Ngày 14-04-2018
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thánh Lễ Chúa Nhật 3 Phục sinh 15/4/2018 dành cho những người không thể đến nhà thờ
VietCatholic Network
03:41 14/04/2018
Bài Ðọc I: Cv 3, 13-15. 17-19

"Ðấng ban sự sống thì anh em đã giết đi, nhưng Thiên Chúa đã cho Người từ cõi chết sống lại".

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Khi ấy, Phêrô nói với dân chúng rằng: "Thiên Chúa Abraham, Thiên Chúa Isaac, Thiên Chúa Giacóp, Thiên Chúa các tổ phụ chúng ta đã làm vinh danh Chúa Giêsu, Con của Ngài, Ðấng mà anh em đã nộp và chối bỏ trước mặt Philatô, trong khi Philatô xét là phải tha cho Người. Anh em đã chối bỏ Ðấng Thánh, Ðấng Công Chính, và xin tha tên sát nhân cho anh em, còn Ðấng ban sự sống thì anh em lại giết đi, nhưng Thiên Chúa đã cho Người từ cõi chết sống lại, điều đó chúng tôi xin làm chứng.

"Hỡi anh em, thế nhưng tôi biết rằng anh em đã hành động vì không biết, như các thủ lãnh anh em đã làm. Thiên Chúa đã hoàn tất việc Người dùng miệng các tiên tri mà báo trước. Ðức Kitô của Ngài phải chịu khổ hình. Vậy anh em hãy ăn năn hối cải, ngõ hầu tội lỗi anh em được xoá bỏ".

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 4, 2. 7. 9

Ðáp: Lạy Chúa, xin chiếu sáng thiên nhan Chúa trên mình chúng con!

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng: Khi con cầu, nguyện Chúa nghe, lạy Chúa công bình của con, Chúa đã giải thoát con trong cơn khốn khó, nguyện xót thương và nghe tiếng con cầu!

Xướng: Nhiều người nói: "Ai chỉ cho ta thấy điều thiện hảo?" Lạy Chúa, xin chiếu sáng thiên nhan Chúa trên mình chúng con!

Xướng: Ðược an bình, con vừa nằm xuống, thoắt ngủ ngon, vì lạy Chúa, duy có Chúa cho con yên hàn.

Bài Ðọc II: 1 Ga 2, 1-5a

"Chính Người là của lễ đền tội, không những cho chúng ta mà thôi, nhưng còn cho cả thế gian".

Trích thư thứ nhất của Thánh Gioan Tông đồ.

Các con thân mến, Cha viết những điều này cho các con, để các con đừng phạm tội. Nhưng nếu có ai đã phạm tội, thì chúng ta có Ðức Giêsu Kitô, Ðấng công chính, làm trạng sư nơi Ðức Chúa Cha. Chính Người là của lễ đền tội chúng ta; không nguyên đền tội chúng ta mà thôi, nhưng còn đền tội cho cả thế gian. Chính nơi điều này mà chúng ta biết rõ được là chúng ta biết Chúa Giêsu, nếu chúng ta giữ các giới răn Người. Ai nói mình biết Người, mà không giữ giới răn Người, là kẻ nói dối, và nơi người ấy không có chân lý. Còn ai giữ lời Người, thì quả thật, tình yêu của Thiên Chúa đã tuyệt hảo nơi người ấy.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: x. Lc 24, 32

Alleluia, alleluia! - Lạy Chúa Giêsu, xin giải thích cho chúng con những lời Thánh Kinh; xin làm cho tâm hồn chúng con sốt sắng khi nghe Chúa nói với chúng con. - Alleluia.

Phúc Âm: Lc 24, 35-48

"Họ nhận ra được Người khi họ nhận bánh do Người bẻ trao cho".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, hai môn đệ thuật lại các việc đã xảy ra dọc đường và hai ông đã nhận ra Người lúc bẻ bánh như thế nào.

Mọi người còn đang bàn chuyện thì Chúa Giêsu hiện ra đứng giữa họ và phán: "Bình an cho các con! Thầy đây, đừng sợ". Nhưng mọi người bối rối tưởng mình thấy ma. Chúa lại phán: "Sao các con bối rối và lòng các con lo nghĩ như vậy? Hãy xem tay chân Thầy: chính Thầy đây! Hãy sờ mà xem: ma đâu có xương thịt như các con thấy Thầy có đây". Nói xong, Người đưa tay chân cho họ xem. Thấy họ còn chưa tin, và vì vui mừng mà bỡ ngỡ, Chúa hỏi: "Ở đây các con có gì ăn không?" Họ dâng cho Người một mẩu cá nướng và một tảng mật ong. Người ăn trước mặt các ông và đưa phần còn lại cho họ. Ðoạn Người phán: "Ðúng như lời Thầy đã nói với các con, khi Thầy còn ở với các con, là cần phải ứng nghiệm hết mọi lời đã ghi chép về Thầy trong luật Môsê, trong sách tiên tri và thánh vịnh". Rồi Người mở trí cho các ông am hiểu Kinh Thánh.

Người lại nói: "Có lời chép rằng: Ðấng Kitô sẽ phải chịu thương khó, và ngày thứ ba Người sẽ từ cõi chết sống lại. Rồi phải nhân danh Người rao giảng sự thống hối và sự ăn năn để lãnh ơn tha tội cho muôn dân, bắt đầu từ thành Giêrusalem. Còn các con, các con sẽ làm chứng nhân về những điều ấy".

Ðó là lời Chúa.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Mỹ, Anh, Pháp đồng loạt tấn công Syria. Đức Hồng Y Bechara Rai lên án chiến tranh
Đặng Tự Do
06:41 14/04/2018
Khoảng 4 giờ sáng giờ địa phương ngày thứ Bẩy 14 tháng Tư, thủ đô Damascus của Syria đã nổ tung với hàng loạt hỏa tiễn. Những đám cháy dữ dội làm sáng rực bầu trời ngay sau khi Tổng thống Donald Trump kết thúc bài diễn văn của ông vào tối thứ Sáu.

Mỹ đã tiến hành các cuộc tấn công quân sự cùng với các lực lượng Anh và Pháp với chiêu bài là triệt hạ các cơ sở vũ khí hóa học của chế độ Syria sau các cáo buộc là chính phủ Syria dùng đến vũ khí hóa học vào cuối tuần trước ở Douma, một vùng ngoại ô của Damascus.

Một cuộc họp báo ở Lầu Năm Góc sau đó xác nhận ba địa điểm đã bị tấn công: hai ở Damascus và một ở Homs. Các địa điểm này đều được coi là có liên quan đến việc lưu giữ, hoặc thử nghiệm vũ khí hoá học. Các hệ thống phòng không của Syria đã đáp trả lại các cuộc tấn công nhưng Mỹ cho biết họ đã không bị tổn thất trong những cuộc không kích ban đầu.

Tổng thống Nga, ông Vladimir Putin, mô tả các cuộc tấn công như là một hành động gây hấn và cho biết cuộc tấn công sẽ làm trầm trọng hơn cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Syria. Ông Anatoly Antonov, đại sứ Nga tại Mỹ, nói “những hành động như vậy sẽ không thể không có những hậu quả” và cho rằng Mạc Tư Khoa đang bị đe dọa.

Đài truyền hình nhà nước Syria đã cho thấy một đoạn video trong đó tổng thống Bashar al-Assad đến nơi làm việc vào sáng thứ Bảy sau cuộc tấn công. Theo quân đội Nga, hệ thống phòng không của Syria, do Nga cung cấp, đã chặn được 71 trong số 103 tên lửa trong các cuộc tấn công do Hoa Kỳ lãnh đạo. Các hệ thống phòng không của Nga do quân Nga trú đóng tại Syria điều khiển đã không phản ứng lại các tên lửa của Mỹ, Anh và Pháp.

Nhà lãnh đạo tối cao của Iran, Ayatollah Ali Khamenei - một đồng minh của Bashar al-Assad - đã lên án cuộc không kích do Hoa Kỳ lãnh đạo, mô tả các nhà lãnh đạo Pháp, Anh và Mỹ là “bọn tội phạm”.

Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ hoan nghênh cuộc tấn công này, mô tả các cuộc không kích là “phản ứng thích hợp” đối với việc sử dụng vũ khí hóa học ở Douma vào thứ 7 tuần trước.

Bộ Quốc phòng Anh cho biết bốn máy bay Tornado đã cất cánh từ Síp trong cuộc tấn công ở Homs.

Các nguồn tin của Bộ Quốc phòng Pháp cho biết, Pháp đã bắn 12 tên lửa từ các máy bay chiến đấu và các tàu khu trục nhỏ.

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, ông António Guterres, đã kêu gọi “tất cả các quốc gia thành viên thể hiện sự kiềm chế trong những tình huống nguy hiểm này”.

Tại Li Băng, Đức Hồng Y Bechara Rai của Công Giáo nghi lễ Maronite kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới ngưng ngay cuộc chiến ở Syria và hoạt động cho một nền hòa bình toàn diện thông qua các phương tiện ngoại giao.

Đức Hồng Y Rai nói: “Trong khi các cường quốc đang nổi trống thúc giục một cuộc chiến tranh mới chống Syria, chúng tôi lấy làm tiếc về sự vắng mặt của một ngôn ngữ hòa bình từ miệng các quan chức cao cấp trong thế giới chúng ta ngày nay”

Đức Hồng Y nhấn mạnh rằng: “Bi thảm nhất là trái tim của họ không có cảm xúc tình người nào đối với hàng triệu người dân Syria vô tội đã bị buộc phải trốn khỏi vùng đất của họ dưới ngọn lửa chiến tranh, tàn phá, khủng bố và bạo lực.”

Đức Hồng Y Rai nói thêm: “Chúng tôi kêu gọi lương tâm của các cường quốc và cộng đồng quốc tế hãy hành động để chấm dứt chiến tranh và mang lại một nền hòa bình công chính, trọn vẹn và bền vững thông qua các phương tiện chính trị và ngoại giao, chứ không phải những nỗ lực quân sự.”
Source: CatholicPhilly Lebanese cardinal warns against ‘new drums of war’ in Syria
 
Tông Huấn Gaudete Et Exsultate Của Đức Thánh Cha Phanxicô : Chương Ba
Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ
08:36 14/04/2018
TÔNG HUẤN GAUDETE ET EXSULTATE CỦA Đức Thánh Cha PHANXICÔ

VỀ ƠN GỌI NÊN THÁNH TRONG THẾ GIỚI NGÀY NAY

CHƯƠNG 3

TRONG ÁNH SÁNG CỦA VỊ THẦY

63. Có thể có nhiều thuyết về điều gì cấu thành sự thánh thiện, với nhiều cách giải thích và phân biệt khác nhau. Những suy tư như vậy có thể hữu ích, nhưng không gì có thể soi sáng hơn là quay về với những lời của Chúa Giêsu và nhìn thấy cách giảng dạy chân lý của Người. Chúa Giêsu đã giải thích với sự giản dị tuyệt vời về ý nghĩa của việc nên thánh khi Người ban cho chúng ta Bát Phúc (xem Mt 5: 3-12; Lc 6: 20-23). Các Mối Phúc Thật giống như chứng minh thư của Kitô hữu. Vì vậy, nếu ai hỏi: “Người ta phải làm gì để trở nên một Kitô hữu tốt?”, thì câu trả lời thật rõ ràng. Chúng ta phải làm, mỗi người theo cách riêng của mình, điều Chúa Giêsu nói với chúng ta trong Bài Giảng Trên Núi [66]. Trong Bát Phúc, chúng ta tìm thấy một chân dung Vị Thầy, mà chúng ta được mời gọi để phản chiếu trong cuộc sống hàng ngày của mình.

64. Từ “hạnh phúc” hay “phúc cho” trở thành từ đồng nghĩa với từ “thánh thiện”. Nó diễn tả sự thể là những người trung thành với Thiên Chúa và Lời Ngài, qua việc tự hiến, đạt được hạnh phúc thật.

LỘI NGƯỢC DÒNG

65. Mặc dù những lời của Chúa Giêsu có thể nghe như thi vị, nhưng chúng rõ ràng là đi ngược lại cách mọi việc thường được thực hiện trong thế giới của chúng ta. Ngay cả khi chúng ta thấy sứ điệp của Chúa Giêsu hấp dẫn, thế giới đẩy chúng ta theo một cách sống khác. Các Mối Phúc Thật không tài nào là những gì tầm thường hay dễ thoả mãn, mà hoàn toàn ngược lại. Chúng ta chỉ có thể thực hành được chúng nếu Chúa Thánh Thần đổ đầy sức mạnh của Ngài trên chúng ta và giải thoát chúng ta khỏi tính yếu đuối, ích kỷ, tự mãn và kiêu ngạo của mình.

66. Chúng ta hãy một lần nữa lắng nghe Chúa Giêsu bằng tất cả tình yêu và lòng tôn kính xứng đáng với Vị Thầy. Chúng ta hãy để cho các lời của Người khuấy động chúng ta, thách đố chúng ta và đòi hỏi một sự thay đổi thật sự trong cách sống của chúng ta. Nếu không, sự thánh thiện vẫn sẽ chẳng khác gì một lời trống rỗng. Bây giờ chúng ta quay sang từng Mối Phúc một trong Tin Mừng Thánh Matthêu (x. Mt 5: 3-12) [67].

“Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó vì Nước Trời là của họ”

67. Tin Mừng mời chúng ta nhìn kỹ vào tận đáy lòng mình, để xem chúng ta tim thấy sự an toàn trong đời mình ở đâu. Thường thì những người giàu có cảm thấy an toàn trong của cải của họ, và nghĩ rằng, nếu của cải ấy bị đe dọa, thì toàn thể ý nghĩa của cuộc sống trần thế của họ có thể sụp đổ. Chính Chúa Giêsu đã kể cho chúng ta điều này trong dụ ngôn người phú hộ khờ dại: Người nói về một kẻ tự tin, nhưng thật khờ dại, bởi vì đã không nghĩ rằng mình sẽ chết ngay chính ngày hôm ấy (x. Lc 12: 16-21 ).

68. Sự giàu có không đảm bảo được gì cả. Thật vậy, một khi chúng ta nghĩ rằng mình giàu có, thì chúng ta có thể trở nên tự mãn mà chẳng để dành chỗ nào cho Lời Chúa, cho tình yêu đối với anh chị em mình, hoặc để thưởng thức những điều quan trọng nhất trong đời. Vì thế, chúng ta bỏ lỡ kho báu lớn hơn tất cả mọi kho báu. Đó là lý do tại sao Chúa Giêsu gọi những người có tinh thần nghèo khó, những người có tấm lòng ngèo khó là có phúc, vì Chúa có thể bước vào đó với sự mới mẻ mãi mãi của Người.

69. Sự nghèo khó tinh thần này liên quan mật thiết đến những gì Thánh Ignatiô Loyola gọi là “sự thờ ơ thánh thiện”, là điều mang lại cho chúng ta một tự do nội tâm kỳ diệu: “Để được như thế, chúng ta cần đào luyện mình cho có thái độ thờ ơ với tất cả các thụ tạo, với tất cả những gì mà ý chí tự do của chúng ta được phép chọn và không bị cấm; ngõ hầu về phần mỉnh, chúng ta không muốn có sức khoẻ tốt hơn là sức khoẻ xấu, giàu có hơn là nghèo khổ, danh dự hơn là mất danh dự, sống lâu hơn là sống ngắn, và như thế đối với tất cả những gì còn lại” [68].

70. Thánh Luca không nói về sự nghèo khó trong “tinh thần” mà chỉ đơn giản nói về những người “nghèo khó” (x. Lc 6:20). Bằng cách này, ngài cũng mời gọi chúng ta sống một cuộc đời giản dị và khắc khổ. Ngài kêu gọi chúng ta chia sẻ cuộc sống của những người nghèo khổ nhất, cuộc sống mà các Tông Đồ đã sống, và cuối cùng trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu, Đấng mặc dù giàu sang, nhưng “đã trở nên nghèo khó” (2 Cor 8:9).

Làm người nghèo trong tinh thần: đó là sự thánh thiện.

“Phúc cho ai hiền lành, vì họ sẽ được đất làm gia nghiệp”

71. Đây là một diễn tả mạnh mẽ trong một thế giới mà ngay từ đầu đã là nơi xung đột, tranh chấp và thù hận ở tất cả mọi bên, nơi mà chúng ta thường xuyên xếp loại người khác dựa trên ý tưởng và phong tục của họ, và ngay cả trên cách nói chuyện hoặc trang phục của họ. Cuối cùng, đó là triều đại của kiêu hãnh và hư danh, nơi mà mỗi người nghĩ rằng họ có quyền thống trị người khác. Tuy nhiên, dù có vẻ như không thể nào có thể được, Chúa Giêsu đề nghị một cách làm việc khác: cách hiền lành. Đó là điều chúng ta thấy Người làm với các môn đệ của Người. Đó là điều mà chúng ta chiêm niệm khi Người vào Giêrusalem: “Này, vua các ngươi đang đến với các ngươi, khiêm tốn, và ngồi trên lưng lừa” (Mt 21: 5, x. De 9: 9).

72. Đức Kitô nói: “Hãy học cùng Thầy; vì Thầy hiền lành và khiêm nhường trong lòng, và các con sẽ tìm được sự nghỉ ngơi cho linh hồn mình” (Mt 11:29). Nếu chúng ta luôn bực tức và mất kiên nhẫn với người khác, chúng ta sẽ mệt mỏi và kiệt sức. Nhưng nếu chúng ta nhìn vào những lỗi lầm và giới hạn của người khác với sự dịu dàng và hiền lành, không có vẻ hơn người, chúng ta mình trong việc phàn nàn vô ích. Thánh Têrêxa thành Lisieux nói với chúng ta rằng “Đức ái hoàn hảo hệ tại việc nâng đỡ các sai lầm của người khác, và không ngạc nhiên vì các yếu đuối của họ” [69].

73. Thánh Phaolô nói về sự hiền lành như một trong những hoa quả của Chúa Thánh Thần (x. Gal 5:23). Ngài đề nghị rằng, nếu một hành vi sai trái của một trong những anh chị em của chúng ta làm chúng ta bận tâm, thì chúng ta nên cố gắng sửa sai họ, nhưng “với một tinh thần hiền lành”, vì “anh chị em cũng có thể bị cám dỗ” (Ga 6: 1). Ngay cả khi chúng ta bảo vệ đức tin và các xác tín của mình, chúng ta phải làm thế với “sự hiền lành” (x. 1 Phêrô 3:16). Các kẻ thù của chúng ta cũng phải được đối xử với “sự hiền lành” (2 Tim 2:25). Trong Hội Thánh , chúng ta thường sai lầm vì không chịu chấp nhận đòi hỏi của Lời Chúa.

74. Sự hiền lành là một cách diễn tả khác của tinh thần nghèo khó nội tâm của những người tin cậy vào một mình Thiên Chúa. Quả thực, trong Thánh Kinh người ta thường dùng một từ - anawim – để ám chỉ người nghèo và người hiền lành. Một số người có thể phản đối: “Nếu tôi quá hiền lành, người ta sẽ nghĩ là tôi ngốc, tôi khùng hay nhu nhược”. Trường hợp đó có thể xảy ra, nhưng hãy để mặc kẻ khác nghĩ như thế. Tốt hơn là luôn luôn hiền lành, bởi vì sau đó những ước muốn sâu xa của tôi sẽ được thành tựu. Người hiền lành “sẽ được đất làm gia nghiệp”, vì họ sẽ thấy những lời hứa của Thiên Chúa được hoàn thành trong cuộc đời họ. Trong mọi hoàn cảnh, người hiền lành đặt niềm hy vọng vào Chúa, và những ai hy vọng vào Người sẽ được đất ... và tận hưởng sự bình an trọn vẹn (x. TV 37: 9,11). Còn Chúa thì tin tưởng vào họ: “Đây là kẻ sẽ được Ta đoái nhìn: kẻ khiêm nhường và có tinh thần thống hối, kẻ nghe lời Ta mà run sợ “ (Is 66: 2).

Phản ứng với lòng hiền lành và khiêm nhường: đó là sự thánh thiện.

“Phúc cho những ai khóc lóc, vì họ sẽ được an ủi”

75. Thế gian đề nghị chúng ta điều ngược lại: giải trí, vui chơi, tiêu khiển và bảo chúng ta rằng đó là những điều làm cho cuộc sống được tốt đẹp. Người thuộc về thế gian lờ đi, nhìn đi chỗ khác khi có những vấn đề đau ốm hay buồn phiền trong gia đình hoặc chung quanh. Thế gian không muốn khóc lóc; họ muốn lờ đi các tình cảnh đau đớn, che phủ chúng hoặc che giấu chúng. Người ta tốn nhiều năng lượng để chạy trốn những tình trạng đau khổ với niềm tin rằng thực tại có thể được che giấu. Nhưng thập giá không bao giờ có thể vắng mặt.

76. Một người nhìn mọi sự trong thực trạng của chúng và để cho sự đau khổ và than khóc thấm nhập vào con tim, có thể chạm đến những gì sâu thẳm nhất của cuộc đời và tìm được hạnh phúc thực sự [70]. Người ấy được an ủi, không phải bởi thế gian mà bởi Chúa Giêsu. Những người như thế có can đảm chia sẻ nỗi khổ của người khác và không còn chạy trốn những hoàn cảnh đau đớn. Họ khám phá ra rằng cuộc đời có ý nghĩa khi giúp đỡ những người trong cơn đau đớn của họ, hiểu được nỗi thống khổ của người khác khi cứu giúp tha nhân. Họ cảm nhận rằng người khác là xác thịt của mình, và không sợ lại gần, thậm chí chạm vào các vết thương của họ. Họ thấy cảm thương cho người khác đến nỗi mọi khoảng cách đều biến mất. Bằng cách này họ có thể chấp nhận lời khuyên của Thánh Phaolô: “Hãy khóc với những kẻ khóc” (Rom 12:15).

Biết làm sao để than khóc với người khác: đó là sự thánh thiện.

“Phúc cho những ai đói khát sự công chính, vì họ sẽ được no thoả”

77. Đói và khát là những kinh nghiệm mãnh liệt, vì chúng liên quan đến các nhu cầu cơ bản và bản năng sống còn của chúng ta. Có những người ao ước công lý và khao khát sự công chính với cường độ tương tự như thế. Chúa Giêsu nói rằng họ sẽ được no thoả, vì sớm hay muộn, công lý sẽ đến. Chúng ta có thể hợp tác để làm cho điều ấy có thể xảy ra, ngay cả khi chúng ta không luôn nhìn thấy những kết quả của các nỗ lực của mình.

78. Chúa Giêsu đưa ra một công lý khác với công lý của thế gian, thường bị hư hỏng bởi những quyền lợi nhỏ nhen và bị thao túng bằng nhiều cách khác nhau. Kinh nghiệm cho thấy làm sao nó dễ dàng bị sa lầy trong tham nhũng, bị vướng mắc trong chính trị thường nhật của việc có đi có lại (quid pro quo), ở đó mọi sự trở thành kinh doanh. Có bao nhiêu người chịu đựng bất công, bất lực đứng im trong khi những người khác chia nhau những điều tốt đẹp của cuộc đời này. Một số từ bỏ cuộc chiến đấu cho công lý chân chính và lựa chọn đi theo trong con tàu của kẻ chiến thắng. Điều này không liên quan gì đến sự đói khát công lý mà Chúa Giêsu ca tụng.

79. Công lý thực sự xảy ra trong đời sống của dân chúng khi chính họ công bình trong các quyết định của họ; nó được diễn tả trong việc theo đuổi công lý cho những người nghèo và người cô thế. Trong khi đúng là từ “công lý” có thể là một từ đồng nghĩa với việc trung thành với Thánh Ý của Thiên Chúa trong mọi khía cạnh của cuộc sống chúng ta, nhưng nếu chúng ta gán cho từ này một ý nghĩa quá tổng quát, thì chúng ta quên rằng nó được chứng tỏ cách đặc biệt trong công lý đối với những người dễ bị tổn thương nhất: “Hãy tìm kiếm công lý, hãy sửa phạt kẻ đàn áp; hãy bảo vệ côi nhi, hãy bênh vực quả phụ” (Is 1:17).

Khát khao sự công chính: đó là sự thánh thiện.

“Phúc cho những ai có lòng thương xót, vì họ sẽ được thương xót”

80. Thương xót có hai khía cạnh. Nó bao gồm việc ban tặng (cho), giúp đỡ và phục vụ người khác, nhưng nó cũng bao gồm sự tha thứ và hiểu biết. Thánh Matthêu tóm lược nó trong một luật vàng: “Trong mọi sự, hãy làm cho người khác như các con muốn họ làm cho các con” (7:12). Sách Giáo Lý nhắc nhở chúng ta rằng luật này được áp dụng “trong mọi trường hợp”, [71], đặc biệt là khi chúng ta “đối diện với những hoàn cảnh làm cho các phán đoán về luân lý không được chắc chắn và khó quyết định” [72].

81. Cho và tha thứ có nghĩa là tái tạo trong cuộc sống của chúng ta một số lượng nho nhỏ sự hoàn thiện của Thiên Chúa, là Đấng cho và tha thứ quá nhiều. Vì lý do này, trong Tin Mừng Thánh Luca, chúng ta không nghe những lời “Hãy nên hoàn thiện” (Mt 5:48), nhưng thay vào đó, “Hãy có lòng thương xót, như Cha các con là Ðấng hay thương xót. Ðừng xét đoán, thì các con sẽ không bị xét đoán. Ðừng kết án ai, thì các con sẽ không bị kết án. Hãy tha thứ, thì các con sẽ được tha thứ. Hãy cho, thì các con sẽ được cho lại” (6: 36-38). Thánh Luca sau đó thêm một điều mà chúng ta không được bỏ qua: “Vì các con lấy đấu nào mà đong, thì sẽ được đong lại bằng đấu đó” (6:38). Tiêu chuẩn mà chúng ta sử dụng để hiểu và tha thứ cho người khác sẽ đo lường sự tha thứ mà chúng ta nhận được. Các tiêu chuẩn chúng ta sử dụng để cho đi sẽ đo lường những gì chúng ta nhận được. Chúng ta không bao giờ được quên điều này.

82. Chúa Giêsu không nói, “Phúc cho những kẻ tìm cách báo thù”. Người gọi những người tha thứ và làm như vậy “bảy mươi lần bảy” (Mt 18:22) là những người “được chúc phúc”. Chúng ta cần nghĩ về chính mình như một quân đội của những người được tha thứ. Tất cả chúng ta đã được đoái nhìn với lòng từ bi của Thiên Chúa. Nếu chúng ta chân thành đến gần Chúa và cẩn thận lắng nghe, có thể có những lúc chúng ta nghe được lời quở trách của Người: “Vậy ngươi không phải thương xót đồng bạn ngươi, như Ta đã thương xót ngươi sao?” (Mt 18:33).

Thấy và hành động với lòng thương xót: đó là sự thánh thiện.

“Phúc cho những ai có lòng trong sạch, vì họ sẽ được thấy mặt Thiên Chúa”

83. Mối Phúc này nói về những người có tâm hồn đơn sơ, thanh sạch và không ô uế, vì một trái tim có khả năng yêu thương không thu vào những gì có thể làm hại, làm suy yếu hoặc gây nguy hiểm cho tình yêu ấy. Thánh Kinh sử dụng trái tim để mô tả những ý định thật sự của chúng ta, những điều chúng ta thật sự tìm kiếm và mong muốn, ở ngoài tất cả những vẻ bề ngoài. “Loài người nhìn vẻ bề ngoài, còn Đức Chúa thì nhìn thấu tận đáy lòng” (1Sam 16:7). Thiên Chúa muốn nói với con tim của chúng ta (x. Hos 2:16); ở đó Ngài muốn ghi Lể Luật của Ngài (x. Ger 31:33). Nói cách khác, Ngài muốn cho chúng ta một quả tim mới (x. Ed 26:26).

84. “Hãy gìn giữ tim con cho thật kỹ” (Cn 4:23). Không có gì bị nhơ bẩn bởi sự giả dối mà có giá trị thật sự trong mắt Chúa. Người “tránh thói lọc lừa, rời xa những tư tưởng ngu dốt” (Kn 1: 5). Chúa Cha, “Đấng thấu suốt những gì kín đáo” (Mt 6: 6), nhận ra điều gì thiếu tinh khiết và không chân thành, mà chỉ trình diễn hay có vẻ bề ngoài, cũng như Chúa Con, Đấng biết “điều gì trong lòng người” (x. Ga 2,25).

85. Chắc chắn không thể có tình yêu mà không có những việc làm yêu thương, nhưng Mối Phúc này nhắc nhở chúng ta rằng Chúa mong đợi một cam kết dấn thân cho anh chị em mình đến từ con tim. Vì “Nếu tôi có đem hết tất cả những gì tôi có mà cho đi, và nếu tôi hiến thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà tôi không có đức ái, thì tôi cũng chẳng được gì” (1 Cor 13: 3). Cũng trong Tin Mừng Thánh Matthêu, chúng ta thấy rằng những gì phát xuất từ con tim là điều làm một người ra ô uế (x. 15:18), vì từ con tim phát ra những ý định giết người, trộm cắp, làm chứng dối, và những việc làm gian ác khác (x. 15:19). Từ những ý định của con tim phát sinh những ham muốn và những quyết định sâu xa nhất xác định các hành động của chúng ta.

86. Một con tim yêu mến Thiên Chúa và tha nhân (x. Mt 22:36-40) thật sự, chứ không chỉ đơn thuần bằng lời nói, là một con tim trong sạch; nó có thể thấy Thiên Chúa. Trong thánh thi Đức Ái của ngài, Thánh Phaolô nói rằng “bây giờ chúng ta nhìn thấy lờ mờ như trong một tấm gương” (1 Cor 13:12), nhưng tùy theo mức độ thắng thế của chân lý và tình yêu, chúng ta sẽ có thể nhìn thấy “mặt đối mặt”. Chúa Giêsu hứa rằng những ai có lòng trong sạch “sẽ thấy Thiên Chúa”.

Giữ một quả tim khỏi tất cả những gì làm lu mờ tình yêu: đó là sự thánh thiện.

“Phúc cho những ai kiến tạo hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa”

87. Mối Phúc này khiến chúng ta suy nghĩ về quá nhiều hoàn cảnh chiến tranh không ngừng trong thế giới của mình. Tuy nhiên, chính chúng ta thường là nguyên nhân của xung đột hoặc ít ra là hiểu lầm. Thí dụ, tôi có thể nghe được một điều gì về một người nào đó và tôi đi ra ngoài kể lại cho người khác. Tôi thậm chí còn có thể thêm mắm thêm muối cho nó ở vòng thứ hai và tiếp tục loan truyền nó ... Và nó càng gây thêm tai hại, thì tôi có vẻ càng hài lòng về nó. Thế giới của những tin đồn, bị những người tiêu cực và phá hoại chiếm đóng, không mang lại hòa bình. Những kẻ như vậy thực sự là kẻ thù của hòa bình; họ không có cách nào “được chúc phúc” [73].

88. Những người kiến tạo hòa bình thực sự “tạo ra” hòa bình; họ xây dựng hòa bình và tình bằng hữu trong xã hội. Đối với những người gieo vãi hòa bình, Chúa Giêsu đã hứa lời hứa tuyệt vời này: “Họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa” (Mt 5:9). Người bảo các môn đệ rằng, bất cứ nơi nào họ đến, họ sẽ nói: “Bình an cho nhà này!” (Lc 10: 5). Lời Chúa khuyến khích mọi tín hữu làm việc cho hoà bình “cùng với tất cả những ai cầu khẩn Chúa bằng tấm lòng trong sạch” (2 Tim 2:22), “vì hoa quả của sự công chính được gieo trong hòa bình cho những ai kiến tạo hòa bình” (Gc 3:18). Và nếu có nhiều lần trong cộng đồng chúng ta khi chúng ta hỏi phải làm gì, “chúng ta hãy theo đuổi điều gì đem lại hòa bình” (Rom 14:19), vì sự hiệp nhất đáng ưa chuộng hơn sư xung đột [74].

89. Không dễ dàng để “tạo ra” thứ hòa bình theo Tin Mừng này, là hoà bình không loại trừ ai, nhưng bao gồm cả những người hơi kỳ cục, phiền toái hoặc khó chịu, đòi hỏi, lập dị, bị dầm vập bởi cuộc sống hoặc đơn thuần vô tư. Đó là công việc khó khăn; nó kêu gọi sự cởi mở lớn lao của trí khôn và tâm hồn, bởi vì nó không phải là việc tạo ra “thoả ước trên giấy tờ hay hòa bình tạm thời cho một thiểu số được hài lòng” [75], hoặc một dự án “bởi một ít người cho một ít người” [76]. Nó cũng không cố gắng lờ đi hoặc coi thường mâu thuẫn; trái lại, nó phải “đối diện trực tiếp với xung đột, giải quyết nó và làm cho nó thành một mắt xích trong chuỗi của một tiến trình mới” [77]. Chúng ta cần phải là những người xây dựng hòa bình, vì xây dựng hoà bình là một nghề đòi hỏi sự bình thản, sáng tạo, nhạy cảm và kỹ năng.

Gieo vãi hoà bình quanh chúng ta: đó là sự thánh thiện.

“Phúc cho những ai bị bách hại vì sự công chính, vì Nước Trời là của họ”

90. Chính Chúa Giêsu cảnh báo chúng ta rằng con đường mà Người đề nghị là con đường ngược dòng, thậm chí làm cho chúng ta thách đố xã hội bằng cách sống của mình, và kết quả là trở nên một sự phiền toái. Người nhắc nhở chúng ta về bao nhiêu người đã và đang bị bách hại chỉ vì họ đấu tranh cho công lý, bởi vì họ coi trọng cam kết của họ đối với Thiên Chúa và tha nhân. Trừ khi chúng ta muốn chìm vào một sự tầm thường tăm tối, chúng ta đừng mong có một cuộc sống dễ dàng, vì “ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất nó” (Mt 16:25).

91. Khi sống Tin Mừng, chúng ta không thể mong đợi rằng mọi sự sẽ trở nên dễ dàng, vì sự khao khát quyền hành và quyền lợi thế tục thường chặn đường chúng ta. Thánh Gioan Phaolô II đã lưu ý rằng “một xã hội trở thành tha hoá nếu trong các hình thức tổ chức xã hội, sản xuất và tiêu thụ, nó làm cho việc thực thi sự tự hiến này và việc thiết lập tình liên đới này giữa con người trở nên khó khăn hơn” [78]. Trong một xã hội như vậy, chính trị, truyền thông đại chúng và các thể chế kinh tế, văn hoá và thậm chí tôn giáo trở nên quá vướng víu với nhau đến nỗi trở thành một trở ngại cho sự phát triển con người và xã hội đích thực. Kết quả là người ta khó mà sống các Mối Phúc Thật; bất cứ nỗ lực nào để sống như thế đều bị coi là tiêu cực, bị nhìn với cặp mắt nghi ngờ, và bị gặp với những lời nhạo báng.

92. Bất chấp sự mệt mỏi và đau đớn mà chúng ta có thể trải qua trong việc sống giới luật yêu thương và đi theo con đường công lý, Thánh Giá vẫn là nguồn mạch cho sự trưởng thành và thánh hóa của chúng ta. Chúng ta không bao giờ được quên rằng khi Tân Ước nói với chúng ta rằng chúng ta sẽ phải chịu đau khổ vì Tin Mừng, là nói cách chính xác về những cuộc bách hại (x. Cv 5:41, Phil 1:29, Col 1:24, 2 Tim 1:12, 1 Phr 2:20, 4:14-16, Kh 2:10).

93. Nhưng ở đây chúng ta nói về những cuộc bách hại không thể tránh được, chứ không phải loại bách hại mà chúng ta có thể tự gây ra cho mình khi chúng ta đối xử với những người khác một cách tồi tệ. Các thánh không phải là những người kỳ quặc, xa cách, không thể chịu nổi vì sự hợm mình của các ngài, sự tiêu cực và sự cay đắng của các ngài. Các Tông đồ của Đức Kitô không giống như thế. Sách Tông Đồ Công vụ lặp đi lặp lại rằng các ngài được được lòng “tất cả mọi người” (2:47, x. 4: 21, 33, 5:13), ngay cả một số nhà cầm quyền đã sách nhiễu và bách hại các ngài (xem 4: 1-3, 5:17-18).

94. Những cuộc bách hại không phải là một thực tại trong quá khứ, vì ngày nay chúng ta cũng kinh nghiệm chúng, cho dù bằng cách đổ máu, như trường hợp nhiều vị tử vì đạo đương thời, hoặc bằng những phương cách tế nhị hơn, bằng vu khống và lừa dối. Chúa Giêsu gọi chúng ta là có phúc khi người ta “vu khống cho các con đủ điều xấu xa vì Thầy” (Mt 5:11). Vào những lúc khác, cuộc bách hại có thể xảy ra dưới hình thức những sự chế nhạo cố gắng châm biếm đức tin của chúng ta và làm cho chúng ta xem ra có vẻ lố bịch.

Chấp nhận hàng ngày con đường Tin Mừng, dù nó có thể gây khó khăn cho chúng ta: đó là sự thánh thiện.

TIÊU CHUẨN LỚN

95. Trong chương hai mươi lăm của Tin Mừng Thánh Matthêu (câu 31-46), Chúa Giêsu một lần nữa ngừng lại trên một trong các Mối Phúc, Mối Phúc gọi những người có lòng thương xót là có phúc. Nếu chúng ta tìm kiếm sự thánh thiện làm đẹp mắt Thiên Chúa, đoạn văn này cho chúng ta một tiêu chuẩn rõ ràng dựa trên đó mà chúng ta được xét xử. “Ta đói, các con đã cho Ta ăn, Ta khát, các con đã cho Ta uống, Ta là khách lạ, các con đã đón tiếp Ta, Ta trần truồng, các con đã cho Ta mặc, Ta đau yếu, các con đã săn sóc Ta, Ta bị bỏ tù, các con đã thăm viếng Ta.”(các câu 35-36).

Trong sự trung thành với Thầy

96. Như thế, nên thánh không có nghĩa là mê mẩn trong trạng thái xuất thần huyền bí. Như Thánh Gioan Phaolô II đã nói: “Nếu chúng ta thật sự bắt đầu lại từ việc chiêm niệm về Đức Kitô, thì chúng ta phải học cách nhìn thấy Người đặc biệt là trên khuôn mặt của những kẻ mà chính Người muốn được đồng hoá với “ [79]. Đoạn văn Matthêu 25:35-36 “không phải là một lời mời gọi đơn giản đến đức ái: đó là một trang của Kitô học chiếu một tia sáng trên mầu nhiệm của Đức Kitô” [80]. Trong lời kêu gọi nhận ra Người trong những người nghèo và đau khổ này, chúng ta thấy tỏ lộ chính Thánh Tâm của Đức Kitô, những cảm xúc và sự chọn lựa sâu thẳm nhất của Người, mà mỗi vị thánh tìm cách noi gương.

97. Vì những đòi hỏi cương quyết này của Chúa Giêsu, nhiệm vụ của tôi là yêu cầu các Kitô hữu thừa nhận và chấp nhận chúng trong tinh thần cởi mở đích thực, sine glossa. Nói cách khác, không có bất kỳ “nếu hoặc nhưng” nào, là điều có thể làm giảm sức mạnh của chúng. Chúa chúng ta đã nói rất rõ rằng sự thánh thiện không thể hiểu hay sống ngoài những đòi hỏi này, vì lòng thương xót là “con tim đang đập của Tin Mừng” [81].

98. Nếu tôi gặp một người ngủ ngoài trời trong một đêm lạnh lẽo, tôi có thể coi người ấy như một điều phiền nhiểu, quấy rầy, trở ngại trên con đường của tôi, một cảnh tượng phiền toái, một vấn đề để cho các chính trị gia giải quyết, hoặc thậm chí một đống rác bừa bãi nơi công cộng. Hoặc tôi có đáp lại với đức tin và đức ái, và thấy trong người ấy một con người với một phẩm giá giống hệt như của tôi, một thụ tạo được Chúa Cha yêu thương vô bờ, một hình ảnh của Thiên Chúa, một anh chị em được Chúa Giêsu cứu chuộc. Làm một Kitô hữu là như thế! Sự thánh thiện có thể được hiểu ở ngoài việc nhìn nhận cách sống động về phẩm giá của mỗi con người này không? [82].

99. Đối với các Kitô hữu, điều này liên quan đến một lo lắng không ngừng và lành mạnh. Ngay cả khi việc giúp đỡ chỉ một người mà thôi cũng có thể biện minh cho tất cả những nỗ lực của chúng ta, việc ấy cũng chưa đủ. Chẳng hạn như các giám mục Gia Nã Đại đã làm sáng tỏ điều này khi các ngài ghi nhận rằng sự hiểu biết theo Thánh Kinh về năm thánh là về nhiều hơn chỉ đơn thuần thực hiện một số việc lành. Nó cũng có nghĩa là tìm cách thay đổi xã hội: “Để cho các thế hệ sau này cũng được giải thoát, rõ ràng mục tiêu phải là khôi phục lại các hệ thống xã hội và kinh tế, để không còn sự loại trừ nữa” [83].

Những ý tưởng đành vào lòng Tin Mừng

100. Tôi tiếc rằng đôi khi có những tư tưởng dẫn chúng ta đến hai sai lầm nguy hại. Một đàng, có sai lầm của các Kitô hữu tách biệt những đòi hỏi này Tin Mừng ra khỏi mối liên hệ cá nhân của họ với Chúa, ra khỏi sự kết hợp nội tâm của họ với Người, ra khỏi sự mở lòng ra cho ân sủng của Người. Như thế, Kitô giáo trở thành một loại tổ chức phi chính phủ (NGO), bị tước mất sự thần bí sáng ngời được chứng tỏ trong đời sống của Thánh Phanxicô thành Assisi, Thánh Vincentê đệ Phaolô, Thánh Têrêxa thành Calcutta và nhiều vị thánh khác. Đối với những vị thánh lớn này, tâm nguyện, tình yêu của Thiên Chúa và việc đọc Tin Mừng không hề làm giảm bớt cam kết dấn thân đầy say mê và hiệu quả của các ngài đối với những người lân cận của mình; hoàn toàn ngược lại.

101. Sai lầm nguy hại về tư tưởng khác được tìm thấy ở những kẻ nghi ngờ việc tham gia vào xã hội của người khác, coi nó như phiến diện, thế gian, trần tục, vật chất, cộng sản hay dân túy. Hoặc họ tương đối hoá nó, như thể họ có những vấn đề khác quan trọng hơn, hoặc điều duy nhất đáng kể là một trong những vấn đề đạo đức cụ thể hoặc mục tiêu mà họ tự bảo vệ. Chẳng hạn như, việc bảo vệ các trẻ em vô tội chưa sinh ra của chúng ta cần phải được rõ ràng, chắc chắn và say mê, vì nguy cơ bị đe doạ là phẩm giá của một đời sống con người, một điều luôn luôn thánh thiêng và đòi hỏi tình yêu dành cho mỗi người, bất chấp giai đoạn phát triển của họ. Tuy nhiên, cũng thánh thiêng không kém là đời sống của những người nghèo, những người đã được sinh ra, những người cơ bần, những người bị bỏ rơi và bị thiệt thòi, những người dễ bị tổn thương và những người già cả dễ làm mồi cho việc giết chết êm dịu khéo che đậy, những nạn nhân của nạn buôn người, những hình thức nô lệ mới và mọi hình thức loại trừ [84]. Chúng ta không thể đề nghị một lý tưởng về sự thánh thiện có thể không quan tâm gì đến những bất công trong một thế giới mà một số người vui vẻ ăn uống say sưa, chi tiêu bừa bãi và sống chỉ để hưởng những món hàng tiêu thụ mới nhất, trong khi những người khác chỉ nhìn từ bên ngoài, và sống trọn cuộc đời họ trong nghèo đói thê lương.

102. Chúng ta thường nghe nói rằng, so với việc đương đầu với thuyết tương đối và những sai lỗi của thế giới hiện tại của chúng ta, thì tình trạng di dân chẳng hạn, là một vấn đề không quan trọng bằng. Một số người Công Giáo coi đó là vấn đề thứ yếu so với những vấn đề về sinh học “nghiêm trọng”. Một chính trị gia đang kiếm phiếu nói một điều như thế thì có thể hiểu được, nhưng một Kitô hữu thì không, vì thái độ đúng đắn duy nhất là đứng vào vị trí của các anh chị em mình, những người liều mạng sống của mình để bảo đảm một tương lai cho con cái họ. Liệu chúng ta có thể không nhận ra rằng đây chính là điều mà Chúa Giêsu đòi hỏi chúng ta, khi Người bảo chúng ta rằng khi đón tiếp khách lạ là chúng ta đón tiếp Người (x. Mt 25:35) sao? Thánh Bênêđictô đã làm như thế một cách dễ dàng, và mặc dù nó có thể làm cho cuộc đời các tu sĩ của Ngài ra “phức tạp”, ngài đã ra lệnh rằng tất cả các khách gõ cửa tu viện đều được đón tiếp “như Đức Kitô” [85], với một cử chỉ tôn kính [86]; người nghèo và người hành hương phải được gặp với “sự quan tâm và ân cần vĩ đại nhất” [87].

103. Một tiếp cận tương tự cũng được tìm thấy trong Cựu Ước: “Các ngươi không được bạc đãi khách lạ, hoặc hà hiếp họ, vì các ngươi đã là khách lạ tại Ai Cập” (Xh 22:21). “Khi có một kiều dân ở trong xứ của các ngươi, thì đừng hà hiếp họ. Các ngươi phải cư xử với kiều dân ở giữa các ngươi như người bản xứ, và hãy thương yêu họ như chính mình, vì các ngươi cũng đã là kiều dân ở Ai Cập. Ta là Đức Chúa, Thiên Chúa của các ngươi”(Lv 19:33-34). Đây không phải là một khái niệm được một số Giáo hoàng phát minh, hoặc một mốt nhất thời ngắn ngủi. Cũng trong thế giới hôm nay, chúng ta được mời gọi đi theo con đường linh đạo khôn ngoan được ngôn sứ Isaia đề ra để cho thấy điều gì đẹp lòng Thiên Chúa. “Chẳng phải là việc chia cơm cho người đói, rước những người nghèo không nơi trú ngụ vào nhà; thấy ai trần truồng thì cho áo mặc, chẳng ngoảnh mặt làm ngơ trước anh em cốt nhục sao? Bấy giờ ánh sáng ngươi sẽ bừng lên như rạng đông” (58:7-8).

Sự thờ phượng được Thiên Chúa chấp nhận nhất

104. Chúng ta có thể nghĩ rằng chúng ta tôn vinh Thiên Chúa chỉ bằng việc thờ phượng và cầu nguyện của mình, hoặc đơn thuần bằng cách tuân giữ một số quy tắc đạo đức nhất định. Đúng là ưu tiên thuộc về mối liên hệ của chúng ta với Thiên Chúa, nhưng chúng ta không thể quên rằng tiêu chuẩn cuối cùng mà dựa trên đó cuộc đời chúng ta sẽ được xét xử là những gì chúng ta đã làm cho tha nhân. Cầu nguyện là điều quý giá nhất, vì nó nuôi dưỡng một cam kết dấn thân hàng ngày cho tình yêu. Việc thờ phượng của chúng ta trở nên đẹp lòng Thiên Chúa khi chúng ta tự nguyện sống đại lượng, và để cho hồng ân Thiên Chúa, được ban cho trong cầu nguyện, được thể hiện trong sự quan tâm của chúng ta đối với anh chị em mình.

105. Tương tự như thế, cách tốt nhất để phân biệt xem lời cầu nguyện của chúng ta có chân chính hay không là xét xem cuộc sống của mình có đang được biến đổi trong ánh sáng của lòng thương xót không. Vì “lòng thương xót không chỉ là hành động của Chúa Cha; mà còn trở thành một tiêu chuẩn để xác định ai là con cái thật của Ngài” [88]. Lòng thương xót “chính là nền tảng của đời sống của Hội Thánh” [89]. Về vấn đề này, tôi muốn nhắc lại rằng lòng thương xót không loại trừ công lý và chân lý; quả thực “chúng ta phải nói rằng lòng thương xót là sự trọn vẹn của công lý và là biểu lộ rực rỡ nhất của chân lý của Thiên Chúa” [90]. Đó là “chìa khóa Thiên Đàng” [91].

106. Ở đây, tôi nghĩ đến Thánh Tôma Aquinô, người đã hỏi những hành động nào của chúng ta là cao quý nhất, những việc làm bề ngoài nào cho người ta thấy rõ nhất tình yêu Thiên Chúa của chúng ta. Thánh Tôma đã không ngần ngại trả lời rằng chúng là những việc thương xót đối với người lân cận của chúng ta, [92], thậm chí nhiều hơn các hành vi thờ phượng của chúng ta: “Chúng ta thờ phượng Thiên Chúa bằng những hy sinh và của lễ bề ngoài, không vì lợi ích của Ngài, mà của chính chúng ta và những người lân cận của chúng ta. Vì Ngài không cần những hy sinh của chúng ta, nhưng muốn chúng được dâng lên Ngài, để khơi dậy lòng sùng kính của chúng ta và sinh ích cho những người lân cận của chúng ta. Vì thế, lòng thương xót, mà qua đó chúng ta bù đắp những thiếu thốn của người khác, là một sự hy sinh dễ được chấp nhận hơn đối với Ngài, vì hướng trực tiếp hơn đến hạnh phúc của những người lân cận của chúng ta” [93].

107. Những người thực sự muốn làm vinh danh Thiên Chúa bằng đời sống của mình, những người thực sự ao ước lớn lên trong sự thánh thiện, được mời gọi quyết tâm bền chí trong việc thực hành các việc thương xót. Thánh Têrêxa thành Calcutta đã nhận ra điều này một cách rõ ràng: “Vâng, tôi có nhiều lỗi lầm và thất bại của con người ... Nhưng Thiên Chúa cúi xuống và sử dụng chúng ta, bạn và tôi, để thành tình yêu và lòng từ bi của Người trên thế gian; Người gánh lấy tội lỗi chúng ta, những khó khăn và lỗi lầm của chúng ta. Người lệ thuộc vào chúng ta để yêu thế gian và cho thấy Người yêu nó nhiều như thế nào. Nếu chúng ta quá quan tâm đến bản thân mình, chúng ta sẽ không còn thì giờ cho người khác” [94].

108. Chủ nghĩa hưởng thụ và chủ nghĩa tiêu thụ có thể chứng tỏ sự sụp đổ của chúng ta, bởi vì khi chúng ta bị ám ảnh bởi niềm vui của chính mình, chúng ta sẽ trở nên quá quan tâm đến bản thân và các quyền lợi của mình, và chúng ta cảm thấy tuyệt vọng là cần phải có thời giờ rảnh rỗi để hưởng lạc thú. Chúng ta sẽ thấy khó mà có thể cảm thấy và chứng tỏ bất kỳ mối quan tâm thực sự nào đối với những người nghèo khó, trừ phi chúng ta có thể vun trồng một đời sống giản dị, chống lại các nhu cầu nóng bỏng của một xã hội tiêu thụ, là điều làm cho chúng ta trở nên nghèo nàn và không thoả mãn, bồn chồn muốn có tất cả ngay bây giờ. Tương tự như thế, khi chúng ta để mình bị cuốn vào những tin tức bề ngoài, truyền thông tức thì và thực tại ảo, chúng ta có thể lãng phí thì giờ quý báu và trở nên thờ ơ với những vết thương của anh chị em mình. Tuy nhiên, ngay cả giữa cơn lốc hoạt động này, Tin Mừng vẫn tiếp tục vang lên, cung cấp cho chúng ta lời hứa của một cuộc sống khác, một cuộc sống lành mạnh và hạnh phúc hơn.

109. Chứng từ mạnh mẽ của các thánh được tỏ lộ trong cuộc sống của các ngài, được hình thành bởi các Mối Phúc Thật và tiêu chuẩn của phán xét cuối cùng. Lời của Chúa Giêsu thì rất ít và đơn giản, nhưng thực tế và có giá trị đối với tất cả mọi người, vì trên tất cả mọi sự, Kitô giáo là để đem ra thực hành. Nó cũng có thể là một đối tượng nghiên cứu và suy niệm, nhưng chỉ để giúp chúng ta sống Tin Mừng tốt hơn trong cuộc sống hàng ngày của mình. Tôi đề nghị đọc lại các bản văn Thánh Kinh vĩ đại này, đề cập đến chúng, cầu nguyện với chúng, cố gắng diễn tả chúng. Chúng sẽ có ích cho chúng ta; chúng sẽ làm cho chúng ta được thực sự hạnh phúc.

Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ

(còn tiếp)

-------------------

[66] X. Bài Giảng trong Thánh Lễ ở Casa Santa Marta, ngày 9 Tháng 6, 2014: L’Osservatore Romano, 10 Tháng 6, 2014, t. 8.

[67] Thứ tự của Mối Phúc thứ hai và thứ ba thay đổi tuỳ theo truyền thống văn bản.

[68] Spiritual Exercises, 23d.

[69] Manuscript C, 12r.

[70] Tư thời các giáo phụ, Hội Thánh đã tôn trọng ơn khóc lóc, như được thấy trong kinh “Ad petendam compunctionem cordis”. Được đọc thế này: “Lạy Thiên Chúa Toàn Năng và rất hay thương xót, Đấng đã làm vọt ra nước hằng sống từ tảng đá cho dân đang khát nước của Chúa: xin làm chảy ra nước mắt và lòng thống hối từ sự cứng lòng của chúng con, để chúng con đau buồn vì tội lỗi mình, và nhờ lượng từ bi Chúa, chúng con được tha thứ” (X. Missale Romanum, ed. typ. 1962, t. [110]).

[71] Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, 1789; X. 1970.

[72] Ibid., 1787.

[73] Gièm pha và nói hành là những hành động khủng bố: một quả bom được tung ra, nó nổ, và kẻ tấn công bình thản và hài lòng bỏ đi. Điều này hoàn toàn khác với sự cao quý của những người nói với người khác giáp mặt, chân thành và thẳng thắn, vì thật sự quan tâm đến sự tốt lành của người ấy.

[74] Đôi khi, có thể cần phải nói về những khó khăn cùa một anh chị em nào đó. Trong những trường hợp như thế, điều có thể xảy ra là người ta truyền lại một cắt nghĩa thay vì một dữ kiện khách quan. Tình cảm có thể làm cho hiểu sai hay thay đổi các dữ kiện, và cuối cùng nó được chuyền đi và được pha thêm với những yếu tố chủ quan. Bằng cách này, chính các dữ kiện hoặc sự thật không được tôn trọng.

[75] Tông Huấn, Evangelii Gaudium (ngày 24 Tháng 11, 2013), 218: AAS 105 (2013), 1110.

[76] Ibid., 239: 1116.

[77] Ibid., 227: 1112.

[78] Thông Điệp Centesimus Annus (ngày 1 Tháng 5, 1991), 41c: AAS 81 (1993), 844-845.

[79] Tông Thư Novo Millennio Ineunte (ngày 6 Tháng 1, 2001), 49: AAS 93 (2001), 302.

[80] Ibid.

[81] Tự Sắc Misericordiae Vultus (ngày 11 Tháng 4, 2015), 12: AAS 107 (2015), 407.

[82] Chúng ta có thể nhớ lạ phản ứng của người Samaritanô nhân từ khi gặp người bị cướp tấn công và bỏ cho chết (X. Lk 10:30-37).

[83] UỶ BAN XÃ HỘI CỦA HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC Công Giáo GIA NÃ ĐẠI, Thư Ngỏ gửi các Thành Viên Quốc Hội, Công Ích hay Loại Trừ: Một Chọn Lựa cho ngườu Gia Nã Đại (ngày 1 Tháng 2, 2001), 9.

[84] Đại Hội Thường Kỳ của các Giám Mỵc Châu Mỹ Lating và Caribbê, khi vang vọng lại giáo huấn cố hữu của Hôi Thánh, đã nói rằng con người “luôn luôn thánh thiêng, từ lúc thụ thai, ở tất cả các gia đoạn của cuộc sống, cho đến khi chết tự nhiên, và sau khi chết”, và cuộc sống ấy phải được bảo vệ “bắt đầu từ khi thụ thai, trong mọi giai đoạn của nó, cho đến lúc chết tự nhiên” (Tái liệu Aparecida, ngày 29 Tháng 6, 2007, 388; 464).

[85] Quy Luật, 53, 1: PL 66, 749.

[86] X. ibid., 53, 7: PL 66, 750.

[87] Ibid., 53, 15: PL 66, 751.

[88] Tự Sắc Misericordiae Vultus (ngày 11 Tháng 4, 2015), 9: AAS 107 (2015), 405.

[89] Ibid., 10, 406.

[90] Tông Huấn Hậu Thương Hội Đồng Giám Mục Amoris Laetitia (ngày 19 Tháng 3, 2016), 311: AAS 108 (2016), 439.

[91] Tông Huấn Evangelii Gaudium (ngày 24 Tháng 11, 2013), 197: AAS 105 (2013), 1103.

[92] X. Summa Theologiae, II-II, q. 30, a. 4.

[93] Ibid., ad 1.

[94] Được trích (trong bản dịch Tây Ban Nha) trong: Cristo en los Pobres, Madrid, 1981, 37-38.
 
Phát triển một tầm nhìn “Công Giáo” về sự hiệp nhất
Giuse Thẩm Nguyễn
11:59 14/04/2018
(Vatican News) Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã có cuộc tiếp kiến đặc biệt vào Thứ Bẩy 14 tháng Tư với Viện Trưởng và các thành viên trong Ban Quản Trị trường Đại Học Villanova, đang có cuộc họp mùa xuân ở Rôma. Ngài lưu ý họ rằng Đại Học cần phải đề cập đến những thách thức đạo đức và văn hóa đương đại.

Đại Học Villanova tọa lạc tại ngoại ô của thành phố Philadelphia, Hoa Kỳ, đã được Dòng Thánh Augustino thành lập vào năm 1842. Nhắc lại di sản của trường Augustino, Đức Giáo Hoàng nói rằng Đại Học này được thành lập để “ bảo vệ và truyền bá sự phong phú của truyền thống Công Giáo đến các thế hệ sinh viên mới, những người như anh thanh niên Augustino, đi tìm ý nghĩa và giá trị đích thật trong một cuộc sống chân thật.” Để trung thành với nhiệm vụ đó, trường Đại Học phải đề cập đến “những thách đố về đạo đức và văn hóa” trong thế giới hiện nay.

Một tầm nhìn chung về sự hiệp nhất.

Đức Giáo Hoàng đã chỉ ra rằng “sự phát triển một tầm nhìn chung mang tính “Công Giáo” về sự hiệp nhất của gia đình nhân loại chúng ta, và một quyết tâm theo đuổi một tình liên đới thực tiễn là cần thiết để chiến đấu chống lại những bất bình đẳng và bất công nghiêm trọng đặc thù cho thế giới ngày nay” là một “khía cạnh đặc biệt cấp bách của sứ vụ giáo dục này.”

Sự thật xâu sa về đời sống và số phận của chúng ta.

Kết thúc diễn từ của ngài, Đức Giáo Hoàng đã nhắc đến vị Thánh Giám Mục vĩ đại thành Hippo “Không ai biết rõ hơn Thánh Augustino về sự bồn chồn khắc khoải trong trái tim con người cho đến khi nó được nghỉ yên trong Thiên Chúa, Đấng nơi Chúa Giêsu Kitô, mặc khải cho chúng ta sự thật xâu xa về cuộc sống và số phận cuối cùng của chúng ta. Ngài hy vọng rằng thời gian thăm viếng Rôma của các thành viên trường Đại Học sẽ củng cố “cam kết của họ đối với sứ mạng của trường Đại Học này trong việc phục vụ sự thật là điều giải phóng chúng ta.”
Source: Vatican News - Developing a “catholic” vision of unity
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo Phận Quy Nhơn cử hành Năm Thánh dành cho Legio Mariae - 9/4/2018C
Acies Quy Nhơn
08:43 14/04/2018
LÊN ĐƯỜNG CÙNG HAI TIÊNG “XIN VÂNG”

Ngày lễ Truyền Tin – Acies và cử hành Năm Thánh dành cho Legio Mariae - 9/4/2018

Một lần nữa, Lễ Truyền Tin lại về; và năm nay, do ảnh hưởng của Phụng Vụ Tuần Thánh-Phục Sinh, nên Lễ Truyền Tin trong lịch phụng vụ của giáo phận Qui Nhơn, được dịch chuyển tới này 9/4, tức Thứ Hai sau Tuần Bát Nhật Phục Sinh.

Xem Hình

Đối với các hội viên Legio Mariae, dịp lễ Truyền Tin chính là cuộc “đại hội mang tên ACIES mà ý nghĩa trọng tâm luôn gắn liền với một hành vi đạo đức đầy ấn tượng : “dâng mình và đoàn thể mình cho Đức Mẹ”, như “một đạo binh sẵn sàng vào trận.” (1)

Riêng năm nay, ngày lễ Truyền Tin nầy được giáo phận dành riêng để cử hành Năm Thánh mừng 400 năm loan báo Tin Mừng cho Legio Mariae. Đây là dịp đặc biệt để tất cả các hội viên Legio Mariae, và toàn dân Chúa giáo phận đón nhận hồng ân Năm Thánh để nhờ đó gia tăng nhiệt tình tông đồ truyền giáo, xây dựng giáo phận.

Với thái độ “Xin Vâng” của Mẹ Maria trong huyền nhiệm “Truyền Tin” và trong tâm tình “hướng về Năm Thánh 400 năm loan báo Tin Mừng”, toàn thể trên 1.500 hội viên hoạt động cũng như tán trợ, lớn tuổi (senior) hay còn non trẻ (junior)…tất cả đều hân hoan chung lời kinh Mân Côi sốt sắng, lắng nghe huấn dụ và trang trọng cử hành Thánh lễ đồng tế do Đức Giám Mục giáo phận chủ tế cùng với khoảng 40 linh mục, nơi nguyện đường trang nghiêm của chủng viện Qui Nhơn.

Để ghi niệm sự kiện mục vụ quan trong nầy và như một hành trang tinh thần để mang theo trên nẻo đường tông đồ của Legio, chúng ta có thể đọc lại vài gợi ý mục vụ trong bài huấn dụ trước nghi thức “Dâng Mình” của cha linh giám. (Xin trích) :

Từ gợi ý nơi hình ảnh cuộc tổng tập dàn quân ra trận (tức Acies) của quân đội Rôma mà mỗi người lính chiến răm rắp tuyên thệ trung thành dưới lá quân kỳ trước khi xông vào cuộc chiến sinh tử, toàn thể các hội viên Legio Mariae hôm nay cũng đến trước hiệu kỳ của Mẹ để tuyên hứa “toàn thân thuộc về Mẹ…” (2) mà lên đường “ra chỗ nước sâu” cùng dấn thân cho sứ mệnh Loan báo Tin Mừng.

Cuộc cử hành Acies năm nay trong giáo phận Qui Nhơn diễn ra trong những tháng còn lại của thời gian Năm Thánh giáo phận mừng 400 năm loan báo Tin Mừng. Đây đúng là cơ hội ngàn vàng để anh chị em hội viên hoạt động cũng như tán trợ, senior cũng như junior lãnh nhận được dồi dào hồng ân Năm Thánh nhằm trang bị cho mình những hành trang thiêng liêng cần thiết và nhiệt khí tông đồ vững mạnh để cùng với Mẹ thực hiện tiếng “Xin Vâng” trọn hảo :

- Xin vâng trung thành trong Thánh lễ mỗi ngày.

- Xin vâng trung thành dự họp và hoàn tất công tác mỗi tuần.

- Xin vâng với chuỗi hạt Mân Côi, kinh nguyện sáng tối.

- Xin vâng trong đời sống thuỷ chung vợ chồng, trách nhiệm giáo dục con cái.

- Xin vâng trong khiêm nhường, quảng đại phục vụ cộng đoàn, sẻ chia bác ái.

- Xin vâng trong thao thức, ước nguyện tông đồ, nêu gương sáng cho tha nhân.

- Xin vâng trong can đảm “nói không” trước những cám dỗ của nhậu nhẹt, tiêu xài, sống đua đòi, phe nhóm.

- Xin vâng trong mạnh mẽ “nói có” trước thử thách của túng nghèo, bệnh hoạn, bị trù dập, rẻ khinh…

Vâng, như một người lính chiến Rôma truyên thệ, cam kết trung thành trước cuộc dàn quân ra trận, ngày đại hội Acies của Legio chúng ta, đặc biệt trong bối cảnh Năm Thánh 400 năm nầy, cũng phải là cuộc “cam kết của đức tin, đức cậy và đức mến” để “có sức làm trọn mọi việc, chỉ vì mến Chúa, và hằng nhìn thấy cùng hầu hạ Chúa ngự trong mình anh em chúng con, đức tin vững vàng không lay chuyển, tựa núi đá, để chúng con an tâm vững chí giữa những cơn đau khổ, những nỗi vất vả, những sự thất vọng ở đời, đức tin dũng cảm, khiến chúng con đảm đương và tiến hành không nghi ngại, những công cuộc lớn lao cho sáng danh Chúa và cứu rỗi các linh hồn…” (3)

Chúng ta cùng cầu nguyện cho nhau trong dịp mừng đại lễ Acies và Cử hành Năm Thánh nầy mang lại thật sự hồng phúc, kiên vững và đổi mới toàn thể con người anh chị em chúng ta, cùng với các đơn vị mà chúng ta đang tham gia.

Giờ đây, chúng ta chuẩn bị tư thế sắp sẵn bên trong cũng như bên ngoài, để cùng nhau tiến đến dung nhan Mẹ và hiệu kỳ của Legio để nói lên lời cam kết :

“LẠY NỮ VƯƠNG LÀ MẸ CON, TOÀN THÂN CON THUỘC VỀ MẸ VÀ MỌI SỰ CỦA CON LÀ CỦA MẸ”.

Và như thế, đại lễ Truyền Tin-Acies và ngày Cử Hành Năm Thánh dành cho Legio đã khép lại trong niềm vui hiệp nhất và tinh thần “cam kết xin vâng” của Đức Trinh Nữ Maria để tất cả cùng ra đi dấn thân tiếp tục muôn thế hệ cha ông loan báo Tin Mừng trên cánh đồng giáo phận, cánh đồng mà cách đây 400 năm, hạt giống Tin Mừng đã được gieo trồng.

BBT

Chú thích :

(1) Thủ bản, số lề 288

(2) Thủ bản, LỄ HỘI CHÍNH THỨC, I. Acies, lời kinh dâng mình, số lề 290

(3) Thủ bản, Kinh Bế Mạc, số lề 256
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Hừng Đông
Diệp Hài Dung
08:32 14/04/2018
HỪNG ĐÔNG
Ảnh của Diệp Hải Dung, Australia
Phía trời đông ánh hồng dần tỏ
Sương phủ đầy thảm cỏ long lanh
Nắng ấm về đánh thức vạn chồi xanh
Se thấm lạnh buổi bình mình rực sáng....
(DHD)