Ngày 03-03-2024
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 04/03: Niềm Vui khi về lại Quê Hương – Lm. Anthony Nguyễn Hữu Quảng, SDB
Giáo Hội Năm Châu
03:57 03/03/2024

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Luca,

Khi đến Na-da-rét, Đức Giê-su nói với dân chúng trong hội đường rằng: “Tôi bảo thật các ông: không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình.

“Thật vậy, tôi nói cho các ông hay: vào thời ông Ê-li-a, khi trời hạn hán suốt ba năm sáu tháng, cả nước phải đói kém dữ dội, thiếu gì bà goá ở trong nước Ít-ra-en; thế mà ông không được sai đến giúp một bà nào cả, nhưng chỉ được sai đến giúp bà goá thành Xa-rép-ta miền Xi-đôn. Cũng vậy, vào thời ngôn sứ Ê-li-sa, thiếu gì người phong hủi ở trong nước Ít-ra-en, nhưng không người nào được sạch, mà chỉ có ông Na-a-man, người xứ Xy-ri thôi.”

Nghe vậy, mọi người trong hội đường đầy phẫn nộ. Họ đứng dậy, lôi Người ra khỏi thành -thành này được xây trên núi. Họ kéo Người lên tận đỉnh núi, để xô Người xuống vực. Nhưng Người băng qua giữa họ mà đi.

Đó là lời Chúa
 
24 Giờ cho Chúa - Sống một đời sống mới
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
14:14 03/03/2024
24 giờ cho Chúa với chủ đề : “Sống một đời sống mới” (Rm 6,4) năm 2024
(Từ tối ngày 08 đến ng ày 09 tháng 3 năm 2024)

Chủ đề: “Sống một đời sống mới” (Rm 6,4)

I. KHAI MẠC

1. Lời dẫn nhập (Người dẫn đọc)

Kính thưa cộng đoàn, sáng kiến “24 giờ cho Chúa”, một sáng kiến ​​cầu nguyện và hòa giải trong Mùa Chay được Đức Thánh Cha Phanxicô khởi xướng, năm nay đánh dấu lần thứ 11 diễn ra sự kiện này. Như trước đây, sáng kiến này được tổ vào đêm trước Chúa Nhật IV Mùa Chay, từ Thứ Sáu ngày 08 đến Thứ Bảy ngày 09 tháng 3 năm 2024. Đây là một sáng kiến cầu nguyện và hòa giải trong Mùa Chay mà Đức Thánh Cha Phanxicô mong muốn được cử hành. Bởi có Chầu Thánh Thể, có lắng nghe Lời Chúa, lãnh Bí tích Hoà giải, có giờ phút cầu nguyện và tìm lại ý nghĩa cho cuộc sống, sống đời sống mới dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.

Nhật báo Evangelizatio, khẩu hiệu được Đức Thánh Cha chọn cho năm nay được lấy từ một câu trong Thư gửi tín hữu Rôma: “Sống một đời sống mới” (Rm 6,4). Ngài đề nghị con cái mình làm một cuộc hành trình tái canh tân đời sống đức tin. Làm sao cho mỗi người chúng ta, nhờ những ân sủng trong bí tích Rửa tội đã lãnh nhận, được thư Rôma khơi lại, trở thành một tạo vật mới, không còn sống cho mình, nhưng là sống cho Chúa.

Giờ đây chúng ta khẩn cầu xin ơn trợ giúp của Chúa Thánh Thần giúp chúng ta làm Giờ Thánh này cho nên.

2. Hát: Cầu xin Chúa Thánh Thần (mọi người đứng)

3. Cầu nguyện (mọi người quì, người dẫn đọc)

Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi Chí Thánh, Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Chúng con tôn thờ kính lạy Thiên Chúa Ngôi Cha, Đấng sáng tạo trời đất muôn vật hữu hình và vô hình, trong đó có loài người chúng con. Chúng con tôn thờ và kính lạy Ngôi Con là Đức Giê-su Ki-tô, Đấng cứu chuộc nhân loại, trong đó có mỗi người chúng con. Chúng con tôn thờ kính lạy Thiên Chúa Ngôi Ba là Chúa Thánh Linh, Đấng thánh hóa trần gian.

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể đang ngự thật giữa chúng con đây, và giờ phút này, Chúa thấy chúng con đang ở đây với Chúa, trước sự hiện diện của Chúa.

Đã gần hai ngàn năm, Chúa đã sẵn lòng bước lên Thánh Giá ô nhục để rồi sau đó phục sinh và ở lại mãi với chúng con là những người anh chị em của Chúa. Chúng con chiêm ngắm Chúa. Chúng con thờ lạy Chúa. Chúng con yêu mến Chúa. Xin Chúa ban thêm đức tin và kiện toàn lòng tin cho chúng con, để chúng con luôn luôn xác tín rằng: mỗi khi tham dự bàn tiệc Mình và Máu Chúa là chúng con đón nhận chính Chúa.

Hồi tưởng lại trong bữa tiệc Vượt Qua năm xưa, vì yêu thương nhân loại và yêu cho đến cùng, Chúa đã ban Mình và Máu cho các môn đệ, để ở với họ “mãi mãi, cho đến tận thế” (Mt 8,20). Chúa là nguồn gốc và cùng đích đời sống đức tin của chúng con, chúng con thờ lạy Chúa. Vì không có Chúa, chúng con không có ở đây giờ phút này, không có Chúa, chúng con sẽ không hiện hữu, không có Chúa, sẽ chẳng có gì, hoàn toàn không có gì.

Chúa là Đấng “vạn vật được tạo thành” (Ga 1, 3). Chúa là Đấng nhờ Chúa mà chúng con được tạo thành. Chúa đang ở giữa chúng con, cho chúng con được chiêm ngắm Chúa.

Lạy Thiên Chúa đầy tình thương mến, xin ôm ấp tất cả chúng con giờ đây đang thờ lạy trước Thánh Thể tình yêu Chúa. Tình yêu vĩnh cửu mà Chúa Cha dành cho Chúa, cũng như chính Chúa dành cho Chúa Cha, tình yêu của Chúa Cha và Chúa đối với Chúa Thánh Thần, và tình yêu của Chúa Thánh Thần đối với Chúa Cha và Chúa.

Tấm Bánh truyền phép được đặt trước mặt chúng con nói về quyền năng vô cùng của tình yêu được bộc lộ trên Thánh Giá vinh hiển. Bánh Thánh nói cho chúng con về sự hạ mình khó tin của Đấng đã biến mình, chấp nhận mất tất cả hầu chiếm được chúng con cho Chúa Cha.

Lạy Mẹ Maria, Trinh Nữ Rất Thánh, từ hơn hai ngàn năm nay, đã chấp nhận hiến dâng mọi sự, hiến dâng thân xác Mẹ hầu rước lấy thân xác Đấng Sáng Tạo, xin giúp chúng con chiêm ngưỡng, xin giúp chúng con thờ lạy và yêu mến, Đấng đã yêu thương chúng con dường ấy, hầu chúng con được sống đời đời với Người.

II. LỜI CHÚA VÀ SUY NIỆM

1. Hát: Lắng nghe Lời Chúa

1. Xin cho con biết lắng nghe Lời Ngài dạy con trong đêm tối. Xin cho con biết lắng nghe Lời Ngài dạy con lúc lẻ loi. Xin cho con cất tiếng lên trả lời và vâng theo ý Chúa. Xin cho con biết thân thưa: ‘Lạy Ngài, Ngài muốn con làm chi?’

ÐK: Lời Ngài là sức sống của con. Lời Ngài là ánh sáng đời con. Lời Ngài là chứa chan hy vọng, là đường để con hằng dõi bước. Lời Ngài đượm chất ngất niềm vui, trọn vẹn ngàn tiếng hát đầy vơi. Lời Ngài đổi mới cho cuộc đời. Lời Ngài hạnh phúc cho trần ai.

2. Công bố lời Chúa (Người dẫn mời mọi người ngồi)

Lời Chúa trong thư của thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma (Rm 6,1-4)

Vậy ta sẽ nói sao? Ta hãy ở lại trong tội, để ơn được gia tăng ư?

Ðừng nói gở! Ta là những kẻ đã chết cho tội, làm sao ta sẽ còn sống trong nó nữa? Hay anh em không biết rằng: Hết thảy ta đã được thanh tẩy trong Ðức Kitô Giêsu; thì chính trong sự chết của Người mà ta đã được thanh tẩy? Vậy nhờ thanh tẩy, ta đã được mai táng làm một với Ngài trong sự chết, ngõ hầu như Ðức Kitô, nhờ bởi vinh quang của Cha, mà được sống lại từ cõi chết, thì cả ta nữa, ta cũng bước đi trong đời sống mới.

Đó là Lời Chúa

3. Hát: Niềm tin của chúng ta – Kim Loan 2017 (Cám hứng Rm 6,8.8.17…)

1/ Nếu chúng ta cùng chết với Đức Kitô chúng ta sẽ được cùng sống lại với Người. Nếu chúng ta chịu khổ với Đức Kitô chúng ta sẽ được cùng thống trị với Người.

ĐK. Đó là niềm tin của chúng ta, đó là niềm tin của chúng ta.

2/ Nếu chúng ta thành tín với Đức Kitô chúng ta sẽ chẳng hề thất vọng bao giờ. Mỗi chúng ta phải chết thối nát tiêu tan, hãy tin Chúa là nguồn sống muôn đời bất diệt.

3/ Kiếp sống con người ví gió lốc thoảng qua chốn xưa chính mình ở cũng chẳng biết mình. Thế giới đang hiện có cũng sẽ qua đi, chỉ duy Chúa tồn tại vững bền muôn đời.

4/ Chúa đánh tan sự chết chiến thắng vinh quang cứu ta thoát khỏi tội lỗi gông cùm ác thần. Chúa xót thương từ ái dẫn lối ta đi, chúng ta khẩn cầu cùng Chúa tha mọi lỗi lầm.

5/ Chúa giáng sinh trần thế đã chết cho ta, Chúa nay sống lại toàn thắng, cứu chuộc nhân loại. Chúa chúng ta là Đấng chí thánh yêu thương, chúng ta hãy cảm tạ Chúa muôn đời không ngừng.

4. Gợi ý suy niệm 1 (Mọi người ngồi)

Kính thưa cộng đoàn, Thánh Phaolô đặt câu hỏi : Vậy ta sẽ nói sao? Ta hãy ở lại trong tội, để ơn được gia tăng ư?

"Ở trong tội lỗi" thường được giải thích là vẫn còn phạm tội, vẫn rơi vào những cám dỗ. Trái lại "chết về tội lỗi" nghĩa là đã chiến thắng được tội lỗi, hoặc không còn bị ảnh hưởng bởi chúng nữa. Nhưng chúng ta ai cũng biết điều này không xảy ra trong thực tế. Vì bản chất tội lỗi, chúng ta vẫn là người tội cho dù chẳng hề phạm một điều lầm lỗi nào trong nhân gian. Và nếu "tội" là những điều chúng ta phạm phải, theo như cách giải thích này, thì cách duy nhất để chúng ta "chết về tội lỗi," thì thân xác này phải chết đi, nghĩa là còn sống thì còn phạm tội.

“Ở trong tội lỗi” cũng đồng nghĩa với “ở trong sự chết,” vì theo Êdêkiên 18,20, linh hồn nào phạm tội linh hồn đó phải chết. Khi Phaolô nêu lên câu hỏi: “Chúng ta đã chết về tội lỗi, lẽ nào còn sống trong tội lỗi nữa?” Thánh nhân không hỏi tại sao chúng ta vẫn còn tiếp tục phạm tội, nhưng ngài công bố một luật mới: khi chúng ta đã chết vì tội lỗi, thì còn không còn bị kể là tội nhân nữa, vì tội lỗi là một tình trạng bị lên án chung cho cả nhân loại (x. Rm 6, 2). Tại sao chúng ta có thể nói được như vậy? Vì Thánh Phaolô đã tuyên bố : “Chúng ta đã được mai táng làm một với Người trong sự chết ngõ hầu như Ðức Kitô, nhờ bởi vinh quang của Cha, mà được sống lại từ cõi chết, thì cả ta nữa, ta cũng bước đi trong đời sống mới” (Rm 6,4).

4. Hát: Hãy Quay Về - Mi Trầm (Mọi người đứng)

1. Hãy quay về thật lòng ăn năn hỡi những người lạc bước đường lầm. Hãy quay về, về cùng Chúa ta. Người thương ta tình thiết tha đậm đà.

ĐK. Hãy đổi mới tinh thần, hãy sống đúng Tin Mừng người ơi! Hãy đổi mới tinh thần, hãy sống đúng Tin Mừng hỡi người.

2. Hãy quay về này ngày cứu rỗi Chúa thương tình tha thứ tội đời. Hãy quay về, về cùng Chúa ta. Người thương ta tình thiết tha đậm đà.

3. Hãy quay về mọi người lớn bé, xé tâm hồn xin Chúa ngự vào. Hãy quay về, về cùng Chúa ta. Người thương ta tình thiết tha đậm đà.

5. Gợi ý suy niệm 2 (Mọi người ngồi)

Với chủ đề "Sống một đời sống mới" (Rm 6,4). Đức Thánh Cha Phanxicô đề nghị chúng ta làm một cuộc hành trình tái canh tân đời sống đức tin. Làm sao cho mỗi người chúng ta, nhờ những ân sủng của Bí tích Rửa tội chúng ta đã lãnh nhận, chúng ta trở nên một tạo vật mới, không còn sống cho mình, nhưng là sống cho Chúa.

