Ngày 22-04-2012
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
ĐTC: Gặp gỡ Chúa Giê-su nơi Bí tích Thánh Thể
Đặng Thế Nhân
16:54 22/04/2012
Gặp gỡ Chúa Giê-su nơi Bí tích Thánh Thể

Quý vị thính giả thân mến,

Hôm qua, như thường lệ, tại quảng trường thánh Phê-rô ở Roma tín hữu và khách hành hương quy tụ về để cùng hiệp thông với Đức Thánh Cha trong kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng. Trong bài huấn dụ ngắn, Đức Thánh Cha nhấn mạnh đến biến cố Chúa Giê-su hiện ra với các tông đồ và Người vẫn hiện diện sống động giữa chúng ta trong thánh lễ.

Anh chị em thân mến,

Trong Chúa Nhật thứ ba mùa Phục Sinh, ngang qua Tin Mừng theo thánh Luca, chúng ta gặp gỡ Chúa Giê-su phục sinh hiện ra với các tông đồ trong khi các ông còn chưa tin vào sự phục sinh và tâm lòng còn hoảng sợ và nghĩ rằng đã thấy một bóng ma. Tác giả Romano Guardini viết:"Thiên Chúa đã biến đổi, Người không còn như trước nữa. Sự hiện hữu của Ngài là điều không thể hiểu được bằng trí khôn nhưng là sự hiện hữu cụ thể ngang qua cuộc sống, cuộc thương khó và cái chết trên thập giá. Tất cả là thực. Cho dù có biến đổi, Ngài vẫn hiện diện cách hữu hình." (Thiên Chúa. Suy niệm về con người và cuộc sống của Đức Giê-su Ki-tô Chúa chúng ta, Milano 1949, 433). Vì sự phục sinh không xoá bỏ các dấu vết của cuộc thương khó, Chúa Giê-su cho các tồng đồ xem tay và chân của Người. Và để chứng minh cụ thể hơn, Người thậm chí xin chút gì đó để ăn. Các tông đồ "đưa cho Người một khúc cá nướng. Người cầm lấy và ăn trước mặt các ông (Lc 24, 42-43). Thánh Gregorio Magno chú giải rằng "cá nướng không diễn tả điều gì khác ngoài cuộc thương khó của Chúa Giê-su, Đấng trung gian giữa Thiên Chúa và loài người. Người đã hạ mình xuống làm người, đã chấp nhận sự trói buộc của cái chết và như thể đã bị đặt trên lửa bởi những đau khổ phải chịu trong cuộc thương khó" (Hom. in Evang. XXIV, 5: CCL 141, Turnhout 1999, 201).

Những dấu vết hữu hình này đã xua tan đi những hoài nghi nơi các tông đồ và giúp các ông mở lòng đón nhận đức tin; chính niềm tin này giúp các ông hiểu những gì đã viết về Đức Ki-tô trong " sách Luật Mô-sê, các Sách Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh" (Lc 24,44). Trong trình thuật Tin Mừng, chúng ta cũng đọc thấy rằng Chúa Giê-su "mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh và Người nói: "Có lời Kinh Thánh chép rằng: Đấng Ki-tô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại; phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân ... kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội. Chính anh em là chứng nhân về những điều này" (x.Lc 24, 45-48). Đấng Cứu Thế đã bảo đảm cho chúng ta về sự hiện diện hữu hình của Người ở giữa chúng ta, ngang qua Lời Chúa và bí tính Thánh thể. Do đó, các môn đệ Emau đã nhận ra Chúa Giê-su khi Người bẻ bánh (x.Lc 24,35). Chúng ta cũng vậy, chúng ta gặp gỡ Người trong khi cử hành thánh lễ. Thánh Tô-ma A-qui-nô diễn giải rằng "cần nhận biết trong đức tin công giáo rằng toàn bộ con người Chúa Ki-tô hiện diện trong bí tích Thánh thể ... bởi vì không bao giờ Người không bao giờ rời bỏ thân thể mà Người đã nhận lấy" (S. Th. III, q. 76, a.1).

Anh chị em thân mến,

Trong mùa Phục Sinh, chúng ta thường cử hành việc rước lễ lần đầu cho các trẻ em. Do đó, tôi mời gọi các cha xứ, các bậc phụ huynh và các giáo lý viên chuẩn bị kỹ lưỡng thánh lễ quan trọng này với lòng nhiệt thành trong tinh thần tiết kiệm. "Ngày này sẽ còn lưu lại trong tâm trí mỗi người bởi là thời khắc đầu tiên để hiểu được việc gặp gỡ cá vị với Chúa Giê-su" (Esort. ap. postsin. Sacramentum caritatis, 19). Mẹ Maria, Mẹ Thiên Chúa sẽ giúp chúng ta lắng nghe chăm chú Lời Chúa và tham dự cách xứng hợp vào thánh lễ hầu trở thành chứng nhân cho nhân loại mới.

Sau đó, Đức Thánh Cha nhắc đến sự kiện phong chân phước cho chị Maria Ines Teresa tại Mê-xi-cô hôm trước đó. Chân phước Maria của Bí tích Thánh thể là người sáng lập hội dòng Thừa sai tôn sùng Bí tích Thánh thể.

Hôm qua cũng là Ngày các trường Đại học Công giáo Thánh Tâm tại Ý với chủ đề: "Tương lai đất nước trong tim các bạn trẻ". Đức Thánh Cha nhận định rằng điều quan trọng là các bạn trẻ được đào luyện trong các giá trị nhân bản cũng như những hiểu biết khoa học và kỹ thuật. Như thế, thời gian trôi đi với những thay đổi nhưng luôn cần trung thành với cội rễ của mình.

Với khách hành hương nói tiếng Pháp, Đức Thánh Cha mời gọi: "Sự phục sinh của Chúa Giê-su đem lại tràn đầy niềm vui và ánh sáng trong tâm hồn chúng ta. Người đã hiện ra với các tông đồ và trao cho họ bình an của Ngài. Trong thế giới chúng ta hôm nay với nhiều tệ nạn và đau khổ, chịu đựng và sợ hãi, chính Chúa Giê-su phục sinh trao ban cho chúng ta bình an của Người và mở lòng chúng ta đón nhận sự sống và niềm vui. Người mời gọi chúng ta trở thành chứng nhân cho đến tận cùng cõi đất. Ước gì tâm trí và con tim chúng ta biết rộng mở để hiểu được Lời Người.

Bằng tiếng Tây Ban Nha, Đức Thánh Cha chào mừng đoàn hành hương đến từ giáo xứ thánh Giu-se Thợ ở Mostoles. Trong mùa Phục Sinh, Đức Thánh Cha mời gọi mọi tín hữu canh tân bí tích thanh tẩy và sống đời sống mới với Đức Ki-tô và với tha nhân. Qua đó, ngài nhấn mạnh rằng Chúa Giê-su phục sinh gặp gỡ chúng ta cách sống động và cá vị trong các bí tích để củng cố đức tin và tăng thêm niềm hy vọng cho chúng ta.

