Ngày 17-04-2015
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Thánh Cha có thể sang thăm Cuba vào tháng 9
Đặng Tự Do
05:42 17/04/2015
Trong cuộc họp báo hôm thứ Sáu 17 tháng Tư, Cha Federico Lombardi, giám đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh cho biết có thể Đức Thánh Cha sẽ ghé thăm Cuba trong chuyến viếng thăm Hoa Kỳ vào cuối tháng 9.

Đức Thánh Cha sẽ thăm Hoa Kỳ nhân dịp Đại hội các Gia đình Công Giáo thế giới lần thứ 8, diễn ra tại thành phố Philadelphia, bang Pennsylvania từ ngày 22 đến 25 tháng 9.

Trong thời gian này, Đức Thánh Cha cũng sẽ đến nói chuyện tại trụ sở quốc hội Hoa Kỳ và trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York.

Cha Lombardi cho biết đang có những bàn bạc với chính quyền Cuba. Do đó, liệu cuối cùng Đức Thánh Cha có thăm Cuba hay không vẫn chưa thể có câu trả lời dứt khoát và vẫn chưa có chương trình cụ thể.

Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II là vị Giáo Hoàng đầu tiên trong lịch sử viếng thăm Cuba từ 21 đến 25 tháng Giêng năm 1998.

Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 đã thăm hai thành phố Santiago de Cuba và thủ đô Havana của Cuba từ 26 tới 29/3/2012. Sau chuyến viếng thăm của ngài, ngày thứ Sáu Tuần Thánh đã được coi là ngày nghỉ lễ quốc gia tại Cuba.
 
Chuyến tông du của Đức Thánh Cha tại 3 nước Nam Mỹ vào tháng 7
Đặng Tự Do
05:55 17/04/2015
Một thông cáo do Văn phòng báo chí Tòa Thánh công bố hôm thứ Năm 16 tháng Tư cho biết Đức Thánh Cha sẽ thực hiện một chuyến tông du đến ba nước Mỹ châu Latin vào đầu tháng Bảy theo sau những lời mời của các nguyên thủ quốc gia và các Giám mục Công Giáo tại những nước này.

Đức Thánh Cha sẽ thăm Ecuador từ mùng 6 đến mùng 8 tháng 7, sau đó là Bolivia và Paraguay từ mùng 8 đến mùng 10 và từ mùng 10 đến 12 tháng 7.

Chi tiết đầy đủ của chương trình tông du sẽ được công bố sau.

Ecuador có 15.7 triệu dân trong đó 74% là người Công Giáo. Trong tổng số 10.7 triệu dân tại Bolivia, số người Công Giáo chiếm 76.8%. Paraguay có tỷ lệ người Công Giáo cao nhất là 89.6% nhưng là nước có ít dân nhất trong ba nước. Theo thống kê vào tháng 7 năm 2014, Paraguay có 6.7 triệu dân.
 
Đức Thánh Cha tiếp các thành viên qũy Đồng Tiền Thánh Phêrô
Đặng Tự Do
06:08 17/04/2015
Sáng thứ Sáu 17 tháng Tư, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tiếp các thành viên của qũy Đồng Tiền Thánh Phêrô. Các vị đang ở Rôma trong chuyến hành hương hàng năm của mình.

Qũy Đồng Tiền Thánh Phêrô được thành lập tại Hoa Kỳ vào năm 1988 để quyên góp một khoản tiền hỗ trợ cho sứ mệnh của Đức Thánh Cha. Quỹ này đã phát triển mạnh tại Hoa Kỳ và hàng năm đã thu được hơn 220 triệu Mỹ Kim, trong đó 111 triệu Mỹ Kim được dùng để tài trợ và cấp học bổng cho các công tác giáo dục.

Trong diễn từ Đức Thánh Cha nói: "Sự đa dạng của các dự án được hỗ trợ bởi qũy Đồng Tiền Thánh Phêrô minh chứng cho những nỗ lực không ngừng của Giáo Hội để thúc đẩy sự phát triển toàn diện của gia đình nhân loại, khi Giáo Hoàng ý thức được nhu cầu to lớn và liên tục của rất nhiều anh chị em, chúng ta”

Ngài ca ngợi quỹ đã cung cấp các "phần trăm đáng kể" của các nguồn tài nguyên cho việc giáo dục và đào tạo các linh mục trẻ, nam và nữ tu sĩ ở những nơi mà các Giáo Hội địa phương đang cần được giúp đỡ.

Đức Thánh Cha cho biết hỗ trợ này sẽ giúp đẩy nhanh ngày mà các Giáo Hội này có thể tự túc và chuyển những thành quả quảng đại này cho những người khác.
 
Tại Constantinople cũng sẽ có lễ tưởng niệm các nạn nhân cuộc diệt chủng tại Armenia
Nguyễn Việt Nam
06:56 17/04/2015
Trong bản tin đánh đi hôm thứ Sáu 17 tháng Tư, thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc cho biết ngay tại thành phố Constantinople của Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 23 tháng Tư tới đây một nghi lễ tưởng niệm 100 năm vụ diệt chủng người Armenia của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ được tổ chức.

Để tránh khiêu khích nhà cầm quyền Thổ Nhĩ Kỳ nơi mà chính sách đàn áp tôn giáo rất dã man, thông tấn xã Fides nói rõ là Đức Aram Ateshian là Thượng Phụ của Giáo Hội Armenia Tông Truyền sẽ cử hành Phụng Vụ Thánh để cầu nguyện cho những người đã chết trong những vụ thảm sát vào năm 1915 nhưng tránh không dùng từ “diệt chủng”.

Tại Yerevan thủ đô của Armenia, Đức Tổng Thượng Phụ Karekin II, sẽ phong thánh cho tất cả các nạn nhân vụ diệt chủng này vào cùng ngày 23 tháng Tư. Chuông trong tất cả các nhà thờ của người Armenia trên thế giới sẽ được rung 100 lần - trừ ra tại Thổ Nhĩ Kỳ, nơi hành động này có thể dẫn đến những hậu quả khó lường

Đức Thượng Phụ Tawadros II, người đứng đầu Giáo Hội Chính Thống Coptic, sẽ đến Yerevan để tham dự lễ tưởng niệm các nạn nhân diệt chủng như một cử chỉ hiệp thông với Giáo Hội Armenia Tông Truyền.
 
GM Jean-Clément Jeanbart: Lịch sử vụ thảm sát người Armenia 100 năm trước đang lặp lại tại Aleppo
Nguyễn Việt Nam
10:59 17/04/2015
“Trước sự thờ ơ của thế giới, trong những ngày này, khi chúng ta tưởng niệm 100 năm vụ thảm sát người Armenia, lịch sử đang lặp lại tại Aleppo”, Đức Cha Jean-Clément Jeanbart là Giám Mục Công Giáo nghi lễ Melkite tại Aleppo đã nói như trên với tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ hôm 16 tháng Tư.

Aleppo, thành phố lớn thứ hai của Syria đã là chiến trường đẫm máu giữa quân chính phủ Syria và các thành phần thánh chiến Hồi Giáo. Từ một tháng qua, tình hình đã trở nên nguy hiểm hơn với sự gia tăng quân số của quân khủng bố Hồi Giáo IS.

Một thế kỷ trước, trong thời gian Thổ Nhĩ Kỳ tàn sát người Armenia, nhiều người đã chạy về Alleppo lập nghiệp ở đây, xem đây là vùng đất an toàn.

Sơ Annie cho biết về tình hình cụ thể trong thành phố:

“Người dân có cảm tưởng bị bỏ rơi. Chúng tôi còn 8 cộng đoàn các nữ tu tiếp tục ở lại giúp đỡ dân chúng. Trước cuộc chiến, thành phố này có 70,000 Kitô hữu, nhưng chỉ trong một tuần qua đã có 10,000 người bỏ chạy”.

Dân chúng đã bắt đầu bỏ chạy với số lượng lớn khỏi Aleppo từ sau vụ pháo kích diễn ra tối thứ Bẩy Tuần Thánh làm 14 Kitô hữu thiệt mạng.

Cha Ziad Hilal, một linh mục dòng Tên coi sóc một cộng đoàn ở thành phố Homs đang tiếp đón người dân Aleppo lánh nạn cho biết.

Cha nói: “Hàng trăm gia đình, đặc biệt là các gia đình Kitô giáo, đã bỏ trốn chạy về các khu vực ven biển và các thung lũng của người Kitô, bao gồm Homs. Họ đã mất tất cả của cải của họ và có nhu cầu về tất cả mọi thứ: nhà ở, chăn, nệm, và quần áo. Có cả một số người bệnh nặng sống phụ thuộc vào thuốc”

 
Đức Thánh Cha tiếp kiến và cám ơn Quỹ Giáo Hoàng
Lm. Trần Đức Anh OP
10:57 17/04/2015
VATICAN. Sáng ngày 17-4-2015, ĐTC Phanxicô đã tiếp kiến và cám ơn các thành viên Ngân Quỹ Giáo Hoàng (Papal Foundation) ở Mỹ về Roma hành hương thường niên và trao cho ĐTC ngân khoản của Quỹ này để trợ giúp các hoạt động từ thiện và tông đồ.

Phái đoàn do ĐHY Donald Wuerl, TGM giáo phận thủ đô Washington, hướng dẫn. Ngài cũng là chủ tịch Hội đồng quản trị của Quỹ Giáo Hoàng. Cùng đi với ngài có 225 người gồm ban quản trị, các thành viên và cộng tác viên.

Lên tiếng trong dịp này, ĐTC nhận định rằng ”Các dự án thuộc nhiều loại khác nhau được Ngân Quỹ Giáo Hoàng tài trợ chứng tỏ những cố gắng không ngừng của Giáo Hội thăng tiến sự phát triển toàn diện của gia đình nhân loại, ý thức về những nhu cầu rất lớn và thường nhật của nhiều anh chị em chúng ta. Quỹ Giáo Hoàng cũng dành một phần lớn tài nguyên của mình cho việc giáo dục và huấn luyện các LM trẻ, tu sĩ nam nữ và giáo dân, giúp đỡ để sớm đến ngày các Giáo Hội địa phương của họ có thể tự lập và trong truyền những thành quả của lòng quảng đại ấy cho tha nhân”.

ĐTC cũng nhắc đến Năm Thánh đặc biệt sắp bắt đầu về lòng thương xót của Chúa và cầu mong mỗi thành viên Quỹ Giáo Hoàng được Chúa củng cố tình thương của Chúa nơi bản thân, cảm nghiệm sự chữa lành và tự do đến từ cuộc gặp gỡ với sự tha thứ và tình yêu nhưng không được cống hiến trong bí tích Hòa giải và Thánh Thể.

Ngân Quỹ Giáo Hoàng do Đức cố Hồng Y John Kroll TGM giáo phận Philadelphia thành lập cách đây 25 năm và có trụ sở tại thành phố này. Hàng năm tổ chức này vẫn cấp học bổng cho nhiều linh mục, tu sĩ và nữ tu, trong đó cũng có một số người Việt Nam. Tổng cộng quĩ này đã tài trợ 111 triệu mỹ kim cho việc xây cất nhà thờ, chủng viện, trường học, nhà thương hoặc các dự án săn sóc người nghèo trên thế giới.

Theo phúc trình, trong năm 2014, Quỹ Giáo Hoàng cấp học bổng cho 84 LM, tu sĩ nam nữ, trong số này có một số LM, tu sĩ người Việt học tại các Đại học và Học viện Giáo Hoàng ở Roma (SD 17-4-2015)
 
Đức Hồng Y Francis George, ‘Ratzinger của Hoa Kỳ’ đã qua đời
Đặng Tự Do
16:03 17/04/2015
Trong một thời đại thuộc các triều Giáo hoàng Gioan Phaolô II và Bênêđíctô thứ 16, khi Giáo Hội đang cố gắng bơi ngược dòng triều thế tục trong thế giới phương Tây, Đức Hồng Y Francis George của Chicago đã được sự tín nhiệm của hai vị Giáo Hoàng gần như hơn tất cả các vị giám mục Hoa Kỳ khác, như một mũi lao chống lại dòng triều ấy tại Hoa Kỳ.

Theo thông cáo của Đức Tổng Giám Mục Blase Cupich, Đức Hồng Y Francis George, nghỉ hưu từ tháng 11 năm 2014, đã qua đời lúc 10:45 sáng ngày thứ Sáu 17 tháng Tư tại nơi cư trú của ngài ở Chicago vì một chứng ung thư có nguồn gốc ở bàng quang nhưng đã lan rộng đến các bộ phận khác của cơ thể, khiến việc điều trị không hiệu quả. Ngài qua đời ở tuổi 78 trong sự thương tiếc của người Công Giáo tại Hoa Kỳ và trên thế giới.

Ngài đã được chăm sóc tại gia kể từ ngày 03 tháng 4 sau khi được nhập viện vì thiếu nước và thuốc giảm đau không còn hiệu quả.

Đức Hồng Y Francis George được nhiều người công nhận là vị giáo sĩ cao cấp có một khả năng trí tuệ ngoại thường trong thế hệ của ngài đến mức Đức Hồng Y George đã từng được mệnh danh là “American Ratzinger” – “Ratzinger của Hoa Kỳ”.

Giống như Đức Hồng Y Joseph Ratzinger, người đã trở thành Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16, Đức Hồng Y George có một quan điểm rõ ràng và mạnh mẽ về các vấn đề: như phá thai, tránh thai, và phụng vụ Công Giáo. Cũng giống như trường hợp Đức Hồng Y Joseph Ratzinger, người ta có những phản ứng nhanh chóng trước những phát biểu của ngài, khen cũng có, chống cũng có, nhưng không thể lờ đi trước những quan điểm của ngài.

Đức Hồng Y George có một mối say mê trong việc cổ vũ những mối quan hệ giữa đức tin và văn hóa, và đặc biệt là sự khẩn cấp “Tân Phúc âm hóa”.

Sau khi được bổ nhiệm làm Tổng Giám Mục Chicago vào năm 1997, và đặc biệt là trong thời hạn ba năm ngài làm Chủ tịch của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ từ năm 2007 đến năm 2010, Đức Hồng Y George là hiện thân đường lối của Vatican tại Hoa Kỳ và là một trong những giám mục Mỹ có uy tín và ảnh hưởng trên toàn thế giới Công Giáo.

Đức Hồng Y George sẽ đặc biệt được nhớ đến như là kiến trúc sư của cuộc chiến giữa các Giám Mục Hoa Kỳ với chính quyền Obama trong việc ngừa thai và cải cách việc chăm sóc sức khỏe, và là nhà lãnh đạo đã đưa tự do tôn giáo trên thế giới thành một mối quan tâm hàng đầu với các giám mục Mỹ.

Đức Hồng Y Francis George sinh ngày 16 tháng Giêng năm 1937, được thụ phong linh mục dòng Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội ngày 21 tháng 12 năm 1963. Ngày 10 tháng 7 năm 1990, ngài được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II bổ nhiệm Giám Mục Yakima, Washington. Ngày 30 tháng Tư năm 1996, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã bổ nhiệm ngài là Tổng Giám Mục Portland Oregon và một năm sau vào ngày 7 tháng Tư năm 1997, ngài được bổ nhiệm Tổng Giám Mục Chicago. 10 tháng sau đó, ngài được Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tấn phong Hồng Y ngày 21 tháng Hai năm 1998. Ngày 20 tháng 9 năm ngoái, ngài đã về hưu vì sức khoẻ.
 
Bài giảng tại Santa Marta: Chậm bất bình để tìm ra cách thế đẹp lòng Chúa
Đặng Tự Do
15:52 17/04/2015
Chậm bất bình để có thời gian khám phá chính bản thân mình và tìm ra những tình cảm và thái độ làm đẹp lòng Thiên Chúa, hướng đến yêu thương và đối thoại là lời khuyên Đức Thánh Cha Phanxicô đưa ra trong thánh lễ sáng Thứ Sáu 17 tháng Tư tại nhà nguyện Santa Marta.

Chúng ta có thể phản ứng trước những tình huống khó khăn theo những phương thế làm đẹp lòng Thiên Chúa hay không? Đức Giáo Hoàng khẳng định là có, và tất cả là vấn đề thời gian. Thời gian để cho mình bị tràn ngập bởi những tâm tình của Chúa Giêsu. Đức Thánh Cha đã giải thích điều này khi phân tích các tình tiết trong trong bài đọc từ sách Công Vụ Tông Đồ. Các Tông đồ đã bị gọi ra trước Hội Đồng Công Tọa Do Thái, bị cáo buộc và vu khống nhiều điều vì các ngài đã rao giảng Tin Mừng, trình bày những điều mới mẻ về Thiên Chúa mà các thầy thông luật không muốn nghe.

Tuy nhiên, một trong những người Pharisêu, là ông Gamaliel đã có một thái độ cởi mở hơn. Ông đưa ra đề nghị là các Tông Đồ nên được phép tiếp tục rao giảng. Ông lý luận rằng nếu các giáo huấn của các Tông đồ “có nguồn gốc từ loài người, chúng sẽ tự hủy diệt”. Điều đó sẽ không xảy ra nếu các giáo huấn ấy đến từ Thiên Chúa . Hội Đồng Công Tọa chấp nhận đề nghị này.

Đức Giáo Hoàng nhận xét rằng điều đó nghĩa là họ đã chọn để có thời gian. Họ không phản ứng theo những tình cảm hận thù bản năng. Và điều này là “phương dược” đúng đắn cho mỗi con người.

Hãy dành thời gian cho thời gian. Điều này rất hữu ích cho chúng ta một khi chúng ta có những suy nghĩ xấu xa về người khác, những tình cảm ác độc, khi chúng ta có cảm giác đố kỵ, hận thù. Chậm bất bình, chậm hành động sẽ giúp không cho những tình cảm và ý nghĩ xấu xa phát triển, và ngăn chặn chúng. Thời gian đặt mọi thứ trong sự hòa hợp, và làm cho chúng ta thấy mọi điều trong ánh sáng đúng đắn. Nhưng nếu anh chị em phản ứng ngay trong một lúc nóng giận, chắc chắn anh chị em sẽ không chính đáng. Anh chị em sẽ không công bằng. Và anh chị em sẽ làm tổn thương chính mình. Cần phải dành ra thời gian, thời gian trong khoảnh khắc của cơn cám dỗ.

Đức Thánh Cha nhận xét rằng khi chúng ta nuôi giận trong lòng điều không thể tránh khỏi là sự bùng phát của giận dữ. “Nó sẽ nổ ra dưới hình thức những lời lăng mạ, và cả chiến tranh” Nhưng, Đức Thánh Cha cảnh giác rằng “Với những suy nghĩ gian ác chống lại những người khác, chúng ta đang chiến đấu chống lại Thiên Chúa;” vì Thiên Chúa mong muốn chúng ta “yêu người khác, yêu hòa hợp, yêu lòng mến, yêu đối thoại, đồng hành cùng nhau.”

Đức Giáo Hoàng thừa nhận: “Nó thậm chí cũng xảy ra với tôi”. Khi chúng ta đối diện với một cái gì đó không được hài lòng, cảm giác đầu tiên không phải đến từ Thiên Chúa, luôn luôn đó là một điều xấu xa. Nhưng, chúng ta cần phải cho chúng ta thời gian và chúng ta phải tạo ra “không gian cho Chúa Thánh Thần” để “chúng ta có thể cư xử chính đáng, và chúng ta có thể đi đến hòa bình.” Hãy có những tâm tình như các tông đồ, là những người đã bị đánh đòn nhưng rời khỏi Hội Đồng Công Tọa “vui mừng” vì đã chịu “nhục vì danh Chúa Giêsu.”

Niềm tự hào được là người nổi bật hơn hết dẫn anh chị em đến ý muốn giết người khác; nhưng khiêm tốn, thậm chí sỉ nhục, làm anh chị em trở nên giống như Chúa Giêsu. Và đây là một điều chúng ta ít nghĩ đến. Trong thời điểm này khi rất nhiều anh chị em của chúng ta đang chịu tử đạo vì danh Chúa Giêsu, họ đang ở trong trạng thái này, trong thời điểm này họ có niềm vui của việc bị hạ nhục, và thậm chí tử vong, vì danh Chúa Giêsu. Để thoát khỏi niềm tự hào được là người trên hết, chỉ có con đường là mở trái tim ra cho lòng khiêm nhường, một sự khiêm nhường không bao giờ xảy đến mà không đi kèm với sự sỉ nhục. Đây là một điều chúng ta không tự nhiên hiểu được. Đó là một ân sủng mà chúng ta phải cầu xin.

Đó là ân sủng được “bắt chước Đức Kitô”. Điều này không chỉ là ân sủng đối với các vị tử đạo ngày nay là những người đang đưa ra những chứng tá cho sự bắt chước này, nhưng còn cho “nhiều người nam nữ đang chịu nhục mỗi ngày vì lợi ích của gia đình riêng của họ,” và những người “câm nín, không nói được, vì tình yêu của họ với Chúa Giêsu”.

Và niềm vui bị sỉ nhục này là sự thánh thiện của Giáo Hội, không phải vì sự sỉ nhục là đẹp đẽ, không, nhưng vì với sự sỉ nhục đó, anh chị em bắt chước Chúa Giêsu. Hai thái độ tôi muốn đề cập ở đây là hãy đóng tâm hồn mình lại trước những gì mang đến cho anh chị em hận thù, giận dữ, muốn giết những người khác; và thứ hai là mở lòng ra với đường lối của Chúa Giêsu là chấp nhận sự nhục mạ, thậm chí nhục mạ rất nghiêm trọng. Niềm vui nội tâm đó đưa anh chị em trở lại trên con đường đoan chính đã được Chúa Giêsu vạch ra.
 
Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ ghé thăm nước Cộng Sản Cuba nhân dịp tông du Hoa Kỳ?
Trần Mạnh Trác
20:30 17/04/2015

Cha Federico Lombardi cho biết có chút khả năng Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ thăm Cuba nhân dịp tông du Hoa Kỳ vào tháng 9 tới đây. Ngài sẽ là quí khách cuả cả hai quốc gia sau khi đã dàn xếp thành công một sự tan băng giữa hai quốc gia cừu địch.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự tan băng giữa Washington và Havana, được công bố vào tháng 12 vừa qua. Toà Thánh Vatican đã tổ chức nhiều cuộc đàm phán ngoại giao ngầm để giúp hai nước tái lập quan hệ sau gần 50 năm. Và cả hai Tổng thống Barack Obama và Chủ tịch Raul Castro đã lên tiếng cảm tạ sự khuyến khích và sự hướng dẫn cuả ĐGH khi họ công bố tái lập ngoại giao .

Thứ Năm vừa qua The Wall Street Journal là tờ báo đầu tiên đã tung tin khả năng ĐGH sẽ dừng chân tại Cuba.

Trả lời câu hỏi của một phóng viên, phát ngôn viên của Vatican là Cha Federico Lombardi cho biết, "Đức Thánh Cha đã xem xét một lịch trình có thể dừng lại ở Cuba" trên đường đi đến hoặc từ Hoa Kỳ đi về.

"Tuy nhiên, việc liên lạc với nhà chức trách cuả Cuba vẫn còn ở trong giai đoạn quá sớm để có thể coi đây là một quyết định vững chắc ", Cha Lombardi cho biết tiếp.

Nếu cuộc thăm viếng Cuba thành hình thì Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ là vị giáo hoàng thứ ba đến thăm đảo quốc Cộng Sản này. Đức Giáo Hoàng John Paul II đã đến thăm đảo này vào năm 1998, khôi phục việc cử hành công khai các lễ Giáng sinh tại Cuba sau khi cựu Chủ tịch Fidel Castro đã ra lệnh cấm vào năm 1969. Đức Giáo Hoàng Benedict cũng đã đến thăm vào năm 2012, và khôi phục lại việc nghỉ lễ Thứ Sáu Tuần Thánh ở Cuba.

Giáo Hội Công Giáo vẫn từng phản đối lệnh cấm vận của Mỹ đối với Cuba, coi đó là một sự trừng phạt bất công cho người dân của đảo quốc. Mặc dù chính sách mới của TT Obama bao gồm việc mở rộng hợp tác kinh tế, nhưng lệnh cấm vận chỉ có thể được gỡ bỏ bởi Quốc hội, và một số các nhà lập pháp vẫn còn phản đối và cho biết họ sẽ ngăn chặn việc rỡ bỏ cấm vận.

Đức Giáo Hoàng dự kiến ​​sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động quốc tế nhắm vào khu vực Mỹ Châu. Vào tháng Bảy tới đây, tức là chỉ 2 tháng trước khi đến Hoa Kỳ, Ngài đã bất ngờ tuyên bố sẽ thực hiện một chuyến đi đến 3 nước Nam Mỹ, là Ecuador, Bolivia và Paraguay.


Ngoài ra Đức Thánh Cha cũng nói rằng Ngài đã xem xét việc đi đến Mỹ qua biên giới phía Nam (tức là qua ngã Mexico), nhưng cuối cùng quyết định không thể đi đến Mexico mà không ghé thăm Vương Cung Thánh Đường Đức Mẹ Guadalupe ở Mexico City. Vương cung Thánh đường là nơi lưu trữ một bức hình linh thiêng của Đức Mẹ Maria và là địa điểm hành hương Công Giáo đông nhất trên thế giới. Do đó, Đức Thánh Cha cho biết Ngài không thể dừng lại ở một quốc gia "chỉ trong một chút lát... Mexico đòi hỏi một tuần. "

"Vì vậy, tôi hứa một chuyến đi thật xứng đáng cho Mexico, chứ không phải là một chuyến vội vàng đi qua," Đức Thánh Cha nói. "Bởi vì thế tôi quyết định không đi đến Mexico lần này."

Theo lịch trình hiện tại thì Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ đi đến thành phố New York để đọc thông điệp tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc; Rồi đến Washington, DC để đọc thông điệp tại lưỡng viện Quốc hội; và sau cùng đến Philadelphia tham dự Hội nghị thế giới về gia đình.
 
Quan sát viên thường trực của Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc cảnh báo về cuộc tắm máu có thể xảy ra ở Aleppo
Đặng Tự Do
23:03 17/04/2015
Phát biểu hôm thứ Sáu 17 tháng Tư tại phiên họp thứ hai của Liên Hợp Quốc về sự bách hại các Kitô hữu, Đức Tổng Giám mục Bernard Auza rằng nói các nhà lãnh đạo thế giới nên tiếp cận vấn đề “với cả hai mắt mở rộng.”

“Và khi chúng ta đi sâu vào các chi tiết của cuộc bức hại các Kitô hữu trên toàn cầu, chúng ta sẽ rất khó giữ cho đôi mắt mình đừng nhỏ lệ”.

Tổng giám mục Auza nói tiếp: “Ngay cả khi chúng tôi đang nói với quý vị đây, hàng ngàn người trên khắp thế giới đang bị khủng bố, bị tước đoạt các quyền cơ bản của con người, bị phân biệt đối xử và bị giết chết chỉ đơn giản vì họ là những tín hữu Kitô.”

Đức Tổng Giám Mục đã tóm lược một vài hình thức bạo lực chống lại các Kitô hữu gần đây:

Tại Iraq và Syria, Libya và Nigeria, Kenya và trong khu vực tiểu Á, mặt đất của quả địa cầu này đã nhuốm máu theo nghĩa đen của từ này. Chúng ta đã nhìn thấy những hình ảnh man rợ trong đó các Kitô hữu Coptic bị chặt đầu ở Libya; nhà thờ đầy xác người bị bom nổ hất tung lên trong khi họ đang cử hành phụng vụ ở Iraq, Nigeria và Pakistan; các cộng đồng Kitô giáo cổ xưa bị đuổi ra khỏi nhà cửa của họ trên đồng bằng Nineveh của Kinh Thánh; các sinh viên Kitô Giáo bị bắn chết ở Kenya ...

Khi đề cập đến những âu lo về một cuộc thảm sát có khả năng xảy ra tại Aleppo, thủ phủ của người Kitô hữu Syria, Đức Tổng Giám mục Auza nhắc nhở Liên Hiệp Quốc rằng tình trạng bách hại các Kitô hữu vẫn đang có chiều hướng gia tăng dữ dội tại Trung Đông. Ngài nhắc lại rằng theo báo cáo của chính Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc trong vòng 25 năm qua, khoảng 2 triệu người Kitô hữu đã phải trốn khỏi Iraq; ở các nước lân cận, người dân nông thôn Kitô hữu đang biến mất, ở những khu vực các tín hữu Kitô đã hiện diện từ những thế kỷ đầu tiên của Kitô Giáo.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Tấm hình độc đáo riêng tặng các vị lãnh đạo CS Việt Nam
Lee Le
12:09 17/04/2015
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Các suy tư đóng góp cho Năm Thương Xót (2)
Vũ Van An
01:08 17/04/2015

II. Thương xót và công lý



Thương xót không phải mới đây mới có. Dọc dài lịch sử dân Do Thái, không lúc nào họ không cậy nhờ lòng thương xót của Thiên Chúa. Và từ lúc những con người khốn khổ trên đất Palestine kêu gào lòng thương xót của Ngôi Lời Nhập Thể, không lúc nào trong lịch sử Kitô Giáo lại thiếu tiếng kêu xin thương xót, không phải chỉ trên môi miệng những con người cá thể mà là cả cộng đồng Kitô Hữu thế giới: từ đông sang tây, lúc dâng hy lễ tạ ơn, lúc nào cộng đồng ấy cũng khởi đầu bằng ba lời thống thiết: xin Chúa thương xót chúng con!

Thành thử nói tới thương xót, không một Kitô hữu nào phản đối, bất đồng. Có điều, lòng thương xót, trong bối cảnh hiện nay, mang theo nhiều âm hưởng khiến nhiều người lo ngại, và mỗi lần nói tới nó, họ đều thận trọng nhắc đến công lý, ít nhất cũng bằng số lời họ nói về nó. Thiển nghĩ đó là lập trường của những người như Tiến sĩ Jeff Mirus, trong một loạt ba bài đóng góp cho Năm Thương Xót.

1. Ánh sáng thế gian: Luân lý là sinh tử, nhưng lòng thương xót là đầu tiên

Thực vậy, trong một loạt ba bài gần đây về lòng thương xót, Tiến Sĩ Mirus cố gắng trình bày quan điểm mà ông cho là “quân bình” khi nói tới lòng thương xót. Bài đầu tiên tựa là “Light of the world: Morality vital, but mercy first”.

Tiến Sĩ khởi đầu bằng cách trích lại nhận định của Đức Phanxicô trong cuộc phỏng vấn của Cha Antonio Sparado, S.J., chủ bút tạp chí La Civiltá Cattolica (tháng Chín, 2013):

“Ta không thể chỉ nhấn mạnh tới các vấn đề liên quan tới phá thai, hôn nhân đồng tính và việc sử dụng các phương pháp ngừa thai. Không thể như thế được. Tôi không nói nhiều tới các vấn đề đó, và tôi đã bị người ta chỉ trích là vì vậy. Nhưng khi nói tới các vấn đề này, ta phải nói tới chúng trong ngữ cảnh của chúng. Về việc này, giáo huấn của Giáo Hội rất rõ ràng và tôi là con cái Giáo Hội, nhưng không cần phải nói về các vấn đề ấy mọi lúc”.

Tuy cho rằng các vấn đề trên có bao giờ được đề cập trong các bài giảng đâu mà cho là lúc nào cũng nói tới chúng, Tiến Sĩ Mirus nhận định: ở đây, Đức Phanxicô muốn lưu ý tới một vấn đề sâu sắc hơn đó là làm cách nào Giáo Hội truyền thụ được sứ điệp của Chúa Giêsu cho những người mà cuộc sống chưa được sứ điệp này biến đổi.

Yếu tính của Tin Mừng

Theo Tiến Sĩ Mirus, sứ điệp nền tảng của Tin Mừng là Thiên Chúa yêu thương ta ngay cả khi ta còn sống trong tội lỗi, Chúa Giêsu Kitô chết cho ta trước khi ta ăn năn. Chính đáp trả đầy biết ơn và tín thác của ta vào lòng thương xót này đã giúp ta trở thành các tạo vật mới, bỏ tội lỗi và cái chết lại phía sau. Tin Mừng là đây: không phải ta tự nâng mình ra khỏi các cạm bẫy của ta, nhưng Thiên Chúa đã yêu thương đưa ta vào cõi sống mới. Bởi thế, chỉ cần chấp nhận và lớn lên trong tình yêu này, các vết thương sâu hoắm nhất của ta cũng sẽ được chữa lành và các khát vọng sâu xa nhất của ta sẽ thành toàn. Chúa không mong mỏi chi hơn việc làm ta được lành lặn nhờ lòng thương xót của Người, nhờ Người lôi kéo ta vào tình yêu vô lượng của Người.

Trong Tân Ước, có cả hàng tá, thậm chí hàng trăm, lời diễn tả thực tại trên. Thí dụ, đoạn bất hủ trong thư Thánh Phaolô gửi tín hữu Rôma chẳng hạn:

“Vậy, một khi đã được nên công chính nhờ đức tin, chúng ta được bình an với Thiên Chúa, nhờ Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, nhờ Người, qua đức tin, chúng ta được vào hưởng ơn ấy, như chúng ta đang được hiện nay; chúng ta lại còn tự hào về niềm hy vọng được hưởng vinh quang của Thiên Chúa. Nhưng không phải chỉ có thế; chúng ta còn tự hào khi gặp gian truân, vì biết rằng: ai gặp gian truân thì quen chịu đựng; ai quen chịu đựng, thì được kể là người trung kiên; ai được công nhận là trung kiên, thì có quyền trông cậy. Trông cậy như thế, chúng ta sẽ không phải thất vọng, vì Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta. Quả vậy, khi chúng ta không có sức làm được gì vì còn là hạng người vô đạo, thì theo đúng kỳ hạn, Ðức Kitô đã chết vì chúng ta. Hầu như không ai chết vì người công chính, họa may có ai dám chết vì một người lương thiện chăng. Thế mà Ðức Kitô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi; đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta” (Rm 5:1-8; nên xem cả chương 5).

Chính Chúa nhiều lần nói đi nói lại những điều như “những người khỏe mạnh không cần thầy thuốc, nhưng là những người đau yếu; Tôi đến không để gọi người công chính, mà là kẻ có tội” (Mc 2:17). Và “nếu các ông yêu những kẻ yêu các ông, thì nào có công trạng gì? Vì ngay những kẻ tội lỗi cũng yêu những người yêu chúng” (Lc 6:32). Và “tôi cho các ông hay tội của nàng, dù rất nhiều, vẫn đã được tha, vì nàng yêu nhiều; nhưng ai được tha ít, là vì yêu ít” (Lc 7:47). Khi những người đau khổ tin Người sẽ chữa mình, Người thường nói như thế này: “hãy an tâm, các tội của con đã được tha” (Mt 9:2).

Ta hãy trở lại với Thánh Phaolô. Trong một bài giảng thời danh, ngài tuyên bố "Vậy thưa anh em, xin biết cho điều này: chính nhờ Ðấng ấy mà ơn tha tội được loan báo cho anh em; và tất cả những gì anh em đã không được tha để nên công chính nhờ Luật Môsê, thì nhờ Người, mọi kẻ tin đều được nên công chính” (Cv 13:38-39). Ngài cũng thuật lại cho Vua Agrippa điều chính Chúa nói với ngài lúc ngài trở lại, giữa khi đang phạm tội:

“Nhưng ngươi hãy chỗi dậy, đứng thẳng lên. Ta hiện ra với ngươi là để chọn ngươi làm đầy tớ và làm chứng nhân về những điều ngươi đã thấy, cũng như những điều Ta sẽ hiện ra mà tỏ cho ngươi biết. Ta sẽ cứu ngươi thoát khỏi tay dân Dothái và các dân ngoại: Ta sai ngươi đến với chúng để mở mắt cho chúng, ngõ hầu chúng rời bóng tối mà trở về cùng ánh sáng, thoát khỏi quyền lực Xatan mà trở về cùng Thiên Chúa; ngõ hầu nhờ tin vào Ta, chúng được ơn tha tội và được hưởng phần gia tài cùng với các người đã được thánh hiến" (Cv 26:16-18).

Thánh Phêrô thì viết “Chính Người mang lấy tội lỗi ta trong thân xác Người trên thập giá, để ta chết cho tội lỗi và sống cho sự công chính. Nhờ các vết thương của Người, anh em đã được chữa lành” (1Pr 2:24). Và để kết thúc chủ đề này, Thánh Gioan tuyên xưng “Tình yêu hệ ở việc này: không phải ta yêu Thiên Chúa nhưng Người yêu ta và sai Con của Người tới chuộc tội cho ta” (1Ga 4:10).

Thực Tại của Thống Hối

Nhưng dĩ nhiên ta sẽ bảo: có rất nhiều dịp trong đó Chúa, các tông đồ và các nhà truyền giảng Tin Mừng nói tới việc thống hối ăn năn, tới nhu cầu phải sống thoát tội lỗi, tới lời truyền “hãy đi và đừng phạm tội nữa”. Tác phong luân lý chắc chắn là thành phần rất quan trọng của việc thực thi ý Chúa và nếu ta đã được Chúa Kitô cứu vớt, thì khó lòng ta có thể hành động như thể điều này không quan trọng. Chủ điểm, ở đây, vì thế là phải hiểu thứ tự ưu tiên. Trong truyền thống Kitô Giáo, điều luôn luôn đúng là: lòng thương xót đi trước sự ăn năn. Lời truyền “hãy đi và đừng phạm tội nữa” luôn luôn tới sau lời quả quyết: “cả tôi nữa cũng không lên án chị” (Ga 8:11).

Chúa Giêsu Kitô không bao giờ đòi ta phải xứng đáng thì Người mới tha thứ. Ngược lại, chính qua việc đổ lòng thương xót ra khi ta còn sống trong tội, Người đã đem lại sự biến đổi nội tâm, giúp ta, với ơn thánh của Người, có khả năng thống hối tội lỗi quá khứ và chiến thắng cùng các tội lỗi ấy trong tương lai. Không ai có thể thống hối mà lại không có ơn thánh. Không ai có thể lớn lên trong nhân đức mà không có thêm ơn thánh. Chúng ta không theo phái Pelagian, tức chủ trương tự sức mình, không cần Thiên Chúa. Thân phận ta đáng buồn, sơ sác, đói khát, và luôn mong mỏi điều gì đó có thể trám đầy nỗi trống vắng không tài nào chịu thấu của ta. Chúa Cha thấy điều đó rất rõ, từ chốn thánh thiện cao vút nhìn thấy kẻ tội lỗi từ xa, và vội vàng chạy tới ôm lấy ta trong vòng tay yêu thương của Người.

Chính điều đó đập bể trái tim bằng đá của ta. Cùng với người con trai hoang đàng, mọi mưu tính lợi hại của ta tan biến thành nước mắt. Và nếu đây là những dòng nước mắt buồn sầu, thì đồng thời chúng cũng là những dòng nước mắt hân hoan. Thời khắc này chính là khởi điểm của thần kịch Kitô Giáo. Đây là cách và là cách duy nhất những người trở lại đã được hạ sinh.

Và giờ đây, có người sẽ bảo: đúng, dĩ nhiên điều trên đúng. Nhưng mà. Nhưng mà, còn gì nữa không? Dĩ nhiên là còn. Nhưng nếu quá chú trọng tới chữ “nhưng”, ta liều mình ném yếu tính của Tin Mừng vào bóng tối. Liều mình ta dập tắt ngọn lửa đang bừng cháy... Trong một vài dòng kế tiếp, ta hãy xét xem việc này diễn ra thế nào. Ta hãy hỏi xem, dù với những ý định tốt nhất, ta vẫn thỉnh thoảng làm lu mờ Ánh Sáng Thế Gian ra sao.

2. Chối bỏ tội lỗi là thiếu lòng thương xót

Như đã nói trên đây, ta sẽ xét xem nhiều khi, dù có ý hướng tốt, ta vẫn thường làm lu mờ lòng thương xót của Tin Mừng ra sao. Sự thất bại này thường phát sinh từ tính tự mãn (complacency) của ta, không chịu thừa nhận một mầu nhiệm quan trọng.

Mầu nhiệm đó là lòng thương xót và sự công lý của Thiên Chúa thực sự không phải là hai điều khác nhau. Đó chỉ là hai cách để con người hiểu Thiên Chúa, Đấng hoàn toàn đơn giản và được nhận diện đích thị là tình yêu. Do đó, Thiên Chúa vừa tha thứ vừa trừng phạt do cùng một tình yêu. Sách Cách Ngôn khuyên ta; “Này con, chớ khinh thường khi Ðức Chúa sửa dạy con, đừng chán ngán khi Người khiển trách. Vì Ðức Chúa khiển trách kẻ Người thương, như người cha xử với con yêu quý” (Cn 3:11-12). Ấy thế nhưng thánh vịnh gia khẩn khoản: “Lạy Thiên Chúa, xin lấy lòng nhân hậu xót thương con, mở lượng hải hà xoá tội con đã phạm” (Tv 51:1).

Khi tự mãn, ta trở nên lười lĩnh. Khi lười lĩnh, ta tìm cách đi tắt, xử sự với người khác, và cả với ta, không cần lưu tâm tới việc kết hợp với Thiên Chúa. Như thế, khi tự mãn, ta gần như luôn luôn làm những điều Thiên Chúa không làm. Một là ta kết án người có tội hai là chối bỏ tội lỗi. Ta dám coi việc đầu là thiếu thương xót, việc sau là thiếu công bình. Nhưng thực ra, chúng vừa thiếu thương xót vừa thiếu công bình vì cùng thiếu tình yêu.

Chính vì thế, trong cùng đoạn phỏng vấn ngài của cha Antonio Spadaro, SJ, Đức Phanxicô nói rằng:

“Điều quan trọng hơn cả là lời tuyên xưng đầu hết: Chúa Giêsu Kitô đã cứu vớt cha. Trong khi vị giải tội, chẳng hạn, luôn có nguy cơ một là quá khắt khe hai là quá lỏng lẻo. Cả hai thái độ ấy đều không phải là thương xót vì cả hai đều không thực sự xem xét trách nhiệm của hối nhân. Người khắt khe rửa tay để mặc trách nhiệm cho giới răn. Người lỏng lẻo rửa tay bằng cách đơn giản cho hay: ‘đây không phải là tội’ hay một điều gì tương tự. Trong thừa tác mục vụ , ta phải đồng hành với người ta, và ta phải chữa lành vết thương của họ” (xem phần tựa là Giáo Hội Như Một Bệnh Viện Dã Chiến).

Tại sao bác bỏ tội lỗi lại phản bội lòng thương xót?

Nhiều vấn đề liên quan tới mối liên hệ của ta với Thiên Chúa, nhưng điều có tính ưu tiên vừa hợp thời vừa hợp lý là Thiên Chúa yêu thương chúng ta khi ta còn sống trong tội, và chính tình yêu này đã đốt lên trong ta cả ước muốn lẫn khả năng yêu Người trở lại. Ta sẽ thấy một hạnh phúc càng ngày càng lớn hơn với đà chín mùi của mối liên hệ này. Đây là một diễn trình kết hợp giúp ta nên “trọn hảo như Cha trên trời là Đấng Trọn Hảo” (Mt 5:48).

Điều này thấy rõ ngay trên bình diện tự nhiên. Ta được dựng nên như những hữu thể qui hướng về việc hợp nhất với Thiên Chúa. Đó là lý do tại sao ta cảm thấy trống vắng và bất mãn, dường như có điều gì đó mất đi, cho tới lúc ta hiểu ra rằng Người yêu thương ta xiết bao và ta bắt đầu đáp trả tình yêu này. Như Thánh Augustinô từng viết một cách tuyệt diệu rằng “Lạy Chúa, trái tim chúng con thao thức không yên cho tới khi chúng an nghỉ trong Chúa”.

Các câu truyện về việc trở lại thường thuật lại việc người trở lại ý thức được lòng thương xót của Thiên Chúa, một ý thức có tính quyết định, bất kể là từ từ hay tức khắc. Người trở lại thường bắt đầu với một cuộc sống không thỏa mãn, trĩu nặng buồn sầu, giận dữ, trống vắng, thiếu thốn, thất vọng hay vô dụng, nhưng rồi cuộc sống này đột nhiên thấy Nước Thiên Chúa mở cửa đón chào. Điều này cho thấy người Cha thương yêu của ta sẽ ban cho ta điều ta cần để ta biến đời mình thành một cuộc kết hợp với Người. Hiệu quả thứ nhất của việc ta nhận ra lòng thương xót của Thiên Chúa là lòng hy vọng.

Trên bình diện tự nhiên, nghĩa là trước khi có Mạc Khải và việc ta hiểu biết ơn thánh, ta đã coi tác phong của ta như là một thành phần cấu tạo ra nan đề cuộc sống. Một cách đặc trưng, ta tìm kiếm đủ loại khoái lạc, và càng hưởng khoái lạc, ta càng cảm thấy mình kém toàn vẹn hơn. Ta cảm thấy ta tan tác, dù chưa hiểu rằng sự toàn vẹn của con người tùy thuộc việc họ sắp xếp mọi tình yêu của họ theo tương quan với tình yêu Thiên Chúa.

Tuy nhiên, mọi người đều phần nào biết đúng và sai, tốt và xấu và cái biết này phát sinh từ chính bản nhiên họ, điều ta có thể gọi là luật tự nhiên. Ta cảm thấy mình như sống dưới một sự phán xét nào đó; điều này hàm nghĩa có sự hiện hữu của một quan tòa và một nhà lập pháp. Dù việc này có bị gột rửa khỏi tim óc ta bằng tẩy não triệt để của nhà nước toàn trị hay bằng việc ta bác bỏ vì kiêu căng hay đam mê, mọi con người lành mạnh đều đã cảm nghiệm nó. Mọi con người lành mạnh cũng tiếp tục cảm nghiệm nó trong cái ta gọi là tiếng lương tâm, dù lương tâm này có bị đào tạo méo mó ra sao.

Một cách diễn tả khác về điều trên là: bác bỏ ơn gọi nên hoàn thiện như Thiên Chúa là bác bỏ chính bản nhiên ta. Đây là lý do tại sao những người bác bỏ thực tại của tội, bằng cách làm suy giảm hay chối bỏ các giới răn của Thiên Chúa, không thể cho mình có lòng thương xót được. Đúng hơn, họ cung hiến một lối thoát rẻ tiền bằng cách biện giải (rationalization). Điều này tạm thời làm trí khôn thoả mãn trong khi sự kiêu căng và các đam mê của ta tiếp tục làm ta sao lãng các khát vọng sâu xa nhất của mình. Ta tan tác thêm nhân danh chính tôn giáo!

Lý do rất đơn giản: thương xót mà không mời gọi người được thương xót bước vào tình bạn chân chính với Thiên Chúa vô cùng thánh thiện là đồ giả mạo. Không được thừa nhận, đồ giả mạo này chỉ là một con đường sai lạc khác làm ta đui mù trước quyền lực biến đổi của tình yêu Thiên Chúa. Còn nếu đã cảm nghiệm đủ quyền lực này rồi, ta sẽ hiểu ra rằng ta bị nhục mạ bởi những người chuyên giảm thiểu tối đa sự tội, sự ăn năn và thập giá. Ta đã được tặng viên đá chứ không phải tấm bánh, một thứ trò cười nhột nhạt đối với khát vọng của trái tim ta.

Cái sai của lỏng lẻo

Các Kitô hữu dễ sa vào lỗi lầm trên khi đối xử với người khác dù là với thiện ý, chỉ vì hiểu sai ý niệm nhân hậu. Tuy nhiên, có biết bao lần sự mập mờ này thực ra chỉ là một biện giải vì tự mãn do tinh thần thế gian của ta? Dù sao, nói theo Đức Giáo Hoàng Phanxicô, sự thất bại này phát sinh từ tinh thần lỏng lẻo. Nó là một thất bại đi theo con người đang tìm kiếm phẩm giá toàn vẹn mà họ được kêu gọi trở nên. Hiển nhiên, đây là xu hướng “tự do” hay “duy hiện đại”, một xu hướng đang được các ảnh hưởng duy tục hiện nay khuếch đại một cách ngoạn mục.

Bác bỏ, không cho một con người thể hiện trọn vẹn phẩm giá của họ, sự toàn thiện họ được kêu gọi, tư cách làm con Thiên Chúa mà họ vốn được hứa ban, không thể nào trung thực gọi là thương xót được. Phải ưu tiên tuyên xưng tình yêu và sự tha thứ của Thiên Chúa trước nhất. Không bao giờ được phản bội bằng cách giả đò rằng ta chẳng hề cần tới tình yêu và sự tha thứ này. Phương thức này chỉ để ta ở lại trong tội, và do đó, trong tan tác, trống rỗng và cô đơn. Trọn chủ điểm thương xót là đem ta ra khỏi chính ta để bước vào trước Thánh Nhan Thiên Chúa.

3. Mổ xẻ việc trở lại

Mỗi người được Chúa lôi kéo một cách khác. Có thể nói có bao nhiêu mẫu nhân cách thì có bấy nhiêu “động lực khả tín” trong Giáo Hội Công Giáo. Nhưng như đã nói ở trên, phần lớn các câu truyện trở lại thường chú trọng tới giây phút lúc họ cảm nhận được tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa một cách mạnh mẽ. Cuối cùng họ khám phá ra niềm hy vọng ngay giữa các tan tác của họ.

Điều này đúng cho cả những người như chúng ta, vốn được dưỡng dục làm người Công Giáo. Đến một lúc nào đó, Đạo Công Giáo không còn chỉ là một cách sống được chấp nhận nữa, trái lại đã trở nên một hồng ân diệu kỳ mà ta không hề tự mình kiếm được. Tiến Sĩ Mirus cho hay: đó chính là kinh nghiệm của ông. Có những lúc ông gần như dám cho rằng mình đang “làm ơn” cho Chúa bằng việc trì chí cổ vũ chân lý, vì, ít nhất, ông tin rằng ông không giống như những người khác (Lc 18:11). Đấy có lẽ là cơn cám dỗ chung của những người vốn là Công Giáo từ trong nôi, họ cho mình chính thống ngay từ trong bản năng.

Nhưng rồi đến một lúc nào đó, khi bị dồn ép tứ bề thọ địch, cả bên trong lẫn bên ngoài, ông bắt đầu nhận ra mình yếu ớt và lệ thuộc Thiên Chúa biết chừng nào. Lượng đức tin, đức cậy và đức mến ở trong ông được thâm hậu hóa đáng kể nhờ khám phá ra nhu cầu cần thương xót nơi ông. Trước đây, ông chưa bao giờ nghĩ tới nhu cầu ấy, quả là một thiếu sót lớn.

Điều này xem ra như mới hôm qua, mà thực đã xẩy ra cả 30 năm nay. Khi hiểu ra cảnh khốn khổ nếu không có Chúa của mình, bạn không quên được điều này. Nhưng trước khi hiểu ra việc đó, ta vẫn thường có khuynh hướng muốn giúp người khác bằng cách đưa mình ra làm khuôn mẫu, thay vì phục vụ họ như những người được Chúa Kito sai đến (2Cor 5:20).

Ông cho rằng chứng tá của Nữ Tu Miriam James Heiland, SOLT, quả rất giá trị với cuốn sách mới của bà tựa là Loved as I Am (Được Yêu Thương Như Tôi) do nhà Ave Maria xuất bản. Nếu đọc thêm tựa đề phụ của cuốn sách “Một Lời Mời Trở Lại, Được Chữa Lành và Tự Do Nhờ Chúa Giêsu”, ta sẽ hiểu rõ việc trở lại vốn được cảm nhận ra sao: như một chữa lành, tự do và, dĩ nhiên, biết ơn.

Choáng váng biết mình là con nuôi, ngay từ nhỏ đã bị lạm dụng tình dục, không thoả mãn với các thành tựu thể thao, tiệc tùng và đàn ông cũng như rượu chè, Nữ Tu Miriam tha thiết đi tìm một mục tiêu thỏa đáng cho đời mình. Bà quả không giống như phần đông tuổi trẻ của nền văn hóa ngày nay. Bà hết sức cần được tình cha dẫn vào toàn vẹn, một diễn trình vẫn đang tiếp diễn qua sự giúp đỡ của Thiên Chúa cũng như của con người cả sau khi bà đã đáp lại tiếng Chúa Kitô và ơn gọi sống đời tận hiến của mình.

Từ năm 1998, Nữ Tu Miriam đã là một nhà truyền giáo của Tu Hội Đức Đức Bà Chúa Ba Ngôi Rất Thánh. Cuốn sách của bà ngắn thôi, vào khoảng 100 trang, gồm cả các câu hỏi để suy nghĩ sau khi mô tả từng giai đoạn trong hành trình trở lại của bà, một hành trình, xét cho cùng, tùy thuộc việc cảm nghiệm được lòng thương xót của Chúa giữa bao tan tác của cuộc đời.
 
Các suy tư đóng góp cho Năm Thương Xót (1)
Vũ Van An
01:08 17/04/2015
Chiều Thứ Bẩy 11-4-2015, tại đền thờ Thánh Phêrô ở Rôma, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã ban hành tông sắc ấn định Năm Thánh Ngoại thường về lòng thương xót của Chúa. Năm Thánh này sẽ bắt đầu từ ngày 8-12 năm nay và kết thúc vào ngày 20-11-2016, lễ Chúa Kitô Vua.

Tông sắc, tựa đề “Misericordiae vultus” (Khuôn mặt thương xót), gồm ba phần. Trong phần đầu, Đức Phanxicô đào sâu ý niệm thương xót; trong phần hai, ngài trình bày một số gợi ý để cử hành Năm Thánh. Sau cùng, phần ba chứa đựng một số lời kêu gọi.

Theo Đức Phanxicô, lòng thương xót là chức năng chính của Giáo Hội và là khía cạnh chủ chốt trong thừa tác vụ và việc làm của Chúa Giêsu Kitô. Lòng thương xót là phẩm tính chủ chốt trong các hành động của Thiên Chúa đối với loài người. Và ta được phán xét tùy theo lượng thương xót của ta.

Ở phần hai của tông sắc, trong số các gợi ý để cử hành năm thánh thương xót, Đức Phanxicô đặc biệt nêu ra sáng kiến: trong mùa chay 2016, ngài sẽ cử các nhà truyền giáo mà chính ngài gọi là các nhà truyền giáo của lòng thương xót tới các giáo phận để giải tội. Các vị này sẽ được trao quyền giải cả các tội chỉ có Tòa Thánh mới được giải.

Trong khung cảnh cuộc tranh luận nóng bỏng về những người ly dị và tái hôn hiện nay, nhiều người hy vọng phải chăng các vị linh mục của lòng thương xót này được quyền “tha tội” cho nhóm người này để họ được rước lễ. Điều này hình như không hẳn đúng. Trước nhất vì đây chỉ là một sáng kiến “ad hoc”, áp dụng cho Mùa Chay của năm thánh thương xót mà thôi. Thứ hai, trong số “các tội” mà chỉ có Tòa Thánh được phép tha, không thấy có tội “bất chấp tính thành sự của hôn nhân thứ nhất, cứ kết hôn ở tòa đời lần thứ hai”. Thực vậy, các tội chỉ có Tòa Thánh mới tha bao gồm: tội phạm tới Thánh Thể, ám sát Đức Giáo Hoàng, linh mục phạm ấn tín giải tội, linh mục phạm điều răn thứ sáu với ai rồi ban phép giải tội cho họ, và người tham dự vào việc phá thai sau đó xin đi tu làm linh mục hay phó tế.

Trong phần ba của tông sắc, người ta lưu ý tới đoạn Đức Phanxicô nói về mối tương quan giữa công lý và lòng thương xót. Đây không phải là hai khía cạnh tương phản nhau, mà là hai chiều kích của cùng một thực tại duy nhất, vì “Công lý của Thiên Chúa chính là sự tha thứ của Chúa”, “lòng thương xót không trái với công lý”, vì qua lòng thương xót, Thiên Chúa cống hiến cho tội nhân cơ hội “hồi tỉnh lại, hoán cải và tin tưởng”.

I. Lòng thương xót dưới cái nhìn của các tâm lý gia

Tóm lại, lòng thương xót sẽ là chủ đề lớn, không những chỉ khởi đầu được bàn bạc học hỏi từ tháng Mười Hai năm nay mà là ngay lúc này, khi toàn thể Giáo Hội đang chuẩn bị bước vào cuộc thảo luận vĩ đại về gia đình mà ai cũng biết là một định chế đang gặp nhiều khủng hoảng lớn lao, nhiều đau khổ cùng cực cần được nhìn bằng một lượng từ bi thương xót không những của Thiên Chúa mà của những người đồng đạo xưa nay quá thiên về tinh thần vụ luật mà quên đi tình người, tình xót thương vốn là đặc điểm chủ yếu của Thiên Chúa, của Giáo Hội và do đó của mọi tín hữu Chúa Kitô.

Trong số các suy nghĩ gần đây, chúng tôi thấy có sự đóng góp của Viện Khoa Học Tâm Lý đặt trụ sở tại Thủ Đô Hoa Thịnh Đốn, đăng ba kỳ trên bản tin hằng ngày của Zenit bắt đầu từ ngày 8 tháng Tư, tựa là “What will it mean to have a year of mercy” (tổ chức năm thương xót có nghĩa gì).

1. Tiếp nhận thương xót dẫn tới cuộc sống thăng hoa

Suy tư đầu tiên, tựa đề là "Receiving God’s Mercy Leads to a Flourishing Life" (Tiếp Nhận Lòng Thương Xót Của Thiên Chúa Dẫn Tới Cuộc Sống Thăng Hoa), được viết bởi Linh Mục Charles Sikorsky, L.C., viện trưởng của Viện.

"Hãy thương xót như Cha các con là Đấng Thương Xót” (Lc 6:36). Lời của Chúa Kitô là chìa khóa mở Năm Thương Xót mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô mời gọi ta cử hành vào đầu tháng Mười Hai này, như một Giáo Hội.

Có nhiều lý do khiến chủ đề thương xót trở thành chủ yếu đối với triều giáo hoàng của Đức Phanxicô. Trong thừa tác vụ giáo hoàng của ngài, và cả lúc còn là một linh mục và một giám mục, Đức Phanxicô đã nhấn mạnh rất nhiều tới gia trị của lòng thương xót, coi nó như giờ phút của hồi tâm và là nền tảng của việc canh tân Giáo Hội. Thực vậy, trong bài giảng lúc công bố năm thương xót, ngài nhận diện chứng tá thương xót của Giáo Hội như “cuộc hành trình bắt đầu với việc hồi tâm thiêng liêng”. Bất kể trong tòa giải tội hay tại các khu bùn lầy nước đọng, ngài đều nhận ra sự kiện này: lòng thương xót của Thiên Chúa giải thoát ta và ban cho ta sự bình an không thể tìm thấy nơi thế gian này. Nó thúc đẩy ta trở thành các Kitô hữu tốt hơn.

Đối với Viện Khoa Học Tâm Lý, lòng thương xót không phải chỉ là một từ ngữ thần học dành cho các bài giảng lễ Chúa Nhật, mà là một thực tại biến đổi cuộc sống, cả thiêng liêng lẫn nhân bản. Các khoa học xã hội ngày càng hỗ trợ nhiều hơn con số các giáo huấn của Giáo Hội bằng cách chứng minh rằng cuộc sống tinh thần và thiêng liêng lành mạnh là chìa khóa của cuộc sống hạnh phúc và thăng hoa.

Hiệu quả của lòng Chúa thương xót được nhìn thấy không những trên bình diện siêu nhiên, mà còn cả trên bình diện nhân bản và tâm lý nữa. Trong cuốn Whatever Became of Sin, Karl Menninger, một nhà phân tâm học Do Thái, đã đào sâu chủ đề này. Ông cho rằng có một nối kết giữa việc lãnh nhận bí tích hoà giải và sự lành mạnh tâm lý, thành thử ông đã khuyên các bệnh nhân Công Giáo của ông năng lãnh nhận bí tích này. Ông thấy bệnh nhân nào lãnh nhận Lòng Thương Xót của Thiên Chúa đều không còn mặc cảm tội lỗi và do đó, có khả năng hơn trong việc trở thành những người Thiên Chúa muốn họ trở thành. Dù không phải là người Công Giáo, Menninger thường xuyên khuyên các bệnh nhân thực hành việc này và đã quyết định viết một cuốn sách nói về nhu cầu con người cần đương đầu với mặc cảm tội lỗi.

Các nhận xét của Menningers đã được một số nhà chuyên nghiệp về sức khỏe tâm thần tán thành. Họ nhìn nhận rằng các bệnh nhân của họ thường xuyên bị xao xuyết về việc mình không được tha thứ và trở thành nô lệ của mặc cảm tội lỗi. Một khi thừa nhận tội lỗi của mình và nhận được lòng thương xót cũng như sự tha thứ của Thiên Chúa, họ thường được giải thoát một cách hết sức lành mạnh về tâm lý.

Thực sự, không nên coi bí tích hòa giải như một thứ bảng ghi tội và mỗi lần xưng tội xong, là ta xóa cái bảng ấy sạch tội. Nghĩ như thế là tối thiểu hóa hồng ân mênh mông của Thiên Chúa là lòng thương xót của Người. Tình yêu dư thừa của Thiên Chúa đối với ta không phải chuyện ghi nhớ thành tích mà là phục hoạt và tăng cường mối liên hệ. Lòng thương xót giải thoát linh hồn ta khỏi tội lỗi và việc ghét mình từng khiến ta không yêu mến và phụng sự Thiên Chúa và người ta. Lòng thương xót này không những thanh tẩy linh hồn, mà còn làm cho tâm trí ta tràn đầy bình an, đem lại cho ta sức mạnh để trì chí và lớn lên trong nhân đức.

Mỗi lần nghe linh mục nói vào cuối việc xưng tội rằng “Xin Thiên Chúa ban cho con sự tha thứ và bình an”, tâm hồn ta cảm thấy nhẹ nhõm. Nhưng bất kể phản ứng của bạn có xúc động hay không, khi lãnh nhận ơn tha tội, cuộc sống bạn thế nào cũng có thay đổi, thế nào bạn cũng cảm thấy có khả năng tiến lên phía trước. Ơn thánh nhận được kết hợp ta với Chúa Kitô và cho phép ta cảm nghiệm được sự an ủi của Người.

2. Sẵn sàng tha thứ

Suy tư thứ hai, tựa là "Psychological Barriers to Forgiveness" (Các Rào Cản Tâm Lý Của Sự Tha Thứ), được viết bởi Tiến Sĩ Paul C. Vitz.
Tại sao tha thứ là việc khó? Ông bảo căm ghét chắc chắn là rào cản chính, nhất là lòng căm ghét giữa người ta với nhau. Trên thế giới ngày nay, rất dễ kiếm ra các điển hình về căm ghét. Chỉ cần vặn truyền hình lên, bạn sẽ thấy sự căm ghét nó sấn sổ và phá hoại đến chừng nào trong các nền văn hóa. Đó mới chỉ là một trong các lý do ta cần phải hiểu cách làm thế nào vượt qua các rào cản và cố gắng để tha thứ.

Ta nên phân biệt giữa giận dữ và căm ghét. Giận dữ là một phản ứng tự nhiên trước bất cứ cuộc tấn công, làm thương tổn và đe doạ nào bất kể là có thực hay chỉ do nhận định. Giận dữ (anger) là một phản ứng vừa có tính xúc cảm tức khắc vừa có tính tác phong đối với những cuộc tấn công này và rất quen thuộc đối với mọi người. Trái lại, căm ghét (hatred) không phải là một phản ứng tức khắc, mà tùy thuộc vào việc “vun đắp” giận dữ. Việc “vun đắp” hay nuôi dưỡng này tạo ra các cơ cấu nhận thức hỗ trợ, các cơ cấu này tạo ra giận dữ mới và xúc cảm tiêu cực khá lâu sau giận dữ phản xạ lúc ban đầu. Ở đây, Tiến Sĩ Vitz chỉ bàn tới thứ căm ghét có tính liên bản ngã, chứ không bàn tới các phản ứng đối với bất công hoặc các cơ cấu xã hội có hại hay sự ác.

Ông bảo điều bất hạnh là lòng căm ghét này có nhiều hậu quả lâu dài, và những vòng trả thù bất tận chỉ là một trong các hậu quả này. Đối với các cá nhân, có thể nói lòng căm ghét “ngâm giấm” người ta, khiến họ tràn ngập oán giận, chua cay, thậm chí trầm cảm. Và dĩ nhiên, nó ngăn cản người ta không làm được điều gì tích cực trên đời cả.

Căm ghét có phải là một chọn lựa hay không? Nơi người lớn, nó thường là thế. Nghĩa là, ta thường quyết định căm ghét hay không căm ghét. Tuy nhiên, trong quá khứ, ta không chọn lựa các căm ghét của ta, thí dụ, những căm ghét phát sinh từ các tổn thương thời thơ ấu. Nhưng khi đã trưởng thành, chẳng chóng thì chầy, ta sẽ chọn một là duy trì nó hai là từ bỏ nó. Nhờ tâm lý trị liệu và huấn đạo, người ta có thể đương đầu với các căm ghét của họ. Thí dụ, một nhà trị liệu có thể giúp hiểu rõ người ta “vun xới” căm ghét ra sao và khả thể để nó ra đi. Vậy điều gì giúp người ta từ bỏ các căm ghét của mình? Việc đầu tiên là suy nghĩ về chúng. Nhất là suy nghĩ về những căm ghét khó bỏ. Đây là điểm ta phải chọn lựa. Đây là lúc có thể chọn việc bỏ nó hay không. Ta có tự do để thực hiện việc chọn lựa này.

Có điều chắc là người ta thích căm ghét bởi nếu không, nó đâu có được nói nhiều đến thế trong văn chương thế giới, và trên truyền hình cũng như phim ảnh ngày nay. Trong đoản kỳ, căm ghét làm ta cảm thấy mình ở thế thượng phong về tinh thần và đem lại cho ta năng lực và mục đích, nhưng về lâu về dài, nó làm ta tê bại. Xét về nhiều cách, lòng căm ghét liên ngã là một loại then máy chống đỡ nhằm bảo vệ cái tôi của ta hay hội chứng tự yêu mình thái quá (narcissism). Một “lợi ích” của việc duy trì căm ghét là lòng tự thương hại (self-pity). Nhưng lòng tự thương hại phá hoại việc thúc đẩy mình. Lòng căm ghét thường để lọt ra ngoài và chuốc độc cho các mối liên hệ của ta với những người chung quanh. Nhiều người khác không muốn từ bỏ căm ghét vì họ có mối liên hệ với người họ ghét nhưng nếu bỏ không căm ghét, họ sẽ cảm thấy trống vắng ở trên đời. Ngoài ra, bám lấy căm ghét cũng có thể che chở người ta khỏi bị thương tổn bởi các mối liên hệ mới, một ích lợi đáng hoài nghi. Lòng căm ghét cũng có thể làm người ta quên đi các kỷ niệm đau buồn. Một số trong các hậu quả này có tính tích cực trong đoản kỳ nhưng ai cũng thấy chúng sẽ đem lại những hậu quả tiêu cực về lâu về dài.

Là Kitô hữu, giả thiết ta phải biết rằng lòng căm ghét liên ngã là điều sai lầm, và chính Chúa đã minh nhiên bác bỏ nó. Ta được mời gọi yêu thương kẻ thù, chứ không ghét bỏ họ, dù việc này rất khó. Một cách tốt để ta khởi sự vượt thắng lòng căm ghét đối với kẻ thù là cầu nguyện cho họ. Với cầu nguyện, người khác sẽ không hoàn toàn tệ, còn bạn, xem ra không hoàn toàn tốt nữa. Như thế, cầu nguyện cho kẻ thù giúp làm họ trở thành có thể tha thứ được.

Tuy nhiên, điều quan trọng cần ghi nhận là: ta không thể buộc được ai phải tha thứ. Một người nào khác có thể gợi ý, nhưng cuối cùng, người ta phải tự quyết định cho chính họ, nếu không, sẽ chỉ là tha thứ giả và rẻ tiền.

Lẽ dĩ nhiên, rất có thể người ta không được tự do để chấm dứt việc ghét bỏ theo nghĩa có khả năng dễ dàng từ bỏ các cơ cấu đã được hình thành trong bao nhiêu năm trường, nhưng quả họ có tự do để bắt đầu thôi không ghét bỏ nữa, dù diễn trình này có khó khăn và đòi hỏi nhiều cố gắng liên tục. Và, như đã nói, sau việc giảm ghét bỏ sẽ là khả thể tha thứ thực sự.

Khi một người tha thứ cho ai, họ tự ý từ bỏ một điều gì đó có giá trị, một món nợ hay một sự công bình người này mắc họ. Nhưng, tha thứ không miễn thứ người này khỏi những gì họ đã làm hay bỏ qua hành vi của họ. Ta không thể quên hành động đã làm, nếu ta thực sự bị thương tổn. Với tha thứ, ký ức ám ảnh về hành động sẽ suy giảm. Nhưng tha thứ không đòi phải làm hòa với người kia. Robert D. Enright và Richard P. Fitzgibbons đề xuất câu định nghĩa sau đây về tha thứ: “sau khi xác định một cách hợp lý rằng mình bị đối xử bất công, người ta tha thứ khi cương quyết từ bỏ oán hận (resentment) và các phản ứng liên hệ (mà họ có quyền), và cố gắng đối xử với người làm sai dựa trên nguyên tắc từ tâm (beneficence); nguyên tắc này có thể bao gồm lòng cảm thương, coi ai cũng có giá trị, lòng đại lượng và yêu thương tinh thần” (mà người làm sai không có quyền được hưởng) [Enright, R., & Fitzgibbons, R. (2015). p. 32. Forgiveness therapy: An empirical guide for resolving anger and restoring hope (Washington, D.C). American Psychological Association Press].

Nếu ta muốn tha thứ trong Năm Thương Xót này, ta phải trước nhất triệt hạ các rào cản đối với lòng tha thứ.

3. Lòng thương xót phục hồi và chữa lành

Suy nghĩ thứ ba là của Jessie Tappel, MS, LGPC, nữ giám đốc truyền thông của Viện Khoa Học Tâm Lý. Cô khởi đầu bằng Mt 5:7: “Phúc cho ai có lòng thương xót vì họ sẽ được thương xót”. Lòng thương xót là thành phần nền tảng của đời sống Kitô Giáo. Cả người tội lỗi lẫn người chính trực đều cần lòng thương xót và xin được tha thứ; không ai được miễn chước cả. Trên thực tế, hiểu được hai việc: tiếp nhận lòng thương xót và tỏ nó cho người khác hành động ra sao, là điều không dễ dàng. Tiếp nhận hành vi tha thứ của người khác biến đổi ta ra sao? Tỏ lòng thương xót cho người khác khiến ta mất mát thế nào? Có khi nào lòng thương xót người có lợi cho ta không?

Bất chấp tội lệ của ta, Thiên Chúa vẫn mở cửa thương xót để ta bước vào. Thánh Tôma từng viết rằng “Tỏ lòng thương xót, do đó, là điều thích đáng đối với Thiên Chúa, một cách đặc biệt, vì nó biểu lộ sự hoàn thiện vô cùng của Người, cũng như sự dư thừa và đại lượng vô biên của Người”. Là nguồn mọi thương xót, Thiên Chúa cung cấp cho ta một cảm nghiệm lớn lao đến nỗi ta không còn chọn lựa nào khác hơn là phản ảnh nó tới các anh chị em của ta. Tất cả chúng ta đều được mời gọi tiếp nhận lòng thương xót của Người. Như Thánh Faustina từng thuật lại trong cuốn Nhật Ký của bà: “Con hãy nói với các linh hồn rằng đừng đặt để trong thẳm sâu trái tim họ các chướng ngại vật cho lòng Thương Xót của Ta, một Lòng Thương Xót rất muốn hành động trong họ. Lòng Thương Xót của Ta hành động trong mọi trái tim biết mở cửa đón nhận nó”. Thiên Chúa muốn tràn đổ trên ta Lòng Thương Xót của Người, nhưng ta phải quyết định chấp nhận hồng phúc này. Nó không phải là một điều gì tự động, ta cần phải vận dụng trí khôn và ý chí ta để hiểu, suy nghĩ và chọn lựa hồng phúc thương xót vĩ đại này. Để tiếp nhận được lòng thương xót, ta phải nhìn nhận lỗi lầm của mình (Sách GL của GHCG số 1847). Nhìn nhận lỗi lầm của mình là việc khó khăn và thách thức, vì nó đi ngược lại lòng tự hào và đòi ta phải quên mình.

Thương xót là khi không bị điều ta đáng bị. Ta không bị trừng phạt như mình đáng bị. Thoạt đầu, hiểu rõ điều ta đáng bị nhưng rồi không bị tương xứng như thế xem ra khó hiểu. Ta sống trong một thế giới công bình, nơi, nếu phạm tội, bạn sẽ bị phạt. Nhưng điều này lại không đúng đối với lòng thương xót của Thiên Chúa. Trong tính hay sa ngã và tội lệ của ta, nhiều lần ta cố gắng tìm hiểu sức mạnh tình yêu của Thiên Chúa trong tương quan với sự yếu đuối của ta, nhưng ta không bao giờ bị điều mình đáng bị. Hiểu ra điều này, ta cảm thấy một cảm thức hết sức biết ơn, một thái độ hết sức biến đổi. Đức Gioan Phaolô II, trong Dives in Misericordia, từng suy tư thế này “khi hiểu ra điều đó, người vốn là đối tượng của thương xót không hề cảm thấy bị bẽ mặt chút nào, mà đúng hơn được tìm thấy lại và ‘được phục hồi giá trị’ trở lại”. Việc tiếp nhận thương xót và tha thứ phục hồi con người bên trong của ta và biến đổi ta một cách mà chính ta không có khả năng tự làm cho mình. Nó trở thành một lành lặn, một tự do. Lòng thương xót dẫn tới sự thật bằng cách giúp ta nhìn thấy bên kia các rào cản giữa ta và Thiên Chúa và cách Người giúp ta thắng vượt chúng. Lòng thương xót giúp ta khả năng nhìn thấy tình yêu Thiên Chúa và tình yêu của Người có sức biến đổi xiết bao.

Trong cuộc sống ta, có những thời khắc đặc thù trong đó ta xin được tha thứ các lỗi lầm của mình. “Con xin lỗi” là câu nói thường xuyên lúc ta còn nhỏ, nghĩa là lúc ta được dạy cách thừa nhận lỗi lầm và sửa sai chúng. Trên bình diện tự nhiên, thông thường ta khá ngập ngừng trong việc tha thứ. Tha thứ cho người khác thường đòi ta phải hành động, một quyết định, và đôi khi phải quyết định đi quyết định lại. Nhưng điều quan trọng là biết tha thứ không phải là gì. Ở đây, điều chủ yếu là tự thừa nhận rằng ta cảm thấy bị tổn thương và những muốn trả thù. Làm ngơ việc mình bị tổn thương kết cục sẽ dẫn tới việc bác bỏ hiệu quả thực sự của việc làm sai trái; điều này không lành mạnh cả về phương diện thiêng liêng lẫn về phương diện tâm lý. Khi gây hại cho ta và làm điều sai trái, ai đó quả làm ta tổn thương. Cái tổn thương này tạo ra xúc cảm và đau đớn thực sự. Nhưng điều gì khiến ta có khả năng tha thứ những vi phạm như thế? Cảm thấy ác cảm và nuôi dưỡng hận thù tạm thời mang lại cho ta năng lực, nhưng về lâu về dài gây hại lớn cho ta. Nuôi dưỡng oán hận lấy đi thời gian và cả năng lực nữa, dù ta không biết rõ. Trong diễn trình tha thứ, tương cảm (empathy) có thể đóng một vai trò. Tương cảm bao hàm một phản ứng đầy quan tâm và hiểu biết đối với quan điểm hay kinh nghiệm của người khác. Tuy nhiên, điều ấy không có nghĩa ta phải công nhận hay tưởng thưởng quan điểm hay tác phong của họ. Nếu phải tha thứ cho ai, điều quan trọng là phải coi người ấy không hoàn toàn xấu hay hoàn toàn tốt, vì ta biết rằng ta cũng không hoàn toàn tốt hay hoàn toàn xấu. Đức Gioan Phaolô II cũng đã viết trong Dives in Misericordia, số 6, rằng “mối liên hệ của lòng thương xót đặt căn bản trên cảm nghiệm chung về sự thiện này là con người, trên cảm nghiệm chung về phẩm giá vốn thích đáng của con người”. Lòng thương xót rất thích đáng với phẩm giá con người nhân bản. Khi ta có lòng thương xót, ta phản ảnh sự tốt lành của Thiên Chúa và bổn phận của ta với người lân cận. Lòng thương xót phục hồi giá trị cho con người sa ngã và đem vinh quang lại cho Chúa Kitô và sứ mệnh cứu rỗi của Người.

Còn tiếp
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Vòng Tay Bình An
Đặng Đức Cương
10:49 17/04/2015
VÒNG TAY BÌNH AN
Ảnh của Đặng Đức Cương

Con về nhà hân hoan giữa nắng vàng
Lòng phơi phới rỡ ràng vươn sức sống
Tạ ơn CHA soi cho hồn mở rộng
Nhận ơn lành lắng đọng thẳm BÌNH AN.
(Trích thơ của Trầm Hương Thơ)