Ngày 06-03-2024
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
02:45 06/03/2024

15. Bí tích Thánh Thể đem lại bình an cho nội tâm, chí hướng tu đức và quyết tâm thực hành chí hướng ấy. Rót vào linh hồn một số lượng rất lớn, khiến cho nó dễ dàng đi trên con đường thánh đức vẹn toàn.

(Thánh Alphonsus Liguori)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


-----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
02:48 06/03/2024
97. QUAN ÂM THIÊN TRÚC

Năm nọ thời Hiếu Tông, trời làm đại hạn, hoàng đế khẩn cấp triệu quan thế âm bồ tát xuống núi cứu nạn, nên đem tượng Phật chuyển qua chùa Minh Khánh để cầu nguyện.

Có người làm bài thơ chế nhạo:

- “Tẩu sát đông đầu cung phụng ban, truyền tuyên thánh chỉ đến nhân gian, thái bình thừa tướng ngồi trong đường, quan âm Thiên Trúc lại hạ san”.

(Cổ kim tiếu sử)

Suy tư 97:

Quan âm bồ tát không phải là đấng tạo hóa cũng không phải là đấng làm ra mưa gió hay mặt trời, nhưng quan âm bồ tát chỉ là một tạo vật bởi Thiên Chúa tạo dựng mà có.

Cầu nguyện là cầu với Đấng tối cao, Đấng tạo dựng đất trời, Đấng làm ra mưa và làm cho có ngũ hành tinh tú trên bầu trời, chứ không phải cầu nguyện với loại tạo vật; cầu nguyện là đem hết thân xác tâm hồn và trí khôn của mình để vào trong tình yêu của Thiên Chúa là Đấng đã tạo dựng nên mình, đó là sự khôn ngoan của Thánh Thần ban cho.

Có một vài người Ki-tô hữu thường hay báo oán Thiên Chúa khi trời nắng nóng hoặc khi mưa to gió lớn, họ đặt quyền lợi của cá nhân trên quyền năng của Thiên Chúa, họ lấy trí óc của mình ra đọ với sự khôn ngoan của Thiên Chúa mà không thấy tình yêu của Ngài dành cho mọi người trên mặt đất này.

Thỉnh cầu quan âm bồ tát về để cầu mưa là chuyện của người không biết Thiên Chúa là ai, nhưng cầu nguyện và hết lòng tin tưởng vào Thiên Chúa chính là bổn phận và yêu thương của người Ki-tô hữu vậy...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Ngày 07/03: Mùa Chay Thánh và hình ảnh Qủy Vương Bêelgiêbút – Lm. Antôn Nguyễn Thế Nhân, SSS
Giáo Hội Năm Châu
02:58 06/03/2024

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Luca,

Khi ấy, Chúa Giêsu trừ một quỷ câm. Khi quỷ ra khỏi, người câm liền nói được và dân chúng đều bỡ ngỡ. Nhưng có mấy người trong bọn họ nói rằng: “Ông ta nhờ tướng quỷ Bêelgiêbút mà trừ quỷ”. Mấy kẻ khác muốn thử Người, nên xin Người một dấu lạ từ trời xuống. Nhưng Người biết ý của họ, liền phán:

“Nước nào tự chia rẽ, sẽ diệt vong, và nhà cửa sẽ sụp đổ chồng chất lên nhau. Vậy nếu Sa-tan cũng tự chia rẽ, thì nước nó làm sao đứng vững được? Bởi các ngươi bảo Ta nhờ Bêeliêbút mà trừ quỷ, vậy nếu Ta nhờ Bêelgiêbút mà trừ quỷ, thì con cái các ngươi nhờ ai mà trừ? Bởi đó, chính con cái các ngươi sẽ xét xử các ngươi. Nhưng nếu Ta nhờ ngón tay Thiên Chúa mà trừ quỷ, ắt là nước Thiên Chúa đã đến giữa các ngươi rồi.

“Khi có người khoẻ mạnh và võ trang đầy đủ canh giữ nhà mình, thì của cải người đó được an toàn; nhưng nếu có người mạnh hơn xông đến đánh bại hắn, thì sẽ tước hết khí giới hắn tin tưởng, và làm tiêu tan hết những gì đã tước đoạt. Ai không thuận với Ta là nghịch cùng Ta, và ai không thu góp với Ta là phân tán”

Đó là lời Chúa
 
Con rắn đồng và Con Người trên thập giá
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
06:04 06/03/2024
SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA CHAY – NĂM B
(Ga 3,14-21)
Con rắn đồng và Con Người trên thập giá

"Mừng vui lên, Giê-ru-sa-lem ! Tề tựu cả về đây, hỡi những ai hằng mến yêu Thành ! Các bạn đang sầu khổ, nào hớn hở vui mừng và hân hoan tận hưởng, nguồn an ủi chứa chan." (Ca nhập lễ) Hay lời của Thánh vịnh gia : "Tôi vui mừng khi người ta nói với tôi : Chúng ta sẽ tiến vào nhà Chúa. Vui lên nào…... ".

Những lời trên dẫn chúng ta bước vào Chúa nhật IV Mùa Chay (Lætare), Chúa nhật của niềm vui. Vui vì được Thiên Chúa yêu thương và tha thứ. Vì tội lỗi của dân mà đền thờ Chúa bị quân thù đốt cháy, tường thành Giêrusalem bị phá huỷ, các lâu đài và mọi đồ vật quý giá bị hỏa thiêu. Nay họ "được kêu gọi tái thiết đền thờ Giêrusalem, được mời gọi đón nhận lại Thiên Chúa đến ở giữa họ, đón nhận sức mạnh của tình yêu và tha thứ" (x. 2 Sb 36, 14-16. 19-23). Tột đỉnh của tình yêu là được Thiên Chúa cứu độ như thánh Gioan viết : "Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một mình, để tất cả những ai tin Con Ngài... để thế gian nhờ Con Ngài mà được cứu độ" (Ga 3,16-17).

Phụng Vụ của Giáo hội đang từ màu tím chuyển sang màu hồng, màu của bình minh, đánh dấu nửa chặng đường sám hối, nay tạm dừng để chuẩn bị tốt hơn niềm vui Phục Sinh, nghỉ để nhìn lại những gì đã làm trong ba tuần đầu của Mùa Chay, lấy thêm can đảm bước tiếp những chặng đường tới.

Khi sánh ví mình như con rắn được Môse giương lên trong sa mạc, Chúa Giêsu gợi cho chúng ta nhớ tới con rắn trong vườn địa đàng (St 3, 1-5).

Rắn trong vườn địa đàng

Rắn là loài xảo quyệt nhất trong mọi giống vật ngoài đồng, mà Đức Chúa là Thiên Chúa đã làm ra” (St 3,1). Như vậy, rắn là loài vật do Chúa tạo nên và con người đặt cho nó một tên gọi (x.St 2,20). Nhưng nó không chỉ gian trá và xảo quyệt mà còn là “xảo quyệt nhất”. Chính nó đã tấn công con người bằng cách nhắc đến những giới hạn của con người.

Trái với những con vật khác, con rắn không có chân, nó là con vật bí ẩn và xuất hiện bất ngờ. Nơi nhiều nền văn hoá, rắn được gán ghép với mầu nhiệm sự sống và sự chết. Chính vì thế mà sách Sáng Thế chương 2 nói có hai cây trồng trong vườn Địa Đàng, một cây ban sự sống và cây kia đem lại sự chết. Con rắn hứa mang lại sự hiểu biết (x.St 3,5) và sự sống (x.St 3,4), nhưng rủi thay chỉ đem lại một sự nhận biết quá thô thiển là biết mình trần truồng (x.St 3,7) và sự chết (x.St 3,22).

Rắn trong sa mạc

Nếu con rắn trong vườn Địa Đàng xuất hiện đang lúc con người đang ở đỉnh cao hạnh phúc, thì con rắn đồng trong sa mạc xuất hiện giữa cảnh cơ cực của những người tha hương vừa thoát khỏi kiếp nô lệ cho người Aicập (x.Ds 21,4-9).

Nếu con rắn trong Địa Đàng là hiện thân của tội lỗi và sự dữ, thì con rắn đồng trong sa mạc là “tin mừng” cho những kẻ ngước nhìn lên nó.

Nếu con rắn trong Địa Đàng hủy diệt mọi tương quan tốt đẹp giữa con người với Thiên Chúa, thì con rắn đồng trong sa mạc mang lại niềm hy vọng vì nhận ra lòng thương xót của Chúa.

Và nếu con rắn trong Địa Đàng gieo sự chết vào thế giới loài người, thì con rắn đồng trong sa mạc lại có khả năng trao ban sự sống.

Như vậy, hình tượng của hai con rắn Cựu Ước hoàn toàn trái nghịch nhau. Tuy nhiên, dù trái nghịch, hai con rắn Cựu Ước chẳng những không mâu thuẫn nhau, mà hậu quả do con rắn trong Địa Đàng gây nên, sẽ được con rắn đồng trong sa mạc báo trước ngày chữa trị. Bởi hậu quả của con rắn thứ nhất gây nên chỉ toàn đổ vỡ, mất mát, ô nhục, sẽ được con rắn thứ hai bổ túc bằng cách cho thấy sự sống bắt đầu phát sinh, hạnh phúc bắt đầu ló dạng và niềm vui cứu chuộc bắt đầu tỏa sáng. Bởi do con rắn trong Địa Đàng, nhân loại đã phạm tội. Vì tội, nhân loại đáng được “Đấng Cứu độ đời đời” (bài ca Exultex – đêm Phục sinh), thì con rắn đồng trong sa mạc làm trọn vai trò của mình là báo trước ơn cứu độ đời đời ấy.

Con rắn đồng và Con Người trên thập giá

Khi nhắc lại: “Như Môisen giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ được giương cao như vậy, để ai tin vào Người mà được sống muôn đời” (Ga 3, 14). Chúa Giêsu ám chỉ lúc mình được giương cao trên thập giá, ai đang ở trong hiểm nguy của tội lỗi, nhìn lên Người với lòng tin thì sẽ được cứu độ như Gioan viết : “Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ ” (Ga 3,17).

Niềm tin và sự sống đời đời liên hệ chặt chẽ với nhau. Sự sống đời đời không do công con người “nhìn lên”, hay do công trạng của vật họ nhìn, nhưng chính là do ân sủng ban nhưng không của Thiên Chúa. Sách Khôn Ngoan viết : “Bất cứ ai ngước trông lên đều được cứu, không phải do bởi vật họ nhìn, nhưng là do chính Ngài, Đấng cứu độ muôn người hết thảy” (Kn 16,6-7).

Chúa Giêsu đã dùng hình ảnh con rắn để làm nổi bật nhiều ý nghĩa của các hành động. Hành động “treo lên”, hay “giương lên cao” để ám chỉ cách chết của chính Chúa cũng bị treo lên cây gỗ (x. Lc 23,33; Mt 27,33-35). Con Thiên Chúa đã mang vào trong mình tội lỗi của nhân loại mà đóng đinh tất cả vào thập giá, nhờ đó ơn cứu độ được ban cho muôn người.

Ngày xưa trong sa mạc, ai nhìn con rắn với niềm tin vào Đức Chúa cứu thì họ sẽ được cứu độ, nhưng hôm nay, họ không cần nhìn vật trung gian như nhìn vào con rắn đồng nữa, mà là nhìn thẳng vào Chúa Giêsu, Đấng Cứu Độ, họ sẽ được cứu (x. Ga 3,16).

Khi so sánh mình với con rắn đồng. Chúa Giêsu muốn cho nhân loại biết rằng, xưa dân Do thái vì tội mà bị rắn cắn, biết vâng lời nhìn lên con rắn đồng, hối hận và nhờ Môsê xin thì được Chúa tha cho. Ngày nay, con người với lòng thành tâm đích thực, khi nhìn thánh giá Đức Giêsu, “tin ở Người, sẽ không bị huỷ diệt, nhưng được sống đời đời” (Ga 3, 14). Ngoài ra, con rắn đồng bị treo vì tội của dân, nên họ bị rắn cắn. Đức Giêsu chịu treo trên Thập giá là vì tội lỗi nhân loại.

Nếu ngày xưa ai nhìn lên con rắn đồng sẽ được cứu sống, thì ngày nay thập giá Chúa Kitô chính là ơn cứu độ trọn vẹn cho những ai tin (x.Ga 3, 15). Chúa Kitô mãi mãi là Đấng Cứu độ duy nhất của trần gian (x.Dt 13, 8).
 
Lợi khí của Lời
Lm. Minh Anh
15:37 06/03/2024
LỢI KHÍ CỦA LỜI
“Khi quỷ xuất rồi, thì người câm nói được!”.

McCheyne viết cho Edwards, một tân linh mục, “Xét về độ tinh khiết và sự hoàn hảo của một dụng cụ, bạn sẽ thành công! Tuy nhiên, điều đó không đến từ những tài năng Chúa ban cho bằng việc bạn nên giống Chúa Giêsu mỗi ngày! Giống Ngài, bạn trở thành một vũ khí khủng khiếp trong tay Thiên Chúa. Bởi lẽ, bạn sẽ là một ‘lợi khí của Lời!’”.

Kính thưa Anh Chị em,

Lời Chúa hôm nay tiết lộ, “Việc trở nên một vũ khí khủng khiếp trong tay Thiên Chúa” là điều mà người môn đệ phải ao ước ở mọi thời! Giêrêmia, thời Cựu Ước; bạn và tôi, thời Tân Ước, chúng ta cần ‘mở miệng’, trở nên một ‘lợi khí của Lời’, nói cho mọi người thông điệp của trời, “Ngày hôm nay, ước gì anh em nghe tiếng Chúa!” - Thánh Vịnh đáp ca.

Giêrêmia tường thuật những gì Chúa nói với ông, “Ngươi sẽ nói với chúng tất cả những điều ấy!”; “Hãy bước theo mọi đường lối Ta truyền dạy!” - bài đọc một. Tin Mừng tường thuật việc Chúa Giêsu trừ một quỷ câm, khi quỷ ra khỏi, người câm nói được. Với sự kiện này, chúng ta tự hỏi: Rất nhiều người cần nghe Tin Mừng! Vậy điều gì cản trở tôi nói Lời của Chúa cách cởi mở, trung thực và rõ ràng? Nhiều người đang rối bời trong cuộc sống; đang thấy mình đi trên một con đường không lối ra, dẫn đến lầm lạc và huỷ hoại. Bạn và tôi vẫn thản nhiên nhìn họ đi trên những con đường này sao?

Trước khi được chữa, người câm dường như bị chiếm hữu hoàn toàn bởi quỷ, đến nỗi anh mất khả năng nói; nhưng sau khi được lành, anh nói rành rọt! Phần chúng ta, dẫu không chịu tác động của quỷ ở mức tương tự, cũng thường bị cản trở bởi những “Quỷ Câm!”. Nó thường tìm cách tác động theo hướng khiến chúng ta sợ hãi loan báo Lời cách tự do, chân thành và tức thời; nó luôn áp lực, khiến chúng ta bối rối, do dự, mỗi khi có cơ hội. Và dù hiếm khi rơi vào quyền lực của nó hoàn toàn, chúng ta vẫn thường bị nó tác động đến nỗi mất khả năng nói. Đang khi lẽ ra, chúng ta phải có khả năng nói Lời bất cứ khi nào, với bất cứ ai và bất cứ nơi đâu, thời thuận tiện cũng như không thuận tiện! Đấng Phục Sinh đã nói về Saolô, “Người này là lợi khí Ta chọn!”.

Anh Chị em,

“Ngày hôm nay, ước gì anh em nghe tiếng Chúa!”, đó là sứ điệp chúng ta kêu mời; nhưng trước hết, cũng là sứ điệp gửi cho chính bạn và tôi! Mỗi ngày Chúa Giêsu ban Lời, Ngài mong chúng ta trở thành những môn đệ tín trung biết lắng nghe, được Lời biến đổi, hầu trở nên một ‘Lời Giêsu’ khác; nói đúng hơn, nên ‘lợi khí của Lời’. Bấy giờ, trong tay Thiên Chúa, bạn và tôi cũng là một vũ khí khủng khiếp, không phải để gieo tai rắc hoạ nhưng đem lại bình an và yêu thương cho thế giới! Điều này tuỳ thuộc hoàn toàn vào việc chúng ta có nên giống Chúa Giêsu không! Bị quỷ ám, chúng ta không có khả năng nói, không muốn nói; thậm chí, không dám nói… vì lẽ, chưa nên giống Chúa Giêsu. Hãy để Ngài chữa lành, sử dụng bạn như một lợi khí thánh, lợi khí của sự thật và tình yêu!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa Giêsu, đừng để con nên giống một cán bộ hay bất cứ ai trừ một mình Chúa. Và như thế con sẽ là một vũ khí khủng khiếp trong tay Ngài!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Chuyện thưởng phạt
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
23:23 06/03/2024
CHUYỆN THƯỞNG PHẠT
(Chúa Nhật IV mùa Chay B)

Chúa hạ con xuống rồi Người lại nâng con lên. Chúa dìm con xuống hố sâu và Người lại nhấc con lên…Bàng bạc đâu đó cái ý tưởng này trong các lời ca, trong nhiều cái nhìn tu đức và cả trong một vài kiểu cách diễn tả của Thánh Kinh, đặc biệt là Cưụ Ước. Khi dân được tuyển chọn bất trung, phản bội, Thiên Chúa trừng phạt dân, thông thường bằng cách đày ải dân vào kiếp nô lệ ngoại bang để bày tỏ cơn thịnh nộ. Nhưng rồi sau đó Người lại giải thoát dân để bày tỏ lòng thương xót.

Lời mạc khải là Lời của Thiên Chúa, nhưng lại được trình bày bằng ngôn ngữ nhân loại, qua những con người cụ thể của một thời gian, không gian, nền văn hoá nhất định. Chắc chắn khó có thể tránh khỏi chuyện gán cho Thiên Chúa những tâm tình, ý nghĩ, đường lối, cung cách hành xử mang đậm nét con người. Vì thế chuyện “suy bụng ta ra bụng người” vẫn ít nhiều có đó trong các trang Kinh Thánh.

Thiên Chúa đày ải và lại giải phóng dân, không chỉ để cho dân nhận ra quyền năng và tình yêu của Người, mà còn để dân phải gắn bó, trung thành với Người ư? Không lẽ chuyện vừa đấm vừa xoa, chuyện kế sách “cây gậy và củ cà rốt”, chuyện dìm người ta xuống nước cho gần chết ngạt rồi sau đó thả tay ra cho người ta hít thở để người ta rối rít cám ơn mình… cũng là “chuyện tình” giữa Thiên Chúa với nhân loại ư? Chắc chắn tuyệt đối không phải thế. Nếu giả như Thiên Chúa cũng hành xử với con người theo kiểu cách mà nhiều nhà cầm quyền khôn ranh, hay nhiều thể chế độc tài gian ác đã hành xử thì Người chỉ đáng cho chúng ta “kinh sợ, khiếp hãi” mà không bao giờ đáng được kính mến.

Để có cái nhìn tương đối khá chính xác và “gần” chân lý hơn, thiết tưởng không gì hơn hãy lắng nghe những lời do miệng Con Thiên Chúa làm người phán: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian nhờ Con của Người, mà được cứu độ” (Ga 3,15).

1.Thiên Chúa không phải là tác giả của sự dữ. Là Đấng toàn thiện, nên sự dữ không thể và không bao giờ do Thiên Chúa gây ra. Thế mà con người rất nhiều khi gặp phải sự dữ thì lại gán ghép cho Thiên Chúa. Xưa kia, khi đi trong hoang địa, dân Chúa đã phản loạn và khi rắn lửa bò ra cắn chết nhiều người thì người ta cho rằng Thiên Chúa trừng phạt họ bằng cách “cho” rắn bò ra cắn chết họ. Cái ý nghĩ về chuyện “trời phạt” đã từng có trong tâm thức của con người xưa nay. Nhờ lời mạc khải, đặc biệt là lời hoàn hảo của Đấng Cứu độ, chúng ta mới biết rằng Thiên Chúa không phải là ông thần thích báo thù hay trừng phạt. Tuy nhiên, có nhiều lúc Người lại “để” cho sự dữ xảy ra mà không ra tay ngăn cản để cảnh tỉnh con ngưòi về tình trạng tội lỗi của họ hoặc để thanh luyện tình yêu của họ đối với Người, giúp họ ngày càng yêu mến Người cách vô vị lợi và chân thành hơn.

Không kể những sự dữ mang tính mầu nhiệm mà ta không thể suy thấu, thì có thể nói hầu hết các sự dữ xảy ra là do hậu quả của tội lỗi của con người gây ra cho nhau hay cho chính bản thân mình. Con người ta, khi “chẹt chân thì dễ há miệng” và “hữu sự thì dễ vái tứ phương”. Như thế, những sự dữ vẫn có đó ý nghĩa của nó với kiếp người chúng ta. Những sự khốn khó ở đời này vẫn còn đó vai trò của người thầy dạy giỏi. Cho dù đôi khi cái khó bó cái khôn, nhưng sự thường thì “gian nan rèn nhân đức”. Dưới khía cạnh nhân bản thì gian khổ là cơ hội giúp ta rèn luyện sự nhẫn nại, sự bền chí…còn dưới chiều kích đức tin, thì gian khổ giúp ta biết khiêm nhu và tín thác vào tình yêu và của Thiên Chúa. Thánh Tông đồ dân ngoại khẳng định: “Quả vậy, chính do ân sủng và nhờ lòng tin mà anh em được cứu độ: đây không phải bởi sức anh em, mà là một ân huệ của Thiên Chúa; cũng không phải bởi việc anh em làm, để không ai có thể hãnh diện” (Ep 2,8-9).

2.Thiên Chúa là Đấng giàu lòng xót thương. Có thể nói đây là ý chính của phần Phụng Vụ lời Chúa mà Hội Thánh dọn cho chúng ta trong Chúa nhật IV Mùa Chay B này. Trong cảnh tha hương lưu đày, dân Chúa xưa luôn hướng về Đền thánh Giêrusalem. Khi bày tỏ nổi lòng của dân: “Giêrusalem, lòng này nếu quên người thì lưỡi xướng ca sẽ dính với hàm” (Tv 136), tác giả Thánh Vịnh mời gọi dân suy đến tấm lòng của Thiên Chúa. Các sứ ngôn sau khi cảnh báo dân về tội phản nghịch của họ cùng với các hình phạt sẽ phải hứng chịu thì liền sau đó thường bày tỏ lòng xót thương vô bờ của Thiên Chúa. “Ta sẽ chữa chúng khỏi tội bất trung, sẽ yêu thương chúng hết tình, vì cơn giận của Ta sẽ không còn đeo đuổi chúng” (Hs 14,5). Cố nhạc sĩ họ Trịnh đã từng ca thán: “Chúa đã bỏ loài người. Phật đã bỏ loài người”. Thế nhưng Kinh Thánh khẳng định rằng dù cho có người mẹ nào nhẫn tâm bỏ con mình đi nữa thì Thiên Chúa sẽ chẳng bao giờ bỏ loài người. Thánh Phaolô nói với tín hữu Êphêsô: “Thưa anh em, Thiên Chúa giàu lòng thương xót và rất mực yêu mến chúng ta, nên dầu chúng ta đã chết vì sa ngã, Người cũng đã cho chúng ta được cùng sống với Đức Kitô” (Ep 2,4).

Thiên Chúa không thể bỏ con người. Một lời khẳng định xem ra khá hàm hồ, nhưng thật chính xác vì “Thiên Chúa không thể chối bỏ chính Người, vì Người là Tình Yêu (x.1Ga 4,8). Dù trời cao hay đất thấp, dù thiên thần hay thiên phủ…không có gì có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa, trong Đức Kitô Giêsu (x.Rm 8,39). Như thế, nếu chúng ta vẫn chìm trong bóng tối thì chính chúng ta phải chịu trách nhiệm vì đã khước từ ánh sáng.

Thiên Chúa là Đấng ân thưởng. Và chính chúng ta mới là những người luận phạt. Nếu chúng ta chọn ánh sáng tức là tin vào Chúa Giêsu và sống theo lời của Người thì chúng ta được Thiên Chúa ân thưởng. Trái lại nếu chúng ta chối từ Chúa Kitô thì chúng ta, chứ không ai khác, là người kết án, luận phạt chính bản thân mình.

Ban Mê Thuột.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Bài giáo lý hàng tuần của Đức Phanxicô: Thói hư và nhân đức. 10. Kiêu ngạo
Vũ Văn An
16:30 06/03/2024

Theo tin Tòa Thánh, nhân buổi yết kiến chung tại thính Đường Phaolô VI, Thứ tư, 6 tháng 3 năm 2024, Đức Phanxicô đã tiếp tục loạt bài giáo lý mới về các thói hư và nhân đức. Hôm nay, ngài trình bầy phần nói về tính kiêu ngạo.

Sau đây là nguyên văn bài giáo lý của ngài, dựa vào bản tiếng Anh do Tòa Thánh cung cấp:



Anh chị em thân mến, chào anh chị em buổi sáng!

Trong cuộc hành trình giáo lý về các thói hư và nhân đức, hôm nay chúng ta đến với thói hư cuối cùng: tính kiêu ngạo. Người Hy Lạp cổ đại định nghĩa nó bằng một từ có thể dịch là “sự huy hoàng quá mức”. Quả thực, kiêu ngạo là tự đề cao mình, tự phụ, ta đây. Thuật ngữ này cũng xuất hiện trong hàng loạt thói hư mà Chúa Giêsu liệt kê để giải thích rằng sự ác luôn xuất phát từ trái tim con người (x. Mc 7:22). Người kiêu ngạo là người nghĩ rằng mình cao thượng hơn nhiều so với con người thực của họ; người lo mình được coi trọng hơn người, luôn muốn thấy công lao của mình được công nhận, coi thường người khác, coi họ thấp kém hơn mình.

Từ mô tả đầu tiên này, chúng ta thấy thói hư kiêu ngạo rất gần với thói hư vinh mà chúng ta đã trình bày lần trước. Tuy nhiên, nếu kiêu ngạo là một căn bệnh của bản thân con người, thì nó vẫn là một căn bệnh trẻ con khi so sánh với khả năng tàn phá mà lòng kiêu hãnh có thể gây ra. Khi phân tích sự điên rồ của con người, các tu sĩ cổ thời đã nhận ra một trật tự nhất định trong chuỗi các tệ nạn: bắt đầu với những tội lỗi ghê tởm nhất, chẳng hạn như thói háu ăn, và đến những con quái vật đáng lo ngại hơn. Trong mọi thói hư, kiêu ngạo là nữ hoàng vĩ đại. Không phải ngẫu nhiên mà trong Thần khúc, Dante xếp nó vào tầng luyện ngục đầu tiên: những ai nhượng bộ thói hư này đều ở xa Chúa, và việc sửa chữa tội ác này đòi hỏi thời gian và công sức, hơn bất cứ cuộc chiến nào khác mà người Kitô hữu được mời gọi bước vào.

Thực ra, bên trong sự ác này ẩn chứa tội lỗi triệt để, sự tuyên bố vô lý rằng mình giống như Thiên Chúa. Tội lỗi của tổ tiên chúng ta, được kể lại trong sách Sáng thế, xét về mọi mặt đều là tội kiêu ngạo. Kẻ cám dỗ nói với họ: “Khi các ngươi ăn nó, mắt các ngươi sẽ mở ra và sẽ giống như Thiên Chúa” (Sáng Thế 3:5). Các tác giả về linh đạo đặc biệt chú ý đến việc mô tả những hậu quả của tính kiêu ngạo trong cuộc sống hằng ngày, để minh họa việc nó hủy hoại các mối quan hệ giữa con người với nhau như thế nào, để chỉ ra sự ác này đầu độc tình huynh đệ vốn lẽ ra phải đoàn kết con người như thế nào.

Sau đây là danh sách dài các triệu chứng cho thấy một người đang sa vào thói kiêu ngạo. Đó là một tội ác có hình tướng rõ ràng: kẻ kiêu ngạo thì kiêu căng, “cứng cổ”, tức là cổ cứng không cúi xuống. Họ là một người dễ dàng bị dẫn đến việc phán xét khinh miệt: không có lý do gì, họ đưa ra những phán xét không thể thay đổi đối với người khác, những người mà đối với họ dường như là những người kém cỏi và không có khả năng. Trong sự kiêu ngạo của mình, họ quên rằng Chúa Giêsu trong Tin Mừng đã chỉ định cho chúng ta rất ít giới luật đạo đức, nhưng về một trong số đó, Người không khoan nhượng: không bao giờ nên phán xét. Anh chị em nhận ra anh chị em đang đối diện với một người kiêu ngạo khi đưa ra cho họ một lời chỉ trích mang tính xây dựng hoặc đưa ra một nhận xét hoàn toàn vô hại, họ phản ứng một cách cường điệu, như thể ai đó đã xúc phạm đến sự uy nghi cao cả của họ: họ nổi cơn thịnh nộ, hét lên, làm gián đoạn mối quan hệ với người khác một cách bực bội.

Có rất ít điều người ta có thể làm với một người mắc chứng kiêu ngạo. Không thể nói chuyện với họ, càng không thể sửa sai họ, bởi vì cuối cùng họ không còn hiện diện với chính mình nữa. Người ta chỉ cần kiên nhẫn với họ, vì một ngày nào đó dinh thự của họ sẽ sụp đổ. Tục ngữ Ý có câu: “Người kiêu hãnh cưỡi ngựa ra đi và lúc trở về cuốc bộ”. Trong Tin Mừng, Chúa Giêsu đối xử với rất nhiều người kiêu ngạo, và Người thường vạch trần thói hư này ngay cả với những người giấu kín rất giỏi. Phêrô phô trương lòng trung thành trọn vẹn của mình: “Dầu mọi người có bỏ Thầy, con cũng sẽ không!” (x. Mt 26:33). Thay vào đó, ngài cũng sẽ sớm giống như những người khác, sợ hãi trước cái chết mà ngài không thể tưởng tượng được lại có thể đến gần đến vậy. Và thế là Phêrô thứ hai, người không còn hếch cằm nhưng khóc những giọt nước mắt mặn chát, sẽ được Chúa Giêsu chữa lành và cuối cùng sẽ đủ sức gánh vác gánh nặng của Giáo hội. Trước đây ngài phô trương một cao ngạo mà tốt hơn không nên phô trương; bây giờ ngài là một môn đệ trung thành mà, như dụ ngôn nói, người chủ có thể giao “quản lý tất cả tài sản của mình” (Lc 12:44).

Sự cứu rỗi đến nhờ sự khiêm nhường, phương thuốc thực sự cho mọi hành vi kiêu ngạo. Trong bài Magnificat, Đức Maria hát về Thiên Chúa, Đấng bằng quyền năng của Người xua tan những kẻ kiêu ngạo có tư tưởng bệnh hoạn trong lòng họ. Thật là vô ích khi cướp đoạt bất cứ điều gì của Thiên Chúa, như người kiêu hãnh làm, bởi vì xét cho cùng, Người muốn ban cho chúng ta mọi sự. Đây là lý do tại sao tông đồ Gia-cô-bê, trước cộng đồng của ngài bị tổn thương vì đấu tranh nội bộ bắt nguồn từ tính kiêu ngạo, đã viết: “Thiên Chúa chống cự kẻ kiêu ngạo nhưng ban ơn cho người khiêm nhường” (Gia-cô-bê 4:6).

Vì vậy, anh chị em thân mến, chúng ta hãy tận dụng Mùa Chay này để chiến đấu chống lại tính kiêu ngạo của mình.
 
Đức Thánh Cha cử hành Thánh lễ Thứ Năm Tuần Thánh tại nhà tù Rebibbia ở Rome
Thanh Quảng sdb
16:44 06/03/2024
Đức Thánh Cha cử hành Thánh lễ Thứ Năm Tuần Thánh tại nhà tù Rebibbia ở Rome

Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ chủ sự Thánh Lễ Tiệc Ly tại nhà tù nữ Rebibbia vào Thứ Năm Tuần Thánh.

(Tin Vatican - Devin Watkins)

Hôm thứ Tư (6/3/2024) Vatican đã công bố địa điểm mà ĐTC sẽ cử hành Thánh lễ Tiệc ly vào chiều Thứ Năm Tuần Thánh, ngày 28 tháng 3.

Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ viếng thăm Nhà tù nữ Rebibbia ở Rome, nơi ngài sẽ chủ sự Thánh lễ lúc 4 giờ chiều.

Trong chuyến viếng thăm này, Đức Thánh Cha sẽ gặp gỡ các nữ tù nhân và nhân viên của trại tù.

Thánh Lễ Tiệc Ly mở đầu Tam Nhật thánh Phục Sinh, hay “Ba Ngày”, tưởng niệm Cuộc Khổ Nạn, Cái Chết và sự Phục Sinh của Chúa Kitô, dẫn đến việc cử hành Chúa Nhật Phục Sinh.

Trong Thánh lễ “Tiệc Ly này”, vị chủ tế thường rửa chân cho một số người, theo gương Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ vào buổi tối trước khi Ngài chịu khổ nạn.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành Thánh lễ tại nhà tù Rebibbia ở Rome vào Thứ Năm Tuần Thánh năm 2015.

Lễ kỷ niệm năm nay sẽ mang tính chất riêng tư và không mở cửa cho công chúng.
 
Chúng ta có đang dạy sinh viên của mình một cách thỏa đáng hay không?
Vũ Văn An
21:00 06/03/2024

Daniel Philpott, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Notre Dame, đặt câu hỏi: What Are We Teaching Our Students?(Chúng ta đang giảng dạy sinh viên những gì?) Bởi vì theo ông, những ngày sau cuộc tấn công ngày 7 tháng 10 năm 2023 của Hamas vào Israel—giết chết hơn 1,200 đàn ông, phụ nữ và trẻ em, chặt đầu trẻ sơ sinh, sát hại người già, giết hại nhiều người Do Thái hơn bất cứ ngày nào kể từ Holocaust [diệt chủng]—hàng trăm sinh viên tại các trường đại học danh tiếng nhất đất nước chúng ta đã phản đối… Israel. Nguyên văn bài viết có thể đọc tại đây: https://irishrover.net/2024/02/what-are-we-teaching-our-students.

Một nghìn sinh viên tại Harvard đã lên án trường đại học của họ đồng lõa với nạn diệt chủng, cho rằng “chế độ Israel hoàn toàn chịu trách nhiệm về bạo lực” và tuyên bố rằng cuộc tấn công của Hamas là “công bằng về mặt đạo đức và cần thiết về mặt chính trị” và “phản ứng tự nhiên và chính đáng đối với hàng thập niên áp bức và hạ nhân phẩm”. Các cuộc biểu tình cũng diễn ra tại Yale, Columbia và nhiều trường đại học khác. Tấn công, phá hoại, quấy rối và biểu tình thù địch—bao gồm 500 vụ như vậy trong khuôn viên trường đại học—đã tăng vọt chống lại… người Do Thái.

Tranh cãi xảy ra sau đó. Hàng nghìn người lên án các cuộc biểu tình, các tỷ phú rút tiền quyên góp khỏi các trường đại học, và ba viện trưởng trường đại học lúng túng khi được hỏi về phản ứng ôn hòa của họ trước các cuộc biểu tình tại phiên điều trần của Quốc hội Hoa Kỳ, dẫn đến việc Viện trưởng Đại học Pennsylvania sắp phải từ chức và sau đó là việc từ chức của Viện trưởng Đại học Harvard sau khi bà phải đối đầu với cáo buộc đạo văn. Việc cản trở những vị chủ tịch này kêu gọi tự do ngôn luận một cách đáng tin cậy, chính sách gậy ông đập lưng ông, mượn cụm từ sâu sắc của Shakespeare trong Hamlet, là thành tích tồi tệ của các trường đại học của họ trong việc bảo vệ quyền tự do ngôn luận. Quỹ Quyền và Phát biểu Cá nhân đã xếp Harvard vào vị trí cuối cùng thứ 248, Penn ở vị trí “dưới mức trung bình” thứ 189 và MIT ở vị trí “trung bình” thứ 136.

Nhưng đối Giáo sư Philpott, câu hỏi đặt ra là: Chúng ta đang dạy sinh viên của mình những gì? Các nhà văn nổi tiếng đã đặt ra câu hỏi tương tự: David Brooks, người phụ trách chuyên mục của tờ New York Times; Robert George, giáo sư tại Princeton; Peter Berkowitz, một học giả tại Viện Hoover của Stanford; và Ezekiel Emmanuel, Phó Viện trưởng và giáo sư về đạo đức y tế và chính sách y tế tại Đại học Pennsylvania. Họ đã tư vấn một cách sáng suốt về việc giảng dạy đạo đức, khôi phục nền học tập cổ điển và các nguyên tắc truyền thống, củng cố quyền tự do theo đuổi chân lý và tiến hành tranh luận dân sự trong bối cảnh đa dạng trí thức. Tuy nhiên, điều khiến Giáo sư Philpott khó chịu là các sinh viên biểu tình dường như không biết gì về bộ luật đơn giản, không thể thiếu, phổ biến tạo nên trật tự đạo đức của vũ trụ - điều mà từ lâu đã được gọi là luật tự nhiên.

Các cuộc tấn công của Hamas đã coi thường các chuẩn mực đạo đức lâu đời nhất, không giết người, giết hại dân thường một cách trực tiếp, cố ý và tàn bạo. Họ cũng chà đạp lên chuẩn mực gây hấn, tấn công những người không tấn công họ. “Điều sai mà kẻ gây hấn phạm phải là bắt đàn ông, phụ nữ phải liều mạng vì quyền lợi của mình. Đó là để họ phải đối mặt với sự lựa chọn: quyền của bạn hoặc (một số) mạng sống của bạn!”, triết gia Michael Walzer đã viết trong cuốn Just and Unjust Wars [Các cuộc chiến tranh chính nghĩa và bất chính nghĩa] của mình.

Việc cấm giết người và gây hấn là những quy tắc của luật tự nhiên. Chúng định nghĩa những sai trái là malum in se nghĩa là xấu trong chính chúng: không thừa nhận ngoại lệ, sai trong mọi hoàn cảnh, tuyệt đối về mặt đạo đức. Cho dù nguyên nhân của một người có chính xác hay bị áp bức đến đâu, người ta cũng không bao giờ có thể thực hiện một số hành động nhất định. Những chuẩn mực này và tính chất tuyệt đối của chúng là xương sống của luật pháp quốc tế. Việc cấm xâm lược là quy tắc trung tâm của Hiến chương Liên hiệp quốc và việc cấm giết hại thường dân là nền tảng của luật nhân đạo quốc tế, Công ước diệt chủng, Tòa án hình sự quốc tế và các công ước nhân quyền.

Được nắm bắt thông qua việc thực thi lương tâm, các quy tắc luật tự nhiên là những quy tắc mà một người “không thể không biết”, như triết gia J. Budziszewski đã nói. Các quy tắc khác của luật tự nhiên bao gồm các lệnh cấm nói dối, ngoại tình và trộm cắp, mệnh lệnh làm từ thiện và nhiều mối tương quan của các quy tắc này. Chúng là điều mà triết gia Alan Donagan gọi là “đạo đức chung” và được chia sẻ rộng rãi trong các tôn giáo trên thế giới, như C.S. Lewis đã chứng minh trong cuốn sách của ông, The Abolition of Man [Sự bãi bỏ con người]. Đó là quy luật tự nhiên mà Hamas đã coi thường một cách trắng trợn và những sinh viên đồng minh biểu tình của tổ chức này coi thường.

Luật tự nhiên tác động theo nhiều hướng, đưa ra những yêu cầu đối với kẻ quyền thế và người giàu, người bị tước đoạt và người nghèo, không biết phải hay trái. Nó cung cấp các tiêu chuẩn mà chúng ta có thể và phải đánh giá xem liệu Israel có tuân thủ các hạn chế về mặt đạo đức trong phản ứng quân sự của họ hay không. Nó có chiến đấu một cách phân biệt đối xử không? Tương xứng không? Đối xử công bằng với tù nhân của nó? Người dân Gaza bị hạ nhân phẩm trong ngôn ngữ của họ? Luật tự nhiên cũng đưa ra các tiêu chuẩn để chúng ta có thể phán xét các chính sách định cư của Israel và cách đối xử lâu dài của nước này đối với người Palestine, bao gồm cả các yêu sách của họ về quyền tự quản - cũng như các yêu sách của chính Israel về việc bảo vệ quốc gia và người dân của mình. Các chuẩn mực luật tự nhiên đặt nền tảng cho các quyền tự nhiên được tìm thấy trong Tuyên ngôn Độc lập và các quyền cốt lõi được quy định trong Hiến pháp của Hoa Kỳ và làm cơ sở cho các lập luận của Abraham Lincoln nhằm chấm dứt chế độ nô lệ và chiến dịch đòi dân quyền của Martin Luther King. Luật tự nhiên cũng yêu cầu Hoa Kỳ phải chịu trách nhiệm về vụ đánh bom rải thảm các thành phố ở Đức và Nhật Bản trong Thế chiến thứ hai, chính sách răn đe hạt nhân, các luật và chính sách phân biệt chủng tộc công khai kéo dài đến giữa thế kỷ XX và luật cho phép lấy đi sinh mạng của người chưa sinh. Ngoài các quy tắc của luật tự nhiên, các phán quyết về những vấn đề này rất khó nắm bắt.

Luật tự nhiên khó có thể áp dụng được ở các trường đại học phương Tây ngày nay. Các cuộc biểu tình gần đây tại các trường đại học hàng đầu của đất nước chúng ta mang dấu ấn của một chủ nghĩa hậu hiện đại mới trỗi dậy và người anh em họ hàng gần gũi của nó, chủ nghĩa hậu thuộc địa, trong số các giáo sư của chúng. Theo suy nghĩ của Karl Marx, Friedrich Nietzsche và Michael Foucault, họ coi các tiêu chuẩn đạo đức và công lý phụ thuộc vào bối cảnh, thiếu giá trị phổ quát và tuân theo các hình thức quyền lực. Không có những tiêu chuẩn phổ quát, họ không chấp nhận những hạn chế về những phương tiện mà qua đó những người bị áp bức có thể chống lại kẻ áp bức. Vì vậy, các cuộc tấn công của Hamas có thể là một “phản ứng tự nhiên và chính đáng” trước sự áp bức.

Tuy nhiên, những người theo chủ nghĩa hậu hiện đại và chủ nghĩa hậu thuộc địa thiếu cơ sở để tuyên bố rằng bất cứ hành động nào là “tự nhiên hoặc chính đáng”, bao gồm cả việc bất cứ hành động nào của Israel đều phi lý, mang tính thực dân hoặc áp bức. Khi thừa nhận quyền lực lan tỏa, họ cũng tự gậy ông đập lưng ông và thể hiện một trong những nghịch lý lớn trong giới học thuật: Những người vận động mạnh mẽ nhất cho công bằng xã hội lại là những người thiếu căn cứ cho điều đó nhất.

Chủ yếu là các trường đại học Công Giáo giảng dạy và lý luận về luật tự nhiên, mặc dù không có sự nhất trí cao. Họ đã sẵn sàng để làm như vậy. Mặc dù luật tự nhiên có thể nhận biết được thông qua “lý trí không có sự trợ giúp”, nghĩa là việc thực thi các khả năng lý trí ngoài ân sủng thánh hóa, nhưng Giáo hội vẫn ổn định nó, neo giữ nó, củng cố nó và bảo tồn nó để giảng dạy. Sự mạc khải của Thiên Chúa về luật tự nhiên cho ông Môsê trên núi Sinai làm sáng tỏ lề luật và nguồn gốc thiêng liêng của nó. Huấn quyền Công Giáo, được Chúa Thánh Thần linh hứng, xác nhận thêm luật tự nhiên và nội dung tương ứng của nó. Một số chuẩn mực đạo đức Kitô giáo vượt xa những gì luật tự nhiên có thể biết và dựa trên những lời dạy của Chúa Giêsu—lòng thương xót, sự tha thứ và quà tặng—nhưng vẫn nhất quán và bổ sung cho luật tự nhiên. Bởi vì kiến thức về luật tự nhiên bị che mờ bởi tội lỗi, sự hữu hạn của tâm trí, và ảnh hưởng hư hỏng của các nền văn hóa bóp méo và phủ nhận nó, nên Giáo hội đưa ra các bí tích như những phương thuốc chữa lành tâm trí và ý chí để con người có thể nhận biết và sống theo luật tự nhiên. Do đó, một trường đại học Công Giáo được Giáo hội củng cố trong sứ mệnh truyền đạt luật tự nhiên.

Các trường đại học Công Giáo phục vụ sinh viên của họ, Giáo hội và lợi ích chính trị chung bằng cách giảng dạy luật tự nhiên và lý luận về ý nghĩa của nó đối với các chính sách và định chế. Họ có một lịch sử lâu dài để làm như vậy. Ở Tây Ban Nha thế kỷ 16, các triết gia “kinh viện” Công Giáo, theo tư tưởng của Thomas Aquinas, đã dựa vào luật tự nhiên để bảo vệ các quyền tự nhiên của người Mỹ bản địa đang bị chinh phục và bắt làm nô lệ. Các học giả Tây Ban Nha, nổi bật nhất trong số đó là Francisco de Victoria của dòng Đaminh, cũng đã đặt nền móng cho luật pháp quốc tế hiện đại khi hệ thống các quốc gia-dân tộc đang hình thành trên lục địa châu Âu. Nhiều thế kỷ sau, sau Thế chiến II, các triết gia Công Giáo như Jacques Maritain, John Courtney Murray, SJ, Yves Simon và Heinrich Rommen, tất cả đều đã cống hiến học thuật của mình để thúc đẩy hơn nữa sự hồi sinh Thánh Thomas Aquinas mà Đức Giáo Hoàng Leo XIII đã khen ngợi vào năm 1879, chuyển sang luật tự nhiên để cung cấp nền tảng cho các quyền con người phổ quát cũng như các quyền và quản trị dân chủ mà Cộng hòa Mỹ được thành lập trên đó. Murray cho rằng những nền tảng này đang bị xói mòn bởi chủ nghĩa tương đối và chủ nghĩa thực chứng khoa học đang thịnh hành ở các trường đại học phương Tây.

Các trường đại học Công Giáo có thể là “những lực lượng tốt”, như Chủ tịch John Jenkins đã gọi Đại học Notre Dame, nếu họ vẫn tin tưởng vào sự thật của Giáo hội và giảng dạy luật tự nhiên. Khi các trường đại học Công Giáo trở nên chao đảo trước sự thật này, họ mất đi tiềm năng định hình xã hội và chỉ được định hình bởi nó.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Tĩnh Tâm Mùa Chay 2024_ Gx Chúa Kitô Vua San Jose - phần I
thaikpham
03:17 06/03/2024
 
Tĩnh Tâm Mùa Chay 2024 _GX Chúa Kito Vua _ Phần 2
Thái K Phạm
23:20 06/03/2024

 
Văn Hóa
Robert Royal: Truyền thống Trí thức Công Giáo trong Thế kỷ Hai mươi
Vũ Văn An
22:48 06/03/2024
Truyền thống Trí thức Công Giáo trong Thế kỷ Hai mươi

Nguyên tác: A Deeper Vision, The Catholic Intellectual Tradition in the Twentieth Century

của Robert Royal

Lời giới thiệu

Trong cuốn sách có phạm vi rộng và đầy tham vọng A Deeper Vision, The Catholic Intellectual Tradition in the Twentieth Century, Robert Royal, một người tham gia nổi bật trong nhiều năm trong các cuộc tranh luận về tôn giáo và đời sống đương thời, đưa ra một đánh giá toàn diện và cân bằng về truyền thống trí thức Công Giáo trong thế kỷ XX. Giáo Hội Công Giáo coi trọng cả Đức tin lẫn Lý trí, và đạo Công Giáo đã làm nảy sinh những ý tưởng phi thường và toàn bộ các trường phái tư tưởng đáng chú ý, không những trong quá khứ xa xôi mà trong suốt những thập niên đầy khó khăn của thế kỷ XX.



Royal trình bày trong một tập sách duy nhất một bản trình bày sâu rộng nhưng dễ đọc về việc tư duy Công Giáo phát triển ra sao trong triết học, thần học, nghiên cứu Kinh thánh, văn hóa, văn học, và nhiều lĩnh vực khác trong thế kỷ XX. Điều này liên quan đến những nhân vật vĩ đại, được công nhận cả trong và ngoài Giáo hội, như Jacques Maritain, Bernard Lonergan, Joseph Pieper, Edith Stein, Alasdair MacIntyre, Charles Taylor, Romano Guardini, Karl Rahner, Henri du Lubac, Karol Wojtyla, Joseph Ratzinger, Hans Urs von Balthasar, Charles Péguy, Paul Claudel, George Bernanos, Francois Mauriac, G. K. Chesterton, Gerard Manley Hopkins, Christopher Dawson, Graham Greene, Sigrid Undset, J. R. R. Tolkien, Czeslaw Milosz, và nhiều người khác.

Royal lập luận rằng nếu không có suy nghĩ chặt chẽ, đạo Công Giáo - dù có tính chào đón và nuôi dưỡng đến đâu - sẽ trở thành một thứ gì đó giống như một bác sĩ có phong thái tốt bên giường bệnh, nhưng lại biết rất ít về y học. Truyền thống Công Giáo luôn mong muốn hợp nhất cảm xúc và trí tuệ, hành động và chiêm niệm. Nhưng trừ khi chúng ta biết truyền thống đã tạo ra những gì - đặc biệt là trong tác phẩm của những nhân vật vĩ đại trong quá khứ gần đây - chúng ta sẽ không thể trả lời những thách thức mà thế giới hiện đại đặt ra, hoặc thậm chí nhận ra cách đúng đắn những câu hỏi thực sự mà chúng ta đang phải đối diện.

Đây là một tác phẩm đầy suy tư, không mang tính bút chiến, tập hợp nhiều luồng tư tưởng Công Giáo khác nhau trong thế kỷ XX. Một sách hướng dẫn toàn diện về quá khứ gần đây - và tương lai.

Về tác giả (2015)

Robert Royal là chủ tịch Viện Đức tin & Lý trí ở Washington DC và là chủ bút của chuyên mục trực tuyến The Catholic Thing. Ông là tác giả, biên tập viên và dịch giả của hơn chục cuốn sách, đồng thời ông thường xuyên viết và phát biểu về các vấn đề văn hóa, tôn giáo và đời sống công cộng. Tác phẩm của ông đã xuất hiện trên nhiều ấn phẩm khác nhau ở Hoa Kỳ và nước ngoài. 

*****

Và thiên nhiên không bao giờ tiêu phí, cho tất cả những điều này;

Tận sâu thẳm mọi sự sống động sự tươi mát thân thiết nhất.


-Gerard Manley Hopkins

Đức tin không chỉ nhìn chằm chằm vào Chúa Giêsu, nhưng nhìn mọi sự như chính Chúa Giêsu nhìn chúng, bằng chính đôi mắt của Người: nghĩa là tham gia vào cách nhìn của Người. Trong nhiều lĩnh vực của cuộc sống, chúng ta tin tưởng những người biết nhiều hơn chúng ta. Chúng ta tin tưởng kiến trúc sư xây dựng ngôi nhà của chúng ta, dược sĩ cho chúng ta thuốc chữa bệnh, luật sư bào chữa cho chúng ta trước tòa. Chúng ta cũng cần một người nào đó đáng tin cậy và hiểu biết về Thiên Chúa. Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, là Đấng làm cho chúng ta biết Thiên Chúa (x. Ga 1,18). Cuộc đời của Đức Kitô, cách Người nhận biết Chúa Cha và sống trong mối liên hệ trọn vẹn và liên tục với Người, mở ra những viễn cảnh mới và mời gọi cho kinh nghiệm của con người.

-Lumen Fidei

Dẫn nhập

Chúa Giêsu Kitô, con tôi, đã không đến để kể cho chúng ta nghe những câu chuyện cổ tích.

Trong khoảng thời gian ít ỏi mà Người có.

Ba năm là gì trong đời sống một thế giới.

Trong cõi vĩnh hằng của thế giới này.

Người không có thời gian để lãng phí, Người không lãng phí thời gian để kể cho chúng ta nghe những câu chuyện và chơi đố chữ để chúng ta tìm ra.

Những trò đố chữ rất hóm hỉnh.

Rất khéo léo.

Những câu đố của phù thủy.

Đầy rẫy những chữ hai nghĩa và mánh lới cũng như những tinh tế và phức tạp ngu xuẩn.

Không, Người không lãng phí thời gian và Người không khổ công,

Người không có thời gian,

Khổ công, khổ công lớn lao, rất lớn lao của Người.

Người đã không lãng phí, Người đã không tiêu phí tất cả những thứ đó, tất cả con người của Người, tất cả mọi sự.

Người không tiêu phí bản thân, tiêu phí mọi sự, Người không thực hiện khoản tiêu phí to tát, khủng khiếp này

Của bản ngã, của hữu thể Người, (của) mọi sự.

Để đến sau đó, với điều này, bằng điều này, với cái giá này,

Chịu mức giá này với một số mật mã để giải đoán để giải mã.

Những mánh lới, những điều vô nghĩa ngớ ngẩn, điều này thay vì điều nọ, những trò hề nhỏ thông minh như một thầy bói trong thị trấn.

Giống như một chú hề trong làng.

Giống như một diễn viên nhào lộn lang thang, một lang băm trong chiếc xe ngựa của anh ta.

Giống như kẻ chơi khăm thị trấn, giống như anh chàng hài hước nhất trong quán rượu.(1)


Những dòng trên của Charles Péguy, một thiên tài vĩ đại giữa nhiều người khác trong Công Giáo thế kỷ hai mươi, cho thấy một trong những sự thật sâu sắc nhất về Kitô giáo. Xét theo vô số cách, đó là một đức tin khá đơn giản, đơn giản gần đến mức đánh lừa. Một Thiên Chúa đến thế gian và công bố sứ mệnh cứu độ phổ quát phải là một người mà mọi người có thể hiểu một cách rộng rãi. Người không thể là vị Thiên Chúa chỉ dành riêng cho các triết gia, thần học gia, học giả Kinh thánh, tâm lý gia, lý luận gia chính trị, thi sĩ hay trí thức. Hành động cứu rỗi của Người cũng không phải là một lý thuyết:

Người có một việc vặt phải làm cho chúng ta nhân danh Cha của Người.

Người đã làm cho chúng ta những gì Người được giao để làm và Người đã quay trở lại.

Người đến, Người trả giá (thật là một cái giá đắt!), và Người rời đi.

Người đã không đến kể cho chúng ta nghe những câu chuyện phi thường.

Không có gì đơn giản hơn lời Thiên Chúa.

Người nói với chúng ta những điều khá bình thường.

Rất bình thường.

Sự nhập thể, sự cứu rỗi, sự cứu chuộc, lời của Thiên Chúa.

Ba hoặc bốn mầu nhiệm.

Cầu nguyện, bảy bí tích.

Không có gì đơn giản bằng vinh quang của Thiên Chúa. (2)

Nhưng Péguy hiển nhiên biết — và đang trình diễn một cách có ý thức — truyền thống trí thức rộng lớn đã phát triển trong Đạo Công Giáo vì “Sự nhập thể, sự cứu rỗi, sự cứu chuộc, lời của Thiên Chúa... Ba hoặc bốn mầu nhiệm.” Trong các nỗ lực của ông để làm cho người ta nhận ra một cách cụ thể Nhập thể là hành động trực tiếp loại nào - nó giống như một đứa con trai được gửi đến tiệm bánh để lấy một ổ bánh mì, như ông nói ở nơi khác - chính ông đã viết hàng nghìn trang văn xuôi và thơ. Trong bài thơ Eve (dài gần hai mươi nghìn dòng) của ông, tám mươi trang cuối mô tả tất cả những điều chúng ta sẽ không cần đến trên giường chết, trong đó có những điều:

Nó sẽ không phải là một người theo Aristốt trượt

Dưới những cây nguyệt quế rậm rạp đó,

Và nó sẽ không phải là đôi môi mỏng của ông ta

Đôi môi sẽ cho chúng ta nụ hôn hòa bình.

Mà là đôi môi hoàn toàn khác, Công Giáo hơn một chút

Sẽ đặt nụ hôn lên đôi má chúng ta.

Một bàn tay bớt mù quáng, tông đồ hơn,

Sẽ tìm thấy chúng ta dưới tán sồi rộng
. (3)

Péguy không thích triết học Kinh viện Công Giáo nổi bật (dựa trên Aristốt và Aquinô) đang hiện hữu vào thời ông. Nhưng, như những sự kiện tiếp theo trong cả Giáo hội và thế giới đã cho thấy, mặc dù chúng ta có thể không cần đến Aristốt hoặc Aquinô trên giường chết của mình, nhưng chúng ta dường như không thể sống tốt nếu không có họ—hoặc điều gì đó rất giống họ mang lại cho chúng ta những bến đỗ hợp lý—trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Tiểu thuyết gia vĩ đại người Ái Nhĩ Lan, James Joyce, một tín đồ Công Giáo đã bỏ đạo, tuyên bố đọc một trang sách Aquinô mỗi ngày, bằng tiếng Latinh, để giữ cho đầu óc minh mẫn vì lý luận của Thánh Tôma “giống như một thanh gươm sắc bén”. (4) (Việc Joyce sau này rớt xuống trò chơi chữ không ai hiểu thấu có lẽ sẽ khiến người ta thắc mắc không biết liệu thuốc bổ này có luôn hoạt động hay không.) Như bất cứ ai, ngay cả Péguy cũng nhận ra giá trị của một đầu óc minh mẫn như của Aristốt. Và bản thân ông cũng đủ minh mẫn để biết rằng triết học, thần học và các bộ môn trí thức khác là những hành vi tự nhiên của con người sẽ vĩnh viễn đơm hoa kết trái, đặc biệt là khi những câu hỏi về Thiên Chúa và sự vĩnh hằng xuất hiện. Thí dụ, những suy gẫm của chính ông đã dẫn đến một phiên bản khá sống động và tinh vi của tư tưởng nơi triết gia người Pháp Henri Bergson, mà đối với ông dường như nó có thể giải quyết nhiều vấn đề hiện đại nhờ sự kết hợp độc đáo giữa tính gần gũi với cuộc sống khi nó thực sự được sống và sự phân tích cẩn thận tránh được chủ nghĩa duy trí thức đơn thuần.

Những nghịch lý như vậy khá phổ biến đối với truyền thống trí thức Công Giáo. Và trong thế kỷ 20, cũng như các thế kỷ khác, chúng thường tạo ra đủ các chuyên luận nặng nề, thuyết giảng trống rỗng, và lòng mộ đạo theo thói quen—mà còn cả triết học, nghệ thuật, thần học, thi ca, tiểu thuyết, kịch, lịch sử và trước tác linh đạo giống như bất cứ điều gì được sản xuất trong bất cứ truyền thống nào khác, tôn giáo hay thế tục. Ngày hôm nay, hầu như không ai biết gì về điều này, ngay cả trong số những người Công Giáo. Tình trạng kỳ lạ này bắt nguồn từ sự kiện này là trong phần ba cuối thế kỷ 20 - tức là trong những năm sau Công đồng Vatican II (1962 - 1965) - các quan niệm về việc thế nào là Công Giáo đã trở nên lẫn lộn và gây tranh cãi vì chúng đã không có sớm hơn. Trước sự kiện rung chuyển trái đất đó, vốn có những hậu quả vượt xa đạo Công Giáo, ngay cả những nhà quan sát thế tục cũng thường nói: “Ít nhất người Công Giáo biết họ tin điều gì”. Và những người Công Giáo tài năng đã sử dụng một cách sáng tạo truyền thống phong phú đó thường được công nhận trong các tổ chức thế tục. Chỉ đơn cử một thí dụ, nhà triết học Công Giáo người Pháp Jacques Maritain (một học trò cưng của Péguy khi còn trẻ, đồng thời là một nhà tư tưởng sâu sắc và độc đáo) đã được mời thuyết trình về mỹ học tại Phòng trưng bày Nghệ thuật Quốc gia ở Washington vào năm 1950 và cũng vào khoảng thời gian đó, được Đại học Chicago mời nói về triết học chính trị. (5) Tuy nhiên, trong vòng 25 năm, loại triết học Aristốt-Tôma mà Maritain đã thực hành một cách xuất sắc đã biến mất về bản chất, ngay cả ở các trường đại học Công Giáo, và thế giới thế tục quay trở lại với một quan điểm cũ cho rằng Công Giáo là một loại chủ nghĩa chính thống phản lý trí nào đó. Ngày nay, không một người Công Giáo nào có thể được vinh danh, như Maritain đã từng được, bởi các định chế thế tục có uy tín.

Sự đứt đoạn lớn lao

Luôn luôn khó có thể gán nguyên nhân cho những thay đổi xã hội quy mô lớn, nhưng câu chuyện về truyền thống trí thức Công Giáo hiện đại cũng gắn bó chặt chẽ với sự thay đổi địa chấn trong văn hóa hoàn cầu thường gắn liền với năm 1968, mà Francis Fukuyama—một người không theo Công Giáo. —đã được coi là khởi đầu của “sự đổ vỡ lớn lao”. (6) Năm đó là một bước ngoặt không chỉ nổi bật với cuộc nổi loạn của giới trẻ (và cuộc cách mạng tình dục) ở Mỹ và Châu Âu, mà còn là sự xuất hiện mạnh mẽ của thần học giải phóng ở Mỹ Latinh, tercermundismo [chủ nghĩa thế giới thứ ba] và chống chủ nghĩa thực dân ở các khu vực đang phát triển khác của thế giới, và sự suy giảm chung đối với thẩm quyền và các định chế hầu như ở khắp mọi nơi. (Đó cũng là năm mà trong thông điệp Humanae Vitae—một bước đi cực kỳ phản văn hóa và không được ưa chuộng— Đức Phaolô VI đã lặp lại giáo huấn Kitô giáo liên tục từ thời cổ xưa rằng biện pháp tránh thai nhân tạo là không được chấp nhận về mặt đạo đức—nhưng đó là câu chuyện sẽ được bàn sau này). Niềm hoài nghi triệt để đối với việc triết học, thần học và các ngành liên quan có thể mang lại một số loại kiến thức chắc chắn—một nghi ngờ vốn đã hiện hữu trước đó nhưng chỉ giới hạn trong các nhóm nhỏ và chuyên biệt—cũng dường như nổi lên như một quan điểm văn hóa gần như mặc định. Ngay cả khi “linh đạo” tiếp tục hiện hữu hoặc phần lớn người ta nói rằng họ vẫn tin vào Thiên Chúa, thì niềm tin đó ngày càng có xu hướng không bị ràng buộc vào bất cứ định chế nào và biến thành một kiểu quan điểm tự tạo về đức tin và đạo đức. Không cần phải nói, những điều này không giúp ích gì nhiều cho Đạo Công Giáo, vốn luôn dựa trên truyền thống, thẩm quyền (giáo hoàng và giám mục), một định chế (Giáo Hội) và một hệ thống tư tưởng đã được khai triển.

Tuy nhiên, có lẽ còn quan trọng hơn những thay đổi bên ngoài, có những yếu tố bên trong chính Công Giáo đã dẫn đến việc mất đi sự quen thuộc với truyền thống trí thức Công Giáo. Công Giáo về bản chất và thực hành lâu đời là một loại cộng đồng ký ức, một Giáo hội giữ vững những gì mình tin là do Thiên Chúa mặc khải. Và giáo hoàng và các giám mục—từ thời cổ đại được trình bầy như những mục tử bảo vệ đàn chiên của họ—là những nhân vật có thẩm quyền, một huấn quyền, những người đặt ra ranh giới cho những gì họ đánh giá là phù hợp hoặc không phù hợp với truyền thống. Việc “mở cửa ra thế giới” tại Công đồng Vatican II đã dẫn đến một sự tản quyền rất cần thiết: các giám mục được khẳng định là người kế vị các tông đồ trong giáo phận của họ và có thẩm quyền trong “tính hợp đoàn” của các ngài với giáo hoàng. Và Giáo hội rất đúng khi chuyển từ một mô hình quá có tính định chế và pháp lý sang một mô hình có tính mục vụ và cộng đồng hơn, mô hình này cũng khẳng định vai trò tích cực của người giáo dân trong Giáo hội và thế giới.

Trong tình trạng bấp bênh của những năm hậu công đồng, các trào lưu văn hóa khác hẳn Công Giáo cũng xâm nhập vào Giáo hội. Các giám mục duy trì các quan điểm cổ xưa về đức tin và đạo đức được coi là những người chỉ đơn thuần chống lại các xu hướng tự do. Đối với một số người, việc đổi mới trở nên quan trọng hơn việc trung thành - hoặc (thậm chí còn tạo ra sự nhầm lẫn lớn hơn cho những người bình thường) người ta lập luận rằng việc đổi mới là một loại trung thành sâu sắc hơn. Và trái ngược với ý định của Công đồng, giáo hoàng và các giám mục thường thấy mình bị giảm bớt thẩm quyền, giống như những đối tác thế tục của họ trong chính phủ, y tế, luật pháp và văn hóa. Trong những trường hợp này, việc xác định rõ ràng điều gì là Công Giáo ngay cả trong chính Giáo hội cũng trở nên khó khăn hơn.

Nhà thần học Dòng Tên có ảnh hưởng lớn Karl Rahner đã từng mô tả Công đồng Vatican II là một “sự đoạn tuyệt dứt khoát” với những gì đã diễn ra trước đó và thậm chí còn đi xa hơn khi nói rằng đó là một trong ba sự đứt đoạn lớn như vậy trong lịch sử Giáo hội. (7) Đứt đoạn đầu tiên xuất hiện với Công đồng Giêrusalem (Công vụ 15), cuộc gặp gỡ vào thế kỷ thứ nhất của các tông đồ và các môn đệ khác mà nhiều người coi là điểm xuất hiện của tôn giáo mới, Kitô giáo, từ Do Thái giáo. Đứt đoạn thứ hai bắt đầu với việc Hoàng đế La Mã Constantinô chính thức chấp nhận Kitô giáo, bắt đầu một thời kỳ dài trong đó Giáo hội và các thế lực thế tục xen kẽ với nhau. Và đứt đoạn thứ ba, vào thế kỷ 20, đã mang đến một sự tái định hướng mới, thực sự triệt để - mặc dù hướng tới điều không hoàn toàn rõ ràng, ngay cả với Rahner.

Trong khi Công đồng Vatican II chắc chắn là một thúc đẩy to lớn và mới mẻ trong đời sống của Giáo hội, hầu hết mọi người ngày nay đều nhận ra mức độ liên tục giữa Giáo hội trước và sau Công đồng. Trước hết, cùng một Kinh Tin Kính đã được đọc trong các Thánh Lễ trước Công Đồng vẫn đang được đọc cho đến ngày nay. Những thay đổi đa dạng trong phụng vụ, thần học, phê bình Kinh thánh và đời sống Công Giáo hàng ngày bắt nguồn từ Công đồng, tất cả vẫn nhằm phục vụ cho những khẳng định cơ bản của đức tin. Rahner đã đúng khi cho rằng Công đồng là một bước ngoặt lớn, nhưng đã sai khi gợi ý—như ngài đã gợi ý với một số người—rằng Giáo hội đã trải qua một sự biến đổi đơn giản đã cắt đứt gần như toàn bộ sự hiện hữu trước đây của Giáo hội. Việc nhiều người Công Giáo được giáo dục khá tốt bằng cách nào đó đã tin vào một sự đứt đoạn như thế—và việc tình hình mới, một cách nào đó, vượt trội hơn hẳn so với những gì mà các thế hệ người Công Giáo sống trước đó đã trải qua—là một dấu hiệu cho thấy có điều gì đó không ổn một cách kỳ lạ giữa các tín hữu và ngay cả giữa những bộ óc Công Giáo khá thông minh.

Cuộc tranh luận về tính liên tục so với tính không liên tục vẫn tiếp diễn trong thiên niên kỷ mới. Một học giả gần đây đã mô tả những lựa chọn mà các Nghị Phụ Công Đồng phải đối mặt:

“Ở thế đánh cuộc, là hai viễn kiến khác nhau về Đạo Công Giáo: từ mệnh lệnh đến lời mời, từ luật lệ đến lý tưởng, từ định tín đến mầu nhiệm, từ đe dọa đến thuyết phục, từ ép buộc đến lương tâm, từ độc thoại đến đối thoại, từ cai trị đến phục vụ, từ rút lui đến tích nhập, từ chiều dọc sang chiều ngang, từ loại trừ sang hòa nhập, từ thù địch sang tình bạn, từ đối đầu sang hợp tác, từ nghi ngờ sang tin cậy, từ tĩnh tụ sang tiến bước, từ chấp nhận thụ động sang dấn thân tích cực, từ tìm lỗi đến đánh giá cao, từ quy định sang nguyên tắc, từ sửa đổi hành vi sang chiếm hữu bên trong”. (8)

Tất nhiên, cả hai yếu tố ở hai bên của những cặp được cho là đối lập này đều thuộc về một viễn kiến hoàn toàn Công Giáo — “cả/lẫn” (both/and), như người ta thường nói, là một trong những dấu hiệu của Công Giáo, chứ không phải “hoặc/hoặc” (either/or). (Tuy nhiên, như giai đoạn hậu công đồng đã cho thấy, có những giới hạn đối với “cả/lẫn”. Nhiệm vụ khó khăn hơn cho thiên niên kỷ thứ ba của Kitô giáo có thể nằm ở việc biện phân khi nào thì việc trung thành với sự thật trọn vẹn có thể đòi hỏi phải nói “không” để nhận ra câu trả lời “có” lớn hơn.”) Trong Tân Ước, Chúa Kitô ra lệnh và đe dọa cũng nhiều như Người mời gọi và thuyết phục—những lời của chính đấng sáng lập Kitô giáo vừa đòi hỏi vừa an ủi, chứ không đơn thuần là điều này hay điều kia như lâu nay vẫn được công nhận. Và chúng thiết lập tiêu chuẩn. Sự thúc đẩy để nâng một bên của mỗi cặp đối với bên kia, theo một nghĩa rất rõ ràng, không những dẫn đến sự thiếu trung thành với Kinh thánh mà còn thu hẹp và phân tán sự khôn ngoan tích lũy của Công Giáo vào những cuộc xung đột văn hóa hiện đại đã quá quen thuộc giữa “những người cấp tiến” và “những người bảo thủ”. Giáo Hội Công Giáo đã làm rất tốt khi cởi mở với các trào lưu xã hội và trí thức mới tại Công đồng Vatican II, nhưng cũng như không phải mọi thứ đi trước đều sai, không phải mọi thứ đến sau đều đúng.

Trong thế kỷ 20, Giáo Hội Công Giáo vẫn phải đối đầu với những câu hỏi muôn thuở: chân lý vĩnh cửu và ứng dụng đương thời, sự hiệp nhất Kitô giáo và sự đa dạng không thể tránh khỏi, lời Chúa và câu trả lời của con người. Như trong quá khứ, những chủ đề như vậy phải được xử lý với sự kết hợp giữa tính liên tục và đổi mới: tính liên tục, bởi vì Chân lý, mặc dù cuối cùng không bao giờ ta sở hữu được trong cuộc đời này, vẫn luôn như vậy và vẫn ở bên chúng ta từ thời đại này sang thời đại khác; đổi mới, bởi vì—có lẽ đặc biệt là trong thế kỷ 20—một tập hợp mới các thực tại trần thế xuất hiện mà không ai, Công Giáo hay không, đã từng đối đầu trước đây một cách hoàn toàn tương tự. Chỉ riêng cuộc cách mạng kỹ thuật số đã thay đổi văn hóa hoàn cầu theo những cách mà chúng ta vẫn đang cố gắng hiểu.

Còn tiếp
 
Church Documents
Lan Vy 06 Mar 2024
Đặng Tự Do
02:47 06/03/2024
[Lan Vy]

40 Bài Tĩnh Tâm Mùa Chay - Thứ Sáu tuần 5 Mùa Chay


THỨ SÁU 22/3/2024

Giêrêmia 20:10-13

Thánh Vịnh 17(18):2-7

Ga 10:31-42

“Chúa Cha ở trong Tôi và Tôi ở trong Chúa Cha” (Ga 10:38)

Chúng ta không thực sự suy nghĩ nhiều về nỗi sợ hãi đã ám ảnh Chúa Giêsu trong suốt cuộc đời trần thế của Người. Ở đây, trong Tin Mừng của chúng ta, có người muốn bắt Ngài, có người muốn ném đá Ngài, và chắc chắn họ đã không nói chuyện một cách lịch sự với Ngài. Làm thế nào Chúa Giêsu tiếp tục bước đi với nỗi sợ hãi đè nặng trên vai? Ngay cả khi Ngài chết, nỗi sợ hãi vẫn còn đó. Ngài là một con người, và trong nhân tính của Ngài, đó là một người cũng biết sợ hãi đã chết vì chúng ta. Ngài đã đối phó như thế nào? Hãy tự hỏi điều gì sẽ xảy ra với bạn trong những khoảnh khắc sợ hãi?

Tại sao nỗi sợ hãi không hoàn toàn thuộc về Chúa Giêsu? Tôi nghĩ đó là vì Chúa Giêsu biết Người thuộc về ai: Người thuộc về Chúa Cha.

Ngài xác tín về mối quan hệ này. Ngài biết cha Ngài sẽ không bao giờ từ bỏ Ngài.

Nhiều năm trước, tôi đã đến một cửa hàng nghệ thuật/thủ công/mọi thứ cùng với chị gái tôi và cô con gái ba tuổi của chị ấy. Có những chiếc áo khoác buông xuống và trong giây lát, bé Jenny đã mất dấu chúng tôi. Em gái tôi đang bận xem thứ gì đó trong cửa hàng, nhưng tôi có thể nhìn thấy Jenny rất rõ ràng - tôi ở ngay đó. Trong tích tắc, nỗi sợ hãi bao trùm lấy cô bé và cô bé bắt đầu khóc. Tôi chưa kịp mở miệng đã nghe thấy một cô gái đáng yêu nói: “Em ổn chứ cô bé?” Một giọng nói run rẩy đáp lại: “Em muốn tìm dì Mads của em.” Đó là tôi! Giây phút tôi nói: “Có dì đây!” bình tĩnh trở lại, nỗi sợ hãi giảm bớt, và tất cả đều ổn. Sự an toàn được tìm thấy ở sự kết nối quen thuộc, sau khi cô bé tìm được một người mà cô biết luôn ở bên cạnh và sẽ không rời xa cô.

Chúa Giêsu có sự chắc chắn như vậy về Cha Ngài.

Bạn và tôi chắc chắn đến mức nào về sự thật tuyệt đối rằng Chúa sống trong bạn và bạn sống trong Chúa, và không gì có thể thay đổi được điều đó? Chúa không thay đổi địa chỉ, nhà của Ngài ở trong bạn. Và trong khi tôi đang ở đó, hãy để tôi nói, cho dù cuộc sống của bạn thế nào đi nữa, bạn vẫn luôn sống trong Chúa, và Ngài lớn hơn nỗi sợ hãi của bạn.

Tôi sống trong Chúa và Chúa sống trong tôi. Amen.

[Lan Vy]

40 Bài Tĩnh Tâm Mùa Chay - Thứ Hai Tuần Thánh


THỨ HAI 25/3/2024

Isaia 42:1-7

Thánh Vịnh 26(27):1-3, 13-14

Ga 12:1-11

“Chúa Giêsu đến Bêthania”. Ga 12:1

Bêthania là nơi nương náu của Chúa chúng ta. Tại đây, Ngài có thể thư giãn với bạn bè và tận hưởng thời gian nghỉ ngơi trước những âm mưu của kẻ thù. Ngài thường xuyên đến thăm Bêthania, nhưng lần này thì khác. Ngài đang trên đường tới Giêrusalem và thập tự giá đang chờ đợi Ngài. Tình yêu của Maria dành cho Chúa Giêsu giúp cô có thể đọc được khoảnh khắc này. Vì thế, cô đã lấy “một cân dầu cam tùng nguyên chất rất quý giá để xức chân Chúa Giêsu” (Ga 12:3).

Tình yêu không tính toán; nó không bao giờ là chuyện cân bằng tỷ số. Tình yêu cho đi không mong nhận lại. Maria Bêthania là mẫu mực về tình yêu mà chúng ta muốn bày tỏ với Chúa Giêsu. Bằng hành động của Maria, “Căn nhà tràn ngập mùi dầu thơm” (Ga 12:3). Cuộc sống của chúng ta có thể tràn ngập thế giới với hương thơm thánh thiện của Chúa Kitô. Điều tốt nhất là những hành động đạo đức và bác ái của chúng ta nên lặng lẽ, nhưng dù thế nào đi nữa chúng ta cũng phải chuẩn bị để thu hút sự chú ý, điều này đôi khi rất tiêu cực. Cuộc tấn công của Giuđa nhằm vào Maria không phải là duy nhất; nó được vang vọng trong mọi thế hệ.

Trước những lời chỉ trích, giống như Maria, chúng ta giữ im lặng. Chúng ta để Chúa Giêsu nói thay chúng ta: công chúng duy nhất có ý nghĩa là Thiên Chúa, các thiên thần và các thánh của Người. Sự im lặng của chúng ta không mang tính thách thức hay hung hăng; nó thanh thản và vui vẻ. Khi vội vã tiến tới thập giá, Chúa chúng ta được an ủi bởi mọi dấu hiệu của tình cảm. Công việc của chúng ta, nụ cười của chúng ta, nỗ lực của chúng ta nhằm mang lại cuộc sống dễ chịu cho những người xung quanh, là những chi tiết mà Ngài đánh giá cao.

Nhiều tác giả thiêng liêng đã suy ngẫm về ý nghĩa của Bêthania. Ở đây Chúa tìm thấy những người bạn quý trọng và quan tâm đến Ngài. Đối với Chúa Giêsu, Bêtania là nơi tin cậy, ấm áp và thân mật.

Chúng ta cũng phải trở nên là ngôi nhà tương tự cho Chúa chúng ta. Chúng ta tô điểm nó bằng hương thơm của cuộc đấu tranh của chúng ta: thường xuyên đến thăm Người, kèm theo những hành động bác ái và hiếu khách đối với người lân cận.

Lạy Chúa, xin hãy đến thăm con và ngự vào trái tim con. Xin cho con phương tiện để phục vụ những người lân cận với niềm vui thanh thản, động cơ trong sáng và thờ ơ với những lời chỉ trích bất công.

Amen.

BRK4LV-News08Mar2024

[Lan Vy]

Laudetur Iesus Christus

Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô

VietCatholic xin kính chào quý vị và anh chị em trong tình yêu thương của Chúa Kitô và Mẹ Maria.

Lan Vy cám ơn quý vị và anh chị em theo dõi chương trình này. Lược thuật các tin chính trong ngày hôm nay của chúng tôi.

Các nhà lãnh đạo Công Giáo ở Venezuela hoài nghi về những lời hứa bầu cử của Maduro

Tự sắc thứ 70 của Đức Thánh Cha thực hiện những thay đổi nhỏ đối với luật riêng của Tối Cao Pháp Viện Tòa Thánh

Các phép lành 'phi phụng vụ' không tồn tại

Sau đây là phần tin chi tiết cùng các tin khác.

Chương trình của chúng tôi đến đây là hết.

Xin quý vị và anh chị em giúp phổ biến rộng rãi chương trình này đến với gia đình, thân quyến và bạn bè xa gần như một cách thức để truyền giáo.

Xin cám ơn và hẹn gặp lại quý vị và anh chị em trong lần phát hình tới.

Laudetur Iesus Christus

Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô

1. Các nhà lãnh đạo Công Giáo ở Venezuela hoài nghi về những lời hứa bầu cử của Maduro

Mặc dù nhà lãnh đạo Venezuela Nicolás Maduro đã hứa rằng Venezuela sẽ tổ chức bầu cử vào cuối năm 2024, nhưng nhiều người chỉ trích ông ta, bao gồm cả các quan chức Giáo hội, nghi ngờ rằng chế độ của ông sẽ cho phép diễn ra một quy trình bầu cử tự do và minh bạch và đừng mong đợi những thay đổi cụ thể sớm xảy ra.

Đồng thời, một số người chỉ trích phản ứng của Giáo hội tin rằng các giám mục Venezuela nên thẳng thắn hơn trong việc thách thức chế độ Maduro, và rằng chứng tá của các ngài có thể bị lu mờ vì lo sợ một cuộc đàn áp kiểu Nicaragua.

Tuyên bố ngày 1 tháng 3 của Maduro về các cuộc bầu cử, được đưa ra cho Tổng thống Brazil Luiz Inácio Lula da Silva, trong hội nghị thượng đỉnh Cộng đồng các quốc gia Mỹ Latinh và Caribe ở Saint Vincent và Grenadines vào tuần trước.

Nó tuân theo thỏa thuận của Quốc hội Venezuela với phe đối lập và các thành viên của các tổ chức dân sự vào ngày 28 tháng 2 để đưa ra danh sách gồm 27 ngày bầu cử có thể được đệ trình lên cơ quan bầu cử.

Niềm đam mê chính trị được khơi dậy bởi hơn hai thập kỷ “Chavismo”, ám chỉ ý thức hệ dân túy cánh tả gắn liền với cố lãnh đạo Venezuela Hugo Chávez, đã trở nên gay gắt hơn kể từ năm ngoái khi những tranh cãi xung quanh cuộc bầu cử sắp tới bắt đầu gia tăng.

Điều quan trọng nhất trong số đó là việc loại ứng cử viên María Corina Machado, người đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sơ bộ cho phe đối lập vào tháng 10. Machado bị cản trở trong việc tranh cử tổng thống do bà ủng hộ các lệnh trừng phạt do Hoa Kỳ áp đặt đối với Maduro và vì đã ủng hộ Juan Guaidó, thủ lĩnh phe đối lập, người tự xưng là tổng thống Venezuela vào năm 2019.

Phán quyết của tòa án xác nhận cô ấy đã bị loại khỏi quy trình vào Tháng Giêng, nhưng Machado tuyên bố cô ấy sẽ không từ bỏ. Henrique Capriles, đối thủ lớn của Maduro, cũng bị loại.

Vào tháng 2, chế độ của Maduro đã đưa ra những dấu hiệu đáng lo ngại về sự đàn áp ngày càng gia tăng. Vào ngày 9 tháng 2, nhà hoạt động Rocío San Miguel đã bị bắt giữ và bị buộc tội âm mưu giết Maduro. Vài ngày sau, chính phủ ra lệnh cho Liên Hiệp Quốc đóng cửa Văn phòng Nhân quyền ở Caracas, cáo buộc nhân viên của tổ chức này tham gia vào các âm mưu chống lại chế độ.

Sự phân cực chính trị giữa những người Venezuela cũng lọt vào Giáo hội. Trong khi một số linh mục đồng cảm với ý thức hệ của chính phủ và bảo vệ các biện pháp của chế độ trong cuộc khủng hoảng hiện nay, thì các nhà lãnh đạo Công Giáo khác đã chỉ trích gay gắt Maduro trong nhiều năm và phải chạy trốn khỏi quốc gia Nam Mỹ này để tránh bị đàn áp.

Từ những người lưu vong, họ liên tục tố cáo các hành động của chế độ và thậm chí còn nói rằng hàng giám mục Venezuela nên lên tiếng chống lại Chavismo.

Đó là trường hợp của Cha José Palmar, một nhà hoạt động nổi tiếng chống Chavismo hiện đang sống ở Hoa Kỳ. Ban đầu là một người ủng hộ chế độ, Cha Palmar dần dần bất mãn với nó và bắt đầu xuất bản những bài báo chỉ trích.

Năm 2018, ngài phải chuyển đến Mễ Tây Cơ, nơi ngài quyết định rời đi sau vụ ám sát người bạn mà ngài đang ở cùng. Sau đó, ngài vượt qua biên giới Texas và bị giam giữ hơn một tháng cho đến khi được phép định cư ở Hoa Kỳ.

“Giáo hội có một hiệp hội giáo dục khổng lồ quy tụ hàng ngàn trường Công Giáo và nhận tiền từ chính phủ. Nếu chỉ trích chế độ, họ sẽ mất hợp đồng”, Cha Palmar nói với Crux và nói thêm rằng “Giáo hội sợ thực hiện bất kỳ biện pháp tiên tri nào chống lại chế độ ở Venezuela”.

Cha Palmar nói rằng chỉ có một số ít tiếng nói Công Giáo được nghe thấy trên mạng xã hội tố cáo Maduro, một điều rất khác với “các giám mục anh hùng đã lên tiếng trong quá khứ”.

Cần phải lưu ý rằng đôi khi hàng giám mục đã đưa ra những tuyên bố về các vấn đề của chế độ. Chẳng hạn, vào Tháng Giêng, trong cuộc họp thường niên của các ngài, các giám mục đã đề cập đến “những hạn chế trong việc thực hiện quyền tự do cá nhân và xã hội”, “các trường hợp tham nhũng hành chính xảy ra trong các cơ quan nhà nước” và các vấn đề kinh tế đã khiến hàng triệu người Venezuela phải di cư.

Vào ngày 15 tháng 2, trong một cuộc phỏng vấn với một đài phát thanh, Đức Hồng Y Baltazar Porras, Tổng Giám mục Caracas, đã khẳng định rằng “mọi người dân có quyền” được biết khi nào cuộc bầu cử sẽ diễn ra. Ngài cũng tuyên bố rằng “các quy tắc phải giống nhau đối với tất cả mọi người, nếu không thì sự bất bình đẳng này sẽ tạo ra những bất công và xung đột”.

Bất chấp những biểu hiện như vậy, những người Công Giáo Venezuela lưu vong dường như cảm thấy rằng Giáo hội chưa làm đủ để tố cáo chế độ.

BRK4LV-News07Mar2024

[Lan Vy]

Laudetur Iesus Christus

Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô

VietCatholic xin kính chào quý vị và anh chị em trong tình yêu thương của Chúa Kitô và Mẹ Maria.

Lan Vy cám ơn quý vị và anh chị em theo dõi chương trình này. Lược thuật các tin chính trong ngày hôm nay của chúng tôi.

Cử hành 24 giờ cho Chúa

Nhật Ký Trừ Tà #281: Ma quỷ hút cạn năng lượng của chúng ta*

Một số người Công Giáo Ý quay trở lại với các vị thần, nhà tiên tri và thầy phù thủy Rôma cổ đại

Sau đây là phần tin chi tiết cùng các tin khác.

Chương trình của chúng tôi đến đây là hết.

Xin quý vị và anh chị em giúp phổ biến rộng rãi chương trình này đến với gia đình, thân quyến và bạn bè xa gần như một cách thức để truyền giáo.

Xin cám ơn và hẹn gặp lại quý vị và anh chị em trong lần phát hình tới.

Laudetur Iesus Christus

Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô

[Lan Vy]

1. Cử hành 24 giờ cho Chúa

Hôm Thứ Sáu, 08 tháng Ba, lúc 4:30 chiều, tại giáo xứ thánh Piô V ở Roma, Phanxicô sẽ chủ sự Phụng Vụ Thống Hối khai mạc truyền thống 24 giờ cho Chúa. Đây là một sáng kiến của Hội Đồng Tòa Thánh Tái Truyền Giảng Tin Mừng diễn ra hàng năm vào Thứ Sáu và Thứ Bảy trước Chúa Nhật thứ Tư Mùa Chay.

Năm nay là năm thứ 11, và chủ đề cho chương trình 24 giờ cho Chúa năm nay là “Tiến bước trong đời sống mới”, lấy ý từ thư Thánh Phaolô gởi các tín hữu thành Rôma “Vì được dìm vào trong cái chết của Người, chúng ta đã cùng được mai táng với Người. Bởi thế, cũng như Người đã được sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới.” (Rm 6:4)

Cử hành này được đánh dấu bởi việc Chầu Thánh Thể, suy tư cá nhân và lời mời hoán cải cá nhân. Như Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói trong Tông Thư Misericordia et Misera (Lòng Thương Xót và Nỗi Khốn Cùng): “Bí tích Hòa giải cần được tái khám phá và được đặt ở vị trí trung tâm trong đời sống Kitô hữu. Một dịp thuận lợi cho việc này có thể là sáng kiến 24 giờ cho Chúa, một cử hành được tổ chức vào gần Chúa Nhật Thứ Tư Mùa Chay. Sáng kiến này, đã có tại nhiều giáo phận, có giá trị mục vụ rất lớn trong việc khuyến khích một kinh nghiệm nhiệt thành hơn về Bí tích Hòa giải.”

Sáng kiến 24 giờ cho Chúa mời gọi cả thế giới đắm mình trong lòng thương xót vô biên của Chúa. Phụng Vụ Thống Hối cùng với Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ bắt đầu sáng kiến tuyệt vời này. Từ khi bắt đầu ở Rôma, sáng kiến này giờ đây đã là một phần thiết yếu trong Mùa Chay tại các giáo phận trên khắp thế giới với mong muốn kết hợp thiêng liêng với Đức Thánh Cha nhằm đưa ra tất cả khả năng cho một kinh nghiệm cá vị về lòng thương xót Chúa.

BRK4LV-NewsUK07Mar2024

Laudetur Iesus Christus

Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô

VietCatholic xin kính chào quý vị và anh chị em trong tình yêu thương của Chúa Kitô và Mẹ Maria.

Lan Vy cám ơn quý vị và anh chị em theo dõi chương trình này. Sau đây là các tin liên quan đến tình hình tại Ukraine

Chương trình của chúng tôi đến đây là hết.

Xin quý vị và anh chị em thêm lời cầu nguyện cho anh chị em Ukraine đang trải qua những giờ khắc thử thách và khó khăn. Và xin cầu nguyện cho linh hồn những người của cả hai bên đã thiệt mạng trong cuộc chiến.

Xin cám ơn và hẹn gặp lại quý vị và anh chị em trong lần phát hình tới.

Laudetur Iesus Christus

Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô

1. Việc thiếu đạn 'khổng lồ' của Ukraine là mối nguy hiểm lớn nhất đối với an ninh NATO

Tờ Newsweek cho biết như trên bài tường trình nhan đề “Ukraine's 'Massive' Ammo Deficit Greatest Danger to NATO Security: Source”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Lan Vy.

Hai tuần căng thẳng của NATO đã phần nào làm lu mờ tình thế đang xấu đi trên chiến trường của Ukraine, khi các chính trị gia và phương tiện truyền thông phương Tây tập trung vào mối nguy hiểm luôn hiện hữu của xung đột trực tiếp giữa Mạc Tư Khoa và các đối thủ xuyên Đại Tây Dương.

Lực lượng của Kyiv đang cố gắng trấn giữ chiến tuyến dài ở phía nam và phía đông đất nước trước các cuộc tấn công liên tục và có lúc rất điên cuồng. Các đơn vị ngày càng thiếu nhân lực và vẫn bị từ chối cung cấp đạn dược và vũ khí tiên tiến của phương Tây. Kyiv cho biết họ rất cần.

Tuy nhiên, những can thiệp gần đây và một vụ rò rỉ thông tin tình báo đáng kể từ các thủ đô phương Tây đã tập trung vào triển vọng quân đội NATO hoạt động bên trong Ukraine và làm dấy lên những mối đe dọa mới về chiến tranh hạt nhân từ Putin và các đồng minh Điện Cẩm Linh của ông.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron lần đầu tiên đưa ra đề xuất triển khai quân NATO tới Ukraine với vai trò huấn luyện và cố vấn. Khi bác bỏ kế hoạch này, Thủ tướng Đức Olaf Scholz tiết lộ rằng quân đội Pháp và Anh được cho là đã có mặt ở Ukraine.

Kết luận này sau đó được lặp lại trong một đoạn ghi âm, bị Nga chặn và rò rỉ, khi các quan chức quân sự cao cấp của Đức thảo luận về sự hỗ trợ của phương Tây cho Ukraine.

“Mối nguy hiểm cấp tính lớn nhất vẫn đến từ tiền tuyến ở Ukraine”, một quan chức ngoại giao Âu Châu – người đã nói chuyện với Newsweek với điều kiện giấu tên vì họ không được phép phát biểu công khai – cho biết khi được hỏi về triển vọng leo thang của Nga.

“Sự thiếu hụt đạn dược rất lớn và áp lực của Nga rất lớn”. “Phương Tây bị tê liệt vì sợ hãi, mặc dù, cho đến nay, tất cả 'ranh giới đỏ' mà chúng ta đã vượt qua vẫn chưa mang đến trận chiến mà chúng ta vô cùng lo sợ.”

Một quan chức ngoại giao Âu Châu thứ hai, người cũng yêu cầu giấu tên để nói chuyện thẳng thắn, đề nghị với Newsweek rằng Mạc Tư Khoa chủ yếu muốn khai thác những lo ngại của liên minh để ngăn chặn hơn nữa viện trợ của phương Tây cho Kyiv.

Họ nói: “Tôi nghi ngờ bạn có thể thay đổi tính toán của Nga chỉ bằng cách gửi giảng viên đến Ukraine”. “Tôi chắc chắn người Nga biết rất rõ ai đang làm gì ở Ukraine”.

“Ukraine cần đạn và phòng không; đó là nơi cần tập trung ngay lập tức.”

Tổng thống cho biết vào tháng trước: “Việc giữ Ukraine trong tình trạng thiếu hụt vũ khí giả tạo, đặc biệt là thiếu hụt pháo binh và khả năng tầm xa, cho phép Putin thích ứng với cường độ hiện tại của cuộc chiến”.

Trong khi đó, quân đội Ukraine đang phải vật lộn để ngăn chặn các cuộc tấn công của Nga dọc theo mặt trận dài 900 dặm. Giao tranh đặc biệt khốc liệt ở phía đông bắc Kharkiv và các khu vực phía đông Luhansk và Donetsk.

Lực lượng Nga cũng đang tấn công dọc theo mặt trận phía nam Zaporizhzhia, tìm cách đảo ngược những thành tựu nhỏ mà các đơn vị của Kyiv đã đạt được trong cuộc phản công thất bại vào mùa hè ở đó.

Oleksandr Merezhko, một thành viên quốc hội Ukraine và là chủ tịch ủy ban đối ngoại của cơ quan này, nói với Newsweek rằng Kyiv thích đạn dược hơn là quân phương Tây trên mặt đất.

Ông giải thích từ Kyiv: “Sẽ tốt hơn cho các đồng minh của chúng ta gửi đủ vũ khí thay vì gửi quân”. “Tôi có cảm giác rằng nó không làm xao lãng vấn đề viện trợ quân sự,” nhà lập pháp nói thêm về sự phẫn nộ gần đây của NATO. Ngược lại, các đồng minh phương Tây của chúng ta sẽ quan tâm nhiều hơn đến việc cung cấp cho Ukraine nhiều viện trợ quân sự và vật chất hơn là gửi quân đội của họ”.

Merezhko nói thêm: “Tuy nhiên, tuyên bố của Tổng thống Macron thực sự quan trọng vì nó phù hợp với 'sự mơ hồ về chiến lược', khiến Điện Cẩm Linh rất lo lắng và thậm chí là cuồng loạn.

“Về mặt tâm lý, điều quan trọng là phải cho Điện Cẩm Linh thấy rằng 'tất cả các lựa chọn đều được cân nhắc.' Nó làm Putin mất phương hướng và khiến ông ấy kém tự tin hơn.”

BRK4LV-NewsUKEve07Mar2024

Laudetur Iesus Christus

Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô

VietCatholic xin kính chào quý vị và anh chị em trong tình yêu thương của Chúa Kitô và Mẹ Maria.

Lan Vy cám ơn quý vị và anh chị em theo dõi chương trình này. Sau đây là các tin liên quan đến tình hình tại Ukraine

Chương trình của chúng tôi đến đây là hết.

Xin quý vị và anh chị em thêm lời cầu nguyện cho anh chị em Ukraine đang trải qua những giờ khắc thử thách và khó khăn. Và xin cầu nguyện cho linh hồn những người của cả hai bên đã thiệt mạng trong cuộc chiến.

Xin cám ơn và hẹn gặp lại quý vị và anh chị em trong lần phát hình tới.

Laudetur Iesus Christus

Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô

1. Anh cho rằng chiến thuật quân sự chính của Nga thất bại ở Ukraine

Tờ Newsweek cho biết như trên bài tường trình nhan đề “Major Russian Military Tactic Failing in Ukraine: UK”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Lan Vy.

Theo Bộ Quốc phòng Anh, Nga đã tăng cường các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine trong suốt tháng 2, nhưng các cuộc không kích này không gây thiệt hại nghiêm trọng cho lưới điện của Ukraine.

Trong bản cập nhật tình báo hôm thứ Hai, Bộ Quốc phòng Anh cho biết Nga đã tiến hành một “chiến dịch” tấn công một chiều bằng máy bay không người lái nhằm vào cơ sở hạ tầng của Ukraine vào tháng trước, bao gồm cả mạng lưới điện của Kyiv. Các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái diễn ra trên khắp Ukraine và gây thiệt hại cho cơ sở hạ tầng điện lực địa phương ở các khu vực Donetsk, Dnipro và Lviv.

Nhưng trong khi mục tiêu của Mạc Tư Khoa có khả năng là “làm suy giảm các hoạt động công nghiệp ở Ukraine”, tình báo quân sự Anh cho biết “mạng lưới điện của Ukraine đang duy trì hoạt động ổn định” tính đến hôm thứ Hai. Các cuộc tấn công này bắt chước hành động tấn công dữ dội của Nga vào lưới điện Ukraine vào năm ngoái, dẫn đến tình trạng mất điện luân phiên trên khắp đất nước trong những tháng mùa đông khắc nghiệt.

Các nhà nghiên cứu tại Phòng thí nghiệm nghiên cứu nhân đạo của Trường Y tế Công cộng Yale đã công bố một báo cáo vào tuần trước ghi nhận 223 trường hợp thiệt hại đối với cơ sở hạ tầng điện lực của Ukraine trong năm qua, lưu ý rằng thiệt hại này phù hợp với “nỗ lực rộng rãi và có hệ thống nhằm làm tê liệt việc sản xuất điện quan trọng và cơ sở hạ tầng truyền tải trên khắp Ukraine.”

Theo Yale News, mục đích của báo cáo là buộc Nga phải chịu trách nhiệm về việc tấn công vào mạng lưới năng lượng của Ukraine, điều này có thể hàm ý vi phạm luật nhân đạo quốc tế.

Nathaniel Raymond, giám đốc điều hành tại phòng thí nghiệm Yale, cho biết trong cuộc họp ngắn tại: “Thực tế của vấn đề là, đặc biệt là ở Ukraine vào mùa đông, năng lượng điện là điều cần thiết… trong luật pháp quốc tế, thuật ngữ này là phương tiện cần thiết để sinh tồn”. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vào thứ Hai.

Raymond nói thêm trong sự kiện này rằng mặc dù các báo cáo về các cuộc tấn công vào lưới điện của Ukraine không thể tự mình chứng minh rằng Nga đã vi phạm luật nhân đạo trong cuộc chiến chống lại Ukraine, nhưng dữ liệu “phù hợp rằng một tội ác có thể đã xảy ra”.

Trong khi đó, cơ sở hạ tầng năng lượng của Nga đã bị ảnh hưởng do các lệnh trừng phạt do phương Tây áp đặt và các cuộc tấn công ngày càng gia tăng của Kyiv vào các trung tâm lọc dầu và nhà máy lọc dầu của Mạc Tư Khoa trong năm qua. Phát ngôn nhân của Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak nói với truyền thông địa phương vào tuần trước rằng Điện Cẩm Linh sẽ áp đặt lệnh cấm xuất khẩu xăng dầu trong 6 tháng bắt đầu từ ngày 1 tháng 5 để “bù đắp nhu cầu bùng nổ về các sản phẩm dầu mỏ”.

Xuất khẩu dầu mỏ và ngành năng lượng chiếm khoảng 30% doanh thu ngân sách của Nga và đóng vai trò quan trọng trong việc tài trợ cho cuộc chiến của Điện Cẩm Linh chống lại Ukraine.
 
VietCatholic TV
Trùm tình báo ác ôn của lữ đoàn Nga tử trận. Lộ tài liệu mật Bộ Quốc Phòng Nga. Căng thẳng Nga-Đức
VietCatholic Media
03:05 06/03/2024


1. Trùm tình báo của lữ đoàn Nga tử trận ở Ukraine

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Intelligence Chief for Russian Brigade Killed in Ukraine: Reports”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Cẩm Yến.

Lãnh đạo cơ quan tình báo của lữ đoàn khét tiếng “Hispaniola” của Nga được tường trình đã bị giết ở Ukraine.

Đại Tá Ukraine Anatoliy Shtefan nói rằng Vyacheslav Subbotin, còn được biết đến với biệt danh “Cuối tuần”, đã “xuất ngũ thành công”.

Ivan Polyansky, phóng viên của hãng truyền thông nhà nước Nga Russia Today, gọi tắt là RT, đưa tin rằng cái chết xảy ra vào Chúa Nhật và đang được chính quyền Nga “điều tra”, theo The New Voice of Ukraine.

Anton Gerashchenko, cố vấn Bộ Nội vụ Ukraine, lưu ý trong một bài đăng gửi X rằng Subbotin đã “hứa sẽ mang cho trẻ em Nga chiếc tai của một chiến binh Azov” trước khi bị giết.

Vào Tháng Giêng, Gerashchenko đã chia sẻ một đoạn video Subbotin nói với những đứa trẻ Nga trên chiến trường rằng anh ta sẽ mang “một chiếc tai bị cắt rời của một người lính Ukraine từ Azov” đến “cho những bạn nào đạt điểm cao trong lớp”.

Mặc dù người ta cho rằng anh ta đã thiệt mạng trong trận chiến, nhưng hoàn cảnh chính xác về cái chết của Subbotin vẫn chưa được biết rõ vào thời điểm xuất bản. Newsweek đã đưa ra bình luận với Bộ Quốc phòng Nga qua email vào hôm Thứ Ba.

Lữ đoàn Hispaniola được cho là ban đầu bao gồm các “côn đồ” bóng đá bạo lực người Nga, thường liên kết chính trị với phe cực hữu, những người đã được tuyển dụng để chiến đấu trong cuộc xâm lược Ukraine của Putin.

Lữ đoàn được đặt tên theo biệt danh của người sáng lập và lãnh đạo hiện tại Stanislav Orlov, còn được gọi là “người Tây Ban Nha”. Orlov trước đây là thành viên của nhóm côn đồ “cực đoan” “Những chiến binh xanh đỏ”, những người ủng hộ đội bóng đá CSKA Mạc Tư Khoa.

Trang web tin tức độc lập Meduza có trụ sở tại Latvia đưa tin vào tháng 4 rằng các thành viên của lữ đoàn Hispaniola đã cảm thấy bị xúc phạm trong bài phát biểu tại một trường đại học ở Saint Petersburg sau khi một sinh viên chỉ ra những điểm tương đồng giữa biểu tượng đầu lâu xương chéo trên đồng phục của họ và biểu tượng được Đức Quốc xã sử dụng.

Cơ quan tình báo quân sự Ukraine, gọi tắt là GUR, hồi đầu năm cho biết nhóm này đã chuyển đổi thành một công ty quân sự tư nhân và bắt đầu tích cực tuyển dụng dưới sự giám sát của Đảng Nước Nga Thống nhất của Putin.

“Tại các trung tâm tuyển dụng của Hispaniola hoạt động trên các vùng lãnh thổ bị tạm chiếm của Ukraine, các tình nguyện viên được hứa trả 220.000 rúp, tức là khoảng 2.400 Mỹ Kim, mỗi tháng để tham gia trực tiếp vào các cuộc chiến chống lại Ukraine,” GUR nêu trong một thông cáo vào thời điểm đó. “Hợp đồng ít nhất có thời hạn nửa năm.”

“Tuy nhiên, động lực tài chính chỉ đóng vai trò như một lớp vỏ bọc. Đối với hầu hết các tân binh, trận chiến đầu tiên là tấm vé một chiều. Người Nga không nhận những người chết và bị thương nặng trong số 'bia đỡ đạn' được tuyển dụng từ chiến trường, họ đưa họ vào danh sách 'người mất tích' để không trả cho người thân những đồng tiền cho người trụ cột gia đình được Mạc Tư Khoa cử đến chết.

Theo GUR, gia đình của Subbotin có thể mong đợi sẽ sớm nhận được khoản thanh toán 5 triệu rúp hay 54.650 Mỹ Kim cho cái chết của anh ta, vì Mạc Tư Khoa đang đề nghị số tiền này như một “khoản thanh toán bảo hiểm” cho các trường hợp tử vong của lữ đoàn Hispaniola.

2. Video cho thấy toàn bộ đơn vị bộ binh Nga bị xóa sổ trong cuộc tấn công bằng máy bay không người lái

Tờ Newsweek cho biết như trên bài tường trình nhan đề “Entire Russian Infantry Column Wiped Out in Drone Attack: Video”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Theo một đoạn phim mới, các lực lượng Ukraine đã tiêu diệt một đơn vị bộ binh Nga gần thành phố Avdiivka ở phía đông đã chiếm được, khi Mạc Tư Khoa tấn công các vị trí của Ukraine ở phía tây khu định cư trọng điểm.

Lữ đoàn 3 Biệt Động Quân của Ukraine cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Hai rằng các máy bay không người lái của Ukraine đã phát hiện bộ binh Nga di chuyển qua các con đường có nhiều cây cối rậm rạp trong bóng tối.

Lữ đoàn cho biết, sư đoàn pháo tự hành của lữ đoàn sau đó đã bắn vào các vị trí của quân Nga, để lại “mảnh đất cháy xém” gần Avdiivka. Quân đội Ukraine sau đó đã chia sẻ một đoạn video quay ban đêm cho thấy cuộc tấn công bằng pháo binh.

Các lực lượng Nga đã tiến về phía tây kể từ khi Mạc Tư Khoa chiếm được Avdiivka, một thành phố đã tồn tại suốt một thập kỷ trên tiền tuyến ở miền đông Ukraine và được coi là thành trì của Ukraine. Đây là chiến thắng lớn đầu tiên của Điện Cẩm Linh kể từ khi nước này tuyên bố chiếm được thành phố Bakhmut của Donetsk, phía đông bắc Avdiivka.

Trong những tuần kể từ khi lực lượng Ukraine rút khỏi Avdiivka, quân đội Ukraine cho biết họ đã rút khỏi một số thị trấn phía tây thành phố, bao gồm Stepove, Lastochkyne và Sieverne. Việc chiếm giữ các khu định cư này giúp củng cố vị trí của Nga xung quanh Avdiivka, chính phủ Anh đánh giá vào tuần trước.

“Nga cũng có thể đang tìm cách tạo động lực cho trục này để tận dụng thực tế là có ít vị trí cố định, được phòng thủ tốt và các khu vực đô thị mà lực lượng Ukraine có thể bảo vệ”, Bộ Quốc phòng Anh cho biết trong một thông tin tình báo cập nhật được đăng tải. lên phương tiện truyền thông xã hội vào thứ năm.

Kyiv nhanh chóng di chuyển đến các vị trí phòng thủ ở phía tây Avdiivka, nhưng hình ảnh vệ tinh do The New York Times công bố cuối tuần qua cho thấy Ukraine đã không xây dựng được hệ thống phòng thủ mạnh mẽ, phẩm chất cao trên con đường tiến quân của Nga.

Theo chính phủ Anh, đến cuối tháng 2, lực lượng Nga đã tiến được khoảng 6 km tính từ trung tâm Avdiivka.

Quân đội Ukraine sáng sớm thứ Hai cho biết họ đã “đẩy lùi” 20 cuộc tấn công của Nga dọc theo khu vực tiền tuyến xung quanh Avdiivka, bao gồm cả ở Berdychi, phía tây làng Stepove.

“ Tình hình hoạt động đang ổn định” ở phía tây Avdiivka, Dmytro Lykoviy, phát ngôn nhân của lực lượng Tavria của Ukraine phụ trách tiền tuyến xung quanh Avdiivka, nói với đài truyền hình Ukraine hôm Chúa Nhật.

Trong một tuyên bố riêng hôm thứ Hai, Mạc Tư Khoa cho biết họ đã tấn công các vị trí của Ukraine xung quanh Berdychi và một số khu định cư khác, hạ gục hai xe tăng do Ukraine vận hành, bao gồm một chiếc M1 Abrams do Mỹ sản xuất, cũng như ba xe chiến đấu bộ binh Bradley do Mỹ cung cấp.

3. ISW nhận định rằng hoạt động hàng không của Nga sụt giảm sau khi mất 1 tỷ Mỹ Kim máy bay vào năm 2024

Tờ Newsweek cho biết như trên bài tường trình nhan đề “Russia Aviation Activity Drops after $1BN of Craft Lost in 2024—ISW”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Theo một đánh giá mới, Nga đã hạn chế sự hiện diện trên không ở miền đông Ukraine sau khi chịu tổn thất máy bay ở mức hai con số trong vài tuần qua, khi Mạc Tư Khoa giành được nhiều lợi ích hơn nữa về phía tây trên khắp các chiến tuyến ở quốc gia bị chiến tranh tàn phá này.

Viện Nghiên cứu Chiến tranh, gọi tắt là ISW, của Mỹ cho biết: “Tổn thất hàng không tương đối cao gần đây của Nga dường như đang khiến hoạt động hàng không của Nga ở miền đông Ukraine sụt giảm đáng kể”.

Quân đội Ukraine cuối tháng 2 cho biết lực lượng của họ đã tiêu diệt 14 máy bay Nga kể từ ngày 17/2. Con số này bao gồm 10 chiến đấu cơ ném bom Su-34, 2 máy bay Su-35 và một máy bay chỉ huy và cảnh báo sớm trên không A-50 của Nga.

Hôm thứ Bảy, lực lượng không quân Ukraine cho biết họ đã bắn hạ một máy bay ném bom Su-34 của Nga, chỉ một ngày sau khi Kyiv cho biết họ đã hạ một chiếc Su-34 khác gần thành phố Mariupol phía nam do Nga kiểm soát vào khoảng 9 giờ sáng giờ địa phương..

Mặc dù khó có thể xác định con số chính xác về bất kỳ máy bay Nga nào, nhưng một chiếc máy bay phát hiện radar A-50 có giá trị khoảng 350 triệu Mỹ Kim. Mỗi chiếc Su-34 được cho là có giá từ khoảng 36 đến 50 triệu Mỹ Kim, và một chiếc Su-35 có giá khoảng 85 triệu Mỹ Kim.

Số liệu từ quân đội Ukraine cho thấy Nga đã mất 18 máy bay kể từ đầu tháng 1, tổng trị giá khoảng 150 triệu Mỹ Kim tính đến ngày 17/2.

Cộng lại, điều này khiến tổn thất máy bay của Nga kể từ đầu năm 2024 vào khoảng 1 tỷ Mỹ Kim. Bất chấp quy mô của lực lượng không quân Nga, việc mất 15 máy bay chỉ trong vài tuần là một tổn thất nặng nề đối với Mạc Tư Khoa. Cùng với việc mất đi những chiếc máy bay đắt tiền, Nga cũng sẽ mất đi những chuyên môn quan trọng khi các phi công thiệt mạng khi máy bay rơi.

Tổ chức nghiên cứu ISW cho biết không rõ Nga sẽ rút hạm đội máy bay của mình về trong bao lâu.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga để yêu cầu bình luận qua email.

ISW hôm thứ Bảy đã đánh giá rằng các lực lượng của Mạc Tư Khoa dường như “sẵn sàng mạo hiểm tiếp tục chịu tổn thất về hàng không để theo đuổi lợi ích chiến thuật ở miền đông Ukraine”.

Nga đã tiến dọc theo chiến tuyến phía đông bắc trong những tuần gần đây, bao gồm cả phía tây và phía nam thành phố Kreminna do Mạc Tư Khoa kiểm soát. Nga cũng đã giành được lãnh thổ phía tây Avdiivka mà Điện Cẩm Linh đã chiếm được vào giữa tháng 2.

ISW cho biết hôm thứ Bảy rằng Mạc Tư Khoa có thể đang cố gắng tái áp đặt ưu thế trên không xung quanh Avdiivka để hỗ trợ các tiến bộ chiến thuật của mình, đánh giá rằng “các hoạt động tấn công tiếp tục với sự hỗ trợ trên không sẽ lớn hơn nguy cơ mất thêm máy bay”.

Đại tá Yuriy Ignat, phát ngôn nhân của lực lượng không quân Ukraine, nói với Ukrainska Pravda hôm Chúa Nhật rằng Nga đã giảm sự hiện diện hàng không trên khắp Ukraine.

4. Đức nói tuyên bố của Điện Cẩm Linh cho rằng Đức đang lên kế hoạch chiến tranh với Nga là 'vô lý'

Đại sứ Đức tại Mạc Tư Khoa đã được triệu tập tới Bộ Ngoại giao Nga hôm thứ Hai để giải thích về cuộc thảo luận bị rò rỉ giữa các quan chức quân sự cao cấp về việc gửi vũ khí tới Ukraine.

Theo các hãng thông tấn Nga, Alexander Graf Lamsdorff đến Bộ Ngoại giao mà không trả lời yêu cầu bình luận của các nhà báo.

Bộ trưởng Quốc phòng Đức, Boris Pistorius, đã cáo buộc Nga tiến hành “một cuộc chiến thông tin” chống lại Đức, bằng cách nghe lén và sau đó làm rò rỉ một cuộc họp nhạy cảm giữa các sĩ quan quân sự cao cấp của quân đội Đức hoặc Bundeswehr.

Nga cáo buộc Đức, với sự hậu thuẫn của các đồng minh, đang lên kế hoạch cho một cuộc chiến tổng lực nhằm vào Nga.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết các cuộc thảo luận bị rò rỉ cho thấy mong muốn chiến tranh ở Âu Châu “vẫn còn rất cao” và mục đích là bảo đảm “Nga thất bại chiến lược trên chiến trường”.

Cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev bình luận rằng: “Đức đang lên kế hoạch gây chiến với Nga”.

Pistorius bác bỏ những phản ứng cho rằng: “hoàn toàn vô lý”, cáo buộc Mạc Tư Khoa muốn gieo rắc sự ngờ vực và bất hòa ở Đức.

Trong cuộc họp qua điện thoại, bốn sĩ quan, bao gồm cả nhà lãnh đạo lực lượng không quân Đức, Ingo Gerhartz, chuẩn bị thảo luận với bộ trưởng quốc phòng Pistorius về khả năng triển khai hỏa tiễn Taurus tới Ukraine, đi đến kết luận rằng việc chuyển giao nhanh chóng và sử dụng hỏa tiễn này sẽ được thực hiện nhanh chóng nếu có sự tham gia của binh lính Đức.

Việc huấn luyện Taurus cho binh lính Ukraine nhằm tránh đưa lính Đức vào đất Ukraine là một khả năng có thể xảy ra, nhưng sẽ mất nhiều tháng chuẩn bị. Các quan chức cũng thảo luận về khả năng sử dụng hỏa tiễn để phá hủy cây cầu do Nga xây dựng nối bán đảo Crimea bị sáp nhập trái phép với Nga.

Tuần trước, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã loại trừ việc gửi hỏa tiễn Taurus vì ông cho rằng hoạt động này sẽ liên quan đến việc đưa quân Đức tới Ukraine. Ông nói: “Không lúc nào và ở đâu binh lính Đức có thể được liên kết với các mục tiêu mà hệ thống Taurus này tiếp cận. Ngay cả ở Đức cũng không.”

Khi chính phủ Đức đang cố gắng giải quyết hậu quả từ vụ rò rỉ, với các câu hỏi được đặt ra về tính bảo mật của thông tin liên lạc nội bộ và suy đoán về những cuộc thảo luận khác mà Nga có thể lắng nghe, các chuyên gia chính sách quốc phòng cho biết thông tin liên lạc bị chặn rõ ràng là nhằm mục đích làm suy yếu chiến lược Ukraine của Đức.

Roderich Kiesewette, chuyên gia bào chữa của đảng Dân chủ Thiên chúa giáo đối lập, cho rằng Nga đã tiết lộ cuộc họp vào thời điểm này nhằm mục đích cụ thể là: “làm suy yếu chuyến giao hàng Taurus của Đức”. Ông cũng cho rằng vụ rò rỉ được thực hiện “nhằm chuyển hướng cuộc trò chuyện của công chúng” khỏi các vấn đề khác, bao gồm cả cái chết của Alexei Navalny.

5. Ukraine tấn công các mục tiêu ở Crimea, tiêu diệt 1.150 quân Nga

Tờ Newsweek cho biết như trên bài tường trình nhan đề “7. Ukraine Strikes Targets in Crimea, Eliminates 1,150 Russian Troops: Kyiv”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Quân đội Ukraine được cho là đã tiến hành một cuộc tấn công lớn bằng máy bay không người lái vào một đường ống dẫn dầu ở Crimea trong cùng khoảng thời gian 24 giờ khi Kyiv tuyên bố đã loại hơn 1.000 quân Nga khỏi chiến trường.

Một số phương tiện truyền thông Nga đưa tin rằng ít nhất 38 máy bay không người lái của Ukraine đã tấn công các mục tiêu dầu mỏ gần thị trấn cảng Feodosia bị tạm chiếm vào Chúa Nhật, theo The Kyiv Post. Trong khi Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố đã bắn hạ thành công tất cả máy bay không người lái, một đường ống dẫn dầu, một con đường và một số ngôi nhà và xe hơi đã bị hư hại.

Kênh Telegram của dự án báo chí độc lập Nga ASTRA đưa tin các công nhân tại một kho dầu ở Feodosia đã được di tản sau cuộc tấn công khiến ít nhất hai người bị thương trong khu vực. Các nhân viên cấp cứu được cho là đã mất khoảng 90 phút để dập tắt đám cháy tại kho hàng, nơi cũng là mục tiêu trong các cuộc tấn công của Ukraine vào tháng 11 và tháng 12 năm ngoái.

Ngay sau khi các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái được cho là đã xảy ra, cây cầu Kerch dài 11 dặm của Nga – nơi cung cấp một tuyến cung cấp quan trọng giữa Crimea và khu vực Krasnodar của Nga – đã tạm thời bị đóng cửa. Cây cầu từng bị Ukraine tấn công nhiều lần là mục tiêu trong cuộc tấn công mới nhất. Nó nằm cách Feodosia khoảng 60 dặm.

Bộ Tổng tham mưu Lực lượng vũ trang Ukraine cho biết hôm thứ Hai rằng 1.150 binh sĩ Nga đã bị thương vong trong 24 giờ qua, bao gồm cả những người thiệt mạng và bị thương khi kết thúc nghĩa vụ.

Ukraine tuyên bố đã gây ra tổng cộng 417.950 thương vong cho Nga kể từ khi cuộc xâm lược bắt đầu vào ngày 24 tháng 2 năm 2022. Kyiv cũng cho biết họ đã phá hủy ít nhất 6.648 xe tăng Nga và 10.210 hệ thống pháo binh kể từ đầu cuộc chiến, trong đó có 8 và 22 hệ thống trước đây. tương ứng là 24 giờ.

Newsweek không thể xác minh độc lập bất kỳ số liệu chiến tranh nào của Ukraine và không biết có bao nhiêu thương vong được báo cáo hôm thứ Hai, nếu có, đã xảy ra ở Crimea.

Một số lượng đáng kể thương vong của Nga có thể đã xảy ra gần thành phố Avdiivka của Donetsk đã bị tạm chiếm, nơi Lữ đoàn tấn công riêng biệt số 3 của Ukraine hôm thứ Hai tuyên bố đã sử dụng máy bay không người lái để quét sạch toàn bộ bộ binh Nga.

Một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái “kamikaze” bổ sung của Ukraine được cho là đã diễn ra sâu bên trong lãnh thổ Nga vào Chúa Nhật. ASTRA đưa tin, cuộc tấn công vào “Nhà ga dầu khí Petersburg” ở Saint Petersburg không gây thương tích và máy bay không người lái không phát nổ. Cơ sở này trước đây đã bị máy bay không người lái của Ukraine nhắm tới vào ngày 18 Tháng Giêng.

Cuộc tấn công được cho là của hỏa tiễn Ukraine hôm thứ Sáu nhằm vào căn cứ không quân Gvardeyskoye của Nga ở Crimea được cho là thành công hơn, làm hư hại một phần phi trường và làm bị thương ít nhất 3 quân nhân Nga.

Căn cứ này được cho là nơi đặt một phi đội gồm 12 máy bay ném bom Sukhoi Su-24 và một phi đội gồm 12 máy bay Sukhoi Su-25, được sử dụng để hỗ trợ trên không cho lực lượng mặt đất của Nga.

6. Trong cuộc đua giành việc làm hàng đầu trong Liên Hiệp Âu Châu và NATO, Đông Âu đặt câu hỏi: 'Chúng ta có bình đẳng hay không?'

Tờ Politico có trụ sở ở Washington DC cho biết như trên trong tường trình nhan đề “In race for top EU, NATO jobs, Eastern Europe asks: ‘Are we equals or not?’”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Hai thập kỷ sau khi gia nhập Liên minh Âu Châu và NATO, các nước Đông Âu lo ngại họ sẽ một lần nữa bị phớt lờ khi các chức vụ hàng đầu của cả hai tổ chức này sẽ được cải tổ vào cuối năm nay.

Việc Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte có khả năng được bổ nhiệm làm nhà lãnh đạo mới của NATO vào mùa hè này có thể đã nhận được sự tán thành của Washington, Luân Đôn, Paris và Berlin. Tuy nhiên, trong số nhiều thành viên mới hơn của liên minh, đặc biệt là những nước giáp biên giới với Nga, Belarus và Ukraine, sự chào đón kém nồng nhiệt hơn nhiều.

“Anh chàng này có uy tín đạo đức gì vậy?” Cựu Tổng thống Estonia Toomas Hendrik Ilves cho biết, chỉ ra việc Hà Lan đã không đáp ứng cam kết của NATO về chi 2% GDP cho quốc phòng trong suốt 13 năm làm thủ tướng của Rutte.

Các ứng cử viên khác cho vị trí này bao gồm Tổng thống Rumani Klaus Iohannis, người đã được chính phủ thông báo cho NATO về khả năng ứng cử của ông vào tháng 2, và Thủ tướng Estonia Kaja Kallas, người chưa nộp hồ sơ tranh cử nhưng đã bày tỏ sự quan tâm vào năm ngoái.

“Nếu chúng ta nghĩ về sự cân bằng về mặt địa lý, thì Tổng thư ký NATO thứ tư sẽ đến từ Hà Lan,” Kallas nói với podcast Power Play của POLITICO vào tuần trước. “Và sau đó là câu hỏi về việc liệu có các quốc gia hạng nhất và hạng hai trong NATO hay không.”

“Chúng ta bình đẳng hay không bình đẳng? Vì vậy, những câu hỏi này vẫn còn đó”, cô nói thêm.

Các nước Đông Âu nắm giữ rất ít chức vụ hàng đầu của Liên Hiệp Âu Châu và NATO kể từ khi phần lớn trong số họ gia nhập hai tổ chức này vào năm 2004, khoảng 15 năm sau khi Bức màn sắt sụp đổ.

Ba Lan là quốc gia duy nhất trong khu vực được trao một trong những vị trí cao cấp của khối. Cựu Thủ tướng và hiện nay là đương kim Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk đã phục vụ một nhiệm kỳ với tư cách là Chủ tịch Hội đồng Âu Châu, và Jerzy Buzek, một cựu thủ tướng Ba Lan khác, đứng đầu Nghị viện Âu Châu trong ba năm, gần một nửa nhiệm kỳ.

Hiện tại, lãnh đạo Đông Âu cao cấp nhất ở Liên Hiệp Âu Châu là Valdis Dombrovskis, người Latvia, được giao phụ trách danh mục thương mại hùng mạnh sau khi người tiền nhiệm Phil Hogan, một chính trị gia Ireland, từ chức sau bê bối. Mircea Geoană của Rumani là phó tổng thư ký NATO.

Ilves cho biết: “Kể từ khi mở rộng vào năm 2004, có 110 triệu người sống ở Trung và Đông Âu chiếm 20% dân số Âu Châu”. “Có 5 vị trí lớn ở Liên Hiệp Âu Châu và NATO, và họ luân chuyển 5 năm một lần, tổng cộng có 25 vị trí. Trong thời gian đó, 20% người dân Liên Hiệp Âu Châu chỉ nhận được 7% việc làm.”

Ngoài việc bổ nhiệm NATO, dự kiến sẽ diễn ra tại hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo ở Washington vào mùa hè này, các vị trí hàng đầu của Liên Hiệp Âu Châu sẽ được phân bổ lại trong năm nay sau cuộc bầu cử Nghị viện Âu Châu vào tháng 6.

Chủ tịch Ủy ban Âu Châu Ursula von der Leyen, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Đức, dự kiến sẽ nhận thêm một nhiệm kỳ nữa. Nhưng cuộc đua cho các vị trí khác – Chủ tịch Hội đồng Âu Châu, Chủ tịch Nghị viện Âu Châu và nhà ngoại giao hàng đầu của Liên Hiệp Âu Châu, đại diện cao cấp phụ trách chính sách đối ngoại – vẫn còn bỏ ngỏ.

Ngoại trưởng Ba Lan Radosław Sikorski đã được bổ nhiệm làm Ủy viên Quốc phòng, một vị trí mới mà von der Leyen cho biết bà sẽ đảm nhận trong nhiệm kỳ thứ hai. Kallas và Ngoại trưởng Lithuania Gabrielius Landsbergis cũng được coi là những triển vọng ở vùng Baltic cho các vị trí ở Liên Hiệp Âu Châu.

Tại Estonia, Lithuania và Latvia, các quan chức cao cấp tin rằng các cường quốc ở Tây Âu vẫn có thành kiến không công bằng đối với họ, đặc biệt là do họ có quan điểm cứng rắn đối với Nga sau cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine. Quan điểm về khu vực Nga như một mối đe dọa hiện hữu thường được các đối tác phương Tây giải thích là thái độ diều hâu.

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Latvia Artis Pabriks cho biết: “Chúng tôi, người dân Latvia, cảm thấy rằng chúng tôi chưa được tham vấn đầy đủ”. “Các nước phương Tây có lý do để nghĩ rằng các nước vùng Baltic không nên đề xuất ứng cử viên vào lúc này.”

Frans Timmermans, cựu quan chức hàng đầu của Hà Lan tại Ủy ban Âu Châu, là điển hình cho sự phản kháng của người Tây Âu đối với nhà lãnh đạo NATO ở vùng Baltic, năm ngoái nói rằng “Kallas là thủ tướng của một quốc gia nằm sát biên giới với Nga”.

Hy vọng tốt nhất tiếp theo của Kallas cho một công việc hàng đầu là kế nhiệm Josep Borrell của Tây Ban Nha làm đại diện cao cấp về đối ngoại. Thật vậy, khả năng này đã được bàn tán trong nhiều tháng, khi các quan chức cao cấp của Âu Châu mong đợi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẽ ủng hộ cô cho một chức vụ cao cấp.

Tuy nhiên, không phải ai cũng tin rằng cô ấy có cơ hội.

Một quan chức Liên Hiệp Âu Châu, được giấu tên để tự do phát biểu, nói rằng ý tưởng về việc Kallas làm nhà ngoại giao hàng đầu của Liên Hiệp Âu Châu “vẫn còn nhạy cảm” ở một số thủ đô của Liên Hiệp Âu Châu.

Quan chức này nói: “Tôi không thấy Pháp và Đức đồng ý với điều đó, vì những lý do tương tự, cô ấy không phải là một lựa chọn cho công việc của NATO”.

7. Nhà lãnh đạo cơ quan giám sát hạt nhân của Liên Hiệp Quốc Rafael Grossi cho biết ông dự định thảo luận về kế hoạch của Nga đối với nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia mà nước này đang xâm lược ở Ukraine khi gặp Putin trong tuần này.

Grossi sẽ đến Nga vào ngày thứ Ba 5 Tháng Ba, ông nói trong một cuộc họp báo vào ngày khai mạc cuộc họp hàng quý của Hội đồng Thống đốc 35 quốc gia của cơ quan ông, tại đó các phái viên từ nhiều quốc gia khác nhau đã đánh dấu kỷ niệm hai năm ngày lực lượng Nga chiếm giữ nhà máy Zaporizhzhia, Reuters đưa tin.

Chuyến đi tới Nga của Grossi đã được lên kế hoạch từ lâu. Ban đầu anh ta dự định đến đó vào tháng trước sau chuyến đi đến Ukraine.

Khi được hỏi ông sẽ thảo luận điều gì với Putin, Grossi nói:

Có những vấn đề liên quan đến tình trạng hoạt động trong tương lai của nhà máy. Liệu nó có được bắt đầu hay không? Ý tưởng là gì? Ý tưởng về các đường dây cấp điện bên ngoài là gì, vì những gì chúng ta thấy cực kỳ mỏng manh và mỏng manh?

Zaporizhzhia, nhà máy điện hạt nhân lớn nhất Âu Châu, đã 8 lần mất kết nối với tất cả các đường dây điện bên ngoài trong 18 tháng qua, buộc nhà máy phải dựa vào máy phát điện diesel cho các chức năng thiết yếu như làm mát nhiên liệu trong lò phản ứng để tránh một cuộc khủng hoảng thảm khốc có thể xảy ra.

Trong khi một trong những đường dây điện chính của nhà máy hiện đang hoạt động và sáu lò phản ứng đang ngừng hoạt động, điều này làm giảm rủi ro vận hành, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế cho biết tình hình tại nhà máy vẫn rất bấp bênh.

Mặc dù Grossi không nói rõ rằng ông sẽ gặp Putin nhưng ông vẫn nói:

Đó là ý tưởng… Đây là ý định.

Ông để ngỏ những vấn đề khác có thể được thảo luận.

Tôi sẽ không đến với một danh sách cố định các mục. Khi điều đó xảy ra, khi tôi gặp một nhà lãnh đạo thế giới có trách nhiệm, và đặc biệt là quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân, thành viên thường trực của hội đồng bảo an, tôi không thể loại trừ rằng những vấn đề khác sẽ được thảo luận.

8. Báo cáo cho thấy tài liệu quân sự có giá trị của Nga bị lộ

Tờ Newsweek cho biết như trên bài tường trình nhan đề “Valuable Russian Military Documents Exposed: Report”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Tình báo quân sự Ukraine hôm thứ Hai cho biết họ đã đột nhập thành công vào máy chủ của Bộ Quốc phòng Nga, giành quyền truy cập vào nhiều tài liệu mật của nhiều quan chức.

“Bây giờ cơ quan đặc biệt Ukraine sở hữu nhu liệu bảo vệ và mã hóa thông tin được Bộ Quốc phòng Nga sử dụng, cũng như một loạt tài liệu mật vụ của Bộ Chiến tranh Nga”, Trung Tướng Kyrylo Budanov, Giám đốc Tổng cục Tình báo Quân đội Ukraine, gọi tắt là GUR, cho biết như trên.

Cả Kyiv và Mạc Tư Khoa đều đã tham gia vào các cuộc tấn công mạng trong suốt cuộc chiến do Putin phát động vào tháng 2 năm 2022. Hai trong số những trường hợp nổi bật nhất xảy ra trong những tháng gần đây khi Ukraine bị mất liên lạc trên toàn quốc sau khi tin tặc Nga xâm nhập vào Kyivstar, nhà cung cấp dịch vụ viễn thông lớn nhất Ukraine. Một tháng sau, GUR cho biết tin tặc mạng của họ đã đánh sập một “thiết bị liên lạc đặc biệt” được Bộ Quốc phòng Nga sử dụng.

Theo Giám đốc GUR, dữ liệu thu thập được gần đây đã giúp các đặc vụ của họ xác định được kế hoạch chỉ huy của Bộ Quốc phòng Nga.

GUR viết: “Thông tin thu được cho phép chúng tôi thiết lập cấu trúc hoàn chỉnh của hệ thống của Bộ Quốc phòng Nga và các đơn vị trực thuộc”.

Thông điệp của GUR lưu ý rằng họ đã có quyền truy cập vào các tài liệu chính thức của Timur Ivanov, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga và cựu Phó Thống đốc khu vực Mạc Tư Khoa.

Cơ quan này cũng chế giễu Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu về hoạt động mạng.

“Shoigu đóng một vai trò quan trọng trong sự thành công của cuộc tấn công mạng,” GUR viết bên cạnh biểu tượng cảm xúc bắt tay.

Mặc dù cơ quan tình báo Kyiv không chia sẻ chi tiết cụ thể về thông tin mà họ đã truy cập trong vụ hack gần đây, nhưng GUR cho biết họ đã nhận được nhiều mệnh lệnh, báo cáo, hướng dẫn và các tài liệu khác được lưu hành giữa hơn 2.000 đơn vị cơ cấu trong Bộ Quốc phòng Nga.

“Hoạt động trên không gian mạng của Nga nhằm cản trở và làm tê liệt hoạt động của các cơ quan thực thi pháp luật và quan chức của quốc gia xâm lược chịu trách nhiệm về cuộc chiến chống lại người dân Ukraine vẫn tiếp tục. Còn tiếp!” GUR đã viết.

Thông báo hôm thứ Hai từ GUR được đưa ra chưa đầy một tháng sau khi tổ chức này tuyên bố thành công tương tự trong một cuộc tấn công mạng được cho là đã ảnh hưởng đến các máy bay không người lái của Nga.

GUR cho biết vào ngày 8 tháng 2 rằng hoạt động của các chuyên gia mạng của họ đã dẫn đến “thất bại lớn” cho chương trình máy bay không người lái của Nga. Cơ quan này cho biết tin tặc đã khiến nhu liệu sử dụng cho máy bay không người lái gặp trục trặc, khiến “có thể không thể điều khiển máy bay không người lái từ điều khiển từ xa”.

9. Tòa án tối cao Nga đã giữ nguyên phán quyết cấm chính trị gia đối lập Boris Nadezhdin tham gia tranh cử trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng này.

Boris Nadezhdin bị cấm tranh cử khi Ủy ban bầu cử trung ương cho biết họ đã tìm thấy những điểm bất thường, bao gồm cả tên của những người đã chết, trong danh sách chữ ký của những người ủng hộ mà ông đã đưa ra để ủng hộ việc ứng cử của mình.

Không ai mong đợi Nadezhdin, một ứng cử viên trung hữu, người tự gọi mình là “đối thủ chính” của cuộc chiến, sẽ giành chiến thắng ngay cả khi ông được phép tham gia, do Vladimir Putin hoàn toàn thống trị và kiểm soát nhà nước.

Nhưng chiến dịch tranh cử của ông đã thu hút sự chú ý của mọi người vì ông thẳng thắn phản đối việc Nga xâm lược Ukraine trên quy mô toàn diện.

Putin dự kiến sẽ bảo đảm thêm một nhiệm kỳ sáu năm nữa trong cuộc bầu cử từ ngày 15 đến 17 tháng 3, điều này sẽ giữ ông ở Điện Cẩm Linh cho đến ít nhất là năm 2030.

10. Máy bay không người lái Ukraine học cách tránh thiết bị gây nhiễu tín hiệu EW của Nga

Tờ Newsweek cho biết như trên bài tường trình nhan đề “Ukraine Drones Learning to Dodge Russian EW Signal Jammers”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Nga đang phải đối mặt với “những vấn đề lớn” trên khắp Ukraine với máy bay không người lái góc nhìn thứ nhất, gọi tắt là FPV, do Kyiv vận hành, một blogger quân sự nổi tiếng của Nga cho biết, khi Mạc Tư Khoa giành được lợi ích ở một số điểm dọc chiến tuyến trong bối cảnh cuộc chiến đang diễn ra giữa hai nước.

Máy bay không người lái FPV là một công cụ phổ biến và hiệu quả trong kho vũ khí không người lái của Ukraine. Chúng có thể được sử dụng để ghi lại các cảnh quay chiến trường đầy kịch tính, nơi máy bay không người lái lao về phía các phương tiện của Nga trước khi phát nổ hoặc được sử dụng làm công cụ trinh sát để hướng dẫn các cuộc tấn công bằng pháo binh.

Oleksandr Shtupun, cựu phát ngôn viên của nhóm lực lượng Tavria của Ukraine phụ trách một phần tiền tuyến ở miền Đông Ukraine, nói với Newsweek vào giữa tháng 12 năm 2023: “Máy bay không người lái của FPV đã được chứng minh là một vũ khí hiệu quả”.

Mykhailo Fedorov, Bộ trưởng Bộ Chuyển đổi Kỹ thuật số của Kyiv, nhà lãnh đạo các nỗ lực sử dụng máy bay không người lái của Ukraine chống lại Nga, cũng nói với Newsweek vào thời điểm đó rằng “đôi khi chúng hoạt động hiệu quả hơn cả pháo binh.

“ Đối phương đã thay đổi tần suất và đặt hàng sản xuất công nghiệp với thông số thay đổi này từ các nhà máy nước ngoài”, một blogger quân sự có ảnh hưởng của Nga viết trong một bài đăng trên ứng dụng nhắn tin Telegram hôm Chúa Nhật. “Tác chiến điện tử của chúng ta không phải lúc nào cũng hiệu quả trước họ”.

Các nguồn tin Ukraine cũng báo cáo rằng quân đội Nga đã chuyển máy bay không người lái FPV của mình sang tần số khác với tần số thường được sử dụng bởi các hệ thống tác chiến điện tử của Ukraine, đặc biệt là các phiên bản di động, Samuel Bendett thuộc tổ chức tư vấn Trung tâm Phân tích Hải quân có trụ sở tại Hoa Kỳ nói với Newsweek hôm thứ Hai.

Ông nói thêm, cả hai bên đều tin rằng bên kia đang sản xuất nhiều máy bay không người lái FPV hơn, nhưng rất khó để xác định con số thực sự.

Ukraine đã thống trị hoạt động sản xuất FPV vào đầu năm 2023, nhưng Nga đã phản ứng bằng cách tăng cường các chương trình sản xuất của riêng mình. Trong khi đó, Kyiv đã tiến hành một số đợt gây quỹ để duy trì nguồn cung cấp máy bay không người lái giá rẻ nhưng quan trọng.

“Nhiều nỗ lực sản xuất của tình nguyện viên, nhà nước và liên kết của Nga đã thúc đẩy đáng kể quá trình phát triển FPV và vận chuyển số lượng lớn ra tiền tuyến,” Bendett trước đó đã nói với Newsweek, đồng thời cho biết thêm vào giữa tháng 12 rằng Nga có thể sẽ nhận được hàng chục ngàn máy bay không người lái FPV từ những nỗ lực này mỗi nước. tháng.

Một chỉ huy Ukraine cho biết vào giữa tháng 12 rằng các chiến binh của Kyiv chỉ có một máy bay không người lái FPV cho tối đa bảy máy bay không người lái FPV của Nga trong các khu vực chiến trường quan trọng ở miền đông và miền nam Ukraine.

Các hệ thống tác chiến điện tử là một phần trong cách Nga và Ukraine đang hợp tác để chống lại đội tàu FPV rộng lớn của đối phương. Hệ thống tác chiến điện tử có thể can thiệp vào việc tấn công của máy bay không người lái, gây nhiễu tín hiệu từ vệ tinh hướng các phương tiện không người lái đến đích.

Bryan Clark thuộc Viện nghiên cứu Hudson có trụ sở tại Hoa Kỳ, nói với The New York Times vào tháng 11 năm 2023: “Chiến tranh điện tử đã tác động đến cuộc giao tranh ở Ukraine cũng như thời tiết và địa hình”.

Máy bay không người lái và tác chiến điện tử là một phần trong nỗ lực của cả Mạc Tư Khoa và Kyiv nhằm kiềm chế lẫn nhau tại một số điểm dọc chiến tuyến. Các lực lượng Nga đã tiến về phía tây kể từ khi lực lượng của họ chiếm được Avdiivka, một thành phố đã tồn tại suốt một thập kỷ trên tiền tuyến ở miền đông Ukraine và được coi là thành trì của Ukraine vào giữa tháng Hai.

Đây là chiến thắng lớn đầu tiên của Điện Cẩm Linh kể từ khi nước này tuyên bố thành phố Bakhmut của Donetsk bị phá hủy, phía đông bắc Avdiivka và Ukraine đã rút khỏi một số thị trấn phía tây thành phố.

Quân đội Mạc Tư Khoa cũng đã tiến về phía tây và phía nam thành phố Kreminna do Nga kiểm soát, bao gồm cả phía đông làng Terny. Ukraine hôm thứ Hai cho biết Nga đã tiến hành 11 cuộc tấn công xung quanh các làng Tabaivka và Synkivka, gần thành phố Kupiansk của Kharkiv.

Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW), một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Washington, trước đây đã gọi các hoạt động gia tăng của Nga xung quanh Svatove, Kreminna và Kupiansk – một trung tâm hỏa xa quan trọng – là một “hoạt động tấn công đa trục gắn kết”.

Nga đang “có một số thành công” trong lĩnh vực tiền tuyến này, chỉ huy Lữ đoàn 13 của Lực lượng Vệ binh Quốc gia Ukraine nói với Newsweek vào cuối tháng 2.

11. Nhóm hơn 40 quốc gia nhắc lại lời kêu gọi Nga cho phép tiến hành một cuộc điều tra quốc tế độc lập về cái chết của thủ lĩnh đối lập Alexei Navalny trong tù.

Theo Reuters, lời kêu gọi này được đưa ra bởi đại sứ Liên Hiệp Âu Châu Lotte Knudsen tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc ở Geneva thay mặt cho tất cả 27 quốc gia Liên Hiệp Âu Châu và 16 quốc gia khác, bao gồm Canada, Vương quốc Anh, Hoa Kỳ và Ukraine.

Knudsen nói:

Chúng tôi phẫn nộ trước cái chết của chính trị gia đối lập Nga Alexei Navalny, trong đó trách nhiệm cuối cùng thuộc về Vladimir Putin và chính quyền Nga.

Nga phải cho phép một cuộc điều tra quốc tế độc lập và minh bạch về nguyên nhân cái chết đột ngột của ông.

Navalny, người chỉ trích Putin gay gắt nhất ở Nga, qua đời ở tuổi 47 tại trại giam Bắc Cực vào ngày 16 tháng 2, làm dấy lên cáo buộc từ những người ủng hộ ông rằng ông đã bị sát hại.

Điện Cẩm Linh đã phủ nhận bất kỳ sự liên quan nào của nhà nước đến cái chết của thủ lĩnh phe đối lập, người đã được an nghỉ ở Mạc Tư Khoa hôm thứ Sáu.

Ủy ban Điều tra Nga cho biết họ đã mở một cuộc điều tra theo thủ tục về cái chết và Điện Cẩm Linh cho biết họ không cúi đầu trước các yêu cầu của Liên Hiệp Âu Châu.
 
Hai vụ nổ rung chuyển Moscow. ICC phát lệnh truy nã 2 Tướng Nga cùng Putin. Hạm Đội Hắc Hải bỏ chạy
VietCatholic Media
13:14 06/03/2024


1. Vụ nổ lớn làm rung chuyển nhà máy nhiệt điện kết hợp sâu bên trong nước Nga

Tờ Newsweek cho biết như trên bài tường trình nhan đề “Massive Explosion Rocks CHP Plant Deep Inside Russia”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Lan Vy.

Một vụ nổ lớn làm rung chuyển nhà máy nhiệt điện kết hợp, gọi tắt là CHP, ở thành phố Shagonar, Cộng hòa Tuva của Nga, miền nam Siberia, vào sáng thứ Tư, khiến một người thiệt mạng và ít nhất 23 người khác bị thương.

Vụ nổ được báo cáo lần đầu tiên vào lúc 8h49 sáng giờ địa phương. Nhà lãnh đạo nước cộng hòa, Vladislav Khovalyg, cho biết trên kênh Telegram của mình rằng đám cháy tại nhà máy nhiệt điện đã được cục bộ hóa. Tuy nhiên, tình trạng khẩn cấp đã được ban bố trong khu vực.

Đã xảy ra một số vụ nổ và hỏa hoạn lớn ở Nga kể từ khi cuộc chiến của Vladimir Putin ở Ukraine bắt đầu vào ngày 24 tháng 2 năm 2022. Nhiều sự việc đã xảy ra tại các nhà kho, khu quân sự và khu công nghiệp. Ukraine hiếm khi tuyên bố chịu trách nhiệm về các cuộc tấn công trên đất Nga.

“Hiện có 18 người phải vào bệnh viện. Sáu người đang trong tình trạng nghiêm trọng. 9 ở mức độ nghiêm trọng vừa phải. Ba người còn lại đang trong tình trạng tốt”, Khovalyg nói.

Kênh Telegram Mash của Nga sau đó đưa tin số nạn nhân bị thương đã tăng lên 22 người.

“Sau vụ nổ ở nhà máy nhiệt điện, các nạn nhân được chẩn đoán bị bỏng ở nhiều mức độ khác nhau ở tay chân, cơ thể và đầu, cũng như các vết thương ở đầu, chấn động và bầm tím thân thể. Hầu hết đều trong tình trạng sốc. Người trẻ nhất trong số họ 28 tuổi và người lớn tuổi nhất là 65 tuổi”, kênh này cho biết.

Tass, hãng thông tấn nhà nước Nga, cho biết theo thông tin sơ bộ, 23 người bị thương và 1 người tử vong tại bệnh viện do vụ nổ và hỏa hoạn.

Baza, kênh Telegram tiếng Nga có liên kết với các cơ quan an ninh Nga, cho biết một đám cháy bắt đầu từ phòng nồi hơi của nhà máy nhiệt điện, sau đó gây ra vụ nổ. Tuy nhiên, cũng có các blogger quân sự Nga cho rằng vụ nổ là do máy bay không người lái của Ukraine tấn công vào nhà máy sản xuất hỏa tiễn dẫn đường của Nga ở bên cạnh.

Hãng thông tấn nhà nước Nga RIA Novosti được một số cơ quan báo chí địa phương trích dẫn rằng nguyên nhân vụ nổ là do bụi than phát nổ trong phòng cung cấp nhiên liệu của nhà máy nhiệt điện.

Chính quyền địa phương cho biết cả 4 nồi hơi của nhà máy nhiệt điện đều không bị hư hại sau vụ nổ và đang hoạt động bình thường. Các cách giải thích khác nhau cho thấy người Nga cố tình muốn che dấu lý do đích thực của vụ nổ.

Vụ việc xảy ra một ngày sau khi lực lượng Ukraine tuyên bố đã tấn công một kho dầu ở vùng Belgorod của Nga, nơi được sử dụng cho “mục đích quân sự”.

Cơ quan tình báo chính của Ukraine, gọi tắt là GUR, đã tấn công cơ sở nằm ở quận Gubkinsky, hãng tin Ukraine Ukrainska Pravda đưa tin hôm thứ Ba, trích dẫn một nguồn tin tình báo giấu tên.

“Kho dầu được sử dụng cho mục đích quân sự”, hãng tin này cho biết.

Nga đã cáo buộc Ukraine đứng đằng sau một số cuộc tấn công vào Belgorod, giáp biên giới Ukraine, trong suốt cuộc chiến.

2. Khói bốc lên cuồn cuộn tại kho dầu của Nga được sử dụng cho 'mục đích quân sự'

Tờ Newsweek cho biết như trên bài tường trình nhan đề “Smoke Billows Over Russian Oil Terminal Used for 'Military Purposes': Video”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Theo một cơ quan truyền thông địa phương, lực lượng Ukraine đã tấn công một kho dầu ở vùng Belgorod của Nga vào sáng thứ Ba, được sử dụng cho “mục đích quân sự”.

Cơ quan Tình báo của Ukraine, gọi tắt là GUR, đứng đằng sau vụ tấn công vào cơ sở nằm ở quận Gubkinsky, gây ra một ngọn lửa lớn và những cột khói đen bốc lên không trung, hãng tin Ukraine Ukrainska Pravda đưa tin hôm thứ Ba, trích dẫn một nguồn tin tình báo giấu tên.

“Kho dầu được sử dụng cho mục đích quân sự”, hãng tin này cho biết.

Nga đã cáo buộc Ukraine đứng đằng sau một số cuộc tấn công vào Belgorod, giáp biên giới Ukraine, trong suốt cuộc chiến. Ukraine chưa tuyên bố chịu trách nhiệm về các vụ tấn công trong khu vực và hiếm khi bình luận về các sự việc xảy ra trên đất Nga.

“Có một trường hợp khẩn cấp ở quận Gubkinsky. Sau vụ nổ, đám cháy được ghi nhận tại một cơ sở hạ tầng. Không có thương tích. Các dịch vụ điều hành và khẩn cấp đang hoạt động tại chỗ”, thống đốc vùng Belgorod, Vyacheslav Gladkov, cho biết trên kênh Telegram của mình.

Gladkov không nói rõ “cơ sở hạ tầng” nào bị tấn công, nhưng nhiều kênh Telegram của Nga bao gồm Mash, 112 và “Caution, News” đưa tin rằng đó là một kho chứa dầu thuộc sở hữu của một công ty con của nhà sản xuất dầu lớn nhất Nga Rosneft.

Mash báo cáo rằng hai kho dầu đang bốc cháy và đám cháy đã bùng phát dữ dội.

“Lần cuối cùng cơ sở này bị tấn công là vào ngày 15/2. Lúc đó không có thiệt hại nghiêm trọng như thế này”, kênh này cho biết.

Hãng thông tấn nhà nước Nga Tass cho biết một kho dầu đã bị hư hại sau một vụ nổ.

“Nhân viên của Bộ Tình trạng khẩn cấp Nga đang làm việc tại hiện trường ở quận nội thành Gubkinsky. Theo dữ liệu sơ bộ, một bồn dầu bị hư hỏng, không có nguy cơ cháy lan”, cơ quan báo chí của Bộ tình trạng khẩn cấp khu vực cho biết.

Hãng thông tấn nhà nước RIA Novosti đưa tin ba bồn dầu đã bốc cháy, một chiếc được xác nhận đã bị hư hỏng nặng, dẫn nguồn tin từ cơ quan dịch vụ khẩn cấp địa phương.

Không có báo cáo về thương vong.

Nga đã phải hứng chịu làn sóng tấn công bằng máy bay không người lái kể từ khi Tổng thống Vladimir Putin phát động cuộc tấn công toàn diện vào Ukraine, với một số cuộc tấn công nhằm vào thủ đô Mạc Tư Khoa. Nhiều cuộc tấn công đã nhắm vào các kho đạn dược. Điện Cẩm Linh cáo buộc Kyiv cố gắng thực hiện các cuộc tấn công khủng bố bằng máy bay không người lái.

Ukraine đã tăng cường tấn công vào các trung tâm dầu mỏ và nhà máy lọc dầu của Nga trong những tuần gần đây, buộc Mạc Tư Khoa phải phê chuẩn lệnh cấm tạm thời xuất khẩu xăng vào tháng trước.

Vào ngày 18 Tháng Giêng, Ukraine đã phát động một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái vào một cảng dầu ở St. Petersburg, cách biên giới Ukraine khoảng 620 dặm.

Một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái khác của Ukraine gần thành phố St. Petersburg vào ngày 21 tháng 1 đã tấn công một nhà ga xuất khẩu khí đốt lớn—nhà máy ngưng tụ khí đốt Novatek PJSC ở cảng Ust-Luga—gây ra một đám cháy lớn và làm ngừng cung cấp nhiên liệu. Tờ Kyiv Post đưa tin Ust-Luga là cảng Baltic lớn nhất của Nga và Cơ quan An ninh Ukraine đã nhận trách nhiệm về vụ tấn công đó.

3. Berlin đổ lỗi vụ rò rỉ cuộc gọi liên quan đến Taurus là do sĩ quan đăng nhập qua đường dây khách sạn không an toàn ở Singapore

Tờ Politico có trụ sở ở Washington DC cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Berlin blames Taurus call leak on officer logging in via insecure Singapore hotel line”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Đức đang cố gắng khắc phục thiệt hại sau vụ rò rỉ thông tin bí mật đáng xấu hổ.

Bộ trưởng Quốc phòng Boris Pistorius hôm thứ Tư cho biết đoạn ghi âm của các sĩ quan quân đội Đức thảo luận về thông tin tuyệt mật đã bị Nga nghe lén chỉ vì một trong số họ đăng nhập qua đường dây không an toàn từ một phòng khách sạn ở Singapore.

Giải quyết vụ rò rỉ ở Berlin sau cuộc điều tra của Cơ quan phản gián quân sự Đức, Pistorius khẳng định vụ việc chỉ xảy ra một lần.

Ông nói: “Hệ thống liên lạc của chúng tôi không bị xâm phạm.”

Hôm thứ Sáu, cơ quan truyền thông nhà nước Nga Russia Today đã công bố chi tiết về cuộc gọi kéo dài 38 phút giữa các quan chức cao cấp của Đức - bao gồm cả tư lệnh lực lượng không quân - trong đó họ thảo luận về việc giả định gửi hỏa tiễn hành trình Taurus tới Ukraine như một phần chuẩn bị cho cuộc gặp với Pistorius.

Thủ tướng Olaf Scholz phản đối việc gửi hỏa tiễn và vấn đề này đã làm tan rã liên minh cầm quyền của ông.

Một trong những người tham gia - được cho là Chuẩn tướng Frank Gräfe - đã gọi đến cuộc gọi WebEx từ một phòng khách sạn ở Singapore, nơi ông đang tham quan một triển lãm hàng không.

WebEx, một chương trình liên lạc của Cisco Systems có trụ sở tại Hoa Kỳ, cung cấp mã hóa đầu cuối cho phép liên lạc an toàn. Tuy nhiên, nếu người tham gia quay số qua điện thoại cố định thay vì sử dụng ứng dụng - như đã xảy ra rõ ràng trong trường hợp của viên chức ở Singapore - thì mã hóa không được bảo đảm.

Cuối tuần qua, chính phủ đã xác nhận tính xác thực của đoạn ghi âm. Pistorius hôm Chúa Nhật gọi đây là một “cuộc tấn công làm sai lệch thông tin hỗn hợp” của Nga, mặc dù đoạn ghi âm do Mạc Tư Khoa công bố không phải là giả mạo.

Giữa những câu hỏi về các giao thức an ninh của quân đội Đức, phát ngôn nhân an ninh quốc gia Tòa Bạch Ốc John Kirby cho biết trong tuần này rằng vụ rò rỉ là một “nỗ lực của người Nga nhằm cố gắng gieo rắc sự bất hòa và cố gắng gây ra chia rẽ”.

Vương quốc Anh cũng phản ứng thất vọng trước vụ rò rỉ, trong đó các quan chức thảo luận về cách người Anh và Pháp chuyển hỏa tiễn hành trình đến Ukraine, và Gräfe rõ ràng đã nói: “Nếu chúng tôi được hỏi về phương thức giao hàng. Tôi biết người Anh làm điều này như thế nào. Họ luôn vận chuyển chúng trên những chiếc xe thiết giáp Ridgeback. Họ có nhiều người trên mặt đất.”

Điều đó xảy ra sau khi Scholz công khai xác nhận rằng quân đội Anh đang có mặt tại Ukraine để giúp lực lượng Ukraine sử dụng hỏa tiễn hành trình Storm Shadow.

Hôm thứ Ba, Pistorius cho biết ông đã nói chuyện với các đồng minh để trấn an họ. Ông nói tại Berlin: “Niềm tin của các đồng minh ở Đức vẫn không bị phá vỡ.”

Trong khi đó, Điện Cẩm Linh đang ăn mừng.

Phát ngôn nhân chính của chính phủ Nga, Dmitry Peskov đã kêu gọi điều tra toàn diện đoạn ghi âm và nói rằng đại sứ Đức tại Nga đã được triệu tập để giải thích về kế hoạch rõ ràng là muốn tấn công Nga.

“Chúng tôi vẫn chưa biết liệu Bundeswehr có chủ động thực hiện việc này hay không. Nếu vậy, câu hỏi đặt ra là Bundeswehr có thể kiểm soát được ở mức độ nào và ông Scholz kiểm soát tất cả ở mức độ nào, và liệu đó có phải là một phần trong chính sách của chính phủ Đức hay không”, Peskov nói, theo hãng thông tấn nhà nước TASS của Nga.

4. Pháp đã mời các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng từ các đồng minh chính của Ukraine và Tổng thư ký NATO tham gia cuộc gọi video vào thứ Năm nhằm thể hiện một “mặt trận thống nhất” và đưa ra các đề xuất cụ thể nhằm tăng cường hỗ trợ cho Kyiv.

Tổng thống Emmanuel Macron phải đối mặt với phản ứng dữ dội từ nhiều đồng minh phương Tây sau khi ông công khai thảo luận về ý tưởng gửi quân đội phương Tây tới Ukraine tại hội nghị về Ukraine ở Paris vào tuần trước.

Một hội nghị tiếp theo đã được lên kế hoạch diễn ra tại Paris với sự tham gia của các bộ trưởng và nhà ngoại giao cao cấp từ khoảng 28 quốc gia, nhưng hội nghị đó đã bị hoãn lại vì một cuộc gọi video trong bối cảnh có những lời chỉ trích rằng cuộc họp quá vội vàng.

Theo lời mời mà Reuters nhìn thấy: “Cuộc tranh luận diễn ra sau đó chỉ phản ánh một phần thực tế của cuộc thảo luận ở Paris và không nên làm lu mờ quyết tâm chung của chúng tôi trong việc hỗ trợ Ukraine”.

Lời mời, được gửi tới các bộ trưởng thay mặt cho bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng của Pháp, cũng được gửi đến Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg và nhà lãnh đạo chính sách đối ngoại Liên Hiệp Âu Châu Josep Borrell. Cả hai đều không được mời vào ngày 26/2.

Các nhà ngoại giao cho biết Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba cũng sẽ tham gia bằng cuộc gọi video.

Nhà lãnh đạo Cơ quan An ninh và Thông tin Moldova cho rằng Nga đang lên kế

5. Lệnh bắt giữ các chỉ huy quân sự Nga do Tòa án La Hay ban hành

Tờ Newsweek cho biết như trên bài tường trình nhan đề “Arrest Warrant for Russian Military Chiefs Issued by Hague Court”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Tòa án Hình sự Quốc tế, gọi tắt là ICC, có trụ sở tại The Hague hay còn gọi là La Hay, Hà Lan, đã ban hành lệnh bắt giữ hai chỉ huy quân sự Nga.

ICC cho biết Trung tướng Sergei Kobylash và Đô đốc Viktor Sokolov “mỗi người bị cáo buộc phải chịu trách nhiệm” về một số tội ác chiến tranh, bao gồm cả “chỉ đạo tấn công vào các vật thể dân sự”, sau các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng điện của Ukraine trong mùa đông năm 2022 đến năm 2023.

Một luật sư nhân quyền tham gia vào các cuộc điều tra tội ác chiến tranh ở Ukraine nói với Newsweek rằng Nga có “chính sách nhắm vào dân thường” trong cuộc xâm lược toàn diện của mình.

Kobylash là chỉ huy Lực lượng Hàng không Tầm xa của Lực lượng Hàng không Vũ trụ, còn Sokolov là chỉ huy Hạm đội Hắc Hải khi đó.

ICC cho biết có cơ sở hợp lý để tin rằng hai kẻ này chịu trách nhiệm về các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn mà lực lượng dưới sự chỉ huy của họ thực hiện nhằm vào cơ sở hạ tầng điện của Ukraine trong khoảng thời gian ít nhất là từ ngày 10 tháng 10 năm 2022 đến ít nhất là ngày 9 tháng 3 năm 2023.

Các cuộc tấn công vào các vật thể dân sự bị cấm theo Công ước Geneva và các nghị định thư bổ sung do tòa án quốc tế quy định.

Mạc Tư Khoa phủ nhận việc tấn công vào cơ sở hạ tầng dân sự ở Ukraine mặc dù có nhiều bằng chứng cho thấy các khu chung cư và cơ sở cung cấp điện bị hỏa tiễn và máy bay không người lái của Nga tấn công.

Thông báo của ICC hình thành bộ lệnh thứ hai về việc bắt giữ các quan chức Nga có liên quan đến cuộc chiến ở Ukraine. Tổng thống Vladimir Putin và ủy viên trẻ em của ông, Maria Lvova-Belova, phải đối mặt với cáo buộc về tội ác chiến tranh liên quan đến vụ bắt cóc trẻ em Ukraine, là điều mà Điện Cẩm Linh đã phủ nhận.

Catriona Murdoch, đối tác của Global Rights Compliance, là cơ quan đang điều tra các cuộc tấn công của Nga ở Ukraine, cho biết ICC đã công bố lệnh bắt giữ đầu tiên đối với tội ác chống lại loài người “trong bối cảnh cuộc xâm lược toàn diện, nắm bắt được tính chất lan rộng và có hệ thống của những tội ác trong các kiểu tấn công này.”

Murdoch nói với Newsweek rằng có nhiều cách mà các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng năng lượng cấu thành hành vi vi phạm nghiêm trọng luật nhân đạo quốc tế “nhưng việc lựa chọn tội danh là 'bản cáo trạng hành vi vô nhân đạo' khác cho thấy tác động rộng lớn hơn của các cuộc tấn công này đối với thường dân Ukraine vô tội.”

Murdoch nói: “Nó tập trung đúng vào sự phẫn nộ và nỗi sợ hãi mà vô số phụ nữ, trẻ em và đàn ông phải chịu đựng, bên cạnh nỗ lực phá hủy các thành phố và cơ sở hạ tầng của Ukraine”.

“Lệnh bắt giữ nêu bật những nỗ lực tháo dỡ và phá hủy thất bại nhưng có hệ thống của Nga, sự phản kháng dũng cảm của Ukraine cũng như sự kiên trì của ICC và các đối tác chính phủ Ukraine trong việc theo đuổi trách nhiệm giải trình.”

Theo Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc, vào ngày 10 tháng 10 năm 2022, Nga đã phóng 84 hỏa tiễn và 24 máy bay không người lái kamikaze, sau đó là các cuộc tấn công gây thiệt hại 10 tỷ Mỹ Kim và khiến 12 triệu người không có hoặc bị hạn chế tiếp cận quyền lực. ICC cho biết tổn thất và thiệt hại dân sự dự kiến “rõ ràng là vượt quá lợi ích quân sự dự kiến”.

Theo Kyiv, Sokolov được cho là đã thiệt mạng trong một cuộc tấn công bằng hỏa tiễn của Ukraine vào trụ sở của Hạm đội Hắc Hải ở Sevastopol vào tháng 9 năm 2023, mặc dù sau đó có một đoạn video cho thấy ông gặp các nhà lãnh đạo quân sự. Tòa Bạch Ốc chưa bình luận về việc liệu Sokolov có được xác nhận còn sống hay không.

Wayne Jordash, một luật sư người Anh hỗ trợ Văn phòng Tổng công tố Ukraine trong việc phân tích tội ác chống lại loài người trong cuộc xâm lược của Putin, nói rằng các báo cáo về tội ác chiến tranh của Nga nên tập trung sự chú ý vào Quốc hội Hoa Kỳ trước cuộc bỏ phiếu ủng hộ gói viện trợ trị giá 60 tỷ Mỹ Kim cho Kyiv.

Ông nói với Newsweek: “Điều rõ ràng sau hai năm là có một chính sách nhằm vào dân thường, nhằm vào họ để buộc họ phải đầu hàng trước sự cai trị của Nga”. “Thực tế rõ ràng là ngày càng có nhiều người Ukraine thiệt mạng khi gói viện trợ Ukraine vẫn bị đình trệ tại Quốc hội.

“Không còn nghi ngờ gì nữa, thành công trên chiến trường tương ứng với loại vũ khí và số lượng vũ khí được phương Tây cung cấp. Ukraine đang nhanh chóng cạn kiệt nguồn cung cấp để tự vệ”, ông nói thêm.

6. Việc thiếu đạn 'khổng lồ' của Ukraine là mối nguy hiểm lớn nhất đối với an ninh NATO

Tờ Newsweek cho biết như trên bài tường trình nhan đề “Ukraine's 'Massive' Ammo Deficit Greatest Danger to NATO Security: Source”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Lan Vy.

Hai tuần căng thẳng của NATO đã phần nào làm lu mờ tình thế đang xấu đi trên chiến trường của Ukraine, khi các chính trị gia và phương tiện truyền thông phương Tây tập trung vào mối nguy hiểm luôn hiện hữu của xung đột trực tiếp giữa Mạc Tư Khoa và các đối thủ xuyên Đại Tây Dương.

Lực lượng của Kyiv đang cố gắng trấn giữ chiến tuyến dài ở phía nam và phía đông đất nước trước các cuộc tấn công liên tục và có lúc rất điên cuồng. Các đơn vị ngày càng thiếu nhân lực và vẫn bị từ chối cung cấp đạn dược và vũ khí tiên tiến của phương Tây. Kyiv cho biết họ rất cần.

Tuy nhiên, những can thiệp gần đây và một vụ rò rỉ thông tin tình báo đáng kể từ các thủ đô phương Tây đã tập trung vào triển vọng quân đội NATO hoạt động bên trong Ukraine và làm dấy lên những mối đe dọa mới về chiến tranh hạt nhân từ Putin và các đồng minh Điện Cẩm Linh của ông.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron lần đầu tiên đưa ra đề xuất triển khai quân NATO tới Ukraine với vai trò huấn luyện và cố vấn. Khi bác bỏ kế hoạch này, Thủ tướng Đức Olaf Scholz tiết lộ rằng quân đội Pháp và Anh được cho là đã có mặt ở Ukraine.

Kết luận này sau đó được lặp lại trong một đoạn ghi âm, bị Nga chặn và rò rỉ, khi các quan chức quân sự cao cấp của Đức thảo luận về sự hỗ trợ của phương Tây cho Ukraine.

“Mối nguy hiểm cấp tính lớn nhất vẫn đến từ tiền tuyến ở Ukraine”, một quan chức ngoại giao Âu Châu – người đã nói chuyện với Newsweek với điều kiện giấu tên vì họ không được phép phát biểu công khai – cho biết khi được hỏi về triển vọng leo thang của Nga.

“Sự thiếu hụt đạn dược rất lớn và áp lực của Nga rất lớn”. “Phương Tây bị tê liệt vì sợ hãi, mặc dù, cho đến nay, tất cả 'ranh giới đỏ' mà chúng ta đã vượt qua vẫn chưa mang đến trận chiến mà chúng ta vô cùng lo sợ.”

Một quan chức ngoại giao Âu Châu thứ hai, người cũng yêu cầu giấu tên để nói chuyện thẳng thắn, đề nghị với Newsweek rằng Mạc Tư Khoa chủ yếu muốn khai thác những lo ngại của liên minh để ngăn chặn hơn nữa viện trợ của phương Tây cho Kyiv.

Họ nói: “Tôi nghi ngờ bạn có thể thay đổi tính toán của Nga chỉ bằng cách gửi giảng viên đến Ukraine”. “Tôi chắc chắn người Nga biết rất rõ ai đang làm gì ở Ukraine”.

“Ukraine cần đạn và phòng không; đó là nơi cần tập trung ngay lập tức.”

Tổng thống cho biết vào tháng trước: “Việc giữ Ukraine trong tình trạng thiếu hụt vũ khí giả tạo, đặc biệt là thiếu hụt pháo binh và khả năng tầm xa, cho phép Putin thích ứng với cường độ hiện tại của cuộc chiến”.

Trong khi đó, quân đội Ukraine đang phải vật lộn để ngăn chặn các cuộc tấn công của Nga dọc theo mặt trận dài 900 dặm. Giao tranh đặc biệt khốc liệt ở phía đông bắc Kharkiv và các khu vực phía đông Luhansk và Donetsk.

Lực lượng Nga cũng đang tấn công dọc theo mặt trận phía nam Zaporizhzhia, tìm cách đảo ngược những thành tựu nhỏ mà các đơn vị của Kyiv đã đạt được trong cuộc phản công thất bại vào mùa hè ở đó.

Oleksandr Merezhko, một thành viên quốc hội Ukraine và là chủ tịch ủy ban đối ngoại của cơ quan này, nói với Newsweek rằng Kyiv thích đạn dược hơn là quân phương Tây trên mặt đất.

Ông giải thích từ Kyiv: “Sẽ tốt hơn cho các đồng minh của chúng ta gửi đủ vũ khí thay vì gửi quân”. “Tôi có cảm giác rằng nó không làm xao lãng vấn đề viện trợ quân sự,” nhà lập pháp nói thêm về sự phẫn nộ gần đây của NATO. Ngược lại, các đồng minh phương Tây của chúng ta sẽ quan tâm nhiều hơn đến việc cung cấp cho Ukraine nhiều viện trợ quân sự và vật chất hơn là gửi quân đội của họ”.

Merezhko nói thêm: “Tuy nhiên, tuyên bố của Tổng thống Macron thực sự quan trọng vì nó phù hợp với 'sự mơ hồ về chiến lược', khiến Điện Cẩm Linh rất lo lắng và thậm chí là cuồng loạn.

“Về mặt tâm lý, điều quan trọng là phải cho Điện Cẩm Linh thấy rằng 'tất cả các lựa chọn đều được cân nhắc.' Nó làm Putin mất phương hướng và khiến ông ấy kém tự tin hơn.”

7. Công tố viên hàng đầu của Ukraine chỉ trích Liên Hiệp Quốc không hành động về việc trục xuất trẻ em Nga

Tờ Politico có trụ sở ở Washington DC cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Ukraine’s top prosecutor slams UN inaction over Russia’s child deportations”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Trưởng công tố Kyiv chỉ trích Liên Hiệp Quốc vì đã không lên tiếng đầy đủ về việc Nga bắt cóc trẻ em Ukraine.

“Nếu Liên Hiệp Quốc im lặng khi Nga bắt cóc tới 20.000 trẻ em Ukraine, tôi không hiểu chuyện gì đang xảy ra,” Andriy Kostin nói hôm thứ Ba trong một cuộc tranh luận ở Brussels.

Quan chức luật pháp hàng đầu của Kyiv đã so sánh những nỗ lực của Liên Hiệp Quốc nhằm chuyển ngũ cốc của Ukraine sang các nước đang phát triển với điều mà ông gọi là không hành động trước vụ bắt cóc trẻ em ở các khu vực Ukraine dưới sự xâm lược của Nga.

“Cung cấp ngũ cốc không chỉ là nuôi những người đang đói. Cung cấp ngũ cốc cũng đòi hỏi số tiền lớn”, Kostin cho biết tại sự kiện do Trung tâm Chính sách Âu Châu, một tổ chức nghiên cứu độc lập tổ chức.

Ông lập luận rằng phản ứng yếu ớt của cộng đồng quốc tế đối với việc bắt cóc trẻ em đã khuyến khích nhóm chiến binh Palestine Hamas sử dụng chiến thuật tương tự trong cuộc tấn công vào Israel ngày 7 tháng 10.

Kostin gọi vụ bắt cóc thường dân Israel là “sự lặp lại những gì Nga đã làm ở Ukraine”.

Mặc dù Kostin thừa nhận rằng Nga vẫn có thể phủ quyết các quyết định của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, nhưng ông bày tỏ sự thất vọng về việc Đại hội đồng của cơ quan này và các quan chức hàng đầu của cơ quan này không có hành động đầy đủ chống lại Điện Cẩm Linh.

“Tôi đang nói về những thông điệp mạnh mẽ hoặc một nghị quyết của Đại hội đồng. Là khó khăn sao?” ông hỏi.

Kể từ khi cuộc xâm lược toàn diện của Mạc Tư Khoa bắt đầu vào tháng 2 năm 2022, hàng ngàn trẻ em Ukraine đã bị bắt cóc sang Nga và Belarus trong nỗ lực cắt đứt quan hệ với quê hương.

Vào tháng 2 năm nay, Ủy ban Quyền Trẻ em của Liên Hiệp Quốc đã kêu gọi Nga trả lại những đứa trẻ cho gia đình. Năm ngoái, Tòa án Hình sự Quốc tế ở La Hay đã ban hành lệnh bắt giữ Putin vì tội ép buộc chuyển trẻ em sang Nga.

Kostin, cựu thành viên quốc hội Ukraine thuộc đảng của Tổng thống Volodymyr Zelenskiyy, đang dẫn đầu các nỗ lực buộc Nga phải chịu trách nhiệm về tội ác chiến tranh. Ông cũng có mặt tại Brussels để gặp Ủy viên Tư pháp Liên minh Âu Châu Didier Reynders và Bộ trưởng Tư pháp Bỉ Paul Van Tigchelt.

8. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy hoan nghênh quyết định của Tòa án Hình sự Quốc tế hôm thứ Ba về việc ban hành lệnh bắt giữ hai chỉ huy hàng đầu của Nga vì cáo buộc tội ác chiến tranh.

“Mọi chỉ huy Nga ra lệnh tấn công dân thường và cơ sở hạ tầng quan trọng của Ukraine đều phải biết rằng công lý sẽ được thực thi. Mọi thủ phạm của những tội ác như vậy phải biết rằng họ sẽ phải chịu trách nhiệm”, ông nói trong diễn từ gởi quốc dân đồng bào.

ICC ban hành lệnh bắt giữ hai thành viên quân đội Nga vì chiến dịch hỏa tiễn nhằm vào 'cơ sở hạ tầng điện của Ukraine'

Tòa án hình sự quốc tế ở La Hay đã ban hành lệnh bắt giữ hai nhân vật quân sự cao cấp của Nga, những người bị cáo buộc chịu trách nhiệm về một chiến dịch hỏa tiễn nhắm vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine trong khoảng thời gian từ tháng 10 năm 2022 đến tháng 3 năm 2023.

Lệnh bắt giữ được áp dụng cho Trung tướng Sergei Ivanovich Kobylash của lực lượng vũ trang Nga và Đô đốc Viktor Kinolayevich Sokolov của hải quân Nga.

Trong một tuyên bố, tòa án cho biết họ “cho rằng có cơ sở hợp lý để tin rằng hai nghi phạm phải chịu trách nhiệm về các cuộc tấn công hỏa tiễn do lực lượng dưới sự chỉ huy của họ thực hiện nhằm vào cơ sở hạ tầng điện của Ukraine từ ít nhất ngày 10 tháng 10 năm 2022 cho đến ít nhất ngày 9 tháng 3, 2023.”

9. Hạm đội Hắc Hải của Nga chạy trốn khỏi Crimea phá vỡ kế hoạch của Putin

Tờ Newsweek cho biết như trên bài tường trình nhan đề “Russian Black Sea Fleet Fleeing Crimea Upends Putin's Plan”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Hơn hai năm sau khi phát động cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine, sự kiểm soát của Mạc Tư Khoa đối với Crimea, viên ngọc quý của nước này ở Ukraine, đang thực sự căng thẳng.

Phó đô đốc Hải quân Mỹ đã nghỉ hưu Robert Murrett nói với Newsweek, trái ngược hoàn toàn với những thành tựu đáng chú ý nhưng giành được một cách đau đớn mà Nga đã đạt được ở lục địa Ukraine trong những tuần gần đây, “Ukraine đã giành chiến thắng phần lớn trong trận chiến Hắc Hải”.

Nga đã chịu tổn thất nặng nề về hạm đội Hắc Hải của mình dưới tay Ukraine kể từ tháng 2 năm 2022. Mạc Tư Khoa đã kiểm soát Crimea kể từ khi sáp nhập bán đảo này từ Ukraine vào năm 2014, nhưng Kyiv tuyên bố sẽ chiếm lại nó.

Thuyền trưởng Hải quân Ukraine đã nghỉ hưu Andrii Ryzhenko cho biết rằng trong thập kỷ qua, Nga đã có ý định sử dụng các căn cứ ở Hắc Hải ở Crimea để triển khai sức mạnh về phía miền nam Ukraine.

Nhưng điều này đang bị suy yếu bởi thành công của Ukraine xung quanh Crimea. Nga đã mất tàu soái hạm Mosvka trong một loạt vũ khí được cho là hỏa tiễn Neptune do Ukraine sản xuất ngay từ đầu cuộc chiến, và Kyiv đã thành công trong việc hạ gục một tàu ngầm lớp Kilo của Nga trong cuộc tấn công kịch tính Storm Shadow vào tháng 9 năm 2023.

Thuyền không người lái của hải quân Ukraine đã phá hủy tàu hộ tống trang bị hỏa tiễn Ivanovets của Nga vào tháng 2 và đã tấn công thành công một số tàu đổ bộ của Nga.

Vào giữa tháng 2, Kyiv cho biết họ đã tấn công vào Caesar Kunikov, một tàu đổ bộ lớn, gần thành phố Alupka phía nam Crimea, phía đông nam căn cứ hải quân của Nga tại Sevastopol. Cuộc tấn công càng làm suy giảm đội tàu đổ bộ tương đối khan hiếm của Nga.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy nói ngay sau vụ tấn công: “Hôm nay chúng tôi đã tăng cường an ninh ở Hắc Hải và tiếp thêm động lực cho người dân của chúng tôi”. Ryzhenko nói với Newsweek rằng việc mất loại tàu này đang hạn chế mọi hoạt động đổ bộ mà Nga có thể thực hiện.

Ukraine đã mở rộng phạm vi hoạt động tới phía đông Crimea, bao gồm cảng Feodosia của Nga và cây cầu Kerch quan trọng nối bán đảo với khu vực Krasnodar của Nga.

Đầu ngày thứ Ba, cơ quan tình báo quân sự Ukraine, được gọi là GUR, đã công bố đoạn phim cho thấy các máy bay không người lái trên mặt nước Magura V5 tự sản xuất lao vào tàu Sergei Kotov, một trong bốn tàu tuần tra Dự án 22160 của Nga. Kyiv cho biết con tàu đang ở gần eo biển Kerch và các nguồn tin địa phương cho biết cầu Kerch đã đóng cửa trong đêm.

Con tàu “bị hư hại ở đuôi tàu, bên phải và bên trái”, GUR cho biết thêm trong một bài đăng trên mạng xã hội. Bộ Quốc phòng Nga đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận của Newsweek vào thứ Ba.

Bộ trưởng Quốc phòng Anh, Grant Shapps, cho biết vào tháng 12 rằng Điện Cẩm Linh đã mất 20% hạm đội Hắc Hải trong 4 tháng trước đó, đồng thời nói thêm: “Sự thống trị của Nga ở Hắc Hải hiện đang bị thách thức”.

Các cuộc tấn công dai dẳng của Ukraine - thường sử dụng thuyền không người lái của hải quân và hỏa tiễn hành trình do phương Tây cung cấp - đã đẩy Nga về phía đông Hắc Hải, đe dọa an ninh của Mạc Tư Khoa xung quanh Bán đảo Crimea.

Daniel Rice, cựu cố vấn đặc biệt của nhà lãnh đạo quân đội Ukraine, hiện là hiệu trưởng của Đại học Mỹ Kyiv, cho biết: “Nga không có lựa chọn nào khác ngoài việc di chuyển về phía đông”. Nhưng Mạc Tư Khoa đã mất đi quyền kiểm soát Crimea khi làm như vậy, ông nói với Newsweek.

Murrett cho biết, Nga buộc phải mở rộng cơ sở hạ tầng cảng ở phía đông Hắc Hải vì các cơ sở của nước này xung quanh Crimea, chẳng hạn như căn cứ chính ở Sevastopol, đang gặp rủi ro.

Mạc Tư Khoa đã chuyển một số nguồn tài nguyên của mình tới Novorossiysk, một thành phố cảng ở Hắc Hải nằm trên lãnh thổ Nga được quốc tế công nhận. Các báo cáo cũng cho thấy Điện Cẩm Linh đang lên kế hoạch xây dựng một căn cứ quân sự mới tại cảng Ochamchire ở Abkhazia, một khu vực ly khai của Georgia. Điều này sẽ đẩy các tài sản ở Hắc Hải của Nga ra xa bờ biển Ukraine hơn nữa.

Ryzhenko cho biết Mạc Tư Khoa hiện nay thận trọng hơn nhiều trong việc giữ các tàu lớn, mới hơn của mình ở Crimea và đã chuyển một số tàu đến Novorossiysk.

Rice nói: “Hai trong số những giả định cơ bản của Nga trước cuộc xâm lược chắc hẳn là quyền kiểm soát không phận và quyền kiểm soát lực lượng hải quân ở Hắc Hải – cả hai đều họ đã mất”. Ukraine cũng đã xuất khẩu được hàng triệu tấn ngũ cốc qua Hắc Hải.

Nhưng điều này không có nghĩa là Ukraine đã giành được quyền kiểm soát những khu vực này. Nga vẫn chiếm ưu thế trên phần lớn Hắc Hải, ngay cả khi nước này bị hạn chế ở góc tây bắc vì Kyiv, Ryzhenko nói. Ông nói, đây là vùng được gọi là “vùng xám”, nơi không quốc gia nào có thể thiết lập quyền kiểm soát không thể tranh cãi.
 
Án phong chân phước cho ĐHY Husar được mở tại Kyiv. Ngoại trưởng Tòa Thánh nói về Thế chiến thứ ba
VietCatholic Media
17:51 06/03/2024


1. Đức Thánh Cha cảnh báo các giám mục Armenia chống lại tham vọng liên quan đến sự nghiệp trong giáo hội

Trong một bài phát biểu có phạm vi rộng trước Thượng Hội đồng Giáo Hội Công Giáo Armenia, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cảnh báo chống lại tham vọng liên quan đến sự nghiệp trong Giáo hội, tố cáo chiến tranh và nói về tầm quan trọng của việc cống hiến “tình yêu của Thiên Chúa trong truyền thống giáo hội của chính họ” cho những người Công Giáo Armenia bên ngoài quê hương.

Đức Thánh Cha nhấn mạnh: “Anh em thân mến, một trong những trách nhiệm lớn lao của Thượng Hội đồng chính là trao cho Giáo hội của anh em những giám mục của ngày mai”. “Tôi khuyên anh em hãy lựa chọn họ một cách cẩn thận, để họ tận tâm với đàn chiên, trung thành với việc chăm sóc mục vụ và không bị thúc đẩy bởi tham vọng cá nhân.”

Đức Thánh Cha tiếp tục: “Một giám mục coi giáo phận của mình như một bước đệm để đến một vị trí khác ‘có uy tín’ hơn mà quên rằng mình đã kết hôn với Giáo hội và có nguy cơ, nếu tôi được phép sử dụng cách diễn đạt này, sẽ phạm tội ‘ngoại tình trong mục vụ’”.. “Điều tương tự cũng xảy ra khi một người lãng phí thời gian để tìm kiếm công việc mới hoặc thăng chức.”

Đức Giáo Hoàng nói thêm, “Làm sao cuối cùng chúng ta không hướng suy nghĩ của mình đến Armenia, không chỉ bằng lời nói mà trên hết là bằng những lời cầu nguyện của chúng ta, đặc biệt cho tất cả những người chạy trốn khỏi Nagorno-Karabakh và cho nhiều gia đình phải di dời đang tìm nơi ẩn náu… Quá nhiều chiến tranh, và biết bao đau khổ... Tôi đã nhiều lần cầu xin: 'Đủ rồi!'“

2. Quá trình phong chân phước cho Đức Hồng Y Ljubomyr Husar được mở tại Kyiv

Sáu năm sau khi ngài qua đời, cuộc điều tra giáo luật về sự thánh thiện của Đức Tổng Giám Mục Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương được chôn cất trong Nhà thờ Phục sinh, bị hỏa tiễn Nga bắn trúng, đã được long trọng mở ra. Là người gốc Lviv, bị buộc phải lưu vong vì những thảm kịch của thế kỷ 20, từ năm 2001, ngài đã lãnh đạo người Công Giáo Đông Phương trải qua những năm tháng nhạy cảm với sự khôn ngoan sâu sắc và khả năng đối thoại.

Vào ngày 26 tháng 2, vị tổng giám mục chính của Kyiv thuộc Giáo Hội Công Giáo Đông Phương Ukraine, là Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk, đã long trọng tuyên bố bắt đầu quá trình phong chân phước cho người tiền nhiệm, Đức Tổng Giám Mục Ljubomyr Husar, vào ngày kỷ niệm 91 năm ngày sinh của ngài. Sắc lệnh khai mạc nhấn mạnh rằng trong sáu năm đã trôi qua kể từ khi ông qua đời, xảy ra ở Kyiv vào ngày 31 tháng 5 năm 2017, “sức mạnh của lời nói và tinh thần của ngài đã tiếp tục đóng vai trò định hướng và hỗ trợ người dân trong cuộc sống hàng ngày, đặc biệt là trong những ngày của cuộc chiến khủng khiếp mà chúng ta đang trải qua.”

Thi hài của “Thượng phụ Ljubomyr”, như ngài được các tín hữu Công Giáo-Đông Phương gọi, an nghỉ trong Nhà thờ Phục sinh của Chúa ở Kyiv, nơi bị hỏa tiễn Nga bắn trúng trong những ngày đầu tiên của cuộc xâm lược Ukraine, nhưng một cách kỳ diệu, gần như vẫn còn nguyên vẹn. Sắc lệnh còn nhận xét thêm rằng sau khi ngài qua đời, “dân Chúa ngay lập tức bắt đầu thể hiện lòng sùng kính đặc biệt đối với thân thể của ngài, không cầu nguyện quá nhiều cho sự bình an vĩnh cửu của ngài, nhưng cầu xin sự chuyển cầu của ngài và làm chứng cho vinh quang thánh thiện của ngài, qua vô số bài viết được đặt trong cuốn sách tưởng nhớ bên cạnh ngôi mộ của ngài, chứng thực nhiều dấu hiệu, lòng thương xót và sự chữa lành đã nhận được”.

Việc thu thập tài liệu cho án tuyên thánh bắt đầu với nhiều yêu cầu từ người dân và cộng đồng các tín hữu Ukraine, báo cáo trực tiếp cho tổng giáo phận của Giáo Hội Công Giáo Đông Phương, nơi có thẩm quyền đương nhiên về các thủ tục giáo luật thuộc thẩm quyền của mình mà họ báo cáo tuân theo các cơ quan có thẩm quyền của Vatican.

Đức Tổng Giám Mục và Đức Hồng Y Husar sinh năm 1933 tại Lviv, nơi ngài trải qua những năm tháng tuổi thơ, và sau đó cùng gia đình bỏ trốn vào năm 1944, sau các biến cố chiến tranh, ngài ẩn náu ở Salzburg ở Áo, nơi ngài tham dự phòng tập thể dục do những người di cư Ukraine tổ chức. Năm 1949, ông chuyển đến Hoa Kỳ cùng với cha mẹ và chị gái, vào tiểu chủng viện ở Stamford, Connecticut, để hoàn thành việc học thần học ở Washington cho đến khi ngài được thụ phong linh mục vào năm 1958 bởi Đức Cha Ambrose Senyshin, thuộc giáo phận Stamford của người Ukraine.

Năm 1969, ngài chuyển đến Rôma, bảo vệ luận án tiến sĩ về Đức Tổng Giám Mục Andrej Šeptyckyj, tông đồ đại kết người Ukraine trong nửa đầu thế kỷ 20. Ngài vào tu viện của Học viên Ukraine ở Grottaferrata, là tu viện theo nghi thức Byzantine cổ xưa, đã và vẫn là điểm quy chiếu cho mọi cuộc gặp gỡ giữa Đông và Tây trong Giáo Hội Công Giáo ở ngoại ô Rôma. Cho đến khi Liên Xô biến mất, cộng đồng tu sĩ Ukraine vẫn ở nơi này, bảo vệ và truyền bá các truyền thống phụng vụ, tâm linh và văn hóa của “Uniates”, tức là những người Công Giáo theo nghi thức phương Đông. Trong số những đại diện chính của bản sắc Ukraine, Đức Cha Husar là một trong những người thầy và nhân chứng chính.

Năm 1985, sau cái chết của Đức Hồng Y anh hùng Josyf Slipyj, người cũng đang lưu vong ở Rôma trong nhà thờ Hagia Sophia của Ukraine sau gần hai mươi năm trong trại tập trung của Stalin, Cha Husar trở thành “Protosyncello”, tổng đại diện của tổng giám mục lớn Myroslav Lubachivsky, người trở về Ukraine vào ngày 30 tháng 3 năm 1991, nắm quyền sở hữu trụ sở chính của Lviv vào năm 1991. Đức Cha Husar sau đó được bổ nhiệm Tổng Giám Mục vào ngày 25 Tháng Giêng năm 2001. Sau một thập kỷ nữa, ngài được thay thế bởi Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk, là người đã chuyển trụ sở chính của Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương về thủ đô Kyiv.

Đức Tổng Giám Mục-Thượng phụ Husar đã cai trị Giáo hội ở Ukraine trong một trong những giai đoạn tế nhị nhất, đầu những năm 2000, khi số phận của đất nước vẫn nằm trong sự cân bằng giữa các lực lượng chính trị xung đột và trong đời sống giáo hội của người Công Giáo và Chính thống giáo. Mọi người nhớ đến ngài như một người có trí tuệ sâu sắc và khả năng đối thoại, người có khả năng truyền đạt những sự thật về bản chất của Giáo hội, điều mà ngài đã giảng dạy trong nhiều năm tại Đại học Urbanô ở Rôma, không phải như những chương của một học thuyết trừu tượng, mà là những kinh nghiệm về sự sống và sự tái sinh của đức tin, sau nhiều đau khổ và bách hại, để chuẩn bị đương đầu với nhiều thử thách khác của lịch sử.

3. Ngoại trưởng Tòa Thánh: Cần có chứng tá Kitô giáo đích thực giữa Thế chiến thứ ba đang diễn ra từng mảnh

Bộ trưởng Quan hệ với các quốc gia và các tổ chức quốc tế của Vatican đã tham gia hôm thứ Sáu và thứ Bảy trong sự kiện thường niên từ ngày 1 đến ngày 3 tháng 3 trong đó quy tụ các Nguyên thủ quốc gia, các bộ trưởng, nhà ngoại giao, lãnh đạo doanh nghiệp và học giả để thảo luận về các vấn đề và thách thức toàn cầu cấp bách..

Với chủ đề “Thúc đẩy ngoại giao trong thời kỳ hỗn loạn”, Diễn đàn được tổ chức dưới sự bảo trợ của Tổng thống Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ, ông Recep Tayyip Erdogan và theo sáng kiến của Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong phiên bản thứ ba, diễn ra khi các cuộc chiến tranh tiếp tục gây đau khổ ở Ukraine và Trung Đông, Diễn đàn dự kiến sẽ khám phá những con đường hòa bình dẫn đến tình trạng bất ổn toàn cầu, thông qua nhiều cuộc thảo luận nhóm, bài phát biểu quan trọng và các cơ hội kết nối nhằm thúc đẩy đối thoại và sự hợp tác.

Theo trang web của mình, những thách thức quốc tế sẽ được thảo luận tại địa điểm này sẽ bao gồm “các cuộc chiến tranh đang diễn ra, hành động khủng bố, di cư bất thường, sự gia tăng của tư tưởng bài ngoại và bài Hồi giáo, những rủi ro không lường trước được về AI, biến đổi khí hậu, thiên tai, đại dịch và khoảng cách kinh tế xã hội ngày càng gia tăng. “

Đức Tổng Giám Mục Gallagher đã đến Thổ Nhĩ Kỳ, nơi ngài cử hành Thánh lễ ở Istanbul tại Nhà thờ Chúa Thánh Thần, nơi Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành cách đây một thập kỷ. Ngài cũng đã gặp Thượng phụ Đại kết của Constantinople, Bartholomew I.

Trong Thánh lễ kỷ niệm 11 năm ngày Đức Thánh Cha Phanxicô được bầu làm giáo hoàng vào ngày 13 tháng 3 năm 2013, Đức Tổng Giám Mục Gallagher đề nghị rằng khi chúng ta nhớ lại cuộc bầu cử của ngài, “chúng ta cầu nguyện một cách đặc biệt cho Đức Giáo Hoàng”.

Đối với tất cả những người Công Giáo ở Thổ Nhĩ Kỳ, cả những người theo Nghi thức Latinh và những người thuộc các nghi lễ Đông phương khác nhau, nhà ngoại giao Vatican công nhận, “Giáo hoàng là nguồn mạch và nền tảng hữu hình của sự hiệp nhất đức tin và sự hiệp thông của toàn thể Giáo hội”.

Vì vậy, ngài nói, “chúng ta cầu nguyện cho Đức Thánh Cha, đặc biệt ngày hôm nay, để với tư cách là Mục tử của toàn thể Giáo hội, ngài củng cố chúng ta trong đức tin, tình yêu và lãnh đạo Giáo hội với sự tin tưởng”.

Bày tỏ lòng cảm kích trước sự hiện diện của các đại diện Kitô giáo khác hiện diện, Đức Tổng Giám Mục Gallagher nhấn mạnh rằng các Kitô hữu “tất cả đều là thành viên của cùng một gia đình con cái Thiên Chúa và có cùng niềm tin vào Chúa Kitô và Giáo hội mà Ngài đã thành lập”.

“Chúng ta hãy tiếp tục cùng nhau tiến về phía trước,” ngài nói.

Nhà ngoại giao Vatican cũng nhớ đến các Bài đọc kể về sự đau khổ vô tội của Chúa và của tiên tri Giêrêmia, cũng như ngài nhắc đến vô số người vô tội đang phải chịu đau khổ ngày nay.

Đức Tổng Giám Mục Gallagher giải thích rằng đứng trước “rất nhiều người vô tội đang đau khổ, những người công chính, bị bách hại hoặc bịt miệng bởi những người làm ngơ trước thông điệp cứu rỗi của Chúa Giêsu Kitô, chúng ta hãy tiếp tục câu chuyện về Người Tôi Tớ Đau Khổ và Người Công Chính bị bách hại, bị chính dân Người phản bội và bị những kẻ quyền thế bách hại, bị kết án tử hình khủng khiếp trên Thập Giá.”

Bất chấp sự đau khổ tột cùng của Chúa Giêsu, “thông điệp của Ngài” là “đầy hy vọng”, bởi vì khi kết thúc sứ mệnh của Ngài “không có cái chết, mà là sự sống”.

Vì vậy, giống như Thày chúng ta, chúng ta, những môn đệ của Người, không được tìm kiếm thành công, nhưng chỉ tìm kiếm ý muốn của Thiên Chúa, đặt mình phục vụ người khác, trở nên nhỏ bé, hiến mạng sống mình cho người khác. Ngài thừa nhận, điều này “thường sẽ dẫn đến sự sỉ nhục và thất bại trước người khác, nhưng đó là con đường duy nhất cho bất kỳ môn đệ chân chính nào của Chúa Giêsu Kitô”.

Ngài nói: “Chúa đã chứng minh bằng chính cuộc sống của Ngài rằng con đường này là có thể thực hiện được”.

Đức Tổng Giám Mục Gallagher nhấn mạnh: “Trong bối cảnh quốc tế mà Đức Thánh Cha từ lâu đã xác định là một Thế chiến thứ ba từng mảnh, chúng ta được mời gọi trước hết trở thành những Kitô hữu đích thực, có khả năng được Chúa Thánh Thần dẫn dắt.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã thực hiện chuyến tông du tới Thổ Nhĩ Kỳ, từ ngày 28 đến ngày 30 tháng 11 năm 2014, khi bắt đầu triều đại giáo hoàng của ngài, nơi ngài nối bước người tiền nhiệm là Thánh Giáo hoàng Phaolô VI, người đã đến thăm quốc gia có đa số dân là Hồi giáo này 50 năm trước.

Như Đức Phaolô VI đã làm với Thượng phụ Đại kết lúc bấy giờ của Constantinople Athenagoras vào năm 1964, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gặp Thượng phụ Đại kết đương nhiệm, Đức
Source:Vatican News