Sau cùng, Đức Thánh Cha gởi lời chào và chúc tất cả một ngày Chúa nhật an lành.
 
Top Stories
Muslim mob burns Catholic church in Sudan capital
AP
08:52 22/04/2012
KHARTOUM, Sudan (AP) — A Muslim mob has set ablaze a Catholic church frequented by Southern Sudanese in the capital Khartoum, witnesses and media reports said on Sunday.

The church in Khartoum's Al-Jiraif district was built on a disputed plot of land but the Saturday night incident appeared to be part of the fallout from ongoing hostilities between Sudan and South Sudan over control of an oil town on their ill-defined border.

Sudan and South Sudan have been drawing closer to a full scale war in recent months over the unresolved issues of sharing oil revenues and a disputed border.

Last week, South Sudanese troops seized Heglig, which the southerners call Panthou, sending Sudanese troops fleeing. The Khartoum government later claimed to have regained the town.

The witnesses and several newspapers said a mob of several hundreds shouting insults at southerners torched the church. Fire engines could not put out the fire, they added.

One newspaper, Al-Sahafah, said the church was part of a complex that included a school and dormitories. Ethiopian refugees living in the Sudanese capital also used the church.

The mostly Christian and animist South Sudan seceded from Sudan in 2011, some six years after a peace deal ended more than two decades of war between the two sides. But tens of thousands of southerners remain in Sudan, a legacy of the civil war that drove hundreds of thousands of them to seek relative safety in the north of what was then a single Sudanese nation.

Vice President Ali Osman Taha, meanwhile, rejected in a television interview suggestions by South Sudan for the deployment of international forces in Heglig, saying the area was internationally recognized as Sudanese territory. He also said that Khartoum would shortly announce the monetary value of what he said was the destruction caused by Southern Sudanese troops in Heglig and that his government would demand compensation.

Sudanese army spokesman Col. Sawarmy Khaled also said that government forces have repulsed an attack by Southern Sudanese forces in the area around the town of Talode in South Kordofan, the same region where Heglig is located. He said the southerners suffered unspecified casualties but did not say when the fighting took place.

(Source: http://news.yahoo.com/muslim-mob-burns-catholic-church-sudan-capital-121656373.html)
 
US bishops call for end to Cuba embargo
Vatican Radio
19:06 22/04/2012
The chairman of the United States Conference of Catholic Bishops’ Committee on International Justice and Peace is calling for the economic embargo on Cuba to be lifted.

Bishop Richard E. Pates of Des Moines, Iowa, said in an April 17 letter to Secretary of State Hillary Clinton that “it is imperative that more must be done to support deepened dialogue and communication between our respective countries”, to help foster human rights and other positive changes in Cuba.

Bishop Pates said he visited Cuba in March for the visit of Pope Benedict XVI and learned how complicated it is for the church’s social aid organizations to function because of the trade embargo.

He noted that the staff of the U.S. Interests Section in Havana told him Catholic charitable organizations are advancing a more free and humane society.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Ủy ban Giáo lý Đức Tin tổ chức hội thảo thần học tại TTMV Saigòn
LM Giuse Nguyễn Tuấn Hải
07:25 22/04/2012
SAIGÒN – Vào lúc 8g00 sáng ngày 21 tháng 4 năm 2012, tại Phòng Họp lầu 2 thuộc khu nhà Truyền Thống của Trung Tâm Mục Vụ Saigòn, đã khai mạc hội thảo (forum) thần học do Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin (UBGLĐT), trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, tổ chức dưới sự chủ tọa của Đức Cha Phaolô Bùi Văn Đọc, Chủ Tịch Ủy ban Giáo lý Đức tin. Thành phần Ban Tổ Chức gồm có: Đức Cha Chủ Tịch Phaolô Bùi Văn Đọc, Linh mục Phêrô Nguyễn Văn Hiền, Linh mục Giuse Nguyễn Văn Am, Linh mục Giuse Phan Tấn Thành, Linh mục Antôn Hà Văn Minh, Linh mục Phaolô Vũ Chí Hỷ, Linh mục Emmanuel Nguyễn Hồng Sơn.

Xem hình ảnh

Diễn đàn thần học này được tổ chức nhằm đáp lại thao thức của Đại hội Dân Chúa năm 2010, cũng như nhận ra nhu cầu khích lệ suy tư đức tin một cách sâu xa và có tính nghiên cứu. Được sự gợi ý và động viên của Đức Cha Chủ tịch UBGLĐT, Tổ Thần Học của UBGLĐT cố gắng khởi đầu tổ chức một forum về thần học dành cho những người đang trực tiếp giảng dạy và nghiên cứu thần học trong các chủng viện và các học viện của Giáo hội. Diễn đàn thần học lần này có những kết quả đáng kể bước đầu, cho phép chúng ta lạc quan hướng đến những sinh hoạt định kỳ trong việc suy tư thần học, nhằm hỗ trợ cho những định hướng hoạt động mục vụ cho Giáo hội tại Việt Nam trong tương lai.

Tổng số tham dự viên đến với diễn đàn thần học lần này gồm có 86 người, kể cả 7 vị trong Ban Tổ Chức. Đặc biệt vào buổi sáng có sự tham dự của Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm; buổi chiều có sự tham dự của Đức Ông Giuse Đinh Đức Đạo.

Buổi hội thảo thần học lần này dựa trên hai tài liệu căn bản: 1) “Thư chung Hậu Đại Hội Dân Chúa” của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, và 2) “Tài liệu chuẩn bị Synod về New Evangelization”.

Ban Tổ Chức đã thâu hẹp vấn đề với chủ đề: “Giáo hội: nền tảng của việc loan báo Tin Mừng cách mới mẻ”. Các thuyết trình viên là 4 linh mục trong Tổ Thần Học của UBGLĐT lần lượt trình bày 4 đề tài sau đây:

1) “Loan báo Tin mừng - Tái loan báo Tin mừng - Loan báo mới Tin mừng”: Những bài học của lịch sử (Thuyết trình viên: Lm. Giuse Phan Tấn Thành, OP.)

2) Loan báo Tin Mừng cách mới mẻ dưới chiều kích: Giáo Hội như là Dân Thiên Chúa (Thuyết trình viên: Lm. Antôn Hà Văn Minh)

3) Loan báo Tin Mừng cách mới mẻ dưới góc độ: Giáo Hội như là Thân Mình Chúa Kitô (Thuyết trình viên: Lm. Phaolô Vũ Chí Hỷ, SSS)

4) Loan báo Tin Mừng cách mới mẻ theo khóe nhìn Giáo Hội như là Đền thờ Chúa Thánh Thần (Thuyết trình viên: Lm. Emmanuel Nguyễn Hồng Sơn)

Đúng 8g00, Cha Phêrô Nguyễn Văn Hiền, Tổng Thư Ký UBGLĐT, đã khởi động bằng một bài hát sinh hoạt. Mọi người cùng hưởng ứng cách tích cực. Đến 8g10, Cha Giuse Nguyễn Văn Am – Tổ Trưởng Tổ Thần Học của UBGLĐT – điều khiển ngày hội thảo thần học, đã mời gọi các tham dự viên cầu nguyện bằng bài hát: “Xin Ngôi Ba Thiên Chúa, ngự xuống trên chúng con,….”. Tiếp đến, mọi người cùng lắng nghe Lời Chúa trích trong sách Tông Đồ Công Vụ chương 4 nói về cộng đoàn tín hữu đầu tiên một lòng một ý, sống hiệp nhất với nhau, yêu thương và chia sẻ. Sau đó, với cương vị Tổ trưởng tổ Thần học, Cha tuyên bố khai mạc ngày hội thảo.

Hai thuyết trình viên buổi sáng là Cha Giuse Phan Tấn Thành, OP. và Cha Antôn Hà Văn Minh, Giáo phận Phú Cường, trình bày đề tài 1 và 2 như đã nêu trên. Các thuyết trình viên đã dồn hết tâm huyết vào bài thuyết trình qua giọng nói chắc khỏe, rõ ràng và tự tin, khiến người nghe theo dõi cách chăm chú say sưa.

Sau bài thuyết trình thứ hai của Cha Antôn Hà Văn Minh vào lúc 9g50, các tham dự viên được nghỉ giải lao 25 phút cho đến 10g15. Trong thời gian giải lao, các tham dự viên có dịp gặp gỡ trao đổi thân tình với nhau tại hành lang thoáng mát của Phòng Họp.

Sau giờ nghỉ giải lao, các tham dự viên trở lại Phòng Họp để bắt đầu cuộc trao đổi theo kiểu panel dựa vào các đề tài vừa nghe. Các tham dự viên sôi nổi phát biểu những ý kiến phản hồi, đặt ra các câu hỏi gợi ý suy tư, và nêu lên những vấn đề đáng quan tâm. Vì có nhiều ý kiến đóng góp nên mỗi người chỉ có khoảng 5 phút phát biểu. Các thuyết trình viên cũng nhiệt trình tiếp nhận và trả lời những đóng góp của các thính giả.

Người được mời phát biểu cuối cuộc trao đổi buổi sáng là Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm. Đức Cha đã làm sáng tỏ thêm những ý tưởng của các thuyết trình viên, giúp các thính giả hiểu sâu hơn về mối tương giao bình đẳng trong Giáo hội qua Bí Tích Rửa Tội, và mối tương giao phẩm trật trong Giáo hội. Đức Cha cũng đề xuất cách tiếp cận vấn đề một cách thiết thực hơn.

Buổi trao đổi kết thúc vào lúc 11g30. Các tham dự viên dùng cơm trưa chung với nhau tại căn-tin của Trung Tâm Mục Vụ, rồi nghỉ trưa đến 13g50.

Vào lúc 13g50, các tham dự viên đã có mặt tại Phòng Họp để bắt đầu cho buổi hội thảo ban chiều. Các tham dự viên đã vỗ tay để đặc biệt chào đón Đức Ông Giuse Đinh Đức Đạo đến với buổi hội thảo.

Diễn tiến thuyết trình buổi chiều cũng giống như buổi sáng, hai Cha thuyết trình vào buổi chiều là Cha Phaolô Vũ Chí Hỷ, SSS và Cha Emmanuel Nguyễn Hồng Sơn, Giáo phận Bà Rịa, với 2 đề tài còn lại. Sau đó là 25 phút giải lao. Đúng 3g45, phần trao đổi buổi chiều cũng bắt đầu sôi nổi và phấn khởi qua những ý kiến đóng góp, chia sẻ kinh nghiệm của quí Cha, quí Sơ tham dự. Đặc biệt có sự góp ý trao đổi của Đức Ông Giuse Đinh Đức Đạo. Đức Ông đã nhắc lại lời của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô VI: “Truyền giáo còn là tiếp xúc với cá nhân” để nhắc cử tọa đừng quên khía cạnh quan trọng này. Cũng trong dòng suy tư thao thức về việc Loan Báo Tin Mừng qua việc sử dụng các phương tiện truyền thông, Đức Ông cho rằng, truyền thông không chỉ là một dụng cụ mà còn là một mạc khải.

Cuộc trao đổi kết thúc vào lúc 16g45, tiếp đó là phần tổng kết những nét chính trong ngày hội thảo của Cha Giuse Am và phần phát biểu của Đức Cha Chủ Tịch. Trong phần phát biểu này, Đức Cha bày tỏ niềm vui và ghi nhận những nỗ lực mà Tổ Thần Học đã đóng góp trong ngày hội thảo thần học này. Ngài nhấn mạnh mục đích và cố gắng của ngày hội thảo là nhằm nối kết thần học với Lời Chúa, cố ý làm cho người ta yêu mến thần học và giáo lý. Cũng trong ý hướng này, Đức Cha nói, nếu trong Giáo hội có ít người yêu mến thần học thì sẽ dẫn đến việc loan báo Tin Mừng không hiệu quả. Ngài cũng chia sẻ nỗi thao thức của ngài đó là làm sao sống giới răn thứ nhất cho trọn vẹn: 1) “Yêu mến Chúa hết lòng” là yêu cái gì sâu xa nhất gần với cái tâm của con người; 2) “Yêu mến Chúa hết linh hồn” là yêu mến Chúa hết sức sống, hết sức lực của tôi; và 3) “Yêu mến Chúa hết trí khôn” đó là lĩnh vực của thần học, là nhiệm vụ của ngài. Cuối cùng, Đức Cha kết luận rằng, đừng tưởng những việc của chúng ta làm là lớn lao, Chúa làm hơn chúng ta rất nhiều, phần chúng ta hãy yêu mến Chúa hết sức lực của chúng ta.

Sau khi Đức Cha Chủ Tịch đúc kết. Cha Giuse Am đã thay mặt mọi người cám ơn Đức Cha Phêrô Khảm đã đến tham dự vào buổi sáng; cám ơn Cha Phêrô Hiền – Tổng Thư ký UBGLĐT, chị Mađalêna Thúy – thư ký văn phòng UBGLĐT, đã vất vả lo việc tổ chức; cám ơn 4 thuyết trình viên: Cha Giuse Thành, Cha Antôn Minh, Cha Phaolô Hỷ, Cha Emmanuel Sơn; cám ơn mọi người tham dự đã nhiệt tình đóng góp ý kiến, nhưng trước hết và trên hết, Cha Giuse nói, chúng ta hãy cảm tạ Thiên Chúa chúng ta. Để kết thúc, mọi người cùng dâng lời cảm tạ Thiên Chúa qua lời hát: “Đến muôn đời con cảm tạ ơn Chúa…”. Trước khi ra về, Ban Tổ Chức cũng yêu cầu các tham dự viên ghi lại những đề nghị suy tư cho những lần hội thảo kế tiếp.

Vào lúc 17g00, mọi người ra về trong hân hoan, bởi vì ngày hội thảo thần học không khép lại bằng dấu chấm hết, nhưng là mở ra nhiều dấu chấm làm thành con đường dài rộng mở phía trước đến một chân trời rộng lớn hơn cho một cái nhìn mới mẻ về công cuộc loan báo Tin Mừng, đặc biệt tại Việt Nam. Đây cũng là niềm vui cho những ai quan tâm và yêu mến thần học, cũng là quan tâm và yêu mến Thiên Chúa.
 
Giáo đoàn Marrickville – Sydney mừng Lễ Bổn Mạng
Diệp Hải Dung
08:42 22/04/2012
SYDNEY - Chiều Chúa Nhật 22/04/2012 đông đủ giáo dân thuộc Giáo đoàn Thánh Tử Đạo Đa Minh Vũ Đình Tước Marrickville Sydney và các quan khách thuộc các Giáo Đoàn bạn đã đến nhà thờ St. Britgid Mariickville tham dự Thánh lễ mừng kính Quan Thầy của Giáo đoàn.

Xem hình ảnh

Đúng 3 giờ 30 tất cả mọi người tập trung tại khuôn viên nhà thờ và Cha FX Nguyễn Văn Tuyết Đặc trách Giáo đoàn Marrickville xông hương tượng Thánh Tử Đạo VN Đa Minh Vũ Đình Tước và sau đó kiệu cung nghinh tượng Thánh Tử Đạo tiến vào nhà thờ an vị trên cung thánh.

Kế tiếp là phần đọc tiểu sử của Thánh Đaminh Vũ Đình Tước, Ngài rất can trường và hiên ngang bất chấp mọi thủ đoạn của đám quan quân triều đình. Ngài vẫn một mực kiên trì trung thành với Thiên Chúa và sẵn sàng chấp nhận cái chết để vinh danh Thiên Chúa và Ngài đã nêu một tấm gương anh dũng sáng ngời cho hậu thế. Sau khi chấm dứt phần tiểu sử quý Cha Nguyễn Văn Tuyết, Cha Tuyên úy Trưởng Nguyễn Khoa Toàn, Cha Mai Đào Hiền và Cha Tony Egar Phó xứ cùng đồng tế dâng Thánh lễ tạ ơn.

Trước khi kết thúc Thánh lễ, Cha Tony Egar Phó xứ Marrickville ngỏ lời chúc mừng Bổn Mạng Giáo đoàn Mariickville. Ông Giang Hoan Chủ tịch Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam Sydney thay mặt cho Cộng Đồng lên ngỏ lời chúc mừng bổn mạng nhân dịp kỷ niệm 30 năm của Giáo Đoàn, một trong những Giáo Đoàn tiên khởi trong Cộng Đồng và cũng đã đóng góp rất nhiều cho Cộng Đồng trong suốt những năm tháng dài.Tiếp đến ông Hứa Thanh Sâm Trưởng Ban Mục Vụ Giáo đoàn lên ngỏ lời cám ơn quý Cha, quý Quan Khách, quý Hội đoàn Đoàn thể đã đến tham dự Thánh lễ mừng kính Bổn Mạng của Giáo đoàn Marrickville hôm nay. Ông chúc mừng Huynh Đoàn Thánh Đa Minh Vũ Đình Tước nhân ngày mừng Bổn Mạng và ông đặc biệt cám ơn 2 Ca đoàn, Ca đoàn Alleluia (Thứ Bảy) và Cha Đoàn Vô Nhiễm (Chúa Nhật) đã phối hợp hát rất hay mừng Bổn Mạng của Giáo Đoàn, ông cũng cám ơn quý Cha quý anh em trong Ban Mục Vụ, và tất cả mọi người trong Giáo Đoàn đã ủng hộ nâng đỡ khuyến khích tinh thần của ông trong 2 nhiệm kỳ 6 năm vừa qua.

Sau cùng Cha Nguyễn Văn Tuyết ngỏ lời cám ơn quý Cha và mọi người, đồng thời Cha điều hành hướng dẫn mọi người trong Giáo Đoàn bầu cử những thành viên mới trong Ban Mục Vụ của Giáo Đoàn nhiệm kỳ 2012 – 2015

Sau khi kết thúc Thánh lễ, mọi người ở lại và tham dự bữa tiệc liên hoan bên hội trường nhà thờ và thưởng lãm văn nghệ do các em Thiếu Nhi Thánh Thể và Thiếu Nhi Cung Thánh trình diễn rất ngoạn mục đặc sắc.
 
Lễ ra mắt và tuyên hứa Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể giáo xứ Thượng Lộc
Joseph Tô Đức Lân
11:33 22/04/2012
Chúa Nhật III Phục Sinh, ngày 22/04/2012, tại nhà thờ giáo xứ Thượng Lộc đã diễn ra nghi thức tuyên hứa và ra mắt Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể (TNTT) của xứ Đoàn Thượng Lộc. Chủ sự nghi thức là cha tuyên uý Giuse Nguyễn Viết Nam. Cùng tham dự nghi thức có quý thầy Đại Chủng Viện Vinh Thanh, quý Hội Đồng Mục Vụ giáo xứ và đông đảo bà con giáo dân xứ Thượng Lộc.

Xem hình ảnh

Sau thời gian hơn một năm huấn luyện và tập sự, được sự dẫn dắt của cha quản xứ, quý thầy Đại Chủng Viện, đoàn TNTT xứ Thượng Lộc nay đã sẵn sàng và đủ điều kiện để ra mắt cộng đoàn dân Chúa. Từ nay, Đoàn TNTT Thượng Lộc chính thức đi vào hoạt động dưới sự dẫn dắt của cha tuyên uý và đội ngũ huynh trưởng giáo xứ. Như thế, phong trào TNTT Việt Nam có thêm một xứ đoàn mới.

5h15, toàn đoàn sẵn sàng hàng ngũ, các nghi thức nghiêm tập và chào đón được bắt đầu để chào đón Cha Tuyên Uý và quý thầy. Sau phần nghiêm tập là vũ điệu XIN TIN YÊU được các em trình diễn một cách đều đặn và hùng tráng.

Đúng 5 h 30, Cha Tuyên Uý làm phép cờ trao cho đoàn trưởng như một cử chỉ trao quyền chỉ huy cho đội ngũ huynh trưởng của đoàn. Sau đó, cha tuyên uý thẩm vấn đoàn sinh về khẩu hiệu của các ngành cũng như của phong trào. Các em thuộc các ngành lần lượt trả lời lớn tiếng, đều đặn và dõng dạc.

Với tư cách là cha tuyên uý, cha Giuse Nguyễn Viết Nam đã nhận lời tuyên hứa và trao khăn cho các em với lời nhắn nhủ: từ nay chúng con hãy sống đời sống CẦU NGUYỆN, RƯỚC LỄ, HY SINH,VÀ LÀM VIỆC TÔNG ĐỒ. Đó là khẩu hiệu của TNTT. Hãy đến với Chúa Giêsu Thánh Thể và đem Chúa đến cho mọi người trong môi trường sống của mình. Trong lởi huấn từ, cha nhắc nhỡ các huynh trưởng cũng như TNTT thêm rằng, từ nay, danh hiệu TNTT hay huynh trưởng TNTT luôn gắn bó với chúng con suốt cả cuộc đời. Dù đi đâu, làm việc gì chúng con cũng đừng làm mất danh hiệu đó.

Xứ Đoàn giáo xứ Thượng Lộc gồm 139 đoàn sinh thuộc 3 ngành Ấu (50 em), Thiếu (50 em), Nghĩa (39 em), dưới sự dẫn dắt của 26 huynh trưởng.

Kết thúc nghi thức ra mắt và tuyên hứa, Đoàn rước cha chủ tế vào thánh đường và bắt đầu Thánh Lễ Chúa Nhật III Phục Sinh.Niềm vui của ngày lễ ra mắt và tuyên hứa được kéo dài với bữa tiệc liên hoan. Niềm vui và niềm hạnh phúc đó chúng tôi thấy rõ trên những khuôn mặt rạng rỡ của các tân đoàn sinh TNTT.

Xin Chúa Giêsu Thánh Thể gìn giữ và chỡ che những mần non của giáo xứ Thượng Lộc. Xin Chúa chúc lành cho mọi hoạt động của Đoàn ngày càng tiến triển theo đường lối và tôn chỉ của phong trào.
 
Một cái nhìn về Hội thánh địa phương sau biến cố 30-4-1975
+ Gm. GB Bùi Tuần
13:56 22/04/2012
1. Cơ hội hội để chấn chỉnh chính mình theo lời mời gọi của Phúc Âm.

Một thời gian dài sau biến cố 30 tháng 4 năm 1975 là dịp khiến tôi suy nghĩ rất nhiều về Hội Thánh tại Quê Hương Việt Nam yêu dấu của tôi. Kính trọng mà nói, Hội Thánh của tôi đã nhạy bén với dấu chỉ của thời đại. Nhờ ơn Chúa, Hội Thánh của tôi đã khiêm tốn để Chúa thanh luyện. Biến cố không phải là thánh. Nhưng nhờ Chúa, Hội Thánh đã rút ra được từ đó những cơ hội để chấn chỉnh chính mình theo lời mời gọi của Phúc Âm.

Từ thời sự, Hội Thánh đã đi tìm về Nguồn. Nguồn là Lời Chúa. Nhờ Lời Chúa để phân biệt đúng sai. Cái sai thì bỏ, cái đúng thì giữ lại và phát triển.

Ở đây, tôi xin được nói lên vắn tắt nhận xét của tôi về mấy nét đẹp đã làm sáng lên Tin Mừng trên con đường Hội Thánh trở về Nguồn. Tất nhiên không phải đều khắp, nhưng nơi nhiều nơi ít, nhất là tại địa phương tôi.

2. Nét đẹp thứ nhất là đề cao yêu thương.

Tôi rất nhớ cảnh yêu thương trong Hội Thánh địa phương của tôi sau biến cố 30 tháng 4 năm 1975.

Mọi người đều gần gũi nhau. Người nọ nương tựa vào người kia để sống. Gánh nặng của người này được người kia chia sẻ. Nhìn bầu khí yêu thương đó, tôi nhớ lại lời thánh Phaolô quả quyết: “Mang gánh nặng cho nhau, như vậy là anh em chu toàn lề luật” (Gl 6,2).

Lúc đó, quan hệ giữa các thành phần trong Hội Thánh là quan hệ yêu thương phục vụ. Hầu như không có phân biệt trên dưới, giàu nghèo. Cảnh đó cho tôi nhận ra sức mạnh liên kết của bác ái như Lời Chúa dạy: “Trên hết mọi đức tính, anh em phải có lòng bác ái: đó là mối dây liên kết tuyệt hảo” (Cl 3,14).

Ở một số nơi, đã có những chia sẻ cho nhau đất đai, nhà cửa, lúa gạo, tiền bạc, đồ đạc, quần áo. Chia sẻ cụ thể đó thực hành lời thánh Gioan khuyên: “Chúng ta đừng yêu thương nơi đầu môi chót lưỡi, nhưng phải yêu thương cách chân thật và bằng việc làm” (1 Ga 3,18).

Tại nhiều nhà thờ và nhiều cộng đoàn, kể cả các tư gia, người ta khuyến khích nhau sống bác ái. Họ tin tưởng sống bác ái là đúng Phúc Âm nhất và cũng đáp ứng nhu cầu thời cuộc một cách thiết thực nhất. Tin tưởng đó không sai, vì thánh Phaolô quả quyết: “Hiện nay, đức tin, đức cậy và đức mến, cả ba đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn cả là đức mến” (1 Cr 3,13). Một bổn phận của đức mến được chúng tôi đề cao là bổn phận yêu thương kẻ khác, dựa theo lời thánh Gioan: “Ai không yêu thương người anh em, mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa, mà họ không trông thấy” (1 Ga 4,20).

Theo tôi, bầu khí yêu thương nhau tuy còn nhiều hạn chế, vẫn làm cho Hội Thánh tại địa phương tôi phần nào được nên giống Hội Thánh các tông đồ xưa. Bầu khí đó toả hương thơm thần thánh, ảnh hưởng nhiều đến việc giới thiệu Tin Mừng cứu độ.

3. Nét đẹp thứ hai là tập trung vào Chúa Giêsu trên thánh giá.

Phải nói thật điều này: Biến cố 30 tháng 4 năm 1975 đã là một thử thách lớn đối với đức tin nhiều người công giáo Việt Nam. Thử thách đó đã khiến chúng tôi kiểm tra lại lòng đạo của chúng tôi. Nhờ ơn Chúa giúp, chúng tôi thấy một điều phải chấn chỉnh ngay, đó là phải xây dựng lòng đạo trên nền tảng đích thực. Nền tảng đó là Đức Giêsu Kitô, như thánh Phaolô quả quyết: “Ai nấy phải coi chừng về cách mình xây cất, vì không ai có thể đặt nền móng nào khác ngoài nền móng đã đặt là Đức Giêsu Kitô” (1 Cr 3,11). Thánh Phaolô xác định thêm: Đức Giêsu Kitô mà Ngài muốn nói chính là Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh trên thánh giá. “Hồi tôi còn ở giữa anh em, tôi đã không muốn biết đến chuyện gì khác ngoài Đức Giêsu Kitô, mà là Đức Giêsu Kitô trên thánh giá” (1 Cr 2,2).

Chính trên thánh giá, Chúa đã mạc khải cách rõ ràng tình yêu thương xót của Chúa. Chính trên thánh giá, Chúa đã tẩy xoá tội lỗi. Chính trên thánh giá, Chúa đã thắng sự chết. Chính trên thánh giá, Chúa đã cứu chuộc nhân loại. Chính trên thánh giá, Chúa đã dạy một cách hùng hồn và thiết thực nhất về giá trị của tình yêu dâng hiến, chấp nhận hy sinh.

Sự tập trung vào Chúa Giêsu trên thánh giá và cầu nguyện với Người đã giúp chúng tôi rất nhiều trong thời gian ngập tràn những thử thách đớn đau. Hội Thánh đi từ thử thách này đến thử thách khác một cách bình tĩnh, bởi vì Hội Thánh ý thức mình không cô đơn, nhưng chình nhờ Đức Kitô, với Đức Kitô và trong Đức Kitô mà Hội Thánh vượt qua mọi khó khăn, để tới mọi chiến thắng thiêng liêng liên quan đến Nước Trời.

4. Nét đẹp thứ ba là tu thân, đi vào đường hẹp.

Biến cố 30 tháng 4 năm 1975 được nhiều người của Hội Thánh chúng tôi coi là một cơ hội, để trở về con đường hẹp. Chúa phán: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo” (Mt 16,24). Từ bỏ mình, vác thập giá mình là đi vào cửa hẹp, đi trên đường hẹp. Chúa Giêsu cảnh báo: “Hãy qua cửa hẹp mà vào (Nước Trời) vì cửa rộng và đường thênh thang thì đưa đến diệt vong, mà nhiều người lại đi qua đó. Còn cửa hẹp và đường hẹp thì đưa đến sự sống, nhưng ít người tìm được lối ấy” (Mt 7,13-14).

Trên lý thuyết, hầu như mọi người chúng tôi đều thuộc lòng những Lời Chúa dạy trên đây. Nhưng từ lý thuyết đến thực tế nhiều người, đã có một khoảng cách xa, nhất là khi thực tế cuộc sống là một môi trường mà Chúa nói là cửa rộng và đường thênh thang. Sau biến cố 30 tháng 4 năm 1975 thực tế cuộc sống thay đổi. Sự thay đổi của thực tế cuộc sống được chúng tôi coi là dịp, để sống Lời Chúa một cách trung thực hơn về việc từ bỏ mình, và vác thập giá mình. Có thể nói, chúng tôi sống đời tu thân một cách hữu hiệu hơn và nhạy bén hơn với thánh ý Chúa.

5. Ba nét đẹp trên đây đã hình thành ở nhiều nơi trong Hội Thánh Việt Nam.

Đó là công trình của Chúa. Với ba nét đẹp đó, Hội Thánh địa phương mang một tầm vóc khả kính khi dấn thân truyền giáo.

Tuy nhiên, theo dòng thời gian với những chuyển biến của lịch sử trên lãnh vực văn hoá, kinh tế, chính trị, ba nét đẹp đó đang có vẻ biến chất ở một số nơi do ảnh hưởng của những trào lưu thế tục. Thí dụ:

• Hội Thánh yêu thương bác ái xem như bị đẩy xuống, nhường chỗ cho một Hội Thánh cơ chế với những luật lệ mới, những ban bệ mới, những hình thức mới nặng về phô trương và phân hoá.

• Hội Thánh Đức Kitô trên thánh giá xem như bị che phủ bởi một Hội Thánh tôn vinh các thành công của các phương tiện trần thế.

• Hội Thánh tu thân và nhạy bén xem ra đang bị lấn lướt bởi một Hội Thánh quyền lực, xơ cứng, coi nhẹ đời sống nội tâm.

Cái nhìn trên đây của tôi khuyên bảo tôi không bao giờ được bằng lòng tự mãn với những gì tốt đang có, nhưng phải chịu khó đợi chờ và tìm tòi những sáng kiến mới. Nhất là tôi phải luôn cầu nguyện và tỉnh thức.

Tình hình hiện nay rất phức tạp. Trước tình hình này, tôi nghe thấy tiếng Hội Thánh kêu mời: “Hãy nâng tâm hồn lên”. Và đám đông trả lời: “Chúng con đang hướng về Chúa”. Tôi nhớ lại lời thánh vương Đavít nói: “Phúc cho tất những ai tin tưởng nơi Chúa” (Tv 2,13b).
 
Thánh lễ Chúa nhật tại giáo xứ An Tràng, Bắc Ninh
Thùy Chi
14:10 22/04/2012
BẮC NINH – Thánh lễ Chúa nhật III Phục Sinh hôm nay, ngày 22.4.2012, Tin Mừng của Đức Kitô theo thánh Luca trình thuật về hai môn đệ từ Emmau trở về, thuật lại những gì đã xảy ra dọc đường và việc mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh. Phụng vụ Giáo Hội đã tóm tắt lại trình thuật đó chỉ với một câu: “Có lời Kinh Thánh chép rằng: ‘Đấng Kitô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại’” (x.Lc 24, 35-48). Bài diễn giảng Tin Mừng của cha Giuse Nguyễn Huy Tảo, chính xứ Bắc Giang kiêm quản xứ An Tràng, đã được ngài chia sẻ với cộng đoàn giáo xứ An Tràng – một giáo xứ đã có lịch sử lâu đời – từng là họ lẻ của xứ Đại Lãm (Kẻ Bâm) trong khoảng thời gian 100 vị đầu mục Bắc Ninh bị bắt và tử đạo (4.4.1862).

Xem hình ảnh

Chúng tôi đến giáo xứ An Tràng trước giờ lễ trưa được bắt đầu lúc 1 giờ chiều. Các em thiếu nhi đã đến nhà thờ và đang vui chơi với nhau. Các em thấy cha xứ đi vào cổng nhà thờ đã reo lên chào cha, rồi lại kéo tay nhau ra sân chơi tiếp. Ít phút sau, chúng tôi thấy có các sơ và các bà tới kêu các em vào nhà thờ đọc kinh và lắng nghe Lời Chúa trước thánh lễ. Vào trong nhà thờ rồi nhưng tiếng các em vẫn nhao nhao lên nói chuyện đủ thứ với nhau. Lúc đó, cha xứ Giuse Nguyễn Huy Tảo đang dọn lễ liền ngưng tay và ra hiệu cho các em yên lặng, vì các em đang ở trong nhà thờ. Thật lạ, chỉ một cử chỉ và một lời giải thích nhẹ nhàng của cha xứ đã khiến cho “bầy ong vỡ tổ” im lặng, ngồi ngay ngắn và nghiêm trang trước Thánh Thể. Tại phòng khách, cha xứ kể qua cho chúng tôi biết, các em thiếu nhi ở đây có 37 em, với độ tuổi từ 6 đến 15, thì cả 37 em là ca viên của ca đoàn xứ, và giáo xứ có duy nhất một ca đoàn là ca đoàn thiếu nhi này. Hiện tại giáo xứ đang có hai sơ từ tu hội truyền giáo đến dạy giáo lý, ngoài ra các em còn được các sơ dạy hát, dạy tiếng Anh. Tháng Hoa năm nay, các sơ đăng ký với cha xứ cho các em thiếu nhi được dâng Hoa kính Đức Mẹ một tiếng trước những thánh lễ mà cha cho lễ hai tuần một lần trong tháng.

Ngôi nhà thờ An Tràng trước đây đã bị tàn phá trong những năm tháng chiến tranh nằm trên một ngọn đồi, ngọn đồi ấy có tên gọi là Đồi Nên trong thị trấn Tân Dân của huyện Yên Dũng (tỉnh Bắc Giang) thuộc địa hạt Bắc Giang và địa phận Bắc Ninh, cách thành phố Bắc Giang 11km và cách Tòa Giám mục Bắc Ninh 35km. Ngôi nhà thờ của giáo xứ An Tràng hiện nay là một ngôi nhà nguyện nhỏ được xây dựng năm 1993. Sau 3 năm, ngày chính quyền huyện Yên Dũng và thị trấn Tân Dân trả lại cho nhà thờ một phần đất của giáo xứ vào năm 1990. Hồi ấy, cha Giuse Nguyễn Huy Tảo đang coi xứ Đại Lãm, ngài được Đức cha Giuse Nguyễn Quang Tuyến (20.9.1945 – 24.9.2006) nhắn ngài về An Tràng làm phép cưới cho 33 đôi hôn phối của sáu giáo họ (họ nhà xứ An Tràng, họ Trại Kê, họ Đông Loan, họ làng Cống, họ làng Chanh và họ Tân Lập). Đó là những gia đình từ khắp nơi trong giáo phận Bắc Ninh đã tới sinh sống trong khu vực của giáo xứ nhưng gặp nhiều khó khăn và cũng vì không có nhà thờ, không có cha xứ để được đến làm phép cưới hay lãnh nhận các bí tích Công giáo. Từ nay, những gia đình đó chính là giáo dân của giáo xứ An Tràng. Đến nay, giáo xứ An Tràng đã có gần 1000 nhân danh. Những ngày lễ trọng, số người đến nhà thờ đông nhất là 400 bà con giáo dân. Còn những ngày Chúa nhật thường thì có khoảng từ 100 đến 120 người tới dự lễ ở nhà thờ xứ.

Hai tuần một lần trong tháng giáo xứ được cha xứ cho lễ. Mỗi khi ngài đến giáo xứ, ngài thường đến trước giờ lễ 45 phút để trao đổi, thông báo và giải quyết các việc đạo. Thánh lễ được ngài chủ sự trong khoảng một giờ đồng hồ và ngài dành thời gian chia sẻ Tin Mừng hơn 20 phút, với những câu chuyện Tin Mừng trong Kinh Thánh, với những câu chuyện có thật về những giáo dân sống đạo thời nay. Phong cách giảng lễ sôi nổi,tràn đầy hào hứng, đôi lúc xen những câu từ vui khiến cho giáo dân say sưa nghe và nghe đến tỉnh cả những cơn ngủ gật!. Cuộc sống của những giáo dân nơi đây vẫn còn nhiều vất vả, hầu hết các thanh niên thiếu nữ đều đi làm tại thành phố và các khu công nghiệp, hàng tuần họ về với gia đình ngày thứ Bảy và Chúa nhật, có nhiều người chỉ được nghỉ ngày Chúa nhật. Những giáo dân trung niên thì ở quê làm nghề ruộng đồng và trồng hoa màu, trông con cháu cho các đôi vợ chồng trẻ đi làm xa nhà. Nhờ sự dạy giỗ của ông bà khi ở nhà và những giờ dạy giáo lý tại nhà thờ hàng tuần mà các em thiếu nhi ở đây đã sống tự lập ngay từ nhỏ, ngoan, lễ phép và biết vâng lời.

Trước thánh lễ và trong suốt thánh lễ, thực sự chúng tôi đã bị thu hút bởi dàn đồng ca thiếu nhi với những bài thánh ca các em hát cùng cộng đoàn mà không cần sơ ca trưởng đánh nhịp. Tiếng hát của các em hòa nhịp theo tiếng đàn organ, rất tự tin, đúng “tông” (tone), rõ tiếng, trong sáng và đặc biết là các em đã hát hết mình. Lời ca tiếng hát của ca đoàn thiếu nhi xứ An Tràng đúng là đã làm cho lời cầu nguyện của mỗi người tham dự thánh lễ được tăng lên gấp đôi. Và dù cho phải ngồi chen nhau 7 – 8 em trên chiếc ghế băng hay có dãy ghế của các em nam, các em bé được ngồi dưới chân các anh lớn tuổi hơn và ngồi ngoan để các anh hát lễ, thì sự chật chội hay đôi lúc có sự di chuyển của người lớn khi lên rước lễ chẳng thể làm các em “chia trí” trong việc hát những bài thánh ca phụng vụ thánh lễ Chúa nhật. Các em đã hát rất hay và em nào cũng hát rất say sưa. Chúng tôi đã thầm cầu nguyện không ngừng trong thánh lễ. Xin tạ ơn Chúa đã ban ơn riêng cho các em thiếu nhi và cho cộng đoàn giáo xứ An Tràng. Nguyện xin Chúa tiếp tục ban những ơn lành xuống trên cha xứ và bà con giáo dân nơi đây.

Thùy Chi
 
Thông Báo
Lớp Ca Trưởng Trung Cấp (Đợt 3)
Vĩnh Thụy
08:50 22/04/2012
Thông Báo
Lớp Ca Trưởng Trung Cấp (Đợt 3)
(Intermediate Choral Conducting Class)

Lớp Ca Trưởng Trung Cấp (Intermediate Choral Conducting Class) sẽ được tổ chức tại Giáo Xứ Đức Mẹ Lộ Đức tại thành phố Houston, tiểu bang Texas vào đầu tháng 6 với những chi tiết như sau:

Ngày học: Thứ Sáu (ngày 1), Thứ Bảy (ngày 2), và Chủ Nhật (ngày 3) tháng 6 năm 2012.

Giờ học: Mỗi ngày từ 8:00 a.m. đến 7:30 p.m.

Địa điểm: Giáo Xứ Đức Mẹ Lộ Đức – Giáo phận Galveston - Houston
6550 Fairbanks N. Houston Road, Houston, TX 77040

Điều kiện tham dự: Đã học qua các lớp Ca Trưởng Trung Cấp I và II

Ban Giảng Huấn: Nhạc Sư Phạm Đức Huyến và Tiến Sĩ Vũ Tôn Bình

Muốn biết thêm chi tiết và ghi danh tham dự xin liên lạc với:

Ca Trưởng Thụy: Điện thoại: 832-725-2540 – Email: vinhthuy1971@gmail.comCa Trưởng Công: Điện thoại: 832-282-9941 – Email: congqtong@yahoo.com

Để mỗi học viên có cơ hội thực tập điều khiển Dàn Nhạc dưới sự hướng dẫn trực tiếp của Ban Giảng Huấn, số học viên giới hạn tối đa là 20 người. Xin quý anh chị ghi danh càng sớm càng tốt (tuy nhiên học viên phải hội đủ điều kiện tham dự).
 
Văn Hóa
Tôi gặp Chúa trên đường Emmaus
Tuyết Mai
13:58 22/04/2012
Trên đường đời có phải tất cả chúng ta cùng gặp nhau ít nhất là một lần trên một con đường nào đó? Hay một đoạn đường nào đó chăng?. Nhưng không ai trong chúng ta lại có thời giờ để muốn tìm hiểu và muốn biết anh là ai?. Có thể anh và tôi chúng ta cùng chung nhau một con đường mà hằng ngày chúng ta cần dùng để đi qua. Nhưng hai ta vẫn coi nhau như người xa lạ.

Có phải Chúa đã chết và đã Sống Lại trên 2000 năm và con đường Emmaus vẫn còn đó?. Nhưng ai trong chúng ta đã có dịp gặp gỡ được Chúa như hai Tông Đồ may mắn đã được Chúa Giêsu Hiện Ra và Đồng Hành với hai ông cùng đi với nhau trên suốt một đoạn đường thật dài của Emmaus?. May mắn hơn nữa là hai ông đã được nhận ra Thầy của mình khi chính mắt được thấy Thầy lúc Bẻ Bánh. Khi hai ông nhận diện ra được Thầy của mình thì cũng là lúc Thầy Biến Mất.

Trên suốt một đoạn đường thật dài hai ông đã không nhận diện ra Thầy Giêsu của mình. Có phải vì hai ông đã quá Tuyệt Vọng vì Thầy đã bỏ mình mà ra đi Vĩnh Viễn sẽ không bao giờ có cơ hội gặp lại như chuyện thường tình của bao nhiêu người cũng ra đi y như thế?. Vì tuyệt vọng, buồn phiền, và chán nản, nên đã làm cho tâm trí hai ông nên tối tăm và không còn biết hay nhớ những điều Thầy mình đã dậy và đã nói trước đây.

Cuộc đời của chúng ta rất nhiều khi vì quá bận rộn và tất bật vất vả lo cho cuộc sống đủ ăn đủ mặc nên đã không nhìn thấy Chúa, tuy dù Chúa đã Chết và đã Phục Sinh. Có phải đối với nhiều người chúng ta cũng đã coi như Ngài đã chết thật rồi? Vì tâm trí và tâm hồn chúng ta thật trống vắng, bất an, và buồn sầu vì thiếu vắng Chúa trong cuộc đời và trong Trái Tim của chúng ta.

Có phải thời nay và thời xưa chúng ta cũng phải đòi hỏi là được Chúa hiện ra và đồng hành cùng trên con đường chúng ta đi mỗi ngày thì mới tin là Chúa Phục Sinh, Hiện Diện, và Đồng Hành với ta hay không?. Như tôi đây đã sống và đã cùng với tất cả anh chị em trên con đường Emmaus nhưng tôi chẳng có được cái may mắn như hai Tông Đồ là được thấy Thầy Giêsu của mình tận mắt. Tôi đã được sinh ra và lớn lên trong muôn ngàn thiếu thốn. Thiếu thốn tình Cha. Thiếu thốn tình Mẹ. Thiếu thốn tình người. Thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu ăn học, thiếu mái ấm, và còn thiếu bao nhiêu thứ nhu cầu sống khác. Do đó tôi đã quá bận rộn để tìm miếng ăn để dằn bụng mỗi ngày. Tôi đã đi tìm tình yêu nơi không đúng. Tôi đã cố gắng trở thành con người tốt nhưng tôi không có cơ hội. Tôi cũng có cố gắng đi tìm Chúa một thời gian nhưng vì tâm tư tôi luôn tìm kiếm những thứ và những điều không giúp gì được cho tâm linh và sự bình an của tôi.

Ôi thôi tôi bận rộn lắm làm gì mà tôi có thời giờ để đến với Chúa tôi ở Nhà Thờ, ở Tòa Giải Tội, ở tất cả những nơi mà Chúa đang hiện diện và đang cần sự giúp đỡ của tôi. Tôi bận rộn đi học, đi kiếm công ăn việc làm. Khi có công ăn việc làm thì tôi cần phải kiếm xe, mà phải xe tên hiệu mới được, ít nhất là phải sắm cho được chiếc Toyota Camry chứ không thấp hơn được. Mercedes thì là điều tôi mơ ước. Rồi thì phải sắm sửa quần áo tên hiệu mới gọi là biết chưng diện với người ta. Cuối tuần phải bắt kép chở đi vũ trường mới là con người sành điệu và biết cách sống chứ không người đời cho là mình nhà quê chẳng biết gì, và rồi cuộc sống cứ thế, tôi làm sao gặp được Chúa của tôi chứ? Chúa làm gì mà đến những nơi phồn hoa đô thị ấy?.

Nhưng cảm tạ Chúa việc gì đến cũng phải đến và tôi đã phải trả giá cho mọi điều và mọi việc tôi làm. Sau sự việc ấy Chúa đã mở mắt cho tôi thấy rằng mọi thứ trên cõi đời này chỉ là Phù Vân. Nay còn, mai mất là việc tất nhiên. Lên voi xuống chó là chuyện rất thường tình xảy ra trên đời. Hôm nay vui, ngày mai khóc. Hôm nay yêu, ngày mai thù. Hôm nay lầu đài gác tía, ngày mai dưới gầm cầu. Tất tất chỉ là giấc mơ vì ta không giữ được. Còn tiền thì còn vợ còn con, không tiền thì vất vưởng chèo queo ngoài đường. Sự đời là thế. Chỉ có Tình Yêu của Chúa là tồn tại đến muôn ngàn đời. Tình Yêu của Ngài cho ta Hạnh Phúc thật sự. Tình Yêu của Ngài rất nhiệm mầu cho ta biết tìm kiếm một Nơi cao trọng hơn là thế gian này.

Thế mới biết khi ta Tuyệt Vọng vì đã thất bại trên đường đời lại là lúc Chúa Giêsu Hiện Đến, Đồng Hành, và Ở Cùng chúng ta mãi mãi trên con đường Emmaus thân thương, luôn dẫn đưa ta đến một nơi chốn có thật nhiều Hy Vọng và Hạnh Phúc. Emmaus là con đường sẽ dẫn đưa tất cả con cái của Chúa đến Quê Hương Yêu Thương là Quê Trời Nơi có Ba Ngôi Thiên Chúa, Mẹ Maria, các Thiên Thần, các Thánh, cùng cả Triều Thần Thiên Quốc trông đợi và đón chờ.

Tôi cũng như hai ông Tông Đồ là còn nghĩ đến Chúa trong lúc Tuyệt Vọng và sầu khổ không biết nương tựa vào ai? Và kìa Chúa đã không bỏ tôi và thuyết phục cho tôi hiểu là Ngài đã Phục Sinh để tôi được cứu rỗi và Sống Muôn Đời. Trên con đường Emmaus, tôi đã may mắn tìm thấy và gặp được những khuôn mặt dịu dàng của Chúa. Họ đã giúp tôi thấy và nhận ra được Chúa ở trong từng anh chị em. Tốt cũng như xấu. Giầu cũng như nghèo. Và trong những khuôn mặt khả ái của Chúa đó, đã giúp tôi tìm gần tới Chúa của tôi và tôi không còn thấy anh chị em của mình là xa lạ nữa! Để thấy cuộc đời là Hạnh Phúc và là Thiên Đàng nằm rất gần trong tay vói của tôi ngay trên trần gian này.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Hoa Tím - A Purple Flower
Richard Drysdale
21:43 22/04/2012
HOA TÍM – A Purple Flower
Ảnh của Richard Drysdale
Hoa tím là màu tôi vẫn thương
Vì hoa gợi nhớ nỗi buồn vương
Hoa tàn lại nở theo năm tháng
Hoa tím tôi yêu mọc cuối đường
(Trích thơ của Nguyễn Vạn Thắng)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền