Ngày 23-04-2009
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
01:31 23/04/2009
NGƯỜI CÓ LÒNG NHÂN THÌ KHÔNG SỢ HÃI

N2T


- “Cái gì là yêu ?”

- “Không sợ hãi gì cả.”
đại sư trả lời.

- “Con người ta thường sợ hãi điều gì ?”

- “Yêu.”
Đại sư đáp.

(Trích: Huệ nhãn thiền tâm)

Suy tư:

Mẫu đối thoại tuy ngắn gọn, nhưng đầy kịch tính và bày tỏ được nội tâm của con người.

Hãy đi hỏi một người đang yêu là họ sợ gì nhất, họ sẽ trả lời là sợ mất tình yêu; hãy đi hỏi người đang nổi tiếng nhất là họ sợ gì, họ sẽ trả lời là sợ mất tiếng tăm mất danh dự; hãy đi hỏi một linh mục đang nổi tiếng về giảng hay có giọng nói lôi cuốn người khác là ngài sợ gì nhất, ngài sẽ trả lời là sợ một ngày nào đó “mất tiếng” và không còn người nghe giảng nữa; hãy hỏi một vài cha sở là khi đi qua Mỹ thăm bà con hoặc công tác thì ngài sợ gì nhất, ngài sẽ trả lời là sợ bà con giáo dân ở Mỹ hiểu lầm là mình đi Mỹ xin tiền.v.v...

Người có lòng nhân thì không sợ gì cả, bởi vì họ làm việc là theo sự thúc đầy của yêu thương, cũng như người làm việc vì Chúa thì không sợ gì cả, vì họ không làm việc vì người này người nọ, nhưng làm là vì Chúa.

Ai hiểu thì hiểu...
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
01:32 23/04/2009
N2T


148. Con người ta càng nhìn thấy khuyết điểm của mình, thì tâm hồn và thân xác của họ -trong sự yếu đuối của mình- càng tiến bộ, càng hoàn hảo, cuối cùng sẽ lên đỉnh cao của đức khiêm tốn, và đạt tới biên giới hoàn toàn của đức hạnh.

(Thánh Gregory giáo hoàng)
 
Mỗi ngày một câu cách ngôn
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
01:34 23/04/2009
N2T


94. Không nên coi thường mình, bởi vì khả năng của mình thì có hạn.

 
Mục tử tốt lành
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
14:23 23/04/2009
CHÚA NHẬT 4 PHỤC SINH

( CHÚA NHẬT CHÚA CHIÊN LÀNH )


Ga 10, 11-18

Mỗi năm cứ vào ngày Chúa Nhật Chúa Chiên Lành, tôi luôn hồi tưởng tới một bức ảnh mầu rất ấn tượng mà hồi còn nhỏ tôi đã được thấy nơi phòng sinh hoạt của giáo xứ của tôi, nhưng ngày nay sau mấy chục năm dài đằng đẵng không hiểu bước ảnh đẹp và ý nghĩa ấy đã trôi dạt nơi đâu ? Bức ảnh vẽ hình Chúa Giêsu đang vác một con chiên trên vai, gần Ngài là bầy chiên gồm nhiều con lớn con bé, xa xa là cánh đồng cỏ xanh rì và dòng suối mát trong xanh. Hình ảnh Chúa Giêsu mục tử tốt lành luôn thôi thúc tôi tìm hiểu Ngài và đến với Ngài.

MỤC TỬ TỐT LÀNH: Thực tế, dân Pa-lét-tin rất quen thuộc với người mục tử và đàn chiên trên các đồng cỏ xanh tươi. Giữa người chăn chiên và con chiên có một mối giây rất thân tình. Chúa Giêsu trong đoạn Tin Mừng này ví mình như người mục tử. Mục tử nhân lành luôn luôn khác với người chăn thuê, bởi vì mục tử tốt dám hy sinh cả mạng sống vì con chiên khi chiên của họ bị thú dữ tấn công. Điều này trái nghịch với kẻ làm thuê làm mướn vì người làm mướn thì lơ là, bỏ chạy thoát thân khi sói dữ đến tấn công bầy chiên. Giáo Hội ví như bầy chiên của Chúa Giêsu. Giữa Đức Kitô và chiên có mối giây liên kết gắn bó cách mật thiết.” Tôi biết chiên của tôi và chiên của tôi biết tôi, như Cha biết tôi và tôi biết Cha “ ( Ga 10, 14-15 ).Đây không phải cái biết hời hợt nhưng là cái biết sâu xa và có đi có lại. Chiên là hình ảnh của một ngôi vị hoàn toàn tự do. Người chăn chiên tốt lành gọi tên từng con chiên bằng một giọng thật quen thuộc, thật gần gũi. Chiên nghe tiếng người chăn và đi theo. Do đó, giữa người chăn và đoàn chiên hiểu biết nhau, nhận ra nhau thật dễ dàng, trân trọng và quý mến nhau. Sau khi Chúa Giêsu sống lại, Ngài đã giao cho thánh Phêrô quyền cai quản Hội Thánh và chăn dắt đàn chiên:” Hãy chăn dắt chiên con chiên mẹ của Ta “. Sứ mạng này phát xuất tự lòng mến của Thiên Chúa. Yêu mến Chúa dẫn đến việc yêu mến đoàn chiên.

ĐỨC GIÊSU KITÔ, MỤC TỬ TỐI CAO VÀ GƯƠNG MẪU: Mình Đức Kitô là mục tử duy nhất, tối cao và gương mẫu. Mọi mục tử đều chỉ là phụ tá cho mục tử duy nhất là Đức Kitô. Chính vì thế, mọi mục tử đều phải noi gương, bắt chước Ngài, dám chết cho đoàn chiên được sống như Đức Kitô đã sống: ” Ta đến cho đoàn chiên được sống và sống dồi dào “ ( Ga 10, 10). Phêrô, nối tiếp sứ mạng chăn dắt đoàn chiên. Phêrô có thể trốn tránh tù tội, bắt bớ, giết chết. Nhưng khi Ngài nằm xuống, Phêrô mới củng cố lòng tin của Hội Thánh và đàn chiên. Phêrô trở lại vào thành để chịu chết vì Chúa, chính lúc đó Phêrô đã trở nên mẫu gương ngời sáng, không hề phai mờ của người mục tử tốt lành: ” Thầy làm vững đức tin của con.Rồi đến lươt con, con sẽ làm vững đức tin của anh em con “. Nhiều mục tử trên khắp mặt đất đã nối gót Phêrô cũng đã nằm xuống để trở nên nhân chứng, và củng cố niềm tin cho anh em. Quả thật, chỉ có Đức Kitô là mục tử nhân hậu mới dám hy sinh cả mạng sống mình cho từng con chiên của mình: ” Không có tình yêu nào cao vời cho bằng tình yêu của người hiến mạng sống vì người mình yêu “ ( Ga 15, 13 ).

HỘI THÁNH CHỌN NGÀY CHÚA NHẬT CHÚA CHIÊN LÀNH ĐỂ LÀM NGÀY CỔ VÕ ƠN THIÊN TRIỆU: Công việc loan báo Nước Trời và công việc cứu độ, Chúa không làm một mình, nhưng Ngài kêu mời nhiều người góp tay vào công việc mở mang Nước Thiên Chúa. Bởi vì Chúa luôn cần những người tiếp nối công việc của Ngài, để Nước Thiên Chúa được mở rộng.Do đó, cần có nhiều người trẻ dấn thân sống đời độc thân loan báo Tin Mừng và cầu nguyện cho thế giới. Việc khước từ không lập gia đình để rảnh rang hơn cho việc phục vụ Chúa, Hội Thánh và tha nhân luôn là điều khẩn thiết, Giáo Hội đang mời gọi. Hội Thánh theo gương Chúa mời gọi các môn đệ:” Hãy cho họ ăn “. Vâng, cả một thế giới với một số lớn còn chưa nhận biết Chúa, vấn đề nhân loại đang khao khát Lời Chúa lại là điều thật thúc bách nhiều người dấn thân làm môn đệ phục vụ Lời và phân phát Lời Chúa.Chúng ta thử xem thế giới hiện giờ đã có gần 8 tỷ người, nhưng người tin Chúa chỉ có hơn 1 tỷ người. Như vậy, việc truyền giáo còn rất cần thiết và cánh đồng truyền giáo còn rất bao la, mênh mông. Hội Thánh cho thấy việc khao khát Lời Chúa, những người nghèo, những kẻ bơ vơ vất vưởng, những người bệnh hoạn tật nguyền những người neo đơn, bị áp bức, bị bỏ rơi còn la liệt trên khắp cánh đồng truyền giáo. Cả một đám đông bơ vơ. Chính vì thế, các bạn trẻ hãy nhìn đám đông, thấy đám đông bằng con tim và để cho con tim mình đáp trả. Hội Thánh đã có biết bao dòng tu nam nữ, biết bao tu hội nam nữ, biết bao tu hội đời vv…Hội Thánh đã có biết bao tâm hồn quảng đại dấn thân phục vụ trong chức vụ Giám Mục, Linh Mục, Tu sĩ nam nữ, nhưng cánh đồng lúa vẫn chín vàng mà còn thiếu nhiều thợ gặt.

Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con mọi người biết luôn nhiệt thành mở mang Nước Trời bằng tất cả khả năng và mức độ có thể. Xin ban cho nhân loại nhiều Linh mục, nhiều Tu sĩ nam nữ thánh thiện để Nước Chúa được mở rộng khắp nơi và Tin mừng cứu rỗi được vang lên khắp cùng bờ cõi trái đất. Amen.
 
Hãy chọn sự sống!
LM. Nguyễn Hữu Thy
21:17 23/04/2009
Chúa Nhật III Phục Sinh/B: Hãy chọn sự sống!

(Lc 24,35-48)

Ðại Lễ Phục Sinh là gì? hay nói rõ hơn: Ðại Lễ Phục Sinh có ý nghĩa gì đối với chúng ta?

Nhiều người ngày nay khi phải đứng trước những phong trào tục hóa trong xã hội, dù vô tình hay hữu ý, đã bị ảnh hưởng sâu đậm và vì thế đã để vơi cạn đi tâm thức tôn giáo của mình, khiến họ không còn hiểu rõ được ý nghĩa của các ngày đại lễ trong phụng vụ của Giáo Hội nói chung và ý nghĩa của Ðại Lễ Phục Sinh nói riêng. Ðối với họ, Lễ Phục Sinh chỉ là một ngày Lễ Mùa Xuân hay một ngày Lễ Hồi Sinh của thiên nhiên sau giấc ngủ dài dưới băng tuyết của mùa đông giá lạnh. Sau bao ngày tháng sương mù âm u của tiết đông, những tia nắng ấm áp của mặt trời lại bừng chiếu sáng và sưởi ấm cả vạn vật, mang lại một sức sống mới đang vươn lên trong thiên nhiên.

Nhưng đối với chúng ta, những người Kitô hữu, ý nghĩa Ðại Lễ Phục Sinh còn cao cả hơn sự khởi đầu mùa xuân đầy sinh khí tươi mát bội phần. Chúng ta mừng kính trọng tâm niềm tin của chúng ta, một thực tại có liên quan tới sự sống chết của chúng ta. Cũng vì thế, Giáo Hội mừng kính biến cố Phục Sinh trong suốt bốn mươi ngày liên tiếp và đồng thời luôn suy niệm mầu nhiệm cao vời khôn ví, đã được ban cho nhân loại trong Ðức Kitô.

Vâng, một thực tại có liên quan đến sự sống chết, hay nói đúng hơn, có liên quan đến sự sống chết của Ðức Giêsu. Các môn đệ đã cùng đồng hành với Người từ Ga-li-lê-a cho tới thành đô Giê-ru-sa-lem. Các ông đã thật lòng kính trọng và yêu mến Người như một vị Sư Phụ, đặt tất cả mọi kỳ vọng tương lai đời mình vào Người. Vì chỉ Người mới có thể cứu họ ra khỏi cảnh nghèo khổ dưới ách thống trị của ngoại bang. Ðức Giêsu thực sự là nguồn hy vọng và là nguồn sống của các môn đệ. Vì thế cái chết của Người đã làm tiêu tan mọi giấc mộng Nam Kha của họ. Bởi vì, kinh nghiệm của cuộc sống cụ thể hằng ngày cho chúng ta hay rằng một khi người ta có một quan hệ đầy yêu thương và tin tưởng đặc biệt với một người, thì cái chết của người này sẽ gây nên một cơn khủng hoảng tinh thần và tâm lý vô cùng trầm trọng, sẽ để lại một hố sâu bất khả lấp đầy trong tâm tư và trong cuộc sống của những người liên hệ.

Thật vậy, các môn đệ đã khám phá ra nơi Ðức Giêsu một con người hoàn toàn đặc biệt, một người có những lời nói và những hành động tuyệt hảo trước mặt Thiên Chúa và loài người, chứ không phải như bao người khác. Thế nhưng họ đã phải chứng kiến tận mắt cuộc khổ nạn và cái chết đau thương của Người trên thập giá. Giờ đây tâm hồn họ đầy mọi lo âu sợ hãi và đời họ mất hết mọi định hướng. Họ cũng không biết tương lai đời họ sẽ đi về đâu! Mặc dầu các người phụ nữ, Phêrô cũng như một vài môn đệ khác đã kể cho họ nghe là Ðức Giêsu vẫn sống. Nhưng chỉ bằng lời nói suông, người ta sẽ khó lòng thuyết phục được ai.

Bài Phúc Âm hôm nay tường trình một cách rõ ràng là chính Ðức Giêsu đang đứng giữa các môn đệ và nói chuyện với họ, chứ không phải ma quỉ nào cả. Khi họ nhìn thấy chân tay Người và cùng được ngồi ăn đồng bàn với Người, họ đã nhận ra rằng: Ðây chính là Sư Phụ của họ, Ðấng đang hiện diện giữa họ.

Giờ đây, khi họ đã gặp gỡ được Người đang hiện diện giữa họ, thì những lời nói, mà trước kia họ đã nghe biết, lại có một ý nghĩa mới. Giờ đây họ mới hiểu được những gì họ đã được nghe, mới hiểu được thực sự những lời nói của Thiên Chúa, những lời chính Thiên Chúa phán ra. Họ chân nhận được rằng Thiên Chúa luôn trung tín với Tôi Tớ của mình qua một cách thức mới mẻ và khôn lường. Thiên Chúa là Ðấng đã tạo nên sự sống mới từ giữa cảnh chết chóc! Vâng, giờ đây khi bỗng chốc họ được gặp Ðức Giêsu thì lời khẳng định rằng Người vẫn sống, đã trở nên đáng tin tưởng và là sự thật. Cái chết của Ðức Giêsu là sự sống, là một sự biến đổi mới nhờ quyền năng Thiên Chúa. Con mắt của các môn đệ được mở ra. Vì thế, người ta có thể nói được rằng họ là những người hạnh phúc!

Nhưng, phải chăng các vấn nạn và nghi ngờ của các môn đệ xưa lại không phải là những vấn nạn và nghi ngờ của chúng ta? Phải chăng sự chết không còn quyền hành gì nữa trên chúng ta? Có thực sự là từ trong cõi chết vẫn còn có mầm mống sự sống mới?

Do đó, biến cố Phục Sinh đối với chúng ta cũng là một thực tại của sự sống chết. Và đó không chỉ là thực tại trong ngày sau cùng đời ta, nhưng ngay từ bây giờ. Bởi vì chúng ta cảm nghiệm được sự chết không chỉ qua cái chết của một người thân hay của chính chúng ta. Chúng ta luôn cảm nghiệm được sự chết ngay giữa cuộc sống của chúng ta qua từng diễn biến giảm thiểu từ các tiềm năng và sức sống của chúng ta. Chúng ta cảm nghiệm được sự chết khi ở đâu cuộc sống tỏ ra mất hết ý nghĩa. Chúng ta cảm nghiệm được sự chết khi cuộc sống bị thất bại, khi cuộc sống thiếu niềm vui và không có hy vọng nữa. Chúng ta cảm nghiệm được sự chết ở đâu chúng ta thấy mình cô đơn lẻ loi và bị bỏ rơi. Chúng ta cảm nghiệm được sự chết ở đâu chúng ta phải từ bỏ người hay sự vật mà chúng ta yêu quý. Sự chết có mặt ở đâu khi cuộc sống chúng ta phải đối mặt với hận thù và bất hạnh. Dưới nhiều hình thức đa dạng, bóng tối sự chết phủ kín cuộc đời chúng ta. Cũng như tâm trạng của các môn đệ xưa kia sau Ngày Thứ Sáu Chịu Nạn, cuộc sống chúng ta cũng luôn đầy sợ hãi là phải đối mặt với sự chết đang ngày đêm rảo quanh rình rập.

Bởi vậy, điều quan trọng ở đây là chúng ta có gặp gỡ được Ðấng Ðã Phục Sinh không và chúng ta có cảm nghiệm được là Người thực sự đã sống lại rồi và đang uốn nắn cuộc đời chúng ta nên giống cuộc đời của Người! Nhưng làm thế nào để biết được Người đã sống lạ?

· Người đã sống lại: Ðó là thái độ của một người khi biết được rằng mình không còn lẻ loi một mình nữa, nhưng biết chắc chắn rằng có Ðấng ở bên anh, nâng đỡ và tăng sinh lực cho anh, một sinh lực vượt lên trên cả sự chết.

· Người đã sống lại: Ðó là thái độ của một người khi tự nhiên cảm nghiệm được rằng những công việc và những lo lắng của anh không hề vô nghĩa, nhưng đã làm cho mọi người khác trong xã hội cảm nhận được rằng họ vẫn luôn có người phục vụ mình, bởi vì họ đều được thụ hưởng lời hứa của Thiên Chúa, nghĩa là Người luôn ở với chúng ta và làm cho đời chúng ta có ý nghĩa.

· Người đã sống lại: Ðó là thái độ của một người khi anh cảm nghiệm được rằng anh không phải sinh ra để sống một cuộc đời bất hạnh, nhưng cả trong chính sự bất hạnh vẫn có Ðấng đầy quyền năng có thể nói với anh: Mọi tội lỗi con đã được tha.

· Người đã sống lại: Ðó là thái độ của một người qua các đau khổ của mình đã cảm nghiệm được cách thâm tín rằng trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống luôn có Ðấng nắm giữ tất cả mọi số mệnh trong tay, và quyền lực của người còn mạnh hơn cả sự chết.

Tất cả những lý do đó cho phép chúng ta luôn vui sống. Mỗi người trong chúng ta có những cảm nghiệm khác nhau về sự gặp gỡ với Ðấng Ðã Phục Sinh và cũng vì thế mỗi người làm chứng cho Người một cách khác nhau. Chúng ta cần mở rộng tâm hồn chúng ta cho Người và sẵn sàng xưng nhận Người thực sự trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta.

Ðược thế, Ðại Lễ Phục Sinh đối với tất cả mọi người chúng ta là đại lễ của sự sống, bởi vì sự chết đã bị sự Phục Sinh của Người tiêu hủy rồi. Vậy, «hãy chọn sự sống!» (Dnl 30,19).
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Vương Quốc Jordan nóng lòng nghênh đón ĐGH
Nguyễn Long Thao
05:45 23/04/2009
Rome, Italy, 22/04/09.- Một phái đoàn của vương quốc Jordan do Bà Maha Khatib, Bộ Trưởng Du Lịch và Khảo Cổ hướng dẫn sẽ đến thăm Vatican trong tuần này. Theo như lời tuyên bố của bà Maha Khatib với nhật báo L’Osservatore Romano, cơ quan ngôn luận bán chính thức của Tòa Thánh, thì phái đoàn đến Vatican để tri ân Đức Thánh Cha vì đã dành cho vương quốc Jordan được vinh dự đón tiếp Ngài.

Cuối buổi tiếp kiến của Đức Thánh Cha dành cho công chúng vào mỗi ngày thừ Tư, Bộ Trưởng Khatib tuyên bố với tờ L’Osservatore Romano:“Nhân danh Hoàng Đế, chính quyền và toàn thể nhân dân Jordan, chúng tôi đoan xác với qúy vị rằng quốc gia Jordan sẽ làm mọi chuyện để cuộc nghênh đón Đức Giáo Hoàng được trang trọng và nồng ấm”

Bà Bộ Trưởng Jordan nói với Đức Giáo Hoàng “Tại quốc gia Jordan, người Hồi Giáo cũng mong đợi được nghênh đón ĐGH như người Công Giáo và chính tại đây Ngài sẽ thấy tận mắt tín hữu các tôn giáo chung sống hoà bình và đó là mẫu mực cho các quốc gia vùng Trung Đông.”

Tưởng cũng nên nói thêm Bộ Trưởng Khatib và các vị trong phái đoàn đều thuộc ủy ban tổ chức nghênh đón Đức Giáo Hoàng tại thủ đô Amman vào ngày 8 tháng 5 tới đây. Amman là chặng dừng chân đầu tiên của ĐGH trong chuyến tông du về Thánh Địa ở Do Thái.
 
Để cho Chúa Kitô sinh ra chết đi và sống lại mỗi ngày trong chúng ta là Thân Mình của Người
Linh Tiến Khải
13:50 23/04/2009
Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã khích lệ hơn 40.000 tín hữu và du khách hành hương năm châu như trên trong buổi tiếp kiến sáng thứ tư 22-4-2009. Trong số hàng ngàn đoàn hành hương hiện diện tại quảng trường thánh Phêrô cũng có phái đoàn hơn 50 tín hữu Việt Nam thuộc cộng đoàn Oslo do Linh Mục Huynh Tấn Hải hướng dẫn. Đặc biệt hôm qua đã có rất nhiều phải đoàn sinh viên học sinh các nước tây âu. Đến từ xa nhất là mấy đoàn hành hương Australia.

Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã giới thiệu một tác giả Kitô khác sống vào thế kỷ thứ VIII: đó là Linh Mục Ambrogio Autperto, người Pháp, tu sĩ dòng Biển Đức. Sinh tại Provence miền nam nước Pháp, Ambrogio Autperto đã từng là sĩ quan trong triều đình vua Pépin le Bref và góp phần vào việc giáo dục Charlemagne, hoàng đế tương lai của Pháp. Năm 753-754 khi Đức Giáo Hoàng Stefano II viếng thăm nước Pháp, sĩ quan Ambrogio theo Đức Giáo Hoàng sang Italia và có địp viếng thăm tu viện biển đức thánh Vincenzo trong tỉnh Benevento Nam Italia. Tu viện này do ba tu huynh Paldone, Tatone và Tasone thành lập, và nổi tiếng là ốc đảo của nền văn hóa cổ điển Kitô. Sau khi gia nhập tu viện, thầy Ambrogio đã được thụ phong linh mục năm 761, và năm 777 được bầu làm viện phụ với sự ủng hộ của các đan sĩ gốc Pháp, nhưng cha gặp sự chống đối của các đan sĩ gốc Longobardi muốn bầu tu sĩ Potone làm viện phụ. Năm 782 sau khi vị viện phụ kế vị cha Ambrogio qua đời, các tu sĩ bầu cha Potone lên thay, nhưng vụ tranh chấp giữa hai nhóm lại bùng nổ và vị viện phụ mới bị tố cáo lên hoàng đế Charlemagne. Hoàng đế giao cho Đức Giáo Hoàng nhiệm vụ phân xử. Cha Ambrogio cũng được triệu về Roma như là chứng nhân, nhưng qua đời đột ngột ngày 30 tháng giêng năm 784, có lẽ là bị sát hại. Đề cập tới ảnh hưởng của các căng thẳng chính trị trên cuộc sống của các tu sĩ thời đó Đức Thánh Cha nói:

Ambrogio Autperto đã là đan sĩ và viện phụ trong một thời đại ghi dấu các căng thẳng chính trị nặng nề ảnh hưởng trên cả cuộc sống bên trong các đan viện. Nó thường xuyên vang vọng trong các bút tích của người. Chẳng hạn cha tố cáo sự mâu thuẫn giữa vẻ rạng ngời bề ngoài của các đan viện và cuộc sống hâm hẩm của các đan sĩ, và chắc chắn qua đó cũng nhắm đan viện của mình. Vì thế cha viết lại cuộc đời của ba đan sĩ thành lập đan viện nhằm cống hiến cho thế hệ đan sĩ mới điểm quy chiếu. Khảo luận khổ chế ”Xung khắc giữa các nhân đức và các tật xấu” cũng nhắm cùng mục đích đó. Cuốn sách này đã thành công lớn vào thời trung cổ và được in năm 1473 tại Utrecht bên Hòa Lan dưới tên Gregorio Cả, rồi tại Strasbourg bên Pháp dưới tên Agostino.

Qua đó cha Ambrogio Autperto muốn dậy cho các đan sĩ biết phải đương đầu một cách cụ thể với cuộc chiến tinh thần hàng ngày như thế nào. Đó không phải là cuộc chiến chống lại các bách hại từ bên ngoài, mà là cuộc chiến chống lại sự tấn kích của các lực lượng sự dữ từ bên trong. Tác phẩm trình bầy 24 cặp chiến sĩ: mỗi tính xấu tìm cách cám dỗ linh hồn với các lý luận tinh tế, trong khi nhân đức đối nghịch dùng Kinh Thánh để đối đáp với các lời cám dỗ đường mật ấy. Auperto đối chọi lại sự ham hố bằng sự khinh rẻ thế gian. Đây không phải là sự khinh rẻ thụ tạo, vẻ đẹp và sự tốt lành của tạo vật và của Đấng Tạo Hóa, mà là sự khinh chê cái thế gian giả tạo do sự ham muốn đưa ra để cám dỗ các đan sĩ. Nó rỉ tai rằng chiếm hữu là giá trị cao nhất của sống con người, và sống ngoài đời là điều quan trọng nhất. Vì nhận thấy sự thèm muốn chiếm hữu của các người giầu và kẻ quyền thế ngoài xã hội cũng hiện diện trong tâm hồn các đan sĩ, cha Auperto cũng viết khảo luận về ”Lòng ham muốn” và tố cáo nó như là nguồn gốc của mọi sự dữ. Cha viết: ”Từ lòng đất nhô lên các gai nhọn từ các gốc rễ khác nhau; trái lại trong trái tim con người mọi gai nhọn đều bắt nguồn từ một gốc rễ duy nhất là sự ham muốn” (De cupiditate 1: CCCM 27B, tr.963). Và Đức Thánh Cha khẳng định rằng đây là điều thật thời sự trong bối cảnh của cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay. Cuộc khủng hoảng kinh tế nảy sinh từ sự ham muốn. Cha Ambrogio tưởng tượng ra lời phản bác của các người giầu và kẻ quyền thế. Họ nói: ”Chúng tôi đâu có phải là các đan sĩ, nên một số các đòi hỏi khổ chế không có giá trị đối với chúng tôi”. Cha trả lời: ”Qúy vị nói đúng, nhưng trong cách thức của giai tầng và theo mức độ sức lực của qúy vị, con đường dốc và hẹp cũng có giá trị, vì Chúa đã chỉ đề nghị có hai cửa và hai lối đi thôi: đó là cửa hẹp và cửa rộng, đường dốc và đường dễ dãi, chứ Chúa đã không chỉ cho chúng ta cửa và con đường thứ ba” (l.c., tr.978). Như thế cả người giầu có và quyền thế cũng phải chiến đấu chống lại lòng ham muốn chiếm hữu, ham muốn phô trương, chống lại ý niệm sai lầm về tự do như là khả năng sắp xếp tất cả theo ý riêng mình. Người giầu có cũng phải tìm ra con đường của sự thật, tình yêu thương và cuộc sống ngay thẳng.

Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã nói về tác phẩm quan trọng nhất của cha Ambrogio như sau:

Tác phẩm quan trọng nhất của cha Ambrogio chắc chắn là bộ chú giải sách Khải Huyền gồm 10 cuốn: nó là bộ chú giải sâu rộng đầu tiên trong thế giới latinh về cuốn sách cuối cùng trong Kinh Thánh. Nó là hoa trái nhiều năm trời làm việc trong hai giai đoạn 758 và 767 tức trước khi cha được bầu làm viện phụ. Trong phần tiền đề cha kê khai ra các nguồn tài liệu, đây là điều tuyệt đối bất thường trong thời trung cổ. Ý nghĩa nhất là cuốn chú giải của Đức Giám Mục Primario Adrumetano biên soạn vào khoảng thế kỷ thứ VI. Cha Autperto tiếp xúc với cuốn chú giải do Ticonio, tác giả người Phi châu sống trước thánh Agostino một thế kỷ, để lại. Ticonio không phải là tín hữu công giáo vì thuộc bè phái lạc giáo Donatismo, nhưng là một thần học gia lớn. Ông cho rằng Giáo Hội là một thân mình có hai phần: một phần thuộc Chúa Kitô, phần kia thuộc ma qủy. Thánh Agostino cũng đọc tác phẩm này nhưng nhấn mạnh rằng: Giáo Hội ở trong tay Chúa Kitô và là thân mình của Chúa, chỉ là một với Chúa và tham dự vào ơn thánh Chúa. Khi chú giải sách Khải huyền cha Ambrogio không chú ý tới biến cố Chúa Kitô quang lâm cho bằng các hậu qủa của lần đến thứ nhất, tức của biến cố nhập thể đối với cuộc sống Giáo Hội. Cha nói một câu rất quan trọng: ”Chúa Kitô phải sinh ra, chết đi và sống lại mỗi ngày trong chúng ta, là Thân Mình của Người” (in Apoc. III: CCCM 27, tr.205). Trong chiều kích thần bí bao trùm mọi Kitô hữu cha nhìn Mẹ Maria như là mẫu gương của Giáo Hội và của tất cả chúng ta, vì Chúa Kitô cũng phải sinh ra trong chúng ta và qua chúng ta. Theo gương các giáo phụ coi Người đàn bà mặc áo mặt trời là hình ảnh của Giáo Hội cha Autperto lý luận rằng:”Đức Trinh Nữ phúc đức... hằng ngày sinh ra các dân tộc mới, từ đó làm thành Thân Mình chung của Đấng Trung Gian. Vì thế không là điều gây kinh ngạc, nếu đấng, trong cung lòng có phúc của người chính Giáo Hội được kết hợp với Đầu, diễn tả kiểu mẫu của Giáo Hội. Trong nghĩa đó cha Autperto nhìn thấy vai trò định đoạt của Đức Trinh Nữ Maria trong công trình cứu chuộc. Lòng sùng kính và tình yêu sâu thẳm đối với Mẹ Thiên Chúa khiến cho cha có các kiểu nói diễn tả trước các kiểu nói của thánh Bernardo và nền thần bí Phan Sinh, mà không rơi vào chủ trương duy tình cảm, vì cha đã không bao giờ tách Đức Maria khỏi mầu nhiệm Giáo Hội.

Cùng với lòng đạo đức và thái độ sống không dính bén các thú vui trần gian mau qua, cha Ambrogio coi trọng việc học hiểu các khoa học thánh, nhất là suy niệm Kinh Thánh là ”tầng trời thăm thẳm và vực sâu không đo lường được” (In Apoc. IX). Cha đã là người sống trong một thời đại, trong đó Giáo Hội bị lạm dụng cho chính trị, và khuynh hướng duy quốc gia và duy bộ tộc bóp méo gương mặt của Giáo Hội. Nhưng giữa các khó khăn mà chúng ta cũng biết ngày nay, cha đã biết khám phá ra gương mặt của Giáo Hội nơi Mẹ Maria và hiểu là tín hữu công giáo, là Kitô hữu có nghĩa là gì: đó là sống vì Lời Chúa, bước vào vực sâu Lời Chúa và sống mầu nhiệm của Mẹ Thiên Chúa, tái trao ban sự sống cho Lời Chúa, dâng hiến thịt xác cho Lời Chúa trong hiện tại.

Đức Thánh Cha đã chào các tín hữu bằng các thứ tiếng Pháp, Anh, Đức, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ba Lan, Hungari, Tchèque, Slovac, Sloveni, Croat và Ý. Đức Thánh Cha đã chào nhiều đoàn hành hương Ý do các Tổng Giám Mục và Giám Mục hướng dẫn. Ngài đặc biệt chào các bạn trẻ của Trung Tâm Giới Trẻ Quốc tế Thánh Lorenzo trong dịp kỷ niệm 25 năm ngày Đức Gioan Phaolô II trao Thánh Giá Quốc Tế Giới Trẻ cho họ vào cuối năm Thánh Cứu Độ, ngày 22 tháng 4 năm 1984. Từ đó đến nay Thánh Giá này được giữ tại Trung Tâm và được rước đi hành hương khắp nơi trên thế giới trong các Ngày Quốc Tế Giới Trẻ. Đức Thánh Cha khuyến khích các bạn trẻ đem Thánh Giá Chúa đi khắp nơi trên trái đất này, để cho các thế hệ mới cũng khám phá ra lòng Thương Xót của Thiên Chúa và làm sống dậy trong con tim họ niềm hy vọng nơi Chúa Kitô chịu đóng đanh và phục sinh.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lậy Cha và phép lành Tòa Thánh Đức Thánh Cha ban cho mọi người.
 
Đa số tân chức sẽ thụ phong linh mục năm 2009 tại Mỹ là người gốc Á và Hispanic
Phụng Nghi
15:22 23/04/2009
Washington (CNS) -Trong số các tân chức linh mục năm nay, người gốc châu Á chiếm 11%, tuy số người Công giáo gốc Á châu ở Mỹ chỉ chiếm khoảng 3% tổng số giáo dân toàn quốc. Đó là kết quả cuộc thăm dò thường niên về các thụ chức của Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng về Tông đồ giáo dân (Center for Applied Research in the Apostolate) tại trường Đại học Georgetown, trong một cuộc nghiên cứu thực hiện cho Hội đồng Giám mục Hoa kỳ.

Đồng thời, người gốc Hispanic chiếm 12% tổng số các tân chức sẽ trở thành linh mục vào mùa xuân năm nay, tuy tỷ lệ người Công giáo gốc Hispanic tại Mỹ ước định khoảng 34%.

Có chừng 3% các tân linh mục là người châu Phi hoặc là người Mỹ gốc châu Phi, tương đương với tỷ lệ người Công giáo Mỹ gốc châu Phi thuộc Giáo hội Hoa kỳ. Người gốc Caucase (da trắng) vẫn còn chiếm ưu thế, tới 72% các tân linh mục, tuy người gốc Caucase chỉ chiếm tỷ lệ 58% trong tổng số dân Công giáo Mỹ.

Cuộc thăm dò cũng cho thấy năm nay có tới 465 tân chức đang chuẩn bị để được thụ phong, đó là một con số gia tăng đáng kể so với năm ngoái (2008) chỉ có 401 vị.

Gần 70% số người thụ chức trong toàn quốc đã trả lời cuộc thăm dò này. Số người trả lời gồm 239 vị tân chức triều và 71 vị thuộc các dòng tu. 15 vị khác không nói rõ họ thuộc hệ thống triều hay dòng.

Sau đây là một số chi tiết thấy được trong kết quả cuộc thăm dò:

Tuổi trung bình của các tân chức: 36

Tuổi từ 25 đến 29: 31%

Tuổi từ 30 đến 39: 44%

Tuổi từ 60: 4 vị

Tân chức trẻ nhất: 25 tuổi

Tân chức già nhất: 66 tuổi

Số tân chức sinh ngoài nước Mỹ: 24% (giảm so với tỷ lệ 2 năm trước đây là 31% đến 32%)

Số các chủng sinh sinh tại nước ngoài nhiều nhất đến từ: Việt nam, Mexico, Ba lan và Phi luật tân

Số tân chức không xuất thân từ gia đình Công giáo từ nhỏ: 10% (gia nhập đạo ở tuổi trung bình là 21)

Có sự gần như đồng đều trong số tân chức nhập đạo từ các tôn giáo Tin Lành dòng chính (như Episcopal, Lutheran, Anglican và United Church of Christ) và các truyền thống Tin Lành evangelical hoặc bảo thủ (như Church of Christ, Baptist hoặc Kitô giáo không hệ phái)

Số tân chức không theo đạo nào khi nhập Công giáo: 5

Số tân chức nhập chủng viện sau khi tốt nghiệp đại học: Cứ 10 người thì có 6 người

Số có bằng cấp đại học: Cứ 5 người thì có 1 người

Số tân chức đã theo học các trường tiểu học Công giáo: Hơn 50% (Số người Công giáo trưởng thành cho biết đã học trường tiểu học Công giáo là 42%)

Số tân chức đã học trường trung học Công giáo: 43%

Số tân chức đã học tại một trường đại học Công giáo: 42%

Đã làm việc toàn thời gian trước khi nhập chủng viện: khoảng 66%. Các nghề đã làm: giáo dục (16%), bán hàng hoặc tiếp thị (10%), kế toàn, tài chính hoặc bảo hiểm (10%) điện toán (8%), công nhân hoặc nông nghiệp lành nghề (7%) và quản lý (7%).

Trong các thụ chức năm 2009 có Justin Minh Nguyễn thuộc giáo phận Austin (Texas) là một người Việt tị nạn rành nghề thợ may. Một người tị nạn Phi luật tân, Quy Vo (không biết có phải là người gốc Việt hay không nhưng tên rất là Việt nam!) sẽ được thụ phong cho Giáo phận Albany (New York) cho biết đã quyết định làm linh mục từ năm lên 10.

Thuộc giáo phận Brooklyn (New York) có Robert Mucci đã làm chuyên viên tài chính tại Wall Street tới 25 năm. Còn Michael Quinn thuộc tổng giáo phận San Francisco đã hành nghề quản lý tài chánh 20 năm; James Boccabella thuộc tổng giáo phận Washington làm công chứng kế toán (certified public accountant) cũng một khoảng thời gian lâu như thế.

Andrew Smith đã là một sĩ quan cảnh sát tại Chicago suốt 10 năm, sẽ được thụ phong làm linh mục thuộc Tổng giáo phận Chicago.

Trong số các tân chức khác còn có một cựu sĩ quan ngành tạm tha (probation), một nhà thú y, một bác sĩ y khoa, một kỹ sư đầu máy, và một cựu giám đốc điều hành ngành tiêu khiển tại Khách sạn và Sòng bài MGM ở Las Vegas.

Đức hồng y Sean P. O’Malley, giáo phận Boston, là chủ tịch Ủy ban về Giáo phẩm, Đời Thánh hiến và Ơn gọi thuộc Hội đồng Giám mục Hoa kỳ trong bản tuyên bố hôm 20 tháng 4 đã nói: “Các tân linh mục này mang đến cho giáo hội một đời hiến dâng kỳ diệu và chứng tỏ một sự hứa hẹn lớn lao.”

“Những người đã huấn luyện họ về đức tin - cả nơi gia đình lẫn trường học – có thể hãnh diện vì các nỗ lực của mình. Thiên Chúa đã gieo hạt giống ơn gọi, còn cộng đồng chung quanh đã giúp cho những hạt đó lớn lên.”

Toàn bộ bản nghiên cứu có thể tìm đọc tại usccb.org/vocations/classof2009.
 
Thông Báo
Thông Báo về Đại Học Trinity nơi cư trú trong ba ngày Hành Hương Mẹ La Vang trong tháng 6 tại Hoa Thịnh Đốn
Bùi Hữu Thư
03:54 23/04/2009

Thông Báo về Đại Học Trinity nơi cư trú trong ba ngày Hành Hương Mẹ La Vang trong tháng 6 tại Hoa Thịnh Đốn



Trân trọng thông báo:

Việc book phòng tại Trinity University sẽ được khóa sổ vào trưa ngày 1/6/200. Xin liên lạc với bà Shelly Fisher, Conference Director: Tel: (202) 884-9136.

Giá biểu pỗi phòng đôi là $60.00/1 ngày, cộng thêm tiền drap và áo gối $7.00 cho cả ba ngày.

1. Xe Shuttles: Đại Học Trinity có xe Shuttles mổi 20 phút để đưa đón quý vị từ trạm Brookland Metro Station về Đại Học Xá và ngược lại. Quý vị nên đi máy bay về phi trường Reagan National, tức DCA, có thể lấy Metro (Xe điện ngầm) ngay từ phi trường và lấy Yellow Line đi về hướng MT VERNON SQUARE xuống trạm Gallery Place-Chinatown, đổi sang Red Line đi về hướng GLENMONT METRO để về ga Brookland/CUA. Giá vé Metro có thể mua ngay tại trạm ở phi trường, dùng cash hay credit card. Giá vé một chuyến đi là $ 2.75, người già $ 1.35.

Ở đây xin tìm xe van của trường Trinity (Xin đừng đi xe của Đại Học Công Giáo CUA). Khi rời Đại Học để ra phi trường, hay khi muốn lấy Metro đi chơi, quý vị có thể đón Shuttles phía sau nhà nguyện (Chapel) để ra ga xe điện ngầm. Do đó quý vị khỏi phải đi bộ mất 15 phút.

2. Lối vào dormitory: Hai Dormitory ở phía sau của Đại Học có tên là Cuvilly Hall và Kerby Hall. Đa số các phòng đều nằm tại Kerby. Có hai bãi đậu xe mang số 4 và 5 trên bản đồ đính kèm. Nếu lái xe, từ Đại Lộ Michigan, xin vào cổng nằm trên đường 4th Street, tại góc trái của Đại Học

3. Ẩm Thực: Cafeteria của Đại Học không hoạt động trong thời gian hành hương, nên các bữa ăn xin qua bên cafeteria của Vương Cung Thánh Đường hay các tiệm ăn bên kia đường Michigan. Tại các dormitory có vending machine, và tủ lạnh.

4. Phòng Tắm: Các phòng 60 MK có phòng tắm dành riêng cho phái nam và phái nữ bên ngoài hành lang.

5.Thể Thao: Ngay cạnh Cuvilly Hall có Trinity Center là một Vận Động Trường có mái, với một Gym và một hồ bơi Oplympic. Quý vị muốn sử dụng chỉ phải trả 5 MK cho 1 ngày.

6.Nhận phòng ngày Thứ Tư 17/6/2009: quý vị đến ngày Thứ Tư có thể check-in với Security Office ở tầng basement của Main Hall (Office này túc trực 24/24). Chìa khóa phòng của quý vị sẽ được gửi tại office này, họ sẽ đưa chìa khóa và hướng dẫn quý vị về phòng.

7. Quý vị đến nhày Thứ Năm 18/6/2009: sẽ check-in đúng lúc 3 giờ chiều tại Kerby Hall Lobby. Ban tổ chức và nhân viên Đại Học sẽ đưa chìa khóa phòng cho quý vị.

8. Trả phòng ngày Thứ Bẩy 20/6/2009: Quý vị phải check-out trước 9 giờ sáng với nhân viên nhà trường túc trực ngay tại mỗi dormitory. Qúy vị sẽ mang hành lý qua basement của Nhà Nguyện (Chapel). Lối vào nhà nguyện cùng chỗ với cửa vào Secutity Office. Sau Thánh Lễ Đại Trào ngày thứ bẩy quý vị có thể trở lại đây lấy hành lý và lên xe shutles ra Trạm Metro Brookland rồi lấy xe điện ngầm ra phi trường.

9. Trả phòng ngày Chúa Nhật 21/6/2009: quý vị phải check-out trước 9 giờ sáng vì toán nhân viên dọn phòng cần vào thay drap áo gối và dọn dẹp trước khi một nhòm khác sẽ check-in lúc 12 giờ trưa.

10. Bưu Điện: nhà trường có trạm bưu điện, Gift Shop, máy copier, computer ngay cạnh Security Office (Basement của main Hall) để quý vị sử dụng.

11. Du Ngoạn: Quý vị muốn đi du ngoạn thăm các bảo tàng viện, xin lấy Metro Red Line từ Brookland đi về hướng Shady Grove. Xuống Metro Center, đổi sang Orange Line, đi về hướng New Carolton, xuống trạm Smithsonian.

Quý vị muốn tới khu thương mại Việt Nam tại Eden Center: khi xuống Metro Center cũng lấy Organe line nhưng đi về hướng Vienna-Fairfax và xuống ở trạm East Falls Church.
Bản đồ bãi đậu xe tại Trinity University


Bản đồ trạm Metro Brookland (*) Trinity College phía bên trái


Bản đồ các tuyến đường Metro
 
Hành Hương Mẹ La Vang Hoa Thịnh Đốn: Chương Trình Thăm Viếng Quốc Hội và Ngũ Giác Đài ngày 17/6/2009
Bùi Hữu Thư
23:40 23/04/2009

Hành Hương Mẹ La Vang Hoa Thịnh Đốn: Chương Trình Thăm Viếng Quốc Hội và Ngũ Giác Đài ngày 17/6/2009



Hoa Thịnh Đốn: ngày 23, tháng 4, 2009
Trân trọng thông báo: Như đã được hoạch định trong chương trình Hành Hương Đức Mẹ La Vang tại Hoa Thịnh Đốn từ ngày 16-20/6/2009, sau đây là hai điạ điểm đã giữ chỗ trước và đã được chấp thuận. Xin ghi danh tham dự hai cuộc viếng thăm này trước ngày 1/6/2009, vì phải mướn xe buýt và nộp danh sách sớm cho Ngũ Giác Đài.

1. Ngũ Giác Đài: Ngày 17/6/2009 lúc 3 giờ chiều, đã được Pentagon Tour Program Staff xác nhận cho 90 người thăm viếng trong điện văn sau đây:

CONGRATULATIONS!!

You have been approved to have a tour of the Headquarters of the Department of Defense, the Pentagon. Please present this confirmation when your party has arrived at the Pentagon.

Please note that a separate email will be sent with a Security Roster.

Confirmation Number: 141109

Group Name: Vietnam

Date/Time: 06/17/2009 at 15:00:00 EDT

Size: 90

A complete security roster of your tour group is required for a tour of the Pentagon. Please use the attached security roster template to list your group member's full name, date of birth, and place of birth. Once complete, please save the roster as your group name. Then reply to this email and attach your security roster.

Your security roster is due to the Pentagon Tour Office no later than 5 days prior to the scheduled tour date. Failure to send this roster within the time frame will result in your tour being cancelled.

Also attached to this email is the security measures of the Pentagon. Please be sure to review the security requirements pass the information on to your group.

Đính kèm là hướng dẫn về vấn đề an ninh tại Ngũ Giác Đài:

Biện Pháp An Ninh tại Ngũ Giác Đài


2. Quốc Hội Hoa Kỳ: Ngày 17/6/2009 lúc 11 giờ sáng. Ban tổ chức cũng đã xin được phép cho 100 người viếng thăm Capitol. Xin xem chi tiết trong hình đính kèm về vấn đề an ninh kiểm xoát khi vào cửa.

Các Biện Pháp an ninh tại Quốc Hội


Bản Đồ Quốc Hội Hoa Kỳ