Ngày 06-03-2016
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:05 06/03/2016
6. EM CỦA QUAN LỤC SỰ LÔ.

Ở huyện Quắc có một viên lục sự họ Lô, một hôm vì muốn lấy lòng Thích Sử, bèn nói:
- “Táo nhà tôi vừa mới chín, vài bữa nữa tôi đem biếu đại nhân vài quả ăn thử cho biết.”
Thích Sử rất phấn khời.
Sau khi về nhà liền sai đứa em đi lấy táo, đứa em bước vô nhà, nhưng rất lâu mà không thấy đi ra, lục sự bèn đi vào hỏi thì đứa em trả lời:
- “Lúc vừa mới bước vào thì táo đã bị ăn gần hết ạ !”
Quan lục sự nghĩ rằng táo đã bị người khác ăn mất tiêu, nên giận dữ nó:
- “Thằng ngốc, người ăn táo có nói gì với mày không ?”
- “Nó bảo là em của quan lục sư Lô.”

Lại hỏi:
- “Đây là táo chưa chín, làm sao có thể ăn hết được chứ ?”
Đứa em trả lời:
- “Ăn từng quả từng quả thì hết ngay ạ !”
Lại hỏi:
- “Người đàn ông này hình dáng như thế nào ?”
Đứa em nói:
- “Đến ăn táo, người thấy khát thì ăn sạch trơn !”
(Khải Nhan lục)

Suy tư 6:
Khi chúng ta thấy một gia đình có tiếng là đạo đức mấy đời, cha mẹ thật thà chất phác, có người làm linh mục làm bà sơ, mà trong gia đình lại có những người sống hoang đàng, tội lỗi, thì chúng ta thường chê trách này nọ, nói: “Con dòng cháu giống chi mà lạ thế, hư thân mất nết...”
Em của viên lục sự ăn hết táo nhưng nói quanh co không ngay thật.

Cũng vậy, mọi người sẽ chê cười chúng ta khi chúng ta sống không đúng với đức tin của người Công Giáo, khi chúng ta mang danh là con cái của Thiên Chúa nhưng lại sống như con cái của ma quỷ, nghĩa là vẫn nói hành nói xấu người khác, vẫn âm mưu hại người, vẫn tham lam và đắm mê sắc dục.v.v...người ta sẽ nói như thế này về chúng ta: “Người Công Giáo chi mà lạ thế, sống như lũ ăn cướp...”
Không ai nhìn thấy Thiên Chúa cả vì Ngài là Đấng vô hình, nhưng mọi người có thể thấy được việc làm của Thiên Chúa qua mọi hành động của chúng ta: bác ái và yêu thương. Và khi chúng ta vì yêu thương tha nhân mà làm công việc bác ái, thì chúng ta đã giới thiệu khuôn mặt hiền hậu và yêu thương của Thiên Chúa cho mọi người rồi vậy.
Vậy thì, ai dám chê cười chúng ta là người Công Giáo mà sống như phường tội lỗi chứ ?

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư

-------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:07 06/03/2016

27. Con người ta trước là có thói quen phạm tội không khiết tịnh, sau đó thì dễ dàng bị cám dỗ. Dâm tư ác niệm, lòng người buồn phiền, phần nhiều là phạt tội đã phạm trước, phải tránh cám dỗ này, phải hết sức sửa chữa sai lầm trước kia.

(Thánh Gregorius)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(Dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")

----------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Cha Raniero Cantalamessa trình bày trước giáo triều Rôma những suy tư về việc công bố Lời Chúa
Đặng Tự Do
16:13 06/03/2016
Trong bài tĩnh tâm Mùa Chay thứ Ba dành cho giáo triều Rôma, Đức Thánh Cha Phanxicô và các thành viên trong Giáo triều đã tiếp tục suy tư trên Hiến Chế Tín Lý về Mạc Khải của Thiên Chúa “Dei Verbum”, Lời của Thiên Chúa. Đây là một trong những tài liệu quan trọng của Công đồng Vatican II.

Hôm thứ Sáu 4 tháng Ba, Cha Raniero Cantalamessa dòng Capuchin Phanxicô, giảng thuyết viên phủ Giáo Hoàng, đã tập trung vào việc “công bố Lời Chúa” là chủ đề tiếp theo sau ba chủ đề trước đó là “Đón nhận Lời Chúa, suy tư Lời Chúa và đặt Lời Chúa vào thực tế cuộc sống”

Khi rao giảng Tin Mừng, “hành động hùng hồn hơn lời nói,” Cha Cantalamessa nhận xét rằng ngay cả “những người dành phần lớn thời gian của họ ngồi đằng sau bàn giấy vẫn có thể đóng góp vào việc rao giảng Tin Mừng.”

Phát biểu về các thành viên trong Giáo triều, Cha Raniero Cantalamessa nói: “Nếu một người nào đó quan niệm công việc của mình như là một sự phục vụ cho Đức Giáo Hoàng và cho Giáo Hội, nếu anh ta canh tân ý nguyện này thường xuyên và không cho phép mối quan tâm về sự nghiệp của mình chiếm ưu tiên trong trái tim mình, thì người nhân viên khiêm tốn của một Bộ nào đó vẫn có thể đóng góp cho công cuộc truyền giáo hiệu quả hơn là một nhà giảng thuyết chuyên nghiệp, đang tìm cách làm hài lòng người ta hơn là Thiên Chúa “.

Để trở thành một nhà truyền giáo, người ta phải “bước ra ngoài”. Và cánh cửa đầu tiên chúng ta phải thoát ra là “cánh cửa của cái tôi của mình,” bỏ lại sau lưng những “ganh tị, ghen tuông, những lo âu bối rối, cay đắng, thù hận và hằn học.” Để trở thành nhà truyền giáo hiệu quả có thể ảnh hưởng người khác một cách tích cực, chúng ta không chỉ nghiên cứu và rao giảng lời Chúa, chúng ta phải cầu nguyện với Lời Chúa và đồng hóa mình trong đó vì “chỉ có những gì xuất phát từ trái tim mới đến được trái tim.”

Tình yêu và lòng từ bi cũng là dấu hiệu của những người rao giảng sự thật, cha Cantalamessa nhấn mạnh. “Trên tất cả là tình yêu dành cho Chúa Giêsu. Chính tình yêu dành cho Chúa Kitô thúc đẩy chúng ta. “Việc chăn dắt và giảng dạy phải xuất phát từ tình yêu chân thật đối với Chúa Kitô vì chỉ có người đang ở trong tình yêu với Chúa Giêsu mới có thể công bố Ngài cho thế giới với một niềm tin sâu sắc.”
 
Phải trả công đạo lại cho Đức Hồng Y George Pell
Vũ Văn An
00:39 06/03/2016
Theo dõi vụ Đức Hồng Y Pell ra trước Ủy Ban Hoàng Gia Úc điều tra các đáp ứng định chế đối với việc lạm dụng tình dục trẻ em, người ta không khỏi có cảm tưởng ngài bị cô lập bởi mọi người, kể cả dư luận và báo chí Công Giáo.

Trả lời cuộc phỏng vấn độc quyền của ký giả Andrew Bolt của tờ Herald Sun, ngài cho rằng ngài đã trở thành “nhân vật đáng ghét” (hate figure), đã chịu “một cuộc tra vấn thù nghịch… và là mục tiêu của một chiến dịch truyền thông tiêu cực một cách tàn nhẫn” tại quê hương ngài. Ngài nhận xét: “một trong những điều đáng lưu ý là khi bạn trở thành một nhân vật đáng ghét, thì người ta hoặc tưởng tượng hoặc… tôi không biết… ra đủ thứ chuyện tồi tệ nhất về bạn”.

Theo ngài, đó là lý do tại sao trong buổi tra vấn, ngài có thái độ lạnh lùng (stoical) trước Ủy Ban Hoàng Gia. Ngài muốn nén tính nóng như lửa (fiery temper) để tự chủ và điều này “giúp giải thích dáng vẻ như gỗ của tôi”.

Thực sự, như chính các đài truyền hình Úc sáng hôm qua đã phải thừa nhận và trình chiếu, ngài đã nghẹn lời khi đề cập tới các nạn nhân, ngay trong cuộc phỏng vấn của Bolt.

Cũng trong cuộc phỏng vấn này, ngài cho hay: “tôi muốn người ta xử sự công bằng với tôi, ai cũng cần được đối xử công bằng, chắc chắn Giáo Hội Công Giáo có cái quyền ấy. Tôi là một Kitô hữu, tôi là một linh mục. Rất có thể tôi đã đặt Giáo Hội lên trước hết trong một thời gian hơn là các nạn nhân, nhưng chắc chắn tôi không ở đây để đặt tôi lên trước hết, chúng ta không làm thế”.

Được hỏi liệu Giáo Hội có bị người ta đòi phải có một tiêu chuẩn cao hơn không, ngài trả lời: “tôi nghĩ chắc chắn đây là điều cần được khảo sát và tôi nghĩ chúng ta đang làm việc này theo nhiều cách”.

