Ngày 14-03-2009
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
00:07 14/03/2009
THIÊN CHỨC

N2T


Mặc dù đại sư vui vẻ khi thấy khoa học tiến bộ, nhưng cũng ý thức rất rõ ràng những hạn chế của nó.

Khi có một chủ xí nghiệp hỏi nghề nghiệp của ông ta, thì ông ta đáp: “Tôi làm xí nghiệp con người.”

- “Vậy thì xí nghiệp gì ?”

- “Thì lấy ông làm ví dụ”,
đại sư nói tiếp: “Ông dốc sức chế tạo những sảm phẩm tốt đẹp, tôi tận lực sinh ra những con người tốt đẹp.”

Về sau, đại sư nói với các đệ tử: “Ý nghĩa của cuộc sống chính là đào tạo con người. Nhưng con người ngày nay hình như chỉ quan tâm đến cải thiện sản phẩm.”

(Trích: Huệ nhãn thiền tâm)

Suy tư:

Thiên chức làm cha làm mẹ là nuôi nấng dạy dỗ con cái mình nên người, thiên chức làm thầy cô giáo là dạy dỗ học trò mình nên người, thiên chức của bác sĩ là cứu sống và chữa lành thân xác của con người, thiên chức của các linh mục là chữa lành và cứu sống linh hồn của con người...

Tất cả những thiên chức ấy đều là vì con người, bồi dưỡng và đào tạo con người trở nên những con người có ích nhất cho xã hội và Giáo Hội.

Thời nay người ta chỉ chú trọng đến sản phẩm làm ra thật đạt chất lượng, cho nên người ta không chú trọng hoặc coi rẽ những công nhân với nhân phẩm và nhân cách của họ, người ta áp bức, bốc lột và khinh bỉ những công nhân nghèo của mình. Họ chỉ biết sản phẩm và lợi tức mà quên mất những sản phẩm ấy là do công nhân làm ra.

Thiên chức là chức vụ bởi trời (Thiên Chúa) ban cho để thay mặt Ngài mà dạy dỗ, cứu chữa và hoàn thiện con người, đó chính là công việc cao quý của những người lãnh nhận thiên chức ấy.

Chú trọng đến việc đào tạo và bồi dưỡng con người là thi hành thánh ý của Chúa rồi vậy. Hạnh phúc lắm...
 
Mỗi tuần SỐNG một câu Lời Chúa
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
00:08 14/03/2009
CHỦ NHẬT 3 MÙA CHAY

Tin mừng: Ga 2, 13-25.

“Cứ phá hủy đến thờ này đi; nội ba ngày, tôi sẽ xây dựng lại.”


Bạn thân mến,

Theo người Do Thái nói thì đền thờ Giê-ra-sa-lem phải xây khoảng trên dưới bốn mươi sáu năm mới xong, vậy mà Chúa Giê-su nói Ngài chỉ xây nội trong ba ngày, làm cho người Do Thái cảm thấy khó chịu vì sự “quá đáng” của Ngài. Nhưng đó là sự thật, bởi vì Ngài có thể làm cho người chết sống lại bằng một lời nói, thì nhất định Ngài cũng sẽ xây dựng đền thờ cũng chỉ bằng một lời nói mà thôi, thì đền thờ Giê-ru-sa-lem có ngay, bởi vì Ngài là Đấng Thiên Chúa làm người.

Đền thờ mà Chúa Giê-su nói đây, chính là thân xác của Ngài bị chôn trong huyệt đá ba ngày thì sống lại.

Tuy nhiên bạn và tôi đều biết rằng: đền thờ mà Chúa Giê-su nói đây cũng chính là thân xác của chúng ta, thân xác này được xây dựng bởi máu thịt của cha mẹ, nhưng được cung hiến để trở thành đền thờ của Thiên Chúa Ba Ngôi bằng bí tích Rửa Tội, đó chính là đền thờ đích thực mà Chúa Giê-su đã dùng chính cái chết trên thập giá của Ngài để xây dựng, để tâm hồn bạn và tôi và tất cả những ai tin vào Ngài đều trở nên những tâm hồn sống động của Thiên Chúa.

Bạn thân mến,

Mùa chay là mùa hy sinh và cầu nguyện, mùa của hãm mình và bố thí, và là mùa của hối cải và tha thứ. Chúa Giê-su và Giáo Hội mời gọi bạn và tôi hãy làm mới lại đền thờ tâm hồn của mình, bằng sự hối cải và quyết tâm trở về giao hòa với Chúa và anh chị em, tức là chúng ta sẽ không phá hủy nó bằng những tội lỗi nữa, nhưng làm mới lại bằng ân sủng của Chúa ban cho.

Đừng biến đền thờ của Thiên Chúa làm nơi buôn bán, nhưng hãy biến đền thờ của Thiên Chúa làm nơi thực hành đức ái; đừng lo lắng xây cất đền thờ bằng vật chất, bởi vì đền thờ xây dựng bằng đất đá và vật chất thì sẽ có ngày bị phá bỏ đi, nhưng những đền thờ dùng đức ái làm vật liệu, thì sẽ tồn tại cho đến ngày viên mãn trong Nước Trời hạnh phúc...

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

-------------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://360.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
00:10 14/03/2009
N2T


108. Đức hạnh anh to lớn như thế nào, thì trước mặt Thiên Chúa cũng lớn như thế, chứ không phải trước mặt người ta.

(Thánh John Berchmans)
 
Mỗi ngày một câu Cách Ngôn
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
00:11 14/03/2009
N2T


53. Lập chí, công việc, thành công là ba yếu tố hoạt động của con người.

 
Vài suy nghĩ về triết lý giáo dục Kitô giáo: Một cách tiếp cận Thư Mục Vụ 2008 của HĐGMVN
HTT
00:21 14/03/2009

Vài suy nghĩ về triết lý giáo dục Kitô giáo: Một cách tiếp cận Thư Mục Vụ 2008 của HĐGMVN



Trong năm 2008, Câu lạc bộ Phaolô Nguyễn Văn Bình có tổ chức một buổi toạ đàm về đề tài Những vấn đề giáo dục hiện nay: Quan điểm và giải pháp. Chắc chắn đây là đề tài mang tính thời sự cao vì từ ít năm nay, báo chí cũng như các phương tiện truyền thông không ngừng bàn đến vấn đề giáo dục, và các bậc phụ huynh cũng coi đây là một trong những mối quan tâm hàng đầu. Điều đáng nói về cuộc toạ đàm là có nhiều học giả nhấn mạnh đến triết lý giáo dục.

Chẳng hạn, sau khi cho biết đã có nhiều cố gắng cải cách giáo dục trong những năm qua, nhà văn Nguyên Ngọc đặt câu hỏi: Tại sao đã cố gắng khá tích cực mà vẫn không hiệu quả? Và ông nhận định rằng nguyên nhân là ở chỗ chỉ sửa chữa theo kiểu vá víu, trong khi vấn đề khủng hoảng giáo dục ngày nay lại nằm ở gốc. Cái gốc đó chính là triết lý giáo dục, tức là câu hỏi nền giáo dục ngày nay đang nhắm mục đích gì, đào tạo những con người ra sao? Rồi để trả lời cho câu hỏi đó, nhà văn không ngần ngại cho rằng triết lý giáo dục trong xã hội Việt Nam hôm nay đang bị lạc hướng. Lạc hướng vì chỉ nhắm đào tạo những con người học thuộc lòng, lập lại những gì người khác truyền lại chứ không đào tạo những con người biết suy nghĩ cách độc lập và trưởng thành.1

Nhà nghiên cứu Bùi văn Nam Sơn cũng nói lên hai nỗi ưu tư lớn là (1) làm sao thoát khỏi các quan niệm độc quyền và giáo điều đã đè nặng lên lối giáo dục ở Việt Nam trong nhiều thế kỷ? Và (2) làm sao thoát khỏi lối nhìn thiển cận về giáo dục, chỉ nhìn giáo dục nhắm tới lợi ích nhất thời và trước mắt, thay vì hoà chung vào dòng chảy văn hoá của thế giới nhằm vun đắp tinh thần khoa học, tính nhân văn và tình liên đới nhân loại?2

Nhận định của những học giả này rất đáng quan tâm. Tuy nhiên sẽ là lạc quan ngây ngô nếu cho rằng chỉ có Việt Nam mới rơi vào khủng hoảng giáo dục, hoặc nghĩ rằng nền giáo dục ở các nước Âu Mỹ là toàn hảo. Có chăng khủng hoảng giáo dục ở Việt Nam có những lý do riêng trong hoàn cảnh riêng. Ví dụ, trong các nước xã hội chủ nghĩa, không thể phủ nhận điều này là toàn bộ mọi lãnh vực của đời sống con người và xã hội đều được hướng dẫn bởi hệ tư tưởng Mác-Lênin. Hệ tư tưởng này không chỉ đơn thuần là một lý thuyết kinh tế-chính trị nhưng đúng hơn là một nền triết học bao hàm nhân sinh quan và thế giới quan, chi phối và định hướng toàn bộ mọi sinh hoạt trong xã hội. Ở đây không nói đến chuyện đúng hay sai nhưng chỉ muốn ghi nhận rằng khi có một hệ tư tưởng chi phối toàn bộ xã hội như thế, thì nó có khả năng tạo nên sự thống nhất và kết nối chặt chẽ mọi lãnh vực. Ngày nay, dù vẫn là một đất nước xã hội chủ nghĩa nhưng chủ trương kinh tế đã được thay đổi, không còn là kinh tế bao cấp mà là kinh tế thị trường. Cho dù là kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa thì vẫn cứ là kinh tế thị trường. Xét về mặt lý luận triết học, kinh tế thị trường ấy khó lòng hài hoà với quan điểm của triết học Mác-Lênin. Nghĩa là đã có sự rạn vỡ trong cái tổng thể kết nối chặt chẽ (cohérence) vốn có trước đây, và sự rạn vỡ đó được thể hiện trong nhiều mặt của đời sống chứ không riêng trong lãnh vực nào. Khủng hoảng về giáo dục cũng bắt nguồn từ đó.

Từ một góc nhìn khác, trong tư cách là người Kitô hữu, những suy tư về triết lý giáo dục trong xã hội Việt Nam dẫn ta đến một câu hỏi khác: có một triết lý giáo dục Kitô giáo không? Triết lý giáo dục đó ra sao? Có hi vọng góp phần cho xã hội nói chung không?

1. Mô hình

Nếu hiểu triết lý giáo dục là lời đáp cho câu hỏi về mục đích của giáo dục là gì và đào tạo những con người ra sao, thì phải trả lời ngay rằng có một triết lý giáo dục Kitô giáo.. Và cũng phải nói ngay rằng nét độc đáo của triết lý giáo dục này hệ tại ở chỗ không chỉ đơn thuần là một hệ tư tưởng trừu tượng nhưng trước hết và trên hết là một con người, một ngôi vị. Con người ấy là mô hình lý tưởng mà giáo dục Kitô giáo phải vươn tới và con người ấy chính là Đức Giêsu Nadarét. Khi xây dựng một ngôi nhà, cần phải có thời gian mới có thể hoàn thành, có khi cả năm mười năm đối với những công trình lớn. Thế nhưng ngay từ khởi đầu, ta đã có mô hình về ngôi nhà đó trong tâm trí, rồi thể hiện mô hình ấy cách cụ thể thành bản vẽ, sau đó người ta dựa vào bản vẽ đó mà thực hiện. Như thế, xét về mặt thực hiện, phải mất một thời gian dài, ngôi nhà mới hoàn thành, nhưng xét về mặt suy tư, ngôi nhà đó đã hiện hữu ngay từ đầu và âm thầm định hướng cho toàn bộ quá trình thực hiện. Tương tự như thế, giáo dục là công trình xây dựng con người và quan trọng hơn các công trình xây dựng vật chất khác. Có khi mất cả đời người mà vẫn xây chưa xong nếu ta hiểu giáo dục không chỉ nhằm đến mục đích là lấy một tấm bằng nhưng là quá trình đào tạo và tự đào tạo. Phải mất nhiều năm mới hoàn thành, thế nhưng ngay từ đầu, mô hình giáo dục đã có trong tâm trí nhà đào tạo rồi và mô hình đó đóng vai trò định hướng cho toàn bộ quá trình đào tạo. Với triết lý giáo dục Kitô giáo, mô hình đó chính là Đức Giêsu Kitô, một con người sống động và lý tưởng mà việc giáo dục phải vươn tới như thánh Phaolô kêu gọi, “Anh em hãy có trong anh em những tâm tư như đã có trong Đức Kitô Giêsu” (Pl 2,5).

Đây chính là lý do trong cuộc gặp gỡ các viện trưởng các viện đại học công giáo tại Hoa Kỳ, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã nhấn mạnh: “Căn tính của một đại học hay trường công giáo không chỉ đơn thuần là vấn đề số lượng sinh viên công giáo trong trường. Đây là vấn đề về niềm xác tín: chúng ta có thực sự tin rằng mầu nhiệm về con người chỉ được sáng tỏ trong mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể không? (Hiến chế MV số 22) Chúng ta có sẵn sàng dấn thân bằng cả tâm trí cho Thiên Chúa không? Chúng ta có chấp nhận chân lý Chúa Kitô mạc khải không? Niềm tin đó có sống động trong trường đại học của ta không? Niềm tin có được thể hiện qua cử hành bí tích, phụng vụ, qua cầu nguyện, qua hành động bác ái, quan tâm đến công bằng xã hội và tôn trọng công trình tạo dựng của Thiên Chúa? Chỉ bằng cách đó chúng ta mới có thể thực sự làm chứng cho căn tính và sứ mạng của mình”3. Đây cũng là lý do Thư Mục Vụ 2008 đã chọn khởi điểm cho những chỉ dẫn về giáo dục Kitô giáo là mầu nhiệm Con Thiên Chúa nhập thể (số 5).

2. Nội dung

Khi chiêm ngắm Đức Giêsu như mô hình của giáo dục, lập tức ta nhận ra mục đích của giáo dục Kitô giáo là đào tạo con người toàn diện, nghĩa là quan tâm đến mọi chiều kích của đời sống. Cách cụ thể, ta thử nhìn lại một ngày sống tiêu biểu của Chúa Giêsu như thánh Marcô mô tả:

“Chúa Giêsu và các môn đệ đi vào thành Capharnaum. Ngay ngày sabát, Người vào hội đường giảng dạy. Thiên hạ sửng sốt vì lời giảng dạy của Người vì Người giảng dạy như Đấng có thẩm quyền chứ không như các kinh sư…

Vừa ra khỏi hội đường Capharnaum, Chúa Giêsu đi đến nhà hai ông Simon và Anrê. Có ông Giacôbê và Gioan cùng đi theo. Lúc đó, bà mẹ vợ ông Simon vừa lên cơn sốt, nằm trên giường. Lập tức họ nói cho Người biết tình trạng của bà. Người lại gần, cầm lấy tay bà mà đỡ dậy; cơn sốt dứt ngay và bà phục vụ các ngài.

Chiều đến, khi mặt trời đã lặn, người ta đem đến mọi kẻ ốm đau và những ai bị quỷ ám đến cho Người. Cả thành xúm lại trước cửa. Chúa Giêsu chữa nhiều kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh tật, và trừ nhiều quỷ nhưng không cho chúng nói vì chúng biết Người là ai.

Sáng sớm, lúc trời còn tối mịt, Người đã dậy, đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện ở đó. Ông Simon và các bạn kéo nhau đi tìm. Khi gặp Người, các ông thưa: Mọi người đang tìm Thầy đấy. Người bảo các ông: Chúng ta hãy đi nơi khác, đến các làng xã chung quanh để Thầy còn rao giảng ở đó nữa, vì Thầy ra đi cốt để làm việc đó” (Mc 1,21-38).

Bản văn Tin Mừng Marcô mô tả một ngày sống của Chúa Giêsu, qua đó cũng thấy được những nét căn bản trong lối sống của Người, và qua đó có thể thấy được nội dung của giáo dục Kitô giáo:

* mở ra với siêu việt: các sách Tin Mừng ghi nhận rằng Đức Giêsu thường xuyên tìm nơi thanh vắng vào những thời điểm tĩnh lặng nhất để cầu nguyện. Và trong lời rao giảng của Ngài, Đức Giêsu luôn hướng người nghe đến Nước Trời là thực tại siêu việt, vượt lên trên tất cả và ôm ấp tất cả. Cũng thế, giáo dục Kitô giáo không chỉ giới hạn con người trong chân trời tại thế nhưng muốn hướng con người tới cõi siêu việt, nhờ đó biết vượt lên trên những bon chen của cuộc sống, luôn vươn tới tầm cao tinh thần và mang lại cho cuộc sống đời thường một ý nghĩa mới.

* mở ra với tha nhân: cuộc sống của Đức Giêsu luôn là sống cho người khác. Những hình ảnh quen thuộc Người sử dụng để nói về đời sống Kitô hữu đều hàm chứa ý nghĩa về một hiện hữu cho người khác: làm men cho bánh, làm muối cho đời, trở thành tấm bánh bẻ ra… Điều răn lớn nhất Ngài ban bố là điều răn yêu thương, và chính Ngài sống trước nên có thể nói với các môn đệ rằng “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy yêu thương anh em.” Giáo dục Kitô giáo giúp con người biết mở rộng tâm hồn trước tha nhân và những nhu cầu của họ. Dù học gì và làm gì chăng nữa thì định hướng căn bản vẫn là mở ra với tha nhân.

* làm chủ bản thân: khi các môn đệ đi tìm và nói với Đức Giêsu, “Mọi người đang đi tìm Thầy,” Đức Giêsu đã không chiều ý các môn đệ và đám đông nhưng cương quyết ra đi vì sứ mạng của Người.. Sẽ còn thấy sự cương quyết của Người mạnh mẽ hơn nữa khi phải quyết định bước vào cuộc khổ nạn. Người không để cho tình cảm tự nhiên cản lối, cũng không để nỗi sợ hãi chế ngự, nhưng Người làm chủ bản thân để hoàn toàn hiến mình phục vụ cho Nước Trời, Nước của chân lý, tình thương và an bình. Giáo dục Kitô giáo nhằm đào tạo những con người có khả năng làm chủ bản thân, làm chủ những dục vọng tự nhiên thay vì để dục vọng chế ngự và lôi kéo mình. Theo đó, giáo dục Kitô giáo là một nền giáo dục mang tính toàn diện. Định hướng này lại càng khẩn thiết hơn trong thời đại ngày nay vì “nếu tiến bộ kỹ thuật không đi đôi với tiến bộ trong việc giáo dục đạo đức con người, trong sự tăng trưởng con người nội tâm, thì đó chẳng phải là tiến bộ nữa nhưng là mối đe doạ đối với con người và thế giới”4.

Đây là lý do Thư Mục Vụ 2008 nói đến nội dung giáo dục có tính toàn diện:

- giáo dục đức tin (14): “Những lời cầu nguyện ngắn gọn, những nội dung giáo lý căn bản, những câu chuyện lấy từ Thánh Kinh, nếu được cha mẹ ân cần chỉ bảo, sẽ tạo nơi các em một nền tảng giáo lý vững chắc và một đời sống thiêng liêng sâu đậm sau này.”

- giáo dục đức ái (15): “Cần giáo dục cho con cái biết yêu thương hiếu thảo với ông bà cha mẹ, biết yêu thương kính trọng bà con họ hàng, biết yêu thương và kính trọng mọi người. Cũng cần giáo dục con cái biết yêu thương, tôn trọng, nâng đỡ, hi sinh cho nhau. Con người không biết sống yêu thương trong gia đình thì không thể sống yêu thương đúng nghĩa trong các môi trường xã hội.”

- giáo dục lương tâm (16): “lương tâm ngay chính và đời sống nội tâm sâu xa là yếu tố căn bản cho sự bền vững và phát triển của xã hội. Những hoạt động xã hội, văn hoá, chính trị đều phải xây dựng trên lương tâm ngay chính mới mang lại hiệu quả tích cực.”

- giáo dục các đức tính nhân bản (số 17): “Khi chú trọng giáo dục cho con cái những đức tính nhân bản như khôn ngoan, công bằng, can đảm và tiết độ, các bậc phụ huynh đang huấn luyện con cái mình “thành người”. Giáo dục nhân bản còn nhằm huấn luyện con người có trách nhiệm đối với tha nhân và công ích, góp phần bảo vệ và phát triển cuộc sống xã hội, tôn trọng thiên nhiên, cổ võ những hoạt động bác ái.”

3. Môi trường

Nếu giáo dục chỉ là cung cấp kiến thức thì khi nói đến giáo dục, người ta chỉ nghĩ đến nhà trường và đó là cách hiểu khá phổ biến ngày nay. Thế nhưng giáo dục Kitô giáo hướng đến việc đào tạo con người toàn diện, do đó môi trường giáo dục không chỉ là nhà trường mà là tất cả những môi trường nơi đó con người sinh sống và hít thở, đặc biệt là gia đình. Ở đây cũng thế, để thấy được tầm quan trọng của môi trường gia đình, cần phải quy chiếu về mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể.

Jean Paul Sartre nhận xét rằng mỗi con người khi sinh ra trên trái đất này đều chưa có khuôn mặt rõ nét.. Cụ thể là khi quan sát các trẻ sơ sinh, có thể thấy ba đặc tính này: một là đứa trẻ chưa mang nét cá nhân nên nhìn đứa nào cũng giống đứa nào, hai là đứa trẻ chưa có cá tính rõ nét nên chưa thể nói được tính tình nó ra sao, ba là vẻ đẹp của đứa trẻ thuần tuý là vẻ đẹp thể lý, chưa có vẻ đẹp tri thức và tinh thần. Theo dòng thời gian, khuôn mặt mỗi con người mới được định hình rõ nét hơn xuyên qua cuộc sống, kinh nghiệm và nỗ lực của mỗi người. Cho đến tuổi 40 thì mỗi người đã định hình khuôn mặt cá nhân của mình. Vào tuổi đó, khuôn mặt mỗi người nói lên cá tính của họ, và vẻ đẹp của mỗi con người không còn là vẻ đẹp thể lý nhưng là vẻ đẹp tinh thần toát ra từ bên trong. Chẳng hạn khuôn mặt Mẹ Têrêxa Calcutta là khuôn mặt nhăn nheo về thể lý nhưng lại toát lên vẻ đẹp tinh thần hết sức đặc biệt.

Nhận xét của Sartre cho thấy tác động của môi trường sống và giáo dục trên con người quan trọng thế nào. Từ nhận xét đó, khi chiêm ngắm Đức Giêsu Nadarét, ta có thể tự hỏi: Có phải ngẫu nhiên mà khuôn mặt Đức Giêsu trở thành khuôn mặt mà khi người ta nhìn vào, có thể thấy chính Thiên Chúa (x. Ga 14,9)? Chắc chắn là không. Ngôi Lời Thiên Chúa đã làm người thực sự, nên giống chúng ta trong mọi sự, chỉ trừ tội lỗi.. Và xét như một con người, Ngài cũng phải học làm người, và môi trường tác động lên nhân cách Đức Giêsu nhiều nhất chính là gia đình. Thư Mục Vụ 2008 khẳng định rằng, “Thánh Giuse và Đức Maria đã nuôi dưỡng và giáo dục Hài nhi Giêsu ngay từ lúc chào đời. Chính trong khung cảnh gia đình, Đức Giêsu đã học những bài học căn bản về đức tin và văn hoá… Lối giáo dục của Thánh Giuse và Mẹ Maria đã làm phong phú lời giảng dạy của vị ngôn sứ thành Nadarét sau này” (TMV số 5).

Như thế, nhìn từ góc độ nhân học cũng như thần học, gia đình đều có tầm quan trọng đặc biệt trong việc giáo dục. Lại càng cần thiết hơn đối với gia đình công giáo trong bối cảnh một xã hội không cho phép có trường công giáo; khi đó, việc giáo dục đức tin chủ yếu trông nhờ vào gia đình và sự cộng tác của gia đình với giáo xứ. Đó là lý do Thư Mục Vụ 2008 mời gọi các gia đình công giáo cố gắng xây dựng đời sống gia đình thành môi trường thuận lợi nhất cho việc giáo dục Kitô giáo: “Gia đình Nadarét cho thấy tầm quan trọng của gia đình trong việc giáo dục. Thánh Gia thất chính là mẫu gương cho các gia đình, nhất là những người làm cha làm mẹ, trong mọi nền văn hoá và môi trường xã hội (số 5).

4. Phương pháp

Nếu giáo dục chỉ là truyền thụ kiến thức thì nhà giáo dục chỉ cần có kiến thức chuyên môn là đủ, nhưng nếu hiểu giáo dục Kitô giáo là đào tạo con người toàn diện thì bản thân nhà giáo dục cũng chỉ có thể chu toàn bổn phận khi giáo dục người khác bằng cả con người của mình.

Đức Dalai-Lama có một nhận xét rất đáng quan tâm về giáo dục tôn giáo nhưng cũng có thể áp dụng cho các lãnh vực khác. Ngài nói, “Trong Phật giáo, khi nói đến giáo huấn hay giáo thuyết, chúng tôi nhìn ở hai mức độ, hai loại. Mức độ thứ nhất liên quan đến các văn bản, mức độ thứ hai liên quan đến sự thể nghiệm… Liên quan đến sự thể nghiệm, điều rất quan trọng là một người muốn dạy người khác, thì chính mình phải có kinh nghiệm tối thiểu về điều mình giảng dạy, phải hoàn tất đoạn đường nào đó trong sự thể nghiệm thiêng liêng. Như thế nó hoàn toàn khác với các loại hình truyền thông khác, khi người ta kể lại một câu chuyện lịch sử hoặc khi một sử gia tường thuật những biến cố đã qua. Trong những trường hợp đó, người ta kể lại những sự kiện mà không hề sống.. Còn trong việc giảng dạy về đời sống tâm linh, điều thiết yếu là người giảng dạy phải có một chút thể nghiệm và kinh nghiệm bản thân.”

Một trong những thiếu sót lớn nhất của giáo dục thời hiện đại là sự tách biệt tri thức và đạo đức, kiến thức và kinh nghiệm, từ đó dẫn đến tình trạng “thầy không ra thầy, trò không ra trò.” Từ quan điểm giáo dục là đào tạo con người toàn diện, Thư Mục Vụ 2008 kêu gọi các gia đình chu toàn nhiệm vụ giáo dục con cái không chỉ bằng những bài học lý thuyết mà còn bằng chính gương sáng và những thực hành cụ thể. Để giáo dục đức tin, cần xây dựng bầu khí cầu nguyện ngay trong gia đình, cụ thể là đọc kinh chung trong gia đình, vì “những thực hành đạo đức ấy sẽ theo các em suốt đời, kể cả khi các em rời xa gia đình để sống trong những môi trường khác” (số 14). Để giáo dục tình yêu thương, cần xây dựng bầu khí yêu thương ngay trong gia đình, nhờ đó “mọi thành viên trong gia đình đều cảm nhận sâu xa là mình được mọi người trong gia đình yêu thương và tình yêu của mình được mọi người đón nhận, đáp trả”; đồng thời chính cha mẹ phải nêu gương trước (số 15). Để giáo dục lương tâm, sẽ “thật là mâu thuẫn nếu trong nhà, cha mẹ dạy con cái thật thà mà ra khỏi gia đình, cha mẹ lại gian lận dối trá đối với những người chung quanh. Gương sáng của cha mẹ và những bậc cha anh đóng vai trò quan trọng để giáo dục lương tâm cho những thế hệ nối tiếp” (số 16).

Kết luận

Không ít người lớn tuổi, công giáo và ngoài công giáo, nhớ về những mái trường công giáo trước 1975 tại miền Nam Việt Nam, và tự hỏi: tại sao Giáo Hội lại không tiếp tục công việc tốt đẹp như thế? Cũng có một sự thật hiển nhiên là trong hầu hết các quốc gia, Giáo Hội hoạt động rất mạnh và có uy tín lớn trong lãnh vực giáo dục. Nói ra hay không nói ra, ẩn bên trong những thành công và đóng góp đó là triết lý giáo dục Kitô giáo với mô hình đào tạo con người toàn diện, đào tạo những con người biết tiếp tục tự đào tạo, và nhấn mạnh phẩm chất đạo đức của nhà đào tạo. Trong bối cảnh hiện tại, dù cho không còn trường công giáo, các gia đình công giáo tại Việt Nam vẫn có thể đóng góp cho xã hội trong lãnh vực giáo dục khi xây dựng gia đình mình thành môi trường giáo dục đích thực. Thư Mục Vụ 2008 của HĐGMVN không nói đến triết lý giáo dục nhưng sử dụng ngôn ngữ mục vụ để hướng dẫn các gia đình công giáo về giáo dục Kitô giáo cho con cái; qua đó, cũng góp phần xây dựng xã hội lành mạnh và phát triển vững bền, bởi lẽ xã hội mới được hình thành nhờ những con người mới.

Mùa Chay 2009

HTT

----------------------------------------------------------------------------

1 Nguyễn Thái Hợp, Tôn Giáo-Giáo Dục: Một Cách Tiếp Cận, Tài liệu lưu hành nội bộ 2009, tr. 34-36.

2 Ibid., tr. 41-42.

3 Remark by Pope Benedict XVI, The Catholic University of America, April 17, 2008.

4 Bênêđictô XVI, Spe Salvi, số 22.

5 Le Dalai-Lama parle de Jésus, Ed. Brepols 1996, p. 106)
 
Nhà ta là nhà cầu nguyện
Lm Trần Bìng Trọng
03:44 14/03/2009
Chúa Nhật 3 Mùa Chay, Năm B (Xh 20:1-17; 1Cr 1: 22-25; Ga 2:13-25)

Vào dịp lễ Vượt qua của người Do thái, Ðức Giêsu lên Giêrusalem, thấy người ta đổi tiền bạc và mua bán súc vật trong quảng trường của Ðền thờ, Người liền lấy giây làm roi mà xua đuổi tất cả chiên cũng như bò ra khỏi Ðền thờ; còn tiền của những người đổi bạc, Người đổ tung ra và lật nhào bàn ghế của họ (Ga 3:15). Luật Do thái cấm chỉ việc mua bán trong khu vực Ðền thờ. Tuy nhiên hàng tư tế quản trị Ðền thờ lại dung thứ cho dịch vụ này. Việc dung thứ có thể hiểu được vì những người từ xa đến khó có thể mang theo súc vật để hiến dâng, cho nên việc mua bán súc vật trong khu vực Ðền thờ được hiểu là tiện lợi. Tiện lợi chứ không hẳn là cần thiết vì việc mua bán vẫn có thể được thực hiện bên ngoài các cổng ngoại tường Ðền thờ. Vậy nếu việc mua bán súc vật và đổi tiền được coi là tiện lợi cho những người từ xa tới, thì tại sao Ðức Giêsu lại tỏ ra khó chịu, lên tiếng cảnh giác những người buôn bán súc vật và đổi tiền quanh Ðền thờ?

Thưa rằng dịch vụ hối đoái để trả thuế Ðền thờ và mua bán súc vật để hiến dâng đã trở thành một việc chỉ nhắm mục đích thương mại. Người bán thì coi đó như là cách thế làm tiền, còn người mua thì phải mua một cách bất đắc dĩ cho việc dâng hiến. Rồi súc vật hiến dâng phải chịu sự khám xét của nhân viên đền thờ để được chứng nhận con vật không có vết tì ố. Thực tế thì viên chức Đền thờ muốn có độc quyền cho người đấu thầu bán súc vật trong khu vực đền thờ cho nên người dân nghĩ rằng họ phải mua súc vật được đấu thầu bên trong thì mới được bảo đảm là con vật có đủ tiêu chuẩn cho việc hiến dâng. Rồi họ còn phải trả tiền khám xét súc vật nữa. Do đó người nghèo cũng phải mua súc vật của họ với giá cắt cổ thay vì mua ở ngoài theo giá thị trường.

Thứ đến việc đổi tiền để nộp thuế cho Ðền thờ cũng có gì không chỉnh. Theo luật Do thái, mỗi người nam công dân Do thái phải đóng thuế đền thờ, tương đương với hai ngày công. Ðức Giêsu cũng đóng thuế đền thờ (Mt 17:27). Thuế đóng cho Ðền thờ mỗi năm một lần bằng tiền Do thái vì tiền Rôma có hình vua ngoại đạo là Xêdarê, nên không được lưu hành trong Ðền thờ. Ðổi từ tiền Rôma hay những loại tiền ngoại quốc khác sang tiền Do thái phải trả tiền huê hồng đáng kể cho quầy đổi tiền.

Ðền thờ Giêrusalem đồ sộ, nguy nga và lộng lẫy vừa được xây cất lần thứ ba là qùa tặng của vua Hêrôđê, có lẽ nhắm mục đích chính trị hầu làm vừa lòng dân chúng hơn là sùng đạo. Như vậy không có vấn đề dân chúng phải trả nợ. Do đó dịch vụ buôn bán súc vật và đổi tiền chỉ còn đem tiền lời chồng chất lên ngân khố Đền thờ. Còn nhóm người đổi tiền và buôn bán súc vật cũng đã phải trở nên giầu có. Rồi hàng đại tư tế cho đấu thầu hai dịch vụ này cũng phải có món tiền bỏ túi riêng. Vì thế mà Ðức Giêsu lên tiếng cảnh giác họ: Ðừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán (Ga 2:16). Ðó là lời quở trách những nhà lãnh đạo tôn giáo thời bấy giờ đã đồng loã trong việc thương mại hoá và phàm tục hoá Ðền thờ. Phúc âm thánh Mát-thêu, Mác-cô, và Luca còn ghi lại lời Ðức Giêsu trích dẫn sách ngôn sứ Isaia ghi: Nhà Ta sẽ được gọi là nhà cầu nguyện (Is 56:7), rồi dùng lời ngôn sứ Giêrêmia (Gr 7:11) để khiển trách họ vì họ đã biến nơi thờ phượng thành sào huyệt của bọn cướp (Mt 21:14; Mk 11:17; Lk 19:46).

Khi người Do thái hỏi xem Ðức Giêsu lấy dấu chỉ nào mà tỏ uy quyền làm như vậy, thì Chúa dùng cơ hội này tiên báo về việc phục sinh của Người: Các ông cứ phá huỷ Ðền thờ này đi; nội trong ba ngày, tôi sẽ xây dựng lại (Ga 2:19). Ở đây Chúa muốn nói đến đền thờ là thân thể phục sinh của Người sau khi đã nằm trong mộ ba ngày, mà họ không hiểu. Ngay cả các môn đệ cũng chưa hiểu nổi. Khi có mấy môn đệ trầm trồ khen ngợi Ðền thờ, thưa với Chúa: Thầy xem kìa: đá lớn thật! Công trình kiến trúc vĩ đai thay (Mk 13:1) thì Chúa trả lời: Tại đây, sẽ không còn tảng đá nào trên tảng đá nào; tất cả đều sẽ bị phá đổ (Mc 13:2). Năm bảy mươi sau công nguyên, tướng Titô của đế quốc La mã cho đem quân đội đến phá huỷ Ðền thờ, chỉ để chừa lại một phần của bức tường Đền thờ đế chứng minh cho hậu thế biết rằng quân đội La mã hùng mạnh đến thế nào. Trong một nhóm linh mục hành hương sang Thánh địa khi thăm một phần bức tường than khóc Đền thờ còn tồn tại, ghé vào tai linh mục bạn nói: Chu choa! Sao người ta có thể phá huỷ bức tường này vậy (khi chưa có chất nổ, xe tăng và xe ủi).

Phúc âm hôm nay nhắc đến việc các môn đệ nhớ lại lời Thánh kinh: Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa làm hao mòn thân tôi (Tv 69:10). Luật Chúa ban cho Mosê dậy dân Người phải giữ ngày Sabát (Xh 20:8-10) là ngày thứ Bảy, ngày thánh, ngày lễ nghỉ. Khi Ðức Giêsu sống lại vào ngày thứ Nhất trong tuần, Giáo hội mới chuyển sang ngày Chúa nhật để thờ phượng và nghỉ ngơi. Do lòng nhiệt thành lo việc nhà Chúa mà Giáo hội hoàn vũ cũng như giáo phận địa phương còn đưa ra những luật lệ nơi thánh đường và trong khuôn viên nhà thờ trong giờ thờ phượng công cộng để bảo đảm cho giáo dân khỏi bị chia trí trong khi thờ phượng. Vậy thì lòng nhiệt thành với việc nhà Chúa phải nhắc nhở cho ta biết tỏ ra tôn kính nhà Chúa, khi đến nhà thờ làm việc thờ phượng và cầu nguyện.

Do đó Giáo hội đòi hỏi khi đến nhà thờ ngày Chúa nhật để thờ phương cách công cộng, người công giáo nên ăn bận thế nào, tỏ ra những cử chỉ ra sao để giúp khơi dậy tâm tình đạo đức thích hợp. Lòng nhiệt thành cho nhà Chúa phải nhắc nhở ta dạy cho con cháu biết phân biệt đâu là nơi thờ phượng và nhắc cho con cháu tránh những cử chỉ và hành động gây chia trí cho người khác. Có linh mục kia nhận được lá thư của một người đàn ông có kí tên, mà ngài không quen biết, được trích nguyên văn như sau: Thưa Cha, tôi đi nhà thờ hằng ngày, hầu hết bảy ngày trong tuần và lần nào ở hàng ghế đầu, đều thấy mấy bà rất trẻ, rất khoẻ mạnh, mang hài cao, mặc váy ngắn, tóc tai ngắn ngủi, đi lễ rất trễ, cứ chạy xoong xoong lên hàng ghế đầu để gần các cha. Có những bà ăn mặc không được kín đáo, mà ngồi gần như vậy, thì không tốt mấy. Tôi xin Cha đề nghị với Cha sở xem có cách nào giảỉ quyết? Ông cha nhận được thư thì thắc mắc sao ông này có mắt quan sát hay thiệt.

Giáo hội còn đưa ra những nguyên tắc về phụng vụ, về thánh nhạc, về kiến trúc thánh và nghệ thuật thánh và mở những lớp huấn luyện nhằm cải tiến những bộ môn trên. Không cần phải đào sâu, mà chỉ cần hiểu biết sơ qua cũng thấy thánh nhạc, dụng cụ nhạc khí dùng trong nhà thờ và các cơ sở thánh thì mầu sắc, âm thanh, ánh sáng, vật liệu và phẩm chất của vật liệu xử dụng phải khác biệt. Vậy thì những mầu sắc hay bóng đèn mầu loè loẹt nhấp nháy có thích hợp trong nhà thờ không? Người am hiểu nghệ thuật, kiến trúc và hội họa thánh khi đến thánh đường mà thấy không phải là nghệ thuật, kiến trúc và hội hoạ thánh, khiến họ có thể chia trí, khó chịu và còn ẫm ức nữa. Những xứ đạo nghèo ở miền quê, thì chưa có đủ điều kiện, khả năng và phương tiện để đạt tới mức độ khả quan đó thì người ta cũng thông cảm. Còn những xứ đạo lớn ở thành thị: có nhân lực, vật lực và nhân tài có thể gửi người đi học để được huấn luyện về kiến trúc và hội hoạ thánh, về những nguyên tắc phụng vụ và thánh nhạc và nhạc khí để rồi cho áp dụng.

Việc kiến thiết và tu bổ nơi thờ phượng công cộng nhất là trên cung thánh tại những xứ đạo có những điều kiện và phương tiện trên, phải nhờ đến kiến trúc sư có khả năng và được huấn luyện về kiến trúc và nghệ thuật thánh chứ không phải là việc làm vá víu có tính chất mộc mạc của thợ cây nhà lá vườn. Nếu công trình kiến trúc lớn và phức tạp, kiến trúc sư còn phải nhờ đến giới chuyên môn khác như kĩ sư điện, kĩ sư máy móc, kĩ sư âm thanh, kĩ sư ánh sáng, kĩ sư đo độ co dãn của vật liệu tuỳ theo thời tiết... Bức họa hình thánh để tôn kính cũng phải được nghiên cứu và theo dõi việc thực hiện của hoạ sĩ chứ không phải như cho vẽ tấm phông cho buổi trình diễn văn nghệ. Khuôn viên nhà thờ cũng phải được kiến thiết sao cho có vẻ thẩm mỹ làm đẹp mắt nữa.

Một linh mục kia có lần đến xin đồng cử hành cuộc Khổ nạn của Chúa vào Thứ Sáu Tuần Thánh tại một xứ đạo kia. Linh mục khách được trao cho cây thập giá có tượng chịu nạn để cho giáo dân hôn kính. Chiều đứng cây thập giá dài độ sáu mươi phân. Hình như cả cây thập giá và tượng chịu nạn làm bằng kẽm. Linh mục đó quan sát cây thập giá thấy chia trí vì không khơi dậy được tâm tình đạo đức. Chân tượng chịu nạn quá dài sánh vói thân hình tượng. Hai đầu gối giang ra quá xa và nhô lên quá cao khỏi thân cây thập giá cho thấy việc thiết kế tượng chịu nạn thiếu cân đối và thiếu nét thuần phong mĩ tục. Linh mục đó nói cầm thập giá bằng tay trái thấy khá nặng, rồi còn phải đưa chân tượng vào gần miệng cho giáo dân hôn kính và tay kia cầm khăn lau chân tượng sau mỗi lần có người hôn kính. Linh mục đó lại nói thấy hơi mỏi tay và còn phải cẩn thận kẻo nhỡ đầu gối của tượng chịu nạn đụng vào trán hay xương gò má của người hôn kính thì cũng có thể làm họ đau. Câu chuyện này có ý nhắc nhở việc cung cấp tượng chịu nạn cần cân nhắc xem chọn tượng nào, cho treo ở đâu và có nên dùng để cho giáo dân hôn kính, hầu khỏi làm họ chia trí không?

Nghệ thuật và kiến trúc thánh gồm biểu hiệu bàn đến ở đây là kiến trúc và nghệ thuật Kitô giáo. Do đó muốn hội nhập văn hoá mà đem nét văn hoá bản xứ vào mà không chọn lọc, đào thải và thích ứng, có thể trở thành lạc lõng, méo mó. Và khi đem một nét văn hoá hay phong tục không phải là Kitô giáo vào đạo Kitô, thì giống như việc cắt râu ông nọ cắm cằm bà kia vậy, nếu không cho rửa tội cho sản phẩm văn hoá và phong tục đó.

Tóm lại về phương diện tiêu cực tại nơi thờ phượng công cộng, phải giữ những kỉ luật nào đó để khỏi gây chia trí và than phiền nơi người đến thờ phượng. Còn về phương diện tích cực, thì tuỳ khả năng và phương tiện của mỗi địa phương, cần đạt tới mức độ tương xứng trong nghệ thuật thánh, kiến trúc thánh và việc cử hành phụng vụ để giúp người đến thờ phượng có tầm hiểu biết khá về các bộ môn trên đánh giá được vẻ đẹp được diễn tả qua các bộ môn liên hệ và giúp người chưa hiểu biết, để với thời gian, họ cũng thưởng thức được vẻ đẹp của kiến trúc thánh, nghệ thuật thánh và thánh nhạc mà ca tụng Ðấng sáng tạo.

Lời cầu nguyện xin cho được ơn biết tôn kính nhà Chúa:

Lạy Chúa là Ðấng sáng tạo và quan phòng muôn loài.
Chúa hiện diện khắp mọi nơi, trên toàn cõi địa cầu.
Ðặc biệt Chúa diện diện trong thánh đường
nơi có Mình Thánh Chúa Kitô ngự trị.
Xin dạy con biết tỏ ra tôn kính và yêu mến nhà Chúa,
và cho con được tìm thấy nơi nhà Chúa
nguồn sức mạnh, niềm an ủi và sự cậy trông
của đời con. Amen.
 
Đức Giêsu Tẩy Uế Đền Thờ
LM Vũ Phan Long, OFM
04:11 14/03/2009
Đức Giêsu Tẩy Uế Đền Thờ

Gioan 2,13-25

Đức Giêsu, Đấng “có lòng hiền hậu và khiêm nhường”, là bạn của kẻ tội lỗi, cũng biết nổi giận khi cần, vì vinh quang của Thiên Chúa Cha.

I. Ngữ cảnh

Lần đầu tiên, tác giả Gioan có một bản văn song song với các TMNL (Mc 11,15-19; Mt 21,12-17; Lc 19,45-48). Tuy nhiên, có những khác biệt:

- Trong khi TM IV đặt biến cố này vào đầu sứ vụ của Đức Giêsu, các TMNL lại đặt ở đầu tuần Khổ Nạn.

- Lý do đã thúc đẩy Đức Giêsu can thiệp được gợi hứng bởi các bản văn ngôn sứ, cũng không giống nhau: “một nơi buôn bán” (Ga 2,16) thì nhắm đến chuyện mua qua bán lại, còn “sào huyệt của bọn cướp” (Mc 11,17 và //) thì hàm chứa một cáo giác về sự trộm cắp.

- Cuối cùng, cuộc cãi vã giữa Đức Giêsu và các đối thủ xảy ra ngay sau đó (theo Ga), hoặc lại vào ngày hôm sau (theo các TMNL: Mc 11,28 và //).

Trong quá khứ, người ta thường đề nghị một giả thuyết, theo chiều hướng tương phù (concordism): Đức Giêsu đã đuổi những người buôn bán khỏi Đền Thờ 2 lần, vào đầu sứ vụ (Ga) và cuối sứ vụ (TMNL). Nhưng dường như khó tin được rằng Đức Giêsu có thể lặp lại được một thách đố như thế đối với giới lãnh đạo Do-thái giáo. Đàng khác, giữa bản văn của Ga và của các TMNL có những nét tương đồng, khiến người ta phải nghĩ rằng hầu chắc các bản văn ấy đều đề cập tới một biến cố duy nhất: nơi cả hai bên, ta đều thấy cùng một cơ hội đã khiến Đức Giêsu làm cử chỉ ấy (sự hiện diện của những người buôn bán và đổi tiền trong Đền Thờ), có một lời Đức Giêsu trách mắng những người bán hàng, sự can thiệp của các thủ lãnh Do-thái, và nhất là dây liên hệ chặt chẽ giữa hành động này và cái chết của Đức Giêsu (Ga 2,17.19; Mc 11,18; Lc 19,47). Vậy phải chọn giữa bài của Gioan và bài của TMNL: bài nào đã đặt biến cố này vào đúng thời điểm?

1. Đa số các nhà chú giải Công giáo và nhiều nhà chú giải Tin lành ủng hộ bài của Gioan. Luận điểm chính nằm trong chi tiết về thời gian do Ga 2,20 cung cấp: Công việc xây dựng Đền Thờ bắt đầu từ năm 20/19 tr CG (Fl. Josèphe, Ant XV, 380); vào lúc này là năm 28/27 sau CG: thời điểm này phù hợp với khởi đầu sứ vụ của Đức Giêsu hơn. Khi đó, người ta hiểu các TMNL đã đặt biến cố này vào cuối sứ vụ của Đức Giêsu, bởi vì các TMNL chỉ nói đến một chuyến đi lên Giêrusalem duy nhất và một lễ Vượt Qua duy nhất.

2. Những người nghiêng về các TMNL thì ghi nhận trước tiên rằng dây liên kết giữa thách đố này của Đức Giêsu và cái chết của Người không mấy phù hợp với thời gian khởi đầu sứ vụ của Người. Tại cuộc xử án Đức Giêsu, lời của các nhân chứng nhắc lại câu tuyên bố của Người về việc phá Đền Thờ giả thiết là sự việc mới xảy ra, nên người ta còn nhớ rõ. Nhưng luận điểm mạnh nhất, là tác giả Gioan đã đưa bài tường thuật này ra đầu sứ vụ của Đức Giêsu, vì ngài trung thành với quan điểm ngài đã biểu lộ trong bài tường thuật Dấu lạ Cana (2,4.11): ngài muốn quy hướng toàn thể sứ vụ của Đức Giêsu ngay từ đầu về “giờ” Khổ Nạn của Người; hơn nữa, Gioan muốn rằng Do-thái giáo chính thức được chứng kiến Đức Giêsu biểu lộ tư cách Mêsia của Người ngay từ đầu, để những người Do-thái phải ở trong một tư thế bị phán xét.

Nói cho cùng, thật khó chọn bài nào, bởi vì cả hai luận đề đều có những lập luận vững chắc.

II. Bố cục

Bản văn có thể chia thành ba phần:

1) Đức Giêsu tẩy uế Đền Thờ (2,13-17);

2) Đức Giêsu nói về phá hủy và xây dựng lại Đền Thờ (2,18-22);

3) Chuyển tiếp và dẫn nhập vào truyện Nicôđêmô (2,23-25).

III. Vài điểm chú giải

- Gần đến lễ Vượt Qua của người Do-thái (13): Thời gian của dấu lạ này dĩ nhiên gợi nhớ tới lễ Vượt Qua trong đó Đức Giêsu sẽ bị xử tử. Tương quan giữa việc tẩy uế Đền Thờ và cuộc Khổ Nạn của Đức Giêsu đã được ám chỉ. Mc 11,18 và Lc 19,47t sẽ ghi nhận rằng sự can thiệp của Đức Giêsu, vì kết án cả giới lãnh đạo Do-thái giáo, sẽ khiến các thượng tế và các kinh sư quyết định “giết Người”.

- trong Đền thờ (en tôi hiêrôi, 14): Đây là tiền đường của Đền Thờ (đối lại với naos là Đền Thờ đúng nghĩa, gần gian Thánh và gian Cực Thánh).

- Các môn đệ của Người nhớ lại (17): Sau khi Đức Giêsu sống lại, khi Thánh Thần đã ban cho các ông hiểu các dấu chỉ Thầy đã làm, các môn đệ đã hiểu biến cố hôm nay.

- Người Do-thái (18): Trong thực tế, đây là giới lãnh đạo Đền Thờ (các tư tế, các thầy Lêvi và vệ binh), những người chịu trách nhiệm về tình trạng vừa bị Đức Giêsu kết án. Như ở khắp nơi trong TM IV, tác giả không phân biệt giữa các nhà lãnh đạo và dân Do-thái đã từ chối tin vào Đức Kitô. Vậy phải nói là toàn thể hệ thống phượng tự của dân này đang được đề cập đến.

- Các ông cứ phá hủy (làm tan rã) Đền thờ này đi; nội ba ngày, tôi sẽ xây dựng lại (sẽ đánh thức dậy) (19): Câu này có thể hiểu là một mệnh lệnh: “Các ông hãy phá hủy...”, hoặc như một câu ở thì tương lai: “Các ông sẽ phá hủy...”, hoặc như một câu giả thiết: “Cứ giả sử là các ông phá hủy...”. Thật ra, các động từ “làm tan rã” (lyô) và “đánh thức dậy” (egeirô) không phù hợp chút nào với một tòa nhà vật chất cả.

- bốn mươi sáu năm (20): Đền Thờ, với phần cung thánh và tiền đường, đã được vua Hêrôđê rộng tay chi tiền sửa sang lại thật huy hoàng. Khởi công vào năm 16 triều đại ông (x. Fl. Josèphe, Ant. jud., 15, 11, 1) vào năm 734-735 thành Rôma, là năm 20-19 tr. CG, các công việc đã kéo dài cho tới thời Tổng đốc Anbinô, năm 62-64 (Ant. jud., 20, 9, 7). Vào thời điểm của bài tường thuật này, chúng ta ở vào năm xây dựng thứ 46. Lấy khởi điểm là năm 20 hoặc 19, sự cố tẩy uế Đền Thờ đã xảy ra vào lễ Vượt Qua năm 27 hoặc 28. Điều này phù hợp với Lc 3,2, vì bản văn này đã xác định phép rửa của Đức Giêsu xảy ra vào năm 15 triều đại Tibêriô, tức giữa ngày 1-10-27 và 30-9-28.

- là chính thân thể Người (21): Đền Thờ mới sẽ thay thế Đền Thờ cũ đã bị tục hóa chính là thân thể phục sinh của Đức Kitô. Với lời giải thích của thánh Phaolô (x. 1 Cr 3,16 và 12,27; Ep 2,21 và 4,12), Đền Thờ mới là Giáo Hội, thân thể vinh hiển của Đức Kitô phục sinh, và tất cả các tín hữu được kết hợp với Người.

- Vậy, khi Người từ cõi chết chỗi dậy, các môn đệ nhớ lại... Họ tin (22): Máccô cứ đều đặn ghi nhận rằng các môn đệ không hiểu. Gioan thì nói cách tích cực rằng các môn đệ hiểu sau khi Đức Kitô đã sống lại (12,16). Chỉ khi Đức Giêsu được tôn vinh, các ông mới được nhận Thánh Thần (7,39), và Thánh Thần mới cho các ông hiểu tất cả những dấu lạ Đức Giêsu đã thực hiện (14,26; 15,26t). Vậy, đức tin của các môn đệ không được liên kết với cuộc Phục Sinh như với một bằng cớ về tính xác thực của những gì Đức Giêsu đã nói, nhưng như với nguyên do (= nguồn) ban Thánh Thần, là Đấng duy nhất cho phép hiểu.

- Họ tin vào Kinh Thánh (22): Không thể xác định rõ tác giả Gioan ám chỉ tới đoạn Cựu Ước nào. Có thể so sánh Cv 2,24t; 13,34tt, trong đó có những bản văn thường được Giáo Hội tiên khởi nhắc đến trong quan hệ với sự Phục Sinh của Đức Giêsu (đặc biệt Tv 16,10). Chúng ta ghi nhận rằng Kinh Thánh (Lời Thiên Chúa) và lời Đức Giêsu được đặt trên cùng một bình diện (so sánh 18,9.32) để làm nên đối tượng đức tin của các môn đệ.

- nhiều kẻ tin (23): Nhiều người tin rằng Đức Giêsu đến từ Thiên Chúa (3,2), nhưng không tin vào tất cả mầu nhiệm bản thân Người. Lòng tin của họ chỉ dựa trên các phép lạ, nên không phải là không có giá trị, nhưng bất toàn (4,48; 20,29).

IV. Ý nghĩa của bản văn

Đức Giêsu cũng tham dự vào một đại lễ khác. Đây không phải là một lễ của một đôi vợ chồng được cử hành bởi gia đình và mọi người thân thuộc trong khung cảnh một thôn làng như Cana ở Galilê, nhưng là lễ Vượt Qua, lễ trọng nhất của Israel, khi đó toàn dân quy tụ lại Giêrusalem. Israel tưởng niệm cuộc giải phóng khỏi Ai-cập và tạ ơn Thiên Chúa, vì Ngài đã làm cho họ thành một dân độc lập và thành Dân Ngài.

* Đức Giêsu tẩy uế Đền thờ (13-17)

Tại Đền Thờ, Đức Giêsu đã không góp phần cứu lấy và gia tăng niềm vui của ngày đại lễ, nhưng đã hòa vào cảnh sống náo nhiệt trên sân Đền Thờ. Con người đã rảo qua xứ sở cách an hòa (1,29.36) và đã ra tay cứu lễ mừng Cana cách hiệu quả, nay lại tỏ mình ra dưới một phương diện hoàn toàn khác. Là một người khách hành hương vô danh đến từ miền Galilê, Người đã gây ra một sự cố “động trời” tại Đền Thờ Giêrusalem. Theo TM IV, vào chuyến hành hương đầu tiên thuộc đời sống công khai của Người, Đức Giêsu đã bắt đầu hoạt động tại Giêrusalem như thế đó, bắt đầu từ sân dành cho Lương dân, phần ít cao quý nhất của tiền đường, phần duy nhất mà người ngoại quốc được đặt chân đến.

Truyền thống vẫn yêu cầu người ta tỏ ra trang nghiêm kính cẩn tại vùng sân này, chẳng hạn, phải tránh đi qua đó chỉ để đi tắt. Nhưng các quy định này, đặc biệt vào dịp lễ Vượt Qua, không được tuân giữ: do khách hành hương phải chuẩn bị các của lễ đúng quy định (một con bò hoặc một con chiên cho trường hợp những người giàu, một con bồ câu cho trường hợp những người nghèo), và một nửa đồng bạc Do-thái (một siklos, hoặc shéqèl bằng 4 ngày công) đóng thuế Đền Thờ, họ đã mua bán đổi chác gây huyên náo hỗn độn ngay tại đây. Các cửa hàng của những người bán bò và chiên được bố trí dưới các cổng, bàn của những người đổi bạc được đặt ngay ngoài trời, đã biến vùng sân này thành một cửa hàng tạp hóa vĩ đại. Tất cả tùy thuộc cách người ta quan niệm việc thờ phượng Thiên Chúa trong Đền Thờ. Hẳn là dân chúng nghĩ rằng có thú vật và tiền lẻ ngay tầm tay và đặt mọi sự dưới quyền kiểm soát của giới hữu trách Đền Thờ là tiện nhất. Nhưng điều này lại không phù hợp với quan niệm của Đức Giêsu về nhà của Cha Người. Người gọi Thiên Chúa là Cha và xác định cách cư xử dựa trên ý tưởng Người có về nhà Thiên Chúa. Không phải là mọi chuyện đều có thể chấp nhận. Không phải là cứ chuyện nào tiện lợi hoặc đưa lại tiền bạc là đúng đắn. Buôn bán thú vật được dùng làm lễ hy sinh là một sinh hoạt đáng trọng, nhưng phải cách xa nơi có sự hiện diện của Thiên Chúa và nơi người ta tôn kính Ngài. Đức Giêsu thấy có những lạm dụng.

Nay đã được đặt để trong chức năng Mêsia-Con Thiên Chúa, Đức Giêsu không chỉ vào Nhà Thiên Chúa như một khách hành hương, mà còn là người quản lý và chủ nhân. Nếu Người đã làm hành vi chứng tỏ uy quyền này ngay tại Đền Thờ có lẽ là để tự mạc khải ngay giữa lòng Do-thái giáo, trước mặt các nhà lãnh đạo và đám đông đa tạp các khách hành hương, nhờ thực hiện sấm ngôn Malakhi: “Và bỗng nhiên Chúa Thượng mà các ngươi tìm kiếm, đi vào Thánh Điện của Người. Kìa, vị sứ giả của giao ước mới mà các ngươi đợi trông đang đến... Ai chịu nổi ngày Người đến? Ai đứng được khi Người xuất hiện? Quả thật, Người như lửa của thợ luyện kim... Người sẽ thanh tẩy con cái Lêvi (các thừa tác viên Đền Thờ)...” (Ml 3,1-3).

Không màng tới các rủi ro, Đức Giêsu không ngần ngại nối kết sức lực của cánh tay vào sức mạnh của lời nói để thực hiện nguyện vọng của Cha Người, được diễn tả qua miệng ngôn sứ Dacaria: “Ngày ấy, sẽ không còn lái buôn trong Nhà Đức Chúa các đạo binh nữa” (Dcr 14,21). “Nhà của Ta sẽ được gọi là nhà cầu nguyện cho muôn dân” (Is 56,7), nhưng “Phải chăng các ngươi coi nhà này, nơi danh Ta được kêu khấn, là hang trộm cướp sao?” (Gr 7,11). Đức Giêsu đã can thiệp với biện pháp rõ ràng và dứt khoát: “Người xua đuổi tất cả bọn họ cùng với chiên bò ra khỏi Đền Thờ; còn tiền của những người đổi bạc, Người đổ tung ra, và lật nhào bàn ghế của họ. Người nói với những kẻ bán bồ câu: ‘Đem tất cả những thứ này ra khỏi đây’” (2,15-16). Trong nhà Chúa Cha, Chúa Cha đang hiện diện; người ta phải suy nghĩ và hành động tương ứng với chân lý này.

Cử chỉ này, trực tiếp nhắm đưa Đền Thờ trở lại với sự thanh sạch vẫn có, dường như có một tầm mức biểu tượng. Bằng cử chỉ này, Đức Kitô muốn nói rằng Người sẽ truất các tư tế mất quyền điều hành Đền Thờ Thiên Chúa và sẽ loại bỏ tất cả các lễ hy sinh thú vật để thay thế bằng lễ dâng tinh tuyền mà Thiên Chúa cũng đã loan báo qua miệng ngôn sứ Malakhi: “Ta chẳng ưng nhận lễ phẩm từ tay các ngươi dâng... Và ở khắp nơi, người ta dâng lễ hy sinh và lễ vật tinh tuyền kính Danh Ta” (Ml 1,10-11). Đúng là đã tới giờ rồi.

Vào lúc ấy, hẳn là sự can thiệp cương quyết của Thầy đã khiến các môn đệ thắc mắc, nhưng nhất là khiến các ông lo sợ rằng Người sẽ phải gánh chịu những hậu quả tệ hại, từ phía những lái buôn và những thừa tác viên Đền Thờ. Khi đó, các môn đệ đã nghĩ tới tiếng kêu của tác giả Tv 69: “Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa mà tôi đây sẽ phải thiệt thân...”, thiệt thân vì sự nhiệt thành của mình và vì những đối thủ.

Vào lúc chịu Khổ Nạn, khi tuyên bố rằng Thánh vịnh này được ứng nghiệm nơi Người (Tv 69,5; x. Ga 15,15), Đức Giêsu công nhận rằng các ông đã linh cảm đúng: sự nhiệt thành đã thiêu đốt Người bên trong vào lễ Vượt Qua đầu tiên, sẽ thiêu đốt Người hoàn toàn vào lễ Vượt Qua cuối cùng, để biến Người thành một lễ hy sinh “đẹp lòng Chúa hơn bò bê đủ móng đủ sừng” (Tv 69,32). Người chính là Đấng công chính chịu đau khổ để thanh tẩy Đền Thờ và nền phượng tự cũ hầu xây dựng một Đền Thờ mới và thiết lập một nền phượng tự mới (cc.19-21). Việc chuyển đi từ cái cũ sang cái mới sẽ được thực hiện nhờ cái chết của Đức Giêsu.

*Đức Giêsu nói về phá hủy và xây dựng lại Đền Thờ (18-22)

“Người Do-thái” đây là giới lãnh đạo Đền Thờ (các tư tế, các thầy Lêvi và vệ binh), nhưng cũng là dân Do-thái, đã hỏi: “Ông lấy dấu lạ nào chứng tỏ cho chúng tôi thấy là ông có quyền làm như thế?” (c. 18). Đây là đề tài căn bản của tất cả những xung đột sau đó giữa Đức Giêsu và giới lãnh đạo Do-thái giáo. Người đã yêu cầu trả lại phẩm cách trang nghiêm cho nhà Chúa Cha; điều này không thỏa mãn người Do-thái, cũng như tất cả những gì Đức Giêsu sẽ nói và sẽ làm cũng chẳng thỏa mãn họ (x. 5,16; 6,30; 9,16; 11,45-53). Hẳn là các nhà chức trách Do-thái cảm thấy khó chịu gai chướng bởi một sáng kiến vừa lạ lùng vừa cách mạng như thế: dù không có chức tư tế và không có nhiệm vụ gì ở Đền Thờ, Đức Giêsu vừa kết án một hệ thống được các nhà chức trách chuẩn nhận, mà như thế là tự cho mình có một uy quyền cao hơn uy quyền của họ. Thậm chí Người còn muốn nói là Người triệt tiêu nền phượng tự đã từng được Thiên Chúa thiết lập ở đấy, và như thế là tự gán cho mình có một uy quyền ngang bằng với uy quyền của Thiên Chúa mà Người gọi là “Cha Người”! Bởi vì Người cho rằng Người có một uy quyền thần linh, thì Người phải chứng minh điều ấy bằng cách làm một dấu lạ: một hành động phi thường cho thấy dấu ấn của Thiên Chúa trên sứ mạng cứu thế của Người (x. Mt 11,38; 16,1; Mc 8,11; Lc 11,16; 1 Cr 1,22).

Đức Giêsu đáp: “Các ông cứ phá hủy (làm tan rã) Đền thờ này đi; nội ba ngày, tôi sẽ xây dựng lại (sẽ đánh thức dậy)” (c. 19). Câu này có thể hiểu là một mệnh lệnh: “Các ông hãy phá hủy...”, hoặc như một câu ở thì tương lai: “Các ông sẽ phá hủy...”, hoặc như một câu giả thiết: “Cứ giả sử là các ông phá hủy...”. Với bối cảnh của cuộc tranh luận, Đức Giêsu dường như ám chỉ việc phá hủy và xây lại ngôi Đền Thờ bằng đá tọa lạc ngay gần bên. Người Do-thái nghĩ ngay đến Đền Thờ ấy, và cho rằng không thể được. Quả thật, phải là điên thì mới nghĩ có thể xây lại trong ba ngày; cũng phải là điên thì mới nghĩ rằng có thể đụng chạm được tới Đền Thờ này! Cứ lấy lương tri mà xét, lẽ ra người Do-thái không nên gán những ý tưởng ấy cho một người có đầu óc sáng suốt: là những người Đông phương, đã quen với giọng văn bóng bảy cũng như những câu nói hiểm hóc, hẳn là họ phải ngờ rằng ở đây có một ý hướng biểu tượng, nhất là những động từ “làm tan rã” (lyô) và “đánh thức dậy” (egeirô) không phù hợp chút nào với một tòa nhà vật chất cả. Nhưng họ cố ý xoáy vào ý nghĩa vật chất, cũng như người phụ nữ Samari khi đề cập tới nước ban sự sống (4,11-15), như những người Do-thái khi đề cập tới bánh ban sự sống (6,34) [xem lời các nhân chứng tạo tòa án (Mt 26,61; Mc 14,58) và những người qua đường (Mt 27,40; Mc 15,29)]. Dấu lạ Đức Giêsu loan báo ở đây tương ứng với câu trả lời cho người Pharisêu trong Mt 12,39t và 16,4.

Người Do-thái quy các lời Đức Giêsu nói vào ngôi Đền Thờ bằng gạch đá nên đã hiểu sai ý Người (x. 3,4). Đức Giêsu đang nói với họ: Các ông có thể giết chết tôi. Các ông có thể đẩy tôi đến thử thách lớn lao cùng cực nhất. Nhưng rồi tôi sẽ hoàn tất công trình của tôi và sẽ tự mạc khải ra vĩnh viễn.

Phần các môn đệ, sau khi Đức Giêsu sống lại, các ông mới hiểu được ý nghĩa của câu nói huyền bí ấy, và “đã tin vào lời Kinh Thánh và lời Đức Giêsu đã nói” (c. 22). Nhưng ở đây tác giả Gioan cho chúng ta được hiểu trước biến cố ấy: Đức Giêsu nói, không phải về Đền Thờ bằng gạch đá, nhưng hoàn toàn về Đền Thờ là thân thể của Người, nhân tính của Người. Các từ ngữ Người dùng phù hợp với ý nghĩa đó hơn: “Cứ làm tan rã Đền Thờ là thân thể của tôi đi (Các ông sẽ gây ra sự tan rã, cái chết, cho thân thể tôi), và trong ba ngày, tôi sẽ dựng lại (sẽ đánh thức dậy khỏi giấc ngủ ấy)”. Đàng khác, ý nghĩa hoàn toàn phù hợp với hoàn cảnh. Nếu các môn đệ đã linh cảm rằng lòng nhiệt thành của Đức Giêsu đối với ngôi nhà vật chất của Thiên Chúa sẽ khiến Người bị các đối thủ hãm hại (c. 17), Đức Giêsu còn biết rõ hơn các ông rằng cử chỉ này sẽ đưa Người tới cái chết. Như vậy, cái chết đối với Đức Giêsu không phải là một tai nạn bất ngờ hoặc một thất bại không thể tránh được, nhưng là một thử thách Người tự do chấp nhận, để rồi tiếp theo là một Sự Sống dồi dào phong phú hơn. Đã được báo trước như vậy, người Do-thái sẽ không thể coi đó là một chiến thắng, còn các môn đệ không thể coi đó là một cớ vấp phạm được.

Ở đây, ngay trong cuộc gặp gỡ đầu tiên này, ta đã thấy rõ các hậu quả của cuộc xung đột sẽ là thế nào và mục tiêu của con đường Đức Giêsu theo là gì: chết và sống lại. Cuộc Phục Sinh sẽ chuẩn nhận cho tư cách của Đấng đã bị đẩy đến một cái chết khốc liệt do việc làm và yêu sách của Người. Do cái chết này, Đền Thờ mới sẽ được xây lên. Đức Giêsu Phục Sinh là “nơi” vĩnh viễn có Thiên Chúa hiện diện với Dân Ngài và có Dân Ngài thờ phượng Thiên Chúa: đây là “ngôi nhà Cha” hoàn hảo. Lời tiên báo của Đức Giêsu một phần cảm hứng từ một sấm ngôn của ngôn sứ Hôsê (Hs 6,2). Theo lời hứa của Đức Giêsu cho ông Nathanaen, các môn đệ khi ấy sẽ thấy Thầy họ là “Bết-Ên” thật, là Nhà Thiên Chúa và Cửa thiên đàng (1,51). Một cách gián tiếp, Đức Giêsu mạc khải cho các thính giả rằng Chúa Cha cư ngụ nơi Người một cách viên mãn và vĩnh viễn (8,16; 10,38; 14,10;16,32) và chỉ nơi Người, các tín hữu mới có thể gặp được Chúa Cha vô hình (14,6-10).

* Chuyển tiếp và dẫn nhập vào truyện Nicôđêmô (23-25)

TM IV nổi bật với sự đối kháng giữa Đức Giêsu và các đối thủ. Ngay từ cuộc gặp gỡ đầu tiên, đã lộ rõ các yếu tố tiêu biểu của cuộc chiến đấu này: các người tranh chấp, đối tượng của cuộc tranh chấp và kết luận. Cuộc xung đột liên hệ đến quan niệm đúng đắn về Thiên Chúa: Đức Giêsu nhận biết Thiên Chúa như là Cha Người; tất cả những gì Người làm đều do Thiên Chúa gợi hứng và Người làm chứng về những điều đó; còn các đối thủ của Người lại cảm thấy bị Người gây chuyện, nên yêu cầu Người trưng ra những bằng chứng khác, và họ loại trừ Người. Phần các môn đệ, do đã để cho Người dẫn dắt, các ông đạt tới đức tin và sự hiểu biết đầy đủ. Còn đám đông bị đánh động bởi những gì Đức Giêsu thực hiện; nhưng Đức Giêsu không tin họ, nên Người giữ khoảng cách với họ. Tình trạng xung đột này sẽ đưa Đức Giêsu đến cái chết dữ dội, nhưng Người sẽ được xác nhận trọn vẹn bằng cuộc Phục Sinh.

+ Kết luận

Hôm ấy, Đức Giêsu đã vào Đền Thờ như vào “nhà Cha Người”; hôm ấy, vì yêu thương Chúa Cha, Người đã đuổi những con buôn khỏi Đền Thờ. Vì nhiệt thành lo cho nhà của Cha, vì muốn hoàn toàn dành ngôi nhà này cho Cha, Đức Giêsu đã nổi cơn nghĩa nộ mà bảo vệ quyền lợi của Cha, trong khi vẫn làm chủ chính mình. Như thế, Đấng “có lòng hiền hậu và khiêm nhường”, là bạn của kẻ tội lỗi, cũng biết nổi giận khi cần, vì vinh quang của Thiên Chúa Cha.

Sau này, đàng sau tấm màn bị xé rách của Đền Thờ và xuyên qua thân thể bầm dập của Đức Giêsu hấp hối, Thiên Chúa xuất hiện, bằng một tấm thân con người thật sự, đầy vinh quang thần linh. Giấc mơ của Cựu Ước, Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta, nay được thực hiện mãi mãi trong Đức Giêsu Phục Sinh.

V. Gợi ý suy niệm

1. Theo Đức Giêsu, người ta không thể chấp nhận hay nhượng bộ mọi sự. Người ta có thể thông cảm cho việc trục trặc này, chuyện không xuôi chảy kia. Nhưng khi sự việc liên hệ đến việc thờ phượng Thiên Chúa, thì không được phép có lối suy nghĩ tương-đối-hóa. Khi sự việc liên hệ đến làm chứng cho mầu nhiệm Thiên Chúa, thì không được phép nửa vời. Phần chúng ta, chúng ta có thể tự hỏi: chúng ta đang có quan niệm nào về “nhà của Cha”, hoặc về nhiệm vụ và mục tiêu mà Ngài đã ban cho con người? Chúng ta có vận dụng trọn bản thân mình cho điều đó không?

2. Các đối thủ của Đức Giêsu cứ đòi Đức Giêsu phải trưng ra thêm các bằng chứng. Lý do không phải là để họ đạt được niềm tin tròn đầy, nhưng nói có vẻ nghịch lý, họ đòi các bằng chứng là để phủ nhận đức tin, để họ có cớ mà nói rằng họ không tin là phải. Toàn bọ TM IV là một bài học với nhiều minh họa về niềm tin như một sự phó thác vào Đấng được Thiên Chúa sai phái tới, là Đức Kitô. Trong những trường hợp nào, cả chúng ta nữa, chúng ta cũng đề những ranh giới dè dặt cho niềm tin tưởng của chúng ta vào Đức Giêsu, chúng ta nêu ra những điều kiện, và chúng ta đòi những đảm bảo?

3. Chứng từ của các môn đệ còn đấy: lời của Đức Giêsu có một trọng lượng như chính lời Kinh Thánh. Nhờ được Kinh Thánh thôi thúc, các ông hiểu lý do khiến Đức Giêsu phải chết; nhờ được lời Đức Giêsu soi sáng, các ông hiểu Đấng Phục Sinh chính là “nơi” vĩnh viễn có sự hiện diện và chăm sóc ân cần của Thiên Chúa. Đấy là một kinh nghiệm quan trọng được chia sẻ cho chúng ta, để hôm nay chúng ta biết tiếp tục dựa vào ánh sáng của Kinh Thánh mà khám phá thêm nữa mầu nhiệm Đức Giêsu, Con Thiên Chúa nhập thể, đã chết và đã sống lại.

4. Để thực hiện được điều này, cần nhận lấy bài học khác của các môn đệ. Các ông đã rảo qua một đoạn đường dài cùng với Đức Giêsu và đã được Người liên tục dạy dỗ, rèn luyện. Chúng ta có thể chờ đợi để được dẫn đến chỗ hiểu biết đầy đủ về con đường của Đức Giêsu và con đường của chúng ta chăng?



Lm PX Vũ Phan Long, ofm
T
 
Tâm hồn con sẽ được dọn sạch để đón Chúa
Lm. Jude Siciliano, OP
06:46 14/03/2009
CHÚA NHẬT 3 MÙA CHAY B

Xh 20: 1-17; Tv 19; I Cor. 1: 22-25; Ga 2: 13-25

Anh chị em thân mến,

Vì có dịp đi nhiều nơi, tôi thường nhìn thấy hình ảnh Chúa Kitô trong các nhà thờ, trường học, nhà tĩnh tâm, nhà ở v.v.. Trong số hình ảnh đó, tôi hiếm khi nhìn vào hai lần vì có vẻ giả tạo. Tôi không hiểu tại sao những hình đó lại có thể gây những vấn đề thắc mắc cho giới chức trong và ngoài tôn giáo thời ấy. Trong những hình đó, Chúa Giêsu có vẻ dễ mến lắm. Vậy sao lại có người muốn giết Ngài? Tuy Ngài là người đã phải đối đầu với Xatan trong sa mạc, và Ngài đã thắng. Trong Phúc âm hôm nay, Ngài vào Đền Thờ đuổi những người buôn bán, lật đổ bàn đổi tiền. Thật không hiểu được, vì Ngài có vẻ là một người hiền hậu như các hình tượng mô tả.

Hôm nay, tôi muốn suy ngẫm về các hình ảnh của Chúa Giêsu, khi nhìn vào các ảnh tượng đó để thấy được sự giận dữ của Ngài phát xuất tận trong đáy lòng. Đây là người như các Ngôn sứ của sách thánh Do Thái, và người tiền hô là Gioan Tẩy Giả. Là một người mà do lời nói và việc làm của mình lại bị án tử hình. Vậy tại sao Chúa Giêsu lại giận dữ đến thế?

Những người buôn bán và đổi tiền vào trong đền thờ để làm ăn. Đó là những khu vực được phép kinh doanh, nhất là trong những dịp đặc biệt tựa như trong dịp lễ Vượt Qua này. Nhiều người hành hương từ xa đến dự lễ. Đáng lý họ phải mang con vật từ nhà đến để hiến tế nhưng họ lại đến đó để mua cho tiện. Những người đổi tiền rất quan trọng, bởi lẽ những người hành hương phải đổi tiền của đất nước họ, làm sao họ có thứ tiền của Đền Thờ, vì tiền này chỉ nhận ở Đền Thờ mà thôi. Tiền Hy lạp và tiền La-mã có hình và chữ ghi là César là Chúa, vì thế không được chấp nhận trong việc tế lễ ở Đền Thờ. Bởi vậy mới có người đổi tiền và bàn đổi tiền, một dịch vụ hết sức quan trọng. Vậy điều gì đã tạo thành vấn đề phức tạp ở đây?

Trước kia, những chỗ buôn bán và đổi tiền ở ngoài đền thờ, trong cánh đồng Kirdron gần núi Olive. Sau này họ được phép dọn ngay vào đền thờ để buôn bán, trao đổi. Việc buôn bán này thịnh vượng lắm, nhưng Chúa Giêsu đã tức giận, có lẽ là vì họ gian lận với những người hành hương. Chúa Giêsu đuổi những người buôn bán và đổi tiền một cách giận dữ, nhưng Ngài lại tử tế hơn với những người bán chim bồ câu, anh chị em có thấy vậy không? Với những người này Chúa nói: "Đem tất cả những thứ này ra khỏi đây, đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán". Bồ câu là vật người nghèo cần mua để tế lễ, tạ tội và thánh hiến (Lv. 5:7). Vì thế Chúa Giêsu tử tế với người nghèo.

Đến đây tôi lại để ý đến những trò chơi có tính bài bạc ở vài nhà thờ để gây quỹ cho giáo xứ. Có những bảng quảng cáo trò chơi Bingo (như chơi lô-tô ở VN), còn lớn hơn bảng tên nhà thờ nữa. Có người gọi giáo xứ đó là “giáo xứ thánh Bingo".

Hiện giờ tôi đang giảng tại một giáo xứ, và tôi đưa quan điểm về những trò cờ bạc trên để hỏi ý kiến cha xứ. Cha xứ nói: khi người giáo dân bước chân vào nhà thờ, họ phải thấy ngay những dấu chỉ của nhà thờ, họ không thể thấy được một dãy bàn để chơi bạc hay để bán vé số. Cha xứ công nhận là phải gây quỹ cho giáo xứ, nhưng ở giáo xứ này thì những việc đó được làm ở ngoài nhà thờ. Cha cũng nghĩ là không nên để nhiều quảng cáo quá, phải dẹp bớt đi. Giáo dân phải cảm thấy được chào đón khi họ đến nhà thờ. Cha đang tổ chức một số người trong giáo xứ đứng trước cửa nhà thờ để chào đón người đến dự lễ, họ không phải là những người xin tiền. Và hơn nữa, theo ngài, người nghèo cũng được đón tiếp như những người khác.

Trong việc dọn dẹp Đền Thờ, Chúa Giêsu thực hiện việc mà các Ngôn Sứ đã nói trước kia. To-bia (14:7-10) và Za-ca-ria (14:1-20) đã nói: Sẽ có ngày không còn buôn bán trong đền thờ. Người Do Thái đi hành hương lên Đền Thờ để làm lễ rửa sạch chân tay mặt mày trước khi dự lễ Vượt Qua. Giờ đây, Chúa Giêsu đến quét dọn sạch Đền Thờ, làm cho Đền Thờ nên mới để gặp Thiên Chúa. Chúa Giêsu chính là "Nhà của Thiên Chúa", và lời hứa đã được thực hiện trong Ngài.

Trong Phúc âm thánh Gioan, ta thường thấy những đoạn nói đến "Nhà Cha Ta". Trong việc này, Chúa Giêsu chứng tỏ sự liên hệ của Ngài với Thiên Chúa. Câu nói đó chứng tỏ Ngài là vị Cứu Thế, ai tin ở Ngài sẽ được đến cùng Thiên Chúa và được hưởng sự sống vĩnh cửu (Ga 14:2). Như vậy, Chúa Giêsu khi đề cập đến mình như là đền thờ mới, Ngài nói "Các ông cứ phá hủy Đền Thờ này đi, trong ba ngày tôi sẽ xây dựng lại"(Ga 2:19)

Dọn dẹp Đền Thờ là một việc quan trọng, vì trong bốn Phúc âm đều nói đến. Thánh Gioan đổi ngày giờ của sự việc để đặt vào phần đầu sứ vụ của Chúa Giêsu. Ba Phúc âm kia đặt vào phần sau câu chuyện Chúa Giêsu khải hoàn vào thành Jerusalem. Trong Phúc âm thánh Gioan thì Chúa Giêsu vừa làm phép lạ nước hóa rượu (Ga 2:1-11), và bây giờ Ngôn Sứ Giêsu vào Đền Thờ và tự xưng mình chính là Đền Thờ. Và trong lúc nói về sự chết của Ngài, Ngài nói sẽ "xây" lại Đền Thờ trong ba ngày. Khi đặt việc dọn dẹp Đền Thờ vào đầu Phúc âm, thánh Gioan giới thiệu, đề tài sẽ liên tục diễn biến dưới hình thức văn kể chuyện. Người đọc Phúc âm sẽ thấy hành động của Chúa Giêsu nhằm chứng tỏ Ngài thực hiện các lời Ngôn sứ từ chuyện trong Đền Thờ đến các câu chuyện khác. Chúng ta sẽ thấy Chúa Giêsu làm cho con người được thấy ánh sáng (là tạo vật đầu tiên); Ngài tha tội (tha tội cho tổ tiên loài người đã xa rời Thiên Chúa); Ngài ban nước hằng sống cho những kẻ tin Ngài (Ngôn sứ Ezekiel trông thấy nước chữa lành chảy ra từ bên phải Đền Thờ (47:1-3). Ngài làm cho Lazarô sống lại, và Ngài sẽ chết cũng như sẽ sống lại ngày thứ ba như Ngài đã nói trong Đền Thờ.

Chúa Giêsu bày tỏ sự tức giận của Thiên Chúa khi mọi sự tốt đẹp mà Chúa đã làm để giúp loài người, bị lòng tham lam của con người phá hoại. Nhưng lòng thương xót luôn còn đó đối với những ai muốn được thương xót. Tuy vậy chúng ta vẫn không quên sự tức giận của Chúa Giêsu mổi khi Ngài thấy sự bất công, hay chứng kiến những việc làm ngăn cản những kẻ muốn tìm đến Thiên Chúa. Thí dụ như một người nghèo có thể không đủ sức dâng của lễ vào Đền Thờ. Trong lúc họ vẫn được vào Đền Thờ, và người đó vẩn cảm thấy mình thấp hèn, bất xứng để nghe lời Chúa không như những người khác quanh họ. Thật ra, đối với Chúa Kitô, người nghèo và những người tận cùng của xã hội là những người có nhiều ơn phước nơi bàn tiệc Chúa. Họ là những kẻ được đón chào bởi Chúa Kitô và trong "Nhà của Thiên Chúa"

Chuyển ngữ FX Trọng Yên, OP
 
Thanh tẫy đền thờ tâm hồn
Lm. Giuse Nguyễn Thành Long
08:24 14/03/2009
Chúa Nhật 3 Mùa Chay

Trên tờ tuổi trẻ Online Thứ Năm, 12/3 có bài viết của tác giả Trần Thị Thanh với nhan đề: “Rãi tiền lẻ khắp đền chùa!”. Trong đó có đoạn viết: “Cứ mỗi dịp gần tết kéo dài đến tháng ba (âm lịch) hằng năm, cổng chùa lại léo xéo cảnh đổi tiền lẻ vào lễ chùa. Những tờ tiền 200, 500 đồng được đổi thành từng cục như viên gạch mộc, cứ “10 ăn 8 hoặc 10 ăn 7”. Tức 100.000 đồng tiền chẵn thì đổi được 70.000 hoặc 80.000 đồng loại chuyên dùng để “sắp lễ” (200, 500 đồng). Không biết bao nhiêu triệu đồng tiền “bé” được quay vòng cả năm không chán: người đi lễ đổi tiền, tiền ấy được ném vào xó xỉnh, cài vào chân tay, nách, đùi của các pho tượng đẹp nổi tiếng của quốc gia; rồi nhà chùa xách túi hoặc rổ rá đi gom tiền ấy lại đem ra đổi ngoài cổng chùa. Và vòng quay lại bắt đầu.

Chỉ xót thương cho văn hóa đi chùa và xót thương cho “viên ngọc điêu khắc và kiến trúc” chùa Mía đã bị những đồng tiền của người “đồng cốt quàng xiên” làm mất vẻ trang nghiêm, thanh tịnh. Du khách, người có liêm sỉ đều thấy xao xác cái cảm giác thần linh bị báng bổ. Ông ngọc hoàng, ngài thiên lôi, bà Liễu Hạnh, rồi đến ông Quan Công, bà bồ tát, 18 vị la hán, tất tật đều bị ép ngồi ôm (hoặc trông nom)… tiền lẻ.

Đáng sợ, đã thành ‘đại dịch’ kinh niên, ở Bắc Ninh có đền thờ Bà Chúa Kho, nạn sắp lễ bằng tiền rồi rải khắp di tích đã trở thành công nghệ. Dài dằng dặc khu vực đường dẫn vào đền là chi chít biển quảng cáo cho dịch vụ đổi tiền, sắp lễ. Níu kéo, chèn ép, lừa lọc, chửi bới cũng là bởi sắp tiền lẻ…. Cái lệ ‘mua thần bán thánh’ kiểu này diễn ra ở rất nhiều đền, chùa”.

Đọc bài viết này làm tôi liên tưởng đến một cảnh tượng thậm chí còn bát nháo hơn thế đang diễn ra ngay tại một nơi cực kỳ thánh thiêng đối với Dân Dothái, đó là Đền thờ Giêrusalem vào thời Chúa Giêsu.

Quả vậy, chúng ta biết rằng Đền thờ Giêrusalem là trung tâm đời sống tôn giáo của dân tộc Do Thái. Nó được coi như con ngươi của đạo Giavê Thiên Chúa. Tuy nhiên theo thời gian, Đền Thờ ấy đã bị tục hoá, bị giải thiêng nhiều mặt vì nạn buôn thần bán thánh và thói ham danh ham lợi của một số người. Điều này khiến Chúa Giêsu nỗi giận, cơn giận mà người ta gọi là cơn giận thánh. Ngài đã thực hiện ngay một cuộc thanh tẩy quyết liệt nhằm trả lại ý nghĩa đích thực của Đền thờ; đồng thời qua đó, Ngài cũng muốn mạc khải một đền thờ sống động hơn, đó chính là Thân thể Ngài.

Đọc lại lịch sử dân thánh, ta thấy Đền Thờ Giêrusalem mang nhiều ý nghĩa nghĩa rất quan trọng:

- Trước hết, Đền thờ Giêrusalem là địa chỉ của sự gặp gỡ nối kết. Từ xa xưa, người Do thái vẫn xem đền thờ Giêrusalem là dấu chỉ sự hiện diện hữu hình của Thiên Chúa ở giữa dân Người. Nói cách khác, Đền Thờ là nơi Thiên Chúa hiện diện và gặp gỡ con người; đồng thời cũng là nơi con người gặp gỡ Thiên Chúa và gặp gỡ nhau. Gặp gỡ để phượng thờ, cảm tạ, chúc tụng, tôn vinh Thiên Chúa, đặc biệt là vào các ngày Sabát và các ngày đại lễ.

Thế nhưng, một số người đã biến nó thành nơi nhếch nhác của những kẻ tụ tập buôn bán và đổi chác. Chúa Giêsu xua đuổi những kẻ lạm dụng này ra khỏi Đền Thờ là để trả lại chổ đứng của nó, vốn là “Nhà cầu nguyện”.

- Thứ đến, Đền thờ Giêrusalem là dấu chứng của tình yêu thương hiệp nhất. Quả thế, Đền Thờ Giêrusalem là nơi biểu lộ rõ nét nhất tình yêu của Giavê Thiên Chúa đối với dân Người và đồng thời cũng là nơi hiệp nhất muôn dân nước: “Từ muôn phương ta về đây sánh vai lên đường, đường đưa ta đi lên Đền Chúa ta…”.

Thế mà các giới chức Dothái đã biến thành nơi cạnh tranh, kèn cựa, xô bồ và phận biệt đối xử (phụ nữ, dân ngoại, kẻ tội lỗi….). Chúa Giêsu đã lật nhào, xô đổ tất cả nhằm thanh tẩy Đền thờ khỏi những điều bất xứng, cách riêng là khu vực dân ngoại. Từ nay, mọi người không phân biệt sắc tộc, tôn giáo … đều được tôn trọng và đón nhận. Đối với Chúa Giêsu, Đền Thờ phải là nơi dành cho hết mọi người.

- Sau nữa, Đền thờ Giêrusalem còn là biểu tượng của sự thánh thiêng. Khi nói đến sự thánh thiêng, người Do thái thường nói đến Đền Thờ. Vì đối với họ, không có nơi nào khác ngoài Đền Thờ, con người có thể tìm được tất cả những gì là thiêng thánh và siêu việt của cõi thiên giới. Bởi đó chúng ta không ngạc nhiên gì khi thấy người Do Thái khi phải thề thốt một điều gì quan trọng, họ thường lấy Đền Thờ Giêrusalem mà thề.

Tuy nhiên, Đền Thờ ấy đã bị làm cho ô uế bằng đủ mọi thứ dối gian, trở thành nơi trục lợi, chổ mua danh, chốn lạm quyền, v.v... Trước thực trạng đó, Chúa Giêsu đã xua đuổi tất cả những kẻ làm cho Đền Thờ bị ô nhơ, nhằm trả lại sự thánh thiêng cho Đền Thờ. Đồng thời qua hành động và lời nói của mạnh mẽ của mình, Chúa Giêsu muốn mạc khải một đền thờ sống động hơn, đó chính là Thân thể của Ngài.

Đức Kitô chính là Đền thờ sống động, nơi Ngài chúng ta tìm được 3 ý nghĩa trên một cách tròn đầy nhất.

- Trong Đức Kitô, chúng ta được gặp gỡ Thiên Chúa là Cha và được nối kết với mọi người là anh em. Trong Đức Kitô, chúng ta có thể thưa lên “Aba”- lạy Cha, và đối xử với nhau như anh chị em con cùng một Cha trên trời.

- Trong Đức Kitô, chúng ta nhận được tình yêu tràn đầy mà Thiên Chúa dành cho nhân loại và hiệp nhất nên một với nhau, như lời Vinh Tụng Ca mà chúng ta thường nghe đọc: “Chính nhờ Người, với Người và trong Người, mà mọi chúc tụng và vinh quang đều qui về Chúa là Cha toàn năng trong sự hiệp nhất của Chúa Thánh Thần đến muôn đời”.

- Trong Đức Kitô, chúng ta cũng tìm lại được sự thánh thiện nguyên thuỷ dư đầy của mình vốn là hình ảnh của Thiên Chúa, mà Ađam và Evà đã đánh mất khi phạm tội.

Và trong Đức Kitô, chính chúng ta cũng đã trở nên đền thờ sống động đã được thánh hiến ngày chúng ta lãnh nhận phép Thánh Tẩy. Thánh Phaolô đã minh định điều này với giáo đoàn Côrintô: “Anh em là đền thờ của Thiên Chúa và Thánh Thần ngự trong đền thờ ấy”. Đó là một hồng ân cao cả Thiên Chúa dành cho mỗi người chúng ta qua Con Một yêu dấu của Ngài là Đức Giêsu Kitô. Thiên Chúa yêu thích ngự nơi đền thờ tâm hồn chúng ta hơn là đền thờ bằng gỗ đá, dù là gỗ thơm đá quý. Bởi lẽ đền thờ bằng gỗ đá, dẫu có xinh đẹp và đồ sộ thế nào đi chăng nữa thì một ngày kia, cũng sẽ tiêu tan. Chỉ có Thân thể Chúa Kitô và tâm hồn chúng ta mới là đền thờ vững bền.

Vậy hằng ngày chúng ta đã thực sự sống xứng đáng là đền thờ Thiên Chúa ngự chưa ? Hay chúng ta đang làm cho đền thờ tâm hồn mình ra nhơ uế bởi những tính toan ích kỷ, bởi lòng ghen tị, óc thành kiến hẹp hòi và bao nhiêu thói hư tật xấu khác?

Xin Chúa Giêsu hằng yêu thương thanh tẩy đền thờ tâm hồn của chúng ta mỗi ngày, đặc biệt trong Mùa Chay thánh này. Xin Ngài tiếp tục xua đuổi, lật nhào khỏi lòng trí chúng ta những gì làm cho tâm hồn ra ô nhơ và trả lại cho Chúa Thánh Thần một nơi xứng hợp để Ngài ngự vào. Amen.
 
Trở về với lề luật và đền thờ
Pm Cao Huy Hoàng
15:41 14/03/2009
TRỞ VỀ VỚI LỀ LUẬT VÀ ĐẾN THỜ

Chúa nhật 3 Mùa Chay B

Mùa chay là mùa hồng phúc với lời mời gọi trở về với Thiên Chúa, sống trong tình thân nghĩa thiết với Ngài. Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta cụ thể trở về với Lề Luật của Chúa và với Đền thờ của Ngài.

Lề luật của Chúa là Mười Điều Răn Chúa đã truyền cho dân qua ông Mô-sê thời Cựu ước trên núi Si-nai. (Xh 20,1-17).

Thời Tân Ước, Lề luật của Thiên Chúa lại là chính Tin Mừng Chúa Giêsu. Giữ luật Tân Ước là cùng Chúa Giêsu đóng đinh tính xác thịt mình, cho thân xác được cùng Ngài phục sinh (x.1Cr 1,22-25)

Thời Cựu Ước, đền thờ của Thiên Chúa là đền thánh Giêrusalem. Luật buộc mọi người nam tín hữu dù ở đâu cũng phải trở về đền thờ dự lễ Vượt qua. Khi dự lễ, phải đóng tiền thuế cho đền thờ là nửa xiếc-lơ, tương đương tiền lương hai công nhật. Người dự lễ còn phải dâng của lễ là những con vật sống, lớn, nhỏ, loại đắt tiền hay rẻ tiền, tùy vào khả năng của mỗi người.

Chính trong bối cảnh giữ luật trở về Đền Thờ dự lễ Vượt qua như những người Do Thái khác, mà hôm nay, Chúa Giêsu mạc khải cho mọi người biết chính Ngài là Đền Thờ Mới của Tân Ước. Đền thờ cũ đã bị làm cho ô uế, vì những lạm dụng ngay trong đến thờ: đổi tiền ăn lời quá cao; giá các con vật sống bên trong khuôn viên đền thờ gấp mươi lăm lần giá thị trường- nhưng nếu không mua với giá cắt cổ ấy, thì lễ vật không được chuẩn nhận; người đến đền thờ cùng các của lễ không đến với lòng tôn thờ kính mến, nhưng đến vì luật; của lễ dâng không vì tôn thờ Thiên Chúa, nhưng vì hình thức bên ngoài. Trước cảnh tượng ấy, Chúa Giêsu “Người liền lấy dây làm roi mà xua đuổi tất cả bọn họ cùng với chiên bò ra khỏi Đền Thờ; còn tiền của những người đổi bạc, Người đổ tung ra, và lật ngược bàn ghế của họ. Người nói với những kẻ bán bồ câu: "đem tất cả những thứ này ra khỏi đây, đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán." (Ga 2,15-16). Người Do Thái cho là Đức Giêsu không có quyền làm như thế, và đòi dấu lạ để minh chứng Ngài có quyền ấy. Họ không hiểu rằng Ngài không những đã có quyền, mà còn có sứ vụ từ Thiên Chúa Cha sai đến để tẩy uế Đền thờ, tẩy uế cách phụng thờ, để làm thiết lập một Đền Thờ Mới xứng đáng cho Thiên Chúa. Và điều mạc khải đã đến: Đức Giê-su nói với họ: "Các ông cứ phá hủy Đền Thờ này đi; nội ba ngày, tôi sẽ xây dựng lại." (Ga 2,19). Ngài nói đến Đền Thờ mới là chính Ngài, là thân xác tử nạn và phục sinh của Ngài.

Nhờ Bí Tích rửa tội, mỗi tín hữu được tiến vào đền thờ mới, là được tháp nhập vào mầu nhiệm Chúa Kitô chịu đóng đinh, chịu chết và sống lại.

Thánh Phaolô cảm nghiệm sâu sắc về mầu nhiệm nầy đã nhắc nhớ các tín hữu: “Nào anh em chẳng biết rằng anh em là đền thờ của Thiên Chúa, và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao”?(1Cr 3,16).

Thân xác được vinh dự là đền thờ Thiên Chúa, vì thân xác ấy đã được cứu chuộc nhờ thân xác tử nạn và phục sinh của Chúa Kitô. Hay nói cách khác để được vinh dự là đền thờ Thiên Chúa, thân xác phải chịu đóng đinh- cụ thể hơn, là phải dẹp bỏ mọi đòi hỏi quá đáng cho thân xác, phải tẩy uế, phải xua trừ những bất chính làm băng hoại tâm hồn, qua con đường thân xác. Thực hiện được điều ấy trong bất cứ thời đại nào cũng có thể bị xem là ngu xuẩn. Vì khi “đóng đinh tính xác thịt mình vào Thập Giá Chúa” đồng nghĩa với việc chịu chết đi ở đời này để được sống ở đời sau.

Thánh Phaolô cũng đã từng gặp khó khăn “Thưa anh em, trong khi người Do Thái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ, còn người Hy Lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan, chúng tôi lại rao giảng một Đấng Ki-tô bị đóng đinh, điều mà người Do Thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ”. (1Cr 1,22-23)

Nếu không đóng đinh với Chúa Kitô mà rao giảng về một Chúa Kitô đóng đinh, thì quả thật là một điều gian ác. Đã chịu đóng đinh với Chúa Kitô mà không rao giảng về Chúa Kitô chịu đóng đinh thì cũng chưa thật sự tháp nhập vào mầu nhiệm cứu độ. Vì thế, mỗi tín hữu không chỉ được mời gọi thanh tẩy đền thờ tâm hồn mình bằng việc kết hiệp với Đức Kitô chịu đóng đinh, mà còn được mời gọi cùng Chúa Giêsu thanh tẩy đền thờ cho Thiên Chúa.

Thanh tẩy việc đạo đức hình thức:

Người Do Thái hỏi Đức Giê-su: "Ông lấy dấu lạ nào chứng tỏ cho chúng tôi thấy là ông có quyền làm như thế?" (Ga.2, 18)

Có phải đây cũng là câu hỏi của con người thời nay không?

Không có câu trả lời “yes” đối với các tín hữu thời nay vì câu hỏi của những người Do Thái ngày ấy có vẻ thách đố quá.

Nhưng trong thực tế, phải thật thà khiêm tốn mà nhìn nhận rằng nhà của Thiên Chúa đang biến thành nơi buôn bán trong thời đại mà con người ta quá lệ thuộc vào cái khung hình thức bên ngoài. Khái niệm dâng lễ cho Thiên Chúa thành việc thi ân cho Chúa, bố thí cho Chúa là khái niệm của chủ trương duy vật chất. Từ khái niệm ấy, việc tôn thờ Thiên Chúa trở thành một việc đạo đức công cộng và khi càng có được xác nhận của công chúng thì việc đạo đức ấy càng giá trị.

Bước vào cõi thiêng trong lòng còn vương bao bụi phàm của cõi tục! Ăn bận chỉnh tề, nghi lễ nghênh ngang, ca múa rộn ràng, trống chiêng đèn nến tưng bừng có chắc là những lễ phẩm cung chúc Thiên Chúa không? Có chắc đẹp lòng Chúa không? Tự khen mình tổ chức tôn thờ Thiên Chúa hoành tráng chưa từng có, để mà làm gì? Để tôn vinh Thiên Chúa hay là để nói với thiên hạ rằng chỉ có chúng tôi mới biết cách thờ kính Chúa cách tốt đẹp nhất, long trọng nhất. Thiên Chúa rất sợ những cái “nhất” như thế, vì những cái nhất ấy bắt nguồn tự sự kiêu ngạo của satan, những cái nhất ấy dẫn con người ra xa khỏi Thiên Chúa.

Phải trở về ngay với tâm tình khiêm tốn: tất cả cho vinh quang Thiên Chúa. Chúa Giêsu đã không đồng tình với cách thờ phượng như thế vì Thiên Chúa muốn “tấm lòng hơn những lễ phẩm”

Thanh tẩy đền thờ tâm hồn:

Trước hết là cảnh giác nguy cơ bị tấn công.

Ma quỷ chống lại Thiên Chúa bằng cách tấn công vào các tâm hồn, làm cho các tâm hồn không còn tinh tuyền, không còn xứng đáng là nơi Thiên Chúa ngự trị. Thiếu cảnh giác, con người không ngại ngùng hợp tác với ma quỷ để làm mất đi vẻ đẹp nguyên tuyền, để sự sống của thân xác thoải mái hơn, mặc dù rất nhất thời.

Việc làm ô uế đến thờ vẫn luôn mang tính thời sự rất cao, trong bất cứ thời đại nào. Vì âm mưu của ma quỷ là tấn công thẳng vào thân xác vào tâm hồn con người.

Chuyện mới nhất: Không chỉ đạo luật FOCA (Freedom of Choice Act) thay cho đạo luật phá thai từng phần (partial abortion) mà Obama Barrack còn sử dụng tiền thuế để hổ trợ cho các trung tâm phá thai. Ông còn cho phép các nhà nghiên cứu được toàn quyền thí nghiệm và sản xuất "Stem Cells" lấy lý do là để chữa bệnh. Bè phái "Same Sex Marriage" có cơ hội vùng lên đòi quyền riêng.

Những việc làm ấy không phải việc của ma quỷ đang tấn công thẳng vào đến thờ Thiên Chúa đấy sao?

Thêm vào đó, việc dòm ngó vào ngân sách của Công Giáo Hoa kỳ, một “Non-Profit Organization” mà chính phủ đã cho phép trước đây, có phải là chủ trương đánh thẳng vào đền thờ giáo hội của một đất nước được xem là tự do nhất toàn cầu không?

Ở các nước chậm tiến khác, thì con người đua đòi theo kiểu văn minh duy vật, để sử dụng thân xác mình sống ở cấp cái “con’ thay cho cái “người”. Người lớn làm sao, trẻ nhỏ làm vậy. Người lớn làm cho một thế hệ kế thừa bị nhiễm độc những tư tưởng, những cách sống không còn Thiên Chúa nữa. Sự gian lận từ trong cách dạy, cách học, cách sản xuất, cách hạnh phúc gia đình, cách cầm cân nảy mực, cách chia chác của viện trợ, cách bớt xén của kẻ nghèo khổ đến cả những vụ tham nhũng công quỹ to đùng ngày ngày vẫn nhan nhãn… thì làm sao nói được là những đền thờ bé nhỏ của Thiên Chúa không bị tấn công? Những tụ điểm ăn chơi trước mắt các em nghèo bán vé số, những lời mời mọc các sinh viên nghèo vào con đường kiếm tiền nhanh nhất, đến những cuộc ăn chơi không lành mạnh của những siêu người đẹp, của những ông lớn thế giá lẫy lừng… đang tấn công thẳng vào tâm hồn một thế hệ hậu duệ.

Không chỉ cảnh giác đề phòng tâm hồn khỏi vướng nhiễm những ô uế trần tục, còn phải thanh tẩy ngay tâm hồn thân xác để có cơ hội phục hồi phẩm vị “con cái của Thiên Chúa” nhờ việc trở về với Lề Luật Thiên Chúa, trở về với Đền thờ của Thiên Chúa

Tin mừng của Chúa Giêsu không loại bỏ mười điều răn của Thiên Chúa, nhưng đã làm mới Lề Luật, để việc tuân giữ lề luật bắt nguồn từ tấm lòng tràn đầy niềm tin, cậy, mến. Tin mừng của Chúa Giêsu trở thành bản luật cho người muốn thanh tẩy tâm hồn cho xứng đáng với phẩm vị con cái của Thiên Chúa, xứng đáng với “đền thờ Thiên Chúa”, ‘cung điện của Chúa Thánh Thần”. Tin mừng ấy là tin mừng của Đấng chịu đóng đinh dành cho những ai muốn “đóng đinh tính xác thịt mình” để tháp nhập toàn vẹn với thân xác chịu đóng đinh và phục sinh vinh hiển. Vì thế, việc thanh tẩy tâm hồn đồng nghĩa với đời sống tiết độ, những khổ chế cần thiết, những từ bỏ ý riêng, ý hướng ngay lành cho vinh danh Chúa, tôn trọng nhân phẩm mình và anh em, và nhất là ước muốn được nên giống Chúa Giêsu trong mọi sự.

Lạy Chúa, lời Chúa hôm nay thức tỉnh tâm hồn chúng con trước những tấn công vào Đền thờ Thiên Chúa, tấn công vào Giáo lý Đức Kitô, tần công Giáo Hội, và tấn công chính tâm hồn chúng con. Xin bảo vệ Giáo Hội Chúa. Xin cho chúng con kết hiệp với Chúa Giêsu chịu đóng đinh để thanh tẩy tâm hồn chúng con tinh tuyền xứng đáng là nơi Chúa ngự trị. A men

.
 
Năm thánh Phaolô: Chúa Giêsu đến trong vinh quang
Jos. Tú Nạc
16:13 14/03/2009
NĂM THÁNH PHAOLÔ: CHÚA JESUS ĐẾN TRONG VINH QUANG

Vào một đêm, trong chuyến hành trình truyền giáo lần thứ hai của mình, Paul đã có một tầm nhìn. Một người Hy-lạp lớn tiếng gọi ông: “Hãy đến thăm Macedonia và giúp đỡ chúng tôi!” (Acts 16:9). Đó là khoảnh khắc quan trọng trong công cuộc truyền bá Tin Mừng từ châu Á tới châu Âu.

Paul mạnh dạn tuyên bố trước dân Thessalonica (modern Salonica) rằng Thiên Chúa đã phục sinh Chúa Jesus từ cõi chết và họ đã tin lời loan báo của ông, hãy nhớ điều ấy vì là lời Chúa. Họ “từ bỏ những tranh tượng thờ cúng để phụng sự sự sống và Thiên Chúa thật” (1 Thessalonians 1: 9-10).

Lòng chân thành của họ để trở thành những tín đồ là đích thực: Paul kết mối thân hữu đậm đà với họ. Nhưng đột nhiên sự truy hại khởi phát và chỉ sau vài tuần ông phải lìa xa họ. Paul buồn rầu lo lắng không biết họ phải làm thế nào khi không có sự hiên diện và giảng huấn của ông; Timothy đã thông báo họ hay biết một cách đầy đủ và dễ dàng.

Trong lúc chờ đợi, paul gửi cho họ một lá thư, lá thư Tân ước đầu tiên tới dân Thessalonica. Các học giả xác tín đó là tài liệu Tân ước đầu tiên thể hiện bằng văn bản thành văn, vào khoảng năm 51sau Thiên Chúa giáng sinh. Paul đã nghe dân Thessalonica đang đau buồn trước những cái chết của bạn bè họ.

Người Ki-tô giáo có niềm tin vào Thiên Chúa và sự phục sinh của chúa Jesus. Tuy nhiên sự chia ly với người thân yêu – hoặc nhìn người thân chịu khổ đau hoặc mất một người nào đó trở về cõi chết – tất cả những điều này mãi là những trải nghiệm buồn đau đối với chúng ta. Câu hỏi, sau đó, thế nào là đức tin của chúng ta, hy vọng và yêu thương có thể giúp chúng ta tiếp cận những thực tế. đây là sự phấn đấu của những người Thessalonica khi Paul viết thư cho họ.

Một đề tài quan trọng về dân Thesslonica đầu tiên là “đáo diện” (parousia) của Thiên chúa (cf. 1:10; 2:19; 3:13; 4: 13-18; 5: 4, 9, 23). Ngôn ngữ văn chương Hy-lạp có nghĩa “sự hiện diện” (presence) là ngụ ý Chúa Jesus đến trong vinh quang vào khoảnh khắc cuối cùng (hoặc ngày tận thế). Paul đã nói rõ về sự kiện này như một sự hoàn tất của những sự kiện đầy kịch tính bắt đầu bởi cuộc tử nạn của Chúa Jesus, phục sinh, thăng thiên, và tôn vinh bên hữu Thiên Chúa.

Có thể Paul đã ngụ ý sự trở lại sẽ diễn ra rất sớm. Trong thực tế ông có thể nói như vậy một cách rằng dân Thessalonica của ông thay đổi mong chờ để tham gia vào sự việc vinh quang xảy ra chính mình. Và – có thể - một số người có thể nghĩ rằng những người đã chết trước “sự trở lại vinh quang” này bị phán xét, không xứng đáng sẻ chia trong thời điểm quan trọng lịch sử ơn cứu rỗi này.

Paul giảng dạy những người Thessalonica một cách đầy đủ và chi tiết hơn về người Ki-tô giáo như thế nào để thấy được huyền bí của sự chết. Ông cho biết những tín đồ thương tiếc trước sự qua đời của những người chị, người anh mình nhưng không giống như những người khác “những người không có hy vọng” (4: 13). Đối với người Ki-tô giáo, sự chết sẽ giống như giấc ngủ về đêm. Nó là cái gì đó mà từ một cách tự nhiên người ta tỉnh giấc (hoặc sống lại) vào buổi sáng: điều này là lý do tại sao Paul lại dùng “ngày” (the day) để diễn tả thời gian Chúa Jesus “đến”(arrival) (5:4).

Dân Thessalonica những người đã chết, Paul nói, “đã đi ngủ” sự tin tưởng cả hai trong Chúa Jesus và trong huyền bí về cái chết của mình cùng sự sống lại (4: 14). Vì vậy cái chết của người Ki-tô giáo không phải là bản án thiêng liêng chống lại họ. Trong thực tế, những Ki-tô hữu, những người đã chết và những ai còn sống đáo diện được hiệp nhất trong cùng một niềm tin nơi Thiên Chúa, người mà phục sinh Chúa Jesus từ cõi chết. Vậy bất kỳ Ki-tô hữu nào còn sống vào ngày trở lại của Chúa Ki-tô sẽ không có một lợi thế trội hơn những ai đã chết.

Paul đã dùng một số hình ảnh để rao giảng thực tế của ngày trở lại. Ông đã dùng kinh nghiệm của thế giới Hy-lạp trong chuyến viếng thăm của một vị hoàng đế đến từ thành phố Hellenistic để chỉ ra cách mà những Ki-tô hữu sẽ vượt qua để gặp gỡ Chúa Ki-tô khi Người đến để khai mạc điều luật vương quốc của Người đời đời.

Những hình ảnh khác Paul đã dùng được rút ra từ ý niệm Cựu ước cùa cuôc “thánh chiến” mà Thiện Chúa đến trợ giúp dân Israel đánh bại kẻ thù những người được lựa chọn. Trong quan điểm này, kẻ thù cuối cùng bị đánh bại hoàn toàn là “Tử thần” (mặc dù sự thất bại của Tử thần đã được đoan kết qua chiến thắng của Chúa Ki-tô trong sự phục sinh của ông – Paul).

Do đó “lời mệnh lệnh,” “tiếng nói của tổng lãnh thiên thần” và lời “phán truyền của Thiên Chúa” (4: 16) là những hình ảnh được lấy từ truyền thuyết “thánh chiến” chống lại Tử thần, đó là Chúa Ki-tô, người đại diện Thiên Chúa để cứu vớt cả hai những tín đồ đã chết và hiện đang sống khỏi quyền lực của Tử thần.

Hình ảnh cuối cùng của Paul để lại cho độc giả của mình là cái mà tất cả các tín đồ tồn tại cùng Thiên Chúa và cùng nhau “trong không trung” hoặc “trên những đám mậy.” Những mô tả này chỉ ra một cách đơn giản tới một nơi mà người ta đã xác định vị trí một cách tự nhiên nơi cư ngụ của thiên chúa, đặt tên “trên trời.” Từ đó về sau, Paul đã kết luận chúng ta sẽ ở cùng với Đức Chúa Trời mãi mãi (4:17).

Với sự trở lại của Chúa Ki-tô, sự đau đớn ly biệt những người thân yêu sẽ vĩnh viễn không còn. Sự thuyết phục này có ý nghĩa là một nguồn ủi an cho tất cả Ki-tô hữu (4:18). Theo quan điểm Paul, sau đó, thiên đàng là nơi tái hợp những người thân yêu và hiệp nhất cùng Thiên Chúa. Ở đâu đó trong Kinh thánh những hình ảnh khác của thiên đàng đã được đưa ra, nhưng ông hình dung rằng sự tái hợp ông đã hy vọng có với dân Thessalonica sẽ là sự nhắc lại cho cuộc sống vĩnh cửu tất cả sẽ được chia sẻ sau khi chết.

Nguồn: the Catholic Register
 
Mỗi ngày một câu Kinh Thánh
Phó Tế Jb Nguyễn văn Định
22:02 14/03/2009
MỖI NGÀY MỘT CÂU KINH THÁNH (Từ 16-03 đến 31-03-2009)

Ngày 16-03-09: Vì Đức Kitô đã chẳng sai tôi đi làm phép rửa; nhưng sai tôi đi rao giảng Tin Mừng. (1Cor 1, 17)

Theo thánh Phaolô phải rao giảng Tin Mừng để gây lòng tin là điều quan trọng trước, còn phép rửa ai cũng có thể làm được. Vậy bạn hãy dành nhiều thì giờ cho việc học hỏi, chia sẻ và sống Lời Chúa.

Ngày 17-03-09: Lời rao giảng về thập giá là một sự điên rồ đối với những kẻ đang trên đà hư mất, còn đối với chúng ta là những người được cứu độ, thì đó lại là sức mạnh của Thiên Chúa. (1Cor 1,18)

Người mất niềm tin và kiêu ngạo, họ sẽ không thích nghe bạn. Còn bạn đang được Thánh Thần thúc đẩy hãy kiên tâm mà tiến bước.

Ngày 18-03-09: Vì có lời: Ta sẽ diệt sự khôn ngoan của kẻ khôn ngoan và sẽ vứt bỏ thông thái của người thông thái. (1Cor 1,19)

Người đời chỉ khôn ngoan và thông thái theo lòng tham lam ích kỷ. Tôi luôn lắng nghe Chúa Thánh Linh chỉ dẫn trong mọi hành động.

Ngày19-03-09: Khi tôi đến Tơ-roa rao giảng Tin Mừng Đức Kitô, dù cửa đã mở cho tôi để làm việc Chúa; nhưng tôi vẫn không yên lòng vì không gặp Ti-tô, người anh em của tôi. (2 Cor 2, 12)

Ông Titô là người ngoại giáo, đã trở thành người bạn đường của Phaolô. Tôi cần tìm nhiều người ngoại trở thành Kitô hữu tốt lành.

Ngày 20-03-09: Tạ ơn Thiên Chúa, Đấng hằng cho chúng tôi tham dự cuộc khải hoàn trong Đức Kitô. (2 Cor 2, 14)

Thánh Phaolô nói về thừa tác vụ của ngài, ông hình dung Đức Kitô Phục sinh. Bạn hãy là nhân chứng lan tỏa cuộc khải hoàn của Chúa.

Ngày 21-03-09: Vì chúng tôi là hương thơm của Đức Kitô dâng kính Thiên Chúa, toả ra giữa những người được cứu độ cũng như những kẽ bị hư mất. (2 Cor 2, 15)

Hương thơm đây không phải chỉ là đọc kinh dâng lễ, làm các việc ở nhà thờ. Nhưng là cách nói năng, phản ứng, hành động giống Chúa.

Ngày 22-03-09: Rồi sau mười bốn năm, tôi lại lên Giêrusalem… cùng với ông Banaba, tôi cũng đem theo anh Titô đi với tôi. (Gl 2, 1)

Phaolô đưa ông Titô người gốc dân ngoại bảo vệ lập trường thần học và truyền giáo của mình. Xin giúp con hiểu được giá trị chân lý của Tin Mừng và chấp nhận có nhiều cách rao giảng khác nhau.

Ngày 23-03-09: Tôi lên đó vì được Thiên Chúa mặc khải, và đã trình bày cho người ta Tin Mừng tôi rao giảng cho dân ngoại.. (Gl 2, 2).

Phaolô đã cảm nghiệm được sự cần thiết của Chúa là rao giảng. Xin giúp con quan tâm đến việc rao giảng Lời Chúa cho dân ngoại.

Ngày 24-03-09: Thế mà ngay cả anh Titô, người cùng đi với tôi và là người Hy lạp, cũng không bị ép phải chiụ cắt bì. (Gl 2, 3)

Người ta nên công chính không phải bởi cắt bì là giữ luật lệ, mà vì tin vào Chúa, ông Titô cũng vậy. Con không vì Luật lệ ngăn cản giảng Lời Chúa cho người ngoại, để xứng đáng là mộn đệ của Chúa.

Ngày 25-03-09: Sở dĩ thế là vì có những…kẻ giả danh giả nghiã anh em đã len lỏi vào dò xét.., sự tự do của chúng ta có được trong Đức Kitô; họ làm như vậy là để bắt chúng ta trở thành nô lệ. (Gl 2, 4)

Câu này ám chỉ có các Tín hữu quá lệ thuộc Luật lệ, nghi thức rườm rà làm mất tự do. Chúa Giêsu đến giải thoát con người bạn hoàn toàn tự do đối với Luật. Chính đức tin sẽ cứu thoát bạn khỏi làm nô lệ.

Ngày 26-03-09: Cả anh em nữa, anh em đã được nghe Lời Chân Lý là Tin Mừng cứu độ…anh em được đóng ấn Thánh Thần… (Ep 1,13)

Dân ngoại là tôi được mời tham dự ơn cứu độ là ơn phúc thứ sáu. Tôi đã được nhận ơn Thánh Thần là ngôn sứ từ khi chịu phép rửa tội.

Ngày 27-03-09: Thánh Thần là bảo chứng phần gia nghiệp của chúng ta, chờ ngày dân riêng của Thiên Chúa được cứu chuộc. (Ep 1, 14)

Hội thánh là dân mới được Thánh Thần hỗ trợ chờ Chúa Giêsu đến. Tôi hãy xin Thánh Thần dẫn dắt để làm nhân chứng cho Tin Mừng.

Ngày 28-03-09: Thiên Chúa của Đức Giêsu Kitô…ban cho anh em Thần Khí khôn ngoan để mạc khải cho anh em biết Người.(Ep 1, 17)

Bạn hãy xin Thánh Thần mở lòng để biết Thiên Chúa đang hoạt động qua con người, qua trời đât, qua tạo vật tốt đẹp ở trước mắt ta.

Ngày 29-03-09: Đã hẳn, có những kẻ rao giảng về Đức Kitô vì lòng ganh tỵ, và tranh chấp, song những người khác lại làm công việc đó vì ý ngay lành. (Pl 1, 15)

Hiện nay có những nhóm phong trào, đoàn thể xung khắc nhau về cách sống đạo của mình. Bạn đừng vội tranh chấp, lo lắng, hãy bình tâm sống và cầu nguyện, Chúa sẽ dẫn dắt bạn và họ theo ý của Ngài.

Ngày 30-03-09: Nhưng không sao đâu! Dù thế nào đi nữa với ý lành hay ý xấu, miễn là Đức Kitô được rao giảng là tôi mừng rồi.(Pl 1,18)

Phaolô hiểu ý Chúa, ông rất khôn ngoan, không vội lên án. Bạn hãy vui mừng khi thấy Tin Mừng được rao giảng qua nhiều cách.

Ngày 31-03-09: Bởi vì.. điều ấy sẽ giúp tôi đạt được ơn cứu độ, nhờ lời cầu nguyện của anh em và nhờ Thần Khí của Chúa…(Pl 1, 19)

Thánh Phaolô đã nêu gương khiêm tốn cho tôi khi rao giảng Tin Mừng. Bạn hãy xin Thánh Thần hướng dẫn, đừng vội vàng hấp tấp.

Phó tế: GB Nguyễn văn Định * johndvn@yahoo.com
 
Văn Minh Nhân Loại Thời Đại Tinh Quyển: Một Cảm Nhận Nhanh
Đỗ Hữu Nghiêm
22:50 14/03/2009
Văn Minh Nhân Loại Thời Đại Tinh Quyển: Một Cảm Nhận Nhanh

Loài người đang tiến vào đời sống văn minh vừa vô hình vừa hữu hình qua mạng toàn câu. Theo trực giác thần học của Linh Mục Teilhard de Chardin SJ, chúng ta có thể cảm nhận, suy đoán thêm là loài người đang ở thế giới “TINH QUYỀN” – OOSPHERE.

Đây là một thế giới vô hình mà hữu hình, qua hiện tượng mạng toàn cầu. Một từ ngữ có tính cách đối chiều với vùng địa không gian bao quanh hành tinh địa cầu mà chúng ta biết đến nay. Sinh quyển của địa cầu gồm: thủy quyển, địa quyển, khí qưyển, tĩnh quyển, iôn quyển và tinh quyển

Ta có thế cảm nhận tình trạng đó có những dặc điểm như sau:

1. Qua môi trường không gian, tương quan nhân bản dường như vô hình mà hữu hình, và với tốc độ tức khắc

2. Nhờ đó, con người thuộc mọi tôn giáo, màu da, chủng tộc – gia trẻ lớn bé, khắp nơi trên địa cầ, khi biết sử dụng máy computer (vi tính cá nhân hay tập thể) đều có thể chia sẻ kiến thức, hình ảnh, tiếng nói dường như vô hình xen lẫn hữu hình

3. Ngày càng con người càng cải tiến thêm các tính năng với chất lượng cao hơn qua nhiều khả năng cảm nhận của con người: nghe nhìn, hiểu biết, thông tin, giảng thuyết, ca hát, ngâm thơ, in ấn, xuất bản,… với tốc độ hầu như tức khắc nếu các server hoạt động không ngừng nghỉ vì trục trặc kỹ thuật hay không bị con người chủ ý kiểm soát.

Biết bao nhiêu công cụ điện toán lần lượt ra đời với tính năng đa dạng hoàn bị hơn: từ bàn phím điện toán đến con chuột điện tử, mày nghe nhin chụp ảnh kỹ thuật số, Ipod, kỹ thuật blog, youtube

4. Nhưng tinh quyển ấy còn hạn chế là người xử dụng được không thể sờ mó nhau hay ngửi thấy mùi nhau hay làm bất cứ hành động nào như khi gần nhau trong không gian. Không gian vửa là môi trường cho con người liên lạc với nhau, nhưng cũng đồng thời ngăn cách nhau.

5. Các nhà khoa học đã từ bao thế hệ cống hiến những khám phá về tính năng vật chất của một số nguyên tố trên điạ cầu, và từ đó chế tạo máy điện toán không gian diều khiển chính xác nhiều thao tác máy móc và kỹ thuật không gian.

6. Chắc chắn con người sẽ thay thế dần các tập quán, các cách sử dụng phương tiện hoạt động giao lưu, đọc nghe sách điện tử, bỏ qua thói quen đọc từng trang sách hữu hình, vừa lâu, vừa cồng kềnh nặng nề.

Nhiều tập quán mới sẽ được thay thế: Thiệp Điện Tử sẽ thay thế Thiệp Giấy, vừa mất thời giờ vừa chậm chạp. Ngày nay nhiều người di chuyển trên đường với các máy nghe nhìn tổng hợp có nhiều tính năng: điện thoại, xem hình, nghe nhạc, truyện trò với nhau, chụp hình kỹ thuật số nhan chóng và kín đáo. Giang thuyết trong nha thờ chùa chiền giảng đường lớp học bằng máy nghe nhìn. Sách điện tử sẽ phổ biến vì rẻ tiền và nhanh chóng

7. Trong lãnh vực nghiên cứu, người ta không thể chỉ tin cậy vào tài liệu kiểu sách vở cổ điển, mà phải hoàn chính cách khai thác các mạng lưới và thông tin mau chóng, phong phú, của mang toàn cầu. Dĩ nhiên phải mở những cuộc hội thảo trao đổi về những độ tin cậy của các website. Trong nghiên cứu, chắc không thể phủ nhận các ích lợi của mạng không gian toàn cầu. Mọi tài liệu, mọi nguồn tin đều trở thành có giá trị cho người biết khai thác một cách khôn ngoan và thận trọng những khía cạnh của sự thật khách quan và toàn diện

Về phương diện này, các trung tâm nghiên cứu kỹ thuật, khoa học, các trường đại học nên đi tiên phong trong việc phân tích và tổng hợp và có hướng dẫn các website chân chính chuyên về những nội dung đắng dắn hướng thượng.

8. Trong xã hội tinh quyển toàn cầu, văn hóa trở nên di sản chung của nhân loại. Văn hóa thời đại tinh quyển là văn hóa tiến tới thống nhất nhân loại, toàn cầu hóa nhân loại. Vì thế đã mang danh là văn hóa, sản phẩm cá nhân phải được chia sẻ tối đa cho người khác, miễn phí để mọi người có thể nắm bắt được. Văn hóa không chia sẻ và phổ biến rộng rãi nhất cho mọi người là văn hóa chết.

Một ngọn đèn sáng để đáy thùng không thể quang tỏa xa hơn cái không gian nhỏ bé của cái thùng!

9. Tự do đích thực của con người là nhận định được các tình huống để lựa chọn. Con người có tự do lựa chọn con đường đi đến tiến bộ và sự sống cao đẹp hơn là chọn lựa con đường dẫn đển thoái hóa ích kỷ chết chóc. Thực ra tự do chỉ có ý nghĩa chính đáng khi trong nhiều con đường lựa chọn, con người biết khôn ngoan đi theo con đường đưa nhân caáh mình phát triển tối đa vậy.

10. Thời đại không gian, thời đại toàn cầu hóa, con người sẽ tiến tới thế giới đại đồng toàn cầu. Với mạng lưới toàn cầu tất cả những ngăn cách về màu da, ngôn ngữ, chế độ chính trị, quyền lợi phe nhóm, chính đảng và đoàn thể, hiệp hội, quốc gia, liên minh sẽ bị bứt phá không ai có thể ngăn cản nổi, dù là vũ khí sắt thép, nguyên tử, đe đọa nhà tù của chế độ độc tài! Omnia Omnibus Factus Sum!

Oakland, CA ngày 14/3/2009.
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
23:46 14/03/2009
SÁCH TRỜI KHÔNG CHỮ

N2T


Đại sư nói ông ta có một quyển sách, ghi lại tất cả những điều mà con người muốn biết về Thiên Chúa.

Từ trước đến nay không có người nào nhìn thấy quyển sách ấy, cho đến khi có một học giả đến thăm và năn nỉ cho ông ta nhìn quyển sách ấy, cuối cùng đại sư cũng đưa cho ông ta coi. Ông ta cầm sách trở về vội vàng mở sách ra coi, nhưng phát hiện trong quyển sách ấy không có một chữ nào cả, quyển sách toàn là những tờ giấy trắng.

Vị học giả ấy thất vọng nói: “Quyển sách này không nói gì cả.”

- “Tôi biết.” đại sư hiền hòa nói tiếp: “Coi tỉ mỉ thì sẽ thấy nó phong phú biết bao.”

(Trích: Huệ nhãn thiền tâm)

Suy tư:

Thật sự, nếu vị học giả ấy là người có đức tin thì chắc chắn ông ta sẽ không cần mượn quyển sách “trời” của đại sư, bởi vì quyển sách ghi lại tất cả những gì mà con người thắc mắc về Thiên Chúa đã rành rành trước mặt ông và tất cả mọi người, quyển sách ấy chính là vũ trụ vạn vật bao la. Những gì mà con người thắc mắc về Thiên Chúa thì đều có ghi chép tường tận trong vũ trụ này, chỉ cần hỏi mặt trời sao sáng chói thế, chỉ cần hỏi mặt trăng sao dịu dàng đẹp vậy, thì con người sẽ biết về Thiên Chúa tạo dựng.v.v...

Có một vài vị có tiền có bạc thấy ai giới thiệu có sách mới gì cũng đi mua, mua về để đầy tủ sách, sách loại gì cũng có, để khắp nơi trong nhà nhưng không hề rờ đến một quyển sách để đọc, mua về để làm kiểng, để nói cho mọi người biết mình là người trí thức có học hành, họ chẳng khác gì vị học giả tò mò quyển sách “trời” của đại sư, sách nhiều trong nhà mà không hiểu biết về sách...

Sách “trời” thì chỉ có một quyển mà thôi, đó là quyển Kinh Thánh Cựu ước và Tân ước, quyển sách này được chú giải bởi quyển sách khác thực tế hơn, đó là quyển sách “vũ trụ vạn vật”, tức là vũ trụ thiên nhiên mà con người hằng ngày đều nhìn mà không thấy được Thiên Chúa đang ở với mình.

Kinh Thánh là quyển sách “càn khôn” Thiên Chúa mặc khải cho con người biết về Ngài, khiêm tốn đọc và suy tư thì sẽ thấy nó càn khôn nhiềm mầu thật đấy.
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
23:47 14/03/2009
N2T


109. Người nghèo nhìn thấy người giàu bèn nhìn thấu được mình nghèo khó, chúng ta nhìn thấy thánh nhân thì cũng nhìn thấy tu đức của mình nghèo kém.

(Thánh Augustinus)
 
Mỗi ngày một câu Cách Ngôn
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
23:48 14/03/2009
N2T


54. Tâm linh là nơi sâu thẳm của con người ngủ say rất lâu, đánh thức sức mạnh của khát vọng thì có thể thay đổi cuộc đời.

 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Người kế vị Mẹ Têrêsa sẽ giảng tĩnh tâm
Bùi Hữu Thư
00:42 14/03/2009

Người kế vị Mẹ Têrêsa sẽ giảng tĩnh tâm



RÔMA, ngày 13, tháng 3, 2009 (Zenit.org).-
Nữ tu Nirmala Joshi, người kế vị Mẹ Têrêsa là bề trên cả của Dòng Các Nhà Truyền giáo Bác Ái, sẽ giảng tĩnh tâm cho các giới chức Caritas Á Châu và các nhóm khác trong giáo hội.

Hội đồng Giáo Hoàng Cor Unum cũng như các Hồng Y và Giám Mục Á Châu khác đã yêu cầu Nữ tu Joshi giảng phòng cho buổi tĩnh tâm ngày 6-11 tháng Chín.

Nữ Tu Nirmala Joshi


Theo một tuyên cáo của hội đồng, chương trình này tiếp nối một cuộc hội họp giống như vậy tại Guadalajara, Mễ Tây Cơ, tháng 6 vừa qua, quy tụ được khoảng 500 vị lãnh đạo các nhóm bác ái từ Bắc Mỹ, Châu Mỹ La Tinh và quần đảo Caribbe. Linh Mục Capuchin Raniero Cantalamessa, vị thuyết giảng cho quần thần của Giáo triều, là người giảng phòng.

Tuyên cáo này cũng ghi nhận là “Đức Thánh Cha Benedict XVI đã tìm cách để thu xếp cho việc các cá nhân gặp gỡ Chúa trở nên nguồn suối linh ứng và khuyến khích đời sống Kitô."

Tuyên cáo tiếp: "Biết Chúa và đem tình yêu Chúa đến cho người khác như được Chúa Giêsu Kitô mạc khải qua việc ban tặng thân mình chính là hoạt động bác ái chính của Kitô giáo. […] Tuy nhiên, đồng thời, Kitô hữu biết chắc rằng, ngoài các trợ giúp vật chất, những đau khổ của con người cần đến một điệp văn về hy vọng chỉ có Chúa Kitô có thể ban cho qua những chứng tích đức tin."

Trên 300 giám đốc Caritas trên lục địa Á Châu đã ghi danh tham dự buổi cấm phòng này.
 
Cảm thông với những khổ tâm của Đức Giáo Hoàng
Vũ Văn An
06:54 14/03/2009
Bây giờ thì người ta hiểu một cách thấm thía tại sao Đức Hồng Y Karol Wojtyla lại bật khóc khi cả cơ mật viện bật lên tiếng vỗ tay vang dội, vào cuối vòng đầu phiếu thứ bẩy năm 1978. Ngài được bầu làm giáo hoàng với 90 phiếu của cơ mật viện (James Oram, The People’s Pope, tr.174). Cả công trường Thánh Phêrô nhẩy mừng vì tin ngài lên ngôi giáo hoàng, lấy hiệu là Gioan Phaolô II. Sau đó là cả thế giới Công Giáo. Trừ một người. Theo một tiểu sử khác, người đó là một trong các bằng hữu thân thiết nhất của ngài. Gần đây nhất, chính bào huynh George Ratzinger cũng chả hân hoan chi trước tin em mình là Hồng Y Joseph Ratzinger được bầu làm giáo hoàng, kế vị Đức Gioan Phaolô II. Chính vì thế, người Công Giáo hoàn cầu lúc nào cũng cầu xin Chúa “gìn giữ người, thêm xuống sinh lực, và ban cho người đời nay hạnh phúc”. Nhưng bài hát ấy chỉ xin Chúa “đừng trao người cho ác tâm quân thù”, chứ không xin cho người được thoát ‘ác tâm’ bằng hữu.

Những tin tức mấy ngày gần đây dường như đang buộc ta phải thay đổi câu hát vừa rồi, hay ít nhất cũng thêm cả chữ ‘bằng hữu’ vào đó. Thực vậy, đọc thư của Đức Giáo Hoàng gửi các giám mục thế giới liên quan đến việc ngài hủy bỏ án tuyệt thông cho bốn giám mục thuộc Hội Thánh Piô X, do Tổng Giám Mục Marcel Lefèbre thành lập, người ta thấy ngài không “buồn” vì bị người Do Thái chỉ trích, khích bác, cho bằng bị chính người Công Giáo tấn công. Ngài viết: “Tôi thấy buồn là cả những người Công Giáo, những người trên hết có lẽ rành rẽ hơn về thực trạng của vấn đề, lại đi nghĩ rằng họ phải tấn công tôi với một thái độ hằn học công khai. Chính vì thế tôi lại càng phải cám ơn những bạn bè Do Thái, những người đã mau chóng giúp đánh tan sự hiểu lầm và tái lập bầu khí hữu nghị và tin cậy lẫn nhau vẫn hằng tồn tại trong thời Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và, tạ ơn Chúa, là vẫn tiếp tục trong triều Giáo Hoàng của tôi”.

Nói “buồn” là nói cho nhẹ. Bởi nếu chỉ buồn, thì Đức Giáo Hoàng đâu cần bận tâm tự tay viết một lá thư vô tiền khoáng hậu như thế. Nhiều người không ngần ngại dùng chữ “đau đớn” để mô tả tâm tư Đức Giáo Hoàng trong dịp này. Chính cha Lombardi, S.J., giám đốc phòng báo chí của Tòa Thánh, đã cho biết ĐTC đã theo dõi và sống vụ tha vạ này và những phản ứng theo đó trong đau khổ. Hãng tin CNA, khi đưa tin về lá thứ trên, viết như sau: “Ngỏ với các hiền huynh giám mục của mình, lá thư của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI đọc hết sức giống như một lá thư riêng về một vấn đề từng làm ngài đau đớn rất nhiều”. Richard Owen, một bỉnh bút của tờ The Times, không mấy thiện cảm với Vatican, dù trước đây có làm việc cho Đài Phát Thanh Vatican, viết từ Rôma như sau: “Bức thư riêng đầy đau đớn và bất thường của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI gửi các vị giám mục Công Giáo nhìn nhận rằng ngài đã không thấy trước những ‘rủi ro’ do việc hủy bỏ vạ tuyệt thông cho vị giám mục bác khước Nạn Diệt Chủng gây ra”.

Theo tin CNA, trong một bài báo vào ngày Thứ Năm vừa qua, giám đốc nhật báo L’Osservatore Romano của Tòa Thánh là Giovanni Maria Vian giải thích như sau: Lá thư của Đức Giáo Hoàng “vô tiền khoáng hậu bởi vì không hề có một tiền lệ nào đối với cơn bão tố nổi lên sau khi công bố việc hủy vạ tuyệt thông vào ngày 24 tháng Giêng vừa qua”. Theo giáo sư Vian, việc công bố kia không phải là tình cờ mà trùng với ngày vọng kỷ niệm 50 năm Công Đồng Vatican II, “vì ý định của Giám Mục Rôma… là tránh mối nguy ly giáo, bằng cử chỉ nhân từ lúc ban đầu, hoàn toàn phù hợp với Công Đồng và truyền thống của Giáo Hội”.

Giáo sư Vian cũng nhấn mạnh rằng trong nhiều cuộc tấn kích chống lại Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI, giới truyền thông đã bẻ cong một cách bất trung thực hành động của Đức Giáo Hoàng đúng lúc trùng hợp với các tuyên bố bác khước Nạn Diệt Chủng của một trong các vị giám mục có liên hệ tới vụ việc này.

Rất có thể, đây chỉ là nhận định riêng của Giáo Sư Vian. Thư của Đức Giáo Hoàng gửi các giám mục thế giới không trực tiếp nói đến vai trò của truyền thông. Đúng như nhận định của Cha Lombardi, S.J., Đức Giáo Hoàng đủ khiêm nhường để nhìn nhận các thiếu sót trong vụ việc này. Trong bức thư trên, Đức Giáo Hoàng từng viết: “tôi không biết nói gì hơn là hối tiếc sâu xa”. Chính Giáo Sư Vian, trong bài báo trên, cũng cho hay: Đức Thánh Cha không tránh né các vấn đề khó khăn, như nhu cầu cần cải thiện cách xử lý các vụ việc như thế và cách các văn phòng của Vatican giải thích sự việc”.

Lòng khiêm nhường của ‘học giả’ Ratzinger không chỗ nào rõ bằng việc ngài tỏ ý sẵn sàng học hỏi Liên Mạng. Ngài viết: “Tôi được báo cho biết rằng việc tham khảo các thông tin trên Internet có lẽ đã làm cho vấn đề được thấu hiểu sớm hơn. Tôi học được bài học này là trong tương lai Tòa Thánh chúng tôi sẽ chú ý nhiều hơn đến nguồn tin này”.

Nói đến giải thích, giống như cha Lombardi từng nói trước đây, lúc cuộc tranh luận nổ ra, tiếp theo vụ giải vạ tuyệt thông, Đức Giáo Hoàng chính thức nhìn nhận sai lầm thứ hai “

mà tôi chân thành hối tiếc đó là phạm vi và những giới hạn đưa ra trong quyết định tha vạ ngày 21/1/2009 đã không được giải thích minh bạch và thỏa đáng vào thời điểm đặc cách này được công bố”.

Do đó mà nhân dịp này, lá thư của Đức Giáo Hoàng đi thẳng vào trọng tâm của vấn đề. Theo Giáo Sư Vian, trọng tâm của vấn đề liên quan đến nhóm Lefèbre là “sự phân biệt giữa kỷ luật và tín lý”. Theo GS Vian, trên bình diện kỷ luật, Đức Giáo Hoàng bỏ vạ tuyệt thông nhưng trên bình diện tín lý, ngài hết sức cương quyết: huấn quyền của Giáo Hội không thể bị “đông lạnh vào năm 1962” nghĩa là trước Công Đồng Vatican II.

Về việc này, bề trên cả của Huynh Đoàn Linh Mục Thánh Piô X là giám mục Bernard Fellay, trong lá thư đề ngày 13 tháng Ba vừa qua, đã viết như sau: “Không hề muốn ngưng trệ Thánh Truyền vào năm 1962, chúng tôi chỉ muốn xem sét Công Đồng Vatican II và huấn quyền thời hậu Công Đồng dưới ánh sáng Thánh Truyền trên, một Thánh Truyền vốn được Thánh Vincent thành Lérins định nghĩa là ‘được mọi nơi, mọi thời và mọi người tin theo’ (Commonitorium) không gián đoạn và trong một triển khai hoàn toàn đồng bộ (homogeneous). Nhờ thế, chúng tôi sẽ có khả năng đóng góp cách hữu hiệu vào việc phúc âm hóa mà Chúa Cứu Thế mong muốn (xem Mt 28:19-20). Huynh Đoàn Linh Mục Thánh Piô X đảm bảo với Đức Bênêđíctô XVI rằng mình sẽ cương quyết tham dự các thảo luận về tín lý xét là cần thiết theo Sắc Lệnh ngày 21 tháng Giêng”.

Nói như thế đủ thấy con đường trở về hiệp thông trọn vẹn với Giáo Hội của Huynh Đoàn này còn rất dài. Vì một trong những đòi hỏi căn bản là họ phải nhìn nhận thẩm quyền của Công Đồng Vatican II, điều mà Huynh Đoàn này, cho đến nay, vẫn chưa sẵn sàng. Tưởng cũng nên nhấn mạnh: một trong các lý do khiến hai Hội Đồng Giám Mục Đức và Thụy Sĩ lớn tiếng phản đối vụ việc hủy bỏ vạ tuyệt thông cho các giám mục theo phe Lefèbre chính là vấn đề phe này không nhìn nhận Công Đồng Vatican II. Theo tờ The Tablet của Anh, tuần rồi các giám mục Đức tuyên bố rằng Hội Thánh Piô X tự “tách mình” ra khỏi Giáo Hội Công Giáo qua việc không nhìn nhận (CĐ) Vatican II trong toàn vẹn tính của nó. Đức Cha Robert Zollitsch, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Đức nói rằng: Nếu các giám mục này tiếp tục phong chức cho các linh mục, là họ ‘tuyên chiến với Giáo Hội’. Trong khi đó, hai thành viên của Hội Đồng Giám Mục Thụy Sĩ đã tham dự một cuộc biểu tình của 1,500 người tại Lucerne chống lại “việc hỗ trợ một chiều đối với Hội Thánh Piô X phản động” và để ủng hộ một Giáo Hội biết tôn trọng Vatican II trong toàn vẹn tính của nó.

Thực ra, không hiểu thuật ngữ “Vatican II trong toàn vẹn tính” có nghĩa gì? Chắc chắn không phải là mang trọn mọi giáo huấn của Công Đồng ấy ra thi hành. Công Đồng nào cũng phản ảnh một thời đại nào đó trong lịch sử Giáo Hội. Một trăm năm sau, hai ba trăm năm sau, hoàn cảnh lịch sử có thể lại đòi một Công Đồng khác. Chúa Thánh Thần đâu bị trói tay vào lịch sử! Vào năm 1962 hay sau năm 1962! Điều quan trọng là tinh thần của Công Đồng ấy.

Có lẽ chính trong chiều hướng ấy mà sau khi nhấn mạnh rằng nhóm Lefèbre không được đông lạnh huấn quyền vào năm 1962, Đức Bênêđíctô XVI cũng đã chỉ trích những ai “ xem mình như những nhà bảo vệ hăng hái của Công Đồng cũng cần phải được nhắc nhở rằng Công Đồng Vatican II chấp nhận toàn bộ lịch sử tín lý của Giáo Hội. Ai muốn vâng lời Công Đồng phải chấp nhận đức tin đã được tuyên xưng qua hàng bao thế kỷ, và không thể chặt bỏ những căn cội của một cây từ đó cây này kín múc sức sống của nó’. Nói tóm lại là phải nhìn nhận "toàn bộ lịch sử tín lý của Giáo Hội”, như cái hiểu của tờ The Tablet.

Nhưng ngay cả tinh thần của Vatican II, Nhóm Lefèbre cũng chưa sẵn sàng đi theo. Đức Giáo Hoàng hiểu rõ như vậy, nhưng ngài vẫn quyết định chìa bàn tay ra bắt tay họ. Nói như trong Thư, thì ngài “lặng lẽ đưa cánh tay ra cho người anh em mình”. Lặng lẽ thôi, nhưng thật can đảm, giống Chúa Kitô xưa đã dám đụng đến cùi hủi, một hành vi đầy tởm gớm. Đức Giáo Hoàng dám làm thế là để loại bỏ các hàng rào mà con người đã tạo ra, giống các hàng rào ngày xưa Pharisiêu và cả hệ thống luật lệ của họ tạo ra để tha hóa dân Chúa. Quả là đáng lưu ý, vì dù Đức Giáo Hoàng không nói rõ, nhưng những người chống đối hành vi bác ái của Đức Giáo Hoàng, giống hệt nhóm Pharisiêu này. Ngài viết: “Đôi khi người ta có ấn tượng là xã hội chúng ta cần đến ít nhất là một nhóm để người ta có thể điềm nhiên tấn công và thù ghét không thương tiếc. Và người nào dám đến gần họ - trong trường hợp này là Đức Giáo Hoàng - cũng mất đi quyền được bao dung; cả ngài cũng bị đối xử một cách thù hận không ngần ngại hay dè dặt”.

Chúa Kitô đau lòng về sự cứng đầu của Pharisiêu thế nào, thì Đức Giáo Hoàng cũng đang đau lòng về sự cố chấp của những người Công Giáo “bảo hoàng hơn vua”, trong đó, buồn thay, có khá nhiều vị trong giám mục đoàn, vốn là hiền huynh của ngài. Lời cầu nguyện cho Đức Giáo Hoàng, vì thế, thật cần thiết vào lúc này.
 
Đức Thánh Cha sẽ thăm viếng đền thờ Do Thái vào Mùa Thu
Bùi Hữu Thư
12:00 14/03/2009

Đức Thánh Cha sẽ thăm viếng đền thờ Do Thái vào Mùa Thu



Thầy cả Rabbi gọi điều này là một “cử chỉ quan trọng”

VATICAN ngày 13, tháng 3, 2009
(Zenit.org).- Đức Thánh Cha Benedict XVI sẽ viếng thăm đền thờ chính của Do Thái tại Rôma vào mùa Thu sắp tới, theo lời xác định của một phát ngôn viên Tòa Thánh.

LinhMục Dòng Tên Jesuit Lombardi, giám đốc văn phòng truyền thông Vatican tuyên bố ngày Thứ Năm vừa qua là cuộc viếng thăm được hoạch định vào mùa Thu, tuy nhiên ngày chính xác chưa được ấn định.

Đức Thánh Cha Benedict XVI sẽ là vị Giáo Hoàng thứ hai đến thăm đền thờ này trong lịch sử bang giao Vatican-Do Thái. Đức Thánh ChaGioan Phaolô II đã đến đây năm 1986.

Đức Thánh Cha đương kim đã viếng thăm hai đền thờ Do Thái khác với tư cách Giáo Hoàng. Đền thờ thứ nhất trong dịp Đại Hội Giới Trẻ năm 2005 tại Cologne, Đức, và lầnthứ hai là đền thờ tại Nữu Ước năm 2008.

Thầy cả rabbi, Riccardo Di Segni, cho đài phát thanh Vatican hay là cuộc viếng thăm đã được hoạch định là “một cử chỉ quan trọng và xác nhận đã có thiện chí để tiếp tục một thái độ tôn trọng và thân hữu."

Ông nói cuộc viếng thăm đền thờ của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II “mở ra một kỷ nguyên mới” cho mối tương quan Vatican-Do Thái.

Ông cũng nói một cách tích cực về chuyến đi đã được dự trù của Đức Thánh Cha Benedict XVI tới Đất Thánh. Ông gọi đó là một cử chỉ “chú tâm” và tôn trọng.”

Ông Di Segni công nhận là có “”nhiều vần đề” về tương quan Do Thái và Kitô hữu -- "các vấn đề thần học, lịch sử, và tế nhị khác đã phân rẽ hai bên."

Trong khi công nhận vài sự khác biệt sẽ không bao giờ được giải quyết, ông công nhận rằng cả hai truyền thống chia sẻ nhiều giá trị chung: “Nếu các xung khắc được giải quyết, thì tất cả mọi sự theo sau sẽ là những hoa quả tốt cho tất cả mọi người."

Thầy rabbi tiếp là mối tương quan giữa Do Thái và Vatican đã hòa dịu vào tuần này: “”Nhiều mây mù che phủ đã tan biến. Một bầu không khí đầy thiện chí đã được thể hiện, và điều này rất quan trọng."
 
Các Giám Mục Ba Lan đã không làm tay sai cho cộng sản
Nguyễn Việt Nam
20:34 14/03/2009
TGM Stanislaw Wielgus từ chức hôm 8/1/2007
Các Giám Mục Ba Lan cho biết phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh đã xác nhận các Giám Mục đương nhiệm của Ba Lan không một ai đã từng làm tay sai cho cộng sản.

“Tòa Thánh khẳng định rằng đã không tìm thấy cơ sở nào để cáo buộc bất cứ thành viên nào của Hội Đồng Giám Mục Ba Lan đã từng tham dự hay có ý sẵn sàng tham dự vào việc hợp tác với cộng sản.”

Trên đây là tuyên bố được đưa ra bởi các Giám Mục Ba Lan hôm 11/3 sau phiên họp khoáng đại thường niên của các Giám Mục Ba Lan.

Thông cáo viết tiếp: “Vì lý do đó, chúng tôi thấy rằng vấn đề này nên được đóng lại. Để tập trung vào công việc mục vụ, Hội Đồng Giám Mục Ba Lan không có ý khơi lại vấn đề này trong tương lai nữa.”

Thông cáo của Hội Đồng Giám Mục Ba Lan cho biết một ủy ban đặc biệt đã nghiên cứu sự hợp tác với cộng sản của các Giám Mục Ba Lan đương nhiệm trong thời kỳ từ năm 1947 tới 1989 khi cộng sản còn làm mưa làm gió trên đất nước này.

Ủy ban đặc biệt nghiên cứu sự hợp tác của các Giám Mục Ba Lan trong thời cộng sản đã được thành lập trước làn sóng những cáo buộc vào đầu năm 2007 theo đó một số Giám Mục đã từng hợp tác với cộng sản. Những cáo buộc này đã nổi lên tiếp sau việc từ chức ngay trong lễ nhậm chức của Tổng Giám Mục Stanislaw Wielgus của thủ đô Vácxava hôm 8/1/2007 vì những cáo buộc ngài đã từng hợp tác với mật vụ cộng sản Ba Lan.

Ủy ban đặc biệt này bao gồm cả những thanh tra độc lập được sự hỗ trợ của các cơ quan chính quyền Ba Lan trong việc truy cập những hồ sơ của đảng và mật vụ cộng sản Ba Lan. Báo cáo của ủy ban đã được gởi cho Tòa Thánh từ tháng 10 năm ngoái.

Thông cáo của Hội Đồng Giám Mục Ba Lan cho biết là Đức Hồng Y Tarcisio Bertone, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh trong một lá thư gởi cho Đức Tổng Giám Mục Jozef Michalik của tổng giáo phận Przemysl, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Ba Lan đã bày tỏ niềm tin vào sự trong sạch của các Đức Giám Mục Ba Lan đương nhiệm.

Trong thư Đức Hồng Y Tarcisio Bertone cho biết là “Các Giám Mục Ba Lan, dù không buộc phải làm thế, đã can đảm đối phó với quá khứ cộng sản.”

Thông cáo cho biết thêm “Chúng tôi tin rằng các tín hữu sẽ không khuất phục trước các cố gắng nhằm xói mòn thẩm quyền luân lý của Giáo Hội và các mục tử, nhưng sẽ cầu nguyện cho Giáo Hội và xây dựng Giáo Hội với lòng trung thành của họ.”

Đức Tổng Giám Mục Michalik nói hôm 11/3 là Đức Hồng Y Bertone đã bày tỏ sự kinh ngạc là các Đức Giám Mục Ba Lan đã tự nguyện để cho ủy ban đặc biệt điều tra quá khứ của họ trong thời cộng sản.

“Đã có quá nhiều ồn ào về vụ này”, Đức Cha Michalik nói với các ký giả. “Chúng tôi không có gì để dấu. Quý vị không thể áp lực, bắt nạt, hay làm cho bất cứ Giám Mục cụ thể nào tự sát trước công luận.”

Dư luận chung tại Ba Lan tỏ ra hân hoan và hài lòng về kết quả điều tra. Tuy nhiên, cha Tadeusz Isakowicz-Zaleski, một chuyên gia về vấn đề giáo sĩ hợp tác với cộng sản cho rằng Tòa Thánh đã không được cumg cấp một số tài liệu quan yếu và vấn đề tế nhị liên quan đến việc hợp tác với cộng sản trong quá khứ không thể “được xếp lại bằng chỉ một thông báo” như thế.

Nói chuyện trên kênh truyền hình TVN 24, cha Isakowicz-Zaleski cho biết quan điểm của ngài là Giáo Hội tại Ba Lan đã sống còn và thậm chí còn được phát triển trong thời kỳ 1947-1989 là “nhờ vào máu của các thánh tử đạo và lòng trung thành không lay chuyển của những người Công Giáo” chứ không phải nhờ vào “tài lươn lẹo, đi đêm và thỏa hiệp” của một số mục tử để hòng cộng sản ban bố cho Giáo Hội những sự dễ dãi. Ngài nói tiếp: “Giáo Hội thánh thiện của Chúa Kitô không cần thỏa hiệp với ma quỷ để tồn tại. Chỉ có những cá nhân đã thỏa hiệp hầu mưu cầu tư lợi và danh vọng cho cá nhân mình.”
 
Đối thoại với người Do Thái là điều cần thiết
Vũ Văn An
23:43 14/03/2009
Theo tin Zenit ngày 12 tháng Ba, nhân tiếp một phái đoàn của Tòa Giáo Sĩ Trưởng Do Thái và Hội Đồng Tòa Thánh đặc trách Liên Lạc Tôn Giáo với Người Do Thái, Đức Bênêđíctô XVI tuyên bố rằng cuộc đối thoại với Người Do Thái không phải chỉ là việc có thể làm được mà còn cần thiết nữa, do gia tài chung của hai tín ngưỡng.

Nói truyện bằng tiếng Anh, Đức Thánh Cha nhấn mạnh tới tầm quan trọng của cuộc đối thoại giữa hai cơ cấu, từng khởi đầu nhờ kết quả “cuộc viếng thăm lịch sử của vị tiền nhiệm yêu qúi của chúng tôi là Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tại Đất Thánh hồi tháng Ba năm 2000”.

Đức Thánh Cha nói rằng: “Trong suốt hơn bẩy năm qua, không những tình bạn giữa Hội Đồng và Tòa Giáo Sĩ Trưởng gia tăng, nhưng qúi vị còn có khả năng suy tư về nhiều đề tài quan trọng có liên quan tới cả hai truyền thống Do Thái và Kitô giáo”.

Đức Giáo Hoàng gọi cuộc đối thoại giữa hai niềm tin là “cần thiết và có thể làm được” vì cả hai đều “nhìn nhận một gia tài thiêng liêng phong phú chung… Nhờ làm việc chung với nhau, qúi vị ngày càng ý thức nhiều hơn tới các giá trị chung vốn được dùng làm căn bản cho các truyền thống tôn giáo liên hệ của mình, nghiên cứu chúng trong bẩy cuộc gặp gỡ nhau, được tổ chức khi thì ở Rôma khi thì ở Giêrusalem”.

Ngài nói tiếp: “Qúi vị đã suy tư về tính tháng thiêng của sự sống, về các gia trị của gia đình, về công bình xã hội và lối sống đạo đức, về tầm quan trọng của Lời Chúa được phát biểu trong Thánh Kinh đối với xã hội và nền giáo dục, về mối liên hệ giữa thẩm quyền tôn giáo và thẩm quyền dân sự và về tự do tôn giáo và lương tâm… Trong các tuyên bố chung sau mỗi lần gặp gỡ, các quan điểm vốn ăn rễ sâu trong các xác tín tôn giáo liên hệ của chúng ta đẽ được nêu bật, trong khi các dị biệt trong lối hiểu cũng đã được nhắc tới”.

Dân Chúa chọn

Đức Giáo Hoàng cũng cho hay: “Giáo Hội nhìn nhận rằng: khởi nguyên niềm tin của mình nằm trong sự can thiệp có tính lịch sử của Thiên Chúa vào đời sống dân tộc Do Thái và chính ở đó, mối liên hệ độc đáo của chúng ta đã được đặt nền móng. Dân tộc Do Thái, từng được chọn làm dân riêng, đã thông truyền cho toàn thể nhân loại sự nhận biết và lòng trung thành với Thiên Chúa duy nhất, độc đáo và chân thực… Các Kitô hữu hân hoan nhìn nhận rằng gốc gác của họ nằm ở chính trong cùng một sự tự mạc khải của Thiên Chúa, trong đó kinh nghiệm tôn giáo của dân tộc Do Thái đã được nuôi dưỡng”.

Đức Bênêđíctô XVI cũng ghi nhận rằng Ngài đang chuẩn bị để du hành “như một người hành hương” tới Đất Thánh vào tháng Năm này. Ngài nói: “Ý định của tôi là cầu nguyện cách đặc biệt cho hồng ân hợp nhất và hòa bình cả trong tôn giáo lẫn trong gia đình nhân loại khắp hoàn cầu”. Ngài thêm: “Ước chi cuộc thăm viếng của tôi sẽ giúp thâm hậu hóa cuộc đối thoại của Giáo Hội với dân tộc Do Thái để Người Do Thái và các Kitô hữu cũng như người Hồi Giáo sống trong hòa bình và hoà hợp với nhau tại Đất Thánh”.

Hiểu lầm đã được vượt qua

Cũng theo tin Zenit ngày 12 tháng Ba, sau cuộc triều kiến Đức Bênêđíctô XVI của phái đoàn Tòa Giáo Sĩ Trưởng Do Thái và Hội Đồng Tòa Thánh đặc trách Liên Lạc Tôn Giáo với Người Do Thái, ông Shear-Yashuv Cohen, giáo sĩ trưởng của Haifa, tuyên bố rằng việc hiểu lầm giữa Do Thái và Vatican đã được vượt qua. Ông có ý nói tới những tranh luận tiếp theo việc Tòa Thánh bãi bỏ vạ tuyệt thông cho một giám mục từng bác bỏ tầm mức khủng khiếp của Nạn Diệt Chủng người Do Thái trong Thế Chiến II.

Tháng Giêng vừa rồi, mối liên hệ với Tòa Giáo Sĩ Trưởng của Do Thái gần như bị sụp đổ sau khi Toà Thánh cho rút lại vạ tuyệt thông đối với Giám Mục Richard Williamson của Hội Thánh Piô X vốn là người bác bỏ Nạn Diệt Chủng người Do Thái. Việc rút lại vạ tuyệt thông này cũng áp dụng cho ba giám mục khác của nhóm Lefèbre.

Trong một cuộc phỏng vấn được một đài truyền hình Thụy Điển thâu băng vào hồi tháng Mười Một, vị giám mục trên cho rằng chứng cớ lịch sử cho thấy không có việc dùng hơi ngạt để sát hại người Do Thái tại các trại tập trung của Đức Quốc Xã. Vị giám mục này cũng cho rằng không hơn 300,000 người Do Thái đã bị giết trong suốt Thế Chiến II. Động thái trên đã làm căng thẳng mối liên hệ giữa Vatican và Tòa Giáo Sĩ Trưởng Do Thái, từng được thiết lập năm 2000 khi Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tới thăm Do Thái. Trong một bức thư, toà giáo sĩ trưởng này đã viết rằng: “không có lời xin lỗi và bác bỏ công khai của vị giám mục trên, thật là khó để tiếp tục cuộc đối thoại”.

Kể từ đó, Đức Bênêđíctô XVI đã liên tiếp chỉ trích những ai bác bỏ tầm mức Nạn Diệt Chủng, và hôm nay, Vatican cho công bố lá thư của Đức Giáo Hoàng, trong đó Ngài xin lỗi về sơ sót chung quanh động thái rút vạ tuyệt thông đối với bốn giám mục của phe Lefèbre. Giáo sĩ Cohen nói với báo chí sau khi gặp Đức Giáo Hoàn rằng ông “cám ơn Tòa Thánh đã làm cho cuộc canh tân này có thể xẩy ra nhờ lời tuyên bố rõ ràng, không chút hàm hồ, lên án việc bác bỏ Nạn Diệt Chủng”. Theo ông, cuộc triều kiến hôm nay là “một kinh nghiệm hết sức đặc biệt, đánh dấu việc chấm dứt một cơn khủng hoảng”. Ông nghĩ rằng người Do Thái “không thể chờ mong điều gì hơn thế” từ Đức Giáo Hoàng.

Tháng Mười năm ngoái, Giáo sĩ Cohen đã có một hành động có tính lịch sử khi ông tham dự Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới bàn về Lời Chúa. Ông là người Do Thái đầu tiên tham dự một thượng hội đồng như thế trong lịch sử.

Giáo sĩ David Rosen, giám đốc Uỷ Ban Do Thái Mỹ về Liên Tôn Sự Vụ, sau cuộc triều kiến trên, đã nói rằng cộng đồng Do Thái có ‘lý do để hài lòng” và ông cho rằng vấn đề đã được giải quyết.

Tưởng cũng nên nhắc lại rằng cuộc gặp gỡ với phái đoàn của Tòa Giáo Sĩ Trưởng Do Thái đáng lẽ đã được tổ chức hồi tháng Giêng, nhưng bị đình hoãn vì những căng thẳng nói trên.
 
Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh nhu cầu suy niệm về tình yêu Thiên Chúa
Đ.Ô Nguyễn Quang Sách
23:53 14/03/2009
Đức Thánh Cha khuyến khích thời gian cầu nguyện mùa Chay, tĩnh tâm để được lớn mạnh thiêng liêng

VATICAN (Zenit.org).- Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI nhấn mạnh nhu cầu cầu nguyện như là một phương tiện để lớn mạnh thêng liêng, hầu kết hợp ý muốn của mình với Chúa và dìm mình trong tình yêu của Người.

Đức Giáo Hoàng đã khẳng định điều này hôm Chúa Nhật 2 Mùa Chay trong một bài huấn đức cho những người qui tụ trong Quảng Trường Thánh Phêrô lúc đọc kinh Truyền Tin.

Ngài nói về cuộc tỉnh tâm của ngài trong tuần qua, và lưu ý “đó là một tuần thinh lặng và cầu nguyện: trí và lòng có khả năng hiến mình hoàn toàn cho Chúa, nghe lời Người, suy gẫm về những mầu nhiệm Chúa Kitô.”

Đức Thánh Cha so sánh kinh nghiệm tỉnh tâm của ngài với kinh nghiệm tỉnh tâm của các tông đồ, những người đã thấy Chúa Giêsu biến hình trên núi. Ngài đã giải thích, “Chúa Giêsu đã muốn các môn đệ của Người, cách riêng những kẻ có trách nhiệm lãnh đạo Giáo Hội mới sinh, kinh nghiệm trực tiếp vinh quang thần linh của Người, hầu có khả năng đối mặt đến sự xúc phạm thánh giá.”

Các ông cần sự cầu nguyện này hầu giúp mình trong những lúc khó khăn, ngài nói, như trong vườn Getsemane khi các ông nhận thấy rằng mình cần “ân sủng Chúa Kitô” hầu” nâng đỡ các ông và giúp các ông tin vào sự phục sinh.”

Đức Thánh Cha nhấn mạnh, “ sự biến hình của Chúa Giêsu thiết yếu là một kinh nghiệm câu nguyện.”

Kết hợp với Thiên Chúa

Ngài nói tiếp: “Trên thật tế, sự cầu nguyện đạt tới chóp đỉnh của nó—và như vậy trở nên nguồn mạch của ánh sáng nội tâm—khi tâm trí con người gắn bó với tâm trí Chúa Giêsu và ý muốn của Chúa Giêsu và của con người liên hợp hầu như hình thành một ý muốn duy nhất.

“Khi Chúa Giêsu lên núi Người dìm mình trong sự chiêm ngắm chương trình thương yêu của Chúa Cha, Đấng đã sai Người vào trong thế giới hầu cứu vớt nhân loại.”

Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI đã khẳng định rằng trong lúc đó “Chúa Giêsu thấy thánh giá được phác thảo trước mặt Người, hy lễ tột độ cần thiết để giải thoát chúng ta khỏi sự thống trị của sự tội và sự chết, […] Trong con tim của Người một lần nữa Người lập lại lời ‘Amen’ của Người.

“Người nói vâng, này con đây, xin cho ý muốn tình yêu của Cha được thực hiện,” Đức Giáo Hoàng ghi nhận.

Ngài đã nói, “Cùng với sự ăn chay và những việc thương xót, sự cầu nguyện hình thành cấu trúc thiết yếu của sự sống thiêng liêng của chúng ta.”

Đức Giáo Hoàng đã khuyên các thính giả của ngài “tìm ra trong thời gian mùa Chay này những lúc thinh lặng kéo dài, có lẽ một cuộc tỉnh tâm, hầu suy niệm trở lại về sự sống của anh chị em dưới ánh sáng chương trình tình yêu của Cha trên trời.”

Ngài nói tiếp: “Xin Đức Trinh Nữ Maria, thầy và mẫu sự cầu nguyện, hướng dẫn anh chị em trong sự lắng nghe mãnh liệt hơn nữa tiếng Chúa.”
 
Kitô Giáo đem lại sự phát triển
Đ.Ô Nguyễn Quang Sách
23:53 14/03/2009
Xem xét sự Đóng góp của Boniface cho châu Âu

VATICAN CITY, MARCH 11, 2009 (Zenit.org).- Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI nói bằng chứng của Thánh Boniface là một sự nhắc lại rằng Kitô Giáo cổ võ sự phát triển của nhân loại vì ủng hộ sự mở rộng nền văn hóa.

Đức Giáo Hoàng khẳng định điều này hôm thứ Tư hàng tuần 11/3 trong buổi tiếp kiến chung tại Quảng trường Thánh Phêrô, khi ngài suy tư về “tông đồ nước Đức.”

Đức Thánh Cha đã trình bày một tường thuật về tiểu sử của vị giám mục và tử đạo, lúc đề cập tới ơn gọi của ngài theo sự sống đan viện khi còn trẻ tuổi, và sự ngài bỏ lại sau đó một nghề hàn lâm sáng chói để chuyển động về các vùng truyền giáo.

Cố gắng đầu tiên của ngưởi đan sĩ trẻ cho việc phúc âm hóa đã hỏng, và ngài đã đến Rome để tìm tư vấn từ Đức Giáo Hoàng Gregory II.

Đức Giáo Hoàng này “đã giao phó cho ngài những thơ chính thức và vùng truyền giáo để rao giảng Tin Mừng giữa các dân tộc Đức.”

Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI nói “Với sức hoạt động không mỏi mệt của ngài, với những tài tổ chức của ngài, với tính khí mềm mỏng và đáng yêu của ngài mặc dầu ngài có tính thẳng thắng, Boniface đã đạt được những kết quả to lớn”.

Đức Thánh Cha nói tiếp Boniface đã tiếp tục gặt hái những hoa quả tông đồ trong những năm dài làm việc trong các vùng đất trung Âu.

Ngài ghi nhận rằng: “Vị giám mục vĩ đại, ngoài công việc rao giảng Tin Mừng và tổ chức Giáo Hội qua việc thành lập các giáo phận và việc cử hành các thượng hội đồng, không quên ủng hộ việc sáng lập nhiều đan viện, nam và nữ, đến độ những đan viện đó gống như một hải đăng toả chiếu đức tin và văn hóa nhân bản và Kitô hữu trong vùng đất này. […]

“Trên thực tế ngài quan niệm rằng làm việc cho Tin Mừng cũng là làm việc cho một văn hoá nhân bản. […] Do đó nhờ Boniface, những đan sĩ nam và nữ của ngài--những người nữ cũng có một phần rất quan trọng trong công việc rao giảng Tin Mừng—văn hoá nhân bản cũng đã nở hoa, bất khả phân ly với đức tin và mạc khải vẻ đẹp đức tin.”

Đức Thánh Cha đã nhắc lại tuy đã cao niên --lối 8o tuổi—Boniface lại đảm trách những cố gắng truyền giáo. Và do vậy mà ngài gặp phúc tử đạo: “Đang khi ngài bắt đầu cử hành Thánh Lễ tại Dokkum […] ngài bị một băng đảng dân ngoại tấn công. Đứng hàng đầu với một gương mặt thanh thản, ngài ‘không cho các bạn của ngài chiến đấu và nói: “Hỡi các con, thôi chiến đấu, hãy bỏ chiến tranh, bởi vì chứng từ Kinh Thánh bảo chúng ta đừng lấy ác báo ác, nhưng lấy lành báo ác. Đây là ngày được chờ đợi lâu nay, thời giờ chết của chúng ta đã tới. Hãy can đảm trong Chúa!”

“Đó là những lời cuối cùng của ngài trước khi ngã gục trước những cú đánh của những kẻ tấn công ngài.”

Những bài học

Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI khẳng định rằng chứng từ của Boniface cống hiến nhiều bài học cho các tín hữu ngày nay.

Ngài chú tâm hơn hết trong ba bài học: “trung tâm Lời Chúa, sống và giải thích trong đức tin của Giáo Hội, một Lời [Boniface] đã sống, đã giảng và đã minh chứng cho tới sự hiến mình tuyệt vời trong phước tử đạo.. Ngài say mê Lời Chúa đến nỗi cảm thấy sự khẩn cấp và bổn phận đem Lời Chúa cho những kẻ khác, cho dầu phải liều cá nhân mình.”

Đức Giáo Hoàng nói tiếp: “Điểm hiển nhiên thứ hai, một điểm rất quan trọng, nẩy lên từ cuộc sống Boniface là sự hiệp thông trung thành của ngài với Toà Thánh, đó là một điểm vững mạnh và trung tâm trong cuộc truyền giáo của ngài. Ngài đã luôn luôn giữ sự hiệp thông này như là một luật của sứ vụ ngài và ngài để nó lại hâu như là một di chúc. […]

“Boniface kéo sự lưu ý của chúng ta tới một đặc điểm thứ ba: Ngài cổ võ sự gặp gỡ giữa văn hoá Roman-Kitô Giáo và văn hoá Đức Quốc. Trên thật tế ngài biết rằng sự nhân bản hóa và sự phúc âm hóa văn hóa là một phần nguyên vẹn của sứ vụ ngài như môt giám mục. Khi truyền lại gia sản xưa của những giá trị Kitô hữu, ngài đã vun trồng trong các dân tộc German một kiểu sống mới nhân bản hơn, nhờ đó những quyền bất khả nhượng của con người được tôn trọng tốt hơn. Vì là một người con đích thực của Thánh Giáo Hoàng Biển Đức, ngài biết phải kết hợp sự cầu nguyện và việc lao động-chân tay và trí thức-ngòi bút và lưỡi cày.”

Như vậy, Đức thánh Cha khẳng định, “chứng từ can đảm của Boniface là một lời mời tất cả chúng ta phải đón tiếp trong sự sống chúng ta Lời Chúa như là một điểm qui chiếu, phải yêu thương say mê Giáo Hội, phải cảm thấy chúng ta đồng-trách nhiệm cho tương lai Giáo Hội, phải tìm kiếm sự hiệp nhất xung quanh người kế vị Phero. Đồng thời, ngài nhắc chúng ta rằng Kitô Giáo, ủng hộ sự phổ biến văn hoá, cổ võ sự thăng tiến con người. Như vậy, chúng ta có trách nhiệm đạt được tiêu chuẩn mong đợi của một gia sản có uy tín như thế và làm cho nó sinh hoa quả vì thiện ích của những thế hệ tương lai.”

Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI đã nói về vị tông đồ quê hương ngài: “Lòng sốt sắng hăng say của ngài đối với Tin Mừng luôn luôn ấn tượng tôi: Lúc 40 tuổi, ngài bỏ một đời sống đan viện tốt đẹp và thành công, đời sống một đan sĩ và một giáo sư, để loan báo Tin Mừng cho những kẻ đơn sơ, cho dân man di; tới 80 tuổi, một lần nữa, ngài đi tới một vùng nơi ngài thấy trước cuộc tử đạo của ngài

“So sánh đức tin hăng say này của ngài, sự nồng nhiệt này đối với Tin Mừng, (so sánh) với đức tin của chúng ta rất thường nhạc nhẽo và bàn giấy, chúng ta thấy phải đổi mới đức tin chúng ta và đổi mới bằng cách nào, hầu dâng làm quà tặng cho những thời đại chúng ta viên ngọc quý của Tin Mừng.”
 
Top Stories
Catholic defendants to be re-tried - Lawyer persecuted openly
J.B. An Dang
10:31 14/03/2009
Amid a new defamation campaign by Hanoi media against Catholics of Thai Ha, and a series of relentless attacks on their lawyer to hinder his service being rendered to his Catholic clients, these defendants will be re-tried in late of March.

The People's Court in capital city of Hanoi announced on Friday that it would review the appeal of the eight Catholic defendants who were sentenced in early December for their participation in prayer vigils calling for justice and the restitution of land confiscated from the Church.

After the trial on Dec. 8, 2008 in a lower court, the eight parishioners from Hanoi's Thai Ha parish were released after seven of them received suspended sentences for “disturbing public order” and “damaging state property” in an ongoing land dispute with the Vietnamese government which had drawn international attention and help united the Vietnamese Church in the most profound way one can imagine.

The defendants were among thousands of parishioners who joined prayer vigils and peaceful rallies over the past year in the capital Hanoi demanding the return of Catholic Church land seized by the state half a century ago.

At the trial, all denied the charges. Seven defendants received suspended jail terms of 12 to 15 months, with credit for time already served while in police custody and probation periods of up to two years, and the other defendant received a warning. These sentences seemed to be light in comparison with what had been threatened by communist leaders in Hanoi. Upon hearing these sentences every defendants announced right in court that they would appeal to the high court.

"I did nothing wrong. Our vigils were a good thing for the government, because we prayed to God to enlighten the leaders' minds," defendant Le Quang Kien, 63, told the court.

He said parishioners organized the vigils because they had heard that authorities planned to sell the land to private buyers.

The trial was held at a local government town hall instead of the Dong Da District People's Court where the government said would be more difficult to limit the number of visitors.

Police surrounded the location to keep unauthorized visitors out, while a crowd of parishioners from Thai Ha parish held a demonstration outside.

Hundreds of Catholic supporters outside the Hanoi court building greeted the eight defendants, four men and four women, with flowers as they left the building, which was guarded by rows of riot police.

The upcoming trial will be held at 2 Nguyễn Trãi, Hà Đông, a premise 40 km away from Hanoi to avoid foreign media’s attention and to set a limit to number of Catholic supporters whose attendance is anticipated.

Vietnamese state media recently have launched a defamation campaign against the Catholic defendants suggesting more severe punishments.

On Feb 28, 2009, the online edition of the New Hanoi Newspaper very newspaper had published an article charging the Thai Ha plaintiffs for refusing to “awaken to reality" in a very provocative, accusatory tone. It charged the defendants of “obstinacy and narrowness” and “refusing to go back to the right path”.

A week later, on March 5, Vietnam Television repeated the same charges brushing aside the Thai Ha parishioners' demand to broadcast the corrected version of the trial report the plaintiffs claimed VTV was responsible for.

What the state media's intention is now unraveling to the public view as they are trying to portrait the plaintiffs are none other than stubborn defendants who did not only refuse to honor the stayed sentence imposed upon them by the Hanoi people's court, but also continue to cause public disturbances by insisting on the media to make corrections on what they described as "distortion of the truth" in broad daylight.

Even more alarming is the fact that the Catholics' legal counsel Mr. Le Tran Luat is now being subject of governmental intimidation and persecution for providing assistance in the law suits against the state media.

On Tuesday March 3, lawyer Le Tran Luat was arrested at Tan Son Nhat airport on last Tuesday morning when he was boarding a flight from Saigon to Hanoi in order to prepare for the law suits against the state media. He was released at the end of the day. A series of "working sessions" with police have since been held. On Saturday, March 15, he was arrested again and was put into police custody until mid-night being threatened not to attend the upcoming court.

A week before, his office was ransacked. His computers and other personal equipments were confiscated. His aides were taken into custody by plainclothes policemen, and suffered hours of interrogation. Most of the firm staff members have resigned from their post for fear of being retaliated by the police. On March 12, his partner Nguyen Quoc Dat who has been in charge of the lawfirm -while Luat was pre occupied with the Thai Ha law suit- has been harassed and arrested, prompting people to suspect that the government is signaling a severe punishment on those who dare to stand on the side of justice.

Police have also attacked him financially. His lawfirm reported that police had forced most of his clients in Phu Quoc province to cancel their legal-aid contracts with it describing the lawyer as "a political criminal" who would soon be put into jail.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Thời sự đặc biệt: một giáo xứ tại Saigòn có Nữ Chủ tịch Hội đồng Mục vụ Giáo xứ.
Nguyễn Long Thao
01:49 14/03/2009
SÀIGÒN 10/3/09- Một thời sự đặc biệt tại giáo phận Saigòn, sau nhiều năm chờ đợi nay có thêm một người phụ nữ thứ hai được bầu vào chức vụ Chủ Tịch Hội Đồng Mục Vụ của một giáo xứ.

Bà Đinh Thụy Miên
Vào ngày 7 tháng 3 vừa qua, trước ba ngày kỷ niện Ngày Phụ Nữ Quốc Tế, tại giáo xứ Tân Định, một trong những giáo xứ lớn hàng đầu của giáo phận Sàigòn, Linh mục chính xứ Gioan Baotixita Võ Văn Ánh, đã bắt tay và trao chứng chỉ Chủ Tịch Hội Đồng Mục Vụ xứ Tân Định cho bà Têrêxa Đinh Thụy Miên. Buổi lễ đã diễn ra rất trang trọng, có hơn 1000 người, kể cả những đồng bào không Công Giáo được mời tham dự.

Linh Mục Võ Văn Ánh, Chủ Tịch Ủy Ban Giáo Dân thuộc Tổng Giáo Phận Sàigòn nói với cộng đoàn trong buổi lễ rằng Bà Miên là phụ nữ đầu tiên của giáo xứ giữ chức Chủ Tịch Hội Đồng Mục Vụ. Tại Giáo Phận Sàigòn với hơn 650,000 tín hữu, thuộc 200 giáo xứ lớn nhỏ khác nhau, không giáo xứ nào có Chủ Tịch Hội Đồng Mục Vụ là phụ nữ mà từ trước tới nay, chức vụ này vẫn được trao cho qúy ông.

Cha Ánh tuyên bố: “Đây là cuộc cách mạng trao quyền cho phụ nữ”. Bà Miên đã được các thành viên Hội Đồng Mục Vụ và các đoàn thể trong giáo xứ Tân Định bầu làm Chủ Tịch Hội Đồng Mục Vụ trong một phiên họp diễn ra vào ngày 1 tháng 3 năm 2009. Nhiệm kỳ của bà sẽ mãn vào năm 2011.

Theo cha chính xứ Tân Định, đây mới chỉ là một phần Giáo Hội muốn trao quyền cho phụ nữ để họ thi hành sứ vụ rao giảng Tin Mừng. Ngài nói “Tôi muốn các vị phụ nữ trong xứ đạo được trao quyền để họ đảm trách các sinh hoạt của giáo xứ. Hiện nay Hội Đồng Giáo Xứ có 33 thành viên, trong đó một nửa là qúy bà, họ đang cố vấn và giúp đỡ tôi trong việc điều hành giáo xứ”.

Ông thân sinh của Bà Miên trước đây là Chủ Tịch Hội Đồng Mục Vụ. Bà Miên có ba người con. Trong 26 năm qua bà là kế toán viên và sau này là Giám Đốc trung tâm cai nghiện của nhà nước.Trong giáo xứ, Bà cũng là thành viên trong tổ chức hỗ trợ ơn kêu gọi tu trì. Hiện nay bà đang điều hành cơ sở kinh doanh sửa sắc đẹp.

Bà Miên đã ngỏ lời với công đoàn trong buổi lễ. Bà nói “Xin mọi người cầu nguyện cho tôi để tôi hoàn thành tốt sứ vụ được trao phó. Tôi rất lo lắng vì chức vụ này đòi hỏi nhiều thời gian và kỹ năng. Tuy nhiên, tôi cảm thấy an tâm và tin tưởng vì có cha chính xứ và giáo dân trong xứ đạo hỗ trợ tôi”

Bà Catherine Đỗ Thị Liễu, 53 tuổi, người giáo xứ Tân Định phát biểu: “ Là phụ nữ, tôi rất hãnh diện vì bà Miên đã được Giáo Hội trao quyền. Rất nhiều phụ nữ đã đang giữ những chức vụ quan trọng trong nhiều tổ chức. Do vậy Giáo Hội nên để cho phụ nữ Công Giáo đảm nhận những chức vục có ảnh hương trong Giáo Hội. Tôi tin bà Miên sẽ chu toàn được sứ vụ và tôi sẽ cầu nguyện cho bà”.

Tưởng cũng nên giải thích thêm, Chủ Tịch Hội Đồng Mục Vụ hay Chủ Tịch Hội Đồng Giáo Xứ là danh xưng mới xuất hiện gần đây, sau Công Đồng Vatican II. Trước đó chức vụ này ở miền Bắc trong các xứ lớn gọi là Chánh Trương, xứ nhỏ gọi là Trùm Chánh. Tại miền Nam Hội Đồng Giáo Xứ gọi là Qưới Chức, và người đứng đầu là ông Câu.

Sự kiện bà Miên được bầu làm Chủ Tịch Hội Đồng Giáo Xứ là một biến cố lịch sử của Giáo Hội Việt Nam vì trong gần 500 năm đạo Công Giáo có mặt tại đây, người ta chỉ thấy chức vụ này dành cho qúy ông.

Theo Linh Mục Đinh Huy Hưởng, Giám Đốc Caritas Sàigòn, giáo xứ Hòa Bình hạt Gò Vấp thuộc giáo phận Sàigòn đã có Nữ Chủ Tịch Hội Đồng Mục Vụ cách đây khoảng trên 20 năm và các Linh Mục rất khâm phục quyết định của giáo xứ Hòa Bình. Tuy nhiên, tin tức này đã không được chính thức loan ra thành ra giới sử học không biết gì về tin này.

Cũng có người cho biết tin như sau là cách đây khoảng năm sáu năm, ở một giáo xứ thuộc địa phận Long Xuyên đã chẳng những có một đời mà có những hai đời Nữ Chủ Tịch Hội Đồng Mục Vụ.

Sự phụ nữ làm chủ tịch Hội đồng Mục vụ tại các giáo xứ Âu châu thì không có gì lạ, nhất là tại Hoa Kỳ thì hình như ngày nay đa số là do phụ nữ đảm trách, vì các bà chăm chỉ, đảm đang và dấn thân hơn..., ngay cả nhiều cộng đoàn Việt nam tại Hoa kỳ cũng có rất nhiều phụ nữ giữ vai trò này. Tuy nhiên ở Việt Nam vì thói quen hay vì truyền thống nào đó, mà dân chúng chưa làm quen được với hình ảnh một phụ nữ giữ chức chủ tịch Hội đồng mục vụ giáo xứ.

Về sách vở Công Giáo không thấy mấy tác giả để cập vấn đề phụ nữ tham gia hội đồng giáo xứ. Mãi tới những năm của thập niên 80 của thế kỷ trước, Linh Mục, Ngô Phúc Hậu, trong tác phẩm Nhật Ký Truyền Giáo mới đề cập đến vấn đề này một cách đại cương khi ngài thấy 1000 người trong ban mục vụ về họp tại Tòa Giám Mục giáo phận Hưng Hóa chỉ toàn đàn ông và Ngài đã đặt câu hỏi: “ Ủa ! 1000 thành viên hội đồng giáo xứ mà không có người phụ nữ nào sao? Có bình thường không nhỉ?
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Phóng Viên Không Biên Giới (RSF): Việt Nam là một trong 12 quốc gia thù địch với Internet
Người-Việt
02:28 14/03/2009
Paris (NV) - Tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới (RSF) có trụ sở ở Paris, Pháp vừa công bố một phúc trình, trong đó, Việt Nam được xếp vào nhóm 12 quốc gia thù địch của Internet trên thế giới.

Mười hai quốc gia kể trên (được xếp theo thứ tự bảng chữ cái) gồm có: Burma, China, Cuba, Egypt, Iran, North Korea, Saudi Arabia, Syria, Tunisia, Turkmenistan, Uzbekistan và Vietnam.

Trước đó, trong bản xếp hạng hàng năm về tự do báo chí trên thế giới cũng của RSF, Việt Nam đứng hạng 168/173 quốc gia được khảo sát. Nông Ðức Mạnh, tổng bí thư Ðảng CSVN từng bị RSF gọi là “dã thú sát hại báo chí”.

Tổ chức vận động cho tự do báo chí trên thế giới này nhận xét: “Tất cả những quốc gia đó nổi bật so với các quốc gia khác từ việc kiểm duyệt tất cả thông tin trên Internet và kết án những người bị coi là sử dụng Internet để gây rối”. RSF lên án chính quyền 12 quốc gia này đã biến Internet - kênh thông tin - thành kênh kiểm duyệt để cấm, cản dân chúng tiếp cận các thông tin trên Internet mà họ không muốn dân chúng biết.

Theo thống kê của RSF, trên thế giới hiện có ít nhất 70 người bất đồng chính kiến vì sử dụng Internet để thông tin và bày tỏ ý kiến mà bị cầm tù. Trung Quốc là quốc gia cầm tù nhiều người nhất (49 người), kế đó là Việt Nam.

RSP không liệt kê toàn bộ chi tiết mà họ thu thập được về những người viết blog (báo cá nhân trên Internet) bị sách nhiễu, khủng bố vì đã sử dụng Internet để thông tin và bày tỏ những ý kiến khác với chủ trương của chính quyền.

Tuy nhiên theo RSF, riêng trong năm 2007 đã có trên 2,600 trang web và trang blog trên Internet bị các chính quyền độc tài, quân phiệt hay cuồng tín đóng cửa hoặc ngăn chặn.

Tại Việt Nam, năm ngoái, vào ngày 10 tháng 9 năm 2008, nhà báo tự do Nguyễn Văn Hải (bút danh Hoàng Hải, blogger “Ðiếu Cày”) đã bị kết án 30 tháng tù về tội “trốn thuế” nhưng thực chất là do cổ võ tự do thông tin và kêu gọi chống Trung Quốc xâm phạm chủ quyền lãnh thổ.

Khi cho phép dân chúng sử dụng Internet hồi 1996, chính quyền CSVN đã dựng “tường lửa” để ngăn cản dân chúng truy cập những thông tin khác với lối tuyên truyền của chính quyền CSVN.

Ðến nay, với sự phát triển của xa lộ thông tin điện tử toàn cầu, khoảng 2 triệu người ở Việt Nam đã mở các trang báo cá nhân để thông tin, bày tỏ đủ loại ý kiến, khác với hệ thống tuyên truyền của chính quyền CSVN.

Những kênh thông tin tự do, nằm ngoài sự kiểm soát của chính quyền CSVN đã nhanh chóng trở thành một hệ thống truyền thông có tính đối lập và đe dọa sự tồn vong của chính quyền CSVN nên họ đã tìm nhiều cách để hạn chế sự phát triển của các kênh thông tin tự do này.

Hồi tháng hai năm nay, Ðỗ Quý Doãn, thứ trưởng Bộ Thông Tin Truyền Thông CSVN, tuyên bố: “Blogs là trang thông tin cá nhân. Nếu blogger dùng nó như một tờ báo thì đó là vi phạm pháp luật và sẽ bị trừng phạt”. Tuy hiến pháp CSVN minh định công dân có quyền tự do báo chí nhưng “Luật báo chí” thì không cho phép tư nhân hoạt động trong lĩnh vực truyền thông.

(Nguồn: http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=91984&z=157)
 
Văn Hóa
Tình Chúa thương con!
Sa Mạc Hồng
16:17 14/03/2009
Tình Chúa thương con!

Có chuyện tình nào xa xưa
Cho đến tận bây giờ
Của Ngài, Đức Giêsu
Mỗi ngày trên thập giá
Ngài vẫn nén cơn đau rên rỉ
Đưa bàn tay mòn mỏi vết đinh
Âu yếm con, lắm lúc vô tình!
Tìm niềm vui trong thiên đàng mộng tưởng.
Mỗi ngày, Chúa vẫn đợi chờ con
Trong trái tim Ngài rơi giọt lệ buồn!
Con biết Chúa thương con
Mỗi ngày con vẫn nhớ
Từ thuở dựng nên con
Ngài ôm ấp cả xác hồn
Trong tay Ngài, yêu thương trìu mến
Cho dẫu đã ngàn năm
Nước chảy đá mòn
Sông khô biển cạn
Tình Chúa vẫn không đổi thay
Vẫn chờ con từng ngày
Chúa ơi! Hồn xác con đây
Xin ôm con trọn vòng tay của Ngài!

 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Nhện
Bro. Phạm Ngọc Thạch, cmc.
05:16 14/03/2009

NHỆN



Ảnh của Bro. Phạm Ngọc Thạch CMC, Carthage, MO.

Tằm giăng tơ, nhện cũng giăng tơ

Mấy đời tơ nhện được như tơ tằm !

(Ca dao)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền