Ngày 10-03-2022
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Nâng cao những mong đợi
Lm. Minh Anh
00:21 10/03/2022

NÂNG CAO NHỮNG MONG ĐỢI
“Lạy Chúa, xin ban cho con lòng tin tưởng!”.

William Tyndale, người đầu tiên dịch Thánh Kinh từ tiếng Do Thái và Hy Lạp sang tiếng Anh. Năm 1535, bị bắt giam ở lâu đài Vilvoorde, ông vẫn tiếp tục công việc, nhưng không thể hoàn thành vì bị thắt cổ và đốt trên cọc như một kẻ dị giáo. Ngày 06/10/1536, ông kêu lên lời cuối cùng, “Lạy Chúa, nguyện ý Chúa được thành sự; xin mở mắt cho vua nước Anh!”. Sau đó, ông chết. Lời cầu nguyện ‘nâng cao những mong đợi’ của ông đã được đáp lại trong vòng một năm!

Kính thưa Anh Chị em,

Với William Tyndale, “Nguyện ý Chúa được thành sự!”; với Esther hôm nay, “Xin ban cho con lòng tin tưởng!”; và với Chúa Giêsu trong Tin Mừng, “Đấng ngự trên trời lại không ban những của tốt lành cho những kẻ kêu xin Ngài sao?”, Lời Chúa hôm nay nói đến cầu nguyện; nhưng còn hơn thế nữa, nói đến việc ‘nâng cao những mong đợi’ nơi con người cầu nguyện!

Những gì chúng ta cầu xin có thể tiết lộ rất nhiều về mối quan hệ của chúng ta với Thiên Chúa và với người khác. Thiên Chúa luôn chờ đợi một lời cầu xin và một ước muốn cao thượng nơi một con người; rất khác với những nhu cầu như xin điều này, điều kia. Lời cầu nguyện sâu sắc nhất sẽ là lời cầu cho thánh ý Thiên Chúa được thành sự, mà thánh ý Ngài là điều tốt nhất cho hạnh phúc đời đời của một con người, vốn sẽ đưa chúng ta đến gần Ngài hơn, tin tưởng Ngài sâu sắc hơn; đồng thời, giúp chúng ta tương tác trong sự thật và tình yêu chân thành hơn đối với tha nhân. Đó là một lời cầu để trở thành người mà chúng ta phải trở thành; một đứa con luôn ‘nâng cao những mong đợi’ của mình lên Cha mà Thiên Chúa sẽ không bao giờ từ chối!

Esther là kiểu mẫu của một người con cầu nguyện như thế! Bà không xin cho mình, gia đình mình được điều này, điều kia; nhưng xin cho được xác tín, “Chúa là Vua”, cũng là “Đấng thực hiện mọi điều đã hứa”. Esther biết, vận mạng bà, dân tộc bà hoàn toàn nằm trong tay Ngài. Bà không thách thức, thao túng, cũng không mặc cả; trái lại, chỉ xin Ngài “ban thêm lòng tin tưởng”, hầu có thể kiên định tựa nương vào một mình Ngài, một Thiên Chúa tốt lành; để rồi bà giao lại tất cả cho Chúa, tuỳ Ngài định đoạt. Và Thiên Chúa đã không thể từ chối một lời cầu thuộc loại ‘nâng cao những mong đợi’ đến thế! Ngài đã cứu Esther và cứu cả dân tộc bà. Thật ý nghĩa, tâm tình của Thánh Vịnh đáp ca, “Lạy Chúa, ngày con kêu cứu, Chúa đã thương đáp lại!”.

Cũng thế, với bài Tin Mừng, Chúa Giêsu đưa ra một lời đầy thách thức và thuyết phục, “Hãy xin!”, “Hãy tìm!” và “Hãy gõ!” để khuyến khích các môn đệ cầu nguyện. Ngài muốn ‘nâng cao những mong đợi’ nơi họ qua dụ ngôn người cha cho đứa con mình của ăn. Làm sao một người cha lại từ chối cho con mình những gì tốt đẹp; tệ hơn, trao cho nó những gì là có hại? Để cuối cùng, Ngài đưa ra một tuyên bố đáng kinh ngạc, “Huống chi Cha các con, Đấng ở trên trời, lại không ban những của tốt lành cho những kẻ kêu xin Ngài sao?”. “Của tốt lành” là chìa khoá của một lời cầu nguyện ‘nâng cao những mong đợi’; “Của tốt lành” chính là thánh ý Thiên Chúa!

Về một lời cầu nguyện ở cấp độ được ‘nâng cao’ như thế, thánh Gioan Kim Khẩu nói, “Một lời cầu như thế là một bộ giáp lộng lẫy, hiệu quả; đó là một kho báu không mòn hao, một hầm mỏ không bao giờ cạn kiệt, một bầu trời không bị che khuất, một thiên đường không bão tố. Nó là gốc rễ, là đài phun nước, và là mẹ của ngàn phước lành. Nó vượt quá quyền lực của một vị vua... Tôi không nói đến những lời cầu nguyện lạnh lùng, yếu ớt và không có lửa!”.

Anh Chị em,

“Lạy Chúa, xin ban cho con lòng tin tưởng!”. Đó là lời cầu của Esther, “một thiên đường không bão tố” giữa cuộc đời phong ba! Ước gì đó cũng là lời cầu của chúng ta lúc gặp nguy nan. Chúng ta tin Thiên Chúa là Cha, là suối nguồn ân phúc sẽ luôn ban những gì tốt lành nhất cho con cái Ngài. Tuy nhiên, đừng quên, lắm lúc lòng trí chúng ta quá hạn hẹp, không hiểu hết sự tốt lành của Thiên Chúa; vì thế, cầu xin cho được lòng tin tưởng sẽ mãi mãi là bệ đỡ ‘nâng cao những mong đợi’ của chúng ta. Đó cũng là điều Thiên Chúa muốn có nơi con cái Ngài!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, khi con cầu nguyện, là con đang gõ cửa nhà “Bạn con”, chớ gì lời cầu của con là một lời cầu nguyện ‘nâng cao những mong đợi’ mà con sẽ không hổ thẹn thưa lên!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Biến đổi
Lm. Thái Nguyên
00:26 10/03/2022

BIẾN ĐỔI
Chúa Nhật 2 Mùa Chay, năm C : Lc 9, 28b-36

Suy niệm

Tướng tá và diện mạo của con người vẫn luôn là sự phản chiếu từ cái tâm: “Tướng tự tâm sinh”. Ít ai suy nghĩ về điều này, nên cũng ít lo chỉnh đốn từ cái tâm, mà thường chỉ lo sửa sang ở cái tướng, nghĩa là chỉ lo cho diện mạo bên ngoài của mình sao cho thật đẹp. Ai cũng muốn người khác đổi mới cái nhìn về mình, nhưng nếu bên trong ta không đổi mà chỉ đổi bên ngoài, thì cũng chỉ là những đắp vá và tô trát giả tạo, không phải bản chất đích thực của một tình trạng nội tâm.

Tâm quyết định về tướng trong mọi tình trạng và từng giai đoạn của đời người, vì thế nên có câu: “Hữu tâm vô tướng, tướng tự tâm sinh. Vô tâm hữu tướng, tướng tòng tâm diệt”. (Có tâm không có tướng - Tướng tự tâm mà sinh. Có tướng không có tâm - Tướng theo tâm mà mất). Cũng vậy, “Tâm sinh tướng, tướng sinh hình”. Tướng đây không chỉ diện mạo hay thần sắc bên ngoài mà còn biểu hiện bản chất từ thâm tâm của một con người, là căn cơ nguồn cội của một tính cách.

Bài Tin Mừng hôm nay cũng hé mở một chút bản chất đích thực của con người Đức Giêsu:“Đang khi Người cầu nguyện, thì khuôn mặt Người biến đổi, y phục Người nên trắng ngời như chớp sáng”. Trong quang cảnh này, Ngài đàm đạo với hai nhân vật lịch sử nổi tiếng trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa là Êlia và Môsê, bàn về cuộc xuất hành Ngài sắp hoàn thành tại Giêrusalem. Các môn đệ ngây ngất trước vẻ đẹp rạng rỡ ấy. Cuộc biến hình sáng láng này có lý do sâu xa của nó, nhưng cũng để chứng thực cho lời tuyên xưng của Phêrô ở Xêdarê cách đó tám ngày: “Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa.” (Lc 9, 20).

Nhìn thấy Thầy chói lọi trong ánh quang, Phêrô vui sướng muốn dựng lều và ở lại mãi trên núi thánh. Khi Thầy cầu nguyện thì ông và các bạn cứ ngủ vùi, bây giờ thì lại bám cứng vào một cảm nghiệm hạnh phúc thoáng qua, không muốn xuống núi để sống cuộc đời thường. Chắc chắn các môn đệ chưa nhận ra ý nghĩa của biến cố này. Các ông chỉ muốn vui hưởng những gì trong hiện tại khi đi theo Chúa, muốn tránh tất cả những gì là bấp bênh, đau thương, thất bại hay khổ giá (x. Mt 16, 21-23). Thế nhưng ta thấy ý định của Chúa Giêsu thật rõ ràng, Ngài không muốn cảm nghiệm trên núi ấy trở thành chỗ cho Phêrô ẩn trốn khỏi cuộc chiến đấu đang đợi chờ phía trước. Một thoáng ánh sáng Ngài ban cho ông là để giúp ông trực diện với giờ tăm tối sắp đến.

Để thi hành sứ mạng, Đức Giêsu che giấu tất cả uy quyền và dũng lực của Ngôi Lời, Ngài sống đời nghèo khó, có vẻ như bất lực và tầm thường dưới mắt người đời. Ngài gặp nhiều chống đối, bị khinh chê và chế nhạo. Công cuộc rao giảng Tin Mừng xem ra đã thất bại. Đau thương hơn nữa, là Ngài phải đối đầu với cuộc tử nạn sắp đến. Lòng Ngài cũng mang nặng lo âu và sợ hãi. Nhưng điều cao vượt là Ngài sẵn lòng đón nhận thánh ý Chúa Cha. Bởi vậy, một lần nữa, Chúa Cha tuyên dương: “Đây là Con Ta yêu dấu, hãy nghe lời Người”.
Điều quan trọng ta cần lưu ý là Đức Giêsu biến đổi dung mạo sáng ngời đang khi Ngài cầu nguyện. Thật ra, trọn đời sống của Đức Giêsu là cầu nguyện, và Ngài dạy chúng ta phải cầu nguyện luôn. Cầu nguyện sẽ giúp chúng ta chỉnh đốn và thống nhất con người mình đúng theo dự định của Thiên chúa. Chính trong cầu nguyện hằng ngày mà chúng ta được biến đổi dần dần để trở nên con yêu dấu của Thiên Chúa. Đó mới chính là sự biến hình đổi dạng của chúng ta hôm nay, nghĩa là biểu lộ được khuôn mặt của Đức Giêsu cho mọi người trong mọi hoàn cảnh. Chính vì vậy mà chúng ta được gọi là Kitô hữu.

Nếu sau cuộc biến hình, Chúa Giêsu trở lại với khuôn mặt bình thường, Thầy trò lại tiếp tục cuộc sống thường nhật, thì sau những niềm vui khôn tả mà thỉnh thoảng Chúa ban trong cầu nguyện, chay tịnh và bác ái, Ngài vẫn tiếp tục đồng hành với chúng ta trong mọi biến cố của cuộc sống. Nếu cuộc biến hình vinh quang của Chúa Giêsu là sự đáp trả của Chúa Cha qua việc Ngài chấp nhận cuộc khổ hình, thì sự vâng theo ý Chúa hôm nay, xem ra thật vất vả nặng nề, cũng sẽ trở nên nguồn vui bất diệt cho chúng ta ngày mai. Thánh Phaolô cũng hứa hẹn với các tín hữu rằng: “Đức Kitô sẽ biến đổi thân xác yếu hèn của chúng ta nên giống thân xác vinh hiển của Ngài.” (Pl 3,17 - 4,1).

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu!
khuôn mặt phản ánh đời sống nội tâm,
non nớt cạn cợt hay sâu sắc thâm trầm,
là người sống âm thầm hay ham tỏ vẻ,
là kẻ khoe mẽ hoặc e dè thâm hậu.
Có ai muốn mình là người xấu đâu,
mà muốn luôn được tươi thắm đẹp mầu,
muốn người khác nhìn mình với chiều sâu,
bằng sự tôn trọng và cảm thông hiểu thấu.
Thế nhưng mọi sự lại tùy tâm,
tâm hiền lành thì khuôn mặt dễ mến,
tâm khiêm nhường thì sắc diện thanh cao
tâm hung hăng thì tướng người kiêu ngạo,
tuy nhiên cũng khó nói cho vừa,
nhiều người ranh mãnh lọc lừa giả trang.
Giữa cuộc đời đầy vàng thau lẫn lộn,
tâm con cũng dễ dàng bị xáo trộn,
làm mất đi nét trong sáng của tâm hồn,
không còn khả năng tỏ lộ hình ảnh Chúa,
cho bao người đang sầu úa quanh mình,
mà không dám sống tận tình cho nhau.
Muốn thế con phải luôn kề bên Chúa,
để tâm con trong tư thế yên hàn,
vì gần mực thì đen gần đèn thì sáng,
trong cầu nguyện mà diện mạo phát quang.
Gặp được Chúa rồi mới làm con biến đổi,
nếu chưa thì con vẫn trôi nổi nhập nhằng,
chẳng biết bao giờ mới đơm hoa kết trái,
để tâm con biểu lộ một thần thái như Ngài.
Xin giúp con làm chủ lấy cái “Tôi”,
để luôn biết nối kết với nguồn cội,
và cho con biết tận dụng mọi cơ hội,
để nói lên lòng mến Chúa mà thôi. Amen.



 
Ngày 11/03: Hãy đi làm hòa với người anh em ấy đã: Lm. Giuse Vũ Ngọc Tuyển, CSsR
Giáo Hội Năm Châu
04:00 10/03/2022

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.

Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Thầy bảo cho anh em biết, nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pha-ri-sêu, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời.

“Anh em đã nghe Luật dạy người xưa rằng: Chớ giết người; ai giết người, thì đáng bị đưa ra toà. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết : Ai giận anh em mình, thì đáng bị đưa ra toà. Ai mắng anh em mình là đồ ngốc, thì đáng bị đưa ra trước Thượng Hội Đồng. Còn ai chửi anh em mình là quân phản đạo, thì đáng bị lửa hoả ngục thiêu đốt. Vậy, nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình. Anh hãy mau mau dàn xếp với đối phương, khi còn đang trên đường đi với người ấy tới cửa công, kẻo người ấy nộp anh cho quan toà, quan toà lại giao anh cho thuộc hạ, và anh sẽ bị tống ngục. hầy bảo thật cho anh biết : anh sẽ không ra khỏi đó, trước khi trả hết đồng xu cuối cùng.”

Đó là lời Chúa
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:25 10/03/2022

13. Ghen ghét của con chính là hỏa ngục của con, ở thế gian lửa ghen ghét đốt cháy lòng con, sau khi chết thì lửa ghen ghét đốt cháy linh hồn con.

(Thánh nữ Veronica)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


--------------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:28 10/03/2022
18. BỐN LOẠI TÊN KHÁC NHAU

Huyện lịnh nọ thăng đường, có bốn người đến cáo trạng, huyện lịnh hỏi tên họ là gì, mấy người nọ mỗi người lần lượt nói tên mình:

- “Dương dương tự đắc, không dám đánh rắm; hôn thiên ám địa, kéo đến nơi này”.

Huyện lịnh kinh ngạc, nói:

- “Ở đâu đến đây tên khác lạ vậy, tạm lui ra”.

Sau khi thoái đường, huyện lịnh vội vàng đi hỏi Mạc Khách, Mạc Khách cười nói:

- “Bốn người này chế nhạo ngài đó”.

Huyện lịnh hỏi:

- “Sao lại nói như vậy?”

Mạc Khách đáp:

- “Các hạ tiền hô hậu ủng thì dương dương tự đắc, bái kiến thượng cấp thì không dám đánh rắm; xét hỏi đối chất thì hôn thiên ám địa, lấy gì buộc kiện (cáo), thì đến nơi đây mà thôi”.

(Khách Song Nhàn thoại)

Suy tư 18:

Có những cô gái vì không lấy được người mình yêu nên lấy tên người yêu đặt cho con của mình; có người lấy tên kẻ thù để đặt cho con của mình với ý là họ -kẻ thù- chỉ đáng làm con của họ mà thôi; lại có người chơi thâm hơn lấy tên kẻ thù đặt cho con chó của mình…

Làm quan mà không công bằng, không liêm chính, không vì dân, không chính trực, thì người dân sẽ đặt cho quan những cái tên đại loại như sau: quan tham, quan hối, quan keo, quan đớp, quan dâm, quan hách, quan nịnh, quan ác.v.v…

Người ta cũng sẽ gọi chúng ta –người Ki-tô hữu- bằng một cái tên khác không mấy tốt đẹp như: thằng bán Chúa, quân Giu-đa, nếu chúng ta sống không đúng với danh hiệu Ki-tô hữu mà chúng ta đã lãnh nhận từ khi chịu phép Rửa Tội.

Ai có tai thì nghe !

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Những ấn tượng chủ quan
Lm. Minh Anh
19:45 10/03/2022

NHỮNG ẤN TƯỢNG CHỦ QUAN
“Nếu các con không công chính hơn các luật sĩ và biệt phái, các con chẳng được vào Nước Trời!”.

Paul W. Powell nhận xét, “Sự kiêu ngạo rất tinh tế, đến nỗi, nếu không cẩn thận, chúng ta sẽ tự hào về sự khiêm tốn của mình với ‘những ấn tượng chủ quan’. Khi điều này xảy ra, điều tốt trở thành xấu; nhân đức trở thành tệ nạn! Chúng ta dễ dàng trở nên một giảng viên giáo lý ngày Chúa Nhật, người đã kể câu chuyện về người Pharisêu; sau đó, anh nói với các trẻ, ‘Hỡi các con, hãy cúi đầu tạ ơn Chúa, chúng ta không giống như người Pharisêu!’”.

Kính thưa Anh Chị em,

Với “Sự tinh tế của kiêu ngạo” mà Powell nhận xét, thật thú vị, Lời Chúa hôm nay cũng nói đến ‘những ấn tượng chủ quan’. Thú vị hơn, điều này lại xảy ra nơi những người tưởng mình là ‘thánh sống!’. Chúa Giêsu, Đấng thấu suốt lòng người, nói với các môn đệ của Ngài về họ, “Nếu các con không công chính hơn các luật sĩ và biệt phái, các con chẳng được vào Nước Trời!”.

Cần bao nhiêu sự công chính để có thể vượt qua các luật sĩ và biệt phái? Không nhiều, thật đáng nghi! Bởi lẽ, sự công chính của họ chỉ là sự thánh thiện bên ngoài, nghĩa là chẳng có gì thánh thiện. Và người ta sẽ khám phá ra điều gì ở “bên trong” của một linh hồn như thế? Ở đó, hẳn rất nhiều sự tự lừa dối bản thân; rất nhiều tự mãn trong ‘những ấn tượng chủ quan’ về sự thánh thiện; một thái độ hợm hĩnh khi cho mình thánh thiện hơn người! Thật dễ dàng để chúng ta đọc Phúc Âm và nhăn mũi trước những biệt phái ‘khó thương’ đó. Vậy mà, trên thực tế, cả chúng ta, cũng rất dễ dàng để trở nên những con người đui chột mù loà với bản thân như họ!

