Chúa Kitô đã Phục Sinh. Tin Mừng theo thánh Gioan tường thuật khá chi tiết, và đầy xác tín: Chúa đã sống lại (x.Ga 20,1-31).
Với tôi, Tin Mừng theo thánh Gioan như một nhân chứng vừa sung sướng, vừa hãnh diện thuật lại những gì mắt thấy tai nghe.
Bằng ngòi bút sâu sắc trong suy niệm; thâm tín trong diễn tả; quả quyết trong lời kể; say sưa trong chiêm ngắm; tràn ngập hạnh phúc, niềm vui, lòng mến nơi tâm hồn, thánh Gioan tường thuật hành trình chạm tới ơn phục sinh và chạm tới Đấng Phục Sinh mà các môn đệ, cụ thể là ba con người: Maria Macđala, Phêrô, Gioan đã trải qua để tiến đến đức tin mạnh mẽ rằng: “Chúa đã Phục Sinh”.
Bằng chính niềm vui và đức tin phục sinh, thánh Gioan quả quyết: “Ông Phêrô và môn đệ kia liền đi ra mộ. Cả hai người cùng chạy. Nhưng môn đệ kia chạy mau hơn ông Phêrô và đã tới mộ trước. Ông cúi xuống và nhìn thấy những băng vải còn ở đó, nhưng không vào. Ông Simôn Phêrô theo sau cũng đến nơi. Ông vào thẳng trong mộ, thấy những băng vải để ở đó, và khăn che đầu Đức Giêsu. Khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại, xếp riêng ra một nơi. Bấy giờ người môn đệ kia, kẻ đã tới mộ trước, cũng đi vào. Ông đã thấy và đã tin. Thật vậy, trước đó, hai ông chưa hiểu rằng: theo Kinh Thánh, Đức Giêsu phải trỗi dậy từ cõi chết” (Ga 20, 3-9).
Chúa đã phục sinh. Không phải chỉ một mình thánh Gioan sung sướng ghi lại biến cố phục sinh của Chúa, và sung sướng ngỏ với mọi người về chính đức tin của mình: “Ông đã thấy và đã tin”, mà chẳng lâu sau đó, thánh Phêrô cũng đã tin, các tông đồ đã tin, đoàn môn đệ đã tin, và cả Hội Thánh đã tin.
Ngày nay Hội Thánh vẫn mang lấy chính tâm tư vui mừng khôn xiết của thánh Gioan, để không chỉ tin, mà còn hãnh diện đem “khoe” cùng cả loài người, cùng toàn thể vũ trụ, cùng mọi thụ tạo để loan báo, để truyền giảng không mệt mỏi về niềm vui và đức tin: CHÚA CỦA MÌNH ĐÃ PHỤC SINH. Không dừng ở phục sinh. Đấng Phục Sinh vẫn tồn tại. Đến muôn đời, Đấnh Phục Sinh sẽ tồn tại. Người là Chúa. Bất cứ ai thuộc về Người, cũng sẽ phục sinh cùng Người.
Bởi thâm tín mạnh về niềm vui và đức tin Phục Sinh, dẫu là thánh Phêrô hay các tông đồ, đẫu là đoàn môn đệ của Chúa hay toàn Hội Thánh, đã không để bất cứ điều gì khuất phục mình – nhưng đạp trên tất cả sự dữ, dù là cái chết, gông cùm, tù tội, bị thú dữ nghiền nát, bị hành hạ dã man, bị lên án khốc liệt, bị phân biệt đối xử… vẫn không làm lung lay lời rao giảng và lòng xác tín: Chúa đã phục sinh – để đêm ngày, qua muôn muôn lớp lớp lịch sử, vẫn hiên ngang sống, hiên ngang chết cho niềm thâm tín vào Một Đấng Phục Sinh Duy Nhất là Chúa muôn loài, cữu rỗi muôn loài.
Niềm vui và đức tin phục sinh mà Hội Thánh xác tín nơi Chúa Kitô, không đơn giản chỉ là hồi sinh trở về đời sống trần thế như đã từng sống. Sẽ không bao giờ giống cuộc trở về sau cái chết của con trai bà góa thành Naim (Lc 7, 11-17), con gái ông Giairô (Lc 8, 40-56), hay Lazarô ở làng Bêtania (Ga 11,1-45). Bởi tất cả họ, dù đã từng được Chúa cho hồi sinh, đều cũng lại trở về bụi đất như tất cả mọi người.
Chúa Kitô phục sinh, Người không phục hồi sự sống như đã từng sống nơi dương thế, nhưng là tiến về sự sống trong Thiên Chúa, sống bằng sự sống của chính Thiên Chúa. Đó là sự sống thuộc linh, một sự sống không hao mòn, không bị thời gian khống chế, không tàn phai, không kết thúc.
Về mặt nhân trần, Chúa đã chết thật. Chúa là người như mỗi chúng ta là người. Chúa đã chết như bao nhiêu con người đã chết.
Nhưng Chúa đã phục sinh. Từ nay Chúa mặc lấy sự sống sung mãn đến nỗi sự chết không còn quyền gì ảnh hưởng tới Chúa. Chúa chúng ta cũng không còn bị bất cứ định luật tự nhiên nào có thể chi phối. Không còn có bất cứ mãnh lực nào, dù tự nhiên hay siêu nhiên, hữu hình hay vô hình, có thể bị hủy hoại hay bất hoại… có khả năng chi phối sự sống phục sinh của Chúa.
Chúa Kitô là Đấng duy nhất trong nhân loại đã chiến thắng sự chết. Từ nay, Chúa đi vào sự sống của chính Thiên Chúa. Sự sống đã khải hoàn chiến thắng của Chúa đã trào tràn, tuôn đổ trên mỗi chúng ta.
Chúa Kitô Phục sinh trở nên nguồn sự sống và là sự sống lại của chúng ta. Chúa cho chúng ta tham dự vào sự phục sinh của Chúa, như chính Chúa từng phán: “Ta là sự sống lại và là sự sống. Ai tin Ta, thì dù có chết cũng sẽ sống. Ai sống và tin vào Ta, sẽ không bao giờ phải chết” (Ga 11, 25-26).
Còn chúng ta, nhờ ơn phục sinh của Chúa, chúng ta cũng trở thành bất diệt sau cái chết trần thế của mình.
Là chứng nhân của Ðấng Phục Sinh đầy tràn sự hãnh diện, ôm ấp niềm vui, và tha thiết sống chết cho đức tin, các tông đồ, các môn đệ, và cả Hội Thánh của Chúa, ra đi khắp thế giới, loan tin mừng Phục Sinh. Tất cả cùng khẳng định: Ai tin nhận Chúa Kitô, tuyên xưng Chúa Kitô là Chúa và sống theo giáo huấn của Chúa, kẻ đó sẽ được Phục Sinh như Chúa.
Chúng ta, từng cá nhân, hãy mang lấy chính tâm tư vỡ òa của thánh Gioan tông đồ, của cả Hội Thánh, của biết bao nhiêu anh chị em đồng đạo, dám băng mình trên mọi nẻo đời, công bố cách không mệt mỏi đức tin cao cả, quý trọng, độc nhất vô nhị của mình: CHÚA ĐÃ PHỤC SINH.
Niềm vui và đức tin phục sinh phải là lẽ sống, là tâm niệm sống, là định hướng sống của từng Kitô hữu.
Hãy để niếm vui và đức tin phục sinh hướng dẫn đời sống. Một đời sống mà biết để niềm vui và đức tin phục sinh hướng dẫn, sẽ là một đời sống phong phú, một đời sống không chỉ mang đậm niềm hạnh phúc, nhưng còn trào tràn hạnh phúc ấy ra mọi nơi, mọi hoàn cảnh mà đời sống ấy hiện diện.
Hãy để niềm vui và đức tin phục sinh đồng hành, giúp ta vững tâm bước qua tăm tối, chông gai, thử thách của đời sống. Qua tất cả những thăng trầm ấy, ta đóng đinh chính mình, đóng đinh tính xác thịt của mình vào thánh giá của Chúa, nhờ đó, ta sẽ cùng Chúa tiến vào cõi phục sinh vinh thắng.
Lạy Chúa, xin cho ánh sáng Phục Sinh của Chúa chiếu rọi vào mọi góc tối tăm của linh hồn chúng con, để chúng con trung thành sống chết cho đức tin. Xin đừng để chúng con rơi vào hoàn cảnh bi thảm mà các lãnh đạo Do thái giáo xưa đã từng thực hiện, đó là một mặt tuyên xưng lòng tin của mình, nhưng mặt khác, do đời sống bê bối của chúng con, chúng con lại đang ra sức chối từ Chúa, ra sức đẩy xa ảnh hưởng của niềm tin phục sinh ra khỏi cuộc đời mình. Amen.
BÀI ĐỌC 1 Cv 10:34a,37-43
Bài trích sách Công vụ Tông đồ.
Bấy giờ tại nhà ông Co-nê-li-ô ở Xê-da-rê, ông Phê-rô lên tiếng nói:
“Quý vị biết rõ biến cố đã xảy ra trong toàn cõi Giu-đê, bắt đầu từ miền Ga-li-lê, sau phép rửa mà ông Gio-an rao giảng. Quý vị biết rõ: Đức Giê-su xuất thân từ Na-da-rét, Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu tấn phong Người.
Đi tới đâu là Người thi ân giáng phúc tới đó, và chữa lành mọi kẻ bị ma quỷ kiềm chế, bởi vì Thiên Chúa ở với Người.
Còn chúng tôi đây xin làm chứng về mọi việc Người đã làm trong cả vùng dân Do-thái và tại chính Giê-ru-sa-lem. Họ đã treo Người lên cây gỗ mà giết đi. Ngày thứ ba, Thiên Chúa đã làm cho Người trỗi dậy, và cho Người xuất hiện tỏ tường, không phải trước mặt toàn dân, nhưng trước mặt những chứng nhân Thiên Chúa đã tuyển chọn từ trước, là chúng tôi, những kẻ đã được cùng ăn cùng uống với Người, sau khi Người từ cõi chết sống lại.
Người truyền cho chúng tôi phải rao giảng cho dân, và long trọng làm chứng rằng chính Người là Đấng Thiên Chúa đặt làm thẩm phán, để xét xử kẻ sống và kẻ chết. Tất cả các ngôn sứ đều làm chứng về Người và nói rằng phàm ai tin vào Người thì sẽ nhờ danh Người mà được ơn tha tội.”
Đó là Lời Chúa.
BÀI ĐỌC 2 Cl:3:1-4
Bài trích thư của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Cô-lô-xê.
Thưa anh em, anh em đã được trỗi dậy cùng với Đức Ki-tô, nên hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Ki-tô đang ngự bên hữu Thiên Chúa. Anh em hãy hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới, chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới. Thật vậy, anh em đã chết, và sự sống mới của anh em hiện đang tiềm tàng với Đức Ki-tô nơi Thiên Chúa. Khi Đức Ki-tô, nguồn sống của chúng ta xuất hiện, anh em sẽ được xuất hiện với Người, và cùng Người hưởng phúc vinh quang.
Đó là Lời Chúa.
TUNG HÔ TIN MỪNG 1Cr 5:7b-8a
Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a.
Đức Ki-tô đã chịu hiến tế, làm chiên lễ Vượt Qua của chúng ta. Nào ta hãy hỷ hoan trong Chúa mà ăn mừng đại lễ. Ha-lê-lui-a.
TIN MỪNG Ga 20:1-9
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.
Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối, bà Ma-ri-a Mác-đa-la đi đến mộ, thì thấy tảng đá đã lăn khỏi mộ. Bà liền chạy về gặp ông Si-môn Phê-rô và người môn đệ Đức Giê-su thương mến. Bà nói: “Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ; và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu.”
Ông Phê-rô và môn đệ kia liền đi ra mộ. Cả hai người cùng chạy. Nhưng môn đệ kia chạy mau hơn ông Phê-rô và đã tới mộ trước. Ông cúi xuống và nhìn thấy những băng vải còn ở đó, nhưng không vào. Ông Si-môn Phê-rô theo sau cũng đến nơi. Ông vào thẳng trong mộ, thấy những băng vải để ở đó, và khăn che đầu Đức Giê-su. Khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại, xếp riêng ra một nơi. Bấy giờ người môn đệ kia, kẻ đã tới mộ trước, cũng đi vào. Ông đã thấy và đã tin. Thật vậy, trước đó, hai ông chưa hiểu rằng: theo Kinh Thánh, Đức Giê-su phải trỗi dậy từ cõi chết.
Đó là Lời Chúa.
“Đây là ngày Chúa đã làm ra!”.
Đội quân của Napoléon dẫn đầu bởi tướng Massena bất ngờ xuất hiện với 18.000 quân trước một thị trấn. Hội đồng bô lão họp, “Đầu hàng là câu trả lời duy nhất!”. Nhưng một cựu quan chức nói, “Hôm nay là lễ Phục Sinh, hãy mừng lễ và để mọi rắc rối cho Chúa, Chúa có cách của Chúa!”. Trong đêm, họ cử người đến xin cha xứ gõ mõ dâng lễ. Nghe tiếng mõ khắp nơi, Massena suy nghĩ, quân đội Áo đã đến giải vây! Viên tướng ra lệnh lui binh và biến mất trước khi chuông nhà thờ đổ trong lúc cộng đoàn hát Kinh Vinh Danh.
Kính thưa Anh Chị em,
“Đây là ‘ngày Chúa đã làm ra!’”, Thánh Vịnh đáp ca Chúa Nhật Phục Sinh nói về ngày sống lại của Chúa Kitô như thế. Chúng ta vui mừng hoan hỷ vì “Chúa có cách của Chúa!”. Ngài ôm tội lỗi của nhân loại vào trong mộ và đã chỗi dậy để khởi đầu một sự sống mới.
Nhiều nơi trên thế giới mừng lễ Phục Sinh vào mùa xuân. Đây là thời điểm mà thiên nhiên, tự nó, mang đến sự khởi đầu của một cuộc sống mới. Những bông hoa tulips sắp vươn lên khỏi mặt đất giá lạnh, những chồi non trên cành sắp biến khu rừng thành biển xanh. Thiên Chúa nói theo nhiều cách, chu kỳ của thiên nhiên là một trong những cách thức dễ thấy nhất. Vậy nếu Cha Trên Trời nâng niu từng đọt cây, ngọn cỏ, những tạo vật nhỏ bé như thế, thì Ngài quan tâm đến sự phục sinh của Con Chí Ái biết bao? Và nhất là, quan tâm đến việc những con trai, con gái của Ngài bước vào một cuộc sống mới vừa giành được cho từng người nhờ sự Phục Sinh của Con Một Ngài nhường nào!
Hãy để vẻ đẹp của tạo vật trở nên dấu chỉ cho bạn về ‘một thực tại vĩ đại hơn vô hạn!’. Hãy cho phép bản thân được cuốn hút vào những mới mẻ trong sự Phục Sinh của Chúa Kitô. Vươn lên có nghĩa là trở nên một tạo vật mới! Hãy gẫm suy những lời tuyệt diệu này, “Đây là ‘ngày Chúa đã làm ra’, ‘ngày’ vui mừng trong cuộc sống mới Thiên Chúa ban cho mỗi người. Nó ‘ở đây, lúc này!’. Đó là ‘ngày’ mà bạn và tôi được biến đổi bởi một con người, Giêsu, Đấng Phục Sinh. Cuộc sống mới phải bắt đầu ngay giờ này và phải liên tục trở nên mới mẻ, rạng ngời, khi chúng ta đi sâu hơn vào vinh quang của Ngài.
“Chúa đã sống lại!” không phải là một công thức ma thuật làm tan biến các vấn đề. Không! Mầu nhiệm Phục Sinh không làm điều này; thay vào đó, là sự chiến thắng của tình yêu đối với cội rễ của điều ác, một chiến thắng không ‘bỏ qua’ đau khổ và cái chết, nhưng ‘vượt qua’ chúng, ‘đứng trên’ chúng, ‘mở ra một con đường’ trong vực tối; biến sự ác thành sự lành, và đây là dấu ấn độc đáo cho thấy quyền năng của Thiên Chúa.
Anh Chị em,
“Đây là ngày Chúa đã làm ra!”, là ngày Chúa Kitô tái tạo trời mới đất mới mà con người đã phá hỏng; ngày Ngài tái giao hoà ‘người với Chúa’, ‘người với người’ mà tội lỗi đã cắt đứt. Đúng thế, nơi sự Phục Sinh, Chúa Cha đã bắt đầu một cuộc sáng tạo mới. Nhưng không chỉ hôm nay mà mọi ngày là ‘ngày Chúa đã làm ra’. Hãy để cho mình tưng bừng hỷ hoan và tha nhân được tưng bừng hoan hỷ! Muốn thế, bạn và tôi hãy giao mọi rối ren vào tay Chúa, “Chúa có cách của Chúa!” và thôi làm điều dữ, hãy gieo điều thiện. Hãy là con cái của Đấng Phục Sinh; bớt tìm “những sự thuộc hạ giới và không ngừng tìm kiếm những gì thuộc thượng giới” như thư Côlôssê hôm nay mời gọi!
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, cho con biết sống từng ngày với ‘tư chất’ của một người con đã được cứu chuộc: tưng bừng hỷ hoan; và nhờ con, anh chị em cũng tưng bừng hoan hỷ!”, Amen.
(Tgp. Huế)
Chuyện kể có vị linh mục đầu lễ thay vì chào cộng đoàn: “Chúa ở cùng anh chị em”, thì không biết là hoa mắt chóng mặt thế nào ngài lại chào: “Chúa ở đâu rồi anh chị em?” khiến cả nhà thờ cười ồ lên. Chuyện có vẻ khôi hài ấy lại nhắc nhở chúng ta ý thức việc mình có thực sự tin Chúa Giêsu phục sinh đang có mặt trong đời hay không? Niềm tin Chúa phục sinh đã thay đổi đời sống mình như thế nào?
1. Thế giới vắng bóng Chúa. Năm xưa sau khi ra viếng mộ Chúa, bà Maria Mácđala đã chạy về nói với các môn đệ: “Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ; và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu.” Ngày nay, người ta ở các nước theo chủ nghĩa vô thần cũng như cả các nước theo truyền thống Kitô giáo cũng đã và đang ra sức đem Chúa đi khỏi xã hội, nhà trường và cả gia đình mình. Người ta muốn loại Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống để tự mình làm theo ý mình. Một thế giới vắng bóng Thiên Chúa. Chúa ở đâu rồi?
2. Sống trong Chúa phục sinh. May là vẫn còn nhiều người tin Chúa, thế nhưng niềm tin Chúa phục sinh có ảnh hưởng gì lên cuộc sống của mình? Năm xưa Chúa phục sinh đã thay đổi hoàn toàn tâm trạng, tầm nhìn, lối sống của các môn đệ. Phúc Âm cho thấy các môn đệ khi nghe tin Chúa phục sinh đều “chạy”, diễn tả một sự sống sinh động. Cử động là dấu chỉ nhận biết chết hay sống: bất động là chết, hoạt động là sống. Thế nên, sống trong Chúa phục sinh phải là sống sinh động, tích cực tham gia sứ vụ loan báo Tin Mừng phục sinh.
Hình ảnh “tảng đá lăn ra khỏi mộ” không phải để cho Chúa phục sinh đi ra, nhưng là để cho chúng ta có thể đi vào sự phục sinh của Chúa. Chúa phục sinh không chỉ để cho chúng ta kèn trống ca hát mừng lễ, nhưng là để cho chúng ta sống sinh động, vui tươi trong Chúa đời này và đời đời. Amen.
------ Trân trọng giới thiệu 3 phút video chia sẻ Lời Chúa Lễ Phục sinh: https://youtu.be/l2ETO4pYMrU?si=YHuDtW3N48vgZ9cL&t=155
5. Giá trị thời gian trong chốc lát tựa hồ bằng giá trị của Thiên Chúa, bởi vì mỗi giờ mỗi khắc chúng ta có thể chiếm hữu Thiên Chúa và ân sủng của Ngài, và cũng có thể tăng gia số lượng ân sủng của Ngài.
(Thánh Bernardino)Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")
---------
http://www.vietcatholic.org
https://www.facebook.com/jmtaiby
http://www.nhantai.info
Có một người mắc bệnh nên mù mắt (bệnh thanh manh) bị dẫn đến pháp quan, anh ta nói với quan huyện:
- “Tôi là người mù.”
Quan huyện nói:
- “Nói mò, mày có hai con mắt, tròng trắng thật là trắng, xanh thật là xanh, sao lại giả bộ là mù hử?”
Người mù mắt nói:
- “Ngài đại nhân nhìn tôi kẻ tiểu nhân là người trắng trắng xanh xanh, kẻ tiểu nhân là tôi nhìn ngài đại nhân là người hồ hồ đồ đồ.”
(Tiếu lâm)
Suy tư 17:
Người ta bị mù mà nói là sáng là người hồ đồ không thể chối cải, nhưng người sáng mắt mà cái gì nhìn cũng không thấy thì đúng là tội nghiệp hơn cả người mù, đó là những người mang bệnh thành tích, bệnh vượt chỉ tiêu, bệnh báo cáo láo...
Ông quan huyện là người sáng mắt nhưng không biệt được người trước mặt mình là mù hay sáng mắt, đó là vì lòng của ông quan huyện đầy những kiêu căng và coi thường người khác, đó là triệu chứng của một người mang bệnh thành tích và tâm hồn không chân thật...
Người Ki-tô hữu cảm thấy mắc cở khi mang bệnh thành tích, bởi vì như thế thì người ta sẽ gọi mình là người mù trong tâm hồn, tức là bệnh nói dối: nói dối Thiên Chúa và nói dối mọi người để đạt thỏa mãn cái tham vọng ích kỷ của mình.
Người nhìn không rõ phải trái, không phân biệt được việc nên làm và không nên làm thì giống như người mù vậy, họ không những bị mà còn là người hồ đồ nữa.
Thật là tội nghiệp cho họ !
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)
---------
http://www.vietcatholic.org
https://www.facebook.com/jmtaiby
http://www.nhantai.info
Ngày 26 tháng 3 năm 2024, Tạp chí The Pillar tường trình rằng: Tổng thư ký Thượng Hội đồng Giám mục đã sử dụng một cuộc phỏng vấn với một tờ báo Thụy Sĩ vào tuần trước để đưa ra một viễn kiến cho Giáo hội, có thể giải quyết một số vấn đề gây tranh cãi, bao gồm việc phong chức cho phụ nữ, phép lành đồng tính và sự chia rẽ giữa các giám mục trên thế giới.
Trong cuộc phỏng vấn ngày 21 tháng 3, Đức Hồng Y Mario Grech đã mô tả rằng ngài tin rằng tính đồng nghị có thể giúp Giáo hội chuyển từ “sự đồng nhất về tư tưởng” sang “sự thống nhất trong sự khác biệt”, đồng thời định hình lại việc thực thi thẩm quyền trong đạo Công Giáo hoàn cầu.
Trong tư cách người tổ chức chính của thượng hội đồng hoàn cầu, các nhận xét của ĐHY Grech đưa ra một dấu hiệu có khả năng cho thấy các giai đoạn cuối cùng của diễn trình đồng nghị sẽ diễn ra như thế nào và có thể tạo cơ sở cho một nghị trình cải cách trong tương lai trong mật nghị tiếp theo.
Đức Hồng Y Grech đã đến Thụy Sĩ vào tuần trước theo lời mời của hội đồng giám mục địa phương, tổ chức một số cuộc họp và trả lời phỏng vấn về diễn trình đồng nghị và tình trạng của Giáo hội.
Nói chuyện với Corriere del Ticino, Đức Hồng Y đã mô tả tính đồng nghị có nghĩa là “không chỉ cùng nhau bước đi mà còn lắng nghe nhau”.
“Trong Giáo hội lắng nghe, các giám mục cảm nhận được dân Chúa, và Thánh Phêrô cũng cần lắng nghe”.
Theo Đức Hồng Y, mục tiêu chính của Đức Phanxicô trong diễn trình đồng nghị là định hình lại Giáo hội sau triều giáo hoàng của ngài và tạo ra một không gian để phân định lẫn nhau về Chúa Thánh Thần giữa hàng giáo phẩm và những tiếng nói khác, ở bên lề hơn.
“Tương lai là tương lai đồng nghị: toàn thể dân Chúa phải có thể tìm ra cách để cùng nhau bước đi vì nó mang lại sự hiện diện của Chúa Thánh Thần như một sự giàu có, và chỉ cùng nhau chúng ta mới có thể nhận ra tiếng nói của Người.”
ĐHY Grech nói: “Một khi Giáo hội thành công trong nền văn hóa đồng nghị mới này, tôi tin chắc rằng chúng ta sẽ có thể trả lời các câu hỏi mang tính hiện sinh”.
Mức độ mà thượng hội đồng đã được sử dụng để thả nổi “các câu hỏi hiện sinh” về Giáo hội, đưa các vấn đề về tín lý và thậm chí cả thần học bí tích ra tranh luận đã chứng tỏ một khía cạnh phân cực của diễn trình hoàn cầu.
Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nhiều lần nói rằng ngài không muốn Thượng Hội đồng bị coi là một “nghị viện” khi các cuộc tranh luận về tín lý được tranh luận và biểu quyết. Đầu tháng này, ngài đã thành lập một số nhóm làm việc để xem xét một số vấn đề gây tranh cãi hơn từ các phiên họp thượng hội đồng trước đó vào tháng 10, và sẽ hoạt động song song và xa hơn các phiên họp sắp tới trong năm nay, điều mà ĐHY Grech nhận diện như một sự thay đổi, trong nghị quyết cuối cùng của Thượng Hội đồng.
Các Thượng hội đồng trước đây luôn kết thúc bằng tông huấn hậu Thượng hội đồng của Đức Giáo Hoàng, Đức Hồng Y nói, nhưng khi chuyển sang một kiểu Thượng hội đồng sau Thượng hội đồng, Đức Phanxicô đã thực hiện một “điều mới” cho thấy “Ngài đang lắng nghe”.
Một số nhà phê bình Thượng Hội đồng đã cáo buộc rằng diễn trình này hướng tới việc nêu ra các vấn đề để tranh luận nhưng không đưa ra cơ chế rõ ràng nào để giải quyết chúng – hoặc bằng cách tái khẳng định giáo huấn lâu đời của Giáo hội, hoặc bằng cách đưa ra một phương tiện đáng tin cậy về mặt thần học để thay đổi tín lý.
Nhưng, theo Grech, việc giải quyết là không cần thiết đối với Giáo hội hoàn vũ. Thay vào đó, Đức Hồng Y nói “Khi chúng ta nói về sự hiệp nhất, về sự hiệp thông, chúng ta không đề cập đến sự độc dạng về tư tưởng”.
Khi được hỏi cụ thể về phản ứng của các giám mục Châu Phi đối với tuyên bố gần đây của Bộ Giáo lý Đức tin về việc chúc phúc cho những người có quan hệ đồng tính, ĐHY Grech cho rằng sự chia rẽ rõ ràng về giáo huấn luân lý của Giáo hội có thể được coi là lành mạnh, và không cần thiết đối với các giám mục hoặc các Giáo hội cụ thể ở những nơi khác nhau trên thế giới nhất thiết phải suy nghĩ hoặc thậm chí giảng dạy cùng một điều.
ĐHY Grech nói: “Có sự thống nhất trong những khác biệt, có những điểm chung và những không gian khác nhau cho những trải nghiệm khác nhau, tùy theo ‘địa điểm’. “Tôi luôn hình dung Giáo hội như một cầu vồng, với những màu sắc không bị loại trừ nhưng cùng nhau tạo nên sự hài hòa. Tất nhiên, sự hòa hợp sẽ bị thiếu khi xảy ra xung đột.”
Trong cuộc phỏng vấn của mình, Đức Hồng Y đã trích dẫn hiến chế tín lý về Giáo hội của Công đồng Vatican II, Lumen gentium, nói rằng “sẽ là sai lầm khi tưởng tượng sự hiện hữu, một đàng, của Giáo hội phổ quát và, đàng kia, của các Giáo hội địa phương”, nhưng “Giáo hội hoàn vũ vốn được sinh ra từ các Giáo hội địa phương” với những khác biệt của chúng.
Lumen gentium quả có đề cập đến nhiều điểm được ĐHY Grech nêu ra, bao gồm cả sự phân định của các tín hữu về các vấn đề đức tin và luân lý, cùng với phẩm trật, mặc dù điều vẫn còn tranh cãi là tầm nhìn của ĐHY Grech về một Giáo hội đồng nghị có phù hợp với hiến chế của Công đồng hay không.
Dù công đồng dạy rằng “toàn bộ các tín hữu, được Đấng Thánh xức dầu, không thể sai lầm trong các vấn đề đức tin”, nó cũng chỉ rõ rằng loại không thể sai lầm đó chỉ áp dụng trong những trường hợp “từ các giám mục cho đến người cuối cùng” của hàng ngũ giáo dân, chứng tỏ một sự đồng thuận phổ quát trong các vấn đề đức tin và luân lý.”
Viễn kiến của ĐHY Grech về một Giáo hội “cầu vồng”, không được định nghĩa bằng “sự độc dạng tư tưởng”, dường như mâu thuẫn với tầm nhìn của công đồng chung về “sự đồng thuận phổ quát”.
“Hơn nữa,” Lumen gentium nói, mặc dù “trong Giáo hội, các Giáo hội đặc thù có một vị trí chính đáng” và có thể có “những khác biệt hợp pháp”, “các mối dây ràng buộc con người với Giáo hội một cách hữu hình là việc tuyên xưng đức tin, các bí tích, và việc cai quản giáo hội và sự hiệp thông.”
Trong khi các giám mục cá nhân “thực thi quyền quản lý mục vụ của mình đối với phần dân Chúa được giao phó cho họ chăm sóc, chứ không phải đối với các giáo hội khác cũng như đối với Giáo hội hoàn vũ,” “mỗi người trong số họ, trong tư cách thành viên của giám mục đoàn và người kế vị hợp pháp của các tông đồ”, được định chế và lệnh truyền của Chúa Kitô buộc phải quan tâm đến toàn thể Giáo hội,” và có “nghĩa vụ cổ vũ và bảo vệ sự hiệp nhất trong đức tin và kỷ luật chung của toàn thể Giáo hội”.
Nhưng một số đề xuất từ phiên họp thượng hội đồng dường như đe dọa rõ ràng “sự hiệp nhất đức tin và kỷ luật chung cho toàn thể Giáo hội”, khi chúng đề xuất những thay đổi đối với thần học hoặc tín lý bí tích của Giáo hội.
Trong cuộc tranh luận đang diễn ra về khả năng phong chức phó tế cho phụ nữ, một số người, trong đó có Đức Giáo Hoàng Phanxicô, đã nhấn mạnh rằng bất cứ sự cân nhắc nào về “nữ phó tế” phải bắt nguồn từ những gương mẫu và truyền thống thời Tông đồ, trong đó một số phụ nữ đã nhận được một thừa tác vụ chuyên biệt, khác với việc truyền chức bí tích cho các phó tế nam, vốn là một phần của bí tích truyền chức, Giáo hội dạy như thế.
Mặt khác, ĐHY Grech cho biết vào tuần trước rằng mặc dù ngài không sử dụng thuật ngữ “cuộc cách mạng” để mô tả việc phong chức phó tế cho phụ nữ, nhưng đó sẽ là một “sự đào sâu tự nhiên ý muốn của Chúa, nói lên và chứng tỏ tính năng động vốn có trong lịch sử của Giáo Hội.”
Nhưng dù ĐHY Grech nhấn mạnh các nữ phó tế là một trong nhiều vấn đề liên quan đến đời sống của Giáo hội “nhưng cũng là mối quan hệ với xã hội đang thay đổi”, ngài cũng nói rằng “việc suy tư tự quy chiếu sẽ giết chết,” và điều đó có nghĩa Giáo hội phải mãi cởi mở đón nhận “những hạt giống đầy hy vọng đến từ [bên trong] Giáo hội” nhưng “cũng từ cuộc đối thoại với các tôn giáo khác”.
Giữa lời kêu gọi đó, viễn kiến của ĐHYGrech về một Giáo hội “cầu vồng” có thể thu hút một số người như một kế hoạch chi tiết cho một giáo hội học về tính đồng nghị lâu dài. Nhưng những người Công Giáo khác có thể sẽ hỏi làm thế nào một Giáo hội không có “sự độc dạng về tư tưởng” về các giáo huấn cốt lõi có thể duy trì được sự hiệp thông dưới bất cứ hình thức nào.
Vai trò tổng thư ký Thượng Hội đồng Giám mục của ĐHY Grech đã đặt ngài vào trung tâm của điều mà nhiều người đã chấp nhận là di sản của Đức Phanxicô trong tư cách giáo hoàng – chuyển giao hoặc cố gắng chuyển giao một mô hình giáo hội học mới lâu dài liên quan đến mọi khía cạnh quản trị, giảng dạy, thánh hóa của Giáo hội.
Với việc Đức Giáo Hoàng đã nhiều lần đề nghị kéo dài diễn trình Thượng Hội đồng sau thời điểm kết thúc dự kiến ban đầu vào năm 2023 đến năm 2025, kỳ vọng của số lượng Hồng Y ngày càng tăng là cách thức và thời điểm kết thúc Thượng hội đồng sẽ là nhân tố then chốt trong việc bầu chọn người kế vị Đức Phanxicô 87 tuổi.
Đức Thánh Cha đã không đến tham dự buổi đi Đàng Thánh Giá trọng thể tại Hí Trường Côlôsêô vào phút chót. Chiếc ghế dành sẵn cho ngài đã được cất đi vào phút chót. Diễn biến này xảy ra sau khi Đức Thánh Cha đã bỏ qua bài giảng trong Chúa Nhật Lễ Lá. Tất cả những điều này đã gây ra những đồn đoán về tình trạng sức khoẻ của Đức Thánh Cha trong ngày Thứ Bẩy Tuần Thánh. Tuy nhiên, vào cuối ngày, Đức Thánh Cha đã có thể cử hành Lễ Vọng Phục sinh và tự ngài đọc bài giảng sau đây
Những người phụ nữ đi đến mộ vào lúc bình minh, nhưng họ vẫn cảm thấy bóng tối của màn đêm. Họ tiếp tục bước đi, nhưng tâm hồn họ vẫn ở dưới chân thập giá. Những giọt nước mắt của Thứ Sáu Tuần Thánh vẫn chưa khô; họ đau buồn, choáng ngợp bởi cảm giác về tất cả đã được nói và làm. Một hòn đá đã ấn định số phận của Chúa Giêsu. Họ quan tâm đến tảng đá đó, vì họ thắc mắc: “Ai sẽ lăn tảng đá ra khỏi cửa mộ giùm ta đây?” (Mc 16:3). Tuy nhiên, khi đến nơi, họ sửng sốt khi thấy sức mạnh kỳ diệu của biến cố Phục Sinh: “Khi ngước mắt lên, họ thấy tảng đá rất lớn đã được lăn ra rồi” (Mc 16:4).Chúng ta hãy dừng lại và suy ngẫm về hai thời điểm này, những thời điểm đưa chúng ta đến niềm vui Phục Sinh bất ngờ. Những người phụ nữ lo lắng tự hỏi: Ai sẽ lăn tảng đá ra khỏi mộ giùm ta đây? Sau đó, nhìn lên, họ thấy nó đã được lăn qua một bên.
Đầu tiên, có một câu hỏi khiến tấm lòng đau buồn của họ bối rối: Ai sẽ lăn tảng đá ra khỏi mộ? Hòn đá đó đánh dấu sự kết thúc câu chuyện của Chúa Giêsu, giờ đây đã bị chôn vùi trong đêm tử thần. Ngài, là sự sống đến với thế giới, đã bị giết. Đấng loan báo tình yêu thương xót của Chúa Cha, đã không gặp được lòng thương xót. Ngài là Đấng đã giải thoát tội nhân khỏi gánh nặng án phạt, đã bị kết án trên thập tự giá. Hoàng tử Hòa bình, người đã giải thoát một người phụ nữ bị bắt ngoại tình khỏi bị ném đá dã man, giờ đây được chôn sau một tảng đá lớn. Hòn đá đó, một chướng ngại vật nặng nề, tượng trưng cho những gì người phụ nữ cảm thấy trong lòng. Nó tượng trưng cho sự kết thúc của những hy vọng của họ, giờ đây đã bị tiêu tan bởi bí ẩn u ám và u ám đã đặt dấu chấm hết cho những giấc mơ của họ.
Thưa anh chị em, điều đó cũng có thể xảy ra với chúng ta. Có những lúc chúng ta cảm thấy như có một tảng đá lớn chặn cửa trái tim mình, bóp nghẹt cuộc sống, dập tắt niềm hy vọng, giam cầm chúng ta trong nấm mồ của những sợ hãi và hối tiếc, và đứng chắn đường ngăn chặn niềm vui và hy vọng. Chúng ta gặp phải những “tấm bia mộ” như vậy trên hành trình cuộc đời của chúng ta trong mọi trải nghiệm và hoàn cảnh cướp đi lòng nhiệt tình và sức mạnh để kiên trì. Chúng ta gặp chúng vào những lúc đau buồn: trong sự trống rỗng do cái chết của những người thân yêu của chúng ta, trong những thất bại và sợ hãi khiến chúng ta không thể hoàn thành điều tốt mà chúng ta muốn làm. Chúng ta gặp chúng dưới mọi hình thức ích kỷ vốn bóp nghẹt động lực hướng tới lòng quảng đại và tình yêu chân thành của chúng ta, trong những bức tường cao su của sự ích kỷ và thờ ơ đang cản trở chúng ta trong nỗ lực xây dựng những thành phố và xã hội công bằng và nhân đạo hơn, trong mọi khát vọng của chúng ta cho nền hòa bình bị tan vỡ bởi lòng hận thù tàn khốc và sự tàn bạo của chiến tranh. Khi chúng ta trải qua những nỗi thất vọng này, phải chăng chúng ta cũng có cảm giác rằng tất cả những giấc mơ này đều sẽ thất bại, và chúng ta cũng nên tự hỏi mình trong đau khổ: “Ai sẽ lăn tảng đá ra khỏi mồ?”
Tuy nhiên, chính những người phụ nữ mang bóng tối này trong lòng đã kể cho chúng ta nghe một điều khá phi thường. Khi nhìn lên, họ thấy tảng đá rất lớn đã được lăn đi rồi. Đây là Cuộc Vượt Qua của Chúa Kitô, sự mặc khải về quyền năng của Thiên Chúa: sự chiến thắng của sự sống trên cái chết, sự chiến thắng của ánh sáng trên bóng tối, sự tái sinh của niềm hy vọng giữa đống đổ nát của thất bại. Chính Chúa, Thiên Chúa của những điều không thể, đã lăn hòn đá đi mãi mãi. Ngay cả bây giờ, Ngài vẫn mở cửa mồ của chúng ta để niềm hy vọng đó có thể được sinh ra một lần nữa. Vậy thì chúng ta cũng nên “ngước nhìn” Ngài.
Vậy chúng ta hãy nhìn lên Chúa Giêsu. Sau khi nhập vào nhân tính của chúng ta, Ngài đi xuống vực sâu của cái chết và đổ đầy chúng sức mạnh của sự sống thần thánh của Ngài, cho phép một tia sáng vô tận xuyên qua mỗi chúng ta. Được Chúa Cha cho sống lại trong xác thịt của Người và của chúng ta trong quyền năng của Chúa Thánh Thần, Người đã lật sang một trang mới trong lịch sử nhân loại. Từ nay trở đi, nếu chúng ta để Chúa Giêsu nắm tay mình, thì không có kinh nghiệm thất bại hay buồn phiền nào, dù đau đớn đến đâu, có thể có tiếng nói cuối cùng về ý nghĩa và số phận cuộc đời chúng ta. Từ nay trở đi, nếu chúng ta để mình được Chúa Phục Sinh nâng lên thì không có trở ngại nào, đau khổ nào, cái chết nào có thể ngăn cản bước tiến của chúng ta hướng tới sự sống viên mãn. Từ nay trở đi, “chúng ta là những người Kitô hữu tuyên bố rằng lịch sử này có ý nghĩa, một ý nghĩa bao trùm một ý nghĩa không còn bị vấy bẩn bởi sự phi lý và bóng tối, một ý nghĩa mà chúng ta gọi là Thiên Chúa. Tất cả dòng nước biến đổi của chúng ta hội tụ về Người; chúng không đổ xuống vực sâu của hư vô và phi lý. Vì ngôi mộ của Người trống rỗng và Đấng đã chết giờ đây đã được mạc khải là Đấng Hằng Sống.”
Anh chị em thân mến, Chúa Giêsu là Lễ Vượt Qua của chúng ta. Ngài là Đấng đưa chúng ta từ bóng tối ra ánh sáng, Đấng gắn bó với chúng ta mãi mãi, Đấng giải thoát chúng ta khỏi vực thẳm tội lỗi và sự chết, và kéo chúng ta vào cõi rạng ngời của sự tha thứ và sự sống đời đời. Chúng ta hãy ngước nhìn Người! Chúng ta hãy chào đón Chúa Giêsu, Thiên Chúa của sự sống, bước vào cuộc đời chúng ta và hôm nay một lần nữa thưa “xin vâng” với Người. Khi đó, không có tảng đá nào chặn đường đến trái tim chúng ta, không có ngôi mộ nào ngăn cản được niềm vui cuộc sống, không có thất bại nào khiến chúng ta phải tuyệt vọng. Chúng ta hãy hướng mắt lên Ngài và cầu xin quyền năng phục sinh của Ngài có thể lăn đi những tảng đá nặng nề đang đè nặng tâm hồn chúng ta. Chúng ta hãy hướng mắt lên Ngài, Chúa Phục sinh, và tiến bước trong sự chắc chắn rằng, trong bối cảnh mờ mịt của những hy vọng thất bại và cái chết của chúng ta, sự sống vĩnh cửu mà Ngài đến để mang lại vẫn hiện diện giữa chúng ta.
Thưa anh chị em, hãy để trái tim anh chị em vỡ òa niềm hân hoan trong đêm thánh này! Chúng ta hãy cùng nhau hát về sự phục sinh của Chúa Giêsu: “Hãy hát mừng Người, hỡi những vùng đất xa xôi, sông ngòi và đồng bằng, sa mạc và núi non. Hãy hát mừng Chúa của sự sống, Đấng đã sống lại từ trong mộ, rực rỡ hơn ngàn mặt trời. Tất cả các dân tộc bị bao vây bởi sự ác và bị bất công hoành hành, tất cả các dân tộc phải tản cư và bị tàn phá: trong đêm thánh này, các bạn hãy gạt bỏ những bài hát buồn bã và tuyệt vọng. Người đàn ông đau khổ không còn ở tù nữa: Người đã mở một lỗ thủng trên tường; Người đang vội vã đến gặp bạn. Trong bóng tối, vang lên một tiếng vui mừng bất ngờ: Ngài còn sống; Ngài đã sống lại! Và các bạn, các anh chị em của tôi, lớn nhỏ; anh chị em, những người mệt mỏi với cuộc sống, những người cảm thấy không xứng đáng được hát, hãy để một ngọn lửa mới được nhen lên trong trái tim anh chị em, hãy để sức sống mới được lắng nghe trong giọng nói của anh chị em. Đó là Lễ Vượt Qua của Chúa; đó là bữa tiệc của người sống.”
Trong một tuyên bố ngắn gọn được gửi chỉ vài phút trước khi Đàng Thánh Giá bắt đầu, mặc dù đã chính thức xác nhận sự hiện diện của Đức Thánh Cha vài giờ trước đó, Phòng Báo Chí Tòa Thánh cho biết Đức Thánh Cha sẽ không tham dự để “bảo vệ sức khỏe của ngài trong buổi canh thức ngày mai và Thánh lễ Phục sinh vào ngày Chúa Nhật.”
Thay vào đó, Vatican cho biết từ nhà khách Santa Marta ở Thành Vatican, nơi ngài cư trú, Đức Giáo Hoàng sẽ theo dõi buổi cầu nguyện được phát trực tiếp.
Điều này đánh dấu năm thứ hai liên tiếp Đức Thánh Cha Phanxicô, 87 tuổi, không chủ trì sự kiện đêm khuya, bắt đầu lúc 9 giờ 15 tối theo giờ địa phương, và sự kiện này diễn ra trong bối cảnh đang có những lo ngại về sức khỏe của ngài, vì ngài đang phải vật lộn với bệnh hô hấp, gây rắc rối suốt cả năm và có lúc phải nhờ đến các trợ lý để đọc các bài phát biểu đã chuẩn bị sẵn cho ngài.
Năm ngoái, Đức Thánh Cha Phanxicô đã không trực tiếp tham dự sự kiện này nhưng đã theo dõi từ nơi ở của ngài tại nhà khách Santa Marta ở Vatican do thời tiết lạnh giá, ngài đã được xuất viện một tuần trước đó do bị viêm phế quản nghiêm trọng.
Những lo ngại về sức khỏe của ngài đã tăng vọt trong Tuần Thánh năm nay khi ngài bỏ qua bài giảng Chúa Nhật Lễ Lá, tuy nhiên, ngài dường như đã bình phục vào thứ Năm, chủ trì Thánh lễ Truyền Dầu truyền thống tại Đền Thờ Thánh Phêrô và Thánh lễ Tiệc Ly buổi tối tại một nhà tù dành cho phụ nữ ở Rôma.
Trước Đàng Thánh Giá hôm thứ Sáu, ngài đã chủ trì buổi lễ Tưởng niệm Cuộc Thương Khó của Chúa Kitô tại Đền Thờ Thánh Phêrô, nơi ngài lắng nghe nhà truyền giáo của phủ giáo hoàng, là Đức Hồng Y Raniero Cantalamessa nói về sự khiêm nhường là sức mạnh thực sự của Chúa Giêsu.
Lần đầu tiên trong triều đại giáo hoàng 11 năm của mình, Đức Thánh Cha Phanxicô đã viết các bài suy niệm cho Đàng Thánh Giá Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, trong đó nêu bật sự hy sinh của Chúa Giêsu như nguồn hy vọng cho những người đang tuyệt vọng và kêu gọi các tín hữu quay về với Chúa Giêsu với tình yêu, lòng tin tưởng và lòng biết ơn.
Hôm Thứ Sáu Tuần Thánh, Đức Thánh Cha đã chủ trì một buổi lễ Tưởng niệm Cuộc Thương Khó của Chúa Kitô kéo dài tại Đền Thờ Thánh Phêrô nhưng đã rút khỏi buổi cầu nguyện truyền thống Via Crucis tại Đấu trường Rôma ở Rôma vào phút cuối, để bảo toàn sức lực cho Đêm Vọng Phục sinh và Thánh lễ Phục sinh vào Thứ Bảy và Chúa Nhật. Một phần, quyết định này có thể là do không khí mát mẻ và ẩm ướt ở Rôma vào ban đêm trong tuần này, và các bác sĩ có thể đã khuyên Giáo hoàng tránh tiếp xúc lâu dài.
Trong phụng vụ hôm thứ Bảy, Đức Thánh Cha tiến vào Đền Thờ Thánh Phêrô trên xe lăn và chủ trì buổi lễ từ một chiếc ghế trên bục đến bên bàn thờ chính. Ngài cũng cử hành các bí tích khai tâm của giáo hội – Rửa tội, Thêm sức và Thánh Thể – cho 8 người đến từ Ý, Nam Hàn, Nhật Bản và Albania.
Khi đọc bài giảng bằng chính giọng của mình, Đức Phanxicô đã hướng sự chú ý của cộng đoàn đến những người phụ nữ đến mộ Chúa Giêsu sau khi Người bị đóng đinh để xức dầu cho xác Người, và tự hỏi lớn tiếng: “Ai sẽ lăn tảng đá ra khỏi cửa mộ giùm ta đây?”
Hòn đá đó đánh dấu sự kết thúc câu chuyện của Chúa Giêsu, giờ đây đã bị chôn vùi trong đêm tử thần. Ngài, là sự sống đến với thế giới, đã bị giết. Đấng loan báo tình yêu thương xót của Chúa Cha, đã không gặp được lòng thương xót. Ngài là Đấng đã giải thoát tội nhân khỏi gánh nặng án phạt, đã bị kết án trên thập tự giá. Hoàng tử Hòa bình, người đã giải thoát một người phụ nữ bị bắt ngoại tình khỏi bị ném đá dã man, giờ đây được chôn sau một tảng đá lớn. Hòn đá đó, một chướng ngại vật nặng nề, tượng trưng cho những gì người phụ nữ cảm thấy trong lòng. Nó tượng trưng cho sự kết thúc của những hy vọng của họ, giờ đây đã bị tiêu tan bởi bí ẩn u ám và u ám đã đặt dấu chấm hết cho những giấc mơ của họ.
Đức Thánh Cha cảnh báo rằng “Điều đó cũng có thể xảy ra với chúng ta. Có những lúc chúng ta cảm thấy như có một tảng đá lớn chặn cửa trái tim mình, bóp nghẹt cuộc sống, dập tắt niềm hy vọng, giam cầm chúng ta trong nấm mồ của những sợ hãi và hối tiếc, và đứng chắn đường ngăn chặn niềm vui và hy vọng. Chúng ta gặp phải những “tấm bia mộ” như vậy trên hành trình cuộc đời của chúng ta trong mọi trải nghiệm và hoàn cảnh cướp đi lòng nhiệt tình và sức mạnh để kiên trì. Chúng ta gặp chúng vào những lúc đau buồn: trong sự trống rỗng do cái chết của những người thân yêu của chúng ta, trong những thất bại và sợ hãi khiến chúng ta không thể hoàn thành điều tốt mà chúng ta muốn làm. Chúng ta gặp chúng dưới mọi hình thức ích kỷ vốn bóp nghẹt động lực hướng tới lòng quảng đại và tình yêu chân thành của chúng ta, trong những bức tường cao su của sự ích kỷ và thờ ơ đang cản trở chúng ta trong nỗ lực xây dựng những thành phố và xã hội công bằng và nhân đạo hơn, trong mọi khát vọng của chúng ta cho nền hòa bình bị tan vỡ bởi lòng hận thù tàn khốc và sự tàn bạo của chiến tranh. Khi chúng ta trải qua những nỗi thất vọng này, phải chăng chúng ta cũng có cảm giác rằng tất cả những giấc mơ này đều sẽ thất bại, và chúng ta cũng nên tự hỏi mình trong đau khổ: ‘Ai sẽ lăn tảng đá ra khỏi mồ?’”
“Tuy nhiên, chính những người phụ nữ mang bóng tối này trong lòng đã kể cho chúng ta nghe một điều khá phi thường. Khi nhìn lên, họ thấy tảng đá rất lớn đã được lăn đi rồi. Đây là Cuộc Vượt Qua của Chúa Kitô, sự mặc khải về quyền năng của Thiên Chúa: sự chiến thắng của sự sống trên cái chết, sự chiến thắng của ánh sáng trên bóng tối, sự tái sinh của niềm hy vọng giữa đống đổ nát của thất bại. Chính Chúa, Thiên Chúa của những điều không thể, đã lăn hòn đá đi mãi mãi. Ngay cả bây giờ, Ngài vẫn mở cửa mồ của chúng ta để niềm hy vọng đó có thể được sinh ra một lần nữa”
“Chúa Giêsu là Lễ Vượt Qua của chúng ta. Ngài là Đấng đưa chúng ta từ bóng tối ra ánh sáng, Đấng gắn bó với chúng ta mãi mãi, Đấng giải thoát chúng ta khỏi vực thẳm tội lỗi và sự chết, và kéo chúng ta vào cõi rạng ngời của sự tha thứ và sự sống đời đời. Chúng ta hãy ngước nhìn Người! Chúng ta hãy chào đón Chúa Giêsu, Thiên Chúa của sự sống, bước vào cuộc đời chúng ta và hôm nay một lần nữa thưa “xin vâng” với Người. Khi đó, không có tảng đá nào chặn đường đến trái tim chúng ta, không có ngôi mộ nào ngăn cản được niềm vui cuộc sống, không có thất bại nào khiến chúng ta phải tuyệt vọng. Chúng ta hãy hướng mắt lên Ngài và cầu xin quyền năng phục sinh của Ngài có thể lăn đi những tảng đá nặng nề đang đè nặng tâm hồn chúng ta. Chúng ta hãy hướng mắt lên Ngài, Chúa Phục sinh, và tiến bước trong sự chắc chắn rằng, trong bối cảnh mờ mịt của những hy vọng thất bại và cái chết của chúng ta, sự sống vĩnh cửu mà Ngài đến để mang lại vẫn hiện diện giữa chúng ta.”
Matthew Santucci của hãng tin CNA, ngày 30 tháng 3 năm 2024, tường trình rằng vào tối thứ Bảy, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự Thánh lễ Vọng Phục sinh tại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô, suy gẫm về tầm quan trọng của Lễ Phục sinh như một biểu tượng cho niềm hy vọng tái sinh của Thiên Chúa và là di chúc cuối cùng về sự sống vượt qua cái chết.
Có một số lo ngại vào tối thứ Sáu về tình trạng sức khỏe của Đức Thánh Cha sau khi Đức Thánh Cha hủy bỏ việc ngài tham dự Via Crucis (đàng Thánh giá) ở Rome vào phút cuối. Văn phòng Báo chí Tòa Thánh cho biết Đức Thánh Cha đã đưa ra quyết định “để bảo toàn sức khỏe” cho phụng vụ Vọng Phục Sinh kéo dài.
“Đây là Lễ Vượt Qua của Chúa Kitô, sự mặc khải về quyền năng của Thiên Chúa: Sự chiến thắng của sự sống trên cái chết, sự chiến thắng của ánh sáng trên bóng tối, sự tái sinh của niềm hy vọng giữa đống đổ nát của thất bại. Chính Chúa, Thiên Chúa của những điều không thể, đã lăn tảng đá đi mãi mãi”, Đức Thánh Cha nói hôm thứ Bảy trước gần 6,000 tín hữu tụ tập tại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô.
“Ngài là Đấng đưa chúng ta từ bóng tối ra ánh sáng, Đấng gắn bó với chúng ta mãi mãi, Đấng giải thoát chúng ta khỏi vực thẳm tội lỗi và sự chết, và kéo chúng ta vào cõi rạng ngời của sự tha thứ và sự sống vĩnh cửu”, Đức Thánh Cha nói tiếp trong bài giảng của ngài.
Phụng vụ đầy cảm kích mở đầu với Vương cung thánh đường Thánh Phêrô bao phủ trong bóng tối. Đức Thánh Cha đứng trước Cửa Filarete thế kỷ 15 (được che bằng một tấm màn trắng và một tấm thảm thêu hình Chúa Kitô phục sinh).
Đức Thánh Cha đã khắc một cây thánh giá và chữ alpha và omega (chữ cái đầu tiên và cuối cùng trong bảng chữ cái Hy Lạp) trên ngọn nến Phục sinh màu trắng, tượng trưng cho sự phục sinh của Chúa Kitô và niềm hy vọng của người Kitô hữu về một cuộc sống mới trong Người.
Tiến lên gian giữa của vương cung thánh đường, một phó tế mang ngọn nến, dừng lại và đọc ba lần khác nhau “Lumen Christi” (Ánh sáng của Chúa Kitô) và cộng đoàn đáp lại “Deo Gratias” (Tạ ơn Chúa).
Tiếp theo khoảnh khắc này là bài hát Exultet, hay lời công bố Phục sinh, một lời cầu nguyện cổ xưa mời gọi các tín hữu tham gia cùng giáo hội để cử hành sự phục sinh của Chúa Kitô.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã mở đầu bài giảng của mình bằng cách suy gẫm về nỗi thống khổ và sự sửng sốt của những người phụ nữ được miêu tả trong Tin Mừng, những người với “những giọt nước mắt của Thứ Sáu Tuần Thánh… chưa khô” đã đến gần ngôi mộ đã bị chặn bằng một hòn đá.
“Viên đá đó, một chướng ngại vật nặng nề, tượng trưng cho những gì các phụ nữ cảm thấy trong lòng. Nó tượng trưng cho sự kết thúc những hy vọng của họ, giờ đây đã bị tiêu tan bởi bí ẩn u ám và u sầu đã đặt dấu chấm hết cho những giấc mơ của họ.”
“Viên đá đó đánh dấu sự kết thúc câu chuyện của Chúa Giêsu, giờ đây đã bị chôn vùi trong đêm tử thần. Người, sự sống đến với thế gian, đã bị giết,” Đức Giáo Hoàng nói tiếp.
Tuy nhiên, Đức Thánh Cha lưu ý, những người phụ nữ khi ngước mắt nhìn lên trên đã thấy hòn đá đã được lăn đi, một khoảnh khắc cho thấy “sự chiến thắng của sự sống trước cái chết, chiến thắng của ánh sáng trước bóng tối, sự tái sinh của niềm hy vọng giữa đống đổ nát của thất bại”.
Đức Thánh Cha kể lại nỗi thống khổ và niềm hy vọng ban đầu của những người phụ nữ có mặt tại ngôi mộ, đồng thời lưu ý rằng ngày nay mỗi người chúng ta “gặp phải những 'tấm bia mộ' như vậy trên hành trình cuộc đời của mình trong tất cả những trải nghiệm và tình huống cướp đi lòng nhiệt tình và sức mạnh của chúng ta để kiên trì.”
Tuy nhiên, Đức Thánh Cha kêu gọi các tín hữu đừng nản lòng mà thay vào đó hãy tìm kiếm niềm hy vọng từ sự phục sinh.
“Nếu chúng ta để Chúa Giêsu cầm tay chúng ta, thì không có kinh nghiệm thất bại hay đau buồn nào, dù đau đớn đến đâu, sẽ có tiếng nói cuối cùng về ý nghĩa và số phận của cuộc đời chúng ta. Từ nay trở đi, nếu chúng ta để mình được Chúa Phục Sinh nâng lên, thì không có trở ngại nào, đau khổ nào, cái chết nào có thể ngăn cản bước tiến của chúng ta hướng tới sự sống viên mãn.”
“Khi đó, không có tảng đá nào chặn đường đến trái tim của chúng ta, không có ngôi mộ nào có thể ngăn cản niềm vui cuộc sống, không có thất bại nào khiến chúng ta tuyệt vọng”, Đức Thánh Cha nói tiếp. “Chúng ta hãy hướng mắt lên Người và cầu xin quyền năng phục sinh của Người có thể lăn đi những tảng đá nặng nề đang đè nặng lên tâm hồn chúng ta.”
Sau giây phút suy tư ngắn ngủi ở cuối bài giảng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã mở đầu nghi thức rửa tội. Với việc làm phép nước và đọc lời khấn công khai, Đức Thánh Cha đã đích thân rửa tội cho 8 người lớn: 4 người Ý, 2 người Hàn Quốc, một người Nhật và một người Albania.
Trong Thánh lễ Vọng Phục sinh tại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi chúng ta “ngước nhìn lên” Chúa Giêsu, Thiên Chúa của sự sống, và nhắc nhở chúng ta chào đón Ngài, thì không có thất bại nào khiến chúng ta tuyệt vọng được!
(Tin Vatican - Lisa Zengarini)
Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự Đêm Vọng Phục Sinh truyền thống trong Đêm Thánh Phục Sinh tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô vào tối Thứ Bảy. Lễ nghi được bắt đầu ở lối vào Vương cung thánh đường với nghi thức làm phép lửa, sau đó rước nến Phục sinh trong khi ca khúc “Ánh sáng Chúa Kitô” Lumen Christi được hát và đèn trong Vương cung thánh đường bật sáng rực rỡ. Việc cử hành bao gồm lễ rửa tội và thêm xức cho tám tân tòng đến từ Ý (4), Hàn Quốc (2), Nhật Bản (1) và Albania (1).
“Ai sẽ lăn tảng đá ra khỏi mộ?”
Trong bài giảng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã suy ngẫm câu chuyện Tin Mừng về những người phụ nữ đến thăm ngôi mộ trống của Chúa Giêsu, nói tới hai thời điểm quan trọng của sự kiện đó.
Lúc đầu, những người phụ nữ đau buồn bối rối trước câu hỏi: “Ai sẽ lăn tảng đá ra khỏi mộ?”.
Đức Thánh Cha nói: “Viên đá đó, một trở ngại quá lớn, tượng trưng cho điều mà những người phụ nữ cảm thấy họ bất lực! Nó tượng trưng cho nỗi đau không còn hy vọng của họ, giờ đây đã bị tiêu tan bởi bí ẩn sầu thảm và u ám đã đặt dấu chấm hết cho những ước mơ của họ.”
Những tấm bia mộ chúng ta gặp trong đời
Đôi khi trong cuộc sống, Đức Thánh Cha nhận xét, chúng ta cũng trải qua cảm giác bị choáng ngợp bởi nỗi buồn và tuyệt vọng: “Chúng ta gặp phải những bia mộ trong sự trống rỗng do cái chết của những người thân yêu của chúng ta để lại, trong những thất bại và sợ hãi ngăn cản chúng ta vươn tới mục đích ”điều tốt chúng ta muốn làm”, nhưng chúng còn “vướng mắc trong những hình thức ích kỷ ngăn cản chúng ta vươn tới lòng quảng đại và tình yêu chân thành, vượt qua những bức tường của ích kỷ và thờ ơ ngăn cản chúng ta nỗ lực xây dựng một xã hội công bằng và nhân đạo hơn” với thế giới, đang khát vọng hòa bình đã bị vùi dập bởi lòng hận thù tàn khốc và sự tàn bạo của chiến tranh.”
Sự chiến thắng của sự sống trước cái chết
Tuy nhiên, Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh, chính những người phụ nữ đang bị bóng tối trùm phủ trong lòng đã cho chúng ta biết một điều phi thường: khi họ nhìn lên, họ thấy tảng đá nặng chịt đã được lăn ra, tỏ lộ quyền năng của Thiên Chúa: “sự chiến thắng của sự sống trước cái chết”, chiến thắng của ánh sáng trước bóng tối, sự tái sinh của hy vọng giữa đống đổ nát của thất bại.”
Chúng ta hãy nhìn lên Chúa Giêsu, Lễ Vượt Qua của chúng ta
Do đó, Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu “hãy ngước nhìn lên”. ĐTC nói: “Nếu chúng ta để Chúa Giêsu nắm tay chúng ta, thì không còn thất bại hay buồn phiền nào, dù đau đớn đến đâu, sẽ áp đảo số phận cuộc đời chúng ta.
“Nếu chúng ta để cho Chúa Phục Sinh nâng lên, thì không có thất bại, đau khổ, chết chóc nào có thể ngăn cản bước tiến của chúng ta hướng tới sự sống viên mãn.”
Bằng việc chào đón Chúa Giêsu, “Lễ Vượt Qua của chúng ta”, “Thiên Chúa của sự sống”, bước vào cuộc sống của chúng ta với lời đáp trả “xin vâng” với Ngài, Đức Thánh Cha nói thêm, “không một tảng đá nào có thể chặn tâm hồn chúng ta, không một ngôi mộ nào có thể ngăn cản niềm vui của cuộc sống chúng ta, không có thất bại nào có thể khiến chúng ta tuyệt vọng.”
ĐTC kết luận: “Chúng ta hãy ngước nhìn lên Chúa, Chúa Phục sinh, và tiến bước trong sự xác tín rằng, trong bối cảnh mờ mịt của những thất bại và cái chết của chúng ta, sự sống vĩnh cửu mà Người đến để mang lại vẫn hiện diện ngay tại lúc này và ở giữa chúng ta."
“Người đau khổ không còn bị giam tù nữa: Chúa đã phá rỡ các tường rào; Chúa vội vã đến gặp bạn. Và trong bóng tối, vang lên một tiếng reo vui bất ngờ: Chúa vẫn sống; Ngài đã sống lại rồi!”
Charles Collins, giám đốc điều hành của tạp chí Crux, ngày 26 tháng 3 năm 2024, cho hay: Theo cơ quan viện trợ quốc tế hàng đầu của Công Giáo Anh, cuối cùng, chúng ta đã tiến một bước gần hơn đến việc tạo ra các điều kiện cần thiết để ngăn chặn thiệt hại thêm về nhân mạng, đảm bảo thả tất cả các con tin còn lại và giải quyết mức độ thảm khốc của nạn đói mà các gia đình ở Gaza hiện đang phải đối đầu.
Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc hôm thứ Hai đã thông qua nghị quyết kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức trong tháng chay Ramadan của người Hồi giáo. Nó cũng kêu gọi thả tất cả con tin vô điều kiện.
Theo các quan chức y tế địa phương, cuộc tấn công của Israel vào Gaza đã giết chết hơn 32,000 người Palestine, và đẩy 1/3 dân số Gaza đến bờ vực nạn đói.
Nó được triển khai để đáp trả cuộc tấn công ngày 7 tháng 10 của Hamas vào Israel, khiến khoảng 1,200 người thiệt mạng.
Hamas cũng bắt khoảng 250 người Israel làm con tin và vẫn đang giam giữ khoảng 100 người trong số họ. Họ cũng nắm giữ khoảng 30 thi thể của người Israel thiệt mạng. Hầu hết những người còn lại đã được trả tự do trong lệnh ngừng bắn năm ngoái để đổi lấy việc thả các tù nhân Palestine.
CAFOD, cơ quan viện trợ quốc tế chính thức của Giáo Hội Công Giáo ở Anh và xứ Wales, cho biết Gaza là một trong những nơi nguy hiểm nhất trên trái đất đối với dân thường và trong gần sáu tháng đã phải hứng chịu các vụ đánh bom không ngừng – kể cả ở những khu vực đông dân cư mà người dân đã được lệnh sơ tán. Cơ quan này cho biết các Nhà thờ, bệnh viện và trường học không còn có thể được coi là nơi trú ẩn an toàn trên lãnh thổ.
Elizabeth Funnell, Đại diện Chương trình Quốc gia của CAFOD tại Trung Đông cho biết: “CAFOD đã kêu gọi ngừng bắn trong nhiều tháng và chúng con hoan nghênh Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức và thả ngay lập tức và vô điều kiện tất cả các con tin”.
Bà nói sau khi Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc thông qua nghị quyết của nó, : “Cuối cùng chúng ta đã tiến một bước gần hơn tới việc tạo ra các điều kiện cần thiết để ngăn chặn thiệt hại thêm về nhân mạng, đảm bảo thả tất cả các con tin còn lại và giải quyết mức độ thảm khốc của nạn đói mà các gia đình ở Gaza hiện đang phải đối đầu”.
Funnell cho biết tin tức hôm thứ Hai là bằng chứng cho nỗ lực của mọi người trên khắp thế giới, những người đã cùng nhau cầu nguyện và phản đối, để lên tiếng và yêu cầu chính phủ hành động.
Bà nói, “Điều quan trọng trong tương lai là áp lực này phải được duy trì, để chính phủ Anh chắc chắn rằng người dân của họ mong muốn xiết bao lệnh ngừng bắn để cứu mạng sống này trở thành thực tại, trước khi có thêm nhiều trẻ em thiệt mạng vì đánh bom hoặc chết đói.”
Bà nói tiếp: “Do đó, Chính phủ Anh hiện phải nỗ lực hết sức để đảm bảo rằng nghị quyết này được thực hiện”.
Lực lượng Không quân Hoàng gia Anh đã thả hơn 10 tấn thực phẩm vào Gaza lần đầu tiên vào thứ Hai, như một phần trong nỗ lực quốc tế nhằm cung cấp hỗ trợ cứu mạng cho dân thường.
Bộ trưởng Quốc phòng Anh Grant Shapps cho biết Vương quốc Anh đã tăng gấp ba lần ngân sách viện trợ cho Gaza, nhưng ông nói rằng chính phủ muốn “tiến xa hơn để giảm bớt đau khổ cho con người”.
Shapps nói, “Địa ngục được thỏa tay hànhh động nhờ cuộc tấn công của Hamas ngày 7 tháng 10 đã dẫn đến thiệt hại nhân mạng vô tội trên diện rộng. Mục tiêu của Vương quốc Anh là sử dụng mọi tuyến đường có thể để cung cấp viện trợ cứu người, cho dù đó là bằng đường bộ, đường hàng không hay các tuyến đường mới qua đường biển”.
Ông cũng cho biết chính phủ Anh đang tiếp tục kêu gọi Israel cung cấp quyền tiếp cận cảng và mở thêm nhiều tuyến đường bộ để tăng cường vận chuyển viện trợ đến Gaza.
Bất chấp nghị quyết của Liên Hợp Quốc, giao tranh vẫn tiếp diễn qua đêm giữa Israel và Hamas và thành phố Rafah ở phía nam Gaza đã bị máy bay chiến đấu của Israel ném bom trong đêm. Cuộc đấu súng cũng diễn ra xung quanh các bệnh viện ở thành phố Khan Younis và Thành phố Gaza.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu khẳng định Israel không thể đánh bại Hamas nếu không tiến vào Rafah, nơi họ cho biết nhóm này có 4 tiểu đoàn gồm hàng nghìn chiến binh.
Tuy nhiên, cộng đồng quốc tế đang giơ tay phản đối số lượng lớn người Palestine thiệt mạng trong cuộc xung đột hiện nay giữa Israel và Hamas.
CAFOD nói rằng phù hợp với các biện pháp tạm thời của Tòa án Công lý Quốc tế ban hành vào ngày 26 tháng 1, Chính phủ Vương quốc Anh “phải nỗ lực giải quyết tình trạng thiếu viện trợ nhân đạo thảm khốc đến với người dân Gaza, dẫn đến cái chết của 31 người, bao gồm cả ít nhất 27 trẻ em bị đói và suy dinh dưỡng.”
Funnell cho biết: “Điều này bao gồm việc đảm bảo tài trợ đầy đủ cho UNRWA, cơ quan chính của Liên hiệp quốc cung cấp hỗ trợ cho người Palestine và đóng vai trò thiết yếu ở Gaza”.
Bà nói thêm “Mới Thứ Hai vừa qua, UNRWA kêu gọi Israel dỡ bỏ các hạn chế tiếp cận miền bắc Gaza, nơi cứ 3 trẻ em dưới 2 tuổi thì có 1 em bị suy dinh dưỡng trầm trọng. Đối tác của chúng con ở Gaza, trú ẩn gần Nhà thờ Thánh Gia ở Thành phố Gaza, nói với con, ‘Cuộc đấu tranh để đảm bảo lương thực hàng ngày của chúng con thật mệt mỏi… Cuộc sống ở đây thật tan vỡ. Lần đầu tiên trong lịch sử của chúng ta, chúng ta đang làm bánh rước lễ ở Gaza bằng chính đôi tay của mình’”.
Bất chấp tình hình thảm khốc, Funnell cho biết các đối tác của CAFOD ở Gaza vẫn tiếp tục làm việc để cung cấp những nhu yếu phẩm cần thiết như thực phẩm, nước uống, lều, giường ngủ và đang cung cấp hỗ trợ chuyên biệt cho chấn thương cũng như các hoạt động dành cho trẻ em để giúp chúng phân tâm khỏi các cuộc bắn phá liên tục.
“Khi bắt đầu Tuần Thánh dành cho các Kitô hữu và trong Tháng Ramadan, CAFOD tiếp tục kêu gọi lệnh ngừng bắn hoàn toàn và lâu dài ở Gaza ngay bây giờ. Một lệnh ngừng bắn ngay lập tức, vô điều kiện và lâu dài là điều cần thiết để ngăn chặn cái chết và sự hủy diệt. Đó cũng là cách duy nhất để đảm bảo việc thả con tin”, bà nói.
“Sau đó, nhiệm vụ gian khổ là xây dựng hòa bình và công lý lâu dài cho người Israel và người Palestine có thể bắt đầu. Như Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhắc nhở chúng ta, hòa bình không thể đạt được chỉ bằng vũ khí, và người Israel cũng như người Palestine xứng đáng có được hòa bình lâu dài”, Funnell nói.
Trình thuật theo Tin Mừng
*Ta là Sự Sống Lại và là Sự Sống, kẻ nào tin Ta thì sẽ sống, mặc dầu đã chết.
(Gioan. 11: 25)
*Thánh Thi Phục Sinh*
Ngày rực rỡ vinh quang
Đức Kitô hiển thắng,
Ngày hân hoan vô tận,
Ngày thứ nhất trong tuần
Kính chào ngày xán lạn.
Nhìn ánh sáng Kitô,
Mắt người mù bừng mở,
Ngục âm ty tan vỡ,
Cùng thần chết tiêu ma,
Trời đất lại giao hoà.
Muôn loài muôn thế hệ,
Qua cuộc sống trần gian
Đắm chìm trong tội lệ,
Lòng thương xót vô ngần
Đã ra tay độ thế.
Từ cõi chết Phục Sinh
Tới cải hoàn nhân loại,
Đấng trọn bề nhân ái
Thương xót chiên tội tình
Vác đưa về thiên giới.
Hỡi Mẹ hiền Giáo Hội
Nào trổi khúc âu ca,
Nhạc thiên cung bừng khởi
Miệng tín hữu vang hoà
Bản "Halêluia"!
Thấy âm phủ diệt tan
Lòng người vui xiết kể
Khắp mọi miền dương thế
Hoà bình Chúa lan tràn
Cả cõi trời hân hoan.
- “Vang khúc khải hoàn ca mừng chiến thắng,
Con Chúa Trời đã hiển hách thành công,
Vị Cứu Tinh bằng chiến thắng oai hùng,
Cây thập tự nơi chính Ngài tự hiến.”- (Thánh Thi)
Thánh Phao-lô đã xác quyết rằng:
“Nếu Chúa Giê-su đã chẳng sống lại, thì sự giảng dạy của chúng tôi ra uổng công và đức tin anh em cũng ra vô ích”
Lễ Phục Sinh là một trong những lễ hội quan trọng của Tín đồ Ki-tô-giáo, được tổ chức hằng năm mừng việc Chúa Giêsu chịu chết và sau 3 ngày Người Sống Lại, bắt đầu từ thứ tư Lễ Tro đến thứ bảy Tuần Thánh (Lễ chuyển dịch từ 22/3 đến 25/4 mỗi năm).
Lễ Phục Sinh mang ý nghĩa Mùa Xuân tái sinh, cây cối đâm chồi nảy lộc. Mùa Xuân của niềm tin, hy vọng và ân sủng. Mọi người mừng lễ với những bữa tiệc thịnh soạn dưới ánh đèn nến ấm cúng lung linh muôn màu, với thịt dăm-bông, bánh, trái cây,cùng trang hoàng những trái trứng đủ màu, những chú thỏ xinh đẹp dễ thương theo truyền thống, biểu tượng sức sống dồi dào sung mãn.
Nhưng Lễ Phục Sinh mang ý nghĩa tinh thần quan trọng hơn. Đó là sự phục hồi danh dự và uy quyền của Chúa Giêsu đối với Sự chết và Sự sống trước mặt thế gian, đồng thời phục hồi niềm tin đã mất của các môn đồ sau khi Chúa chết, để từ đó các ngài đã mạnh dạn trên đường rao truyền Tin Mừng và xây dựng Giáo Hội.
Phục sinh của Chúa chuyển hóa tâm hồn chúng ta từ tối tăm sự chết sang ánh sáng Phục Sinh vinh hiển. Ban cho chúng ta niềm tin vững mạnh, ký thác vào lòng từ bi của Chúa và tràn đầy hy vọng sẽ được phục sinh cùng với Chúa như Người đã hứa.
“Chúa sống ba mươi ba năm trần thế,
Ba mươi năm đời nghèo khó âm thầm,
Ba năm truyền yêu thương cho nhân thế,
Chết khổ nhục để Phục sinh vinh hiển.”
-Sau khi Sống Lại, Chúa còn lưu lại trần thế 40 ngày để an ủi, nâng đỡ, giáo huấn các tông đồ, môn đệ lần cuối cùng trước khi về trời. Bốn Thánh Sử đã ghi lại những lần Chúa hiện ra:
-“Vãn ngày Hưu lễ, rạng ngày thứ nhất trong tuần, Maria người Magdala và một Maria khác đến xem mồ. Và này xảy ra có động đất lớn: vì Thiên Thần Chúa từ trời ngự xuống, tiến đến lăn viên đá đi, rồi ngồi trên đó, dáng như chớp và áo trắng như tuyết, vì khiếp sợ quân canh run rảy, ra như chết.
Nhưng Thiên Thần lên tiếng bảo các phụ nữ: Các ngươi đừng sợ! Vì ta biết các ngươi tìm Giêsu
đã bị đóng đinh thập giá. Ngài không còn ở đây, vì Ngài đã Sống lại như Ngài đã nói. Hãy đến mà xem chỗ đã đặt Ngài và hãy mau mau đi nói với các môn đồ của Ngài rằng: Ngài đã Sống lại từ cõi chết và Ngài đã đi trước các người tới Galilêa. Ở đó các ngươi sẽ thấy Ngài- Đó ta đã nói cho các ngươi.
“Hỡi các ngươi đừng sững sờ khiếp sợ.
Hãy vui lên Ngài đã Phục sinh rồi,
Báo tin mừng cho nhân thế khắp nơi,
Chúa Sống Lại vinh quang từ cõi chết.”
Vội vàng bước ra khỏi mồ, vừa sợ vừa rất đỗi vui mừng, họ chạy đi báo tin cho các môn đồ của Ngài.
Và này Chúa Giêsu đón gặp họ và nói: Chào các con! Họ tiến lại ôm chân Ngài và phục lạy Ngài. Bấy giờ Đức Giêsu nói với họ: Đừng sợ! Hãy đi báo tin cho anh em! Ta phải đi Galilêa và họ sẽ được thấy Ta ở đó.” (Mt.28: 1- 10)
-“Và này, cũng ngày hôm ấy có hai người trong nhóm họ đang đi tới một làng kia, cách Giêrusalem sáu mươi dặm, tên là Emau và họ chuyện vãn với nhau những điều mới xảy ra đó. Xảy ra là lúc họ đang chuyện vãn, bàn tính với nhau, thì Đức Giêsu tiến lại gần bên và đi với họ, nhưng mắt họ bị ngăn che không nhận ra được Ngài. Ngài nói cùng họ: Các ông đi đàng trao đổi cùng nhau những chuyện gì vậy? Họ dừng lại, bộ mặt ảo não. Một người tên là Kêôpha đáp thưa Ngài: Ông quả là người duy nhất tại Giêrusalem mà lại đã không hay biết các việc xảy ra ở đó mấy ngày nay. Ngài hỏi: Việc gì vậy? Họ đáp: Việc Ông Giêsu Nazarét, Người đã xuất hiện như một vị tiên tri quyền năng trong việc làm và lời nói trước mặt Thiên Chúa và toàn dân. Nhưng các thượng tế và hàng đầu mục của chúng tôi đã nộp Ngài và cho án tử hình, bị đóng đinh trên thập giá. Phần chúng tôi, chúng tôi hy vọng chính Ngài là Đấng sẽ giải thoát Israel.
Nhưng với ngần ấy cơ sự, nay đã là ngày thứ ba rồi, kể từ khi các việc ấy diễn ra. Đã hẳn có vài phụ nữ trong nhóm chúng tôi đã làm chúng tôi hoảng hồn. Tảng sáng họ đến mồ và không gặp thấy xác Ngài, họ về phân phô là họ đã thấy Thiên Thần hiện ra nói rằng Ngài đã Sống Lại. Có vài người trong chúng tôi đã đi tới mồ và đã gặp Thày y như các phụ nữ đã nói, còn Ngài thì họ không được thấy.
Bấy giờ Ngài mới nói cùng họ: Hỡi những kẻ ngu muội và trí lòng chậm tin vào mọi điều các tiên tri đã nói. Thế thì Đức Kitô không phải chịu khổ nạn như thế đã, rồi mới vào vinh quang của Ngài sao? Khởi từ Môsê và lướt qua hết thảy các tiến tri, Ngài dẫn giải cho họ những điều đã viết về Ngài trong toàn bộ Kinh thánh.
Họ đã tới gần làng họ phải đến, nhưng Ngài làm như thể còn phải đi xa, họ cố nài ép Ngài rằng: Hãy lưu lại với chúng tôi vì trời đã về chiều và ngày đã xế. Nên Ngài vào nhà lưu lại với họ. Ngài cầm lấy bánh, chúc tụng, đoạn bẻ ra và trao cho họ và mắt họ mở ra nhận biết Ngài…nhưng Ngài bỏ họ mà biến rồi. Họ nói với nhau: Lòng chúng ta lại đã không cháy bừng bừng, lúc dọc đàng Ngài ngỏ lời với chúng ta và giải nghĩa Kinh thánh đó sao? (Lc.24: 13-32)
“Hai môn đệ chưa nguôi sầu ly biệt,
Trên đường về chiều xuống làng E-mau.
Cùng khách lạ đang chia sẻ mối sầu,
Khi chia bánh nhân ra Thày yêu dầu.”
-“Vào lúc xế chiều ngày ấy, ngày thứ nhất trong tuần, nơi ở của các môn đồ các cửa đều đóng kín, vì sợ người Do Thái. Đức Giêsu đã đến đứng giữa họ và Ngài nói: Bình an cho các con!
Nói thế, rồi Ngài cho họ thấy tay và cạnh sườn Ngài. Các môn đồ mừng rỡ vì được thấy Chúa.
Một lần nữa Ngài nói với họ: Bình an cho các con! Cũng như Cha đã sai Ta, Ta cũng sai các con.
Nói thế rồi, Ngài thổi hơi trên họ và nói với họ:Hãy chịu lấy Thánh Thần! Các ngươi tha tôi cho ai thì tội họ sẽ được tha; các ngươi cầm giữ tội ai thì tội họ bị cầm giữ.
Tôma nghĩa là “sinh đôi” là một người trong nhóm 12, không ở với họ khi Đức Giêsu đến. Các môn đồ khác nói với ông: Chúng tôi đã thấy Chúa! Ông nói với họ: Nếu tôi không thấy các dấu đinh tay Ngài và tra tay tôi vào lỗ đinh, cùng tra bàn tay tôi vào cạnh sườn Ngài, tôi sẽ không tin.
Tám ngày sau các môn đồ lại ở trong nhà, có Tôma ở với họ. Chúa Giêsu đến đang lúc các cửa đều đóng kín, Ngài đứng giữa họ và nói: Bình an cho các con! Đoạn Ngài nói với Tôma: Hãy đem ngón tay ngươi đặt đây, này tay Ta, hãy đem tay ngươi tra vào cạnh sườn Ta và đừng ở như người cứng tin, mà là như người thành tín. Tôma đáp lại và nói với Ngài: Lạy Chúa tôi và là Thiên Chúa của tôi! Đức Giêsu nói với ông: Bởi thấy Ta ngươi đã tin, phúc cho những ai không thấy mà tin!
“Hỡi Tô-ma sao con cứng lòng thế?
Hãy lại đây mà xỏ vào cạnh sườn Thày,
Con đã thấy rồi mới tỏ lòng tin,
Không thấy vẫn tin mới là diễm phúc.”
Đức Giêsu đã làm trước mặt các môn đồ Ngài nhiều dấu lạ khác nữa, không viết lại trong sách này. Các điều đã viết đây để anh em tin rằng: Đức Giêsu chính là Đức Kitô Con Thiên Chúa và bởi tin anh em có sự sống nhờ Danh Ngài” (Yn.20: 19- 30)
-“Sau đó, Đức Giêsu lại tỏ ra lần nữa cho các môn đồ ở ven biển Tibêria, Ngài đã tỏ mình ra như thế này: Tề tựu với nhau có Simôn Phêrô và Tôma, Nathanael người Cana xứ Galilêa, các con ông Zêbêđê và hai môn đệ khác nữa. Simôn Phêrô nói với họ: Tôi đi đánh cá đây! Họ nói với ông: Chúng tôi cùng đi với ông! Họ ra đi và lên một chiếc thuyền, nhưng đêm ấy họ không bắt được gì cả. Sáng đến, Đức Giêsu đứng trên bãi biển, nhưng môn đồ không biết là chính Đức Giêsu. Ngài nói với họ: Này các con! Có đồ ăn không? Họ đáp lại Ngài: Không! Ngài mới bảo họ:Hãy thả lưới mạn hữu thuyền, các ngươi sẽ gặp! Họ đã thả lưới và không còn sức kéo lên nữa, vì cá nhiều quá. Người môn đệ Đức Giêsu yêu mến, nói với Phêrô: Chúa đó! Phêrô vừa nghe tiếng Chúa đó, liền quấn lấy áo ngoài vì ông ở trần, gieo mình xuống biển. Còn các môn đồ khác chèo thuyền vào, vì họ cũng không xa đất bao nhiêu, chỉ độ hai trăm xích thôi và kéo theo lưới đầy cá.
Khi lên đất, họ đã thấy có than đỏ, bánh và cá ở trên. Đức Giêsu nói với họ: Đem lại đây ít cá các ngươi đã bắt hồi nãy. Phêrô lên thuyền và kéo lưới vào đất, đầy những cá lớn, một trăm năm mươi ba con và tuy nhiều ngần ấy cá, lưới cũng không bị rách. Đức Giêsu bảo họ: Lại đây mà lót lòng đi! Trong các môn đệ không ai còn dám hỏi Ngài: Ông là ai, bởi họ đã biết là chính Chúa. Đức Giêsu đến cầm lấy bánh mà ban cho họ và cá cũng thế. Đó là lần thứ ba, Đức Giêsu
hiện ra với các môn đệ sau khi Sống lại từ cõi chết” (Yn.21: 1- 14)
“Thả lưới suốt đêm thuyền vừa cập bến,
Tâm trí u sầu lòng dạ nôn nao,
Phía chân trời lấp lánh muôn vì sao,
Ngài tiến đến lướt mình trên sóng nước.”
-“…Sau cùng Ngài tỏ mình ra cho chính nhóm Mười Một đang khi họ dùng bữa, và Ngài quở trách sự cứng tin, lòng chai đá của họ, bởi họ không tin những kẻ được thấy Ngài đã Sống Lại.
Ngài nói với họ: Hãy đi khắp cả thiên hạ rao giảng Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo. Ai tin cùng chịu thánh tẩy thì sẽ được cứu, còn ai không tin thì sẽ bị luận tội. Những dấu lạ này sẽ tháp tùng kẻ tin: nhân danh Ta chúng sẽ trừ quỉ, nói các thứ tiếng, chúng sẽ cầm rắn trong tay và dẫu có uống nhầm thuốc độc, cũng chẳng hại được chúng, chúng sẽ đặt tay cho kể liệt lào và họ sẽ được an lành mạnh khỏe.
Vậy sau khi đã nói với họ rồi, Chúa Giêsu được nhắc về trời và ngự bên hữu Thiên Chúa. Còn họ thì ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng họ hoạt động và bảo đảm Lời bằng những phép lạ kèm theo.” (Mc.16: 14- 20)
“Quây quần đây dâng ngập tràn vui sướng,
Gặp lại Thày bừng sức mạnh trong lòng,
Chúa truyền dạy đi rao giảng Tin Mừng,
Cho nhân loại được hồng ân cứu chuộc.”
Ngoài 4 Thánh Sử đã ghi chép việc Chúa Sống Lại, ta còn thấy trong Công Vụ Tông Đồ và các thư của thánh Phêrô, Phaolô và Gioan gửi các Giáo đoàn cũng nhắc đến sự kiện Chúa Phục Sinh từ cõi chết. Trong lời minh chứng hùng hồn trước Công nghị, thánh Phêrô xác quyết:
“…Xin chư vị hết thảy cùng toàn dân Israel biết rằng: chính là nhân danh Giêsu Đức Kitô người
Nazarét, Người các ông đã cho đóng đinh thập giá, nhưng Thiên Chúa đã cho Sống Lại từ cõi chết, chính nhân ấy mà người này được đứng trước mặt các ông an lành mạnh khỏe..”(Cv.4:10)
Trong thư thứ nhất Thánh Phaolô đã viết cho tín hữu Côrintô:
-“…Đức Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta theo Kinh Thánh, là Ngài đã bị chôn cất, là Ngài đã Sống Lại ngày thứ ba và Ngài đã hiện ra với Kêpha, đoạn cho nhóm 12 Tông đồ. Rồi Ngài hiện ra cho hơn 500 anh em một lần, trong số đó phần đông đến nay vẫn còn sống, nhưng cũng có người đã an nghỉ…” (1Cr.15: 3-6)
Và thư cho Giáo đoàn Roma:
-“…Nếu Thần Khí của Đấng đã cho Đức Giêsu Sống Lại từ cõi chết cư ngụ trong anh em, thì Đấng đã cho Đức Giêsu Sống Lại từ cõi chết, cũng sẽ tác sinh thân xác chết dở của anh em, nhờ
bởi Thần Khí của Người cư ngụ trong anh em.” (Roma.8: 11)
-“…Nếu miệng bạn tuyên xưng Đức Giêsu là Chúa và bạn tin rằng Thiên Chúa đã làm cho Người Sống Lại từ cõi chết, thi bạn sẽ được cứu độ…” (Roma.10: 9 & 10)
Trong Tin Mừng đã nhiều lần chính Chúa Giêsu đã tiên báo việc Ngài sẽ Sống Lại từ cõi chết:
-“…Vậy người Do-thái lên tiếng nói với Ngài: Ông tỏ ra được dấu nào cho chúng tôi thấy là Ông có quyền như thế? Đức Giêsu đáp lại và bảo: Phá đền thờ này đi! Và trong ba ngày Ta sẽ dựng lại. Người Do-thái nói: Phải mất bốn mươi sáu năm, đền thờ này mới được dựng nên, thế mà trong ba ngày Ông sẽ dựng lại được ư?
Còn Ngài, Ngài đã nói về Đền thờ Thân Mình Ngài. Vậy khi Ngài Sống Lại từ cõi chết, môn đệ Ngài đã nhớ lại là Ngài đã nói thế, và họ đã tin vào Kinh Thánh và lời Đức Giêsu đã nói…”
(Yn.2: 18- 22)
-“ Một ít nữa các ngươi sẽ không còn trông thấy Ta, và lại môt ít nữa các ngươi sẽ xem thấy Ta…Ta đã xuất tự Cha và đã đến trong thế gian, bây giờ Ta lại bỏ thế gian mà trở về cùng Cha.” (Yn.16: 16 & 28)
-“Như xưa Giona ở trong bụng cá lớn 3 ngày 3 đêm thế nào, Con Người cũng sẽ ở trong lòng đất 3 ngày 3 đêm như vậy.” (Mt.12: 38- 41)
-“ Sau khi biến hình Chúa Giêsu dặn các môn đệ đừng nói cho ai sự lạ họ vừa thấy, cho đến khi con Người từ kẻ chết Sống Lại. “ (Mc.9: 9- 10)
-“Này chúng ta lên Giêrusalem và tất cả các tiên tri nói về Con Người sẽ được toàn vẹn, Ngài sẽ bị nộp cho lương dân, họ sẽ nhục mà Người, nhưng ngày thứ ba Người sẽ Sống Lại.” (Lc.18: 31- 34)
-Tại Tiệc ly Chúa phán cùng các Tông Đồ: “ Tất cả các con sẽ vấp ngã vì Thày đêm nay, nhưng sau khi Thày Sống Lại, Thày sẽ tới Galilêa trước các con.” (Mt.26: 31)
Câu truyện Chúa cho Lazarô từ kẻ chết sống lại cũng tiên báo sự Phục Sinh của Chúa:
-“…Vậy Martha vừa nghe biết Đức Giêsu đến, thì bà ra đón Ngài, còn Maria ngồi lại nhà.
Martha nói với Đức Giêsu: Thưa Ngài, nếu Ngài có ở đây em con đã không chết. Nhưng ngay lúc này, con vẫn biết là bất cứ điều gì Ngài xin với Thiên Chúa, Thiên Chúa sẽ ban cho Ngài. Đức Giêsu bảo bà ấy: Em ngươi sẽ sống lại! Martha đáp: Con biết nó sẽ sống lại, thời sống lại ngày sau hết.
Đức Giêsu nói với Martha: Phục sinh và sự sống chính là Ta! Ai tin vào Ta thì dẫu chết cũng sẽ sống, và mọi kẻ sống cũng tin vào Ta sẽ không phải chết bao giờ… (Yn.11: 20- 23)
“Thần khí dâng tràn xua tan ảm đạm,
Chúa giơ tay chúc phúc các môn đồ,
Lời thân thiết vang vọng mãi đến giờ,
Đem Bình An Tin Yêu từ ngày ấy.”
Sau cùng, chúng ta hiểu thế nào về câu trong Kinh Cầu Chịu Nạn:
“ Chúa Giêsu Sống Lại Trước Hết Đi Viếng Đức Mẹ “?
Trong Tin Mừng: Bốn Thánh Sử, Công Vụ Tông Đồ và thư các Tông Đồ gửi cho Giáo đoàn đều ghi nhận việc Maria Madalena là người đầu tiên được thấy Chúa sau khi Ngài Sống Lại…
Nhưng trong Tin Mừng không nói đến việc Chúa Giêsu gặp lại Đức Mẹ sau khi Chúa Sống Lại. Mẹ Maria là Mẹ Chúa Giêsu, Đấng Đồng Công Cứu Chuộc, đã chia sẻ vui buồn với Chúa suốt 30 năm ẩn dật và theo sát Chúa 3 năm trên đường Ngài rao giảng Tin Mừng. Tình Mẫu Tử giữa người con với mẹ, cả tự nhiên lẫn ân thánh, đòi Chúa sau khi Sống Lại Trước Hết phải đi thăm viếng Đức Mẹ.
Mẹ không đi theo các phụ nữ và khi được các bà báo tin Mẹ không đến thăm mộ Chúa vì chắc hẳn Mẹ đã gặp Chúa rồi.
Sự kiện Đức Maria được gặp Chúa trước hết đã được nhiều Vị Thánh xác quyết như Thánh Agnatius, Albert Cả, Teresa Avila, Ambrose, Giáo Hoàng Gioan Phaolô II …
Trong tác phẩm “The Mystical City of God” được Đức Mẹ mặc khải cho Sơ Mary of Jesus of Agreda- tác phẩm được nhiều Vị thẩm quyền Giáo Hội đánh giá là chân thực- đã xác định Chúa Giêsu sau khi Sống Lại “trước hết” đến thăm viếng Đức Mẹ như sau:
“…Đang lúc Mẹ Maria sửa soạn kinh nguyện và ca khúc mừng Con Thánh của Mẹ sắp xuất
hiện, bỗng nhiên Mẹ cảm thấy một cảm giác rất lạ, tương ứng với độ đau khổ lớn lao Mẹ đã chịu
Sau những chuẩn bị ấy, Chúa Giêsu vào phòng Mẹ với cả đoàn tùy tùng vinh hiển. Mẹ sấp mình xuống thờ lạy rất thâm sâu, Chúa nâng Mẹ dậy và ban tặng Mẹ một ơn có thể Mẹ không sao tiếp nhận mà không chết ngất, nếu các Thiên Thần và chính Chúa Giêsu không tăng sức cho Mẹ. Ơn sức mạnh ấy,là Thân Xác vinh hiển của Chúa Giêsu, thấm nhập vào thân xác rất trinh trong của Mẹ như một trái cầu pha-lê chứa đựng toàn thể mặt trời.
Trong suốt nhiều giờ, Mẹ được hoan hỉ Thiên Chúa với Con Người, thông phần vào vinh quang của Chúa cũng như từ trước đã thông phần vào đau khổ Người chịu.
Sau khi Chúa Giêsu đã thăm viếng Mẹ chí thánh Người “trước hết”, Người lại lo đến các con chiên mà cuộc tử nạn kinh hoàng của Người mới làm xao động. Người hiện ra với Maria Madalena, sau đó với các bạn hữu bà, vì tình yêu nồng nàn của họ đáng được ơn ấy…”
Và sau cái chết của Chúa Giêsu, Mẹ là Người duy nhất để duy trì ngọn lửa đức tin cho các Môn đệ, nên hai lần Chúa hiện ra với các ông trong nguyện đường và hơn 500 anh em, chắc chắn có sự hiện diện của Đức Mẹ và điều này lại càng chứng minh rõ rệt sự đồng hành mật thiết giữa Chúa và Mẹ khi Chúa còn sống cũng như sau khi Chúa chết.
+ Lời nguyện :
Lạy Chúa Cha! Chúng con tạ ơn Cha! Vì công trình cứu chuộc do tình yêu vô cùng, mà Cha đã không tiếc Con Một của Cha là Chúa Giê-su mà ban Người cho chúng con.
Lạy Chúa Giêsu! Chúng con sấp mình thờ lạy tình yêu cao cả của Chúa. Vì hạnh phúc chúng con Chúa đã chấp nhận mọi khổ đau nhục nhã và trên thập giá.
Lạy Chúa Thánh Thần! Sau công trình của Chúa Giêsu hoàn tất, Chúa đã thánh hóa chúng con đem chúng con vào đời sống hồng ân của Thiên Chúa để xứng đáng lãnh nhận gia nghiệp Nước Trời.
Lạy Chúa Ki-tô Đấng Cứu Chuộc nhân loại! Ngài đã trao vinh quang của Ngài cách trọn vẹn cho Thiên Chúa qua Mầu Nhiệm Vượt Qua Sự Chết. Ngài tiêu hủy sự chết của chúng con qua Phục Sinh để hoàn lại sự sống cho chúng con.
-Nến Phục Sinh đã đốt lên dẫn chúng con ra khỏi bóng tối sự chết để bước vào niềm vui Ánh Sáng Phục Sinh và cũng chính là Ngọn Lửa cần cho chúng con sống những ngày kế tiếp bằng Lời Cầu Nguyện.
Để kết thúc bài viết, xin mượn lời “Thánh Thi Exsultet Công Bố Tin Mừng Phục Sinh”:
“Mừng vui lên, hỡi muôn lớp Thiên Thần trên trời!
Mừng vui lên, hỡi những nhiệm mầu Thánh này!
Tiếng loa cứu độ hãy vang rền không gian,
Mừng reo lên, chiến công khải hoàn Vua nhân trần!
Và vui lên, hỡi trời đất vui lên!
Rực rỡ trong ánh huy hoàng chiếu soi
Và vinh quang Vua muôn đời chói ngời.
Tất cả hoàn vũ hãy vui mừng hân hoan,
Được ơn thoát lụy xa miền tối u sầu.
Này vui lên, ôi Mẹ Hội Thánh!
Uy nghiêm trong muôn vàn ánh quang.
Khắp nơi trong cung điện này,
Hòa vang lên muôn ngàn tiếng ca Vua nhân trần…”
Alleluia! Alleluia!
+Phụ dẫn
* 5 bộ phim hay nhất về Lễ Phục Sinh *
Không giống như hầu hết các phim Giáng Sinh, với số lượng nhiều hơn hẳn và chú trọng vào sức hấp dẫn thương mại (nhưng ít mang lại nội dung tinh thần thực sự ý nghĩa), những bộ phim chọn lọc về lễ Phục sinh này nhấn mạnh vào đức tin, thông điệp, sự cứu chuộc, và niềm hy vọng.
1- ‘Ben-Hur’ (1959)
Bộ phim sử thi đồ sộ này của đạo diễn William Wyler đã thắng 11 giải Oscar (một kỷ lục hiện sánh ngang với “Titanic” và “Chúa tể của những chiếc nhẫn: Sự trở về của nhà vua,” bao gồm cả giải dành cho Phim xuất sắc nhất.
Diễn viên đạt giải Oscar Charlton Heston trong vai Judah Ben-Hur, một nhà quý tộc người Do Thái bị cáo buộc phạm trọng tội và sau đó bị buộc trở thành nô lệ. Anh phải chiến đấu để giành lại tự do của mình trước người bạn thời thơ ấu (và cũng là chiến binh La Mã tàn bạo) Messala (do tài tử Stephen Boyd thủ vai), kết thúc bằng cảnh đua ngựa mang tính biểu tượng.
Một trong những tình tiết phụ cảm động nhất của bộ phim, diễn viên Haya Harareet (thủ vai Esther) và diễn viên Martha Scott (thủ vai Miriam) cùng đóng vai chị gái và mẹ của Ben-Hur, những người mắc bệnh phong. Nhân vật chỉ được nhìn thấy từ xa hoặc từ phía sau, cũng không có lời thoại xuyên suốt cả bộ phim là tài tử Claude Heater (không được xướng danh) trong vai Chúa Jesus. Tài tử Heater hoàn toàn thống trị màn ba của phim trong quá trình khắc họa Cuộc Khổ nạn của Chúa Jesus. Bất kể bạn làm gì, hãy tránh xa bản là2m lại (remake) cùng tên thất bại thảm hại và hoàn toàn không cần thiết vào năm 2016.
2- ‘The Last Temptation of Christ’ (Cám dỗ cuối cùng của Đấng Christ) (1988)
Dựa trên cuốn tiểu thuyết gây tranh cãi năm 1955 của tác giả Nikos Kazantakis và được nhà biên kịch Paul Schrer chuyển thể lên màn ảnh, đạo diễn Martin Scorsese đã mất hơn một thập niên để sản xuất bộ phim này tác phẩm mang đậm dấu ấn cá nhân của ông nhất tính đến thời điểm đó. Vấp phải sự phản đối và đe dọa nghiêm trọng từ nhiều tổ chức (tôn giáo lẫn phi tôn giáo) thậm chí trước khi bắt đầu bấm máy, bộ phim “Temptation” mang nhiều thông điệp hy vọng và sâu sắc hơn nhiều so với những gì mà những người chưa từng xem nó thường xuyên khẳng định.
Ngoại trừ việc chọn diễn viên chưa phù hợp của Đạo diễn Scorsese, với Harvey Keitel (diễn viên quen thuộc của Scorsese) trong vai Judas, thì các diễn viên David Bowie trong vai Pontius Pilate, Barbara Hershey trong vai Mary Magdalene, và Willem Dafoe trong vai Chúa Jesus, tất cả đều mang đến những màn diễn xuất tuyệt vời và có đầu tư kỹ lưỡng. Nếu phim được thực hiện sớm hơn ba năm như đạo diễn Scorsese dự tính, thì ca sĩ quá cố Vanity sẽ được chọn vào vai Magdalene, ca sĩ Ray Davies của ban nhạc Kinks sẽ đóng vai Judas, ca sĩ Sting của ban nhạc The Police sẽ xuất hiện trong vai Pilate, và Aidan Quinn trong vai Chúa Jesus. Đó sẽ là một bộ phim rất khác.
3- ‘Risen’ (Phục sinh) (2016)
Một ứng cử viên tiềm năng bị đánh giá thấp (cũng không hẳn vậy) trong danh sách này, “Risen” (Phục sinh) đã thu về gấp đôi ngân sách khiêm tốn 20 triệu USD tại phòng vé, và như thường lệ, gây chia rẽ trong giới phê bình. Xây dựng câu chuyện dựa trên các sách Phúc Âm, đạo diễn Kevin Reynolds (đạo diễn của các phim “Fandango,” “Waterworld,” “Bá tước Monte Cristo”) và đồng biên kịch Paul Aiello thể hiện Lễ Thăng thiên như một quá trình điều tra tội phạm bí ẩn và gọi Đấng Christ là “Yeshua.”
Diễn viên Joseph Fiennes đóng vai Clavius, một Quan bảo dân La Mã hư cấu được Pontius Pilate (do tài tử Peter Firth thủ vai) cử đi điều tra vụ mất tích của một người đàn ông vừa bị đóng đinh trên thập tự giá được gọi là “Đấng Cứu Thế.” Nhận được rất ít hoặc không có sự giúp đỡ nào từ các môn đồ và những manh mối đã cũ (hoặc cố tình [bị làm cho] mơ hồ), Clavius bắt đầu cảm nhận được cơn thịnh nộ không chỉ từ Pilate, mà còn từ các nhà lãnh đạo tôn giáo và hệ thống cấp bậc Do Thái, đồng thời bắt đầu suy nghĩ lại về các ưu tiên của mình. Chỉ riêng tính độc đáo, thì bộ phim “Risen” chắc chắn xứng đáng được đánh giá năm sao.
4-‘King of Kings’ (Vua của các vua) (1962)
Mặc dù nhận được nhiều ủng hộ từ khán giả và đánh giá cao từ giới phê bình, bộ phim “King of Kings” (Vua của các Vua) ban đầu đã vấp phải một số phản ứng dữ dội khi hãng phim MGM và đạo diễn Nicholas Ray chọn diễn viên Jeffrey Hunter vào vai Chúa Jesus. Điều đáng nói là ông Hunter lúc đó 33 tuổi, bằng tuổi Chúa Jesus khi Ngài qua đời. Vào thời điểm phát hành phim, nhiều người gọi ông là “cậu bé điển trai mảnh khảnh.” Diễn viên Hunter chủ yếu được biết đến nhờ vai phụ nổi bật trong phim “The Searchers” (Cuộc truy lùng) và các phim Viễn Tây sau đó. Vài năm sau, ông vào vai Thuyền trưởng Christopher Pike của con tàu vũ trụ USS Enterprise trong tập phim mở đầu của loạt phim truyền hình gốc “Star Trek.”
Phù hợp với những miêu tả phần nào đã được giảm nhẹ về sự tàn bạo trong các bộ phim sử thi “sword and sandal” (thanh kiếm và đôi dép) (*) thời bấy giờ, đạo diễn Ray và các nhà biên kịch của ông (Philip Yordan và người không được xướng danh Ray Brbury) xứng đáng nhận thêm điểm cộng vì kết hợp các sự kiện diễn ra trước khi Đấng Christ giáng sinh và sau khi Ngài qua đời.
5-‘The Greatest Story Ever Told’ (Câu chuyện vĩ đại nhất từng được kể) (1965)
Vào thời điểm sản xuất, đây là bộ phim đắt đỏ nhất mọi thời đại và phải mất hơn 5 năm từ khi phác thảo ý tưởng cho đến khi ra rạp. Bộ phim sử thi này của đạo diễn George Stevens kể về toàn bộ cuộc đời của Chúa Jesus, với thời lượng ban đầu là 260 phút.
Mong muốn tìm một diễn viên ít tiếng tăm vào vai Chúa Jesus (để không làm phân tâm khán giả khỏi cốt truyện), đạo diễn Stevens chọn diễn viên Thụy Điển Max von Sydow (diễn viên yêu thích của đạo diễn Ingmar Bergman, người chưa bao giờ xuất hiện trong một bộ phim Anh ngữ) đóng vai này. Sau đó, đạo diễn đã quy tụ dàn diễn viên gần như là tất cả các ngôi sao điện ảnh hàng đầu thế giới đảm nhận các vai phụ ấn tượng xung quanh ông.
Cho đến nay, bộ phim chưa từng thu được lợi nhuận nhưng vẫn được nhiều người hâm mộ trân trọng, một số người còn cho rằng đây là bộ phim hay nhất về thể loại này từng được sản xuất. Chỉ xét về mặt kỹ thuật trình diễn hình ảnh, bối cảnh (tất cả đều ở miền Tây Nam Hoa Kỳ), và phần nhạc nền của nhà soạn nhạc đại tài Alfred Newman thì hiếm có tác phẩm nào trước đó hoặc sau này đạt đến mức độ hoành tráng đáng kinh ngạc như vậy.
Chú giải:
(*) Sword-and-sandal = kiếm và dép. Đây là dòng điện ảnh cổ trang thịnh hành và khởi phát tại Ý thập niên 1960, thường lấy các huyền tích Hi La và Thánh Kinh làm điểm tựa.
Đinh văn Tiến Hùng- Tổng hợp
Chương 2: Triết học Công Giáo trong thời kỳ hỗn loạn, tiếp theo
Sự hỗn loạn của thập niên 1960
Mặc dù học thuyết Tôma vẫn đang phát triển mạnh mẽ khi Công đồng Vatican II bắt đầu vào năm 1962, chủ nghĩa hiện sinh của Heidegger và các loại khác, không nói đến các trào lưu triết học khác, đang bắt đầu dâng cao. Những xu hướng đó có xu hướng trở nên chiếm ưu thế hơn khi biến động xã hội hoàn cầu của những năm 1960 - mọi thứ được đại diện bởi năm 1968 - đã thay thế tất cả những điều chắc chắn và chuẩn mực truyền thống bằng những phán đoán mang tính kinh nghiệm hơn. Công bằng mà nói, tác động của Công đồng cũng đã đạt đến mức phá vỡ nhiều truyền thống tìm hiểu cũ, và trong một thời gian sau đó, mặc dù bề ngoài có nhiều sôi nổi, nhưng có vẻ như rất ít điều xảy ra được coi là triết học Công Giáo vĩ đại và lâu dài. Pieper tiếp tục viết mạnh mẽ khi về già. Trong The Peasant of the Garonne (Người Nhà quê vùng Garonne), Maritain đã đưa ra một phản ứng mạnh mẽ đối với một số điều ngớ ngẩn hơn nảy sinh sau Công đồng. Thông điệp Humanae Vitae [sự sống con người]năm 1968 của Đức Phaolô VI đã tạo ra một cơn bão bất đồng chính kiến cũng như sự bảo vệ hào hùng có tính triết học từ Elizabeth Anscombe. (29) Và vào năm 1975, Frederick Copleston, một tu sĩ Dòng Tên người Anh, đã hoàn thành bộ Lịch sử Triết học, một công trình đồ sộ bắt đầu từ năm 1945 đã trở thành tiêu chuẩn tài liệu tham khảo ngay cả đối với nhiều nhà tư tưởng thế tục.
Nhưng phải mất vài năm và một số thay đổi trong quan điểm trước khi tác phẩm triết học thực sự mạnh mẽ lấy cảm hứng từ Công Giáo xuất hiện. Một phiên bản mới của luật tự nhiên, kết hợp các yếu tố hậu Kant và truyền thống, được phát triển bởi John Finnis của Anh, Germain Grisez của Mỹ và Joseph Boyle của Canada. (30) Nó coi một số “thiện ích căn bản”, thay vì trật tự siêu hình truyền thống, làm nền tảng cho đạo đức học dựa vào luật tự nhiên, do đó tránh được một số nền tảng triết học lừa lọc bằng cách bắt đầu từ những điều có vẻ hiển nhiên hơn. “Luật tự nhiên mới” đã thu hút nhiều tín hữu nổi tiếng, trong số đó có Robert P. George của Princeton và nhà đạo đức học Công Giáo William E. May - và một số nhà phê bình sắc sảo. (31) Nó tạo men quan trọng trong suy tư luật tự nhiên, và không những chỉ giữa những người Công Giáo, nhưng triển vọng dài hạn của nó vẫn chưa chắc chắn.
Ngược lại, một trong những tiếng nói triết học mạnh mẽ và dường như lâu dài nhất trong một phần tư thế kỷ 20 – Công Giáo hay không –, đáng kể, lại là một người mới trở lại đạo. Alasdair MacIntyre đã trải qua nhiều giai đoạn triết học bao gồm cả chủ nghĩa Mác trước khi viết cuốn sách khởi đầu một luồng tư tưởng Công Giáo thực sự mới mẻ và trên thực tế đã trở thành một trong những dự án triết học có ảnh hưởng nhất của hậu bán thế kỷ XX, ngay cả trong các giới thế tục.
Trong tác phẩm After Virtue [Sau Nhân đức] năm 1981, (32) ông lập luận rằng dự án Ánh sáng, như ông gọi nó, mong đợi đạt được các nguyên tắc luân lý thuần túy hợp lý, không thiên vị, rõ ràng đã thất bại, một phần không nhỏ bởi vì nó đã bỏ qua sự kiện này là các hữu thể nhân bản là những tạo vật bị ràng buộc bởi thời gian xuất hiện từ một lịch sử và tiểu sử đặc thù. Ông cho rằng các truyền thống triết học của chúng ta cũng có một chiều kích lịch sử quan trọng và không thể tránh khỏi. Trong mỗi truyền thống này, chúng ta có thể đạt được tiến bộ và đưa ra những phán đoán đặt cơ sở trên một điều gì đó khác hơn là ý thích bất thường đơn thuần. Bên ngoài các truyền thống này, chúng ta nhanh chóng rơi vào tình trạng bị phân mảnh rõ ràng là một phần của cuộc sống hiện đại. Việc làm ngơ lịch sử đặc thù không những không diễn tả được cuộc sống con người ra sao, mà còn dẫn đến việc không thể nhận ra rằng chính các truyền thống đôi khi cũng rơi vào khủng hoảng và trở nên không có khả năng giải quyết các vấn đề từ bên trong chính chúng – một điều dường như là trạng thái của chúng ta ở thời kỳ cuối hiện đại hoặc hậu hiện đại.
Tuy nhiên, vì chúng ta luôn đưa ra các quyết định nên chúng ta phải đưa ra quyết định trên cơ sở nào đó, và MacIntyre lập luận rằng thông thường chúng ta thấy mình “đi sau” đạo đức, theo nghĩa là chúng ta sở hữu một số mảnh vụn của hệ thống đạo đức cũ không thuyết phục lắm bởi vì chúng chỉ có một ý nghĩa hạn chế bên ngoài bối cảnh ban đầu, đầy đủ hơn của chúng. Thực thế, đối với một số người từng bác bỏ mọi truyền thống hiểu biết trước đây, tất cả những điều cấm đoán về đạo đức cũ có vẻ giống như những điều cấm kỵ kỳ lạ của một bộ lạc xa xôi nào đó. Vì vậy, chúng ta lựa chọn, khá tùy tiện, từ những mảnh vụn này trên cơ sở cảm xúc bản thân. Chủ nghĩa cảm xúc, như ông đặt tên cho hiện tượng này, đã trở thành tiêu chuẩn, faute de mieux [vì thiếu điều tốt hơn], và khá phổ biến khi nghe mọi người tuyên bố rằng điều gì đó “phù hợp với tôi”, trong khi thậm chí từ chối xem xét các lập luận khác. Rõ ràng, điều này, trong đạo đức học, cho thấy một sự dựa dẫm vào một mình ý chí và thiếu bất cứ tiêu chuẩn chung bên ngoài nào trong tự nhiên, xã hội hoặc Thiên Chúa. Những người đại diện cho lý tính của phong trào Ánh sáng cũ vẫn bám vào ý tưởng về một lý trí thuần túy không thiên vị, nhưng với một chút lương tâm cắn rứt, vì họ biết rằng không có lập trường không thể tranh cãi nào như vậy xuất phát từ những lập luận thuần túy “hợp lý” của ba trăm năm qua. Các đồ đệ của Nietzsche và các nhà phê bình khác của phong trào Ánh sáng đã cho rằng việc bám vào quá khứ là theo đuổi những ngẫu tượng sai lầm và một ý chí quyền lực ngấm ngầm hơn là tuân theo lý trí. Trong một mô tả sâu rộng về toàn bộ lịch sử triết học phương Tây, MacIntyre tuyên bố rằng chúng ta đứng trước sự lựa chọn giữa hai hệ thống không mạch lạc này và nhu cầu tạo ra một điều gì khác thế.
Ông lập luận rằng ba nhân vật mẫu mực trong các xã hội hiện đại xác nhận phân tích này: nhà thẩm mỹ giầu có, quản trị viên và nhà trị liệu. (33) Người thứ nhất có thể làm bất cứ điều gì anh ta muốn vì phương tiện vật chất luôn sẵn có. Theo một nghĩa nào đó, đây là trường hợp hiện đại điển hình của những phương tiện khổng lồ không có mục đích, chỉ là sở thích bản thân. Và sự lan tỏa giầu có đến nhiều người khiến vị trí này trở nên phổ biến chứ không chỉ giới hạn vào những người siêu giàu có. Nhưng hai loại người kia cũng quan trọng. Các quản trị viên trong các doanh nghiệp công cộng và các nhà trị liệu trong các mối quan hệ riêng tư được coi là những chuyên gia cung cấp các phương tiện trong lĩnh vực tương ứng của họ để đạt được các mục đích được lựa chọn tùy tiện: trong trường hợp đầu tiên, lợi nhuận tài chính mà không quan tâm đến lợi ích chung; và, trong trường hợp thứ hai, tự do cá nhân - được trình bầy như những gì bệnh nhân cảm thấy tốt - thường không quan tâm đến các cam kết lớn hơn hoặc các tiêu chuẩn đạo đức. Những biểu thức của ý chí thuần túy này không chỉ ngăn chặn bất cứ giải thích đạo đức mạch lạc nào, mà chúng còn khiến một tiểu sử mạch lạc hầu như trở thành bất khả, như đã được thời tiền duy cảm [pre-emotivist] hiểu.
Trong một số đóng góp độc đáo nhất của cuốn sách, MacIntyre đề xuất ba biện pháp khắc phục có thể có cho tình thế của chúng ta, mà ông rút ra từ nghiên cứu lịch sử: các thực hành, trình thuật và truyền thống. Tất cả những điều này là một phần trong nỗ lực của ông nhằm tìm lại một loại chủ nghĩa Aristốt, mà MacIntyre sẽ khai triển hơn nữa thành quan điểm Tôma-Aristốt về sự hưng thịnh của con người trong cuốn sách tiếp theo của ông Whose Justice? Which Rationality? [Công lý của ai? Hợp lý nào?] (34). Nơi MacIntyre, “các thực hành” là tất cả các phương thức xuất sắc trong các hoạt động của con người giúp đạt được thành tích cao. Chẳng hạn, không một nhạc sĩ hay họa sĩ, vận động viên hay kiến trúc sư nào có thể hoàn toàn tự tạo nên thành công (bóng ma của bản ngã cô lập theo Descartes hoặc Kant xuất hiện trong các giả định trái ngược, vốn rất phổ biến). Tất cả chúng ta đều học cách ăn nói trong gia đình, sở đắc các thói quen làm việc và kỷ luật tự giác, nhưng cũng cần học việc đều đặn dưới sự hướng dẫn của những người thầy hoặc người hướng dẫn giỏi trong bất cứ lĩnh vực nào để đạt được bất cứ điều gì thực sự vĩ đại. Ngoài ra, cần phải có các cấu trúc có tính định chế - trường học, nhạc viện, bệnh viện, cơ sở đào tạo - cho sự phát triển toàn diện của con người. Các xu hướng duy cảm và duy cá nhân trong nền văn hóa của chúng ta thường nhấn mạnh việc các định chế chỉ có tính quy ước và không có tác dụng ra sao, trong khi những người theo chủ nghĩa Nietzsche coi các chuẩn mực “được xây dựng về mặt xã hội” như tự nó có tính tùy tiện. Nhưng, cả hai quan điểm này đều sai và không đầy đủ. Sự phủ nhận triệt để giá trị của các chuẩn mực xã hội đơn giản là hủy hoại đạo đức và tình liên đới. Các định chế thối nát càng làm rõ hơn mức độ phụ thuộc của chúng ta vào các định chế tốt để giúp mang lại những thực hành nhân bản tốt nhất.
MacIntyre liên kết việc phát triển các thực hành tốt với nhân đức, mà ông định nghĩa là “phẩm chất nhân bản sở đắc được mà việc sở hữu và thực hành nó có xu hướng cho phép chúng ta đạt được những điều tốt đẹp vốn nội tại trong các thực hành và việc thiếu nó sẽ ngăn cản chúng ta đạt được bất cứ điều tốt nào như vậy.” (35) Tất nhiên, mặc dù có nhiều nhân đức nhân bản, nhưng có một số nhân đức phải hướng dẫn bất cứ cố gắng nghiêm túc nào để thực hành xuất sắc. Chúng ta phải có khả năng nhận ra những người có chuyên môn; chúng ta phải sẵn lòng làm việc để đạt được các tiêu chuẩn hiện có và có thể thất bại; và chúng ta phải chấp nhận những lời phê phán thích đáng. Nói cách khác, chúng ta cần sự công bằng, can đảm và trung thực để thực hiện một khởi đầu tối thiểu trong mọi nỗ lực, và nhiều nhân đức khác. Và ở đây, một ý nghĩa thứ hai có thể xuất hiện trong tiêu đề của MacIntyre: tất cả chúng ta đều đang tìm kiếm nhân đức, nhiều người có lẽ không biết điều đó.
Vì các nhân đức là những thói quen ổn định giúp hoàn thiện sức mạnh tự nhiên của chúng ta, nên chúng chỉ ra nhu cầu thứ hai của con người bên cạnh các thực hành: trình thuật về toàn bộ một cuộc sống nhân bản. Các nguyên tắc đạo đức chỉ trở thành những mảnh vụn bên ngoài bối cảnh ban đầu của chúng như thế nào, thì các hoạt động của con người mà thiếu một câu chuyện tổng thể về cuộc đời sẽ rơi vào tình trạng chỉ là những đột nhập từng hồi như thế. Mac-Intyre đã thực hiện một bước đi rất táo bạo nhờ hiểu biết sâu sắc này. Ông lập luận cho giá trị không những của việc tìm hiểu bản thân mà còn của toàn bộ truyền thống tư tưởng triết học – và một cách khôn khéo không chỉ biến nhận thức của chúng ta về lịch sử cụ thể của một lập trường nhất định thành một chủ nghĩa duy sử có tính tương đối hóa – một trong những ông ngáo ộp của hệ thống siêu hình Công Giáo cũ.
Ngược lại, ông nói, phong trào Ánh sáng nghĩ họ đã mang đến cho chúng ta những nguyên tắc hợp lý, phi thời gian, phi truyền thống. Ba thế kỷ sau, chúng ta có thể thấy hai chuyện lớn. Đầu tiên, nỗ lực đó đã không thành công: chúng ta vẫn bị chia rẽ hơn bao giờ hết không những chỉ về những vấn đề luân lý đặc thù mà còn về bản chất của lý tính—có lẽ thậm chí còn chia rẽ nhiều hơn là trong quá khứ. Và, thứ hai, giờ đây chúng ta có thể thấy rằng cuộc tìm kiếm một lý tính thuần túy, tự trong sáng của phong trào Ánh sáng tự nó đã là một trong những truyền thống tìm hiểu triết học đã tạo ra nhiều vấn đề khác nhau mà dường như nó không thể giải quyết được từ nguồn lực của chính nó. Việc bây giờ chúng ta có thể coi phong trào Ánh sáng chỉ là một truyền thống lịch sử khác nữa đã làm suy yếu nó không phải là một sự kiện. Mọi cuộc tìm hiểu triết học nghiêm túc đều phụ thuộc vào công việc của nhiều bộ óc khác nhau trong một thời gian dài. Chính sự mù quáng của phong trào Ánh sáng về tư thế của chính nó như chỉ là một khoảnh khắc trong tư tưởng phương Tây đã khiến sự suy tàn của nó trở thành một cuộc khủng hoảng tự gây ra không thể tránh được.
Phần hấp dẫn và khôn khéo trong phân tích của MacIntyre là ở chỗ ông có thể kết hợp sự thừa nhận này về bản chất giới hạn thời gian của tất cả các hình thức tìm hiểu với các lập luận ngăn chặn sự thôi thúc nghĩ rằng bởi vì mọi quan điểm đều bị giới hạn thời gian nên chúng chỉ đơn thuần là tương đối. Chúng ta là những tạo vật bị vướng vào thời gian một cách không thể thoát khỏi, và sự suy tư triết học của chúng ta phải xem xét điều đó, mà không rơi vào niềm tin phi lý của Hegel cho rằng thời gian là sự bộc lộ của tinh thần tuyệt đối. Về mặt triết học, chúng ta có thể có được và mất đi cơ sở. Không có cơ chế chính đề-phản đề-tổng hợp tự động tại nơi làm việc bởi vì có nhiều chính đề, chứ không chỉ có một và tiến triển như ở Hegel. Một số bị mất, số khác đi vào ngõ cụt, các thoái trào [regressions] quả có xẩy ra. Cuộc sống và suy nghĩ của con người phức tạp hơn nhiều so với chủ nghĩa Hegel thường cho phép. Nhưng ở mức tốt nhất, triết học nào biết lấy vị trí của mình bên trong các truyền thống có thể vừa đạt được tiến bộ trước những vấn đề mới, vừa vượt qua các truyền thống đó bằng cách kết hợp những truyền thống khác khi một truyền thống nhất định đi vào bế tắc.
Các truyền thống chắc chắn cũng bao hàm các cộng đồng có ý nghĩa. Một trong những dòng nổi tiếng nhất trong cuốn sách của MacIntyre xuất hiện ở cuối chương cuối cùng của ông, có tựa đề: “Sau đức hạnh: Nietzsche hoặc Aristốt, Trotsky và Thánh Bênêđíctô”. Bằng dòng này, ông dự định bày tỏ kết luận của mình rằng, với sự thất bại của các niềm hy vọng Ánh sáng, sự lựa chọn của chúng ta trở thành hoặc một chủ nghĩa hoài nghi triệt để hoặc một điều gì đó giống như lời giải thích của Aristốt về bản chất con người, được sửa đổi một cách phù hợp. Bất chấp sự thất bại của chủ nghĩa Mác (một sản phẩm của phong trào Ánh sáng), một giải trình như vậy sẽ gây ra sự phê phán mạnh mẽ về kinh tế và xã hội cũng như tạo ra các cộng đồng thay thế có ý nghĩa:
“Điều quan trọng ở giai đoạn này là việc xây dựng các hình thức cộng đồng địa phương bên trong đó sự lịch thiệp [civility] và đời sống trí thức và luân lý có thể được duy trì qua các thời kỳ đen tối mới từng đến với chúng ta. Và nếu truyền thống nhân đức có thể sống còn qua nỗi kinh hoàng của thời kỳ đen tối vừa qua, thì chúng ta không hoàn toàn không có cơ sở để hy vọng. Tuy nhiên, lần này những kẻ man rợ không chờ đợi ở bên ngoài biên giới; chúng đã cai trị chúng ta trong một thời gian khá dài. Và chính sự thiếu ý thức của chúng ta về điều này đã tạo nên một phần tình trạng khó xử của chúng ta. Chúng ta không chờ đợi một Godot, mà chờ đợi một người khác - chắc chắn là rất khác – Thánh Bênêđíctô.” (36)
Vào thời điểm MacIntyre trình bày Giảng khóa Gifford năm 1988, được xuất bản hai năm sau với tựa đề Three Rival Versions of Moral Enquiry: Encyclopaedia, Genealogy, and Tradition [Ba phiên bản đối thủ của cuộc điều tra luân lý: Bách khoa toàn thư, Phả hệ và Truyền thống], ông đã sẵn sàng tuyên bố niềm tin của mình rằng học thuyết Tôma là một phần mở rộng có giá trị của Aristốt và hơn thế nữa là một triết học mạch lạc và thuyết phục hơn dự án Ánh sáng hoặc sự bác bỏ triệt để lý tính tìm thấy trong các loại phả hệ hư vô gắn liền với Nietzsche. Những người theo học thuyết Tôma truyền thống rất thích thú nhưng không hài lòng về bước ngoặt này. Đầu tiên, việc MacIntyre nhấn mạnh rằng tất cả các lập trường triết học đều được định vị về phương diện lịch sử dường như mâu thuẫn với những tuyên bố của chính Thánh Tôma về chân lý. Như một người theo học thuyết Tôma hiện đại đã lập luận:
“Đối với Aristốt và Thánh Tôma, thực sự có thể có một lịch sử về các thực hành, một lịch sử về các phương tiện để đạt được mục đích, nhưng các tiêu chuẩn xác định mà theo đó chúng có thể bị phán đoán thì không có lịch sử, chúng tuyệt đối là các phổ niệm [universals], chúng là các bản chất hoặc yếu tính nắm bắt được bằng việc xác định mục tiêu của chúng. Do đó, MacIntyre, khi khẳng định rằng các tiêu chuẩn không tránh khỏi sự chỉ trích, đã hiểu sai cách Aristốt và Thánh Tôma định nghĩa các thực hành theo những gì chúng nhắm để đạt được, tức các mục đích của chúng. Một định nghĩa không bị ràng buộc bởi văn hóa và cũng không phải là tạm thời. Cả tên gọi và định nghĩa nhằm nắm bắt được bản chất của một chủ thể đều không có tính thời gian.” (37)
Tuy nhiên, học thuyết Tôma thường bị chỉ trích trong thế kỷ 20, chính vì nó thiếu chú ý đến tầm quan trọng nhân bản—và đôi khi thậm chí cả sự hiện hữu đơn thuần—của thời gian và lịch sử. MacIntyre đã trả lời điều này và những lời chỉ trích tương tự của những người theo học thuyết Tôma rằng sự kiện đơn giản là Aristốt và Thánh Tôma đều ý thức được lịch sử của nhiều cuộc tranh luận từng đi trước họ. Một phần sức mạnh của cả hai nhân vật là sự tham gia nghiêm túc của họ vào tất cả các lập luận trước đây mà họ biết. Aristốt biết những người tiền Socrates của ông, và Thánh Tôma có thể tích hợp thành công tư tưởng của người xưa, các Giáo phụ (đặc biệt là Augustinô và những người theo chủ nghĩa Platông Kitô giáo), cũng như các nhà tư tưởng Ả Rập và Do Thái gần đấy. Tất nhiên, cuối cùng ngài cũng theo đuổi sự thật, cũng như chính MacIntyre, nhưng chính cấu trúc của các bài viết riêng lẻ trong Summa Theologiae [Tổng luận Thần học], với việc nó đưa ra các ý kiến tán thành và phản đối khác nhau về từng điểm và nỗ lực dung hòa chúng, cả hai đều phản ảnh một truyền thống đang phát triển và cho thấy làm thế nào những người đến sau có thể thực hiện nhiều tiến bộ hơn nữa bằng cách bước vào chân lý đầy đủ hơn. Một cách hiển nhiên, sự thật không có tính lịch sử. Nhưng làm cách nào mà người ta học được những thực hành dẫn đến chân lý và làm thế nào để bảo vệ những chân lý như đã được khám phá trong một truyền thống “chống lại những câu trả lời đối nghịch được đề xuất từ quan điểm của một số truyền thống khác từ căn bản” cần một số phân tích lịch sử. (38)
Cần lưu ý rằng trong phụ đề của cuốn Three Rival Versions of Moral Enquiry [Ba phiên bản đối thủ của cuộc điều tra luân lý], MacIntyre trình bày học thuyết Tôma, như ông đọc nó, từ thông điệp Aeterni Patris, như chính truyền thống, việc thực hành cuộc tìm hiểu luân lý đáp ứng một cách mạch lạc những thất bại của các phiên bản khác ở cuối của thế kỷ hai mươi. Ngay trước khi bắt đầu thiên niên kỷ mới (1999), và do đó, trong tầm nhìn của tác phẩm này, MacIntyre đem những hiểu biết sâu sắc này đi xa hơn trong cuốn Dependent Rational Animals: Why Human Beings Need the Virtues [Các động vật phụ thuộc có lý trí: Tại sao các hữu thể nhân bản cần các nhân đức]. (39) Ít tập trung vào lịch sử hơn vào kinh nghiệm cá nhân, giống như Edith Stein, ông nhấn mạnh thân xác là một phần không thể thiếu trong sự hiện hữu của chúng ta và sự cần thiết phải chú ý đến sự kiện này để hiểu được sự triển nở toàn diện của con người. Ông nói, các truyền thống đương thời khác nhấn mạnh quá mức đến các sức mạnh duy lý thuần túy và cá tính. Bằng cách khảo sát cẩn thận các loại hiểu biết hiện hữu nơi các con cá heo và các sinh vật rất thông minh khác, và bằng cách sử dụng khoa học gần đây để chứng minh bản chất xã hội của động vật, MacIntyre cố gắng chỉ ra tính liên hệ tương tự giữa tâm trí và mạng lưới xã hội của chúng ta với thân xác chúng ta và, như trong tác phẩm trước đó của ông, nhu cầu phải có các cộng đồng nuôi dưỡng và thực hành phù hợp để phát triển các nhân đức cần thiết cho một cuộc sống nhân bản hợp lý và mạch lạc.
Sự kiện chúng ta có một thân xác và các nhu cầu thân xác khiến chúng ta phụ thuộc vào người khác theo nhiều cách không thể giải thích đầy đủ là liều thuốc giải độc mạnh nhất cho quyền tự chủ triệt để mà nhiều nhà tư tưởng hiện đại giả thiết. Sự phụ thuộc đó cũng không chấm dứt khi chúng ta quá độ từ thời thơ ấu đến khi trưởng thành. MacIntyre gọi cuốn sách này là “tác phẩm sửa sai” (40) lời bác bỏ trước đây của chính ông trong tuyên bố của cuốn After Virtue of Aristotle [Sau Nhân đức của Aristốt), cho rằng thiện ích của con người có liên quan đến bản chất động vật của chúng ta — dù sao, chúng ta là “động vật có lý trí”. Trong đó, ông tìm cách bổ sung chiều kích thân xác cụ thể đó vào bối cảnh xã hội của các thực hành và nhân đức, mặc dù với một phiên bản cập nhật thích đáng của nền sinh học có tính mục đích luận của Aristốt. Ông cũng nêu bật những cách mà thánh Tôma sửa chữa các yếu tố trong Aristốt và trong văn hóa Hy Lạp nói chung từng đánh giá quá cao con người có tâm hồn vĩ đại, người vốn độc lập đối với người khác và tự hào mình là người tự túc, như ông nghĩ. MacIntyre có ấn tượng bởi lời cầu nguyện của Thánh Tôma, trong đó “ngài cầu xin Thiên Chúa ban ơn để ngài có thể vui vẻ chia sẻ những gì ngài có với những người thiếu thốn, đồng thời khiêm tốn xin những gì ngài cần từ những người có”, (41) một sự thừa nhận hợp lý hơn về tình thế thực sự của con người.
MacIntyre coi sự phụ thuộc lẫn nhau này như nói lên sự thiển cận của các lý thuyết như “lựa chọn hợp lý”, trong đó người ta được coi như duy cá nhân trong căn bản và đưa ra các quyết định đạo đức trong khoảng chân không. Trên thực tế, tất cả chúng ta đều mắc nợ và cần phải biết ơn cha mẹ, gia đình, cộng đồng, giáo viên, huấn luyện viên, mục sư, và nhiều người khác. Trên thực tế, hầu hết chúng ta đưa ra lựa chọn của mình bằng cách thừa nhận giá trị các tuyên bố đó đối với chúng ta. Quyết định làm gì và không làm gì, như rõ ràng trong tất cả các lý thuyết về đạo đức, đóng một vai trò quan trọng trong việc định hình chúng ta trở thành ai và do đó, loại người nào sẽ đưa ra các quyết định trong tương lai. (42) Dĩ nhiên, chúng ta suy luận với tư cách cá nhân, và có trách nhiệm phát triển khả năng suy nghĩ rõ ràng và toàn diện. Cách hiểu thông thường về chiều kích cá nhân của con người trong nền văn hóa hiện đại là xem họ như người thực dụng ở nơi công cộng và người duy cảm ở nơi riêng tư. Nhưng có ba yếu tố đang diễn ra ở đây: lý luận đạo đức thực tế, sự phụ thuộc vào và mang ơn người khác, và các cộng đồng giúp đỡ hoặc cản trở chúng ta phát triển với sự tôn trọng hoàn toàn đối với mọi sự chúng ta đang là và có thể là.
Những người theo học thuyết Tôma cũng như những người không theo học thuyết Tôma đã tranh luận sôi nổi về từng bước phát triển của MacIntyre. Một lời chỉ trích đặc biệt mạnh mẽ về chỗ mà ông đã đến là trong bài phê bình đúng đắn của mình về những thất bại rõ ràng của các xã hội tự do hiện đại, ít nhất MacIntyre đã phần nào bỏ qua những thành tựu trong các lĩnh vực như tự do và lòng khoan dung mà chúng có thể đã mang lại cho các hình thức xã hội trước đó. Hơn nữa, vì ngày nay chúng ta hiện hữu trong các xã hội có nhiều nhóm thiểu số lớn theo học thuyết Nietzsche, thật khó để nói làm thế nào các loại cộng đồng mà MacIntyre hình dung có thể cùng hiện hữu một cách hòa bình. Các xã hội hiện đại cho thấy xu hướng dẫn đến chiến tranh toàn diện giữa các bên có định hướng khác nhau như định hướng giữa chủ nô và những người giải phóng nô lệ trước Nội chiến Hoa Kỳ. (43)
1. Putin đưa ra cảnh báo về F-16
Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Putin Issues F-16 Warning”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.
Vladimir Putin tuyên bố rằng các lực lượng Nga sẽ phá hủy bất kỳ chiếc F-16 nào được các đồng minh NATO giao cho Ukraine “bất kể những chiếc máy bay ấy ở đâu”, đồng thời nhấn mạnh rằng Mạc Tư Khoa không có ý định tấn công bất kỳ quốc gia nào trong liên minh.
Tháng 8 năm ngoái, Washington cuối cùng đã ủy quyền cho các đồng minh cung cấp cho Kyiv các máy bay do Mỹ sản xuất, với hệ thống điện tử hàng không và radar hiện đại hơn, mang lại khả năng bổ sung cho Không quân Ukraine vốn phụ thuộc vào các máy bay phản lực MiG và Sukhoi thời Liên Xô.
Một nhóm gồm 14 quốc gia đã cam kết cung cấp máy bay và hỗ trợ đào tạo. Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba hôm thứ Năm cho biết máy bay sẽ đến Ukraine trong những tháng tới.
Trong chuyến thăm Trung tâm Hàng không Quân đội 344, nơi đào tạo phi công chiến đấu, ở Torzhok, cách Mạc Tư Khoa 260 km về phía Tây Bắc, ông Putin được hỏi liệu phi công Nga có được phép “tấn công các mục tiêu này tại các phi trường của NATO hay không”.
Putin trả lời: “Tất nhiên, nếu chúng được sử dụng từ phi trường của nước thứ ba, chúng sẽ trở thành mục tiêu hợp pháp của chúng ta, bất kể chúng ở đâu.”
Theo một bản ghi trên trang web của Điện Cẩm Linh, ông nói: “Chúng ta sẽ phá hủy máy bay của họ giống như cách chúng ta phá hủy xe tăng, xe thiết giáp và các thiết bị khác của họ, bao gồm cả hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt”.
“Những chiếc F-16 cũng là máy bay mang vũ khí hạt nhân và chúng tôi cũng sẽ phải tính đến điều này khi tổ chức công tác chiến đấu”, nhưng ông nhấn mạnh rằng việc phương Tây bàn giao máy bay cho Ukraine “sẽ không thay đổi bất cứ điều gì trên chiến trường”.
Trong cùng một phiên hỏi đáp, Putin tỏ ra mâu thuẫn với điều này khi bác bỏ khả năng Nga tấn công một quốc gia NATO.
Tổng thống Joe Biden đã cảnh báo vào tháng 12 rằng Putin sẽ tấn công NATO, một quan điểm được chia sẻ bởi các nhà lãnh đạo phương Tây khác và chủ tịch ủy ban quân sự của liên minh, Đô đốc Rob Bauer, người đã phát biểu vào Tháng Giêng về tính không thể tránh khỏi của chiến tranh với Nga.
Vào ngày 17 tháng 3, Putin nói rằng Nga có thể đối mặt với NATO trong một cuộc xung đột toàn diện và rằng “bất cứ điều gì đều có thể xảy ra trong thế giới ngày nay” nhưng thông điệp trái chiều vẫn tiếp tục khi ông bác bỏ viễn cảnh như vậy trong cuộc họp báo.
Putin nói: “Việc có một cuộc tấn công vào một số quốc gia khác, vào Ba Lan, các nước vùng Baltic và những nơi khác là điều hoàn toàn vô lý”.
Nga đã coi cuộc xâm lược toàn diện là một cuộc chiến tranh ủy nhiệm giữa Mạc Tư Khoa và NATO, và Putin đã lặp lại luận điệu của Điện Cẩm Linh về việc liên minh này gây ra chiến tranh, mặc dù ông một lần nữa bác bỏ những tuyên bố của phương Tây rằng ông sẽ tìm cách tấn công các nước khác sau Ukraine.
Ông lưu ý sự khác biệt về ngân sách quân sự giữa Mỹ, quốc gia chi 811 tỷ Mỹ Kim vào năm 2022 và ngân sách quốc phòng của Nga là 72 tỷ Mỹ Kim.
“Với tỷ lệ này, liệu chúng ta có chiến đấu với NATO không?” ông ta nói, “điều này chỉ là vô nghĩa.” Newsweek đã liên hệ với NATO để bình luận.
2. Putin nói về việc tấn công NATO: 'Hoàn toàn vô nghĩa'
Tờ Politico có trụ sở ở Washington DC cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Putin on attacking NATO: ‘Complete nonsense’”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.
Nga không có kế hoạch xâm chiếm phần còn lại của Âu Châu, Vladimir Putin đưa ra lập trường trên vào cuối ngày thứ Năm, bất chấp hàng loạt các cảnh báo tới NATO của các quan chức Nga và những suy nghĩ của chính Putin về chiến tranh hạt nhân.
Khi cuộc xung đột toàn diện của Điện Cẩm Linh ở Ukraine bước sang năm thứ ba, Putin mạnh mẽ bác bỏ suy đoán rằng Nga có thể tấn công các nước khác ở Đông Âu tiếp theo.
“Điều này hoàn toàn vô nghĩa - khả năng xảy ra một cuộc tấn công vào một số quốc gia khác, vào Ba Lan, các nước vùng Baltic, người Tiệp đang lo sợ. Đó chỉ là điều vô nghĩa”, ông nói và nói thêm rằng Nga “không có ý định gây hấn với các quốc gia này”.
Một số quan chức quân sự hàng đầu của Âu Châu trong vài tháng qua đã đưa ra cảnh báo rằng một Điện Cẩm Linh ngày càng hiếu chiến có thể ra lệnh tấn công một quốc gia NATO trong vòng vài năm tới.
Putin đưa ra nhận xét này tại cuộc họp của các phi công quân sự ở Tver, phía tây bắc Mạc Tư Khoa. Bản ghi lại cuộc trò chuyện đã được Điện Cẩm Linh công bố và được truyền thông nhà nước đăng tải hôm thứ Năm.
Trong những tháng và tuần trước cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào Ukraine, Bộ Ngoại giao Nga và các quan chức khác liên tục phủ nhận Mạc Tư Khoa có bất kỳ kế hoạch tấn công nước láng giềng nào.
Trong một câu chuyện quen thuộc, Putin tuần này cũng cáo buộc NATO khiêu khích Nga bằng cách mở rộng về phía đông.
“Có phải chúng ta đang tiến tới biên giới của những quốc gia thuộc khối NATO không? Chúng tôi không chạm vào ai cả! Họ đang tiến về phía chúng tôi”, ông nói.
“Chúng ta có vượt đại dương đến biên giới Hoa Kỳ không? Không,” ông ta nói thêm. Putin đã chỉ ra sự mở rộng của NATO trong những thập kỷ gần đây để bào chữa cho việc tiến hành chiến tranh ở nước láng giềng Ukraine.
Phần Lan và Thụy Điển cũng đã gia nhập liên minh quân sự xuyên Đại Tây Dương, sau khi lo ngại về an ninh bùng lên ở Helsinki và Stockholm do cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào Ukraine.
Nga đã nhiều lần đưa ra những lời đe dọa và sử dụng những luận điệu mang tính phục thù đối với các nước láng giềng. Vào tháng 12 năm ngoái, một trong những nhà ngoại giao hàng đầu của Nga tuyên bố Phần Lan sẽ là “nước chịu thiệt hại đầu tiên” nếu chiến tranh nổ ra với NATO.
Trong khi đó, trong một bài đăng trên mạng xã hội hồi Tháng 5 năm ngoái, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Dmitry Medvedev, đồng thời là cựu thủ tướng và tổng thống Nga, đã gọi Latvia, Lithuania và Estonia là “các tỉnh Baltic của chúng tôi” và cho biết Ba Lan hiện nay “tạm thời bị tạm chiếm” và Nga sẽ phải lấy lại.
3. Volodymyr Zelenskiy cho biết ông đã nói chuyện với Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ, Mike Johnson, trong đó ông kêu gọi ông tổ chức một cuộc bỏ phiếu phê duyệt viện trợ quân sự của Hoa Kỳ cho Ukraine.
Tổng thống Ukraine nói:
Việc Quốc hội nhanh chóng chuyển viện trợ của Mỹ cho Ukraine là rất quan trọng. Chúng tôi thừa nhận rằng có nhiều quan điểm khác nhau tại Hạ viện về cách tiến hành, nhưng điều quan trọng là coi vấn đề viện trợ cho Ukraine là yếu tố thống nhất.
Mỹ đã công bố gói vũ khí và thiết bị mới cho Ukraine vào đầu tháng này, trong bối cảnh dự luật tài trợ viện trợ quân sự đã bị đình trệ tại Quốc hội trong bối cảnh phe Cộng hòa phản đối.
4. LÒ SÁT SINH CỦA PUTIN. Có những lo sợ rằng Putin có thể biến vụ thảm sát của ISIS ở Mạc Tư Khoa để XỬ TỬ 4.000 tù nhân Ukraine bằng cách khôi phục án tử hình.
Tờ The Sun có trụ sở ở London cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “VLAD’S SLAUGHTERHOUSE Fears sick Putin could twist ISIS massacre in Moscow to EXECUTE 4,000 Ukrainian prisoners by bringing back death penalty”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Lan Vy
Một chuyên gia cảnh báo ngày càng có nhiều lo ngại rằng Vladimir Putin có thể biến vụ thảm sát ISIS ở Mạc Tư Khoa thành một cái cớ để hành quyết 4.000 tù nhân Ukraine.
Kẻ chuyên quyền loạn trí đã tăng gấp đôi cáo buộc Ukraine thực hiện vụ tấn công Tòa thị chính Crocus, và phẫn nộ cho rằng những kẻ đứng sau vụ nổ súng “hy vọng gieo rắc sự hoảng loạn và bất hòa” ở Nga.
Tuy nhiên, mối lo ngại đang tiếp tục leo thang về việc phải chăng chính Putin đã dàn dựng vụ thảm sát hôm thứ Sáu như một âm mưu nhằm áp dụng lại hình phạt tử hình đối với người Ukraine và người Nga hay không.
Chuyên gia Nga, Tiến sĩ Yury Felshtinsky nói với The Sun rằng vụ tấn công vào Tòa thị chính Crocus không mang dấu hiệu của một cuộc tấn công thực sự của ISIS và nó có thể là một âm mưu nội bộ.
Đồng tác giả cuốn sách “Làm nổ tung nước Nga” với điệp viên Nga Alexander Litvinenko, Tiến sĩ Yury cho rằng cuộc tấn công hôm thứ Sáu có thể tạo cho Điện Cẩm Linh một cái cớ để theo đuổi một chương trình nghị sự bệnh hoạn.
Ông nói với The Sun: “Hành động khủng bố này có thể được chính phủ Nga tiến hành nhằm lấy nó làm cái cớ để cài đặt lại án tử hình”.
Nếu nó mang lại cho Nga nền tảng để khôi phục án tử hình đối với các mối đe dọa cực đoan, Kyiv có thể phải đối mặt với địa ngục mới sau hơn hai năm chiến tranh tàn khốc.
Trong vô số bài phát biểu lan man, đặc biệt là trong hai năm qua, Putin đã mô tả người Ukraine là những kẻ khủng bố.
Và ở một quốc gia mafia nơi luật pháp về cơ bản bị kiểm soát bởi ý muốn bất chợt của một nhà độc tài già nua, Tiến sĩ Yuuri cho biết án tử hình sẽ được áp dụng đặc biệt đối với các tội danh khủng bố hoặc chủ nghĩa cực đoan.
Có nghĩa là những người Ukraine bị đưa ra tòa án kangaroo của Nga vì những 'tội ác' như vậy có thể bị xử tử, và cả những người Nga đang phản đối Putin.
Tiến sĩ Yury giải thích rằng vụ tàn sát hôm thứ Sáu không mang dấu ấn của một cuộc tấn công điển hình của ISIS, từ lối thoát đã được lên kế hoạch cho đến kết nối ra nước ngoài.
“Chúng tôi biết thông tin chính thức cho rằng ISIS đứng sau vụ này và có khả năng là như vậy, ngoại trừ hành động khủng bố cụ thể này trông không giống một hành động khủng bố điển hình của ISIS.
“Thông thường những người thực hiện các hành động khủng bố nhân danh ISIS không cố gắng trốn thoát. Họ chấp nhận chết tại chỗ”
Ông nói tiếp: “Có một số vấn đề đáng nghi vấn khác. Bạn thực sự không thể tổ chức nó từ nước ngoài... đây phải là người địa phương.”
“Bản thân tòa nhà rất phức tạp. Đó là một tòa nhà khổng lồ.”
Và ông cho biết phản ứng từ phía Nga đã làm dấy lên “nghi ngờ” khi nhà độc tài già nua Putin ngay lập tức chỉ tay vào Ukraine.
Chưa đầy 24 giờ sau cuộc tấn công hôm thứ Sáu, Putin gầm gừ nói với người Nga trong một bài phát biểu rằng cho thấy rõ ràng ông ta đã chớp lấy cơ hội để chỉ tay vào Kyiv.
Và mặc dù ISIS-K đã thẳng thắn nhận trách nhiệm, Putin chỉ mô tả những kẻ giết người là “những kẻ Hồi giáo cực đoan” được Kyiv ra lệnh thực hiện vụ tấn công như một “hành động đe dọa”.
Tiến sĩ Yuri nói: “Tất nhiên, chúng tôi có sự ngờ vực chung. Chúng tôi không tin Putin. Chúng tôi không tin tưởng vào chính phủ Nga.
“Điều này là hiển nhiên khi họ cố gắng đổ lỗi cho ai đó, như Ukraine. Điều này, bạn biết đấy, khiến chúng tôi thêm nghi ngờ.”
Những người thân cận của Putin đã công bố những thước phim kinh hoàng ghi lại cảnh 4 nghi phạm khủng bố bị tra tấn - trong đó có một người bị điện giật bộ phận sinh dục và một người khác bị cắt tai và bị bắt buộc ăn lỗ tai của mình.
Tiến sĩ Yury mô tả đây là “điều bình thường mới” đối với việc tra tấn những người bị giam giữ ở Nga khi Putin tiến hành “cuộc chiến thường trực” chống lại Ukraine và phương Tây.
Việc cố tình tung ra những đoạn video bệnh hoạn đó chứng tỏ Nga sẵn sàng “vượt qua mọi ranh giới của nhân loại”.
Ông giải thích rằng sau đó, Nga có thể sử dụng cuộc tấn công như đạn dược để đưa ra bản án cuối cùng, đưa mức độ man rợ của họ lên một tầm cao mới.
Đặc biệt là với hơn 4.000 tù nhân Ukraine vẫn đang bị Nga giam giữ.
“Kết quả của hành động khủng bố này là chúng ta sẽ chứng kiến nỗ lực của chính phủ Nga nhằm áp dụng lại án tử hình.
“Đây có thể là dấu hiệu cho thấy hành động khủng bố này có thể được chính phủ Nga tiến hành nhằm lấy đó làm cái cớ để cài đặt lại án tử hình.”
Tiến sĩ Yury chỉ ra con chó cưng của Putin là Medvedev đã nhiều lần thỉnh cầu chính phủ khôi phục án tử hình.
Cựu tổng thống Nga Medvedev tuyên bố, giống như Putin, rằng “không có người Ukraine, tất cả họ đều là người Nga”.
“Vì vậy, nếu bạn thực sự tuyên bố rằng không có Ukraine với tư cách là một nhà nước, không có người Ukraine là một quốc gia và tất cả người Ukraine đều là người Nga, thì bạn có thể áp dụng luật pháp của Nga đối với người Ukraine,” Tiến sĩ Yury nói với The Sun.
Sau đó, họ có thể phải đối mặt với phiên tòa dưới sự thắt chặt mới của luật pháp nhà nước mafia của Putin.
5. Mỹ bác bỏ tuyên bố 'vô nghĩa, nặng mùi tuyên truyền' chống Ukraine của Nga về vụ tấn công phòng hòa nhạc ở Mạc Tư Khoa
Trong cuộc họp với các phóng viên hôm thứ Năm, 28 Tháng Ba,, Thiếu tướng John Kirby, điều phối viên truyền thông của Hội đồng An ninh Quốc gia cho biết Mỹ đã chuyển cho cơ quan an ninh Nga một văn bản cảnh báo về một cuộc tấn công cực đoan nhằm vào các cuộc tụ tập lớn ở Mạc Tư Khoa, đó là một trong nhiều cảnh báo đã được cung cấp trước khi vụ tấn công xảy ra. Tướng Kirby nói:
Rõ ràng là Isis phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về vụ tấn công kinh hoàng ở Mạc Tư Khoa vào tuần trước. Trên thực tế, Hoa Kỳ đã cố gắng giúp ngăn chặn cuộc tấn công khủng bố này và Điện Cẩm Linh biết điều này.
Ông đưa ra phát biểu này ngay sau khi các nhà điều tra Nga tuyên bố họ đã phát hiện ra bằng chứng cho thấy các tay súng giết chết ít nhất 143 người trong vụ tấn công tuần trước có liên quan đến “những người theo chủ nghĩa dân tộc Ukraine”.
Kirby mô tả các cáo buộc của Nga là “vô nghĩa và tuyên truyền”, đồng thời nói thêm rằng Mỹ đã đưa ra nhiều cảnh báo trước cho chính quyền Nga về các cuộc tấn công cực đoan vào các buổi hòa nhạc và các cuộc tụ họp lớn ở Mạc Tư Khoa.
Ông nói thêm rằng Hoa Kỳ “tuân theo các thủ tục thông thường và thông qua các kênh đã được thiết lập đã được sử dụng nhiều lần trước đây, đã đưa ra một cảnh báo bằng văn bản cho các cơ quan an ninh Nga”.
Ông nói tiếp rằng các nhà phân tích và quan chức tin rằng Nhà nước Hồi giáo vẫn bị đánh bại tại các thành trì cốt lõi của chúng ở Trung Đông nhưng đã đạt được tiến bộ đáng kể ở Phi Châu và một số khu vực ở Nam Á, giành được lãnh thổ và tài nguyên có thể dùng làm bệ phóng cho một chiến dịch bạo lực cực đoan mới..
Các chính phủ Âu Châu đã nâng mức cảnh báo cao nhất trong nhiều năm sau vụ tấn công vào phòng hòa nhạc ở Mạc Tư Khoa do phiến quân IS thực hiện vào tuần trước khiến 140 người thiệt mạng.
Vụ tấn công ở Mạc Tư Khoa, hoạt động cực đoan Hồi giáo nguy hiểm nhất từ trước đến nay ở Âu Châu, đã được IS nhận trách nhiệm. Các quan chức tin rằng IS đã lên kế hoạch cho các hoạt động mới chống lại các mục tiêu Âu Châu trong vài năm.
Từ năm 2015 đến năm 2019, khi IS điều hành cái gọi là nhà nước Hồi giáo trên một vùng đất mà chúng kiểm soát ở miền đông Syria và miền tây Iraq, ban lãnh đạo trung ương của nhóm không cần các chi nhánh mới thành lập của mình để tiến hành các hoạt động ở Âu Châu, vì chúng có tất cả các nguồn lực, tiếp cận tân binh, tiền bạc và trại huấn luyện nước ngoài. Điều này dẫn đến một loạt các cuộc tấn công gây chết người ở Pháp và Bỉ.
Tuy nhiên, nhiều năm hoạt động chống khủng bố của lực lượng an ninh địa phương, Mỹ và các nước khác, đã làm suy yếu IS tại các thành trì trước đây của chúng, khiến nhóm này bị chia cắt và yếu đi.
Các quan chức an ninh phương Tây am hiểu IS ở Iraq và Syria cho biết nhóm này đã từ bỏ dự án xây dựng lại cái gọi là nhà nước Hồi giáo nhưng các cuộc tấn công thành công nhằm vào các mục tiêu quốc tế được coi là “tốt cho tinh thần và thương hiệu IS và bù đắp cho những thất bại gần đây.”
6. Nga tấn công Kharkiv của Ukraine bằng bom
Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv hôm Thứ Sáu, 29 Tháng Ba, phát ngôn nhân cảnh sát quốc gia Ukraine, Đại Úy Alyona Lyutnytska cho biết, Nga đã tấn công thành phố Kharkiv ở phía đông bắc lần đầu tiên kể từ năm 2022, khiến ít nhất một thường dân thiệt mạng và 16 người khác bị thương.
Các cuộc không kích đã gây ra thiệt hại trên một diện tích lớn, đánh trúng một số tòa nhà dân cư và làm hư hại viện phẫu thuật khẩn cấp của thành phố.
Nga đã tăng cường các cuộc tấn công vào Ukraine trong những ngày gần đây, phóng một số loạt hỏa tiễn vào thủ đô Kyiv và tấn công cơ sở hạ tầng năng lượng trên khắp đất nước để trả đũa rõ ràng các cuộc tấn công trên không gần đây của Ukraine vào khu vực biên giới Belgorod của Nga.
Khu vực Kharkiv cắt ngang tiền tuyến nơi các lực lượng Ukraine và Nga đã giao tranh trong hơn hai năm kể từ cuộc xâm lược toàn diện của Mạc Tư Khoa vào Ukraine vào tháng 2 năm 2022. Khu vực này thường xuyên bị tấn công bằng hỏa tiễn và máy bay không người lái.
Sự leo thang gần đây xảy ra khi quân đội Ukraine kiệt sức đang phải vật lộn với tình trạng thiếu nhân lực, đạn dược và đối mặt với áp lực ngày càng tăng của Nga dọc theo chiến tuyến trải dài hơn 1.000 km.
Đại Úy Alyona Lyutnytska cũng cho biết 12 người bị thương và 6 tòa nhà dân cư bị hư hại trong cuộc tấn công của Nga vào thành phố Mykolaiv bằng hỏa tiễn đạn đạo
Trong một cuộc tấn công qua đêm nhằm vào khu vực Zaporizhzhia phía nam Ukraine, máy bay không người lái của Shahed đã tấn công một khu dân cư, làm hai phụ nữ ở độ tuổi 72 và 74 bị thương. Cơ quan cấp cứu cho biết bảy tòa nhà bị hư hại.
Các quan chức cho biết thành phố Odesa ở Hắc Hải đã đẩy lùi ba cuộc tấn công bằng hỏa tiễn và máy bay không người lái.
7. Thủ tướng Bỉ cho biết mạng lưới tuyên truyền của Nga đã trả tiền cho thành viên của Nghị Viện Âu Châu
Tờ Politico có trụ sở ở Washington DC cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Russian propaganda network paid MEPs, Belgian PM says”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.
Theo Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo, các nhà lập pháp Liên Hiệp Âu Châu đã được trả tiền để phổ biến tuyên truyền của Nga.
De Croo cho biết hôm thứ Năm rằng “đã có sự hợp tác chặt chẽ” trong tuần này giữa các cơ quan tình báo Bỉ và Tiệp nhằm phá vỡ mạng lưới tuyên truyền của Nga.
De Croo nói, trong một cuộc tranh luận tại quốc hội Bỉ về sự can thiệp của nước ngoài, mà không nêu tên các nhà lập pháp.
Phát ngôn nhân của De Croo nói với POLITICO rằng trong nhận xét của mình, thủ tướng đang đề cập đến quyết định của chính phủ Tiệp trừng phạt trang tin tức Tiếng nói Âu Châu, mà Praha cho rằng đó là một phần của hoạt động gây ảnh hưởng thân Nga.
Bộ Ngoại giao Tiệp hôm thứ Tư thông báo họ đã trừng phạt nhà tài phiệt Ukraine Viktor Medvedchuk, một đồng minh của Putin. Thông cáo báo chí cho biết Medvedchuk đã thực hiện một “chiến dịch gây ảnh hưởng của Nga” từ lãnh thổ Nga trên lãnh thổ Tiệp bằng cách sử dụng Đài Tiếng nói Âu Châu.
Thủ tướng Tiệp Petr Fiala cho biết hôm thứ Tư, chính quyền đã “tấn công một mạng lưới thân Nga” đang cố gắng thiết lập một hoạt động gây ảnh hưởng và những hậu quả an ninh cho Cộng hòa Tiệp và Liên Hiệp Âu Châu.
“ Quyết định này là vì lợi ích an ninh của Cộng hòa Tiệp, cũng như góp phần bảo vệ tính chất dân chủ của cuộc bầu cử Nghị viện Âu Châu sắp tới”.
Trang web của Đài Tiếng nói Âu Châu hiện không thể truy cập và tài khoản của nó trên X đã không có bài nào mới kể từ hôm thứ Tư.
Phó phát ngôn viên Nghị viện Âu Châu Delphine Colard cho biết Nghị viện hiện đang “xem xét những phát hiện” của chính quyền Tiệp về Đài Tiếng nói Âu Châu.
8. Nga tuyên bố có bằng chứng liên kết những kẻ tấn công phòng hòa nhạc với 'người theo chủ nghĩa dân tộc Ukraine'
Các nhà điều tra Nga hôm thứ Năm tuyên bố họ đã phát hiện ra bằng chứng cho thấy các tay súng giết chết hơn 140 người trong vụ tấn công vào phòng hòa nhạc gần Mạc Tư Khoa vào tuần trước có liên quan đến “những người theo chủ nghĩa dân tộc Ukraine”, Reuters đưa tin.
Nga ngay từ đầu đã tuyên bố rằng họ đang theo đuổi mối liên hệ giữa Ukraine với vụ tấn công, mặc dù Kyiv đã phủ nhận điều này và nhóm chiến binh Nhà nước Hồi giáo đã lên tiếng nhận trách nhiệm.
Theo Reuters, trong một tuyên bố, ủy ban điều tra nhà nước lần đầu tiên cho biết họ đã phát hiện ra bằng chứng về mối liên hệ với Ukraine, mặc dù không công bố các bằng chứng ấy là gì.
Tuyên bố cho biết: “Sau khi làm việc với những kẻ khủng bố bị giam giữ, nghiên cứu các thiết bị kỹ thuật thu giữ được từ chúng và phân tích thông tin về các giao dịch tài chính, chúng tôi đã thu được bằng chứng về mối liên hệ của chúng với những người theo chủ nghĩa dân tộc Ukraine”.
Nó tuyên bố những kẻ tấn công đã nhận được một lượng đáng kể tiền mặt và tiền điện tử từ Ukraine và một nghi phạm khác liên quan đến tài trợ khủng bố đã bị giam giữ.
11 người đã bị bắt trong 24 giờ đầu tiên sau vụ tấn công hôm thứ Sáu tuần trước và 8 người trong số này, bao gồm cả 4 tay súng bị nghi ngờ, đã bị tạm giam trước khi xét xử. Bảy người đến từ Tajikistan và người còn lại đến từ Kyrgyzstan.
Hoa Kỳ đã công khai cảnh báo trước vụ xả súng vào buổi hòa nhạc rằng họ đã nhận được thông tin tình báo về một cuộc tấn công có thể xảy ra bởi những kẻ cực đoan ở Nga. Các quan chức Mỹ cho biết họ tin rằng chính Nhà nước Hồi giáo Khorasan, chi nhánh mạng lưới ISIS ở Afghanistan, chịu trách nhiệm.
Nga cho biết họ nghi ngờ việc Mỹ có thể nêu tên thủ phạm được cho là của vụ tấn công ngay sau khi nó diễn ra. Nhà lãnh đạo Cơ quan An ninh FSB của Nga hồi đầu tuần cho biết, một lần nữa mà không cung cấp bằng chứng, rằng ông tin Ukraine, cùng với Mỹ và Anh, có liên quan.
Các nhà phân tích an ninh phương Tây nói rằng cuộc tấn công đã đặt ra câu hỏi về nguồn lực và ưu tiên của các cơ quan tình báo Nga vốn tập trung nhiều vào cuộc chiến Ukraine và sự cần thiết phải dập tắt sự phản đối ở Nga.
9. Ngoại trưởng Latvia từ chức vì tai tiếng chi tiêu cho các chuyến bay
Tờ Politico có trụ sở ở Washington DC cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Latvian foreign minister quits amid flight spending scandal”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.
Ngoại trưởng Latvia Krišjānis Kariņš tuyên bố từ chức hôm thứ Năm, sau vụ tai tiếng đưa máy bay riêng tới các cuộc họp chính thức.
Sự ra đi của ông thực sự đã loại bỏ ông trở thành người thách thức giám đốc thương mại Liên Hiệp Âu Châu Valdis Dombrovskis - một đồng nghiệp trong đảng đến từ Latvia - người đang mong muốn trở lại Ủy ban sau khi cử tri bầu ra Nghị viện Âu Châu mới hồi tháng 6 năm ngoái. Kariņš trong những tháng gần đây đã bày tỏ sự quan tâm đến các công việc hàng đầu ở cả NATO và Liên Hiệp Âu Châu.
Kariņš, người giữ chức thủ tướng cho đến tháng 11 năm ngoái, đã cảm thấy bối rối khi sử dụng quỹ nhà nước và Liên Hiệp Âu Châu để chi trả cho các chuyến bay thuê trong và sau đại dịch Covid-19. Cơ quan chống tham nhũng KNAB của Latvia tuần trước đã mở cuộc điều tra về chương trình khách hàng thường xuyên của cá nhân ông.
Mặc dù Thủ tướng phải chịu trách nhiệm về bất kỳ hành vi lạm dụng tiềm tàng nào - chứ không phải bản thân Kariņš - nhưng giờ đây ông sắp ra đi.
Với tư cách là thủ tướng, ông bị cáo buộc đã chi 600.000 euro cho các chuyến bay thuê từ ngân sách nhà nước. Ngoài ra, Liên Hiệp Âu Châu đã chuyển thêm 557.000 euro nữa cho Riga cho các chuyến đi của ông, phương tiện truyền thông Latvia đưa tin vào tháng 11 - nhiều nhất so với bất kỳ quốc gia Liên Hiệp Âu Châu nào.
Không đề cập đến vụ tai tiếng liên quan đến các chuyến bay, Kariņš đã chia sẻ quyết định của mình vào thứ Năm với các phóng viên sau cuộc gặp với người kế nhiệm Evika Siliņa, đài truyền hình quốc gia LSM đưa tin. Ông sẽ từ chức vào ngày 10 tháng 4, khi quốc hội công bố người kế nhiệm ông.
Khi tin tức lần đầu tiên được tung ra vào tháng 11, Kariņš cho biết ông sẽ không từ chức, thay vào đó nâng cao tầm nhìn và bày tỏ sự quan tâm đến việc trở thành tổng thư ký tiếp theo của NATO. Ông cũng sẵn sàng kế nhiệm Dombrovskis, phó chủ tịch điều hành của Ủy ban với quyền hạn rộng rãi bao gồm các vấn đề thương mại và kinh tế khác.
Dombrovskis đang dẫn đầu nhóm Đảng Thống nhất - một thành viên của Đảng Nhân dân Âu Châu bảo thủ - cho cuộc bầu cử ở Âu Châu, với Kariņš đứng hai. Hiện chưa rõ liệu Kariņš có còn là ứng cử viên hay không.
10. Điện Cẩm Linh đưa ra cảnh báo cho ông chủ Telegram sau vụ tấn công khủng bố ở Mạc Tư Khoa
Tờ Politico có trụ sở ở Washington DC cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Kremlin delivers warning to Telegram boss after Moscow terror attack”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.
Hôm thứ Năm, Phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh, Dmitry Peskov, đã kêu gọi ông chủ Telegram gốc Nga Pavel Durov giám sát ứng dụng nhắn tin chặt chẽ hơn, đồng thời cho rằng những kẻ khủng bố sử dụng nó.
“Chúng tôi lẽ ra đã mong đợi sự chú ý nhiều hơn từ Pavel Durov,” Dmitry Peskov nói trong một cuộc phỏng vấn với tờ Life thân chính phủ của Nga.
“ Bởi vì nguồn tài nguyên độc đáo và phi thường này theo quan điểm công nghệ, vốn đã lớn lên trước mắt thế hệ chúng ta, đang ngày càng trở thành công cụ trong tay những kẻ khủng bố - được sử dụng cho mục đích khủng bố”, ông Peskov nói, nhưng nói thêm rằng Nga hiện không có kế hoạch nào nhằm cấm Telegram.
Diễn biến này xảy ra cho thấy Điện Cẩm Linh không hài lòng với những nhận định đang phát triển mạnh trên Telegram trong đó người dùng cáo buộc chính Putin là người dàn dựng vụ tấn công khủng bố tại Mạc Tư Khoa hôm Thứ Sáu tuần trước, 22 Tháng Ba. Nhận định này đang bùng lên mạnh mẽ sau tuyên bố của nhà độc tài Belarus Alexander Lukashenko bác bỏ luận điệu của Vladimir Putin cho rằng ngay sau khi gây án những kẻ khủng bố đã trốn qua Ukraine, nơi “một cửa sổ an toàn” đang đợi chúng. Lukashenko tuyên bố sự thật “bọn khủng bố đã chạy sang Belarus trước chứ không phải Ukraine.”
Hôm thứ Sáu, ít nhất 143 người thiệt mạng trong vụ tấn công vào phòng hòa nhạc ở Mạc Tư Khoa. Theo hãng thông tấn RIA do nhà nước Nga kiểm soát, những kẻ tấn công đã được tuyển mộ từ kênh Telegram thuộc ISIS-K, một chi nhánh của nhóm Nhà nước Hồi giáo, nổi lên vào cuối năm 2014 với tư cách là một phe ly khai của Taliban ở Pakistan.
49 triệu người - 40% người dùng Internet ở Nga - đã sử dụng Telegram vào năm 2023, khiến nó trở thành nền tảng phổ biến nhất đất nước.
Các nhà phê bình cáo buộc Telegram đã dung túng cho việc lan truyền các thuyết âm mưu và lời nói căm thù, những thứ thường tìm thấy chỗ đứng – và sinh sôi nảy nở – trên ứng dụng này.
Người sáng lập nền tảng Durov đã giải quyết những lời chỉ trích trong một bài đăng trên blog vào tháng 10 năm 2017, cho rằng Telegram bảo vệ quyền tự do ngôn luận.
Durov viết: “Chỉ trích chính quyền địa phương, thách thức hiện trạng và tham gia vào các cuộc tranh luận chính trị là được. Trong khi đó, việc thúc đẩy bạo lực và kêu gọi những hành động có thể gây hại cho những người vô tội là không ổn. Đây là quy tắc chung mà chúng tôi luôn áp dụng khi kiểm duyệt các kênh công khai.”
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với Financial Times, Durov cho biết khi được hỏi về cuộc chiến của Putin và Điện Cẩm Linh với Ukraine: “Chúng ta đừng đến đó”, đồng thời nói thêm rằng “điều rất quan trọng đối với thế giới là giữ Telegram như một nền tảng trung lập.
1. Putin có vấn đề về tình báo
Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Putin's Intel Problem”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.
Cú sốc về vụ tấn công chết người hôm thứ Sáu tuần trước vào địa điểm chật cứng Tòa thị chính Crocus ở Mạc Tư Khoa có thể dần dần qua đi, nhưng những câu hỏi khó chịu đặt ra đối với các cơ quan tình báo và an ninh của Nga vẫn còn.
Thủ đô Nga cũng như cả nước đang vô cùng thương tiếc trước thảm kịch ngày 22/3. Ít nhất 143 người đã thiệt mạng và truyền thông nhà nước Nga đưa tin 360 người, trong đó có 11 trẻ em, bị thương tính đến thứ Năm.
Mạc Tư Khoa đổ lỗi cho Ukraine nhưng Kyiv lên án cáo buộc này là “vô lý”. ISIS-K, một nhánh của nhóm chiến binh Nhà nước Hồi giáo, đã nhận trách nhiệm. Tình báo Mỹ cho rằng tổ chức cực đoan, hoạt động chủ yếu ở Afghanistan, Pakistan và Iran, đứng đằng sau vụ tấn công. Tín hiệu thường mâu thuẫn từ Mạc Tư Khoa đã chỉ tay vào “những người Hồi giáo cực đoan” trong khi vẫn tìm cách đổ lỗi cho Mỹ và Ukraine.
Các cuộc điều tra đang diễn ra. Nhưng điều này không làm giảm đi sự giám sát chặt chẽ mà các cơ quan an ninh và tình báo của Nga hiện đang phải chịu, đặc biệt là tại sao FSB, cơ quan kế nhiệm KGB thời Liên Xô có nhiệm vụ chống khủng bố, lại không ngăn chặn được âm mưu tấn công.
Viện Nghiên cứu Chiến tranh, gọi tắt là ISW, một tổ chức nghiên cứu của Mỹ, cho biết vào đầu tuần này rằng cuộc tấn công là “một thất bại đáng chú ý của cơ quan tình báo và thực thi pháp luật Nga”.
Các chuyên gia cho rằng lý do là do tầm nhìn trong đường hầm: Với tất cả các con đường trong Điện Cẩm Linh đều dẫn đến Ukraine, sự chú ý của FSB bị phân tán và ISIS-K đã lọt qua. Các nhà phân tích cho rằng đây là điều khó có thể thay đổi.
Bốn kẻ tấn công đã lái xe đến Tòa thị chính Crocus của thủ đô ngay trước 7 giờ tối theo giờ Mạc Tư Khoa vào thứ Sáu tuần trước, Chủ tịch Ủy ban Điều tra Nga, Alexander Bastrykin, cho biết trong cuộc gặp với các quan chức cao cấp, bao gồm cả Putin, vào đầu tuần này.
Theo ông, những kẻ tấn công đã đợi khán giả xếp hàng vào hội trường trước khi nổ súng vào những người trên đường gần tòa nhà.
Ông nói: “Sau khi bước vào sảnh của tòa nhà, rồi vào phòng hòa nhạc, họ tiếp tục bắn vào tất cả những người dân mà họ chú ý, bất kể giới tính và tuổi tác”. Sau đó, họ đốt tòa nhà trước khi rời đi vào lúc 8h10 tối.
Nhưng theo Mỹ, cảnh báo này được đưa ra sớm hơn nhiều tuần.
Một ngày sau vụ tấn công, phát ngôn nhân Hội đồng An ninh Quốc gia Tòa Bạch Ốc cho biết: “Đầu tháng này, chính phủ Mỹ đã có thông tin về một cuộc tấn công khủng bố đã được lên kế hoạch ở Mạc Tư Khoa, có khả năng nhằm vào các cuộc tụ họp lớn, bao gồm cả các buổi hòa nhạc”. Tòa Bạch Ốc cho biết họ đã chuyển thông tin tình báo này cho chính quyền Nga, đồng thời đưa ra tuyên bố công khai tới công dân Mỹ ở Nga vào ngày 7/3.
Cảnh báo được công bố rộng rãi cho biết Đại sứ quán Mỹ tại Mạc Tư Khoa đang “theo dõi các báo cáo cho thấy những kẻ cực đoan sắp có kế hoạch tấn công vào các cuộc tụ tập lớn ở Mạc Tư Khoa, bao gồm cả các buổi hòa nhạc”. Cơ quan này khuyến cáo công dân Mỹ tránh xa các cuộc tụ tập đông người ở thủ đô Nga trong hai ngày tới.
Mặc dù mối quan hệ Mạc Tư Khoa-Washington đang trở nên căng thẳng hơn so với trước đây trong nhiều thập kỷ, nhưng vẫn chưa rõ tại sao các cơ quan tình báo và an ninh Nga dường như không làm gì nhiều với thông tin này. FSB cho biết vào đầu tháng 5 rằng họ đã ngăn chặn được một cuộc tấn công liên kết với ISIS nhằm vào một giáo đường Do Thái ở Mạc Tư Khoa.
Các chuyên gia nhìn chung chỉ ra sự định hướng sai lầm, với việc Điện Cẩm Linh gạt bỏ các mối đe dọa khác để tập trung vào cuộc chiến ở Ukraine và chiến dịch phỉ báng những người ủng hộ phương Tây của Kyiv.
Ivan Stupak, cựu quan chức cơ quan an ninh Kyiv, người cố vấn cho ủy ban an ninh, quốc phòng và tình báo của quốc hội Ukraine, cho biết FSB trong vài năm qua đã tập trung vào Ukraine cũng như Mỹ và Anh.
Ông nói với Newsweek rằng FSB, cùng với cơ quan tình báo quân sự và tình báo nước ngoài của Nga, đã chuyển sự chú ý khỏi Trung Đông trong thời gian này.
Ông nói: “Tôi nghĩ đó là vấn đề ưu tiên của Điện Cẩm Linh.
Callum Fraser, một nhà nghiên cứu chuyên về an ninh Nga và Á-Âu tại Viện nghiên cứu Dịch vụ Thống nhất Hoàng gia Anh, cho biết FSB không phải là không có nhân viên cũng như thiếu vốn, nhưng họ đã đặt mục tiêu chắc chắn vào Ukraine.
Ông nói với Newsweek: “Bây giờ, hầu như mọi khía cạnh đều đã được dồn vào nỗ lực chiến tranh”. Ông nói: “Ở một mức độ nhất định, chúng ta có thể nói rằng đôi mắt của họ đã bị phân tâm”.
Fraser nói thêm, có thể đã có sự hoài nghi ở Điện Cẩm Linh, họ nghi ngờ những cảnh báo này là thông tin sai lệch.
Chỉ vài ngày trước vụ tấn công, hãng thông tấn nhà nước Nga Tass đã đưa ra những nhận xét của Putin, trong đó nhà độc tài bác bỏ những cảnh báo của phương Tây về cuộc tấn công là một nỗ lực “khiêu khích” nhằm gây bất ổn cho Nga.
Ông nói: “Tất cả những điều này giống như hành vi tống tiền trắng trợn và có ý định đe dọa và gây bất ổn cho xã hội của chúng ta”.
Mạc Tư Khoa phần lớn tránh nói về các hoạt động an ninh của mình. Trả lời câu hỏi liệu cuộc tấn công có bộc lộ những thất bại trong cơ quan an ninh và tình báo hay không, phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov nói với giới truyền thông rằng “thật không may, thế giới của chúng ta cho thấy rằng không thành phố, không quốc gia nào có thể hoàn toàn miễn nhiễm khỏi mối đe dọa khủng bố”.
Nhưng đường lối chính thức đã bị nhầm lẫn và mâu thuẫn. Thay vì thừa nhận mối đe dọa không liên quan đến cuộc chiến ở Ukraine và đi sâu vào những động thái phức tạp ở Trung Á, ông Putin hôm thứ Hai nói rằng “tội ác do những kẻ Hồi giáo cực đoan gây ra” nhưng lại tìm cách ràng buộc Mỹ và Ukraine vào vụ việc.
Truyền thông nhà nước Nga cho biết 4 người đàn ông bị tình nghi thực hiện vụ tấn công đều đến từ Tajikistan, quốc gia có quan hệ lịch sử với Nga và công dân của họ đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Nga. Những người đàn ông này xuất hiện tại tòa vào cuối tuần, mang theo những dấu hiệu tra tấn rõ ràng. Điện Cẩm Linh từ chối bình luận về điều này.
Ngày hôm sau, giám đốc FSB Alexander Bortnikov đổ lỗi cho Washington, Luân Đôn và Kyiv. Một quan chức an ninh hàng đầu của Nga và đồng minh chủ chốt của Putin, Nikolai Patrushev, cũng tìm cách đổ lỗi cho Kyiv.
Nhưng Alexander Lukashenko, tổng thống lâu năm của Belarus, và là đồng minh chủ chốt của Nga là và là người ủng hộ Putin mạnh mẽ, đã gây nguy hiểm cho câu chuyện của Điện Cẩm Linh khi nói rằng những kẻ tấn công không chạy trốn về phía Ukraine mà chạy về phía đất nước của ông.
Tòa Bạch Ốc cho biết: “Hoàn toàn không có bằng chứng nào cho thấy chính phủ Ukraine liên quan đến vụ tấn công này”.
Cuối cùng, chính quyền Mạc Tư Khoa “chưa hoàn toàn tìm ra cách dung hòa các hoạt động thông tin của mình với thực tế về sự thất bại trong hoạt động tình báo và thực thi pháp luật”, tổ chức nghiên cứu ISW cho biết trong một phân tích hôm thứ Ba.
Hậu quả của cuộc tấn công đối với FSB là rất mù mờ. Fraser cho biết có khả năng sẽ có sự hiện diện an ninh lớn hơn và rõ ràng hơn, nhưng cuộc chiến Ukraine có thể sẽ tiếp tục chiếm phần lớn thời gian của FSB.
Ông nói thêm, danh tiếng của FSB khó có thể bị lung lay hoặc rạn nứt theo bất kỳ cách nào, nhưng sẽ khó có thể phân bổ lại các nguồn lực khi cuộc chiến ở Ukraine chưa có hồi kết.
2. Mưu toan hạt nhân. Chuyên gia cảnh báo những kẻ tra tấn của Putin sẽ khiến các nghi phạm ISIS tuyên bố trung thành với Ukraine để biện minh cho cuộc tấn công hạt nhân
Tờ The Sun có trụ sở ở London cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “NUCLEAR PLOT Putin’s torturers will get ISIS suspects singing fake allegiance to Ukraine in bid to justify nuke attack, expert warns”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thảo Ly.
Một chuyên gia cảnh báo, VLADIMIR Putin có thể buộc các nghi phạm khủng bố ở Mạc Tư Khoa đưa ra tuyên bố trung thành giả tạo với Ukraine để biện minh cho một cuộc tấn công hạt nhân.
Nhà độc tài Nga được cho là đang “che giấu” hai kẻ khủng bố IS có liên quan đến vụ thảm sát và có thể sử dụng họ để tiếp tục chương trình nghị sự sai trái của mình chống lại Kyiv.
Các báo cáo chưa được xác nhận từ BBC Tiếng Nga cho biết một kẻ khủng bố đã chết trong cuộc bao vây, phù hợp với những tuyên bố không chính thức rằng một tay súng đã bị chế ngự trong vụ nổ súng.
Một người khác được cho là đã thiệt mạng sau khi các tay súng bỏ trốn trên chiếc xe hơi Renault màu trắng ra khỏi Mạc Tư Khoa, nhưng cả hai đều không được ông Putin đề cập đến.
Các báo cáo khác khẳng định chính quyền Nga đã chôn giấu thông tin chi tiết về hai tay súng bị cáo buộc đã làm dấy lên suy đoán xung quanh những âm mưu có thể xảy ra.
Chuyên gia an ninh Anthony Glees cho biết “rất có khả năng” những người đàn ông này còn sống, đặt ra câu hỏi về lý do tại sao Putin lại giấu thông tin quan trọng khỏi cuộc điều tra và cách ông ta có thể sử dụng nó cho mục đích riêng của mình.
Giáo sư Glees, từ Đại học Buckingham, nói với The Sun rằng họ có thể là một phần của “cái cớ để sử dụng những vũ khí hạt nhân chiến thuật mà Putin đang đe dọa”.
Trong khi những lo ngại về một cuộc xung đột hạt nhân đã tăng cao kể từ cuộc xâm lược Ukraine, thì đó sẽ là một sự leo thang thảm khốc tiềm tàng mà ông ta biết có thể gây ra những hậu quả tàn khốc trên toàn cầu.
Giáo sư Glees nói với The Sun: “Tôi nghĩ điều đó rất hợp lý. Và tôi nghĩ trước tiên hắn ta sẽ bắt những người này để tra tấn họ.”
Putin sau đó sẽ nói với thế giới rằng họ nhận lệnh từ Ukraine, cung cấp cho hắn ta đạn dược vô căn cứ trong cuộc chiến chống lại Kyiv.
“Theo tôi, nếu họ là thành viên của ISIS Khorasan, thì hắn đang tìm cách tra tấn họ để khiến họ phải nói trước công chúng rằng họ được lệnh thực hiện vụ tấn công khủng bố khủng khiếp này”.
“Putin sẽ sử dụng nó để cố gắng xóa sổ Ukraine thậm chí còn nặng nề hơn những gì ông ấy đã làm. Và ông ấy thậm chí có thể lấy đó làm cái cớ để sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật mà ông ấy đang đe dọa”.
Nga đã đe dọa sử dụng lực lượng hạt nhân kể từ khi nước này xâm chiếm Ukraine vào tháng 2 năm 2022, trường hợp gần đây nhất được đưa ra vào tháng trước trong bài phát biểu thông điệp liên bang hàng năm của Putin.
Ông nói trong bài phát biểu thường niên gần đây rằng lực lượng hạt nhân của Nga “thường xuyên ở chế độ chờ”.
Và chỉ vài ngày trước, tên bạo chúa này đã cảnh báo rằng hắn sẵn sàng phóng vũ khí hạt nhân nếu hắn cảm thấy phương Tây đang đe dọa chủ quyền của Nga, trong lời đe dọa Thế chiến 3 lạnh lùng nhất của hắn.
Putin tuyên bố: “Vũ khí tồn tại là để sử dụng chúng”.
“Chúng tôi sẵn sàng sử dụng vũ khí, bao gồm bất kỳ loại vũ khí nào, kể cả hạt nhân, nếu vấn đề đe dọa sự tồn tại của nhà nước Nga, làm tổn hại đến chủ quyền và độc lập của chúng tôi.”
Putin cảnh báo trong bài phát biểu rằng việc triển khai quân đội Mỹ ở Ukraine sẽ được coi là sự can thiệp của Mỹ vào cuộc chiến và gây ra phản ứng từ các lực lượng hạt nhân của Nga.
Nhưng bất chấp cơn điên khát máu của mình, Putin hầu như không có ý định tự sát.
Sự nắm quyền của ông chắc chắn sẽ bị phá hủy, cùng với phần còn lại của thế giới, trong trường hợp xảy ra chiến tranh hạt nhân.
Glees, khi đề cập đến “vũ khí hạt nhân chiến thuật” là đang nói về những vũ khí hạt nhân được thiết kế để sử dụng trên chiến trường. Mặc dù có sức tàn phá khủng khiếp nhưng chúng không được thiết kế để xóa sổ toàn bộ quốc gia.
Putin có sẵn một bộ sưu tập siêu vũ khí đáng sợ, có khả năng làm được cả hai điều đó.
Ông ta có 5.977 đầu đạn hạt nhân – là kho dự trữ đầu đạn hạt nhân được xác nhận lớn nhất trên thế giới.
Để so sánh, Vương quốc Anh chỉ có 260.
Và ông đã nhiều lần khoe khoang về việc sử dụng vũ khí hạt nhân chống lại phương Tây nếu có ai can thiệp vào Ukraine.
Giáo sư Glees cũng cho rằng cảnh báo của Mỹ là một “bước đi rất thông minh” của Tòa Bạch Ốc dưới thời Tổng thống Biden khi cung cấp thông tin tình báo này không chỉ cho người Mỹ mà còn công khai nó với người Nga.
3. Zelenskiy cảnh báo chiến tranh 'có thể đến Âu Châu và Mỹ'
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã cảnh báo rằng Vladimir Putin sẽ đẩy cuộc chiến của Nga “rất nhanh” sang lãnh thổ NATO trừ khi ông ta bị chặn lại ở Ukraine.
Trong một cuộc phỏng vấn với CBS được công bố hôm nay, Zelenskiy thừa nhận rằng quân đội của ông chưa sẵn sàng để phòng thủ trước một cuộc tấn công lớn sắp xảy ra của Nga.
“Chúng tôi cần sự giúp đỡ ngay bây giờ”, nhà lãnh đạo Ukraine nói, nhấn mạnh sự cấp bách của việc cần có các hệ thống phòng thủ hỏa tiễn Patriot của Mỹ và thêm pháo binh.
Zelenskiy cảnh báo nếu Ukraine thua, Putin sẽ không dừng lại ở đó. Ông nói:
Hiện tại, đó là chúng tôi, sau đó là Kazakhstan, rồi các nước vùng Baltic, rồi Ba Lan, rồi Đức. Ít nhất một nửa nước Đức… Cuộc xâm lược này, và quân đội của Putin, có thể đến Âu Châu, và khi đó công dân Hoa Kỳ, binh lính Hoa Kỳ, sẽ phải bảo vệ Âu Châu vì họ là thành viên NATO.
Ông nói thêm rằng Ukraine rất biết ơn sự hỗ trợ của Hoa Kỳ “nhưng Hoa Kỳ không nên để chiến tranh tiếp diễn… vì chiến tranh có thể lan đến Âu Châu và Hoa Kỳ. Nó có thể đến Âu Châu rất nhanh.”
4. Video ghi lại khoảnh khắc bệ phóng hỏa tiễn của Nga bị phá hủy trong cuộc tấn công
Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Video Shows Moment Russian Rocket Launcher Destroyed In Strike”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.
Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv chiều Thứ Năm, 28 Tháng Ba, phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Ukraine, Chuẩn tướng Oleksii Hromov, đã công bố đoạn video ghi lại khoảnh khắc lực lượng nước này phá hủy bệ phóng hỏa tiễn của Nga trong một cuộc không kích.
Đoạn phim từ trên không được Bộ Quốc phòng Ukraine công bố hôm thứ Năm. Nó cho thấy RBU-6000 Smerch-2 của Nga, bệ phóng hỏa tiễn chống ngầm cỡ nòng 213 ly của Liên Xô, bị tấn công và tấn công, gây ra vụ nổ, hỏa hoạn và những đám khói lớn.
Chuẩn tướng Oleksii Hromov cho biết: “Sự phối hợp của Lữ đoàn pháo binh số 45 và Lữ đoàn Dù số 80: Bệ phóng hỏa tiễn RBU-6000 Smerch-2 đã bị phá hủy”.
Bộ Tổng tham mưu Lực lượng vũ trang Ukraine, nơi đưa ra ước tính về tổn thất về quân đội và thiết bị của Nga, cho biết trong một bản cập nhật hôm thứ Năm rằng Mạc Tư Khoa đã mất 32 hệ thống pháo binh, 10 xe tăng, 21 xe thiết giáp và hai hỏa tiễn hành trình chỉ trong một ngày trong cuộc xung đột đang diễn ra. chiến tranh.
Kyiv cũng cho biết Nga đã mất 780 binh sĩ trong 24 giờ qua, nâng tổng số lên 439.970.
Chỉ hơn một tuần trước, Kyiv cho biết số binh sĩ Nga thiệt mạng hàng ngày thường xuyên lên tới hơn 1.000 người.
Lực lượng Mạc Tư Khoa hiện đang tập trung tiến công ở khu vực Donetsk phía đông Ukraine sau khi đẩy lùi thành công lực lượng Kyiv khỏi thị trấn Avdiivka vào tháng 2 sau trận chiến kéo dài nhiều tháng. Cuộc chiến giành thành phố được mệnh danh là “máy xay thịt” do các trận chiến kéo dài diễn ra, gây ra số thương vong cao và tiêu tốn nguồn tài nguyên đáng kể.
Kể từ khi quân đội Kyiv rút khỏi thị trấn, nơi được mô tả là “cửa ngõ” dẫn đến thành phố Donetsk bị Nga tạm chiếm gần đó, Nga cho biết lực lượng của họ đã chiếm được một số thị trấn trong khu vực, bao gồm Nevelske, Orlivka, Krasnoye và khu định cư Ivanivske
Chuẩn tướng Oleksii Hromov cho biết quân Ukraine đã đẩy lùi 14 cuộc tấn công của Nga gần các khu định cư Berdychi, Semenivka và Nevelske ở khu vực Donetsk.
5. Pháp chặn trang web giả mạo tuyển quân cho chiến tranh Ukraine
Chính quyền Pháp đã phát hiện ra một trang web có nội dung tuyển dụng giả mạo các tình nguyện viên Pháp tham gia cuộc chiến ở Ukraine, Bộ Quốc phòng cho biết hôm thứ Năm, theo báo cáo của AFP.
Một nguồn tin chính phủ yêu cầu giấu tên nói với AFP rằng trang web này hiện đã bị các cơ quan của Pháp gỡ xuống mà không cung cấp thêm thông tin chi tiết về bản chất của hoạt động.
Trang web hiện không thể truy cập được cho biết 200.000 người Pháp đã được mời “nhập ngũ ở Ukraine”, ưu tiên những người nhập cư.
Bộ Quốc phòng Pháp cho biết một liên kết tới trang web - giống như cổng thông tin tuyển dụng thực sự của quân đội Pháp - đã được đăng trên X.
“Trang web này là một trang web giả mạo của chính phủ và đã được đăng lại bởi các tài khoản ác ý như một phần của chiến dịch thông tin sai lệch”.
Theo AFP, Bộ không nêu tên bất kỳ nghi phạm nào trong vụ giả mạo trang web, nhưng một quan chức chính phủ, phát biểu với điều kiện giấu tên, cho biết trang web này mang “dấu hiệu của một nỗ lực của Nga hoặc thân Nga như một phần của chiến dịch thông tin sai lệch tuyên bố rằng quân đội Pháp đang chuẩn bị đưa quân tới Ukraine”.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hồi tháng trước đã chọc giận giới lãnh đạo Nga bằng cách cứng rắn hơn về cuộc xung đột bị Nga tạm chiếm Ukraine, từ chối loại trừ việc gửi quân bộ binh và nhấn mạnh Âu Châu phải làm tất cả những gì cần thiết để đánh bại Nga.
Quan chức này cho biết, các ví dụ tương tự gần đây về các bài đăng thông tin sai lệch bao gồm hình ảnh các đoàn xe của quân đội Pháp được trình bày sai khi đang di chuyển về phía biên giới Ukraine.
Trang web giả mạo đã mời những tân binh tiềm năng liên hệ với “chỉ huy đơn vị Paul” để biết thông tin về việc gia nhập.
Bộ quốc phòng và các đơn vị mạng của chính phủ đang điều tra, nhân viên của Bộ nói với AFP.
Chính phủ Pháp gần đây đã tăng cường nỗ lực tố cáo và chống lại những gì họ cho là các chiến dịch gây bất ổn và thông tin sai lệch của Nga nhằm làm suy yếu sự ủng hộ của công chúng Pháp đối với Ukraine trong cuộc chiến chống lại Nga.
6. Máy bay không người lái FPV của Ukraine ngày càng nguy hiểm hơn
Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Ukraine's FPV Drones Are Getting More Lethal”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.
Ukraine đang nghiên cứu đội máy bay không người lái góc nhìn thứ nhất, gọi tắt là FPV, một trong những máy bay không người lái phổ biến nhất trong trận chiến với Nga trên không, để gây thêm thiệt hại cho các phương tiện bọc thép của Mạc Tư Khoa khi Kyiv phải vật lộn với kho đạn dược ngày càng cạn kiệt.
Ukraine cho biết họ đã phát triển loại đạn xuyên giáp, được gọi là EFP, tương thích với đội máy bay không người lái FPV của mình.
Theo truyền thông Ukraine, nó được thiết kế để chống lại các phương tiện quân sự được bọc thép, bao gồm xe thiết giáp chở quân hoặc xe chiến đấu bộ binh và pháo tự hành. Theo nguồn tin Ukraine, loại đạn này có thể di chuyển với tốc độ 1.800 mét/giây.
Chuyên gia quân sự David Hambling cho biết, đạn dạng nổ hay còn gọi là đạn xuyên giáp, gọi tắt là EFP, không phải là công nghệ mới mà là phiên bản của loại đạn xuyên giáp tiêu chuẩn.
Ông nói với Newsweek: “EFP xuyên qua lớp giáp ít hơn so với các loại điện tích có hình dạng khác, đó là lý do tại sao chúng ít phổ biến hơn”. “Tuy nhiên, chúng cung cấp tầm bắn xa hơn nhiều.”
Ưu điểm chính của loại đạn trên máy bay không người lái FPV của Ukraine nằm ở chỗ người điều khiển ở Kyiv có thể kích hoạt đạn từ xa. Ông nói thêm: “EFP cũng sẽ lao thẳng qua lồng hoặc lưới thường được sử dụng để bảo vệ phương tiện khỏi FPV”.
Máy bay không người lái FPV nhanh chóng trở thành biểu tượng cho những nỗ lực của Ukraine với máy bay không người lái. Chúng có thể được sử dụng để ghi lại các cảnh quay chiến trường đầy kịch tính, nơi máy bay không người lái lao về phía các phương tiện của Nga trước khi phát nổ hoặc được sử dụng làm công cụ trinh sát để hướng dẫn các cuộc tấn công bằng pháo binh.
Mykhailo Fedorov, Bộ trưởng Bộ Chuyển đổi Kỹ thuật số của Kyiv, nhà lãnh đạo các nỗ lực sử dụng máy bay không người lái của Ukraine chống lại Nga, nói với Newsweek vào tháng 12 rằng “đôi khi chúng hoạt động hiệu quả hơn cả pháo binh”.
Khi mối lo ngại ngày càng sâu sắc về kho dự trữ đạn dược khan hiếm của Ukraine, loại đạn EFP mới gắn trên máy bay không người lái FPV có thể giúp ích phần nào trong việc thu hẹp khoảng cách giữa các kho đạn dược của Ukraine và thực tế về số lượng đạn mà nước này cần.
Đạn dược đã nằm ở vị trí cao trong danh sách viện trợ mong muốn của Kyiv từ những người ủng hộ phương Tây, nhưng nguồn cung cấp của NATO đã cạn kiệt, đặc biệt là đạn pháo 155ly theo yêu cầu.
Trong suốt hơn 25 tháng chiến tranh, Ukraine đã chạy đua với Nga để phát triển các giải pháp máy bay không người lái cải tiến và Kyiv đã thống trị hoạt động sản xuất FPV vào đầu năm 2023.
Nga sau đó phản ứng bằng cách tăng cường các chương trình sản xuất của riêng mình. Trong khi đó, Kyiv đã tiến hành một số đợt gây quỹ để duy trì nguồn cung cấp máy bay không người lái giá rẻ nhưng quan trọng.
“Nhiều nỗ lực sản xuất của tình nguyện viên, nhà nước và liên kết của Nga đã thúc đẩy đáng kể quá trình phát triển FPV và vận chuyển số lượng lớn ra tiền tuyến,” Bendett trước đó đã nói với Newsweek, đồng thời cho biết thêm vào giữa tháng 12 rằng Nga có thể sẽ nhận được hàng chục ngàn máy bay không người lái FPV từ những nỗ lực này mỗi nước. tháng.
Một chỉ huy Ukraine cho biết vào giữa tháng 12 rằng các chiến binh của Kyiv chỉ có một máy bay không người lái FPV cho tối đa bảy máy bay không người lái FPV của Nga trong các khu vực chiến trường quan trọng ở miền đông và miền nam Ukraine.
Ukraine cho biết họ đang trên đà sản xuất hơn một triệu máy bay không người lái vào năm 2024, vượt mục tiêu do nhà lãnh đạo Ukraine Volodymyr Zelenskiy đặt ra vào cuối năm 2023.
7. Các nhà phân tích chiến tranh Nga-Ukraine tiết lộ kế hoạch đánh bại Putin
Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Russia-Ukraine War Analysts Reveal Plan to Defeat Putin”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.
Theo một phân tích mới, các nước phương Tây ủng hộ Ukraine cần khẩn trương tăng cường sản xuất quốc phòng, cung cấp thêm thiết bị quân sự cho Kyiv đồng thời chống lại việc Mạc Tư Khoa sử dụng cuộc chiến thông tin để giành chiến thắng ở Ukraine.
Viện Nghiên cứu Chiến tranh, gọi tắt là ISW, một cơ quan cố vấn của Mỹ, cho biết hôm thứ Năm: “Phương Tây có lợi thế, nhưng họ phải quyết định sử dụng nó”. “Tất cả những gì cần làm là đứng lên” và vận động ủng hộ nỗ lực chiến tranh của Ukraine.
ISW cho biết: “Huy động có nghĩa là tăng cường sản xuất quân sự, tiết kiệm nhiều hơn khả năng quân sự và tài sản kinh tế hiện có, đồng thời chấp nhận ngưỡng đau đớn và rủi ro cao hơn ngay bây giờ để tránh nhiều chi phí, đau đớn và rủi ro hơn trong tương lai”.
Nhiều nước phương Tây đã cam kết vũ trang và hỗ trợ Ukraine trong hơn 25 tháng Kyiv chống chọi với cuộc xâm lược toàn diện của Nga. Hoa Kỳ là nhà tài trợ viện trợ quân sự lớn nhất cho nỗ lực chiến tranh của Kyiv.
Tuy nhiên, một gói mới trị giá 60 tỷ Mỹ Kim đã bị trì hoãn trong nhiều tháng tại Quốc hội, gây nguy hiểm cho nguồn cung cấp đạn dược, hỏa tiễn, hệ thống phòng không và các tài sản quan trọng khác của Ukraine. Các chuyên gia cho rằng sự thiếu hụt đã đẩy Ukraine vào chân tường khi hạn chế các hoạt động chống lại Nga.
Những lo ngại về việc Ukraine có được trang bị đầy đủ hay không có thể sẽ trở nên tồi tệ hơn trong những tháng tới. Kyiv đã cảnh báo rằng Nga đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công mới vào khoảng cuối tháng 5 và vào mùa hè, và Mạc Tư Khoa đang có những bước tiến chậm nhưng ổn định ở miền đông Ukraine.
Các nhà phân tích phương Tây cho rằng Nga đang hy vọng làm cạn kiệt Ukraine và sự hỗ trợ của các đồng minh phương Tây trong một cuộc chiến tranh tiêu hao. Mặc dù chịu thương vong nặng nề và tổn thất thiết bị cao ngất trời, Mạc Tư Khoa đã huy động ngành công nghiệp của mình và đặt mình vào thế sẵn sàng chiến tranh để lấp đầy khoảng trống về nguồn cung.
Nga hiện đang dành khoảng một phần ba tổng sản phẩm quốc nội của mình cho quốc phòng, tung ra các xe tăng thay thế và bổ sung kho hỏa tiễn của mình.
Các chính phủ, quân đội và công ty phương Tây đã tăng cường sản xuất quốc phòng, đặc biệt tập trung vào loại đạn pháo 155 ly tiêu chuẩn NATO đang có nhu cầu cao ở Ukraine. Kho dự trữ của liên minh đã cạn kiệt khi gửi đạn 155 ly đến đất nước bị chiến tranh tàn phá.
Nhưng trong suốt cuộc chiến, các chính phủ phương Tây đã do dự trong việc dành nguồn lực vì lo ngại leo thang. ISW cho biết, việc Điện Cẩm Linh sử dụng “thao túng nhận thức” hoặc khiến những người ủng hộ Ukraine nhìn thế giới và cuộc xung đột theo một cách nhất định, có thể “cho phép Nga giành chiến thắng trong thế giới thực”.
“Nỗ lực chính của Điện Cẩm Linh là buộc Mỹ phải chấp nhận và đưa ra lý do dựa trên cơ sở của Nga để đưa ra những quyết định có lợi cho lợi ích của Nga chứ không phải lợi ích của chúng tôi”, tổ chức nghiên cứu này cho biết.
ISW cho biết Mỹ và các quốc gia khác ủng hộ Ukraine cần “thực hiện một số bước đi cụ thể và ngay lập tức”. Viện nghiên cứu cho biết các quốc gia này nên cung cấp cho Ukraine đủ viện trợ quân sự và các hỗ trợ khác cần thiết để Ukraine khôi phục khả năng cơ động trên chiến trường, cũng như tăng cường các cơ sở công nghiệp quốc phòng và sản xuất của họ ở Ukraine.
ISW cho biết phương Tây cũng nên giúp Ukraine khai thác những điểm yếu của quân đội Nga, chẳng hạn như Hạm đội Hắc Hải của nước này. Ukraine ước tính Nga có thể đã mất khoảng 1/3 Hạm đội Hắc Hải sau khi Kyiv tấn công thành công các tàu và căn cứ của nước này bằng hỏa tiễn và máy bay không người lái trong nhiều tháng xung đột.
ISW cho biết: “Nga không thể đánh bại Ukraine hoặc phương Tây - và có thể sẽ thua - nếu phương Tây huy động nguồn lực để chống lại Điện Cẩm Linh”.
8. Các biện pháp an ninh ở thủ đô Kyiv của Ukraine sẽ được thắt chặt sau một loạt các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn đạn đạo của Nga và các mối đe dọa leo thang.
Nga đã tiến hành các cuộc không kích phối hợp vào hệ thống năng lượng của Ukraine vào tuần trước, động thái mà Mạc Tư Khoa cho là một phần của loạt cuộc tấn công “trả thù” nhằm đáp trả việc Kyiv bắn phá các khu vực của Nga.
Kể từ đó, Mạc Tư Khoa đã tăng cường sử dụng hỏa tiễn đạn đạo, nhanh hơn nhiều so với hỏa tiễn hành trình thông thường và khó bắn hạ hơn, để tấn công các thành phố của Ukraine.
Reuters đưa tin Thượng Tướng Serhiy Popko, Thống Đốc Biệt khu Thủ đô Kyiv, cho biết một hội đồng phòng thủ thành phố sẽ xem xét việc tổ chức các sự kiện công cộng và tăng cường an ninh xung quanh các cuộc tụ họp lớn.
Ông cho biết quyết định này được đưa ra dựa trên những tuyên bố của Nga và việc quân đội Nga sử dụng hỏa tiễn để bắn trúng mục tiêu trong vòng vài phút sau khi được bắn.
Ông nói thêm rằng các điệp viên Nga “và các phần tử đối phương khác” có thể đang cố gắng xâm nhập vào thành phố.
“Tôi yêu cầu người dân Kyiv giữ bình tĩnh. Không sợ hãi. Chúng tôi đang sử dụng các biện pháp phòng ngừa để Kyiv và người dân được bảo vệ một cách đáng tin cậy”, ông nói.
9. Scholz của Đức cho biết ông đã không nói chuyện với Putin kể từ tháng 12 năm 2022
Tờ Politico có trụ sở ở Washington DC cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Germany’s Scholz says he hasn’t talked to Putin since December 2022”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.
Nhà lãnh đạo Nga “lo lắng về Corona virus” khi bắt thủ tướng Đức ngồi vào chiếc bàn dài khét tiếng trước khi ông phát động cuộc xâm lược Ukraine toàn diện.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã không nói chuyện với Putin kể từ tháng 12 năm 2022, ông tiết lộ trong một cuộc phỏng vấn được công bố hôm thứ Năm.
Scholz nói: “Cuộc điện thoại cuối cùng của chúng tôi là vào tháng 12 năm 2022 - trước đó chúng tôi thường nói chuyện thường xuyên hơn.”
Chỉ vài ngày trước khi Nga tiến hành cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine vào tháng 2 năm 2022, Scholz đã đến thăm Putin ở Mạc Tư Khoa, nơi họ ngồi tại một “chiếc bàn dài vĩnh cửu”, ông nhớ lại trong cuộc phỏng vấn hôm thứ Năm và nói thêm rằng Putin “lo lắng về Corona virus”.
Scholz nói rằng sau khi chiến tranh tổng lực bùng nổ, Đức và Ukraine đã cố gắng đàm phán nhưng Mạc Tư Khoa không nghiêm chỉnh. Scholz nói: “Các cuộc đàm phán thất bại vì Nga chỉ lấy đó làm cái cớ để điều động quân về phía đông để thực hiện một cuộc tấn công lớn cùng lúc”.
Thủ tướng Đức, người thường xuyên bị chỉ trích vì từ chối gửi hỏa tiễn tầm xa Taurus tới giúp Ukraine, tự bào chữa: “Chúng tôi phải làm mọi thứ có thể để bảo đảm chiến tranh không leo thang.”
“Đồng thời, Đức đang hỗ trợ Ukraine vũ khí và đạn dược nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác ở Âu Châu. Chúng tôi chi hơn 28 tỷ euro chỉ riêng cho việc này. Nhiều hơn nhiều quốc gia khác cộng lại.”
Cam kết rằng Đức sẽ “tiếp tục làm như vậy trong thời gian cần thiết”, ông nói thêm rằng Putin không nên trông chờ vào sự hỗ trợ dành cho Ukraine đang ngày càng cạn kiệt.
Scholz nói thêm rằng quyền kết thúc chiến tranh nằm trong tay Putin: “Hãy để tôi nói rõ một điều: hòa bình có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Putin chỉ cần dừng chiến dịch man rợ của mình và rút quân thôi”.
1. Giáo hội Nga tuyên bố cuộc chiến ở Ukraine bây giờ là 'Thánh chiến'
Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Ukraine Is Now 'Holy War,' Russian Church Declares”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.
Giáo hội Chính thống Nga đã thông qua một tài liệu coi cuộc xâm lược toàn diện của Vladimir Putin vào Ukraine là một “Thánh chiến”.
Tuyên bố được đưa ra trong một đại hội của Hội đồng Nhân dân Thế giới Nga, trong đó các nhân vật tôn giáo, chính trị và văn hóa trong nước gặp nhau tại địa điểm Nhà thờ Chúa Kitô Cứu thế ở Mạc Tư Khoa, một tâm điểm của đức tin Chính thống giáo ở Nga.
Nhà lãnh đạo Giáo hội Chính thống Nga, Thượng phụ Kirill, cũng là nhà lãnh đạo hội đồng và là đồng minh của Putin. Ông đã bị chỉ trích vì đưa ra lời biện minh mang tính tôn giáo cho cuộc chiến và không lên án một cách dứt khoát việc giết hại người dân ở Ukraine.
Vào tháng 2 năm 2022, Thượng phụ Kirill nói rằng Ukraine và Belarus là một phần của “thế giới Nga” và gọi những người Ukraine đang tự vệ trước sự xâm lược của Nga là “thế lực của tà ác”, coi cuộc chiến như một cuộc chiến vì tương lai của Kitô giáo.
“Từ quan điểm tinh thần và đạo đức, hoạt động quân sự đặc biệt là một cuộc Thánh chiến, trong đó Nga và người dân nước này đang bảo vệ không gian tinh thần duy nhất của nước Nga thần thánh”, tài liệu công bố hôm thứ Tư cho biết dưới tiêu đề “hoạt động quân sự đặc biệt”, đó là thuật ngữ chính thức của Điện Cẩm Linh để chỉ cuộc xâm lược.
Tài liệu nói tiếp rằng rằng cuộc chiến có mục tiêu “bảo vệ thế giới khỏi sự tấn công dữ dội của chủ nghĩa toàn cầu hóa và chiến thắng của phương Tây, vốn đã rơi vào tay Satan”.
Sau chiến tranh, “toàn bộ lãnh thổ của Ukraine hiện đại sẽ nằm trong vùng ảnh hưởng độc quyền của Nga”, tài liệu nói.
“Khả năng tồn tại của một chế độ chính trị bài Nga thù địch với Nga và người dân nước này trên lãnh thổ này, cũng như một chế độ chính trị được kiểm soát từ một trung tâm bên ngoài thù địch với Nga, cần phải được loại trừ hoàn toàn”, tài liệu nói thêm.
Các đại diện của Giáo Hội Chính thống giáo trên toàn cầu, chẳng hạn như Ủy ban Công vụ Chính thống giáo, gọi tắt là OPAC, có trụ sở tại Hoa Kỳ, đã lên án chiến tranh. Sau khi bắt đầu cuộc xâm lược của Putin vào ngày 24 tháng 2 năm 2022, Giáo hội Chính thống Ukraine đã cắt đứt quan hệ với Giáo hội Chính thống Nga.
Trong tháng này, nhà lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo Đông Phương Ukraine, Sviatoslav Shevchuk, nói với Newsweek rằng ở những nơi Nga đến Ukraine, “họ tiêu diệt tất cả các tôn giáo khác ngoài Giáo hội Chính thống Nga được kiểm soát tốt và được trang bị vũ khí”.
Đức Tổng Giám Mục Shevchuk nói: “Đối với quân xâm lược Nga, việc vũ khí hóa tôn giáo là một điều gì đó mới mẻ, là một học thuyết mới. Đó là lý do tại sao chính phủ Ukraine và xã hội tôn giáo Ukraine buộc phải tìm ra những cách khác nhau để bảo vệ chúng ta khỏi việc vũ khí hóa tôn giáo”.
Giáo hội mà ngài đứng đầu có sự hiệp thông hoàn toàn với Vatican và là giáo hội lớn thứ hai về đức tin Công Giáo sau Giáo hội Latinh. Ngài đã đến thăm Washington, DC trong tháng này để mô tả cho các nhà lập pháp Hoa Kỳ, những người đang cân nhắc việc cung cấp viện trợ thêm cho Kyiv, về mức độ phá hủy các tòa nhà tôn giáo do chiến tranh gây ra.
Viện Tự do Tôn giáo có trụ sở tại Kyiv cho biết vào tháng 2 năm 2023 rằng quân đội Nga đã phá hủy, làm hư hại hoặc cướp bóc ít nhất 494 tòa nhà tôn giáo, với con số ước tính ngày nay còn cao hơn nhiều.
Đức Tổng Giám Mục Shevchuk nói: “Đó cũng là một thách thức đối với giáo hội của tôi, không trở thành chiến binh”, đồng thời cho biết thêm rằng mục tiêu là “không rơi vào sự cám dỗ giống như Giáo hội Chính thống Nga đã rơi vào và trở thành một công cụ của hận thù.
Lúc 7g30 tối thứ Bẩy 30 tháng Ba, Lễ Vọng Phục Sinh đã được cử hành tại Đền Thờ Thánh Phêrô. Trong Thánh Lễ Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh rằng sự Phục Sinh của Chúa Kitô mời gọi chúng ta trải nghiệm niềm vui và sự ngạc nhiên vô cùng của những người phụ nữ chứng kiến ngôi mộ trống, đồng thời nói thêm rằng chúng ta được mời gọi để sống lại ân sủng của mình, cuộc gặp gỡ đầu tiên với Chúa để lớn lên trong đức tin và đức cậy.
Buổi cử hành bắt đầu bên trong lối vào của Đền Thờ Thánh Phêrô với nghi thức làm phép lửa, sau đó là cuộc rước nến trong khi ca đoàn hát bài Lumen Christi. Buổi lễ cũng bao gồm nghi thức rửa tội và thêm sức cho các tân tòng.
Đức Thánh Cha đã không đến tham dự buổi đi Đàng Thánh Giá trọng thể tại Hí Trường Côlôsêô vào phút chót. Chiếc ghế dành sẵn cho ngài đã được cất đi vào phút chót. Diễn biến này xảy ra sau khi Đức Thánh Cha đã bỏ qua bài giảng trong Chúa Nhật Lễ Lá. Tất cả những điều này đã gây ra những đồn đoán về tình trạng sức khoẻ của Đức Thánh Cha trong ngày Thứ Bẩy Tuần Thánh. Tuy nhiên, vào cuối ngày, Đức Thánh Cha đã có thể cử hành Lễ Vọng Phục sinh và tự ngài đọc bài giảng sau đây
Chúng ta hãy dừng lại và suy ngẫm về hai thời điểm này, những thời điểm đưa chúng ta đến niềm vui Phục Sinh bất ngờ. Những người phụ nữ lo lắng tự hỏi: Ai sẽ lăn tảng đá ra khỏi mộ giùm ta đây? Sau đó, nhìn lên, họ thấy nó đã được lăn qua một bên.
Đầu tiên, có một câu hỏi khiến tấm lòng đau buồn của họ bối rối: Ai sẽ lăn tảng đá ra khỏi mộ? Hòn đá đó đánh dấu sự kết thúc câu chuyện của Chúa Giêsu, giờ đây đã bị chôn vùi trong đêm tử thần. Ngài, là sự sống đến với thế giới, đã bị giết. Đấng loan báo tình yêu thương xót của Chúa Cha, đã không gặp được lòng thương xót. Ngài là Đấng đã giải thoát tội nhân khỏi gánh nặng án phạt, đã bị kết án trên thập tự giá. Hoàng tử Hòa bình, người đã giải thoát một người phụ nữ bị bắt ngoại tình khỏi bị ném đá dã man, giờ đây được chôn sau một tảng đá lớn. Hòn đá đó, một chướng ngại vật nặng nề, tượng trưng cho những gì người phụ nữ cảm thấy trong lòng. Nó tượng trưng cho sự kết thúc của những hy vọng của họ, giờ đây đã bị tiêu tan bởi bí ẩn u ám và u ám đã đặt dấu chấm hết cho những giấc mơ của họ.
Thưa anh chị em, điều đó cũng có thể xảy ra với chúng ta. Có những lúc chúng ta cảm thấy như có một tảng đá lớn chặn cửa trái tim mình, bóp nghẹt cuộc sống, dập tắt niềm hy vọng, giam cầm chúng ta trong nấm mồ của những sợ hãi và hối tiếc, và đứng chắn đường ngăn chặn niềm vui và hy vọng. Chúng ta gặp phải những “tấm bia mộ” như vậy trên hành trình cuộc đời của chúng ta trong mọi trải nghiệm và hoàn cảnh cướp đi lòng nhiệt tình và sức mạnh để kiên trì. Chúng ta gặp chúng vào những lúc đau buồn: trong sự trống rỗng do cái chết của những người thân yêu của chúng ta, trong những thất bại và sợ hãi khiến chúng ta không thể hoàn thành điều tốt mà chúng ta muốn làm. Chúng ta gặp chúng dưới mọi hình thức ích kỷ vốn bóp nghẹt động lực hướng tới lòng quảng đại và tình yêu chân thành của chúng ta, trong những bức tường cao su của sự ích kỷ và thờ ơ đang cản trở chúng ta trong nỗ lực xây dựng những thành phố và xã hội công bằng và nhân đạo hơn, trong mọi khát vọng của chúng ta cho nền hòa bình bị tan vỡ bởi lòng hận thù tàn khốc và sự tàn bạo của chiến tranh. Khi chúng ta trải qua những nỗi thất vọng này, phải chăng chúng ta cũng có cảm giác rằng tất cả những giấc mơ này đều sẽ thất bại, và chúng ta cũng nên tự hỏi mình trong đau khổ: “Ai sẽ lăn tảng đá ra khỏi mồ?”
Tuy nhiên, chính những người phụ nữ mang bóng tối này trong lòng đã kể cho chúng ta nghe một điều khá phi thường. Khi nhìn lên, họ thấy tảng đá rất lớn đã được lăn đi rồi. Đây là Cuộc Vượt Qua của Chúa Kitô, sự mặc khải về quyền năng của Thiên Chúa: sự chiến thắng của sự sống trên cái chết, sự chiến thắng của ánh sáng trên bóng tối, sự tái sinh của niềm hy vọng giữa đống đổ nát của thất bại. Chính Chúa, Thiên Chúa của những điều không thể, đã lăn hòn đá đi mãi mãi. Ngay cả bây giờ, Ngài vẫn mở cửa mồ của chúng ta để niềm hy vọng đó có thể được sinh ra một lần nữa. Vậy thì chúng ta cũng nên “ngước nhìn” Ngài.
Vậy chúng ta hãy nhìn lên Chúa Giêsu. Sau khi nhập vào nhân tính của chúng ta, Ngài đi xuống vực sâu của cái chết và đổ đầy chúng sức mạnh của sự sống thần thánh của Ngài, cho phép một tia sáng vô tận xuyên qua mỗi chúng ta. Được Chúa Cha cho sống lại trong xác thịt của Người và của chúng ta trong quyền năng của Chúa Thánh Thần, Người đã lật sang một trang mới trong lịch sử nhân loại. Từ nay trở đi, nếu chúng ta để Chúa Giêsu nắm tay mình, thì không có kinh nghiệm thất bại hay buồn phiền nào, dù đau đớn đến đâu, có thể có tiếng nói cuối cùng về ý nghĩa và số phận cuộc đời chúng ta. Từ nay trở đi, nếu chúng ta để mình được Chúa Phục Sinh nâng lên thì không có trở ngại nào, đau khổ nào, cái chết nào có thể ngăn cản bước tiến của chúng ta hướng tới sự sống viên mãn. Từ nay trở đi, “chúng ta là những người Kitô hữu tuyên bố rằng lịch sử này có ý nghĩa, một ý nghĩa bao trùm một ý nghĩa không còn bị vấy bẩn bởi sự phi lý và bóng tối, một ý nghĩa mà chúng ta gọi là Thiên Chúa. Tất cả dòng nước biến đổi của chúng ta hội tụ về Người; chúng không đổ xuống vực sâu của hư vô và phi lý. Vì ngôi mộ của Người trống rỗng và Đấng đã chết giờ đây đã được mạc khải là Đấng Hằng Sống.”
Anh chị em thân mến, Chúa Giêsu là Lễ Vượt Qua của chúng ta. Ngài là Đấng đưa chúng ta từ bóng tối ra ánh sáng, Đấng gắn bó với chúng ta mãi mãi, Đấng giải thoát chúng ta khỏi vực thẳm tội lỗi và sự chết, và kéo chúng ta vào cõi rạng ngời của sự tha thứ và sự sống đời đời. Chúng ta hãy ngước nhìn Người! Chúng ta hãy chào đón Chúa Giêsu, Thiên Chúa của sự sống, bước vào cuộc đời chúng ta và hôm nay một lần nữa thưa “xin vâng” với Người. Khi đó, không có tảng đá nào chặn đường đến trái tim chúng ta, không có ngôi mộ nào ngăn cản được niềm vui cuộc sống, không có thất bại nào khiến chúng ta phải tuyệt vọng. Chúng ta hãy hướng mắt lên Ngài và cầu xin quyền năng phục sinh của Ngài có thể lăn đi những tảng đá nặng nề đang đè nặng tâm hồn chúng ta. Chúng ta hãy hướng mắt lên Ngài, Chúa Phục sinh, và tiến bước trong sự chắc chắn rằng, trong bối cảnh mờ mịt của những hy vọng thất bại và cái chết của chúng ta, sự sống vĩnh cửu mà Ngài đến để mang lại vẫn hiện diện giữa chúng ta.
Thưa anh chị em, hãy để trái tim anh chị em vỡ òa niềm hân hoan trong đêm thánh này! Chúng ta hãy cùng nhau hát về sự phục sinh của Chúa Giêsu: “Hãy hát mừng Người, hỡi những vùng đất xa xôi, sông ngòi và đồng bằng, sa mạc và núi non. Hãy hát mừng Chúa của sự sống, Đấng đã sống lại từ trong mộ, rực rỡ hơn ngàn mặt trời. Tất cả các dân tộc bị bao vây bởi sự ác và bị bất công hoành hành, tất cả các dân tộc phải tản cư và bị tàn phá: trong đêm thánh này, các bạn hãy gạt bỏ những bài hát buồn bã và tuyệt vọng. Người đàn ông đau khổ không còn ở tù nữa: Người đã mở một lỗ thủng trên tường; Người đang vội vã đến gặp bạn. Trong bóng tối, vang lên một tiếng vui mừng bất ngờ: Ngài còn sống; Ngài đã sống lại! Và các bạn, các anh chị em của tôi, lớn nhỏ; anh chị em, những người mệt mỏi với cuộc sống, những người cảm thấy không xứng đáng được hát, hãy để một ngọn lửa mới được nhen lên trong trái tim anh chị em, hãy để sức sống mới được lắng nghe trong giọng nói của anh chị em. Đó là Lễ Vượt Qua của Chúa; đó là bữa tiệc của người sống.”