(Của các linh mục: Anrê Điểm, Tôma Binh, Augustinô Phú, Phêrô Hoà, Phanxicô AssisiTriều)
Chúng ta đang ở giữa Mùa Phụng Vụ Phục Sinh, khi tiếng hát vui mừng Alleluia còn vang vọng trong muôn vạn cõi lòng Kitô hữu, khi Bàn Tiệc Lời Chúa trong những ngày nầy qua sách Tông Đồ Công Vụ liên tục đưa chúng ta trở về sống lại cái thuở “Ban đầu tuyệt vời của Kitô giáo”, cái thuở mà ở đó, các Tông Đồ và môn đệ Chúa Kitô hăng hái ra đi rao giảng Tin Mừng để thực thi chính mệnh lệnh của Thầy Chí Thánh như Tin Mừng Máccô hôm nay ghi rõ: “Các con hãy đi khắp thế gian, rao giảng Tin mừng cho mọi tạo vật…”; và các ngài đã thực thi mệnh lệnh tối thượng đó cho dù phải đối diện với bao gian nan thử thách.
Đặc biệt, hôm nay chúng ta cùng với dân Chúa mừng lễ Thánh Tông Đồ Máccô, tác giả của cuốn Tin Mừng ngắn nhất trong 4 cuốn Tin Mừng về cuộc đời và lời giảng dạy của Chúa Giêsu; và trong khung cảnh Phụng Vụ đặc biệt nầy, chúng ta lại được dịp cùng với Năm Anh em Linh mục (Anrê Điểm, Tôma Binh, Augustinô Phú, Phêrô Hoà, Phanxicô AssisiTriều) chào mừng kỷ niệm “Nhị Thập niên cuộc đời linh mục”; tạ ơn hai mươi năm bước lên bàn thánh: 25.04.2002 – 25.04.2022.
Cách đây 20 năm, khi chọn thời điểm Phụng Vụ lễ thánh Máccô nầy để phong chức cho 5 linh mục, chắc chắn Đức Cha Phêrô đã có một dụng ý: ngài muốn nối kết cuộc đời linh mục, Bí tích truyền chức thánh với sứ vụ Tông Đồ, rao giảng Tin Mừng mà Thánh Máccô như một biểu tượng, một dấu ấn sinh động để không ngừng nhắc nhớ, khơi gợi.
Thật vậy, vừa là đồ đệ và là “đứa con tinh thần” của vị đại Tông Đồ Phêrô (1 Pr 5,13), vừa là cọng tác viên và bạn đồng hành của Tông Đồ dân ngoại Phaolô cũng là cháu của thánh Barnaba (Cl 4,10; 2 Tm 4,11), chắc chắn thánh sử Máccô đã có được cơ may để tiếp cận sâu xa với Chúa Giêsu; hay chí ít, cũng là người thường xuyên lắng nghe và suy tư nhuần nhuyễn những lời giảng dạy về Chúa Giêsu của các vị Đại Tông Đồ. Vì thế, chúng ta sẽ không lấy làm lạ, tác giả Tin Mừng thứ hai đã chuyển tải cuộc đời và sứ điệp của Chúa Giêsu cách trung thực, xác tín và súc tích.
Không chỉ là một người viết Tin Mừng và rao giảng Tin Mừng cho muôn dân, Máccô còn là một chứng Nhân trọn hảo cho Tin Mừng đó bằng cuộc tử đạo anh hùng của mình. Theo truyền thuyết, thánh Maccô được ủy phái đi truyền giáo ở Ai Cập. Với cuốn Phúc Âm, ngài đã đưa nhiều người trở về với Chúa. Ngài là vị sáng lập và là Giám Mục đầu tiên giáo đoàn Alexandria. Nhờ tài lợi khẩu, trí thông minh và sự thánh thiện, ngài đã dẫn đưa được nhiều người về cùng Chúa. Nhưng những kẻ thù nghịch với Tin Mừng đã quyết tâm tìm cách ám hại ngài. Họ đã bắt ngài điệu qua các phố với mục đích bêu xấu ngài, và lôi kéo ngài trên đường đá gồ ghề cho tới khi tắt thở. Hôm đó là ngày 25/4/67.
Trong ngày kỷ niệm “Sinh Nhật trên trời” của Thánh Máccô hôm nay, cũng là ngày mừng “Sinh Nhật 20 năm trong chức linh mục” của quý cha đang ở trên bàn thờ và ở giữa cộng đoàn chúng ta, thật là ý nghĩa, để chúng ta, qua hình tượng của Maccô, vẽ lại chân dung của người linh mục hôm nay bằng một đôi nét mà Lời Chúa vừa được công bố hôm nay gợi ý cho chúng ta:
Trước hết, nơi Bài đọc một, mở đầu trích đoạn Thư của Thánh Phêrô, chúng ta gặp được những lời nầy: “Anh em thân mến, tất cả anh em hãy mặc lấy đức khiêm nhường để đối xử với nhau, vì Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu căng và ban ơn cho người khiêm nhường...”. Vâng, đây phải chăng là “bài học vỡ lòng”, bài học đầu tiên và xuyên suốt của tất cả chúng ta, đặc biệt, của các anh em linh mục. Bởi vì, nếu linh mục là một “Alter Christus” – Chúa Kitô khác, thì việc mô phỏng, bắt chước đầu tiên để nên giống Chúa Kitô phải chăng đó chính là “một Đức Kitô đã quỳ xuống rửa chân cho các đồ đệ”, một hành vi mà các linh mục mới vừa tái diễn trong phụng vụ Lễ Tiệc Ly Chiều thứ Năm Tuần Thánh. Nói tới nhân đức “khiêm nhượng” nầy, tôi chợt nhớ lời khuyên “hãy ngồi vào chiếc ghế cuối ở nhà thờ” của một cha linh hướng dành cho một linh mục trẻ qua lời kể của tác giả J Toai Mi: “Sau khi con chịu chức, con đừng quên chiếc ghế phía cuối nhà thờ mà thỉnh thoảng con vẫn ngồi...hãy quay lại ngồi vào chiếc ghế đó một vài lần trong tháng trước giờ lễ”. Khi chúng ta tập ngồi ở những chiếc ghế đó, chúng ta tập đi vào cuộc đời của tất cả những anh chị em trên, chúng ta tập đặt câu hỏi tìm hiểu xem, họ đang cần gì nhất nơi Chúa...và mong đợi gì nhất từ người linh mục của Ngài. Nhưng hơn bao giờ hết, biết đâu nơi chiếc ghế cuối nhà thờ, chúng ta cũng sẽ gặp được Chúa đang ẩn mình trong những tâm hồn đau khổ chờ đợi ta. Một trong những nguyên tắc phải có của người đi chữa lành tâm hồn, là người phải biết thấu cảm, và biết ngồi ở hai chiếc ghế khác nhau, chiếc ghế của mình, và chiếc ghế của bệnh nhân mình. Chỉ khi nào mình hiểu được nỗi lo âu, sự đau khổ của người bệnh, của người giáo dân nơi chiếc ghế họ đang ngồi thì mình mới có khả năng chữa lành cho họ một cách hiệu quả. Và một trong những nguy cơ lớn của người linh mục là vì họ được nâng lên trên cao, trở thành tâm điểm của mọi sự chú ý, họ không còn hiểu được vị trí thấp bé ngày nào họ đã từng ngồi nữa, trái tim của họ dần dần xa cách những tâm hồn bé nhỏ mọn hèn, họ lo sợ cho chiếc ghế của mình vì thế không còn khả năng để hiểu được tâm hồn của anh chị em giáo dân mình, thay vào đó là sự nóng nảy, cứng nhắc và kiêu ngạo…”.
Và trong Bài đọc 1, Thư Thánh Phêrô đã viết tiếp những lời nầy: “Anh em hãy ăn ở tiết độ và hãy tỉnh thức, vì kẻ thù anh em là ma quỷ, như sư tử gầm thét, nó rình mò chung quanh, tìm kiếm một ai để nuốt. …”. Hơn lúc nào hết, chính thời đại hôm nay, Giáo Hội, những người của Giáo Hội, chúng ta, đặc biệt các Giám Mục, linh mục, là những đối tượng được ba kẻ thù “thế gian, ma quỷ và xác thịt” tấn công tới tấp; và một trong những cám dỗ rất tinh vi và cũng dễ dàng khiến chúng ta, đặc biệt các linh mục, mất cảnh giác để, như kinh nghiệm của Vị Tôi Tớ Chúa, Đức Hồng Y F.X. Nguyễn Văn Thuận, thay vì chọn Chúa, tôi chỉ chọn “công việc của Chúa mà thực chất chỉ là công việc của tôi”: “Một đêm kia, từ trong thâm tâm có một tiếng nói với tôi: "Tại sao con day dứt như thế? Con phải phân biệt giữa Thiên Chúa và các công việc của Chúa. Tất cả những gì ngươi đã làm và muốn tiếp tục làm, như các cuộc viếng thăm mục vụ, đào tạo chủng sinh, tu sĩ nam nữ, giáo dân, giới trẻ, xây trường học, các cư xá sinh viên, cứ điểm truyền giáo... đều là việc rất tốt và đúng là công việc của Chúa nhưng không phải là chính Thiên Chúa! Nếu Chúa muốn con rời bỏ tất cả những việc đó. Hãy bỏ ngay, và hãy tín thác nơi Ngài! Thiên Chúa sẽ giao việc của con cho người khác có khả năng hơn con. Con phải chọn Chúa, chứ không phải những công việc của Chúa!”. Và vì “tôi chọn tôi, kế hoạch của tôi, ý muốn của tôi…” nên tới một lúc nào đó tôi “sẽ đánh mất tình yêu thuở ban đầu” như sách Khải Huyền lưu ý cho giáo đoàn Êphêsô: “Ta biết các việc ngươi làm, nỗi vất vả và lòng kiên nhẫn của ngươi;… Nhưng Ta trách ngươi điều này: ngươi đã để mất tình yêu thuở ban đầu” (Kh 2,2.4).
Vâng, 20 năm, 50 năm linh mục, hay đời sống hôn nhân gia đình, hay người Kitô hữu đã lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy…, phải chăng là những cột mốc, những điểm dừng chân để chúng ta một lần nhìn lại, một lần “nhớ lại xem ngươi đã từ đâu rơi xuống, hãy hối cải và làm những việc ngươi đã làm thuở ban đầu. Bằng không, Ta đến với ngươi, và Ta sẽ đem cây đèn của ngươi ra khỏi chỗ của nó, nếu ngươi không hối cải…” (Kh 2,5).
Đó là hai gợi ý của Bài đọc 1 với thư của Thánh Phêrô. Trong khi đó, Thánh Máccô đã kết thúc Tin Mừng bằng chỉ một câu đơn giản: Phần các ông, các ông đi rao giảng khắp mọi nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và củng cố lời giảng dạy bằng những phép lạ kèm theo.
Vâng, sứ mệnh của Giáo Hội muôn nơi muôn thuở và của mỗi thành viên của Giáo Hội, trong đó có chúng ta đây, các linh mục… đó chính là rao giảng Tin Mừng, là để Chúa cùng hoạt động, là để lời được củng cố bằng phép lạ của Chúa… Chính sứ mạng truyền giáo, ra đi đã làm cho Giáo Hội và con cái Giáo Hội luôn trẻ trung, tươi mới. Một linh mục, hay một tín hữu không còn quan tâm tới sứ mạng truyền giáo, không chịu “ra đi”, sẽ biến cuộc đời thành “ẩm mốc”, như cách ví von của ĐGH Phanxicô trong tong huấn Niềm Vui Tin Mừng: “Hãy nhớ rằng những gì bị đóng kín thì sẽ ẩm mốc và sẽ khiến ta bị bệnh. (…). Thiên Chúa luôn luôn là sự mới lạ. Ngài không ngừng thúc đẩy ta lại ra đi và đổi chỗ để thoát khỏi những gì là quen thuộc, đến những vùng ngoại vi và những biên giới…”.
Các cha mừng kỷ niệm 20 năm linh mục thân mến,
Chắc chắn với tuổi đời linh mục “20 năm” cùng với tuổi đời của kiếp nhân sinh, các cha không còn trong độ tuổi thanh xuân nữa. Tuy nhiên, trong ơn gọi và sứ mạng làm con Thiên Chúa, đặc biệt, trong thánh chức linh mục, điều Chúa muốn, Giáo Hội cần, đó là chúng giữ được trẻ trung, hồn nhiên của Tin Mừng, của ân sủng. Và vì thế, xin mượn tạm lời hiệu triệu sau đây của ĐGH Phanxicô trong tông huấn Christus Vivit như một nhắn gởi đến quý cha trong dịp kỷ niệm đặc biệt nầy: “Làm ơn, đừng về hưu non các con nhé.”.
Vâng, xin chúc các cha và toàn thể cộng đoàn luôn giữ mãi sự tươi trẻ của niềm vui Phục Sinh và nét đẹp của “tình yêu thuở ban đầu”.
Lm. Trương Đình Hiền
3. Nên chết trên cương vị công tác mà không muốn chết trên giường bệnh.
(linh mục Vincent Lebbe)Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")
------------
http://www.vietcatholic.org
https://www.facebook.com/jmtaiby
http://nhantai.info
Có một người thết tiệc mời khách, thiếu đi một đôi đũa.
Thức ăn được dọn lên, khách khứa lao nhao cầm đũa gắp thức ăn, duy chỉ có người khách không có đũa thì chỉ có thể nhìn mà thôi. Sau đó, ông ta xoay người lại từ từ nói với chủ nhân:
- “Xin cho tôi một bát nước sạch”.
Chủ nhân kinh ngạc hỏi:
- “Ông cần nó để làm gì?”
Đáp:
- “Rửa sạch đầu ngón tay để gắp thức ăn”.
(Tiếu lâm quảng ký)
Suy tư 59:
Đũa thì không thể thiếu trong bữa tiệc, nhưng nếu có thiếu thì kêu người phục vụ đem tới, chuyện dễ như…ăn cháo lòng, chỉ có những người thích bắt bẻ lý sự mới không thèm kêu người phục vụ, vì để họ có dịp có cớ bắt bẻ chủ nhân của bữa tiệc…
Chủ tiệc và khách mời thì nhất định phải có liên hệ với nhau, quen biết nhau, mà đã quen biết nhau rồi thì bắt lý bắt lẽ làm chi khi thiếu một đôi đũa !
Có một vài người Ki-tô hữu khi cùng nhau tham dự thánh lễ thì coi nhau như người xa lạ, sau khi rước lễ (tiệc Thánh Thể) xong thì cũng vẫn coi nhau như người xa lạ (nhưng người xa lạ mới gặp nhau họ cũng vẩy tay chào cười xã giao), còn những người Ki-tô hữu này thì ngay một nụ cười với nhau cũng không có, một ánh mắt thân thiện cũng không, họ viện cớ lý lẽ để bắt lý nhau: “Nó là cái chi để tôi xin lỗi, nó là cái thớ gì mà tôi phải chiều lòn chứ…?”
Thích bắt bẻ người khác là bày tỏ một tâm hồn kiêu ngạo, tự ti mặc cảm và nhất là thiếu vắng tình yêu của Phúc Âm.
Vậy thì xin nước thánh làm chi, rước lễ làm gì, chỉ thêm tội thì có.
Đi ăn tiệc mà thiếu đũa thì giống như đời sống của người Ki-tô hữu thiếu đức ái, chỉ thỏa mãn chính mình với tâm hồn kiêu ngạo mà không nhìn ra những đau khổ, bất hạnh của tha nhân…
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)
----------
http://www.vietcatholic.org
https://www.facebook.com/jmtaiby
http://nhantai.info
YÊN TÂM VỀ MỘT SỰ HIỆN DIỆN
“Các tông đồ đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông”.
Trong tập thơ của mình, William Cowper viết, “Đứng trên đỉnh đồi, nhìn từ thung lũng này sang thung lũng khác; từ ánh nắng đến sương mù, từ bóng tối nhất của đêm. Tôi bước theo Chúa trên con đường quanh co cuộc đời, bằng niềm tin nhiều hơn bằng thị giác. Thật dễ dàng để nhìn thấy sự hiện diện của Ngài như tia chớp, nghe tiếng Ngài như sấm rền. Thế nhưng, Ngài lại dẫn dắt trong yên tĩnh bằng tiếng của Thánh Thần và tôi theo đuổi tình yêu vì tôi đã chọn Ngài. Dù mạnh mẽ hay dịu dàng, tôi vẫn ‘yên tâm về một sự hiện diện’ thường xuyên của Ngài!”.
Kính thưa Anh Chị em,
“Tôi vẫn ‘yên tâm về một sự hiện diện’ thường xuyên của Ngài!”, cùng với William Cowper, Lời Chúa ngày lễ kính thánh Marcô, một lần nữa, cho thấy sự hiện diện thường xuyên của Chúa Phục Sinh nơi những con người được Ngài sai đi.
Sứ mệnh đi đến với mọi người không chỉ dành riêng cho nhóm nhỏ đầu tiên ấy, nhưng còn là lời kêu gọi dành cho mọi giáo dân; trong đó, có chúng ta, muối men trong ‘thúng bột’ thế giới. Trong cuốn chú giải Tin Mừng Marcô, “Memoirs of St. Peter”, “Hồi Ký Của Thánh Phêrô”, Michael Pakaluk có một cái nhìn khá sâu sắc, “Việc “loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” ngụ ý rằng, sự khéo léo cũng như sự chăm chỉ của chúng ta cần được Tin Mừng thắm đượm; từ đó, ngang qua một nền văn hoá và một sự chủ động tốt, các Kitô hữu chỉnh đốn lại những gì hỏng hóc, thiết lập lại những nơi mà Satan từng ở, cũng là nơi nó bị trục xuất. Theo một nghĩa nào đó, sứ mệnh cao cả này bao gồm mọi hình thức và cách cư xử ‘có thể có’ của mọi giáo dân. Bất kể nghề nghiệp hay đấng bậc, họ được sai đi rao truyền tình yêu và lẽ thật của Thiên Chúa cho thế giới; ở đó, họ ‘yên tâm về một sự hiện diện’ quyền năng của Đấng đồng hành!”.
