Ngày 02-03-2018
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Làm chủ
Lm Vũdình Tường
03:52 02/03/2018
Phố chợ là nơi tập trung buôn bán đủ loại từ súc vật, trâu bò, đến gia cầm, rồi đồ dùng, vật dụng và ngay cả thực phẩm thức ăn, thức uống, cộng thêm cả gian hàng vàng bạc lẫn đổi chác tiền bạc. Để có phép buôn bán và làm chủ những gian hàng người ta phải trả tiền thuê mướn hàng năm. Khi có thanh tra họ có giấy phép đưa ra trình cho biết họ làm chủ gian hàng và có quyền buôn bán.
Đức Kitô rất bất bình khi nhóm lãnh đạo cho phép thương buôn, buôn bán trong Đền Thờ biến nơi thờ phượng thành phố chợ. Họ có tiền, có thế lực, coi Đền Thờ là tài sản riêng của gia đình họ.

Đức Kitô dùng giây thừng đuổi bò lừa ra khỏi đền thờ, lật đổ tung bàn đổi chác hàng hoá và rất nhẹ nhàng với dân nghèo bán chim bồ câu. Ngài nói với họ

Đem tất cả những thứ này ra khỏi đây, đừng biến nhà Cha Ta thành nơi buôn bán Gn 2,16

Câu nói trên nói lên nhiều điều quan trọng. Trước hết Đức Kitô coi Đền Thờ là nhà của Thiên Chúa nơi trần gian và Thiên Chúa là Cha của Ngài. Thứ hai, Đức Kitô là Đấng đầu tiên và là Đấng duy nhất ví thân xác mình là Đền Thờ. Thứ ba, mù quáng vì lợi nhuận nhóm lãnh đạo Đền Thờ biến nơi thờ phượng thành hang trộm cắp. Thứ tư, Thiên Chúa là Đấng duy nhất làm chủ Đền Thờ, con buôn và nhóm lãnh đạo không phải chủ, đúng hơn họ có trách nhiệm coi sóc Đền Thờ.

Hành động xua đuổi quân buôn bán không chỉ làm cho thương buôn bực tức mà còn làm cho nhóm lãnh đạo Đền Thờ mất mặt. Họ hội họp với nhau tìm cách giết Ngài. Họ chất vấn Ngài:

Ông lấy dấu lạ nào chứng tỏ chúng tôi biết là ông có quyền làm điều đó.

Đức Kitô đáp

Phá huỷ Đền Thờ này đi, ba ngày sau tôi sẽ xây lại c.13.

Họ nhìn nhau cười chế diễu vì ba ngày làm sao có thể làm điều cha ông họ mất nhiều năm để xây cất. Câu trả lời của Đức Kitô vượt quá tầm hiểu biết của họ bởi Đức Kitô ngụ í nói về chính thân thể Ngài. Ngày nay chúng ta biết thân thể Đức Kitô là Đền Thờ và cuộc tử hình thập giá và sau ba ngày sống lại vinh quang đã xảy ra đúng như điều Đức Kitô tiên báo trước về thân thể Ngài.
Dùng hình ảnh Đền Thờ nói lên thân thể mình Đức Kitô cho biết. Đền Thờ là của Thiên Chúa và không ai có quyền coi Đền Thờ là của riêng. Khi trả lời nhóm gài bẫy bắt bẻ Đức Kitô họ hỏi Ngài có nên đóng thuế cho Caesar không? Đức Kitô nói với họ.

Của Caesar trả về Caesar, Của Thiên Chúa trả về Chúa Mat 22,21.

Thứ hai, Đền thờ thuộc về Thiên Chúa và chỉ một mình Ngài có quyền làm chủ Đền Thờ bởi vì đó là nơi Thiên Chúa ngự trị.

Thứ ba, Đền Thờ là nơi thờ phượng Thiên Chúa và hãy dùng đúng mục đích của Đền Thờ làm nơi thờ phượng.

Thứ tư, Đức Kitô có toàn quyền trên thân thể Ngài khi Ngài nói

Mạng sống của tôi, không ai lấy đi được, nhưng chính tôi tự í hy sinh mạng sống mình. Tôi có quyền hy sinh và có quyền lấy lại mạng sống ấy. Gn 10,18

Chúng ta không làm chủ gì cả, kể cả thân xác mình cũng là của Chúa ban. Sức khoẻ, trí khôn, tài năng, khéo léo, sắc đẹp tất cả đều do Chúa ban để chúng ta hưởng dùng và giúp đỡ anh chị em khác. Thánh Phaolô cho biết thân xác anh chị em là đền thờ Chúa Thánh Thần 1Cor 6,19. Anh chị em nhận lãnh từ Thiên Chúa vì thế cần giữ thân xác cho trong sạch xứng đáng đền thờ Chúa Thánh Thần. Khi cuộc lữ hành trần thế chấm dứt thân xác cát bụi trở về cát bụi; hình ảnh Thiên Chúa trong ta trở về với Thiên Chúa. Cần giữ tâm hồn trong sáng, sạch sẽ trước tôn nhan Thiên Chúa bởi chúng thuộc về Thiên Chúa. Chúng ta xin ơn làm chủ thân xác mình, đừng để cho thói hư, nghiện ngập làm chủ thân xác.

Lm Vũđình Tường
TiengChuong.org
 
Chúa Nhật III Mùa Chay B
Lm Đan Vinh
06:30 02/03/2018
THANH TẨY TÂM HỒN TRỞ NÊN ĐỀN THỜ CỦA THIÊN CHÚA

Xh 20,1-17 ; 1 Cr 1,22-25 ; Ga 2,13-25

I.HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG: Ga 2,13-25

(13) Gần đến lễ Vượt Qua của người Do Thái, Đức Giê-su lên thành Giê-ru-sa-lem, (14) Người thấy trong Đền Thờ có những kẻ bán chiên, bò, bồ câu, và những người đang ngồi đổi tiền. (15) Người liền lấy dây làm roi mà xua đuổi tất cả bọn họ cùng với chiên bò ra khỏi Đền Thờ. Còn tiền của những người đổi bạc, Người đổ tung ra, và lật nhào bàn ghế của họ. (16) Người nói với những kẻ bán bồ câu: “Đem tất cả những thứ này ra khỏi đây, đừng biến nhà Cha Tôi thành nơi buôn bán”. (17) Các môn đệ của Người nhớ lại lời đã chép trong Kinh Thánh: “Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa, mà tôi đây sẽ phải thiệt thân”. (18) Người Do Thái hỏi Đức Giê-su: “Ông lấy dấu lạ nào chứng tỏ cho chúng tôi thấy là ông có quyền làm như thế?” (19) Đức Giê-su đáp: “Các ông cứ phá hủy Đền Thờ này đi, nội ba ngày, tôi sẽ xây dựng lại” (20) Người Do Thái nói: “Đền Thờ này phải mất bốn mươi sáu năm mới xây xong, thế mà nội trong ba ngày ông xây lại được sao?” (21) Nhưng Đền Thờ Đức Giê-su muốn nói ở đây là chính thân thể Người. (22) Vậy, khi Người từ cõi chết trỗi dậy, các môn đệ nhớ lại Người đã nói điều đó. Họ tin vào Kinh Thánh và lời Đức Giê-su đã nói. (23) Trong lúc Đức Giê-su ở Giê-ru-sa-lem vào dịp lễ Vượt Qua, có nhiều kẻ tin vào danh Người bởi đã chứng kiến các dấu lạ Người làm. (24) Nhưng chính Đức Giê-su không tin họ, vì Người biết họ hết thảy (25) và không cần ai làm chứng về con người. Quả thật, chính Người biết có gì trong lòng con người.

2. Ý CHÍNH:

Với lòng nhiệt thành yêu mến Thiên Chúa, Đức Giê-su không thể chấp nhận được cảnh tượng bát nháo diễn ra nơi Đền Thờ của Chúa Cha. Người đã biểu lộ uy quyền của Con Thiên Chúa bằng việc dùng roi xua đuổi bọn con buôn cùng với tiền bạc, chiên bò, chim câu của họ... ra khỏi Đền Thờ. Người tẩy uế Đền Thờ của Chúa Cha và khẳng định rằng: Từ nay việc thờ phượng đẹp lòng Thiên Chúa sẽ phải được cử hành mãi mãi trong Đền Thờ Mới là thân xác Phục Sinh của Người và trong lòng các tín hữu, thay sự thờ phượng tạm thời trong Đền Thờ Giê-ru-sa-lem được làm bằng gỗ đá.

3. CHÚ THÍCH:

- C 13-15: + Lễ Vượt Qua của dân Do Thái: Vào thời Đức Giê-su, lễ Vượt Qua là một trong ba đại lễ, buộc người Do Thái ở khắp nơi phải hành hương về Đền thánh Giê-ru-sa-lem để sát tế và ăn bữa tiệc chiên Vượt Qua, kỷ niệm biến cố Xuất Hành, trong đó Đức Chúa đã dùng Mô-sê giải phóng con cháu Gia-cóp là dân Do Thái khỏi ách nô lệ cho dân Ai Cập. + Đền Thờ: Đền Thờ là dấu chỉ Đức Chúa hiện diện giữa dân Người. Không kể Đền thờ tạm là Nhà Lều trong thời gian 40 năm dân Do Thái đi qua sa mạc, còn có ba Đền Thờ đã lần lượt được xây dựng tại Giê-ru-sa-lem là Đền Thờ Sa-lô-mon, Đền Thờ Sau Lưu Đầy và Đền Thờ thời vua Hê-rô-đê. + Có những kẻ bán chiên bò, bồ câu và những người đang ngồi đổi tiền: Tại sân lương dân, các Tư tế cho một số người vào bán chiên, bò và chim câu... để dân chúng dễ dàng mua dâng vào Đền Thờ làm lễ vật hiến tế (x. Ga 2,14 ; Lc 2,24). Cũng có cả những người ngồi đổi tiền từ đồng tiền của Rô-ma sang đồng tiền riêng của Đền Thờ. Lý do đổi tiền vì tiền Rô-ma lưu hành ngoài xã hội có đúc hình và ký hiệu của hoàng đế Xê-da được coi như thần linh (x. Lc 20, 24-25), nên đã bị cấm sử dụng trong Đền Thờ. Người Do Thái muốn đóng thuế tôn giáo hay góp tiền trùng tu Đền Thờ (x. Lc 21,1-2) phải đổi từ đồng tiền Rô-ma lưu hành ngoài xã hội thành đồng tiền Đền Thờ tại bàn đổi tiền này, rồi mới được bỏ tiền Đền Thờ vào thùng quyên góp (x. Ga 2,14). + Người liền lấy dây làm roi mà xua đuổi tất cả...: Sự bất kính do bọn con buôn gây ra khiến Đức Giê-su rất đau lòng. Người nổi cơn thịnh nộ và đã lấy các đoạn dây thừng cột chiên bò bỏ lại đó đây, chắp lại làm thành dây roi, và dùng dây roi này mà đánh đuổi bọn con buôn và các con vật ra khỏi Đền Thờ.
- C 16-19: + “Đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán”: Nói câu này, Đức Giê-su đã gián tiếp nhận mình là Con Thiên Chúa ngang hàng với Thiên Chúa. “Nơi buôn bán” hay “hang trộm cướp” là kiểu nói diễn tả tình trạng bất kính trong Đền Thờ, một nơi tôn nghiêm được dành riêng thờ phượng Đức Chúa. Thế là ứng nghiệm lời các ngôn sứ đã tuyên sấm để quở trách dân Do Thái (x. Gr 7,11). + “Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa mà tôi đây sẽ phải thiệt thân”: “Sẽ phải thiệt thân” nghĩa là “sẽ phải chết”. Như vậy ý nghĩa lời Thánh Vịnh 69,10 như sau: Lòng nhiệt thành với Đền Thờ sẽ khiến Đức Giê-su bị người đời bách hại (x. Ga 15,5). + Người Do Thái hỏi Đức Giê-su: “Ông lấy dấu lạ nào chứng tỏ cho chúng tôi thấy là ông có quyền làm như thế?”: “Người Do Thái” trong câu này ám chỉ các đầu mục của Đền Thờ là các Tư tế và thầy Lê-vi đang phục vụ Đền Thờ. Họ bực tức khi thấy Đức Giê-su đánh đuổi bọn con buôn ra khỏi Đền Thờ mà chính họ đã cho phép. Do đó họ hạch hỏi Đức Giê-su đã dựa vào dấu lạ nào để chứng minh Người có quyền làm như thế. Trước đây họ cũng nhiều lần đòi Đức Giê-su phải làm phép lạ cho họ thấy để tin Người đã được Thiên Chúa sai đến (x. Mt 12,38 ; Mc 8,11 ; Lc 11,16). + “Các ông cứ phá Đền Thờ này đi, nội trong ba ngày Tôi sẽ xây dựng lại”: Ở đây, Đức Giê-su cho họ một phép lạ làm chứng Người được Thiên Chúa sai đến, là Người sẽ sống lại nội trong ba ngày sau khi chết. Tuy nhiên Đức Giê-su sử dụng kiểu nói dụ ngôn mà các ngôn sứ hay dùng là gọi thân thể Người là Đền Thờ. Câu này có nghĩa là: Dù thân xác Người có bị giết chết thì cũng chỉ trong ba ngày sẽ sống lại.
- C 20-22: + Phải mất bốn mươi sáu năm mới xây xong: Do các đầu mục Do Thái đã hiểu lời Đức Giê-su theo nghĩa đen nên đã nói đến thời gian xây dựng Đền Thờ vật chất phải mất 46 năm (Khởi công năm 20 trước Công Nguyên và đến năm 26 sau Công nguyên mới tạm hoàn thành những công trình chính), đang khi ý Đức Giê-su lại muốn nói Đền Thờ là Thân Thể của Người. Sau này khi Thượng Hội Đồng Do Thái xét xử Đức Giê-su do Thượng Tế Cai-pha làm chủ tọa, có hai kẻ đã đứng ra cáo gian Người rằng: “Tên này đã tuyên bố: Tôi có thể phá Đền Thờ Thiên Chúa và nội trong ba ngày sẽ xây cất lại” (Mt 26,61). Các đầu mục còn nhắc lại lời tố cáo này khi lăng nhục Đức Giê-su trên thập giá (x. Mt 27,40). + Nhưng Đền Thờ Đức Giê-su muốn nói ở đây là chính Thân Thể Người: Thân Thể Đức Giê-su phục sinh là nơi Thiên Chúa hiện diện và tỏ mình ra cho loài người (x. Ga 1,14). Thân thể ấy là Đền Thờ Mới, nơi thờ phượng Thiên Chúa trong Thần khí và Sự thật (x. Ga 4,23-24). + Khi Người từ cõi chết trỗi dậy, các môn đệ nhớ lại Người đã nói điều đó: Chỉ dưới ánh sáng Phục Sinh và được Thánh Thần tác động, các môn đệ mới có thể hiểu chính xác các lời nói việc làm của Đức Giê-su (x. Ga 12,16; 14,26).
- C 23-25: + Nhiều kẻ tin vào danh Người, nhưng chính Đức Giê-su lại không tin họ: Phép lạ chỉ có tác dụng kích thích tính tò mò khiến người ta đến xem để biết thực hư ra sao, còn đức tin có được là do tai nghe (x. Rm 10,17) chứ không do mắt thấy (x Ga 20,29). Một số khá đông dân chúng đã tin Đức Giê-su vì thấy các phép lạ Người làm (x. Ga 12,17-18). Nhưng đức tin dựa trên mắt thấy là thứ đức tin bất toàn và không bền vững. Do đó Đức Giê-su không tín nhiệm hạng tín hữu này. Thực vậy, trong số đám đông dân chúng đòi kết án tử hình thập giá cho Chúa trước tòa Phi-la-tô, chắc không thiếu những kẻ đã từng tung hô khi đón rước Người vào Thành trước đó mấy ngày (x. Lc 19,37-38; Ga 12,12-15). + Đàng khác, phép lạ không đương nhiên dẫn đến đức tin: Các biệt phái và Kinh sư đã chứng kiến nhiều phép lạ Người làm, thế mà họ đâu có tin Người, trái lại còn đòi quan Phi-la-tô kết án tử hình thập giá cho Người (x. Ga 11,45-53). Ngòai ra, họ còn xuyên tạc phép lạ trừ quỉ của Đức Giê-su như sau: “Ông ta nhờ tướng quỉ mà trừ quỉ” (Mc 3,22). + Người biết họ hết thảy: Đức Giê-su biết rõ ý đồ của dân chúng theo Người là do vụ lợi, nên đã nói với họ rằng: “Các ông đi tìm tôi không phải vì các ông đã thấy dấu lạ, nhưng vì các ông đã được ăn bánh no nê” (Ga 6,26). Người đòi bệnh nhân phải có đức tin như điều kiện để Người làm phép lạ chữa lành cho họ (x Mc 5,34). Người khen đức tin mạnh mẽ của người đàn bà xứ Ca-na-an trước khi chính thức chữa bệnh cho con gái bà (x Mt 15,28). Người đã không làm phép lạ ở Na-da-rét do dân làng không tin Người là Đấng Thiên Sai (x Mt 13,58).

4. CÂU HỎI:

1) Lễ Vượt Qua là đại lễ kỷ niệm biến cố nào trong lịch sử dân Ít-ra-en?
2) Đền thờ là gì? Trong lịch sử có mấy Đền thờ đã được xây dựng tại Giê-ru-sa-lem? Đền thờ thời Đức Giê-su là Đền Thờ thứ mấy?
3) Tại sao trong Đền thờ Giê-ru-sa-lem lại có cảnh buôn bán chiên bò, bồ câu và đổi tiền?
4) Đức Giê-su đã có thái độ nào trước hiện tượng bát nháo bất kính nói trên?
5) Đức Giê-su đã trả lời thế nào khi người Do thái hạch hỏi người về quyền xua đuổi con buôn ra khỏi Đền thờ?
6) So sánh câu nói của Đức Giê-su về việc phá hủy Đền thờ trong Tin Mừng hôm nay với lời hai nhân chứng cáo gian Người trước tòa Thượng tế Cai-pha khác nhau thế nào? Họ còn nhắc lại điều cáo gian này vào lúc nào?
7) Thực ra Đền thờ Đức Giê-su nói tới ở đây ám chỉ điều gì?
8) Đức tin chân chính là do mắt thấy hay bởi tai nghe? Phép lạ có đương nhiên khiến kẻ vô tín tin Chúa không? Tại sao?
9) Đức Giê-su làm phép lạ nhằm mục đích gì? Người đòi bệnh nhân điều kiện gì trước khi chữa lành cho họ?

II.SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA: “Đem tất cả những thứ này ra khỏi đây. đừng biến nhà Cha Tôi thành nơi buôn bán” (Ga 2,16):

2. CÂU CHUYỆN:

1) MỖI TÍN HỮU ĐỀU LÀ ĐỀN THỜ CỦA THIÊN CHÚA:

Vua Trajano là hoàng đế cai trị nước Rôma từ năm 98 đến năm 117. Nhà vua đã cấm đạo, và đã bắt thánh Ignatio giám mục thành Antiochia. Tại tòa án, nhà vua đã chế nhạo đạo Công Giáo, rồi gọi thánh Ignatio là thằng quỉ xấu xa, thánh Ignatio giám mục thưa lại rằng:
- Tâu đức vua, chẳng có ai gọi người mang Thiên Chúa trong mình là thằng quỉ dữ được.
Nhà vua hỏi lại:
- Vậy ông mang Thiên Chúa trong mình ư?
Thánh Ignatio giám mục trả lời:
- Tâu đức vua, phải - tôi mang Thiên Chúa trong mình, vì những người đã chịu phép rửa tội, sống đời sạch tội, đều là đền thờ của Thiên Chúa. Bởi vậy, không hạnh phúc nào lớn lao cho bằng người Công Giáo, bằng được trở nên đền thờ Thiên Chúa; và cũng chẳng có gì can hệ cho con người bằng phải luôn là đền thờ cho Thiên Chúa ngự.
Nghe xong, hoàng đế Trajano đã lên án rằng:
- Ignatio thành Antiochia là người đã cậy mình vì mang Thiên Chúa trong mình nên phải điệu đến Roma, để làm của ăn cho thú dữ.

Trong Mùa Chay, Hội Thánh muốn các tín hữu chúng ta thanh tẩy đền thờ tâm hồn của mình như lời thánh Phaolô: "Nào anh em chẳng biết rằng anh em là Đền Thờ của Thiên Chúa, và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao?" (1Cr 3,16).

2) PHẢI THỜ CHÚA TRONG THẦN KHÍ VÀ SỰ THẬT:

Người ta kể rằng: một người kia nằm mơ, thấy thiên sứ dẫn mình đến một ngôi nhà thờ trong một ngày Chúa Nhật. Tại đó người này thấy người nhạc sĩ đang đàn phong cầm nhưng không nghe thấy tiếng âm nhạc, ca đoàn và cộng đoàn hát nhưng không nghe có âm thanh nào cả. Rồi đến khi linh mục đứng lên giảng, môi mấp máy, nhưng không ra tiếng nói nào cả. Người ấy rất đỗi ngạc nhiên hỏi thiên sứ, thì thiên sứ nói: "Ông không nghe thấy gì, vì không có gì để nghe cả. Những người trong nhà thờ không tham dự vào buổi thờ phượng, mà chỉ dự phần vào hình thức thờ phượng mà thôi. Tâm hồn họ trống rỗng. Họ không thờ phượng Chuá từ trong cõi lòng. Họ chỉ là những chiếc máy vô hồn phát ra. Họ nếu không nói là giả hình thì cũng là những loại người thờ Chuá bằng môi bằng miệng, còn lòng dạ họ đã xa Chuá lâu rồi.

Câu chuyện này dạy chúng ta một bài học quan trọng: khi vào nhà thờ thờ phượng Chúa, chúng ta cần đọc kinh cầu nguyện với thái độ tin tưởng và yêu mến. Hãy hát ngợi khen Chúa với lòng mến yêu tha thiết. Khi nào ta làm được như thế thì việc thờ phượng mới có ý nghĩa. Và chỉ những lúc đó, lời ca ngợi của chúng ta mới bay lên tới Chúa được.

3) TIẾNG CHIM HÓT TRONG BỤI MẬN GAI.

Thỉnh thoảng đài truyền hình VN lại cho chiếu lại bộ phim: “Tiếng chim hót trong bụi mận gai” mà tác giả là một nữ văn sĩ người Úc đạo Tin Lành. Khi viết cuốn tiểu thuyết này, bà đã đứng trên quan điểm của đạo Tin Lành để phê phán luật độc thân của hàng giáo sĩ Công Giáo. Tuy nhiên, câu chuyện này cũng là dịp để chúng ta suy nghĩ về sức mạnh của đồng tiền đã tác động không những trên cuộc đời của một linh mục mà còn ảnh hưởng lớn lao đến uy tín của Hội Thánh nữa.

Câu chuyện về một linh mục là Cha RÁP (Ralph): RÁP là một linh mục trẻ nhiều tài năng nhưng cũng đầy tham vọng. Vị linh mục này có nhiều ưu điểm, có sức cuốn hút mạnh mẽ khiến nhiều người đến với mình, nhưng đồng thời ông cũng muốn được nổi danh và ham mê tiền bạc vật chất. Trong số các người mến mộ cha Ráp, có một bà già quí phái giàu có, bà quí mến Cha cách đặc biệt, nhưng tình cảm của bà không được cha đáp lại, nên từ tình yêu biến thành thù hận. Tuy nhiên, thay vì trả thù theo kiểu thường tình, bà già này đã cố tình gài bẫy để bôi đen cuộc đời của vị linh mục trẻ bằng cách: Trước khi chết, bà đã làm một bản di chúc dâng cúng toàn bộ tài sản kếch sù của bà cho Hội Thánh Công Giáo, với điều kiện là Hội Thánh phải bổ nhiệm Cha Ráp trực tiếp quản lý số tài sản đó. Do quản lý nhiều tiền, Cha Ráp đã được bề trên cất nhắc lên địa vị cao trong Hội Thánh, nhưng đồng thời những đồng tiền mà Cha quản lý kia cũng biến đổi lòng đạo đức của Cha ngày càng xuống cấp, để rồi cuối cùng cha đã bị sa ngã trong vòng tay của một thiếu nữ xinh đẹp tên là Mê-ghi.

Câu chuyện nhằm chỉ trích Giáo Hội Công Giáo, nhưng cũng nói lên một sự thực: Giáo Hội của Đức Kitô tuy bản chất tinh tuyền, nhưng lại gồm những con người bằng xương bằng thịt và có thể bị ảnh hưởng xấu do tiền của. Là con người, thì ai cũng phải cẩn thận khi sử dụng tiền của. Tiền của cần thiết cho mọi người, cho mọi tổ chức và cho cả Giáo Hội. Nhưng nó dễ chiếm địa vị độc tôn, khi nó trở thành chủ nhân như lời Chúa đã cảnh giác chúng ta: “Các con không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi tiền của” (Mt 6,24).

4) PHẢI ĐỌC KINH DỰ LỄ THẾ NÀO CHO ĐẸP LÒNG CHÚA?

Có một người nằm mơ, thấy mình được một thiên thần dẫn đi quan sát sinh hoạt tại một nhà thờ vào ngày Chúa Nhật. Tại đó, khi dự lễ, ông thấy nhạc công đang say mê đánh đàn phong cầm nhưng ông lại không nghe thấy có tiếng đàn nào phát ra cả. Ca đoàn và cộng đoàn cũng ca hát và thưa kinh trong thánh lễ, nhưng ông cũng không nghe thấy lời hát hay câu kinh nào. Rồi khi linh mục chủ tế rao giảng Tin Mừng, tuy môi linh mục mấp máy nói, nhưng không lời giảng nào lọt vào tai ông. Ông ta rất ngạc nhiên quay sang hỏi thiên thần lý do tại sao không nghe được âm thanh, thì thiên thần trả lời như sau: "Sở dĩ ông không nghe thấy âm thanh, vì đã không có tiếng đàn hát hay lời giảng nào thực sự phát ra cả. Những người dự lễ trong nhà thờ nhưng tâm trí họ lại đang nghĩ đến chuyện khác và các ca viên thì hát mà không quan tâm đến lời mình đang hát. Họ là những người chỉ tôn thờ Thiên Chúa ngoài môi ngoài miệng, còn lòng họ thì ở xa Chuá!

Đôi khi chúng ta cũng đến với Chúa chỉ bằng lễ nghi bề ngoài mà thiếu tâm tình mến Chúa trong tâm hồn. Ðó chính là lối thờ phượng máy móc, vụ hình thức của những người biệt phái và kinh sư Do thái ngày xưa, cũng như của nhiều người tín hữu hôm nay. Họ chăm chỉ đọc kinh dự lễ nhưng chỉ làm theo thói quen và để khỏi bị mắc tội, mà không kèm tâm tình mến Chúa khi cầu nguyện dâng lễ.

3. SUY NIỆM:

1. Đức Giê-su thanh tẩy Đền Thờ:

"Cứ mỗi dịp gần Tết kéo dài đến tháng ba (âm lịch) hằng năm, cổng chùa lại léo xéo cảnh đổi tiền lẻ vào lễ chùa. Những tờ tiền 200, 500 đồng được đổi thành từng cục như viên gạch mộc, cứ "10 ăn 8 hoặc 10 ăn 7". Tức 100.000 đồng tiền chẵn thì đổi được 70.000 hoặc 80.000 đồng loại chuyên dùng để "sắp lễ" (200, 500 đồng). Không biết bao nhiêu triệu đồng tiền "bé" được quay vòng cả năm không chán: người đi lễ đổi tiền, tiền ấy được ném vào xó xỉnh, cài vào chân tay, nách, đùi của các pho tượng đẹp nổi tiếng của quốc gia; rồi nhà chùa xách túi hoặc rổ rá đi gom tiền ấy lại đem ra đổi ngoài cổng chùa. Và vòng quay lại bắt đầu.

Đó là trích từ một bài viết trong Tuổi Trẻ Online diễn tả về tệ nạn xảy ra thường xuyên tại nhiều ngôi chùa Việt Nam thời gian gần đây, và đã bị dư luận lên án gay gắt. Câu chuyện người ta dùng tiền lẻ làm ô uế đình chùa Việt Nam cũng tương tự như câu chuyện dân Do thái làm ô uế Đền Thờ Giê-ru-sa-lem thời Đức Giê-su, đã được Người thanh tẩy như trong Tin Mừng Gio-an sau đây:
“Người thấy trong Đền Thờ có những kẻ bán chiên, bò, bồ câu, và những người đang ngồi đổi tiền. Người liền lấy dây làm roi mà xua đuổi tất cả bọn họ cùng với chiên bò ra khỏi Đền Thờ. Còn tiền của những người đổi bạc, Người đổ tung ra, và lật nhào bàn ghế của họ. Người nói với những kẻ bán bồ câu: “Đem tất cả những thứ này ra khỏi đây, đừng biến nhà Cha Tôi thành nơi buôn bán” (Ga 2,14-16).

Hành động xua đuổi bọn con buôn ra khỏi Đền Thờ của Đức Giê-su cho thấy: Việc lạm dụng Đền Thờ để tìm tư lợi là làm mất đi sự trang nghiêm của nơi thờ phượng và làm ô uế Đền Thờ,… Đó là một trọng tội cần phải được cấp thời chấn chỉnh. Đức Giê-su đòi người ta trả lại chức năng thực sự của Đền thờ khi nói: “Đừng biến nhà Cha Tôi thành nơi buôn bán” (Ga 2,16b). Qua hành động này, Đức Giê-su cũng gián tiếp bác bỏ lối thờ phượng Thiên Chúa hình thức bề ngoài, đúng như ngôn sứ I-sai-a đã tuyên sấm lời Đức Chúa quở trách dân Do thái xưa: “Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta” (Mc 76b; Is 29,13).

2) Thân xác chúng ta cũng là Đền Thờ của Chúa Thánh Thần:

- Để trả lời những kẻ chất vấn lấy quyền nào để ra tay xua đuổi bọn con buôn ra khỏi Đền Thờ, Đức Giê-su đã trả lời như sau: “Các ông cứ phá hủy Đền thờ này đi, nội ba ngày Tôi sẽ xây dựng lại” (Ga 2,19). Qua đó, Người ám chỉ Người chính là Đấng Thiên Sai và thân thể của Người giống như Đền Thờ, sẽ bị tàn phá do người đời, nhưng đến ngày thứ ba sẽ từ cõi chết trỗi dậy.
- Ngoài ra thân xác mỗi người chúng ta cũng là Đền Thờ của Thiên Chúa như thánh Phao-lô dạy: “Nào anh em chẳng biết rằng anh em là Đền Thờ của Thiên Chúa và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao? (I Cor 3,16.19). Do đó, chúng ta phải tôn trọng Đền Thờ của Chúa Ba Ngôi là thân xác chúng ta như lời Chúa Giê-su: “Ai yêu mến Thầy và tuân giữ lời Thầy, thì Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy và Chúng Ta (tức Ba Ngôi Thiên Chúa) sẽ đến ngự trong người ấy” (Ga 14, 23).

3) Hình phạt dành cho những kẻ làm ô uế Đền Thờ:

- Những ai làm cho Đền Thờ thân xác mình và Đền Thờ là anh em khác ra ô uế thì Đức Giê-su lại càng đau lòng như Người đã lên án những kẻ xúi giục phạm tội: “Khốn cho kẻ làm cớ cho người ta vấp ngã. Thà buộc cối đá lớn vào cổ nó và xô xuống biển, còn lợi cho nó hơn là để nó làm cớ cho một trong những kẻ bé nhỏ này vấp ngã” (Lc 17,1b-2). Thánh Phao-lô cũng quả quyết về hình phạt dành cho những kẻ này: “Ai phá hủy Đền Thờ Thiên Chúa, thì Thiên Chúa sẽ hủy diệt kẻ ấy. Vì Đền Thờ Thiên Chúa là nơi thánh, và Đền Thờ ấy chính là anh em” (I Cr 3,17).

- Ngày nay Đức Giê-su cũng muốn các Nhà thờ phải thật sự là nơi thờ phượng Thiên Chúa trong “Thần khí và sự thật” (x Ga 4,24). Người muốn nhà thờ là nơi để con người gặp gỡ Thiên Chúa. Tuy nhiên, nhìn vào các nhà thờ hiện nay, chúng ta thấy nhiều khi Nhà thờ đã đưa các sinh hoạt vui chơi văn nghệ như Tết Trung Thu trình diễn trong gian cung thánh, làm mất đi bầu khí trang nghiêm lẽ ra phải có. Nên biết rằng: Khi ra giảng đạo, Đức Giê-su muốn môn đệ cầu nguyện trong bầu khí thinh lặng, như Người đã vào nơi hoang vắng ngay từ sáng sớm để cầu nguyện kết hiệp với Chúa Cha (x Mc 1,35).

4) Cần thanh tẩy thể xác và tâm hồn bằng cách nào trong Mùa Chay này? :

- Tin Mừng CN hôm nay ghi nhận việc Đức Giêsu thanh tẩy đền thờ Giê-ru-sa-lem. Người cũng muốn chúng ta tiếp tục công việc của Người là giữ gìn thân xác ta là đền thờ thiêng liêng của Chúa Thánh Thần. Chúng ta cần luôn thanh tẩy tâm hồn và thân xác xứng đáng được Chúa ngự trị.
Hãy kính trọng thân xác của mình và của tha nhân.
Hãy tu sửa các đền thờ thân xác chúng ta và tha nhân bị xuống cấp, đang bị xúc phạm.
Hãy sửa chữa đền thờ là thân xác ta đang bị bệnh tật, đói khát và mang thương tích.
Cần thanh tẩy tâm hồn chúng ta khỏi tội thờ thần tài khi coi trọng tiền bạc hơn Thiên Chúa.
Cần thanh tẩy tâm hồn chúng ta khỏi các đam mê dục vọng làm ô uế Đền thờ tâm hồn chúng ta.
Cần thanh tẩy tâm hồn chúng ta khỏi thói gian tham và cư xử bất công với người dưới.
Cần thanh tầy tâm hồn chúng ta khỏi các thói hư, đặc biệt thói kiêu căng ganh ghét và tự ái cao.

- Trong những ngày Mùa Chay này, mỗi tín hữu hãy năng tự kiểm điểm để tìm ra những điều làm cho Đền Thờ tâm hồn mình ra ô uế, rồi quyết tâm tu sửa. Nguyên nhân làm cho người ta ra ô uế là: “Vì tự lòng phát xuất những ý định gian tà, những tội giết người, ngoại tình, tà dâm, trộm cắp, làm chứng gian và vu khống. Đó mới là những cái làm cho con người ra ô uế” (Mt 15,19-20). Trong Mùa Chay này, chúng ta cần tập luyện các nhân đức đối lập với thói hư. Cụ thể cần tập hai nhân đức quan trọng này là hiền lành và khiêm nhường để nên giống Đức Giê-su như Người đã dạy: “ Hãy học với Tôi, vì Tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường” (Mt 11,29).

4. THẢO LUẬN:
1) Bạn sẽ làm gì để học tập nhân đức hiền lành và khiêm nhương của Chúa Giê-su?
2) Giả như được tin Đức Giê-su sắp đến thăm viếng nhà bạn, thì bạn sẽ làm gì để thanh tẩy tâm hồn đón rước Chúa?

5. LỜI CẦU:

- LẠY CHÚA GIÊ-SU. Nếu Chúa sống trong thời đại của chúng con hôm nay, chắc hẳn Chúa cũng phải ra tay tẩy uế Nhà Thờ, khi nhiều ngôi Thánh Đường đã bị người ta coi thường. Ngoài ra thân xác chúng con cũng chính là Đền Thờ của Chúa Thánh Thần, thế mà nhiều lần chúng con cũng làm cho ra ô uế khi suy nghĩ, nói năng và hành động theo thói thế gian, chiều theo các đam mê xác thịt để phạm tội, thay vì lẽ ra phải luôn bỏ ý riêng để làm theo ý Chúa. Trong những ngày Mùa Chay này, xin giúp chúng con thanh tẩy tâm hồn nhờ siêng năng đến nhà thờ dâng lễ, tích cực tham dự các buổi tĩnh tâm, làm các việc hãm mình đền tội, quyết tâm đổi mới đời sống để ngày một nên con thảo của Chúa Cha, và ăn ở hòa thuận để nên anh chị em của mọi người.

- “Lạy Chúa Giêsu. Tình Yêu của con. Nếu Hội Thánh được ví như một thân thể gồm nhiều chi thể khác nhau, thì hẳn Hội Thánh không thể thiếu một chi thể cần thiết nhất và cao quý nhất. Đó là Trái Tim, một Trái Tim bừng cháy tình yêu. Chính tình yêu làm cho Hội Thánh hoạt động. Nếu trái tim Hội Thánh vắng bóng tình yêu, thì các tông đồ sẽ ngừng rao giảng, các vị tử đạo sẽ chẳng chịu đổ máu mình...
Lạy Chúa Giêsu. Cuối cùng con đã tìm thấy ơn gọi của con chính là tình yêu. Con đã tìm thấy chỗ đứng của con trong Hội Thánh: nơi Trái Tim Hội Thánh, con sẽ là tình yêu, và như thế con sẽ là tất cả. Vì tình yêu bao trùm mọi ơn gọi trong Hội Thánh. Lạy Chúa, với chỗ đứng Chúa ban cho con, mọi ước mơ của con sẽ được thực hiện.” (Theo lời cầu của thánh nữ Têrêxa)
X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.
 
Thanh tẩy '' Nhà Thờ''
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
08:47 02/03/2018
Chúa Nhật III Mùa Chay B

Các môn đệ Chúa Giêsu khi chứng kiến việc Thầy mình thịnh nộ trước sự kiện người ta biến đền thờ thành nơi buôn bán, đã nhớ lại lời Kinh Thánh: “Vì nhiệt tâm lo việc Nhà Chúa, mà tôi đây sẽ phải thiệt thân”. Một cơn thinh nộ đúng nghĩa bằng việc lấy dây làm roi đánh đuổi người buôn bán chiên bò, lật nhào bàn ghế và hất tung tiền của những người đổi bạc. Quả là to gan, nếu không là tên phạm thượng thì cũng là phường phá hoại. Cần phải nghiêm trị nếu không sẽ mất hết luật lệ, mất hết truyền thống, tôn ti…

Trước hết cần phải cật vấn ông này lấy quyền gì mà làm những sự to gan, tày trời như vậy. Những người Do Thái lúc bấy giờ, cách riêng những người đang có trọng trách đã kinh ngạc trước câu trả lời của Chúa Giêsu: “Các ông cứ phá huỷ Đền Thờ này đi, nội trong ba ngày, tôi sẽ xây dựng lại”. Dĩ nhiên họ chẳng thể hiểu nội hàm câu trả lời của Người. Sau này, khi chứng kiến cuộc khổ nạn và phục sinh của Thầy chí thánh, các môn đệ mới hiểu Thầy dùng chính mạng sống của mình để làm dấu chỉ cho việc Người có quyền hành sử những sự to gan như thế. Đã chấp nhận hy sinh mạng sống vì sự việc gì đó thì nó phải có tầm quan trọng đáng kể và việc đó chính là thanh tẩy đền thờ.

Thanh Tẩy nhà thờ vật chất gỗ đá (église - church): Chuyện nhỏ. Quét bụi, lau chùi bàn ghế nhà thờ… là chuyện phải làm. Người ta vẫn làm thường nhật hay thường kỳ mà chẳng một ai thắc mắc. Ra những quy luật để gìn giữ các nhà thờ thực sự là nơi quy tụ tín hữu cho việc thờ phượng, tránh các lạm dụng làm mất sự thiêng thánh, thì cũng là chuyện dễ đón nhận và tuân giữ. Nhiều nơi, nhiều giáo xứ khi có điều kiện đã xây phòng hội, xây phòng giáo lý để tách các việc hội họp, dạy giáo lý ra khỏi nhà thờ. Đây là việc làm chính đáng nhưng cũng vẫn là chuyện không lớn.

Thánh hiến hay làm phép một ngôi nhà thờ cũng chẳng là chuyện trọng đại nếu xét về công sức bỏ ra. Chỉ một thánh lễ do Đức Giám Mục chủ sự hay do một linh mục được uỷ quyền thì mọi sự gọi là hoàn tất.

Thanh tẩy Nhà Thờ (Église – Church): Chuyện lớn. Khi hai từ nhà thờ được viết hoa thì đã không còn là một công trình kiến trúc vật chất, cho dù vẫn còn nhiều người, nhiều tập thể, vì thiếu hiểu biết hay cố tình làm như không biết, gọi là “bọn Nhà Thờ” hay “Nhà Thờ”, mà thực ra đó là Giáo Hội. Thanh tẩy Giáo Hội ư? Chuyện lớn đấy! Đó là một cơ cấu tổ chức, là một thực thể có tính thánh thiêng. Đó là tập thể những người có niềm tin. Và cũng không thể không kể, cho dù chỉ là đại diện, đó là những người đang có quyền cao, chức trọng. Trong niềm tin và theo giáo lý, Giáo Hội được Công đồng Vatican II trình bày với hình ảnh nền tảng đó là đoàn dân Thiên Chúa. Thế nhưng dưới cái nhìn người bình dân trong đạo và theo nhãn quan của bà con ngoài đạo thì quý đấng bậc có “chức vụ cao trọng” được đồng hoá với Giáo Hội cách nào đó.

Để làm cho cơ cấu tổ chức và luật lệ thực sự có ra vì con người chứ không ngược lại, thì quả là chuyện không nhỏ chút nào (x.Mc 2,27). Công đồng Vatican II đã kết thúc vào năm 1965, thế mà phải đến năm 1983 Bộ tân Giáo Luật mới được hình thành. Thử hỏi nội dung và tinh thần của bộ Giáo Luật 1983 đã được triển khai và áp dụng ra sao và ở mức độ nào? Chuyện “phép vua thua lệ làng” hình như vẫn tồn tại ít nhiều nơi này nơi kia. Để giúp những người đang mang trọng trách với chức vị lớn trở thành “người hầu thiên hạ” thì cũng không phải là việc một sớm một chiều (x.Mc 9,35). Chuyện “phủ bênh phủ, huyện bênh huyện” là chuyện vẫn không là cá biệt. Thỉnh thoảng có một vài tín hữu giáo dân vì thành tâm mà bạo miệng lên tiếng về một vài tình trạng “cha chú” đó đây, hoặc lên tiếng về thái độ thụ động của đấng này, vị kia trước bất công, bạo quyền, thì cũng dễ bị hứng “búa rìu” đủ kiểu.

Thanh tẩy đền thờ tâm hồn: chuyện hệ trọng. “Bách niên chi kế, mạc như thụ nhân” (Quản Trọng). Và kế ngàn đời là trồng con cái Chúa. Trồng người con Chúa ra sao đây? Bản Thập giới mà bài trích sách Xuất Hành trình bày không hề lỗi thời mà trái lại. Chúa Kitô đã minh nhiên nhắc lại điều này với một vị luật sĩ và với người thanh niên muốn nên trọn lành (x.Mt 19,16-19). Để mến Chúa hết lòng, hết sức, hết linh hồn và hết trí khôn, đồng thời yêu thương tha nhân như chính mình thì chuyện thanh tẩy là chuyện phải làm cả đời.

Theo thiển ý, để có những đền thờ tâm hồn trong sáng, thánh thiện, xứng đáng, thì một trong những điều cần thanh tẩy đó là sự tham lam. Thánh Tông đồ dân ngoại đã từng gọi tham lam là một hình thức “thờ ngẫu tượng”. Chúa Kitô cũng đã từng ví “của tiền” (dĩ nhiên có cả chức quyền, danh vị) như một vị thần, khi Người nói rằng không được làm tôi hai chủ (x.Lc 16,13). Và thực tiển minh chứng rõ ràng lòng tham lam, tham danh, hám lợi đã giết chết hay làm băng hoại tình người thật khó lường. Sự tham lam khi đã được quyền bính bảo kê hay được luật lệ hợp thức hoá thì hậu quả thật khó lường. Đức Bênêđictô XVI trong cuốn “Đức Giêsu thành Nagiarét” nhận thức rằng khi Chúa Giêsu thanh tẩy đền Thờ Giêrusalem, Người không phá bỏ lề luật nhưng Người đánh đổ các sai trái của con người vốn đã được lề luật hoá (Phần II trang 24).

Thanh tẩy nhà thờ gỗ đá, cách riêng Nhà Thờ viết hoa hay đền thờ tâm hồn chắc chắn phải có trả giá. Trong khi người Do Thái đòi hỏi những điềm thiêng, dấu lạ, còn người Hy Lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan thì chúng tôi rao giảng một Đấng Kitô chịu đóng đinh…(1Cr 1,22). Chúa Kitô đã chấp nhận để người ta phá “thân thể Người” để rồi xây lại sau ba ngày không phải chỉ để thanh tẩy Đền Thờ Giêrusalem mà đặc biệt để thanh tẩy cái Nhà Thờ viết hoa cũng như các đền thờ tâm hồn, tức là con người qua mọi thời đại.

Môn đệ không trọng hơn Thầy (x.Ga 15,20). Rất nhiều người, nhiều vị thánh đã từng to gan tiếp bước chân Thầy chí thánh nhiệt thành lo việc thanh tẩy Nhà Thờ viết hoa, thanh tẩy các đền thờ tâm hồn. Và số phận của họ đã dẩy đầy truân chuyên. Nói gì cho xa, để có được thành quả là Công Đồng Vatican II và gìn giữ cũng như phát triển thành quả ấy thì nhiều vị, nhiều đấng bậc đã chấp nhận bao hy sinh, khổ ải, truân chuyên. Cuộc đời của Hồng Y Ives Congar, cha Marie –Dominique Chenu, Đức Gioan XXIII, Đức Phaolô VI… là những minh chứng hùng hồn.

Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa, mà tôi đây sẽ phải thiệt thân. Một quy luật như là tất yếu. Đã sợ thiệt thân thì hầu chắc không làm được sự gì tốt cho việc nhà Chúa. An thân, thủ phận, hay sống theo “chủ nghĩa cơ hội” thật không xứng với người môn đệ Chúa Kitô. Có thể có nhiều lý do, nhưng chắc chắn có lý do này, đó là chưa nhiệt tâm lo việc nhà Chúa. Khi chưa nhiệt tâm lo việc nhà Chúa thì có lẽ chúng ta đang mãi mê lo việc nhà mình chăng?

- Ban Mê Thuột.
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
10:09 02/03/2018
49. BỐ VỢ VÀ CHÀNG RỂ CÙNG ĐÙA
Có một người đến nhà thầy thuốc làm rể.
Một hôm, bố vợ nói với con rể:
- “Anh đã đi học rất lâu và đọc nhiều sách, để ta khảo xem sao ?”, nói xong bèn nhổ bãi nước miếng trên bàn, thổi tắt đèn dầu, hỏi:
- “Đây là sách gì ?”
Con rể nói:
- “Đây là sách “đạm đài diệt minh.”
Bố vợ rất vui vẻ, con rể cũng nói:
- “Bố suốt đời làm thầy thuốc, con cũng khảo bố xem sao”, và cũng thổi tắt đèn, nắm mũi của bố vợ vặn lui vặn tới hỏi: “Đây là thuốc gì ?”
Bố vợ trả lời:
- “Ta không quen biết loại thuốc này.”
Con rể nói:
- “Là thuốc “hắc khiên ngưu” (1) mà cũng không biết à !”
(Hoa Diên Thú Lạc Đàm Tiếu Tửu Lệnh)

Suy tư 49:
Có những ông bố vợ thường thử tài chàng rể tương lai của mình để coi nó có xứng đáng làm rể nhà mình không.
Có những ông bố vợ thích chàng rể vì nó khoái uống rượu như mình, có ông bố vợ thích chàng rể biết làm đồng làm ruộng, có những ông bố vợ thích chàng rể phải có nghề nghiệp ổn định.v.v... không một ông bố vợ nào thích chàng rể “trời đánh không chết”, cũng không ai thích một chàng rể chỉ biết cờ bạc...
Thời nay tiêu chuẩn làm rể không khắc khe như trước, cho nên có nhiều chàng rể đánh bố vợ, có nhiều chàng rể một năm một lần mới đến nhà bố vợ, không phải vì bận việc, nhưng là vì không muốn nhìn thấy cái mặt của bố vợ.
Tiêu chuẩn muôn đời để chọn rể chọn dâu không phải là giàu nghèo, không phải là môn đăng hộ đối, cũng không phải là có địa vị cao sang trong xã hội, nhưng là đạo đức. Chàng rể có đạo đức thì gia đình con gái mình hạnh phúc, chàng rể biết chăm lo gia đình thì bố mẹ vợ đỡ gánh lo âu, chàng rể có đạo đức thì cháu chắt của mình sẽ sống trong yêu thương của gia đình và sẽ trở nên người tốt...
Đừng thử thách gì cả, nhưng hãy cảm thông và cầu nguyện cho con rể cũng như con dâu của mình được sống thánh thiện như ý Chúa muốn, đó chính là tiêu chuẩn chọn chồng chọn vợ cho con vậy.
Hạnh phúc thay chàng rể nào có ông bố vợ như thế.

(1) Tên của một loại thuốc bắc.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư

----------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi tuần SỐNG một câu Lời Chúa (CN 3 MC)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
10:11 02/03/2018

Chúa Nhật 3 MÙA CHAY

Tin mừng: Ga 2, 13-25.
“Cứ phá hủy đến thờ này đi; nội ba ngày, tôi sẽ xây dựng lại.”


Bạn thân mến,
Theo người Do Thái nói thì đền thờ Giê-ra-sa-lem phải xây khoảng trên dưới bốn mươi sáu năm mới xong, vậy mà Đức Chúa Giê-su nói Ngài chỉ xây nội trong ba ngày làm cho người Do Thái cảm thấy khó chịu vì sự “quá đáng” của Ngài. Nhưng đó là sự thật, bởi vì Ngài có thể làm cho người chết sống lại bằng một lời nói, thì nhất định Ngài cũng sẽ xây dựng đền thờ cũng chỉ bằng một lời nói mà thôi, thì đền thờ Giê-ru-sa-lem có ngay, bởi vì Ngài là Đấng Thiên Chúa làm người.
Đền thờ mà Đức Chúa Giê-su nói đây, chính là thân xác của Ngài bị chôn trong huyệt đá ba ngày thì sống lại
Tuy nhiên bạn và tôi đều biết rằng: đền thờ mà Đức Chúa Giê-su nói đây cũng chính là thân xác của chúng ta, thân xác này được xây dựng bởi máu thịt của cha mẹ, nhưng được cung hiến để trở thành đền thờ của Thiên Chúa Ba Ngôi bằng bí tích Rửa Tội, đó chính là đền thờ đích thực mà Đức Chúa Giê-su đã dùng chính cái chết trên thập giá của Ngài để xây dựng, để tâm hồn bạn và tôi và tất cả những ai tin vào Ngài đều trở nên những tâm hồn sống động của Thiên Chúa.
Bạn thân mến,
Mùa chay là mùa hy sinh và cầu nguyện, mùa của hãm mình và bố thí, và là mùa của hối cải và tha thứ. Đức Chúa Giê-su và Giáo Hội mời gọi bạn và tôi hãy làm mới lại đền thờ tâm hồn của mình, bằng sự hối cải và quyết tâm trở về giao hòa với Chúa và anh chị em, tức là chúng ta sẽ không phá hủy nó bằng những tội lỗi nữa, nhưng làm mới lại bằng ân sủng của Chúa ban cho.
Đừng biến đền thờ của Thiên Chúa làm nơi buôn bán, nhưng hãy biến đền thờ của Thiên Chúa làm nơi thực hành đức ái; đừng lo lắng xây cất đền thờ bằng vật chất, bởi vì đền thờ xây dựng bằng đất đá và vật chất thì sẽ có ngày bị phá bỏ đi, nhưng những đền thờ dùng đức ái làm vật liệu, thì sẽ tồn tại cho đến ngày viên mãn trong Nước Trời hạnh phúc...

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.
-----------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
10:13 02/03/2018

40. Nếu con muốn được khi cầu xin, xin mời con khiêm cung lĩnh giáo, học tập cầu nguyện, bởi vì ân sủng từ trời cao sẽ không ở cùng người biếng nhác.

(Thánh Ambrosius)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(Dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")

---------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
CN 3B Mùa Chay : Ba Thanh Tẩy
LM. Anphong Nguyễn Công Minh, ofm
21:14 02/03/2018
Cn 3B Mùa Chay : Ba Thanh Tẩy

Một trong những vấn đề lớn của thế giới hiện nay là nạn ô nhiễm môi sinh. Các giòng sông đang bị ô nhiễm, đe doạ nước ta uống. Thực phẩm bị ô nhiễm vì hoá chất, thuốc bảo quản, đe doạ thức ta ăn. Không khí đang bị ô nhiễm, đe doạ khí ta hít thở. Cả ba cần được thanh tẩy. Còn hôm nay bài Tin Mừng thuật lại Chúa Giêsu thanh tẩy đền thờ Giêrusalem khỏi 3 ô nhiễm này :

1) Chúa thanh tẩy Đền thờ khỏi ô nhiễm súc vật.

Dịp lễ Vượt Qua, gia đình Do Thái nào cũng phải có người về Giêrusalem, vì chỉ có một Đền Thờ mà thôi. Nếu tin ông sử gia Flavius mô tả thì có năm, người ta sát tế tới 250 ngàn con vật trong một đại lễ Vượt Qua. Để đáp ứng nhu cầu của tín đồ, dịch vụ cung cấp lễ vật mau chóng thành hình ngay trong khuôn viên Đền thờ. Ta hãy tưởng tượng một chợ bò bê chiên ngay trong Đền thờ. Thật là dơ bẩn, ồn ào và chướng tai gai mắt. Nhưng nhu cầu đã biện minh cho sự ô nhiễm. Và dân Do Thái mặc nhiên chấp nhận để cho súc vật ngự trị ngay trong khuôn viên Đền thờ rất nguy nga, rất lộng lẫy, rất cao sang mà họ từng ca tụng là “đền vàng”, là “nơi thánh”. Thấy nhà Chúa bị xúc phạm, Đức Giêsu không kiềm chế được cơn giận, đã lấy roi xua đuổi hết súc vật và cả đám con buôn ra khỏi Đền thờ.

Thân xác chúng ta là đền thờ Chúa Thánh Thần, chúng ta đã nhiều lần để súc vật trong đền thờ ta. Chúng ta là con người, nhưng phần “con’ thắng phần “người.” Khi con người sống theo thú tính là đã bị ô nhiễm. Thú tính là tham ăn, mê uống, sắc dục, gầm gừ, cục cằn, hung dữ : dữ như cọp, tham ăn như heo, dâm như dê, hỗn như chó (Mậu Tuất !). Hãy đuổi thú tính ra khỏi con người chúng ta, bởi thân xác chúng ta là đền thờ Thiên Chúa.

2) Chúa thanh tẩy Đền thờ khỏi ô nhiễm tiền bạc

Người ta dùng tiền Roma, Hilạp để mua mấy trăm ngàn con vật. Người ta đổi tiền Roma, tiền Hilạp thành tiền đền thờ, để đóng cho đền thờ. Và thế là giữa nơi tôn nghiêm, tiền bạc ung dung ngự trị, lên ngai.

Theo Đức Giêsu, ngẫu tượng nguy hiểm nhất là tiền bạc, tức là thần “Mammon”. Đã có lần Người lên tiếng cảnh báo: “Các con không thể làm tôi Thiên Chúa lẫn tiền của.” Khi Tiền đi vào thì Chúa đi ra.

Ở bên Pháp, có đôi vợ chồng bác nông dân kia làm tá điền cho một ông bá tước giàu có. Đội vợ chồng này tuy nghèo nhưng lại có lòng đạo đức. Mỗi buổi sáng, khi vừa nghe tiếng chuông nhà thờ là hai vợ chồng đã lập tức thức dậy và mau mắn đến nhà thờ tham dự Thánh Lễ và Rước lễ sốt sắng. Sau lễ, họ trở về nhà, vội ăn sáng rồi vác cuốc ra đồng làm việc. Họ được mọi người trong làng khen ngợi.

Ông chủ đất này muốn thử xem lòng đạo đức của đôi vợ chồng tá điền kia có thật hay không. Một hôm, ông sai gia nhân mang một túi đựng 100 đồng tiền vàng đến bí mật để ngay trước cửa nhà của đôi vợ chồng bác tá điền. Sáng hôm ấy, khi mở cửa đi lễ như thường lệ thì phát hiện ra một túi tiền vàng được ai đó để trước cửa nhà. Thế là đôi vợ chồng thôi không đi lễ nữa và vội đóng cửa lại để đếm tiền. Đếm đi đếm lại mãi, đến nỗi họ chẳng thiết gì đến ăn uống và không ra đồng làm việc.

Sau khi đã nắm vững số tiền đang giữ, hai vợ chồng bàn định tìm chỗ để cất giấu cho an toàn. Mỗi người một ý không ai chịu ai cả, và lần đầu tiên họ đã cãi vã nhau. Cuối cùng rồi cũng nhất trí sẽ để túi tiền ngay dưới gối và nằm đè lên cho chắc ăn. Và như thế, để yên tâm, cả hai đều không dám rời xa chiếc giường có hai cái gối, mà dưới gối là 100 đồng tiền vàng. Thực đúng như lời Chúa đã phán: "Kho tàng của ngươi ở đâu thì lòng ngươi cũng ở đó" (Mt 6,21). Lúc nào tâm trí họ cũng nghĩ tới số tiền kia đến nỗi ăn uống ngủ nghĩ thất thường. Cũng từ hôm ấy, hai vợ chồng chẳng còn tha thiết cùng đi dâng lễ mỗi sáng, đọc kinh tối chung mỗi chiều nữa! Lòng họ lúc nào cũng lo sợ sẽ có ngày chủ nhân túi tiền đến đòi lại số tiền đây .

Sau một tuần căng thẳng, cả hai vợ chồng suy nhược và bị cảm ho đau nhức sinh bệnh, đi đến liệt chiếu. Khi biết rõ tình trạng của đôi vợ chồng này, ông bá tước đã đến thăm hỏi. Ông cũng thuật lại cặn kẽ các việc ông đã làm cách đó một tuần để chứng minh lời Đức Giêsu nói: "Không ai có thể làm tôi hai chủ!...Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi tiền của được" (Mt 6,24), và lời thánh Phaolô: "Lòng yêu mến tiền của là căn nguyên của mọi sự dữ" (1 Tm 6,10). Ông bá tước đã thuyết phục được đôi vợ chồng tá điền sẵn lòng trả lại túi vàng cho ông không thiếu đồng nào. Cũng từ lúc đó, đôi vợ chồng tá điền đã tìm lại được sự bình an trong tâm hồn. Họ lại vui tươi yêu đời, sớm hôm đọc kinh dự lễ để thờ phượng Chúa, phó thác cuộc sống trong tay Chúa Quan Phòng, và thực thi giới răn yêu thương như Đức Giêsu đã dạy.

Con người chúng ta là đền thờ, hãy tránh xa lòng mê say tôn thờ tiền bạc, kẻo tâm trí bị ô nhiễm tức là lúc nào cũng nghĩ đến tiền, đến cách kiếm tiền, cho vay nặng lãi…, là Chúa sẽ bị đẩy ra khỏi ta. Tiền bạc đi vào, Thiên Chúa đi ra ngay.

3- Chúa Giêsu thanh tẩy đền thờ khỏi ô nhiễm hương khói.

Trong nghi lễ của đạo Do Thái, cần có súc vật để dâng cho Thiên Chúa. Khi dâng lễ hy sinh, người ta mổ một con thú, đặt trên bàn rồi đốt lửa thiêu con vật. Mùi mỡ cháy quyện khói xông lên nghi ngút. Thiên Chúa trong sách tiên tri Isaia (Is 1,11.13) đã nói : "Ngần ấy hy lễ của các ngươi, đối với Ta, nào nghĩa lý gì ? Lễ toàn thiêu chiên cừu, mỡ bê mập, Ta đã ngấy. Máu bò, máu chiên dê, Ta chẳng thèm ! Thôi, đừng đem những lễ vật vô ích đến nữa. Ta ghê tởm khói hương ; Ta không chịu nổi ngày đầu tháng, ngày sa-bát, ngày đại hội. Ta không chịu nổi những người cứ phạm tội ác rồi lại cứ lễ lạt linh đình.”

Khi Chúa Giêsu đuổi súc vật, kẻ buôn, thì bớt ô nhiễm khói hương mà Thiên Chúa chán ngấy.

Những kẻ dâng lễ vật mà họ dùng tiền bạc để mua được những lễ vật đó. Rồi khi đã dâng lễ vật thì họ có cảm tưởng như là đã trả nợ cho Thiên Chúa, họ thảnh thơi ra về vì đã chu toàn lề luật và có quyền ngồi chờ Thiên Chúa thi ân đáp lễ. Chúa không thích kiểu đó đâu !

Đền thờ là chính chúng ta, là con người chúng ta. Chúa không thích chúng ta dâng lễ vật mà rồi cứ làm điều ác,hoặc hơn một chút, không làm điều ác nhưng chẳng làm điều thiện. Tẩy ô nhiễm rồi, để vậy thôi, không trang hoàng con người mình bằng những việc lành phúc đức thương người, thì Chúa cũng chán lắm. Hãy làm điều thiện, hãy quan tâm, hãy chia sẻ… đó là những cách thanh tẩy cho tốt hơn chứ không phải chỉ tẩy rửa suông.

Lời nguyện sau đây được viết trên cửa một nhà thờ nọ :

“Lạy Chúa, xin làm cho cánh cửa này đủ rộng để có thể đón tiếp mọi người nào cần đến tình thương của đồng loại, anh em. Nhưng cũng đủ hẹp để có thể ngăn chận mọi kiêu căng, ganh tị, bất hòa, giận dữ.

“Xin làm cho ngưỡng cửa này đủ phẳng để những bước chân của trẻ thơ và những người lầm đường lạc lối vào đây mà không bị vấp ngã.

“Xin làm cho nhà này là nhà cầu nguyện và là cổng dẫn vào Nước Chúa.”

Nếu chúng ta thay chữ nhà thờ bằng chữ con người ta, thì quả là một lời nguyện xin tuyệt hảo : “Lạy Chúa, xin làm cho cánh cửa tâm hồn con đủ rộng để có thể đón tiếp mọi người nào cần đến tình thương của đồng loại, anh em. Nhưng cũng đủ hẹp để có thể ngăn chận mọi kiêu căng, ganh tị, bất hòa, giận dữ. Xin làm cho con người con đủ phẳng để những bước chân của trẻ thơ và những người lầm đường lạc lối vào đây mà không bị vấp ngã. Xin làm cho con người con, tâm hồn và thể xác, là nhà cầu nguyện và là cổng dẫn vào Nước Trời. Amen.”

LM. Anphong Nguyễn Công Minh, ofm

(dựa theo dàn bài của đức cha Kiệt)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Tờ Quan Sát Viên Rôma phàn nàn nhiều nữ tu phải phục dịch không công cho các Hồng Y và Giám Mục
Đặng Tự Do
03:50 02/03/2018
Trong một diễn biến khá ngỡ ngàng ấn bản hàng tháng “Donne Chiesa Mondo” của tờ Quan Sát Viên Rôma (L'Osservatore Romano), số ra ngày 1 tháng Ba, than thở rằng nhiều nữ tu thường bị đối xử như những người hầu không có khế ước lao động bởi các Hồng Y và các Giám Mục, là những người mà họ phải nấu ăn, giặt giũ, lau nhà cho mà gần như là không công.

Ấn bản tháng ba của nguyệt san “Donne Chiesa Mondo” – “Thế giới phụ nữ trong Giáo Hội”, cho biết “Một số chị phục vụ trong nhà của các Giám Mục và Hồng Y, một số khác làm việc trong nhà bếp của các cơ sở của Giáo Hội hoặc dạy học. Một số chị phục dịch cho các chức sắc nam giới của Giáo Hội phải thức dậy sớm để chuẩn bị bữa ăn sáng, và chỉ đi ngủ sau khi phục vụ bữa ăn tối, nhà cửa được dọn dẹp đàng hoàng, quần áo được giặt giũ và ủi tươm tất”

Một nữ tu chỉ được nêu là Chị Marie than thở là các nữ tu phục dịch hàng giáo sĩ nhưng “chẳng mấy khi được mời ngồi vào bàn ăn mà họ phục vụ”.

Mặc dù chuyện này có lẽ ai cũng biết, nhưng một ấn phẩm của Vatican đã dám đưa ra những lời phàn nàn như thế công khai trên mặt báo về cách thức các nữ tu bị lợi dụng một cách có hệ thống khiến người ta không khỏi ngỡ ngàng.

Nguyệt san “Donne Chiesa Mondo” của tờ Quan Sát Viên Rôma đã ra mắt số đầu tiên cách đây sáu năm như một phụ bản của tờ Quan Sát Viên Rôma. Bây giờ nguyệt san này là một tạp chí độc lập, được phân phối miễn phí trên mạng và được chèn vào các tờ báo in bằng tiếng Ý, tiếng Tây Ban Nha, Pháp và tiếng Anh của tờ Quan Sát Viên Rôma.

Chủ biên của tạp chí này là Lucetta Scaraffia, nói với The Associated Press rằng “Chúng tôi cố gắng đưa ra một tiếng nói thay cho những người không có can đảm để nói ra những lời này” một cách công khai.
Source: The Associated Press - Vatican magazine denounces nuns’ servitude
 
Cử hành sáng kiến 24 giờ cho Chúa tại Vatican với chủ đề “Nơi Chúa có ơn tha thứ”.
Đặng Tự Do
04:20 02/03/2018
Sáng kiến ‘24 giờ cho Chúa’ sẽ được cử hành tại Rôma vào chiều ngày thứ Sáu 9 tháng Ba, tức là thứ Sáu sau Chúa Nhật thứ Ba Mùa Chay. Đức Thánh Cha sẽ chủ sự Phụng Vụ Sám Hối tại Đền Thờ Thánh Phêrô vào lúc 5h chiều, với nghi thức thống hối chung, xưng tội và lãnh ơn xá giải cá nhân, tại Đền thờ Thánh Phêrô.

Đức Thánh Cha, các Hồng Y, một số đông các Giám Mục và linh mục sẽ ngồi tòa giải tội trong dịp này.

Sáng kiến ‘24 giờ cho Chúa’ năm nay có chủ đề là “Nơi Chúa có ơn tha thứ”.

Trong Sứ Điệp Mùa Chay năm nay, 2018, Đức Thánh Cha viết:

“Một trong những khoảnh khắc của ân sủng đó lại một lần nữa xảy đến trong năm nay là sáng kiến ‘24 Giờ cho Chúa’, trong đó mời gọi toàn thể cộng đồng Hội Thánh hãy cử hành bí tích Hòa Giải trong bối cảnh tôn thờ Thánh Thể. Trong năm 2018 này, lấy cảm hứng từ những lời của Thánh Vịnh 130 câu 4, ‘Nơi Chúa có ơn tha thứ’, biến cố này sẽ diễn ra từ Thứ Sáu, 9 Tháng 3 đến Thứ Bẩy, 10 Tháng 3. Trong mỗi giáo phận, ít nhất có một nhà thờ mở cửa liên tục trong hai mươi bốn tiếng, để tạo cơ hội cho cả việc tôn thờ Thánh Thể lẫn bí tích Hoà Giải.”

Trong Tông Chiếu Misericordiae Vultus, nghĩa là “Khuôn mặt xót thương”, nhằm thiết định Năm Thánh Ngoại Thường Về Lòng Thương Xót, Đức Thánh Cha đã giải thích về ý nghĩa cuả sáng kiến này và thời gian cử hành như sau:

“Sáng kiến ‘24 giờ cho Chúa,’ được cử hành vào ngày thứ Sáu và thứ Bảy trước tuần thứ Tư của Mùa Chay, nên được thực hiện trong mỗi giáo phận. Rất đông người, kể cả giới trẻ, đang trở lại với Bí tích Hòa giải; qua cảm nghiệm này, họ đang tái khám phá con đường trở về với Chúa khi sống một khoảnh khắc cầu nguyện mãnh liệt và khi tìm kiếm ý nghĩa trong đời họ. Chúng ta hãy đặt Bí tích Hoà giải ở trung tâm một lần nữa sao cho bí tích này giúp mọi người chạm vào sự hùng vĩ của lòng thương xót Chúa với những đôi tay của riêng họ. Với mỗi hối nhân, bí tích này sẽ là nguồn mạch của bình an nội tâm thật sự.”
Source: Pontificial Council For Promoting The New Evangelization - 24 Hours for the Lord With you is forgiveness
 
Vụ từ chức thật bi thảm của một Giám Mục Ái Nhĩ Lan
Đặng Tự Do
07:55 02/03/2018
Trong tuyên bố đưa ra hôm 1 tháng Ba, Đức Cha John McAreavey của giáo phận Dromore đã tuyên bố từ chức, và việc từ chức của ngài có hiệu lực thi hành ngay lập tức.

Việc từ chức của ngài khiến nhiều người đau buồn thương tiếc, nhiều người ngỡ ngàng hoang mang vì mất đi một mục tử thánh thiện và tận tụy với đàn chiên.

Giáo phận Dromore bao gồm các quận hạt Antrim, Armagh và Down ở miền Bắc Ái Nhĩ Lan.

Tại sao Đức Cha John McAreavey từ chức?

Linh mục Malachy Finnegan phục vụ tại trường Thánh Colman, ở thành phố Newry từ năm 1967 đến năm 1971 trong tư cách là tuyên úy. Ông cũng từng dạy học tại đây từ năm 1973 đến năm 1976. Sau đó, ông là hiệu trưởng nhà trường từ năm 1976 đến năm 1987.

Trong thời gian từ năm 1994 đến năm 2016, có 12 người đàn ông cáo buộc linh mục Finnegan tội lạm dụng tính dục.

Cáo buộc đầu tiên chống lại Finnegan được đưa ra ánh sáng vào năm 1994, nghĩa là 7 năm sau khi ông rời khỏi trường Thánh Colman.

Cáo buộc thứ hai được đưa ra vào năm 1998 và không liên quan đến thời hạn ông phục vụ tại trường Thánh Colman. Không có cáo buộc nào khác được đưa ra cho đến khi ông qua đời vào tháng Giêng năm 2002.

Cả hai cáo buộc trên đều diễn ra vào thời điểm trước khi Đức Cha John McAreavey trở thành giám mục vào ngày 19 tháng 9 năm 1999. Khi xảy ra hai vụ cáo buộc này, vị tiền nhiệm của ngài là Đức Cha Francis Brooks ủy thác cho ngài, lúc ấy vẫn còn là một linh mục, trọng trách hướng dẫn tinh thần cho các nạn nhân để giúp họ đừng ngã lòng.

Cảnh sát Ái Nhĩ Lan cũng không truy tố linh mục Finnegan vì ông ốm đau gần chết rồi.

Đến khi ông qua đời, thì Đức Cha John McAreavey, trong tư cách Giám Mục giáo phận, có lẽ vì lòng thương xót đã chủ sự thánh lễ an táng cho ông. Đó là cái “tội” duy nhất của ngài trong vụ này.

Một chương trình BBC Spotlight về Finnegan đã được phát sóng hồi tháng trước trong đó có các cuộc phỏng vấn với ba nạn nhân, và người ta nói rằng họ rất “phản cảm” khi thấy Đức Cha McAreavey chủ sự thánh lễ an táng cho Finnegan 15 năm trước đó.

Chương trình này gây ra các phản ứng bất lợi.

Trong một tuyên bố đưa ra ngay sau đó, Đức Cha McAreavey đã lên án hành động của Finnegan là “đáng ghê tởm, không thể nào biện minh được.” Ngài cũng nói rằng việc ngài chủ sự thánh lễ an táng 15 năm trước đây cho Finnegan là một “sai lầm”.

Tòa Giám Mục cũng chỉ thị cho trường Thánh Colman xoá bỏ hết các hình ảnh của Finnegan.

Tuy nhiên, đầu tuần qua, một phát ngôn viên của giáo phận cho biết một số cha mẹ của các trẻ em sắp được chịu phép thêm sức tại Hilltown đòi gặp Đức Cha McAreavey.

Thông báo của giáo phận Dromore, sau cuộc gặp gỡ này, cho biết:

“Đức Giám Mục đã gặp các bậc cha mẹ này, cùng với vị giám đốc ủy ban bảo vệ trẻ em của giáo phận và một vị cố vấn của giáo phận. Vị cố vấn đã chủ trì buổi họp. Các bậc phụ huynh bày tỏ sự lo ngại của họ về buổi lễ ban phép thêm sức năm nay sau khi chương trình Spotlight được phát hình.”

Thông báo cũng cho biết Đức Cha McAreavey “đã nói rõ rằng ngài hiểu quan điểm của họ và rằng ngài không muốn là một chướng ngại vật đối với mong muốn của họ vào thời điểm của buổi lễ.”

Ngày 1 tháng Ba, Đức Cha McAreavey tuyên bố từ chức và việc từ chức của ngài có “hiệu lực thi hành ngay lập tức”.

Ngài nói: “Báo cáo của các phương tiện truyền thông đã gây ra xáo trộn và khó chịu cho nhiều người trong và ngoài giáo phận, vì thế tôi đã quyết định từ chức với hiệu lực ngay lập tức. Tôi sẽ không đưa ra lời bình luận nào thêm.”
Source: The Irish Times - John McAreavey resigns as bishop amid abuser controversy
 
Đức Thánh Cha sẽ ngồi tòa giải tội tại Đền Thờ Thánh Phêrô
Nguyển Long Thao
10:08 02/03/2018
Nếu qúy vị đang nghĩ tới việc đi xưng tội giữ luật Mùa Chay thì cơ hội bằng vàng đang đến

Tòa Thánh Vatican loan báo vào ngày 1 tháng 3 năm 2018 rằng Tòa Thánh sẽ cử hành nghi thức Sám Hối bắtt đầu từ lúc 5 giờ chiều ngày 9 tháng 3 năm 2018 tại đền thờ Thánh Phêrô.

Chính Đức Thánh Cha Phanxicô cùng với một số Hồng Y và Linh Mục sẽ ngồi tòa giải tội trong ngày này và ban ơn tha thứ cho các tín hữu.

Được biết năm ngoái tại Vatican cũng có nghi thức giải tội như năm nay nhưng có điểm đáng chú ý là trước hết Đức Thánh Cha cũng đã xưng tội trước khi Ngài giải tội cho người khác. Ngài cũng khuyến khích giới chức tại Tòa Thánh nên thường xuyên ngồi tòa giải tội cho các tín hữu.

Vào ngày 27 tháng Hai năm 2018, trong một bài giảng tại nhà thờ Casa Santa Marta, Đức Thánh Cha nói tòa giải tội là nơi tha thứ chứ không phải nơi răn đe dọa nạt. Ngài cũng nói Mùa Chay là thời gian giúp người ta trở về với Chuá, biến đổi đời để sống gần gũi Chúa hơn.
 
Bất ngờ: Tổng thống Á Căn Đình kêu gọi Quốc Hội nước này thảo luận về việc hợp pháp hóa phá thai
Đặng Tự Do
17:45 02/03/2018
Trong bài nói chuyện về tình hình quốc gia hôm thứ Năm 1 tháng Ba, tổng thống Á Căn Đình là ông Mauricio Macri đã lên tiếng kêu gọi Quốc Hội nước này thảo luận về việc hợp pháp hóa phá thai, và việc này phải được hoàn tất trước năm 2018 này.

Ông nói: “Trong 35 năm qua, chúng ta đã trì hoãn một cuộc thảo luận tế nhị mà một xã hội phải có. Đó là vấn đề phá thai. Như tôi đã từng nói hơn một lần, tôi là người phò sinh, nhưng tôi cũng ủng hộ những cuộc thảo luận trưởng thành và có trách nhiệm mà Á Căn Đình cần phải có”

Phá thai là một chủ đề gây tranh cãi tại quốc gia có tiếng là tôn trọng truyền thống này. Hiện nay phá thai chỉ được phép nếu như việc mang thai đe dọa mạng sống người mẹ, hay cái thai là kết quả của một vụ hiếp dâm.

Ông Mauricio Macri, sinh năm 1959, là một người Công Giáo, từng theo học tại Đại Học Giáo Hoàng Á Căn Đình. Cũng như Đức Giáo Hoàng Phanxicô, ông là người Á Căn Đình, gốc Ý. Ông Mauricio Macri là con của Francisco Macri là người giàu có nhất Á Căn Đình.

Mauricio Macri đã làm tổng thống nước này từ ngày 10 tháng 12 năm 2015.

Trong 6 chuyến tông du Nam Mỹ, Đức Thánh Cha vẫn chưa về thăm cố hương.
Source: AFP - Argentine president asks Congress to debate abortion
 
ĐGH Phanxicô nói rằng không có đe dọa trong tòa giải tội, chỉ có tha thứ thôi.
Giuse Thẩm Nguyễn
18:13 02/03/2018
(Radio Vatican) Thiên Chúa không bao giờ mệt mỏi trong việc kêu gọi chúng ta thay đổi cuộc sống, giúp chúng ta đến gần Ngài để được hoán cải. Ngài luôn có lòng nhận từ, khoan dung và tín trung của một người cha. Các cha giải tội cũng phải như vậy. Đây chính là tâm điểm bài giảng của ĐGH trong thánh lễ vào sáng thứ Ba tại nhà nguyện Casa Santa Marta.

Mùa chay là thời gian “hy vọng để hoán cải”, thay đổi đời sống để đến gần Chúa hơn và chúng ta hãy cầu xin Chúa ban cho chúng ta ơn hoán cải trong mùa chay thánh này.

Chúa Giêsu kêu gọi chúng ta với sự ngọt ngào và tin tưởng của một người Cha

Bài giảng của ĐGH bắt đầu với bài đọc thứ nhất trích từ sách của tiên tri Isaiah, kêu gọi sự hoán cải thật sự. Qua bài đọc, ĐGH chỉ cho chúng ta thấy thái độ đặc biệt của Chúa Giêsu đối với tội lỗi của chúng ta. ĐGH nói “Chúa không đe đọa” nhưng kêu gọi chúng ta trở về với “lòng nhân từ, khoan dung, cho chúng ta niềm tự tin.” Bài đọc hôm nay Thiên Chúa chỉ cho dân chúng những điều xấu để tránh và những việc tốt để làm, Thiên Chúa nói với những thủ lãnh của thành Sodom và dân chúng thành Gomorrah: “Các ngươi hãy đến và đối chất với Ta” và ĐGH nói rằng Thiên Chúa cũng làm như vậy đối với chúng ta.

“Thiên Chúa nói, ‘Các người hãy đến và đối chất với Ta. Hãy cùng bàn thảo một chút. Ngài không đe dọa chúng ta. Ngài là một người cha của đứa con nhỏ đang nghịch ngợm và người cha phải sửa dạy cho con mình. Và Ngài biết rằng nếu ngài đến với đứa con mà tay lại cầm cái roi thì mọi việc sẽ không êm xuôi chút nào. Ngài phải đến với con mình với niềm tin yêu trọn vẹn. Vì thế trong đoạn sách này, Chúa mời gọi chúng ta “hãy lại đây, cha con ta cùng uống cà phê và bàn thảo. Đừng sợ hãi, cha sẽ không đánh phạt con đâu’. Và Ngài biết là con mình đang nghĩ gì ‘Nhưng con biết con đã lỗi phạm…” Ngài liền an ủi “cho dầu tội lỗi con như màu đỏ thắm, cũng sẽ trở nên trắng như tuyết; cho dầu đỏ như vải điều, cũng sẽ trở nên trắng như len.”

Không có đe dọa, ngay cả trong tòa giải tội.

Cũng giống người cha đối mặt với con mình, Chúa Giêsu bắt đầu với việc nâng đỡ tin yêu để dẫn chúng ta đến “sự tha thứ và một sự thay đổi con tim”. ĐGH nói rằng Chúa cũng làm như vậy khi Ngài gọi Da-Kêu và Mat-thêu; và cũng làm như vậy trong cuộc đời của mỗi người chúng ta. Ngài giúp chúng ta nhìn ra cách “làm thế nào để bước vào con đường hoán cải.”

“Chúng ta hãy tạ ơn Chúa vì lòng thương xót của Ngài. Thiên Chúa không muốn lên án hay phạt chúng ta. Ngài ban cho chúng ta chính mạng sống của Ngài và đây là lòng thương xót của Ngài. Và Thiên Chúa luôn tìm cách để đến với lòng trí chúng ta. Là những linh mục, đại diện cho Thiên Chúa, cũng phải nghe sự xưng thú với lòng thương xót, vì Thiên Chúa đã nói “ hãy đến để chúng ta cùng bàn thảo. Không có vấn đề gì cả, chỉ có sự tha thứ’ và ngay từ khởi đầu, không có sự đe dọa.”

Hãy đến với Thiên Chúa với một trái tim rộng mở : Ngài là một người cha đang mong chờ con.

ĐGH kể về kinh nghiệm của một vị Hồng Y khi ngài giải tội. Ngài hiểu tội lỗi là vấn đề rất nghiêm trọng, nhưng không cứ chôn chặt ở đó, nhưng tiếp tục cuộc đàm thoại. ĐGH nhấn mạnh như vậy “và điều này giúp mở lòng và làm người khác cảm thấy được bình an.”. Thiên Chúa cũng cư xử với chúng ta như vậy, khi ngài kêu gọi “ Các con hãy đến với Cha, chúng ta cùng bàn thảo, cùng trao đổi để lãnh ơn tha thứ.”

“Điều này an ủi cha khi nhìn thấy thái độ của Thiên Chúa: Thái độ của một người cha nhân từ với đứa con cứ nghĩ là mình đã lớn, đã trưởng thành ngại ngùng đến với Cha. Thiên Chúa biết rõ chúng ta ngại ngùng và vì thế chúng ta cần nghe những lời này “ Hãy lại đây, đừng sợ. Hãy đến để cha tha thứ cho con. “Lời này khích lệ chúng ta. Hãy đến với Chúa bằng một trái tim rộng mở. Ngài là cha nhân lành đang mong đợi con.”

Giuse Thẩm Nguyễn
 
Lễ hội Purim của người Do Thái tại Giêrusalem
Đặng Tự Do
19:27 02/03/2018
Vụ đóng cửa Đền Thờ Mộ Thánh tại Giêrusalem đã khiến thế giới chú ý nhiều hơn đến những sinh hoạt tại Thành Thánh Giêrusalem trong những ngày gần lễ Phục sinh. Trong bối cảnh đó, thông tấn xã AFP đã ghi lại hình ảnh người Do Thái cử hành lễ kỷ niệm Purim với những người say rượu nằm lăn quay ra giữa đường.

Hôm thứ Sáu 2 tháng Ba, những người Do Thái Chính Thống cực đoan đã tổ chức lễ kỷ niệm Purim tại khu trung tâm Mea Shearim của Giêrusalem.

Lễ hội Purim kỷ niệm việc đánh bại một âm mưu tận diệt người Do Thái tại Đế Quốc Ba Tư cổ. Lễ hội bao gồm các các cuộc diễn hành, các bữa tiệc với các kiểu trang phục, và uống rượu say túy lúy để tưởng niệm việc đánh bại âm mưu tiêu diệt người Do Thái của quan cận thần Haman 2,500 năm trước, như đã được ghi trong Sách Ette của Cựu Ước.

Ông Haman được lòng vua Asuêrô sau khi phát hiện một âm mưu giết nhà vua. Với lòng ganh ghét người Do Thái, ông thưa với vua Asuêrô: “Trong khắp các miền thuộc vương quốc của đức vua, có một dân sống tản mác, rải rác đó đây giữa các dân. Luật lệ của chúng không giống như luật lệ của bất cứ dân nào khác. Luật lệ của đức vua, chúng chẳng tuân chẳng giữ. Quyền lợi của đức vua không cho phép để chúng yên như vậy. Nếu đẹp lòng đức vua, thì xin đức vua cho viết sắc lệnh tru diệt chúng. Thần xin cân ba trăm ngàn ký bạc trao cho công chức đem vào kho bạc của đức vua.”

Vua nói với ông Haman: “Ta tặng khanh số bạc đó, trao cho khanh cả dân tộc đó nữa. Khanh muốn làm gì chúng thì làm.”

Nhưng hoàng hậu Ette lựa lúc thuận tiện khuyên can vua, và vua đã treo cổ Haman. Khi tình thế đã lật ngược lại, ngày mười ba tháng thứ mười hai, tức là tháng Ađa, người Do Thái tụ họp lại trong các thành của họ để tra tay hại những kẻ mưu giết họ. Không ai dám đương đầu với họ, vì các dân đều khiếp sợ người Do Thái. Ngày ấy được gọi là ngày Purim.
Source: AFP - Ultra-Orthodox Jews celebrate holiday of Purim
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Bài Giáo Lý Thứ 11 của Đức Thánh Cha Phanxicô về Thánh Lễ: Phụng Vụ Thánh Thể I – Dâng Của Lễ
Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ
12:23 02/03/2018
Bài Giáo Lý Thứ 11 của Đức Thánh Cha Phanxicô về Thánh Lễ: Phụng Vụ Thánh Thể I – Dâng Của Lễ

“Việc các tín hữu dâng bánh và rượu cho linh mục … biểu thị của lễ thiêng liêng của Hội Thánh được gom lại ở đó cho Bí Tích Thánh Thể”.

Dưới đây là bản dịch bài giáo lý thứ mười một của ĐTC Phanxicô về Thánh Lễ, được ban hành ngày 28 tháng 2, 2018 tại Sảnh Đường Phaolô VI. Hôm nay ĐTC giải thích về ý nghĩa của việc Dâng Của Lễ: “Trong bánh và rượu, chúng ta hiến dâng Ngài của lễ cuộc đời chúng ta, để nó được Chúa Thánh Thần biến đổi thành hy lễ của Đức Kitô và với Người trở nên một của lễ thiêng liêng duy nhất đẹp lòng Chúa Cha".


* * *

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Chúng ta tiếp tục loạt bài giáo lý về Thánh Lễ. Tiếp theo phần Phụng Vụ Lời Chúa - mà tôi đã suy niệm trong bài giáo lý trước – là phần cấu thành phần khác của Thánh Lễ, đó là Phụng Vụ Thánh Thể. Trong đó, qua các dấu chỉ thánh, Hội Thánh không ngừng làm cho Hy Tế của Giao Ước Mới được Chúa Giêsu đóng ấn trên bàn thờ của Thập Giá được hiện diện (x hiến chế Sacrosanctum Concilium, 47). Đó là bàn thờ đầu tiên của Kitô giáo, bàn thờ của Thập Giá, và khi chúng ta đến gần bàn thờ để cử hành Thánh Lễ, ký ức của chúng ta đi đến bàn thờ Thập Giá, nơi hy tế đầu tiên đã được thực hiện. Linh mục, thay cho Đức Kitô trong Thánh Lễ, thực hiện điều Chúa đã làm và đã trao phó cho các môn đệ trong Bữa Tiệc Ly: Người cầm lấy bánh và chén, tạ ơn, rồi trao cho các môn đệ mà phán: "Các con hãy cầm lấy mà ăn ... mà uống: này là Mình Thầy... này là chén Máu Thầy. Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”.

Vâng lệnh Chúa Giêsu, Hội Thánh đã sắp xếp Phụng Vụ Thánh Thể theo những lúc tương ứng với các lời nói và cử chỉ Người đã làm buổi chiều trước Cuộc Khổ Nạn của Người. Do đó, trong việc chuẩn bị lễ vật, bánh và rượu được mang lên bàn thờ, nghĩa là các yếu tố mà Đức Kitô đã cầm trong tay. Trong Kinh Nguyện Thánh Thể, chúng ta cảm tạ Thiên Chúa vì công trình cứu chuộc và các lễ vật trở thành Mình và Máu của Chúa Giêsu Kitô. Tiếp theo là việc bẻ bánh và rước lễ, mà qua đó chúng ta sống lại kinh nghiệm của các Tông Đồ đã nhận món quà Thánh Thể từ tay của chính Đức Kitô (x. Quy Chế Tổng Quát của Sách Lễ Rôma, 72).

Như thế, cử chỉ đầu tiên của Chúa Giêsu: "Người cầm lấy bánh và chén rượu" tương ứng với việc chuẩn bị lễ vật. Đây là phần thứ nhất của Phụng vụ Thánh Thể. Việc các tín hữu dâng bánh và rượu cho linh mục là điều thật tốt, bởi vì chúng biểu thị của lễ thiêng liêng của Hội Thánh được gom lại ở đó cho Bí Tích Thánh Thể. Thật là đẹp khi các tín hữu mang bánh và rượu lên bàn thờ. Mặc dù ngày nay “các tín hữu không còn mang bánh và rượu mà chính họ làm cho Phụng Vụ, như trước đây, nhưng nghi thức dâng các lễ vật này vẫn duy trì giá trị và ý nghĩa thiêng liêng của nó" (ibid., 73). Và liên quan đến việc này, có một việc thật ý nghĩa là, khi truyền chức một tân linh mục, Đức Giám Mục nói lúc ban cho vị này bánh và rượu: “Con hãy nhận lễ vật của dân thánh cho hy tế Thánh Thể" (Nghi thức truyền chức cho các giám mục, linh mục và của các phó tế). Dân Thiên Chúa là những người mang các lễ vật, bánh và rượu, lễ vật cao cả cho Thánh Lễ! Vì thế, qua dấu chỉ bánh và rượu, các tín hữu đặt lễ vật của chính họ trong tay linh mục, là người đặt nó trên bàn thờ hoặc bàn của Chúa. "đó là trung tâm của toàn thể Phụng Vụ Thánh Thể" (x. Quy Chế Tổng Quát của Sách Lễ Rôma, 73). Nghĩa là, trung tâm của Thánh Lễ là bàn thờ, và bàn thờ là Đức Kitô; chúng ta phải luôn luôn nhìn lên bàn thờ là trung tâm của Thánh Lễ. Do đó, tuân phục Lời của Thiên Chúa, trong "hoa mầu của ruộng đất và lao công của con người", cam kết dấn thân của các tín hữu được dâng lên để biến chính họ thành một "của lễ đẹp lòng Thiên Chúa là Cha Toàn Năng hầu mưu ích cho toàn thể Hội Thánh”. Vì vậy, "đời sống của các tín hữu, đau khổ của họ, kinh nguyện của họ, công việc của họ, được kết hợp với những điều ấy (đời sống, đau khổ, kinh nguyện và công việc) của Đức Kitô và với toàn thể hy lễ của Người, và như thế có được một giá trị mới" (Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, 1368).

Dĩ nhiên là lễ vật của chúng ta thật ít ỏi, nhưng Đức Kitô cần sự ít ỏi này. Chúa đòi chúng ta rất ít, và Người ban cho chúng ta rất nhiều. Người đòi chúng ta rất ít. Người đòi chúng ta, trong cuộc sống thường nhật, có thiện tâm; Người đòi chúng ta một tâm hồn rộng mở; Người đòi chúng ta ý muốn được trở nên tốt hơn để chào đón Người là Đấng hiến mình cho chúng ta trong Bí tích Thánh Thể; Người đòi chúng ta những lễ vật biểu tượng này và sau đó sẽ trở nên Mình và Máu Người. Một hình ảnh của chuyển động cầu nguyện tự hiến này được tiêu biểu bằng trầm hương, khi bị đốt trong lửa, toả ra một làn khói thơm bay lên cao: việc xông hương các của lễ, như được làm trong các ngày lễ, việc xông hương Thánh Giá, bàn thờ, linh mục và dân tư tế biểu lộ cách hữu hình mối dây dâng hiến kết hợp tất cả các thực tại này với hy lễ của Đức Kitô (x. Quy Chế Tổng Quát của Sách Lễ Rôma, 75). Và đừng quên: có bàn thờ là Đức Kitô, nhưng luôn luôn quy chiếu về bàn thờ đầu tiên là Thánh Giá, và trên bàn thờ là Đức Kitô, chúng ta mang lên món quà ít ỏi của mình, bánh và rượu là những gì sẽ trở thành nhiều hơn: là Chính Chúa Giêsu, Đấng tự hiến cho chúng ta.

Và tất cả điều này là điều mà lời nguyện trên lễ vật cũng diễn tả. Trong đó, linh mục xin Thiên Chúa chấp nhận các lễ vật mà Hội Thánh dâng lê Ngài, qua việc khẩn xin hoa trái của việc trao đổi tuyệt vời giữa sự nghèo nàn của chúng ta và sự giàu sang của Ngài. Trong bánh và rượu, chúng ta hiến dâng Ngài của lễ cuộc đời chúng ta, để nó được Chúa Thánh Thần biến đổi thành hy lễ của Đức Kitô và với Người trở nên một của lễ thiêng liêng duy nhất đẹp lòng Chúa Cha. Và như thế việc chuẩn bị của lễ kết thúc, và dọn lòng chúng ta cho Kinh Nguyện Thánh Thể (x. ibid., 77).

Linh đạo về việc tự hiến, mà giây phút này của Thánh Lễ dạy chúng ta, có thể soi sáng những ngày sống của chúng ta, những mối liên hệ của chúng ta với tha nhân, những việc chúng ta làm, những đau khổ mà chúng ta gặp phải, giúp chúng ta xây dựng thành phố thế trần dưới ánh sáng Tin Mừng.

Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ

Nguồn: http://w2.vatican.va/content/francesco/it/audiences/2018/documents/papa-francesco_20180228_udienza-generale.html.
 
Thăm viếng thánh đường
Lm. Đa Minh Nguyễ Ngọc Long
15:20 02/03/2018
Ngày xưa, cụ thể là đền thờ Giêrusalem bên Do Thái , là nơi thờ kính Thiên Chúa Giavê của người Do Thái, cũng là nơi chốn hành hương thánh thiêng theo luật đạo ấn định. Và nơi đó cũng có hàng quán buôn bán, ít là những hàng hóa dùng vào việc dâng cúng cho khách hành hương. Biết đâu cũng có thể có cả quán bán thực phẩm ăn uống nữa.

Ngày nay các thánh đường Công Giáo danh tiếng khắp nơi trên thế giới, nhất là các trung tâm hành hương, trở thành nơi thăm viếng của khách vãng lai, vừa để cầu nguyện khấn khứa cầu xin, và cũng vừa chiêm ngắm học hỏi công trình kiến trúc về khía cạnh nghệ thuật văn hóa thời đại ngày xưa còn lưu lại dấu tích. Bên cạnh đó cũng có những hàng quán buôn bán ảnh tượng, đồ vật kỷ niệm. Xa ngoài khu đền thờ còn có những hàng quán khách sạn cho khách ăn uống, trọ ngủ nghỉ.

Đến thăm viếng đền thờ, thánh đường, khách thăm viếng còn đọc tìm hiểu được chứng từ về lịch sử, về cung cách sống đức tin của con người nơi ngôi đền thờ, thánh đường đó qua những dấu tích không lời, không chữ viết. Đó là những viên hay tảng đá dưới nền nhà, trên bức tường, nơi các cây cột, những hình ảnh khắc vẽ trên trần nhà, trên tường vách…

Những di tích không lời nói chữ viết đó là chứng tích từ cả chục năm, hàng trăm năm từ khi đền thờ, thánh đường được xây dựng còn lưu lại. Căn cứ vào những dữ liệu khô cứng đó người ta nghiên cứu lần tìm ra nếp sống văn hóa đạo giáo của người xưa đã trải qua còn lưu vết để lại.

Có lẽ theo tâm tư tình tự đó, nên nơi cửa ra vào thánh đường Thánh nữ Catharina rộng lớn do Dòng Phanxico Công Giáo trông coi quản trị liền sát ngay bên cạnh đền thờ Chúa giáng sinh Bethlehem, có dòng chữ bằng tiếng Anh:

„We are hoping that:
If you enter here as a tourist, you would exit as a pilgrim.
If you enter here as a pilgrim, you would exit as a holier one.“
Chúng tôi hy vọng rằng:
Nếu Bạn đi vào nơi đây như một khách du lịch, ước gì khi ra Bạn là một người hành hương.
Nếu bạn đi vào nơi đây là một người hành hương, ước gì khi ra Bạn là một người thánh thiện hơn.“

Khi vào thánh đường Công Giáo ngay nơi cửa ra vào thường có, ở hai bên cánh cửa, bình nhỏ đựng nước thánh. Người tín hữu khi vào hay ra khỏi thánh đường, lấy ngón tay chấm vào nước thánh làm dấu thập gía trên thân thể mình. Nước thánh và cử chỉ đó là lời tuyên xưng đức tin và nhắc nhớ đến bí tích Rửa tội ngày xưa đã lãnh nhận.

Nhìn lên cung thánh có bục đọc sách. Nơi này Lời Chúa trong sách phúc âm, sách kinh thánh được công bố đọc lên trong mỗi thánh lễ, trong các nghi lễ phụng vụ kính thờ Thiên Chúa.

Ngay trung tâm cung thánh là bàn thờ. Nơi đây, thánh lễ tưởng niệm sự chết và sống lại của Chúa Giesu Kito được cử hành. Nói rõ hơn Bí tích Thánh Thể, là lương thực nuôi dưỡng đức tin người tín hữu cùng với toàn thể cộng đoàn dân Chúa cử hành, như Chúa Giêsu Kitôo trối truyền lại:Anh em hãy làm việc này để nhớ đến Thầy.

Và xa hơn đàng sau bàn thờ hay bên cạnh cung thánh có ngôi nhà nhỏ được xây dựng tựa như một cái hộp to được trang trí nghệ thuật có ngọn đèn nhỏ cháy sáng ngày đêm chiếu tỏa ánh sáng mầu đỏ. Đó là nhà Tạm. Nơi đó Mình Thánh Chúa Giêsu Kitô còn dư lại sau mỗi thánh lễ được cất gìn giữ , và cũng để cho mọi người tín hữu đến đọc kinh khấn nguyện.

Trong lòng thánh đường, đền thờ có những hàng ghế cho người tín hữu ngồi qùy đọc kinh cầu nguyện.

Và ngoài ra tùy theo nếp sống văn hóa đạo đức mỗi nơi, còn có những bàn thờ nhỏ được sắp đặt chung quang nơi tường vách trong thánh đường, như bàn thờ kính Đức Mẹ, kính Thánh Giue, Thánh Anton… cho việc cầu xin khấn nguyện của người tín hữu Chúa.

Ngày xưa, Chúa Giêsu khi vào đền thờ Giêrusalem rất bất bình khó chịu, Ngài đã giận dữ xua đuổi những người buôn bán hàng quán ra khỏi đền thờ với lý do đền thờ là nơi cầu nguyện cùng Thiên Chúa, chứ không phải là nơi buôn bán. Và Ngài chữa lành những người đau yếu tàn tật đang ở trong đền thờ. ( Mt 21, 12-14)

Hành động việc làm này của Chúa Giêsu là thanh tẩy đền thờ không phải với gươm giáo của người thủ lãnh. Nhưng là người nhắc nhở đến mục đích của đền thờ cho việc thờ kính Thiên Chúa, và ngài mang đến chúc lành cho con người qua việc chữa cho họ lành bệnh. Ngài muốn cắt nghĩa chỉ cho mọi người Thiên Chúa là tình yêu thương, và sức mạnh quyền uy của người là sức mạnh của tình yêu thương.

Ngày nay các thánh đường lịch sử cổ kính danh tiếng ở những nơi có đông khách vãng lai trở thành địa điểm thu hút khách du lịch đến tham quan thăm viếng hay nghiên cứu học hỏi tìm hiểu.

Bầu khí vì thế trở nên nhộn nhịp, nét vẻ thanh tịnh thánh thiện nơi cầu nguyện bị xáo trộn. Và để tránh tình trạng như thế, hầu hết các thánh đường, đền thờ thường giới hạn giờ cho du khách vào tham quan, hay giới hạn khu vực thăm viếng.

Vì thánh đường hay đền thờ cần phải được gìn giữ duy trì bầu khí thinh lặng yên tĩnh cho việc cầu nguyện kính thờ Thiên Chúa, Đấng ngự nơi đây, và ngự ngay trong thân thể mỗi người do Ngài tạo dựng nên.

Và vì thế, thân thể mỗi con người cũng là đền thờ của Chúa Thiên Chúa, nơi đó Đức Chúa Thánh Thần là nguồn sức sống, nguồn tình yêu thương luôn hằng ngự trị.

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
 
Văn Hóa
Vị Giảng Thuyết của Phủ Giáo Hoàng: Mùa Chay và Lánh Đời
Vũ Văn An
16:45 02/03/2018
Khởi đầu Mùa Chay năm nay, dù Đức Giáo Hoàng Phanxicô đi dự Linh Thao theo phương pháp của Thánh Inhaxiô, đấng sáng lập Dòng Tên, Cha Raniero Cantalamessa, vị giảng thuyết của Phủ Giáo Hoàng, vẫn đã giảng bài giảng đầu tiên trong Mùa Chay 2018 cho Phủ Giáo Hoàng. Ngài đề cập tới việc Lánh Đời (Fuga Mundi), một nền linh đạo đã bắt đầu với các Giáo Phụ Sa Mạc, nhưng vẫn còn giá trị đến nay, nhất là trong Mùa Chay này. Chúng tôi xin chuyển bài giảng của ngài qua tiếng Việt.

Đừng đồng hình đồng dạng với thế giới (Rm 12:2)

“Đừng đồng hình đồng dạng với thế giới nhưng hãy được biến đổi bởi việc canh tân tâm trí để anh chị em có thể chứng minh đâu là thánh ý Thiên Chúa và điều gì tốt, có thể chấp nhận được và hoàn hảo” (Rm 12:2)

Trong một xã hội nơi mọi người cảm thấy mình được kêu gọi biến đổi thế giới hay Giáo Hội, lời lẽ sau đây của Thiên Chúa vang lên, mời gọi chúng ta tự biến đổi chính mình: “Đừng đồng hình đồng dạng với thế giới”. Sau những câu chữ này, có lẽ chúng ta hy vọng sẽ nghe nói: “nhưng hãy biến đổi nó!” Không phải thế, thư bảo ta, “hãy biến đổi chính anh chị em!” Thay đổi thế giới, đúng thôi, nhưng là thế giới ở ngay trong anh chị em, trước khi nghĩ đến việc thay đổi thế giới ở bên ngoài anh chị em.

Lời trên của Thiên Chúa, trích từ Thư Gửi Tín Hữu Rôma, dẫn chúng ta vào tinh thần của Mùa Chay năm nay. Giống mấy năm trước đây, nay ta cũng dành bài suy niệm đầu tiên này để dẫn nhập tổng quát vào Mùa Chay chứ chưa đi vào chủ đề đặc biệt của năm nay, vì có sự vắng mặt một phần cử tọa quen thuộc hiện đang tham dự Linh Thao ở nơi khác.

1. Kitô Hữu và Thế Giới

Trước nhất ta hãy xét xem lý tưởng không dính bén với thế giới đã được hiểu và mang ra sống như thế nào từ thuở đầu cho tới nay. Điều luôn hữu ích là xét kinh nghiệm của quá khứ nếu ta muốn hiểu các đòi hỏi của hiện tại.

Trong các Tin Mừng Nhất Lãm, chữ “thế giới” (kosmos) hầu như luôn được hiểu theo nghĩa luân lý trung lập. Theo nghĩa không gian, “thế giới” chỉ trái đất và vũ trụ (“Hãy đi khắp thế giới”). Theo nghĩa thời gian, nó chỉ thời hay “thời đại” (aion) hiện tại. Chính với Thánh Phaolô, và thậm chí với Thánh Gioan nhiều hơn, chữ “thế giới” đã mang lấy chiều kích luân lý và thường để chỉ thế giới sau khi phạm tội và chịu sự thống trị của Satan, vốn là “chúa thế giới” (2Cr 4:4). Đó là nghĩa của “thế giới” trong lời khuyên của Thánh Phaolô mà chúng ta đã khai mạc với và gần như y hệt với lời khuyên của Thánh Gioan trong Thư thứ nhất của ngài:

Anh chị em đừng yêu thế giới và những gì ở trong thế giới.

Kẻ nào yêu thế giới thì nơi kẻ ấy không có lòng mến Chúa Cha, vì mọi sự trong thế giới: như dục vọng của tính xác thịt, dục vọng của đôi mắt và thói cậy mình có của, tất cả những cái đó không phát xuất từ Chúa Cha, nhưng phát xuất từ thế giới
(1Ga 2:15-16)

Các Kitô hữu không bao giờ quên sự kiện này: bất chấp mọi điều khác, thế giới tự nó vẫn là và vẫn còn là sáng thế tốt đẹp của Thiên Chúa, một sáng thế được Người yêu thương và tới cứu vớt, chứ không kết án: “Thiên Chúa đã yêu thế giới đến nỗi đã ban Con Một của Người, để bất cứ ai tin vào Người sẽ không bị diệt vong nhưng được sống đời đời” (Ga 3:16).

Thái độ đối với thế giới mà Chúa Giêsu đề xuất với các môn đệ của Người chứa đựng trong hai mệnh đề sau: ở trong thế giới nhưng không thuộc về thế giới. Người thưa với Chúa Cha “Nay Con không còn ở trong thế giới nữa, nhưng chúng thì còn ở trong thế giới... Chúng không thuộc về thế giới, giống như Con không thuộc về thế giới” (Ga 17:1, 16).

Trong ba thế kỷ đầu, các môn đệ ý thức rất rõ vị trí độc đáo của mình. “Thư gửi Diognetus”, một trước tác vô danh vào cuối thế kỷ thứ hai, mô tả cảm thức về chính họ ở trong thế giới:

Các Kitô hữu khó phân biệt với người khác kể cả về quốc tịch, ngôn ngữ lẫn phong tục. Họ không cư ngụ trong các thành phố biệt lập riêng của họ, hay nói các thổ ngữ lạ lùng, hay tuân theo các lối sống kỳ dị... Họ tuân theo các phong tục của bất cứ thành phố nào tình cờ họ cư ngụ, bất kể là Hy Lạp hay nước ngoài. Ấy thế nhưng vẫn có một điều lạ thường trong đời sống của họ. Họ sống ở quê hương xứ sở của họ nhưng như thể chỉ là sống tạm. Họ đóng trọn vai trò công dân, nhưng lao công trong điều kiện thiếu mọi tư cách pháp lý của các ngoại nhân. Nước nào cũng có thể là quê hương của họ, nhưng đối với họ, quê hương họ, dù ở bất cứ nơi đâu, cũng vẫn là một nước ngoài. Giống những người khác, họ kết hôn và sinh con đẻ cái, nhưng họ không liều để chúng [phải chết]. Họ chia sẻ các bữa ăn, nhưng không chia sẻ các bà vợ. Họ sống trong xác thịt nhưng không để các thèm muốn của xác thịt thống trị (1).



Ta hãy vắn tắt nói tóm tắt những điều sau. Khi Kitô Giáo trở thành một tôn giáo được dung thứ và không lâu sau đó còn được che chở và sủng ái, sự căng thẳng giữa Kitô Giáo và thế giới nhất thiết có khuynh hướng giảm đi vì thế giới đã trở thành, hay ít ra được coi như, một “thế giới Kitô Giáo”. Thế rồi, ta mục kích một hiện tượng kép. Một đàng, nhiều nhóm người, vì muốn mãi là muối đất không mất chất mặn của nó, nên đã trốn khỏi thế giới, kể cả theo nghĩa vật lý, và đi ẩn dật nơi sa mạc. Phong trào đơn tu ra đời dưới ngọn cờ có khẩu hiệu đã xuất hiện từ thời đan sĩ Arsenius: “Fuge, tace, quiesce,” (trốn chạy, không nói, và thinh lặng) (2).

Cùng một lúc, các mục tử của Giáo Hội và một số người thông sáng hơn tìm cách thích ứng lý tưởng không dính bén với thế giới để áp dụng cho mọi tín hữu, bằng cách đề xuất việc chạy trốn thế giới không theo nghĩa vật lý mà theo nghĩa thiêng liêng. Thánh Basilêô ở Phương Đông và Thánh Augustinô ở Phương Tây là những người quen thuộc với lối suy tư của Platông, nhất là dưới hình thức khổ hạnh, mô phỏng theo học trò của ông này là Plôtinô. Trong bầu khí văn hóa này, lý tưởng chạy trốn thế giới rất sinh động. Tuy nhiên, nó liên hệ tới cuộc chạy trốn theo hàng dọc chứ không theo hàng ngang, có thể nói như thế, một cuộc chạy trốn đi lên chứ không trốn vào sa mạc. Nó hệ ở việc nâng mình lên trên vô vàn các sự vật vật chất và đam mê nhân bản để kết hợp mình với những gì là thần thiêng, không thể hư nát, và vĩnh cửu.

Các vị Giáo Phụ, trong đó, các vị ở Capađôxia dẫn đầu, đề xuất một phong trào khổ hạnh Kitô Giáo đáp ứng được các nhu cầu tôn giáo nói trên tuy nhiên đã thích ứng ngôn ngữ của nó mà không hy sinh các giá trị của Tin Mừng. Trước hết, việc trốn chạy thế giới được các ngài đề nghị là công việc của ơn thánh hơn là cố gắng của con người. Bước căn bản không nằm ở cuối đường mà là ở đầu đường, ở ngay trong phép rửa. Do đó, nó không dành cho một ít người có học mà mở cửa cho mọi người. Thánh Ambrôsiô viết một khảo luận nhỏ gọi là “Chạy Trốn Thế Giới” dành cho mọi tân tòng (3). Việc tách biệt khỏi thế giới do ngài đề xuất trước nhất là ở cảm xúc. Ngài nói: “Chạy trốn không phải khỏi trái đất mà là ở lại trái đất, giữ vững công lý và điều độ, từ bỏ những cái hư trong của cải vật chất, chứ không phải việc sử dụng chúng” (4).

Lý tưởng không dính bén và chạy trốn khỏi thế giới nói trên, dưới nhiều hình thức đa dạng, đã đồng hành với tòan bộ lịch sử linh đạo Kitô Giáo. Một lời nguyện trong phụng vụ đã tóm tắt được điều đó khi xin rằng “terrena despicere et amare caelestia”: “khinh chê của dưới đất và yêu mến của trên trời”. Nói theo ngôn ngữ của phụng vụ bây giờ là “khôn ngoan sử dụng của dưới đất, luôn hướng về của trên trời”.

Kỳ tới: Cuộc khủng hoảng của lý tưởng “fuga mundi” (chạy trốn thế giới)