Ngày 06-04-2024
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Lòng Chúa thương xót ra sao?
Lm. Nguyễn Xuân Trường
03:10 06/04/2024

 
Một điều gì đó vĩ đại hơn
Lm. Minh Anh
15:13 06/04/2024
MỘT ĐIỀU GÌ ĐÓ VĨ ĐẠI HƠN
“Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Tin Mừng hôm nay cho thấy Tôma thật bướng bỉnh! Nhưng lạ thay, Chúa Phục Sinh muốn dùng con người này để giúp chúng ta hiểu được ‘một điều gì đó vĩ đại hơn!’.

Tôma được mời thọc tay vào lỗ đinh, xỏ tay vào cạnh sườn Thầy và Tôma đã không nói, “Đúng, Chúa đã sống lại!”. Không! Vượt xa hơn, vượt quá sự hiểu biết cần thiết, Tôma tuyên xưng, “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!”. Không thể thiết thân hơn! Chúa Phục Sinh tự đặt mình trong một khoảng cách rộng vừa một bàn tay để Tôma dễ dàng chạm đến Ngài. Ngài mời người môn đệ đầy nghi nan này áp sát Ngài để có thể chạm vào trái tim đầy xót thương của Ngài; hầu không chỉ hết nghi ngờ về thân xác phục sinh của Thầy, nhưng còn không nghi ngờ về một Thiên Chúa giàu lòng xót thương. Cùng Tôma, bạn và tôi hãy đến bên Chúa Giêsu, chiêm ngắm cạnh sườn rộng mở để thấy cho được ‘một điều gì đó vĩ đại hơn’, một trái tim héo hắt vì quá yêu các linh hồn.

Không chỉ muốn chạm đến trái tim Chúa Giêsu, chúng ta mời Ngài chạm trái tim mình. Như những người cùi đã phơi trần thân thể biến dạng cho Chúa Giêsu, bạn và tôi cũng chỉ cho Ngài linh hồn biến dạng dị hợm của mình, xin Ngài chạm đến và chữa lành. Hãy cho phép “ngón tay thánh” của Ngài sờ vào những gì cần được cải hoá bởi ân sủng qua Bí tích Hoà Giải; ấy cũng là ‘một điều gì đó vĩ đại hơn’ Ngài luôn mong mỏi. Và các linh hồn nữa! Phải, các linh hồn cũng là ‘một điều gì đó vĩ đại hơn’ mà Ngài hằng đói khát.

Từ lúc Faustina qua đời, 1938, những mặc khải tư của chị bắt đầu được chia sẻ, nhưng đã bị Văn Phòng Toà Thánh đưa vào danh sách “cấm”. Tuy nhiên, năm 1965, với sự cho phép của Văn Phòng này, Tổng Giám mục Karol Wojtyła bắt đầu cung cấp các tư liệu của Faustina và các bài viết của chị bắt đầu toả sáng. Ngày 15/4/1978, Bộ Giáo Lý Đức Tin cho phép phổ biến tài liệu của Faustina về việc sùng kính Lòng Chúa Thương Xót. Sau đó, bởi sự quan phòng kỳ diệu, ‘một điều gì đó vĩ đại hơn’ đã xảy ra. Chỉ 6 tháng sau, Karol Wojtyła được bầu làm giáo hoàng. Hai thập kỷ sau, ngày 30/4/2000, Faustina được chính Gioan Phaolô II phong hiển thánh; nhân dịp này, ngài thiết lập lễ Lòng Thương Xót vào ngày thứ tám Bát Nhật Phục Sinh hàng năm, tức là ngày hôm nay.

Anh Chị em,

“Chớ cứng lòng, nhưng hãy tin!”. Thật đáng kinh ngạc, tự tay Chúa Giêsu Phục Sinh chọn ra một trong những giáo hoàng vĩ đại nhất để giới thiệu những mặc khải về lòng thương xót của Ngài cho thế giới. Phần chúng ta, hãy đến với Ngài là suối nguồn xót thương bất kể chúng ta là ai, tình trạng linh hồn thế nào: tội lỗi, sốt mến, lơ là hay đạo đức… Đừng để mình chết khát bên mạch suối sự sống. Cuộc đời luôn có gì đó ít hơn, hoặc nhiều hơn, nhưng sự Phục Sinh của Chúa Kitô và lòng thương xót của Ngài thì không thể có ‘một điều gì đó vĩ đại hơn’. Hãy chọn lựa và sống cho cái tuyệt đối đó - lòng thương xót của Thiên Chúa nơi Chúa Kitô. Ước gì lòng thương xót của Ngài chạm đến bạn và tôi, biến chúng ta thành những khí cụ xót thương của Ngài; và rồi ra đi chạm đến anh chị em mình để họ cũng cảm nhận được lòng thương xót Chúa.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để con khát khao một điều gì ngoài Chúa; cho con khát cả những linh hồn cho Chúa; đó cũng là một điều vĩ đại rất đáng ao ước!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
21:01 06/04/2024

11. Không có ý chí thì ân sủng không thể sinh hiệu; không có ân sủng thì ý chí không làm gì được.

(Thánh John Chrysostom)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://www.nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
21:08 06/04/2024
23. PHÚ ÔNG LÀM TRÂU

Đầy tớ của người hàng xóm đưa cho phú ông một mảnh giấy, phú ông một chữ cũng không biết đọc, nhưng vì đang tiếp khách ở trong nhà và vì sĩ diện, nên làm bộ ra vẻ quan trọng cầm tờ giấy ấy để coi.

Ông khách ấy rất tinh mắt, nên nhìn là biết ngay trang giấy ấy viết là xin mượn trâu:

- “Xin mượn một con trâu để dùng, ngày mai sẽ trả lại.”

Chủ nhân coi xong thì bỏ tờ giấy vào trong túi áo, nói với đầy tớ:

- “Biết rồi, chủ nhân nhà ngươi muốn ta đi, đợi chút ta sẽ tự mình đến.”

Ông khách vội vàng bụm miệng mà cười.

(Tiếu lâm)

Suy tư 23:

Ai cũng nghiệm thấy rằng không biết chữ thật là khổ, khổ mọi thứ, nhất là ở nước ngoài mà không biết chữ của dân địa phương thì khổ vô cùng, đi lạc đường mà không biết chữ thì chẳng biết hỏi ai, hoặc bảng chỉ đường dù to bự chảng cắm trước mặt cũng không biết đường mà đi, không biết chữ thì khổ lắm.

Càng giàu có thì càng phải biết chữ bởi nếu không thì có khi người ta viết thư hăm dọa đòi tiền thì cứ tưởng là người ta mời...đi nhậu, có mà chết sớm; hoặc làm ông này ông nọ mà chỉ biết một chữ ký tên của mình không thôi thì cũng khổ, bởi vì lỡ có cấp trên viết giấy hẹn báo cáo hoặc viết thư riêng mà cứ là tưởng cấp trên mời đi hát ka-ra ô-kê thì có nước mà bị cười cho nhức đầu...

Có một vài người Ki-tô hữu có tính hay khoe khoang: khoe khoang mình mỗi ngày đều có đi lễ nhưng không biết thánh lễ hôm nay cha chủ tế giảng gì; khoe khoang mình thường hay làm việc bác ái giúp đỡ người nghèo, nhưng chỉ được cái miệng nói còn việc làm cụ thể thì không thấy; khoe khoang mình đọc nhiều sách nói về tu đức nhưng cuộc sống thì giống như người ngoại...

Không biết chữ thì làm thân...trâu ngựa tức là chỉ có đi làm đầy tớ đã đành, nhưng thời nay có nhiều người biết chữ nhưng đi làm tội nhân, bởi họ vì ăn cắp chữ nghĩa của người khác làm của mình...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


--------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://www.nhantai.info
 
33. Hình ảnh nếp sống đức tin có hạnh phúc
Lm. Daminh Nguyễn Ngọc Long
21:24 06/04/2024
33. Hình ảnh nếp sống đức tin có hạnh phúc

Trong đời sống dân gian nhiều khi nói với nhau: Ai tin vào điều đó, thì đó là chuyện riêng của họ, hay tin vào điều đó, có mà bán cả lúa giống! Một cung cách thái độ hồ nghi, hay chối bỏ.

Nhưng cũng có câu nói khác: Người nào tin, sống có hạnh phúc! Một câu nói đầy lòng tin tưởng.

Đâu là hình ảnh nếp sống niềm tin có hạnh phúc?

Sống có hạnh phúc là điều tốt đẹp, là lối sống tích cực thành công. Và như thế ai cũng đều mong muốn đạt được trong đời sống. Nhưng có thật sự và đơn giản hễ sống có đức tin, là sống có hạnh phúc?

Con người thường hay đòi có bằng chứng cụ thể mắt xem, tai nghe, mũi ngửi, cảm nghiệm, tay đụng chạm vào mới có thể tin.

Nhà văn hào Wolfgang Goethe trong vở kịch Faust có suy tư: Tin mừng tôi đã nghe, nhưng còn thiếu niềm tin nơi tôi !

Phúc âm Chúa Giesu phục sinh thuật lại cảnh Ông Tông đồ Toma nghe anh em tông đồ kể lại đã nhìn thấy Chúa sống lại, nhưng ông không tin. Ông còn như thách thức đòi phải có bằng chứng mắt thấy, tai nghe, tay đụng chạm vào chính Chúa Giesu mới có thể tin Chúa Giesu đã sống lại thật: “Nếu tôi không nhìn thấy vết đinh ở tay Người, nếu tôi không thọc ngón tay vào lỗ đinh, nếu tôi không thọc bàn tay vào cạnh sườn Người, thì tôi không tin.” ( Ga 20, 19-31).

Trong đời sống khi ta thoáng nhìn thấy chỉ hình tấm so co la, mà ta ưa thích ăn, tự nhiên nước miếng trong miệng từ từ chảy ra rồi, cho dù chưa có để nhai nuốt nơi miệng. Chỉ mới nhìn thấy hình ảnh tấm Sô-co-la thôi, là đã có vị giác kích thích thơm ngon ngọt về nó rồi ngay nơi đầu lưỡi. Sự thể này có là do kinh nghiệm đã có (về Sô-cô-la…).

Ai cũng đều có kinh nghiệm về mọi hoàn cảnh đời sống từ khi còn nhỏ tuổi. Như cha mẹ nào cũng ôm con mình, xoa dịu an ủi, khi chúng khóc. Nên chúng chỉ chạy cần đến với cha mẹ để được an ủi xoa dịu. Khi cha mẹ hay ông bà, cô bác, dì …cười với em bé, em có kinh nghiệm cảm nhận được niềm vui vẻ và nhoẻn miệng cười lại. Kinh nghiệm đời sống này khắc ghi vào đời sống của em bé.

Ông Tông đồ Toma cũng vậy. Ông phải có kinh nghiệm về Chúa Giesu qua mắt nhìn thấy, nghe ngài nói cùng đối thoại với, tay đụng chạm tới. Kinh nghiệm này dẫn đưa ông đến niềm tin vào Chúa Giesu phục sinh.

Còn con người chúng ta thì sao? Chúng ta có thể nhìn thấy Chúa Giesu bằng mắt mình, tai nghe được lời Ngài nói, tay đụng chạm sờ vào Ngài được không?

Không, con người chúng ta không có thể làm được như Ông Toma ngày xưa đã làm được. Vậy làm sao chúng ta có thể tin vào Chúa Giesu Kito ở giữa chúng ta hằng cùng đồng hành với?

Nếu muốn tin, con người chúng ta lệ thuộc vào yếu tố khác: vào con mắt tâm hồn. Vào kinh nghiệm, cảm nghiệm nội tâm sâu thẳm trong trái tâm hồn.

Nếu qua kinh nghiệm sâu thẳm nội tâm cảm nhận ra gặp được Chúa Giesu, trong cầu nguyện, nơi thiên nhiên, nơi thánh đường, nơi thánh địa hành hương, là cảm nhận được có sức mạnh niềm vui phấn khởi trào dâng trong tâm hồn cùng lan ra nơi cơ thể.

Tin mừng của Chúa Giesu mang đến trần gian là tin mừng tình yêu, ơn tha thứ cứu độ. Nên khi nghe tin mừng như thế, ta cảm thấy an vui. Và qua đó có thể cảm nhận ra: Chúa Giesu Kito ở bên cạnh đời sống mình trên con đường lữ hành trần gian với bao thử thách cùng thăng trầm lên xuống.

Và như thế con người chúng ta có thể tin vào Chúa, dù không nhìn thấy, không nghe, không đụng chạm sờ vào Ngài được. Nhưng con mắt tâm hồn nội tâm giúp dẫn đưa đi vào con đường niềm tin vào Chúa

Chúa Giesu phục sinh nói với ông Toma ngày xưa, và cũng với con người chúng ta ngày nay: Hạnh phúc cho người không thấy mà tin!

Xưa nay khi nói hay nghĩ đến Thánh Tông đồ Toma, chúng ta thường đơn giản nhớ biệt danh riêng thêm cho ngài: Ông Thánh Toma yếu lòng tin!

Nhưng Đức cố giáo hoàng Benedicto 16. đã có suy tư tích cực về vị Tông đồ này: “ Trường hợp đời sống hoài nghi của Tông đồ Toma vẽ ra cho chúng ta ít nhất ba điểm quan trọng:

Thứ nhất, Ông an ủi chúng ta trong hoàn cảnh không có sự bảo đảm chắc chắn.

Thứ hai, Ông chỉ cho chúng ta nhận ra mỗi sự hoài nghi về những điều gì không có bảo đảm chắc chắn có thể dẫn đưa đến ánh sáng.

Và sau cùng lời của Chúa Giesu nói với Ông Toma nhắc nhở chúng ta đến ý nghĩa sâu thật của đức tin, và giúp chúng ta can đảm, tiếp tục sống trung thành tin yêu làm chứng cho Chúa, dù có những khó khăn trên con đường đời sống.”

Lm. Daminh Nguyễn Ngọc Long
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Hình ảnh Lòng Chúa Thương Xót trên khắp thế giới
Vũ Văn An
14:31 06/04/2024

Sanktuarium Miłosierdzia Boże w El Salvador na Filipinach, fot. Jessa Joy/Shutterstock


Małgorzata Cichoń, trên Aleteia ngày 06/04/24, viết bài về các hình ảnh Lòng Chúa Thương xót khắp nơi trên thế giới:

Cách đây 93 năm, Chúa Giêsu đã xin nữ tu Faustina vẽ một bức tranh về Lòng Chúa Thương Xót. Ngày nay, hình ảnh này xuất hiện ở nhiều nơi, một số gây ngạc nhiên.

Chính Chúa Kitô đã yêu cầu Nữ tu Faustina Kowalska vẽ bức tranh này, nó hiện ra trước mắt bà như được mô tả vào tối ngày 22 tháng 2 năm 1931, trong một tu viện ở Płock, Ba Lan.

Dưới sự chỉ đạo của tác giả Nhật ký, Eugeniusz Kazimirowski, một nghệ sĩ đến từ Vilnius, đã cố gắng biến hình ảnh đó thành bất tử trên khung vải vào năm 1934. Faustina không hài lòng với kết quả này. Rồi bà nghe Chúa Cứu Thế nói: “Không phải vẻ đẹp của màu sơn hay cọ vẽ, mà là ân sủng của Ta làm cho bức tranh này trở nên tuyệt vời” (Nhật ký, 313).

Mười năm sau, Cha Dòng Tên Joseph Andrash, cha giải tội và linh hướng của nhà huyền nhiệm, đã long trọng thánh hiến phiên bản nổi tiếng nhất của bức tranh do Adolf Hyla vẽ. Đó là hình ảnh được tôn kính ngày nay trong nhà nguyện tu viện của Dòng Nữ tu Đức Mẹ Thương xót ở Kracow-Lagiewniki. Bản sao và tái tạo của nó có thể được tìm thấy ở khắp mọi nơi.

Trong vòng chưa đầy một thế kỷ, việc sùng kính Lòng Chúa Thương Xót đã lan rộng và bén rễ trên toàn cầu. Dưới đây là một số ví dụ về hình ảnh và điện thờ, từ những bản in khiêm tốn đến những bức tượng vĩ đại.

Tại một quầy đánh giày ở Lima

Tại một trong những khu phố của Lima, trên con phố mà người dân đi qua để đến khu chợ ở quảng trường, tôi nhận thấy một ngôi đền nhỏ có tượng Lòng Chúa Thương Xót. Trong một khu vực gần quảng trường chính của thủ đô Peru, tôi nhìn thấy bức ảnh Lòng Chúa Thương Xót ở trạm đánh giày. Ông già đang ngủ trưa, đợi thêm khách.

Một người đánh giày bên cạnh quầy hàng của mình với hình ảnh Lòng Chúa Thương Xót trong các mái vòm ở Plaza de Armas ở Lima, Peru. Hình của Małgorzata Cichoń


Vào Chúa nhật cũng tại thành phố này, tôi đã tham dự Thánh lễ tại Đền thờ Lòng Chúa Thương Xót của tổng giáo phận. Một tấm bảng kỷ niệm trên tường của đền thờ cảm ơn người sáng lập và cha sở của giáo xứ, người đã phục vụ ở đây từ năm 1994 đến năm 2006.

Đền thờ Lòng Chúa Thương Xót ở Lima, Peru


Ở trung tâm châu Phi

“Yesu, Ndikukhulupirira Inu” - đây là cách từ điển Chichewa dịch cụm từ “Lạy Chúa Giê-su, con tin cậy nơi Chúa”. Dễ phát âm phải không? Bức tranh - hay đúng hơn là một bản in khổ lớn - được chuyển đến Malawi vào năm 2005, nơi nghèo về vật chất nhưng giàu lòng nhân ái.

Hình ảnh có tiêu đề lỗi chính tả bằng tiếng Chichewa ở Malawi. Ảnh của Małgorzata Cichoń


Được tài trợ bởi các nhà tài trợ Ba Lan, hình ảnh có nhiều lỗi đánh máy trong chú thích và thiếu từ “Chúa”. Dù gì, hồi đó ở Chichewa không có từ điển trực tuyến… Vì vậy, họ nảy ra ý tưởng rằng dòng chữ sai sẽ bị che khuất bởi một cái khung để người dân địa phương khắc bản văn chính xác lên đó.

Cha. Paweł, một nhà truyền giáo người Ba Lan, rất vui vì đàn chiên của mình sẽ có Ai Đó để nhờ cậy….

Từ các tòa nhà đến áo chữ T

Một hình ảnh lớn về Lòng Chúa Thương Xót đôi khi nhìn thấy từ mặt tiền của các tòa nhà ở các thành phố Ba Lan, chẳng hạn như ở Koszalin hoặc Krakow (sau này, nhờ các Nữ tử Bác ái). Họ đã trưng bày nó nhân dịp lễ rước Mình Thánh Chúa Kitô, và nó vẫn ở đó.

Một nữ tu giải thích: “Người qua đường phản ứng rất tốt”. Thực ra, phía trước có một trạm xe buýt và một ga xe lửa, và Lòng Chúa Thương Xót là một cảnh tượng đầy an ủi! Biết rằng có ai đó đang theo dõi bạn sẽ giúp bạn an tâm hơn trong cuộc sống.

Ảnh của Dom Miłosierdzia


Một bức vẽ ám chỉ đến hình ảnh Lòng Chúa Thương Xót cũng tô điểm trên áo chữ T của những người tham gia hoạt động truyền giáo hàng năm bên bờ biển được tổ chức tại Biển Baltic. Trong nhiều ngày, không mang theo tiền bạc hay chỗ ở, họ rao giảng Tin Mừng cho những người đi biển và tin tưởng vào sự quan phòng của Thiên Chúa. Chúa Giêsu nói trước những người rao giảng Tin Mừng mở miệng.

Bãi biển trên biển Baltic – truyền giáo bên bờ biển năm 2014. Ảnh của Małgorzata Cichoń


Trên đường phố Chicago

Tất nhiên, ở Hoa Kỳ cũng có một lòng sùng kính mạnh mẽ đối với Lòng Chúa Thương Xót. Ngoài Đền thờ Lòng Chúa Thương Xót ở Stockbridge, Massachusetts, còn có nhiều dấu hiệu về lòng sùng kính ở nhiều nơi.

Hình ảnh Lòng Chúa Thương Xót trên đường phố Chicago. Ảnh của Edlane De Mattos / Shutterstock


Đền thờ ở Sri Lanka

Đền thờ Lòng Chúa Thương Xót ở Trincomalee, Sri Lanka. Ảnh của trabantos / Shutterstock.


Các Kitô hữu có thể chiếm chưa đến 8% dân số ở Sri Lanka, nhưng họ cũng có Đền thờ Lòng Chúa Thương Xót của riêng mình ở đó.

Tất nhiên là Phi Luật Tân

Tượng Lòng Chúa Thương Xót ở Phi Luật Tân. Ảnh của MDV Edwards / Shutterstock


Phi Luật Tân được biết đến với lòng sùng kính nhiệt thành của người Công Giáo, vì vậy không có gì ngạc nhiên khi có một bức tượng Lòng Chúa Thương Xót hoành tráng ở đó.

Những cách để mang hình ảnh Lòng Chúa Thương Xót bên mình

Ngoài ra còn có một số sản phẩm Công Giáo có kết hợp hình ảnh Lòng Chúa Thương Xót.

Một trong những hình ảnh dễ thương nhất có thể là “Thánh nhỏ” của Thánh Faustina. Và nếu bạn đủ may mắn để lọt vào danh sách chờ của Oremus Crocheted Saints, Thánh Faustina của bà với Lòng Chúa Thương Xót thật đẹp.

Đây chỉ là một ví dụ trong nhiều nơi có thể tìm thấy hình ảnh của Chúa Thương Xót. Tuy nhiên, mặc dù việc trưng bày những hình ảnh như vậy ở những nơi công cộng là một điều bổ ích và là một phương tiện truyền giáo, nhưng điều quan trọng nhất là chúng ta phải tin tưởng vào Lòng Chúa Thương Xót trong tâm hồn mình.
 
Aleteia phỏng vấn nhà báo đã tạo ra cuốn sách mới của Đức Phanxicô
Vũ Văn An
14:45 06/04/2024

Ngày 04/04/24, tạp chí Aleteia đã cho đăng tải bài phỏng vấn của họ với nhà báo Tây Ban Nha Javier Martínez-Brocal về bối cảnh của cuộc phỏng vấn và chia sẻ những hiểu biết bản thân rút ra từ cuộc phỏng vấn của ông với Đức Giáo Hoàng.



Vào ngày 3 tháng 4 năm 2024, phóng viên người Tây Ban Nha Javier Martínez-Brocal đã công bố bằng tiếng Tây Ban Nha một cuốn sách phỏng vấn Đức Giáo Hoàng Phanxicô với tựa đề El Sucesor (“Người kế vị”), chưa được dịch sang tiếng Anh. Trong một loạt cuộc phỏng vấn được thực hiện từ tháng 7 năm 2023 đến tháng 1 năm 2024, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhìn lại mối quan hệ của ngài với Đức Bênêđíctô XVI và bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với chiều sâu thần học và lòng trung thành của vị Giáo hoàng quá vãng.

Javier Martínez-Brocal, phóng viên tờ nhật báo ABC của Tây Ban Nha tại Rome, nói với I.MEDIA rằng ông nhìn nhận sự liên tục lịch sử giữa hai vị giáo hoàng.

Cuốn sách này có phải là một phản ứng trước bầu không khí chia rẽ hiện nay trong Giáo hội không?

Javier Martínez-Brocal: Đó thực sự là ý định của tôi. Tôi đề nghị với Đức Giáo Hoàng Phanxicô rằng chúng tôi thực hiện cuộc phỏng vấn này vì tôi có ấn tượng rằng ký ức về Đức Bênêđíctô XVI theo một cách nào đó đã bị “bắt cóc”, bị một bộ phận của Giáo hội chiếm đoạt. Một số người đã tin rằng nếu bạn thích Đức Bênêđíctô XVI, điều đó có nghĩa là bạn không thích Đức Phanxicô và ngược lại. Đối với tôi, điều này dường như là một diễn dịch vô ích.

Vì vậy, ý tưởng của cuốn sách là nhắc nhở chúng ta rằng mọi giáo hoàng đều là Người kế vị Thánh Phêrô, và do đó ngài là giáo hoàng của tất cả mọi người. Cả Giáo hoàng Bênêđictô lẫn Giáo hoàng Phanxicô đều không đến đây để theo đuổi lợi ích bản thân!

Đức Giáo Hoàng Phanxicô: một vị giáo hoàng tự do hơn, đơn giản hơn

Trong các cuộc phỏng vấn này, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đề cập đến một số chi tiết đáng ngạc nhiên về sự kết thúc cuộc đời của Đức Bênêđíctô XVI, đặc biệt gợi ý rằng vị Giáo hoàng Hưu trí ốm yếu đã bị thư ký và các bác sĩ của ngài bảo vệ quá mức… Bằng cách nói thẳng về điều đó, có phải Đức Phanxicô muốn ngầm nói về chính ngài, về việc ngài tuyệt đối từ chối bị “giam cầm” theo nghi thức, ngay cả khi ngài đã đến cuối đời?

Martínez-Brocal: Quả thực, ngài làm mọi điều có thể để ngăn điều đó xảy ra. Khi tôi hỏi liệu ngài có để lại bất cứ hướng dẫn nào không, chẳng hạn như về việc đốt tài liệu bản thân của mình, ngài nói không, ngài sẽ tự lo việc đó!

Ngài không muốn bất cứ ai đưa ra quyết định nhân danh mình, và điều này đã rất rõ ràng kể từ đầu triều giáo hoàng. Đối với ngài, được bảo vệ có nghĩa là bị cầm tù. Đó cũng là lý do tại sao, về mặt giao tiếp, ngài không muốn có người phát ngôn hay người đại diện, mà thích duy trì liên lạc trực tiếp với các nhà báo.

Phải chăng các nghi thức sau cái chết của Đức Bênêđíctô XVI, đặc biệt là việc đặt thi hài tại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô, có đánh dấu sự kết thúc của một hình ảnh nào đó về vị giáo hoàng, với một sự trang trọng mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô muốn tránh xa?

Martínez-Brocal: Quả thực, ngài muốn dỡ bỏ mọi thứ liên quan đến chế độ quân chủ, triều đình… Ngài không muốn cơ thể mình bị phơi bầy. Ngài muốn được chôn cất như một Ki-tô hữu đơn giản, và như người kế vị Thánh Phêrô, người được chôn cất đơn giản.

Ngài muốn quay trở lại sự đơn giản nào đó và đảm bảo rằng hình ảnh của giáo hoàng được công nhận về đặc điểm thiêng liêng, không quá lố. Ngài cũng tìm cách trao nhiều tự do hơn cho những người kế vị: nỗ lực không ngừng để bảo vệ quyền tự do của mình cũng nhằm mục đích trao nhiều quyền tự do hơn cho những người đến sau ngài.

Ngài được bầu vào thời điểm Giáo hội đang quay cuồng với việc Đức Bênêđíctô XVI từ chức. Thông điệp mà ĐTC Phanxicô muốn truyền tải là các giáo hoàng thực sự có thể từ chức, nhưng các ngài không bị hoàn cảnh ép buộc phải từ chức.

Đức Bênêđíctô XVI không thể cai trị được nữa vì đoàn tùy tùng bảo vệ ngài quá mức. Với tính cách rất khiêm tốn, ngài không muốn gây rắc rối cho ai, muốn tuân theo mọi tiêu chuẩn, nhưng điều này cuối cùng đã khiến ngài không thể thực thi hết chức năng của mình.

Giữ sự tập chú vào Chúa Kitô

Bài giảng của Đức Giáo Hoàng Phanxicô tại tang lễ của người tiền nhiệm ngắn gọn một cách đáng ngạc nhiên… Ngài giải thích điều này như thế nào?

Martínez-Brocal: Bài giảng của ngài thực sự có vẻ lạnh lùng lúc đầu, giống như tại các lễ phong thánh cho Đức Gioan XXIII và Đức Gioan Phaolô II. Nhưng ngài tin rằng các bài giảng nên tập trung vào các bản văn phụng vụ chứ không phải là những bài tán tụng, những bài điếu văn về những người tiền nhiệm. Đối với Thánh lễ an táng Đức Bênêđíctô XVI, ngài chỉ muốn cho thấy Kitô hữu này có thể giúp đỡ các Kitô hữu khác sống đức tin của họ như thế nào.

Vì vậy tôi nghĩ thật sai lầm khi hiểu nó là dấu hiệu xa cách. Ngược lại, Đức Giáo Hoàng Phanxicô cho rằng ngài đang nói với các Kitô hữu trưởng thành, những người không cần phải nhắc họ rằng Đức Bênêđíctô XVI là ai, vì mọi người đều biết! Thay vào đó, ngài chỉ muốn hướng sự chú ý đến Chúa Giêsu, dựa trên những đoạn trích từ các bản văn của ĐHY Joseph Ratzinger.

Mối quan hệ của Đức Giáo Hoàng Phanxicô với ĐHY Ratzinger trước và sau năm 2005

Đức Giáo Hoàng Phanxicô tiết lộ những chi tiết quan trọng về mật nghị năm 2005. Liệu cuối cùng có việc Đức Hồng Y Bergoglio đã trực tiếp ủng hộ việc bầu chọn Đức Hồng Y Ratzinger không?

Martínez-Brocal: Trên chuyến bay trở về từ Brazil vào năm 2013, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nói rằng ngài rất vui mừng với việc bầu chọn Đức Hồng Y Ratzinger vào năm 2005, nhưng ngài chưa bao giờ nói rõ rằng ngài đã bỏ phiếu cho vị này.

Bằng cách nói rõ ràng Trong cuộc phỏng vấn này, “Ngài là ứng cử viên của tôi,” Đức Phanxicô đã tiến một bước. Điều đó cho thấy rõ rằng ngài nghĩ đến tương lai của Giáo Hội Công Giáo. Nếu ngài đồng ý đáp trả một cách thuận lợi trước những thủ đoạn của những người muốn biến ngài thành “giáo hoàng” chống lại Ratzinger, thì sẽ không có triều giáo hoàng Bênêđíctô XVI, không có việc từ chức, sau cùng không có Giáo hoàng Phanxicô … Âm sắc của triều giáo hoàng của ngài thực sự có liên quan đến sự từ nhiệm của vị tiền nhiệm.

Ngài nhận ra rằng mình đang bị một nhóm lợi dụng và ngài không muốn chơi cùng với họ. Ngài rất nhạy cảm với vấn đề hợp nhất, và sẽ thật nhục nhã nếu ngài trở thành một công cụ gây chia rẽ. Và thái độ của ngài đã quyết định phần còn lại của lịch sử Giáo hội. Nếu Đức Hồng Y Bergoglio không ủng hộ Đức Hồng Y Ratzinger thì Đức Hồng Y Ratzinger đã rút lui, và một Hồng Y người Ý có tên chưa nổi bật trong các cuộc thăm dò có lẽ đã được chọn.

Mối quan hệ của các ngài trong triều giáo hoàng Đức Bênêđíctô XVI ra sao?

Martínez-Brocal: Trước năm 2005, Đức Hồng Y Bergoglio coi Đức Hồng Y Ratzinger là người trung thực nhất trong Giáo triều Rôma, và rất vui được gặp ngài tại Bộ Giáo lý Đức tin. Đức Hồng Y Bergoglio sau đó đã biết ơn Đức Bênêđíctô XVI vì đã kéo dài nhiệm kỳ của ngài sau sinh nhật lần thứ 75 của ngài vào năm 2011. Ngài coi quyết định này là một dấu hiệu của sự tin tưởng, vào thời điểm mà một phần Giáo triều đã có động thái chống lại ngài.

Một vài năm trước đó, cũng trái với lời khuyên của Giáo triều và Phủ Quốc vụ khanh, ngài đã thu xếp để Đức Bênêđíctô XVI đích thân tham dự cuộc họp Aparecida, đây là một cử chỉ mạnh mẽ. Tuy nhiên, vị Giáo hoàng người Đức đã không ký vào tài liệu cuối cùng, rõ ràng là do Rome dè dặt trong việc thúc đẩy các cộng đồng giáo hội cơ bản.

Tính liên tục của ngôi vị giáo hoàng

Đức Bênêđíctô XVI thường nhấn mạnh đến chủ đề “khoa giải thích liên tục” giữa các giáo hoàng trước và sau Công đồng. Đức Phanxicô giải thích chủ đề này như thế nào?

Martínez-Brocal: Tôi đặt tiêu đề cho cuốn sách này là Người Kế Vị, nghĩ về Đức Phanxicô như người kế vị Đức Bênêđíctô XVI, nhưng sau đó tôi nhận ra rằng trên hết ngài là người kế vị Thánh Phêrô. Vai trò của Đức Giáo Hoàng là diễn dịch vào bối cảnh ngày nay mệnh lệnh được Chúa Giêsu ủy thác cho Thánh Phêrô gần 2000 năm trước.

Tình cờ, tôi đọc được một bài giáo lý rất hay của Đức Gioan Phaolô II về thừa tác vụ Phêrô, trong đó ngài giải thích rằng chìa khóa của Thánh Phêrô dùng để “mở chứ không phải đóng”. Tôi đã chia sẻ bản văn này với Đức Giáo Hoàng Phanxicô, người thực sự đánh giá cao hình ảnh này.

Tôi nghĩ sứ vụ của giáo hoàng là giúp nhân loại gặp gỡ Thiên Chúa, vì vậy điều này tạo ra một ranh giới liên tục, nhưng các phương pháp chắc chắn sẽ khác nhau ở các thời đại khác nhau. Chẳng hạn, ngay cả trong thời hiện đại, rõ ràng là Đức Phanxicô không thể hành động theo phong cách của Đức Phaolô VI. Thế giới đã thay đổi. Và yếu tố nổi bật nhất của sự gián đoạn đã xảy ra… Chính Đức Bênêđíctô XVI đã gây ra điều đó, bằng việc từ chức của mình, vì cho rằng mô hình giáo hoàng trọn đời không còn phù hợp nữa.

Cuốn sách này cung cấp một cái nhìn sâu sắc về sự phong phú về thần học và triết học của Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng như những nguồn cảm hứng của ngài, bao gồm cả nền văn hóa Đức. Liệu chúng ta có thể nói rằng nhà thần học và triết học Romano Guardini (1885-1968), thường được Joseph Ratzinger trích dẫn và là người mà Jorge Mario Bergoglio đã bắt đầu viết luận đề về, đã tạo thành một cầu nối trí thức giữa Đức Bênêđíctô XVI và Đức Phanxicô?

Martínez-Brocal: Đó là một điểm cần được xem xét kỹ lưỡng. Tôi chưa tìm thấy bất cứ đóng góp hay bài viết nào của Joseph Ratzinger về chủ đề chính xác của luận án mà Jorge Mario Bergoglio đã bắt đầu ở Đức, về Gegensatz [sự tương phản], khái niệm vượt qua “sự phân cực” trong tư tưởng của Romano Guardini. Nhưng cả hai đều có chung sự đánh giá cao đối với tác giả này. Có một gốc rễ trí thức chung.

Tôi tin rằng vào những năm 1980, Cha Bergoglio bắt đầu chú ý đến tư tưởng của Romano Guardini sau khi bản thân phải chịu đau khổ vì sự chia rẽ nội bộ trong Dòng Tên ở Argentina. Ngài tìm thấy nơi vị này một lối suy nghĩ mạch lạc về những sự đối lập “có tính chất thái cực”, nhằm thể hiện rõ ý tưởng cho rằng chúng ta có thể có những suy nghĩ khác nhau mà không bị phản đối.

Suy tư này giúp chúng ta nghĩ về các triều giáo hoàng của Đức Bênêđíctô XVI và Đức Phanxicô theo khía cạnh bổ sung hơn là đối lập, và nó cũng giúp chúng ta tìm ra hướng đi của mình trong một thế giới ngày càng bị chia cắt và phân cực.
 
Đức Thánh Cha nói: Hoạt động nhân đạo của Hội Chữ Thập Đỏ chứng tỏ tình huynh đệ là điều có thể
Thanh Quảng sdb
17:18 06/04/2024
Đức Thánh Cha nói: Hoạt động nhân đạo của Hội Chữ Thập Đỏ chứng tỏ tình huynh đệ là điều có thể

ĐTC gặp gỡ các thành viên của Hội Chữ thập đỏ Ý tại Vatican, ngài ca ngợi “sự phục vụ không thể thay thế” của tổ chức này nhằm bảo vệ và hỗ trợ nhân đạo cho các nạn nhân chiến tranh và các thảm họa khác.

(Tin Vatican - Lisa Zengarini)

Hôm thứ Bảy, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp kiến các thành viên của Hội Chữ thập đỏ Ý (ICR), khi họ kỷ niệm 160 năm thành lập từ năm 1864.

Vào năm đó, Ủy ban của Hiệp hội Cứu trợ Người bị thương và Bệnh nhân Chiến tranh Ý được thành lập tại Milan, sau khi thành lập Hội Chữ thập đỏ Quốc tế tại Geneva, Thụy Sĩ, vào năm 1863.

Phát biểu trước khoảng 6.000 tình nguyện viên và nhân viên ICR tại Thính phòng thánh Giáo hoàng Phaolô VI, Đức Thánh Cha Phanxicô nồng nhiệt cảm ơn họ vì viện trợ nhân đạo mà họ tiếp tục cung cấp cho những nạn nhân của chiến tranh và các thảm họa khác trên khắp thế giới.

Một dấu hiệu rõ ràng của tình huynh đệ tại nơi làm việc

Ngài lưu ý: “Sự cam kết của các bạn, được truyền cảm hứng từ các nguyên tắc nhân đạo, vô tư, trung lập, độc lập, tình nguyện, đoàn kết và phổ quát, cũng là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy tình huynh đệ là điều có thể thực hiện được”.

“Nếu con người được đặt ở trọng tâm, chúng ta có thể đối thoại, làm việc cùng nhau vì lợi ích chung, vượt qua sự chia rẽ, phá bỏ những bức tường thù địch, vượt qua lý luận của lợi ích và quyền lực vốn làm mù quáng và biến người khác thành kẻ thù.”

Trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương nhất trước sự tàn phá của chiến tranh

Khi cảm ơn Hội Chữ thập đỏ Ý vì “sự phục vụ không thể thay thế” này, không chỉ ở các khu vực xung đột và các khu vực bị ảnh hưởng bởi thiên tai, mà còn yểm trợ những người di cư và những người dễ bị tổn thương nhất, Đức Thánh Cha khuyến khích họ “tiếp tục công việc bác ái cao cả này”, đặc biệt là trẻ em, đối tượng dễ bị tổn thương nhất trước sự tàn phá của chiến tranh.

ĐTC nói: “Xin cho Chữ Thập Đỏ luôn là biểu tượng hùng hồn của tình yêu thương anh chị em không ranh giới, cả về địa lý, văn hóa, xã hội, kinh tế hay tôn giáo.”

Có mặt ở mọi nơi khi cần thiết

Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp tục lưu ý rằng khẩu hiệu được chọn cho lễ kỷ niệm năm nay là – “Mọi nơi cho mọi người” - đặc biệt phù hợp cho tổ chức nhân đạo này, vì nó thường mô tả phong cách của tổ chức này và sự hiện diện của tổ chức này ở những nơi cần thiết.

ĐTC nhận xét: “Ở mọi nơi”, ngụ ý rằng “không có bối cảnh nào có thể nói là thoát khỏi đau khổ”, rằng chúng ta phải “toàn cầu hóa tình đoàn kết” và chúng ta cũng cần “các quy tắc đảm bảo nhân quyền ở mọi nơi, các thực hành nuôi dưỡng văn hóa của gặp gỡ và những con người có khả năng nhìn thế giới với một góc nhìn rộng lớn.”

Ở chỗ đó cho bất cứ ai đau khổ

Mặt khác, từ “bất kỳ ai” nhắc nhở chúng ta rằng “mỗi người đều có phẩm giá của mình và đáng được chúng ta quan tâm”, và rằng “chúng ta không thể làm ngơ hoặc loại bỏ họ vì hoàn cảnh, khuyết tật, nguồn gốc hoặc lý do hoặc địa vị xã hội." Do đó, Đức Thánh Cha mời gọi Hội Chữ thập đỏ Ý tiếp tục sát cánh bên những người gặp khó khăn “đặc biệt – ngài nói – trong thời điểm mà nạn phân biệt chủng tộc và sự khinh miệt bùng phát lan mau...

Đức Thánh Cha lưu ý thêm rằng khẩu hiệu kỷ niệm nhắc lại những lời của Thánh Phaolô trong Thư thứ nhất gửi tín hữu Cô-rinh-tô: “Tôi đã trở thành tất cả cho mọi người”, trong đó tóm tắt sứ mạng của ngài là mang lại niềm vui Tin Mừng cho tất cả mọi người: “Đây là điều ngài nói - là phong cách mà bạn cũng thực hiện mỗi khi bạn giúp đỡ với tinh thần huynh đệ để làm thuyên giảm đi những đau khổ.”

Đức Thánh Cha Phanxicô kết thúc bằng cách cầu xin ân sủng của Thiên Chúa trở thành công cụ của tình yêu huynh đệ và hòa bình, các bạn là những nhân vật chính của lòng bác ái và là những người xây dựng một thế giới huynh đệ và hỗ tương”
 
Vị Giáo Hoàng tương lai là ai? Sự trỗi dậy mạnh mẽ của Hồng Y Pizzaballa trong tư cách ứng viên Giáo Hoàng sáng giá
J.B. Đặng Minh An dịch
17:50 06/04/2024


Edward Pentin của tờ National Catholic Register cho biết như trên trong bài “Cardinal Pizzaballa’s Meteoric Rise to ‘Papabile’”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

“Đây sẽ là một lễ Phục sinh khó khăn,” Đức Hồng Y Pierbattista Pizzaballa nói với truyền hình Ý vào tuần trước khi ngài đưa ra đánh giá nghiệt ngã về cuộc khủng hoảng nhân đạo ngày càng tồi tệ ở Gaza, nơi bị chiến tranh tàn phá. Kêu gọi cộng đồng quốc tế nhanh chóng chấm dứt cuộc chiến giữa Israel-Hamas, ngài nói rằng ngài đang nghĩ đến “nỗi cô đơn của Chúa Giêsu trong vườn Giệtsimani, hiện được chia sẻ bởi tất cả chúng ta”.

Đức Thượng Phụ Pizzaballa mới nhậm chức Hồng Y được một tuần khi Hamas phát động các cuộc tấn công tàn khốc ở miền nam Israel vào tháng 10 năm ngoái, đẩy khu vực này – và Đức Thượng Phụ người Latinh gốc Ý ở Giêrusalem – vào một giai đoạn mới của cuộc xung đột mà ngài biết rất rõ.

Đã lên kế hoạch ở lại Rôma trong thời gian diễn ra Thượng hội đồng về tính đồng nghị vào tháng 10, vị thượng phụ dòng Phanxicô buộc phải đột ngột trở về Thánh địa, quê hương của ngài trong 34 năm qua, để chăm sóc đàn chiên của mình một lần nữa bị kẹt trong làn đạn của cuộc xung đột Israel-Palestine.

Bị giam giữ trong tòa thượng phụ khi sự thù địch leo thang, Đức Hồng Y Pizzaballa nói rằng việc giam giữ đã cho ngài thời gian để suy ngẫm về ý nghĩa của việc trở thành một Hồng Y ở đó và rằng màu đỏ của Hồng Y, biểu thị sự sẵn sàng đổ máu của các Hồng Y, đã mang “một ý nghĩa sâu sắc được đánh dấu bằng nhiều nỗi buồn, nhiều khó khăn.”

Hai tuần sau khi trở về, ngài đã soạn một lá thư giáo phận có lối diễn đạt cẩn thận và cân bằng tinh tế lên án mạnh mẽ cả hành vi tàn bạo của Hamas cũng như mức độ trả thù của Israel, đồng thời kêu gọi người dân trong khu vực quay về với Chúa Kitô và “sự can đảm của tình yêu và hòa bình” của Tin Mừng.

Ngay sau khi xung đột nổ ra, ngài nói rằng ngài sẵn sàng đổi mình lấy các con tin trẻ em Israel đang bị Hamas bắt giữ ở Gaza, gây xôn xao dư luận khắp thế giới và, mặc dù chỉ mới 58 tuổi và được phong Hồng Y chỉ trong vài tuần, các diễn biến này đã đưa ngài vào hàng ngũ papabile, tức là các ứng viên Giáo Hoàng sáng giá.

Không ngại lên tiếng trước tình trạng bạo lực và bất công đang tàn phá khu vực, ngài đã cố gắng đối xử với cả hai bên một cách bình tĩnh, nhưng có thể cho là có nhiều thiện cảm hơn đối với người dân Palestine, những người mà ngài coi là “vẫn đang chờ đợi quyền lợi của mình, phẩm giá hoặc sự công nhận của họ.”

Tất nhiên, trong số họ có những người Palestine theo Kitô giáo, và ngài coi toàn bộ người theo Kitô giáo ở Thánh địa, giống như những người Hồi giáo ở Palestine, là những người ngoài cuộc. Ngài nói với tạp chí America rằng trung tâm của Giáo hội “về mặt thiêng liêng và thần học” là Giêrusalem. “Bởi vì mọi thứ đều được sinh ra ở đây. Đồng thời, chúng tôi cũng thuộc loại ngoại vi.”

Quan điểm của ngài đôi khi gây ra phản ứng từ người Israel, những người gần đây nhất đã chỉ trích ngài vì đã ký một tuyên bố lên án các cuộc tấn công của Israel nhằm vào dân thường và kêu gọi giảm leo thang xung đột.

Lực Lượng Phòng Vệ Israel, gọi tắt là IDF, cũng bác bỏ tuyên bố của Đức Thượng Phụ rằng một tay súng bắn tỉa của IDF đã giết chết một bà mẹ và con gái tại một giáo xứ Công Giáo ở Gaza, nhấn mạnh rằng IDF “không tấn công vào dân thường, bất kể tôn giáo của họ” và rằng việc xem xét những phát hiện hoạt động của họ đã hỗ trợ cho tuyên bố của họ.

Chưa hết, trong khi một số người Israel có thể nghi ngờ, ngài lại được tổng thống quốc gia, Isaac Herzog, người đã biết Đức Hồng Y Pizzaballa hơn hai thập kỷ, đánh giá cao. Họ gặp nhau lần đầu tiên khi cả hai làm việc cùng nhau để điều phối chuyến hành hương tới Giêrusalem năm 2000 của Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II - Herzog là thư ký nội các vào thời điểm đó, và Cha Pizzaballa lúc đó là tổng đại diện của Tòa Thượng Phụ Latinh tại Giêrusalem để chăm sóc mục vụ cho người Công Giáo nói tiếng Do Thái ở Israel.

Herzog đã ca ngợi Đức Hồng Y Pizzaballa là “một người thông minh”, một nhà lãnh đạo “hiểu biết và cực kỳ nhạy cảm về những vấn đề phức tạp trong khu vực của chúng ta”, người “được sự tin tưởng của tất cả các bên liên quan ở Jordan, Lãnh thổ Palestine và Israel”. Họ “vô cùng tôn trọng cha ấy,” Herzog nói. “Tên của cha ấy nổi bật.”

Hồng Y Pizzaballa là ai?

Nhưng vị Hồng Y thực sự là ai, và làm thế nào ngài lại nổi lên trong một thời gian tương đối ngắn như vậy?

Sinh ra ở Cologno al Serio gần thành phố Bergamo ở miền bắc nước Ý vào năm 1965, Pierbattista Pizzaballa gia nhập tiểu chủng viện Phanxicô ở Bologna năm 1976 và khấn trọn đời ở tuổi 24 vào năm 1989. Sau khi lấy bằng cử nhân thần học của Giáo hoàng Đại học Antonianum, ngài được thụ phong linh mục năm 1990 bởi Đức Hồng Y Giacomo Biffi của Bologna.

Sau đó, chàng trai trẻ dòng Phanxicô tiếp tục nghiên cứu thần học Kinh thánh, dạy tiếng Do Thái trong Kinh thánh ở Giêrusalem, và vào năm 2004, ở tuổi 39, vị linh mục được bổ nhiệm làm người trông coi Thánh địa - thực chất là bề trên cao cấp của Dòng Anh em Hèn mọn sống khắp Trung Đông.

Nhiệm vụ chính của ngài, ngoài việc cổ vũ đời sống của các tu sĩ, là bảo đảm “quyền trông coi” các thánh địa trong khu vực, cũng như điều phối và chỉ đạo việc tiếp đón những người hành hương đến thăm Thánh địa. Là một bề trên nổi tiếng, Cha Pizzaballa đã ba lần được bầu vào vai trò đó.

Giampiero Sandionigi, biên tập viên của tờ Terrasanta.net do dòng Phanxicô điều hành, thường xuyên làm việc với Đức Hồng Y Pizzaballa, nói với Register rằng những phẩm chất của ngài “có ở đó cho tất cả mọi người thấy: sự thẳng thắn, lòng can đảm, phong cách phi giáo sĩ, sự cởi mở để gặp gỡ người khác, con người, và sự nhanh nhẹn được hỗ trợ bởi sức khỏe tốt.”

Thừa nhận kỹ năng ngoại giao và chuyên môn của ngài, Đức Thánh Cha Phanxicô đã giao cho ngài vai trò quan trọng trong việc tổ chức buổi cầu nguyện cho hòa bình tại Vườn Vatican vào năm 2014, quy tụ Tổng thống Israel lúc bấy giờ là Shimon Peres, nhà lãnh đạo Palestine Mahmoud Abbas, Đức Giáo Hoàng và Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô.

Một tháng sau khi từ chức giám quản vào năm 2016, Cha Pizzaballa được Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm làm giám mục và giám quản tông tòa của Tòa Thượng phụ Latinh tại Giêrusalem, nơi đang phải gánh chịu những khoản nợ lớn – những vấn đề mà đến năm 2020 ngài đã giải quyết một cách hiệu quả bằng cách thành lập một cơ quan kinh tế được gọi là ban cố vấn bao gồm các chuyên gia tài chính và đưa ra lời kêu gọi thành công thông qua Dòng Anh Em Hèn Mọn ở Mộ Thánh, trong đó ngài là nhà lãnh đạo.

Các vị trí trách nhiệm khác cũng được đưa ra, lần đầu tiên trở thành thành viên của Bộ Giáo hội Đông phương vào năm 2017 và sau đó, vào tháng 10 năm 2020, Thượng phụ Latinh của Giêrusalem, phục vụ những người Công Giáo theo Nghi thức Latinh trên một khu vực rộng lớn: Síp, Jordan, Israel và Palestine. Ba năm sau, Đức Thánh Cha Phanxicô thăng ngài lên Hồng Y.

Tác giả người Ý Graziano Motta tin rằng chắc chắn chính “kiến thức về ngôn ngữ Do Thái và văn hóa tôn giáo” của Đức Hồng Y Pizzaballa đã giúp ngài có được vị thế tốt như vậy, mang lại cho ngài một “điểm bổ sung quan trọng” trong cuộc đối thoại với Israel. “Tuy nhiên, trên hết,” Motta nói với La Nuova Bussola Quotidiana, ngài được công nhận vì sự hiểu biết sâu sắc về “thực tế tôn giáo và chính trị Ả Rập-Hồi giáo của khu vực” cũng như những thách thức mà cộng đồng Kitô giáo nhỏ bé đang phải đối mặt.

Linh mục Dòng Tên David Neuhaus, một người cải đạo từ Do Thái giáo và là cựu đại diện Đức Thượng Phụ cho những người Công Giáo nói tiếng Do Thái tại Tòa Thượng Phụ Latinh ở Giêrusalem, lưu ý rằng Đức Hồng Y Pizzaballa là “một người Ý, thấm nhuần xã hội và văn hóa Do Thái và Israel trong nhiều năm”. “mục tử của một Giáo hội chủ yếu là người Ả Rập và Palestine.”

“Tuy nhiên, ngay cả khi cố gắng tìm ra giải pháp trong tình thế rất khó chịu này, luôn gặp cả người Israel gốc Do Thái và người Ả Rập Palestine, ngài vẫn ý thức rằng mình là mục tử ở Giêrusalem, và do đó được mọi người Công Giáo, mọi Kitô hữu ở khắp mọi nơi tuân theo.”

Nhìn chung, ngài nói với Register, Đức Hồng Y Pizzaballa “là một nhà lãnh đạo, một người hướng về thế giới, thông minh, suy tư, một người cầu nguyện”.

“Khi tôi nghĩ về ngài tôi bị ấn tượng bởi 'tính Công Giáo' của những. Ngài là kiểu người Công Giáo phổ quát, người đã vượt qua bối cảnh của chính mình bằng nhiều cách và cởi mở với Giáo hội phổ quát.”

Một giáo sĩ có 'tầm vóc vĩ đại'

François Vayne, giám đốc truyền thông của Grand Magisterium of the Order of the Holy Sepulcher, đã biết rõ về Đức Thượng phụ Pizzaballa trong 10 năm. Phát biểu với Register vừa trở về sau chuyến hành hương kéo dài một tuần tới Thánh địa với Đức Hồng Y, ngài nói rằng ngài là một nhân vật của Giáo hội “có tầm vóc vĩ đại, với những ý tưởng giáo hội học và truyền giáo học rất rõ ràng”.

Truyền giáo học là lĩnh vực thần học nghiên cứu về mệnh lệnh, sứ điệp và công việc của nhà truyền giáo Kitô.

Vayne nói thêm: “Không có sự nhầm lẫn nào trong suy nghĩ thần học của ngài, vốn mang tính Công Giáo đích thực, kết hợp hài hòa giữa lòng trung thành và sự cởi mở”. “Nhanh chóng, hiệu quả và trực tiếp, ngài thực thi quyền lực tự nhiên của mình trong cuộc đối thoại tôn trọng với các cố vấn của mình.”

Ngài nói thêm: “Ý thức nhạy bén của ngài về thực tế là một tài sản trong công việc mục vụ, được ngài giải quyết một cách sáng suốt và quyết đoán, giống như một nông dân Lombard”.

Lưu ý rằng ngài không chỉ giúp giải quyết tình hình tài chính tồi tệ của Tòa Thượng Phụ mà còn nhận xét rằng ngài đã khôi phục nó để có “một động lực tông đồ mới”.

Vayne nói: “Sự chính trực và đoàn kết khiến ngài trở thành người thừa kế tinh thần xứng đáng của Đức Thượng Phụ Latinh đầu tiên, Giuseppe Valerga, được Đức Piô IX bổ nhiệm.”

Cha Neuhaus nói rằng điều “chắc chắn” khiến ngài tập trung “là việc ngài tận tâm suy niệm lời Chúa,” và ngài nhận thấy rằng “việc giảng dạy và rao giảng, các bài phát biểu trước công chúng và các thông điệp của ngài đều lấy Phúc Âm làm cốt lõi.”

Đức Hồng Y Pizzaballa rất thân thiết với Đức Thánh Cha Phanxicô, một phần được chứng minh qua sự thăng tiến ổn định và tương đối nhanh chóng của ngài trong các cấp bậc giáo hội trong triều đại giáo hoàng này, nhưng cũng qua sự ủng hộ công khai của ngài đối với Đức Giáo Hoàng. Về phần mình, Đức Thánh Cha gần đây đã mô tả ngài là “một nhân vật quan trọng”, người “di chuyển tốt” và cố gắng hòa giải, và cả hai vẫn giữ liên lạc thường xuyên trong cuộc xung đột hiện tại.

Ngài đã thể hiện sự ủng hộ dành cho Đức Phanxicô trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là về đối thoại liên tôn. Đức Thượng phụ đã ủng hộ thông điệp Fratelli Tutti (Tất cả anh em) năm 2020 của Đức Thánh Cha và tài liệu “Tình huynh đệ nhân loại” gây tranh cãi của ngài được Đức Thánh Cha Phanxicô và đại giáo sĩ của Đại học Al-Azhar ký vào năm 2019. Những cử chỉ như vậy đã có “tác động to lớn” đến ý thức của công chúng Ả Rập, ngay cả khi Thượng phụ Pizzaballa nói với sự thẳng thắn đặc trưng, không ai trong thế giới Ả Rập đọc những tài liệu như vậy.

Ngài cũng ủng hộ thông điệp môi trường Laudato Si (Chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta) của Đức Thánh Cha, phát biểu tại một hội nghị năm 2015 rằng nghiên cứu khoa học về việc phân phối công bằng các tài sản chung như nước và năng lượng “không thể tách rời” thông điệp của thông điệp, “chỉ ra việc xã hội hóa những hàng hóa cơ bản này.” Việc tiếp cận năng lượng và đặc biệt là nước thường được coi là trọng tâm để hiểu được cuộc xung đột ở Thánh địa.

Trong bài giảng lễ trở thành Hồng Y, Đức Thượng phụ Pizzaballa bày tỏ sự tôn trọng đối với chức vụ của Thánh Phêrô, đồng thời thẳng thắn nhìn nhận những vấn đề hiện tại. Ngài lưu ý cách Thánh Phêrô có thể “khám phá tình yêu trong sự thất bại của chính ngài” và kêu gọi các tín hữu, cùng với Thánh Phêrô, “nhìn vào Chúa Kitô một lần nữa”. Ngài nói, trong “những thời điểm mất phương hướng và bối rối lớn lao này, Giáo hội được mời gọi bắt đầu lại từ Chúa Kitô, là Thầy và là Chúa”.

Các nhà quan sát Giáo hội đã mô tả vị Hồng Y này là người “hiện đại”, và ngài có quan điểm thời thượng về vị Hồng Y tương tự như quan điểm của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, nhận xét rằng “các Hồng Y trong thời đại chúng ta không còn là các hoàng tử của Giáo hội nữa mà là những tôi tớ của Giáo hội và dân Chúa.”

Nhưng ngài cũng có vẻ sẵn sàng duy trì truyền thống. Cha Neuhaus cho biết: “Đức Hồng Y rất tỉ mỉ trong việc cử hành phụng vụ và không có vấn đề gì với Thánh lễ truyền thống”, đồng thời cho biết thêm rằng ngài “tuân thủ cẩn thận các hướng dẫn của Tòa thánh”.

Mặc dù vậy, Cha Neuhaus tin rằng vấn đề này “khá gây tranh cãi” vì Đức Hồng Y đang đắm chìm trong “sự đa dạng lớn lao của các nghi thức trong Giáo Hội Công Giáo (tiếng Latin, Byzantine, Maronite, Syria, Armenia)”. Nhưng khi nhu cầu về Thánh lễ truyền thống tăng lên, thường là từ người nước ngoài, Cha Neuhaus cho biết Đức Hồng Y “có một số linh mục (một linh mục triều và một số linh mục dòng) có thể cử hành Thánh lễ truyền thống khi có nhu cầu”.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều điều chưa biết về vị Hồng Y Thượng phụ, đặc biệt là suy nghĩ của ngài về các vấn đề đương đại, vì ngài thường cảnh giác trước việc bị lôi kéo vào những tranh chấp của Giáo hội về giáo lý, thần học và chính trị giáo hội.

Tuy nhiên, về hòa bình, anh ta có rất nhiều điều để nói. Viết lời bạt cho cuốn sách mới có tựa đề Francis of Assisi: A Restless Life của Tu sĩ dòng Phanxicô Massimo Fusarelli, ngài nhấn mạnh sự cần thiết phải có một “sự điên rồ” thánh thiện để đạt được hòa bình, tương tự như đường lối mà Thánh Phanxicô Assisi đã thực hiện khi gặp quốc vương ở Thánh địa vào năm 1219 trong cuộc Thập tự chinh.

Đức Hồng Y Pizzaballa nói, “Sứ mệnh của Thánh Phanxicô, không giải quyết được bất kỳ vấn đề chính trị nào vào thời đó” nhưng cho thấy một phương pháp “gặp gỡ” mà theo ngài, vẫn còn phù hợp với cuộc xung đột ở Thánh địa ngày nay.

Việc sẵn sàng từ bỏ “điều gì đó của riêng mình, tầm nhìn, quan điểm, kỳ vọng” đòi hỏi “lòng can đảm và sự điên rồ” và “con đường hoán cải”. Ngài nói, đó là việc “thay đổi cách suy nghĩ của bạn, giải phóng tâm hồn bạn khỏi tinh thần bạo lực, chinh phục và trả thù” và vượt qua “các ranh giới sắc tộc, tôn giáo và bản sắc” vốn “được khắc ghi rất cứng nhắc trong lương tâm của những nhóm dân cư này. “

Ngài nói rằng giấc mơ của ngài là sự “điên rồ” như vậy giữa các Kitô hữu sẽ tạo ra sự khác biệt, nơi mà “người khác không phải là đối thủ; nhưng là anh chị em với nhau.”

Đối với chúng tôi, ngài nói thêm, “căn tính Kitô giáo không phải là một bức tường thành để bảo vệ, mà là một ngôi nhà hiếu khách và một cánh cửa mở ra mầu nhiệm Thiên Chúa và con người, nơi mọi người đều được chào đón”.

Ngài kết luận: “Người nghèo khổ ở Assisi, tám thế kỷ trước, đã cho chúng ta thấy rằng sự điên rồ này vẫn có thể xảy ra”. “Bây giờ, điều đó tùy thuộc vào chúng ta để quyết định xem có nên can đảm chọn sống theo sự điên rồ của Tin Mừng này hay không.”


Source:National Catholic Register

 
Nhật ký trừ tà số 283: Ma quỷ có thể hoán cải được không?
J.B. Đặng Minh An dịch
17:52 06/04/2024


Đức Ông Stephen Rossetti là một linh mục ở Giáo phận Syracuse, phó giáo sư nghiên cứu tại Đại học Công Giáo Hoa Kỳ và tích cực tham gia vào mục vụ trừ tà trong 13 năm qua. Trên trang web catholicexorcism.org, ngài có bài viết nhan đề “Exorcist Diary #283: Can demons be converted?”, nghĩa là “Nhật ký trừ tà số 283: Ma quỷ có thể hoán cải được không?”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Gần đây tôi đã nhận được “những mạc khải tư” từ những người khác nhau cho rằng Chúa Giêsu đã nói với họ rằng ma quỷ có thể được hoán cải. Một số thực sự đang tham gia vào việc tương tác và cầu nguyện cho ma quỷ, do đó tin rằng họ đang tạo điều kiện cho ma quỷ hoán cải và lên thiên đường. Một người đã nói với tôi: “Nếu Thiên Chúa toàn năng và đầy lòng thương xót, tại sao Ngài không ban ơn hoán cải cho ma quỷ và thậm chí cả Satan?”

Giáo huấn và truyền thống lâu đời của Giáo Hội rất rõ ràng: “Chính đặc tính không thể thay đổi trong sự lựa chọn của họ, chứ không phải khuyết điểm trong lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa, đã khiến tội lỗi của các thiên thần sa ngã không thể tha thứ được. 'Không có sự ăn năn đối với các thiên thần sau khi sa ngã, cũng như không có sự ăn năn đối với loài người sau khi chết.” Sách giáo lý Công Giáo điều 272. Ngay từ đầu, các thiên thần đã được truyền cho kiến thức về tất cả các hậu quả của việc từ chối Chúa, tuy nhiên một số thiên thần đã chọn làm như vậy. Xét về lý trí, điều đó có vẻ vô lý, nhưng sự lựa chọn cái ác luôn đi ngược lại lý trí.

Tôi thường trích dẫn cuộc trao đổi giữa tôi với ma quỷ trong một cuộc trừ quỷ, khiến chúng phải đối mặt với Sự Thật và do đó tạo điều kiện thuận lợi cho việc trục xuất chúng:

Tôi nói: “Nhân danh Chúa Giêsu, tôi ra lệnh cho mi phải nói cho tôi biết sự thật. Mi có đưa ra một quyết định sai lầm khi từ chối Chúa không?” Với một tiếng gầm gừ khó chịu, lũ quỷ trả lời: “Có.”

Sau đó tôi nói: “Nhân danh Chúa Giêsu, hãy nói cho tôi biết sự thật. Bây giờ mi có đang đau khổ vì điều đó không? Một lần nữa, một tiếng gầm gừ khó chịu, “Có.”

Cuối cùng tôi nói: “Nhân danh Chúa Giêsu, hãy nói sự thật. Mi có thay đổi quyết định của mình nếu có thể không?” Với một tiếng gầm gừ đầy ác độc, lũ quỷ nói: “Không!”

Những mạc khải tư của những người được cho là tiên kiến phải luôn tuân theo truyền thống và thẩm quyền giảng dạy của Giáo Hội mà Chúa Giêsu đã thành lập và được ngài trao quyền. Lịch sử đầy rẫy những ảo tưởng sai lầm và những dự án sai lầm. Những người đi theo những người lạc lối này đang tự đặt mình vào tình thế nguy hiểm về đàng thiêng liêng.

Một loạt “mạc khải tư” gần đây về việc hoán cải ma quỷ đến từ nhiều nguồn khác nhau và gợi ý cho tôi rằng Ma quỷ đang sử dụng điều này như một chiến thuật ma quỷ khác. Nó đang gieo mầm mống hoang mang và nghi ngờ, nếu không nói là lừa dối trắng trợn và thúc đẩy những thực hành tâm linh nguy hiểm.

Ác ma muốn chúng ta lôi kéo hắn và lũ quỷ của hắn. Chúng là những kẻ thao túng bậc thầy. Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhiều lần cảnh báo các tín hữu không được giao tiếp trực tiếp với ma quỷ. Điều đó thậm chí còn bị cấm đối với các nhà trừ quỷ ngoại trừ một số trường hợp hạn chế liên quan trực tiếp đến việc trừ quỷ.

Hơn nữa, những người tin rằng họ đang lắng nghe Chúa Giêsu, nhưng trên thực tế, có thể đang nghe theo những ảo tưởng tâm linh của chính họ hoặc tệ hơn nữa, những lời thì thầm của Satan thì có thể đang gặp nguy hiểm nghiêm trọng về mặt tâm linh.

Hãy ở yên trong con thuyền của Thánh Phêrô. Hãy tuân thủ những lời dạy an toàn và bảo mật của Kinh thánh cũng như những lời dạy có thẩm quyền của Giáo Hội Công Giáo. Chắc chắn nhất, chiếc thuyền này sẽ vượt qua mọi cơn bão ma quỷ và đưa anh chị em về nhà an toàn.


Source:Catholic Exorcism

 
Quan chức hàng đầu của Vatican sắp tới Việt Nam để thảo luận về chuyến thăm của Đức Thánh Cha
Thanh Quảng sdb
22:03 06/04/2024
Quan chức hàng đầu của Vatican sắp tới Việt Nam để thảo luận về chuyến thăm của Đức Thánh Cha

Đức Tổng Giám Mục Paul Richard Gallagher, Tông trưởng ngoại giao Tòa thánh sẽ đến Việt Nam vào tuần tới để soạn thảo kế hoạch cho chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô tới quốc gia cộng sản này.

ĐTGM Gallagher sẽ thăm Việt Nam theo lời mời của Hội đồng Giám mục Công Giáo Việt Nam (CBCV) từ ngày 9 đến ngày 14 tháng 4, Cha Giuse Đào Nguyên Vũ, Chánh Văn phòng Hội đồng Giám mục Việt Nam (CBCV) cho hay.

“Đây là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên cấp Bộ trưởng Ngoại giao”, linh mục cho hay hôm 3/4.

Đức Tổng Giám Mục Gallagher dự kiến sẽ gặp Thủ tướng Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn.

Cha Anthony Nguyễn Đắc Hưng thuộc tổng giáo phận Hà Nội cho hay: “Chúng tôi rất vui mừng vì Đức Tổng Giám Mục Gallagher sẽ đến thăm chúng tôi. Cách đây nhiều năm chúng tôi không dám mơ về một chuyến viếng thăm như vậy,” Cha Hưng, người đứng đầu một nhóm từ thiện, cho biết chuyến thăm của ĐTGM Gallagher xảy ra sau nhiều năm đàm phán giữa Tòa Thánh và Việt Nam.

Cha cho hay thêm rằng chuyến thăm sẽ củng cố mối quan hệ song phương khi quốc gia Cộng sản này, làm nới lỏng các chuẩn mực tôn giáo.

Cha Hưng lưu ý, chính quyền các tỉnh Tây Bắc Điện Biên, Lai Châu và Sơn La, những nơi tôn giáo chưa được công nhận, đã bắt đầu có những tín hiệu tích cực đối với hoạt động của người Công Giáo địa phương và các nhóm từ thiện của họ.

Đức Tổng Giám Mục Gallagher và phái đoàn năm thành viên của ngài sẽ gặp gỡ dân chúng địa phương ở Hà Nội, Huế và Thành phố Hồ Chí Minh và cũng sẽ đến thăm một số cơ sở do Giáo hội điều hành.

Cha cho biết các linh mục được phép xây dựng cơ sở vật chất để đáp ứng nhu cầu tôn giáo ở các tỉnh thành.

Cha Hưng cho biết: “ĐTGM Gallagher sẽ thảo luận việc sắp xếp chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô tới đất nước chúng tôi trong một tương lai gần”.

Cha Ignace Nguyễn Bửu Mẫn, người đứng đầu Dòng Phanxicô tại Huế, một thành phố ở miền Trung Việt Nam, cho biết: “Chúng tôi hy vọng chuyến thăm của ĐTGM Gallagher sẽ giúp chính phủ công nhận sứ mệnh của Giáo hội”.

Cha Mẫn, 72 tuổi hy vọng “Người dân địa phương sẽ được hưởng nhiều quyền tự do tôn giáo hơn khi Việt Nam và Tòa thánh có mối quan hệ tốt đẹp”.

Vào ngày 10 tháng 4, ĐTGM Gallagher sẽ chủ sự một Thánh lễ đặc biệt tại Nhà thờ Chính tòa, Thánh Giuse ở Hà Nội mà cha Hưng cũng sẽ tham dự.

Đức Tổng Giám Mục Gallagher và phái đoàn năm thành viên của ngài sẽ gặp gỡ người dân địa phương ở Hà Nội, Huế và Thành phố Hồ Chí Minh và cũng sẽ tham gia cuộc họp hai năm một lần của các giám mục, bắt đầu từ ngày 14 tháng 4 tại Vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

ĐTGM, Bộ trưởng Ngoại giao Vatican cũng sẽ đến thăm Bệnh viện Nhi đồng Quốc gia Hà Nội, bệnh viện này đã hợp tác với Bệnh viện “Hài đồng Giêsu” (Bambino Gesù) tại Rome từ năm 2005.

Mối quan hệ giữa Việt Nam và Vatican đã được cải thiện kể từ khi hai bên thành lập một nhóm làm việc chung vào năm 2009. Tháng 12 năm ngoái, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm Đức Tổng Giám Mục Marek Zalewski làm đại diện Đức Thánh Cha thường trú đầu tiên tại Việt Nam.

ĐTGM Gallagher tuyên bố rõ rằng việc Đức Thánh Cha đến Việt Nam, khi hai bên chưa có quan hệ ngoại giao là điều bất thường, “tuy nhiên không vì thế mà loại trừ bất kỳ điều gì ngoại thường!”

Trang Americamagazine.org của Dòng Tên điều hành dẫn lời Đức Tổng Giám Mục vào ngày 26 tháng 3 và cho biết Việt Nam có thể được bổ sung vào chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha tới Indonesia, Timor Leste và Papua New Guinea vào đầu tháng 9.

Theo số liệu của chính phủ, Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam có 7 triệu tín hữu, trong đó có 8.000 linh mục và 41 giám mục.

Có khoảng 3.000 giáo xứ Công Giáo, khoảng 7.700 cơ sở do Giáo hội điều hành và 11 chủng viện ở các quốc gia Đông Nam Á này.
 
Church Documents
Thủy 07/04/2024
VietCatholic Media
21:59 06/04/2024
1. Vị Giáo Hoàng tương lai là ai? Trường hợp các Đức Hồng Y Tagle, Erdő và Zuppi

Ed Condon của Tờ Catholic Pillar có bài nhận định nhan đề “Right, left, and center, why is no cardinal good enough to be papabile anymore?”, nghĩa là “Phải, trái, giữa, tại sao không có Hồng Y nào đủ tư cách để làm Ứng Viên Giáo Hoàng nữa?”

Sau một thời điểm nhất định trong triều đại giáo hoàng, việc cản trở những người dẫn đầu kế vị giáo hoàng trở thành một phần không thể tránh khỏi trong cuộc trò chuyện hàng ngày giữa các nhân viên giáo triều và các nhà báo ở Vatican.

Nhưng phạm vi ứng viên Giáo Hoàng sáng giá hiện tại mỏng một cách đáng ngạc nhiên, và với mức độ tường thuật ngày càng quan trọng mà bất kỳ ứng viên Giáo Hoàng sáng giá tiềm năng nào dường như đều thu hút, có thể có nguy cơ thực sự đối với bất kỳ vị Hồng Y nào được coi là bay quá cao.

Điều đó có thể được coi là một phần do mong muốn ở một số nơi nhằm bảo đảm một người thừa kế đáng tin cậy và hiệu quả cho triều đại giáo hoàng Phanxicô.

Khi một giáo hoàng đã qua một độ tuổi nhất định hoặc có một sự kiện y tế quan trọng, danh sách ba, năm, hoặc mười ứng viên hàng đầu trong Cơ Mật Viện bắt đầu mọc lên theo mùa.

Điều bất thường là, vì Đức Phanxicô hiện đã 87 tuổi và vừa sống sót sau một đợt vào bệnh viện khẩn cấp gần đây, nên trong số những người có khả năng kế vị không có người dẫn đầu rõ ràng - và những người có thể được coi là ứng viên Giáo Hoàng sáng giá có khả năng ngày càng nằm trong tầm ngắm của giới truyền thông.

Sau khi bị loại khỏi chức vụ chủ tịch Caritas Quốc tế, Đức Hồng Y Luis Antonio Tagle đã thấy ngôi sao của mình mờ đi đáng kể.

Kể từ trước khi được Đức Thánh Cha Phanxicô đưa đến Rôma vào năm 2019, vị Hồng Y người Phi Luật Tân đã được ca ngợi rộng rãi là một “Đức Phanxicô Á Châu” và là một người kế vị tiềm năng rõ ràng cho Đức Thánh Cha, ngài đã trở thành ngôi sao trong Thượng hội đồng về giới trẻ vào năm 2018.

Nhưng sau khi Hồng Y Tagle bị loại khỏi chức chủ tịch Caritas, tổ chức bác ái bảo trợ của Giáo hội, việc đưa tin ủng hộ trước đây của các phương tiện truyền thông đã trở nên chua chát, lưu ý đến các vấn đề tài chính và nhân sự của Caritas, và thậm chí cả những trường hợp không giải quyết được các giáo sĩ lạm dụng.

Những câu trích dẫn từ những người thân cận với Tagle giờ đây đã bắt đầu xuất hiện trên báo chí mô tả ông là “một trong những người tốt” nhưng là một người quản lý và tổ chức kém, người “không biết cách đưa ra quyết định”.

Một số người có thể coi sự thay đổi giọng điệu đối với Đức Hồng Y Tagle và đánh giá tiêu cực mới về khả năng lãnh đạo của ngài là một phản ứng hợp lý trước các báo cáo về tình trạng rối loạn phổ biến ở Caritas. Nhưng điều đáng chú ý là những câu hỏi gần đây về khả năng phù hợp cho chức vụ của Đức Hồng Y Tagle đã bị giới hạn phổ biến ở khả năng tồn tại của ngài với tư cách là một giáo hoàng tương lai – hầu như không có ai đặt câu hỏi về vị trí hiện tại của ngài với tư cách là bộ trưởng của cơ quan ưu việt của giáo triều Rôma, Bộ Truyền giáo.

Sự xem xét kỹ lưỡng tương tự gần đây đã được áp dụng đối với Đức Hồng Y Péter Erdő sau chuyến đi của Đức Thánh Cha Phanxicô tới Hung Gia Lợi – được nhiều người ca ngợi là một thành công ngoại giao và hoạt động xây dựng cầu nối với thủ tướng nước này Victor Orban.

Với tư cách là Tổng Giám mục của Esztergom-Budapest, Đức Hồng Y Erdő thường tỏ ra cố tình né tránh sự chú ý của giới truyền thông khi ngài điều chỉnh mối quan hệ của mình với chính phủ Hung Gia Lợi, đồng thời liên tục nhấn mạnh sự ủng hộ của ngài đối với Đức Thánh Cha Phanxicô.

Nhưng khi tên tuổi của vị Hồng Y nổi lên sau chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàng, ngài đã trở thành mục tiêu rõ ràng của một số bộ phận báo chí Vatican, với từ mô tả “bảo thủ” được ghim ngay trước tên ngài, và các báo cáo nổi lên về việc ngài ứng viên “cánh hữu” ưa thích của cố Hồng Y George Pell cho vị trí giáo hoàng.

Mặc dù đã có những nỗ lực rõ ràng để nhường chỗ cho Đức Thánh Cha và không làm lu mờ Đức Phanxicô trong chuyến viếng thăm của ngài, Đức Hồng Y thậm chí còn phải đối mặt với những lời chỉ trích nhỏ nhặt từ các nhân vật truyền thông cao cấp của Vatican về loại xe đã chở ngài rời khỏi phi trường Budapest sau khi tiễn Đức Thánh Cha lên máy bay.

Có lẽ là không lịch sự cho lắm khi nói hai vị Hồng Y Tagle và Erdő, đại diện cho “trái” và “phải” trong lĩnh vực có thể là ứng cử viên Giáo hoàng. Nhưng, làn đường giữa cũng đang phải đối mặt với một sức ép. Khi Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm Đức Hồng Y Matteo Zuppi của Bologna làm chủ tịch mới của hội đồng giám mục Ý, ngài đã được nhiều người ca ngợi là “giám mục theo hình ảnh của chính Đức Phanxicô” và được đưa tin tích cực trong nhiều tháng.

Khi vị Hồng Y bắt đầu đạt được thành tựu trong vai trò này, trở thành người có tiếng nói hàng đầu trong sự tham gia của Giáo hội với chính trị Ý, ban đầu ngài được coi là một ứng viên nặng ký cho Cơ Mật Viện trong tương lai. Nhưng sự đưa tin thuận lợi này đã cạn kiệt vào tháng 10 năm ngoái, sau khi ngài hướng dẫn các buổi kinh chiều trong chuyến hành hương “Populus Summorum Pontificum” tới Rôma dành cho những người theo hình thức phụng vụ Latinh truyền thống.

Mặc dù Đức Hồng Y Zuppi rất muốn lưu ý rằng ngài đã đồng ý tham gia sự kiện này, tại đó ngài có bài giảng ngắn trước khi được bổ nhiệm làm chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Ý, và mặc dù ngài nhấn mạnh niềm tin của mình vào việc thực hiện Tự Sắc Traditionis Custodes năm 2021 của Giáo hoàng “với nhận thức sâu sắc và trách nhiệm cao độ”, việc nói về ngài như một người thừa kế hiển nhiên của Đức Phanxicô gần như đã cạn kiệt hoàn toàn.

Trong khi đó, xung quanh Vatican, lời khen ngợi dành cho sự tham gia của Hồng Y Zuppi vào các cuộc thảo luận về văn hóa và chính trị của Ý cũng đã nguội đi đáng kể. Trong khi bản thân Zuppi vẫn lên tiếng và rõ ràng là “ủng hộ Đức Phanxicô”, thì có rất nhiều tiếng nói xung quanh tòa án giáo hoàng giờ đây nói rằng vị Hồng Y đang trở nên “quá lớn so với đôi ủng của ngài”.

Nếu hiện nay dường như khó có vị Hồng Y nào có thể duy trì được uy tín cao mà không bị chỉ trích cá nhân, thì điều đó có thể góp phần giải thích cho việc giáo triều ngày càng thiếu những nhân cách lớn.

Trong khi Đức Phanxicô kế thừa một Vatican với nhiều nhân vật nổi tiếng, nhìn chung họ đã bị loại bỏ dần hoặc đến tuổi nghỉ hưu mà không có nhân vật lớn đáng chú ý nào đến thay thế họ – tất nhiên có thể ngoại trừ Hồng Y Tagle.

Trong khi một số người, như các Hồng Y Gerhard Müller và Raymond Burke tiếp tục lên tiếng chỉ trích Đức Phanxicô, thì những người khác, như các Hồng Y Fernando Filoni và Mauro Piacenza, lại lặng lẽ chìm vào quên lãng.

Thay vào vị trí của họ, Đức Phanxicô đã chọn sự kết hợp giữa những người bên ngoài giáo triều và sự thăng tiến từ bên trong, chẳng hạn như đưa Đức Hồng Y Lagiarô Du Huỳnh Trị (You Heung-sik) từ Nam Hàn về lãnh đạo Bộ Giáo sĩ, và bổ nhiệm Hồng Y Víctor Manuel Fernández lãnh đạo Bộ Giáo Lý Đức Tin.

Nhưng một chủ đề chung trong tầng lớp lãnh đạo giáo triều mới dường như là sự ưu tiên cho sự tàng hình tương đối, với những người thò đầu lên cao có khả năng bị công chúng nhanh chóng chỉ trích, ngay cả khi thực hiện mệnh lệnh của giáo hoàng - như Hồng Y Ladaria đã nhận thấy khi ngài đã trở thành tâm điểm chỉ trích vì một tài liệu được Đức Thánh Cha phê chuẩn từ chối các phép lành của Giáo Hội dành cho các cặp đồng giới.

Ngoại trừ Đức Hồng Y Pietro Parolin tại Phủ Quốc vụ khanh – người có khả năng tồn tại trong Cơ Mật Viện trong tương lai, bất chấp đã phải hứng chịu tiếng ồn ào của vụ bê bối tài chính tại bộ của ngài, và những tai tiếng trầm trọng quanh thỏa thuận Vatican-Trung Quốc gây tranh cãi. Ngày nay, những người được Đức Phanxicô bổ nhiệm và có kết quả tốt nhất trên báo chí thường là những người giữ kín thông tin.

Có thể sẽ hấp dẫn khi coi việc đưa tin ngày càng tiêu cực về các vị Hồng Y giáo hoàng là bằng chứng về sự phân cực tổng quát hơn trong đời sống Giáo hội và sự bắn tỉa của các phe nhóm từ mọi phía. Nhưng thật thú vị khi lưu ý rằng những lời chỉ trích đối với các giáo hoàng tương lai dường như chỉ đến từ phe “ủng hộ Đức Phanxicô” của các phương tiện truyền thông Công Giáo: Các Hồng Y như Tagle hay Zuppi không có xu hướng bị giám sát vì quá khắt khe ít nhất là không đến mức bị coi là không thể là ứng viên Giáo Hoàng sáng giá.

Và, có lẽ trớ trêu thay, làn sóng đưa tin chỉ trích có thể thực sự đang cản trở chính Đức Thánh Cha Phanxicô trong việc bổ nhiệm của riêng mình.

Các quan chức của Bộ đã lặng lẽ thừa nhận trong nhiều năm rằng thư ký có ảnh hưởng của Bộ Giám Mục, Đức Tổng Giám Mục Ilson de Jesus Montanari, là lựa chọn đầu tiên của Đức Phanxicô cho chức vụ Tổng Trưởng Bộ Giám Mục thay cho Đức Hồng Y Marc Ouellet, nhưng ngài đã nhiều lần từ chối việc bổ nhiệm.

Các nguồn tin thân cận với tổng giám mục đã nói một cách nhất quán rằng ngài sợ trở thành một “cây anh túc quá cao” trong Vatican và muốn giữ vai trò thứ yếu cho đến khi có thể trở về quê hương Brazil để lãnh đạo một tổng giáo phận.

Không rõ ràng và ở một mức độ nào đó không thể biết chắc chắn liệu loại tin tức nhằm loại các Hồng Y như Tagle và Erdő trong thời gian qua có phải là một phần của một chiến dịch có ý thức hay một điều gì đó hữu cơ hơn.

Mật nghị Hồng Y tiếp theo, bất cứ khi nào nó diễn ra, đều đặc biệt khó đoán trước, do ngày càng có ít công nghị mà các Hồng Y có truyền thống quen biết nhau. Nhận thức của công chúng giờ đây có khả năng định hình một cách ấn tượng các Hồng Y cử tri hơn bao giờ hết.

2. Tình báo quân sự Ukraine cho biết đường ống dẫn dầu đã bị nổ tung ở tỉnh Rostov của Nga

Tờ Kyiv Independent cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Military intelligence: Oil pipeline blown up in Russia's Rostov Oblast”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Cơ quan tình báo quân sự Ukraine cho biết, một đường ống dẫn dầu gần thành phố Azov, Rostov của Nga đang vận chuyển sản phẩm dầu cho tàu chở dầu ở Cảng biển Azov đã bị nổ tung trong đêm thứ Bẩy 6 Tháng Tư.

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv hôm Chúa Nhật, 7 Tháng Tư, phát ngôn nhân Cục Tình Báo Quân Đội Ukraine, Thượng Úy Andriy Yusov, đã công bố một đoạn video được cho là ghi lại vụ nổ.

Azov nằm không xa Biển Azov, cách thành phố Rostov-on-Don của Nga khoảng 20 km về phía Tây và cách tiền tuyến Ukraine khoảng 170 km.

Tình báo Ukraine coi đường ống này là mục tiêu quân sự.

Cơ quan này cho biết trên Telegram: “Do vụ nổ tại đường ống dùng để vận chuyển các sản phẩm dầu đến kho dầu địa phương dành cho tàu chở dầu ở hải cảng Azov... việc tải các sản phẩm dầu lên các tàu chở dầu đã bị đình chỉ vô thời hạn”.

Yusov cho biết: “Đường ống này đã được kẻ xâm lược sử dụng cho mục đích quân sự và hỗ trợ cuộc chiến diệt chủng chống lại Ukraine”.

Theo các quan chức Nga, tỉnh Rostov đã hứng chịu một cuộc tấn công lớn bằng máy bay không người lái vào ngày 5 tháng 4. Các nguồn thực thi pháp luật của Kyiv Independent cho biết Cơ quan An ninh Ukraine đã thực hiện một cuộc tấn công nhằm vào căn cứ không quân Morozovsk, phá hủy 6 chiến đấu cơ và làm hư hại 8 chiếc khác.

3. Bloomberg: Mỹ cảnh báo đồng minh về việc Trung Quốc cung cấp thông tin tình báo không gian địa lý cho Nga

Tờ Kyiv Independent cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Bloomberg: US warns allies about China's provision of geospatial intelligence to Russia”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Mỹ đang cảnh báo các đồng minh về việc Trung Quốc ngày càng ủng hộ Nga, bao gồm việc cung cấp thông tin tình báo không gian địa lý để hỗ trợ Mạc Tư Khoa trong cuộc chiến chống Ukraine.

Các báo cáo cho thấy sự hợp tác quân sự đang diễn ra giữa hai nước, trong đó Trung Quốc cung cấp cho Nga hình ảnh vệ tinh cho các ứng dụng quân sự, cùng với vi điện tử và máy công cụ để sản xuất xe tăng. Ngoài ra, sự hỗ trợ của Trung Quốc bao gồm quang học, nguyên liệu chế tạo hỏa tiễn và mở rộng hợp tác không gian, theo các nguồn tin được phỏng vấn bởi Bloomberg.

Trong cuộc gọi gần đây, Tổng thống Joe Biden đã bày tỏ với Tập Cận Bình những lo ngại của ông về sự hỗ trợ của Trung Quốc cho cơ sở công nghiệp quốc phòng của Nga, bao gồm máy công cụ, quang học, nitrocellulose, vi điện tử và động cơ phản lực.

Cuộc gọi giữa Tổng thống Biden và Tập là cuộc liên lạc trực tiếp đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo kể từ khi họ gặp nhau ở California vào tháng 11 năm 2023, khi họ đồng ý “duy trì liên lạc thường xuyên hơn”.

Mặc dù cố gắng thể hiện mình là người trung lập trong bối cảnh cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào Ukraine, hiện đã kéo dài sang năm thứ ba, Bắc Kinh đã xây dựng một liên minh mạnh mẽ với Mạc Tư Khoa.

Tập Cận Bình và Vladimir Putin đã gọi mối quan hệ này là tình bạn “không giới hạn”, đặc biệt rõ ràng trước Thế vận hội Olympic mùa đông 2022 được tổ chức tại Bắc Kinh. Thương mại giữa Trung Quốc và Nga đã tăng vọt hơn 200 tỷ Mỹ Kim vào năm 2023, nhấn mạnh mối quan hệ đối tác sâu sắc của họ.

Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen cảnh báo Bắc Kinh về “những hậu quả đáng kể” nếu các công ty Trung Quốc hỗ trợ cho cuộc chiến của Nga chống lại Ukraine trong cuộc gặp của bà với Phó Thủ tướng Trung Quốc Hà Lập Phong (He Lifeng).

“Bộ trưởng Yellen nhấn mạnh rằng các công ty, bao gồm cả các công ty ở Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, không được hỗ trợ vật chất cho cuộc chiến của Nga chống Ukraine, bao gồm hỗ trợ cho cơ sở công nghiệp quốc phòng của Nga và sẽ có những hậu quả đáng kể nếu họ làm như vậy,” theo theo báo cáo do Bộ Tài Chính Hoa Kỳ công bố vào ngày 6 tháng 4.

4. Zelenskiy gặp phái đoàn lưỡng đảng của Quốc hội Hoa Kỳ, kêu gọi thông qua dự luật viện trợ Ukraine

Tờ Kyiv Independent cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Zelensky meets bipartisan US Congress delegation, calls to pass Ukraine aid bill”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy đã gặp phái đoàn lưỡng đảng gồm các thành viên Quốc hội Mỹ tại Chernihiv và kêu gọi thông qua dự luật viện trợ Ukraine càng sớm càng tốt, Văn phòng Tổng thống đưa tin hôm 6 Tháng Tư.

Viện trợ của Mỹ cho Ukraine đã bị trì hoãn kể từ mùa thu năm 2023 trong bối cảnh đấu đá nội bộ tại Quốc hội. Vào tháng 2, gói viện trợ trị giá 95 tỷ Mỹ Kim cho Ukraine, Israel và Đài Loan đã được Thượng viện thông qua với sự ủng hộ của lưỡng đảng, nhưng Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson cho đến nay vẫn trì hoãn việc đưa gói viện trợ này ra bỏ phiếu tại Hạ viện.

Theo Văn phòng Tổng thống, ông Zelenskiy đã gặp các thành viên Quốc hội Hoa Kỳ trong chuyến công tác tới tỉnh Chernihiv, nơi kỷ niệm hai năm ngày giải phóng khu vực khỏi sự xâm lược của Nga.

Phái đoàn bao gồm các đảng viên Đảng Cộng hòa Joni Ernst, Ashley Hinson, Chuck Edwards và các đảng viên Đảng Dân chủ Wiley Nickel, Tom Suozzi và Michael Quigley.

“Tôi rất biết ơn về chuyến thăm của một phái đoàn đại diện lưỡng đảng và lưỡng viện tới tỉnh Chernihiv, đây là một tín hiệu ủng hộ mạnh mẽ đối với tất cả người dân Ukraine,” ông Zelenskiy nói tại cuộc họp.

“Điều rất quan trọng là tại làng Yahidne, các bạn đã tận mắt chứng kiến hậu quả khủng khiếp của hành động xâm lược của Nga”.

Trong thời gian Nga xâm lược Yahidne, 367 cư dân, phần lớn dân số của thị trấn, đã bị người Nga giam giữ dưới tầng hầm trong 27 ngày, nơi có 50 trẻ em bị bắt làm con tin và 11 người thiệt mạng.

Zelenskiy đã thông báo ngắn gọn cho phái đoàn về tình hình hiện tại ở tiền tuyến, nhu cầu cấp thiết của những người bảo vệ Ukraine và quy mô bắt cóc trẻ em Ukraine của Nga.

Tổng thống cảm ơn chính phủ Mỹ vì đã hỗ trợ Ukraine, đặc biệt với vai trò quan trọng trong việc thiết lập khuôn khổ pháp lý cho việc sử dụng tài sản bị phong tỏa của Nga để hỗ trợ Ukraine và hỗ trợ ngành sản xuất vũ khí của Ukraine.

Tại cuộc họp, ông Zelenskiy nhấn mạnh điều “quan trọng” đối với Ukraine là Quốc hội Mỹ phải thông qua gói viện trợ Ukraine “càng sớm càng tốt”, phù hợp với tuyên bố trước đó của ông rằng quân đội Ukraine có thể sớm bị buộc phải rút lui hơn nữa nếu viện trợ quốc phòng của Mỹ tiếp tục bị trì hoãn.

Trong cuộc phỏng vấn với Washington Post đăng ngày 29/3, Tổng thống Zelenskiy cho biết quân đội của ông không thể lên kế hoạch cho các hoạt động phản công vì họ không biết liệu họ có đủ vũ khí cần thiết để tiến hành một cuộc phản công hay không.

Sau cuộc phản công không thành công vào năm ngoái, các lực lượng Nga hiện đang nắm thế chủ động trên toàn chiến trường mà Ukraine đang ngày càng khó kiềm chế, phần lớn là do thiếu đạn dược.

Điều này được minh họa rõ ràng vào tháng 2 khi Nga chiếm Avdiivka, buộc quân đội Ukraine phải rút lui khỏi thị trấn và đẩy nhanh việc xây dựng các tuyến phòng thủ xa hơn trên lãnh thổ Ukraine.

5. Lithuania cung cấp thêm xe thiết giáp chở quân cho Ukraine

Tờ Kyiv Independent cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Lithuania delivers additional armored personnel carriers to Ukraine”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Bộ Quốc phòng Lithuania ngày 6/4 cho biết Lithuania đã giao lô xe thiết giáp chở quân bánh xích M577 mới cho Ukraine.

Vilnius là một trong những người ủng hộ trung thành nhất của Kyiv chống lại sự xâm lược của Nga. Theo Viện Kinh tế Thế giới Kiel, đóng góp quốc phòng của Lithuania cho Ukraine là một trong những mức đóng góp cao nhất thế giới xét về tỷ trọng tổng sản phẩm quốc nội, gọi tắt là GDP.

Lô hàng mới nhất của xe thiết giáp M577 đã đến Ukraine trong đêm, Bộ cho biết trên X.

Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal hôm 5/4 thông báo rằng Lithuania sẽ mua 3.000 máy bay không người lái cho Kyiv và phân bổ 15 triệu euro (khoảng 16 triệu Mỹ Kim) cho các chương trình phục hồi cho các binh sĩ Ukraine bị thương.

Đầu năm nay, Lithuania đã cam kết gói hỗ trợ dài hạn 200 triệu euro (khoảng 216 triệu Mỹ Kim) cho Ukraine và hứa sẽ tiếp tục hỗ trợ nhiều hơn cho Ukraine

6. Zelenskiy nói Kharkiv đã chuẩn bị cho một cuộc tấn công tiềm tàng của Nga

Tờ Kyiv Independent cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Zelensky says Kharkiv is prepared for a potential Russian offensive”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy cho biết trong một cuộc phỏng vấn hôm 6/4 rằng “Kharkiv được bảo vệ” trong trường hợp Nga cố gắng tiến hành một cuộc tấn công.

Nga gần đây đã tăng cường tấn công vào Kharkiv. Một số phương tiện truyền thông đưa tin Nga có thể tiến hành một cuộc tấn công trên bộ nhằm vào thành phố lớn thứ hai của Ukraine trong năm nay.

Tình báo quân sự Ukraine gọi cuộc tấn công tiềm tàng vào Kharkiv là “một phần trong hoạt động tâm lý của Nga”, đồng thời nói thêm rằng không có dấu hiệu nào cho thấy Mạc Tư Khoa đang chuẩn bị các đơn vị tấn công mới để thực hiện một cuộc tấn công trên bộ.

“Ngày nay, Kharkiv không gặp nguy hiểm”, ông Zelenskiy nói, đề cập đến các tuyến phòng thủ địa phương và sự sẵn sàng của Lực lượng Vũ trang Ukraine.

“Người Nga không giấu giếm rằng Kharkiv là một mục tiêu mong muốn”

Zelenskiy nói thêm rằng Kyiv theo dõi tất cả “thông tin sai lệch của Nga và hoạt động của lực lượng Nga trên tiền tuyến”.

Tổng thống cho biết quân đội Nga có thể tái triển khai lực lượng của họ “theo hướng này hoặc hướng khác”.

Zelenskiy cũng nói rằng chính quyền Ukraine không nhận thấy khả năng xảy ra một cuộc tấn công từ Belarus. Tuy nhiên, lực lượng Ukraine vẫn chuẩn bị một “phòng thủ đáng tin cậy” ở hướng bắc.

Theo Zelenskiy, việc xây dựng các tuyến phòng thủ mới sẽ hoàn thành “trong vài tháng nữa”. Tổng thống cũng nhấn mạnh rằng 92 đến 98% công sự đã được hoàn thành dọc theo các chiến tuyến quan trọng nhất.

Vào tháng 3, Zelenskiy tuyên bố Ukraine đang xây dựng 2.000 km công sự trên ba tuyến phòng thủ.

Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal cho biết vào tháng Tư rằng chính phủ Ukraine đã phân bổ 512 triệu Mỹ Kim để xây dựng công sự vào năm 2024.

Trước đó, tờ Wall Street Journal đưa tin quân đội Ukraine đang xây dựng công sự để đón chờ một cuộc tấn công của Nga vào mùa xuân, dù có lo ngại rằng tiến độ không đủ nhanh.

7. Tướng Syrskyi: Chasiv Yar vẫn nằm dưới sự kiểm soát của Ukraine, giao tranh ác liệt ở phía đông thành phố

Tờ Kyiv Independent cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Syrskyi: Chasiv Yar remains under Ukraine's control, heavy battles east of city”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Hôm Chúa Nhật 7 Tháng Tư, Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Ukraine Oleksandr Syrskyi cho biết các trận giao tranh ác liệt đang diễn ra ở phía đông Chasiv Yar thuộc tỉnh Donetsk khi các lực lượng Nga đang cố gắng xuyên thủng hệ thống phòng thủ của Ukraine.

Chasiv Yar nằm cách Bakhmut khoảng 10 km về phía tây và cách Avdiivka 50 km về phía bắc, hai khu định cư mà Nga đã chiếm lần lượt vào tháng 5 năm 2023 và tháng 2 năm 2024.

Các lực lượng ủy nhiệm của Nga hôm 5/4 tuyên bố quân đội Mạc Tư Khoa đã tiến vào vùng ngoại ô Chasiv Yar, nhưng quân đội Ukraine sau đó đã bác bỏ tuyên bố đó.

“Chasiv Yar vẫn nằm trong tầm kiểm soát của chúng tôi; mọi nỗ lực của đối phương nhằm đột nhập vào khu định cư đều thất bại”, Syrskyi nói.

Quân đội Nga đang tập trung nỗ lực gần Chasiv Yar, nơi họ coi là cột mốc quan trọng cho những bước tiến xa hơn về phía Kostiantynivka, Kramatorsk và Sloviansk.

Tướng Syrskyi nhận định rằng tình hình chung trên mặt trận vẫn còn khó khăn khi Nga “tiếp tục các hoạt động tấn công cả ngày lẫn đêm, sử dụng các nhóm tấn công với sự hỗ trợ của xe thiết giáp” nhằm tiếp cận biên giới hành chính của tỉnh Donetsk.
 
VietCatholic TV
Ukraine tấn công 2 phi trường, loại khỏi vòng chiến 14 máy bay. Tàu ngầm hạt nhân Nga phóng hỏa tiễn
VietCatholic Media
02:21 06/04/2024


1. Kyiv xác nhận sáu chiến đấu cơ của Nga bị phá hủy trong cuộc tấn công của Ukraine vào căn cứ không quân

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Six Russian Warplanes Destroyed In Ukrainian Strike On Airbase: Kyiv”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv hôm Thứ Bẩy, 6 Tháng Tư, phát ngôn nhân Cục Tình Báo Quân Đội Ukraine, Thượng Úy Andriy Yusov, cho biết 6 chiến đấu cơ của Nga đã bị phá hủy và 8 chiếc khác bị thiệt hại đáng kể trong cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Ukraine nhằm vào một căn cứ không quân hôm thứ Sáu.

Ông nhấn mạnh rằng cuộc tấn công qua đêm nhằm vào phi trường Morozovsk, ở khu vực Rostov của Nga và là một hoạt động chung được thực hiện bởi cơ quan an ninh SBU của Ukraine và lực lượng đặc biệt. Khoảng 20 binh sĩ Nga được cho là đã thiệt mạng hoặc bị thương trong vụ tấn công.

Căn cứ không quân nằm cách biên giới khoảng 350km, được cho là nơi chứa các máy bay ném bom chiến thuật, bao gồm cả Sukhoi Su-24 và Su-34 mà Mạc Tư Khoa đã sử dụng để tấn công các vị trí tiền tuyến ở Ukraine.

Các video của các blogger quân sự Nga được đăng trên mạng xã hội cho thấy hỏa lực chống trả kịch liệt từ các đơn vị phòng không và các vụ nổ lớn gần căn cứ không quân vào đêm thứ Sáu. Một số blogger quân sự Nga bi quan cho rằng hỏa lực chống trả kịch liệt của lực lượng phòng không Nga không có tác dụng bao nhiêu.

Phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Nga, Trung tướng Igor Konashenkov tuyên bố rằng tổng cộng 44 máy bay không người lái đã bị “chặn chặn và tiêu diệt” ở khu vực Rostov vào sáng thứ Sáu.

Cũng có báo cáo về một cuộc tấn công vào căn cứ không quân thứ hai là căn cứ không quân Engels ở vùng Saratov, nơi có máy bay ném bom chiến lược, và Nga cho biết các máy bay không người lái khác đã bị phá hủy ở những nơi khác trên đất nước.

Konashenkov tuyên bố: “Đêm qua và sáng ngày 5 tháng 4 năm 2024, Lực lượng Vũ trang Nga đã ngăn chặn các nỗ lực của chính quyền Kiev nhằm tiến hành các cuộc tấn công khủng bố bằng cách sử dụng máy bay không người lái nhằm vào các cơ sở ở Liên bang Nga”. “Các đơn vị phòng không đang làm nhiệm vụ đã chặn và tiêu diệt máy bay không người lái của đối phương trên các vùng lãnh thổ Rostov, 44 máy bay không người lái, Saratov 1 máy bay không người lái, Kursk 1 máy bay không người lái; và Belgorod 1 máy bay không người lái, cũng như Krasnodar 6 máy bay không người lái.”

Thống đốc Rostov Vasily Golubev tuyên bố trên Telegram rằng 8 người bị thương ở quận Morozovsky khi một thiết bị nổ trên một trong những chiếc máy bay không người lái bị rơi phát nổ vào khoảng giữa trưa ngày Thứ Sáu.

Ông nói thêm rằng một trạm biến áp đã bị hư hại, cắt nguồn cung cấp điện cho khoảng 600 cư dân và cửa sổ của một tòa nhà chung cư đã bị thổi bay.

Ukraine đã tăng cường các cuộc tấn công trên không vào lãnh thổ Nga trong những tháng gần đây, nhắm vào các cơ sở quân sự và năng lượng nằm sâu phía sau chiến tuyến.

Các cơ sở dầu mỏ trên khắp một khu vực rộng lớn của Nga đã trở thành mục tiêu, bao gồm ở Ryazan và Pervyy Zavod phía nam Mạc Tư Khoa, vùng Rostov gần biên giới Ukraine, cũng như Nizhny Novgorod và Kirishi, gần St. Petersburg. Bloomberg cho biết các nhà máy lọc dầu bị ảnh hưởng chiếm tới 12% công suất lọc dầu của Nga.

Ukraine cũng đã thành công trong việc chống lại chiến đấu cơ của Nga trong những tuần gần đây, với việc Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy tuyên bố vào tháng 3 rằng 15 máy bay quân sự đã bị bắn rơi trong một tháng.

Kyiv cho biết họ đã phá hủy các chiến đấu cơ-ném bom Su-34, chiến đấu cơ Su-35 và một máy bay chỉ huy và cảnh báo sớm trên không A-50 trong năm nay. Tổng cộng, Kyiv tuyên bố đã bắn rơi 347 máy bay Nga kể từ khi bắt đầu cuộc chiến vào tháng 2 năm 2022.

2. Phản ứng của Chủ tịch Duma quốc gia của Nga sau vụ tấn công của Ukraine bằng máy bay A-22

Vyacheslav Volodin, Chủ tịch Duma quốc gia của Nga, đã yêu cầu thiết lập các vùng cấm bay để bảo vệ các các cơ sở hạ tầng quan trọng. Ông hô hào bắn hạ ngay lập tức tất cả các máy bay lang thang vào các vùng cấm bay. Theo các blogger quân sự Nga, hiện nay các vùng cấm bay ở Nga chỉ bao gồm các dinh thự của Vladimir Putin.

Diễn biến này xảy ra sau khi Ukraine sử dụng máy bay thể thao A-22 tấn công vào một nhà máy lọc dầu và một nhà máy chế tạo máy bay không người lái tấn công kamikaze do Iran giúp xây dựng tại Đặc khu kinh tế công nghiệp Alabuga.

Để thực hiện một trong những cuộc tấn công sâu sắc nhất từ trước đến nay nhắm vào các ngành công nghiệp chiến lược của Nga, lực lượng đặc biệt Ukraine đã sử dụng một chiếc máy bay thể thao siêu nhẹ sản xuất trong nước, thay bộ điều khiển có người lái bằng bộ điều khiển bằng robot và nhét đầy chất nổ vào nó.

Hai chiếc A-22 như thế đã lang thang trên không phận của Nga, vượt qua khoảng 1.500km mà không gặp bất cứ sự nghi ngờ nào từ lực lượng phòng không dày đặc của Nga. Kênh Telegram Rybar của Nga nhận xét chua chát rằng ở Nga chỉ có những nhân vật tai to mặt lớn và con cháu của họ mới có điều kiện sở hữu các máy bay thể thao như thế. Chính vì vậy, hai chiếc máy bay tha hồ lang thang quay phim chụp ảnh gởi cho Kyiv và cuối cùng lao thẳng vào hai nhà máy. Cả hai cơ sở đều tan tành dưới sức công phá của khối chất nổ hàng trăm kg TNT.

Tầm vóc của vụ tấn công hôm Thứ Ba, 2 Tháng Tư, được nhiều người so sánh với vụ tấn công 11 Tháng Chín, 2001 tại New York khi hai chiếc phi cơ lao vào tòa tháp đôi.

3. Tàu ngầm hạt nhân Nga phóng hỏa tiễn

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Russian Nuclear Submarine Fires Missiles”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Một tàu ngầm hạt nhân của Nga đã bắn một hỏa tiễn trong tuần này như một phần của cuộc tập trận trong bối cảnh cuộc chiến đang diễn ra giữa nước này với Ukraine.

Tass, một hãng thông tấn nhà nước Nga, hôm 4 Tháng Tư, đưa tin Hạm đội phương Bắc của Nga đã thực hiện một cuộc tập trận theo lịch trình, bao gồm một vụ phóng hỏa tiễn từ tàu ngầm hạt nhân Kazan của nước này.

Kể từ tháng 2 năm 2022, Nga đã tham gia vào một cuộc chiến căng thẳng với Ukraine, dẫn đến những lo ngại liên tục về khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân. Nhiều quốc gia phương Tây và đồng minh NATO đã cảnh báo việc Putin sử dụng vũ khí hạt nhân.

“Tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân đa năng Kazan đã bắn một hỏa tiễn hành trình Kalibr vào một mục tiêu ven biển trong khuôn khổ huấn luyện chiến đấu theo lịch trình. Thủy thủ đoàn tàu ngầm đã thực hiện cuộc tập trận từ vị trí chìm trong khu huấn luyện chiến đấu của Hạm đội phương Bắc ở Biển Barents”, Hạm đội phương Bắc đưa tin, theo Tass. “Hỏa tiễn đã được phóng tại bãi thử Chizha ở Vùng Arkhangelsk.”

Sau cuộc tập trận, Phó Đô đốc Konstantin Kabantsov, chỉ huy Hạm đội phương Bắc, nói rằng các thành viên thủy thủ đoàn trên tàu ngầm hạt nhân “đã thể hiện tính chuyên nghiệp và kỹ năng cao”, Tass đưa tin.

Hồi tháng 3, Putin được hỏi về khả năng xảy ra chiến tranh hạt nhân nếu Mỹ đưa quân tới Ukraine.

“Từ quan điểm kỹ thuật quân sự, tất nhiên chúng tôi đã sẵn sàng”, ông Putin nói khi nói chuyện với Rossiya-1, một kênh truyền hình do nhà nước kiểm soát, Reuters đưa tin.

Theo Reuters, Putin cho biết: “Ở Mỹ có đủ chuyên gia trong lĩnh vực quan hệ Nga-Mỹ và trong lĩnh vực kiềm chế chiến lược”. Vì vậy, tôi không nghĩ rằng ở đây mọi thứ đang dồn dập đối đầu hạt nhân, nhưng chúng tôi đã sẵn sàng cho việc này”.

Theo hãng tin AP, Stéphane Dujarric, phát ngôn nhân của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc António Guterres, đã trả lời nhận xét của Putin rằng: “Phải tránh mọi lời lẽ khoa trương có thể dẫn đến tính toán sai lầm hoặc leo thang với những hậu quả thảm khốc rõ ràng cho thế giới”.

Năm 2021, Tass đưa tin Đô đốc Nikolai Yevmenov, tổng tư lệnh hải quân Nga, thông báo tàu ngầm hạt nhân Kazan đã được nghiệm thu đưa vào sử dụng.

“Hôm nay, chúng ta treo cờ Hải quân trên tàu ngầm hạt nhân mới nhất của Kazan, tàu ngầm dẫn đầu trong loạt tàu chiến thế hệ mới. Cục thiết kế Malakhit đã phát triển dự án với vũ khí và thiết bị điện tử hiệu quả cho các nhiệm vụ ở tất cả các khu vực trên Đại dương Thế giới,” Yevmenov cho biết, theo Tass.

Michael Kofman, một chuyên gia về các vấn đề quân sự của Nga tại Trung tâm Phân tích Hải quân ở Arlington, Virginia, nói với The National Interest vào năm 2021 rằng Kazan “có lẽ là tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân có khả năng tốt nhất hiện có”.

4. Bộ trưởng Lithuania nói: 'Những câu chuyện hay không thắng được chiến tranh'

Gabrielius Landsbergis, Bộ trưởng Ngoại giao Lithuania, đã nói rằng “việc không cung cấp vũ khí đáng kể và an ninh thực sự sẽ khiến cho câu chuyện huy hoàng về sự thống nhất và đoàn kết với Ukraine đang dần trở nên mỏng manh và sự hoài nghi đang đến gần nhanh chóng”.

Trong một chủ đề có lời lẽ gay gắt, vị Bộ trưởng Lithuania nổi tiếng thẳng thắn nói rằng “những câu chuyện an ủi có thể giúp giành chiến thắng trong cuộc bầu cử. Nhưng nếu họ sai, họ sẽ làm chúng ta bất động, ngăn cản chúng ta thực hiện hành động thực sự, trong khi người Ukraine tiếp tục chết vì chúng ta”.

Ông nói thêm: “Có rất ít điều bí ẩn về điều gì có thể xảy ra nếu chúng ta tiếp tục chờ đợi một phép lạ. Lãnh thổ có thể bị mất, đất nước có thể bị tạm chiếm. Câu chuyện này không có một hướng tích cực nào, không có một kết thúc có hậu, trừ khi chúng ta chọn viết lại kịch bản này bằng những hành động thiết thực và cấp bách.”

5. Đồng minh của Putin cam kết 'Phần thưởng tối đa' cho các binh sĩ Nga hạ gục chiến binh NATO ở Ukraine

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Putin Ally Pledges 'Maximum Reward' for NATO Fighters Killed in Ukraine”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev hôm thứ Năm đã lên tiếng phản đối viễn cảnh quân NATO được triển khai ở Ukraine, nói rằng binh lính Nga nên được trao “phần thưởng tối đa” khi tiêu diệt binh lính của liên minh này.

Medvedev, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga và là đồng minh thân cận của Putin, đã đưa ra lập trường trên khi thảo luận về khả năng NATO cử quân đến “dọn dẹp và tổ chức” ở Ukraine.

NATO vẫn chưa đưa quân tới Ukraine và nhà lãnh đạo khối Jens Stoltenberg đã bác bỏ ý kiến cho rằng một hành động như vậy sẽ được thực hiện trong tương lai gần. Tuy nhiên, trong cuộc họp hôm thứ Tư, ông Stoltenberg kêu gọi các ngoại trưởng NATO lên kế hoạch hỗ trợ quân sự lâu dài cho Kyiv. Điều này sẽ bao gồm hỗ trợ và đào tạo về an ninh, cũng như tham gia nhiều hơn vào việc phối hợp cung cấp vũ khí và thiết bị cho Ukraine.

Trong khi đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã thu hút sự chú ý của quốc tế vào tháng 2 sau khi ông nói rằng ông không thể loại trừ khả năng binh lính phương Tây cuối cùng sẽ được gửi đến Ukraine. Ông nói rằng chủ đề triển khai quân đội phương Tây để hỗ trợ Ukraine phòng thủ trước cuộc xâm lược đang diễn ra của Nga không nên bị giới hạn.

Medvedev nói rõ rằng bất kỳ binh sĩ NATO nào trên lãnh thổ Ukraine sẽ bị quân đội Nga coi là đối phương.

“Những người bạn NATO của chúng ta đã có một câu thần chú mới. Bây giờ họ cùng nói rằng việc can thiệp vào Ukraine không nằm trong kế hoạch. Chỉ một số binh sĩ sẽ tiến vào khu vực gần Lviv và có thể là Kyiv để giải vây cho quân đội Ukraine”, Medvedev nói. “Đại loại là dọn dẹp nhà cửa và sắp xếp; đào tạo; đưa lực lượng đặc nhiệm tinh nhuệ tới một số nơi. Chỉ có bấy nhiêu thôi. Hàm ý: người dân nước ta, hãy thư giãn. Sẽ chỉ có một vài chiếc quan tài. Và các bạn, những người Nga, đừng quá lo lắng, chúng tôi sẽ không gây chiến”.

Thông điệp của quan chức Điện Cẩm Linh sau đó trở nên gay gắt hơn, gọi các nhà lãnh đạo NATO là “những kẻ hoàn toàn trơ tráo, coi cả thế giới là những kẻ ngu ngốc”.

Sau một số lời lăng mạ tục tĩu, không thể được lặp lại ở đây, Medvedev khẳng định binh lính NATO “sẽ trở thành một phần của lực lượng chính quy hiện đang chiến đấu chống lại chúng ta”.

Do đó, ông nói rằng “họ chỉ có thể bị coi như đối phương; và không chỉ là đối phương, mà còn là những biệt đội tinh nhuệ, những tên trong biệt đội hành quyết SS của Hitler.

“Và chỉ có thể có một quy tắc duy nhất đối với những con chấy rận ở nước ngoài này, những người, không giống như những người Ukraine bất hạnh, không bị buộc phải tham chiến: chúng ta không bắt họ làm tù binh, phải giết ngay tại chỗ! Và đối với mỗi chiến binh của NATO bị giết, cho nổ tung hoặc bị đốt cháy thì phải có phần thưởng tối đa. Và không trả lại thi thể. Hãy để người thân ở nước ngoài đau khổ”.

Medvedev nổi tiếng với việc đưa ra những tuyên bố mang tính kích động, thường liên quan đến lời đe dọa chiến tranh hạt nhân. Khi bình luận về nhận xét của Macron về việc triển khai quân đội phương Tây tới Ukraine, Medvedev cảnh báo rằng “Nga không còn ranh giới đỏ nào cho Pháp”.

6. Cuộc 'tấn công kép' bằng máy bay không người lái của Nga khiến nhân viên cấp cứu ở Kharkiv thiệt mạng

Tờ Politico có trụ sở ở Washington DC cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Russian ‘double strike’ drone attack kills rescue workers in Kharkiv”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Nga đã tấn công Kharkiv bằng ít nhất 15 máy bay không người lái Shahed trong đêm thứ Năm, khiến ít nhất 4 người thiệt mạng và 12 người bị thương, các quan chức địa phương Ukraine cho biết.

Thị trưởng Kharkiv Ihor Terekhov cho biết trên Telegram rằng 3 trong số những người thiệt mạng là nhân viên cấp cứu đã chết trong một “cuộc tấn công kép” vào một tòa nhà dân cư sau khi họ đến để hỗ trợ.

Oleh Synehubov, thống đốc khu vực Kharkiv, cho biết trong một tuyên bố rằng các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái chủ yếu nhằm vào các khu dân cư. Theo Terekhov, một trong những máy bay không người lái của Shahed đã đâm vào tòa nhà 14 tầng, làm hư hại các căn nhà trên nhiều tầng khác nhau.

Lực lượng phòng không địa phương báo cáo đã bắn hạ 11 máy bay không người lái.

Kể từ giữa tháng 2, Kharkiv hứng chịu các cuộc tấn công gần như hàng ngày, trong đó các nhà tuyên truyền Nga công khai kêu gọi lực lượng Mạc Tư Khoa “xóa bỏ Kharkiv khỏi bề mặt Trái đất” trên truyền hình quốc gia Nga.

Trong cuộc tấn công hỏa tiễn quy mô lớn vào ngày 22 tháng 3, quân Nga đã phá hủy hầu hết các trạm điện của thành phố và làm hư hại nhà máy điện Zmiivska. Terekhov cho biết trong một cuộc phỏng vấn với truyền thông Ukraine rằng hơn 150.000 cư dân Kharkiv đã mất nhà cửa. Thành phố có lịch trình cắt điện, người dân sẽ không có điện trong 4-8 giờ mỗi ngày.

Nga đã phóng hầu hết máy bay không người lái trong các cuộc tấn công gần đây từ vùng Belgorod giáp biên giới Ukraine. Lực lượng Ukraine đã đáp trả bằng các cuộc pháo kích và hoạt động trên bộ nhằm vào Belgorod.

Trang web truyền thông độc lập của Nga Meduza, có trụ sở tại Latvia, đưa tin vào tháng 3 rằng Kharkiv có thể là mục tiêu của một cuộc tấn công của Điện Cẩm Linh được lên kế hoạch vào mùa hè này, trích dẫn các cá nhân thân cận với Putin. Phát ngôn nhân Tình báo Quân đội Ukraine Andriy Yusov hôm thứ Tư cho biết Điện Cẩm Linh đang tung tin giả về “cuộc tấn công vào Kharkiv” nhằm gieo rắc sự hoảng loạn ở Ukraine.

7. Reuters đưa tin Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết Trung Quốc đã đề xuất kế hoạch hòa bình hợp lý nhất từ trước đến nay để giải quyết xung đột Ukraine.

“Điều quan trọng nhất đối với chúng tôi là tài liệu của Trung Quốc dựa trên phân tích lý do của những gì đang xảy ra và sự cần thiết phải loại bỏ những nguyên nhân gốc rễ này. Nó được cấu trúc logic từ tổng thể đến cụ thể”, hãng thông tấn nhà nước RIA dẫn lời ông Lavrov nói.

Ông nói: “Kế hoạch này bị chỉ trích là mơ hồ… Nhưng đây là một kế hoạch hợp lý mà nền văn minh vĩ đại Trung Quốc đề xuất để thảo luận”.

Trong một động thái trống đánh xuôi kèn thổi ngược, cựu Tổng thống Nga Medvedev cho rằng kế hoạch hòa bình hợp lý nhất, theo ý ông ta, là Ukraine đầu hàng vô điều kiện. “Không có cái gọi là nước Ukraine hay dân tộc Ukraine, những kẻ phản loạn phải đầu hàng và chịu xử phạt, theo luật pháp Nga,” ông ta nói.

Dmitry Anatolyevich Medvedev sinh ngày 14 tháng 9, năm 1965. Ông ta được bầu làm tổng thống trong cuộc bầu cử năm 2008. Ông phục vụ một nhiệm kỳ duy nhất và được kế nhiệm bởi Putin sau cuộc bầu cử tổng thống năm 2012. Medvedev sau đó được Putin bổ nhiệm làm thủ tướng. Ông từ chức cùng với phần còn lại của chính phủ vào ngày 15 tháng Giêng năm 2020 để cho phép Putin thực hiện những thay đổi sâu rộng về hiến pháp; ông được kế nhiệm bởi Mikhail Mishustin vào ngày 16 tháng Giêng năm 2020. Cùng ngày, Putin bổ nhiệm Medvedev vào chức vụ mới là phó chủ tịch Hội đồng An ninh quốc gia.

Medvedev thường được đánh giá là một người có chừng mực, cân bằng và tự do hơn so với người tiền nhiệm Vladimir Putin, là người cũng được bổ nhiệm làm thủ tướng trong nhiệm kỳ tổng thống của Medvedev. Chương trình nghị sự hàng đầu của Medvedev trên cương vị tổng thống là một chương trình hiện đại hóa trên diện rộng, nhằm hiện đại hóa nền kinh tế và xã hội Nga, đồng thời giảm bớt sự phụ thuộc của nước này vào dầu mỏ và khí đốt. Trong nhiệm kỳ của mình, Medvedev cũng phát động chiến dịch chống tham nhũng, mặc dù sau đó chính ông ta bị buộc tội tham nhũng hạng gộc.

Tuy nhiên, trong cuộc chiến tại Ukraine, người ta càng ngày càng thấy ông ta có những phát biểu điên cuồng, đặc biệt là luận điệu thường xuyên đe dọa thế giới bằng vũ khí hạt nhân.

8. Quan chức Putin khuyên người Nga tự bảo vệ mình trước các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Putin Official Tells Russians To Fend For Themselves Amid Drone Attacks”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Người dân ở khu vực bị tấn công bằng máy bay không người lái sâu nhất trên lãnh thổ Nga kể từ khi bắt đầu cuộc chiến ở Ukraine đã được cảnh báo rằng lực lượng phòng không có thể không thể bảo vệ họ trước các cuộc tấn công trong tương lai.

Kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược toàn diện, Nga đã hứng chịu nhiều cuộc tấn công bằng máy bay không người lái nhằm vào Mạc Tư Khoa cũng như các kho đạn và nhà máy lọc dầu trên khắp đất nước có liên quan đến nỗ lực chiến tranh. Chính quyền Nga đổ lỗi cho Ukraine về các vụ tấn công, là điều mà Kyiv hiếm khi tuyên bố chịu trách nhiệm.

Trong vụ việc mới nhất, một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái vào cộng hòa Tatarstan của Nga hôm thứ Ba được cho là đã tấn công các khu công nghiệp sản xuất máy bay không người lái Shahed do Iran thiết kế mà Mạc Tư Khoa sử dụng rộng rãi trong cuộc xâm lược của mình.

Phản ứng trước các cuộc tấn công, nhà lãnh đạo Tatarstan, Rustam Minnikhanov, gợi ý rằng hệ thống phòng không thường được ca ngợi là có khả năng bảo vệ dân chúng khỏi các mối đe dọa trên không có thể không giúp ích gì cho họ.

“Bạn không nên mong đợi hệ thống phòng thủ hỏa tiễn sẽ hoạt động - nó giải quyết các nhiệm vụ khác,” ông nói trong bình luận được Đài Âu Châu Tự do đưa tin mà không nêu rõ các nhiệm vụ khác là những gì.

Ông nói thêm: “Chúng ta phải tự mình quyết định mọi doanh nghiệp, mọi đô thị, mọi thành phố”. Ngài nói: “Đấng toàn năng đã cho một cơ hội, hãy thức dậy đi các bạn, không ai sẽ bảo vệ chúng ta ngoài chính chúng ta”.

Đoạn video được chia sẻ trên các kênh Telegram dường như cho thấy khoảnh khắc một máy bay thể thao A-22 gây ra một quả cầu lửa khổng lồ ở Yelabuga, cách biên giới Nga với Ukraine hơn 900 dặm về phía đông và cách Mạc Tư Khoa khoảng 600 dặm về phía đông.

Một khu ký túc xá phức hợp được xây dựng cho nhân viên đặc khu kinh tế và sinh viên tại trường cao đẳng địa phương đã bị hư hại. Nó nằm cách xưởng lắp ráp máy bay không người lái vài trăm mét.

Được biết cũng có một cuộc tấn công vào một nhà máy lọc dầu ở Nizhnekamsk. Công suất hàng năm của nhà máy là 8 triệu tấn dầu, chiếm 2,6% tổng công suất lọc dầu hàng năm của Nga. Các mục tiêu dầu mỏ ở Nga đã bị ảnh hưởng nặng nề trong những tháng gần đây.

Phát ngôn nhân tình báo Ukraine Andriy Yusov nói với Radio Liberty rằng không có vũ khí do nước ngoài sản xuất nào được sử dụng trong các cuộc tấn công.

Hãng tin độc lập tiếng Nga Verstka cho biết các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái mới nhất có nghĩa là vùng lãnh thổ dễ bị tổn thương ở Nga đã mở rộng thêm 195.000 km2 lên 1.350.000 km2.

Khu vực này rộng hơn 520.000 dặm vuông - gần bằng diện tích của Alaska và bao gồm bảy thành phố có dân số hơn 1 triệu người.

9. Ukraine tiếp cận nguồn tiền lớn của Nga

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Ukraine Closing In on Russian Money Bonanza”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Động lực quốc tế ở cả hai bờ Đại Tây Dương đang tạo điều kiện cho Ukraine được hưởng lợi từ tài sản của Nga bị đóng băng do cuộc xâm lược toàn diện của Vladimir Putin.

Hội nghị Khôi phục Công lý cho Ukraine ở The Hague hôm thứ Ba đã chứng kiến 44 quốc gia ủng hộ một tòa án đặc biệt để giải quyết hành vi gây hấn đang diễn ra của Mạc Tư Khoa và ủng hộ động thái sử dụng “tài sản có chủ quyền của Nga bị tịch thu” để giúp xây dựng lại đất nước bị chiến tranh tàn phá.

Với việc viện trợ quân sự tiếp tục của Mỹ dành cho Kyiv bị trì hoãn tại Quốc hội trong bối cảnh cuộc tranh luận về cách Âu Châu sẽ tài trợ cho các nỗ lực chiến tranh của Ukraine, một loại vũ khí khác chống lại Nga có thể được triển khai để tận dụng khoảng 300 tỷ Mỹ Kim tài sản của Ngân hàng Trung ương Nga đang bị đóng băng ở phương Tây.

Các biện pháp trừng phạt nhằm cô lập Mạc Tư Khoa khỏi hệ thống tài chính toàn cầu và bóp nghẹt doanh thu của nước này để tiến hành chiến tranh bao gồm nhắm vào tài sản của Nga, phần lớn bằng ngoại tệ, vàng và trái phiếu chính phủ.

Khoảng 70% trong số đó trị giá 190 tỷ euro hay 206 tỷ Mỹ Kim được giữ tại trung tâm lưu ký chứng khoán Euroclear của Bỉ, nhưng có những lo ngại về việc liệu việc tịch thu toàn bộ tài sản có làm suy yếu danh tiếng của nơi này như một nơi đầu tư an toàn hay không.

Scheherazade Rehman, giáo sư về các vấn đề quốc tế tại Đại học George Washington ở Washington, DC, cho biết: “Họ sẽ làm điều đó, họ chỉ cần tìm ra cách hợp pháp để thực hiện việc này”.

Rehman, người đã cố vấn cho các tổ chức bao gồm Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và Ngân hàng Thế giới, cho biết các cuộc thảo luận về tài sản bị đóng băng của Nga được các nhà lãnh đạo Âu Châu tiến hành “ít gay gắt” hơn so với các nhà lãnh đạo ở Canada, Anh và Mỹ.

Khi Quốc hội thảo luận về dự luật viện trợ mới cho Ukraine, các cuộc đàm phán sẽ tăng cường về việc Ủy ban Hạ viện và Thượng viện Hoa Kỳ thông qua luật tịch thu tới 8 tỷ Mỹ Kim tài sản thuộc chủ quyền của Nga dưới quyền tài phán của Hoa Kỳ để giúp tài trợ cho sự phục hồi của Ukraine.

Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson nói với Fox News rằng đề xuất tịch thu tài sản của Nga có thể là câu trả lời của Đảng Cộng hòa trước yêu cầu của chính quyền Tổng thống Biden về việc cung cấp thêm viện trợ cho Ukraine.

Các đề xuất của các nhà lãnh đạo Liên Hiệp Âu Châu không nhằm vào bản thân tài sản bị phong tỏa mà nhắm vào lợi nhuận sau thuế từ tiền gửi của Nga, có khả năng tạo ra từ 15 tỷ euro hay 16 tỷ Mỹ Kim; đến 20 tỷ euro hay 21 tỷ Mỹ Kim từ nay đến cuối năm 2027, tùy thuộc vào việc lãi suất phát triển như thế nào.

Rehman nói: “Họ hơi sợ khi tịch thu toàn bộ 300 tỷ Mỹ Kim vì sự trả thù đang đến và họ biết điều đó”. “Tôi tin rằng họ sẽ tận dụng nó và thu lợi nhuận thay vì tìm kiếm 300 tỷ Mỹ Kim. Sau đó sẽ có một cuộc thảo luận hoàn toàn khác, rất lớn về việc bạn sẽ sử dụng nó vào mục đích gì.”

“Nếu bạn sử dụng nó để hỗ trợ quân sự trực tiếp – điều đó sẽ gây tranh cãi hơn nhiều so với việc bạn sử dụng nó để xây dựng lại cơ sở hạ tầng ở Ukraine.”

Nền kinh tế Nga cho đến nay vẫn tương đối kiên cường trước một số lệnh trừng phạt trên quy mô lớn được áp đặt kể từ khi bắt đầu chiến tranh, nhưng việc sử dụng các quỹ bị đóng băng sẽ mang lại lợi ích trực tiếp cho Ukraine.

“Chúng tôi đã trừng phạt họ khi khóa họ khỏi hệ thống thanh toán tài chính quốc tế SWIFT. Chúng tôi trừng phạt họ khi không cho họ tiếp cận ngoại hối,” Rehman nói. “Đây không phải là hình phạt mà là để kiếm tiền.”

Hội nghị La Hay tuần này cũng ủng hộ Sổ ghi danh thiệt hại gây ra do sự xâm lược của Liên bang Nga chống lại Ukraine, được Hội đồng Âu Châu thành lập vào tháng 5 năm ngoái.

Nó cho phép các nạn nhân trong cuộc chiến tranh của Nga ghi lại khoản bồi thường thiệt hại về tài sản, đây sẽ là một phần của bất kỳ quá trình tái thiết nào và sau đó sẽ cho phép các đơn xin di dời cưỡng bức, gây tổn hại đến tính mạng và bạo lực, cùng những thứ khác.

Dmytro Kuleba, Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine, ca ngợi sự tán thành ngày càng tăng của quốc tế đối với một tòa án “về tội ác xâm lược của Nga đối với Ukraine”.

“Một năm trước, dường như đã có tranh chấp giữa các quốc gia,” đồng thời nói thêm rằng giờ đây hầu hết các quốc gia “hiểu rõ ràng rằng không có giải pháp thay thế nào cho việc thành lập một tòa án đầy đủ chức năng”.

Wayne Jordash, một luật sư người Anh hỗ trợ Văn phòng Tổng công tố Ukraine trong việc phân tích tội ác chống lại nhân loại, nói với Newsweek rằng việc ghi danh “chỉ là bước khởi đầu của quá trình” nhằm định lượng thiệt hại trên quy mô lớn và có hệ thống mà Nga đã gây ra ở Ukraine.

“Tuy nhiên, việc thực thi chính là vấn đề then chốt – các nước dân chủ sẵn sàng như thế nào, không chỉ hơn 40 quốc gia và Liên Hiệp Âu Châu, đã ghi danh làm thành viên để sử dụng tài sản bị đóng băng của Nga hoặc yêu cầu Nga bồi thường, không chỉ bây giờ mà còn cho nhiều năm tới,” Jordash, đối tác quản lý của Global Rights, nói thêm.

10. Liên Hiệp Âu Châu cảnh cáo chính phủ Georgia

Liên Hiệp Âu Châu đã bắn một phát súng cảnh cáo vào chính phủ Georgia sau khi nước này tuyên bố khôi phục dự luật về “các đặc vụ nước ngoài” mà họ đã bãi bỏ vào năm ngoái sau khi những người chỉ trích so sánh nó với luật pháp hiện hành của Nga nhằm dập tắt những lời chỉ trích trên các phương tiện truyền thông.

Trong một tuyên bố, cơ quan đối ngoại của Liên Hiệp Âu Châu nhắc nhở Georgia rằng “bảo đảm quyền tự do báo chí” là một trong những điều kiện “quan trọng” của quá trình trở thành thành viên Liên Hiệp Âu Châu.

Ngoại trưởng Liên Hiệp Âu Châu, Josep Borrell, nói:

“Liên minh Âu Châu nhắc lại cam kết công khai của chính phủ Georgia và đảng cầm quyền từ năm ngoái về việc ‘rút bỏ vô điều kiện’ luật như vậy. Liên Hiệp Âu Châu lấy làm tiếc vì nó một lần nữa được xem xét bất chấp phản ứng mạnh mẽ của công chúng và quốc tế vào tháng 3 năm 2023”

Phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov nói với các phóng viên rằng những người chỉ trích dự thảo luật “cần giải thích tích cực hơn về sự vô lý khi coi đây là một dự án của Nga”.

Peskov nói thêm rằng Nga muốn “sự ổn định và có thể dự đoán được” ở Georgia, đồng thời bảo vệ luật được đề xuất, nói rằng: “Không quốc gia nào muốn sự can thiệp từ các nước khác vào chính trị nội bộ; đây là chuyện bình thường.”

11. Sự hiện diện của Trung Quốc tại một cảng Ba Lan gây ra lo ngại về an ninh

Tờ Politico có trụ sở ở Washington DC cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Chinese presence in a Polish port triggers security fears”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Một công ty có trụ sở tại Hương Cảng kiểm soát một phần quan trọng của cảng Gdynia của Ba Lan - gây lo ngại về an ninh quốc gia vì nó nằm gần một bến tàu dùng để dỡ hàng viện trợ quân sự của Mỹ và NATO cho Ukraine.

Chính quyền Ba Lan cho biết họ đang theo dõi chặt chẽ công ty container Gdynia, gọi tắt là GCT, do Hutchison Port Holdings, một công ty con của CK Hutchison Holdings có trụ sở tại Hương Cảng điều hành. Chính phủ đang chịu áp lực phải chỉ định bến tàu này là cơ sở hạ tầng quan trọng và do đó phải chấm dứt hợp đồng với GCT.

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Cezary Tomczyk nói với POLITICO: “Mọi thứ liên quan đến an ninh của Ba Lan đang được phân tích thường xuyên”. “Điều đó rõ ràng bao gồm vấn đề cung cấp vũ khí cho Ukraine và chúng tôi đang làm những gì có thể để tối đa hóa an ninh cho quá trình này.”

GCT là cơ sở giải quyết container và xe nâng hạng nặng đầy đủ dịch vụ ở Gdynia, chiếm diện tích khoảng 20 ha và gần 600 mét bờ sông ở cảng Biển Baltic.

Nhà ga nằm ngay đối diện căn cứ lực lượng đặc biệt của Ba Lan và xưởng đóng tàu hải quân, nơi các tàu khu trục hỏa tiễn của Ba Lan đang được chế tạo. Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ tạm thời sử dụng một bến tàu gần đó để dỡ các thiết bị quân sự của NATO và Hoa Kỳ tới Đông Bắc Âu, cũng như các thiết bị dành cho Ukraine.

Những lo ngại về an ninh không chỉ giới hạn ở vị trí quá gần của Hutchison với các tài sản quân sự quan trọng của NATO và Ba Lan trong cảng mà còn ở khả năng công ty can thiệp vào khả năng tiếp cận của cảng.

Vào tháng 8, thiết bị của quân đội Mỹ sẽ được dỡ xuống một bến tàu gần GCT. Tuy nhiên, mũi tàu nhô ra khoảng 50 mét so với khu vực của Hutchison và công ty từ chối đồng ý dỡ hàng. Chính quyền cảng Gdynia đã cố gắng can thiệp để tìm giải pháp nhưng cuối cùng việc trung chuyển thiết bị quân sự đã không thành công.

Cuộc chiến đang hoành hành ở Ukraine đang là lời cảnh tỉnh đối với chính quyền Ba Lan và hiện họ đang thảo luận về các cách bảo đảm cơ sở hạ tầng quan trọng ở nước này.

Tháng trước, Ủy ban Lực lượng Đặc biệt của Quốc hội Ba Lan, do Marek Biernacki, một nghị sĩ của Con đường thứ ba, một phần trong liên minh cầm quyền của Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk, làm chủ tịch, đã thảo luận về việc bảo vệ các cơ sở hạ tầng quan trọng ở các khu vực hàng hải của Ba Lan - tập trung vào các trang trại gió ngoài khơi và cảng ở Gdynia.

Biernacki nói với giới truyền thông Ba Lan: “Ủy ban đã chuẩn bị ý kiến lên thủ tướng chỉ ra rằng các khoản đầu tư lớn cần được bảo vệ như một phần của cơ sở hạ tầng quan trọng”.

Biernacki nói: “Chúng tôi sẽ nộp đơn lên giám đốc trung tâm an ninh chính phủ cho cái gọi là cầu cảng Trung Quốc, một phần của cảng ở Gdynia và được một công ty có vốn Trung Quốc thuê, để được chính thức công nhận là cơ sở hạ tầng quan trọng”. Báo Dziennik Gazeta Prawna của Ba Lan.

Nếu điều đó xảy ra, Hutchison sẽ phải báo cáo chính phủ về hoạt động an ninh của mình nhưng điều đó sẽ không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của cảng trong thời bình.

Hutchison Port Holdings đã không trả lời yêu cầu bình luận.

Đó không phải là xích mích duy nhất đối với khoản đầu tư vào Hutchison.

Thành phố Gdynia nói với cổng tin tức O2 rằng công ty có hợp đồng thuê địa điểm cực kỳ rẻ đến năm 2089 nhờ một thỏa thuận được ký vào năm 2007. Hutchison trả 294.000 złoty, hay 68.000 euro, mỗi năm.

Tony Housh, chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Ba Lan, cho biết: “Có vẻ như công ty cảng Trung Quốc chỉ trả một phần rất nhỏ, khoảng 1%, so với số tiền mà các công ty khác phải trả để hoạt động ngày nay tại một khu vực cảng chiến lược như vậy”. “Điều này rõ ràng không chỉ cho thấy lợi thế cạnh tranh không công bằng đối với tất cả các nhà khai thác khác ở Gdynia, Gdańsk và Szczecin mà còn cho thấy nhà nước Ba Lan có khả năng mất hàng trăm triệu đô la trong hợp đồng thuê bất thường này. Đây là mối lo ngại hàng đầu về an ninh quốc gia và bảo vệ dữ liệu thương mại.”

Những lo ngại của Ba Lan là một phần trong mối lo ngại rộng lớn hơn của Liên Hiệp Âu Châu về tác động của các khoản đầu tư của Trung Quốc vào cơ sở hạ tầng cảng.

Vào tháng 1, Nghị viện Âu Châu đã thông qua một báo cáo nêu bật những nguy cơ của việc khối này mở các cảng chiến lược cho đầu tư nước ngoài.

Tom Berendsen, một thành viên Hà Lan của Hiệp hội Âu Châu cho biết: “Chúng tôi phải dán nhãn các cảng của mình, đặc biệt là những cảng được liệt kê trong kế hoạch TEN-T, là cơ sở hạ tầng quan trọng để chúng tôi được trang bị tốt hơn để sàng lọc các khoản đầu tư và tránh ảnh hưởng quá mức của các tác nhân nước ngoài”. Quốc hội đang chủ trì báo cáo. “Chúng tôi cũng thực sự cần luật để giành lại quyền kiểm soát cơ sở hạ tầng cảng trong những tình huống quan trọng.”

Một báo cáo từ Cơ quan Nghiên cứu Nghị viện Âu Châu năm ngoái cho thấy các công ty nhà nước của Trung Quốc như COSCO Shipping và China Merchants Port Holdings đã tham gia đầu tư vào cảng ở 10 quốc gia Liên Hiệp Âu Châu. Hutchison Port Holdings cũng bị nêu tên trong báo cáo.

Năm ngoái, chính phủ Đức đã quyết định bán 24,9% cổ phần cảng Hamburg cho COSCO, bất chấp những lo ngại về an ninh và sự phản đối từ nội bộ liên minh cầm quyền.

Mặc dù báo cáo nghiên cứu của quốc hội cho biết khó có khả năng Trung Quốc sẽ sử dụng các công ty vận tải biển của mình làm “công cụ chính trị công khai”, nhưng Berendsen không đồng ý.

“Hãy tưởng tượng một kịch bản trong đó một số quốc gia thành viên bày tỏ sự ủng hộ rõ ràng đối với Đài Loan trong cuộc tranh cãi với Trung Quốc. Chúng tôi không muốn Bắc Kinh có thể trả đũa bằng cách đóng cửa cơ sở hạ tầng cảng quan trọng của quốc gia thành viên đó”, ông nói.
 
Còn may: Khám phá ổ gián điệp Nga hoạt động ở Tổng Hành Dinh NATO. Nga trả thù vụ tấn công của Kyiv
VietCatholic Media
15:13 06/04/2024

1. Gián điệp Nga bị bắt quả tang khi làm việc tại trụ sở Nato

Tờ The Sun cho biết như trên. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

GIÁN ĐIỆP cho Vladimir Putin đã bị bắt khi làm việc tại trụ sở NATO trong một vụ vi phạm tình báo nhục nhã. Nhà lãnh đạo NATO Jens Stoltenberg tiết lộ những kẻ rình mò của Nga đã hoạt động ở Âu Châu trong nhiều năm.

Ông cho biết các mật vụ Nga đã bị trục xuất khỏi trụ sở ở Brussels, Bỉ, sau khi hành vi gián điệp của họ bị phát hiện.

Tổng thư ký NATO nói với Bild: “Chúng tôi đã trục xuất tất cả các nhân viên Nga khỏi trụ sở NATO.”

“Trên thực tế, chúng tôi phát hiện ra rằng họ đang tiến hành các hoạt động không hẳn là ngoại giao mà là hoạt động tình báo.

“Các đồng minh NATO đã làm những điều tương tự. Đây là vấn đề đang được các đồng minh NATO nêu ra.”

Stoltenberg nói thêm rằng các điệp viên của Putin “đã hoạt động ở các nước Âu Châu trong nhiều năm”.

Tuy nhiên, ông khẳng định sẽ phải làm nhiều hơn nữa để chống lại các điệp viên Nga xâm nhập vào NATO.

Ông nói: “Chúng tôi đang thực hiện một số biện pháp nhằm gây khó khăn hơn cho các cơ quan tình báo Nga trong việc thực hiện các hoạt động bất hợp pháp giữa hoặc trong nội bộ của các đồng minh NATO.

“Như thế, khi chúng ta sát cánh cùng nhau, chúng ta sẽ được an toàn.”

Diễn biến này xảy ra sau khi Ukraine cảnh báo Đức đang “có nhiều gián điệp Nga”.

Cựu cố vấn an ninh quốc gia Ukraine Oleksiy Danilov cho biết các quốc gia phương Tây “dễ bị tổn thương” trước hoạt động gián điệp.

Ông nói với The Times: “Chúng tôi đã đưa ra nhiều cảnh báo cho các đối tác Đức về mạng lưới gián điệp của người Nga đang hoạt động rất tích cực ở Đức.

“Ai cũng biết người Nga đang lắng nghe các cuộc trò chuyện của các quan chức Đức và chúng tôi nghĩ đây không phải là cuộc trò chuyện cuối cùng mà họ có”.

Trong khi đó, người ta lo ngại có thể có hàng trăm điệp viên đóng tại Anh và ẩn náu ở Suburbia - và gần như không thể phát hiện được.

Các tay nằm vùng đang sống một cuộc sống dường như vô hại, hòa nhập vào các khu dân cư đồng thời giúp tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động gián điệp.

Đối với một người hàng xóm hoặc cư dân địa phương điển hình, việc sống cạnh hoặc gần một điệp viên dường như là điều không thể tin được - đặc biệt khi hành động của họ dường như là bình thường.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết với số lượng lớn các gián điệp Nga hoạt động ở Anh, có một số dấu hiệu đáng chú ý.

Chúng bao gồm các phương tiện cụ thể cần chú ý, cũng như các chỉ số quan trọng khác, chẳng hạn như lượng khách đang tìm đường vào các ngôi nhà ở Ngoại ô.

Năm nghi phạm gián điệp Nga, công dân Bulgaria Orlin Roussev, Bizer Dzhambazov, Katrin Ivanova, Ivan Stoyanov và Vanya Gaberova, hiện đang chờ xét xử ở Anh với cáo buộc hoạt động gián điệp.

Một cựu điệp viên Nga trước đây từng tuyên bố với The Sun rằng có ít nhất 4 điệp viên Nga làm việc tại Westminster.

Boris Karpichkov, 62 tuổi, cho biết: “Tôi biết 4 người nằm vùng thuộc cơ quan an ninh Nga.”

“Có một số tổ chức do Quốc hội Vương Quốc Anh tài trợ hoạt động ở Westminster có liên quan trực tiếp đến các hoạt động của cơ quan an ninh Nga.”

Trong khi các điệp viên Nga hoạt động ở phương Tây có vẻ giống như điều gì đó trong phim James Bond, thì trong những năm gần đây, nước Mỹ thân cận nhất của Anh đã nhận thấy mình đã tiêu diệt tận gốc các điệp viên làm việc cho Putin.

Maria Butina bị phát hiện đã hoạt động như một gián điệp và cố gắng lèo lái nền chính trị Hoa Kỳ khi cô nhúng tay vào Washington DC.

Cô bị bỏ tù vào năm 2018 trước khi bị trục xuất trở lại Nga, nơi cô hiện là thành viên quốc hội của Putin.

Và sau đó, người mẫu Nga Anna Chapman, con gái của một quan chức KGB, bị bắt vào năm 2010 sau khi bị tình nghi làm điệp viên ở Mỹ.

Cô được trao trả lại cho chế độ Điện Cẩm Linh như một phần của thỏa thuận trao đổi điệp viên cùng với 9 đặc vụ bị tình nghi khác.

Trong số những đặc vụ đó có Vladimir và Lidiya Guryev - những người sống ở New Jersey cùng hai con gái, 11 và 9 tuổi, dưới bí danh là Richard và Cynthia Murphy.

Hai người này đã cố gắng gây ảnh hưởng đến chính trị Hoa Kỳ, trong đó Lidiya theo dõi một cộng sự trong chiến dịch tranh cử tổng thống của Hillary Clinton vào năm 2008.

Một cặp vợ chồng khác có con cũng tham gia cuộc trao đổi điệp viên - Mikhail Kutsik và Nataliya Pereverzeva, còn được gọi là Michael Zottoli và Patricia Mills.

Cặp này đã gây xôn xao dư luận khi họ tuyên bố đến từ Mỹ và Canada mặc dù giọng nói dày đặc của họ - và họ hoạt động bằng các đường truyền vô tuyến được mã hóa.

2. Cựu ủy viên hội đồng thành phố Hoa Kỳ trốn sang Nga để tham chiến ở Ukraine

Tờ Guardian cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Fugitive former US city councillor enlists with Russia for war in Ukraine”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Cẩm Yến.

Wilmer Puello-Mota, bị truy nã vì tội lạm dụng hình ảnh tình dục trẻ em, đã trốn sang Nga sau khi dường như tình nguyện tham gia tấn công Avdiivka

Một cựu ủy viên hội đồng thành phố và thành viên lực lượng vệ binh quốc gia Massachusetts đang bị Mỹ truy nã vì tội lạm dụng tình dục trẻ em đã bỏ trốn khỏi đất nước và gia nhập quân đội Nga chiến đấu ở Ukraine. Phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Nga Maria Zakharova cho biết như trên hôm Thứ Sáu.

Wilmer Puello-Mota, 28 tuổi, cựu ủy viên hội đồng thành phố Holyoke, Massachusetts, mất tích vào ngày 7 tháng Giêng, hai ngày trước khi anh ta dự kiến ra hầu tòa ở Rhode Island vì sở hữu những hình ảnh lạm dụng tình dục trẻ em và cản trở công lý.

Tuần này, Puello-Mota xuất hiện trở lại tại một trung tâm nhập ngũ ở vùng Khanty-Mansiysk của Nga ở phía tây Siberia, nơi anh ta được ghi lại trên phim đang ký một hợp đồng quân sự, ngồi trong một căn phòng được trang trí bằng những bức ảnh của Vladimir Putin và Bộ trưởng Quốc phòng, Sergei Shoigu

“Một người Mỹ đã ký một hợp đồng quân sự tại trung tâm yêu nước ở Khanty-Mansiysk,” Zakharova nói.

Trước khi ký hợp đồng với quân đội Nga, Puello-Mota dường như đã chiến đấu với tư cách tình nguyện viên bên cạnh quân đội Nga trong thời gian Mạc Tư Khoa chiếm được thị trấn Avdiivka của Ukraine vào tháng 2.

Tháng đó, các kênh ủng hộ chiến tranh của Nga đã lan truyền đoạn phim về một nhân vật mờ trong quân phục chiến đấu đang cắm cờ Mỹ trên đống đổ nát của một thành phố Ukraine để ủng hộ Nga.

“Tôi đến đây để cắm cờ Mỹ như một dấu hiệu của tình bạn và sự ủng hộ cho tất cả những điều mà mọi người đang phải chịu đựng ở đây”, người trong video nói với khuôn mặt mờ mịt.

“Tôi cảm thấy tự hào khi được ở đây.”

Một quan chức Nga chúc mừng Puello-Mota.

Một tờ báo có trụ sở tại Massachusetts cho biết những người biết Puello-Mota đã nhận ra giọng nói của anh ta trong clip.

Xuất hiện để xác nhận việc tham gia trận chiến giành Avdiivka, Puello-Mota trong đoạn clip hôm thứ Tư mô tả cuộc giao tranh trước đây ở Ukraine là một phần của nhóm bán quân sự quốc tế Pyatnashka thân Nga.

“Tôi chắc chắn sẽ làm điều đó một lần nữa,” người ta nghe thấy anh ta nói.

Puello-Mota bị bắt lần đầu tiên vào năm 2020 sau khi cảnh sát ở Rhode Island phát hiện những hình ảnh khiêu dâm của một cô gái chưa đủ tuổi vị thành niên trên điện thoại của anh ta. Theo tài liệu của tòa án, anh ta khai với cảnh sát rằng anh ta nghĩ cô gái này 22 tuổi và sau đó mới biết rằng cô ta 17 tuổi.

Sau đó, anh ta bị buộc tội giả mạo, làm hàng giả và cản trở hệ thống tư pháp sau khi anh ta được cho là đã nói với một trong những chỉ huy của mình tại Lực lượng Vệ binh Quốc gia Không quân Massachusetts rằng cáo buộc hình ảnh lạm dụng tình dục trẻ em ở Rhode Island là giả mạo.

Puello-Mota là cựu thành viên của Đội chiến binh số 104 của Lực lượng Vệ binh Quốc gia Không quân Massachusetts, theo cơ quan truyền thông Masslive của Hoa Kỳ.

Sau khi không tham dự phiên tòa, văn phòng tổng chưởng lý Rhode Island đã đưa ra tuyên bố cho biết Puello-Mota đã lên chuyến bay của hãng hàng không Thổ Nhĩ Kỳ đến Istanbul vào ngày 7 tháng Giêng.

Tòa án cho biết vào thời điểm đó: “Không rõ nơi ở của anh ta từ địa điểm đó”.

Puello-Mota đã không trả lời yêu cầu bình luận.

Trang Facebook của anh hiện có hình ảnh Puello-Mota trong trang phục quân sự đầy đủ đang điều khiển máy bay không người lái trong khi anh liệt kê công việc hiện tại của mình là với Bộ Quốc phòng Nga.

Kể từ khi bắt đầu cuộc chiến ở Ukraine, Nga đã đưa ra một loạt những luật mới nhằm thu hút công dân nước ngoài gia nhập hàng ngũ của mình. Các công dân từ Cuba, Syria, Nepal và Serbia đều đã được triển khai về phía Nga trong cuộc chiến.

Nhưng rất hiếm khi chiến binh từ Liên Hiệp Âu Châu, Anh hay Mỹ gia nhập quân đội Nga. Ít nhất hai người Anh được cho là đang chiến đấu cùng lực lượng Nga ở Ukraine.

Các blogger ủng hộ chiến tranh thân cận với quân đội và truyền thông nhà nước Nga hôm thứ Năm không đề cập đến tình trạng chạy trốn của Puello-Mota ở Mỹ, thay vào đó coi việc đào tẩu của anh ta như một cơ hội tuyên truyền cho Mạc Tư Khoa.

“Will phục vụ trong lực lượng vũ trang Hoa Kỳ, nhưng sau khi nhận ra điều gì đang thực sự xảy ra ở Ukraine, anh ta đã tham gia cuộc chiến với tư cách tình nguyện viên vài tháng trước. Cùng với những người Nga, anh ấy đã kề vai sát cánh giải phóng Avdeevka”, Zakharova nói.

Bà ta nhấn mạnh rằng “Puello-Mota tin tưởng sâu sắc vào sự cần thiết phải hỗ trợ Nga và ngưỡng mộ sự kiên trì và chủ nghĩa anh hùng của những người lính của chúng tôi”.

3. Vũ khí Trung Quốc và Ấn Độ có thể đụng độ ở Ukraine

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Chinese and Indian Weapons May Be Clashing in Ukraine”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Cơn khát vũ khí vô độ trong cuộc xâm lược của Nga với Ukraine đang thu hút vũ khí và đạn dược từ khắp nơi trên thế giới, khi cả hai bên đều tìm kiếm lợi thế trong một cuộc chiến tiêu hao tàn khốc đã kéo dài hơn hai năm.

Sự năng động đang khiến nhiều quốc gia đọ sức với nhau. Nhiều cuộc thi như vậy đã được các nhà cung cấp lên kế hoạch và phê duyệt. Việc Ukraine sử dụng công nghệ quân sự phương Tây để chống lại lực lượng xâm lược Nga là ví dụ rõ ràng nhất về việc NATO hậu thuẫn cho Kyiv.

Trong khi đó, việc Mạc Tư Khoa sử dụng máy bay không người lái kamikaze của Iran tấn công các thành phố của Ukraine được bảo vệ bởi các hệ thống phòng không của phương Tây đã chạm đến cuộc xung đột âm ỉ kéo dài hàng thập kỷ giữa Tehran và Washington, DC.

Ukraine và Nga - dù ở cấp nhà nước, quân đội hay cá nhân - cũng đang chuyển sang thị trường tư nhân để lấp đầy những khoảng trống trong kho vũ khí của họ. Nhiều mức độ do mạng lưới thương mại quốc tế mang lại đã thúc đẩy một số trận đấu trên chiến trường đáng ngạc nhiên hơn.

Nhiều bức ảnh đã xuất hiện trong những tháng gần đây cho thấy các xạ thủ Ukraine sử dụng những thứ có vẻ là đạn pháo do Ấn Độ sản xuất để tấn công các vị trí của Nga, nơi quân đội Mạc Tư Khoa ngày càng được trang bị nhiều loại vũ khí của Trung Quốc, từ đạn pháo đến máy bay không người lái bốn cánh và thậm chí cả xe đẩy kiểu xe golf.

Chính phủ Ấn Độ - vốn đã từ chối tham gia các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Mạc Tư Khoa và được hưởng ưu đãi nhập khẩu năng lượng đáng kể từ Nga - vào Tháng Giêng đã “dứt khoát” phủ nhận mọi thông tin về việc cung cấp đạn pháo cho lực lượng Ukraine.

Các báo cáo phương tiện truyền thông chưa được xác nhận cho rằng đạn pháo 155ly lần đầu tiên được bán cho ít nhất hai quốc gia Âu Châu - một nước được cho là Slovenia - bởi công ty tư nhân Munitions India Limited MIL, trước khi được chuyển tiếp sang Ukraine. Newsweek đã liên hệ với MIL và Bộ Quốc phòng Ukraine qua email để yêu cầu bình luận.

Slovenia bác bỏ các báo cáo này là “tin giả” trong một tuyên bố được công bố vào tháng trước, đồng thời nói thêm rằng nước này “chưa bao giờ mua” đạn 155ly ở Ấn Độ và “cũng chưa tham gia vào việc chuyển hoặc bán lại loại đạn này cho các nước khác”.

“Việc đưa tin sai lệch như vậy là một nỗ lực vừa nhằm gây thiệt hại cho Cộng hòa Slovenia vừa làm mất uy tín vai trò quốc tế của nước này, vì nước này đã trở thành thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.”

Ấn Độ, nước có lịch sử không liên kết, đã chống lại việc bị lôi kéo vào cuộc chiến ở Ukraine. New Delhi từ lâu đã duy trì mối quan hệ kinh tế và quân sự chặt chẽ với Nga, một phần do nỗ lực mở rộng quan hệ đối tác trong cuộc đối đầu âm ỉ kéo dài với nước láng giềng phía bắc Trung Quốc.

Một cuộc thăm dò của Morning Consult năm 2023 cho thấy người Ấn Độ hiện coi Trung Quốc là mối đe dọa quân sự lớn nhất của đất nước. New Delhi ngày càng cảnh giác trước áp lực của Trung Quốc tại các khu vực biên giới tranh chấp trên dãy Himalaya, ảnh hưởng ngày càng tăng của Bắc Kinh ở các quốc gia láng giềng như Sri Lanka, Miến Điện, Bangladesh và Pakistan, cũng như mối quan hệ Nga-Trung chặt chẽ hơn trong bối cảnh cuộc chiến ở Ukraine.

Sự hiện diện của vũ khí Ấn Độ ở Ukraine vẫn chưa được xác nhận. Việc Nga sử dụng thiết bị và đạn dược do Trung Quốc sản xuất đã được thực hiện, mặc dù việc cung cấp trực tiếp từ Bắc Kinh vẫn chưa được chứng minh.

Newsweek đã liên hệ với chính quyền Ấn Độ, Nga và Trung Quốc để bình luận qua email.

Mỹ xác nhận vào tháng 3 năm 2023 rằng đạn pháo của Trung Quốc được phát hiện sử dụng trên chiến trường Ukraine. Lực lượng Ukraine cũng cho biết đã tìm thấy đạn dược do Trung Quốc sản xuất, mặc dù không rõ nguồn gốc của số đạn này và chúng được cung cấp khi nào. Mạc Tư Khoa được cho là đang nhận lô hàng vũ khí trực tiếp từ Bắc Hàn và Iran.

Trung Quốc đã nhiều lần phủ nhận việc hỗ trợ hành động xâm lược của Nga bằng viện trợ trực tiếp, tự coi mình là một cường quốc trung lập và là trọng tài tiềm năng trong bất kỳ cuộc đàm phán hòa bình nào trong tương lai. Nhưng mối quan hệ kinh tế, chính trị và quân sự ngày càng sâu sắc của Bắc Kinh với Mạc Tư Khoa cho thấy trên thực tế có sự ủng hộ cho cuộc chiến ở Ukraine.

4. Bản đồ Ukraine tiết lộ những bước tiến tiếp tục của Nga gần Bakhmut

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Ukraine Maps Reveal Continued Russian Advances Near Bakhmut”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Các lực lượng Nga vẫn đang tiến lên với cái giá phải trả rất cao ở miền đông Ukraine, khi các nhà lãnh đạo chính trị và quân sự ở Kyiv cảnh báo các đối tác phương Tây của họ rằng nguy cơ thất bại trên chiến trường vẫn còn.

Bản cập nhật mới nhất của Viện Nghiên cứu Chiến tranh ghi nhận thành công gần đây của lực lượng Mạc Tư Khoa xung quanh Bakhmut. Đây là thành phố bị phá hủy, biểu tượng cho cuộc chiến tranh tiêu hao và đẫm máu của Nga ở phía đông tỉnh Donetsk.

ISW viết: “Các lực lượng Nga gần đây cũng tiến về phía đông bắc và phía tây Bakhmut trong bối cảnh giao tranh liên tục diễn ra trong khu vực”. Các cảnh quay chiến đấu được định vị địa lý cho thấy những lợi ích của Nga xung quanh khu định cư Vesele ở phía đông bắc Bakhmut, gần Berestove ở phía đông bắc Bakhmut. Nó cho thấy quân đội Nga “đã chiếm được một phần lớn miền nam Ivanivske” đến phía tây Bakhmut.

Giao tranh đã diễn ra liên tục xung quanh thành phố bị tàn phá kể từ mùa hè năm 2022. Nó trở thành tâm điểm trong cuộc tấn công về phía đông của Nga vào cuối năm đó, cuối cùng rơi vào tay lực lượng Mạc Tư Khoa – dẫn đầu bởi lính đánh thuê của Tập đoàn Wagner được tăng cường bởi các chiến binh được tuyển mộ từ các nhà tù của Nga – vào tháng 5 năm 2023.

Các cuộc giao tranh giành giật vị trí qua lại vẫn tiếp tục kể từ đó. Các lực lượng Ukraine dường như có lợi thế ở đó ngay sau khi thành phố thất thủ và khi Kyiv phát động cuộc phản công vào mùa hè năm 2023. Tuy nhiên, lợi ích cuối cùng của họ tỏ ra rất ít ỏi.

Giao tranh tiếp diễn xung quanh Bakhmut là một phần trong xu hướng lớn hơn là Nga tiến dần dần trên mặt trận phía đông Ukraine, trải dài từ chiến trường rừng rậm Luhansk ở phía đông bắc đến vùng đồng bằng đầy rẫy pháo binh ở Zaporizhzhia ở phía đông nam.

Thành công đáng chú ý nhất gần đây của Nga là chiếm được khu định cư kiên cố Avdiivka ở ngoại ô phía tây bắc thành phố Donetsk, nơi đã trở thành điểm nóng kể từ khi Mạc Tư Khoa bắt đầu tấn công Ukraine vào năm 2014.

Quân Ukraine buộc phải rút lui về phía tây thị trấn, bị ném bom lượn của Nga và bị áp đảo bởi ưu thế pháo binh Nga. Các chỉ huy ở đó phàn nàn rằng họ không thể giữ vững khu vực do nguồn cung cấp đạn dược từ các đối tác phương Tây của Ukraine đột ngột sụt giảm.

Quân đội của Kyiv dường như đã ngăn chặn được phần lớn bước tiến của quân Nga ở các vùng nông thôn bên ngoài Avdiivka, nhưng giao tranh ác liệt vẫn tiếp diễn ở đó. Giao tranh ác liệt cũng đang diễn ra ở phía bắc tỉnh Donetsk, với quân đội Nga dường như hy vọng có thể tiến tới thành phố Lyman.

“ Các lực lượng Nga đã tiến hành một cuộc tấn công cơ giới hóa quy mô tiểu đoàn gần Tonenke phía tây Avdiivka vào khoảng ngày 30 tháng 3 và một cuộc tấn công cơ giới hóa quy mô trung đội được tăng cường gần Terny phía tây Kreminna vào khoảng ngày 3 tháng 4”.

“Quy mô của các cuộc tấn công cơ giới gần đây có thể cho thấy quân đội Nga hiện đang ưu tiên các hoạt động tấn công theo hướng Avdiivka, Bakhmut và Lyman.”

5. Thống đốc Ukraine cho biết cuộc không kích của Nga vào Zaporizhzhia của Ukraine khiến 2 người thiệt mạng, 6 người khác bị thương

Nga đã tấn công cường tập vào Ukraine trong ngày Thứ Sáu, 5 Tháng Tư, để trả đũa vụ tấn công bằng máy bay không người lái của Ukraine vào căn cứ không quân Morozovsk và căn cứ không quân Engels.

Thống đốc khu vực chiều thứ Sáu cho biết một cuộc không kích của Nga nhằm vào thành phố Zaporizhzhia ở miền nam Ukraine đã khiến 2 người thiệt mạng và 6 người khác bị thương.

Ivan Fedorov nói thêm trên Telegram rằng một cậu bé chín tuổi và mẹ cậu nằm trong số những người bị thương. Hình ảnh được thống đốc đăng tải cho thấy một quán cà phê có cửa sổ vỡ vụn.

Một loạt vụ nổ đã được báo cáo tại thành phố Zaporizhzhia hôm thứ Sáu.

6. Bác sĩ không biên giới nói cuộc tấn công hỏa tiễn của Nga 'phá hủy hoàn toàn' văn phòng của họ

Tổ chức nhân đạo Bác sĩ không biên giới, gọi tắt là MSF, hôm thứ Sáu cho biết, một cuộc tấn công bằng hỏa tiễn của Nga vào thị trấn Pokrovsk do Ukraine nắm giữ đã “phá hủy hoàn toàn” văn phòng của tổ chức này trong thị trấn.

MSF cho biết họ “lên án cuộc tấn công vào văn phòng, nơi hỗ trợ hỗ trợ nhân đạo y tế khẩn cấp”.

“Cuộc tấn công vào văn phòng của chúng tôi không phải là một vụ việc cá biệt. Vincenzo Porpiglia, điều phối viên khẩn cấp của MSF ở Ukraine cho biết, việc phá hủy cơ sở hạ tầng dân sự đã là dấu ấn của cuộc chiến này trong một thời gian dài”.

Cảnh sát Ukraine cho biết có 5 thường dân bị thương trong cuộc tấn công.

7. Mạc Tư Khoa cho biết máy bay không người lái của quân đội Ukraine tấn công nhà máy hạt nhân, không phát hiện thiệt hại nghiêm trọng nào

Phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Nga Maria Zakharova cáo buộc máy bay không người lái của quân đội Ukraine đã tấn công nhà máy hạt nhân Zaporizhzhia nhưng không gây ra thiệt hại nghiêm trọng nào.

Trước đây, cả hai bên đều cáo buộc nhau pháo kích vào nhà máy, khiến cả 6 lò phản ứng của bên nào đều không hoạt động.

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv hôm Thứ Bẩy, 6 Tháng Tư, phát ngôn nhân Cục Tình Báo Quân Đội Ukraine, Thượng Úy Andriy Yusov, cho biết cáo buộc của Nga là không đúng sự thật và nhằm mục đích bôi nhọ quân đội Ukraine.

8. Bộ Ngoại giao Nga cho biết hôm thứ Sáu rằng Nga đã triệu tập đại sứ Nam Hàn để phản đối các lệnh trừng phạt của Hán Thành đối với các cá nhân và pháp nhân Nga.

Nam Hàn đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với hai tàu Nga mà nước này cho rằng đang chở hàng hóa quân sự tới Bắc Hàn. Hán Thành hôm thứ Ba cho biết họ cũng đã trừng phạt hai tổ chức của Nga và hai công dân Nga có liên quan đến các chương trình hạt nhân và hỏa tiễn của Bình Nhưỡng.

Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết Nga coi quyết định của Nam Hàn là một động thái không thân thiện và sẽ đáp trả vào thời điểm thích hợp.

9. Bộ Quốc phòng Đức hôm nay cho biết rất có thể Nga đứng đằng sau những vụ xáo trộn ảnh hưởng đến việc định vị GPS ở khu vực Baltic.

Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius cho biết: “Sự gián đoạn dai dẳng đối với hệ thống vệ tinh định vị toàn cầu rất có thể bắt nguồn từ Nga và dựa trên sự gián đoạn trong phổ điện từ, bao gồm cả những sự gián đoạn bắt nguồn từ tỉnh Kaliningrad”.

Diễn biến này xảy ra sau khi các máy bay bay qua khu vực Baltic đang báo cáo số lượng tín hiệu GPS bị mất hoặc bị giả mạo ngày càng tăng - và Nga được coi là thủ phạm nhiều khả năng nhất.

Các đợt mất sóng - được gọi là gây nhiễu GPS - đã xảy ra thường xuyên kể từ khi bắt đầu cuộc chiến ở Ukraine vào năm 2022. Tình trạng gây nhiễu dường như tập trung xung quanh vùng ngoại ô Kaliningrad của Nga - một khu vực quân sự quan trọng đối với Mạc Tư Khoa.

Các trường hợp phá GPS do phi công báo cáo “đã gia tăng đều đặn kể từ Tháng Giêng năm 2022”. Vấn đề dường như đang trở nên tồi tệ hơn.

“Trong hai tháng đầu năm 2024, EVAAIR ghi nhận số lượng báo cáo ngừng hoạt động GPS tăng cao. Theo số liệu tuyệt đối, chúng tôi đã nhận được 985 vụ ngừng hoạt động GPS so với 1.371 vụ trong cả năm 2023,” Eurocontrol cho biết và nói thêm rằng số sự việc trong hai tháng đầu năm nay nhiều hơn gần bảy lần so với hai tháng đầu năm 2023.

Vào tối Chúa Nhật vừa qua, một hồ sơ tình báo nguồn mở trên X,, có tên là Markus Jonsson nói rằng việc gây nhiễu GPS ở khu vực Baltic đã diễn ra “trong 47 giờ liên tục, khiến đây là lần hoạt động dài nhất từ trước đến nay” ảnh hưởng nghiêm trọng đến “1.614 máy bay”, nhưng con số thực tế có thể cao hơn.

10. Thống đốc khu vực Nga vào bệnh viện sau vụ tấn công bằng dao

Thống đốc tỉnh Murmansk, Andrei Chibis, đang được điều trị y tế tại bệnh viện trung tâm thành phố Apatity-Kirov ở Apatity, vùng Murmansk, Nga.

Thống đốc vùng Murmansk xa xôi phía bắc của Nga đã phải vào bệnh viện hôm thứ Sáu sau khi bị một người đàn ông đâm, phát ngôn nhân của ông cho biết.

Andrey Chibis, 45 tuổi, bị đâm vào bụng vào tối thứ Năm bên ngoài một trung tâm văn hóa ở thị trấn Apatity, nơi anh đang tổ chức một cuộc họp.

“Bây giờ anh ta đang trong tình trạng hậu phẫu. Còn quá sớm để đưa ra dự đoán về sự hồi phục của anh ta và sẽ mất bao lâu”, Liliya Sechkina nói với đài truyền hình nhà nước Nga.

Chibis cho biết trong một video đăng trên Telegram từ giường bệnh của anh ta vào sáng sớm thứ Sáu rằng anh ta đã “sống lại” sau cuộc phẫu thuật và các bác sĩ đã cứu sống anh ta.

Các nhà điều tra cho biết kẻ tấn công đã bị giam giữ và dự kiến sẽ trải qua “cuộc kiểm tra tâm thần”. Họ nói thêm: “Trong quá trình thẩm vấn, người đàn ông giải thích rằng anh ta thực hiện vụ tấn công vì cảm thấy không thích thống đốc, mặc dù anh ta không biết cá nhân ông ta”.

Chibis là thành viên của đảng cầm quyền Nước Nga Thống nhất của Putin và đã cai trị vùng Murmansk từ năm 2019. Ông bị Liên Hiệp Âu Châu trừng phạt vào năm 2022 vì ủng hộ cuộc tấn công Ukraine của Điện Cẩm Linh.
 
Vị Giáo Hoàng tương lai là ai? ĐHY Pizzaballa, ứng viên Giáo Hoàng sáng giá. Ma quỷ có thể hoán cải?
VietCatholic Media
17:49 06/04/2024


1. Vị Giáo Hoàng tương lai là ai? Sự trỗi dậy mạnh mẽ của Hồng Y Pizzaballa trong tư cách ứng viên Giáo Hoàng sáng giá

Edward Pentin của tờ National Catholic Register cho biết như trên trong bài “Cardinal Pizzaballa’s Meteoric Rise to ‘Papabile’”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

“Đây sẽ là một lễ Phục sinh khó khăn,” Đức Hồng Y Pierbattista Pizzaballa nói với truyền hình Ý vào tuần trước khi ngài đưa ra đánh giá nghiệt ngã về cuộc khủng hoảng nhân đạo ngày càng tồi tệ ở Gaza, nơi bị chiến tranh tàn phá. Kêu gọi cộng đồng quốc tế nhanh chóng chấm dứt cuộc chiến giữa Israel-Hamas, ngài nói rằng ngài đang nghĩ đến “nỗi cô đơn của Chúa Giêsu trong vườn Giệtsimani, hiện được chia sẻ bởi tất cả chúng ta”.

Đức Thượng Phụ Pizzaballa mới nhậm chức Hồng Y được một tuần khi Hamas phát động các cuộc tấn công tàn khốc ở miền nam Israel vào tháng 10 năm ngoái, đẩy khu vực này – và Đức Thượng Phụ người Latinh gốc Ý ở Giêrusalem – vào một giai đoạn mới của cuộc xung đột mà ngài biết rất rõ.

Đã lên kế hoạch ở lại Rôma trong thời gian diễn ra Thượng hội đồng về tính đồng nghị vào tháng 10, vị thượng phụ dòng Phanxicô buộc phải đột ngột trở về Thánh địa, quê hương của ngài trong 34 năm qua, để chăm sóc đàn chiên của mình một lần nữa bị kẹt trong làn đạn của cuộc xung đột Israel-Palestine.

Bị giam giữ trong tòa thượng phụ khi sự thù địch leo thang, Đức Hồng Y Pizzaballa nói rằng việc giam giữ đã cho ngài thời gian để suy ngẫm về ý nghĩa của việc trở thành một Hồng Y ở đó và rằng màu đỏ của Hồng Y, biểu thị sự sẵn sàng đổ máu của các Hồng Y, đã mang “một ý nghĩa sâu sắc được đánh dấu bằng nhiều nỗi buồn, nhiều khó khăn.”

Hai tuần sau khi trở về, ngài đã soạn một lá thư giáo phận có lối diễn đạt cẩn thận và cân bằng tinh tế lên án mạnh mẽ cả hành vi tàn bạo của Hamas cũng như mức độ trả thù của Israel, đồng thời kêu gọi người dân trong khu vực quay về với Chúa Kitô và “sự can đảm của tình yêu và hòa bình” của Tin Mừng.

Ngay sau khi xung đột nổ ra, ngài nói rằng ngài sẵn sàng đổi mình lấy các con tin trẻ em Israel đang bị Hamas bắt giữ ở Gaza, gây xôn xao dư luận khắp thế giới và, mặc dù chỉ mới 58 tuổi và được phong Hồng Y chỉ trong vài tuần, các diễn biến này đã đưa ngài vào hàng ngũ papabile, tức là các ứng viên Giáo Hoàng sáng giá.

Không ngại lên tiếng trước tình trạng bạo lực và bất công đang tàn phá khu vực, ngài đã cố gắng đối xử với cả hai bên một cách bình tĩnh, nhưng có thể cho là có nhiều thiện cảm hơn đối với người dân Palestine, những người mà ngài coi là “vẫn đang chờ đợi quyền lợi của mình, phẩm giá hoặc sự công nhận của họ.”

Tất nhiên, trong số họ có những người Palestine theo Kitô giáo, và ngài coi toàn bộ người theo Kitô giáo ở Thánh địa, giống như những người Hồi giáo ở Palestine, là những người ngoài cuộc. Ngài nói với tạp chí America rằng trung tâm của Giáo hội “về mặt thiêng liêng và thần học” là Giêrusalem. “Bởi vì mọi thứ đều được sinh ra ở đây. Đồng thời, chúng tôi cũng thuộc loại ngoại vi.”

Quan điểm của ngài đôi khi gây ra phản ứng từ người Israel, những người gần đây nhất đã chỉ trích ngài vì đã ký một tuyên bố lên án các cuộc tấn công của Israel nhằm vào dân thường và kêu gọi giảm leo thang xung đột.

Lực Lượng Phòng Vệ Israel, gọi tắt là IDF, cũng bác bỏ tuyên bố của Đức Thượng Phụ rằng một tay súng bắn tỉa của IDF đã giết chết một bà mẹ và con gái tại một giáo xứ Công Giáo ở Gaza, nhấn mạnh rằng IDF “không tấn công vào dân thường, bất kể tôn giáo của họ” và rằng việc xem xét những phát hiện hoạt động của họ đã hỗ trợ cho tuyên bố của họ.

Chưa hết, trong khi một số người Israel có thể nghi ngờ, ngài lại được tổng thống quốc gia, Isaac Herzog, người đã biết Đức Hồng Y Pizzaballa hơn hai thập kỷ, đánh giá cao. Họ gặp nhau lần đầu tiên khi cả hai làm việc cùng nhau để điều phối chuyến hành hương tới Giêrusalem năm 2000 của Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II - Herzog là thư ký nội các vào thời điểm đó, và Cha Pizzaballa lúc đó là tổng đại diện của Tòa Thượng Phụ Latinh tại Giêrusalem để chăm sóc mục vụ cho người Công Giáo nói tiếng Do Thái ở Israel.

Herzog đã ca ngợi Đức Hồng Y Pizzaballa là “một người thông minh”, một nhà lãnh đạo “hiểu biết và cực kỳ nhạy cảm về những vấn đề phức tạp trong khu vực của chúng ta”, người “được sự tin tưởng của tất cả các bên liên quan ở Jordan, Lãnh thổ Palestine và Israel”. Họ “vô cùng tôn trọng cha ấy,” Herzog nói. “Tên của cha ấy nổi bật.”

Hồng Y Pizzaballa là ai?

Nhưng vị Hồng Y thực sự là ai, và làm thế nào ngài lại nổi lên trong một thời gian tương đối ngắn như vậy?

Sinh ra ở Cologno al Serio gần thành phố Bergamo ở miền bắc nước Ý vào năm 1965, Pierbattista Pizzaballa gia nhập tiểu chủng viện Phanxicô ở Bologna năm 1976 và khấn trọn đời ở tuổi 24 vào năm 1989. Sau khi lấy bằng cử nhân thần học của Giáo hoàng Đại học Antonianum, ngài được thụ phong linh mục năm 1990 bởi Đức Hồng Y Giacomo Biffi của Bologna.

Sau đó, chàng trai trẻ dòng Phanxicô tiếp tục nghiên cứu thần học Kinh thánh, dạy tiếng Do Thái trong Kinh thánh ở Giêrusalem, và vào năm 2004, ở tuổi 39, vị linh mục được bổ nhiệm làm người trông coi Thánh địa - thực chất là bề trên cao cấp của Dòng Anh em Hèn mọn sống khắp Trung Đông.

Nhiệm vụ chính của ngài, ngoài việc cổ vũ đời sống của các tu sĩ, là bảo đảm “quyền trông coi” các thánh địa trong khu vực, cũng như điều phối và chỉ đạo việc tiếp đón những người hành hương đến thăm Thánh địa. Là một bề trên nổi tiếng, Cha Pizzaballa đã ba lần được bầu vào vai trò đó.

Giampiero Sandionigi, biên tập viên của tờ Terrasanta.net do dòng Phanxicô điều hành, thường xuyên làm việc với Đức Hồng Y Pizzaballa, nói với Register rằng những phẩm chất của ngài “có ở đó cho tất cả mọi người thấy: sự thẳng thắn, lòng can đảm, phong cách phi giáo sĩ, sự cởi mở để gặp gỡ người khác, con người, và sự nhanh nhẹn được hỗ trợ bởi sức khỏe tốt.”

Thừa nhận kỹ năng ngoại giao và chuyên môn của ngài, Đức Thánh Cha Phanxicô đã giao cho ngài vai trò quan trọng trong việc tổ chức buổi cầu nguyện cho hòa bình tại Vườn Vatican vào năm 2014, quy tụ Tổng thống Israel lúc bấy giờ là Shimon Peres, nhà lãnh đạo Palestine Mahmoud Abbas, Đức Giáo Hoàng và Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô.

Một tháng sau khi từ chức giám quản vào năm 2016, Cha Pizzaballa được Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm làm giám mục và giám quản tông tòa của Tòa Thượng phụ Latinh tại Giêrusalem, nơi đang phải gánh chịu những khoản nợ lớn – những vấn đề mà đến năm 2020 ngài đã giải quyết một cách hiệu quả bằng cách thành lập một cơ quan kinh tế được gọi là ban cố vấn bao gồm các chuyên gia tài chính và đưa ra lời kêu gọi thành công thông qua Dòng Anh Em Hèn Mọn ở Mộ Thánh, trong đó ngài là nhà lãnh đạo.

Các vị trí trách nhiệm khác cũng được đưa ra, lần đầu tiên trở thành thành viên của Bộ Giáo hội Đông phương vào năm 2017 và sau đó, vào tháng 10 năm 2020, Thượng phụ Latinh của Giêrusalem, phục vụ những người Công Giáo theo Nghi thức Latinh trên một khu vực rộng lớn: Síp, Jordan, Israel và Palestine. Ba năm sau, Đức Thánh Cha Phanxicô thăng ngài lên Hồng Y.

Tác giả người Ý Graziano Motta tin rằng chắc chắn chính “kiến thức về ngôn ngữ Do Thái và văn hóa tôn giáo” của Đức Hồng Y Pizzaballa đã giúp ngài có được vị thế tốt như vậy, mang lại cho ngài một “điểm bổ sung quan trọng” trong cuộc đối thoại với Israel. “Tuy nhiên, trên hết,” Motta nói với La Nuova Bussola Quotidiana, ngài được công nhận vì sự hiểu biết sâu sắc về “thực tế tôn giáo và chính trị Ả Rập-Hồi giáo của khu vực” cũng như những thách thức mà cộng đồng Kitô giáo nhỏ bé đang phải đối mặt.

Linh mục Dòng Tên David Neuhaus, một người cải đạo từ Do Thái giáo và là cựu đại diện Đức Thượng Phụ cho những người Công Giáo nói tiếng Do Thái tại Tòa Thượng Phụ Latinh ở Giêrusalem, lưu ý rằng Đức Hồng Y Pizzaballa là “một người Ý, thấm nhuần xã hội và văn hóa Do Thái và Israel trong nhiều năm”. “mục tử của một Giáo hội chủ yếu là người Ả Rập và Palestine.”

“Tuy nhiên, ngay cả khi cố gắng tìm ra giải pháp trong tình thế rất khó chịu này, luôn gặp cả người Israel gốc Do Thái và người Ả Rập Palestine, ngài vẫn ý thức rằng mình là mục tử ở Giêrusalem, và do đó được mọi người Công Giáo, mọi Kitô hữu ở khắp mọi nơi tuân theo.”

Nhìn chung, ngài nói với Register, Đức Hồng Y Pizzaballa “là một nhà lãnh đạo, một người hướng về thế giới, thông minh, suy tư, một người cầu nguyện”.

“Khi tôi nghĩ về ngài tôi bị ấn tượng bởi 'tính Công Giáo' của những. Ngài là kiểu người Công Giáo phổ quát, người đã vượt qua bối cảnh của chính mình bằng nhiều cách và cởi mở với Giáo hội phổ quát.”

Một giáo sĩ có 'tầm vóc vĩ đại'

François Vayne, giám đốc truyền thông của Grand Magisterium of the Order of the Holy Sepulcher, đã biết rõ về Đức Thượng phụ Pizzaballa trong 10 năm. Phát biểu với Register vừa trở về sau chuyến hành hương kéo dài một tuần tới Thánh địa với Đức Hồng Y, ngài nói rằng ngài là một nhân vật của Giáo hội “có tầm vóc vĩ đại, với những ý tưởng giáo hội học và truyền giáo học rất rõ ràng”.

Truyền giáo học là lĩnh vực thần học nghiên cứu về mệnh lệnh, sứ điệp và công việc của nhà truyền giáo Kitô.

Vayne nói thêm: “Không có sự nhầm lẫn nào trong suy nghĩ thần học của ngài, vốn mang tính Công Giáo đích thực, kết hợp hài hòa giữa lòng trung thành và sự cởi mở”. “Nhanh chóng, hiệu quả và trực tiếp, ngài thực thi quyền lực tự nhiên của mình trong cuộc đối thoại tôn trọng với các cố vấn của mình.”

Ngài nói thêm: “Ý thức nhạy bén của ngài về thực tế là một tài sản trong công việc mục vụ, được ngài giải quyết một cách sáng suốt và quyết đoán, giống như một nông dân Lombard”.

Lưu ý rằng ngài không chỉ giúp giải quyết tình hình tài chính tồi tệ của Tòa Thượng Phụ mà còn nhận xét rằng ngài đã khôi phục nó để có “một động lực tông đồ mới”.

Vayne nói: “Sự chính trực và đoàn kết khiến ngài trở thành người thừa kế tinh thần xứng đáng của Đức Thượng Phụ Latinh đầu tiên, Giuseppe Valerga, được Đức Piô IX bổ nhiệm.”

Cha Neuhaus nói rằng điều “chắc chắn” khiến ngài tập trung “là việc ngài tận tâm suy niệm lời Chúa,” và ngài nhận thấy rằng “việc giảng dạy và rao giảng, các bài phát biểu trước công chúng và các thông điệp của ngài đều lấy Phúc Âm làm cốt lõi.”

Đức Hồng Y Pizzaballa rất thân thiết với Đức Thánh Cha Phanxicô, một phần được chứng minh qua sự thăng tiến ổn định và tương đối nhanh chóng của ngài trong các cấp bậc giáo hội trong triều đại giáo hoàng này, nhưng cũng qua sự ủng hộ công khai của ngài đối với Đức Giáo Hoàng. Về phần mình, Đức Thánh Cha gần đây đã mô tả ngài là “một nhân vật quan trọng”, người “di chuyển tốt” và cố gắng hòa giải, và cả hai vẫn giữ liên lạc thường xuyên trong cuộc xung đột hiện tại.

Ngài đã thể hiện sự ủng hộ dành cho Đức Phanxicô trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là về đối thoại liên tôn. Đức Thượng phụ đã ủng hộ thông điệp Fratelli Tutti (Tất cả anh em) năm 2020 của Đức Thánh Cha và tài liệu “Tình huynh đệ nhân loại” gây tranh cãi của ngài được Đức Thánh Cha Phanxicô và đại giáo sĩ của Đại học Al-Azhar ký vào năm 2019. Những cử chỉ như vậy đã có “tác động to lớn” đến ý thức của công chúng Ả Rập, ngay cả khi Thượng phụ Pizzaballa nói với sự thẳng thắn đặc trưng, không ai trong thế giới Ả Rập đọc những tài liệu như vậy.

Ngài cũng ủng hộ thông điệp môi trường Laudato Si (Chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta) của Đức Thánh Cha, phát biểu tại một hội nghị năm 2015 rằng nghiên cứu khoa học về việc phân phối công bằng các tài sản chung như nước và năng lượng “không thể tách rời” thông điệp của thông điệp, “chỉ ra việc xã hội hóa những hàng hóa cơ bản này.” Việc tiếp cận năng lượng và đặc biệt là nước thường được coi là trọng tâm để hiểu được cuộc xung đột ở Thánh địa.

Trong bài giảng lễ trở thành Hồng Y, Đức Thượng phụ Pizzaballa bày tỏ sự tôn trọng đối với chức vụ của Thánh Phêrô, đồng thời thẳng thắn nhìn nhận những vấn đề hiện tại. Ngài lưu ý cách Thánh Phêrô có thể “khám phá tình yêu trong sự thất bại của chính ngài” và kêu gọi các tín hữu, cùng với Thánh Phêrô, “nhìn vào Chúa Kitô một lần nữa”. Ngài nói, trong “những thời điểm mất phương hướng và bối rối lớn lao này, Giáo hội được mời gọi bắt đầu lại từ Chúa Kitô, là Thầy và là Chúa”.

Các nhà quan sát Giáo hội đã mô tả vị Hồng Y này là người “hiện đại”, và ngài có quan điểm thời thượng về vị Hồng Y tương tự như quan điểm của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, nhận xét rằng “các Hồng Y trong thời đại chúng ta không còn là các hoàng tử của Giáo hội nữa mà là những tôi tớ của Giáo hội và dân Chúa.”

Nhưng ngài cũng có vẻ sẵn sàng duy trì truyền thống. Cha Neuhaus cho biết: “Đức Hồng Y rất tỉ mỉ trong việc cử hành phụng vụ và không có vấn đề gì với Thánh lễ truyền thống”, đồng thời cho biết thêm rằng ngài “tuân thủ cẩn thận các hướng dẫn của Tòa thánh”.

Mặc dù vậy, Cha Neuhaus tin rằng vấn đề này “khá gây tranh cãi” vì Đức Hồng Y đang đắm chìm trong “sự đa dạng lớn lao của các nghi thức trong Giáo Hội Công Giáo (tiếng Latin, Byzantine, Maronite, Syria, Armenia)”. Nhưng khi nhu cầu về Thánh lễ truyền thống tăng lên, thường là từ người nước ngoài, Cha Neuhaus cho biết Đức Hồng Y “có một số linh mục (một linh mục triều và một số linh mục dòng) có thể cử hành Thánh lễ truyền thống khi có nhu cầu”.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều điều chưa biết về vị Hồng Y Thượng phụ, đặc biệt là suy nghĩ của ngài về các vấn đề đương đại, vì ngài thường cảnh giác trước việc bị lôi kéo vào những tranh chấp của Giáo hội về giáo lý, thần học và chính trị giáo hội.

Tuy nhiên, về hòa bình, anh ta có rất nhiều điều để nói. Viết lời bạt cho cuốn sách mới có tựa đề Francis of Assisi: A Restless Life của Tu sĩ dòng Phanxicô Massimo Fusarelli, ngài nhấn mạnh sự cần thiết phải có một “sự điên rồ” thánh thiện để đạt được hòa bình, tương tự như đường lối mà Thánh Phanxicô Assisi đã thực hiện khi gặp quốc vương ở Thánh địa vào năm 1219 trong cuộc Thập tự chinh.

Đức Hồng Y Pizzaballa nói, “Sứ mệnh của Thánh Phanxicô, không giải quyết được bất kỳ vấn đề chính trị nào vào thời đó” nhưng cho thấy một phương pháp “gặp gỡ” mà theo ngài, vẫn còn phù hợp với cuộc xung đột ở Thánh địa ngày nay.

Việc sẵn sàng từ bỏ “điều gì đó của riêng mình, tầm nhìn, quan điểm, kỳ vọng” đòi hỏi “lòng can đảm và sự điên rồ” và “con đường hoán cải”. Ngài nói, đó là việc “thay đổi cách suy nghĩ của bạn, giải phóng tâm hồn bạn khỏi tinh thần bạo lực, chinh phục và trả thù” và vượt qua “các ranh giới sắc tộc, tôn giáo và bản sắc” vốn “được khắc ghi rất cứng nhắc trong lương tâm của những nhóm dân cư này. “

Ngài nói rằng giấc mơ của ngài là sự “điên rồ” như vậy giữa các Kitô hữu sẽ tạo ra sự khác biệt, nơi mà “người khác không phải là đối thủ; nhưng là anh chị em với nhau.”

Đối với chúng tôi, ngài nói thêm, “căn tính Kitô giáo không phải là một bức tường thành để bảo vệ, mà là một ngôi nhà hiếu khách và một cánh cửa mở ra mầu nhiệm Thiên Chúa và con người, nơi mọi người đều được chào đón”.

Ngài kết luận: “Người nghèo khổ ở Assisi, tám thế kỷ trước, đã cho chúng ta thấy rằng sự điên rồ này vẫn có thể xảy ra”. “Bây giờ, điều đó tùy thuộc vào chúng ta để quyết định xem có nên can đảm chọn sống theo sự điên rồ của Tin Mừng này hay không.”


Source:National Catholic Register

2. Nhật ký trừ tà số 283: Ma quỷ có thể hoán cải được không?

Đức Ông Stephen Rossetti là một linh mục ở Giáo phận Syracuse, phó giáo sư nghiên cứu tại Đại học Công Giáo Hoa Kỳ và tích cực tham gia vào mục vụ trừ tà trong 13 năm qua. Trên trang web catholicexorcism.org, ngài có bài viết nhan đề “Exorcist Diary #283: Can demons be converted?”, nghĩa là “Nhật ký trừ tà số 283: Ma quỷ có thể hoán cải được không?”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Gần đây tôi đã nhận được “những mạc khải tư” từ những người khác nhau cho rằng Chúa Giêsu đã nói với họ rằng ma quỷ có thể được hoán cải. Một số thực sự đang tham gia vào việc tương tác và cầu nguyện cho ma quỷ, do đó tin rằng họ đang tạo điều kiện cho ma quỷ hoán cải và lên thiên đường. Một người đã nói với tôi: “Nếu Thiên Chúa toàn năng và đầy lòng thương xót, tại sao Ngài không ban ơn hoán cải cho ma quỷ và thậm chí cả Satan?”

Giáo huấn và truyền thống lâu đời của Giáo Hội rất rõ ràng: “Chính đặc tính không thể thay đổi trong sự lựa chọn của họ, chứ không phải khuyết điểm trong lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa, đã khiến tội lỗi của các thiên thần sa ngã không thể tha thứ được. 'Không có sự ăn năn đối với các thiên thần sau khi sa ngã, cũng như không có sự ăn năn đối với loài người sau khi chết.” Sách giáo lý Công Giáo điều 272. Ngay từ đầu, các thiên thần đã được truyền cho kiến thức về tất cả các hậu quả của việc từ chối Chúa, tuy nhiên một số thiên thần đã chọn làm như vậy. Xét về lý trí, điều đó có vẻ vô lý, nhưng sự lựa chọn cái ác luôn đi ngược lại lý trí.

Tôi thường trích dẫn cuộc trao đổi giữa tôi với ma quỷ trong một cuộc trừ quỷ, khiến chúng phải đối mặt với Sự Thật và do đó tạo điều kiện thuận lợi cho việc trục xuất chúng:

Tôi nói: “Nhân danh Chúa Giêsu, tôi ra lệnh cho mi phải nói cho tôi biết sự thật. Mi có đưa ra một quyết định sai lầm khi từ chối Chúa không?” Với một tiếng gầm gừ khó chịu, lũ quỷ trả lời: “Có.”

Sau đó tôi nói: “Nhân danh Chúa Giêsu, hãy nói cho tôi biết sự thật. Bây giờ mi có đang đau khổ vì điều đó không? Một lần nữa, một tiếng gầm gừ khó chịu, “Có.”

Cuối cùng tôi nói: “Nhân danh Chúa Giêsu, hãy nói sự thật. Mi có thay đổi quyết định của mình nếu có thể không?” Với một tiếng gầm gừ đầy ác độc, lũ quỷ nói: “Không!”

Những mạc khải tư của những người được cho là tiên kiến phải luôn tuân theo truyền thống và thẩm quyền giảng dạy của Giáo Hội mà Chúa Giêsu đã thành lập và được ngài trao quyền. Lịch sử đầy rẫy những ảo tưởng sai lầm và những dự án sai lầm. Những người đi theo những người lạc lối này đang tự đặt mình vào tình thế nguy hiểm về đàng thiêng liêng.

Một loạt “mạc khải tư” gần đây về việc hoán cải ma quỷ đến từ nhiều nguồn khác nhau và gợi ý cho tôi rằng Ma quỷ đang sử dụng điều này như một chiến thuật ma quỷ khác. Nó đang gieo mầm mống hoang mang và nghi ngờ, nếu không nói là lừa dối trắng trợn và thúc đẩy những thực hành tâm linh nguy hiểm.

Ác ma muốn chúng ta lôi kéo hắn và lũ quỷ của hắn. Chúng là những kẻ thao túng bậc thầy. Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhiều lần cảnh báo các tín hữu không được giao tiếp trực tiếp với ma quỷ. Điều đó thậm chí còn bị cấm đối với các nhà trừ quỷ ngoại trừ một số trường hợp hạn chế liên quan trực tiếp đến việc trừ quỷ.

Hơn nữa, những người tin rằng họ đang lắng nghe Chúa Giêsu, nhưng trên thực tế, có thể đang nghe theo những ảo tưởng tâm linh của chính họ hoặc tệ hơn nữa, những lời thì thầm của Satan thì có thể đang gặp nguy hiểm nghiêm trọng về mặt tâm linh.

Hãy ở yên trong con thuyền của Thánh Phêrô. Hãy tuân thủ những lời dạy an toàn và bảo mật của Kinh thánh cũng như những lời dạy có thẩm quyền của Giáo Hội Công Giáo. Chắc chắn nhất, chiếc thuyền này sẽ vượt qua mọi cơn bão ma quỷ và đưa anh chị em về nhà an toàn.


Source:Catholic Exorcism

3. Tiến sĩ George Weigel: Một Cải Cách Kiểu Đồng Nghị cho Cơ Mật Viện Bầu Giáo Hoàng à? Không được đâu!

Tiến sĩ George Weigel là thành viên cao cấp của Trung tâm Đạo đức và Chính sách Công cộng Washington, và là người viết tiểu sử Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Ông vừa có bài viết nhan đề “A ‘SYNODAL REFORM’ OF THE PAPAL CONCLAVE?”, nghĩa là “Một “Cải Cách Kiểu Đồng Nghị” cho Cơ Mật Viện Bầu Giáo Hoàng à?” Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

Khi người Mỹ kỷ niệm Ngày Lễ Tạ ơn vào ngày 23 tháng 11, những đồng bào Công Giáo của tôi có thể dành chút thời gian để cảm ơn về một tông hiến 120 năm tuổi mà hầu như không ai nhớ đến—nhưng tông hiến đó đang khẳng định lại sự liên quan của nó trong thời điểm Công Giáo đầy rắc rối này.

Trong nhiều thế kỷ, các Giáo Hoàng đã thực thi chủ quyền đối với một vùng rộng lớn ở miền trung nước Ý được gọi là Lãnh thổ Giáo Hoàng. Trong số nhiều cách mà sự sắp xếp này cản trở sứ mệnh truyền giáo của Giáo Hội Công Giáo, cần phải đề cập đến việc Đức Giáo Hoàng là người có quyền lực trần thế trên những vùng đất cần phải được bảo vệ chắc chắn, và điều đó đã khiến Giáo hội vướng vào nền chính trị quyền lực của Âu Châu. Sự vướng mắc không đáng có này đã dẫn đến ius exclusivae hay quyền phủ quyết, theo đó các quốc vương Công Giáo ở Tây Ban Nha, Pháp và Áo được phép tuyên bố quyền phủ quyết một ứng cử viên cho chức Giáo Hoàng mà người này, người kia hoặc người nọ không thích.

Ius exclusivae chưa bao giờ được Giáo hội chính thức thừa nhận, nhưng chính trị Âu Châu là như vậy, trong một số trường hợp ở thời hiện đại, mật nghị bầu chọn Giáo Hoàng cảm thấy rằng cần phải chú ý đến bóng đen của chế độ quân chủ. Vì vậy, trong mật nghị năm 1823, được kêu gọi bầu người kế vị Đức Giáo Hoàng Piô Đệ Thất, Hoàng đế Francis Đệ Nhất của Áo đã loại bỏ tư cách ứng viên của Đức Hồng Y Antonio Severoli, dẫn đến việc bầu Đức Hồng Y Annibale della Genga làm Đức Giáo Hoàng Lêô thứ Mười Hai. Bảy năm sau, trong mật nghị kéo dài một tháng rưỡi trong năm 1830 và 1831, Vua Ferdinand Đệ Thất của Tây Ban Nha đã phủ quyết tư cách ứng viên của Đức Hồng Y Giacomo Giustiniani, một cựu sứ thần ở Tây Ban Nha, là người đã có ác cảm với hoàng hậu của Vua Ferdinand, dẫn đến việc bầu chọn Đức Hồng Y Mauro Cappellari, dòng Camaldol và là bộ trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin, làm Giáo Hoàng Grêgôriô thứ 16.

Sau đó, vào năm 1903, Đức Hồng Y Jan Puzyna của Cracow tuyên bố Hoàng đế Áo-Hung Franz Joseph có quyền phủ quyết đối với ứng viên hàng đầu, là Đức Hồng Y Mariano Rampolla, người có đường lối mềm dẻo với nền Cộng hòa thứ ba của Pháp mà hoàng đế Habsburg không đánh giá cao, và Pháp đang ở phía bên kia chiến tuyến của hệ thống liên minh Âu Châu vào thời điểm đó. Các Hồng Y đại cử tri không hài lòng, nhưng việc thực hiện ius exclusivae đã khiến Đức Hồng Y Rampolla không thể trở thành Giáo Hoàng và các đại cử tri cuối cùng chuyển sang ủng hộ Đức Hồng Y Giuseppe Sarto của Venice. Vào Tháng Giêng năm 1904, Đức Tân Giáo Hoàng Piô thứ Mười đã bãi bỏ ius exclusivae trong tông hiến Commissum Nobis, trong đó ngài ra vạ tuyệt thông tiền kết đối với bất kỳ ai dám can thiệp vào mật nghị trong tương lai và cảnh báo rằng làm như vậy sẽ gây ra “sự phẫn nộ của Thiên Chúa toàn năng và các Tông đồ của Ngài, Thánh Phêrô và Phaolô.”

Nhiều người ngày nay coi Commissum Nobis là đã lỗi thời. Nhưng không phải thế đâu. Gần đây có đề xuất – và không chỉ ở những khu vực nhạy cảm của giới bình luận Công Giáo – rằng triều Giáo Hoàng hiện nay đang xem xét một “cải cách” thủ tục mật nghị. Người ta suy đoán rằng một cuộc “cải cách” như vậy sẽ loại bỏ các Hồng Y trên 80 tuổi không có quyền bầu cử khỏi bất kỳ vai trò nào trong giai đoạn trống ngôi Giáo Hoàng, cấm các ngài tham gia các Tổng Công Nghị mà các ngài hiện có tiếng nói. Thay vào chỗ của các ngài sẽ là sự kết hợp giữa nam nữ giáo dân, giáo sĩ và tu sĩ. Các nhóm nhỏ, bao gồm cả các Hồng Y cử tri và những người khác, sau đó sẽ gặp nhau, sử dụng phương pháp “Đối thoại trong Thánh Thần” được hỗ trợ bởi Thượng hội đồng 2023 để “phân định” những gì Giáo hội cần ở một vị Giáo Hoàng mới.

Một số vấn đề nghiêm trọng hiện lên trong đầu tôi ngay lập tức. Mặc dù ngày nay có thể không có các quốc vương Công Giáo quan tâm đến việc gây ảnh hưởng đến mật nghị bằng quyền phủ quyết, nhưng các cường quốc trên thế giới khác chắc chắn sẽ cố gắng thực hiện các hình thức “phủ quyết” khác.

Việc mở ra các cuộc thảo luận trước bầu cử ngoài Hồng Y đoàn chắc chắn sẽ mang lại áp lực từ các phương tiện truyền thông thế giới và mạng xã hội, và những áp lực đó chắc chắn sẽ được thúc đẩy bởi các chương trình nghị sự. Các chính phủ thù địch với Giáo hội chắc chắn sẽ muốn đưa mái chèo của họ vào vùng nước mật nghị; Trung Quốc, Nga, Cuba và Venezuela là những cái tên được nhắc tới nhiều nhất và có thể còn có những nước khác. Sau đó, có những nhà bác ái tỷ phú hiểu rằng Giáo Hội Công Giáo là tổ chức toàn cầu lớn cuối cùng cản trở chương trình nghị sự cầu vồng về chuyển đổi xã hội thế giới mà họ đã thúc đẩy trong nhiều thập kỷ; những người đàn ông và phụ nữ này đã thấy phù hợp để đổ hàng triệu đô la vào các cuộc trưng cầu dân ý về phá thai ở các nước Công Giáo trong lịch sử, và không có lý do gì để nghĩ rằng họ sẽ nhượng bộ khi cố gắng sử dụng khối tài sản khổng lồ của mình để gây ảnh hưởng đến các cuộc thảo luận trước cuộc bỏ phiếu trong thời gian trống ngôi Giáo Hoàng, mà về mặt lý thuyết việc hình thành các cuộc thảo luận đó sẽ có ảnh hưởng quyết định đến cuộc bỏ phiếu khi các đại cử tri Hồng Y bị khóa trong mật nghị viện.

Những áp lực này vẫn sẽ hiện diện nếu các quy định hiện hành của mật nghị không bị thay đổi. Nhưng mà, việc mở các cuộc thảo luận trước khi bỏ phiếu cho những người không phải là Hồng Y trong khi bịt miệng tiếng nói của một số trưởng lão khôn ngoan nhất của Giáo hội khiến nhiều khả năng những áp lực đó sẽ có tác dụng thực sự.

Và điều đó thực sự không nên xảy ra.


Source:First Things