Trong thư của mình hôm nay, Phêrô bảo đảm với các Hội Thánh rằng, mặc dù họ đang đau khổ, nhưng “Chính Thiên Chúa sẽ cho anh em được nên hoàn thiện, vững vàng, mạnh mẽ và kiên cường”; Ngài đang ở với ai đang gặp khó khăn, giữ cho họ trung thành. Hãy ‘yên tâm về một sự hiện diện’ gần gũi của “Đấng chăm sóc anh em”, Đấng mà tình yêu Ngài sẽ được ngợi khen như tâm tình của Thánh Vịnh đáp ca, “Lạy Chúa, tình thương Chúa đời đời con ca tụng!”.
Anh Chị em,
“Các tông đồ đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông”. Các tông đồ là ai mà dám ra đi nói Lời Thiên Chúa? Họ là những con người bình thường, nếu không nói là ít học, nhưng là những con người ‘có Chúa ở cùng’. Nhờ ‘Đấng Ở Cùng’ đó, họ ra đi rao giảng Đấng Siêu Việt và sống chết cho Đấng ấy. Phần chúng ta thì sao? Đừng quên, đây là công việc của Thiên Chúa, Chúa Phục Sinh đang dẫn dắt trong âm thầm bằng tiếng của Thánh Thần; Ngài soi sáng chúng ta để luôn đi theo đường lối và chân lý của Ngài. Vì vậy, dẫu khó khăn đến mấy, chúng ta vẫn trung thành đến cùng bởi ‘yên tâm về một sự hiện diện’ thường xuyên của Ngài. Vấn đề là chúng ta phải được Tin Mừng thắm đượm; ngõ hầu, từ cung cách cư xử đến lời ăn tiếng nói, và cả con người, chúng ta toát ra một sứ điệp yêu thương cho anh chị em mình.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, xin cho con trung thành với sứ mệnh vô biên Chúa trao; chớ gì, như Marcô, con là một khí cụ sắc bén của Lời, một vũ khí lợi hại của Tin Mừng mà ma quỷ phải run khiếp!”, Amen.
(Tgp. Huế)
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mar-cô
Bấy giờ, Chúa Giê-su nói với các môn đệ: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo. Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết án. Đây là những dấu lạ sẽ đi theo những ai có lòng tin: nhân danh Thầy, họ sẽ trừ được quỷ, sẽ nói được những tiếng mới lạ. Họ sẽ cầm được rắn, và dù có uống nhằm thuốc độc, thì cũng chẳng sao. Và nếu họ đặt tay trên những người bệnh, thì những người này sẽ được mạnh khoẻ.”
Nói xong, Chúa Giê-su được đưa lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa. Còn các Tông Đồ thì ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng.
Đó là lời Chúa
Aleteia - Tom Hoopes
Tác giả Tom Hoopes chia sẻ cảm nghiệm khi ông đồng hành với 8 cậu con trai qua tuổi dậy thì. Ông chia sẻ: Việc nuôi dạy tám thanh thiếu niên không làm cho tôi trở thành một chuyên gia. Nhưng đã giúp ông nhận ra sự thiếu thốn của mình đến mức nào – và niềm xác tín rằng ơn của Chúa bất cứ thứ gì mà cha mẹ cần cho công việc khó khăn này.
Tác giả chia sẻ 5 điểm mà tác giả đã thực hiện:
Đầu tiên: Chia sẻ với bạn trẻ về những sự thật của cuộc sống.
Tác giả nói ông đã khám phá ra chân lý này bằng một giá mắc mỏ - một trong những người con trai lớn của ông phê bình về cách ứng xử của tôi trước thực tại như như các ông bố khác khi chia sẻ về tình dục với con trai của mình, vì thế cậu đã tự tổ chức các buổi chia sẻ với các em mình về sự thật này của cuộc sống.
Đây là một điều rất may mắn cho tôi. Tuy thế điều đó cũng không cho phép tôi phủi tay khỏi trọng trách. Tôi vẫn cần trò chuyện tâm sự - và đây là những hướng dẫn tuyệt vời trong lãnh vực này. Tôi cũng phải chia sẻ những chủ đề khó khăn như: sự thật về khiêu dâm và thủ dâm, đồng tính, chủ nghĩa chuyển giới v.v... Những cuộc trò chuyện này tốt nhất nên làm vào những thời điểm và địa điểm mà con trai hoặc con gái của bạn có thể tập trung, nhưng không quá dồn dập, chẳng hạn như trong một chuyến xe, lúc rửa chén bát, dọn garage xe, đi tản bộ v.v.
Để nhập đề, bạn nên hỏi con, bạn muốn chúng chia sẻ những quan điểm về các đề tài trên và hẹn thời gian cha con thảo luận về những điều đó. Dù con có muốn nghe hay không, hãy can đảm nói cho chúng biết những điều chúng cần biết.
Thứ hai: Nói với con những gì chúng có thể kiểm soát và những gì chúng không thể.
Điều khiến tôi tìm hiểu trước đó là những thay đổi về thể lý và các tuyến hạch của tuổi dậy thì sẽ ảnh hưởng đến con cái mạnh mẽ ra sao khiến chúng không thể cưỡng chế được! Trong thời gian dậy thì, nội tiết và những thay đổi bên trong cơ thể thường khiến con ủ rũ, bực tức khó chịu...
Một điều rất xác thực phải cho con hay là chúng có thể lựa chọn hành động của mình, nhưng chúng không thể thay đổi thói quen đó trong một sớm một chiều và chúng không thể xua đuổi được những suy nghĩ sẽ xuất hiện trong đầu óc chúng. Như tôi đã nói trước đây, những suy nghĩ xấu cũng giống như những cuộc trao đổi điện đàm tục tĩu… Nói với con của bạn rằng cơ thể của chúng sẽ khiến chúng nghĩ đến những suy nghĩ mà chúng chưa bao giờ nghĩ tới trước đây, nhưng những tư tưởng này không xác định chúng là người thế nào! Nếu chúng gặp khó khăn trong việc kiểm soát những tư tưởng không lành mạnh, hãy khuyên chúng nên tham gia vào các câu lạc bộ. Và nếu chúng đã hành động không đúng trước những tư tưởng vẩn đục đó, thì cũng cho chúng hay điều đó không có nghĩa là chúng tồi tệ thế!
Thiên Chúa luôn yêu thương chúng, bởi vì Ngài nhìn thấy con người thật của chúng, và Ngài có thể và sẽ khôi phục lại sự trong trắng của chúng qua Bí tích Hòa Giải. Thiên Chúa chỉ cần chúng có một tâm lòng chân thành chứ không phải là đạt được một sự thành toàn thiện hảo.
Thứ ba: Giữ vững lập trường - sau này con sẽ cảm ơn bạn.
Tôi thường thấy không được thoải mái khi phải đối đầu với các con và phải nghiêm ngặt với các con mình. Nhưng về một số điều, tôi phải giữ lập trường, đặc biệt sẵn sàng làm theo sự góp ý khôn ngoan của vợ tôi và giữ vững các quy tắc hợp lý: tôi đã từ chối các buổi hẹn hò ban đêm cũng như cuối tuần như đi xem phim, chơi game v.v.
Và tôi luôn cảm thấy an bình, vì mình đã hành động như vậy, và cũng nóng giận khi các con cưỡng lại, nhưng sau này chúng thường đến cảm ơn tôi vì đã làm điều đó.
Thứ tư: Đừng khó chịu khi con không nói, nhưng hãy sẵn sàng khi con muốn chia sẻ.
Như tôi đã chia sẻ ở trên, bạn cần chia sẻ cho con cái bạn mọi điều, ngay cả khi chúng không muốn nói tới. Trên thực tế, nhiều thanh thiếu niên có vẻ như không muốn nói về bất cứ điều gì. Nên bạn cần tìm ra những khoảnh khắc mà con muốn nói chuyện, có thể vào một đêm trăng hay một buổi chiều dạo chơi...
Những cuộc trò chuyện này thường diễn ra vào buổi tối, ngay trước giờ đi ngủ của bạn - hoặc cũng có thể xảy ra khi bạn đi ngủ trễ.
Quy tắc dành cho bạn là: Việc này xảy ra, sẽ làm bạn mất ngủ, bất kể bạn có lịch trình dầy đặc ngày mai! Đây là một cơ hội hiếm có, và không thể bỏ qua. Hãy tỉnh thức và tâm sự với con.
Thứ năm: Hãy cầu nguyện với con.
Gia đình chúng tôi có thói quen lần hạt Mân Côi mỗi tối với các con, và chúng tôi đã yêu cầu ngay cả với những đứa con chống đối và cậu cọ khi phải tham gia. Ngay cả khi chúng công khai chế giễu tập tục này. Tôi cũng chuẩn bị một cuốn sách cầu nguyện cho các con và đã luân phiên thay nhau cầu nguyện... Sau này, một trong những người con bẳn gắt của tôi đã nói với tôi rằng những lời cầu nguyện này đã giúp nó có một mối liên hệ với Thiên Chúa.
Chúc các bạn cũng có thể thực hiện được nhiều điều tốt đẹp nhé.
Lúc 10g sáng Chúa Nhật 24 tháng Tư, Chúa Nhật thứ Hai Mùa Phục sinh, cũng là Chúa Nhật kính Lòng Chúa Thương Xót, Đức Thánh Cha Phanxicô đã giảng trong thánh lễ tại Đền Thờ Thánh Phêrô.
Chúa Nhật này đánh dấu kỷ niệm 22 năm lễ tuyên thánh cho Thánh Faustina, và cũng là 22 năm ngày Đức Gioan Phaolô II thiết định trong toàn thể Giáo Hội Chúa Nhật kính Lòng Thương Xót vào Chúa Nhật thứ Hai Mùa Phục sinh.
Đây là lần đầu tiên kể từ khi đại dịch coronavirus vùng phát, thánh lễ này được cử hành tại Đền Thờ Thánh Phêrô. Theo dự trù ban đầu, lẽ ra Đức Thánh Cha cử hành thánh lễ này, nhưng vì ngài đau đầu gối phải, nên thánh lễ do Đức Tổng Giám Mục Rino Fisichella, chủ tịch Hội Đồng Giáo Tòa Thánh Tân Phúc Âm hóa cử hành. Đức Thánh Cha chỉ giảng trong thánh lễ.
Lễ này do thánh Gioan Phaolô II thiết lập cách đây 21 năm, và ấn định vào Chúa nhật thứ II sau Phục sinh. Chúa Giêsu đã giao phó cho thánh nữ Faustina Kowalska sứ mạng phổ biến sự tôn kính lòng Chúa xót thương và những chỉ dẫn để thực hiện bức ảnh diễn tả lòng thương xót của Người. Trong nhật ký, thánh nữ ghi lại lời Chúa nói: “Cha muốn có một lễ kính Lòng Thương Xót. Cha muốn một ảnh mà con sẽ vẽ bằng bút, được long trọng làm phép vào Chúa nhật đầu tiên sau lễ Phục sinh. Chúa nhật này sẽ là lễ kính Lòng Thương Xót”.
Thánh nữ được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II phong chân phước năm 1993 và tôn phong hiển thánh vào năm 2000.
Trong bài giảng thánh lễ, Đức Thánh Cha nói:
Hôm nay, Chúa Phục sinh hiện ra với các môn đệ. Đối với những người đã bỏ rơi Ngài, Chúa Giêsu thể hiện lòng thương xót và cho thấy các vết thương. Những lời Người nói với họ được làm nổi bật với lời chào mà chúng ta nghe ba lần trong Tin Mừng: “Bình an cho anh em!” (Ga 20: 19.21.26). Bình an cho anh em! Đây là những lời của Chúa Giêsu Phục Sinh khi Người gặp phải mọi yếu đuối và lỗi lầm của con người. Chúng ta hãy suy ngẫm về ba lần Chúa Giêsu nói những lời đó. Trong những lời ấy, chúng ta sẽ khám phá ra ba khía cạnh của lòng thương xót của Thiên Chúa đối với chúng ta. Những lời nói đó, trước hết, mang lại niềm vui, sau đó là sự tha thứ và cuối cùng là sự an ủi trong mọi khó khăn.
Thứ nhất, lòng thương xót của Thiên Chúa ban cho chúng ta niềm vui, một niềm vui đặc biệt, niềm vui khi biết rằng chúng ta đã được tha thứ một cách nhưng không. Vào buổi tối Lễ Phục Sinh, các môn đệ nhìn thấy Chúa Giêsu và nghe Ngài nói lần đầu tiên: “Bình an cho anh em”, họ vui mừng (câu 20). Họ bị nhốt sau những cánh cửa đóng kín vì sợ hãi; nhưng họ cũng tự khép vào chính mình, bị đè nặng bởi cảm giác thất bại. Họ là những môn đệ đã bỏ Thầy mình; tại thời điểm Thầy bị bắt, họ đã bỏ chạy. Thánh Phêrô thậm chí đã chối Thầy ba lần, và một trong số họ - một trong số họ! - đã phản bội Ngài. Họ có lý do chính đáng để cảm thấy không chỉ sợ hãi mà còn vô dụng; họ đã thất bại. Trong quá khứ, chắc chắn, họ đã có những lựa chọn can đảm. Họ đã theo Thầy với lòng nhiệt thành, tận tâm và quảng đại. Vậy mà cuối cùng, mọi thứ đã diễn ra quá nhanh. Sự sợ hãi đã chiếm ưu thế và họ đã phạm tội lớn: họ đã bỏ mặc Chúa Giêsu vào giờ phút bi thảm nhất của Ngài. Trước Lễ Phục sinh, họ đã nghĩ rằng họ đã được tiền định cho sự vĩ đại; họ tranh luận về việc ai sẽ là người lớn nhất trong số họ… Bây giờ họ đã chạm đến bùn đen.
Trong bầu không khí này, lời đầu tiên họ nghe thấy, “Bình an cho anh em!” Các môn đệ lẽ ra phải cảm thấy xấu hổ, nhưng họ lại vui mừng. Tại sao? Thưa: Bởi vì nhìn thấy khuôn mặt và nghe lời chào của Chúa Giêsu, họ đã hướng sự chú ý của họ ra khỏi họ và hướng về Ngài. Như Phúc Âm cho chúng ta biết, “các môn đệ vui mừng khi được nhìn thấy Chúa” (câu 20). Họ được đưa ra khỏi bản thân mình, cũng như những thất bại của họ, và bị thu hút bởi ánh mắt của Ngài, ánh mắt không phải nghiêm khắc mà là ánh mắt xót thương. Chúa Giêsu Kitô không khiển trách họ về những gì họ đã làm, nhưng cho họ thấy lòng nhân hậu thường hằng của Ngài. Và điều này làm họ hồi sinh, lấp đầy trái tim họ với sự bình yên mà họ đã đánh mất và khiến họ trở thành những con người mới, được thanh lọc bởi một sự tha thứ hoàn toàn không đáng có.
Đó là niềm vui mà Chúa Giêsu mang lại. Đó là niềm vui mà chúng ta cũng cảm nhận được mỗi khi chúng ta cảm nhận được sự tha thứ của Ngài. Bản thân chúng ta biết những môn đệ đó đã cảm thấy gì vào Lễ Phục sinh, qua những sai sót, tội lỗi và thất bại của chính chúng ta. Những lúc như vậy, chúng ta có thể nghĩ rằng không thể làm được gì. Tuy nhiên, đó chính xác là khi Chúa làm mọi thứ. Ngài ban cho chúng ta sự bình an của Ngài, qua một lời xưng thú chân thành, qua lời nói của một người gần gũi chúng ta, qua sự an ủi bên trong của Thánh Linh, hoặc qua một số sự kiện bất ngờ và đáng ngạc nhiên… Bằng nhiều cách thế đa dạng, Thiên Chúa cho thấy rằng Ngài muốn làm cho chúng ta cảm nhận được sự bao bọc của lòng thương xót của Ngài, niềm vui được sinh ra khi nhận được “sự tha thứ và hòa bình”. Niềm vui Chúa ban quả thực được sinh ra từ sự tha thứ. Niềm vui ấy mang đến cho chúng ta an bình. Đó là niềm vui nâng chúng ta lên, mà không làm chúng ta bẽ mặt. Cứ như thể Chúa không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Thưa anh chị em, chúng ta hãy nghĩ đến tất cả những lần chúng ta nhận được sự tha thứ và bình an của Chúa Giêsu. Mỗi người trong chúng ta đã nhận được; mỗi người trong chúng ta đã có kinh nghiệm đó. Thật tốt cho chúng ta khi nhớ lại những khoảnh khắc đó. Chúng ta hãy đặt ký ức về vòng tay ấm áp của Chúa lên trước ký ức về những sai lầm và thất bại của chính chúng ta. Như thế, chúng ta sẽ phát triển trong niềm vui. Mọi thứ sẽ không giống như trước, đối với bất cứ ai đã cảm nghiệm được niềm vui của Thiên Chúa! Đó là một niềm vui biến đổi chúng ta.
Bình an cho anh em! Chúa nói những lời này lần thứ hai và nói thêm, “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em” (câu 22). Sau đó, Ngài ban cho các môn đệ Chúa Thánh Thần để biến họ thành những tác nhân của sự hòa giải: “Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha” (câu 23). Không chỉ các môn đệ nhận được lòng thương xót; họ trở thành người phân phát lòng thương xót mà chính họ đã nhận được. Họ nhận được sức mạnh này không phải do công lao hay sự học tập của họ, mà là một món quà thuần túy của ân sủng, tuy nhiên điều ấy dựa trên kinh nghiệm của họ về việc bản thân họ đã được tha thứ. Bây giờ tôi đang nói với anh em, những nhà truyền giáo của lòng thương xót: nếu anh em không cảm thấy được tha thứ, đừng thực hiện công việc của mình như một nhà truyền giáo của lòng thương xót cho đến khi anh em cảm nhận được sự tha thứ đó. Lòng thương xót mà chúng ta đã nhận được cho phép chúng ta phân phát rất nhiều lòng thương xót và sự tha thứ. Ngày nay và mọi ngày, trong Giáo hội, sự tha thứ phải được đón nhận theo cùng một cách tương tự như vậy, qua lòng nhân hậu khiêm nhường của một người giải tội nhân từ, người coi mình không phải là người nắm giữ quyền lực nào đó nhưng là một kênh của lòng thương xót, người ban cho người khác sự tha thứ mà bản thân người ấy nhận được trước đó. Từ đó nảy sinh khả năng tha thứ mọi thứ vì Chúa luôn tha thứ mọi thứ. Chúng ta là những người mệt mỏi khi cầu xin sự tha thứ nhưng Ngài luôn tha thứ. Anh em phải là kênh của sự tha thứ đó thông qua kinh nghiệm của chính anh em về việc được thứ tha. Không cần phải làm khổ các tín hữu khi đến với Tòa Giải tội. Cần phải hiểu hoàn cảnh của họ, lắng nghe, tha thứ và đưa ra lời khuyên tốt để họ có thể tiến lên. Chúa tha thứ mọi thứ và chúng ta không được đóng cánh cửa đó lại với con người.
“Nếu anh em tha thứ tội lỗi cho ai, người ấy sẽ được tha thứ họ”. Những từ này là nguồn gốc của Bí tích Hòa giải, nhưng không chỉ như thế. Chúa Giêsu đã biến toàn thể Giáo hội trở thành một cộng đoàn lan tràn lòng thương xót, một dấu chỉ và khí cụ hòa giải cho toàn thể nhân loại. Anh chị em, mỗi người chúng ta, khi rửa tội, đã nhận được ơn Chúa Thánh Thần để trở thành người nam hay người nữ của sự hòa giải. Bất cứ khi nào chúng ta trải nghiệm niềm vui được giải thoát khỏi gánh nặng tội lỗi và thất bại của mình; Bất cứ khi nào chúng ta biết tận mắt ý nghĩa của việc tái sinh sau một tình huống tưởng chừng như vô vọng, chúng ta cảm thấy cần phải chia sẻ tấm bánh của lòng thương xót với những người xung quanh. Chúng ta hãy cảm thấy được kêu gọi đến điều này. Và chúng ta hãy tự hỏi: ở nhà, trong gia đình, tại nơi làm việc, trong cộng đồng của tôi, tôi có nuôi dưỡng tình hiệp thông không? Tôi có phải là người kiến tạo hòa bình, hòa giải không? Tôi có cam kết xoa dịu xung đột, mang lại sự tha thứ thay cho hận thù, và hòa bình thay cho oán hận không? Tôi có tránh làm tổn thương người khác bằng cách không nói chuyện phiếm không? Chúa Giêsu muốn chúng ta trở thành chứng nhân của Người trước thế giới với những lời đó: Bình an cho anh em!
Bình an cho anh em! Chúa nói những lời này lần thứ ba khi, tám ngày sau, Ngài hiện ra với các môn đệ và củng cố đức tin của Thánh Tôma cho vững vàng. Thánh Tôma muốn nhìn thấy và chạm vào. Chúa không bị xúc phạm bởi sự nghi ngờ của Tôma, nhưng đã đến giúp đỡ người môn đệ này: “Hãy xỏ ngón tay con vào đây, và hãy xem tay Thầy” (câu 27). Đây không phải là những lời nói thách thức mà những lời nói từ lòng thương xót. Chúa Giêsu hiểu khó khăn của Tôma. Ngài không đối xử thô bạo với Tôma, và người môn đệ vô cùng cảm động trước lòng nhân hậu này. Từ một người không tin, Tôma trở thành một tín hữu, và tuyên xưng đức tin đơn giản nhất và tốt đẹp nhất: “Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con!” (câu 28). Đây là những lời đẹp đẽ. Chúng ta có thể biến những lời ấy thành của riêng mình và lặp lại những lời ấy suốt cả ngày, đặc biệt là khi, giống như Tôma, chúng ta gặp phải những nghi ngờ và khó khăn.
Câu chuyện của Thánh Tôma trên thực tế là câu chuyện của mọi tín hữu. Có những lúc khó khăn khi cuộc sống tưởng chừng như phủ nhận niềm tin, có những lúc khủng hoảng khi chúng ta cần phải chạm vào và nhìn thấy. Giống như Tôma, chính trong những giây phút đó, chúng ta khám phá lại thánh tâm Chúa Kitô, lòng thương xót của Chúa. Trong những tình huống đó, Chúa Giêsu không đến gần chúng ta trong sự đắc thắng và với những bằng chứng choáng ngợp. Ngài không thực hiện những phép lạ kinh thiên động địa, nhưng thay vào đó Chúa Giêsu cung cấp cho chúng ta những dấu hiệu ấm lòng về lòng thương xót của Ngài. Người an ủi chúng ta giống như cách Người đã làm trong bài Tin Mừng hôm nay: Người đem đến cho chúng ta những dấu chỉ ấm áp của lòng thương xót. Chúng ta không được quên sự thật này. Để đáp lại tội lỗi của chúng ta, Chúa luôn hiện diện để ban cho chúng ta những vết thương của Người. Trong thừa tác vụ của chúng ta với tư cách là người giải tội, chúng ta phải cho dân chúng thấy rằng giữa tội lỗi của họ, Chúa đã ban vết thương của Người cho họ. Những vết thương của Chúa mạnh hơn tội lỗi.
Chúa Giêsu làm cho chúng ta nhìn thấy những vết thương của anh chị em chúng ta. Giữa những khủng hoảng và khó khăn của chính chúng ta, lòng thương xót Chúa thường làm cho chúng ta ý thức được những đau khổ của người lân cận. Chúng ta nghĩ rằng chúng ta đang trải qua những nỗi đau không thể chịu đựng được và những tình huống đau khổ, và chúng ta đột nhiên phát hiện ra rằng những người xung quanh chúng ta đang âm thầm chịu đựng những điều thậm chí còn tồi tệ hơn. Nếu chúng ta quan tâm đến những vết thương của người lân cận và đổ lên trên họ sự thương xót, chúng ta thấy được tái sinh trong chúng ta một niềm hy vọng có thể an ủi chúng ta trong sự mệt mỏi của chúng ta. Chúng ta hãy tự hỏi mình liệu chúng ta có muộn màng trong việc giúp ai đó đang đau khổ về tinh thần hay thể xác; liệu chúng ta đã mang lại sự bình yên cho ai đó đang đau khổ về thể xác hay tinh thần; liệu chúng ta có dành một khoảng thời gian để lắng nghe, hiện diện hay mang lại cảm giác thoải mái cho người khác. Vì bất cứ khi nào chúng ta làm những điều này, chúng ta gặp được Chúa Giêsu. Từ con mắt của tất cả những người đang bị đè nặng bởi những thử thách của cuộc sống, Ngài nhìn ra chúng ta với lòng thương xót và nói: Bình an cho anh em! Về vấn đề này, tôi nghĩ đến sự hiện diện của Đức Mẹ với các thánh Tông đồ. Tôi cũng nhắc lại rằng chúng ta kính nhớ Mẹ là Mẹ của Giáo Hội vào ngày sau Lễ Hiện Xuống; và kính nhớ Mẹ là Mẹ của Lòng Thương Xót vào Thứ Hai sau Chúa Nhật Lòng Chúa Thương Xót. Mong Đức Mẹ giúp chúng ta tiến lên trong thánh chức của mình.
Source:Dicastero per la Comunicazione - Libreria Editrice Vaticana
Aleteia - Philip Kosloski 24/4/2022
Năm 1936, Thánh nữ Faustina đã hiến dâng ngày sống mình để cầu nguyện cho nước Nga, khi nhìn thấy Chúa Giêsu đớn đau vì những gì đang xảy ra ở đất nước vô thần này.
Trong năm 1930, nữ thánh Faustina Kowalska đã được Chúa Giêsu mặc khải những bí mật riêng tư của Chúa.
Những khải tượng mà sơ có sau này về sự tôn kính “Lòng Chúa Thương Xót”, đã được Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cổ súy và thiết lập “Chúa Nhật Lòng Chúa Thương Xót” vào Chủ Nhật thứ 2 sau Lễ Phục Sinh.
Vào ngày 16 tháng 12 năm 1936, Thánh Faustina đã viết trong Nhật ký của mình về việc sơ đã dâng hiến ngày sống của mình cho nước Nga, sơ viết: “Tôi đã đề xướng một ngày cho nước Nga. Tôi đã dâng tất cả những đau khổ và lời cầu nguyện cho đất nước khốn khổ này. Sau khi Rước lễ, Chúa Giêsu nói với tôi, Hỡi con gái cưng của Ta, Ta không thể giáng họa trên đất nước đó nữa… Nhưng cũng đừng trói buộc tay Ta nữa! Tôi hiểu rằng nếu không nhờ những lời cầu nguyện của những linh hồn tốt lành làm đẹp lòng Thiên Chúa, thì cả quốc gia đó đã trở thành hư vô. Ôi, tôi đau khổ làm sao cho quốc gia ấy, vì đã trục xuất Chúa ra khỏi đất nước của họ!
Trong Nhật ký của Thánh nữ số 818 viết:
Mặc khải này được bọc lộ vài ngày sau khi Tổng Bí thư Joseph Stalin ký Hiến pháp Liên bang Xô viết vào ngày 5 tháng 12 năm 1936. Trong cùng năm đó, Stalin bắt đầu cái mà sau này được gọi là “Cuộc thanh trừng vĩ đại”, đã làm cho 750.000 người bị giết khi chống lại chính phủ.
May mắn thay Lòng Thương Xót của Chúa Giêsu đã chiến thắng nhờ những tâm hồn thiện tâm và “lời cầu nguyện của những tâm hồn lành thánh làm đẹp lòng Chúa”, giúp đảo ngược tình thế của bất kỳ cuộc chiến nào và thậm chí làm thay đổi trái tim của các nhà lãnh đạo ở Nga”.
Trong tâm tình đó, chúng ta cũng noi gương nữ thánh Faustina, dâng ngày sống của chúng ta cho Chúa và thân thưa với Chúa "Lạy Chúa Giêsu, con tin cậy nơi Chúa!"
Mở đàu là nghi thức tiếp nhận ở cuối nhà thờ, sau đó các anh chị em Dự tòng rước Linh mục chủ tế tiến lên cung thánh bắt đầu Thành lễ tạ ơn.
Xem Hình
Trong bài giảng linh mục chủ tế chia sẻ:Các anh chị em Tân tòng hôm nay được Chúa ban cho ơn đức tin, bởi vì đức tin là món quà Chúa ban để anh chị em tuyên xưng đức tin cùng với cộng đoàn. Chúng ta cùng tạ ơn Chúa với những anh chị em tân tòng đây. Cùng cầu nguyện cho nhữn khóa giáo lý mới có thêm những anh chị em được gương sáng và lời càu nguyện của cộng đoàn khích lệ, nâng đỡ để có thêm nhiều anh chị em khác cũng được trở về làm con cái Chúa.
Sau bài giảng Linh mục chủ tế ban các phép khai tâm Ki tô giáo cho 17 anh chị em dự tòng và hợp thức hóa 1 đôi hôn phối.
Thánh lễ tiếp tục với Lời nguyện tín hữu và dâng của lễ.
Xin Thiên Chúa luôn đồng hành, nâng đỡ các anh chị em vừa lãnh nhận các Bí tích, xin cho các anh chi em luôn vững tin, can đảm sống và thi hành sứ vụ của người Kitô hữu trong suốt cuộc đời này.
Thánh lễ kết thúc lúc 19g00 trong niềm vui của toàn giáo xứ.
Vinh sơn Trần văn Đẩu
Xem Hình
Suốt 9 ngày của Tuần Cửu Nhật trong những giờ nguyện kinh cầu nguyện Lòng Chúa Thương Xót, Cha Linh hướng Phong Trào Lòng Chúa Thương Xót FX Nguyễn Văn Tuyết đã lồng vào những bài chia sẻ theo chủ đề riêng của từng ngày và dâng Thánh lễ tạ ơn. Đặc biệt có qúy Cha Tuyên Úy Trưởng Bùi Sơn Lâm, Cha Paul Văn Chi, Cha Trần Văn Trợ và Cha Khách Giuse Nguyễn Văn Xưa thuyết giảng những đề tài về Lòng Chúa Thương Xót và cùng với Cha FX Nguyễn Văn Tuyết hiệp dâng Thánh lễ tạ ơn.
Sáng Chúa Nhật 24/04/2022 rất đông đủ giáo dân đã đến Trung Tâm Hành Hương Thánh Mẫu Bingelly Sydney tham dự mừng kính Đại Lễ Lòng Chúa Thương Xót. Tất cả mọi người tập trung trên tượng đài Đức Mẹ.Cha Linh hướng FX Nguyễn Văn Tuyết dâng hương kiệu Thánh tượng Lòng Chúa Thương Xót và cùng với mọi người dâng giờ đền tạ Đức Mẹ. Sau đó 3 hồi chiêng trống, kiệu cung nghinh Thánh tượng Lòng Chúa Thương Xót rước về hội trường Trung Tâm. Cuộc kiệu rất trang nghiêm và sốt sắng, mọi người cùng dâng lên Chúa chuỗi kinh Lòng Chúa Thương Xót cầu nguyện cho bản thân, cho gia đình, Cộng Đồng và Giáo Hội.
Khi Thánh tượng Lòng Chúa Thương Xót tiến vào hội trường và an vị trên bàn thờ. Cha Nguyễn Văn Tuyết ngỏ lời chào mừng tất cả mọi người đã đến tham dự Đại Lễ Mừng Kính Lòng Chúa Thương Xót đồng thời Cha giới thiệu Cha Đaminh Vũ Kim Quyền Bề Trên Giám Tỉnh Dòng Tên Úc Châu từ Roma về và đến hiệp dâng Thánh lễ, kế tiếp một vị đại diện Phong Trào đọc sơ lược tiểu sử về Lòng Chúa Thương Xót mà Chúa Giêsu đã uỷ nhiệm cho Thánh nữ Faustina. Sau đó quý Cha Nguyễn Văn Tuyết, Cha Vũ Kim Quyền cùng hiệp dâng Thánh lễ.
Trong bài giảng Cha Vũ Kim Quyền nói về bài Phúc Âm hôm nay Chúa Giêsu hiện ra với các Tông Đồ, sự đầu tiên là Chúa chúc bình an cho các ông, bởi vì Chúa muốn đem bình an của Chúa cho các ông và muốn các ông đem bình an đó đến với mọi người để truyền bá Tin Mừng của Chúa. Thánh nữ Faustina cũng được Chúa hiện ra mạc khải về Lòng Chúa Thương Xót. Cốt lõi chính là hãy tha thứ cho nhau, như Lòng Chúa Thương Xót đã tha thứ cho mọi người biết sám hối ăn năn...
Sau đó là phần ra mắt Tân Ban Chấp Hành Phong Trào Lòng Chúa Thương Xót Tổng Giáo Phận Sydney nhiệm kỳ 2022 - 2025, gồm Ban Chấp Hành Phong Trào và Ban Chấp Hành các Liên Nhóm ở các Giáo Đoàn. Cha FX Nguyễn Văn Tuyết trao bổ nhiệm thư Tân Ban Chấp Hành và Liên Nhóm.
Trước khi kết thúc Thánh lễ, anh Trần Anh Vũ Chủ tịch CĐCGVN TGP Sydney lên ngỏ lời chúc mừng Phong Trào Lòng Chúa Thương Xót TGP Sydney mừng Đại Lễ kính Lòng Chúa Thương Xót.
Kế tiếp ộng Đaminh Trần Quang Bình Trưởng Phong Trào Lòng Chúa Thương Xót TGP Sydney ngỏ lời cám ơn quý Cha, quý quan khách, quý ân nhân và mọi người đã không quản ngại cùng đến tham dự Thánh lễ và hiệp chung lời cầu nguyện cho Phong Trào. Đặc biệt cám ơn Ban Mục Vụ Giáo đoàn Fairfield đã tận tình giúp đỡ trong Tuần Cửu Nhật vừa qua tại Giáo đoàn và cám ơn Ban Mục Vụ Trung Tâm Biringelly đã tạo điều kiện cho Phong Trào tổ chức mừng kính Đại Lễ được mọi sự tốt đẹp. Cha Nguyễn Văn Tuyết một lần nữa cám ơn Cha Vũ Kim Quyền đã đến cùng hiệp dâng Thánh lễ và cám ơn Ca đoàn Thánh Mẫu Cabramatta hát rất hay.
Tân Ban Chấp Hành Phong Trào Lòng Chúa Thương Xót nhiệm kỳ 2022-2025
Trưởng: ông Đaminh Trần Quang Bình
Phó Nội Vụ: bà Agatha Nguyễn Thị Kim Nhẫn
Phó Ngoại Vụ: ông Phêrô Trịnh Đình Lộc
Phó Kế Hoạch: ông Phêrô Nguyễn Văn Niềm
Phó Kế Hoạch 2: Micae Vũ Văn Cường
Thư Ký: bà Maria Trịnh Thị Hòa
Thủ Quỹ: bà Anna Phạm Thị Hiền.
(Diệp Hải Dung)
Xem hình
Thánh lễ đồng tế do Đức Cha Gioan Đỗ Văn Ngân, Giám mục Chính tòa Giáo phận Xuân Lộc chủ tế, cùng với Cha Phạm Minh Ước, Phạm Văn Ái tuyên úy Cộng đoàn Thánh Vinh Sơn Liêm và 13 cha Việt Nam từ các cộng đoàn trong và ngoài Tổng Giáo phận Melbourne đồng tế.
Liên Ca đoàn Thánh Vinh Sơn Liêm phụ trách phần thánh ca phụng vụ thật xuất sắc giúp cho đại lễ thêm sốt sắng và long trọng hơn, và cũng phải nói đến phần âm thanh do gia đình Bằng Uyên và anh Thành rất chuyên nghiệp cũng giúp cho buổi lễ thật tốt lành, tất cả đều nhờ vào Lòng Chúa Thương Xót (LCTX).
Trước thánh lễ bế mạc, có nhiều sinh hoạt từ lúc 2 giờ 30 trưa, với 30 phút sớm do anh Đỗ Quang Vĩnh trong ban LCTX với những lời chào và giao lưu nhau qua những bài hát, qua phần đệm đàn Guitar của anh Định và các ca sỹ Thu Dương, Thoa Dương, giúp cho các giờ Chầu LCTX linh động và sốt mến hơn.
Đúng 3 giờ chiều, Cộng đồng dân Chúa sốt sắng lần chuỗi kinh Lòng Chúa Thương Xót trước Thánh Thể Chúa. Và lúc này, giáo dân từ các vùng đến mỗi lúc một đông hơn, trong nhà thờ và cả phía cuối không chỗ nào có ghế trống, kể cả bên phía dưới hội trường, mọi người sốt sắng hiệp thông qua màn hình nối từ nhà nguyện xuống.
Lúc này, ban tổ chức lo rất nhiều chuyện, chuẩn bị lễ đài, hoa, cờ, lo phần bánh trái, xôi, chè cho bữa giải lao và ban ẩm thực còn phải lo bữa tiệc sau lễ cho hằng ngàn người về dự đại lễ. Ai có việc nấy, quý anh trong ban trật tự từ Cộng đoàn Thánh Tôma Thiện, vùng Keysborough cách chừng 50 km đã có mặt từ rất sớm để giúp ban tổ chức giữ gìn trật tự và giúp cho những người từ xa đến có chỗ đậu xe. Một số các cộng đoàn xa đã về bằng những chiếc xe Bus lớn để tiện đi và về mà không phải lo chỗ đậu xe.
Sau phần chầu LCTX, một bài chia sẻ của Linh mục tuyên uý Phạm Văn Ái, mọi người được báo có ít phút giải lao. Trời lúc này rất đẹp, không nắng, không gió trong một buổi chiều Thu Melbourne. Trước khuôn viên rộng lớn, các ghế ngồi đã được kê đều khắp, phía trên cao trước lễ đài. Sự chuẩn bị rất chu đáo của Cha tuyên úy và ban tổ chức, ông Nguyễn Đình Trị chịu trách nhiệm tổ chức cứ chạy như con thoi để giải quyết mọi vấn đề từ lớn đến nhỏ.
Lễ đài do Ban khánh tiết của Cộng đoàn Thánh Vinh Sơn Liêm trang trí đơn sơ nhưng công phu và nhiều ý nghĩa, do công lao của quý, ông Hường, ông Ngô Văn Thịnh, ông Hóa theo ý Cha Tuyên úy.
Sau lời cầu nguyện cuối lễ, Ông Vũ Đình Cư đại diện cho ban tổ chức đã lên cám ơn Đức Cha Gioan Đỗ Văn Ngân, Giám mục Chính tòa Giáo phận Xuân Lộc, mặc dù rất bận rộn với công việc mục vụ, địa lý xa xôi, đã vì tình thương mến mà đến với Cộng đoàn Thánh Vinh Sơn Liêm nói riêng và Cộng đồng Công Giáo Tổng Giáo Phận Melbourne nói chung để giảng thuyết và dâng lễ kính LCTX. Linh mục Nguyễn Tuấn Anh Tổng đại diện, Cha Đoàn Xuân Linh chưởng ấn GP Xuân Lộc, cũng không quản ngại đường xá xa xôi, đã đến cùng đại lễ. Cha Hoàng Kim Huy giúp cho giới trẻ biết tín thác vào Chúa, Chúa của Lòng Thương xót. Quý Cha, quý thầy, quý soeur đã đến cùng cộng đoàn mừng kính lễ. Và đặc biệt là hai Cha tuyên úy Cộng đoàn Thánh Vinh Sơn Liêm, đã hết lòng giúp đỡ mọi việc, lớn nhỏ cho ban tổ chức. Quý ban mục vụ cộng đồng, Ban mục vụ cộng đoàn, các hội đoàn đoàn thể, và các anh chị em phục vụ trong nhiều ngày qua. Liên Ca đoàn Thánh Vinh Sơn Liêm. Quý ân nhân, qúy ban trật tự của Cộng đoàn Thánh Tôma Thiện đã đến hổ trợ cho việc gìn giữ trật tự. Và ông cũng không quên cám ơn đến tất cả mọi người hiện diện đã đến với cộng đoàn trong tình yêu thương, hợp nhất của Lòng Thương Xót vv. Ông cũng chân tình mời mọi người cùng ở lại dự bữa tiệc mừng cùng cộng đoàn.
Tiếp theo, Ông Trần Ngọc Cẩn, Chủ tịch ban mục vụ Cộng đồng Công Giáo Việt Nam cũng lên cám ơn Đức Cha Gioan, quý cha, quý tu sỹ nam nữ, quý hội đón đoàn thể và ông cũng đặc biệt cám ơn hai Cha tuyên úy Cộng đoàn Thánh Vinh Sơn Liêm Phạm Minh Ước, Phạm Văn Ái và ban tổ chức đã luôn quảng đại đứng ra tổ chức ngày lễ Kính LCTX trong hơn 10 năm qua.
Nhân dịp này, Đức Cha Gioan cũng cám ơn cha tuyên úy và mọi giáo dân xa quê đã mời Ngài đến để mừng lễ kính LCTX. Ngài nói, đây là lần đầu tiên Ngài đến Úc, cũng là lần đầu tiên Ngài đến Melbourne và Ngài rất hạnh phúc được cùng cộng đoàn mừng kính Đại lễ LCTX. Dù xa xôi, nhưng qua mấy ngày đã cảm thấy gần gũi và chắc chắn sẽ rất quyến luyến khi phải chia tay. Đức cha cũng kể một kỷ niệm đáng nhớ về sự gần gũi với Cha Phạm Minh Ước khi cả hai cùng học bên Phillipine, và Cha Ước đã là linh hướng mà Đức Cha đã nói đùa là giữ linh hồn cho Đức Cha.
Kết thúc đại lễ, một bữa tiệc với nhiều món ăn đã được mọi người hưởng ứng chân tình. Đây là dịp cho mọi người quen từ lâu không gặp có dịp gặp lại nhau, sau hơn hai năm đại dịch. Một niềm khích lệ rất lớn của ban tổ chức vì đây cũng là dịp cộng đoàn được vinh dự đón tiếp các cộng đoàn bạn đến với cộng đoàn trong ngày lễ lớn, rất lớn trong năm mà Cộng đoàn Thánh Vinh Sơn Liêm đã vinh dự được đứng ra tổ chức. Đó là lễ kính Lòng Chúa Thương Xót.
Bài Tin Mừng Luca 8:4-8: Dụ ngôn người gieo giống
4Người ta tụ họp đông đảo. Từ khắp các thành thị, người ta kéo đến cùng Chúa Giêsu. Bấy giờ Người dùng dụ ngôn mà nói rằng:
5“Người gieo giống đi ra gieo hạt giống của mình. Trong khi người ấy gieo, thì có hạt rơi xuống vệ đường, người ta giẫm lên và chim trời ăn mất. 6Hạt khác rơi trên đá, và khi mọc lên, lại héo đi vì thiếu ẩm ướt. 7Có hạt rơi vào giữa bụi gai, gai cùng mọc lên, làm nó chết nghẹt. 8Có hạt lại rơi nhằm đất tốt, và khi mọc lên, nó sinh hoa kết quả gấp trăm.” Nói xong, Người hô lên rằng: “Ai có tai nghe thì nghe.”
(Trích trực tuyến Tin Mừng Luca của Nhóm Phiên dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ)
Ghi chú
Dụ ngôn. Chữ Hy Lạp parabolē lần đầu tiên xuất hiện ở 4:23 theo nghĩa châm ngôn. Ở đây, nó được dùng theo nghĩa thường thấy trong các Tin Mừng: “ví von” (similitude). Nghĩa khác nhau của chữ này là do cách dùng nó trong Cựu Ước, vì parabolē (chỉ dùng trong các Tin Mừng nhất lãm) và paroimia trong Gioan (Ga 10:6; 16:25, 29) đều dịch từ chữ Hípri māšāl trong Bản Bẩy Mươi. Chữ này có nhiều nghĩa khác nhau: Ngạn ngữ [maxim], châm ngôn, tục ngữ [proverb] (1Sm 10:11-12; 24:14), lời tiên tri tối nghĩa (Ds 23:7 (1), dụ ngôn (2Sm 12:1-6), phúng dụ (Edk 17:2-24), châm chọc (Is 14:4). Parabolē cũng dịch chữ Hípri ḥîdāh=câu đố (Cn 1:6). Trong truyền thống Tin Mừng, parabolē thường chỉ thể văn dùng để đạt một hiệu quả mỹ thuật bằng các trình bầy một so sánh có tính minh họa, thường có bản chất tổng quát và không lệ thuộc thời gian. Theo nghĩa riêng của nó, “dụ ngôn” là một so sánh, bằng cách sử dụng kỹ thuật và chi tiết kể truyện rút ra từ sinh hoạt hàng ngày ở Palestine nhằm trình bầy chân lý một cách vừa rõ ràng vừa thu hút chú ý của người nghe nhờ tính sống động hay lạ lùng của nó nhưng vẫn kích thích để họ chịu suy nghĩ, tìm hiểu, phán đoán và áp dụng xa hơn. Sự so sánh này thường minh nhiên (như trong câu 6:47-49); lúc đó nó giống như một ví von (simile) kéo dài thường được kể ở thì quá khứ. Nhưng đôi khi, sự so sánh này được ngụ ý (như trong tình tiết này 8:5-8); lúc đó, nó giống như một phúng dụ kéo dài. “Ví von” đôi khi được sử dụng như một so sánh văn chương dùng các chi tiết mô tả hơn là thuật truyện và thường dùng thì hiện tại. Việc so sánh ở đây cũng có tính hoặc minh nhiên hoặc hàm ngụ. Nhưng sự phân biệt giữa dụ ngôn và ví von không đáng kể.
Hình thức của dụ ngôn như trình bầy ở trên không quan trọng. Điều quan trọng là nội dung hay sứ điệp nó nhằm nói lên. Vì hình ảnh không chỉ nhằm so sánh chân lý của Chúa Kitô với các thực tại hàng ngày mà đúng hơn còn thách thức độc giả bằng các chân lý này một cách thấm thía và không thông thường. Thực vậy, nó là diễn trình mạc khải, sử dụng những sắc thái mà việc trình bày trừu tượng không thể nói lên được, nhằm lôi kéo sự tin theo của độc giả hay thính giả.
Có hạt rơi xuống vệ đường. Gieo hạt vào ruộng chứ sao lại rơi xuống vệ đường? Cha Fitzmyer dựa vào Jeremias (The Parables, 11-12) giải thích rằng: tại Palestine, việc gieo hạt diễn ra trước việc cày bừa. Thành thử ở đây, ta hiểu người gieo hạt chuyển dịch trên một cánh đồng chưa cày bừa; ông gieo càng rộng càng tốt các hạt của mình, do đó, có hạt rơi trên vệ đường, trên đất có sỏi đá và bụi rậm cũng như đất tốt. Tất cả đều được cày lên để vào sâu, chờ mưa để nẩy mầm và lớn lên. Các chi tiết này dựa vào văn chương tư tế (rabbinic). Xin xem thêm phần nhận định.
Người ta giẫm lên. Trước khi cánh đồng được cày bừa. Đây là chi tiết được Luca thêm vào tư liệu của Máccô, một việc làm cho việc bị chim ăn mất hơi khó tưởng tượng. Dù sao, thì việc bị chim ăn mất không được nhắc đến trong lời giải thích dụ ngôn ở 8:11-15.
Héo đi vì thiếu ẩm ướt. Luca đưa vào một chi tiết khác, tức nói đến việc “thiếu ẩm ướt” trong khi Máccô chỉ nói là “thiếu rễ”.
Gai cùng mọc lên. Lại một chi tiết khác được Luca thêm vào trong khi Máccô không nhắc đến việc hạt và gai cùng mọc lên.
Nó sinh hoa kết quả gấp trăm. Cha Fitzmyer trích dẫn Varro (De re rustica, 1.44,2) để cho rằng hạt gieo “gần Gadara, Syria” sản sinh gấp trăm lần, thành thử điều ví ở đây không hẳn là không có. Vả lại chính Sách Sáng Thế cũng nói Ông “Ixaác đã gieo vãi trong đất ấy, và năm đó ông thu hoạch gấp trăm lần” (St 26:12). White (Journal of Theological Studies 15 [1964] 301) thì cho rằng ta nên hiểu là “những hạt thu lượm được từ hạt được gieo” vì đó là cách ngày xưa người ta quen dùng để đo lường.
Ai có tai nghe thì nghe! Cũng một kết luận như thế này tìm thấy ở 14:35. Trong song hành Máccô 4:9 và 4:23, ta cũng tìm thấy kiểu kết luận này. Mátthêu cũng sử dụng nó hai lần: 11:15 và 13:43. Và trong các chương 2-3 Sách Khải Huyền, sau mỗi thư viết cho 7 Giáo Hội, đều có kiểu nói này.
(1) Nhóm CGKPV và Cha Nguyễn Thế Thuấn đều dịch là “bài thơ”, Bản Thánh Kinh của Tin Lành dịch là “bài ca”.
Nhận định
Một tiết mới trong Tin Mừng Luca đã bắt đầu ở đây. Các tư liệu mà Luca đã lồng vào, bắt đầu từ 6:20, sau Mc 3:19, đã kết thúc. Đúng là Luca đã bỏ Mc 3:20-21 tức tình tiết nói đến việc “thân nhân” Chúa Giêsu đến đế bắt Chúa Giêsu, vì coi Người đã “mất trí”. Căn cứ vào việc Luca nhắc đến Đức Mẹ và “anh em” Người ở Cv 1:14, khi họ hiện diện với các tín hữu khác, thì tình tiết này quả quá tiêu cực đối với ngài...
Lc 8:4 tiếp nối Mc 4:1 và trình bầy một hình thức của ngôn từ Máccô ở đó. Kiểu “Ngôn từ Dụ Ngôn”, theo cha Fitzmyer, thích hợp với Tin Mừng Máccô hơn là Tin Mừng Luca. Các dụ ngôn mà Luca duy trì có dáng dấp “rao giảng” được 8:1 nhắc đến, nhưng nay nhấn mạnh nhiều hơn đến lời Thiên Chúa. Ngay 2 tình tiết sau cùng của tiết này cũng xoay quanh chủ đề này (dụ ngôn chiếc đèn ở các câu 16-18, và lời Chúa Giêsu nói về thân nhân đích thực ở các câu 19-21).
Jeremias (The Parables, 149-1510, theo Cha Fitzmyer, cho rằng hình thức dụ ngôn trong Máccô là hình thức tương phản: bất chấp mọi trở ngại khi gieo hạt, lao công của người gieo đã thành công và sản sinh một mùa gặt được diễn tả 3 cách (gấp 30, gấp 60, gấp 100). Hình thức trong Luca cũng có tính tương phản, tuy mô tả ngắn gọn hơn về sản lượng (bỏ gấp 30 và gấp 60), nhưng như tình tiết giải thích cho thấy, Luca nhấn mạnh nhiều hơn tới hạt giống. Thành thử, theo cha Fitzmyer nên gọi tình tiết này là dụ ngôn hạt giống được gieo. Nó thường được coi là dụ ngôn về nước trời; sản lượng báo trước sự thành công cánh chung của nước trời được Chúa Giêsu rao giảng. Dựa vào việc nhấn mạnh tới việc rao giảng nước trời trong tiết này của Tin Mừng Luca, ta nên hiểu dụ ngôn này như minh họa sự thành công cánh chung của việc rao giảng này.
Về lý do tại sao Chúa Giêsu dùng dụ ngôn mà giảng dậy, Thánh Cyril thành Giêrêmia cho biết như sau: “Các nhà tiên tri được phước đã nói với chúng ta theo nhiều cách khác nhau về Chúa Kitô, Đấng Cứu Rỗi của tất cả chúng ta. Vì một số vị tuyên bố Người như Ánh sáng sẽ đến, và những vị khác tuyên bố Người như một Đấng thuộc hàng vương giả và vĩ đại. Và một vị trong số các vị còn nói: ‘Phước cho kẻ có dòng dõi ở Sion, và bà con ở Giêrusalem; vì này, vua công chính của nó sẽ trị vì, và các hoàng tử sẽ chịu sự phán xét. Và Người đó sẽ là Đấng giấu lời nói của mình.’ Vì, có thể nói, lời của Đấng Cứu Rỗi không ngừng được giấu kín. Vì vậy, tác giả Thánh vịnh diễm phúc đã trình diện Người trước chúng ta mà nói rằng: ‘Ta sẽ mở miệng Ta bằng các dụ ngôn.’ Vì vậy, anh em hãy xem điều được Người phán thời xưa đã trở thành hiện thực. Vì một đoàn dân đông được tập hợp quanh Người gồm những người từ khắp xứ Giuđê, và Người nói với họ bằng các dụ ngôn. Nhưng vì họ không xứng đáng học những điều bí ẩn của vương quốc thiên đàng, nên lời đã được bọc kín đối với họ trong bóng tối: vì họ đã giết các vị tiên tri thánh, và mắc tội đổ máu nhiều người công chính, họ đã được nghe nói rõ ràng như vậy: ‘Có tiên tri nào không bị tổ phụ các ngươi giết?’ Và một lần nữa, ‘Giêrusalem, Giêrusalem ! Ngươi giết các ngôn sứ và ném đá những kẻ được sai đến cùng ngươi! Đã bao lần Ta muốn tập họp con cái ngươi lại, như gà mẹ tập họp gà con dưới cánh, mà các ngươi không chịu. Thì này, nhà các ngươi sẽ bị bỏ mặc cho các ngươi.’
“Nhưng những hành động gian ác của họ không chỉ đụng đến các vị tiên tri thánh thiện, mà còn đụng đến Đấng là Chúa của các vị tiên tri: đó là Chúa Kitô. Vì xấc xược và càng cổ kiêu ngạo chống lại Người, có thể nói như thế, họ đã không mảy may để ý đến bổn phận tiếp nhận đức tin nơi Người; và thậm chí gian ác chống lại giáo huấn công khai của Người, và quở trách những ai muốn liên tục được với Người và khao khát giáo huấn của Người, vô đạo nói rằng: ‘Hắn bị quỷ ám và điên: sao các ông lại nghe Hắn?’ Vì vậy, họ không được ban ơn biết những điều mầu nhiệm của vương quốc thiên đàng, mà chúng ta, những người sẵn sàng đón nhận đức tin hơn thì được ban cho. Vì do sự khôn ngoan hoàn hảo, Người đã ban cho chúng ta khả năng ‘hiểu các dụ ngôn, và những lời khó hiểu, lời lẽ của người khôn ngoan và lời lẽ khó hiểu của họ.’ Vì, chúng ta có thể nói, các dụ ngôn là những hình ảnh không phải của những vật thể hữu hình, mà là những hình ảnh của những vật thể có thể nhận biết được bằng trí tuệ và thiêng liêng. Đối với điều người ta không thể nhìn thấy bằng mắt của cơ thể, thì dụ ngôn biểu lộ cho các con mắt của trí óc, định hình một cách tuyệt đẹp sự tinh tế của sự vật trí tuệ, nhờ những điều thuộc về giác quan, và giống như thể ta có thể sờ thấy được”.
Có tác giả lại gọi dụ ngôn này là dụ ngôn các loại đất (parable of the soils) (https://enduringword.com/bible-commentary/luke-8/). Tác giả này gọi dụ ngôn là “truyện trần gian mang ý nghĩa thiên đàng”.
Jeremy Myers (https://redeeminggod.com/sermons/luke/luke_8_4-15/) dường như cũng muốn gọi Dụ ngôn này như thế khi nhấn mạnh trước nhất tới 4 loại đất: đất đường đi, đất sỏi đá, đất gai góc và đất tốt. Có điều, tác giả này coi việc gieo vãi trên 4 loại đất này là một chuyện hài hước của Chúa Giêsu chứ có người gieo vãi nào lại gieo hạt dọc đường, trên đất sỏi đá và đầy gai góc. Nhưng xét cho cùng, vì đây là một dụ ngôn để kích thích người đọc chịu tìm hiểu thêm, nên có thể hiểu: lời Chúa là điều cần được gieo vãi, gieo vãi ở mọi nơi. Nhiệm vụ người gieo là gieo vãi, bất cứ trên loại đất nào. Kết quả không tùy thuộc ở họ mà là tùy ở “đất tốt”. Đất tốt ấy, cuối cùng” sinh “trăm lần” vượt quá mọi mong chờ. Không hẳn do công trình người gieo. Người gieo vẫn nguyên tuyền là đầy tớ vô dụng (Lc 17:10).
Có tác giả (https://bible.org/seriespage/25-parable-soils-luke-84-21), dựa vào Máccô 4:13, cho rằng dụ ngôn này là chìa khóa để hiểu mọi dụ ngôn khác. Ta thấy tầm quan trọng của nó khi cả ba Tin Mừng nhất lãm đều đề cập đến nó đầu tiên. Tác giả này cũng theo Thánh Cyril mà cho rằng lý do Chúa Giêsu dùng dụ ngôn mà giảng dạy là đi cùng hướng với mệnh lệnh Chúa đã truyền cho Isaia xưa: “Hãy đi nói với dân này rằng: Cứ nghe cho rõ, nhưng đừng hiểu, cứ nhìn thật kỹ, nhưng đừng nhận ra” (Is 6:9).
Theo Michael Novak (*) (https://www.crisismagazine.com/2016/leon-bloys-role-in-the-catholicism-of-jacques-and-raissa-maritain), thế giới trong đó Raïssa Oumançoff và Jacques Maritain bắt đầu đời sống đại học của họ là một hoang địa tâm linh. Trong một kết ước khiếp đảm, họ cùng nhau thề hứa tự cho mình một năm nữa để tìm được một ý nghĩa nào đó cho cuộc sống. Nếu điều này thất bại, họ hứa sẽ cùng nhau tự sát...
Khoa học đối với họ xem ra đầy quyền lực nhưng trống rỗng ý nghĩa. Nó cổ vũ thái độ hoài nghi trí thức và duy tương đối luân lý. Tôn giáo cũng không có gì tốt hơn đối với họ. Giai cấp trưởng giả (bourgeaisie) Pháp đã biến tôn giáo thành một loại kế toán. Biết bao việc đền tội và biết bao lời cầu nguyện chỉ đem lại những lợi ích nhỏ mọn về phía cộng. Phải mãi tránh né cả một danh sách tội lỗi mới giữ cho bảng tổng kết chi thu cân bằng. Như lời Flannery O’ Connor, trong The Habit of Being, “một thứ công ty bảo hiểm của người khốn cùng” [1].
Jacques và Raïssa đã bị đẩy lui bởi thứ tôn giáo như vậy. Nhưng than ôi, nhiều tín hữu rất tự hào về điều được coi là nhân đức của họ. Các nghệ sĩ Pháp — Bloy, Mauriac, Marcel, Bernanos, Péguy — đã rất vui khi vạch trần chủ nghĩa pharisiêu như vậy và chế nhạo nó.
Ngày càng nhiều bạn bè của gia đình Maritain báo cáo rằng họ thấy Bloy là một trong những người kỳ lạ nhất nhưng hấp dẫn nhất ở Pháp, và liên tục thúc giục hai người gặp ông ta. Cuối cùng, vào năm 1905, họ đã làm điều đó [2]. Họ ngay lập tức bị cuốn hút bởi phương thức sống đạm bạc của Bloy và ngọn lửa tinh thần bên trong ông ta. Cuộc gặp gỡ này với Bloy xảy ra không lâu sau khi Henri Bergson đưa ra một loạt bài giảng vạch rõ con đường thoát khỏi chủ nghĩa duy vật. Bergson nhấn mạnh vai trò của tinh thần con người trong mọi tìm tòi, khoa học và con đường đạo đức của con người. Giờ đây, Léon Bloy (sinh năm 1846 - mất năm 1917) đã xuất hiện trước vợ chồng Maritain trẻ tuổi như hiện thân của một trong những tinh thần con người mãnh liệt nhất mà họ từng gặp. Ông bị ám ảnh bởi một cơn khát Vô Hạn có thể rờ mó được. Gặp Bloy là một cú sốc ngỡ ngàng đối với vợ chồng Maritain. Trong một thế giới chạy theo chủ nghĩa duy vật, Bloy là kinh nghiệm của một tinh thần mãnh liệt và thuần khiết đã phá vỡ mọi phạm trù trước đó. Vợ chồng Maritain không bao giờ có thể xóa khỏi tâm trí họ cuộc gặp gỡ đầu tiên với tinh thần thuần khiết này.
Một điều khác cần nói về Bloy: ngôn ngữ của ông có tính khinh miệt và thô bạo đối với chủ nghĩa duy vật bình thường, an toàn, nhàm chán của nền văn hóa Pháp đương thịnh. Ông đặc biệt ghê tởm tôn giáo tư sản, với những tính toán vụn vặt về công phúc và công họa của nó. Trong cơn giận dữ nổ tung như sấm chớp của mình, Bloy phân biệt sắc cạnh giữa sự tự mãn thiển cận của tôn giáo sai lầm và việc theo đuổi Thể tuyệt đối một cách say mê của tôn giáo chân chính. Cuốn tiểu thuyết mạnh mẽ Người Đàn bà Nghèo của ông mở đầu bằng những chữ, “Nơi này hôi mùi Thiên Chúa” [3] Ở một chỗ khác, ông mô tả bài giảng Chúa Nhật không hữu hiệu của một linh mục như là “không khí hâm hấp tỏa ra từ đít một con gà mái” [4]. Bloy ghét tư sản bằng một nhấn mạnh thái quá vì tư sản đã tầm thường hóa mầu nhiệm của Kitô giáo. Ngôn ngữ của ông thô bạo hết thuốc chữa, sự khinh miệt của ông đối với tôn giáo sai lầm không ai sánh bằng. Chính con người của ông dường như muốn đưa ra thông điệp này: Nếu bạn định nói về tôn giáo, bạn phải nói về điều thực sự có. Đừng làm mờ ngọn lửa thực sự của Đấng tuyệt đối bằng lớp bụi được tìm thấy trong rất nhiều nhà thờ Pháp...
Nếu việc Henri Bergson thừa nhận vai trò của chủ thể tinh thần đã mở đường cho sự tự tin của vợ chồng Maritain đối với chính tinh thần đang tìm hiểu của họ, thì sự phân biệt sắc cạnh của Léon Bloy giữa tôn giáo thật và tôn giáo giả, giữa các tính toán nhỏ mọn của đa phần Kitô giáo Pháp và sự đam mê tìm kiếm Đấng Vô hạn, đã khai thông một phản bác quan trọng từng ngăn cản Raïssa và Jacques xem xét đức tin Công Giáo.
Giống như nhiều người Pháp trẻ tuổi, vừa thoát khỏi chủ nghĩa duy vật như thể thoát khỏi một hang động tối tăm và đi vào cuộc tìm kiếm đầy tươi sáng điều chân, điều thiện, điều mỹ và Tình yêu vô bờ bến, vợ chồng Maritain chỉ thấy một con đường. Tiếp tục theo chủ nghĩa duy lý chắc chắn sẽ giữ riết họ trong thuyết duy tương đối và do đó, phải từ bỏ lý trí. Tại tâm điểm của vũ trụ, cần phải có một lực đẩy hướng tới cái thực chất nhất của mọi thực tại, nhờ đó tất cả những gì hiện hữu đều đã nảy sinh. Tóm lại, chỉ có Kitô giáo mới giải đáp được tất cả những khao khát của tinh thần con người. Đối với những người được Bloy đánh thức, được kèm cặp bởi các đòi hỏi khắt khao của toàn bộ vương quốc của Đấng Tuyệt đối, chỉ có Công Giáo mới là Kitô giáo đầy đủ và ngay thẳng; phiên bản mềm của phong trào Thệ Phản dường như là một loại “Kitô giáo nhẹ kí” [5].
Nhưng Raïssa và Jacques, giống như hàng trăm người khác đã có cùng một kinh nghiệm tương tự, không thể thấy trong Giáo Hội Công Giáo một ngôi nhà đáng tin cậy. Những tội lỗi lịch sử và bộ mặt tư sản ở thế kỷ 19 của nó khiến nó bị coi là “cái đống phân đó” [6]. Những kiểu nói rất thô lỗ của Léon Bloy thù ghét các hình thức Công Giáo sai lầm này đã thổi bay Raïssa và Jacques khỏi sự bế tắc này. Họ đã được giải thoát khỏi bị dẫn sai bởi thứ tôn giáo sai lầm và được mở đường đi vào Tôn Giáo Thực có tính đòi hỏi hơn nhiều.
Léon Bloy đã dạy vợ chồng Maritain rằng Thiên Chúa phải được ngỏ lời như Đấng Tuyệt đối, Đấng Tạo hóa và Người yêu thương toàn diện, Đấng đòi hỏi con cái mình mọi thứ. Mọi điều. Hãy nhìn tượng chịu nạn treo trên tường: đây là điều mà Thiên Chúa đòi hỏi chính Con của Người. Làm thế nào Người có thể đòi hỏi ít hơn nơi những người còn lại là chúng ta? Thật vậy, Thiên Chúa cảnh cáo chúng ta rằng mỗi người chúng ta sẽ phải vác lấy thập giá của mình, đi theo những viên đá trên đường lên đồi Canvê, và chết cho chính mình. Chúa nhân lành không ban cho các Kitô hữu những lời hứa hão huyền. Người nói với chúng ta sự thật thẳng thắn và đầy đòi hỏi: chúng ta sẽ đau khổ. Chúng ta có thể trở thành những người tử vì đạo. Mỗi người trong chúng ta đều được đòi hỏi mọi thứ. Vợ chồng Maritain đã chứng kiến cảnh Bloy phải chịu đựng cảnh nghèo khổ cay đắng như thế nào trong nhiều năm, thậm chí cả nỗi đau khi chứng kiến những đứa con của mình gần như không sống sót. Ông nói thế nào ông sống như vậy.
Léon Bloy đã phát sinh hai thiện ích lớn lao trong linh hồn vợ chồng Maritain. Thiện ích đầu tiên, chính ông đã hiện thân cho họ tinh thần rực lửa của con người, tràn đầy sức sống trong mọi hành vi đặt câu hỏi, tìm kiếm và bất chấp tương lai vô định. Bloy dạy họ cách sống bằng chính tinh thần của họ ra sao. Ông chỉ cho họ cách vượt qua bức tường phòng thủ của chủ nghĩa duy vật. Thứ hai, Bloy xóa sổ vụ tai tiếng lớn về sự tự mãn thiển cận của tầng lớp trung lưu mà họ đã trải nghiệm trong Giáo hội. Trong chính con người của mình, Bloy đã đưa họ tiếp xúc với một loại đức tin nội tâm Công Giáo hoàn toàn khác. Tinh thần của Bloy giờ đây bừng lửa, truyền cảm hứng và hướng dẫn vợ chồng Maritain. Đối với Bloy và cả họ đều không thể chỉ mong muốn được ngồi trên băng ghế nhà thờ. Bloy dạy họ phải cho đi mọi thứ, phải khao khát ngày càng cao hơn. Đây chính là những gì Jacques và Raïssa mong muốn và yêu cầu. Không có gì kém hơn làm họ hài lòng. Họ biến lời nói của Bloy thành lời nói của riêng họ và Jacques lặp lại điều này hơn một lần. Đó là câu cuối cùng của Người Đàn Bà Nghèo: “Chỉ có một nỗi khốn cùng… và đó là không trở nên thánh” [7].
Hãy xem xét đoạn văn sau đây của Erasmo Leiva-Merikakis từ bộ sưu tập xuất sắc của Deal Hudson và Matthew Mancini, Hiểu Maritain: Triết gia và Người bạn:
“Jacques, Raïssa, và em gái của bà, Vera Oumançoff, đã được rửa tội, với Léon Bloy là cha đỡ đầu chung của họ, chưa đầy một năm sau khi gặp ông ta. Rõ ràng là tốc độ hoán cải phải được gán cho sức mạnh trổi vượt của chứng tá sống động hơn là việc tranh luận. Trước khi họ khám phát ra Henri Bergson, Jacques và Raïssa chẳng là gì nếu không muốn nói là lý luận và duy lý, và con đường chứng minh hợp lý tuyệt đối này đã khiến họ tuyệt vọng. Nhưng điều mà Jacques và Raïssa không thể tìm thấy ngay cả trong lý thuyết trực giác của Bergon, họ đã tìm thấy trong đức tin Kitô giáo của Bloy, là Logos sống động, với tất cả những vang vọng mà từ ngữ này vốn mang cho một Origen thành Alexandria. Bloy làm trung gian cho họ chủ yếu không phải như một nguyên tắc triết học của trật tự tinh thần mà như một lời nói sống động liên tục được Người tình của Nhân loại đem vào trái tim con người [8].
Cũng thực sự có ích khi xem lại chương thứ hai của cuốn Untrammeled Approaches (Các Phương thức không bị Cản trở), “Để tỏ lòng kính trọng Cha Đỡ đầu thân yêu của chúng tôi, Léon Bloy” [9]. Ở đây, chính Maritain đã nói trong tám chữ việc Léon Bloy có ý nghĩa gì với ông và Raïssa: “Không có ông, chúng tôi đã không trở thành các Kitô hữu”[10].
Maritain mô tả Bloy như một loại nhà tiên tri gây kinh ngạc, thiên tài trực giác phi thường, trong một trạng thái nguyên thủy hoang dã, được Chúa Thánh Thần chiếm hữu. Ông tràn đầy các hồng phúc siêu nhiên có sức mạnh phi thường kết hợp với sự nhạy cảm của một nhà thơ thuần túy, trong đó các cách thức và công cụ của lý trí hầu như không đóng vai trò gì cả - “Tôi chỉ hiểu những gì tôi đồ đoán,” ông thích nói như vậy đến nỗi không ngạc nhiên gì khi, đôi lúc, thấy nơi ông, cùng với trực giác thấu hiểu kỳ lạ của một người nhìn xa trông rộng, giúp ông có thể đụng tới những điều khôn tả và tiết lộ những sự thật sâu sắc nhất, một sự ngây thơ to lớn cũng như những vấn đề có tầm quan trọng thứ yếu. Chúng ta cũng phải lưu ý, và chính ông đã làm như vậy, rằng ông đã trải qua những thôi thúc to lớn của một tình yêu bị ám ảnh bởi lòng khao khát Thiên Chúa vốn tràn bờ và vì vậy, do bản chất yêu thương trìu mến của ông, cuộc sống của ông tràn đầy những lầm lỗi, những hối hận, những xưng thú, và những tái phạm, khiến ông bị hành khổ bởi niềm âu lo xao xuyến tinh thần giữa cảnh túng quẫn vật chất [11].
Nhưng món nợ của Maritain không phải là món nợ duy nhất [12]. Leiva-Merikakis bổ sung cho hồi ức của Maritain về Bloy bằng cách thêm các tài liệu bổ sung của cả Maritain lẫn những người bạn của ông như Georges Bernanos. Đích thân Bernanos viết, “Tôi nợ ông mọi sự” [13].
Pierre Termier làm chứng thêm về Bloy:
“Cùng một lúc… ông là quan tòa phục vụ công lý thần linh, người công bố Đấng Tuyệt đối, người ăn mày cầu nguyện trên các bậc thềm nhà thờ; tuy nhiên ông là một nghệ sĩ, vì ông không thể tưởng tượng được rằng Thiên Chúa không phải là chính vẻ đẹp, và vì ông muốn đưa vào tác phẩm của mình một sự phản chiếu rực rỡ nhất bao nhiêu có thể về thị kiến vinh quang vốn có ở trong Người. Không có gì đẹp đủ cho tượng đài được ông xây dựng; không có gì đẹp đủ cho Sự thật và cho Tình yêu. Ông viết ở đâu đó, “Tôi muốn là nhà điêu khắc của Lời”: một nhà điêu khắc không bao giờ hài lòng, đời đời mơ ước những phiến đá hoa cương không thể khám phá ra và những chất đồng mà bí quyết đã bị đánh mất. Cả sự khắc nghiệt đáng sợ của cuộc sống ông, cũng như sự bất công liên tục của con người, cũng như sự im lặng quá kéo dài của Thiên Chúa vẫn không có khả năng kiềm chế được lòng hăng hái của ông” [14].
Và rồi là lời của Leiva-Merikakis:
“Thành thử, tôi cho rằng Jacques Maritain mắc nợ hình dạng số phận tôn giáo của mình nơi “hiện tượng Léon Bloy” cũng như ông mắc nợ hình dạng của số phận trí thức của mình nơi Thánh Thomas. Thật vậy, Jacques thấy tình yêu của Thánh Thomas đối với sự thật khách quan được dự ứng trong chính con người rất phi triết học là Bloy [15].
Đối với Bernanos, đối với Jacques và Raïssa Maritain, và đối với nhiều người khác, Bloy đã kéo lại bức màn của Kitô giáo tư sản. Bằng cuộc sống của mình, ông đã tiết lộ Lời cháy bỏng của Thiên Chúa. Theo lời của Leiva-Merikakis:
“Không ngoa khi nói rằng Bloy đứng hoàn toàn đơn độc như một bước ngoặt không thể tranh cãi trong nền văn học và lòng đạo đức Công Giáo hiện đại — như chất xúc tác có tính quyết định trong cuộc canh tân tôn giáo và văn hóa, vốn bác bỏ nhiều khuôn mẫu của Công Giáo tư sản thế kỷ 19 và phá vỡ nhiều hình thức và quy ước giáo luật từ lâu vốn giam giữ ngọn lửa của Lời Thiên Chúa” [16].
Ghi chú
(*) Trong một diễn văn với Hiệp Hội Maritain Hoa kỳ vào tháng 2 năm 2016.Michael Novak (1933-2017) thành lập tạp chí Crisis với Ralph McInerny in 1982.
[1] Trích trong Erasmo Leiva-Merikakis, “Léon Bloy và Jacques Maritain: Anh em ở Eremo,” trong Understanding Maritain: Philosopher and Friend (Hiểu Maritain: Triết gia và Bạn bè), hiệu đính bởi Deal W. Hudson và Matthew J. Mancini (Macon, GA: Nhà xuất bản Đại học Mercer, 1987), 73.
[2] Xem Ralph McInerny, “Matins (1881-1906),” trong The Very Rich Hours of Jacques Maritain (Những giờ phút rất phong phú của Jacques Maritain) (Notre Dame, IN: University of Notre Dame Press, 2003), có tại: http://maritain.nd.edu/jmc/ etext / RichHours2.html.
[3] Léon Bloy, người dịch I. J. Collins, The Woman Who Was Poor (Người đàn bà nghèo) (New York: Sheed & Ward, 1947), 3.
[4] Tác giả không thể tìm thấy đoạn văn này, tuy nhớ rất rõ đã đọc Bloy ở trường đại học.
[5] Chẳng hạn, không giống như “Tội nhân trong tay Thiên Chúa Giận Dữ” của Johnathan Edward. Ở đây có sự khác biệt giữa Thệ phản và Công Giáo trong suy nghĩ. Edwards hình dung tội lỗi và giận dữ; Bloy nhấn mạnh Đấng Vô hạn so với thể hữu hạn nhỏ nhoi.
[6] Leiva-Merikakis, “Léon Bloy và Jacques Maritain,” 118.
[7] Bloy, Người Đàn Bà Nghèo, 356.
[8] Leiva-Merikakis, “Léon Bloy và Jacques Maritain,” 82.
[9] Jacques Maritain, Untrammeled Approaches, The Collected Works of Jacques Maritain ( Các Phương pháp không bị cản trở, Sưu tập các công trình của Jacques Maritain), tập. 20, bản dịch của Bernard Doering (Notre Dame, IN: University of Notre Dame Press, 1997), 27-45.
[10] Đã dẫn, 27.
[11] Đã dẫn, 29.
[12] Raïssa cũng kể lại một câu chuyện cảm động về cuộc trao đổi của bà với Bloy trên giường bệnh của ông, được trích dẫn trong Untrammeled Approaches, 34:
Ông qua đời vào thứ Bảy, ngày 3 tháng 11 năm 1917, "khoảng buổi tối vào giờ đọc kinh Sai Thiên thần, không một tiếng kêu chết chóc và không đau đớn". “Vào ngày 31 tháng 10,” Raïssa viết trong Les Grandes Amitiés, “Khi tôi ở bên giường ông, ông đã thú nhận với tôi rằng ông rất đau khổ. ‘Bố đau khổ vì những đứa con đỡ đầu của bố’ tôi nói thế với mong muốn rất lớn là giúp ông một cách nào đó, nhưng ông bảo tôi: ‘Sự hèn hạ của bản chất bố đã được chuộc hết…’. Giọng ông rất khó nghe và tôi không nghe thấy những lời cuối cùng. ‘Bố ao ước có thể làm được điều gì đó cho con,” một lúc sau ông nói với vẻ dịu dàng. Và tôi trả lời, trái tim tôi vỡ òa vì xót thương: 'Bố đã làm mọi sự cho con rồi, kể từ ngày bố đưa con đến chỗ biết Thiên Chúa'. Tôi nói thêm, ‘con ước ao có thể mang hết các đau khổ của bố lên con’. ‘Con đừng nói thế’ ông nói với một sự hoạt bát nào đó, và rồi nhìn tôi nghiêm nghị, ‘con không biết con đang xin gì’.
Nếu bạn nói như trên với đứa con đỡ đầu của ông, đó là vì ông nhớ lại ngày khi, nhờ được thúc đẩy bởi đức tin sống động của ông vào mầu nhiệm Các Thánh Thông Công, ông đã xin được chịu “mọi đau khổ mà một người có thể chịu đựng được, để bạn bè ông, anh em ông và các linh hồn xa lạ với ông, đang sống trong tối tăm có thể nhận được sự giúp đỡ”, và đó cũng là vì ông nhớ đến cách thức khủng khiếp trong đó lời cầu nguyện của ông đã được khấng nghe”.
[13] Đã dẫn, 30.
[14] Đã dẫn, 27-28.
[15] Leiva-Merikakis, “Léon Bloy and Jacques Maritain,” 72.
[16] Đã dẫn, 75.
1. Cảm tử quân Ukraine tấn công vào bộ chỉ huy tiền phương của quân Nga, 2 tướng Nga ra đi ngay tại chỗ, một tướng khác đang cấp cứu
Hôm thứ Bảy, Thiếu tướng Kyrylo Budanov, Tổng cục trưởng Tình báo của Bộ Quốc phòng Ukraine loan báo rằng một cuộc tấn công vào bộ chỉ huy tiền phương của quân Nga, ở khu vực miền nam Kherson đã giết chết hai tướng lĩnh Nga.
Ông nói:
“Vào ngày 22 tháng 4, Lực lượng vũ trang Ukraine đã giáng một đòn kinh hoàng vào bộ chỉ huy tiền phương của Quân đoàn vũ trang tổng hợp 49 của quân đội chiếm đóng của Nga nằm cách chiến tuyến ở khu vực Kherson một quãng ngắn. Kết quả: Điểm chỉ huy chiến trường của Quân đoàn vũ trang tổng hợp 49 đã bị phá hủy. Hai tướng lĩnh của quân xâm lược đã bị loại khỏi vòng chiến, và một tướng khác bị thương nặng và được di tản trong tình trạng nguy kịch”.
Danh tính các tướng Nga bị giết chết sẽ sớm được Tổng cục Tình báo của Bộ Quốc phòng Ukraine loan báo sau khi xác minh cụ thể.
Các nhà quan sát và phân tích quân sự cho rằng các vấn đề liên lạc và phong cách chỉ huy từ trên xuống đã buộc các sĩ quan hàng đầu của Nga phải có mặt ở các vị trí tiền tiêu để giải quyết các vấn đề chiến thuật. Cho đến nay, chỉ sau hai tháng giao tranh, ít nhất 9 tướng lãnh hàng đầu của Nga đã bị giết. Nói ít nhất là 9 vì trường hợp của Đại Tá Andrei Paliy, Tư Lệnh Phó Hạm Đội Hắc Hải. Andrey Paliy đã có quyết định trở thành Chuẩn đô đốc Hạm đội Biển Đen của Nga nhưng chưa kịp về Mạc Tư Khoa nhận lon mới thì đã tử trận. Nếu tính ông ta là tướng thì có 10 tướng Nga đã tử trận cho đến nay.
Các nhà phân tích tại Viện Chiến lược và An ninh Giêrusalem và Viện Quan hệ Quốc tế Pháp cho rằng số lượng tướng Nga bị giết trong cuộc xâm lược Ukraine năm 2022 của Nga cho thấy tinh thần kém cỏi của các lực lượng Nga và việc tiến vào Ukraine chậm chạp đã buộc các sĩ quan cấp cao tự đặt mình vào tình thế rủi ro trong nỗ lực đạt được các mục tiêu quân sự. Ngoài những sĩ quan nổi bật này, một số sĩ quan cấp cao đã bị quân Ukraine; vào ngày 23 tháng 3, quan chức Ukraine Mykhailo Podoliak tuyên bố rằng lực lượng của họ đã tiêu diệt “hàng chục đại tá và các sĩ quan khác”.Tờ Times thống kê được ít nhất 5 đại tá Nga bị giết ở Ukraine cho đến nay. Một quan chức Ukraine nói với The Wall Street Journal rằng một đơn vị tình báo quân đội Ukraine đang thu thập thông tin về vị trí của các sĩ quan Nga, bao gồm các tướng lĩnh, chỉ huy pháo binh và phi công.
Theo các nhà phân tích và các quan chức phương Tây, Nga đã triển khai khoảng 20 sĩ quan cấp tướng tới Ukraine. Michael McFaul, cựu đại sứ Hoa Kỳ tại Nga, mô tả số lượng tướng Nga bị giết là “một con số gây sốc”, trong khi David Petraeus, cựu giám đốc CIA, nhận xét rằng số lượng tướng bị giết nhiều như vậy, trong một thời gian ngắn như thế là “rất hiếm”. Tờ Washington Post tuyên bố rằng các tướng lĩnh “bị giết với tỷ lệ chưa từng thấy kể từ Thế chiến thứ hai”.
2. Tổng thống Zelenskiy: Ukraine sẽ ngừng đàm phán nếu Nga tàn sát Mariupol và tổ chức các cuộc trưng cầu dân ý giả
Hôm thứ Bảy, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho biết rằng nếu người Ukraine ở thành phố Mariupol bị giết bởi lực lượng Nga và nếu Nga tổ chức các cuộc trưng cầu dân ý “giả” ở các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng, Ukraine sẽ ngừng đàm phán với phía Nga.
Zelenskiy cũng nhắc lại sự sẵn sàng gặp gỡ với Tổng thống Nga Vladimir Putin, và nói rằng “Tôi không có quyền sợ hãi” vì người dân Ukraine đã cho thấy họ không sợ quân đội Nga.
“Về chủ đề cuộc gặp với tổng thống Nga, vâng, tôi sẽ bắt đầu với vấn đề chấm dứt cuộc chiến. Có một con đường ngoại giao, và một con đường quân sự. Vì vậy, bất kỳ người lành mạnh và tỉnh táo nào cũng luôn chọn con đường ngoại giao, vì họ biết dù khó khăn đến mấy cũng có thể chặn đứng những thiệt hại hàng nghìn, hàng chục nghìn. Và với những người hàng xóm như thế này, con số sẽ là hàng trăm nghìn và có thể hàng triệu nạn nhân,” ông nói trong khi tổ chức một cuộc họp báo ở một ga tàu điện ngầm.
Tổng thống Zelenskiy nói rằng “chẳng có gì phải sợ” khi gặp Putin, nhưng rất khó để tin tưởng những gì Nga nói.
“Không có sự tin tưởng nào đối với Nga. Nước Nga và sự tin cậy không phải là những từ đồng nghĩa, đó là những từ trái nghĩa. Bởi vì họ luôn nói một đàng và làm một nẻo.”
Zelenskiy cho biết các cuộc đàm phán có thể xảy ra trong tương lai ở Thổ Nhĩ Kỳ phụ thuộc vào Putin, và Tổng thống Ukraine nhắc lại sự sẵn sàng tham gia các cuộc đàm phán.
Zelenskiy cũng cho biết Kyiv “thường xuyên liên lạc” với người Ukraine ở Mariupol nhưng không thể chia sẻ chi tiết về các cuộc đàm thoại vì an ninh của họ. “Đây là những người của chúng tôi và thị trấn của chúng tôi,” ông nói.
3. Phụ nữ và trẻ em cầu xin sự giúp đỡ trong video từ Azovstal bị bao vây
Thủy Quân Lục Chiến và Lữ đoàn Azov đã đưa ra một video cho thấy có nhiều phụ nữ và trẻ em trong nhà máy thép Azovstal đang bị bao vây ở Mariupol.
Những phụ nữ và trẻ em này nói rằng họ đang “cạn kiệt sức lực” và cần phải được di tản khẩn cấp đến lãnh thổ do Ukraine kiểm soát.
Trong đoạn video được quay vào thứ Năm, một phụ nữ nói rằng thức ăn và nước uống gần như cạn kiệt, và mọi người “trên bờ vực của cái đói”.
“Tất cả các khoản dự phòng chúng tôi mang theo đều sắp hết. Chẳng bao lâu nữa chúng tôi sẽ không có đủ thức ăn cho lũ trẻ.”
“Chúng tôi đang ở đây và cần giúp đỡ. Chúng tôi đang ở tâm điểm của các sự kiện và chúng tôi không thể thoát ra. Con tôi cần được di tản đến một khu vực yên bình và những người khác cũng vậy. Chúng tôi cầu xin sự bảo đảm an toàn cho những đứa trẻ của chúng tôi.”
4. Thị trưởng Odesa cho biết 8 người chết trong các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn của Nga ở miền Nam Ukraine
Thị trưởng Odesa Hennadii Trukhanov cho biết trong một tuyên bố trên Telegram rằng, tổng cộng 8 người đã thiệt mạng tại thành phố cảng Odessa, sau các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn của Nga.
“Sau lưng tôi là thứ mà người Nga gọi là mục tiêu quân sự,” anh nói. “Một tòa nhà dân cư mà họ vì lý do nào đó gọi là vật thể quân sự. Tám người chết. Một đứa trẻ mới ba tháng tuổi nằm trong số đó. Cháu chưa kịp nhìn thấy cuộc sống thanh bình. Các bạn người Nga là những con quái vật, sẽ bị thiêu đốt trong địa ngục”.
Trong một tuyên bố riêng, chính quyền địa phương cho biết công tác cấp cứu vẫn đang được tiến hành trong một tòa nhà dân cư bị hư hại. Tổng cộng 86 người đã được di tản, và các đống đổ nát vẫn đang được tháo dỡ.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho biết trong một cuộc họp báo, 18 hoặc 20 người đã bị thương trong cuộc tấn công.
Một em bé ba tháng tuổi và mẹ của em là một trong số tám người thiệt mạng hôm nay trong một cuộc tấn công hỏa tiễn ở Odesa.
Trong một bài đăng trên mạng xã hội vào tháng 2, ngay trước cuộc xâm lược, người mẹ đã viết về việc trải qua “một mức độ hạnh phúc hoàn toàn mới” khi cô con gái nhỏ của mình nhận được những bông hoa đầu tiên từ bố cháu.
Vụ giết em bé khiến tổng thống Volodymyr Zelenskiy nói trong cuộc họp báo hôm thứ Bẩy: “Họ đã giết một em bé ba tháng tuổi. Cuộc chiến bắt đầu khi đứa bé này mới được một tháng tuổi. Bạn còn có thể tưởng tượng những gì đang xảy ra? Họ chỉ là những kẻ khốn nạn. Chỉ là những tên khốn. Tôi không có bất kỳ từ nào khác để sử dụng trong bối cảnh này. Họ chỉ là những kẻ khốn nạn”.
5. Ukraine tuyên bố công dân Mariupol bị trục xuất cưỡng bức đến vùng Viễn Đông của Nga để lao động khổ sai
Các quan chức Ukraine hôm thứ Bảy tuyên bố rằng Nga đã trục xuất công dân Mariupol đến Primorsky Krai ở vùng Viễn Đông của Nga để lao động khổ sai.
“Nga đã bắt cóc các công dân Ukraine, đưa họ từ Mariupol đến Primorsky Krai - cách quê hương của họ 8.000 km,” Ủy viên nhân quyền Quốc Hội Ukraine Denisova cho biết như trên.
Theo Denisova, các tình nguyện viên cho cô biết một chuyến tàu đến thành phố Nakhodka vào ngày 21 tháng 4 với 308 người Ukraine từ Mariupol, bao gồm các bà mẹ có con nhỏ, những người khuyết tật và học sinh.
Denisova cũng đăng các bức ảnh cho thấy các công dân Ukraine đến ga tàu trong bài đăng trên Telegram của cô.
Petro Andriushchenko, cố vấn của thị trưởng Mariupol, cũng tuyên bố vào ngày 21 tháng 4, “Người Nga đã đưa 308 cư dân Mariupol bị trục xuất đến Vladivostok.”
Bức điện chính thức của thị trưởng Mariopul cho biết 90 trong số 308 cư dân bị trục xuất là trẻ em.
“Mọi người bị đưa vào trong trường học và ký túc xá. Sau đó, họ bị đưa đến các khu định cư khác nhau của Primorsky Krai.”
Ảnh và video được công bố trên cổng thông tin địa phương của Nga ở Vladivostok, vl.com, cũng cho thấy những người di tản từ Mariupol đến bằng tàu hỏa.
Denisova cũng tuyên bố các cư dân Mariupol đã được đưa bằng xe buýt đến chỗ ở tạm thời ở thành phố Wrangel và dự kiến sẽ nhận được các tài liệu mới buộc họ phải làm việc ở Nga.
“Quân xâm lược Nga vi phạm nghiêm trọng các quy định tại Điều 49 của Công ước Geneva liên quan đến Bảo vệ dân thường trong thời gian chiến tranh, cấm cưỡng bức di dời hoặc trục xuất những người khỏi các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng,” Denisova nói thêm trong bài đăng trên Telegram của mình.
6. Zelenskiy cho biết Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ sẽ thăm Kyiv vào Chúa Nhật
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho biết, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin sẽ thăm thủ đô Kyiv của Ukraine vào ngày Chúa Nhật 24 tháng Tư.
“Tôi không nghĩ rằng những người từ Hoa Kỳ sẽ đến với chúng tôi vào ngày mai là một bí mật cần phải che dấu. Ngoại trưởng Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin là những vị sẽ đến với chúng ta,” tổng thống Zelenskiy nói trong một cuộc họp báo được tổ chức trong một ga tàu điện ngầm ở Kyiv.
Tổng thống Zelenskiy cũng cho biết, “chúng ta sẽ mong đợi, khi an ninh cho phép, Tổng thống Hoa Kỳ sẽ đến và nói chuyện với chúng ta.”
Tổng thống Mỹ Joe Biden tuần trước cho biết ông vẫn đang làm việc với nhóm của mình để xác định xem liệu ông có nên cử một thành viên cấp cao trong chính quyền của mình tới Ukraine hay không.
Vào ngày Chúa Nhật, nhiều người Ukraine sẽ cử hành Lễ Phục sinh, theo lịch Julian.
Thủ tướng Anh Boris Johnson đã đến thăm Zelenskiy ở Kyiv vào ngày 9 tháng Tư.
7. Các thống đốc ở các khu vực ở miền đông Ukraine đã mô tả cuộc giao tranh “ác liệt” với các lực lượng Nga.
Thống đốc khu vực phía đông Kharkiv, Oleg Sinegubov, cho biết trên Telegram rằng Kyiv đã giành lại quyền kiểm soát ba ngôi làng gần biên giới Nga sau “các trận chiến ác liệt”.
“Các đơn vị của chúng ta đã đuổi quân Nga ra khỏi các khu định cư Bezruki, Slatine, Prudyanka,” ông nói, đồng thời cho biết thêm rằng người Ukraine đang “bảo đảm các vị trí chiến lược của họ”.
Ông cho biết khi rút lui quân Nga đã pháo kích vào các tòa nhà dân cư, giết chết hai người.
Trong khi đó, thống đốc của Luhansk, Sergiy Gaiday, cho biết liên tục có pháo kích. “Có những cuộc pháo kích suốt ngày đêm,” Gaiday nói và nhấn mạnh thêm rằng các lực lượng Nga “tiếp tục tấn công” các thành phố Rubizhne và Severodonetsk.
Ông kêu gọi mọi người “di tản nếu các bạn có cơ hội”, và nói rằng các tình nguyện viên đang giúp mọi người rời khỏi khu vực.
8. Người tị nạn Ukraine ở Warsaw đánh dấu Lễ Phục sinh Chính thống giáo xa nhà
Vào một buổi chiều thứ Bảy đầy nắng ở Warsaw, một đám đông người đổ ra từ cổng của Nhà thờ Chính thống giáo Đông phương Thánh Maria Magdalena. Nhiều gia đình mang theo những chiếc giỏ đan bằng vải thêu dứng thành hàng dài trên đường phố quanh các bức tường của nhà thờ. Mặc dù Thứ Bảy Tuần Thánh là một trong những ngày bận rộn nhất đối với bất kỳ nhà thờ Chính thống giáo Đông phương nào, điều này thật bất thường đối với một giáo xứ thường chỉ phục vụ 1.000 tín hữu.
“Chúng tôi chưa bao giờ thấy bất cứ điều gì như thế này. Chúng tôi không bao giờ phải ban phép lành bên ngoài nhà thờ,” cha xứ 86 tuổi, Anatoli Szydłowski, người đã đứng ở lối vào nhà thờ, cố gắng chỉ đạo đám đông ngày càng đông kể từ 11 giờ sáng. Ngài bận rộn hướng dẫn mọi người, chúc lành cho món ăn Phục sinh của họ, cho đến khi thánh lễ bắt đầu lúc 8 giờ tối. Tuy nhiên, ngài không vui mừng về sự gia tăng đột ngột của các tín hữu trong giáo xứ của mình. “Chúng tôi không phải làm điều đó trước đây bởi vì chúng tôi không có chiến tranh,” ông nói. “Tất cả họ ở đây vì chiến tranh.”
Milena Guliyan, 36 tuổi, người lớn lên trong một gia đình Chính thống giáo Đông phương ở Podlasie, một quận ở phía đông bắc Ba Lan, nói: “Bạn chắc chắn có thể cảm nhận được 300.000 người đến Warsaw từ Ukraine.” Cô ấy nói rằng khi ở quê nhà, cô thấy nhiều người theo Chính thống giáo, nhưng sau khi chuyển đến Warsaw 10 năm trước, cô ấy nhận thấy rằng nhiều người bạn của cô ấy chưa bao giờ nghe nói về Giáo Hội Chính Thống Giáo của cô ấy.
Nhưng bất chấp đám đông, nhiều người đến để xin chúc phúc cho các món ăn của họ - trứng sơn màu, xúc xích và bánh Phục sinh truyền thống, “pascha” – vẫn cảm thấy đơn độc.
Oksana Bojczuk, 26 tuổi, đã sống ở Ba Lan hai năm nhưng chưa bao giờ cử hành lễ Phục sinh xa nhà. Gia đình cô đang ở Kherson, hiện đang bị Nga chiếm đóng, và đây là lần đầu tiên cô không chia sẻ bữa sáng Lễ Phục sinh với họ. “Hòa bình” là từ duy nhất cô nói khi được hỏi về hy vọng của mình trong kỳ nghỉ năm nay.
Kateryna Shukh, một nhà tâm lý học đã trốn sang Ba Lan từ Mariupol khi chiến tranh bắt đầu cho biết: “Mùa này thật khó khăn, nhưng chúng tôi cố gắng để cứu con mình khỏi những cảm giác khó khăn này”. Hiện cô làm việc cho một tổ chức phi chính phủ, Human Doc, nhóm trị liệu hàng đầu dành cho người lớn và trẻ em tị nạn.
Trong buổi học cuối cùng với những đứa trẻ mới biết đi từ Mariupol, cô đã yêu cầu bọn trẻ vẽ và trang trí những chú gà con Lễ Phục sinh, nhưng nhiều em lại chọn cách vẽ khác, thể hiện xe tăng và bệ phóng hỏa tiễn của Nga.
Shukh hy vọng sẽ cùng ông bà đến nhà thờ vào thứ Bảy, nhưng thay vào đó, cô sẽ ở biên giới, đón một chuyến xe buýt khác của những người tị nạn từ Mariupol.
“Một số người, đặc biệt là từ Lviv và Kyiv, trở về nhà trong kỳ nghỉ lễ, vì cuộc sống tị nạn không dễ dàng,” cô nói. “Nhưng tôi không có cơ hội này vì thành phố của tôi gần như bị phá hủy hoàn toàn. Những người từ Mariupol không thể quay trở lại, ngay cả khi họ thực sự, rất muốn”.
1. Quân Nga tại Kherson đang hoang mang, Ukraine giành lại quyền kiểm soát tám khu định cư ở khu vực Kherson
Trong vùng Kherson, miền nam Ukraine, quân Nga đang cố gắng tổ chức một “cuộc trưng cầu dân ý” giả tạo để tuyên bố thành lập một “nước cộng hòa” tách khỏi Ukraine.
Để chuẩn bị cho kế hoạch này, quân Nga đã cố gắng tăng cường tấn công. Tuy nhiên, Thiếu tướng Kyrylo Budanov, Tổng cục trưởng Tình báo của Bộ Quốc phòng Ukraine loan báo rằng, trong một diễn biến thật bất ngờ một cuộc tấn công vào bộ chỉ huy tiền phương của quân Nga, ở khu vực miền nam Kherson đã giết chết hai tướng lĩnh Nga, và làm một tướng khác rơi vào tình trạng thập tử nhất sinh.
Trong bối cảnh quân Nga đang hoang mang, các Lực lượng Vũ trang Ukraine đã giành lại quyền kiểm soát đối với 8 khu định cư trên khắp vùng Kherson.
Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết quân Nga xuống tinh thần và như rắn mất đầu, nên các nỗ lực của Nga nhằm chiếm Oleksandrivka và Tavria, cũng như Mykolayivka, đã bị khựng lại.
Hơn thế nữa, các đơn vị Ukraine ở khu vực Kyselivka, đã mở cuộc tấn công vào các lực lượng Nga đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công. Quân Nga bị tổn thất nặng nề và phải rút lui về phía Chornobaivka.
Chỉ tính riêng trong ngày thứ Bẩy 24 tháng Tư, thiệt hại mà quân đội Nga phải gánh chịu bao gồm 74 quân nhân và 13 đơn vị trang bị hạng nặng, bao gồm hai xe tăng chiến đấu chủ lực, một hệ thống phóng hỏa tiễn, sáu xe bọc thép và công binh, cùng bốn máy bay không người lái trinh sát.
Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết thêm, hôm 23 tháng Tư, máy bay ném bom chiến lược Tu95 của Nga đã phóng hỏa tiễn xuống Odessa.
Ba trong số tám hỏa tiễn bị bắn hạ, 5 cái còn lại trúng các cơ sở hạ tầng của thành phố, bao gồm một khu chung cư nhiều tầng và một nghĩa trang.
Theo thông tin cập nhật mới nhất, 8 người đã thiệt mạng do cuộc tấn công, trong đó có một trẻ sơ sinh 3 tháng tuổi; và 18 người khác bị thương.
Trong Vùng Tác chiến Biển Đen, lực lượng hải quân địch lên tới khoảng 20 chiếc, bao gồm cả tàu ngầm mang hỏa tiễn hành trình Kalibr. Quân đội Ukraine lưu ý rằng việc phong tỏa hàng hải trong khu vực và tiến hành trinh sát hàng hải và trên không, đang đặt ra mối đe dọa về các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn gần như trên toàn bộ lãnh thổ Ukraine.
Sau 22h, một cuộc tấn công hỏa tiễn khác vào vùng Odessa đã xuất phát từ biển. Hỏa tiễn của đối phương, được bắn về phía cảng biển Pivdennyi, đã bị lực lượng phòng không Ukraine bắn hạ.
2. Một thị trưởng Ukraine bị buộc tội phản bội vì nhận viện trợ từ Nga
Một thị trưởng Ukraine gần đây đã bị buộc tội phản quốc vì nhận viện trợ từ Nga trong bối cảnh chiến tranh giữa hai quốc gia đang diễn ra.
Trong một thông cáo báo chí hôm thứ Sáu, Văn phòng Tổng Công tố Ukraine cho biết Ivan Stolbovyi, nguyên là thị trưởng của Balakliia đã bị buộc tội “phản quốc và cộng tác” với Liên bang Nga.
Theo thông cáo báo chí, viên thị trưởng này được bầu vào năm 2015 và ngay sau khi lực lượng quân đội Nga xâm lược Ukraine, “thị trưởng đã quyết định đứng về phía kẻ thù.”
Thông báo hôm thứ Sáu được đưa ra vài tuần sau khi Kyiv Independent, trích dẫn các bình luận của người đứng đầu khu vực của Kharkiv, Oleh Synehubov, đưa tin rằng thị trưởng Balakliia đã bỏ trốn khỏi Ukraine và đến Nga cùng gia đình.
Tuyên bố cho biết vào ngày 28 tháng 3, thị trưởng Ivan Stolbovyi đã tổ chức một cuộc họp với hội đồng thành phố, nơi ông yêu cầu các quan chức thành phố “trung thành với lực lượng chiếm đóng và Liên bang Nga nói chung.”
“Cùng ngày, ông ấy đã tổ chức một cuộc họp với cư dân địa phương và thông báo về việc quân đội Nga cung cấp 'viện trợ nhân đạo', cũng như việc ông ấy đang đàm phán với lãnh đạo lực lượng chiếm đóng để thiết lập các tiện ích công cộng trong thành phố.”
Một vụ việc tương tự xảy ra trước đó vào tháng 3 khi Văn phòng Tổng công tố Ukraine mở cuộc điều tra về tội phản quốc chống lại Galina Danilchenko, người vừa được bổ nhiệm làm thị trưởng Melitopol, hiện đang nằm dưới sự kiểm soát của Nga.
Một số thành viên hội đồng thành phố ở Melitopol đã buộc tội Danilchenko “phản quốc, vì đã cố gắng thành lập một chính phủ ủng hộ quân xâm lược ở Melitopol.”
“Nghi phạm đã kêu gọi công dân Melitopol, và công dân Ukraine nói chung, ngừng chống lại lực lượng chiếm đóng”, Văn phòng Tổng công tố Ukraine cho biết như trên.
3. Ngũ Giác Đài cho rằng một đài truyền hình Nga thảo luận về việc tấn công hạt nhân vào Mỹ là liều lĩnh
Trên kênh truyền hình nhà nước Nga Russia-1, khách mời và những người dẫn chương trình đã rất hào hứng khi nói về ý tưởng của một cuộc tấn công hạt nhân nhắm vào Hoa Kỳ.
Diễn biến này xảy ra sau khi Nga phóng thử hỏa tiễn Sarmat vào hôm 21 tháng Tư. Sarmat là một hỏa tiễn hạng nặng đã được phát triển trong vài năm. Nó được thiết kế để thay thế hỏa tiễn Voyevoda do Liên Xô sản xuất, tạo thành cốt lõi cho lực lượng răn đe hạt nhân của Nga và được phương Tây đặt tên là Satan.
“Sarmat là tên lửa mạnh nhất có tầm bắn cao nhất trên thế giới và nó sẽ hỗ trợ đáng kể năng lực của các lực lượng hạt nhân chiến lược của đất nước”, Bộ Quốc phòng Nga cho biết trong một tuyên bố.
Trong các tin tức, hỏa tiễn Voyevoda được các phương tiện truyền thông Tây phương gọi là Satan I và Sarmat được gọi là Satan II.
Khi được yêu cầu bình luận về chương trình trên đài truyền hình Russia-1, cổ vũ cho ý tưởng bắn các hỏa tiễn với đầu đạn hạt nhân vào Hoa Kỳ, Thiếu tướng John Kirby, phát ngôn nhân Ngũ Giác Đài, cho rằng thảo luận về một cuộc tấn công hạt nhân vào Mỹ là một “sự liều lĩnh”.
“Đây là một thứ luận điệu liều lĩnh và vô trách nhiệm đến từ một cường quốc hạt nhân.”
“Đặc biệt là khi đề cập đến một thứ có sẵn trong kho vũ khí hạt nhân của Putin.”
Bình luận của Thiếu tướng Kirby được đưa ra một ngày sau khi một nhóm chuyên gia phân tích người Nga trên kênh truyền hình nhà nước Russia-1, nói về việc quân đội Nga bắn thử một hỏa tiễn có khả năng hạt nhân và cách nó có thể gây thiệt hại cho các khu vực ở Mỹ, chẳng hạn như Thành phố New York.
“Trong chương trình trên truyền hình nhà nước Nga: những người dẫn chương trình và những khách mời cười khúc khích không kềm chế được, trong khi thảo luận về các cuộc tấn công hạt nhân nhằm vào lãnh thổ lục địa của Hoa Kỳ. Bạn có thể tưởng tượng bất kỳ phương tiện truyền thông nổi tiếng nào của chúng ta có thể cười cợt với ý tưởng phá hủy các thành phố không?”
Theo The New York Times, ngay sau vụ phóng thử hỏa tiễn Sarmat, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nói: “Loại vũ khí thực sự độc đáo này sẽ buộc tất cả những ai đang cố gắng đe dọa đất nước chúng ta bằng những luận điệu điên cuồng và hiếu chiến phải suy nghĩ lại.”
Ngay sau khi Nga xâm lược Ukraine vào ngày 24 tháng 2, Putin tuyên bố rằng ông đang đặt vũ khí hạt nhân của Nga trong tình trạng báo động cao, để đáp trả các “tuyên bố gây hấn” của các quốc gia NATO, bao gồm cả Mỹ.
Bất chấp các răn đe hạt nhân của Putin, Tổng thống Mỹ Joe Biden nói vào cuối tháng 2 rằng người Mỹ không nên lo lắng về một cuộc chiến tranh hạt nhân với Nga.
Source:Newsweek
4. Nga điều tra báo cáo về lực lượng SAS của Anh ở Ukraine
Báo chí Nga cáo buộc rằng Anh quốc đã triển khai SAS tới vùng Lviv ở miền tây Ukraine.
Cơ quan điều tra nhà nước hàng đầu của Nga hôm thứ Bảy cho biết họ đang xem xét một báo cáo truyền thông Nga cáo buộc rằng SAS đã được điều đến vùng Lviv ở miền Tây Ukraine.
Hãng thông tấn RIA Novosti của Nga dẫn lời một nguồn tin an ninh Nga cho biết, khoảng 20 thành viên của SAS - một lực lượng quân sự tinh nhuệ được đào tạo để tiến hành các hoạt động đặc biệt, giám sát và chống khủng bố - đang hoạt động tại Ukraine.
Trong một tuyên bố, Ủy ban Điều tra của Nga cho biết họ sẽ theo dõi báo cáo rằng SAS đã được cử đến “để hỗ trợ các cơ quan đặc nhiệm Ukraine chống phá hoại trên lãnh thổ Ukraine”.
Bộ Quốc phòng Anh chưa có bình luận ngay lập tức về cuộc điều tra của Nga.
Anh đã cử các huấn luyện viên quân sự tới Ukraine vào đầu năm nay để hướng dẫn các lực lượng địa phương sử dụng vũ khí chống tăng. Vào ngày 17 tháng 2, một tuần trước cuộc xâm lược của Nga, Anh cho biết họ đã rút toàn bộ quân đội trừ những người cần thiết để bảo vệ đại sứ của Anh tại Kyiv.
Không rõ Ủy ban Điều tra dự định thực hiện những bước nào để đối phó với bất kỳ sự can dự nào của SAS ở Ukraine.
Sự hiện diện có thể có của các lực lượng từ một quốc gia NATO ở Ukraine là rất quan trọng vì Nga đã đưa ra cảnh báo phương Tây không được cản trở cuộc xâm lược Ukraine của họ.
Kể từ khi bắt đầu chiến tranh, Anh đã cung cấp cho Ukraine các loại vũ khí chống tầu chiến, phòng không và chống tăng hạng nhẹ, những vũ khí này đã tỏ ra hữu ích cho các binh sĩ Ukraine chống lại các phương tiện bọc thép của Nga.
Chính phủ Anh trong tuần này xác nhận rằng một số lượng nhỏ quân đội Ukraine đang được huấn luyện ở Anh lần đầu tiên kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược của Nga.
Người phát ngôn của Thủ tướng Boris Johnson cho biết các binh sĩ đã bắt đầu huấn luyện với các phương tiện tuần tra bọc thép do Vương quốc Anh tặng trong tháng này.
Người phát ngôn cho biết Anh, cùng với các đồng minh, đang cung cấp các loại thiết bị mới cho binh sĩ Ukraine mà họ có thể chưa sử dụng trước đây.
Các thành viên của chính phủ Ukraine đã đến thăm một trại quân sự vào tháng 4 trên Đồng bằng Salisbury của Vương quốc Anh, nơi họ được xem các thiết bị, sau đó là các cuộc thảo luận về cách chính phủ có thể cung cấp vũ khí.
Quân đội Anh đã huấn luyện các lực lượng Ukraine kể từ khi Crimea bị sáp nhập vào Nga năm 2014. Họ đã được rút vào tháng 2 để tránh xung đột trực tiếp với lực lượng Nga và khả năng NATO bị lôi kéo vào cuộc xung đột.
Source:Aljareza
5. Trung đoàn Azov báo cáo: Người Nga thả bom lên đầu trẻ em ở Mariupol trong lễ Phục sinh
Lễ Phục sinh này, quân xâm lược Nga tiếp tục pháo kích và cố gắng tấn công nhà máy Azovstal ở thành phố Mariupol bị bao vây, và tung ra các cuộc không kích vào đầu trẻ em.
Tuyên bố liên quan được đưa ra bởi Trung đoàn phó Azov, Đại úy Sviatoslav Palamar trong một video.
“Xin hãy nhớ rằng, ngay bây giờ khi bạn đang chia sẻ những hình ảnh Lễ Phục sinh và mong rằng có thỏa thuận ngừng bắn, kẻ thù đang thả bom xuống đầu những đứa trẻ vô tội ở Mariupol,” Palamar nói.
Theo lời của ông, người Nga tiếp tục mở các cuộc không kích vào quân và dân của Mariupol, bắn bằng đại bác, xe tăng và súng hải quân, và bộ binh đối phương đang cố gắng xông lên.
Palamar bày tỏ lòng biết ơn đối với những người đang cố gắng giúp đỡ, không phải bằng lời nói mà bằng hành động. Cư dân Mariupol cần được di tản khỏi khu vực nguy hiểm và quân đội Ukraine, chiến đấu chống lại lực lượng đông đảo của kẻ thù, cần thoát ra khỏi vòng vây. Palamar kêu gọi toàn bộ thế giới văn minh tham gia những nỗ lực này.
Xin nhắc lại rằng khoảng 1.000 dân thường và quân nhân Ukraine, trong đó có khoảng 500 người bị thương, đang ở trong nhà máy Azovstal ở Mariupol. Phía Ukraine yêu cầu Nga ngay lập tức bảo đảm hành lang nhân đạo từ nhà máy.
Source:UKRInform
6. Tổng thống Zelensky chúc mừng lễ Phục sinh của người Ukraine: Chúng ta cầu xin Chúa biến ước mơ vĩ đại của chúng ta thành hiện thực
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã chúc mừng các Kitô hữu Chính thống giáo Đông phương nhân Lễ Phục sinh.
Ông Zelenskiy nói:
“Vào Lễ Phục sinh, chúng ta cầu xin Chúa ban cho ân sủng lớn lao là có thể biến ước mơ vĩ đại của chúng ta thành hiện thực. Đây là một ngày tuyệt vời khác, một ngày mà hòa bình tuyệt vời sẽ đến với Ukraine. Và cùng với hòa bình là sự hòa hợp và thịnh vượng vĩnh cửu. Với niềm tin và sự tin tưởng vào điều này, tôi chúc mừng tất cả các bạn trong lễ Phục sinh”
Trong lời chào của mình, Tổng thống nói rằng “người ta có thể phá hủy các bức tường, nhưng không thể phá hủy nền tảng mà tinh thần đứng trên đó. Tinh thần của các chiến binh của chúng ta. Tinh thần của cả đất nước”
“Hãy cứu tất cả người dân Ukraine! Chúng tôi không tấn công bất cứ ai, vì thế xin hãy bảo vệ chúng tôi. Chúng tôi chưa bao giờ tiêu diệt các quốc gia khác, vì vậy xin đừng để bất cứ ai tiêu diệt chúng tôi. Chúng tôi không chiếm đất của người khác, vì vậy đừng để ai chiếm đoạt của chúng tôi. Hãy cứu Ukraine! vào thời điểm mà chúng tôi đang bị đánh dã man ở cả má phải và trái.”
Theo ông, năm ngoái người Ukraine đã tổ chức lễ Phục sinh khác thường, họ phải chôn chân trong nhà vì đại dịch. Năm nay, người Ukraine cũng kỷ niệm sự Phục sinh của Chúa Kitô không phải như họ đã từng làm, vì một loại virus khác, “vì bệnh dịch được gọi là chiến tranh.”
“Cả mối đe dọa năm ngoái và hiện tại đều thống nhất với nhau bởi một điều - không gì có thể đánh bại Ukraine. Ngày lễ trọng đại hôm nay mang đến cho chúng ta niềm hy vọng lớn lao và niềm tin sắt đá rằng ánh sáng sẽ chiến thắng bóng tối, cái thiện sẽ chiến thắng cái ác, sự sống sẽ chiến thắng cái chết, và do đó Ukraine chắc chắn sẽ chiến thắng!” tổng thống Zelensky nói.
Tổng thống cũng kêu gọi đồng bào bảo vệ chính mình, những người thân yêu của họ và Ukraine.
Vào Chúa Nhật 24 tháng 4, các Kitô hữu theo nghi thức Đông phương mừng Chúa Kitô Phục sinh. Nhiều cộng đồng tôn giáo, với sự uyển chuyển của các nhà lãnh đạo tôn giáo, đã quyết định dời các buổi lễ Phục sinh sang buổi tối, buổi sáng hoặc buổi chiều tùy theo lệnh giới nghiêm được áp dụng ở hầu hết các khu vực.
Source:UKRInform
1. Đức Giáo Hoàng nói rằng các nhà báo cáo buộc ngài có lập trường thân Nga có thái độ ngụy tạo
Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng các nhà báo cáo buộc ngài là người thân Nga vì đã không lên án đích danh Vladimir Putin là kẻ đã gây ra cuộc xâm lược Ukraine đang rơi vào “thông tin sai lệch, vu khống, phỉ báng và ngụy tạo.”
Đức Giáo Hoàng đã đưa ra lập trường trên khi trả lời một lá thư do nhà báo người Á Căn Đình Gustavo Sylvestre, người làm việc cho đài truyền hình C5N, liên kết với chính phủ hiện tại của quốc gia Nam Mỹ, gửi cho ngài.
Trong bức thư gửi Sylvestre, Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết một số phóng viên cáo buộc ngài có lập trường ủng hộ Putin có thể đã được trả tiền để viết những bài báo như vậy.
“Buồn!” Đức Giáo Hoàng viết.
Bức thư trả lời của Đức Thánh Cha đã được nhà báo đăng trên blog cá nhân của mình, cùng ngày Federico Villegas, đại diện của Á Căn Đình tại các cơ quan của Liên Hiệp Quốc tại Geneva, đã đăng một dòng tweet cảm ơn các đại sứ của Nga, Cuba, Venezuela, Pakistan, Belarus, Trung Quốc và Nam Phi về một “Cuộc thảo luận tuyệt vời” về cách duy trì “ngoại giao đa phương.”
Sylvestre đã không công bố bức thư của riêng mình cho Đức Giáo Hoàng, nhưng blog của ông tuyên bố rằng Đức Giáo Hoàng “cảm ơn những biểu hiện của tình đoàn kết và sự ủng hộ” của nhà báo, “trong bối cảnh các phương tiện truyền thông tập trung tấn công vào cá nhân của ngài.”
Trong bức thư ngày 7 tháng 4, Đức Phanxicô bày tỏ mối quan tâm của mình đối với các chiến dịch thông tin sai lệch tiêu biểu trong các chương trình tin tức ở Á Căn Đình.
Một số cơ quan truyền thông của Á Căn Đình đã cáo buộc Đức Giáo Hoàng không lên tiếng ủng hộ Ukraine trong bối cảnh Nga xâm lược.
Mặc dù Đức Phanxicô đã tránh nhắc tên Putin, nhưng trung bình ông đã nói về cuộc chiến 4 lần một tuần kể từ khi cuộc xung đột bắt đầu vào ngày 24 tháng 2.
Giữa cuộc tranh cãi này, Hội đồng Giám mục Á Căn Đình đã đưa ra một tuyên bố ủng hộ Đức Giáo Hoàng.
Đức Cha Ariel Torrado Mosconi của Giáo phận 9 Thánh Bẩy đã viết thư phản hồi của các giám mục.
“Tôi không biết về những lý do, lợi ích hay thành kiến kỳ lạ mà phần lớn giới truyền thông tập trung vào những tuyên bố hoặc sự im lặng của Đức Giáo Hoàng liên quan đến cuộc chiến ở Ukraine. Trong một số trường hợp, họ thậm chí còn chỉ ra rằng ngài là đồng phạm của những tội ác và hành động tàn bạo đang được thực hiện ở đó!” Đức Cha Torrado viết.
“Điều chắc chắn là, trong mỗi lần can thiệp của ngài vào chủ đề này, Đức Thánh Cha đã thể hiện rõ ràng và không gò bó các từ: 'Tội ác', 'sự tàn bạo', 'sự dã man', 'sự hy sinh' là những từ đầy sức mạnh. Chúng chạm đến tâm trí và trái tim của đa số người dân hơn nhiều so với một số ngôn ngữ phức tạp và có xu hướng của rất nhiều 'nhà hoạch định quan điểm' vào thời điểm hiện tại. Đó là một vấn đề khác nếu các ý kiến và sự lên án của Đức Thánh Cha bị bịt miệng, thiên vị hoặc bị thao túng”.
Source:Crux
2. Nhật ký trừ tà số 186: Trừ tà là chứng tá cho Sự Phục sinh
Dưới ánh sáng của biến cố Chúa phục sinh được cử hành trong lễ Phục sinh, tôi nhớ lại một cuộc gặp gỡ ma quỷ trước đây. Trong một lễ trừ tà trọng thể, chúng tôi đang cầu khẩn quyền năng của sự phục sinh của Chúa Giêsu và từ miệng người đang được trừ ta phát ra một tiếng hân hoan: “Chúng tôi đã thắng! Chúng ta đã thắng! Ông ấy đã không sống lại”. Tôi nói: “Con quỷ này cần một bài học lịch sử.” Lúc này, các linh mục trong phòng tự nhiên phá ra cười.
Tôi không biết liệu con quỷ có thực sự tin những gì nó đang nói hay không. Ma qủy là những kẻ nói dối tinh ranh. Nhưng với tư cách là một nhà tâm lý học, từ lâu tôi đã chứng kiến những lời phủ nhận và bóng tối đi kèm với tội lỗi. Tội lỗi làm vẩn đục tâm trí và bóp méo quan điểm của một người. Trong ruột của vương quốc bóng tối, sự thật bị che phủ và bị bóp méo. Những người tham gia vào điều ác cuối cùng bắt đầu tin vào những lời nói dối của chính họ.
Tuy nhiên, tất cả mọi thứ đang xảy ra đều làm chứng cho thực tế của biến cố Chúa phục sinh. Chỉ nhìn thấy cây thánh giá thôi đã là một cực hình đối với các ác quỷ: Ecce crucem domini, fugite partes adversae (Kìa cây thánh giá của Chúa. Hãy đánh bay sức mạnh xấu xa của ngươi). Tại sao biểu tượng của sự đóng đinh lại là một cực hình đối với ma quỷ nếu sự đóng đinh ấy không được theo sau bởi sự phục sinh?
Khi nước thánh được tưới lên những con quỷ, chúng quằn quại trong đau đớn. Ecce aqua benedicta (“Kìa nước đã được làm phép.”) Làm sao phước lành của nước nhân danh một người bị đóng đinh lại có thể là vũ khí mạnh mẽ chống lại cái ác nếu Ngài không sống lại?
Sau đó, tôi tiếp tục nói những lời cầu nguyện trong Nghi thức trừ tà ra lệnh cho Satan rời đi nhân danh Chúa Giêsu. Adjuro te, Satan, Princeps huius mundi: agnosce potentiam et Virtutem Jesu Christi, qui te... spoliavit trong cruce et de sepulcro sống lại tua tropaea trong regnum transtulit lucis, “Tôi ra lệnh cho mi, Satan, hoàng tử của thế giới này: phải thừa nhận sức mạnh và quyền năng của Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã... hạ bệ mi trên Thập tự giá, và, từ ngôi mộ trỗi dậy, bước vào vương quốc ánh sáng.” Tôi truyền lệnh cho các quỷ nhân danh Chúa Giêsu, Đấng đã chết và sống lại buộc chúng xuất ra. Và chúng đã xuất ra.
Những con quỷ đã bị trục xuất nhân danh Chúa Giêsu, Đấng mà cái chết và sự phục sinh của Ngài là nền tảng của mọi cuộc trừ tà và chính đó là phép trừ quỷ tối thượng đối với Satan. Chính trên thập tự giá và trong sự phục sinh, vương quốc của Satan đã bị đánh tan vĩnh viễn.
Source:Catholic Exorcism
3. Bề trên Tổng quyền dòng Phanxicô kết thúc chuyến viếng thăm Ukraine
Cha Massimo Fusarelli, Bề trên Tổng quyền dòng Phanxicô, đã kết thúc chuyến viếng thăm tại Rumani, Ba Lan và Ukraine, đặc biệt viếng thăm người Ukraine tị nạn chiến tranh tại các nước này để bày tỏ tình liên đới của Giáo Hội Công Giáo và dòng Phanxicô đối với các nạn nhân cuộc xâm lăng của Nga.
Cha Fusarelli cùng đi với một phái đoàn các vị lãnh đạo tôn giáo quốc tế, trong đó có các vị thuộc Anh giáo, Do thái giáo, Hồi giáo, Chính thống, Ấn giáo và Phật giáo. Mục đích chính của chuyến viếng thăm là chứng tỏ rằng trong thời kỳ chiến tranh và chia rẽ, chúng ta cần phải liên kết với nhau trong cuộc chiến chống lại sự ác, tham chiếu các giá trị căn bản của con người, vốn có tính chất bó buộc đối với mọi tôn giáo.
Một cao điểm trong chuyến viếng thăm diễn ra tại một nhà hát ở thành phố Chernivtsi bên Ukraine, tại đây phái đoàn đã gặp những người tị nạn và lắng nghe chứng từ của họ. Đây là sinh hoạt công khai đầu tiên tại nhà hát này từ khi xảy ra chiến tranh.
Phái đoàn cũng viếng thăm các tu sĩ dòng Phanxicô ở miền Transylvania, nơi có Đền thánh Đức Mẹ nổi tiếng và đến Suceava bên Rumani.
Ngoài ra, cha Bề trên Tổng quyền dòng Phanxicô đã viếng thăm các tu viện của dòng tại các địa điểm nói trên và ngài kết thúc chuyến đi với cuộc viếng thăm tại Ba Lan, gặp gỡ đông đảo anh em cùng dòng tại Kalwaria Zebrzydowska, gần Krakow và nhiều người tị nạn trú ngụ tại Đền thánh đó.
Cha Fusarelli kể rằng: “từ khi xảy ra chiến tranh tôi đã nhận được nhiều lời kêu gọi viếng thăm Ukraine, nhưng chuyến đi này không thể diễn ra được vì cuộc chiến tiếp tục. Sau đó tình hình thay đổi khi quân Nga rút về miền đông Ukraine. Qua cuộc viếng thăm này, tôi muốn bày tỏ sự gần gũi với các anh em Phanxicô sống tại Ukraine, đang hy sinh giúp đỡ những người đau khổ. Trong cuộc viếng thăm, tôi cũng chuyển những viện trợ nhận được từ các tỉnh của dòng gửi giúp anh em ở Ukraine”.