Ngày 24-04-2017
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Suy Niệm Chúa Nhật III Phục Sinh – Năm A
LM. Anthony Trung Thành
09:54 24/04/2017
Suy Niệm Chúa Nhật III Phục Sinh – Năm A

Có nhiều câu chuyện kể lại việc Đức Giêsu hiện ra sau khi Ngài từ cõi chết sống lại, nhưng có lẽ câu chuyện Tin mừng hôm nay do Thánh Luca tường thuật lại là câu chuyện đẹp nhất. Đẹp không chỉ vì hành văn và cách kể chuyện của tác giả mà còn đẹp về nội dung diễn tả tình nghĩa thầy trò và đặc biệt là đẹp vì cái kết có hậu.

Câu chuyện bắt đầu bằng sự thất vọng của hai môn đệ của Đức Giêsu. Đây là hai trong số bảy mươi hai môn đệ. Họ theo Đức Giêsu vì hy vọng một tương lai tươi sáng: Một Giêsu đánh đông dẹp bắc; một Giêsu giải phóng dân tộc Israel đang bị giặc ngoại bang đô hộ; một Giêsu tràn đầy quyền lực chính trị mà chính họ cũng hy vọng được tham dự vào. Thế rồi, một thời gian ngắn sau khi Đức Giêsu loan báo về cuộc khổ nạn của mình: Ngài đã bị bắt, bị đánh đập, vác thập giá, chịu đóng đinh và chết trên thánh giá. Cuối cùng, Ngài chịu mai táng trong mồ như bao con người khác. Đối với họ, giờ chỉ còn một Đức Giêsu đã chết, một Đức Giêsu đã thất bại hoàn toàn. Chính vì thế, họ thất vọng chán nản. Họ từ bỏ Giêrusalem với biết bao mộng ước giờ chỉ còn là quá khứ để trở về quê hương tiếp tục sinh sống với nghề cũ.

Rời Giêrusalem như những kẻ thua cuộc. Quảng đường từ Giêrusalem tới Emmau độ 11km. Hai ông buồn bã lê bước, vừa đi vừa trò chuyện với nhau cho vơi đi nỗi buồn. Thế rồi, trong khi đang buồn bã lê bước, Đức Giêsu đã hiện đến như một khách bộ hành vừa đi vừa đàm đạo với hai ông. Ngài gợi ý bằng một câu hỏi tế nhị để nhằm bắt chuyện với hai ông: “Các ông có truyện gì vừa đi vừa trao đổi với nhau mà buồn bã vậy?” (Lc 24,17). Cơ hội để các ông dốc bầu tâm sự. Một trong hai ông đã kể lại đầu đuôi câu chuyện, về một Đức Giêsu đã có nhiều thành công nhưng cũng không thiếu những thất bại: Người là một vị tiên tri có quyền lực trong hành động và ngôn ngữ, trước mặt Thiên Chúa và toàn thể dân chúng. Thế mà các trưởng tế và thủ lãnh của chúng ta đã bắt nộp Người để xử tử và đóng đinh Người vào thập giá. Rồi việc Người chịu mai táng trong mồ và việc các phụ nữ loan tin ngài đã sống lại như thế nào? (x. Lc 24, 19-24).

Chờ chỉ có thế, Đức Giêsu mới bảo họ: “Ôi kẻ khờ dại chậm tin các điều tiên tri đã nói! Chớ thì Ðấng Kitô chẳng phải chịu đau khổ như vậy rồi mới được vinh quang sao?” (Lc 24,25-26). Rồi Ngài lần lượt dẫn những đoạn Kinh thánh có liên quan đến Ngài để giải thích cho họ “bắt đầu từ Môsê đến tất cả các tiên tri…”(x. Lc 24,27). Lòng các ông được hâm nóng lên, mặc dầu chưa nhận ra người đang đi cùng, đang giải thích Kinh thánh cho mình là ai. Thế rồi, trời đã về chiều, đường đi cũng gần tới đích. Trước khi rẽ vào làng, với lòng hiếu khách, hai ông mời Đức Giêsu ở lại với họ. Ngài đồng ý. Và khi ngồi đồng bàn, họ đã nhận ra Đức Giêsu khi Ngài bẻ bánh. Ôi, niềm vui mừng không gì có thể diễn tả nổi. Hai ông mới nhớ lại những diễn biến xảy ra với mình khi Ngài giải thích Kinh thánh cho họ trên đường đi. Các ông không muốn giữ riêng niềm vui cho mình. Bởi vì, “niềm vui chia sẻ niềm vui lớn.” Bấy giờ, hai ông vội vả trở lại Giêrusalem để chia sẻ niềm vui đó với các Tông đồ. Khi họ trở lại Giêrusalem, không những họ chia sẻ niềm vui được gặp Chúa Phục sinh mà họ còn nhận được niềm vui từ các Tông đồ, vì Đức Giêsu cũng vừa mới hiện ra với các Tông đồ.

Cũng như tâm trạng của hai môn đệ đi làng Emmau, trong cuộc sống của mỗi người chúng ta không tránh được lo âu, phiền muộn, có khi cả thất vọng. Lo âu phiền muộn vì chuyện gia đình, vợ chồng, con cái. Lo âu phiền muộn vì chuyện cơm áo, gạo tiền. Lo âu phiền muộn vì biết bao vấn đề trong cuộc sống. Thất vọng về người thân, thất vọng về Giáo Hội, về xã hội…Trong thực tế, khi gặp những lo âu phiền muộn và thất vọng trong cuộc sống, có người đi tìm sự an ủi nơi những niềm vui bất chính như cờ bạc, rượu chè, trai gái. Có người tìm sự an ủi nơi ma thuật, bói toán. Thậm chí, có người đã làm liều bằng cách giải thoát mình bằng cái chết.

Chúng ta cần phải tránh xa những hình thức an ủi phù phiếm trên. Là kitô hữu, chúng ta được mời gọi tin vào Đức Giêsu Phục sinh. Vì chính Ngài đã cứu chuộc chúng ta bằng giá máu của Ngài (x.1Pr 1,19). Ngài sẽ chỉ cho chúng ta biết đường lối trường sinh (x. Tv 15,11a). Ngài sẽ cho chúng ta biết con đường sự sống và cho chúng ta đầy hân hoan tận hưởng nhan thánh Chúa (x. Cv 2,28).

Câu chuyện Tin mừng hôm nay giống như diễn biến của một thánh lễ: Có phần phụng vụ Lời Chúa, có phần phụng vụ Thánh Thể, có phần mời gọi ra đi để chia sẻ niềm vui cho những người xung quanh.

Ngày hôm nay, chúng ta không được vinh dự gặp Đức Giêsu Phục sinh như hai môn đệ Emmau và các Tông đồ ngày xưa, nhưng chắc chắn Đức Giêsu Phục sinh vẫn luôn đồng hành với chúng ta trong mọi nẻo đường của cuộc sống. Đặc biệt, Ngài đang hiện diện với chúng ta nơi Lời của Ngài, nơi Bí tích Thánh Thể và nơi cộng đoàn phụng vụ, vì “ở đâu hai ba người họp lại vì danh Thầy thì có Thầy ở giữa họ”(Mt 18,20).

Thật vậy, Lời Chúa là chính Chúa. Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước là ánh sáng chỉ đường con đi. Lời Chúa đã biến đổi biết bao nhiêu tâm hồn. Lời Chúa làm kim chỉ nam hướng dẫn đường đi nước bước của con cái Chúa qua mọi thời đại. Vì thế, chúng ta hãy siêng năng đọc, suy niệm và đem Lời Chúa ra thực hành trong đời sống của mình và giúp cho đời sống của tha nhân.

Cũng vậy, Thánh Thể chính là Đức Giêsu. Thánh thể là của ăn chính nuôi sống linh hồn các kitô hữu. Trong bảy Bí tích, Bí tích Thánh Thể là Bí tích cao trọng nhất. Vì thế, chúng ta hãy siêng năng đến với Thánh Thể. Chúng ta hãy siêng năng tham dự Thánh lễ, chầu Thánh Thể, viếng Thánh Thể, nhất là dọn mình sốt sắng để rước lễ hằng ngày.

Ngoài ra, mỗi kitô hữu chúng ta phải luôn sống liên kết với cộng đoàn. Vì, sống là sống với sống cùng. Cũng như hai môn đệ sau khi gặp Chúa Phục sinh đã biết nhanh chóng quay trở lại chia sẻ với các Tông đồ, mỗi thành viên trong cộng đoàn chúng ta phải biết chia vui sẻ buồn với nhau. Nếu chúng ta biết gắn bó với cộng đoàn, chắc chắn khi vui khi buồn đều được cộng đoàn giúp đỡ, chở che. Bằng không, chúng ta sẽ bị cô đơn lạc lọng trong cuộc sống.

Lạy Chúa, xin cho mỗi người chúng con siêng năng tham dự thánh lễ để có cơ hội suy niệm Lời Chúa, rước Mình Máu Thánh Người, sống tinh thần liên kết với cộng đoàn hầu niềm tin vào Đức Giêsu Phục sinh của chúng con luôn được vững mạnh. Amen.

Lm. Anthony Trung Thành
 
Gặp Gỡ Chúa Phục Sinh
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
18:38 24/04/2017
Chúa Nhật 3 Phục Sinh A

Gặp Gỡ Chúa Phục Sinh

Trang Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay được Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II dùng làm bản văn nền của Tông Huấn “Mane Nobiscum Domine”: Lạy Chúa, xin ở lại với chúng con.

Từ nay, mỗi lần đọc đến câu chuyện “Hai môn đệ trên đường Emmau”, chúng ta thật xúc động và cầu nguyện với Thánh Gioan Phaolô II. Trong năm cuối cùng của triều đại Giáo hoàng, Ngài đã mở ra Năm Thánh Thể, mời gọi cộng đoàn Dân Chúa qui hướng về Thánh Thể, nơi Chúa Giêsu hiện diện thường trực và sống động.

Khi để lại cho Dân Chúa lòng sùng kính Bí Tích Thánh Thể, Thánh Gioan Phaolô II muốn công bố và nhắc nhớ về Đức Giêsu Phục Sinh. Bởi vì có phục sinh thật, Đức Giêsu mới đang thật sự hiện diện trong Bí Tích Thánh Thể, như thánh Phêrô công bố sự kiện Phục Sinh cho người Do thái sau khi Chúa sống lại (theo bài đọc 1). Ngài xác tín là, chúng ta sẽ gặp Đức Giêsu Phục Sinh khi mộ mến Bí Tích Thánh Thể. Ngài mời gọi, hãy nhớ đến Đấng đã cứu độ nhân loại, nhớ đến thân phận con người và diễm phúc là đã được cứu nhờ Đức Giêsu hy sinh mạng sống và đổ máu vì chúng ta; hay nói như thánh Phêrô trong bài đọc 2, được cứu khỏi nếp sống phù phiếm và sự chết đời đời, không phải nhờ vàng bạc hay hư nát mà nhờ Máu châu báu của Đức Giêsu.

Câu chuyện “Hai môn đệ trên đường Emmau” là một trong những câu chuyện Tin Mừng tuyệt tác và rất riêng của thánh sử Luca.

Kể từ khi tảng đá to đã niêm phong cửa mộ thì đối với các môn đệ, tất cả đã hết, không còn gì ngoài những kỷ niệm xót xa chua chát. Một thực tế phủ phàng trĩu nặng nổi âu lo sợ hãi. Niềm hy vọng lớn lao xưa đã bị chôn vùi với Giêsu Nazareth. Bởi đó họ ở lại Giêrusalem để làm gì khi người ta đã đặt dấu chấm hết cho mọi hy vọng giải thoát dân tộc.Thập giá được giương cao và vị cứu tinh được chờ đợi với biết bao kỳ vọng đã kết thúc sự nghiệp bằng cái chết đớn đau ô nhục. Hai môn đệ quyết định trở về quê nhà. Bước chân mỏi mệt chán chường, tuyệt vọng và cô đơn trên cuộc lữ hành. Nỗi buồn mất mát và nỗi đau tuyệt vọng đã làm cho họ không còn nhạy cảm với những thực tại xung quanh.

Các ông có biết đâu, trên hành trình thất vọng và cô đơn đó, có một người vẫn hằng dõi theo từng bước đi, chú ý từng tâm sự nhỏ to của các ông. Người ấy tiến về phía các ông, trò chuyện và đồng hành với các ông mà các ông nào hay biết. Các ông không nhận ra Người mặc dù Người vẫn có đó, vẫn hiện diện và chia sẻ với các ông. Các ông còn được vị khách này giải thích tường tận những gì đã nói về Đấng Messia mà Môisen và các Ngôn sứ, tức là toàn bộ Kinh thánh đã loan báo.

Cho đến khi được đồng bàn với Người, tận mắt chứng kiến Người cầm bánh, dâng lời chúc tụng tạ ơn, bẻ ra và trao cho, mắt các ông mới bừng sáng. Các ông hân hoan vui mừng. Tâm hồn các ông được Đấng Phục Sinh chiếu dọi. Tâm trí các ông được Người khai mở. Đức Kitô, Thầy của các ông đã thực sự sống lại. Không nghi ngờ gì nữa, vị khách bộ hành, người đã giảng dạy Kinh Thánh và cùng với các ông chia sẻ nghi lễ Bẻ Bánh chính là Đức Kitô Phục Sinh.

Niềm vui vì được gặp Chúa Phục Sinh, được Người dạy dỗ và chia sẻ bàn tiệc Thánh, khiến cho hai môn đệ Emmau quên hết nhọc nhằn. Các ông lập tức lên đường với niềm vui trở về Giêrusalem. Hội ngộ với các môn đệ khác và công bố Tin Mừng Phục Sinh. Kể từ đó, Tin Mừng Phục Sinh theo dấu chân của các Tông Đồ lan rộng khắp hoàn cầu.

Đường Emmau thật kỳ lạ. Đường dẫn đưa những lữ khách từ Giêrusalem về Emmau sao xa xôi vạn lý, thế mà giờ đây lúc trở về lại hoá nên gần gũi thân quen. Cùng một con đường, cùng một buổi chiều mà hai môn đệ đi lại hai lần, mỗi lần lại mỗi dáng vẻ hoàn toàn khác nhau. Khi đi thì đường xa vời vợi, đi mãi không đến. Lúc về sao ngắn ngũi, chưa đi đã đến. Khi đi thì chán nản u sầu. Lúc về phấn khởi hân hoan. Khi đi chán chường chậm chạp. Lúc về nhanh nhẹn vui tươi. Điều kỳ diệu của đường về là hai môn đệ đã gặp được Chúa Kitô Phục Sinh. Chính Người làm nên khác biệt giữa hai lần đi về. Gặp Chúa Kitô Phục Sinh là bí quyết giúp thay đổi cuộc đời, giúp cuộc sống có ý nghĩa, có niềm vui, có hy vọng và có lẽ sống.

Sứ điệp Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay có thể được tóm kết trong ba chữ T : Thánh Kinh, Thánh Thể và Hội Thánh. Đó cũng là cũng chính là ba con đường chính yếu để chúng ta gặp gỡ Đấng Phục Sinh và thể hiện niềm tin của mình trong đời sống.

1. Gặp gỡ Chúa Phục Sinh nhờ Thánh Kinh

Chúa Giêsu Phục Sinh đến như người bạn đồng hành. Người chăm chú lắng nghe họ kể nỗi đau buồn. Người đốt lên ngọn lửa bừng cháy trong tim họ khi giải thích Thánh Kinh “Bắt đầu từ Môisen và duyệt qua hết các Tiên tri, chú giải cho họ những gì liên quan đến Người trong các bản văn Thánh Kinh”. Người đã giải thích cho các ông: “Khi còn ở với anh em, Thầy đã từng nói với anh em rằng tất cả những gì sách Luật Môisen, các sách Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh đã chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm” (Lc 24, 44).Vậy thì cả lịch sử cứu độ hướng về Người và chỉ có ý nghĩa vì Người. Lịch sử vũ trụ, lịch sử nhân loại, mọi lịch sử chỉ là lịch sử cứu độ, lịch sử của “Đức Kitô hôm qua, hôm nay, mãi mãi vẫn là một”. Nghe Lời Chúa, lòng họ bừng lên, nội tâm được biến đổi. Chúa Phục Sinh cũng soi lòng mở trí cho các môn đệ đang quy tụ ở Giêrusalem. Người giúp các ông hiểu được những lời Kinh Thánh loan báo cuộc Thương Khó và Phục Sinh. Người cũng giúp các ông hiểu những thành quả tinh thần của việc sám hối và ơn tha thứ tội lỗi mà Đấng Phục Sinh đem lại cho muôn dân nước. Bài đọc 1, sách Công vụ kể lại diễn từ thứ hai ngỏ lời với đám đông dân chúng Giêrusalem, thánh Phêrô lớn tiếng công bố sự Phục Sinh của Đấng Chịu Đóng Đinh và chứng minh rằng Kinh Thánh đã tiên báo những đau khổ của Đấng Mêsia.

Thánh Giêrônimô đã nói : Không biết Thánh Kinh là không biết Chúa Kitô. Thánh Kinh là bức tâm thư Thiên Chúa gởi cho Dân được tuyển chọn.Cần có đức tin và lòng mến để tiếp nhận như giáo huấn của CĐVTC II đã dạy: “Trong các Sách Thánh,Chúa Cha trên trời bằng tất cả lòng trìu mến đến gặp gỡ con cái mình và ngỏ lời với họ.Vậy sức mạnh và quyền năng chứa đựng trong Lời Chúa lớn lao đến độ trở thành điểm tựa đầy năng lực cho Hội Thánh và là sức mạnh của đức tin,lương thực nuôi linh hồn,nguồn sống thiêng liêng,tinh tuyền và trường cửu cho con cái của Hội Thánh”(MK21).

Học hỏi Thánh Kinh để tìm được nguồn năng lực cho sức mạnh đức tin, lương thực thần thiêng nuôi linh hồn, nguồn sống thiêng liêng, tinh tuyền và trường cửu (MK 21), trau dồi và phát triển kiến thức thần học, nhưng điều căn bản vẫn là để giúp biết rõ hơn về mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể, Đức Giêsu Kitô (MK 26); Đấng mà cả hai Giao ước đều nhắm đến: Cựu ước nhìn với tất cả lòng mong đợi, Tân ước nhìn Người như Đấng hoàn tất các lời hứa cứu độ, cả hai đều đặt Người như trung tâm. Việc đọc và suy niệm Lời Chúa mang lại nguồn sáng, soi dẫn cuộc đời và lương thực thần thiêng cho cuộc sống, sau nữa là để “khi phải truyền đạt kho tàng bao la của Lời Chúa, không ai trở thành kẻ huênh hoang rao giảng Lời Chúa ngoài môi miệng vì không lắng nghe Lời trong lòng” (MK 26).

2. Gặp gỡ Chúa Phục Sinh trong Bí Tích Thánh Thể.

Trên đường Emmau, có một khách bộ hành đi cùng, hai môn đệ không nhận ra Thầy kính yêu của mình. Mãi đến lúc ngồi vào bàn, Chúa Giêsu cầm lấy bánh, tạ ơn, bẻ ra trao ban, hai ông mới nhận ra. Chính qua cử chỉ bẻ bánh mà các môn đệ nhận ra Chúa Giêsu Phục Sinh. Chúa bẻ bánh, nhắc lại cử chỉ khi lập phép Thánh Thể. Nhờ phép Thánh Thể toàn bộ con người các ông được đổi mới.
Chúng ta không thấy Chúa Kitô về mặt thể lý tự nhiên, nhưng có thể gặp Chúa Kitô Phục Sinh trong Bí Tích Thánh Thể.

Thánh Thể là trung tâm của cộng đoàn phụng vụ cử hành biến cố Vượt Qua của Chúa Giêsu. Thánh Thể quy tụ các tín hữu hiệp thông trong đức ái. Hội Thánh “duy nhất, thánh thiện, Công Giáo và tông truyền” biểu lộ căn tính của mình rõ nét nhất lúc cử hành Thánh Thể. Thánh Thể làm nên thân thể Chúa Kitô. Thánh Thể là thần lương nuôi dưỡng con cái Hội Thánh. Qua bí tích Thánh Thể, mọi tín hữu không những được hiệp nhất với Thiên Chúa mà còn được nên một với nhau trong Hội Thánh.Thánh Thể là bài học yêu thương tuyệt hảo nhất, yêu thương đến tột cùng, trao ban đến tận cùng. Nhờ tham dự việc cử hành Thánh Thể, cộng đoàn tín hữu trở thành một thực thể sống động, hiệp thông, liên kết trong đức ái, làm nên một thân thể mầu nhiệm. (x.Tông Huấn “Mane Nobiscum Domine", số 11-18, Đức Gioan Phaolô II, ban hành ngày 7.10.2004).

Chúng ta gặp Chúa Phục Sinh khi cử hành Bí Tích Thánh Thể: cầm bánh, tạ ơn, bẻ ra và trao cho nhau. Điều quan trọng là chúng ta có cử hành Bí Tích Thánh Thể như một cuộc gặp gỡ Chúa Giêsu không hay chỉ còn là một nghi thức.

Chúng ta vẫn gặp được Chúa Giêsu mỗi lần cùng nhau cử hành Bí Tích Thánh Thể. Miễn là có đủ lòng tin và có một cảm thức nhạy bén trước mầu nhiệm của Thiên Chúa để chúng ta có thể đón nhận sự hiện diện sống động của Người và đi vào cuộc gặp gỡ thực sự với Người.

3. Gặp gỡ Chúa Phục Sinh giữa lòng Hội Thánh

Hai môn đệ hân hoan trở về gặp các Tông đồ và kể lại cuộc gặp gỡ kỳ diệu với Đấng Phục Sinh. Tin vui phải được loan đi. Tin Mừng Phục Sinh phải được công bố. Từ nay, các ông sẽ là những chứng nhân cho Đấng cùng đồng hành với các ông, chia sẻ vui buồn, dẫn dắt tâm hồn, thắp sáng niềm tin, đốt nóng niềm hăng say cũng như sẽ đồng bàn và trao sự sống mới trong cử chỉ thân quen. Từ nay các ông sẽ là người loan báo Đấng Phục Sinh cho anh chị em của mình bằng chứng từ của một đời sống dấn thân phục vụ. Không có rào cản nào chắn được bước chân của các ngài nữa vì Đấng Phục Sinh đang cùng đồng hành trên khắp mọi nẻo đường trần thế.

Chính Đức Kitô đã củng cố niềm tin Phục Sinh cho các Tông Đồ. Thành thánh Giêrusalem là nơi Chúa Giêsu hoàn tất sứ mạng và cũng là nơi Hội Thánh khởi sự thi hành sứ mạng của mình.

Tất cả những ai đã gặp gỡ Chúa Giêsu Phục Sinh giữa lòng Hội Thánh đều trở thành những sứ giả loan báo Tin Mừng Phục Sinh. Tất cả các môn đệ đều đã lấy máu mình mà làm chứng cho lời rao giảng. Vì Chúa Kitô Phục Sinh là một Tin Mừng không thể không chia sẻ. Vì lệnh sai đi của Chúa Kitô là một lệnh truyền không thể chống cưỡng. Như Thánh Phaolô sau này đã nói : "Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng".

Mỗi Thánh Lễ, chúng ta được diễm phúc cử hành cao điểm của niềm tin, mầu nhiệm cái chết thập giá và sự sống lại của Đức Kitô Giêsu. Người đang ban Lời chân lý (Thánh Kinh) và Bánh Trường Sinh (Thánh Thể), đang ủi an và chia sẻ tình yêu, đang động viên và soi sáng giúp chúng ta trở thành một cộng đoàn huynh đệ hiệp nhất (Hội Thánh).

Mỗi Thánh Lễ, chúng ta được đồng hành bên nhau trong tình hiệp nhất, được chia sẻ Lời Chúa và được rước Thánh Thể. Chúa Giêsu luôn đồng hành với chúng ta trên mọi nẻo đường loan báo Tin Mừng Phục Sinh.





 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
23:41 24/04/2017
49. GÀ NƯỚC THỤC BUỒN BỰC

Ở Đồn Trạch có người nọ nuôi một con gà nước Thục lông cánh rất đẹp, một hôm có một con diều hâu bay trên không, gà nước Thục vội vã dùng cánh bao che cho lũ gà con vì chỉ sợ bị diều hâu tha mất.
Sau khi diều hâu bay đi không lâu thì bay lại một con quạ, con quạ này bay lên bay xuống với gà con và cùng ăn mồi với bầy gà con, gà nước Thục nhìn nó rất là thuần lương, bèn coi nó như là đồng bạn của mình.
Nhưng, con quạ lợi dụng lúc gà nước Thục không để ý liền tha một con gà con bay đi. Gà nước Thục ngước mắt nhìn trời, rất là buồn bực.
(Dã sử)

Suy tư 49:
Con người ta chắc chắn là không ai dám cầm dao chém người nên khó mà có thể phạm tội giết người; con người ta bình thường thì không thể phạm tội hiếp dâm, bởi vì ai cũng có lý trí suy xét nên cũng khó mà phạm tội ấy. Không dám phạm hai tội ấy là bởi vì nó quá nặng, hậu quả quá ư là đáng sợ...
Nhưng trên thế gian vẫn có người phạm tội giết người, vẫn có người phạm tội hiếp dâm.
Người ta phạm hai tội trên là vì người ta coi thường những tội nhỏ, tội “không đáng kể”. Người ta cho rằng giận hờn có gì đâu mà tội nặng, nói xấu người khác có gì là tội, uống một vài li rượu có gì là ghê gớm, thế là người ta cứ sa đà trong những cái “không đáng kể” ấy, lâu dần trở thành thói quen: thói quen nói xấu người khác, thói quen gặp nhau là nhậu nhẹt, thói quen chửi tục, thói quen giận hờn... những thói quen này sẽ đưa chúng ta đến tù tội trong ngục và án phạt trong hoả ngục mà chúng ta không hay.
Con diều hâu (tội trọng) là loài thích ăn gà con, nên gà mẹ thấy là đề phòng ngay, con quạ (tội nhẹ) nó khôn hơn, cứ sà xuống chơi đùa với đám gà con (thói quen) làm cho gà mẹ thích thú không đề phòng, thế là khi có cơ hội là tha ngay gà con đi...nhậu (phạm tội trọng).
Ma quỷ là loài đại ma giáo, khôn lanh hơn chúng ta tưởng nghĩ, vì thế chúng ta nên cầu nguyện và đề phòng bằng cách đừng dễ dãi với những thói quen xấu của mình, để rồi buồn bực khốn nạn trong tội trọng.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư

---------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
23:43 24/04/2017

21. Để đạt tới thành công thì chúng ta cần phải cầu nguyện, bởi vì nhờ cầu nguyện mà chúng ta có thể đạt được những thứ mà chúng ta còn thiếu sót.

(Thánh Bernard)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(Dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")

-----------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Các Giám mục Ấn Độ lên án việc phá rối buổi Đi ĐàngThánh Giá ở Tamil Nadu
Bích Thủy
09:11 24/04/2017

Giáo Hội Công Giáo ở Ấn Độ đã "tỏ ra rất đau buồn" đối với những gì đã xảy ra vào ngày thứ Sáu Tuần Thánh ở Sogandi, Tamil Nadu, vì cảnh sát đã ngăn cản giáo dân Dalit, cấm không cho họ tiến lên ngọn đồi để Đi Đàng Thánh Giá, Đức Cha Theodore Mascarenhas, Tổng thư ký Hội nghị Giám mục Ấn Độ cho biết(CBCI).

Phát biểu với AsiaNews, Đức Giám Mục nói rằng "không những cộng đồng nhỏ bé của giáo dân Dalit bị ngăn cản việc tôn vinh ngày cực thánh này cùng với Kitô hữu toàn cầu, mà còn bị cảnh sát, do chính quyền địa phương chỉ thị, đã sử dụng bạo lực đàn áp họ. Kẻ áp bức đã phá hủy những giây phút cực thánh trong việc suy tôn Thánh Giá và rước Mình Thánh Chúa. "

Sự việc xảy ra ở Thirukazhukundram, một khu vực nổi tiếng với một ngôi đền thờ thần Shiva. Đức Cha Neethinathan, Giám mục địa phương cho biết: “Giáo xứ Sogandi là một phần của Chingleput. Giáo phận được thành lập vào năm 2007 và cách riêng kính Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu.

Khoảng 125 gia đình thường đi lễ tại nhà thờ của giáo xứ. Để thêm lòng sốt sắng, linh mục giáo xứ đã dựng một bức tượng của Đức Trinh Nữ Maria trong một hang đá xây trên một sườn đồi. Theo lời Đức Cha Neethinathan, "vị trí thuận lợi của bức tượng được dựng trên đồi cao đã nhắc nhở tín hữu thường xuyên đi xưng tội."

Đêm Giáng Sinh và Năm Mới vừa qua, hơn 500 viên cảnh sát viên, nhân danh SởThuế vụ, đã đến khu vực này đập phá các bức tượng và những cây thánh giá cắm trên đồi, " Viện cớ rằng giáo xứ đã chiếm đóng đất đai bất hợp pháp”. Kể từ đó, giáo xứ vẫn chưa có thể thay các bức tượng. Điều lo lắng nhất "là vào tháng hai vừa qua các tảng đá trên đồi đã bị viết bằng những biểu tượng Hindu."

Dưới ánh sáng của những sự việc này cũng như của những hành động bạo lực chống lại Kitô hữu vào ngày tưởng niệm Cuộc Khổ Nân của Chúa Giêsu, "Rõ ràng là chủ nghĩa cực đoan Hindutva chống Kitô giáo và chủ nghĩa cuồng tín chống lại Dalit đã hoạt động một các có hệ thống".

Đức Giám Mục Neethinathan phát biểu:" Những biện pháp có kế hoạch này đã gây cho cảnh sát và bộ phận thu thuế có những hành động phi lý trong việc áp bức giáo dân. "

"Để phản đối việc vi phạm quyền căn bản về tự do tôn giáo và việc thờ phượng của người dân, ban điều hành của giáo phận đang tổ chức một cuộc biểu tình có tính cách quy mô với sự hỗ trợ và tham gia của giáo dân không phân biệt đẳng cấp, tín ngưỡng hay ngôn ngữ. "

Đức Cha Mascarenhas nói” “Những người phá rối Thánh Lễ ít ra nên cần đợi vào cuối lễ để làm việc với ban đại diện của nhà thờ, "

"Chúng tôi rất tự hào về đất nước chúng tôi, về những truyền thống thế tục cũng như về đa số người dân Hindu luôn đối xử với chúng tôi với lòng tôn trọng và từ bi. Đức Cha nói tiếp:" Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, một số người theo chủ nghĩa cực đoan đã cố tâm phá vỡ lối sống truyền thống hoà bình và hoà hợp đó.”

"Rất nhiều anh chị em của chúng tôi đã bày tỏ mối quan ngại về sự không khoan dung ngày càng gia tăng của nhóm người cực đoan. Chúng tôi kêu gọi Thủ tướng, Bộ trưởng bộ Nội vụ và các nhà lãnh đạo của các đảng phái bảo đảm cho mọi người dân ở đất nước này có thể tiếp tục cảm thấy an toàn và được hưởng quyền cơ bản là tự do và không sợ hãi tuyên xưng đức tin của mình".
 
Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng với Đức Thánh Cha: Lòng Chúa Thương Xót
LM. Trần Đức Anh OP
16:27 24/04/2017
VATICAN. Trong buổi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng trưa Chúa Nhật 23-4-2017, cũng là ”Chúa Nhật Áo Trắng, ĐTC Phanxicô diễn giải về Lòng Thương Xót của Chúa và lễ kính Lòng Chúa Xót Thương.

Ngài nói với hơn 20 ngàn tín hữu hiện diện: Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Mỗi Chúa Nhật chúng ta tưởng niệm cuộc phục sinh của Chúa Giêsu, nhưng trong mùa này sau lễ Phục Sinh, Chúa Nhật có một ý nghĩa càng rạng ngời hơn. Trong truyền thống của Giáo Hội, Chúa Nhật này được gọi là ”in albis”, thành ngữ này muốn nhắc lại nghi thức mà những người đã chịu phép rửa tội trong đêm vọng Phục Sinh thi hành. Mỗi người nhận được một áo trắng, alba, để chỉ phẩm giá mới của con cái Thiên Chúa. Chúa Nhật hôm nay cũng vậy, các tân tòng nhận được một chiếc áo trắng nhỏ tượng trưng, trong khi những người lớn thì mặc áo trắng lớn của mình. Áo này, xưa kia, được mặc trong một tuần lễ, cho đến Chúa Nhật in albis - tức là Chúa Nhật sau lễ Phục Sinh - khi họ cởi áo này và các tân tòng bắt đầu đời sống mới trong Chúa Kitô và trong Giáo Hội.

Trong Năm Thánh 2000, thánh Gioan Phaolô 2 đã qui định rằng Chúa Nhật này được dâng kính Lòng Chúa thương xót. Thật là một trực giác rất đẹp! Năm Thánh đặc biệt Lòng Thương Xót cũng mới kết thúc cách đây vài tháng và Chúa Nhật này mời gọi chúng ta mạnh mẽ lấy lại ơn thánh xuất phát từ lòng thương xót của Thiên Chúa. Tin mừng hôm nay là một trình thuật cuộc hiện ra của Chúa Kitô Phục Sinh với các môn đệ họp nhau trong Nhà Tiệc Ly (Xc Ga 20,19-31). Thánh Gioan kể rằng Chúa Giêsu, sau khi chào các môn đệ, Ngài nói với họ: ”Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con”. Nói rồi, Ngài thổi hơi vào họ và nói thêm: ”Các con hãy nhận lấy Thánh Linh. Các con tha tội cho ai ngừơi ấy được tha” (vv.21-23). Đó là ý nghĩa lòng thương xót được trình bày trong ngày Chúa Giêsu sống lại như ơn tha thứ tội lỗi. Chúa Giêsu đã thông truyền cho Giáo Hội của Ngài, như nghĩa vụ đầu tiên, chính sứ mạng của Ngài là mang đến cho tất cả mọi người sự loan báo cụ thể về ơn tha thứ. Dấu chỉ hữu hình này về lòng thương xót của Chúa mang theo an bình trong tâm hồn và niềm vui được tái gặp gỡ với Chúa”.

Lòng thương xót dưới ánh sáng Phục Sinh tỏ cho thấy được nhận thức như một hình thức ý thức thực sự về mầu nhiệm chúng ta đang sống. Chúng ta biết rằng ta nhận biết qua nhiều hình thức: qua các giác qua, qua trực giác, lý trí, và những cách khác. Đúng thế, ta cũng có thể nhận biết qua kinh nghiệm về lòng thương xót nữa! Lòng thương xót mở cửa tâm trí để hiểu rõ hơn mầu nhiệm Thiên Chúa và cuộc sống bản thân chúng ta. Lòng thương xót giúp hiểu rằng bạo lực, oán hận, trả thù không có ý nghĩa gì, và nạn nhân đầu tiên chính là người sống những tâm tình ấy, vì họ bị mất phẩm giá của mình. Lòng thương xót cũng mở cửa tâm hồn và giúp biểu lộ sự gần gũi, nhất là với những người lẻ loi và bị gạt ra ngoài lề, vì làm cho họ cảm thấy là anh chị em của nhau và là con của một Cha duy nhất. Lòng thương xót giúp nhận ra những người cần an ủi và làm cho ta tìm được những lời nói thích hợp để ủi an họ. Lòng thương xót sửa ấm tâm hồn và làm cho nó nhạy cảm đối với những nhu cầu của anh chị em qua sự chia sẻ và tham gia. Tóm lại, lòng thương xót kêu gọi mọi người trở thành dụng cụ của công lý, hòa giải, và hòa bình. Chúng ta đừng bao giờ quên rằng lòng thương xót chính là chìa khóa chủ yếu trong đời sống đức tin, và là hình thức cụ thể qua đó chúng ta mang lại sự cụ thể hữu hình cho sự sống lại của Chúa Giêsu.

Và ĐTC kết luận với lời khẩn nguyện, xin Mẹ Maria, Mẹ Từ Bi Thương Xót, giúp chúng ta tin và vui sống tất cả những điều ấy.

Chào thăm

Sau khi ban phép lành cho mọi người, ĐTC nhắc nhở rằng: thứ bẩy 22-4-2017 tại thành Oviedo bên Tây Ban Nha có lễ phong chân phước cho Cha Louis-Antoine Ormières. Cha sống hồi thế kỷ 19, đã dùng tất cả khả năng nhân bản và tinh thần của mình để phục vụ giáo dục, và với mục đích ấy, cha đã thành lập dòng các nữ tu Thiên thần Bản mệnh. Ước gì tấm gương và lời chuyển cầu của cha đặc biệt giúp đỡ những người đang hoạt động tại các học đường và trong lãnh vực giáo dục.

ĐTC chào thăm tất cả các tín hữu Roma, những tín hữu hành hương từ Italia và bao nhiêu nước khác, đặc biệt ngài nhắc đến các tín hữu hành hương người Ba Lan và ca ngợi sáng kiến của Caritas Ba Lan nâng đỡ bao nhiêu gia đình ở Siria. Ngài không quên chào thăm các tín hữu tôn sùng Lòng Thương Xót Chúa họp nhau tại Nhà Thờ Chúa Thánh Thần in Sassia gần Vatican, nơi đặc biệt cử hành các buổi lễ kính Lòng Thương Xót của Chúa.

Sau cũng, ĐTC gửi lời cám ơn tất cả những người đã gửi lời chúc mừn gngài nhân dịp lễ Phục Sinh. Ngài cũng chân thành chúc mừng họ và cầu xin cho mỗi người, mỗi gia đình được ơn thánh của Chúa Phục Sinh.
 
TV Thời Sự Giáo Hội và Thế Giới Ngày Nay 23/4/2017
VietCatholic Network
12:07 24/04/2017
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây

Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô. VietCatholic xin kính chào quý vị và anh chị em trong tình yêu thương của Chúa Kitô và Mẹ Maria. Kính thưa quý vị và anh chị em, chương trình Truyền Hình của chúng tôi hôm nay gồm có các tin chính như sau:

1- Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng với Đức Thánh Cha.

2- ĐTC đề cao tầm quan trọng của các vị tử đạo và phê bình chính sách Âu Châu về di dân và tị nạn.

3- ĐTC sẽ phong thánh hai hiển thánh tại Fatima.

4- ĐTC Phanxicô sẽ gặp Thượng Phụ Bartholomew tại Cairo.

5- Sứ điệp Tòa Thánh gửi các Phật Tử.

6- Tòa thánh lên án việc sử dụng tên của Thiên Chúa để thực hiện các hành vi khủng bố.