Như trên đã nói, trong cuộc phỏng vấn này, ngài đã nghẹn lời khi thuật lại cuộc gặp gỡ với các nạn nhân, nhất là với David Ridsdale, cháu trai của cựu linh mục khét tiếng ấu dâm Gerard Ridsdale. Ngài cho biết việc hòa giải với anh ta, vốn cũng là một nạn nhân của ông chú Gerard và là người từng tố cáo ngài hối lộ để bịt miệng anh ta, là một việc “gây xúc động sâu xa. Tôi là một người bạn của David Ridsdale. Tôi luôn luôn là một người bạn của Ridsdale”.

Một con người như thế và thề hứa sẽ biến Ballarat thành một điển hình của hàn gắn, một điều mà ngài chắc chắn làm (ngài nói với Bolt, dù sức khỏe không bảo đảm, nhưng trong tương lai ngài sẽ trở về Úc), mà vẫn bị người ta tiếp tục coi là “nhân vật đáng ghét”. Đã đến lúc phải trả công đạo lại cho ngài.

Rất tiếc, ngay dư luận và báo chí Công Giáo cũng ít có người chịu bênh vực một trong những tiếng nói mạnh mẽ bênh vực Giáo Hội dù là trong phạm vi tín lý, luân lý, hay tài chánh. Có chăng chỉ có ký giả John Allen.

Trong một bài báo ngày 4 tháng Ba, ký giả trên viết rằng: “sau một tuần làm chứng đầy trầy trụa của Đức Hồng Y Pell trước Ủy Ban Hoàng Gia Úc khảo sát hồ sơ của ngài về các vụ lạm dụng tình dục trẻ em, vị giáo phẩm 74 tuổi rất có thể đã cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô đủ lý do để biện minh cho việc giữ ngài lại ở Vatican, cả vì lý do thiếu sự tiết lộ về bất cứ thứ ‘khói sung’ nào mới lẫn việc ngài cam kết hỗ trợ các cố gắng chống lạm dụng”.

Về chính cuộc tra vấn của Ủy Ban Hoàng Gia, John Allen cho rằng: “phiên tòa bốn ngày không hề là một cuộc dạo chơi công viên, và (Đức Hồng Y) Pell chắc chắn đã bị đấm nhiều lần”.

Nhưng theo John Allen, có năm cách qua đó Đức Hồng Y Pell có thể có được một thế đứng mạnh hơn nhờ trải nghiệm này.

Thứ nhất, cuộc tra vấn kéo dài tới 19 tiếng đồng hồ tất cả, lại trong đêm, trong 4 ngày, không đạt được bất cứ thứ ‘khói súng’ nào mới chứng tỏ Đức Hồng Y Pell trực tiếp biết việc lạm dụng và che đậy nó. Ngài nhìn nhận trường hợp năm 1974 có nghe một học sinh nói với ngài rằng một linh mục tại một trường ở địa phương “có tác phong không đúng với các bé trai” nhưng nhấn mạnh cậu học sinh này không yêu cầu một hành động nào cả.

Xét cho cùng, theo John Allen, lời kết tội chính xem ra không ở điều ngài biết cho bằng ở điều ngài nên biết, không ở điều ngài làm mà ở điều ngài nên làm. Tuy nghiêm trọng, nhưng không phải là những điều lập thành một tội ác đúng nghĩa. Và cùng một câu hỏi như thế cũng có thể hỏi bất cứ ai ở Ballarat hồi đó.

Thứ hai, Đức Hồng Y Pell đã trải qua một diễn trình rất căng thẳng mà không hề kêu ca, đồng ý làm chứng từ 10 giờ mỗi đêm ở Rôma tới 2, 3 giờ sáng. Luật pháp đâu có buộc ngài phải làm thế, thành thử sự hợp tác của ngài quả có ý nghĩa.

Thứ ba, sau cuộc điều tra, Đức Hồng Y Pell đã gặp các nạn nhân bị lạm dụng cùng thân nhân và những người ủng hộ họ từ Úc qua dự cuộc điều tra, với một số ít người sau đó có những nhận định tích cực đáng kể.

Nạn nhân Philip Nagel, chẳng hạn, người bị một linh mục ở Ballarat lạm dụng lúc Đức Hồng Y Pell là đại diện giám mục về giáo dục, cho biết: “tôi nghĩ ngài đã nắm được vấn đề. Chúng tôi nói về tương lai, chứ không nói đến dĩ vang. Chúng tôi nói về bồi thường, về săn sóc, về tương lai như thế nào dành cho chúng tôi, cho các nạn nhân của lạm dụng và Giáo Hội từ trình độ của George (Pell) trở xuống sẽ giúp đỡ chúng tôi ra sao”.

Điều trên ngầm cho thấy Nagle coi vai trò của Đức Hồng Y Pell như là một thành phần của giải pháp chứ không phải một thành phần của vấn đề.

Thứ tư, Đức Hồng Y Pell thề hứa sẽ hỗ trợ các nạn nhân và các cố gắng phục hồi họ, trong đó có việc hứa giúp lập ra một trung tâm nghiên cứu Úc Châu để ngăn ngừa và khám phá việc lạm dụng.

Thứ năm, cuối cuộc tra vấn, Đức Hồng Y Pell không dùng các nhận xét của ngài trước các ký giả để than thở việc thiếu công bằng hay cho rằng mình là người tử vì đạo.

Ở Sydney, có Alan Jones, người nổi tiếng điều khiển chương trình hội thoại của 2GB, dù không phải là người Công Giáo, cũng đã góp phần trả công đạo cho Đức Hồng Y Pell khi cho rằng lúc xẩy ra các vụ lạm dụng tình dục ở Ballarat, Đức Hồng Y Pell mới khoảng 28 tuổi, một linh mục trẻ măng, làm sao mà biết hết được chuyện nội bộ của giáo phận. Thành thử hạch hỏi và quy kết cho ngài khả năng này quả là điều phi lý.

Thực vậy, Ủy Ban Hoàng Gia chắc chắn cố tình loại bỏ các hiểu biết của họ liên quan đến văn hóa Úc thời đó và nhất là văn hóa Công Giáo lúc ấy: một linh mục trẻ ít được các vị bề trên, trong một hệ thống phẩm trật chặt chẽ và cao độ, nể đến phải mang đủ thứ chuyện ra tỏ bày, nhất là với vị giám mục Ballarat hồi ấy, người mà Đức Hồng Y Pell xác nhận là quá tin vào khả năng của tâm lý học có thể “cải huấn” hay “phục hồi” hay “chỉnh hình” gì đó cho một người dù sao mình cũng đã vất vả đào tạo ra, thì việc gì phải xin ý kiến của một ông linh mục “con nít” 28 tuổi mới ra lò làm chi cho mất thì giờ. Xê ra chỗ khác cho người ta nhờ
 
Bài giảng của Đức Thánh Cha trong nghi thức thống hối tại Đền Thờ Thánh Phêrô
J.B. Đặng Minh An dịch
15:19 06/03/2016
Trong khuôn khổ Năm Thánh Lòng Thương Xót, chiều thứ Sáu 4 tháng Ba, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự nghi thức thống hối tại Đền Thờ Thánh Phêrô với sự tham dự của 5 Hồng Y, và đông đảo các linh mục, tu sĩ và 6 ngàn giáo dân. Sau bài đọc trích từ sách ngôn sứ Isaia, và bài Tin Mừng về phép lạ Chúa Giêsu chữa lành người mù bẩm sinh Bácthôlômêô, Đức Thánh Cha đã giảng như sau:

“Tôi muốn lại được nhìn thấy một lần nữa” (Mc 10:51). Đây là những gì chúng ta khẩn cầu cùng Chúa hôm nay. Chúng ta xin được nhìn thấy một lần nữa, vì tội lỗi của chúng ta đã làm cho chúng ta hết còn thấy tất cả những gì là tốt lành, và đã cướp đi khỏi chúng ta vẻ đẹp trong ơn gọi của chúng ta, và dẫn dắt chúng ta xa dần đích điểm cuộc hành trình của mình.

Đoạn Tin Mừng này có giá trị biểu tượng tuyệt vời cho cuộc sống của chúng ta, bởi vì tất cả chúng ta đều thấy mình trong tình trạng tương tự như người mù Bácthôlômêô. Sự mù lòa đã dẫn ông đến cảnh nghèo đói và phải sống ở ngoại ô thành phố, phụ thuộc vào người khác trong tất cả mọi thứ anh cần. Tội lỗi cũng có tác dụng này: nó bần cùng hóa chúng ta và cô lập chúng ta. Chính sự mù lòa về tinh thần ngăn cản chúng ta nhìn thấy những gì là quan trọng nhất, và khiến chúng ta không còn dán cái nhìn của chúng ta vào tình yêu mang lại cho chúng ta sự sống. Sự mù lòa này dẫn chúng ta từng bước một bám víu vào những gì là hời hợt, cho đến khi chúng ta lạnh nhạt với tha nhân và hờ hững với những điều lương hảo. Biết bao những cám dỗ có sức mạnh che mờ tầm nhìn của con tim và khiến nó ra thiển cận! Chúng ta thật dễ dàng bị lừa đảo để tin rằng cuộc sống chúng ta phụ thuộc vào những gì chúng ta có, vào những thành công của chúng ta và những khen tặng chúng ta nhận được. Chúng ta cũng thật dễ dàng bị lừa đảo để tin rằng để tin rằng nền kinh tế chỉ là vì lợi nhuận và tiêu dùng; và ham muốn cá nhân quan trọng hơn so với trách nhiệm xã hội! Khi chúng ta chỉ nhìn vào chính chúng ta, chúng ta trở nên mù quáng, thiếu sức sống và tự coi mình là trung tâm, để rồi không còn những niềm vui và sự tự do đích thực.

Nhưng Chúa Giêsu đi ngang qua; Ngài đi ngang qua, và Ngài dừng lại: Tin Mừng nói với chúng ta rằng “Ngài dừng lại” (câu 49). Con tim chúng ta bồi hồi, bởi vì chúng ta nhận ra rằng Ánh Sáng đang nhìn chằm chằm vào chúng ta, chính Ánh Sáng dịu dàng ấy mời gọi chúng ta bước ra khỏi sự mù tối của mình. Sự gần gũi của Chúa Giêsu khiến cho chúng ta thấy rằng khi chúng ta đang ở xa Ngài thì có một cái gì đó quan trọng còn thiếu vắng trong đời sống của chúng ta. Sự hiện diện của Ngài làm cho chúng ta cảm thấy cần đến ơn cứu độ, và điều này bắt đầu chữa lành con tim chúng ta. Sau đó, khi mong muốn được chữa lành của chúng ta trở nên mãnh liệt hơn, nó dẫn chúng ta đến sự cầu nguyện, để gào lên xin được giúp đỡ một cách thống thiết và kiên trì như người mù Bácthôlômêô: “Lạy Chúa Giêsu, Con vua David, xin thương xót tôi!” (Câu 47).

Thật không may, như “nhiều” nhân vật trong Tin Mừng, luôn luôn có những kẻ không muốn dừng lại, luôn luôn có những kẻ không muốn bị phiền hà bởi người khác đang kêu gào vì đau đớn, luôn luôn có những kẻ thích sự im lặng và quở trách người cần đến sự giúp đỡ, xem họ chẳng qua chỉ là một mối phiền toái (x v. 48). Có một cám dỗ để làm lơ và đi tiếp như thể không có gì, nhưng khi đó chúng ta sẽ xa dần Chúa và chúng ta cũng sẽ ngăn những người khác không cho đến gần Chúa Giêsu. Cầu xin cho chúng ta có thể nhận ra rằng tất cả chúng ta đang van xin tình yêu của Thiên Chúa, và không cho phép mình bỏ lỡ cơ hội khi Chúa đi qua như Thánh Augustinô nói “Timeo transeuntem Dominum”. Chúng ta hãy bày tỏ mong muốn chân thật nhất của chúng ta: “Lạy Chúa Giêsu, xin cho con được sáng mắt!” (Câu 51). Năm Thánh Lòng Thương Xót này là thời điểm thuận lợi để chào đón sự hiện diện của Thiên Chúa, để trải nghiệm tình yêu của Ngài và trở về với Ngài với tất cả con tim chúng ta. Giống như người mù Bácthôlômêô, chúng ta hãy cởi bỏ chiếc áo choàng của chúng ta và trỗi dậy trên đôi chân của mình (câu 50): Nghĩa là, chúng ta hãy gạt sang một bên tất cả những gì ngăn cản chúng ta chạy nhanh về phía Ngài, và đừng sợ phải bỏ lại đằng sau những gì đang cho chúng ta cảm giác an toàn, và khiến chúng ta bo thiết với chúng. Chúng ta đừng ngồi một chỗ nữa, nhưng chúng ta hãy đứng dậy và tìm lại giá trị tinh thần của chúng ta một lần nữa, tìm lại phẩm giá của chúng ta như những con trai, con gái đáng yêu trước mặt Chúa để chúng ta có thể nhìn thấy Ngài, được thứ tha và tái sinh.

Ngày nay, hơn bao giờ hết, chúng ta, những mục tử đặc biệt được mời gọi để nghe tiếng kêu xin, có lẽ trong âm thầm, của tất cả những người muốn gặp gỡ Chúa. Chúng ta cần phải xem xét lại những hành vi của chúng ta mà từng nơi từng lúc không giúp đỡ người khác đến gần Chúa Giêsu; xét lại những kế hoạch và chương trình không đáp ứng được nhu cầu thực sự của những người có thể chỉ đến với bí tích giải tội như những quy định của con người, nếu họ xem mình quan trọng hơn so với ước muốn được tha thứ. Sự thiếu linh hoạt của chúng ta có thể khiến cho nhiều người không đến được sự dịu dàng của Thiên Chúa. Chúng ta phải chắc chắn là không được bỏ qua các đòi buộc của Tin Mừng, nhưng chúng ta không thể gây ra nguy cơ làm nản lòng nơi những người phạm tội muốn được hòa giải với Cha. Điều Cha đang chờ đợi nhiều hơn bất cứ điều gì chính là những con trai và con gái của mình quay trở về nhà (xem Lc 15: 20-32).

Xin cho những lời của chúng ta là những lời của các môn đệ, là những người vang vọng lời Chúa Giêsu nói với Người mù Bácthôlômêô: “ Cứ yên tâm, đứng dậy, Người gọi anh đấy!”(Mc 10:49). Chúng ta đã được gửi đến để kích thích lòng can đảm, để hỗ trợ và dẫn dắt người khác đến với Chúa Giêsu. Sứ vụ của chúng ta là một sứ vụ hỗ trợ để các cuộc gặp gỡ với Chúa có thể xảy ra cá vị và thân mật, và con tim có thể tự mở ra cho Đấng Cứu Thế trong sự thành thật và không sợ hãi. Cầu xin cho chúng ta đừng quên: chỉ một mình Thiên Chúa là Đấng hoạt động trong mọi người. Trong Tin Mừng chính Ngài là người dừng lại và nói với người mù; chính Ngài là người ra lệnh đem người đàn ông tới cho Ngài, và chính Ngài là người lắng nghe và chữa lành anh ta. Chúng ta đã được chọn để đánh thức ước muốn hoán cải, để là công cụ tạo điều kiện cho cuộc gặp gỡ này, để giang tay ra và xá giải, và như thế làm cho lòng thương xót của Ngài được tỏ tường và có hiệu quả.

Kết luận của câu chuyện Tin Mừng rất có ý nghĩa: Người mù Bácthôlômêô “ngay lập tức thấy được và đi theo Người” (câu 52). Khi chúng ta đến gần Chúa Giêsu, chúng ta cũng thấy lại một lần nữa ánh sáng cho phép chúng ta nhìn về tương lai với sự tự tin. Chúng ta thấy một lần nữa sức mạnh và lòng can đảm để cất bước lên đường. “Những ai tin, thì được nhìn thấy” (Lumen Fidei, 1) và họ ra đi trong niềm hy vọng, bởi vì họ biết rằng Chúa đang hiện diện, rằng Ngài đang dưỡng nuôi và hướng dẫn họ. Chúng ta hãy đi theo Ngài, như những môn đệ trung thành, để chúng ta có thể dẫn tất cả những người chúng ta gặp gỡ đến chỗ trải nghiệm được niềm vui của tình yêu thương xót của Ngài.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Nam Úc: Video Hội Ái Mộ Cha Phanxicô Trương Bửu Diệp Hành Hương Năm Thánh
Truyền Thông SA
20:36 06/03/2016
CÙNG CHA P.X TRƯƠNG BỬU DIỆP HÀNH HƯƠNG NHÀ THỜ CHÁNH TÒA ADELAIDE

Vào sáng thứ Bảy ngày 27/02/2016 trong tâm tình cảm tạ tri ân và cũng là dịp để đón nhận ơn toàn xá trong năm thánh Lòng Thương Xót. Hội Ái Mộ Cha Fx. Trương Bửu Diệp Úc Châu - Nam Úc đã tổ chức một chương trình hành hương về nhà thờ chánh toà Francis Xavier của Tổng Giáo Phận Adelaide, để tổ chức cuộc rước kiệu, bước vào cửa thánh Lòng Thương Xót và tham dự thánh lễ.

Buổi hành hương đã quy tụ rất đông bà con tín hữu và đồng hương Việt Nam cư ngụ từ các vùng ngoại ô thành phố Adelaide cũng như các vùng phụ cận cùng về tham dự với tinh thần hân hoan và sốt sáng trong ngày hành hương.

Ngay từ lúc 9 giờ 00 sáng thứ Bảy 27/2/2016 bà con khắp nơi đã tấp nập cùng nhau về nhà thờ chánh tòa, tọa lạc ngay trung tâm thành phố Adelaide bằng nhiều phương tiện khác nhau.

Trong khuôn viên nhà thờ chánh tòa sáng nay, những chiếc áo dài tha thướt của các bà các cô xen kẽ với những chiếc áo dài khăn đóng truyền thống màu xanh của quý ông, đã tạo cho khung cảnh buổi sáng của khuôn viên nhà thờ trở nên náo nhiệt khác thường.

XEM HÌNH – SEE PHOTOS

XEM VIDEO

Đúng 10 giờ 15’ sáng chương trình khai mạc hành hương được bắt đầu. Trong không khí trang nghiêm của giờ khai mạc tại hội trường chính của giáo xứ chánh tòa mọi người đã cùng hiệp thông với cha Phêrô Trần Quang Tòng trong những lời cầu nguyện qua nghi thức khai mạc và tâm tình thống hối để chuẩn bị tâm hồn thanh sạch đón nhận ơn tha thứ, bước qua cửa Thánh Lòng Thương Xót và lãnh nhận ơn toàn xá.

Sau nghi thức khai mạc là chương trình rước kiệu. Khởi đầu là thánh gía nến cao, tiếp đến là biểu tượng Lòng Thương Xót. Đây là một biểu tưởng của giáo xứ Ottoway mang theo đoàn hành hương. Biểu tượng này được cha chánh xứ Marek phát động trong năm Thánh, luân lưu đến từng gia đình trong giáo xứ để khuyến khích và nhắc nhở người tín hữu về Lòng Thương Xót của Chúa trong năm thánh ngoại thường này.

Điểm đăc biệt trong cuộc hành hương hôm nay là Hội Ái Mộ Cha TRương Bửu Diệp Úc Châu -Nam Úc đã cung thỉnh tượng cha Diệp theo đoàn hành hương, mang ý nghĩa như cùng với người Cha nhân hiền dẫn dắt đoàn con, đồng hành bước qua cửa Thánh.

Tượng cha Trương Bửu Diệp được rước cùng với đoàn hành hương chen lẫn giữ đoàn tín hữu gợi nhớ về hình ảnh của vị mục tử nhân hiền trong họ đạo Tắc Sậy năm xưa, người đã sống và chết vì đoàn chiên, đến nay đã tròn 70 năm.

Theo sau là cả đoàn người đông đảo với tâm tình thống hối và lòng ước ao đón nhận ơn Thánh Chúa qua việc bước qua cửa Thánh, nơi được mở ra như trái tim của người cha nhân lành đón nhận người con hoang đàng trở về.

Khi đoàn rước tiến đến trước cửa Thánh, cha Phêrô Trần Trọng Mỹ, phó xứ chánh tòa đã đón chào đoàn hành hương và diễn giải về ý nghĩa của Lòng Thương Xót, rảy nước thánh và xông hương cửa thánh, trước khi cửa công chính được mở ra cho đoàn hành hương tiến vào thánh đường.

Đoàn rước đông đảo gồm nhiều tín hữu VN từ khắp nơi, có những người Úc trong các giáo xứ thuộc giáo xứ chánh tòa, giáo xư Ottoway và một số khách du lịch các nước đang thăm viếng thành phố Adelaide và có cả những lương dân VN mến mộ cha Diệp cũng hiện diện trong đoàn hành hương này.

Khi mọi người đã bước qua cửa thánh, biểu tượng Lòng Thương Xót và kiệu cha Diệp đã được an vị trang nghiêm trước gian cung thánh, thì Cha Chủ Sự đặt Mình Thánh Chúa trên bàn thờ, mọi người cùng hiệp thông trong giờ chầu Thánh Thể.

Cùng với Cha Chủ Sự, mọi người cung kính tôn thờ Chúa, những kinh nguyện cảm tạ ngợi khen trước Thánh Thể vang vọng cả nhà thờ chánh toà trong một ngày đẹp trời, tiếng kinh cầu đối đáp hòa lẫn với những bài thánh ca bằng cả 2 ngôn ngữ Anh và Việt của ca đoàn Saint Patrick (Manfield Park) và cộng đoàn cầu nguyện đã làm nao nức lòng người.

Phép lành Thánh Thể được ban phát đến mọi nguời hiện diện, ơn Chúa như tràn ngập những tấm lòng đạo đức nhiệt thành, hòa lẫn với những làn hương thơm tỏa lan từ nơi cung điện Thiên Chúa trong ân sủng tuyệt với của năm Thánh Lòng Thương Xót.

Trong suốt giờ chầu Thánh Thể có 6 cha ngồi tòa giải tội, (gồm bốn cha người Úc thuộc nhà thờ chánh tòa và hai cha Việt Nam) nhằm giúp cho những người tín hữu có cơ hội làm hòa với Thiên Chúa qua bí tích hòa giải là một trong những điều cần thiết để lãnh nhận ơn toàn xá trong năm Thánh.

Kết thúc giờ chầu Thánh Thể là thánh lễ Tạ Ơn đồng tế được cử hành vào lúc 11 giờ 30 sáng với sự hiện diện của quý cha tại nhà thờ chánh tòa, 2 thày phó tế, 2 linh mục Việt Nam. Cha Phêrô Trần Trọng Mỹ, phó nhà thờ chánh tòa, chủ tế thánh lễ.

Thánh lễ diễn ra thật trang trọng qua các bài Thánh Thư, bài Phúc Âm, bài giảng lời nguyện giáo dân và thánh ca xen kẽ bằng 2 ngôn ngữ, đã giúp cho mọi người kết hợp mật thiết trong thánh lễ với tâm tình cảm tạ tri ân và thống hối của người hành hương.

Sau lời nguyện hiệp lễ, ông hội trưởng Nguyễn Ngọc Cường có đôi lời cảm tạ quý cha, cám ơn sự hỗ trợ và đóng góp công sức của nhiều người và sự tham gia đông đảo của mọi người đã tạo nên một thành quả trọn vẹn trong cuộc hành hương Năm Thánh.

Kết thúc thánh lễ mọi người cùng tiến qua cửa thánh để đi ra ngoài, như một hình thức trở về với cuộc sống và với những sinh hoạt thường nhật, qua lời nhắc nhở của Cha Chủ Sự bước ra khỏi cửa Thánh như một hình thức ra đi loan báo Tin Mừng và thực thi sứ vụ bác ái yêu thương giúp đỡ tha nhân như lời Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi mọi người thực thi trong năm Thánh Lòng Thương Xót này. Tiếng thánh ca như còn văng vẳng tiễn chân người hành hương rời khỏi thánh đường, trong niềm tin yêu.

Sau thánh lễ mọi người quy tụ về hội trường nhà xứ để cùng gặp gỡ, hàn huyên chia sẻ với nhau trong bữa ăn trưa khá thịnh soạn bằng những món ăn đặc sắc Việt Nam, những món ăn quen thuộc và ngon miệng được dọn trên hai dãy bàn dài do công sức đóng góp của nhiều người góp lại, những vị ân nhân có lòng, những người mến mộ và từng được ơn Chúa qua lời cầu bầu của cha Diệp đã là những nhân tố không thể thiếu trong việc tổ chức cuộc hành hương đầy ý nghĩa này.

Đặc biệt trong dịp này. Khi nghe tin Hội Ái Mộ Cha Trương Bửu Diệp Úc Châu - Nam Úc, có tổ chức cuộc hành hương về nhà thờ chính tòa TPG Adelaide. Hội Đồng Quản Trị Cộng Đồng Người Việt Tự Do Nam Úc đã hỗ trợ 2 chiếc xe Buses để đưa đón quí đồng hương nào muốn tham dự cuộc hành hương mà không có phương tiện di chuyển gồm: Một xe mini bus nhỏ 12 chỗ và một xe Bus 28 chỗ.

Chiếc xe bus 28 chỗ, đón hành khách gần trung tâm CĐ Công Giáo Pooraka và chiếc xe nhỏ đón khách hành hương từ trung tâm shopping Arndale vùng có đông người Việt định cư.

Hai xe Buses cùng khởi hành lúc 9 giờ 30 sáng và đến sân nhà thờ chính tòa trước 10 giờ 00 sáng, thứ Bảy 27/2/2016 để kịp tham dự cuộc rước kiệu hành hành hương qua cửa nhà thờ trong Năm Thánh.

Mọi nguời vui vẻ tham dự cuộc hành hương sốt sáng, đầy yêu thương đáng nhớ bên cha Trương Bửu Diệp.

Chương trình đã kết thúc lúc 2.00 chiều cùng ngày. (Tường trình từ Adelaide)
 
Về bên Mẹ Nà Phặc, Bắc Kạn trong Năm Thánh Lòng Thương Xót.
Tĩnh Nguyễn
09:35 06/03/2016
Về bên Mẹ Nà Phặc trong Năm Thánh Lòng Thương Xót.

Đã thành niềm mong mỏi của giáo dân khắp các giáo họ thuộc giáo xứ Bắc Kạn, cứ mỗi dịp xuân về, mọi người lại hồ hởi, náo nức cùng nhau về bên Mẹ Nà Phặc, về với Mẹ hằng cứu giúp! Cuộc hành hương năm nay, có sự hiện diện của cha Bề trên – chánh xứ Bắc Kạn Giuse Nguyễn Văn Tĩnh, cha phó Giuse Nguyễn Quốc Toản và cha phó Vinh-Sơn Bùi Thanh Quang. Ngoài những gương mặt thân quen của bà con giáo dân các giáo họ trong giáo xứ còn có sự góp mặt của đoàn hoa Mân côi giáo họ Ngọc Lâm, ban hành giáo giáo xứ Thái Nguyên, đặc biệt là anh chị em dân tộc H”Mông mới trở lại Đạo, anh chị em sinh sống ở những nơi xa xôi như Đà Lạt, Sài Gòn và cả những anh chị em đang sống và làm việc tại hải ngoại về thăm quê hương.

Xem Hình

Chiêm ngắm Mình Thánh Chúa Giêsu trong giờ chầu Thánh thể, chúng con trầm mình trong tâm tình của hai người con trong dụ ngôn “ Người cha nhân hậu”. Có lúc chúng con là đứa con hư hỏng, tội lỗi, ngỗ ngược, phung phí những tài sản quý giá mà Chúa ban để rồi khi tay trắng mới nhận ra rằng chỉ có Chúa mới yêu thương chúng con vô điều kiện, tha thứ vô điều kiện, luôn luôn cho chúng con cơ hội trở về làm lại cuộc đời. Và cũng có lúc chúng con là đứa con cả được yêu thương, được che chở, được ban cho mọi thứ mình cần vậy mà chúng con không nhận ra những đặc ân đó trong cuộc sống để rồi đòi hỏi, so bì, tị nạnh khiến Cha buồn lòng. Với tâm tình đó, trong giờ hành hương, chúng con chạy đến bên Mẹ, nhờ lời chuyển cầu của Mẹ Maria – Mẹ hằng cứu giúp, cho chúng con luôn biết sám hối, trở về để nhận ra lòng thương xót vô bờ bến của Chúa Cha, để được hưởng niềm vui hạnh phúc của những đứa con hư hỏng, tội lỗi khi quay đầu lại không những được tha thứ, yêu thương mà còn được Cha ấp ủ như đứa con đã mất nay tìm lại được, đã chết mà nay đã trở về.

Bài chia sẻ trong thánh lễ tạ ơn của cha Giuse Nguyễn Quốc Toản cho chúng con thấy thêm nhiều khía cạnh của lòng thương xót của Chúa Cha. Như người thợ làm vườn không quản ngại khó khăn, chăm lo cho cây cối luôn sinh hoa, kết quả, để nó không bị chặt đi mà quăng vào lửa đời đời, Chúa luôn cho chúng con cơ hội để dùng những ơn lành Chúa ban mà trao ban cho người khác khiến nó thêm hoa thơm quả ngọt cho đời, xin cho chúng con cũng biết cho đi đấu yêu thương, cảm thông, chia sẻ với mọi người để mai này chúng con được Chúa đong lại đấu yêu thương và cho chúng con được chia sẻ niềm vui, niềm hạnh phúc trong Nước trời gấp bội phần.

Lạy mẹ Maria – Mẹ là mẹ chúng con, Mẹ hiểu chúng con hơn hết, xin cho chúng con ý thức được thân phận yếu đuối, mỏng giòn của mình để biết sám hối, trở về cùng Mẹ, trở về cùng Chúa Cha đầy lòng thương xót, trở về cùng Chúa Giêsu – Thiên Chúa của tình yêu, nhất là trong mùa chay thánh này.
 
Đức Tổng Giám Mục Leopoldo Girelli, Đại Diện Đức Thánh Cha Thăm Mục Vụ Giáo xứ Bình Đại - Giáo Phận Vĩnh Long
Người La Mã
09:50 06/03/2016
Đức Tổng Giám Mục Leopoldo Girelli, Đại Diện Đức Thánh Cha Thăm Mục Vụ Giáo xứ Bình Đại - Giáo Phận Vĩnh Long

Niềm vui lớn của Chúa Nhật IV Chay được nhân lên gấp bội với cộng đoàn dân Chúa giáo xứ Bình Đại – Bến Tre – Giáo phận Vĩnh Long. Niềm vui đó chính là chiều hôm nay, cộng đoàn dân Chúa hân hoan chào đón chuyến viếng thăm mục vụ của Đức Tổng Giám Mục Leopoldo Girelli, Đại Diện Đức Thánh Cha. Cùng hiện diện trong chuyến viếng thăm này có Đức Cha Phêrô, Đức Ông Barnabe và quý cha.

Xem Hình

16 giờ 10 phút, chiếc xe chở Đức Tổng Giám Mục Leopoldo Girelli bắt đầu xuất hiện trước cổng của giáo xứ Bình Đại thân thương. Sự chuẩn bị chào đón đã sẵn và giờ đây là niềm vui thật lớn khi cộng đoàn bắt đầu thấy sự hiện diện của Đức Tổng.

16 g 30, Thánh Lễ tạ ơn bắt đầu với tâm tình của bài ca nhập Lễ: Chúng con về nơi đây dâng ngàn tiếng ca. Chúng con về nơi đây để tạ ơn Thiên Chúa. Qua bao tháng năm mong chờ, say sưa thánh ân vô bờ, được cùng nhau bên Chúa thỏa lòng con ước mơ.. .Với tiếng hát rạo rực niềm tin, với ánh mắt đọng lời nguyện xin, chúng con dâng muôn ngàn ý tình. Từng lời kinh hay từng cuộc sống, cùng hòa chung trong tình hiệp nhất, nguyện dâng lên Thiên Chúa tình thương. ...

Vị đại diện có lời chào mừng đến Đức Tổng Giám Mục Leopoldo Girelle, Đức Cha Phêrô, Đức Ông Barnabe và quý cha đến thăm họ đạo. Vị đại diện trình bày đôi nét về giáo xứ Bình Đại. Bình Đại thành lập 1876 với 447 giáo dân. Hiện nay, sau 140 năm thành lập, số giáo dân hiện đại 1482 trong số 27.813 dân Bình Đại. ..

Sau lời chào mừng và giới thiệu đôi nét về giáo xứ Bình Đại, cộng đoàn bước vào Thánh Lễ.

Mở đầu Thánh Lễ, Đức Cha Phêrô Huỳnh Văn Hai mời gọi cộng đoàn cùng nhìn đến Bài Tin Mừng hôm nay khi vào Chúa Nhật thứ IV mùa Chay. Đức Cha nói: Anh chị em thân mến ! Hôm nay chúng ta bước vào Chúa Nhật IV Mùa Chay. Hôm nay chúng ta nghe lại câu chuyện người cha nhân hậu và đứa con hoang đàng. Đứa con biết sám hối và người cha tha thứ. Chúng ta đều là người có tội nhưng Chúa luôn luôn đợi tha thứ, chúng ta hãy trở về với Chúa để đón nhận sự tha thứ của Chúa. Chúng ta ăn năn sám hối và trở về cúng Chúa. Chúng ta hãy nhìn nhận tội lỗi chúng ta để xứng đáng cử hành mầu nhiệm Thánh.

Trong bài chia sẻ của mình, Đức Tổng Giám Mục Leopoldo Girelle chia sẻ hình ảnh về người con hoang đàn (xin mời xem video giảng ). .. chúng ta hãy trở về với lòng thương xót của Cha và tin tưởng vào Cha.

Trước khi nhận phép lành cuối lễ, Cha xứ Giuse Trần Quốc Bảo có đôi lời cảm ơn Đức Khâm Sứ. Nhân dịp sinh nhật 13 tháng 3, Cha Giuse gửi đến Đức Khâm Sứ lời chúc mừng và tràng pháo tay thật lớn.

Kế đến, Cha xứ có đôi lời cảm ơn Đức Cha Phêrô, Đức Ông, quý cha đã dành tình cảm cho giáo xứ.

Sau lời cảm ơn, lẵng hoa chúc mừng là lời đáp của Đức Khâm Sứ. Đức Khâm Sứ gửi lời chào và phép lành của Đức Thánh Cha. Đức Khâm Sứ cũng cảm ơn Đức Cha Phêrô. Ngài cũng gửi lời chào Đức Ông. Ngài nói Ngài đã biết Đức Ông từ rất lâu. Ngài cũng chào quý cha, quý nữ tu, quý cộng đoàn. .. chúng ta cố găng giữ truyền thống tốt đẹp. Tôi biết anh chị em rất khó khăn trong công việc trồng tỉa và nuôi tôm. Anh chị em rất vất vả nhưng xin anh chị em xác tín rằng Chúa Giêsu luôn ở với anh chị em. Tôi gửi một chút quà như dấu ấn tôi đến viếng thăm nơi đây.

Sau lời của Đức Khâm Sứ là phép lành cuối Lễ.

Bài hát Kết Lễ kết thúc là những tấm hình có thể nói là ngàn năm một thuở được ghi lại dấu ấn đặc biệt của ngày hôm nay.

Người La Mã
 
Văn Hóa
Ernest Hemingway, tác giả “Ngư Ông và Biển Cả”, không quên lời hứa với Đức Mẹ
Vũ Văn An
20:09 06/03/2016
Nhân vật chính của Ernest Hemingway, Santiago, thuyền trưởng chiếc thuyền đánh cá trong tác phẩm thời danh của ông, Ngư Ông và Biển Cả, từng đọc kinh Kính Mừng và kinh Lạy Cha. Đó là hai kinh ông đọc “nếu con bắt được con cá này”. Trong tiểu thuyết của Hemingway, Santiago cũng hứa sẽ hành hương kính viếng Nữ Trinh De Cobre (Đức Mẹ Bác Ái Cuba) nếu ông bắt được con cá.

Mô tả suốt trong cuốn tiểu thuyết là các di tích Công Giáo của Nữ Trinh De Cobre và Thánh Tâm Chúa Giêsu. Các di tích này là những đồ trưng bày duy nhất trong căn chòi của Santiago và vốn là sở hữu của người vợ quá cố của ông.

Nhiều người đã quen thuộc với các âm sắc tôn giáo và Công Giáo của Ngư Ông và Biển Cả, nhưng ít người biết sự nối kết đối với lời hứa hư cấu của Santiago với Nữ Trinh De Cobre và món quà thực sự của chính Hemingway tặng Nữ Trinh Maria. Điều chắc chắn là chính Ernest Hemingway cũng có cùng một lời hứa như Santiago, “nếu con bắt được con cá này”. Sau khi thắng giải Nobel về văn chương năm 1954, nhờ viết cuốn Ngư Ông và Biển Cả, rõ ràng là một con cá lớn, một giải thưởng ông từng theo đuổi, ông đã đi hành hương Đền Thánh Caridad del Cobre ở Cuba và dâng cho Nữ Trinh Diễm Phúc Maria giải thưởng Nobel của mình, một tấm huy chương.
Điều đáng lưu ý: đây không phải là lần đầu Ernest Hemingway nghĩ tới Nữ Trinh Maria. Trước việc dâng kính Giải Nobel Văn Chương cho Nữ Trinh De Cobre nhiều năm, Hemingway từng đi xem đấu bò tại Zaragoza, Tây Ban Nha. Chính ở đây, ông đã được chứng kiến Đền Cột.

Đức Mẹ Cột (Our Lady of the Pillar) là tên người ta dùng để gọi Nữ Trinh Diễm Phúc Maria vì cho rằng ngài đã hiện ra tại Tây Ban Nha. Đền thánh của ngài, đền thánh gây xúc động cho Hemingway, tọa lạc tại Vương Cung Thánh Đường Đức Mẹ Cột ở Zaragoza, cạnh Sông Ebro. Theo truyền thuyết, thời sơ khai của Giáo Hội, Thánh Tông Đồ Giacôbê Tiền đi truyền giảng Tin Mừng ở Caesaraugusta, nhưng sứ mệnh của ngài rất ít thành công cho tới ngày, lạ lùng thay, ngài thấy Đức Maria hiện ra với ngài. Trong thị kiến của thánh nhân, Đức Mẹ đứng trên một cái cột được các thiên thần khiêng tới khiêng lui. Người ta tin chiếc cột này chính là chiếc cột được tôn kính hiện nay ở Zaragoza. Nhiều việc chữa lành đã được tường thuật tại đây. Đây là lần hiện ra duy nhất của Đức Mẹ trước khi ngài được triệu về Thiên Đàng.

Sau thời gian ở Tây Ban Nha, Hemingway trở lại Hoa Kỳ và mua một chiếc thuyền đánh cá. Chiếc thuyền mà, cuối cùng, đã gợi hứng cho ông viết cuốn Ngư Ông và Biển Cả được đặt tên là Cột (Pilar). Như thế, chiếc thuyền thân thương của Hemingway đã được đặt tên theo các lần hiện ra của Đức Mẹ tại Zaragoza.

Chiếc thuyền của Hemingway ở Cuba hiện là nơi nổi tiếng đối với các du khách tới thăm nước này.

Đức Mẹ Bác Ái Mỏ Đồng

Wikipedia kể lại sự tích Đức Mẹ Bác Ái Mỏ Đồng (Nuestra Señora de la Caridad del Cobre) như sau:

Đây là bức tượng lạ của Nữ Trinh Maria thế kỷ 17. Được người Cuba hết sức sùng kính, nên Giáo Hội Công Giáo đã tôn vinh ngài là Quan Thầy của Cuba. Một đền thờ dâng kính Đức Mẹ Bác Ái hiện tọa lạc tại thị trấn mỏ El Cobre (Mỏ Đồng), ngoại ô Santiago de Cuba. Tại Santería, nữ thần Ochún đã được đồng bộ hóa với ngài. Ngài được người Cuba thân mật gọi là “Cachita” (Đức Mẹ Nhỏ). Lễ kính ngày 8 tháng Chín.

Lịch sử

Truyện về La Virgen de la Caridad del Cobre (Nữ Trinh Bác Ái Mỏ Đồng) xẩy ra khoảng năm 1608. Hai anh em, Rodrigo và Juan de Hoyos, và người nô lệ của họ, Juan Moreno, lên đường tới Vịnh Nipe tìm muối. Truyền thống gọi họ là “ba anh Juan”. Họ cần muối để ướp thịt tại lò sát sinh Barajagua, để cung cấp cho công nhân và cư dân của Santiago del Prado, nay gọi là El Cobre. Lúc ở trong vịnh, một cơn bão nổi lên, làm thuyền của họ nghiêng ngả dữ dội với những đợt sóng tàn bạo. Người nô lệ mang trên mình mẫu ảnh Nữ Trinh Maria. Ba người bèn cầu xin Đức Mẹ phù hộ. Bỗng nhiên, bầu trời thanh quang và bão tố chấm dứt. Xa xa, họ thấy một vật lạ dật dờ trong làn nước. Họ chèo thuyền tới đó trong khi sóng nước cũng đang đưa vật đó về phía họ. Thoạt đầu họ tưởng đó là một con chim, nhưng không lâu sau đó, họ thấy đấy hình như là một bức tượng con gái. Cuối cùng, họ xác định được đó là bức tượng Nữ Trinh Maria đang bồng Hài Đồng Giêsu trên cánh tay phải và tay trái cầm một thánh giá vàng. Bức tượng được cột vào một tấm gỗ có hàng chữ “Yo Soy la Virgen de la Caridad” hay “Ta là Nữ Trinh Bác Ái”. Bức tượng được vận y phục thật và Nữ Trinh có tóc thật và da của một phụ nữ lai. Điều hết sức ngạc nhiên là bức tượng hoàn toàn khô ráo dù dật dờ trong làn nước.

Được bảo tồn trong Tổng Văn Khố Thổ Dân ở Seville, là chứng từ của Juan Moreno, viết năm 1687, nói rằng:

“Sau khi cắm trại ở French Key, tọa lạc ở giữa Vịnh Nipe, chờ lúc thuận tiện để lên đường tới mỏ muối, nhân buổi sáng biển êm, họ đã rời French Key, trước lúc hừng đông. Juan y Rodrigo de Hoyos, được nhắc đến trước đây, và tôi lên đường trong một chiếc canô, trực chỉ mỏ muối, và lúc ra khỏi French Key, chúng tôi thấy một vật mầu trắng trên bọt nước, mà chúng tôi không phân biệt được. Càng đến gần, chim chóc và cành khô càng xuất hiện. Các người thổ dân đã nhắc ở trên nói ‘trông giống một bé gái’. Trong khi đang bàn bạc như thế, họ thấy bức tượng Đức Mẹ, Đức Thánh Nữ Trinh, trên một tấm ván nhỏ bằng gỗ, tay bồng Hài Đồng Giêsu. Trên tấm ván nhỏ này có hàng chữ lớn viết rằng ‘Ta là Trinh Nữ Bác Ái’. Nhìn vào y phục của ngài, họ thấy chúng không ướt. Thấy thế, lòng tràn ngập niềm vui, dù mỗi người chỉ lấy được một phần ba số muối, họ cũng lên đường trở về Barajagua”.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Đường Vào Sa Mạc Tĩnh Tâm
Tấn Đạt
19:10 06/03/2016
ĐƯỜNG VÀO SA MẠC TĨNH TÂM
Ảnh của Tấn Đạt
Mùa chay đã đến với chúng ta
Nhắc nhở cho nhau hết mọi nhà
Ăn năn sám hối trong chay tịnh
Hết mọi tội đời Chúa thứ tha.
(Trích thơ của nt Thérèse Mai Thị Ngượi)
 
VietCatholic TV
Giáo Hội Năm Châu 01 – 07/03/2016: Ước vọng hòa bình cho Syria
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
06:18 06/03/2016
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Cuốn sách đầu tiên của Đức Thánh Cha dành cho trẻ em được chào đón nồng nhiệt tại Ý

Hôm 26 tháng 2, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gặp một nhóm trẻ em tại Vatican. Đó là những trẻ em đã giúp ngài viết cuốn sách đầu tiên của mình cho thiếu nhi. Cuốn sách có hình vẽ và những câu hỏi khó của trẻ em từ khắp nơi trên thế giới, đã được xuất bản và chào đón nồng nhiệt tại Ý.

Lần lượt Đức Thánh Cha đã công bố những thông điệp quan trọng cho Giáo Hội như Laudato Si, Lumen Fidei. Giờ đây, ngài bắt đầu một công việc không kém phần khó khăn là một cuốn sách dành cho trẻ em có tựa đề “Kính thưa Đức Thánh Cha Phanxicô”.

Cuốn sách là một đứa con tinh thần của Cha Antonio Spadaro, một linh mục và biên tập viên của tạp chí Dòng Tên Civiltà Cattolica, là người đầu tiên phỏng vấn Đức Thánh Cha Phanxicô sau khi ngài được bầu vào ngôi Giáo Hoàng vào năm 2013.

Cha Spadaro trình lên Đức Giáo Hoàng 31 bản vẽ và những câu hỏi của trẻ em trên khắp thế giới và Đức Thánh Cha Phanxicô đưa ra những câu trả lời của mình bằng ngôn ngữ đơn giản nhất.

Một trong những câu hỏi được đặt ra là: “Thiên Chúa đã làm gì trước khi tạo thành trời đất?” Câu hỏi này được đặt ra cho Đức Thánh Cha bởi cậu bé 8 tuổi Ryan K., ở Canada.

Giống như các câu hỏi khác trong cuốn sách, câu hỏi này cũng đã được vẽ nguệch ngoạc bởi Ryan trong đó mô tả Thiên Chúa có râu xồm xoàm đứng trên một quả cầu bao quanh bởi những ngôi sao vàng. Câu trả lời của Đức Giáo Hoàng, được viết trong một vài câu ở trang đối diện, là Thiên Chúa tạo nên “thời gian”, nhưng trên hết tất cả mọi sự “Ngài yêu mến”.

Trong cuộc gặp gỡ tại Vatican, một cậu bé hỏi “làm Giáo Hoàng” có dễ không? Đức Thánh Cha nói: “Thật dễ dàng và thật khó. Cũng giống như cuộc đời của bất kỳ người nào. Thật dễ dàng vì có nhiều người giúp đỡ cha. Ví dụ, là tất cả các con đang giúp cha bây giờ. Khi trái tim cha tràn đầy hạnh phúc, cha sẽ có thể làm những việc khó khăn hơn và làm nhiều thứ hơn. Và cũng có những khoảnh khắc khó khăn vì công việc nào cũng có những khó khăn”.

2. Những người di cư vào châu Âu đang đối mặt với sự tắc nghẽn, và chờ đợi rất lâu

Những hình ảnh mà quý vị và anh chị em đang thấy đây là những người di dân đang phải trải qua những ngày dài trong các khu rừng hẻo lánh dọc theo bờ biển của Thổ Nhĩ Kỳ. Họ là những người di cư Syria đã đi thuyền đến đảo Lesbos của Hy Lạp.

Số lượng những người di cư Syria tràn vào Hy Lạp đang tăng mạnh so với thời điểm này năm ngoái, do đó Hy Lạp đã phải đưa ra mọi biện pháp cần thiết như cấm người di cư không được đi đến biên giới với Macedonia. Tại cảng chính thương mại Piraeus này 2,000 người di cư đang bị mắc kẹt trong điều kiện sinh sống bẩn thỉu. Ahmed Mazen, một người tị nạn chạy từ Damascus tới đây nói: “Sự chờ đợi hết ngày này sang ngày khác thật là khó khăn với chúng tôi. Chúng tôi mong được rời khỏi chỗ này .... Chúng tôi có trẻ em và phụ nữ. Những người di dân chúng tôi không có hy vọng gì ở đây..”

Hôm thứ Sáu 26 tháng 2, Macedonia và các quốc gia vùng Balkan khác đã đồng ý hạn chế dòng người di cư xuống con số mấy hàng trăm người một ngày thôi. 22,000 người di cư do đó bị mắc kẹt ở Hy Lạp trong tình trạng lấp lửng.

Anh Yousef, một người tị nạn chạy từ Aleppo Syria, đang sống chen chúc cùng hàng ngàn người khác trong trại Idomeni gần biên giới Macedonia nói: “Có 7,000 trong danh sách trước tôi, tôi phải chờ đợi 7,000 người này được cứu xét xong rồi tôi mới được đi. Thực sự cuộc sống rất thê thảm ở đây.”

Tại Idomeni, sự chờ đợi, và điều kiện sống, đã trở nên quá tồi tệ. Hàng trăm người di cư vào ngày Chúa Nhật 28 tháng 2, đã đứng trên các đường ray xe lửa để phản đối. Không biết cuộc biểu tình của họ có gây được chú ý nào hay không.

Vào ngày thứ Bảy, 27 tháng Hai, 310 người được phép vào Macedonia. Trong khi đó, hai mươi hai ngàn người đang chờ đợi, và nhiều ngàn người khác đang trên đường kéo tới.

3. Ái Nhĩ Lan rơi vào tình trạng bất ổn sau cuộc bầu cử bất phân thắng bại

Gerry Adams có lý do để mỉm cười. Đảng Sinn Fein của Ái Nhĩ Lan đã giành được nhiều ghế trong quốc hội. Kết quả bước đầu cho thấy đảng Fine Gael của Thủ tướng Enda Kenny, người đã và đang đẩy Ái Nhĩ Lan theo những trào lưu cấp tiến như công nhận “hôn nhân đồng tính”, an tử và trợ tử, nới rộng luật cho phép phá thai ..chỉ được 26 phần trăm số phiếu - và đảng Lao động là đối tác liên minh quan trọng của ông ta, chỉ được một con số ít ỏi là 7 phần trăm. Điều đó có nghĩa Sinn Fein, với ít nhất là 16 phần trăm số phiếu cho đến nay, có khả năng có thể trở thành đảng đối lập chính. Gerry Adams, lãnh tụ đảng Sinn Fein nói: “Đảng Sinn Fein của chúng tôi, các đảng độc lập và các đảng cánh hữu khác đã thực sự rất thành công trong kỳ bầu cử này. Cần có thời gian để thực hiện thay đổi và chúng ta phải tiếp tục.”

Cuộc bỏ phiếu lần này có hiệu quả trong thực tế là đã lật đổ liên minh cầm quyền của Ái Nhĩ Lan. Dù trong thời gian qua Ái Nhĩ Lan là nước tăng trưởng kinh tế nhanh nhất châu Âu, nhiều cử tri tỏ ra tức giận vì các biện pháp thắt lưng buộc bụng trong nhiều năm qua và việc phục hồi kinh tế không đồng đều cho mọi thành phần dân chúng; cũng như các trào lưu duy đời cực đoan của thủ tướng Enda Kenny, một người tự nhận là người Công Giáo nhưng chống lại hầu hết các lập trường truyền thống của Giáo Hội Công Giáo về hôn nhân, gia đình, và an tử.

4. Bọn khủng bố Hồi Giáo IS gây tang tóc trên đường phố Baghdad

Quân khủng bố Hồi Giáo IS đã tuyên bố chịu trách nhiệm về vụ đánh bom Baghdad giết chết ít nhất 31 người vào sáng Chúa Nhật 28 tháng Hai.

Trên mạng Youtube, bọn khủng bố Hồi Giáo IS cho biết hai tên cảm tử quân đã nổ bom tự sát tại khu phố Shi'ite Sadr nơi có đông các tín hữu Kitô. Xe cộ bị cháy, các mảnh vụn từ vụ nổ và máu để lại những dấu vết kinh hoàng cho cộng đoàn các tín hữu Kitô Công Giáo Chanđê bé nhỏ còn sót lại tại thủ đô Iraq.

Hàng chục người bị thương trong vụ này.

5. Lệnh ngừng bắn tại Syria: Bọn khủng bố Hồi Giáo IS tấn công các thị trấn người Kurd gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ

Quân khủng bố Hồi giáo đã bất ngờ mở một cuộc tấn công vào các thị trấn do người Kurd kiểm soát ở biên giới Syria và Thổ Nhĩ Kỳ vào mờ sáng ngày thứ Bẩy 27 tháng Hai. Máy bay liên quân do Mỹ dẫn đầu đã lập tức mở các cuộc không kích dữ dội nhằm cứu cho các thị trấn này khỏi bị quân khủng bố Hồi Giáo IS tràn ngập.

Lợi dụng căng thẳng giữa chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ và các lực lượng vũ trang người Kurd, sáng sớm ngày thứ Bẩy 27 tháng Hai, quân khủng bố Hồi Giáo IS đã tấn công vào thị trấn Tel Abyad, dưới quyền kiểm soát của các lực lượng dân quân người Kurd YPG Syria, và thị trấn gần Suluk. Các cuộc tấn công xảy ra chỉ vài giờ sau lệnh ngừng bắn tại Syria do Mỹ và Nga bảo trợ bắt đầu có hiệu lực.

Tưởng cũng nên biết thêm, lệnh ngừng bắn tại Syria không áp dụng cho quân khủng bố Hồi Giáo IS. Cuộc chiến chống quân khủng bố Hồi Giáo IS vẫn tiếp tục.

Các máy bay của liên quân do Hoa Kỳ dẫn đầu đã tiến hành ít nhất 10 cuộc không kích trong cố gắng đẩy lùi các cuộc tấn công. Tình báo Thổ Nhĩ Kỳ ước lượng khoảng 45 chiến binh khủng bố Hồi Giáo và 20 dân quân người Kurd bị thiệt mạng trong các cuộc tấn công.

Thổ Nhĩ Kỳ xác nhận 14 máy bay F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ tuần tra biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria đã không can dự vào cuộc chiến tại Tel Abyad.


6. Hàng ngàn người diễu hành ở Mạc Tư Khoa để vinh danh nhà đối lập bị giết Nemtsov

“Chết cho chính nghĩa Tự do.” Đó là nội dung của hàng ngàn băng rôn người dân Mạc Tư Khoa cầm trong lễ kỷ niệm đầu tiên một năm sau ngày lãnh tụ đối lập Boris Nemtsov bị giết chết.

Chính trị gia đối lập Ilya Yashin nói trong cuộc biểu tình: “Giết Nemtsov là một hành động khủng bố, đó là một vụ giết người được chỉ thị nhằm mục đích gieo rắc sợ hãi trong xã hội Nga, nơi một phần dân chúng không đồng ý với Putin về mặt chính trị.”

Nhà lãnh đạo đối lập 55 tuổi đã bị bắn chết gần bức tường Kremlin một năm trước đây. Các nhà điều tra đã buộc tội một nhóm người Chechnya giết ông, nhưng những người ủng hộ ông Boris Nemtsov nói rằng những hung thủ đã được trả tiền để giết anh ta.

Những người biểu tình muốn biết ai đã ra lệnh giết Boris Nemtsov. Cảnh sát ước tính số lượng người tham dự cuộc biểu tình lên đến 7,500 người, nhưng các nhà đối lập cho biết có tới 100,000 đã tham gia.

Irina Drozdova, một người tham gia biểu tình nói: “Đối với tôi Boris Nemtsov Yefimovich là một người đàn ông tuyệt vời và thực tế là ông không còn sống với chúng ta là một mất mát lớn.”

Người biểu tình đã bị cấm không được đi qua chỗ Nemtsov đã bị giết chết ... nhưng nhiều người cách nào đó đã đặt được hoa tại đài tưởng niệm của ông. Các sứ quán phương Tây cũng đặt hoa tưởng niệm tại đây.

7. Ngày đầu thi hành lệnh ngừng bắn tại Syria

Các nhà lãnh đạo Giáo Hội tại Syria bày tỏ hy vọng rất nhiều nơi lệnh ngừng bắn tại Syria và hài lòng ghi nhận rằng nói chung lệnh ngừng bắn được thực hiện tại nhiều nơi ở quốc gia đã quá tang thương này.

Tuy nhiên, các video nghiệp dư quay được ở Aleppo hôm thứ Bảy 27 tháng 2 là ngày đầu thi hành lệnh ngừng bắn lại cho thấy một cảnh tượng khác. Video này cho thấy một máy bay không rõ của nước nào và một làn khói dâng lên trên đường chân trời, như thể máy bay này vừa thực hiện một cuộc không kích.

Phó Chủ tịch Liên minh Quốc gia Syria Nagham al-Ghadri cáo buộc rằng Nga và chính phủ Syria vẫn đang thực hiện các cuộc không kích như thế.

Ông Nagham al-Ghadri nói: “Các cuộc tấn công của không quân Nga và chế độ Bashar al-Assad cũng như các cuộc pháo kích vẫn không ngừng Và tất nhiên chúng tôi gọi Liên Hiệp Quốc và chúng tôi thông báo cho họ về những khu vực đang bị oanh kích. Chúng tôi biết ngay từ đầu, chế độ này, và cả Nga, sẽ không thực hiện nghiêm chỉnh cam kết ngừng bắn này”

Ghadri nói các vụ vi phạm thỏa thuận ngừng bắn đã diễn ra tại Latakia, Aleppo, Hama và Damascus.

Trong khi đó, Nga cho biết đã tạm ngừng tất cả các chuyến bay trên không phận Syria trong ngày đầu tiên để đảm bảo không oanh kích nhầm vào các mục tiêu.

Tưởng cũng nên biết thêm, lệnh ngừng bắn tại Syria không áp dụng cho quân khủng bố Hồi Giáo IS. Cuộc chiến chống quân khủng bố Hồi Giáo IS vẫn tiếp tục. Do đó, Nga và liên quân do Mỹ dẫn đầu vẫn tiếp tục các cuộc tấn công vào các địa điểm của quân khủng bố Hồi Giáo IS.

Tại Geneva, đặc phái viên Liên Hiệp Quốc tại Syria, là ông Staffan de Mistura, cho biết “Liên Hiệp Quốc đang làm việc ngày và đêm, giám sát tất cả các vụ vi phạm được báo cáo, để xem cái nào là thực sự và làm thế nào chúng ta có thể khống chế chúng.”

Nếu thỏa thuận này được thực hiện, ông Mistura sẽ bắt đầu một vòng đàm phán hòa bình mới trong một nỗ lực nhằm chấm dứt một cuộc chiến đã giết chết hơn 250,000 người.

8. Giáo Hội ủng hộ quyết tâm của chính quyền Nam Dương bài trừ nạn mãi dâm

Bất chấp những chỉ trích cho rằng kế hoạch của chính quyền Indonesia nhằm bài trừ nạn mãi dâm tại quốc gia này trước năm 2019 là không khả thi; Giáo Hội tại đây sẵn sàng hợp tác với chính quyền qua một loạt những chương trình huấn nghệ dành cho các phụ nữ hành nghề mãi dâm.

Người phụ nữ đứng bên phải trong video này đang học cách chăm sóc móng tay trong một trung tâm dạy nghề tại Jakarta do Caritas Indonesia tổ chức. Trước đây, cô là gái mãi dâm, và cũng như nhiều phụ nữ cùng hoàn cảnh, cô đang cố học một nghề mưu sinh.

Các lớp học nghề do Caritas Indonesia tổ chức là một phần đóng góp của Giáo Hội địa phương trong một kế hoạch toàn quốc của chính quyền nhằm đóng cửa tất cả các cơ sở mại dâm tại nước này trước năm 2019.

Không như các nước Hồi Giáo khác nơi mại dâm bị cấm triệt để, Indonesia trong một thời gian dài đã lờ đi không quyết liệt với tệ nạn xã hội này. Tuy nhiên, tình hình gần đây đã có những chuyển biến. Một số phá dỡ đã bắt đầu. Tại huyện Kalijodo, chẳng hạn, các bảng quảng cáo bia đang bị loại bỏ trong khi 3,000 sống các khu “đèn đỏ” đã được cho thời hạn bảy ngày để dọn đồ đạc ra đi.

Mặc dù có những nỗ lực cao quý của chính phủ để diệt trừ nghề lâu đời nhất trên thế giới, giám đốc của chương trình dạy nghề do Caritas Indonesia bảo trợ cho biết khoảng 60 phần trăm những người phụ nữ đến đây học cuối cùng cũng sẽ trở lại công việc cũ của họ.

9. Phụ huynh của 43 học sinh đã bị mất tích ở Mễ Tây Cơ tiếp tục các cuộc biểu tình

Như chúng tôi đã đưa tin, Đức Thánh Cha Phanxicô đã dành cho báo chí cuộc họp báo dài trên chuyến bay từ Mễ Tây Cơ về Rôma vào hôm thứ Năm 18 tháng Hai. Ngài chia sẻ về nhiều đề tài trong đó có trường hợp “những người đã bị giết” tại Mễ Tây Cơ.

Khi được hỏi là tại sao Đức Giáo Hoàng đã không tiếp thân nhân của 43 sinh viên sư phạm bị mất tích ở tiểu bang Guerrero vào năm 2014. Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói rằng ngài đã nói chuyện nhiều về những vấn nạn liên quan đến những vụ ám sát bởi các băng nhóm tội phạm và buôn ma túy. Đức Thánh Cha lưu ý rằng ngài rất muốn gặp các thân nhân nhưng có nhiều nhóm đại diện cho “ những nạn nhân” và cũng có những tranh chấp nội bộ giữa các nhóm này.

Trong những ngày này, phụ huynh của 43 học sinh đã bị mất tích ở Mễ Tây Cơ vẫn tiếp tục dẫn đầu các cuộc biểu tình yêu cầu chính phủ trả lại con cái cho họ.

Một trong những người tham gia biểu tình là Ông Alfonso Rodriguez, có con trai tên là Christian, là một trong số 43 sinh viên người Mễ Tây Cơ đã mất tích sau khi đụng độ với cảnh sát hồi tháng Chín năm ngoái.

Ông cho biết: “Ước muốn duy nhất của con trai tôi là thoát được cảnh nghèo. Bạn có thể nhìn thấy căn nhà tôi quá là nghèo nàn. Chúng tôi là người nghèo và mong muốn của con trai tôi là có một nghề, để giúp chị em mình”.

Nhà cầm quyền cho rằng các sinh viên này có lẽ đã chết. Các nhà điều tra tin rằng họ đã bị giết bởi các cán bộ tham nhũng và các thành viên trong các băng đảng ma túy ăn chia với các cán bộ này.