Ngày 19-03-2009
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thánh cả Giu-se: Đấng công chính, khiêm tốn và thầm lặng.
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
00:17 19/03/2009
THÁNH GIU-SE

Đấng Công chính, Khiêm tốn và Thầm lặng


Giáo Hội Công Giáo không những dành ngày 19.3 để tôn kính Thánh cả Giu-se là Bạn Thanh Sạch của Đức Mẹ Maria, và ngày 1.5 là để mừng ngài là quan thầy của giới thợ thuyền, mà hơn thế nữa, Giáo Hội dành trọn tháng Ba để đặc biệt tôn kính Thánh cả Giu-se, bởi vì –đối với Thiên Chúa- thì ngài có vai trò rất lớn trong chương trình cứu chuộc loài người, và –đối với Giáo Hội- ngài chính là đấng quan thầy của toàn thể Giáo Hội Công Giáo, là bổn mạng của các gia trưởng, và là mẫu gương nhân đức để cho mọi người bắt chước noi theo.

Giữa một thế giới mà sự dữ và tội ác lan tràn, khi mà con người lạm quyền tự do Thiên Chúa ban cho để chối bỏ hạnh phúc gia đình, họ chỉ biết hưởng thụ vật chất, ích kỷ cho bản thân mình, mà từ chối trách nhiệm làm cha làm mẹ trong gia đình để dẫn đến ly dị, gây ra biết bao cảnh đời bất hạnh cho con cái của họ, thì Giáo Hội nêu cao gương sáng của Thánh cả Giu-se, để qua ngài mà nhân loại nhìn thấy được tình yêu quan phòng của Thiên Chúa đối với mỗi người, và qua ngài mà nhân loại nhận ra mình cũng có phần trong chương trình cứu chuộc của Thiên Chúa, để chu toàn bổn phận và trách nhiệm mà Thiên Chúa giao phó cho mình.

1. Thánh cả Giu-se – Đấng Công Chính.

Phúc Âm của thánh Mát-thêu nói Thánh cả Giu-se là người công chính (Mt 1, 19), người công chính là người biết kính sợ Thiên Chúa, là người luôn làm theo lương tâm ngay thẳng của mình, là người biết chu toàn bổn phận của mình cách khôn ngoan, và là người biết chăm sóc gia đình của mình với tất cả yêu thương của người quản gia của Thiên Chúa.

Là người công chính, nên Thánh cả Giu-se đã giải quyết cách khôn ngoan khi thấy vị hôn thê của mình là Đức Mẹ Maria mang thai Đấng Cứu Thế, sự khôn ngoan này không phải một sớm một chiều mà có, nhưng là bởi lương tâm của người công chính thường hay suy niệm đến thánh ý Chúa trong cuộc sống của mình, do đó mà Thánh cả Giu-se bình tĩnh để cho thánh ý Chúa thực hiện nơi Đức Mẹ Maria, mà không ồn ào trách móc cũng như chịu cay đắng nhục nhã.

Sự công chính này của Thánh cả Giu-se là mẫu gương cho tất cả chúng ta, dù là sống bậc tu trì hay sống bậc vợ chồng, bởi vì dù chúng ta có trở thành người tốt chăng nữa, thì cái tôi háo thắng, cái tôi kiêu ngạo, và cái tôi ích kỷ của mình vẫn là làm cho chúng ta thấy ý muốn của mình vượt trên cả thánh ý của Chúa, do đó mà chúng ta dễ dàng bắt người khác trả lại danh dự cho chúng ta, chúng ta dễ dàng lên án, chửi mắng đòi hỏi người khác phải trả lại sự công bằng cho chúng ta, mà chúng ta quên mất mình là người Ki-tô hữu.

Chúa Cha đã chọn Thánh cả Giu-se làm cha nuôi của Con Một Ngài là Chúa Giê-su, là bởi vì Thánh cả Giu-se là người công chính. Không ai đem con yêu quý của mình giao cho một người bất lương nuôi nấng dạy dỗ, nhưng giao con của mình cho người công chính, để người con của mình trở thành người đạo đức thánh thiện. Chúa Giê-su đã trở thành “mặt trời công chính” chiếu soi nhân loại đang đi trong tối tăm của tội lỗi, một phần là nhờ sự dạy dỗ của người cha nuôi công chính là Thánh cả Giu-se.

2. Thánh cả Giu-se – con người Khiêm Tốn.

Sự công chính làm nảy sinh đức khiêm tốn, hay nói cách khác, khiêm tốn là hoa trái của sự công chính, khiêm tốn là tự biết mình là ai và có khả năng tài cán gì để phục vụ tha nhân, như lời của Chúa Giê-su đã dạy: có thì nói có, không thì nói không, thêm điều đặt chuyện là việc của ma quỷ.(Mt 5, 37)

Thánh cả Giu-se biết mình là ai, là người được Chúa Cha chọn để nuôi nấng và giáo dục Chúa Giê-su, ngài cũng biết mình chỉ là đầy tớ vô dụng chỉ làm những gì mà ông chủ (Thiên Chúa) dạy làm mà thôi, cho nên trong suốt cuộc sống tại thế, ngài luôn khiêm tốn phục vụ Đức Mẹ Maria và Chúa Giê-su trong vai trò gia trưởng cách trọn vẹn, mà không một tiếng khoe khoang với người hoặc than trách với trời.

Biết mình chỉ là đầy tớ vô dụng của Chúa, nên ngài khiêm tốn vui vẻ nhận Đức Mẹ Maria làm bạn của mình khi Mẹ mang thai Đấng Cứu Thế; biết mình chỉ là đầy tớ vô dụng, nên Thánh cả Giu-se hết sức làm việc lao động để góp phần vào chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Ngài như một nền nhà kiên cố thầm lặng chôn dưới lòng đất, để cho tòa nhà vĩ đại là Chúa Giê-su và Đức Mẹ Maria nổi bật giữa phong ba sóng gió cuộc đời:

- Nếu không có sự khiêm tốn thì khi thấy vợ mình mang thai Đấng Cứu Thế, Đấng Cứu tinh nhân loại lại sinh ra trong hang đá Bê Lem nghèo hèn không mảnh vải che thân, thì Thánh cả Giu-se sẽ oán trời trách người.

- Nếu không có đức khiêm tốn, thì khi thấy các thiên thần từ trời xuống ca hát chúc vinh, các mục đồng đến thờ lạy, và có cả các nhà hiền sĩ xá lắc xa lơ bên phương Đông đến thờ lạy Đấng Cứu Thế trong máng cỏ tồi tàn, thì Thánh cả Giu-se sẽ trở thành kẻ kiêu căng và sẽ tự tôn mình và gia đình lên cao trong cao ngạo.

- Và khi thấy Đấng Cứu Thế -Chúa Giê-su- mới sinh đã bị người đời ghét bỏ tìm giết, nếu không có sự khiêm tốn tột cùng phó thác, thì Thánh cả Giu-se sẽ trở thành kẻ chống đối Thiên Chúa, và oán trách Thiên Chúa sao nở tàn ác với trẻ sơ sinh và gia dình mình.v.v...

Tất cả những điều ấy, nếu không có một sự khiêm tốn đặc biệt, nếu không có sự khôn ngoan và ơn Chúa giúp, thì chắc chắn, Thánh cả Giu-se cũng sẽ như những con người khác, oán trời, giận dữ với xã hội và buông xuôi mặc cho sự ác trong con người hoành hành.

Là gia trưởng của một gia đình kỳ lạ giữa nhân loại, Thánh cả Giu-se trở nên mẫu người khiêm tốn như Đức Mẹ Maria, để trở thành cha mẹ tuyệt vời giáo dục Chúa Giê-su trở thành “Đấng hiền lành và khiêm nhượng trong lòng.” (Mt 11, 18-23)

3. Thánh cả Giu-se – con người Thầm Lặng.

Trong toàn bộ bốn sách Phúc Âm, thì chỉ có Phúc Âm của thánh Mát-thêu và thánh Lu-ca có nhắc đến tên của Thánh cả Giu-se mà thôi, nhưng không nhắc nhiều. Thánh Mát-thêu thì khen ngợi ngài là người công chính, thánh Lu-ca thì nhắc nhở ngài là con cháu của dòng tộc vua Đa-vít ( Mt 1, 18-25. Lc 2, 1-7), tuy nhắc rất ít đến ngài, nhưng đều nói lên nét nổi bật con người của ngài: người công chính và con cháu của hoàng tộc.

Là người đóng vai trò quan trọng cùng với Đức Mẹ Maria trong việc nuôi nấng và dạy dỗ Chúa Giê-su, nhưng các thánh sử chỉ làm nổi bật vai trò cứu độ nhân loại của Chúa Giê-su và Đức Mẹ Maria, cũng như nhắc nhở rất nhiều đến các thánh tông đồ, mà không nói nhiều về Thánh cả Giu-se, bởi vì con người của Thánh cả Giu-se là con người thầm lặng, ngài chỉ muốn âm thầm phục vụ chứ không muốn lấn át vai trò của Chúa Giê-su và Đức Mẹ Maria, ngài biết mình chỉ là công cụ của Thiên Chúa dùng để tô điểm cho vai trò cứu chuộc thế gian của Chúa Giê-su nổi bật giữa loài người. Là người phục vụ cách âm thầm trong căn nhà nhỏ nghèo nàn làng Na-da-rét, Thánh cả Giu-se đã trở nên bậc thầy dạy đàng nhân đức khiêm tốn cho các thánh học đòi bắt chước, là nguồn cảm hứng cho các thi nhân hết lời ca tụng sự khiêm tốn và thầm lặng của ngài, và là mẫu gương sống động cho bậc gia trưởng noi theo.

Con người ta không ai thích sự thầm lặng khi phục vụ, nhưng con người ta thích phô trương khi phục vụ, thích nói nhiều khi phục vụ, và thích chỉ trích phê bình người khác khi phục vụ, tại sao vậy ? Thưa, tại vì con người ta chưa đạt đến mức độ khiêm hạ như Thánh cả Giu-se.

Thời đại ngày nay, người ta dễ dàng khuếch đại âm thanh thật lớn khi làm một công tác từ thiện nào đó, để quảng cáo cho nghiệp đoàn hoặc cộng đoàn của mình, chứ không mấy ai có tinh thần phục vụ cách thầm lặng, bởi vì họ không có mẫu gương phục vụ âm thầm để noi theo. Nhưng người Ki-tô hữu thì có mẫu gương phục vụ thầm lặng tuyệt vời của Thánh cả Giu-se, nên các gia trưởng biết chăm nom gia đình con cái mà không la lối giận dữ, hoặc kể công kể trạng với vợ con mình; các thợ thuyền thuyền cố gắng chu toàn bổn phận của mình trong âm thầm mà không lớn tiếng khoe khoang, tất cả đều học đòi gương âm thầm phục vụ của Thánh cả Giu-se, người gia trưởng tuyệt vời của gia đình Na-da-rét.

Kết.

Tháng Ba, tháng của Thánh cả Giu-se, Đấng bàu chữa Hội Thánh và là bổn mạng của các gia trưởng, là mẫu gương của mọi người, là Đấng cai quản kho tàng ân sủng của Thiên Chúa, thánh nữ Tê-rê-xa thành Avila đã xác tín điều này: “Không có ai đến kêu xin cùng Thánh cả Giu-se mà trở về tay không”, đó là một kinh ngiệm lớn của thánh nữ, khi mà giữa những phong ba xảy đến trong đời tận hiến của thánh nữ, và phương pháp hay nhất và đầy khôn ngoan nhất là chạy đến với Thánh cả Giu-se, Đấng luôn là mẫu mực công chính cho mọi người.

Là người Ki-tô hữu, chúng ta cũng xác tín điều ấy: Thánh cả Giu-se cũng là một người được Thiên Chúa chọn để làm cho chương trình cứu độ của Ngài ở trần gian được hài hòa, và cao cả hơn, chính Thiên Chúa muốn chọn Thánh cả Giu-se làm mẫu gương của các gia trưởng, của những thợ thuyền, của những người đang gặp đau khổ trong cuộc sống, để nhờ Thánh cả Giu-se, mà họ biết được ân sủng và tình thương của Thiên Chúa chỉ ban cho những ai yêu sự công chính với tâm hồn khiêm tốn và thầm lặng trong việc phục vụ và vác thập giá của mình để theo Chúa Giê-su.

Lạy Thánh cả Giu-se xin cầu bàu cho chúng con

là những người cha trong gia đình,

biết chu toàn bổn phận của người gia trưởng

để xây dựng một gia đình công giáo

hoàn toàn phù hợp với tinh thần Phúc Âm của Chúa Giê-su.

Xin dạy cho chúng con là những thợ thuyền lao động,

biết chuyên cần làm việc

và biết thánh hóa công việc mình làm,

để danh Chúa được rạng sáng nơi mọi người,

khi họ nhìn thấy chúng con hết lòng chu toàn trách nhiệm.

Xin Thánh cả Giu-se cầu bàu cho chúng con,

là những linh mục của Chúa Giê-su

đang phục vụ dân Chúa giữa một xã hội,

mà luân thường đạo lý chỉ là một nét chấm phẩy lạc lỏng giữa xa hoa và hưởng thụ.

xin cho chúng con biết noi gương Ngài,

để trở thành gia trưởng trong giáo xứ,

trở thành người anh em khiêm tốn thầm lặng trong cộng đoàn.

Và, sau cùng, xin Thánh cả Giu-se gìn giữ tất cả mọi gia đình trong và ngoài giáo xứ của chúng con,

để những ai chưa nhận biết tinh thần Phúc Âm,

thì sẽ nhìn thấy được tình yêu của Chúa qua

cuộc sống của gia đình chúng con. Amen


----------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://360.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

Ngày lễ Thánh cả Giu-se

19.3.2009
 
Ai tin sẽ có được sự sống đời đời!
LM. Nguyễn Hữu Thy
15:28 19/03/2009

Chúa Nhật IV Mùa Chay/B: Ai tin sẽ có được sự sống đời đời!



(Ga 3,14-2)

Qua các phương tiện truyền thông, đặc biệt nhất là qua các máy truyền hình, những chương trình quảng cáo và chào hàng đã thâm nhập vào tận trong các gia đình và hứa mang đến cho các khán thính giả đủ mọi thứ tuyệt vời! Ðến nỗi, người ta chỉ cần có được chút tiền bạc là có thể có được một cuộc sống thanh nhàn sung sướng hay sẽ có được một gia đình êm ấm hạnh phúc. Vâng, chỉ cần dùng đúng thứ thuốc giặt là đương nhiên sẽ làm các bộ mặt trở nên rạng rỡ và hoàn toàn thỏa mãn. Ai biết sử dụng đúng các thứ thuốc trang điểm là làm cho đời mình thêm tươi sáng và nhân cách được nâng cao, v.v…Nói chung, trong đa số các quảng cáo đều hứa cho những ai tiêu dùng hay sử dụng các hàng hóa của họ đều thành đạt trong cuộc sống.

Tiếp đến, các đảng phái chính trị trong các nước trên thế giới, đặc biệt trong mùa bầu cử, đều đưa ra những chương trình cải cách rất hấp dẫn. Họ tìm mọi cách thu hút và mua chuộc các cử tri để những người này đồng tình và thâm tín được rằng chỉ khi các cử tri biết chọn lựa và chấp nhận chương trình hành động của đảng phái họ bằng lá phiếu của mình thì các cử tri mới có được một cuộc sống có phẩm chất thực sự, chẳng hạn: hứa sẽ lo thiết đặt cho tuổi già được bảo đảm chắc chắn; hứa lo cải cách chương trình giáo dục và đào tạo tốt hơn, hầu các thanh thiếu niên được học tập đầy đủ và thành công hơn, nhờ đó sẽ có nhiều may mắn trong nghề nghiệp và sẽ kiếm được nhiều tiền hơn. Cả ở đây, người ta cũng tìm cách đánh đúng ước vọng của con người muốn vươn cao trong cuộc sống.

Vâng, ước vọng được sống và được sống hạnh phúc luôn nằm sâu trong tận đáy lòng và tâm tư con người. Cuộc sống con người luôn phải đối mặt với những đe dọa và nguy hiểm trong đủ mọi lãnh vực, làm cho con người luôn phải bồn chồn lo âu. Bởi vậy, con người luôn khao khát ước ao một cuộc sống không còn bị sự đau khổ và chết chóc đe dọa. Ðúng vậy, sự chết không chỉ đến với con người chúng ta một lần duy nhất vào cuối đời, nhưng theo kinh nghiệm cụ thể trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta phải luôn đối mặt với nó ngay bây giờ dưới đủ mọi hình thức qua việc làm giảm thiểu cuộc sống. Do đó, được sống, được sống tốt hơn và được sống một cách mãnh liệt hơn, là một ước vọng đầy khắc khoải và sâu xa nhất của con người.

Bài Tin Mừng cũng đề cập đến sự sống và nói: «Ai tin vào Con Thiên Chúa thì không phải chết, nhưng được sống muôn đời» (Ga 3,16). Vâng, Tin Mừng hứa ban sự sống muôn đời, sự sống vĩnh cửu, một sự sống không hề bị đau khổ hay chết chóc đe dọa nữa. Nhưng để có được sự sống đó, điều kiện tiên quyết là phải tin vào Con Người là Ðức Kitô.

Nhưng trước hết có lẽ chúng ta cũng cần phải suy tư và tự hỏi là ở đâu hay khi nào con người sẽ cảm nhận và ý thức được cuộc sống một cách quyết liệt nhất? Theo thiển ý, tôi cho rằng con người sẽ cảm nhận được cuộc sống cách mãnh liệt nhất khi nào họ cảm thấy được an toàn bảo đảm, được xã hội đồng loại chấp nhận, được yêu thương và khi mọi người biết sống tương thân tương ái với nhau. Vâng, ở đâu con người cảm thấy được yêu thương thực sự, thì họ sẽ tin tưởng vào cuộc đời không chút do dự, tương tự như một đứa bé cảm thấy được sung sướng hạnh phúc khi nó được cha mẹ ôm ẵm yêu thương. Ðúng vậy, ở đâu con người cảm nhận được rằng mình hoàn toàn được đón nhận trong sự yêu thương, thì ở đó cuộc đời sẽ gặp gỡ con người một cách quyết liệt và mạnh mẽ nhất.

Từ kinh nghiệm sống này, người ta mới hy vọng có thể tìm ra được một câu trả lời cho vấn nạn: Làm thế nào để người ta có thể tưởng tượng được rằng đức tin có khả năng mang lại sự sống đời đời? Vậy, tin có nghĩa là chấp nhận và thâm tín từ trong thẩm cung nội tâm cũng như với tất cả lòng trí rằng: Tôi được yêu thương! Bài Tin Mừng hôm nay cũng đã viết: «Thiên Chúa đã quá yêu thương thế gian đến nỗi Người đã hy sinh Con Một mình, để những ai tin vào Con của Người thì không bị hư mất, nhưng có được sự sống đời đời», và «Quả thật Thiên Chúa đã sai Con Một Người đến trong thế gian không phải để xét xử thế gian, nhưng để thế gian nhờ Con của Người mà được cứu độ» (Ga 3,16-17). Ðiều đó có nghĩa là: Hỡi con người, ngươi được Thiên Chúa yêu thương. Ngươi đã được Thiên Chúa quá yêu thương, đến nỗi Người đã hy sinh tất cả vì ngươi, cả đến Con Một Người cũng không tiếc. Tình yêu Thiên Chúa đã được ban cho ngươi trong Con Một của Người. Và tình yêu Thiên Chúa đã được ban cho ngươi một cách nhưng không, chứ không đòi hỏi bất cứ điều gì nơi ngươi. Thiên Chúa muốn thương cứu thoát ngươi, và điều đó hoàn toàn phát xuất từ tình yêu của Người đối với ngươi, chứ không phải do công trạng của ngươi. Ngươi hãy đón nhận tình yêu của Thiên Chúa và rồi ngươi sẽ có được sự sống, một sự sống vượt sang cả bên kia ranh giới của sự chết, bởi vì tình yêu không chết bao giờ.

Nhưng được cứu rỗi có nghĩa là hoàn toàn tin tưởng và phó thác vào tình yêu đó của Thiên Chúa. Dĩ nhiên, con người luôn có đầy đủ tự do để thực thi điều đó hay không, nhưng đồng thời con người cũng không thể tránh được hậu quả của sự quyết định đó trên chính bản thân cũng như trên cả cuộc sống của mình. Nói cách khác, khi con người đặt hết tin tưởng vào tình yêu Thiên Chúa, thì con người sẽ đạt được sự sống. Nếu con người không làm như thế, con người sẽ mãi mãi đối mặt với đủ mọi thứ thất vọng trước những lời hứa hão huyền về cuộc sống của thế gian mà sau cùng là sự chết, bởi vì con người đã tự tách mình ra khỏi con đường dẫn tới sự sống chân thật và vĩnh cửu. Tòa án vô cùng công minh của Thiên Chúa sẽ phân giải điều đó. Vậy, tất cả đều hoàn toàn tùy thuộc vào sự lựa chọn và quyết định của con người: phúc hay tội, thưởng hay phạt, sống hay chết, ánh sáng hay bóng đêm cho cả cuộc sống của mình.

Mùa Chay Thánh là dịp thuận tiện nhất, giúp người Kitô hữu đứng dậy và bước đi trên con đường sự sống. Họ cần phải ra sức nỗ lực biết vượt qua và loại bỏ những hứa hẹn đầy hấp dẫn lôi cuốn, nhưng hoàn toàn hão huyền giả dối của thế gian, để đưa mắt nhìn và nhận ra được những lời hứa chân thật. Họ cần phải biết hướng tầm mắt nhìn về tình yêu chân thật và quyền năng đã tự thể hiện trong việc chiến thắng tử thần và đã làm cho Ðức Kitô phục sinh khải hoàn.

Chúng ta hãy tìm kiếm sự sống chân thật và đón nhận tình yêu mà Thiên Chúa ban cho ta qua Con Một của Người là Ðức Kitô. Chúng ta hãy đưa mắt hướng nhìn về Người, vì Người mang vào thế gian ánh sáng chân thật để không một ai còn phải bước đi trong bóng đêm lầm lạc và hư mất
 
Lòng Chúa thương xót chúng ta
Giuse Đinh lập Liễm
15:48 19/03/2009
CHÚA NHẬT 4 MÙA CHAY B

LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT CHÚNG TA

+++

A. DẪN NHẬP

Chúa nhật 4 mùa chay có thể được gọi là Chúa nhật mầu hồng vì Giáo hội hé mở cho chúng ta những lý do khiến chúng ta vui mừng. Phụng vụ mời gọi chúng ta hãy vui lên: “Anh em hãy vui lên với thành Giêrusalem, anh chị em là những người đang mang tang chế”. Phụng vụ khuyến khích chúng ta hãy vui lên, chúng ta muốn vui lắm, nhưng nhiều khi không vui được vì còn gặp nhiều nỗi buồn phiền lo lắng, kể cả thất vọng nữa. Thực ra chẳng bao giờ chúng ta hết lo, hết khổ dưới hình thức này hay hình thức khác. Nhưng làm sao vui lên được ?

Thì đây, thánh Gioan đã đưa ra lý do căn bản về niềm vui: Thiên Chúa yêu thương chúng ta. Ngài yêu thương chúng ta tới mức độ sai Con Một Ngài xuống thế cứu vớt nhân loại. Vậy muốn tham dự ơn cứu độ trong Đức Giêsu Kitô, còn cần phải tin vào Ngài ! Đức tin thật cần thiết vì: “Ai tin thì sẽ được sống đời đời”(Ga 3,16).

B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA

+ Bài đọc 1: 2 Sb 36,14-16. 19-23

Tác giả sách Biên niên điểm lại những giai đoạn lịch sử dân Israel trước, trong và cuối thời lưu đầy. Nếu Thiên Chúa ngoảnh mặt đi mà cho quân đội Babylon đến phá hủy đền thờ Giêrusalem và bắt dân ưu tuyển đi lưu đầy, chính là dân đã phản bội, đã bỏ Ngài trước. Dân Israel bị phạt vì tội bất trung, nhưng lại được tha thứ vì biết sám hối. Qua các biến cố trong lịch sử của họ, tác giả luôn tìm được những lý do để trông cậy, mà một trong những lý do quan trọng là Chúa trung thành bởi vì chính Ngài là Tình Thương.

+ Bài đọc 2: Ep 2,4-10

Thánh Phaolô nhắc lại cho tín hữu Êphêsô biết là mọi người được cứu độ nhờ ân sủng khi Ngài nói: “Chính là bởi ân sủng mà chúng ta được cứu độ nhờ đức tin”. Chúng ta được cứu độ nhờ ân sủng miễn là có lòng tin. Đó là giáo thuyết thánh Phaolô dạy chúng ta về ơn cứu độ “nhưng không” mà Thiên Chúa ban cho chúng ta trong Đức Giêsu Kitô. Ơn cứu độ được ban “nhưng không” chứ không do một điều gì trong con người chúng ta có quyền đòi hỏi. Vì thế, thánh Phaolô xác quyết rằng: “Tất cả là hồng ân”.

+ Bài Tin mừng: Ga 3,14-21

Ông Nicôđêmô là một người biệt phái đến gặp Đức Giêsu ban đêm. Đây là đoạn nối tiếp câu chuyện giữa Đức Giêsu và ông. Trong buổi nói chuyện này, ông được hiểu thêm về ơn cứu độ Thiên Chúa ban cho loài người qua Đức Giêsu Kitô. Qua đó, ông biết được rằng tin vào Đức Kitô, chính là nhận biết Ngài là Đấng Chúa Cha sai đến, là người Con đã được Chúa Cha ban cho thế gian vì yêu thương, ngõ hầu thế gian được cứu độ.

Nói khác đi, là nhìn nhận ơn cứu độ con người đến từ trời cao, do mối liên hệ cha con, tùy thuộc hoàn toàn vào Thiên Chúa. Nhưng ta chỉ biết một sự thật như vậy khi “sống sự thật “ ấy, khi thực sự dấn bước vào một cuộc sống được soi sáng không ngừng bởi phận làm con.

Theo ý nghĩa đó, không tin vào Đức Kitô, đó là tự kết án chính mình, vì tự tách rời khỏi nguồn sống và tất nhiên đi vào con đường những việc làm xấu xa.

C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA

Lòng Chúa yêu thương tha thứ

I. THIÊN CHÚA YÊU THƯƠNG VÀ THA THỨ

1. Tình yêu Thiên Chúa đối với nhân loại

Con người được Thiên Chúa yêu thương. Đây là một chân lý mà không ai chối cãi được. Chân lý gây xúc động sâu xa nhất mà Giáo hội rao giảng là chúng ta đã được Thiên Chúa yêu thương từ trước muôn đời. Kitô giáo được xây dựng trên một niềm xác tín rằng tình yêu Thiên Chúa đã hạ cố đến thế gian đau khổ bệnh tật qua con người Đức Kitô. Đối với mọi tín hữu, đây là lời cốt tủy của Tin mừng. Không có đoạn văn nào trong Kinh thánh nói rõ điều này hơn là lời Đức Giêsu nói với ông Nicôđêmô: “Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nỗi đã sai Con Một Mình, ngõ hầu những ai tin vào Ngài sẽ không phải chết nhưng sẽ được sống đời đời”(Ga 3,15).

Thiên Chúa yêu thương từng người chúng ta cứ như là không còn ai khác để cho Ngài yêu thương. Ngài như người cha luôn mong muốn cùng gia đình đồng hành suốt cuộc đời, và không thể an lòng cho đến khi con cái đi đây đó, ai nấy đều an toàn trở về mái ấm gia đình.

2. Nhưng dân Chúa lại phản bội

Bài đọc thứ nhất cho chúng ta biết dân Do thái đã bất tuân lề luật và phụ bạc đối với tình yêu Thiên Chúa như thế nào. Họ đã phá vỡ giao ước và kéo theo sự sụp đổ hoang tàn của đền thờ và thành thánh. Chúa đâu có muốn trách phạt họ, Ngài muốn cho họ sống trung thành với Ngài như con cái đối với người cha, nhưng họ cứ đi sâu vào đàng tội, bỏ Chúa mà đi theo tà thần dân ngoại, bất đắc dĩ Ngài phải phạt để cho họ tỉnh ngộ. Cho đến lúc mà Thiên Chúa không còn dung thứ được nữa, Ngài liền cho phép quân thù đến tấn công họ. Quân Babylon đến xâm chiếm đất nước của họ, giết chết hàng ngàn, hàng vạn người. Quân thù phá hủy thành thánh, đốt phá đền thờ và cưỡng ép dân còn sống sót đi lưu đầy bên Babylon.

3. Các tiên tri nhắc nhở dân chúng

Tuy nhiên vừa khi họ bị sát phạt, thì các tiên tri của Chúa liền xuống giọng. Các tiên tri bảo họ: đó là hình phạt của Thiên Chúa yêu thương và nhân hậu. Nhiều tiên tri đã lên tiếng kêu gọi thống hối và sửa đổi cách sống, nhưng đã hoài công, chẳng ai màng tới. Chưa hết, ngay trong những giây phút đen tối nhất của cuộc lưu đầy, Thiên Chúa vẫn không bỏ rơi dân Ngài nhưng tiếp tục kêu gọi họ quay về với lề luật, với Thiên Chúa.

Lịch sử dân Do thái thật là một kho lưu trữ nhắc nhở cho chúng ta hay biết những gì sẽ xẩy ra mỗi khi chúng ta phũ phàng từ chối tình yêu Thiên Chúa. Lịch sử ấy cũng đem lại cho chúng ta niềm an ủi rằng chúng ta phải đối diện với sự lựa chọn: đón nhận hay từ chối lòng nhân từ yêu thương của Thiên Chúa, chúng ta đã tự đặt mình vào một tình thế nguy hiểm là sống xa lìa với Thiên Chúa. Thiên Chúa luôn kính trọng tự do cá nhân của chúng ta và sẽ không áp đặt ép uổng tình yêu của Ngài, đi ngược với những ước vọng chúng ta. Chúng ta có thể từ chối lòng thương yêu cũng như quà tặng tình nghĩa của Chúa. Chúng ta có thể quay lưng lại với tình yêu của Chúa mà ôm lấy bóng tối của tội lỗi và tự mình vĩnh viễn tách xa khỏi Ngài.

