Ngày 20-03-2017
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Suy Niệm Chúa Nhật IV Mùa Chay – Năm A
LM. Anthony Trung Thành
10:27 20/03/2017
Suy Niệm Chúa Nhật IV Mùa Chay – Năm A

Chúng ta vừa nghe Thánh sử Gioan tường thuật lại phép lạ Đức Giêsu chữa người mù từ khi mới sinh. Chúng ta cùng nhau tìm hiểu thái độ của các nhân vật trong câu chuyện này.

1.Thái độ của Đức Giêsu:

Đức Giêsu là Đấng giàu lòng thương xót. Trong ba năm cuộc đời công khai, Ngài đã làm rất nhiều phép lạ để chữa lành những người bệnh hoạn tật nguyền. Có những phép lạ xảy ra do sự thỉnh cầu của con người. Nhưng cũng có những phép lạ xảy ra do chính Ngài chủ động đến với con người như phép lạ chữa cho người mù hôm nay. Câu chuyện phép lạ bắt đầu bằng sự thắc mắc của các môn đệ: "Thưa Thầy, ai đã phạm tội, anh này hay cha mẹ anh, khiến anh mù từ khi mới sinh?" (Ga 9,2). Và Đức Giêsu cho biết: "Không phải anh cũng chẳng phải cha mẹ anh đã phạm tội, nhưng để công việc của Thiên Chúa tỏ ra nơi anh." (Ga 9,3). Giải thích xong thắc mắc của các môn đệ, Đức Giêsu bắt đầu hành động để chữa lành cho anh mù. Tin mừng kể: “Người nhổ xuống đất, lấy nước miếng trộn thành bùn, rồi xoa bùn trên mắt người ấy và bảo: ‘Anh hãy đến hồ Silôê mà rửa.’ Anh ta ra đi và rửa, rồi trở lại thì trông thấy được.” (Ga 9,6-7).

Như vậy, phép lạ đã xảy ra, anh mù đã sáng mắt. Nếu câu chuyện kết thúc ở đây thì đã khá hoàn hảo. Nhưng lòng thương xót của Đức Giêsu còn muốn đi xa hơn. Đó chỉ là phép lạ chữa lành con mắt phần xác. Đức Giêsu còn tiếp tục đồng hành với người mù, giúp người mù sáng cả con mắt đức tin. Như vậy, Đức Giêsu đã thực hiện nơi người mù hai phép lạ cùng một thời điểm: Phép lạ sáng con mắt thể lý và phép lạ sáng con mắt đức tin.

2. Thái độ của người mù:

Bệnh mù lòa có thể do bẩm sinh, có thể do tai nạn hay một nguyên nhân nào đó. Người bị mù thì không thấy ánh sáng, không được nhìn ngắm cảnh đẹp của thiên nhiên, vẻ đẹp của người thân, không thấy đường đi, không thấy công việc để làm, giảm thiểu hạnh phúc của cuộc đời…Nên họ bị thiệt thòi về nhiều mặt. Ước mong lớn nhất của người mù là được sáng đôi mắt.

Người mù trong câu chuyện Tin mừng hôm nay đã mù từ thuở mới sinh. Chắc chắn anh ta ngày đêm mong muốn được sáng đôi mắt. Lòng mong muốn đó được đáp ứng khi anh gặp được Đức Giêsu. Hay nói đúng hơn là được Đức Giêsu gặp anh. Qua câu chuyện cho chúng ta thấy, Đức Giêsu đã đi bước trước để đến với anh. Ngài hành động và mời gọi anh làm theo ý của Ngài. Ngài nhổ xuống đất, lấy nước miếng trộn thành bùn, rồi xoa bùn trên mắt anh và bảo: "Anh hãy đến hồ Silôê mà rửa". Đó là một lời mời gọi của đức tin. Tin mừng cho biết: “Anh ta ra đi và rửa, rồi trở lại thì trông thấy được.”

“Ra đi và rửa rồi trở lại.” Đây là thái độ của sự vâng phục trong niềm tin. Nhờ thế mà anh được sáng con mắt. Sau đó, anh đã công khai làm chứng về Đức Giêsu: “Ngài là một tiên tri”(x. Ga 9,17); "Người mà thiên hạ gọi là Giêsu đã lấy bùn xức mắt tôi và bảo: Ngươi hãy đến hồ Silôê mà rửa. Bấy giờ tôi đi, tôi rửa và tôi trông thấy;”(Ga 9,25).

Khi những người biệt phái cho rằng Đức Giêsu "không phải bởi Thiên Chúa, vì không giữ ngày Sabbat," thậm chí họ kết án “Đức Giêsu là một kẻ tội lỗi" thì người mù còn khẳng định rằng: “Ông ấy có phải là người tội lỗi hay không, tôi không biết. Tôi chỉ biết một điều: trước đây tôi bị mù mà nay tôi nhìn thấy được!” (Ga 9,25). Rồi anh tiếp tục làm chứng: “Thiên Chúa không nhậm lời những kẻ tội lỗi; còn ai kính sợ Thiên Chúa và làm theo ý của Người, thì Người nhậm lời kẻ ấy” (Ga 9,31). Lời khẳng định đó đưa đến kết luận: Đức Giêsu là “người bởi Thiên Chúa mà đến” (Ga 9,33).

Đức tin của người mù còn thể hiện một cách mạnh mẽ ngay cả khi anh bị cha mẹ bỏ rơi. Sau này gặp lại Đức Giêsu, anh còn xác tín rằng: “‘Thưa Ngài, tôi tin.’ Rồi anh sấp mình xuống trước mặt Người” (Ga 9,38).

Tấm gương của người mù đáng cho mỗi người chúng ta học tập: Một đức tin vững mạnh, một đức tin can đảm trước những nghịch cảnh của cuộc sống.

3. Thái độ của những người Biệt phái:

Sau khi Đức Giêsu chữa lành cho người mù, những người Biệt phái đã mở một cuộc điều tra nhằm lên án Đức Giêsu, phủ nhận phép lạ Ngài vừa làm. Đây là một thái độ kiêu căng, thể hiện một sự ghen tương không muốn chấp nhận sự thật, không nhìn thấy quyền năng của Thiên Chúa đang thể hiện trước mắt họ. Thậm chí, vì cái nhìn mù quáng nên họ còn muốn kết án Đức Giêsu là người tội lỗi. Họ ghét Đức Giêsu nên họ ghét luôn cả những người có liên hệ, cụ thể là họ ghét luôn cả người mù. Người mù đã trở thành nạn nhân của họ (x. Ga 9,34). Vì thế, họ tìm cách gây áp lực và làm khó dễ cho anh ta. Họ sáng con mắt phần xác nhưng lại mù quáng con mắt thiêng liêng. Mặc dầu vậy, họ còn tự hào là mình rằng “chúng tôi thấy.” Chính vì thế, lời quả quyết của Đức Giêsu thể hiện đúng bản chất của họ: “Nếu các ông đui mù, thì các ông đã chẳng có tội. Nhưng giờ đây các ông nói rằng: ‘chúng tôi thấy,’ nên tội các ông vẫn còn đó” (Ga 9,41)

Trong cuộc sống hôm nay cũng có nhiều người giống như những người biệt phái này. Họ không làm việc lành, trái lại có ai đó làm việc lành thì họ lại ngăn cản hoặc tìm cách bóp méo sự thật, thậm chí còn bỏ vạ, cáo gian, kết án người vô tội.

4. Thái độ của cha mẹ người mù:

Trước sự rắc rối mà chính con mình gặp phải đáng lý ra hai ông bà phải đứng ra bệnh vực cho con. Đằng này, hai ông bà lại lẫn trốn trách nhiệm không dám nói lên sự thật mà còn đùn đẩy cho con: “Nó khôn lớn rồi, xin các ông cứ hỏi nó.”(Ga 9,23). Chính Tin mừng đã cho chúng ta biết lý do vì sao cha mẹ anh ta lại nói như thế: “Cha mẹ anh ta nói thế bởi sợ người Do-thái, vì người Do-thái đã bàn định trục xuất khỏi hội đường bất cứ ai dám công nhận Chúa Giêsu là Ðấng Kitô.”(Ga 9,22). Đây là một thái độ cầu an nên thiếu trách nhiệm với con mình.

Trong cuộc sống hôm nay, cũng có rất nhiều người sống thiếu trách nhiệm không chỉ đối với con cái mà còn đối với Giáo Hội và xã hội. Nhiều người cha người mẹ không dám nhận con cái mình vì sợ phải nuôi nấng chăm nom, vì thế chúng ta hiểu tại sao có nhiều người cha người mẹ đành bỏ rơi con cái, thậm chị giết hại con cái ngày từ trong lòng mẹ. Nhiều người con cái không dám nhận cha mẹ mình vì cha mẹ nghèo đói, bệnh tật. Nhiều người không dám đứng lên bênh vực cho công lý và sự thật vì sợ liên lụy đến mình và gia đình mình, sợ ảnh hưởng đến miếng cơm manh áo.

Vì thế, cảnh bất công, người công chính bị trù dập, việc tốt việc lành bị bóp méo vẫn còn nhan nhãn trong xã hội chúng ta đang sống.

5. Thái độ sống của chúng ta hôm nay?

Suy niệm về thái độ của Đức Giêsu, của người mù, của những người biệt phái và của cha mẹ anh mù, chúng ta thử đối chiếu với thái độ sống của chúng ta như thế nào?

Có khi nào chúng ta sẵn sàng đến để giúp đỡ những người xấu số như Đức Giêsu đã giúp đỡ cho người mù không? Chúng ta có bênh vực cho những người gặp rắc rối trong đức tin như Đức Giêsu bênh vực cho người mù không?

Có khi nào chúng ta can đảm bênh vực cho Chúa, cho Giáo Hội và cho niềm tin của mình giữa thử thách gian nan như người mù không?

Có khi nào chúng ta kiêu ngạo, ghen tuông nên tìm cách từ chối sự thật, thậm chí còn bỏ vạ cho người tốt không?

Có khi nào chúng ta sợ liên lụy đến mình, gia đình mình hay thiệt thòi về của cải vật chất…nên thiếu trách nhiệm với những người thân yêu của chúng ta như cha mẹ của người mù không?

Lạy Chúa, chúng con cảm tạ Chúa vì chúng con không bị mù con mắt thể lý. Nhưng xét mình lại có lẽ nhiều lúc chúng con vẫn bị mù về con mắt tinh thần. Xin Chúa giúp chúng con biết làm theo lời Chúa dạy để chúng con được luôn sáng con mắt đức tin, con mắt tinh thần. Amen.

Lm. Anthony Trung Thành
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đại Hội đồng Giám Mục và thư của Đức Giáo Hoàng gởi cho giới trẻ.
Pt Huỳnh Mai Trác
00:12 20/03/2017

Các bạn trẻ, Cha hân hoan loan báo sẽ có Đại Hội đồng Giám Mục về đề tài “giới trẻ, đức tin và ơn gọi”. Cha muốn các con chú ý về vấn đề này vì các con luôn ở trong tâm khảm của Cha.

Lời Chúa phán cùng Abram đến trong tâm trí của Cha : Hãy rời quê hương của ngươi, cha mẹ và nhà cửa của cha ngươi, đến xứ sở mà ta sẽ ban cho ngươi” (KN 12,1ha). Những lời này hôm nay nhắn nhủ đến các con như lời của một Người Cha mời gọi các con bước ra khỏi chính mình để dấn thân vào một tương lai vô định nhưng chắc chắn sẽ thực hiện được, một tương lai mà Chúa luôn đồng hành với các con.

“Cha mời gọi các con hãy lắng nghe tiếng Chúa vang vọng trong tim của các con qua hơi thở của Chúa Thánh Thần. Khi Chúa phán cùng Abram “hãy lìa khỏi nơi này!” Chúa muốn nói gì cùng Abram? Chắc chắn không phải là rời bỏ những người thân hay là thế giới này. Đây là một lời mời gọi rất mạnh mẽ, một thách đố, là từ bỏ tất cả mọi sự để đến một vùng đất mới.

“Vùng đất mới của chúng ta hôm nay là gì? Phải chăng là một xã hội công bằng và đầy nhân tính huynh đệ mà các con hằng ước mơ mà các con muốn thực hiện khắp mọi nơi trên thế giới?

. . .”Cha ước mong các con nhớ lại lời Chúa Giê su nói với các môn đệ khi các ngài hỏi Chúa:“Thưa Thầy, Thầy ở đâu? Chúa đã đáp lại: “Hãy đến và sẽ thấy” (Jn1,38,39)

“Giáo Hội cũng muốn lắng nghe tiếng của các con, tình cảm của các con, đức tin cũng như những nghi ngờ và những lời chỉ trích của các con. Hãy nói lên tiếng nói của các con làm vang vọng trong các cọng đoàn và lên đến các vị chủ chăn. Thánh Biển Đức khuyên các viện trưởng hãy lắng nghe những người trẻ khi có những quyết định quan trọng, bởi vì Chúa thường cho giới trẻ biết nhiều điều tốt đẹp hơn cả” (Luật BĐ 3,3).
“Bởi vậy, trong hướng đi của Đại Hội đồng Giám Mục, các Giám Mục và cha mong muốn là những cọng tác viên trong niềm vui của các con (cf.2 Co1,24). Cha phú thác các con trong tay Đức Bà Maria: một người trẻ mà Chúa đã quay lại nhìn âu yếm, và xin Mẹ dẫn dắt với niềm vui ”này con đây” hoàn toàn tin tưởng và phú thác. Cha yêu quý của các con. (nguồn: VIS).PT Huỳnh Mai Trác trích dịch
 
Hàng Trăm Ngàn Tín Hữu Phương Đông Bị Tổ Chức Hồi Giáo Cực Đoan Daech Bách Hại
Lê Đình Thông
08:52 20/03/2017
Hàng Trăm Ngàn Tín Hữu Phương Đông Bị Tổ Chức Hồi Giáo Cực Đoan Daech Bách Hại

Pháp Tấn Xã (AFP) trích thuật nguồn tin của nhà báo Frédéric Pons cáo giác ‘‘tổ chức hồi giáo cực đoan Daech xâm hại nhân phẩm hàng ngàn phụ nữ Công Giáo’’. Sau khi đã điều tra tại chỗ, nhà báo Pons kết luận : Daech phạm tội diệt chủng trong thế kỷ 21. Báo cáo gửi tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International) đã ghi rõ từng trường hợp bắt cóc, tra tấn, xử tử man rợ phụ nữ nhằm tiêu diệt đạo Công Giáo tại vùng Trung Cận Đông.

Hai tổ chức phi chính phủ (ONG) hoạt động nhân đạo cùng soạn thảo một báo cáo gửi cựu ngoại trưởng John Kerry. Như vậy các nước Âu Mỹ không thể nói là không biết được. Daech đã hãm hiếp hàng ngàn phụ nữ Công Giáo. Báo cáo ghi rõ trong năm 2014 có 126 ngôi thánh đường bị tấn công, 1131 tín hữu bị hạ sát. Linh mục Patrick Dubois cho biết Daech đã áp dụng chính sách diệt chủng không khác gì Đức Quốc Xã. Hài nhi vừa sinh ra là bị cách ly khỏi người mẹ Công Giáo, giao cho phụ nữ hồi giáo nuôi nấng để sau này gia nhập đội ngũ khủng bố. Các thiếu nữ Công Giáo bị bắt cóc, sau khi bị kiểm tra trinh tiết bị giao cho các tên đồ tể đạo hồi làm nhục, hoặc bán đi với giá 60 euros cho một thiếu phụ 30-40 tuổi, 160 euros cho một trẻ em từ 1 đến 9 tuổi.

Một phụ nữ cho biết : ‘‘Chỉ riêng sáng nay, tôi bị hãm hiếp 30 lần. Xin các ông dội bom cứu chúng tôi với !’’ Nhà báo Pons cho biết 3 phần 4 những người bị bách hại vì lý do tôn giáo. Trong số 60 nước hồi giáo, 200 triệu người không được phép giữ đạo Công Giáo, mỗi năm có khoảng 100 ngàn tín hữu tử vì đạo. Mỗi ngày có hơn 270 tín hữu bị tàn sát.

Giáo Xứ Paris, ngày 20/03/2017

Lê Đình Thông
 
ĐGH Phanxicô nói tình yêu chân thật phải bắt nguồn từ Thiên Chúa.
Giuse Thẩm Nguyễn
15:28 20/03/2017
ĐGH Phanxicô nói rằng tình yêu chân thật phải bắt nguồn từ Thiên Chúa.

(EWTN News/CNA) Vào hôm thứ Tư ngày 15 tháng Ba, trong buổi tiếp kiến chung các khách hành hương tại Quảng Trường Thánh Phêrô, ĐGH đã cảnh báo chống lại quan niệm đạo đức giả cho rằng chúng ta có khả năng để yêu người khác một cách chân thật bằng chính những cố gắng hay sự tốt lành của chúng ta mà quên rằng khả năng đó chính là món quà và luôn là món quà đến từ Thiên Chúa.

“Chúng ta được mời gọi để yêu thương, để bác ái. Đây là lời mời gọi cao quý nhất, tuyệt vời nhất của chúng ta. Nhưng làm sao chúng ta dám quả quyết rằng tình yêu của chúng ta là chân thật, lòng bác ái của chúng ta không vị lợi?

Đằng sau những việc kia có thể hàm chứa một lối đạo đức giả khi chúng ta nói, chúng ta yêu bởi vì chúng ta tốt lành như thể là việc bác ái ấy là do chúng ta tạo nên, một sản phẩm của con tim mình. Nhưng thực ra, bác ái trước hết và trên hết là một ân sủng, một món quà; biết yêu thương là món quà của Thiên Chúa mà chúng ta cầu xin, và Chúa đã ban cho chúng ta theo ý của Ngài.

Biểu lộ tình yêu thương đối với tha nhân không phải là cái gì đó để đánh bóng mình hay nhắm mục đích gì, nhưng để phản ánh rõ nét khuôn mặt của Thiên Chúa và những hồng ân Ngài thương ban cho chúng ta.

Và cách duy nhất chúng ta có thể biểu lộ tình yêu với tha nhân là việc đầu tiên chúng ta gặp được dung nhan dịu dàng và nhân hậu của Chúa Giêsu. Nếu không gặp được Chúa, thì những việc bác ái của chúng ta có nguy cơ là một sự đạo đức giả.

ĐGH đã chia sẻ đoạn tin mừng trích từ thư của Thánh Phaolô gởi tín hữu Roma “Hãy yêu chân thành, gớm ghiếc điều dữ, tha thiết với điều lành. Thương mến nhau trong tình huynh đệ, coi người khác trọng hơn mình. Hãy nhiệt thành, không trễ nải; lấy tinh thần sốt sắng mà phục vụ Chúa. Hãy vui mừng vì có niềm hy vọng, cứ kiên nhẫn lúc gặp gian truân và chuyên cần cầu nguyện. Hãy chia sẽ với những người trong dân thánh đang lâm cảnh túng thiếu và ân cần tiếp đã khách đến nhà.”

ĐGH nói rằng chúng ta không dễ gì để thực hiện những lời khuyên này. Việc nhắc lại lời của Thánh Phaolô hôm nay không có nghĩa là để chúng ta buồn trách về những lần chúng ta đã sa ngã hay không sống với những huấn lệnh đó. Thực ra những lời này là một ân huệ giúp chúng ta nhận ra rằng tự bản thân mình chúng ta không thể có tình yêu trọn vẹn, nhưng chúng ta cần Chúa tiếp tục canh tân món quà này trong lòng chúng ta qua việc trải nghiệm lòng thương xót vô bờ của Ngài.

Thánh Phalô mời gọi chúng ta nhận biết mình là kẻ có tội và vì thế cách yêu thương của chúng ta cũng vương tội lỗi. Tuy nhiên ngài cũng cho chúng ta một hy vọng là : Thiên Chúa luôn mở ra cho chúng ta con đường giải thoát, con đường cứu độ.”

Trên hết mọi sự là chúng ta có niềm hy vọng bởi vì ngay cả khi chúng ta thất bại chúng ta biết rằng “Thiên Chúa không bao giờ thất bại” và nếu chúng ta cầu xin thì Ngài sẽ ban ơn để chúng ta có thể yêu trọn vẹn hơn.

Thiên Chúa Phục Sinh đang sống với chúng ta…để chữa lành tâm hồn chúng ta. Nếu chúng ta cầu xin thì Ngài sẽ thực hiện. Chính Thiên Chúa là Đấng cho phép chúng ta, mặc dù thân phận nhỏ bé và nghèo hèn, cảm nhận được tình thương của Chúa Cha và để vui mừng với sự tuyệt vời của tình yêu Thiên Chúa.

Thực ra, Thiên Chúa đang sống với chúng ta và ở trong tâm hồn mỗi người chúng ta để tiếp tục gần gũi và phục vụ những người chúng ta gặp gỡ mỗi ngày trên hành trình đức tin.

Khi chúng ta mở lòng đón Chúa ngự vào tâm hồn mình là chúng ta được ngụp lặn trong tình yêu của Chúa và chỉ như vậy thôi chúng ta mới có thể thực hiện giới răn của Ngài là “trở thành công cụ yêu thương của Thiên Chúa.”

Và như thế chúng ta sẽ nhận ra giá trị của những việc nhỏ, đơn giản và bình thường; và chúng ta mới có thể yêu tha nhân như Chúa yêu, mong ước cho họ những điều tốt lành; coi là những vị thánh, bạn của Thiên Chúa.

Kết thúc bài chia sẻ ĐGH đã nói rằng làm được như vậy, chúng ta sẽ cảm thấy “hạnh phúc khi có cơ hội đến với người nghèo khổ, thấp hèn, như Chúa Giêsu đến với mỗi người chúng ta khi chúng ta lạc đường, để cúi xuống với người anh em mình, như người Samaritan Nhân Lành, đã yêu thương chúng ta với lòng xót thương và tha thứ của Ngài.”

Giuse Thẩm Nguyễn
 
TV Thời Sự Giáo Hội và Thế Giới Ngày Nay 19/3/2017
VietCatholic Network
16:38 20/03/2017
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây


Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô. VietCatholic xin kính chào quý vị và anh chị em trong tình yêu thương của Chúa Kitô và Mẹ Maria. Kính thưa quý vị và anh chị em, chương trình Truyền Hình của chúng tôi hôm nay gồm có các tin chính như sau:

1- Mùa Chay là dịp tốt để nhìn ra gương mặt Chúa nơi tha nhân đau khổ.

2- ĐTC xác định tiêu chuẩn "cha “giải tội tốt”.

3- ĐGH Phanxicô chào đón khách hành hương Trung Quốc trong khi cảnh vệ cố tình ngăn cản họ.

4- Nhận định của ĐHY Vincent Gerard Nichols về việc truyền chức linh mục cho người có gia đình.

5- Các nhà lãnh đạo tôn giáo Triều Tiên kêu gọi tránh xung đột sau quyết định của Toà án truất phế bà Park.

6- Myanmar và Vatican thiết lập quan hệ ngoại giao.

7- Giám mục Giorgio Bertin nói về cuộc khủng hoảng do nạn đói ở Somalia.

8- Các Giám mục Bolivia chống dự luật cho phép phá thai vì nghèo khổ.

9- Tòa Âu Châu phán quyết: Việc cấm khăn che mặt của người Hồi Giáo nơi làm việc là không kỳ thị.

10- Thánh Ca Mùa Chay: Trên Đỉnh Đồi Xa.

Sau đây là phần tin chi tiết:

- Mùa Chay là dịp tốt để nhìn ra gương mặt Chúa nơi tha nhân đau khổ.

Thời gian Mùa Chay là dịp tốt giúp đến gần Chúa Giêsu, gặp gỡ Ngài trong lời cầu nguyện, trong đối thoại thân tình, tim kề tim, nói chuyện với Ngài, lắng nghe Ngài; nó là dịp tốt giúp trông thấy gương mặt của Ngài cả nơi gương mặt của một người anh chị em đau khổ. ĐTC Phanxicô đã nói như trên với hàng chục ngàn tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi đọc Kinh Truyền Tin chung trưa Chúa Nhật hôm qua, 19/3/2017, tại Roma.

Mở đầu bài huấn dụ ngài nói: Tin Mừng Chúa Nhật thứ ba mùa Chay hôm nay giới thiệu với chúng ta cuộc đối thoại của Chúa Giêsu với người đàn bà xứ Samaria (x. Ga 4,5-42). Cuộc gặp gỡ xảy ra trong khi Chúa Giêsu đi ngang qua Samaria, nơi dân cư bị người Do thái khinh rẻ. Chúa Giêsu đến bên cạnh một cái giếng để xin nước uống từ một phụ nữ đến kín nước. Và từ lời xin này bắt đầu một cuộc đối thoại. “Làm sao một người Do Thái mà lại hạ cố xin điều gì đó từ một phụ nữ Samaria?” Chúa Giêsu trả lời: nếu chị biết tôi là ai và ơn tôi cho chị, thì chị sẽ là người xin, và tôi sẽ cho chị “nước hằng sống”, một nước thoả mãn mọi cái khát, và trở thành suối nguồn không thể cạn trong con tim người uống nó (cc. 10-14). Khi người đàn bà nhận ra rằng người đang nói là một ngôn sứ, chị tín thác cuộc sống riêng tư cho ngài, và đặt ra các câu hỏi tôn giáo… Bà bị đánh động bởi lòng tôn trọng lớn lao mà Chúa Giêsu có đối với mình và khi Ngài nói với bà về lòng tin đích thực như là tương quan với Thiên Chúa Cha “trong tinh thần và trong chân lý”. Bà trực giác được rằng người đó có thể là Đấng Cứu Thế, và Chúa Giêsu xác nhận: “Chính Ta, là người đang nói với chị” (c. 26) - đây là điều rất hiếm.

ĐTC nói tiếp trong bài huấn dụ: Anh chị em thân mến, nước trao ban sự sống vĩnh cửu đã được đổ tràn đầy trong tim chúng ta trong ngày chúng ta lãnh bí tích Rửa Tội; khi đó Thiên Chúa đã biến đổi chúng ta và làm cho chúng ta tràn đầy ơn thánh Ngài. Thời gian Mùa Chay này là dịp tốt để tiến tới gần Ngài, gặp gỡ Ngài trong lời cầu nguyện, trong một cuộc đối thoại tim kề tim, nói chuyện với Ngài, lắng nghe Ngài; nó là dịp tốt để trông thấy gương mặt của Ngài nơi gương mặt của một người anh chị em đau khổ. Như thế chúng ta có thể canh tân trong chúng ta ơn thánh của Bí tích Rửa Tội, giải khát nơi suối nguồn Lời Chúa và của Thần Khí của Ngài, và như vậy cũng khám phá ra niềm vui trở thành tác nhân của hoà giải và dụng cụ của hoà bình trong cuộc sống thường ngày.

Sau khi đọc Kinh Truyền Tin và ban phép lành tòa thánh cho mọi người, ĐTC đã bày tỏ tình liên đới với nhân dân Peru bị lũ lụt tàn phá. ĐTC cũng đã chào các tín hữu cùng khách hành hương đến từ nhiều nơi trong Italia và trên thế giới, và xin mọi người đừng quên cầu nguyện cho Ngài.

- Đức Thánh Cha xác định tiêu chuẩn cha “giải tội tốt”.

ĐTC nhắn nhủ các cha giải tội gắn bó với Chúa Kitô qua kinh nguyện, biết phân định và ý thức rằng tòa giải tội chính là nơi loan báo Tin Mừng. Ngài đưa ra lời nhắn nhủ trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 17/3/2017 dành cho 700 người gồm các LM trẻ và chủng sinh sắp thụ phong LM tham dự khóa học về bí tích giải tội do Tòa Ân Giải tối cao tổ chức trong những ngày qua.

Trong bài huấn dụ, ĐTC khai triển 3 điều kiện để trở thành cha “giải tội tốt”:

- Trước tiên phải là người bạn đích thực của Chúa Giêsu Mục Tử nhân lành. Điều này trước tiên có nghĩa là phải vun trồng đời sống cầu nguyện, luôn cầu xin Chúa ơn bác ái mục tử, ơn có khả năng hiểu những vết thương của người khác để chữa lành, ơn khiêm tốn, và luôn xin ơn Thánh Linh là Thánh Thần Phân Định và cảm thương.

- Tiếp đến, cha giải tội tốt là người của Thánh Linh, người biết phân định. Cha giải tội không dạy đạo lý riêng của mình, nhưng luôn luôn thực thi thánh ý Chúa, trong niềm hiệp thông trọn vẹn với Giáo Hội.

- Sau cùng, ĐTC nói, cha giải tội tốt là người ý thức rằng tòa giải tội cũng là nơi thực sự để loan báo Tin Mừng. Thực vậy, không có sự loan báo Tin Mừng nào chân chính hơn là cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa từ bi thương xót.

Tòa Giải tội cũng là nơi huấn luyện. Tuy cuộc đối thoại giữa cha giải tội với hối nhân thường ngắn ngủi, nhưng Cha giải tội được kêu gọi phân định xem đâu là điều hữu ích nhất và đâu là điều cần thiết cho hành trình thiêng liêng của anh chị em đến xưng tội. Đôi khi cần phải tái loan báo cho họ những chân lý sơ đẳng nhất của đức tin, những nền tảng của đời sống luân lý, luôn ở trong tương quan với sự thật, sự thiện và thánh ý Chúa.

- ĐGH Phanxicô chào đón khách hành hương Trung Quốc trong khi cảnh vệ cố tình ngăn cản họ.

ĐGH Phanxicô đã chào đón và chúc lành cho một nhóm khách hành hương đến từ Trung Quốc khi họ bước qua hàng rào cản để đến với ngài trong buổi tiếp kiến chung vào hôm thứ Tư 15 tháng 3 vừa qua. Trong số những người chen lấn, có những người đã quỳ gối để đến với ĐGH, tay cầm cờ Trung Quốc và giữa tiếng khóc nức nở, họ đã xin ĐGH làm phép một tượng Đức Mẹ Fatima mà họ đã mang theo vào Quảng Trường Thánh Phêrô.

Lúc đầu, các Cảnh Vệ Thụy Sĩ đã ngăn cản không cho họ đến gần ngài, nhưng ĐGH đã kịp thời can thiệp. Ngài đã dành vài phút tiếp chuyện với nhóm hành hương và dành thời gian cho các em nhỏ có mặt trong nhóm.

Được biết Trung Quốc chỉ cho phép sinh hoạt Công Giáo đối với cái gọi là Hội Công Giáo Yêu Nước, một công cụ của Đảng Cộng Sản Trung Quốc và bác bỏ quyền của Tòa Thánh Vatican trong việc bổ nhiệm các giám mục cũng như cai quản các ngài. Giáo Hội Công Giáo trung thành với ĐGH không phải là hoàn toàn bí mật, nhưng luôn phải đối diện với khó khăn, chống đối liên tục từ phía nhà nước.

Liên hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Tòa Thánh Vatican đã bị cắt đứt vào năm 1951, hai năm sau khi Đảng Cộng Sản nắm quyền và trục xuất các giáo sĩ ngoại quốc. Trong những năm gần đây, với thiện ý của ĐGH Phanxicô, Tòa Thánh đang cố gắng tìm một giải pháp để tái lập ngoại giao với Trung Quốc.

- Nhận định của ĐHY Vincent Gerard Nichols về việc truyền chức linh mục cho người có gia đình.

Ngày 11 tháng 3 vừa qua, tổ chức thanh niên Công Giáo CYM Events và Hội đồng Giám mục Anh và xứ Wales tổ chức đại hội “Flame 2017” (Ngọn lửa 2017) tại sân vận động Wembley ở Luân đôn, thủ đô Anh quốc, với sự tham dự của gần 10 ngàn người trẻ. Chủ đề của đại hội là “10 ngàn lý do”, khuyến khích người trẻ là một phần của 10 ngàn lý do để tin, để hy vọng và cầu nguyện.

Trong dịp này, ĐHY Vincent Gerard Nichols, TGM giáo phận Westminster và cũng là Chủ tịch HĐGM Anh và xứ Wales đã trả lời một cuộc phỏng vấn dành cho tờ báo tiếng Đức Die Zeit, trong đó ngài đã có những nhận định về việc ĐGH Phanxicô nói rằng: Giáo Hội nên xét xem Chúa Thánh Thần có đang yêu cầu các linh mục kết hôn không.

Theo ĐHY, truyền thống vững chắc về luật độc thân của linh mục không thay đổi, dù cho ĐGH Phanxicô nói rằng Giáo Hội nên suy tư về việc truyền chức cho những người có gia đình. ĐHY nghĩ rằng ý kiến của ĐGH cho thấy ngài có một tinh thần cởi mở với những soi sáng của Chúa, và ĐHY nghĩ là ĐGH muốn nói đến một sự cởi mở để tìm ra các giải pháp. ĐGH không nói là “tôi muốn có các Linh mục kết hôn, tôi muốn các nữ phó tế… (mà) Ngài đang nói “chúng ta đừng sợ!” ĐHY khen ngợi đường hướng cởi mở này, nó cho thấy ĐGH là nhà lãnh đạo tốt, ngài đưa ra điều tốt nhất cho dân, trái ngược với những lãnh đạo kém cỏi, nói về sợ hãi.

Theo ĐHY Nichols, dù đã có một số người kết hôn làm linh mục ở Anh, điều đó không có nghĩa là nó là một luật phổ biến. Ngài nói: “Tôi nghĩ truyền thống về một linh mục, đến và dâng hiến trọn cuộc đời cho Giáo Hội rất có ý nghĩa đối với những người trên đường phố. Họ nói: ‘đó là linh mục của chúng ta. Không của ai khác. Đó là của chúng ta’. Họ biết linh mục ở đó là vì họ.”

- Các nhà lãnh đạo tôn giáo Triều Tiên kêu gọi tránh xung đột sau quyết định của Toà án truất phế bà Park.

Các nhà lãnh đạo Công Giáo, Tin Lành và Phật giáo đang yêu cầu dân chúng Triều Tiên đoàn kết và tôn trọng bản án của Toà án Hiến pháp về việc biểu quyết buộc tội Tổng thống Park Geun-hye. Bà Park đã bị Quốc hội tố cáo vào tháng 12 năm ngoái, vì cho phép bạn của bà ta là Choi Soon-sil, can thiệp vào công việc của quốc gia để để quyết định các chính sách và bổ nhiệm các viên chức, nhận hối lộ hàng triệu đô la đút lót từ các công ty Triều Tiên để họ được quyền lợi về mặt pháp luật.

Toà đã tuyên án và Park bị truất quyền Tổng thống, trong vòng hai tháng quốc gia sẽ chuẩn bị cho cuộc bầu cử mới. Trong những tháng gần đây đã có những cuộc biểu tình của hàng triệu người kêu gọi TT Park từ chức, cũng như hàng chục ngàn người đã tụ họp để lên tiếng ủng hộ bà ta. Điều đáng quan tâm là bản cáo buộc dẫn tới xung đột giữa hai phe và sự đối nghịch gay gắt này có thể làm suy giảm việc phát triển của Triều Tiên.

Chính vì lý do này, ĐC Iginus Kim Hee-joong, Chủ tịch HĐGM Triều Tiên đã đưa ra một thông cáo trong đó Ngài tuyên bố rằng "Bản án của Tối Cao Pháp Viện không thể làm thỏa mãn mọi người. Xung đột, chia rẽ và bất tuân quyết định của toà án sẽ dẫn tới tai họa mà thôi." Hội đồng Kitô giáo (Tin Lành) của Triều tiên (Christian Council of Korea) cũng đã yêu cầu tất cả người dân chấp nhận kết quả của Tòa án.

- Myanmar và Vatican thiết lập quan hệ ngoại giao.

Trong một phiên họp diễn ra vào hôm 10 tháng 3, Quốc hội của Cộng hòa Myanmar (Miến Điện) đã đồng thuận thông qua đề nghị thiết lập quan hệ ngoại giao với Vatican. Trước đó, bằng một tuyên bố vào hôm 24 tháng 2, Bộ trưởng U Kyaw Tin cho biết Chính phủ mới hiện do Liên đoàn Quốc Gia vì Dân Chủ (NLD) cầm quyền sẽ bắt đầu mở quan hệ ngoại giao với 7 quốc gia, trong đó có thánh quốc Vatican.

Vatican đã gửi đề nghị lập quan hệ ngoại giao đến Bà Daw Aung San Suu Kyi – Cố vấn Quốc gia kiêm Ngoại trưởng Mynammar vào hôm 8/ 2/2017, thông qua Đức TGM Paul Tsang in-Nam – hiện là Sứ thần Tòa Thánh tại Thái Lan, kiêm Khâm sứ tại Myanmar.

Dưới sự hướng dẫn của ĐHY Charles Bo của TGP Yangon và cũng là vị Hồng Y đầu tiên của Myanmar, Đức TGM Khâm sứ Tsang in-Nam đã có buổi hội kiến chính thức với Bà Aung San Suu Kyi tại nhà của Bà ở Nay Pyi Taw, thủ đô hành chính của Myanmar. Cuộc hội kiến này cũng có sự tham dự của ĐHY Bo (vì ngài vốn có một tình bạn sâu sắc với ngài thủ tướng), cùng với Cha Maurice Nyunt Wai - thư ký điều hành của HĐGM Myanmar.

- Giám mục Giorgio Bertin nói về cuộc khủng hoảng do nạn đói ở Somalia

Theo một báo cáo của Liên Hiệp Quốc, các bệnh dịch bắt nguồn từ nạn đói đã giết chết hàng chục trẻ em trong hai tháng vừa qua tại một bệnh viện của chính phủ ở Mogadishu, thủ đô Somalia. Nạn hạn hán nghiêm trọng đã đưa Somalia đến bờ vực của nạn đói. Hiện tại có khoảng 6.2 triệu người ở Somalia cần được giúp đỡ, gần một nửa dân số của đất nước này.

Đức Giám Mục Giorgio Bertin, Giám Quản Tông Tòa của Mogadishu đã nói về sự tuyệt vọng của người dân trong nước do hậu quả của hạn hán và tình trạng mất an ninh. Ngài cho biết, "Đó là một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng. .. vì hai mùa mưa cuối cùng đã không xảy ra ở một số vùng của Somali, nhưng cụ thể đối với trường hợp của Somali thì vấn đề hạn hán lại gắn liền với tình trạng mất an ninh.

Khi được hỏi về phản ứng của Giáo Hội đối với cuộc khủng hoảng hiện tại, Đức Giám Mục Bertin cho biết Caritas Somalia và các đối tác CRS và Trocaire, cũng như các tổ chức từ thiện Công Giáo khác và các Nữ tu Consolata, đã có những nỗ lực đối phó với cuộc khủng hoảng. Vị Giám Quản Tông Tòa nói rằng dân chúng "cảm thấy rất tuyệt vọng". Họ nhìn thấy những con cừu, dê, lạc đà chết trên các đồng ruộng, và khi họ nhìn thấy các động vật chết, họ biết rằng mai đây rồi cũng sẽ tới phiên họ.

- Các Giám mục Bolivia chống dự luật cho phép phá thai vì nghèo khổ.

HĐGM Bolivia phản đối lại dự luật của Quốc hội, đưa ra những nguyên nhân khác nhau để cho phép phá thai. Trong số các lý do, có lý do nghèo khổ cùng cực.

Trong thông tin gửi đến hãng tin Fides, các Giám mục Bolivia nói: “Đề xuất này đã bóp méo hệ thống tư pháp hình sự, xem sự nghèo khổ như một lý do để không bị trừng phạt đối với các tội phạm như giết trẻ sơ sinh, như thể nghèo khổ là một biện minh đầy đủ để vi phạm bất kỳ luật pháp nào.

Cuộc cải cách nằm trong dự án Bộ luật mới về Hệ thống Hình sự của nước này dự kiến cho phép phá thai trong 8 tuần đầu của thai kỳ, chỉ một lần, nếu thai phụ sống trên đường phố hay ở trong hoàn cảnh nghèo khổ cùng cực không có đủ nguồn lực để chu cấp cho mình và cho gia đình. Điều luật này cũng quy định là phụ nữ có thể phá thai nếu đã là mẹ của 3 đứa con hay hơn nữa và không thể nuôi nấng chúng, hoặc nếu thai phụ là một sinh viên.

Dự án cũng quy định sự gián đoạn mang thai có thể xảy đến bất cứ thời gian nào của thai kỳ, nếu cần thiết để ngăn chặn một nguy hiểm hiện tại hoặc tương lai đối với sự sống hay sức khỏe của người phụ nữ và khi các thai nhi được xác định có những dị tật không thích hợp với sự sống.

Giáo Hội Công Giáo khẳng định rằng việc phá thai “là bạo lực đối với thân thể phụ nữ, để lại những hậu quả nặng nề trong tâm lý nữ giới, thường là không thể chữa trị.” Các Giám mục tuyên bố rằng: “Nhà nước có trách nhiệm tạo ra các chính sách công nhằm cải thiện cuộc sống của người dân cũng như các chính sách giáo dục ủng hộ phụ nữ mang thai và phòng chống bạo lực.”

- Tòa Âu Châu phán quyết: Việc cấm khăn che mặt của người Hồi Giáo nơi làm việc là không kỳ thị

Tòa án Âu Châu đã phán quyết rằng lệnh cấm đeo khăn che mặt của người phụ nữ Hồi giáo không vi phạm luật kỳ thị tôn giáo hay niềm tin cá nhân, nếu luật ấy là điều lệ nội bộ của công ty quy định.

Phán quyết này liên quan đến vụ một phụ nữ Hồi giáo bị cho nghỉ việc vì đã từ chối không chịu bỏ khăn che mặt nơi làm việc. Bà Samira Achbita được công ty G4S ở Bỉ Quốc muớn làm tiếp viên năm 2003. Vào thời gian đó công ty chưa có điều lệ cấm công nhân mang trong người những thứ gì bày tỏ quan điểm của mình về chính trị, triết lý hay tôn giáo. Nhưng đến năm 2006 Ban Giám Đốc công ty ban hành điều lệ cấm công nhân không được mang thứ gì trên người để bày tỏ quan điểm chính trị, triết lý hay tôn giáo của mình.

Bà Samira Achbita chống lại lệnh trên nên bà đã bị công ty cho thôi việc. Bà đã nộp đơn kiện công ty ở Bỉ và nội vụ đã được tòa án Cộng Đồng Âu Châu xử. Theo phán quyết của Tòa Án Cộng Đồng Âu Châu thì việc công ty đưa ra điều lệ nội bộ như thế là không vị phạm sự kỳ thị. Tuy nhiên, toà án cũng giải thích thêm rằng việc cấm khăn che mặt cũng có thể là vi phạm kỳ thị, nhưng là kỳ thị gián tiếp, tức là chỉ với người đó là phụ nữ Hồi Giáo, còn là hợp pháp đối với người khác vì chủ đích của công ty là muốn có chính sách trung lập đối với mọi khách hàng.

Chúng tôi xin kính mời quý vị và anh chị em cùng nghe một bản thánh ca mùa chay, viết về những đớn đau, tủi nhục mà Chúa Giêsu đã phải chịu gánh lấy trên đồi Canvê để cứu rỗi nhân loại. Bài thánh ca mang tựa đề: Trên Đỉnh Đồi Xa, sáng tác Thiên Như, được trình bày qua tiếng hát của ca sĩ Như Ý.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo xứ Thánh Phaolô, Tân Sơn Nhì thăm anh chi em phong
Giáo xứ Thánh Phaolô
08:16 20/03/2017
GIAO XỨ THÁNH PHAOLÔ – HẠT TÂN SƠN NHÌ ĐI THĂM VÀ CHIA SẺ VỚI ANH CHỊ EM PHONG

Thực hành Sứ điệp Mùa Chay 2017 của Đức Giáo Hoàng Phanxicô

“Lời Chúa là một hồng ân. Tha nhân là một hồng ân”

Đầu mùa chay giáo xứ thánh Phaolô đã lên đường đến với anh chị em phong. Năm nay đại diện giáo xứ gồm 5 cha, 2 thầy và 17 quý chức, đã lên đường với phương tiện là 4 chiếc xe du lịch và 2 chiếc xe tải chở đồ khoảng 30 tấn, chở đầy quà của giáo xứ và các ân nhân, cũng như của những người thân quen từ Texas, Cali, Maryland, Seattle, Nhật … đến với anh chị em phong cùi.

Xem hình

Lộ trình của đoàn:

- Ngày thứ Hai (06.03.2017) thăm trại Di linh I và Di linh II

- Ngày thứ Ba (07.03.2017) thăm Giáo xứ H’bông, làng phong Tel Ngoü, Tel Joü, Thir, Mai, Kê, Nhaü( Xã Ia H-Lốp), làng phong Ja-La thuộc Giáo xứ Mỹ Thạnh, làng phong Tar, làng phong Tang, Giáo xứ Ia-Tô.

- Ngày thứ Tư (08.03.2017) thăm các làng phong: làng Ngol, làng H’Lang (Huyện ĐăkĐao), Làng Konchien - Kon Thụp (Đắp Bình An) Làng Ktu, Hơ-Ya, ĐakLá, Pờtó.

- Ngày thứ Năm (09.03.2017) đoàn dâng lễ tạ ơn ở núi Đức Mẹ Măng Đen với khoảng 150 khách hành hương.

Đoàn đã đáp lời đề nghị tha thiết của các anh chị em đau khổ thăm khoảng 1300 hộ, quà gởi cho mỗi hộ là 1 phong thơ 200 ngàn đồng, cộng với phần quà từ 260 – 300 ngàn đồng (gồm 1 thùng mì, 10kg gạo, 1kg cá khô, 1 lít dầu ăn, 1kg đường, bột ngọt, nước mắm, hạt nêm, nước tương…), tặng quà và tiền cho khoảng 200 em học sinh, trao thêm nhiều phần quà cho các em Thiếu nhi. Ngoài ra, còn chia sẻ thêm nhiều tặng vật của Giáo xứ và các ân nhân: Quần áo mới, cũ – vớ ấm – giầy dép – dầu gió – bánh kẹo – nước ngọt… Những nơi có bệnh nhân nặng, số quà được tặng gấp đôi, ngoài ra, đoàn còn gửi cho các Cha, các Sơ 200 phần quà.

Tấm lòng của cộng đoàn Giáo xứ Thánh Phaolô, không chỉ dừng lại ở vật chất mà chính yếu là lời cầu nguyện, cao điểm là đoàn dâng Thánh lễ tạ ơn Chúa và cầu nguyện cho các bệnh nhân, những người hiện diện và cho các ân nhân, thân nhân của cuộc thăm viếng và chia sẻ này. Nơi đây đoàn đã thăm hỏi, gặp gỡ các bệnh nhân, tất cả mọi người đều vui mừng vì được gặp gỡ nhau.

Tạm biệt tất cả để trở về thành phố, tạm biệt các buôn làng, trong đó, có rất nhiều hình ảnh được khắc ghi trong tâm trí của anh chị em trong đoàn. Qua đời sống cơ cực của những anh chị em đau khổ, qua những ánh mắt hồn nhiên và dễ thương của các em thơ, đoàn đã cảm nhận được tình thương yêu bao la của Thiên Chúa đến với chính bản thân mình qua việc gặp gỡ và đến với những anh chị em khổ đau.

Đến với các anh chị em bệnh nhân phong, cộng đoàn giáo xứ Thánh Phaolô đã mở lòng mình ra với anh em nghèo khổ, yếu đuối và cố gắng sống đời chứng nhân trong Chúa Phục Sinh. Xin hẹn gặp lại các bạn.

Mùa Chay 2017 – Ban Truyền thông Giáo xứ.
 
Đồng hương Tràng Duệ tại Miền Nam mừng lễ bổn mạng
Nguyễn Vĩnh Thân
08:14 20/03/2017
Đồng hương Tràng Duệ tại Miền Nam mừng lễ bổn mạng

Theo truyền thống hơn 30 năm qua, cứ đến lễ thánh cả Giuse Bạn Trăm Năm Đức Maria, bổn mạng Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, cũng là bổn mạng của hội Đồng hương Tràng Duệ - Hà Nam. Hằng năm, vào ngày này (19/3) là ngày “Hội Ngộ” của bà con đồng hương Tràng Duệ - khu vực miền Nam, nhằm duy trì, gắn kết tình thân ái trong cõi lòng những người xa quê. Vì hoàn cảnh khắc nghiệt! mà phải dứt bỏ nơi “chôn nhau, cắt rốn”, tha hương khắp nơi để mưu cầu cuộc sống, sinh hoạt, học tập...

Xem Hình

Năm nay, được sự ưu ái của quí cha Dòng Tên, thuộc Trung Tâm Đắc Lộ, số 171, Lý Chính Thắng, quận 3, Tp HCM, chấp thuận cho bà con làm nơi qui tụ trong ngày Hội Đồng Hương. Sau nhiều ngày tất bật trong việc chuẩn bị.

Hôm nay, 19/3/2017 ngày hội ngộ đã đến, con cái Tràng Duệ từ những miền lân cận xung quanh Sài Gòn, hồ hởi tề tựu nơi khuôn viên nguyện đường Dòng Tên từ rất sớm, để có được nhiều thời gian gặp gỡ, cùng nhau hàn huyên. Họ trao cho nhau những nụ cười, những cái bắt tay và những cái ôm thật chặt, đó như là những dấu chỉ của niềm vui gặp mặt đồng hương sau những tháng ngày xa cách trong cuộc hội ngộ đặc biệt này. Cùng chia sẻ những niềm vui, nỗi buồn, những chọn lựa trong hành trình của mỗi người. Giữa những khó khăn, vất vả của cuộc sống với những bộn bề lo lắng cơm áo gạo tiền của kiếp người xa quê. Đây còn là dịp thuận tiện và ý nghĩa để mọi người cùng nâng đỡ chung cho nhau trên hành trình đức tin – truyền lửa cho nhau trong bổn phận loan báo Tin Mừng, chung tay vun đắp trong Ơn gọi Thánh hiến, giúp đỡ - tương trợ những gia đình gặp khó khăn và khuyến khích, động viên con em hiếu học trong “gia đình Tràng Duệ”

Thánh lễ

Đỉnh cao của ngày hội ngộ là thánh lễ tạ ơn vào lúc 10g30, do cha Giuse Hoàng Văn Quảng. SJ chủ tế, đồng tế thánh lễ với ngài có cha Hilariô Nguyễn Gia Tước cùng với sự hiệp dâng của bà con đồng hương ngồi chật kín nguyện đường.

Trong phần giảng lễ, cha Giuse dùng những ngôn từ rất vui và gần gũi với đời thường để quảng diễn cho cộng đoàn cảm nhận sâu hơn của Gia đình Thánh. Nơi đó Đức Giêsu dù là Con Thiên Chúa nhưngNgài cũng không dùng quyền năng của Ngài, mà vẫn phải đổ mồ hôi, sức lực của mình để lao động phụ giúp cha mẹ. Nơi một gia đình tràn ngập tình yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau và vâng phục cha mẹ. Một gia đình tuyệt hảo để mọi gia đình noi gương. Qua đó cha Giuse mời gọi các bậc làm cha mẹ, con cái trong gia đình, bà con đồng hương cũng biết học theo nơi mẫu gương Gia đình Thánh Gia để mỗi gia đình ngày một trở nên tốt đẹp hơn, là gương sáng cho các gia đình chung quanh nơi mình sống, dùng tình thương trong sáng cư xử với nhau, để tình đồng hương ngày càng thắt chặt hơn.

Để khép lại bài giảng, cha Guise đã mượn lời của Đức Thánh Cha Phanxicô trong bài huấn từ đề tài về gia đình với ba từ khóa “Xin phép, cám ơn và xin lỗi” để gởi đến từng bà con đồng hương và mong muốn bà con, luôn biết xử dụng những từ này hằng ngày để gia đình mỗi ngày một tốt hơn

Thánh lễ khép lại lúc 11g30 cùng ngày. Sau thánh lễ quí cha đồng hương đã chụp hình lưu niệm với từng gia đình nơi thềm cung thánh

Liên hoan hội ngộ

Sau Thánh lễ, quý cha cùng toàn thể quan khách dự bữa cơm huynh đệ. Trong bữa cơm gia đình, bao niềm xúc cảm dâng trào vì được gặp lại quí cha đồng hương đến từng bàn trong tình cảm cha con, quan tâm, hỏi thăm hoàn cảnh của từng người, từng gia đình. Trong khung cảnh ấm áp đó, mọi người đã khơi dậy những nỗi niềm luyến nhớ của những tháng năm sống gắn bó với quê hương Tràng Duệ thân yêu. Nhân dịp này, ông Trưởng ban đại diện Januaryô Ngô Tùng Châu cũng khơi lại truyền thống tốt đẹp qua các thế hệ cha ông đã đạt được do hồng ân Thiên Chúa ban nơi quê hương Tràng Duệ, từ vị Hồng Y tiên khởi Giuse Maria Trịnh Như Khuê của Giáo Hội Việt Nam, các quý cha, quý tu sĩ, và mới đây nhất là hai người con Tràng Duệ đã được Chúa chọn trong thiên chức linh mục. Qua đây, ông muốn nhắn gởi đến mọi người, đặc biệt là thế hệ trẻ: hãy luôn vững tin và trông cậy nơi Chúa, chắc chắn Chúa sẽ tuôn đổ hồng ân xuống cho mỗi người chúng ta

Cũng trong bữa cơm gia đình này, một vài vị hảo tâm đã góp lại làm thành những phần quà để tạo bầu khí thêm vui cho ngày hội ngộ. Có thể những món quà không có giá trị cao nhưng nhìn nét mặt vui tươi hớn hở từ cụ già đến các em thiếu nhi khi may mắn nhận được quà, cho ta cảm giác thật vui và là kỷ niệm đàng nhớ trong ngày hội ngộ.

Ngày hội ngộ dần được khép lại, mọi người ra về mang trong mình niềm vui tràn ngập và sự yêu thương gắn bó không những với bà con đồng hương mà còn với mọi người sống chung quanh mình
 
Giáo xứ VN Paris trọng thể cử hành kỷ niệm 70 năm thành lập giáo xứ và mừng lễ thánh Giuse bổn mạng giáo xứ
Lê Đình Thông
08:46 20/03/2017
GIÁO XỨ PARIS CỬ HÀNH TRỌNG THỂ KỶ NIỆM 70 NĂM THÀNH LẬP VÀ LỄ THÁNH GIUSE BỔN MẠNG GIÁO XỨ

Sau ba hồi chín tiếng chiêng trống, ca đoàn Giáo xứ dưới sự điều khiển của ca trưởng Hải Vân xướng lên ca khúc truyền thống Cầu Xin Thánh Gia của Cha Cố Gioan Phạm Đình Nhu (giáo phận Xuân Lộc) vừa qua đời ngày 13/03/2017. Từ hậu điện, cha Gilbert Nguyễn Kim Sang, Tổng đại diện Tuyên úy đoàn Việt Nam tại Pháp, chủ lễ, Đức Ông Giuse Mai Đức Vinh, giám đốc Giáo xứ, cha Giuse Đinh Đổng Thượng Sách bút hiệu Cung Chi, tuyên úy Đoàn Thiếu nhi Thánh thể, cha Phanxicô Hổng Kim Linh, hội dòng Xuân Bích, nguyên giáo sư Đại Chủng viện Kim Long (Huế), hiện là Chủ tịch Hội Liên Tu sĩ VN tại Pháp, cha Gioan Vũ Minh Sinh, tuyên úy giới trẻ, cha Giuse Nguyễn Văn Nam, Giáo phận Thanh Hóa, hiện tu học Tiến sĩ Giáo luật, Thầy Phó tế Phêrô Phạm Bá Nha, chủ bút báo Giáo xứ, Thầy Gioan Nguyễn Sơn, phụ trách thăm viếng kẻ liệt, Thầy Phêrô Cao Trọng Nghĩa, phụ tá tuyên úy cộng đoàn Cergy-Pontoise, tiến lên cung thánh. Hậu diện cung thánh thể hiện ý nghĩa thánh giá dân tộc tôi, máu đào tiền nhân tử đạo tô thắm bản đồ nước Việt, bên phải bàn thờ là bức tượng thánh cả tạc bằng gỗ mộc bên cành huệ trắng, phía sau là ba cành trúc tượng trưng cho ba miền đất nước. Cả hai công trình nghệ thuật đều cho ca trưởng Bùi Văn Triển thực hiện.

Mở đầu thánh lễ, Đức Ông Mai Đức Vinh, Tiến sĩ Giáo luật và Thần học mục vụ, tôn vinh Thánh cả Giuse là bổn mạng của Giáo Hội Việt Nam và Giáo xứ Paris. Ngài nhắc lại sức mệnh cao cả của thánh gia trong công trình cứu chuộc của Chúa Kitô. Đức Ông bày tỏ lòng tri ân các bậc tiền bối đã dầy công tạo dựng Giáo xứ Việt Nam tại Paris suốt từ năm 1947, gồm cả giáo sĩ và giáo dân. Sau cùng, ngài ngỏ lời chào mừng cha Tổng tuyên úy Gilbert Nguyễn Kim Sang đến từ tổng giáo phận Lyon.

Trong phần nhập lễ, ca đoàn cất lên cung điệu tôn vinh thánh cả qua ca khúc của cố linh mục Gioan Phạm Đình Nhu và ca khúc Noi gương Giuse, lời ca như ý thơ thơm ngát cành huệ trắng tôn thờ thánh cả : ‘‘Một cành huệ tươi, như hoa giao mùa, tìm người nương náu giữa chốn bụi trần’’.

Trong bài giảng, cha Nguyễn Kim Sang mở đầu bằng tụng ca thánh cả : ‘‘Hôm nay chúng ta dâng thánh lễ mừng kính Thánh Giuse, quan thầy của Giáo Hội Việt Nam cũng như của Giáo xứ, của Đức Ông Vinh, các cha Sách, cha Dũng và tất cả các Bác, các Anh mang tên thánh Giuse.

Về hạnh thánh cả, cha Nguyễn Kim Sang nói : ‘‘chúng ta biết rất ít về thân thế của Ngài. Phúc Âm chỉ cho chúng ta biết Ngài thuộc dòng dõi vua David, là hôn phu của Mẹ Maria, là dưỡng phụ của Đức Giêsu. Ngài làm nghể thợ mộc và đã được thiên sứ báo mộng ba lần : Lần đầu, trước khi chung sống với Mẹ Maria, vì thấy Mẹ Maria đã mang thai và thai nhi đó không phải là « của mình », nên thánh Giuse muốn lìa bỏ Mẹ Maria và Ngài đã được thiên sứ báo mộng khuyên là hãy nhận Mẹ Maria về nhà mình vì thai nhi đó là do quyền năng Chúa Thánh Thần, và còn dặn Ngài phải đạt tên Giêsu cho hài nhi, vì đó là Đấng cứu dân khỏi tội lỗi. (Mt 1,20). Lần thứ hai, thiên sứ báo mộng bảo Giuse phải đưa ngay Mẹ Maria và hài nhi Giêsu sang Ai-cập lánh nạn, vì vua Hêrôđê tìm cách giết hài nhi (Mt2,13), và lần thứ ba, sau khi vua Hêrôđê băng hà, thiên sứ lại báo mộng cho Giuse biết phải đưa Mẹ Maria và hài nhi về đất Israël, và Giuse đã đưa cả hai về sống ở làng Nazareth (Mt 2,19). Ngoại trừ những chi tiết trên được ghi lại trong Phúc Âm, chúng ta không biết ngài sống đến bao nhiêu tuổi, chết ở đâu và mộ của Ngài hiện giờ ở nơi nào. Và Phúc Âm cũng không ghi lại một lời nói nào của Ngài. Cuộc đời của Ngài thật sự là một đời sống bình thường, khiêm tốn, âm thầm, nhưng kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa để có một đời sống nội tâm sâu sắc. Nếu thánh Giuse không có một đời sống nội tâm sâu sắc thì làm sao Ngài có thể cảm nhận được lời sứ thần trong giấc mộng ? Nếu thánh Giuse không có một đời sống nội tâm cao sâu thì Ngài đâu có thi hành những gì sứ thần dặn dò. Điều nầy nói lên niềm tin tưởng và tâm tình phó thác cao độ nơi Ngài. Ngài để lại cho chúng ta một gương sáng cho cuộc đời Kitô hữu của chúng ta : tin yêu và phó thác vào Chúa, sống kết hiệp với Chúa và thực thì lời Chúa dạy, không chần chừ, không đắn đo, vì điều Chúa muốn cho chúng ta luôn là điều tốt và Lời của Chúa là sự thật, là ánh sáng dẫn dắt chúng tă đến sự sống đời đời.

Cha Nguyễn Kim Sang nói tiếp : ‘‘Điều thứ hai chúng ta cùng suy nghĩ là Thánh Giuse được gọi là Đấng công chính. Công chính có nghĩa là « công bình » và « ngay thẳng », và Công chinh xuất phát từ Công lý, vì Công lý là một đức tính luân lý, là biết tôn trọng người khác, tôn trọng quyền lợi của họ, tôn trọng những gì họ có, không tìm cách chiếm đoạt để làm của mình. Thánh Giuse được Thiên Chúa trao phó trách nhiệm chăm sóc, dưỡng dục Con của Ngài là Đức Giêsu cùng với Mẹ Maria. Nhưng không vì thế mà Ngài muốn « chiếm đoạt » cả hai làm của riêng mình. Nhờ sự báo mộng của thiên sứ, Ngài hiểu và biết Mẹ Maria và Đức Giêsu nằm trong chương trình của Thiên Chúa, và « điều gi của Thiên Chúa là của Thiên Chúa » (Mt 22,21). Từ đó, Thánh Giuse âm thầm chu toàn trách vụ làm chồng, làm cha của mình. Nhưng, nhìn sâu hơn, điều gi đã thúc đẩy thánh Giuse có thái độ như thế ? Phải chăng đó là Tình yêu.

Vị chủ lễ đã triển khai ý nghĩa tình yêu của Thánh Giuse đối với Thiên Chúa, là ‘‘để nhận ra lời của sứ thần báo mộng, đó chính là lời của Thiên Chúa, chính vì thế Ngài thi hành ngay lập tức, không chần chừ, không đắn đo. Tinh yêu dẫn đến tin tưởng và vâng phục để chu toàn thánh ý Chúa. Ngoài tình yêu dành cho Thiên Chúa còn có Tình yêu của Thánh Giuse dành cho Mẹ Maria và Đức Giêsu qua việc chu toàn nhiệm vụ hằng ngày, với công sức của đôi bàn tay người thợ mộc để Mẹ Maria và Đức Giêsu có một cuộc sống an toàn, đầy đủ. Ngài thuộc dòng dõi vua Đavid, nhưng đến đời của Ngài thì sự giàu sang phú quí không còn nữa, và Ngài phải tìm kế sinh nhai bằng nghề thợ mộc để nuôi dưỡng Đức Giêsu và bảo bộc Mẹ Maria. Ngài đã làm tất cả vì Tình yêu. Chúng ta có thể nói Tình yêu của Thánh Giuse là Tình yêu sáng tạo. Sáng tạo vì Thiên Chúa bảo Thánh Giuse nhận Mẹ Maria về ở với mình và giao Đức Giêsu cho Ngài chăm sóc, dưỡng dục mà không nói cho Ngài biết phải làm gì và làm thế nào. Từ đó, chắc hẳn Thánh Giuse phải suy nghĩ tìm hiểu và tìm cách làm thế nào để chu toàn thánh ý Thiên Chúa, không phụ lại niềm tin tưởng ủy thác của Thiên Chúa, cũng như phải làm sao để cho gia đình của mình được an vui, đầy đủ và hạnh phúc. Trước mặt Ngài, Đức Giêsu là một trẻ thơ như bao trẻ thơ, nhưng Đức Giêsu không phài là một trẻ thơ như những trẻ thơ khác. Đức Giêsu là Con Thiên Chúa nhập thể. Từ đó, chắc hẳn Ngài phải tìm hiểu và sáng tạo để chu toàn nhiệm vụ của mình.’’

Trở lại với cộng đoàn Giáo xứ, cha Nguyễn Kim Sang nhắn nhủ : ‘‘Thiên Chúa cũng ban cho mỗi người chúng ta con tim để yêu thương, ban cho chúng ta khối óc để suy nghĩ và chọn lựa, và tạo dựng chúng ta với đôi bàn tay để làm việc hầu mang lại cho gia đình và cộng đoàn của mình một cuộc sống đầy tình yêu thương và đoàn kết, luôn chan hòa và hạnh phúc. Chúng ta cũng cần phải nghĩ suy, sáng tạo để làm thế nào để cho gia đình và cộng đoàn chúng ta ngày càng phát triển đúng với thánh ý của Thiên Chúa cũng như Thánh Giuse đã từng làm trong cuộc đời của Ngài nơi trần thế nầy, để rồi từ đó chúng ta làm chứng cho Đức Kitô đầy yêu thương và giàu ân sủng. Để được như thế, chúng ta cần phải noi gương Thánh Giuse, luôn sống kết hiệp mật thiết với Chúa và luôn thi hành Thánh ý của Ngài trong mọi hoàn cảnh của cuộc đời. Nhờ lời cầu bàu của Thánh Giuse, nguyện xin Thìên Chúa luôn phù hộ và đồng hành với chúng ta trong cuộc sống và trong nhiệm vụ.’’

Trong thánh lễ, ca đoàn Giáo xứ hát bộ lễ Glendalough. Phần đáp ca là thánh vịnh 88 : ‘‘Dòng dõi người sẽ trường tồn vạn kỷ, sẽ bền vững muôn đời.’’ Kết lễ là bản tụng ca Thánh cả Giuse : ‘‘Đến muôn đời, Ta trọn bề ân nghĩa, giữ lời giao ước trọn vẽn thủy chung.’’

Trước khi kết thúc thúc, bà Trần Kim Chi, chủ tịch Hội đồng Mục vụ đã bày tỏ lòng biết ơn vị chủ lễ, Đức Ông Giám đốc và các cha đồng tế. Ông Nguyễn Anh Hải đã mời các vị đại diện hội đoàn lên nhận Tuyển tập Thơ Cung Chi kể lại hành trình 70 Giáo xứ. Cha Đinh Đồng Thượng Sách đã diễn đọc bài thơ ‘‘Bảy mươi năm’’, bốn vần thơ mở đầu như sau :
‘‘Từ đó đến nay bảy chục năm
Xa cách quê hương muôn ngàn dặm
Đoàn con dân Việt bên trời Pháp
Họp nhau thành lập một Liên Đoàn.
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
‘‘Tri ân Giáo xứ bốn mươi năm
Đã cho Chổi Cùn sống đặc ân
Trước khi từ giả về hưu trí
Gửi chút tầm tơ vương tháng năm.’’
Lịch sử Giáo xứ giai đoạn khởi đầu đã đ ược ghi lại qua mấy vần thơ như sau :
‘‘Năm 47 sử xanh đổi mới
19 người cùng với 5 cha
Khắp miền nước Pháp gần xa
Liên Đoàn thành lập quanh ta hiền tài.

Năm linh mục có hai viện trưởng (1)
Hàng giáo dân bộ trưởng một người (2)
Năm ngài cố vấn rạng ngời
Có hai giám mục một thời chung lo (3).

Đoàn Sinh viên : cành nho tươi tốt
Một Đức Ông và một Đức Cha (4)
Thêm ông Bộ trưởng quê nhà (5)
Thi nhân Viện trưởng, mặn mà duyên thơ (6)

Trang sử mới Sứ thần Tòa thánh (7)
Chúc phép lành sức mạnh ơn thiêng
Giáo quyền nước Pháp cách riêng
Từ nay công nhận thành viên Liên Đoàn.

Giai đoạn mới truyền loan công đức
Đổi tên thành Tổ Chức Thừa sai (8)
Có cha tuyên úy miệt mài
Vừa lo mục vụ văn tài truyền thông (9).

Năm 77 thông Công Giáo Xứ
Mấy nhiệm kỳ cắt cử qua đi
Ba năm kế tiếp kiên trì
80 : hiệp lực thực thi sáng ngời

Ban Giám đốc ơn trời lộc nước (10)
Cha Vinh làm Giám đốc lo chung
Có cha Thượng Sách trùng phùng
Cha Ziên cha Dũng một lòng đoàn viên.

Năm 83 ơn thiêng kết tụ
Lập Hội đồng Mục vụ đầu tiên
Qua nhiều thế hệ trung kiên
Trẻ già, nam nữ, kết liên một lòng.

Năm 17 vừa tròn Bảy Chục
Nhớ bao nhiêu công đức tiền nhân
Chúng con lạy tạ kính dâng
Nước Cha cả sáng xin vâng mệnh Trời.

Giáo Xứ Paris, Tân Xuân Đinh Dậu (2017)
Lê Đình Thông
---
(1) Linh mục Cao Văn Luận (1908-1986), Viện trưởng Đại Học Huế.
Đức Ông Nguyễn Văn Lập (1911-2001), Viện trưởng Đại Học Đà Lạt.
(2) Ông Trần Hữu Phương, Bộ trưởng Tài chánh.
Ông là Chánh Hội trưởng tiên khởi của Liên Đoàn.
(3) Đức Cha Nguyễn Văn Thiện (1906-2012), Giám mục Vĩnh Long.
Đức Cha Nguyễn Ngọc Quang (1909-1990), Giám mục Cần Thơ.
(4) Đức Cha Nguyễn Huy Mai (1913-1990), Giám mục Ban Mê Thuột.
Đức Ông Trần Văn Hiến Minh (1919-2003), Tiến sĩ Triết học.
(5) Kỹ sư Trần Ngọc Oành, Bộ trưởng Giao thông Công chánh.
(6) Bác sĩ Nguyễn Văn Ái, Viện trưởng Viện Pasteur,
bút hiệu Vân Uyên, tác giả nhiều tập thơ.
(7) Đức Angelo Giuseppe Roncalli, Sứ thần Tòa thánh tại Pháp.
Ngày 20/10/1958 : Mật nghị Hồng Y tôn cử Ngài làm Giáo hoàng.
Ngày 27/04/2014, cố Giáo hoàng được phong hiển thánh.
(8) Tổ chức Truyền giáo Việt Nam tại Pháp (1952-1977).
(9) Cha Nguyễn Quang Lãm sau này là Chủ nhiệm kiêm
Chủ bút Nhật báo Xây Dựng.
(10) Ban Giám đốc hiện nay : Đức Ông Mai Đức Vinh, quý Cha
Đinh Đồng Thượng Sách, Trần Anh Dũng, Vũ Minh Sinh, quý
Thầy Phó tế Phạm Bá Nha, Nguyễn Văn Thạch, Tạ Đình Chung,
Nguyễn Sơn, Cao Trọng Nghĩa, quý Nữ tu Nguyễn Kim Thoa,
Thân Kim Liên.

Lễ kính Thánh Cả Giuse được ghi lại qua mấy vần thơ mộc mạc như sau :
Ngày 19 tháng Ba lễ kính
Thánh Giuse ghi lịch tỏ tường :
Ba trăm chín chục niên trường (1)
Tầu cha Đắc Lộ, Ba Làng đến nơi.

Cây Thánh giá đá vôi phù hộ (2)
Cha Dòng Tên Đắc Lộ trùng tu
Núi cao trên cửa Thần Phù (3)
Ninh Bình, Phát Diệm ưu tư kế thừa

4 thế kỷ tuôn mưa ơn lạ
Nhờ công ơn Thánh Cả Giuse
Ngài là bổn mạng chở che
Việt Nam Giáo Hội chẳng hề hấn chi.

Giáo Xứ Việt Paris tấp nập
70 năm thành lập vời xa
Noi gương Giáo Hội quê nhà
Giuse bổn mạng mặn mà Thánh gia

Ngày 19 tháng Ba Mười Bảy (4)
Giáo Xứ cùng kính lạy Giuse
Ngài luôn gìn giữ mọi bề
Vượt qua sóng gió, xuôi về bình yên.

Paris, ngày 19/03/2017
Lê Đình Thông
---
(1) 390 năm về trước (1627), cũng ngày 19/03,
tầu cha Đắc Lộ cập bến Ba Làng. Sau đó, ngài
qua cửa Thần Phù rao giảng Tin Mừng.
(2) Tương truyền cha Đắc Lộ dựng cây Thánh giá
bằng đá vôi, cao 1 mét 6, trên đỉnh núi.
(3) Thần Phù (神 扶) : Thần (linh) Phù (hộ).
Ca dao có câu :
Lênh đênh qua cửa Thần Phù
Khéo tu thì nổi vụng tu thì chìm.
(4) Ngày 19/03/2017.
---
Giáo Xứ Paris, ngày 20/03/2017
Lê Đình Thông





 
Lễ Thánh Giuse Hiệp hội Tương trợ Công giáo Melbourne mừng bổn mạng
Trần Bá Nguyệt
15:36 20/03/2017
Melbourne, 19-3-17
Trong một buổi chiều mùa hè nhiệt độ khá cao tại Melbourne (30C), khoảng hơn 200 hội viên HHTTGĐCGVN tại Melbourne (Tên tắt tiếng Anh là VICAFAMAN Inc.) đã tổ chức lễ kỷ niệm 6 năm thành lập nhân dịp Lễ Kính Thánh Cả Giuse, Bổn Mạng Hiệp Hội, tại nhà thờ St Mary’s Catholic Church.

Hình ảnh Trần Bá Nguyệt

Đúng 4 giờ, thánh lễ đã do hai Cha Philiphê Lê Văn Sơn và Cha Lazarô Antôn Phạm Xuân Tạo đồng tế. Trong phần mở đầu Cha Cố Lê văn Sơn đã giới thiệu Hiệp Hội Tương Trợ với hình ảnh hai linh mục hôm nay cũng là những người đang cần tương trợ. Lý do là Cha Philiphê vừa trải qua một thời gian giải phẫu đầu gối nguy kịch. Còn Cha Tạo là một linh mục đi nạng suốt đờì vì một chân của Cha bị liệt hoàn toàn do một tại nạn hi hữu (khi tấm nắp xe dập vào tay làm cha bị nhiễm trùng và tê liệt để phải trải qua những giai đoạn gần chết trong nhiều năm trước khi cha nhận chức linh mục ngày 10-9-2916).

Trong thánh lễ hôm nay, lần đầu tiên Hiệp Hội tổ chức nghi thức gia nhập Hội cho 35 anh chị em hội viên mới, trong đó có 12 anh chi là người không phải Công Giáo. Lẽ ra đã có 46 người nhận giấy hội viên mới hôm nay, nhưng 11 người bận không đến được. Đây là số hội viện đủ tiêu chuẩn trong 71 người nộp đơn xin gia nhập vừa qua. Theo bản tin tháng 3-2017, Hiệp hội hiện có số hội viên lên tới 1702 người. Trong số 1702 ngườì đó, có 1147 người là Công Giáo và 555 người ngoài CG, chiếm tỷ lệ 32,61 phần trăm. Nếu kể cả số 35 hội viên mới thì Hiệp Hội hiện có 1737 người.

Mặc dầu Hiệp Hội là một hội do người Công Giáo chủ xướng, và Ban Điều hành tìm cách giữ mức ba phần tư là người Công Giáo, tuy nhiên trên thực tế số hội viên ở các tôn giáo bạn đã lên đến khoảng một phần ba. Ngoài công việc tương trợ, mỗi năm Hiệp Hội cũng tổ chức quyên góp một lần để giúp đỡ những nơi cần trợ giúp. Năm 2016, Hiệp Hội đã tổ chức quyên góp được hơn 3.600 đồng để trợ giúp một giáo xứ người thổ dân nghèo do Cha Huấn trên Darwin điều hành.

Sau thánh lễ, toàn thể hội viên đã đến nhà hàng Happy Reception để dự tiệc liên hoan. 247 thực khách tham dự đã thưởng thức những màn văn nghệ không chuyên mà lại điêu luyện không thua gì những nghệ sĩ và biểu diễn viên thực thụ. Màn múa “Gặp Chúa trên quê hương” của Hội Các Bà Mẹ CG Melbourne mở màn trong màu áo dài màu hồng cánh sen đã gây sôi động ngay từ đầu. Tiếp theo là diễn văn của anh Hội Trưởng Lê Quang Trung và phần trình bày sinh hoạt bằng hình ảnh trên màn ảnh. Phần văn nghệ tiếp theo khá duyên dáng với “Cụ MC” dí dỏm mặc áo dài khăn đống, các màn múa và đơn ca khá chuyên nghiệp. Phần cuối buổi tiệc là xổ số không kém phần vui nhộn với những món quà và rượu nho Úc Châu thứ thiệt. Thực khách hôm nay không ra về sớm nhưng ở lại đến mãn tiệc.

Mong sao Thánh Cả Giuse, quan thày hiệp hội, gìn giữ tất cả các hội viên để mọi người luôn hợp nhất lo cho nhau trong tinh thần tương trợ nơi xứ lạ quê người này.
Bài và hình: Trần Bá Nguyệt (DCUC)
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Bầu Cử Tổng Thống Đáng Tiếc Tại Pháp ?
Hà Minh Thảo
15:27 20/03/2017
Bầu Cử Tổng Thống Đáng Tiếc Tại Pháp ?

Không ai có thể phủ nhận nước Pháp có một nền Cộng hòa gương mẫu về những đặc tính độc lập, tự do và dân chủ. Tại đây, nguyên tắc tam quyền phân lập được áp dụng xứng đáng để cho các quốc gia độc tài, như Việt Nam cộng sản, cần theo học. Nhưng, thật rất tiếc, trong cuộc Tuyển cử Tổng thống lần thứ 11 năm 2017, đã và đang diễn ra một cách không bình thường, khiến người dân chán nãn, không muốn sử dụng lá phiếu dân chủ của mình để chọn người xứng đáng để phục hồi Ðất Nước từ giáo dục, xã hội đến an ninh, kinh tế hầu giảm bớt số người thất nghiệp… đem lại hạnh phúc cho mọi người dân.

I.- CÁC NGUYÊN NHÂN.

A./ Nguyên nhân xa.

Năm 2008, biến cố ‘Subprimes’ (tín dụng dưới chuẩn) đã gây ra cuộc khủng hoảng kéo theo khủng hoảng kinh tế. Lợi dụng tình trạng khó khăn khi đó, các chủ xí nghiệp sa thải nhân viên, gây khủng hoảng xã hội. Hành pháp hữu phái Sarkozy-Fillon tận tình đối phó. Nhưng, trong mùa Tuyển cử Tổng thống năm 2012, cử tri đoàn người Pháp nghe và tin tưởng lời hứa của ứng cử viên François Hollande (đảng Xã hội; Parti Socialiste, PS), nên đã dồn phiếu cho ông này hầu đánh bại ứng cử viên Nicolas Sarkozy (Liên minh vì Phong trào Nhân dân; Union pour un mouvement populaire, UMP, nay đổi tên thành ‘Những người Cộng hòa’; Les Républicains, LR) 51%/49% ở vòng chung kết.

B. Nguyên nhân gần.

Ngự vào điện Elysée, tân Tổng thống xã hội quên đi những lời hứa của mình để giúp người thất nghiệp tìm lại việc làm hay được huấn nghệ. Ác hơn, các Tổng trưởng Lao động, để làm giả số người thất nghiệp giảm, chỉ thị thuộc cấp bôi tên họ bằng biện pháp hành chánh (radiation administrative). Về đối nội, chính phủ và các nhà làm luật đảng xã hội chỉ đồng thuận với nhau trong dự luật ‘Ðám cưới cho mọi người’ (Mariage pour tous) vì cấm tất cả các cuộc thảo luận ngoài lưỡng viện lập pháp. Luật này, cũng như luật cho phép phá thai, luôn gây chia rẽ toàn dân vì không phù hợp Luật Thiên nhiên và, đo đó, gây bất công. Thứ đến, do ông Hollande đi ngược lại những chương trình ông đề ra khi tranh cử, khiến Nhóm các dân biểu đảng xã hội chia hai (nhưng vì những quyền lợi nên vẫn cùng chung một Nhóm’ tại Quốc hội. Trong chính phủ, các Tổng, Bộ trưởng không đồng ý với Tổng thống hay Thủ tướng buộc phải từ chức. Hậu quả, trong cuộc bầu cử Tổng thống hiện nay, các đảng viên xã hội cũng như các Tổng, Bộ trưởng sắp mất chức chia hai : người thì ủng hộ ông Hamon (ứng cử viên chính thức PS) và ông Macron (không tả phái, không hữu phái). Cả hai ông Hamon và Macron đều là Tổng trưởng từ chức của ông Hollande mà Macron có thời gian cộng tác lâu với Tổng thống hơn Hamon.

Về đối ngoại, ông Hollande, theo chân Obama, với sự đồng tình của đa số các nhà lập, dự chiến chống khủng bố. Do đó, chi phí chiến tranh tăng cao và ngân sách chi cho an ninh phải bị cắt giảm. Ngoài ra, người Pháp phải hứng chịu những cuộc khủng bố khiến 240 người chết và hàng trăm người bị thương và tàn tật suốt đời

Nhận thức thành quả ngũ niên Tổng thống của mình không xuất sắc, ông F. Hollande từ chối tranh đua nhiệm kỳ thứ 2 dù được Hiến pháp cho phép, nhưng ông có can đảm rời điện Elysée trong danh dự để cử tri tuyển chọn một Tổng thống có khả năng lớn nhất, khác màu sắc chính trị càng tốt, để phục hồi Ðất Nước.

C./ Cơ hội cho Mặt trận Quốc gia thăng tiến.

Ngày 06.03.2017, bên lề cuộc họp giữa bốn 4 nhà lãnh đạo các nền kinh tế mạnh Âu châu (Ðức, Pháp, Ý và Tây ban nha) tại điện Versailles (Pháp), ông François Hollande đã nói với các nhà báo : « Có nguy cơ ứng cử viên Le Pen sẽ giành chiến thắng... Đảng cực hữu chưa bao giờ nhận được tỷ lệ ủng hộ cao như vậy trong 30 năm qua, nhưng dân Pháp sẽ không bỏ cuộc ».

Thật vậy, các cuộc thăm dò dân ý gần đây cho thấy bà Le Pen có thể sẽ về nhất tại vòng một bầu cử Tổng thống Pháp ngày 23.04.2017, nhưng tại vòng hai dự trù ngày 07.05.2017, bà rất có thể sẽ thất bại trước ông François Fillon hay Emmanuel Macron. Bảy trong mười lần tuyển Tổng thống trước đây*, vào vòng hai, thường chỉ là hai ứng cử viên các đảng liên minh hữu và trung phái cùng đảng xã hội. Nhờ đâu đảng Mặt trận Quốc gia tiến nhanh và chắc như vậy ?

* Ba lần đảng xã hội không có mặt trong vòng hai là :

- 1958, ông Charles de Gaulle, với 78,51% số phiếu hợp lệ ở vòng một, đắc cử Tổng thống ;

- 1969, ông Georges Pompidou (hữu phái) thắng ông Alain Poher (trung phái).

- 2002, ông Jacques Chirac (Tập hợp vì nền Cộng hòa, RPR), với số bách phân đáng lưu ý 82,21%, thắng ông Jean-Marie Le Pen (FN). Một điều bất thường là không có tranh luận trước đầu phiếu vòng hai. Vậy FN là một đảng hợp pháp hay không, thẩm quyền nước Pháp phải quyết định ?]

- Do không tìm được 500 giấy giới thiệu, ông Jean-Marie Le Pen (chủ tịch FN), không thể tham gia ứng cử Tổng thống năm 1981 và ứng cử viên François Mitterand (PS) đã đắc cử Tổng thống. Oâng này giải tán Quốc hội và trong cuộc bầu lại, FN chỉ đạt được 0,18% số phiếu hợp lệ ở vòng Một.

- Sang năm 1984, trong cuộc bầu cử Nghị viện Âu châu, theo thể thức tỷ lệ (scutin proportionnel), FN được sự tín nhiệm của 10,95% tổng số cử tri bầu hợp lệ, chiếm được 10 ghế dân biểu.

- Năm 1986, khi Hành pháp trong tay PS, sợ bị thua nặng các đảng hữu và trung phái, nên đã đổi thể thức đầu phiếu, từ đa số hai vòng (scrutin majoritaire à deux tours). Nhờ đó, FN có được 33 dân biểu tại Quốc hội, họp thành một Nhóm (Groupe) hưởng nhiều quyền lợi.

- Năm 1989, khi bầu lại Nghị viện Âu châu, FN được sự tín nhiệm với 11,73% tổng số phiếu hợp lệ, giữ được số 10 dân biểu.

- Năm 2002, Thủ tướng Lionel Jospin (PS), tự cho mình thành công với thời gian ở chức này dài nhất đến lúc đó là 5 năm, tin tưởng sẽ vào vòng hai bầu cử Tổng thống và, nếu vận may đến, sẽ thắng đương kiêm Tổng thống Jacques Chirac để trở thành Tổng thống. Nhưng, kết quả không đáp ứng vận may đó vì ông Le Pen (16,86%) được vào vòng hai và ông Jospin chỉ được 16,18%.

- Năm 2012, bà Marine Le Pen, tiếp chân thân phụ, ứng cử Tổng thống và đạt được 17,90% tổng số phiếu hợp lệ, hạng ba. Từ năm này, sau khi ông Hollande lên chức Tổng thống, Mặt trận Quốc gia tiến bước không ngừng.

- Năm 2014, Nghị viện Âu châu được bầu lại, FN được sự tín nhiệm với 24,86% tổng số phiếu bầu hợp lệ, có 22 dân biểu, về đầu toàn quốc và 5/8 đơn vị bầu cử.

- Năm 2015, trong cuộc tuyển cử Hội đồng Vùng, FN đã thu được 27,73% tổng số phiếu bầu hợp lệ toàn quốc. Nhân cuộc bầu cử này, chúng ta chú ý đến hai Vùng :

a. Nord – Pas de Calais – Picardie. Kết quả vòng một : 1. Marine LePen (FN – 40,64%); 2. Xavier Bertrand (LR – 24,96%) và 3. Pierre de Saintignon (PS – 18,12%). Ðể bà Le Pen không trở thành Chủ tịch Hội đồng Vùng, Liên danh PS phải từ chối hiện diện ở vòng hai. Kết quả, ông Bertrand thắng cử.

b. Provence – Alpes – Côtes d’Azur. Kết quả vòng một : 1. Marion Maréchal LePen (FN – 40,55%); 2. Christian Estrosi (LR – 26,47%) và 3. Christophe Cataner (PS – 16,47%). Ðể bà Le Pen không trở thành Chủ tịch Hội đồng Vùng, Liên danh PS đã từ chối tham dự vòng hai. Kết quả, ông Estrosi thắng cử.

Do đó, qua những cuộc Thăm dò Dân ý, các Viện Thống kê cho thấy bà Marine Le Pen có thể đạt được sự tín nhiệm của 25 hay 26% số người được phỏng vấn, tức trong 4 người Pháp có 1 người tín nhiệm bà.

II.- HAI ỨNG CỬ VIÊN ÐỐI DIỆN VỚI THẨM QUYỀN TƯ PHÁP.

Từ đầu năm 2016, kết quả những cuộc Thăm dò Dân ý đều cho thấy : nếu ông Sarkozy (LR) ứng cử thì bà Le Pen sẽ về đầu ở vòng một. Nếu ông Juppé (LR) ứng cử thì ông sẽ vê đầu trước bà Le Pen. Vào vòng nhì, cả ông Sarkozy lẫn ông Juppé đều thắng bà Le Pen để trở thành Tổng thống.

Ngày 27.11.2016, tại vòng hai Bầu cử sơ tuyển Hữu và Trung phái (primaire de la droite et du centre), ông François Fillon thắng cử trước Alain Juppé để trở thành ứng cử viên LR dự bầu cử Tổng thống năm 2017. Từ đó, các cuộc Thăm dò Dân ý đồng cho kết quả: ông Fillon về đầu trước bà Le Pen ở vòng một và thắng bà này ở vòng hai trong cuộc tuyển cử Tổng thống năm 2017.

Ngày 01.12.2016, bằng một diễn văn long trọng trực tiếp truyền hình, Tổng thống François Hollande thông báo không ra tranh cử cho nhiệm kỳ thứ hai trong cuộc bầu cử năm 2017, vì muốn tránh cho cánh tả bị thảm bại trước cánh hữu và phe cực hữu: « Tôi ý thức về những nguy cơ mà hành động của tôi sẽ gây ra, một hành động sẽ không tập hợp rộng rãi được. Cho nên tôi đã quyết định sẽ không ứng cử Tổng thống ». Uy tín của Tổng thống Hollande nay đã rơi xuống đến mức rất thấp : chỉ có 13% dân còn tín nhiệm ông.

Sau đó, ông Manuel Valls từ chức Thủ tướng. Ðiều này không cần thiết nhưng, theo tiền lệ, các Thủ tướng đương nhiệm ra ứng cử Tổng thống đều bị đánh bại (Chirac, Balladur và Jospin). Hành động này của M. Valls buộc Tổng thống Hollande phải cử Tổng trưởng Nội vụ, Bernard Cazaneuve, vào chức vụ Thủ tướng và cử Dân biểu Bruno Le Roux điền vào chức Tổng trưởng Nội vụ. Một hành động vô ích và … đây là kết quả… Ngày 29.01.2017, thất cử ở vòng hai trước Benoit Hamon ở vòng hai. Nay Valls thất hứa không ký giấy giới thiệu cho Benoit Hamon ứùng cử Tổng thống. Lời hứa đồng chí Thủ tướng PS không đáng tin cậy và ông đã về ‘đầu quân’ cho Hamon. Hiện nay, các ngôi sao sáng PS (những thành viên nội các Valls) chia làm làm hai để theo Macron hy vọng có ăn hơn theo Hamon (ứng cử viên chính thức PS), thí dụ như Jean Yves Le Drian, Tổng trưởng Quốc phòng, năm 2015, khi tranh cử Hội đồng Vùng Bretagne, ông hứa nếu đắc cử, sẽ từ chức trong nội các. Khi đắc cử, ông không giữ lời hứa. Cũng như Le Drian, các Vị khác thuộc tả phái, hữu hay trung phái theo Macron cũng chỉ để tìm ‘quyền’ và ‘lợi’. Nhưng đó là quyền tự do của họ…

Trước khi đề cập đến các trường hợp được cơ quan tư pháp mời tới, chúng ta tìm hiểu qua việc trợ cấp tài chính cho các dân biểu Quốc hội Pháp. Tại cơ quan lập pháp này, theo Médiapart ngày 27.07.2014, cho biết trong năm này, Quốc hội đã trả lương cho 52 phu nhân, 28 con trai và 32 con gái các dân biểu. Tám dân cử khác có đến 2 người trong gia đình. Viện lập pháp này có 577 dân biểu.

Dân biểu (député) không hành động như một người làm một nghề chuyên môn. Bằng lá phiếu tín nhiệm của cử tri, người dân tại đơn vị bầu cử ủy quyền của mình cho Dân biểu, thay mặt họ, đến Quốc hội, để thảo luận và biểu quyết các Dự luật, sẽ có hiệu lưc cưỡng hành trên toàn thể nước Pháp, sau khi Tổng thống ký ban hành và đăng vào Công báo. Do đó, dân biểu không lãnh lương, nhưng nhận bồi thường nghị viên (indemmnité parlementaire).

Tiền bồi thường căn bản hàng tháng là 7 209 euro nguyên (brut, trước khi khấu trừ các số tiền đóng góp cho các quỹ an ninh xã hội). Từ đó, sau khi trừ đi các khoản đóng góp (cotisations) này, nhất là các quỹ hưu liễm. Cuối cùng, dân biểu còn được bồi thường ròng (net, số tiền thật sự nhận được) là từ 4 979 đến 5 381 euros hàng tháng. Sau đó, số này còn phải cộng thêm những trợ cấp chức vụ 7 267 euros nguyên cho Chủ tịch Quốc hội ; 5 004 cho các quản trị tài chính và hành chính (questeurs) ; 880 hay 1038 euros cho Phó chủ tịch và Chủ tịch các Uûy ban (commission).

Nếu còn kiêm nhiệm các chức vụ khác như Thị trưởng các thị xã hay nghị viên Hội đồng tỉnh, dân biểu có thể nhận thêm tiền bồi thường, trong giới hạn 1,5 lần số tiền bồi thường nghị viên căn bản, tức 8 340 euros nguyên.

Như vậy, với lợi tức tối thiểu thu được hàng tháng là 5 180 euros, một dân biểu đã có số thu nhập cao hơn 96% các công dân Pháp còn lại. So với các nước Liên hiệp Âu châu khác, dân biểu Pháp được xếp hàng thứ 9 trong 28 nước với 85 200 euros nguyên mỗi năm, sau Ý (125 220), Ðức (108 984), Anh (88 725). Trung bình Âu châu : 60 843 euros.

Ngoài ra, còn có những bồi hoàn di chuyển, liên lạc điện thoại và bồi hoàn chi phí họp mặt (5 840 euros bruts, tức 5 373 euros nets) cho nhiệm kỳ 5 năm và, nhất là ngân khoản 9 618 euros/tháng để Rénumération de collaborateurs (Lương dành cho các cộng tác viên) hầu có thể mướn đến 5 người theo ý dân biểu và toàn quyền thuê mướn.

(còn tiếp)

Hà Minh Thảo

 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Giải đáp phụng vụ: Có thể Rửa Tay thay vì Rửa chân trong ngày thứ Năm Tuần Thánh được không?
Nguyễn Trọng Đa
08:19 20/03/2017
Giải đáp phụng vụ: Có thể Rửa Tay thay vì Rửa chân trong ngày thứ Năm Tuần Thánh được không?

Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Trong nhà thờ của con, linh mục chánh xứ không còn cho phép rửa chân trong Thánh Lễ Tiệc Ly của Chúa. Thay vào đó, mọi người đều được mời rửa tay cho nhau vì cha xứ cảm thấy bối rối khi rửa chân 12 người đàn ông mà không có người nữ nào. Để giải quyết vấn đề, việc rửa chân đã được thay thế bằng rửa tay - tuy nhiên, con không cảm thấy thoải mái với việc này chút nào. Xưa kia, Chúa Giêsu không rửa tay cho các môn đệ của Ngài; Ngài chỉ rửa chân cho họ mà thôi. - G. L., Giáo phận Middlesbrough, Anh Quốc
.

Đáp: Trong câu trả lời trước đây cho các câu hỏi tương tự, chúng tôi đã trả lời theo đúng luật phụng vụ thời bấy giờ, vốn chỉ tiên liệu việc rửa chân cho đàn ông mà thôi.

Do đó, trong năm 2006 chúng tôi đã viết:

"Các biến thể của việc rửa chân của toàn bộ cộng đoàn, hoặc của việc mọi người rửa chân (hoặc tay) cho nhau, hoặc làm như vậy trong các trường hợp mà mọi người không nhìn thấy được - có xu hướng làm suy yếu ý nghĩa của nghi thức này trong bối cảnh cụ thể của Thánh Lễ Tiệc Ly của Chúa.

"Các thực hành như vậy, bằng cách kéo dài thời gian cần thiết, có xu hướng chuyển một nghi thức, có ý nghĩa nhưng tùy chọn, thành tâm điểm của buổi cử hành. Và điều đó làm giảm sự chú ý vào lễ tưởng niệm việc thiết lập Bí Tích Thánh Thể vào Thứ Năm Tuần Thánh, động cơ chính của buổi cử hành".

Chúng tôi có thể nói thêm rằng không linh mục nào nên bối rối khi tuân theo chữ đỏ, đặc biệt nếu ngài dành cho nghi thức một ý nghĩa độc nhất, mà nó không bao giờ được ý định có.

Chúng tôi cũng có thể nói thêm rằng, ít nhất là trong khuôn khổ phụng vụ theo nghi lễ Rôma, việc rửa tay biểu tượng thường có tính chất sám hối, như khi linh mục rửa tay sau khi dâng lễ vật trong lúc nói: "Lạy Chúa, xin rửa con sạch hết lỗi lầm, tội con phạm, xin Ngài thanh tẩy”. Có các việc rửa tay khác, vốn chỉ đơn giản là thực tế. Bên ngoài phụng vụ, việc rửa tay là một dấu hiệu phục vụ và chào đón trong một số cộng đồng tu viện, nhưng nó không dành riêng cho các ngày đặc biệt.

Khi Đức Thánh Cha Piô XII đặt nghi thức rửa chân trong khuôn khổ Thánh Lễ Tiệc Ly của Chúa vào ngày Thứ Năm Tuần Thánh vào năm 1955, một số chuyên viên phụng vụ không đồng tình. Thuở đầu, nó đã là một nghi thức được tổ chức bên ngoài Thánh lễ trong nhà nguyện, hay ở một nơi khác như hội trường công hội. Trong nghi thức, Giám mục, Viện phụ hoặc ngay cả Viện mẫu (trong nữ đan viện) rửa chân cho đàn ông hoặc đàn bà. Còn việc đưa nghi thức rửa chân vào Thánh lễ là một sự mới lạ.

Tuy nhiên, khi đó, nó phản ánh một cách tự nhiên cử chỉ của việc phục vụ Đức Kitô đối với các tông đồ, và do đó dành cho nam giới hay trẻ em nam.

Sự thực hành này đã được xác nhận bởi các quy tắc thực tiễn của Giáo Hội. Thí dụ, thư luân lưu năm 1988 "Paschales Solemnitatis", trong số 51, nêu rõ:

"Việc rửa chân cho các người nam được chọn, theo truyền thống, được thực hiện vào ngày này, tượng trưng cho việc phục vụ và bác ái của Chúa Kitô, Người đến "không phải để được phục vụ, nhưng để phục vụ". Truyền thống này cần được duy trì, và ý nghĩa riêng của nó cần được giải thích".

Ý tưởng này cũng được nhắc lại trong chữ đỏ của Sách Lễ Rôma La Tinh năm 2002.

Ý nghĩa của nghi thức có thể được phát triển thêm, và do đó, Đức Thánh Cha Phanxicô, nhà lập pháp tối cao của Giáo Hội, đã quyết định trong năm 2016 là sửa đổi chữ đỏ cho Thánh Lễ Tiệc Ly của Chúa để việc rửa chân không còn dành riêng cho phái nam nữa. Sắc lệnh "In Missa in Cena Domini" (ngày 6-1-2016) thông báo thay đổi này như sau:

"Việc canh tân Phụng Vụ Tuần Thánh, với Sắc Lệnh Maxima Redemptionis nostrae mysteria (Các Mầu nhiệm quan trọng nhất của ơn cứu chuộc chúng ta), ngày 30-11-1955, cho phép rửa chân cho 12 người đàn ông trong Thánh Lễ Tiệc Ly, sau bài Tin Mừng Gioan, cử chỉ này bày tỏ sự khiêm hạ và tình yêu của Chúa Kitô dành cho các môn đệ của Ngài”.

"Trong phụng vụ Roma, nghi thức này được lưu lại với danh xưng Mandatum (điều răn, giới luật) của Chúa Giêsu về đức ái huynh đệ theo chính lời Ngài (xem Ga 13,34), được diễn tả trong điệp ca lúc rửa chân.

"Khi cử hành nghi thức này, các Giám mục và các linh mục được mời gọi trở nên giống Chúa Giêsu, “Đấng đã đến không phải để được phục vụ, nhưng để phục vụ” (Mt 20, 28), và được tình yêu ‘đến cùng’ (Ga 13, 1) thúc đẩy, hiến thân cho phần rỗi của toàn thể nhân loại. Để diễn tả ý nghĩa tròn đầy của nghi thức này đối với những ai tham dự vào, Đức Thánh Cha Phanxicô đã quyết định luật phụng vụ được ghi trong Missale Romanum (Sách Lễ Rôma, trg. 300, số 11): “Các người giúp lễ sẽ hướng dẫn những người đàn ông đã được tuyển chọn …” phải được được thay đổi như sau: “Các người giúp lễ sẽ hướng dẫn những người được tuyển chọn trong Dân Chúa…” (và cũng liên hệ đến Caeremoniali Episcoporum (Nghi Thức Giám Mục), số 301 và số 299 b: “các ghế dành cho các người được chọn”). Như vậy, các mục tử có thể chọn một nhóm nhỏ các tín hữu đại diện các thành phần dân Chúa. Nhóm nhỏ ấy có thể gồm cả đàn ông lẫn phụ nữ, người trẻ, người già, người lành mạnh và bệnh nhân, giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân.

"Do năng quyền Đức Thánh Cha ban, Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích áp dụng sự thay đổi này vào các sách phụng vụ và nhắc nhớ các vị mục tử về nghĩa vụ giáo huấn thích hợp cho các tín hữu được chọn (rửa chân) cũng như cho những người khác, để họ tham dự vào nghi thức này một cách ý thức, tích cực và hiệu quả. Bất chấp những quy định trái ngược” (Bản dịch Việt ngữ của Ủy ban Phụng tự thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam).

Nhận định và trình bày sự thay đổi này, Đức Tổng Giám Mục Arthur Roche, Thư ký của Bộ Phụng Tự và Kỷ luật Bí Tích, đã viết như sau vào tháng 1-2016:

"Thầy đã nêu gương cho anh em (Ga 13,15). Sắc Lệnh In Missa in cena Domini (Thánh Lễ Tiệc Ly) của Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích, liên quan tới việc Đức Thánh Cha Phanxicô sửa lại luật phụng vụ trong Sách Lễ Rôma (trg. 300, số 11) về nghi thức rửa chân. Từ nhiều thế kỷ, nghi thức này gắn liền với thứ Năm Tuần Thánh, và từ cuộc canh tân phụng vụ Tuần Thánh năm 1955, nghi thức này được đưa vào Thánh Lễ chiều thứ Năm Tuần Thánh, thời điểm khởi đầu Tam nhật thánh.

"Được Tin Mừng Gioan soi sáng, nghi thức có tính cách truyền thống này mang ý nghĩa kép: bắt chước việc rửa chân mà Chúa Giêsu đã làm cho các Tông Đồ trong Bữa Tiệc Ly, và diễn tả việc tự trao ban chính mình Ngài qua việc phục vụ. Tên gọi của nghi thức này là Mandatum (điều răn, giới luật) được lấy từ điệp ca được đọc hay hát trong lúc rửa chân (“Mandatum novum do vobis, ut diligatis invicem, sicut dilexi vos, dicit Dominus” – “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em phải yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương anh em” [Ga 13,13]). Thật vậy, giới răn yêu thương thôi thúc tất cả các môn đệ của Chúa Giêsu, không phân biệt, loại trừ ai.

"Sách phụng vụ thế kỷ VII viết: “Pontifex suis cubicularibus pedes lavat et unusquisque clericorum in domo sua. ‘Đức Thánh Cha rửa chân cho các cận vệ của ngài và cho hàng giáo sĩ trong dinh thự của ngài’”. Sách Phụng Vụ Roma (Pontificale Romano) thế kỷ XII ghi lại nhiều hình thức rửa chân khác được thực hiện trong các giáo phận và các đan viện vào thời điểm sau Kinh chiều thứ Năm Tuần Thánh. Sang thế kỷ XIII, việc rửa chân được thực hiện trong Giáo triều Roma (‘facit mandatum duodecim subdiaconos’, Rửa chân cho 12 phó tế). Việc rửa chân cũng được ghi lại trong Sách Lễ Rôma của Đức Thánh Cha Piô V (1570): “Post denudationem altarium, hora competenti, facto signo cum tabula, conveniunt clerici ad faciendum mandatum. Maior abluit pedes minoribus: tergit et osculatur. ‘Sau khi lột khăn bàn thờ, vào thời điểm thích hợp, theo quyết định của những người hữu trách, các giáo sĩ thực hiện việc rửa chân. Người có địa vị cao rửa chân cho người có địa vị thấp, lau chân và hôn chân’. Khi rửa chân hát điệp ca, điệp ca cuối là “Đâu có tình yêu thương” (Ubi caritas), nghi thức kết thúc với Kinh Lạy Cha và lời nguyện liên kết với mệnh lệnh phục vụ và việc thanh tẩy tội lỗi: “Adesto Domine, quaesumus, officio servitutis nostrae: et quia tu discipulis tuis pedes lavare dignatus es, ne despicias opera manuum tuarum, quae nobis retinenda mandasti: ut sicut hic nobis, et a nobis exterioria abluuntur inquinamenta; sic a te omnium nostrum interiora laventur peccata. Quod ipse praestare digneris, qui vivis et regnas, Deus, per omnia saecula saeculorum. ‘Lạy Chúa, xin lắng nghe lời khẩn và sự phục vụ của chúng con…”. Như vậy, việc rửa chân dành riêng cho hàng giáo sĩ (‘conveniunt clerici’). Ý nghĩa cử chỉ này được soi sáng bởi đoạn Tin Mừng được đọc trong Thánh Lễ ban sáng. Không ấn định con số 12, dường như điều đó cho thấy rằng, vấn đề không chỉ là bắt chước những gì Chúa Giêsu đã làm trong bữa Tiệc ly, nhưng hơn thế nữa là sống theo mẫu gương mà Ngài đã để lại luôn thích hợp và cần thiết cho tất cả các môn đệ của Ngài.

"Việc rửa chân “De Mandato seu lotione pedum” (Mandato – giới răn, hoặc việc rửa chân) cũng được ghi lại rất rõ ràng trong Nghi thức giám mục (Caeremoniale Episcoporum) năm 1600. Sách này cho biết, việc rửa chân được thực hiện sau Kinh Chiều, hoặc sau bữa ăn trưa, trong nhà thờ hoặc trong phòng hội hoặc nơi nào đó phù hợp, Giám mục rửa chân, lau và hôn chân 13 người nghèo, sau khi cho họ áo mặc, thức ăn và giúp đỡ họ. Hoặc Giám mục, thay vì rửa chân cho 13 người nghèo, ngài rửa chân cho 13 kinh sĩ, theo thói quen địa phương, hoặc theo ý muốn của ngài, có thể ngài thích rửa chân cho người nghèo hơn là rửa chân cho các kinh sĩ, ngay cả ở những nơi có thói quen rửa chân cho các kinh sĩ, vì: “videtur enim eo pacto maiorem humilitatem, et charitatem prae se ferre, quam lavare pedes Canonicis. ‘Khi rửa chân cho người nghèo, Giám mục bày tỏ sự khiêm hạ và đức ái hơn khi rửa chân cho các kinh sĩ’”. Như vậy, việc rửa chân dành cho hàng giáo sĩ, không loại trừ thói quen địa phương coi trọng người nghèo và trẻ em nam (thí dụ Sách Lễ Paris, Missale Parisiense), việc rửa chân là cử chỉ mang ý nghĩa, nhưng không có sự hiện diện của dân Chúa. Nghi thức giám mục (Caeremoniale Episcoporum) quy định rõ ràng việc rửa chân tại các nhà thờ chính tòa và tại các trường học.

"Phụng vụ canh tân được thực hiện dưới triều Đức Thánh Cha Piô XII (1955) đã chuyển Thánh Lễ Tiệc Ly “Missa in cena Domini” vào buổi chiều thứ Năm Tuần Thánh, việc rửa chân được đưa vào Thánh Lễ này, diễn ra sau bài giảng, dành cho “12 người đàn ông được chọn”. Vị chủ sự rửa và lau chân cho các người được chọn. Không nói tới việc hôn chân. Như vậy, quy định mới về việc rửa chân không chỉ còn liên hệ với hàng giáo sĩ và không còn tính cách riêng tư nữa, nhưng có sự hiện diện của cộng đoàn. Ấn định con số “12 người đàn ông” rõ ràng là một cử chỉ bắt chước, như là một đại diện thánh, những yếu tố đó gợi lên trong tâm trí cử chỉ Chúa Giêsu đã thực hiện vào chiều thứ Năm Tuần Thánh đầu tiên.

"Sách Lễ Rôma năm 1970 lấy lại nghi thức này, nhưng sửa đổi đôi chút, làm đơn giản hóa một vài chi tiết: Không ấn định con số 12. Chỉ cử hành nghi thức rửa chân nếu lý do mục vụ khuyên làm. Bỏ đi một điệp ca và thay các điệp ca khác vào đó. Điệp ca Đâu có tình bác ái “Ubi caritas” được dời vào lúc dâng của lễ. Bỏ phần kết thúc gồm Kinh Lạy Cha, và lời nguyện. Phần này gắn liền với nghi thức rửa chân vốn được cử hành ngoài Thánh Lễ. Tuy nhiên, Sách Lễ Roma 1970 duy trì những người được rửa chân là “các người đàn ông”.

"Thay đổi hiện nay dự trù, những người được rửa chân là những người được tuyển chọn trong các thành phần của dân Chúa. Ý nghĩa việc rửa chân không chỉ còn là bắt chước cử chỉ bên ngoài mà Chúa Giêsu đã thực hiện cho bằng ý nghĩa cử chỉ mà Ngài đã thực hiện, với ý nghĩa rộng lớn hơn, nghĩa là Ngài đã trao ban chính mình đến cùng vì phần rỗi của nhân loại. Tình yêu của Ngài ôm ấp hết thảy mọi người. Tất cả mọi người được mời gọi sống theo mẫu gương của Ngài.

Tất cả hãy làm như Ngài đã làm cho chúng ta (x. Ga 13,14-15). Và vượt lên trên việc rửa chân hữu hình cho người khác, để hiểu trọn vẹn ý nghĩa mà cử chỉ này diễn tả trong việc phục vụ và yêu mến anh chị em mình. Trong Thánh Lễ, tất cả các điệp ca, được đề nghị lúc rửa chân nhắc nhớ và diễn tả ý nghĩa của cử chỉ này, cho những ai cử hành và những ai lãnh nhận, cho những ai chiêm ngắm và suy niệm trong tâm trí cử chỉ này bằng các bài hát.

"Trong Thánh Lễ Tiệc Ly không bó buộc phải rửa chân. Các mục tử cân nhắc sự thích hợp tùy theo hoàn cảnh và nhu cầu mục vụ, để không thực hiện việc rửa chân một cách máy móc, làm giảm và mất đi ý nghĩa của cử chỉ này. Hơn nữa, không làm cho cử chỉ này thành quan trọng đối với toàn thể Thánh Lễ Tiệc Ly, được cử hành trong “ngày cực thánh, ngày Chúa Giêsu tự phó nộp vì chúng ta”. Trong chỉ dẫn về bài giảng lưu ý tới đặc tính căn bản của Thánh Lễ này, thiết lập bí tích Thánh Thể, chức tư tế và điều răn mới về tình bác ái huynh đệ, đây là điều răn quan trọng nhất đối với tất cả mọi người và dành cho tất cả mọi thành phần trong Giáo Hội.

"Các mục tử nên chọn một nhóm nhỏ tín hữu đại diện cho các thành phần dân Chúa: giáo dân, những người có chức thánh, những người đã kết hôn, những người độc thân, các tu sĩ, những người khỏe mạnh và những người đau yếu, trẻ em, thanh niên và những người già. Không nên chọn chỉ một nhóm, một thành phần nào đó (thí dụ: Chỉ chọn một nhóm thiếu niên, hoặc chỉ chọn một nhóm người già – giải thích của người dịch). Cần thiết, người được chọn là người sẵn sàng đón nhận sự chọn lựa trong sự chân thành. Những ai thu xếp việc cử hành phụng vụ, cần chuẩn bị và sắp xếp mọi sự để giúp tất cả và từng người tham dự cách sốt sáng vào cử hành này: vì đời sống của mỗi môn đệ của Chúa Giêsu là tưởng niệm (anamnesis) “điều răn mới” được lắng nghe trong Tin Mừng” (Bản dịch Việt ngữ của Ủy ban Phụng tự thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam).

Hy vọng rằng với điều khoản mới này, nghi thức có thể khôi phục lại ý nghĩa ban đầu của nó, và do đó các sáng kiến cá nhân, chẳng hạn việc rửa tay, phải bỏ lại một bên. (Zenit.org 14-3-2017)

Nguyễn Trọng Đa
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Điêu Khắc Của Trời
Richard Drysdale
18:12 20/03/2017
ĐIÊU KHẮC CỦA TRỜI
Ảnh của Richard Drysdale
Núi non điêu khắc của Trời
Mưa gọt gió đẽo tuyệt vời thiên nhiên.
(nđc)
 
VietCatholic TV
Suy Niệm với Đức Thánh Cha Phanxicô 16 - 21/03/2017: Câu chuyện Ánh Sáng Ðô Thị
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:16 20/03/2017
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Đừng thờ ơ với người nghèo

Chúng ta hãy cẩn thận, đừng để mình bị rơi vào đường tội lỗi, dẫn đến kết cục như ông phú hộ. Đức Thánh Cha đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Năm 16 tháng Ba tại nhà nguyện Santa Marta

Ai sống trong giàu có mà không nhìn thấy người nghèo khó, thì đang rơi vào đường tội lỗi.

Khi một người chỉ sống trong môi trường khép kín của mình, chỉ hít thở trong không gian của riêng mình, trong tài sản của riêng mình, trong sự hài lòng đầy hư ảo của hư danh, để rồi cảm thấy an toàn và chỉ tin vào chính bản thân, thì khi đó người ấy đánh mất phương hướng, đánh mất định hướng, mất la bàn và không biết xác định các ranh giới. Ðó là những gì đã xảy ra với ông nhà giàu trong bài Tin Mừng theo thánh Luca hôm nay. Ông chỉ biết sống cho riêng mình. Ông không thèm quan tâm và không biết đến người nghèo Lazaro trước cửa nhà ông.

Ông ta biết người nghèo đó là ai. Ông ta biết. Bởi vì sau đó, khi chịu cực hình trong hỏa ngục, ông kêu xin với Tổ phụ Abraham rằng: “Xin sai anh Lazaro...”. Thế đó, ông phú hộ biết có người nghèo trước cửa nhà mình, ông cũng biết rõ tên của người ấy là Lazaro, nhưng ông không quan tâm. Ông ta có phải là kẻ tội lỗi không? Có. Nhưng một tội nhân có thể hoán cải, có thể nài xin ơn tha thứ và Chúa sẽ thứ tha. Thế nhưng tâm hồn ông ta khép kín và dẫn ông tới chỗ chết mà không thể quay đầu. Vấn đề là ở chỗ: ông ta biết những đau khổ của người nghèo, nhưng ông lại cứ sống trong cái hạnh phúc của ông và không cần quan tâm. Vấn đề là ông không nhận thấy mình là kẻ tội lỗi, ông không thấy mình cần hoán cải.

Chúng ta cảm thấy gì trong tâm hồn, khi nhìn những người vô gia cư trên đường phố?

Anh chị em sẽ cảm thấy gì trong lòng khi đi trên đường phố và thấy những người vô gia cư, thấy những đứa trẻ ăn xin... Có thể anh chị em nói: nhưng có những kẻ ăn cắp. Và rồi anh chị em tiếp tục bước đi? Những người vô gia cư, người nghèo, người bị bỏ rơi, ngay cả có những người ăn mặc lịch sự nhưng họ không nhà cửa, vì họ không có tiền thuê nhà, vì họ không có công ăn việc làm... Những con người ấy là ai đối với tôi?

Phải chăng những con người ấy cũng chỉ là một phần của cảnh quan thành phố, giống như một bức tượng, như trạm xe buýt, như bưu điện? Phải chăng điều ấy là bình thường? Hãy cẩn thận! Hãy cẩn thận khi tự nhủ lòng rằng: Có những điều như thế, nhưng mà cuộc sống là thế thôi... rồi tiếp tục ăn uống, mà không có một chút cảm thấy lỗi lầm, và rồi tiếp tục bước đi. Cung cách ấy, con đường ấy chẳng hề tốt lành.

Từ những gì tôi nghe, những gì tôi thấy trên các tin tức, ví như có quả bom rơi xuống một bệnh viện và nhiều trẻ em bị chết, nhiều người nghèo bị chết, có thể tôi dâng một lời cầu nguyện và rồi tôi tiếp tục sống như thể chẳng có gì xảy ra? Hãy ghi khắc trong tim chúng ta, câu chuyện đầy kịch tính của anh Lazaro.

Chúng ta hãy cầu nguyện: Lạy Chúa, xin hãy đoái nhìn tâm hồn con, để con nhận thấy đường sai lỗi của con. Vì một tội nhân, nếu sám hối, thì sẽ trở lại; nhưng nếu là kẻ dửng dưng vô cảm thì là quá khó, vì khi ấy là tự đóng kín nơi bản thân. Lạy Chúa, này là trái tim con, xin cho con biết được đường đi và trên con đường ấy, con có thể vững bước.

2. Câu chuyện Ánh Sáng Ðô Thị

Một trong những cuốn phim hay nhất của Charlot và cũng có lẽ là một trong những cuốn phim hay nhất trong lịch sử điện ảnh, đó là cuốn phim có tựa đề là: “Ánh Sáng Ðô Thị”. Ðó là câu chuyện tình của một gã lang thang và một cô gái bán hoa.

Nàng là một cô gái mù bán hoa bên vệ đường. Một nhà tỷ phú trong vùng ngày nào cũng dừng lại mua hoa của nàng. Ngày kia, gã lang thang là Charlot cũng dừng lại mua hoa của nàng. Cô gái bán hoa tưởng chàng là người tỷ phú. Thế là một giấc mộng đã chớm nở và nối kết hai tâm hồn. Nàng tưởng mình gặp được người mình mơ mộng từ lâu nay. Chàng thì hy vọng sẽ kiếm được tiền để chữa lành tật mù lòa của nàng.

Nhưng chẳng may, vì một sự ngộ nhận, chàng đã bị cảnh sát giam giữ. Sau một thời gian cầm tù, chàng được trả tự do. Chàng trở lại chỗ cũ để tìm người con gái mù, nhưng nàng không còn ở đó nữa. Nhờ tiền bạc trước kia chàng đã gửi cho nàng, người con gái đã được chữa lành và nay đứng trông coi một cửa hàng bán hoa rộng lớn hơn. Chàng đi qua đi lại nhiều lần, nhưng không thể nào nhận ra nàng. Tình cờ, một cánh hoa hồng rơi xuống đất, chàng nhặt lấy. Người con gái cười như nhạo báng. Chàng định bỏ đi, nhưng chợt nhận ra tiếng cười, chàng quay lại. Chàng hỏi một cách nhút nhát: “Cô đã thấy được rồi sao?”. Người con gái nhận ra tiếng nói quen thuộc. Nàng từ từ nhặt cánh hoa và gắn lên áo chàng. Và nàng thốt lên trong cảm xúc: “Anh đấy sao?”. Thế là cả hai đã nhận ra nhau và họ sẽ không bao giờ rời nhau nữa.

Cuộc gặp gỡ trong bất cứ một cuộc tình nào cũng là hình bóng của cuộc gặp gỡ trong đức tin giữa chúng ta và Thiên Chúa. Thiên Chúa là tình yêu và chúng ta là những con người có tự do. Do đó Thiên Chúa không nói với chúng ta bằng một ngôn ngữ nào khác hơn là tình yêu. Tình yêu không bao giờ là một cưỡng bách, nhưng là một mời gọi tự do.

Những người Do Thái thời Chúa Giêsu đòi hỏi những dấu lạ, những bằng chứng hiển nhiên về sứ mệnh của Ngài. “Ông hãy làm cho chúng tôi một dấu lạ”.

Ngày nay thì trái lại, với những tiến bộ vượt bậc về khoa học kỹ thuật, con người dường như không còn tin ở phép lạ nữa. Tưởng mình có thể chế ngự và làm chủ vũ trụ, con người muốn loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống.

Chúng ta có thể ngạc nhiên tại sao Thiên Chúa không làm phép lạ nhãn tiền cho những người biệt phái hay cho những kẻ vô thần ngày nay. Tại sao Ngài không viết tên Ngài trên trời để xóa tan mọi nghi ngờ trong lòng người? Thiên Chúa có lối sư phạm của Ngài. Ngài đã không là Thiên Chúa của những điềm lạ cả thể, nhưng là một Thiên Chúa đã chọn lựa làm tôi tớ để chinh phục tình yêu và lòng tín nhiệm của con người. Thiên Chúa không những là một Thiên Chúa của quyền năng ở bên trên con người, nhưng còn là Thiên Chúa ở bên trong con người. Và, cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu chính là dấu lạ cả thể nhất, bởi vì đó là dấu chứng của tình yêu. Chúa Giêsu đã nói đến dấu chứng đó khi dùng hình ảnh của tiên tri Giona. Giona được Thiên Chúa sai đến cho dân thành Ninivê. Ông tưởng Chúa sẽ dùng ông để làm một dấu lạ cả thể khiến dân thành sẽ tin vào sứ mệnh của ông. Nhưng cuối cùng, qua con người của ông, Thiên Chúa chỉ kêu mời sự hoán cải và tình yêu.

Thiên Chúa đến gặp gỡ chúng ta qua những sinh hoạt và những biến cố tầm thường nhất trong cuộc sống. Ngài mời gọi chúng ta nhận ra Ngài trong cái ăn, cái uống, cái mặc, trong tiếng cười, tiếng khóc, trong tất cả mọi gặp gỡ của chúng ta với tha nhân. Và ngay cả trong cái chết mà con người cho là điểm cuối cùng của cuộc sống, Thiên Chúa cũng có mặt.

Nhận ra Ngài như cô gái bán hoa đã nhận ra giọng nói của chàng Charlot, đó là ơn gọi của người Kitô chúng ta. Một đức tin trưởng thành không đòi hỏi và thử thách Thiên Chúa, nhưng tín thác và nhận ra dấu chỉ của Ngài qua những cái tầm thường nhất của cuộc sống.

3. Hoán cải là làm các việc thiện cụ thể chứ không chỉ là nói xuông

Xa tránh điều ác, học làm điều thiện và tiến gần đến Thiên Chúa. Đó là hành trình hoán cải của Mùa Chay. Đó là cuộc hoán cải với những hành động cụ thể chứ không chỉ nói xuông. Đức Thánh Cha đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ sáng 14 tháng Ba tại nhà nguyện Santa Marta.

Xa tránh điều ác và học làm điều thiện, đó là cả một hành trình

Chúng ta đừng ở mãi trong những điều xấu xa, nhưng hãy dần xa lánh những gì độc hại cho linh hồn. Từ đó, điều ác ngày càng nhỏ lại, và chúng ta dần học làm điều thiện.

Thật không dễ để làm điều thiện. Chúng ta phải học để làm điều thiện. Chúng ta cần học luôn luôn. Và Chúa sẽ dạy chúng ta. Nhưng vấn đề là chúng ta phải học! Giống như trẻ em! Trên hành trình cuộc đời, và hành trình của đời sống người Kitô, chúng ta cần học mỗi ngày, học mọi ngày, học từng ngày. Bạn phải học làm điều gì đó, điều gì đó tốt hơn ngày hôm qua. Học hỏi, học tập. Ra khỏi sự ác và học làm sự thiện: đó là quy luật của hoán cải. Bởi vì cuộc hoán cải không phải theo kiểu một nàng tiên với chiếc đũa thần biến hóa chúng ta. Không như thế! Hoán cải là cả một hành trình. Đó là hành trình để rời xa cái xấu và học lấy cái tốt.

Để có thể rời xa cái xấu, bạn cần can đảm. Để học làm điều thiện, bạn cần khiêm tốn. Và khi ấy, học làm từng việc thiện cụ thể.

Trong bài đọc trích sách ngôn sứ Isaia, Chúa nói tới nhiều điều cụ thể cần làm. Đó là: hãy tìm kiếm công lý, hãy cứu giúp người bị áp bức, hãy xét xử công bằng cho những trẻ mồ côi và bênh đỡ người góa bụa. Đó là những điều rất cụ thể. Bạn cần học làm điều tốt cụ thể, chứ không chỉ có nói. Và đây là lý do mà trong bài Tin Mừng, Chúa Giêsu trách cứ những người lãnh đạo trong dân Israel. Vì họ nói mà không làm, vì họ không biết những gì là cụ thể là thực tế. Nếu không có những gì là cụ thể, thì đó không phải là hoán cải.

Bài đọc trích sách ngôn sứ Isaia tiếp tục với lời mời gọi của Chúa. Lời gọi mời hoán cải, lời kêu gọi ra khỏi sự gian ác và học làm điều tốt lành. Chúa nói: Nào, đứng dậy, hãy đến và chúng ta sẽ cùng nhau tranh tụng, cùng nhau thảo luận, cùng nhau tiến bước. Chúng ta có thể nói: Nhưng con có rất nhiều tội lỗi… Chúa sẽ nói: Đừng lo, dù tội lỗi ngươi đỏ tựa vải điều, thì cũng sẽ nên trắng như tuyết. Đây chính là con đường hoán cải của Mùa Chay.

Thật đơn giản! Đơn giản bởi vì Chúa là Người Cha, bởi vì Cha đã nói, vì Cha là Đấng yêu thương chúng ta, là Đấng muốn chúng ta ngày càng tốt hơn. Niềm tin tưởng ấy dẫn đưa chúng ta vào con đường sám hối ăn năn. Để làm được điều ấy, chúng ta phải khiêm nhường. Chúa Giêsu đã nói với các nhà lãnh đạo: “Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống, và ai hạ mình xuống , sẽ được tôn lên.”

Như thế, chìa khóa cho cuộc hoán cải của Mùa Chay chính là: xa lánh sự ác, tập làm việc thiện, đứng dậy và cùng đi với Chúa. Khi ấy, mọi tội lỗi của chúng ta sẽ được thứ tha.
 
TV Thời Sự Giáo Hội và Thế Giới Ngày Nay 19/3/2017
VietCatholic Network
16:41 20/03/2017
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây

Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô. VietCatholic xin kính chào quý vị và anh chị em trong tình yêu thương của Chúa Kitô và Mẹ Maria. Kính thưa quý vị và anh chị em, chương trình Truyền Hình của chúng tôi hôm nay gồm có các tin chính như sau:

1- Mùa Chay là dịp tốt để nhìn ra gương mặt Chúa nơi tha nhân đau khổ.

2- ĐTC xác định tiêu chuẩn "cha “giải tội tốt”.

3- ĐGH Phanxicô chào đón khách hành hương Trung Quốc trong khi cảnh vệ cố tình ngăn cản họ.

4- Nhận định của ĐHY Vincent Gerard Nichols về việc truyền chức linh mục cho người có gia đình.

5- Các nhà lãnh đạo tôn giáo Triều Tiên kêu gọi tránh xung đột sau quyết định của Toà án truất phế bà Park.

6- Myanmar và Vatican thiết lập quan hệ ngoại giao.

7- Giám mục Giorgio Bertin nói về cuộc khủng hoảng do nạn đói ở Somalia.

8- Các Giám mục Bolivia chống dự luật cho phép phá thai vì nghèo khổ.

9- Tòa Âu Châu phán quyết: Việc cấm khăn che mặt của người Hồi Giáo nơi làm việc là không kỳ thị.

10- Thánh Ca Mùa Chay: Trên Đỉnh Đồi Xa.

Sau đây là phần tin chi tiết:

- Mùa Chay là dịp tốt để nhìn ra gương mặt Chúa nơi tha nhân đau khổ.

Thời gian Mùa Chay là dịp tốt giúp đến gần Chúa Giêsu, gặp gỡ Ngài trong lời cầu nguyện, trong đối thoại thân tình, tim kề tim, nói chuyện với Ngài, lắng nghe Ngài; nó là dịp tốt giúp trông thấy gương mặt của Ngài cả nơi gương mặt của một người anh chị em đau khổ. ĐTC Phanxicô đã nói như trên với hàng chục ngàn tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi đọc Kinh Truyền Tin chung trưa Chúa Nhật hôm qua, 19/3/2017, tại Roma.

Mở đầu bài huấn dụ ngài nói: Tin Mừng Chúa Nhật thứ ba mùa Chay hôm nay giới thiệu với chúng ta cuộc đối thoại của Chúa Giêsu với người đàn bà xứ Samaria (x. Ga 4,5-42). Cuộc gặp gỡ xảy ra trong khi Chúa Giêsu đi ngang qua Samaria, nơi dân cư bị người Do thái khinh rẻ. Chúa Giêsu đến bên cạnh một cái giếng để xin nước uống từ một phụ nữ đến kín nước. Và từ lời xin này bắt đầu một cuộc đối thoại. “Làm sao một người Do Thái mà lại hạ cố xin điều gì đó từ một phụ nữ Samaria?” Chúa Giêsu trả lời: nếu chị biết tôi là ai và ơn tôi cho chị, thì chị sẽ là người xin, và tôi sẽ cho chị “nước hằng sống”, một nước thoả mãn mọi cái khát, và trở thành suối nguồn không thể cạn trong con tim người uống nó (cc. 10-14). Khi người đàn bà nhận ra rằng người đang nói là một ngôn sứ, chị tín thác cuộc sống riêng tư cho ngài, và đặt ra các câu hỏi tôn giáo… Bà bị đánh động bởi lòng tôn trọng lớn lao mà Chúa Giêsu có đối với mình và khi Ngài nói với bà về lòng tin đích thực như là tương quan với Thiên Chúa Cha “trong tinh thần và trong chân lý”. Bà trực giác được rằng người đó có thể là Đấng Cứu Thế, và Chúa Giêsu xác nhận: “Chính Ta, là người đang nói với chị” (c. 26) - đây là điều rất hiếm.

ĐTC nói tiếp trong bài huấn dụ: Anh chị em thân mến, nước trao ban sự sống vĩnh cửu đã được đổ tràn đầy trong tim chúng ta trong ngày chúng ta lãnh bí tích Rửa Tội; khi đó Thiên Chúa đã biến đổi chúng ta và làm cho chúng ta tràn đầy ơn thánh Ngài. Thời gian Mùa Chay này là dịp tốt để tiến tới gần Ngài, gặp gỡ Ngài trong lời cầu nguyện, trong một cuộc đối thoại tim kề tim, nói chuyện với Ngài, lắng nghe Ngài; nó là dịp tốt để trông thấy gương mặt của Ngài nơi gương mặt của một người anh chị em đau khổ. Như thế chúng ta có thể canh tân trong chúng ta ơn thánh của Bí tích Rửa Tội, giải khát nơi suối nguồn Lời Chúa và của Thần Khí của Ngài, và như vậy cũng khám phá ra niềm vui trở thành tác nhân của hoà giải và dụng cụ của hoà bình trong cuộc sống thường ngày.

Sau khi đọc Kinh Truyền Tin và ban phép lành tòa thánh cho mọi người, ĐTC đã bày tỏ tình liên đới với nhân dân Peru bị lũ lụt tàn phá. ĐTC cũng đã chào các tín hữu cùng khách hành hương đến từ nhiều nơi trong Italia và trên thế giới, và xin mọi người đừng quên cầu nguyện cho Ngài.

- Đức Thánh Cha xác định tiêu chuẩn cha “giải tội tốt”.

ĐTC nhắn nhủ các cha giải tội gắn bó với Chúa Kitô qua kinh nguyện, biết phân định và ý thức rằng tòa giải tội chính là nơi loan báo Tin Mừng. Ngài đưa ra lời nhắn nhủ trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 17/3/2017 dành cho 700 người gồm các LM trẻ và chủng sinh sắp thụ phong LM tham dự khóa học về bí tích giải tội do Tòa Ân Giải tối cao tổ chức trong những ngày qua.

Trong bài huấn dụ, ĐTC khai triển 3 điều kiện để trở thành cha “giải tội tốt”:

- Trước tiên phải là người bạn đích thực của Chúa Giêsu Mục Tử nhân lành. Điều này trước tiên có nghĩa là phải vun trồng đời sống cầu nguyện, luôn cầu xin Chúa ơn bác ái mục tử, ơn có khả năng hiểu những vết thương của người khác để chữa lành, ơn khiêm tốn, và luôn xin ơn Thánh Linh là Thánh Thần Phân Định và cảm thương.

- Tiếp đến, cha giải tội tốt là người của Thánh Linh, người biết phân định. Cha giải tội không dạy đạo lý riêng của mình, nhưng luôn luôn thực thi thánh ý Chúa, trong niềm hiệp thông trọn vẹn với Giáo Hội.

- Sau cùng, ĐTC nói, cha giải tội tốt là người ý thức rằng tòa giải tội cũng là nơi thực sự để loan báo Tin Mừng. Thực vậy, không có sự loan báo Tin Mừng nào chân chính hơn là cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa từ bi thương xót.

Tòa Giải tội cũng là nơi huấn luyện. Tuy cuộc đối thoại giữa cha giải tội với hối nhân thường ngắn ngủi, nhưng Cha giải tội được kêu gọi phân định xem đâu là điều hữu ích nhất và đâu là điều cần thiết cho hành trình thiêng liêng của anh chị em đến xưng tội. Đôi khi cần phải tái loan báo cho họ những chân lý sơ đẳng nhất của đức tin, những nền tảng của đời sống luân lý, luôn ở trong tương quan với sự thật, sự thiện và thánh ý Chúa.

- ĐGH Phanxicô chào đón khách hành hương Trung Quốc trong khi cảnh vệ cố tình ngăn cản họ.

ĐGH Phanxicô đã chào đón và chúc lành cho một nhóm khách hành hương đến từ Trung Quốc khi họ bước qua hàng rào cản để đến với ngài trong buổi tiếp kiến chung vào hôm thứ Tư 15 tháng 3 vừa qua. Trong số những người chen lấn, có những người đã quỳ gối để đến với ĐGH, tay cầm cờ Trung Quốc và giữa tiếng khóc nức nở, họ đã xin ĐGH làm phép một tượng Đức Mẹ Fatima mà họ đã mang theo vào Quảng Trường Thánh Phêrô.

Lúc đầu, các Cảnh Vệ Thụy Sĩ đã ngăn cản không cho họ đến gần ngài, nhưng ĐGH đã kịp thời can thiệp. Ngài đã dành vài phút tiếp chuyện với nhóm hành hương và dành thời gian cho các em nhỏ có mặt trong nhóm.

Được biết Trung Quốc chỉ cho phép sinh hoạt Công Giáo đối với cái gọi là Hội Công Giáo Yêu Nước, một công cụ của Đảng Cộng Sản Trung Quốc và bác bỏ quyền của Tòa Thánh Vatican trong việc bổ nhiệm các giám mục cũng như cai quản các ngài. Giáo Hội Công Giáo trung thành với ĐGH không phải là hoàn toàn bí mật, nhưng luôn phải đối diện với khó khăn, chống đối liên tục từ phía nhà nước.

Liên hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Tòa Thánh Vatican đã bị cắt đứt vào năm 1951, hai năm sau khi Đảng Cộng Sản nắm quyền và trục xuất các giáo sĩ ngoại quốc. Trong những năm gần đây, với thiện ý của ĐGH Phanxicô, Tòa Thánh đang cố gắng tìm một giải pháp để tái lập ngoại giao với Trung Quốc.

- Nhận định của ĐHY Vincent Gerard Nichols về việc truyền chức linh mục cho người có gia đình.

Ngày 11 tháng 3 vừa qua, tổ chức thanh niên Công Giáo CYM Events và Hội đồng Giám mục Anh và xứ Wales tổ chức đại hội “Flame 2017” (Ngọn lửa 2017) tại sân vận động Wembley ở Luân đôn, thủ đô Anh quốc, với sự tham dự của gần 10 ngàn người trẻ. Chủ đề của đại hội là “10 ngàn lý do”, khuyến khích người trẻ là một phần của 10 ngàn lý do để tin, để hy vọng và cầu nguyện.

Trong dịp này, ĐHY Vincent Gerard Nichols, TGM giáo phận Westminster và cũng là Chủ tịch HĐGM Anh và xứ Wales đã trả lời một cuộc phỏng vấn dành cho tờ báo tiếng Đức Die Zeit, trong đó ngài đã có những nhận định về việc ĐGH Phanxicô nói rằng: Giáo Hội nên xét xem Chúa Thánh Thần có đang yêu cầu các linh mục kết hôn không.

Theo ĐHY, truyền thống vững chắc về luật độc thân của linh mục không thay đổi, dù cho ĐGH Phanxicô nói rằng Giáo Hội nên suy tư về việc truyền chức cho những người có gia đình. ĐHY nghĩ rằng ý kiến của ĐGH cho thấy ngài có một tinh thần cởi mở với những soi sáng của Chúa, và ĐHY nghĩ là ĐGH muốn nói đến một sự cởi mở để tìm ra các giải pháp. ĐGH không nói là “tôi muốn có các Linh mục kết hôn, tôi muốn các nữ phó tế… (mà) Ngài đang nói “chúng ta đừng sợ!” ĐHY khen ngợi đường hướng cởi mở này, nó cho thấy ĐGH là nhà lãnh đạo tốt, ngài đưa ra điều tốt nhất cho dân, trái ngược với những lãnh đạo kém cỏi, nói về sợ hãi.

Theo ĐHY Nichols, dù đã có một số người kết hôn làm linh mục ở Anh, điều đó không có nghĩa là nó là một luật phổ biến. Ngài nói: “Tôi nghĩ truyền thống về một linh mục, đến và dâng hiến trọn cuộc đời cho Giáo Hội rất có ý nghĩa đối với những người trên đường phố. Họ nói: ‘đó là linh mục của chúng ta. Không của ai khác. Đó là của chúng ta’. Họ biết linh mục ở đó là vì họ.”

- Các nhà lãnh đạo tôn giáo Triều Tiên kêu gọi tránh xung đột sau quyết định của Toà án truất phế bà Park.

Các nhà lãnh đạo Công Giáo, Tin Lành và Phật giáo đang yêu cầu dân chúng Triều Tiên đoàn kết và tôn trọng bản án của Toà án Hiến pháp về việc biểu quyết buộc tội Tổng thống Park Geun-hye. Bà Park đã bị Quốc hội tố cáo vào tháng 12 năm ngoái, vì cho phép bạn của bà ta là Choi Soon-sil, can thiệp vào công việc của quốc gia để để quyết định các chính sách và bổ nhiệm các viên chức, nhận hối lộ hàng triệu đô la đút lót từ các công ty Triều Tiên để họ được quyền lợi về mặt pháp luật.

Toà đã tuyên án và Park bị truất quyền Tổng thống, trong vòng hai tháng quốc gia sẽ chuẩn bị cho cuộc bầu cử mới. Trong những tháng gần đây đã có những cuộc biểu tình của hàng triệu người kêu gọi TT Park từ chức, cũng như hàng chục ngàn người đã tụ họp để lên tiếng ủng hộ bà ta. Điều đáng quan tâm là bản cáo buộc dẫn tới xung đột giữa hai phe và sự đối nghịch gay gắt này có thể làm suy giảm việc phát triển của Triều Tiên.

Chính vì lý do này, ĐC Iginus Kim Hee-joong, Chủ tịch HĐGM Triều Tiên đã đưa ra một thông cáo trong đó Ngài tuyên bố rằng "Bản án của Tối Cao Pháp Viện không thể làm thỏa mãn mọi người. Xung đột, chia rẽ và bất tuân quyết định của toà án sẽ dẫn tới tai họa mà thôi." Hội đồng Kitô giáo (Tin Lành) của Triều tiên (Christian Council of Korea) cũng đã yêu cầu tất cả người dân chấp nhận kết quả của Tòa án.

- Myanmar và Vatican thiết lập quan hệ ngoại giao.

Trong một phiên họp diễn ra vào hôm 10 tháng 3, Quốc hội của Cộng hòa Myanmar (Miến Điện) đã đồng thuận thông qua đề nghị thiết lập quan hệ ngoại giao với Vatican. Trước đó, bằng một tuyên bố vào hôm 24 tháng 2, Bộ trưởng U Kyaw Tin cho biết Chính phủ mới hiện do Liên đoàn Quốc Gia vì Dân Chủ (NLD) cầm quyền sẽ bắt đầu mở quan hệ ngoại giao với 7 quốc gia, trong đó có thánh quốc Vatican.

Vatican đã gửi đề nghị lập quan hệ ngoại giao đến Bà Daw Aung San Suu Kyi – Cố vấn Quốc gia kiêm Ngoại trưởng Mynammar vào hôm 8/ 2/2017, thông qua Đức TGM Paul Tsang in-Nam – hiện là Sứ thần Tòa Thánh tại Thái Lan, kiêm Khâm sứ tại Myanmar.

Dưới sự hướng dẫn của ĐHY Charles Bo của TGP Yangon và cũng là vị Hồng Y đầu tiên của Myanmar, Đức TGM Khâm sứ Tsang in-Nam đã có buổi hội kiến chính thức với Bà Aung San Suu Kyi tại nhà của Bà ở Nay Pyi Taw, thủ đô hành chính của Myanmar. Cuộc hội kiến này cũng có sự tham dự của ĐHY Bo (vì ngài vốn có một tình bạn sâu sắc với ngài thủ tướng), cùng với Cha Maurice Nyunt Wai - thư ký điều hành của HĐGM Myanmar.

- Giám mục Giorgio Bertin nói về cuộc khủng hoảng do nạn đói ở Somalia

Theo một báo cáo của Liên Hiệp Quốc, các bệnh dịch bắt nguồn từ nạn đói đã giết chết hàng chục trẻ em trong hai tháng vừa qua tại một bệnh viện của chính phủ ở Mogadishu, thủ đô Somalia. Nạn hạn hán nghiêm trọng đã đưa Somalia đến bờ vực của nạn đói. Hiện tại có khoảng 6.2 triệu người ở Somalia cần được giúp đỡ, gần một nửa dân số của đất nước này.

Đức Giám Mục Giorgio Bertin, Giám Quản Tông Tòa của Mogadishu đã nói về sự tuyệt vọng của người dân trong nước do hậu quả của hạn hán và tình trạng mất an ninh. Ngài cho biết, "Đó là một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng ... vì hai mùa mưa cuối cùng đã không xảy ra ở một số vùng của Somali, nhưng cụ thể đối với trường hợp của Somali thì vấn đề hạn hán lại gắn liền với tình trạng mất an ninh.

Khi được hỏi về phản ứng của Giáo Hội đối với cuộc khủng hoảng hiện tại, Đức Giám Mục Bertin cho biết Caritas Somalia và các đối tác CRS và Trocaire, cũng như các tổ chức từ thiện Công Giáo khác và các Nữ tu Consolata, đã có những nỗ lực đối phó với cuộc khủng hoảng. Vị Giám Quản Tông Tòa nói rằng dân chúng "cảm thấy rất tuyệt vọng". Họ nhìn thấy những con cừu, dê, lạc đà chết trên các đồng ruộng, và khi họ nhìn thấy các động vật chết, họ biết rằng mai đây rồi cũng sẽ tới phiên họ.

- Các Giám mục Bolivia chống dự luật cho phép phá thai vì nghèo khổ.

HĐGM Bolivia phản đối lại dự luật của Quốc hội, đưa ra những nguyên nhân khác nhau để cho phép phá thai. Trong số các lý do, có lý do nghèo khổ cùng cực.

Trong thông tin gửi đến hãng tin Fides, các Giám mục Bolivia nói: “Đề xuất này đã bóp méo hệ thống tư pháp hình sự, xem sự nghèo khổ như một lý do để không bị trừng phạt đối với các tội phạm như giết trẻ sơ sinh, như thể nghèo khổ là một biện minh đầy đủ để vi phạm bất kỳ luật pháp nào.

Cuộc cải cách nằm trong dự án Bộ luật mới về Hệ thống Hình sự của nước này dự kiến cho phép phá thai trong 8 tuần đầu của thai kỳ, chỉ một lần, nếu thai phụ sống trên đường phố hay ở trong hoàn cảnh nghèo khổ cùng cực không có đủ nguồn lực để chu cấp cho mình và cho gia đình. Điều luật này cũng quy định là phụ nữ có thể phá thai nếu đã là mẹ của 3 đứa con hay hơn nữa và không thể nuôi nấng chúng, hoặc nếu thai phụ là một sinh viên.

Dự án cũng quy định sự gián đoạn mang thai có thể xảy đến bất cứ thời gian nào của thai kỳ, nếu cần thiết để ngăn chặn một nguy hiểm hiện tại hoặc tương lai đối với sự sống hay sức khỏe của người phụ nữ và khi các thai nhi được xác định có những dị tật không thích hợp với sự sống.

Giáo Hội Công Giáo khẳng định rằng việc phá thai “là bạo lực đối với thân thể phụ nữ, để lại những hậu quả nặng nề trong tâm lý nữ giới, thường là không thể chữa trị.” Các Giám mục tuyên bố rằng: “Nhà nước có trách nhiệm tạo ra các chính sách công nhằm cải thiện cuộc sống của người dân cũng như các chính sách giáo dục ủng hộ phụ nữ mang thai và phòng chống bạo lực.”

- Tòa Âu Châu phán quyết: Việc cấm khăn che mặt của người Hồi Giáo nơi làm việc là không kỳ thị

Tòa án Âu Châu đã phán quyết rằng lệnh cấm đeo khăn che mặt của người phụ nữ Hồi giáo không vi phạm luật kỳ thị tôn giáo hay niềm tin cá nhân, nếu luật ấy là điều lệ nội bộ của công ty quy định.

Phán quyết này liên quan đến vụ một phụ nữ Hồi giáo bị cho nghỉ việc vì đã từ chối không chịu bỏ khăn che mặt nơi làm việc. Bà Samira Achbita được công ty G4S ở Bỉ Quốc muớn làm tiếp viên năm 2003. Vào thời gian đó công ty chưa có điều lệ cấm công nhân mang trong người những thứ gì bày tỏ quan điểm của mình về chính trị, triết lý hay tôn giáo. Nhưng đến năm 2006 Ban Giám Đốc công ty ban hành điều lệ cấm công nhân không được mang thứ gì trên người để bày tỏ quan điểm chính trị, triết lý hay tôn giáo của mình.

Bà Samira Achbita chống lại lệnh trên nên bà đã bị công ty cho thôi việc. Bà đã nộp đơn kiện công ty ở Bỉ và nội vụ đã được tòa án Cộng Đồng Âu Châu xử. Theo phán quyết của Tòa Án Cộng Đồng Âu Châu thì việc công ty đưa ra điều lệ nội bộ như thế là không vị phạm sự kỳ thị. Tuy nhiên, toà án cũng giải thích thêm rằng việc cấm khăn che mặt cũng có thể là vi phạm kỳ thị, nhưng là kỳ thị gián tiếp, tức là chỉ với người đó là phụ nữ Hồi Giáo, còn là hợp pháp đối với người khác vì chủ đích của công ty là muốn có chính sách trung lập đối với mọi khách hàng.

Chúng tôi xin kính mời quý vị và anh chị em cùng nghe một bản thánh ca mùa chay, viết về những đớn đau, tủi nhục mà Chúa Giêsu đã phải chịu gánh lấy trên đồi Canvê để cứu rỗi nhân loại. Bài thánh ca mang tựa đề: Trên Đỉnh Đồi Xa, sáng tác Thiên Như, được trình bày qua tiếng hát của ca sĩ Như Ý.
 
Thánh Ca
Thánh Ca – Niềm Vui ơn Cứu Độ - Trình bày: Ngọc Thy
Minh Trung
16:14 20/03/2017
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây