Ngày 07-04-2019
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mở cửa tương lai làm lại cuộc đời
Lm Nguyễn Xuân Trường
05:10 07/04/2019
Phúc Âm tuần này kể chuyện người phụ nữ bị bắt quả tang đang ngoại tình. Tội rõ rành rành đừng hòng chối cãi. Tuy nhiên lại có 2 cách xử tội khác hẳn nhau. Người ta thì kết tội đòi ném đá giết chết cái con mẹ lẳng lơ này. Phạm tội là dứt khoát phải bị phạt cho đáng đời lăng nhăng. Còn Chúa Giêsu thì lại bao dung tha thứ mở cho chị con đường sống. Với Chúa, phạm tội không nhất định cứ phải trừng phạt, mà quan trọng là cải tội thế nào. Tội nhân giống như bệnh nhân. Vấn đề không phải là thẳng tay giết chết, nhưng là tìm cách để chữa lành. Chúa đã thương xót tha thứ, mở cánh cửa tương lai để chị làm lại cuộc đời khi Ngài nói: “Tôi không lên án chị đâu! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa!”

Thực sự thì ai cũng đều có tội. Vấn đề là ở chỗ: người ta dễ dàng nhìn thấy tội và kết tội người khác, nhưng lại không nhìn thấy tội của chính mình, cứ tưởng mình ngon lành, thánh thiện hơn người. Kết quả là người ta dễ trở thành những ông bà phán xét. Biết thế, Chúa bảo chúng ta thay vì cứ đi phán xét người thì hãy xét mình trước đã khi Ngài lên tiếng: “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi.” Xét mình mới khám phá ra mình cũng đầy tội nên vội rút lui. Càng già càng lắm tội nên vội rút lui trước. Nhận ra tội rồi thì người ta thay vì cứ nhảy chồm lên đòi ném đá, đã lặng lẽ rút lui.

Khi nhận ra mình cũng là tội nhân thì chúng ta sẽ không còn cay nghiệt với lỗi lầm của người khác. Hơn nữa, chúng ta càng biết ơn Chúa là Đấng luôn thương xót thứ tha. Chúa không giam hãm chúng ta trong mặc cảm về quá khứ tội lỗi, nhưng Chúa luôn mở rộng cửa tương lai cho chúng ta làm lại cuộc đời, tiến về chân trời ơn phúc mừng vui. Amen.


---- Xin mời coi 3 phút Video chia sẻ VỀ THÔI ĐỪNG PHẠM TỘI NỮA.
https://www.youtube.com/watch?v=U73CcnWmuFQ&t=415s

 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
06:56 07/04/2019

132. Nên học tập khôn ngoan ở trên mặt đất, để nó có thể cùng tồn tại với anh ở trên trời.

(Thánh Hieronymus)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
06:58 07/04/2019
80. CÂY KEM CHẠY TRỐN

Có một chàng rể ngốc đi đến nhà vợ, ông cậu mời ở lại dùng cơm, ngẫu nhiên đưa anh ta ăn miếng đông lạnh (bây giờ gọi là kem que), chàng rể ngốc cảm thấy ăn rất ngon, bèn lấy giấy bao lại và cất trong lưng quần, khi về đến nhà thì nói với vợ:

- “Nhà mẹ của cô có nhiều đồ ăn ngon, tôi đem về một miếng để cô ăn thử coi.”

Nói xong liền đưa tay rờ lưng quần, miếng đông lạnh trong giấy đã tan thành nước, rồi thấy trong quần bị ướt một đám, chàng rể ngốc kinh ngạc la lên:

- “Đúng là đồ xảo quyệt, nó vãi một bãi nước tiểu rồi chạy !”

(Tiếu phủ)

Suy tư 80:

Câu chuyện cây kem chảy nước mà người lính miền bắc vào chiếm miền nam năm 1975 tưởng như là chuyện tiếu lâm của thời đại, vậy mà trước đây cả hàng ngàn năm nó đã xảy ra ở Trung Quốc rồi, đúng là lịch sử lặp lại.

Có một câu chuyện lịch sử đã xảy ra cách đây hơn hai ngàn năm, không những chỉ lặp lại một lần mà là lặp lại hàng ngàn hàng vạn lần trong một ngày, không những ở một nơi cố định mà là ở mọi nơi trên quả địa cầu này, câu chuyện ấy chính là Đức Chúa Giê-su đã hiến tế chính mình làm của lễ đền tội cho nhân loại trên đồi Can-vê chỉ có một lần, nhưng được lập lại nhiều lần bằng thánh lễ Mi-sa khắp nơi trên các bàn thờ trong ngày...

Câu chuyện cây kem chảy nước của thời đại ngày nay cũng như của ngày xưa thời các vua chúa bên tàu làm cho người nghe cười ra nước mắt vì cái ngu của họ, nhưng câu chuyện xảy ra trên đồi Can-vê ngày xưa đã khiến cho nhân loại đấm ngực ăn năn sám hối vì lỗi của mình mà Đức Chúa Giê-su phải chịu chết trên thập giá, và cũng nhờ câu chuyện lịch sử này mà nhiều người trong nhân loại được ơn cứu độ.

Cây kem chảy nước thì không còn gì để ăn để hưởng thụ, nhưng cái chết trên đồi Can-vê của Đức Chúa Giê-su đã trở nên lương thực hằng sống cho chúng ta trên đường về quê trời.

Hai câu chuyện hai ý nghĩa, hai câu chuyện hai thái độ.

Có câu chuyện đọc để cười rồi chấm hết, có câu chuyện đọc để suy tư và ảnh hưởng của nó kéo dài suốt cuộc sống của chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


--------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Toàn văn Tông Huấn ''Christus vivit'' của Đức Phanxicô, chương bốn
Vũ Văn An
04:14 07/04/2019
CHƯƠNG BỐN: Một thông điệp lớn cho mọi người trẻ

111. Đặt mọi điều khác sang một bên, bây giờ tôi muốn nói với những người trẻ về điều thiết yếu, một điều chúng ta không bao giờ nên giữ im lặng. Đó là một sứ điệp chứa ba sự thật vĩ đại mà tất cả chúng ta cần liên tục lắng nghe.

Một vị Thiên Chúa vốn là tình yêu

112. Sự thật đầu tiên tôi muốn nói với mỗi người các bạn là thế này: “Thiên Chúa yêu các bạn”. Bất luận các bạn đã nghe nó hay chưa. Tôi muốn nhắc các bạn nhớ điều đó. Thiên Chúa yêu các bạn. Đừng bao giờ nghi ngờ điều này, bất cứ điều gì có thể xảy ra với các bạn trong cuộc sống. Ở mọi thời điểm, các bạn đều được yêu thương vô hạn.

113. Có lẽ kinh nghiệm về tình cha của các bạn chưa phải là tốt nhất. Người cha trần gian của các bạn có thể đã cách xa hoặc vắng mặt, hoặc khắc nghiệt và độc đoán. Hoặc có thể người ấy không phải là người cha các bạn cần. Tôi không biết. Nhưng điều tôi có thể nói với các bạn, một cách chắc chắn tuyệt đối, là các bạn có thể tìm thấy sự an toàn trong vòng tay của Cha trên trời, của Thiên Chúa, Đấng là người đầu tiên ban cho các bạn sự sống và tiếp tục ban nó cho các bạn mọi lúc. Người sẽ là chỗ dựa vững chắc cho các bạn, nhưng các bạn cũng sẽ nhận ra rằng Người hoàn toàn tôn trọng sự tự do của các bạn.

114. Trong hạn từ Thiên Chúa, chúng ta tìm thấy nhiều cách phát biểu tình yêu của Người. Như thể Người đã cố gắng tìm ra những cách khác nhau để biểu lộ tình yêu đó, để ít nhất, với một trong số này, Người có thể chạm vào trái tim các bạn. Chẳng hạn, có những lúc, khi Thiên Chúa nói về mình như một người cha giàu tình cảm, chơi đùa với con cái: “Ta lấy dây nhân nghĩa, lấy mối ân tình mà lôi kéo chúng. Ta xử với chúng như người nựng trẻ thơ, nâng lên áp vào má" (Hs 11: 4).

Ở những lúc khác, Người nói về Người như người tràn trề tình yêu của một người mẹ có tình yêu tận đáy lòng dành cho con cái khiến bà không thể bỏ bê hoặc bỏ rơi chúng: Có phụ nữ nào quên được đứa con thơ của mình,
hay chẳng thương đứa con mình đã mang nặng đẻ đau? Cho dù nó có quên đi nữa, thì Ta, Ta cũng chẳng quên con bao giờ” (Is 49:15).

Người thậm chí còn tự so sánh mình với một người yêu đến mức viết người mình yêu vào lòng bàn tay, để giữ khuôn mặt người yêu ấy luôn ở trước mặt Người: “Này, Ta đã khắc ghi con trong lòng bàn tay Ta!”(Is 49:16).

Ở những lúc khác, Người nhấn mạnh đến sức mạnh của tình yêu vô địch của mình: “Núi có dời có đổi, đồi có chuyển có lay, tình nghĩa của Ta đối với con vẫn không thay đổi, giao ước hoà bình của Ta cũng chẳng chuyển lay” (Is 54: 10).

Hoặc Người nói với chúng ta rằng chúng ta đã được chờ đợi từ cõi đời đời, vì không phải ngẫu nhiên chúng ta đến thế giới này: “Ta đã yêu con bằng mối tình muôn thuở, nên Ta vẫn tiếp tục lòng tín trung của Ta với con” (Grm 31: 3).

Hoặc Người cho chúng ta biết rằng Người thấy nơi chúng ta một vẻ đẹp mà không ai khác có thể thấy: “Vì trước mắt Ta, ngươi thật quý giá, vốn được Ta trân trọng và mến thương” (Is 43: 4).

Hoặc Người làm cho chúng ta hiểu ra rằng tình yêu của Người không phải là không vui vẻ, mà là niềm vui thuần khiết, dâng đầy bất cứ khi nào chúng ta để Người yêu thương chúng ta: “Chúa, Thiên Chúa của con đang ngự giữa con, Người là dũng sĩ chiến thắng. Vì con, Chúa sẽ vui mừng hoan hỷ, sẽ lấy tình thương của Người mà đổi mới con. Vì con, Chúa sẽ nhảy múa tưng bừng ca hát” (Xp 3:17).

115. Đối với Người, các bạn có giá trị; các bạn đáng kể. Các bạn quan trọng đối với Người, vì các bạn là công trình của bàn tay Người. Đó là lý do tại sao Người quan tâm đến các bạn và nhìn các bạn cách âu yếm. “Hãy tín thác vào ký ức của Thiên Chúa: ký ức của Người không phải là ’'đĩa cứng' ‘lưu’ và ’trữ’ mọi dữ liệu của chúng ta. Ký ức của Người là một trái tim chứa đầy lòng trắc ẩn dịu dàng, một trái tim tìm thấy niềm vui trong việc ‘xóa’ khỏi chúng ta mọi dấu vết của sự ác [63]. Người không lưu giữ các thất bại của các bạn và Người luôn giúp các bạn học được điều gì đó ngay từ những sai lầm của các bạn. Vì Người yêu các bạn. Hãy cố gắng ở yên trong giây lát và để bản thân cảm nhận được tình yêu của Người. Hãy cố gắng làm im bặt mọi ồn ào bên trong, và nghỉ ngơi giây lát trong vòng tay yêu thương của Người.

116. Tình yêu của Người là một tình yêu không áp đảo hay áp bức, gạt sang một bên hoặc giản lượt vào im lặng, hạ nhục hay thống trị. Nó là tình yêu của Chúa, một tình yêu hàng ngày, kín đáo và tôn trọng; một tình yêu tự do và giải phóng, một tình yêu chữa lành và nâng cao. Tình yêu của Chúa liên quan nhiều tới việc nâng cao hơn là hạ gục, hòa giải hơn là cấm đoán, với việc đề nghị thay đổi mới hơn là lên án, với tương lai hơn là quá khứ” [64].

117. Khi Người yêu cầu các bạn điều gì, hoặc đơn giản khiến các bạn phải đối đầu với những thách thức trong cuộc sống, Người hy vọng rằng các bạn sẽ dành chỗ cho Người để Người thúc đẩy các bạn, giúp các bạn tăng trưởng. Người không buồn nếu bạn chia sẻ các vấn đề của các bạn với Người. Người lo lắng khi các bạn không nói chuyện với Người, khi các bạn không cởi mở đối thoại với Người. Kinh thánh cho chúng ta biết rằng Giacốp đã chiến đấu với Thiên Chúa (xem St 32: 25-31), nhưng điều đó không khiến Người không kiên trì trong hành trình của Người. Chính Chúa thúc giục chúng ta: “Hãy đến đây, ta cùng nhau tranh luận!” (Is 1:18). Tình yêu của Người rất thực chất, rất thật, cụ thể đến nỗi mời chúng ta tiến đến một mối liên hệ cởi mở và đối thoại hữu hiệu. Các bạn hãy tìm kiếm sự gần gũi của Cha trên trời của chúng ta nơi gương mặt yêu thương của các nhân chứng can đảm của Người trên trái đất!

Chúa Kitô cứu các bạn

118. Sự thật vĩ đại thứ hai là Chúa Kitô, vì tình yêu, đã hy sinh hoàn toàn để cứu các bạn. Những cánh tay dang rộng của Người trên thập giá là dấu hiệu đáng nói nhất cho thấy Người là một người bạn sẵn sàng không dừng lại ở bất cứ điều gì: “Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng” (Ga 13: 1).

Thánh Phaolô nói rằng đời ngài là một niềm tín thác hoàn toàn vào tình yêu tự hiến sinh đó: “Hiện nay tôi sống kiếp phàm nhân trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi” (Gl 2:20).

119. Cũng chính Chúa Kitô này, Đấng, bằng thập giá của Người, đã cứu chúng ta khỏi tội lỗi của chúng ta, hôm nay tiếp tục cứu rỗi và cứu chuộc chúng ta bằng sức mạnh của việc hoàn toàn tự từ bỏ mình của Người. Hãy nhìn vào thập giá của Người, bám vào Người, để Người cứu các bạn vì “những người chấp nhận lời đề nghị cứu rỗi của Người được giải thoát khỏi tội lỗi, sầu khổ, trống rỗng nội tâm và cô đơn” [65]. Và nếu các bạn phạm tội và lạc xa Người, Người sẽ đến nâng các bạn lên bằng sức mạnh thập giá của Người. Đừng bao giờ quên rằng Người tha thứ cho chúng ta bảy mươi lần bảy. Hết lần này đến lần khác, Người cõng chúng ta trên vai. Không ai có thể tước đi phẩm giá của chúng ta do tình yêu vô biên và vô tận này ban cho chúng ta. Với một sự dịu dàng không bao giờ làm thất vọng nhưng luôn có khả năng khôi phục niềm vui của chúng ta, Người khiến chúng ta có thể ngẩng cao đầu và bắt đầu lại một lần nữa” [66].

120. “Chúng ta được Chúa Giêsu cứu vớt vì Người yêu chúng ta và không thể đi ngược lại với bản tính của Người. Chúng ta có thể làm bất cứ điều gì chống lại Người, nhưng Người yêu chúng ta và Người cứu chúng ta. Chỉ những gì được yêu thương mới có thể được cứu vớt. Chỉ những gì được ôm ấp mới có thể được biên đổi. Tình yêu của Chúa lớn hơn tất cả các nan đề, yếu đuối và sai sót của chúng ta. Tuy nhiên, chính qua các nan đề, yếu đuối và sai sót của chúng ta mà Người muốn viết nên câu chuyện tình này. Người ôm lấy đứa con hoang đàng, Người ôm lấy Phêrô sau những lời ông chối Người, và Người luôn luôn, luôn luôn ôm lấy chúng ta sau mỗi lần vấp ngã, giúp chúng ta chỗi dậy và đi bằng đôi chân của mình. Vì vấp ngã tồi tệ nhất, và các bạn hãy chú ý điều này, “vấp ngã tồi tệ nhất, thứ có thể hủy hoại cuộc sống của chúng ta, là khi chúng ta nằm bẹp và không để bản thân được giúp đỡ để đứng lên” [67].

121. Sự tha thứ và sự cứu rỗi của Người không phải là thứ chúng ta có thể mua, hoặc chúng ta phải có được bằng chính việc làm hoặc nỗ lực của mình. Người tha thứ cho chúng ta và giải phóng chúng ta một cách nhưng không, miễn phí. Sự tự hy sinh của Người trên thập giá lớn đến nỗi chúng ta không bao giờ có thể đền đáp, mà chỉ có thể tiếp nhận với lòng biết ơn lớn lao và niềm vui được yêu thương nhiều hơn điều chúng ta có thể tưởng nghĩ: “Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta trước” (1Ga 4: 19).

122. Hỡi các người trẻ, những người yêu dấu của Chúa, các bạn hẳn có giá trị xiết bao, vì các bạn đã được cứu chuộc bằng máu quý giá của Chúa Kitô! Các bạn trẻ thân mến, “các bạn là vô giá! Các bạn không là hàng bán rẻ! Xin vui lòng, đừng để mình bị mua. Đừng để mình bị quyến rũ. Đừng để bản thân bị nô lệ bởi các hình thức thực dân ý thức hệ từng nhồi nhét các ý tưởng vào đầu các bạn, kết quả là cuối cùng các bạn trở thành nô lệ, nghiện ngập, thất bại trong đời. Các bạn là vô giá. Các bạn phải lặp lại điều này luôn: Tôi không là hàng bán rẻ; Tôi không có giá. Tôi tự do! Hãy yêu thích sự tự do này, sự tự do mà Chúa Giêsu đã cung cấp” [68].

123. Các bạn hãy nhìn chăm chăm vào hai cánh tay dang rộng của Chúa Kitô bị đóng đinh, hãy để mình được cứu vớt đi cứu vớt lại. Và khi các bạn đi xưng các tội lỗi của mình, hãy tin tưởng chắc chắn vào lòng thương xót của Người, lòng thương xót giải thoát các bạn khỏi cảm giác tội lỗi. Các bạn hãy chiêm ngưỡng máu Người tuôn ra với tình yêu vĩ đại như vậy, và để nó tẩy rửa mình. Bằng cách này, các bạn có thể mãi mãi được tái sinh.

Người đang sống!

124. Cuối cùng, có một sự thật thứ ba, không thể tách rời với sự thật thứ hai: Chúa Kitô đang sống! Chúng ta cần phải nhắc nhở bản thân về điều này, bởi vì chúng ta liều mình thấy Chúa Kitô chỉ đơn giản là một mô hình tốt từ quá khứ xa xôi, như một ký ức, như một người đã cứu chúng ta hai ngàn năm trước. Nhưng điều đó sẽ không có ích gì đối với chúng ta: nó sẽ khiến chúng ta không thay đổi, nó sẽ không giải thoát chúng ta. Đấng lấp đầy chúng ta bằng ơn thánh của Người, Đấng giải thoát chúng ta, biến đổi chúng ta, chữa lành và an ủi chúng ta là một người hoàn toàn đang sống. Người là Đấng Kitô, sống lại từ cõi chết, tràn đầy sức sống và năng lực siêu nhiên, và mặc áo ánh sáng vô biên. Đó là lý do tại sao Thánh Phaolô có thể nói: “Nếu Chúa Kitô không sống lại, đức tin của anh em vô ích” (1 Cr 15: 7).

125. Đang sống, Người có thể có mặt trong cuộc sống của các bạn mọi lúc, để lấp đầy nó bằng ánh sáng và lấy đi mọi buồn phiền và cô độc. Ngay cả khi mọi người khác ra đi, Người vẫn sẽ ở lại, như Người đã hứa: “Thầy sẽ luôn ở bên các con, cho đến tận cùng thời gian” (Mt 28:20). Người lấp đầy cuộc sống của các bạn bằng sự hiện diện vô hình của Người; bất cứ các bạn đi đâu, Người sẽ chờ các bạn ở đó. Bởi vì Người không chỉ đến trong quá khứ, mà Người còn đến với các bạn hôm nay và mỗi ngày, mời các bạn lên đường đến những chân trời luôn luôn mới.

126. Các bạn hãy xem Chúa Giêsu như người hạnh phúc, tràn ngập niềm vui. Hãy vui mừng với Người như với một người bạn đã chiến thắng. Người ta đã giết Người, Đấng thánh, Đấng duy nhất công chính, Đấng vô tội, nhưng cuối cùng Người đã chiến thắng. Cái ác không có lời cuối cùng. Nó cũng sẽ không có lời cuối cùng trong cuộc đời các bạn, vì các bạn có một người bạn yêu các bạn và muốn chiến thắng trong các bạn. Đấng Cứu Rỗi của các bạn đang sống.

127. Bởi vì Người sống, nên không thể nghi ngờ gì là lòng tốt sẽ chiếm ưu thế trong cuộc sống của các bạn và mọi cuộc đấu tranh của chúng ta sẽ được chứng minh là có giá trị. Nếu đúng như thế, thì chúng ta nên ngưng việc phàn nàn và nhìn về tương lai, vì với Người điều này luôn luôn khả hữu. Đó là điều chắc chắn chúng ta có. Chúa Giêsu đang sống mãi mãi. Nếu chúng ta bám chặt lấy Người, chúng ta sẽ có sự sống và được bảo vệ khỏi các mối đe dọa của cái chết và bạo lực có thể tấn công chúng ta trong cuộc sống.

128. Mọi giải pháp khác đều chứng tỏ không thỏa đáng và chỉ tạm thời. Nó có thể hữu ích trong một thời gian, nhưng một lần nữa chúng ta sẽ thấy mình bị phơi bày và bị bỏ rơi trước những cơn giông bão của cuộc sống. Mặt khác, với Chúa Giêsu, trái tim của chúng ta cảm nghiệm một sự an toàn bắt nguồn vững chắc và bền bỉ. Thánh Phaolô nói rằng ngài muốn trở thành một với Chúa Kitô để có thể “biết Người và sức mạnh của sự phục sinh của Người” (Pl 3:10). Sức mạnh đó cũng sẽ liên tục được mặc khải trong cuộc sống của các bạn, vì Người đã đến để ban cho các bạn sự sống, và “sự sống dư thừa” (Ga 10, 10).

129. Nếu trong tâm hồn các bạn, các bạn có thể học cách đánh giá cao vẻ đẹp của sứ điệp này, nếu các bạn sẵn lòng gặp Chúa, nếu các bạn sẵn lòng để Người yêu các bạn và cứu các bạn, nếu các bạn có thể kết bạn với Người và bắt đầu nói chuyện với Người, Chúa Kitô hằng sống, về những thực tại của cuộc đời các bạn, thì các bạn sẽ có một cảm nghiệm sâu sắc có khả năng nâng đỡ toàn bộ đời sống Kitô hữu của các bạn. Các bạn cũng sẽ có thể chia sẻ kinh nghiệm đó với những người trẻ tuổi khác. Vì “làm một Kitô hữu không phải là kết quả của một lựa chọn đạo đức hay một ý tưởng cao cả, mà là cuộc gặp gỡ với một biến cố, một người, mang đến cho cuộc sống một chân trời mới và một hướng đi dứt khoát” [69].

Thần Trí ban sự sống

130. Trong ba sự thật này – Thiên Chúa yêu các bạn; Chúa Kitô là Đấng Cứu Rỗi của các bạn; Người đang sống - chúng ta nhìn thấy Thiên Chúa Cha và Chúa Giêsu. Bất cứ Chúa Cha và Chúa Con ở đâu, cũng có Chúa Thánh Thần ở đó. Người là người lặng lẽ mở các cõi lòng để tiếp nhận sứ điệp đó. Người tiếp tục duy trì sống động niềm hy vọng cứu rỗi của chúng ta, và Người sẽ giúp các bạn lớn lên trong niềm vui nếu các bạn cởi mở với việc làm của Người. Chúa Thánh Thần tràn đầy trái tim Chúa Kitô phục sinh và sau đó tràn qua cuộc sống của các bạn. Khi các bạn nhận được Chúa Thánh Thần, Người sẽ kéo các bạn sâu hơn vào trái tim của Chúa Kitô, để các bạn có thể lớn lên trong tình yêu, cuộc sống và quyền năng của Người.

131. Hãy cầu xin Chúa Thánh Thần mỗi ngày giúp các bạn trải nghiệm như mới sứ điệp tuyệt vời. Tại sao không? Các bạn không có gì để mất, và Người có thể thay đổi cuộc sống của các bạn, lấp đầy nó bằng ánh sáng và dẫn nó theo đường tốt hơn. Người không lấy gì khỏi các bạn, nhưng thay vào đó giúp các bạn tìm thấy mọi điều các bạn cần, và theo cách tốt nhất có thể. Các bạn có cần tình yêu không? Các bạn sẽ không tìm thấy nó trong sự phóng đãng, sử dụng người khác hoặc cố gắng chiếm hữu hoặc thống trị. Các bạn sẽ tìm thấy nó một cách sẽ làm cho bạn thực sự hạnh phúc. Các bạn đang tìm kiếm cảm xúc mạnh mẽ phải không? Các bạn sẽ không cảm nghiệm chúng bằng cách tích lũy các vật vật chất, tiêu tiền, tuyệt vọng chạy theo sau những điều thuộc thế gian này. Chúng sẽ đến, nhưng một cách đẹp đẽ và ý nghĩa hơn nhiều, nếu bạn để cho mình được Chúa Thánh Thần thúc đẩy.

132. Các bạn đang tìm kiếm đam mê? Như bài thơ hay kia từng nói: “Hãy si tình, (hay hãy để mình được yêu)”, vì “không có gì thực tế hơn là tìm thấy Thiên Chúa, hơn là yêu một cách khá tuyệt đối, dứt khoát. Những gì các bạn đang yêu, những gì chiếm hữu trí tưởng tượng của các bạn, sẽ ảnh hưởng đến mọi sự. Nó sẽ quyết định những gì sẽ đưa các bạn ra khỏi giường vào buổi sáng, những gì các bạn làm vào buổi tối của các bạn, cách các bạn sống cuối tuần, những gì các bạn đọc, những người các bạn biết, những gì làm tan nát trái tim của các bạn, và những gì làm các bạn ngạc nhiên và biết ơn. Si tình, ở lại trong tình yêu, và nó sẽ quyết định mọi sự” [70]. Tình yêu dành cho Thiên Chúa này, một tình yêu có thể tiếp cận mọi thứ trong cuộc sống một cách đam mê, có thể có là nhờ Chúa Thánh Thần, vì “Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta” (Rm 5: 5).

133. Người là nguồn của tuổi trẻ ở lúc đẹp nhất của nó. Vì những người tín thác vào Chúa “như cây trồng bên dòng nước, đâm rễ sâu vào mạch suối trong, mùa nóng có đến cũng chẳng sợ gì, lá trên cành vẫn cứ xanh tươi” (Grm 17: 8). Trong khi “Thanh niên mệt mỏi, nhọc nhằn” (Is 40:30), những người chờ đợi Chúa “Nhưng những người cậy trông Chúa sẽ được thêm sức mạnh, Như thể chim bằng, họ tung cánh, Họ chạy hoài mà không mỏi mệt, và đi mãi mà chẳng chùn chân” (Is 40:31).

Còn tiếp
 
Fatima mừng 100 năm sinh nhật về trời của Thánh Phanxicô Marto
Lm. Bùi Thượng Lưu
13:33 07/04/2019
Fatima mừng 100 năm sinh nhật về trời của Thánh Phanxicô Marto và năm 2020 sẽ mừng 100 sinh nhật của thánh nữ Giaxinta Marto

Fatima 05.04.19- Đúng 100 năm trước, ngày mùng 4 tháng 4 năm 1919, Phanxicô Marto (1908-1919), cậu bé chăn chiên làng Fatima xưa đã qua đời vì bệnh dịch Tây Ban Nha, một năm trước em gái của mình. Đức Hồng Y chủ chăn dẫn giải: Ngày nay, em bé này trở thành mẫu gương cho những người lớn tuổi về lòng yêu mến lần hạt Mân Côi và Thánh Thể, cũng như sứ mệnh « sửa sang lại » nhà của Chúa, theo gương thánh Phanxicô thành Assisi xưa. Vị chủ chăn giáo phân đã đặt câu hỏi rất quan yếu vào dịp lễ mừng sinh nhât 100 năm với rất đông khách hành hương hiện diện: « Làm sao chúng ta có thể sống mối tương quan của chúng ta với Thiên Chúa ? »,

Phong Chân Phước và phong thánh

Phanxicô đã được phong Chân Phước cùng thời gian với Giaxinta (1910-1920) em gái vào ngày 13.05.2000 do Đức Thánh Giaso Hoàng Gioan-Phaolô đệ nhị, nhân chuyến hành hương Fatima trong Năm Thánh 2000… và cũng đã được Đức Thánh Cha Phanxicô tôn phong lên Bậc Hiển Thánh cùng với Giaxinta vào ngày 13.0.2017 nhân cuộc hành hương Fatima mừng kỷ niệm đệ nhất bách chu niên Đức Mẹ hiện ra với hai mục đồng chăn chiên trẻ cùng với chị họ Lucia Dos Santos (1907-2005) tại đồi Cova da Iria vào ngày 13.05.1917.

Lucia, nữ tu dòng Kín Coimbra, đã khẳng định sự xác thực và đã giải thích « bí mật » chưa bao giờ được tiết lộ trước đây cho ĐHY Joseph Ratzinger, khi đến tham dự lễ phong Chân Phước cho Phanxicô và Giaxinta. Nũ tu cũng tuyên bố rằng Đức Trinh Nữ Maria hài lòng với việc dâng hiến thế giới cho Trái Tim Vô Nhiễm của Mẹ mà Đức Gioan-Phaolo II đã thực hiện năm 1984, vào giờ Kinh Truyền Tin…Vụ án phong chân phước cho nữ tu Lucia cũng đã được khai mở…

Băng bó các vết thương

ĐHY Antonio Marto Dos Santos Marto, giám mục chính tòa giáo phận Leira-Fatima, đã khấn xin thánh trẻ Phanxicô Marto chuyển cầu cho sứ mệnh chữa lành trong việc « băng bó vết thương » của nhân loại, của thế giới và của giáo hội,

Hôm mùng 04 tháng 4 năm 2019, nhân thánh lễ mừng 100 năm sinh nhật về trời của thánh Phaxicô Marto, ĐHY đã nêu bật tấm gương lớn lao cho « các người lớn tuổi ngày nay » về vẻ đẹp và sự say mê Thiên Chúa qua việc sùng kính Thánh Thể và sứ mạng chữa lành Giáo Hội theo ý nghĩa của Thánh Phanxicô thành Assisi: băng bó các vết thương của nhân loại « bị sâu xé vì bao bạo lực » và của Giáo Hội « đang quằn quại vì hư thối và các gương mù gương xấu »

ĐHY đã chủ sự giờ lần hạt Mân Côi và thánh lễ, Ngài đã tuyên bố như sau: « Phanxicô đi xây dựng lại Giáo Hội ! Chúng ta cũng nguyện xin Thánh Phanxicô Marto trong giây phút đau đớn này của Giáo Hội. Xin thương giúp chúng con trở thành các Kitô hữu trung tín hơn với Tin Mừng và với Chúa Giêsu; xin giúp chúng con khám phá vẻ huy hoàng tươi đẹp của Thiên Chúa; xin giúp chúng con càng ngày càng kết hiệp với Chúa Giêsu trong Thánh Thể và trở thành các cộng sự viên của Thánh thể để đền bù tội lỗi của thế giới và của Giáo Hội.

Mối mật thiết với Thiên Chúa

Đức HY nước Bồ Đào Nha nhấn mạnh: « Cần phải sửa chữa lại các thiệt hại để có thể tái tạo, để sửa chữa lại các thiệt hại đã gây ra bởi các gương mù và để làm nẩy sinh ra các cộng đồng tín hữu trung thành với Tin Mừng, với xác tín rằng, trong những giờ phút tăm tối nhất của lịch sử Giáo Hội đã trải qua, Thiên Chúa chưa bao giờ rời bỏ chúng ta ».

Tiếp đến, ĐHY Dom Antonio Marto đã đề cao sự mật thiết với Chúa như chìa khóa để hiểu về con đường nên thánh của vị Thánh.

Phanxicô « đã được dìu vào vào mầu nhiệm Thiên Chúa nhờ Đức Mẹ, Đấng đã dẫn dắt thánh nhân yêu mến và cảm nghiệm Thiên Chúa là Đấng cao đẹp nhất của cuộc sống và sự hiện hữu của thánh nhân ».

ĐHY quả quyết: « Chính việc tuyên xưng tối hậu về tình thương và vẻ đẹp tuyệt mỹ của Thiên Chúa, nhờ chính cảm nghiệm và được soi chiếu bởi sự hiện diện của Chúa trong tâm hồn mình, đã khơi lên trong thánh nhân năng lực truyền giáo để « chiếu tỏa và loan báo sứ điệp ấy cho tha nhân »

« Lời chứng về sự huyền diệu và sự say mê đối với Chúa, về niềm hoan lạc cảm nếm Thiên Chúa đang hiện diện trong thánh nhân, quả thực là vấn đề thời sự khẩn trương. Ngày hôm nay, có lẽ điều quan trọng và quan yếu nhất chính là sống đức tin « không chỉ bị co cụm và đóng khung » vào toàn thể các chân lý và giới luật, nhưng hệ tại sự kết hiệp sống động tình yêu và mối quan hệ với Thiên Chúa. »

Cảm nghiệm và cảm mến Thiên Chúa

ĐHY khẳng định thêm rằng: « Chúng ta sống lơ là với Thiên Chúa. Thiên Chúa chỉ còn là một danh từ 4 chữ (Deus), trống rỗng, không còn sinh động; đối với người khác, đó là một đấng tối cao, xa vời, đấng làm cho vũ trụ vận hành, nhưng không hề bận tâm đến chúng ta và không có một chút quan tâm nào…Người khác nói rằng mình tin vào Thiên Chúa nhưng lại thường hay lãng quên Ngài …

Chính vì đi ngược với Thánh Phanxicô « chúng ta chẳng cảm nghiệm gì về sự hiện diện của Thiên Chúa, cũng chẳng cảm nhận về tình yêu, về sự tha thứ, về lòng thương xót, về tinh thần, về sức mạnh và về ánh sáng của Ngài »

ĐHY cảnh báo rằng: « Vào giờ phút dửng dưng thờ ơ này, chẳng có đức tin nào có thể đứng vững nếu các bạn không sống với cảm nghiệm được Thiên Chúa hiện diện trong cuộc đời của mình. Chính vì thế mà chúng ta phải tự nghiệm xét xem chúng ta đang sống mối quan hệ với Thiên Chúa thế nào ? Đây chính là câu hỏi tất yếu nhất liên quan đến sứ mạng phúc âm hóa của Giáo Hội và của các Kitô hữu: Trao ban trái tim của Thiên Chúa cho người khác và sống điều đó với tình yêu và với hành động cụ thể » theo cách của thánh Phanxicô.

ĐHY mới gọi tín hữu hãy « an ủi Thiên Chúa, hãy dâng hiến cho Thiên Chúa trong niềm vui và kết hiệp với Ngài với tình yêu khăng khít thẳm sâu qua Chúa Giêsu ẩn thân trong Thánh Thể »

Em bé của Thánh Thể

Đức cha chủ chăn của giáo phận Leiria-Fatima quả quyết: « Đây quả là em bé đã thấm nhập vào trong mầu nhiệm tuyệt vời này của đức tin –Chúa Giê Su hiện diện trong Thánh Thể, chính là vị Thiên Chúa ở với chúng ta, cho chúng ta, cho chúng ta- đó là tấm gương cho mọi người »

« Đây không chỉ là lễ kỷ niệm một niên biểu, ngày mà thánh nhân về trời, nhưng là dịp để nhìn ngắm ngày qua đời này như là một tổng thể một cuộc sống, đã để lại cho chúng ta một gia sản, và chúng ta biết ơn vì gia sản ấy. Riêng đối với tôi, gia sản này đặc biệt đã giúp tôi khám phá vẻ đẹp và tình yêu của Thiên Chúa và đã giúp tôi gắn bó và dấn thân hơn vào việc truyền giáo ».

Mừng năm đệ nhất bách chu niên của Phanxicô

Những cuộc lễ mừng của Fatima đã bắt đầu buổi canh thức với giờ lần hạt Mân Côi, tiếp nối với giờ canh thức bên mộ thánh Phanxicô Marto trong vương cung thánh đường Chúa Ba Ngôi.

Vào sáng thứ năm, lúc 10g sáng có giờ lần hạt Mân Côi tại nguyện đường hiện ra, sau đó đoàn rước cung nghinh ảnh Thánh Phanxicô Marto lên vương cung thánh đường Thánh Mẫu Mân Côi và kết thúc với thánh lễ kính các thánh mục đồng Fatima, do ĐHY Antonio Marto chủ tế.

Vào lúc 14g sau trưa, người ta đã đọc lại chương 4 trong tập ký sự của Sr. Lucia trong vương cung thánh đường Thánh Mẫu Mân Côi, sau đó là chầu Thánh Thể và hát kinh chiều trọng thể.

Một tờ thông tin nhân lễ kỷ niệm đệ nhất bách chu niên ngày qua đời của thánh Phanxicô cũng đã được phân phát tại Trung tâm Thánh Mẫu cũng như tại căn nhà thánh Phanxicô và Giaxinta ở làng Aljustrel tới cuối năm phụng vụ. Bản thông tin này được in bằng 7 ngôn ngữ chính của đền thánh Fatima.

Các khách hành hương khi kính viếng căn phòng tại nhà Phanxicô có thể nghe kể về cái chết của Phanxicô, theo Ký sự của sr. Lucia. Nấm mộ của thánh mục đồng trẻ trong vương cung thánh đường Thánh Mẫu Mân Côi cũng sẽ được tôn kính một cách đặc biệt,

Vào ngày mùng 07 tháng tư, vương cung thánh đường Thánh Mẫu Mân Côi sẽ có buổi hòa nhạc mừng đệ nhất bách chu niên ngày qua đời của thánh Phanxicô Marto vào lúc 15g30 do ban hợp xướng Lusiovoce dưới quyền điều khiển của Clara Alcobia Coelho.

Riêng giáo xứ Fatima cũng đặc biệt ghi dấu lễ mừng đệ nhất bách chu niên này như là biến cố cổ võ cho hòa bình trên thế giới.

Nhân lễ kỷ niệm đệ nhất bách chu niên ngày qua đời của mục đồng trẻ này, nhiều cộng đồng Công Giáo trên khắp hoàn vũ cũng hiệp thông với các khoảng khắc thờ lậy, lần hạt Mân Côi và tận hiến cho Trái Tim Vô Nhiễm của Đức Maria…

Và lễ mùng đệ nhất bách chu niên của Giaxinta vào năm 2020 

Sáng kiến này nằm trong dự án « Mẹ Fatina » nhắm mục đích mừng đệ nhất bách chu niên ngày qua đời của thánh Phanxicô Marto vào ngày mùng 04.04.2019 và của thánh nữ Giaxinta Marto vào ngày 20.02.2020, để hiệp thông toàn thế giới cầu nguyện cho hòa bình,

Hiệp hội Phanxicô và Giaxinta Marto muốn ghi dấu cuộc kỷ niệm trăm năm này với sáng kiến tiêu đề: « Những cuộc gặp gỡ về linh đạo và văn hóa tại Casa das Candeias »

Cuộc họp mặt văn hóa đầu tiên để đào sâu linh đạo Fatima và linh đạo của các thánh Phanxicô và Giaxinta, với các cách tiếp cận dưới nhiều khía cạnh, sẽ được tổ chức vào lúc 21g với đề tài « Người ta nói gì trong thinh lặng ?», về cuộc đời của thánh Phanxicô Marto do bà Angela de Fatima Coelho và cha Valinho Gomes.

Lm. Stephanô Lưu

Nguồn: https://fr.zenit.org/articles/fatima-il-y-a-cent-ans-la-naissance-au-ciel-de-francisco-marto/

https://www.fatima.pt/pt/news/cardeal-d-antonio-marto-considera-que-o-mundo-a-sociedade-e-a-cultura-estao-a-dar-sinais-de-envelhecimento-espiritual-2019-04-07
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo xứ Tân việt Rửa Tội Dự Tòng
Vinh Sơn Trần Văn Đẩu
09:34 07/04/2019
Sau 3 tháng học giáo lý và thực hành sống đạo, lúc 17g30 thứ bảy 6/4/2019 tại giáo xứ Tân Việt 23 anh chị em được diễm phúc trở thành chi thể mới của Đức Ki Tô qua các bí tích khai tâm Ki Tô giáo do Cha chánh xứ Đa minh Vũ ngọc Thủ chủ sự.

Mở đầu là nghi thức tiếp nhận ở cuối nhà thờ , sau đó anh chị em đón Cha chủ tế lên cung thánh bắt đầu thánh lễ.

Xem Hình

Qua bản văn Tin mừng hôm nay, cha chủ tế chia sẻ : Khi Chúa Giê su đang giảng dạy , nguười ta mang đến cho Chúa một người phụ nữ phạm tội ngoại tình . Họ muốn ném đá chị ấy nhưng sau khi nghe Chúa hỏi “ ai trong các vị không phạm tội hãy ném đá người phụ nữ này đi “ . Đám đông dần rút hết và Chúa nói với người phụ nữ “ Chị hãy về đi và đừng phạm tội nũa “ . Lời của Chúa luôn mời gọi mỗi người chúng ta hãy đến với Chúa Đấng giầu lòng xót thương .

Hôm nay anh chị em tân tòng sau một thời gian học hỏi và tìm hiểu, anh chị em đã nhận biết tình thương của Thiên Chúa và quá khứ lỗi lầm của mình , qua những ngày tĩnh tâm vừa qua anh chị em đã sám hối để hôm nay dòng nước ấy đã thanh tẩy tội lỗi để anh chị em giống như Thánh Phao lo năm xưa, bỏ hết mọi tội lỗi mà lao mình theo Chúa, làm chứng cho Chúa trong xã hội hôm nay.

Sau bài giảng , Cha chủ tế ban các bí tích khai tâm Ki To giáo cho 23 anh chị em.

Thánh lễ tiếp tục với lời nguyện tín hữu và dâng của lễ.

Trước khi kết thúc thánh lễ, đại diện phụ huynh cám ơn hai cha và các anh chị hướng dẫn và cầu nguyện cho anh chị em tân tòng. Xin tiếp tục nâng đỡ và cầu nguyện cho các anh chị sống mãi trong tình yêu và ân sủng đã được đón nhận ngày hôm nay.

Thánh lễ kết thúc lúc 19g trong niềm vui của toàn giáo xứ.

Được biết giáo xứ Tân việt hằng năm có hai khoá giáo lý dự tòng;

Khóa 1 : Học từ đầu tháng 1 đến tháng 3.

Khoa 2 : Học từ đầu tháng 7 đến tháng 9.

Vinh sơn Trần văn Đẩu

 
Văn Hóa
Lá thư Canada: Mùa Xuân Phục Sinh
Trà Lũ
21:27 07/04/2019
Canada đã hết tuyết và đang bước vào mùa xuân. Mỗi sớm mai thức dậy, ai cũng thấy mùa xuân đang lấp lánh phiá chân trời. Dân làng tôi đã bắt đầu bàn chuyện làm vườn, trồng húng trồng ngò, nhưng mới bàn mới trao đổi và góp ý thôi, tháng sau mới trồng thực sự. Đất của Canada tốt qúa sức, trồng cái gì cũng thành công. Chị Ba Biên Hòa đang đi tìm hạt cây dấp cá, Cụ Chánh đang tìm hạt cây thì là. Chỉ mới nghe dân làng bàn chuyện trồng các loại rau thơm mà tôi đã thấy mâm cơm trong mùa xuân mùa hè này sẽ ngon hết sức vậy đó.

Đó là các chuyện liên hệ tới cái vườn dịp đầu xuân của làng An Lạc chúng tôi. Ngày họp làng đầu tháng Cụ Chánh tiên chỉ đã nhắc dân làng về ngày lễ Phục Sinh giữa tháng và ngày Quốc hận 30/4 cuối tháng. Mấy cô Huế trong làng xin ông ODP tóm tắt chuyện thời sự. Ông kể ngay: Chuyện cộng đồng VN thì khắp nơi đang bàn chuyện lễ chào cờ và xây đài kỷ niệm thuyền nhân. Riêng tại Montréal thuộc bang Québec thì có tin rất đáng chú ý : Đó là tin tờ nguyệt san ‘Người Việt Montreal’, sẽ đóng cửa kể từ tháng Tư này. Đây là một tờ báo uy tín của cộng động, không chỉ tại địa phương mà còn khắp nước Canada và cả ở hải ngoại. Ban chủ biên, BS Trần Mộng Lâm, BS Nguyễn Lương Tuyền, nói rằng chúng ta đang bước vào giai đoạn mới nên cần tiếng nói mới. Không biết bao giờ thì ‘Tiếng Nói Mới’ mới xuất hiện đây.

Còn tình hình quốc gia thì có tin tỉnh bang B.C. ở miền tây đang dự tính hủy bỏ việc đổi giờ hàng năm, sẽ không còn vặn lên 1 giờ vào đầu xuân rồi lại vặn xuống 1 giờ vào đầu mùa đông. Ngoài ra, toàn quốc ai cũng an cư lạc nghiệp. À, còn tin này ai cũng cảm thấy mà không ai công khai nói ra : các quan chức Trung Cộng và Việt Cộng đang âm thầm chuyển tiền tham nhũng sang cất giấu ở đây rất đông, hoặc ở ngân hàng hoặc tậu mãi nhà cửa. Tôi có người bạn thân mới đi VN về. Anh cho biết nền giáo dục VN hiện nay xuống dốc nên nhiều bậc cha mẹ có tiền đều lo cho con cái xuất ngoại du học. Nơi đến là Canada và Hoa Kỳ. Hiện tượng này có tên là ‘lên thuyền’. Không phải lên thuyền tỵ nạn cộng sản như năm xưa, mà lên thuyền trốn sự giáo dục đầy sai lạc và dối trá. Chị Ba Biên Hoà gật đầu đồng ý về tin này. Chị bảo, số sinh viên VN du học hiện nay rất đông, cứ nhìn các em làm việc chạy bàn ở các nhà hàng thì đủ rõ. Em nào cũng đi làm để có thêm tiền mua sách vở.

Còn tin thời sự quốc tế thì sao ? Vẫn những tin cũ, vẫn cụ Trump bên Hoa Kỳ với việc xây tường biên giới phiá nam, vẫn tin cụ can thiệp vào nội bộ xứ Venezuella, vẫn tin tranh đua kinh tế với Trung Cộng. Còn bên Anh thì vấn đề ly khai liên bang Âu Châu Brexit vẫn còn rối rắm, bên Pháp thì vấn đề dân áo vàng biểu tình vẫn còn sôi nổi. Bên Á Châu thì việc Trung Cộng bành trướng chiếm biển đông, chiếm biển VN ngày càng hung hăng. Trung Cộng đang ra sức đấu tranh với Mỹ. Ai cũng mong Cụ Trump theo được gương Cụ Reagan ngày xưa. Bạn đọc còn nhớ năm xưa Nga Xô cố gồng mình cạnh tranh với Mỹ, Cụ Reagan đã làm cho Nga Xô đứt gân bụng rồi xẹp luôn. Cầu mong cụ Trump theo đưọc con đưòng Cụ Reagan.

Mọi khi họp làng thì thường Cụ B.95 yêu cầu anh John kể chuyện, bữa nay anh John đã đi bước đầu, anh phỏng vấn cụ trước : Thưa bác, bác từ Hà Nội sang thẳng Canada, bác có thấy nhiều sự khác biệt không ? Cụ B.95 trả lời ngay : Thấy nhiều lắm chứ, cái gì cũng khác, từ nhà cửa, ăn uống đến ăn mặc. Ngoài Bắc quê tôi thì manh quần tấm áo là quý hiếm lắm, ở đây thì ôi thôi, không qúy hiếm mà ê hề. Quê tôi đàn bà con gái có áo nâu quần đen đã là sang trọng lắm rồi, còn ở đây thì chao ơi áo dài muôn sắc dài quét đất.

Nghe đến áo dài thì bụng ông ODP như nổi sóng. Ông giơ tay xin tiếp lời Cụ B.95. Rằng cụ đã nói rất đúng. Cái kiểu thời trang bây giờ làm tôi rất ngứa mắt. Cái áo dài nó đẹp trang nhã như vậy, nó thơ mộng ở chỗ hai vạt áo nối vào nhau ở hai bên sườn, trên cạp quần một chút, tạo ra một kẽ hở hình tam giác. Nó lộ ra một chút da trắng hồng. Ôi kẽ hở tam giác này nó đẹp và sexy làm sao. Bây giờ áo dài thời trang là rộng và dài quét đất, chả còn lộ ra cái tam giác trắng non bên sườn, chả còn lộ ra cái quần dài bên dưới. Các cụ cứ xem các phim ca nhạc mà coi, áo dài có diêm dúa nhưng mất hết vẻ thơ mộng. Theo tôi, tôi chỉ thấy có 3 nữ lưu này còn giữ được tấm áo dài thơ mộng ngày xưa, đó là cô tài tử Kiều Chinh, cô ca sĩ Khánh Ly và Hoàng Oanh.

Dân làng ai nghe những lời bình luận này đều gật gù đồng ý. Ông ODP được hứng xin nói tiếp sang cái khăn đội trên đầu. Theo ông, gốc cái khăn là để cuốn mái tòc dài. Xưa các cụ ta cuốn mái tóc bằng khăn lụa hay khăn nhung và chỉ cuốn độ 2 vòng là cùng vì có ai tóc dài phải cuốn đến 3 hay 4 vòng đâu. Biểu tượng đẹp của việc vấn khăn này là Hoàng hậu Nam Phương vợ vua Bảo Đại. Các bạn cứ tìm hình Bà Nam Phương ngày xưa mà coi, bà vấn khăn trên đầu rất đẹp, rất thanh nhã, rất qúy phái. Còn bây giờ thì sao ? Chao ơi, đa số các bà các cô không vấn khăn mà đội những vành khăn giả tạo, to như cái rế. Khăn gì mà cuốn bao nhiêu là vòng, trông không còn ra khăn vấn. Nó to và cao như cái rế nhà bếp. Thị trường trang sức bán những cái rế này, màu mè xanh đỏ khắp nơi. Nhiều đoàn thể phụ nữ bây giờ có trào lưu đội rế. Các bạn cứ xem các cuộc diễn hành và rước xách mà coi. Các bà các cô mặc áo dài quét đất và ai cũg đội rế to đùng trên đầu. Việc này đã lan vào cả nhà thờ, nhà chùa.

Cụ Chánh thấy ông ODP bỉ báng vành khăn đã hơi dài nên cụ ngăn lại không muốn ông nói tiếp nữa. Cụ bảo đấy là nếp sống tự do, tự do phục sức, tự do trang điểm.

Anh John đã giúp ông ODP chuyển đề tài. Anh hỏi : Nhân ngày tháng Tư Đen, xin bác kể cho làng những chuyện bi thảm của cuộc chiến mà bác đã từng chứng kiến. Câu hỏi này đã chạm vào lòng ông ODP. Ông bảo những chuyện bi thảm thì nhiều vô cùng, tôi gốc nhà binh mà, nhưng có một chuyện mà tôi nhớ mãi mỗi khi nói đến chuyện Tết Mậu Thân 1968. Năm đó, cả miền Nam đã ngây thơ tin rằng VC sẽ tuân lệnh hưu chiến trong 3 ngày tết. Ngay cả Tổng thống Thiệu cũng tin như vậy nên ông đã về quê vợ ăn tết. Nào ngờ VC gian trá và ác độc. Chúng đã bí mật xua quân nổ súng. Tại Saigon, nơi bị VC tràn ngập đầu tiên là ngã tư Bảy Hiền gần sân bay Tân Sơn Nhất và Bộ Tổng tham mưu quân đội. Thấy bóng VC là bà con bồng bế nhau chạy. Có một gia đình kia chạy giặc, thấy vừa im tiếng súng liền chạy về nhà. Bà vợ vừa mở cửa bước vào nhà liền thét lên một tiếng lớn gọi chồng rồi ngất xỉu : Anh ơi có thằng VC chết trong nhà. Anh chồng chạy vội vào thì thấy xác một tên bộ đội nằm ngay giữa nhà, mặt nó úp xuống đất. Ông vội lật nó lên. Và lạ lùng thay, mắt nó, mũi nó, miệng nó máu chảy ra ròng ròng. Ông cho là điềm gở bèn móc túi nó tìm giấy tờ. Ông tìm được một cuốn sổ nhỏ ở ngực áo. Ngay trang đầu là tên tuổi nó, số quân rồi địa chỉ ngoài Bắc, rồi ngay phía dưới nó viết hàng chữ : Nhà bố mẹ ở Saigon và nó ghi địa chỉ nhà ông. Ông gào lên : Bà nó ơi, thằng Hoàng con mình đây nè, con ơi con, con từ Bắc vào Nam, sao con không báo trước ? ối làng nước ơi. Thì ra năm 1954, bố mẹ của ông tiếc nhà cửa ruộng vườn nên đã không di cư, ông đành bỏ lại thằng con tên Hoàng lên 10 tuổi để nó ở lại thay ông phụng dưỡng bố mẹ, còn ông và vợ đã theo tàu há mồm vô Nam. Rồi con ông phải nhập ngũ, rồi xuôi Nam vào giải phóng Saigon...

Cụ B.95 nghe đến đây thì nói : Chuyện bi thảm qúa. Cậu con vuợt Trường Sơn đã vào tới Saigon, đã tìm ra nhà bố mẹ mà số kiếp không đưọc gặp mặt, nằm chết ngay giữa nhà bố mẹ. Riêng tôi, tuy ban đầu có số bi thảm vi chồng chết ở chiến khu, hụt di cư vào Nam năm 1954, nhưng may thay cho tôi, năm 1954, thấy chồng chưa về mà ngày hết hạn di cư đã tới gần, tôi đã liều gửi thắng con đi theo chú nó vào Nam. Phải xa đứa con độc nhất, tôi đã sống đơn độc bao nhiêu năm nghèo đói trong chế độ máu lửa ở Miền Bắc. Sau năm 1975 tôi vào Saigon tìm con. Lại không được gặp con vì nó đã vượt biên tỵ nạn. Sau khi dò la tin tức tôi được biết cháu đã đến đưọc Canada. Và cháu nó đã bảo lãnh tôi. Năm 1995 tôi đã lên đường, đi một mạch từ Hà Nội sang thẳng Canada. Tôi là người Bắc, đi Canada năm 1995, các bác đã đặt tên B.95 cho tôi là thế. Me con gặp nhau sau bao nhiêu năm xa cách, thật là một phép lạ. Ngoài ra, tôi lại còn được làm quen với các bác đây, kết tình anh em với các bác. Xin đội ơn Chúa đã ban cho tôi phước lộc quá lớn, xin tạ ơn các bác đã cho bà lão gìa này những ngày cuối đời hạnh phúc.

Thấy bà cụ có vẻ vui khi so sánh Miền Bắc với Canada ngày nay, Chi Ba Biên Hòa lên tiếng hỏi : bác đã kể cho chúng cháu nghe nhiều chuyện ngoài Bắc, nhưng có một chuyện chưa hề nghe Bác kể đó là chuyện ca hát ngoài đó. Chắc Bác thuộc nhiều bài hát cổ xưa, xin bác hát cho chúng cháu nghe vài bài. Nghe đến lời xin này thì bà cụ B.95 lắc đầu ngay : Lão là người nhà quê dốt nát, ngày xưa chỉ biết ru con à ơi, còn ngoài đường thì chỉ nghe thấy hô xung phong, hô bắn giết, chỉ thấy máu lửa. Xin tha cho lão việc này.

Chị Ba nói với cả làng : Sở dĩ tôi xin Cụ B.95 hát là vì tôi thấy cụ thích hát lắm. Những lần tôi cho cụ xem băng Thuý Nga và Asia, cụ sướng hết sức. Cụ cứ tấm tắc khen sao mà lời hát êm ái ngọt ngào, đầy tình yêu thân ái làm vậy. Cụ còn hát theo nữa đấy. Tuần qua tôi cho cụ coi băng của André Rieu, cuốn Festa Mexicana 2014, trong đó có bài Besame Mucho, cái cô ca sĩ gì đó hát hay vô cùng, cô hát như đang sống thực bài đó, cô vừa hát vừa khóc, cô đã làm nhiều người khóc theo, khán giả đã đồng loạt đứng lên, vừa vỗ tay, vừa hát vừa khóc. Nghe xong, cụ còn bắt tôi cho nghe lại mấy lần nữa.

Các cụ biết bài Basame Mucho này chứ, bài của nhạc sĩ Consuelo Velazquez người Mexico :

...Besame besame mucho, Como si fueraesta noche la ultima vez...

...Hãy hôn em thật nhiều, khúc ca năm xưa dành tặng anh. Hãy hôn em thật nhiều như một câu chuyện tình yêu không phôi pha...

Chi Ba kể xong, hứng quá, bèn cất tiếng hát. Không ngờ làng tôi ai cũng biết bài ca nổi tiếng này. Làng tôi đã hát bài này rất say mê y như lần trước làng tôi đã hát bài Que sera sera. Lần trước dân làng đã hát theo cô Doris Day, lần này, hôm nay dân làng đã hát theo cô Ba Biên Hòa. Bài ca hay quá sức, được ngẫu hứng và hát đi hát lại, mãi mới thôi.

Rồi Cụ B.95 quay vào anh John là thần tượng của cụ, Cụ xin Anh kể chuyện cười. Cụ bảo bữa nào không được anh cho cười thì bữa đó tối về ngủ không ngon. Cái anh John này là một bồ chữ, giống y như ông ODP vậy. Anh nóí ngay : Cháu có nhiều chuyện lắm, biết kể chuyện gì bây giờ. Thôi, bữa nay cháu kể chuyện cái tên trong tiếng Việt nha .

Rằng phái nữ thường có những tên rất đẹp rất thơ, nhưng các anh nào sắp lấy vợ thì nên cẩn thận nha. Chẳng hạn cô tên là Anh, như Hoàng Anh, Kim Anh, Xuân Anh... Ai cưới được cô tên Anh thì khi gọi tên vợ xin chớ có gọi tắt, đừng bao giờ gọi Anh ơi, mà phải gọi Hoàng Anh ơi nha, kẻo người ngoài nghe bạn gọi vợ Anh ơi Anh ơi thì sẽ cho ta là kỳ cục, phải gọi vợ là em ơi chứ sao lại anh ơi. Riêng phái nam thì các cô nhớ tên Thương nha. Lấy nhau rồi vợ đừng gọi chồng Anh Thương ơi, thiên hạ bên ngoài sẽ thắc mắc : vợ chồng âu yếm nhau thì để lúc riêng tư, chứ trước mặt mọi người mà gọi anh thương ơi thì nghe kỳ cục qúa.

Cả làng cười ầm về cái nhận xét này. Anh John còn kể chuyện mấy năm trước có một bà bạn của Chị Ba, tên là Mỹ Dung, bà này mở nhà hàng và định đặt tên là ‘Mỹ Dung Restaurant’. Đối với người VN thì cái tên này đẹp qúa rồi còn gì. Thế nhưng khi chuyện này tới tai anh John thì anh can ngay. Rằng chữ Dung trong tiếng VN thì nghĩa quá đẹp quá thơm, nhưng trong tiếng Anh, chữ Dung thì có nghĩa là phân thú vật, không thơm chút nào. Người da trắng sẽ hiểu là ‘nhà hàng bán phân thú vật của tôi’.

Và anh John kể tiếp, những ai có tên là Lý Văn Cư, Cứ, Cử, Cự xin chú ý nha. Rằng khi viết tên theo lối Canada thì phải đảo ngược và bỏ dấu sắc huyền đi , và tên riêng phải đi trưóc tên họ, những mỹ danh này biến thành ‘Cu Ly’ hết. Tôi đang là Lý Văn Cử sao lại gọi tôi là cu ly ! Một nhà có 4 anh em tên Cư Cứ Cử Cự, nếu có điện thoại gọi đến xin nói chuyện cới Cu Ly thì quả thực không ai biết rõ là ai. Chính vì thế mà đa số phe ta đã chọn thêm tên Peter, Paul, John... đứng ở đầu, lúc dó thì không còn lẫn nữa.

Anh John xin hết chuyện vì hôm nay anh nói đã nhiều. Anh xin Cụ Chánh cho biết làm cách nào mà cụ sống vẫn vui tươi và khoẻ mạnh. Cụ trả lời ngay : Lão chẳng có bí kíp gì cả, ngoài việc sống theo thiên nhiên. Ngày nào lão cũng đi bộ ít là nửa giờ. Đây là phương pháp phòng ngừa ung thư tốt nhất. Thứ hai là vui cười luôn luôn. Tiếng cưòi có thể đẩy nhanh nhịp tim và cung cấp ốc-xi cho não. Theo các nhà nghiên cứu Tây Ban Nha thì con người càng cười nhiều thì càng khoẻ mạnh. Lão thấy sách báo ca tụng tiếng cười rất nhiều, bài nào cũng nói tiếng cười là thuốc trường sinh. Lão không mong trường sinh mà lão chỉ mong sống ngày nào cũng đầy tiếng cười. Tiếng cưòi bao giờ cũng làm mình vui và người khác vui. Bước thứ ba là ngày nào lão cũng ngồi thiền, đây là lúc lão cầu nguyện sốt sắng nhất, vừa nghe được tiếng mình thở vừa như nghe có tiếng Chúa bên tai : con hãy mến Chúa và yêu tha nhân như chính mình.

Kính chúc các cụ một mùa xuân Phục Sinh hạnh phúc, có tâm tình tốt đẹp như cụ Chánh tiên chỉ làng chúng tôi. Amen.

TRÀ LŨ
 
Giới thiệu hai bức tranh Mùa Chay của hoạ sĩ Công Giáo VN tại San Jose
Nguyễn Long Thao
21:40 07/04/2019
Giới thiệu hai bức tranh Mùa Chay của một họa sĩ Công Giáo Việt Nam tại San Jose.



Hoạ Sĩ - Kỹ Sư Nguyễn Như Bá
 
VietCatholic TV
TV Thời Sự Giáo Hội và Thế Giới Ngày Nay, 8/4/2019: ĐTC nói: Hãy cầu nguyện với lòng can đảm và chân thành
VietCatholic Network
14:14 07/04/2019


Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô. VietCatholic xin kính chào quý vị và anh chị em trong tình yêu thương của Chúa Kitô và Mẹ Maria. Kính thưa quý vị và anh chị em, chương trình Truyền Hình của chúng tôi hôm nay gồm có các tin chính như sau:

1- Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha, Chúa Nhật ngày 7 tháng 4, 2019.

2- Đức Thánh Cha nói: Hãy cầu nguyện với tất cả lòng can đảm và chân thành.

3- Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm Tổng Giám Mục của Washington D.C, Hoa Kỳ.

4- Đức Hồng Y Parolin cảnh báo: tự do tôn giáo vẫn tiếp tục bị xâm phạm trên toàn thế giới.

5- Đức Thánh Cha tiếp Thầy Alois, Tu viện trưởng Đại Kết Taizé, nước Pháp.

6- Đức Thánh Cha tiếp các ký giả Công Giáo và Tin Lành nước Đức.

7- Phát hành Tập Một: “Các tác phẩm văn chương và kịch nghệ” của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II.

8- Đức Cha đặc sứ tại Mễ Du nói rằng: Nơi này không còn là nơi bị nghi ngờ.

9- Dự luật mới ở Jordan: xóa bỏ các quy tắc gây bất lợi cho phụ nữ.

10- Một Tu huynh bị thiêu chết ở Peru, Nam Mỹ.

11- Thư chung của Đức Cha Giáo phận Xuân Lộc nói về đường hướng đối với cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục.

12- Giới thiệu Thánh Ca: Bài Ca Thống Hối.

Xin mời quý vị theo dõi phần tin chi tiết
 
Thành quả chuyến tông du Marốc dưới cái nhìn của Đức Tổng Giám Mục Cristobal Lopez Romero
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:30 07/04/2019
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
 
Đức Thánh Cha Phanxicô: Truyền thông đã hủy hoại cuộc sống của một số linh mục
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
20:51 07/04/2019
 
Giáo Hội Năm Châu 08/04/2019: Những hình ảnh đẹp trong chuyến tông du Marốc
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
21:40 07/04/2019
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Đức Thánh Cha thăm viếng Lăng tẩm và ký tặng Sách danh dự

Lúc 16g ngày thứ Bẩy 30 tháng Ba, Đức Thánh Cha đã viếng thăm lăng tẩm của Vua Mohammed Đệ Ngũ, trước khi hội kiến riêng với Vua Mohammed Đệ Lục tại hoàng cung vào lúc 16:25.

Trong vòng 44 năm, từ năm 1912 đến năm 1956, Marốc là xứ bảo hộ của Pháp và Tây Ban Nha. Tháng Ba năm 1956, người Pháp trao trả độc lập cho Marốc. Một tháng sau, Tây Ban Nha cũng theo gót người Pháp ra đi.

Năm 1957, Vua Mohammed Đệ Ngũ là ông nội của nhà vua hiện nay lên ngôi, cai trị Marốc cho đến năm 1961 thì qua đời.

Sau khi thăm viếng lăng mộ, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ký vào Sách Danh dự nơi ngài cầu nguyện cho quốc vương Marốc và cho sự phát triển của tình huynh đệ đoàn kết giữa Kitô hữu và Hồi giáo.

Đức Thánh Cha đã đặt vòng hoa trên mộ, rồi đứng lặng cầu nguyện trước khi tiến tới một cái bàn để ký vào Sách Danh dự đánh dấu chuyến viếng thăm Marốc của Ngài.

Nhân dịp thăm Lăng tẩm này, tôi cầu khẩn Thiên Chúa toàn năng ban cho quí quốc sự thịnh vượng, xin Ngài làm cho tình huynh đệ đoàn kết giữa Kitô hữu và Hồi giáo được triển nở!

Quan chức phụ trách Lăng tẩm đã tặng Đức Thánh Cha một kỷ vật kỷ và một cuốn sách viết về lịch sử của các ngôi mộ.

Kết thúc chuyến viếng thăm Lăng tẩm, Đức Thánh Cha lên xe hơi về Cung điện Hoàng gia để thăm xã giao Quốc Vương Mohammed Đệ Lục và hoàng gia.

2. Đức Thánh Cha viếng thăm trụ sở của Caritas

Sinh hoạt cuối cùng trong ngày thứ nhất tại Marốc diễn ra lúc 18:10 khi Đức Thánh Cha viếng thăm trụ sở của Caritas giáo phận Rabat để gặp gỡ anh chị em di dân.

Khi nói chuyện tại Trụ Sở chính của Caritas tại Rabat, Đức Phanxicô đã nhắc lại kế hoạch 4 điểm trong Thông Điệp Ngày Di Dân và Tị Nạn Thế Giới năm 2018: chấp nhận, bảo vệ, cổ vũ và hoà nhập.

Ngài nói:

Các bạn thân mến,

Tôi rất vui khi có cơ hội này được gặp gỡ các bạn trong chuyến thăm Vương quốc Marốc. Nó cho tôi cơ hội một lần nữa bày tỏ sự gần gũi của tôi với tất cả các bạn và cùng với các bạn, để thảo luận về một vết thương lớn và sâu tiếp tục ảnh hưởng đến thế giới của chúng ta ở đầu thế kỷ hai mươi mốt này. Một vết thương đang kêu thấu tới trời. Chúng ta không muốn phản ứng của chúng ta là một phản ứng thờ ơ và im lặng (xem Xh 3: 7). Điều này càng đúng vào ngày nay, khi chúng ta chứng kiến nhiều triệu người tị nạn và di dân bị cưỡng bức khác đi tìm sự bảo vệ quốc tế, chưa kể các nạn nhân của nạn buôn người và các hình thức nô lệ mới do các tổ chức tội phạm thực hiện. Không ai có thể thờ ơ với tình huống đau đớn này.

Tôi cảm ơn Đức Tổng Giám Mục Santiago [Agrelo Martínez] vì những lời chào mừng và việc làm của Giáo hội trong việc hỗ trợ người di cư. Tôi cũng cảm ơn Jackson vì chứng từ của anh, và tất cả các bạn, cả người di cư lẫn thành viên của các hiệp hội đang tận tụy chăm sóc họ. Chúng ta gặp nhau chiều nay để tăng cường mối liên hệ của chúng ta và tiếp tục các nỗ lực của chúng ta để bảo đảm các điều kiện sống xứng đáng cho tất cả mọi người. Tất cả chúng ta được kêu gọi đáp ứng nhiều thách thức đặt ra bởi các phong trào di cư đương thời một cách đại lượng, nhiệt tình, khôn ngoan và nhìn xa trông rộng, mỗi người theo khả năng tốt nhất của mình (xem Thông điệp về Ngày di cư và tị nạn thế giới năm 2018).

Một vài tháng trước đây, tại thành phố Marrakech, Hội nghị liên chính phủ đã thông qua việc áp dụng hiệp ước Global Compact về di cư an toàn, có trật tự và hợp lệ. Hiệp ứơc di dân Compact thể hiện một bước tiến quan trọng đối với cộng đồng quốc tế, cộng đồng mà giờ đây, trong bối cảnh Liên Hợp Quốc, lần đầu tiên đã xử lý chủ đề này trên bình diện đa phương trong một văn kiện có tầm quan trọng đến thế (Diễn văn với Ngoại giao đoàn bên cạnh Tòa thánh, ngày 7 tháng 1 năm 2019).

Hiệp ước này giúp chúng ta thấy rằng, “không chỉ về người di cư mà thôi (xem Chủ đề Ngày di cư và tị nạn thế giới 2019), như thể cuộc sống và trải nghiệm của họ hoàn toàn không liên quan gì đến phần còn lại của xã hội hoặc tư cách của họ như những con người với đầy đủ các quyền phần nào đã “bị đình chỉ” vì tình hình hiện tại của họ. “Phía biên giới nơi người di cư đang đứng không làm cho anh ta hoặc cô ta ít là người hơn.

Nó cũng nói đến khuôn mặt mà chúng ta muốn dành cho xã hội và đến giá trị của mỗi đời sống con người. Nhiều bước tích cực đã được thực hiện ở các khu vực khác nhau, nhất là ở các nước phát triển, nhưng chúng ta không thể quên rằng tiến bộ của nhân dân chúng ta không thể được đo lường bằng những tiến bộ kỹ thuật hoặc kinh tế mà thôi. Trên hết, nó phụ thuộc vào sự cởi mở của chúng ta, sẵn sàng để mình bị đánh động và xúc động bởi những người đến gõ cửa nhà chúng ta. Khuôn mặt của họ phá tan và vạch trần tất cả những thần tượng sai lầm có thể đã chiếm lĩnh và nô dịch cuộc sống chúng ta; những thần tượng hứa hẹn một hạnh phúc ảo tưởng và nhất thời đui mù trước cuộc sống và đau khổ của người khác. Một thành phố trở nên khô cằn và khắc nghiệt xiết bao, khi nó đánh mất khả năng cảm thương! Một xã hội nhẫn tâm... một người mẹ cằn cỗi. Các bạn không phải là người ngoài lề; các bạn đang ở trung tâm của trái tim Giáo Hội.

Tôi muốn đề xuất bốn động từ - chấp nhận, bảo vệ, cổ vũ và hòa nhập – những động từ có thể giúp những người muốn giúp đỡ làm cho giao ước này trở nên cụ thể và thực chất hơn, hành động thận trọng hơn là giữ im lặng, hỗ trợ thay vì cô lập, xây dựng hơn là bỏ rơi.

Các bạn thân mến, tôi muốn nhắc lại tầm quan trọng của bốn động từ này. Chúng tạo thành cái khung tham chiếu cho tất cả chúng ta. Vì tất cả chúng ta đều can dự vào nỗ lực này – can dự theo nhiều cách khác nhau, nhưng tất cả đều can dự - và tất cả chúng ta đều cần thiết trong công việc xây dựng một cuộc sống xứng đáng, an toàn và huynh đệ hơn. Tôi thích nghĩ rằng tình nguyện viên, người trợ tá, người cứu hộ hoặc bạn bè đầu tiên của một người di cư là một người di cư khác, vì họ là người đầu tiên biết rõ các gian khổ của hành trình. Chúng ta không thể khai triển các chiến lược quy mô lớn có khả năng khôi phục phẩm giá bằng cách chỉ áp dụng phương thức phúc lợi mà thôi. Đó là loại hỗ trợ cần thiết nhưng không đầy đủ. Các bạn, những người là người di cư, nên cảm nhận được lời kêu gọi phải đi đầu và hỗ trợ việc tổ chức toàn bộ diễn trình này.

Bốn động từ mà tôi đã đề cập có thể giúp chúng ta tìm được các chiến lược chung để tạo không gian chào đón, bảo vệ, cổ vũ và hòa nhập. Những không gian, cuối cùng, sẽ đem lại phẩm giá.

“Trong tình hình hiện nay, chào đón, trước hết, có nghĩa cung cấp các giải pháp rộng rãi hơn để các di dân và người tị nạn đến các quốc gia đích đến một cách an toàn và hợp pháp (Thông điệp cho Ngày di cư và tị nạn thế giới 2018). Thật vậy, mở rộng các đường di dân hợp lệ là một trong những mục tiêu chính của hiệp ước Global Compact. Cam kết chung này là cần thiết để tránh tạo ra những cơ hội mới cho “những lái buôn người”, những kẻ khai thác giấc mơ và nhu cầu của di dân. Cho đến khi cam kết này được thực hiện đầy đủ, tình trạng khẩn cấp của việc di dân bất hợp lệ phải được giải đáp bằng công lý, liên đới và lòng thương xót. Các hình thức trục xuất tập thể, không cho phép đối xử thích đáng từng trường hợp cá thể, là điều không thể chấp nhận được. Mặt khác, các chiến lược luật pháp hóa đặc biệt, nhất là trong trường hợp các gia đình và trẻ vị thành niên, cần được khuyến khích và đơn giản hóa.

Bảo vệ có nghĩa là bảo vệ “các quyền và phẩm giá của người di cư và người tị nạn, không phụ thuộc tư cách pháp lý của họ” (ibid.). Trong bối cảnh của toàn bộ khu vực này, việc bảo vệ, trước hết và trên hết, phải được bảo đảm dọc theo các tuyến di cư, những tuyến, đáng buồn thay, thường là các nơi diễn ra bạo lực, bóc lột và lạm dụng đủ loại. Ở đây cũng vậy, dường như cần phải chú ý đặc biệt đến người di cư trong các tình huống dễ bị tổn thương lớn lao: đối với nhiều trẻ vị thành niên không có người đi kèm và phụ nữ. Điều cần thiết là mọi người phải được bảo đảm quyền được hỗ trợ y tế, tâm lý và xã hội cần thiết để khôi phục phẩm giá cho những người đã mất nó trên đường đi, như các bạn làm việc trong cơ quan này đang thực hiện cách rất tận tâm. Trong số những người có mặt, một số người có thể đích thân làm chứng cho tầm quan trọng của các dịch vụ bảo vệ này để mang lại hy vọng trong thời gian lưu trú tại các quốc gia sở tại.

Cổ vũ có nghĩa là bảo đảm rằng tất cả mọi người, người di cư và người dân địa phương, đều có thể hưởng được một môi trường an toàn để họ có thể phát triển mọi năng khiếu của mình. Việc cổ vũ này bắt đầu với việc thừa nhận rằng không con người nhân bản nào đáng bị loại bỏ, nhưng đúng hơn phải được coi là một nguồn tiềm năng làm giàu về phương diện bản thân, văn hóa và chuyên nghiệp ở bất cứ nơi nào họ hiện diện. Các cộng đồng chủ nhà sẽ được làm giàu nếu họ học được cách đánh giá và tận dụng sự đóng góp của người di cư trong khi cố gắng ngăn chặn mọi hình thức kỳ thị và bài ngoại. Người di cư nên được khuyến khích học hỏi ngôn ngữ địa phương như một phương tiện thiết yếu để thông đạt liên văn hóa và được giúp đỡ tích cực để khai triển được ý thức trách nhiệm đối với xã hội đã chấp nhận họ, học cách tôn trọng các cá nhân và dây liên kết xã hội, luật pháp và văn hóa. Điều này sẽ góp phần vào sự phát triển con người toàn diện.

Nhưng chúng ta đừng quên rằng việc cổ vũ các di dân và gia đình họ về nhân bản cũng bắt đầu từ các cộng đồng nguồn gốc của họ, nơi quyền được di cư phải được bảo đảm, nhưng cả quyền không buộc phải di cư nữa, nghĩa là quyền được hưởng tại quê hương họ các điều kiện thích đáng cho một cuộc sống xứng đáng. Tôi đánh giá cao và khuyến khích các chương trình hợp tác quốc tế và phát triển liên quốc gia không có tư lợi đảng phái, có sự tham gia của người di cư trong tư cách chủ đạo tích cực (xem Diễn văn cho những người tham gia Diễn đàn quốc tế về Di cư và Hòa bình, 21 tháng 2 năm 2017).

Hòa nhập có nghĩa là dấn thân vào một diễn trình nhằm nâng cao cả di sản văn hóa của cộng đồng chào đón lẫn di sản văn hóa của người di cư, do đó xây dựng một xã hội cởi mở và liên văn hóa. Chúng ta biết rằng đối với những người đến và những người tiếp nhận họ, gặp gỡ một nền văn hóa ngoại lai, đặt mình vào vị trí của những người khác hẳn chúng ta, để hiểu suy nghĩ và kinh nghiệm của họ, là điều không dễ dàng. Do đó, chúng ta thường từ chối gặp gỡ người khác và dựng lên các rào cản để tự bảo vệ mình (x. Bài giảng tại Thánh lễ cho Ngày di dân và Người tị nạn Thế giới, 14 tháng 1 năm 2018). Hòa nhập đòi hỏi chúng ta không để sợ hãi và thiếu hiểu biết chi phối.

Như thế, trước mắt chúng ta, là một hành trình chúng ta phải cùng nhau bước đi, như những người bạn đồng hành thực sự. Đó là một hành trình mời gọi mọi người, người di cư và người dân địa phương, trong việc xây dựng các thành phố biết chào đón, tôn trọng các khác biệt và lưu ý đến các diễn trình liên văn hóa. Các thành phố có khả năng đánh giá sự phong phú của đa nguyên phát sinh từ cuộc gặp gỡ của chúng ta với người khác. Ở đây cũng vậy, nhiều người trong các bạn có thể đích thân chứng thực mức độ chủ yếu của cam kết đó.

Các bạn di cư thân mến, Giáo hội nhận thức được các đau khổ vốn đi theo cuộc hành trình của các bạn và Giáo Hội cùng đau khổ với các bạn. Khi vươn tay ra với các bạn trong những tình huống rất khác nhau của các bạn, Giáo Hội quan tâm nhắc nhở các bạn rằng Thiên Chúa muốn tất cả chúng ta sống hết mình. Giáo hội muốn ở bên cạnh để giúp các bạn đạt được điều tốt nhất cho cuộc sống của các bạn. Vì mỗi con người nhân bản đều có quyền sống, mỗi ngườị đều có quyền mơ ước và tìm được vị trí xứng đáng của mình trong “ngôi nhà chung” của chúng ta! Mỗi người đều có quyền có tương lai.

Một lần nữa, tôi xin gửi lời cảm ơn tới tất cả những người tham gia hỗ trợ người di cư và người tị nạn trên khắp thế giới, và đặc biệt tới các bạn, nhân viên của Caritas, và tới các cơ quan đối tác của các bạn, những người có vinh dự biểu lộ tình yêu thương xót của Thiên Chúa đối với rất nhiều anh chị em của chúng ta nhân danh toàn thể Giáo hội. Do kinh nghiệm, các bạn biết rõ rằng đối với các Kitô hữu, “không phải chỉ là về người di cư”, vì chính Chúa Kitô cũng từng gõ cửa nhà chúng ta.

Nguyện xin Chúa, Đấng, trong suốt cuộc đời trần thế, đã trải nghiệm trong xác thịt Người nỗi đau khổ bị đầy ải, chúc phúc cho mỗi người các bạn. Xin Người ban cho các bạn sức mạnh cần thiết để không bao giờ ngã lòng và luôn là “Bến an toàn” dành cho nhau sự chào đón và chấp nhận.

Cảm ơn các bạn!

3. Đức Phanxicô đến Marốc để củng cố đức tin của anh chị em mình

Đức Phanxicô tới Marốc tất nhiên vì nhiều lý do, nhưng nếu New York Times bắt mạch đúng, thì ngài đến đó chủ yếu để củng cố đức tin cho anh chị em “nhỏ bé” của ngài, nhỏ về con số và do đó, nhỏ cả về tầm ảnh hưởng. New York Times không ngại mà cho rằng họ đang bị kỳ thị, nếu không muốn nói là bách hại trên thực tế.

Trước khi Đức Phanxicô tới Rabat một ngày, New York Times đăng tấm hình với lời chú thích “Các tân tòng Kitô Giáo Marốc tổ chức các buổi cầu nguyện tại một căn nhà tư. Nhiều người không cảm thấy họ có thể thực hành đức tin của họ cách công khai tại Marốc”. Dù tờ báo này xác nhận: Marốc được nhiều người coi như một quốc gia Hồi Giáo có lòng khoan dung phi thường: nước duy nhất dùng hiến pháp bảo đãm việc nhìn nhận dân số Do Thái giáo của mình. Nó cũng là quốc gia thường xuyên tổ chức các biến cố nhằm cổ vũ đối thoại liên tôn và phê chuẩn các hiệp ước quốc tế nhằm bảo đảm tự do tôn giáo. Tuy nhiên, người Marốc không thể tự do phát biểu các niềm tin vô thần hay chuyển sang 1 tín ngưỡng khác. Phê phán Hồi Giáo vẫn là một điều cực kỳ nhậy cảm, và đối với các Kitô hữu bản địa, con số hiện trên dưới 50,000, việc thờ phượng là một điều gây nghi vấn, nhất là đối với những người từ Hồi Giáo chuyển sang.

Các Kitô hữu Marốc, từ lâu, vốn bị xã hội tẩy chay, đôi khi bác bỏ và bị nhà nước theo dõi sát nút. Họ không chính thức bị cấm tới nhà thờ. Nhưng thực hành đức tin cách công khai thường bị sách nhiễu và đe dọa. Dù hiện nay, gần như không có ai bị bắt vì đức tin của mình, nhưng phần lớn cảm thấy bị hạn chế trong việc tự do đến nhà thờ và công khai thực hiện các nghi lễ như rửa tội, hôn phối và an táng theo đức tin của họ. Các linh mục và mục sư có thể bị buộc tội cải đạo (proselytizing), 1 tội ác tại Marốc, chỉ vì có người Marốc tham dự thánh lễ.

Chính vì thế, theo Crux, ngay lúc gặp quốc vương Mohammad VI, ngày đầu chuyến tông du, Đức Phanxicô không ngại nói với nhà vua và thần dân của ông ta rằng: đối thoại liên tôn chân chính phải dẫn người ta tới chỗ không “chỉ khoan dung” mà thôi mà còn phải coi các nhóm thiểu số tôn giáo như các công dân trọn vẹn bất kể con số của họ. Ngài nói: “Dù kính trọng các dị biệt của chúng ta, đức tin vào Thiên Chúa dẫn chúng ta tới chỗ nhìn nhận phẩm giá ưu việt của mỗi con người nhân bản, cũng như các quyền lợi bất khả nhượng của họ. Chúng ta tin rằng Thiên Chúa tạo dựng nên các con người nhân bản bình đẳng nhau về quyền lợi, bổn phận và phẩm giá, và Người kêu gọi họ sống như anh chị em và truyền bá các giá trị lòng tốt, tình yêu và hòa bình”.

Đức Phanxicô cũng nói với nhà vua và thần dân của ông ta rằng điều cần là thay thế ý niệm thiểu số tôn giáo bằng ý niệm “công dân và việc thừa nhận giá trị nhân vị, một giá trị phải chiếm vị trí trung tâm trong bất cứ hệ thống luật pháp nào”.

Lời lẽ của ngài có thể không lọt lòng nhà vua và thần dân Marốc. Nhưng không hệ gì. Ngài sẽ gặp gỡ anh chị em mình, nhỏ nhoi thôi, chỉ chừng 35,000 người trong số 36 triệu dân Marốc, nhưng vô cùng thân thiết với ngài, thân thiết đủ để ông già ngoài 80 “lặn lội” tới đây “củng cố” đức tin của họ.

Theo Inés San Martin của tờ Crux, ngài gọi họ là “men” xã hội. Men thì bao giờ cũng ít, cũng bé, cũng nhỏ mà xã hội thì thật là lớn, lớn một cách áp đảo.

Ngài từng đến “củng cố” hàng mấy triệu tín hữu một lúc như ở Phi Luật Tân. Nhưng ở đấy, anh chị em ngài, dù hết sức thân thiết, chỉ được “kính nhi viễn chi”. Ở Rabat, ngài gần như đụng đến từng người anh chị em của ngài. Khung cảnh thật cảm động.

Ngài nói với họ: “Vấn đề không phải là lúc chúng ta ít ỏi về con số, nhưng là lúc chúng ta vô nghĩa, giống như muối mất hết vị Tin Mừng hay đèn không còn chiếu sáng nữa”.

“Sứ mệnh của chúng ta trong tư cách những người đã chịu phép rửa... thực sự không được xác định bởi con số hay kích cỡ không gian chúng ta chiếm giữ, mà đúng hơn bởi khả năng phát sinh thay đổi và đánh thức sự ngạc nhiên và lòng cảm thương”.

Ngài nói thêm: “Chúng ta làm thế bằng cách sống như môn đệ của Chúa Giêsu, giữa những người chúng ta chia sẻ cuộc sống, niềm vui và sầu buồn, đau hổ và hy vọng hàng ngày”, chứ không phải lo “cải đạo”, một điều chỉ dẫn tới “ngõ cụt”.

Ngài thừa nhận các khó khăn họ phải chịu đựng hiện nay qua việc tại Nhà Thờ Chính Tòa Rabat, ôm hôn Cha Jean Pierre Schumacher, vị đan sĩ người Pháp duy nhất sống sót cuộc thảm sát ở Tibhirine, lúc 7 đan sĩ dòng Trappist và 12 người Công Giáo bị bắt cóc khỏi đan viện Tibhirine năm 1996 và bị giết. Bẩy vị trong số này đã được phong á thánh ngày 8 tháng 12 năm rồi.

Đúng tinh thần “phúc âm hóa” chứ không “cải đạo”, ngài bảo những người hiện diện không đầy nửa nhà thờ chính tòa Rabat: làm Kitô hữu không phải là “gắn bó với một tín lý, một đền thờ hay một nhóm sắc tộc. Làm Kitô hữu là vấn đề gặp gỡ. Chúng ta là Kitô hữu vì chúng ta được yêu thương và gặp gỡ, chứ không phải hoa trái một cuộc cải đạo. Làm Kitô hữu là biết rằng chúng ta đã được tha thứ và được yêu cầu cư xử với người khác cùng một cách như Thiên Chúa cư xử với chúng ta”.

“Cải đạo” thường để chỉ các cố gắng làm người ta chấp nhận một tôn giáo đặc thù. Tuy nhiên, các vị giáo hoàng gần đây hiểu nó với nghĩa dùng áp lực hay rù quyến, trái với “phúc âm hóa” trong đó, ta chỉ đề xuất sứ điệp Kitô giáo chứ không mưu toan áp đặt nó.

Trích dẫn Thánh Phaolô VI, ngài nói rằng Giáo Hội Công Giáo được mời gọi bước vào cuộc đối thoại với xã hội hiện đại nhưng không “theo thời thượng”, càng không theo chiến lược gia tăng con số sổi các tín hữu.

Ngài cám ơn họ đã thực hành điều ngài gọi là “đại kết bác ái”, lấy nó làm đường hiệp thông giữa các Kitô hữu và thúc giục họ cũng áp dụng hình thức này đối với người Hồi Giáo. Đây là hình thức đại kết được vị giáo hoàng người Á Căn Đình nhấn mạnh xưa nay khi cho rằng các luận điểm cao qúy nên đặt vào tay các nhà thần học. Còn người thiện chí được mời gọi làm việc với nhau để xây dựng “nền văn hóa gặp gỡ”.

“Do đó, tôi khuyến khích anh chị em đừng có ước nguyện nào khác ngoài việc làm cho sự hiện diện và tình yêu Chúa Kitô trở thành hiển hiện, Đấng đã vì chúng ta trở nên nghèo khó để làm giầu chúng ta bằng sự nghèo khó của Người (xem 2Cr 8:9): anh chị em hãy tiếp tục làm láng giềng với những người thường bị để lại sau lưng, những người hèn mọn và nghèo khó, các tù nhân và di dân”.

Vào buổi sáng Chúa Nhật, Đức Phanxicô cũng đã gặp một số nữ tu, trong đó, có nữ tu người Ý, tên Ersilia Mantovani, nay đã 97 tuổi, làm nữ tu Phansinh đã 80 năm nay và làm nhà truyền giáo ở Marốc đã gần 55 năm qua. Trong cuộc phỏng vấn năm 2009, bà cười nhắc lại lúc ấy, bà chỉ mong được dạy giáo lý, nhưng khi đến Marốc, thấy chả có Kitô hữu nào để dạy giáo lý, đành đi phục vụ tại một phòng thí nghiệm y khoa.

Bà nói: “Do kinh nghiệm của tôi, tôi thấy qúy ông bà có thể sống ngon lành với người Hồi Giáo. Họ rất khoan dung, và họ đặt nhiều tin tưởng nhiều nơi chúng tôi”.

Sau khi chào nữ tu Montovani, Đức Phanxicô nói rằng “Tất cả chị em đều là chứng tá cho một lịch sử vinh quang. Một lịch sử hy sinh, hy vọng, đấu tranh hàng ngày, những cuộc đời dành cho phục vụ, kiên tâm và làm việc vất vả, vì mọi việc làm đều vất vả, làm ‘với mồ hôi trán’. Nhưng tôi xin nói với các chị em rằng chị em có một lịch sử đầy vinh quang để tưởng nhớ và thuật lại, nhưng cũng là một lịch sử lớn lao cần được hoàn tất!”

Gerard O’Connel của Amrica thì nhấn mạnh tới tính đại kết của buổi gặp gỡ tại Nhà Thờ Chính Tòa vì tại đó hôm ấy còn có cả đại diện của 4 giáo hội Kitô giáo khác là Anh Giáo, Tin Lành, Chính thống Hy Lạp và Chính Thống Nga.

Ở đấy, theo O’Connel, ngài được nghe chứng từ của một linh mục và một nữ tu và ôm hôn một linh mục già và một nữ tu. Vị linh mục giới thiệu Cha Jean Pierre với Đức Giáo Hoàng còn vị nữ tu giới thiệu nữ tu Ersilla lên Đức Giáo Hoàng.

O’Connel cũng cho hay: Đức Phanxicô nói với những người hiện diện hãy học đối thoại bằng cách “theo gương Chúa Giêsu, Đấng hiền lành và khiêm nhường trong lòng, bằng một tình yêu sốt sắng và bất vụ lợi, không tính toán và giới hạn, và với lòng tôn trọng tự do của người khác”. Ngài nêu gương sáng của Thánh Phanxicô và của chân phúc Charles de Foucault, người “xúc động sâu xa bởi cuộc sống khiêm hạ và ẩn dật của Chúa Giêsu ở Nadarét, Đấng ngài vốn âm thầm thờ lạy, đến nỗi đã muốn trở thành ‘anh em của mọi người’”.

Trong tinh thần ấy, ngài thúc giục họ “trải nghiệm cuộc đối thoại cứu rỗi này, trước hết, như việc cầu bầu cho những người được ủy thác cho ta” nghĩa là “đem lên bàn thờ và vào lời cầu nguyện của ta cuộc đời của mọi người quanh ta”.

Cũng theo O’Connel, trong thánh lễ cử hành sau đó, với bài Tin Mừng nói về người con phung phá, Đức Phanxicô nói rằng: niềm vui của người cha chỉ trọn vẹn nếu có sự hiện diện của người con kia. Nên ông đã ra ngoài tìm kiếm anh ta, nhưng anh ta từ chối tham dự tiệc mừng đứa em trở về. Làm thế, theo Đức Phanxicô, “anh ta không những không nhìn nhận đứa em mà cả người cha, anh ta cũng không nhìn nhận!” Ngài bảo “anh ta thích cô lập hơn gặp gỡ, đắng cay hơn vui mừng”.

Ngài cho rằng dù ta đang sống giữa chia rẽ và tranh chấp, gây hấn và chống đối, nhưng ta vẫn thấy rõ như ban ngày ước nguyện của người cha được thấy mọi con cái Người cùng chia sẻ niềm vui của Người, không ai phải sống trong các điều kiện vô nhân, giống đứa con thứ hay cô độc, xa cách và cay đắng giống đứa con cả.

Phải theo gương người cha mới thấy mọi người đều là anh chị em, mới “nhìn sự việc một cách không coi thường các dị biệt nhân danh sự hợp nhất cưỡng bức hay bị đẩy ra bên lề cách âm thầm”.

Ngài nói rõ: “di sản và sự giầu có vĩ đại nhất của một Kitô hữu” là nhìn sự việc bằng “lòng cảm thương và đôi mắt trìu mến của Chúa Cha”. Nhờ thế, “thay vì tự đo lường mình hay tự xếp hạng mình theo các tiêu chuẩn luân lý, xã hội, sắc tộc hay tôn giáo khác nhau, chúng ta nên có khả năng nhận ra rằng một tiêu chuẩn khác quả có hiện hữu, một tiêu chuẩn không ai có thể lấy mất vì nó là một hồng ân tinh tuyền. Đó là điều nhận ra rằng chúng ta đều là con trai con gái qúy yêu, những kẻ Chúa Cha đang chờ đợi và mừng vui”.

Ngài cảnh cáo họ đừng sa vào “cơn cám dỗ muốn giản lược sự kiện chúng ta là con cái Người chỉ còn là vấn đề luật lệ và qui định, nhiệm vụ và tuân giữ”. Thực ra “căn tính và sứ mệnh của chúng ta không phát sinh từ các hình thức duy ý chí, duy luật lệ, duy tương đối hoặc duy cực đoan mà từ việc làm tín hữu, những người ngày đêm khiêm nhường và kiên tâm cầu xin cho Nước Cha trị đến”.

Trở lại với dụ ngôn của ngày lễ, Đức Phanxicô nói rằng “trong nhà Cha có nhiều chỗ: những người duy nhất đứng ngoài nhà ấy là những người nhất quyết không chịu chia sẻ niềm vui của người cha”.

Ngài khuyến khích tín hữu “tiếp tục để nền văn hóa xót thương lớn lên, nền văn hóa trong đó không ai dửng dưng nhìn người khác hoặc không chịu nhìn vào nỗi đau khổ của họ”. Và “kiên nhẫn trên con đường đối thoại với anh chị em Hồi Giáo và hợp tác trong việc làm cho tình huynh đệ phổ quát trở thành hiển hiện, một tình huynh đệ vốn bắt nguồn từ Thiên Chúa”.