PHÚC ÂM: Ga 6, 61-70 (Hl 60-69)
“Chúng con sẽ đi đến với ai? Thầy mới có những lời ban sự sống”.
Trích Phúc Âm theo Thánh Gioan.
Khi ấy, có nhiều môn đệ của Chúa Giêsu nói rằng: “Lời này chói tai quá! Ai nghe được!” Tự biết rằng các môn đệ đang lẩm bẩm về chuyện ấy, Chúa Giêsu nói với họ: “Điều đó làm các ngươi khó chịu ư? Vậy nếu các ngươi thấy Con Người lên nơi đã ở trước thì sao? Chính thần trí mới làm cho sống, chứ xác thịt nào có ích gì? Nhưng lời Ta nói với các ngươi là thần trí và là sự sống. Nhưng trong các ngươi có một số không tin”. Vì từ đầu Chúa Giêsu đã biết ai là những kẻ không tin, và kẻ nào sẽ nộp Người. Và Người nói: “Bởi đó, Ta bảo các ngươi rằng: Không ai có thể đến với Ta, nếu không được Cha Ta ban cho”. Từ bấy giờ có nhiều môn đệ rút lui không còn theo Người nữa. Chúa Giêsu liền nói với nhóm Mười Hai rằng: “Cả các con, các con có muốn bỏ đi không?” Simon Phêrô thưa Người: “Lạy Thầy, chúng con sẽ đi theo ai? Thầy mới có những lời ban sự sống đời đời. Phần chúng con, chúng con tin và chúng con biết rằng: Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa”.
Đó là lời Chúa.
“Nếu các ngươi không ăn thịt Con Người và uống máu Ngài,
các ngươi sẽ không có sự sống trong các ngươi”.
Kính thưa Anh Chị em,
Với con người, Thiên Chúa nhiều lúc thật kỳ lạ, Ngài thường nói những điều kỳ cục và làm những việc kỳ tài. Thế nhưng, thật thú vị, Ngài nói được và làm được những điều ‘không thể tin được!’. Trước một Thiên Chúa phép tắc như thế, con người thường sợ hãi, nhưng nếu đó là một nỗi sợ hãi thánh thiện, thì trước sau gì, người ấy cũng đón nhận Ngài, yêu mến Ngài và này, Ngài sẽ trở nên tất cả cho họ. Đó chính là những gì phụng vụ Lời Chúa hôm nay tiết lộ.
Sách Công Vụ Tông Đồ tường thuật cuộc gặp gỡ đầu tiên đầy sợ hãi của Saolô với Đấng đã xô ngã ông khi ông đang “mải mê hăm doạ giết các môn đồ Chúa”. Lời đầu tiên ông thốt ra biểu lộ một niềm kính uý, “Lạy Ngài, Ngài là ai?”; chúng ta đọc tiếp, “Saolô run sợ và kinh hoàng hỏi, ‘Lạy Chúa, Chúa muốn con làm gì?’”. Điều xảy ra sau đó là những gì ‘không thể tin được’, đan cử là những lời của Anania, “Con đã nghe nhiều người nói về người này, ông đã gây nhiều tai ác cho các thánh của Chúa”; Chúa trả lời, “Cứ đi, vì người này là lợi khí Ta chọn, để mang danh Ta đến trước dân ngoại, vua quan và con cái Israel”. Ngay sau đó, “Ông rao giảng trong các hội đường rằng: Đức Giêsu là Con Thiên Chúa”; lại ‘không thể tin được!’.
Vài tháng trước khi qua đời, Đức Cha Fulton Sheen trả lời trên đài truyền hình quốc gia, ai là người đã tạo cảm hứng cho ngài, “Người tạo cảm hứng cho tôi là một cô bé Trung Quốc 11 tuổi!”. Lúc ấy, chính quyền Trung Quốc giam một linh mục trong nhà xứ; từ nhà xứ, ngài có thể nhìn qua nhà thờ. Ngày kia, vị linh mục kinh hoàng thấy binh lính đến phá nhà thờ, họ phạm thượng đến Nhà Tạm, vứt bình thánh xuống đất, bánh thánh rơi tung toé. Ngài biết, có đến 32 bánh thánh. Khi đi ra, họ không biết có một cô bé đang núp ở cuối nhà thờ, em đã chứng kiến tất cả. Thế là, mỗi tối, em lén trở lại, quỳ chầu một giờ, đền bù cho những hành động hận thù; sau đó, bò bốn chân để rước Chúa. Hôm ấy, khi em đang bò để rước tấm bánh 32, một tên lính bất ngờ xuất hiện, đánh chết em bằng báng súng. Nghe câu chuyện này, Đức Cha Fulton Sheen quá xúc động và hứa mỗi ngày, cho đến chết, sẽ dành một giờ để chầu Mình Thánh Chúa, lời hứa được giữ trong 60 năm, “Nếu em bé tử đạo Trung Quốc làm chứng bằng chính cuộc sống của mình cho sự hiện diện đích thực của Thánh Thể thì một giám mục như tôi cũng phải làm được như vậy”. Ngày 09/12/1979, người ta tìm thấy thi thể ngài gục chết trước Nhà Tạm trong nhà nguyện riêng của ngài. Thật ‘không thể tin được!’.
Anh Chị em,
Những quà tặng lớn thường ở trong các gói nhỏ! Đúng thế, Thánh Thể là quà tặng vô giá ‘không thể tin được’ Thiên Chúa ban cho con người; bởi lẽ, Thánh Thể là nguồn sống của sự sống vĩnh cửu Thiên Chúa tặng trao cho con người. Ước gì, chúng ta biết chuẩn bị tâm hồn mình cho thật xứng đáng mỗi khi lên rước Chúa và ước gì linh hồn chúng ta ngày càng khát khao và yêu mến Thánh Thể Chúa mỗi ngày một hơn.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, mỗi ngày, xin cho con biết khát khao chỉ một mình Chúa; và biết rằng, chính Chúa cũng đang khao khát linh hồn con, thật ‘không thể tin được!’”, Amen.
(Tgp. Huế)
(Suy niệm Tin mừng Gioan (10, 11-18) trích đọc vào Chúa nhật IV Phục sinh)
Steve Jobs là một thiên tài về tin học và là nhà sáng chế nổi bật người Mỹ trong thời đại chúng ta. Ông đạt được nhiều thành công vang dội trong lãnh vực công nghệ thông tin. Ông là nhà sáng lập, là chủ tịch và tổng giám đốc điều hành của hãng Apple, là cha đẻ của điện thoại Iphone và Ipad.
Tiếc thay, ông bị mắc chứng ung thư tuyến tụy và dù hết sức chạy chữa để dành lại sức khỏe và sự sống, ông đã phải qua đời ngày 5 tháng 10 năm 2011, khi được 56 tuổi.
Trong thời gian nằm bệnh viện để điều trị chứng bệnh quái ác, ông tâm sự rằng:
“Nếu có tiền, bạn có thể mướn tài xế lái xe cho bạn, nhưng không thể dùng tiền để thuê người mang bệnh cho bạn.”
Đúng vậy, Jobs có thể thuê nhiều người lái xe thay mình để đưa ông đi khắp nơi, có thể thuê hàng chục ngàn nhân công để phục dịch cho mình; nhưng dù có cả núi tiền, Jobs cũng không thể thuê người mang bệnh ung thư giùm cho ông hay chết thay cho ông!
Sở dĩ không thuê được là vì không có ai trên đời chấp nhận chết thay cho người khác được sống, với bất cứ giá nào.
Thế mà Chúa Giê-su, là Thiên Chúa cao cả và đầy quyền năng, đã tự nguyện mang lấy tội lỗi chúng ta, mang án phạt của chúng ta để ta khỏi chịu khổ hình do tội mình gây nên và tự nguyện chết thay để chúng ta được sống đời đời… Đây là hồng ân vô cùng tuyệt vời và cao quý Ngài ban tặng cho chúng ta.
Qua bài Tin mừng trích đọc hôm nay (Ga 10, 11-18), Chúa Giê-su tự giới thiệu Ngài là người chăn chiên tốt lành và sứ mạng cao cả của Ngài là hy sinh chịu chết để bảo vệ chiên, để cứu chiên khỏi chết. Ngài nói:
“Tôi là Mục tử nhân lành. Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên.”
Chưa từng có mục tử nào trên đời yêu mến chiên và hy sinh cho đoàn chiên đến thế!
Và Chúa Giê-su lặp lại câu này lần thêm hai lần nữa: “Tôi hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên…” và “Chúa Cha yêu mến tôi, là vì tôi hy sinh mạng sống mình…”
Cụm từ “hy sinh mạng sống” được Chúa Giê-su nhắc lại ba lần trong một bài giảng ngắn, để nhấn mạnh vai trò và sứ mạng của Ngài là chịu chết cho muôn người được sống.
Tôi tớ thấp hèn tự nguyện chết thay cho ông chủ cao sang quyền quý, hay người dân đen cùng khốn tự nguyện chết thay cho đức vua cao trọng, hoặc con cái trong gia đình chết thay cho cha mẹ tốt lành… là điều hiếm thấy trong lịch sử nhân loại.
Phải có một tình yêu vô cùng lớn lao thúc đẩy thì người ta mới có thể tự nguyện chết thay cho người khác.
Ai yêu thương đến độ chết thay cho người khác là đã đạt tới tột đỉnh của tình yêu.
Thế mà Chúa Giê-su, là Chúa Tể trời đất, là Đấng rất cao cả và đầy quyền năng, chấp nhận chết thay cho loài người thấp hèn, tội lỗi, để cho ta được sống muôn đời với Chúa, là điều vượt quá trí hiểu của con người.
Điều này chứng tỏ tình thương Ngài dành cho chúng ta lớn lao như đại dương không bờ, không đáy.
Lạy Chúa Giê-su,
Nếu chúng con bị tuyên án tử hình mà có người nhận tội thay và chịu chết thay cho chúng con thì tuyệt vời biết bao, hạnh phúc biết dường nào! Chúng con sẽ yêu mến người đó hết lòng, hết sức, trên hết mọi sự suốt cả đời mình.
Thế mà Chúa là Chúa tể trời đất, đã mà hạ mình xuống thế ở với chúng con, chăm sóc chúng con ân cần chu đáo như người chăn chiên tốt chăm lo cho đoàn chiên, đã ấp ủ chúng con như mẹ hiền ôm ẵm con thơ và thậm chí còn hiến thân chịu chết cho chúng con được sống muôn đời… thì chúng con lại thờ ơ hững hờ, vô cảm vô tâm trước tình yêu cao vời của Chúa.
Xin Chúa tha thứ cho chúng con về tội vô tâm này và giúp chúng con từ nay luôn yêu mến Chúa hết lòng chúng con. Amen.
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
Hằng năm cứ đến ngày Lễ Chúa Chiên Lành (Chúa Nhật IV Phục Sinh), cả Giáo Hội hướng đến việc cổ võ ơn thiên triệu trong bậc tu trì nói chung và cách riêng ơn gọi làm linh mục. Có thể luận suy rằng khi người ta yêu sách phẩm hạnh cần có của một bậc sống thì mặc nhiên người ta khẳng định sự cao quý và cần thiết của bậc sống ấy.
Một sự thật dễ thấy, đó là khi đề cập đến mặt tích cực và khi đó là một trong những nhân đức hay lý tưởng thì người ta dễ đón nhận và cũng dễ tự bằng lòng khi thấy mình chưa đạt đến. Một trong những luận lý để tự châm chước đó là phận người còn nhiều hạn chế, thiếu sót vì như lời người xưa: “nhân vô thập toàn”. Trái lại khi nói đến điều tiêu cực, hay mặt trái của vấn đề thì người ta khó đón nhận, vì ai ai cũng vấn vương chút sĩ diện, chút tự ái nào đó. Dù vậy, qua những lời của chính Chúa Kitô, chúng ta cũng cần xem xét đôi điều để phân biệt mục tử với người chăn thuê.
Đã nói là phân biệt hai thực thể nào đó thì chắc chắn giữa chúng phải có nét tương đồng khiến người ta dễ lầm lẫn. Vì thế, trước hết chúng ta cùng xem xét một vài nét xem ra tương đồng giữa người chăn thuê và vị mục tử:
1.Qua cửa ràn chiên: Cả hai, vị mục tử và kẻ chăn thuê đều đường đường chính chính qua cửa ràn chiên mà vào và ra chứ không leo tường hay chui rào. Có thể nói rằng dù được tấn phong giám mục thành sự, được truyền chức linh mục thành sự, dù có sắc phong, có văn thư bổ nhiệm hợp pháp…thì cũng chưa hẳn đã là mục tử chính hiệu.
2.Biết chiên: Dù rằng khó có thể có cái “biết” theo nghĩa Kinh Thánh đó là đồng thân, chung phận, nhưng người chăn thuê cũng biết con chiên một cách nào đó khả dĩ đáng gọi là biết theo nhãn quan nhân loại.
3.Chiên nghe tiếng và đi theo mục tử cũng như kẻ chăn thuê: Ít ai phản đối sự thật này, vì người chăn thuê không phải là người lạ hay là kẻ trộm (x.Ga 10,5;8). Ngoại trừ một số ít chiên “cá biệt” hoặc bị gán nhãn mác là “chống giáo sĩ”, thì có thể nói là đại đa số giáo dân Công Giáo, cách riêng giáo dân Công Giáo Việt Nam đều ngoan, theo nghĩa là biết vâng nghe lời các đấng bậc.
4.Người chăn thuê và mục tử đều dẫn chiên đến đồng cỏ và nguồn nước: Rất có thể chiên không được hưởng dùng các loại cỏ xanh tươi hay dòng nước mát trong cách tốt nhất, nhưng người chăn thuê vẫn không quên bổn phận cung cấp thức ăn và nước uống cho đàn chiên. Phải chăng đã và đang có đó nhiều vị giảng dạy, cử hành các Bí tích, làm mục vụ… mà còn thiếu tấm lòng mục tử?
Tiếp đến chúng ta cùng nhận diện những điểm khác biệt giữa người chăn thuê và vị mục tử. Đây là nội dung muốn chia sẻ. Hy vọng rằng khi trực kiến với hình ảnh mang tính phản diện thì chúng ta dễ giật mình hơn, không chỉ với những người đang trong phận vụ mục tử mà còn với cả những người trong danh phận con chiên.
1.Làm chỉ vì tiền: Mục đích nhắm của bất cứ người làm thuê nào, nếu thực sự là làm thuê, thì đều vì tiền công. Người chăn thuê cũng có thể có tấm lòng với đàn chiên, nhưng ưu tiên số một vẫn là tiền công, dù là công nhật, công tháng, công năm hoặc hưởng lương theo sản phẩm.
2.Làm hết giờ hơn là làm hết việc: Trong thân phận người làm thuê thì người ta rất mong đến giờ tan sở. Giả như người làm thuê nếu có làm hết việc thì ít khi hết lòng. Nếu người làm thuê làm ăn lương theo sản phẩm thì có đó chuyện làm hết sức, nhưng làm cách công tâm và hết tình thì chưa hẳn có. Trái lại, nếu đúng là mục tử thì có thể nhiều khi làm không hết việc, thậm chí có khi không được việc trước mắt, nhưng luôn thực thi hết lòng.
3.Không quan tâm đến chiên ngoài đàn: Đây là một điều tất yếu đương nhiên. Đã là làm thuê thì ít có ai thích dài tay với những việc xem ra không quá đòi buộc phải làm hoặc có xao nhãng hay không làm cũng chẳng bị trừ lương. Đã là mục tử thì không thể quên lời của Thầy chí thánh, Giêsu: “Ta còn nhiều chiên ở ngoài đàn…”
4.Không bao giờ sẵn sàng hiến dâng mạng sống vì chiên: Cần thú nhận rằng chẳng có ai dại gì tự nguyện bị thiệt thân vì những gì không thuộc về mình. Khi thấy sói đến người chăn thuê sẵn sàng bỏ chiên để giữ lấy mạng sống mình (x.Ga 10,12). Chuyện hiến dâng mạng sống vì chiên xem ra chẳng hề có trong tâm trí của người chăn thuê. Trái lại, đây là điểm không thể thiếu để thẩm định ai mới là mục tử.
Đọc lịch sử Giáo Hội và với chút luận suy thì chúng ta có thể khẳng định rằng đã và có thể đang có đó “kẻ trộm, kẻ cướp” trong vai mục tử. Thế nhưng đó chỉ là số rất nhỏ và rồi đoàn tín hữu cũng có thể dễ dàng phát hiện hạng người đến chỉ nhằm giết hại đàn chiên, hoặc nếu họ có ngụy trang cách khéo léo thì “cây kim lâu ngày trong bọc cũng sẽ lộ ra”. Trái lại sự nhập nhằng đen trắng giữa mục tử với kẻ chăn thuê thì hầu như rất khó nhận diện cả với đàn chiên và có thể với cả các đấng bậc trong vai vị mục tử.
Với bốn điểm đồng và bốn điểm dị, thầm mong khi phân biệt mục tử với người chăn thuê, chúng ta thêm xác tín rằng ngoài việc cần thiết cầu nguyện liên lỉ cho các mục tử trong Giáo Hội, thì đang còn đó nhiều việc đáng làm và nên làm. Cũng hy vọng rằng một số mục tử nào đó trong Giáo Hội, dù chưa hẳn xứng danh mục tử tốt lành nhưng không phải là những người chăn thuê. Và mong sao không hề có những kẻ chăn thuê đang mang danh mục tử.
Dù rằng ngay cả bậc thánh nhân được liệt vào hàng các Thánh mục tử thì không một ai thực sự là mục tử chính danh chính phận. Chỉ một mình Chúa Giêsu mới đích thực là mục tử. Dù là bậc cao trọng và đạo hạnh trong Hội Thánh thì vẫn tồn tại hai tính phần mục tử và chăn thuê nơi các đấng bậc. Mong sao phần tính chăn thuê chỉ là phần chiếm tỷ lệ rất nhỏ nơi con người và đời sống các ngài. Nếu phần tính chăn thuê đang là 30-50% hay quá bán thì quả là đáng quan ngại. Chắc chắn Thiên Chúa không bao giờ muốn đoàn chiên của Người sống và hành xử như “đoàn cừu của Panurge”, mà là như đoàn dân Thiên Chúa trưởng thành, đầy ý thức và tinh thần trách nhiệm, luôn tích cực cộng tác với ơn Chúa để dệt xây những mục tử tốt lành như lòng Chúa ước mong.
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
1. Biết nhau. Thời đại thông tin ngày nay, muốn biết gì cứ lên mạng Google hay Facebook là biết hết. Thế giới hôm nay người ta muốn biết nhau bằng cách thu thập thông tin qua các thiết bị như vệ tinh, định vị toàn cầu, camera theo dõi… Cố gắng biết thật nhiều thông tin để khai thác, lợi dụng người khác. Ngược lại, khi Chúa Giêsu nói: “Tôi biết chiên của tôi, và chiên của tôi biết tôi” thì đó không phải là biết thông tin trí óc, mà là biết của tình yêu hai chiều, của những trái tim cùng rung nhịp yêu thương. Trong tình yêu, biết nhau để thấu hiểu, cảm thông, nâng đỡ, chăm lo cho nhau.
2. Hy sinh. Mạng sống rất quan trọng nên ai cũng muốn sống khỏe, sống lâu. Nhưng quan trọng hơn nữa là: sống sao cho cao đẹp và ý nghĩa? Phúc Âm cho thấy 2 lối sống tương phản: Người làm thuê thì bỏ chiên để lo cho bản thân mình. Còn Chúa Giêsu thì vì chiên mà sẵn lòng hy sinh mạng sống để cho chiên được sống không chỉ đời này, mà sống vĩnh cửu đời đời. Chúa Giêsu hy sinh mạng sống vì chiên bộc lộ bản chất của tình yêu là quên mình đi để chăm lo cho hạnh phúc người khác.
Chúa Giêsu mục tử nhân lành đã hy sinh mạng sống vì chiên. Qua bí tích rửa tội, mọi người được tham dự sứ vụ mục tử của Chúa Giêsu. Thế nên, mỗi người đều được mời gọi tiếp bước Chúa Giêsu mục tử nhân lành: dám hy sinh quên mình để chăm lo cho đoàn chiên của mình từ trong gia đình đến các nhóm tập thể, cộng đoàn, quốc gia, xã hội và Giáo hội, để đoàn chiên được sống tròn đầy hạnh phúc cả vật chất lẫn tinh thần, cả thể xác lẫn linh hồn. Amen.
9. Chỉ lo cho đời này, nhưng lại quên thân mình đời sau thì thật là hão huyền.
(sách Gương Chúa Giê-su)Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")
----------
http://www.vietcatholic.org
https://www.facebook.com/jmtaiby
http://nhantai.info
Có một người ẵm con nhỏ ra ngoài chơi, người hàng xóm nói đùa:
- “Cốt nhục phụ tử đúng là một mạch truyền nhân, chỉ cần nhìn con của anh thì biết ngay, mặt mũi của nó và mặt mũi của tôi thật giống nhau y như một khuôn mà ra.”
Người ẵm con nhỏ ấy bèn nói:
- “Đúng ạ, anh và thằng nhỏ này là anh em ruột thịt, là do cùng một người đàn bà sinh ra thì mặt mày sao lại không giống nhau chứ?”
(Tiếu Đắc Hảo)
Suy tư 23:
Có những lời nói đùa không nên nói, chẳng hạn như nói con anh nó giống tôi tức là nó con tôi, và có nghĩa là vợ của anh ngoại tình với tôi, câu nói đùa này dù là chỗ bạn bè thân thiết thì cũng không nên nói, bởi như thế thì có ngày cũng sẽ đánh nhau, đó là cái vui rẻ mạt không nên tranh giành và bắt chước.
Bản chất của người Ki-tô hữu là vui vẻ và luôn là niềm vui của mọi người, niềm vui này không phát xuất từ những câu nói đùa giỡn không đúng chỗ, cũng không phải là những câu nói chọc cười vô duyên và hàm ý tục tỉu, nhưng là phát xuất từ một tâm hồn vị tha và quảng đại, bởi vì chỉ có tinh thần vị tha và tâm hồn quảng đại mới có thể đem niềm vui đến cho tha nhân mà thôi.
Con người ta, cái vui nhất là biết tha thứ khi người khác xúc phạm đến mình, và được tha thứ khi mình xúc phạm đến tha nhân.
Nếu không tin, xin mời các bạn thử làm xem sao !
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)
------
http://www.vietcatholic.org
https://www.facebook.com/jmtaiby
http://nhantai.info
Tin Mừng: Ga 10, 11-18.
“Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên.”
Bạn thân mến,
Giáo Hội chọn ngày hôm nay là ngày lễ Chúa Chiên Lành và cũng là ngày cầu nguyện cho ơn thiên triệu linh mục và tu sĩ. Ý lễ của ngày hôm nay là cầu xin Chúa ban cho Giáo Hội nhiều người theo tiếng gọi của Chúa để làm linh mục và tu sĩ, tức là trở thành những linh mục và tu sĩ nhân lành như ý muốn của Thiên Chúa.
Mục tử nhân lành là mục tử biết hy sinh vì đàn chiên của mình, tức là biết quên mình để lo lắng và chăm sóc cho chiên. Mục tử nhân lành là mục tử biết quên giờ nghỉ trưa của mình để đi chữa lành những con chiên đang hấp hối trên giường bệnh. Mục tử nhân lành là mục tử biết hy sinh giờ giải trí của mình để đi tìm những con chiên quên mất đường đến nhà thờ. Mục tử nhân lành là mục tử biết nở nụ cười hiền từ khi có những con chiên thường hay dở chứng chống lại mình. Mục tử nhân lành là mục tử sẵn sàng vì lẽ công chính mà hy sinh để đàn chiên được sống. Mục tử nhân lành là mục tử biết chia sẻ với đàn chiên của mình nhưng lo âu và vui mừng, những trăn trở và kế hoạch tương lai, để cùng với đàn chiên xây dựng một giáo xứ hiệp nhất, cảm thông và yêu thương.
Có lúc nào bạn cầu nguyện cho cha sở và cha phó của bạn được mạnh khỏe, khôn ngoan sáng suốt chưa? Có bao giờ bạn cầu nguyện cho các thanh niên nam nữ biết hy sinh đời mình tận hiến cho Chúa chưa? Có bao giờ bạn vui vẻ cộng tác với các tu sĩ nam nữ đến giúp xứ của bạn chưa?
Bạn thân mến,
Tôi là linh mục của Giáo Hội Công Giáo, là mục tử của đàn chiên; bạn là người Ki-tô hữu đã lãnh nhận bí tích Rửa Tội bởi linh mục, để trở thành con cái của Chúa và chi thể mầu nhiệm của Đức Chúa Giê-su, cho nên bạn và tôi đều phải luôn nhớ rằng, Thiên Chúa đã chọn chúng ta trở thành những công cụ bé nhỏ của Ngài, để xây dựng một Giáo Hội duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền ngay trong cuộc sống của mình ở trần gian này.
Không phải chỉ ngày hôm nay chúng ta mới nhớ đến các giám mục, linh mục hay những tu sĩ nam nữ để cầu nguyện cho họ, nhưng mỗi ngày trong kinh nguyện của mình, bạn và tôi đều phải nhớ đến các ngài để cầu nguyện cho họ, đó chính là bổn phận của chúng ta vậy.
Xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta.
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
-----------
http://www.vietcatholic.org
https://www.facebook.com/jmtaiby
http://nhantai.info
“Lời này chói tai quá! Ai nghe được!”.
Kính thưa Anh Chị em,
Trước Mầu Nhiệm Thánh Thể, cách chung, có ba thái độ dễ nhận ra ở ba hạng người. Trước hết, thái độ của một đức tin sâu sắc; thứ đến, thái độ của sự thờ ơ; và sau cùng, thái độ của sự không tin, là những gì chúng ta đọc thấy trong Tin Mừng hôm nay. Họ nói, “Lời này chói tai quá!”. Một câu nói thẳng thắn nhưng đáng suy gẫm vì lẽ, đôi khi, ‘chói tai không phải là xấu’; ngược lại là khác.
Một cách nào đó, lời dạy của Chúa Giêsu về Bí tích Thánh Thể đúng là những câu nói khó nghe nếu không nói là chói tai. “Chói tai” theo nghĩa, niềm tin vào Bí tích tình yêu này chỉ có thể có, và thực hiện được nhờ một đức tin hình thành từ sự mặc khải nội tâm qua tiếng nói bên trong của Chúa Thánh Thần. Đó cũng là ‘sức lôi lực kéo’ của Chúa Cha như Chúa Giêsu nói. Trong trường hợp của những người bỏ đi, dù đã được nghe dạy dỗ, tâm hồn họ vẫn bị đóng kín trước ân sủng của đức tin; họ vẫn bị kẹt ở một cấp độ thuần tuý trí tuệ, và do đó, ý tưởng về việc ăn Thịt và uống Máu Con Thiên Chúa vượt quá những gì họ có thể hiểu được. Vì vậy, ai có thể chấp nhận một tuyên bố như thế ngoại trừ kẻ nghe được điều Thiên Chúa nói với họ từ nội tâm của họ mà thôi; vì chỉ có xác tín nội tâm mới có thể cho con người khả năng tin nhận tính trung thực của Bí tích Thánh Thể.
Khi rước lấy những gì mà bên ngoài dường như chỉ là ‘bánh với rượu’, chúng ta tin là đang rước chính Chúa Giêsu Kitô. Muốn được vậy, chúng ta phải hiểu giáo huấn của Ngài về Bánh Ban Sự Sống là ‘một sự thật sống còn’ cho linh hồn. Câu nói của Ngài chói tai, lời dạy của Ngài khó nghe nhưng là ‘một sự thật cấp thiết’; và đây là lý do tại sao hành vi đức tin này phải được ‘thực hiện một cách nghiêm túc; kính tin nghiêm túc, và đón nhận nghiêm túc’. Đối với hạng người thứ hai, những người không thẳng thắn chối từ nhưng thờ ơ với sự dạy dỗ này vì họ cho rằng, giáo huấn này chỉ là biểu tượng. Thế nhưng, biểu tượng không chỉ là biểu tượng; đó là một giáo huấn sâu sắc, đầy thử thách và có khả năng thay đổi cả cuộc sống của một con người. Vì lẽ, với Bí tích này, chúng ta được thông phần sự sống vĩnh cửu của Thiên Chúa, Đấng ban nó cho con người chỉ vì yêu thương.
Nhiều người bỏ đi, vấn đề quan trọng không phải là bỏ đi nhưng là bỏ đi để sau đó, ‘chọn ai để đi’. Từ câu hỏi của Phêrô, “Lạy Thầy, chúng con sẽ đi theo ai?”, chúng ta hiểu được niềm tin của hạng người thứ nhất, rằng, trung thành với Thiên Chúa là vấn đề về lòng ‘trung thành với một con người’ mà chúng ta tự ràng buộc mình để cùng người ấy đi trên một con đường; người này là Chúa Giêsu.
Cha Stanislaus, dòng Thánh Tâm, có người anh linh mục Dòng Tên, kể về thân phụ của mình. “Cha tôi bỏ đạo; ông cấm cả nhà đi lễ. Một hôm, ông ghé thăm người bạn, chủ tiệm thịt. Tình cờ, một bà già bước vào. “Bà muốn gì?”, ông hỏi; “Tôi muốn mua một chút thịt?”. “Bà có tiền?”; “Không có; bù lại, tôi đi lễ, cầu cho ông”. “Giá một Thánh Lễ bao nhiêu?”, và như để diễu cợt, cả hai cười oà; chủ tiệm cầm một tờ giấy, viết nguệch ngoạc đưa cho bà, “Đây, điều tôi muốn. Lễ về, đưa tấm giấy cho tôi”. Sau lễ, bà ghé tiệm, đưa giấy cho ông chủ. Cầm tờ giấy, ông đặt lên cân. Lạ thay, tờ giấy nhậm chìm cán cân lệch hẳn một bên! Chủ tiệm lấy một khúc xương đặt lên đĩa kia, khúc xương không làm đĩa cân nhúc nhích. Tò mò, cứng cỏi, ông đặt một đùi cừu; vẫn không nhúc nhích. Hai ông đổi tờ giấy qua đĩa cân kia, kết quả vẫn vậy. Cả hai bừng tỉnh; họ tái mặt, không còn cười đùa. Họ bắt đầu thay đổi! Chuyện lạ đồn ra, tiệm ngày càng phát đạt. Điều đáng ghi nhận, là nhờ phép lạ ấy, hai ông ý thức Thánh Lễ thật vô giá; cũng từ đó, họ dự lễ mỗi ngày. Gia đình tôi từ đó trở nên đạo đức nhờ tham dự Thánh Lễ hằng ngày. Ơn gọi linh mục của hai chúng tôi phát triển và lớn lên từ đó”.
Anh Chị em,
Như người cha sốt sắng trở lại của hai linh mục kia, câu nói chói tai của Chúa Giêsu, “Ai ăn Thịt Tôi và uống Máu Tôi, sẽ ở trong Tôi” sâu sắc đến mức nào? Thực tế, ‘chói tai không phải là xấu’ rất đúng ở đây. Vì thế, chúng ta phải nghiêm túc xem xét đức tin của mình hoặc ‘sự thiếu vắng nó’. Những gì Chúa Giêsu dạy là thay đổi cuộc sống; vì đó là sự sống. Để khi hiểu rõ, chúng ta được thử thách để tin bằng cả trái tim mình hoặc quay lưng lại với sự không tin. Hãy cho phép bản thân hết lòng tin và chúng ta sẽ thấy mình đang tin vào một Mầu Nhiệm sâu sắc, có sức biến đổi nhất!
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa Giêsu, giáo huấn của Chúa về Bí tích Thánh Thể cao cả vượt quá sự hiểu biết của con, nhưng ‘chói tai không phải là xấu’. Xin mở mắt con và tâm trí con để con có thể lắng nghe lời Ngài và đáp lại với một đức tin sâu sắc nhất”, Amen.
(Tgp. Huế)
QUÀ TẶNG CỦA THIÊN CHÚA
Ngày lễ Chúa chiên lành, tôi suy nghĩ về quà tặng. Chúa Kitô, quà tặng vô giá mà Thiên Chúa trao tặng trần gian. Không khác. Nhưng như Chúa Kitô, thánh chức linh mục và bản thân người linh mục lại tiếp tục là quà tặng của Thiên Chúa cho thế giới loài người qua thời gian, trải dọc lịch sử.
1. Linh mục cần theo mẫu quà tặng Giêsu Kitô.
Chúa Kitô, quà tặng của Tình Trời được gởi trao cho người trần, một quà tặng tuyệt đối, quà tặng vô giá được ban tặng nhưng không: Thiên Chúa đã trao tặng chính người Con Một dấu ái của mình: “Thiên Chúa YÊU thế gian đến nỗi đã BAN Con Một, để ai tin vào Con của Ngài thì không phải chết nhưng được sống muôn đời” (Ga 3, 16).
Dù thánh Gioan không nhắc tới cách hiển nhiên hai tiếng “quà tặng”, nhưng khi lặp lại lời của Chúa Giêsu nói với Nicôđêmô: “Thiên Chúa YÊU… đến nỗi đã BAN”, thì không là nói bằng ngôn ngữ của quà tặng đó sao.
Bởi trong hai tiếng quà tặng đã hàm chứa tình yêu và sự trao ban. Nơi Thiên Chúa, dù quà tặng chính là một ân ban thần linh diệu kỳ, lại quá sức cụ thể nơi một con người mang tên Giêsu Kitô.
Đến phiên người linh mục, một khi ý thức mình cũng là quà tặng mà Thiên Chúa dành cho trần gian theo cách thế quà tặng Giêsu Kitô, trước hết, họ phải đón nhận Chúa Giêsu Kitô nơi cuộc đời, tâm hồn và lẽ sống của mình.
Họ ấp ủ Chúa Kitô. Họ cần sống như Chúa Kitô sống trong họ. Họ "thấm" Chúa Kitô như chỉ còn là Chúa Kitô trong lối sống, lối nghĩ, lối hoạt động và từng phản ứng thường ngày của chính đời sống mà họ đang sống.
Nhất là sự nghèo khó. Để đón nhận và hiến dâng trọn vẹn quà tặng của yêu thương, đòi họ phải trút bỏ bằng một tinh thần nghèo khó, bằng một ý thức hiến mình thực sự, không thể làm khác được.
Bởi chỉ trong sự nghèo khó, người ta mới trở nên giàu có, vì có chính Thiên Chúa làm tặng phẩm vô giá của mình. Bởi vậy, ta mới hiểu vì sao Chúa Giêsu lại nói: “Phúc cho các ngươi là những người nghèo” (Lc 6, 20).
Chỉ đón nhận sát sao quà tặng của Thiên Chúa như thế, người linh mục mới có thể trở thành quà tặng của Thiên Chúa như chính Thiên Chúa muốn.
2. Trao ban chính mình.
Đã gọi là quà, quà tặng cần phải trao ban. Quà không trao ban không phải là quà. Quà chỉ có giá trị khi nó được dâng tặng bằng cả tình yêu.
Ai đó ví von pha chút mỉa mai: “Linh mục ban của thánh và nhận của phàm”. Không biết lời ví von ấy đúng hay không? Nhưng nếu ít nhiều có sự thật, đó không còn là lời nói cho vui, mà trở thành lời bậc thốt từ nỗi xót xa.
Hơn nữa, nếu đúng như thế thì đời thánh hiến đã bị lệch, bị méo. Bởi thay vì chức linh mục như một quà tặng dâng cho đời, lại trở thành phương tiện để thỏa ích kỷ riêng, để vụ lợi. Nói cho cùng, đó chính là nỗi bi đát. Như vậy, đời thánh hiến chỉ còn là một phương tiện để xây pháo đài của bản thân.
Ơn thánh hiến mà bị lạm dụng, có khác chi lời tiên tri Êgiêkiel cảnh báo từ rất xưa: “Đức Chúa là Chúa Thượng phán thế này: Khốn cho các mục tử Israel, những kẻ chỉ biết lo cho mình! Nào mục tử không phải chăn dắt đàn chiên sao? Sữa các ngươi uống, len các ngươi mặc, chiên béo tốt thì các ngươi giết, còn đàn chiên lại không lo chăn dắt. Chiên đau yếu, các ngươi không làm cho mạnh; chiên bệnh tật, các ngươi không chữa cho lành; chiên bị thương, các ngươi không băng bó; chiên đi lạc, các ngươi không đưa về; chiên bị mất, các ngươi không chịu đi tìm. Các ngươi thống trị chúng một cách tàn bạo và hà khắc” (Ed 34, 2- 4).
Một khi bước theo Chúa Kitô trong đời sống thánh hiến, linh mục chỉ dám nói mình nên giống Chúa Kitô khi đã có thể sống đời hiến dâng như Chúa Kitô. Ngay cụm từ “Đời sống Thánh hiến”, đủ để nói lên ý nghĩa của sự hiến dâng mình trong chức linh mục.
Nói linh mục dâng mình để sống đời thánh hiến trong chức linh mục là điều không khó. Nhưng trước sau, linh mục vẫn là con người. Linh mục sống đời thánh hiến hoàn hảo như Chúa Kitô không dễ chút nào.
Tuy nhiên, khó không có nghĩa là không thể thực hiện, càng không bao giờ được phép đầu hàng. Trong đời sống thánh hiến, đầu hàng không chỉ là thua cuộc, mà còn là đánh mất. Vì không dám và không ý thức đời hiến dâng, linh mục chỉ còn danh chứ không còn thực.
Dù anh em linh mục chúng ta vẫn mang phận người bất tất, vẫn đầy yếu đuối, thậm chí đã từng có những lần đổ ngã thảm bại, thì hãy tự nhủ bản thân, "tôi đã mất một, nhưng sẽ quyết tâm để không mất hai".
Hãy luôn nhớ, tòa giải tội đang trông ngóng. Tình yêu dung thứ của Thiên Chúa đang tha thiết vẫy gọi. Mạch sống của Đấng là Chủ Chăn nhân hậu, Chúa Giêsu Kitô, đang khao khát để lại được khơi nguồn. Sức mạnh và lửa nóng của Ngôi Ba đang rừng rực đợi chờ...
Hãy chạy về phía Thiên Chúa. Dẫu đổ vỡ đã là sự mất mát, nhưng không đồng nghĩa với mất tất cả. Hãy can đảm vực dậy cõi siêu nhiên, dẫu chỉ còn le lói ở phía cuối linh hồn.
Để tránh tất cả những nguy cơ đe dọa thánh chức, linh mục hãy can đảm tập tành ướm thử đời mình theo khuôn mẫu cuộc đời Chúa Kitô. Đó là trút bỏ những ham hố, tham vọng, mưu cầu tư lợi… và tự hủy mình trở nên người phụng sự Chúa, phục vụ con người như Chúa muốn.
Hãy nhớ rằng, một khi tự hủy để sống nghèo khó, Chúa Kitô trở nên quà tặng vô giá. Linh mục cũng sẽ trở nên quà tặng khi biết trút bỏ, để sống sự nghèo khó như Chúa.
Vì thánh hiến là dâng tặng đời mình. Linh mục sống đời thánh hiến, nghĩa là linh mục tắm mình trong tình yêu Thiên Chúa để hiến dâng tình yêu đã được thánh hiến của mình trao tặng anh chị em.
Bông hồng trao tặng là để bày tỏ lòng yêu thương. Con người biết hủy mình để dâng tặng tình yêu, lời tỏ tình ấy có giá trị gấp ngàn lần những cánh hồng tươi nở.
Nhưng nếu hiến dâng đời mình trong ơn gọi thánh hiến, hơn tất cả mọi lời yêu thương, người linh mục trở thành một con đường tình yêu nối trời cao với trần thế, đưa con người đến với Thiên Chúa, và trao ban chính Thiên Chúa cho con người. Có còn nét đẹp nào có thể sánh bằng nét đẹp của ơn thánh hiến để dâng tặng đời mình như thế!
Một phụ nữ 23 tuổi đã chết trong bệnh viện ở San Martin thuộc tỉnh Mendoza của Argentina vào hôm Chúa Nhật tuần trước, 4 ngày sau khi phá thai hợp pháp ở thị trấn La Paz lân cận. Cái chết của Maria del Valle Gonzalez Lopez được cho là do xuất huyết và nhiễm trùng huyết theo báo cáo khám nghiệm tử thi của cô.
Người phụ nữ này là một nhân vật đang rất nổi trong tổ chức ủng hộ phá thai “Union Civica Radical”, gọi tắt là UCR, một phong trào cánh tả lâu đời của Á Căn Đình liên kết với Quốc tế Xã hội Chủ nghĩa. Cô đã được bầu vào năm ngoái làm chủ tịch tổng vụ Thanh niên của Những người cấp tiến ở La Paz.
Del Valle là người mẹ đầu tiên được đã qua đời kể từ khi phá thai theo yêu cầu được công nhận là hợp pháp ở Á Căn Đình vào đầu năm nay. Cô ta là sinh viên đại học ngành công tác xã hội và có một người bạn trai.
Vào tháng 8 năm 2018, các bộ phận Thanh niên của UCR đã tổ chức các cuộc họp báo và các cuộc biểu tình để “yêu cầu” các Thượng nghị sĩ Á Căn Đình bỏ phiếu cho việc hợp pháp hóa phá thai hoặc luật “Ngừng mang thai tự nguyện” đang được thảo luận tại Quốc hội vào thời điểm đó.
Source:Life Site News
Nhân kỷ niệm Ngày tưởng niệm nạn diệt chủng người Armenia vào ngày 24 tháng 4, Đức Cha David J. Malloy của Rockford, chủ tịch Ủy ban Công lý và Hòa bình của Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ, gọi tắt là USCCB, đã nêu bật sự mất mát bi thảm của rất nhiều người Armenia trong cái được gọi là cuộc diệt chủng đầu tiên của thế kỷ 20.
Tuyên bố đầy đủ của Đức Cha Malloy như sau:
“Ngày 24 tháng 4 là Ngày tưởng niệm nạn nhân cuộc diệt chủng Armenia. Được bắt đầu vào năm 1915, chiến dịch này dẫn đến cái chết của 1.2 triệu Kitô hữu Armenia - nạn nhân của các vụ xả súng hàng loạt, buộc phải đi bộ đến các trại xa xôi, tra tấn, hành hung, chết đói và bệnh tật. Hàng nghìn trẻ em Armenia đã bị tách khỏi gia đình và buộc phải cải đạo. Thảm kịch kinh hoàng này nhằm mục đích loại bỏ người Armenia và nền văn hóa của họ trong cái được gọi là 'cuộc diệt chủng đầu tiên của thế kỷ 20.'
“Nhưng Armenia và người dân Armenia vẫn sống sót và vươn lên bất chấp những đau khổ và bách hại nhắm vào họ. Tôi lặp lại những lời cầu nguyện của Đức Thánh Cha của chúng ta, Đức Giáo Hoàng Phanxicô khi ngài dâng lời cầu nguyện cho công lý và hòa bình sau chuyến tông du Armenia vào năm 2016: 'Một dân tộc đã phải chịu đựng rất nhiều trong suốt lịch sử của nó, và chỉ có đức tin, đức tin đã giữ cho dân tộc này tồn tại trên đôi chân mình. Thực tế rằng Armenia là quốc gia Kitô Giáo đầu tiên là không đầy đủ; nó là quốc gia Kitô Giáo đầu tiên bởi vì Chúa đã chúc phúc cho quốc gia này, bởi vì đất nước này có các vị thánh, và Giáo Hội ở đây có các giám mục thánh thiện và các vị tử đạo... '
“Khi chúng ta cử hành niềm vui Phục sinh trong mùa hồng phúc này, cầu chúc cho tất cả những người thiện chí sẽ hiệp lại với nhau trong ngày tưởng niệm trọng thể này để cầu nguyện và làm việc cho công lý và hòa bình và làm mới lại xác tín nơi sự sống vĩnh cửu trong Chúa Kitô Đấng ngự trị tối cao và mãi mãi”.
Tuyên bố của Đức Cha Malloy cũng lặp lại mối quan tâm và tình đoàn kết mà Giáo Hội Công Giáo đã giữ từ lâu với Giáo hội Armenia. Trong một tuyên bố chung tháng 11 năm 2000, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và Đức Thượng Phụ Karekin II, Giáo chủ Tối cao của Armenia, khẳng định đức tin chung và sự tôn trọng lẫn nhau của họ dành cho nhau.
Các giám mục Hoa Kỳ đã hỗ trợ cho các dự án đổi mới mục vụ và thông qua Caritas Armenia cho các dịch vụ xã hội nhằm trợ giúp trẻ em và những người dễ bị tổn thương cũng như khuyến khích các chương trình mục vụ xã hội của giáo xứ. Năm 2003, Đức Hồng Y William Keeler đã dẫn đầu một phái đoàn gồm các giám mục và nhân viên Hoa Kỳ đến Armenia theo lời mời của Đức Thượng Phụ. Phái đoàn trở về với các ấn tượng tốt đẹp và được linh hứng về sự kiên cường của đức tin Kitô của người dân Armenia khi đối mặt với nghịch cảnh.
Source:USCCB
Một nhà truyền giáo lâu năm ở Hương Cảng đã ca ngợi các nhà hoạt động ủng hộ dân chủ, những người đã nhận án tù vào tuần trước vì đã lên tiếng phản đối luật an ninh quốc gia mới của thành phố.
“Hương Cảng, như chúng ta đã biết đến nó, không còn nữa,” Cha Gianni Criveller nói.
“Tôi đã viết bài này một thời gian, nhưng ngày 16 tháng 4 là một trong những ngày buồn nhất, ngay cả ở mức độ cảm xúc cá nhân, kể từ khi tự do chết ở thuộc địa cũ của Anh vào ngày 1 tháng 7 năm 2020”.
“Đây là những người đàn ông và các phụ nữ bị trừng phạt vì dấn thân công dân của họ và, đối với một số người, vì thực hành đức tin của họ trong đời sống, nghề nghiệp và chính trị.” Ngài gọi họ là “các nhân chứng và các nhà tiên tri cho thời đại của chúng ta”.
“Họ xứng đáng được ghi nhận nhiều hơn. Nhưng thời đại và thế giới của chúng ta không yêu tự do, cũng không có những người đấu tranh cho nó khi phải trả một cái giá rất đắt.”
Là thành viên của Hội Giáo Hoàng Truyền giáo Hải Ngoại, gọi tắt là PIME, cha Criveller là trưởng khoa nghiên cứu và là giáo sư tại Trường Thần học Truyền giáo Quốc tế PIME ở Milan. Ngài từng là một giáo sư ở Trung Quốc Đại Lục trong 27 năm và cũng là một giảng viên về thần học truyền giáo và lịch sử của Kitô Giáo ở Trung Quốc tại Trường Cao đẳng Triết học và Thần học Thánh Linh của Hương Cảng.
Jimmy Lai, 72 tuổi, là một trong những gương mặt bất khuất nhất của phong trào ủng hộ dân chủ ở Hương Cảng và đã từng ngồi tù một thời gian, là một người Công Giáo. Anh là người sáng lập Apple Daily, tờ báo nổi tiếng nhất ở Hương Cảng. Anh được rửa tội khi trưởng thành với sự giúp đỡ của Đức Hồng Y Trần Nhật Quân. Ngoài thời gian bị tạm giam, Lai còn phải nhận thêm 14 tháng tù giam.
Đề cập đến những người Công Giáo đã bị kết án, hầu hết là những người mà ngài biết rất rõ, Cha Criveller cho biết họ là những người “đã chào đón thông điệp của Phúc âm một cách nghiêm chỉnh”
“Họ tin vào tự do, mà tác giả là chính Chúa Giêsu. Họ tin vào phẩm giá của những người nam nữ tự do, vì chúng ta là con cái của Thiên Chúa, được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa, và là những nhân vật chính trong việc xây dựng công ích cho toàn thể nhân loại”.
Source:Crux
Tiến sĩ George Weigel là thành viên cao cấp của Trung tâm Đạo đức và Chính sách Công cộng Washington, và là người viết tiểu sử Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Nhân cái chết của thần học gia Hans Küng, ông có viết một bài nhan đề “Hans Küng and the Perils of Fame”, nghĩa là “Hans Küng và những nguy cơ của sự nổi tiếng”, đăng trên tờ First Things ngày 21 Tháng Tư, 2021.
Tưởng cũng nên nhắc lại là trong một diễn biến gây sôi nổi vào năm 2010, Tiến sĩ George Weigel đã viết một bức thư ngỏ gửi cho Cha Küng vạch ra các sai lầm nghiêm trọng của linh mục thần học gia này.
Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây:
Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.
Hans Küng and the Perils of Fame
by George Weigel
Hans Küng và những nguy cơ của sự nổi tiếng
Năm 1977, khi mới gia nhập đội Baltimore Orioles, Eddie Murray, huyền thoại bóng chày tương lai, đã nhận được một lời khuyên từ cựu cầu thủ Lee May. May nói với chàng trai 21 tuổi: “Nếu bạn có tài năng, danh tiếng không thể giúp bạn, nhưng khả năng rất cao là danh tiếng sẽ hủy hoại bạn”. Murray nghe theo lời khuyên của nhà hiền triết May và tránh xa ánh đèn sân khấu. Cha Hans Küng, nhà văn Công Giáo Thụy Sĩ có hấp lực truyền thông mạnh mẽ, đã qua đời ở tuổi 93 vào ngày 6 tháng 4, đã hành xử ngược lại. Do đó có một câu chuyện buồn.
Cha Hans Küng chắc chắn có tài năng. Luận án tiến sĩ của ngài về Karl Barth, là thần học gia Thệ Phản được cho là vĩ đại nhất trong các nhà thần học Tin lành thế kỷ 20, đã trở thành cuốn sách tiên phong trong thần học đại kết. Tiểu đoạn “The Council: Reform and Reunion”, nghĩa là “Công đồng: Cải tổ và Tái hiệp nhất” đã giúp định hình cuộc thảo luận tại phiên họp quan trọng đầu tiên của Vatican II. Cha Küng cũng khả năng nhận ra và đề bạt người có tài; ngài đã đích thân dàn xếp việc bổ nhiệm Giáo Sư Joseph Ratzinger [sau này là Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 – chú thích của người dịch] vào một ghế chủ nhiệm trong khoa thần học danh tiếng tại Đại học Tübingen.
Tuy nhiên, bất kể những thần thoại chung quanh vị linh mục này, Cha Hans Küng hầu như không có chút ảnh hưởng nào đối với các tài liệu lớn của Công đồng Vatican II. Trong những năm công đồng, ngài đã dành nhiều thời gian ở Rôma cho báo chí thế giới và cho các cuộc tụ họp hàng trăm người trong đó ngài trình bày các diễn từ và tranh luận công khai hơn là tham gia vào một công việc khó khăn hơn là phát triển các văn bản của Công đồng Vatican II. Ngược lại, Thần Học Gia Ratzinger đã có những đóng góp cực kỳ quan trọng cho một số tài liệu công đồng. Thần Học Gia người Bỉ Gérard Philips cũng vậy, dù chỉ nhận được cùng lắm là 0.0001% sự chú ý mà giới truyền thông dành cho Cha Küng, đã có ảnh hưởng lớn trong việc phát triển những gì Công đồng thực sự đã dạy đến nỗi một thần học gia quan trọng khác tại Vatican II, người Pháp tên là Yves Congar của dòng Đa Minh, đã nói đùa rằng “Vatican II” nên được đổi tên thành “Louvain I”, là tên trường đại học của Cha Philips.
Trong suốt Công đồng Vatican II, và những năm sau đó, Cha Hans Küng đã phát minh và sau đó khai thác một kiểu nhân cách mới: nhà thần học Công Giáo bất đồng chính kiến như một ngôi sao truyền thông quốc tế. Đẹp trai, ăn nói hùng biện và là người phát ngôn đáng tin cậy cho trào lưu cấp tiến đương đại, Cha Küng là một trong những trí thức Công Giáo đầu tiên nhận ra rằng báo chí thế giới không thể cưỡng lại câu chuyện người-cắn-chó, trong đó một nhà tư tưởng Công Giáo lại đi thách thức giáo lý của Giáo hội mình. —Và làm như vậy theo những phương cách nhằm cổ vũ cho những thành kiến văn hóa cấp tiến. Vì vậy, người đàn ông từng viết một cuốn sách thực sự táo bạo (Biện minh: Học thuyết của Karl Barth và Suy tư Công Giáo) đã trở thành một nhân vật truyền thông hơn là một nhà thần học Công Giáo nghiêm túc. Và với cuốn sách “Infallible? Inquiry”, nghĩa là “Ơn bất khả ngộ à? Một cuộc điều tra”, năm 1971, Cha Küng tuyên bố mình bất đồng chính kiến với một tín điều đã được xác định của đức tin tông đồ.
Ông có một số ảnh hưởng trong giới tinh hoa ở Davos, và ta phải hy vọng rằng người đàn ông không bao giờ rời chức tư tế này đã có một số tác động tâm linh nhất định trong thế giới siêu trần tục đó. Nhưng, theo thiển ý của tôi, đóng góp nghiêm chỉnh nhất của Hans Küng cho thần học sau cuốn sách của ông về Barth xảy ra rất bất ngờ trong kỳ nghỉ dài hạn tại trường Đại Học. Vì sắp rời trường Đại Học trong một năm, Cha Küng đã đề nghị Cha Joseph Ratzinger tiếp tục một trong các khóa học tại Tübingen của ngài — và các bài giảng của Cha Ratzinger trong khóa học đó đã trở thành cuốn sách bán chạy cấp quốc tế, đó là cuốn “Nhập môn Kitô Giáo”.
Cha Hans Küng tỏ ra minh bạch một cách đáng khâm phục về lập trường của mình: Cha ấy không tin là đúng, cũng như sẽ không dạy đó là chân lý, những gì Giáo Hội Công Giáo đã dạy là đúng. Do đó, không có gì đáng ngạc nhiên khi, vào ngày 15 tháng 12 năm 1979, Bộ Giáo lý Đức tin, gọi tắt là CDF, đã đồng ý với Cha Küng, khi tuyên bố rằng ngài “không thể được coi là một nhà thần học Công Giáo”, và rút lại thẩm quyền giảng dạy với tư cách là “Giáo sư Thần học Công Giáo”. Hội Đồng Giám Mục Đức đồng ý với quyết định của CDF, điều này phản ánh niềm xác tín mấu chốt của Công Giáo rằng, nhờ sự ngự trị của Chúa Thánh Thần, Giáo hội tuân theo một chân lý mà Giáo Hội có thể trình bày một cách có thẩm quyền, ngay cả khi sự hiểu biết về chân lý đó vẫn đang phát triển. (Rõ ràng là mọi thứ đã thay đổi trong hàng ngũ các giám mục Đức)
Những thập kỷ cuối cùng trong cuộc đời của Cha Hans Küng được đánh dấu bằng những cuộc tấn công cay đắng đối với Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI - mặc dù Đức Bênêđíctô, luôn là một Kitô hữu hiền lành, đã mời đồng nghiệp cũ ở Tübingen đến chia sẻ trong một buổi chiều với ngài tại Castel Gandolfo, ngay sau khi ngài được bầu vào ngôi Giáo Hoàng. Ở một số thời điểm nhất định, như tôi đã lưu ý trong một bức thư ngỏ năm 2010 gửi cho Cha Küng, những cuộc luận chiến chống giáo hoàng đó đã đi vào bãi rác phế thải độc hại của sự hèn hạ, đặc biệt là vì Cha Küng không thể giải phóng bản thân khỏi những điều ngu ngốc cấp tiến về mọi thứ, từ phá thai đến AIDS, cho đến quan hệ Công Giáo - Hồi Giáo liên quan đến nghiên cứu tế bào gốc — đó là một kỷ lục đáng tiếc cho một người đàn ông thông minh.
Lời cảnh báo của Lee May dành cho Eddie Murray rất rõ ràng: Sự nổi tiếng rất nguy hiểm. Đó là lý do tại sao, khi nhại lại cách thức trường phái Sitwells nhận xét về Frank Raymond, ta có thể nói rằng Hans Küng thuộc về lịch sử công chúng hơn là lịch sử thần học. Requiescat in pace (Chúc yên nghỉ).
Source:First Things
Khi Đức Phanxicô lên ngôi Giáo Hoàng vào năm 2013, ngài Georg Bätzing vẫn chỉ là một linh mục. Tuy nhiên, ngày nay, ngài được truyền thông thế tục Đức phong là “Neuer Papst”, “Đức Tân Giáo Hoàng”. Không biết ngài có tự huyễn hoặc mình hay không, nhưng xem ra ngài đang hành xử như thế khi liên tục công khai chống đối các giới thẩm quyền của Vatican, và liên tục đòi xét lại các chân lý đức tin đã được thiết định cũng như đòi huỷ bỏ một số kỷ luật của Giáo Hội như luật độc thân linh mục và việc không thể phong chức cho phụ nữ.
Edward Pentin có bài tường trình sau trên tờ National Catholic Register của hệ thống truyền hình Hoa Kỳ EWTN ngày 23 tháng Tư.
Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.
Bishop Bätzing Opens Path to Protestants Receiving Catholic Communion in Germany
By Edward Pentin
Giám Mục Bätzing mở đường cho những người Tin lành được rước lễ ở Đức
Trong lần thách thức mới nhất đối với thẩm quyền của Rôma, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Đức đã công khai bác bỏ các chỉ thị gần đây của Vatican liên quan đến vấn đề cho người Tin lành được rước lễ trong các thánh lễ Công Giáo.
Trong thách thức ngạo mạn mới nhất đối với Rôma, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Đức cho rằng bất kỳ tín hữu Tin lành Đức nào muốn được rước lễ trong một Nhà thờ Công Giáo vào ngày Kirchentag, nghĩa là ngày hiệp nhất vào tháng 5 của những người theo đạo Tin lành Đức, đều được hoan nghênh.“Bất cứ ai theo đạo Tin lành và tham dự thánh lễ đều có thể rước lễ”, Giám mục Georg Bätzing nói trong một cuộc thảo luận trực tuyến tại Frankfurt hôm thứ Năm 22 Tháng Tư về sự kiện ngày 15 tháng 5 thường quy tụ hàng ngàn Kitô hữu đến thành phố này để tham dự các sự kiện của Giáo hội”.
“Chúng tôi muốn thực hiện các bước hướng tới sự thống nhất”, ngài nói và nhận xét rằng “bất cứ ai có niềm tin nơi những gì được cử hành trong các hệ phái khác đều có thể tiến lên [bàn thờ] và sẽ không bị từ chối”.
Theo trang tin tức Katholisch.de của các giám mục Đức, vị giám mục Limburg tiếp tục nói rằng tập tục này “đã được duy trì trong suốt thời gian qua” và thực ra “không có gì mới”. Có lẽ điều mới là nó đang được thảo luận, và nói thêm rằng ngài không mong đợi “một sự phản đối từ Rome”.
Ngài lưu ý Vatican có sự dè dặt đối với Giáo hội ở Đức, và nhận định rằng: “Đối với nhiều quan chức ở Rôma, Giáo Hội Công Giáo Đức có mùi Tin lành”. Ngài khẳng định đây “không phải là trường hợp của các cấp cao nhất trong hàng tổng trưởng”, mà là trường hợp các quan chức thiếu kinh nghiệm với Giáo hội ở Đức.
Giám mục Bätzing tiếp tục ghi nhận “nỗi sợ hãi” ở Rôma về Tiến Trình Công Nghị ở Đức, và những thách thức trong việc duy trì sự hiệp nhất, nhưng nói thêm: “Bạn cũng có thể gây nguy hiểm cho sự hiệp nhất bằng cách nuôi dưỡng sự hiệp nhất bằng những công cụ không phù hợp với thời điểm và thế giới mà chúng ta sống trong sự đa dạng về văn hóa của nó”.
Giám mục Bätzing nói thêm, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nhiều lần nói rằng “Giáo hội không thể được kiểm soát một cách tập trung” và các quyết định phi tập trung phải được đưa ra trong khuôn khổ giáo lý và giáo luật Công Giáo. “Đây là cách mà chúng tôi đang thử nghiệm”, Giám Mục Bätzing nói.
Vị Giám mục này ám chỉ đến một đoạn trong Tông huấn Evangelii Gaudium – Niềm Vui Phúc Âm - năm 2013 của Đức Giáo Hoàng, trong đó ngài viết rằng Công đồng Vatican II kêu gọi “hiện thực hóa cụ thể tinh thần tập thể”, và ngài lấy làm tiếc rằng mong muốn này “đã không được thực hiện đầy đủ, vì địa vị pháp lý của các Hội Đồng Giám Mục coi họ là đối tượng của các quy định cụ thể, bao gồm thẩm quyền giáo lý chính thống, vẫn chưa được xây dựng đầy đủ”.
Đức Phanxicô nói thêm: “Việc tập trung hóa quá mức, thay vì tỏ ra hữu ích, đã làm phức tạp thêm đời sống của Giáo hội và việc tiếp cận truyền giáo của Giáo hội”.
Tháng 9 năm ngoái, Bộ Giáo lý Đức tin đã gửi một bản phê bình bốn trang và một bức thư tới Giám mục Bätzing giải thích rằng sự khác biệt về giáo lý với những người theo đạo Tin lành “vẫn còn rất nặng nề” đến nỗi “việc cùng tham gia vào Bữa Tiệc Ly của Chúa hoặc Bí Tích Thánh Thể” là không thể.
Bản phê bình được đưa ra để đáp lại việc xuất bản một tài liệu có tên “Cùng nhau tại Bàn của Chúa”, được soạn thảo vào năm 2019 bởi một nhóm các nhà thần học Tin lành và Công Giáo Đức ủng hộ “lòng hiếu khách Thánh Thể có đi có lại”.
Đức Hồng Y Kurt Koch, chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Thúc đẩy Hiệp nhất Kitô giáo, nói với tờ Register vào tháng trước rằng ngài chia sẻ mối quan tâm của CDF về tài liệu này và đã bày tỏ sự phản đối của cá nhân mình đối với tài liệu này.
Tờ Register cũng báo cáo rằng cả Đức Hồng Y Koch và Đức Hồng Y Tổng trưởng CDF, Luis Ladaria đều muốn triệu tập Giám mục Bätzing đến Rôma vào tháng Giêng để làm rõ với ngài về một cuộc phỏng vấn trên phương tiện truyền thông, trong đó ngài bày tỏ sự bất đồng với giáo huấn của Giáo hội trong một số lĩnh vực nhưng mong muốn của các vị Hồng Y đã bị Đức Thánh Cha Phanxicô từ chối.
Tờ Register đã liên hệ với Đức Hồng Y Koch để đưa ra bình luận vào thứ Sáu, và để hỏi xem liệu Vatican sẽ thực hiện bất kỳ hành động nào sau nhận xét của Giám mục Bätzing hay không. Đức Hồng Y chưa trả lời vào thời điểm bài báo này được xuất bản.
“Tàu đã rời ga và quan trọng nhất, Rôma sẽ không can thiệp”, một nguồn tin của Giáo hội Đức nói với tờ Register hôm thứ Sáu. “Giáo triều đã trở nên không có răng, và ngoại lệ bây giờ trở thành quy luật”.
Kirchentag thường đưa hàng chục nghìn người theo đạo Tin lành và Công Giáo đến Frankfurt để tham dự các sự kiện nhưng do hạn chế của coronavirus, nó hầu như sẽ được tổ chức trực tuyến, hạn chế khả năng thực hành rước lễ chung mà Giám mục Bätzing đã đề xuất.
Source:National Catholic Register
Thứ Sáu (23/4/2021), ba linh mục và bảy giáo dân đã bị giết vì đức tin ở Guatemala đã được tôn vinh "chân phước". Trong Thánh lễ tôn vinh, Đức Giám Mục Rosolino Bianchetti của Giáo phận Quiché đã nhắc lại những tấm gương hùng anh và niềm tin sâu sắc của các Ngài đã trở nên nguồn cảm hứng cho người dân Guatemala.
(Tin Vatican)
Thánh lễ tôn vinh Chân phước cho mười vị tử đạo của Giáo phận Quiché đã được cử hành tại nhà thờ chính tòa Santa Cruz ở Quiché, Guatemala, vào thứ Sáu 23/4/2021, do Đức Hồng Y Álvaro Leonel Ramazzini chủ sự.
Trong số các vị được tôn phong Chân phước có ba linh mục Dòng Thừa Sai Thánh Tâm là các Linh mục Jose Maria Gran Cirera, Juan Alonso Fernandez và Faustino Villanueva; và bảy giáo dân là Rosalío Benito, Reyes Us, Domingo del Barrio, Nicolás Castro, Tomás Ramírez, Miguel Tiú và bé Juan Barrera Méndez 12 tuổi. Tất cả mười người này đã bị giết ở Guatemala trong những năm 1980 - 1991.
Những nhà truyền giáo di động
Trong cuộc phỏng vấn dành cho đài Vatican, Đức Giám Mục Rosolino Bianchetti Boffelli của giáo phận Quiché đã nhắc lại cuộc đời của mười vị tử đạo trong bối cảnh lịch sử của đất nước: “Các vị tử đạo này là những nhà truyền giáo di động. Họ đi từ nhà này sang nhà khác, kiện cường đức tin qua việc cầu nguyện với anh chị em mình, và xác tín vào Chúa phục sinh. Họ là những người có đức tin mạnh mẽ, tin tưởng tuyệt đối vào Chúa, đồng thời cũng hiến mạng cho hạt giống đức tin nảy mầm trong đất nước Guatemala.”
Từ năm 1960 đến năm 1996, đất nước Guatemala đã trải qua một thời kỳ nội chiến giữa một chế độ quân sự và các nhóm khuynh tả khác nhau! Trong thời gian này có hơn 200.000 người bị giết. Vào khoảng những năm 1980, Giáo hội bị đàn áp, vì đã tranh đấu bảo vệ phẩm giá và quyền sống của những người nghèo khổ.
Bước theo Chúa Giêsu
Đức cha Bianchetti lưu ý rằng mười vị tử đạo đã không ngần ngại tham gia vào việc rao truyền Phúc Âm, trong phong trào Công Giáo cổ vũ rao truyền Tin Mừng như là “một phương pháp, một cách thức, một phong cách sống đức tin theo gương Chúa Giêsu thành Nazareth.” ĐGM nhận xét rằng bất chấp những lời đe dọa, họ đã dương cao thập giá và bị bắt và cuối cùng bị giết bởi những nhóm đối kháng với những lời khuyên Phúc âm vì nó đụng chạm tới lợi ích của họ.
Đức Cha nói: “Họ là những người dũng cảm sống và thực hành Lời Chúa và sùng kính việc tôn kính mến yêu Kinh Mân Côi, họ đã ra đi khắp các cộng đồng để nâng đỡ những người gặp khó khăn. Các linh mục thì lo hướng dẫn giáo dân, trong khi giáo dân tiếp cận trực tiếp những người ốm đau bệnh tật, phục vụ nhà Chúa trong khi vẫn cố gắng chu toàn trách vụ của những người nông dân, giúp đỡ và nâng đỡ lẫn nhau trước những thu hồi cướp đất cách bất công của những kẻ cầm quyền…
Ý nghĩa của việc phong chân phước
Phát biểu về ý nghĩa của việc phong chân phước cho các vị tử đạo đối với Giáo hội ở Guatemala, và đặc biệt là giáo phận Quiché, Đức cha Bianchetti cho hay đây là “đỉnh cao của một cuộc hành trình dài mà Chúa Giêsu đã kêu gọi các môn sinh của Ngài thực hiện”.
Đức cha cho hay đối với các tin hữu, việc phong chân phước này là dấu chỉ để cổ súy và hun đúc niềm tin yêu hy vọng của các tín hữu, tín thác vào Chúa Giêsu, sống và cùng loan truyền Tin Mừng Ngài để lại.
Bé Juan Barrera Méndez
Đức cha Bianchetti ca ngợi tấm gương của bé Juan Barrera Méndez, còn được gọi là “Juanito”, người dù mới 12 tuổi, đã chứng tỏ sự trưởng thành sâu sắc thiêng liêng của một giáo lý viên với các em chuẩn bị rước lễ lần đầu, dù em chưa được đã lãnh nhận Bí tích Thêm xức...
Đức cha kể lại em Juan say mê tin theo Chúa Giêsu và thậm chí em còn khao khát xây một nhà thờ gần nhà để ba của em, một người Tín hữu không được sốt mến lắm, có thể tham gia các buổi cầu kinh.
Đức cha cho hay bé Juanito đã bị tra tấn vào ngày bé bị bắt trong một cuộc đột kích của quân đội vào giáo xứ và họ đã chặt đôi chân của bé! Sau đó, chúng bắt bé đi bộ ra bờ sông. “Bé đã đứng vững trong niềm tin và lấy chính mạng sống làm chứng tá cho Chúa. Bé bị treo lên một thân cây và bị bắn chết.... Giống như ‘Chúa Giêsu bị đóng đinh’ trên cây Thánh Giá; gương Juanito đã tỏa sáng cho chúng ta ngày nay. Tấm gương của bé được đất nước tôn dương gọi bé là ‘Carlo Acutis của đất nước Guatemala’.
Hòa bình, thống nhất từ những thử thách
Đức cha Bianchetti nhấn mạnh rằng gương của các vị tử đạo là nguồn cảm hứng cho các cộng đồng Kitô hữu ở Guatemala ngày nay, khi họ phải đối diện với những thử thách của thời đại, bao gồm nghèo đói, thất nghiệp, bóc lột và cưỡng bức di cư.
