Ngày 13-04-2021
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 14/4: Đạo yêu thương - Suy Niệm của Lm Nguyễn Trọng Thiên, SVD
Giáo Hội Năm Châu
01:25 13/04/2021

Video sẽ bắt đầu từ 7g tối ngày 13-April-2021 theo giờ Việt Nam


PHÚC ÂM: Ga 3, 16-21

“Thiên Chúa đã sai Chúa Con đến để thế gian nhờ Người mà được cứu độ”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu nói với Nicôđêmô rằng: “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một Người để tất cả những ai tin ở Con của Người, thì không phải hư mất, nhưng được sống đời đời, vì Thiên Chúa không sai Con của Người giáng trần để luận phạt thế gian, nhưng để thế gian nhờ Con của Người mà được cứu độ. Ai tin Người Con ấy, thì không bị luận phạt. Ai không tin thì đã bị luận phạt rồi, vì không tin vào danh Con Một Thiên Chúa và đây là án luận phạt: là sự sáng đã đến thế gian và người đời đã yêu sự tối tăm hơn sự sáng, vì hành động của họ xấu xa. Thật vậy, ai hành động xấu xa thì ghét sự sáng, và không đến cùng sự sáng, sợ những việc làm của mình bị khiển trách, nhưng ai hành động trong sự thật, thì đến cùng sự sáng, để hành động của họ được sáng tỏ, là họ đã hành động trong Thiên Chúa.

Đó là lời Chúa.
 
Một sự thúc đẩy thánh
Lm. Minh Anh
01:49 13/04/2021
MỘT SỰ THÚC ĐẨY THÁNH
“Ông là bậc thầy trong dân Israel mà không biết điều ấy sao?”.

M. Louise Ciccone, ‘Nữ hoàng nhạc Pop’, đã từng nói, “Động lực sống của tôi bắt nguồn từ một nỗi sợ kinh hoàng có tên là ‘tầm thường’. Nỗi sợ đó luôn thúc đẩy tôi, nó thúc đẩy tôi! Vì dẫu tôi đã trở thành ‘một ai đó’, tôi vẫn luôn phải chứng tỏ, tôi là ‘một ai đó’. Cuộc chiến của tôi chưa bao giờ kết thúc, và có lẽ, sẽ không bao giờ kết thúc!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Nỗi sợ trở nên ‘tầm thường’ đó phải chăng cũng là một ám ảnh của Nicôđêmô, để rồi sau câu hỏi bất ngờ đầy thách thức của Chúa Giêsu, “Ông là bậc thầy trong dân Israel mà không biết điều ấy sao?”, tất cả con người của ông dường như đã đảo lộn; đảo lộn những gì ông suy tính, đảo lộn cả hướng đi của một cuộc đời. Đúng thế, Nicôđêmô, một trong những Pharisêu cuối cùng đã cải đạo và trở thành môn đệ Chúa Giêsu, để từ rất sớm đến nay, ông được coi là một vị thánh. Thật hiếm hoi, một biệt phái làm thánh! Tại sao? Bởi lẽ, bên trong Nicôđêmô, đã có ‘một sự thúc đẩy thánh!’.

Ngoài Nicôđêmô, những người Pharisêu ít ỏi khác được ghi nhận đã cải đạo là thánh Phaolô và Gamaliel; tuy thế, Công Vụ Tông Đồ 15, 5 còn chỉ ra một số biệt phái vô danh khác cũng đã trở lại. Nhưng nếu xét toàn bộ các cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và những người Pharisêu, thì rõ ràng, họ là những người chống đối Ngài và giáo huấn của Ngài đến cùng; họ luôn tìm cách gài bẫy Chúa Giêsu và tất nhiên, cuối cùng, chịu trách nhiệm về cái chết của Ngài cùng với các vị lãnh đạo đương thời. Vì lý do đó, thật dễ hiểu, tất cả những người biệt phái đều tẩy chay Chúa Giêsu; mỗi người trong họ sẽ chịu áp lực của các đồng sự để hành động theo một quan điểm chung dành cho Ngài, đó là lên án và giết chết; bởi lẽ, họ quá trần tục; bên trong họ, vắng bóng ‘một sự thúc đẩy thánh’. Đây là bối cảnh của Tin Mừng hôm nay khi Nicôđêmô đặt câu hỏi, làm thế nào để được “tái sinh bởi trời” như Chúa Giêsu khẳng định; và Ngài đã khiển trách ông như thế.
Biết được Nicôđêmô đã có ‘một sự thúc đẩy thánh’ bên trong, Chúa Giêsu mời ông hướng thượng. Ngài mời ông ngước mắt lên trời, chiêm ngắm một Đấng đến từ trời, cũng là Đấng sẽ ban cho ông một cuộc sống đời đời trên đó. Đúng hơn, Ngài mặc khải cho ông con đường về trời, đó là tin vào Đấng từ trời xuống, cũng là Đấng phải được “Giương cao lên như con rắn trong sa mạc, để ai tin Ngài thì được sống đời đời”. Vì thế, sẽ rất hữu ích nếu chúng ta hiểu rằng, khiển trách của Chúa Giêsu dành cho Nicôđêmô không phải là sự lên án; nó không giống với giọng điệu của những câu nói Ngài thường áp dụng cho giới thông luật, “Khốn cho các ngươi, khốn cho các ngươi!”. Đúng hơn, đó là một thử thách nhẹ nhàng nhưng rất trực tiếp đối với Nicôđêmô; Ngài dịch chuyển ông từ câu hỏi đầy bối rối sang việc đào sâu đức tin của mình. Và đó là chìa khoá! Đúng hơn, đó là ‘một sự thúc đẩy thánh’. Thú vị thay, Chúa Giêsu biết, chính nhờ sự thử thách trực tiếp, khá táo bạo nhưng đầy yêu thương này, như ‘một cú hích’ của ‘một sự thúc đẩy thánh’, Ngài có thể đẩy Nicôđêmô đi vào bầu khí ân sủng của Thánh Thần; để từ đó, ông có thể đón nhận quà tặng đức tin. Tất nhiên, thử thách của Chúa Giêsu, cuối cùng, đã chiến thắng người biệt phái thiện chí này.

Anh Chị em,

Ai trong chúng ta cũng bị ám ảnh bởi một nỗi sợ có tên là ‘tầm thường’. Hôm nay, Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta điều quan trọng phải làm để không ‘tầm thường’ nhưng trở nên ‘phi thường’. Đó là làm những điều Nicôđêmô đã làm: ngước mắt lên, chiêm ngắm và tin vào Ngài, Đấng từ trời xuống, cũng là Đấng bị treo lên; nhờ đó, như Nicôđêmô, chúng ta cũng sẽ được sống đời đời. Ngài không muốn, cũng không cần chúng ta trở thành ‘một ai đó’, nhưng Ngài đòi buộc chúng ta trở thành ‘một vị thánh nào đó’; Ngài đòi chúng ta ‘nên thánh’. Cuộc chiến này cũng không bao giờ được phép kết thúc; vì lẽ, gió Thánh Linh của Ngài sẽ thổi chúng ta không biết đến tận phương nào nếu mỗi ngày chúng ta mỗi ước ao nên thánh hơn. Vậy, hôm nay, thử hỏi trong cuộc sống của chúng ta, áp lực thế tục nào đang làm cho chúng ta bất an và bối rối? Điều gì đang áp đặt lên chúng ta, cách nào đó, một áp lực ngang ngược nghịch với đời sống thánh thiện đích thực của linh hồn? Hoặc có quyền lực nào, huyễn danh nào hay của cải nào đang cầm chân khiến chúng ta không trở nên ‘người của cõi trên’; nói cách khác, không được ‘sinh lại từ trên’ đúng nghĩa như Thiên Chúa muốn, dẫu chúng ta đã lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy? Phải chăng, chúng ta cũng đang rất cần ‘một sự thúc đẩy thánh’ từ Chúa Giêsu Phục Sinh để được ‘tái sinh’ thêm một lần nữa trong lửa thanh tẩy của Thánh Thần.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, Chúa biết con cần ‘một sự thúc đẩy thánh’ nào cho linh hồn; nhờ đó, con có thể thắng mọi cản trở ‘nên thánh’ của con, hầu con trở thành một môn đệ đáng yêu hơn của Chúa”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:15 13/04/2021

74. Linh hồn con người chỉ có Thiên Chúa, chiếm hữu Thiên Chúa, thì mới biết được hạnh phúc chân chính.

(Thánh Augustinus)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:19 13/04/2021
14. BỔ PHỔI TIM ĐAU

Chủ nhân làm tiệc mời khách, có một ông khách gắp toàn là trái hạch đào bỏ đầy cả dĩa và cúi đầu ăn như không có ai. Chủ nhân chịu không thấu nói:

- “Sao anh chỉ ăn toàn là trái hạch đào vậy?”

Khách trả lời:

- “Ăn nó nhiều thì có thể bổ phổi.”

Chủ nhân nhướng mày nói:

- “Anh chỉ biết bổ phổi của mình, nhưng không biết tim tôi đau.”

(Tiếu Đắc Hảo)

Suy tư 14:

Thường, con cái đau thì cha mẹ cũng đau, dù con cái đau mắt, đau bụng, nhức đầu sổ mũi hay đau bất cứ bộ vị nào trên cơn thể hoặc trong tâm hồn, thì cũng đều làm cho cha mẹ đau tim, bởi vì giữa cha mẹ và con cái đều có mối giây liên hệ đặc biệt vô hình, cái đau này của cha mẹ là chính đáng.

- Người Ki-tô hữu hưởng thụ sung sướng xác thịt, thì Đức Chúa Giê-su bị đánh nát toàn thân, bởi vì Đức Chúa Giê-su và người Ki-tô hữu có sự liên hệ mật thiết với nhau qua bí tích Rửa Tội.

- Các mục tử thích tìm kiếm tiền tài, theo đuổi danh vọng, tư dục, thì linh hồn và thể xác của Đức Chúa Giê-su bị đóng đinh liên tục mỗi ngày trên thánh giá, trong nhà chầu, bởi vì Đức Chúa Giê-su và các linh mục có sự liên kết rất chặt chẽ với nhau, không những bằng bí tích Rửa Tội mà còn bằng bí tích Truyền Chức Thánh nữa.

Tất cả những sự liên kết ấy đều là do tình yêu vô bờ bến của Thiên Chúa dành cho nhân loại mà ra.

Người lạ không quen biết chỉ đau tim khi người khác đụng chạm đến quyền lợi của họ mà thôi, ngoài ra - đối với họ- thì ai đau mặc ai vậy…

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Myanmar: Dân chúng thất vọng vì quân đội đảo chánh xâm chiếm vào các nơi thờ phượng
Thanh Quảng sdb
18:41 13/04/2021
Myanmar: Dân chúng thất vọng vì quân đội đảo chánh xâm chiếm vào các nơi thờ phượng

Trong chiến dịch đàn áp của quân đội đảo chánh, chống lại những người biểu tình phản đối cuộc đảo chính ngày 1 tháng 2, các trung tâm thờ phượng tôn giáo bây giờ là mục tiêu tấn công của các lực lượng an ninh nhằm lùng bắt những người biểu tình, các sinh hoạt tôn giáo nay bị cáo buộc là bất hợp pháp hoặc bị cho là phiến quân...

(Tin Vatican - Robin Gomes)

Có ít nhất 4 nhà thờ Công Giáo thuộc Giáo phận Pathein ở Myanmar thuộc tỉnh Irrawaddy đã bị cảnh sát và binh lính đột kích vào ngày 8/4 để truy lùng các hoạt động bị cáo buộc là bất hợp pháp hoặc các nhà hoạt động chống đảo chính. Các lực lượng an ninh có vũ trang đã khám xét bên trong một nhà thờ Công Giáo và tìm kiếm cả trong nghĩa trang. Việc nhắm vào mục tiêu mới là các nhà thờ Công Giáo sau một số các cuộc tấn công quân sự vào các nhà thờ khác ở bang Kachin, một thành trì của người Công Giáo, vào lễ Phục sinh cuối tuần qua.

Những nơi thờ tự

Một nguồn tin của hãng thông tấn Fides cho hay quân đội gần đây đã đột kích vào các nhà thờ Công Giáo và Anh giáo Baptist ở thành phố Mohnyin. Vào ngày 1 tháng 3, lực lượng an ninh đã phá cổng một nhà thờ Baptist Kachin ở Lashio, bang Shan, và bắt giữ hơn 10 vị trưởng các hội đoàn và Hội đồng giáo xứ, nhưng sau đó đã thả họ về. Những người lính đã nổ súng bên trong khuôn viên nhà thờ trong khi lục xét tìm kiếm. Các cuộc đột kích tương tự cũng nhắm vào các tu viện và chùa chiền của Phật giáo.

Theo Thông tấn xã của Fides cho hay thì “Các nơi thờ tự và tu viện của Phật giáo thường xuyên bị lục soát. Đây là những hành động đe dọa nghiêm trọng của quân đội đang gây căng thẳng và thù địch ngày càng gia tăng trong cộng đồng người dân Miến Điện thuộc mọi sắc tộc và tôn giáo.

Theo trang mạng Irrawaddy do những người Myanmar lưu vong ở Thái Lan điều hành tường trình các cuộc đột kích vào 3 nhà thờ của Mục sư Awng Seng ở nhà thờ Baptist Convention Kachin (KBC). “Những người lính trèo qua hàng rào và lục xét tất cả các tòa nhà của Giáo hội, mà không có bất kỳ một lời xin lỗi và giải thích nào”. Vị Mục sư đã lên án các hành động quân sự, lục xét Trường Thần học Kachin của Hội Thánh và Chủng viện của giáo hội Baptist ở Myitkyina, thủ phủ của Kachin.

Nổi dậy

Người theo đạo Thiên chúa là thiểu số ở đất nước Phật giáo này, những người theo Thiên Chúa giáo chỉ chiếm 6,2% trong tổng số 54 triệu dân số. Các khu vực bị chiếm đóng bởi các nhóm dân tộc Kachin, Chin, Karen và Kayah, những người đã phải đối sự đàn áp và bách hại của quân đội trong nhiều thập kỷ, phần lớn là những người theo đạo Thiên chúa.

Ước tính một phần ba lãnh thổ Myanmar - chủ yếu là các khu vực biên giới - hiện đang bị kiểm soát bởi 20 nhóm phiến quân có vũ trang. Quân đội đã chiến đấu chống lại các nhóm này. Kể từ năm 2015, 10 nhóm vũ trang đã ký ngừng bắn trên toàn quốc với chính phủ dân sự. Nhưng giao tranh vẫn tiếp diễn, đặc biệt ở các bang Kachin và Shan ở phía bắc, và bang Rakhine ở phía tây, khiến hàng nghìn người phải di tản. Ngày 27 tháng 3, các máy bay chiến đấu của quân đội đã tiến hành các cuộc không kích vào một ngôi làng của người Karen, làm ít nhất 3 người thiệt mạng và 8 người bị thương.

Di tản

Hơn 100.000 người, nhiều người trong số họ là các tín hữu Công Giáo, đang ở trong các trại dành cho người di tản ở các bang Kachin và Shan, trong khi 100.000 người khác, chủ yếu là người Karen, đang ở trong các trại bên kia biên giới Thái Lan. Theo báo cáo năm 2020 của Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ, quân đội đã làm hư hại hoặc phá hủy hơn 300 nhà thờ qua các cuộc xung kích.

Biểu tình

Quân đội hùng mạnh của Myanmar đã giành chính quyền vào ngày 1 tháng 2, sau khi bắt giữ các vị lãnh đạo do dân bầu ra của chính phủ do bà Aung San Suu Kyi điều hành. Điều này đã dấy lên các cuộc biểu tình hàng ngày trên toàn quốc và một phong trào bất tuân dân sự, bao gồm cuộc đình công, yêu cầu trả tự do cho bà Aung San Suu Kyi và khôi phục lại nền dân chủ.

Cuộc đảo chính diễn ra sau nhiều ngày căng thẳng giữa chính phủ dân sự và quân đội, trong đó quân đội tố giác rằng cuộc tổng tuyển cử tháng 11 do đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) do bà Suu Kyi lãnh đạo là gian lận. Tính đến thứ Hai, lực lượng an ninh đã đáp trả bằng vũ lực tàn bạo làm cho hơn 710 người biểu tình bị giết!
 
Từ thành lập công ty khởi nghiệp đến Deloitte cuối cùng vào tu viện
Vũ Văn An
18:51 13/04/2021

Trên Patheos ngày 9 tháng 4, 2021, Cha Matthew P. Schneider, LC, có bài tường thuật về một ơn gọi đặc biệt trong thời đại xô bồ hiện nay (xem https://www.patheos.com/blogs/throughcatholiclenses/2021/04/from-founding-a-startup-to-deloitte-to-the-convent/).



Đó là trường hợp Montserrat Medina Martínez, một thiếu nữ Tây Ban Nha. Cô thành công rất sớm trên đường đời: ở tuổi 30, cô sáng lập thành công một công ty được giới kinh doanh mệnh danh là công ty khởi nghiệp.

Theo từ điển mở Wikipedia, Công ty khởi nghiệp (startup) hay công ty mới thành lập là một công ty hoặc dự án do một doanh nhân thực hiện nhằm tìm kiếm, phát triển và chứng thực một mô hình kinh tế có khả năng qui mô lớn. Mặc dù óc kinh doanh có ý nói đến mọi doanh nghiệp mới, bao gồm doanh nghiệp tự kinh doanh và các doanh nghiệp chưa bao giờ có ý định đăng ký, công ty khởi nghiệp có ý nói đến các doanh nghiệp mới có ý định phát triển quá người sáng lập đơn lẻ. Khi bắt đầu, các công ty khởi nghiệp phải đối đầu với một sự không chắc chắn rất cao và có tỷ lệ thất bại cao, nhưng một số ít trong số họ đã tiếp tục thành công và gây ảnh hưởng. Một số công ty khởi nghiệp trở thành kỳ lân (unicorn), nghĩa là một công ty khởi nghiệp tư nhân giá trị hơn 1 tỷ dollars.

Công ty của Medina tuy chưa đạt tới gía trị đó, nhưng cô là một phụ nữ đang lên trong lĩnh vực kinh doanh người Tây Ban Nha. Dù mới 36 tuổi nhưng cô đã đi từ thành công này đến thành công khác trong sự nghiệp. Với học bổng từ Stanford, cô đã tạo ra một công ty khởi nghiệp ở Thung lũng Silicon mà sau đó cô đã bán cho Pay Pal với giá vài triệu dollars và dù còn trẻ nhưng cô đã được ký hợp đồng với tư cách là đối tác của công ty kế toán thời danh Deloitte. Danh tiếng, tiền bạc, sự nổi tiếng quốc tế… Cô có tất cả mọi thứ, ngoại trừ hạnh phúc. Sau một thời gian phân định, cô thấy Chúa đang kêu gọi cô sử dụng tài năng của mình một cách khác: cô quyết định bỏ mọi thứ và vào một tu viện dòng Thánh Augustinô với tư cách là một nữ tu chiêm niệm.

Cô đã thổ lộ cõi lòng trong một bức thư và giải thích quá trình dẫn cô đến tu viện với các đối tác của cô tại Deloitte. Người ta có thể tưởng tượng phản ứng của họ sẽ ra sao.

Montserrat tốt nghiệp ngành Kỹ sư Hàng không, với danh dự học thuật hàng đầu. Ngay sau đó, Stanford đã cung cấp cho cô một học bổng có trả tiền để lấy bằng Tiến sĩ về Toán học vi tính ở đó. Chính trong môi trường này, cô đã đồng sáng lập Jetlore, một công ty trí tuệ nhân tạo mà kết cục trở thành một chuẩn mực ở Thung lũng Silicon và cuối cùng sẽ bán cho công ty khổng lồ PayPal. Sau đó, cô được đề nghị trở thành đối tác của Deloitte ở Tây Ban Nha khi mới 34 tuổi.



Tuy nhiên, cô đã quyết định từ bỏ tất cả những thứ đó để theo Thiên Chúa. Trong bức thư gửi cho các đồng nghiệp, cô thừa nhận mình là người Công Giáo nhưng bấy lâu nay không đặt Thiên Chúa làm trung tâm. Cô nhận định, “Tôi đã sử dụng mọi tài năng mà lòng tốt vô hạn của Thiên Chúa chúng ta đã ban cho tôi, nhưng tôi sử dụng chúng vì vinh quang của chính mình và để tích lũy sự giàu có trên thế giới này. Tôi đã chiếm đoạt các hồng ơn nhận được chỉ để tìm kiếm lợi ích cho riêng mình. Tôi đang tự lừa dối bản thân: không hề làm tôi hạnh phúc, thái độ đó chỉ gây ra cho tôi sự trống trải ngày càng lớn thêm”.

Montserrat giải thích với những đối tác khác của Deloitte, “[Tôi] chìm trong nỗi khốn cùng, không biết phải làm gì với tất cả tội lỗi của mình, tôi hiểu rằng Thiên Chúa đã tha thứ tất cả vì Người là tất cả mọi sự tốt lành và thương xót. Bây giờ tôi muốn bỏ tất cả để đi theo vị Thiên Chúa này, Đấng đã chinh phục trái tim tôi. Tôi sống một món nợ tình yêu… mặc dù tôi biết rằng về phần mình, món nợ đó sẽ luôn được trả”.

Trước khi xin lỗi đồng nghiệp về những lỗi lầm mà cô có thể đã làm đối với họ, người phụ nữ trẻ này tuyên bố rằng cô đã đưa ra “quyết định quan trọng nhất và đồng thời là quyết định đơn giản nhất trong cuộc đời tôi”.

“Tôi đã quyết định, không hối tiếc, ngừng đầu tư vào tương lai trần thế của mình và bắt đầu đầu tư vào tương lai vĩnh cửu của mình. Vì tôi rời bỏ thế gian để phục vụ và làm theo Thánh Ý Thiên Chúa, nên tôi chắc chắn rằng Chúa nhân từ sẽ cung cấp nhiều hơn sự thiếu thốn của tôi với những thứ mà tôi để lại để đi theo Người. Đúng ra, tôi không rời khỏi thế giới, mà chỉ rời bỏ những thứ thuộc về thế giới. Tôi muốn dâng cuộc đời mình cho cầu nguyện và dâng hiến cho tất cả những người được Thiên Chúa yêu thương”, cô khẳng định như thế.
 
Tin Đáng Chú Ý
Tại sao một Trung Quốc đang trỗi dậy hình thành một tính toán Chiến tranh Lạnh mới?
J.B. Đặng Minh An dịch
04:52 13/04/2021

Jeremy Friedman là phó giáo sư tại Đại Học Harvard và là tác giả của cuốn sách nổi tiếng “Shadow Cold War: The Sino-Soviet Competition for the Third World”, nghĩa là “Bóng Tối Của Chiến Tranh Lạnh: Cạnh Tranh Trung-Xô Vì Thế Giới Thứ Ba”. Hôm 10 tháng Tư, 2021, ông có bài nhận định đăng trên tờ National Interest nhan đề “Why a Rising China Creates a New Cold War Calculus”, nghĩa là “Tại sao một Trung Quốc đang trỗi dậy hình thành một tính toán Chiến tranh Lạnh mới”, trong đó ông lập luận rằng Trung Quốc ngày nay không chỉ là một đối thủ cạnh tranh về quân sự và chính trị, mà còn là một đối thủ kinh tế và thậm chí là đối thủ văn hóa với Hoa Kỳ. Muốn thắng trong cuộc chiến này, Hoa Kỳ cần nhận ra rằng nhược điểm lớn nhất của Bắc Kinh là sau hơn 70 năm thành lập, Trung Quốc vẫn không có đồng minh chính thức nào ngoài Bắc Hàn; đồng thời, các nước láng giềng, ở một mức độ nhất định, đều sợ hãi và nghi ngờ Bắc Kinh. Jeremy Friedman hô hào một tính toán chiến lược mới trong đó Hoa Kỳ không đẩy các nước khác ngả vào vòng tay của Trung Quốc nhưng hình thành một liên minh toàn cầu.

Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.



Cuộc đối đầu sắp tới với Trung Quốc là một cuộc đối đầu mà lịch sử Mỹ chưa từng có sự tương đồng như thế.

Jeremy Friedman

Tổng thống Joe Biden nói trong cuộc họp báo tổng thống đầu tiên của mình nói: “Rõ ràng, hoàn toàn rõ ràng, đây là cuộc chiến giữa lợi ích của các nền dân chủ trong thế kỷ 21 và các chế độ độc tài.” Những lời hùng biện đang đua nở của Biden vang vọng một câu nổi tiếng hơn từ thần tượng chính trị của ông, John F. Kennedy, người đã tuyên bố trong bài phát biểu nhậm chức đầu tiên vào năm 1961 rằng “chúng ta sẽ trả bất kỳ giá nào, chịu bất kỳ gánh nặng nào, đối diện với bất kỳ khó khăn nào, ủng hộ bất kỳ người bạn nào, chống lại mọi kẻ thù để bảo đảm sự tồn tại và thành công của tự do”. Ít có tình cảm nào có thể khuấy động và tồn tại lâu dài hơn trong từ điển chính trị Hoa Kỳ cho bằng quan điểm theo đó Hoa Kỳ đại diện cho hy vọng cuối cùng, hy vọng tốt nhất cho tự do và dân chủ trong một thế giới đầy nguy hiểm. 

Tuy nhiên, bây giờ không phải là năm 1961 và việc xác định cuộc đối đầu Mỹ-Trung đang bùng phát này trong khuôn khổ đó không chỉ là sai lầm mà còn phản tác dụng một cách nguy hại. Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (CHND Trung Hoa) xem ra là một chế độ độc tài, nhưng, không giống như Liên Xô, nó không công khai đe dọa các chế độ dân chủ hiện có, cũng không minh nhiên xác định mục tiêu mở rộng hệ thống chính trị của nó ra toàn thế giới. Liên Xô cam kết thực hiện mục tiêu đó và tích cực theo đuổi mục tiêu đó thông qua các Đảng Cộng sản trên toàn thế giới nhận sự chỉ đạo từ Mạc Tư Khoa và thông qua các tổ chức của chính mình, chẳng hạn như KGB và Phân bộ Quốc tế của Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản, với nhiệm vụ trọng tâm là chuyển đổi hệ thống kinh tế và chính trị trong nước của các quốc gia khác. 

Việc xác định khuôn khổ vấn đề [một cách hời hợt] như một cuộc đụng độ giữa các nền dân chủ và các chế độ độc tài sẽ gây tổn hại sâu sắc đến chính mục tiêu mà Biden đang cố gắng theo đuổi, đó là chống lại các tác động tiêu cực của ảnh hưởng ngày càng tăng của Bắc Kinh trên khắp thế giới. Một trong những lợi thế chính của Hoa Kỳ so với Trung Quốc trong cuộc đối đầu này là mạng lưới các mối quan hệ quốc tế. Điều này bao gồm các đồng minh hiệp ước chính thức của Mỹ, chẳng hạn như NATO, các quốc gia quan trọng ở Á Châu, Trung Đông và Mỹ Latinh, và nhiều quốc gia khác, chẳng hạn như Việt Nam và Ấn Độ. Có lẽ họ không phải là đồng minh chính thức nhưng ngày càng muốn hợp tác với Hoa Kỳ trong lĩnh vực an ninh. Trong khi đó, điểm yếu lớn nhất của Trung Quốc xem ra là thực tại này: hơn 70 năm sau khi thành lập nước CHND Trung Hoa, nước này vẫn không có đồng minh chính thức nào ngoài Bắc Hàn, và còn hơn thế nữa, các nước láng giềng, ở một mức độ nhất định, hầu như đều sợ hãi và nghi ngờ nước CHND Trung Hoa.  

Nhiều quốc gia trong số đó, không phải là các nền dân chủ theo bất kỳ định nghĩa thông thường nào, nhưng cảnh giác với sức mạnh đang trỗi dậy của Trung Quốc, đã tìm kiếm sự hợp tác an ninh với Mỹ hoặc có thể đang tìm kiếm một đồng minh hùng mạnh. Nhiều người trong số họ không có hồ sơ nhân quyền hoàn hảo và đôi khi bị Washington và Brussels chỉ trích. Thường có một sự cân bằng mong manh giữa hợp tác và chỉ trích trong quan hệ của Hoa Kỳ với các nước như Ả Rập Xê-út và Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng sự cân bằng đó dựa trên niềm tin của các quốc gia này rằng những lời chỉ trích không phải là mối đe dọa cơ bản đối với chế độ của họ. Điều này có nghĩa là hợp tác với Hoa Kỳ để chống lại các mối đe dọa chung vẫn là một lợi ích quan trọng hơn cho họ. Bằng cách chấp nhận lập trường mà chúng ta đang có trong cuộc chiến giữa các nền dân chủ chống lại các chế độ độc tài, Hoa Kỳ đang phá hoại phép tính đó. Mỹ đang làm cho các nhà lãnh đạo của các quốc gia như thế nghĩ rằng chính Hoa Kỳ, chứ không phải Trung Quốc, là mối đe dọa cơ bản hơn đối với lợi ích của họ. Kết quả là, chúng ta đang đẩy các quốc gia ra xa chúng ta và ngả vào vòng tay Trung Quốc, tạo ra một liên minh các chế độ độc tài chưa từng tồn tại trước đây và cũng chẳng có nhu cầu để tồn tại trong tương lai.

Sự trỗi dậy của Trung Quốc, trong một khu vực đông đúc và cạnh tranh với đầy rẫy những tranh chấp biên giới, đã gây ra các phản ứng dữ dội đang gia tăng trên toàn thế giới. Phản ứng dữ dội này một phần được khơi nguồn từ sự khao khát của Trung Quốc trước các tài nguyên thiên nhiên, thị trường tiêu thụ hàng hóa, cơ hội công ăn việc làm cho người lao động Tầu, và cơ hội đầu tư cho vốn liếng của [Đảng Cộng Sản] Trung Quốc. Các chính trị gia khắp miền Nam trên phạm vi toàn cầu từ Zambia đến Malaysia đã vận động chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc. Thổ Nhĩ Kỳ đã chỉ trích Trung Quốc về cuộc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ. Các quốc gia ven Biển Đông đã bị Bắc Kinh ức hiếp. Ngay cả Nga cũng đang ấp ủ những lo ngại về các tính toán của Trung Quốc trên vùng Viễn Đông của Nga, một phần là vì Tổ chức Hợp tác Thượng Hải chưa bao giờ trở thành một lực lượng đối trọng với NATO mà một số người từng dự đoán [Tổ chức Hợp tác Thượng Hải - Shanghai Cooperation Organisation, gọi tắt là SCO - được manh nha vào ngày 15/6/2001 bao gồm Trung Quốc, Nga, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, và Uzbekistan. SCO chính thức hoạt động vào ngày 19/9/2003. Đồng sàng dị mộng, Nga hy vọng SCO sẽ trở thành một đối trọng với NATO, Trung Quốc coi SCO là chiêu bài để xâm nhập vào thị trường các nước Trung Á, và những nước còn lại xem SCO là lá chắn cho các nước thành viên trước các chỉ trích vi phạm nhân quyền – chú thích của người dịch] Bất chấp những nỗ lực hướng tới một mặt trận thống nhất, trong các vấn đề từ Ukraine đến Biển Đông, Nga và Trung Quốc vẫn tiếp tục thể hiện sự thiếu tin tưởng và thiếu hợp tác.  

Để có một đường hướng chính sách đúng đắn, Biden nên hướng đến một nhà lãnh đạo khác từ những năm 1960: là Mao Trạch Đông. Trong bài luận nổi tiếng Bàn Về Mâu Thuẫn năm 1937, Mao lập luận rằng trong bất kỳ tình huống nào, mấu chốt là phải xác định được cái mà ông ta gọi là những “mâu thuẫn chính” và tách nó ra khỏi những “mâu thuẫn thứ yếu”. Cụ thể, điều này có nghĩa là định hướng chính sách đối ngoại của Trung Quốc xung quanh cuộc chiến với kẻ thù chính, trước tiên là Hoa Kỳ và sau đó là Liên Xô, đồng thời tìm kiếm cơ hội để vượt qua những “mâu thuẫn thứ yếu” với các quốc gia mà Trung Quốc có bất đồng, nhưng có lẽ cũng có lợi ích chung, chẳng hạn như Pháp và Nhật Bản. Làm như vậy sẽ giúp Trung Quốc chiếm được càng nhiều “khu vực trung gian” càng tốt — đó là những quốc gia không phải là đối thủ chính của Trung Quốc — đồng thời cũng không ủng hộ kẻ thù của Trung Quốc.  

Cuộc đối đầu sắp tới với Trung Quốc là một cuộc đối đầu mà lịch sử Mỹ không có một sự tương đồng chính xác nào. Trung Quốc không chỉ là một đối thủ cạnh tranh về quân sự và chính trị mà còn là một đối thủ kinh tế và thậm chí có khả năng là đối thủ văn hóa, trong một thế giới gắn kết chặt chẽ hơn nhiều so với thế giới của Chiến tranh Lạnh. Trong bối cảnh này, việc phân chia thế giới giữa các nền dân chủ và các chế độ độc tài, tự do và không tự do, là một cách làm lợi cho đối phương rất hiệu quả, nó san bằng những nhược điểm của Trung Quốc bằng cách thúc đẩy các đồng minh miễn cưỡng ngã vào vòng tay chúng. Thay vào đó, Hoa Kỳ nên tìm cách chiếm càng nhiều “khu vực trung gian” càng tốt và đừng đẩy khu vực này về phía Trung Quốc. Thay vì nói về dân chủ và độc tài, Hoa Kỳ nên tập trung vào những cách thức mà hành động của Trung Quốc đang đe dọa tất cả các nước, chẳng hạn như sự bành trướng lãnh thổ hung hăng và các mối quan hệ kinh tế khai thác, cũng như giúp đỡ các nước trên cơ sở song phương trong các tương tác của họ với Bắc Kinh. Các quốc gia trên thế giới phải lo sợ trước một Trung Quốc đang trỗi dậy hơn là sợ Hoa Kỳ có một quy trình chính trị minh bạch, một quy trình mà nhiều người trong số họ đã phải đối phó trong nhiều thập kỷ. Việc áp dụng cách tiếp cận này có thể không quyến rũ như một cuộc thập tự chinh vì dân chủ, nhưng đó là một đường hướng đối ngoại có nhiều khả năng thành công hơn.
Source:National Interest

 
VietCatholic TV
Bạo loạn lại bùng lên ở Minneapolis. Chuyện một phụ nữ bị lún trong bùn ở Boston là bài học đức tin
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:57 13/04/2021


1. Bạo loạn nổ ra tại Minneapolis sau khi cảnh sát bắn một người da đen dẫn đến thương vong sau đó

Cảnh sát ở Minneapolis đã bắn hơi cay và đạn cao su vào những người biểu tình vào tối Chúa Nhật 11 tháng Tư theo giờ địa phương, tức là gần xế trưa ngày thứ Hai 12 tháng Tư theo giờ Việt Nam, vài giờ sau khi một cảnh sát bắn vào một người đàn ông da đen chỉ cách nơi George Floyd bị giết có 10 dặm [16km] khi anh này bị cảnh sát bắt giữ vào năm ngoái. Khoảng 100 người biểu tình đối đầu với cảnh sát trong trang phục chống bạo động, hô vang “Black lives matters” và leo lên nóc các xe cảnh sát. Một nhân chứng nói với Reuters rằng sau đó, cảnh sát đã bắn đạn cao su, trúng ít nhất hai người và khiến ít nhất một người đàn ông bị thương và chảy máu đầu.

Những người biểu tình sau đó đã tụ tập bên ngoài sở cảnh sát, được hàng trăm cảnh sát viên bảo vệ. Họ bắn hỏa châu và phun chất hóa học gây ngứa vào đám đông. Trong một tuyên bố, cảnh sát Trung tâm Brooklyn cho biết, các cảnh sát viên đã chặn xe của một người đàn ông vi phạm giao thông vào khoảng gần 2 giờ chiều và nhận ra anh ta là đối tượng của một lệnh truy nã.

Khi cảnh sát cố gắng bắt giữ anh ta, anh ta đã nhào vào xe của mình để tẩu thoát và bị một cảnh sát viên bắn theo. Người đàn ông sau đó lái xe đi và tông vào một phương tiện giao thông khác và tử vong tại hiện trường. Theo tờ báo địa phương “Star Tribune”, nạn nhân sau đó được người thân xác định là Dante Wright, 20 tuổi. Cảnh sát nói rằng camera đeo trên người của các cảnh sát viên đã được bật trong toàn bộ diễn tiến của vụ việc.

Minneapolis đã ở bên bờ vực bạo loạn khi phiên tòa xét xử vụ giết người của cựu cảnh sát viên Derek Chauvin bước vào tuần lấy lời khai thứ ba. Năm ngoái, Chauvin đã bị quay video, đang quỳ trên cổ George Floyd, 46 tuổi trong 9 phút khi anh ta bị còng tay trên mặt đất. Cái chết của Floyd đã làm dấy lên các cuộc biểu tình trên toàn cầu chống lại sự tàn bạo của cảnh sát và sự bất công về chủng tộc.
Source:Reuters

2. Câu chuyện người phụ nữ bị lún sâu trong bùn ở phía Đông Boston có những điều đáng học hỏi về cách chúng ta sống đức tin

Trong thánh lễ Chúa Nhật kính Lòng Chúa Thương Xót ngày 11 tháng Tư, Cha Angel Pedro Alvarez Redondo nhận định rằng có hai não trạng khiến con người nguội lạnh với đức tin mà chúng ta phải cảnh giác.

Não trạng thứ nhất không nhìn nhận những tội lỗi mà chúng ta phạm phải vì tự ái hay vì sự ấu trĩ trong đức tin. Não trạng thứ hai tuy nhìn nhận những tội lỗi mà chúng ta phạm phải nhưng tuyệt vọng không tin tưởng vào Lòng Chúa Thương Xót.

Câu chuyện của cô Coelho là một ví dụ. Hôm thứ Sáu 9 tháng Tư, Coelho nói rằng cô ấy nghĩ rằng mình đang đi trên một bãi đá sỏi khi bước xuống nước ở Đảo Gilligan. Tuy nhiên, đó là một bãi bùn và Coelho bị lún sâu trong bùn. Dù ý thức được tình huống nguy hiểm của mình, cô không la lên cầu cứu nhưng tự mình tìm cách xoay sở. Cô càng xoay sở càng bị lún sâu.

Khi thuỷ triều rút lui, những người hàng xóm nhìn thấy tình cảnh của cô. Họ đã gọi lớn khi nhìn thấy tôi ở ngoài đó và nói, “Bạn có muốn tôi gọi cho sở cứu hỏa không?” Tôi trả lời, “Đừng gọi, Chúa ơi. Thật quá xấu hổ.”

Tuy nhiên, biết tình thế của cô không xong và có nguy cơ mất mạng vì cô đang chìm dần trong bùn, hàng xóm đã gọi lính cứu hỏa và nhiều người trong khu vực đã lấy những miếng ván lót để lôi Coelho lên khỏi bãi bùn.
Source:Reuters

3. Cư dân Rôma rất vui khi gặp lại cảnh sát giao thông

Sự xuất hiện trở lại của cảnh sát hướng dẫn giao thông mở ra một sự trở lại bình thường được hoan nghênh sau một thời gian xa cách do mật độ giao thông trong thời gian bị khóa xuống thấp đến mức không cần những người cảnh sát hướng dẫn giao thông.

Nữ cảnh sát Cristina Corbucci nói:

“Nó giống như chỉ huy một dàn nhạc hơn là biểu diễn một vở ba lê, bởi vì chúng tôi cần làm cho tất cả những người lái xe hiểu những gì chúng tôi đang nói bằng tay của chúng tôi, vì vậy chúng tôi cần thực hiện các chuyển động chậm để mọi người có thể nhìn thấy rõ hơn, giống như một người chỉ huy dàn nhạc”.

Cảnh sát hướng dẫn giao thông ở Piazza Venezia đã bắt đầu có mặt từ những năm 1920.

Được biết mỗi ca trực được thực hiện trong vòng 30 phút vì lâu hơn như thế cánh tay của các viên chức cảnh sát này đã quá mỏi.
Source:Reuters

4. Phụ nữ Colombia 104 tuổi đã đánh bại coronavirus đến hai lần

Một phụ nữ Colombia 104 tuổi đã nhận được sự hoan nghênh nhiệt liệt từ các nhân viên bệnh viện sau khi hồi phục từ Covid-19 lần thứ hai.

Carmen Hernandez lần đầu tiên được chẩn đoán mắc phải coronavirus vào tháng 6 năm 2020, và bà được điều trị tại nhà dưỡng lão ở San Jose.

Lần thứ hai, cô được đưa vào phòng chăm sóc đặc biệt và nằm viện 21 ngày - cho đến khi xuất viện vào hôm thứ Hai vừa qua.
Source:BBC