4. Dân hối cải, Chúa thứ tha

Tuy vậy, Chúa không nỡ bỏ rơi dân Ngài. Chúa dùng vua của dân ngoại là Cyrô, vua Ba tư, để cứu thoát dân Ngài và đưa họ trở về quê cha đất tổ. Như vậy ta thấy những hình phạt của Chúa, không phải nhằm báo thù, trách phạt, mà là cách thế để luyện lọc, thanh tẩy và chữa trị họ, khiến họ trở nên tùy thuộc vào Chúa.

Trong bài Tin mừng hôm nay có nhắc đến chuyện con rắn đồng. Sau khi xuất Ai cập, bốn mươi năm ròng rã trong hoang địa, dân Israel gặp mọi thử thách. Họ oán trách Chúa đã để họ lầm than. Một lần cơn thịnh nộ của Chúa đã để cho rắn độc cắn chết nhiều người. Dân Chúa quá sức khiếp sợ. Họ nhìn nhận tội lỗi của mình, và Chúa đã đoái thương nỗi khốn khổ của họ. Ngài dạy ông Maisen hãy làm một con rắn bằng đồng, treo lên một cái sào để bất cứ ai bị rắn cắn, nếu nhìn lên con rắn đồng, sẽ được khỏi. Như vậy, khi con rắn đồng được giương lên, thì ngay chính lúc đó, lòng tha thứ của Thiên Chúa lại tỏa sáng và trao ban. Từ nay Thiên Chúa sẽ cứu sống dân, những kẻ đã từng oán trách Ngài.

II. TÌNH YÊU THIÊN CHÚA NƠI ĐỨC KITÔ

1. Sự sóng đôi giữa Cựu ước và Tân ước

Thiên Chúa yêu thương con người, nhưng con người không nhìn ra. Chính vì thế Thiên Chúa đã biểu lộ một cách cụ thể tình yêu của Ngài cho nhân loại nơi Đức Giêsu Kitô, Con yêu của Ngài, như lời thánh Gioan đã nói: “Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nỗi ban chính Con Một Ngài, để tất cả những ai tin vào Con Ngài sẽ không phải chết, nhưng được sống đời đời”(Ga 3,16). và Ngài còn nói tiếp: “Thiên Chúa đã không sai Con Ngài đến để luận phạt mà là để cứu độ”(Ga 3,17).

Tình yêu của Thiên Chúa đối với nhân loại qua Đức Kitô đã được ám chỉ trong Cựu ước. Ta có thể nói Cựu ước là hình ảnh của Tân ước. Cựu ước là hình ảnh, Tân ước là thực tại. Chính vì thế, ta thấy có sự sóng đôi giữa Cựu ước và Tân ước. Những nhân vật chính yếu và những biến cố then chốt trong Cựu ước đều là hình bóng của những nhân vật chính yếu và những biến cố then chốt trong Tân ước.

Chẳng hạn, họ chứng tỏ cho thấy Isaac, con trai tổ phụ Abraham là hình bóng của Đức Giêsu như thế nào:

. Isaac con trai độc nhất, Đức Giêsu cũng thế.

. Isaac được cha mình rất mực yêu dấu, Đức Giêsu cũng thế.

. Isaac bị dâng làm hy lễ, Đức Giêsu cũng thế.

. Isaac bị hiến tế trên một ngọn đồi, Đức Giêsu cũng thế.

. Isaac vác củi dùng vào việc hy tế, Đức Giêsu cũng thế.

Thánh Phaolô cũng so sánh tương tự như thế giữa Cựu ước và Tân ước. Chẳng hạn, trong thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô, Ngài đã so sánh giữa Adong và Đức Giêsu. Ngài viết: “Con người đầu tiên là Adong, đã được dựng nên là một người sống động, nhưng Adong sau cùng (Đức Giêsu) là Thánh Linh ban sự sống... Adong thứ nhất được dựng nên bằng đất, từ đất mà sinh ra, còn Adong thứ hai (Đức Giêsu) từ trời mà sinh ra. Người thuộc về đất thế nào, thì những người thuộc về đất cũng thể ấy. Người thuộc về trời thế nào thì những kẻ thuộc về trời cũng thể ấy. Như chúng ta đã mang hình ảnh của người thuộc về đất, thì chúng ta cũng sẽ mang hình ảnh của người thuộc về trời”(1 Cr 15,45-49) (Mark Link, Giảng lễ Chúa nhật, năm B, tr 88).

2. Thập giá, dấu tích của tình yêu

Chính khi nhìn vào thập giá, chứng kiến hình ảnh Đức Kitô chịu khổ hình treo trên thập giá, thấm đẫm bao nhiêu là quyền lực của sự dữ nơi tội lỗi, chúng ta mới bắt đầu nhận ra tình yêu Thiên Chúa đối với chúng ta cao cả biết bao. Tất cả mọi độc ác hận thù ghen ghét bất công của cuộc đời đều đổ dồn vào cây khổ giá, sừng sững giữa trời và đất, trên ngọn đồi Calvê. Một trong những chi tiết đầy ngỡ ngàng nhất về cuộc thương khó và tử nạn của Đức Giêsu chính là Thập giá nay trở nên bằng chứng tột cùng cho tình yêu Thiên Chúa. Thập giá sừng sững trên đồi cao, xưa kia là dấu chỉ của tủi nhục, nay trở nên chiếc cầu ân sủng thần kỳ có sức chữa lành cả thế giới. Cây chết chóc nay trở nên cây sự sống, cây thất bại nay trở thành cây chiến thắng.

3. Truyện con rắn đồng

Con rắn đồng là biểu trưng cho Đức Giêsu bị treo trên thánh giá. Sách Dân số 21,4-9 kể rằng: Dân Do thái đi từ núi Horeb về phía Biển đỏ đi vòng quanh xứ Eđom. Quãng đường dài này đã làm cho dân chúng kêu trách Đức Chúa và ông Maisen: “Tại sao đem chúng tôi ra khỏi Ai cập để rồi cho chúng tôi chết trong rừng ? Không có bánh, không có nước, chúng tôi đã chán món ăn khốn nạn này lắm rồi”. Bấy giờ Đức Chúa cho một thứ rắn lửa từ trong rừng bò ra cắn dân chúng, nhiều người phải chết.

Dân chúng chạy đến ông Maisen, thưa với ông: “Chúng tôi đã phạm tội, vì chúng tôi đã nói phạm đến Đức Giavê và đến ông, xin ông cầu với Đức Giavê cho chúng tôi để Ngài đuổi lũ rắn này xa khỏi chúng tôi đi”. Ông Maisen cầu cho dân. Chúa bảo Maisen: “Hãy làm một con rắn và treo trên ngọn sào, hễ ai bị rắn cắn mà nhìn vào đó thì được sống”. Maisen làm một con rắn đồng và treo lên ngọn sào. Hễ ai bị rắn cắn nhìn vào rắn đó đều được khỏi.

Rắn lửa nói đây không phải nó đỏ như lửa, nhưng vết thương nó gây ra cho người ta rát như bỏng lửa. Tại miền nam xứ Palestine có rất nhiều thứ rắn và rắn có nọc.

Không phải tự con rắn treo lên có sức chữa người ta, nhưng cái sức chữa đó do Đấng truyền lệnh đã ban cho.

Sau này, những con rắn đồng đã trở thành vật dị đoan cho dân Do thái: Họ đốt hương trước rắn đồng. Vì thế, trong cuộc cách mạng tôn giáo Ezechias truyền đập nát con rắn đồng (4 Sb 18,4).

Việc treo rắn đồng là tượng trưng cho việc Chúa chịu treo sau này. Ai tin vào Chúa chịu treo trên Thánh giá sẽ được cứu rỗi (Trần văn Khả, Phúc âm Chúa nhật, năm B, tr. 270).

III. HÃY TIN NHẬN ĐỨC GIÊSU LÀ CỨU CHÚA

1. Ngài đã cứu chuộc bằng máu Ngài

Thiên Chúa có thể cứu chuộc nhân loại bằng bất cứ cách nào nhưng Ngài lại muốn Con của Ngài phải đổ máu ra trên thập giá để cứu chuộc. Máu ấy có thể rửa sạch mọi tội lỗi của nhân loại, làm linh hồn con người được trở nên trong trắng, xứng đáng được làm con Chúa và làm đền thờ của Ngài. Chúng ta không thể hiểu được việc này vì đây là một mầu nhiệm lớn, mầu nhiệm “Ngôi hai cứu chuộc”. Vì thế, suy niệm về ơn cứu độ này, thánh Phaolô trong thư gửi cho tín hữu Do thái đã khẳng định: “Không có đổ máu ra thì không có ơn tha thứ”(Dt 9,22).

Truyện: máu của Telmachus.

Ngày đại hội năm 444 sau kỷ nguyên, làn sóng người từ khắp nơi kéo về Rôma. Rôma tưng bừng với vẻ của một ngày hội.

Hoàng đế Honorius cho tổ chức các trận giác đấu mừng ngày giải phóng dân Goths. Giữa đám đông lũ lượt đi đi lại lại, một ông già trong bộ y phục đơn giản của một vị tu trì Đông phương trầm lặng bước đi. Tên ông là Telmachus. Nhà tu trì này chỉ chăm lo chuyên khảo Thánh kinh và cầu nguyện. Cái trò chơi đẫm máu bỉ ổi này đã chấm dứt ở miền Đông nơi phát xuất ra ông. Nhưng nó vẫn còn đang tiếp diễn ở Rôma, đất nghìn năm muôn thuở, mặc dầu đã có ba vị hoàng đế tìm cách chấm dứt. Telmachus đăm chiêu, vì ông đang suy nghĩ phải làm gì để chấm dứt trò chơi này.

Những tay giác đấu gồm đủ mọi hạng người: có khi là những phạm nhân đã bị án tử, có khi là Kitô hữu, thường hơn là tù binh, đôi khi có người vì tham tiền, ham danh tình nguyện...

Trận đấu đầu tiên ghi lại trong lịch sử diễn ra năm 264 trước kỷ nguyên với 3 cặp đấu. Con số mỗi ngày một tăng. Quốc hội phải hạn chế chỉ cho Julius Cesar được có 320 cặp để chiến đấu trong một trận. Dưới triều Augustô, có lúc tới 10.000 tham dự trận đấu.

Hôm nay ngày tổ chức giác đấu, 85.000 chỗ ngồi trong đại thao trường Colosseum chật ních không còn chỗ trống.

Cái ung nhọt này không còn cơ cứu chữa. Nhân vật duy nhất đã dám lên tiếng chỉ trích là nhà hiền triết Sénèque. Ngoài ra còn có 3 vị hoàng đế chống lại trò chơi này, nhưng không dám thi hành vì sợ sự phản ứng mạnh phía quần chúng.

Đến giờ, những tay giác đấu xếp thành hàng dài chậm chạp diễn quanh đấu trường. Tới chân khán đài danh dự, chỗ vua ngồi, họ la to: kẻ hạ thần là những người sắp chết xin kính chào bệ hạ.

Khán giả quanh đấu trường chọn tay giác đấu nào họ ưa thích rồi la hét kích thích họ xung trận.

Khi hai tay giác đấu đang sát phạt đến hồi gây cấn nhất, bỗng một người ăn mặc đơn giản xông vào giữa hai đấu thủ gạt họ ra. Đám đông khán giả giận dữ la hét vang dội. Một số bực tức quá chạy ra tận đấu trường xé ông ra hàng trăm mảnh vì làm cho họ cụt hứng. Con người đó chính là Telmachus.

Kinh hoàng trước sự việc xẩy ra, Honorius chính thức tuyên bố bãi bỏ trò chơi bỉ ổi đã giết hại không biết bao nhiêu sinh linh ở Rôma cũng như ở các nơi khác.

Kể từ đó lịch sử không còn nói những trận đấu gươm tại Rôma nữa.

Không đổ máu không có ơn cứu rỗi.

Nhờ dòng máu Telmachus làm tắt dòng máu nhiều kẻ khác (Op, cit, tr 271-273).

2. Ai tin thì sẽ được sống

Thánh Gioan nói: “Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Ngài đến thế gian không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian nhờ Con của Ngài, mà được cứu độ. Ai tin vào Con của Ngài, thì không bị lên án; nhưng kẻ không tin, thì bị lên án rồi, vì đã không tin vào danh của Con Một Thiên Chúa”(Ga 3, 20 ). Tin đối với Gioan là nhìn nhận Đức Giêsu là Con và là sứ giả của Chúa Cha, là đến với Đức Giêsu và gặp Ngài, là biết Ngài và cùng với Ngài biết Chúa Cha. Đức tin còn là hồng ân và một sự lôi cuốn của Chúa Cha.

Người tin bước vào một cuộc sống mới. Đó là được thông phần sự sống của Thiên Chúa, là một ân huệ Đấng Messia mang lại. Tin là từ bỏ bóng tối của tội lỗi, của gian tà, của ma qủi. Phải, chính trong đêm tối của tối tăm mà con người nhận ra tình thương của Thiên Chúa, miễn là đừng khép kín lòng lại: “Sự sáng đã đến trong thế gian, mà người ta đã yêu mến tối tăm hơn sự sáng, vì việc làm họ đều xấu”(Ga 3,19). Hãy tin vào Đức Giêsu thì sẽ được tha thứ và được hưởng nhờ ơn cứu độ,

Truyện: Tượng Thánh giá ban phép lành.

Tại một nhà thờ bên Tây ban nha có một tượng Thánh giá rất đặc biệt: Chúa Giêsu chỉ chịu đóng đinh có một tay trái và hai chân, tay phải rời khỏi lỗ đinh và đưa ra phía trước trong tư thế như đang ban phép lành.

Chuyện kể rằng: một lần, tại nhà thờ này có một tội nhân đến xưng tội. Đối với một tội nhân có quá nhiều tội nặng như anh ta, vị Linh mục rất nghiêm khắc và ngăm đe nhiều điều. Nhưng chứng nào vẫn tật đó, ra khỏi toà giải tội ít lâu, hối nhân lại tiếp tục sa ngã. Rất nhiều lần như thế. Cuối cùng, vị linh mục đành răn đe: “Tôi không muốn anh vấp lại những tội như thế nữa. Đây là lần cuối cùng tôi tha tội cho anh”. Hối nhân ra khỏi toà giải tội mà lòng trĩu nặng và đau khổ.

Được vài tháng sau, anh ta lại đến xưng tội, và xưng cũng cùng những tội nặng y như những lần trước. Vị linh mục dứt khoát: “Anh đừng có đùa với Chúa. Tôi không tha”. Thật lạ lùng. Ngay lập tức, vị linh mục cùng hối nhân đều nghe có tiếng thì thầm phía bên trên. Từ cây Thánh giá, bàn tay phải của Chúa Giêsu được rút ra khỏi lỗ đinh và ban phép lành cho hối nhân. Vị linh mục nghe được tiếng thì thầm ấy nói với chính mình: “Ta là người đổ máu ra cho người này chứ không phải con”.

Kể từ đó, bàn tay phải của Chúa Giêsu không gắn vào thánh giá nữa, nhưng vẫn giữ tư thế đang ban phép lành, như không ngừng mời gọi: “Hãy trở về với Ta, các ngươi sẽ được tha thứ”.

Thiên Chúa đã không dạy bài học tha thứ suông, nhưng đã dạy bài học tha thứ bằng chính mạng sống của Con yêu dấu Ngài là Đức Giêsu. Nếu ngày xưa, con rắn đồng trong sa mạc được giương lên, thì hôm nay chính Chúa Giêsu được giương lên. Mãi mãi chúng ta biết ơn Chúa Giêsu và khắc sâu lời Ngài: “Như Maisen đã giương cao con rắn ở sa mạc thế nào, Con Người cũng sẽ giương cao như vậy”.

Lm Giuse Đinh lập Liễm

Giáo xứ Kim phát

Đà lạt
 
Lựa chọn cuộc sống phong phú Thiên Chúa thương ban
Jos. Tú Nạc
16:12 19/03/2009
LỰA CHỌN CUỘC SỐNG PHONG PHÚ THIÊN CHÚA THƯƠNG BAN

Khi những sự kiện kinh hoàng, khủng khiếp và những sự việc không sao tả xiết xảy ra, người ta muốn biết nguyên nhân. Thường có sự xuyên tạc, bóp méo sự thật trước nghi vấn từ “tại sao”: ai khiển trách? Tại sao xảy ra biến cố Holocaust (The Holocaust, người Do-thái bị giết hàng loạt bởi Nazis, 1939 – 45, holos: hoàn toàn, toàn bộ; kaustos: thiêu hủy, đốt cháy)? Tại sao xảy ra sự kiện 11 tháng 9? Tại sao có sóng thần? Tại sao động đất?... Nghi vấn và phản ảnh những kinh nghiệm tiêu cực đưa ra không biết bao nhiêu cách giải thích. Chúng ta có thể biến thiên trong giới hạn từ một kết luận rằng không có sự kết tội của Thiên Chúa, mà những nạn nhân “đã đem nó đến.”

Tác giả của hai cuốn Sử biên niên thuộc một trường thần học tư duy đã đưa ra một lập luận mới về lịch sử Israel dưới ánh sáng cuộc trải nghiệm của nó gần đây về sự tàn phá Jerusalem và bị trục xuất tới Babylon. Nhìn qua lăng kính này, lịch sử Israel xuất hiện như một sự kế thừa những bất trung, ve vãn với những tranh tượng vô tôn giáo – tôn giáo thực dụng. Sự sùng bái tranh tượng được xem như một cảm giác đầy rẫy kinh dị và ghê tởm của những sử gia xét lại này. Nhìn từ góc độ phối cảnh của họ, cuộc tấn công và hủy diệt Jerusaslem và các đền thờ không phài là tình cờ, ngẫu nhiên mà do bàn tay của Thiên Chúa. Cuộc lưu đày kéo dài 50 năm sau đó ở Babylon là một hình thưc khổ hạnh để sám hối hoặc chuộc món nợ tội lỗi mà những gì người ta đã hàm ơn Thiên Chúa.

Thậm chí những cuộc xâm lăng của dân Babylon – Cyrus là hoàng đế của Persia – đã được mô tả (sinh động với những ngôn từ) như một khí cụ của Thiên Chúa. Thiên Chúa là bàn tay vô hình đằng sau những sự kiện chính trị trên sân khấu trần gian. Những đại đế, vua chúa, những khanh tướng cùng giới bình dân tất cả đều đóng những vai trò diễn xuất trong tấn kịch này. Cách giải thích này có chắc chắn lắm không? Chúng ta có thể chỉ có cách dễ dàng để nói rằng Israel bị ràng buộc trong quyền lực chính trị của những sức mạnh siêu việt trong thời gian cùng những lựa chọn sai lầm của họ. Chúng ta có thể, và cũng nên đặt nghi vấn về ý tưởng của Thiên Chúa đề ra sự chết và hủy diệt như sự trừng phạt và phán quyết về đạo đức và những sa ngã tinh thần. Nhưng đó là yêu cầu chính đáng trước những từng trải tiêu cực nếu một tinh thần suy sụp hoặc thiếu nhiệt tình đã xúi giục những chọn lựa nghèo nàn hoặc che phủ sự nhận thức và phán đoán. Và nếu sự đau đớn và chiến đấu dẫn đến tự nhận thức, chuyển biến tâm hồn và giao kết với những kế hoạch hoạt động tinh thần hoàn thiện hơn.

Sách Ephesians mang đến cho chúng ta một cái nhìn sâu sắc về bản tính thực của Thiên Chúa. Thay vì sự đau đớn và trừng phat, Thiên Chúa hoạt động không ngừng vì sự cứu rỗi và hạnh phúc của chúng ta.. “Khoan dung” là một cách nói để phô diễn “tình yêu” – và đó còn là hàm ngôn về “Thiên chúa.” Sự cứu rỗi không phải là điều gì đó chúng ta biết, mà là điều gì đó chúng ta có vai trò hợp tác. Nhưng sự cứu rỗi mà Thiên Chúa ban cho chúng ta lại nhiều hơn: bay vút lên trời và chia sẻ của cải cùng Thiên Chúa. Lòng độ lượng, bao dung của Thiên Chúa là khuôn vàng, thước ngọc đối với hành vi xử kỷ tiếp vật của chúng ta.

Vì Thiên Chúa yêu thương trần thế mà Người đã sai Con Một của Người xuống thế để chuộc tội cho chúng ta. Phải chăng những vần thơ nổi tiếng đầy xúc động trong Tân ước đã phải làm việc với những con rắn còn đang sống treo trên cây? Trong Numbers – cuốn sách thứ tư của Cựu ước – bài 21 (In the Wilderness/ In the Desert), những người Israel đang thực hiện một cuộc hành trình qua miền hoang dã khi họ bắt đầu cằn nhằn, phàn nàn, trách móc Thiên Chúa. Để trả đũa, “Thiên Chúa” gửi những con rắn lửa và làm chết người để gây đau đớn và khổ sở cho họ, nhiều người đã chết. Thiên Chúa từ chối lời nài xin của Moses xua đuổi những con rắn này, nhưng Người đã dự phòng thuốc giải độc: khi người nào đó bị rắn cắn, họ có thề nhìn chăm chú vào hình con rắn màu đồng thanh (the bronze image of the snake) trên cây cột thời sẽ được chữa lành.

Tác giả Tin Mừng của John khắc họa chân dung Chúa Jesus với những đường nét tương tự. Chúng ta không thoát khỏi những đấu tranh của thế giới này hoặc nỗi đau khổ cá nhân. Nhưng “nhìn” vào Chúa Jesus (có niềm tin) giải thoát chúng ta khỏi những ảnh hưởng của nọc độc chết người ẩn bên trong chúng ta. Nọc độc này tự nó phải tiêu tan – với tất cả lo sợ và cảm giác biệt ly cùng sự xa lánh kết hợp của nó – từ Thiên Chúa. Chúa Jesus trực tiếp ban cho chúng ta kinh nghiệm và tri thức về Thiên Chúa, và khả năng để sống trong Thiên Chúa thậm chí trong cả cuộc đời này. Mòn quà này có thể bị từ chối – vì đoạn văn này đã chỉ ra nhiều người như vậy. Bởi vì họ chạy trốn tình yêu của Thiên Chúa giống như nhiều người đã chạy trốn tình yêu nhân loại. Tình yêu của Thiên Chúa tước bỏ những ảo tưởng và ảo vọng của chúng ta, cho phép chúng ta nhìn lại bản thân vì chúng ta là một thực thể. Cũng hơi lấy làm lạ rằng nhiều người vẫn thích tìm đến những nơi thoải mái tinh thần và tâm lý của họ hơn.

Nhưng Chúa Jesus đến không phải để lên án bất kỳ người nào. Chúng ta hãy lên án chính mình bằng cách tự vấn chúng ta đã mang lại những gì trước tiếng gọi của tình yêu Thiên Chúa. Chúng ta có thể lựa chọn để vẫn còn cách ly, e sợ và trống vắng – và có lẽ đó là sự mô tả đúng đắn về những gì mà chúng ta gọi là địa ngục tối tăm. Hoặc chúng ta có thể lựa chọn đời sống phong phú mà Thiên Chúa ban cho chúng ta.

Nguồn: Regis College – The School of Theology
 
Những nẻo đường kỳ diệu
+TGM. Ngô Quang Kiệt
16:15 19/03/2009
NHỮNG NẺO ĐƯỜNG KỲ DIỆU

Lễ Thánh Giuse

Tên Giuse dễ khiến ta liên tưởng đến tổ phụ Giuse trong Cựu ước. Vì thánh cả Giuse và tổ phụ Giuse không những có cùng tên mà còn đi trên cùng một con đường thiêng liêng.

Cuộc đời tổ phụ Giuse thật lạ lùng. Là một trong 12 người con của tổ phụ Giacob. Vì là con áp út, sinh ra trong lúc cha mẹ đã già, nên Giuse được cha mẹ yêu mến một cách đặc biệt. Vì thế bị anh em ghen ghét và muốn giết đi. Gặp cơ hội, các anh em bán Giuse cho lái buôn sang Ai cập. Tại Ai cập ngài bị làm nô lệ, bị cáo gian và bị tống ngục. Nhưng nhờ có thể giải nghĩa các giấc mơ, ngài được vua Ai cập phong làm tể tướng để cứu giúp dân. Nhờ đó ngài cứu dân Ai cập khỏi nạn đói. Khi đó bên Do thái cũng bị nạn đói, phải sang Ai cập mua thóc lúa, tổ phụ Giuse đã tha thứ, đón tiếp các anh em và cả cha già sang Ai cập.

Cuộc đời thánh cả Giuse cũng thật lạ lùng. Sống đồng trinh nhưng đã vâng lệnh Chúa mà kết hôn với Đức Mẹ. Muốn bỏ Đức Mẹ mà trốn đi, nhưng đã nghe lời Chúa trở lại nhận Đức Mẹ. Sinh sống ở Nazareth nhưng phải về Belem mà khai hộ tịch. Đang lúc xa nhà lại sinh con nên phải thiếu thốn. Bị Hêrođê tìm giết nên phải đem Chúa Giêsu và Mẹ Maria trốn sang Ai cập. Làm chủ gia đình nhưng hết tình phục vụ. Làm cha nuôi Chúa Cứu Thế nhưng phải sống đời thợ thuyền vất vả.

Đường đời của các ngài đã có những kỳ diệu. Nhưng con đường thiêng liêng của các ngài còn kỳ diệu hơn. Đó là con đường vâng theo thánh ý Chúa.

Vâng theo thánh ý Chúa nên các ngài chấp nhận mọi hoàn cảnh. Dù hoàn cảnh thuận lợi hay không thuận lợi, các ngài vẫn bình thản. Dù vất vả hay nhàn hạ, các ngài luôn bình tĩnh. Dù ở địa vị lao động thợ thuyền hay quyền cao chức trọng, các ngài vẫn bình dân. Dù gặp hoạn nạn hay gặp may mắn các ngài vẫn bình tâm. Chấp nhận mọi hoàn cảnh Chúa gửi đến nên tâm hồn các ngài luôn bình an.

Vâng theo thánh ý Chúa nên các ngài đón nhận mọi người. Tổ phụ Giuse đón nhận anh em dù anh em ghen ghét ngài. Thánh Cả Giuse đón nhận Đức Mẹ dù không hiểu. Tổ phụ Giuse đón nhận cả quan lại lẫn thứ dân, cả phạm nhân lẫn vua chúa, không trừ một ai. Thánh Giuse cũng đón nhận tất cả mọi người không phân biệt, không thù oán dù những người làm hại mình. Tin rằng mọi người gặp trên đời đều do Chúa gửi đến. Đón nhận tất cả để tha thứ tất cả, để hoán cải tất cả và để yêu thương tất cả.

Vâng theo thánh ý Chúa nên các ngài đã trở nên dụng cụ hữu hiệu trong tay Chúa. Tổ phụ Giuse trở thành người cứu giúp dân chúng khỏi nạn đói kém, không chỉ dân Ai cập mà còn cả các dân nước chung quanh. Nhất là đóng góp vào lịch sử cứu độ của Chúa đối với dân Chúa chọn. Thánh Giuse đóng góp tích cực vào mầu nhiệm cứu chuộc khi trở thành bạn trăm năm của Đức Trinh Nữ Maria, trở thành cha nuôi Chúa Cứu Thế, góp phần quan trọng làm cho công cuộc cứu độ của Chúa được thực hiện thành công.

Ngoan ngoãn để Chúa dẫn đi, nên Chúa đã đưa dẫn các ngài qua những nẻo đường mà các ngài không ngờ tới. Nẻo đường có nhiều bóng tối nhưng cuối cùng dẫn đến ánh sáng. Nẻo đường có nhiều gian khổ nhưng cuối cùng dẫn đến hạnh phúc. Nẻo đường tưởng chừng thất bại nhưng dẫn đến thành công. Nhìn vào cuộc đời các ngài ta thấy bàn tay Chúa thật kỳ diệu. Chúa dùng cả những điều tưởng chừng là xấu xa để làm nên những điều tốt đẹp. Chúa dùng cả những điều tưởng chừng đi ngược với chương trình để hoàn thành chương trình của Chúa. Chúa dùng những con người tầm thường bé nhỏ khiêm tốn để làm nên những việc lạ lùng. Xin tạ ơn Chúa muôn đời.

Mừng lễ thánh Giuse ta hãy noi gương thánh Cả biết luôn tìm thánh ý Chúa và mau mắn thi hành trong khiêm nhường. Nếu ngoan ngoãn để Chúa dẫn đi, ta sẽ được Chúa dẫn đi trên những nẻo đường thật kỳ diệu, những nẻo đường mà chúng ta không bao giờ ngờ tới.

Lạy thánh Cả Giuse xin cầu cho chúng con. Amen.
 
Sống năm thánh Phaolô bài 18 - 25
LM. Mt Nguyễn Khắc Hy,S.S
16:42 19/03/2009
chăng? Hay anh em đã chịu phép rửa nhân danh Phao-lô sao?” (1 Cor 1:10-13).

Không chỉ chia rẽ, Kitô hữu còn sống buông thả về xác thịt với những trường hợp dâm ô, loạn luân, và còn kiện tụng nhau ở toà án đời. Đây là một gương xấu khi những người ngoại nhìn vào cộng đoàn Kitô hữu (1 Cor 5-6). Một số khác ăn thịt cúng hay ăn những thức ăn đã dâng cúng ngẫu tượng gây hiểu lầm cho nhiều tân tòng (1 Cor 8 và 9). Một số thiếu kính trọng khi đến với Bàn Tiệc của Chúa (tức Thánh Lễ), coi thường và thiếu chuẩn bị phụng vụ, hay biến Thánh Lễ trở thành một dịp ăn uống no say mà quên những người nghèo đói khác (1 Cor 11). Một số tự hào với những đặc sủng được thần khí Thiên Chúa ban cho, như ơn nói tiên tri, ơn chữa lành, ơn nói tiếng lạ, ơn giải thích tiếng lạ v.v…, để vênh vang cá nhân hơn là dùng để làm lợi cho giáo hội (1 Cor 12-13).

Tất cả những điều này hợp với lời Phaolô tâm sự trong thư thứ hai Corintô: “Không kể các điều khác, còn có nỗi ray rứt hằng ngày của tôi là mối bận tâm lo cho tất cả các Hội Thánh!29 Có ai yếu đuối mà tôi lại không cảm thấy mình yếu đuối? Có ai vấp ngã mà tôi lại không cảm thấy lòng sôi lên?” (2 Cor 11:28-29).

