì đến con, con đi chơi đi, đừng hỏi nữa để ba lo việc khác.
Thấy vẻ mặt không vui của ba, bé Tám không dám nài nỉ thêm.

Tối đến, ông Bảy Minh đến gia đình bé Tám để từ giã, hai hôm nữa, ông Minh sẽ đi đòan tụ ở nước ngòai. Sau khi cạn tách trà, mọi người trong gia đình bé Tám ngậm ngùi tiễn người láng giềng ra về với những lời cầu chúc tốt đẹp mà người ta vẫn thường trao nhau. Ba bé Tám là người lưu luyến nhất, sau cái bắt thay thật chặt, ông là người cuối cùng quay vào nhà. Mọi người đang bàn về người hàng xóm may mắn kia thì có một tiếng động nặng nề như trái dừa rơi xuống đất. Bé Tám là người đầu tiên hét lên “Chết rồi ba ơi ! Ông Bảy té”. Cả nhà chạy ra thì quả đúng như vậy. Ông Bảy đang nằm bất động dưới mương sâu lởm chởm đá. Tấm ván làm cầu đã bị gẫy, ông Bảy bị thương nặng.

Ba bé Tám ngượng ngùng, hối hận vì những lời cầu chúc bình an của ông trao cho người láng giềng đã không hiện thực. Vì thái độ vô tâm tắc trách của ông và vì ông không có tạo cơ hội cho lời cầu chúc có được cơ may thể hiện.

b) Tích cực : Phải nỗ lực xây dựng

Hòa bình hay bình an không có nghĩa là không có chiến tranh, không có xáo trộn bên ngòai. Mà phải phấn đấu làm sao để tâm hồn có thể bình lặng trước những tiếng ồn ào, xáo trộn bên ngòai, tâm hồn vẫn có thể an nhiên trong mọi phong ba bão táp của cuộc đời.
Truyện : Bức tranh diễn tả bình an.
Một vị vua treo giải thưởng cho nghệ sĩ nào vẽ được một bức tranh đẹp nhất về sự bình an. Nhiều họa sĩ đã cố công thực hiện. Nhà vua ngắm tất cả các bức tranh nhưng chỉ thích có hai bức và ông phải chọn lấy một.

Một bức tranh vẽ hồ nước yên ả. Mặt hồ là tấm gương tuyệt mỹ vì có những ngọn núi cao chót vót bao quanh. Bên trên là bầu trời xanh với những đám mây trắng mịn màng. Tất cả những ai ngắm bức tranh này đều cho rằng đây là bức tranh bình yên thật hòan hảo.

Bức tranh kia cũng có những ngọn núi, nhưng những ngọn núi này trần trụi và lởm chởm đá. Ở bên trên là bầu trời giận dữ đổ mưa như trút kèm theo sấm chớp. Đổ xuống bên vách núi là dòng thác nổi bọt trắng xóa. Bức tranh này trông thật chẳng bình yên chút nào.

Nhưng khi nhà vua ngắm nhìn, ông thấy đàng sau dòng thác là một bụi cây nhỏ mọc lên từ khe nứt của một tảng đá. Trong bụi cây, một con chim mẹ đang xây tổ. Ở đó, giữa dòng thác trút xuống một cách giận dữ, con chim mẹ đang an nhiên đậu trên tổ của mình… Bình yên thật sự.

“Ta chấm bức tranh này” – Nhà vua công bố.

Sự bình yên không có nghĩa là một nơi không có tiếng ồn ào, không khó khăn, không cực nhọc. Bình yên có nghĩa ngay chính khi đang ở trong phong ba bão táp ta vẫn cảm thấy sự bình yên trong trái tim. Đó mới chính là ý nghĩa thật sự của sự bình yên giữa thế giới đang cần nỗ lực giành lấy trong cuộc sống này.

Không có sự bình yên thật sự khi con người không dấn thân để xây dựng. Xây dựng từ nơi chính mình bằng đời sống công chính, yêu thương với đức ái đòi hỏi. Không có sự bình an không có đấu tranh cho sự thiện, không có sự bình an cho những người ngồi chờ sự an nhàn. Sự bình an mà Đức Giêsu ban tặng là sự bình an cho những con người chấp nhận những thử thách để vượt qua thử thách bằng sự bình an của Đức Giêsu.

Truyện : Bình an trong tâm hồn.
Một tu sĩ rất đau khổ vì tính nhạy cảm của mình. Sau nhiều ngày chịu đựng bản tính nóng nảy không tự chủ được, từ cử chỉ đến lời nói, tệ hơn nữa, anh ta luôn dành những phần phải về phía mình. Một hôm, anh tự nhủ :”Ta sẽ bình an, nếu ta vào sống trong sa mạc hoang vắng xa cách mọi người”. Nghĩ sao làm vậy, anh ta đã sống những ngày bình an, nhưng một buổi chiều nọ, anh đặt chiếc bình sành dùng để đựng nước xuống đất, không biết vì đất nơi ấy lồi lõm hay vì ma quỉ muốn chọc phá, mà bình nước lật sang một bên đổ vỡ đôi, và làm đổ hết nước ra ngòai. Người ẩn tu hầm hầm nổi cơn thịnh nộ tưởng chừng như trời long đất lở.

Khi nguôi cơn giận, anh ta nhìn ngắm chiếc bình đã bể và tự nhủ :”Tôi đã bỏ các anh em trong tu viện, nhưng khổ nỗi lại mang chính cái tôi vào sa mạc hoang vu này, không phải họ, nhưng là chính cái nóng nảy của tôi đã làm cho tôi mất bình an”. Ngay chiều hôm ấy, anh ta trở về tu viện, và qua thời gian, với ơn Chúa giúp và những cố gắng cá nhân, tính nóng nảy đã bớt dần và sự bình an gia tăng trong tâm hồn anh.

Giáo hội luôn mời gọi chúng ta sống một cách thiết thực và sâu đậm lời của Đức Giêsu :”Bình an cho các con”, đó là lời chào luôn có trên môi miệng của Đấng Phục sinh. Thật ra, đây hẳn không phải là một lời chào thân thuộc của người Do thái, nhưng là ân ban mà Chúa Kitô Phục sinh đem lại cho con người. Bình an là nghịch lại với tất cả những gì sợ hãi, thất vọng, chết chóc. Bình an là đồng nghĩa với tin yêu, vui sống và hy vọng.










 
Tôma Và Chướng Ngại Từ Hội Thánh
Lm. Trăng Thập Tự
19:03 29/04/2011
Tôma Và Chướng Ngại Từ Hội Thánh

Kinh nghiệm Thánh Tôma cho thấy rằng tin vào Chúa Kitô Phục Sinh không phải là chuyện dễ.

Tôma là một người trong nhóm 12, đã nghe Chúa báo trước về cuộc thương khó, cái chết và sự phục sinh của Ngài. Khi Chúa bị bắt, ông đã chạy trốn nhưng mấy ngày sau khi Chúa chết, ông đã quay lại với nhóm 12. Tại sao ông quay lại? Tại vì ông đã có tin vào lời Chúa hứa – dù chỉ mới tin một phần nào. Thế nhưng khi ông về gặp lại nhóm, chính thái độ của nhóm khiến lòng tin yếu ớt của ông tắt ngúm. Các bạn càng quả quyết Chúa đã sống lại, ông càng nản lòng và nghi ngờ. Khi Chúa báo trước rằng Ngài sẽ bị bắt, bị tra tấn, bị giết chết trên thập giá và ngày thứ ba sẽ từ cõi chết sống lại, Tôma không hiểu gì. Thế nhưng khi điều Chúa nói về cuộc thương khó và cái chết thập giá của ngài đã thành sự thật, thì đối với Tôma, chuyện Ngài sống lại không còn phải là chuyện đùa. Nếu Ngài sống lại thì quả là mọi sự trên đời đều đảo lộn. Một khi cái chết không còn ngăn cản được Ngài và những kẻ theo Ngài thì còn gì đáng sợ?

Trên đường quay về với nhóm, Tôma đã hình dung sẽ gặp một nhóm bạn hoàn toàn mới, đang hăm hở cùng nhau vạch kế hoạch lên đường báo tin Phục Sinh. Ngờ đâu, ông về tới thì họ đang đóng kín của vì sợ người Do Thái. Họ sợ đến co rúm lại, vậy mà lại cứ một hai bảo rằng đã gặp Ngài từ trong cõi chết sống lại. Làm sao mà tin được? Có chăng là tin rằng họ đang bị ảo ảnh đánh lừa!

Hoàn cảnh anh chị em dự tòng ngày nay chẳng khác gì hoàn cảnh Thánh Tôma, có khi còn khó hơn gấp bội. Hoặc họ nghe được một bản thánh ca, đọc được một đoạn Lời Chúa và lòng được đánh động hướng về Chúa. Hoặc họ gặp được một người bạn lòng là tín hữu Kitô và từ đó đem lòng yêu mến Đạo. Lòng họ thành mơ mộng, nghĩ rằng một Hội Thánh có Chúa hẳn hết sức tuyệt vời, mọi sự nơi Hội Thánh hẳn là hết sức lý tưởng. Thế nhưng lắm lúc khi đụng phải người của Hội Thánh thì họ chưng hửng. Hoàn toàn không như họ tưởng… Họ những tưởng rằng các con cái Chúa sẽ nồng nhiệt vui mừng khi họ ngỏ lời muốn theo Chúa. Thế nhưng họ chạm phải bức tường. Họ đã tin Chúa nhưng chính người của Hội Thánh dập tắt lòng tin của họ.

Một cụ già 72 tuổi thổ lộ với tôi: Đã 50 năm rồi con muốn theo Chúa nhưng không ai đưa con đến với Hội Thánh. Con nói với một vài người Công giáo thì họ cười…

Chúng ta không ở trong số những người cười cợt cụ già nọ, nhưng chúng ta đã làm gì hơn? Mỗi ngày chúng ta dành được mấy giây (chưa nói mấy phút) để cầu cho việc loan báo Tin Mừng? Mỗi tuần ta đi được mấy bước (chưa nói mấy cây số) trên đường đến với anh chị em lương dân? Mỗi năm ta đã dành được mấy đồng (chưa nói mấy ngàn) để mua sách vở Công giáo tặng bà con lối xóm, thông gia, bạn bè hay đồng tộc?... Chúng ta tin Chúa Kitô Phục sinh còn thua tin vào bản tin dự báo thời tiết. Bản tin dự báo thời tiết còn khiến ta đem theo áo mưa khi ra đường, còn việc tin vào Chúa Phục sinh chưa ảnh hưởng gì đến cuộc sống chúng ta. Chẳng ai thấy rằng niềm tin phục sinh khiến ta mỗi ngày đều vui tươi rộn rã, mỗi ngày đều quên mình vì ích chung. Chẳng ai thấy rằng niềm tin phục sinh khiến ta mỗi ngày đều mở rộng vòng tay thân ái với mọi người để chia sẻ Tin Mừng của Chúa.

Sau lễ Giáng sinh vừa qua, một sinh viên thổ lộ: “Con đã đọc vài sách đạo và muốn đến với Chúa. Thế nhưng vào chùa gặp các sư thì dễ, còn vào nhà thờ gặp các cha sao mà khó quá. May sao khi đi ngang nhà thờ Hòa Ninh, con thấy cửa nhà thờ mở. Con vào thì cha sở đang sửa soạn hang đá. Con đến giúp ngài vài việc, lân la hỏi chuyện và bây giờ thì ngài đang hướng dẫn con học đạo.”

Thứ Sáu Thánh vừa qua, một dự tòng tiến lên hôn chân Chúa thì bị một vị chức việc kéo xuống. Vị chức việc có thừa nhiệt tình nhưng thiếu hiểu biết và thiếu tấm lòng với các anh chị em tín hữu mới. Người dự tòng bị bẽ mặt vì đức tin ngay trong nhà thờ. Rất may là anh tin Chúa vì Chúa chứ không vì ai khác trong Hội Thánh.

Những kinh nghiệm như thế giúp ta hiểu rằng ở thời nào tin vào Chúa Phục Sinh vẫn là điều khó. Những kinh nghiệm như thế giúp ta hiểu hơn về lời Chúa nói với Tôma: “Phúc cho ai không thấy mà tin!” Phúc cho ai chẳng thấy Chúa, chỉ thấy một Hội Thánh như thế, mà vẫn tin Chúa.

Những kinh nghiệm ấy giúp ta hiểu Chúa yêu thương các tín hữu mới đến ngần nào. Giữa nhiều hoàn cảnh bẽ bàng trớ trêu, Chúa vẫn luôn giúp họ gặp được những tia sáng le lói, để vượt mọi khó khăn và theo Chúa đến cùng. Trong 6 người được rửa tội chiều nay đây, có anh Ph. mỗi tuần hai lần lặn lội từ Phù Cát về Qui Hiệp, 37 cây số, để dự lớp giáo lý cách say sưa. Tại lớp giáo lý trưởng thành ở nhà thờ Chính Tòa, có một chị 35 tuổi, ở mãi bên kia nhà bảo tàng Quang Trung tận Phú Phong, sống một mình với người cha 80 tuổi bị tai biến. Vậy mà mỗi chúa nhật đều thu xếp người lo cho cha để về Qui Nhơn dự lễ chiều, ở lại học lớp giáo lý buổi tối rồi chạy honda một mình về lại Phú Phong, 47 cây số, thân gái dặm trường, về tới nhà đã hơn 10 giờ khuya. Chẳng phải để chuẩn bị hôn nhân nhưng từ hồi 20 tuổi chị đã hứa nguyện dâng mình cho Chúa mà mãi tới nay mới có điều kiện học giáo lý. Chao ôi! Quả thật phúc cho ai không thấy mà tin.

Thưa Anh chị em, vì những lý do cụ thể, lễ rửa tội này không được cử hành đêm vọng Phục Sinh mà dời đến chiều nay. Có lẽ Chúa Quan Phòng muốn nhờ đó mà chúng ta có điều kiện để đi sâu hơn vào tâm tình của anh chị em tín hữu mới. Hẳn Chúa muốn nhờ lễ rửa tội này mà làm cho cả đức tin và nhiệt tình truyền giáo của chúng ta lại được bùng cháy lên cách mới mẻ và mãnh liệt. Chúng ta cần nhập vai vào hoàn cảnh người mới tin Chúa để nhớ lại ơn làm con cái Chúa và sự cứu rỗi trong Chúa quý trọng đến mức nào. Chúng ta hãy hòa chung tâm tình với các tín hữu mới để cả đức tin và nhiệt tình truyền giáo của chúng ta lại chỗi dậy, để Chúa Kitô Phục Sinh thực sự biến đổi cuộc đời chúng ta.

Một bạn trẻ trong lớp giáo lý này là anh L., đang học năm thứ I Đại Học. Nhà anh ở Nghệ An. Kỳ nghỉ tết vừa qua, anh đã chia sẻ với gia đình về ơn đức tin anh nhận được và cuối cùng gia đình đã đồng ý cho anh theo Chúa. Vì thế, thay vì nhận các bí tích nhập đạo trong dịp này với các bạn, anh quyết định hoãn đến dịp hè sẽ xin rửa tội tại giáo xứ gần quê anh để có thể mời gia đình đến tham dự. Do L. không bận chuẩn bị lãnh bí tích, tôi đã nhờ anh giúp áo rửa tội cho các bạn. Chiều thứ tư vừa qua, tôi đưa anh đến gặp thợ may, nhờ may áo ren choàng cho các bạn nữ và áo gi-lê trắng cho các bạn nam. Bất ngờ, anh bảo người thợ may:

- Chị may thêm cho một cái nữa, theo kích của em.

Và bất ngờ hơn nữa, anh dúi cho tôi 100 ngàn và bảo:

- Cha cho con được góp một chút vào áo kỷ niệm rửa tội cho các bạn.

100 ngàn của một sinh viên xa nhà! Tôi từ chối nhưng cuối cùng đã nhận, để cho L. có dịp tuyên xưng hạnh phúc của anh và của các bạn.

Thưa Anh Chị Em,

Chúa Giêsu không chấp trách Tôma. Ngài biết hoàn cảnh khó khăn của ông và đã đáp ứng khát vọng của ông. Ngài đã đến để đích thân tháo gỡ bức tường nhóm mười người kia đã dựng nên.

Hôm nay cũng thế. Dù lắm lúc Hội Thánh đã thành chướng ngại trên hành trình đức tin của người tín hữu mới, Chúa vẫn có cách để dẫn dắt họ. Chúa đích thân lo cho người tín hữu mới vì Ngài biết họ được mua bằng giá máu của chính Ngài.

Chúa đã đáp úng nguyện vọng của Tôma trước mặt nhóm 11 là để nhờ Tôma mà cả nhóm được thêm mạnh mẽ trong đức tin. Hôm nay, các bí tích gia nhập Kitô giáo được cử hành trong thánh lễ cộng đoàn cũng chính là để nhờ đó mà đức tin và nhiệt tình truyền giáo của cộng đoàn được thêm vững mạnh.

Tôi còn phải nói thêm rằng, nhờ được gặp Chúa Kitô Phục Sinh, Tôma đã lên đường loan báo Tin Mừng cho đến tận Ấn Độ. Cả các anh chị tín hữu mới hôm nay cũng thế: sau khi được gặp Chúa Phục Sinh, dù đi đâu và làm gì, các anh chị hãy quan tâm chia sẻ niềm vui làm con Chúa với người bên cạnh.

Thay lời cha sở và toàn thể cộng đoàn phụng vụ, tôi xin thân ái chúc mừng ơn làm con Chúa của nhưng anh chị em sắp được lãnh nhận các bí tích khai tâm Kitô giáo: Rửa Tội, Thêm Sức và Thánh Thể.

Kính chúc toàn thể công đoàn phụng vụ và cách riêng các anh chị em mới/ mỗi ngày một gặp Chúa Kitô cách sâu xa hơn, yêu mến Ngài hơn, và tha thiết làm cho Ngài được mọi người yêu mến hơn.

Lm Trăng Thập Tự
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
22:23 29/04/2011
RƯỢU CHẾT RỒI
N2T

Người nọ mời khách, khi mọi người đang nâng ly ăn uống, thì trong đám khách có người đột nhiên khóc lớn tiếng, chủ nhân vội vàng hỏi:
- “Uống rượu là việc vui sao lại đau thương như thế hử ?”
Người ấy trả lời:
- “Cuộc sống tôi thích nhất là rượu, bây giờ rượu đã chết rồi, cầm lòng không được nên khóc mà thôi”.
Chủ nhân nín cười không được nên cười lớn, nói:
- “Rượu làm sao mà chết được ?”
Người khách nói:
- “Theo anh nói thì rượu không chết được, tại sao một chút mùi rượu cũng không có chứ !”

Suy tư:
Tiệc là bày tỏ sự vui mừng, và rượu thì làm cho buổi tiệc thêm phấn khởi, chứ không phải rượu là nguyên nhân của sự vui mừng. Do đó mà rượu thì không thể chết được, chỉ có người thích uống rượu mới chết; rượu thì hoặc có hoặc không chứ không thể chết, nhưng người nghiện rượu nếu không có rượu thì sẽ như người mất trí, và có khi chết cũng không chừng...
Người nghiện rượu đi ăn tiệc mà không thấy rượu thì bữa tiệc chẳng có gì là vui cả; người không uống rượu đi dự tiệc không thấy chai rượu nào cả thì trong lòng vui vẻ.
Bàn tiệc thánh mà người Ki-tô hữu mỗi ngày đi tham dự chính là thánh lễ Mi-sa, nơi bàn tiệc thánh này có đầy đủ thức ăn và rượu, đó chính là Mình Thánh và Máu Thánh của Chúa Giê-su, và tất cả những người tham dự đều chỉ có một tâm trạng như nhau là yêu mến Thánh Thể, là muốn kết hợp mật thiết với Chúa Giê-su Thánh Thể. Chỉ có bàn tiệc thánh này mới làm họ thỏa lòng mong ước mà thôi, bởi vì đó chính là lương thực hằng sống mà Chúa Giê-su ban cho những ai tin, yêu mến và thực hành lời của Ngài trong cuộc sống mà thôi.
Mình và Máu Thánh của Chúa Giê-su thì không thể chết được, nhưng những ai không thèm ăn hoặc ăn một cách bất xứng thì sẽ chết, mà chết đời đời mới đáng sợ hơn.
----------------------
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://vn.360plus.yahoo.com/jmtaiby
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi tuần SỐNG một câu Lời Chúa (CN 2 PS A)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
22:25 29/04/2011
CHỦ NHẬT 2 PHỤC SINH

Tin mừng : Ga 20, 19-31.
“Tám ngày sau, Đức Giê-su đến”.


Anh chị em thân mến,
Chúa đã sống lại, đó là một tin vui cho mọi người, nhưng niềm vui sẽ được nhân lên nhiều nếu chúng ta đón nhận niềm vui ấy với tất cả sự bình an trong tâm hồn.

Một hôm chuột túi hỏi Chúa tạo vật:
- “Xét cho cùng thì thiên đàng ở đâu?”
- “Ở đây”.
- “Ở đâu?”- Chuột túi nhìn chung quanh bốn phía, không hiểu hỏi: “Sao con không thấy?”
Chúa tạo vật dịu giọng trả lời:
- “Bé con, nếu như trong lòng con có thiên đàng, thì không có chỗ nào là không phải thiên đàng. Nếu như trong lòng con không có thiên đàng, thì dù cho con có ở trong thiên đàng thật, thì con nhìn cũng không thấy thiên đàng !” (1)


Thiên đàng chính là sự bình an thật, ở trong thiên đàng nhưng nhìn không thấy thiên đàng vì không có sự bình an thật trong tâm hồn, những người này họ có đầy đủ mọi thứ như tiền, danh vọng, chức vụ, nhưng tâm hồn lúc nào cũng thấp thỏm lo âu vì không có bình an trong tâm hồn, ở đâu có bình an thật thì ở đó chính là thiên đàng.

Có những người đón nhận niềm vui trong lo âu, đó là những cha mẹ nghèo lo âu khi nghe tin con mình thi đỗ đại học; có những người đón nhận niềm vui trong u sầu, đó là những người di dân đang ở thành phố vui mừng khi nghe chính sách nhập cư, nhưng u sầu vì điều kiện xem ra khó hơn trước; có những người đón nhận niềm vui trong sợ hãi, đó là những người được đề bạt lên chức vụ cao hơn vượt quá khả năng của mình; có những người đón nhận niềm vui trong thù hận, đó là những người khi nghe tin ông tham nhũng này bị hầu tòa, ông “trời con” kia bị ngồi tù vì hà hiếp dân lành.

Niềm vui và bình an của thế gian thì không trọn vẹn, niềm vui và bình an của người đời ban cho chỉ là tạm bợ theo cái vui cái thích của cơ chế ban cho, cũng như theo cái tính khí thất thường của con người, cho nên không một ai có được niềm vui và bình an lâu dài của người đời ban tặng.

Anh chị em thân mến,
Chúa Giê-su đã sống lại, và việc đầu tiên Ngài ban cho các môn đệ chính là sự bình an -bình an của Nước Trời- sự bình an này như phương thuốc đắng (khổ nạn) khi uống, nhưng sẽ ngọt ngào sau khi uống xong (phục sinh) và sẽ được sự sống đời đời trong Nước Chúa.

Khi chúng ta đón mừng Tin Mừng Phục Sinh của Chúa Giê-su là lúc chúng ta đón nhận bình an thật của Ngài, bởi vì không ai tìm sự bình an trong sự lừa đảo dối gian, nhưng trong sự thật; không ai tìm sự bình an trong cái hư mất, nhưng trong cái vĩnh hằng; cũng không ai tìm sự bình an trong hỗn loạn, nhưng trong sự an bài theo thánh ý của Thiên Chúa, mà bình an của Thiên Chúa chính là phó thác mọi sự trong tay Ngài...

Chúa Giê-su đã đem bình an của Ngài trao ban cho các môn đệ, để các ngài cũng đem bình an ấy trao lại cho những người nghe lời các ngài rao giảng và tin vào Đấng Phục Sinh. Chúng ta cũng sẽ đem bình an của Chúa Giê-su Phục Sinh trao cho những người chung quanh bằng thái độ khiêm tốn, lời nói hòa nhã và cuộc sống vui tươi.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

(1) Trích trong “Chuyện ngụ ngôn cho thời hiện nay”, bản dịch và viết suy tư của Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
----------------------
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://vn.360plus.yahoo.com/jmtaiby
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
22:29 29/04/2011
N2T

44. Con nên làm hết sức có thể để mình không phạm tội nhỏ, hơn nữa làm cho được tới mức độ hoàn thiện nhất.

(Thánh nữ Terese of Avila)
 
Mỗi tuần một ''Chuyện Rất Ngắn''
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
22:39 29/04/2011
DU HỌC
Truyền hình và báo chí Taiwan đăng tin: hốt trọn ổ gái mại dâm trá hình ở vũ trường X… tại Taichung, trong đó có hai cô tự nhận là sinh viên người Việt qua du học.
Tri thức – vật chất – danh dự, cả ba đều không bằng hai chữ: hưởng thụ.
-------------------------
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://vn.360plus.yahoo.com/jmtaiby
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Các bóng ma tại lễ cưới hoàng gia
Vũ Văn An
21:13 29/04/2011
Ký giả Austen Ivereigh của tờ America, số ngày 24 tháng 4, có bài sau đây về lễ cưới hoàng gia:

Vì tôi ở chỉ cách Nguyện Đường Westminster 15 phút đi bộ, nơi Hoàng Tử William và Catherine Middleton sẽ thành hôn vào ngày mai, và cũng không cách Điện Buckingham bao xa, nơi họ sẽ xuất hiện trên ban-công sau lễ thành hôn để hôn nhau, nên khó có thể tránh được cảnh ồn ào náo nhiệt. Bên kia Điện là “thành phố truyền thông” mới mầu xanh nơi nụ hôn kia sẽ được truyền hình trực tiếp tới khán giả khắp địa cầu, trong khi ấy tại Nguyện Đường, người ta đã bắt đầu cắm lều (với đủ cả chó lẫn cờ) với hy vọng được thoáng nhìn thấy cặp uyên ương vương giả.

Các con phố ở phần thành phố tôi ở, gần Ga Victoria, đang rực rỡ với cờ đuôi nheo, phất phới dọc theo các hàng cột điện, và tôi đã chứng kiến ít nhất hai cuộc liên hoan ngoài phố gần đó. Bạn có thể mua những chiếc bánh ly giấy có hình Kate và William tại một tiệm bánh địa phương, và những chiếc khăn lau chén dĩa có hình của họ. Người ta quả đang bước vào cuộc liên hoan.

Tôi không có liên hệ gì với gia đình này. Tôi cũng không được mời tham dự lễ cưới. Ấy thế nhưng tôi vẫn cảm thấy như được mời, và được mời thật. Lễ lạc mừng vui cuộc tình thơ mộng bắt đầu vào sáng mai với những cuộc diễn hành long trọng tại Nguyện Đường Westminster và những ban hợp ca tuyệt vời luôn có cách chinh phục những anh chàng ưa chế giễu khinh khi, duy lý lẫn duy cộng hòa; giống tôn giáo, hoàng gia vừa phi lý vừa hết sức gây chú ý. Ở tâm điểm nghi lễ ngày mai, người ta sẽ thấy một tổng hợp hết sức lôi cuốn lòng người gồm nhiều yếu tố mà các nhà làm phim hết sức kỳ vọng: một đàng, có một điều gì hoàn toàn “khác lạ”, một khung cảnh mộng mơ, như chuyện thần tiên: đám cưới của một hoàng tử, đám phong công chúa của một thứ dân; đàng khác, có một điều gì hết sức phổ quát và nhân bản: người con trai gặp người con gái; họ yêu nhau; rồi cưới nhau.

Và như một số giám mục vừa nhấn mạnh, điều sẽ xẩy ra ngày mai quả là một vinh danh đối với định chế hôn nhân, tức sự kết hợp giữa một người đàn ông và một người đàn bà nhằm sinh sản và dạy dỗ con cái. Chung quanh ta, đang có nhiều phương thức “thay thế” cho mẫu mực ấy: các cuộc kết hợp đồng tính, nhiều cha mẹ đơn lẻ, nhiều cặp ly dị, và các nhà cổ động cho sự bình đẳng muốn ta tin rằng tất cả các “mẫu mực” ấy đều có giá trị như nhau. Nhưng thực ra, đâu phải như vậy. Lịch sử, nghiên cứu và kinh nghiệm đều cho thấy cuộc hôn nhân bền vững và đầy yêu thương giữa một người đàn ông và một người đàn bà là môi trường tốt nhất cho đứa con, là thước đo của mọi nền văn hóa.

Đối với một đất nước cũng thế. Ngày nay, một đất nước nhà nước (nation-state) rất có thể chỉ là một thực thể mỏng dòn nhưng nó vẫn là một thực thể tốt nhất có khả năng khiến ta âu yếm muốn thuộc về. Tôi tự coi mình trước nhất là người Âu Châu, nhưng cũng là người Anh; và tôi sẽ hết sức hãnh diện về tính Anh Quốc của âm nhạc ngày mai: Jerusalem, Greensleeves; cách dàn dựng của Elgar, Vaughan Williams, Britten; các thánh ca của Wesley, Willliams, Blake – theo nhịp điệu và ngôn từ của Sách Nguyện Chung (Book of Common Prayer) và Thánh Kinh Vua James (King James Bible). Tổng Giám Mục Canterbury sẽ khẩn cầu: "Xin Chúa giáng phúc cho các tôi tớ Chúa đây, cho người đàn ông và người đàn bà này, những người mà chúng con chúc lành cho nhân danh Chúa; để, nhờ trung thành sống với nhau, họ chắc chắn sẽ thi hành và giữ trọn lời hứa và giao ước đã làm với nhau, qua chiếc nhẫn được trao đi và nhận lãnh như biểu tượng và bảo chứng; và mãi mãi sống yêu thương và hoà bình với nhau cách hoàn hảo, cũng như luôn sống theo luật Chúa; nhờ Chúa Giêsu, Chúa chúng con. Amen”.

Nhưng trên hết, ngày mai sẽ là thời điểm của chủ nghĩa Erastus (1), thời điểm làm tươi mới các dây liên kết giữa Giáo Hội và nhà nước, thời điểm, ngay trong ngôi nguyện đường vốn được coi là “đặc trưng của hoàng gia” nghĩa là không đặt dưới thẩm quyền các giám mục Anh Giáo mà đặt trực thuộc thẩm quyển của vị Thống Lãnh Tối Cao của Giáo Hội ấy, tức Nữ Hoàng, người ta sẽ tái khẳng định cây dù hiến định của Kitô Giáo, một cây dù quan yếu cho cả hai định chế.

Thực vậy, bóng ma tại bữa tiệc ngày mai sẽ là: dù mỗi bên cố gắng tìm cách hòa mình vào thời đại, cả Giáo Hội Anh Giáo lẫn nền quân chủ đều trầm mình sâu xa vào thời điểm lịch sử khi đất nước Anh được khai sinh: một hòn đảo Thệ Phản bị bủa vây. Và cả hai thực thể sẽ mãi mãi vẫn được thời điểm kia xác định, và họ cần tới nhau để được xác định như thế.

Thời điểm ấy đã được cứng đọng trong luật lệ. Đạo Luật Thành Lập (The Act of Settlement) năm 1701 dự liệu các điều kiện theo đó việc nối ngôi phải diễn ra. Đây không phải là vấn đề chỉ có tính nối giòng, máu mủ hay thứ bậc lúc sinh ra. Trái lại, con trai sẽ qua mặt con gái. Do đó, nếu đứa con thứ hai của William và Kate là con trai, nó sẽ nối ngôi trước đứa chị của nó. Và đương nhiên, đứa con theo Công Giáo La Mã sẽ bị loại khỏi danh sách nối ngôi; thành viên nào của hoàng gia kết hôn với một người Công Giáo thì phải từ bỏ quyền nối ngôi của mình. Ngoài ra, vị quân vương còn phải hiệp thông với Giáo Hội Anh Giáo và phải tuyên thệ trước nhất duy trì Giáo Hội Anh Giáo Nước Anh và Giáo Hội Anh Giáo Tô Cách Lan như quốc giáo (established), và thứ hai, phải duy trì việc truyền ngôi căn cứ vào Thệ Phản.

Đạo Luật Thành Lập và Bộ Luật Quyền Lợi (Bill of Rights) có trước đó đã được đưa ra trong một thời kỳ khi nước Anh cảm thấy mình bị ảnh hưởng bên ngoài đe dọa một cách trầm trọng, nhất là từ các quốc gia Công Giáo. Nhiều nhà nước hiện đại cũng đã được khai sinh trong những thời điểm như thế. Trong trường hợp ấy, một hiệp ước có tính nền tảng đã được soạn thảo, giống một khế ước giữa vị quân chủ và các thần dân, nhằm khẳng định tính độc lập của nước Anh đối với các thế lực ngoại quốc, trong đó, dĩ nhiên, có thế lực của Giáo Hoàng. Chủ nghĩa Thệ Phản và thực thể quốc gia đã cùng gặp nhau. Các dự liệu của Đạo Luật năm 1701 có tính bó buộc “mãi mãi”: bất cứ khi nào Nghị Viện cho phép vị quân chủ trở thành người Công Giáo hay kết hôn với một người Công Giáo, thì khế ước giữa người cai trị và người bị trị sẽ bị hủy bỏ: “trong mọi trường hợp và mỗi trường hợp như thế, người dân của các lãnh thổ này nên được và thực sự được tháo gỡ không còn lệ thuộc sự vâng phục của họ nữa”.

Chính vì thế, cả chính phủ lẫn Giáo Hội (Anh Giáo) đều tỏ ra bối rối và khó chịu khi phải đương đầu với các lời yêu cầu Nghị Viện bãi bỏ quyền trưởng nam (male primogeniture) và việc kỳ thị chống người Công Giáo. Cả thủ tướng (một người Anh Giáo) lẫn phó thủ tướng (một người vô thần, kết hôn với người Công Giáo) đều nói rõ họ không ủng hộ những cuộc cải cách như thế; ấy thế nhưng, theo lời phát ngôn viên của ông Nick Clegg, “đây là một vấn đề phức tạp và khó khăn đòi phải xem sét và suy nghĩ cẩn thận”. Gần đây thủ tướng đề nghị rằng dù bản thân ông có ủng hộ, thì việc đó cũng cần những đạo luật riêng rẽ của từng quốc gia thuộc khối Thịnh Vượng Chung, một điều hết sức kềnh càng.

David Cameron từng nói với đài Sky News rằng: “Điều đó trước đây từng được đưa ra bàn cãi và mọi người ở hàng đầu tạo ra chính sách đều nhất trí rằng nó đòi phải có những thay đổi và hiện đang có những cuộc đối thoại tiếp diễn. Nhưng rõ ràng là cần phải có thời gian, vì Nữ Hoàng không phải chỉ là nữ hoàng của Vương Quốc Thống Nhất mà còn của nhiều quốc gia khắp thế giới và do đó, thay đổi phải là thay đổi mà các quốc gia ấy chấp nhận và đem ra thi hành và hiện đang có những cuộc thảo luận với các quốc gia ấy…”.

Nói tóm lại, bạn hiểu chứ. Chúng tôi nghĩ thay đổi là điều đúng… Nhưng chúng tôi thà không thay đổi thì hơn. Hay đúng hơn: chúng tôi nghĩ mình không thể thay đổi được.

Bây giờ ta hãy xét tới sự lúng túng của Giáo Hội Anh Giáo. Tuần vừa qua, một phát ngôn viên nói với tờ Telegraph rằng đối với thời nay, dù Đạo Luật Nối Ngôi xem ra có vẻ “bất bình thường”, nhưng vì Giáo Hội Anh Giáo là tôn giáo chính thức, nên vị quân vương và Thống Lãnh Tối Cao không chịu thần phục một thẩm quyền cao hơn ở nơi nào khác. Nói cách khác, sự nghi ngờ cổ xưa đối với người Công Giáo vẫn còn đó: “họ trung thành với Rôma hay với quê nhà?”.

Sự kỳ dị trong lời tuyên bố trên là thế này: chắc chắn người Kitô hữu nào, kể cả vị quân vương Kitô hữu lẫn các vị giám mục, đều phải thần phục một thẩm quyền cao hơn. Nền văn minh Kitô Giáo cùng một lúc đặt chân lên kinh thành vĩnh cửu lẫn kinh thành trần thế. Thực vậy, quả là đáng lo ngại khi nhà nước trở thành nơi của thẩm quyền cao hơn cho mọi người; có khác chi đường dẫn tới toàn trị.

Phát ngôn viên sau đó chuyển qua nói về Giáo Hội Công Giáo: “Việc ngăn cấm những người nối ngôi không được lấy người Công Giáo La Mã có từ thời xa xưa và nhất định xem ra có vẻ bất bình thường, đặc biệt khi không có sự ngăn cấm kết hôn với những người thuộc tôn giáo khác hay không có tôn giáo nào cả. Nhưng nếu bãi bỏ sự ngăn cấm này thì khó khăn vẫn còn đó vì luật lệ đòi vị quân vương phải hiệp thông với Giáo Hội Anh Giáo trong tư cách Thống Lãnh Tối Cao của Giáo Hội này và đó là điều không người Công Giáo nào có khả năng thi hành một cách nhất quán dưới kỷ luật hiện nay của giáo hội đó”.

Dĩ nhiên điều ấy đúng. Một vị vua Công Giáo khó có thể cử nhiệm các giám mục cho Giáo Hội chính thức ấy. Nhưng xin hãy xét tới điều được giả thiết trong lời tuyên bố trên: Vua hay Nữ Hoàng vẫn là Thống Lãnh Tối Cao của Giáo Hội Anh Giáo. Giáo Hội thì chính thức, nhà nước thì Thệ Phản: lấy đi một sợi chỉ, toàn bộ tấm vải sẽ bị tháo rời. Và đó chính là lý do tại sao tại nước Anh hiện đại, ta không thể có được một cuộc thảo luận về một giáo hội tách biệt khỏi nhà nước, và về một nền quân chủ trong đó các thành viên của nó có khả năng thực thi quyền tự do tôn giáo.

Điều ấy có quan trọng không? Về nguyên tắc, thưa có: chủ nghĩa phe phái do nhà nước bảo trợ là một điều xấu xí, và trong tư cách Công Giáo, thật khó cho ta không cảm thấy một chút thất vọng khi vào những ngày như ngày mai, ta nhận ra một khuynh hướng bài Công Giáo sâu xa trên đó nhà nước đã được xây dựng. Nhưng đây không hẳn là vấn đề cảm nhận của người Công Giáo. Quả là không lành mạnh khi nghe các chính trị gia cũng như các nhà lãnh đạo tôn giáo thú nhận họ bất lực không giải quyết được những bất bình đẳng chỉ vì sợ những gì có thể xẩy ra ở phía trước. Các giám mục Công Giáo của Anh và Wales, vì biết rõ điều đó, nên đã “thư giãn” đối với Đạo Luật Thành Lập và thích chọn những cuộc chiến đấu khác hơn.

Và do đó, trong phong thái rất Anh, ngày mai ta sẽ tập chú vào những điều tốt đẹp mà các định chế cổ xưa kia vẫn tiếp tục cung cấp; và cũng như các học trò tại định chế giáo dục Anh có tên Hogwarts, ta vẫn cứ tham dự cuộc lễ lạc và giả đò là không nhìn thấy những bóng ma. Và dù có ai đó trong chúng ta cứ thô lỗ nhắc đến chúng, ta vẫn nâng ly chúc mừng Nữ Hoàng và cặp uyên ương mới hạnh phúc trong tình yêu, vẫn cứ nâng ly chúc mừng Thiên Chúa và quê hương, và ngâm ngợi bài Giêrusalem cho đến khản tiếng.

Ghi chú

(1) Đây là chủ thuyết của Thomas Erastus (1534-1583), một nhà thần học Đức gốc Thụy Sĩ. Ông chủ trương nhà nước có thẩm quyền thống trị giáo hội ngay trong các vấn đề tôn giáo.
 
Pakistan: Các Giáo hội đoàn kết vì ĐTC Gioan Phaolô II
Phạm Kim An
07:47 29/04/2011
Pakistan: Các Giáo hội đoàn kết vì ĐTC Gioan Phaolô II

Faisalabad – Người Hồi giáo cũng sẽ cầu nguyện, khi Cố Giáo hoàng Gioan Phaolô II có một bước tiến hướng tới việc phong thánh cho Ngài.

Người Hồi giáo sẽ tham gia với người Công Giáo Pakistan trong lễ phong chân phước của ĐTC Gioan Phaolô II vào ngày 1-5.

Hơn 12 giáo sĩ Hồi giáo đã được mời tham dự một Thánh Lễ đặc biệt dành cho một trong các Giáo hoàng được yêu quý nhất, tại Nhà thờ chánh tòa thánh Phêrô và thánh Phaolô thuộc giáo phận Faisalabad. Quà lưu niệm và các tài liệu đang được chuẩn bị để phân phát trong ngày Tòa thánh phong chân phước cho ĐTC Gioan Phaolô II.

Linh mục Tổng Đại Diện giáo phận, Khalid Asi, đang tổ chức các cuộc họp phối hợp cho sự kiện sắp tới, nói: “Các giáo sĩ Hồi giáo rất ngạc nhiên và mừng vui khi nghe Ngài sẽ trở thành một wali [vị thánh]. Ngài có một nguồn cảm hứng cho tất cả mọi người, trong đó có các người Hồi giáo tôn kính linh đạo của Ngài”.

Cha nói thêm rằng ĐTC Gioan Phaolô II là người nổi tiếng đối với người Hồi giáo hơn, so với ĐTC đương nhiệm.

Giáo phận Multan cũng đã mời 40 giáo sĩ Hồi giáo tham dự một cuộc hội thảo hòa hợp liên tôn, để tôn vinh cố ĐTC tại Nhà thờ chính tòa Chúa Cứu Thế. Đức Giám mục Andrew Francis, giáo phận Multan, sẽ chủ tọa cuộc hội thảo ngày 30-4, tiếp sau một loạt các sự kiện cho học sinh các trường Công Giáo.

Ngày 1-5, thánh lễ phong Chân phước tại Roma sẽ được truyền hình trực tiếp tại chủng viện quốc gia, tại một nhà nghỉ Công giáo ở tổng giáo phận Karachi và tại giáo phận Islamabad-Rawalpindi. Các Ủy ban Giáo Hội trong tổng giáo phận miền Nam cũng đang chuẩn bị các vở kịch và phim tài liệu về cuộc đời và giáo huấn của ĐTC Gioan Phaolô II.

Đức Tổng Giám mục Evarist Pinto, tổng giáo phận Karachi, sẽ tham dự lễ phong Chân phước tại Roma.

ĐTC Gioan Phaolô II đã viếng thăm Karachi ngày 16-2-1981, nơi Ngài thoát chết vì bom do một tên khủng bố thực hiện.

Linh mục Augustine Soares, người phụ trách an ninh cho chuyến thăm của ĐTC, nói: “Đây là một sự kiện lớn trong đời sống của giới trẻ Công giáo ở Pakistan. Chuyến thăm của Ngài đã khuyến khích các linh mục và giám mục chúng tôi, và cho thấy sự quan tâm của Ngài đối với chúng tôi". (UCA News 29-4-2011)

Phạm Kim An
 
Jamaica: Tổng Giám mục phản đối về tượng Chúa trần truồng
Nguyễn Trọng Đa
07:49 29/04/2011
Jamaica: Tổng Giám mục phản đối về tượng Chúa trần truồng

Kingston - Đức Tổng Giám Mục Donald J. Reece, tổng giáo phận Kingston, Jamaica, chỉ trích nhật báo hàng đầu của Jamaica, tờ Jamaica Observer, vì cho đăng ở trang nhất một bức ảnh về tác phẩm điêu khắc lớn 3m, miêu tả thân thể khỏa thân của Chúa Kitô và bộ phận sinh dục lộ rõ.

Ngài nói rằng các bức ảnh và bài báo đi kèm là “sự nếm hưởng nghèo nàn cho việc tưởng nhớ ngày thánh thiêng nhất đối với các Kitô hữu, đó là Lễ Phục Sinh".

Trong thư ngày 25-4 gửi tổng biên tập nhật báo Jamaica Observer, Tổng giám mục viết: “Đối với cuộc sống của tôi, tôi không thể hiểu được lý do của tờ báo Observer về việc trưng trong ba trang báo thân thể trần truồng của Chúa Kitô, với tham chiếu đến niềm tin thánh thiêng vào Phép Thánh Thể".

Trong khi đó, Laura Facey, nhà điêu khắc, đã nói với tờ báo Observer rằng cô rất hài lòng với cuộc tranh luận. Cô nói: “Nếu bạn không tạo ra sự khuấy động, thì điểm chính thực hiện tác phẩm này là gì?”.

Đức Tổng Giám mục Reece nói rằng tác phẩm của cô phản ánh việc xã hội thiếu tôn trọng ngày càng lớn hơn đối với sự thánh thiêng.

Ngài nói thêm: “Trong xã hội phương Tây, không còn gì có vẻ là thánh thiêng nữa: tình dục không còn là linh thánh, mà bây giờ chỉ là một hàng hoá; niềm tin tôn giáo hoặc các hiện vật tôn giáo không còn được xem là thánh thiêng; và thân thể con người luôn bị tầm thường hóa và xem là có sẵn để dùng”.

Tổng giám mục gợi ý rằng có một chuẩn mực kép khi mô tả các biểu tượng Kitô giáo một cách bất kính: “Tôi tự hỏi nếu có một nghệ sĩ vẽ tranh châm biếm tiên tri Muhammad, hoặc châm biếm một số khía cạnh của kinh Koran, liệu các bạn dám sẵn sàng đưa tác phẩm này lên nhật báo của các bạn một cách nổi bật vậy hay không?”

Và Ngài kết luận: “Mầu nhiệm sự sống đang dần bị xói mòn. Chúng ta tự hỏi về các tập tục của xã hội chúng ta ... Người lớn chúng ta đã mở cửa cống của thuyết tương đối, tính chất không phù hợp, và sự mất đoan trang; kết quả này đã lan thật xa. Sự thánh thiêng của cuộc sống liên kết với một cảm thức mầu nhiệm đang nhanh chóng biến mất. Các phương tiện truyền thông có một vai trò trong sự chuyển thông đáng tiếc này không?” (CNA 28-4-2011)

Nguyễn Trọng Đa
 
Hàn Quốc: Người di cư và người tị nạn đều thuộc ‘một gia đình nhân loại’
Phạm Kim An
07:57 29/04/2011
Hàn Quốc: Người di cư và người tị nạn đều thuộc ‘một gia đình nhân loại’

Seoul – Một Giám mục Hàn Quốc nhắc nhở mọi người biết rằng những người bị đàn áp và người bất đồng chính kiến phải dời chỗ ở đều là thành phần của cùng một xã hội.

ĐGM Lazzaro You Heung-sik
Đức Giám mục Lazzaro You Heung-sik, Chủ tịch Ủy ban chăm sóc mục vụ cho người nhập cư và kiều dân nước ngoài thuộc Hội đồng Giám mục Hàn Quốc, đã phát biểu để kỷ niệm ngày Ngày thế giới lần thứ 97 về người Di cư và Tị nạn, vốn sẽ rơi vào ngày 1-5 năm nay, rằng các người tị nạn đang phải chịu ảnh hưởng của thiên tai, chế độ độc tài hay nội chiến, các công nhân di cư và người đào thoát từ Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên đều là cùng "Một gia đình nhân loại” sống chung với chúng ta.

Ngài đã ban hành một tuyên bố, vốn bao gồm một sứ điệp cho ngày kỷ niệm này của ĐTC Biển Đức 16, theo chủ đề “Một gia đình nhân loại”. ĐTC yêu cầu người Hàn Quốc thực hành một lệnh truyền mới của Chúa Giêsu: "Như Thầy đã yêu thương anh em, anh em phải yêu thương nhau".

Linh mục Andrew Hur Yun-jin, chủ tịch Ủy Ban Mục Vụ Lao động của tổng giáo phận Seoul, cho biết rằng sứ điệp này "là quan trọng, bởi vì nó đòi hỏi chúng ta hãy xem các người nhập cư và người nước ngoài như anh chị em của chúng ta".

Đức Giám mục You nhấn mạnh rằng các người tị nạn đã chịu đựng các trận động đất nghiêm trọng ở Haiti, New Zealand và Nhật, và người tị nạn từ các cuộc biểu tình đòi dân chủ tại Trung Đông và Bắc Phi, cũng là hàng xóm của chúng ta.

Ngài lưu ý rằng việc phân biệt đối xử với lao động nhập cư và phụ nữ nhập cư kết hôn vẫn còn hiện diện ở Hàn Quốc.

Tháng trước, Văn phòng nhập cư chính quyền Seoul đã ra lệnh cho ông Michel Catuira, lãnh đạo công đoàn công nhân nhập cư Philippines, phải rời khỏi đất nước, mặc dù ông là một công nhân hợp pháp. Tuy nhiên, Văn phòng sau đó đã nhượng bộ và cấp giấy tạm trú cho ông.

Giáo hội Hàn Quốc đã tổ chức kỷ niệm ngày thế giới những người nhập cư ngày 1-5 kể từ năm 2005. (UCA News 29-4-2011)

Phạm Kim An
 
Triển lãm về Đức Gioan Phaolô II khai mạc ở Quảng trường Thánh Phêrô
Lã Thụ Nhân
08:01 29/04/2011
Triển lãm về Đức Gioan Phaolô II khai mạc ở Quảng trường Thánh Phêrô

Vatican City (CNA/EWTN News) .- Một cuộc triển lãm ghi lại cuộc đời của Đức Gioan Phaolô II sẽ được tổ chức tại Quảng trường Thánh Phêrô nhằm vinh danh Đức Cố Giáo Hoàng sắp được tuyên chân phước.

Tòa thánh Vatican đã đưa ra thông cáo rằng cuộc triển lãm mang tên "Đức Gioan Phaolô II: Lòng tôn kính của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đối với việc tuyên chân phước" sẽ khai mạc vào ngày 29 tháng Tư ở Charlemagne Wing nơi những hàng cột Bernini quanh Quảng trường Thánh Phêrô.

Triển lãm, sẽ mở cửa đến 24 tháng Bảy, được chia thành 15 phần minh họa cuộc đời và Giáo Hoàng Karol Wojtyla. Cảnh tượng và chi tiết từ cuộc đời ngài sẽ được trình bày từ thời thơ ấu ở Wadowice cho đến tang lễ của ngài ở Rôma vào ngày 08 tháng Tư năm 2005.

Sáng kiến này được tổ chức bởi Phủ Cai Quản Tòa Thánh Vatican, Đại sứ quán Ba Lan cạnh Tòa Thánh và Bộ Văn hóa và Di sản Ba Lan.

Trong buổi lễ khai mạc triển lãm - với sự tham dự của Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Tarcisio Bertone – con tem chính thức do Toà Thánh Vatican và Bưu Điện Ba Lan liên kết phát hành cũng sẽ được trình bày.

Để tỏ lòng tôn kính Đức Cố Giáo Hoàng, dự trù có khoảng 2 triệu người sẽ tràn ngập đường phố Rôma trong ngày tuyên phong chân phước cho Đức Gioan Phaolô vào 1 tháng Năm tới.
 
"Surgite eamus! - Đứng dậy ta đi nào!“ (Mc 14,42)
Lm. Đaminh Nguyễn Ngọc Long
08:44 29/04/2011
„ Surgite eamus! - Đứng dậy ta đi nào!“ (Mc 14,42)

Tin Đức cố Giáo hoàng Gioan Phaolô đệ nhị được phong Chân Phước ngày 01.05.2011 không gây ngạc nhiên cho mọi người. Nhưng là sứ điệp niềm vui mừng hân hoan cho người tín hữu Công giáo trong toàn thể Giáo hội.

Việc nâng Đức cố Giáo hoàng Gioan Phaolô đệ nhị lên hàng Á Thánh ( Beatitus – Selig - Chân Phước) tôn kính trên bàn thờ không chỉ là công nhận đời sống anh hùng thánh đức của ngài xưa kia trên trần gian. Nhưng còn phù hợp với nguyện vọng mong ước của mọi người tín hữu Công giáo: “Santo subito – Xin phong Thánh ngay cho đức thánh cha của chúng ta!”, mà họ đã viết trên biểu ngữ cùng nói vang lên trong thánh lễ an táng ngài, ngày 08.05.2005 ở công trường Thánh Pherô.

Đưa tên tuổi Đức cố Giáo hoàng Gioan Phaolô đệ nhị vào danh sách các Thánh trong Giáo Hội Chúa ở trần gian không nhằm vinh danh cá nhân ngài, vì những việc vĩ đại ngài đã làm theo tầm nhìn của con người. Nhưng trước hết và sau hết tôn vinh công trình tạo dựng của Chúa đã thực hiện qua đời sống của vị Giáo hoàng vĩ đại.

Hòa lẫn trong tâm tình đó, xin cùng hát lời kinh Te Deum laudamus tạ ơn Thiên Chúa, và hướng nhìn về vị Á Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô với lòng thành kính ngưỡng mộ.

1. Habemus papam!

Dịp mừng kỷ niệm 25 năm làm Giáo hoàng 1978- 2003, đức thánh cha Gioan Phaolô đệ nhị đã viết lại kỷ niệm về những chặng đường ơn Kêu Gọi của ngài từ khi là Linh mục ở Balan Tổng giáo phận Krakau đến khi trở thành Giáo Hoàng thứ 264. trong Giáo Hội. Tập ký sự này lấy tựa đề theo lời của Chúa trong Phúc âm theo Thánh Marco chương 14, câu 42: Surgite eamus – Đứng dậy ta đi nào!

Những chặng đường đời sống của vị Giáo hoàng vĩ đại Gioan Phaolô đệ nhị có nhiều thăng trầm biến chuyển lên xuống. Có nhiều bất ngờ, cùng nhiều niềm vui.

Ngài viết kể lại, tháng Hai năm 1958 ngài đến chào thăm đức Tổng giám mục Eugeniusz Baziak Tổng giám mục Krakau, và trình thư của Đức Hồng Y Tổng giám mục Warschau cũng là giáo chủ Giáo Hội Công Giáo Balan, báo tin Tòa Thánh đã bổ nhiệm ngài làm Gíam Mục phụ tá cho Tổng giáo phận Krakau. Đức Tổng giám mục Krakau đã ra tận cửa ôm hôn niềm nở đón ngài, và giới thiệu với mọi người trong Tòa tổng giám mục đang đứng đợi trong phòng khách trong niềm hân hoan vui mừng : Habemus papam- Chúng ta có cha chung mới! ( Johannes Paul I I., Auf lasst uns gehen! Erinnerung und Gedanken, Weltbild Augsburg 2004, tr. 20)

Lời chào mừng giới thiệu hôm đó là dấu hiệu lời tiên tri đã trở thành hiện thực sau này.

20 năm sau, ngày 16.10.1978, từ lan can đền thờ Thánh Phero bên Vatican, Đức Hồng Y phó tế đã long trọng loan báo: „An nuntio vobis gaudium magnum, habemus Papam – Trong niềm vui mừng hân hoan lớn lao, tôi long trọng loan tin cho mọi người, chúng ta có Cha chung mới!“

Vị Giáo hoàng mới Gioan Phaolô I I. bứơc ra xuất hiện trước rừng người tín hữu, đại đa số là người Ý, đang chờ chào đón ngài. Thay vì bằng tiếng latinh như thông lệ xưa nay, vị Giáo hoàng mới nói với dân chúng bằng tiếng Ý: "Sia lodato Gesù Cristo" Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô! Chúng ta còn đang đau buồn về cái chết của Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô đệ nhất. Và lúc này đây các Vị Hồng Y đáng kính đã chọn một Vị giám mục mới của Roma. Các ngài đã chọn một người đến từ một xứ sở xa xôi, xa xôi, nhưng luôn luôn gần gũi bởi sự hiệp thông đức tin và trong truyền thống Kitô. Tôi run sợ trong khi lãnh nhận việc lựa chọn này, nhưng tôi đã chấp nhận trong tinh thần phục tùng Chúa chúng ta Ðức Giêsu Kitô và trong tinh thần phú thác hoàn toàn cho Mẹ Người, Ðức Trinh Nữ Maria.

Tôi không biết tôi có thể biểu lộ rõ ràng bằng tiếng nói của anh chị em không... bằng tiếng Ý của chúng ta không.Nếu tôi nói sai, anh chị em sửa lại cho tôi.

Và giờ đây hiện diện trước mọi người để tuyên xưng đức tin chung của chúng ta, đức cậy và lòng tín nhiệm của chúng ta nơi Mẹ Chúa Kitô và Mẹ Giáo hội và cũng để bắt đầu lại trên con đường của lịch sử và của Giáo hội với sự giúp đỡ của Thiên Chúa và của Giáo hội.“

Bằng những lời chân thành tâm tình đó, vị Giáo Hoàng mới đã chiếm được cảm tình trái tim của mọi người dân Ý ngay hôm đó, họ reo mừng vỗ tay hoan hô đức giáo hoàng mới.

Đức Gíao Hoàng mới Gioan Phaolô I I. đã chiếu tỏa nét đẹp uy tín đầy duyên dáng của lòng khiêm nhường tới mọi người. Mọi người trên thế giới, nhất là người dân Balan vui mừng hân hoan rất cảm động khi nói đến Đức Giáo hoàng mới. Họ cảm thấy bấy lâu nay sống trong bị đè nén dưới ách thống trị của bạo lực, nay như được giải thóat đền bù.

2. Noli timere - Đừng sợ hãi!

Niềm vui mừng hân hoan cảm động đó dâng lên cao điểm với lời kêu gọi của ngài trong buổi lễ đăng quang lên ngôi Giáo Hoàng ngày 22.10.1978: Noli Timere - Đừng sợ hãi!

Lời kêu gọi: Đừng sợ hãi! cùng với hai tay cầm cây Thánh Gía mục tử giơ lên trời cao, khác chi dấu hiệu của chiến thắng, mà nhiều người suy hiểu cho đó là cung cách mang sâu đậm ý nghĩa „Đứng dậy ta đi nào!“.

Đầy năng lực cùng sức thu hút, Đức Giáo hoàng trẻ tuổi, lúc đó 58 tuổi, đã bước đi nhanh lẹ vượt qua những rào cản các hàng cột hành lang ở công trường Thánh Phero đến với mọi người, ôm hôn trẻ em, đón nhận những bó bông hoa chào mừng, giơ tay chào đón mọi người giữa tiếng reo hò như sóng nước nổi dậy hòa lẫn trong dòng nước mắt cảm động trào dâng long lanh trên khoé mắt, lăn trên gò má của mọi người hôm đó.

Thật là một vị Giáo Hoàng đến với con người bằng xương cốt da thịt, máu mủ từ trái tim tuôn tràn chảy ra. Sự duyên dáng thu hút tỏa ra từ vị Giáo Hoàng như luồng dòng điện lan tỏa đến tận tầng thần kinh cảm gíac, làn da thớ thịt của những con người hiện diện hôm đó ở công trường Thánh Phero, và lan dần đến mọi dân tộc trên khắp thế giới!

Không dừng lại nơi cảm quan thần kinh của con người, lòng đạo đức của Đức Giáo Hoàng còn còn thể hiện đi sâu thẳm hơn nữa.

3. Nếp sống bác ái khiêm cung

Ngày 13.05.1981 ban ngày dưới ánh mặt trời, giữa công trường Thánh Phero trong buổi gặp gỡ mọi tín hữu, đức Giáo hòang bị bắn trọng thương phải điều trị ở bệnh viện 20 ngày. Sau khi lành bệnh khoẻ mạnh trở lại, 1983 ngài đã vào nhà tù thăm Ali Agcac, người đã bắn ngài bị trọng thương.

Cử chỉ đầy tình yêu thương tha thứ của vị cha chung đã cảm hóa được tâm hồn anh ta, và là gương mẫu một đời sống bác ái đầy tràn lòng khiêm nhường của vị đại diện Chúa Giêsu Kitô ở trần gian.

Với các Tôn Giáo khác, ngài theo hướng Công Đồng Vatican I I. đã vạch ra, mở rộng cánh cửa vòng tay nối kết đối thoại hiệp thông với Chính Thống giáo, với Tin lành thệ phản, với Do Thái giáo, với Hồi giáo, với Anh giáo.

Ngày 12.03.2000 bước sang thiên niên kỷ ngàn năm thứ ba, Đức Giáo Hoàng đã nhân danh Giáo Hội Công giáo công khai thú nhận những lỗi lầm Giáo Hội đã gây ra trong dòng lịch sử qúa khứ về nhiều lãnh vực khác nhau. Cùng cầu xin sự tha thứ làm hòa.

Cử chỉ này càng biểu lộ tấm lòng khiêm nhượng của cá nhân Ngài, của Giáo Hội trước mặt Thiên Chúa và nhân loại.

Trong lãnh vực khoa học, ngày 10.11.1979 Đức Giáo Hòang, nhân dịp kỷ niệm sinh nhật thứ 100 của nhà bác học Albert Einstein, đã nhắc đến tên tuổi của Galileo là một nhân vật vĩ đại ngang hàng với Albert Einstein. Dịp này ngài đề ra Ủy ban gồm những nhà chuyên môn Thần học, về Khoa học và về Lịch sử nghiên cứu lại trường hợp Galileo trong chiều hướng tìm ra lỗi lầm, sự hiểu lầm sai trái gây ra giữa đức tin và khoa học, giữa đời sống Giáo Hội và đời sống trong thế giới ngày nay.

Và ngày 31.10.1992, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolo đệ nhị đã chính thức, theo những khám phá nghiên cứu của Ủy Ban Khoa học về Galileo, tuyên bố trường hợp Galileo chấm dứt khóa lại. Những tranh cãi kết án Galileo đã gây ra sự hiểu lầm phân biệt trầm trọng cho rằng sự hiểu biết khoa học ngược chống lại đức tin, là điều không đúng gây đau đớn rất đáng tiếc, và nó từ nay thuộc về thời qúa khứ.

Cánh cửa tâm hồn ngài không chỉ mở ra cho những công việc nội bộ của Giáo Hội, nhưng còn rộng xa hơn nữa: đến với muôn dân.

4. A Gentes - Đến với muôn dân

Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolo đệ nhị là một trong những hàng ngàn Giám mục đã tham dự Công đồng Vaticanô thứ hai, cùng bàn thảo việc canh tân đời sống Giáo Hội trong thế giới. Ngày 07.12.1965 Giáo Hội Công giáo hoàn vũ, sau khi kiểm điểm nhìn lại sứ mệnh Chúa trao cho, đã xác định vai trò sứ mệnh đến với muôn dân trong thời đại hôm nay:

“ Đến với muôn dân được Chúa sai đi, Giáo Hội phải là Bí tích ơn cứu độ tổng quát. Giáo Hội luôn nỗ lực vừa mang tính Công giáo phổ quát riêng, và vừa phải vâng phục Đấng thành lập Giáo Hội đã ủy thác cho, là loan truyền Tin mừng Chúa cho hết mọi con người.“( 1. Ad Gentes“).

Vì thế cánh cửa ngài mở ra không chỉ để tiếp đón những ai đến với Ngài, đến với Giáo Hội, mà chính đích thân ngài nhân danh Giáo Hội mở cửa đi đến với mọi người trên khắp thế giới.

Trong dòng thời gian hơn 26 năm (16.10.1978- 02.04.2005) cho tới lúc qua đời, ngài đã thực hiện 104 chuyến thăm viếng mục vụ trên khắp năm châu bốn bể. Tính ra tổng cộng những cuộc hành trình mục vụ vượt qua 1.160.000 cây số, bằng 29 lần vòng quanh địa cầu. Đi tới đâu, trước hết ngài qùi xuống cúi mình sát đất hôn mảnh đất thân yêu quê hương đất nước đó.

Cử chỉ này chan chứa tình tự đạo đức, nói lên chiều sâu nội tâm kính trọng quê hương đất nước của dân tộc sống nơi đó.

Cử chỉ này chất chứa đầy ắp tín hiệu tình yêu thương của vị cha chung Giáo Hội Công giáo hoàn cầu: Trái tim tâm hồn cha luôn cùng hòa nhịp điệu với đời sống anh chị em nơi đây.

Cử chỉ này nói lên lòng ngưỡng mộ kính phục nếp sống tập tục văn hóa, sự phát triển đời sống xã hội nảy sinh từ nôi nguồn đất mẹ đã đang nuôi dưỡng dân tộc nơi đây.

Cung cách truyền giáo không chỉ duy bằng lời nói trong Giáo hội xưa nay, Đức Giáo hoàng đã đề ra cách thức truyền giáo mới khác: Giới thiệu Chúa cho con người bằng chính sự hiện diện gần gũi của cả tinh thần lẫn thân thể hình hài Giáo Hội qua con người của ngài.

Nhưng không vì những lo lắng bận tâm về những công việc gọi là của “người lớn” trong Giáo Hội, mà ngài bỏ quên sao lãng quan tâm tới hệ tương lai tuổi trẻ của Giáo Hội. Trái lại, trong trái tim ngài có ngăn dành hướng về người trẻ trong Giáo Hội.

5. Đại hội giới trẻ thế giới


Theo sáng kiến của Đức giáo hoàng, 1984 có cuộc gặp gỡ giới trẻ quốc tế, hơn 300.000 Bạn Trẻ tụ tập về Roma ngày Chúa Nhật Lễ Lá ở Roma nhân dịp mừng Năm Thánh ơn Cứu Độ của Chúa. Ngày lễ Chúa nhật Phục sinh đức Thánh Cha trao cho các Bạn Trẻ cây Thánh Gía ngày Đại Hội giới trẻ trong tương lai.

1985 diễn ra cuộc gặp gỡ các Bạn Trẻ quốc tế ngày Chúa Nhật lễ lá, nhân dịp Năm dành cho người Trẻ ở Roma. Ngày 20.12.1985 ngài loan báo quyết định thành lập tổ chức Ngày Đại Hội Giới Trẻ thế giới. Hằng năm vào ngày Chúa nhaật lễ Lá ở các Giáo Phận địa phương, và cứ ba hayn bốn năm tổ chức chung cho toàn thế giới ở một quốc gia do chính ngài đích thân tới tham dự cùng chủ sự ngày Đại Hội.

Những cuộc Đại Hội giới trẻ thế giới thu hút từ hàng trăm ngàn cho tới hàng triệu Bạn trẻ tới tham dự. Như kỳ đại hội giói trẻ thế giới ở Balan năm 1991 có 1,2 triệu Bạn trẻ, ở Manila Phi luật Tân năm 1995 có 4 triệu bạn trẻ, ở Roma năm 2000 có 2 triệu Bạn trẻ tham dự.

Đây là sáng kiến truyền giáo của ngài muốn khơi lên sự sống động tươi trẻ hấp dẫn nơi người trẻ với Tin mừng của Chúa, với đời sống gắn bó cùng Giáo Hội Chúa ở trần gian.

Dịp Đại hội giới trẻ thế giới, ngài đến với họ bằng trái tim vui tươi nụ cười niềm nở, giơ hai tay ra phía trước chào đón họ, như muốn ôm họ vào lòng trong tình nghĩa cha con. Đây là ngôn ngữ đi tận vào trái tim lòng người: ngôn ngữ cha con tình yêu thương.

Đại Hội giới trẻ thế giới không chỉ là dịp các người Trẻ đi thăm quan thắng cảnh đất nước xa lạ, nhưng là dịp cho họ làm quen giao tiếp với nền văn hóa khác, với cách sống đức tin của người trẻ nơi các dân tộc khác, và cùng ôn nhớ lại củng cố đức tin vào Chúa giữa lòng thế giới hôm nay.

Dư âm đó để lại những kỷ niệm thánh đức vui mừng tươi trẻ trong lòng những người trẻ luôn mãi. Cho nên những ngày sau cùng trên giường bệnh của Đức giáo Hoàng, hàng trăm ngàn Bạn Trẻ tuốn về Vatican trước sân nhà ngài, đốt thắp nến đọc kinh cầu nguyện cho ngài ngày đêm. Và cảm động hơn nữa vào ngày lễ an táng ngài, trăm ngàn bạn trẻ chen vai tuốn về tham dự tiễn đưa người vị cha chung yêu mến của họ đến nơi an nghỉ cuối cùng.

Trong thánh lễ, họ viết dương cao những tấm biểu ngữ “ Santo subito! Xin phong thánh ngay cho đức thánh cha của chúng ta! Họ vỗ tay chào tiễn biệt ngài lần cuối khi thấy chiếc áo quan bao bọc ngài được khiêng đi đến nơi an nghỉ cuối cùng trong lòng đất mẹ.

6. Santo subito - Xin phong thánh ngay!

“Santo subito – Xin phong thánh ngay!” là tâm tình của người tín hữu Chúa Kitô nói lên với Giáo Hội của mình. Lời tâm tình này không là đòi hỏi gì, nhưng là nguyện vọng đầy thánh đức đối với một người có đời sống thánh đức, đức cố giáo hoàng Gioan Phaolô I I., mà mọi người đã cùng sống chứng kiến trải qua với.

Nguyện vọng này làm ta nhớ lại lời người lính đứng dưới chân Thánh gía Chúa Giêsu lúc ngài tắt thở, đã đấm ngực kêu lên: “Thật Người này là Con Thiên Chúa!” ( Mt 27,54)

Nguyện vọng tôn vinh đức giáo hoàng qúa cố Gioan Phaolo lên hàng các Thánh của Chúa không chỉ là lời kêu gọi đầy nhiệt tình của những người tín hữu trẻ tuổi, nhưng cũng là tâm tư từ chính trong nội bộ lòng Giáo Hội. Trong thánh lễ an táng ngày 08.05,.2005 đức Hồng Y Joseph Ratzinger, người chủ sự Thánh lễ an táng đã nói lên tâm tình đó: Chúng ta tin rằng, Đức thánh cha của chúng ta giờ đây đang đứng nơi cửa sổ trên nhà Cha chúng ta trên trời ngó nhìn chúng ta và chúc lành cho chúng ta!”

Vì thế dự án phong Thánh cho ngài đã bắt đầu rất sớm. Ngày 28.06.2005 bắt đầu tiến trình lập hồ sơ phong Thánh cho ngài. Ngày 02.07.2007 hoàn thành hồ sơ điều tra phong Thánh. Ngày 19.12.2009 ngài được nâng lên Venerabilis Dei servus - Tôi tớ đáng kính của Chúa. Ngày 14.01.2011 Tòa Thánh Vatican loan báo lễ phong Á Thánh cho Tôi tớ đáng kính của Chúa, Gioan Phaolô đệ nhị sẽ vào Chúa nhật kính Lòng Thương xót Chúa, ngày 01.05.2011.

Đức Giáo Hoàng đã đi trọn con đường đời sống của ngài 84 năm trên trần gian. Ngài đã trở về nhà Cha trên trời. Ngài là vị Thánh trong tâm hồn yêu mến mọi người tín hữu. Và ngài đã để lại cho con người, cho Giáo Hội những tượng đài kỷ niệm thân thiết thánh đức.

7. Những kỷ niệm

Ngoài những tông thư luân lưu, những bài giảng, những giáo huấn, đức giáo hoàng Gioan Phaolo của chúng ta còn để lại cho đời những điều thánh đức khác liên quan rất mật thiết với đời sống văn hóa cùng đức tin sâu xa.

7.1. Lòng sùng kính Đức Mẹ Maria

Trong cuộc đời ngài lòng sùng kính Đức Mẹ Maria rất sâu đậm cùng chan chứa niềm cậy trông phó thác của một người con với mẹ mình.

Xưa nay trong Giáo Hội có suy niệm ngắm lần hạt kinh Mân Côi với ba chặng đường đời sống Chúa Giêsu, hay còn gọi là ba mùa: Vui, Thương và Mừng. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô lập thêm suy ngắm năm Sự Sáng về cuộc đời Chúa Giêsu nữa. Như thế lần hạt kinh Mân Côi từn nay có bốn ngắm theo bốn mùa: Vui, Thương, Mừng và Sự Sáng.

Trong những kỳ Đại Hội giới trẻ thế giới, cây Thánh Gía Chúa Giêsu, hình ảnh, giáo lý lời Chúa là trung tâm cho Đại Hội, nhưng hình ảnh cùng gương mẫu đời Đức Mẹ Maria cũng luôn luôn được giới thiệu cho người trẻ.

Những trung tâm hành hương kính viếng Đức Mẹ như Czestochowa, Fatima, Lourdes, Banneux, Loretto, Guadalupe, Altöttingen, Kevelaer…ngài từng đi hành hương nhiều lần trong đời từ khi còn là sinh viên, Linh mục, Giám Mục và cả khi là Giáo hoàng. Lòng đạo đức sùng kính Đức Mẹ Maria gắn liền với đời sống của ngài. Đây là cung cách sống đức tin tuy xem như cổ truyền, nhưng mang đến niềm vui nguồn ủi cho tâm hồn cùng củng cố đức tin vào Chúa rất nhiều: qua Đức Mẹ đến với Chúa Giêsu.

7.2. Ngôn ngữ thần học thời đại

Những ngôn từ thêm vào kho tàng ngôn ngữ của Giáo Hội, có lẽ cho cả nhân loại nữa: Văn minh tình thưong, nền văn hóa sự chết, nền văn hóa sự sống, Ơn Gọi bảo vệ thiên nhiên, Đại Hội Giới Trẻ thế giới, là những cụm từ mang ý nghĩa sâu xa vừa về triết lý, về thần học, và về nhân chủng xã hội, hằng được Ngài dùng trong các bài giảng, thư tông huấn. Nên bây giờ mỗi khi nói viết đến những cụm từ ngữ này, ta nhớ đến ngài với lòng vui mừng biết ơn .

7.3. Tấm áo quan

Một kỷ niệm sau cùng ngài để lại cho đời: Tấm áo quan của ngài.

Xưa nay, người ta thường đóng tấm áo quan cho người qua đời bằng gỗ qúi cùng trang trí đẹp sang trọng có thể, nhất là với những người có chức cao trọng vị vọng đạo đời.

Tấm áo quan của Đức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô lại khác: bằng gỗ mộc mạc, không góc cạnh chạm trổ, chỉ là một hình chữ nhật phẳng lì vẫn lộ nguyên những mắt cá của gỗ, không sơn phết bóng bẩy, không bông hoa trên đó, chỉ duy hình cây Thánh Gía có chữ M đóng khắc ghi, cùng cuốn sách Phúc âm mở để trên mặt, bên cạnh là cây nến Chúa Phục sinh thắp cháy sáng, không hình chụp và trướng vải trải căng.

Và tấm áo quan đó được đặt nằm trên nền đất trước bàn thờ ngày lễ an táng.

Đây là đài kỷ niệm khắc ghi sâu vào lòng người hơn cả.

Đây là ngôn ngữ tiếng nói của người sống đơn sơ có lòng khiêm nhượng sâu thẳm.

Đây là vẻ đẹp trang trọng biểu hiệu một đời sống nội tâm sâu xa của người qúa cố: Một đời sống chân thành không muốn để mình bị những lớp hào nhoáng bóng bẩy khoe khoang che lấp, làm lu mờ xa Thiên Chúa và xa con người.

Nhớ về đức cố thánh Cha Gioan Phaolô đệ nhị với lòng thành kính ngưỡng mộ. Nhưng cũng với lòng cậy trông xin Á Thánh Gioan Phaolo cầu bầu cho mình trước tòa Thiên Chúa trên trời.

Nhớ đến đức cố thánh cha Gioan Phaolô trong niềm tôn kính là vị Á Thánh. Nhưng cũng trong tình nghĩa hiếu thảo biết ơn vị cha chung ngày xưa đã sống làm chứng rao truyền sứ điệp của Chúa cho con người, cùng để lại cho đời những mẫu gương đài kỷ niệm chan chứa lòng đạo đức tình người, nhất là gương sống lòng khiêm nhường bác ái.

Nhớ lại những chặng đường đời sống ngài được Chúa tạo dựng quan phòng dẫn dắt, nhất là hơn 26 năm cương vị Giáo Hoàng trong Giáo Hội Chúa, giúp ta suy nghĩ gắn bó yêu mến cùng kính trọng nhiều hơn với Giáo Hội do Chúa tạo lập nên ở trần gian cho con người hôm qua, hôm nay và ngày mai.

Lễ Phong Chân Phước Gioan Phaolô đệ nhị ngày 01.05.2011

Lm. Đaminh Nguyễn ngọc Long

 
Phỏng vấn chị Marie Simon-Pierre: ''Phép lạ'' của ĐGH Gioan Phaolô II
Tiền Hô
10:08 29/04/2011
28 Tháng Tư 2011 (RomeReports) - Câu chuyện của chị Marie Simon-Pierre đã được khắp thế giới biết đến. Chị bị bệnh Parkinson nhiều năm trời, nhưng bất ngờ chị được chữa lành thông qua lời cầu bầu của Đức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Nữ tu này hiện đang làm việc tại một bệnh viện phụ sản ở Paris và đã có cuộc trò chuyện trên đài truyền hình KTO của Pháp và mạng Rai của Ý, sau đây là câu chuyện của chị.

Chị Marie Simon-Pierre: "Lúc đầu, tôi không thể xem thấy Đức Gioan Phaolô II trên truyền hình. Được biết về bệnh tật của ngài trong những năm cuối đời, tôi đã cảm thấy rất khó khăn khi nghĩ đến việc làm thế nào tôi có thể đối mặt với tình trạng tương tự trong những năm tới đây".

Ngày 13 Tháng Năm 2005, Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI tuyên bố một đặc ân để mở ra án phong chân phước cho Đức Gioan Phaolô II. Kể từ đó, chị nữ tu thuộc cộng đoàn Simon-Pierre này đã cầu nguyện liên lỉ để xin ngài chữa lành.

Chị Marie Simon-Pierre: "Kể từ ngày 14 Tháng Năm, một câu nói luôn bám theo tôi, đó là: "Nếu con tin thì con sẽ được nhìn thấy vinh quang của Thiên Chúa". Giữa những đau khổ, một điều gì đó đã cho tôi thêm sức mạnh để tiếp tục đi tiếp, và bảo với tôi rằng khi có đức tin thì điều gì cũng có thể xảy ra".

Rồi ngày ấy cũng đã đến, ngày 2 Tháng Sáu, sức khỏe của chị đã trở nên tồi tệ. Chị xin bề trên cho phép chị ngừng làm việc vì không thể đứng được nữa. Bề trên của chị nói rằng, Đức Gioan Phaolô II chưa trả lời cuối cùng kia mà. Và bề trên khuyên chị viết tên của Đức Giáo Hoàng vào một mảnh giấy. Chị làm theo nhưng không thể hoàn tất dòng chữ được. Tuy nhiên tối hôm đó, chị cảm thấy mình phải viết lại. Chị tỉnh dậy và có cảm giác được biến chuyển tuyệt vời trong an bình.

Chị Marie Simon-Pierre: "Khi tôi đến nhà nguyện để cầu nguyện, tôi nhận ra rằng cánh tay của tôi đã được vận động, không còn bị bất toại bên cạnh cơ thể của tôi nữa nhưng nó giờ đã được đung đưa. Trong Thánh Lễ ấy, tôi biết chắc chắn rằng tôi đã được chữa lành".

Bác sĩ chuyên khoa thần kinh của chị xác nhận rằng các triệu chứng của căn bệnh đã biến mất một cách khó lí giải. Thánh Bộ Phong Thánh đã cẩn thận điều tra trường hợp này và xác nhận việc chữa lành trên không có lời giải thích khoa học.

Chị Marie Simon Pierre sẽ tham gia buổi cầu nguyện vào ngày 30 Tháng Tư tại Hí trường Circus Maximus ở Rôma, một ngày trước khi diễn ra lễ phong chân phước cho Đức Gioan Phaolô II, đấng cầu bầu cho chị.
 
Tôn trọng sự thật và phẩm giá con người
Linh Tiến Khải
10:28 29/04/2011
Trong tháng 5 tới đây Đức Thánh Cha Biển Đức XVI mòi gọi chúng ta hiệp ý với tín hữu công giáo toàn thế giới cầu xin cho các phương tiện truyền thông xã hội biết tôn trọng sự thật và phẩm giá của từng người.

Từ vài tháng qua, thế giới chứng kiến cuộc cách mạng dân chủ tại các quốc gia Bắc Phi và vùng Trung Đông. Hàng triệu người dân đã hưởng ứng lời mời gọi xuống đường biểu tình đòi dân chủ chỉ qua các phương tiện truyền thông hiện đại là các địa chỉ liên mạng, Youtube, Twitter và điện thoại di động, làm bùng lên mgọn lửa dân chủ hiện vẫn đang lan tràn trong hàng chục quốc gia A rập. Các kỹ thuật truyền thông tân tiến có khả năng rất lớn giúp con người thuộc mọi đại lục, mầu da, ngôn ngữ, văn hóa và tôn giáo tiếp xúc với nhau và thu hẹp thế giới thành một ngôi làng đại đồng. Chỉ trong tích tắc hệ thống liên mạng có thể nối liền con người sống tại bất cứ đâu trên trái đất này với nhau và cung cấp cho họ đầy đủ các hình ảnh và tin tức chính xác.

Qủa thật, các kỹ thuật truyền thông hiện đại là các dụng cụ có ảnh hưởng rất lớn trên toàn xã hội, trong nghĩa tích cực cũng như trong nghĩa tiêu cực. Khi không được sử dụng một cách đúng đắn với tinh thần trách nhiệm và luân lý cao độ, các phương tiện truyền thông hiện đại trở thành nô lệ cho các lợi nhuận riêng tư ích kỷ, thuộc mọi lãnh vực chính trị, kinh tế, xã hội và cả tôn giáo nữa. Khi đó chúng có các nội dung vô luân, tồi bại, dối trá, xuyên tạc sự thật và không phục vụ công ích và hạnh phúc con người. Khi bị nô lệ, các phương tiện truyền thông phục vụ khuynh hướng cảm xúc thay vì cung cấp các tin tức quân bình, đúng đắn và trung thực. Người ta lèo lái hình ảnh của phụ nữ và chủ trương khiêu dâm trong việc quảng cáo để bán cho chạy hàng hơn; người ta làm sai lạc bản chất của sự thật để bảo vệ và duy trì các ý thức hệ độc tài dối trá lừa đảo; người ta kiểm duyệt thông tin và thông tin một chiều lệch lạc để duy trì dân chúng trong sự ngu dốt, hay để duy trì các lập trường triệt để lỗi thời, cứng nhắc và sai lầm của mình.

Đây là điều xảy ra trong các xã hội tự do bị thống trị bởi sự thèm khát lợi nhuận. Một cách đặc biệt, đây là điều xảy ra trong các quốc gia có chế độ độc tài cai trị, trong đó nhà nước bóp nghẹt hay tước đoạt một cách tàn bạo mọi quyền tự do của người dân, thẳng tay đàn áp, trù đập và tiêu diệt các phương tiện truyền thông đối lập hay độc lập. Dọc dài lịch sử thế giới, các nhà độc tài đã không ngừng kiểm duyệt và tiêu diệt các tư tưởng khác với tư tưởng của họ, khiến cho sự sợ hãi và đàn áp thay thế đối thoại và tự do. Và trong các chế độ độc tài ấy, các phương tiên truyền thông chỉ là công cụ tuyên truyền một chiều, dối trá của nhà nước vô luân thường đạo lý.

Mỗi khi muốn tiêu diệt một cá nhân hay tổ chức nào, nhà nước độc tài cho phát động chiến dich đặt điều, vu khống, bôi nhọ, mạ ly các cá nhân hay tổ chức ấy, để dọn đường cho càc vụ bố ráp, bắt bớ và xử án, với các tội danh bịa đặt, mơ hồ, dối trá, không bằng chứng, trơ trẽn, vô liêm sỉ và vô luân. Tại Việt Nam hiện nay đó là bộ mặt mọi rợ của các vụ xử án một số vị lãnh đạo tôn giáo, các nhà dân chủ và bất đồng chính kiến, các luật sư và những người tranh đấu cho các quyền con người, cho các quyền của dân tộc và đất nước, cũng như các tín hữu tranh đấu cho công lý và hòa bình.

Tuy nhiên, khi biết sử dụng các phương tiện truyền thông tân tiến một cách đúng đắn, các phương tiện này có thể góp phần rất lớn vào việc thăng tiến các giá trị đích thực của chân, thiện, mỹ, của nền vền văn hóa tôn trọng, đối thoại và tình bạn, cũng như bảo vệ phẩm giá và các quyền con người một cách hữu hiệu.

Trong sứ điệp gửi Ngày Quốc Tế Truyền Thông 2009, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI mời gọi các chuyên viên của lãnh vực truyền thông ý thức nhiệm vụ cao qúy của mình, và chú ý tới phẩm giá con người và các giá trị cao qúy của cuộc sống. Các kỹ thuật truyền thông tân tiến đã mở đường cho cuộc đối thoại giữa các con người thuộc các quốc gia, nền văn hóa và tôn giáo khác nhau. Kỹ thuật số cho phép con người hiểu biết nhau, và hiểu biết các giá trị và truyền thống hay đẹp của người khác. Nhưng để được phong phú, các cuộc gặp gỡ như thế phải có hình thức diễn tả liêm chính và đúng đắn. Cuộc đối thoại phải đâm rễ sâu trong việc tìm kiếm sự thật chân thành và hai chiều, để có thể thăng tiến phát triển sự cảm thông và tinh thần khoan nhượng. Bởi vì cuộc sống con người không chỉ là một tiếp nối các biến cố, mà đúng ra là việc kiếm tìm chân thiện mỹ. Chính vì mục đích đó mà chúng ta có các lựa chọn và thực thi sự tự do của mình; và chính trong sự thật, sự thiện và vẻ đẹp mà chúng ta tìm thấy hạnh phúc và niềm vui... Thật là đáng khích lệ, khi thấy có nhiều mạng kỹ thuật số mới cố gắng thăng tiến tình liên đới nhân loại, hòa bình, công lý và các quyền con người, cũng như việc tôn trọng sự sống và hạnh phúc của mọi loài thụ tạo.

Với các tư tưởng trên đây, trong tháng 5 tới này, hiệp ý với Đức Thánh Cha và tín hữu công giáo toàn thế giới, chúng ta hãy cầu xin cho các phương tiện truyền thông xã hội biết tôn trọng sự thật và phẩm giá của từng người.
 
Di chuyển quan tài Đức Gioan Phaolô II
LM Trần Đức Anh OP
10:29 29/04/2011
VATICAN - Sáng 29-4-2011, quan tài Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2 đã được di chuyển và đặt trước mộ Thánh Phêrô dưới hầm Đền thờ, để chuẩn bị đưa lên tầng trên cho các tín hữu kính viếng sau lễ phong chân phước chúa nhật 1-5-2011.

Cách đây hơn 6 năm, khi an táng, thi hài Đức Cố Giáo Hoàng được đặt trong 3 quan tài: quan tài thứ I bằng gỗ, cũng là quan tài được đặt trên thềm Đền thờ trong thánh lễ an táng. Sau đó, quan tài này được đặt trong một quan tài thứ hai bằng chì và niêm phong. Hai quan tài đó lại được đặt trong một quan tài thứ ba bằng gỗ và đây là quan tài được đưa ra khỏi mộ sáng 29-4-2011. Quan tài này vẫn ở trong tình trạng tốt, tuy cũng có một vài dấu hiệu của thời gian.

Việc mở mộ đã được thực hiện vào sáng sớm thứ sáu hôm 29-4, và quan tài được đặt trên một xe cạnh mộ cho đến 9 giờ, thì có một buổi cầu nguyện ngắn với kinh cầu do ĐHY Angelo Comastri, Giám quản Đền thờ Thánh Phêrô chủ sự, trước sự hiện diện của ĐHY Bertone, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, ĐHY Dziwisz, TGM Cracovia, cựu bí thư của ĐTC, và một số HY, GM khác, các vệ binh Thụy Sĩ, Hiến binh Vatican, tổng cộng khoảng vài chục người.
Sau đó, quan tài được đưa tới trước mộ thánh Phêrô cũng ở tầng hầm đền thờ và được phủ bằng một tấm thảm thêu vàng. ĐHY Quốc vụ khanh đã đọc kinh nguyện kết thúc và cộng đoàn giải tán lúc 9 giờ 15 phút.

Thông cáo của Phòng báo chí Tòa Thánh cho biết tấm bia mộ ĐTC Gioan Phaolô 2 bằng cẩm thạch trắng được bảo toàn nguyên vẹn và sẽ được chở về thành phố Cracovia để được đặt trong Nhà thờ mới dâng kính Đức tân Chân Phước.

Hiện nay, quan tài Đức Gioan Phaolô 2 vẫn được để ở tầng hầm Đền thờ thánh Phêrô cho đến sáng chúa nhật 1-5, rồi sẽ được đưa lên tầng trên của Đền thờ và đặt trước Bàn thờ chính để ĐTC Biển Đức 16 và các tín hữu tôn kính sau lễ phong chân phước.

Trong khi chờ đợi, tầng hầm Đền thờ bị đóng lại và công chúng không thể viếng thăm như mọi khi.
Việc đặt quan tài Đức Chân Phước Giáo Hoàng dưới bàn thờ nhà nguyện Thánh Sebastiano trong Đền thờ thánh Phêrô, có lẽ sẽ được tiến hành vào chiều tối thứ hai, 2-5, sau khi giờ đóng cửa Thánh đường (SD 29-4-2011)
 
Đức Gioan Phaolô II và Max Scheler nói về Ý Nghĩa của Đau Khổ
Vũ Văn An
21:08 29/04/2011
I. Nhập Đề
Trong buổi yết kiến chung hàng tuần vào ngày thứ tư cuối mùa Chay năm 2001, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nói rằng: “Trung tâm Tam Nhật thánh này chính là mầu nhiệm về một tình yêu vô biên, tức là, mầu nhiệm Chúa Kitô, Đấng ‘khi đã yêu những người thuộc về mình còn ở thế gian này, thì Người yêu họ cho đến tận cùng’ (1). Theo quan điểm hoàn toàn triết học, ta hãy xét xem đâu là ý nghĩa của thứ ‘tình yêu cho đến tận cùng’ này. Và ngay lập tức, ta thấy có hai ý nghĩa xuất hiện:
Ý nghĩa thứ nhất: “Yêu cho đến tận cùng” có thể có nghĩa là dù chịu đau khổ cùng cực, Chúa Kitô không hề để cho cái đau khổ ấy vượt thắng mình, và cùng một lúc với đau khổ ấy, Người không bao giờ ngừng yêu thương. Ý nghĩa thứ hai: “Yêu cho đến tận cùng” có thể có nghĩa là Chúa Kitô duy trì sự đau khổ cho đến chết vì nếu Người ngưng đau khổ một cách cao độ như thế thì điều đó có nghĩa là Người cũng ngưng yêu thương cao độ như vậy.
Ý nghĩa thứ nhất cho thấy hai điều cùng xẩy ra một lúc cho và trong Chúa Kitô suốt 72 giờ cuối cùng của cuộc sống dương gian của Người, tức sự đau khổ và tình yêu cao độ. Ta hết sức cảm kích khi thấy một con người vẫn cứ tiếp tục yêu thương ngay trong lúc chịu tra tấn cực hình, và ta ngưỡng mộ sức mạnh của người ấy. Nhưng trong lối giải thích đầu tiên đối với câu nói “Người yêu họ cho đến tận cùng” này, ta chưa thấy sợi dây nối kết nội tại giữa đau khổ và tình yêu, mới chỉ thấy sự thán phục trước sự kiện một ai đó đã có thể đau khổ và yêu thương cùng một lúc.
Tuy nhiên, với lối giải thích thứ hai, ta tìm ra sợi dây nối kết chặt chẽ giữa đau khổ và tình yêu, gần giống như núi và thung lũng, đến nỗi, nếu đau khổ mất đi, thì tình yêu nhất thiết cũng không còn, hay đúng hơn không hẳn là chính tình yêu mà là cường độ và sự tròn đầy của nó không còn nữa. Cái hiểu thứ hai về ý nghĩa sự đóng đinh và cái chết của Chúa Kitô là một cái hiểu làm rất nhiều người bối rối. Mà người bối rối nhất, bối rối một cách căn để, chắc chắn sẽ đi đến kết luận này là Kitô Giáo, khi nối kết tình yêu và niềm vui với đau khổ một cách nội tại, thì nhẹ nhất cũng là vô lý mà tệ nhất chính là thống dâm (masochism).
Đức Gioan Phaolô II đã nắm bắt được một cách sâu sắc mối liên kết nội tại ấy giữa đau khổ và tình yêu, và người ta tin rằng việc ngài sâu sắc đi vào mầu nhiệm này đã trở nên dễ dàng đáng kể nhờ việc ngài đã nắm vững ý niệm của Max Scheler về “sự kết hợp sâu thẳm nhất giữa đau khổ và tình yêu trong học lý Kitô Giáo” (2).
II. Mối tương quan giữa công trình của Scheler và Karol Wojtyla/Đức Gioan Phaolô II
Karol Wojtyla thâu thập tư tưởng Max Scheler (3) một cách sâu sắc, trong thời gian nghiên cứu hiện tượng học để soạn thảo cuốn Habilitationsschrift (4). Và khi một tác giả thâu thập sâu sắc một tác giả khác, thì ảnh hưởng của người sau hết sức bền chặt và dễ nhận ra bằng nhiều cách. Scheler và Đức Gioan Phaolô II cùng viết nhiều khảo luận để khám phá ý nghĩa của đau khổ, và mục đích của bài này là dùng việc so sánh bản văn để trình bày ảnh hưởng của Scheler đối với Đức Gioan Phaolô II bằng cách cho thấy sự tương đồng về quan điểm của hai vị đối với chủ đề này. Chúng ta cũng sẽ chủ đề hóa một số vấn đề khó khăn hơn liên quan tới đau khổ từng được cả hai tác giả quan tâm.
III. Ba vấn đề nền tảng liên quan tới đau khổ
Ba vấn đề nền tảng liên quan tới đau khổ có thể được đặt ra như sau:
1. Nguồn gốc của đau khổ là gì?
2. Đâu là tư thế siêu hình của đau khổ?
3. Chấp nhận thực tại của đau khổ, nhưng đâu là ý nghĩa nội tại của nó, nó liên hệ ra sao với các khía cạnh khác của đời người, và đáp ứng của ta nên như thế nào?
Trong các khảo luận mà ta sẽ khảo sát, dù cả hai tác giả đều bàn tới hai vấn đề đầu, nhưng các vị tỏ ra quan tâm nhiều hơn tới việc trả lời vấn đề thứ ba. Và câu trả lời của các vị khá tương tự nhau. Ý niệm căn bản trong tông thư Salvifici Doloris năm 1984 của Đức Gioan Phaolô II là: lý do của đau khổ trong trần gian là để “bộc lộ yêu thương” (unleashing love). Đó cũng là ý niệm nền tảng của Scheler khi bàn tới chủ đề này. Cả hai vị đều nói lên sự dị biệt hết sức sống động giữa cách tiếp cận của Kitô Giáo đối với đau khổ và các cách tiếp cận nổi bật khác không phải của Kitô Giáo, cả triết học lẫn tôn giáo. Ngoài ra, hai vị đều đề cập tới việc phải lưu ý tới sự phân biệt giữa triết học và thần học, dù vẫn sử dụng chúng theo đúng chỗ của chúng.
Trước khi nghiên cứu lối giải thích của Kitô Giáo về đau khổ, cũng như Scheler, Đức Gioan Phaolô bắt đầu bằng cách nhấn mạnh rằng Sách Gióp đại biểu cho một sự tách rời khỏi giáo huấn căn bản về đau khổ vốn chứa trong các sách khác thuộc bộ Cựu Ước. Giáo huấn này cho rằng mọi đau khổ đều nhận được ý nghĩa của chúng trong trật tự công lý như một hình cho việc làm bậy. Sách Gióp, dù không bác bỏ việc một số đau khổ quả có lý do hiện hữu trong lãnh vực công lý, nhưng dứt khoát bác bỏ chủ trương cho rằng mọi đau khổ đều vì lý do này mà có. Đức Gioan Phaolô II cũng như Scheler giải thích rằng sách này khác hẳn phần lớn các sách khác trong Bộ Cựu Ước, vì nó dạy ta: có nhiều hình thức đau khổ không thể dùng trật tự công lý mà giải thích được, như sự đau khổ của người công chính chẳng hạn. Trong trường hợp này, sự đau khổ của họ không thể là hình phạt được. Vì sự đau khổ này đâu có đứng cùng hàng với sự ác.
Dù có thể ta không hiểu được đầy đủ nguồn gốc sau cùng của đau khổ nơi người vô tội, nhưng Đức Gioan Phaolô II và Scheler đều có cùng một cách tương tự để nói lên ý niệm này là: ta có thể tìm thấy ý nghĩa sâu xa của nó trong tương quan với tình yêu.
IV. Đức Gioan Phaolô giải thích đau khổ để “bộc lộ tình yêu”
Đối với vấn đề ý nghĩa đau khổ, câu trả lời của Đức Gioan Phaolô được phát biểu như sau: “Đau khổ… sở dĩ hiện hữu là để bộc lộ tình yêu” (5). Và trong một phát biểu thứ hai, cảm kích hơn, ngài nói: “con người mắc nợ nơi đau khổ thứ tình yêu vô vị kỷ luôn khích động trong trái tim và hành động của họ” (6). Xem ra ngài đã nhận thức được một xu thế mầu nhiệm và rất quan trọng bên trong đau khổ hướng tới việc đạt được mục tiêu trổ bông tình yêu giữa con người.
Việc “bộc lộ” tình yêu này được Đức Gioan Phaolô II hiểu theo 3 nghĩa: (a) trong cuộc sống bên trong của con người như một bộc lộ xu thế nội tâm của trái tim, một nhậy cảm tâm hồn với những phát biểu xúc cảm độc đáo; (b) trong cuộc sống bên ngoài, phát sinh ra những công việc yêu thương nhằm phục vụ người khác; (c) và trong văn hóa, biến đổi toàn bộ văn minh nhân bản thành văn minh tình yêu.
Trong những phần dưới đây, chúng ta hy vọng sẽ trình bày được việc Đức Gioan Phaolô II đã theo sát ra sao sự phân tích của Max Scheler về đau khổ, bằng cách nói lên tính nhất đẳng của việc bộc lộ tình yêu bên trong so với hai loại bộc lộ kia. Ngoài ra, cả hai tác giả đều không cho rằng việc bộc lộ tình yêu bên ngoài và có tính văn hóa là điều không quan trọng; đúng hơn, việc bộc lộ bên ngoài là điều không thể miễn chước, và cả bên ngoài lẫn bên trong cùng nhau dẫn nhân loại tiến thẳng tới đích điểm vĩ đại là văn minh tình yêu. Chúng ta cũng xét thêm một số đoạn văn trích từ thông điệp Deus caritas est để thấy Đức Bênêđíctô XVI đã tiếp nối truyền thống Scheler và Gioan Phaolô II và đã có cùng một chủ trương ra sao.
V. Lượng giá câu trả lời của Đức Gioan Phaolô
Cần ghi nhận điều này: câu trả lời của Đức Gioan Phaolô là một câu trả lời cho một vấn đề đặc thù và có giới hạn. Ngài đề cập tới sự kiện hiển nhiên này: đau khổ có một ý nghĩa bên trong mà ta có thể cảm nhận một cách sống động trong thế giới, tức là sự trổ bông của tình yêu phát sinh bất cứ khi nào con người tương quan với nhau cách nào đó ngay trong đau khổ. Lời cầu nguyện sau đây đã cảm kích nói lên điều trên. Lời cầu nguyện này được ghi vội vàng trên một một mẩu giấy nhầu nát đặt cạnh thân thể một em bé bị thảm sát tại trại tập trung Ravensbruck: Ôi lạy Chúa, xin Người hãy nhớ không phải chỉ những người đàn ông và đàn bà có thiện ý, mà cả những người có ý xấu nữa. Nhưng xin Chúa đừng nhớ tất cả những đau khổ họ giáng trên chúng con. Xin Chúa hãy nhớ những hoa trái chúng con sản sinh ra nhờ những đau khổ này: tình đồng chí, đức khiêm nhường, lòng can đảm, đức đại lượng, sự cao cả của tâm hồn đã từ đó lớn mạnh lên; và khi những người có ý xấu kia đến tòa Chúa phán xét, xin cho tất cả những hoa trái mà chúng con đã sản sinh ra này trở thành sự tha thứ của họ.
Dường như một nhóm tù nhân đã từng đọc bản kinh này trong trại tập trung và lời kinh ấy chắc chắn đã phát sinh từ trải nghiệm trổ bông tình yêu của họ ngay trong đau khổ. Khám phá ra những đáp ứng như thế này trước trải nghiệm đau khổ cùng cực đã đem lại cho ta một chứng cớ đầy thực nghiệm đối với khẳng định ở đầu bài rằng sợi dây nối kết giữa đau khổ và tình yêu không phải chỉ là việc chúng hiện diện cùng một lúc với nhau, nhưng xét theo một mức độ nào đó, chúng quả tùy thuộc lẫn nhau. Giả sử có một tù nhân nào đó từng đọc bản kinh này nay còn sống sót sau cuộc chiến 1945 và nếu được hỏi liệu họ có tin là họ có thể đạt tới cái chiều cao chót vót của yêu thương như thế với cuộc sống bình thường hay không, thì chắc chắn họ sẽ trả lời là không: xem ra một mức độ yêu thương nào đó không thể có được nếu ta không giáp mặt với những chọn lựa phải sống và phải hành động ra sao khi đứng trước đau khổ cùng cực của bản thân.
Đúng, đối với ta, Đức Gioan Phaolô II không nghĩ rằng đây là câu trả lời đầy đủ cho các vấn nạn bao quanh đau khổ. Ngài cũng không quả quyết rằng đó là câu trả lời cho mọi vấn nạn của ta về nó. Thí dụ, thật khó tìm ra ý nghĩa trong những trường hợp cực đoan khi đau khổ giáng xuống các trẻ thơ vô tội, trong đó, ngay một hoa trái đẹp đẽ như lời kinh kia cũng khó mà dễ hiểu đối với ta. Có lẽ chính vì thế, Đức Gioan Phaolô cho rằng mầu nhiệm đau khổ “đặc biệt khôn thấu” đối với ta (7).
Tuy nhiên, tình yêu bên trong được cảm nhận và phát biểu thành lời kinh trên đây cho thấy rõ sợi dây nối kết giữa đau khổ và tình yêu, đến nỗi tình yêu dâng cao một cách cảm kích vì một cường độ đau khổ hiếm thấy đã đem đến cho con người cơ hội đáp ứng kiểu này. Sự kiện trên trả lời phần nào cho các vấn nạn về ý nghĩa đau khổ, dù không hẳn là câu trả lời đầy đủ, trọn vẹn. Điều ấy được Đức Gioan Phaolô II ý thức rất rõ (8).
Giờ đây, ta hãy xét tới sự khai triển đầy đủ hơn đối với ý nghĩa của “tính nhất đẳng trong việc bộc lộ tình yêu bên trong” theo quan điểm của Max Scheler, của Đức Gioan Phaolô II và của Đức Bênêđíctô XVI. Tất cả các vị đều tiếp cận ý niệm này theo hai cách riêng biệt: theo quan điểm của người đối diện với người đau khổ, và theo quan điểm của người đau khổ.
VI. Tính đệ nhất đẳng của việc bộc lộ tình yêu bên trong nơi những người giúp người đau khổ
Scheler minh nhiên chủ trương rằng tình yêu bên trong phát triển nơi trái tim con người chủ yếu liên hệ tới các hành vi yêu thương bên ngoài: “Tôi xin nhấn mạnh rằng: theo quan điểm Kitô Giáo, tình yêu người lân cận từ đầu không có nghĩa là một nguyên lý sinh học, chính trị hay xã hội. Ít nhất, ngay thoạt đầu, nó nhắm tới cốt lõi thiêng liêng của con người, tới nhân cách cá thể của họ” (9).
Như một thí dụ để làm sáng tỏ khẳng định trên, Scheler nhắc ta nhớ tới câu truyện người thanh niên giầu có từng cho Chúa Giêsu hay: anh đã tuân giữ các giới răn suốt đời anh và muốn biết phải làm gì hơn nữa để theo Người. Scheler nhấn mạnh rằng lý do khiến Chúa Giêsu yêu cầu người thanh niên giầu có bán hết những gì anh có và hiến cho người nghèo không phải vì Người chuộng sự phân phối của cải đồng đều hơn tại thành phố ấy. Đúng hơn, Chúa Giêsu chú ý nhiều hơn tới trái tim anh và hy vọng rằng, nhờ hành vi cho đi kia, trái tim anh sẽ tràn đầy yêu thương và đại lượng với người khác, những đức tính vốn làm tuổi trẻ nên cao thượng. Nhưng thách đố ấy quá lớn đối với chàng tuổi trẻ (10). Lối giải thích của Scheler rất chính xác, vì lời Tin Mừng không chấm dứt với câu “và người nghèo trong thành ấy không được nuôi ăn” mà là câu “và người thanh niên giầu có ấy buồn bã bỏ đi”.
Tiếp tục lối giải thích của mình, Scheler nhấn mạnh rằng sự giúp đỡ bên ngoài có thể nhỏ nhoi trong khi tình yêu thì to lớn hay sự giúp đỡ có thể to lớn trong khi tình yêu thì nhỏ nhoi (11). Ông nhận định rằng tình yêu không phải chỉ là một “định chế bác ái” (12). Sau đó, ông dùng sự nhấn mạnh đến tình yêu bên trong này của Kitô Giáo để chỉ cho ta sự tương phản giữa tình yêu này và điều được ông gọi là chủ nghĩa nhân bản hiện đại:
“Chủ nghĩa nhân bản hiện đại không truyền lệnh và trân quí hành vi yêu thương có tính bản vị do người này tỏ cho người kia, nhưng chủ yếu, nó chỉ chú trọng tới ‘định chế’ phi bản vị của việc làm phúc (welfare). Đó không phải là sự hồ khởi của một cuộc đời biết cho đi một cách hân hoan và yêu thương, tràn ra từ chính sự phong phú và thanh thản bên trong. Đó chỉ là một can dự do lây lan thể lý vào cảm giác thiếu thốn được biểu lộ qua những phát biểu ra bên ngoài sự đau khổ và nghèo đói” (13).
Đức Gioan Phaolô II cũng dùng cùng một ngôn từ trên (trợ giúp định chế/giúp đỡ bản vị) để nói về cùng một một ý niệm ấy rằng: “mọi cá nhân phải cảm nhận như mình được đích thân mời gọi làm chứng nhân cho tình yêu trong đau khổ. Các định chế tuy rất quan trọng và không thể thiếu; nhưng không một định chế nào tự nó có thể thay thế được trái tim con người, lòng cảm thương của con người, tình yêu hay sáng kiến của con người, khi gặp vấn đề phải xử lý với đau khổ của người khác” (14).
Còn Đức Bênêđíctô XVI, khi tiếp nhận và làm thành của mình cùng một đường lối suy luận trên, đã phát biểu một cách độc đáo về việc chăm sóc người đau khổ: “Vượt lên trên những phát hiện bên ngoài, tôi nhận ra người khác ước muốn nhận được những biểu hiệu của yêu thương, của quan tâm. Điều ấy tôi có thể hiến tặng họ không phải chỉ nhờ các tổ chức được lập ra cho các mục tiêu này… Tôi có thể hiến tặng họ nhiều hơn chính các nhu cầu bên ngoài của họ; tôi có thể hiến tặng họ cái nhìn đầy yêu thương, điều mà họ hết sức thèm khát” (15).
Sau đó không lâu, nói chuyện trực tiếp với các chuyên viên y tế Công Giáo, Đức Bênêđíctô XVI nói rằng: con người nhân bản luôn cần một điều gì đó hơn là việc chăm sóc chỉ có tính kỹ thuật… Họ cần sự quan tâm từ trái tim… Bởi thế, cùng với việc huấn luyện có tính chuyên nghiệp cần thiết, các nhân viên bác ái này cần một “nền huấn luyện tâm hồn” (16).
Giờ đây, sau khi đã thấy mối liên kết giữa học lý của Max Scheler và của Đức Gioan Phaolô II về tính nhất đẳng của việc bộc lộ tình yêu bên trong, ta hãy xét đến quan điểm của các vị về tầm quan trọng của việc bộc lộ tình yêu bên ngoài, tức các hành vi trợ giúp những người thiếu thốn.
VII. Sự tối cần của việc bộc lộ tình yêu bên ngoài
Từ các đoạn văn trên đây, ta thấy rõ các tác giả của ta không hề có ý định chủ trương rằng tính nhất đẳng của việc bộc lộ tình yêu bên trong có ý chỉ bất cứ thứ tình yêu tự đóng kín nào. Các vị không hề chủ trương một thứ tình yêu thụ động mà đúng hơn phải là thứ tình yêu sinh động. Các vị cũng không có ý nói tới một thứ tình yêu không hề lưu tâm đến việc chu toàn các đòi hỏi bên ngoài nhằm làm nhẹ bớt các đau khổ. Scheler và Đức Gioan Phaolô II minh nhiên nhắc tới điều đó, bằng những tuyên bố hết sức tương tự nhau. Đối với Scheler, “trong nền tu đức Kitô Giáo, các nhân đức tự coi là thụ động như tuân phục, nhẫn nại, và khiêm nhường tiếp nhận đau khổ luôn tùy thuộc nhân đức yêu thương đầy sinh động” (17). Còn theo Đức Gioan Phaolô II, “Việc Chúa Kitô mạc khải ý nghĩa cứu chuộc của đau khổ không hề đồng nhất với thái độ thụ động. Hoàn toàn trái ngược lại. Tin Mừng chính là một phủ nhận tính thụ động trước đau khổ” (18).
Và chính vì thế, Đức Gioan Phaolô II và Đức Bênêđíctô XVI đều liên tiếp nói lên tầm quan trọng của các ngành chuyên nghiệp chăm sóc sức khỏe bất cứ khi nào các ngài đề cập tới tính nhất đẳng của tình yêu bên trong trái tim những nhân viên này (19). Scheler từng nói một cách hết sức đẹp đẽ và chính xác về phương diện triết lý mối liên hệ giữa việc bộc lộ tình yêu bên ngoài và tình yêu bên trong như sau: “Tình yêu không có giá và không làm cho người yêu ra khác biệt vì nó chỉ là một trong muôn vàn lực lượng nhằm đẩy mạnh phúc lợi nhân bản và xã hội. Không, giá trị là chính tình yêu, việc nó thấm nhiễm toàn bộ con người, làm cuộc sống cao hơn, mạnh mẽ hơn, phong phú hơn, mà các chuyển động của nó chính là dấu hiệu và đỉnh cao của cuộc sống ấy. Điều quan trọng không phải là số lượng phúc lợi, mà phải là tình yêu tối đa giữa người với người. Hành vi giúp đỡ chính là biểu thức trực tiếp và thỏa đáng của tình yêu, chứ không phải là ý nghĩa hay mục đích của nó” (20).
Ý niệm quan yếu nhất của Scheler là cần phải có tình yêu tối đa giữa người với người. Tình yêu này chính là sự viên mãn của cảm giới nội tâm được biểu lộ qua các hành vi giúp đỡ bên ngoài. Cả hai vị giáo hoàng cùng nói lên điều đó.
Ta có thể đơn giản phát biểu ý tưởng trên như sau: dù việc băng bó các vết thương thể lý do Mẹ Têrêxa thành Calcutta thực hiện là điều quan trọng, có khi còn không thể thiếu được nữa, nhưng nói cho cùng, đó không phải là điều ta ngưỡng mộ nơi bà. Chính “con mắt yêu thương” mới làm những người được băng bó cảm nhận khi bà nhìn vào mắt họ. Ta ngưỡng mộ và bị Mẹ Têrêxa lôi cuốn chính vì cường độ yêu thương nằm sẵn trong trái tim bà, nó mới là nguồn tạo ra cách tiếp cận của bà với người khác trong mọi hành động.
Như thế, theo Scheler và Đức Gioan Phaolô II, dù giáo huấn Kitô Giáo về ý nghĩa đau khổ có nhấn mạnh tới chiều kích tình yêu ấm áp bên trong, nhưng điều này không hề có nghĩa: các vị coi nhẹ các hành vi phục vụ bên ngoài; trái lại, cả hai vị đều kêu gọi phải tăng gia các hành vi ấy và dành cho chúng tầm quan trọng chúng cần có để hữu hiệu phục vụ theo nghĩa tốt đẹp và đầy đủ nhất.
VIII. Một phản biện và một câu trả lời
Nhiều người chủ trương rằng giết một người đang đau khổ là một hành vi xót thương hay yêu thương. Nhưng thực ra, hành vi đó đâu phải là yêu thương, mà là bỏ rơi, trái ngược với yêu thương. Câu trả lời của Peter Singer là một chứng minh có tính thực nghiệm cho nhận định trên (21). Được hỏi về việc ông dành cả hàng chục ngàn dollars để thuê một nhóm nhân viên y tế tới nhà chăm sóc cho người mẹ già bệnh hoạn đã tới lúc được coi như “không còn là người”, Singer cho hay: “Tôi nghĩ việc này giúp tôi thấy rõ các vấn đề của những người gặp các hoàn cảnh này thực ra khó khăn như thế nào… Có lẽ chúng còn khó khăn hơn là tôi từng nghĩ trước đây, vì vấn đề có khác khi đó chính là người mẹ của mình” (22).
Ta đã từng đọc về chủ đề này nhiều rồi, tuy nhiên ở đây, ta chỉ cần nhấn mạnh rằng: theo lời phát biểu trên, người bênh vực chính việc giết người vì xót thương có lý về mọi chuyện chỉ trừ việc không chịu nhìn nhận rằng chính tình yêu (người mẹ) đã dẫn người ta tới một quan điểm lý thuyết và một tác phong bản thân trái ngược hẳn với những điều họ viết trước đây (23).
Bất cứ phong trào phò an tử hiểu “yêu thương” như thế nào, thì nó vẫn không thể là thứ tình yêu được Scheler, Đức Gioan Phaolô II và Đức Bênêđíctô XVI nói về, vì các vị không hề tìm thấy ở nó bất cứ lý lẽ nào biện minh cho việc giết người. Đây là một thách đố để các nhà triết học đào sâu hơn quan điểm tiềm ẩn trong hai phương thức tiếp cận tình yêu nói trên.
IX. Tính nhất đẳng của việc bộc lộ tình yêu bên trong nơi những người đang đau khổ
Cho tới nay, ta mới chú trọng tới tình yêu của những người giáp mặt với người đau khổ. Nay là lúc ta xem sét giáo huấn Kitô Giáo theo quan điểm của chính người đau khổ. Cả ở đây, ta cũng thấy Đức Gioan Phaolô II theo sát nhận định của Scheler, một nhận định cho rằng: trong những trường hợp đau khổ căn để nhất, học lý Kitô Giáo về đau khổ cũng đòi ta phải làm nhiều hơn là chỉ kiên nhẫn chấp nhận đau khổ. Nói rõ hơn, học lý này chủ trương ta phải chúc phúc cho đau khổ (a blessed suffering). Không phải chỉ là viễn ảnh về một hạnh phúc đời sau, nhưng phải là một niềm hạnh phúc cảm thấy mình đang hiện diện trong trạng thái ơn thánh ngay trong cơn đau hấp hối, một cơn đau làm trổ sinh sức mạnh diệu kỳ của tử đạo (24).
Bởi thế, theo Scheler, quan điểm Kitô Giáo về đau khổ hoàn toàn khác với quan điểm của phe duy khoái lạc (hedonist), của Phật Giáo và của phái khắc kỷ (25). Ông cho hay: “Có xem sét các lời giải thích, các kỹ thuật và thuốc giải mà các lý thuyết cổ xưa muốn dùng để làm cạn bể khổ, ta mới thấy giáo huấn Kitô Giáo về đau khổ đưa ra một thái độ hoàn toàn trái ngược lại” (26). Sự dị biệt chủ yếu là: theo cái nhìn Kitô Giáo, chấp nhận hoàn toàn thực tại đau khổ và sống trọn thực tại ấy khi gặp nó không hề cùng một lúc tiêu diệt khả thể có một niềm hạnh phúc, một tình yêu và một niềm vui sâu sắc. Scheler giải thích như sau: “Ở những bình diện khác nhau của tâm thần, ta có thể cùng một lúc vừa tích cực vừa tiêu cực về xúc cảm… Từ những xúc cảm sâu rộng của ngũ quan, liên hệ tới thân xác (đau đớn, thèm khát…), tới hạnh phúc và thất vọng trong cái bản ngã sâu thẳm nhất của ta, có nhiều bình diện cảm xúc… Ta có thể chịu đau đớn một cách hạnh phúc cũng như uống rượu xủi bọt một cách bất hạnh” (27).
Đức Gioan Phaolô II cũng cho rằng người Kitô Hữu đang trải nghiệm đau khổ thường trải qua 3 giai đoạn căn bản sau đây: chấp nhận, biết ơn, và hân hoan. Theo ngài, ba giai đoạn này không thể học được từ sách vở, nhưng chỉ thực sự học được từ việc kinh qua chính cái đau thực sự, hay nói như Scheler, giữa chính trong đau khổ. Trong tông thư Salvifici doloris, ta đọc được nhiều đoạn văn ngài viết về điểm này (28). Ở đây, chỉ xin nhắc tới một đoạn có tính tiên tri thành tự (self-fulfilling prophecy). Về cuối đời, Đức Gioan Phaolô II cho mọi người chúng ta thấy rõ ý nghĩa những lời trong đoạn văn này, đoạn văn mà ngài từng viết từ năm 1984, lúc ngài còn khỏe mạnh: “Khi thân xác này mắc trọng bệnh, trở thành bất lực hoàn toàn, và con người hầu như không còn khả năng sống và hành động nữa, thì sự chín muồi và nét cao cả thiêng liêng bên trong lại càng hiển hiện hơn nữa, đem lại một bài học cảm động cho những ai đang khỏe mạnh và bình thường” (29)
Ghi Chú
1. http://www.Zenit.org, 11 tháng Tư, 2001.
2. Max Scheler, The Meaning of Suffering, bản dịch tiếng Anh của Harold J. Bershady. Trong Max Scheler, On Feeling, Knowing, and Valuing, Selected Writings, do Harold J. Bershady hiệu đính và viết dẫn nhập (Chicago: University of Chicago Press, 1992), 111. Max Scheler sống từ năm 1874 tới năm 1928, và là một trong những nhà hiện tượng luận nguyên khởi, trong đó có Edmund Husserl, Edith Stein, và Dietrich von Hildebrand.
3. George Weigel cho ta nhiều chi tiết lý thú có tính thông sáng và lịch sử qua việc trình thuật lại hoàn cảnh Wojtyla nghiên cứu Scheler, lý do ngài dịch cuốn Formalism của Scheler qua tiếng Ba Lan và nhiều giai thoại khác do các học trò, đồng nghiệp và do chính ngài cung cấp. Xem George Weigel, Witness to Hope, The Biography of Pope John Paul II (New York: Harper Collins, 1999), 124–39.
Chính Đức Gioan Phaolô trong tư cách Karol Wojtyła và trong tư cách Giáo Hoàng cũng thường nói lên sự biết ơn đối với Scheler. Trong các nguồn của cuốn The Acting Person, ngài đích danh nhắc tới Max Scheler.
4. Chưa được dịch qua Anh Ngữ.
5. Salvifici doloris, 29.
6. Ibid., 29.
7. Salvifici doloris, 31.
8. Ibid., 9.
9. Max Scheler, Ressentiment, do Lewis B. Coser và William W. Holdheim dịch sang tiếng Anh (Mil¬waukee: Marquette University Press, 1998), 84.
10. Scheler, Ressentiment, 71
11. Ibid.
12. Ibid.
13. Ibid., 97.
14. Salvifici doloris, 29.
15. Đức Bênêđíctô XVI, Deus caritas est (Vatican City: Libreria Editrice Vaticana, 2006), 18.
16. Ibid., 31.
17. The Meaning of Suffering, 111–12.
18. Salvifici doloris, 26.
19. Xem ibid., 29, và Deus caritas est, 22, rong đó, Đức Bênêđíctô XVI giải thích rằng việc phục vụ bác ái là một trong ba thừa tác vụ ngang nhau của Giáo Hội. Hai thừa tác vụ kia là Bí Tích và việc rao giảng Tin Mừng.
20. Scheler, Ressentiment, 71.
21. Peter Singer là giáo sư đạo đức sinh học tại Trung Tâm Giá Trị Nhân Bản của Đại Học Princeton, và là người ủng hộ an ử có ảnh hưởng nhất hiện nay. Ông vẫn cho rằng có nhiều loại người, trong đó “những người khuyết tật về tri thức một cách nặng nề, không thể chữa trị được”, như mẹ ông chẳng hạn, không còn là người và có thể giết đi. Xem Peter Singer, Practical Ethics (Cambridge: Cambridge University Press, 1993), 85–87, và Peter Singer, Unsanctifying Human Life, do Helga Kuse chủ biên (Oxford, UK: Blackwell Publishers, 2002), 239–40.
22. Michael Specter, “The Dangerous Philosopher,” The New Yorker, ngày 6 tháng 9, 1999, 55.
23. Colosi, “Mother Teresa, John Paul II and Christian Personalism vs. Peter Singer and Utilitarianism: Two Radically Opposed Conceptions of the Nature and Meaning of Family.” trong The Family in the New Millennium: World Voices Supporting the “Natural” Clan, Vol. 3. do S. A. Loveless and T. B. Holman chủ biên. (Westport, CT: Praeger Publishing, 2007), 49–65.
24. Scheler, The Meaning of Suffering, 112.
25. Scheler phân tích mỗi một lý thuyết này một cách chi tiết trong tác phẩm trên, các trang từ 97.
26. Ibid., 110.
27. Ibid., 112.
28. Salvifici doloris, 1, 23–24, 26–27.
29. Ibid., 26.
 
Israel gửi đại biểu tham dự lễ phong chân phước đức Giáo Hòang Gioan Phaolô II
Trần Mạnh Trác
22:17 29/04/2011
Trong một động thái bất thường, chính phủ Israel đã gửi một đại biểu chính thức đến tham dữ lễ phong chân phước của đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II, đó là một quan chức đã sống sót qua nạn Holocaust nhờ đã được giao cho một gia đình Công giáo nuôi dưỡng.

Vị đại biểu ông Yossi Peled tuyên bố, "Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II là một vị giáo hoàng đặc biệt với chúng tôi," ngài đã thiết lập quan hệ ngoại giao với Israel và nâng cao tình cảm nồng ấm hơn giữa người Công giáo và người Do Thái.

Đại sứ Israel tại Vatican là Mordechay Lewy nói rằng bởi vì việc phong chân phước là một buổi lễ tôn giáo và là vấn đề nội bộ của Giáo Hội Công Giáo, cho nên ông không mong đợi sẽ có một phái đòan giáo sĩ Do Thái tham dự buổi lễ.

Ông Peled, 70 tuổi, nói với các phóng viên rằng cha mẹ của ông là người Ba Lan gốc Do Thái, đã di cư đến Bỉ để lánh nạn. Peled được sinh ra tại Bỉ và khi ông được 6 tháng thì cha mẹ của ông đã họ trao ông cho một gia đình Công giáo nuôi để tránh nhựng nguy hiểm mà người Do Thái phải đối mặt.

"Tôi đã lớn lên như một cậu bé hạnh phúc có đạo Kitô," ông nói.

Bố mẹ, chú bác cô dì của ông đã bị đưa tới Auschwitz, và chỉ mình mẹ ông còn sống sót.

Peled cho biết ông đã không được biết ông là người Do Thái cho đến khi mẹ của ông trở về để đòi lại ông khi ông đã 8 tuổi.

Bà mẹ ông đã từng bị làm vật thí nghiệm y tế của tiến sĩ Josef Mengele tại Block 10. Do điều kiện thể chất của bà, bà không thể chăm sóc ông ta được, vì vậy bà ấy đã gửi ông vào một trại mồ côi người Do Thái ở Bỉ. Ông và 300 trẻ em khác đã được di chuyển về Israel một năm sau đó.

Peled không biết gia đình Công giáo nuôi ông có rửa tôi cho ông hay không, nhưng "tôi thường đi nhà thờ mỗi Chủ nhật. Và tôi biết rằng trước khi tôi đi ngủ, tôi phải làm dấu Thánh Giá.. Và tôi biết khi tôi ngồi xuống bàn ăn, tôi phải làm dấu trên của ăn. "

"Đột nhiên, tất cả những điều này bị cấm" sau khi về với mẹ ông, ông nói. Học để trở thành một người Do Thái và không được cầu nguyện như là một Kitô hữu nữa là một khó khăn cho một cậu bé mới lên 8, ông nói.

"Mỗi ngày tôi đã ngồi trên giường chờ đến tối, (để) tôi có thể cầu nguyện với Chúa Giêsu," ông nói.

Peled cho biết Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô đã trưởng thành ở Ba Lan "giữa một bầu không khí công khai chống Do Thái," vậy mà vẫn có thể kết bạn với nhiều người Do Thái và thiết lập một mối quan hệ mới giữa Giáo Hội Công Giáo và người Do Thái.

"Lời xin lỗi của Ngài cho sự đau khổ của người Do Thái đã không phải là một lời nói xuông," ông nói.

"Thật vậy, có lẽ không có người nào phù hợp hơn để đại diện cho tinh thần thật sự của Thiên Chúa giáo hơn là Karol Wojtyla Jozef," Peled nói.

Rabbi Bemporad Jack, giám đốc Trung tâm Liên kết các tôn giáo tại New Jersey và đồng thời là giáo sư tại Giáo Hoàng Học Viện Thánh Thomas Aquinas ở Roma, nói với tờ báo của Vatican rằng, "những người Do Thái dành cho đức Gioan Phaolô II một tình cảm sâu đậm nhất và một sự tôn trọng cao nhất của họ."

"Ngài là vị giáo hoàng đầu tiên đã đi tới một giáo đường Do Thái và đưa ra lời xin lỗi vì các hành vi chống Do Thái giáo trong quá khứ, bằng cách sử dụng từ 'teshuvah,' của tiếng Do Thái có nghĩa là không chỉ yêu cầu cho sự tha thứ, mà cũng còn quyết tâm để đi theo một hướng mới, " vị giáo sĩ Do Thái cho biết.

Ngoài việc thiết lập quan hệ ngoại giao với Israel, "khi ngài đi khắp mọi nơi trên thế giới, ngài đã luôn tìm gặp các cộng đồng Do Thái địa phương để thiết lập mối quan hệ hữu nghị và hiểu biết lẫn nhau," Rabbi Bemporad nói. "Không một Giáo Hoàng nào đã từng làm rất nhiều như vậy."
 
Top Stories
Vietnam, our love for the Polish pope
Asia-News
04:47 29/04/2011
The Vietnamese Church remembers John Paul II with reverence and affection. "Maybe it's because he, Polish, came from a nation that has historical and social characteristics similar to Vietnam. This has allowed him to be close to the misery of our people, sharing the sufferings of the Catholics."

Hanoi (AsiaNews) - The news of the beatification of John Paul II, has met with great joy among Catholics in Vietnam. Perhaps there has never been a more active Pope for Vietnam: he formalized the Vietnamese bishops' conference, canonized 117 Vietnamese martyrs, appointed delegations and a representative to visit and work in Vietnam ... He also sent us many letters pastoral, received the Vietnamese bishops, welcomed many Vietnamese staff to the Vatican and appointed many new bishops for our country.

In the history of the Vietnamese Church the special relationship between the Church here and the Holy See is evident. Through its help, while facing many difficulties and persecution, the local churches in Vietnam have grown strong and mature.

This relationship with the Holy See was strengthened by John Paul II. Maybe it's because he, Polish, came from a nation that has historical and social characteristics similar to Vietnam. This allowed him to be close to the misery of our people, sharing the sufferings of Catholics.

Through the use he made of the media and the international Catholic radio (such as Radio Veritas), the Pope's pastoral letters and messages were immediately translated into Vietnamese, and so almost all the Catholics were able to understand and recognize his goodness.

A group of volunteers of Caritas Saigon comment on the "unforgettable words of Pope John Paul II. He once said he seeks every opportunity and means to communicate with the Vietnamese people. Your country - he said - is in my heart. How I wish to have a chance to see and learn about each of the local churches to express my love for your whole nation. "

At the canonization of the 117 Vietnamese martyrs - June 19, 1988, hampered by the government in Hanoi - the pope said to Catholics: "Once more we can say that the blood of martyrs is for you, Christians in Vietnam, a source of grace to make progress in faith. In you the faith of our fathers still continues to be transmitted to new generations. This faith is the foundation of the perseverance of all those who, feeling authentically Vietnamese, faithful to their land, want at the same time to continue to be the true disciples of Christ ... .. The search for the common good of the country is therefore a genuine need for the Christian citizen, freedom to proclaim the truth of God, in communion with the pastors and our brothers in faith, the desire to live in peace with other men to build awareness for the good of all. "

On December 14, 1996, the pope met in Rome with Card. Định Pham Tung of Hanoi and 13 other Vietnamese bishops on their ad Limina visit, and recommended to them that "the Church wants to be fully present in the reality of the country, with her distinct vocation. She shares in the journey of all members of the nation, she shares the same history, the same trials and progress. She does not act in a spirit of rivalry or through seeking her own interest, but wants to live in communion and harmony with all. "

Because of his openness to the Vietnamese people, Pope John Paul II was beloved by all. At the announcement of his death April 2, 2005, all Vietnamese expressed their grief and wept. A faithful of the diocese of Qui Nhon recalls: "At 17:30 on 8 April 2005, the population of eight parishes in the diocese of Qui Nhon, those being Tuy Hòa, Mằng Lăng, Đồng Tre, Sông Cầu, Đông Mỹ, Hoa Châu, Tịnh Sơn, Sơn Nguyên gathered in the cathedral to pray for the deceased Pope. Among them was also a Buddhist nun, Thích Nữ Trúc Liên; Đinh Thống the pastor of the Protestant Church; Mr. Lễ Sanh, representative of the caodaista faith, and many non-Catholics and some communist leaders of government. All prayed for him and recalled his kindness and compassion. "

Pope John Paul II also worked very well to build diplomatic relations with Vietnam. In 1989, under the leadership of the card. Roger Etchegaray, a Vatican delegation arrived in Vietnam: it was the first visit by the Holy See, to discuss some important issues with the authorities.
Thanks to the atmosphere of mutual respect, understanding and goodwill between the two parties, a dialogue began and that gave a positive signal for the future. The road is long and fraught with difficulties, but it seems the only viable option for the good of Catholics in Vietnam and the nation.
 
Vietnamese bishops see challenges not only from 'outside'
Asia-News
06:51 29/04/2011
The annual meeting of the Conference of Bishops concludes today. For the first time a "non-resident representative of the Holy See” is present, to which intellectuals and ordinary believers look to solve the problems of a church that sees growth of both the baptized and the authorities attempts to "safeguard".


Ho Chi Minh City (AsiaNews) - The development of a common pastoral letter to all Catholics in Vietnam, a model for the formation for priests and seminarians, preparation for the conference of Asian bishops, to be held in Ho Chi Minh City, the reconstruction of National Marian Shrine of La Vang, expectations for the beatification of Bishop Pierre Lambert de la Motte and Francois Pallu and the choice of delegates to the synod of bishops on the new evangelization were the central topics of the annual meeting of the bishops of Vietnam (see photo), held at the pastoral center of the diocese of Saigon from April 24 to today.

The meeting was attended by all heads of 26 dioceses in the country and, for the first time, the non-resident representative of the Holy See, Mgr. Leopoldo Girelli. He recalled that he is "not a nuncio, as the country does not have diplomatic relations with the Vatican," and emphasized his role as a link between the Holy See and the local Church.

But among all the activities, what is the real purpose of the shepherds? To serve the people of God, that all bishops and cardinals are to pray, to be joined together to build the community and listen to the people of God to build the Church. "I hope - he said - to be an instrument of brotherhood among the local priests, religious and lay people and the people of Vietnam".

A recent survey of one hundred Catholic intellectuals and hundreds of lay has shown that many consider " the conference of bishops non-essential. They listen to the diocesan reports, clapping one another on the back. "They worry about the 'monumental activities' (Hoat Hoanh đồng trang), but are incapable of concerning themselves with the laity, the poor, the suffering of the population, with abandoned children, marginalized communities and the injustice that is rampant in their areas."

The survey also shows the diminished confidence of Catholics in leaders of the Episcopal Conference, who "say nice words, but are not to the people of God." "Those who have responsibility - says Kieu Trinh, a young woman from the archdiocese - should respond to the responsibility that God has entrusted to them. One can not work for two masters. When you die, in front of the holy face of God, how will they answer His questions? ".

"The Church of Vietnam - some faithful tell AsiaNews – has really important issues. There are many reactions in public opinion, so many cries for help, but some local church leaders have not yet given attention to these major issues: the apparent phenomenon of pastors who work for two masters. " That's why hundreds of thousands of faithful and Catholic intellectuals say "the flock needs a true shepherd" and that "the flock does not need a part-time pastor".

In fact, there are Catholic intellectuals and "ordinary" believers who have the belief that "if it happens that the Holy See does not meet the wishes of some shepherds, they will certainly be 'protected' by the authorities. They can 'nương nau' (take the envelope), retain their positions in the Church and run the formal business, even in the absence of moral depth. " "The presence of Mgr. Girelli - some Catholics of Ho Chi Minh City told AsiaNews - is particularly important at this time for Vietnamese Church. The Holy Father Benedict XVI sent him and it is the first time that this has happened in 36 years since 1975. "

The assembly of bishops was also an opportunity to listen to the situation of the diocese. It was found that, while there are many conversions, the Church is still facing difficult challenges. In vast areas of Central Highlands and northern provinces near the borders with China and Laos, the faithful are still not allowed to meet to pray, while the priests are still prevented from celebrating the Eucharist and carrying out their pastoral ministry.

The situation of what happened to Mgr. Michael Hoang Duc Oanh has been highlighted in particular, who, having finally managed to celebrate Easter Mass in Lang Son, had to do it in the hostile presence of police and women of the Communist League who outnumbered the faithful and who controlled and mocked both bishop and Catholics. In other areas, priests and faithful who have petitions to celebrate Mass, see their religious freedom subject to the irrational mood swings of local authorities.

This proves that "the legal status of the Church is still not recognized" and that there is the hostility of local authorities against Catholics, which sometimes arrives at forms of open persecution.
 
Devant les évêques vietnamiens, Mgr Leopoldo Girelli a fait le point sur la nature de sa mission au Vietnam
Eglises d'Asie
07:29 29/04/2011
Devant les évêques vietnamiens, Mgr Leopoldo Girelli a fait le point sur la nature de sa mission au Vietnam en cette période d’établissement des liens diplomatiques [ Bulletin EDA n° 551 ]

Plusieurs observateurs s’étaient étonnés de voir le représentant non résident du Saint-Siège pour le Vietnam présenter, lors de la séance inaugurale de l’assemblée des évêques, une lettre de créance adressée par le Souverain pontife à la Conférence épiscopale, plus précisément à son président. Cette lettre, en effet, est généralement destinée et présentée aux autorités civiles. Mgr Leopoldo Girelli s’est finalement indirectement expliqué ...

... sur cette procédure inhabituelle lors de la séance suivante du mardi 26 avril 2011. Dans un discours adressé aux évêques vietnamiens, il a apporté des éclaircissements exhaustifs sur son statut de « représentant non résident » et sur sa mission au Vietnam.

Le compte rendu du site de la Conférence épiscopale (1) note que, le matin du mardi de Pâques, dans la salle « Paul Nguyên Van Binh » du Centre pastoral, le nouveau représentant du pape a rencontré les évêques vietnamiens et leur a parlé. Le prélat leur a d’abord fait part d’un certain nombre de considérations pastorales. Il a insisté sur l’indispensable unité de l’Eglise et s’est engagé à collaborer de toutes ses forces avec l’Eglise du Vietnam, et d’apprendre d’elle tout ce qui était nécessaire à sa mission. Il a alors donné un certain nombre de précisions importantes sur son statut et la nature de la mission qu’il devait remplir. Cette mission, a-t-il précisé, est définie par les articles 362 à 367 du Code de droit canon de 1983. En sa qualité de représentant non résident, le gouvernement vietnamien reconnaît Mgr Girelli comme « ambassadeur extraordinaire » (en vietnamien : Dac Su) du Souverain pontife auprès de l’Eglise du Vietnam. Mais Mgr Girelli n’exerce encore aucune fonction diplomatique auprès du gouvernement, l’établissement de relations diplomatiques entre le Saint-Siège et le Vietnam n’étant pas encore arrivé à son terme.

Il n’a, en effet, pas été question de lettres de créance du Saint-Siège lors de la rencontre du représentant du Saint-Siège, peu de temps après son arrivée, le 21 avril, avec M. Bui Thanh Son, secrétaire d’Etat aux Affaires étrangères. Cette entrevue n’a été rapportée que par la presse officielle. Aucune version de la rencontre émanant du représentant du pape ou de l’Eglise du Vietnam n’a été rendue publique. Le récit rapporté par la télévision vietnamienne (VTV) (2) désigne Mgr Girelli sous l’appellation de « délégué spécial » (Dac Phai Viên) du Saint-Siège. Dans son allocution d’accueil, le représentant du gouvernement vietnamien a exalté la politique de liberté religieuse « inchangée » des autorités de son pays et s’est félicité du développement des relations entre le Vietnam et le Saint-Siège. De plus, il a suggéré au représentant du Vatican d’encourager les catholiques du Vietnam à mettre en œuvre les instructions données par le pape dans le discours prononcé lors de la visite ad limina des évêques du Vietnam en juin 2009 et dans le message envoyé à l’Eglise du Vietnam à l’occasion de l’inauguration de l’Année Sainte 2010.

Selon la version de la rencontre présentée par les journaux officiels, Mgr Leopoldo Girelli aurait répondu que la réussite de l’Année Sainte était un éloquent témoignage du respect de la liberté religieuse par le gouvernement vietnamien.

(1) http://hdgmvietnam.org/nhat-ky-hoi-nghi-thuong-nien-ky-i-nam-2011-hoi-dong-giam-muc-viet-nam-25–2942011-2/2855.63.8.aspx

(2) http://vtv.vn/Article/Get/Toa-thanh-Vatican-thuc-day-quan-he-voi-Viet-Nam--24962ad466.html#

(Source: Eglises d'Asie, 29 avril 2011)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Biên bản Hội nghị thường niên Kỳ I/2011 Hội đồng Giám mục Việt Nam (25 – 29/4/2011)
+ĐGM Cosma Hoàng Văn Đạt
04:52 29/04/2011
 
Lễ phong chức Giám mục phó giáo phận Phú Cường
Maria Vũ Loan
08:48 29/04/2011
PHÚ CƯỜNG - Sáng ngày 29/4/2011, giáo phận Phú Cường rộn ràng đón tiếp dòng người đổ về Nhà Chung để tham dự lễ tấn phong Giám mục Giuse Nguyễn Tấn Tước, giám mục phó giáo phận Phú Cường.

Xem hình ảnh

Trước giờ lễ, người tham dự đã ngồi đầy các hàng ghế dành cho giáo dân và tu sĩ. Ban tổ chức làm việc khá nhịp nhàng. Dường như ai cũng thấy mình cần phải làm tốt công việc hôm nay. Khi xe chở các Đức Giám mục và vị đại diện Tòa Thánh không thường trú tại Việt Nam đi qua cổng lớn, bầu khí sôi động hẳn lên với lời giới thiệu của MC.

Chỉ mười phút sau, đoàn đồng tế gồm thánh giá nến cao, quí linh mục, quí giám mục, vị Tổng giám mục đại diện Tòa Thánh, Đức tân giám mục trang trọng lên lễ đài trong tiếng hát vui mừng hân hoan của ca đoàn.

Lời giới thiệu quí Đức Cha trong Hội Đồng Giám Mục, quí Đức Ông hôm nay về đây tham dự thánh lễ, rất ngắn gọn; có thể nói là khá đầy đủ các vị chủ chăn từ các giáo phận gần xa.

Mở đầu đại lễ, Đức Tổng giám mục Girelli đã nghe những lời giới thiệu về giáo phận Phú Cường với những đặc điểm rất riêng: “Từ ngày thành lập cho đến năm 1975, giáo phận nằm trong vùng luôn xảy ra những cuộc chiến ác liệt. Tình hình xứ đạo và hoạt động tôn giáo bị xáo động, con số giáo dân giảm dần, nhiều người dời đi nơi khác…..Tính từ năm 2010, giáo dân Phú Cường là 131.345 trên 2.880.328 dân số tỉnh Bình Dương, với 81 nhà thờ, 179 linh mục triều và dòng. Sinh hoạt mục vụ có chiều hướng tích cực, lòng sùng đạo được thể hiện qua việc cử hành các bí tích, qua sự sống đạo tại gia đình và tình đoàn kết lương giáo, xóm làng.

Chúng con xin dâng lên Đức TGM lòng biết ơn của chúng con. Xin mãi mãi biết ơn Đức Thánh Cha Bênêdicto và xin tỏ lòng vâng phục, hiệp thông sâu sắc với Tòa Thánh trong cùng một đức tin và lời nguyện phục vụ hằng ngày.”

Vị đại diện Tòa Thánh đã đứng lên đáp lời rất thân thiện - bằng tiếng Việt và tiếng Anh, được Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm thông dịch - Ngài nhận ra những dấu chỉ của Chúa đã chúc lành trên giáo phận này, Ngài chúc mừng hàng giáo sĩ, linh mục đoàn vì đây là lần đầu tiên có một thành viên được chọn làm giám mục giáo phận. Sau cùng, Đức TGM nói một câu rất hay: “Rôma thì ở rất xa Phú Cường nhưng trái tim của Đức Thánh Cha Bênêdictô XVI thì đang ở đây, trong giây phút này!”

Kế tiếp là lời nguyện nhập lễ do Đức Cha Phêrô Trần Đình Tứ chủ tế. Sau lời công bố Tin Mừng, Tông sắc bổ nhiệm của Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI được đọc lên và kết thúc bằng tiếng vỗ tay vang dội - một việc không thể thiếu trong nghi thức phong chức giám mục.

Và ngay sau đó Đức Giám mục chủ phong trình bày cho mọi người về chức vụ Giám mục trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa cũng như đời sống của Giáo Hội, đồng thời cũng nhắc nhở vị tân Giám mục về những nhiệm vụ phải chu tất để đáp lại tiếng Chúa mời gọi và hồng ân Chúa thương ban. Phần trình bày này khá dài nhưng có những đoạn như xoáy vào lòng người, giúp người dự có ý thức và tích cực trong thánh lễ, như:

“Ngay từ lúc nhập thể, Đức Kitô đã được phong làm thượng tế của Giao Ước mới. Mọi hoạt động của Người nơi trần thế đều có thể thâu tóm vào ba tác vụ chính yếu, của chức vụ Thượng tế là rao giảng Tin Mừng, tế lễ và cai quản Nước Thiên Chúa, nói khác đi, là để thực thi chương trình cứu độ nhân loại và toàn thể vũ trụ. Việc cứu độ này còn phải kéo dài cho đến tận cùng thời gian để có thể đem mọi người thuộc mọi thế hệ vào trong Nước Thiên Chúa”.

“Để sứ vụ cứu độ Chúa Giêsu trao cho các Tông đồ được tiếp tục cho tới khi Người lại đến trong vinh quang, các Tông đồ đã chọn những người kế vị, đặt tay khẩn nguyện Chúa Thánh Thần trên họ, truyền lại cho họ những gì các ngài đã nhận từ chính Chúa Giêsu là Thầy mình….tất cả các Giám mục - là những người kế vị các Tông đồ - đang đồng tế hôm nay, cùng nhau truyền lại cho tiến chức là Đức cha Giuse Nguyễn Tấn Tước của chúng ta đây.”

“Hiền đệ hãy đem lòng bác ái hiền phụ và huynh đệ mà yêu mến mọi người Thiên Chúa đã ủy thác cho……cũng đừng quên chăm sóc cho những người nghèo khó và yếu đuối, những người di dân…”

Các nghi thức được tiếp diễn. Lời hứa của tiến chức hôm nay làm mọi người hiểu rằng, ứng viên Giám mục phải tỏ bày quyết tâm thi hành những nghĩa vụ đối với Thiên Chúa, với Giáo Hội và với đoàn chiên Chúa trao phó.

Hôm nay, Đức Cha chủ tế chính là người ngồi ở ghế chủ phong, phụ phong có Đức Cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản và Đức Cha phụ tá Tôma Vũ Đình Hiệu. Nghi thức được tiếp diễn có lúc trang nghiêm, có lúc trôi qua nhẹ nhàng trong tiếng nhạc dân tộc làm cho người dự thấy không có gì khó chịu dưới cái nắng chói chang của những ngày tháng tư này.

Những người có mối thâm tình với những vị tân giám mục thì chẳng bao giờ thấy nghi thức tấn phong trong thánh lễ là quen thuộc hay giống nhau, vì cảm xúc thì chẳng bao giờ lập lại khi khác thời điểm, khác nhân vật trong sự kiện.

Thánh lễ tiếp diễn trong tâm tình hân hoan, vui tươi của người tham dự, hay nói đúng hơn là của những người đang cùng một nhịp thở trước một niềm vui.

Thật cảm động khi Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam nói lên những lời thiết tha khi đón nhận một thành viên mới: “…hôm nay, qua thánh lễ long trọng vừa được cử hành, Đức Cha chính thức là thành viên của Giám Mục Đoàn, tiếp nối sứ vụ của các thánh Tông Đồ….Cầu chúc Đức Cha gặt hái được nhiều kết quả khi cùng với Đức Cha chánh Phêrô hoạt động cho Tin Mừng truyền giáo…..Là thành viên trẻ trong Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, chắc chắn Đức Cha sẽ góp phần hữu hiệu chăm sóc giáo phận Phú Cường với tư cách là Giám mục phó nhưng đồng thời Đức Cha cũng sẵn sàng quan tâm, lo lắng cho toàn thể Giáo Hội….”

Thật là bay bổng, lãng du khi lời cảm ơn của cha Tổng đại diện được cất lên, cha đã ví Đức tân Giám mục ngày hôm nay như con ngươi trong mắt của Chúa, như một mũi tên, là người hớn hở vui mừng vì mặc “chiếc áo phần rỗi” với sự công chính. Và cha đã nói lên sự ước mong của giáo phận khi ví von:

“Mỗi bầu trời sáng rực một vì sao,

Mỗi dòng sông kiên vững một lái đò,

Mỗi lịch sử xuất hiện một người hùng

Mỗi thời điểm xuất hiện một vị thánh..


Ước gì bầu trời giáo phận xuất hiện một vì sao sáng ngời đức tin, chiếu soi vào u tối với những hạn hẹp thăm thẳm. Ước gì dòng sông giáo phận có một lái đò vững tay lái trước sóng gió của thời cuộc, dễ làm đổi trắng thay đen. Ước gì lịch sử giáo phận xuất hiện một người hùng, dám xông pha giữa chiến trận giằng co của sự thiện và sự ác; và có dáng đứng như đá, của đá không hề lung lay giữa những tảng băng đôi co của văn hóa sự sống và sự chết. Ước gì thời điểm này của giáo phận xuất hiện một vị thánh là chủ chăn, sẽ là chứng nhân của Chúa Kitô trong bất kỳ hoàn cảnh thuận lợi hay không thuận lợi. Chúng con mong ước như vậy vì huy hiệu, phương châm Đức Cha Giuse là “Ngài phải lớn lên”…….”

Thánh lễ tấn phong giám mục khép lại trong tiếng vỗ tay, hoa tươi và tình thân thiện qua việc chụp ảnh. Tiệc mừng hôm nay là những chai nước ngọt mát lạnh giữa cái nóng oi bức, là những hộp bánh gọn nhẹ trong tay người giáo dân. Những mối quan hệ thân tình hơn thì ở lại chia vui với vị giám mục trẻ mới 53 tuổi đời.

Con đường nhựa trước Nhà Chung lại tấp nập xe ra về. Nhiều đoàn xe đã dừng chân ở quán bên đường để thưởng thức món ăn đặc sản của tỉnh Bình Dương, đó là bánh bèo có bì heo thái nhỏ để lên trên, rất lạ miệng. Nhiều người không quen biết đã cười với nhau trong quán ăn vì biết rằng vừa cùng dự chung một thánh lễ tấn phong giám mục.
 
Chan chứa một niềm vui: Tâm tình nhắn gởi các bạn Dự tòng và Tân tòng
Lm. Giuse Trương Đình Hiền
08:42 29/04/2011
Chan chứa một niềm vui: Tâm tình nhắn gởi các bạn Dự tòng và Tân tòng nhân dịp Đại Hội lần thứ VI-2011

“Vì vậy, anh em được chan chứa một niềm vui khôn tả, rực rỡ vinh quang, bởi đã nhận được thành quả của đức tin, là ơn cứu độ con người.”(1 Pr 1,8)

Các bạn Tân tòng, Dự tòng kính mến,

Chủ đề của Đại Hội Tân Tòng-Dự Tòng lần thứ VI – 2011 được cô đọng trong 5 từ “CHAN CHỨA MỘT NIỀM VUI”, được trích từ đoạn Lời Chúa trong thư thứ nhất của thánh Phêrô đoạn 1, từ câu 3-9.

Quả thật chúng ta có quá nhiều lý do để niềm vui được chan chứa.

Chúng ta vui bởi vì chúng ta lại một lần nữa tay bắt mặt mừng để trở về gặp gỡ nhau trong cuộc họp mặt truyền thống của những người đã được tái sinh làm con cái Thiên Chúa.

Chúng ta vui bởi vì Ngày đại hội của chúng ta là ngày kết thúc Tuần Bát Nhật Phục Sinh, tuần lễ dành để kéo dài niềm hân hoan Phục Sinh, một niềm vui quá ư sâu thẳm và to tát đến độ một Đêm Vọng, một Ngày thứ Nhất trong tuần không thể đong đầy, không thể diễn tả hết được.

Chúng ta vui bởi vì không phải chỉ có một số anh chị em tân tòng chúng ta, những người vừa được tái sinh trong Đêm Vọng, mà trên toàn thế giới, sau Đêm Thánh diệu kỳ nầy, có hàng vạn anh chị em khắp nơi trên toàn thế giới cũng đang cùng chúng ta nhịp nhàng sánh bươc trên con đường mới của niềm tin Kitô.

Chúng ta làm sao không vui được, khi hôm nay Hội Thánh long trọng cử hành “Chúa Nhật Áo Trắng”, một ngày dành riêng để các anh chị em Tân Tòng ý thức sâu sắc hơn hồng ân nhiệm mầu của Bí Tích Thánh Tẩy, hồng ân được tẩy sạch mọi vết nhơ tội lỗi để trở nên một con người tinh trong, mặc lấy con người mới thuộc về Đức Kitô mà chiếc áo trắng là một dấu chỉ sống động.

Chúng ta phải chan chứa niềm vui vì hôm nay cũng là Chúa Nhật Kính Lòng Thương Xót Chúa mà ngay từ dịp Năm Thánh 2000, Đức cố Giáo hoàng Gioan-Phaolô II đã đặt thêm tên gọi cho Chúa Nhật nầy. Vâng, chính lời ca nhập lễ của Phụng Vụ Chúa Nhật hôm nay đã hát lên ý nghĩa của niềm vui dạt dào đó : “Lòng đầy hoan lạc, anh em hãy đón nhận vinh quang mà tạ ơn Thiên Chúa, Đấng đã kêu gọi anh em vào Nước Trời”.

Và cũng chính chiều hôm nay, tại giáo đô Rôma, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã chủ sự thánh lễ phong Á Thánh cho đức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, vị Giáo Hoàng đã thổi vào đời sống của Giáo Hội cũng như của thế giới một niềm hân hoan và hy vọng được gói ghém trong 2 từ giản đơn nhưng mạnh mẽ và sâu xa : “ĐỪNG SỢ”, hai từ như một mệnh lệnh thiêng liêng xuyên suốt trong triều đại Giáo Hoàng của Ngài cũng như trong cuộc hành trình đức tin của tất cả chúng ta.

Nếu cảm thấy chưa đủ thuyết phục để chúng ta cùng chan chứa niềm vui, thì hãy cùng nhau đọc lại hết 7 câu kinh Thánh trong trích đoạn thư thứ nhất của Thánh Phêrô, để một lần nữa chúng ta cùng cảm nhận niềm vui trọng đại của ơn cứu độ mà mỗi người chúng ta đã được nhận lãnh :

“Chúc tụng Thiên Chúa là Thân Phụ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta ! Do lượng hải hà, Người cho chúng ta được tái sinh để nhận lãnh niềm hy vọng sống động, nhờ Đức Giêsu Kitô đã từ cõi chết sống lại, để được hưởng gia tài không thể hư hoại, không thể vẩn đục và tàn phai. Gia tài nầy dành ở trên trời cho anh em, là những người, nhờ lòng tin, được Thiên Chúa quyền năng gìn giữ, hầu được hưởng ơn cứu độ Người đã dành sẵn, và sẽ bày tỏ ra trong ngày sau hết.

Trong thời ấy, anh em sẽ được hân hoan vui mừng, mặc dầu còn phải ưu phiền ít lâu giữa trăm chiều thử thách. Những thử thách đó nhằm tinh luyện đức tin của anh em là thứ quí hơn vàng gấp bội, - vàng là của phù vân, mà còn phải chịu thử lửa. Nhờ thế, khi Đức Giêsu Kitô tỏ hiện, đức tin đã được tinh luyện đó sẽ trở thành lời khen ngợi, và đem lại vinh quang, danh dự. Tuy không thấy Người, anh em vẫn yêu mến, tuy chưa được giáp mặt mà lòng vẫn kính tin. Vì vậy, anh em được chan chứa một niềm vui khôn tả, rực rỡ vinh quang, bởi đã nhận được thành quả của đức tin, là ơn cứu độ con người.” (1 Pr 1,3-9)

Anh chị em tân tòng và dự tòng kính mến,


Trong một thế giới mà hằng ngày có biết bao chuyện buồn đã xảy ra, có biết bao nhiêu giọt nước mắt đã ngập tràn trên những đôi mắt, có biết bao nhiêu những vết thương xé nát tâm tư và cõi lòng…thì chúng ta, những người mang tên Kitô hữu, chúng ta phải là những sứ giả của niềm vui và hy vọng, như cách nói thâm thuý của đức cố Hồng Y Nguyễn Văn Thuận : “Trong tự điển của người Kitô hữu không có từ buồn”.

Thế nhưng, để có được niềm vui như thế, để cõi lòng chúng ta “chan chứa một niềm vui”, thì chỉ có một con đường duy nhất đó là chúng ta không ngừng gặp gỡ Đức Kitô phục Sinh, đồng hành với Đấng Phục Sinh và đón nhận Ngài vào chính trung tâm điểm của đời sống, như cách cảm nhận của linh mục thi sĩ Trăng Thập Tự :

“Vâng, Đức Kitô đã sống lại và Người có mặt ở khắp mọi nơi, mọi đầu đường, mọi đích điểm, đồng hành với ta trên mọi ngỏ ngách. Từ thành phố đến đồng quê. Từ quán trọ đến gia đình. Từ bên trong, từ bên ngoài. Đâu đâu cũng có Ngài ; Đức Kitô phục sinh. Trước khi ta ra đi, Ngài đã ở đó. Đang khi ta rảo bước, Ngài có ngay bên. Trước khi ta đến nơi, Ngài đã đứng đợi. Và sau khi ta nghỉ mệt, Ngài lại đến thăm ; lúc nào cũng có Ngài, Đức Kitô phục sinh.

Nếu hôm qua tôi đã tin
là vì Ngài đã sống lại.
Nếu hôm nay tôi đang theo Ngài,
là vì Ngài đang ở bên tôi.
Và nếu mai đây tôi ra đi,
là vì Ngài đang đứng đợi.
Ôi Đấng Phục sinh !
Khắp nơi
mọi thời
trẻ mãi.”


Và như thế, cuộc Đại Hội năm nay sẽ là một gọi mời tất cả chúng ta cùng lên đường với hành trang chính yếu là NIỀM VUI PHỤC SINH ; một niềm vui được ban tặng nhưng không từ “lòng thương xót của Thiên Chúa”, nhưng cũng là một niềm vui được trả giá bằng chính sự chọn lựa đầy nghiệt ngã : giã từ quá khứ và cuộc đời cũ, chọn lựa con đường mới của niềm tin Kitô ; giã từ bóng tối của sợ hải, tội lỗi và thất vọng để mặc lấy con người mới trong hân hoan, tin yêu và hy vọng.

Chúng ta có thể không ngại ngùng, do dự để hát lên như lời kinh của mẹ Á Thánh Têrêsa thành Calcutta :

Ước gì từ nay,
không có gì có thể làm cho chúng con
khổ đau và khóc lóc
chỉ vì quên đi niềm vui ngày Chúa phục sinh.
Chúa là mặt trời tỏa sáng tình yêu Cha,
là hy vọng hạnh phúc bất diệt,
là ngọn lửa tình yêu nồng nàn ;
Xin lấy niềm vui của Người
mà làm cho chúng con nên mạnh mẽ
và trở thành mối dây yêu thương,
bình an và hiệp nhất giữa chúng con. Amen.
Thân chúc các bạn một Mùa Phục Sinh đầy thánh ân và hạnh phúc, một ngày Đại Hội “chan chứa một niềm vui”.


LM. Giuse Trương Đình Hiền

 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Mục Sư Nguyễn Công Chính bị bắt
TH
11:24 29/04/2011
PLEIKU (TH) - Mục Sư Nguyễn Công Chính bị nhà cầm quyền tỉnh Gia Lai bắt giam hôm 28 tháng 4, 2011 và truy tố vì bị vu cho tội “phá hoại chính sách đại đoàn kết” theo điều 87 của Luật Hình Sự.

Mục Sư Nguyễn Công Chính, 42 tuổi, có thể phải đối diện với bản án từ 5 năm tới 15 năm.

“Nguyễn Công Chính làm ra các tài liệu có nội dung tuyên truyền gây chia rẽ giữa chính quyền, lực lượng công an với quần chúng nhân dân; chia rẽ giữa quốc gia dân tộc Việt Nam với các nước trên thế giới nhằm mục đích chống chính quyền nhân dân, chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam.”

Thông Tấn Xã Việt Nam loan tin như vậy hôm Thứ Năm.

Suốt từ năm 2003 đến nay, Mục Sư Nguyễn Công Chính và gia đình vợ con ông từng là nạn nhân của nhà cầm quyền Hà Nội.

Ông từng bị nhà cầm quyền thành phố Pleiku ủi sập nhà ở và cũng là nhà nguyện hội thánh Tin Lành hai lần trong năm 2004 và nhiều lần bị công an ép chủ nhà đuổi dù mới chỉ cho thuê.

Ông cũng bị công an hành hung, đánh đập dã man rất nhiều lần trên đường phố, bị thẩm vấn thường xuyên vì ông trả lời báo chí, đài phát thanh ở hải ngoại, tố cáo chính sách đàn áp tự do tôn giáo của nhà cầm quyền Việt Nam.

Theo mạng điện tử danlambao thuật theo tin từ Văn Phòng Giáo Hội Liên Hữu Lutheran Vietnam Hoa Kỳ, khi MS Chính đang ở Sài Gòn chữa bệnh viêm xoang mũi rất nặng, ông bị công an lừa gọi về Pleiku để “đăng ký giấy tạm trú” rồi bắt giữ ông “trong tình trạng sức khỏe rất kém.”

MS Nguyễn Công Chính, tên thật là Nguyễn Thành Long, từng là phó hội trưởng Tin Lành Mennonite Việt Nam, hiện là hội trưởng Giáo Hội Tin Lành Lutheran Việt Nam.

Tín đồ và các mục sư thuộc các giáo hội Tin Lành độc lập, nằm ngoài các tổ chức và giáo hội Tin Lành nằm trong vòng kiểm soát chặt chẽ của nhà cầm quyền đều bị đàn áp, khủng bố và ép bỏ đạo.

Ngày 15 tháng 1, 2011, Mục Sư Nguyễn Trung Tôn và tín đồ Hồ Thị Bích Khương đã bị công an huyện Nam Ðàn tỉnh Nghệ An bắt giam. Cho tới nay, không ai biết họ bắt về tội gì và đến bao giờ thì bị lôi ra tòa, không ai có tin tức.

Mục Sư Dương Kim Khải, tham gia giúp dân khiếu kiện đất đai ở Sài Gòn cũng đã bị bắt ngày 10 tháng 8, 2010.
 
Văn Hóa
Tâm thơ dâng Chân Phước Gioan Phaolô II
J.B. Nguyễn Quốc Tuấn
08:32 29/04/2011
Con muốn thân thưa hai tiếng: Cha yêu !
Người đã lái thuyền Giáo hội qua bao ghềnh sóng
Dù Cha không còn giữa dòng đời biến động
Nhưng vẫn sống: tinh thần Gioan Phaolô II

Cha đã đi một chặng đường rất dài
Lắm chông gai nhưng không hề sợ hãi
Cha đã bước đồng hành cùng nhân loại
Trong nỗi trở trăn: mong thế giới thái bình

Triều đại của Cha, bừng sáng bình minh
Thời hy vọng tan màn đêm Thần Dữ
Thời nối kết những vòng tay đệ huynh
Trong tình thương và phúc lành Thiên Chúa

Nhân loại vui hơn khi có Cha đứng giữa
Làm trung gian tháo gỡ những bất hòa
Làm mục tử xích lại những khoảng xa
Dẫn đoàn chiên ly tan về chung lối

Cha đã đi khắp nẻo đường thế giới
Để cảm thông, chia sớt với người nghèo
Để học sâu hơn bài học thương yêu
Biết chấp nhận và nâng niu khác biệt

Đẹp con tim Cha tháng ngày mải miết
Tìm hướng đi cho người trẻ hôm nay:
Không bị cuốn theo “văn minh sự chết”
Đang tràn lan đe dọa từng ngày

Giáo Hội vững vàng trước thời thế cuồng quay
Cha khôn ngoan và trung thành chèo lái
Vẫn hùng hồn lời xưa: Đừng sợ hãi !
Khích lệ chúng con và cả nhân loại, Cha ơi !

Tâm thơ dâng sao diễn hết thành lời
Kính phục Cha, xứng ngai tòa Giáo Hội
Cám ơn Cha, đã mở đường đi tới
Cho thứ tha cho hòa giải yêu thương !
 
Gửi hai người em tân tòng
Pet. Phương Hạc
09:24 29/04/2011
Gửi hai người em tân tòng

Mến tặng em Phêrô Phan Gon tân tòng 2010
và em Maria Nguyễn Thị Kim Thoa vừa rửa tội PS 2011
Hai em ở An Hoà ,Tuy An cách nhà Thờ Tuy Hoà hơn 30cs



Trời vào hạ vùng An Hoà cát biển,
Đến quê em tràn nắng gió rát người.
Vắng bóng bao đời, lời kinh sáng tối.
Thánh giá nhà em thắp tình bãi Yến,
Như hoa xương rồng thắm đỏ tin yêu.

Để có niềm tin, em nhiều gian khổ,
Hàng đêm ấy đường dài chẳng quản,
Mưa bão không làm ngăn bước em đi.
Lời chân lý thấm dần qua năm tháng,
Em cúi đầu nhận lãnh Thiên ân.

Hằng đêm vắng em thầm thì khẩn nguyện,
Cho gia đình và cho cả những người thân,
Chưa ai biết đạo Chúa Trời vùng ấy.
Em cho thấy niềm tin sao kỳ diệu,
Thôi thúc trong em trung tín mỗi ngày.

Người vợ hiền cũng tiếp bước theo em,
Bằng phép rửa phục sinh thành con Chúa.
Niềm vui này giờ không của riêng ai!
Mà chung cả trọn gia đình trong Chúa,
Những bụi xương rồng An Hoà nóng cát ,
Giờ có nghĩa với hoa hồng thắm đỏ .
Có ai hay niềm vui vùng xa ấy,
Xin mở lối cho xương rồng hoa nở .

 
Bài ca của người lữ hành
Lm. Giuse Trương Đình Hiền
09:33 29/04/2011
Bài ca của người lữ hành

LM. Giuse Trương Đình Hiền mến tặng các bạn tân tòng đã cùng tôi đồng hành nhịp bước trong suốt những năm qua

…Trên con đường mòn,
Con đường mòn của kiếp nhân sinh
Đã bao đời quen thuộc, chán ngấy !
Tôi đã bước đi,
Và bổng thấy một chiều hoang dại…

Đằng trước, đằng sau
Hàng hàng lớp lớp,
Những đứa trẻ thơ ngây,
Những mụ già…còng lưng đếm bước.
Những đôi tình nhân
Tay trong tay, vòng ôm tha thướt,
Và những lão ăn mày,
Bao bị cồng kềnh rách nát theo sau…

…Trên con đường mòn,
Con đường mòn của kiếp nhân sinh
Đã bao đời quen thuộc, chán ngấy !
Tôi đã bước đi, và…
Bổng thấy tâm hồn sao tê tái.
Quay lại đằng sau : Ôi nhạt nhoà quá khứ,
Tuổi thơ, nụ hồng, mơ mộng…mù sương !
Nhìn lại chung quanh : đồng không mông quạnh !
Lớp lớp người hấp tấp cuốn nhau đi.
Và phía trước : một màu xanh đen, chân trời tím ngắt !!
Nẽo tương lai mịt mờ huyền hoặc…
Và tôi lại bước đi,
Trên Con đường mòn của kiếp nhân sinh
Đã bao đời quen thuộc, chán ngấy !
Bước chân giờ tê tái,
Và nổi chán chường vây phủ con tim.
Tôi ngước mắt lên cao,
Như thú hoang quờ quạng đi tìm,
Tìm dòng suối mát, “rừng mơ”,
Hay một bình minh cuối trời rạng rỡ…

Thì ô kìa !
Ngài đang đứng đó,
Như Mục tử, gậy cầm tay.
Ngài đứng đó, dường như, đã bao giờ,
Ngài vẫy gọi,
Và sau đó…dìu tôi sánh bước…

… Trên Con đường mòn
của kiếp nhân sinh đã bao đời quen thuộc.
Đi bên Ngài tôi bổng thấy bình an.
Ngài nói khẽ, Ngài mỉm cười, yên lặng.
Phần tôi,
Con đường mòn bây giờ vui lạ !
Lá xanh, hoa thắm, nắng tươi hồng,
Trời bao la, chim reo hát trên không…
Như đón mời chân tôi bước tới.

Và trên con đường mòn
Của kiếp nhân sinh muôn đời quen thuộc,
Ngài đã cho tôi
Tìm ra “ý nghĩa cuối cùng”
Của “những chuyện xảy ra”
Trên con đường mòn :
Đằng trước, đằng sau, chung quanh, khắp chỗ,
Người ta đánh nhau, dập đầu máu đổ,
Người ta yêu nhau, phản bội, hận thù.
Người ta đói, người ta no,
Người ta giáu, người ta khổ.
Người ta sinh ra một đời nặng nợ,
Người ta loay hoay cơm áo gạo tiền,
Người ta mù loà, què cụt, điếc, điên,
Người ta nằm xuống, một đời, ngôi mộ !...

…Và trên con đường mòn
của kiếp nhân sinh muôn đời quen thuộc.
Ngài dẫn tôi đi hết sáng lại chiều.
Ngài hát tôi nghe “ca khúc tình yêu”
Và Ngài bắt tôi
Phải học thuộc lòng từng câu từng chữ.

Thì ra đó là một bài ca
Kể câu chuyện một “Người Hành Lữ” :
Người Hành Lữ đó,
Từ trời cao đã nhìn thấy khổ đau,
Rồi cam tâm từ giã chốn “sang giàu”
Ôm phận bạc hoá thân làm người thế.
Và trên con đường mòn
Của kiếp nhân sinh muôn đời chán ngấy
Người đã đồng hành với hết thảy anh em.
Đã chen vai sát cánh,
Đã sục sạo đi tìm,
Tìm ánh mắt, bờ môi khô mệt mõi.
Tìm từng đôi vai chất đầy gánh tội,
Tìm những con tim bao ngày tháng giá băng.
Tìm những mãnh đời hoang,
Điên dại khô cằn…
Người ôm hết trong vòng tay nhân ái…
Nhưng đoạn cuối của bài ca ấy,
Tôi học hoài mà chỉ nhớ đôi câu :
“Rồi có một đêm thâu,
người ta xúm lại,
bắt lấy Người trói chặt đem đi…
Chiều hôm sau trên đồi nắng úa,
Người bị giết,
Treo trên hai thanh gỗ sồi tréo lại…
Nhưng chưa được ba ngày
Người ta xôn xao bàn tán :
“Rằng : Người đã sống lại rồi,
Người dã chết cho chị, cho anh, cho tôi,
Và đã phục sinh, hoàn thành ơn cứu chuộc…”

Tới đó, bài ca chấm dứt…
Khi tôi thuộc rồi,
Thì Ngài cũng lặng lẽ biến đi tự bao giờ,
Bỏ lại mình tôi,
Trên con đường mòn
Của kiếp nhân sinh muôn đời quen thuộc.
Vừa hát khẻ bài ca,
Tôi một mình lê bước
Nhưng hình như,
Đang vọng lại Lời Ngài phía trước :
“Nhập thể – yêu thương – hiến tế – giao hoà…
Bài ca đó, viết đi, đừng bỏ cuộc,
Từng nét chữ phải hoà theo nhịp bước,
Phải thấm đầy ý nhạc yêu thương…”

Và tôi cứ thế bước lên đường,
Con đường mòn
Của kiếp nhân sinh muôn đời quen thuộc…
 
Tôi đã thấy và tôi đã tin
mr.cao mr.cao
17:47 29/04/2011
Chúa Nhật Thứ 2 Mùa Phục Sinh



Bình an Của Đấng Phục sinh

Sai tôi đon đả hành trình loan tin

Mắt tôi nhìn thấy dấu đinh

Tay tôi đụng chạm lỗ xuyên cạnh sườn



Trong tôi giòng chảy xót thương

Từ nơi Tim Chúa sáng dường ánh dương

Tình Yêu nhiệm xuất hai luồng

Phủ tôi chìm lặn đại dương hải hà



Trí tôi choáng ngợp thơ hoa

Lời tôi xưng tụng Chúa là Chúa tôi!

Đã chiến thắng tử thần rồi

Từ trong cõi chết rạng ngời phục sinh



Tôi đã thấy ! Tôi đã tin!

Chân tôi nhanh bước gieo niềm hân hoan

Lòng Thương Xót Chúa Khải hoàn

Phục sinh mang lại vinh quang muôn đời.



Tôi đã thấy, tôi chạm rồi!

Tâm tôi thưởng nếm tuyệt vời yêu thương

Bình an theo lệnh lên đường

Gieo lòng Thương xót muôn phương thế trần



29/4/2011
 
Hương lòng Tháng Hoa
Thanh Sơn
17:58 29/04/2011
CON dâng lên đóa hoa lòng
DÂNG lên ngai Mẹ trinh trong diễm tuyền
LÊN đền nghe Mẹ lời khuyên
ĐÓA sen trinh khiết lòng nguyền khắc ghi
HOA tâm tươi thắm từng ly
LÒNG thành chuỗi ngọc thầm thì "Sự Vui"

TRÁI tim "Sự Sáng" ngọt bùi
TIM rung khi ngẫm bùi ngùi "Sư Thương"
ĐỎ tươi tình Mẹ vấn vương
THẮM ân tình Mẹ Nữ Vương "Sự Mừng"
TRINH trắng bạch huệ thơm lừng
TRONG ngoài hương ngát "kính mừng" tỏa dâng
KÍNH mừng hai tiếng "Xin Vâng"
MỪNG vui nhờ Mẹ đỡ nâng suốt đời

TÂM hồn thanh tịnh không lời
TÌNH Mẹ đẹp nhất trên đời của con
CON xin dâng hiến cho tròn
THẢO Hương dù héo vẫn còn chút hương
TƯNG bừng khắp các giáo đường
BỪNG lên hoa nở bốn phương "Kính Mừng"

THÁNG năm hoa nở tưng bừng
HOA Lài thoang thoảng chẳng ngừng tỏa lan
MUÔN ngàn khắp cả dương gian
SẮC Sen lông lẫy tỏa lan trong ngoài
KÍNH Mừng Thánh Nữ Trinh Thai
MỪNG Vui, Thương, Sáng, Gái,Trai, Trẻ, Già
NỞ vàng tươi thắm tim ta
VANG vang khắp chốn thanh ca khải hoàn.

29.04.2011



 
Trên đỉnh tháng Tư
Văn Quảng
20:22 29/04/2011
tôi nhiều lần trên đỉnh tháng tư
vẫn chỉ thấy mờ mờ xương cốt
vẫn câu hỏi tại sao đất nước
có thật không một Tổ Quốc ngàn xưa
có thật không lời mẹ ru bầu bí
có thật không lời cha dậy nhiễu điều
nửa thế kỷ
tôi thấy tôi mất dậy
tôi, nỗi bàng hoàng vĩ đại
mười triệu oan linh bật lên như loạt đạn
bước đi giặc Hán
bốn ngàn năm nham hiểm
một mùa nội phản, đảng cộng sản
tôi, một lời thề
thưa anh em, Việt Tộc!
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Gió
Nguyễn Bá Khanh
21:41 29/04/2011
GIÓ
Ảnh của Nguyễn Bá Khanh
Gió bạn với cây tự buổi nào ,
Gió về cây lại ngất ngư chao .
Gió đi cây sẽ im lìm đứng,
Như kẻ lỡ làng dạ khát khao..
(Trích thơ của Mai Trắng)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền