Ngày 21-04-2012
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Làm chứng cho Chúa Phục Sinh
Lm. Giuse Đinh Lập Liễm
02:21 21/04/2012
CHÚA NHẬT 3 PHỤC SINH B
+++
A. DẪN NHẬP

Đức Giêsu đã sống lại như lời Ngài đã báo trước, nhưng nhiều nguời còn hoài nghi. Sự kiện ngôi mồ trống chưa thể xác quyết được việc Chúa sống lại từ cõi chết. Ngày thứ nhất trong tuần, chính Đức Giêsu đã hiện ra với bà Maria Madalena từ sáng sớm, với hai môn đệ đi làng Emmau vào buổi chiều và với mười Tông đồ tại nhà Tiệc ly vào buổi tối, để chứng minh là Ngài đã sống lại thật.

Sau khi đã được thấy cả con người Phục sinh của Chúa với những lỗ đinh ở chân tay cùng với cạnh sườn, cũng như thấy Ngài cùng ăn với các ông, lúc đó các ông mới xác tín rằng Chúa đã sống lại. Các ông đã trở nên những chứng nhân trung thành của Chúa phục sinh, và từ đó, các ông đi loan truyền cho mọi người biến cố Phục sinh của Chúa.

Chúng ta không được diễm phúc trông thấy Chúa sống lại như các Tông đồ, nhưng nhờ Thánh kinh, chúng ta tin vững chắc Chúa đã sống lại. Việc Phục sinh của Chúa sẽ là nền tảng cho đời sống Kitô hữu chúng ta. Và từ nền tảng này, chúng ta sẽ loan báo Chúa Phục sinh cho những người chung quanh bằng cuộc sống thường ngày của chúng ta.

B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA

+ Bài đọc 1 : Cv 3,13-15.17-19

Thánh Phêrô đã làm phép lạ chữa lành người què ở cửa Đền thờ, điều này làm cho nhiều người ngạc nhiên và bàn tán. Nhân dịp này, thánh Phêrô đã giảng cho người Do thái một bài rất hùng hồn. Ngài cho biết rằng phép lạ ngài làm cho người què đi được, không phải do quyền năng hay đạo đức riêng của mình, mà chính do nhân danh Đức Giêsu Kitô mà ông đã chữa lành. Đức Giêsu chính là người mà dân Do thái đã giết đi, nhưng nay Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại từ cõi chết.

Sở dĩ người Do thái giết Đức Giêsu là Đấng Messia vì họ không biết. Vì vậy, họ hãy sám hối, từ bỏ tội lỗi và tin nhận Ngài để được ơn cứu độ.

+ Bài đọc 2 : 1Ga 2,1-5

Khi hiến mình làm lễ vật hy sinh, Đức Kitô đã trở nên Đấng can thiệp rất thần thế cho chúng ta bên cạnh Chúa Cha. Nhiều người cho rằng mình đã “biết” Đức Giêsu, nhưng họ đã biết như thế nào ? Thánh Gioan Tông đồ giải thích cho chúng ta thế nào là “biết” thật :”Chính nơi điều này mà chúng ta biết rằng mình “biết” Đức Giêsu, đó là chúng ta giữ các giới răn của Ngài. Ai nói rằng mình “biết” Ngài mà không giữ giới răn Ngài thì ấy là kẻ nói dối”.

+ Bài Tin mừng : Lc 24,35-48

Khi sống lại từ cõi chết, Đức Giêsu đã hiện ra trước hết với Maria Madalena, rồi với hai môn đệ đi làng Emmau và với các Tông đồ tại nhà Tiệc ly. Những lần hiện ra này là bằng chứng rõ ràng về sự kiện Ngài đã từ cõi chết sống lại. Chính nhóm Mười Một không tin Ngài sống lại, họ còn tưởng Đấng Phục sinh là một hồn ma. Đức Kitô đã phải để cho họ sờ tay chân Ngài và ăn một khúc cá nướng trước mặt họ để họ nhận ra Ngài.

Mối quan tâm đầu tiên của thánh Luca là chứng tỏ rằng Đức Giêsu Phục sinh chính là người mà các Tông đồ đã biết trước, khi Ngài chịu đóng đinh. Thánh nhân nhấn mạnh rằng sự sống lại về mặt thể xác của Đức Giêsu là có thật, nhưng lại giải thích rõ ràng rằng sự sống lại của Ngài không phải là cuộc trở lại với đời sống trần thế. Đức Giêsu đã sống lại với sự sống mới ở bên ngoài cái chết.

Vì thế, tất cả niềm tin của người Kitô hữu dựa trên biến cố Phục sinh này. Các Tông đồ đã chứng kiến tận mắt, nên lời chứng của các ngài rất đáng tin. Đồng thời Chúa cũng trao cho các ông sứ mệnh rao giảng Tin mừng Phục sinh cho muôn dân, để họ sám hối và được ơn tha tội, bởi vì “Chính anh em là chứng nhân về những điều này”(Lc 24.48).

C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA

Làm chứng cho Chúa Phục sinh

I. ĐỨC GIÊSU LÀM CHỨNG VỀ MÌNH

Bài Tin mừng hôm nay thuật lại việc Chúa hiện ra lần thứ ba với các Tông đồ tại nhà Tiệc ly. Biến cố này, Gioan cũng thuật lại trong Ga 20,19-23.

Với một cái nhìn chung, người ta nhận ra nơi Luca việc tường thuật các lần Chúa sống lại hiện ra được kể với ba hạng người : Trước tiên với các phụ nữ (Lc 24,1-12), rồi cho các môn đệ (Lc 24,13-25), và cuối cùng cho các Tông đồ, tức nhóm Mười Hai (Lc 24, 35-48). Đó là ba nhóm người mà khi Chúa đi rao giảng, đã liên kết với Chúa một cách chặt chẽ, tuy nhiên với mức độ khác nhau.

Qua các lần hiện ra, Đức Giêsu làm chứng rằng mình đã sống lại bằng một phép lạ chưa từng có trên đời này. Để các Tông đồ tin, Ngài đã làm hết mọi cách từ tâm lý đến vật lý, từ lịch sử đến thực hiện đúng lời đã hứa.

Bởi vậy, khi Luca kể lại việc Chúa xuất hiện cho mười một Tông đồ lúc đêm xuống, thì ông nhấn mạnh việc Chúa xuất hiện bằng thể xác của Ngài. Khi các môn đệ thấy Ngài thì họ tưởng mình thấy ma, hoặc là hồn Ngài hiện về. Đánh tan cảm tưởng sai lầm đó, Đức Giêsu đã vận dụng mọi giác quan để chứng tỏ Ngài có một thân thể không phải phi vật chất hay linh thiêng, nhưng là một thân thể có xương có thịt, mà hôm thứ sáu đã bị đóng đinh vào thập giá và được táng trong mồ. Chính là thân thể vật chất ấy với những dấu đinh, với cạnh nương long mà các ông trông thấy và có thể sờ vào được.

Để chứng minh tính chất vật chất của thân thể mình, Ngài cầm lấy miếng cá nướng và ăn trước mặt các ông và đưa cho các ông cùng ăn.

Khi các Tông đồ đã trở về tình trạng lành mạnh về tâm lý và thể lý rồi, Chúa mới hướng dẫn các ông về bằng chứng lịch sử:”Thầy đã từng nói với anh em rằng tất cả những gì sách luật Maisen, các sách tiên tri và các Thánh vịnh đã chép về Thầy, đều phải được ứng nghiệm”.

Đức Giêsu nói cho các Tông đồ biết toàn bộ Kinh thánh đã ứng nghiệm về Ngài. Nếu Thánh kinh không ứng nghiệm về Ngài, thì toàn bộ Thánh kinh là giả dối vì Thánh kinh loan báo về Đấng cứu độ và ngoài Đức Giêsu ra không ai đem lại ơn cứu độ (Cv 4,12).

Để thấy rõ như thế, Ngài đã “dẫn giải cho các ông những điều viết về Ngài trong toàn bộ Thánh kinh”(Lc 24,27). Để có thời gian giải thích, chắc Ngài còn phải ở với các ông lâu dài, như thánh Luca đã xác định là 40 ngày được ghi rõ trong sách Công vụ tông đồ:”Ngài lại còn dùng nhiều cách để chứng tỏ cho các ông thấy là Ngài vẫn sống sau khi đã chịu khổ hình : trong 40 ngày, Ngài đã hiện ra nói chuyện với các ông về Nước Thiên Chúa”(Cv 1,3). Thời gian 40 ngày đã quá đủ để các Tông đồ thấy chắc chắn : Thầy đã sống lại thật.

II. CÁC TÔNG ĐỒ LÀM CHỨNG VỀ CHÚA

Trong bài Tin mừng hôm nay, thánh Luca nhắc lại cho chúng ta lời Đức Giêsu ra lệnh cho các Tông đồ khi Ngài sống lại:”Phải nhân danh Thầy mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giêrusalem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội. Chính anh em là chứng nhân về những điều này”(Lc 24,47-48).

Trong bài đọc một, thánh Phêrô đã làm chứng cho toàn dân Giêrusalem về Đức Giêsu bị đóng đinh, đã chết và đã sống lại. Chính họ đã nộp Ngài và chối bỏ trước mặt quan Philatô, dù quan xét xử không thấy tội gì. Họ đã xin tha cho kẻ sát nhân và lên án Đấng công chính. Nghe thế, họ quá rõ tội lỗi đã phạm, họ đã ăn năn sám hối:”Hôm ấy đã có thêm khoảng 3000 người theo đạo”(Cv 2,41).

Trong bài đọc hai, thánh Gioan đã làm chứng về “ Đức Giêsu Kitô, Đấng công chính, chính Người là của lễ hy sinh đền bù tội lỗi ta, và còn đền bù tội lỗi cho cả thế giới”. Rồi Gioan kêu gọi chúng ta làm chứng về Đức Kitô bằng đời sống đừng phạm tội, hãy vâng giữ lệnh Đức Kitô để chứng tỏ lòng yêu mến Thiên Chúa tới mức hoàn hảo và biết được mình đang ở trong Đức Kitô. Ai không vâng lời Đức Kitô là kẻ nói láo.

Nhìn vào lịch sử truyền giáo, chúng ta thấy các Tông đồ, những chứng nhân trung thực, đã đi rao giảng Đức Giêsu chịu chết và phục sinh cho muôn dân, nghĩa là sau khi Chúa về trời, và sau khi đã lãnh nhận Chúa Thánh Thần, từ những người nhát gan, sợ hãi, từ những người dân chài, quê mùa, không hiểu gì về Đấng Cứu thế... các Tông đồ đã trở nên những người can đảm, thông thái, lợi khẩu. Các ngài đã vâng lệnh Chúa ra đi rao giảng cho mọi người biết và tin Chúa Giêsu chính là Con Thiên Chúa đã đến trần gian, đã chết và sống lại để cứu chuộc tất cả mọi người. Các ngài đã đóng đúng vai trò chứng nhân và thi hành đầy đủ bổn phận làm chứng của mình.

Bằng lời nói, các ngài rao giảng mà không sợ bất cứ một áp lực nào hay một sự đe dọa nào. Mỗi khi rao giảng, các ngài thường hiên ngang tuyên bố:”Chúng tôi xin làm chứng”. Dù đứng trước toà án cấm đoán, dọa nạt, các ngài vẫn khảng khái thưa:”Xin quí vị xét cho, phần chúng tôi, chúng tôi không thể không nói về những điều đã thấy, đã nghe”.

Không những làm chứng bằng lời nói, các ngài còn làm chứng bằng việc làm, bằng chính đời sống của mình : sẵn sàng chịu vất vả, khổ cực, đòn vọt, tù ngục, và sẵn sàng chịu chết vì Chúa Giêsu. Sau 12 Tông đồ, lại có biết bao lớp Tông đồ khác, trải qua các thời đại, tiếp nối sự nghiệp loan báo Tin mừng và làm chứng nhân cho Chúa Giêsu.

III. CHÚNG TA LÀM CHỨNG VỀ ĐỨC GIÊSU PHỤC SINH

Đức Kitô đã làm chứng về Ngài đã sống lại thật. Phêrô, Gioan, các Tông đồ và bao nhiêu người đã tin và đã làm chứng về Đức Kitô phục sinh. Còn chúng ta, nếu chúng ta vâng lệnh Đức Kitô truyền, chúng ta phải ra sức làm chứng về Ngài.

1. Giáo huấn của Hội thánh

Trong sắc lệnh Tông đồ giáo dân của công đồng Vatican II, Hội thánh nhắc nhở cho các tín hữu nhiệm vụ làm tông đồ và làm chứng nhân bởi vì nhiệm vụ này phát xuất từ bí tích Thánh tẩy :

“Hình thức đặc biệt của hoạt động tông đồ cá nhân là giúp giáo dân làm chứng bằng cả đời sống phát xuất từ đức tin, đức cậy, đức mến. Đó là dấu chỉ rất thích hợp trong thời đại chúng ta để biểu lộ Chúa Kitô sống động trong các tín hữu của Người. Cùng với việc tông đồ bằng lời nói mà trong một số hoàn cảnh lại rất cần thiết người giáo dân rao giảng Chúa Kitô cắt nghĩa và phổ biến giáo lý của Người tùy theo hoàn cảnh và tài năng của mỗi người, đồng thời họ cũng trung thành tuyên xưng giáo lý của Người nữa”.
(Sác lệnh tông đồ giáo dân, số 16)

2. Làm chứng là gì ?

Làm chứng là nhận thực một sự kiện mà chính mình đã kinh qua hay đã kinh nghiệm. Hay nói cách khác, làm chứng là chứng nhận bằng lời nói hay bằng hành động một sự việc đã xẩy ra, một sự kiện có thật mà mình đã thấy, đã nghe, đã trải qua.
Ở toà án, chứng nhân hay nhân chứng là người nói sự thật những điều mắt thấy tai nghe, và phải nói đúng sự thực như mình đã thấy. Chứng nhân càng có uy tín thì lời chứng của mình càng có giá trị, khiến người khác dễ bị thuyết phục. Ngược lại, những người không có uy tín thì khiến những lời nói của mình không có tính thuyết phục, đôi khi lại trở nên phản chứng.

3. Làm chứng như thế nào ?

Làm chứng cho Đức Giêsu đâu có phải là chỉ kể lại cho kẻ khác về đời sống của một vĩ nhân đã sống cách đây 2000 năm. Ai cũng có thể làm được điều này. Làm chứng cho Đức Giêsu đâu phải chỉ là xác nhận rằng Đức Giêsu đã sống lại. Đám lính cánh gác mồ cũng đã làm như thế.

Làm chứng cho Đức Giêsu chính là dùng chính cuộc sống của mình để chứng tỏ rằng quyền năng của Đức Giêsu sống lại đã tác động và biến đổi chúng ta một cách lạ lùng nhất, có thể tưởng tượng được. Làm chứng nhân cho Đức Giêsu là để cho Ngài ngỏ lời với tha nhân ngang qua chúng ta, nghĩa là dùng chúng ta để nói với kẻ khác.

Truyện : làm chứng bằng đời sống.
Cách đây ít lâu, trong một cuộc hội thảo của giới trẻ về đề tài ”Truyền giáo năm 2000”, nhiều bạn trẻ đề nghị phải xử dụng tối đa các phương tiện truyền thông tân tiến trong những năm cuối cùng của thế kỷ 20, gồm sách vở báo chí, phim ảnh có phẩm chất và hấp dẫn, để rao giảng Tin Mừng cho mọi tầng lớp và mọi lứa tuổi. Một số bạn trẻ khác nhấn mạnh đến công tác xã hội và bác ái. Một số bạn trẻ khác đi xa hơn bằng cách đề nghị Giáo hội chống lại những bất công xã hội, những chà đạp quyền con người, để xây dựng công lý và hoà hợp.
Trong lúc mọi người đang hăng hái đưa ra những chương trình to lớn và đề nghị những hoạt động vĩ đại, thì một thiếu nữ da mầu giơ tay xin phát biểu:”Tại Phi châu nghèo nàn và chậm tiến của chúng tôi, chúng tôi không gửi, hay đúng hơn không có khả năng gửi đến những làng chúng tôi muốn truyền giáo những sách vở, báo chí, phim ảnh, chúng tôi chỉ gửi đến đó một gia đình công giáo tốt, để dân làng thấy thế nào là đời sống Kitô giáo (R.D. Wahrheit, Ánh sáng hy vọng, tr 208).

Thánh Phaolô nhận thấy mình có trách nhiệm rao giảng Tin Mừng, nếu không là một điều có lỗi lớn:”Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin mừng”. Nếu muốn rao giảng Lời Chúa thì mỗi người có trách nhiệm phải lắng nghe và thực hành lời Chúa vì không nghe thì làm sao mà biết, không biết thì làm sao có thể rao giảng Lời Chúa bằng cách này hay cách khác cho những người chung quanh.

Mỗi Chúa nhật có một bài giảng, mỗi năm có 54 tuần lễ, tức là có 54 bài chia sẻ Lời Chúa. Nhưng chúng ta đã lãnh nhận như thế nào ? Đành rằng có nhiều thứ bài giảng cũng như bánh chia có nhiều loại, bánh mặn, bánh lạt, bánh khô, bánh ướt, thì Lời Chúa qua thừa tác viên, đến với ta cũng vậy, có bài dài bài ngắn, bài hấp dẫn bài buồn ngủ...

Vào giây phút cuối cuộc đời, văn sĩ John Bayern đã nói những lời từ giã người vợ thân yêu như sau:”Mình yêu dấu, trong gương mặt của mình, tôi đã nhìn thấy dung mạo của Thiên Chúa. Xin cảm ơn mình vô cùng”.

“Trong gương mặt của mình tôi đã nhìn thấy Thiên Chúa”. Mỗi Kitô hữu chúng ta được mời gọi sống như thế nào, để anh em chung quanh có thể nói tương tự :”Trong gương mặt của anh, tôi có thể nhìn thấy dung mạo của Thiên Chúa. Xin cảm ơn bạn vô cùng”. Đó là ơn gọi cao cả của mỗi người Kitô hữu được gọi trở nên giống Chúa, và làm cho những người khác nhìn thấy Chúa như trong Tin mừng theo thánh Matthêu. Đức Giêsu đã căn dặn các môn đệ:”Các con hãy trở nên trọn lành như Cha các con ở trên trời là Đấng trọn lành” . Đức Giêsu còn nhấn mạnh đến trách nhiệm của người Kitô hữu đến độ Chúa so sánh cuộc sống của họ như đèn sáng :”Các con là anh sáng thế gian”. Ánh sáng đó cần phải chiếu sáng trước mặt người đời, ngõ hầu họ thấy việc lành mà ngợi khen Cha chúng ta ở trên trời.
(Hạt giống âm thầm, tr 178)

Chúng ta hãy suy nghĩ về đoạn văn trích từ lá thư mục vụ của Giám mục Duval của Pháp :

“Dù có phát biểu khéo léo đến đâu, những tư tưởng trừu tượng cũng khó mà cảm động được lòng người. Nhưng những con người sống động, có khả năng làm cảm động lòng người, những người đó hãy xung phong bước ra. Hãy để cho chân lý trào ra từ cuộc sống của mình, và hãy làm cho quyền năng của mình tương xứng với món quà mà mình trao tặng bằng tình yêu. Lúc đó mọi người sẽ lắng tai nghe, và bình minh của những ngày tươi sáng sẽ bừng lên trên bầu trời của chúng ta”.

Truyện : Gương lành lôi kéo.
Một nhà truyền giáo Ấn độ, ông Gordon M. Suer đã xin một tín đồ Ấn độ giáo sống bên cạnh, để nuôi dạy ông học tiếng bản xứ, nhưng tín đồ Ấn độ giáo này từ chối như sau:
- Thưa ngài, tôi không đến dạy tiếng bản xứ cho ngài, vì tôi không muốn trở nên người Kitô hữu.
Nhà tuyền giáo trả lời :
- Tôi muốn học tiếng bản xứ để có thể giao thiệp với những người chung quanh, để hiểu biết họ hơn chứ không nhằm bắt họ phải trở lại đạo Chúa.
Nhưng người tín đồ Ấn giáo đáp lại :
- Thưa ngài, tôi biết vậy nhưng đối với tôi, tôi nhận thấy rằng : không ai có thể sống bên cạnh ngài lâu, mà không bị ngài cảm hóa tin theo Chúa. Tôi không thể dạy ngài, vì tôi không thể sống bên cạnh ngài mà không trở thành người Kitô hữu.

Mỗi người chúng ta là những môn đệ của Đức Kitô, đều có trách nhiệm sống ơn gọi của mình như thế nào để có thể làm chứng cho Chúa trong mọi nơi, mọi hoàn cảnh. “Không ai có thể nhìn thấy Thiên Chúa, nhưng người Kitô hữu có bổn phận thể hiện dung mạo Thiên Chúa cho anh em chung quanh. Qua tình thương nhân từ của chúng ta, qua những việc tốt lành chúng ta làm, anh chị em chung quanh có thể hiểu được Thiên Chúa là Đấng tràn đầy tình thương nhân từ. Qua sự sẵn sàng tha thứ của chúng ta cho kẻ khác, anh em chung quanh cảm thấy được Thiên Chúa là Đấng hay tha thứ (Sđd, tr 179).


 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
04:53 21/04/2012
DÙNG CHÂN MÀ ĐÁ
N2T

Tiều phu gánh củi, vì không để ý nên đụng phải thầy thuốc, thầy thuốc rất tức giận muốn vung quyền đánh tiều phu, tiều phu quỳ xuống van xin:
- “Xin ông dùng chân mà đá”.
Người bên cạnh nhìn thấy như thế thì lấy làm kỳ, bèn hỏi lý do, tiều phu trả lời:
- “Bởi vì tay của ông ta chạm qua người nào thì người ấy chỉ có đường chết mà thôi”.

Suy tư:
Theo đức tin của người Ki-tô hữu thì việc sống hay chết đều là ở trong tay Thiên Chúa, nhưng ngài cũng ban cho con người quyền cộng tác vào công trình cứu độ của Ngài để cứu giúp anh chị em đồng loại:
- Ngài ban cho các thầy thuốc cộng tác với Ngài vào công cuộc chữa bệnh giúp tha nhân.
- Ngài ban cho các thầy cô giáo cộng tác với Ngài trong việc truyền bá kiến thức cho người khác.
- Ngài ban cho những bậc làm cha mẹ cộng tác với Ngài trong cuộc tạo dựng nên con người.
- Ngài ban cho các linh mục được chia sẻ với Ngài trong chức vụ tư tế để thánh hóa giảng dạy và cai quản.
Tay thầy thuốc đụng đến bệnh nhân nào thì bệnh nhân đó chết, thì quả thật đó là thầy thuốc tồi; thầy cô giáo không hết lòng truyền đạt kiến thức của mình cho học trò, thì đó là thầy giáo vô trách nhiệm; cha mẹ chỉ muốn ích kỷ hưởng thụ xác thịt mà giết con cái mình khi còn trong bào thai là cha mẹ ác đức khốn nạn; linh mục không sống với những gì mình giảng dạy, hoặc không sốt sắng nhiệt thành cử hành thánh lễ hoặc các bí tích là bôi bác Thiên Chúa và làm cho người khác không nhìn thấy được sự cao cả của Thiên Chúa…
Dùng tay để đánh hay dùng chân để đá đều không nên, nhưng nên dùng tấm lòng ôn hòa và yêu mến để tha thứ là cách hay nhất để bày tỏ chức vụ và trách nhiệm của mình.
--------------
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://vn.360plus.yahoo.com/jmtaiby
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi tuần SỐNG một câu Lời Chúa (CN 3 PS)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
04:55 21/04/2012
CHÚA NHẬT III PHỤC SINH

Tin Mừng : Lc 24, 35-48
“Có lời Kinh Thánh chép rằng: Đấng Ki-tô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại”.


Anh chị em thân mến,
Lời đầu tiên hôm nay của Đức Chúa Giê-su trong bài Tin Mừng cũng chính là “bình an cho các con”, như thế cho chúng ta hiểu ra rằng: bình an chính là hạnh phúc của con người mà con người mãi mê tìm kiếm, nhưng tìm mãi tìm hoài mà cũng không tìm thấy bình an đích thực, chỉ là những bình an giả tạo mà thôi. Hôm nay tôi xin chia sẻ với anh chị em một thực tại sống động mà chúng ta -những người Ki-tô hữu- đang thực hiện, đó chính là mỗi người trở nên chứng nhân về việc Chúa đã chết và đã sống lại qua ngôn hành của chúng ta trong cuộc sống.