Thứ hai là với những Kitô hữu gốc Do thái đòi hỏi dân ngoại giữ luật Môisê. Trong thư gởi Galata, Phaolô nhắc đến một nhóm Kitô hữu đến từ Judea (Cvtd 15:1), hay những người thuộc nhóm Giacôbê đến từ Jerusalem (Cvtd 15:12) muốn áp dụng luật Môisê cho mọi người. Nhóm lên tiếng mạnh mẽ nhất có lẽ là những Kitô hữu gốc Pharisiêu, vì họ cũng có mặt đế lên tiếng trong dịp đại hội Jerusalem: “Có những người thuộc phái Pha-ri-sêu đã trở thành tín hữu, bấy giờ đứng ra nói rằng: “Phải làm phép cắt bì cho người ngoại và truyền cho họ giữ luật Mô-sê.” (Cvtd 15:5-6). Chính nhóm người này cũng đã vu oan là Phaolô chối bỏ luật Môisê, dẫn đến việc Phaolô bị bắt ở Jerusalem (Cvtd 21:21).

Thứ ba là những tín hữu Do Thái giáo. Họ vừa tìm cách bảo vệ không để cho người Do Thái bỏ Do thái giáo theo Chúa Giêsu, họ cũng áp bức những Kitô hữu gốc Do Thái bằng cách đuổi những người này ra khỏi Hội Đường, không cho phép thờ phượng chung với họ nữa.

Ngay sau ngày lễ Ngũ Tuần, khi hàng trăm người nghe lời Phêrô giảng và tin vào Chúa Giêsu, khi Phêrô và Gioan chữa lành cho một người què ở Cửa Đẹp, thì các nhà lãnh đạo Do Thái giáo (gồm các Kinh Sư, Kỳ Mục, Thượng Tế) đã họp bàn để bách hại giáo hội (dĩ nhiên lúc đó Phaolô cũng là một cộng tác viên của Do Thái giáo) (Cvtd 2-4). Kết qủa là Stephanô bị ném đá chết (Cvtđ 7:55-60). Sách Cvtd kể: “Hồi ấy, Hội Thánh tại Giê-ru-sa-lem trải qua một cơn bắt bớ dữ dội. Ngoài các Tông Đồ ra, mọi người đều phải tản mác về các vùng quê miền Giu-đê và Sa-ma-ri.” (Cvtd 8:1).

Thứ tư là nhóm người Roma làm chủ về chính trị. Họ không dính dáng vào những xét xử liên quan đến tôn giáo, nhưng nếu có bất an về chính trị, họ trừng trị ngay. Khi nghe Phaolô gây rối loạn ở Jerusalem với những tín hữu Do Thái giáo, viên đội trưởng Roma đã bắt giam Ngài (Cvtd 22:24), rồi giải Ngài về Ceasarea cho tổng trấn Felix (Cvtd 23:23-35). Hết thời Felix, tổng trấn mới lên thay là Festus cũng xét xử Phaolô. Vì Phaolô dùng quyền công dân Roma để kháng cáo lên hoàng đế Ceasar, nên Festus chuyển giao Phaolô về Roma.

Tóm lại, ngoài những đau khổ về thể lý, Phaolô còn chịu đựng những bách hại về tinh thần đến từ nhiều nhóm, trong giáo hội cũng như ngoài giáo hội.

Mt. Nguyễn khắc Hy, S.S.

Bài 23: Theo lịch sử, Phaolô bắt đầu hành trình truyền giáo lần thứ nhất khoảng sau năm 45. Vậy từ khi trở lại ở Damascus (khoảng năm 36) đến sau năm 45, thánh Phaolô làm gì? ở đâu?

Học hỏi thánh Phaolô, ta không dễ dàng bỏ qua thời gian “biệt âm vô tín” khá dài trong hơn mười năm trời, sau khi thánh nhân trở lại trên đường Damascus. Chúng ta không có tài liệu nào nói chính xác thánh nhân làm gì, ở đâu trong thời gian này, dù có nhắc đến những địa danh Syria, Arập, Judea và Celicia là những nơi thánh nhân đi qua.

Khác với những chi tiết kể lại trong ba hành trình truyền giáo, những gì thánh Phaolô làm trong thời gian này không được kể lại cách mạch lạc có thứ tự thời gian, mà thường thiếu rõ ràng, và đòi hỏi các nhà chuyên môn phải dàn dựng bối cảnh.

Qua những yếu tố góp nhặt trong Công Vụ Tông Đồ và trong các thư thánh Phaolô viết, các nhà kinh thánh có thể cắt nghiã phần nào những hoạt động của thánh Phaolô trong thời gian “âm thầm” này.

Sách Công Vụ Tông Đồ kể những sinh hoạt của Phaolô gần như liên tục, nghĩa là, ngay sau khi gặp Chúa Giêsu trên đường Damascus, Phaolô đi rao giảng tin mừng Chúa Giêsu Kitô trong các hội đường (Cvtd 9:8-20).

Nhưng khi đọc thư gởi tín hữu Galata, thánh Phaolô tự thuật là sau khi gặp Chúa Giêsu trên đường Damascus, Ngài: “cũng chẳng lên Giê-ru-sa-lem để gặp các vị đã là Tông Đồ trước tôi, nhưng tức khắc tôi đã sang xứ Ả-rập, rồi lại trở về Đa-mát. Ba năm sau tôi mới lên Giê-ru-sa-lem diện kiến ông Kê-pha, và ở lại với ông mười lăm ngày” (Gal 1:17-18). Và bẳng đi một thời gian dài, Ngài lên lại Jerusalem: “Rồi sau mười bốn năm, tôi lại lên Giê-ru-sa-lem một lần nữa” (Gal 2:1).

Lí do nào khiến thánh Phaolô không đi rao giảng tin mừng đến những vùng xa xôi ngay sau sự kiện Damascus, mà đợi thời gian dài như vậy? Một vài yếu tố ảnh hưởng đến sự kiện này.

Thứ nhất về mặt lịch sử, thời đó dưới quyền quan Caligula (khoảng năm 37-40) có những khủng hoảng về chính trị và kinh tế trong những thành phố lớn vùng Địa Trung Hải. Rồi cuộc xung đột căng thẳng, gần dẫn đến nội chiến, giữa người Hi Lạp và Do Thái trong vùng Alexandria bấy giờ. Những điều này có thể làm hạn chế việc đi lại của Phaolô khiến Phaolô ở lại Cilicia một thời gian dài.

Thứ hai là trong suốt hơn mười năm này, Phaolô vẫn đi rao giảng tin mừng Chúa Giêsu Kitô. Đối tượng Phaolô nhắm có thể là những người được gọi là “kính sợ Thiên Chúa”, một danh từ dùng để chỉ những người dân ngoại (Hi Lạp) tin vào những giá trị luân lý của Do Thái giáo và tham dự những buổi thờ phượng trong Hội Đường, nhưng họ không chịu cắt bì và không giữ hết các luật của Môisê.

Thánh Phaolô kể: “Năm lần tôi bị người Do-thái đánh bốn mươi roi bớt một” (2 Cor 11:24). Đây là bằng chứng Phaolô tìm đến rao giảng trong các Hội Đường, có thể nhằm vào những người “kính sợ Thiên Chúa”, và bị trừng phạt theo luật Do Thái (Đệ Nhị Luật 25:3). Người ta đoán lý do thánh Phaolô bị đánh đòn vì dám rao giảng Đức Giêsu là đấng Messiah trong các hội đường (xem 1 Cor 1:23).

Thứ ba là khi Phaolô lên Jerusalem lần thứ hai, sau mười bốn năm, Ngài đi với Barnabas và đem theo Titô để trình bày với các tông đồ về vấn đề các người ngoại gia nhập Kitô giáo (Gal 2:1). Phaolô nói: “Tôi lên đó vì được Thiên Chúa mặc khải, và đã trình bày cho người ta Tin Mừng tôi rao giảng cho dân ngoại” (Gal 2:2). Điều này chứng minh Phaolô đã đi rao giảng tin mừng trong những năm này, và số người ngoại tin theo Chúa Giêsu đông đến nổi Ngài cần lên Jerusalem để tranh luận cho quyền lợi của họ, và hy vọng tìm ra câu trả lời.

Tóm lại, từ sau ngày gặp Chúa Giêsu trên đường Damascus, Phaolô có thể ở ẩn chừng ba năm trong vùng Arập rồi về Damascus (Gal 1:17). Sau đó Ngài rao giảng tin mừng, trước hết cho người “kính sợ Thiên Chúa” (dân ngoại tin theo Do Thái giáo), trong các Hội Đường. Sau này Ngài rao giảng cho dân ngoại, mà cao điểm là ba hành trình truyền giáo.

Mt. Nguyễn khắc Hy, S.S.

Bài 24: Nguyên nhân nào khiến Phaolô bị bắt và đưa đến cái chết?

Phaolô đi truyền giáo khắp “đông-tây-nam-bắc” trong hơn mưới năm (được kể trong ba hành trình truyền giáo), dù gặp nhiều khó khăn nhưng không bị bắt và hăm doạ giết.

Vào khoảng đầu năm 58, Phaolô cùng các bạn đồng hành đến thăm Giacôbê, người anh em của Chúa Giêsu, là thủ lãnh của cộng đoàn Jerusalem lúc bấy giờ, và thăm các trưởng lão (Cvtd 21:18). Giacôbê nhận ra rằng sự hiện diện cúa Phaolô ở Jerusalem có thể sẽ gây ra nhiều rắc rối với những người Do thái cực đoan (Cvtd 21:21), vì nhiều lí do: (a) vì đây là trung tâm thờ phượng của Do Thái giáo nên họ rất nghiêm khắc khi cho phép người không theo Do Thái giáo vào đền thờ; (b) vì nhiều người Do thái đang thù ghét Kitô hữu dám tuyên xưng Ông Giêsu là Đấng Messiah; (c) vì sợ lòng nhiệt tình của Phaolô sẽ khiến thánh nhân rao giảng Đức Giêsu làm người Do Thái nổi giận, (d) và vì sợ những Kitô hữu gốc Do Thái ở Jerusalem không có cảm tình với Phaolô vì họ nghe đồn rằng Phaolô kêu gọi Kitô hữu gốc Do Thái bỏ lề luật Môisê (Cvtd 21:21). Đây là điều oan ức cho Phaolô vì ông không hề dạy như thế.

Giacôbê hiểu được hoàn cảnh Phaolô và những hiểu lẩm đang có giữa Phaolô và cộng đoàn Kitô hữu Jerusalem, vì thế Giacôbê khuyên Phaolô là hãy chứng minh cho những người khác biết ông là người vẫn giữ luật Môisê (Cvtd 21:17-25).

Nhân dịp lễ Tuyên Khấn Nadia, tức nghi thức mà nhiều tín hữu Do Thái muốn khấn hứa, dâng mình cho Thiên Chúa (lễ được nhắc đến trong sách Dân Số 6:1-24), Giacôbê khuyên Phaolô dẫn bốn người của cộng đoàn Jerusalem vào dự lễ tuyên khấn. Giacôbê cũng xin Phaolô trả những chi phí cho buổi tuyên hứa như cắt tóc, hay dâng của lễ là chiên con v.v… như một cử chỉ thân thiện đối với họ. Mục đích là cho những người khác thấy rằng Phaolô vẫn giữ luật Môisê như những người Do Thái khác (Cvtd 21:22-24).

Phaolô chấp nhận đề nghị này. Khi 7 ngày nghi lễ sắp hết, một số người bắt gặp Phaolô trong khu vực Đền Thờ. Họ tố cáo Phaolô là tuyên truyền phá hoại luật Môisê, và làm ô uế Đền Thờ vì đem người Hi Lạp (dân ngoại) vào khu vực cấm. Họ tìm cách bắt Phaolô, kéo Ngài ra khỏi thành để giết. Phaolô được một vị chỉ huy cơ đội Roma coi thành Antonia cứu thoát (Cvtd 21:32). Sách Công Vụ Tông Đồ kể: “Cả thành phố sôi động và dân đổ xô đến. Họ túm lấy ông Phao-lô, lôi ra khỏi Đền Thờ; lập tức người ta đóng các cửa Đền Thờ lại. Họ còn đang tìm cách giết ông, thì có tin báo lên cho vị chỉ huy cơ đội: "Cả Giê-ru-sa-lem náo động! " Lập tức, ông ta huy động một số binh sĩ và đại đội trưởng, và xông vào đám đông. Vừa thấy vị chỉ huy và binh sĩ, thì họ thôi không đánh ông Phao-lô nữa." (Cvtd 21:30-32).

Nhờ có quốc tịch Roma, Phaolô được lính Roma bảo vệ khỏi bị người Do Thái giết (Cvtd 22:25-26). Nhưng để biết người Do Thái tố cáo Phaolô tội gì, hôm sau quan lính Roma điệu Phaolô đến trước Thượng Hội Đồng (một toà án tôn giáo của Do Thái) để bị xét xử (Cvtd 22:30). Các Thượng Tế, Kỳ Lão họp nhau và âm mưu giết cho được Phaolô (Cvtd 23:12-15).

Nhờ đứa cháu trai mật báo kế hoạch của Thượng Hội Đồng, quan Roma sợ người Do Thái giết Phaolô nên tìm cách chuyển Phaolô đến quan Tổng Trấn Judea lúc đó là Antonius Felix, đang ở Ceasarea Maritima (23:16-33).

Tổng Trấn Felix biết nhiều về tình hình Kitô giáo và sự đối nghịch giữa Kitô giáo và Do Thái lúc bấy giờ (Cvtd 24:22), vì ông làm Tổng Trấn vùng đó khoảng năm 52-60. Sau khi nghe Thượng Tế và Kỳ Lão Do Thái cáo buộc Phaolô với nhiều tội danh “chuyên gây bạo loạn giữa mọi người Do-thái trong thiên hạ, và là đầu sỏ phái Na-da-rét. Y còn mưu toan xúc phạm đến Đền Thờ” (Cvtd. 24:5-6; bảng cáo trạng tựa như họ lên án Chúa Giêsu, xem Lk 23:1-3), Tổng Trấn Felix không thấy có bằng chứng kết án nên hoãn vụ án, và giam lỏng Phaolô (Cvtd 24:23). Felix cũng hi vọng là Phaolô sẽ hối lộ cho mình (Cvtd 24:26), nên giam giữ Ngài hai năm (khoảng năm 58-60).

Khi quan Tổng Trấn mới là Porcius Festus nhận chức (khoảng năm 60), ông lại đem Phaolô ra xét xử (Cvtd 25:1-12). Phaolô lấy lí do là công dân Roma nên kháng cáo lên Ceasar. Vì thế cuộc xét xử phải được đưa về Roma (Cvtd 25:11).

Mt. Nguyễn khắc Hy, S.S.

Bài 25: Chuyến đi cuối cùng của Phaolô về Roma thế nào? Và Phaolô chết ra sao?

Sau khi Festus nhậm chức Tổng Trấn, ông gặp các Thượng Tế và người Do Thái ở Jerusalem, họ xin đem Phaolô về xử ở Jerusalem với âm mưu giết Ngài (Cvtd 25:1-2). Festus lấy lý do là sẽ xuống kinh lý vùng Caesarae nên sẽ xử Phaolô dưới đó (Cvtd 25:4). Khi đem Phaolô ra xử, Phaolô đòi kháng cáo lên hoàng đế Ceasarae (Cvtd 25:11).

Được lính Roma áp giải (và có thể Luca cũng đi theo), Phaolô cùng với vài tù nhân khác lên tàu đi từ Caesarea Maritima đến Sidon, qua vùng Cyprus để đến Myra ở vùng Lycia. Vào khoảng cuối mùa thu năm 60 (Cvtd 27:9), Phaolô rời Myra trên tàu Alexandria để về Roma nhưng gặp thời tiết xấu. Tuyến đường đi dẫn đến Cnidus (ở miền nam vùng biển Tiểu Á), rồi xuôi nam đến đảo Crete (Cvtd 27:7-8). Tàu muốn đến cảng Phoenix, nhưng gió chướng đông bắc thổi đưa tàu ngược về Anriatic tới Malta, và cuối cùng tàu bị đắm tại Malta (Cvtd 28:1).

Sau khi ở lại Malta một mùa đông (chừng 3 tháng), Phaolô và đoàn người đi tàu về Syracuse ở Sicily, rồi đến Rhegium, và cuối cùng đến Puteoli (ngày nay gần Naples, Ý). Từ đó Phaolô được giải đi bằng được bộ qua Appii Forum và Tres Tabernae (Cvtd 28:15). Phaolô đến Roma khoảng đầu năm 61, và bị quản chế trong nhà chừng hai năm (khoảng 61-63). Việc quản chế (chứ không phải bị giam trong ngục) đã cho phép Phaolô tiếp xúc được với những người Do thái ở Roma và giảng dạy cho họ tin mừng tại tư gia (Cvtd 28:17-28).

Sách Công Vụ Tông Đồ kết thúc: “Suốt hai năm tròn, ông Phao-lô ở tại nhà ông đã thuê, và tiếp đón tất cả những ai đến với ông. Ông rao giảng Nước Thiên Chúa và dạy về Chúa Giê-su Ki-tô, một cách rất mạnh dạn, không gặp ngăn trở nào.” (Cvtd 28:30-31).

Sách không kể về cái chết của Phaolô, và các nhà kinh thánh cũng không nghĩ là Phaolô chết ngay sau hai năm bị quản thúc (tức khoảng năm 63). Sách cũng không nói là sau 2 năm đó Phaolô làm gì.

Theo những tài liệu khác, các nhà kinh thánh dàn dựng một thời khoá biểu cho những năm sau cùng của Phaolô như sau:

Với những người tin Phaolô là tác giả của thư 1 và 2 Timôthê, và thư gởi Titô, họ cho rằng thánh Phaolô viết thư cho Titô, 1 và 2 Timôthê sau khi bị quản chế ở Roma. Họ còn cho rằng Phaolô sau đó trở lại Miền Đông một lần nữa (thăm vùng Ephêsô, Macedonia, và Hi Lạp), và có thể đã cắt đặt Titô làm lãnh đạo cộng đoàn Cretê, và Timôthê làm lãnh đạo cộng đoàn Ephêsô.

Trong thư 2 Timothê có nói đến những ngày Phaolô gần chết (2 Tim 4:6-18). Thư cũng ngụ ý Phaolô bị bắt ở Troas (2 Tim 4:13) và giải về lại Roma (2 Tim 1:17), và có thể thư này được viết trong tù Roma dưới thời Nero (khoảng cuối 63, đầu 64).

Một số khác không tin như trên. Họ cho là những thư này không phải chính Phaolô viết, mà có thể các môn đệ Ngài viết. Vì thế những dữ kiện lịch sử không đáng tin cậy.

Ngoài những thư trên, truyền thống giáo hội còn biết về cuối đời Phaolô dựa vào tài liệu của giáo hoàng Clement I (khoảng sau năm 90) và giám mục Eusebius (cuối thể kỷ 3). Đặc biệt Eusebius là người kể lại việc Phaolô bị bắt đưa về Roma lần thứ hai, và bi giết dưới thời hoàng đế Nero. Vì cuộc bách hại Kitô hữu của Nero kéo dài từ năm 64 cho đến khi Nero chết (tháng 6 năm 68), nên khó biết chính xác Phaolô bị giết vào thời điểm nào. Đa số các nhà chuyên môn dựa theo lời kể của Eusebius và đoán là Phaolô chịu tử đạo khoảng năm 67, không lâu trước khi Nero chết.

Thánh Phaolô được chôn tại Via Ostiensis, gần đền thờ Phaolô Ngoại thành ngày nay. Năm 258, khi Valerian ra lệnh bách hại Kitô hữu và những ngôi mộ Kitô hữu bị đập phá và làm ô uế, xác thánh Phaolô được đưa về chôn tại Ad Catacumbas trên Via Appian. Sau này người ta cải táng về nơi hoàng đế Constantine dựng cho Ngài một đền thờ, ngày nay gọi là đền thờ Phaolô Ngoại Thành.

Lễ mừng kính thánh Phaolô Trở Lại là ngày 25 tháng 1.

Lễ mừng kính thánh Phaolô Tông Đồ (cùng với Phêrô) là ngày 29 tháng 6.
 
Bạn Muốn Thầy Dạy Cho Con Điều Gì?
Phó tế: JB Nguyễn văn Định
20:04 19/03/2009
Cảm nghiệm Sống # 80:

BẠN MUỐN THẦY DẠY CHO CON ĐIỀU GÌ?

Bài Cảm nghiệm Sống sau đây của một Danh nhân Hoa kỳ quan tâm: “Xin thầy dạy dỗ con của mình.” Tôi nghĩ đây là những điều ông xin cho con có đạo đức nhân bản hay đạo đức làm người. Khi con cháu quí vị có sẵn đạo đức nhân bản, khi chuyển sang tôn giáo hay tâm linh thì rất dễ dàng, vì con mình đã có căn bản. Xin gởi đến quý vị Phụ huynh để suy nghĩ, gặp gỡ, cộng tác, và xin với Thầy Cô dạy dỗ cho con em như sau:

1- Xin thầy cô dậy cho cháu biết: Khi có kẻ ngang ngược ta gặp trên đường phố, thì lại có một con người ngay thẳng. Nếu có một chính trị gia vô lương tâm, thì sẽ có một nhà lãnh đạo tận tâm.

2- Xin thầy cô dạy cho cháu biết rằng một đồng đô-la do công sức lao động của mình kiếm được thì quí giá hơn nhiều, so với 5 đô-la lượm được trên hè phố.

3- Xin thầy cô dạy cho cháu cách chấp nhận thất bại là mẹ thành công và cách tận hưởng niềm vui thầm lặng khi thành công.

4- Xin thầy cô dạy cho cháu biết rằng những kẻ hay bắt nạt kẻ khác nhiều nhất, lại là những kẻ đễ bị đánh bại nhất.

5- Xin thầy cô dạy cho cháu biết chấp nhận thi trượt còn vinh dự hơn gian lận trong khi thi.

6- Xin dạy cho cháu có biết tự tin vào ý kiến của mình, dù chung quanh người ta cho rằng ý kiến đó toàn hoàn sai.

7- Xin thầy cô dạy cho cháu biết đối xử dịu dàng với người hoà nhã và khôn ngoan, cương quyết với kẻ thô bạo.

8- Xin thầy dạy cho cháu bình tĩnh để không chạy theo đám đông, khi nhiều người chỉ biết chạy theo thời thế như đàn cừu.

9- Xin thầy dạy cho cháu biết lắng nghe những người chung quanh; nhưng biết sàng lọc điều phải để giữ những gì tốt đẹp.

10- Xin thầy cô dạy cho cháu biết mỉm cười khi gặp khó khăn…và biết khiêm tốn khi đạt thành công.

11- Xin thầy dậy cho cháu biết rằng có thể bán sức lực và trí tuệ cho người ra giá cao nhất; nhưng không bao giờ cho phép ai ra giá mua trái tim và tâm hồn mình.

12- Xin Thầy dạy cho cháu ngoảnh tai làm ngơ trước một đám đông đang gào thét gì đó… và biết đứng thẳng bảo vệ những gì cháu cho là đúng.

13- Xin Thầy đối xử diụ dảng với cháu; nhưng đừng vuốt ve nuông chiều cháu, bởi vì chỉ có sự thử thách của lửa mới tô luyện được những thanh sắt cứng rắn.

14- Xin thầy cô dạy cho cháu biết khinh chê những gì phù dung, và biết thận trọng trước những lời ngọt ngào, nhiều cạm bẫy.

Ca dao Việt Nam có câu:

Tham giầu mà lấy thủ kho,

Ba năm hiệu lượng vua cho đeo vòng.

Thủ kho là người có trách nhiệm quản thủ kho lương thực hàng hoá. Người được chọn làm thủ kho tất nhiên là người có hạnh kiểm rất tốt. Tuy nhiên có nhiều người thấy của tối mắt lại, nên không dằn được tính tham lam.

Nay lấy một it, mai lấy một it, tưởng không ai thấy nên mừng. Nhưng cứ ba năm quan trên cho hiệu lượng (kiểm tra) lại một lần, mất bao nhiêu là biết rõ.

Lúc bấy giờ vua cho đeo vòng (gông cùm, tù tội), thủ kho có hối hận thì đã muộn màng.

Phó tế: Nguyễn Định Sưu Tầm
 
Ánh Sáng Ngôi Hai Thiên Chúa
Tuyết Mai
22:15 19/03/2009
"Thiên Chúa đã sai Con Ngài đến để thế gian nhờ Con Ngài mà được cứu độ".

Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một mình, để tất cả những ai tin Con Ngài thì không phải hư mất, nhưng được sống đời đời, vì Thiên Chúa không sai Con của Ngài giáng trần để luận phạt thế gian, nhưng để thế gian nhờ Con Ngài mà được cứu độ. Ai tin Người Con ấy thì không bị luận phạt. Ai không tin thì đã bị luận phạt rồi, vì không tin vào danh Con Một Thiên Chúa; và đây án phạt là sự sáng đã đến thế gian, và người đời đã yêu sự tối tăm hơn sự sáng, vì hành động của họ xấu xa. Thật vậy, ai hành động xấu xa thì ghét sự sáng, và không đến cùng sự sáng, sợ những việc làm của mình bị khiển trách; nhưng ai hành động trong sự thật thì đến cùng sự sáng, để hành động của họ được sáng tỏ là họ đã làm trong Thiên Chúa". (Ga 3, 14-21).

Bóng đêm và sự tối tăm hẳn có cuộc đời và sự sống riêng của chúng. Bởi Thiên Chúa đã tác tạo ra chúng sống như thế khi chúng ta nhìn xem và biết có những sinh linh, vạn vật, động vật, và những loài côn trùng chúng sống vào ban đêm. Nếu chúng ta có ra ngoài ban đêm và nhất là những vùng miền quê, có phải chúng ta sẽ nghe và thấy chúng sống rất mạnh rất nhiều và gây ra những âm thanh như những cung điệu hay lắm của cuộc sống vào ban đêm? Tiếng cóc, ễnh ương, dế, côn trùng, chim cú, đôi khi chúng ta có nghe cả tiếng chó tru nữa! Ở vùng quê thì những con đom đóm lập loè sống về đêm trông rất đẹp mà vẫn còn có nhiều người bắt chúng bỏ vào lọ hay vào chai để dùng làm đèn đi đêm. Vâng, bóng đêm của thiên nhiên mà Chúa tác tạo đây thật hoàn hảo, thật đẹp, và thật toàn mỹ theo ý Chúa bởi tất cả là công trình sáng tạo của Chúa cho con người và vì con người. Chúa tạo dựng mọi sự vật và cuộc sống của ban đêm thì Chúa cũng tạo dựng tất cả mọi tạo vật, sinh linh, động vật, côn trùng, và mọi thứ cây cỏ để chúng sống vào ban ngày. Cũng vậy, tất cả mọi thứ Chúa tạo dựng nên là cho con người và vì con người. Bởi vì yêu con người mà Chúa Cha đã tạo dựng nên tất cả mọi thứ trước khi Thiên Chúa nắn ra hình tượng con người của chúng ta giống y như hình ảnh của Thiên Chúa. Chúa đã nắn ra Tổ Phụ của chúng ta là hai ông bà Adong và Eva. Thiên Chúa đã tạo dựng ra con người rất đặc biệt khác với loài cầm thú là có được bộ óc rất tinh vi và những cấu kết tạo dựng nên sự sống của con người, chỉ thua kém thiên thần trên Trời mà thôi!

Bài đọc Phúc Âm của tuần này Chúa không nói đến nghĩa đen của sự tối tăm của ban đêm mà Ý Chúa muốn nói đây là con người nhân loại chúng ta chỉ thích sống trong tội lỗi mà tội lỗi đây có phải là những gì Thiên Chúa rất ghê tởm rất muốn giáng phạt như chúng ta đã học và biết Chúa từng giáng phạt những con người tội lỗi trong thời Cựu Ước. Và cũng không biết bao nhiêu Tiên Tri Chúa đã cho ra đời và đến để hướng dẫn chúng ta theo đường lối của Thiên Chúa. Để khuyên mọi người trong mọi tầng lớp phải luôn sống ăn ngay ở lành. Phải luôn sống ăn năn sám hối đền tội để được Thiên Chúa thương mà không hành xử chúng ta như những tội nhân bất xứng phải sa hỏa ngục đời đời kiếp kiếp. Phải luôn sống theo Giới Răn Thiên Chúa đặt ra làm chuẩn mực cho chúng ta biết để mà theo mà giữ gìn.

Có phải Chúa Giêsu đã từng ví tội lỗi chúng ta như những con giòi con bọ rúc rỉa phía bên trong những mồ mả tô vôi thật đẹp, thật phô trương, thật khoe của, để khoe sự giầu sang, nhưng thực sự toàn là những thứ bóc lột của dân nghèo và của những bà già góa. Còn bên ngoài thì chúng ta khéo che đậy? Mà thường thì tội lỗi chúng ta phạm phần nhiều là hay xẩy ra trong bóng tối hay trong ban đêm. Cho nên cái câu bóng tối thì đầy tội lỗi ý là như vậy! Ban ngày ban mặt dưới ánh nắng của mặt trời thì ai cũng nhìn thật rõ mặt nhau. Cảnh sát cũng đầy đường phố, không ai dám dở trò gì mà có mưu đồ lớn. Thường những chuyện làm ăn, đánh chém, buôn bán thuốc phiện, nhập hay xuất cảnh những hàng lậu, có phải thường được đi rất êm ái vào ban đêm? Những quán càfe với những thiết kế đèn điện bên trong làm cho mờ mờ ảo ảo có phải thường để che đậy những hình thức buôn lậu, những con buôn gặp gỡ nhau, nhưng trá hình bằng những cô gái mặt còn non choẹt làm chiêu đãi cho các ông ở mọi lớp tuổi? Nhưng tận bên trong và sau quầy cafe không ai có thể tưởng tượng được là những cuộc trao đổi bán buôn rất ư là lớn là quy mô, có thể không tránh được chuyện giết người như những phim chúng ta từng được coi!?? Buôn thuốc phiện cũng có, hàng lậu, súng ống và vũ khí, buôn người cũng có, đủ loại buôn mà chỉ ban đêm mới dễ dàng trót lọt và qua được mọi con mắt của cảnh sát và của an ninh tình báo?

Có phải Chúa biết con người tội lỗi của chúng ta kinh hoàng và ghê tởm lắm không? Cho nên Chúa mới làm ra 10 Điều Răn để chúng ta biết mà chớ có phạm tội? Vì Chúa yêu nhân loại không muốn giáng phạt chúng ta nên Chúa mới phải đặt ra điều lệ để hy vọng con cái của Ngài còn có ngày được sống miên viễn hạnh phúc muôn đời trên Nước Thiên Đàng? Chúa không muốn những tuyệt tác của Ngài phải xuống hết dưới hỏa ngục vì tội lỗi con người thì vô tận và từng người chúng ta nếu tổng số tội thì hà tất ai ai cũng có được một cái núi rác riêng cao và dài hơn cả dẫy núi Hy Mã Lạp Sơn, chất đầy những tội lỗi đáng chết của chúng ta nữa đấy!?

Trải qua hằng bao nhiêu thế kỷ, hằng bao nhiêu thời đại, hết tiên tri này bị con người đem giết đi và đến tiên tri khác cũng bị nhân loại gian ác đem giết sạch cả đi! Thiên Chúa Cha mới nghĩ ra một cách là Ngài sẽ đem chính Con Một duy nhất của Ngài xuống trần gian để Cứu Độ nhân loại. Qua cách thật điên rồ này! Thiên Chúa Cha chắc hy vọng rằng con người sẽ hiểu biết hơn và sẽ thấy rõ được Đây là Tình Yêu vô bờ bến của Thiên Chúa!? "Để tất cả những ai tin Con Ngài thì không phải hư mất, nhưng được sống đời đời, vì Thiên Chúa không sai Con của Ngài giáng trần để luận phạt thế gian, nhưng để thế gian nhờ Con Ngài mà được cứu độ. Ai tin Người Con ấy thì không bị luận phạt. Ai không tin thì đã bị luận phạt rồi, vì không tin vào danh Con Một Thiên Chúa; và đây án phạt là sự sáng đã đến thế gian, và người đời đã yêu sự tối tăm hơn sự sáng, vì hành động của họ xấu xa. Thật vậy, ai hành động xấu xa thì ghét sự sáng, và không đến cùng sự sáng, sợ những việc làm của mình bị khiển trách; nhưng ai hành động trong sự thật thì đến cùng sự sáng, để hành động của họ được sáng tỏ là họ đã làm trong Thiên Chúa". (Ga 3, 14-21)".

Nhờ vào tình yêu muôn thuở muôn đời Thiên Chúa đã yêu thương nhân loại chúng ta, Ngài đã ban cho chúng ta một Đặc Ân là tình yêu không đặt điều kiện của Chúa Giêsu, Ngài là Ân Sủng của cả toàn thể nhân loại luôn sống trong tội lỗi đáng chết này! Trong mùa chay, xin Thiên Chúa ban cho chúng ta luôn ý thức về tội lỗi để nhờ ánh sáng Cứu Độ của Ngôi Hai Thiên Chúa, biến đổi và thánh hóa con người của chúng ta. Luôn chuộng sống trong sự sáng, và luôn để ánh sáng của vị Cứu Tinh trong tâm hồn của chúng ta, vì nếu ai hiểu được Thiên Đàng quý như thế nào thì tôi thiết nghĩ chúng ta nên biết chọn một cuộc sống luôn có Thiên Chúa ngự trị và đặt để Ngài trong Đền Thờ tâm hồn, để chúng ta thờ phượng Ngài, và không quên yêu mến anh chị em như yêu chính mình. Amen.
 
Thánh Phanxicô Assisi và tình yêu Thập Giá
Quang Huyền, OFM
22:41 19/03/2009
THÁNH PHANXICÔ ASSISI VÀ TÌNH YÊU THẬP GIÁ

Người Kitô hữu trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng có thói quen đi đàng Thánh Giá vào các mùa Phụng vụ trong năm, nhất là Mùa Chay, nhằm suy niệm mầu nhiệm khổ nạn của Chúa Giêsu. Qua việc đạo đức bình dân này, người ta muốn thông phần vào các đau khổ mà Chúa Giêsu xưa đã chịu để cứu chuộc muôn người; đồng thời, họ cũng cảm tạ tình yêu bao la của Thiên Chúa đối với con người. Và thập giá là bằng chứng của tình yêu cao cả ấy.

Kinh nghiệm của thánh Phanxicô về tình yêu thập giá Chúa Kitô là một bài học quý giá, giúp chúng ta sống phong phú hơn tâm tình của Mùa Chay thánh và hành trình bước theo Đức Kitô trong cuộc sống lữ hành.

Người ta vẫn thường cho rằng việc sùng kính Thánh Giá qua việc Đi Đàng Thánh Giá bắt nguồn từ thánh Phanxicô Assisi, đã được phong trào Phan Sinh về sau phổ biến rộng rãi và tồn tại đến hôm nay. Chúng ta không bận tâm đến tính xác thực của nhận định này, nhưng khi chúng ta chiêm ngắm cuộc đời của thánh Phanxiaô, chúng ta dễ dàng nhận thấy rằng, mầu nhiệm thập giá đã gắn bó thân thiết với ngài trong suốt hành trình hoán cải và bước theo Chúa Kitô.

Thánh giá xuất hiện vào lúc khởi đầu cuộc đời hoán cải của thánh Phanxicô là giấc mơ về những vũ khí bằng thánh giá ở Spô-lê-tô, khi ngài đang trên hành trình tìm mộng công danh như bao chàng trai khác, trong tư cách là một hiệp sĩ. Kể từ đó, ngài chọn con đường thập giá và nó đã theo ngài dọc suốt cuộc đời. Vào năm cuối đời, thánh Phanxicô được in năm dấu thánh trên thân thân ngài, ở đỉnh núi Alverna.

Chuyện “Những Bông Hoa Nhỏ” kể lại rằng: “Sáng tinh sương ngày 14 tháng 9 năm 1224, tức là ngày lễ Suy tôn Thánh giá, trên đỉnh Alverna đã xảy ra một phép lạ tân kỳ. Lúc mặt trời gần dãi lên nền trời những tia sáng vàng tươi, Phanxicô quì tựa lưng vào một tảng đá, hướng về phương đông, mắt tuôn đôi hàng lệ, ngài than thở: “Lạy Chúa, trước lúc qua khỏi đời này, con chỉ xin Chúa ban cho con hai ơn: một là, xin Chúa cho tâm hồn cũng như thể xác con cảm thông hết nỗi đau đến thê thảm Chúa chịu trong giờ tử nạn; hai là, xưa kia khi Chúa tử nạn, Chúa yêu loài người tội lỗi chúng con đến độ nào, thì xin cho lòng con cũng được yêu Chúa đến độ ấy”. Bỗng vụt như làn chớp, một thiên thần Chí ái tự trời bay xuống. Sáu cánh chói loà. Hai cánh phủ đầu, hai cánh dương bay và hai cánh khép che toàn thân. Thiên thần hiện xuống đứng trên phiến đá, rõ hình một người chịu đóng đinh vào thánh giá. Thiên thần ấy chính là Chúa Giêsu tử nạn, mặc hình người hiện đến với Phanxicô. Ngài nhìn Phanxicô, đôi mắt như thiết tha, như thiêu cháy cả tâm hồn rồi vụt biến. Phanxicô, quỵ xuống, ngất đi. Khi bừng tỉnh dậy, ngài thấy tay chân đã bị đinh đóng thâu qua. Đầu đinh tròn và đen nổi rõ giữa lòng bàn tay và trên mặt bàn chân. Đinh đóng thâu qua tay chân, mũi đinh quắp lại trên lưng bàn tay và giữa gan bàn chân. Ngực bên phải, cạnh trái tim, dấu một lưỡi đòng đâm qua còn nguyên nét, máu chảy rìn rịt thấm ướt đến tận lớp áo ngoài”.

Có thể nói, cả cuộc đời thánh Phanxicô cô là một hành trình vác thập giá theo chân Chúa “Ai muốn theo ta thì phải từ bỏ mình vác thập giá mình mà theo ta”. Và ngài đã được diễm phúc đón nhận năm dấu thánh như Chúa Giêsu năm xưa, nghĩa là được trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô chịu đóng đinh. Đó chính là đỉnh cao của tình yêu thập giá của thánh nhân với Đức Kitô chịu đóng đinh.

Một sử gia Phan Sinh đã nhận định rất hay về mối tình thập giá của ngài rằng: “Thánh Phanxicô ca ngợi không những cuộc khổ nạn của Chúa với tâm tình tri ân, nhưng là tất cả công trình cứu chuộc của Đức Kitô, trong đó tình yêu của Thiên Chúa đổ xuống trên chúng ta một cách thật rõ ràng. Đứng trước tình yêu bao la đó của Thiên Chúa, Phanxicô đã đáp trả bằng một tình yêu nóng bỏng và ngọt ngào trong trái tim người”.

Thật vậy, Thánh Giá mà chúng ta tưởng niệm trong phụng vụ, nhất là phụng vụ Mùa Chay như muốn minh chứng một chân lý cao cả: “Vì yêu thương chúng ta, Chúa Kitô đã không ngần ngại một hành vi nào, cho dù phải đổ máu và chế nhục nhã trên thập tự”. Chính vì thế, tình yêu của Thiên Chúa mới trở nên trọn vẹn đối với chúng ta. Một tình yêu mà chúng ta không thể hiểu thấu bằng lý trí, nhưng bằng cảm kích của con tim trong đời sống tâm linh. Điều này đã thể hiện trên cuộc đời và con người của thánh Phanxicô. Ngài đã hiểu, đã cảm nếm, và đã sống mầu nhiệm Thánh Giá ấy bằng một tình yêu cháy bỏng và thẳm sâu.

Hơn hai ngàn năm qua, người Kitô hữu, môn đệ của Chúa Kitô trong hành trình tiến về vĩnh cửu, không có con đường nào khác con đường thập giá. Nhưng con đường thập giá là con đường khó đi, gian khổ, khiến cho bao người phải ngập ngừng lui bước. Đúng vậy! nhưng qua cái chết của Chúa Giêsu, một luồng ánh sáng đã chiếu dọi vào từng nỗi khổ đau của con người và cho đau khổ một ý nghĩa mới: “Vì bản thân Người đã trải qua thử thách và đau khổ, nên Người có thể cứu giúp những ai bị thử thách” (Dt 2, 18). Thập Giá Chúa sẽ nâng đỡ chúng ta. Từ nay thập giá không còn là một chướng ngại trong cuộc sống, nhưng là con đường tình yêu dẫn đến sự sống đích thực, nếu chúng ta dám hy sinh, chấp nhận mọi khổ đau trong cuộc sống với tâm tình yêu thương và vâng phục.

Trong hành trình đó, gương của thánh Phanxicô vẫn luôn soi đường chỉ lối cho chúng ta tiếp tục cuộc hành trình,với niền tin yêu hy vọng được trở nên thủy chung với mối tình thập giá Chúa Kitô.

Lạy thánh Phanxicô, xin ngài ghi sâu trong lòng chúng con những nỗi thống khổ của Chúa Giê-su, đặt vào trong sâu thăm con tim chúng con tình yếu nóng bỏng và ngọt ngài của Đức Kitô, để giúp chúng con yêu mến Ngài hơn, dâng hiến đời sống chúng con cho Ngài và để chúng con được cùng Ngài và anh chị em chúng con dự phần vào tình yêu thập giá của Ngài.
 
Chiếc la bàn của Kitô hữu: đức tin và lòng nhân ái
LM. Vũ Tiến Tặng
22:43 19/03/2009
Chiếc la bàn của Kitô hữu: đức tin và lòng nhân ái

Sự hiện diện của mỗi người trên đời này tự nó đã là một món quà vô cùng quý giá mà Thiên Chúa ban tặng. Cuộc sống được kết hợp hài hòa bởi suối nguồn ân sủng của Thiên Chúa và tình thương dạt dào cùng với sự nâng đỡ nơi những người thân thuộc và đồng loại. Đó là những điểm tựa vững chắc để mỗi cá nhân có thể phát huy những nén bạc tài năng và dấn thân trên con đường xây dựng một thế giới mang đậm tình người và lưu dấu ấn của những giá trị tinh thần và văn hóa.

Nhìn vào những kỳ công của vũ trụ, sự xoay vần của tiết trời cũng như mưa thuận gió hòa của thiên nhiên, con người nhận thấy có bàn tay của Đấng vô hình đã tài tình sắp đặt mọi sự một cách trật tự và nếp nang. Ngài đã cho con người có dáng thẳng đứng, đầu hướng về trời cao và chân bước đi trên đất. Điều này nhắc nhở chúng ta cần phải biết hướng thượng, tức là hướng về Thiên Chúa, Đấng là Chân Thiện Mỹ. Đó là điểm đến mà mỗi người luôn để tâm suy gẫm để cho cuộc sống của mình có ý nghĩa.

Thiên Chúa đã đặt vào tâm hồn con người tiếng nói của lương tâm để thúc đẩy chúng ta biết làm lành và lánh dữ. Đó là chuẩn mực tối thiểu cần có của con người để có thể dấn thân tô đắp nét đẹp cho đời và đẩy lùi những mối hiểm họa của nền văn minh chết chóc. Thiên Chúa mời gọi con cái của Ngài ngày qua ngày hãy quảng đại và vững tâm bước trên con đường tiến về cõi sống. Ở đó có niềm vui tràn trề và hạnh phúc bất tận đang chờ họ.

Tuy nhiên, trên những nẻo đường của cuộc hành trình này, chúng ta nhiều khi gặp phải những đoạn đường quanh co, chông gai và không thiếu những thử thách. Thiên Chúa biết những yếu đuối và sự dòn mỏng của mỗi cá nhân nên Ngài đã trợ giúp và đem đến cho họ những điểm tựa vững chắc. Những điểm tựa đó là đức tin mà mỗi Kitô hữu được lãnh nhận từ Giáo Hội, là sự chăm sóc, đỡ nâng của cha mẹ và của những người thân thuộc, là những tình bằng hữu tốt đẹp xây dựng trên mối quan hệ vô vị lợi được tôi luyện qua thời gian và thử thách, là những tấm lòng giầu quảng đại của đồng loại…

Đức tin được sinh ra và lớn lên trong lòng Giáo Hội. Chính các Thánh Tông Đồ trung thành rao giảng, các thánh tử đạo trung trinh dùng máu đào của mình để bảo vệ, và các bậc tiền nhân đã sống triệt để. Đây là kho tàng rất lớn lao mà chúng ta được thừa hưởng.

Đức tin là sợi dây bền chặt giúp chúng ta gắn bó với Thiên Chúa qua tất cả các biến cố xảy ra trong đời. Trước những gánh nặng của tuổi tác, bệnh tật và sự chết, đức tin giúp chúng ta nhìn theo chiều hướng tích cực đó là kết hiệp chặt chẽ với màu nhiệm Khổ nạn và Phục Sinh của Đức Kitô. Trước những bất công và thiệt thòi phải gánh chịu vì Đức Kitô và vì giáo huấn của Người, chúng ta vui mừng vì được đồng lao cộng khổ với Người. Trước những thế lực của sự dữ đang hoành hành, chúng ta tin tưởng vào Đức Kitô, Đấng đã thắng thế gian.

Đức tin luôn là tia sáng hé mở ở phía đầu bên kia khi phải bước đi trong những đoạn đường hầm tăm tối. Hoa trái của đức tin là niềm hy vọng nơi Thiên Chúa, vốn được coi kiên vững như « núi đá » cho chúng ta trú ẩn, như « thành lũy » bảo vệ chúng ta.

Đời sống của người Kitô hữu không hề có sự tách biệt giữa đức tin và các đức tính nhân bản. Sống đạo làm người trước khi sống đạo làm con Chúa. Gia đình là xã hội thu nhỏ, ở đó chúng ta được yêu để biết yêu, được nhận để biết cho. Trước trào lưu của lối sống hưởng thụ và thực dụng của xã hội, gia đình là nơi bảo vệ những giá trị truyền thống của nhân loại. Trước những áp lực của công việc trong xã hội, gia đình là nơi giúp chúng ta kín múc được nguồn sinh khí mới. Ngoài ra chúng ta còn được hậu thuẫn rất lớn từ những bậc đàn anh, từ những người bạn tốt, từ những tấm lòng rộng lượng vị tha.

Không ai có thể cho cái mà mình không có. Từ kho tàng ân sủng của Thiên Chúa và tinh hoa của nhân loại, chúng ta mới có được những gì gọi là công trạng của mình. Những gì đã đang và sẽ làm được so với kho tàng nói trên chẳng khác gì một giọt nước giữa lòng đại dương mênh mông.

Cuộc đời là một cuộc tìm kiếm và khám phá những giá trị nhân bản và thiêng liêng. Những giá trị đó sẽ càng được nhân lên gấp bội về lượng và càng được tô thắm về chất nếu chúng ta biết cùng nhau chia sẻ tất cả những khía cạnh của cuộc sống và biết đặt niềm tin nơi Thiên Chúa, Đấng là chủ thể của trời đất vũ trụ muôn loài và là suối nguồn Tình Yêu.
 
Hãy đến cùng ánh sáng
LM.Inhaxiô Trần Ngà
22:45 19/03/2009
Hãy đến cùng ánh sáng

(Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật 4 mùa chay theo Tin Mừng Gioan 3, 14-21)

Hôm ấy, Chúa Giê-su ngỏ lời với Ni-cô-đê-mô:

“Ánh sáng đã đến thế gian, nhưng người ta đã chuộng bóng tối hơn ánh sáng, vì các việc họ làm đều xấu xa. Quả thật, ai làm điều ác, thì ghét ánh sáng và không đến cùng ánh sáng, để các việc họ làm khỏi bị chê trách. Nhưng kẻ sống theo sự thật, thì đến cùng ánh sáng, để thiên hạ thấy rõ: các việc của người ấy đã được thực hiện trong Thiên Chúa."

Bóng tối che chở, yểm trợ cho kẻ bất lương

Nhờ bóng tối, phường đạo tặc có cơ hội làm ăn. Trời càng tối trộm cướp càng vui thích vì càng dễ tung hoành.

Nhờ bóng tối, nhờ đèn mờ, nhiều tay ăn chơi có thêm cơ hội làm điều tội lỗi trong các rạp chiếu phim, trong các phòng karaoke mờ ám.

Nhờ bóng tối ở các góc phố, các đoạn đường vắng, các tay cướp của giết người mới có thời cơ hành động.

Đêm đen và bóng tối là bạn đồng minh của phường trộm cướp, là chốn nương tựa của kẻ bất lương, của những tay chơi bời truỵ lạc.

Thế nên Chúa Giê-su nói: “Người đời (người ác) chuộng bóng tối hơn ánh sáng, vì các việc họ làm đều xấu xa. Quả thật, ai làm điều ác, thì ghét ánh sáng và không đến cùng ánh sáng, để các việc họ làm khỏi bị chê trách” (Gioan 3,19-20)

Trong khi bóng tối bao bọc che chở kẻ bất lương, đồng loã với phường tội lỗi, thì ánh sáng lại có khả năng bảo vệ, che chở cho những kẻ ngay lành.

Ánh sáng bảo vệ người ngay lành

Trong đêm tối giữa rừng sâu, người ta cần đốt lên một đống lửa thật to. Anh lửa bừng lên giữa đêm đen sẽ xua đi những ác thú lăm le vồ xé con người.

Trên những con đường tối tăm thường có trộm cướp rình rập, người ta thắp thêm nhiều ngọn đèn đường. Ánh đèn sáng có khả năng bảo vệ khách bộ hành trong đêm tối.

Chung quanh các cơ quan trọng yếu, những kho chứa hàng quan trọng, người ta bố trí nhiều đèn điện toả sáng suốt đêm để phòng quân gian đột nhập.

Ánh sáng soi đường cho người công chính

Người Việt chúng ta thường nói: “gần mực thì đen, gần đèn thì sáng.” Khi phải ở gần “mực”, tức ở trong môi trường thiếu văn hoá, thiếu đạo đức thì sớm muộn người ta cũng bị tiêm nhiễm những thói xấu tật hư.

Trái lại, nếu được ở gần “đèn”, tức ở trong môi trường lành mạnh, môi trường đạo đức, người ta sẽ được thấm nhuần điều hay lẽ phải và được cảm hoá nên xứng danh con người.

Giai thoại về cuộc đời Thầy Mạnh Tử (372-289 trước Công Nguyên) cho thấy rõ hơn nội dung nầy.

Lúc còn nhỏ, Mạnh Tử ở gần nghĩa trang. Ngày ngày thấy người ta chôn cất người chết với những lời than khóc ai oán thì cậu bé cũng bắt chước chôn các con vật chết, cũng giả vờ kêu than khóc lóc.

Thân mẫu của Mạnh Tử không muốn con mình bị tiêm nhiễm lối sống buồn thảm ở bãi tha ma, nên mới dời nhà đến gần phố chợ. Sống nơi đây, tuy nhộn nhịp vui vẻ hơn, nhưng Mạnh Tử lại học theo thói côn đồ của một số trẻ ranh ma đầu đường xó chợ, ưa trộm cắp, chửi tục và đấm đá nhau. Người mẹ một lần nữa quyết định phải dời nhà đến gần trường để xa tránh môi trường xấu.

Từ ngày sống cạnh nhà trường, ngày ngày thấy bạn bè cùng trang lứa cắp sách đến trường, Mạnh Tử cũng xin mẹ cho đi học.

Học tập chưa được bao lâu, cậu lại bị bạn xấu rủ rê bỏ học đi chơi.

Hôm nọ, khi người mẹ đang dệt vải nửa chừng chợt thấy Mạnh Tử cắp sách về nhà không muốn học nữa, bà lặng lẽ cầm kéo cắt nát tấm lụa đang còn dở dang trên khung cửi.

Quá tiếc xót tấm lụa quý, Mạnh Tử hỏi lý do, người mẹ trả lời: “Con đang đi học mà bỏ nửa chừng thì có khác chi mẹ dệt tấm lụa chưa xong mà cắt bỏ đi vậy.”

Thế là từ đó, Mạnh Tử giác ngộ, ngày đêm miệt mài đèn sách và sau nầy trở thành bậc thánh hiền của người Trung Quốc.

***

Qua Tin Mừng Gioan được trích đọc hôm nay, Chúa Giê-su tỏ ra buồn phiền vì người đời yêu chuộng tối tăm và xa lìa ánh sáng: “Ánh sáng đã đến thế gian, nhưng người ta đã chuộng bóng tối hơn ánh sáng, vì các việc họ làm đều xấu xa. Quả thật, ai làm điều ác, thì ghét ánh sáng và không đến cùng ánh sáng, để các việc họ làm khỏi bị chê trách” (Ga 3,19)

Và Người mời gọi mọi người xa lánh “bóng tối” để đến cùng “ánh sáng.”

Xa lánh bóng tối là giã từ môi trường xấu, bạn bè xấu, xa lánh những cơ hội và hoàn cảnh khiến chúng ta phạm tội và đánh mất phẩm chất cao đẹp của mình.

Đến cùng ánh sáng là đến cùng Đức Ki-tô, đón nhận giáo huấn của Người, để cho Lời Chúa trở thành ngọn đèn dọi bước ta đi; giúp chúng ta nhận ra và tẩy xoá những vết đen trong cuộc đời và giúp ta sống quang minh chính đại.

Lạy Chúa Giê-su, dù chúng con rất ước ao đến cùng ánh sáng nhưng xác thịt yếu hèn vẫn lôi kéo chúng con về với bóng tối.

Xin cho chúng con có đủ bản lãnh và quyết tâm để lìa xa “mực” và sống gần “đèn”.
 
Chuyện thưởng phạt
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
23:28 19/03/2009
Chúa Nhật IV mùa Chay B

Chúa hạ con xuống rồi Người lại nâng con lên. Chúa dìm con xuống hố sâu và Người lại nhấc con lên…Bàng bạc đâu đó cái ý tưởng này trong các lời ca, trong nhiều cái nhìn tu đức và cả trong một vài kiểu cách diển tả của Thánh Kinh, đặc biệt là Cưụ Ước. Khi dân được tuyển chọn bất trung, phản bội, Thiên Chúa trừng phạt dân, thông thường bằng cách đày ải dân vào kiếp nô lệ ngoại bang để bày tỏ cơn thịnh nộ. Nhưng rồi sau đó Người lại giải thoát dân để bày tỏ lòng thương xót.

Lời mạc khải là Lời của Thiên Chúa, nhưng lại được trình bày bằng ngôn ngữ nhân loại, qua những con người cụ thể của một thời gian, không gian, nền văn hoá nhất định. Chắc chắn khó có thể tránh khỏi chuyện gán cho Thiên Chúa những tâm tình, ý nghĩ, đường lối, cung cách hành xử mang đậm nét con người. Vì thế chuyện “suy bụng ta ra bụng người” một cách nào đó vẫn bàng bạc ít nhiều trong các trang Kinh Thánh.

Thiên Chúa đày ải và lại giải phóng dân để dân không chỉ để cho dân nhận ra quyền năng và tình yêu của Người mà còn để dân phải gắn bó, trung thành với Người ư ? Không lẽ chuyện vừa đấm vừa xoa, chuyện kế sách “cây gậy và củ cà rốt”, chuyện dìm người ta xuống nước cho gần chết ngạt rồi sau đó thả tay ra cho người ta hít thở để người ta rối rít cám ơn mình… cũng là “chuyện tình” giữa Thiên Chúa với nhân loại ư ? Chắc chắn tuyệt đối không phải thế. Nếu giả như Thiên Chúa cũng hành xử với con người theo kiểu cách mà nhiều nhà cầm quyền khôn ranh, hay nhiều thể chế độc tài gian ác đã hành xử thì Người chỉ đáng cho chúng ta kính sợ hay kinh sợ mà không bao giờ đáng được kính mến.

Để có cái nhìn tương đối khá chính xác và “gần” chân lý hơn, thiết tưởng không gì hơn hãy lắng nghe những lời do miệng Con Thiên Chúa làm người phán: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian nhờ Con của Người, mà được cứu độ.” ( Ga 3,15 ).

1.Thiên Chúa không phải là tác giả của sự dữ. Là Đấng toàn thiện, nên sự dữ không thể và không bao giờ do Thiên Chúa gây ra. Thế mà con người rất nhiều khi gặp phải sự dữ thì lại gán ghép cho Thiên Chúa. Xưa kia, khi đi trong hoang địa, dân Chúa đã phản loạn và khi rắn lửa bò ra cắn chết nhiều người thì người ta cho rằng Thiên Chúa trừng phạt họ bằng cách “cho” rắn bò ra cắn chết họ. Cái ý nghĩ về chuyện “trời phạt” đã từng có trong tâm thức của con người xưa nay. Nhờ lời mạc khải, đặc biệt là lời hoàn hảo của Đấng Cứu độ, chúng ta mới biết rằng Thiên Chúa không phải là ông thần thích báo thù hay trừng phạt. Tuy nhiên, có nhiều lúc Người lại “để” cho sự dữ xảy ra mà không ra tay ngăn cản để cảnh tỉnh con ngưòi về tình trạng tội lỗi của họ hoặc để thanh luyện tình yêu của họ đối với Người, giúp họ ngày càng yêu mến Người cách vô vị lợi và chân thành hơn.

Không kể những sự dữ mang tính mầu nhiệm mà ta không thể suy thấu, thì có thể nói hầu hết các sự dữ xảy ra là do hậu quả của tội lỗi của con người gây ra cho nhau hay cho chính bản thân mình. Con người ta, khi “chẹt chân thì dễ há miệng” và “hữu sự thì dễ vái tứ phương”. Như thế, những sự dữ vẫn có đó ý nghĩa của nó với kiếp người chúng ta. Những sự khốn khó ở đời này vẫn còn đó vai trò của người thầy dạy giỏi. Cho dù đôi khi cái khó bó cái khôn, nhưng sự thường thì “gian nan rèn nhân đức”. Dưới khía cạnh nhân bản thì gian khổ là cơ hội giúp ta rèn luyện sự nhẫn nại, sự bền chí…còn dưới chiều kích đức tin, thì gian khổ giúp ta biết khiêm nhu và tín thác vào tình yêu và của Thiên Chúa. Thánh Tông đồ dân ngoại khẳng định: “Quả vậy, chính do ân sủng và nhờ lòng tin mà anh em được cứu độ: đây không phải bởi sức anh em, mà là một ân huệ của Thiên Chúa; cũng không phải bởi việc anh em làm, để không ai có thể hãnh diện.” ( Ep 2,8-9 )

2.Thiên Chúa là Đấng đầy lòng xót thương. Có thể nói đây là ý chính của phần Phụng Vụ lời Chúa mà Hội Thánh dọn cho chúng ta trong Chúa nhật IV Mùa Chay B này. Trong cảnh tha hương lưu đày, dân Chúa xưa luôn hướng về Đền thánh Giêrusalem. Khi bày tỏ nổi lòng của dân: “Giêrusalem, lòng này nếu quên người thì lưỡi xướng ca sẽ dính với hàm” ( Tv 136 ), tác giả Thánh Vịnh mời gọi dân suy đến tấm lòng của Thiên Chúa. Các sứ ngôn sau khi cảnh báo dân về tội phản nghịch của họ cùng với các hình phạt sẽ phải hứng chịu thì liền sau đó thường bày tỏ lòng xót thương vô bờ của Thiên Chúa. “ Ta sẽ chữa chúng khỏi tội bất trung, sẽ yêu thương chúng hết tình, vì cơn giận của Ta sẽ không còn đeo đuổi chúng” ( Hs 14,5 ). Cố nhạc sĩ họ Trịnh đã từng ca thán: “Chúa đã bỏ loài người. Phật đã bỏ loài người”. Thế nhưng Kinh Thánh khẳng định rằng dù cho có người mẹ nào nhẫn tâm bỏ con mình đi nữa thì Thiên Chúa sẽ chẳng bao giờ bỏ loài người. Thánh Phaolô nói với tín hữu Ephêsô: “Thưa anh em, Thiên Chúa giàu lòng thương xót và rất mực yêu mến chúng ta, nên dầu chúng ta đã chết vì sa ngã, Người cũng đã cho chúng ta được cùng sống với Đức Kitô” ( Ep 2,4 ).

Thiên Chúa không thể bỏ con người. Một lời khẳng định xem ra khá hàm hồ, nhưng thật chính xác vì “Thiên Chúa không thể chối bỏ chính Người, vì Người là Tình Yêu ( x.1Ga 4,8 ). Dù trời cao hay đất thấp, dù thiên thần hay thiên phủ…không có gì có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa, trong Đức Kitô Giêsu ( x.Rm 8,39 ). Như thế, nếu chúng ta vẫn chìm trong bóng tối thì chính chúng ta phải chịu trách nhiệm vì đã khước từ ánh sáng.

Thiên Chúa là Đấng ân thưởng. Và chính chúng ta là những người luận phạt. Nếu chúng ta chọn ánh sáng tức là tin vào Chúa Giêsu và sống theo lời của Người thì chúng ta được Thiên Chúa ân thưởng. Trái lại nếu chúng ta chối từ Chúa Kitô thì chúng ta, chứ không ai khác, là người kết án, luận phạt chính bản thân mình.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ gặp riêng Tổng Thống Barack Obama.
Nguyễn Long Thao
03:54 19/03/2009
WASHINGTON 17/03-09. - Nguồn tin của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ cho biết Tổng Thống Barack Obama đã tiếp kiến riêng Đức Hồng Y Francis George, Tổng Giám Mục Chicago và là Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ. Buổi họp đã diễn ra tại Tòa Bạch Ốc trong vòng 30 phút vào chiều ngày 17/03/09

Sau phiên họp, Tòa Bạch Ốc đã đưa ra bản tuyên cáo với lời lẽ rất cẩn trọng, không đề cập gì đến nội dung phiên họp, chỉ nói một cách tổng quát là hai bên đã đề cập đến nhiều vấn đề rộng lớn, kể cả những thách thức mà chính quyền và Giáo Hội Công Giáo cùng sát cánh đối phó. Tổng Thống cũng cám ơn sự lãnh đạo của Đức Hồng Y và sự đóng góp của Giáo Hội Công Giáo cho đất nước Hoa Kỳ và thế giới

Riêng Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ cũng cho phổ biến một bản tin, nhưng cũng không nói rõ nội dung, mà chỉ có thêm chi tiết là hai bên đã thảo luận vấn đề liên hệ giữa Giáo Hội Công Giáo Hoa Kỳ và tân chính quyền do Tổng Thống Barack Obama lãnh đạo. Sau phiên họp, Đức Hồng Y đã cám ơn Tổng Thống và Ngài hy vọng phiên họp sẽ mang lại kết quả tốt cho lợi ích chung.

Riêng hãng Tin Tức Công Giáo Thế Giới nhận xét rằng phiên họp này đã diễn ra chỉ một ngày sau khi Đức Hồng Y Francis George lên tiếng cảnh cáo chính quyền của TT Obama đang muốn hủy bỏ luật bảo vệ lương tâm dành cho các nhân viên chăm lo sức khỏe có xu hướng phò-sự-sống. ĐHY nói rằng việc huỷ bỏ khoản luật bảo vệ lương tâm là bước đầu đưa đất nước từ chế độ dân chủ đến chế độ chuyên quyền.

Tưởng cũng nên nhắc lại luật bảo vệ lương tâm tại Hoa Kỳ có từ thời cựu TT George W. Bush, có mục đích bảo vệ nhân viên y tế được phép khước từ các dịch vụ y khoa mà nếu thực hiện là trái với lương tâm như phá thai, trợ tử.

TT. Barack Obama, ngay khi tranh cử chức vụ Tổng Thống đã có chủ trương hợp thức hóa phá thai và mới đây ông đã ký sắc lệnh cho phép dùng tiền chính phủ để nghiên cứu tế bào gốc. Ông đang cân nhắc việc hủy bỏ khoản luật bảo vệ lương tâm của y giới.
 
Minh xác của Phòng Báo Chí Tòa Thánh về vấn đề Sida
G. Trần Đức Anh OP
13:34 19/03/2009
YAOUNDÉ. Phòng báo chí Tòa Thánh ra thông cáo khẳng định lập trường của Giáo Hội Công Giáo về nỗ lực bài trừ tai ương Sida.

Trong thông báo công bố hôm 18-3-2009 tại Yaoundé, Cha Lombardi, Giám đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh khẳng định rằng: Về những tiếng vang do một vài lời của ĐGH về vấn đề Sida gây nên, Phòng Báo Chí minh xác rằng ĐTC đã tái khẳng định lập trường của Giáo Hội Công Giáo và những đường hướng thiết yếu trong sự dấn thân của Giáo Hội nhắm bài trừ tai ương Sida:

- Thứ I, bằng cách giáo dục về trách nhiệm của con người trong việc sử dụng tính dục và tái khẳng định vai trò thiết yếu của hôn nhân và gia đình;

- Thứ II, bằng các nghiên cứu và áp dụng các biện pháp chữa trị hữu hiệu chống bệnh Sida và đặt các phương pháp đó cho con số càng đông càng tốt các bệnh nhân qua nhiều sáng kiến và các tổ chức y tế;

Thứ III, bằng các trợ giúp về mặt nhân bản và tinh thần cho các bệnh nhân Sida, cũng như tất cả những người đau khổ, từ lâu vẫn luôn ở trong tâm hồn của Giáo Hội.

Đây là những hướng đi trong đó Giáo Hội tập trung sự dấn thân của mình, và không cho rằng chỉ nhắm phổ biến càng rộng rãi càng tốt các túi cao su là con đường tốt hơn trong thực tế, nhìn xa trông rộng và hữu hiệu hơn để chống lại tai ương Sida và bảo vệ sự sống con người.

Dư luận ở Tây Phương đã xôn xao vì trong cuộc phỏng vấn dành cho giới báo chí trên chuyến bay hôm 17-3-2009 từ Roma tới Camerun, trong đó ngài khẳng định rằng tiền bạc và túi cao su không giải quyết được vấn đề này ở Phi châu, cần có sự giáo dục, việc thực hành tính dục trách nhiệm và săn sóc các bệnh nhân. (SD 18-3-2009)
 
Ngày thứ hai chuyến viếng thăm mục vụ của Đức Thánh Cha tại Camerun
Linh Tiến Khải - Trần Phúc Nhạc
13:34 19/03/2009
Thứ tư 18-3-2009 Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã chỉ có hai sinh hoạt chính: ban sáng Đức Thánh Cha gặp gỡ các Giám Mục Camerun và ban chiều ngài chủ sự buổi hát Kinh Chiều với các Giám Mục, linh mục tu sĩ nam nữ, các chủng sinh, phó tế, và các phong trào giáo dân trong vương cung thánh đường Đức Maria Nữ Vương các Tông Đồ trong thủ đô Yaounde.

Ban sáng Đức Thánh Cha đã dâng thánh lễ riêng trong nhà nguyện Tòa Sứ Thần Tòa Thánh. Lúc 9 giờ 45 Đức Thánh Cha rời Tòa Sứ Thần đến Dinh Hiệp Nhất cách đó 4 cây số để thăm xã giao tổng thống Paul Biya. Tổng thống Paul Biya sinh năm 1933. Sau khi đậu tiến sĩ về khoa Liên Lạc quốc tế tại Học viện khoa học chính trị Paris năm 1961 ông Biya tham gia chính trị dưới thời tổng thống Ahmadou Ahidjo và năm 1975 trở thành Thủ tướng. Sau khi tổng thống Ahidjo từ nhiệm hồi năm 1982 ông Biya đã lên thay thế và cai trị Camerun từ đó đến nay. Năm 2004 tổng thống Biya đã tái nhiệm thêm 7 năm nữa.

Tổng thống Biya đã ra đón Đức Thánh Cha và đoàn tùy tùng tại cửa dinh và hội kiến riêng với Đức Thánh Cha trong văn phòng làm việc. Trong khi đó thì Đức Hồng Y Bertone Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh cũng hội kiến với Thủ tướng Camerun. Sau đó tổng thống đã giới thiệu phu nhân Chantal và ba con và chụp hình lưu niệm với Đức Thánh Cha, rồi sang phòng của các Đại Sứ để trao đổi qùa tặng.

Sau khi từ giã tổng thống Đức Thánh Cha đã tới nhà thờ Chúa Kitô Vua trong khu phố Tsinga cách đó 2 cây số rưỡi, để gặp gỡ 31 Giám Mục Camerun. Cha sở đã đón Đức Thánh Cha và Đức Tổng Giám Mục Yaounde tại cửa nhà thờ. Đức Thánh Cha đã qùy chầu Mình Thánh Chúa một lúc trước khi bắt đầu cuộc gặp gỡ.

Đức Cha Simon Victor Tonyé Bakot, Tổng Giám Mục Yaounde, Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Camerun đã chào mừng Đức Thánh Cha.

Đáp lời Đức Cha Bakot Đức Thánh Cha tái bầy tỏ niềm vui được đến viếng thăm Phi châu và trao tài liệu làm việc của Thượng Hội Đồng Giám Mục Phi châu kỳ II cho các Giám Muc. Qua các vị ngài gửi lời chào thăm tới tất cả mọi thành phần dân Chúa Camerun. Năm thánh Phaolô là dịp đặc biệt giúp nhắc lại sự khẩn thiết của công tác rao truyền Tin Mừng cho tất cả mọi người. Sứ mệnh Giáo Hội đã nhận lãnh từ Chúa Kitô đó phải là một ưu tiên, vì còn có rất nhiều người chờ đợi sứ điệp hy vọng và yêu thương giúp họ hiểu biết ”sự tự do và vinh quang của con cái Thiên Chúa” (Rm 8,21). Vì truyền giáo là bản chất của Giáo Hội nên mọi Kitô hữu đều phải là thừa sai, và các cộng đoàn giáo phận có nhiệm vụ làm chứng cho Tin Mừng của Chúa (AG 6). Rao giảng lòng tin và loan báo Tin Mừng là nhiệm vụ của Giám Mục, làm sao để có thể nói được như thánh Phaolô: ”Thật vậy, đối với tôi, rao giảng Tin Mừng không phải là lý do để tự hào, mà đó là một sự cần thiết bắt buộc tôi phải làm. Khốn thân tôi, nếu tôi không rao giảng Tin Mừng!” (1Cr 9,16). Giáo dân cần đến lời của Giám Mục là giáo lý viên tuyệt vời để củng cố và thanh tẩy lòng tin của họ. Đề cập tới một số phương thức giúp chu toàn sứ mệnh rao giảng Tin Mừng và trả lời cho nhiều thách đố của cuộc sống ngày nay Đức Thánh Cha nói:

”Để chu toàn sứ mệnh rao giảng Tin Mừng và trả lời cho nhiều thách đố của cuộc sống thế giới ngày nay, ngoài các cuộc gặp gỡ cần thiết trên bình diện cơ cấu cần phải có sự hiệp thông sâu xa giữa các Chủ Chăn của Giáo Hội. Phẩm chất các công việc làm của Hội Đồng Giám Mục, phản ánh cuộc sống của Giáo Hội và xã hội Camerun, cho phép cùng nhau tìm ra các câu trả lời cho nhiều thách đố mà Giáo Hội phải đương đầu. Qua các thư mục vụ các Giám Mục đưa ra các chỉ dẫn chung hướng dẫn tín hữu trong cuộc sống giáo hội và xã hội”.

Đức Thánh Cha đã đặc biệt khích lệ sự cộng tác giữa các giáo phận, liên đới chia sẻ nhân lực cho nhau để cho việc loan báo Tin Mừng không bị thiệt thòi vì cảnh thiếu các linh mục. Tình liên đới đó cũng cần được trải dài ra tới các Giáo Hội địa phương khác, đặc biệt là các Giáo Hội của đại lục Phi châu, làm sao để các cộng đoàn thực sự là cộng đoàn truyền giáo.

Đức Thánh Cha cũng khích lệ các Giám Mục duy trì liên lạc và hiệp thông thân tình với các linh mục, là các cộng sự viên không thể thay thế được của các vị. Phẩm chất liên hệ đó rất quan trọng. Nếu các linh mục nhận thấy nơi Giám Mục người cha và người anh em, yêu thương họ, lắng nghe họ và ủi an họ trong các thử thách, và đặc biệt chú ý tới các nhu cầu nhân bản và vật chất của họ, thì họ được khích lệ chu toàn chức thừa tác với tất cả tâm lòng và sự trung thành tận tụy. Lời nói và gương sống của các Giám Mục sẽ gợi hứng cho các linh mục biến đời sống thiếng liêng và bí tích thành trung tâm điểm đời thừa tác, khám phá ra và sống sâu đậm hơn cuộc sống chủ chăn như là người của cầu nguyện.

Để có các linh mục như thế các Giám Mục cần săn sóc mục vụ ơn gọi, trước hết qua việc tuyển chọn và huấn luyện các vị đào tạo và các cha linh hướng, để các vị hiểu biết tường tận các ứng sinh và cung cấp cho các chủng sinh một nền giáo dục nhân bản, tinh thần và mục vụ vững chắc, giúp họ có đầu óc quân bình và chuẩn bị sống đời linh mục. Đức Thánh Cha cũng bầy tỏ vui mừng và cảm tạ Chúa về phần đóng góp tích cực quan trọng của các dòng tu nam nữ trong công tác rao truyền Tin Mừng tại Phi châu cũng như của biết bao nhiêu giáo lý viên. Ngài đặc biệt cám ơn các giáo lý viên như sau:

”Tôi cám ơn các anh chị em giáo lý viên vì lòng quảng đại và trung thành phục vụ Giáo Hội của họ. Qua công việc của họ việc hội nhập lòng tin vào nền văn hóa đang được hiện thực. Vì thế việc đào tạo nhân bản, tinh thần và giáo lý cho họ là điều không thể thiếu. Sự trợ giúp vật chất luân lý và tinh thần, mà họ nhận được từ các chủ chăn, rất quan trọng, để giúp họ chu toàn sứ mệnh dấn thân loan báo lòng tin và làm cho nó lớn lên”.

Trong diễn văn Đức Thánh Cha cũng đề cập đến các khó khăn mà gia đình truyền thống Phi châu gặp phải trong xã hội tục hóa ngày nay. Vì thế cần phải đẩy mạnh mục vụ gia đình và thăng tiến việc hiểu biết bản chất, phẫm giá và vai trò của hôn nhân như sự kết hiệp bất khả phân ly giữa một người nam và một người nữ.

Ngài cũng nêu bật tầm quan trọng của các buổi cử hành phụng vụ. Chúng chiếm chỗ quan trọng trong sinh hoạt của các cộng đoàn và tại Phi châu thường được cử hành trong bầu khí lễ hội tươi vui diễn tả lòng sốt sắng của tín hữu hạnh phúc vì được cùng nhau sống như là Giáo Hội. Đức Thánh Cha cầu mong các buổi cử hành phụng vụ giúp phát huy đối thoại và hiệp thông.

Có một điểm khác nữa trong diễn văn của Đức Thánh Cha: đó là hiện tượng các giáo phái và phong trào tôn giáo khác lan tràn cùng với chủ thuyết duy tương đối. Do đó cần phải gia tăng việc đào tạo giới trẻ trong các môi trường đại học và trí thức. Ngài cầu mong Học Viện Công Giáo Yaounde và các cơ cấu giáo dục khác của Giáo Hội thành công trong việc giúp người trẻ hiểu biết sâu xa hơn các kho tàng của lòng tin công giáo. Rồi Đức Thánh Cha ca ngợi các hội đoàn và phong trào giáo dân Camerun như sau:

”Tôi vui mừng khi biết rằng tại đất nước của anh em các giáo dân càng ngày càng dấn thân trong cuộc sống giáo hội và xã hội. Các hiệp hội giáo dân nẩy nở nhiều trong các giáo phận của anh em. Chúng là dấu chỉ hoạt động của Chúa Thánh Thần giữa tâm lòng tín hữu, và góp phần vào công tác rao giảng Tin Mừng. Tôi đặc biệt đề cao và khích lệ sự tham dự tích cực của các hiệp hội phụ nữ trong các lãnh vực khác nhau của Giáo Hội, chứng minh cho thấy ý thức thực sự về phẩm giá của nữ giới và ơn gọi đặc thù của họ trong cộng đoàn giáo hội và giữa lòng xã hội. Vì thế tôi khích lệ anh em tiếp tục các nỗ lực để cống hiến cho họ một việc đào tạo Kitô vững chắc, giúp họ chu toàn trọn vẹn nhiệm vụ linh hoạt Kitô thuộc trật tự trần thế: chính trị, văn hóa, kinh tế, xã hội, là một nét đặc thù của ơn gọi giáo dân” (Ecclesia in Africa s. 75).

Sau cùng, Đức Thánh Cha trở lại vấn đề xã hội của thế giới toàn cầu và nói: Trong ngữ cảnh toàn cầu hiện nay Giáo Hội đặc biệt chú ý đến các người cần được giúp đỡ nhất. Sứ mệnh của Giám Mục là dấn thân bảo vệ quyền lợi của người nghèo, thăng tiến và khích lệ việc thực thi bác ái, diễn tả tình yêu thương của Chúa đối với những người bé mọn. Qua đó các tín hữu được dẫn đưa tới chỗ nhận thức một cách cụ thể rằng Giáo Hội là gia đình đích thật của Thiên Chúa, hiệp nhất trong tình yêu huynh đệ, và loại trừ mọi khuynh hướng duy chủng tộc và duy riêng biệt qúa đáng, và như thế góp phần vào việc hòa giải và cộng tác giữa các chủng tộc để mưu cầu công ích. Đàng khác, qua giáo huấn xã hội của mình Giáo Hội muốn thức tỉnh niềm hy vọng trong con tim của những người bị loại trừ. Đây cũng là bổn phận của các Kitô hữu, đặc biệt các anh chị em giáo dân có trách nhiệm xã hội, kinh tế, chính trị để cho mình được giáo huấn xã hội của Giáo Hội hướng dẫn, hầu góp phần xậy dựng một thế giới công bằng hơn trong đó mỗi người có thể sống một cách xứng đáng”.

Đức Thánh Cha rời nhà thờ Chúa Kitô Vua sau 12 giờ trưa để trở về Tòa Sứ Thần. Tại đây ngài dùng bữa trưa với các Giám Mục Camerun và nghỉ ngơi chốc lát trước khi đi chủ sự buổi hát Kinh Chiều tại Vương cung thánh đường Đức Maria Nữ Vương các Tông Đồ.

Lúc 16 giờ Đức Thánh Cha rời Tòa Sứ Thần để đi xe đến vương cung thánh đường Đức Maria Nữ Vương các Tông Đồ cách đó 11 cây số.

Nhà thờ này được xây trên khu đất của nhà thờ chính tòa cũ của thủ đô Yaounde. Nhà thờ chính tòa cũ được xây hồi năm 1927 và được dâng kính Chúa Thánh Thần. Nhưng vào năm 1980 nhà thờ bắt đầu hư hại nhiều và có nguy cơ bị sập nên Đức Cha Jean Zoa Tổng Giám Mục hồi đó đã quyết định xây nhà thờ chính tòa mới, để chuẩn bị mừng kỷ niệm 100 năm các thừa sai Palottini thánh hiến nước Camerun cho Nữ Vương các Tông Đồ tại Marienburg. Năm 1901 các thừa sai Palottini đã bắt đầu rao giảng Tin Mừng từ ngọn đồi Mvolyé này vì thế giáo xứ này trở thành mẹ của Giáo Hội Camerun.

Nhà thờ chính tòa mới được khởi sự xây năm 1990, có kiểu kiến trúc tân thời sử dụng các chất liệu thiên nhiên và có các biểu tượng đặc thù Phi châu. Bên trong nhà thờ có đủ chỗ cho 3.500 tín hữu. Mặt tiền nhà thờ quay ra quảng trường Thánh Maria có thể chứa được 20.000 người. Bên ngoài nhà thờ có 6 phông ten nước và 6 bức tranh bằng sứ diễn tả các bí tích và lộ trình phụng vụ hành hương.

Trong Năm Thánh Phaolô nhà thờ chính tòa tổ chức một loạt các cuộc hành hương khởi sự từ tháng 10 năm 2008 cho các phong trào và các nhóm khác nhau: tháng 3 năm 2009 cho phong trào Công Giáo Tiến Hành, tháng 4 cho các giáo lý viên, tháng 5 cho các hiệp hội Đức Mẹ. Các hội đoàn này sẽ cử hành lễ Đức Maria Nữ Vương các Tông Đồ ngày mùng 2 tháng 5 tởi đây. Và tháng 6 năm 2009 kết thúc Năm Thánh Phaolô.

Kinh chiều trọng thể kính thánh Giuse đã được cử hành bằng tiếng Pháp và tiếng Latinh và kết thúc với bài thánh ca bằng tiếng Ewondo. Tham dự buổi hát kinh chiều cũng có tổng thống, phu nhân và ba con cùng nhiều giới chức chính quyền. Tổng thống và quan khách đã tới trước 20 phút. Trong khi chờ đợi Đức Thánh Cha ca đoàn nhà thờ chính tòa đã hát thánh ca Latinh ”Kính chào Mẹ của lòng xót thương”. Hai bên đường tới nhà thờ chính tòa đã có đông tín hữu và dân chúng cầm cờ Tòa Thánh và cờ Camerun vẫy chào khi xe chơ Đức Thánh Cha đi ngang qua. Khi Đức Thánh Cha đến ca đoàn đã cử bài ”Con là Đá”.

Sau lời chào mừng của Đức Tổng Giám Mục Yaounde, là lời chào của một Linh Mục, đại diện hàng giáo sĩ, một nữ tu đại diện các tu sĩ, và một nam giáo dân đại diện cho các phong trào giáo dân.

Trong bài giảng sau bài đọc ngắn, Đức Thánh Cha đặc biệt nêu cao tấm gương của thánh Giuse làm cha trong tinh thần phục vụ và nhận định rằng: ”Làm cha, trước tiên có nghĩa là phục vụ sự sống và sự tăng trưởng. Theo nghĩa đó, thánh Giuse chứng tỏ lòng nhiệt thành tận tụy của Người. Vì Chúa Kitô, Người đã chịu bách hại, chịu cảnh tha hương và cảnh nghèo từ đó mà ra. Người phải lập cư tại một nơi khác với làng của mình. Phần thưởng duy nhất của thánh nhân là được ở với Chúa Kitô”.

Theo mẫu gương ấy, Đức Thánh Cha nhắn nhủ các linh mục sống trọn chức vụ làm cha trong các công tác thường nhật của sứ vụ. Như Hiến Chế Ánh Sáng Muôn Dân đã dạy: ”Như những người cha của các tín hữu trong Chúa Kitô, các linh mục phải chăm sóc các tín hữu mà họ đã sinh ra một cách thiêng liêng nhờ bí tích rửa tội và việc giáo dục” (n.28).

Để chu toàn nghĩa vụ đó, Đức Thánh Cha khích lệ các linh mục hãy sống kết hiệp với Chúa Giêsu và nói rằng: ”Quan hệ bản thân của chúng ta với Chúa Giêsu là điều cấu thành cách thức mà chúng ta muốn sống cuộc đời linh mục. Chúa đã gọi chúng ta là bạn hữu vì mọi sự Ngài học được từ nơi Chúa Cha, Ngài cũng tỏ cho chúng ta biết” (cf Ga 15,15). Khi sống trọn quan hệ sâu xa với Chúa Kitô anh em sẽ khám phá tự do đích thực và niềm vui sâu xa. Chức linh mục thừa tác bao hàm quan hệ sâu xa với Chúa Kitô Đấng tự hiến cho chúng ta trong Thánh Thể. Hãy để việc cử hành Thánh Lễ thực sự là trung tâm đời sống linh mục của anh em, như thế Thánh Lễ sẽ là trung tâm sứ mạng Giáo Hội của anh em”.

Đức Thánh Cha không quên nhắc nhở các Linh Mục Camerun hãy tín nhiệm nơi Giám mục bản quyền, hiệp nhất với hàng linh mục trong tinh thần huynh đệ. ”Nhờ thái độ đó cũng như sự nâng đỡ của các tín hữu, anh em có thể trung thành đáp lại tiếng Chúa gọi, cũng như Chúa đã gọi thánh Giuse coi sóc Mẹ Maria và Hài đồng Giêsu. Anh em linh mục thân mến, ước gì anh em luôn trung thành với những lời hứa anh em đã tuyên thệ trước Giám mục và toàn thể cộng đoàn.”

Với các nữ tu nam nữ và những người dấn thân trong các phong trào của Giáo Hội, Đức Thánh Cha cũng khuyên nhủ họ hãy nhìn lên thánh Giuse và noi gương thánh nhân. Thánh Giuse đã nhận đưa Đức Maria về nhà mình, và chào đón mầu nhiệm nơi Đức Maria và mầu nhiệm của chính Đức Maria. Người yêu thương Đức Maria với tất cả sự tôn trọng, vốn là dấu hiệu của mọi tình yêu chân thực. Thánh Giuse dạy chúng ta rằng có thể yêu thương mà không chiếm hữu. Khi chiêm ngưỡng thánh Giuse, mọi người nam nữ đều có thể cảm nghiệm được sự chữa lành các vết thương cảm xúc, nhờ ơn Chúa, nếu họ biết chấp nhận kế hoạch mà Thiên Chúa thực hiện nơi những người gần gũi với mình, cũng như Thánh Giêsu đi vào công trình cứu chuộc qua Mẹ Maria và như kết quả của những gì Thiên Chúa đã thực hiện nơi Mẹ.”

Đức Thánh Cha cũng khích lệ các tu sĩ nam nữ ”trung thành không chút dè dặt với những lời cam kết, để trở thành những mầm sống trong Giáo Hội, tăng trưởng trong việc phục vụ Nước Chúa. Bất kỳ lúc nào, và nhất là khi lòng trung thành của anh chị em bị thử thách, thánh Giuse nhắc nhở cho anh chị em ý nghĩa và giá trị những lời cam kết. Đời sống thánh hiến là sự quyết liệt bắt chước Chúa Kitô. Vì thế, cần làm sao để lối sống của anh chị em diễn tả chính xác điều làm cho anh chị em sống và cũng cần để hoạt động của anh chị em không che dấu căn tính sâu xa của mình”.

Về điểm này, Đức Thánh Cha nhắc đến tấm gương của cha Simon Mpeke, quen gọi là Baba Simon, như thừa sai đi chân không, đã dành trọn sức lực để phục vụ trong tinh thần khiêm tốn vị tha, nhắm cứu giúp các linh hồn, không quản ngại lo âu và cơ cực để phục vụ anh chị em mình.

Sau cùng, với đại diện các cộng đồng Kitô khác hiện diện tại buổi hát kinh chiều, Đức Thánh Cha đề cao đời sống của thánh Giuse trong sự vâng phục Lời Chúa: đó là dấu chỉ hùng hồn đối với mọi môn đệ của Chúa Giêsu khao khát sự hiệp nhất của Giáo Hội. Ngài nói: ”Gương của Thánh Giuse kích thích chúng ta hiểu rằng chỉ khi nào hoàn toàn vâng phục Thánh Ý Chúa, con người mới trở thành một người thợ hiệu năng, thi hành ý định của Thiên Chúa, Đấng muốn tụ họp tất cả mọi người thành một gia đình duy nhất, một cộng đoàn, một Hội Thánh duy nhất”.

Sau khi ban phép lành tòa thánh và chào tạm biệt mọi người, Đức Thánh Cha đã trở về Tòa Sứ Thần đễ dùng bữa tối kết thúc ngày thứ 2 chuyến viếng thăm Camerun.
 
ĐGH khuyến khích người Kitô hữu và Hồi giáo bảo vệ các giá trị truyền thống của châu Phi
Phụng Nghi
16:02 19/03/2009
YAOUNDE, Cameroon (CNS) - Gặp gỡ những người Hồi giáo tại Cameroon trong cuộc thăm viếng châu Phi, Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI nói rằng Kitô hữu và người Hồi giáo cần cộng tác với nhau tại châu lục này để bảo vệ các giá trị truyền thống và bác bỏ mọi hình thức bạo hành.

Diễn từ ngắn của Đức giáo hoàng hôm nay 19 tháng 3 là bản cô đọng lập trường của ngài về cuộc đối thoại giữa các tôn giáo mà ngài tin tưởng sẽ liên kết các tín đồ lại để bảo vệ đức tin tôn giáo, được coi như “phù hợp với lý trí” và như nền tảng của mọi nền văn minh chân chính của nhân loại.

Tín đồ Hồi giáo chiếm khoảng 22% dân số Cameroon, còn người Kitô giáo chiếm khoảng 44%. Những mối liên hệ giữa hai bên nói chung thường tốt đẹp. Trong bài diễn từ, Đức giáo hoàng đưa ra nhận xét rằng tín đồ của cả hai tôn giáo đang sinh sống, làm việc và phụng tự trong cùng một khu vực kề cận nhau.

Ngài nói: “Cả hai cùng tin vào một Thượng Đế duy nhất, nhân từ, đấng sẽ phán xét cả nhân loại vào ngày tận thế. Cùng nhau, họ làm chứng nhân cho các giá trị cốt yếu của gia đình, trách nhiệm trong xã hội, tuân phục lề luật của Thiên Chúa và quan tâm thương mến người bệnh tật và khổ đau.”

Nhiệm vụ khẩn yếu của các tín đồ ngày nay, ngài nói, là “khai mở ra khả năng rộng lớn của lý trí con người, đó chính là quà tặng của Thượng Đế và được nâng cao lên bằng mặc khải và đức tin.”

“Lòng tin vào một Thiên Chúa, chẳng những không hạn chế khả năng hiểu biết chính chúng ta và thế giới, mà trái lại làm mở rộng ra; không đặt chúng ta vào vị thế chống lại thế giới, mà trái lại trao phó chúng ta cho thế giới.”

Ngài nói: Điều quan trọng đối với các tín đồ, là phải nhắc nhớ thế giới rằng “điều gì “phù hợp với lý trí” thì vượt quá những điều toán học có thể tính toán, luận lý có thể suy luận, và thí nghiệm khoa học có thể chứng minh; nó bao gồm sự thiện hảo và vẻ lôi cuốn từ bẩm sinh của cuộc sống ngay thẳng và đạo đức ta biết được trong chính ngôn ngữ của sáng tạo.”

Khi các tín đồ bước ra ngoài phạm vi tư lợi và hoạt động cho phúc lợi của người khác, điều đó tỏ ra cho thế giới thấy rằng tôn giáo chân chính mở rộng phạm vi hiểu biết của con người và “nằm ở nền tảng của bất cứ một nền văn hóa chân chính nào của nhân loại.”

“Nó chối từ mọi hình thức bạo hành và chủ nghĩa toàn trị: không phải chỉ dựa trên các nguyên lý của đức tin mà còn dựa trên các nguyên tắc của lý trí ngay thẳng.”

Người phát ngôn của Tòa thánh, linh mục Federico Lombardi thuộc Dòng Tên, nói rằng không khí buổi gặp gỡ rất chân thành và thân hữu, 22 nhà lãnh đạo Hồi giáo – nhiều hơn dự trù tới hai vị -- đã chào mừng Đức giáo hoàng nồng nhiệt và cám ơn những nhận xét của ngài trong bài diễn từ.

Đức giáo hoàng nói với họ rằng ngài hy vọng sự cộng tác giữa người Kitô hữu và tín đồ Hồi giáo tại Cameroon sẽ được coi như ngọn hải đăng soi sáng các quốc gia châu Phi khác.

Các viên chức trong giáo hội châu Phi nhấn mạnh rằng trong hầu hết các quốc gia ở châu lục này cuộc đối thoại giữa người Kitô hữu và Hồi giáo trong những năm vừa qua đã tiến bộ. Nhưng họ vẫn còn lo ngại về việc thỉnh thoảng lại nổ ra những vụ bạo hành. Tại Nigeria, nước giáp ranh với Cameroon, những cuộc tấn công trong nhiều tháng mới đây giữa các nhóm Kitô giáo và Hồi giáo đã làm cho hàng trăm người thiệt mạng, mặc dầu các nhà lãnh đạo giáo hội đã nhấn mạnh rằng bạo hành ở đó có nguyên nhân chính yếu là chính trị chứ không phải tôn giáo.
 
Top Stories
MOTION: Right to legal representation
Thai Ha's Catholic Defendants
00:23 19/03/2009

MOTION



Re: Right to legal representation

To:
The Hanoi People's Court
Department of Public Security
Ho Chi Minh City's Police Dept.


We, the undersigned:

1. Ngo Thi Dung - born 1954
Residence: 15 Van Phuc Dr. Kim Ma, Ba Dinh district, Hanoi city.
Mailing address: 306 C3 TT Vinh Ho Nga Tu So ward, Dong Da, Hanoi.
Identity Card No: 0102 12359 issued on 21 April 2003 by Hanoi City's Police Dept

2. Nguyen Thi Viet - born 1949
Residence: A2 8th group Thuy Tinh, Thinh Quang ward, Dong Da Hanoi
Identity Card No: 0100 92224 issued on 10 March 2008 by Hanoi City's Police Dept

3. Le Quang Kiet - born 1949
Residence: 8/162A Ton Duc Thang, Hang Bot ward, Dong Da Hanoi
Identity Card No: 0104 22975 issued on 20 March 2006 by Hanoi City's Police Dept

4. Le Thi Hoi - born 1947
Residence: 8/62 Quan Tram, Tho Quan ward, Dong Da Hanoi
Identity Card No: 0100 67443 issued on 01 August 2005 by Hanoi City's Police Dept

5. Pham Chi Nang - born 1958
Residence: Section 9 Thuong Le, Dai Thinh village, Me Linh Hanoi
Identity Card No: 1350 39093 issued on 03 August 1998 by Vinh Phuc province's Police Dept

6. Nguyen Dac Hung - born 1977
Residence: Thon Dam, Tan Hoa village, Quoc Oai Hanoi
Identity Card No: 1116 54816 issued on 23 September 2003 by Ha Tay province's Police Dept

7. Thai Thanh Hai - born 1987
Residence: 42 Nguyen Luong Bang, O Cho Dua ward, Dong Da Hanoi
Identity Card No: 0124 70673 issued on 03 March 2008 by Hanoi City's Police Dept

are defendants in a (criminal) case facing charges of “Disorderly conduct” and "Destroying state's property" and were tried at lower court in Dong Da People's Court in Hanoi on Dec 8, 2008

We have filed an appeal on the verdict of the Dec. 8, 2008 criminal trial at the Dong -Da People's Court, Hanoi city.

We had also asked attorney Le Tran Luat - chief legal counsel at Luat Su Phap Quyen Law Offices- to represent us at the Appellate court.

On Sept. 1, 2009 the Hanoi People's Court had issued a Certificate of Representation number 01/HS-GCNNBC, approving Mr. Le Tran Luat as our legal counsel.
On March 13, 2009, Hanoi People's Court had sent out Notice of Appearance for the court of appeal proceeding at 8 am on March 27, 2009 at a branch of Hanoi People's Court (located at facility #2, 2 Nguyen Trai St, city of Ha Dong, Hanoi).

Recently we have learned that our attorney Mr. Le Tran Luat had been prevented by Ho Chi Minh City's police from flying to Hanoi to provide legal council to us.
We hereby motion to the Hanoi People's Court, the Department of Public Security, and Ho Chi Minh City's Police Dept. to provide him assistance, making it possible for attorney Le Tran Luat to arrive in Hanoi to provide us council in our appeal hearing on Mar 27, 2009, securing our right to legal representation according to due process.
Respectfully yours,

Hanoi, on the 15th day of March, 2009

Co-signatories,
(Signed)
 
Communiqué du Comité de support à la Democratie et Liberté religiuese au Vietnam
Alain Oullet
22:07 19/03/2009
Le Comité de Support à la Démocratie et Liberté Religieuse au Vietnam voudrait attirer l’opinion public à une autre violation grave des droits de personne récemment commise par les autorités communistes vietnamiennes

Le 3 mars 2006, l’avocat Le Tran Luat, qui prend en charge le dossier des huit citoyens catholiques de Thái Hà dans le procès d’appel contre leur condamnation calomnieuse de «détruire les biens de l’état et de troubler l’ordre publique», a été empêché de prendre le vol aérien Saigon-Hanoi qui l’aurait à la rencontre des accusés à Hanoi. Juste après cet acte illégal, les policiers l’ont emmené à la poste de police et l’y ont détenu toute la journée. Ses avocats associés, Hung et Dat, son assistante Ta Phong Tan, ont aussi été convoqués par la police et ont subi des interrogatoires. Une semaine auparavant, le 25 février 2009, les agents des forces de l’ordre étaient venus à son bureau pour faire des recherches sans avis, et ont confisqué tous les photocopieurs et ordinateurs en raison d’exécuter la demande d’une compagnie concurrente après un conflit à titre privé.

Ces répressions flagrantes dévoilent une fois de plus que les autorités vietnamiennes méprisent les droits internationaux et la conscience humaine. L’avocat Le Tran Luat lui-même a dénoncé: « Nous vivons sous un régime qui viole brutalement les droits de personne. Même qu’ entant qu’ avocat, je souffre beaucoup comme victime des abus de pouvoir. Quant aux autres oppressés, qui n’osent pas se déclarer, combien de malheurs ont-ils subis sans aucune protection ? »

Nous condamnons fermement la violation préméditée des droits de personne commise par les autorités vietnamiennes. Nous faisons appel au gouvernement canadien et aux personnes de bonne volonté de prendre les mesures nécessaires afin d’exterminer pour toujours cette sorte de violation.

Le 18 mars 2009

Alain Ouellet, avocat
Président Comité de Support à la Démocratie et Liberté Religieuse au Vietnam
151 Atwater
CP 72126
Montréal, QC H3J 2Z6
Canada
 
INDE: L’Eglise catholique s’engage à œuvrer toujours davantage pour l’intégration des dalits
Eglises d'Asie
22:36 19/03/2009
INDE: L’Eglise catholique s’engage à œuvrer toujours davantage pour l’intégration des dalits

A l’issue d’une session commune, qui s’est tenue du 6 au 8 mars dernier à Bangalore (Etat du Karnataka), la Commission pour les dalits et les peuples aborigènes et la Commission Justice, Paix et Développement de la Conférence des évêques catholiques de l’Inde (CBCI) ont publié une déclaration engageant l’Eglise à travailler toujours davantage à l’intégration des dalits, anciennement appelés « intouchables ».

Le terme « dalit » en sanskrit signifie littéralement « écrasé, piétiné », un concept que revendiquent aujourd’hui les « intouchables » pour décrire leur oppression au sein du système traditionnel des castes de l’Inde (1). En dépit de l’abolition officielle, en 1950, de l’« intouchabilité » et la mise en place d’un système de discrimination positive par le gouvernement indien (2), la société indienne continue de considérer les dalits comme une population à part.

Dans leur déclaration de clôture, les commissions épiscopales déplorent que les dalits qui deviennent chrétiens et sont en droit d’espérer vivre « dans une société juste et égalitaire » fassent encore aujourd’hui l’expérience de « l’horreur de l’exclusion, du rejet et de l’oppression », y compris au sein même de l’Eglise. Huit évêques et 89 représentants de différentes régions de l’Inde assistaient, selon l’agence Ucanews (3), à cette session de réflexion, qui avait pour thème: « Construire une communauté non discriminatoire à travers la promotion sociale des dalits ».

La Commission pour les dalits et les peuples aborigènes a proposé d’organiser des séminaires régionaux, ainsi que des sessions de formation pour faire connaître aux prêtres, aux religieuses et aux laïcs la situation des dalits chrétiens et rendre à ces derniers le respect auquel ils ont droit dans l’Eglise. D’autres propositions visaient le développement de la littérature ou de la recherche sur les dalits, ou encore la dénomination d’une « Eglise dalit », étant donné que trois membres sur quatre de l’Eglise de l’Inde font partie des « intouchables ».

L’élaboration d’une « théologie davantage axée sur la non-discrimination » a été également un des sujets évoqués, un thème récurrent au sein des Eglises chrétiennes de l’Inde (4). En conclusion, la déclaration affirmait que l’Eglise de l’Inde ne pourrait devenir « un authentique témoin de l’Evangile » que si elle aidait le peuple dalit à se libérer en s’identifiant à ses aspirations, ses espoirs et ses luttes.

Au cours de la session, Mgr Anthonisamy Neethinathan, évêque de Chingleput, dans l’Etat du Tamil Nadu, a souligné le fait que la plupart des missionnaires avaient toléré ou fait des compromis avec le système des castes dans l’Eglise, et que cela continuait aujourd’hui, du moins dans certaines régions. Le prélat, lui-même dalit, se réfère à des événements récents qui se sont produits dans son diocèse, comme un conflit meurtrier en 2008 entre paroissiens dalits et ceux des basses castes, suivis de la conversion spectaculaire de 300 dalits chrétiens à l’hindouisme, essentiellement en raison de la forte discrimination qu’exerçaient contre eux les membres de leur communauté chrétienne appartenant à des castes supérieures (4).

Mgr Neethinathan a cependant fait part de son espoir que l’Eglise de l’Inde soit « une seule et grande famille » où chacun pourrait trouver sa place, concluant que les dalits sont l’avenir de l’Inde et de l’Eglise.

Le P. G. Cosmon Arokiaraj, secrétaire de la Commission épiscopale pour les dalits et les peuples aborigènes, est, quant à lui, revenu sur la « grande nécessité » pour l’Eglise d’intégrer les revendications des dalits: « Nous devons mettre en place une option préférentielle pour les personnes marginalisées, spécialement les dalits, dans toutes nos missions. » Le prêtre a déclaré que l’objectif de la consultation était de promouvoir « l’intégration, l’émancipation et la non-discrimination dans le contexte indien ».

La déclaration de la consultation de Bangalore s’inscrit dans une politique menée par l’Eglise depuis déjà de nombreuses années en faveur des dalits. En mars 2006, l’assemblée plénière de la Conférence épiscopale indienne, par la bouche du cardinal Toppo, rappelait que la marginalisation était « (…) le résultat du système des castes ». Le prélat avait ajouté que ce système avait « des répercussions sur l’Eglise » et qu’il était important de rappeler qu’il « était condamnable et conduisait au péché ». (5)

Le 8 mars dernier, alors que se clôturait la session de la commission, se tenait également une grande manifestation de femmes dalits à Jaipur, dans l’Etat du Rajasthan. A l’occasion de la Journée mondiale des femmes, le mouvement de défense des droits des femmes dalits indiennes (All Indian Dalit Mahila Adhikar Munch, AIDMA) avait lancé un appel pour « réclamer justice au gouvernement ». Venues de Jaipur et des villages environnants, les manifestantes se sont rassemblées en scandant: « Vive l’unité des femmes dalits ! », « Nous voulons des terres ! », « Non au brahmanisme ! » (6).

Parmi les dalits, les femmes sont encore moins considérées et doivent faire face à une double discrimination. Elles sont les victimes non reconnues d’exactions récurrentes de la part des membres des castes supérieures, subissant violences, viols et même meurtres. Plus de 80 % d’entre elles vivent en zone rurale, où elles ne peuvent généralement avoir accès ni à l’éducation (5 % d’entre elles savent lire au Rajasthan), ni aux soins de santé, ni à aucune promotion sociale ou participation politique.

(1) Le système des castes en Inde divise la société en quatre groupes hiérarchisés dominés par les brahmana (prêtres), suivis des kshatriya (guerriers), puis des vaisya (agriculteurs, propriétaires terriens, artisans, commerçants), et enfin des sudras, au service des autres castes. Les dalits, tout en bas de l’échelle, sont exclus du système: ce sont des avarnas (‘hors castes’), considérés comme impurs (‘intouchables’), ayant pour fonction d’exécuter les tâches jugées dégradantes. Ils sont, pour ces raisons, contraints à la ségrégation, encore souvent séparés dans les écoles, interdits d’entrée dans nombre de bâtiments publics, magasins, maisons et temples hindous ainsi que sur les lieux d’incinération, et fréquemment interdits d’accès à l’eau potable.

(2) Le dispositif indien de « postes réservés » fonctionne sur la base de quotas pour des emplois dans la fonction publique ou l’enseignement, accordés aux Scheduled Castes (dalits) et aux Schedules Tribes (ST), peuples aborigènes, lesquels ne sont pas reconnus par le système des castes et sont exclus à la fois socialement et géographiquement.

(3) Ucanews, dépêche du 13 mars 2009

(4) Par exemple, un colloque international sur « la théologie dalit » s’est tenu en janvier 2008 à Kolkata (Calcutta), dans l’Etat du Bengale-Occidental, organisé par le Conseil Œcuménique des Eglises et le Conseil pour la mission mondiale (Council for World Mission), deux organismes de mouvance essentiellement protestante.

(5) Voir EDA 436.

(6) aujourdhuilinde.com, 10 mars 2009.
 
CHINE Shaanxi: des hommes de main au service du maire d’une petite ville ont passé à tabac un prêtre catholique
Eglises d'Asie
22:38 19/03/2009
CHINE Shaanxi: des hommes de main au service du maire d’une petite ville ont passé à tabac un prêtre catholique

Le 16 mars dernier, un prêtre catholique du diocèse de Fengxiang a été passé à tabac par deux hommes de main dans le bureau du maire de la ville de Xiangong, petite localité du district de Chencang, dans la partie ouest de la province du Shaanxi. L’affaire est liée à un terrain appartenant à l’Eglise, spolié lors de la Révolution culturelle (1966-1976) et qui a fait, ces derniers temps, l’objet de plusieurs réclamations par les autorités ecclésiales locales, désireuses d’en récupérer la pleine propriété.

A Xiangong, cela fait plusieurs années que la paroisse réclame à la municipalité de récupérer un terrain lui appartenant et sur lequel un atelier de production de biens manufacturés a été installé dans les années 1960. A plusieurs reprises, le Bureau de gestion des titres de propriété de la municipalité a refusé de faire droit à la paroisse, tout en acceptant que le terrain en question soit laissé en l’état et ne fasse pas l’objet d’une opération immobilière. Au début de cette année, toutefois, la municipalité a fait savoir qu’elle s’estimait propriétaire du terrain. Face à ce changement d’attitude, le P. Francis Gao Jianli, curé de la paroisse, a décidé que lui, un autre prêtre et des fidèles catholiques occuperaient à tour de rôle le terrain, devenu entretemps un dépotoir à ordures, pour protéger le droit de propriété de l’Eglise.

Le 16 mars, des étrangers à la ville sont arrivés sur le site pour menacer les catholiques qui s’y trouvaient; une empoignade s’en est suivie et un paroissien, âgé d’une soixantaine d’années, a été légèrement blessé. Les catholiques ont appelé la police et, très peu après, le P. Francis Gao a été contacté par le maire, qui lui a demandé de passer à son bureau afin d’« évoquer l’affaire ». Accompagné de plusieurs paroissiens, le prêtre s’est rapidement rendu à la mairie. Lorsqu’il est entré, seul, dans le bureau du maire, sitôt la porte franchie, celle-ci a été verrouillée et deux hommes de main l’ont passé à tabac. Pendant ce temps, le maire tentait de chasser les catholiques de la mairie, en les menaçant de diverses poursuites, mais ces derniers, rendus furieux, ont appelé d’autres fidèles à la rescousse et, finalement, c’est le maire qui a dû s’enfermer dans un bureau, la mairie étant bloquée par les catholiques.

Après qu’un semblant de calme soit revenu et que le P. Gao, souffrant de vertige et de maux de tête, eut été transporté à l’hôpital, les paroissiens ont déposé une plainte au Bureau des lettres et des appels de Baoji, l’administration compétente pour entendre les plaintes des administrés envers les fonctionnaires. Selon une source catholique rapportée par l’agence Ucanews (1), « le Bureau a demandé aux catholiques de ne pas porter la plainte plus haut étant donné que l’incident implique les Affaires religieuses et la municipalité; il a promis que l’affaire serait réglé d’ici un mois ».

Toujours selon des sources ecclésiales, la communauté catholique locale n’accorde pas beaucoup de crédit à la promesse qui lui a été faite, étant donné qu’à au moins trois reprises ces derniers temps, des différends au sujet de ce bien immobilier ont éclaté. Le P. Gao a dit qu’il pardonnait à ses agresseurs mais qu’il insistait pour que le cas trouve une solution conforme aux intérêts de l’Eglise. Les autorités locales devraient savoir que la religion n’est pas un sujet mineur et que les affaires qui s’y rapportent doivent être réglées avec la plus grande attention, a-t-il ajouté.

Ces dernières vingt années, les questions immobilières ont très fréquemment défrayé la chronique en Chine. La reconstruction de quartiers entiers dans les grandes villes a souvent donné lieu à des manifestations, les habitants expulsés étant mécontents des trop faibles indemnisations proposées; à l’occasion, les promoteurs, en cheville avec les autorités municipales, ont fait appel à des voyous pour chasser les récalcitrants. S’agissant de l’Eglise catholique, si des biens, autrefois spoliés, ont été rendus à leur propriétaire (diocèse ou paroisse), d’autres ont fait l’objet d’opérations immobilières où l’Eglise s’est parfois trouvée flouée (2). En 2005, à Xi’an, capitale de la province du Shaanxi, quinze religieuses avaient été sévèrement battues par des hommes de main, dans le cadre d’un litige foncier entre l’Eglise et la municipalité (3).

(1) Ucanews, 19 mars 2009.

(2) Voir à ce propos « Urbanisme et églises chinoises » dans le Supplément n° 5/2008 d’Eglises d’Asie (novembre 2008).

(3) Voir EDA 430, 431, 451.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Sơ lược Tiểu sử Cộng Đoàn Bác Ái Xã Hội
Cộng Đoàn Bác Ái Xã Hội
00:42 19/03/2009
Sơ lược Tiểu sử Cộng Đoàn Bác Ái Xã Hội

Đức Giám Mục Phaolô Nguyễn Thanh Hoan là Vị Sáng Lập Cộng đoàn Bác Ái Xã hội tại Việt Nam. Thuộc Giáo phận Vinh, nhưng sau năm 1954 Cha di cư vào Miền Nam và thụ phong linh mục năm 1965 tại Sài gòn. Với sự trổi vượt về lòng Bác Ái và sự nhiệt thành với công tác xã hội nên sau khi chịu chức linh mục, Cha đã được bề trên chỉ định phụ trách Hội Thừa Sai Paris tại Đông Hà, Quảng Trị và coi sóc giáo dân tại Tổng Giáo phận Huế.

Một năm sau Cha lại được trao nhiệm vụ chuyên trách về Chương Trình Văn Hoá Xã Hội của Tổng Giáo Phận Huế và thành lập trường Trung Học dành cho các trẻ em nghèo trong các vùng nông thôn và các vùng chiến sự giáp vĩ tuyến 17. Ngôi trường do Cha xây dựng và làm Hiệu Trưởng có tên là Trường Trung học Alexandre de Rhodes.

Sau Tết Mậu Thân 1968 chiến cuộc tại Việt nam tăng cao đã gây ra biết bao nhiêu cảnh bi thương cho dân tộc, cách riêng những người dân tại vùng chiến tranh. Cha Phaolô đã không ngần ngại mở rộng vòng tay yêu thương đón nhận những nạn nhân bị ly tán gia đình, những trẻ em mất cha mất mẹ và người lớn lạc mất người thân, để tạo cho họ một cuộc sống đầm ấm, yêu thương trong mái nhà do Cha thành lập. Và Cha gọi tên cho ngôi nhà là: “Gia Đình Bồ Câu Trắng”.

Kể từ lúc này cuộc đời linh mục của Cha Phaolô mỗi lúc càng thêm gắn bó mật thiết với lý tưởng Bác Ái và gần gũi hơn với những người nghèo khổ. Năm 1972, Gia đình Bồ Câu Trắng đã tiếp nhận trên 300 nạn nhân và trong suốt năm 1972, một năm xảy ra cuộc chiến thảm khốc có tên gọi là “Mùa Hè đỏ lửa” trải rộng khắp tỉnh Quảng Trị, Cha Phaolô đã dẫn đưa “Gia đình Bồ Câu Trắng” cùng với hàng trăm học sinh và gia đình các em của trường Trung Học Alexandre Rhodes cộng với hơn 300,000 giáo dân di tản về Bình Tuy, Tỉnh Bình Thuận để lập cư và sinh sống tại đó.

Mặc dù sau biến cố lịch sử 1975, cả hai công trình bác ái của Cha phải bàn giao lại cho chính quyền Cộng Sản Việt Nam, ngài cũng không đành lòng ngồi yên nhìn anh chị em đồng bào ruột thịt của mình phải gánh chịu cơn túng đói và bị đè nén dưới một nền kinh tế cùng cực do chính sách nghiệt ngã. Sách Gương Phúc cũng đã nói: “tình yêu luôn luôn có những sáng kiến mới ”. Vì thế Cha Phaolô đã đứng ra thành lập một giáo xứ ngay tại mảnh đất nông thôn này và cũng mang cái tên rất là yêu thương: “Giáo Xứ Bồ Câu Trắng”.

Trong suốt thời gian khốn khó, mặc dù bận bịu với trăm ngàn công việc của một vị chủ chăn, lòng yêu thương người nghèo đã thúc bách Cha bày ra nhiều sáng kiến về công ích xã hội và nhiều dự án phát triển nông thôn chẳng hạn như: hướng dẫn những nông dân nghiên cứu cách thức trồng trọt, chọn những loại cây và hạt giống phù hợp với từng loại đất và thiết kế máy móc như máy thu hoạch lúa để giảm bớt sức lao động của người dân. Ngài cũng dành dụm tiền để chăn nuôi và gây giống nhiều đàn bò để phục vụ công việc trồng cấy cho đồng bào.

Thầy Minh của tu đoàn Bác Ái thu hoạch hoa màu
Vào năm 1993, được sự tài trợ từ Cộng đoàn Từ Thiện của Đức quốc, Cha Phaolô đã cho xây dựng một đập nước rất lớn dùng để tưới cho hơn 100 hécta đất nông nghiệp, Cha đã biến những mảnh đất khô cằn trở thành vùng đất màu mỡ để trồng cấy cho trên 300 gia đình người dân nghèo tại vùng này.

Chứng kiến những nhu cầu thực tế của công việc bác ái xã hội, đặc biệt trong những hoàn cảnh khó khăn của nền kinh tế tập trung. Cha Phaolô khao khát và mong mỏi qua những giờ phút chiêm nghiệm và cầu nguyện với Thiên Chúa để hướng tới việc tuyển chọn những anh chị em có thiện chí cùng cộng tác với Cha trong lý tưởng dâng hiến cuộc đời cho Phúc âm và hiến mình phục vụ những người nghèo khổ, với tôn chỉ là một Cộng Đoàn “Truyền bá Tin Mừng cho người nghèo khổ” (Lk, 4,18), noi gương Tình yêu của Chúa Kitô đối với nhân loại.

Chỉ với một nhóm nhỏ gồm tám (8) anh chị em vào lúc khởi đầu Cộng Đoàn năm 1984. Cha đã huấn luyện cho họ về tinh thần Chúa Kitô và nhân cách xã hội để cùng tiếp tay với Cha xây dựng Cộng Đoàn Bác Ái tương lai, và con số anh chị em hiện nay đã lên đến 150 thành viên với tuổi đời còn rất trẻ trung và năng động.

Cộng Đoàn được nuôi dưỡng bằng Tinh Thần và Tình Yêu của Chúa Kitô qua Bí Tích Thánh Thể như Nguồn Suối Vô tận và Đức Maria Mẹ Chúa Kitô là mẫu gương, mô phạm tuyệt vời cho công việc bác ái xã hội. Các thành viên cũng được học hỏi và đào sâu về Phúc âm, về Giáo lý Giáo Hội cũng như Thần học và Tu đức học của các Giáo phụ. Họ thể hiện sự gắn bó với Giáo hội và cuộc sống huynh dệ bằng việc nắm giữ ba lời khuyên Phúc âm và nếp sống chung của một Tu sỹ.

Những anh chị em trong Cộng Đoàn cũng được đào luyện và tu học về các phạm vi chuyên môn để phục vụ công cuộc truyền giáo như: Công tác Xã hội, Thầy thuốc về Đông và Tây Y, Chuyên gia về Canh Nông và Gia Súc, Thợ Xây dựng và Kiến Trúc nhà cửa….

Những công việc hiện nay Cộng Đoàn đang đảm trách và phát triển như:

_ Tổ chức và chăn nuôi trại heo tại Cộng Đoàn cũng như trong các gia đình.

_ Chăn nuôi bò Sữa và cấp phát sữa cho những trẻ em và người già suy dinh dưỡng.

_ Xây dựng các Ngôi Nhà Tình Thương cho những gia đình nghèo khổ.

_ Trồng và bào chế các cây thuốc thành các loại thuốc Đông Y, sử dụng miễn phí cho các bệnh nhân tại các nhà thuốc của Cộng Đoàn.

_ Khám bịnh và châm cứu miễn phí cho các bệnh nhân.

_ Xây dựng Ký Túc Xá và trợ giúp chương trình học bổng cho các học sinh, sinh viên từ các vùng xa xôi, nghèo khổ.

_ Điều hành và cấp phát nước uống tinh khiết cho các cư dân trong vùng.

_ May và sắm quần áo cho các gia đình nghèo và những nạn nhân của các vùng thiên tai.

_ Chăm sóc và trợ giúp lương thực, thuốc men cho các bệnh nhân của làng phong cùi, chữa trị và săn sóc thanh niên cai nghiện.

Các Sơ nuôi bò hỗ trợ người nghèo
Trải qua một thời gian không đủ dài nhưng cũng phải chứng nhận một hồng phúc lớn lao mà Thiên Chúa đã và đang hoạt động mạnh mẽ nơi Cộng Đoàn qua ơn đoàn sủng nơi Vị Sáng Lập là Đức Cha Phaolô Nguyễn Thanh Hoan để mỗi thành viên của Cộng đoàn khắc ghi và tận tâm sống đời hiến dâng và chuyên chăm phục vụ anh chị em của mình.

Bước tiến triển của Cộng đoàn hiện nay cũng còn được ghi nhận bởi chính sự trợ giúp, những hy sinh lớn lao qua việc đóng góp vật chất và nhất là những lời cầu nguyện quí giá từ các vị Ân Nhân xa gần của Cộng Đoàn từ trước đến nay.

Nguyện xin Thiên Chúa, Đấng đã khởi đầu công việc tốt lành xin hãy chúc lành cho Cộng Đoàn Bác Ái chúng con, xin Mẹ Maria phù trợ và Thánh Giuse gìn giữ Vị Sáng Lập và các thành viên trong Cộng Đoàn cũng như toàn thể các Vị Ân Nhân được luôn hướng theo thần khí Yêu Thương của Chúa Thánh Linh và quyết tâm hoàn thành sứ mệnh Yêu thương của Chúa Kitô đã ủy thác hầu có thể an ủi và xoa dịu phần nào những khổ đau của nhân loại.
 
Lễ Khấn Dòng của các Nữ Tu Mến Thánh Giá Nha Trang
LM. Nguyễn Hữu An
15:54 19/03/2009
Lễ Khấn Dòng của các Nữ Tu Dòng Mến Thánh Giá Nha Trang.

Hàng năm Dòng MTG Nha Trang tổ chức lễ khấn dòng vào dịp Lễ Thánh Giuse, bổn mạng Hội dòng.

Sáng 18.3, Đức Cha Phaolô Nguyễn Văn Hoà, Giám Mục Nha Trang chủ sự Thánh lễ. Cùng đồng tế có 80 linh mục trong và ngoài Giáo phận. Hội Dòng có thêm 4 Nữ Tu Khấn Trọn Đời và 24 Nữ Tu Khấn Lần Đầu. Cuối thánh lễ Chị Tổng Phụ trách Maria Cao Thị Bình chúc mừng Kim Khánh Linh Mục Đức Cha Phaolô.

Khi tuyên khấn, người Nữ Tu muốn dâng hiến trọn đời mình cho Đức Kitô cả thể xác lẫn tâm hồn. Chúa Kitô chịu đóng đinh là đối tượng duy nhất của lòng trí các Nữ Tu Mến Thánh Giá.

Đối với tôi, hình ảnh đẹp nhất ngày lễ khấn dòng là lúc người Nữ Tu quỳ gối trước mặt Đức Giám Mục, đặt tay trong tay Chị Tổng Phụ trách, đọc lời khấn hứa: Khó Nghèo, Khiết Tịnh, Vâng Phục.

Trong lời giáo huấn cho các tân khấn sinh, Đức Cha Phaolô nói về đau khổ và tình yêu, thánh giá và đời tu. Thập giá là đau khổ. Không ai chọn thập giá vì nó là sỉ nhục và đớn đau. Chúa Giêsu đã chọn thập giá. Chúa đem tình yêu vào đau khổ để thập giá trở thành thánh giá. Tình yêu làm cho đau khổ trở thành ân sủng. Như người mẹ khổ vì con, nhưng đó là hạnh phúc của tình mẫu tử. Như người lính gian khổ và hy sinh cho đất nước, đó là tình yêu cao cả vì giang sơm gấm vóc. Người Nữ tu từ bỏ tất cả vì tình yêu Chúa Kitô. Chọn thánh giá Chúa làm đối tượng tôn thờ, Nữ tu MTG thuỷ chung với lời giao ước tình yêu dâng hiến.

Lắng nghe lời giảng dạy của Đức Cha Phaolô, tôi nhớ đến một bài giảng của Đức Cha Phaolô Bùi Văn Đọc về đề tài “Thánh giá và đời tu”. Đời sống thánh hiến và mầu nhiệm thập giá có tương quan mật thiết.Theo Tông Huấn Vita Consecrata, mọi ơn gọi đời sống thánh hiến đều bắt nguồn từ Thập Giá Chúa Kitô ( số 23 ). Chiêm ngắm Chúa Kitô chịu đóng đinh là nguồn linh hứng cho mọi ơn gọi. Hồng ân Thánh Thần của Thập Giá là nguồn gốc mọi hồng ân, đặc biệt là hồng ân đời sống thánh hiến. Thập Giá Chúa Kitô là dấu chỉ Tình Yêu dư đầy của Thiên Chúa đối với nhân loại ( Ga 3,16 ). Thập Giá là dấu chỉ sự hiện diện cứu độ của Đức Kitô. Nói đến Thập Giá của Chúa là nói đến chính Chúa Giêsu chịu đóng đinh, nói đến cuộc Khổ Nạn của Chúa mà mỗi người kitô hữu đều thông phần khi chịu phép rửa. Người kitô hữu là con người của thứ Sáu Tuần Thánh và Chúa Nhật Phục Sinh. Con đường của người kitô hữu, của Giáo Hội chúng ta không là một giấc mơ về Đấng Messia trần thế. Vị Thiên Chúa đầy nhân tính, Chúa Giêsu của các sách Tin Mừng loại trừ hình ảnh Đấng Messia theo mơ ước quyền năng của con người. Thập giá đảo lộn các ước mơ của con người, những ước mơ bắt đầu bằng tội của Eva. Thập Giá là Lời Phản Kháng chống lại tội ác của thế gian. Thiên Chúa đã niêm ấn lời phản kháng ấy, khi đã cho Đấng Chịu đóng đinh chỗi dậy từ cõi chết. Theo nhà thần học Moltmann, muốn biết Thiên Chúa là ai, phải quỳ dưới chân thập giá và cùng lúc hướng về cánh cửa mà Phục Sinh mở ra. Tìm Thiên Chúa nơi nào khác là tư duy theo kiểu loài người, chứ không theo đường lối của Thiên Chúa. Theo trường phái tu đức Pháp ( Ecole francaise ), những người sống đời thánh hiến là thế hệ những người đi tìm Thiên Chúa. Thập Giá Chúa Kitô đối với họ hết sức quan trọng, vì họ chỉ có thể tìm thấy Thiên Chúa nơi mà Người tự mạc khải.

Thập giá là nơi Thiên Chúa nói bằng thinh lặng: mầu nhiệm Thập Giá là mầu nhiệm sự khổ đau và Tình Yêu của Thiên Chúa. Nơi Thập Giá, đau khổ và tình yêu là một: Thiên Chúa đau khổ vì Người yêu thương. Đức Giêsu bị đóng đinh là Đấng Thiên Chúa vì chúng ta và để cứu rỗi chúng ta. Nơi Đức Giêsu, Thiên Chúa hoàn toàn ra khỏi chính mình trong sự tha hóa của cái chết, để đón chúng ta vào trong sự sống. Qua cái chết trên thập giá, Đức Giêsu đã chia sẻ đến cùng thân phận làm người của chúng ta: sự nghèo nàn, sự cô đơn và những phiền muộn của con người. Không chỉ một mình Chúa Giêsu, mà chính Chúa Cha cũng học đau khổ. Chúa Cha cũng đi vào lịch sử loài người nơi cái chết của Đức Giêsu trên thập giá. Ngài đau khổ vì Người Con hoàn toàn vô tội đã bị kết án cách bất công. Nhưng Ngài đã chấp nhận hy sinh để Tình Yêu được biểu lộ trong đau khổ của thập giá. Chúa Thánh Thần là Hơi Thở Sự Sống mà Đức Giêsu hấp hối trên thập giá đã trao lại cho Chúa Cha. Người là Tình Yêu hiệp thông, chấp nhận trở thành một sự chia lìa đau thương tách rời Cha khỏi Con của mình là Đức Giêsu. Đức Giêsu đã chết, Ngài trao hơi thở lại cho Chúa Cha. Chúa Thánh Thần, Hơi Thở Sự Sống chấp nhận lìa bỏ con người Giêsu để con người ấy chia sẻ thân phận làm người trong cái chết. Ngôn ngữ của Thập Giá bảo chúng ta hãy tìm gặp Thiên Chúa trong yếu đuối trong đau khổ và sự nghèo nàn của thế giới con người. Sự hoàn thiện của Thiên Chúa biểu lộ trong những bất toàn mà Người đảm nhận vì chúng ta: những giới hạn của khổ đau, sự chia lìa của cái chết, sự yếu đuối của nghèo khó, sự nặng nề và tăm tối của cuộc đời. Mọi người có thể nhận ra trong cuộc đời của mình Thập Giá của Thiên Chúa Ba Ngôi. Trong khổ đau, con người có thể cởi mở với Thiên Chúa, Đấng tự hiến cho loài người, để biến đổi thương đau thành tình yêu, khổ nạn thành lễ phẩm. Thần Khí của Đấng chịu đóng đinh mạc khải cho chúng ta sự biến đổi ấy. Cùng với chúng ta và trong chúng ta, Ngài chia sẻ những khổ nạn của cuộc đời Ngài cho chúng ta thông phần cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu và Chúa Cha, và mở ra cho chúng ta con đường sự sống. Giáo Hội dưới chân Thánh Giá là Cộng Đồng những tín hữu noi gương Chúa Kitô Giêsu, nỗ lực ra khỏi chính mình và đi vào chặng đường thương khó của tình yêu. Giáo Hội dưới chân thập giá là Giáo Hội được sống động, phong phú nhờ những khổ đau của các chi thể. Theo định nghĩa của Tông Huấn Vita Consecrata, người tu sĩ sống đời thánh hiến là người nghe tiếng gọi của Chúa Cha và được Chúa Thánh Thần thúc đẩy, đã chọn con đường đặc biệt bước theo Đức Kitô (sequela Christi ), để tự hiến cho Đức Chúa với một con tim không chia sẻ ( số 1 ). Bước theo Đức Giêsu là đi theo con đường khổ nạn của Thầy. Yêu mến Đức Giêsu và bước theo Ngài là góp phần làm dịu các nỗi khổ đau của loài người, là đấu tranh bằng lời nói và cuộc sống chống mọi nguồn gốc của sự dữ, của khổ đau. Thánh Giá Cứu Độ của Chúa Giê su đòi hỏi giải phóng khỏi mọi thứ thập ác của tội lỗi và sự chết. Bước theo Chúa Giêsu là biến các thập giá hằng ngày thành môi trường và cơ hội cho sự phục sinh, cho tình yêu và công lý. Người tu sĩ, muốn thông phần mầu nhiệm thập giá Chúa Kitô, trước hết hãy để cho Chúa Thánh Thần, Đấng mình lãnh nhận trong phép rửa, tháp nhập chính mình vào cuộc khổ nạn của Chúa. Sống đời thánh hiến là sống ơn gọi phép rửa cách triệt để. Ơn gọi đời sống thánh hiến là đỉnh cao của ơn gọi phép rửa. Trong phép rửa, mỗi người chúng ta cùng chết với chúa Kitô để cùng sống lại với Người, chúng ta được thông phần mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa. Chúng ta nên một với Chúa Kitô Vượt Qua trong mầu nhiệm Thánh Thể. Cử hành và sống bí tích Thánh Thể là cách tốt nhất để chúng ta sống mầu nhiệm Thập Giá Chúa Kitô ngày hôm nay. Thiên Chúa không bao giờ bảo Tu sĩ theo Ngài để đau khổ. Theo Ngài là để hạnh phúc. Chúa Giêsu nói với Phêrô: ‘Việc Thầy làm, bây giờ anh chưa hiểu, nhưng sau này anh sẽ hiểu” (Ga 13,70. Sau biến cố Phục Sinh, cái chết của Chúa mới mở ra một con đường mới. Đường hạnh phúc. Trước Phục sinh, Phêrô không thể hiểu được tại sai phải về Giêrusalem để bị đóng đinh. Sau này, Tông đồ Phêrô sẵn sàng dâng mạng sống vì Thầy, hiểu được con đường của Thầy.

Theo Chúa Giêsu, người Nữ tu nhìn cuộc đời thênh thang trên trời cao mà tìm hạnh phúc. Con đường hẹp của Phúc Âm, con đường thánh giá là con đường “chiến đấu để vào” chứ không miễn cưỡng hay cưỡng chế. Con đường hẹp dẫn đến sự sống và ngập tràn niềm vui dâng hiến. Hương thơm của đời sống tu trì mang đến cho cuộc đời này một mùa xuân dịu mát trong những vẻ đẹp thanh cao nhất,biến đổi thế giới trong những ích kỷ chiếm đoạt của tình yêu đam mê, hướng nhân loại nhìn về Nước Trời mai sau trong hạnh hạnh phúc vĩnh cửu tuyệt mỹ.

Theo Chúa Giêsu, người Nữ tu từ bỏ tất cả để chỉ dâng tình yêu cho Thiên Chúa mà thôi. Chỉ yêu một mình Đức Kitô. Đó là động lức cơ bản khiến họ chỉ đi tìm Thiên Chúa và sống với Ngài, cảm nếm sự ngọt ngào vô biên, hạnh phúc diệu kỳ của tình yêu tuyệt đối họ đang tôn thờ.

Thánh Cả Giuse đã đi trọn con đường “thập giá và đời tu”. Trên tay Giuse, lúc nào cũng cầm cành huệ trắng. Cành huệ trắng biểu trưng cho tâm hồn thanh sạch. Thánh Giuse được trao ban đặc ân cao trọng là giữ gìn Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội và Đức Giêsu Đấng Thánh Thiện. Thánh Giuse, đã đi trọn con đường của Chúa Giêsu “con tự hiến thánh con để họ cũng được thánh hiến” (Ga 17, 19).

Các Tân Khấn Sinh như những đoá huệ trắng thanh khiết tươi xinh kết nên lẵng hoa tuyệt đẹp dâng lên Thánh Giuse. Nguyện xin Thánh Cả luôn phù trợ và nâng đỡ để các Nữ Tu đi trọn con đường “thập giá và đời tu” như Ngài.

Cầu chúc các Tân Khấn Sinh luôn hạnh phúc trong đời dâng hiến.

Lễ Thánh Giuse 19.3.2009

Lm Giuse Nguyễn Hữu An
 
Đẹp thay 70 năm sống đời tận hiến
Anmai, Cssr
16:08 19/03/2009
ĐẸP THAY 70 NĂM SỐNG ĐỜI TẬN HIẾN !

Quy luật tự nhiên của con người, khi còn trẻ, còn làm được việc này việc kia thì kẻ lui người tới. Thời còn trai trẻ cứ mãi miết trên con đường lao động. Hạnh phúc khi mình còn làm được điều gì đó cho đời và cho người. Khi còn trẻ, người người lui lui tới tới với ta. Thế nhưng, một lúc nào đó nhìn lại, ta lại thấy thời gian qua đi quá nhanh, nhanh đến độ ta không ngờ khi nhìn lại ta đã vào tuổi “xế chiều”.

Vào cái tuổi xế chiều ấy, ta không còn làm gì được nhưng ít nhất ta cũng mãn nguyện vì ta đã làm một chút gì đó để lại cho người và cho đời. Dù chẳng là gì cả nhưng đó là chút mắm muối ta đóng góp cho đời. Sống trên cõi đời này mà không phục vụ, không hiến dâng bỗng nhiên ta thấy đời ta vô vị và tẻ nhạt.

Dẫu không còn hoạt động như thời trai trẻ nhưng còn một việc ta làm được đó là chiêm niệm và cầu nguyện. Chiêm niệm và cầu nguyện cho những người trai trẻ đang hoạt động. Dù bất cứ ơn gọi nào, dù bất cứ hoạt động nào cũng cần lắm những tâm hồn chiêm niệm và cầu nguyện.

Chiều Chúa Nhật III mùa Chay đẹp trời, tôi được dừng lại để cùng nhìn lại quãng đời 70 năm dâng hiến của một nữ tu Nữ Tử Bác Ái. Thánh lễ tạ ơn chiều nay cộng đoàn cùng hiệp ý mừng Ngân khánh khấn dòng của một chị nữa trong cộng đoàn hưu 10 Phan Đăng Lưu của các chị Nữ Tử Bác Ái Vinh Sơn. Tạ ơn Chúa vì muôn vàn ơn phúc mà Chúa đã tuôn đổ xuống trên 70 năm và 25 năm phục vụ của các chị. Có lẽ trân trọng với quãng đời dài hơn 30 năm phục vụ cho anh chị em bị phong ở vùng Tây Nguyên nên Giám mục giáo phận vùng Cao ấy đã về dâng lễ tạ ơn với cây đại thụ của Nữ Tử Bác Ái Vinh Sơn chiều hôm nay.

Khi được Giám mục phỏng vấn về nguyện ước còn lại của mình. Nữ Tu mừng Ngọc Khánh Khấn dòng của mình hôm nay móm mém trả lời: Con muốn trở lại Tây Nguyên để ở với anh chị em bị bệnh phong ! Dù không còn đi đứng như người bình thường nữa, dù giờ đây muốn đi đâu cũng chỉ quanh quẩn với chiếc xe lăn nhưng lòng vẫn nhớ đến những bệnh nhân phong dân tộc thiểu số.

Còn với nữ tu mừng Ngân Khánh Khấn Dòng hôm nay, được hỏi về cảm nhận của mình, chị chỉ biết cười và không nói nên lời vì muôn muôn vàn hồng ân mà Thiên Chúa đã ban cho chị trong 25 năm sống đời tận hiến. Có lẽ chị muốn nói nhiều nhưng tai nạn giao thông đã làm cho khả năng giao tiếp của chị kém hẳn. Trong Thánh Lễ, nhìn chị ráng đứng dậy mỗi lúc có thể để hiệp thông với cộng đoàn lòng tôi cảm thấy quặn đau với nỗi đau chị đang chịu. Chị đau lắm ! Chị muốn đứng nhưng đôi chân của chị không cho phép như người lành lặn được.

Tưởng chừng tóc bạc da mồi, trí quên nhiều hơn trí nhớ nhưng làm sao quên được những anh chị em bị bệnh phong mà mình đã được phục vụ. Làm sa có thể quên được những người nghèo, những người bị bỏ rơi bên lề của xã hội được. Máu của anh chị em dân tộc, máu của những anh chị em bị phong như đã thấm vào trong máu của vị nữ tu già đáng kính mừng lễ hôm nay.

Trong bài chia sẻ của mình, Đức Giám mục Giáo phận Kontum nhắn nhủ với cộng đoàn rằng vị nữ tu già ngồi xe lăn không làm được việc gì giúp ích cho cộng đoàn nữa và thậm chí còn tốn 2, 3 người phục vụ cho nữ tu già nhưng hoa quả của cộng đoàn, ơn ích của cộng đoàn là nhờ lời cầu nguyện của những cây đại thụ này đây.

Đúng như lời của Đức Cha nói, dù đi đâu, dù ở đâu mà không có đời sống cầu nguyện thì đời sống hoạt động cũng chẳng là gì cả. Đời hoạt động có ý nghĩa khi và chỉ khi nó đặt trên đời sống cầu nguyện. Vì nếu không cầu nguyện thì tất cả những hoạt động của đời tu trì sẽ đặt trên danh dự, trên vinh dự của người thừa sai. Còn nếu chìm sâu trong đời cầu nguyện thì tất cả những thành quả của cuộc đời tận hiến đều quy về Chúa. Điều này dễ dàng nhận thấy sau chặng đường dài phục vụ. Những người tìm danh mình nó sẽ khác với những người đi tìm vinh danh Thiên Chúa. Những người đi tìm vinh danh Thiên Chúa sẽ không bám víu vào những thành quả mà mình đã đạt được mà luôn luôn cầu nguyện cho những nơi mình đã được gửi đến, nơi mình đã được phục vụ. Những ngày còn lại của cuộc đời, lời cầu nguyện của nữ tu già đáng kính sẽ đẹp lòng Chúa và được Chúa nhậm lời một cách nhanh chóng.

Dù không còn làm được gì, dù chỉ ngồi trên chiếc xe lăn ở cái tuổi ngoài 90 của vị nữ tu mừng Ngọc Khánh Khấn Dòng, dù không còn đi lại bình thường, dù phải cố lê từng bước chậm như chị mừng Ngân Khánh hôm nay nhưng có một việc mà các chị làm được đó là các chị luôn luôn cầu nguyện. Hoạt động, sự phát triển của Hội Dòng có được cũng một phần nhờ vào lời cầu nguyện của những cụ già này những người đau lâu ốm dài như vị nữ tu này.

Nếu nhìn theo con mắt của con người, cảm nhận của người đời thì sự hiện diện của những cụ già này trong các nhà hưu dưỡng của các hội dòng sẽ là gánh nặng thế nhưng trong con mắt lòng tin thì sự hiện diện của những cụ già này như là ân huệ mà Thiên Chúa ban cho hội dòng. Thử hỏi, nếu như cách đây 70 năm, 80 năm không có sự hiện diện của các cụ như thế này thì làm sao Hội Dòng có được như ngày hôm nay.

Một lần nọ, chị phụ trách cộng đoàn hưu nói chuyện về các ngoại ở đây thật là vui ! U 80, U 90 để rồi tính cách hoàn toàn thay đổi. Tính các ngoại giờ đây như con trẻ vậy: Cho ăn thì lại bao chưa cho ăn, cho uống thuốc rồi thì bảo chưa cho uống … Mới 3 giờ sáng đã thức dậy lọ mọ vào nhà nguyện để dự lễ … Chùm chìa khoá cất ở trên nóc tủ thì bảo bị ăn cắp !

Tôi nói với chị phụ trách rằng đó là chuyện hết sức bình thường của đời người. Mai mốt mình già chưa chắc mình được như vậy hay là mình còn trái tính trái nết hơn nữa. (Sống thời buổi đầy hoá chất như bây giờ không biết có được lên đến “hàng năm” hay không chứ đòi đến “hàng tám”, “hàng chín” như các ngoại ở nhà hưu dưỡng này). Mình chăm sóc các cụ này như nhớ lại tất cả công ơn của các cụ đã đóng góp cho Hội Dòng.

Sống ở ngoài đời cũng vậy thôi ! Cha mẹ mình sau một đời lao nhọc lo cho con cái thì cũng phải đến lúc già, lúc lẫn. Chính những lúc ấy mới thể hiện được một con người có nhân có nghĩa hay là không. Những bà ngoại trong nhà hưu này cũng là cha là mẹ của chúng ta trong mối tình thiêng liêng trong đời tận hiến đó thôi. Chăm sóc các cụ như là đền ơn đáp nghĩa các cụ đó thôi.

Vâng ! Ăn quả nhớ kẻ trồng cây, đó là đạo lý và đức tính của một con người có nhân bản.

80 năm Nữ Tử Bác Ái Vinh Sơn hiện diện vậy mà nữ tu hôm nay mừng lễ đã có 70 năm tận hiến ! Quả là một cuộc đời dâng hiến thật đẹp và như là những người đầu tiên góp công cho sự hình thành và phát triển của Hội Dòng.

Với cái tuổi xế chiều, ắt hẳn ta sẽ không tránh khỏi những cái gọi là “trái tính trái nết” của những “em bé có quyền đòi hỏi” như các cây cổ thụ trong Hội dòng. Thế nhưng, nhìn lại chặng đường dài của sự hình thành và phát triển, nhìn lại những năm tháng khó khăn, Hội Dòng sống được, hoạt động được là do công khó của những “em bé có quyền đòi hỏi” này. Nếu như trước đây những “em bé có quyền đòi hỏi” này mà không vun đắp, không xây dựng thì làm gì mà Hội Dòng tồn tại. Đã có những lúc người ta dốc hết công sức để lo việc đại sự thì nay trong lúc tuổi già, người ta đòi hỏi một chút xíu sự chăm sóc cũng là điều hết sức bình thường trong cái phận người mỏng manh. Có chăng là còn tình còn nghĩa trong những ngày tháng cuối đời con người có dành cho nhau hay không mà thôi.

Đại lễ của các vị đại thụ trong Hội Dòng là lời tri ân của các cụ dâng lên Thiên Chúa vì những hồng ân vô giá mà Thiên Chúa đã tuôn đổ trên cuộc đời của các cụ. Đại lễ của các cụ chúng ta cũng không quên tri ân vì tất cả mọi nỗ lực, mọi cố gắng, mọi đóng góp của cả đời người cho Hội Dòng.

Đại lễ qua đi nhưng chúng ta cùng tiếp tục dâng lời cầu nguyện cho những ngày còn lại của cuộc đời dâng hiến của các cụ là những ngày sống trong bầu khí tuyệt vời của chiêm niệm, của cầu nguyện. Và cũng nhờ lời cầu nguyện, đời chiêm niệm của các cụ mà Hội Dòng của chúng ta mới vượt qua những khó khăn, những thử thách của cuộc đời.
 
Thánh Lễ Vọng Mừng Kính Thánh Giuse tại Bố Sơn, GP Vinh
J.B Nguyễn Quốc Tuấn
22:18 19/03/2009
VINH - Hợp cùng toàn thể Giáo hội dâng lên Thiên Chúa tâm tình tri ân và cảm tạ Ngài đã ban cho Giáo hội Thánh Giuse – “Người công chính”, tối ngày 18 – 3 – 2009, Giáo xứ Bố Sơn đã long trọng mừng kính Thánh Giuse, Quan thầy Giáo họ Bố Sơn và cũng là Bổn mạng Cha quản xứ Giuse Nguyễn Viết Nam.

Cha quản xứ cùng cộng đoàn Bố Sơn vinh dự được đón Cha Gioan Nguyễn Hồng Pháp (Giáo sư ĐCV Vinh Thanh), Cha Phêrô Bùi Văn Huyên cùng quý nữ tu cộng đoàn Thừa Sai Bác Ái Tân Hương, đông đảo bà con xứ bạn Thượng Lộc cùng về hiệp dâng thánh lễ.

Trước thánh lễ, Cộng đoàn đã dành những thời khắc nguyện kính đặc biệt dâng lên Thánh Cả Giuse. Trong giây phút linh thiêng trước Thánh Bổn mạng, mọi người nhất là giới gia trưởng, không giấu nổi xúc động khi cảm nghiệm suốt thời gian qua đã lãnh hưởng bao hồng ân Chúa, nhờ sự chuyển cầu đắc lực của Thánh Cả Giuse. Với con số khoảng 1200 trên tổng số gần 4000 giáo dân trong toàn xứ, Giáo họ Bố Sơn đã thể hiện sống động chứng tá Tin Mừng qua việc duy trì, kiến tạo bầu khí đạo đức trong các gia đình, nhiệt tâm công tác tông đồ, tích cực tham gia hoạt động từ thiện bác ái xã hội… Sống trên địa bàn gần thành phố Vinh, giới trẻ Bố Sơn đã tự chủ tốt trong việc chọn lựa khi tiếp nhận các ảnh hưởng từ môi trường đô thị, và đã nỗ lực tránh những vẩn đục làm hoen ố tấm áo Đức tin cao quý của mình. Lý do quan trọng nhất là, các bạn đã được đào luyện trong môi trường gia đình với những người cha luôn biết lấy linh đạo Thánh Giuse làm chuẩn mực để giáo dục con cái.

Trong lời dẫn vào thánh lễ, Cha chủ tế Giuse Nguyễn Viết Nam đã bộc bạch niềm vui khi chính Cha và cộng đoàn Bố Sơn được vinh hạnh nhận Thánh Giuse làm Bổn mạng. Cha ước mong và nguyện xin Chúa nhờ lời bầu cử của Thánh Giuse, cho các gia đình biết noi gương Thánh Cả, sống công chính và vâng phục thánh ý Chúa trong những bổn phận hằng ngày, biết khiêm nhường phục vụ anh em và chấp nhận những nghịch cảnh trong đời sống Đức tin.

Đời sống mẫu mực và gương sống tuyệt vời của Thánh cả Giuse được Cha Gioan Nguyễn Hồng Pháp trình bày cụ thể, sống động khi nói về “những nét đẹp cao quý của Vị Thánh Công Chính, đã sống niềm tin sâu xa vào Thiên Chúa”. Nét đẹp trước hết nơi Thánh Giuse là sự im lặng. “Sự im lặng của Người là là sự im lặng của một đời sống nội tâm phong phú, là sự im lặng hoạt động đem lại những kết quả tốt đẹp”. Nét đẹp thứ hai nơi Thánh cả Giuse là sự vâng phục tuyệt đối. “…Ngài đã mau mắn tuân theo lời truyền dạy, không chút tính toán, do dự hay sợ phiền hà, liên lụy đến luật lệ hay người thân…”. Một nét đẹp tuyệt diệu khác nơi Thánh Giuse, đó là sự khiêm nhường quên mình. “… Người đã tự nguyện hạ mình xuống để Chúa được tôn vinh. Người đã tự nguyện sống âm thầm để Chúa được nhận biết. Người đã tự nguyện lùi vào bóng tối để Chúa được xuất hiện trong ánh sáng. Người đã chấp nhận bị quên lãng để Chúa được yêu mến”… Trước thực trạng của đời sống hôm nay, “những nét đẹp” nới Thánh cả Giuse như là chất liệu tâm linh tuyệt hảo giúp bảo tồn, kết liên nền tảng và nuôi dưỡng đời sống gia đình đang lung lay và có nguy cơ đổ vỡ.

Trong lời nguyện chung, cộng đoàn Bố Sơn đã hiệp dâng lên Chúa, nhờ công nghiệp và lời chuyển cầu của Thánh Giuse, “xin Chúa luôn gìn giữ và bảo vệ Hội Thánh được bằng an, thịnh vượng, mọi người được sống trong sự thật, công lý và hòa bình; xin ban ơn thúc giục mọi người biết luôn noi gương bắt chước Thánh Cả sống công chính, khó nghèo, hiền lành, nhẫn nhục, khiết tịnh, luôn biết vâng theo thánh ý Chúa; cho các bậc gia trưởng biết điều khiển gia đình trong tinh thần thánh thiện, khôn ngoan; cho tất cả những người đã nhận Thánh Cả làm bổn mạng biết noi gương Ngài sống phó thác, cậy trông và tin tưởng tuyệt đối vào tình thương của Chúa…”.

Sau thánh lễ, cộng đoàn Bố Sơn cùng bạn hữu xa gần đã cùng hiệp thông giờ canh thức diễn nguyện trước lễ đài trong khuôn viên thánh đường. Các bạn trẻ hai giáo xứ Bố Sơn, Thượng Lộc đã biểu diễn một số tiết mục ca vũ. Bằng lời ca, tiếng hát, điệu múa xinh xắn, các bạn đã thay cho công đoàn thể hiện tâm tình cảm tạ, tôn kính, mến yêu dâng lên Chúa và Thánh Cả Giuse.

Con đường mà các gia đình nhất là gia đình Kitô giáo đang đi hôm nay còn biết bao thử thách, chướng ngại phải đối diện. Nhưng với tất cả niềm tín thác tuyệt đối nơi tình yêu Chúa, mọi người lạc quan hy vọng “ngày của yêu thương, hòa giải, tha thứ, tận hiến” đang mở ra với các gia đình. Các bạn trẻ Bố Sơn đang và sẽ là một trong những hạt nhân quan trọng ấy. Niềm xác tín vào đích điểm vinh phúc nơi thập giá Đức Kitô, là động lực thôi thúc các bạn tiếp bước hành trình mà Thánh Cả Giuse xưa đã đi qua.

“Lạy Thánh Giuse, con cũng đang đi trong đêm đen. Xin hãy thắp lên trong con những ngọn đèn của Thánh Cả, soi đường cho con đi đến bến bình an”.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Vài suy nghĩ về phiên tòa 27/3
Alfonso Hoàng Gia Bảo
16:21 19/03/2009
Vài suy nghĩ về phiên tòa 27/3

Ngày 27/3 sắp tới đây, tám con kiến nhỏ xứ Thái Hà lại phải khăn gói ra tòa nhưng tình hình đã khác trước, không phải “đi hầu tòa” mà là “đi đòi hỏi” sự vô tội cho mình. Như vậy, phen này chắc ‘kiến’ còn phải ăn mặc đẹp hơn bị ngồi vào ‘ghế bị cáo’ lại chính là những kẻ đã dựng nên phiên tòa 8/12/2008 vì tội vu khống họ!

Mặc dù vậy, vì trước phiên tòa đã xảy ra những sự việc khác thường khiến chúng ta không thể lạc quan. Đó là hành vi phạm pháp của công an quận Gò Vấp, Tp.HCM qua việc trấn áp luật sư Lê Trần Luật và các cộng sự của anh tại văn phòng Luật Pháp Quyền, vì ‘tội’ dám nhận bào chữa cho các giáo dân.

Đối với một luật sư am hiểu luật pháp, nhà cầm quyền còn dám xem thường ‘chà đạp’ thô bạo luật lệ như vậy, thì không biết rồi đây với mớ luật rừng và nhà tù trong tay, nhà cầm quyền VN thông qua tòa án Tp.Hà Nội sẽ còn ‘tính tội’ tám thường dân kia tới đâu?

Có lẽ ngay cả với người lạc quan nhất chắc cũng chẳng ai dám tin việc tuyên trắng án cho tám giáo dân lại có thể xảy ra vào ngày 27/3 tới đây. Càng khó hơn khi chúng ta biết rằng một lời tuyên trắng án như thế, có khác gì những ‘cú’ tự vả vào mặt mình của nhà cầm quyền, vì đã…’lỡ’ ra lệnh biến khu đất tranh chấp của xứ đạo này thành công viên.

Do vậy, nhiều khả năng chỉ còn hai cửa tình huống mà mấy thân ‘kiến’ bé bỏng kia sẽ phải chui qua, đó là (1) hoặc nhà cầm quyền sẽ vẫn giữ nguyên mức án sơ thẩm ngày 8/12, bác đơn khiếu kiện khiến vụ ‘lùm xùm’ này có thể sẽ còn kéo dài, hoặc (2) họ sẽ “mạnh tay” hơn bằng cách gia tăng khung hình phạt và ngay sau phiên tòa sẽ còng tay một vài giáo dân, vừa được bớt đi số lượng ‘kiến’ tự do tung tăng “quậy phá” ở ngoài, đồng thời vừa để “răn đe” số còn lại.

Việc tuyên án của phiên tòa xử phúc thẩm lại nặng hơn sơ thẩm là điều ít thấy xảy ra, nhưng không có nghĩa nó không có thể xảy ra, vì trong lúc đi liên hệ cho vụ thủ tục khiếu kiện này, đi đến đâu giáo dân cũng đều phải chờ “chỉ đạo từ trên” !!!

Nếu đúng như vậy sẽ khiến cho vụ Thái Hà thêm ‘rối rắm’ vì trong một thông cáo gần đây nhà thờ Thái Hà đã kh8ảng định "Giáo xứ tiếp tục làm hết mức có thể để 8 giáo dân này được bảo toàn danh dự và được tự do''. Án treo mà còn chưa được nhà thờ Thái Hà chấp nhận huống chi bị ngồi tù.

Nhìn chung, chừng nào mà nhà cầm quyền còn chủ trương dùng quyền hành để đối phó vụ việc hơn là muốn giải quyết vụ việc đến nơi đến chốn, thì trong hai hướng trên chọn lối nào cho ‘kiến’ đi cũng đều ‘đau đầu’ cả.

Một chi tiết nhỏ khác đó việc chính quyền chọn ngày xử nhằm vào ngày cuối tuần, ngày Thứ 6 27/3, trái ngược với lần xử sơ thẩm là Thứ 2 đầu tuần (8/12/2008) chắc cũng đã được mấy vị ‘quân sư triều đình’ Hà Nội cân nhắc kỹ lưỡng để giúp họ có thời gian dài cả tuần để chuẩn bị lực lượng cho ‘chu đáo’ hơn lần trước, hay sẽ vì lý do ‘weekend’ mà phần tranh luận thường là buổi chiều sẽ bị cắt bớt vì tòa sợ “không đủ thời gian” thì chưa biết, nhưng việc ra thông báo ngày xử trước những 2 tuần (sau vài lần xin khất) chắc sẽ giúp chính quyền đủ thời gian ‘nắm bắt dư luận quần chúng’ hầu có sự “chỉ đạo kịp thời”. Hoàn toàn khác với kiểu chiều hôm trước đưa giấy thông báo, sáng sớm hôm sau đã nhào vô tịch thu máy tính như đã xảy ra tại văn phòng luật sư Pháp Quyền.

Cần “thuốc đắng” !

Nhìn cái cảnh ‘vụng chèo dở chống’ của các cơ quan chính quyền trước mấy ‘con kiến’ nhỏ Thái Hà không tấc sắt trong tay, bỗng thấy mà thương cho cái chính quyền một thời oai hùng từng “đánh thắng những hai tên đế quốc đầu sỏ” làm sao !?

Nhưng đấy cũng là cái kết cục hợp logic: bất cứ ai khi đối mặt với sự thật mà trong tay họ chỉ cầm toàn đồ giả thay vì hàng thật, thì việc bị ‘cái giả đi trước bó mất cái khôn theo sau’ là điều không sao tránh khỏi.

Thái Hà mới chỉ là một trong nhiều loại nhân độc gieo trên đất nước này này từ thời ông Hồ Chí Minh, nay đã đến lúc đơm hoa kết trái với những ‘chùm hôi - quả đắng’!

Muốn thoát ra khỏi cái thế chống đỡ đầy bế tắc hiện nay, chính quyền không còn cách nào khác hơn phải chấp nhận uống thuốc đắng mới mong giã khỏi bệnh tật. Dẹp bỏ mớ lý thuyết hão huyền giả dối, lộng ngôn mà học lấy sự khiêm tốn. Dẹp cái tính tự ái, tự cao tự đại để biết đặt mình vào chỗ nạn nhân v.v…

Bảo mình “đổi mới” mà lại không dám mạnh dạn “sửa sai” mà thay vào đó bằng những biện pháp ‘bịt lỗ thủng’ cho người khác khỏi thấy, vậy thực chất là “đổi” cái gì? Không sai thì cần gì “đổi mới” với “thay cũ”? “đổi mới” như thế có khác gì bán “rượu cũ bình mới’ với mồi là thịt chó thay vì đầu dê?

Bất công trong xã hội hiện nay tựa như chiếc cân lệch mà phần thắng đang nghiêng hẳn về phía các vài triệu cán bộ đảng viên. Với hàng núi tiền, vàng, đôla, nhà ca tầng bêtông cốt thép, villa biệt thự nặng trĩu trong tay, họ đã nhấc bổng 80 triệu dân Việt Nam còn lại ở phía bên kia.

Sự nổi tiếng bất đắc dĩ của xứ Thái Hà có thể xem là biểu tượng cho cái sự nhẹ tênh hênh, bị bật lên cao do túi rỗng tiền, bao tử thiếu cái ăn, do nhà tranh vách đất v.v… của hàng triệu người nghèo khổ bất hạnh trên đất nước này.

Trước nhiều thực trạng đáng buồn của đất nước hiện nay, mà đảng CSVN vẫn chỉ có thể loay hoay chống đỡ ở vòng ngoài mà chẳng ai dám chui vào tận ruột gan để tìm hiểu xem căn bệnh nan y mình đang mắc phải là do con vi trùng nào để tìm đúng thuốc.

Bởi vậy, chẳng phải vô cớ mà tờ Economist gần đây đã dám mỉa mai ông thủ tướng VN trước lời tiên đoán “nền kinh tế sẽ khởi sự đi lên rất sớm vào khoảng tháng Năm” trong bài viết Vietnam's economy: In need of some snake-blood rằng “nhiều tuần qua đi, khiến giọng ông ta giống như một kẻ bán dầu rắn hơn là bán huyết rắn” (As weeks go by, that makes him sound more like a seller of snake-oil than of snake-blood) sau khi tác giả ca tụng một bà chủ cửa hàng bán rắn ở Sàigòn biết cách làm ăn phát đạt, với thâm ý thủ tướng của chúng ta chỉ là lão lang băm mà chẳng phải bác sĩ !!!

Và như thế thì việc chính quyền vẫn rêu rao viễn ảnh về một Việt Nam “văn minh tiến bộ” đuổi kịp các nước trong khu vực khi bước sang thế kỷ 21, với cách điều hành giải quyết như hiện nay, rõ ràng sẽ chỉ là chuyện ảo tưởng.

Càng ‘tuyệt vọng’ hơn trước thực tại ngay cả đến những loại quan ‘cắc ké’ thôn xã trưởng cũng biết cách làm khổ dân rất có bài bản. Ăn chận tiền, gạo cứu trợ dân nghèo mà còn biết vận dụng học triết học Mác-Lê vào để lý giải khi bị phát hiện: “giữ dùm dân vì sợ họ xài hoang phí”. Cái gì cũng ‘dân’ với ‘nước’ là trên hết !!!

Chúa ơi! nghe sao mà giống kiểu lập luận của các quan lớn UB Tp.Hà Nội: “không có cơ sở” để xem xét chuyện giải quyết trả lại đất cho Thái Hà chỉ vì đất này đã tiếp quản trước ngày 1/7/1991 !!!

Đi cướp đoạt tài sản của người khác mà lại còn ra điều kiện với khổ chủ rằng “cái nào mới lấy gần đầy thì trả lại còn cái nào đã cướp lâu rồi thì xin miễn đòi!”, ai có thể làm được điều này nếu đó chẳng phải chính cái tổ chức đang mang danh “chính quyền”?

Giáo hội chỉ còn biết cầu nguyện liên lỉ…

Số phận đạo ‘oan nghiệt’ là vậy nhưng nhà cầm quyền cũng nào có biết ngay cả trước khi có chuyện Thái Hà – Tòa Khâm Sứ xảy ra, khắp các nhà thờ trên cả nước hằng tuần những lời nguyện cầu xin cho “các nhà lãnh đạo Việt Nam được ơn sáng suốt…” vẫn vang vọng và cho đến nay vẫn thế.

Là giáo dân mà chúng tôi cũng hiểu rằng, suy cho cùng thì hết thảy những ai đang vì Thái Hà mà phải đóng những vai Thiện - Ác khác nhau trong giáo hội cũng như chính quyền, tất cả mọi người đều là nạn nhân của một giai đoạn lịch sử hết sức tăm tối của đất nước.

Chẳng một ai trong số các vị ở Bộ chính Trị, Bộ Công An hay Thành Ủy Hà Nội cũng như phía giáo hội là người gieo nhân năm xưa gây nên vụ rắc rối Thái Hà hiện nay.

Tuy nhiên, chúng ta có lý do để thất vọng vì chuyện của Thái Hà không thể lớn hơn, khó hơn việc lo ‘quốc kế dân sinh’ cho gần 90 triệu dân. Đặc biệt trong cơn khủng hoảng kinh tế toàn cầu đang diễn ra hiện nay cùng bao diễn biến phức tạp về sự an toàn biên giới lãnh thổ.

- Không biết rồi đây với những kiểu chính sách và chủ trương “đúng đắn” về đất đai mà nhà cầm quyền áp đặt cho giáo hội có thể dùng để đàm phán với các nước khi bang giao với họ hầu đem cơm no áo ấm cho dân mình?

- Không biết rồi đây với những “mưu ma chước quỉ” mà nhà cầm quyền đã quen áp dụng với Thái Hà, với văn phòng Ls.Lê Trần Luật có thể giúp VN lách khỏi hiểm nguy sóng gió đang chực chờ ngoài biển Đông?

Làm sao không khỏi thất vọng về tương lai tiền đồ dân tộc qua cung cách xử lý vụ Thái Hà. Trên tất cả mọi nguyên nhân, yếu tố con người vẫn luôn là ‘tội phạm’ lớn nhất.

Các vị lãnh đạo đất nước ngày nay có vẻ như không còn cái khí thế hào hùng cách mạng năm xưa? Nếu không thì vì sao gặp những khó khăn vướng mắc với Thái Hà lại không thắng nó bằng danh chính ngôn thuận mà phải mượn tay côn đồ du thủ du thực? Họ đang rất thừa vinh hoa phú quí nhưng lại quá rất thiếu những ‘cái tâm’ và ‘cái tầm’ để có thể giải quyết tận gốc rễ những tồn tại vướng mắc với một cộng đồng tôn giáo chỉ chiếm chưa tới 10% dân số.

Cách nay mấy ngày nhạc sĩ Phạm Tuyên có thổ lộ trên BBC về trường hợp bị cách mạng xử tội chết vào năm 1945 của cha mình là học giả Phạm Quỳnh trong bài phỏng vấn “mong muốn sửa sai”: “Tôi vẫn tin rằng sẽ có một ngày có một sự giải toả nhất định” nhưng nhạc sĩ lại nói thêm rằng “Đó là mong muốn thôi, còn bây giờ các vị đang lo chuyện kinh tế với các thứ nhiều quá, không biết là đến bao giờ”

Có thấy một người tiếng tăm và dầy công trạng với chế độ như nhạc sĩ Phạm tuyên mà mới chỉ dám mấp mé nói gần nói xa, nói bóng nói gió không dám đụng đến chế độ bất công đã gây ra cái chết oan sai cho cha mình, chúng ta mới càng nhận ra cái ý nghĩa của việc quyết tâm đi đòi công lý của tám giáo dân cùng Ls.Luật là “rất đáng kính trọng”!

“Sự thật sẽ giải phóng anh em” (Ga 8,32). Chỉ bằng những buổi cầu nguyện liên lỉ như giáo xứ Thái Hà diễn ra trên cả nước, mới mong ánh sáng sự thật sẽ sớm lan tỏa trên quê hương đã chịu nhiều đau khổ của chúng ta.

(kính tặng Tám Giáo Dân Anh Dũng xứ Thái Hà cùng Ls. Lê Trần Luật)

Sàigòn, 19/3/2009

Alfonso Hoàng Gia Bảo
 
Thông Cáo Của Ủy Ban Yểm Trợ Dân Chủ và Tự Do Tôn Giáo Cho Việt Nam
Alain Oullet
22:06 19/03/2009
Ủy Ban Yểm Trợ Dân Chủ và Tự Do Tôn Giáo cho Việt Nam xin lưu ý công luận về một vi phạm nhân quyền trầm trọng do nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam vừa thực hiện.

Ngày 3 tháng 3 năm 2006, luật sư Lê Trần Luật, người phụ trách biện hộ cho tám công dân Công Giáo Thái Hà trong vụ kháng kiện chống lại bản án vu khống họ “phá hoại tài sản quốc gia và gây rối trật tự công cộng”, đã bị ngăn không cho lên chuyến bay Sài Gòn – Hà Nội để đi gặp các bị cáo. Ngay sau hành động bất hợp pháp này, công an đã cưỡng bức luật sư đưa về trụ sở công an và giữ ông ở đó suốt ngày. Các luật sư phụ tá Hùng và Đạt và cô trợ lý Tạ Phong Trần thuộc văn phòng luật của ông cũng bị triệu tập tới trụ sở công an và liên tiếp bị hỏi cung. Một tuần lễ trước đó, ngày 25-02-2009, nhân viên công lực đã đến văn phòng của ông để lục soát không báo trước, lấy đi tất cả các máy photocopy và máy vi tính với lý do thi hành lời yêu cầu của một công ty cạnh tranh sau một cuộc tranh chấp có tính cách tư nhân.

Những đàn áp trắng trợn này một lần nữa cho thấy nhà cầm quyền Việt Nam khinh thường luật lệ quốc tế và lương tâm nhân loại. Chính luật sư Lê Trần Luật đã tố cáo: “Chúng ta đang sống trong một chế độ mà quyền con người đã bị chà đạp một cách thô bạo. Ngay cả bản thân tôi là một luật sư, cũng trở thành nạn nhân của vấn nạn cường hào thì thử hỏi những người dân oan, những người thấp cổ bé họng khác thì họ chịu biết bao sự đau khổ?”.

Chúng tôi cực lực lên án việc vi phạm nhân quyền có dự mưu của nhà cầm quyền Việt nam. Chúng tôi kêu gọi chính phủ Canada và những người thiện tâm hãy thi hành những biện pháp cần thiết để chấm dứt luôn việc vi phạm này.

Ngày 18 – 03 – 2009

Luật sư Alain Ouellet, Chủ Tịch
Ủy Ban Yểm Trợ Dân Chủ và Tự Do Tôn Giáo cho Việt Nam
151 Atwater
CP 72126
Montreal, QC H3J 2Z6
Canada.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Tư Liệu Thánh Kinh (21): Lề Luật
Vũ Văn An
07:57 19/03/2009
Lề Luật

Sau khi thoát cảnh nô lệ bên Ai Cập, dân Do Thái được Thiên Chúa dẫn qua sa mạc để tới Xi-nai. Họ đóng trại tại chân núi, trong khi Thiên Chúa ban cho Mô-sê lề luật buộc dân phải vâng theo. Các lời hứa (hay thỏa hiệp giao ước) trước đây Thiên Chúa thực hiện với các cá nhân như Áp-ra-ham, I-xa-ác và Gia-cóp, nay Người lặp lại với toàn dân. Họ sẽ là dân Thiên Chúa; Người sẽ là Thiên Chúa của họ. Người đã cứu thoát họ và Người chờ mong họ vâng theo lề luật của Người. Đây không phải chỉ là những luật lệ về thờ phượng hay điều hướng những dịp về tôn giáo. Chúng còn bao trùm mọi khía cạnh của cuộc sống. Và chúng được tóm tắt trong Mười Điều Răn. Mười Điều Răn chính Thiên Chúa nói. Và sau đây là chính lời Người:

“Ta là Chúa Thiên Chúa của các ngươi, Đấng đã đem các ngươi ra khỏi Ai Cập, nơi các ngươi từng làm nô lệ. Các ngươi không được thờ phượng chúa nào khác ngoài Ta. Đừng làm cho mình các hình ảnh của vật nào trên trời, dưới đất hay trong nước dưới lòng đất. Đừng cúi đầu trước bất cứ ngẫu thần nào hay thờ phượng nó, vì Ta là Chúa Thiên Chúa các ngươi và ta không khoan nhượng bất cứ ai đòi ngang hàng với Ta. Ta sẽ trừng phạt kẻ ghét Ta, cả con cháu 3, 4 đời của nó. Nhưng Ta tỏ tình yêu cho hàng ngàn thế hệ những kẻ yêu mến Ta và vâng theo lề luật Ta”.

Đừng dùng tên Ta cho các mục đích xấu xa, vì Ta, Chúa Thiên Chúa các ngươi, Ta sẽ trừng phạt bất cứ ai lạm dụng tên Ta. Hãy giữ ngày Sa-bát và giữ cho nó thánh thiện.Các ngươi có 6 ngày để làm việc, nhưng ngày thứ bẩy là ngày nghỉ ngơi dành riêng dâng kính Ta. Vào ngày ấy, không được ai làm việc, kể cả các ngươi lẫn con cái, nô lệ và xúc vật của các ngươi, cả người ngoại quốc đang sống trong xứ sở các ngươi nữa. Trong 6 ngày, là Chúa, Ta đã làm nên đất, trời, biển và mọi thứ trong chúng, nhưng Ta đã nghỉ ngơi vào ngày thứ bẩy. Chính vì lẽ đó, Ta, Chúa các ngươi, chúc phúc cho ngày Sa-bát và làm nó nên thánh thiện.

Hãy kính trọng cha các ngươi và mẹ các ngươi, để ngươi được sống lâu trong lãnh thổ Ta sẽ ban cho các ngươi.

Đừng phạm tội sát nhân.

Đừng phạm tội ngoại tình.

Đừng ăn trộm.

Đừng tố cáo ai cách sai lạc.

Đừng ước muốn nhà người khác; đừng ước muốn vợ anh ta, nô lệ anh ta, trâu bò, lừa, và bất cứ điều gì khác thuộc sở hữu của anh ta.

Đó là sưu tập các lề luật tốt nhất của Ít-ra-en. Rõ ràng sưu tập này có một ý nghĩa đặc biệt: trong sách Xuất Hành, nó là bộ luật đầu tiên được ban cho trên Núi Xi-nai, còn trong Sách Đệ Nhị Luật, cuối Mười Điều Răn còn có lời này: ‘Chúa phán những lời này với toàn bộ cuộc tụ họp của các ngươi…và Người không thêm thắt gì nữa’ (Đnl 5:22), nghĩa là, không còn điều gì khác quan trọng bằng.

Mười Điều Răn được phán cho toàn thể dân tộc Ít-ra-en, chứ không riêng cho một nhóm đặc thù nào như các tư tế chẳng hạn, và cũng nói với từng người Do Thái như các cá nhân. Mặt khác, dù Mười Điều Răn này là duy nhất trong tư cách một sưu tập, mỗi một điều răn vẫn được nhắc lại tại những chỗ khác trong luật lệ Do Thái.

Mười Điều Răn trên được viết trên hai phiến đá. Điều ấy rất có thể có nghĩa chúng được chép thành hai bản. Lý do phải chép thành hai bản chỉ được hiểu gần đây mà thôi. Trong thế giới Thánh Kinh, khi thực hiện một giao ước, mỗi bên ký giao ước phải giữ một bản nội dung. Nếu giao ước ấy là giao ước giữa hai quốc gia, như giữa người Khết và người Ai Cập chẳng hạn, thì hai bản phải được giữ ở nơi thật xa nhau, thường là trong đền thờ thần của mỗi nước. Tuy nhiên, tại Ít-ra-en, vì là giao ước giữa Thiên Chúa và dân Người, nên cả hai bản Mười Điều Răn đều được giữ trong Hòm Bia Giao Ước. Đó là trung tâm của Ít-ra-en và cũng là nơi Thiên Chúa ngự. Bởi thế cả bản của Thiên Chúa lẫn bản của Ít-ra-en cùng được lưu trữ với nhau. Mười Điều Răn, do đó, là các điều khoản của giao ước Thiên Chúa đã ký với dân Người. Tại Xi-nai, đáp lại mọi điều Thiên Chúa đã làm cho họ, toàn dân Ít-ra-en đã chấp nhận các điều khoản ấy. Hình phạt cho việc không thi hành bất cứ điều khoản nào trên đây không được nhắc đến. Nhưng nếu ta so sánh các điều răn này với các điều răn tương tự, thì xem ra hình phạt phải là tử hình (hãy so sánh Xh 20:13 với Xh 21:12). Điều ấy không có nghĩa hình phạt trên luôn luôn được thi hành.

Các Bộ Luật khác: Dĩ nhiên, bất cứ xã hội nào cũng cần có nhiều luật lệ chi tiết nữa. Các luật căn bản cần được khai triển thêm. Nếu điều răn dạy rằng các ngươi không được làm việc vào ngày Sa-bát, thì ai là ‘các ngươi’ và ‘làm việc’ là thế nào? Ngay trong Xuất Hành 20:10, điều răn đơn giản trên đã được diễn tả cách chi tiết hơn rồi. Cần phải làm sáng tỏ điều này là ‘các ngươi’ đây không phải chỉ là các người cha trong gia đình Do Thái, mà còn là ‘con cái, tôi tớ, súc vật…và cả ngoại kiều sống trong xứ sở các ngươi nữa’ (Đnl 5:14). (Chúng ta cũng phải giả thiết và hy vọng rằng cả ‘vợ các ngươi’ nữa cũng phải được kể vào!). Sau này, các thầy rabbis Do Thái còn tốn nhiều thì giờ hơn nữa để định nghĩa cách chính xác thế nào là ‘làm việc’. Chúa Giê-su bị một số người chỉ trích chỉ vì Người và các môn đệ của Người đã chữa bệnh và hái lúa vào ngày Sa-bát (Lc 14:3-4; Mt 12:1-2). Vì điều ấy nghịch lại câu định nghĩa về việc làm của nhóm Biệt Phái. Mười Điều Răn là ‘luật giao ước’ của Thiên Chúa dành cho Ít-ra-en. Thêm vào đó, các sách luật của Do Thái (từ Xuất Hành tới Đệ Nhị Luật) chứa đựng khá nhiều các trường hợp điển hình của luật (case-laws), một số tương tự như luật lệ các nước khác. Đó là ba bộ luật chính.

Bộ thứ nhất tiếp liền sau Mười Điều Răn, tìm thấy nơi Xh 21-23. Đôi khi người ta gọi bộ này là ‘Sách Giao Ước’. Nó chứa đựng các luật luân lý, dân sự và tôn giáo. Sau các giáo huấn về việc thờ phượng là các luật lệ về việc xử lý với các quyền lợi của nô lệ; tội ngộ sát và gây thương tích cho sự sống người ta; tội ăn cắp và gây thiệt hại đến tài sản; các nghĩa vụ xã hội và tôn giáo; công lý và nhân quyền. Sau cùng là các giáo huấn về ba ngày lễ lớn của tôn giáo: Lễ Bánh Không Men, Lễ Đầu Mùa và Lễ Gặt Hái. Các luật này cho thấy Thiên Chúa quan tâm đến việc cuộc đời như một toàn bộ phải công bình và sòng phẳng. Chúng cho thấy Thiên Chúa quan tâm bảo vệ quyền lợi của những kẻ yếu đuối nhất như nô lệ, người nghèo, quả phụ, cô nhi và ngoại kiều.

Sách Lê-vi các chương 17-26 chứa đựng bộ luật thứ hai, gọi là ‘luật thánh thiện’. Các luật này chủ yếu quan tâm đến việc dân phải Thờ Phượng Thiên Chúa ra sao, nghĩa là các nghi thức liên quan đến nhà tạm. Tuy nhiên, nó cũng bàn đến các tác phong hàng ngày. Điều chủ yếu trong giáo huấn này là lệnh truyền: ‘Hãy thánh thiện vì Ta, Chúa và là Thiên Chúa các ngươi, là Đấng Thánh’ (Lv 19:2). Ít-ra-en phải thánh thiện vì quốc gia này thuộc về Thiên Chúa.

Bộ luật chi tiết thứ ba được trình bày tại Đệ Nhị Luật 12-25. Nó bao gồm khá nhiều điều y hệt như trong Xuất Hành và Lê-vi, nhưng được trình bày dưới hình thức một bài diễn văn của Mô-sê nói với dân chúng trước khi họ vào Đất Hứa. Chúng bao gồm những lời khích lệ dân giữ Lề Luật và cảnh cáo về hậu quả của việc bất tuân Lề Luật ấy. Đệ Nhị Luật 17:14-20 chỉ là một phần của Lề Luật nói về nhiệm vụ của một vị vua. Mục đích các điều răn. Luật có mục đích hướng dẫn các mối liên hệ tốt với Chúa và tha nhân. Trong Luật, Thiên Chúa, Đấng tạo ra và cứu thoát dân, cho họ hay họ phải sống ra sao để mưu ích và phúc lợi cho chính họ. Từ Hi-bá-lai mà ta thường dịch là Luật (torah) thực sự có nghĩa là ‘hướng dẫn’ hay ‘chỉ giáo’. Các luật này không nhằm đưa ra một bảng liệt kê dài dòng những điều phải làm và những điều không được làm nhằm khiến cho cuộc sống trở thành một gánh nặng.

Lề Luật phản ảnh đặc tính của Thiên Chúa, tức sự thánh thiện, công chính và thiện hảo của Người. Nó diễn tả ý muốn của Thiên Chúa. Nó cung cấp cho dân những hướng dẫn thực tiễn họ cần để vâng theo lệnh truyền phải ‘nên thánh như Ta là đấng thánh’ của Người.

Ngày nay, Luật Cưụ Ước còn được áp dụng bao xa? Ki-tô hữu ngày nay có còn buộc tuân theo nó như Luật Thiên Chúa nữa không? Một mặt, ta có giáo huấn của Chúa Giê-su. Người không đến để hủy bỏ Lề Luật; trái lại Người đến để nó ‘nên trọn’ (nghĩa là làm nó đầy đủ ý nghĩa hơn). Người nói rằng cho đến lúc trời đất qua đi, điều khoản nhỏ nhất của Lề Luật cũng sẽ không qua đi. Ai không tuân theo điều răn ít quan trọng nhất cũng sẽ là người rót hết trong nước trời.

Mặt khác, thánh Phao-lô nói rằng Chúa Ki-tô ‘đã kết liễu Lề Luật’. Ngài coi Luật Cựu Ước chỉ là điều được ‘dẫn nhập’ vào một giai đoạn nào đó trong lịch sử và dự định chỉ có giá trị cho đến lúc Chúa Ki-tô xuất hiện.

Làm thế nào dung hòa hai thái độ ấy? Một số người cho rằng có thể giải quyết điều khó khăn trên bằng cách phân biệt giữa luật luân lý, là những luật ngày nay vẫn còn giá trị, và các luật thuộc nghi thức, nghi lễ và xã hội, là những luật chỉ áp dụng cho người Do Thái. Nhưng một đàng, người ta không thể phân biệt luật nào là luật nào như thế được và đàng khác, mặc dù thánh Phao-lô nhìn nhận rằng luật bao giờ cũng từ Thiên Chúa mà ra và đều ‘thánh thiện, công chính, và tốt lành’, nhưng lại quả quyết rằng cả các luật luân lý cũng đã bị công trình của Chúa Giê-su Ki-tô ‘triệt tiêu’ cả rồi. Bởi thế, ngài cho hay, Ki-tô hữu đã được ‘giải phóng’ khỏi Lề Luật và không còn bị nó thống trị nữa. Và trong đoạn văn này, thánh nhân nghĩ đến luật trong tính toàn bộ của nó chứ không phải chỉ là những luật luân lý. Do đó, đối với các Ki-tô hữu, Chúa Giê-su Ki-tô đã thay thế cho Lề Luật. Người không để Lề Luật qua một bên hay bác bỏ nó, nhưng đã thâu tóm nó. Khi thánh Phao-lô cho hay ngài sống dưới luật của Chúa Ki-tô, ngài không có ý nói ngài chấp nhận một bộ luật mới. Đúng hơn, ngài muốn nói ngài là người bước chân theo Chúa Giê-su và đầy rẫy thần trí Chúa. Nhờ liên kết với Chúa Giê-su, chia sẻ sự sống mới của Người và quyền lực của Chúa Thánh Thần, các Ki-tô hữu có thể theo gương Người mà vâng theo lề luật của Người. Lề luật của Chúa Ki-tô không phải là lề luật nô dịch hóa con người vì họ không có khả năng giữ nó. Nó là ‘bộ luật hoàn hảo sẽ giải thoát mọi người’. (Xem Đnl 6:5; Lv 19:18; Mt 5:17-20; Rm 10:4; 5:20; Gl 3:19; Rm 7:6,12; Cl 2:14; Gl 5:18; 1Cr 9:21; Gl 6:2; 5:1; Gc 1:25).
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Âm Thanh Của Tĩnh Lặng - The Sound Of Silence
Lm. Trần Cao Tường
19:09 19/03/2009

ÂM THANH CỦA TĨNH LẶNG - The Sound of Silence



Ảnh của Cao Tường

Tôi dạy dỗ thì người ta chạy trốn

Tôi lắng nghe thì người ta đến gần.

Sức mạnh của tôi ở trong tĩnh lặng.

I teach and they run away.

I listen and they come.

My strength is my silence.

(Akiane Kramarik, cô bé được thiên phú diễn lên được những bức tranh và những bài thơ kỳ lạ từ ánh sáng trời cao)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền