Ngày 23-04-2008
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Lời Dặn Dò Tâm Huyết, Chúa Nhật 6 Phục Sinh A
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
03:22 23/04/2008
LỜI DẶN DÒ TÂM HUYẾT

CN 6 PS A

Khi xa nhau, người ta thường quyến luyến, bịn rịn. Con cái phải xa nhà đi học đi làm, vợ chồng xa nhau vì công việc. Lời nhắn nhủ của cha mẹ thường là: con hãy ngoan ngoãn, giữ lời cha mẹ chỉ bảo, cố gắng học hành, nổ lực làm việc để có một tương lai tốt đẹp, đừng làm mất mặt, chớ phụ lòng hy vọng của cha mẹ. Vợ chồng sẽ có những lời dặn dò tâm huyết: hãy trung thành và nhớ tới nhau luôn…

Chúa Giêsu cũng vậy, trước khi đi thật xa, về cùng Chúa Cha,Ngài đã chuẩn bị tinh thần cho các môn đệ. Ngài đã dặn dò, khuyên nhủ các môn đệ nhiều lần, Ngài đã nói với các môn đệ với hết tâm tình, hết con tim của mình: "Anh em hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương anh em" ( Ga 15, 12 ); "Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy“ ( Ga 14, 15 ); "Ai có và giữ các điều răn của Thầy, người ấy mới là kẻ yêu mến Thầy. Mà ai yêu mến Thầy, thì sẽ được Cha của Thầy yêu mến. Thầy sẽ yêu mến người ấy, và sẽ tỏ mình ra cho người ấy" ( Ga 14, 21 ).

1. "Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy"

Người Kitô hữu là người có Đức Kitô nhờ theo Ngài và yêu mến Ngài. Ai không yêu mến Ngài, không theo Ngài, thì không có Ngài, nên không phải là Kitô hữu đích thực. Khi yêu mến Ngài, thì ta sống trong tình trạng: "Anh em ở trong Thầy, và Thầy ở trong anh em". Người ta chỉ sống trong nhau vì nhau cho nhau khi người ta yêu thương nhau thật sự. Vì thế, chúng ta chỉ sống trong Đức Kitô và được Đức Kitô sống trong ta khi ta yêu mến Ngài. Yêu mến là giữ lời Ngài " Nếu các con giữ lệnh truyền của Ta thì các con sẽ lưu lại trong lòng mến của Ta" (Ga 15,10).

Nhưng làm sao yêu mến Ngài được khi mà ta không hề thấy Ngài cách hữu hình, không nghe Ngài nói trực tiếp, không động chạm đến Ngài? Chúa cho chúng ta một tiêu chuẩn để dựa vào đó mà biết mình có yêu Ngài hay không: "Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy". Điều răn của Chúa là gì? Chúa xác định rõ ràng điều răn cốt yếu: "Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau" (Ga 12,34). Chúa cũng xác định luôn cả mức độ yêu: "Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em". Như vậy, câu nói "nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy" có nghĩa là "nếu anh em yêu mến Thầy, thì anh em phải yêu thương nhau". Ai yêu thương những người lân cận hay những người chung quanh mình mới là người thật sự yêu mến Thiên Chúa. Nói cách khác, ai không yêu những người gần gũi mình, những người mình gặp gỡ hằng ngày, người ấy không thật sự yêu mến Thiên Chúa. Thánh Gioan đã diễn giải điều này: "Nếu ai nói: "Tôi yêu mến Thiên Chúa" mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy" (Ga 4,20).

2. “Anh em có lòng yêu thương nhau”

Chúa Giêsu còn đưa ra một tiêu chuẩn để nhận ra ai là môn đệ đích thật của Ngài: "Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau" (Ga 12,35). Tiêu chuẩn này dựa trên tình yêu của người ấy đối với đồng loại, cụ thể là những người gần gũi sống chung quanh họ. Tình yêu cụ thể đối với đồng loại là tính chất đặc trưng nhất của những người theo Chúa Giêsu. Hễ thấy ai có đặc trưng ấy, ta biết người ấy là môn đệ Chúa Giêsu. Ai không có đặc trưng ấy, thì dù có mang danh là môn đệ Ngài, họ cũng chỉ là thứ môn đệ "hữu danh vô thực", giả hiệu mà thôi.

Thánh Gioan sau khi nghiền ngẫm tất cả cuộc đời và những lời giảng dạy của Thầy Chí Thánh đã nghiệm ra cái cốt lõi của cuộc sống người môn đệ là tình yêu Chúa Giêsu Kitô, là kết hiệp với Ngài, là sống sự sống của Ngài.Tình yêu đó là một tình yêu sáng suốt của lý trí. Tình yêu đó là một tình yêu với những việc làm cụ thể. Việc làm cụ thể đó là tuân giữ những điều Chúa Giêsu truyền dạy, là yêu thương nhau.

Từ nay để gặp gỡ Chúa, để yêu mến Chúa, để sống với Chúa, cần phải có đức tin và tình yêu. Tin và Yêu là hai cánh cửa mở vào sự sống thần linh. Tin và Yêu không chỉ cho ta nhìn thấy Chúa, gặp gỡ Chúa mà còn cho ta được tham dự vào sự sống của Chúa. Sự sống đó là hiệp thông, như Chúa Cha ở trong Chúa Con và như Chúa Con ở trong Chúa Cha, ta sẽ được ở trong sự sống mầu nhiệm của Thiên Chúa Ba Ngôi và thật kỳ diệu, Ba Ngôi đến ở trong ta như lời Chúa Giêsu nói: "Ngày đó, anh em sẽ biết Thầy ở trong Cha Thầy, Thầy ở trong anh em và anh em ở trong Thầy. Ai có và giữ các giới răn của Thầy, người ấy là kẻ yêu mến Thầy. Mà ai yêu mến Thầy, thì sẽ được Cha của Thầy yêu mến. Thầy sẽ yêu mến người ấy và sẽ tỏ cho người ấy biết Thầy".

Những người yêu mến Chúa là những người biết lắng nghe Lời Chúa và đem ra thực hành. Trong truyện thánh Tử đạo Martinô Thọ có chép:"Ông Thọ là người rất đạo đức. Vì được tín nhiệm, ông làm việc thu thuế trong một thời gian rồi xin nghỉ vì thấy có nhiều cheo leo khó công minh luôn mãi được. Ông khuyên các con cứ đúng luật Chúa mà làm chứ đừng phạm tội vì muốn đẹp lòng người khác.... Ông làm việc rất siêng năng và cũng rất rộng rãi với người nghèo khó: không bao giờ ông để họ ra về mà không cho của gì ăn. Nếu con cái đi vắng, ông mời người ăn xin cùng ngồi ăn cơm chung, nếu con cái ở nhà, ông bắt chúng xẻ cơm cho họ". Thánh Martinô Thọ đã tuân giữ giới răn Chúa dạy là mến Chúa yêu người, sống công bằng bác ái. Ngài quả là người yêu mến Chúa thật và đã đáng Chúa trọng thưởng hạnh phúc đời đời.

Lạy Chúa, con nhận ra một cách rất hữu hiệu để được Chúa yêu mến là con tuân giữ giới răn yêu thương của Chúa. Xin cho con xác tín rằng tình yêu của con đối với Chúa phải được thể hiện ra bằng việc yêu thương tha nhân, cụ thể là yêu những người trong gia đình con, những người cùng làm việc với con trong xí nghiệp công ty, những người hàng xóm, những bạn bè con gặp gỡ hằng ngày. Xin giúp con yêu họ cụ thể bằng sự quan tâm đến những niềm vui hay nỗi đau khổ của họ, đồng thời sẵn sàng hy sinh để giúp họ hạnh phúc hơn. Amen.
 
Yêu Thầy Thì Giữ Lời Thầy
Tuyết Mai
03:26 23/04/2008
Yêu Thầy Thì Giữ Lời Thầy

Chúa phán: "Nếu ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy, và Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy, và Chúng Ta sẽ đến và ở trong người ấy".

Ngày xưa khi tôi còn trẻ vẫn thường được nghe câu: "Có con mới hiểu được tình yêu của Cha Mẹ". Bây giờ tôi được diễm phúc được làm thiên chức của một người Mẹ có ba đứa con hai gái và một trai, nên hiểu thế nào là tình yêu của Mẫu tử hay Phụ tử. Tình yêu đó được thể hiện như thế nào? Có phải là người Mẹ người Cha đã chuẩn bị cho đứa con sắp chào đời của mình từ khi biết đứa con được hình thành trong bụng của người Mẹ? Nào là sửa soạn chuẩn bị tinh thần, sửa soạn sắm quần sắm áo sắm nôi, và sắm đủ mọi thứ để đón đợi đứa con chào đời? Ôi! yêu quá đứa con của cha mẹ trông đợi suốt 9 tháng 10 ngày dù chưa được thấy mặt nhưng đã tưởng tượng nào là con mình sẽ giống ai, cha hay mẹ?

Rồi khi đứa con chào đời thì cả cha lẫn mẹ đều phải thay phiên nhau người thì lo ban ngày người thì lo ban đêm. Vất vả lo cho con bú, thay tã, ru ngủ, suốt cả ngày lẫn đêm hầu mong cho con luôn được êm ấm trong vòng tay của cha mẹ chuyền nhau. Không gì hạnh phúc cho bằng là hằng ngày cha mẹ nhìn thấy con mỗi ngày mỗi lớn, bụ bẫm sổ sữa, và khôn ra. Niềm vui nhìn con mỗi ngày mỗi lớn khôn không hạnh phúc nào có thể tả xiết, không kể những khi trái nắng trở trời con bị ốm đau khóc lóc cả ngày thì ruột gan của cha mẹ cũng quặn thắt theo và lo âu biết chừng nào!

Rồi khi con khôn lớn hơn thì bổn phận của cha mẹ là phải xem xét tánh nết của từng đứa con một để dậy dỗ mỗi đứa một phương cách riêng biệt vì cha sanh con nhưng Trời sanh tánh mà lị! Đứa con nào ngoan ngoãn vâng lời cha mẹ thì thường được cha mẹ thương và tin tưởng hơn để giao trách nhiệm. Còn đứa con nào ngỗ nghịch, lì lợm, và ngang tàng thì cha mẹ phải uốn nắn cứng rắn nhiều hơn và đôi khi phải bó tay vì nó không thích và muốn được ở gần cha mẹ.

Đứa con nào giữ lời của cha mẹ dậy thì thường là đứa con ngoan ngoãn và có hiếu, không vấp ngã nhiều trên đường đời. Còn đứa con nào không biết nghe lời cha mẹ dậy dỗ thường gặp những khốn đốn và nhiều đau khổ như câu: "Cá không ăn muối cá ươn, con cãi cha mẹ trăm đường con hư". Tình yêu của cha mẹ đối với con cái thì luôn luôn bao la như biển thái bình. Trong suốt cuộc đời làm cha làm mẹ, lo cho từng đứa con của mình từ lúc sinh ra cho đến lúc chúng lập gia đình. Tưởng đã xong và hết trách nhiệm rồi sao!? Thưa rằng chưa. ... Xong và hết trách nhiệm thật sự là khi cha mẹ xuống sâu hẳn dưới huyệt mộ thì mới gọi là hết lo lắng cho các con của mình.

Tình yêu của cha mẹ dành cho con cái thật vô biên và hải hà độ lượng. Luôn luôn tìm cách để tha thứ cho con cái của mình dù biết chúng hư hỏng và ngoan cố. Vẫn hy vọng rằng ngày nào đó con sẽ hiểu được lòng của cha mẹ. Không có cha mẹ nào mà ghét được con cái của mình cả!? Bởi đó là mối quan hệ thật thiêng liêng mà Chúa ban cho. Bởi con cái là món quà thật quý giá mà được Chúa trao ban. Chúng sẽ ở với cha mẹ một thời gian ngắn rồi thì chúng cũng sẽ ra đi để xây tổ ấm riêng của chúng. Con cái khi chúng còn nhỏ còn trong vòng tay của cha mẹ thì cha mẹ còn lo lắng, chăm sóc, dậy dỗ, nửa đêm dậy đắp mền cho chúng ấm, và lo toan trăm bề mong cho các con luôn được no ấm và tràn đầy tình yêu thương của cha mẹ, nhưng khi các con lớn khôn và ở ngoài vòng kiểm soát của cha mẹ thì cha mẹ chỉ biết chắp đôi bàn tay mà cầu nguyện cùng Thiên Chúa cho chúng được an toàn và ấm thân. Cha mẹ trần thế cũng có trách nhiệm dậy dỗ các con để bảo toàn thân xác và linh hồn đời đời của chúng. Đó là trọng trách mà Chúa trao ban cho những bậc làm cha làm mẹ.

Còn tình yêu Thiên Chúa đối với con cái nhân loại thì sao!? Có phải là tuyệt đối không? Thưa rằng tuyệt đối! Nếu chúng ta đã một thời làm con và một thời làm cha hay làm mẹ thì tất nhiên chúng ta đã hiểu hay sẽ hiểu thế nào là tình yêu của Cha Mẹ dành cho con cái của mình. Chúng ta mặc nhiên cũng hiểu thật rõ tình yêu thiêng liêng của Thiên Chúa dành cho các con cái nhân loại của Ngài như thế nào! Như thế nào ư!? Chúa yêu con người đến đỗi phải chọn cái chết trên Thập Giá vì tội lỗi của nhân loại. Trước là để làm gương sau là để các con Ngài được sống. Sống dồi dào và được sống với Ngài muôn đời. Chúa thương con người đến độ khi Ngài về Trời đã xin với Chúa Cha ban cho nhân loại Đấng Phù Trợ để ở cùng với chúng ta luôn mãi. Thật giản dị và thật dễ hiểu nếu chúng ta là những người con ngoan muốn được ở cùng Thầy của mình mãi mãi khi chúng ta nghe những Lời Khuôn vàng thước ngọc của Thầy dậy dỗ.

Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Nếu các con yêu mến Thầy, thì hãy giữ giới răn Thầy. Và Thầy sẽ xin Cha, và Người sẽ ban cho các con một Đấng Phù Trợ khác, để Ngài ở với các con luôn mãi. Ngài là Thần Chân Lý mà thế gian không thể đón nhận, vì thế gian không thấy và cũng chẳng biết được Ngài; còn các con, các con biết Ngài, vì Ngài sẽ ở nơi các con và ở trong các con. Thầy sẽ không bỏ các con mồ côi: Thầy sẽ đến với các con. Một ít nữa, thế gian sẽ không còn thấy Thầy. Phần các con, các con thấy Thầy vì Thầy sống và các con cũng sẽ sống. Trong ngày đó, các con sẽ hiểu biết rằng Thầy ở trong Cha Thầy, và các con ở trong Thầy, và Thầy ở trong các con. Ai nhận các luật Thầy truyền và giữ các luật đó, thì người ấy là kẻ mến Thầy. Và ai mến Thầy sẽ được Cha Thầy yêu mến, và Thầy sẽ yêu nó, và sẽ tỏ mình ra cho nó".

Lậy Thầy! Tình yêu thiêng liêng giữa cha mẹ và con cái có sự ràng buộc liên hệ mật thiết với nhau mà chỉ có cha mẹ là hiểu thấu suốt tấm lòng và mối bận tâm của con mình. Ngược lại phận làm con đối với cha mẹ cũng thế. Tin tưởng nơi cha mẹ là điều tuyệt đối. Dẫu chúng con bây giờ có làm bậc cha mẹ nhưng nếu gặp chuyện khó khăn chúng con cũng vẫn chạy đến cha mẹ để hỏi ý kiến.

Lậy Thầy! Đấy là tình yêu giữa cha mẹ và con cái trần thế mà còn tha thiết đến làm vậy thì so sánh sao cho vừa với tình yêu của Thiên Chúa dành cho nhân loại chúng con hơn cả vạn triệu lần cá dưới lòng biển và sao chi chít trên tít trời cao, phải không Chúa? Tình yêu của Chúa nhân loại chúng con không tài nào và không bút mực nào có thể tả xiết.

Vâng thưa lậy Thầy! chúng con là phận con hư cũng như con thảo xin luôn được Tin Tưởng Tuyệt Đối vào Tình Yêu của Thầy là luôn cố gắng giữ giới răn của Thầy vì chúng con Yêu Mến Thầy. Bởi chúng con giữ giới răn của Thầy nên chúng con mới xứng đáng mà được rước và nhận lãnh Mình và Máu Thánh Thầy vào lòng và tâm hồn của chúng con để được Thầy sống trong chúng con và ngược lại chúng con cũng được sống trong Thầy nhờ vào Đấng Phù Trợ mà Thầy ban cho chúng con.

Lậy Thầy ban cho chúng con Đấng Phù Trợ để luôn nhắc nhở và dậy chúng con là cuộc đời dẫu có cay nghiệt và đắng đót thế nào Thầy cũng luôn luôn hiện diện bên chúng con, đồng hành, và ở với chúng con. Chỉ vì chúng con quá mất mát, khổ sở, và tuyệt vọng nên cảm thấy tâm hồn trống vắng đơn côi không một ai an ủi vỗ về. Chúng con mất đi niềm tin nơi Thầy vì quên rằng Thầy luôn là Tình Yêu. Xin Thầy luôn là Ánh Sáng là Hải Đăng để chiếu rọi Con Đường cho chúng con tìm về Nhà Cha của chúng con ở Trên Trời Nơi mà Hạnh Phúc sẽ Miên Viễn Trường Tồn Thiên Thu Vạn Đại cho tất cả chúng con không trừ một ai. Amen.

Y Tá Của Chúa,
 
Yêu mến và giữ Lời Chúa
Lm Giuse Đinh lập Liễm
07:46 23/04/2008
CHÚA NHẬT 6 PHỤC SINH A

YÊU MẾN VÀ GIỮ LỜI CHÚA

TÌM HIỂU LỜI CHÚA.

+ Bài đọc 1: Cv 8,5-8.14-17: Các tín hữu của cộng đoàn Giêrusalem bị các người Do thái bách hại đã lánh sang vùng Samaria của dân ngoại. Thầy phó tế Philipphê được sai đến rao giảng Tin Mừng. Dân chúng hoan hỉ đón nhận Tin Mừng này, và tiếng tăm đã đồn đến tai các tông đồ. Các ngài liền cử ông Phêrô và Gioan đến đặt tay ban Thánh Thần cho họ vì họ mới chỉ được chịu phép rửa nhân danh Chúa Giêsu.

+ Bài đọc 2: 1Pr 3,15-18: Thánh Phêrô gửi thư cho các tín hữu đang bị bách hại vì đạo Chúa để chỉ dạy cho họ cách thức thể hiện niềm tin và hy vọng của mình trước mặt lương dân. Người ta sẽ chất vấn về niềm tin của họ, thì phải trả lời cho họ bằng hai cách sau đây:
a) Hãy trả lời cho họ bằng những lời lẽ ôn hòa và trong sự kính trọng.
b) Hãy ăn ở công minh chính trực khiến cho những kẻ bách hại phải xấu hổ vì đã bách hại.

+ Bài Tin Mừng: Ga 14,15-21: Đức Giêsu biết trước việc Ngài ra đi sẽ làm cho các môn đệ xao xuyến nên trước khi đi vào cuộc tử nạn, đã yên ủi các ông một cách chân tình. Ngài khuyên các ông hãy yên tâm vì Ngài không để các ông sống chơ vơ như những đứa con mồ côi đâu, Ngài sẽ sai Đấng Phù trợ khác đến ở với họ luôn mãi. Đấng Phù trợ khác mà Chúa Cha sẽ ban cho đây, chính là Chúa Thánh Thần mà các ông sẽ được lãnh nhận vào dịp lễ Ngũ tuần. Chúa Thánh Thần sẽ làm cho các tông đồ yêu mến Chúa và thi hành lời Ngài dạy.

THỰC HÀNH LỜI CHÚA.

Yêu nhau trăm sự chẳng nề

I NHỮNG LỜI NHẮN NHỦ THÂN TÌNH.

Trong bữa Tiệc ly, sau khi truyền cho các môn đệ phải yêu mến nhau và đặt việc yêu mến nhau như là dấu chỉ để mọi người nhận ra họ là môn đệ đối với Ngài. Mở đầu đọan trích Tin mừng hôm nay theo thánh Gioan, Đức Giêsu nói: ”Nếu các con yêu mến Thầy thì các con sẽ tuân giữ mệnh lệnh Thầy”(Ga 14,15).

Việc yêu mến đó được Đức Giêsu liên kết với việc tuân giữ và thực hành Lời Chúa. Những ai yêu mến Đức Giêsu và giữ Lời Ngài sẽ được ở trong cộng đồng tình yêu của Thiên Chúa: ”Ai có và giữ các điều răn của Thầy, người ấy mới là kẻ yêu mến Thầy. Mà ai yêu mến Thầy, thì sẽ được Cha của Thầy yêu mến. Thầy sẽ yêu mến người ấy và sẽ tỏ ra cho người ấy biết Thầy”(Ga 14,21).

Ở đây cho thấy Đức Giêsu không chấp nhận một thứ tình yêu trừu tượng, chỉ bằng tình cảm mông lung, Ngài chủ trương một thứ tình yêu sống động và được biểu lộ trong sự tuân phục theo đường lối của Chúa, tức là tuân giữ các giới răn Ngài truyền. Chính Đức Giêsu cũng đã yêu mến Chúa Cha bằng cách giữ các lệnh truyền của Chúa Cha (Ga 15,10).

Lúc này, chắc các môn đệ đã cảm nhận được những việc sắp xẩy ra. Họ hẳn đã cảm nhận được chuyện bi thảm đang tới gần. Nhưng Đức Giêsu đã yên ủi họ: ”Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho các con một Đấng bầu chữa khác đến với các con luôn mãi… Thầy không để cho các con mồ côi đâu”(Ga 14, 16.18). Từ ngữ “Mồ côi” dùng ở đây có nghĩa là không có cha, từ ngữ này cũng được dùng để chỉ đám môn sinh, đám học trò mất thầy, mất đi những lời dạy bảo của thầy thân yêu. Lúc Socrate chết, Platon nói về các môn sinh của Socrate rằng: ” Họ nghĩ họ sẽ phải sống mồ côi suốt quãng đời còn lại như những đứa con mất cha, và họ sẽ chẳng biết phải làm gì”.

Nhưng Đức Giêsu bảo các môn đệ rằng, trường hợp của họ thì không như thế. Ngài phán: Thầy sẽ trở lại”. Ngài có ý nói về sự phục sinh và việc Ngài luôn có mặt bên họ sau khi phục sinh. Nhưng sự hiện diện của Ngài không thể dùng giác quan mà thấy nhưng phải dùng con maắt đức tin bởi vì Ngài hiện diện một cách vô hình.
Sau cùng, Đức Giêsu kết luận: ”Ai có và giữ các điều răn của Thầy, người ấy mới lả kẻ yêu mên thầy… và sẽ được Cha Thầy yêu mến”(Ga 1421). Đây là một mạc khải của Đức Kitô về tình yêu của Chúa Cha. Mạc khải này cũng hé mở cho ta hiểu thêm về tình yêu Ba Ngôi Thiên Chúa thật thâm sâu, mật thiết trên mọi bình diện (Ga 4,34; 6,38).

II. YÊU NHAU SINH TỬ CŨNG LIỀU.

1. Yêu mến và hành động.

Đức Giêsu luôn yêu thương các môn đệ của Ngài cả khi Ngài vắng mặt. Ngài hứa không để cho các ông sống vất vưởng như những đứa con mồ côi, nhưng sẽ sai Đấng Phù trợ đến ở với các ông để yên ủi, soi sáng, khích lệ và nâng đỡ các ông. Đáp lại, Đức Giêsu cũng đòi buộc các ông phải yêu Ngài. Tình yêu đối với Ngài không phải chỉ là những tình cảm hay một cảm xúc bồng bột nhất thời, nhưng tình yêu này phải được xây dựng trên ý chí, nghĩa là phải vâng theo lời Ngài, phải thực hiện lời Ngài trong cuộc sống vì ngài đã nói rõ: ”Nếu ai yêu mến Thầy thì sẽ vâng giữ lời Thầy” (Ga 14,23).

Chữ “nếu” đây không phải là một việc làm tùy nghi nhưng là một điều kiện thiết yếu, một điều kiện mà tiếng La tinh gọi là “conditio sine qua non”, không có không được. Từ ngữ “nếu” đây liên kết hai vế của “yêu Chúa” và “giữ lời Ngài”, hễ không có vế này thì không có vế kia. Giữ lời hay giữ giới răn không phải là một loạt những điều tùy nghi trong nhiệt tình tình yêu của chúng ta hướng về Chúa Kitô. Đây thậm chí không phải là một điều logic: nếu tôi yêu mến Chúa Kitô, tôi phải giữ các giới răn của Ngài. Tiếng “nếu” liên kết chặt chẽ hơn lòng chúng ta yêu mến Chúa Giêsu với cách ăn ở của chúng ta trong cuộc sống: tôi chỉ yêu thương khi tôi vâng lời Ngài bởi vì tình yêu thực sự, cụ thể của tôi chính là đều mà tôi làm. Nhưng thất bại của chúng ta có nguồn gốc tại đây: từ chối hiểu rằng tình yêu không phải là một từ, một giấc mơ, cũng như một nhịp đập của tim, mà là một cách cư xử (André Sève, Tin Mừng Chúa nhật, năm A, tr 164).

Tình yêu phải thể hiện ra bằng việc làm cụ thể, chính việc làm ấy mới bảo đảm cho tình yêu thật. Nếu yêu mà không thể hiện bằng hành động thì tình yêu chỉ ở trên đầu môi chóp lưỡi, hay chỉ là một cảm xúc nhất thời. Hành động đó phải được thể hiện ra trước mặt người yêu để người ấy vui lòng, và hành động theo ý người mình yêu ngay cả khi người ấy không có mặt. Nếu không người ta sẽ nói:
Thương thương nhớ nhớ thương thương,
Nước kia muốn chảy mà mương chẳng đào
.(Ca dao)

Trong cuốn sách The Living Stone có một câu truyện như sau: Jonathan làm được những việc phi thường, phần lớn vì hấp thụ được từ vị thầy khả kính. Ngày vị thầy này sắp lìa trần, ông cho gọi Jonathan trở về để gặp thầy lần cuối. Jonathan hy vọng thầy sẽ truyền cho bí quyết đặc biệt mà suốt đời thầy còn cất giữ. Nhưng lời trăn trối cuối cùng của ông chỉ vỏn vẹn mấy chữ: ”Hãy hành động vì lòng mến”.

Trong Tin Mừng mà Giáo hội cho chúng ta lắng nghe hôm nay, Đức Giêsu trước khi giã biệt các môn đệ, Ngài cũng nhắn nhủ các ông về điều căn bản của lòng mến: ”Ai nghe và vâng giữ giới răn của Thầy, người ấy là kẻ yêu mến Thầy”. Đức Giêsu không đòi những kẻ yêu mến Ngài phải có những rung động thuộc cảm tính, dù rằng đó cũng là điều qúi gía cho phép chúng ta tin tưởng rằng chúng ta đang yêu mến Chúa. Tuy nhiên một tình yêu đúng nghĩa là luôn tìm cách làm đẹp lòng người yêu, sẵn sàng cho đi tất cả, chứ không dừng lại ở những rung cảm của thân xác phần nào nói lên tính vị kỷ của mình (Mỗi ngày một tin vui, Phục sinh, tr 253).

Với thánh Gioan, chỉ có một cách để trắc nghiệm tình yêu thương là sự vâng lời. Đức Giêsu đã chứng minh Ngài yêu Chúa Cha bằng sự vâng lời. Ông Barett nói: ”Thánh Gioan chẳng bao giờ cho phép biến tình yêu thành một thứ cảm xúc. Tình yêu được bộc lộ dưới tính cách đạo đức, bầy tỏ ra bằng sự vâng lời”.

Chúng ta biết nhiều người chỉ yêu thương qua đầu môi chót lưỡi, đồng thời lại làm cho những người họ yêu phải đau đớn, khổ tâm. Có những thanh thiếu niên bảo chúng yêu thương cha mẹ, nhưng lại gây buồn khổ, lo âu cho cha mẹ. Có những ông chồng bảo yêu vợ, có những bà vợ bảo yêu chồng, nhưng lại hay cộc cằn, gắt gỏng, thô lỗ, nhỏ nhen, vô tâm vô tính, làm cho chồng hay vợ mình phải đau khổ. Với Đức Giêsu, tình yêu thương chân thật không phải là điều dễ dàng, tình yêu chân thật chỉ có thể chứng minh bằng “sự vâng lời chân thật”.

2. Hành động như thế nào.

Một người nọ đã từng trông thấy một thiên thần đi bộ xuống phố, tay cầm bó đuốc, tay kia cầm xô nước. Người ấy liền hỏi: ”Ngài làm gì với bó đuốc và xô nước vậy” ? Vị thiên thần đột ngột đứng lại nhìn vào người ấy nói: ”Ta sẽ thiêu rụi các tòa nhà trên trời bằng bó đuốc và sẽ dập tắt lửa hoả ngục bằng xô nước. Lúc đó chúng ta sẽ thấy được ai là kẻ thực sự yêu mến Thiên Chúa”. Chủ ý của vị thiên thần muốn nói là nhiều người vâng theo lệnh Chúa là vì sợ hỏa ngục hoặc vì hy vọng phần thưởng Nước Trời. Họ không giữ huấn lệnh ấy vì yêu thương như Đức Giêsu đã nêu ra trong Tin Nừng hôm nay: ”Nếu các con yêu mến Thầy, các con sẽ vâng giữ lời Thầy”.

Có hai loại tình yêu: tình yêu vô vị lợi hay vị tha và tình yêu vị lợi hay vị kỷ.

a) Tình yêu vô vị lợi.

Đây là thứ tình yêu vị tha, một thứ tình yêu chỉ biết cho đi, chỉ lo tìm hạnh phúc cho người yêu, tình yêu không so đo tính toán, tình yêu quảng đại; và tình yêu vị tha lên đến chóp đỉnh là sẵn sàng chết cho người mình yêu như Chúa Giêsu đã nói: ”Không có tình yêu nào lớn bằng tình yêu của người chết cho người yêu” (Ga 15,13). Tình yêu này là tình yêu của Thiên Chúa dành cho loài người và đã được thực hiện nơi đức Giêsu chịu treo trên thập giá.

Người đời cũng nói lên được một phần nào thứ tình yêu vô vị lợi ấy:

Yêu anh cốt rũ xương tàn,
Yêu anh đến thác vẫn còn yêu anh.

hoặc:
Yêu nhau mỗi thứ mỗi cho,
Ghét nhau thì mảnh quạt mo cũng đòi.


Truyện: cha Maximilien Kolbe
Cha Maximilien Kolbe làm gương cho chúng ta về cung cách sống của người môn đệ Chúa: Một buổi sáng cuối tháng 7 năm 1941 tại trại tập trung Oswiccim của Đức quốc xã, có một người vượt ngục, 10 người khác bị xử thay vào. Các nạn nhân run rẩy bước ra, đứng không vững, khiếp đảm, không dám kêu la, trừ một người kêu ré lên “Ôi vợ và các con tôi”.
Hàng trăm dẫy tù nhân xếp hàng dài im thin thít, hú hồn vì chưa phải tên mình, không một ai dám cựa quậy. Bỗng từ dãy tù nhân bên trái, một người gầy guộc rời hàng bước về phía viên trưởng trại. Mọi người nín thở: chuyện chưa từng có ! Viên trưởng trại đặt tay lên súng:
- Anh muốn gì ?
- Tôi muốn chết thay một người trong bọn họ.
Viên trưởng trại sửng sốt. Y tưởng mình nghe lầm. Nhưng không, người kia thực sự xin được chết thay cho người có vợ và các con đang đợi ở nhà. Sau mấy câu gượng gạo, viên trưởng trại nhượng bộ, chấp nhận lời yêu cầu. Kẻ tình nguyện đó chính là Maximilien Kolbe, một Linh mục công giáo. Cha đã được Đức thánh Cha Gioan-Phaolô II phong thánh ngày 10.10.1982 tại Roma.

b) Tình yêu vị lợi (vị kỷ).

Đây là thứ tình yêu trá hình, Đối tượng của tình yêu không phải là người được yêu mà là chính mình. Người yêu chỉ lợi dụng người được yêu để tìm lợi ích cho mình, cho hạnh phúc của riêng mình; còn người được yêu chỉ là phương tiện được dùng để người yêu khai thác. Tình yêu trá hình này đã được nhà thơ ngụ ngôn La Fontaine diễn tả trong câu truyện con thỏ và con cọp.

Câu truyện đó là con cáo không may bị rơi xuống hố sâu, không cách nào lên được. May thay, một con cọp đi qua, con cáo xin cứu đưa lên. Con cọp tỏ ra thương hại muốn cứu vớt nhưng với điều kiện: khi lên bờ cáo phải chịu cho cọp ăn thịt. Cáo đồng ý. Cọp nhảy xuống hố. Cáo nhảy lên lưng cọp và nhảy ngay lên bờ, biến mất. Cọp lên bờ buồn rầu than: ”Chị đã thương em đến thế mà em không biết ơn”.

Như vậy, cọp đâu có thương con cáo, chỉ biết thương mình thôi, đã thương sao lại còn đòi ăn thịt cáo ? Con người chúng ta đôi lúc cũng vậy. Nhiều khi việc làm của chúng ta có vẻ lo cho người khác, nhằm ích lợi cho người khác, tạo hạnh phúc cho họ, nhưng trong thực tế, họ chỉ có một tình yêu giả tạo. Tình yêu đó được người ta gói ghém trong câu ca dao:

Thương thay những kẻ quạt mồ,
Hại thay những kẻ lấy vồ đập săng.


3. Thái độ của ta đối với Chúa.

Nếu thánh Giacobê nói: ”Đức tin không có việc làm là đức tin chết” thì chúng ta cũng có thể nói được: tình yêu mà không được thể hiện ra bằng hành động cụ thể thì chỉ là thứ tình yêu trên mây gió, một tình yêu èo uột, một tình cảm phớt qua, có khi là một tình yêu trá hình, giả tạo. Tình yêu chân thật đòi hỏi hy sinh như Pierre l’Ermite nói: ”nếu biết tình yêu có chân thật hay không, hãy bỏ tình yêu vào máy ép, nếu nó tiết ra chất hy sinh vô vị lợi, đó là tình yêu thật”.

Thánh Gioan tông đồ nói: ”Căn cứ vào điều này, chúng ta biết tình yêu là gì: đó là Đức Kitô đã phó mạng vì chúng ta”(1Ga 3,16). Nếu yêu là hy sinh, mà giữ luật Chúa là hy sinh, thì yêu là giữ luật Chúa. Tam đoạn luận này rất chặt chẽ, nó nối kết giữa việc yêu Chúa và giữ luật Chúa lại với nhau.

Vậy giữ giới răn Chúa là gì ? Giữ giới răn Chúa, nói nôm na ra là giữ đạo, là sống đạo, sống nhân đức tin mà Chúa ban cho chúng ta ngày chịu phép Rửa tội. Chúa nhắc lại đến hai lần: ”Nếu các con yêu mến Thầy, các con hãy giữ giới răn của Thầy”, và sau đó Ngài thêm: ”Các con là bạn hữu của Thầy nếu các con thực hành điều Thầy truyền dạy”.

Qua lời mời của Chúa, chúng ta thấy rằng giữ giới răn, sống đạo, có thể có hai tâm trạng và hai thái độ: một là giữ đạo vì vụ lợi, giữ đạo cho có lệ gọi là có; hai là giữ đạo vì yêu mến Chúa... Chắc chắn ai cũng giữ đạo vì yêu Chúa, yêu Chúa là chính, còn các mục tiêu khác chỉ là phụ tùy. Đối với từng người, tình yêu đối với Chúa cũng có cấp độ nên việc giữ giới răn cũng có cấp độ. Ta tạm chia thành ba cấp:

* Một là có đạo: Những người đã được chịu phép rửa tội đều được gọi là có đạo vì họ đã được thanh tẩy, đã được gia nhập Hội thánh Chúa. Nhưng họ sống hời hợt, chỉ có danh nghĩa là Kitô hữu, còn cuộc sống của họ nhiều khi như người ngoại đạo, thậm chí tệ hơn nữa, họ sống như người vô thần. Có những người chỉ đến nhà thờ 3 lần trong đời họ: ngày chịu phép rửa tội, ngày lễ hôn phối và ngày lễ an táng.

* Hai là giữ đạo: Những người này là những Kitô hữu bình thường, giữ luật Chúa, thi hành các bổn phận của một người Kitô hữu như đọc kinh, xem lề, xưng tội rước lễ, ăn chay kiêng thịt. ..không có gì đáng trách trong việc giữ đạo... Nhưng họ chỉ sống theo mức bình thường, mức tối thiểu, chưa vươn lên cao hơn.

* Ba là sống đạo: Những người này là những người sống trọn nhiệm vụ của những người Kitô hữu bình thường, nhưng họ còn vươn lên cao hơn, cuộc sống của họ là chứng nhân, những hiện thân của Chúa Kitô. Họ xứng đáng được gọi là Alter Christus. Cuộc sống của họ đã trở nên muối và ánh sáng cho đời. Họ thực hiện lời Chúa Giêsu đã phán: ”Sự sáng của các con phải chiếu tỏa ra chung quanh để người ta trong việc lành các con làm mà phải ngượi khen Cha các con ở trên trời”.
 
Mỗi ngày một câu chuyện (dành cho trẻ em)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:03 23/04/2008
ĐÓA HOA THỨ NHẤT CỦA MÙA XUÂN

N2T


Khí hậu từ từ mát rượi, con bướm nghĩ rằng: mình nên tìm kiếm một nơi yên tĩnh ấm áp để ngủ. Nó bay hoài không ngừng, cuối cùng cũng tìm được một hốc cây, khi chuẩn bị chui vào thì bị con sóc nhỏ Điền Điền nhìn thấy.

Điền Điền nhìn thấy con bướm rất đẹp, bèn phấn khởi kêu réo lên: “Wow, con bướm đẹp thật, có thể cho tớ coi bạn khiêu vũ như thế nào được chứ ?”

Con bướm trong bụng nghĩ: “Nếu mình không nhảy thì con sóc nhứt định sẽ thất vọng”, thế là nó khiêu vũ, kiểu dáng nhảy rất đẹp, hai cánh sặc sỡ như tơ lụa lưu động trên không trung, động tác khiêu vũ không ngừng nghỉ khiến cho Điền Điền nhìn như xuất thần, không kềm được nên la lớn: “Quá đẹp, quá đẹp”.

Tiếng kêu của nó khiến cho nhiều chú sóc nhảy đến, chúng nó vây quanh con bướm và chú tâm thưởng thức điệu nhảy của nó mà tán thưởng mãi. Nhưng, con bướm vẫn cứ nhảy cứ nhảy và cuối cùng té nhào và hôn mê.

- “Í, nó sao vậy ?” mấy chú sóc con vội vàng đưa con bướm vào bệnh viện.

Bác sĩ Khổng Tước chẩn đoán bệnh, cười nói: “Bươm bướm chỉ mệt thôi, cho nên ngủ rồi.”

- “Nó ngủ đến bao lâu thì tỉnh lại ?”

Bác sĩ Khổng Tước nói: “Phải một mùa đông đó.”

Điền Điền hổ thẹn nói: “Nhất định là vì tôi mời nó khiêu vũ, nó mới mệt đến hôn mê.”

Điền Điền đem con bướm vào trong nhà, mấy chú sóc nhỏ luân lưu ở bên chăm sóc nó, và vì nó mà xướng ca.

Từng ngày từng ngày qua mau, khi gió xuân thổi đến địa cầu, bươm bướm tỉnh lại trong tiếng hát ca của bầy sóc con, khi nó biết bầy sóc con chăm sóc nó trong suốt mùa đông thì cảm động chảy nước mắt. Thế là, nó đứng lên dang đôi cánh đẹp sặc sỡ và khiêu vũ, trong miệng còn hát: “Mùa xuân đến rồi, mùa xuân đến rồi, tình hữu nghị của chúng ta giống như một đóa hoa. Trông kìa, đóa hoa thứ nhất nở trong mùa xuân, đẹp quá đi thôi.”

(Trích: Câu chuyện nhỏ, đạo lý lớn)

Gợi ý:

Các em thân mến,

Con bướm đẹp lấy sự chân thành của mình để đối xử với bạn bè, nên giành được tình bạn của các bạn sóc, đóa hoa thứ nhất nở trong mùa xuân chính là đóa hoa tình bạn hữu nghị giữa chúng ta với bạn bè. Chúng ta có thể thấy được là: chỉ cần lấy lòng chân thành để đối đãi với bạn bè, thì chắc chắn chúng ta sẽ giành được lòng chân thành của bè bạn.

Chúa Giê-su dạy chúng ta đừng lấy oán báo oán, nhưng lấy yêu thương để đáp trả yêu thương, lấy yêu thương đáp trả hận thù; Chúa Giê-su cũng dạy chúng ta phải biết làm ơn cho những người oán ghét mình, bởi vì khi chúng ta lấy yêu thương để đối xử với bạn bè, với mọi người, thì chính Chúa Giê-su cũng sẽ trở thành đối tượng để chúng ta yêu mến.

Người có lòng tốt và chân thành thì ở bất cứ nơi đâu cũng được mọi người đón nhận, trái lại, không một ai chấp nhận những kẻ lừa đảo, dối trá và ghen ghét chung sống với họ...

Lòng chân thành chính là đóa hoa đẹp vậy !

Các em thực hành:

- Thành thực với chính mình và với bạn bè.

- Luôn nhìn thấy Chúa Giê-su nơi bạn bè và người khác để đổi xử tốt với họ.

- Sẵn sàng vui chơi với bạn bè, nhưng cũng dứt khoát từ chối những vui chơi không lành mạnh, có hại cho thân xác và linh hồn mình.
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:04 23/04/2008
N2T


2. Ân sủng của Thiên Chúa không chỉ là khảng khái, nhưng bất cứ hành vi yêu mến nào, cũng đều có giá trị rất lớn trong mắt của Ngài, họ đem rất nhiều việc nhỏ dâng hiến cho Ngài, thì Ngài nhìn lớn như vũ trụ vậy.

(Fr. Parde Pio of The five Wounds of Christ: Thánh Pi-ô Năm dấu thánh)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Chuyến tông du lịch sử
Lm Nguyễn Hữu Thy
02:40 23/04/2008
Chuyến tông du lịch sử

Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI đã trở về lại Roma bình an. Còn tại Hoa Kỳ những dư âm và những thành quả tích cực của cuộc tông du thành công tốt đẹp của Đức Thánh Cha đã bắt đầu khai mầm thực sự. Hầu như chưa bao giờ các nhà bình luận của báo chí cũng như của các phương tiện truyền thông khác tại Hoa Kỳ lại nhất trí với nhau như trong dịp chuyến tông du vừa qua của Đức Bênêđíctô XVI tại quốc gia này; họ đã không ngần ngại gọi đó là «chuyến tông du lịch sử.»

Dân chúng Hoa Kỳ hào hứng đón tiếp Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI
Thật vậy, đó là một điều quá hiển nhiên không ai dám chối cãi. Bởi vì cuộc tông du lần này của Đức Thánh Cha được gắn liền với những giây phút rất tế nhị và đầy phức tạp, như: Việc cầu nguyện tại Ground Zero, cuộc gặp gỡ các nạn nhân bị lạm dụng tình dục hay việc đến phát biểu công khai tại Trụ sở Liên Hiệp Quốc trước mặt các đại biểu của các nước. Tuy nhiên, cuộc tông du không chỉ dừng lại ở chỗ đó. Đức Bênêđíctô không chỉ đã có được những ấn tượng tốt đẹp về Hoa Kỳ, nhưng ngài còn để lại cho đất nước này những dấu vết tích cực và sâu đậm, những dấu vết khó phai nhạt.

Đức Thánh Cha đã vạch ra cho Giáo Hội Công Giáo tại Hoa Kỳ con đường cần thiết cho một cuộc đột phá mới, một cuộc phục sinh mới. Vâng, Đức Thánh Cha đã chỉ cho biết Giáo Hội Hoa Kỳ cần phải làm gì để có thể tìm ra được lối thoát hợp lý cho những bế tắc hiện tại, đó là: Nhìn nhận những tội lỗi của mình, sửa chữa những sai trái, hướng nhìn lên Đức Kitô và dấn thân vào cuộc sống xã hội với đức tin Kitô giáo của mình một cách đầy xác tín.

Đức Bênêđíctô XVI được nhiệt liệt đón tiếp tại trụ sở Liên Hiệp Quốc
Người ta có thể khẳng định được rằng vị Giáo Hoàng người Đức đã làm cho nhiều người không khỏi ngỡ ngàng, khi ngài đã kết thúc cuộc tông Hoa Kỳ một cách thành công tốt đẹp trong một thời điểm vô cùng khó khăn phức tạp, một điều mà nhiều người đã tỏ vẻ nghi ngờ trước khi Đức Giáo Hoàng bước chân lên máy bay bắt đầu chuyến tông du. Chỉ chưa đầy sáu ngày mà Đức Bênêđíctô đã chiếm trọn được con tim, sự yêu kính của dân chúng Hoa Kỳ. Dĩ nhiên, không phải ồ ạt vũ bão như một siêu minh tinh màn ảnh thượng thặng, nhưng tuần tự từng bước nhỏ, với mỗi lần xuất hiện trước công chúng, với mỗi bài thuyết trình, bài giảng hay bài nói chuyện, v.v… vị Giáo Chủ Công Giáo lại tiến sâu thêm trong cảm tình và sự kính trọng của người Mỹ. Thật vậy, trước khi bước lên máy bay bắt đầu chuyến tông du, đối với nhiều người dân Hoa Kỳ Đức Bênêđíctô XVI còn là một người xa lạ, nhưng vào buổi chiều ngày chúa nhật vừa qua, ngài lại từ giã dân chúng Hoa Kỳ như một người bạn thân yêu của họ từ bao thủa. Sự nghi ngờ lúc ban đầu đã nhanh chóng đổi thành sự khâm phục và hào hứng.

Chúng ta đừng quên rằng, mục đích tiên quyết chuyến tông du của Đức Bênêđíctô XVI là an ủi, củng cố và động viên Giáo Hội Hoa Kỳ. Đức Thánh Cha đã chỉ cho họ thấy đâu là nguồn sức mạnh cần thiết phải kín múc để có thể thoát ra khỏi được cơn khủng hoảng. Phương châm của cuộc tông du là: «Đức Kitô là niềm hy vọng của chúng ta!» Vì thế, trong tất cả mọi bài phát biểu của Đức Thánh Cha câu phương châm đó luôn luôn được khéo léo nhắc lại như một điệp khúc thân thương và đáng yêu.

Tiếp đến, mặc dù trước hết, đây là một cuộc tông du mục vụ, nhưng người ta cũng không thể phủ nhận được tính cách chính trị của nó. Bởi vì, khi một vị Giáo Hoàng của Giáo Hội Công Giáo thăm viếng Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ, thì đương nhiên màu sắc chính trị đã ẩn hiện đâu đó rồi. Đức Giáo Hoàng đã nhiều lần nhấn mạnh rằng, đức tin không bao giờ là vấn đề cá nhân riêng tư. Qua đó, Đức Giáo Hoàng đã minh nhiên chống lại một «sự tách rời sai lầm giữa đức tin và đời sống chính trị» và kêu gọi sự dấn thân một cách hợp lý trong lãnh vực chính trị và xã hội. Nhưng Đức Giáo Hoàng cũng không quên cảnh cáo trước những «Phúc Âm sai lầm về sự tự do và về hạnh phúc». Sự tự do chân chính chỉ có thể tìm gặp được trong sự hy sinh cho Thiên Chúa.

Đức Bênêđíctô XVI ca ngợi tinh thần tín ngưỡng sống động của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ. Qua nhiều hình thức khác nhau của tinh thần tín ngưỡng, lòng khao khát sự siêu việt và ý nghĩa của cuộc sống con người được biểu lộ ra bên ngoài. Trước sự khao khát tìm kiếm đó, Giáo Hội không thể thoái thác hay tránh né được, nhưng cần phải đưa ra một câu trả lời cụ thể, rõ ràng và thỏa đáng, tức: Đức Giêsu Kitô, Đấng là nguyên ủy và chung cuộc, là đầu và cuối, của một cuộc sống sung mãn! Vì thế, chỉ trong Đức Kitô những khát vọng về tín ngưỡng của con người mới hoàn toàn được thoả mãn.

Bởi vậy, Đức Giáo Hoàng đã thẳng thắn tuyên bố, chứ không chút úp mở rằng, một xã hội thực sự tân tiến không thể là một xã hội vô tôn giáo được. Trái lại, đức tin gắn bó vào Thiên Chúa là nền tảng để đánh giá khả năng về tương lai của xã hội. Ngài còn quả quyết rằng không có tôn giáo thì không thể có một xã hội nhân bản được. Nhưng mức độ và tiêu chuẩn của tính cách nhân bản lại tuỳ thuộc vào mức độ và tiêu chuẩn của đức bác ái, của tình yêu. Và người Kitô hữu tin tưởng một cách đầy xác tín rằng tình yêu đã trở thành cụ thể trong con người Đức Giêsu Kitô.

Ngay từ đầu, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã kịch liệt phản đối cuộc chiến tranh tại Irak. Sau đó, Đức Bênêđíctô XVI cũng theo một quan điểm như vị Tiền Nhiệm đáng kính của ngài. Tuy nhiên, quan điểm của Giáo Hội Công Giáo hoàn toàn khác với quan điểm của các nhà lãnh đạo chính trị. Giáo Hội Công Giáo chống chiến tranh là vì sự sống con người, là vì tôn trọng các quyền căn bản của con người, là vì nền hòa bình và hạnh phúc của các dân tộc. Trong khi đó quan điểm chống chiến tranh của đa số các nhà lãnh đạo chính trị các quốc gia là nhằm lợi dụng nhãn hiệu «chống chiến tranh» như một phương tiện để củng cố đường lối chính trị riêng tư của họ. Nhất là quan điểm của Vatican chống lại sự gây chiến ở Irak không hề mang hậu ý bài trừ ảnh hưởng của người Mỹ như những nhà lãnh đạo chính trị các nước. Thái độ của Vatican là một ý thức trách nhiệm đối với thế giới, chứ không phải nhằm thu hút lá phiếu của cử tri, không phải để nhằm thắng cử như mục tiêu sau cùng. Đúng thế, một đàng người ta có thể yêu mến nước Mỹ, những một đàng khác người ta cũng phải cương quyết «nói không» với chiến tranh, phải kịch liệt chống lại chiến tranh; nói cách khác, Giáo Hội Công Giáo luôn ý thức được sứ mệnh thánh liêng của mình là luôn can đảm lên tiếng ngăn cản khi hành động của con người vượt ra khỏi biên giới của lý trí và đức tin.

Điều đó muốn khẳng định rằng: «Nói không» với chiến tranh và «nói có» với nước Mỹ là một điều có thể và cần đi song hành với với nhau. Và chính điều đó đã được minh chứng một cách rõ ràng nhất trong chuyến tông du của Đức Bênêđíctô vừa qua tại Hoa Kỳ, chuyến tông du lịch sử.
 
Đức Giáo Hoàng Ủng Hộ việc tìm kiếm các Bà Mẹ tinh thần cho các Linh Mục:
Bùi Hữu Thư
09:32 23/04/2008
VATICAN, 22 tháng 4, 2008 – Đức Giáo Hoàng Benedict XVI ủng hộ một sáng kiến của Thánh Bộ Linh Mục Tu Sĩ kêu gọi các bà mẹ tinh thần cho các linh mục và chầu Thánh Thể để cầu nguyện cho các cha.

Đức Giáo Hoàng nhiều lần nhấn mạnh nhu cầu phải có các linh mục thánh thiện trong chuyến viếng thăm Hoa Kỳ tuần qua, ngài đã bầy tỏ sự chấp thuận của ngài cho dự án được bộ linh mục tu sĩ đề xướng.

Trong một thư gửi cho thánh bộ qua bộ trưởng bộ ngoại giao Tòa Thánh, Đức Giáo Hoàng bầy tỏ “sự hài lòng của ngài đối với Thánh Bộ Linh Mục Tu Sĩ về sáng kiến có tên ‘Chầu Mình Thánh cho sự Thánh Thiện của Linh Mục và Mẹ Tinh Thần,’ hiện nay đang được phát triển trên khắp thế giới.”

Lá thư nói thêm rằng Đức Giáo Hoàng “biết ơn sự quan tâm và hành động thánh bộ đã đề xướng, và hy vọng rằng tình yêu và sự sùng kính Chúa Kitô Thánh Thể, và tôn sùng Mẹ Maria, Mẹ của Chúa Kitô, thầy cả thượng thẩm, có thể đem lại một hăng say mới cho đời sống và mục vụ tông đồ của các linh mục.”

Thánh bộ báo cáo rằng Đức Giáo Hoàng Benedict XVI đã ban phép lành của ngài cho dự án “như một dấu ấn cho hy vọng này”.

Dự án được tuyên bố vào ngày 8 tháng 12, 2007 bởi Giám Quản Bộ Linh Mục Tu Sĩ là Đức Hồng Y Cardinal Cláudio Hummes và Thư Ký bộ là Tổng Giám Mục Mauro Piacenza.

Dự án kêu gọi mọi người bắt đầu và duy trì một buổi chầu Thánh Thể 24 tiếng cho thiên chức linh mục và cho các “linh hồn tận hiến” sẵn sàng làm các bà mẹ tinh thần của các linh mục.

Gia Trang của Mạng Lưới Toàn Cầu của thánh bộ trình bầy các giải thích và các tài liệu cho chiến dịch hô hào việc chầu Thánh Thể và kêu gọi những ai muốn trở thành các bà mẹ tinh thần của linh mục, theo gương của Đức Nữ Đồng Trinh Maria.
 
Đức Thánh Cha chủ sự nghi thức an táng ĐHY Lopez Trujillo
G. Trần Đức Anh OP
17:07 23/04/2008
VATICAN. Trưa ngày 24-4-2008, ĐTC Biển Đức 16 đã chủ sự nghi thức tiễn biệt ĐHY Lopez Trujillo người Colombia, đã qua đời hôm 19-4-2008 vì bệnh tim, hưởng thọ 73 tuổi, sau 18 năm làm Chủ tịch HĐGM về gia đình.

Thánh lễ an táng bắt đầu lúc 11 giờ tại Đền thờ Thánh Phêrô do ĐHY Angelo Sodano, niên trưởng Hồng y đoàn chủ sự, cùng với hơn 40 HY đồng tế, trước sự hiện diện của 50 GM, các chức sắc Tòa Thánh, khoảng 1 ngàn người gồm các thân nhân và tín hữu.

Cuối thánh lễ, ĐTC đã tiến vào đền thờ và trong bài giảng, ngài ca ngợi lòng hăng say của Đức Cố HY Lopez Trujillo trong việc bênh vực hôn nhân Kitô giáo và gia đình trước các cuộc tấn công trong nhiều xã hội ngày nay. Ngài nhắc lại thân thế và sự nghiệp của ĐHY Lopez, đã làm TGM giáo phận Medellín, trong 12 năm, từ 1979 đến 1991, và từng làm Chủ tịch HĐGM Colombia, Tổng thư ký rồi Chủ tịch Liên HĐGM Mỹ châu la tinh, gọi tắt là Celam, trước khi được ĐTC Gioan Phaolô 2 mời về Roma đảm nhận Hội đồng Tòa Thánh về gia đình. Trong công nghị tấn phong Hồng Y năm 1983, ĐHY Lopez Trujillo là vị trẻ nhất trong hồng y đoàn với 48 tuổi.

ĐTC nói: ”Chúng ta không thể không biết ơn Đức Cố HY vì cuộc chiến kiên trì ngài thực hiện để bênh vực chân lý về tình yêu gia đình và để phổ biến Tin Mừng gia đình. Lòng hăng say và quyết tâm ngài hoạt động trong lãnh vực này là thành quả kinh nghiệm bản thân, đặc biệt gán liền với đau khổ mà thân mẫu ĐHY đã phải đương đầu, qua đời năm 44 tuổi vì một cơn bệnh rất đau thương.” ĐTC cũng ghi nhận rằng quảng đại của ĐHY Lopez Trujillo cũng được biểu lộ qua nhiều công trình bác ái nâng đỡ các trẻ em tại nhiều nơi trên thế giới.

Trong tư cách chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về gia đình, ĐHY Lopez đã nhiều lần tố giác đề nghị của nhiều quốc gia cho phép các cặp đồng phái tính kết hôn và nhận con nuôi. ĐHY cũng giúp nhiều Giáo Hội địa phương chống lại các dự luật vừa nói, cũng như các đạo luật cho phép phá thai dễ dàng hơn, đặc biệt là việc cho bán các thuốc phá thai, các viên thuốc ”ngày hôm sau”. ĐHY gọi đây là một hình thức ”thực dân về sinh học” do các công ty dược phẩm và các nước giàu cổ võ.

Ngài được Đức Gioan Phaolô 2 bổ nhiệm làm Hồng Y năm 1983, và năm 2001, ngài thăng HY đẳng GM với giáo phận hiệu tòa là Frasctati, phụ cận Roma.

Trong diện văn gửi đến Ông Anibal Lopez Trujillo, ĐTC Biển Đức 16 chia buồn với toàn thể thân quyến và cầu xin Chúa, nhờ lời chuyển cầu của Đức Mẹ Chiquinquirà, bổn mạng Colombia, ban cho vị mục tử nhiệt thành ơn an nghỉ đời đời, sau khi đã quảng đại phục vụ Giáo Hội và Tin Mừng sự sống. ĐTC cũng chia buồn với các GM, LM, tu sĩ nam nữ và giáo dân liên hệ với Đức Cố HY.

Với sự qua đi của ĐHY Trujillo, Hồng y đoàn còn 195 vị, trong đó có 118 vị dưới 80 tuổi. (SD 23-4-2008)
 
Phỏng Vấn Michael Novak Về Chuyến Tông Du Mỹ Của Đức Giáo Hoàng (2)
Vũ Văn An
19:33 23/04/2008
Phỏng Vấn Michael Novak Về Cuộc Tông Du Mỹ Của Đức Giáo Hoàng (2)

Ông phản ứng ra sao về bài diễn văn trước Liên Hiệp Quốc của Đức Giáo Hoàng?

Một phần của bài diễn văn chỉ theo tiêu chuẩn thường lệ, nhắc lại những tuyên bố từ trước, nhưng phần kia hết sức độc đáo và sâu sắc. Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh rằng điểm chủ yếu của Liên Hiệp Quốc và thế giới tương lai là bảo vệ tự do tôn giáo. Tự do này căn bản nhất trong mọi quyền tự do vì nó bảo vệ lương tâm qúy giá của mọi con người. Ngài nói tới nhu cầu phải bảo vệ các nhóm thiều số tôn giáo. Một cách mặc nhiên, ngài bênh vực ý niệm bình đẳng trước pháp luật, và các nhận định của ngài dựa trên việc thiết dựng nền pháp trị, và có lẽ cả các nền dân chủ đa nguyên nữa, một thứ pháp trị biết tôn trọng nhân quyền.

Nhưng ngài không dừng lại ở tự do tôn giáo. Ngài cho rằng Liên Hiệp Quốc phải làm việc để tạo không gian cho con người tôn giáo nói đến đức tin của họ, biện bác dựa vào đức tin của họ nơi các nghị trường công cộng. Các nghị trường ấy không thuộc riêng con người thế tục.

Những đoạn trên đây khiến người ta nhớ đến các trao đổi thư từ giữa ngài và nguyên chủ tịch Thượng Nghị Viện Ý Marcello Pera trong cuốn sách tựa là “Không gốc rễ: Phương Tây, Chủ Nghĩa Tương Đối, Kitô giáo, Hồi Giáo”. Trong đó, Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh rằng tại Mỹ, việc tách biệt giữa nhà nước và giáo hội không có tính tiêu cực, nhưng tích cực. Thí dụ, nhà nước không cố gắng kiểm soát các nghị trường công cộng, nhưng dành chỗ cho con người tôn giáo được phát biểu trọn vẹn trong các lãnh vực tôn giáo. Tuy về chức năng, nhà nước và giáo hội tách biệt nhau, nhưng trên đời thực, không hề có sự tách biệt tôn giáo và chiều kích chính trị của cuộc sống. Mỗi con người nhân bản đồng thời cũng là một hữu thể tôn giáo và chính trị.

Trong các khảo luận trên, ngài cũng phân biệt ý niệm của Mỹ về tách biệt nhà nước và giáo hội và ý niệm của Âu Châu, một ý niệm khá tiêu cực. Điều người Âu Châu làm là dành cho nhà nước mọi quyền hành và ráng loại bỏ tôn giáo ra ngoài, cố gắng hnạ chế nó vào phạm vi lương tâm cá nhân. Họa hiếm người Âu Châu mới nhìn ra sự khác nhau giữa Âu Châu và Mỹ rõ ràng đến thế, và ít nhất trong khía cạnh này, đã nắm được đường lối suy luận của Mỹ. Đó chính là tinh thần xem ra đã sinh khí hóa nhiều nhận xét của ngài khi ở trên đất Mỹ.

Có lúc ở Tòa Bạch Ốc, khi Tổng Thống trích dẫn Thánh Augustine và Đức Bênêđíctô, thì Đức Giáo Hoàng trích dẫn Washington. Điều ấy quả là lịch lãm. Tôi không nhớ có vị giáo hoàng nào lại phân tích một bản văn Mỹ cách đầy bác học nhưng lại dễ hiểu đến như vậy. Ít khi người ta được nghe Vatican đưa ra một phân biệt như thế.

Đức Gioan Phaolô II rất thân Mỹ. Ngài yêu nước Mỹ. Ngài không e ngại chỉ trích ta khi ngài nghĩ ta sai, nhưng thực sự ngài đánh giá cao “hiện tượng học của Mỹ”. Ngài thực sự lượng giá được cái cảm thức toàn bộ, cũng như một số chi tiết. Nhưng Đức Bênêđíctô đặt câu hỏi sau một cách thận trọng hơn, với cái khả năng phân tích kỳ diệu của người Đức, rằng “Điều gì là điều làm cho đất nước này ra khác? Điều gì là điều làm cho tự do hành xử tốt hơn ở đây? Điều gì là điều đã tạo nghị trường công cộng để cả tôn giáo lẫn chính trị sống chung một cách trọn vẹn, trong đó đức tin của hàng tỉ người vẫn triển nở?”

Tại Tòa Bạch Ốc, giữa các nhà báo, và tại nhiều nơi khác nữa, ĐưcứBênêđíctô XVI hẳn đã có dịp được chứng kiến không biết bao nhiêu người Công Giáo đang nắm giữ những chức vụ quan trọng trong lãnh vực công. Hẳn ngài cũng thấy các ý niệm Công Giáo như “văn hóa sự sống”, “tính hiệp trợ”, “ích chung”, ý thức “yếu đuối và tội lỗi con người” và việc chống đối phá thai hiện càng ngày càng trở nên sinh tử ở đây xiết bao. Hai lần trong Thánh Lễ tại Yankee Stadium ở New York, đám đông phá lên tiếng hoan hô vang dội trong bài ginảg của ngài, khi Đức Giáo Hoàng trực tiếp chống lại phá thai; cảm quan phò sự sống quả là mạnh mẽ khác thường tại Hoa Kỳ.

Tại Liên Hiệp Quốc, một điểm được Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh rằng sẽ không đủ nếu chỉ hiểu tự do tôn giáo theo nghĩa quyền cá nhân được thờ phượng theo ý thích của họ, hay theo lương tâm của họ. Tự do tôn giáo còn có nghĩa phải có chỗ công cộng cho các sinh hoạt tôn giáo nữa.

Ở nhiều nới khác, Đức Giáo Hoàng ca ngợi mọi điều thiện người Công Giáo Mỹ đang phục vụ. Hiện có khoảng 220 đại học Công Giáo, và các đại học này đều là công cộng. Ngài cũng nhắc đến hệ thống bệnh viện vĩ đại của Công Giáo và rất nhiều nhà truyền giáo Công Giáo đang làm việc cho người nghèo tại Châu Mỹ La-tinh và Châu Phi.

Tất cả những dịch vụ ấy đều là công cộng. Một nhà nước tốt phải dành chỗ cho con người tôn giáo để họ cung cấp các thiện ích ấy.

Giới trẻ luôn luôn trung thành với Đức Gioan Phaolô II. Họ còn được coi là “Thế Hệ Gioan Phaolô II”. Ông nghĩ họ đã tiếp đón Đức Bênêđíctô XVI ra sao?

Hôm nọ, Peggy Noonan viết trên tờ Wall Street Journal rằng Đức Gioan Phaolô là vị giáo hoàng hoàn hảo đối với thời đại truyền hình, vì ngài giỏi kịch nghệ và có khuôn mặt, cử chỉ, lanh trí dễ thu phục, lại năng động ở đôi chân. Ngài tỏa lòng âu yếm ra theo phong cách một tài tử gạo cội. Nhưng, theo cô ấy, Đức Bênêđíctô là vị Giáo Hoàng thượng thặng đối với thời đại internet. Các trang mạng liên tiếp cho thấy ngài hiểu điều ấy ra sao và ngài có nghĩa gì với họ. Cuộc thảo luận cứ thế kéo dài cả hàng tháng.

Thí dụ, cuộc tranh luận về điều Đức Bênêđíctô XVI nói tại Regensburg đến nay vẫn chưa chấm dứt; nó vẫn còn được đào xới và thảo luận tới lui.

Tôi nghĩ chính Đức Thánh Cha cũng coi mình thuộc “Thế hệ Gioan Phaolô II”. Vì nay, quả ta đang sống trong thế hệ Gioan Phaolô II và Bênêđíctô. Giưã các ngai, không hề có đứt đoạn.

Đức Bênêđíctô trước đây có thói quen gặp Đức Gioann Phaolô II mỗi ngày Thứ Sáu khoảng một hay hai giờ để thảo luận. Các ngài cùng một ngả với nhau về thần học và triết học, và xét về căn bản, các ngài củng cố lẫn cho nhau. Nhìn một cách hài hước, thì nay là năm thứ 29 triều đại của Đức Gioan Phaolô II.

Đức Bênêđíctô XVI là một con người khác với một phong thái khác, có những ưu tiên khác và một phong cách hành động khác, nhưng trong ngài, tất cả những thứ ấy đều dễ ưa một cách hoàn hảo. Nhiều nhà bình luận ở Mỹ đã ca ngợi tính thành thực và lòng chân thực của ngài. Ngài rõ ràng hài lòng với con người của mình, chứ không ráng làm một con người khác. Một nhà báo khó tính, sau một vài ngày, cũng đã phải gật đầu về hướng Đức Giáo Hoàng với Peggy Noonan: “Ngài là người tốt!”. Người Mỹ luôn thán phục lòng chân thực. Đức Bênêđíctô XVI có quyền làm một người khác với Đức Gioan Phaolô trong khi vẫn tiếp tục cùng một con đường canh tân và tái phúc âm hóa. Tôi nghĩ chúng ta đang được hưởng điều tốt nhất của cả hai hế giới, hai mà là một.
 
Top Stories
L’Eglise évangélique réclame la restitution de 265 propriétés confisquées par les autorités
Eglises d'Asie
13:02 23/04/2008
L’Eglise évangélique réclame la restitution de 265 propriétés confisquées par les autorités

Pour la première fois, depuis sa reconnaissance officielle par l’Etat en avril 2001, l’Eglise évangélique du Vietnam, qui regroupe une majorité des communautés protestantes du sud, a exprimé publiquement ses protestations et ses plaintes concernant l’attitude des autorités à son endroit. Une lettre ouverte (1) a été rédigée par le Comité exécutif de l’Eglise, habituellement prudent et respectueux de l’autorité politique. Intitulée « Appel à la prière », elle déplore l’absence de réactions des autorités face aux demandes répétées de l’Eglise pour la restitution de propriétés confisquées. Elle proteste aussi contre les interventions du gouvernement dans les affaires intérieures de la communauté chrétienne et contre la discrimination dont celle-ci est l’objet.

La lettre datée du 28 mars dernier est adressée à « l’Eglise de Dieu en tous lieux ». Elle fait suite à de précédentes requêtes dans lesquelles les dirigeants de l’Eglise menaçaient de mener une action collective s’ils n’obtenaient pas d’entamer des négociations sérieuses avec le pouvoir civil. L’Eglise évangélique a fait parvenir aux responsables gouvernementaux une liste de 265 propriétés d’Eglise confisquées lors du changement de régime de 1975. La lettre précise que certains de ces établissements ont été utilisés à des fins profanes, quelques-uns, sans affectation précise, tombent en ruine, d’autres encore ont été démolis. Deux destructions de bâtiments d’Eglise ont eu lieu, l’année passée, l’une à Ben Cat, l’autre à Go Vâp (Hô Chi Minh-Ville). Les autorités ont aussi procédé à la démolition de deux écoles bibliques sur les hauts plateaux du Centre-Vietnam, dans la période qui a suivi la reconnaissance de l’Eglise évangélique de 2001. Les auteurs de la lettre font état de nombreuses requêtes déjà envoyées, demandant la restitution de tous les établissements. Non satisfaits par la restitution de quelques petits établissements, les responsables de l’Eglise évangélique voudraient récupérer des propriétés plus vastes, comme, par exemple, le centre d’études théologiques de Nha Trang ou l’église internationale édifiée à Hô Chi Minh-Ville.

La lettre demande encore à ses destinataires de prier pour que les autorités mettent un terme à leurs interventions dans les affaires intérieures de l’Eglise, en particulier dans celles qui concernent la nomination et les déplacements des pasteurs. Ces interventions, dit la lettre, sont en contradiction avec les dispositions de l’Ordonnance sur la croyance et la religion, mise en vigueur en novembre 2004. La lettre fait remarquer au passage que l’ordonnance sanctionne des violations de la loi commises par les organisations religieuses, mais ne prévoit aucune peine contre celles commises par les autorités elles-mêmes.

La lettre mentionne enfin la partialité de la discrimination subie par les chrétiens. A titre d’exemple est citée l’absence de réaction du gouvernement local aux attaques commises par des religieux bouddhistes khmers Krom contre un pasteur et sa communauté dans la province de Trà Vinh, le 25 janvier et le 15 novembre 2007. Bien que des fonctionnaires gouvernementaux aient été témoins des faits et que requêtes aient été envoyées par le comité exécutif de l’Eglise, les autorités se sont abstenues de toute réaction.

Certains responsables d’Eglises domestiques non affiliées à l’Eglise évangélique officielle ont fait l’éloge du courage des auteurs de la lettre. Ils ont mis en relief la fragilité des concessions consenties par le gouvernement à la liberté religieuse.

(1) Le compte-rendu de la lettre a été rapporté dans une dépêche de Compact Direct News du 21 avril 2008.

(Source: Eglises d'Asie - 23 avril 2008)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Dòng Đa Minh Rosa Lima Khám Bệnh và Phát Thuốc Thiện Nguyện tại GX. Ka Đơn, GP Đà Lạt
Minh Nguyên
03:37 23/04/2008
DÒNG ĐAMINH ROSA LIMA KHÁM BỆNH VÀ PHÁT THUỐC THIỆN NGUYỆN TẠI GX. KA ĐƠN – GP. ĐÀ LẠT

8g 30 phút ngày 19 tháng 4, ban công tác tông đồ Miền Mẹ Vô Nhiễm, Dòng Đaminh Rosa Lima phối hợp cùng một số bác sĩ thuộc các bệnh viện Sàigòn và hai bác sĩ tỉnh Đồng Nai đã đến khám bệnh và phát thuốc miễn phí cho anh chị em thuộc giáo xứ Ka Đơn, hạt Đơn Dương, giáo phận Đà Lạt.

Giáo xứ Ka đơn có 4632 giáo dân trong đó anh chị em Koho và Churu là 2838 cư ngụ trong 4 làng Ka Đơn, Ka Rái, Ka Đê, K`răngchớ và một nửa làng K`răngọ 1, người Kinh là 1794 người ở tại 4 làng: K`răngọ 2, Sao Mai, Hoà Lạc, Lạc Nghĩa. Nhà thờ ở trung tâm 8 ngôi làng này, làng xa nhất đi đến nhà thờ khoảng 7 cây số. Đường xá ở đây chưa được trải nhựa, vẫn còn những đường đá lởm chởm, gập ghềnh. Tôi vào làng gần nhất thăm vài gia đình. Dù đời sống khó khăn, hầu như đi làm mướn, đi lượm ve chai và sống trong những căn nhà vách làm bằng đất trộn rơm, nhưng điều tuyệt vời ở đây không có hàng rào ngăn cách từ nhà nọ sang nhà kia, một nét gì đó rất gần gũi và thân quen. Đến với gia đình chị Ma Tin, trong ngôi nhà nho nhỏ bằng đất trộn rơm, chẳng có bàn ghế, chỉ có những viên gạch mời khách ngồi, cái bếp ở góc nhà, cái phản nho nhỏ mà gia đình chị có đến 6 đứa con, con đầu bị sốt bại liệt năm 10 tuổi, 15 năm nay ngồi xe lăn…cám cảnh cho gia đình chị và có lẽ còn nhiều gia đình như thế nữa mà tôi không có dịp đến thăm, chỉ biết những nơi và những hình ảnh mà tôi gặp được trên đường đi xin chia sẻ cùng anh chị em để cầu nguyện lẫn cho nhau.

Khi cha quản hạt, hạt Đức Trọng dẫn đoàn bác sĩ vào đến nhà thờ Ka Đơn thì anh chị em đã ngồi chờ dưới bóng mát của những gốc thông. Ghế trong nhà thờ được tận dụng tối đa cho các bệnh nhân. Cha xứ Giuse Nguyễn Đức Ngọc cầm loa sắp xếp trật tự và hướng dẫn bà con lần lượt lên lãnh phiếu ghi danh, người già và phụ nữ địu con nhỏ được ưu tiên khám bệnh trước.

Tổng số bệnh nhân được khám và phát thuốc miễn phí gần 1300 người. Với 10 bác sĩ khám bệnh và ghi toa thuốc cũng như tư vấn thì trung bình một người khám cho 130 người. Nhưng hầu hết các bác sĩ rất vui và tỏ ra không mệt mỏi vì giáo dân rất trật tự, không ồn ào, không nói to tiếng và nhất nhất nghe theo lời chỉ dẫn của cha xứ và ban mục vụ giáo xứ.

Trong khi phát thuốc người viết có hỏi một số bà con đến lãnh thuốc về ngày khám bệnh hôm nay của đoàn, mọi người đều tỏ ra rất vui và hạnh phúc vì đây là lần đầu tiên họ được khám bệnh và phát thuốc như thế này, hơn thế nữa còn được giải đáp những thắc mắc về những bệnh thông thường …bóng những chiếc áo Blouse trắng ở giữa vòng vây của anh chị em dân tộc giữa vùng rừng núi Ka Đô trong một ngày phục vụ thiện nguyện dù mệt nhưng vẫn vui, vui vì được đến để phục vụ, để sẻ chia, để gặp gỡ và để yêu mến anh chị em mộc mạc đơn sơ giữa những ngọn đồi bạt ngàn này.

Đựơc biết khi cha xứ nhờ cha trưởng ban Thánh Nhạc cũng là cha quản hạt Đức Trọng Giuse Nguyễn Văn Bảo, ngỏ lời với ban tông đồ của Dòng Đaminh Rosa Lima, đến phát thuốc cho giáo xứ, cha chánh xứ cũng e ngại sợ bà con giaó dân không ai đến khám, vì chưa bao giờ tổ chức như thế này. Nhưng sáng hôm ấy, nhìn thấy từng đoàn người từ trong các làng đi đến sân nhà thờ, thì cha sở nhận thấy rằng đây là một việc làm tông đồ hữu hiệu và cần thiết.

Khi tôi hỏi về đời sống người dân ở đây Chị Ma Phia 46 tuổi, đã lên hàng bà ngoại nhưng vẫn là một giáo lý viên đắc lực của giáo xứ cho biết: Mùa khô này anh chị em dân tộc thường đi lựơm ve chai hoặc phân bò khô. Ve chai thì phải đi rất xa, còn phân bò thì đi vào ruộng, vào nương. Nhưng giá tiền của một ngày lao động cũng rất khắc nghiệt, 12000 đồng cho 1 ngày cực nhọc với 1 bao và một gùi đầy phân, nặng khoảng 40 kg. Nhà thờ của giáo xứ cũng xập xệ, tiền thân là một kho nhà tiền chế của công ty trà Bảo Lộc, đến nay căn nhà hoàn toàn bằng tôn từ vách đến mái này vẫn là nơi anh chị em quây quần tụ họp ca tụng và tạ ơn Chúa mỗi ngày. Người viết vào viếng Chúa một chút, nhưng vừa bước vào thì mồ hôi đã đổ ra như tắm, dù ngoài trờ nắng nhẹ và gió dìu dịu. Ghế nhà thờ là những băng dài, đơn sơ.

Bác sĩ Hồng cho biết: người dân ở đây không bị huyết áp, không bị cao máu, không bị nhiễm mỡ mà chỉ là những bệnh thông thường, nhưng không có điều kiện đi khám hoặc chữa nên sức khoẻ không tốt lắm. Trẻ em suy dinh dưỡng, giun nhiều. Chả thế mà bao nhiêu thuốc giun và thuốc bổ mang đi mà vẫn không đủ, đành phải xin lỗi những cháu đến khám cuối giờ chiều.

Soeur Andre Đỗ Thị Hương trưởng đoàn cho biết: mỗi chuyến đi thế này khoảng 20 triệu tiền thuốc của quý ân nhân gần xa, các Soeurs chỉ là người chuyển tiếp, nhưng niềm vui của mỗi giáo xứ khi được đón đoàn đều rất mừng và hạnh phúc. Niềm vui đó không thể diễn tả bằng lời nhưng bằng những ánh mắt rạng niềm vui, những cái vẫy tay lưu luyến và sự đón tiếp ân cần của từng nơi đoàn đã đi qua.

Xin cảm ơn Dòng Phanxico viện tu (Saigon) và quý ân nhân cũng như quý y bác sĩ đã góp phần với quý Soeurs Miền Mẹ Vô Nhiễm-Dòng Đaminh Rosa Lima vào công tác phục vụ giáo xứ Ka Đơn hôm nay. Nguyện xin Thiên Chúa luôn chúc lành cho quý vị.
 
Sinh viên Công Giáo Thanh Hóa tọa đàm về HIV/AIDS
Peter Trần Tuấn
17:02 23/04/2008
Chúa Nhật ngày 20/4/2008 vừa qua,tại nhà nguyện của nhà thờ Thái Hà, SVCG Thanh Hoá đã có một thánh lễ rất sốt sắng và đầy ý nghĩa.

Thánh lễ do cha đặc trách sinh viên của tổng giáo phận Hà Nội làm chủ sự-cha Gioan Lê Trọng Cung.

Hơn 60 bạn trẻ là sinh viên,cựu sinh viên của giáo phận Thanh Hoá đang học tập và làm việc tại Hà Nội đã đến tham gia.trong số đó có cả các bạn sinh viên là người Hà Nội,Hà Tây đặc biệt có cả sinh viên lương dân cũng đến tham dự và tìm hiểu.

Thánh lễ diễn ra trong tâm tình sốt mến,trang nghiêm.người ta nhìn thấy sự háo hức,niềm vui rạng rỡ biểu lộ trên nét mặt của những sinh viên công giáo xa quê nhân dịp hội ngộ.

Tình cảm gắn bó,tình đồng hương,tình huynh đệ là sợi dây gắn kết những trái tim nhiệt huyết lại với nhau.có tham dự thánh lễ mới thấy hết được sức mạnh tiềm ẩn của SVCG Thanh Hoá.hình ảnh nhà nguyện tầng 3 của nhà thờ Thái Hà chật cứng khiến các bạn phải ngồi tràn ra ngoài hành lang thực sự cảm động và mang đến những ấn tượng sâu sắc, nó khiến những ai đã từng hờ hững,lạnh nhạt với phong trào sinh viên chắc chắn phải động lòng suy nghĩ lại.

Đi lên từ con số 0 và tụt hậu rất xa so với SVCG các giáo phận bạn.ngày hôm nay,SVCG Thanh Hoá có thể ngẩng cao đầu và bước tiếp những chặng đường vất vả đang chờ đón.

8h30 phút sáng Chúa Nhật của tuần thứ 3 hàng tháng sẽ là khung thời gian cố định cho thánh lễ và sinh hoạt của nhóm tại nhà nguyện tầng 3 nhà thờ Thái Hà.

Sau thánh lễ,nhóm đã có một buổi đối thoại truyền thông về HIV/AIDS do các sơ dòng Mến Thánh Giá Hà Nội thuyết trình.buổi tư vấn thực sự bổ ích và thiết thực.nhiều câu hỏi được các bạn đặt ra như: chu trình của con virus HIV như thế nào?,HIV lây qua những con đường nào?,muỗi cắn có bị lây không?,chúng ta nên có cái nhìn như thế nào đối với những người bị nhiễm…cuộc đối thoại đã mang lại cho các bạn SV một cái nhìn toàn diện về HIV/AIDS và biết cách tự mình phòng tránh hiểm hoạ thế kỷ này.

Bạn Trương Công Minh-sv năm thứ 3 khoa điện tử viễn thông thuộc đại hoạc bách khoa Hà Nội-một sv lương dân-đã nói với tôi sau buổi sinh hoạt

- "Từ nay có những buổi sinh hoạt hay chương trình gì thì gọi tao đi với."

Thay mặt nhóm xin được chân thành gửi lời cảm ơn đến tất cả mọi người.xin chúa trả công bội hậu cho tất cả.cầu chúc mọi người bình an và trần đầy ân sủng chúa.

Chúc cho phong trào của SVCG Thanh Hoá ngày một xứng đáng với tầm vóc của giáo phận nhà.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Đằng sau vụ vườn trẻ thành vũ trường
Têrêxa Dương Anh Thư
16:51 23/04/2008
Việc trả lại cơ sở vốn thuộc về các Nữ tử Bác ái xem có vẻ đơn giản ấy vậy mà từ gần 3 năm qua, chính quyền Thành Phố chưa thể tính được một giải pháp nào. Từ trường học 32bis Nguyễn Thị Diệu trở thành vũ trường rồi bị bỏ không từ hơn 2 năm nay vì các nữ tu làm đơn đòi lại. Mọi việc coi bộ êm ru, án binh bất động như “quy hoạch treo” đang chờ tiền, chờ duyệt, chờ chia chác …. Đằng sau cái bầu khí “im ắng” đó chẳng biết có “bão tố” chi chăng ?

Tin hành lang từ các cuộc họp của Uỷ Ban Nhân dân thành phố cho biết: từ lâu Sở Xây dựng đã đề xuất trả vũ trường về cho giáo dục. Đề xuất này vướng một “vị có thế giá”. Theo vị này thì phải để Công ty Quản lý Kinh doanh nhà Thành phố tiếp tục quản lý “32bis vắng chủ”. Công ty sẽ cho Ban Quản lý Đường sắt Đô thị TP thuê trong vài năm chứ không chuyển giao cho ngành giáo dục. Tại sao “người có thế giá” lại tính toán như thế, chúng ta hãy xem lợi hại thế nào.

• Người được thuê nhà vắng chủ sẽ ưu tiên được mua nhà theo Nghị Định 61/1994/CP. Thật vậy, Điều 5 Nghị Định 61/1994/CP quy định:

“ Nhà nước thực hiện bán nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước cho người đang cho thuê phần diện tích đang được thuê để người mua nhà có điều kiện cải thiện chỗ ở, trừ các loại nhà ở sau đây:

1. Nhà ở thuộc khu vực quy hoạch xây dựng các công trình khác hoặc cải tạo thành nhà ở mới;

2. Nhà chuyên dùng đang đang bố trí tạm làm nhà ở (khách sạn, nhà nghỉ, trường học, trụ sở làm việc, kho tàng và các loại nhà chuyên dùng khác);

3. Biệt thự các loại kế hoạch dùng làm công thự hoặc dùng vào các mục đích khác.”

Đọc xong đoạn văn này thì quý bạn đọc thông minh của tôi chắc chắn hiểu tại sao người ta phải phù phép làm cho cái trường Mẫu giáo Măng Non thành “nhà vắng chủ”, vì Nhà Nước thương dân lắm: bán “nhà” chứ “trường” làm sao mà bán ! Muốn nhà nước bán thì quan phải ra tay biến trường thành nhà. Bước tiếp theo là quan thuê nhà ít lâu. Và cuối cùng là mua nhà, mua với giá “không thể tưởng”! Hơn nữa, bạn ơi, người ta chỉ được thuê “nhà” chứ đâu được thuê “trường” ? Nếu được thuê trường thì nhà nước phải trả cho các tôn giáo hơi bị nhiều tiền, vì vậy nhà nước “lấy luôn” cho đỡ chi phí ! Cái nghị định 61 “lót ổ” cho bao la quan chức mua “nhà vắng chủ” với giá rác rồi bán lại với giá vàng.

• Về phía Uỷ Ban Nhân dân TP, họ cũng nhờ đó mà vớ được một lý do xem ra “hợp lý” để từ chối yêu cầu trả lại cơ sở của các nữ tu. Rằng cơ sở đã được sử dụng ổn định cho công ích ! Rằng nó góp phần cho giải toả nạn kẹt xe, ùn tắc giao thông trong TP (khi cho Ban Quản lý Đường sắt Đô thị thuê) ! Rủi thay, giải pháp này gặp phản ứng gay gắt từ phía các nữ tu. Bởi ai cũng thừa biết, một cơ sở đang trong thời gian tranh chấp thì không thể mua, bán, cho thuê, tặng cho…càng không thể được phép sửa chữa, đập phá, xây cất. Vì thế mới có chuyện chính quyền đã 2 lần nhượng bộ ký vào biên bản mà các nữ tu yêu cầu mà không thể thoái thác. Hai lần đến cầu nguyện tại vũ trường, các nữ tu đã làm “hỏng ăn” cái kế sách mà Chính Quyền TP hí hửng chọn như giải pháp tối ưu của mình trong việc giải quyết vụ “vườn trẻ thành vũ trường”. Từ đây, hành trình chuyển từ tài sản của Tôn giáo thành tài sản thuộc sở hữu toàn dân rồi đích đến là sở hữu của các “quan” xem ra sụp đổ hoàn toàn.

• Ở đây cần giải thích thêm, tại sao người ta không ủng hộ phương án đem vũ trường trở về trường học ? Xin thưa, một khi chuyển về giáo dục, cơ sở này không còn thuộc quyền quản lý của Công ty quản lý kinh doanh nhà TP, thì làm sao “quan” mua hoá giá được cái “nhà vắng chủ” này ? Khỏan 1, Điều 8, Nghị Định 61/1994/CP quy định: “Bên bán là Giám đốc Công ty kinh doanh nhà thuộc ngành nhà đất cấp tỉnh, Chủ tịch hoặc Phó chủ tịch Ủy Ban nhân dân thành phố thuộc tỉnh, thị xã, quận, huyện (nơi chưa có Công ty kinh doanh nhà hiện đang quản lý nhà đó)”. Như vậy, nếu đồng thuận với phương án này tức là quan gián tiếp từ bỏ ý định mua nhà ở khu “đất vàng” với “giá bèo trôi” sông Sài Gòn. Phí của giời ! Chưa hết, đưa về giáo dục xem ra phù hợp với cam kết ban đầu với Tòa tổng Giám mục Sài gòn, nhưng chính quyền lại tô hô cho bàn dân thiên hạ thấy “tội lỗi” của mình. Chính quyền đã hành động như không tha thiết với việc vun trồng các mầm non của đất nước nên mở vũ trường, nay sám hối lại cho đập vũ trường để xây trường lớp !

Giờ đây, dầu muốn giao hẳn cho Ban Quản Lý Đường Sắt cái vũ trường này chứ không theo kiểu cho thuê tạm thời như trước đây thì cũng vướng dư luận quần chúng và nhất là tiếng nói của Tòa Tổng Giám Mục. Không thể chấp nhận việc mượn một trường học nhằm mục tiêu giáo dục bây giờ lại sử dụng vào một mục đích khác mà lại không có sự đồng thuận của người cho mượn. Xin trích lại đây điểm 2, Thông Cáo số 1.56.2001.147 ngày 31/8/2001 của Tòa Tổng Giám Mục về Quyền sở hữu đối với các cơ sở tư thục đã trao cho Nhà nước sử dụng từ tháng 10 năm 1975:

“ Lập trường hiện nay của Tòa Tổng Giám Mục về vấn đề này như sau:

* 1.Các cơ sở tư thục Công giáo nói trên vẫn là tài sản của Giáo hội.

* 2. “Vào thời điểm hiện nay Tòa Tổng Giám Mục không có chủ trương đòi lại tất cả các cơ sở nói trên, trừ trường hợp gây cản trở sinh hoạt tôn giáo và trường hợp sử dụng sai mục đích.

* 3. Nếu cơ quan đang sử dụng cơ sở thấy cần xây dựng lại thì phải có sự thỏa thuận với Tòa Tổng Giám Mục trong tinh thần tôn trọng quyền sở hữu và tôn trọng các sinh hoạt tôn giáo, thông qua con đường trao đổi, đối thoại, thỏa thuận giữa các bên liên hệ”.

Tương truyền rằng, đến lúc mọi chuyện đã ra ánh sáng, chính quyền thấy không thể muối mặt hành xử kiểu “i tờ rít” cho nên đã thêm mấy lần họp mà vẫn chưa ngã ngũ. Một số cho rằng đã đến lúc “của César phải trả lại César”, số khác lại cho rằng nên xài chiếc phao cuối cùng là trả về cho giáo dục.

Nhưng hình như mụ phù thủy miễn cưỡng giải lời nguyền cho vũ trường trở về thành trường học cũng không được thuận buồm xuôi gió. Đụng đến việc xây dựng mới ngôi trường trên tài sản tôn giáo mà không có sự đồng thuận của tôn giáo thì rất phiền hà: nào là thông tin trên bảng, trên net, trên tòa giảng, lấy chữ ký của giáo dân … Riêng Dòng Nữ Tử Bác Ái là một tu hội có mặt trên khắp thế giới và được hầu hết chính phủ các nước trân trọng do những hoạt động nhân đạo của họ, nếu họ vận động xin chính phủ các nước giúp đỡ thì chuyện bé xé ra to ! Có một điều chắc 100% là các nữ tu sẽ tiếp tục đến cầu nguyện để phản đối cho dẫu Nhà nước có nghĩ ra được lý do nào đó để bác đơn khiếu nại của họ. Bởi đây là hành động trái với điểm 3 thông cáo năm 2001 vừa nêu trên và trái với Thông Cáo Chung 1975 mà Sở Giáo dục đã cam kết (xem bản Thông Cáo Chung 1975). Riêng tôi, xin sẵn sàng ủng hộ các nữ tu khoản chi phí taxi cho các cháu trong 9 trường tình thương trong thành phố đến vũ trường cầu nguyện.

Đặt giả thiết Nhà nước sẽ thương lượng với Tòa Giám Mục và các nữ tu về nhu cầu trường lớp. Ủa, vậy sao nhà nước lại biến nó thành vũ trường ? Tôi nghĩ Thợ Gốm đã có câu trả lời thay cho tôi ở điểm này “…Hay Ông Phó Chủ Tịch UBND TP lại lấy lý do là ‘đang có nhu cầu sử dụng cơ sở này phục vụ công ích xã hội’, nên cho Ban Quản lý Đường sắt TP hay một cơ quan Nhà nước khác nhảy vào. Xin thưa, lý do này càng làm trò cười cho bần dân thiên hạ. Bởi một người không bị thần kinh đều hiểu, nếu thật sự Nhà nước có nhu cầu sử dụng chúng cho lợi ích quốc dân thì đâu có cho kinh doanh vũ trường từ hơn 10 năm nay. Nếu các nữ tu không đòi lại cơ sở trên thì liệu Nhà nước có thu hồi cơ sở trên của Hoàng Gia để giao cho Ban Quản lý Đường sắt Đô thị TP hay cho một cơ quan nào đó chăng ??? Hay sau khi gia hạn cho thuê nhiều lần, Chính quyền TP mưu định sẽ tiến hành giao đất có thu tiền sử dụng đất cho tổ chức đã thuê ổn định ??? (Trích bài căn cứ pháp lý giải quyết vụ “vườn trẻ đã thành vũ trường”)

Đọc bài “Ban quản lý Đường sắt rút lui thì vũ trường sẽ về đâu” của Nguyễn Quy Luật và “Thư gởi Bộ trưởng Giáo dục Nguyễn Thiện Nhân” của Tư Hiến tôi nghĩ Sở Giáo dục TPHCM và Phòng Giáo dục Quận 3 chăng dại gì mà tự nguyện đưa tay “ẵm” cái vũ trường “hóc xương cá” này từ tay UBNDTP, bởi rước nó là rước bao nhiêu chuyện tai tiếng chỉ có hại cho danh dự các nhà giáo. Rước nó cũng đồng nghĩa với việc phản đối những việc từ thiện của các nữ tu chăm lo cho các con người đau khổ, bệnh tật và trẻ em lang thang đầu đường xó chợ…. Chuyện này thì không thầy cô giáo nào muốn.

Như thế, xem ra việc trả lại hay có thể nói khác đi là “giao” lại cơ sở 32 bis Nguyễn Thị Diệu cho các nữ tu là điều mà Chính Quyền TP nên chọn, như thế mới thấy Quý vị đang “lãnh đạo bằng cái Tâm và đúng Tầm” một thành phố văn minh vào hạng nhất nước.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Một Thời Cổ Thụ
Lê Trị
00:21 23/04/2008

MỘT THỜI CỔ THỤ



Ảnh của Lê Trị

Cõi tôi, cõi nát, cõi tàn

cõi hoang mang, vội, cõi bàng hoàng, qua

cõi vui thân thế cỗi già

cõi lang thang mượn mái nhà hư không..

(Trích thơ Du Tử Lê)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền