Ngày 10-03-2014
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Vinh quang của Chúa Giêsu
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
07:19 10/03/2014
Chúa Nhật 2 MÙA CHAY, năm A
Mt 17, 1-9

VINH QUANG CỦA CHÚA GIÊSU

Cuộc biến hình trên núi Taborê là hình ảnh sống động, ấn tượng đã để lại trong lòng mọi Kitô hữu những suy nghĩ, những cảm nghiệm sâu xa về sự vinh hiển của Chúa Giêsu sau khi Ngài phải trải qua những cực hình thể xác, những đau khổ tinh thần bởi vì hầu như mọi người đã bỏ rơi Ngài. Vinh quang trên núi Tabôrê hôm nay xua tan mây mù đen tối về cuộc thương khó của Chúa Giêsu mà Ngài đã loan báo cho các tông đồ ở Cêsarê-Philipphê. Chúa Giêsu đã cho ba môn đệ thân tín nhất là Phêrô, Giacôbê và Gioan được thấy vinh quang của Ngài, và đặc biệt được nghe lời Thiên Chúa Cha từ trời giới thiệu Người Con Chí Ái, đồng thời với sự minh chứng của các nhân vật Cựu Ước như Ông Môsê và Ông Êlia để các môn đệ an tâm dấn bước theo Chúa, nghe lời Chúa dạy và sẵn sàng gánh vác công việc của Chúa sau này…

Trình thuật của thánh Matthêu trong trích đoạn 17, 1-9 là một áng văn hay và là một cuộc miêu tả hết sức đẹp về sự biến hình của Chúa trên núi Tabôrê. Ba nhân vật Phêrô, Giacôbê và Gioan là ba tông đồ đã được Chúa Giêsu đem theo riêng bên mình, chứng kiến một số sự kiện, biến cố quan trọng trong cuộc đời theo Chúa, chẳng hạn biến cố con ông Giairô, hiện diện trong vườn Giêt-si-ma-ni. Thánh Phêrô sau này làm đầu Giáo Hội. Phêrô là Đá, Chúa xây Giáo Hội trên nền Đá là Phêrô và các tông đồ. Thánh Giacôbê là Giám mục đầu tiên ở Giêrusalem và cũng là vị tông đồ được phúc tử đạo đầu tiên. Thánh Gioan là người viết Phúc Âm thứ tư, là tông đồ về trời sau cùng và là người truyền đạt mạc khải công khai của Chúa.

Tiếng Chúa Cha phán đã là bảo chứng quan trọng cho mọi người, mọi thế hệ biết được Ba ngôi Thiên Chúa, làm ta nhớ lại trên dòng sông Giorđăn, Chúa Cha xác nhận: Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, ai tin Thiên Chúa phải nghe lời Chúa Giêsu. Các nhân vật Cựu Ước như Môsê và Êlia giúp các tông đồ hiểu Chúa Giêsu vừa là Vị giảng huấn, vừa là Tiên tri và thực hiện lời các tiên tri.Thánh Phêrô xin dựng lều để muốn mừng lễ Lều Trại vì bây giờ đang trong thời kỳ mừng lễ Lều. Đám mây bao phủ làm ta nhớ tới thời Cựu Ước về sự hiện diện của Thiên Chúa. Núi và đám mây bao phủ gợi lại hình ảnh Môsê trên núi Sinai xưa.

Chủ đích Tin Mừng hôm nay cho ta hay rằng Thiên Chúa từ trời như đang nhắn gửi nhân loại và đặc biệt Dân Do Thái lắng nghe lời của Môsê, và căn dặn phải nghe lời Đấng được sai đến hướng dẫn dân, Đấng ấy thi hành ý Thiên Chúa Cha, là Con và là tôi tớ, những lời của Đấng ấy dù có khác lạ với lối suy nghĩ của nhân loại, của người đời, như thể lời loan báo về cuộc khổ nạn, về cái chết và phục sinh. Các môn đệ ngã sấp mặt xuống đất gợi lại sự hiện diện của Thiên Chúa thời Cựu Ước, hình ảnh Thiên Chúa trong bụi gai, Môsê phải cúi mặt không được nhìn vì nhìn sẽ chết vv…Giữ kín những điều đó để khỏi bị người ta hiểu lầm, tranh giành nhau về chính trị, về quyền hành vv…Khi Chúa chết sống lại, sự hiểu lầm ấy sẽ hết đi…

Qua các bài đọc hôm nay, chúng ta nhận ra Đấng Cứu Thế mà Dân Do Thái mong đợi đã đến, Ngài đã đến với chúng ta cùng với Giáo lý, Giáo huấn của Ngài. Ngài muốn chúng ta sống như Ngài, lắng nghe lời Ngài và thực thi lời Ngài. Vinh quang của Chúa Giêsu cũng là vinh quang của chúng ta bởi vì Chúa Giêsu đã luôn làm hài lòng Thiên Chúa Cha khi thực hiện thánh ý của Chúa Cha: chịu đau khổ, chịu chết và phục sinh để cứu rỗi mọi người, cứu rỗi trần gian. Chúng ta thực thi ý Chúa là hoàn tất sứ mạng trần thế trong cuộc hành trình đức tin lâu dài. Lắng nghe lời Chúa và thực hiện lời Chúa trong đời sống của mình là đem lại hạnh phúc cho chính bản thân mình và đem lại hạnh phúc cho những người xung quanh chúng ta trong bất kỳ trạng huống thuận hay nghịch của cuộc đời.

Lạy Chúa Giêsu, ba tông đồ Phêrô, Giacôbê và Gioan đã chìm sâu trong ánh sáng vinh của của Chúa. Việc biến hình của Chúa đã làm cho các tông đồ quên đi những tang thương, thử thách của cuộc đời để các ngài ý thức về sứ mạng cứu thế của Chúa. Hôm nay trên núi cao, các môn đệ được chiêm ngắm vinh quang chói ngời của Chúa…Trong vườn Cây Dầu, các môn đệ sẽ chứng kiến những giây phút đau buồn, thảm thương của Thầy trước khi bị bắt, bị kết án và bị đóng đinh trên Thập giá. Xin cho chúng con luôn tin vào lời Chúa, lắng nghe Chúa nói và thực thi những điều Chúa dạy bảo hầu chúng con làm hài lòng Thiên Chúa, làm vui lòng anh chị em và làm đẹp lòng Chúa. Xin Chúa chúc lành cho chúng con và sứ mạng cứu thế chúng con đang thực hiện giữa mọi người. Amen.

GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ :

1.Chúa Giêsu biến hình ở đâu ?
2.Những tông đồ nào đã được chứng kiến biến cố biến hình ?
3.Những nhân vật Cựu Ước nào hiện ra ?
4.Tại sao Chúa cấm các môn đệ phải giữ bí mật ?
 
Biến đổi theo thánh ý Chúa
Jos. Vinc. Ngọc Biển
14:48 10/03/2014
BIẾN ĐỔI THEO THÁNH Ý CHÚA

(Chúa Nhật 2 MÙA CHAY, A)

Mỗi khi Mùa Chay về, ấy là lúc chúng ta nghe đây đó văng vẳng bên tai: hãy đi xưng tội; làm việc lành; bố thí; hy sinh hãm mình và ăn chay để đền tội.... Tuy nhiên, điều đó cần, nhưng không đủ, nên Mùa Chay vẫn cứ đến rồi lại đi mà ít làm cho người tín hữu suy tư và quyết định biến đổi con người cũ là con người ích kỷ, kiêu ngạo, tội lỗi, để mặc lấy con người mới, con người giống hình ảnh của Đức Giêsu.

Hôm nay, bài Tin Mừng thuật lại việc Đức Giêsu biến hình trên núi Tabor. Sự kiện này mời gọi mỗi chúng ta một phần biết sống những đòi hỏi của Tin Mừng. Mặt khác cũng cần phải biến đổi để trở nên con người mới thực sự theo ánh sáng của Tin Mừng, tức là theo thánh ý Thiên Chúa.

1. Ý nghĩa Lời Chúa

Khởi đi từ bài đọc I: trình thuật việc Đức Chúa kêu gọi ông Abram: "Hãy rời bỏ xứ sở, họ hàng và nhà cha ngươi, mà đi tới đất Ta sẽ chỉ cho ngươi” (St 12, 1). Ông Abram đã sẵn sàng vâng nghe tiếng Chúa truyền, sẵn sàng từ bỏ cuộc sống yên ổn tại quê nhà, để lên đường đến nơi Chúa sẽ chỉ cho trong tương lai. Sự ra đi của Abram là một cuộc từ bỏ tiên quyết. Vì thế, Chúa đã hứa ban cho ông và dòng dõi ông hưng thịnh đến độ: trở nên một dân lớn. Ông được chúc phúc, được vinh quang và trở thành trung gian để chúc phúc cho người khác cũng như mọi dân tộc trên mặt đất sẽ nhờ ông mà được chúc phúc (x. St 12, 2-3).

Sang bài đọc II: thánh Phaolô mời gọi người môn đệ dấu yêu của mình là Timôthêô hãy bắt chước ngài như chính ngài đã bắt chước Đức Kitô; đồng thời cũng mời gọi ông cộng tác trên hành trình loan báo Tin Mừng mà thánh nhân đang loan báo. Lộ trình và kế hoạch đó là của Thiên Chúa đã được tiền định từ lâu. Khi được chọn và gọi để tham gia vào sứ mạng đến với muôn dân như thế, người môn đệ phải hiểu, sống và hăng say loan báo về Đấng “ ... đã tiêu diệt thần chết, và đã dùng Tin Mừng mà làm sáng tỏ phúc trường sinh bất tử” (2Tm 1, 10).

Cuối cùng là bài Tin Mừng: thánh Mátthêu trình thuật biến cố Đức Giêsu hiển dung như một sự kiện toàn cho tất cả những gì đã tiên trưng trong Cựu Ước mà sách Luật và lời các tiên tri đã loan báo.

Hình ảnh của Đức Giêsu sáng chói được hiện lên trong vai trò là nhân vật chính, nhân vật trung tâm. Ngài hiển dung giữa hai vị đặc biệt có liên hệ đến mình là Môsê và Êlia. Tại sao lại có sự xuất hiện hy hữu và đặc biệt này? Thưa! Điều đó dễ hiểu vì:

Môsê là nhà lập luật cho Đạo Dothái. Sự hiện diện của ngài muốn nói lên rằng: nhiều lần, Đạo luật Môsê báo trước về Đấng Cứu Độ, và hôm nay Đấng Cứu Độ ấy chính là Đức Giêsu đang xuất hiện. Tiếp theo, ngụ ý rằng, Đức Giêsu đến thế gian không phải để hủy bỏ Luật cũ, và lập lên một thứ đạo hoàn toàn mới. Nhưng Ngài đến để bổ xung, hầu cho nó được kiện toàn.

Còn Êlia chính là vị ngôn sứ quan trọng trong thời Cựu Ước. Sự hiện diện của ông có thể được hiểu là đại diện cho các ngôn sứ. Bởi vì ngài là người đã gìn giữ và canh tân Luật Môsê. Điều đặc biệt hơn cả nơi tiên tri Êlia chính là vị tiền hô của Đấng Cứu Thế (x. Ml 3, 23-24).

Sự hiện diện của hai nhân vật điển hình cho thời Cựu Ước có mặt trong cuộc biến hình của Đức Giêsu muốn nói lên sự gạch nối giữa Cựu Ước và Tân Ước. Đồng thời qua biến cố này, Đức Giêsu muốn mặc khải cho các môn đệ về bản tính của mình trong vinh quang, để các ông đi vào Mầu Nhiệm Ánh Sáng của ơn cứu độ. Vì thế, thật hạnh phúc cho các ông khi được nếm trải trước giây phút huy hoàng của Nước Trời.

Đây là một trong hàng trăm ngàn phần thưởng mà Đức Giêsu hứa ban cho những ai bỏ mọi sự mà đi theo Ngài. Vì thế, Phêrô đã thốt lên: “Lạy Ngài, chúng con ở đây, hay quá! Nếu Ngài muốn, con xin dựng tại đây ba cái lều, Ngài một cái, ông Môsê một cái, và ông Êlia một cái” (Mt 17, 4). Khi các ông còn đang ngây ngất như thế, thì Chúa Cha xuất hiện như một lời chứng về Người Con yêu quý của mình; đồng thời cũng mặc khải cho các ông hiểu rằng: muốn được vào vinh quang thì phải vâng nghe lời Đức Giêsu.

2. Hãy vâng nghe Lời Người

Nếu trước đó, Đức Giêsu đã mời gọi những môn đệ từ bỏ mọi sự để đi theo mình, đồng thời Ngài cũng đưa ra khuôn mẫu của người môn đệ cần có là: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mt 16,24). Lúc khác, Ngài nhấn mạnh hơn khi nói: "Ai yêu cha hay yêu mẹ hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai yêu con trai hay con gái mình hơn Thầy, thì không xứng với Thầy” (Mt 10, 37). Rồi ngài cũng tiên báo cho các ông biết rằng: “Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét. Nhưng kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát” (Mt 10, 22).

Những điều kiện mà Đức Giêsu vạch ra và đòi hỏi các môn đệ đi theo như thế, không phải là một con đường xa lạ đối với Ngài, bởi chính Ngài đã vâng lời Thiên Chúa để đi trên con đường đau khổ đó hầu cứu chuộc nhân loại. Vì thế, đã nhiều lần Đức Giêsu tiên báo về cuộc thương khó của mình để các ông hiểu rõ sứ vụ của thầy và chính các ông sẽ tiếp bước (x. Mt 16, 24). Lời mời gọi này được Đức Giêsu đưa ra đúng vào thời điểm mà các môn đệ đang tranh nhau chỗ nhất, nhì trong vương quốc của Ngài; lại có những môn đệ đang so đo tính toán thiệt hơn, thì có thể sẽ làm cho các ông chùn bước vì phải bước đi theo Thầy trên hành trình đầy gian nan khốn khổ và chết chóc.

Tuy nhiên, Đức Giêsu đã không để các môn đệ của mình thất vọng, nên ngay sau khi tiên báo về cuộc thương khó lần thứ nhất, người đã đưa các ông lên trên núi để biến hình trước mặt các ông, hầu như một động lực nâng đỡ và khuyến khích họ tiến bước trên con đường khổ giá. Việc Đức Giêsu biến hình là một lời mời gọi cho các môn đệ: nếu muốn được vào vinh quang thì phải trải qua thập giá. Muốn tiến tới hạnh phúc vĩnh cửu thì cũng phải biến đổi hình dạng, tức thay đổi con người cũ trở thành con người mới, trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Giêsu.

Qua biến cố này, Đức Giêsu hé mở cho các ông thấy một chút tương lai của cuộc hành trình ấy. Đây chính là phần thưởng mãn nguyện, tuyệt vời nhất mà Đức Giêsu trao ban cho các môn đệ thân tín của mình.

Nhưng để được như vậy, người môn đệ phải trải qua con đường tập giá, phải biến đổi.

Ngày hôm nay, Đức Giêsu cũng đang mời gọi mỗi chúng ta đón nhận cùng một sứ điệp như đã mặc khải cho các môn đệ khi xưa.

3. Một cuộc biến đổi của chúng ta

Thánh Phaolô đã nói với tín hữu Êphêsô: “Anh em phải cởi bỏ con người cũ với nếp sống xưa, là con người phải hư nát vì bị những ham muốn lừa dối [...] và phải mặc lấy con người mới, là con người đã được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa để sống thật sự công chính và thánh thiện” (Ep 4,22.24). Thật vậy, chúng ta theo Chúa, là chúng ta phải chấp nhận con đường phưu lưu, đầy gian khổ và đôi khi cả cái chết nữa. Chấp nhận biến đổi. Như vậy, người đi theo Chúa và sống những điều Chúa đòi hỏi phải là những người liều. Liều vì Chúa. Liều vì sứ mạng. Liều vì Giáo Hội. Chứ không phải liều cách mù quáng. Liều vì bị ép phải liều.

Biến đổi! Lời mời gọi mang tính quyết định. Nếu chúng ta không biến đổi con người cũ là con người tội lỗi như: tham, sân, si, của bản năng con người, thì chúng ta chẳng khác gì dòng sông không chảy, một cái ao tù được tạo thành ngay trong tâm hồn những ai cố chấp không chịu biến đổi.

Tuy nhiên, nói biến đổi thì dễ lắm, nhưng khi thực sự quan tâm mới thấy là khó.

Trong đời sống thực tế, chúng ta vẫn thấy đây đó có nhiều người hô hào canh tân, đổi mới, cách mạng, nhưng là thứ biến đổi mù quáng, nhằm tôn thờ khoái lạc, coi trọng tiền bạc, thượng tôn quyền thế, và đề cao những thứ hạnh phúc nhất thời, tạm bợ. Họ sẵn sàng bỏ qua hay coi thường sự hy sinh, nhẫn nại, khiêm nhường... Canh tân như vậy thì không những không đem lại cho con người hạnh phúc, mà lại mở đường đưa con người vào chốn diệt vong. Canh tân như thế chính là canh tân, hy sinh theo kiểu Biệt Phái, chứ không theo cung cách và đòi hỏi của Tin Mừng.

Trong đời sống đạo hiện nay nơi chúng ta, hẳn mỗi người không lạ gì khi vẫn thấy đây đó những người luôn tự hào, can đảm cũng như sẵn sàng vác thánh giá cho cả làng, nhưng thánh giá của chính mình thì đè đầu ấn cổ và bắt người khác vác thay. Hy sinh như thế là hy sinh người khác chứ không phải hy sinh chính mình. Lại có những người hy sinh giả tạo mà Đức Hồng Y Fx. Nguyễn Văn Thuận đã nói đến trong sách Đường Hy Vọng: “Trong một cuộc hành hương long trọng, nghìn vạn người tham gia, ai cũng muốn vác thánh giá đi tiên phong. Nhưng trong cuộc hành hương của mỗi ngày, mấy ai sẵn lòng vác thánh giá của mình? Anh hùng thinh lặng khó lắm!” (ĐHV số 171).

Biến đổi giả tạo hay ngụy trang như vậy thì chẳng khác gì “đánh bùn sang ao”. Thậm chí còn tệ hơn trước. Họ hô hào cách mạng người khác, chứ bản thân thì không hề thay đổi. Những người như thế được ví như: “Thay quần, thay áo, thay hơi, thay dáng, thay dấp, mà người chẳng thay” (Ca dao). Những chuyện “đao to búa lớn” được cất lên hiệu triệu để làm cho con người, cuộc sống, xã hội được tốt hơn, nhưng trên thực tế không biết bao lần nhân loại đã phải đau đớn mà nhận định rằng: “thay đổi kiểu đó thì chẳng khác gì ‘treo đầu dê, bán thịt chó’”, hay “cái đầu thì không thay đổi mà chỉ ngồi bẻ mấy đốt ngón tay”.

Biến đổi và canh tân mà sứ điệp Lời Chúa hôm nay muốn chúng ta thi hành chính là: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mt 16,24). Đòi hỏi này phải chăng rất khó! Tuy nhiên, con đường này là con đường dẫn đến hạnh phúc, bình an và hoan lạc. Nhưng tiếc thay, con đường này rất ít người đi.

Thật vậy, con người ngày hôm nay rất sợ hy sinh, và người ta tìm mọi cách để làm sao cho mình thoát ra khỏi những sự bất trắc của cuộc sống. Nhưng nên nhớ rằng: chúng ta là người kitô hữu, nên nếu tránh gian khổ, chúng ta đừng mong làm thánh. Hay thánh mà không qua đau khổ chính là thánh giả, thánh lâm thời. Khi những đau khổ, gian nan thử thách ập đến, nước sơn giả tạo bên ngoài phai nhạt đi thì lúc đó tượng thánh sẽ lộ hiện lên nguyên hình Quỷ.

Cuộc đời của chúng ta đi theo Chúa không chỉ có chuyện hoa thơm, trái ngọt; chỉ có niềm vui và hạnh phúc trong cuộc sống; nhưng vẫn luôn còn đó những thất bại, mật đắng, dấm chua... Nhưng điều quan trọng là ta “thay thái độ để đổi cuộc đời” và phải hiểu rằng: thử thách gian khổ là "giấy phép theo Chúa" để hưởng hạnh phúc hân hoan với Chúa: "Ai muốn theo Ta, hãy bỏ mình, vác thánh giá..." (ĐHV 714). Sống được như thế, thì trong mọi hoàn cảnh, mọi biến cố chúng ta đều: "loan truyền việc Chúa chịu chết và tuyên xưng việc Chúa sống lại".

Như vậy, Mùa Chay, Giáo Hội mời gọi con cái mình hãy xé lòng chứ đừng xé áo. Hãy hướng về Đức Giêsu để làm một cuộc cách mạng biến đổi cái cũ là tội lỗi, ích kỷ, tham lam, kiêu ngạo... để trở thành một con người mới với nhiều hoa thơm nhân đức như: hy sinh, từ bỏ, khiêm nhường, dấn thân, liên đới và bao dung...

Lạy Chúa, xin cho chúng con được ơn biến đổi và canh tân. Xin tăng thêm niềm tin cho chúng con để chúng con can đảm bước theo Chúa cho trọn cuộc đời, hầu qua đau khổ, chúng con được tiến vào vinh quang Nước Trời. Amen.
 
Xin cho được biến đổi nhờ Chúa Thánh Thần
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
14:49 10/03/2014
Xin cho được biến đổi nhờ Chúa Thánh Thần

Suy niệm Chúa Nhật II Mùa Chay - năm A

(Mt 17, 1-9)


Bước vào Chúa Nhật II Mùa Chay, Phụng vụ Giáo Hội mời gọi chúng ta chiêm ngắm một mầu nhiệm vĩ đại, đó là biến cố biến hình của Chúa Giêsu.

Hôm nay, thánh sử Matthêu nhắc đến việc Chúa Giêsu đưa Phêrô, Giacôbê và Gioan tới chỗ riêng biệt trên núi cao. Người biến hình trước mặt các ông. Và đây Môisen cùng với Êlia hiện ra đàm đạo với Người. Những câu hỏi được đặt ra : tại sao Chúa Giêsu biến hình ? Tại sao không phải là các Tông đồ khác mà lại là Phêrô, Giacôbê và Gioan được Ngài đưa lên núi ? Tại sao Môisen và Êlia lại có mặt lúc Chúa Giêsu biến hình ?

Tại sao Chúa Giêsu biến hình ?

Chúng ta biết rằng, sau khi Chúa Giêsu làm phép lạ hóa bánh ra nhiều để nuôi chừng năm ngàn người ăn no lần thứ nhất (x.Mt 14, 13-21) và chừng bốn ngàn người lần thứ hai không kể đàn bà con trẻ (x.Mt 15, 32-39). Các Tông đồ chưng hửng về tương lai tươi sáng, dân chúng thì mãn nguyện về Đấng Thiên Sai. Khi thăm dò ý kiến chung (x.Mt 16, 13-20), Chúa Giêsu loan báo cuộc thương khó lần thứ nhất (x.Mt 16, 21-23): « Ngài phải đi Yêrusalem và chịu nhiều đau khổ do hàng niên trưởng và các thượng tế cùng ký lục, và bị giết đi, và ngày thứ ba sẽ sống lại » (Mt 16, 21). Như thế, Ngài đã mạc khải cho các môn đệ biết rằng, con đường tiến về Giêrusalem sẽ đưa Ngài đến với đau khổ, tử nạn và cái chết đau thương trên thập giá, sau đó mới rạng ngời ánh sáng vinh quang. Nhưng các ông đâu có chấp nhận, khi nghe vậy Phêrô liền can ngăn : « Thiên Chúa thương! Chứ sẽ có đâu như thế! » (Mt 16,23). Vì thế, để củng cố niềm tin các Tông đồ, đồng thời giúp các ông sẵn sàng chấp nhận và hiệp thông với cuộc khổ nạn của Ngài, nên Ngài đã biến hình sáu ngày sau đó (x. Mt 17, 1-9). Nhưng vì chưa nhận ra ý Chúa nên Phêrô muốn dựng ba lều ở trên núi cao (x.Mt 17, 4). Và như thế là Phêrô đã muốn biến cái tạm bợ trở thành vĩnh cửu để khỏi phải đương đầu với thập giá và khổ đau.

Tại sao Chúa Giêsu lại gọi Phêrô, Giacôbê và em ông là Gioan? Phải chăng là vì họ hoàn hảo hơn những người khác?

Về vấn đề này, thánh Gioan Kim Khẩu nói : Vì Phêrô đã từng tuyên xưng Chúa Giêsu là « Con Thiên Chúa hằng sống» (Mt 16,16) và được Ngài trao cho chìa khóa Nước Trời « Ta sẽ trao cho ngươi chìa khóa Nước Trời » (Mt 16, 19). Hơn nữa cũng bởi Phêrô đã yêu mến Chúa Giêsu nhiều hơn, « Lạy Chúa, Chúa thông hay mọi sự, Chúa biết tôi yêu mến Chúa! » (Ga 21, 17)

Phần Gioan, vì Gioan đã yêu mến nhiều, nên được mệnh danh là (người môn đệ Chúa yêu) (Ga 21, 20). Còn Giacôbê, ông đã cùng với em mình khi Chúa Giêsu hỏi : «Các ngươi có thể uống chén Ta sắp uống không? » Họ nói với Ngài: «Thưa được» và ông đã giữ lời, đã đi đến cùng của lời cam kết, khiến người Do Thái không chịu nổi, đã xử trảm ông.

Tại sao không phải là một tiên tri hay ngôn sứ nào khác mà lại là Môisen và Êlia?

Sứ vụ công khai của Chúa Giêsu tại Galilê đã khiến cho dân chúng đồn đoán về con người của Ngài. Có người cho rằng Ngài là Đấng Kitô, là Môisen hoặc Êlia, Giêrêmia hay là một tiên tri (x. Mt 16,14). Chúng ta biết rằng, người Do Thái không ngừng buộc tội Chúa Giêsu là người vi phạm Luật, kẻ nói phạm thượng, kẻ chiếm đoạt vinh quang Thiên Chúa, mà theo họ, vinh quang đó là của Thiên Chúa chứ không thuộc về Chúa Giêsu. Họ nói: « Con người ấy không bởi Thiên Chúa được, vì hắn không giữ Hưu lễ! » (Ga 9, 16) Và chỗ khác họ nói : « Không phải vì một việc trọn hảo mà chúng tôi ném đá ông; nhưng vì một lời phạm thượng! Ông là một người phàm mà dám cho mình là Thiên Chúa » ( Ga 10, 33). Chúa Giêsu muốn cho mọi người biết, vì nghen tương mà họ gán cho Ngài hai tội danh ấy. Nên khi biến hình đàm đạo với Môisen và Êlia, Ngài muốn khẳng định rằng, Ngài còn hơn cả Môisen và Êlia nữa. Môisen là người đã trao ban Lề Luật cho dân chúng, nên người Do Thái không thể nói rằng vị tiên tri thánh này đã muốn chịu đau khổ vì một người vi phạm Lề Luật. Còn Êlia xuất hiện với Chúa Giêsu, Chúa Giêsu muốn dạy chúng ta rằng Ngài là Chúa của kẻ sống và kẻ chết, cả trên trời và trong địa ngục. Đó là lý do Ngài biến hình cùng với Êlia là người đã không chết.

Tin Mừng cũng khai mở cho chúng ta biết, Chúa Giêsu muốn cho các Tông đồ thấy vinh quang của thập giá, củng cổ niềm tin của Phêrô và các môn đệ trước cuộc khổ nạn sắp đến, giúp họ thêm can đảm. Vì Môisen, Êlia cùng với Chúa Giêsu, cả ba không im lặng, nhưng : « đàm đạo với Người... » (Mt 17 9, 3), về khổ nạn và thập giá. Đó chính là điều mà các tiên tri hay nói đến. Chúa Giêsu cũng muốn các Tông đồ mình noi theo Môisen và Êlia về những nhân đức trổi vượt trong quá khứ, và Ngài cũng muốn rằng : « Ai muốn theo Thầy, hãy vác thập giá mình mà theo » (Mt 16,24).

Một điều rất thú vị là Môisen đã rẽ đôi nước biển để cho dân chúng đi ráo chân, phần Phêrô ông cũng đã đi trên mặt nước, để rồi chữa lành tất cả bệnh hoạn tật nguyện cho dân chúng, xua trừ ma quỷ, đưa mọi người về với Đức Kitô. Êlia đã làm cho kẻ chết sống lại, các Tông đồ sau khi nhận lãnh Chúa Thánh Thần cũng đã làm cho kẻ chết được sống lại. Đó là những lý do Chúa Giêsu chọn Môisen và Êlia hiện ra đàm đạo với mình.

Rút ra bài học

Đối với chúng ta ngày hôm nay, biến cố Chúa biến hình loan báo trước Mầu Nhiệm Vượt Qua, và mời gọi chúng ta mở rộng đôi mắt tâm hồn chiêm ngắm Mầu Nhiệm Ánh Sáng của Thiên Chúa trong lịch sử cứu rỗi. Mầu nhiệm Năm Sự Sáng, thứ Ba thì Ngắm, Đức Chúa Giêsu biến hình trên núi, ta hãy xin cho được biến đổi nhờ Chúa Thánh Thần. Như thế, nếu chúng ta muốn trong Mùa Chay này biến đổi thành công dân Nước Trời, phải bỏ mình vác thập giá hàng ngày mà theo Chúa. Có sẵng sàng vác thập giá Chúa trao mới được theo Chúa là Đường, là Sự Thật, là Sự Sống, để được hưởng vinh quang Phục sinh với Ngài.

Chúa biến hình vinh quang sáng láng để nêu gương cho chúng ta, giúp chúng ta cũng biết biến đổi: từ con người tối tăm tội lỗi nên con người tươi sáng hoàn hảo; từ con người ích kỷ tham lam thành người sẵn sàng yêu thương hy sinh và phục vụ mọi người; từ con người kiêu căng tự đắc thành người khiêm nhu tin tưởng và phó thác vào Chúa.

Lạy Chúa, xin thương giúp chúng con hiểu được ý nghĩa của Thập Giá Chúa và xin ban ơn để chúng con biết sống Mầu Nhiệm Thập Giá Chúa trong cuộc đời chúng con, hầu mai ngày được sống lại với Chúa trong vinh quang. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
Powerpoint Chúa Nhật Thứ 2 Mùa Chay Năm A - 2nd Sunday of Lent Year A
Lm Anthony Nguyễn Hữu Quảng sdb
23:31 10/03/2014
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Thánh Cha bổ nhiệm 15 thành viên của Hội đồng Kinh Tế Tòa Thánh
Đặng Tự Do
05:42 10/03/2014
Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm 15 thành viên của Hội đồng Kinh Tế Tòa Thánh, là một cơ quan mới được thành lập theo tự sắc Fidelis et Dispensator Prudens nghĩa là “Quản lý Trung tín và Khôn ngoan” được công bố hôm 24 tháng Hai vừa qua.

Hội đồng Kinh Tế Tòa Thánh được giao phó nhiệm vụ "giám sát việc quản lý kinh tế và các hoạt động hành chính và tài chính của các cơ quan trung ương Tòa Thánh, và của quốc gia Vatican."

Đức Giáo Hoàng đã bổ nhiệm Đức Hồng Y Francis HAS Reinhard Marx của tổng giáo phận Munich và Freising là điều phối viên của Hội đồng. Đức Hồng Y Marx là một trong số tám Hồng Y trong Hội đồng tư vấn giúp Đức Giáo Hoàng trong việc cai quản Giáo Hội hoàn vũ và cải cách Giáo triều Rôma .

Bẩy giáo sĩ khác được bổ nhiệm là thành viên của Hội đồng Kinh Tế Tòa Thánh gồm có Đức Hồng Y Daniel DiNardo của tổng giáo phận Galveston-Houston; Đức Hồng Y Wilfrid Fox của tổng giáo phận Napier Durban, Nam Phi; Đức Hồng Y Norberto Rivera Carrera của tổng giáo phận thủ đô Mexico; Đức Hồng Y Juan Luis Cipriani Thorne của Lima; Đức Hồng Y Jean-Pierre Ricard của Bordeaux, bên Pháp’ Đức Hồng Y Gioan Thang Hán của Hồng Kông và Đức Hồng Y Agostino Vallini, tổng đại diện của Roma.

Bên cạnh đó, Đức Thánh Cha cũng bổ nhiệm 7 giáo dân là thành viên của Hội Đồng.

Hội đồng Kinh Tế Tòa Thánh có liên hệ với Bộ Kinh Tế mới được thành lập nhưng có nhiệm vụ khác hẳn. Bộ Kinh Tế do Đức Hồng Y George Pell được giao thanh tra, giám sát về mặt kinh tế các chính sách, các thủ tục, và các tài nguyên nhân lực của các cơ quan trung ương Tòa Thánh và của các cơ quan có liên hệ với Tòa Thánh.
 
Thông cáo của Phòng Báo Chí Tòa Thánh về chuyến tông du của Đức Thánh Cha đến Nam Hàn
Đặng Tự Do
07:59 10/03/2014
Sáng thứ Hai 10 tháng Ba, Phòng Báo Chí Tòa Thánh đã đưa ra một tuyên bố khẳng định Đức Thánh Cha sẽ đến Nam Hàn từ 14 tháng 8 đến 18 tháng 8.

Thông cáo có đoạn viết:

"Nhận lời mời của tổng thống nước Cộng hòa và các Giám mục Nam Hàn, Đức Giáo Hoàng sẽ thực hiện một chuyến Tông Du đến Cộng hòa Nam Triều Tiên từ ngày 14 đến 18 Tháng Tám năm 2014, nhân dịp Đại Hội Thanh niên châu Á lần thứ Sáu, được tổ chức tại giáo phận Daejeon.”

Tòa Thánh chưa đưa ra các chi tiết về chuyến đi mặc dù Đức Thánh Cha đã nhận được lời mời của một số nước trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, bao gồm cả Sri Lanka. Trong nhiều dịp, Đức Thánh Cha cũng đã bày tỏ lòng mong muốn đến thăm các nước này.
 
Đức Thánh Cha bắt đầu tuần tĩnh tâm mùa chay
LM. Trần Đức Anh OP
09:43 10/03/2014
ARICCIA. Trong những ngày này, ĐTC Phanxicô và các vị lãnh đạo tại Tòa Thánh, đang tham dự tuần tĩnh tâm tại Trung Tâm ”Thầy Chí Thánh” của dòng thánh Phaolô ở Ariccia cho đến sáng thứ sáu 14-3 tới đây.

Ariccia là một thị trấn có 18 ngàn dân cư, cách Roma khoảng 30 cây số về mạn đông nam, trên cao độ 412 mét so với mặt biển và nhìn xuống hồ Albano. Trung tâm tĩnh tâm của dòng thánh Phaolô có 128 phòng.

ĐTC đã đi chung xe bus với các Hồng Y và chức sắc của Tòa Thánh lúc 4 giờ chiều Chúa Nhật 9-3 vừa qua. Tổng cộng có 83 người, kể cả các nhân viên an ninh và phục vụ.

Các bài suy niệm do Cha Angelo De Donatis, cha sở một giáo xứ ở Roma, đảm trách.

Tuần tĩnh tâm bắt đầu lúc 6 giờ chiều Chúa Nhật vừa qua với kinh chiều, rồi bài suy niệm đầu tiên, trước khi chầu Mình Thánh Chúa và bữa tối vào lúc 7 giờ rưỡi.

Trong những ngày kế tiếp, lúc 7 giờ rưỡi sáng có thánh lễ đồng tế, 9 giờ rưỡi suy niệm và 12 giờ rưỡi là bữa trưa. Ban chiều lúc 4 giờ có bài suy niệm, sau đó là kinh chiều lúc 6 giờ rồi chầu Thánh Thể.

Sáng thứ sáu, 14-3, sau bài suy niệm, ĐTC và các vị tháp tùng sẽ rời nhà tĩnh tâm lúc 10 giờ rưỡi để trở về Roma. (SD 10-3-2014)
 
ĐTC Phanxicô viếng thăm Nam Hàn vào tháng 8 năm 2014
Nguyễn Long Thao
10:31 10/03/2014
Hôm thứ Hai 10/3/ 2014 Tòa Thánh Vatican loan báo Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ viếng thăm Nam Hàn vào trung tuần tháng 8 năm 2014 để tham dự ngày giới trẻ Á Châu và chủ toạ lễ phong chân phước cho 124 vị tử đạo của quốc gia này.

Chuyến viếng thăm Nam Hàn của ĐTC sẽ kéo dài từ ngày 14 đến 18 tháng 8. Đây là chuyến tông du hải ngoại lần thứ hai trong năm nay. Chuyến tông du thứ nhất là Ngài đi thăm Jordan, Do Thái và lãnh thổ Palestine vào tháng Năm.

Trong chuyến bay từ Brazil trở về lại Roma vào mùa hè năm ngoái, ĐTC đã cho các ký giả biết Ngài có ý định đi thăm Á Châu.

Tưởng cũng nên nói thêm, cách đây 25 năm, năm 1989 ĐTC Gioan Phaolô II đã đến Nam Hàn để phong thánh cho 103 vị tử đạo Nam Hàn.

Hãng thông tấn Yonhap của Nam Hàn trích lời Đức Giám Mục Peter Kang U-il, Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Nam Hàn, cho biết chuyến viếng thăm của ĐGH Phanxicô sẽ giúp mang lại hòa bình cho bán đảo Triều Tiên thường xuyên trong tình trạng chiến tranh kể từ khi hai bên ký hiệp định ngừng chiến vào năm 1953.
 
Sự khôn ngoan đạo đức của Đức Bênêđictô XVI là một ân sủng của Thiên Chúa
Pt Huỳnh Mai Trác
10:52 10/03/2014

Theo như tờ báo “Corriere della Sera” thì Đức Thánh Cha Phanxicô muốn có qui chế về “Giáo Hòang Danh dự”: Ngài nói: “ Giáo Hòang Danh dự không phải là một ảnh tượng để trong Bảo Tàng viện . Đó là một qui chế mà chúng ta chưa quen thuộc”.

Và Ngài còn nói thêm :” Sự khôn ngoan đạo đức của Đức Bênêđictô XVI là một ân sủng của Thiên Chúa, cũng như sự khôn ngoan đạo đức và lời khuyên bảo của cha mẹ già giúp cho gia đình trở nên hòan hảo tốt đẹp hơn” .

Cũng như qui chế “Giám mục danh dự” chưa có trước Cọng Đồng Vatican I I, như vậy cũng cần có qui chế cho “Giáo Hòang Danh dự”. Đức Bênêđictô là người đầu tiên và có thể có những người nối tiếp . Chúng ta không thể biết trước được .

Đức Giáo Hòang Phanxicô nói là Ngài sẽ tham khảo ý kiến với Đức Bênêđictô XVI : “Sự khôn ngoan đạo đức của Đức Bênêđictô là một ân sủng từ Thiên Chúa . Nhiều người muốn Ngài về hưu trí trong một tu viện kín xa hẳn thành Vatican . Nhưng tôi thì tôi nghĩ đến những cha mẹ già nên ở cùng con cái dùng sự khôn ngoan, lời khuyên bảo giúp cho gia đình hòan hảo tốt đẹp hơn thì hay hơn là ở trong nhà dưỡng lão xa lánh con cháu” .

Đức Bênêđictô XVI là một người rất kín đáo, khiêm tốn, ngài không muốn quấy rầy người khác và ngài nói thêm là do quyết định chung : “Chúng tôi mong muốn là Ngài cần tiếp xúc với mọi người và Ngài cũng cần phải đi ra ngòai và cùng tham gia vào cộng việc của Giáo Hội” .

Và như vậy ngài đã đến cùng làm phép tương Thánh Micae ở Vatican, rồi đến dùng điểm tâm tại Nhà Thánh Marta với Đức Giáo Hòang Phanxicô, sau lễ Giáng Sinh .

“Tôi đã mời Ngài đến tham dự Thượng Hội Đồng Hồng Y và Ngài đã chấp thuận” . Đức Bênêđictô XVI đã hiện diện tại Thượng Hội đồng phong chức 19 Hồng Y vào ngày 22 tháng 2 vừa qua, và Ngài là chứng tá rất rỏ ràng .
“Ngài đã ngồi ghế chung với các Hồng Y , và Đức Giáo Hòang danh dự đã giở chiếc mũ trắng để đón chào Đức Giáo Hòang Phanxicô trước thánh lễ và sau thánh lễ . Đó là cách biểu lộ sự tôn kính trước Đức Giáo Hòang đương nhiệm đang trị vì .(Nguồn tin : AP).
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Khởi công làm ao hồ và cải tạo khuôn viên giáo xứ Quảng Nạp
Văn La
09:55 10/03/2014
QUẢNG NẠP, PHÁT DIỆM - Lúc 8h00 sáng thứ 7 ngày 01 tháng 3 năm 2014. Trước sự hiện diện của Cha Chính xứ Phaolô, mọi thành phần giáo dân Giáo xứ Quảng Nạp, đã quy tụ tại khuôn viên nhà thờ để chuẩn bị khởi công làm ao hồ và cải tạo khuôn viên. Mở đầu giai đoạn I của chương trình mừng kỷ niệm 100 năm thành lập giáo xứ.

Bài hát Quảng Nap 100 năm (Nhạc sĩ Thế Thông)

Hình ảnh

Đây là một sự kiện trọng đại, dấu ấn chói lọi hòa với niềm vui trong toàn giáo xứ. Sự nhiệt tình của bà con giáo dân, được thể hiện qua sự hăng say trong mọi công việc. Theo dự kiến công trình ao hồ và cải tạo khuôn viên được hoàn thành vào ngày 19 tháng 3 để kính dâng thánh quan thầy Giuse.
 
Giáo Phận Phú Cường – Năm Hiệp Thông Giới Gia Trưởng
Tôma Đỗ Lộc Sơn
09:45 10/03/2014
Giáo Phận Phú Cường – Năm Hiệp Thông Giới Gia Trưởng

Bước vào mùa chay, chuẩn bị đón mừng lễ kính Thánh Giuse trong năm Hiệp Thông. Giới gia trưởng giáo phận Phú Cường đã quy tụ về Nhà Chung giáo phận để tĩnh tâm dọn tâm hồn, lãnh nhận hồng ân Chúa ban.

Xem Hình

Chúa Nhật ngày 9/3/2014, 8 giờ chúng tôi thấy đã có nhiều đoàn xe từ các tỉnh Bình Long, Tây Ninh xa xôi, gần có Củ Chi, Bến Cát tiến vào khuôn viên nhà chung giáo phận Phú Cường, các anh em này phải đi từ rất sớm để có mặt ở đây, vào giờ này.

Sau khi làm thủ tục ghi danh và ổn định chỗ ngồi trên lầu I, cha đặc trách Tôma Trần Đức Thành giới thiệu chương trình cùng tuyên bố khai mạc. Nguyện xin Chúa Thánh Thần soi sáng mở lòng trí cho chúng con được thông hiểu các điều Chúa truyền dạy.

Cùng khai mạc có cha Gioan Baotixita Bùi Ngọc Điệp, cha Giuse Phạm Văn Hòa và hơn 600 anh em giới gia trưởng toàn giáo phận.

Thắp lửa hiệp thông là bài hát mở đầu cho buổi tĩnh tâm có điệp khúc như sau:

Hãy thắp lên ngọn lửa hiệp thông. Hiệp thông trong Chúa, trong Giáo Hội và Giáo Phận Phú Cường. Hãy thắp lên ngọn lửa hiệp thông, chung sức xây đời bằng gương sáng từ đời sống gia đình.

Mở đầu buổi tĩnh tâm là mục chia sẻ. Hiệp thông để truyền giáo là bài do cha Jb. Bùi Ngọc Điệp chia sẻ. Theo đó cha cắt nghĩa Hiệp thông là gì?. Là hiệp nhất nên một, là chia sẻ trách nhiệm, là tham gia công tác, là thông cảm tha thứ, chấp nhận nhau.vv…

45 phút chia sẻ của cha đã lắng sâu vào người nghe, từ đó mỗi người thêm hiểu biết mình hơn, thông cảm với anh em mình hơn và nhất là với những anh em chưa cùng đoàn chiên Chúa, để những người này họ nhận biết Chúa nơi anh em. Được biết, trong giờ chia sẻ có các cha ngồi giải tội.

Sau giải lao, 10 giờ30 mọi người tập trung ở nhà nguyện trên lầu 4. Tập hát 10 phút, tiếp theo là thánh lễ.

Thánh lễ đồng tế được chủ sự bởi cha Tôma. Mở đầu cha chủ sự mời gọi anh em gia trưởng hãy lắng đọng tâm hồn, dâng lên Thiên Chúa phút giây linh thiêng này để được Chúa thương nhậm lời.

Bài giảng Chúa Nhật I mùa chay do cha Giuse Phạm Văn Hòa chia sẻ, đại ý như sau:

Đức Giêsu với bản tính loài người, sau 40 ngày chay tịnh, Ngài cảm thấy đói. Ma quỷ lợi dụng đã đến cám dỗ Ngài, nhưng Ngài đã vượt thắng.

Năm xưa ma quỷ đã cám dỗ được ông Adong bà Evà, ngày nay chúng cũng cám dỗ mỗi người chúng ta.

Cám dỗ không thể làm hại được người ta khi người ta không theo cám dỗ ấy, và điều đó lại càng hiệu nghiệm hơn khi có ơn Chúa.

Chống trả chước cám dỗ làm cho ta vững vàng hơn trước mặt Chúa.

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết dùng lời Đức Giêsu đã dạy là kinh Lạy Cha, là phương thế giúp chúng con chống trả chước cám dỗ. Amen.

Đông đảo anh em rước lễ cũng là một tín hiệu vui, nguyện Chúa chúc lành mãi mãi.

Thánh lễ kết thúc sau phép lành, mọi người cùng hát bài Cầu Xin Thánh Gia “Giuse trong xóm nhỏ khó nghèo thủa xưa….”.

Sau giờ cơm trưa và nghỉ giải lao. Đúng 13 giờ, anh em lại tập hợp ở hội trường để thảo luận và chia sẻ kinh nghiệm do cha Matthêu Nguyễn Thanh Yên phụ trách. Trong phần này, anh em đã nêu lên những thắc mắc hoặc kinh nghiệm để giúp cho sự hiểu biết được rộng rãi hơn.

Gần 2 giờ chia sẻ, mọi mệt mỏi được đánh tan bởi sự vui vẻ và hóm hỉnh của cha phụ trách và anh em. Thật là một buổi tĩnh tâm đầy yêu thương.

Mọi người chia tay lúc 15 giờ. Hẹn gặp nhau trong lần tĩnh tâm lần tới.

Tôma Đỗ Lộc Sơn
 
Văn Hóa
Thánh Giuse
Trầm Hương Thơ
09:35 10/03/2014
Thánh Giuse dư đầy bao gương mẫu
Sống trung kiên có dẫu lắm gian nan
Bao biến động xin vâng chẳng phàn nàn
Đem gia đình vượt biên ngàn thử thách

Sống đơn sơ nhưng đầy tràn nhân cách
Sống khiêm nhường chẳng trách những bất công
Sông mẫu gương lao động của người chồng
Và người cha gánh gồng cả gia thất

Không ganh tị chuyện thua thiệt, được, mất
Tiếng thị phi ngài vất khỏi vành tai
Trở về quê khi được sống công khai
Nghề thợ mộc khéo tài Na-gia-rét

Sống siêng năng chăm chỉ đâu ai ghét
Tấm gương lành đẹp nét của dựng xây
Phúc cho ai nhận làm thánh quan thầy
Xin phù trợ đời nầy gương tiến bước

Noi gương sáng ta đi về phía trước
Tấm gương lành làm thước ngọc tâm ghi
Trong tháng ba Giáo Hội dạy điều gì?
Kính thánh cả thực thi việc nhân đức.

Trầm Hương Thơ 10.03.2014
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Hoa Trong Nắng
Joseph Ngọc Phạm
22:05 10/03/2014
HOA TRONG NẮNG
Ảnh của Joseph Ngọc Phạm
Tạ ơn Thượng Đế
ban cho nắng
Để hoa đua nở
sắc thắm tươi.
(nđc)