Ngày 18-04-2016
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:22 18/04/2016
32. GIÁ TRỊ CỦA SỐNG CHẾT.
Thái thú Nam Dương Trương Trung nói:
- “Tuổi già của tôi đã chí tận, giống như con chim tám trăm quan tiền, giá trị của sống và chết thì cũng tương đương ngang nhau thôi.”
(Hài Cự lục)

Suy tư 32:
Giá trị của sự sống và sự chết –theo người đời- không thể nào giống nhau, bởi vì chết là hết, chết là không được hưởng thụ, không được gần gủi người thân thương, không được ăn uống, không được nhảy đầm hát kara-ôke, không được đi uống cà-phê ôm... tóm lại chết là vĩnh viễn xa cách cuộc sống hồng trần, do đó mà không ai thích mình chết dù cho cuộc sống có gần đất xa trời.
Nhưng Đức Chúa Giê-su đã đề cao giá trị của sự chết, chết là cửa ngõ để đi vào sự sống đời đời, và Ngài đã chết rồi Ngài sống lại, đó là một niềm tin, một xác tín và là hy vọng duy nhất cho nhân loại. Cái chết của Đức Chúa Giê-su cũng có giá trị như cuộc sống của Ngài, ba mươi ba năm ngắn ngủi, Ngài đã làm cho cuộc sống của Ngài có giá trị ngàn đời, tức là Ngài sống và làm việc theo ý Cha trên trời, rao giảng một tin vui –tin vui cứu độ- cho nhân loại.
Người Ki-tô hữu là những người có niềm tin, tin vào Đức Chúa Giê-su phục sinh; người Ki-tô hữu là người có niềm hy vọng, hy vọng vào sự phục sinh mai sau, do đó mà cuộc sống của họ dù sống dù chết cũng có giá trị ngang nhau: các thánh tử đạo đã chết, và cái chết của các ngài rất có giá trị và hữu ích cho các tín hữu còn sống, máu các ngài đổ ra để hạt giống đức tin được nẩy mầm và lớn lên. Đúng là cái chết rất có giá trị.
Chúng ta cũng có cái chết giá trị không kém các vị thánh tử đạo bao nhiêu khi còn ở đời này, đó là chết cho cái tôi của mình: cái tôi dục vọng, cái tôi đam mê, cái tôi kiêu ngạo, cái tôi tham lam, cái tôi hiếu chiến...
Bởi vì khi chết đi là khi vui sống muôn đời, chết và sống đúng là có trị như nhau nếu chúng ta có niềm tin vào Đức Chúa Giê-su.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư

-----------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:23 18/04/2016

25. Đức khiết tịnh là tính siêu nhiên khắc chế bản tính, thì có thể nói, một cái bị thịt (túi da hôi thối) -thật là kỳ diệu- khi bắt chước thần tính trên trời.

(Thánh Clemens I)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(Dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")

-----------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Hãy yêu thương nhau
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
19:54 18/04/2016
Chúa Nhật V PHỤC SINH, năm C
Ga 13, 31-33a.34-35

HÃY YÊU THƯƠNG NHAU

Một trong giới răn quan trọng, và căn bản nhất của Đạo Công Giáo là giới luật yêu thương. Chúa Giêsu trước khi đi chịu chết để cứu độ nhân loại, cứu chuộc con người, Ngài đã gửi gắm tâm sự cho các môn đệ, trăn trối cho các ông và cho chúng ta một giới răn quí giá mà mỗi người phải đem thực hành trong cuộc sống. Ngài nói một cách chân tình và đầy tình thương :” Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau như thầy yêu thương anh em “( Ga 13, 34 ).

Lời trối trăn của Chúa Giêsu trong nhà Tiệc Ly vẫn là thách đó lớn cho mỗi người chúng ta. Chúa Giêsu không nói :” Anh em hãy yêu thương người ngoài “, nhưng Ngài nhấn mạnh :” Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu “. Điều này trở thành giới luật cho những môn đệ của Chúa. Nó vẫn là thúc bách mạnh mẽ để mỗi người chúng ta vươn tiến và trở nên hoàn thiện.Bởi vì, giới răn của Chúa Giêsu trở thành giới luật thật mới mẻ, Ngài đòi hỏi môn đệ phải yêu thương nhau như Chúa yêu. Yêu thương như Chúa yêu là yêu thương tới tận cùng, yêu thương cho tới chết trên Thập giá. Chúa Giêsu trước khi ban bố giới luật này, Ngài đã rửa chân cho các môn đệ : một cử chỉ hết sức khiêm nhường, thân thương. Cử chỉ của một tên nô lệ hết lòng phục vụ chủ mình. Chúa Giêsu đã rửa chân cho các môn đệ trong đó có cả Giuđa, một môn đệ được Chúa tin tưởng trao chức vụ quản lý cho ông. Chúa muốn ông nhận ra tình thương của Ngài để hoán cải, để thay đổi con người của mình. Chúa Giêsu còn chấm miếng bánh cho Giuđa trong khi ngồi đồng bàn trong bữa Tiệc Ly. Cử chỉ thân thương của Chúa là lời mời gọi cuối cùng để Giuđa hiểu tình thương tha thứ của Ngài, nhưng vô ích, Giuđa vẫn không đổi ý và thay lòng đổi dạ. Giuđa vẫn ra đi làm theo ý định đen tối của mình và Giuđa chuốc lấy cái chết thảm thương…Chúa Giêsu hiểu rõ điều mình sắp thực hiện theo ý Thiên Chúa Cha. Ngài đã yêu họ và nhân loại đến cùng.Ngài đã chấp nhận cái chết tự nguyện trên Thập giá để cứu rôi con người. Ngài yêu thương môn đệ, yêu thương nhân loại trước và rồi Ngài truyền lệnh cho môn đệ yêu thương nhau. Chúng ta phải cảm nhận tình yêu của Chúa thì chúng ta mới có thể yêu thương nhau như Ngài muốn.

Mến Chúa và yêu thương người là đặc điểm của những môn đệ của Chúa. Ông Gandhi là một vĩ nhân và được coi như một vị thánh của dân tộc Ấn Độ.Ông thích đọc Kinh Thánh, có cảm tình với Đạo Công Giáo.Ông thích nghiền gẫm “ Bài giảng trên núi “. Ông nghĩ những người Công Giáo sẽ giúp trả lời cho những xung đột đang diễn ra ở Ấn Độ. Một hôm, Ông tìm đến một Nhà Thờ Công Giáo, nhưng người giữ cửa đã ngăn Ông lại không cho vào và nói với Ông :” Hãy đi Nhà thờ dành riêng cho người da đen “. Ông ra đi và từ hôm đó Ông không bao giờ trở lại nhà thờ nữa, chỉ vì có sự phân biệt màu da nơi nhà thờ…Người giữ cửa nhà thờ đã không thực hành giới luật yêu thương của Chúa. Bởi vì, nếu con người thực lòng yêu thương nhau, mọi thù oán, ghen tương, chia rẽ, hận thù sẽ không còn tồn tại, mọi bất công sẽ được san bằng, nhưng thực tế, con người vẫn chưa thực hành đủ giới luật mới :” Yêu thương “ của Chúa truyền ban.

Vì, con người trên thế giới chưa sống giới luật của Chúa nghiêm túc và tận căn, nên, vẫn còn bất hòa, chia rẽ, thù oán nhau đến nỗi, Chúa đã phải nói :” Cứ dấu này người ta sẽ nhận ra anh em là môn đệ của Thầy là anh em yêu mến nhau “.Thật tình mà nói, con người trên thế giới còn thích khoe khoang:Thánh giá là nguồn ơn cứu rỗi, tuy nhiên có nhiều người lại đeo Thánh giá để làm đồ trang sức, có nhiều người đi lễ, đi nhà thờ, đọc kinh nhưng vẫn sống thiếu bác ái, thiếu đạo đức, sống bề ngoài. Nhiều nơi vẫn còn chia rẽ giữa Công Giáo và các Tôn Giáo khác, giữa Công Giáo và Tin Lành vv…vv…Người ta chưa đặt giới luật yêu thương làm đích điểm đi tới.Người ta quên đi tất cả chỉ có một Cha chung là Thiên Chúa. Vậy, bao lâu nhân loại trở nên một ràn chiên duy nhất, dưới sự lãnh đạo của Thiên Chúa tối cao ? Bao lâu nhân loại cùng dâng một thánh lễ, cùng dự một Bàn Tiệc Thánh ? Khi thực hiện được điều đó, chắc chắn nhân loại sẽ trở thành anh em thật với nhau, tin nhận Chúa là Mục Tử tốt lành và mọi người đều là chiên trong ràn chiên duy nhất :” Giáo Hội “ của Chúa Giêsu.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết yêu thương và phục vụ lẫn nhau như Chúa đã đến để phục vụ, chứ không phải để được hầu hạ, được mọi người phục vụ.Amen.

GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ :

1.Trước khi đi chịu chết Chúa Giêsu đã làm gì ?
2.Giới luật yêu thương là giới luật nào ?
3.Làm sao người khác có thể nhận ra chúng ta là môn đệ của Chúa ?
4.Muốn sống yêu thương, con người phải làm gì ?
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Những hình ảnh cảm động trong chuyến thăm đảo Lesbos của Đức Thánh Cha
VietCatholic Network
09:02 18/04/2016
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Quý vị và anh chị em đang theo dõi phóng sự đặc biệt về chuyến viếng thăm những người tị nạn và di dân của Đức Thánh Cha Phanxicô tại đảo Lesbos của Hy Lạp vào ngày thứ Bẩy 16 tháng Tư.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Đức Thánh Cha đã rời Roma lúc 7 giờ sáng để bay đến phi trường Mytilene của đảo Lesbos. Trên chuyến bay, trong lời chào thăm hàng chục ký giả tháp tùng, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng đây là cuộc viếng thăm khác với những chuyến khác. Trong các cuộc tông du chúng ta đi để làm bao nhiêu chuyện, thăm hỏi dân chúng và có niềm vui của cuộc gặp gỡ. Cuộc viếng thăm này có sắc thái đau buồn. Chúng ta đến gặp một thảm trạng nhân đạo lớn nhất từ sau thế chiến thứ hai. Chúng ta đến gặp những người đau khổ, không biết đi đâu, họ là những người phải chạy trốn. Chúng ta cũng ra một nghĩa trang là biển cả. Bao nhiêu người đã bị chết đuối trong đó. Tôi nói điều này không phải vì cay đắng, nhưng cũng để công việc của anh chị em ngày hôm nay có thể thông truyền qua các phương tiện truyền thông của anh chị em tâm trạng của tôi khi thực hiện chuyến viếng thăm này.

Đức Thánh Cha không quên nhắc đến điều này đúng ngày hôm đó 16 tháng Tư, Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 mừng sinh nhật thứ 89. Chúng ta hãy nhớ cầu nguyện cho ngài.

Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 là vị giáo hoàng người Đức kể từ 500 năm. Ngài cai quản Giáo Hội hoàn vũ 7 năm 10 tháng, cho đến khi tuyên bố thoái vị ngày 11 tháng 2 năm 2013.

Sau hơn 2 giờ bay, Đức Thánh Cha đã đến phi trường quốc tế Mytilene của đảo Lesbos lúc quá 10 giờ sáng giờ địa phương. Đảo này cách Roma 1,245 cây số và đi trước Rôma 1 giờ. Đây và là đảo rộng thứ 3 của Hy Lạp với diện tích 1,630 cây số vuông và hơn 90 ngàn dân cư.

Ra đón Đức Thánh Cha ngay tại chân thang máy bay chúng tôi thấy có thủ tướng Alexis Tsipra, Đức Thượng Phụ Bácthôlômêô, Giáo Chủ Chính Thống Constantinople, Đức Tổng Giám Mục Hieronimus Giáo Chủ Chính Thống Hy Lạp, Đức Tổng Giám Mục Fragkiskos Papamanolis, dòng Capuchino, Chủ tịch Hội đồng Giám Mục Hy Lạp.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Đức Thánh Cha đang bước xuống thang máy bay với sắc mặt buồn bã.

Sau khi bắt tay với thủ tướng Alexis Tsipra. Ngài trao đổi với Đức Thượng Phụ Bácthôlômêô cái hôn huynh đệ.

Tuy là chuyến viếng thăm không chính thức nhưng chúng tôi thấy vẫn có hàng quân danh dự và ban quân nhạc của Hy Lạp đang trỗi quốc thiều Vatican.

Đức Thánh Cha đã bắt tay các vị ra đón ngài trong đó có đông đảo các nhà lãnh đạo Chính Thống Giáo.

Ngài đang giới thiệu với thủ tướng Hy Lạp những vị tháp tùng ngài trong cuộc viếng thăm là Đức Tổng Giám Mục Angelo Becciu, Phụ tá Quốc vụ khanh Tòa Thánh, Đức Hồng Y Kurt Koch, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh hiệp nhất các tín hữu Kitô.

Các cuộc hội kiến tại Lesbos

Trong cuộc hội kiến vắn với thủ tướng Hy lạp, Đức Thánh Cha nói: “Tôi cám ơn thủ tướng vì sự tiếp đón. Nhất là tôi đến đây để cám ơn nhân dân Hy Lạp vì lòng quảng đại. Hy Lạp là chiếc nôi của nhân loại. Tôi đến đây để nói về tình nhân đạo.. và tôi thấy rằng người ta tiếp tục nêu gương về tình nhân đạo. Dân tộc Hy Lạp thật là can đảm. Cách đây gần 3 năm, tôi đã viếng thăm người tị nạn ở đảo Lampedusa”.

Sau đó Đức Thánh Cha đã gặp riêng hai vị lãnh đạo Chính Thống giáo.

Sau hai cuộc hội kiến này, lúc gần 11 giờ, Đức Thánh Cha cùng với Đức Thượng Phụ và 2 vị Tổng Giám Mục Chính Thống và Công Giáo đi xe minibus đến thăm trại tị nạn ở Moria cách đó 16 cây số. Trại này có khoảng 3,000 người đang xin quy chế tị nạn. Có 150 trẻ vị thành niên tại đây cũng được chào Đức Thánh Cha khi ngài đi ngang qua. Các vị tiến qua sân dành cho việc đăng ký người xin tị nạn và tới ngôi lều lớn, chào từng người trong số 250 người tị nạn hiện diện. Ngài cũng chúc lành cho các tín hữu Công Giáo. Cả Đức Thượng Phụ và Đức Tổng Giám Mục Chính Thống Hy Lạp đi cạnh Đức Thánh Cha cũng làm như vậy. Có những người cảm động đến rơi lệ.

Bên ngoài, có những người tị nạn mang những tấm biển bằng giấy carton với những hàng chữ nói lên xuất xứ của họ: Syria, Iraq, Pakistan, hoặc cám ơn Đức Thánh Cha, hoặc có người viết câu Kinh Thánh “Hãy để cho dân của Ta ra đi!”, “Freedom - Tự do”. Có người quì xuống trước Đức Thánh Cha, khóc và xin ngài chúc lành. Có em bé tặng ngài hình em vẽ.

Diễn từ của Đức Thánh Cha và các nhà lãnh đạo Chính Thống Giáo

Ngỏ lời trong cuộc gặp gỡ, Đức Thánh Cha bày tỏ cảm thông với những đau khổ của người tị nạn, nhiều người phải trốn chạy những tình trạng xung đột và bách hại. Ngài nói:

“Tôi đến đây cùng với những người anh em tôi là Đức Thượng Phụ Bácthôlômêô và Đức Tổng Giám Mục Hieronimus/hiê-ró-ni-mớts/, để ở với anh chị em và lắng nghe những tình cảnh của anh chị em. Chúng tôi đến đây để kêu gọi sự chú ý của thế giới về cuộc khủng hoảng nhân đạo trầm trọng này và kêu xin giải quyết. Như những người có tín ngưỡng, chúng tôi muốn hiệp tiếng với nhau nói công khai nhân danh anh chị em. Chúng tôi hy vong thế giới để ý đến những hoàn cảnh đau thương và thực sự tuyệt vọng này, đồng thời đáp ứng một cách xứng đáng với tình nhân đạo chung của chúng ta”.

Cả Đức Thượng Phụ Bácthôlômêô và Đức Tổng Giám Mục Chính Thống Hy Lạp cũng lên tiếng bày tỏ tình liên với với những người tị nạn và thức tỉnh lương tâm thế giới. Rồi 3 vị ký vào một tuyên ngôn chung.

Trong Tuyên ngôn các vị bày tỏ mối quan tâm sâu xa trước tình trạng thê thảm của nhiều người tị nạn, di dân và những người xin tị nạn. “Họ đến Âu Châu để trốn chạy những tình trạng xung đột, và trong nhiều trường hợp, họ trốn chạy những đe dọa hằng ngày đối với sự sống còn của họ. Dư luận thế giới không thể không biết đến cuộc khủng hoảng nhân đạo kinh khủng này, do sự lan tràn bạo lực và các cuộc xung đột võ trang, bách hại và sự tản cư của các nhóm thiểu số về tôn giáo và bộ tộc, nhiều gia đình phải bỏ gia cư, nhân phẩm, các nhân quyền căn bản và tự do của họ bị chà đạp.”

3 vị lãnh đạo Kitô cũng nói rằng “thảm trạng buộc lòng di cư trên đây đang đè nặng trên hàng triệu người và kêu gọi câu trả lời liên đới, cảm thương, quảng đại và sự dấn thân cấp thiết cả về mặt tài nguyên. Từ đảo Lesbos này chúng tôi kêu gọi cộng đồng quốc tế hãy can đảm đáp ứng cuộc khủng hoảng nhân đạo ồ ạt và trầm trọng này, và giải quyết tận gốc rễ những nguyên nhân gây ra chúng, qua những sáng kiến ngoại giao, chính trị và từ thiện, qua các nỗ lực cộng tác với nhau, ở Trung Đông cũng như ở Âu Châu..”

“Trong tư cách là những người lãnh đạo các Giáo Hội liên hệ của chúng tôi, chúng tôi hiệp nhất trong ước muốn hòa bình và trong sự sẵn sàng cổ võ giải quyết các cuộc xung đột bằng đối thoại và hòa giải.. Chúng tôi kêu gọi tất cả các vị lãnh đạo chính trị hãy dùng mọi thương thế để bảo đảm cho các cá nhân và cộng đoàn, kể cả các tín hữu Kitô, được ở lại quê hương của họ và được hưởng các quyền căn bản sống trong hòa bình và an ninh..”

“Cùng nhau, chúng tôi long trọng kêu gọi chấm dứt chiến tranh và bạo lực ở Trung Đông, kiến tạo một nền hòa bình công chính và lâu bền, cũng như giúp những người phải cưỡng bách rời bỏ gia cư được trở về trong danh dự. Chúng tôi xin các cộng đồng tôn giáo gia tăng nỗ ực để đón tiếp, trợ giúp và bảo vệ người tị nạn thuộc mọi tín ngưỡng, và các cơ quan cứu trợ tôn giáo và dân sự hoạt động, phối hợp các sáng kiến của mình với nhau.

“Âu Châu ngày nay đang phải đương đầu với một trong những cuộc khủng hoảng nhân đạo trầm trọng nhất từ sau thế chiến thứ 2. Để đáp ứng thách đố lớn lao nay, chúng tôi kêu gọi tt cả các môn đệ Chúa Kitô hãy ý thức Lời Chúa, theo đó một ngày kia chúng ta sẽ bị phán xét: “Vì Ta đói các con đã cho Ta ăn; Ta khát các con đã cho Ta uống; Ta là ngoại kiều, các con đã đón nhận Ta; Ta trần trụi, các con đã cho Ta mặc; Ta đau yếu và các con đã viếng thăm Ta; Ta bị cầm tù và các con đã đến gặp Ta...” (Mt 25,35-36)...

“Cuộc gặp gỡ của chúng tôi nhắm giúp mang lại can đảm và hy vọng cho những người đang tìm nơi nương náu và tất cả những người đón tiếp và giúp đỡ họ. Chúng tôi kêu gọi cộng đồng quốc tế coi việc bảo vệ sinh mạng như một ưu tiên, và trên mọi bình diện, hãy ủng hộ những những chính sách bao gồm mở rộng cho mọi cộng đoàn tôn giáo. Tình trạng kinh khủng của tất cả những người bị tổn thương vì cuộc khủng hoảng nhân đạo hiện nay, kể cả nhiều anh chị em Kitô hữu chúng ta, kêu gọi chúng ta hãy liên tục cầu nguyện”.

Gặp gỡ dân chúng và tưởng niệm các nạn nhân

Cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha và hai vị lãnh đạo Chính Thống được tiếp tục với bữa ăn trưa, các vị dùng với một số đại diện người tị nạn trong căn nhà làm bằng những thùng chứa đồ.

Sau đó, khảng 1 giờ rưỡi trưa, Đức Thánh Cha và hai vị đã di chuyển ra hải cảng cách đó 8 cây số, để gặp gỡ dân chúng, khoảng 5 ngàn người, trong đó có một cộng đoàn Công Giáo bé nhỏ.

Lên tiếng trong dịp này, Đức Thánh Cha bày tỏ lòng ngưỡng mộ đối với nhân dân Hy Lạp, mặc dù có những khó khăn rất lớn phải đương đầu, nhưng vẫn biết mở rộng tâm hồn và cửa nhà. Bao nhiêu người dân thường đã dành những phương tiện bé nhỏ của mình để chia sẻ với những người thiếu thốn tất cả. Ngài nói thêm rằng:

“Ngày hôm nay tôi muốn lập lại lời kêu gọi tha thiết: hãy có tinh thần trách nhiệm và liên đới đứng trước một tình trạng rất bi thảm. Nhiều người tị nạn tại đảo này và các nơi khác ở Hy Lạp đang sống trong những điều kiện rất khó khăn, trong bầu không khí lo âu và sợ hãi, nhiều khi tuyệt vọng, vì những khó khăn về vật chất và tương lai bất định. Sự lo lắng của các chính quyền và dân chúng, ở Hy Lạp này cũng như ở các nước khác ở Âu Châu là điều dễ hiểu và hợp pháp. Nhưng không bao giờ được quên rằng những người di dân, trước khi là những con số, họ là con người, họ là những khuôn mặt, tên tuổi và có lịch sử riêng. Âu châu là tổ quốc của các quyền con ngừơi, và bất cứ ai đặt chân lên phần đất Âu Châu phải có thể cảm nghiệm được điều đó, và nhờ có họ ý thức hơn về nghĩa vụ phải tôn trọng và bảo vệ các nhân quyền ấy”.

Đức Thánh Cha cũng nhấn mạnh rằng: “Cần phải làm việc để loại trừ những nguyên nhân gây ra thực tại bi thảm này: không phải chịu đáp ứng tình trạng khẩn cấp trong lúc này, nhưng cần phát triển những chính sách rộng lớn, không phải đơn phương. Trước tiên cần kiến tạo hòa bình tại nơi mà chiến tranh đã tạo nên tàn phá và chết chóc, và ngăn cản đừng để thứ bệnh ung thư này lan tràn ra các nơi khác. Để được như thế cần cương quyết chống lại sự lan tràn và buôn bán võ khí cũng như những mưu mô nhiều khi thầm kín; cần loại bỏ mọi sự hỗ trợ dành cho những kẻ theo đuổi những dự phóng oán thù và bạo lực. Trái lại, cần thăng tiến không biết mệt mỏi sự cộng tác giữa các nước, các tổ chức quốc tế, các tổ chức nhân đạo, không cô lập nhưng nâng đỡ những người đang đương đầu với tình trạng khẩn cấp. Trong viễn tượng này, tôi tái cầu chúc cho Hội nghị Thượng Đỉnh thế giới đầu tiên về nhân đạo sẽ nhóm tại Istanbul vào tháng 5 tới đây đưcơ thành công”.

Sau bài diễn văn của Đức Thánh Cha, có nghi thức tưởng niệm các nạn nhân bỏ mình trong cuộc di cư. Đức Tổng Giám Mục Chính Thống Hy lạp, rồi Đức Thượng Phụ Bácthôlômêô và sau cùng là Đức Thánh Cha đã đọc kinh nguyện cầu cho các nạn nhân.

Sau một phút thinh lặng, ba vị lãnh đạo nhận từ 3 em bé 3 vòng hoa để quăng xuống biển, tưởng niệm các nạn nhân.

Tiếp đến, Đức Thánh Cha đã trở lại phi trường Mytilene /mi-ti-li-nê/ cách đó 3 cây số. Tại đây ngài gặp riêng Đức Tổng Giám Mục Chính thống Athènes và toàn Hy Lạp, rồi Đức Thượng Phụ Bácthôlômêô của Chính thống, sau cùng là thủ tướng Hy Lạp.

Sau nghi thức tiễn biệt lúc 15 giờ giờ địa phương, Đức Thánh Cha đáp máy bay trở về Roma, tới phi trường Roma-Ciampino lúc 4 giờ rưỡi chiều.

Đức Thánh Cha đưa 12 người tị nạn về Vatican

Trong chuyến máy bay từ đảo Lesbos Hy Lạp về Roma chiều ngày 16 tháng Tư, Đức Thánh Cha đã đưa 12 người tị nạn về Vatican.

Cha Lombardi cho biết Đức Thánh Cha đã muốn làm một cử chỉ tiếp đón đối với những người tị nạn bằng cách tháp tùng họ về Roma trong cùng chuyến bay.

Đó là 3 gia đình tị nạn từ Syria, tổng cộng là 12 người trong đó có 6 trẻ vị thành niên. Đó là những người đã hiện diện trong các trại tiếp đón ở Lesbos trước khi có hiệp định giữa Liên hiệp Âu Châu và Thổ Nhĩ Kỳ.

Sáng kiến của Đức Thánh Cha được thực hiện qua sự thương lượng giữa Phủ Quốc vụ Khanh Tòa Thánh với chính quyền liên hệ của Hy Lạp và Italia.

Tất cả các thành phần của 3 gia đình trên đây đều là người Hồi giáo. Hai gia đình đến từ Damasco, thủ đô Syria, và một gia đình từ Deir Azzor (trong vùng bị lực lượng IS chiếm đóng). Nhà của họ đã bị dội bom.

Việc tiếp đón và nuôi 3 gia đình này do Vatican đảm trách. Việc cư ngụ ban đầu của họ sẽ được Cộng đồng thánh Egidio bảo đảm.
 
Cuộc họp báo của Đức Thánh Cha trên chuyến bay trở về Rôma từ trại tị nạn Lesbos
VietCatholic Network
10:58 18/04/2016
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Trong chương trình phóng sự đặc biệt này, chúng tôi xin giới thiệu cuộc họp báo của Đức Thánh Cha trên chuyến bay trở về Rôma từ trại tị nạn Lesbos.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã dành ra 30 phút cho một cuộc họp báo trên chuyến bay trở về Rôma từ đảo Lesbos. Ngài chia sẻ những suy nghĩ về một loạt các chủ đề bao gồm cả ý kiến của ngài về thỏa thuận giữa Liên Hiệp Âu Châu và Thổ Nhĩ Kỳ, cuộc họp với ông Bernie Sanders, việc đóng cửa biên giới châu Âu và Tông Huấn Amoris Laetitia.

Đức Thánh Cha bắt đầu cuộc họp báo với các ký giả với lời tâm sự rằng chuyến thăm Lesbos đã tạo ra một cảm xúc rất mạnh đối với ngài.

Một ký giả đã hỏi ngài nghĩ thế nào về các thỏa thuận gần đây giữa Brussels và Ankara. Trả lời cho câu hỏi này, trước hết, Đức Thánh Cha minh định rằng chuyến thăm của ngài tới Lesbos đã được thực hiện trong tinh thần thuần túy nhân đạo. Và thực tế là ngài đã mang 3 gia đình tị nạn về Rôma với ngài. Ngài cho biết quyết định này là kết quả của một cảm hứng vào “phút cuối” cuả một trong những cộng sự viên của ngài một tuần trước đây.

Đức Thánh Cha cho biết thêm: “Tất cả mọi thứ đã được sắp xếp theo đúng các quy tắc. Họ có giấy tờ hẳn hoi. Tòa Thánh, chính phủ Hy Lạp và chính phủ Ý đã kiểm tra tất cả mọi thứ. Họ đã được chào đón bởi Vatican và với sự cộng tác của cộng đồng Thánh Egidio, họ sẽ tìm kiếm được công ăn việc làm”.

Khi được hỏi về một cuộc gặp gỡ vào sáng thứ Bảy 16 tháng Tư tại Vatican với ứng cử viên tổng thống Mỹ Bernie Sanders mà một số phương tiện truyền thông Hoa Kỳ cho rằng Đức Thánh Cha đang dính líu vào nội tình chính trị Mỹ, Đức Thánh Cha Phanxicô xác nhận có cuộc gặp gỡ như thế, nhưng xác định rằng cuộc gặp gỡ đó hoàn toàn là theo phép 'lịch sự'.

Đức Thánh Cha nói:

“Sáng nay khi tôi ra đi thì Thượng nghị sĩ Sanders đã có ở đó. Ông đến tham dự Hội nghị 'Centesimus Annus'. Ông biết lúc đó tôi sắp đi và chào xã giao tôi. Tôi chào ông, bà vợ và một cặp nữa cư trú tại Santa Martha. Khi tôi đi xuống, tôi chào ông, bắt tay ông, chỉ có như thế thôi. Cái này gọi là lịch sự và chẳng có gì gọi là dính líu vào chính trị. Nếu ai đó nghĩ rằng chào một người như thế là dính líu vào chính trị thì tôi khuyên người ấy đi tìm tâm lý gia là vừa”.

Một nhà báo khác hỏi tại sao ba gia đình gồm 12 người tị nạn được lựa chọn để được đưa về Vatican đều là người Hồi giáo. Đức Thánh Cha nói sự lựa chọn không phải là giữa các Kitô hữu và người Hồi giáo; và những người được lựa chọn đều có giấy tờ hợp lệ và theo trình tự.

Một nhà báo hỏi Đức Thánh Cha là ngài có nghĩ rằng việc đóng cửa biên giới châu Âu đánh dấu sự kết thúc giấc mơ châu Âu của nhiều người tị nạn. Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng trong khi ngài thông cảm những lo sợ của một số chính phủ và người dân các nước Âu Châu, ngài tin rằng chúng ta có trách nhiệm chào đón những người tị nạn.

“Tôi luôn luôn nói rằng, xây dựng những bức tường không phải là một giải pháp. Chúng ta đã nhìn thấy những bức tường trong suốt thế kỷ qua và chúng đã không giải quyết bất cứ điều gì. Chúng ta phải xây dựng những nhịp cầu. Đó là những nhịp cầu được xây dựng với trí thông minh, với đối thoại, và với hội nhập”.

Đức Thánh Cha bày tỏ tin tưởng rằng châu Âu phải thực hiện gấp rút chính sách chào đón mọi người, hội nhập họ vào lực lượng lao động, tạo ra các chính sách lường trước được sự tăng trưởng và thúc đẩy một cuộc cải cách nền kinh tế.

“Tất cả những điều này là những cây cầu”, và ngài nhấn mạnh những đau khổ và đau đớn ngài chứng kiến trong chuyến thăm Lesbos.

Đức Thánh Cha cho biết những đứa trẻ ở đó đã cho ngài những bức tranh vẽ trong đó các em khẩn cầu hòa bình và bày tỏ sự đau đớn và sợ hãi sau khi đã nhìn thấy những điều khủng khiếp như các trẻ em khác bị chết đuối.

Khi được hỏi liệu châu Âu có thể mở rộng vòng tay của mình cho tất cả những đau khổ trên thế giới hay không. Đức Thánh Cha nhấn mạnh đến khả năng tích cực là loại trừ mầm mống của những đau khổ này hơn là tiêu cực xem xét các chỉ tiêu nhân đạo. Ngài đã trình bày các suy tư của ngài về nhiều khuôn mặt đau khổ của con người như chiến tranh và đói khát, và các hiệu ứng của việc khai thác bừa bãi hành tinh này. Đức Thánh Cha đã nói về nạn phá rừng và buôn bán vũ khí và cách thế mà các phe phái lâm chiến ở Syria đã được trang bị bởi những người khác.

“Tôi sẽ mời các nhà sản xuất vũ khí trải qua một ngày trong trại Lesbos: Tôi tin rằng đó sẽ là một điều tốt”.

Quay sang Tông Huấn Amoris Laetitia vừa được công bố, một nhà báo nhận xét rằng liên quan đến khả thể cho phép những người ly dị và tái hôn được rước lễ, hiện nay đang có một cuộc tranh luận sôi nổi vẫn đang diễn ra. Một bên, chẳng hạn như Đức Hồng Y Walter Kaster tuyên bố rằng “mọi thứ đã thay đổi”. Trong khi, nhiều nhà lãnh đạo Giáo Hội khác lại cho rằng không có gì thay đổi về vấn đề này.

Để trả lời, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rất nhiều thứ đã thay đổi nhưng ngài kêu gọi các nhà báo hãy đọc kỹ bài thuyết trình được thực hiện bởi Đức Hồng Y Schonborn. Đức Thánh Cha mô tả vị Hồng Y người Áo như là một nhà thần học vĩ đại, vừa là Tổng Giám Mục thủ đô Vienna, vừa là Thư ký của Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin. Đức Thánh Cha nói Đức Hồng Y có kiến thức toàn diện về đức tin.

“Câu trả lời cho câu hỏi của bạn được chứa đựng trong bài thuyết trình này,” Đức Thánh Cha nói.

Đức Thánh Cha cũng nhìn nhận rằng ngài cảm thấy khó chịu và buồn vì sự tập chú của giới truyền thông trong và sau Thượng Hội Đồng về một vấn đề duy nhất là liệu những người ly dị và tái hôn có được rước lễ hay không.

Ngài cho biết các phương tiện truyền thông đã không nhận ra rằng đây không phải là câu hỏi quan trọng và họ không nhận thấy rằng các đơn vị gia đình, nền tảng của xã hội chúng ta trên toàn thế giới, đang trong tình trạng khủng hoảng.

“Họ không nhận ra là người trẻ ngày nay không muốn kết hôn, rằng sinh suất đang giảm mạnh ở châu Âu lẽ ra phải làm cho chúng ta bật khóc. Họ không nhận ra tình trạng thiếu công ăn việc làm, có những ông bố và bà mẹ phải làm hai công việc và trẻ em đang lớn lên một mình mà không có cha mẹ của chúng ở xung quanh”.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Đồng Hương Quần Phương Miền Nam họp mặt
Người Quần Phương
09:30 18/04/2016
Đồng Hương Quần Phương Miền Nam họp mặt

Hàng năm vào ngày Giỗ tổ Hùng Vương 10/3 âm lịch, bà con Quần Phương họp mặt giỗ tổ hai thánh Linh mục tử đạo Việt Nam: Bê na đô Vũ Văn Duệ và Giu se Ngô Duy Hiển. Năm nay buổi lễ được tổ chức vào lúc 7 giờ 30 ngày 16/4/2016 tại giáo xứ Hải Lâm, giáo phận Bà rịa Vũng tàu, số lượng tham dự hơn 1000 người từ các giáo xứ Châu Nam, Bùi Môn, Nam Hưng, Trung Chánh, Tân Phú, Nam Hòa giáo phận Sài Gòn, Dốc Mơ, Phương Lâm, Bùi Thái, giáo phận Xuân Lộc, Bảo Lộc, Ban Mê Thuột, Chu Hải, Hải Lâm, Phước Tỉnh.

Xem Hình

Buổi họp mặt gồm hai phần, trao đổi sinh hoạt và Thánh Lễ, mặc dầu xa xôi nhưng bà con hội tụ lại từ rất sớm, để nghe báo cáo về sinh hoạt đồng hương trong năm 2015 và 2016, các miền báo cáo về những sinh hoạt đồng hương, gồm thăm nom các cụ yếu đau, thăm viếng các cụ đã qua đời, quà học bổng cho học sinh nghèo, hỗ trợ các gia đình đồng hương cơ nhỡ, qua phần trình bày của qúy vị ban đại diện, sau đó cha Đa Minh Nguyễn Đức Trung, giáo xứ Bến Sắn, chánh đại diện quý cha đồng hương Quần Phương Miền Nam đã hướng dẫn và giải đáp những câu hỏi của bà con, và đề xuất những hướng đi mới cho sinh hoạt của đồng hương được lớn mạnh và hiệu quả, cha đề nghị các gia đình đồng hương cố gắng tạo điều kiện cho các bạn trẻ được tham gia những lễ hội như vậy để duy trì truyền thống 18 năm qua, các cụ các bác còn biết về quê cha đất tổ ngoài Bắc, còn các ban trẻ sinh ra trong miền nam hoàn toàn mù tịt về cội nguồn, một vài năm nữa thế hệ các cụ lớn tuổi qua đi, các bạn trẻ không biết và không hiểu, chắc chắn sẽ tàn lụi, cho nên ngay từ bây giờ chúng ta có bổn phận tạo sự tiếp nối các thế hệ để sinh hoạt đồng hương được phát triển và cụ thể chiều sâu với quý đồng hương, chứ không thuần chỉ gặp gỡ qua quýt, ăn uống vui vẻ rồi về.

Và hơn 10 giờ mọi người cùng cung nghinh Hai Thánh tổ Bê na đô Duệ và Giu se Hiển, kiệu xương thánh Tử Đạo Việt Nam, và Đức Mẹ Maria, chung quanh nhà thờ và sau đó cùng hiệp dâng với 12 cha gốc Quần Phương Miền Nam dâng thánh lễ đồng tế tạ ơn Thiên Chúa,cầu bình an cho tất cả bà con Quần Phương Miền Nam, những người còn sống và nhớ đến các bậc tiền nhân gồm các linh mục, tu sỹ và bà con đã qua đời, nhất là những vị mới qua đời trong năm qua,

Buổi họp mặt kết thúc lúc 13 giờ 30 cùng ngày, và vào thượng tuần tháng 11/ 2016 bà con sẽ có cuộc hành hương về quê tổ Quần Phương, Hải Hậu, Bùi Chu. và bà con có thể về thăm quê nhà ở các họ Đông Biên, Đông Cường, Đất Vượt, Xăng ty, An Lộc, Giáp Nội, Nam Biên. Và xin hẹn gặp lại nhau ở buổi gặp gỡ đồng hương năm sau được tổ chức tại giáo xứ Bến Sắn, Bình Dương,

Đồng Hương Quần Phương Miền Nam
 
Giáo phận Phú Cường : Ngày cầu nguyện cho ơn gọi 2016
Tôma Đỗ Lộc Sơn
17:57 18/04/2016
GIÁO PHẬN PHÚ CƯỜNG - NGÀY CẦU CHO CÁC ƠN GỌI 2016

Đại hội cầu nguyện cho Ơn Gọi được tổ chức trong khuôn viên Nhà Chung Giáo phận Phú Cường lúc 8 giờ sáng Chúa Nhật thứ IV mùa Phục Sinh – Chúa Chiên Lành 17/4/2016.

Chủ đề cho ngày đại hội: Ơn gọi được sinh ra trong lòng Giáo Hội.

Xem Hình

Ngày “cầu nguyện cho các ơn gọi” năm nay, cách đặc biệt, còn là dịp để những ai đang ước muốn hiến dâng cùng nhau cử hành Năm Thánh Mừng Hồng Ân Kim Khánh Giáo Phận cách sống động và ý nghĩa.

Đại hội được bắt đầu từ 8 giờ sáng đến 4 giờ chiều và chia ra làm 4 phần:

Buổi sáng:

- Thánh lẽ.

- Giới thiệu tuyển sinh của các dòng.

Buổi chiều:

- Giải đáp thắc mắc.

- Lần chuỗi Kính Lòng Chúa Thương Xót, với 5 chặng đàng.

Quý tu sĩ của 50 tu hội, tu đoàn đã cùng với hơn 3000 bạn trẻ của 7 Giáo hạt đã về đây, tập hợp trong sân cỏ dưới bóng cây cao hân hoan chờ đón giờ khai mạc đại lễ,

Sau lời nguyện kinh khai mạc của Đức Cha Giuse Nguyễn Tấn Tước- Giám mục Giáo phận, cộng đoàn từng giáo hạt tiến vào chỗ ngồi để chuẩn bị thánh lễ

Dâng lễ hôm nay do Đức Cha Giuse chủ tế, cùng hiệp dâng có: Cha Gioan Baotixita Phạm Quý Trọng – đặc trách ơn gọi giáo phận. Cha Giuse Phan Trọng Quang – đặc trách tu sĩ cùng 10 cha triều và dòng khác.

Trong bài giảng lễ Chúa Chiên Lành, Đức Cha chia sẻ: “Con chiên ta thì nghe tiếng ta, ta biết chúng và chúng theo ta”. Hàng ngày đàn chiên được người chủ chăn dẫn dắt đi tìm những cánh đồng cỏ mới, chúng phải nghe và biết ý chủ, phải quen tiếng chủ gọi, vì thế giữa chủ và đàn chiên có một tình cảm thân quen.

Chúng ta là con cái Chúa. Chúng ta đi lễ, chúng ta nghe Lời Chúa, chúng ta có hiểu được Lời Chúa, chúng ta có thân quen với Chúa?. Tất cả những thứ ấy là do chúng ta lựa chọn. Đời sống ơn gọi giúp chúng ta gần gũi Chúa hơn, đồng thời chúng ta còn có thể giúp những người chung quanh biết chọn lựa cuộc sống theo ý Chúa. Tất cả là nhờ Ơn Thương Xót của Chúa.

Thánh lễ kết thúc sau phép lành với ơn Toàn xá.

Tiếp theo là phần văn nghệ: Các tu sĩ của các hội dòng đã có những tiết mục văn nghệ theo cách của mình, ca hát, múa, ảo thuật vv… đồng thời giới thiệu đến các bạn trẻ đời sống cũng như linh đạo của dòng mình. Có vài bạn trẻ trò chuyện hồi lâu với các tu sĩ, ngược lại có nhóm tu sĩ đang hướng dẫn nhóm bạn trẻ khác một điều gì đó thật say sưa, đôi ba bạn đang nghiền ngẫm những trang thông tin tuyển sinh.

Chương trình văn nghệ kéo dài đến trưa, giờ đây là các bạn cần nạp thêm năng lượng, bởi vì từ sáng đến giờ, sự hăng say nhiệt tình đã hao vơi đi năng lượng rất nhiều. Có 20 món ăn tự chọn, có thể có bạn chưa quen món ăn tự chọn này nhưng tất cả đều no nê.

Đúng 2 giờ sau khi đã ổn định, Cha đặc trách tu sĩ giới thiệu quý cha, quý dì của các dòng tu, đặc biệt có Đức Cha Giuse cùng tham dự để trả lời thắc mắc của các bạn trẻ về đời sống Ơn gọi, để từ đó có sự chọn lựa cho riêng mình.

Có nhiều câu hỏi thật thiết thực Như: Chúng con đi tu bao lâu mới được làm linh mục? bao lâu mới được làm giám mục và có được làm giáo hoàng không?. Tại sao có nhiều dòng tu quá chúng con khó có thể lựa chọn?. v.v.. Các câu hỏi được Đức Cha, quý cha, quý dì trả lời một cách thỏa đáng dễ hiều và vui vẻ.

3 giờ, giờ của Lòng Thương Xót. Mọi người hướng về linh tượng Chúa Thương Xót được đặt trên kiệu hoa có các thầy khiêng. Đức Cha Giuse đạ chủ sự cho nghi thức này, có 5 điểm đừng, mỗi điểm dừng cộng đoàn lắng nghe suy niệm về chặng đường Chúa đã đi qua và lần chuỗi kính LCTX. Mọi người cúi đầu khi Đức Cha xông hương “ Xin Cha thương xót chúng con và toàn thế giới”.

Chặng cuối cùng trên lễ đài mọi người cầu nguyện: Xin Thiên Chúa thương đến Giáo phận chúng con, 50 năm qua một chặng đường dài, chúng con không khỏi thiếu xót. Trong Năm Thánh Thương Xót này xin Chúa đổ muôn ơn lành xuống cho Giáo phận chúng con. Chúng con quyết một lòng theo Chúa đến muôn muôn đời

Tôma Đỗ Lộc Sơn.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Giỗ Tổ Hùng Vương : Trường ca Xuân Dân Tộc
Đinh Văn Tiến Hùng
10:20 18/04/2016
Trường Ca XUÂN DÂN TỘC

( Nhân ngày Đại Lễ Giỗ Quốc Tổ HÙNG VƯƠNG 16/4/16 tại Hôi Đền Hùng Hải Ngoại Nam California )

* Dân tộc Việt, bốn ngàn năm rạng ngời Hùng Sử,
Trường ca Xuân, muôn niên kỷ vang vọng Toàn Cầu.

-Cây có cội, nước có nguồn,
Vua Hùng dựng Nước mở đường cho ta,
Tổ Tiên xây dựng Nước Nhà,
Mùa Xuân Dân tộc trường ca tuyệt vời

-Tôi khát khao là một nhà nghệ sĩ,
Hồn lâng lâng và miệng hát ca vang.
Ngón tay tôi không biết nắn cung đàn,
Cho âm điệu bay lên cùng trời đất.
Lòng dạt dào với hồn thơ chứa chất,
Không gọt thành những vần điệu ngân nga.
Bàn tay tôi nào đâu phải ngọc ngà,
Để tô điểm nên bức tranh tuyệt mỹ,
Nhưng hôn tôi trở về muôn thế kỷ,
Với một Dân tộc lịch sử hùng anh.

*Việt nam qua bao năm tháng đấu tranh,
Của tiền nhân và cha anh đi trước,
Đem tim gan cùng máu xương giữ nước,
Từ vua Hùng lập quốc hiệu Văn lang,
Đoàn kết trăm con chống giặc ngoai bang,
Tới Trưng Triệu phất cao cờ chính nghĩa,
Dù má hồng giặc tan tành khiếp vía.
Qua nhà Đinh,Lê,nối tiếp Lý,Trần…
Giặc Mông,Hán,Nguyên…xâm lấn nhìều lần,
Đều cởi giáp qui hàng thật nhục nhã.
Bởi dân Việt đâu muốn làm khuyển mã,
Không cúi đầu khiếp nhược trước quân thù,
Sợ ô danh dơ trang sử nghìn thu.
Những Đống đa,Bạch đằng ôi ngời sáng!
Những Chi lăng,Diên hồng thề sát đát
Dệt bài thơ Xuân Dân tộc ngàn năm.,

-Thoát khỏi giặc Tàu đến Pháp thực dân,
Muốn Đất nước ta trở thành thuộc địa,
Xóa Việt nam trên bản đồ quốc tế,
Đưa dân ta trở lại kiếp lầm than,
Nhưng chúng ta quyết không chịu qui hàng.
Nêu cao gương biết bao nhà chí sĩ :
Thái Học,Đình Phùng,Bội Châu,Cường Để..
Những tiếng bom Sa điện xé vang trời,
Đông Du,Văn Thân,Nghĩa Thục…khắp nơi,
Đem khí thế vào mùa Xuân Dân Tộc.

-Nhưng Việt nam chưa hoàn toàn độc lập,
Dẹp tan giặc ngoài,bộc phát thù trong,
Cảnh nồi da xáo thịt quá đau lòng,
Nước chia cắt thành hai miền Nam Bắc.
Anh giết em,cha con thành thù hận,
Hơn ba mươi năm nội chiến tương tàn,
Cũng vì một tập đoàn tàn ác gian tham,
Say Mác Lê với tam vô nhị các,
Yêu Bác Đảng,gieo đói nghèo hiểm ác.
Ba triệu dân tìm mọi cách lìa xa,
Xót đau ly biệt Đất Tổ Quê Cha,
Sống phiêu bạt nơi chân trời góc biển,
Vẫn nhớ mình là con dân Nước Việt,
Mong sớm ngày quang phục lại Quê hương.

-Xa Việt nam lòng khắc khoải sầu vương,
Tôi muốn được trở thành nhà nghệ sĩ,
Đem tâm hồn về qua muôn thế kỷ,
Lòng lâng lâng và miệng hát ca vang,
Mười ngón tay tôi dìu dặt cung đàn,
Cho âm điệu bay lên cùng trời đất,
Lòng dạt dào với hồn thơ chứa chất,
Tôi ghi thành những vần điệu ngân nga,
Bàn tay tôi dù không phải ngọc ngà,
Quyết tô điểm cho Non sông tuyệt mỹ,
Dựng Việt nam thành Mùa Xuân hùng vĩ,
Một mùa XUÂN DÂN TỘC VIỆT rạng ngời……..

ĐINH VĂN TIẾN HÙNG
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Nguyên Văn Tông Huấn Amoris Laetitia của Đức Phanxicô (các số 105-119)
Vũ Văn An
21:59 18/04/2016
Chương Bốn: Lòng Yêu Thương và Hôn Nhân (tiếp theo)

Lòng yêu thương thì tha thứ

105. Một khi đã bén rễ trong trái tim ta, ý xấu sẽ dẫn ta tới chỗ hận thù sâu xa. Câu ou logízetai to kakón có nghĩa: lòng yêu thương “không tính sổ sự ác”; “nó không hận thù”. Đối nghịch với hận thù là tha thứ, vốn bén rễ trong thái độ tích cực luôn tìm cách hiểu các yếu đuối của người khác để miễn thứ. Như Chúa Giêsu đã nói, “Lạy Cha, xin Cha tha thứ cho họ; vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23:34). Ấy thế mà chúng ta cứ đi tìm hết lỗi này tới lỗi nọ, tưởng tượng ra đủ thứ ác lớn hơn, giả định đủ thứ ý xấu, và do đó, hận thù cứ thế gia tăng và sâu xa hơn. Cứ thế, mọi lỗi lầm hay thiếu sót từ phía người phối ngẫu đều có thể gây hại tới mối dây yêu thương và bền vững của gia đình. Sẽ là một điều sai lầm khi ta coi mọi vấn đề đều nghiêm trọng như nhau; coi như thế, ta liều mình dễ cay nghiệt một cách không thích đáng đối với các thiếu sót của người kia. Ước muốn chính đáng thấy các quyền của mình được tôn trọng sẽ trở thành nỗi khao khát trả thù hơn là bảo vệ phẩm giá ta cách hợp lý.

106. Khi ta đã bị xúc phạm hay làm cho thất vọng, tha thứ là điều có thể và đáng ước ao, nhưng không ai có thể nói đây là chuyện dễ dàng. Sự thật là “hiệp thông gia đình sẽ chỉ có thể được duy trì và hoàn thiện nhờ tinh thần hy sinh lớn lao. Thực thế, nó đòi mỗi người và mọi người phải sẵn sàng và quảng đại mở lòng mình ra để hiểu, để chịu đựng, để tha thứ, để hòa giải. Không hề có gia đình nào lại không biết đến ích kỷ, bất hòa, căng thẳng và tranh chấp, tấn công bạo động và đôi khi gây tử thương cho cuộc hiệp thông của họ: do đó, mà xuấ hiện nhiều hình thức chia rẽ đa dạng trong đời sống gia đình” (113).

107. Ngày nay, ta nhìn nhận rằng để có thể tha thứ cho người khác, ta cần tới kinh nghiệm giải thoát biết tự hiểu và tha thứ cho chính mình. Các lỗi lầm của ta, hay các phê phán nhận được từ người thân yêu của ta, thường dẫn ta tới chỗ đánh mất lòng tự trọng. Ta trở nên xa cách đối với người khác, tránh tình âu yếm và sợ sệt trong các mối liên hệ liên ngã của ta. Đổ lỗi cho người khác khiến ta an tâm một cách sai lầm. Ta cần học cách cầu nguyện cho dĩ vãng của mình, để biết chấp nhận chính ta, học cách sống với các hạn chế của ta, và thậm chí tha thứ cho chính ta, để có được cùng một thái độ như thế đối với người khác.

108. Tất cả các điều trên giả thiết điều này: chính ta có kinh nghiệm được Thiên Chúa tha thứ, được ơn thánh của Người công chính hóa chứ không phải do công phúc của riêng ta. Ta cảm nghiệm được một lòng yêu thương đi trước bất cứ cố gắng nào của ta, một lòng yêu thương không ngừng mở cửa, cổ vũ và khích lệ. Nếu biết nhận rằng lòng yêu thương của Thiên Chúa là vô điều kiện và ta không thể mua hay bán được lòng yêu thương của Chúa Cha, thì ta sẽ có khả năng biểu lộ được một tình yêu không bờ bến và tha thứ cho người khác ngay cả khi họ đã gây hại đến ta. Nếu không, đời sống gia đình của ta sẽ không còn là nơi để hiểu nhau, để nâng đỡ và khích lệ nhau, mà đúng hơn, chỉ là một nơi triền miên căng thẳng và phê phán lẫn nhau.

Lòng yêu thương hân hoan với người khác

109. Kiểu nói chaírei epì te adikía có liên quan với tính tiêu cực ẩn khuất khá sâu trong tâm hồn người ta. Đây là một thái độ đầy chất độc nơi những người hân hoan thấy bất công được thực hiện nơi người khác. Câu sau đây nói lên thái độ trái ngược lại: sygchaírei te aletheía: “vui khi thấy điều chân thật”. Nói cách khác, ta hân hoan trước điều tốt lành nơi người khác khi ta nhận ra phẩm giá của họ và trân trọng các khả năng và việc làm tốt của họ. Điều này không thể có nơi những người lúc nào cũng so sánh và cạnh tranh, ngay với người phối ngẫu của mình, đến nỗi vui mừng khi thấy họ thất bại.

110. Khi một người yêu thương làm được một điều tốt cho người khác, hoặc thấy người khác được hạnh phúc, chính họ cũng sống hạnh phúc và nhờ thế biết vinh danh Thiên Chúa, vì Thiên Chúa yêu thương những người cho đi một cách vui vẻ” (2Cr 9:7). Chúa chúng ta đặc biệt đánh giá cao những người tìm được niềm vui trong hạnh phúc của người khác. Nếu ta không chịu học cách biết hân hoan trước hạnh phúc của người khác và tập chú chủ yếu vào các nhu cầu riêng của ta mà thôi, ta đã tự kết án mình phải chịu một cuộc hiện sinh không có niềm vui, vì, như Chúa Giêsu từng dạy, “cho thì có phúc hơn là nhận” (Cv 20:35). Gia đình phải luôn là nơi mà, khi một điều tốt lành xẩy ra cho một thành viên, người ta biết rằng các người khác cũng đều có mặt ở đó để mừng vui với họ.

Lòng yêu thương tha thứ mọi sự

111. Bảng liệt kê của Thánh Phaolô chấm dứt với bốn câu đều có những chữ “mọi sự”. Lòng yêu thương tha thứ mọi sự, tin mọi sự, hy vọng mọi sự, chịu đựng mọi sự. Ở đây, ta thấy rõ sức mạnh phản văn hóa của một lòng yêu thương có khả năng đương đầu với bất cứ điều gì có thể đe dọa nó.

112. Trước nhất, Thánh Phaolô nói rằng lòng yêu thương “tha thứ mọi sự” (panta stégei). Điều này khác với việc “đừng để ý tới sự ác” bởi vì chữ này liên quan tới việc sử dụng miệng lưỡi. Động từ này có thể có nghĩa “giữ im lặng” trước bất cứ điều xấu nào có thể có nơi người khác. Nó hàm nghĩa giới hạn phán đoán, kiểm soát xu hướng muốn đưa ra lời kết án cương quyết và không thương xót: “Đừng phán đoán và các ông sẽ không bị phán đoán” (Lc 6:37). Dù ngược với cách ta thường sử dụng miệng lưỡi, lời Chúa dạy ta “anh chị em đừng nói xấu lẫn nhau” (Gcb 4:11). Sẵn sàng nói xấu một người khác là cách ta tự khẳng định giá trị của mình, để hả thù hận và ghen tị mà không hề lưu ý tới cái hại ta có thể gây ra. Ta thường hay quên rằng nói xấu rất có thể có tội lớn; nó là một xúc phạm nặng nề chống lại Thiên Chúa nếu nó xâm hại nghiêm trọng tới danh thơm tiếng tốt của người khác và gây thiệt hại đến không thể cứu chữa. Bởi thế, lời Chúa thẳng thắn quả quyết rằng miệng lưỡi “là cả một thế giới của sự ác... làm cho toàn thân ra ô uế” (Gcb 3:6); nó là “một sự dữ không bao giờ ở yên, đầy những nọc độc giết người” (Gcb 3:8). Trong khi cái lưỡi có thể bị dùng để “nguyền rủa những ai đã được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa” (Gcb 3:9), thì lòng yêu thương trân quí danh thơm tiếng tốt của người khác, kể cả của kẻ thù. Khi tìm cách tuân thủ luật Thiên Chúa, ta đừng bao giờ quên đòi hỏi chuyên biệt này của lòng yêu thương.

113. Các cặp vợ chồng được lòng yêu thương kết hợp phải nói tốt cho nhau; họ phải cố gắng trình bầy phía tốt của người phối ngẫu, chứ không phải điểm yếu và lỗi lầm của họ. Dù gì, họ cũng phải giữ im lặng hơn là nói xấu người phối ngẫu. Đây không phải chỉ là cách hành động trước mặt người khác; nó phát sinh từ một thái độ nội tâm. Không hề ngây thơ cho rằng mình không trông thấy các vấn đề và điểm yếu của người kia, ta chỉ nhìn các điểm yếu và lỗi lầm này trong một bối cảnh rộng lớn hơn mà thôi. Ta thừa nhận rằng các lỗi lầm này là một phần của bức tranh lớn hơn. Ta cũng phải hiểu ra rằng tất cả chúng ta đều là một sự pha trộn phức tạp của ánh sáng và bóng tối. Người khác kia không phải chỉ là tổng số những điều nhỏ mọn làm tôi khó chịu. Lòng yêu thương không cần phải hoàn hảo mới được ta đánh giá. Người khác yêu thương ta tốt nhất bao nhiêu có thể, với mọi giới hạn của họ, nhưng sự thật vẫn là: lòng yêu hương bất toàn không hề có nghĩa nó không chân thật hay không có thật. Nó có thật, dù giới hạn và có tính phàm trần. Nếu tôi mong đợi quá nhiều, người khác kia sẽ cho tôi biết, vì chàng hay nàng không thể đóng vai Thiên Chúa hay phục vụ được hết mọi nhu cầu của tôi. Lòng yêu thương đồng hiện hữu với sự bất toàn. Nó “tha thứ mọi sự” và có thể giữ được thanh thản trước các giới hạn của người tôi yêu thương.

Lòng yêu thương tin tưởng mọi sự

114. Panta pisteúei. Lòng yêu thương tin tưởng mọi sự. Ở đây “tin” không theo sát nghĩa thần học của nó, nhưng đúng hơn theo nghĩa điều ta vốn gọi là “tin tưởng” (trust). Điều này vượt quá việc chỉ đơn giản giả thiết người kia không nói dối hay lừa đảo. Niềm tin tưởng căn bản này nhìn nhận ánh sáng Thiên Chúa chiếu rọi quá bên kia sự tối tăm, giống than hồng âm ỉ dưới đám tro tàn.

115. Niềm tin tưởng này giúp mối liên hệ được tự do. Điều này có nghĩa: ta không cần kiểm soát người kia, theo dõi từng bước đi của họ kẻo họ thoát khỏi tay ta. Lòng yêu thương tin tưởng, nó giải thoát, nó không cố gắng kiểm soát, chiếm hữu và khống chế mọi sự. Sự tự do này, một sự tự do vốn cổ vũ độc lập, cổ vũ việc cởi mở đối với thế giới chung quanh và đối với các trải nghiệm mới mẻ, chỉ có thể phong phú hóa và mở rộng mối liên hệ. Lúc đó, vợ chồng sẽ chia sẻ với nhau niềm vui của mọi điều họ đã nhận được và học được ở ngoài vòng gia đình. Đồng thời, sự tự do này thuận lợi hóa lòng thành thực và sự trong sáng, vì những người biết rằng họ được tin tưởng và đánh giá cao đều có tinh thần cởi mở, không giấu giếm bất cứ điều gì. Những ai biết rằng người phối ngẫu của họ luôn ngờ vực, ưa phán đoán và thiếu một tình yêu vô điều kiện, sẽ có xu hướng giữ kín mọi chuyện, che giấu các sai phạm và yếu đuối của họ, và giả đò là một ai đó chứ không phải con người thực của họ. Đàng khác, một gia đình có đặc điểm tin tưởng yêu thương nhau, thì bất cứ xẩy ra việc gì, họ cũng đều giúp các thành viên là chính họ và tự nhiên sẽ từ khước lừa đảo, gian trá và nói dối.

Lòng yêu thương hy vọng mọi sự

116. Panta elpízei. Lòng yêu thương không thất vọng với tương lai. Tiếp theo những điều vừa nói, kiểu nói này đề cập tới lòng hy vọng của một người biết rằng người khác có thể thay đổi, trưởng thành hơn và toả một vẻ đẹp bất ngờ và một tiềm năng chưa hề được nói tới. Điều này không có nghĩa: mọi sự sẽ thay đổi ở đời này. Nó bao hàm việc hiểu ra rằng dù sự vật không luôn trở thành như ta mong ước, Thiên Chúa vẫn có thể biến những con đường khúc khuỷu thành thẳng băng và từ những điều xấu ta chịu ở trong đời, Người vẫn có thể rút ra điều tốt.

117. Ở đây, hy vọng sẽ tiến tới chỗ trọn vẹn nhất, vì nó bao hàm sự chắc chắn sẽ có sự sống sau khi chết. Mỗi người, bất chấp mọi sai phạm của họ, đều được kêu gọi bước vào sự viên mãn của sự sống trên thiên đàng. Ở đấy, vì hoàn toàn được sự phục sinh của Chúa Kitô biến đổi, mọi yếu đuối, tối tăm và nhược điểm đều sẽ mất dạng. Ở đấy, hữu thể thực sự của người ta sẽ sáng lên trong mọi vẻ tốt lành và đẹp đẽ của họ. Giữa các gia trọng (aggravations) của đời hiện tại, việc hiểu ra này sẽ giúp ta nhìn mỗi người từ một viễn ảnh siêu nhiên, trong ánh sáng hy vọng, và mong chờ sự viên mãn họ sẽ nhận được trên nước trời, cho dù vẫn chưa hiển hiện.

Lòng yêu thương chịu đựng mọi sự

118. Panta hypoménei. Điều này có nghĩa: lòng yêu thương chịu đựng mọi gian nan thử thách bằng một thái độ tích cực. Nó đứng vững trong các môi trường thù nghịch. Sự “chịu đựng” này bao hàm không những khả năng chấp nhận một số gia trọng, mà còn chấp nhận một điều lớn hơn thế: luôn sẵn sàng đương đầu với bất cứ thách đố nào. Đây là một lòng yêu thương không bao giờ bỏ cuộc, dù trong những giờ phút đen tối nhất. Nó chứng tỏ một anh hùng tính ngoan cường, một sức mạnh đề kháng bất cứ trào lưu tiêu cực nào, một dấn thân không thể nào dẹp bỏ đối với sự thiện. Ở đây, tôi nghĩ tới lời lẽ của [Mục Sư] Martin Luther King, người từng đương đầu với đủ thứ thử thách và sầu não bằng một lòng yêu thương huynh đệ: “Người ghét bạn nhất vẫn có điều tốt ở trong họ; ngay quốc gia ghét bạn nhất cũng có điều tốt trong nó; ngay chủng tộc ghét bạn nhất cũng có điều tốt nào đó trong nó. Và khi bạn tiến tới chỗ có thể nhìn thẳng vào mặt mọi người và thấy trong thẳm sâu lòng họ điều được tôn giáo gọi là ‘hình ảnh Thiên Chúa’, bạn sẽ bắt đầu yêu thương họ bất chấp [mọi sự]. Bất kể họ làm gì, bạn đều thấy hình ảnh của Thiên Chúa ở đấy. Đó là một yếu tố của sự thiện mà họ không bao giờ họ có thể tháo bỏ... Một cách nữa để bạn yêu kẻ thù của bạn là: khi có cơ hội để bạn đánh bại kẻ thù của bạn, thì đó là lúc bạn đừng nên làm việc đó... Khi bạn đã vươn tới bình diện yêu thương, tới vẻ đẹp và sức mạnh lớn lao của nó, bạn sẽ chỉ tìm cách đánh bại các hệ thống xấu xa. Các cá nhân nào chẳng may bị liên lụy trong hệ thống ấy, bạn hãy yêu thương họ, nhưng bạn phải tìm cách đánh bại hệ thống... Hận thù vì hận thù chỉ gia tăng sự hiện hữu của hận thù và sự ác trong vũ trụ. Nếu tôi đánh bạn và bạn đánh tôi, thì tôi sẽ đánh lại bạn và bạn sẽ đánh lại tôi, cứ thế, bạn thấy đó, nó sẽ kéo dài vô tận. Nó sẽ không bao giờ chấm dứt. Ở một nơi nào đó, một ai đó hẳn phải có một chút cảm thức, và người đó hẳn là người mạnh mẽ. Người mạnh mẽ là người có thể cắt đứt dây chuyền hận thù, dây chuyền sự ác... Một ai đó phải có tôn giáo đủ và luân lý đủ để cắt đứt nó và bơm vào mọi cơ cấu của vũ trụ cái yếu tố mạnh mẽ ấy của lòng yêu thương” (114).

119. Trong đời sống gia đình, ta cần vun sới sức mạnh yêu thương ấy, một sức mạnh có thể giúp ta đấu tranh với mọi sự ác đang đe dọa nó. Lòng yêu thương không nhường bước cho hận thù, cho khinh miệt người khác hay ước muốn gây thương tích hoặc chiếm ưu thế. Lý tưởng Kitô Giáo, đặc biệt trong gia đình, là một tình yêu không bao giờ bỏ cuộc. Đôi khi tôi rất cảm phục khi thấy những người đàn ông đàn bà dù đã ly thân với người phối ngẫu để tránh bạo lực thể lý, ấy thế nhưng, vì lòng yêu thương vợ chồng biết vượt quá phạm vi xúc cảm, nên vẫn cố gắng giúp đỡ người phối ngẫu, dù đôi khi gián tiếp qua người khác, trong lúc họ bị bệnh tật, đau khổ hay thử thách. Ở đây, ta cũng thấy một tình yêu không bao giờ bỏ cuộc.

Kỳ sau: Lớn lên trong tình yêu vợ chồng

______________________________________________________________________________________________________

(113) Đức Gioan Phaolô II, Tông Huấn Familiaris Consortio (22 tháng 11, 1981), 21: AAS 74 (1982), 106.

(114) Mục Sư Martin Luther King Jr., Bài Giảng đọc tại Nhà Thờ Baptist Đường Dexter, Montgomery, Alabama, 17 tháng 11, 1957
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Mưa Đậu Trên Hoa
Richard Drysdale
18:08 18/04/2016
MƯA ĐẬU TRÊN HOA
Ảnh của Richard Drysdale
Mưa rơi đậu cánh hoa ngà
Long lanh óng ánh kiêu sa dịu dàng.
(bt)