7- Tổng Thống Trump ngỏ ý muốn hội kiến ĐTC Phanxicô vào Tháng 5 năm nay.

8- Vợ góa của một Kitô hữu Ai Cập tha thứ cho tên khủng bố IS đã giết chồng bà.

9- Quyền từ chối tham gia phá thai của các nữ hộ sinh.

10- Thánh Ca: Chúa Giầu Lòng Xót Thương.

Sau đây là phần tin chi tiết:

- Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng với Đức Thánh Cha.

Trong buổi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng trưa Chúa Nhật 23/4/2017, cũng là ”Chúa Nhật Áo Trắng”, ĐTC Phanxicô diễn giải về Lòng Thương Xót của Chúa và lễ kính Lòng Chúa Xót Thương với hơn 20 ngàn tín hữu hiện diện.

Ngài nói: Mỗi Chúa Nhật chúng ta tưởng niệm cuộc phục sinh của Chúa Giêsu, nhưng trong mùa này sau lễ Phục Sinh, Chúa Nhật có một ý nghĩa càng rạng ngời hơn. Trong truyền thống của Giáo Hội, Chúa Nhật này được gọi là “in albis”, thành ngữ này muốn nhắc lại nghi thức mà những người đã chịu phép rửa tội trong đêm vọng Phục Sinh thi hành. Mỗi người nhận được một áo trắng, alba, để chỉ phẩm giá mới của con cái Thiên Chúa. Chúa Nhật hôm nay cũng vậy, các tân tòng nhận được một chiếc áo trắng nhỏ tượng trưng, trong khi những người lớn thì mặc áo trắng lớn của mình. Áo này, xưa kia, được mặc trong một tuần lễ, cho đến Chúa Nhật in albis - tức là Chúa Nhật sau lễ Phục Sinh - khi họ cởi áo này và các tân tòng bắt đầu đời sống mới trong Chúa Kitô và trong Giáo Hội.

ĐTC cũng diễn giải về Lòng Thương Xót của Chúa như sau: Trong Năm Thánh 2000, thánh Gioan Phaolô II đã qui định rằng Chúa Nhật này được dâng kính Lòng Chúa thương xót… Lòng thương xót dưới ánh sáng Phục Sinh tỏ cho thấy được nhận thức như một hình thức ý thức thực sự về mầu nhiệm chúng ta đang sống. Chúng ta biết rằng ta nhận biết qua nhiều hình thức: qua các giác qua, qua trực giác, lý trí, và những cách khác… Lòng thương xót mở cửa tâm trí để hiểu rõ hơn mầu nhiệm Thiên Chúa và cuộc sống bản thân chúng ta… Lòng thương xót giúp hiểu rằng bạo lực, oán hận, trả thù không có ý nghĩa gì, và nạn nhân đầu tiên chính là người sống những tâm tình ấy... Lòng thương xót cũng mở cửa tâm hồn và giúp biểu lộ sự gần gũi, nhất là với những người lẻ loi và bị gạt ra ngoài lề, vì làm cho họ cảm thấy là anh chị em của nhau và là con của một Cha duy nhất…

Sau khi ban phép lành cho mọi người, ĐTC đã chào thăm tất cả các tín hữu Roma, những tín hữu hành hương từ Italia và bao nhiêu nước khác; đặc biệt ngài nhắc đến các tín hữu hành hương người Ba Lan và ca ngợi sáng kiến của Caritas Ba Lan nâng đỡ bao nhiêu gia đình ở Siria. Ngài không quên chào thăm các tín hữu tôn sùng Lòng Thương Xót Chúa họp nhau tại Nhà Thờ Chúa Thánh Thần tại Sassia gần Vatican, nơi đặc biệt cử hành các buổi lễ kính Lòng Thương Xót của Chúa. Sau cùng, ĐTC gửi lời cám ơn tất cả những người đã gửi lời chúc mừng ngài nhân dịp lễ Phục Sinh. Ngài cũng chân thành chúc mừng họ và cầu xin cho mỗi người, mỗi gia đình được ơn thánh của Chúa Phục Sinh.

- ĐTC đề cao tầm quan trọng của các vị tử đạo và phê bình chính sách Âu Châu về di dân và tị nạn.

ĐTC đã bày tỏ lập trường trên đây trong buổi Phụng Vụ Lời Chúa tại Vương cung thánh đường thánh Bartolomeo ở Roma chiều thứ Bảy 22-4-2017 do Cộng đồng thánh Egidio tổ chức để tưởng niệm “các vị tử đạo mới” trong thế kỷ 20 và 21.

Trong bài giảng sau các bài sách thánh, ĐTC Phanxicô nhắc lại rằng, Giáo Hội là Giáo Hội của những vị tử đạo, tức là những người đã nhận được ơn tuyên xưng Chúa Giêsu cho đến chết. ĐTC cũng đã nhắc đến bao nhiêu vị tử đạo âm thầm khác, những người nam nữ trung thành với sức mạnh dịu dàng của tình thương, với tiếng nói của Chúa Thánh Linh…”. ĐTC ứng khẩu kể lại, nhân cuộc viếng thăm của ngài tại trại tị nạn ở đảo Lesbo bên Hy Lạp hồi tháng 4 năm 2016, ngài gặp một người đàn ông khoảng 30 tuổi với 3 đứa con nhỏ. Ông ta nói với ĐTC ông là người Hồi giáo, vợ ông là tín hữu Kitô. Ông kể rằng, khi những tên khủng bố đến đất nước ông và thấy vợ ông có một thánh giá, chúng bảo vợ ông vứt thánh giá đi, vợ ông không chịu, thế là chúng cắt cổ vợ ông ngay trước mặt ông. Người đàn ông nói với ĐTC: “Chúng con rất thương yêu nhau!”. ĐTC nói tiếp: ”Đó là hình ảnh mà ngày hôm nay tôi mang như một món quà… Người đàn ông tị nạn ấy không nuôi oán hận, ông ta là người hồi giáo đã phải chịu thập giá đau khổ ấy và ông mang thập giá đó không chút oán hận. Ông nương náu trong tình thương của vợ”.

Nhân dịp này, ĐTC cũng tố giác sự tàn ác chống lại những người di dân. Ngài nói: “Ước gì lòng quảng đại từ miền nam, nơi đảo Lampedusa, Sicilia, và Lesbo có thể lây sang tất cả chúng ta. Chúng ta ở trong nền văn minh không sinh con cái, nhưng chúng ta lại khép kín cửa đối với những người di dân... Chúng ta hãy nghĩ đến sự tàn ác mà ngày nay người ta hăng say gây ra cho dân tị nạn, cho sự bóc lột những người đến từ những con thuyền. Họ ở lại đó tại những nước quảng đại; Italia và Hy Lạp đón nhận họ nhưng các hiệp định quốc tế không để họ được đi định cư nơi khác”. Và ĐTC khuyên: “Nếu tại Italia mỗi thành phố làng xã đón tiếp 2 người di dân thì sẽ có chỗ cho tất cả mọi người”.

- Đức Thánh Cha sẽ phong thánh hai hiển thánh tại Fatima.

ĐTC sẽ chủ sự lễ phong hiển thánh cho hai chân phước thiếu nhi Phanxicô và Jacin-ta Marto vào ngày 13-5 tới đây tại Fatima, nhân dịp kỷ niệm 100 năm Đức Mẹ hiện ra tại đây với 3 mục đồng. Tin trên đây được ĐTC thông báo trong công nghị Hồng Y sáng ngày 20-4-2017 tại Vatican.

Chân phước Phanxicô qua đời năm 1919 lúc mới được 11 tuổi và em ruột là Jacinta qua đời năm 1020 khi được 10 tuổi. Cả hai đã được ĐTC Gioan Phaolô II phong chân phước ngày 13-5-2000 tại Fatima. Với Phanxicô và Jacinta Marto, đây là lần đầu tiên trong lịch sử hai trẻ em không phải là tử đạo, được phong hiển thánh. Trước đó, Bộ Phong thánh đã công bố sắc lệnh nhìn nhận một phép lạ nhờ lời chuyển cầu của hai chân phước thiếu nhi: một em bé 6 tuổi ở Brazil, năm 2013, bị té từ lầu 3 xuống vệ đường và bị thương ở đầu và não bộ. Thân nhân em đã cầu xin hai chân phước cứu chữa và em bé đã được lành bệnh hoàn toàn.

Tưởng cũng cần nhắc lại, Đức Mẹ đã hiện ra nhiều lần với 3 mục đồng Lucía, Jacinta và Phanxicô tại Fatima vào năm 1917. Trong các lần hiện ra này, Đức Mẹ đã tiết lộ những bí mật hay những lời tiên tri, gồm có 3 phần. Hai bí mật đầu nói về thế chiến thứ hai và sự sụp đổ của chế độ cộng sản ở Nga, đã được chị Lucia trình bày với Tòa Thánh từ năm 1941. Bí mật thứ ba được công bố năm 2000 và liên quan đến vụ mưu sát ĐGH Gioan Phaolô II vào ngày 13-5 năm 1981, lễ Đức Mẹ Fatima, tại Quảng trường Thánh Phêrô.

- Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ gặp Thượng Phụ Bartholomew tại Cairo.

Theo bản tin của Crux ngày 19 tháng Tư, Đại Giáo Trưởng của đền thờ và đại học Al-Azhar, Ai Cập, đã mời Thượng Phụ Bartholomew của Constantinople tới Cairo gặp gỡ Đức Phanxicô khi ngài tới đó ngày 28 tháng này, để cùng tham dự một hội nghị quốc tế về hòa bình. Thượng Phụ Batholomew, vị đứng đầu những vị ngang quyền của Thế Giới Chính Thống Giáo Đông Phương, đã có lịch sử tiếp xúc lâu đời với Đức Phanxicô trong nhiều biến cố quan trọng tại Đất Thánh, Vatican và Hy Lạp.

Sau các buổi cử hành Lễ Phục Sinh vào Chúa Nhật vừa qua, Thượng Phụ Batholo-mew cũng đã nói với các tín hữu của ngài rằng ngài đã nhận được một lá thư của Đức Giáo Hoàng Phanxicô tỏ ý hy vọng hai vị sẽ gặp nhau một ngày gần đây. Thượng Phụ Batholomew nhấn mạnh ngày ấy “rất gần”. Ngài nói: "Tôi đã được mời (và)… sẽ hiện diện cùng với Đức Giáo Hoàng Phanxicô”.

Với cuộc gặp gỡ này, các nhà lãnh đạo của Kitô Giáo cả Đông lẫn Tây sẽ cùng vị đứng đầu của Giáo Hội Chính Thống Ai Cập, Giáo Hoàng Tawadros II, biểu lộ một mặt trận thống nhất trong cuộc gặp gỡ của các ngài tại Al-Azhar. Việc biểu dương chính nghĩa chung này diễn ra chỉ ba tuần sau các cuộc đánh bom vào các nhà thờ Coptic sát hại 45 giáo dân, do ISIS chủ mưu.

Được biết Hội Nghị Quốc Tế về Hòa bình do viện đại học Al Azhar tổ chức sẽ kéo dài trong hai ngày 28 và 29 tháng 4 năm 2017.

- Sứ điệp Tòa Thánh gửi các Phật Tử.

Hội đồng Tòa Thánh đối thoại liên tôn chúc mừng các Phật Tử trên thế giới nhân dịp lễ Vesakh và cổ võ cùng nhau cấp thiết thăng tiến một nền văn hóa hòa bình và bất bạo động.

Trên đây là nội dung Sứ điệp của ĐHY Jean Louis Tauran, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh đối thoại liên tôn, và của ĐC Tổng thư ký Miguel Ángel Ayoso Guixot, công bố hôm 22-4-2017 nhân lễ Vesakh. Đối với các tín đồ Phật giáo nguyên thủy, lễ này mừng cuộc đản sinh, thành đạo và viên tịch của Đức Phật, trong khi các tín đồ Phật giáo đại thừa, cử hành các biến cố đó vào những ngày khác nhau. Năm nay lễ Vesakh được cử hành vào ngày 10-5 tới đây.

Chúa Giêsu và Đức Phật đều cổ võ bất bạo động và là những người xây dựng hòa bình. Như ĐGH Phanxicô đã viết “Cả Chúa Giêsu cũng sống trong thời kỳ bạo lực. Ngài dạy rằng chiến trường đích thực trong đó bạo lực và an bình đụng độ nhau chính là tâm hồn con người… Từ bên trong, tức là từ tâm hồn con người, xuất phát những ý hướng xấu” (Mc 7,21) (Sứ điệp Ngày thế giới hòa bình 2017). Đức Phật cũng loan báo một sứ điệp tương tự, khuyến khích tất cả mọi người “hãy chiến thắng kẻ giận dữ không phải bằng sự nổi giận, chiến thắng kẻ gian ác bằng sự từ nhân, chiến thắng kẻ lầm than bằng sự quảng đại, và thắng kẻ gian dối bằng sự thật”.

- Tòa thánh lên án việc sử dụng tên của Thiên Chúa để thực hiện các hành vi khủng bố.

Ngày 20 tháng 4, Đức TGM Bernardito Auza, Quan Sát Viên Thường Trực của Tòa Thánh tại LHQ, đã đọc một tham luận trong cuộc tranh luận công khai của Hội Đồng Bảo An về "Tình hình ở Trung Đông, bao gồm Vấn Đề Palestine".

Trong bài phát biểu của mình, Đức Tổng Giám mục Auza nói rằng, việc sử dụng vũ khí hóa học ở Syria và các vụ đánh bom khủng bố vào Chúa Nhật Lễ Lá ở Ai Cập đã đẩy một phần của Trung Đông xuống mức thấp hơn nữa của sự man rợ, bằng cách tấn công chính nền tảng của nhân phẩm và nhân quyền. Ngài nói rằng an ninh của Li Băng và các nước láng giềng đang bị đe doạ bởi các nhóm vũ trang, gây nguy cơ cho khả năng cai trị của khu vực.

Tòa Thánh nhắc lại sự ủng hộ của mình đối với giải pháp hai nhà nước giữa Israel và Palestine do hai bên thương thảo. Tòa Thánh cũng kêu gọi các nhà lãnh đạo tôn giáo lên tiếng mạnh mẽ chống lại việc sử dụng khủng bố trong khu vực và kiểm soát những người theo mình vốn đang cho rằng Thiên Chúa đứng đằng sau sự thống trị bằng khủng bố của họ. Đức TGM Auza kêu gọi các nhà cung cấp vũ khí hành động phù hợp với các chuẩn mực đã được quốc tế thỏa thuận, kẻo các vũ khí này bị sử dụng để sát hại người vô tội... Ngài nói rằng, chuyến viếng thăm từ ngày 28 đến ngày 29 tháng 4 của ĐGH Phanxicô tại Ai Cập nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của đối thoại và gặp gỡ như một đối cực chống lại bạo lực và hận thù.

- Tổng Thống Trump ngỏ ý muốn hội kiến ĐTC Phanxicô vào Tháng 5 năm nay.

Tòa Bạch Ốc bày tỏ hy vọng có cuộc hội kiến giữa ĐTC Phanxicô và TT Donald Trump khi ông thực hiện chuyến công du Âu Châu vào tháng tới.

Theo tờ Wall Street Journal, Thư ký Tòa Bạch Ốc Sean Spicer nói với các phóng viên tại cuộc họp báo hôm Thứ Tư rằng: "Thực ra, chúng tôi rất lấy làm vinh dự khi được hội kiến với Đức Thánh Cha”. Tuy nhiên, ông Spicer nhấn mạnh rằng, đây là dấu hiệu chính thức đầu tiên cho thấy ông Trump muốn nối gót theo các vị Tổng Thống Hoa Kỳ tiền nhiệm, từ đời ông Dwight D. Eisenhower cho tới Barack Obama, là gặp gỡ Đức Thánh Cha tại Vatican.

Triển vọng về cuộc hội kiến giữa ĐTC với ông Trump từng bị nghi ngờ, sau khi giữa họ có những tranh luận trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016. Hồi Tháng Hai năm ngoái, ĐTC Phanxicô nói rằng kế hoạch xây bức tường biên giới với Mexico của ứng cử viên đảng Cộng Hòa đã làm ông này "không còn là Kitô hữu". Đáp lại, ông Trump đã gọi đức tin của Đức Thánh Cha là "đáng hổ thẹn".

Theo tuyên bố của Tòa Bạch Ốc: "ĐGH Phanxicô luôn sẵn sàng tiếp đón các vị nguyên thủ quốc gia nào muốn đến hội kiến".

- Vợ góa của một Kitô hữu Ai Cập tha thứ cho tên khủng bố IS đã giết chồng bà.

Người vợ góa của một Kitô hữu bị giết trong vụ đánh bom tại nhà thờ Thánh Máccô ở Alexandria bên Ai Cập hôm Chúa Nhật Lễ Lá 9 tháng 4 vừa qua nói bà tha thứ cho kẻ khủng bố.

Trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình Ai cập, người phụ nữ góa nói với các phóng viên: “Tôi không oán giận kẻ khủng bố. Tôi đang nói với anh ta, cầu xin Chúa tha cho bạn.”

Chồng của bà bị chết khi ngăn chặn một kẻ đánh bom tự sát đi vào nhà thờ chính tòa thánh Máccô ở thành phố Alexandria. 17 người - kể cả dân thường và cảnh sát - đã bị giết và 47 người khác bị thương trong vụ khủng bố này. Trước đó, tại nhà thờ Thánh Georges ở thành phố Tanta, một quả bom phát nổ làm cho 28 người thiệt mạng và 78 người bị thương.

Sau khi lắng nghe cuộc phỏng vấn, phóng viên đài truyền hình nói với các khán giả: “Kitô hữu Ai cập vô cùng yêu quý đất nước họ. Nếu kẻ thù của các bạn biết được các bạn quảng đại tha thứ cho anh ta như thế, anh ta sẽ không tin nổi.”

- Quyền từ chối tham gia phá thai của các nữ hộ sinh.

Tin Stockholm, Sweden – “Ước muốn bảo vệ sự sống là điều hướng dẫn nhiều nữ hộ sinh và y tá theo ngành y. Thay vì buộc những nữ hộ sinh đang cần thiết cho ngành y từ bỏ nghề của họ, các chính phủ nên bảo vệ những xác tín luân lý đạo đức của nhân viên y tế.” Đó là nhận định của ông Robert Clarke, chủ tịch phân bộ luật sư châu Âu của liên minh bảo vệ tự do quốc tế.

Các luật sư bảo vệ tự do tôn giáo nói rằng các nữ hộ sinh – những chuyên viên về thai nghén và sinh sản – thường chọn nghề của họ bởi vì họ muốn mang những sự sống mới vào trong thế giới và họ không nên bị cưỡng ép kết liễu sự sống ngược lại với niềm tin của họ.

Nữ hộ sinh Ellinor Grimmark đã tố cáo 3 cơ sở y tế khác nhau ở quận Joenkoeping, miền nam Thụy điển, từ chối nhận bà làm việc vì bà chống lại việc trợ giúp cho các ca phá thai. Nhưng tòa án địa phương, cũng như tòa án lao động mới đây đều đã có những phán xử chống lại El-linor Grimmark.

Ellinor Grimmark đang dự định kháng án lên tòa án nhân quyền châu Âu. Hiệp hội bảo vệ tự do quốc tế đã đệ trình một bản tóm tắt để ủng hộ bà.

Theo tin của BBC, dựa trên số liệu của LHQ, Thụy điển là quốc gia có tỷ lệ phá thai cao nhất ở châu Âu, với 20,8 vụ trên 1000 phụ nữ vào năm 2011.

Chúng tôi hân hạnh giới thiệu đến quý vị và anh chị em một bài thánh ca: Chúa Giầu Lòng Xót Thương, tác giả Simon Phan Hùng. Bài thánh ca này sẽ được trình bày bởi ca sĩ Lý Mai Trang, phần hình ảnh minh họa của anh Đặng Văn An. Kính mời quý vị và anh chị em cùng thưởng thức.
 
Ngày Địa Cầu: “Chúng ta hãy là những người canh giữ thay vì là những kẻ hủy hoại thế giới”
Bùi Hữu Thư
16:49 24/04/2017
Ngày Địa Cầu: “Chúng ta hãy là những người canh giữ thay vì là những kẻ hủy hoại thế giới”

Nói về Ngày Địa Cầu Thế Giới, 22 tháng 4, 2017, Đức Thánh Cha Phanxicô đã kêu gọi mọi người “hãy là những người canh giữ thay vì là những kẻ hủy hoại thế giới”

Ngài đã viết trên chương mục tweet @Pontifex của ngài bằng chín ngôn ngữ: “Lạy Chúa, xin chữa lành đời sống chúng con, để chúng con trở thành những người canh giữ thay vì là những kẻ hủy hoại thế giới, để chúng con gieo rắc những gì là tốt đẹp thay vì những gì là ô nhiễm hay phá hủy.”

Để ghi dấu ngày Địa Cầu, Đức Hồng Y Ngoại Trưởng Pietro Parolin đã dâng Thánh Lễ trước khoàng 400 người tụ tập dưới một lều lớn của “Ngôi Làng Địa Cầu” tại công viên Borghese ở Rôma ngày Chúa Nhật 23 tháng 4, theo chương trình phát thanh bằng tiếng Ý của đài Radio Vatican.

Khi nhắc lại lời kêu gọi của Đức Thánh Cha trong thông điệp Laudato si’ do ngài tuyên bố khi bất ngờ đến thăm “Ngôi Làng Địa Cầu”là “cần biến đổi các sa mạc thành các cánh rừng”, Đức Hồng Y Parolin đã xác định tầm quan trọng của “việc bảo vệ di sản chung” của chúng ta là Trái Đất: “Hành động này, chúng ta phải cùng nhau thi hành.”

“Ngôi Làng Địa Cầu” đã trở lại Rôma năm nay với nhiều chương trình khác được Phong Trào Focolari và tổ chức Ngày Địa Cầu bên Ý, với sự cộng tác của Bộ Môi Trường thực hiện cho tới ngày 25 tháng 4. Chủ đề của biến cố này năm nay là việc đối thoại giữa các nền văn hóa. Sẽ có khỏang mười hội nghị bàn tròn về các vấn đề kinh tế, giáo dục, khoa học và một “Buổi Trình Tấu về Trái Đất” được tổ chức trong những ngày này tại thủ đô nước Ý.

Bùi Hữu Thư
 
Đức Thánh Cha từ chối di chuyển bằng thiết giáp trong chuyến tông du Ai Cập
Đặng Tự Do
18:38 24/04/2017
Đám tang các nạn nhân bị khủng bố tại nhà thờ hai Thánh Phêrô và Phaolô Tông Đồ
Ông Greg Burke, giám đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh, cho biết mặc dù có nhiều nguy cơ khủng bố, nhưng Đức Thánh Cha đã lên kế hoạch tông du Ai Cập như một dấu chỉ gần gũi với người dân ở đó.

Trong cuộc họp báo tại Vatican hôm thứ Hai 24 tháng Tư, ông Greg Burke nói với các ký giả rằng việc tăng cường an ninh là một phần của “tình trạng bình thường mới” ở nhiều nước, nhưng ngay cả sau cuộc tấn công đẫm máu hôm Chúa Nhật Lễ Lá tại Ai Cập, mong muốn của Đức Thánh Cha Phanxicô vẫn là “tiến hành chuyến tông du như một dấu chỉ cho thấy sự gần gũi của ngài” đối với những ai bị ảnh hưởng bởi bạo lực và tất cả nhân dân Ai Cập.

Một phóng viên đã hỏi liệu có bất kỳ lo lắng hay quan ngại nào về an ninh của Đức Thánh Cha hay không.

Ông Burke, nói bằng tiếng Ý, trả lời rằng ông sẽ không sử dụng từ “lo lắng” hoặc “quan ngại”, nhưng có thể nói rằng “chúng ta sống trong một thế giới mà bây giờ chuyện khủng bố là một phần của cuộc sống.” Ông nói thêm, “Bất chấp thực tại đó, chúng tôi sẽ tiến bước với sự thanh thản.”

Theo ông Burke, Đức Thánh Cha đã từ chối di chuyển bằng thiết giáp trong chuyến tông du Ai Cập, ngài đã yêu cầu một chiếc xe bình thường để di chuyển từ nơi này đến nơi khác.

Ông cho biết thêm chiếc xe của Đức Thánh Cha không phải là chiếc pope mobile không có mái che đầu như ta vẫn thường thấy trong các chuyến tông du trước đây của ngài, nó chỉ là một chiếc xe chơi golf rất bình thường.

Như thế, để di chuyển từ phi trường vào thành phố Cairo, và di chuyển từ nơi này sang nơi khác, Đức Thánh Cha sẽ dùng một chiếc xe hơi nhỏ. Sau đó, ngài dùng một chiếc xe chơi golf khi đi vòng quanh các đám đông tại một sân vận động, nơi Thánh lễ sẽ được cử hành vào ngày 29 tháng Tư.

Ngài cũng sẽ sử dụng xe golf để chào thăm hơn 1000 chủng sinh, các tu sĩ và giáo sĩ trong một buổi cầu nguyện ngoài trời tại chủng viện Thánh Leô của Giáo Hội Công Giáo Coptic ở khu ngoại ô Maadi vào ngày 28 tháng Tư.

Ông Burke cho biết, sau cuộc gặp riêng với Đức Thượng Phụ Chính thống Coptic Tawadros II, tại dinh thự của ngài vào ngày 28 tháng Tư, hai nhà lãnh đạo sẽ cùng đi đến nhà thờ hai Thánh Phêrô và Phaolô Tông Đồ, nơi đã bị bọn khủng bố ném bom trong một Thánh Lễ Chúa Nhật hôm 11 tháng 12 năm 2016, giết chết 24 người và làm bị thương ít nhất 45 người khác.

Hai vị sẽ cầu nguyện “cho tất cả các nạn nhân bị khủng bố trong những năm tháng vừa qua, và cầu nguyện cho các Kitô hữu bị giết trên thế giới”.

Hai vị sẽ đặt hoa bên ngoài nhà thờ, đốt những ánh nến và sau đó cầu nguyện cho các nạn nhân trong vụ tấn công tháng 12.

Sau đó, Đức Thánh Cha sẽ tới Tòa Sứ Thần Tòa Thánh, nơi ngài sẽ nghỉ đêm, và sẽ chào đón một nhóm trẻ em của một trường do các cha dòng Comboni điều hành ở Cairo và một nhóm hơn 300 thanh niên hành hương đến Cairo để gặp Đức Giáo Hoàng. Nhiều người trong số này là những người tị nạn trong vùng núi Sinai đã phải bỏ nhà cửa lánh nạn.
 
Tranh cãi chung quanh việc Đức Thánh Cha dùng từ “trại tập trung” để chỉ các trung tâm tiếp nhận người tị nạn tại Âu Châu
Đặng Tự Do
17:37 24/04/2017
Đức Thánh Cha đã lên tiếng phê bình chính sách của các quốc gia Âu Châu về di dân và tị nạn, và gọi các trung tâm tiếp nhận người tị nạn là các “trại tập trung”.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong buổi Phụng Vụ Lời Chúa tại Đền Thờ Thánh Bácthôlômêô tại Rôma chiều thứ Bẩy 22 tháng Tư do Cộng đồng thánh Egidio tổ chức để tưởng niệm các vị tử đạo mới trong thế kỷ 20 và 21.

Khi đề cập đến các trại tị nạn, Đức Thánh Cha nhận xét rằng “nhiều trung tâm trong số này giống như các trại tập trung, bởi vì có quá đông người.”

Nhận xét đó đã thu hút sự phản đối nhẹ nhàng từ Ủy ban Do Thái, gọi tắt là AJC. David Harris, nhà lãnh đạo AJC, nói: “Không thể so sánh” giữa các trại tị nạn và các trại tập trung của Đức quốc xã. So sánh trên khía cạnh tương lai sáng sủa đang mở ra trước mắt những người tị nạn và số phận thê thảm đáng sợ của những người bị giam trong các trại tạp trung của Đức quốc xã, ông nói:

“Các điều kiện mà người di cư hiện đang sống ở một số nước châu Âu có thể rất khó khăn, và đáng được quan tâm nhiều hơn trên thế giới, nhưng chắc chắn những trung tâm này không phải là các trại tập trung.”

Trong cuộc họp báo hôm thứ Hai 24 tháng Tư, ông Greg Burke, giám đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh, lưu ý rằng lúc đó Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói ứng khẩu, không có một văn bản nào.
 
Các Đại Học Công Giáo tại Mỹ trung thành với giáo huấn của Giáo Hội phát triển mạnh
Đặng Tự Do
18:00 24/04/2017
Một số Đại Học tại Mỹ Công Giáo tuy mang danh là Công Giáo nhưng có xu hướng xa rời các giáo huấn chính thức của Giáo Hội. Họ thường mời các nhân vật gây tranh cãi như Obama, Hilary Clinton … đến nói chuyện, khai mạc năm học mới và bế giảng; và thường xuyên xung đột với đấng bản quyền địa phương.

Chính vì thế, tổ chức Đức Hồng Y Newman mỗi năm xuất bản đều đặn cuốn “Newman Guide” nêu rõ các trường Đại Học nào thực sự gắn bó với các giáo huấn chính thức của Giáo Hội.

Ấn bản lần thứ 10 của cuốn Newman Guide, vừa được công bố, cho thấy có một sự tăng trưởng mạnh mẽ và đều đặn trong các Đại Học khuyến khích sinh viên trung thành với giáo huấn của Giáo Hội.

Patrick Reilly, chủ tịch Hiệp hội Đức Hồng Y Newman, cho biết: “Trong 10 năm qua, các Đại Học được đề cao trong cuốn Newman Guide đã đạt được những thành công đáng kể, song song với việc mang đến một bản sắc Công Giáo mạnh mẽ.”

Những Đại Học này có thể kể là:

Thomas Aquinas College ở California đã đạt đến mức ghi danh cao nhất trong các Đại Học tại Mỹ, và vừa công bố việc mở thêm một trường mới ở Massachusetts.

Christendom College ở Virginia cũng đã đạt được một mức tuyển sinh rất cao và khởi động chiến dịch vay vốn 40 triệu đô la để mở rộng cơ sở.

Wyoming College đã chứng kiến sự tăng trưởng đến 150% trong bảy năm qua

Đại học Ave Maria ở Florida đã tăng 75%, và Benedictine College ở Kansas tăng 43%.

Benedictine College, năm ngoái là năm liên tiếp thứ 19 có số sinh viên gia tăng, và thánh lễ hàng ngày của họ thu hút khoảng 625 sinh viên mỗi thánh lễ.

Thomas More College ở New Hampshire đã chứng kiến 7 năm tăng trưởng, trong khi thêm vào chương trình việc thực tập tại Tây Ban Nha và việc hành hương đến Ba Lan cùng với các chương trình đã có sẵn tại Rôma và Oxford.
 
Đức Thánh Cha an ủi em gái của cha Jacques Hemel
Đặng Tự Do
18:24 24/04/2017
Trong buổi Phụng Vụ Lời Chúa tại Đền Thờ Thánh Bácthôlômêô tại Rôma chiều thứ Bẩy 22 tháng Tư do Cộng đồng thánh Egidio tổ chức để tưởng niệm các vị tử đạo mới trong thế kỷ 20 và 21, Đức Thánh Cha Phanxicô đã an ủi em gái của một linh mục người Pháp bị sát hại bởi bọn khủng bố Hồi Giáo IS trong một nhà thờ ở Normandy.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nắm tay Roselyne Hamel, em gái của cha Jacques Hamel, 85 tuổi, đã chết vì bị cắt đứt cuống họng khi ngài cử hành Thánh Lễ vào ngày 26 tháng 7 năm 2016.

Ngài đã lặng lẽ nói chuyện và an ủi bà trong buổi lễ tối tại Đền Thờ Thánh Bácthôlômêô trên cù lao Tiberina của sông Tiber ở Rôma; sau khi nghe bà Roselyne Hamel phát biểu những cảm nghĩ và tâm tình đau đớn của bà khi nghe tin anh mình bị giết bởi “hai thanh niên cực đoan bị nhồi nhét các tư tưởng hận thù.”

Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng “các vị tử đạo dạy chúng ta rằng với sức mạnh của tình yêu, và với sự dịu dàng, chúng ta có thể chống lại thói kiêu ngạo, bạo lực và chiến tranh - và sự bình an có thể đạt được với lòng kiên nhẫn.”
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Lễ Lòng Thương xót Chúa tại giáo họ Phước Sơn, xứ Làng Truông GP Vinh
Đa Minh Tiến Khởi
10:17 24/04/2017
Giáo họ Phước Sơn, xứ Làng Truông

KÍN MÚC NGUỒN ƠN TỪ CHUỖI LÒNG THƯƠNG XÓT

“Thiên Chúa giàu lòng thương xót và rất mực yêu mến chúng ta, nên dầu chúng ta đã chết vì sa ngã, Người cũng đã cho chúng ta được cùng sống với Đức Ki-tô.”.

Chiều Chúa Nhật II Phục Sinh, Chúa Nhật kính Lòng Thương Xót Chúa (Ngày 23/4/2017), tại giáo họ Phước Sơn, thuộc giáo xứ Làng Truông đã long trọng mừng Đại lễ Lòng Chúa Thương Xót và cũng là dịp giáo dân nơi đây hân hoan kỷ niệm 10 năm thành lập giáo họ (2007 – 2017). Đây là nơi đã được Cha Giu se Nguyễn Văn Thắng, vị mục tử được gọi là Linh mục của Lòng Thương Xót chọn và khởi đầu xây dựng làm Trung tâm Cộng đoàn Lòng Thương xót và có hướng xây dựng Hội Dòng từ khi Ngài còn coi sóc giáo xứ. Hiện tại cộng đoàn Lòng Thương Xót Chúa được Cha Giu se khởi sự nơi đây đang được tiến triển mạnh mẽ và nhân rộng ít nhất là khu vực tỉnh Hà Tĩnh với lòng sùng kính đặc biệt của hàng nghìn người tham gia vào cộng đoàn và đang thu hút sự quan tâm của rất nhiều người không kể lương hay giáo chính từ những hồng ân đã được Chúa trao ban từ chuỗi ngọc của Lòng Thương Xót. Một niềm vui đang được nhân lên với cộng đoàn là Cha Giu se đã được Đức Giám Mục Giáo phận cho nghỉ các công việc mục vụ để Ngài chuyên tâm lo chăm sóc xây dựng Cộng đoàn và từng bước tiến tới việc thành lập Hội Dòng.

Xem Hình

Thánh lễ có sự hiện diện của Quý Cha trong và ngoài giáo hạt, đông đảo quý Thầy, quý Seuo và hàng nghìn giáo dân từ khắp nơi xa gần cùng về hiệp thông dâng lời cầu nguyện.

Đúng như Thánh nữ Faustina đã từng cảm nghiệm và tâm sự: “Lạy Chúa Giêsu, khi con được đắm chìm vào Ngài, nếu so sánh với Ngài, mọi sự chỉ là không. Đau khổ, chống đối, nhục nhã, thất bại, và hoài nghi trên đường con đi, tất cả chỉ như viên đá lửa làm làm bùng lên ngọn lửa tình yêu con dành cho Ngài mà thôi” (Nhật Ký, số 57).

Ngay từ đầu giờ chiều hàng trăm người, với đủ loại phương tiện đã đổ về đây để dâng lời kinh cảm tạ và cầu xin nguồn mạch ân sủng từ Lòng Thương Xót nơi Tượng đài, Nhà nguyện và đồi Thánh Giá thuộc khu vực quy hoạch của giáo họ với những hiện vật được người dân mang đến để cầu xin ơn riêng từ niềm tin và lòng Tín thác tuyệt đối.

Cũng như bao lần khác, vào lúc 14 giờ 15 phút, Giờ kinh Lòng Thương Xót trọng thể được bắt đầu trong niềm hân hoan, niềm tin yêu và lòng tín thác với những lời kinh Lạy Cha, Kính Mừng, Tin Kính và chuỗi Thương Xót được cộng đoàn thể hiện một cách trang nghiêm, tôn kính và sốt sắng.

Vào lúc 15 giờ, Thánh lễ được bắt đầu do Cha Giu se Nguyễn Văn Thắng chủ tế, đoàn rước nhập lễ tuy đơn sơ những rất trang trọng được hòa trong lời hát nhập lễ, lời hoan ca Phục Sinh từ Ca Đoàn và lời tung hô từ cộng đoàn dân Chúa. Mở đầu Thánh Lễ, Cha Giu se Nguyễn Văn Thắng bày tỏ niềm vui, niềm phấn khởi và lòng cảm kích với sự hiện diện của Quý Cha, Quý Tu sĩ, quý ân nhân và của đông đảo cộng đoàn dân Chúa từ nhiều nơi, có nơi cách xa hàng trăm cây số. Ngài nói; “Trong niềm hân hoan của tuần bát nhật Phục sinh, niềm hân hoan của Chúa Nhật Kính Lòng Thương Xót Chúa, tôi thật sự cảm kích trước sự hiện diện của Quý Cha, Quý vị và đông đảo cộng đoàn dân Chúa đã về đây, về với giáo họ Phước Sơn, một giáo họ còn non trẻ với chỉ hơn 40 gia đình sống rải rác nơi những ngọn đồi, những triền núi của miền sơn cước này. Trong tâm tình của Lòng Chúa Xót Thương, của niềm cậy trông và Lòng Tín thác, tôi tha thiết mời gọi cộng đoàn hãy dâng lên cho Chúa bằng tất cả tấm lòng, mọi buồn vui và lao nhọc. Hãy đến với Chúa, hãy Tín thác và cậy trông vào Chúa, tích cực làm những việc lành phúc đức để đón nhận được những hồng ân mà Chúa sẽ dành cho chúng ta bằng cách này hay cách khác…”. Như Chúa Giê su đã nhắn nhủ “Ta đã yêu thương ngươi bằng mối tình muôn thuở, nên Ta vẫn dành cho ngươi lòng xót thương”. “Núi có dời có đổi, đồi có chuyển có lay, tình nghĩa của Ta đối với ngươi vẫn không thay đổi”. (Thông điệp Lòng Thương Xót)

Trong bài chia sẻ tại Thánh lễ, Cha Pet Nguyễn Hữu Hiền, quản xứ Tân Phương đã phân tích sâu xa qua bài Tin mừng, qua dụ ngôn “Người Cha nhân hậu” qua câu chuyện “Kẻ trộm lành” và qua câu chuyện thú vị của Đức cố Hồng Y, Chân phước Nguyễn Văn Thuận để nói lên Lòng bao dung tha thứ, tình yêu và lòng Thương xót của Thiên Chúa đối với con người. Bằng cách nói giản dị, hài hước và sát thực, Ngài đã dẫn ý mời gọi mọi người biết hy sinh, quảng đại, sống vị tha và yêu thương nhau như chính Chúa đã luôn dủ lòng yêu thương; “Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương”.

Quả thật; “Thiên Chúa giàu lòng thương xót và rất mực yêu mến chúng ta, nên dầu chúng ta đã chết vì sa ngã, Người cũng đã cho chúng ta được cùng sống với Đức Ki-tô”.

Là một giáo họ được thành lập vào năm 2007, với hơn 40 hộ gia đình sống rải rác trên các triền đồi núi, cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn, chưa có nhà thờ, nhà xứ mà chỉ là ngôi Nhà nguyện đang tạm bợ nhưng Cộng đoàn Lòng Thương Xót tại giáo họ Phước Sơn đang được Cha Giu se Nguyễn Văn Thắng, Cha quản xứ An tôn Lâm Văn Hân và các Thầy dự tu ở đây thường xuyên chăm sóc, củng cố và xây dựng một cách tích cực. nhất là về đời sống Đức tin và hành trình sống đạo. Sức mạnh của niềm tin và Lòng Tín thác ở đây đang được khẳng định và Thánh lễ Lòng Thương Xót Chúa hôm nay đã cho thấy một dấu chỉ tích cực trong tương lai.

Thánh lễ khép lại nhưng niềm cảm mến, niềm cậy trông và lòng Tín thác vẫn in sâu trong lòng mỗi người dân, lòng Chúa Xót Thương vẫn còn đọng lại để thôi thúc hơn nữa về tinh thần sống đạo, về Đức tin để cùng loan báo Tin mừng và mở mang nước Chúa n

Đa minh Tiến Khởi
 
Những Hình Ảnh Đại Lễ Kính Lòng Chúa Thương Xót Tại Giáo Xứ St Margaret Mary's Brunswick
Tô Tịnh
23:56 24/04/2017
Những Hình Ảnh Đại Lễ Kính Lòng Chúa Thương Xót Tại Giáo Xứ St Margaret Mary's Brunswick
Coi hình (Ảnh Bosco Thanh Hùng)
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Nghệ An: Hàng ngàn người vây hãm trụ sở uỷ ban phản đối công an đánh người và cướp áo ''No Formosa''
Danlambao
17:32 24/04/2017
CTV Danlambao - Chiều ngày 24/4, hàng ngàn người dân đã bao vây bên ngoài trụ sở công an huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An để yêu cầu làm rõ sự việc công an chặn, đánh người và cướp áo No Formosa của người dân và bỏ chạy.

Trước đó, vào khoảng gần 14h, một tốp an ninh mang thường phục cùng CSGT đã chặn, đạp ngã xe gắn máy của 2 thanh niên trẻ đang trên đường vận chuyển 200 áo No Formosa. Khi 2 thanh niên này hô cướp thì bọn chúng cướp số áo trên, bỏ lên xe chuyên dụng của CSGT và bỏ chạy.

Phẫn nộ trước hành động côn đồ của nhóm công an, an ninh này, hàng ngàn người dân từ các xã Quỳnh Ngọc, Sơn Hải, Quỳnh Thọ, An Hòa, Quỳnh Yên... đã kéo đến trụ sở công an huyện Quỳnh Lưu để yêu cầu làm rõ sự việc. Công an huyện Quỳnh Lưu lo sợ nên phải đóng cổng trụ sở.

Bạn trẻ Nguyễn Thuỳ Trinh-người có mặt trực tiếp trong đoàn người biểu tình chia sẻ bức xúc trên facebook cá nhân: "Formosa là cái gì mà cộng sản nó bao che từ cấp nhỏ đến cấp lớn vậy nhỉ?

Tại sao các bạn trẻ của giáo xứ Song Ngọc được Cha mua áo No Formosa để tặng cho giới trẻ mặc. Với số lượng 200 cái thôi mà công an huyện Quỳnh Lưu lại cướp thế. Để rồi bà con phải lên tận huyện để đòi lại. Có thèm mặc thì xin đàng hoàng, ắt hẳn bà con sẽ cho nhá. Công an hành xử như lũ cướp thì chỉ kích động lòng dân thôi."

Theo nguồn tin gửi đến CTV Danlambao, khoảng 17h15 Linh mục Nguyễn Đình Thục cùng Linh mục Đặng Hữu Nam đã vào làm việc với những người có trách nhiệm của công an Quỳnh Lưu. Sau khoảng 30 phút làm việc, phía công an xin trả lại số áo đã cướp, thừa nhận hành động cướp áo, chặn và đánh người của nhóm công an, an ninh là trái pháp luật và hứa sẽ xử lý nội bộ. Linh mục Nguyễn Đình Thục yêu cầu công an phải chở số áo trên về trả lại tại giáo xứ Song Ngọc.

(Nguồn: Danlambao.com, Photos: Thùy Trinh, Tin Mừng)
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Xuân Về Trên Nương
Đặng Đức Cương
18:11 24/04/2017
XUÂN VỀ TRÊN NƯƠNG
Ảnh của Đặng Đức Cương
Hoa vàng cỏ mướt nắng mai
Tiết xuân về đó hỡi ai đợi chờ.
(bt)
 
VietCatholic TV
TV Thời Sự Giáo Hội và Thế Giới Ngày Nay 23/4/2017
VietCatholic Network
12:10 24/04/2017
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây

Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô. VietCatholic xin kính chào quý vị và anh chị em trong tình yêu thương của Chúa Kitô và Mẹ Maria. Kính thưa quý vị và anh chị em, chương trình Truyền Hình của chúng tôi hôm nay gồm có các tin chính như sau:

1- Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng với Đức Thánh Cha.

2- ĐTC đề cao tầm quan trọng của các vị tử đạo và phê bình chính sách Âu Châu về di dân và tị nạn.

3- ĐTC sẽ phong thánh hai hiển thánh tại Fatima.

4- ĐTC Phanxicô sẽ gặp Thượng Phụ Bartholomew tại Cairo.

5- Sứ điệp Tòa Thánh gửi các Phật Tử.

6- Tòa thánh lên án việc sử dụng tên của Thiên Chúa để thực hiện các hành vi khủng bố.

7- Tổng Thống Trump ngỏ ý muốn hội kiến ĐTC Phanxicô vào Tháng 5 năm nay.

8- Vợ góa của một Kitô hữu Ai Cập tha thứ cho tên khủng bố IS đã giết chồng bà.

9- Quyền từ chối tham gia phá thai của các nữ hộ sinh.

10- Thánh Ca: Chúa Giầu Lòng Xót Thương.

Sau đây là phần tin chi tiết:

- Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng với Đức Thánh Cha.

Trong buổi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng trưa Chúa Nhật 23/4/2017, cũng là ”Chúa Nhật Áo Trắng”, ĐTC Phanxicô diễn giải về Lòng Thương Xót của Chúa và lễ kính Lòng Chúa Xót Thương với hơn 20 ngàn tín hữu hiện diện.

Ngài nói: Mỗi Chúa Nhật chúng ta tưởng niệm cuộc phục sinh của Chúa Giêsu, nhưng trong mùa này sau lễ Phục Sinh, Chúa Nhật có một ý nghĩa càng rạng ngời hơn. Trong truyền thống của Giáo Hội, Chúa Nhật này được gọi là “in albis”, thành ngữ này muốn nhắc lại nghi thức mà những người đã chịu phép rửa tội trong đêm vọng Phục Sinh thi hành. Mỗi người nhận được một áo trắng, alba, để chỉ phẩm giá mới của con cái Thiên Chúa. Chúa Nhật hôm nay cũng vậy, các tân tòng nhận được một chiếc áo trắng nhỏ tượng trưng, trong khi những người lớn thì mặc áo trắng lớn của mình. Áo này, xưa kia, được mặc trong một tuần lễ, cho đến Chúa Nhật in albis - tức là Chúa Nhật sau lễ Phục Sinh - khi họ cởi áo này và các tân tòng bắt đầu đời sống mới trong Chúa Kitô và trong Giáo Hội.

ĐTC cũng diễn giải về Lòng Thương Xót của Chúa như sau: Trong Năm Thánh 2000, thánh Gioan Phaolô II đã qui định rằng Chúa Nhật này được dâng kính Lòng Chúa thương xót… Lòng thương xót dưới ánh sáng Phục Sinh tỏ cho thấy được nhận thức như một hình thức ý thức thực sự về mầu nhiệm chúng ta đang sống. Chúng ta biết rằng ta nhận biết qua nhiều hình thức: qua các giác qua, qua trực giác, lý trí, và những cách khác… Lòng thương xót mở cửa tâm trí để hiểu rõ hơn mầu nhiệm Thiên Chúa và cuộc sống bản thân chúng ta… Lòng thương xót giúp hiểu rằng bạo lực, oán hận, trả thù không có ý nghĩa gì, và nạn nhân đầu tiên chính là người sống những tâm tình ấy... Lòng thương xót cũng mở cửa tâm hồn và giúp biểu lộ sự gần gũi, nhất là với những người lẻ loi và bị gạt ra ngoài lề, vì làm cho họ cảm thấy là anh chị em của nhau và là con của một Cha duy nhất…

Sau khi ban phép lành cho mọi người, ĐTC đã chào thăm tất cả các tín hữu Roma, những tín hữu hành hương từ Italia và bao nhiêu nước khác; đặc biệt ngài nhắc đến các tín hữu hành hương người Ba Lan và ca ngợi sáng kiến của Caritas Ba Lan nâng đỡ bao nhiêu gia đình ở Siria. Ngài không quên chào thăm các tín hữu tôn sùng Lòng Thương Xót Chúa họp nhau tại Nhà Thờ Chúa Thánh Thần tại Sassia gần Vatican, nơi đặc biệt cử hành các buổi lễ kính Lòng Thương Xót của Chúa. Sau cùng, ĐTC gửi lời cám ơn tất cả những người đã gửi lời chúc mừng ngài nhân dịp lễ Phục Sinh. Ngài cũng chân thành chúc mừng họ và cầu xin cho mỗi người, mỗi gia đình được ơn thánh của Chúa Phục Sinh.

- ĐTC đề cao tầm quan trọng của các vị tử đạo và phê bình chính sách Âu Châu về di dân và tị nạn.

ĐTC đã bày tỏ lập trường trên đây trong buổi Phụng Vụ Lời Chúa tại Vương cung thánh đường thánh Bartolomeo ở Roma chiều thứ Bảy 22-4-2017 do Cộng đồng thánh Egidio tổ chức để tưởng niệm “các vị tử đạo mới” trong thế kỷ 20 và 21.

Trong bài giảng sau các bài sách thánh, ĐTC Phanxicô nhắc lại rằng, Giáo Hội là Giáo Hội của những vị tử đạo, tức là những người đã nhận được ơn tuyên xưng Chúa Giêsu cho đến chết. ĐTC cũng đã nhắc đến bao nhiêu vị tử đạo âm thầm khác, những người nam nữ trung thành với sức mạnh dịu dàng của tình thương, với tiếng nói của Chúa Thánh Linh…”. ĐTC ứng khẩu kể lại, nhân cuộc viếng thăm của ngài tại trại tị nạn ở đảo Lesbo bên Hy Lạp hồi tháng 4 năm 2016, ngài gặp một người đàn ông khoảng 30 tuổi với 3 đứa con nhỏ. Ông ta nói với ĐTC ông là người Hồi giáo, vợ ông là tín hữu Kitô. Ông kể rằng, khi những tên khủng bố đến đất nước ông và thấy vợ ông có một thánh giá, chúng bảo vợ ông vứt thánh giá đi, vợ ông không chịu, thế là chúng cắt cổ vợ ông ngay trước mặt ông. Người đàn ông nói với ĐTC: “Chúng con rất thương yêu nhau!”. ĐTC nói tiếp: ”Đó là hình ảnh mà ngày hôm nay tôi mang như một món quà… Người đàn ông tị nạn ấy không nuôi oán hận, ông ta là người hồi giáo đã phải chịu thập giá đau khổ ấy và ông mang thập giá đó không chút oán hận. Ông nương náu trong tình thương của vợ”.

Nhân dịp này, ĐTC cũng tố giác sự tàn ác chống lại những người di dân. Ngài nói: “Ước gì lòng quảng đại từ miền nam, nơi đảo Lampedusa, Sicilia, và Lesbo có thể lây sang tất cả chúng ta. Chúng ta ở trong nền văn minh không sinh con cái, nhưng chúng ta lại khép kín cửa đối với những người di dân... Chúng ta hãy nghĩ đến sự tàn ác mà ngày nay người ta hăng say gây ra cho dân tị nạn, cho sự bóc lột những người đến từ những con thuyền. Họ ở lại đó tại những nước quảng đại; Italia và Hy Lạp đón nhận họ nhưng các hiệp định quốc tế không để họ được đi định cư nơi khác”. Và ĐTC khuyên: “Nếu tại Italia mỗi thành phố làng xã đón tiếp 2 người di dân thì sẽ có chỗ cho tất cả mọi người”.

- Đức Thánh Cha sẽ phong thánh hai hiển thánh tại Fatima.

ĐTC sẽ chủ sự lễ phong hiển thánh cho hai chân phước thiếu nhi Phanxicô và Jacin-ta Marto vào ngày 13-5 tới đây tại Fatima, nhân dịp kỷ niệm 100 năm Đức Mẹ hiện ra tại đây với 3 mục đồng. Tin trên đây được ĐTC thông báo trong công nghị Hồng Y sáng ngày 20-4-2017 tại Vatican.

Chân phước Phanxicô qua đời năm 1919 lúc mới được 11 tuổi và em ruột là Jacinta qua đời năm 1020 khi được 10 tuổi. Cả hai đã được ĐTC Gioan Phaolô II phong chân phước ngày 13-5-2000 tại Fatima. Với Phanxicô và Jacinta Marto, đây là lần đầu tiên trong lịch sử hai trẻ em không phải là tử đạo, được phong hiển thánh. Trước đó, Bộ Phong thánh đã công bố sắc lệnh nhìn nhận một phép lạ nhờ lời chuyển cầu của hai chân phước thiếu nhi: một em bé 6 tuổi ở Brazil, năm 2013, bị té từ lầu 3 xuống vệ đường và bị thương ở đầu và não bộ. Thân nhân em đã cầu xin hai chân phước cứu chữa và em bé đã được lành bệnh hoàn toàn.

Tưởng cũng cần nhắc lại, Đức Mẹ đã hiện ra nhiều lần với 3 mục đồng Lucía, Jacinta và Phanxicô tại Fatima vào năm 1917. Trong các lần hiện ra này, Đức Mẹ đã tiết lộ những bí mật hay những lời tiên tri, gồm có 3 phần. Hai bí mật đầu nói về thế chiến thứ hai và sự sụp đổ của chế độ cộng sản ở Nga, đã được chị Lucia trình bày với Tòa Thánh từ năm 1941. Bí mật thứ ba được công bố năm 2000 và liên quan đến vụ mưu sát ĐGH Gioan Phaolô II vào ngày 13-5 năm 1981, lễ Đức Mẹ Fatima, tại Quảng trường Thánh Phêrô.

- Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ gặp Thượng Phụ Bartholomew tại Cairo.

Theo bản tin của Crux ngày 19 tháng Tư, Đại Giáo Trưởng của đền thờ và đại học Al-Azhar, Ai Cập, đã mời Thượng Phụ Bartholomew của Constantinople tới Cairo gặp gỡ Đức Phanxicô khi ngài tới đó ngày 28 tháng này, để cùng tham dự một hội nghị quốc tế về hòa bình. Thượng Phụ Batholomew, vị đứng đầu những vị ngang quyền của Thế Giới Chính Thống Giáo Đông Phương, đã có lịch sử tiếp xúc lâu đời với Đức Phanxicô trong nhiều biến cố quan trọng tại Đất Thánh, Vatican và Hy Lạp.

Sau các buổi cử hành Lễ Phục Sinh vào Chúa Nhật vừa qua, Thượng Phụ Batholo-mew cũng đã nói với các tín hữu của ngài rằng ngài đã nhận được một lá thư của Đức Giáo Hoàng Phanxicô tỏ ý hy vọng hai vị sẽ gặp nhau một ngày gần đây. Thượng Phụ Batholomew nhấn mạnh ngày ấy “rất gần”. Ngài nói: "Tôi đã được mời (và)… sẽ hiện diện cùng với Đức Giáo Hoàng Phanxicô”.

Với cuộc gặp gỡ này, các nhà lãnh đạo của Kitô Giáo cả Đông lẫn Tây sẽ cùng vị đứng đầu của Giáo Hội Chính Thống Ai Cập, Giáo Hoàng Tawadros II, biểu lộ một mặt trận thống nhất trong cuộc gặp gỡ của các ngài tại Al-Azhar. Việc biểu dương chính nghĩa chung này diễn ra chỉ ba tuần sau các cuộc đánh bom vào các nhà thờ Coptic sát hại 45 giáo dân, do ISIS chủ mưu.

Được biết Hội Nghị Quốc Tế về Hòa bình do viện đại học Al Azhar tổ chức sẽ kéo dài trong hai ngày 28 và 29 tháng 4 năm 2017.

- Sứ điệp Tòa Thánh gửi các Phật Tử.

Hội đồng Tòa Thánh đối thoại liên tôn chúc mừng các Phật Tử trên thế giới nhân dịp lễ Vesakh và cổ võ cùng nhau cấp thiết thăng tiến một nền văn hóa hòa bình và bất bạo động.

Trên đây là nội dung Sứ điệp của ĐHY Jean Louis Tauran, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh đối thoại liên tôn, và của ĐC Tổng thư ký Miguel Ángel Ayoso Guixot, công bố hôm 22-4-2017 nhân lễ Vesakh. Đối với các tín đồ Phật giáo nguyên thủy, lễ này mừng cuộc đản sinh, thành đạo và viên tịch của Đức Phật, trong khi các tín đồ Phật giáo đại thừa, cử hành các biến cố đó vào những ngày khác nhau. Năm nay lễ Vesakh được cử hành vào ngày 10-5 tới đây.

Chúa Giêsu và Đức Phật đều cổ võ bất bạo động và là những người xây dựng hòa bình. Như ĐGH Phanxicô đã viết “Cả Chúa Giêsu cũng sống trong thời kỳ bạo lực. Ngài dạy rằng chiến trường đích thực trong đó bạo lực và an bình đụng độ nhau chính là tâm hồn con người… Từ bên trong, tức là từ tâm hồn con người, xuất phát những ý hướng xấu” (Mc 7,21) (Sứ điệp Ngày thế giới hòa bình 2017). Đức Phật cũng loan báo một sứ điệp tương tự, khuyến khích tất cả mọi người “hãy chiến thắng kẻ giận dữ không phải bằng sự nổi giận, chiến thắng kẻ gian ác bằng sự từ nhân, chiến thắng kẻ lầm than bằng sự quảng đại, và thắng kẻ gian dối bằng sự thật”.

- Tòa thánh lên án việc sử dụng tên của Thiên Chúa để thực hiện các hành vi khủng bố.

Ngày 20 tháng 4, Đức TGM Bernardito Auza, Quan Sát Viên Thường Trực của Tòa Thánh tại LHQ, đã đọc một tham luận trong cuộc tranh luận công khai của Hội Đồng Bảo An về "Tình hình ở Trung Đông, bao gồm Vấn Đề Palestine".

Trong bài phát biểu của mình, Đức Tổng Giám mục Auza nói rằng, việc sử dụng vũ khí hóa học ở Syria và các vụ đánh bom khủng bố vào Chúa Nhật Lễ Lá ở Ai Cập đã đẩy một phần của Trung Đông xuống mức thấp hơn nữa của sự man rợ, bằng cách tấn công chính nền tảng của nhân phẩm và nhân quyền. Ngài nói rằng an ninh của Li Băng và các nước láng giềng đang bị đe doạ bởi các nhóm vũ trang, gây nguy cơ cho khả năng cai trị của khu vực.

Tòa Thánh nhắc lại sự ủng hộ của mình đối với giải pháp hai nhà nước giữa Israel và Palestine do hai bên thương thảo. Tòa Thánh cũng kêu gọi các nhà lãnh đạo tôn giáo lên tiếng mạnh mẽ chống lại việc sử dụng khủng bố trong khu vực và kiểm soát những người theo mình vốn đang cho rằng Thiên Chúa đứng đằng sau sự thống trị bằng khủng bố của họ. Đức TGM Auza kêu gọi các nhà cung cấp vũ khí hành động phù hợp với các chuẩn mực đã được quốc tế thỏa thuận, kẻo các vũ khí này bị sử dụng để sát hại người vô tội... Ngài nói rằng, chuyến viếng thăm từ ngày 28 đến ngày 29 tháng 4 của ĐGH Phanxicô tại Ai Cập nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của đối thoại và gặp gỡ như một đối cực chống lại bạo lực và hận thù.

- Tổng Thống Trump ngỏ ý muốn hội kiến ĐTC Phanxicô vào Tháng 5 năm nay.

Tòa Bạch Ốc bày tỏ hy vọng có cuộc hội kiến giữa ĐTC Phanxicô và TT Donald Trump khi ông thực hiện chuyến công du Âu Châu vào tháng tới.

Theo tờ Wall Street Journal, Thư ký Tòa Bạch Ốc Sean Spicer nói với các phóng viên tại cuộc họp báo hôm Thứ Tư rằng: "Thực ra, chúng tôi rất lấy làm vinh dự khi được hội kiến với Đức Thánh Cha”. Tuy nhiên, ông Spicer nhấn mạnh rằng, đây là dấu hiệu chính thức đầu tiên cho thấy ông Trump muốn nối gót theo các vị Tổng Thống Hoa Kỳ tiền nhiệm, từ đời ông Dwight D. Eisenhower cho tới Barack Obama, là gặp gỡ Đức Thánh Cha tại Vatican.

Triển vọng về cuộc hội kiến giữa ĐTC với ông Trump từng bị nghi ngờ, sau khi giữa họ có những tranh luận trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016. Hồi Tháng Hai năm ngoái, ĐTC Phanxicô nói rằng kế hoạch xây bức tường biên giới với Mexico của ứng cử viên đảng Cộng Hòa đã làm ông này "không còn là Kitô hữu". Đáp lại, ông Trump đã gọi đức tin của Đức Thánh Cha là "đáng hổ thẹn".

Theo tuyên bố của Tòa Bạch Ốc: "ĐGH Phanxicô luôn sẵn sàng tiếp đón các vị nguyên thủ quốc gia nào muốn đến hội kiến".

- Vợ góa của một Kitô hữu Ai Cập tha thứ cho tên khủng bố IS đã giết chồng bà.

Người vợ góa của một Kitô hữu bị giết trong vụ đánh bom tại nhà thờ Thánh Máccô ở Alexandria bên Ai Cập hôm Chúa Nhật Lễ Lá 9 tháng 4 vừa qua nói bà tha thứ cho kẻ khủng bố.

Trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình Ai cập, người phụ nữ góa nói với các phóng viên: “Tôi không oán giận kẻ khủng bố. Tôi đang nói với anh ta, cầu xin Chúa tha cho bạn.”

Chồng của bà bị chết khi ngăn chặn một kẻ đánh bom tự sát đi vào nhà thờ chính tòa thánh Máccô ở thành phố Alexandria. 17 người - kể cả dân thường và cảnh sát - đã bị giết và 47 người khác bị thương trong vụ khủng bố này. Trước đó, tại nhà thờ Thánh Georges ở thành phố Tanta, một quả bom phát nổ làm cho 28 người thiệt mạng và 78 người bị thương.

Sau khi lắng nghe cuộc phỏng vấn, phóng viên đài truyền hình nói với các khán giả: “Kitô hữu Ai cập vô cùng yêu quý đất nước họ. Nếu kẻ thù của các bạn biết được các bạn quảng đại tha thứ cho anh ta như thế, anh ta sẽ không tin nổi.”

- Quyền từ chối tham gia phá thai của các nữ hộ sinh.

Tin Stockholm, Sweden – “Ước muốn bảo vệ sự sống là điều hướng dẫn nhiều nữ hộ sinh và y tá theo ngành y. Thay vì buộc những nữ hộ sinh đang cần thiết cho ngành y từ bỏ nghề của họ, các chính phủ nên bảo vệ những xác tín luân lý đạo đức của nhân viên y tế.” Đó là nhận định của ông Robert Clarke, chủ tịch phân bộ luật sư châu Âu của liên minh bảo vệ tự do quốc tế.

Các luật sư bảo vệ tự do tôn giáo nói rằng các nữ hộ sinh – những chuyên viên về thai nghén và sinh sản – thường chọn nghề của họ bởi vì họ muốn mang những sự sống mới vào trong thế giới và họ không nên bị cưỡng ép kết liễu sự sống ngược lại với niềm tin của họ.

Nữ hộ sinh Ellinor Grimmark đã tố cáo 3 cơ sở y tế khác nhau ở quận Joenkoeping, miền nam Thụy điển, từ chối nhận bà làm việc vì bà chống lại việc trợ giúp cho các ca phá thai. Nhưng tòa án địa phương, cũng như tòa án lao động mới đây đều đã có những phán xử chống lại El-linor Grimmark.

Ellinor Grimmark đang dự định kháng án lên tòa án nhân quyền châu Âu. Hiệp hội bảo vệ tự do quốc tế đã đệ trình một bản tóm tắt để ủng hộ bà.

Theo tin của BBC, dựa trên số liệu của LHQ, Thụy điển là quốc gia có tỷ lệ phá thai cao nhất ở châu Âu, với 20,8 vụ trên 1000 phụ nữ vào năm 2011.

Chúng tôi hân hạnh giới thiệu đến quý vị và anh chị em một bài thánh ca: Chúa Giầu Lòng Xót Thương, tác giả Simon Phan Hùng. Bài thánh ca này sẽ được trình bày bởi ca sĩ Lý Mai Trang, phần hình ảnh minh họa của anh Đặng Văn An. Kính mời quý vị và anh chị em cùng thưởng thức.