“Vào thời điểm của thiên niên kỷ thứ ba, vẫn còn nhiều cộng đồng chưa có điện dùng, trong số đó có những cộng đồng ở ngay bên các nhà máy thủy điện. Ngoài ra còn có nhiều nỗi thống khổ của những người di cư, hầu hết họ tìm đến Hoa Kỳ và từ đây họ đang đóng góp vào việc xây dựng xã hội, trường học và phát triển cộng đồng”.
Đức Giám Mục nói thêm rằng việc phong chân phước này cũng là lời mời gọi xây dựng một xã hội Guatemala hòa giải với nỗ lực chung của tất cả mọi người.
Đức cha nói: “Không một lời tố giác nào kêu gọi hãy trả thù cho những cái chết của các Chân phước. “Không ai trả thù kẻ đã giết người thân của họ, cha hay bạn bè của họ, ngày cả những kẻ đã đốt nhà của họ. Không có một chứng từ nào về một sự trả thù nào… Dù phải sống trong đau khổ, nhưng chúng tôi tiếp tục con đường của một hành trình chữa lành những vết thương bằng trái tim và cặp mắt hướng về Chúa Giêsu bị đóng đinh và sống lại… Đây là nghĩa vụ của chúng tôi.”
Cuối cùng, khi đối mặt với cơn đại dịch đang hoành hành, Đức Giám Mục Bianchetti cho hay người dân Guatemala đang đấu tranh để tồn tại với phẩm giá bất chấp mọi thách đố. Đức Cha cũng nhấn mạnh rằng, “Giáo hội ở Quiché, khiêm tốn trong niềm hy vọng, tiến bước và muốn tiếp tục xây dựng với các vị tử đạo một phương trời mới, một vùng đất mới, trong tin yêu hy vọng, dựng xây một Vương quốc của Chúa, ngay nơi trần thế này.”
Tôi biết ngài từ hơn 20 chục năm trước từ khi Vietcatholic mới ra đời.
Tôi cộng tác với ngài từ 15 năm nay khi ít khi nhiều.
Tôi trực tiếp gặp ngài từ 10 năm nay.
Mỗi lần tôi đến Quận Cam thì cha con lại có dịp gặp nhau để hàn huyên, vì ngài người Phát Diệm, tôi cũng Phát Diệm và cả hai cũng quan tâm đến tình hình đất nước và Giáo Hội.
Tôi luôn cảm phục ngài.
Vì mặc dù tuổi cao sức yếu, bệnh tật, nhưng ngài chưa bao giờ ở yên. Ngài luôn bận tâm đến Giáo Hội và Quê Hương. Luôn thao thức, luôn tìm kiếm, luôn cố gắng làm một cái gì đó tốt đẹp, cụ thể và trong tầm tay cho Giáo Hội và quê hương
Ngài đảm nhận nhiều sứ vụ, ở nhiều nơi, từ giám thị Chủng viện ở Sài Gòn, đến tuyên úy đồng bào tỵ nạn cộng sản, giáo sư chủng viện và cha xứ bên Mỹ. Tôi thấy cáo phó không nhắc đến việc ngài làm tuyên úy trên các tầu du lịch.
Vì tôi nghe ngài kể từ khi về hưu ngài được Đức Tổng Giám Mục Los Angeles cử làm tuyên úy cho các chuyến tầu du lịch và vì thế ngài hay theo tầu đi khắp nơi trên thế giới mỗi khi sức khỏe và hoàn cảnh cho phép.
Nhưng thôi! Quan trọng gì! Ở đời có cái chính mà phụ, có cái phụ mà chính. Giữa bao nhiêu sứ vụ ngài thi hành, có cái chẳng được Đức Giám Mục nào bổ nhiệm, nhưng là cái ngài cống hiến nhiều nhất và qua đó giáo hữu Việt Nam được hưởng lợi nhiều nhất, đó là sứ vụ truyền thông.
Tôi tin Chúa đã soi sáng cho ngài và ngài đã lắng nghe và làm theo được lời Chúa: ngài đã sáng lập Vietcatholic và Liên hiệp Truyền thông Công Giáo Việt Nam.
Dù không chính thức là công việc được bề trên giao phó, nhưng trên thực tế đấy lại là việc Chúa muốn nhất nơi ngài và qua việc đó, ngài phục vụ cho Giáo Hội cách đắc lực nhất.
Từ 25 năm nay, không có website Việt ngữ Công Giáo nào ổn định và phát triển liên tục như Vietcatholic.
Từ 25 năm nay không kênh truyền thông Việt ngữ Công Giáo nào có nhiều độc giả trong ngoài nước hơn Vietcatholic.
Từ 25 năm nay không kênh truyền thông Việt ngữ Công Giáo nào cho độc giả cái nhìn toàn diện hơn và chân thực hơn về đời sống của Giáo Hội như Vietcatholic.
Từ 25 năm nay không một kênh truyền thông Việt ngữ Công Giáo nào có thể cho thế giới biết về hiện tình Giáo Hội Việt Nam nhiều hơn Vietcatholic.
Vì nhiều cơ quan thông tấn Công Giáo ngoại quốc lấy tin từ Vietcatholic. Nhiều người Kitô hữu ngoại quốc biết đến Giáo Hội Việt Nam nhờ Vietcatholic.
Vì ngài có cả một hệ thống cộng tác viên dịch thuật từ tiếng Việt ra tiếng Anh, thậm chí tiếng Pháp và tiếng Ý, tiếng Đức, mỗi khi có sự kiện gì quan trọng liên quan đến Giáo Hội Việt Nam.
Nhờ Vietcatholic mà các tín hữu Công Giáo Việt Nam được hiểu biết và gắn bó với nhau và với Giáo Hội nhiều hơn. Ngài là người tiên phong của truyền thông Công Giáo Việt Nam thời internet.
Nhân tiện tôi cũng nói ngài giỏi làm việc chung với người khác. Cái yếu chung của người Việt mình hình như lại là cái mạnh riêng của ngài, của các cha và các anh chị em trong Vietcatholic.
Ngài có cả mấy chục cộng tác viên thường xuyên và cả trăm cộng tác viên không thường xuyên, từ Hoa Kỳ về Việt Nam, từ châu Âu đến châu Úc. Từ kỹ thuật đến dịch thuật và phát thanh-truyền hình.
Tôi đã thăm trụ sở Vietcatholic ở Quận Cam, cũng như các chi nhánh ở Perth, ở Melboune, ở Seyned.
Tôi thấy các cha và các anh chị em cộng tác viên, cũng như ngài, tất cả đều làm việc bằng tình yêu Giáo Hội và quê hương. Thời gian tối thiểu, phục vụ tối đa. Phương tiện tối thiểu, hiệu xuất tối đa!
Đấy là cái tài dùng người, cái tài điều phối, cái tài làm việc chung của Cha Trần Công Nghị.
Bây giờ truyền thông Công Giáo Việt Nam trăm hoa đua nở. Tin tức và hình ảnh tràn ngập. Nhưng chủ yếu là tin "hội hè đình đám."
Nhiều khi cái cần nói lại không nói, nếu có lại không dám nói đúng sự thật! Thành thử thừa mà vẫn thiếu!
Vì vậy cho đến bây giờ, tôi nghĩ vẫn chưa có kênh truyền thông Việt ngữ Công Giáo nào thay thế được Vietcatholic.
Chưa có kênh nào dám nói thẳng, nói thật, nói toàn diện, nói đầy đủ nhất trong mức độ có thể về Giáo Hội như Vietcatholic.
Chưa có kênh nào vượt trên khuôn khổ của một dòng tu, một giáo phận, một vùng đất để phản ảnh sự sống của Giáo Hội ở tầm mức bao quát nhất như Vietcatholic.
Tôi nói vậy để thấy cái công của Cha Trần Công Nghị cũng như vị trí và vai trò của ngài cũng là của Vietcatholic giữa lòng Giáo Hội Việt Nam, dù hơn 2/3 cuộc đời ngài không sống ở Việt Nam.
Phần tôi, tôi biết ơn ngài.
Vì ngài đã cho tôi cơ may cộng tác với tư cách phóng viên Vietcatholic.
Vì ngài đã cổ vũ và nâng đỡ tôi cũng như sứ vụ của tôi mỗi khi gặp nhau ở Quận Cam.
Vì ngài đã giúp đỡ chúng tôi rất nhiều trong vụ Thái Hà-Tòa Khâm Sứ.
Bấy giờ truyền thông kịp thời là một cách để bảo vệ mình. Trong khi website chuacuuthe.com có dung lượng nhỏ và thường bị công an đánh sâp, thì Vietcatholic đã là tiếng nói của chúng tôi, là lời cầu nguyện của chúng tôi và cho chúng tôi.
Hơn nữa, ngài ở Cali, cũng như cha Paul Văn Chi ở Sydney và cha Nguyễn Hữu Quảng và Đức cha Nguyễn Văn Long ở Melbourne là những người tích cực cùng các cha khác tổ chức cầu nguyện hiệp thông với chúng tôi và vận động quốc tế bảo vệ chúng tôi.
Chúng tôi cảm thấy thấy ấm lòng và có thêm sức mạnh để làm chứng cho công lý và sự thật, khi thấy Vietcatholic bấy giờ thường đăng hình ảnh các giáo xứ và cộng đồng người Việt đã hiệp thông thắp nến cầu nguyện cho chúng tôi và vận động quốc tế bảo vệ chúng tôi.
Tôi cứ nghĩ sẽ có dịp gặp lại ngài vào tháng 11 tới, dịp Lễ Giỗ Cụ Diệm cũng là dịp kỷ niệm 25 năm thành lập Vietcatholic.
Thế nhưng trời tính không bằng trời tính!
Dù sao thì tôi nghĩ ngài cũng đã sẵn sàng cho chuyến đi sau cùng của mình trên trần thế.
Dịp tháng 12 năm 2019, tôi sang Mỹ giảng tĩnh tâm Mùa Vọng, ngài có gọi tôi đến chỗ ngài nói chuyện rồi đi ăn chung với nhau.
Ngài dẫn tôi thăm cái phòng ngài dọn cho cha Paul Văn Chi và nói: "mình đã xin Chi sớm bỏ Sydney dọn sang đây ở để thay mình điều hành Vietcatholic, vì mình già yếu bệnh tật chẳng biết đi lúc nào!
Ngài còn nhiều những thao thức, những nỗi niềm về quê hương và Giáo Hội... Tuy nhiên, vóc dáng, dung nhan cũng như cái nhìn và lời nói của ngài cho thấy ngài cũng đã sẵn sàng cho ngày về với Chúa của mình.
Tôi tiếc là vì lúc này dịch Cúm Tầu hoành hành nên không thể sang Cali dự lễ tang ngài.
Xin Chúa cho ngài được hưởng phúc Thiên Đàng.
Roma 24/04/2021
Linh mục Phêrô Nguyễn Văn Khải DCCT
Như chúng con đã loan tin: Cha Gioan Trần Công Nghị, Giám Đốc VietCatholic đã hoàn tất cuộc lữ hành trần thế lúc 11g30 ngày 22 tháng Tư theo giờ địa phương California.
Quý Đức Cha, Quý Cha, Quý Nam Nữ Tu Sĩ, và anh chị em muốn chia buồn cùng Đại Gia Đình Cha Nghị và Đại Gia Đình VietCatholic xin email về địa chỉ developer@vietcatholic.net, chúng con sẽ đưa nội dung lên đây. Xin đánh máy tiếng Việt có dấu. Xin cám ơn Quý Đức Cha, Quý Cha, Quý Nam Nữ Tu Sĩ, và anh chị em
J.B. Đặng Minh An, Phó Giám Đốc
Kính gửi Ban Giám đốc Vietcatholic News,
Trước hết, kính gửi đến quý Cha và quý vị trong Ban Giám đốc lời chào và thăm chúc sức khoẻ. Những ngày qua, chắc hẳn quý Cha và quý vị rất bận rộn để lo cho chương trình an táng của Cha Giám đốc lắm. Xin Chúa trả công bội hậu cho quý Cha và quý vị.
Tiện đây, thay mặt cho Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam - Tổng Giáo Phận Los Angeles, xin gửi trang phân ưu đến Ban giám đốc để cùng chia sẻ sự mất mát này. Ban Thường Vụ đã đăng trên tờ báo hàng tuần của cộng đồng, thăm viếng, hiện diện trong tất cả các nghi thức, thánh lễ cầu nguyện cho ngài.
Kính chúc Ban Giám đốc mọi sự an lành.
Rất kính mến trong Chúa Kitô.
Xin Lòng Chúa Thương Xót đón nhận Linh Hồn Cha Gioan Trần Công Nghị sớm được vào hưởng nhan Thánh Ngài.Xin chia buồn với Gia Đình Việt Catholic cùng toàn thể tang quyến Xin Gia Đình Thánh Cả nâng đỡ và an ủi Đại Gia Đình trong lúc đau buồn này
Thành Kính Phân Ưu
Lệ Hằng
Nhóm công tác xã hội Bông Hồng Xanh chúng con thương tiếc và biết ơn Cha Gioan Trần Công Nghị, Giám đốc VietCatholic, vị ân nhân đặc biệt, đã cùng với Ban Biên tập nâng đỡ và trợ giúp chúng con từ năm 2003. Cha ơi…
Nhóm chúng con được “ra biển lớn” (nghĩa là được Quí Cha, Quí ân nhân biết đến và chung sức trong hành trình thực thi đức ái của Tin Mừng) từ khi được xuất hiện trên Web Site VietCatholic, một trang Truyền Thông Công Giáo mà Cha dày công tạo dựng và quí anh chị Ban Biên Tập, Cộng tác viên kiên trì hoạt động. Bên cạnh đó, cá nhân con được hân hạnh cộng tác khi đi lấy tin, viết bài để gửi đến VietCatholic, một công việc mà con rất thích. Không những thế, những năm đầu cộng tác, Cha còn gởi cho con “rủng rỉnh” tiền Usd để thuận tiện trong công việc. Rồi có chuyện gì đặc biệt, Cha cũng gởi email với lời văn rất thân thiện “Loan con, …). Chúng con không thể kể hết ra đây những gì tốt đẹp mà chúng con hàm ơn Cha nói riêng và VietCatholic nói chung, khi trong lòng mang một nỗi buồn lớn.
Giờ đây, thuyền đời của Cha đã cập bến, mang theo yêu thương của rất nhiều người. Chúng con xin nhỏ những giọt lệ mà thương tiếc Cha, mà vĩnh biệt vị ân nhân rất khó quên của Nhóm Bông Hồng Xanh chúng con.
Và xin phân ưu cùng đại gia đình tang quyến của Cha và cũng xin chung một nỗi buồn với Quí anh chị Ban Biên Tập & Cộng tác viên Vietcatholic.
Trưởng Nhóm ctxh Bông Hồng Xanh
CÁM ƠN CHA
Nghe tin cha mất con không ngạc nhiên. Nhưng rất buồn. Không ngạc nhiên vì theo dõi tin tức về sức khỏe của cha, con biết ngày giờ ra đi của cha đã gần kề. Nhưng buồn vì vị ân nhân đáng mến của Nhóm Thánh Ca Mới không còn bên chúng con nữa. Không biết sao lời Kinh Thánh trong sách tiên tri Isaiah cứ vang trong tâm trí con trong những ngày này:
“Lạy Chúa, con như người thợ dệt,
đang mải dệt đời mình,
bỗng nhiên bị tay Chúa
cắt đứt ngay hàng chỉ.” (Is 38, 12)
Vẫn biết cuộc đời ngắn ngủi chóng qua. Vẫn biết cuộc đời là sinh ký tử quy. Vẫn biết quy luật cuộc sống là có sinh có tử. Vẫn biết thân xác này là cát bụi và sẽ trở về bụi cát. Vẫn biết cuộc sống này là quán trọ. Quê thật là thiên đàng. Nhưng làm sao không khỏi ngậm ngùi vì lẽ sinh ly tử biệt.
Con nghe tên cha đã lâu. Từ thời còn đi học. Nhưng không biết nhiều về cha. Mãi sau này khi nhóm Thánh Ca Mới tổ chức buổi Thánh Ca Thính Phòng đầu tiên, với chủ đề CHÚA VÀ CON vào ngày 12/11/2004 tại Regent West Santa Ana, California, thì con mới có cơ hội được biết về cha.
Ngày ấy nhóm Thánh Ca Mới chúng con chỉ có 3 thành viên, còn rất non trẻ nên việc tổ chức một buổi trình diễn Thánh Ca Thính Phòng là một việc mới mẻ và đầy khó khăn. Rất may mắn cha đã đến với chúng con, không những cho ý kiến, hướng dẫn, giúp đỡ mà còn đích thân làm một số việc thay cho chúng con, như mời ca sĩ, giới thiệu chúng con với giới truyền thông, các đài truyền thanh truyền hình trong vùng để được phỏng vấn giới thiệu và quảng cáo về chương trình. Rồi đêm trình diễn cha đến không như một vị khách mà đến giúp thu hình và sau này còn ra DVD cho chúng con.
Quả thật nếu không có sự giúp đỡ tận tình của cha, chương trình đã không thành công như vậy. Nội dung biên tập, chọn lựa và sắp xếp bài hát hay và hợp lý, cách trình diễn hấp dẫn và sống động, trong không gian ấm áp và thân thiện. Đặc biệt số người tham dự ngoài dự tính. Nhiều người đã phải đứng để thưởng thức chương trình và mọi người đã ở lại cho đến những giây phút cuối cùng.
Khi tiếp xúc và làm việc với cha chúng con thấy cha là người nhiệt tình, nhiều sáng kiến, đầy kinh nghiệm; rất đơn giản, gần gũi và cởi mở. Cha sẵn sàng giúp mà không cần phải xin giúp. Sống đơn giản từ cách ăn mặc đến cách tiếp xúc luôn thẳng thắn và chân thành. Ngoài ra cha là người có viễn ảnh và luôn dấn thân cho những lý tưởng cao đẹp.
Chúng con, nhóm Thánh Ca Mới, luôn nhớ về cha như là vị ân nhân của chúng con và sẽ không quên sự nâng đỡ, hướng dẫn chúng con ngay từ những ngày đầu tiên của nhóm.
Chúng con cũng xin hiệp lời cầu nguyện xin Chúa thương đón nhận linh hồn cha Gioan sớm được hưởng hạnh phúc trên nước thiên đàng.
Chúng con xin cám ơn cha,
Nhóm Thánh Ca Mới
April 27, 2021
Là một trong số anh em Tiểu chủng sinh lớp Exluro 65 xin chia sẻ tâm tình tưởng nhớ về người thầy giám thị lớp đệ thất năm 1966 tại TCV Thánh Giuse Saigon, cha Gioan.
Vui tươi, dí dõm và tận tình giúp đỡ các học trò vừa mới chập chững những bước chân đầu tiên trong ơn Thiên Triệu, hình ảnh của cha luôn là dấu ấn mẫu mực cho cuộc đời.. Nguyện xin Chúa nhân từ sớm đưa linh hồn cha Gioan vào Nước Người..
Thay mặt cho các nghĩa tử của Cha Cố Giuse Trần Đạo Chu, con xin thành kính phân ưu và chia sẻ nỗi đau buồn với tất cả mọi thành viên trong gia đình huyết tộc, linh tông và đại gia đình VietCatholic trước nỗi mất mát vì phải ly biệt vị linh mục thân yêu và đầy nhiệt huyết: Cha Gioan Trần Công Nghị, Giám Đốc sáng lập VietCatholic và cũng là người anh cả của gia đình linh tông mà con hằng gắn bó và ngưỡng phục.
Dẫu đã được tin Anh bệnh nặng sau tai nạn xe hơi, rồi nặng hơn lúc tỉnh lúc mê; rồi lại đang thập tử nhất sinh, nhưng em vẫn hy vọng Anh sẽ vượt qua, như Anh đã từng vượt thắng bao nhiêu khó khăn thăng trầm khác trong cuộc đời.
Thế mà khi nghe tin Anh đã thành người thiên cổ và vĩnh viễn ra đi, vẫn không tài nào tin nổi, mắt nổ đom đóm, tai lùng bùng, miệng đắng ngắt và lòng cứ bâng khuâng, bàng hoàng đến trống rỗng thật lạ kỳ ….
Cả một ký ức ùa về, không tài thánh nào viết cho hết được lúc này: từ khoảng giữa thập niên 1960, lần đầu gặp gỡ khi Anh mới mãn tiểu chủng viện và em chỉ là chú bé giúp lễ ở giáo xứ Gia Yên cùng với người em trai của Anh là Trần Công Chức, nơi Cha cố Chu làm chánh xứ lâu năm. Có thể nói: nơi đây chính là cái nôi cho ơn gọi của anh em mình và cũng là tổ ấm linh tông của Cha cố mà anh là người huynh trưởng đầu đàn thật đặc biệt. Biết bao kỷ niệm của những ngày tháng Hè sống với nhau, được Anh chỉ dẫn, học tập và sinh hoạt các đoàn thể, đặc biệt là phong trào Hướng Đạo, được cùng chơi đùa bên nhau với những trò chơi dân giã nhớ đời, v.v. nhất nhất cái gì anh cũng năng nổ, đầy nhiệt huyết và luôn hết lòng dìu dắt và chia sẻ như một người bạn, người anh cả và thầy dạy lúc nào cũng chăm chút và sẵn sàng đồng hành với tất cả mọi người, mọi nơi mọi lúc. Em đã học được ở nơi Anh rất nhiều điều bổ ích cũng như cần thiết cho cuộc đời tận hiến của chính mình.
Qua tới những năm đầu thập niên 1980s, khi em mới định cư tại Mỹ và mãi cho đến ngày hôm nay, với biết bao đổi thay thăng trầm của thế sự, bao nhiêu dịp anh em mình gặp lại là bấy nhiêu dịp chan chứa ân tình và thật đáng ghi nhớ trong tim. Anh lúc nào cũng hết tình như người anh luôn bao dung, ân cần lắng nghe và chia sẻ mọi ưu tư lắng lo; Anh lúc nào cũng hăm hở và say sưa truyền đạt những kiến thức mới, những khám phá thú vị bất ngờ và ngay cả những trăn trở cho hoài bão ước vọng riêng Anh cũng như sứ mệnh chung của thời đại. Càng học hỏi với anh và nhất là có dịp nhìn lại, em càng khám phá ra những nét trân quý và độc đáo nơi anh. Anh quả là người của muôn người, năng nổ và khi nào cũng bừng bừng nhiệt huyết, luôn hết lòng vì mọi người, luôn là người tiên phong dấn bước, luôn lạc quan yêu đời ngay cả những lúc phải đối đầu với muôn vàn khó khăn thử thách. Xin cám ơn tất cả những năm tháng ngày giờ được cùng Anh đồng hành và chia sẻ trong thiên chức LM.
Nói tóm lại, Anh đã đóng trọn vẹn và xuất sắc vai trò sứ giả và tông đồ truyền thông trong thế giới truyền giảng Tin Mừng của VietCatholic mà chính anh đã bao năm khổ công cưu mang, nuôi dưỡng và phát triển để có được vị thế như ngày hôm nay. Cả đời anh luôn là đầu tầu quy tụ bao nhiêu nhân sĩ thức giả, bao nhiêu tông đồ và mục tử nhiệt thành, bao nhiêu công dân yêu nước yêu nòi để cùng chung tay sát cánh dựng xây và làm nên những kỳ tích phục vụ Giáo Hội, Tổ quốc và con dân nước Việt khắp năm châu, đúng như những điều Anh hằng mong ước và chủ trương khi khai sáng ra VietCatholic. Cả một đời, Anh luôn hết lòng vì mọi người, thì giờ đây anh nằm xuống mọi người cũng hết lòng hãnh diện vì Anh. Hãnh diện vì đứa con tinh thần của Anh là VietCatholic đã trưởng thành, lớn mạnh và sẽ tồn tại với thời gian trong lòng mọi người Việt dù ở bất cứ nơi đâu.
Em tin chắc rằng ở bên kia thế giới, Anh không thiếu việc để làm! Em chỉ có ý nói là: trong vương quốc của Thiên Chúa là Cha rất nhân hậu, truyền thông mạng có khi còn hiện đại, siêu việt và tối cần hơn cả thế gian này. Biết đâu giờ này Anh đang bận rộn và miệt mài với cùng một vai trò là sứ giả truyền thông trong nước Hằng Sống. Và em tin chắc một điều: Anh sẽ không phải đơn độc chống chọi và làm việc một mình, mà sẽ có Tổng Lãnh Thiên Thần truyền tin Gabriel, sẽ có hằng hà sa số các đạo binh thiên thần luôn luôn sát cánh cùng anh thực hiện và điều khiển truyền thông Tin Vui nước Trời cả ngày lẫn đêm. Xin chắp tay bái biệt Anh đời này và hẹn gặp lại Anh mai sau cùng với bao nhiêu thân nhân và bạn hữu của đại gia đình huyết tộc cũng như linh tông trong nước Hằng Sống. Mong lắm thay!
Thay mặt các nghĩa tử của Cha Cố Giuse Trần Đạo Chu
Chúng em lớp Vô Nhiễm, em út tại Tiểu Chủng Viện Thánh Phaolô Phát Diệm Phú nhuận gồm các linh mục Diễm, Ý, Cử, Thanh, Thành, Thịnh, Quý, Quýnh và các anh em đã rời chủng viện, thành thực thương tiếc sự ra đi của cha Gioan Trần Công Nghị.
Nguyện xin Lòng Chúa Thương Xót mau đón linh hồn Thầy cả Gioan về nước Trời.
Chúng em, lớp Vô Nhiễm
X. Chúng con cậy vì danh Chúa nhân từ, cho linh hồn Thầy Cả Gioan được lên chốn nghỉ ngơi,
Đ. Hằng xem thấy mặt Đức Chúa Trời sang láng vui vẻ vô cùng. Amen.
Anh em Linh mục và tu sĩ Dòng Truyền Giáo Ngôi Lời chân thành phân ưu cùng tang quyến, cha cậu Trần Bình Trọng, Ban Giám Đốc và Ban Biên Tập Vietcatholic trước sự ra đi của cha Giám Đốc Gioan Trần Công Nghị.
Nguyện xin Chúa, qua lòng thương xót vô biên của Ngài, cho linh hồn Thầy Cả Gioan được nghỉ yên muôn đới với Chúa, và xin Chúa tiếp tục ủi an và nâng đỡ tang quyến trong lúc mất mát này.
Chân thành cám ơn Cha Giám Đốc Gioan Trần Công Nghị đã ân cần tiếp đón mỗi khi gặp nhau, và cũng sốt sắng đăng tin của Dòng Truyền Giáo Ngôi Lời lên Vietcatholic.net
Chúng con thành khẩn chắp tay
Gioan, Chúa hỡi đem ngay về trời
Bên Ngài vui sướng thảnh thơi
Ủi an tang quyến còn nơi thế trần
Giờ này cách biệt ly phân
Mai sau đoàn tụ vui mầng thiên cung.
Thành kính phân ưu,
THÀNH KÍNH PHÂN ƯU
Vô Cùng Xúc Động Được Tin:
Cha Gioan TRẦN CÔNG NGHỊ
Bút hiệu Đồng Nhân và Thiên Ân
Sáng lập và Giám Đốc VietCatholic, nguyên Phó Chủ Tịch Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam Tại Hoa Kỳ, Trưởng sáng lập Liên Đoàn Hướng Đạo Bình Lâm, Long Khánh
Đã hoàn tất cuộc lữ hành trần thế sau 76 năm và 50 năm phục vụ Chúa trong thiên chức Linh Mục
XIN THÀNH KÍNH PHÂN ƯU
Cùng Đại Gia Đình Tang Quyến Của Cha GIOAN, Gia Đình Vietcatholic
Nguyện xin Thiên Chúa Phục Sinh qua lời bầu cử của Mẹ Maria và Thánh Gioan Bổn Mạng, đón nhận linh hồn Thầy Cả Gioan Trần Công Nghị về hưởng vinh phúc muôn đời trên quê Trời. Xin Chúa an ủi các thân bằng quyến thuộc của Cha Gioan cũng như đại gia đình Vietcatholic trong cuộc chia ly này.
THÀNH KÍNH
Đại Gia Đình Hướng Đạo Bình Lâm
Liên Đoàn Hướng Đạo Bình Lâm Long Khánh
- Đức Ông Phanxicô Phạm Văn Phương
- Trưởng Nguyễn Xuân Hoàng Quân
- Trưởng Nguyễn Vũ Trường
- Trưởng Mai Ngọc Oánh
- cùng toàn thể gia đình anh chị em Hướng Đạo Sinh
XIN CÁM ƠN
Trưởng Gioan Trần Công Nghị
Người Anh Cả, Dẫn Đường!
Đã Lìa Rừng và Ngừng Lại Cuộc Chơi!
… Từ Nay, Rất Nhớ!!!
Tâm Tình Gởi Đến Cha Gioan Trần Công Nghị: Người Cha Và Là Người Thầy Kính Yêu
Cha dấu yêu!
Khi nhận được tin Cha nằm bệnh viện, con hết sức ngỡ ngàng và lo lắng, con cầu nguyện cùng Chúa Giêsu Kitô, Đấng giàu Lòng Thương xót, xin ban ơn lành xuống cho Cha. Đồng thời gửi thư qua Anh Nguyễn Long Thao và email riêng của Cha để thăm hỏi tình hình sức khỏe Cha.
Vậy mà chỉ 2 ngày sau thì được tin Cha đã ra đi. Đau đớn và cả xót thương Cha. Giáo hội mất đi một Nhà Truyền giáo tận tâm; Vietcatholic mất đi người lãnh đạo đầy tinh thần nhiệt huyết, chúng con mất một người Cha và cũng là người Thầy đáng kính trọng.
Con còn nhớ cách đây gần 15 năm, khi Vietcatholic vừa mở trang Web điện tử rộng rãi, con đã cộng tác và đưa tin về các sự kiện của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam trên toàn quốc. Sau đó Cha gửi thư đề nghị con cố gắng cộng tác thường xuyên và đưa tin để Cộng đồng người Việt Công Giáo trên khắp toàn cầu được biết thêm thong tin trong nước. Và con cũng là một trong những người hiếm hoi được Cha cấp Thẻ hoạt động Báo chí của Vietcatholic. Sauk hi Cha cấp thẻ còn gửi thư hỏi con có gặp trở ngại gì không. Cha hết sức quan tâm đến sự phát triễn của Giáo hội và của Vietcatholic, là một Thông Tấn xã chính thức của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam.
Trước sự ra đi của Cha, con thành kính chia buồn sâu sắc đến Đại Gia đình Vietcatholic, Gia đình thân quyến và Linh tông.
XIN THIÊN CHÚA TOÀN NĂNG, ĐẤNG GIÀU LÒNG THƯƠNG XÓT ĐÓN NHẬN CHA VỀ NƯỚC TRỜI HƯỞNG PHÚC THIÊN ĐÀNG.
Đà Nẵng, ngày 26 tháng 04 năm 2021
Kính gửi: Cha cậu Trần Bình Trọng, USA
cùng toàn thể gia đình tang quyến
và Ban Giám đốc Vietcatholic.
Kính thưa quý Cha, quý tang quyến và Ban Giám đốc Vietcatholic,
Thật xúc động khi được tin Cha Gioan Trần Công Nghị, bút hiệu là Đồng Nhân và Thiên Ân đã được Chúa gọi về hồi 11g30 ngày 22 tháng 04 năm 2021, tại tư gia ở Garden Grove, Orange County, California, Hoa Kỳ, hưởng thọ 76 tuổi, với 50 năm Linh mục.
Nhìn lại đôi dòng tiểu sử, chúng ta nhận thấy rõ Thiên Chúa đã luôn yêu thương và quan phòng dẫn dắt Cha Gioan trên mọi nẻo đường trong suốt 76 năm hành trình dương thế. Cha Gioan sinh tại Phát Diệm, đã từng học Tiểu chủng viện Phát Diệm, Phú Nhuận và Đại chủng viện Sài gòn. Được cử du học Roma tại Đại học Giáo hoàng Urbano từ năm 1967 tới 1971. Chịu chức linh mục tại Roma ngày 27.03.1971; rồi qua Mỹ du học tại New York 4 năm rồi trở lại Roma để lấy bằng tiến sĩ Thần học…sau khi trở lại Hoa Kỳ; ngài đã đảm nhận nhiều trách vụ khác nhau trong hành trình sống Ơn gọi, sứ vụ và sống lời mời gọi của Chúa Giêsu Kitô, là Alter Christus khác. Điều nói về Ngài đã có sáng kiến về truyền thông với trang Vietcatholic đem lại ích lợi cho dân Chúa Việt nam ở mọi nơi trên thế giới.
Cá nhân tôi có rất nhiều kỷ niệm về Cha Gioan, khi du học Roma đầu năm 1994, thì mùa hè năm 1995 tôi đã qua thăm gia đình các Anh Chị con bác ruột đang định cư tại Hoa kỳ ở giáo xứ St.Finbar, Burbank. Gia đình Anh Chị đã dẫn tới tới chào Cha Gioan; lần đầu tiên gặp mặt, ngài đã rất tận tình đón tiếp, đỡ nâng và đồng hành. Từ đó mỗi lần sang thăm Mỹ tôi đều gặp Ngài, và chính ngài mời gọi tôi tham dự phong trào Cursillo Hoa Kỳ; điều tôi rất ấn tượng nơi Ngài là Ngài chia sẻ thao thức việc Truyền giáo bằng Truyền thông, dẫn tôi xem nơi làm việc đầu tiên rất đơn sơ về cả máy móc và phương tiện; trang Vietcatholic đã đem lại bao ích lợi cho dân Chúa Việt Nam ở các nơi.
Xin chân thành Phân ưu cùng quý Cha Cậu, quý Cha Em, quý Tang quyến-Huyết tộc, quý Linh tông, quý anh chị em trong Ban Giám đốc và cộng tác viên Vietcatholic. Trong niềm tin vào Chúa Giêsu Kitô tử nạn và Phục Sinh, Đấng Cứu Độ duy nhất, chúng ta phó thác Cha Gioan cho lòng thương xót của Thiên Chúa. Xin Thiên Chúa, Đấng luôn trung tín, ban thưởng triều thiên Nước Trời cho Cha Gioan là Linh mục trung thành của Chúa. Xin Chúa luôn ban cho Cha Cậu, quý Cha Em, gia đình Linh tông, Huyết tộc và Ban Giám đốc Vietcatholic ơn an ủi, khích lệ và bình an trong đời sống hàng ngày
Nguyện xin Thiên Chúa tình thương sớm đón nhận linh hồn Cha Gioan Trần Công Nghị vào hưởng Tôn Nhan Ngài cùng thần thánh trên Trời.
Chân thành phân ưu và cầu nguyện
+ Giuse Đặng Đức Ngân
Giám mục Giáo phận Đà Nẵng
Trọng kính gia đình tang quyến Cha Gioan Trần Công Nghị và đại gia đình Vietcatholic.net.
Sự ra đi của Cha Gioan Trần Công Nghị, Giám đốc Vietcatholic.net là nỗi mất mát lớn lao cho cộng đồng Công Giáo người Việt nam nói chung ở Hoa kỳ và cách riêng cho anh em Linh mục Việt Nam và Cộng đồng Công Giáo trong Tổng Giáo Phận Los Angeles, California.
Thay mặt cho quý Linh mục Vietnam và Cộng Đồng Công Giáo Tổng Giáo Phận Los Angeles, California thành kính phân ưu và chia sẽ nổi buồn đến cùng gia đình tang quyến của Cha Gioan Trần Công Nghị và toàn thể quý Cha và anh chị em cộng sự viên của Vietcatholic.net.
Nguyện xin Đức Kitô, Đấng đã phục sinh từ cỏi chết, cho Cha Gioan Trần Công Nghị đưa chia sẽ và chung hưởng vinh phúc trường sinh muôn đời với Ba Ngôi Thiên Chúa.
LM. Đại Diện Liên Lạc, TGPLA
Rev. Joseph Q. Nguyen, Pastor
St. Joan of Arc Catholic Church
Kính thưa Quý Đại Diện trang mạng Vietcatholic,
Xin kính chúc Quý Vị được bình an, mạnh khõe.
Kính thư
TM.Khối Tinh Thần Ngô Đình Diệm Đức Quốc
Nguyễn Tấn Năng
Hay tin Cha Gioan Trần Công Nghị, Giám đốc Vietcatholic, người con ưu tú của Phát Diệm đã qua đời sau một thời gian chịu bệnh. Tôi bày tỏ lòng thành kính phân ưu cùng toàn thể gia quyến, thân nhân và ân nhân của Cha, đặc biệt là trang Vietcatholic.
Nguyện xin Chúa, nhờ lời chuyển cầu của Đức Trinh Nữ Maria và của thánh Gioan, đón nhận Cha vào thành thánh Giêrusalem trên trời, đồng thời xin Chúa nâng đỡ gia đình Cha trong lúc tang thương này.
Được tin Cha Gioan Trần Công Nghị qua đời, xin thành kính phân ưu cùng Ban Biên Tập Vietcatholic và toàn thể gia đình linh tông, huyết tộc của Cha. Xin được bày tỏ lòng biết ơn tới Vietcatholic và Cha vì đã cho tôi góp phần nhỏ vào trang mạng trong việc loan báo Tin Mừng.
Nguyện xin Chúa là Cha giần lòng thương đón nhận Cha vào hưởng phúc Thiên Đàng.
Thành kính phân ưu
Thành thật chia buồn về sự ra đi của cha Giám đốc Gioan Trần Công Nghị. Mấy ngày qua luôn nhớ và cầu nguyện cho cha.
Thành kính phân ưu với anh chị em trong BBT Vietcatholic.
Xin chúa đón nhận linh hồn người cha thân yêu Gioan Trần Công Nghị của chúng ta sớm về đoàn tụ với các thần thánh trên trời.
xin cha Gioan Nghị cầu cho con với.
Thành kính phân ưu,
Kính thưa gia đình Cha Gioan và Cộng đoàn truyền thông Vietcatholic
Con là Tô-ma Trương Văn Ân, Ủy viên truyền thông của Giáo phận Đà Nẵng.
Từ Đà Nẵng, Con Xin được chia buồn sâu xa đến Cộng đoàn Vietcatholic về sự ra đi của Cha Gioan Giám đốc. Đây là niềm mất mát lớn với Gia đình của Cha, của Cộng đoàn Vietcatholic, và của đọc giả trang mạng Vietcatholic. Cha Gioan đã nối kết, hiệp thông mọi thành phần dân Chúa trong một đức tin và tình yêu nhờ thông tin trên trang Vietcatholic cung cấp, chia sẻ.
Nguyện xin Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót, ân ban phúc Nước Trời cho Cha Gioan.
Trọng kính.
Đại diện và thay mặt cho toàn thể anh chị em trong Phong trào Cursillo ngành Việt Nam Tổng Giáo phận Los Angeles, Ban Điều Hành xin kính gửi đến quý thân bằng quyến thuộc trong Tang quyến của Cha Gioan và Đại gia đình VietCatholic thư Phân ưu kèm theo, và xin được chia sẻ với quý thân bằng quyến thuộc trong Tang quyến và Đại gia đình VietCatholic nỗi buồn về sự chia ly và mất mát to lớn này. Đây cũng là một sự mất mát rất lớn và đầy thương tiếc đối với Phong trào Cursillo TGPLA.
Trong tình yêu thương và quý mến người cha cựu Linh hướng đã một đời hy sinh và phục vụ cho Phong trào, toàn thể anh chị em Cursillistas xin cùng hiệp ý cầu nguyện cho linh hồn Gioan sớm hưởng nhan thánh Chúa. Ban Điều hành Phong trào cũng sẽ xin một thánh lễ cầu nguyện cho linh hồn Gioan trong ngày Chúa Nhật, 25 tháng 4, 2021 lúc 9:00 sáng tại nhà Dòng Chúa Cứu Thế Long Beach.
Thành Kính Phân Ưu.
TM. Ban Điều Hành
Lời phân ưu của Vietcatholic Melbourne
Một hạt bụi vô tri trong trời đất
Bỗng rùng mình thức dậy giữa hoang sơ
Hơi thở yêu thương, sự sống vỡ bờ
Ôi linh thánh, tình yêu ban sự sống!
Nên một đời giữa đất trời cao rộng
Đem tình yêu đáp trả lại tình yêu
Sống hiến dâng cho ơn gọi huyền siêu
Mỗi giây phút cho đến ngày nhắm mắt
Để hôm nay thân trở về bụi đất
Nhưng yêu thương còn để lại muôn người
Hồn thảnh thơi bay về chốn nghỉ ngơi
Nơi vĩnh phúc Cha giang tay chờ đón
Kính thưa cha chủ tế Anthony Nguyễn Hữu Quảng, Phó Giám đốc Vietcatholic, quý Đức Giám Mục, Linh mục, Tu sĩ nam nữ, Tang gia Tang quyến, Đại gia đình Vietcatholic, và Ông Bà Anh Chị Em khắp mọi nơi,
Chúng con xin dâng những vần thơ đơn sơ, được cuộc đời của chính cha Gioan Trần Công Nghị cảm hứng để chia xẻ niềm đau mất mát. Mặc dù đã được chuẩn bị tinh thần, chúng con vẫn rất xúc động khi được nghe tin người cha thân yêu khả kính, Giám đốc Vietcatholic của chúng con đã được Chúa gọi về. Suy ngẫm về đời người, cách riêng của cha Gioan Trần Công Nghị, chúng con thật cảm phục thương mến cha, và càng cảm tạ ngợi ca Thiên Chúa về hồng ân sự sống Ngài đã ban cho cha trong suốt 76 năm qua, và cho chúng con, qua cuộc đời và sự dẫn dắt tận tình của cha.
Thay mặt cho anh chị em trong gia đình Vietcatholic tại Melbourne, chúng con xin được gửi lời chân thành chia buồn cùng Tang gia Tang quyến và Đại gia đình Vietcatholic trên toàn thế giới. Hạt bụi Linh mục Gioan Trần Công Nghị nay đã trở về bụi đất, trong sự mến thương tiếc nhớ của bao người. Nhưng trong niềm tin vào Thiên Chúa phục sinh, chúng ta tin tưởng rằng linh hồn ngài đã được cứu rỗi để được hưởng phúc đời đời, và ngay cả thân xác ngài cũng sẽ được sống lại. Xin Mẹ Maria thương nâng đỡ an ủi Tang gia Tang quyến và tất cả mọi người đang cảm thấy buồn đau trong sự mất mát lớn lao này.
Xin thành kính phân ưu.
Sau khi nhận được tin cha Gioan Trần Công Nghị, giám đốc Vietcatholic, qua đời, Đức cha Micae Hoàng Đức Oanh từ Việt Nam qua trao đổi trên điện thoại đã quan tâm thăm hỏi về chương trình tang lễ của cha Gioan Trần Công Nghị. Đức cha Micae cho biết Ngài nhớ cầu nguyện cho cha Nghị hàng ngày. Dưới đây là lời Ngài chia sẻ:
Xin phân ưu với gia đình cha Nghị. Cha Nghị đã hoàn thành sứ mạng loan báo Tin Mừng và đã tạo ra Vietcatholic để loan báo Tin Mừng. Cha đã hoàn thành sứ mạng loan báo Tin Mừng. Chúc mừng cho Vietcatholic được tiếp tục sứ mạng của cha Nghị đã ôm ấp. Cầu cho Vietcatholic có nhiều người tham dự và cộng tác để loan báo Tin Mừng. Xin ân phúc cùng gia đình họ hàng và nhớ cầu nguyện cho cha Nghị, Gioan Trần Công Nghị hàng ngày. Cám ơn.
Chào anh J.B Đặng Minh An. Nhờ anh đăng lời chia buồn như sau: Nhạc sĩ Đinh Thành và Lớp Exluro 65 Tiểu chủng viện Sàigòn xin thành thật chia buồn cùng tang quyến và Vietcatholic.
Xin được thành kính chia buồn cùng đại gia đình Vietcatholic và thân quyến cha Gioan. Cha Gioan là một người luôn tận tâm với mọi người khi chia sẻ thông tin hay góp ý bài vở với tôi suốt cả chục năm cộng tác với Vietcatholic.
Nhiều giáo xứ ở Việt Nam in bài ra dán ở bảng tin. Cảm ơn Vietcatholic.
Khi mẹ tôi qua đời năm 2017, cha Gioan không chỉ đăng phân ưu trên Vietcatholic mà còn trực tiếp dâng lễ cầu nguyện cho Bà. Tôi cảm ơn cha Gioan nhiều lắm.
Nguyện xin Thiên Chúa giàu tình thương sớm đón nhận linh hồn cha Gioan về nơi nước của Ngài. Mong Vietcatholic tiếp nối tinh thần của cha Gioan để chia sẻ thông tin với người Công Giáo Việt Nam cả trong và ngoài nước.
TS. Phạm Huy Thông, Phó Viện trưởng Viện Trí Việt, Giám đốc Trung tâm Tôn giáo học (Hà Nội, Việt Nam)
Linh mục Gioan Baotixita Trần Thanh Thế, O.P. và Ban Việt Ngữ-Đài Chân Lý Á Châu-Phi Luật Tân
Chúng con thật bất ngờ khi nghe tin sự ra đi của cha Gioan Trần Công Nghị, một nhà truyền thông luôn thao thức và hết lòng trong công cuộc truyền giáo bằng phương tiện truyền thông đại chúng. Sự lớn mạnh của Đại Gia đình VietCatholic hiện nay chính là minh chứng rõ nét nhất cho những nỗ lực không biết mệt mỏi của cha Gioan trong lãnh vực truyền thông, nhất là trong giai đoạn đầu của VietCatholic, để phục vụ người Việt Nam khắp năm châu.
Chúng con xin hiệp nguyện và phân ưu cùng thân quyến cha Gioan và Đại Gia đình VietCatholic.
Thành kính phân ưu.
Kg. Đại gia đình VietCatholic
Một đại tang đã đến với chúng ta. Vị khởi xướng đại gia đình VietCatholic đã ra đi mãi mãi.
Thời đại dịch Corona đang làm cho toàn nhân loại chạm sát với bệnh tật, đau thương và với cả sự chết.
Trong niềm tin người Linh mục đáng kính của chúng ta đang bắt đầu một cuộc sống mới bên Chúa Kitô Phục Sinh: Cha giám đốc Gioan Trần Công Nghị.
Những gì ngài đã làm trong 76 năm qua nay để lại tất cả cho chúng ta rất nhiều, trong đấy có một “gia tài quý giá VietCatholic” và. Có thể nói đó là một “cây tùng bách của mục vụ truyền thông Công Giáo” cho hải ngoại lẫn quốc nội, nhất là trong thời kỳ đầu kỹ thuật số mới phát triển. Một người đã đi tiên phong của Giáo Hội Việt Nam trong lãnh vực này.
Cha Gioan Nghị đã viết cho tôi vài hàng chữ rất ngắn vào ngày 11.2.2021 - hôm đón Giao Thừa mừng Năm Mới Tân Sửu: “Chúc mừng Năm Mới Cha Tuấn nhé. Mong dịch chóng qua để còn có dịp gặp nhau - Nghị”.
Thật vắn gọn, nhưng thắm thiết, thân thương và huynh đệ. Đây là dòng chữ cuối cùng của ngài viết cho tôi.
Từ nơi nước Đức xa xôi này con thắp một nén hương lòng, dâng một lời kinh và cử hành một thánh lễ cho cha.
Requiescat in pace
Từ quê nhà Việt Nam, chúng con xin chia buồn và hiệp nguyện cùng toàn Ban Biên tập để cầu nguyện cho linh hồn cha Giám Đốc.
Xin Chúa thương ân thưởng linh hồn Cha Giám Đốc trong nhà Chúa muôn đời.
Chúng con biết ơn Cha Giám Đốc, quý Cha và tất cả Anh Chị Em trong Ban Biên tập đã đón nhận chúng con như một cộng tác viên trong nhiều năm qua.
Chúng con xin Chúa, nhờ sự nâng đỡ trong lời cầu nguyện của Mẹ Maria, chúc phúc lành cho mọi nỗ lực sáng danh Chúa của tất cả mọi người trong nỗ lực truyền thông Lời Chúa.
Tôi nhận được tin Chúa đã gọi cha Gioan Trần Công Nghị về với Chúa. Xin chân thành chia sẻ sự đau buồn với cha cậu Gioan Trần Bình Trọng, với thân nhân và tất cả các cộng tác viên của cha. Xin Chúa ban ơn an ủi và sức mạnh thiêng liêng cho quí vị trước biến cố này.
Tôi được biết cha Gioan từ lâu, lúc nào ngài cũng vui tươi, hăng say, dễ mến. Với lòng nhiệt thành của người tông đồ, ngài đã tận tụy phục vụ dân Chúa, đặc biệt dấn thân trong lãnh vực truyền thông để đem Tin Mừng của Chúa đến cho mọi người. Là một người con của giáo phận Phát Diệm, dù ở thật xa, ngài luôn hướng lòng về quê hương và giúp đỡ cụ thể về tinh thần cũng như vật chất.
Nay cha Gioan đã hoàn tất sứ mạng nơi trần thế, xin Chúa cho ngài được hưởng tình yêu và niềm vui vĩnh cửu trên thiên quốc.
Con xin thay mặt cho anh chị em Công Giáo Việt Nam tại Nhật xin chân thành chia buồn với đại gia đình huyết tộc, linh tông và gia đình Vietcatholic về sự ra đi của cha cố Gioan Trần Công Nghị.
Nhờ những sáng kiến và hy sinh của cha qua Vietcatholic mà đã bao năm qua, chúng con được hiệp thông với Giáo Hội toàn cầu và Giáo Hội Mẹ Việt Nam qua các tin tức, các bài chia sẻ, những hình ảnh, nhờ đó, tuy sống ở một quốc gia thật xa, ít người Công Giáo, chúng con vẫn cảm thấy được nâng đỡ, gần gủi và hiệp thông với mọi người. Xin chân thành cám ơn cha cố.
Xin Chúa ban thưởng cho cha cố Gioan bội hậu trên Nước Trời và xin Ngài an ủi đại gia đình huyết tộc, linh tông và Vietcatholic trong hoàn cảnh đau thương này.
Thành kính phân ưu
Kính gửi ban phụ trách Vietcatholic,
Con xin thành thật chia buồn cùng ban phụ trách cơ quan truyền thông Vietcatholic trước sự ra đi đột ngột của vị sáng lập, linh mục Gioan Trần Công Nghị.
Nhờ sự quan tâm ưu ái và tinh thần hăng say phục vụ của Ngài, Giáo đoàn Công Giáo Việt Nam tại Nhật Bản đã có nhiều dịp được Ngài đến thăm viếng và giới thiệu các sinh hoạt của cộng đồng dân Chúa đến cho nhiều người. Đặc biệt là sự hiện diện của Ngài trong suốt chuyến đi mục vụ của Đức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẵn khi đến thăm các linh mục, tu sĩ và giáo dân Việt Nam tại Nhật…
Chúng con tin rằng hẳn là Ngài đáng được Thiên Chúa ban thưởng ơn phước Thiên Đàng, nhờ bao nỗ lực phổ biến và nối kết giá trị sống Bác Ái, Tin Mừng của Đức Kitô.
Cũng xin Thiên Chúa ban ơn an ủi và khôn ngoan tràn đầy trên ban phụ trách cơ quan truyền thông Vietcatholic, để có thể tiếp tục thực thi sứ mệnh cao quý mà Ngài đã khởi sự.
Được tin đau buồn cha Gioan Trần Công Nghị, giám đốc Vietcatholic đã ra đi về Nhà Cha, xin thành kính phân ưu cùng Ban biên tập Vietcatholic và đại gia đình linh tông, huyết tộc của cha. Xin được bày tỏ tấm lòng thành mến và biết ơn tới Vietcatholic và cha giám đốc qua những dòng thơ tưởng nhớ.
TƯỞNG NHỚ CHA GIOAN TRẦN CÔNG NGHỊ
Vietcatholic trang mạng thiết cần
Cáo phó cha Gioan Trần Công Nghị.
Phát Diệm đau trong cả tâm và trí
Khóc người con từ nước Mỹ ra đi!
Người con xa nhưng nghĩa sống tâm thành
Giáo hội Việt Nam đồng hành tiến bước:
Khi phát sóng, khi tin bài mực thước,
Giáo hội vũ hoàn thao thức hiệp thông.
Việt Nam, Rôma – văn hóa Tây Đông
Nhập cư Hoa Kỳ, nâng tầm kiến thức.
Thánh Thần Chúa ơn khôn ngoan tiếp sức,
Hoạt động tông đồ tầm mức hoàn cầu.
Rồi bỗng hôm nay tiếng Chúa nhiệm mầu
Đã phát sóng từ chiều sâu vọng tới,
Cha lại tiếp đi trời mới đất mới
Để lại “Đau buồn sẽ đổi thành vui” (x. Ga 16,20).
Tạm biệt người cha, thương nhớ ngậm ngùi.
Vietcatholic trọn đời gắn kết.
Cha chẳng còn về quê hương đất Việt,
Nhưng quê Thiên Đàng da diết đón Cha!
Xin tạ ơn Chúa vì cha đã hoàn thành một cuộc hành trình trần thế đầy ý nghĩa. Đời tông đồ linh mục của cha đặc biệt khởi sắc khi cha dấn thân vào công cuộc phục vụ Giáo hội qua phương tiện truyền thông, nhất là VietCatholic.
Chí có Thiên Chúa mới biết tất cả những mảnh đất nào Chúa đã dùng sứ vụ tông đồ của cha để Lời Chúa được gieo vãi và tăng trưởng.
Được hân hạnh theo dõi và cầu nguyện cho sứ vụ rất đặc biệt của cha trong địa hạt truyền thông, xin cùng với những người thân yêu của cha dâng lời tạ ơn Thiên Chúa. Cũng cầu xin cho sứ vụ tốt đẹp mà cha đã dày công khởi xướng và vun trồng được tiếp tục và nở rộ những mùa gặt hái mới.
Kính chúc cha mọi sự tốt đẹp trong tiến trình nhập cư vào vương quốc thần linh.
Lương Tất Đạt - Nhóm Truyền Thông CĐ.NVMC Bay Point
VÔ CÙNG THƯƠNG TIẾC
Cộng đoàn NVMC Bay Point vừa nhận tin:
Cha Gioan TRẦN CÔNG NGHỊ, bút hiệu Đồng Nhân và Thiên Ân, Nguyên Tiến Sĩ Thần Học tại Đại Học Giáo Hoàng Urbanô và Grêgôriô.
Nguyên Giáo Sư tại Đại Chủng Viện New Orleans và Chủng Viện Đức Mẹ Nữ Vương Các Thiên Thần của Tổng Giáo Phận Los Angeles
Tuyên úy trưởng trại Tị nạn Fort Chaffee, Giám đốc Trung tâm Mục Vụ Việt Nam, tổng giáo phận New Orleans, Lousianna, Giám đốc Điều Hành Indochinese Center, Washington DC, Giám đốc Điều Hành Trung Tâm Mục Vụ Đông Nam Á, tổng giáo phận Portland, Oregon.
Phó Chủ tịch Liên đoàn Công Giáo Việt Nam Hoa Kỳ, Chủ tịch miền Washington DC, Chủ tịch Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam Hoa kỳ Miền Tây Bắc, Giám đốc Dự Án nghiên cứu Nhu cầu Mục Vụ VN tại Hoa Kỳ.
Giám Đốc ViệtCatholic Network.
Vừa được Chúa Gọi Về lúc 11giờ30’ sáng Thứ Năm ngày 22/04/2021 tại Nam Cali, Hoa Kỳ, sau khi đã hoàn tất cuộc lữ hành trần thế dài 76 năm dương thế với 50 năm là mục tử trung thành của giáo hội.
Thay mặt Nhóm Truyền Thông CĐ.NVMC Bay Point, chúng tôi tha thiết kính gửi lời PHÂN ƯU sâu đậm đến đại gia đình tang quyến và ViệtCatholic.
CĐ.NVMC Bay Point sẽ hiệp thông cầu nguyện trước toà Thiên Chúa với Mẹ Maria, Thánh Cả Giuse cùng Đấng Kytô Vua quyền uy luôn dẫn dắt linh hồn Gioan sớm Về Nước Trời hưởng Nhan Thánh Chúa cùng các Thánh...
TM.Nhóm Truyền Thông CĐ.NVMC Bay Point đồng thành kính.
Kính Thưa Ban Điều Hành Vietcatholic,
Vợ chồng con Phạm Trung & Ngọc Quý cùng Lm Hồng Phước từ Canada. Xin chân thành chia buồn đến gia đình cha Gioan cùng toàn thể gia đình Vietcatholic. Nguyện xin lòng thương xót Chúa sớm đưa linh hồn cha Gioan về nước thiên đàng.
Chúng con xin chia sẻ bài hát “Linh Mục Biết Nhớ Biết Thương” để tưởng nhớ đến cuộc đời 50 năm Lm của cha Gioan.
THÀNH KÍNH PHÂN ƯU
Kính thưa gia đình huyết tộc, linh tông và các thành viên thuộc gia đình Vietcatholic,
Con xin được phép thay mặt cho quý Cha, quý Phó Tế, quý tu sĩ, Hội Đồng Giáo Xứ, và toàn thể giáo dân của Giáo Xức Đức Mẹ Lavang (trước đây là Trung Tâm Mục Vụ Đông Nam Á) tại thành Phố Portland, Oregon, xin thành kính phân ưu cùng đại gia đình tang quyến trước sự ra đi của Cha Gioan Trần Công Nghị, một trong những vị đã có công khai sinh ra Trung Tâm Mục Vụ Đôgn Nam Á tại Tổng Giáo Phận Portland, Oregon.
Giáo xứ chúng con đã và đang dâng thánh lễ và đọc kinh cầu nguyện cho linh hồn Thầy Cả Gioan. Xin Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót, tha thứ những lỗi lầm của linh hồn Gioan khi còn sống, và đón nhận linh hồn Gioan vào hưởng bàn tiệc vĩnh cửu trên Thiên Quốc. Cũng xin Chúa qua lời chuyển cầu của Mẹ Maria, Thánh Cả Giuse và thánh Gioan an ủi, nâng đỡ và ban thêm sức mạnh cho đại tang quyến trong lúc đau buồn này.
Thành kính phân ưu.
Kính gửi cha Paul Văn Chi và mọi người trong tang quyến
Con rất buồn nghe tin Cha Gioan Trần Công Nghị qua đời.
Con luôn cảm phục Cha Gioan vì tình yêu quê hương và Giáo Hội của ngài, cũng như vì sáng kiến thành lập và tổ chức Vietcatholic và Liên hiệp Truyền thông Công Giáo. Nhờ sáng kiến này mà các tín hữu Công Giáo Việt Nam được hiểu biết và gắn bó với nhau và với Giáo Hội nhiều hơn. Ngài là người tiên phong của truyền thông Công Giáo Việt Nam thời hiện đại!
Con cũng cám ơn ngài và Liên hiệp Truyền thông Công Giáo đã hiệp thông nâng đỡ và chia sẻ với Dòng Chúa Cứu Thế Thái Hà chúng con nói chung và với bản thân con nói riêng trong những cơn gian nan khốn khó vì bị cộng sản bách hại, cũng như đã chia sẻ nâng đỡ con trong những năm qua mỗi lần con đến Quận Cam. Con tiếc là vì dịch bệnh ngăn cản chứ nếu không thì con cũng sang Quận Cam tham dự lễ tang ngài kỳ này.
Xin Chúa đón nhận linh hồn Cha Gioan được hưởng phúc Thiên Đàng.
Xin Chúa nâng đỡ an ủi mọi người trong gia đình huyết tộc, linh tông và Gia đình Vietcatholic.
Hiệp thông trong lời cầu nguyện.
Tôi được hân hạnh cộng tác với Cha John Trần Công Nghị qua sự giới thiệu của Anh Kỹ Sư Đặng Minh An từ lúc khởi đầu trang Vietcatholic cho đến hôm nay…. Tôi có dịp qua Mỹ thăm bà con và đã đến tư gia của gia đình Cha John Nghị tá túc… và tôi cũng đã gặp Ngài khi Ngài qua Perth…
Hôm nay như đã dự trù là ngày mai thứ Bảy 24.4.2021, Nhóm Xướng Ngôn Viên của Vietcatholic tại Perth, Kỹ Sư Đặng Minh An cùng với Anh Em Linh Mục, Tu Sĩ Nam Nữ và Giáo Dân tại Perth sẽ cùng hiệp dâng thánh lễ cầu nguyện cho Cha John Nghị tại Giáo Xứ Holy Trinity, Embleton.
Nhưng giờ phút chót ở tiểu bang Perth vì sự lây nhiễm Covid-19 có lệnh của Thủ Hiến của Tiểu Bang ‘hard lockout’ đình chỉ các thánh lễ cuối tuần tại các giáo xứ… từ 0 giờ tối thứ Bảy cho đến 0 giờ tối thứ Hai…
Năm nay Vietcatholic đang chuẩn bị mừng Ngân Khánh 25 năm thành lập thì Cha John Trần Công Nghị lại được Chúa gọi về với Ngài. Xin hiệp ý cùng Quý Đức Cha, Quý Linh Mục Tu Sĩ cũng như nhiều Giáo Dân, Lương Dân và Quý Đôc Giả khắp hoàn vũ và đặc biệt là Tang Quyến, Linh Tông của Cha John qua hy lễ thập giá và lời cầu nguyện, xin Thiên Chúa ban cho Cha John Nghị được nghỉ yên trong Nhà Chúa muôn đời. RIP.
Xin thay mặt cho Linh mục Anrê Dũng Lạc Trần Cao Tường và gia đình họ Trần, con dâng lời chia buồn cùng gia đình VietCatholic cùng toàn thể gia quyến trong sự ra đi của Cha Gioan Trần Công Nghị.
Nguyện xin Thiên Chúa là cha đầy tình thương đón nhận linh hồn Cha vào hưởng phúc nước trời.
Thành kính phân ưu.
Kính thưa anh JB. Đặng Minh An - Phó Giám Đốc Vietcatholic và Ban Điều Hành Vietcatholic,
Cùng với Đức Cha Tổng Tuyên Úy Vincent Nguyễn Mạnh Hiếu, Cha Linh Hướng Paul Văn Chi và tất cả các nhạc sĩ Hội Nhạc Sĩ Công Giáo Việt Nam Hải Ngoại thành kính chia buồn đến Tang quyến, Cha Phó Giám Đốc và Ban Điều Hành Vietcatholic vì sự ra đi của Cha Giám Đốc Gioan Trần Công Nghị.
Cha Gioan đã giúp rất nhiều cho Hội Nhạc Sĩ chúng con từ khi bắt đầu khởi hành, nhất là ngài đã tích cực cộng tác cho Đại Hội Hát Lên Mừng Chúa năm 2015 tại Nam Cali được thành công tốt đẹp.
Chúng con luôn ghi công ơn sâu xa và thương tiếc nhớ đến ngài.
Đính kèm dưới đây là Thư Phân Ưu của Hội Nhạc Sĩ. Chúng con kính gửi đến Cha Phó Giám Đốc và Ban Điều Hành. Cũng thế, Hội chúng con đang tiến hành liên lạc để xin một Thánh Lễ Đời Đời để cầu nguyện cho Cha Gioan. (Xin Nhạc sĩ Lâm Bảo Nam giúp xin một Thánh Lễ Đời Đời nói trên nhé !)
Một lần nữa chúng con thành kính phân ưu !
Văn Duy Tùng
Chủ Tịch HNSCGVNHN
Kỷ niệm với Cha Gioan Trần Công Nghị
Từ nhỏ, cách nay gần 80 năm, mùa hè, tôi gặp Thày Chu mới chịu chức Năm học trường Lý Đoán Thượng Kiệm về thăm Ông Nội tôi, nhà ở gần nhà thờ xứ Quyết Bình, hạt Cách Tâm, địa phận Phát Diệm. Sau khi chịu chức linh mục cha Chu có dịp lại ghé thăm gia đình ông nội chúng tôi. Về sau chúng tôi mới biết cha Chu có người em là Maria Trần Thị Nga lấy chú út của tôi là Vicentê Phạm Văn Thuyết. Cha Chu còn có em khác là mẹ cha Nghị. Gia đình Cha Chu thuộc họ Đồng Nhân thuộc xứ Dưỡng Điềm. Nên cha Trần Công Nghị lấy bút hiệu Đồng Nhân, đề nhớ “nơi chôn rau cắt rốn”.
Chú Thuyết tôi có 4 anh em là Tự, Tính, Toán và Thuyết. Tôi là Ptvv Phêrô Phạm Bá Nha con ông Tính. Chú Thím Thuyết có ba con, 2 trai 1 gái là: Phạm Văn Đính, Phạm Văn Nguyên và Phạm Thị Nụ. Chúng tôi có họ hàng với cha Nghị và liên lạc với nhau là thế.
Năm 1954, 3 anh em trong gia đình chúng tôi di cư vào Nam ở xứ Bình Thuận, Quận 7, Sàigòn. Qua cầu Nhị Thiên Đường, ven sông, đi xuống. Năm 1956, Thím Nga qua đời. Chú tôi gà trống nuôi 3 con nhỏ dại. Cha Chu vào Gia Kiệm. Lâu lâu cha Chu xuống Sàigòn có ghé thăm gia đình chú Thuyết.
Sau năm 1989, Phạm Văn Đính (vợ và 4 con) và Phạm Văn Nguyên (vợ và 2 con) định cư tại San Jose. Còn Phạm Thị Nụ (chồng và 4 con) ở lại xứ Bình Thuận nuôi bố. Chú Thuyết qua đời năm 2013, thọ 105 tuổi.
Năm 1984, Phạm Bá Nha (vợ và con) định cư tại Aubervilliers, Pháp. Năm 1989, Nha lãnh chức Phó Tế Vĩnh Viễn, còn phục vụ tại GXVN Paris. Năm 2014, vợ Nha qua đời
Dù xa, Aubervilliers Pháp, San Jose hayVN, nhưng canh cánh bên lòng.
Được tin cha Gioan Trần Công Nghị qua đời, chúng tôi xin Chúa rủ lòng thương sớm đón linh hồn Linh mục Gioan vào chốn Nghỉ Ngơi Bình An.
Ptvv Phêrô Phạm Bá Nha, Paris
Phạm Văn Đính-Nguyên, San Jose
Phạm Thị Nụ, Việt Nam
Kính thăm quý Cha John Trần Bình Trọng và Cha Paul Chu Văn Chi thay mặt cho đại gia đình Cha John Trần Công Nghị.
Kính thăm quý vị Giáo sư Nguyễn Long Thao và Kỹ sư JB Đặng Minh An - Các vị Phó Giám Đốc Đại diện Vietcatholic.
Từ Toronto Canada, cho phép Dominic David Trần thay cho các vị cộng tác viên Nhà văn Trà Lũ (Giáo sư Peter Trần Trung Lương) và Nhạc sĩ Peter Phạm Trung cùng các thân hữu - xin kính gởi lời chân thành phân ưu đến Đại gia đình Cha John Trần Công Nghị và Đại Gia đình Vietcatholic.
Xin được hợp ý cùng Các Đấng Bậc, Giáo sĩ Tu sĩ, Đại gia đình Linh Tông, Huyết tộc, thân hữu bè bạn của Cha John Trần Công Nghị, Ban Giám Đốc cùng toàn thể Cộng tác viên -Thiện Nguyện viên, độc giả của Đại gia đình Vietcatholic cầu nguyện cho Linh hồn Cha John Trần Công Nghị sớm được hưởng Nhan Thánh Chúa.
Xin Thiên Chúa qua lời cầu bầu của Đức Mẹ Maria, Các Thánh Giuse, Gioan, Phaolô và Các Thánh Tử Đạo Việt Nam ban ơn che chở cho Các Đấng Bậc cùng Đại Gia Đình Vietcatholic.net được vượt qua mọi thử thách khó khăn và tiếp tục hoàn thiện Vietcatholic như mong ước phụng vụ của Cha Gioan Trần Công Nghị Giám Đốc sáng lập của Vietcatholic.net.
Xin được phép bày tỏ chút tâm tình (ngoài các bài viết nhớ Cha Nghị sẽ kính gởi sau này).
Thưa Cha Nghị, hơn 22 năm trước đây vào ngày Chúa Nhật đầu tháng 8/1999 là Thánh Lễ Tạ Ơn Ngân Khánh Linh Mục của Cha Giuse Trần Xuân Lãm, Quản Nhiệm Giáo Xứ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam Toronto lúc đó. Cha John Trần Công Nghị cùng Cha John Trần Bình Trọng từ bên Mỹ đã thu xếp sang đây thông công đồng tế với người em và người cháu là Cha Giuse Trần Xuân Lãm. Vậy là chúng ta đã được gặp gỡ nhau có một lần đó.
Cha Paul Chu Văn Chi cũng là người em Cha Giuse Trần Xuân Lãm cũng đã thu xếp một lần sang Toronto dâng Thánh Lễ và cùng hân hoan hát với Giáo Xứ những Thánh Ca của chính Cha sáng tác.
Ngày 2&3/8/2014 tức 15 năm sau tại Giáo Xứ Our Lady Queen of the World, Richmond Hill, là Thánh Lễ Tạ Ơn 40 Năm Linh Mục của Cha Giuse Trần Xuân Lãm và lần này chỉ có Cha cố John Trần Bình Trọng sang dự.
Con tưởng rằng vào ngày 25/11/2016 cả ba Cộng Tác Viên từ Toronto sẽ đến thông công Thánh Lễ 20 Năm thành lập Vietcatholic tại Giáo Xứ Thánh Linh, California nhưng rồi cuối cùng cả ba đều gặp trở ngại và đành tham dự Thánh Lễ
trên Vietcatholic online - là chính thành quả tâm huyết của Cha Nghị và Đại Gia đình Vietcatholic. Cho đến lúc này con vẫn còn tiếc vì chưa được gặp để cảm ơn và ngưỡng mộ đến Gs Nguyễn Long Thao, Ks JB Đặng Minh An, Gs Bùi Hữu Thư, Vũ Văn An và các vị đã cùng đồng hành với Cha Nghị trong hơn 20 năm qua.
Người đời thường thì mới xa mặt cách lòng. Các tín hữu Công Giáo luôn luôn gần và nhớ nhau trong thông công cầu nguyện và nhất là qua một Đại gia đình đặc biệt Vietcatholic.
[Như Thư của thánh Phêrô Tông đồ gởi tín hữu Do Thái 11,13-16; “.... Nhờ Đức Tin...... cùng xưng mình là ngoại kiều, là lữ khách trên mặt đất. Những người nói như vậy cho thấy là họ đang đi tìm một quê hương. Và nếu quả thật họ còn nhớ tới quê hương mình đã bỏ ra đi, thì họ vẫn có cơ hội trở về....
Nhưng thực ra các ngài mong ước một quê hương tốt đẹp hơn, đó là quê hương trên Trời.”]
Cha Nghị ôi, chỉ có thế giới phàm nhân này mới có thể làm bận lòng nhau với những thứ như ' quy chế Persona Non Grata' (Không Được Chào Đón)
Với tất cả những tín hữu Công Giáo; khi được chịu cùng một Phép Rửa, cùng tuyên xưng Đức Tin vào Một Thiên Chúa, cùng thực tâm thi hành Hiến Chương Phúc Thật Tám Mối, cùng đốc lòng tuân giữ Luật Kính Chúa và Yêu Người và Những điều Hội Thánh dạy cho đến trọn đời tức là các tín hữu sẽ được nhận đầy đủ Giấy Thông Hành và Chứng Nhận Chiếu Khán vào Nước Trời. (Passport and Visa of the Heaven Kingdom of God)
Nhưng trước hết khi Tuyên Tín như vậy các tín hữu được nhận làm con cái của Chúa và được gia nhập vào một Đại Gia đình Công Giáo Hoàn Vũ.
Chính Lòng Chúa Thương Xót còn vĩ đại hơn bao nhiêu lần thái độ ' Persona Non Grata của chính người phàm nhân chúng ta đối với Chuá'
Nơi Thánh Tâm Chúa chỉ có Tình Yêu Thương bao la và Bàn tay của Chúa luôn rộng mở chào đón chúng ta. Ở bên Ngài hoan lạc chẳng hề vơi.
Các tín hữu đã tin, các Đấng Bậc và Cha con chúng ta cùng tin và mong ước được thực thi trọn vẹn điều ấy.
Như khi đáp lễ những câu cuối của e-mail khi Cha gởi cho con hôm nay con cũng vậy xin được viết tiếp như vậy;
“ Kính chào Cha John Trần Công Nghị, Xin Chúa chúc lành cho Cha. Trân trọng. Dominic David Trần.”
Kính thưa Đại Gia đình Vietcatholic,
Xin được gửi lời chia buồn sâu xa đến Gia đình Vietcatholic trước sự ra đi của Cha Gioan Trần Công Nghị. Quả thật đây là niềm mất mát lớn lao với Đại Gia Đình Vietcatholic, và của bao người có liên hệ với Ngài trong nhiều cách thế khác nhau. Đặc biệt đối với những độc giả biết mình chịu ơn Cha Gioan vì những đóng góp quí giá và lớn lao Ngài đã làm trên trang Vietcatholic này, nhờ đó, họ được nối kết, hiệp thông trong tình yêu với người khác nhờ thông tin trên trang Vietcatholic đăng, chia sẻ.
Nguyện xin Thiên Chúa là Cha Nhân Lành sẽ sớm ban thưởng phúc Nước Trời cho Cha Gioan.
Trọng kính.
Trong tâm tình thương mến, tôi xin chân thành chia buồn với Gia đình, Thân quyến, Bạn hữu và các Cộng tác viên của Cha Gioan TRẦN CÔNG NGHỊ.
Tôi nhớ đến và biết ơn Cha Gioan Trần Công Nghị là người rất tốt đối với các bạn hữu, luôn hăng say trong nhiệm vụ và quảng đại trong việc cộng tác cho việc chung. Cha Gioan Trần Công Nghị ra đi, nhưng những đức tính tốt của ngài sẽ còn đọng lại trong tâm khảm của những người thân yêu trong gia đình, các Bạn hữu, các cộng tác viên và mọi người quý mến Cha.
Hiệp ý với mọi người thân yêu, các bạn hữu xa gần và các cộng tác viên của Cha Gioan Trần Công Nghị, tôi thành khẩn dâng lên Thiên Chúa lời cầu nguyện, xin cho Cha Gioan Trần Công Nghị sớm được Chúa đón nhận vào nơi hạnh phúc muôn đời trong Nước Chúa.
Xin Chúa ban ơn nâng đỡ và ủi an mọi người thân yêu của Cha Gioan Trần Công Nghị trong giây phút đau buồn này.
Thành kính Phân Ưu
+ Giuse Đinh Đức Đạo
Nguyên Giám mục Giáo phận Xuân Lộc
Con Phạm Duy Đức từ Norway xin thành thật chia buồn cùng tang quyến cha Gioan và toàn thể gia đình Vietcatholic lời chân thành tri ân và biết ơn cha Gioan đã dầy công xây dựng Việtcatholic. Xin Thiên Chúa là Cha thưởng công bội hậu cho ngài. Con xin hiệp ý cầu nguyện cho cha Gioan và thành kính phân ưu cùng tang quyến cha Gioan và gia đình Vietcatholic
Thành kính phân ưu
Tôi đã gặp cha Gioan Trần Công Nghị nhiều lần khi đi Ad Limina hoặc khi viếng thăm Hoa Kỳ. Tôi có ấn tượng rất tốt đẹp về ngài. Cha Gioan Trần Công Nghị có thao thức phục vụ Giáo hội Việt Nam qua phương tiện truyền thông, đặc biệt trong thời kỳ khó khăn, Việt Nam thiếu thốn thông tin. Ngài rất nhạy bén về kỹ thuật mới, bằng chứng ngài đã lập ra VietCatholic và trang này mau chóng trở thành kênh thông tin quan trọng. Tuy trang này không chính thống thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam lập ra nhưng nó có ảnh hưởng sâu rộng. Ngài tỏ ra là một con người có năng lực, có sáng kiến nên vừa lập ra vừa nâng cấp từ những tin tức cập nhật và cả phương tiện như lập ra cả truyền hình, thiết lập được một đội ngũ cộng tác viên khá đầy đủ và rộng lớn nên tin tức của VietCatholic rất phong phú. Đó là một vài ấn tượng tôi có về ngài. Và phải nói rằng ngài là người có công rất lớn với Giáo hội Việt Nam qua việc phục vụ giáo hội bằng thông nghệ thông tin, bằng năng lực và những sáng kiến của Ngài.
Tôi rất là bất ngờ khi nghe tin Cha Gioan Trần Công Nghị qua đời. Tôi xin được gửi lời chia buồn với tất cả gia đình, bạn bè và thân hữu của cha. Với cha Trần Công Nghị thì ai ai người Công Giáo Việt Nam cũng biết tên của ngài qua những chương trình phát sóngcủa VietCatholic, đã chuyển tải những thông tin, suy niệm về đời sống tôn giáo khắp nơi của Tòa thánh và nhất là Giáo Hội Công Giáo Việt Nam. Việc ngài ra đi về với Chúa là một thiệt thòi mất mát của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam khắp nơi, nhưng đó là ý Chúa muốn. Tôi xin được chia sẻ sự mất mát này với những người thân quen. Tôi cầu mong những anh chị em đang làm việc với VietCatholic tiếp tục cộng tác để đem thông tin Giáo hội, tin mừng cho mọi người khắp nơi để tạo sự hiệp thông kết nối và cùng giúp nhau trên hành trình trần gian này về với Chúa. Và tôi hứa sẽ cầu nguyện cho cha Gioan Trần Công Nghị. Riêng cá nhân tôi đã đôi lần gặp gỡ ngài và trong tình thân quen và những câu chuyện những trao đổi tôi có được những dấu ấn vì sự năng động trong công việc truyền thông. Những đóng góp của ngài cho Giáo hội sẽ trở thành nền tảng và sự bắt đầu tốt đẹp cho tương lai chúng ta những người đi sau ngài.
Tin lìa trần của Cha Gioan Trần Công Nghị như cú sét tiếng sấm truyền đi mọi nơi. Mình đang ngủ, 12.30 giờ dêm Roma (4 tiếng đồng hồ sau khi Nghị tắt thở), thì có điện thoại đưa tin từ Mỹ, rồi E-mail tới tấp cùng mạng VietCatholic... Xúc động tột độ...
Xin chia sẻ tang tóc ưu phiền với Gia Đình Huyết Tộc, Linh Tông, VietCatholic và các Bạn Hữu gần xa!!!
Vì gắn bó với Nghị từ 12/13 tuổi (nay là 64 năm, chỉ thua Cậu Trọng), nên kể lể cả ngày hay viết bộ sách cũng không hết chuyện... Thôi, vắn tắt: xin hợp trí hợp lòng với mọi người thân, trong đó các người đọc những dòng này, nói lên tâm tình ước nguyện tốt đẹp nhất với John Nghị rất kính quý mến của chúng ta...
Cúi sâu đầu khấn xin Chúa Phục Sinh ân thưởng hạnh phúc đời đời cho John, an ủi những người đang thương khóc và cho chúng ta noi theo bắt chước đầy dẫy gương lành của Nghị.
Lm Gioan Trần Mạnh Duyệt, thành phần của Lớp Đặt Tên SG 1957 và Lớp LM Roma 1971 gồm 50 linh mục thuộc trên 20 quốc gia trong đó có nhiều Giám Mục như ĐC Đạo
R.I.P. !!!
Từ Fatima, xin được hiệp một lòng một ý với tất cả quý cha và anh em trong gia đình Vietcatholic để tạ ơn Chúa và hiến dâng lên Chúa cuộc đời dấn thân của Cha Gioan Trần Công Nghị. Xin phó thác cha Gioan cho lòng từ ái của Cha trên trời.
Xin cùng chịu tang chung với tất cả quý cha và anh em, cùng tang quyến và xin hiệp dâng những thánh lễ và lời cầu nguyện cho linh hồn Gioan được an nghỉ trong Nhà Cha muôn đời.
Hôm nay xin cũng dâng thánh lễ cầu hồn đưa chân cha Gioan bên Mẹ Fatima.
Gửi quý Anh Chị,
Sự ra đi của Cha Gioan làm cho ai nấy đều thương tiếc Ngài, một linh mục của Chúa và Giáo Hội, một người đã có sáng kiến thành lập trang mạng Vietcatholic, như là phương tiện hữu hiệu để truyền giáo cho mọi người trên thế giới. Chúng ta biết ơn Ngài nhiều lắm và hãy cầu nguyện cho Ngài được Chúa ân thưởng Nước Trời vì sáng kiến này.
Vĩnh biệt Cha!
Trong tâm tình thương mến, tôi xin chân thành chia buồn với Gia đình, Thân quyến, Bạn hữu và các Cộng tác viên của Cha Gioan TRẦN CÔNG NGHỊ.
Tôi nhớ đến và biết ơn Cha Gioan Trần Công Nghị là người rất tốt đối với các bạn hữu, luôn hăng say trong nhiệm vụ và quảng đại trong việc cộng tác cho việc chung. Cha Gioan Trần Công Nghị ra đi, nhưng những đức tính tốt của ngài sẽ còn đọng lại trong tâm khảm của những người thân yêu trong gia đình, các Bạn hữu, các cộng tác viên và mọi người quý mến Cha.
Hiệp ý với mọi người thân yêu, các bạn hữu xa gần và các cộng tác viên của Cha Gioan Trần Công Nghị, tôi thành khẩn dâng lên Thiên Chúa lời cầu nguyện, xin cho Cha Gioan Trần Công Nghị sớm được Chúa đón nhận vào nơi hạnh phúc muôn đời trong Nước Chúa.
Xin Chúa ban ơn nâng đỡ và ủi an mọi người thân yêu của Cha Gioan Trần Công Nghị trong giây phút đau buồn này.
Thành kính Phân Ưu
+ Giuse Đinh Đức Đạo
Nguyên Giám mục Giáo phận Xuân Lộc
Từ nhỏ, cách nay gần 80 năm, mùa hè, tôi gặp Thày Chu mới chịu chức Năm học trường Lý Đoán Thượng Kiệm về thăm Ông Nội tôi, nhà ở gần nhà thờ xứ Quyết Bình, hạt Cách Tâm, địa phận Phát Diệm. Sau khi chịu chức linh mục cha Chu có dịp lại ghé thăm gia đình ông nội chúng tôi. Về sau chúng tôi mới biết cha Chu có người em là Maria Trần Thị Nga lấy chú út của tôi là Vicentê Phạm Văn Thuyết. Cha Chu còn có em khác là mẹ cha Nghị. Gia đình Cha Chu thuộc họ Đồng Nhân thuộc xứ Dưỡng Điềm. Nên cha Trần Công Nghị lấy bút hiệu Đồng Nhân, đề nhớ “nơi chôn rau cắt rốn”.
Chú Thuyết tôi có 4 anh em là Tự, Tính, Toán và Thuyết. Tôi là Ptvv Phêrô Phạm Bá Nha con ông Tính. Chú Thím Thuyết có ba con, 2 trai 1 gái là : Phạm Văn Đính, Phạm Văn Nguyên và Phạm Thị Nụ. Chúng tôi có họ hàng với cha Nghị và liên lạc với nhau là thế.
Năm 1954, 3 anh em trong gia đình chúng tôi di cư vào Nam ở xứ Bình Thuận, Quận 7, Sàigòn. Qua cầu Nhị Thiên Đường, ven sông, đi xuống. Năm 1956, Thím Nga qua đời. Chú tôi gà trống nuôi 3 con nhỏ dại. Cha Chu vào Gia Kiệm. Lâu lâu cha Chu xuống Sàigòn có ghé thăm gia đình chú Thuyết.
Sau năm 1989, Phạm Văn Đính (vợ và 4 con) và Phạm Văn Nguyên (vợ và 2 con) định cư tại San Jose. Còn Phạm Thị Nụ (chồng và 4 con) ở lại xứ Bình Thuận nuôi bố. Chú Thuyết qua đời năm 2013, thọ 105 tuổi.
Năm 1984, Phạm Bá Nha (vợ và con) định cư tại Aubervilliers, Pháp. Năm 1989, Nha lãnh chức Phó Tế Vĩnh Viễn, còn phục vụ tại GXVN Paris. Năm 2014, vợ Nha qua đời
Dù xa, Aubervilliers Pháp, San Jose hayVN, nhưng canh cánh bên lòng.
Được tin cha Gioan Trần Công Nghị qua đời, chúng tôi xin Chúa rủ lòng thương sớm đón linh hồn Linh mục Gioan vào chốn Nghỉ Ngơi Bình An.
Ptvv Phêrô Phạm Bá Nha, Paris
Phạm Văn Đính-Nguyên, San Jose
Phạm Thị Nụ, Việt Nam
Xin chia sẻ tang tóc ưu phiền với Gia Đình Huyết Tộc, Linh Tông, VietCatholic và các Bạn Hữu gần xa!!!
Vì gắn bó với Nghị từ 12/13 tuổi (nay là 64 năm, chỉ thua Cậu Trọng), nên kể lể cả ngày hay viết bộ sách cũng không hết chuyện... Thôi, vắn tắt: xin hợp trí hợp lòng với mọi người thân, trong đó các người đọc những dòng này, nói lên tâm tình ước nguyện tốt đẹp nhất với John Nghị rất kính quý mến của chúng ta...
Cúi sâu đầu khấn xin Chúa Phục Sinh ân thưởng hạnh phúc đời đời cho John, an ủi những người đang thương khóc và cho chúng ta noi theo bắt chước đầy dẫy gương lành của Nghị.
Lm Gioan Trần Mạnh Duyệt, thành phần của Lớp Đặt Tên SG 1957 và Lớp LM Roma 1971 gồm 50 linh mục thuộc trên 20 quốc gia trong đó có nhiều Giám Mục như ĐC Đạo
R.I.P. !!!
TĐH
„Xin đừng giữ tôi lại. Đức Chúa đã cho chuyến đi của tôi thành công, xin cho tôi đi, để tôi trở về với Chủ của tôi.“ ( St 24, 56)
Thiên Chúa nguồn đời sống đã gọi trở về với Ngài, ở Garden Grove, Orange County, Hoa Kỳ, ngày 22.04.2021, sau quãng đường hành trình trên trần gian hưởng thọ 76 tuổi:
+ Thầy cả Gioan Trần Công Nghị
Vị sáng lập trang thông tin Công gíao Vietcatholic
Ngày xưa cách đây 76 năm cậu bé Gioan Công Nghị đã mở mắt chào đời, và sau đó được cha mẹ bồng ẵm đến thánh đường nhận lãnh làn nước Bí Tích Rửa tội đức tin vào Thiên Chúa. Cây nến Rửa tội của cậu bé Gioan Công Nghị được đốt thắp lên từ ngọn lửa cây nến Chúa Kitô Phục sinh.
Cách đây nửa thế kỷ, Thầy Gioan Công Nghị đã cầm cây nến cháy sáng tiến lên cung thánh bàn thờ Thiên Chúa nhận lãnh thánh chức Linh mục: „ Lạy Chúa, này con đây!“.
Và bây giờ sau quãng đường lữ hành trên trần gian, nghe tiếng Chúa gọi, Cha Gioan đã từ gĩa cuộc sống trần thế đi về đời sống bên kia thế giới. Thân xác Cha Gioan Trần Công Nghị được bao bọc trong cỗ áo quan, rồi được đặt nơi cung thánh trước bàn thờ Thiên Chúa: “ Lạy Chúa, trong tay Ngài, con xin phó thác hồn con!“
Ngậm ngùi đau buồn thương nhớ đến người thân qúa cố đã vĩnh viễn ra đi khỏi cuộc sống trần gian. Nhưng tình yêu cùng hình ảnh công việc và lời nói của Thầy cả Gioan Trần Công Nghị vẫn hằng sống động trong trái tim tình yêu mến, tình nghĩa thiết nơi các em, các con cháu ruột thịt gia đình, nơi các người con thiêng liêng, nơi Ban Giám Đốc trang Viẹtcatholic, các Giáo hữu nơi các xứ đạo Cha đã từng phục vụ, nơi các bạn bè linh mục cùng người quen thân.
Trong thánh lễ kỷ niệm sự sinh ra, sự chết và sống lại của Chúa Giêsu Kitô, Đấng là cửa sự sống lại, và mở cửa dẫn đưa linh hồn con người vào nước sự sống, chúng ta cùng cầu nguyện cho linh hồn Thầy cả Gioan Trần Công Nghị
Xin Thiên Thần Chúa dẫn đưa linh hồn Thầy cả Gioan Trần Công Nghi vào cửa sự sống trong nước Chúa, như lời Đức Chúa hứa: „Ta sẽ mở cho con cánh cửa không ai có thể đóng lại được.“ ( Sách Khải Huyền 3,8)
Nhục thể ly trần lưu cát bụi,
Hồn thiêng thoát tục nhập thiên cung.
Xin thành kính phân ưu cùng qúy đại gia đình tang quyến, cùng Ban Giám đốc Việtcatholic.
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
Nguyện xin Chúa ba ngôi đón nhận Vị Tông đồ hiền lành và thánh thiện của Giáo hội trên nước Thiên Đàng.
Phạm Trần
R.I.P
Xin thành kính phân ưu cùng Lm Trần Bình Trọng, Lm. Trần Xuân Lãm và tang quyến
Xin chia buồn cùng mạng lưới Vietcatholic.
Đại diện lớp Đặt Tên 1957-1964
LM. Gioan Trần Mạnh Duyệt
LM. Gioan Trần Bình Trọng
Nguyễn Long Thao
Trần Vinh,
Nguyễn Văn Thế
Vũ Văn Phúc
Vietcatholic trang mạng thiết cần
Cáo phó cha Gioan Trần Công Nghị.
Phát Diệm đau trong cả tâm và trí
Khóc người con từ nước Mỹ ra đi!
Người con xa nhưng nghĩa sống tâm thành
Giáo hội Việt Nam đồng hành tiến bước:
Khi phát sóng, khi tin bài mực thước,
Giáo hội vũ hoàn thao thức hiệp thông.
Việt Nam, Rôma – văn hóa Tây Đông
Nhập cư Hoa Kỳ, nâng tầm kiến thức.
Thánh Thần Chúa ơn khôn ngoan tiếp sức,
Hoạt động tông đồ tầm mức hoàn cầu.
Rồi bỗng hôm nay tiếng Chúa nhiệm mầu
Đã phát sóng từ chiều sâu vọng tới,
Cha lại tiếp đi trời mới đất mới
Để lại “Đau buồn sẽ đổi thành vui” (x. Ga 16,20).
Tạm biệt người cha, thương nhớ ngậm ngùi.
Vietcatholic trọn đời gắn kết.
Cha chẳng còn về quê hương đất Việt,
Nhưng quê Thiên Đàng da diết đón Cha!
Lm. Phêrô Hồng Phúc
Tu viện của tôi mầu bạc. Nó trườn mình qua các thị trấn từ Surrey Hills tới Melbourne. Lúc ấy là 8 giờ 24 phút.
Làm chồng, làm cha, làm anh, làm nhân viên văn phòng, làm con nợ trả góp, làm tôi bù đầu với những đòi hỏi. Sự hiện diện mạnh mẽ của Chúa trong cầu nguyện cũng khẩn thiết chẳng kém. Sống là phải tích hợp và đáp ứng các đòi hỏi của hai nơi thuộc về ấy.
Tôi có thể cầu nguyện cách nào và ở chỗ nào trong cái ngày làm việc như thế này đây? Các hành động của tôi trong tư cách làm cha, làm chồng, làm con, làm anh em, làm công nhân làm sao có thể đan kết với sự thuộc về sâu thẳm hơn này?
Nào thì khởi đầu: lấy báo và thùng rác vào, đặt ấm nước lên, cho mèo ăn, chuẩn bị bữa trưa, mượn vé xe lửa của bầy trẻ, ký vội mấy dòng nhắn lại, mở vội cửa tủ, cạo râu, kiếm đôi vớ, chiếc khăn tay đâu, nhét vào túi xách, nhét luôn mấy tấm giấy trả tiền và chi phiếu, làm tan đá mấy miếng thịt nhồi, chạy mau ra kịp chuyến 8 giờ 25, nghĩ tới nghị trình, nhớ gọi mấy cú điện thoại ấy nhé.
Suốt cái buổi sáng công việc bề bộn ấy, tai lơ đễnh nghe các bản tin tóm tắt: Bosnia, Cambodia, Miến Điện, Nam Phi, Somalia, Tây Tạng, Bougainville, thất nghiệp. Giữa khoảng 6 giờ 40 và 8 giờ 10, lòng mỗi lúc một chìm xuống sâu hơn, gần như tuyệt vọng. Làm gì còn có thể có Chúa trong cái thế giới như thế.
Cuộc sống như điên cuồng, tin tức sao bất ổn đến chừng vậy, hai cái ấy như chẳng ăn nhập gì với nhau. Cái thách đố phải mưu sinh trung lập hóa cái thách đố phải đáp ứng nhân đạo. Cuộc sống ta có thể nông cạn, mà tâm hồn thì chán ngán.
Những khó xử ấy lên khuôn cho cuộc sống tâm linh của mình. Làm thế nào, trong cái khu phố bận bịu của nước Úc này, ta có thể vừa lo lắng về hai jobs, về con cái, về tiền vay mua nhà, về tiền học phí, mà còn duy trì được một đời sống thiêng liêng tích cực? Làm thế nào thỏa mãn được cơn khát Thể Vô Tận của ta?
Ai trong chúng ta cũng có cách riêng, căn cứ trên tính khí của mình, để ngăn ngừa các bản năng sâu thẳm nhất khỏi bị chết ngạt. Sau đây là một vài cách của tôi.
Xe lửa, máy bay, xe búyt, xe trams. Đối với tôi, đó là những nơi tốt nhất để cầu nguyện. Cào, chổi, xẻng, chĩa ba răng. Đối với tôi, đó là những dụng cụ tốt nhất để cầu nguyện. Mũ, áo khoác, giầy đi bộ. Chính là những y phục để cầu nguyện. Đi du lịch, làm việc, đi bách bộ: trong những việc này, ta thấy mục tiêu chứ không phải cái căng thẳng của ý chí. Vì trong những việc ấy, tâm hồn ta có thể tìm được chủ đích của nó.
Tôi thả bộ ra ga vào buổi sáng. Không khí làm đầu óc tôi sáng ra. Nhịp bước và hơi thở là lời kinh nguyện đơn sơ, tạ ơn Chúa đã ban cho buổi mai này.
Trên xe lửa, tu viện mầu bạc, ngồi khuất vào một góc, tay cầm sách nhỏ. Tôi đọc Kinh Ban Mai từ Sách Nguyện. Qua bốn trạm thì hết. Sau đó, tôi ngồi im, nửa ngủ, nửa đọc kinh lẩm rẩm, tự hỏi về những người đồng hành, tưởng tượng về cách sống của họ.
Việc làm có thể vui đấy, nhưng đôi lúc như gặm cùng những viên đá cứng ấy hết bữa này qua bữa nọ. Cái cơn đau do nhàm chán có thể trờ nên ngột ngạt. Cố gắng hết sức, nhiều việc tôi làm vẫn hết sức chán ngán thất vọng. Làm thế nào cho cơn nhàm chán thành lời cầu nguyện, thành hữu ích? Làm thế nào vừa duy trì được thái độ yêu thương đối với những người đồng sở đang cãi nhau chí chóe vừa bảo tồn được lòng trung chính?
Bạn thủ vai trò, trả lời điện thoại, giải quyết công việc đúng hạn. Giờ ăn trưa là cơ hội để lại được tiếp xúc. Đôi khi tôi vội khoác áo ngoài và thả bộ dến một thánh đường kế bên: lắm lúc là Công Giáo, lắm lúc là Luthêrô, và tôi thích nhất nhà thờ Anh Giáo. Càng trống càng tốt, và càng tốt hơn nếu có thể ra ngoài trung tâm Thành Phố. Tôi chậm rãi đều bước, thoải mái. Khi tôi thả bộ, tôi rất khoan thai, để cho cái nóng sốt của bộ óc tan đi, chỉ tập trung vào cái nhịp tụng (mantra) của bước chân. Tôi ngồi vào ghế hoặc theo dõi Thánh Lễ. Tôi nghĩ đến Bosnia, Cambodia, Miến Điện, Nam Phi, Somalia, Tây Tạng, những người trên xe lửa, những người thất nghiệp vào thành phố lúc ít người sử dụng xe (off-peak). Một cách tầm thường nào đó, tôi đi vào nỗi thống khổ của họ. Giờ ăn trưa là giờ thinh lặng vĩ đại của tôi.
Trên đường về nhà trên chuyến xe lửa 5 giờ 59 phút, tôi thường đọc kinh chiều. Chỉ khi quá mệt mới không. Đầu óc rỗng tuếch, như không còn làm việc. Những tối thứ sáu, vào mùa đông trời tối, tôi thường phải lẻ loi đứng đợi đổi xe một mình trên sân ga Richmond, mắt nhìn quá bên kia dẫy phố đến những ánh đèn ngoại ô, dõi theo những bạn đồng hành vô danh mà đèn xe đang đưa về nhà. Ai về nhà nấy, về với mâm cơm chung, về với những người chia sẻ, về với khoảng không gian nơi mọi sự cho phép họ được xưng tên, và được người khác gọi tên.
Trong nhà, bọn nhỏ làm bài làm, gia đình họp mặt, rửa chén, gọi điện thoại, đem quần áo khô vào, xem truyền hình, bẳn gắt, thư dãn.
Kỷ luật yêu thương trong gia đình: chính là cái cốt lõi và cái thử thách của đời sống thiêng liêng. Người thì đánh giá mình thấp, người thì vui vẻ, người thì có cơ hội thắng ‘cái con đĩ trong tuần’, người thì bực mình vì mọi người khác mệt mỏi nhưng riêng mình mắt cứ thao láo không ngủ được, người thì phung phí tiền bạc, người thì khuyên răn, người thì lười chẩy. Mỗi người có cái đẹp tinh thần riêng, nở rộ đấy nhưng cũng dễ tan đấy. Ai cũng cần chăm sóc và được chăm sóc. Chúng ta chà giấy nhám cho nhau để được mịn bóng.
‘Tạ ơn Chúa đã ban của ăn, tạ ơn Chúa đã đem khách qúy tới và xin Chúa chúc lành cho người nấu nướng’. Tình yêu mỗi người, và tình yêu cả nhóm cho thấy lơ mơ khuôn hình và sắc diện của tình yêu Thiên Chúa. Trong vũ trụ bao la, ta đứng trong tình yêu ấy. Tôi cầu xin cho tình yêu ấy đỡ nâng những người ở Bosnia, ở Cambodia, ở Miến Điện, ở Nam Phi, ở Somalia, ở TâyTạng, ở Bougainville, trên chuyến xe lửa 8 giờ 25 và mọi người đang vướng phải cuộc chiến ở những nơi tôi không nhớ được tên.
Làm thế nào ta chứng minh được tình liên đới của ta với những người trong các bản tin? Cầu nguyện là việc quá dễ. Còn những nguyên cớ chúng ta cho tiền (nhớ nhận biên lai để khai thuế) thì sao? Có vẻ chỉ là tượng trưng có lệ (tokenism). Dấn thân chính trị có ăn thua gì không? Có thể, nhưng cả điều đó nữa cũng pha trộn tư lợi. Sau này, khi con cái đã tự lập, có thể có cơ may để phục vụ toàn thời gian. Thời gian sẽ thử thách lòng chân thành của ta.
Việc làm cuối cùng trong đêm, chạy bộ hay cuốc bộ. Cuộc tụng niệm cuối cùng của bước chân và hơi thở. Đôi khi với người bạn đời, chia sẻ cuộc sống đấy, nhưng lúc này mới có dịp hàn huyên. Mang thùng rác ra ngoài, cả chồng báo cũ nữa, và ve chai. Đôi khi trong phòng tắm, tôi mới bắt đầu cầu kính tối.
Vặn đồng hồ báo thức lúc 8 giờ 25. Ráng nữa đi.
Terry Monagle, Australian Catholics, October 1993.
BÀI ĐỌC I (TĐCV 10: 34-43)
Bài trích sách Công Vụ Tông Đồ
Khi ấy, Phêrô lên tiếng nói rằng: “Quả thật, tôi thấy rõ Thiên Chúa không thiên vị ai, nhưng nơi bất cứ dân nào, hễ ai kính sợ Thiên Chúa và sống ngay chính, đều được Ngài tiếp nhận.
Ngài đã gửi đến cho con cái Israel lời loan báo bình an, nhờ Đức Giêsu Kitô, là Chúa của mọi người. Hẳn anh em biết điều đã xảy ra trong toàn miền Giuđêa, khởi đầu từ Galilêa liên quan đến Đức Giêsu thành Nazarét, sau khi ông Gioan rao giảng phép rửa. Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu cho Người. Người đi đâu đều ban ơn giáng phúc, và chữa lành mọi kẻ bị quỷ ám, bởi vì Thiên Chúa ở cùng Người.
Phần chúng tôi, là chứng nhân về tất cả những điều Người đã làm trong miền đất của người Do Thái, và tại Giêrusalem. Người ta đã treo Người lên cây gỗ mà giết đi. Nhưng ngày thứ ba, Thiên Chúa đã cho Người sống lại, và cho Người hiện ra không phải với toàn dân, nhưng với các chứng nhân mà Thiên Chúa đã tuyển chọn trước, tức là chúng tôi, những kẻ đã ăn uống với Người sau khi Người từ cõi chết sống lại.
Người đã truyền cho chúng tôi rao giảng cho toàn dân và làm chứng rằng Người đã được Thiên Chúa đặt làm thẩm phán xét xử kẻ sống và kẻ chết. Mọi tiên tri đều làm chứng về Người là tất cả những ai tin vào Người thì nhờ danh Người mà được tha tội.”
Đó là lời Chúa.
BÀI ĐỌC 2 (Rm 5, 5-11)
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.
Anh em thân mến, tình yêu của Thiên Chúa tuôn đổ trong tâm hồn chúng ta nhờ Thánh Thần đã ban cho chúng ta. Chúa Kitô theo kỳ hẹn mà chịu chết vì chúng ta là kẻ tội lỗi. Ít có ai chết thay cho người công chính, họa chăng mới có người dám chết vì kẻ lành. Nhưng Thiên Chúa chứng tỏ tình yêu của Người đối với chúng ta, nghĩa là trong lúc chúng ta còn là tội nhân, thì theo kỳ hẹn, Chúa Kitô đã chết vì chúng ta.
Vậy phương chi bây giờ, chúng ta đã nên công chính trong máu của Người, và nhờ Người chúng ta sẽ được cứu khỏi cơn thịnh nộ. Bởi chưng nếu khi chúng ta còn là thù nghịch, mà chúng ta đã được giao hoà cùng Thiên Chúa nhờ cái chết của Con Ngài, thì huống chi khi đã được giao hoà, ắt chúng ta sẽ được cứu độ trong sự sống của chính Chúa Kitô. Và không những thế, chúng ta còn được vinh hiển trong Thiên Chúa nhờ Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, nhờ Người mà bây giờ chúng ta được lãnh ơn giao hoà
Đó là Lời Chúa.
TIN MỪNG (Ga 12:23-28)
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu dạy các môn đệ rằng: “Đã đến giờ Con Người được tôn vinh! Thật, Thầy bảo thật Anh Chị Em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác. Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời. Ai phục vụ Thầy, thì hãy theo Thầy; và Thầy ở đâu, kẻ phục vụ Thầy cũng sẽ ở đó. Ai phục vụ Thầy, Cha Thầy sẽ quý trọng người ấy." "Bây giờ, tâm hồn Thầy xao xuyến! Thầy biết nói gì đây? Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ này, nhưng chính vì giờ này mà con đã đến. Lạy Cha, xin tôn vinh Danh Cha." Bấy giờ có tiếng từ trời vọng xuống: “Ta đã tôn vinh Danh Ta, Ta sẽ còn tôn vinh nữa!"
Đó là Lời Chúa.
LỜI NGUYỆN TÍN HỮU
Chủ tế: Đức Giêsu Kitô là sự sống lại và là sự sống. Ai tin Người thì dù có chết cũng sẽ được sống, và ai sống mà tin Người, thì sẽ không phải chết bao giờ. Luôn vững tin Đức Kitô đã phục sinh, tin kẻ chết sẽ sống lại và tin có sự sống đời sau, chúng ta cùng dâng lên Chúa những lời nguyện xin cho cha Gioan Trần Công Nghị:
1/ “Mọi người đều phải chết nơi Ađam thế nào, thì cũng sẽ được sống lại trong Đức Kitô như vậy”. Chúng ta hiệp lời cầu xin Chúa cho cha Gioan Trần Công Nghị, suốt đời đã nguyện trung thành theo Chúa và phục vụ dân thánh trong chức thượng tế tối cao, mà nay đã qua đời, được Chúa cho vào hưởng niềm vui Nước Trời cùng với các Thánh. Chúng ta cùng cầu xin Chúa.
2/ “Ai tin Ta sẽ không phải chết đời đời”. Chúng ta hiệp lời cầu xin Chúa cho cha Gioan Trần Công Nghị, khi còn sống đã hết lòng trung tín phụng sự Chúa, nhiệt tâm rao giảng Tin Mừng và cử hành Bí Tích Thánh Thể. Giờ đây, sau khi đã chu toàn chức vụ Chúa trao, được thoát khỏi những hình phạt, mà vào chung hưởng hạnh phúc muôn đời với Đấng mà người đã hết tình mến yêu phục vụ. Chúng ta cùng cầu xin Chúa.
3/ “Thầy ở đâu chúng con cũng được ở đó”. Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho cha Gioan Trần Công Nghị, người cha khả kính, người đã sáng lập mạng VietCatholic toàn cầu, khi còn sống đã gắn bó với Đức Kitô, sống và rao giảng Tin Mừng qua mạng VietCatholic, thì nay cũng được theo Người tiến vào cõi phúc muôn đời. Chúng ta cùng cầu xin Chúa.
4/ “Thiên Chúa sẽ lau khô mọi giọt lệ trên khuôn mặt mọi người”. Chúng ta hiệp lời cầu xin Chúa cho thân bằng quyến thuộc của cha Gioan Trần Công Nghị và tất cả cộng tác viên của VietCatholic, đang buồn sầu thương nhớ vì sự ra đi của người, luôn được Chúa thương nâng đỡ ủi an, biến nỗi buồn thành của lễ dâng lên Thiên Chúa, hầu mai sau được đoàn tụ với ngài trên thiên quốc. Chúng ta cùng cầu xin Chúa.
5/ “Hỡi những kẻ đã được Cha Ta chúc phúc hãy lãnh lấy phần gia nghiệp là Nước Trời”. Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho mỗi người, đang họp nhau nơi đây để cầu nguyện cho cha Gioan Trần Công Nghị khả kính vừa được Chúa gọi về, luôn biết canh tân cuộc sống mỗi ngày, để mai sau cũng được sum họp cùng với người trên thiên đàng. Chúng ta cùng cầu xin Chúa.
Chủ tế: Lạy Thiên Chúa nhân hậu từ bi, Chúa muốn cho mọi người đều được cứu độ. Xin nhận lời chúng con cầu xin, mà thương tha thứ mọi lỗi lầm cho cha Gioan Trần Công Nghị và đón nhận ngài vào hàng ngũ các Thánh trên trời. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen
1. Nhà lãnh đạo trẻ của phong trào đòi quyền phá thai ở Á Căn Đình chết sau khi phá thai hợp pháp
Một phụ nữ 23 tuổi đã chết trong bệnh viện ở San Martin thuộc tỉnh Mendoza của Argentina vào hôm Chúa Nhật tuần trước, 4 ngày sau khi phá thai hợp pháp ở thị trấn La Paz lân cận. Cái chết của Maria del Valle Gonzalez Lopez được cho là do xuất huyết và nhiễm trùng huyết theo báo cáo khám nghiệm tử thi của cô.
Người phụ nữ này là một nhân vật đang rất nổi trong tổ chức ủng hộ phá thai “Union Civica Radical”, gọi tắt là UCR, một phong trào cánh tả lâu đời của Á Căn Đình liên kết với Quốc tế Xã hội Chủ nghĩa. Cô đã được bầu vào năm ngoái làm chủ tịch tổng vụ Thanh niên của Những người cấp tiến ở La Paz.
Del Valle là người mẹ đầu tiên được đã qua đời kể từ khi phá thai theo yêu cầu được công nhận là hợp pháp ở Á Căn Đình vào đầu năm nay. Cô ta là sinh viên đại học ngành công tác xã hội và có một người bạn trai.
Vào tháng 8 năm 2018, các bộ phận Thanh niên của UCR đã tổ chức các cuộc họp báo và các cuộc biểu tình để “yêu cầu” các Thượng nghị sĩ Á Căn Đình bỏ phiếu cho việc hợp pháp hóa phá thai hoặc luật “Ngừng mang thai tự nguyện” đang được thảo luận tại Quốc hội vào thời điểm đó.
Source:Life Site News
2. Tuyên bố của Chủ tịch Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ về Công lý và Hòa bình Quốc tế về tội ác Diệt chủng Armenia
Nhân kỷ niệm Ngày tưởng niệm nạn diệt chủng người Armenia vào ngày 24 tháng 4, Đức Cha David J. Malloy của Rockford, chủ tịch Ủy ban Công lý và Hòa bình của Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ, gọi tắt là USCCB, đã nêu bật sự mất mát bi thảm của rất nhiều người Armenia trong cái được gọi là cuộc diệt chủng đầu tiên của thế kỷ 20.
Tuyên bố đầy đủ của Đức Cha Malloy như sau:
“Ngày 24 tháng 4 là Ngày tưởng niệm nạn nhân cuộc diệt chủng Armenia. Được bắt đầu vào năm 1915, chiến dịch này dẫn đến cái chết của 1.2 triệu Kitô hữu Armenia - nạn nhân của các vụ xả súng hàng loạt, buộc phải đi bộ đến các trại xa xôi, tra tấn, hành hung, chết đói và bệnh tật. Hàng nghìn trẻ em Armenia đã bị tách khỏi gia đình và buộc phải cải đạo. Thảm kịch kinh hoàng này nhằm mục đích loại bỏ người Armenia và nền văn hóa của họ trong cái được gọi là 'cuộc diệt chủng đầu tiên của thế kỷ 20.'
“Nhưng Armenia và người dân Armenia vẫn sống sót và vươn lên bất chấp những đau khổ và bách hại nhắm vào họ. Tôi lặp lại những lời cầu nguyện của Đức Thánh Cha của chúng ta, Đức Giáo Hoàng Phanxicô khi ngài dâng lời cầu nguyện cho công lý và hòa bình sau chuyến tông du Armenia vào năm 2016: 'Một dân tộc đã phải chịu đựng rất nhiều trong suốt lịch sử của nó, và chỉ có đức tin, đức tin đã giữ cho dân tộc này tồn tại trên đôi chân mình. Thực tế rằng Armenia là quốc gia Kitô Giáo đầu tiên là không đầy đủ; nó là quốc gia Kitô Giáo đầu tiên bởi vì Chúa đã chúc phúc cho quốc gia này, bởi vì đất nước này có các vị thánh, và Giáo Hội ở đây có các giám mục thánh thiện và các vị tử đạo... '
“Khi chúng ta cử hành niềm vui Phục sinh trong mùa hồng phúc này, cầu chúc cho tất cả những người thiện chí sẽ hiệp lại với nhau trong ngày tưởng niệm trọng thể này để cầu nguyện và làm việc cho công lý và hòa bình và làm mới lại xác tín nơi sự sống vĩnh cửu trong Chúa Kitô Đấng ngự trị tối cao và mãi mãi”.
Tuyên bố của Đức Cha Malloy cũng lặp lại mối quan tâm và tình đoàn kết mà Giáo Hội Công Giáo đã giữ từ lâu với Giáo hội Armenia. Trong một tuyên bố chung tháng 11 năm 2000, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và Đức Thượng Phụ Karekin II, Giáo chủ Tối cao của Armenia, khẳng định đức tin chung và sự tôn trọng lẫn nhau của họ dành cho nhau.
Các giám mục Hoa Kỳ đã hỗ trợ cho các dự án đổi mới mục vụ và thông qua Caritas Armenia cho các dịch vụ xã hội nhằm trợ giúp trẻ em và những người dễ bị tổn thương cũng như khuyến khích các chương trình mục vụ xã hội của giáo xứ. Năm 2003, Đức Hồng Y William Keeler đã dẫn đầu một phái đoàn gồm các giám mục và nhân viên Hoa Kỳ đến Armenia theo lời mời của Đức Thượng Phụ. Phái đoàn trở về với các ấn tượng tốt đẹp và được linh hứng về sự kiên cường của đức tin Kitô của người dân Armenia khi đối mặt với nghịch cảnh.
Source:USCCB
3. Nhà truyền giáo lo ngại rằng bản án dành cho các nhà hoạt động Hương Cảng là một lời ‘tiên tri’ cho định mệnh của chúng ta
Một nhà truyền giáo lâu năm ở Hương Cảng đã ca ngợi các nhà hoạt động ủng hộ dân chủ, những người đã nhận án tù vào tuần trước vì đã lên tiếng phản đối luật an ninh quốc gia mới của thành phố.
“Hương Cảng, như chúng ta đã biết đến nó, không còn nữa,” Cha Gianni Criveller nói.
“Tôi đã viết bài này một thời gian, nhưng ngày 16 tháng 4 là một trong những ngày buồn nhất, ngay cả ở mức độ cảm xúc cá nhân, kể từ khi tự do chết ở thuộc địa cũ của Anh vào ngày 1 tháng 7 năm 2020”.
“Đây là những người đàn ông và các phụ nữ bị trừng phạt vì dấn thân công dân của họ và, đối với một số người, vì thực hành đức tin của họ trong đời sống, nghề nghiệp và chính trị.” Ngài gọi họ là “các nhân chứng và các nhà tiên tri cho thời đại của chúng ta”.
“Họ xứng đáng được ghi nhận nhiều hơn. Nhưng thời đại và thế giới của chúng ta không yêu tự do, cũng không có những người đấu tranh cho nó khi phải trả một cái giá rất đắt.”
Là thành viên của Hội Giáo Hoàng Truyền giáo Hải Ngoại, gọi tắt là PIME, cha Criveller là trưởng khoa nghiên cứu và là giáo sư tại Trường Thần học Truyền giáo Quốc tế PIME ở Milan. Ngài từng là một giáo sư ở Trung Quốc Đại Lục trong 27 năm và cũng là một giảng viên về thần học truyền giáo và lịch sử của Kitô Giáo ở Trung Quốc tại Trường Cao đẳng Triết học và Thần học Thánh Linh của Hương Cảng.
Jimmy Lai, 72 tuổi, là một trong những gương mặt bất khuất nhất của phong trào ủng hộ dân chủ ở Hương Cảng và đã từng ngồi tù một thời gian, là một người Công Giáo. Anh là người sáng lập Apple Daily, tờ báo nổi tiếng nhất ở Hương Cảng. Anh được rửa tội khi trưởng thành với sự giúp đỡ của Đức Hồng Y Trần Nhật Quân. Ngoài thời gian bị tạm giam, Lai còn phải nhận thêm 14 tháng tù giam.
Đề cập đến những người Công Giáo đã bị kết án, hầu hết là những người mà ngài biết rất rõ, Cha Criveller cho biết họ là những người “đã chào đón thông điệp của Phúc âm một cách nghiêm chỉnh”
“Họ tin vào tự do, mà tác giả là chính Chúa Giêsu. Họ tin vào phẩm giá của những người nam nữ tự do, vì chúng ta là con cái của Thiên Chúa, được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa, và là những nhân vật chính trong việc xây dựng công ích cho toàn thể nhân loại”.
Source:Crux