1. Anh em có gì ăn không ?
Ma quỷ thì không có thân xác nên không thể ăn được, chỉ những ai còn sống mới biết đói biết khát, chỉ những ai đói mới đòi ăn và khát mới đòi uống, nhưng Đức Chúa Giê-su thì không phải vì đói vì khát mà xin ăn, nhưng chính là để chứng minh cho các môn đệ của Ngài biết rằng Ngài đã sống lại.

Đức Chúa Giê-su hỏi các môn đệ có gì ăn không, là để cho các tông đồ nhận ra Chúa chính là Thầy của mình đã từ cõi chết sống lại, đó cũng là một đòi hỏi của Tin Mừng: cho kẻ đói ăn.

Có rất nhiều người chung quanh chúng ta đang ngửa tay hỏi chúng ta: các anh các chị có gì ăn không ? Họ xin ăn không phải để nói rằng họ đã từ cõi chết sống lại, nhưng là để cho chúng ta nhận ra Đức Chúa Ki-tô phục sinh đang ở trong người của họ, để chúng ta nhận ra chính Chúa đang hiện diện giữa chúng ta, chung quanh chúng ta, nơi những người đói khát, nghèo khó...

Các tông đồ đã mau mắn đem bánh lại cho Chúa ăn, các ngài vui mừng quá đổi vì Chúa đã sống lại.

Khi chúng ta mau mắn đưa cơm bánh cho người nghèo là chúng ta vui mừng vì được phục vụ Chúa Phục Sinh nơi người anh em chị em nghèo khó, đó chính là niềm vui phục sinh, là cách làm chứng cho mọi người biết rằng Đức Chúa Giê-su vẫn ngày ngày đang sống lại nơi mỗi một người Kitô hữu.

Ai có đói mới thấy quý từng mảnh vụn cơm bánh, ai có khát mới thấy từng giọt nước là quý, ai có ngửa tay nói anh có gì ăn không, mới thấy giá trị của sự sống là cao quý vô cùng, mới thấy rõ thật giá trị của cơm thừa canh cặn, mới thấy rõ sự nhục nhã của kiếp ăn xin nghèo đói. Do đó, chỉ cần một ánh mắt khinh bỉ, chỉ cần một lời nói bóng gió, chỉ cần một thái độ khinh khi là làm cho tâm hồn của họ thêm đau đớn...

Ai có cầm bánh đưa ra cho người nghèo đói ăn thì mới cảm nghiệm được niềm vui của tâm hồn, nó thanh thoát, nó toả lan đến những người chung quanh, bởi vì chính họ đã nếm được sự hạnh phúc của việc cho kẻ đói ăn tức là cho Chúa Giê-su Phục Sinh ăn...

2. Anh em có gì ăn không ?
Đây không còn là một lời xin, đây cũng không còn là một lời đòi hỏi của người nghèo đói, nhưng là môt câu hỏi thân thiết quan tâm lẫn nhau giữa người với người, giữa anh em chị em với bè bạn.

Nếu mỗi ngày chúng ta gặp nhau mà hỏi: anh có gì ăn không, con cái anh có gì ăn không, để quan tâm và giúp đỡ, thì quả thật bình an của Thiên Chúa đang ở trong chúng ta. Một câu hỏi năm xưa của Đức Chúa Giê-su Phục Sinh đã làm cho các tông đồ vui sướng như thế nào, thì hôm nay, một câu hỏi như thế của chúng ta đối với người anh em chị em, thì cũng khiến cho họ rất sung sướng và hạnh phúc, vì họ được biết có người luôn quan tâm đến họ và gia đình họ.

Nếu chúng ta ai cũng biết bỏ đi cái ích kỷ nhỏ nhen trong tâm hồn để nói với người hàng xóm đang chật vật vì miếng cơm : anh chị hôm nay có gì ăn không ? thì chính họ đã nhận ra được Tin Mừng phục sinh nơi con người của chúng ta, bởi vì chỉ có những ai có một tâm hồn bình an, yêu thương, khiêm tốn mới có thể thật lòng quan tâm đến người khác cách vô vị lợi.

Đức Chúa Giê-su không khách sáo khi nhận bánh nơi các môn đệ của mình, Ngài ăn ngay trước mặt các ông, cũng vậy, có những lúc chúng ta không cần hỏi anh em có gì ăn không, nhưng chúng ta vẫn có thể chủ động quan tâm giúp đỡ người anh em, đó chính là thái độ tích cực mà–có thể nói- chỉ có những Ki-tô hữu mới có thói quen tốt đẹp này...

Anh chị em thân mến,
Có lúc nào chúng ta hỏi người anh chị em nghèo đói bên cạnh nhà mình: anh chị em có cần gì không, tôi giúp đỡ ?
Có lúc nào chúng ta chủ động coi những người lân cận của mình hôm nay ai bị bệnh phải đi bệnh viện, ai già cả neo đơn, ai có con cái đông lo không xuể...?
Đó chính là chúng ta thay mặt Đức Chúa Giê-su Phục Sinh quan tâm đến anh chị em, đem bình an và hạnh phúc của Ngài đến cho mọi người vậy.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta.
---------------
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://vn.360plus.yahoo.com/jmtaiby
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
04:57 21/04/2012
N2T

7. Đức ái có thể làm cho việc cầu nguyện có sức mạnh, nhưng nương cậy có thể làm cho việc cầu nguyện có hiệu lực.

(Thánh Thomas Aquinas)
 
Mỗi tuần một ''Chuyện Rất Ngắn''
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
06:58 21/04/2012
GÓP Ý

Thánh lễ ngày thường cha sở không bao giờ giảng, dù chỉ một câu Phúc Âm gợi ý cũng không, giáo dân cảm thấy đi lễ mà chủ tế không giảng thì cảm thấy thiếu thiếu gì đó, bèn nói với cha:

- “Thưa cha, lễ ngày thường cha có thể giảng vài câu sau Phúc Âm được không cha ?”

- “Giảng hay không là quyền của tôi, không thích thì đừng đi lễ nữa…”


-----------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://vn.360plus.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Giờ thánh cầu nguyện cho Ơn gọi - Chúa nhật IV Phục Sinh
GP Đà Lạt
09:41 21/04/2012
GIỜ THÁNH CẦU NGUYỆN CHO CÁC ƠN GỌI
CHÚA NHẬT IV PHỤC SINH 29/04/2012


Khai mạc

1. Đặt Mình Thánh.
Hát : Lòng Chúa Ái Tuất

2. Lời nguyện mở đầu :

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể. Chúa là nguồn mạch tình yêu và là cùng đích cho cuộc đời chúng con. Chúng con tin thật Chúa đang hiện diện giữa chúng con trên bàn thờ. Chúa đang nhìn đến chúng con, với cái nhìn của vị Mục Tử nhân lành, cái nhìn yêu thương và biết từng người chúng con. Chúng con xin cúi đầu thờ lạy và ngợi khen Chúa với tất cả tấm lòng mến yêu.

Lạy Chúa, chúng con xin dâng lên Chúa lời cảm tạ và tri ân. Vì yêu thương, Chúa đã tỏ lộ cho chúng con biết về Chúa Cha. Xin Chúa ở lại với chúng con, soi sáng và sưởi ấm tâm hồn chúng con, để chúng con có thể nhận biết và cảm mến tình yêu của Chúa Cha dành cho chúng con lớn lao là dường nào. Đặc biệt trong ngày hôm nay, chúng con quỳ nơi đây để cùng tuyên xưng và tôn thờ Chúa chính là vị Mục tử nhân lành của chúng con. Chúa đã yêu thương chọn chúng con vào đoàn chiên của Chúa. Không chỉ có thế, Chúa còn luôn mong muốn chúng con đến với Chúa, bước theo Chúa và đi vào cửa chuồng chiên là chính Chúa, để chúng con được chăm sóc, nuôi dưỡng, được sống và sống dồi dào. Trong tâm tình này, chúng con xin dâng lên Chúa những khát vọng và ước ao của Hội Thánh. Xin Chúa ban cho Hội Thánh Chúa luôn có nhiều tâm hồn quảng đại, dấn thân dâng hiến cuộc sống cho Chúa và cho tha nhân, trở nên những mục tử như lòng Chúa mong ước. Chúng con cũng nhớ đến các vị mục tử đang chăm sóc và nuôi dưỡng chúng con, là các giám mục, linh mục và tu sĩ. Xin Chúa đón nhận và gìn giữ các ngài trong tình yêu của Chúa.

Giờ đây, xin Chúa mở con mắt đức tin cho chúng con, để chúng con nhận ra Chúa đang ở bên và đang đồng hành với chúng con trên mọi nẻo đường của cuộc sống. Xin Chúa mở đôi tai để chúng con nhận ra tiếng Chúa, nhận ra ý Chúa trong cuộc đời. Và xin Thánh Thần của Chúa hãy đến với chúng con, khai mở lòng trí, để chúng con biết lắng nghe Lời Chúa, biết luôn khiêm tốn để cho Lời Chúa uốn nắn, hướng dẫn cuộc đời chúng con, cho chúng con mỗi ngày có thể lớn lên trong ân sủng, trong niềm vui có Chúa ở cùng và mạnh dạn ra đi rao truyền tình yêu Chúa cho mọi người.

3. Hát : Lắng Nghe Lời Chúa
Lắng nghe Lời Chúa – suy niệm và cầu nguyện

4. Lời Chúa 1.
Trích thư thứ nhất của Thánh Gioan tông đồ (3,1-2).

Anh em hãy xem Chúa Cha yêu chúng ta dường nào : Ngài yêu đến nỗi cho chúng ta được gọi là con Thiên Chúa - mà thực sự chúng ta là con Thiên Chúa -. Sở dĩ thế gian không nhận biết chúng ta, là vì thế gian đã không biết Ngài. Anh em thân mến, hiện giờ chúng ta là con Thiên Chúa ; nhưng chúng ta sẽ như thế nào, điều ấy chưa được bày tỏ.

Chúng ta biết rằng khi Đức Kitô xuất hiện, chúng ta sẽ nên giống như Người, vì Người thế nào, chúng ta sẽ thấy Người như vậy.

5. Suy niệm 1: “Anh em thân mến, anh em hãy xem Chúa Cha yêu chúng ta dường nào : Người yêu đến nỗi, cho chúng ta được gọi là Con Thiên Chúa – mà thực sự chúng ta là Con Thiên Chúa” (1Ga 3,1).

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, chúng con thật hạnh phúc khi được gọi là con của Chúa và được ở bên Chúa giờ đây. Bởi vì, giữa biết bao thăng trầm của đời sống, với biết bao âm thanh náo động của nhịp sống hối hả, chúng con lại có cơ hội dừng lại bên Chúa, để có thể được nghe tiếng Chúa vẫn hằng liên lỉ, tha thiết mời gọi chúng con đến và ở lại trong tình yêu của Chúa Cha.

Thánh Gioan cho chúng con biết rằng : “Thiên Chúa là Tình Yêu” (1Ga 4,16). Thiên Chúa đã yêu thương chúng con, đã cất tiếng gọi chúng con từ “hư vô” và ban cho chúng con phẩm giá vượt trên muôn loài thụ tạo, được gọi là con của Chúa, mang hình ảnh và sự sống của Chúa. Quả thật, vì yêu thương, Chúa đã tạo dựng và trao ban tình yêu của Chúa trên chúng con, để cho chúng con được tràn đầy sự hiện diện và ân sủng của Chúa. Và như thế, chân lý sâu xa nhất của cuộc đời chúng con được chứa đựng trong mầu nhiệm kinh ngạc này là : từng người chúng con, là hoa trái của một tư tưởng, một hành vi tình yêu của Chúa, tình yêu bao la, trung tín và vĩnh cửu (x. Gr 31,3). Nghĩa là, từng sự hiện diện của chúng con đây, đều là sáng kiến yêu thương của Chúa, là ân huệ tình yêu của Chúa Thánh Thần và lòng nhân ái bao la của Chúa Cha. Và trong tình yêu này, Chúa đã đi “bước trước” và cất tiếng gọi từng người chúng con đến trong cuộc đời, đây không phải do sự tốt lành đặc biệt nào đó nơi chúng con, nhưng là nhờ sự hiện diện của tình yêu Chúa “được Thánh Thần đổ tràn đầy trong tâm hồn chúng con” (Rm 5,5).

Thật vậy, như Đức thánh cha Bênêđictô đã viết trong Sứ điệp cho ngày Thế giới cầu nguyện cho các ơn gọi năm nay : “Nguồn mạch của mọi ân huệ tuyệt hảo là Thiên Chúa Tình Yêu : "ai ở lại trong tình yêu thì ở lại trong Thiên Chúa và Thiên Chúa ở lại trong người đó" (1 Ga 4,16). Thánh Kinh tường thuật câu chuyện về mối liên hệ nguyên thủy này giữa Thiên Chúa và nhân loại, mà đi trước cả việc tạo dựng. Viết cho các tín hữu của thành Êphêsô, thánh Phaolô đã dâng lên Chúa Cha một bài thánh thi biết ơn và ngợi khen, Đấng mà, với lòng nhân từ vô tận, đã thể hiện, qua bao thế kỷ, kế hoạch cứu độ phổ quát của Ngài là kế hoạch tình yêu. Thánh Tông đồ khẳng định : trong Con của Ngài là Chúa Giêsu, Ngài "đã chọn chúng ta trước cả khi tạo thành vũ trụ, để trước thánh nhan Người, chúng ta trở nên tinh tuyền thánh thiện, nhờ tình thương của Người" (Ep 1,4). Chúng ta được Thiên Chúa yêu thương ngay cả "trước khi" chúng ta hiện hữu ! Được thúc đẩy chỉ bởi tình yêu vô điều kiện của Ngài, Ngài "đã tạo dựng chúng ta từ hư không" (x. 2 Mcb 7,28) để dẫn chúng ta đến hiệp thông trọn vẹn với Ngài”.

Và rồi theo dòng thời gian, Chúa đã không ngừng lên tiếng kêu gọi chúng con nhận biết tình yêu của Chúa Cha. Giữa những xao động của thế gian, Chúa đã lên tiếng nơi lý trí của chúng con, để giúp chúng con có thể nghe được tiếng của Chúa Cha nơi những điều kỳ vĩ trong thiên nhiên và qua từng biến cố trong cuộc đời. Chúa đã lên tiếng nơi trái tim của chúng con, để giúp chúng con có thể nhận biết được Chúa Cha, qua những tương giao thấm đậm tình người, vì là con cùng một Cha trên trời. Chúa đã lên tiếng nơi thẳm sâu tâm hồn chúng con, để giúp chúng con có thể cảm nhận được tình yêu của Chúa Cha, nơi những khát vọng sâu xa nhất trong cuộc đời và vận mệnh. Một cách đặc biệt, Chúa đã lên tiếng trong lịch sử, qua những con người mà Chúa kêu gọi, tuyển chọn và thánh hóa, là Giám mục, Linh mục và Tu sĩ, những người dâng hiến cuộc đời của mình cho Chúa. Các ngài là những người đã nhận ra tiếng Chúa, nhận ra ý định yêu thương của Chúa Cha và quảng đại đáp lại với tất cả con người của mình. Tuy nhiên, với ý thức cách sâu xa về thân phận yếu đuối và mỏng dòn của mình, các ngài đã biết để lời Chúa uốn nắn và làm chủ hoàn toàn cuộc đời của mình. Và nhờ ơn Chúa giúp, các ngài đã trở nên khí cụ trong tay Chúa, để Chúa thực thi kế hoạch yêu thương. Lạy Chúa, tất cả là để cho ý Chúa được thể hiện và tất cả là để cho chúng con nhận biết được tình yêu của Chúa Cha đã dành cho chúng con.

6. Hát : Tình yêu Chúa cao vời biết bao.

7. Suy niệm 2 : “Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy. Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người. Các điều ấy, Thầy đã nói với anh em để anh em được hưởng niềm vui của Thầy, và niềm vui của anh em được nên trọn vẹn” (Ga 15,9-17).

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, chúng con thật vui mừng khi biết rằng, chúng con được gọi Thiên Chúa là Cha và Người rất mực yêu thương chúng con. Thế nhưng tất cả sự cảm nghiệm, nhận biết và mừng vui này sẽ dễ dàng trở nên trống rỗng, nếu như chúng con không ở lại luôn mãi trong tình yêu của Chúa. Nếu chúng con không biết đặt trọn hy vọng vào lời Chúa, vào mầu nhiệm sự chết và sự phục sinh vinh hiển của Chúa.

Như thế, điều Chúa mong muốn từng người chúng con là không chỉ nhận biết, mà còn phải gần gũi ở bên Chúa, sống với Chúa và giữ các điều răn của Chúa. Qua việc giữ các điều răn, Chúa muốn dẫn đưa chúng con vào trong niềm vui trọn vẹn, niềm vui mà Chúa đã đón nhận từ Chúa Cha. Vì lẽ đó, gặp gỡ Chúa, không chỉ là cuộc gặp gỡ để cảm nhận một tình yêu thương đơn thuần, nhưng là cuộc gặp gỡ để cảm nhận một tình yêu mang lại lẽ sống và niềm vui đích thực, biến đổi cuộc đời chúng con. Như vậy, chính khi chúng con ở lại trong Tình yêu Chúa, chúng con sẽ đón nhận được niềm vui trọn vẹn của Chúa Cha. Vì chính Ngài là nguồn mạch của mọi niềm vui, niềm vui vô tận và không khép kín nơi mình, nhưng lan tỏa trên tất cả muôn loài. Để rồi từ trong niềm vui bất tận này, chúng con có thể khám phá ra rằng, giá trị và ý nghĩa sâu xa của cuộc đời chúng con hệ tại ở việc được Thiên Chúa chấp nhận, đón tiếp và yêu thương (x. Đức Bênêđictô XVI, Sứ điệp ngày Quốc tế Giới trẻ 2012, số 2).

“Trong chính Thiên Chúa, tất cả đều là vui mừng vì tất cả là hồng ân” (Đức Bênêđictô XVI, Sứ điệp ngày Quốc tế Giới trẻ 2012, số 4). Quả thật, khi chúng con biết ở lại trong tình yêu Chúa, gặp gỡ Chúa và đặt trọn niềm tín thác nơi Chúa, là khi chúng con kín múc được niềm vui trọn vẹn. Bởi lẽ, trong tình yêu Chúa, chúng con được đón nhận Lời, Mình và Máu Thánh Chúa, là thần lương và là nguồn hoan lạc bình an đích thực trong nội tâm sâu thẳm của chúng con. Hơn thế nữa, khi kết hợp với Chúa trong đời sống cầu nguyện, với Lời Chúa và Thánh Thể, luôn là kho tàng quý giá giúp chúng con hiểu được vẻ đẹp của một đời sống hoàn toàn hiến dâng. Có thể nói được rằng, chính nhờ sự gặp gỡ thân mật và sức mạnh do sự hiện diện của Chúa, mà hai môn đệ trên đường Emmaus đã biến đổi cuộc đời và thay đổi hướng đi, “Họ đứng dậy và trở về Giêrusalem” (Lc 24,33), tâm hồn tràn ngập niềm vui. Tâm hồn họ vui mừng, không phải chỉ là một lần gặp gỡ Chúa Phục Sinh hiện ra ở trước mặt họ, ở giữa họ, nhưng là vì từ nay, Chúa hằng luôn hiện diện trong tâm hồn họ, Chúa ở cùng họ luôn mãi.

Như vậy, để đi vào hưởng niềm vui trọn vẹn trong tình yêu Chúa, thì điều trước hết đối với chúng con là cần có sự hiện diện của Chúa trong cuộc đời. Để rồi khi có sự hiện diện của Chúa, chúng con cũng biết chia sẻ niềm vui và tình yêu Chúa, bằng việc mở rộng con tim và đôi tay, sống bác ái và quảng đại cho đi, không phải chỉ cho đi điều tối thiểu, nhưng là hết mình dấn thân trong cuộc sống phục vụ công ích và quan tâm đến những người túng thiếu nghèo khổ. Và cách đặc biệt, khi có sự hiện diện yêu thương của Chúa trong tâm hồn, chúng con sẽ can đảm hơn trước lời mời gọi hiến dâng trọn cuộc sống của mình cho Chúa. Và trong tình yêu Chúa, chúng con sẽ mạnh mẽ hơn và luôn sẵn sàng đáp lời xin vâng, để cùng với thánh Phêrô, chúng con cũng có thể mạnh dạn thưa cùng Chúa : “Thầy biết con yêu mến Thầy” (Ga 21,15). Và như thế, chúng con dám chắc rằng : khi đáp lại lời mời gọi từ bỏ mọi sự để đi theo Chúa, ở lại với Chúa, trao hiến cho Chúa con tim không chia sẻ, để phục vụ Chúa và tha nhân, thì Chúa sẽ luôn trao ban, tuôn đổ tràn đầy vui mừng, hạnh phúc và bình an.

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, trước khi Chúa về trời Chúa đã căn dặn chúng con : Thầy ban cho các con điều răn mới là các con hãy yêu thương nhau và cứ dấu này người ta sẽ nhận ra các con là môn đệ Thầy, là các con hãy thương yêu nhau như Thầy yêu thương các con. Chúa đã nêu gương cho chúng con về một tình yêu hoàn toàn vị tha. Một tình yêu được thể hiện qua đời sống phục vụ chứ không phải để được phục vụ, và công cuộc phục vụ của Chúa đã đạt đến mức viên mãn là chết trên cây thập giá, nghĩa là bằng sự hiến ban trọn vẹn chính mình trong vâng phục và khiêm hạ. Và giờ đây, đối với chúng con, chúng con cũng được mời gọi đáp lại tình yêu ấy và tuân giữ giới răn yêu thương. Xin Chúa ban ơn nâng đỡ và giúp sức cho chúng con. Để mỗi ngày, chúng con lớn lên trong tình yêu và chấp nhận hy sinh để đem lại niềm vui và hạnh phúc cho mọi người. Chúng con xin dâng lên Chúa tất cả con người và đời sống của chúng con, để được Chúa yêu thương, chăm sóc và khơi dậy nơi chúng con ước muốn bước theo Chúa, nên một với Chúa trong tình yêu và niềm vui hiến dâng.

8. Hát : Khi con nghe tiếng kêu mời.

9. Đọc chung Kinh cầu cho các ơn gọi.

Lạy Chúa Giêsu là Vị Mục Tử đích thực / là Đấng chăn dắt các tâm hồn / Chúa đã chọn các Tông Đồ theo nghề chài lưới người / và không ngừng lôi cuốn các bạn trẻ / có tâm hồn sốt sắng quảng đại / để biến họ nên môn đệ Chúa / và thừa tác viên của Hội Thánh / Xin rèn luyện con người họ / biết chia sẻ nỗi khát khao của Chúa / trong sứ vụ cứu độ phổ quát mà Chúa đã hoàn tất / qua cái chết hồng phúc trên Thập giá / và hằng ngày tái diễn nơi Hy tế bàn thờ.

Lạy Chúa là vị Thượng Tế hằng sống / để chuyển cầu cho nhân loại chúng con / xin mở ra cho người trẻ chân trời của thế giới hôm nay / nơi đang vang lên lời cầu nguyện chân thành của biết bao anh chị em / để họ được ánh sáng chân lý soi dẫn / và có tâm hồn nồng cháy lửa mến yêu / mà quảng đại đáp lại tiếng Chúa kêu gọi / tiếp nối sứ vụ cứu thế / và xây dựng Hội Thánh là Thân Thể huyền nhiệm của Chúa / Xin cho họ trở nên muối đất và ánh sáng thế gian / làm dấu chỉ Nước thiên Chúa hiện diện ngay ở đời này / hầu tôn vinh Danh Chúa và hướng tới lợi ích mọi người.

Lạy Chúa / xin cho lời đáp trả ơn gọi / cũng trải rộng đến các người nữ / có tâm hồn thanh khiết và đầy sức sống / để họ biết khao khát đời sống trọn lành theo Phúc Âm / và thực hiện tinh thần phục vụ Hội Thánh / một cách cụ thể nơi các anh chị em mình / là những con người cần đến sự trợ giúp và đức ái của họ / Chúng con cầu xin Chúa / vì Chúa hằng sống và hiển trị đến muôn thuở muôn đời / Amen.

10. Hát : Lời Chúa 4. (N3 : 177)

11. Tin Mừng. Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Gioan (10,11-18)

Khi ấy, Đức Giêsu nói với người Do thái rằng :

"Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên. Người làm thuê, vì không phải là mục tử, và vì chiên không thuộc về anh, nên khi thấy sói đến, anh bỏ chiên mà chạy. Sói vồ lấy chiên và làm cho chiên tán loạn, vì anh ta là kẻ làm thuê, và không thiết gì đến chiên. Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Tôi biết chiên của tôi, và chiên của tôi biết tôi, như Chúa Cha biết tôi, và tôi biết Chúa Cha, và tôi hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên.

Tôi còn có những chiên khác không thuộc ràn này. Tôi cũng phải đưa chúng về. Chúng sẽ nghe tiếng tôi. Và sẽ chỉ có một đoàn chiên và một mục tử. Sở dĩ Chúa Cha yêu mến tôi, là vì tôi hy sinh mạng sống mình để rồi lấy lại. Mạng sống của tôi, không ai lấy đi được, nhưng chính tôi tự ý hy sinh mạng sống mình. Tôi có quyền hy sinh và có quyền lấy lại mạng sống ấy. Đó là mệnh lệnh của Cha tôi mà tôi đã nhận được".

12. Suy niệm 3 : “Tôi biết chiên của tôi, và chiên của tôi biết tôi, như Chúa Cha biết tôi, và tôi biết Chúa Cha, và tôi hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên” (Ga 10,15).

Lạy Chúa Giêsu là mục tử nhân lành, chúng con thật an tâm khi được gọi vào đoàn chiên của Chúa, là con của Chúa. Chúng con vững dạ an lòng vì được Chúa quan tâm chăm sóc và biết từng người chúng con. Chúa chăm sóc chúng con không phải bằng uy quyền áp chế, hay bằng danh vọng tiền của thế gian, nhưng bằng chính tình yêu. Một tình yêu cho đi tất cả, hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên.

Chính trong tình yêu này Chúa đã đón nhận và biết từng người chúng con. Thật vậy, như Chúa đã nói qua miệng tiên tri Giêrêmia : “Trước khi cho ngươi thành hình trong dạ mẹ, Ta đã biết ngươi, trước khi ngươi lọt lòng mẹ, Ta đã thánh hóa ngươi” (Gr 1,4). Chúa biết từng người chúng con không phải là cái biết lạnh lùng như các khoa học khi đưa ra cân đo đong đếm. Nhưng cái biết của Chúa về từng người chúng con, là sự hiểu biết thắm đượm yêu thương, một sự hiểu biết như Chúa biết về Chúa Cha. Chính trong tình yêu, Chúa biết và luôn thấu hiểu tất cả những tâm tư thầm kín nhất nơi chúng con. Cái biết của Chúa luôn hiểu rõ và cảm thông tất cả với những gánh nặng, đau khổ và những vết thương in hằn trong tâm hồn chúng con. Cái biết của Chúa còn đi xa và trải rộng hơn nữa, vì Chúa không chỉ biết với cái biết trong tình yêu, mà Chúa còn hằng luôn quan tâm chăm sóc chúng con để chúng con lớn lên và trưởng thành trong ân phúc của những người con. Tình yêu Chúa, luôn nâng đỡ và dắt dìu chúng con tiến bước. Khi biết chúng con ngã quỵ, Chúa đã vực chúng con dậy. Khi biết tâm hồn chúng con tràn ngập những thương tích do tội lỗi gây ra, Chúa đã chữa lành chúng con nơi Bí tích Hòa Giải. Chúa đã vui mừng vác chúng con trên vai, đưa chúng con đến đồng cỏ xanh tươi, bên dòng suối mát, là Lời Chúa, là Thánh Thể, là Thánh ý Chúa Cha. Và chính nơi đây, chúng con được tràn ngập niềm vui, được no thỏa, được sống và sống dồi dào trong tình yêu Chúa.

Lạy Chúa, chúng con xác tín rằng, chỉ có tình yêu Chúa, tình yêu chân chính mới có thể đem lại những gì tốt đẹp nhất cho chúng con và cho thế giới này. Và cũng chỉ có tình yêu mới có thể đáp trả được tình yêu, thấu hiểu được người mình yêu. Chính vì thế mà qua bao thời, Chúa đã dùng Tình yêu để biến đổi con tim của những người môn đệ, những người đã dâng hiến đời mình cho Chúa, để nên đồng hình đồng dạng với Chúa, sẵn sàng ra đi rao truyền tin vui và tình yêu. Và các ngài đã không ngừng đáp trả lại tình yêu của Chúa, bằng cách từ bỏ mọi sự để đi theo Chúa, để yêu thương những người Chúa yêu thương, để đến với mọi người và từng con người nhỏ bé nhất của Chúa, bằng con tim biết cảm thông, bằng lòng nhân ái và bằng tinh thần phục vụ vô vị lợi. Thật vậy, Các ngài thực sự là hình ảnh chân thực của Chúa, những mục tử như lòng Chúa mong ước để trao ban và thông truyền tình yêu của Chúa cho chúng con, để yêu thương chúng con, yêu đến sẵn sàng hy sinh, tự hiến mạng sống mình cho chúng con. “Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người dám hi sinh mạng sống mình cho bạn hữu” (Ga 15,13). Nguyện xin Chúa chúc lành và gìn giữ các ngài trong tình yêu của Chúa. Xin Chúa cũng đón nhận tất cả những khát vọng của chúng con và của những người trẻ đã và đang ước ao theo Chúa. Xin Chúa thánh hóa, dẫn dắt và biến đổi tất cả chúng con theo như lòng Chúa ước mong.

13. Hát : Một đời con theo Chúa.

14. Lời nguyện chung.

Anh chị em thân mến, giờ đây chúng ta hãy dâng lên Chúa Giêsu Kitô là mục tử nhân lành, hằng luôn yêu thương, quan tâm chăm sóc và hiến mạng sống vì chúng ta. Trong tâm tình cầu nguyện cho các ơn gọi trong Hội Thánh, chúng ta cùng tha thiết dâng lời nguyện xin.

Cầu cho Đức Giáo hoàng, các Đức Giám mục, các linh mục, phó tế của Hội Thánh : xin Chúa gìn giữ các ngài trong sự bình an và tình yêu của Chúa, để các ngài luôn chan chứa niềm vui hướng nhìn về Chúa, trở nên giống Chúa là Vị Mục Tử nhân lành, hy sinh và can đảm dâng hiến mạng sống mình cho đoàn chiên. Chúng ta dâng lời cầu nguyện. Đ/ Xin Chúa nhậm lời chúng con.

Cầu cho các gia đình là vườn ươm các ơn gọi : xin Chúa ban ơn cho các bậc cha mẹ luôn sống đạo đức thánh thiện, nêu gương sáng và quảng đại dâng hiến con cái cho Chúa, để phục vụ Hội Thánh. Chúng ta dâng lời cầu nguyện. Đ/ Xin Chúa nhậm lời chúng con.

Cầu cho các người trẻ hôm nay : xin Chúa gìn giữ và uốn nắn cuộc đời họ luôn phù hợp với Thánh ý của Chúa, để với ơn Chúa giúp, Hội Thánh luôn có nhiều tâm hồn sẵn sàng đáp lại tiếng gọi tình yêu của Chúa, dâng hiến cuộc đời mình cho Chúa và sống niềm vui yêu thương phục vụ mọi người. Chúng ta dâng lời cầu nguyện. Đ/ Xin Chúa nhậm lời chúng con.

Cầu cho công cuộc đào tạo linh mục của Hội Thánh : xin Chúa chúc lành và khơi dậy nơi các thành phần dân thánh ý thức góp phần nuôi dưỡng và nâng đỡ những người được Chúa kêu gọi. Chúng ta dâng lời cầu nguyện. Đ/ Xin Chúa nhậm lời chúng con.

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu,
toàn thân thể Hội Thánh được thánh hóa và cai quản
do Thánh Thần của Chúa ;
xin nhậm lời chúng con khẩn cầu cho các thừa tác viên của Chúa ;
để mọi người, nhờ ơn Chúa giúp,
biết vì Chúa mà trung thành phụng sự Hội Thánh.
Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con.

Kết thúc

15. Hát : Này con là Đá. Lời nguyện cầu cho Đức Giáo hoàng.
16. Hát : Đây nhiệm tích. Lời nguyện và Phép Lành MTC.
17. Hát : Kinh Hòa Bình.
 
Bình an cho sứ vụ mới
Lm. Giuse Nguyễn Thành Long
10:24 21/04/2012
Chúa Nhật 3 Phục Sinh B

Việc đầu tiên khi Chúa Giêsu hiện ra với các môn đệ là Ngài trao ban bình an cho họ. Cũng dễ hiểu thôi bởi vì các môn đệ đang cần lắm sự bình an sau những chấn động do cuộc khổ nạn của Thầy mình. Dư chấn cuộc thương khó đang làm cho lòng các ông tan nát. Loạt tin tức về việc Chúa mất xác, Chúa sống lại, Chúa hiện ra, Chúa hẹn gặp… làm cho tâm hồn các ông rối tung rối bời.

Ngay cả sau khi đã được Chúa Giêsu hiện ra cũng cố đức tin và khơi lên niềm hy vọng, các ông vẫn cần lắm sự bình an của Chúa để khởi đầu cho một sứ vụ mới, sứ vụ làm chứng cho Tin Mừng Phục Sinh. Sứ vụ mới nay chính thức bắt đầu. Nhưng trước hết các ông cần có cái tâm an bình đã, vốn là hoa trái của đức tin. Có cái tâm an bình thì mới có thể đem tin bình an đến cho người khác được.

Trong một lần được phỏng vấn trên đài truyền hình, Mẹ Têrêsa Calcutta trực diện với một kẻ hỏi cắc cớ:

- “Bà yêu thương người nghèo, điều đó rất tốt. Nhưng còn biết bao những người giàu có của Vatican và của Giáo hội thì sao?”

Mẹ nhìn thẳng vào người ấy và nói:

- “Thưa ông, ông không phải là người hạnh phúc. Có những điều đang xâu xé ông. Ông không có một chút bình an trong lòng”.

Lời đó làm ông xụ mặt. Và mẹ tiếp tục khiến ông thêm quặn đau:

- “Ông nên có niềm tin tưởng”.

- “Làm thế nào tôi có được niềm tin”.

- “Ông nên cầu nguyện”.

- “Nhưng tôi không thể cầu nguyện”.

- “Tôi sẽ giúp ông. Nhưng phần ông, ông nên cho những người chung quanh nụ cười cảm thông. Một nụ cười cảm thông làm ông gần những người khác. Và nó mang sự thật về Thiên Chúa vào cuộc sống của chúng ta”.

Sẽ không thể đem niềm vui và sự bình an cho người khác khi chính mình chưa có bình an và niềm vui trong tâm hồn. Nhưng niềm an vui chỉ có khi người ta thực sự tin vào Thiên Chúa và tin vào Đức Kitô.

Cũng vậy chỉ khi các môn đệ được gặp gỡ Đức Kitô Phục Sinh và được Ngài gia ân niềm tin, thì lòng các ngài mới có được bình an đích thực. Dĩ nhiên sự bình an mà Đức Kitô muốn trao cho các môn đệ của Ngài chắc chắn không phải là bình an theo kiểu của thế gian, như lời Ngài khẳng định: “Thầy ban cho anh em sự bình an không như thế gian ban tặng”. Bình an của thế gian theo nghĩa là không có chiến tranh, không có tai ương hay xáo trộn. Đặc tính dễ thấy nơi bình an thế gian là giả tạo, chóng qua. Vì bình an thế gian thường đến từ các “ngôn sứ giả” như thời Cựu Ước; hoặc đến từ tiền bạc, danh vọng, quyền lực và những tiện nghi vật chất.

Bình an mà Chúa Giêsu để lại cho các môn sinh của mình là “bình an có Chúa luôn ở cùng”, bình an có Chúa luôn hiện diện trong tâm hồn: “Thầy sẽ ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế”. Nói cách khác đó chính là bình an ơn cứu độ. Bình an đó còn là gì nữa ? Đó còn là chính Chúa Thánh Thần và các ân huệ của Người được Đức Kitô ban xuống trong tâm hồn các môn đệ vào ngày lễ Ngũ Tuần. Đây là thứ di sản bền vững mà Chúa Giêsu để lại cho các môn đệ; không như di sản trần thế: tiền bạc của cải, cổ phần cổ phiếu… là những thứ rất bấp bênh, nay còn mai mất, nay được giá mai mất giá.

Các môn đệ có được bình an vì đức tin của các ngài đã có “đường” vững vàng để đi, đức cậy của các ngài đã có “lối” rõ ràng để về. Bởi vậy sau này các ngài không còn lo âu xao xuyến sợ hãi nữa, dẫu cho bên ngoài có còn nhiều sóng gió thử thách.

Cuộc sống con người ngày hôm nay đang cần lắm sự bình an của Chúa. Bản thân cần sự bình an. Gia đình cần sự bình an. Cộng đoàn cần sự bình an. Xin Chúa giúp chúng ta luôn biết mở lòng ra đón nhận sự bình an của Chúa Kitô. Đồng thời biết trở nên như khí cụ bình an của Chúa, nghĩa là biết đem Tin Mừng bình an của Chúa cho những anh chị em mà chúng ta gặp gỡ hằng ngày.

Đem tin bình an bằng cách nào?

Một vị linh mục sau chuyến du lịch Đài Bắc trở về đã thuật lại một cách truyền giáo của một bác tài xế xe tắc-xi tại đây như sau:

“Ngày nọ, tôi đón tắc-xi từ khách sạn đi sang trung tâm thành phố Đài Bắc mua quà lưu niệm. Tôi rất ngạc nhiên khi thấy trong xe có dán một tờ giấy ghi mấy dòng chữ như sau: “Bạn có thể thấy một vài quyển sách về tôn giáo ở hộc bên hông xe. Trong khi xe đang chạy, bạn có thể đọc sách và nếu thích, bạn có thể mang sách theo khi rời khỏi xe mà không phải trả tiền mua sách”. Tôi tò mò tìm hộc sách và thấy một chục cuốn sách mỏng bằng tranh, nội dung về cuộc đời Đức Giê-su in trên giấy trắng khá đẹp, một ít sách truyện tranh các thánh và các danh nhân tôn giáo, một ít cuốn là những mẩu chuyện sống đức tin giữa đời thường... Ngoài ra, phía trên kính chiếu hậu trước mặt tài xế cũng có treo một ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp nhỏ. Tôi mở lời hỏi bác tài xế:

- Này bác tài, xin vui lòng cho biết: Hành khách đi xe của bác có ai quan tâm đến hộc sách đạo của bác không?

- Ồ, có chứ! Có nhiều người đã lấy ra xem, và có người còn cầm theo mang về nhà nữa.

Tôi hỏi tiếp:

- Bác có cảm tưởng gì khi thấy người ta đọc sách đạo do bác giới thiệu?

- Tôi cảm thấy rất vui anh à! Anh biết không: tôi là người tín hữu công giáo nhưng không có nhiều giờ để đi lễ nhà thờ. Vì tôi phải luôn chạy xe kiếm sống. Do đó, đây là cách làm công tác tông đồ của tôi. Tôi rất mừng vì đã có thể làm được hai việc một lúc: Vừa lái xe nuôi gia đình lại vừa rao giảng Tin Mừng mà không bị mất thêm thời giờ. Tôi nghĩ rằng tôi đang làm một việc thật tuyệt vời!
 
Làm Chứng Nhân Cho Chúa Kitô Phục Sinh
LM. Phêrô Nguyễn Hồng Phúc
20:44 21/04/2012
LÀM CHỨNG NHÂN CHO CHÚA KITÔ PHỤC SINH

Đức Giêsu đứng giữa các tông đồ và phán: “Bình an cho các con”(Lc 24,36). Mặc dầu vậy, các ông vẫn chưa được bình an, vì các ông còn đang sợ! Nỗi sợ hãi phát xuất từ mối phân vân và nghi hoặc. Bởi vì, người đứng trước mặt mình đúng là Thầy, nhưng các tông đồ nghi hoặc vì hai lý do: Một là, có thể các tông đồ cho rằng mình “tự kỷ ám thị”; Hai là, có thể các tông đồ đang nhìn thấy ma. Đức Giêsu liền chứng minh cho các ông thấy một sự thật, đó là Ngài ăn trước mặt các ông. Ngài ăn không phải vì đói, nhưng Ngài ăn là để làm chứng. Vì “Ma đâu có xương thịt như các con thấy Thầy có đây!”(Lc 24,39).

Các tông đồ đã được đối diện với Đức Giêsu Kitô, đúng là Thầy mình nhưng lại khác với Thầy mình. Lý do là, khi Thầy cho xem chân tay bị đóng đinh, Thầy cho xem cạnh sườn bị đâm thâu qua, với một con người như vậy thì làm sao Thầy sống được? Đúng là vết đinh, đúng là cạnh sườn. Một trái tim bị đâm thủng mà sao Thầy lại sống được? Cái khác là ở chỗ đó. Một Đức Giêsu Kitô đúng là Thầy mình, nhưng khác với Thầy trước khi chịu nạn. Một Đức Giêsu Kitô chiến thắng tử thần, chiến thắng Satan, chiến thắng thế gian. Ngài chiến thắng tử thần vì còn mang trên thân mình dấu đinh, lưỡi đòng mà không hề nhiễm sự chết. Ngài chiến thắng ma quỷ, vì từ đây, ma quỷ không còn dám ngạo nghễ, không còn dám đến cám dỗ hay chế diễu Ngài nữa. Thánh sử Luca đã chép lại: “Ma quỷ rút lui và chờ dịp khác”(Lc 4,13). Bây giờ Đức Giêsu phục sinh hiển hiện trước mắt các tông đồ nhưng ma quỷ đâu có dám mon men đến để cám dỗ, vì nó đã bị Đức Giêsu Kitô đánh gục.

Cánh cửa vẫn đóng kín nhưng hôm nay Chúa hiện đến và đứng giữa các tông đồ. Chúa không cần phải ăn uống và cũng không bị lệ thuộc vào bất cứ một quyền lực nào trên thế gian này, bởi vì Đức Giêsu Kitô phục sinh đã chiến thắng. Các tông đồ chuyển từ trạng thái nghi hoặc sang một trạng thái vững vàng khi Đức Giêsu kết luận: “Các con sẽ làm chứng nhân những sự kiện đó”(Lc 24,48). Khi các tông đồ chia tay nhau đi loan báo Tin Mừng, các ông không cần phải thống nhất bài vở, ngoại trừ Kinh Tin Kính – là biểu mẫu tuyên xưng đức tin cho toàn thể Giáo Hội của mọi thời đại. Còn về hình thức loan báo và đối tượng loan báo, các tông đồ không cần phải thống nhất. Tất cả chỉ kể lại những gì mắt thấy, tai nghe và loan truyền về Đức Giêsu Kitô Phục Sinh. Đó là một chứng từ, và chứng từ đó liên quan tới toàn thế giới. Bởi Đức Giêsu Kitô Phục Sinh liên quan tới tất cả nhân loại, bởi Đức Giêsu Phục Sinh không phải cho riêng Ngài nhưng là cho tất cả chúng ta được sống. Vì vậy, các tông đồ loan báo Tin Mừng Chúa Kitô Phục Sinh không như là một huyền thoại hay một chuyện cổ tích. Các tông đồ loan báo Chúa Kitô Phục Sinh cũng không phải là một hình thức biểu dương Thầy của mình và mang tính chất “độc tôn”. Các tông đồ loan báo Chúa Kitô Phục Sinh cho các dân tộc là để nói cho họ biết rằng, sự sống lại của Đức Kitô ảnh hưởng trực tiếp tới hạnh phúc của họ.

Đức Kitô Phục Sinh sẽ ban sức sống mới cho tất cả những ai tin. Đức Kitô Phục Sinh sẽ làm biến đổi tất cả những ai tin. Sự sống không còn bị lệ thuộc vào những đau khổ và sự chết nữa. Họ cũng sẽ được chiến thắng như Đức Kitô đã chiến thắng ma quỷ, chiến thắng thế gian. Mặc dầu con người mang bản chất xác thịt yếu hèn nhưng khi tin vào Đức Giêsu Kitô, họ chiến thắng cả ma quỷ, chiến thắng cả thế gian và chiến thắng sự chết. Một Tin Mừng vĩ đại như vậy, nên lúc đầu các tông đồ có nghi ngại, có sợ hãi, rồi chuyển sang niềm xác tín thì chúng ta không lấy làm ngạc nhiên. Một sự kiện lớn lao, thay đổi toàn bộ não trạng và nâng vực các tông đồ đứng dậy. Vì họ đang như một con người rã rời trong thất vọng, ủ rũ trong sợ hãi, bây giờ họ trỗi dậy, mạnh mẽ, tuyên xưng và loan báo vì Đức Giêsu Kitô Phục Sinh đã cho họ sức sống mới.

Hôm nay, khi Tin Mừng Phục Sinh đến với chúng ta thì đến lượt chúng ta cũng hãy chỗi dậy, cũng hãy ra đi, bởi vì chúng ta vẫn tuyên xưng như vậy. Một sứ mệnh mà ngay sau khi vị chủ tế truyền phép Mình và Máu Thánh Chúa trong thánh lễ, chúng ta đã lãnh nhận đó là “Lạy Chúa, chúng con loan truyền Chúa chịu chết và tuyên xưng Chúa sống lại cho tới khi Chúa đến”. Chúng ta tuyên xưng Chúa sống lại vì sự sống Phục Sinh của Chúa Kitô là cứu cánh của chúng ta, là hạnh phúc của chúng ta, là sự chiến thắng của người Kitô hữu, là Nước Trời đã đến giữa trần gian.

Một lần nữa, Chúa lại đến giữa chúng ta và trao ban bình an cho chúng ta như các tông đồ xưa. Còn ai sợ hãi? Còn ai nghi hoặc?. Chúng ta hãy nghe Lời Chúa kết luận, không chỉ với các tông đồ ngày xưa mà là với chúng ta của ngày hôm nay nữa. Chúa nói: “Các con hãy là chứng nhân những sự kiện đó”!

Lạy Thiên Chúa Toàn Năng,
Chúng con nguyện làm chứng nhân niềm tin vào Đức Kitô Phục Sinh.
Chúng con nguyện làm chứng nhân cho môi trường của Nước Chúa.
Làm chứng nhân giữa môi trường xã hội
với thế giới hiện đại mà chúng con đang sống.
Bởi lẽ, chúng con đã được nghe Lời Chúa,
Chúng con đã được ăn Mình và Máu Chúa,
Và chúng con đã được chứng kiến
những câu chuyện do các thánh sử mắt thấy, tai nghe kể lại.
Điều quan trọng nhất đó là
chúng con tin Đức Giêsu Kitô hôm qua,
cũng như hôm nay và mãi mãi.
Một Đức Kitô chiến thắng.
Một Đức Kitô vinh hiển cho mọi thời đại.
Xin cho chúng con xác tín và tuyên xưng niềm tin đó
để chúng con cũng đạt tới sự sống đời đời,
và chúng con được hưởng hạnh phúc vinh quang
với Chúa Kitô Phục Sinh trong sự sống mới. Amen.


 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Thánh Cha không cô đơn
Bùi Hữu Thư
16:15 21/04/2012
18/4/2012: Báo Osservatore Romano

Tám năm giáo triều của Đức Thánh Cha Benedict XVI dường như chỉ mới khởi sự. Ngài được bầu lền ngày 19 tháng 4, 2005 khi ngài 78 tuổi, không đầy một ngày sau khi có mật nghị đông nhất trong lịch sử giáo hội.

Một ngày được mọi người ăn mừng và trước đó có một bữa tiệc truyền thống để mừng sinh nhật 85 của ngài. Đây là một điều chưa từng có trong các triều đại giáo hoàng kể từ năm 1895, và do đó được tổ chức một cách náo nhiệt hơn thường lệ.

Niềm hân hoan và những lời chúc mừng trong đó tất cả thế giới đã góp lời bầy tỏ lòng mến thương và kính trọng, vì thế đã được gia tăng đến một mức độ không ngờ vào ngày ngài được bầu lên.

Thật vậy, sự tích lũy các kỳ thị, nếu không nói là không ưa thích, trong đó quyết định sáng sủa của Hồng Y Đoàn đã được chấp thuận trong các bối cảnh khác nhau, ngay cả bối cảnh Công Giáo, không thể lãng quên. Những kỳ thị và không ưa thích này đối với Hồng Y Ratzinger, đã có ngay từ giữa thập niên 1980, nhưng không có gì liên quan đến cá tính chân thật của ngài.

Đấng kế vị Gioan Phaolô II - cũng đã là cộng sự viên quyền thế nhất của ngài - ngài đã được triệu hồi về Rôma tức khắc bởi Đức Giáo Hoàng người Ba Lan, cũng từ lâu bị coi như thù nghịch - đã có ý chống lại ngài, theo những thiên kiến bị lạm dụng.

Vì thế đây là một giáo triều khởi sự bằng việc leo dốc, và Đức Thánh Cha Benedict đã phải đối phó ngày qua ngày, với sự bình thản trong sáng và kiên nhẫn ngài đã bầy tỏ mới đây vào ngày 24 tháng 4, khi ngài xin các tín hữu cầu nguyện cho ngài để cho ngài không phải chạy trốn "vì sợ hãi trước đàn sói."

Bài giảng đó là bài đầu tiên mà hôm nay được coi là một chuỗi dài những bài giảng có sự sáng sủa và sâu xa và được coi như không thua kém gì các bài giảng của Đức Thánh Cha Leo Cả, và là những bài giảng đầu tiên của Giám Mục Giáo Phận Rôma được lưu trữ.

Các bài này xuất sắc ở chỗ có một sự cân bằng đáng qúy giữa truyền thống xưa cổ và những cải tiến Kitô giáo, song song với ý định của Đức Thánh Cha Benedict là bước tới hòa điệu giữa lý trí và đức tin, để đến được với mọi người và nói với mọi người. Đây là điều đã được đề nghị tại buổi họp ở Assisii do lời mời của ngài - lần đầu tiên, một phần tư thế kỷ sau khi Chân Phước Gioan Phaolô tổ chức buổi họp mong muốn cho các tín hữu - và cả cho các người ngoại, để loan truyền Phúc Âm cho thế giới hôm nay.

Cũng giống như bài giảng của ngài vào ngày sinh nhật của ngài - trùng hợp với ngày kỷ niệm việc ngài chịu phép rửa, là ngày Thứ Bẩy Tuần Thánh năm 1927 – khi Đức Thánh Cha Benedict nói về hai vị thánh được tôn kính trong niên lịch phụng vụ, Bernardette Soubirous và Benedict Joseph Labre, và về nước trong lành của sự thật mà thế gian thèm khát, và thường khi không nhận biết. Các bạn hữu vô hình, nhưng không kém có sự hiện diện chân thật. Đức Thánh Cha cảm nhận sự gần gũi với các thánh này trong sự Hiệp Thông với các Thánh y như ngài cảm nhận tình thân hữu với biết bao nhiêu người đang cầu nguyện cho ngài hàng ngày, hay chỉ nhìn ngài với lòng ưu ái, và lắng nghe lời ngài.
 
Đức Thánh Cha nhắc nhở: Lời Chúa sống động trong truyền thống Giáo Hội
Lã Thụ Nhân
07:48 21/04/2012
Đức Thánh Cha nhắc nhở: Lời Chúa sống động trong truyền thống Giáo Hội

Vatican City (VIS) – Ngày 20/04/2012 Ủy Ban Giáo Hoàng về Kinh Thánh đã bế mạc Hội nghị khoáng đại thường niên để suy tư về chủ đề “Linh hứng và Chân lý trong Kinh Thánh”. Nhân dịp này, Đức Thánh Cha đã gửi một bức thư đến Đức Hồng Y William Joseph Levada, Tổng Trưởng Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin và là Chủ tịch của Ủy ban.

Đức Thánh Cha lưu ý rằng chủ đề của cuộc quy tụ năm nay là rất quan trọng "cho một giải thích chính xác về thông điệp Kinh Thánh. Nó linh hứng rằng việc làm của Thiên Chúa vốn đảm bảo sự truyền đạt của con người có thể diễn tả Lời Chúa". Ngài viết thêm: "Thật vậy, bất kỳ sự giải thích Kinh Thánh nào không chú ý đến hoặc quên đi linh hứng của nó thì sẽ không lưu tâm đến đặc tính quan trọng và quý giá nhất của nó, chính là, thực sự nó đến từ Thiên Chúa".

Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI cho biết thêm: "Nhờ hồng ân siêu việt của linh hứng, sách Kinh Thánh có một lời kêu gọi trực tiếp và xác thực. Tuy nhiên, Lời Chúa không chỉ giới hạn trong bản văn ghi chép, mặc dù Mạc Khải chấm dứt với cái chết của vị Tông Đồ cuối cùng, Lời được mạc khải đã tiếp tục được công bố và giải thích bằng Truyền Thống sống động của Giáo Hội. Vì vậy, Lời Chúa, bất di bất dịch trong các bản văn thánh, không phải là nội dung trơ ra ở trung tâm của Giáo Hội, nhưng là nguyên tắc tối thượng của đức tin và sức mạnh đời sống của Giáo Hội. Truyền thống mà Giáo Hội kết múc từ các Tông Đồ tiến triển với sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần, và phát triển qua sự suy tư và nghiên cứu với sự tham gia của các tín hữu, qua kinh nghiệm cá nhân của đời sống tâm linh và lời rao giảng của các giám mục".

Vì vậy cần phải nghiên cứu sâu hơn về chủ đề linh hứng và chân lý trong Kinh Thánh, bởi vì nó là "căn bản cho đời sống và sứ vụ của Giáo Hội mà Kinh Thánh được hiểu theo bản chất của nó, linh hứng và chân lý là những đặc tính cấu thành nên bản chất đó ".

Để kết luận, Đức Thánh Cha bày tỏ sự đánh giá cao của ngài đối với Ủy Ban Giáo Hoàng về Kinh Thánh về các hoạt động Ủy Ban thực hiện nhằm thăng tiến kiến thức, học hỏi và tiếp nhận Lời Chúa trên thế giới.

Lã Thụ Nhân
 
Hai cựu giám mục Anh giáo Canada được đón nhận vào Giáo Hội Công Giáo
Lã Thụ Nhân
07:50 21/04/2012
Hai cựu giám mục Anh giáo Canada được đón nhận vào Giáo Hội Công Giáo

Ottawa (Zenit.org) – Tại Canada,vào Chúa Nhật Lòng Chúa Thương Xót, hai cựu giám mục Anh giáo, Peter Wilkinson và Carl Reid, cùng với các thành viên các giáo đoàn của họ, đã được đón nhận vào hiệp thông trọn vẹn với Giáo Hội Công Giáo.

Điều này được thực hiện theo Tông Hiến Anglicanorum coetibus năm 2009 của Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI, đưa ra một cơ cấu để chào đón các tín hữu Anh giáo vào Giáo Hội Công Giáo. Theo Đài phát thanh Vatican, các buổi lễ đón nhận sẽ được tổ chức trong các Thánh Lễ đặc biệt, tại Ottawa, thủ đô của Canada, và tại bang Victoria bờ biển phía tây của Canada.

Đức Tổng Giám Mục Công Giáo Terrence Prendergast của Ottawa cho hay: "Chúng tôi đã cố gắng để đáp ứng yêu cầu từ một nhóm Anh giáo, những người hiện muốn hiệp thông đầy đủ". Ngài nói rằng họ đã bắt đầu nói về điều này vài năm trước. "Và chúng tôi cũng nhận ra rằng chúng ta phải tiếp tục công việc cho sự hiệp nhất của Giáo Hội bằng bất cứ cách nào mà Chúa Kitô muốn, tuy nhiên Ngài muốn điều đó xảy ra với các tín hữu Anh giáo còn lại".

Đức Tổng Giám Mục Prendergast đặt sự kiện vào bối cảnh đại kết lớn hơn: "Tôi nghĩ bất cứ điều gì làm tăng cường sự hiệp nhất giữa các Kitô hữu sẽ đem lại dấu chỉ tích cực cho những người khác. Dĩ nhiên, một trong những chuyện gây sốc lớn trong thế giới chúng ta là có quá nhiều Kitô hữu tin vào Chúa Giêsu Kitô và tất cả do Ngài mang lại cho chúng ta, tuy nhiên chúng ta bắt tay vào việc theo những cách thế khác nhau. Tình trạng không hiệp nhất của chúng ta là một khẩu lệnh để truyền giáo của thế giới chúng ta, và tôi nghĩ rằng bất cứ điều gì mang chúng ta gần nhau hơn mà nhận ra sự hiệp nhất trong đa dạng sẽ mang lại ân phúc dồi dào cho chúng ta và giúp rao giảng Tin Mừng".

Trong một thông cáo báo chí của Tổng Giáo Phận Ottawa, Đức Giám Mục Carl Reid, phụ tá của Giáo hạt Đức Bà Walsingham tuyên bố: "15 tháng Tư, 2012 là một ngày để chúng ta ghi nhớ cho hậu thế, ngày tiếp nhận cá nhân và tập thể chúng ta vào Giáo Hội Công Giáo". Ngài nói thêm: "Và không chỉ chúng tôi từ biến cố Truyền Tin, mà còn từ nhiều giáo xứ và đoàn thể khác trên khắp đất nước. Ban đầu, chúng ta sẽ là một ‘hiệp hội tôn giáo’, tốt nhất nên được mô tả như là một 'giáo xứ trong chờ đợi’".

Đức Tổng Giám Mục Terrence Prendergast cho hay: "Tôi rất vinh dự đón nhận các thành viên của Giáo hội Công giáo Anh giáo vào hiệp thông trọn vẹn với Giáo Hội Công Giáo".

Vào cuối tháng Hai, Đức Giám mục Wilkinson, Giám mục Giáo hạt Đức Bà Walsingham đã gặp gỡ Đức Ông Steenson, Giám quản Giáo Hạt Tòng Nhân tại Hoa Kỳ. Đức Ông Steenson đồng ý rằng tất cả các hiệp hội tôn giáo Canada, trong hiện tại và tương lai, nên được quy tụ như là các giáo xứ ở Hạt người Canada của Giáo Hạt Tòng Nhân Ngai tòa Thánh Phêrô Hoa Kỳ.

Lã Thụ Nhân
 
Các giám mục nên noi gương Thánh Phêrô ngay cả phải chịu chết
Lã Thụ Nhân
07:51 21/04/2012
Các giám mục nên noi gương Thánh Phêrô ngay cả phải chịu chết

Vatican City (CNA/EWTN) - Đức Giám Mục Patrick J. McGrath của San Jose, California cho hay rằng mẫu gương theo Chúa Giêsu ngay cả phải chịu chết của Thánh Phêrô, phải được gợi hứng cho các giám mục ngày nay noi theo.

Trong Thánh Lễ sáng ngày 18/04/2012 tại mộ Thánh Phêrô ở Rôma, Đức Giám Mục McGrath thuyết giảng: “Dường như đối với tôi, câu hỏi chúng ta cần đặt ra trong trường hợp này là - Domini quo Vadis? - Lạy Chúa, Ngài đi đâu? Và Chúa Giêsu đã trả lời, Ngài luôn trả lời, rằng thậm chí bất chấp bản thân, chúng ta cần theo đến chỗ Ngài đang hướng đến".

Đức Giám Mục McGrath hiệp cùng các giám mục từ California, Hawaii, Nevada và Utah hiện đang ở Rôma cho chuyến hành hương "ad limina" viếng mộ Thánh Phêrô và Thánh Phaolô trong tuần từ ngày 16 đến 21 tháng Tư. Ngài nhắc lại câu chuyện theo truyền thống về Thánh Phêrô trốn chạy cuộc bách hại Giáo Hội sơ khai tại Rôma cho đến khi gặp thị kiến Chúa Kitô đang đi theo hướng ngược lại.

Đức Giám Mục McGrath giải thích: “Thánh Phêrô hỏi Chúa Giêsu: ‘Domini, quo Vadis?’ - ‘Lạy Chúa, Ngài đi đâu?’ Chúa Giêsu trả lời: ‘Thầy đi chịu đóng đinh một lần nữa’. Sau thị kiến, Thánh Phêrô hiểu được sứ điệp, ngài lưu lại trong thành phố này và tiếp tục sứ vụ của Chúa Kitô”.

Đức Giám Mục McGrath cho biết Thánh Phêrô tìm thấy lòng can đảm để theo Chúa Kitô vì “ngài đã thực sự vượt thắng bản thân nhờ niềm vui Phục Sinh”. Ngài nói với các giám mục rằng đó là “niềm vui thúc đẩy ngài trong cuộc hành trình theo Chúa Kitô” và “nó cũng phải thúc đẩy anh em và tôi hôm nay”.

Đây là lý do tại sao Thánh Phêrô, vốn “chỉ là một ngư dân đơn thuần”, đã được trao quyền lãnh đạo để sống “đời sống đức tin và tuy có nghi ngờ” và “cuối cùng ngài đã theo lời mời gọi của Chúa Kitô, ngay cả phải chịu chết”.

Chuyến viếng thăm “ad limina” tuần qua cũng mang đến cho các giám mục cơ hội thảo luận về tình hình giáo phận của các ngài với các cơ quan khác nhau của Tòa Thánh Vatican.

Sau Thánh Lễ sáng, phái đoàn giám mục đã có hàng loạt các cuộc họp với Thánh Bộ Giáo Dục Công Giáo, Thánh Bộ Phụng Tự và Hội Đồng Giáo Hoàng về Cổ Võ Tân Phúc Âm Hoá. Tối 18/04, các ngài tham dự buổi tiệc chiêu đãi tại Đại Sứ quán Hoa Kỳ cạnh Toà Thánh.

Lã Thụ Nhân
 
Chúa Thánh Thần linh ứng cho việc Giáo Hội dẫn giải Thánh Kinh
Bùi Hữu Thư
10:23 21/04/2012
VATICAN (CNS) – Đức Thánh Cha Benedict XVI nói: Trong khi bản văn của Thánh Kinh cố định, cùng một Chúa Thánh Thần đã linh ứng cho các Thánh Sử, ngài vẫn tiếp tục linh ứng cho việc loan truyền và dẫn giải Thánh Kinh của Giáo Hội.

Việc Giáo Hội Công Giáo hiểu biết Thánh Kinh đã gia tăng qua thời gian nhờ được Chúa Thánh Thần hướng dẫn và qua việc suy niệm, nghiên cứu, cầu nguyện và giảng thuyết. Đức Thánh Cha đã nói như vậy trong một điện văn gửi cho Uỷ Ban Thánh Kinh của Giáo Hoàng, một nhóm các học giả quốc tế phụ trách việc cố vấn cho Thánh Bộ Đức Tin.

Uỷ ban này họp tại Vatican từ ngày 16 đến 20 để tiếp tục thảo luận và nghiên cứu về “sự linh ứng và sự thật trong Thánh Kinh.”

Đức Thánh Cha nói: Trong khi hoạt động mặc khải chấm dứt với cái chết của Tông Đồ cuối cùng, “lời mặc khải tiếp tục được loan truyền và dẫn giải bởi truyền thống sống động của Giáo Hội. Vì lý do này, Lời Chúa cố định trong bản văn thánh không phải là một kho tàng bất di bất dịch bên trong giáo hội, nhưng trở nên một quy luật tối cao của đức tin giáo hội."

Đức Thánh Cha Benedict nói không có ai có thể thực sự hiểu Thánh Kinh mà không công nhận rằng Thánh Kinh đã được linh ứng bởi Chúa Thánh Thần.

Nhưng, như ngài đã nói với Uỷ Ban Thánh Kinh năm ngoái, “không có thể áp dụng tiêu chuẩn của việc linh ứng hay về chân lý tuyệt đối một cách máy móc, và trích dẫn một câu độc nhất hay một từ ngữ mà thôi.."

Đức Thánh Cha nói: “Dưới mắt của Giáo Hội Công Giáo, toàn bộ Thánh Kinh là sự thật và sự hiểu biết Thánh Kinh của mọi người gia tăng cùng với sự suy niệm và nghiên cứu của các tín hữu, với kinh nghiệm cá nhân của một đời sống tâm linh và với việc giảng dậy của các giám mục.”
 
Sứ điệp ĐTC Ngày Ơn Gọi 20012: Các ơn gọi, ân huệ của Tình Yêu của Thiên Chúa
ĐGH Bênêđictô XVI
09:45 21/04/2012
SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA
NGÀY THẾ GIỚI CẦU NGUYỆN CHO CÁC ƠN GỌI 2012
29.04.2012 – Chúa Nhật IV Phục Sinh

Chủ đề : Các ơn gọi, ân huệ của Tình Yêu của Thiên Chúa

Anh chị em thân mến,

Ngày Thế Giới Cầu Nguyện cho các Ơn Gọi lần thứ 49, sẽ được cử hành vào ngày 29.04.2012, nhằm Chúa Nhật IV Phục Sinh, mời gọi chúng ta suy nghĩ về chủ đề : Các ơn gọi, ân huệ của Tình Yêu của Thiên Chúa.

Nguồn mạch của mọi ân huệ tuyệt hảo là Thiên Chúa Tình Yêu – Deus caritas est – : "ai ở lại trong tình yêu thì ở lại trong Thiên Chúa và Thiên Chúa ở lại trong người đó" (1 Ga 4,16). Thánh Kinh tường thuật câu chuyện về mối liên hệ nguyên thủy này giữa Thiên Chúa và nhân loại, mà đi trước cả việc tạo dựng. Viết cho các tín hữu của thành Êphêsô, thánh Phaolô đã dâng lên Chúa Cha một bài thánh thi biết ơn và ngợi khen, Đấng mà, với lòng nhân từ vô tận, đã thể hiện, qua bao thế kỷ, kế hoạch cứu độ phổ quát của Ngài là kế hoạch tình yêu. Thánh Tông đồ khẳng định : trong Con của Ngài là Chúa Giêsu, Ngài "đã chọn chúng ta trước cả khi tạo thành vũ trụ, để trước thánh nhan Người, chúng ta trở nên tinh tuyền thánh thiện, nhờ tình thương của Người" (Ep 1,4). Chúng ta được Thiên Chúa yêu thương ngay cả "trước khi" chúng ta hiện hữu ! Được thúc đẩy chỉ bởi tình yêu vô điều kiện của Ngài, Ngài "đã tạo dựng chúng ta từ hư không" (x. 2 Mcb 7,28) để dẫn chúng ta đến hiệp thông trọn vẹn với Ngài.

Thán phục trước công trình của Thiên Chúa Quan Phòng, tác giả thánh vịnh đã thốt lên : "Ngắm tầng trời tay Chúa sáng tạo, muôn trăng sao Chúa đã an bài, thì con người là chi, mà Chúa cần nhớ đến, phàm nhân là gì, mà Chúa phải bận tâm ?" (Tv 8,4-5). Như thế, chân lý sâu xa của cuộc sống của chúng ta được chứa đựng trong mầu nhiệm kinh ngạc này : mỗi thụ tạo, cách riêng mỗi nhân vị, là hoa trái của một tư tưởng và của một hành vi tình yêu của Thiên Chúa, tình yêu bao la, trung tín, vĩnh cửu (x. Gr 31,3). Khám phá thực tại này thực sự thay đổi cuộc sống của chúng ta cách sâu xa. Trong một trang nổi tiếng của cuốn Tự Thuật, thánh Augustinô đã mạnh mẽ diễn tả việc ngài khám phá ra Thiên Chúa, vẻ đẹp tuyệt đỉnh và là tình yêu vô tận, một Thiên Chúa đã luôn luôn gần gũi với ngài, Đấng mà, cuối cùng, ngài đã mở rộng tâm trí và tâm hồn của mình để được biến đổi : “Con yêu Chúa quá muộn, lạy Chúa là vẻ đẹp vừa rất xưa vừa mới mãi, con yêu Chúa quá muộn ! Này Chúa vẫn ở trong con, mà hồi ấy con cứ ở ngoài và tìm Chúa bên ngoài ! Con thật xấu khi mải chạy theo vẻ đẹp nơi các thụ tạo của Chúa. Chúa từng ở với con mà con chẳng ở với Chúa. Những sự vật vẫn giữ con xa Chúa, nếu chúng không ở trong Chúa thì chúng làm sao hiện hữu được ? Chúa gọi con, Chúa la to, và đã phá tan sự điếc lác của con. Chúa rực sáng, Chúa chiếu toả và đã xua tan sự mù loà của con. Chúa toả hương thơm, con hít lấy và con khao khát Chúa. Con đã nếm thử và bây giờ con đói, con khát Chúa. Chúa đã chạm đến con và con nóng lòng tìm bình an của Chúa” (X, 27.38). Bằng những hình ảnh này, thánh Giám mục thành Hippone tìm cách mô tả mầu nhiệm khôn dò của cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa, với tình yêu biến đổi toàn thể cuộc sống của Ngài.

Đó một tình yêu vô hạn đi trước chúng ta, nâng đỡ chúng ta và kêu gọi chúng ta trên suốt con đường của cuộc sống và được bén rễ trong sự nhưng không hoàn toàn của Thiên Chúa. Đặc biệt, khi quy chiếu đến thừa tác vụ linh mục, vị tiền nhiệm của tôi là Chân Phước Gioan-Phaolô II đã khẳng định rằng "bất cứ hành vi thừa tác nào, khi dẫn đến việc yêu mến và phục vụ Giáo Hội, cũng thúc đẩy luôn càng chín muồi hơn trong tình yêu và trong việc phục vụ Đức Kitô là Đầu, Mục Tử và Phu Quân của Giáo Hội; tình yêu ấy luôn luôn được coi là sự đáp trả lại tình yêu đi trước, tự do và nhưng không của Thiên Chúa trong Đức Kitô" (Tông huấn Pastores dabo vobis, số 25). Quả thế, mỗi ơn gọi riêng biệt đều nảy sinh từ sáng kiến của Thiên Chúa, là ân huệ của tình yêu của Thiên Chúa ! Chính Ngài đi "bước đầu tiên", không phải do một sự tốt lành đặc biệt nào đó nơi chúng ta, nhưng nhờ sự hiện diện của tình yêu của Ngài "được Thánh Thần đổ tràn trong tâm hồn chúng ta" (Rm 5,5).

Trong mọi lúc, ở nguồn mạch của tiếng gọi thần linh, luôn có sáng kiến tình yêu vô tận của Thiên Chúa, được biểu lộ trọn vẹn trong Chúa Giêsu-Kitô. Như tôi đã viết trong Thông điệp đầu tiên của tôi, Deus caritas est : "Thực vậy, sự hữu hình của Thiên Chúa thật đa dạng. Trong lịch sử tình yêu mà Thánh Kinh tường thuật cho chúng ta, Người đi đến với chúng ta, tìm cách chinh phục chúng ta mãi cho đến bữa Tiệc ly, mãi cho đến trái tim bị đâm thâu trên thập giá, mãi cho đến những lần hiện ra của Đấng Phục sinh và những kỳ công của Người, qua đó Người đã hướng dẫn Hội Thánh mới được hình thành nhờ hoạt động của các Tông đồ. Và trong lịch sử tiếp đó của Hội Thánh, Chúa cũng không vắng mặt : Người luôn luôn tìm đến chúng ta – qua những con người mà Người soi sáng ; qua Lời của Người, trong các bí tích, đặc biệt là Bí tích Thánh Thể" (số 17).

Tình yêu của Thiên Chúa vẫn luôn mãi tồn tại, Ngài trung tín với chính mình, với "lời đã cam kết cho muôn ngàn thế hệ" (Tv 105 (104),8). Vì thế, cần phải tái loan báo, cách đặc biệt cho các thế hệ mới, vẻ đẹp lôi cuốn của tình yêu Thiên Chúa, tình yêu đi trước và đồng hành : tình yêu này là sức mạnh sâu kín, là động cơ không bao giờ thiếu, ngay cả trong những hoàn cảnh khó khăn nhất.

Anh chị em thân mến, chúng ta phải mở cuộc sống chúng ta ra cho tình yêu này, và chính sự hoàn thiện này của tình yêu của Chúa Cha (x. Mt 5,48) mà Chúa Giêsu mời gọi chúng ta mỗi ngày ! Quả thế, mức độ cao của cuộc sống của người kitô hữu hệ tại yêu thương "như" Thiên Chúa ; đó là một tình yêu được biểu lộ trong sự tự hiến hoàn toàn, trung tín và phong nhiêu. Trả lời cho Mẹ bề trên của đan viện Ségovie, đang khổ tâm do hoàn cảnh bi thảm đan viện bị vạ trong những năm qua, thánh Gioan Thánh Giá đã mời gọi Mẹ hành động theo kế hoạch của Thiên Chúa : "Đừng nghĩ đến gì khác ngoài việc mọi sự được Thiên Chúa an bài ; và ở đâu không có tình yêu, Mẹ hãy đặt tình yêu vào đó và Mẹ sẽ gặt hái được tình yêu" (Thư, 26).

Chính trên mảnh đất dâng hiến mở ra cho tình yêu Thiên Chúa và là hoa trái của tình yêu này, mà tất cả các ơn gọi nảy sinh và lớn lên. Và chính khi kín múc ở nguồn mạch này trong đời sống cầu nguyện, cùng với việc năng lui tới với Lời Chúa và các Bí tích, cách riêng Bí tích Thánh Thể, mà ta có thể sống tình yêu đối với tha nhân trong đó ta học biết khám phá khuôn mặt của Chúa Kitô (x. Mt 25,31-46). Để diễn tả mối liên hệ bất khả phân ly liên kết "hai tình yêu" này – tình yêu Thiên Chúa và tình yêu tha nhân – vọt lên từ cùng nguồn mạch thần linh và hướng đến đó, Thánh Grêgôriô Cả Giáo hoàng đã dùng đến ví dụ chồi non nẩy mầm : "Trong mảnh đất tâm hồn chúng ta, trước tiên [Thiên Chúa] đã trồng rễ tình yêu hướng về Ngài, và rồi, khi mùa đâm chồi đến, tình yêu huynh đệ đã được phát triển" (Moralium Libri, sive expositio in Librum B. Job, Lib. VII, cap. 24, 28; PL 75, 780D).

Hai lối diễn tả của cùng một tình yêu thần linh duy nhất này phải được sống với một cường độ đặc biệt và với tâm hồn trong sáng bởi những ai đã quyết định thực hiện một con đường biện phân ơn gọi hướng đến thừa tác vụ linh mục và đời sống thánh hiến ; chúng cấu thành yếu tố đặc trưng của nó. Quả thế, tình yêu đối với Thiên Chúa, mà các linh mục và tu sĩ trở thành những hình ảnh hữu hình của tình yêu đó – cho dầu là những hình ảnh bất toàn – luôn là động cơ cho lời đáp trả lại ơn gọi đặc biệt dâng hiến cho Chúa qua việc phong chức linh mục hay việc khấn các lời khuyên Phúc Âm. Câu trả lời mạnh mẽ của thánh Phêrô đối với Thầy : "Thầy biết con yêu mến Thầy" (Ga 21,15) là bí mật của một cuộc sống hiến dâng và được sống cách tròn đây, và qua đó ngập tràn niềm vui sâu xa.

Lối diễn cụ thể khác của tình yêu, tình yêu tha nhân, nhất là đối với những người nghèo túng và đau khổ nhất, là động lực tốt đẹp nhất biến người linh mục và tu sĩ thành người kiến tạo sự hiệp thông giữa dân chúng và thành người gieo rắc hy vọng. Mối tương quan của người dâng hiến, đặc biệt của người linh mục, với cộng đoàn kitô hữu là sống còn và do đó trở thành một phần nền tảng của chân trời tình cảm của mình. Về vấn đề này, Cha Sở thánh thiện xứ Ars đã thích lặp đi lặp lại : "Linh mục không phải là linh mục cho mình. […] ngài là linh mục cho anh chị em" (Le Curé d’Ars, Sa pensée – Son cœur, Foi Vivante, 1966, p. 100).

Anh em đáng kính trong hàng Giám mục, các linh mục, phó tế, tu sĩ nam nữ, các giảng viên giáo lý, nhân viên mục vụ thân mến, và hết thảy anh chị em dấn thân trong lãnh vực giáo dục các thế hệ mới, tôi khuyến khích anh chị em hết sức ân cần chăm chú lắng nghe tất cả những người mà, ở trong các cộng đoàn giáo xứ, các hiệp hội và các phong trào, nhận thấy những dấu hiệu của một ơn gọi linh mục hay ơn gọi thánh hiến đặc biệt. Điều quan trọng trong Giáo Hội là tạo ra những điều kiện thuận lợi để nhiều lời "xin vâng" có thể biểu lộ, như biết bao lời đáp trả quảng đại trước tiếng gọi tình yêu của Thiên Chúa.

Nhiệm vụ của việc mục vụ ơn gọi sẽ là mang lại những đường hướng chỉ đạo cho một hành trình có hiệu quả. Một yếu tố trọng tâm sẽ là tình yêu đối với Lời Chúa, bằng cách vun trồng một sự quen thuộc ngày càng gia tăng với Thánh Kinh, và một đời sống cầu nguyện cá nhân và cộng đoàn chăm chú và kiên trì, để có thể lắng nghe tiếng gọi của Chúa giữa biết bao tiếng nói đang chiếm đầy đời thường. Nhưng trên hết, Thánh Thể phải là "trung tâm sống còn" của mọi hành trình ơn gọi : chính ở đó mà tình yêu của Thiên Chúa nối kết chúng ta trong hy lễ của Chúa Kitô, sự diễn tả hoàn hảo của tình yêu, chính ở đó mà chúng ta luôn học biết thêm nữa sống theo "mức độ cao" của tình yêu Thiên Chúa. Như thế, Lời Chúa, cầu nguyện và Thánh Thể là kho tàng quý giá giúp cho hiểu vẻ đẹp của một cuộc sống hoàn toàn dâng hiến cho Nước Thiên Chúa.

Tôi cầu chúc cho các Giáo Hội địa phương, nơi những thành phần khác nhau của mình, trở nên "những nơi chốn" cho sự biện phân chăm chú và cho sự chứng thực sâu xa các ơn gọi, mang lại cho giới trẻ một sự đồng hành thiêng liêng khôn ngoan và vững chắc. Bằng cách này, chính cộng đoàn kitô hữu trở thành một biểu lộ Tình Yêu của Thiên Chúa, săn sóc mọi ơn gọi. Một sự năng động như thế, đáp lại những đòi hỏi của lệnh truyền mới của Chúa Giêsu, có thể tìm thấy một sự thể hiện hùng hồn và đặc biệt nơi các gia đình kitô hữu, mà tình yêu của chúng là sự diễn tả tình yêu của Chúa Kitô, Đấng đã tự hiến cho Giáo Hội của Ngài (x. Ep 5,32). Trong các gia đình là "những cộng đồng sự sống và tình yêu" (Gaudium et spes, 48), các thế hệ mới có thể có một kinh nghiệm tuyệt vời về tình yêu dâng hiến này. Quả thật, chúng không chỉ là nơi ưu tiên cho việc huấn luyện nhân bản và Kitô giáo, nhưng chúng có thể được coi là "chủng viện đầu tiên và tuyệt hảo cho ơn gọi sống đời dâng hiến cho Nước Thiên Chúa" (Tông huấn Familiaris consortio, 53), bằng cách, ngay ở trong gia đình, giúp tái khám phá vẻ đẹp và tầm quan trọng của thiên chức linh mục và đời sống thánh hiến. Ước gì các vị mục tử và tất cả các tín hữu giáo dân luôn biết cộng tác để trong Giáo Hội "những tổ ấm và trường học hiệp thông" này ngày càng gia tăng, theo khuôn mẫu của Thánh Gia Thất ở Nadarét, phản ảnh hài hòa cuộc sống của Chúa Ba Ngôi trên trần gian.

Anh em đáng kính trong hàng giám mục, cùng với những lời cầu chúc này, tôi hết lòng ban Phép Lành Tòa Thánh cho anh em, cho các linh mục, phó tế, tu sĩ nam nữ và cho tất cả anh chị em giáo dân, cách riêng cho các bạn trẻ đang bắt đầu với một tâm hồn ngoan ngoãn lắng nghe tiếng gọi của Thiên Chúa, sẵn sàng đón nhận tiếng gọi đó bằng một lòng gắn bó quảng đại và trung tín.

Vatican, ngày 18 tháng 10 năm 2011
Giáo Hoàng Bênêđictô XVI

(Tý Linh on 14/02/2012 by Xuân Bích Việt Nam chuyển ngữ)
 
Đức Thánh Cha ghi nhận: Giáo Hội tiên khởi đã đối phó với sự đàn áp bằng việc cầu nguyện
Bùi Hữu Thư
16:14 21/04/2012
Triều kiến ngày thứ tư trở lại với chủ đề truyền thông với Thiên Chúa

ROME, ngày 20 tháng 4, 2012 (Zenit.org).- Trong khi các Kitô hữu trông đợi ngày Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, Đức Thánh Cha Benedict, trong buổi triều kiến ngày thứ tư vừa qua đã suy niệm về vai trò tổng hợp của việc cầu nguyện trong đời sống của Giáo Hội tiên khởi.

Được trình bầy nhiều lần trong các tường thuật của các Thánh Sử trong Tân Ước, về lúc Mẹ Maria và các Tông Đồ chờ đợi Chúa Thánh Thần hiện xuống, như là "một bầu khí cầu nguyện đồng hành với những bước tiến đầu tiên của Giáo Hội."

Đức Thánh Cha giải thích "Chúa Thánh Thần Hiện Xuống" không phải là một biến cố cô lập vì sự hiện diện và hoạt động của Chúa Thánh Thần thường xuyên hướng dẫn và thúc đẩy con đường đi của cộng đồng Kitô giáo." Chẳng hạn, trong Sách Tông Đồ Công Vụ, Thánh Luca nhắc rằng sau khi Thánh Phêrô và Gioan chữa lành một người bị bệnh tê liệt và bị bắt giam vì giảng dậy Phúc Âm, họ đã trở về và kể lại kinh nghiệm của họ, vào lúc đó Thánh Luca nói, "họ đồng thanh dâng lời chúc tụng lên Thiên Chúa” (TĐCV 4:24).

Đức Thánh Cha nói: "Ở đây, Thánh Luca trình thuật kinh nguyện dài nhất của Giáo Hội chúng ta tìm thấy trong Tân Ước, vào phần cuối, như chúng ta đã nghe, "Họ cầu nguyện xong, thì nơi họ họp nhau rung chuyển; ai nấy đều được tràn đầy Thánh Thần và bắt đầu mạnh dạn nói lời Thiên Chúa. (TĐCV 4:31)."

Đức Thánh Cha ghi nhận tầm quan trọng của cầu nguyện cộng đồng trong Giáo Hội Tiên Khởi. "Trước mọi nguy hiểm, khó khăn, đe dọa, cộng đồng Kitô đầu tiên không cố gắng phân tích cách thức để phản ứng hay tìm kiếm các chiến thuật để tự bảo vệ, và phải áp dụng biện pháp nào, nhưng trước những thử thách, họ đã cầu nguyện."

Ngài tiếp: "Giáo Hội không được sợ hãi sự đàn áp phải trải qua trong lịch sử nhưng luôn luôn tin tưởng, như Chúa Giêsu đã làm trong Vường Giệtsêmani trong sự hiện diện, trợ giúp và quyền năng của Thiên Chúa được kêu cầu trong lời cầu nguyện."

Hơn nữa, nội dung của các kinh nguyện của cộng đồng Kitô giáo, không phải là để tránh khỏi bị đàn áp, nhưng là để có sức mạnh loan truyền Phúc Âm. "Tuy nhiên, trước hết cộng đồng đã cố gắng tìm hiểu sâu xa hơn những gì đã xẩy ra, và giải thích các biến cố dưới ánh sáng đức tin, và họ đã làm đúng như vậy qua Lời Chúa, vì nhờ thế chúng ta mới giải thích được thực tại của thế giới."

Kinh nguyện của cộng đồng khởi sự trước hết với việc công nhận rằng tất cả mọi sự đều ở trong tay của Đấng Tạo Hóa. Cộng đồng sau đó suy niệm về cách thức Thiên Chúa đã hoạt động và tiếp tục hoạt động trong suốt lịch sử cứu chuộc con người. "Lịch sử này bắt đầu với việc sáng tạo và rồi tiếp diễn - bằng cách nào Người đã gần gũi nhân loại, đã tỏ hiện là một Thiên Chúa luôn luôn lo lắng cho con người, đã không thối lui, và đã không bỏ rơi con người, là tạo vật được Người dựng nên."

Đức Thánh Cha tiếp: "Trong cầu nguyện, suy niệm về Kinh Thánh dưới ánh sáng của mầu nhiệm Chúa Kitô là điều giúp chúng ta giải thích thực tại hiện diện trong lịch sử cứu chuộc Thiên Chúa đã thực hiện trên thế gian, luôn luôn theo cách riêng của Người."

Cộng đồng Kitô giáo đầu tiên cũng không xin Thiên Chúa để được bảo vệ, để được cứu thoát khỏi mọi thử thách, khỏi mọi đau khổ." Lời cầu nguyện của họ "không là lời cầu xin để thành công, nhưng chỉ là để có thể tuyên xưng Lời Chúa một cách mạnh dạn, tự do, và can đảm (TĐCV 4:29)."

"Cộng đồng sau đó thêm rằng sự tuyên xưng này được bàn tay Thiên Chúa tiếp ứng, sẽ có những việc chữa lành, những dấu chỉ, những việc kỳ diệu có thể xẩy ra (TĐCV 4:30), nghĩa là, sự thiện hảo sẽ hiển nhiên, như một quyền năng biến đổi được thực tại, biến đổi các tâm trí, và đời sống con người, và đem lại sự mới mẻ trọn vẹn của Phúc Âm."

Chính vào kết thúc của kinh nguyện này, theo Thánh Luca, các hoa quả của lời cầu mới được thể hiện: "Được tràn đầy Thánh Thần là qùa tặng của Đấng Sống Lại, được yểm trợ và hướng dẫn trong việc loan truyền tự do và can đảm Lời Chúa, được thúc đẩy để ra khỏi nhà không sợ hãi và đem tin mừng đến tận cùng trái đất."

Đức Thánh Cha Benedict sau đó kêu gọi tất cả mọi tín hữu hãy kết hiệp "mọi biến cố trong đời với lời cầu nguyện, để tìm được ý nghĩa sâu xa hơn, để cho "như cộng đồng Kitô tiên khởi, chúng ta cũng có thể được soi sáng bởi Lời Chúa qua việc suy niệm Kinh Thánh, để chúng ta có thể học biết cách nhận thức rằng Thiên Chúa hiện diện trong đời sống chúng ta, hiện diện ngay trong những giờ phút khó khăn, và mọi sự - kể cả những gì khó hiểu nhất - cũng là một phần của kế họach cao siêu của tình yêu trong đó chiến thắng tối hậu trên sự dữ, trên tội lỗi và cái chết, thực sự chính là sự thiện hảo, là ân sủng, là sự sống của Thiên Chúa."

Ngài kết luận: "Được hướng dẫn bởi Thần Khí Chúa Giêsu Kitô, chúng ta sẽ có thể đối phó với mọi hoàn cảnh trong đời một cách bình thản, can đảm và vui vẻ và có thể cùng với Thánh Phaolô nói rằng " Nhưng không phải chỉ có thế; chúng ta còn tự hào khi gặp gian truân, vì biết rằng: ai gặp gian truân thì quen chịu đựng; ai quen chịu đựng, thì được kể là người trung kiên; ai được công nhận là trung kiên, thì có quyền trông cậy. Trông cậy như thế, chúng ta sẽ không phải thất vọng, vì Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta. (Rm 5:3-5)."
 
Top Stories
New evangelizers in the United States
L’Osservatore Romano
14:02 21/04/2012
L’Osservatore Romano 2012-04-20 - Washington, 20. “Join us in a journey to re-discover the faith or answer questions about reconnecting with the Catholic Church”. This is the call of the document by the Bishops of the United States which intends renew with great strength the mission of spreading and proclaiming the Gospel. The episcopate's initiative, written for the modern man and for the benefit of the whole community, is centred on references to the Pontifical Magisterium and to other interventions of the episcopate. Disciples Called to Witness: The New Evangelization is the title chosen for the document that “focuses on reaching out to Catholics, practicing or not, who have lost a sense of the faith in an effort to re-energize them”, as described in a note by the United States Conference of Catholic Bishops (USCCB).
It was chairman of the USCCB Committee on Evangelization and Catechesis, Bishop David Laurin Ricken of Green Bay, Wisconsin, to point out this new duty, stating: “Every Catholic has a role in the Church, and every Catholic is called to spread the Gospel”. But he adds “in order to evangelize, a person must first be evangelized. This is really the heart of the New Evangelization”. The document especially highlights the call of Pope Benedict XVI to pursue the New Evangelization with renewed vigor and joy.

At his address to the Bishops of the United States on their visit ad limina Apostolorum, on 19 January, the Pope, among other things, underlined “the need for an engaged, articulate and well-formed Catholic laity endowed with a strong critical sense vis-à-vis the dominant culture and with the courage to counter a reductive secularism”. He also added that “the preparation of committed lay leaders and the presentation of a convincing articulation of the Christian vision of man and society (must) remain a primary task of the Church in your country; as essential components of the new evangelization, these concerns must shape the vision and goals of catechetical programs at every level”.

The initiative provides resources to all dioceses, eparchies and parishes in aiding the faithful in renewing their faith and sharing it with others. “The New Evangelization” the document states, “is a call to each person to deepen his or her own faith, have confidence in the Gospel, and possess a willingness to share the Gospel”. “It is a personal encounter with the person of Jesus, which brings peace and joy. The New Evangelization provides the lens through which people experience the Church and the world around them”.
 
Vatican: China commission to focus on laity
Vatican Radio
14:03 21/04/2012
Communiqué of the Holy See Press Office, (Saturday, April 21, 2012), Meeting on the Catholic Church in China

From April 23 to 25, the Commission established by Pope Benedict XVI in 2007 will meet in the Vatican to study the issues of greatest importance for the life of the Catholic Church in China. The Commission is composed of the Superiors of those Dicasteries of the Roman Curia competent in the area as well as some representatives of the Chinese episcopate and religious congregations.

Previous meetings focused on the theme of the formation of seminarians, priests and consecrated persons. This year, however, the formation of the lay faithful will be considered in the light of the situation of the Catholic community in China and in the framework of the "Year of Faith," which will be celebrated throughout the Church from 11 October 2012 to 24 November 2013. Attention will be paid to the progress made in formation programs for priests, seminarians and consecrated persons, and what remains to be done for their adequate preparation for the forms of service which they are called to perform within the Church and for the good of society.
 
China ordains new bishop with Vatican’s approval
AP
15:13 21/04/2012
BEIJING (AP) — Vatican media say a Chinese bishop has been ordained in a southwestern diocese with approval from both Beijing and Rome, a sign that the Sino-Vatican relationship may be improving.

Online news site Vatican Insider reported that Joseph Chen Gong’ao was ordained Thursday in a ceremony attended by 800 as the bishop of Nanchong diocese in Sichuan province. A report by local newspaper Nanchong Daily corroborates the information.

Vatican Insider said the diocese was without a bishop for eight years and about 40 Chinese dioceses have no bishops.

The relationship between Beijing and Rome has been tense since 1951, when China severed ties with the Holy See after the Communist Party took power and set up its own church outside the pope’s authority.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Chạy vì đạo: một phong trào mới tại Gx ĐMHCG
Trần Mạnh Trác & Phạm Thái Hùng
16:40 21/04/2012
Người ta thường nói Học đạo, Theo đạo, Sống đạo. Những chữ thông dụng này nghe suôi tai dễ thương, nhưng cũng có một số nghe 'Nghịch Nhĩ' như Chống đạo, Lạc đạo và thậm chí... Bỏ đạo !!!

Tuy nhiên tôi chưa bao giờ nghe người ta nói "Chạy vì đạo" bao giờ.

Vậy mà ở Giáo Xứ ĐMHCG, Garland, Texas, người ta đang cổ động một phong trào 'Chạy vì đạo' đấy.

Cha Phó cuả giáo xứ đã phát động chương trình vào đầu muà Chay vừa rồi, để mọi người có dịp 'Hãm Mình ép Xác và làm việc Từ Thiện".

Điều kiện 'Chạy vì đạo' như sau:

-Thứ nhất phải là từ 7 tuổi cho đến 77 tuổi và có sức khoẻ.

Điều này thì có nhiều 'violations' lắm, vì tôi đã tận mắt thấy có những đứa bé còn ẵm trong tay và các cụ già trên 80 tuổi đã được cho phép tham gia.

-Thứ hai là phải có tinh thần nghèo khó vì phải đóng một số tiền khá lớn là 25 dollars cho quĩ từ thiện gửi về Việt Nam.

Úi chao, đã 'mất công chạy' lại còn phải 'mất cuả' nữa à? Khi đóng tiền tôi cũng cảm thấy đau đau...vậy không biết nhiều gia đình 5 hoặc 6 người mà tôi thấy trong biến cố Chạy Bộ thì phải đóng bao nhiêu nhỉ ? thật là một dịp "ép người ta" ý quên "ép...xác" quá xá!

Tuy nhiên số giáo dân ghi danh tham dự là rất đông. Nghe nói đâu đó trên 400 người và số tiền thu được là khoảng 15 ngàn dollars. Rõ ràng có nhiều người đã 'ép xác' đóng tiền quá tiêu chuẩn ấn định.

Ngày thứ Bảy trước lễ Lòng Thương Xót Chuá, cuộc Chạy Bộ đã được thực hiện tại công viên Breckenridge Park ở gần giáo xứ. Đây là một công viên rộng và đẹp. Muà Xuân cây cỏ xanh mướt và có hoa dại nở đầy.

Ngày hôm đó trời mát, nhiều người đã chạy được 5 miles (8km.)

Không có 'sự cố' nào xảy ra.

Điều đáng ghi nhớ là tinh thần cuả các giáo dân tham gia có vẻ hăng hái lắm, người ta đang bàn nhau sẽ tổ chức thêm một cuộc "Tử vì đạo" ý quên "Chạy vì đạo" vào muà Thu tới, khi trời mát trở lại.

Xin chúc mừng và khen ngợi những người đã "Chạy vì đạo".

Xem hình, xin nhấn vào đây
 
Đức cha Hoàng Văn Đạt bình và hát bài Tình sử « Hàn Mặc Tử » tại GXVN Paris
Trần Văn Cảnh
20:52 21/04/2012
KỶ NIỆM 100 NĂM HÀN MẶC TỬ

Đức cha Hoàng Văn Đạt bình và hát bài Tình sử « Hàn Mặc Tử » tại GXVN Paris

Kỷ niệm 100 năm Hàn Mặc Tử, 1912-2012 (Bài 3 : Tình sử « Hàn Mặc Tử »)

Paris, 15.04.2012. Giáo xứ Việt nam đã tổ chức Ngày Văn Hóa để « Kỷ niệm 100 năm Hàn Mặc Tử » và ghi nhớ sinh nhật thứ 22 của Thư Viện Giáo xứ. Một chương trình đặc biệt đã được trình bày. Không kể thánh lễ cầu cho Hàn Mặc Tử, còn có thuyết trình văn học và trình diễn văn nghệ.
Về Văn học, có 4 phần chính : Lời chào mừng và giới thiệu Ngày Văn Hóa « Kỷ niệm 100 năm Hàn Mặc Tử » và ngày sinh nhật thứ 22 Thư Viện của anh Trưởng Nhóm Trần Anh Dũng ; Lời khai mạc của Đức Cha Hoàng Văn Đạt ; Thuyết trình của Giáo Sư Đỗ Mạnh Tri về đề tài « Thinh lặng và siêu thoát trong thơ Hàn Mặc Tử » ; Cảm tưởng của Giáo Sư Lê Đình Thông vể « Thơ Tin, Cậy, Mến của Hàn Mặc Tử » ; và lời tổng kết của Giáo Sư Đặng Tiến về Ngày Văn Hóa kỷ niệm 100 năm Hàn Mặc Tử.
Về Văn Nghệ, qua chủ đề « Hàn Mặc Tử người lữ hành dưới trăng », một chương trình phong phú đã được trình diễn, với hợp xướng, ngâm vịnh, đơn ca, tốp ca,… trong đó có những bài do cố nhạc sư Hải Linh phổ nhạc, như Đà Lạt trăng mờ, Ra đời, Ave Maria.

I. Đức cha Hoàng Văn Đạt, Vị Giám Mục Người Cùi

Đức cha Cosma Hoàng Văn Đạt là giám mục Việt Nam thứ 96. Được nhiều người gọi là « Giám mục Người Cùi », Ngài nhận khẩu hiệu giám mục là « Tình thương và Sự sống ».
Đức Cha sinh ngày 20 tháng 7 năm 1947. Nguyên quán: tại Xuân Lai, Sóc Sơn, Hà Nội, thuộc giáo phận Bắc Ninh. Năm 1954 di cư vào Nam cùng gia đình. Vào Dòng Tên năm 1967. Năm 1970 khấn lần đầu. Học triết học và thần học tại Giáo Hoàng Học Viện St. Pio X Ðà Lạt, khóa 13. Khấn trọn năm 1982 tại Thủ Ðức. Năm 1976 được thụ phong linh mục. Từ năm 1976 đến 1978 coi ứng sinh. Từ năm 1978 đến 1988 coi Nhà Tập. Năm 1986 cùng lúc vừa coi giáo xứ Thiên Thần và trại phong Thanh Bình. Coi giáo xứ Thiên Thần đến năm 1995. Làm Cha Sở trại phong Thanh Bình đến năm 2002, khi ấy trại phong Thanh Bình có 365 bệnh nhân Công Giáo. Năm 2002, cha đi du học tại Pháp chuyên về linh đạo. Năm 2005 đến 2008 làm linh hướng cho các chủng sinh Ðại Chủng Viện Thánh Giuse Hà Nội.

Ngày 4/08/2008 Ðược Bổ Nhiệm Giám Mục Chính Tòa Giáo Phận Bắc Ninh. Ngày 7/10/2008 Thụ Phong Giám Mục, Giám Mục Chánh Tòa Giáo Phận Bắc Ninh. Khiđược hỏi về khẩu hiệu giám mục, ngài đã cho biết câu ngài chọn: "Tình Thương Và Sự Sống" (Giop 10, 12). Được bầu vào chức Tổng Thơ Ký Hội Đồng Giám Mục trong Đại hội lần thứ XI tổ chức tại Trung tâm Mục vụ của TGP. TP.HCM, từ ngày 04 đến ngày 08 tháng 10/2010.
Con đường đặc biệt đến với anh chị em phong cùi không gì khác, đó chính là đường cầu nguyện trong yêu thương. Năm 1980 trong một buổi cầu nguyện, vị linh mục trẻ Cosma Hoàng Văn Ðạt đã thân thưa với Chúa: "Lạy Chúa, con mong ướcđược đến với anh chị em phong cùi và phục vụ họ...".Mặc dù lúc này Cha Cosma chưa hề biết gì về bệnh phong. Và như mọi người, Ngài vẫn còn mang nặng những thành kiến về họ.

Chưa hề biết Tổng giáo phận Saigòn có một trại phong, 6 năm sau, Cha Cosma được Ðức Tổng Giuse Nguyễn Văn Bình cử đến trại phong Thanh Bình. Như thế, lời nguyện ước chan chứa yêu thương của Cha Cosma được Thiên Chúa chuẩn nhận. Tại Thanh Bình, linh mục Cosma không chỉ lo mục vụ của một cha xứ,nhưng còn làm tốt về các công tác xã hội khác. Từ khi có Cha Cosma hiện diện, đời sống tinh thần và vật chất của bệnh nhân được nâng cao. Nhiều người biết đến trại phong Thanh Bình, và nhiều ân nhân tìm đến giúp đỡ người bệnh. Ðặc biệt, con em bệnh nhân không một em nào bị thất học. Nhiều em đã công thành danh toại từ sự dưỡng dục của Cha Cosma.

Ý nghĩa khẩu hiệu: "Tình Thương Và Sự Sống" nói lên một cuộc đời phó thác trong tin yêu, luôn sẵn sàng để cho Chúa sai đi. Ngài tâm sự : « Trong thời gian tôi theo học ở Giáo hoàng Học viện Thánh Piô X Đà Lạt, các sinh viên phải học về các sách khôn ngoan trong Kinh Thánh. Cha giáo sư San Pedro chỉ giảng phần dẫn nhập, sau đó ngài cho mỗi người chọn một sách để nghiên cứu. Tôi chọn sách Gióp, vì thắc mắc về vấn nạn đau khổ tên trần gian. Tất nhiên tôi phải đọc đi đọc lại chính tác phẩm, rồi đọc các sách bình giảng khác để làm bài. Tôi rất thích cách giải đáp vấn nạn về đau khổ của tác giả sách Gióp. Lúc ấy, tôi bắt đầu để ý đến câu G 10,12: “Ngài đã ban cho con tình thương và sự sống…”, nhưng vì đọc bằng tiếng Pháp nên chưa thấm lắm. Dầu sao, có thể nói đó là cốt lõi của sách Gióp đứng trước những vấn nạn của từng người hay của cả nhân loại. Câu 12 nói về những điều Thiên Chúa làm cho con người: ban tình thương và sự sống, quan tâm đến từng hơi thở. Câu 13 sau đó: nhưng Thiên Chúa không cho chúng ta biết ý định của Người. Như vậy, con người phải sống với một Thiên Chúa có những suy nghĩ và việc làm vượt tầm con người. Điều này giúp tôi tìm được thái độ sống phải có: hạnh phúc vì Thiên Chúa ban tình thương và sự sống, chăm lo từng hơi thở đời mình; còn ý định thâm sâu thì không hiểu được, nhưng phải phó thác cho Người.

Thời ấy, Đức Giáo hoàng Phaolô VI cổ động cho nền văn minh tình thương: xây dựng nền văn minh mới, không phải trên khoa học kỹ thuật hay phát triển kinh tế, nhưng trên tình thương, tôi rất tâm đắc. Đến thời Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II, ngài kêu gọi xây dựng nền văn minh tình thương và sự sống, tôi chợt nghĩ là mình đã đọc được ý tưởng này ở đâu rồi. Tôi đã cố gắng suy nghĩ và tìm kiếm đôi chút, nhưng chưa thực sự hết lòng. Khi đến chủng viện ở Cổ Nhuế, hằng ngày đọc kinh Đức Mẹ La Vang, trong đó có câu “cùng nhau xây đắp nền văn minh tình thương và sự sống”, tôi nhất định phải tìm cho ra nguồn gốc cụm từ tình thương và sự sống. Tôi nghĩ là ở trong sách Gióp, nên cố gắng tìm. Cuối cùng tôi đã tìm lại được.

Khi phải chọn khẩu hiệu giám mục, tôi không ngần ngại chọn cụm từ tình thương và sự sống, một phần vì đó là điều tôi đã khám phá được trong Kinh Thánh và đã có những cảm nghiệm thiêng liêng phần nào định hướng cả đời sống mình, mặt khác lại giúp tôi thi hành nhiệm vụ giám mục là công bố, cổ vũ và chia sẻ tình thương và sự sống Thiên Chúa ban cho con người. Hơn nữa, đó lại là ưu tư của Hội Thánh toàn cầu nói chung và của Hội Thánh Việt Nam nói riêng”.

II. Hát bài Tình sử Hàn Mặc Tử

Được mời khai mạc Ngày Văn Hóa « Kỷ niệm 100 năm Hàn Mặc Tử », Đức cha Cosma Hoàng Văn Đạt kể kinh nghiệm 16 năm phục vụ người bệnh phong cùi, có dịp tìm hiểu về nhà thơ Hàn Mặc Tử và đi thăm hành hương những nơi ông đã ở hay mong được đến, như Quy Hòa, Đồng Hới, La Vang. Đức cha chia sẻ rằng « Thơ của Hàn Mạc Tử thật là bất hủ, có gia trị văn hóa chân thực. Chính vì vậy mà trước đây người ta không muốn công nhận thơ ông, vì ông là công giáo ; Nhưng nay thì Bộ Giáo Dục đã đưa thơ Hàn Mạc Tử vào chương trình giáo dục ». Đức cha cũng tâm sự rằng ngài thích hát bài Tình sử « Hàn Mặc Tử » của Trần Thiện Thanh, và khi sống với những người bệnh cùi ngài đã nhiều lần chiều họ để hát bài này cho họ nghe. Nhưng trong bài này, có nhiều điều không đúng sự thật. Không chỉ ở bài hát này, nhưng cả nơi khác nữa, có những thông tin sai về Hàn Mạc Tử, cần cải chính, như tên thánh của Hàn Mặc Tử : « Tên thánh của thi sĩ không phải là Phêrô, như ông Nguyễn Bá Tín, em của thi sĩ đã nói, vì người ta đã tìm được sổ rửa tội, và theo đó, thi sĩ có tên thánh là Phanxicô ».

Về bài hát Tình sử Hàn Mặc Tử, Đức cha nêu ra 5 điều cần cải chính sau đây :

1. Thi Sĩ Hàn Mạc Tử không chỉ gặp cô Mộng Cầm 1 lần ở Lầu Ông Hoàng, Phan Thiết, nhưng là cả 100 lần.
2. Hàn Mạc Tử và Mộng Cầm, dẫu thương nhau tha thiết, nhưng chưa có cam kết gì hết.
3. Khi Hàn Mạc Tử chết rồi, thì Mộng Cầm mới đi lấy chồng.
4. Hàn Mạc Tử không chết vào buổi chiều ; nhưng vào buổi sáng và được chôn cất vào buổi chiều.
5. Hàn mạc Tử không hứa hẹn với Mộng Cầm kiếp sau xin trọn đôi, vì Hàn Mạc Tử là một người công giáo rất đạo đức. Trong 50 ngày ở bệnh viện Quy Hòa, ngày nào ông cũng đi nhà thờ quỳ gối cầu nguyện ba lần.

Sau khi đã cải chính dăm ba điều về lời của bài hát như vậy, như để kết thúc lời khai mạc Ngày Văn Hóa « Kỷ niệm 100 năm Hàn Mặc Tử » của mình, Đức cha Cosma đã đáp lời mời của cử tọa và của cha Đinh Đồng Thượng Sách, đã hát bài Chuyện tình « Hàn Mặc Tử » của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh cho cả hội trường nghe :

Ai mua trăng, tôi bán trăng cho
Trăng nằm im trên cành liễu đợi chờ
Ai mua trăng, tôi bán trăng cho
Chẳng bán tình duyên ước hẹn hò.

Đường lên dốc đá nửa đêm trăng tà nhớ câu chuyện xưa
Lầu ông Hoàng đó thuở nào chân
Hàn Mặc Tử đã qua
Ánh trăng treo nghiêng nghiêng, bờ cát dài thêm hoang vắng
Tiếng chim kêu đau thương, như nức nở dưới trời sương
Lá rơi rơi đâu đây sao cứ ngỡ bước chân người tìm về giữa đêm buồn

Đường lên dốc đá nhớ xưa hai người đã một lần đến
Tình yêu vừa chớm xót thương cho chàng cuộc sống phế nhân
Tiếc thay cho thân trai, một nửa đời chưa qua hết
Trách thay cho tơ duyên chưa thắm nồng đã vội tan
Hồn ngất ngư điên cuồng cho trời đất cũng tang thương, mà khổ đau niềm riêng.

Hàn Mạc Tử xuôi về quê cũ, dấu thân nơi nhà hoang
Mộng Cầm hỡi thôi đừng thương tiếc, tủi cho nhau mà thôi
Tình đã lỡ xin một câu hứa, kiếp sau ta trọn đôi
Còn gì nữa thân tàn xin để một mình mình đơn côi.

Tìm vào cô đơn đất Quy Nhơn gầy đón chân chàng đến
Người xưa nào bíêt, chốn xưa ngập đường pháo cưới kết hoa
Chốn hoang liêu tiêu sơ Hàn âm thầm nghe trăng vỡ
Xót thương thân bơ vơ, cho đến một buôỉ chiều kia
Trơì đất như quay cuồng khi hồn phách vút lên cao
Mặc Tử nay còn đâu?

Trăng vàng ngọc, trăng ân tình chưa phỉ
Ta nhìn trăng, khôn xiết ngậm ngùi trăng...


Tiếng hát vừa dứt, tiếng vỗ tay vang dội khắp hội trường. Trong khi đó, Đức cha giơ tay vẫy chào tạm biệt cộng đoàn.

Paris, ngày 20 tháng 04 năm 2012
Trần Văn Cảnh



 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Di tích thánh: áo Chúa Giêsu thành Trier
Lm. Đaminh Nguyễn ngọc Long
07:56 21/04/2012
Di tích thánh: áo Chúa Giêsu thành Trier

Trong Giáo Hội có nhiều nơi còn lưu giữ di tích Thánh, như ở đền thờ Vatican có mộ Thánh Phero, mộ thánh Phaolo ở Roma, ở Santiago Campostella bên Tây ban Nha có hài hài cốt Thánh Giacobê Tông Đồ, bên Ấn Độ có mộ Thánh Toma Tông đồ, ở Köln có hòm xương của Ba Vua, ở thành Turino bên Ý có khăn của Thánh tẩm liệm in hình Chúa Giêsu…ở nhà thờ chính tòa Giáo phận Trier từ thế kỷ thứ 12. còn lưu giữ tấm áo Chúa Giêsu.

Có di tích Thánh, đồng thời cũng nảy sinh tập tục lòng tôn kính di tích Thánh. Tập tục tôn kính di tích Thánh trong Giáo Hội Hội là nếp sống đạo đức bình dân thịnh hành từ xa xưa. Ngày nay tập tục này tuy vẫn còn sống động, nhưng không còn mạnh cùng trọng thể tưng bừng nhộn nhịp như ngày xưa nữa.

Nhưng đâu là ý nghĩa đạo đức thần học của tập tục hành hương tôn kính di tích thánh trong nếp sống đức tin của người Công giáo?

1. Lịch sử tôn kính di tích thánh

Nếp sống đạo đức tôn kính di tích thánh đã có ngay từ thời Giáo Hội sơ khai lúc ban đầu. Sách Tông đồ công vụ (19,12) thuật lại các tín hữu Chúa Kitô đã lấy khăn cho chạm vào người Thánh Phaolô ngay lúc ngài còn sinh thời đi rao giảng Tin mừng của Chúa Giêsu giữa dân chúng, và rồi đeo quàng khăn đó trên người. Vì họ tin rằng từ nơi thánh nhân có sức mạnh thần linh giúp che chở chữa lành bệnh tật phần xác cũng như phần hồn tâm linh.

Tập tục đạo đức bình dân tôn kính di tích thánh là cung cách lòng tôn kính các Thánh cổ nhất có từ thế kỷ thứ hai sau Chúa Giáng sinh. Từ tập tục đạo đức này, nảy sinh từ thời đầu Trung cổ, nơi bàn thờ dâng lễ trong thánh đường có mẩu xương Thánh đặt nơi đó nữa. Tập tục tôn kính di tích thánh này nói lên mối tương quan ở dưới đất với „ cộng đoàn các Thánh „ ở trên trời.

Từ khi phong trào Tin Lành cải cách thời Luthero năm 1546 phát triển lan rộng, tập tục bình dân tôn kính di tích Thánh bị chỉ trích phủ nhận, cho đó là không hợp với Kinh Thánh. Theo cao trào đó, nhiều nơi ở Âu châu trước đó có những di tích thánh để tôn kính, sau đó tháo gỡ bỏ hòan toàn.

Trước thảm cảnh đau buồn hầu như đời sống đạo đức bị tàn phá xuống dốc, Công đồng Tridentino năm 1563 đã đưa ra luận cứ phản bác lại những phê bình chỉ trích của những giáo phái Tin Lành cải cách phủ nhận tập tục đạo đức tôn kính di tích Thánh. Đồng thời Công đồng muốn cổ võ làm sống lại tập tục đạo đức bình dân này trong Giáo Hội Công giáo. Có làn gió mới tươi mát thổi vào, tập tục đạo đức bình dân này sống động trở lại trong đời sống Giáo Hội từ ngày đó.

Bước sang thế kỷ thứ 20. tập tục đạo đức này lần nữa bị lu mờ giảm thiểu rõ rệt do phong trào cải cách Phụng vụ lấn lướt dựa trên lý luận thuần lý chiếm vị thế hàng đầu. Nhưng từ hơn hai năm qua việc tôn kính di tích Thánh lại dần được làm cho sống động phát triển trở lại.

Nhu cầu tâm linh tìm sự trợ giúp, an ủi cho tâm hồn luôn là nhu cầu cần thiết cho đời sống con người. Tập tục đạo đức bình dân hành hương tôn kính di tích Thánh là một cách thế đạo đức đáp ứng cho nhu cầu tâm linh con người.

2. Những phân biệt thứ loại di tích Thánh

Tôn kính di tích Thánh là một tập tục đạo đức bình dân trong Giáo Hội. Nhưng dẫu vậy cũng có những phân biệt xếp loại di tích Thánh theo ba cấp thứ hạng.

2.1. Di tích Thánh loại hạng nhất là những phần thân thể của các Thánh, đặc biệt là Xương thân thể của vị Thánh, nhưng cũng bao gồm cả những sợi tóc, móng tay, và rất ít trường hợp cả máu. Những vị Thánh mà thân thể bị thiêu đốt ra tro bụi, tro bụi đó có gía trị như di tích Thánh.

2.2. Di tích Thánh loại hạng hai là những vật dụng chính gốc mà lúc sinh thời các vị Thánh đã dùng đụng chạm vào, như đồ dùng của họ, quần áo các vị đã mặc, bút viết; nơi các vị Thánh Tử đạo những vật dụng khí cụ hành hạ chém giết các ngài cũng có gía trị là di tích Thánh.

2.3. Di tích Thánh loại hạng ba là những vật dụng đồ đạc trực tiếp đã đụng chạm vào thân thể vị Thánh, như khăn, áo đụng chạm vào vị Thánh hay phủ trên tấm hình của vị Thánh.

Chúa Giêsu theo Phúc âm thuật lại ( Lc 24,50-53; Sách Tông đồ công vụ 1,1-11) đã trở về trời, và theo giáo huấn của Giáo Hội Công giáo đức mẹ Maria cũng đã được đưa về trời cả hồn lẫn xác, nên không có di tích xương thánh - theo hạng thứ nhất - của các Ngài nữa ở trần gian. Áo thánh Chúa Giêsu ở Trier thuộc vào hạng di tích Thánh loại hai.

Luật Giáo Hội cấm không cho phép buôn bán di tích Thánh. Được phép xin cùng gìn giữ tôn kính di tích Thánh, nhưng không được tiếp tục đưa ra mặc cả buôn bán. Cũng được trao tặng di tích thánh cho người tín hữu hay trao trả lại cho Giáo Hội di tích Thánh.

Tấm áo thánh Chúa Giêsu là di tích thánh còn lưu giữ tôn kính ở Trier thuộc di tích thánh hạng hai.

3. Lịch sử tấm áo Chúa Giêsu

Phúc âm Thánh Gioan thuật lại về tấm áo sau cùng của Chúa Giêsu:“Ðóng đinh Ðức Giêsu vào thập giá xong, lính tráng lấy áo xống của Người chia làm bốn phần; họ lấy cả chiếc áo dài nữa. Nhưng chiếc áo dài này không có đường khâu, dệt liền từ trên xuống dưới. (24) Vậy họ nói với nhau: "Ðừng xé áo ra, cứ bắt thăm xem ai được". Thế là ứng nghiệm lời Kinh Thánh: Áo xống tôi, chúng đem chia chác, còn áo dài, cũng bắt thăm luôn.“( Ga 19,23).

Theo tương truyền còn lại ở Trier, Thánh nữ Helena, mẹ của Hoàng đế Constantin cả ( 270-337) đã tìm thấy những di tích Thánh của Chúa Giêsu bên đất thánh Giêrusalem, trong đó có tấm áo của Chúa Giêsu mà quân lính đã bắt thăm chia nhau. Tấm áo thánh này Thánh nữ Helena đã cho đem về thành Trier lưu giữ như qùa tặng.

Hoàng đế Roma Constantino cả - trị vì là hòang đế Roma từ 306-337- năm 313 đã công nhận đạo Công giáo trong thành Roma và trong toàn đế quốc Roma. Với sự công nhận của Hoàng đế Constantino năm 313 đã chấm dứt thời kỳ cấm đạo, bách hại đạo Công giáo ở Roma kéo dài từ thế kỷ thứ nhất sau Chúa giáng sinh. Và từ thời điểm này, đạo Công giáo bắt đầu phát triển lan rộng trong toàn đế quốc Roma. Sự kiện đó được mệnh danh là „ Cuộc thay đổi xoay chuyển Constantino“ cho đạo Công giáo không chỉ ở thành Roma mà cho cả thế giới đế quốc Roma trong toàn Âu châu, cũng như vùng Trung đông và một phần bên Bắc Phi châu.

Tấm áo thánh Chúa Giêsu ở Trier có chiều dài 1,47 mét phía mặt đàng trước; phía mặt sau dài 1,57 mét, và chiều rộng 1,09 mét.

Sử sách không để lại tường thuật bút tích gì về niên đại tấm áo Chúa Giêsu ở thành Trier có từ khi nào. Nhưng lần đầu tiên nhắc đến tấm áo thánh trong sử sách ngày 01.05.1196, dịp Đức Tổng giám mục Gioan thứ nhất làm phép thánh hiến phần cánh phía Đông nhà thờ chính tòa Trier, và đặt di tích thánh tấm áo Chúa Giêsu vào nơi đó. Ngoài ra còn có bút tích cổ xưa hơn ghi lại chiếc dép Chúa Giêsu còn lưu giữ ở nhà Dòng Prüm cũng thuộc giáo phận Trier.

Nhà thờ chính tòa giáo phận Trier, nơi lưu giữ tấm áo Thánh Chú Giêsu, là nhà thờ cổ kính lâu đời nhất ở nước Đức. Nhà thờ này có chiều dài 112, 5 mét và rộng 41,00 mét. Nhà thờ lần đầu tiên được xây cất vào khoảng năm 340 phần chính cung thánh. Và dần dần nhà thờ được xây mở rộng thêm nhiều lần trong dòng thời gian những thế kỷ đã qua như thành hình ngày hôm nay. Ngoài ra còn có những dấu vết cổ kính của người Roma đã xây dựng còn tồn tại: Cổng vào thành phố có tên Porta Nigra ( cổng mầu đen), Konstantinbasilica, Liebfrauenkirche, Amphitheatre ( Hí trường).

Như tập tục đạo đức trong Giáo Hội, ở Trier có lưu giữ di tích thánh tấm Áo Thánh Chúa Giêsu, nên cũng phát sinh tập tục hành hương tôn kính Áo thánh Chúa.

4. Lịch sử hành hương viếng áo thánh Chúa Giêsu ở Trier

Sử sách không ghi chép lại tập tục hành hương tôn kính áo thánh Chúa Giêsu ở Trier có từ khi nào. Nhưng sử sách ghi thuật lại, Hoàng đế Maximiliam đệ nhất năm 1512 đến thành phố Trier đã mong muốn được nhìn thấy tấm áo Chúa Giêsu. Đức Tổng giám mục Richard đã cho mở hòm đựng tấm áo Chúa Giêsu trước sự hiện diện của Hoàng đế và các vị chức sắc đạo đời thời điểm lúc đó. Và từ thời điểm đó đều có cuộc hành hương đến viếng áo thánh Chúa Giêsu ở Trier, khi thì hằng năm, khi thì cách quãng 7 năm một lần, khi thì lâu dài hơn. Lần sau chót cuộc hành hương viếng áo thánh Chúa Giêsu ở Trier diễn ra năm 1996.

Năm nay 2012 Giáo phận Trier mở dịp hành hương viếng áo thánh Chúa Giêsu từ ngày 13. Tháng Tư đến 13.Tháng Năm, để kỷ niệm 500 năm lần đầu tiên mở hòm đựng Áo thánh Chúa Giêsu ra cho khách hành hương đến kính viếng thời hòang đế Maximiliam đệ nhất năm 1512.

Cuộc hành hương viếng tấm áo Thánh Chúa Giêsu lần này năm 2012 diễn ra với chủ đề: „ Und führe zusammen, was getrennt ist - dẫn lại hợp nhất những gì bị chia ngăn cắt.“

5. Ý nghĩa đạo đức thần học tấm áo thánh Chúa Giêsu

Đến hành hương viếng tấm áo Chúa Giêsu ở Trier phải chăng để xem tấm áo vải lịch sử thời xa xưa còn gìn giữ bảo quản hay sự gì huyền bí lạ lùng?

Không, đến hành hương viếng tấm áo Thánh Chúa Giêsu còn lưu giữ lại cho tới ngày nay không phải để tò mò xem có thực hay không, hay để muốn được trải qua sự gì lạ lùng huyền bí. Nhưng muốn suy nghĩ về ý nghĩa đạo đức thần học.

Ý nghĩa chính tấm áo thánh Chúa Giêsu nằm trong trung tâm đạo đức thần học và nhắc nhớ đến những dấu chỉ kỷ niệm của Chúa Giêsu Kitô.

Chúa Giêsu Kitô là trung tâm đức tin Kitô giáo. Ngài là con với xác phàm như mọi người đồng thời Ngài là Thiên Chúa thật. Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa đã xuống trần gian làm người mang ơn cứu độ, ơn bình an đến cho con người.

Tấm áo không đường chia cắt may khâu của Chúa Giêsu nói lên ý nghĩa, như các vị Thánh Giáo phụ cũng đã xác tín, sự hợp nhất không bị chia cắt ngăn cản trong thiên nhiên. Vì thế tấm áo Thánh Chúa Giêsu trở thành dấu chỉ hình ảnh của tình yêu Thiên Chúa đã làm người.

Tấm áo thánh Chúa Giêsu, mà con người chúng ta hành hương kính viếng, là hình ảnh nói lên Chúa Giêsu Thiên Chúa đã trở thành người và đã mặc tấm áo này để che thân xác con người của mình. Tấm áo Chúa Giêsu không có đường may cắt khâu vá, mà quân lình bắt thăm để xem ai trúng được, đã trở thành nền đạo đức thần học của Phúc âm Thánh Gioan. Và các vị Giáo Phụ cũng đã suy tư cho đó là hình ảnh nói lên sự hợp nhất không thể bị chia cắt của Giáo Hội do Chúa Giêsu sáng lập nuôi dẫn.

Tấm áo thánh Chúa Giêsu còn lưu giữ ở Trier là một chiếc áo liền từ trên xuống dưới rộng có hai tay, nhưng không có chiếc túi nào. Điều này nói lên khía cạnh đức bác ái, như Thánh Giaon Tông đồ đã viết suy niệm: Deus caritas ist – Thiên Chúa là tình yêu.

Chiếc áo Chúa Giêsu mặc vào thân thể không có túi đựng nói lên Chúa Giêsu Kitô không giữ lại cho mình cái gì. Qua đôi bàn tay săn sóc Chúa Giêsu cho đi tình yêu thương những ai cần sự an ủi săn sóc, và đồng thời Ngài không biết tới bàn tay nào hơn khác là đôi tay chữa lành, đôi tay phân phát

„ Tấm áo (Tunica) Chúa Giêsu không có đường may khâu chia cắt là hình ảnh nói lên sự hiệp nhất không bị phân chia, như Chúa Giêsu là linh mục thượng phẩm đã cầu nguyện vào buổi chiều ngày chịu khổ hình cho các Tông đồ, cho Giáo Hội của Ngài. Trong thực tế, chức Linh mục của Chúa Giêsu và sự hiệp nhất nên một không bị chia cắt giữa các Tông đồ và Giáo Hội nằm trong kinh cầu nguyện của Thầy cả thượng phẩm. „ ( Joseph Ratzinger Benedickt XVI., JESUS von Nazareth, I I. tr. 241).

Năm hành hương Áo Thánh Chúa Giêsu thành Trier 13.04. – 2012 - 13.05.

Lm. Đaminh Nguyễn ngọc Long
 
Khảo luận “Về Tình Yêu Chúa” của Thánh Bernard thành Clairvaux
Vũ Văn An
17:39 21/04/2012

Sự đóng góp của Thánh Bernard thành Clairvaux (1090-1153) cho Giáo Hội vốn được mọi người nhìn nhận là đa dạng và hết sức ý nghĩa. Nghĩ đến ngài, người ta nghĩ tới Dòng Xi Tô và việc cải tổ sinh hoạt đan viện đầu thời Trung Cổ. Nghĩ đến ngài, người ta cũng nghĩ tới các Hiệp Sĩ Đền Thờ (Templars) và các cuộc thập tự chinh vì chính ngài đã viết ra hiến pháp cho họ, mở màn cho lý tưởng quí tộc Pháp. Nghĩ đến ngài, người ta cũng nghĩ tới những tranh chấp trong việc bầu cử giáo hoàng và các cố gắng của ngài nhằm đạt hòa giải hòa hợp. Nghĩ đến ngài, người ta cũng nghĩ tới ca khúc bất hủ “Jesu, dulcis memoria” (Ôi Giêsu, nghĩ đến Ngài quả là dịu ngọt) hay lời cầu tha thiết “Memorare” (Xin hãy nhớ). Nghĩ đến ngài, người ta nghĩ tới nền cứu thế học và những cuộc tranh luận với Peter Abelard. Nghĩ tới ngài, người ta nhớ đến rất nhiều trước tác vừa sâu sắc vừa bóng bẩy của một thần học gia hàng đầu mà nhiều loại suy và ẩn dụ đã trở thành cổ điển. Ngài ví Thánh Giá như liber charitatis, cuốn sách tình yêu mở ra trước mặt để ta đọc được tình yêu trong khe trái tim Chúa. Ngài còn ví nó với chiếc cửa sổ. “Những chiếc đinh và đầu đòng như chìa khóa đưa ta vào” để ta nhìn gần hơn lòng bàn tay Người, nơi, như Isaia từng nói, Người khắc tên ta để Người không bao giờ quên ta”…

Nhưng loại suy thời danh nhất của ngài là so sánh dựa trên giáo huấn cứu thế học của Thánh Anselm khi giải thích Thánh Vịnh 85 câu 11. “Công Lý gặp Xót Thương, và Chính Trực cùng Hòa Bình hôn nhau” (1). Ngài mô tả cuộc tranh luận trên thiên đàng giữa Công Lý và Xót Thương sau khi Adong sa ngã. Xót Thương nước mắt dàn dụa sụp lạy dưới chân Thiên Chúa để khẩn cầu cho con người khốn khổ. Nàng thú nhận rằng con người “không đáng được xót thương; nhưng há lòng xót thương của Chúa lại không đáng được tôn vinh hay sao? Hắn quên nghĩa vụ, vì hắn là con người, nhưng Ngài, có thể nào Ngài quên được Ngài là Đấng nhân từ, Ngài là Thiên Chúa chăng?” Cứ thế mà Xót Thương cầu xin, cứ thế mà nàng tiếp tục.

Công Lý tức giận bước vào ngắt lời nàng. “Thưa Quan Án Tối Cao, bây giờ đến phiên con, Ngài đừng để mình bị thuyết phục bởi con em mè nheo Xót Thương thủ vai bào chữa này; nó biết lòng từ nhân của Ngài, nên nó hy vọng dùng nước mắt khiến Ngài phải xót thương. Nhưng há Ngài đã chẳng ghi khắc trong hắn hình ảnh uy nghi tốt lành của Ngài đó sao, và đặt hắn làm phụ tá uy nghiêm và đáng phục của Ngài trên mọi thụ tạo trần gian? Há Ngài đã không ban cho hắn một luật lệ quá dễ để thử đức vâng lời của hắn trong khi cho hắn đủ khả năng để thi hành luật ấy đó sao? Và há Ngài đã không cho hắn hay: chết chóc và trả thù sẽ theo sau sự bất tuân của hắn đó sao? Và há đó chẳng đã là các hành vi xót thương đó hay sao? Vậy thì, lạy Chúa, xin Ngài nghe con, Công Lý của Ngài; và hãy so sánh sự khinh mạn của hắn với mọi từ nhân kia của Ngài. Đáp lại hồng ân của Ngài, hắn đã phạm tội, và hắn đã phạm tội ra sao? Trong một lúc, con không thể kể hết sự xấu xa của hắn; không phải chỉ có kiêu căng, hay hợm hĩnh, vô ơn, xa hoa, tàn bạo với con cái, hay bất trung, bất phục, mà là mọi tội. Há nào Quan Án toàn thế giới lại không xử công bình? Xót Thương không bao giờ dung thứ Ngài trừng phạt kẻ vô tội, thì làm sao Công Lý cho phép Ngài nương tay với kẻ phạm tội?”.

Lời kết tội đanh thép trên làm Xót Thương đau nhói, và trong nước mắt, nàng lại van vỉ: “Lạy Chúa, chị Công Lý nói đúng, vì nếu con người vô tội, hắn đâu có cần Chúa xót thương. Nhưng giả xử hắn tệ hơn thế đi nữa, thử hỏi sự xấu xa của hắn có bao giờ cân bằng được hay trổi vượt được hơn lòng xót thương của Chúa hay không? Liệu hắn có thể làm điều mà Chúa không thể nào tha thứ được không? Nghĩa là sự ma giáo của hắn liệu có thể vô lượng hơn lòng từ nhân của Chúa được chăng? Hắn đã được nếm thỏa sự tốt lành của Chúa lúc Chúa tạo nên hắn; nhưng hắn sẽ không bao giờ còn cảm nhận được lòng xót thương của Chúa, nếu Chúa không sai con đi yên ủi hắn trong cơn khốn cùng. Và phải chăng Chúa chẳng còn quan tâm tới Xót Thương dịu dàng của Chúa, Chúa chẳng còn xử dụng con bao giờ nữa chăng? Phải chăng chị Công Lý cứ thế thắng thế và loại trừ Xót Thương này của Chúa hay sao? Phải chăng một lần nữa, vì một con người yếu đuối cứng đầu, chị ấy lại có thể hủy hoại cả một giòng giống tội nghiệp của hắn sao? Lẽ nào Satan, kẻ thù Chúa, lại chiến thắng vẻ vang trong chiến lợi phẩm phong phú này và loại trừ Chúa ngay lập tức khỏi dòng dõi cao thượng nhất trong mọi thụ tạo trần gian hay sao? Đó chính là hoài bão và mục tiêu của nó khi nó quyến rũ hắn. Nhưng thế thì còn ai trên mặt đất để phụng sự Chúa? Ai sẽ tôn vinh sự uy nghi của Chúa, khi ma quỉ qui phục toàn thể nhân loại phải
vâng lời nó? Chính chị Công Lý cũng đã thừa nhận rằng Chúa không vui thú gì trước nỗi khốn cùng của con người, vậy lạy Chúa nhân từ, xin tha thứ và xót thương hắn và cứu chuộc con sâu đất, đầy tớ Ngài, khỏi ách tàn bạo của hỏa ngục. Vì con nhất định không chịu từ bỏ việc khẩn cầu của con, cho tới khi Chúa nhân từ đáp lại lời con”.

Nghe thế, Công Lý lên tiếng: “Nhưng lạy Chúa, liệu Ngài có thể quên được Công Lý của Ngài, vốn cũng là chính Ngài hay không? Liệu Ngài có thể quên được lời Ngài mà không thi hành lời đe ‘ngày nào ngươi ăn nó, ngươi chắc chắn phải chết’? Công Lý của Ngài là kẻ bị con người xúc phạm, lẽ nào Ngài lại chịu đựng sự xỉ nhục này và để con không được trả đũa?

Đấng Toàn Năng kiên nhẫn lắng nghe hai bên và chăm chú nhìn cả hai bên đồng đều, lúc bên này, lúc bên kia. Dù Người có vẻ thiên về Xót Thương, nhưng lúc nhìn Công Lý, Người lại không muốn làm nó phật lòng. Cuối cùng Tình Yêu vào yết kiến, yêu cầu Người cho vời Khôn Ngoan tới làm môi giới cho một nền Hòa Bình giữa Xót Thương và Công Lý để giải quyết cuộc tranh chấp. Quả đây là việc làm thích đáng của sự Khôn Ngoan vô lượng của Chúa. Khôn Ngoan sẵn sàng đảm nhận nhiệm vụ và đề nghị một giải pháp cho cả đôi bên: “Nếu ta tìm ra một Trung Gian vô tội nào đó, bằng lòng chịu hình phạt mà con người đáng phải chịu, và sẵn sàng chịu chết để con người sống, thì sao?” “Nhưng tìm đâu ra người như thế trên trần gian? Con người vốn đã phạm tội rồi. Trên thiên đàng chăng? Nhưng thiên thần nào có được quyền năng đó hay có được tình yêu đó, để có thể chuộc được hình phạt cho con người bằng hình phạt của chính mình? Không, vị này phải có một phẩm giá không thua gì vô lượng; và phải vừa là người để có thể chịu chết vừa là Thiên Chúa để chinh phục sự chết ấy; và như thế, cả Công Lý được thỏa mãn, mà Xót Thương cũng được tôn vinh vẻ vang”.

Lúc ấy, Khôn Ngoan mới hướng mắt về phía Con Thiên Chúa Vĩnh Cửu. Con Thiên Chúa nghe theo lời Khôn Ngoan, hướng mắt lên Chúa Cha mà thưa: “Này Con đây, Con sẵn sàng làm như thế, xin Cha ban cho con một thân xác; vì Con nhất quyết trở thành xác phàm để thực thi mọi điều vừa nói”. Nghe thế, Xót Thương và Công Lý tiến tới ôm nhau và hôn nhau tha thiết. Đấng Toàn Năng rất đỗi hài lòng. Tình Yêu, Tốt Lành, Xót Thương, Công Lý, Sự Thật, Quyền Năng, Khôn Ngoan của Người hết thẩy đều được tôn vinh, còn con người khốn khổ thì được hòa giải, mọi tội lỗi được rửa sạch.

Nói về lòng Chúa thương xót, thiển nghĩ các trước tác của Thánh Nữ Faustina, 9 thế kỷ sau, có thể chi tiết hơn, nhưng khó có thể bóng bẩy bằng loại suy trên đây. Không lạ gì, Thánh Bernard được xưng tụng là Tiến Sĩ Ngọt Như Mật (Doctor Mellifluus). Đây cũng là tựa đề một thông điệp của Đức GH Piô XII ban hành ngày 24 tháng 5 năm 1953 nói về thánh nhân. Đức GH Piô XII gọi ngài là “giáo phụ cuối cùng” tuy không thua kém bất cứ vị tiền nhiệm nào. Theo Đức Piô XII, Thánh Bernard coi nhẹ nền thần học suy lý. “Giáo huấn của ngài hầu như chỉ rút tỉa từ Sách Thánh và các Giáo Phụ… chứ không phải từ việc suy luận tinh tế của các nhà biện chứng và triết học… Cần lưu ý rằng ngài không bác bỏ thứ triết học nhân bản… biết dẫn ta tới Thiên Chúa, tới lẽ sống chính trực, tới sự khôn ngoan Kitô Giáo. Ngài chỉ bác bỏ thứ triết học, chuyên nặng về lời lẽ trống rỗng và lý sự cùn khéo léo, quá tự tin là đủ khả năng vươn tới các đỉnh cao thần thánh để thấy được các mầu nhiệm của Thiên Chúa, mà kết quả thực sự thường là gây hại tới toàn diện tính của đức tin, và đáng buồn thay, rơi vào lạc giáo” (số 3).

Và trong rất nhiều trước tác của Thánh Bernard, cuốn “Về Tình Yêu Chúa” (De Amore Dei) được coi là hấp dẫn và đơn giản nhất. Nó cũng phản ảnh được các nhận định của Đức GH Piô XII trên đây, cung cấp cho ta những cái nhìn thông sáng, các hiểu biết trí thức thâm hậu và một văn phong trong sáng và tinh tường.

Nguyên lai

“Về Tình Yêu Chúa” là một trong các công trình nổi tiếng nhất và gây ảnh hưởng nhất của nền huyền nhiệm Trung Cổ, đề cập tới bốn bình diện yêu Chúa và đặt lòng sùng mộ Kitô Giáo vào ngữ cảnh Thiên Chúa yêu thương nhân loại. Nó được viết theo lời yêu cầu của một vị Hồng Y người Ý. Đó là Đức Hồng Y Haimeric.

Ngữ cảnh lời yêu cầu này không được rõ ràng. Chỉ biết năm 1128, Thánh Bernard tham dự Công Đồng Troyes do Đức GH Honoriô II triệu tập, đặt dưới sự chủ tọa của Đức HY Matthew, giáo phận Albano. Mục đích của Công Đồng này là để giải quyết một số tranh cãi của các giám mục Paris và để qui định một số vấn đề khác của Giáo Hội Pháp. Các giám mục đề cử Thánh Bernard làm thư ký cho Công Đồng và trao cho ngài nhiệm vụ soạn thảo các sắc lệnh của Công Đồng. Sau Công Đồng, giám mục Verdun bị giải nhiệm. Cũng chính tại Công Đồng này, Thánh Bernard phác hoạ các nét chính cho Bộ Luật của Hiệp Sĩ Đền Thờ, những người chẳng bao lâu sau đó, trở thành lý tưởng cho giới quí tộc Kitô Giáo. Sau này, ngài ca tụng họ trong cuốn De Laude Novae Militiae.

Có lẽ vì những hoạt động nổi cộm đó mà ngài bị nhiều người chống đối, trong đó, có cả chống đối của Rôma nữa. Ngài bị tố cáo là pha mình vào các vấn đề không liên quan tới mình. Nhân danh Đức Giáo Hoàng, Hồng Y Haimeric viết cho ngài một thư khiển trách, cho rằng “Quả không thích đáng chút nào khi những con cóc ầm ĩ và gây rối ra khỏi đầm lầy của chúng để làm phiền Tòa Thánh và các hồng y”. Trong thư hồi đáp, Thánh Bernard cho rằng sở dĩ ngài tham dự Công Đồng là do bị ép phải tham dự mà thôi. Ngài viết: “Thưa ngài Haimeric trọng kính, nếu ngài muốn, thì còn ai là người có khả năng giải thoát con khỏi việc bắt buộc phải tham dự Công Đồng hơn là ngài? Ngăn cấm những con cóc ầm ĩ và gây rối ra khỏi hang hóc, đầm lầy của chúng… để bạn hữu ngài khỏi bị vạch mặt về kiêu căng và hợm hĩnh”. Lá thư đó đã gây ấn tượng tốt nơi HY Haimeric và Vatican nói chung. Có lẽ vì thế mà giữa hai người có mối thâm tình từ đó trở đi chăng, khiến vị hồng y này thỉnh ý kiến ngài về một vấn đề vốn là sở trường của ngài: Tại sao ta phải yêu Chúa và phải yêu Người đến mức nào. Ngài vốn là người chú giải 3 chương đầu Sách Diễm Ca. Cuốn “Về Tình Yêu Chúa” chính là thư trả lời cho hai câu hỏi đó.

Để làm giầu cho kho linh đạo tiếng Việt, chúng tôi xin cố gắng chuyển ngữ cuốn sách trên.
________________________________________________________________________________________________________________________
(1) “Tín nghĩa ân tình nay hội ngộ, hòa bình công lý đã giao duyên” Bản Dịch của Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ, Kinh Thánh Trọn Bộ, Sài Gòn 1998, tr.1101
 
Văn Hóa
Tinh Thần Phan Sinh Trong Thơ Hàn Mặc Tử
Lê Đình Thông
08:36 21/04/2012
Tinh Thần Phan Sinh Trong Thơ Hàn Mặc Tử

Thơ văn của một tác giả giống như mặt nước hồ phẳng lặng để ta đọc tâm sự của chính mình vào những giai đoạn khác nhau của cuộc đời. Thích một tác giả có nghĩa là thích những điều tác giả viết hộ mình. Đọc thơ Hàn Mặc Tử, ngoài những xao xuyến nhân gian còn là tam đức đối thần Tin Cậy Mến của người có đạo. Các sáng tác của tác giả Đà Lạt Trăng Mờ ngoài ý tưởng lãng mạn còn toát ra thi tứ đượm màu tôn giáo. Vì vậy, nhiều tác giả đã viết về khía cạnh tôn giáo trong thơ Hàn Mặc Tử. Sau đây, ta thử bàn về tinh thần Phan Sinh trong thơ Hàn Mặc Tử.

1 - Tinh thần Phan sinh trong lãnh vực văn học:

Phan sinh là một cách Việt hóa tên thánh Phanxicô Assisi. Thánh nhân còn được nói đến bằng hai tên quen thuộc khác:

Ÿ Thánh Phanxicô khó khăn: khó nghèo là đức tính cơ bản trong các nhân đức Phan sinh;

Ÿ Thánh Phanxicô năm dấu thánh: năm 1244, trên núi Alverne, thánh nhân được lãnh nhận năm dấu thánh và mang vết thương này đến ngày nhắm mắt xuôi tay. Núi Alverne cao 1 269 mét, tên la tinh là Verna do động từ vernare, có nghĩa là lạnh giá. Việc thánh nhân nhận dấu thánh trên núi Alvere (Hàn Sơn) nhắc lại việc Chúa Kitô bị đóng đinh trên núi Calvaire.

Trong số công trình của thánh nhân, ngoài việc sáng lập dòng các anh em khiêm hạ (O.F.M.: Ordo fratrum minorum), còn phải kể những bài tụng ca Thiên Chúa (Laudes Domini), khai triển từ kinh Lạy Cha, các bài Laudes Dei altissimi v.v. Các thi phẩm này được giới thiệu trong Oeuvres spirituelles de Saint François d’Assise. Trong số các bài Laudes của thánh nhân, bài Laudes Domini de creaturi được coi là nổi tiếng hơn cả, thường được nhắc đến với một tựa đề ngắn hơn: Cantico di Sole (Bài ca mặt trời). Tác phẩm này được sáng tác vào những năm cuối của cuộc đời khổ hạnh, sau khi thánh nhân lãnh nhận năm dấu thánh và hầu như bị mù hẳn, sống cô đơn trong túp lều nhỏ lợp bằng lau sậy. Bài ca mặt trời được gợi hứng từ thánh vịnh 150: ‘‘Hỡi toàn thể chúng sinh, ca tụng Chúa đi nào '’ (Cv 150,5).

Trong ‘‘Bài ca mặt trời’’, thánh Phanxicô mời gọi mọi loài thọ tạo chúc tụng Thiên Chúa (Sources franciscaines, 263). Thánh Phaolô mời gọi ta: ‘‘Để tỏ lòng biết ơn, anh em hãy đem cả tâm hồn mà hát dâng Thiên Chúa những bài thánh vịnh, thánh thi và thánh nhạc do Thần khí linh hứng. Anh em có làm gì, nói gì, thì hãy làm, hãy nói nhân danh Chúa Giêsu và nhờ người mà cảm tạ Thiên Chúa Cha.’’ (Cl 3,16-17). Theo thánh Augustinô, bản tụng ca Thiên Chúa đẹp nhất là bản tâm ca chúc tụng (Discours sur les Psaumes, IV, Rome 1977, tr. 935). Bài ca mặt trời được viết bằng con tim thánh nhân.

Cantico di Sole phát xuất từ trực giác Kitô giáo về vũ trụ, vạn vật chúng sinh đều mang một giá trị nội tại, vì đến từ: ‘‘song lộc triều nguyên ơn phước cả’’: ‘‘un flot de générosité créatrice’’. Các định từ sử dụng là ngôn ngữ dịu ngọt vỗ về thần thánh (caresse spirituelle). Chúng tôi xin chuyển thể lục bát 4 khổ đầu của Bài ca mặt trời:

Bài ca mặt trời

Thiên đình cực thánh cửu trùng,

Muôn loài chúc tụng kỳ công Chúa Trời.

Thánh danh ngài rất rạng ngời,

Không ai xứng đáng nói lời Chúa tôi.

Cùng bao tạo vật trên đời,

Vầng dương chiếu sáng mặt trời là anh.

Anh tôi đường bệ trâm anh,

Nắng vàng sáng láng trời xanh hải hà.

Đêm rằm nhờ chị hằng nga,

Trăng thanh gió mát ngân hà giao thoa.

Trăng sao mưa thuận gió hòa,

Ấm êm trăm họ giao hòa thiên thu.

Ngàn trùng sông nước hồ thu,

Chúa ban ánh lửa lù mù đêm thâu.

Lửa thiêng tiếp nối mưa ngâu,

Thắp lên ánh sáng đèn chầu thánh linh.


Trong số những trước tác của thánh Phanxicô, kinh hòa bình trở nên tuyệt tác quen thuộc qua bản dịch của nhạc sĩ Phanxicô:

Kinh Hòa Bình

Lạy Chúa từ nhân,

Xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người.

Lạy Chúa, xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa

Ðể con đem yêu thương vào nơi oán thù,

Ðem thứ tha vào nơi lăng nhục

Ðem an hoà vào nơi tranh chấp,

Ðem chân lý vào chốn lỗi lầm.

Ðể con đem tin kính vào nơi nghi nan, chiếu trông cậy vào nơi thất vọng,

Ðể con dọi ánh sáng vào nơi tối tăm, đem niềm vui đến chốn u sầu.

Lạy Chúa xin hãy dạy con:

Tìm an ủi người hơn được người ủi an,

Tìm hiểu biết người hơn được người hiểu biết

Tìm yêu mến người hơn được người mến yêu.

Vì chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh,

Chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân,

Vì chính khi thứ tha là khi được tha thứ,

Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời.

Ôi Thần Linh thánh ái xin mở rộng lòng con,

Xin thương ban xuống những ai lòng đầy thiện chí ơn an bình.


Chúng tôi mạo muội chuyển thể lục bát như sau:

Xin Cha sử dụng phàm nhân

Trở thành khí cụ bình an Nước Trời

Nơi đâu oán ghét người đời

Tình yêu rũ sạch rã rời dửng dưng

Nơi đâu xúc phạm ngập ngừng

Thứ tha lầm lỗi xin đừng bận tâm

Nơi đâu chia rẽ ngại ngần

Tấc lòng hòa hợp tình thân lặng thầm

Nơi đâu reo rắc sai lầm

Con đem chân lý Phúc âm nguyện cầu

Nơi đâu ngờ vực lẫn nhau

Con đem tin tưởng dãi dầu cậy trông

Nơi đâu nước mắt lưng tròng

Con đem hy vọng một lòng tóm thâu

Nơi đâu tăm tối lệ sầu

Con đem ánh sáng nhiệm mầu bốn phương

Nơi đâu khóc lóc sót thương

Con đem hạnh phúc yêu thương trọn đời

Con tìm an ủi người đời

Không mong nhận được mấy lời ủi an

Con mong thấu hiểu tâm can

Không mong người hiểu nắng tàn bụi sương

Con mong thực hiện yêu thương

Không mong nhận được tình thương thế trần

Khi lòng tự nguyện trao ban

Là ta nhận được vô vàn phúc ân

Một khi quên lãng chân thân

Ta liền gặp gỡ khí thần bản thân

Khi ta tha thứ ân cần

Mới mong thoát khỏi trầm luân đọa đầy

Đến khi nhắm mắt xuôi tay

Mới mong sống lại ơn dầy thánh ân.

(Lê Đình Thông chuyển thể lục bát)


Tình yêu Phan sinh được thể hiện qua tình yêu Thiên Chúa, tình yêu tha nhân và vạn vật. Tình yêu là còn là chủ đề bài thơ Đà Lạt Trăng Mờ của Hàn Mặc Tử:

Đây phút thiêng liêng đã khởi đầu

Trời mơ trong cảnh thực huyền mơ

Trăng sao đắm đuối trong sương nhạt

Như đón từ xa một ý thơ.

Ai hãy làm thinh chớ nói nhiều

Để nghe dưới đáy nước hồ reo

Để nghe tơ liễu run trong gió

Và để xem trời giải nghĩa yêu

Hàng thông lấp loáng đứng trong im

Cành lá in như đã lặng chìm.

Hư thực làm sao phân biệt được

Sông Ngân Hà nổi giữa màn đêm.

Cả trời say nhuộm một màu trăng

Và cả lòng tôi chẳng nói rằng.

Không một tiếng gì nghe động chạm

Dẫu là tiếng vỡ của sao băng
.

Chỉ trong mấy câu thơ, Hàn Mặc Tử thể hiện tình yêu Phan sinh, lấy trăng sao làm chất liệu ghi lại ‘‘… phút thiêng liêng đã khởi đầu’’. Trong trích đoạn văn xuôi, thi nhân viết rằng:

‘‘…ở chỗ nào cũng có trăng, có ánh sáng cả, tưởng chừng như bầu thế giới chở chúng tôi cũng đang ngập lụt trong trăng và đang trôi nổi bồng bềnh đến một địa cầu khác. Ánh sáng tràn trề, ánh sáng tràn lan, chị tôi và tôi đều ngả vạt áo ra bọc lấy, như bọc lấy đồ châu báu. Tôi bỗng thấy chị tôi có vẻ thanh thoát quá, tinh khôi, tươi tốt và oai nghi như pho tượng Đức Bà Maria là bực tinh tuyền chí thánh. Tôi muốn sốt sắng quỳ lạy mong ơn bào chữa. Nước da của chị đã trắng, mà bận áo quần bằng hàng trắng nữa, trông thanh sạch quá đi !’’

Đoạn văn xuôi đẹp như thơ trên đây phản ảnh những nét chính yếu của tinh thần Phan sinh. Trong phần sau đây, ta thử tìm hiểu tinh thần Phan sinh trong thơ Hàn Mặc Tử:

2 - Tinh thần Phan sinh trong thơ Hàn Mặc Tử:

Hàn Mặc Tử tên thật là Nguyễn Trọng Trí, sinh ngày 22-9-1912 tại Lệ Mỹ, một họ đạo thuộc thị trấn Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình. Cuộc đời thi nhân nhiều lần thay họ đổi tên. Ông cố thi sĩ là Phạm Nhượng, vì can dự vào một vụ án chính trị nên phải đổi thành họ Nguyễn, trốn vào sinh sống ở Thừa Thiên. Khi chịu phép rửa tội, song thân đã chọn cho con mình tên thánh Phêrô. Đến khi chịu phép thêm sức thêm tên thánh Phanxicô. Tinh thần Phan sinh được thể hiện rõ rệt trong sáng tác cuối cùng của thi nhân đề ngày 24-10-1940, tìm thấy trong túi áo sau khi nhà thơ qua đời. Di ngôn viết bằng tiếng Pháp, ký tên François Trí, có đoạn dịch tiếng Việt như sau:

‘‘Hỡi các thiên thần, thiên thần của trời, thiên thần của Chúa, thiên thần của hòa bình và an lạc. Xin hãy tấu khúc nhạc ngợi khen: Bởi chưng chính các Mẹ và các nữ tu của thánh Phanxicô đã xuống thế để xoa dịu bao nỗi khổ đau và thống khổ của phàm nhân và những người bị phong cùi như chúng tôi. Tôi muốn ca tụng và uống lời dịu ngọt khi các nữ tu hát bài tụng ca: Hosanna! Hosanna !

‘‘Tôi hằng cảm phục sự trắng ngần tinh khiết, sự tươi mát, ánh hào quang nên thơ. Vì tất cả là biểu thị của sự

TINH KHIẾT CỦA TÂM HỒN

‘‘Hỡi các thiên thần của trời, thiên thần của Chúa, thiên thần của hòa bình và an lạc, xin hãy tung xuống ngàn hoa hồng và những đóa sen bát ngát; xin cất ngàn lời ca và cung nhạc trầm hương thơm ngát, xin hãy đong đầy đức độ, lòng can đảm và hạnh phúc cho các nữ tu của Thiên Chúa.

Đêm thứ tư

24-10-1940

Deo gratias

François TRÍ




Trong bản di chúc thiêng liêng này, thi nhân đã tỏ bày tinh thần Phan sinh không chỉ qua tên gọi: FRANCOIS TRÍ, mà còn ở nội dung:

Ÿ sùng kính sự tinh tuyền vẹn sạch (blancheur immaculée);

Ÿ sự bình an (paix), hoan lạc (gaité), niềm vui Phan sinh (joie franciscaine).

Ÿ khó nghèo (pauvreté), lòng vị tha bác ái (charité).

Đó là ba nhân đức Phan sinh. Các nhân đức Phan sinh chính là khía cạnh nhân bản của Phan sinh học, thể hiện linh đạo Phan sinh (spiritualité franciscaine), góp phần vào Kitô học và Thánh mẫu học. Vì khuôn khổ của bài báo giới hạn, chúng tôi chỉ xin trình bầy tóm lược tinh thần Phan sinh bằng cách:

Ÿ đối chiếu tiểu sử của thánh Phanxicô và thi sĩ Hàn Mặc Tử;

Ÿ trình bày quan niệm thi ca của thánh nhân và thi nhân;

Ÿ lòng tôn sùng Thánh mẫu.

A) Đối chiếu tiểu sử:

Tiểu sử của thánh Phanxicô được ghi lại trong tác phẩm Vita del glorioso serafico S. Francesco (Milan, 1447) cũng như nhiểu công trình chuyên khảo khác.

Ÿ Thánh nhân sinh vào tháng 9-1182 và mất ở Portioncule, gần thành Assisi ngày 4-10-1226.

Ÿ Thi sĩ Hàn Mặc Tử sinh vào tháng 9 và viết chúc thư Phan sinh vào tháng 10.

Vào năm 25 tuối, thánh nhân từ bỏ quê nhà, lui về sống ở Gubbio để săn sóc những người bị phong cùi. Sau đó thánh nhân sống cô đơn cầu nguyện, khất thực với người nghèo, chia sẻ miếng cơm manh áo với họ.

Ngày 22-2-1209, trong nguyện đưòng nhỏ ở Portioncule, thánh nhân được Thiên Chúa mặc khải về sứ mệnh truyền giáo qua Tin mừng theo thánh Matthêu. Thánh nhân thực hiện sứ mệnh được giao phó, lập dòng các anh em khiêm hạ: OFM: Ordo fratrum minorum:

Ÿ ‘‘Trên đường đi, hãy rao giảng: Nước trời đã đến gần. Anh em hãy chữa lành người đau yếu, làm cho kẻ chết sống lại, cho người phong hủi được sạch bệnh và trừ khử ma quỷ. Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy.’’ (Mt 10,7-8)

Ÿ ‘‘Vào nhà nào, anh em hãy chào chúc bình an cho nhà ấy. Nếu nhà ấy xứng đáng, thì bình an của anh em sẽ đến với họ. Nếu nhà ấy bất xứng thì bình an của anh em sẽ trở về với anh em.’’ (Mt 10,12-13).

Hiện nay, dòng Phanxicô có mặt tại 110 quốc gia, trong số có Việt Nam, gồm 15 000 linh mục, tu sĩ. Năm 2009, các linh mục Phanxicô trên khắp thế giới họp tổng công nghị tại Assisi. Các tu sĩ áo nâu sồng là những chiến sĩ Phúc âm trên khắp thế giới (Verbum Domini nuntiantes in universo mundo).

Ÿ Năm 1219, thánh nhân truyền giáo ở Syrie cho dân ngoại. Thánh nhân lãnh nhận 5 dấu thánh. Từ đó, ‘‘Phanxicô trở nên con mồi cho mọi bệnh tật khó chịu đau đớn. Bị kiệt sức vì các bệnh kinh niên, chỉ còn da bọc xương. Ngài không gọi đau đớn là kẻ thù, mà là anh em. Mặc dù bị mỏi mòn vì bạo bệnh, ngài lăn tấm thân gầy xuống đất mà khấn nguyện: Con cám tạ Chúa vì những đớn đau. Con khấn xin Ngài ban cho con gấp trăm lần đau đớn, nếu Thánh ý Ngài muốn như vậy. Con vui lòng lãnh nhận, nên xin Ngài đừng vị tình tha bớt. Bởi chưng đó là niềm an vui tràn đầy khi thực hiện trọn vẹn Thánh ý Chúa.’’ (Bonaventura, Legenda major).

Nếu thánh nhân từ bỏ thành đô sinh quán để săn sóc những người phong cùi năm 25 tuổi, Hàn Mặc Tử mắc bịnh phong năm 25 tuổi. Sau nhiều năm chữa chạy tại Gò Bồi, Gành Ráng, Thôn Tân không có kết quả, ngày 8-9-1940, thi nhân trình diện tại ty y tế tỉnh nhà và được chuyển đi trại cùi Qui Hòa (Qui Nhơn) do các nữ tu dòng Phanxicô chăm sóc. Thi nhân mang số đăng ký 1134. Cũng như thánh nhân, thi nhân trải qua những ngày gần đất xa trời trong bệnh hoạn. Khi xưa, thánh nhân báo cho các anh em trong dòng biết ngày sắp dời bỏ ‘‘đền thánh’’ (tabernacle de son corps). Hàn Mặc Tử cho mình là ‘‘thánh thể kết tinh’’.

Thánh nhân viết trong Bài ca mặt trời:

‘‘Ngợi khen Chúa cả càn khôn, vì Ngài đã dựng nên chị Thần chết xác thân mà không phàm nhân nào tránh khỏi.’’

Bài ca mặt trời được khởi thảo vào mùa thu 1225. Đoạn nói về chị Thần chết xác thân chỉ được thánh nhân viết thêm vào đầu tháng 10-1226.

Một năm trước ngày từ trần, Hàn Mặc Tử viết:

Maria linh hồn tôi ớn lạnh

Run như run thần tử thấy long nhan

Run như run hơi thở chạm tơ vàng

Nhưng lòng vẫn thấm nhuần ơn trìu mến.


Xuân Như Ý nở rộ khi thi nhân bước vào thu vàng nhân sinh. Sau cùng, thánh nhân chỉ còn da bọc xương (il finit par perdre toute sa chair, ne gardant que la peau sur les os (Tv 102,6). Thân hình thi nhân ‘‘chỉ có da bọc xương, da thịt bầm tím hết thẩy, hai mắt nằm hõm vào hai lỗ húm sâu hoắm đến không còn mở ra được’’ (thư của ông Nguyễn Văn Xê viết tại Qui Hòa ngày 25-3-1941, do Trần Thanh Mại trích lại).

‘‘Da bọc xương’’ trích trong Kinh thánh được hai người chứng kiến giờ phút lâm chung của thánh nhân và thi nhân viết lại với cùng ngôn ngữ.

Tập thơ chót của Hàn Mặc Tử lấy tên là Xuân Như Ý, thay vì Đau Thương. Nếu không thấm nhuần tinh thần Phan sinh và tam đức đối thần tin cậy mến, mấy ai giữ được niềm an lạc trong bệnh tật cô đơn ? Trong Đêm xuân cầu nguyện, Hàn Mặc Tử đề tặng ‘‘Tặng cả và thiên hạ’’. Sự đề tặng tác phần thường chỉ thu hẹp cho người yêu hoặc người thân. Hàn Mặc Tử phá lệ, ‘‘tặng cả và thiên hạ’’ là thề hiện tinh thần Phan sinh: yêu người, yêu muôn loài.

B - Quan niệm thi ca:

Ÿ Các bài thơ tôn giáo của thánh Phanxicô là tụng ca diễn ngâm (adoration lyrique). Thánh nhân dốc lòng trở thành người tôn sùng Thiên Chúa bằng tâm trí và chân lý. Thánh nhân lấy lời Chúa phán với người thiếu phụ Samari làm khuôn vàng thước ngọc: ‘‘Ai uống nước ta cho sẽ không bao giờ khát nữa, đem lại sự sống đời đời’’ (Ga 4,13). Chính cuộc đời thánh nhân đã là bản tụng ca đời đời.

Ÿ Trong lá thư gửi nguời bạn là Hoàng Trọng Miên, Hàn Mặc Tử đã bầy tỏ quan niệm về thơ như sau:

‘‘Các thi sĩ phải quy tụ, khơi mạch thơ ở Đức Chúa Trời. Thi sĩ không phải là người thường. Thi sĩ phải đem tài năng ra ngợi ca đấng Chí tôn, và làm cho người đời thấy rõ vẻ đẹp của thơ, để đua nhau nhìn nhận và tận hưởng. Thi sĩ nào không biết đem tài năng ứng dụng vào chỗ đẹp thì sẽ bị Đức Chúa Trời lấy lại một cách nhãn tiền !

‘‘Miên ơi, như thế thì Miên đã hiểu thế nào là quan niệm của Trí về thơ. Thơ là sự ham muốn vô biên những nguồn khoái lạc trong trắng của một cõi trời cách biệt. Câu này ăn ý với câu: Thơ là những tiếng kêu rên thảm thiết của một linh hồn thương nhớ cảnh chiêm bao, giải thích bằng hai mặt: lạc quan và bi quan.

‘‘Trí đã tóm tắt những ý đã nói. Có điều này nữa. Trí khác với Baudelaire. Baudelaire nói thơ văn không thể dung hòa với khoa học hay luân lý và thơ văn không thể lấy chân lý làm chủ đích được. Thơ chỉ là thơ. Baudelaire nói trái nghịch với lẽ tự nhiên. Sở dĩ thơ văn được phong phú dồi dào, phát triển tất cả anh hoa huyền bí, và vượt lên những tầng biên giới tân kỳ, mới lạ cũng là nhờ khoa học điểm xuyết cả.’’


Cũng như thánh nhân, Hàn Mặc Tử chủ trương lấy chân lý làm tiêu chuẩn cho văn thơ. Quan niệm thi ca của Hàn Mặc Tử được tóm tắt trong chữ ký François Trí và ghi chú la tinh: Deo gratias: lời kết lễ misa. Phải chăng Hàn Mặc Tử tự ví đời mình là hy lễ nên dâng lời cảm tạ chung thân: Deo gratias ? Thánh nhân và thi nhân đều chủ trương dùng thi ca để rao truyền chân lý: văn dĩ tải đạo (文以載道).

C - Lòng tôn sùng Thánh mẫu:

Lòng tôn sùng Thánh mẫu trong truyền thống Phan sinh (franciscanisme) khai triển từ các chủ đề đã được các nhà thần học trong dòng nghiên cứu:

Ÿ sự cưu mang hài nhi siêu nhiên, vô nhiễm nguyên tội;

Ÿ nên thánh là đi đôi với việc thực hiện những nhân đức cùa Đức Mẹ: Đức Mẹ là nguồn ban ơn bất tận (omnis gratia in Mariam confluxit).

Ngay từ năm 1254, bốn kinh cuối lễ: Salve Regina (lạy Nữ vương), Alma Redemptoris Mater (Đức Thánh Mẫu Mẹ Chúa Cứu thế), Ave Regina (Kính mừng Nữ vương) và Regina cæli (lạy Nữ vưong Thiên đàng) được đưa vào kinh nhật tụng của dòng Phanxicô. Năm 1227, Đức Nicolas III đã theo phụng vụ của dòng Phanxicô đưa bốn kinh kính Thánh mẫu vào phụng vụ của Giáo hội. Kinh Stabat Mater (Mẹ sầu bi) và hai lễ kính Đức Mẹ của dòng Phanxicô sau này cũng trở nên phổ cập. Dòng Phanxicô có công soạn thảo kinh Ave Maria (Kinh Kính mừng) và Angelus (Kinh chiều).

Lòng tôn sùng Thánh mẫu theo truyền thống Phan sinh triển khai ý nguyện của thánh Phanxicô. Chính thánh Phanxicô đã soạn kinh Kính chào Đức Nữ Trinh (Salutation à la Vierge), đoạn dẫn nhập xin tạm dịch như sau:

Tấu lạy Bà là Nữ vương rất thánh,

Mẹ Chúa Trời và Đức nữ đồng trinh

(Salut Dame Sainte, Reine très sainte

Mère de Dieu, ô Marie et Vierge perpétuellement.


Bảy thế kỷ sau, trong trại cùi Qui Hòa của các nữ tu dòng Phanxicô, Hàn Mặc Tử đã bày tỏ lòng tôn sùng Thánh Mẫu trong tập Xuân Như Ý xuất bản năm 1939 (một năm trước ngày thi sĩ từ trần). Cũng như các tu sĩ dòng Phanxicô góp phần vào việc soạn thảo kinh Ave Maria, thi nhân sáng tác kinh thơ Ave Maria, được coi là tuyệt tác của văn học nước nhà.

Trước khi viết bài Ave Maria, thi nhân nhiều lần nhắc tới danh hiệu Đức Mẹ:

Ÿ Nguồn thơ:

Toan ngất đi trong cơn mê khoái lạc

Mẹ yêu liền vội đến tay nâng


Ÿ Say thơ:

Trăng tờ mờ một trời thơ sớm nở

Bao hoa hồng mầu nhiệm Nữ Vương xưa


Ave Maria là kinh thơ toàn bích, mang âm hưởng rộn ràng cũa thánh nhạc chất chứa trong thơ bát ngôn sở trường của thi nhân. Các chủ đề Thánh mẫu trong truyền thống Phan sinh đều được thi nhân vận dụng:

Lạy Bà là đấng tinh tuyền thanh vẹn

Giàu nhân đức, giàu muôn hộc từ bi

Chim hay tên ngọc, đá biết tuổi vàng

Lòng vua chúa cũng như lòng lê thứ

Sẽ ngất ngây bởi chưng thơ đây ứ

Nguồn thiêng liêng yêu chuộng MẸ SẦU BI


Kinh Kính mừng mà ta vẫn đọc gồm hai phần:

Ÿ Phần I: ngợi ca Thánh Mẫu: trong phần này, cứ một câu ca tụng Đức Mẹ (trên bình diện nhân sinh) lại kèm theo một câu ca tụng Thiên Chúa theo lược đồ sau đây:

Kính mừng Maria đầy ơn phúc (người)

Đức Chúa Trời ở cùng Bà (trời)

Bà có phước lạ hơn mọi người nữ (người)

Và Giêsu con lòng Bà gồm phúc la (trời)


Như vậy là chỉ trong 4 câu kinh dẫn nhập đã nói lên trời đất giao hòa nhờ ơn Đức Thánh Mẫu.

Ÿ Phần II: dành cho lời cầu xin của thế nhân.

Nơi an nghỉ cuối cùng của Hàn Măc Tử

Ave Maria của Hàn Mặc Tử là lời kinh nhập thể, vì câu kinh ca tụng không đứng riêng lẻ, nhưng đươc hòa chung với thân phận con người. Trong nghệ thuật thi văn, sự đối chiếu cũng là một cách tôn sùng: con người tội lỗi càng làm nổi bật sự cao sang của Đức Bà. Toàn văn tụng ca mang chiều kích nhân gian, chất liệu thơ thuần túy Việt Nam. Ngay câu mở đầu, tác giả vẽ ra ‘‘song lộc triều nguyên’’ mượn ý cổ họa, áp dụng luật cân xứng. Sau họa là nhạc, ‘‘thần nhạc quyện hương trầm thơm ngát’’. Hương thơm tho bay đến cõi thiên đàng, nhưng hương trầm vẫn còn quyện lấy cõi nhân trần. Vì thế, sau khi ‘‘Tổng lãnh thiên thần tung hô câu đường hạ ngớp châu sa’’, thi nhân cất lời phàm nhân: ‘‘Maria, linh hồn tôi ớn lạnh’’. Trong nguyên bản, hai câu thơ được viết riêng, cách nhau bằng một khoảng trắng diễn tả sự bỡ ngỡ, cô liêu của kiếp người.

Sau khi tung hô các danh hiệu Thánh mẫu, thi nhân dâng lời cảm tạ:

Cho tôi dâng lời cảm tạ phò nguy

Cơn lâm lụy vừa trải qua dưới thế


Như vậy là thi nhân vượt qua biển đời xao xuyến, đến bến cậy an bình.

Dòng thao thao bất tuyệt của nguồn thơ.

Song lộc thay bằng hai dòng lệ, nước mắt thay bằng niềm vui Phan sinh. Chính trong hơi thơ nồng nàn ấm cúng, thi nhân viết đoạn tuyệt tác sau đây, cũng là phần chính của bài thơ:

Tấu lạy Bà, lạy Bà đầy ơn phước

Cho tình tôi nguyên vẹn tợ trăng rằm

Thơ trong trắng như một khối băng tâm

Luôn luôn reo trong hồn, trong mạch máu

Cho vỡ lở cả muôn ngàn tinh đẩu

Cho đê mê âm nhạc và thanh hương

Chim hay tên ngọc, đá biết tuổi vàng

Lòng vua chúa cũng như lòng lê thứ

Sẽ ngây ngất bởi chưng thơ đầy ứ

Nguồn thiêng liêng yêu chuộng Mẹ Sầu Bi.


Trong câu cuối, danh hiệu Đức Bà được thay bằng Mẹ Sầu Bi: lòng tôn kính cao sang được thay bằng tình mẫu tử ngọt ngào. Mẹ sầu bi đứng dưới chân thánh giá (Stabat Mater dolorosa) muôn đời vẫn còn sầu bi trước tội lỗi và thống khổ nhân gian.

Ÿ Kinh Ave Maria của Giáo hội là hoa mân côi tháng 10.

Ÿ Ave Maria (Tấu Lạy Bà) của Hàn Mặc Tử tỏa ngát hương sen từ bùn lầy nước đọng của thân phận con người.

Một trong những đặc tính của tinh thần Phan sinh là quan niệm phóng khoáng, không gò bó. Nói đến tinh thần Phan sinh trong thơ Hàn Mặc Tử không có nghĩa là thi nhân sao chép thánh nhân. Vì nếu chỉ là sự sao chép mà thiếu sáng tạo, thi ca sẽ mất hết tinh thần Phan sinh. Một tinh thần Phan sinh đích thực có nghĩa là thi hứng khơi nguồn từ Phúc âm, được diễn tả một cách sáng tạo, như Hàn Mặc Tử có lần thổ lộ: Ta không nên quên rằng thơ ta là thơ quốc âm, ta phải giữ các tinh thần Việt Nam của ta.

Cũng vì cái tinh thần Việt Nam, thi ca Hàn Mặc Tử tạo được đồng điệu không những nơi tín hữu, mà cả những người khác tín ngưỡng. Ý thơ Hàn Mặc Tử và tâm kinh Phanxicô khi ‘‘lần giờ trước đèn’’ chứng tỏ có sự ‘‘đồng thanh tương ứng’’.

Paris, ngày lễ kính thánh Phanxicô

Lê Đình Thông
 
Lữ khách Em-maus
Trầm Hương thơ
09:51 21/04/2012
HAI người lữ khách Em-maus
NGƯỜI về buồn bã thương đau ngập sầu
LỮ hành như tiếng kinh cầu
KHÁCH về quê cũ mà đau đớn lòng
EM anh sánh bước song song
MAU mau rão bước về trong nắng chiều

NỖI đau nhớ đến những điều
LÒNG vì thương nhớ Thầy nhiều thiết tha
TAN hoang đành trở về nhà
NÁT lòng sợ lỡ người ta bắt mình
BUỒN vì lắm kẻ coi khinh
ĐAU vì vỡ mộng nghĩ mình tiến thăng
TRỞ thành những vị quan chăng
VỀ quê giờ biết nói năng thế nào

THẦY tan thịt nát máu đào
ĐANG buồn bỗng có người chào hỏi thăm
SÁNH cùng nhịp bước xa xăm
BƯỚC mau kể chuyện hai năm rõ mười
CẬN bên mới kể về Người
KỀ nhau cắt nghĩa mười mươi rõ ràng

LÒNG vui bừng sáng muộn màng
NHƯ khi bẻ bánh trao ban hai người
LÚC Ngài ngước mắt lên trời
TỈNH ra họ nhận ra Người mừng thay
LÚC này Ngài biến mất ngay
MÊ lâu sực tỉnh biết THẦY-PHỤC-SINH
BÊN nhau loan báo sự tình
THẦY Đã Sống Lại QUANG-VINH-KHẢI-HOÀN.

Allêluja! hãy nhảy mừng Allêluja!.
Chúa nhật 3 Phục Sinh (Lc.24,13-35)