Thật trùng hợp, qua bài đọc thứ nhất hôm nay, những người đương thời với Êzêkiel cũng khá chủ quan khi họ nghĩ, họ chính trực, còn Thiên Chúa thì không! Vì thế, Thiên Chúa phán, “Các ngươi nói, ‘Đường lối của Chúa không chính trực’. Vậy hỡi nhà Israel, hãy nghe đây, ‘Có phải đường lối của Ta không chính trực ư? Hay trái lại, đường lối của các ngươi không chính trực?’”.

Như vậy, xem ra ranh giới giữa ‘chính trực thực và không chính trực’, giữa ‘thánh thiện thực và vờ thánh thiện’ dường như khá mong manh. Đó là lý do tại sao chúng ta phải luôn kiểm tra bản thân trước mặt Chúa với một nhận thức sâu sắc về sự khốn cùng và giới hạn của mình. Tôi sống cuộc đời tôi với mục đích theo đuổi sự ‘thánh thiện thực’, hay thực sự đang theo đuổi sự phù phiếm những tìm kiếm tôn vinh bản thân? Nói cách khác, tôi thích ‘giả vờ trở thành thánh hay thích thành thánh thực mà không giả vờ?’. Đừng quên, Thiên Chúa, “Đấng thấu suốt tâm can từng gang tấc; ai sống làm sao, Ngài sẽ trả cho như vậy!”. Vì thế, thái độ đúng đắn nhất của chúng ta, những tội nhân, là xin Ngài xót thương. Thật thâm trầm với Thánh Vịnh đáp ca hôm nay, “Ôi lạy Chúa, nếu như Ngài chấp tội, nào có ai đứng vững được chăng?”.

Anh Chị em,

“Ôi lạy Chúa, nếu như Ngài chấp tội!”. Mùa Chay, mùa quay về với lòng mình, mùa khiêm tốn nhìn nhận bao yếu hèn tội lỗi; Mùa Chay, còn là mùa tháo cởi và ném xa ‘những ấn tượng chủ quan’ về sự thánh thiện. Cốt lõi của sự thánh thiện chân chính nơi một con người là đức chính trực; chính trực có nghĩa là giống nhau cả bên trong lẫn bên ngoài, người ấy không sống hai mặt! Chính trực còn là khiêm nhường, cũng là thử thách của người môn đệ trên hành trình nên thánh. Như dầu với nước, kiêu ngạo rất xa lạ với thánh thiện, không bao giờ chúng hoà tan vào nhau. Ở đâu cái tôi chiếm chỗ, ở đó, rất ít, nếu có chỗ cho Thiên Chúa! Điều này có nghĩa là gì khi một người trở nên môn đệ trên danh nghĩa hoàn toàn thuộc về Chúa, đưa Ngài đến với mọi người, lại là một người đầy ắp cái tôi? Làm thế nào ân sủng và tình bạn nghĩa thiết với Chúa có thể kết hợp trong một tâm hồn kiêu hãnh? Không thể có một thoả hiệp nào giữa Thiên Chúa và một linh hồn kiêu căng! Hoặc linh hồn sẽ tự buông bỏ, hoặc Chúa sẽ không còn là Thiên Chúa!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin cứu con khỏi những huyễn danh phù phiếm; giúp con cởi bỏ và liệng xa ‘những ấn tượng chủ quan’ sai lầm. Lạy Chúa, xin thương xót con!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Những dòng sông máu ở Ukraine: nhận định của tờ Quan Sát Viên Rôma
Đặng Tự Do
16:14 10/03/2022


Ông Andrea Tornielli, Giám đốc Biên tập của Bộ Truyền Thông Tòa Thánh có bài trên tờ Quan Sát Viên Rôma. Toàn văn như sau:

Trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật, Đức Thánh Cha Phanxicô đã kêu gọi chống lại cuộc tấn công của người Nga “gieo rắc cái chết, sự hủy diệt và đau khổ”. Ngài cảm ơn các nhà báo đã liều mạng để cho phép chúng ta “đánh giá sự tàn khốc” của những gì đang xảy ra ở các thành phố của Ukraine.

Cuộc chiến ở Ukraine là một “cuộc chiến tranh”, không phải là một “hoạt động quân sự”. Khi bắt đầu lời kêu gọi hòa bình mới của mình, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bác bỏ những tin tức giả và muốn vạch trần những gì đang xảy ra bằng những lời nói lấp lửng để che đậy thực tế tàn khốc của sự thật.

Điểm nhấn thứ ba liên quan đến tính cấp thiết của hành động nhân đạo. Đức Giáo Hoàng yêu cầu “các hành lang nhân đạo thực sự được bảo đảm”, và cần nhấn mạnh vào những gì “thực sự”, ngày hôm qua, bất chấp những tuyên bố về ý định của quân đội Nga đang xâm lược Ukraine, các hành lang nhân đạo đã không thực sự xảy ra. Vị Giám Mục Rôma cũng kêu gọi tôn trọng luật pháp quốc tế, rõ ràng đã bị vi phạm bởi những kẻ muốn khơi mào cuộc chiến tranh xâm lược này.

Một lần nữa, Đức Thánh Cha Phanxicô van nài rằng “các cuộc tấn công vũ trang hãy chấm dứt” vì rõ ràng là chúng ta đang nói về một cuộc chiến tranh xâm lược, nơi có những kẻ tấn công và những người tự vệ. Và ở đó có những con người đang phải trả giá cho những hậu quả khủng khiếp: chết chóc, đau khổ, gia đình bị chia cắt, hàng triệu người tị nạn.

Cuối cùng, sau khi bày tỏ lòng biết ơn đối với những người đang tiếp nhận những người đang lánh nạn, Đức Giáo Hoàng đã bày tỏ lòng biết ơn đối với các nhà báo đang liều mạng cung cấp thông tin, nhờ đó mọi người có thể gần gũi với thảm kịch của người dân Ukraine và “đánh giá sự tàn khốc của một cuộc chiến tranh”. Lời cảm ơn này được đưa ra chỉ ba ngày sau khi Nga thông qua một luật mới nhằm kết án đến 15 năm tù những công dân Nga và người nước ngoài phát tán những tin tức mà họ cáo buộc là 'thông tin sai lệch về lực lượng vũ trang'. Bởi vì có những người gọi cuộc chiến bẩn thỉu này là 'một cuộc hành quân'.

Những “dòng sông máu” ở Ukraine: “chiến tranh”, không phải “hoạt động quân sự”
Source:Vatican News
 
Tuần tĩnh tâm Mùa Chay năm nay của Giáo triều Rôma
Đặng Tự Do
16:15 10/03/2022


Do tình trạng khẩn cấp về dịch tễ liên tục do Covid-19 gây ra, năm nay cũng sẽ không thể diễn ra các cuộc tuần tĩnh tâm Mùa Chay của Giáo triều Rôma tại Casa Divin Maestro hay Nhà Thầy Chí Thánh ở Ariccia. Do đó, Đức Thánh Cha đã mời các vị Hồng Y cư trú tại Rôma, những người đứng đầu các cơ quan của Giáo triều và các bề trên của Giáo triều Rôma tự thu xếp cá nhân, rút lui vào cầu nguyện, từ chiều Chúa nhật 6 đến Thứ 6 ngày 11 tháng 3.

Trong tuần này, tất cả các cuộc tiếp kiến của Đức Thánh Cha đã bị đình chỉ, bao gồm cả buổi Tiếp kiến Chung vào Thứ Tư ngày 9 tháng Ba.
Source:Vatican News
 
Câu chuyện đằng sau bức ảnh lan truyền về người đàn ông Ukraine ôm cây thánh giá
Đặng Tự Do
16:16 10/03/2022


Bức ảnh chụp một người đàn ông không rõ danh tính ôm một cây thánh giá có kích thước bằng người thật ở Ukraine đã lan truyền rất nhanh trên các nền tảng mạng xã hội khi Nga bắt đầu cuộc xâm lược toàn diện vào đất nước này.

Hình ảnh ghi lại khoảnh khắc tĩnh lặng giữa cuộc hỗn loạn: Một người đàn ông mặc quần áo sẫm màu vòng tay quanh chân thánh giá để ôm lấy cây thánh giá trong sân nhà thờ. Trong khi bức ảnh không hiển thị khuôn mặt của anh ấy, nó cho thấy khuôn mặt của Chúa Giêsu, đang cúi xuống về phía người đàn ông. Hai người qua đường đi ngang qua anh ta trong bối cảnh của một nhà thờ cổ kính, cao chót vót.

Nhiếp ảnh gia Dennis Melnichuk đã chộp được hình ảnh bên ngoài tu viện và nhà thờ Công Giáo Bernardine ở Lviv vào ngày 24 tháng 2. Sau đó, anh chia sẻ nó với thế giới trong một bài đăng trên Facebook.

Vào thời điểm đó, Melnichuk nói với CNA, “Tôi cảm thấy trái tim mình rung lên vì không thể tin được và bị sốc. Ngoài ra, tôi cảm thấy niềm tin đang trỗi dậy trong trái tim mình “.

Anh phát hiện ra người đàn ông khi anh đi bộ đến nhà thờ để cầu nguyện.

“Đó là khoảng ba giờ sau khi bom nổ ở Kiev; Melnichuk kể lại những dòng người khổng lồ ở các ngân hàng, hiệu thuốc và cửa hàng khi mọi người đang cố gắng tích trữ do không chắc chắn điều gì sẽ xảy ra.

Thay vào đó, người đàn ông này đã cầu nguyện dưới chân thập tự giá.

Trong chú thích của mình cho bức ảnh, Melnichuk nói rằng anh và vợ mình, Anya, thức dậy sau một cuộc điện thoại cảnh báo rằng Kiev đang bị đánh bom.

“Trước khi đi về phía đông tới Ternopil, Ukraine, chúng tôi đã đi mua hàng tạp hóa và rút thêm tiền từ máy ATM,” anh viết trên Facebook. “Chúng tôi đã đứng xếp hàng khoảng một giờ để đến lượt vào máy và phát hiện ra rằng có giới hạn 100 đô la cho mỗi người. Thực tế của tình trạng thiết quân luật vừa ập đến với chúng tôi “.

Ông nói thêm: “Chúng tôi đang sẵn sàng để giúp mọi người đi lánh nạn và tìm nhà ở cho những người tị nạn - bất cứ điều gì chúng tôi có thể làm để giúp đỡ trong cuộc khủng hoảng này.

Thay vì lánh nạn, Dennis và vợ đã chọn ở lại Ukraine để “trở thành bàn tay và bàn chân của Chúa Giêsu trên mặt đất”, trang gây quỹ của họ viết. Nói cách khác, hỗ trợ và che chở cho những người tị nạn thông qua sứ vụ của họ trong Awakened Generation.

Melnichuk cho biết, Awakened Generation đã làm việc để trang bị và kích hoạt nhà thờ địa phương trong việc thờ phượng, truyền giáo và truyền đạo. Bây giờ, ông nói với CNA, “chúng tôi đang phục vụ những người tị nạn lánh nạn khỏi chiến tranh và cung cấp cứu trợ khẩn cấp và viện trợ cho những người đang chạy về phía tây.”

“Chúng tôi đang hợp tác với nhóm Thanh niên Truyền giáo ở Ukraine để cung cấp cho người tị nạn một nơi dừng chân, ngủ, ăn và nghỉ ngơi an toàn, đồng thời giúp họ tìm cách an toàn để chạy về phía tây,” ông nói thêm. “Chúng tôi có nhiều nhóm đến mỗi ngày và đang chuẩn bị cho hàng trăm, thậm chí hàng nghìn, nhiều hơn nữa.”

Ông nói: Mọi người có thể giúp họ bằng nhiều cách: bằng cách cầu nguyện và cầu thay nguyện giúp, quyên góp và cung cấp viện trợ nhân đạo, đặc biệt là trợ giúp y tế.

Melnichuk xuất thân theo đạo Tin lành, ông nói với CNA. Trong khi bản thân không phải là người Công Giáo, anh ấy nói rằng anh ấy “trân trọng lịch sử phong phú của Giáo Hội Chúa Kitô, bao gồm cả câu chuyện Công Giáo.”

Cả cha và mẹ của anh đều di cư từ Ukraine đến Mỹ, nơi họ gặp nhau và anh lớn lên, anh tiết lộ trong một chứng từ trực tuyến vào năm 2016. Sau đó anh trở về đất nước với tư cách là một nhà truyền giáo và đã sống ở đó hai năm rưỡi. Và, có vẻ như, anh ta và vợ không có kế hoạch rời đi ngay cả khi họ giúp những người khác trốn thoát.

“Điện thoại của chúng tôi bị sập”, anh ấy viết trong một bài đăng trên Facebook vào ngày 3 tháng 3. “Chúng tôi đang bị ảnh hưởng bởi dòng người tị nạn đầu tiên thực sự bắt đầu di cư ra khỏi các thành phố khủng hoảng. Làn sóng đầu tiên chỉ là một sự nhỏ giọt so với điều này. Chúng tôi đang cố gắng hết sức để tìm ra câu trả lời và giải pháp”.

Anh ấy yêu cầu “Xin hãy cầu nguyện cho chúng tôi làm tốt điều này. Chúng ta cần ân sủng của Chúa.” Trong khi chờ đợi, anh ấy nói thêm, “Tôi chọn tiếp tục mỉm cười.”

“Thật vinh dự khi được theo Chúa Giêsu trong thời điểm như thế này,” anh nói trong một bài đăng khác hôm thứ Tư. “Mỗi ngày có nhóm đến và chúng tôi nhìn thấy khuôn mặt mệt mỏi và bàng hoàng của những người đã bỏ lại tất cả và không biết điều gì đang chờ đợi phía trước.”

“Tôi đã thấy Giáo Hội ở Ukraine và khắp nơi trên thế giới trở thành một cơ thể sống động,” anh nói. “Không thành kiến nhưng chỉ một mục đích: yêu như chúng ta đã được Thiên Chúa yêu thương trong Chúa Giêsu Kitô.”
Source:Catholic News Agency
 
ĐTGM cho biết: Nhiều người nhìn thấy những thiên thần sáng chói trên bầu trời Ukraine
Đặng Tự Do
16:17 10/03/2022


Nhà lãnh đạo của Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương hôm thứ Sáu cho biết “nhiều người” đã nói với ngài rằng họ đã nhìn thấy “những thiên thần sáng chói trên mảnh đất Ukraine”.

Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk phát biểu như trên trong một thông điệp video được thu hình vào ngày 4 tháng 3 tại thủ đô Kiev của Ukraine đang bị bao vây, thành phố có vị thánh bảo trợ là Tổng Lãnh Thiên Thần Micae.

“Ở đây, tại Kiev, chúng tôi nhận thấy rằng quan thầy bảo trợ thành phố của chúng tôi là Tổng Lãnh Thiên Thần Micae, người với tiếng kêu 'Ai lại giống Chúa đây?' ném xuống vực thẳm Lucifer - kẻ đã đứng lên chống lại sự thật của Chúa và là thủ lĩnh của những đội quân ma quỷ”,

“Ngày nay, chúng tôi nhận thấy rằng Tổng lãnh thiên thần Michael cùng với Toàn Cơ Binh đang chiến đấu cho Ukraine. Rất nhiều người từ khắp Ukraine đang quay sang tôi nói rằng họ đã nhìn thấy những thiên thần rực sáng trên đất Ukraine”.

Ngài nói thêm: “Hôm nay chúng tôi cầu nguyện: Lạy Tổng Lãnh Thiên Thần Micae và tất cả các Quyền thần của Thiên đường, hãy chiến đấu vì Ukraine! Hãy hạ gục tên ác quỷ đang tấn công chúng con và giết chết chúng con, mang đến sự tàn phá và chết chóc! “

Người dùng mạng xã hội đã chia sẻ những hình ảnh chưa được xác minh với mục đích cho thấy các đám mây hình thành giống các thiên thần ở Kiev.

Sự liên kết của thành phố với Tổng Lãnh Thiên Thần Micae có từ thời trung cổ, khi vị thánh này có hình trên dấu ấn của các hoàng tử của Kievan Rus.

Quốc huy của thủ đô mô tả Tổng Lãnh Thiên Thần Micae cầm một thanh kiếm rực lửa và một chiếc khiên, và là một tác phẩm điêu khắc của Ngài đứng trên đỉnh đài tưởng niệm Lach Gates tại Quảng trường Độc lập.

Việc nhìn thấy các thiên thần đã được báo cáo trong các cuộc chiến tranh trước đây. Một ví dụ nổi tiếng là Thiên thần ở Mons, được cho là đã bảo vệ binh lính Anh trong Trận chiến Mons tại Bỉ trong Thế chiến I năm 1914. Mặc dù có ít bằng chứng, nhưng câu chuyện đã thu hút được trí tưởng tượng của công chúng Anh và tiếp tục thu hút sự quan tâm cho đến ngày nay.
Source:Catholic News Agency
 
Đức Hồng Y Parolin: Thượng phụ Kirill khó có thể gặp Đức Phanxicô lần thứ hai
Vũ Văn An
18:07 10/03/2022

Theo Elisa Allen của Tập san Crux Now ngày 10 tháng 3, 2022, trong lời bình luận mới với truyền thông Ý, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh nói rằng những nhận xét gần đây của Thượng phụ Chính thống giáo Nga Kirill sẽ chỉ khiến gây căng thẳng thêm cho cuộc chiến Nga-Ukraine trở nên tồi tệ hơn, và cho biết cuộc gặp gỡ lần thứ hai với Đức Giáo Hoàng sẽ khó xảy ra.



Đức Hồng Y người Ý Pietro Parolin cũng nói về cuộc điện đàm gần đây của ngài với Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov; ngài cho biết, cuộc trò chuyện bị coi là vô ích.

Phát biểu với giới truyền thông Ý khi kết thúc biến cố có tên là Sui Tetti, hay "Trên những mái nhà", ngày 9 tháng 3, Đức Hồng Y Parolin cho biết "Lời nói của Kirill không gây thuận lợi và không thúc đẩy sự hiểu biết".

Ngài nói: “Ngược lại, chúng có nguy cơ làm tinh thần người ta thêm trầm trọng và hướng tới việc leo thang và không hề giải quyết cuộc khủng hoảng một cách hòa bình”.

Trong những ngày gần đây, Kirill, người cho đến gần đây đã cố gắng không đưa ra bất cứ nhận xét trực tiếp nào ủng hộ hoặc chống lại cuộc chiến của Nga với Ukraine, đã đưa ra hai bài giảng trong đó ngài từ bỏ lập trường trung lập và thể hiện quan điểm thân Nga rõ ràng phù hợp với lập trường của Tổng thống Nga Putin.

Vào ngày 6 tháng 3, khi Giáo Hội Chính thống giáo Nga tổ chức “Chúa nhật tha thứ” trước khi bắt đầu Mùa Chay của họ, Kirill đã ủng hộ những người ly khai ở vùng Donbass phía đông Ukraine và gợi ý rằng một nhóm các quốc gia phương Tây giấu tên đang tổ chức các chiến dịch diệt chủng chống lại các quốc gia từ chối tổ chức các cuộc diễn hành đồng tính.

Vào ngày 9 tháng 3, trong Phụng Vụ Mùa Chay gọi là Những Của Lễ Trước Khi Thánh Hiến, Kirill đã đọc một bài giảng khác, trong đó ngài gọi người Nga và người Ukraine là “một dân tộc” và cáo buộc phương Tây cung cấp vũ khí cho Ukraine nhằm làm suy yếu nước Nga vì nỗi sợ hãi ngày càng tăng nước Nga trở nên hết sức hùng mạnh.

Được tổ chức tại Đại học Giáo hoàng St. Thomas Aquinas ở Rome, còn được gọi là Angelicum, biến cố mà trong đó Đức Hồng Y Parolin đã phát biểu được tổ chức bởi nhóm Pro Vita & Famiglia [Phò Sự sống và Gia đình] nhằm vận động người Công Giáo tham gia chính trị và lãnh vực công.

Khi được các nhà báo Ý hỏi về cuộc gặp gỡ có thể có lần thứ hai giữa Đức Giáo Hoàng Phanxicô và Thượng phụ Kirill vốn được đồn sẽ diễn ra vào khoảng giữa tháng 6 và tháng 7 năm nay, Đức Hồng Y Parolin nói, “vấn đề rất phức tạp, cũng bởi những căng thẳng hiện tồn tại giữa các Giáo hội, nên hiện tại chưa có khả năng diễn ra”.

Về triển vọng của một cuộc gặp gỡ trong tương lai, dù nó không được tổ chức vào mùa hè này, Đức Hồng Y Parolin nói, “Tình hình này rất phức tạp. Chúng ta hãy chờ xem sao".

Đức Phanxicô và Thượng phụ Kirill gặp nhau lần đầu tiên vào năm 2016 tại Havana, Cuba, trong khi Đức Giáo Hoàng đang trên đường tới Mexico. Cuộc gặp gỡ đánh dấu một cột mốc lịch sử, vì đây là lần đầu tiên một giáo hoàng và giáo chủ Nga gặp nhau.

Trong nhiều tháng, có tin đồn rằng một cuộc gặp thứ hai giữa hai bên sẽ diễn ra trong năm nay, tuy nhiên, giờ đây có vẻ như cuộc chiến Nga-Ukraine, hiện đã bước sang tuần thứ hai, đã cản trở các kế hoạch này.

Trong bài phát biểu của mình, Đức Hồng Y Parolin cũng nói về cuộc trò chuyện hôm thứ Ba với Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov, mà ngài cho rằng thực tế chứng minh là ít có ích trong việc bảo đảm các hành lang nhân đạo và đàm phán chấm dứt các hành vi thù địch.

Ngài nói, Lavrov “đã trình bày quan điểm của họ,” và “chúng tôi cũng đã nói về các hành lang nhân đạo, một trong những yêu cầu được đưa ra nhân danh Đức Giáo Hoàng, để tôn trọng họ, cũng như vấn đề tôn trọng dân thường nói chung”.

Ngài nói: Không có “cam đoan” nào được đưa ra về việc thiết lập và bảo đảm an ninh cho các hành lang nhân đạo đối với các thường dân đang chạy trốn khỏi cuộc xung đột.

Về việc liệu có còn khả năng để đàm phán và kết thúc chiến tranh hay không, Đức Hồng Y Parolin nói, “Tôi hy vọng như vậy vì nếu không thì không có khả thể cuộc chiến này sẽ kết thúc theo cách thức thương lượng; chắc chắn biên tế rất xít xao, nhưng hy vọng là chúng ta có thể đạt được một vị trí có thể thương lượng”.
 
Văn Hóa
Triết học của Maurice Blondel, tiếp theo
Vũ Văn An
00:24 10/03/2022

II. – Bộ sách bốn cuốn

Blondel gọi bộ sách bốn cuốn là tổng hợp các sách về: La Pensée [Tư tưởng] (2 tập), L’Être et les êtres [Hữu thể và các hữu thể] (1 tập), la nouvelle Action [Hành động mới] (2 tập) và La Philosophie et l’Esprit Chrétien [Triết học và Tinh thần Kitô giáo] (2 tập). Cuốn cuối cùng vừa kể có nhiều thiếu sót. May mắn, nó đã được bổ sung bởi hai nghiên cứu khai triển rất tốt, Le Sens chrétien De l'Assimilation, được viết vào khoảng năm 1930, mà Blondel đã để lại trong tư thế sẵn sàng để in và nhà xuất bản đã tập hợp lại sau khi ông qua đời với tựa đề: Exigences philosophiques du christianisme [Các Đòi hỏi Triết học của Kitô giáo]. Nhưng, dù sao, những cuốn sách về L'Esprit Chrétien vẫn mang lại ý nghĩa cho trọn công trình của Blondel và thể hiện ý định triệt để của ông. Chính ông đã chính thức tuyên bố rằng không có chúng, Tư tưởng, Hữu thể và các hữu thể, Hành động mới sẽ mãi còn mờ mịt.



Trong một lá thư được công bố bởi Archives de Philosophie (1961, trang 119-122), ông khẳng định rằng L'Esprit Chrétien tạo thành "vương miện không thể thiếu và là nền tảng của tòa nhà" và chỉ một mình nó đã đưa ra "lời giải thích và biện minh cho các kết luận mà bộ ba đã tiến tới, vẫn còn bỏ ngỏ một cách phần nào đó gây chưng hửng”. Bằng chứng nữa là ở cuối cuốn Hành động thứ hai, ông đã xóa các trang dành cho tín điều, cho thực hành tôn giáo, cho mối liên hệ giữa nhận thức và hành động, vốn mang lại ý nghĩa thực sự cho luận án năm 1893 để chuyển những vấn đề này sang L' Esprit Chrétien. Như vậy, nếu người ta muốn chính xác, thì đây không phải là bộ ba, nhưng luôn phải nói đến bộ bốn. Chúng ta hãy phân tích các tác phẩm cuối cùng này một cách ngắn gọn hơn; thay vì tạo nên một triết học thứ hai, trái lại, chúng hoàn thiện điều luôn luôn là ý định của Blondel, ít nhất kể từ năm 1882.

La Pensée là một điều hoàn toàn khác với một lý thuyết đơn giản về nhận thức. Với chủ nghĩa duy tâm, một chủ nghĩa vốn cho rằng người ta không thể nói về sự ra đời của tư tưởng, ý niệm được sinh ra không như một thế giới, Cuốn này chống đối việc phân tích khởi nguyên của tư tưởng và các nấc nó tự phát đi lên. Nó cũng triển khai một cách tuyệt vời sự phát triển hữu cơ của tư tưởng, từ khi nó ra đời một cách tối tăm trong vũ trụ cho đến khi nó nở rộ trong đời sống tri thức qua sinh vật, tâm thần và ý thức. Như trong hành động, phương pháp là biện chứng. Luôn là việc khám phá những gì hàm ngụ trong mỗi suy nghĩ và chứng minh rằng một lỗ hổng, vốn cố hữu trong nó và chia nó thành hai yếu tố, liên tục buộc nó phải vượt qua chính nó. Cùng một lúc, đây vừa là biện chứng của tự nhiên, vừa là biện chứng của tinh thần. Một mặt, đây là một lời bình luận sâu sắc về một công thức của Bossuet mà Blondel rất yêu mến: chúng ta không bao giờ khai thác hết một ý niệm nhỏ nhất của chúng ta. Muốn hiểu rõ lý do của nó không khác gì cố gắng giải thích vũ trụ.

Các nhà triết học hầu như luôn giả thiết sự hiện hữu của hai thực tại riêng biệt: một có tính vật chất, một có tính tinh thần, và họ nghiên cứu các mối tương quan của chúng, bằng cách cố gắng dẫn chúng lại với nhau. Chính trong định đề này, giống như "đầu tiên, phải tránh nói dối, [sau đó] là ảo tưởng triệt để", Maurice Blondel nhìn thấy điểm xuất phát sai lầm đã làm hư gần như mọi nền triết lý. Một mặt, thế giới vật chất - vô cơ hay hữu cơ - không đủ cho chính nó. Đối với chúng ta, nó không những là "sự lừa dối có hệ thống" mà African Spir đã nói tới, mà nó còn không ổn định, cùng một lúc vừa nhiều vừa là một, có chức năng kép, vừa tách biệt vừa đoàn kết cùng một lúc. “Không thể có hiểu lầm căn để nào hơn giả thuyết về một vũ trụ, dùng để nâng đỡ như một khối nguyên liệu thô trọn bộ sự phát triển tiếp theo của các hữu thể kể cả các hữu thể thiêng liêng, cho đến lúc giải quyết được vấn đề vận mệnh của các tinh thần” (tập I, trang 16). Mặt khác, tư tưởng tự nó lại càng không đủ. Không gì ấu trĩ hơn quan niệm về một chủ thể suy nghĩ, không biết xuất phát từ đâu, nhưng đối diện với một đối tượng – với thế giới chẳng hạn - không hề sẵn sàng đón nhận họ. Thực thế, suy nghĩ là một sự kiện có tính vũ trụ. Bên kia các trạng thái ý thức hoặc tiềm thức, chúng ta phải tìm ngay trong thế giới vật chất điều một mình nó khiến chúng trở nên khả hữu. Tư tưởng không đột nhiên nảy sinh từ hư vô: nó được moi ra trong vũ trụ, một vũ trụ mang lại tính độc nhất. Đó là tư tưởng vũ trụ, nhập thể một cách sâu sắc và tồn hữu một cách thực chứng.

Bằng cách phân tích tư tưởng có tính vũ trụ này, chúng ta nhanh chóng phát hiện ra sự mâu thuẫn vốn thúc đẩy nó. Một mặt, trên hết nó là việc tìm kiếm tính thống nhất, tính khả niệm và liên đới: vũ trụ xuất hiện với chúng ta như tư tưởng cùng một lúc vừa tản mác vừa hiệp lực cùng phấn đấu hướng tới điều một [l’un]. Nhưng mặt khác, thế giới vừa nhiều vừa là một: nó chỉ được tạo ra và được suy nghĩ dưới khía cạnh thay đổi. Và hai khuynh hướng này - hướng tới một và nhiều - không chỉ đơn giản được đặt cạnh nhau hoặc liên kết với nhau; chúng hàm ngụ lẫn nhau, chúng mời gọi nhau. “cũng như chúng ta không thể hình dung thế giới mà không xé nó ra từng mảnh và không đặc thù hóa nó, chúng ta cũng không thể nhìn thấy và suy nghĩ về các bộ phận mà không liên đới chúng và đặt chúng trong tương quan với vũ trụ ”(t. I, tr. 13). Chúng ta hãy gọi yếu tố đơn nhất và phổ quát là noetic [ý], yếu tố đa dạng và đa nguyên là pneumatique [thần khí]: chúng ta nên nói rằng vũ trụ được tạo thành từ hai khuynh hướng không bao giờ tự đồng nhất hoặc tách biệt. Hay đúng hơn vũ trụ không được tạo thành: nó tự tạo nhờ vào hai khuynh hướng có vẻ trái ngược nhau này, nhưng hợp nhất và bằng chính sự bất khả giản lược của chúng đã tạo nên sự tiến bộ. Như thế, không phải là thuyết nhất nguyên hay thuyết nhị nguyên, mà là sự liên đới của các khía cạnh hợp đồng: vũ trụ là một diễn trình trở nên hoạt động theo một khuynh hướng kép và liên tục mở ra cho một sự phát triển không những theo chiều dài, nhưng còn theo chiều sâu và cô đọng [concentration]. “Giả thiết rằng các hữu thể được tạo dựng trong tính cố định của chúng và thế giới là một tập hợp các sự vật tồn hữu đồng thời hoặc nối tiếp nhau, như những yếu tính cố định hay thậm chí như một sự tiến hóa đa dạng, là hiểu sai sự liên đới tạo nên bi kịch lịch sử. Là buộc bản thân bỏ qua khởi nguyên thiêng liêng, là khởi nguyên, từ những nguồn gốc xa xôi nhất, vốn tác động toàn bộ tự nhiên để dẫn trọn bộ diễn trình trở nên gắn liền với mục đích tối cao; thực thế, chỉ duy có mục đích này mới có thể mang lại cho các mầm thực tại một sự nhất quán và một sự hoàn hảo đáp ứng mong muốn tiềm ẩn của tự nhiên, vốn hết sức bất lực không thể tự mình hiện thực hóa được, Initiun aliquod createurae ab alio perficiendum [bất cứ khởi đầu của tạo vật nào cũng đều phải được hoàn thiên nhờ điều khác]”(t. I, tr. 23).

Do đó, từ chương đầu tiên, các tiền đề siêu hình cũng như phương pháp đã được đặt ra. Phần còn lại của tác phẩm sẽ chỉ mô tả khởi nguyên về thời gian của tư tưởng, điều có thể gọi là việc ra đời ba lần của nó. Trước hết, tư tưởng chỉ thực sự xuất hiện với chính nó, chỉ trở thành "tư tưởng tư duy" bằng dấu hiệu: đó là sự kiện nhân bản đúng nghĩa. Sự ra đời thứ hai của nó diễn ra khi tư tưởng tự nâng mình lên khỏi ý thức đơn giản về bản thân để ý thức được Tư tưởng vượt quá nó, khi nó hiểu rằng để khẳng định bản thân nó phải khẳng định một Tư tưởng siêu việt. Sẽ không có “tư tưởng tư duy” khi không có “tư tưởng về Tư tưởng”. Suy nghĩ là suy nghĩ về Thiên Chúa. Nhưng việc khẳng định đơn giản về một Tư tưởng ở trong mình không đủ để hoàn thành tư tưởng của chúng ta. Và lúc đó, vấn đề quyết định nảy sinh là phải biết liệu tư tưởng của chúng ta, vốn không thể tự thỏa mãn, không nên tự đặt mình vào trạng thái tiếp nhận một cách hữu hiệu Đấng, một mình Người mới có thể thỏa mãn nó. Sự ra đời thứ ba và cuối cùng của tư tưởng, hành vi mang tính quyết định của nó, diễn ra khi nó chuẩn bị việc kết hợp với nguyên tắc hoàn thiện, nhận thức và hạnh phúc của nó - sự kết hợp mà nó không thể thực hiện bằng lực riêng của nó, nhưng nó có thể tự chuẩn bị bằng cách thỏa mãn trước các đòi hỏi của nó. Tư tưởng chỉ được hoàn thành bằng cách cho đi chính nó.

Phép biện chứng của hai tập này đã nhanh chóng được lên sơ đồ như trên. Động cơ là tương quan của hai hình thức tư tưởng đối lập nhau và nhưng mời gọi nhau. Hai tư tưởng trong mỗi suy nghĩ của chúng ta! Biết bao triết gia, thí dụ Platông với sự phân biệt của ông giữa sự tiến bộ của suy lý luận lý học và sự chiêm niệm trực quan, Pascal với sự phân biệt tinh thần hình học và tinh thần tinh tế, Newman, có lẽ trước nhất, với sự phân tích kép về nhận thức thuần lý và nhận thức thực tại, đã nhìn thấy điều đó. Nhưng vẫn chưa có ai có thể rút tỉa được sự thật đơn giản này: “Tư tưởng của chúng ta mặc hai hình thức xét riêng thì không đủ, không kết nối với nhau một cách rõ ràng, do đó người ta không thể xác định được cả trong hữu thể riêng biệt của chúng lẫn trong sự liên hợp của chúng, một sự liên hợp, giống như bất cứ sự phát sinh nào của tự nhiên, diễn ra trong đêm tối và một kiểu vô thức” (t. II, tr. 41). Chắc chắn, chúng ta không nên dừng lại ở sự phủ nhận biểu kiến này. Các xung đột nội tâm dần dần được khắc phục, hoặc ít nhất được di chuyển và xích lại gần nhau hơn với một độ rõ ràng khiến giải thích được ý nghĩa và mục đích của chúng. Nhưng vẫn còn một sự mù mờ nào đó của thuật ngữ khi trả lời vấn đề về nguồn gốc. Và chắc chắn sự việc nên như vậy, “vì, trong chính việc suy nghĩ của chúng ta, chúng ta phải tích hợp nhiều điều hơn là tư tưởng” (t. II, tr. 411). Đó là việc chúng ta phải làm cho chảy trở lại nó tất cả những gì nhận được từ hữu thể, tất cả những gì hành động có thể dạy chúng ta và cung cấp cho chúng ta. Sự phân tích tư tưởng không bao giờ tự đóng kín vào chính nó, nó mời gọi những phân tích khác về hữu thể và hành động: nếu tư tưởng đã là hữu thể, thì nó không phải là hữu thể cho một mình nó. Từ quan điểm ít nhất về hình thức, l’Être et les êtres tạo thành kiệt tác của bộ bốn. Tất cả những điều làm cho La Pensée ra nặng nề và đôi khi khiến nó khó đọc đều bị loại bỏ. Nhiều - hoặc ít – khỏi những lối đi vòng và quay trở lại này. Đó là một sự đi lên liên tục, một loại tiến tới chầm chậm, sau đó là sự đi lên qua các hữu thể cho đến tận Hữu Thể. Hay nói cho chính xác hơn, lần đầu tiên người ta đứng trước một loại hữu thể học cụ thể trong đó, không phải khái niệm tổng quát về hữu thể, mà là các hữu thể trong thực tại đặc biệt của chúng và sự tồn hữu riêng của chúng được nghiên cứu. Tóm lại, vấn đề được khảo sát chính là vấn đề sự tương hợp của các hữu thể ngẫu nhiên và của Hữu thể tất yếu. Nếu Thiên Chúa hiện hữu, nếu thậm chí Người là Đấng duy nhất mà người ta có thể nói Người hiện hữu một cách tuyệt đối, thì liệu người ta có thể khẳng định, và theo nghĩa nào, về các hữu thể được tạo dựng là chúng hiện hữu không? Để trả lời câu hỏi này, tác giả tiến hành một cuộc điều tra rộng lớn qua các tạo vật. Vật chất hiện hữu; sinh vật sống và chết hiện hữu; các con người hiện hữu; các xã hội hiện hữu; toàn bộ vũ trụ, trong tính toàn diện khả giác và khả niệm, hiện hữu. Tuy nhiên, không một tạo vật nào cũng như toàn thế giới làm cạn kiệt hữu thể: chúng đòi hỏi một điều khác, chúng giống như các cấp độ của hữu thể, mà thực tại chỉ có thể tồn hữu bằng cách bám lấy hữu thể, vốn chỉ có nó mới tự hiện hữu mà thôi. Như thế, kinh nghiệm mà chúng ta có được về hữu thể chỉ ngang bằng với bản thân nó khi khẳng định Hữu thể tuyệt đối: mọi hữu thể đều không đủ để đáp ứng yêu cầu đầu tiên của chúng ta về hữu thể. Nhưng các hữu thể tương đối và ngẫu nhiên này cũng có một thực tại nào đó và tính nhất quán. Bằng chứng là thực sự người ta có thể nghi ngờ một đối tượng, nhưng không thể nghi ngờ mọi đối tượng: người ta chỉ phủ nhận bộ phận bằng cách khẳng định toàn bộ hoặc, như hiện tượng học đương thời đã nói, sự nghi ngờ đặc thù luôn hoạt động ở chân trời thế giới. Như thế, cuộc điều tra đầu tiên dẫn đến một kết luận kép có tính tạm thời: "Không có gì trong điều được cách sử dụng hiện nay gọi là các hữu thể hoàn toàn đáp ứng điều mà việc suy tư đã khám phá là thiết yếu trong ý niệm tự phát về hiện hữu này, và, tuy nhiên, chúng ta không thể tiêu diệt tất cả những thực tại này, những thực tại tuy không nhất quán một cách tuyệt đối, nhưng hỗ trợ lẫn nhau, đến mức không bao giờ chúng ta nghĩ tới việc phá hủy tất cả với nhau trong tư tưởng của mình”(tr.143).

Do đó, người ta được dẫn đến một “thăm dò trung tâm” cho phép họ khẳng định hữu thể như một thể tuyệt đối, như một sự hoàn hảo, như chính Thiên Chúa. Thể tuyệt đối hiện hữu: không thể nào nó không hiện hữu, vì nó tự mình hiện hữu. Lập luận hữu thể học, thiếu sót nơi các tạo vật, sẽ nhận được giá trị trọn vẹn trong Thiên Chúa. “Ý niệm siêu việt, khi được phân tích chính xác, kéo theo sự khẳng định về thực tại của chính thể siêu việt này” (tr.164). Ý niệm Hữu thể trong nó và tự nó có tính “tự khẳng định”. Nhưng Maurice Blondel không dừng lại ở đó. Một mặt nêu lên sự hiện hữu tương đối của các hữu thể và mặt khác, sự hiện hữu tuyệt đối của Hữu thể không hẳn để đưa ra giải pháp cho bằng làm nảy sinh một vấn đề. Nếu Hữu thể tuyệt đối, theo định nghĩa, là thể tìm thấy trong mình sự đầy đủ của chính mình, câu hỏi lại được đặt ra là: chúng ta nên cấp thực tại nào cho những hữu thể khác? Đây là kết luận kép tạm thời đầu tiên cần phải được lặp lại và minh giải. Ở đây, há không có một mâu thuẫn nghịch lý sao: các hữu thể ngẫu nhiên đòi, dù cho sự tồn hữu của chính chúng, sự hiện hữu của một Hữu thể tất yếu, nhưng khi người ta vươn tới Hữu thể tất yếu thì dường như Hữu thể này tự mình đã đủ cho chính mình và họ không còn hiểu được sự hiện hữu của các hữu thể ngẫu nhiên. Do đó, cần phải phân tích "các mối liên hệ giữa các hữu thể đang trong diễn trình trở thành vốn tạo vấn đề và Hữu thể trong đó không có vấn đề nào cả, ngoại trừ trong tương quan với trật tự ngẫu nhiên, với nguồn gốc, với ý nghĩa và số phận của vũ trụ” (tr. 329).

Để giải quyết nghịch lý biểu kiến, cần phải kết hợp, thay vì chống đối, các quan niệm về diễn trình trở thành và củng cố các hữu thể. Cuốn La Pensée đã quả quyết rằng hầu hết mọi lầm lỗi đều xuất phát từ việc người ta củng cố các hữu thể ngẫu nhiên, coi chúng như đã được xác định và có tính dứt khoát. Trong thực tế, hữu thể của các tạo vật không tự đặt mình đối đầu với Hữu thể của Đấng Tạo dựng và không hề có việc tìm kiếm một số thỏa thuận bên ngoài giữa chúng với nhau. Vũ trụ tự nhiên và thiêng liêng không tạo thành một việc đặt các bên cạnh bên nhau, mà là một kết nối thực sự, trong đó mỗi bên đều có vị trí và vai trò của mình. Nói chính xác hơn, mối kết nối giữa các bên này tạo thành một bi kịch trong đó, mỗi bên đóng vai số phận mình. Con người và thế giới đang trong quá trình trở thành: tính bất ổn của đối tượng cũng lớn như tính bất ổn của chủ thể. Trong yếu tính của nó, vũ trụ chưa được hoàn tất, mở ra cho một sự phát triển vô thời hạn, sẵn sàng cho bi kịch lịch sử, một bi kịch sẽ tiết lộ nó, cách nào đó, cho chính nó. Nhưng câu chuyện này có một ý nghĩa, diễn trình trở thành này có xu hướng hướng tới một mục tiêu. Các tạo vật chỉ có thể đạt tới mục đích của mình, một điều thực sự tự củng cố trong hữu thể, bằng cách hợp tác vào mục đích phổ quát, theo ý muốn của một mình Hữu thể trong chính mình. Và như thế, có một chuẩn tắc không chỉ có tính quy định, mà còn có tính cấu thành ra các hữu thể. Bên dưới luận lý học thông thường về các khái niệm, có một luận lý học về các hữu thể mà Blondel gọi là luận lý Quy phạm [Normative]. Đó không chỉ là một luận lý học lý tưởng, mà còn là một thực tại hữu thể học. Nó là việc “nghiên cứu có phương pháp nhằm mục đích nghiên cứu và cung cấp quá trình mẫu chuẩn mà nhờ đó các hữu thể thể hiện kế sách mà từ đó chúng phát xuất, vận mệnh mà chúng đang hướng tới” (tr. 255). Trái ngược với luận lý học mâu thuẫn, vốn là luận lý học loại trừ, luận lý học quy phạm cụ thể hiểu rằng, trong thực tại hữu thể học, các lực đẩy nhau mà không loại trừ nhau. Ý thức phát sinh từ một sự phân chia, một sự đối lập, nghĩa là sự đấu tranh của các sức mạnh. Cũng như một ý tưởng là một ý tưởng cố định, một hành động không phải là một hành vi, mà là một sự kiện đơn giản của tự nhiên. Ánh sáng của mỗi ý niệm tóm lược cả một hệ thống lực lượng; bằng hành động lý tưởng mà chúng có đối với nhau, các lý do hành động (motifs) đặt các sức mạnh mà chúng đại diện vào thế cạnh tranh. Sự suy tư không hề trì trệ, nó là lực của các lực.

Như thế, ý thức về một động cơ hành động hoặc một ý tưởng không có tác dụng nếu không có ý thức về các động cơ khác hoặc ý tưởng khác. Và các động cơ và ý tưởng không phải là những điều trừu tượng không liên quan gì đến cuộc sống: chúng hết thẩy giống như một bản tóm tắt và tổng hợp các lực lượng và khuynh hướng, đến nỗi chính ý thức cũng có thể được định nghĩa như một hệ thống có qui định của các sức mạnh. Thành thử, nếu, trong vũ trụ, tư tưởng dựa trên hữu thể, thì các hữu thể, tới một mức độ nào đó, luôn chứa trong mình một phôi thai của tư tưởng. Như thế, cuốn L’Être et les êtres tự nối kết với cuốn La Pensée và chuẩn bị cho cuốn la nouvelle Action.

Sau những trang này, vốn là các trang mạnh mẽ nhất và mới mẻ nhất trong tác phẩm, phần cuối cùng tạo thành một loại bài hát ca ngợi tự nhiên. Người ta hiểu đối với Blondel, như chính ông nói, đến mức nào L'Action là một công trình "tình cờ", có nguy cơ làm ông bị hiểu lầm bằng cách chỉ thu hút sự chú ý vào riêng chủ thể mà thôi. Cuốn L’Être et les êtres có lẽ là phép biện chứng đẹp đẽ nhất và chặt chẽ nhất về tự nhiên mà chúng ta có trong ngôn ngữ Pháp, nhưng là một tự nhiên bám lấy tinh thần hay đúng hơn được tinh thần thấu nhập. Trong những trang nên được so sánh với những trang của Teilhard de Chardin (và so sánh cũng là để đánh dấu các khác biệt), Blondel mô tả và phóng lớn “vai trò chuẩn tắc, khởi nguyên hữu thể (ontogénitique), không thể thiếu, không thể phá hủy của chức năng do vật chất đảm nhiệm trong kế hoạch tổng thể và tối cao của tạo thế” (tr. 261). Đó là vì chức năng riêng của "thực tại siêu phàm" nơi vật chất là vừa để phân biệt vừa để kết hợp, bởi vì chính nhờ nó mà chúng ta tách mình ra khỏi hữu thể khác và khỏi Hữu thể trong chính nó, nhưng nhờ nó, chúng ta cũng tham gia vào đó. Như thế, vật chất xuất hiện như được liên kết với mọi hữu thể tạo dựng, như một biểu thức phổ quát nói lên tính ngẫu nhiên của chúng, và chắc chắn người ta có thể nói rằng tính vật chất trong mỗi hữu thể đó là thước đo khoảng cách của chúng với Thiên Chúa. Nhưng nếu vật chất là bạn đồng hành của hữu thể, thì cuộc sống là một cái đà chứa sẵn các rủi ro sa ngã, nhưng cũng là một sự chuẩn bị mà không có nó các hữu thể tinh thần không thể hiện hữu. Đến nỗi vật chất dứt khoát xuất hiện như một điều có thể được sinh động hóa, sự sống xuất hiện như điều có thể tinh thần hóa, cuối cùng tinh thần xuất hiện như điều có khả năng khao khát Thiên Chúa (capax entis capax Dei). Và, nói tóm lại, chính trong việc trở nên chậm chạp của chúng và chuyển động của chúng hướng về Thiên Chúa mà các hữu thể thực sự đạt tới chỗ củng cố được hữu thể của chúng. Sử thi vĩ đại về toàn bộ sáng thế, một sử thi vốn chỉ được hiện thực hóa bằng khát vọng hướng tới Thể Tuyệt đối. Thiên Chúa đã tạo ra các hữu thể vì chúng, nhưng chúng chỉ hiện hữu bao lâu hiện hữu vì Người.

Cuốn L’Être et les êtres, một cuốn vốn muốn trở thành và là một công trình của sáng kiến tinh thần cũng như sự nhất quán thuần lý, đã kết thúc một cách khéo léo với một “kết luận khai vị” nhằm mục đích thiết lập một công trình sau này dựa trên các chân lý đã được xác lập. Đây là một dẫn nhập vào khoa học hành động, mà vị trí căn bản của nó như một trung gian giữa suy nghĩ và hiện hữu từ nay đã được hiểu rõ hơn. Blondel luôn gán tầm quan trọng lớn nhất cho vấn đề vinculum substantiale (sợi dây bản thể) và ông đã dành một luận án nhỏ bằng tiếng Latinh của mình cho khái niệm này nơi Leibniz. Sau hai cuốn sách đầu tiên của bộ bốn, điều hình như rõ ràng hơn là hành động chính là mối liên kết chủ yếu và quan yếu, sự kết hợp giữa điều có thực và điều lý tưởng: trong nó hội tụ điều phổ quát và điều đặc thù, đó là vinculum đang thể hiện. Nó được định vị như thế. Blondel vốn không hài lòng khi luôn nghe mình được gọi là triết gia của hành động. Từ nay, sự hiểu lầm này được xóa bỏ và người ta thấy rõ ràng rằng hành động, đặt nền tảng trên hữu thể, cũng ngụ hàm tính khả niệm, trong những gì nó coi là thiết yếu, theo định luật của một trí hiểu và một ý chí có chủ quyền. Hơn nữa, công trình mới không phải là việc đơn giản lấy lại luận án. Tập đầu tiên, hoàn toàn mới, nghiên cứu từ một quan điểm siêu hình về vấn đề các nguyên nhân đệ nhị đẳng và hành động thuần túy. Vì một vấn đề khá tương tự với vấn đề của l’Être et les êtres chắc chắn nảy sinh: làm thế nào xác định được bản chất và chỉ rõ mối tương quan của Nguyên nhân đệ nhất và Nguyên nhân đệ nhị? Theo thuật ngữ hiện đại, người ta gần như có thể nói rằng toàn bộ tập này nghiên cứu sâu về mối tương quan giữa các quan niệm ưng thuận [consentement] và tạo dựng, hoặc nếu người ta thích, tính hoạt động trong chính tính thụ động, “tính chủ động chịu đựng” (pâtir actif). Do đó, đối tượng của nó là xác định bản chất nguyên khởi của hành động. Tập thứ hai nghiên cứu hành động "đang thực hiện" nghĩa là điều tạo nên sự phát triển có phương pháp và bổ ích của nó. Ở một mức độ lớn, nó là việc soạn lại luận án năm 1893, mà nó đã lấy lại nhiều đoạn văn thật dài, chỉ cố gắng làm chính xác hơn để tránh sự phản đối, đôi khi sửa đổi thuật ngữ và nhất là lược bỏ phần kết luận, mà các vấn đề của phần này được chuyển qua cuốn L'Esprit Chrétien. Dù sao, điều gây chú ý cho cuốn la nouvelle Action không hẳn là những gì được thêm vào cho bằng cách nó được liên kết với mọi nỗ lực suy lý trước đó. Như thế, sự thống nhất của ba cuốn sách xuất hiện một cách hoàn toàn rõ ràng và ý định ban đầu và trường kỳ của Blondel được hoàn toàn thanh thoát. “Khắp nơi, một tính hai mặt tạm thời tự áp đặt lên chúng ta, mà chúng ta chỉ ý thức được nhờ một khuynh hướng tự nhiên và không thể xóa nhòa hướng tới sự thống nhất: bất kể, ngay từ đầu, chúng ta đã thấy mình đối đầu với tư tưởng vũ trụ, hay chúng ta xem xét các quá trình của cuộc sống và ý thức trong suốt diễn trình trở thành, hay chúng ta lục lọi Hành động của mình để tìm kiếm mối dây nối kết giữa điều có thực và điều lý tưởng, giữa thực hành và suy đoán, khắp nơi, chúng ta đều gặp ở trung tâm mọi thực tại ngẫu nhiên, một sự bất cập, không hề làm nản lòng, nhưng mở ra một lĩnh vực tiếp theo và áp đặt một sáng kiến dưới sự thúc đẩy của một kích thích mật thiết và bởi sự lôi cuốn của một mục đích cao hơn. Như thế, trong tất cả những gì đang hiện hữu và trong tất cả những gì chúng ta là, trong tất cả những gì chúng ta biết, muốn và làm, một thể vô tận hiện diện khắp nơi, như một cái nêm cắm sâu, không phải để chia cắt, nhưng để thắt chặt và củng cố. Do đó, tư tưởng của chúng ta phải nhận ra nó ở đó, Hành động của chúng ta phải chào đón nó ở đó. Do đó, mà có đặc điểm kép nơi phương pháp của chúng ta: kết nối có tính thuần lý toàn diện, đến mức và bao gồm điều siêu lý (supra-rationel) vốn là điều vô lượng và siêu việt; sự trung thành của ý thức với chuẩn mực thân thiết của nó, đến mức và bao gồm cả việc hiến mình cho chân lý hằng sống, và là nguồn vui ”(L’Action, t. II, p. 14).

Mục đích của bộ ba là quay ngược lại tất cả các sự kiện để khám phá những gì chúng ngụ ý và để làm nổi bật tính cách chưa hoàn tất, thậm chí không thể hoàn tất của tất cả những suy nghĩ, hiện hữu, hành động mà các tạo vật dễ chịu ảnh hưởng. Tính liên tục với cuốn L'Action đầu tiên khá rõ ràng: luôn cùng một kế sách, luôn cùng một phương pháp hàm ngụ và tích hợp cùng một lúc. Một kết luận kép đã đạt được, tạo nên như chứng thư triết học và chân lý tối cao của nó: không thể dẹp bỏ toàn bộ trật tự của sự vật này, một trật tự vốn tự áp đặt một cách bất khả chống cưỡng lên ý thức và tạo thành một vũ trụ nhất quán trong tất cả các bộ phận của nó; không thể khóa nó trong chính nó và không thể đem toàn bộ các phác thảo, chuyển động và mong muốn vốn tạo nên tính năng động của tự nhiên và của tinh thần tới một thể thống nhất khả niệm. Vì vậy, triết học với tư cách là triết học có một công trình cuối cùng cần phải hoàn thành: khảo sát việc một tôn giáo phải thoả mãn các điều kiện nào nếu muốn làm cho việc hoàn thành trở nên khả hữu và liệu Kitô giáo có thỏa mãn những điều kiện này hay không. Theo quan điểm của phép biện chứng hành động, vốn chỉ là một bộ phận của triết học tổng thể, mặc khải xuất hiện như một điều giúp đặt hành động thành một phương trình trong ý thức. Cuốn L’Esprit Chrétien đảm nhận lại nhiệm vụ này, khuếch đại nó và trên hết là chỉ rõ nó: nó tạo thành một triết học tôn giáo, hay nói chính xác hơn, là một triết học về Kitô giáo, còn chính xác hơn nữa, vì cách diễn đạt này còn gây tranh cãi, là một triết lý về Công Giáo. Một triết lý Kitô giáo về tinh thần liên tục có nguy cơ nhầm lẫn; một triết lý của tinh thần Kitô giáo giải cứu được tính tự chủ trong khi khám phá ra các mối liên hệ.

Do đó, bởi vì nó chứa đựng toàn bộ những suy đoán triết học, nên “bộ ba” cho biết rõ những khát vọng và những thiếu sót của chúng ta. Nhưng mục đích trực tiếp của nó là đặt chúng vào tương quan với "các sự ân cần, hứa hẹn, các đại lượng bồi bổ” mà Kitô giáo mang lại. Khoa phê bình triết học và mặc khải Kitô giáo có thể và phải giúp nhau giải quyết vấn đề tối cao về vận mệnh. Điều này không ngụ ý chủ nghĩa duy tín (fidéisme) hay chủ nghĩa tự nhiên hoặc thậm chí là ý định hộ giáo. Làm một triết gia là phải phê bình một cách hợp phương pháp, thậm chí có hệ thống, toàn bộ mọi hoạt động của con người. Kể cả tôn giáo. Lý trí phán xét mọi điều mà không lấy mình làm thước đo mọi điều. Nếu chỉ có con người mới có thể và phải lựa chọn dứt khoát hoặc phò hoăc chống lại siêu nhiên, thì triết học phải đánh giá tính khả niệm của nó. Quả quyết rằng Kitô giáo khả niệm, thì đó là điều Blondel sẽ chứng kinh và điều này nhất quán trong chính nó và nhất quán với toàn bộ các đòi hỏi được bộ ba rút ra. Như thế, cuốn L’Esprit Chrétien mở ra một bước đột phá triết học mới: đó là bước đột phá của một nền Triết học, của một nền Phê bình về Tôn giáo. Nó cung cấp một khía cạnh kép. Một mặt, tư tưởng thuần lý đã làm sáng tỏ các đòi hỏi và nguyện vọng mà mặc khải phải đáp ứng: cần phải khảo sát xem đây có phải là trường hợp của Kitô giáo hay không. Mặt khác, nếu điều này thực sự là như vậy, đến lượt nó, mặc khải này phải nuôi dưỡng chính lý trí, phóng to nó lên cách nào đó và cho phép nó một sự phát triển mà có lẽ chính tự mình nó, nó cũng không biết đến. Bởi thế, kế sách đã được phác thảo rõ ràng và mạnh mẽ. Phải thừa nhận rằng Blondel đã hoàn thành nó không tệ lắm và, đối với một nhiệm vụ vừa mới vừa khó khăn, ông mới chỉ làm được việc mở đường. Tuy nhiên, ông đã rút ra được một ý niệm chính, một ý niệm sẽ phải được lặp lại và làm rõ nét bản chất sâu sắc của triết học cũng như bản chất của tôn giáo: các mầu nhiệm Kitô giáo khác nhau phải giải quyết các bí ẩn triết học, ở cấp độ cao hơn không thể tiếp cận được về phương diện tự nhiên.

Ngoài ra, vì thuật ngữ triết học chỉ sự mơ hồ (ambiguïté) đã được áp dụng cho Merleau-Ponty, nên người ta có thể định nghĩa toàn bộ tư tưởng và thái độ của Blondel như một triết học bí ẩn: triết gia là người di chuyển giữa những bí ẩn, cũng như Kitô hữu là người di chuyển giữa những mầu nhiệm. Các bí ẩn triết học và các mầu nhiệm Kitô giáo đáp ứng lẫn nhau và thúc đẩy lẫn nhau một cách nào đó, không phải theo một suy nghĩ đường vòng, mà tuân theo một "phương pháp vòng xoáy" (méthode cycloïdale) - một chút giống như, theo Teilhard de Chardin, "đường xoắn ốc" (spirale) là hình ảnh của biến hóa. Một lần nữa, vì việc mở rộng mới này của lĩnh vực triết học đã được thực hiện muộn màng, với nhiều điểm yếu và thậm chí thất bại, nên đây là điều người ta phải đồng ý; nhưng vì ở đây có một nỗ lực mới mẻ và mạnh mẽ phi thường, có tính triết học đúng nghĩa, nên điều này dường như cũng là điều không thể phủ nhận.

Kỳ sau: Thân phận triết gia
 
VietCatholic TV
Many seeing ‘luminous angels’ over Ukraine, says Major Archbishop. Story behind a viral photo
VietCatholic Media
04:04 10/03/2022


1. The story behind the viral photo of Ukrainian man hugging crucifix

A photo of an unidentified man hugging a life-size crucifix in Ukraine went viral across social media platforms as Russia began its full-scale invasion of the country.

The image captures a quiet moment in the midst of chaos: A darkly-clothed man embraces the crucifix in a courtyard outside by wrapping his arms around the foot of the cross. While the photo does not show his face, it reveals Jesus’ face, bent down toward the man. Two passers-by walk past him against the backdrop of an ancient, towering church.

The photographer, Dennis Melnichuk, snapped the image outside the Catholic Bernardine monastery and church in Lviv on Feb. 24. Then, he shared it with the world in a Facebook post.

At the time, Melnichuk told CNA, “I was feeling my heart quiver with unbelief and shock. Also, I felt faith rising in my heart.”

He spotted the man while walking to the church to pray.

“This was about three hours after the bombs went off in Kyiv; huge lines were at the banks, pharmacies, and stores as everyone was trying to stock up due to the uncertainty of what was to happen next,” Melnichuk recounted.

This man, instead, prayed at the foot of the cross.

In his caption for the photo, Melnichuk said that he and his wife, Anya, woke up to a phone call warning them that Kyiv was being bombed.

“Before heading east towards Ternopil, Ukraine, we went to grab groceries and extra cash from the ATM,” he wrote on Facebook. “We stood in line for about an hour to get our turn at the machine and found out that there was a $100 limit per person. The reality of martial law just hit us.”

“We are getting ready to help people get away and find housing for refugees — whatever we can do to help in this crisis,” he added.

Instead of fleeing, Dennis and his wife chose to stay in Ukraine to “be the hands and feet of Jesus on the ground,” their fundraising page reads. In other words, assisting and sheltering refugees through their ministry, Awakened Generation.

Awakened Generation, Melnichuk said, has worked to equip and activate the local church in worship, missions, and evangelism. Now, he told CNA, “we are serving refugees fleeing from the war and providing emergency relief and aid to those who are enroute west.”

“We are partnering with YWAM [Youth with a Mission] in Ukraine to give refugees a safe place to stop, sleep, eat, and rest, and help them find a safe way to get out west,” he added. “We have many groups coming in every day and are bracing for hundreds, even thousands, more.”

People can help them in multiple ways, he said: by praying and interceding, donating, and providing humanitarian aid, especially medical help.

Melnichuk comes from a Protestant background, he told CNA. While he himself is not Roman Catholic, he said that he “cherish[es] the rich history of Christ’s church, including it’s Catholic story.”

Both of his parents emigrated from Ukraine to the U.S., where they met and he grew up, he revealed in an online testimony in 2016. He later returned to the country as a missionary and has lived there for two and a half years. And, it seems, he and his wife have no plans to leave even as they help others escape.

“Our phones are slammed,” he wrote in a Facebook post on March 3. “We are getting hit with the first actual stream of refugees beginning the exodus out of crisis cities. The first wave was just a trickle compared to this. We’re doing our best to find answers and solutions.”

“Please pray for us to do this well,” he asked. “We need the grace of God.” In the meantime, he added, “I choose to keep smiling.”

“It is an honor to follow Jesus in a time like this,” he said in another post Wednesday. “Every day groups come in and we see the tired and shocked faces of people who have left everything behind and don’t know what lies ahead of them.”

“I have seen the church in Ukraine and around the world become one living body,” he said. “No labels or tag — just one purpose: love as we have been loved by God in Christ Jesus.”
Source:Catholic News Agency

2. Many seeing ‘luminous angels’ over Ukraine, says major archbishop

The leader of the Ukrainian Greek Catholic Church said on Friday that “many people” have told him that they have seen “luminous angels over the land of Ukraine.”

Major Archbishop Sviatoslav Shevchuk was speaking in a video message recorded on March 4 in the besieged Ukrainian capital Kyiv, whose patron saint is St. Michael the Archangel.

“Here in Kyiv we perceive that the patron of our city is the Archangel Michael who with the cry ‘Who is like God?’ cast into the abyss Lucifer — the one who rose up against God’s truth and was the leader of the diabolical armies,” he said.

“We perceive today that the Archangel Michael together with the whole Heavenly Host is fighting for Ukraine. So many people from throughout Ukraine are turning to me saying that they saw luminous angels over the land of Ukraine.”

He added: “Today we pray: O Archangel Michael and all the Powers of Heaven, fight for Ukraine! Cast down that devil who is attacking us and killing us, bringing devastation and death!”

Major Archbishop Sviatoslav Shevchuk records a video message on March 4, 2022. Screenshot from news.ugcc.ua.

Major Archbishop Sviatoslav Shevchuk records a video message on March 4, 2022. Screenshot from news.ugcc.ua.

Social media users have shared unverified images purporting to show cloud formations resembling angels in Kyiv.

The city’s association with the Archangel Michael dates back to the medieval era, when the saint featured on the seals of the grand princes of Kievan Rus.

The capital’s coat of arms depicts the Archangel holding a flaming sword and a shield, and a sculpture of the saint stands atop the Lach Gates at Independence Square.

Sightings of angels have been reported in previous wars. A famous example is the Angel of Mons, which was said to have protected British soldiers during World War I’s Battle of Mons in Belgium in 1914. Despite scant evidence, the story captured the British public’s imagination and continues to attract interest today.
Source:Catholic News Agency
 
CIA điều trần trước Quốc Hội khả năng giành chiến thắng của Ukraine. Putin có thể sẽ làm gì?
VietCatholic Media
04:09 10/03/2022


1. Hạ Viện yêu cầu tình báo Hoa Kỳ xác nhận xem Putin có điên không?

Dân biểu Hoa Kỳ Raja Krishnamoorthi đã hỏi giám đốc CIA William Burns tại một cuộc điều trần của Ủy ban Tình báo Hạ viện liệu ông có nghĩ rằng Putin “điên” hay không.

Ông Burns cho biết ông nghĩ rằng nhà lãnh đạo Nga ngày càng sống cách ly và cứng rắn trong quan điểm của mình.

“Theo tôi, điều đó không khiến anh ta phát điên, nhưng nó khiến anh ta cực kỳ khó đối phó,” ông Burns nói.

Trung tướng Scott Berrier, Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc phòng cho biết, chỉ trong 10 ngày đầu của cuộc xâm lược Ukraine, quân đội Nga mất từ 2,000 đến 4,000 binh sĩ. Mặc dù ông lưu ý rằng đánh giá được thực hiện với “độ tin cậy thấp”.

Mặc dù vậy, các lực lượng của Mạc Tư Khoa đã cố gắng bao vây các thành phố của Ukraine và cắt lương thực, nước uống, nhiệt và thuốc men, và tiếp tục pháo kích vào những nỗ lực nguy hiểm nhằm di tản dân thường khỏi cảng Mariupol. Thành phố này có 430,000 dân đang hứng chịu các cuộc bắn phá gần như không dứt.

Khi được hỏi về những nỗ lực cắt lương thực và nước uống cho Kiev /Ki-ép/, Trung tướng Berrier cho biết ông không thể nói thành phố có đủ lương thực trong bao nhiêu ngày nhưng tình hình có thể trở nên “tuyệt vọng” trong vòng 10 ngày đến hai tuần lễ tới.

Ở Washington ngày càng có nhiều lời kêu gọi CIA và Lầu Năm Góc hỗ trợ một cuộc nổi dậy của người Ukraine. Trong khi lực lượng của Nga lớn hơn và mạnh hơn Ukraine, một lực lượng nổi dậy được hỗ trợ bởi vũ khí và huấn luyện do Mỹ tài trợ có thể hỗ trợ đáng kể cho quốc phòng của Ukraine.

Bất chấp việc ông Putin tuyên bố sẽ nâng mức cảnh báo về vũ khí hạt nhân của Nga, Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia Avril Haines cho biết Mỹ không quan sát thấy những thay đổi bất thường trong thế trận lực lượng hạt nhân của Nga.
Source:ABC News2. Tình báo Mỹ tin rằng Nga đánh giá thấp sức mạnh kháng cự của Ukraine

Mỹ cho rằng Nga đã đánh giá thấp sức mạnh kháng cự của Ukraine trước khi tiến hành một cuộc xâm lược có thể khiến hàng nghìn người Nga thương vong, quan chức tình báo hàng đầu của chính quyền Biden cho biết.

Chứng từ trong một cuộc điều trần trước Ủy ban Tình báo Hạ viện, là đánh giá công khai đầu tiên về cuộc chiến kéo dài hai tuần của các quan chức tình báo cấp cao của Hoa Kỳ, những người đưa ra những hiểu biết sâu sắc về suy nghĩ và động cơ của Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc xâm lược Ukraine.

Các quan chức nói rõ rằng cuộc tấn công của Nga đã bị chậm lại bởi sự kháng cự bất ngờ của quân phòng thủ Ukraine và hiện không chắc liệu ông Putin có tiến hành chiến lược đánh “tối đa” và man rợ để cố gắng chiếm toàn bộ Ukraine hay sẽ dàn xếp cho một điều gì đó thiếu sót.

Dù bằng cách nào, họ nói, họ tin rằng Putin sẽ quyết tâm đẩy mạnh cuộc xâm lược bất chấp thương vong gia tăng, các lệnh trừng phạt toàn cầu và nỗ lực của các quốc gia phương Tây nhằm cô lập Điện Cẩm Linh, bao gồm cả việc Mỹ cấm nhập khẩu dầu của Nga.

“Chúng tôi đánh giá Putin cảm thấy đau lòng khi phương Tây không dành cho ông ấy sự tôn trọng thích hợp và coi đây là cuộc chiến mà ông ấy không thể để thua”.

“Nhưng những gì ông ta có thể sẵn sàng chấp nhận như một chiến thắng có thể thay đổi theo thời gian với những chi phí đáng kể mà ông ta đang phải gánh chịu.”

Các quan chức Mỹ lưu ý rằng cuộc xâm lược đã diễn ra phần lớn như Hoa Kỳ đã dự báo, trái ngược với những đánh giá quá phiến diện và háo thắng của Putin.

Giám đốc CIA William Burns cho biết: Các quan chức Mỹ đánh giá rằng Putin tự tin có thể chiếm được thủ đô Kiev /Ki-ép/ của Ukraine trong vòng hai ngày đầu tiên của chiến dịch nhưng cho đến nay thực tế là ông ta vẫn chưa thể bao vây hoàn toàn thành phố.

“Anh ấy tự tin rằng mình đã hiện đại hóa quân đội của mình và họ có khả năng giành những chiến thắng nhanh chóng, và quyết định với chi phí tối thiểu. Nhận định này đã được chứng minh là sai”.

Ông Burns, là một chuyên gia lâu năm về Nga và là cựu đại sứ tại Mạc Tư Khoa kết luận:

“Những giả định đó đã được chứng minh là sai lầm sâu sắc trong 12 ngày vừa qua.”
Source:ABC News

3. Máy bay Nga bay vào không phận Vương quốc Anh từ bây giờ được kể là 'phạm tội và có thể bị bắt giữ'

Bộ trưởng Giao thông Grant Shapps đã công bố quy định mới trên Twitter chỉ vài ngày sau lời đe dọa trực tiếp của Putin đối với Vương quốc Anh vì ủng hộ Ukraine.

Ông Shapps đã chia sẻ một bài đăng cùng với một bức ảnh của một văn bản đã ký nêu chi tiết về luật mới.

Tuyên bố có đoạn: “Tôi đã coi BẤT KỲ máy bay nào của Nga bay vào không phận Vương quốc Anh là một tội hình sự và giờ không quân hoàng gia có thể giam giữ những máy bay phản lực này”.

“Chúng tôi sẽ bóp nghẹt khả năng tiếp tục sống nhởn nhơ của những người bạn của Putin trong khi hàng nghìn người vô tội chết”.

Shapps coi cuộc xâm lược của Nga là một “cuộc tấn công vô cớ, được lên kế hoạch trước nhằm vào một quốc gia dân chủ có chủ quyền”, và tuyên bố rằng Vương quốc Anh đã nhiều lần cảnh báo về “những hậu quả to lớn và cái giá phải trả nghiêm trọng cho bất kỳ cuộc tấn công quân sự nào của Nga vào Ukraine.”

Bộ trưởng Giao thông Anh nêu rõ: “Cơ quan kiểm soát không lưu của Vương quốc Anh và các sân bay của Vương quốc Anh không được cho phép bất kỳ máy bay nào mà họ có lý do để tin rằng đó là máy bay Nga. Thứ nhất là máy bay đăng ký tại Nga, Thứ hai là máy bay được sở hữu, điều hành hoặc thuê bao bởi một cá nhân được chỉ định liên quan đến các lệnh trừng phạt hàng không theo luật của Anh. Thứ ba, một chiếc máy bay do những người có quan hệ với Nga sở hữu, điều hành hoặc thuê bao.”

Đạo luật mới được đưa ra sau khi Thủ tướng Boris Johnson công bố kế hoạch hành động 6 điểm chống lại Tổng thống Nga.

Thủ tướng nói: “Putin phải thất bại và được coi là thất bại trong hành động gây hấn này”.

“Việc bày tỏ sự ủng hộ của chúng tôi đối với trật tự quốc tế dựa trên luật lệ là chưa đủ - chúng ta phải bảo vệ nó trước nỗ lực liên tục nhằm viết lại các quy tắc của lực lượng quân sự”.

“Thế giới đang theo dõi. Không phải các sử gia tương lai mà chính người dân Ukraine sẽ là người phán xét chúng tôi “.

Phát biểu trong chuyến thăm đến một căn cứ của không lực Anh, ông Johnson cho biết Putin đang “nhân đôi” “các cuộc tấn công giết người” của hắn nhằm vào dân thường và thề sẽ chống trả bằng mọi phương cách.

Ông nói: “Sự đoàn kết của phương Tây đã rất, rất mạnh mẽ trong thời kỳ này, và đó là điều mà tôi không nghĩ rằng Putin đã không lường đến”.

“Nhưng bây giờ hắn ta đang tiến hành cuộc tấn công thực sự không kiềm chế này vào các thành phố, bây giờ hắn ta tấn công dân thường theo cách của hắn ta, tôi nghĩ chúng ta phải nhận ra rằng chúng ta phải làm nhiều hơn các biện pháp trừng phạt.”

Trong khi đó, người Nga phải đối mặt với việc bị cấm nhập cảnh vào Vương quốc Anh.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Baroness Williams của Trafford nói với Quốc hội: Động thái này sẽ gửi “một tín hiệu mạnh mẽ” tới Điện Cẩm Linh rằng họ không thể tấn công một nước láng giềng hòa bình và mong đợi “mọi sự sẽ như bình thường”.

Bà nói, trừng phạt công dân Nga như một phần của gói trừng phạt sẽ giúp gia tăng áp lực lên chính quyền ở Mạc Tư Khoa.
Source:europenewspapers.com

4. Thành phố Ba Lan đang viện trợ cho Ukraine báo động cao về sự can thiệp của Nga và 'các hành động phá hoại'

Thành phố Ba Lan đang viện trợ cho Ukraine đang trong tình trạng báo động cao về sự can thiệp của Nga và 'các hành động phá hoại'

Ở miền đông Ba Lan, mối đe dọa khủng bố đã được nâng lên, một điệp viên Nga đã bị bắt và người ta lo ngại rằng các nguồn cung cấp viện trợ di chuyển qua khu vực và vào Ukraine bị chiến tranh tàn phá có thể bị nhắm mục tiêu bằng các “hành động phá hoại”.

Hơn 1.5 triệu người tị nạn đã vượt qua Ukraine và đến Ba Lan. Nhưng đi theo hướng ngược lại là những nguồn cung cấp thiết yếu cho quốc phòng Ukraine và cho sự sống còn của những người bị bỏ lại phía sau.

Các chuyên gia hậu cần từ khắp nơi trên thế giới đã hội tụ về thành phố Rzeszów. Một số vui mừng khi nói về những gì họ đang chuyển qua biên giới, nhưng có những người khác thì không.

Và trong khi hàng hóa đang chuyển ra khỏi Ba Lan, quân đội Mỹ đang di chuyển vào.

Khu vực này đang đối phó với một cuộc khủng hoảng nhân đạo đang leo thang cũng như thực tế mới là trở thành một trong những điểm dừng chân cuối cùng ở Âu Châu trước cuộc chiến của Nga.

Cư dân dọc theo vùng viễn đông của đất nước được nhắc nhở về vị trí của họ hàng ngày khi máy bay chiến đấu của Mỹ cất cánh từ một sân bay quân sự gần đó và thực hiện các chuyến bay giám sát.

5,000 binh sĩ của Sư đoàn Dù 82 Hoa Kỳ hiện đóng quân gần Rzeszów và hàng nghìn binh sĩ khác dự kiến sẽ đến khu vực này trong những tháng tới.

Gián điệp và phá hoại

Những người trong những mạng lưới điều phối viện trợ đi vào Ukraine có thể quá bận rộn để hiểu được những mối đe dọa mà họ phải đối mặt, nhưng các quan chức Ba Lan đã ra tay để bảo vệ họ.

Kể từ khi chiến tranh bắt đầu, chính phủ Ba Lan đã loại bỏ hai loại mối đe dọa khủng bố.

Trên toàn quốc, mối đe dọa khủng bố trên mạng đã được nâng lên mức cao thứ hai và chính phủ đã chuyển mức báo động khủng bố đến hai khu vực Rzeszów và Brava, và cảnh báo chính quyền địa phương hành động để ngăn chặn các cuộc tấn công.

“Tất nhiên là chúng tôi rất lo lắng,” thị trưởng thành phố Rzeszów, Konrad Fijolek nói với ABC.

“Chúng tôi từng sống một cuộc sống yên bình. Chúng tôi đã sống một cuộc sống bình thường, đơn giản. Và ngay bây giờ chúng tôi có quân đội Mỹ đóng quân ở đây.”

Ông cho biết tình hình đang căng thẳng.

Ông Fijolek nói: “Có nguy cơ xảy ra các hành động phá hoại vì đây là hành lang mà viện trợ nhân đạo đến Ukraine và tình hình ngày càng trở nên nguy hiểm hơn”.

“Tất nhiên, chiến tranh của Nga có nhiều hình thức. Trong khi Vladimir Putin tung ra vũ lực thô bạo ở biên giới Ukraine, thì hoạt động tình báo và khủng bố mạng đã vượt ra ngoài giới hạn địa lý trong cuộc chiến của ông ta”.

Hôm thứ Năm, chính quyền Ba Lan đã bắt và buộc tội một đặc vụ thuộc cơ quan tình báo quân sự GRU của Nga tại thị trấn Przemyśl, cách Rzeszów một giờ và cách biên giới Ukraine 20 phút.

Przemyśl là thị trấn Ba Lan đầu tiên mà người tị nạn Ukraine sẽ đi qua khi băng qua cửa biên phòng Medyka.

Trong số 1.5 triệu người đã chạy khỏi Ukraine trong hai tuần qua, hơn 1 triệu người trong số họ hiện đang ở Ba Lan và Medyka là nơi qua lại nhộn nhịp nhất.

Thị trấn này thuộc về thế giới cũ của Ba Lan. Nhiều tòa nhà ở Przemyśl đã bị bỏ hoang từ Thế chiến thứ hai và giờ đây chúng đang được cải tạo lại cấp tốc để dùng làm nơi nghỉ ngơi cho những người Ukraine bị mắc kẹt trong cuộc chiến hiện tại của Âu Châu.

Trong vài ngày đầu tiên trong cuộc xâm lược của Nga, những người tị nạn và tình nguyện viên đã đến Przemyśl và trong số họ có một điệp viên GRU đã bị bắt.

Theo Cơ quan An ninh Nội bộ Ba Lan, điệp viên bị tình nghi này dự định đi vào Ukraine sau khi đã nắm được thông tin về các hoạt động cứu trợ của Ba Lan - “việc cơ quan mật vụ Nga sử dụng thông tin này có thể gây tác động tiêu cực trực tiếp đến an ninh và quốc phòng bên trong và bên ngoài đất nước chúng tôi”.

Bên trong Ukraine, các hãng thông tấn công bố thông tin về những “kẻ phá hoại” của Nga bị giam giữ và cách phát hiện các điệp viên tiềm năng.

Trên một tờ báo địa phương độc lập ở Lviv, một câu chuyện viết: “Vui lòng báo cáo những kẻ khiêu khích của Nga”.

“Chúng tôi hỏi tất cả cư dân của khu vực Lviv và các nhà môi giới điạ ốc để biết thông tin về những người nam từ 20 đến 50 tuổi, những người có thể thuê căn hộ trong khu vực trực tiếp hay thông qua trung gian”.

“ Đặc trưng, những người này là họ nói tiếng Nga và không nói được tiếng Ukraine.”

Tắt hết máy bộ đàm trong đoàn xe tải

Có vô số hoạt động để chuyển nguồn cung cấp vào Ukraine, một số hoạt động là kết quả sáng kiến của một người, những hoạt động khác liên quan đến máy bay chở hàng và các đoàn xe viện trợ của Liên Hợp Quốc.

Bất kể quy mô của chúng, thông điệp vang dội là cần nhiều hơn nữa và các đường cung cấp cần phải luôn mở.

Grzegorz Gruca từ Tổ chức Hành động Nhân đạo của Ba Lan có nhiều kinh nghiệm trong việc đưa hàng cứu trợ qua các vùng chiến sự.

Anh ấy thoải mái với quan niệm rằng đôi khi để cứu được mạng sống, bạn phải mạo hiểm với cuộc sống mình.

Ông Gruca nói: “Chúng tôi là một tổ chức nhân đạo hoạt động ở những nơi khủng hoảng, chẳng hạn như Thổ Nhĩ Kỳ, Syria hoặc Nam Sudan… chúng tôi là một phần của hệ thống ứng phó của Liên hợp quốc”.

“Đó luôn là một rủi ro lớn, nhưng chúng tôi đang cứu sống con người. Đó là vai trò của chúng tôi”.

Ông cho biết rủi ro rõ ràng đối với các tài xế là ở phía biên giới Ukraine, nhưng các đoàn xe của ông cũng đã chuẩn bị sẵn sàng cho những thử thách ít dễ thấy hơn ở Ba Lan.

Ông Gruca nói: “Đây là điều mà chúng tôi luôn xem xét”.

“Chúng tôi đã tắt hết các máy bộ đàm, chúng tôi chỉ sử dụng điện thoại di động. Các tài xế cũng phải thay đổi thường xuyên các tuyến đường”.

Ông Gruca cho biết các đoàn xe của ông cứ 20 km lại thấy sự hiện diện của cảnh sát và thường được đưa đến trước các hàng đợi ở biên giới để giúp họ tiếp tục di chuyển.

Những người và nguồn cung cấp chuyển đến Ukraine đang tiếp tục nỗ lực bảo vệ đất nước.

Phó thanh tra cảnh sát Rzeszów Marta Tabasz-Rygiel nói với ABC rằng đội của cô đang hộ tống các đoàn xe đến biên giới.

Cô nói: “Chúng tôi đang hỗ trợ các đoàn xe nhân đạo mỗi ngày.”

“Chúng tôi nhận thức được sự nguy hiểm. Chúng ta phải nhận thức và hành động nhanh chóng trong trường hợp có nguy cơ khủng bố “.

Cô cho biết trọng tâm của họ là cơ sở hạ tầng quan trọng liên quan đến các đợt viện trợ và các địa điểm nơi đông người đang tụ tập, một điều gì đó đang xảy ra trên khắp các thị trấn biên giới của Ba Lan khi người tị nạn đổ vào đất nước.

Những điện tặc của Nga đang 'cố gắng thu thập thông tin tình báo' về hậu cần

Tuần trước, nhóm nghiên cứu an ninh mạng Proofpoint cho biết một tổ chức nhà nước chưa xác định đã nhắm mục tiêu vào các quan chức Âu Châu bằng phần mềm độc hại trong một nỗ lực rõ ràng là làm gián đoạn nỗ lực hỗ trợ người tị nạn Ukraine.

Proofpoint không muốn xác định quốc gia đứng sau vụ tấn công nhưng cho biết nó tương tự như các chiến dịch được thực hiện bởi một nhóm điện tặc trước đây đã hoạt động vì lợi ích của Nga và Belarus.

Các nhà nghiên cứu của Proofpoint cũng cho biết cuộc tấn công nhằm vào các quan chức Âu Châu có thể là một nỗ lực nhằm “thu thập thông tin tình báo liên quan đến hậu cần xung quanh việc di chuyển tiền tệ, trang thiết bị và con người trong các nước thành viên NATO”.

Các nhà nghiên cứu cho biết: “Mặc dù các kỹ thuật được sử dụng trong chiến dịch này không mang tính đột phá nhưng nếu được triển khai đồng loạt trong một cuộc xung đột nhịp độ cao, chúng có khả năng khá hiệu quả”

Bà Tabasz-Rygiel cho biết cảnh sát vùng Rzeszów hiện đang phải đối mặt với “một thách thức lớn”.

“Chúng tôi chưa bao giờ phải đối mặt với thử thách như thế này trước đây, nhưng tôi cũng là một người vợ và người mẹ và tôi có những nỗi sợ hãi của riêng mình,” cô nói.

“Ngày nào tôi cũng nghe thấy tiếng máy bay trên đầu. Tôi biết biên giới chỉ cách đó hàng cây số”.
Source:ABC News
 
Chủ tịch Hội đồng Giám mục Đức kêu gọi thay đổi Giáo lý hôn nhân. Những tiếng nói phản biện
VietCatholic Media
06:43 10/03/2022


1. Chủ tịch Hội đồng Giám mục Công Giáo Đức kêu gọi thay đổi Giáo lý về tình dục

Chủ tịch Hội đồng Giám mục Công Giáo Đức đã kêu gọi thay đổi giáo huấn của Giáo hội về quan hệ tình dục ngoài hôn nhân và đồng tính luyến ái.

Trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí Bunte của Đức xuất bản vào ngày 4 tháng 3, Giám mục Georg Bätzing đồng ý với khẳng định của nhà báo rằng “không ai” tuân theo giáo huấn của Giáo hội rằng chỉ nên thực hành tình dục trong hôn nhân, ông nói: “Điều đó đúng. Và chúng ta phải thay đổi phần nào Giáo lý về vấn đề này. Tình dục là một món quà của Thiên Chúa. Và không phải là một tội lỗi”.

Khi được hỏi liệu các mối quan hệ đồng giới có được phép hay không, vị Giám Mục người Đức trả lời: “Được, nếu nó được thực hiện với lòng trung thành và trách nhiệm thì không sao cả. Nó không ảnh hưởng đến mối quan hệ với Chúa”.

Bätzing, giám mục của Limburg, miền tây nước Đức, nói thêm: “Làm thế nào một người sống cuộc sống cá nhân thân mật của họ không phải là việc của tôi.”

Ông nói, không ai được Giáo hội tuyển dụng phải sợ bị mất việc làm vì điều này.

Nhà thần học người Đức Martin Brüske đã chỉ trích gay gắt những bình luận của Bätzing trong một cuộc phỏng vấn với CNA Deutsch.

Ông nói: “Lập luận của Giám mục Georg Bätzing ở đây là khó hiểu. Ông ấy đang ngụ ý rằng Giáo lý và do đó truyền thống của Giáo hội bằng cách nào đó nói rằng tính dục là tội lỗi. Điều tôi muốn biết từ ông ta là: Ông tìm thấy câu nói như vậy ở đâu trong Sách Giáo Lý hoặc trong truyền thống của Giáo Hội? “

Trên thực tế, nhà thần học nói thêm, Giáo hội đã luôn bác bỏ một quan điểm như vậy là sai lầm.

“Bằng cách đối chiếu khẳng định sai lầm này với khẳng định thứ hai của ông ta - rằng tình dục không có giới hạn là món quà của Thiên Chúa, toàn bộ lĩnh vực này bị loại bỏ khỏi sự phản ánh đạo đức. Theo logic này, không còn cần thiết phải làm rõ hoặc phân biệt cách thực hành tình dục. Không còn phân biệt hành vi tình dục nào là hành vi tự phục vụ hay thể hiện sự chiếm đoạt lẫn nhau”.

Brüske nhấn mạnh rằng giáo huấn đạo đức của Giáo hội đã đề cao tính dục đối với tình yêu vợ chồng của một người nam và một người nữ. Điều 2362 nói: “Những hành vi thực hiện sự kết hợp thân mật và thanh khiết của đôi vợ chồng đều cao quý và chính đáng. Được thi hành cách thực sự nhân linh, những hành vi ấy biểu hiện và khích lệ sự hiến thân cho nhau nhờ đó hai người làm cho nhau thêm phong phú trong hoan lạc và biết ơn. Chính Đấng Sáng Tạo đã muốn rằng trong nhiệm vụ truyền sinh đôi vợ chồng cảm thấy một sự vui thú và thỏa mãn nơi thân xác và tinh thần. Vì vậy, vợ chồng chẳng làm điều gì xấu khi tìm kiếm và tận hưởng sự khoái lạc đó. Họ đón nhận những gì Đấng Sáng Tạo đã ban cho.”

Brüske nói rằng bằng cách từ bỏ hôn nhân bí tích như là nơi độc quyền của tình dục giữa người nam và người nữ, khuynh hướng hướng về Phúc âm cũng sẽ bị loại bỏ và thay thế bằng khuynh hướng hướng đến văn hóa đương đại.

Ông nói: “Các vực thẳm của văn hóa đương đại hoàn toàn bị bỏ qua, đặc biệt là cái mà tôi gọi là xã hội học thực tế về dục vọng, trong đó con người thường bị xâm phạm trong lĩnh vực tình dục của họ.

Nhà đạo đức học, giảng dạy ở Thụy Sĩ, nói rằng Kitô giáo ban đầu, với khuynh hướng hướng về Chúa Giêsu, đưa ra một sự tương phản hoàn toàn so với văn hóa thời đó.

“Chính vì điều này, Kitô Giáo đã hấp dẫn, và giúp những người bị thương tìm được sự chữa lành”

Brüske nói với CNA Deutsch có vẻ như Giám Mục Bätzing không thấy được điều đó. “Ông ta rõ ràng là mù tịt cả về nguồn gốc lẫn hiện tại của chúng ta. Điều này khiến tôi buồn và bối rối. Và cũng có một chút tức giận. Bởi vì sự ngây thơ như vậy thực sự không được phép nơi một Giám Mục.”

Trong cuộc phỏng vấn với Bunte, Bätzing cũng lên tiếng ủng hộ việc bãi bỏ chế độ độc thân linh mục và phong chức cho phụ nữ - những quan điểm gần đây được những người tham gia “Tiến Trình Công Nghị” của Đức tán thành.

Brüske nói rằng thay vì đóng vai trò của một người điều tiết, “chủ tịch hội đồng giám mục Đức xác định một cách không dứt khoát với các yêu cầu sửa đổi toàn bộ đạo đức tình dục của Giáo hội, bãi bỏ chế độ độc thân, phong chức phụ nữ.”

Ông nói thêm rằng, với quan điểm của Tiến Trình Công Nghị gây tranh cãi, việc Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục đưa ra một chương trình nghị sự như vậy là một vấn đề rất nghiêm trọng.


Source:Catholic News Agency

2. Đại diện Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc ở New York kêu gọi chấm dứt ngay cuộc chiến tại Ukraine

Đại diện Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc ở New York, Đức Tổng Giám Mục Giordano Caccia, kêu gọi chấm dứt ngay các cuộc xung đột tại Ukraine, tái tìm kiếm đối thoại và ngoại giao, cũng như trợ giúp hàng trăm ngàn người tị nạn chiến tranh.

Đức Tổng Giám Mục Caccia bày tỏ lập trường trên đây của Tòa Thánh, trong hai bài tham luận: trước tiên tại khóa họp về “Lời kêu gọi chung về nhân đạo và đáp ứng kế hoạch giúp người tị nạn từ Ukraine”, tiếp đến tại khóa họp khẩn cấp thứ mười một của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc.

Đức Tổng Giám Mục Caccia nhắc lại lời kêu gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô hôm Chúa nhật, 27 tháng Hai vừa qua, trong đó ngài bày tỏ sự gần gũi với những người đang chịu đau khổ vì xung đột, và kêu gọi mở những hành lang nhân đạo cho người tị nạn, đồng thời Đức Tổng Giám Mục nói rằng “Tòa Thánh coi là một điều cơ bản phải đảm bảo cho các tổ chức nhân đạo được tự do và an ninh trong việc cứu trợ dân chúng đang gặp khó khăn tại Ukraine. Việc bảo vệ các thường dân, cũng như các nhân viên từ thiện, hợp với công pháp quốc tế về nhân đạo, phải được ưu tiên”. Từ đó, Tòa Thánh hiệp với nhiều quốc gia thành viên khác của Liên Hiệp Quốc kêu gọi ngưng chiến tức khắc và trở về với các hoạt động ngoại giao và đối thoại. Giáo Hội Công Giáo, với các tổ chức từ thiện của mình, đang và sẽ tiếp tục trợ giúp dân chúng”.

Tòa Thánh ca ngợi tất cả các quốc gia đang trợ giúp nhân đạo cho dân chúng gặp khó khăn từ Ukraine chạy đến, đặc biệt các nước láng giềng, nơi nhiều người dân Ukraine tìm đến để được an ninh.

Đức Tổng Giám Mục Caccia nói rằng đối với Tòa Thánh, một trách nhiệm chung là “đón tiếp, bảo vệ và trợ giúp hàng trăm ngàn người tị nạn... Những nỗ lực đáp ứng nhu cầu của những người tị nạn tìm kiếm an ninh, phải được tiếp tục qua sự tôn trọng nguyên tắc không xua đuổi và là nghĩa vụ chung của chúng ta, theo công pháp quốc tế, kể cả quyền quốc tế của những người tị nạn và phải được thi hành dựa trên nguyên tắc không kỳ thị”.

Sau cùng, Tòa Thánh xác tín rằng “luôn luôn có thời gian cho thiện chí, vẫn còn có thể thương thuyết, luôn luôn có chỗ để thực thi sự khôn ngoan, giúp tránh để cho quyền lợi phe phái trổi vượt, bảo tồn được những khát vọng của mỗi người và tránh cho thế giới khỏi những điên rồ và khủng khiếp của chiến tranh”.

3. Tổ chức bác ái Trợ giúp các Giáo hội đau khổ, phân bộ Ý, báo động rằng tự do tôn giáo tại Ukraine, đặc biệt tại vùng Lugansk và Donetsk, bị đe dọa.

Ông Alessandro Monteduro, Giám đốc phân bộ Ý của tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ, đưa ra lời báo động rằng tự do tôn giáo tại Ukraine, đặc biệt tại vùng Lugansk và Donetsk, bị đe dọa. Lugansk và Donetsk tuyên bố là hai Cộng hòa độc lập với Ukraine và Quốc hội Nga đã công nhận nền độc lập của hai vùng này.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho mạng Nuova Bussolo Quotidiana, nghĩa là “Địa bàn mới hằng ngày”, truyền đi ngày 03 tháng Ba năm 2022, ông Monteduro nói rằng tại bán đảo Crimea, trước khi bị Nga sáp nhập cách đây tám năm, có 50 tổ chức tôn giáo hoạt động tại đây, nhưng năm năm sau đó, 2019, chỉ còn lại chín tổ chức tôn giáo.

Ông cho biết tổ chức “Trợ giúp các Giáo hội đau khổ” đã hoạt động từ 59 năm nay (1963) tại Ukraine, và nâng đỡ nhiều cộng đoàn Công Giáo và Kitô khác. Tại Ukraine, có 4.879 linh mục và tu huynh, cùng với 1350 nữ tu. Hôm thứ Sáu, 25 tháng Hai vừa qua, khi chiến tranh mới bùng nổ, chúng tôi đã dành một triệu Euro như trợ giúp cấp thời cho các Giáo hội tại Ukraine. Trong quá khứ, chúng tôi đã dành hàng chục triệu Euro để hỗ trợ việc huấn luyện các chủng sinh. Trong mười năm gần đây, các chủng sinh đã nhận được sáu triệu rưỡi Euro từ Tổ chức Trợ giúp các Giáo hội đau khổ. Từ năm 1994, chúng tôi đã hỗ trợ việc kiến thiết và bảo trì các chủng viện Công Giáo Latinh và Đông phương, với hơn chín triệu Euro, tiếp đến có 15 triệu 600.000 Euro được dành cho việc xây cất và tu bổ các đan viện và tu viện. Chúng tôi hy vọng có thể tiếp tục công trình này, cũng nhờ lòng quảng đại của các ân nhân.

Giám đốc Trợ giúp các Giáo hội đau khổ ở Ý nói đến những khó khăn của các cộng đồng Công Giáo ở Ukraine, từ khi chiến tranh bùng nổ, sau khi kho dự trữ bắt đầu cạn, họ đang cần những nhu yếu phẩm. Tình trạng bi thảm nhất có lẽ tại Kharkov, thành phố ở miền đông Ukraine và lớn thứ hai của nước này, với khoảng một triệu dân cư. Đức Giám Mục Công Giáo Latinh tại đây trong những ngày qua đang phải trú ẩn với các gia đình trong hầm trú bom đạn. Cũng vậy đối với vị giám mục Chính thống giáo ở địa phương.

Ông Monteduro đặc biệt nói đến những khó khăn của các cộng đồng Kitô ở miền đông Ukraine. Nhiều tổ chức tôn giáo không đăng ký trước ngày 15 tháng Mười năm 2018, đã bị nhà cầm quyền cấm cản hoạt động và bị xách nhiễu. Ví dụ năm 2019, nhà thờ hoặc các cơ sở của tổ chức không đăng ký bị cúp khí đốt, hạn chế điện nước. Nhiều chứng từ xác nhận tự do tôn giáo đã bị thương tổn.
 
Tổng thống Ukraine chiếm trọn cảm tình thế giới, tố cáo Nga man rợ. Thủ tướng Anh khinh miệt Putin
VietCatholic Media
16:05 10/03/2022

1. Các quan chức Ukraine tố cáo cuộc không kích của Nga nhằm vào bệnh viện trẻ em và phụ sản ở thành phố cảng Mariupol

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy đã cáo buộc Nga thực hiện cuộc không kích khiến một bệnh viện ở thành phố cảng Mariupol, miền Nam nước này bị hư hại nặng.

Thống đốc khu vực cho biết ít nhất 17 người bị thương trong vụ tấn công

Theo Thống đốc khu vực, ít nhất 17 người bị thương trong vụ tấn công, bao gồm cả phụ nữ đang chuyển dạ, nhưng chưa thể xác minh ngay báo cáo. Nga đã phủ nhận việc nhắm mục tiêu vào dân thường trong cuộc tấn công vào Ukraine.

Mặt đất rung chuyển hơn một dặm khi khu phức hợp Mariupol bị một loạt vụ nổ làm nổ tung các cửa sổ và xé toạc phần lớn mặt trước của một tòa nhà.

Cảnh sát và binh sĩ khẩn trương đến hiện trường di tản nạn nhân, khiêng sản phụ chảy nhiều máu lên cáng.

Một người phụ nữ khác vừa khóc vừa ôm chặt đứa con của mình. Trong sân, những chiếc xe cháy rụi, và một hố nổ sâu ít nhất hai tầng.

Trẻ em nằm trong số những người “dưới đống đổ nát”, ông Zelenskyy đã tweet.

“Cuộc tấn công trực tiếp của quân đội Nga vào bệnh viện phụ sản. Người dân, trẻ em nằm dưới đống đổ nát.

“Tàn bạo! Thế giới sẽ còn là những kẻ đồng lõa lờ đi những nỗi kinh hoàng như thế này trong bao lâu nữa? Hãy đóng cửa bầu trời ngay bây giờ!”

“Hãy dừng các vụ giết người lại! Các bạn có quyền lực nhưng các bạn dường như mất nhân tính “.

Hội đồng thành phố Mariupol cho biết bệnh viện đã bị phá hủy nhưng không biết con số thương vong.

Bộ Ngoại giao Ukraine đã đăng tải đoạn video trên Twitter về bệnh viện bị hư hại nặng.

Đoạn phim cho thấy những lỗ hổng trong một tòa nhà ba tầng bị hư hỏng nặng tại bệnh viện, và những đống đổ nát khổng lồ, một số còn cháy âm ỉ.

Thống đốc khu vực Pavlo Kyrylenko cho biết Nga đã tiến hành cuộc tấn công trong thời gian ngừng bắn được thỏa thuận nhằm cho phép di tản dân thường khỏi thành phố phía nam bị bao vây.

Xe bốc cháy với khói bốc ra từ nó.

Sau tuyên bố từ các quan chức Ukraine, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã trút sự khinh miệt đối với Nga.

“Còn thứ nào khốn nạn hơn hơn là nhắm vào những người dễ bị tổn thương và không có khả năng tự vệ,” ông Johnson viết trên Twitter.

“Vương quốc Anh đang tìm kiếm sự hỗ trợ nhiều hơn cho Ukraine để phòng thủ trước các cuộc không kích và chúng tôi sẽ buộc Putin phải chịu trách nhiệm về những tội ác khủng khiếp của hắn”.

Volodymir Nikulin, một quan chức cảnh sát khu vực đứng trong đống đổ nát, cho biết: “Hôm nay Nga đã phạm một tội ác rất lớn.

“Đó là một tội ác chiến tranh mà không thể biện minh bằng cách nào.”

Thường dân không thể ra khỏi Mariupol

Trước đó, hôm thứ Tư, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba cáo buộc Nga bắt người dân Mariupol làm con tin bằng cách pháo kích vào thành phố cảng miền Nam Ukraine bất chấp nỗ lực thiết lập hành lang di tản an toàn cho dân thường.

“Gần 3.000 trẻ sơ sinh thiếu thuốc và thức ăn,” ông Kuleba viết trên Twitter.

“Nga tiếp tục bắt giữ hơn 400,000 người ở Mariupol làm con tin, chặn viện trợ nhân đạo và di tản. Các cuộc pháo kích bừa bãi vẫn tiếp tục diễn ra “.

Hội Hồng thập tử đã mô tả các điều kiện ở Mariupol là “ngày tận thế”.

Nga cho biết họ sẽ ngưng bắn để cho dân thường chạy khỏi các thành phố bị bao vây, nhưng các nỗ lực di tản Mariupol dường như đã thất bại một lần nữa, như một số nỗ lực trước đó kể từ hôm thứ Bảy.

Phó Thị trưởng Mariupol, Serhiy Orlov cho biết hơn 1,000 người đã thiệt mạng tại thị trấn kể từ đầu cuộc xâm lược của Nga.

Ông Orlov cho biết: “Ít nhất 1,170 người đã thiệt mạng và 47 người được chôn cất trong một ngôi mộ tập thể ngày hôm nay.

“Mọi người không có nước, nhiệt, điện, khí đốt. Cư dân đang làm tan tuyết để uống “.

Các quan chức địa phương ở các thành phố khác cho biết một số thường dân đã rời khỏi các hành lang an toàn, bao gồm cả ra khỏi Sumy ở miền đông Ukraine và Enerhodar ở miền nam.

Tuy nhiên, các lực lượng Nga đã ngăn chặn một đoàn xe gồm 50 xe buýt di tản dân thường khỏi thị trấn Bucha ngoại ô Kiev, chính quyền địa phương cho biết trong một bài đăng trực tuyến, đồng thời cho biết thêm rằng các cuộc đàm phán vẫn đang tiếp tục với hy vọng đoàn xe sẽ được phép rời đi.

Theo Thống đốc khu vực Oleh Synehubov, các cuộc di tản khỏi thị trấn Izyum ở miền đông Kharkiv cũng đang bị kìm hãm bởi các cuộc pháo kích của Nga.

“Xe buýt vẫn đang đợi ở lối vào Izyum,” anh nói.

2. Wall Street Journal: Cuộc xâm lăng Ukraine của Nga tạo ra cuộc chuyển giao vũ khí lớn nhất và nhanh nhất lịch sử

Các nước phương Tây huy động máy bay, xe lửa, xe hơi giúp Ukraine có thêm hỏa tiễn, rocket để chống đỡ lực lượng Nga.

Đó là tường trình của Matthew Luxmoore, Drew Hinshaw và Nancy A. Youssef, thuộc Wall Street Journal ngày 8 tháng 3 năm 2022

Ba ký giả trên cho hay: Trong khoảng thời gian hai tuần, cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine đã tạo ra một trong những vụ chuyển giao vũ khí lớn nhất và nhanh nhất trong lịch sử.

Bằng đường bộ và đường sắt, chỉ riêng tuần trước, Cộng hòa Séc đã gửi 10,000 lựu đạn phóng tên lửa cho quân trú phòng Ukraine. Ở Ba Lan, sân bay tỉnh Rzeszow nằm cách biên giới Ukraine khoảng 60 km đã tập trung rất nhiều máy bay vận tải quân sự đến nỗi vào thứ Bảy, một số chuyến bay đã phải chuyển hướng một thời gian ngắn cho đến khi có chỗ đáp tại sân bay.

Trên các xa lộ của đất nước, các xe cảnh sát đang hộ tống các xe tải vận tải quân sự đến biên giới, với các đoàn xe khác tiến vào Ukraine qua những con đường nhỏ ít lưu thông phủ đầy tuyết xuyên qua các dãy núi.

Cuộc chạy đua cung cấp vũ khí cho Ukraine đang diễn ra như một hoạt động cung ứng ít có tương đồng trong lịch sử. Các đồng minh phương Tây, sau khi loại trừ việc bố trí quân đội trên bộ ở Ukraine, đã cố gắng trang bị cho lực lượng quân sự triển khai rất mỏng và bất cân xứng với địch của đất nước, một số binh sĩ của họ chiến đấu mà không có ủng bao chân.

Với việc các tàu chiến của Nga đang trấn giữ bờ Black Sea và không phận của Ukraine đang có tranh chấp, Mỹ đang gấp rút vận chuyển vũ khí vào đất liền trước khi Nga chặn cả đường bộ. Các viên chức Ngũ Giác Đài cho biết hầu hết tổng số 350 triệu USD vũ khí và hỗ trợ mà chính quyền Biden cam kết vào cuối tháng trước đã được chuyển giao. Quốc hội đang xem xét việc cấp thêm hàng tỷ đô la. Bộ Quốc phòng đã mô tả những nỗ lực của họ là chưa từng có.

Các chính phủ từng miễn cưỡng chuyển giao vũ khí và chống lại Nga đang tham gia vào cuộc chiến. Thụy Điển, mặc dù trong lịch sử vốn phi liên kết, đã cam kết cung cấp 5,000 vũ khí chống xe tăng. Berlin - nơi chỉ cách đây 3 tuần đã ngăn chặn Estonia chuyển các bích kích pháo do Đức sản xuất cho Ukraine - hiện đang gửi hơn 2,000 vũ khí chống xe tăng và phòng không. Ý, từ lâu là một thành viên thụ động trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương, cũng đã hứa hẹn về vũ khí, và Tây Ban Nha đã cung cấp súng phóng lựu đạn.

Nỗ lực của đồng minh được ủng hộ bởi các công dân bình thường ở châu Âu và Hoa Kỳ, những người nói rằng họ đang mua thiết bị săn bắn trực tuyến — để qua mặt các quy tắc chống lại việc vận chuyển thiết bị quân sự — và chuyển nó cho những người bạn đang tiến vào Ukraine. Ở Warsaw, một phụ nữ 67 tuổi phụ trách buôn lậu kính nhìn đêm cho những người bảo vệ đất nước. Các khách sạn đông người gần biên giới Ba Lan-Ukraine phục vụ cho những người đàn ông hỏi nhau làm thế nào họ có thể vận chuyển áo giáp đến các thành phố lớn, trước khi quân đội Nga chiếm giữ các con đường.

Tuy nhiên, người Ukraine nói rằng như vậy vẫn chưa đủ. Trong các video được đăng tải lên mạng xã hội từ văn phòng của ông ở Kyiv, với thủ đô Ukraine gần như bị bao vây bởi các lực lượng Nga, Tổng thống Volodymyr Zelensky đã thúc giục phương Tây gửi thêm vũ khí và thực thi vùng cấm bay để ngăn Nga tiến hành thêm các cuộc không kích vào thường dân. Cuối tuần trước, ông đã nài nỉ các thành viên Quốc hội Hoa Kỳ cung cấp máy bay chiến đấu và hỏa tiễn.

Những lời kêu gọi như vậy không chỉ đến từ phía giới lãnh đạo chóp bu. Các chiến binh tiền tuyến trong các đơn vị Phòng thủ Lãnh thổ của Ukraine đã sử dụng mạng xã hội để đưa ra danh sách các nhu cầu của họ, bao gồm mũ an toàn, ống nhòm, máy dò tầm bắn cùng với các nhu cầu cơ bản hơn như mì gói hoặc Q-Tips.

Andriy Malets, một doanh nhân 53 tuổi, người đã đăng ký để giúp bảo vệ thị trấn Kryvyi Rih, nói: “Chúng tôi cần nhiều hơn nữa”, nhưng anh buộc phải đợi vì đơn vị địa phương của anh có 5 tình nguyện viên cho mỗi khẩu súng hiện có. Thay vào đó, anh nói, người dân ở Kryvyi Rih giờ đây dành thời gian để chế bom Molotov.

Filip Bryjka, một nhà phân tích an ninh tại Viện Các vấn đề Quốc tế Ba Lan, cho biết việc chuyển hàng trăm triệu đô la vũ khí ít có tiền lệ trong thời hiện đại. Ông Bryjka, người đã viết một bài phân tích gần đây về vai trò của Ba Lan trong việc chuyển giao vũ khí cho Ukraine, cho biết: Chưa có một cuộc chuyển giao vũ khí nào của phương Tây với tốc độ và quy mô như vậy ở châu Âu kể từ khi Tổng thống Harry S. Truman yêu cầu Quốc hội gửi 400 triệu đô la hỗ trợ quân sự và kinh tế cho Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ trong những tháng đầu tiên của Chiến tranh Lạnh”.

Các viên chức Mỹ và đồng minh nói rằng giá trị bằng đồng đô la gần như chắc chắn sẽ tăng nếu chiến tranh tiếp tục. Trên Đồi Capitol, các nhà lập pháp đang xem xét một dự luật khi 350 triệu đô la dành cho Ukraine đã được chi tiêu hết. Đạo luật lần này cung cấp 12 tỷ USD cho Ukraine và các đồng minh Đông Âu, gần một nửa trong số đó sẽ được dành để hỗ trợ Ukraine về mặt quân sự.

Các viên chức Ukraine, trong các cuộc đàm phán với Ba Lan và Mỹ, đã thúc đẩy các đồng minh NATO cung cấp máy bay chiến đấu phản lực thời Liên Xô mà các phi công Ukraine có thể bay, cùng với nhiều hỏa tiễn chống xe tăng, máy bay không người lái của Thổ Nhĩ Kỳ và tên lửa tầm nhiệt có khả năng bắn hạ trực thăng hoặc máy bay chiến đấu.

Một viên chức cao cấp của Ukraine cho biết: “Chúng tôi rất vui nhưng chúng tôi không hài lòng. Những gì chúng tôi có không phải là đủ vì quân đội Nga vẫn ở Ukraine “.

Các viên chức Mỹ cảnh báo rằng tốc độ tiếp tế có thể sẽ chậm lại nếu các lực lượng Nga giành quyền kiểm soát các xa lộ và thành phố ở miền tây Ukraine, nơi vũ khí được nhận từ các đoàn xe đổ bộ từ Ba Lan, Slovakia và Romania. Tuy nhiên, khó có thể đánh giá được tốc độ tiến bộ của Nga và thời điểm các đường cung cấp có thể bị cắt giảm, các viên chức quốc phòng cho biết như thế.

Một lượng lớn thiết bị được chuyển tới Ukraine đến từ các thành viên NATO ở Trung Âu từng là một phần của Liên Xô cũ hoặc đồng minh với nó. Mỹ nói rằng Washington và các đồng minh NATO của họ đã gửi 17,000 vũ khí chống xe tăng vào Ukraine, phần lớn do quân đội Séc cung cấp.

Một số nỗ lực đã được tài trợ bởi một chiến dịch gây quỹ cộng đồng, quyên góp được 20 triệu đô la từ các nhà tài trợ cá nhân ở Cộng hòa Séc. Chính phủ nước này chi thêm 30 triệu đô la để mua vũ khí hầu như đã được gửi đi.

“Mọi thứ mà các đồng minh của Ukraine yêu cầu chúng tôi làm, chúng tôi sẽ làm càng sớm càng tốt,” Thứ trưởng Quốc phòng Séc Tomas Kopecny cho biết. “Khi nó được sử dụng ở Ukraine, điều đó có nghĩa là nó không được sử dụng ở quốc gia của chúng tôi.”

Mặc dù máy bay vận tải và xe tải rất dễ nhìn thấy, hoạt động cung cấp cho Ukraine ở nhiều quốc gia vẫn được tiến hành trong bí mật. Một số quốc gia Trung và Đông Âu lo ngại các chuyến hàng lộ liễu có thể chọc tức Nga. Ông Bryjka nói: “Hầu hết các nước không muốn chia sẻ chi tiết vì họ sợ cách Nga có thể phản ứng. Và họ không muốn làm cho công việc tình báo của Nga dễ dàng hơn”.

Các chuyến hàng cũng đang hoạt động thông qua một khu vực mà Washington không mong đợi sẽ mở cửa lâu hơn nữa. Kyiv, mà các viên chức Mỹ cho rằng sẽ sụp đổ sớm trong cuộc chiến, đã cản được bước tiến của Nga, cho phép quân đội phương Tây vận chuyển thiết bị dễ dàng hơn họ mong đợi.

Những người Ukraine sống bên ngoài đất nước đang sử dụng cùng một con đường tương tự để đưa vào các thiết bị quân sự được mua bằng tiền riêng của họ cho những người lính chiến đấu. Trong khi Tổng thống Biden đang đọc Bài Diễn văn Tình trạng Liên Bang của ông vào tuần trước, hứa hẹn viện trợ cho Ukraine, Oksana Prysyazhnyuk, một tổng giám đốc năng lượng của Ukraine ở tiểu bang New York, vừa theo dõi, vừa nhắn tin cho bạn bè. “Có lẽ bạn có thể tìm được ai đó có thể cung cấp mũ an toàn và áo chống đạn vì nhu cầu về chúng hết sức lớn,” một người Ukraine đóng quân gần chiến tuyến nhắn tin cho cô như vậy.

Cô Prysyazhnyuk nói: “Họ tham chiến bằng tay không. Thậm chí không có cả ủng mùa đông”.

Một viên chức quân sự cao cấp của Ukraine, người đã phát biểu hôm thứ Ba từ căn cứ của mình bên ngoài Kyiv, không đồng ý với quan điểm này. Ông cho biết hiện tại không có sự thiếu hụt thiết bị nghiêm trọng nào trong đội quân của ông. Khi được hỏi ông muốn được loại hỗ trợ nào từ phương Tây, ông cho hay: ông ủng hộ lời kêu gọi của ông Zelensky về một vùng cấm bay trên Ukraine và nói thêm: “Tôi muốn thấy nhiều người Nga hơn trong những ngôi mộ”.

3. Hơn 1 triệu trẻ em đã chạy trốn khỏi Ukraine kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược

Người đứng đầu Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc, gọi tắt là UNICEF, cho biết hơn một triệu trẻ em đã rời Ukraine sang các nước láng giềng trong vòng chưa đầy hai tuần kể từ khi Nga bắt đầu cuộc xâm lược Ukraine.

Giám đốc điều hành UNICEF Catherine Russell cho biết trong một tuyên bố.

Cô Russell cho biết cô “kinh hoàng” trước cuộc tấn công được báo cáo nhằm vào một bệnh viện nhi ở thành phố Mariupol của Ukraine, nơi các quan chức cho biết một cuộc không kích của Nga đã chôn vùi các bệnh nhân dưới đống đổ nát bất chấp lệnh ngừng bắn đã được đồng ý.

Bà nói: “Cuộc tấn công này, nếu được xác nhận, nhấn mạnh thiệt hại khủng khiếp mà cuộc chiến này đang gây ra đối với trẻ em và các gia đình của Ukraine.

Hơn 2 triệu người đã chạy khỏi Ukraine kể từ khi Tổng thống Nga Putin ra lệnh tấn công vào ngày 24 tháng 2.

4. Anh cho biết Nga xác nhận đang sử dụng hệ thống vũ khí nhiệt áp

Các quan chức Anh cho biết Bộ Quốc phòng Nga đã xác nhận việc sử dụng vũ khí nhiệt áp ở Ukraine.

Các vũ khí này làm bùng cháy không khí, hút không khí ra khỏi phổi của các nạn nhân - được cho là đã được nhìn thấy gần thành phố Kharkiv, phía đông Ukraine.

Vũ khí nhiệt áp bị quốc tế lên án rộng rãi. Công ước Geneva cấm sử dụng chúng chống lại dân thường. Nhưng Nga không ký vào công ước này

5. Ngoại trưởng Nga đến Thổ Nhĩ Kỳ để hội đàm với người đồng cấp Ukraine

Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov đã đến thành phố Antalya, miền nam của Thổ Nhĩ Kỳ trước các cuộc đàm phán theo kế hoạch với ngoại trưởng Ukraine, Dmytro Kuleba.

Cuộc gặp gỡ nay sẽ là cuộc họi đàm đầu tiên giữa các nhà ngoại giao hàng đầu của hai quốc gia kể từ khi Nga xâm lược Ukraine hai tuần trước.

6. Người Ukraine 'cầu xin' ngừng bắn

Phó Thủ tướng Ukraine Iryna Vereshchuk đã kêu gọi Nga thực hiện lời hứa trong thỏa thuận ngừng bắn để di tản dân thường Ukraine khỏi các thành phố bị hỏa hoạn.

Vereshchuk nêu tên một số hành lang nơi các cuộc di tản dự kiến diễn ra vào hôm thứ Tư.

“Chúng tôi có một trải nghiệm tiêu cực khi bạn chưa hoàn thành trách nhiệm của mình. Nó liên quan đến Mariupol-Zaporizhzhia và Volnovakha-Pokrovsk, “cô nói.

“Cư dân của Volnovakha đang nói chuyện với chúng tôi và cầu xin rằng những lời hứa của Liên bang Nga sẽ được thực hiện ngày hôm nay và mọi người có thể rời khỏi những nơi ẩn náu.”

Thường dân ở cảng Mariupol bị bao vây, phía đông nam Ukraine, đang hồi hộp chờ đợi tin tức về những nỗ lực di tản khi họ phải vật lộn để tồn tại trong một thành phố nơi các thi thể bị bỏ lại trên đường phố.

Một bệnh viện ở Mariupol bị đánh bom trong đêm.

Mariupol đã không có nước, nhiệt, hệ thống vệ sinh hoặc điện thoại trong nhiều ngày, một trong những cảnh tuyệt vọng nhất của cuộc chiến kéo dài gần hai tuần.

Ước tính có khoảng 200,000 người - gần một nửa dân số 430,000 - hy vọng sẽ rời khỏi thành phố.

Đã có nhiều nỗ lực nhằm thiết lập một hành lang nhân đạo để xoa dịu những đau khổ. Nhưng các thỏa thuận ngừng bắn liên tục bị vi phạm sau các đợt pháo kích mới.

Với nguồn cung cấp nước bị cắt, mọi người đã lấy nước từ các con suối hoặc tuyết tan.

Việc cắt điện đồng nghĩa với việc nhiều người dân mất quyền truy cập Internet và hiện phải dựa vào radio trên xe hơi để biết thông tin, thu thập tin tức từ các đài phát từ các khu vực do lực lượng ly khai do Nga kiểm soát hoặc do Nga hậu thuẫn.

Nga đang tấn công mạnh mẽ để giành quyền kiểm soát cảng, nơi sẽ bảo đảm một tuyến đường bộ tới Bán đảo Crimea mà nước này sáp nhập vào năm 2014.

https://www.abc.net.au/news/2022-03-10/ukraine-russia-war-live-blog-zelenskky-putin-Kiev/100897344
 
Hi hữu: Đức Tổng Giám Mục nói nhiều người nhìn thấy những thiên thần sáng chói trên Ukraine. Quân Nga khựng lại
VietCatholic Media
16:12 10/03/2022


1. Những “dòng sông máu” ở Ukraine: nhận định của tờ Quan Sát Viên Rôma

Ông Andrea Tornielli, Giám đốc Biên tập của Bộ Truyền Thông Tòa Thánh có bài trên tờ Quan Sát Viên Rôma. Toàn văn như sau:

Trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật, Đức Thánh Cha Phanxicô đã kêu gọi chống lại cuộc tấn công của người Nga “gieo rắc cái chết, sự hủy diệt và đau khổ”. Ngài cảm ơn các nhà báo đã liều mạng để cho phép chúng ta “đánh giá sự tàn khốc” của những gì đang xảy ra ở các thành phố của Ukraine.

Cuộc chiến ở Ukraine là một “cuộc chiến tranh”, không phải là một “hoạt động quân sự”. Khi bắt đầu lời kêu gọi hòa bình mới của mình, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bác bỏ những tin tức giả và muốn vạch trần những gì đang xảy ra bằng những lời nói lấp lửng để che đậy thực tế tàn khốc của sự thật.

Điểm nhấn thứ ba liên quan đến tính cấp thiết của hành động nhân đạo. Đức Giáo Hoàng yêu cầu “các hành lang nhân đạo thực sự được bảo đảm”, và cần nhấn mạnh vào những gì “thực sự”, ngày hôm qua, bất chấp những tuyên bố về ý định của quân đội Nga đang xâm lược Ukraine, các hành lang nhân đạo đã không thực sự xảy ra. Vị Giám Mục Rôma cũng kêu gọi tôn trọng luật pháp quốc tế, rõ ràng đã bị vi phạm bởi những kẻ muốn khơi mào cuộc chiến tranh xâm lược này.

Một lần nữa, Đức Thánh Cha Phanxicô van nài rằng “các cuộc tấn công vũ trang hãy chấm dứt” vì rõ ràng là chúng ta đang nói về một cuộc chiến tranh xâm lược, nơi có những kẻ tấn công và những người tự vệ. Và ở đó có những con người đang phải trả giá cho những hậu quả khủng khiếp: chết chóc, đau khổ, gia đình bị chia cắt, hàng triệu người tị nạn.

Cuối cùng, sau khi bày tỏ lòng biết ơn đối với những người đang tiếp nhận những người đang lánh nạn, Đức Giáo Hoàng đã bày tỏ lòng biết ơn đối với các nhà báo đang liều mạng cung cấp thông tin, nhờ đó mọi người có thể gần gũi với thảm kịch của người dân Ukraine và “đánh giá sự tàn khốc của một cuộc chiến tranh”. Lời cảm ơn này được đưa ra chỉ ba ngày sau khi Nga thông qua một luật mới nhằm kết án đến 15 năm tù những công dân Nga và người nước ngoài phát tán những tin tức mà họ cáo buộc là 'thông tin sai lệch về lực lượng vũ trang'. Bởi vì có những người gọi cuộc chiến bẩn thỉu này là 'một cuộc hành quân'.

Những “dòng sông máu” ở Ukraine: “chiến tranh”, không phải “hoạt động quân sự”
Source:Vatican News

2. Tuần tĩnh tâm Mùa Chay năm nay của Giáo triều Rôma

Do tình trạng khẩn cấp về dịch tễ liên tục do Covid-19 gây ra, năm nay cũng sẽ không thể diễn ra các cuộc tuần tĩnh tâm Mùa Chay của Giáo triều Rôma tại Casa Divin Maestro hay Nhà Thầy Chí Thánh ở Ariccia. Do đó, Đức Thánh Cha đã mời các vị Hồng Y cư trú tại Rôma, những người đứng đầu các cơ quan của Giáo triều và các bề trên của Giáo triều Rôma tự thu xếp cá nhân, rút lui vào cầu nguyện, từ chiều Chúa nhật 6 đến Thứ 6 ngày 11 tháng 3.

Trong tuần này, tất cả các cuộc tiếp kiến của Đức Thánh Cha đã bị đình chỉ, bao gồm cả buổi Tiếp kiến Chung vào Thứ Tư ngày 9 tháng Ba.
Source:Vatican News

3. Câu chuyện đằng sau bức ảnh lan truyền về người đàn ông Ukraine ôm cây thánh giá

Bức ảnh chụp một người đàn ông không rõ danh tính ôm một cây thánh giá có kích thước bằng người thật ở Ukraine đã lan truyền rất nhanh trên các nền tảng mạng xã hội khi Nga bắt đầu cuộc xâm lược toàn diện vào đất nước này.

Hình ảnh ghi lại khoảnh khắc tĩnh lặng giữa cuộc hỗn loạn: Một người đàn ông mặc quần áo sẫm màu vòng tay quanh chân thánh giá để ôm lấy cây thánh giá trong sân nhà thờ. Trong khi bức ảnh không hiển thị khuôn mặt của anh ấy, nó cho thấy khuôn mặt của Chúa Giêsu, đang cúi xuống về phía người đàn ông. Hai người qua đường đi ngang qua anh ta trong bối cảnh của một nhà thờ cổ kính, cao chót vót.

Nhiếp ảnh gia Dennis Melnichuk đã chộp được hình ảnh bên ngoài tu viện và nhà thờ Công Giáo Bernardine ở Lviv vào ngày 24 tháng 2. Sau đó, anh chia sẻ nó với thế giới trong một bài đăng trên Facebook.

Vào thời điểm đó, Melnichuk nói với CNA, “Tôi cảm thấy trái tim mình rung lên vì không thể tin được và bị sốc. Ngoài ra, tôi cảm thấy niềm tin đang trỗi dậy trong trái tim mình “.

Anh phát hiện ra người đàn ông khi anh đi bộ đến nhà thờ để cầu nguyện.

“Đó là khoảng ba giờ sau khi bom nổ ở Kiev; Melnichuk kể lại những dòng người khổng lồ ở các ngân hàng, hiệu thuốc và cửa hàng khi mọi người đang cố gắng tích trữ do không chắc chắn điều gì sẽ xảy ra.

Thay vào đó, người đàn ông này đã cầu nguyện dưới chân thập tự giá.

Trong chú thích của mình cho bức ảnh, Melnichuk nói rằng anh và vợ mình, Anya, thức dậy sau một cuộc điện thoại cảnh báo rằng Kiev đang bị đánh bom.

“Trước khi đi về phía đông tới Ternopil, Ukraine, chúng tôi đã đi mua hàng tạp hóa và rút thêm tiền từ máy ATM,” anh viết trên Facebook. “Chúng tôi đã đứng xếp hàng khoảng một giờ để đến lượt vào máy và phát hiện ra rằng có giới hạn 100 đô la cho mỗi người. Thực tế của tình trạng thiết quân luật vừa ập đến với chúng tôi “.

Ông nói thêm: “Chúng tôi đang sẵn sàng để giúp mọi người đi lánh nạn và tìm nhà ở cho những người tị nạn - bất cứ điều gì chúng tôi có thể làm để giúp đỡ trong cuộc khủng hoảng này.

Thay vì lánh nạn, Dennis và vợ đã chọn ở lại Ukraine để “trở thành bàn tay và bàn chân của Chúa Giêsu trên mặt đất”, trang gây quỹ của họ viết. Nói cách khác, hỗ trợ và che chở cho những người tị nạn thông qua sứ vụ của họ trong Awakened Generation.

Melnichuk cho biết, Awakened Generation đã làm việc để trang bị và kích hoạt nhà thờ địa phương trong việc thờ phượng, truyền giáo và truyền đạo. Bây giờ, ông nói với CNA, “chúng tôi đang phục vụ những người tị nạn lánh nạn khỏi chiến tranh và cung cấp cứu trợ khẩn cấp và viện trợ cho những người đang chạy về phía tây.”

“Chúng tôi đang hợp tác với nhóm Thanh niên Truyền giáo ở Ukraine để cung cấp cho người tị nạn một nơi dừng chân, ngủ, ăn và nghỉ ngơi an toàn, đồng thời giúp họ tìm cách an toàn để chạy về phía tây,” ông nói thêm. “Chúng tôi có nhiều nhóm đến mỗi ngày và đang chuẩn bị cho hàng trăm, thậm chí hàng nghìn, nhiều hơn nữa.”

Ông nói: Mọi người có thể giúp họ bằng nhiều cách: bằng cách cầu nguyện và cầu thay nguyện giúp, quyên góp và cung cấp viện trợ nhân đạo, đặc biệt là trợ giúp y tế.

Melnichuk xuất thân theo đạo Tin lành, ông nói với CNA. Trong khi bản thân không phải là người Công Giáo, anh ấy nói rằng anh ấy “trân trọng lịch sử phong phú của Giáo Hội Chúa Kitô, bao gồm cả câu chuyện Công Giáo.”

Cả cha và mẹ của anh đều di cư từ Ukraine đến Mỹ, nơi họ gặp nhau và anh lớn lên, anh tiết lộ trong một chứng từ trực tuyến vào năm 2016. Sau đó anh trở về đất nước với tư cách là một nhà truyền giáo và đã sống ở đó hai năm rưỡi. Và, có vẻ như, anh ta và vợ không có kế hoạch rời đi ngay cả khi họ giúp những người khác trốn thoát.

“Điện thoại của chúng tôi bị sập”, anh ấy viết trong một bài đăng trên Facebook vào ngày 3 tháng 3. “Chúng tôi đang bị ảnh hưởng bởi dòng người tị nạn đầu tiên thực sự bắt đầu di cư ra khỏi các thành phố khủng hoảng. Làn sóng đầu tiên chỉ là một sự nhỏ giọt so với điều này. Chúng tôi đang cố gắng hết sức để tìm ra câu trả lời và giải pháp”.

Anh ấy yêu cầu “Xin hãy cầu nguyện cho chúng tôi làm tốt điều này. Chúng ta cần ân sủng của Chúa.” Trong khi chờ đợi, anh ấy nói thêm, “Tôi chọn tiếp tục mỉm cười.”

“Thật vinh dự khi được theo Chúa Giêsu trong thời điểm như thế này,” anh nói trong một bài đăng khác hôm thứ Tư. “Mỗi ngày có nhóm đến và chúng tôi nhìn thấy khuôn mặt mệt mỏi và bàng hoàng của những người đã bỏ lại tất cả và không biết điều gì đang chờ đợi phía trước.”

“Tôi đã thấy Giáo Hội ở Ukraine và khắp nơi trên thế giới trở thành một cơ thể sống động,” anh nói. “Không thành kiến nhưng chỉ một mục đích: yêu như chúng ta đã được Thiên Chúa yêu thương trong Chúa Giêsu Kitô.”
Source:Catholic News Agency

4. Đức Tổng Giám Mục cho biết: Nhiều người nhìn thấy 'những thiên thần sáng chói' trên bầu trời Ukraine

Nhà lãnh đạo của Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương hôm thứ Sáu cho biết “nhiều người” đã nói với ngài rằng họ đã nhìn thấy “những thiên thần sáng chói trên mảnh đất Ukraine”.

Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk phát biểu như trên trong một thông điệp video được thu hình vào ngày 4 tháng 3 tại thủ đô Kiev của Ukraine đang bị bao vây, thành phố có vị thánh bảo trợ là Tổng Lãnh Thiên Thần Micae.

“Ở đây, tại Kiev, chúng tôi nhận thấy rằng quan thầy bảo trợ thành phố của chúng tôi là Tổng Lãnh Thiên Thần Micae, người với tiếng kêu 'Ai lại giống Chúa đây?' ném xuống vực thẳm Lucifer - kẻ đã đứng lên chống lại sự thật của Chúa và là thủ lĩnh của những đội quân ma quỷ”,

“Ngày nay, chúng tôi nhận thấy rằng Tổng lãnh thiên thần Michael cùng với Toàn Cơ Binh đang chiến đấu cho Ukraine. Rất nhiều người từ khắp Ukraine đang quay sang tôi nói rằng họ đã nhìn thấy những thiên thần rực sáng trên đất Ukraine”.

Ngài nói thêm: “Hôm nay chúng tôi cầu nguyện: Lạy Tổng Lãnh Thiên Thần Micae và tất cả các Quyền thần của Thiên đường, hãy chiến đấu vì Ukraine! Hãy hạ gục tên ác quỷ đang tấn công chúng con và giết chết chúng con, mang đến sự tàn phá và chết chóc! “

Người dùng mạng xã hội đã chia sẻ những hình ảnh chưa được xác minh với mục đích cho thấy các đám mây hình thành giống các thiên thần ở Kiev.

Sự liên kết của thành phố với Tổng Lãnh Thiên Thần Micae có từ thời trung cổ, khi vị thánh này có hình trên dấu ấn của các hoàng tử của Kievan Rus.

Quốc huy của thủ đô mô tả Tổng Lãnh Thiên Thần Micae cầm một thanh kiếm rực lửa và một chiếc khiên, và là một tác phẩm điêu khắc của Ngài đứng trên đỉnh đài tưởng niệm Lach Gates tại Quảng trường Độc lập.

Việc nhìn thấy các thiên thần đã được báo cáo trong các cuộc chiến tranh trước đây. Một ví dụ nổi tiếng là Thiên thần ở Mons, được cho là đã bảo vệ binh lính Anh trong Trận chiến Mons tại Bỉ trong Thế chiến I năm 1914. Mặc dù có ít bằng chứng, nhưng câu chuyện đã thu hút được trí tưởng tượng của công chúng Anh và tiếp tục thu hút sự quan tâm cho đến ngày nay.
Source:Catholic News Agency
 
Thánh Ca
Lời nguyện cho Thế Giới - Sáng tác Lm. Quang Uy. Trình bày: Ca sĩ Kim Thúy
VietCatholic Network
16:38 10/03/2022