Khi chúng ta chịu Phép Rửa tội, chúng ta được dìm mình vào trong nước. Nước rửa tội tượng cho sự đoán phạt của Thiên Chúa trên tội lỗi bằng cơn Lụt Đại Hồng Thuỷ vào thời ông Nô-ê, để rửa sạch tội lỗi khỏi mặt đất. Vì thế, việc chúng ta tự nguyện được dìm mình vào trong nước là một nghi thức muốn nói rằng chúng ta bằng lòng chết đi cho tội lỗi của mình. Chúng ta ra khỏi nước là chúng ta được sống lại bởi đức tin trong Đức Giêsu Kitô, kể từ giây phút đó, chúng ta sống là sống cho Thiên Chúa và sống bằng sức sống mới từ Thiên Chúa.

Vì thế, khi chúng ta chịu Phép Rửa tội, đổ nước ba lần, hay dìm mình vào nước còn có nghĩa là chúng ta được nhúng chìm hoàn toàn vào trong sự chết của Đức Giêsu Kitô, chôn trong mồ ba ngày, thì chúng ta cũng được sống lại với Người trong đời sống mới.

Sống đời sống mới là mới về mọi phương diện, từ cách nói năng cũng đổi mới với ngôn ngữ mới của sự yêu thương, thánh thiện, và công chính mà Thiên Chúa đã ban cho những người được dựng nên mới như Thánh Phaolô viết : "Cho nên ai ở trong Ðức Kitô, kẻ ấy là tạo thành mới: cũ đã qua đi, và này mới đã thành sự!" (2 Cor 5,17).

Có những người sau khi đã được dựng nên mới, không tận dụng ơn Chúa ban, để sống một đời sống mới theo đúng nghĩa, lại nhanh chóng quay về sống nếp sống cũ tội lỗi. Nguyên cớ là vì họ đã không đọc, không suy ngẫm Lời Chúa ngày đêm để cẩn thận làm theo, vì thế, họ thiếu sự tri thức về Chúa và Lời Chúa.

Thánh Phaolô nói rằng : “con người cũ cùng bị đóng đinh” (Rm 6,6) được hiểu là : "Bị xử chết!" Nghĩa là con người cũ của chúng ta đã bị xử chết vì phạm tội, cùng xảy ra với sự xử chết Đức Giêsu Kitô. Trong khi chúng ta bị xử chết vì chính tội lỗi của mình thì Đức Giêsu Kitô bị xử chết vì tội lỗi của chúng ta.

Khi một người đã bị xử chết thì người ấy đã trả giá cho sự phạm tội của mình một cách công chính, và thoát khỏi quyền lực của tội, luật pháp nêu rõ : “Vì lương bổng của tội là sự chết” (Rm 6,3)! Nếu không có sự Đức Giêsu chịu chết thay cho sự phạm tội của loài người thì loài người cứ ở mãi trong hậu quả của tội lỗi là sự chết, nghĩa là đời đời hư mất, xa cách nhan Thiên Chúa và vinh quang Chúa (x. 2 Tx 1,9). Đời đời hư mất là không bao giờ còn có cơ hội được cứu rỗi. Xa cách nhan Chúa là không bao giờ còn có cơ hội để kêu cầu cùng Chúa. Xa cách sự vinh quang Chúa là xa cách sự yêu thương, công chính, và thánh thiện của Thiên Chúa, là vinh quang có quyền năng cứu chuộc những ai thật lòng ăn năn tội và tin nhận Thiên Chúa. "Nhưng nếu ta chết làm một với Ðức Kitô, thì ta tin rằng: ta cũng sẽ cùng sống với Ngài" (Rm 6,8).

6. Hát: Con hãy nhớ - Lm. Kim Long

ĐK. Con hãy nhớ rằng: Đức Kitô đã phục sinh từ trong cõi chết. (con hãy nhớ rằng) Ngài là Cứu Chúa ta, là vinh hiển ta đến muôn đời.

1/ Nếu ta cùng chết với Ngài ta sẽ cùng Ngài phục sinh. Nếu ta chịu khổ với Ngài, ta sẽ cùng Ngài thống trị.

2/ Nếu ta từ chối Danh Ngài, ta sẽ bị Ngài loại xa. Dẫu ta bội tín với Ngài, Ngài vẫn một lòng trung trực.

3/ Chính tay Ngài khiến cơ cùng tan biến thành niềm mừng vui. Chính nơi Ngài chiếu hi vọng soi dẫn cuộc đời muôn người.

7. Gợi ý suy niệm 3 (Mọi người ngồi)

Với Chủ đề “ Sống một đời sống mới”, chúng ta đã được dẫn vào mầu nhiệm của Phép Rửa tội để có hiểu thấu đáo hơn về Bí Tích Tái Sinh. Bi tích này không phải là một nghi thức của quá khứ, nhưng là một cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô được diễn ra trong chính hiện tại của chúng ta; mà đã gặp được Chúa Kitô rồi thì sự gì sẽ xảy ra? Đối với thánh Phaolô, Đức Kitô đã trở nên lý tưởng cho sự sống còn của ngài, trong tất cả mọi công việc, nên ngài thúc bách chúng ta : “Anh em phải cởi bỏ con người cũ với nếp sống xưa, là con người hư nát và bị những ham muốn lừa dối, anh em phải để Thần Khí đổi mới tâm trí anh em, và phải mặc lấy con người mới, là con người đã được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa để thật sự sống công chính và thánh thiện” (Eph 4,22-24).

Con người cũ theo thánh Phaolô là con người sống, yêu, ghét, suy nghĩ và hành động theo sự thúc đẩy của tội lỗi, con người bị tội lỗi thống trị. Có con người cũ chính là vì tội lỗi đã xâm nhập và thống trị trong con người, khiến con người không cưỡng nổi quyền lực của nó. Chính tội lỗi làm cho con người không còn là con người nữa, nó làm cho con người trở thành con thú đáng sợ hơn mọi con thú, vì con người có trí khôn nên biết vận dụng mọi khả năng thể xác, tình cảm, trí tuệ và cả tính xã hội để phục vụ cho thú tính. Tội lỗi đảo lộn tất cả. Nó làm cho con người lấy cái xấu xa, cái giả dối thay Chân Thiện Mỹ, ghét cái đáng yêu và yêu cái đáng ghét : thay vì hiểu biết để vươn lên thì lại dùng trí tuệ để thi thố những gì làm cho mình gần con vật hơn.

Thảm kịch của con người bị tội lỗi thống trị đã được thánh Phaolô mô tả sinh động trong toàn chương 7 của Thư gửi tín hữu Roma; và ngài đã kết thúc bằng một câu hỏi bi đát: “Ai sẽ giải thoát tôi khỏi thân xác phải chết này?”, Nhưng rồi, nhờ có niềm tin nên Thánh Phaolô đã tự trả lời trong hân hoan: “Tạ ơn Thiên Chúa vì có Ðức Giêsu Kitô Chúa chúng ta”.

Quả vậy, tội lỗi đã làm cho con người thành con người cũ và Ðức Giêsu Kitô giúp con người có khả năng trở thành con người mới, tức là con người theo đúng ý định ban đầu của Thiên Chúa; con người giống hình ảnh Thiên Chúa là Chân, Thiện, Mỹ, và có khả năng nhận biết và hướng về Chân Thiện Mỹ.

Để sống một đời sống mới, chúng ta phải cộng tác với Ơn Chúa để vượt từ tình trạng bị tội lỗi thống trị sang tình trạng được Thánh Thần hướng dẫn. Chính bước vượt ấy là ơn cứu độ của Thiên Chúa trong Ðức Kitô, vì nhờ Ðức Kitô chúng ta nhận được Thánh Thần như một nguyên lý sống mới.

Như thế, đời sống cũ là đời sống mà con người bị tội lỗi thống trị, nếu không cố gắng vượt qua thì mãi mãi trở thành nô lệ của sự dữ và phải sống trong tăm tối. Còn người sống đời sống mới là người biết vượt từ tình trạng tội lỗi sang tình trạng được Thánh Thần dẫn dắt, “được tái tạo theo hình ảnh Thiên Chúa trong sự công chính và thánh thiện” (Ep 4,24).

Thánh Phaolô khuyên chúng ta phải mặc lấy Con Người Mới, tức là được trở nên một Kitô hữu ặp gỡ với một Con Người Giêsu Kitô, cuộc gặp gỡ này mang lại sự sống mới, một hướng đi mới cho đời chúng ta. Sống đời sống mới là lột bỏ nếp sống cũ, như từ bỏ cách nói năng, hành động, suy nghĩ theo “thế gian, xác thịt” để tập lấy cách sống mới là nói năng, hành động, suy nghĩ theo như Ðức Giêsu Kitô.

Nếp sống mới hoàn toàn khác với nếp sống cũ. Thánh Phaolô dạy chúng ta phải đóng đinh và chôn con người cũ. Khi chúng ta “lột bỏ” con người cũ, Chúa Giêsu sẽ “mặc lấy con người mới cho chúng ta,” tức là đổi mới chúng ta từ bên trong. Con người cũ chết đi chưa đủ, chúng ta phải được phục sinh bởi quyền năng vinh hiển của Thiên Chúa Cha và sống một đời sống mới (Rm 6,4).

Bước đi trong đời sống mới là từ bỏ tất cả tội lỗi để sống ngay thẳng và chân thật. Chúng ta thuộc về sự thật nên không thể dính vào sự dối trá, sự giận dữ; phải cẩn thận gìn giữ môi miệng và chỉ nên nói những lời lành, những lời tốt đẹp để xây dựng và làm ích cho người nghe. “ Lời nói của anh em phải luôn luôn mặn mà dễ thương, để anh em biết đối đáp sao cho phải với mỗi người “(Cl 4,6).

8. Hát : Như Đức Kitô – Lm. Kim Dao

Đk. Như Đức Kitô đã chết và đã sống lại thế nào thì Thiên Chúa cũng sẽ đem họ đến với Người. Và mọi người đều phải chết nơi A-đam thế nào, thì cũng sẽ được sống lại nơi Đức Ktô như vậy.

1/ Niềm hy vọng của chúng ta đã chiếu sáng nơi trần gian này. Là nhờ Đức Kitô đã giao hoà ta cùng Thiên Chúa.

2/ Dù ta còn ở thế gian, mắt đã sáng lên niềm hy vọng, là nhờ Đức Kitô đã gieo mầm, gieo mầm sự sống.

3/ Lòng trông cậy ở Chúa luôn quyết vững ghi trung thành với Người, ngày khi hướng vinh quang khúc ca hoà ca hoà tươi sáng.

9. Gợi ý suy niệm 4 (Mọi người ngồi)

Bằng giáo huấn của ngài, Thánh Phaolô đã cho chúng ta biết khi lãnh nhận phép Rửa, chúng ta được trở thành một thụ tạo mới. Được mặc lấy Đức Kitô, từ nay trở đi không có gì nơi chúng ta thuộc về con người cũ nữa. Chúng ta đã được tái tạo từ đầu đến cuối và nhận lấy một đời sống mới từ Đức Kitô. Bằng đau khổ và cái chết, Đức Kitô đã giải phóng ta khỏi luật của sự tội và sự chết. Đời sống của Chúa bao trùm lấy ta và cho ta trở thành một con người mới bởi quyền năng của Chúa Thánh Thần.

Theo tánh Phaolô: Muốn có một Đời Sống Mới thì phải được tái sinh. “Tái Sinh” chính là điểm khởi đầu của một đời sống mới, một con người mới trong Chúa. Thánh Phaolô đã nói rõ : một đời sống mới là một đời sống “ở trong Đức Kitô ”. Đã có được Đời sống mới rồi thì phải ham thích những điều mới… đó là học hỏi Lời Chúa, siêng năng tham gia vào các công việc thuộc về Chúa và sốt sắng làm theo lời Chúa dạy… Nếu được như thế, tự nhiên cuộc đời của chúng ta sẽ bắt đầu thay đổi, chúng ta sẽ biết từ bỏ đi nếp sống cũ, và hân hoan sống nếp sống mới.

Muốn có một đời sống mới trong Chúa Giêsu, chúng ta phải từ bỏ nếp sống cũ này, để Thần Khí đổi mới tâm trí chúng ta, và phải mặc lấy con người mới, là con người đã được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa để thật sự sống công chính và thánh thiện”

Dĩ nhiên đây không phải là chuyện dễ. Cách tốt nhất để làm chết đi con người cũ này là chúng ta đừng nuôi nó nữa, có nghĩa là phải dứt khoát tẩy chay nó, đừng nghe nó cám dỗ và cũng đừng làm theo những điều nó lôi cuốn, có khi rất hấp dẫn nhưng ta đã biết đó là những điều xấu, những điều không công chính, những điều không mang lại lợi ích cho linh hồn ta.

Thánh Phaolô đã cho ta biết “Sự sống là ân huệ của Thiên Chúa “. Và do đó “ Sự sống mới lại càng là một ân huệ to lớn hơn “. Nhưng sự sống ấy lại phải do ta làm cho nảy nở. Vì thế “Con người mới” vừa là ân huệ Thiên Chúa ban vừa là công trình của ta.

Cuối cùng, để thực sự được sống một đời sống mới, nghĩa là được trở nên công chính và thánh thiện, Thánh Phaolô đã cho mọi người thấy rõ rằng điều kiện của Đời Sống Mới không tuỳ thuộc vào những việc lành chúng ta có thể làm, nhưng hoàn toàn tuỳ thuộc vào ân sủng của Thiên Chúa. Chúng ta “ được trở nên công chính nhờ ân sủng của Thiên Chúa như một ân huệ, nhờ Ơn Cứu độ trong Đức Kitô Giêsu” ( Rm 3, 24). Bằng những lời này, Thánh Phaolô cho chúng ta thấy được chiều hướng mới của ngài từ khi gặp được Chúa Phục Sinh. Ngài đã khẳng định rằng Thiên Chúa đã ban Thần khí cho con người để họ làm hoà với Thiên Chúa và được sống.

Bởi đó, con người có thể sống một đời sống mới nhờ Thần Khí và sự công chính Thiên Chúa ban tặng. Đây quả là một tin vui và đầy tràn hy vọng cho chúng ta, nhờ Đức Tin và Phép Rửa, chúng ta đã trở nên những người con đích thực của Thiên Chúa theo hình ảnh của Chúa Kitô.

Thánh Phaolô mời gọi tất cả mọi người hãy dứt khoát cắt đứt mọi liên hệ với nếp sống cũ trong nô lệ tội lỗi, đồng thời xây dựng một đời sống mới theo tinh thần Tám Mối Phúc Thật, củng cố các nhân đức đối thần ( Tin – Cậy – Mến ) và các nhân đức tự nhiên; thực hành các việc lành trong tình thương mến tha nhân, và nhất là để cho Ân Sủng của Chúa được đổ đầy xuống lòng ta. Ước chi mỗi chúng ta, với sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, trong niềm vui của những Con Người Mới, chúng ta hân hoan sống đời sống mới.

10. Hát: Chúa Sống Trong Tôi – Fa Thăng

ĐK. Tôi sống nhưng không phải là tôi sống mà là chính Đức Kitô, mà là chính Đức Kitô, Ngài sống trong tôi.

1/ Tình yêu Chúa phủ kín hết không gian. Tình yêu Chúa đổi mới muôn tâm hồn. Ngài gọi con và muốn chính thân con, thuộc về Chúa và sống cho Ngài luôn.

2/ Ngài gọi con, Ngài đã phái con đi vào trần gian tìm kiếm chiên lạc về. Vì tình yêu Ngài muốn hết muôn người còn lạc xa về sống trong tình Cha.

(Thinh lặng giây lát chiêm ngưỡng Thánh Thể Chúa và cầu nguyện riêng)

III. PHÉP LÀNH MÌNH THÁNH CHÚA

1. Hát cầu cho Đức Giáo Hoàng

2. Hát: Ca Thánh Thể

3. Lời nguyện

4. Phép Lành Mình Thánh Chúa.

V. BẾ MẠC

Hát kết thúc

 
Biết cúi mình
Lm. Minh Anh
15:47 03/03/2024
BIẾT CÚI MÌNH
“Mọi người trong hội đường đầy phẫn nộ!”.

“Cánh cửa cuộc đời thật mầu nhiệm; nó trở nên thấp hơn một chút so với người muốn đi qua. Chỉ ai biết cúi mình, người ấy mới có thể bước qua ngưỡng của nó!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Lời Chúa hôm nay minh hoạ ý tưởng của nhà tu đức trên, “Chỉ ai biết cúi mình, người ấy mới có thể bước qua ngưỡng cửa cuộc đời!”. Thái độ ‘biết cúi mình’ của tướng quân Naaman khác hẳn thái độ “đầy phẫn nộ” của người Do Thái cùng thời với Chúa Giêsu.

Naaman, một dũng tướng của vua Aram; tuy nhiên, cùng với danh vọng và quyền lực, ông phải vật lộn với bệnh phong cùi! Bộ giáp của ông, trên thực tế, chỉ để che đậy một con người yếu ớt, tổn thương và tật nguyền! Đôi khi, những quà tặng bên ngoài chỉ là những ‘áo mã’ che chắn bao yếu đuối bên trong. Naaman phải làm theo một đứa trẻ, tìm gặp người của Chúa; và ông phải khiêm tốn đến hai lần. Nghĩa là ông phải gặp một sứ giả ‘tầm thường’, làm theo một cách thức ‘lạ thường’, bởi một bé gái ‘khác thường’. Thế nhưng, nhờ khiêm tốn, ông được một phép lạ ‘phi thường’. Và ông đã bật lên lời tuyên xưng, “Nay tôi biết rằng: trên khắp mặt đất, không đâu có Thiên Chúa, ngoại trừ ở Israel!”. Rõ ràng, ‘biết cúi mình’, một điều kiện để hứng nhận ân huệ của Chúa!

Ngược lại, trong bài Tin Mừng, dân thành Nazareth không thể tin vị Thiên Sai là một thợ mộc nghèo hèn. Họ cay cú với Chúa Giêsu, nhất là khi Ngài cho biết, trong lịch sử, Thiên Chúa từng tỏ ra ưu ái người ngoài chứ không chỉ với người Do Thái. Họ bất bình vì đặt sự bảo đảm của mình vào di sản và lời hứa của Thiên Chúa qua các tổ phụ; họ nghĩ rằng, vì là Do Thái, nên cách nào đó, Thiên Chúa phải chiếu cố họ hơn những người khác. Thiếu khiêm tốn, họ đánh mất ân huệ của Ngài; tệ hơn, đầy phẫn nộ, họ những muốn xô Chúa Giêsu xuống vực thẳm!

Cả chúng ta, chúng ta cũng có thể mắc sai lầm này khi quên rằng, ‘biết cúi mình’ là điều kiện tiên quyết trước ơn lành của Chúa! Chúng ta nghĩ, tôi đạo dòng; tôi có chức vụ này, chức vụ kia… nên cách nào đó, Chúa phải quan tâm đến tôi nhiều hơn, phải ban cho tôi nhiều đặc ân hơn! Đây chẳng phải là nguyên nhân gây ra sự phẫn nộ trong cuộc sống tôi sao? Vì thế, tôi cay đắng khi không được ưu đãi; bởi lẽ, tôi nghĩ, tôi xứng đáng để nhận nhiều hơn thế!

Anh Chị em,

“Mọi người trong hội đường đầy phẫn nộ!”. Thật trái khoáy, chính qua con đường nghèo hèn, Thiên Chúa cứu độ con người! Sẽ là một chướng ngại lớn cho những ai “không biết cúi đầu!”. Chúa yêu thương và cứu độ chúng ta theo cách của Ngài. Vì thế, cần thiết biết bao, để bạn và tôi nhận thức rằng, khiêm tốn, một điều kiện để múc lấy ơn Chúa! Mùa Chay, mùa lắng đọng lòng mình để nghe Lời Chúa, ngắm nhìn cách thức hành động của Ngài nơi Giêsu, Đấng huỷ mình ra không để cứu chúng ta. Mùa Chay, còn là mùa khát khao Giêsu. Thật ý nghĩa với Thánh Vịnh đáp ca, “Linh hồn con khao khát Chúa Trời, là Chúa Trời hằng sống!”. Giêsu Hằng Sống đang ước mong chúng ta ‘biết cúi mình’ như Ngài; qua đó, bạn và tôi cũng trở nên những Giêsu luôn biết cúi xuống phục vụ tha nhân!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để con coi thường một ai! Cho con ‘biết cúi mình’ trước Chúa và hoạt động của Chúa trong mỗi anh chị em con!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Một Hồng Y ẩn dưới danh ‘Demos II’ viết về ‘khuôn mạo của vị Giáo hoàng tiếp theo’
Vũ Văn An
15:02 03/03/2024

Theo ban biên tập của Catholic World News, Hai năm sau khi “Demo”—sau này được nhận diện là Đức Hồng Y George Pell—viết một bài nhận định chỉ trích mạnh mẽ triều đại giáo hoàng hiện tại, “Demo II” đã viết một tài liệu “xác định bảy ưu tiên của mật nghị tiếp theo nhằm khắc phục sự nhầm lẫn và khủng hoảng được tạo ra bởi triều đại giáo hoàng này.”



Theo La Nuova Bussola Quotidiana [Tân La bàn Hàng ngày] “Demo II”, là tác giả chính của một văn bản mới được viết “sau khi ngài đối chiếu những đề xuất của các Hồng Y và giám mục khác”.

Demo II viết, “Rõ ràng điểm mạnh của triều giáo hoàng Phanxicô là sự nhấn mạnh thêm mà ngài dành cho lòng cảm thương đối với những người yếu đuối, tiếp cận những người nghèo và bị gạt ra ngoài lề xã hội, quan tâm đến phẩm giá của sáng thế và các vấn đề môi trường phát sinh từ nó, cũng như những nỗ lực để đồng hành cùng những người đau khổ và bị vong thân trong những gánh nặng của họ”.

Ngài viết tiếp, “Những khuyết điểm của nó cũng rõ ràng như thế: phong cách quản lý chuyên quyền, đôi khi có vẻ mang tính thù hận; sự bất cẩn trong vấn đề pháp luật; không khoan dung đối với cả những bất đồng đầy tôn trọng; và – nghiêm trọng nhất – một mô hình mơ hồ trong các vấn đề đức tin và luân lý gây ra sự nhầm lẫn giữa các tín hữu. Do đó, nhiệm vụ của triều giáo hoàng tiếp theo phải là phục hồi và tái lập những sự thật đã dần bị che khuất hoặc đánh mất nơi nhiều Kitô hữu”.

Sau đây là nguyên văn bài đăng:

Độc quyền

Khuôn mạo vị Giáo Hoàng tiếp theo, vị Hồng Y viết

Hai năm sau khi văn bản được ký tên 'Demo' (sau này được tiết lộ là của Đức Hồng Y Pell), một tài liệu ẩn danh mới, được liên kết với tài liệu đầu tiên, xác định bảy ưu tiên của Mật nghị tiếp theo nhằm sửa chữa sự nhầm lẫn và khủng hoảng do vị Giáo hoàng hiện nay tạo ra.

Daily Compass cho công bố một tài liệu độc quyền bằng sáu thứ tiếng, nhằm mục đích lưu hành giữa các Hồng Y nhân mật nghị sắp tới và giữa các tín hữu như một nguồn suy nghĩ về các ưu tiên của Giáo hội. Văn bản chủ yếu được viết bởi một Hồng Y sau khi ngài đối chiếu những đề xuất của các Hồng Y và giám mục khác. Các ngài đã chọn giấu tên vì những lý do được giải thích trong thư.

Vatican ngày mai

Vào tháng 3 năm 2022, một văn bản ẩn danh xuất hiện – ký tên là “Demo” và có tựa đề là “Vatican Ngày Nay” – đã nêu ra một số câu hỏi và chỉ trích nghiêm trọng liên quan đến triều giáo hoàng của Đức Phanxicô. Các điều kiện trong Giáo hội kể từ khi bản văn đó xuất hiện không có thay đổi gì về mặt thực chất, càng không được cải thiện nhiều. Vì vậy, những suy nghĩ được đưa ra ở đây nhằm xây dựng trên những suy tư ban đầu đó theo nhu cầu của Vatican trong tương lai.

Những năm cuối cùng của một triều giáo hoàng, bất cứ triều giáo hoàng nào, là thời gian để đánh giá tình trạng của Giáo hội trong hiện tại cũng như những nhu cầu của Giáo hội và các tín hữu trong tương lai. Rõ ràng điểm mạnh của triều giáo hoàng Phanxicô là sự nhấn mạnh thêm mà ngài dành cho lòng cảm thương đối với những người yếu đuối, tiếp cận những người nghèo và bị gạt ra ngoài lề xã hội, quan tâm đến phẩm giá của sáng thế và các vấn đề môi trường phát sinh từ nó, cũng như những nỗ lực để đồng hành cùng những người đau khổ và bị vong thân trong những gánh nặng của họ.

Những nhược điểm của nó cũng rõ ràng như thế: phong cách quản lý chuyên quyền, đôi khi có vẻ mang tính thù hận; sự bất cẩn trong vấn đề pháp luật; không khoan dung đối với cả những bất đồng đầy tôn trọng; và – nghiêm trọng nhất – một mô hình mơ hồ trong các vấn đề đức tin và luân lý gây ra sự nhầm lẫn giữa các tín hữu. Sự mơ hồ lẫn lộn sinh ra sự chia rẽ và xung đột. Nó làm suy yếu niềm tin vào Lời Thiên Chúa. Nó làm suy yếu chứng tá Tin Mừng. Và kết quả ngày nay là một Giáo hội bị rạn nứt hơn bao giờ hết trong lịch sử gần đây của mình.

Do đó, nhiệm vụ của triều đại giáo hoàng tiếp theo phải là phục hồi và tái lập những sự thật đã dần bị che khuất hoặc đánh mất nơi nhiều Kitô hữu. Những điều này bao gồm nhưng không giới hạn ở những điều cơ bản như sau: (a) không ai được cứu ngoại trừ và chỉ nhờ Chúa Giê-su Ki-tô, như chính Người đã nói rõ; (b) Thiên Chúa là Đấng thương xót nhưng cũng công bằng, và quan tâm mật thiết đến sự sống của mỗi con người, Người tha thứ nhưng Người cũng bắt chúng ta phải chịu trách nhiệm, Người vừa là Cứu Chúa vừa là Đấng xét xử; (c) con người là tạo vật của Thiên Chúa, không phải tự sáng chế ra, một tạo vật không chỉ có cảm xúc và ham muốn mà còn có trí hiểu, ý chí tự do và số phận vĩnh cửu; (d) những sự thật khách quan không thay đổi về thế giới và bản chất con người hiện hữu và có thể nhận biết được thông qua Mặc khải Thần Linh và việc vận dụng lý trí; (e) Lời Chúa, được ghi lại trong Kinh thánh, đáng tin cậy và có hiệu lực vĩnh viễn; (f) tội lỗi là có thật và hậu quả của nó là chết người; và (g) Giáo hội của Người có cả thẩm quyền lẫn nghĩa vụ “làm cho muôn dân trở thành môn đệ”. Việc không vui vẻ đón nhận công cuộc truyền giáo, tình yêu cứu độ đó sẽ gây ra nhiều hậu quả. Như Thánh Phaolô đã viết trong 1 Cr. 9:16, “khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng”.

Một số quan sát thực tế xuất phát từ nhiệm vụ và danh sách ở trên.

Thứ nhất: Thẩm quyền thực sự bị tổn hại bởi những biện pháp độc đoán trong quá trình thực thi nó. Đức Giáo Hoàng là Người Kế Vị Thánh Phêrô và là người bảo đảm sự hiệp nhất của Giáo Hội. Nhưng ngài không phải là người chuyên quyền. Ngài không thể thay đổi tín lý của Giáo hội, và ngài không được phát minh hay thay đổi kỷ luật của Giáo hội một cách tùy tiện. Ngài điều hành Giáo hội một cách tập thể cùng với các giám mục anh em của mình tại các giáo phận địa phương. Và ngài luôn làm như vậy trong sự tiếp tục trung thành với Lời Chúa và giáo huấn của Giáo hội. “Những mô hình mới” và “những con đường mới chưa được khám phá” đi chệch khỏi một trong hai đều không phải của Thiên Chúa. Một Giáo hoàng mới phải khôi phục khoa giải thích liên tục trong đời sống Công Giáo và khẳng định lại sự hiểu biết của Vatican II về vai trò đúng đắn của giáo hoàng.

Thứ hai: Chính vì Giáo hội không phải là một chế độ chuyên chế, cũng không phải là một chế độ dân chủ. Giáo Hội thuộc về Chúa Giêsu Kitô. Giáo Hội là Giáo hội của Người. Giáo hội là Nhiệm Thể của Chúa Kitô, gồm có nhiều chi thể. Chúng ta không có thẩm quyền sửa đổi những lời dạy của Giáo hội để phù hợp hơn với thế giới. Hơn nữa, cảm thức đức tin của Công Giáo không phải là vấn đề khảo sát ý kiến hay thậm chí là quan điểm của đa số những người đã được rửa tội. Nó chỉ xuất phát từ những người thực sự tin tưởng và tích cực thực hành, hoặc ít nhất là chân thành tìm cách thực hành đức tin và giáo huấn của Giáo hội.

Thứ ba: Sự mơ hồ không mang tính Tin mừng hay chào đón. Đúng hơn, nó nuôi dưỡng sự nghi ngờ và nuôi dưỡng những xung động ly giáo. Giáo hội là một cộng đồng không chỉ Lời Chúa và bí tích, mà còn cả tín ngưỡng. Những gì chúng ta tin tưởng sẽ giúp xác định và duy trì chúng ta. Vì vậy, các vấn đề giáo lý không phải là gánh nặng do những “tiến sĩ luật” vô cảm đặt ra. Chúng cũng không phải là những màn biểu diễn phụ của đời sống Ki-tô hữu. Ngược lại, chúng rất quan trọng để sống một đời sống Kitô hữu đích thực, bởi vì chúng đề cập đến việc áp dụng sự thật, và sự thật đòi hỏi sự rõ ràng, chứ không phải sắc thái nước đôi. Ngay từ đầu, triều giáo hoàng hiện tại đã chống lại sức mạnh Tin Mừng và sự trong sáng về mặt trí thức của những triều tiền nhiệm. Việc dỡ bỏ và tái sử dụng Viện Nghiên cứu Hôn nhân và Gia đình Gioan Phaolô II của Rôma cũng như việc loại bỏ các văn kiện như Veritatis Splendor cho thấy sự đề cao “lòng cảm thương” và cảm xúc bất chấp lý trí, công lý và sự thật. Đối với một cộng đồng tín ngưỡng, điều này vừa không lành mạnh vừa cực kỳ nguy hiểm.

Thứ tư: Giáo Hội Công Giáo ngoài Lời Chúa, bí tích, tín điều còn là một cộng đồng luật pháp. Giáo luật sắp đặt trật tự cho đời sống Giáo hội, hài hòa các thể chế và thủ tục của Giáo hội, đồng thời bảo đảm các quyền lợi của các tín hữu. Trong số các dấu hiệu của triều giáo hoàng hiện tại là sự phụ thuộc quá mức vào tự sắc như một công cụ quản trị và sự bất cẩn và chán ghét nói chung đối với các chi tiết giáo luật. Một lần nữa, cũng như sự mơ hồ về tín lý, việc coi thường giáo luật và thủ tục giáo luật thích hợp sẽ làm suy yếu niềm tin vào sự trong sạch của sứ mệnh Giáo hội.

Thứ năm: Giáo hội, như Đức Gioan XXIII đã mô tả rất hay, là mater et magistra, “mẹ và thầy” của nhân loại, chứ không phải là người tận tụy đi theo; người bảo vệ con người trong tư cách chủ thể của lịch sử chứ không phải đối tượng của lịch sử. Giáo hội là cô dâu của Chúa Kitô; bản chất của Giáo hội có tính bản vị, siêu nhiên và thân mật, chứ không chỉ đơn thuần là thể chế. Giáo hội không bao giờ có thể bị thu gọn vào một hệ thống đạo đức linh hoạt hoặc phân tích và tái lên khuôn xã hội học để phù hợp với bản năng và ham muốn (và những nhầm lẫn về tình dục) của một thời đại. Một trong những sai sót chính của triều giáo hoàng hiện tại là việc rút lui khỏi “thần học thân xác” đầy thuyết phục và thiếu một nền nhân học Kitô giáo hấp dẫn... chính vào thời điểm mà các cuộc tấn công vào bản chất và bản sắc con người, từ chủ nghĩa chuyển phái tính đến chủ nghĩa chuyển nhân bản [transhumanism], đang gia tăng.

Thứ sáu: Việc tông du hoàn cầu đã phục vụ một mục tử như Giáo hoàng Gioan Phaolô II rất tốt vì những thiên phú bản thân độc đáo của ngài và tính chất của thời đại. Nhưng thời thế và hoàn cảnh đã thay đổi. Giáo hội ở Ý và khắp châu Âu – ngôi nhà lịch sử của đức tin – đang gặp khủng hoảng. Bản thân Vatican rất cần một cuộc đổi mới tinh thần, thanh lọc các thể chế, thủ tục và nhân sự, cũng như một cuộc cải cách toàn diện về tài chính để chuẩn bị cho một tương lai đầy thách thức hơn. Đây không phải là những điều nhỏ nhặt. Chúng đòi sự hiện diện, sự chú ý trực tiếp và sự tham gia đích thân của bất cứ vị Giáo hoàng mới nào.

Thứ bảy và cuối cùng: Hồng Y đoàn hiện hữu để cung cấp cố vấn cấp cao cho Giáo hoàng và bầu người kế vị sau khi ngài qua đời. Việc phục vụ đó đòi hỏi những con người có đức tính trong sạch, được đào tạo thần học vững chắc, kinh nghiệm lãnh đạo trưởng thành và sự thánh thiện bản thân. Nó cũng đòi hỏi một Giáo hoàng sẵn sàng tìm kiếm lời khuyên và sau đó lắng nghe. Không rõ điều này được áp dụng ở mức độ nào trong triều giáo hoàng của Đức Phanxicô. Triều giáo hoàng hiện tại đã nhấn mạnh vào việc đa dạng hóa Hồng Y đoàn, nhưng đã thất bại trong việc tập hợp các Hồng Y trong các công nghị thường kỳ được thiết kế để thúc đẩy tinh thần hiệp đoàn thực sự và sự tin tưởng giữa các anh em. Kết quả là nhiều cử tri bỏ phiếu trong mật nghị bầu Giáo hoàng tiếp theo sẽ không thực sự biết nhau và do đó có thể dễ bị thao túng hơn. Trong tương lai, nếu Hồng Y đoàn phục vụ mục đích của mình thì các Hồng Y ở đó cần nhiều thứ hơn là một chiếc zucchetto màu đỏ và một chiếc nhẫn. Hồng Y đoàn của ngày hôm nay, nên chủ động tìm hiểu nhau để hiểu rõ hơn quan điểm cụ thể của họ về Giáo hội, hoàn cảnh giáo hội địa phương và nhân cách của họ - những điều ảnh hưởng đến việc họ cân nhắc về vị giáo hoàng tiếp theo.

Người đọc sẽ khá hợp lý khi hỏi tại sao bản văn này lại ẩn danh. Câu trả lời hẳn phải rõ ràng từ xu hướng chung của môi trường Rôma ngày nay: Sự thẳng thắn không được chào đón và hậu quả của nó có thể khó chịu. Tuy nhiên, những suy nghĩ này có thể tiếp tục trong nhiều đoạn văn nữa, đặc biệt lưu ý đến sự phụ thuộc nặng nề của giáo hoàng hiện tại vào Dòng Tên, công việc có vấn đề gần đây của Đức Hồng Y Victor Manuel Fernández của Bộ Giáo lý Đức tin, và sự xuất hiện của một tổ chức đầu sỏ nhỏ gồm những người thân tín có ảnh hưởng quá mức trong nội bộ Vatican – tất cả bất chấp những chủ trương tản quyền của tính đồng nghị, trong số những điều khác.

Chính vì những vấn đề này nên những suy nghĩ thận trọng được nêu ở đây có thể hữu ích trong những tháng tới. Người ta hy vọng rằng sự đóng góp này sẽ giúp hướng dẫn những cuộc đối thoại rất cần thiết về việc Vatican sẽ trông như thế nào trong triều giáo hoàng tiếp theo.

Demo II
 
Tiến sĩ George Weigel: Hai năm trôi qua, Ukraine vẫn không bị bẻ gẫy
J.B. Đặng Minh An dịch
16:47 03/03/2024


Tiến sĩ George Weigel là thành viên cao cấp của Trung tâm Đạo đức và Chính sách Công cộng Washington, và là người viết tiểu sử Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Ông vừa có bài viết nhan đề “TWO YEARS ON, STILL UNBROKEN”, nghĩa là “Hai năm trôi qua, vẫn không bị bẻ gẫy”.

Hai năm trước, lực lượng Nga đã cố gắng tấn công chớp nhoáng kiểu Hitler ở Ukraine. Theo nhà độc tài Nga Vladimir Putin, mục tiêu của nó là xóa sổ Ukraine: cả nhà nước Ukraine và dân tộc Ukraine, với ngôn ngữ và văn hóa đặc biệt. Cuộc tấn công chớp nhoáng đã thất bại nhờ vào cuộc kháng chiến hoành tráng của người Ukraine, được xác định bằng những hành động dũng cảm của Homeric và được duy trì bởi sự đoàn kết xã hội đáng chú ý. Vì vậy, một điều trớ trêu trong cuộc chiến của Putin: Dân tộc Ukraine đoàn kết hơn bao giờ hết, khả năng phục hồi kiên cường và ý chí chiến thắng được tôi luyện trong lò luyện thép của Nga.

Cái giá mà Ukraine phải trả là không thể tính toán được. Không ai biết chính xác có bao nhiêu binh sĩ, quân dự bị, tình nguyện viên và dân thường Ukraine đã thiệt mạng; con số chắc chắn là hàng trăm ngàn. Cách thức chiến tranh của Nga - bao gồm việc phá hủy bừa bãi cơ sở hạ tầng kinh tế, trường học, bệnh viện và trung tâm văn hóa - đã gây ra thiệt hại có thể lên tới hàng ngàn tỷ đô la, thậm chí các lực lượng Nga đã biến Ukraine thành bãi mìn lớn nhất thế giới, việc này sẽ phải mất hàng thập kỷ để làm sạch. Có tới 14 triệu người Ukraine đã trở thành người tị nạn quốc tế hoặc người di tản trong nước; tuy nhiên không có trại tị nạn nào ở Ukraine hoặc các nước láng giềng Âu Châu, vì những người có nhà đã mở cửa cho đồng bào hoặc đồng minh của họ. (Như Đức Tổng Giám mục Borys Gudziak của Giáo hội Công giáo Ukraine đã nói gần đây, “Vào mùa đông năm 2022–23, khi Putin làm hư hại hoặc phá hủy 40% mạng lưới điện của Ukraine, không ai bị đóng băng. Mọi người thực sự đã chia sẻ sự ấm áp của họ.”)

Nga cũng không tha cho các nhà thờ ở Ukraine: Khoảng sáu trăm ngôi nhà thờ phượng đã bị hư hại hoặc phá hủy trong hai năm qua. Ở những nơi lực lượng Nga nắm giữ lãnh thổ Ukraine, quyền tự do tôn giáo đã bị dập tắt đối với người Công giáo, Tin lành, Do Thái, Hồi giáo - và những người Chính thống giáo Ukraine, những người sẽ không khuất phục trước Giáo chủ Chính thống Nga ở Mạc Tư Khoa, mà người lãnh đạo, Thượng phụ Kirill, lặp lại ngôn ngữ thánh chiến của người Sunni và Hồi giáo Shiite ủng hộ một cách báng bổ cuộc chiến diệt chủng của Putin.

Tuy nhiên Ukraine vẫn không bị bẻ gãy.

Không ai có trái tim hay tâm hồn có thể xem một đoạn video ngắn 90 giây về những người Ukraine bị thương trong chiến tranh mà không cảm động và ngưỡng mộ những con người như vậy: một cậu bé tám tuổi bị bỏng mặt khủng khiếp đang học khiêu vũ; trẻ em và người lớn bị cụt chân, hầu hết đều có chân giả, bơi lội, chạy, học võ, bế trẻ sơ sinh — tất cả đều giữa một cuộc chiến tranh tàn khốc. Tuy nhiên, có những người Mỹ - kể cả các nhà lập pháp và một ứng cử viên tổng thống nổi tiếng - vẫn tiếp tục tưởng tượng, bằng cách nào đó, rằng có một kết quả có thể chấp nhận được về mặt đạo đức và chính trị cho cuộc đấu tranh này mà không liên quan đến việc đánh bại quyết tâm tái dựng lại Đế quốc Nga của Putin: một tham vọng không dừng lại ở biên giới của một Liên Xô quá cố, không đáng tiếc thương.

Cũng có những người Mỹ tiếp tục nuốt chửng câu nói tuyên truyền của Nga và trên thực tế, trở thành những người hỗ trợ chính trị cho Putin ở Hoa Kỳ.

Cuộc chiến của Nga ở Ukraine diễn ra trước nhiều năm bởi một chiến dịch thông tin sai lệch quy mô lớn, sử dụng các trang trại dư luận viên để tràn ngập internet và mạng xã hội với những lời dối trá: trong số đó, một tên bạo chúa giết người, kẻ ám sát những người chỉ trích trong nước đồng thời gây ra tình trạng hỗn loạn bên ngoài biên giới Nga, bằng cách nào đó tên sát nhân này lại được coi là một người bảo vệ “nền văn minh Kitô giáo”. Tính dễ bị tổn thương của người Mỹ trước tuyên truyền của Nga có một lịch sử lâu dài, bắt nguồn từ bài báo ca tụng Cách mạng Bolshevik của John Reed và tiếp tục với việc tờ New York Times của Walter Duranty che đậy việc Stalin cố tình bỏ đói hàng triệu người Ukraine trong vụ Holodomor năm 1932–33. Quỹ đạo của hành vi sai trái đó hiện đã đạt đến mức lố bịch quá đáng khi Tucker Carlson đóng vai trò liếm láp, cho phép Putin tuyên bố phi lý rằng Ba Lan phải chịu trách nhiệm về việc bị Hitler xâm lược vào năm 1939.

Cuộc tấn công tuyên truyền đương thời của Nga đã có tác động đến một Quốc hội Hoa Kỳ đang hoạt động kém hiệu quả. Quyết tâm sinh tồn của Ukraine, được bảo đảm bằng máu, đã làm suy yếu quân đội Nga, củng cố NATO, kêu gọi Âu Châu tỉnh táo và từ đó đóng góp đáng kể cho an ninh của Hoa Kỳ: một quốc gia vô cùng giàu có với 92 tỷ Mỹ Kim được chi vào cá cược túc cầu, bóng rổ và bóng chày vào năm 2022–23. Các chính trị gia lập luận rằng chúng ta không đủ khả năng để hỗ trợ Ukraine về mặt quân sự, hoặc những người khăng khăng liên kết hỗ trợ quân sự cho Ukraine với việc giải quyết các bất bình về chính sách trong nước của họ, đều ảo tưởng hoặc không muốn giải thích sự thật địa chính trị của cuộc sống cho cử tri của họ.

Trong cả hai trường hợp, họ có thể học được bài học từ Arthur Vandenberg.

Thượng nghị sĩ Vandenberg, một người bảo thủ về tài chính của Đảng Cộng hòa về cân bằng ngân sách, đã phản đối nhiều chương trình Thỏa thuận mới và Thỏa thuận công bằng trong chính quyền Roosevelt và Truman. Nhưng khi Tổng thống Truman tìm kiếm sự ủng hộ cho Kế hoạch Marshall và NATO, Vandenberg đã không yêu cầu Tổng thống Truman phải hồi đáp bằng việc bãi bỏ một trong những lỗi sai của vị Tổng thống là Đạo luật Quan hệ Lao động Quốc gia. Arthur Vandenberg đã trưởng thành. Liệu ngày hôm nay có thêm nhiều người trong số họ có mặt tại Quốc hội, đoàn kết với những người bạn và đồng minh Ukraine bất khuất của chúng ta hay không.


Source:First Things
 
Huấn đức của Đức Thánh Cha Phanxicô trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật
Đặng Tự Do
19:26 03/03/2024
Chúa Nhật 3 Tháng Ba, Giáo Hội trên toàn thế giới cử hành Chúa Nhật thứ Ba Mùa Chay. Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em,

Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy một cảnh tượng khắc nghiệt: Chúa Giêsu đuổi những người buôn bán ra khỏi đền thờ (x. Ga 2:13-25), Chúa Giêsu đuổi những người bán hàng, lật đổ bàn của những người đổi tiền và khiển trách mọi người rằng: “Đừng biến nhà Cha Ta thành nơi buôn bán” (c. 16). Chúng ta hãy tập trung một chút vào sự tương phản giữa nhà và chợ: quả thực, đây là hai cách khác nhau để đến gần Chúa.

Trong ngôi đền được coi là một khu chợ, để được hòa giải với Chúa, tất cả những gì người ta phải làm là mua một con cừu non, trả tiền và nướng nó trên than bàn thờ. Một người mua, trả tiền, tiêu dùng và sau đó mọi người về nhà. Mặt khác, trong đền thờ được hiểu như một ngôi nhà thì điều ngược lại xảy ra: chúng ta đến đó để gặp Chúa, để gần gũi với Ngài, gần gũi với anh chị em của chúng ta, để chia sẻ niềm vui nỗi buồn. Hơn nữa: ở chợ mọi giá cả đều được thương lượng, còn ở nhà thì không có sự tính toán; ở ngoài chợ người ta tìm lợi riêng, ở nhà người ta cho đi thoải mái. Và Chúa Giêsu ngày nay nghiêm khắc vì Ngài không chấp nhận việc nơi thờ phượng bị biến thành một ngôi chợ, Ngài không chấp nhận rằng mối quan hệ của chúng ta với Thiên Chúa là xa cách và mang tính thương mại thay vì thân mật và tin tưởng, Ngài không chấp nhận việc thay thế bằng các quán bán hàng trên bàn ăn gia đình, giá cả thay thế những cái ôm, những đồng xu thay thế những vuốt ve. Và tại sao Chúa Giêsu không chấp nhận điều này? Bởi vì bằng cách này, một rào cản được tạo ra giữa Thiên Chúa và con người và giữa anh em với nhau, trong khi Chúa Kitô đến để mang lại sự hiệp thông, mang lại lòng thương xót, nghĩa là sự tha thứ và mang lại sự gần gũi.

Lời mời gọi hôm nay, cũng cho hành trình Mùa Chay của chúng ta, là xây dựng một ý thức sâu sắc hơn về mái nhà và ít ý thức hơn về thị trường trong chính chúng ta và xung quanh chúng ta. Trước hết là hướng về Thiên Chúa, bằng cách cầu nguyện nhiều, như những đứa trẻ tin tưởng gõ cửa Chúa Cha không mệt mỏi, chứ không như những thương gia tham lam và ngờ vực. Vì vậy, trước hết, chúng ta phải cầu nguyện. Và sau đó truyền bá tình huynh đệ: thế giới đang rất cần tình huynh đệ!

Tóm lại, chúng ta hãy tự hỏi: trước hết lời cầu nguyện của tôi như thế nào? Đó là một cái giá phải trả, hay đó là một khoảnh khắc của sự tin tưởng mà không cần nhìn đồng hồ? Và mối quan hệ của tôi với người khác như thế nào? Tôi có khả năng cho đi mà không mong nhận lại gì không? Tôi có thể thực hiện bước đầu tiên để phá vỡ những bức tường im lặng và khoảng trống của khoảng cách không? Chúng ta phải tự hỏi mình những câu hỏi này.

Xin Mẹ Maria giúp chúng ta “xây một ngôi nhà” với Thiên Chúa, ở giữa chúng ta và xung quanh chúng ta.

Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói thêm như sau:

Anh chị em thân mến!

Hàng ngày tôi mang trong lòng nỗi đau buồn của người dân Palestine và Israel do tình trạng thù địch đang diễn ra. Hàng ngàn người chết, bị thương, phải di tản và sự tàn phá to lớn gây ra đau khổ, và điều này gây ra những hậu quả to lớn đối với những người nhỏ bé và không có khả năng tự vệ, những người thấy tương lai của mình bị tổn hại. Tôi tự hỏi: chúng ta có thực sự nghĩ rằng chúng ta có thể xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn theo cách này không? Chúng ta có thực sự nghĩ rằng chúng ta có thể đạt được hòa bình không? Đủ rồi, làm ơn! Tất cả chúng ta hãy nói điều đó: đủ rồi, làm ơn! Dừng lại! Tôi khuyến khích việc tiếp tục đàm phán để ngừng bắn ngay lập tức ở Gaza và trên toàn khu vực, để các con tin có thể được giải thoát ngay lập tức và trở về với những người thân yêu đang nóng lòng chờ đợi của họ, và dân thường có thể được tiếp cận an toàn với viện trợ nhân đạo đang cần thiết khẩn cấp. Và xin chúng ta đừng quên Ukraine đang bị dày vò, nơi có rất nhiều người chết mỗi ngày. Có rất nhiều nỗi đau ở đó.

Ngày 5 tháng 3 đánh dấu Ngày Quốc tế lần thứ hai về Nhận thức về Giải trừ Quân bị và Không phổ biến vũ khí hạt nhân. Bao nhiêu tài nguyên bị lãng phí vào việc chi tiêu quân sự mà hậu quả của tình hình hiện nay là tiếp tục gia tăng! Tôi chân thành hy vọng cộng đồng quốc tế hiểu rằng giải trừ quân bị trước hết là một nghĩa vụ: giải trừ quân bị là một nghĩa vụ luân lý. Chúng ta hãy ghi nhớ điều này rõ ràng trong tâm trí. Và điều này đòi hỏi sự can đảm của tất cả các thành viên trong đại gia đình các quốc gia để chuyển từ trạng thái cân bằng sợ hãi sang trạng thái cân bằng niềm tin.

Tôi chào tất cả anh chị em, người Rôma và khách hành hương từ nhiều quốc gia khác nhau. Đặc biệt, tôi xin chào các sinh viên của Đại học Cao cấp Vila Pouca de Aguiar ở Bồ Đào Nha, các sinh viên của Học viện “Rodríguez Moñino” của Badajoz, và các nhóm giáo xứ đến từ Ba Lan.

Tôi chào các tân sinh viên đến từ Rosolina, thuộc giáo phận Chioggia, cùng với các thành viên trong gia đình họ; các tín hữu đến từ Padua, Azzano Mella, Capriano và Fenili, Taranto, và giáo xứ Sant'Alberto Magno ở Rôma.

Tôi trìu mến chào các bạn trẻ Ukraine được Cộng đồng Thánh Egidio tập hợp lại với chủ đề “Hãy lấy điều thiện chinh phục cái ác. Cầu nguyện, người nghèo, hòa bình”. Các bạn trẻ thân mến, cám ơn các bạn vì sự dấn thân của các bạn đối với những người đau khổ nhất vì chiến tranh. Cảm ơn!

Và tôi chúc tất cả anh chị em một ngày Chúa Nhật tốt lành. Xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và xin chào tạm biệt.
 
VietCatholic TV
Nhà máy sản xuất vũ khí lớn nhất Nga nổ tung. Estonia: Putin phải thua, đồng ý đưa quân vào Ukraine.
VietCatholic Media
03:09 03/03/2024


1. Thủ tướng Estonia cảnh báo: NATO phải cân nhắc mọi phương án giúp Ukraine đánh bại Nga

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “NATO Must Consider Every Option to Help Ukraine Defeat Russia: Estonian PM”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Thủ tướng Estonia Kaja Kallas cho biết các nhà lãnh đạo NATO nên xem xét “mọi thứ” khi họ thảo luận về cách ngăn chặn Nga giành chiến thắng trong cuộc chiến chống Ukraine.

Kallas đưa ra tuyên bố này trong cuộc phỏng vấn hôm thứ Sáu với podcast Power Play của Politico khi được hỏi về gợi ý gần đây của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron rằng binh lính phương Tây có thể tăng cường phòng thủ cho Ukraine trong cuộc chiến kéo dài 2 năm.

Không có đồng minh phương Tây nào của Kyiv đưa quân tham chiến, và phát ngôn nhân của Điện Cẩm Linh, Dmitry Peskov, cho biết trong tuần này rằng việc quân đội phương Tây tham gia vào cuộc xung đột sẽ dẫn đến “điều không thể tránh khỏi” về một cuộc đối đầu trực tiếp giữa NATO và Nga.

Khi phát biểu tại cuộc họp báo hôm thứ Hai, ông Macron nói rằng “không có gì nên bị loại trừ” trong việc giúp đỡ Kyiv “ngăn cản Nga giành chiến thắng trong cuộc chiến này”. Kallas đồng tình với quan điểm của nhà lãnh đạo Pháp, cho rằng các nhà lãnh đạo phương Tây nên khám phá mọi con đường có thể để hỗ trợ Kyiv.

Kallas nói trong buổi nói chuyện trên Power Play: “Tôi nghĩ đó cũng là những tín hiệu mà chúng tôi đang gửi tới Nga, rằng chúng tôi không loại trừ những điều khác nhau. Bởi vì tất cả các nước đều hiểu rằng chúng tôi phải làm mọi thứ để Ukraine thắng và Nga thua trong cuộc chiến này.”

Kallas đã đưa ra nhận xét tương tự trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí Stern của Đức được xuất bản vào thứ Năm.

“Chúng ta không nên tự ti mặc cảm về sức mạnh của chính mình và không nên đánh giá quá cao sức mạnh của Nga. Nỗi sợ leo thang khiến chúng ta trở nên nhỏ bé hơn. Điều đó sai,” Kallas nói với Stern. “Nga biết rằng NATO vượt trội về mặt quân sự và không muốn xung đột với NATO nhiều hơn chúng ta muốn với Nga”.

Tuy nhiên, bất chấp đề nghị của Macron, một số quan chức từ các nước NATO cho biết họ sẽ không ủng hộ việc triển khai quân ở Ukraine, bao gồm Vương quốc Anh, Đức, Ý, Ba Lan, Tây Ban Nha và Hung Gia Lợi.

Hôm thứ Ba, phát ngôn nhân Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ John Kirby cho biết trong cuộc họp báo tại Tòa Bạch Ốc rằng Tổng thống Joe Biden “rõ ràng” phản đối việc gửi quân đội Mỹ hoặc NATO tới Ukraine. Tuy nhiên, ông nói thêm rằng khả năng Pháp hoặc các quốc gia NATO khác gửi quân tới Ukraine là một “quyết định có chủ quyền mà mọi đồng minh NATO sẽ phải tự mình đưa ra”.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng phủ nhận liên minh này sẽ thực hiện một bước đi như vậy trong tương lai gần.

“Các đồng minh của NATO đang cung cấp sự hỗ trợ chưa từng có cho Ukraine. Chúng tôi đã làm điều đó từ năm 2014 và tăng cường sau cuộc xâm lược toàn diện. Nhưng không có kế hoạch nào cho lực lượng chiến đấu của NATO trên mặt đất ở Ukraine”, ông Stoltenberg nói với hãng tin AP.

2. Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin cảnh báo NATO sẽ bị lôi kéo vào cuộc chiến với Nga nếu Ukraine thua

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “NATO Will Be Drawn Into War With Russia if Ukraine Loses: Lloyd Austin”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin hôm thứ Sáu cảnh báo rằng NATO sẽ bị lôi kéo vào cuộc chiến nếu Ukraine bị quân Nga đánh bại.

Phát biểu tại phiên điều trần của Ủy ban Quân vụ Hạ viện do Đảng Cộng hòa lãnh đạo để thảo luận về sự vắng mặt gần đây của ông khi vào bệnh viện vì biến chứng do phẫu thuật ung thư tuyến tiền liệt, Austin dự đoán rằng Putin sẽ không “dừng lại” nếu Mạc Tư Khoa giành chiến thắng trong cuộc chiến ở Ukraine.

Austin đưa ra nhận xét sau khi được hỏi về việc Quốc hội không phê duyệt gói viện trợ quân sự trị giá 60 tỷ Mỹ Kim cho Ukraine, theo yêu cầu của Tổng thống Joe Biden. Bất chấp sự ủng hộ đáng kể của lưỡng đảng đối với viện trợ Ukraine, biện pháp này vẫn bị đình trệ trong bối cảnh xảy ra một loạt tranh chấp giữa các đảng phái về an ninh biên giới và các vấn đề khác.

“Chúng tôi biết rằng nếu Putin thành công ở đây, ông ấy sẽ không dừng lại”, Austin nói. “Ông ấy sẽ tiếp tục có những hành động quyết liệt hơn trong khu vực. Và các nhà lãnh đạo khác trên thế giới, những nhà độc tài khác, sẽ xem xét điều này và họ sẽ được khích lệ bởi thực tế là điều này đã xảy ra và chúng ta đã thất bại trong việc hỗ trợ một nền dân chủ.”

Austin sau đó nói rằng các quốc gia vùng Baltic – Latvia, Lithuania và Estonia – đặc biệt dễ bị tổn thương trước những tham vọng bành trướng trong tương lai của Putin. Cả ba quốc gia đều là thành viên NATO, có nghĩa là về cơ bản, Nga sẽ tuyên chiến với toàn bộ liên minh chiến lược bằng cách tấn công bất kỳ quốc gia nào.

Ông nói: “Nếu bạn là một quốc gia vùng Baltic, bạn thực sự lo lắng về việc liệu mình có phải là quốc gia tiếp theo hay không. Họ biết Putin, họ biết ông ấy có khả năng gì… Và thật lòng mà nói, nếu Ukraine sụp đổ, tôi thực sự tin rằng NATO sẽ có chiến tranh với Nga.”

Căng thẳng giữa Nga và NATO đã leo thang trong những tháng gần đây, với việc tăng cường quân sự diễn ra dọc biên giới của liên minh với Nga. Các quan chức Nga và các nước thành viên NATO ngày càng bày tỏ lo ngại về cuộc chiến Ukraine ngày càng có sự tham gia của liên minh này.

Putin viện dẫn những lo ngại về việc NATO mở rộng là một trong những lý do ban đầu khiến ông xâm lược Ukraine vào ngày 24 tháng 2 năm 2022. Dù vậy, liên minh này vẫn tiếp tục phát triển trong suốt cuộc chiến. Phần Lan tham gia vào tháng 4 năm 2023, trong khi nước láng giềng Thụy Điển vừa vượt qua ải cuối cùng là ải Hung Gia Lợi, hay còn gọi là Hungary.

Việc Thụy Điển gia nhập liên minh sẽ hoàn tất việc biến Biển Baltic thành nơi mà một số người gọi là “hồ NATO”, vì các quốc gia khác trên vùng biển này đều là thành viên. Ngoại lệ duy nhất là vùng đất xa xôi Kaliningrad của Nga, nằm trên vùng Baltic giữa Lithuania và Ba Lan.

Ukraine đã gặp khó khăn trên chiến trường trong những tuần gần đây khi phải đối mặt với tình trạng thiếu đạn dược và thiết bị mà có thể được khắc phục nếu có thêm viện trợ. Những chiến thắng của Nga trong hai tuần qua bao gồm việc chiếm được thành phố Avdiivka của Dontesk vào ngày 17 tháng 2 và ba khu định cư bổ sung gần thành phố vào đầu tuần này.

Trước đó trong phiên điều trần tại Hạ viện hôm thứ Năm, Austin nói rằng việc Mỹ không bảo đảm được thêm viện trợ cho Ukraine đã gửi một tín hiệu bất lợi đến thế giới và cản trở niềm tin cũng như ý thức về mục đích của quân đội Ukraine.

Austin nói: “Các đồng minh của chúng ta đang gặp rắc rối với thông điệp mà chúng tôi đang gửi đi”. “Chắc chắn, nó đã ảnh hưởng đến tinh thần của quân đội Ukraine. Nếu chúng tôi tiếp tục đi theo con đường này, đó sẽ là một món quà dành cho Putin và chúng tôi chắc chắn không muốn điều đó xảy ra”.

Ông nói thêm: “Khi những người khác nhìn vào điều này, họ sẽ đặt câu hỏi liệu chúng ta có phải là đồng minh đáng tin cậy hay đối tác đáng tin cậy hay không”. “Và điều đó cũng gây rắc rối cho chúng ta.”

3. Người Nga nói Putin là kẻ sát nhân

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Russians Tell Putin He's a 'Murderer'“. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Hàng trăm người Nga tham dự đám tang của Alexei Navalny ở Mạc Tư Khoa hôm thứ Sáu đã hô vang rằng Putin là một “kẻ sát nhân”, theo đoạn video đăng lên mạng xã hội.

Navalny, lãnh đạo chủ chốt trong phe đối lập chống Putin, qua đời ở tuổi 47 hồi tháng 2 khi đang thụ án 19 năm tù vì tội lừa đảo và coi thường tòa án.

Cái chết của ông đã gây ra phản ứng dữ dội trên toàn cầu khi các nhà phê bình cáo buộc chính quyền Putin là đồng lõa. Tổng thống Joe Biden cho biết ông “không nghi ngờ gì” rằng Điện Cẩm Linh phải chịu trách nhiệm.

Cách đối xử của Tổng thống Nga với các đối thủ chính trị từ lâu đã gây lo ngại cho những người theo dõi nhân quyền. Tuy nhiên, Điện Cẩm Linh đã phủ nhận mọi liên quan đến cái chết của Navalny.

Người Nga nói với Putin rằng ông ta là kẻ giết người

Các sĩ quan cảnh sát đứng gần những người đưa tang tham dự đám tang của thủ lĩnh phe đối lập Nga Alexei Navalny ở Mạc Tư Khoa vào ngày 1 tháng 3 năm 2024. Đoạn video đăng lên mạng xã hội cho thấy những người đưa tang hô vang “Putin là kẻ sát nhân” tại đám tang.

Hôm thứ Sáu, hàng trăm người đã tập trung tại Mạc Tư Khoa để tưởng nhớ Navalny khi ông được an nghỉ tại Nghĩa trang Borisovsky ở phía đông nam thành phố.

Đoạn phim được đăng lên mạng xã hội cho thấy những người đưa tang đang hô vang “Putin là kẻ sát nhân” bên ngoài Nhà thờ Đức Mẹ Sầu Bi gần đó. Đó là dấu hiệu phản đối hiếm hoi ở một quốc gia đã trấn áp những người bất đồng chính kiến kể từ khi Tổng thống Nga ra lệnh xâm lược toàn diện Ukraine vào tháng 2 năm 2022.

Đoạn video lần đầu tiên được hãng tin độc lập SOTA của Nga đưa tin nhưng sau đó đã lan sang X, nền tảng truyền thông xã hội trước đây gọi là Twitter, nơi người dùng bình luận về những lời hô vang.

Đoạn phim được Anton Gerashchenko, cố vấn của Bộ trưởng Nội vụ Ukraine chia sẻ, đã được xem hơn 250.000 lần.

“Thật khó để tưởng tượng từ sự thoải mái của một xã hội tự do, điều này đòi hỏi bao nhiêu sự dũng cảm trong một xã hội mà chế độ có thể dễ dàng khiến bạn biến mất. 99% những người này sẽ không được báo chí quốc tế chú ý sau khi bị giam cầm như Navalny đã làm,” người dùng X @andrejnkv đăng.

“Dũng cảm. Tôi chỉ hy vọng họ muốn nói anh ta là kẻ sát hại hàng ngàn người Ukraine và Syria cũng như Navalny,” người dùng X Jamie Woodhouse viết.

“Người dân Mạc Tư Khoa hô vang “Putin là kẻ sát nhân!” tại đám tang của Navalny. Một số sau này sẽ phải trả giá: Cảnh sát sẽ tìm ra họ với sự hỗ trợ từ camera giám sát. Các thử nghiệm sẽ bắt đầu. Chúng tôi đã thấy điều này vô số lần”, Matthew Luxmoore, nhà báo của The Wall Street Journal viết.

Theo hãng tin Âu Châu NEXTA, các video khác được đăng trực tuyến cho thấy mọi người hô vang “tình yêu mạnh hơn nỗi sợ hãi” và “không chiến tranh”.

Nhóm truyền thông độc lập và nhân quyền OVD-Info cho biết chính quyền Nga đã bắt giữ ít nhất một người tại đám tang, mặc dù chi tiết về nguyên nhân dẫn đến việc bắt giữ họ vẫn chưa rõ ràng. Trên khắp nước Nga, ít nhất 21 người dự định tham dự tang lễ đã bị bắt giữ, theo OVD-Info.

Điện Cẩm Linh cảnh báo chống lại các cuộc biểu tình “trái phép” trước đám tang của Navalny, theo The Kyiv Post.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Nga để yêu cầu bình luận qua email.

4. Máy bay không người lái Ukraine tấn công trung tâm sản xuất vũ khí lớn của Nga

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Ukraine Drones Attack Major Russian Arms Production Hub”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Một trung tâm sản xuất vũ khí lớn nằm ở thành phố Dzerzhinsk thuộc vùng Nizhny Novgorod của Nga được cho là đã trở thành mục tiêu trong một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Ukraine trong đêm.

“Tại Nizhny Novgorod Dzerzhinsk, nhà máy sản xuất chất nổ Sverdlov được tường trình đã bị tấn công”, hãng tin độc lập SOTA của Nga đưa tin trên kênh Telegram của mình. Nó đã công bố những đoạn phim trong đó có thể nghe thấy những tiếng nổ lớn. Các quan chức Nga và Ukraine chưa bình luận về vụ việc mới nhất được báo cáo. Newsweek không thể xác minh độc lập tính xác thực của các video và đã liên hệ với Bộ quốc phòng Nga và Ukraine để yêu cầu bình luận qua email.

Nga đã phải hứng chịu làn sóng tấn công bằng máy bay không người lái kể từ khi Tổng thống Vladimir Putin phát động cuộc tấn công toàn diện vào Ukraine, với một số cuộc tấn công nhằm vào thủ đô Mạc Tư Khoa. Nhiều cuộc tấn công đã nhắm vào các kho đạn dược. Ukraine hiếm khi tuyên bố chịu trách nhiệm về các cuộc tấn công trên đất Nga, nhưng Điện Cẩm Linh đã cáo buộc Kyiv cố gắng thực hiện các cuộc tấn công khủng bố bằng máy bay không người lái.

Nhà máy Sverdlov bị Bộ Ngoại giao Mỹ trừng phạt vào tháng 7/2023 nhằm đáp trả cuộc chiến của Nga ở Ukraine. Bộ mô tả nó là “một doanh nghiệp lớn thuộc sở hữu nhà nước của Liên bang ở Nga chuyên sản xuất chất nổ, hóa chất công nghiệp, ngòi nổ và đạn dược”. Nhà máy này cũng đã bị Liên Hiệp Âu Châu, Anh, Thụy Sĩ, Nhật Bản, Canada, Úc và Ukraine trừng phạt.

Mỹ cho biết họ đang áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các cá nhân và thực thể “nhằm làm suy giảm khả năng quân sự hiện tại và tương lai của Nga, làm giảm doanh thu của Nga bằng cách tấn công vào các dự án năng lượng trong tương lai của nước này và hạn chế việc trốn tránh các lệnh trừng phạt bằng cách nhắm vào những người giúp Nga mua tài liệu nhạy cảm và hạn chế việc Nga sử dụng tài liệu”. hệ thống tài chính quốc tế để tiếp tục cuộc chiến của mình.”

Kênh Telegram ASTRA cũng đưa tin về các vụ nổ ở thành phố Dzerzhinsk, lưu ý rằng khu vực này là nơi đặt nhà máy Sverdlov. Kênh này cho biết trung tâm sản xuất vũ khí là “một doanh nghiệp hình thành thành phố, là một phần của tổ hợp công nghiệp-quân sự của Nga”.

Các hãng tin địa phương cho biết nhà máy này là một trong những nhà sản xuất thuốc nổ công nghiệp lớn nhất của Nga, phí cho ngành khai thác mỏ, công tác địa chấn và địa vật lý.

Andriy Yusov, phát ngôn nhân của cơ quan tình báo quân sự Ukraine, cho biết vào tháng 7 năm 2023 rằng các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái trên đất Nga sẽ tiếp tục và gia tăng quy mô. Ông nói thêm rằng chúng là bằng chứng cho thấy Putin không thể kiểm soát được bầu trời.

Kênh Telegram hôm 20/2 đưa tin Nga đã mất thiết bị quân sự trị giá “hàng triệu Mỹ Kim” trong cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Ukraine nhằm vào một nhà kho ở vùng Donetsk phía đông Ukraine.

Đơn vị tấn công Bulava của Ukraine đã tiêu diệt 2 xe tăng T-72, pháo phòng không S-60 của Nga, một xe chiến đấu bộ binh BMP-3 của Nga, xe địa hình Ural-4320 và một chiếc BMPT hiếm còn được gọi là “Kẻ hủy diệt”. Đây là loại xe thiết giáp được thiết kế để hộ tống xe tăng trong trận chiến. Thông tin đến từ kênh Telegram của Ukraine chuyên đăng tin tức về máy bay không người lái góc nhìn thứ nhất (FPV) trong chiến tranh, chia sẻ một đoạn video về vụ việc.

5. Lavrov thăm Thổ Nhĩ Kỳ khi Erdogan tìm kiếm đột phá hòa bình ở Ukraine

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hôm Thứ Sáu, 1 tháng Ba đã tới Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia đang tìm cách khôi phục các cuộc đàm phán hòa bình Nga-Ukraine cũng như các biện pháp bảo đảm hàng hải an toàn ở Hắc Hải.

AP đưa tin rằng ông Lavrov sẽ tham dự một phần của diễn đàn ngoại giao thường niên tại khu nghỉ mát Antalya ở Địa Trung Hải, nơi ông sẽ gặp tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan và ngoại trưởng Hakan Fidan.

Phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Nga Maria Zakharova cho biết Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov sẽ tới Thổ Nhĩ Kỳ vào thứ Sáu và sẽ gặp Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan và Ngoại trưởng Hakan Fidan.

Cuộc chiến Nga-Ukraine sẽ là chủ đề thảo luận chính tại diễn đàn diễn ra từ thứ Sáu đến Chúa Nhật, mặc dù nhà ngoại giao hàng đầu của Nga sẽ bay về Nga vào thứ Bảy.

Kể từ khi Nga xâm chiếm Ukraine vào tháng 2 năm 2022, Ankara đã duy trì mối quan hệ một cách cẩn thận với cả hai bên. Sinan Ulgen, giám đốc của thinktank Edam có trụ sở tại Istanbul, nói với AP: “Thổ Nhĩ Kỳ, cùng với Hung Gia Lợi, vẫn là một trong những quốc gia cuối cùng trong Liên minh Đại Tây Dương, gọi tắt là Nato, duy trì đối thoại với Mạc Tư Khoa”.

Ông nói thêm: “Trong bối cảnh địa chính trị bị ảnh hưởng bởi chiến tranh, Thổ Nhĩ Kỳ thận trọng giữ vai trò này trong tương lai, hy vọng tận dụng được vai trò này trong các cuộc đàm phán hòa bình có thể xảy ra”.

Erdoğan cho biết hôm thứ Tư rằng Thổ Nhĩ Kỳ muốn khôi phục nỗ lực hòa bình năm 2022 khi các nhà đàm phán hàng đầu của các đối thủ gặp nhau ở Istanbul.

“Chúng tôi sẵn sàng tái lập bàn đàm phán để xây dựng hòa bình giống như chúng tôi đã làm ở Istanbul trước đây,” ông Erdoğan nói trong một thông điệp video được phát tại hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo Đông Nam Âu ở Tirana trong tuần này, nơi có sự tham dự của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy.

Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ cũng kêu gọi một cơ chế an toàn mới cho vận tải Hắc Hải. Ông nói: “Chúng tôi cần một thỏa thuận bảo đảm sự di chuyển an toàn của các tàu thương mại ở Hắc Hải”. Ông nói thêm: “Vì mục đích này, chúng tôi đang tiếp tục liên hệ để nhận được các cam kết về mặt an ninh”.

6. Mỹ đưa ra lời chỉ trích đối với đe dọa hạt nhân của Putin: 'Chúng tôi sẽ không bị đe dọa'

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “US Issues Putin Nuclear Rebuke: 'Will Not Be Intimidated'“. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, Mỹ “sẽ không bị đe dọa” bởi chính sách bên miệng hố chiến tranh hạt nhân của Nga, sau khi Tổng thống Vladimir Putin sử dụng bài phát biểu trước quốc dân hàng năm để đưa ra một loạt lời đe dọa mới chống lại phương Tây liên quan đến việc các nước này ủng hộ Ukraine.

Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao nói với Newsweek rằng Hoa Kỳ coi “những lời đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân của Putin là nghiêm trọng, như chúng tôi đã làm trong suốt cuộc chiến của Nga chống lại Ukraine. Kiểu hùng biện vô trách nhiệm này không phải là cách để lãnh đạo của một quốc gia có vũ khí hạt nhân dùng đến.”

Phát ngôn nhân nói: “Chúng tôi sẽ không bị đe dọa bởi những những luận điệu của Putin”. “Putin biết điều gì sẽ xảy ra nếu ông ấy sử dụng loại vũ khí này – chúng tôi đã liên lạc trực tiếp và riêng tư với Nga về hậu quả.”

Putin hôm thứ Năm cảnh báo rằng “các lực lượng hạt nhân chiến lược của Nga đang ở trạng thái sẵn sàng hoàn toàn”, đồng thời nói thêm: “Nga sẽ không để bất kỳ ai can thiệp vào công việc nội bộ của mình”.

Các nước phương Tây, ông Putin nói, “phải nhận ra rằng chúng ta cũng có vũ khí có thể tấn công các mục tiêu trên lãnh thổ của họ. Tất cả điều này thực sự đe dọa một cuộc xung đột với việc sử dụng vũ khí hạt nhân và sự hủy diệt của nền văn minh. Họ không hiểu điều đó sao?”

Nhận xét của ông được đưa ra ngay sau khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đề nghị triển khai quân đội NATO tới Ukraine với vai trò hỗ trợ và cố vấn, một đề xuất mà Điện Cẩm Linh cho rằng sẽ khiến một cuộc chiến giữa Nga và phương Tây là không thể tránh khỏi.

Trong một diễn biến khác, tờ Financial Times tuần này đã công bố các tài liệu quân sự được cho là bị rò rỉ của Nga cho thấy ngưỡng sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật của Mạc Tư Khoa thấp hơn so với những gì người ta tin trước đây.

Bộ Ngoại giao nói với Newsweek hôm thứ Năm rằng họ không có “dấu hiệu cho thấy Nga đang chuẩn bị sử dụng vũ khí hạt nhân và sẽ tiếp tục theo dõi điều này một cách cẩn thận”.

Nguy cơ leo thang hạt nhân – dù là thông qua vũ khí hạt nhân, hay một vụ tai nạn hay tấn công vào nhà máy điện hạt nhân của Ukraine – đã rình rập cuộc xâm lược toàn diện của Mạc Tư Khoa ngay từ đầu.

Các nhà lãnh đạo phương Tây, bao gồm Tổng thống Joe Biden, Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, đã liên tục cảnh báo rằng một cuộc đối đầu trực tiếp giữa Nga và NATO là điều không thể tưởng tượng được khi xét đến lợi ích hạt nhân.

Các nhà lãnh đạo NATO - đặc biệt là từ các quốc gia nằm ở biên giới dài phía đông của liên minh với Nga - đã cảnh báo rằng xung đột trực tiếp với Mạc Tư Khoa là một mối nguy hiểm, cho thấy phương Tây có từ 3 đến 10 năm để chuẩn bị cho chiến tranh. Putin và các quan chức hàng đầu của ông thường xuyên coi cuộc chiến của họ ở Ukraine là xung đột với “tập thể phương Tây”.

Tuy nhiên, Putin bác bỏ những lo ngại đó là “vô nghĩa”, nói thêm: “Đồng thời, chính họ cũng đang chọn mục tiêu để tấn công lãnh thổ của chúng tôi”; ám chỉ đến tiết lộ của Scholz rằng nhân viên Anh và Pháp đang giúp Ukraine tấn công vào các vị trí của Nga bằng hỏa tiễn hành trình Storm Shadow/SCALP.

7. Nga chật vật chế tạo máy bay mới giữa các lệnh trừng phạt

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Russia Struggles to Build New Planes Amid Sanctions.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Nga đang gặp khó khăn trong việc chế tạo máy bay mới khi các lệnh trừng phạt của phương Tây áp đặt nhằm đáp trả cuộc chiến của Putin ở Ukraine tiếp tục tác động đến ngành hàng không nước này.

Tờ Kommersant của Nga đưa tin việc giao máy bay hoàn toàn mới của Nga đã bị trì hoãn hai năm do lo ngại về an toàn. Bộ Công Thương Nga và Rostec, tập đoàn quốc phòng nhà nước của nước này, đã đẩy lùi việc triển khai chương trình nhằm thay thế các máy bay do phương Tây sản xuất như máy bay phản lực Boeing và Airbus bằng máy bay nội địa từ năm 2024 sang năm 2025-2026. được công bố.

Ngành hàng không nước này đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi các lệnh trừng phạt của phương Tây áp đặt sau khi Putin phát động cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine vào tháng 2 năm 2022. Các máy bay do Nga vận hành đã bị chính phủ Mỹ trừng phạt và các nhà sản xuất máy bay đã ngừng cung cấp phụ tùng và máy bay mới cho Ukraine. Quốc gia.

Sergey Chemezov, Giám đốc điều hành của Rostec, cho biết bên lề bài phát biểu thường niên của ông Putin trước quốc dân ở Mạc Tư Khoa hôm thứ Năm rằng việc giao hàng cho các hãng hàng không máy bay chở khách mới nhất của Nga MS-21 sẽ không bắt đầu vào năm 2024 như kế hoạch do lo ngại về an toàn.

Chemezov nói: “Chúng tôi vẫn lo lắng về sự an toàn của tất cả chúng tôi. Chúng tôi sẽ bay trên những chiếc máy bay này.

Trích dẫn các nguồn tin trong ngành hàng không, Kommersant cho biết tất cả các dự án dân sự—MS-21, SJ-100, Tu-214, Il-114 và Baikal—đều bị ảnh hưởng do chính quyền không thể thực hiện các thử nghiệm cần thiết đúng thời hạn.

Cơ quan truyền thông này cho biết, chẳng hạn, trọng lượng của máy bay chở khách MS-21 mới đã tăng 5,75 tấn so với phiên bản trước sử dụng phụ tùng nước ngoài và động cơ phương Tây. Điều này có nghĩa là phạm vi bay và độ cao của nó đã bị giảm đáng kể.

Một trong những nguồn tin của Kommersant cho biết, nếu Nga không thể giảm trọng lượng của máy bay thì cơ quan chức năng sẽ không thể khiến máy bay đạt được đặc tính hiệu suất như mong muốn. Nguồn tin cho biết: “Không thể tăng lực đẩy động cơ thêm 20%.”

Nga cũng đang phải đối mặt với số vụ trục trặc máy bay tăng đột biến.

Dữ liệu do Newsweek tổng hợp năm ngoái cho thấy, từ tháng 9/2023 đến ngày 8/12/2023, Nga chứng kiến tổng cộng 60 sự việc hàng không thương mại liên quan đến việc hạ cánh khẩn cấp, cháy động cơ và trục trặc, cùng với các vấn đề kỹ thuật khác buộc máy bay phải từ bỏ lộ trình dự kiến..

Có 15 sự việc trong tháng 9; 25 vào tháng 10; 12 vào tháng 11; và tám vào ngày 8 tháng 12, Newsweek nhận thấy.

Trước đó, tờ báo độc lập Novaya Gazeta Europe đưa tin, từ tháng 1 đến tháng 8/2023, hơn 120 vụ tai nạn hàng không được ghi nhận ở Nga liên quan đến máy bay dân dụng do các hãng hàng không Nga sử dụng. Điều này nâng tổng số máy bay gặp trục trặc vào năm 2023 lên hơn 180. So sánh, 61 sự việc đã được báo cáo vào năm 2022.

Kirill Yankov, Chủ tịch Hiệp hội Hành khách Nga, nói với hãng tin 74.ru của Nga vào tháng 12 rằng sự gia tăng các sự việc hàng không thương mại là do thiếu phụ tùng thay thế và bảo trì. Yankov cho biết thêm, an toàn chuyến bay nói chung đã giảm do các lệnh trừng phạt của phương Tây.

8. Một người đàn ông Nga bị cáo buộc xuất khẩu trái phép thiết bị điện tử sang Nga

Một người đàn ông Nga hôm thứ Năm đã nhận tội xuất khẩu trái phép thiết bị điện tử sang Nga để sử dụng cho mục đích quân sự, vi phạm các lệnh trừng phạt áp đặt sau khi Mạc Tư Khoa xâm chiếm Ukraine, Bộ Tư pháp Hoa Kỳ cho biết như trên.

Theo Bộ Tư pháp Hoa Kỳ, Maxim Marchenko, sống ở Hương Cảng, đã điều hành một mạng lưới với hai người Nga không rõ danh tính khác để lừa đảo mua số lượng lớn thiết bị vi điện tử cấp quân sự từ các nhà phân phối Hoa Kỳ thay mặt cho quân đội Nga.

Bị bắt vào tháng 9 năm 2023, người đàn ông 51 tuổi này đã nhận tội buôn lậu và rửa tiền tại một tòa án ở New York hôm thứ Năm, hãng tin AFP đưa tin.

Luật sư Hoa Kỳ Damian Williams cho biết: “Marchenko đã che giấu kế hoạch của mình để đưa các thiết bị vi điện tử này – vốn được ứng dụng vào ống ngắm súng trường, kính nhìn đêm, quang học nhiệt và các hệ thống vũ khí khác – bằng cách sử dụng các công ty vỏ bọc và các kỹ thuật rửa tiền phức tạp khác”, theo một tuyên bố từ Bộ Tư pháp Hoa Kỳ. Marchenko sẽ bị kết án vào ngày 29 tháng 5.

Bộ cho biết rửa tiền có thể bị phạt tù tối đa là 20 năm trong khi buôn lậu có thể bị phạt tới 10 năm tù.

Trợ lý tổng chưởng lý Matthew G Olsen thuộc bộ phận an ninh quốc gia của bộ tư pháp cho biết Bộ Tư pháp Hoa Kỳ “chịu trách nhiệm xử phạt những người tạo điều kiện cho Điện Cẩm Linh và cuộc chiến tranh xâm lược bất công chống lại Ukraine của họ”.

Theo Bộ Tư pháp Hoa Kỳ, các công ty vỏ bọc của Marchenko đã chuyển hơn 1,6 triệu Mỹ Kim sang Mỹ trong khoảng thời gian từ tháng 5 năm 2022 đến tháng 8 năm 2023 để mua thiết bị.

9. Hoạt động 'rất kỳ lạ' của các tàu Nga trên Hắc Hải đặt ra câu hỏi

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Russian Ships' Very Strange Black Sea Maneuver Raises Questions”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Các tàu của Nga dường như đang hành động thận trọng hơn ở Hắc Hải sau một loạt cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Hải Quân Ukraine làm suy giảm lực lượng hải quân của Putin trong khu vực.

Theo một phát ngôn viên của Hải quân Ukraine, trong một “sự việc thú vị” gần đây, một nhóm tàu Nga dường như đã tiếp cận eo biển Bosporus trước khi bất ngờ quay đầu lại thay vì băng qua Crimea do Nga nắm giữ.

Hạm đội Hắc Hải đã trở thành mục tiêu của Ukraine trong suốt cuộc chiến khi nước này tìm cách đảo ngược việc sáp nhập Crimea năm 2014 của Putin. Khu vực này đóng vai trò là trung tâm hậu cần trung tâm của Mạc Tư Khoa cho các lực lượng của nước này ở miền nam Ukraine và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã cam kết sẽ chiếm lại bán đảo.

“Gần đây, một sự việc thú vị đã xảy ra khi họ cử hai đơn vị tàu hộ tống tàu của họ khỏi Bosporus. Điều đó không xảy ra thường xuyên, chỉ khoảng một tháng một lần. Nhưng đến một lúc nào đó, họ quay lại và hối hả tháo lui về hướng ngược lại”, Dmytro Pletenchuk, phát ngôn nhân Hải quân Ukraine, nói trên truyền hình Ukraine, theo hãng tin Unian của Ukraine.

Mặc dù không rõ động cơ của việc quay đầu tàu là gì, Pletenchuk suy đoán rằng các chỉ huy của các tàu có thể đã được thông báo về một “mối đe dọa”, lưu ý rằng nó thể hiện một “xu hướng tích cực” đối với Ukraine.

“Những tàu này buộc phải di chuyển dọc biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, thực tế là đang ẩn náu trong lãnh hải Thổ Nhĩ Kỳ. Vì vậy, chúng không đi theo con đường ngắn nhất mà chúng thường đi mà thay vào đó là chạy trốn đến nơi ẩn náu”, phát ngôn nhân nói thêm.

Trong khi Pletenchuk không xác định được các tàu cụ thể được đề cập, các nhà phân tích của OSINT gần đây đã phát hiện một số sự việc như vậy ở Hắc Hải liên quan đến hạm đội Nga, bao gồm cả những tàu bị Mỹ trừng phạt.

Işık cho biết trong một bài đăng X tiếp theo: “Tàu chở dầu Yaz của Nga thường vận chuyển nhiên liệu hàng không từ kho dầu bị chiếm giữ bất hợp pháp của Feodosia đến Lực lượng Không quân Nga hoạt động ở Syria cũng thực hiện bước ngoặt bí ẩn sau khi đến tận Bosphorus. Tàu dân sự giả không dám ra khơi Hắc Hải?

Một đánh giá gần đây của Bộ Quốc phòng Anh cho thấy các chiến thuật của Nga chống lại cuộc chiến tranh sáng tạo của Ukraine ở Hắc Hải đang thất bại.

Nga vẫn có thể tấn công Ukraine từ phía đông Hắc Hải, nhưng “ngày càng rõ ràng rằng thế trận phòng thủ được áp dụng để giảm thiểu đường lối phi truyền thống của Ukraine đối với chiến tranh trên biển không hoạt động như dự định”, Bộ Quốc phòng Vương Quốc Anh cho biết vào tháng 2.

Viện Nghiên cứu Chiến tranh, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Hoa Kỳ, cũng đánh giá tương tự vào tháng 12 rằng thành công của Ukraine trong việc tấn công các tàu của Hạm đội Hắc Hải đã buộc hải quân phải thay đổi mô hình hoạt động.

Tổ chức tư vấn cho biết điều này đang khiến Hạm đội Hắc Hải phải di chuyển một số tàu khỏi căn cứ chính của họ ở Sevastopol, Crimea và “cản trở khả năng của hạm đội trong việc can thiệp vào thương mại hàng hải ở phía tây Hắc Hải”.

Ukraine không có lực lượng hải quân lớn nhưng đã sử dụng thuyền không người lái của hải quân một cách thông minh để thực hiện các cuộc tấn công kịch tính vào các tài sản ở Hắc Hải của Nga, khiến Mạc Tư Khoa vô cùng xấu hổ, dẫn đến tổn thất một số tàu đổ bộ, tàu hộ tống lớp Tarantul, một tàu ngầm và một số tàu hộ tống. Flagship của Nga, Moskva.

Trung tâm Truyền thông Chiến lược của Lực lượng Vũ trang Ukraine, gọi tắt là StratCom, cho biết lực lượng của Kyiv đã “vô hiệu hóa” khoảng 33% số tàu chiến của Hạm đội Biển Sau tính đến ngày 6/2.

Pletenchuk cũng cho biết hôm thứ Sáu rằng Hạm đội Hắc Hải của Nga hiện bị “hạn chế” trong các hoạt động của mình. “Không có nhiều hoạt động,” ông nói.

Hồi đầu tháng 2, hải quân Ukraine cho biết các hoạt động ở Hắc Hải của Nga đã “rất phức tạp, nếu không muốn nói là bị tê liệt” sau gần 2 năm chiến tranh tổng lực giữa Mạc Tư Khoa và Kyiv.

10. Điện Cẩm Linh nói bất kỳ cuộc tụ tập không được phép nào dành cho Navalny sẽ vi phạm pháp luật

Điện Cẩm Linh cho biết bất kỳ cuộc tụ tập không được phép nào để ủng hộ cố thủ lĩnh phe đối lập Nga Alexei Navalny, người được chôn cất vào hôm thứ Sáu tại Mạc Tư Khoa, sẽ vi phạm luật pháp, Reuters đưa tin.

Trong cuộc họp báo các phóng viên, phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov từ chối đưa ra bất kỳ đánh giá nào về Navalny với tư cách một nhân vật chính trị và cho biết ông không có gì để nói với gia đình Navalny.

“Chỉ là một lời nhắc nhở rằng chúng ta có luật phải tuân theo. Bất kỳ cuộc tụ tập trái phép nào sẽ vi phạm pháp luật và những người tham gia vào chúng sẽ phải chịu trách nhiệm – một lần nữa, phù hợp với luật hiện hành”, Điện Cẩm Linh Peskov nói.

Navalny đột ngột qua đời vào ngày 16 tháng 2 tại trại giam Bắc Cực, nơi ông đang thụ án tổng cộng hơn 30 năm.

Một đám đông lớn đã tụ tập vào thứ Sáu gần một nhà thờ Mạc Tư Khoa, nơi ông sẽ được chôn cất, và những người ủng hộ ông đã yêu cầu mọi người đến tưởng nhớ ông tại các thành phố của Nga vào buổi tối.
 
Cuộc họp các tướng Đức bàn cho nổ cầu Crimea bị lộ? Kyiv sẽ được viện trợ hàng triệu quả đạn pháo
VietCatholic Media
15:08 03/03/2024


1. Với một triệu quả đạn pháo sắp được vận chuyển, cuộc khủng hoảng pháo binh ở Ukraine có thể sớm kết thúc

Ký giả David Axe của tờ Forbes có trụ sở ở New Jersey, Hoa Kỳ cho biết như trên bài tường trình nhan đề “With A Million Shells About To Ship, Ukraine’s Artillery Crisis Could End Soon”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Trong những khởi đầu khó khăn và phức tạp, các đồng minh Âu Châu của Ukraine cuối cùng cũng đang tập hợp các nguồn lực tài chính và công nghiệp để cung cấp cho Ukraine loại đạn pháo mà họ cần.

Một số sáng kiến riêng biệt và song song - một thỏa thuận vũ khí của Liên minh Âu Châu, một hợp đồng mua số lượng lớn đạn dược do Tiệp dẫn đầu và một danh mục các thỏa thuận song phương giữa Ukraine và các quốc gia đồng minh riêng lẻ - sẽ vận chuyển ít nhất 700.000 quả đạn pháo trong vài tháng tới.

Nhưng người Ukraine có thể nhận được hơn một triệu quả đạn pháo qua Âu Châu vào mùa xuân này. Và nếu các thành viên Quốc Hội tại Hạ Viện Mỹ cuối cùng chấm dứt việc phong tỏa viện trợ của Mỹ cho Ukraine trong khoảng tháng tới, thì có vẻ như rất có thể, các khẩu đội Ukraine có thể tận hưởng một lượng lớn hơn một triệu quả đạn pháo khi mùa xuân chuyển sang mùa hè.

Số lượng đạn pháo đó không đủ để đáp ứng nguồn cung cấp đạn từ các nhà máy của Nga và quan trọng hơn là từ Bắc Hàn. Nhưng số đạn này đủ để lực lượng vũ trang Ukraine ít nhất có thể giữ vững phòng tuyến trước lực lượng vũ trang lớn hơn nhiều của Nga. Và có thể bắt đầu lên kế hoạch cho một cuộc tấn công mới.

Quốc gia nào có nhiều đạn pháo tốt hơn có thể là yếu tố quyết định khi cuộc chiến rộng lớn hơn của Nga với Ukraine bước sang năm thứ ba.

Chính sự ngang bằng về pháo binh, nhờ việc Mỹ mua một triệu quả đạn pháo của Nam Hàn, đã cho phép Ukraine tiến hành cuộc tấn công vào mùa hè năm ngoái. Và chính sự kết thúc đột ngột của viện trợ Mỹ - và việc cắt giảm khoảng 100.000 quả đạn pháo sau đó vào mùa đông năm nay - đã buộc Ukraine phải nhường lại động lực chiến trường cho Nga.

Trong khi đó, cuộc tấn công của Nga năm nay được duy trì nhờ việc Điện Cẩm Linh mua từ Bắc Hàn khoảng 400.000 quả đạn pháo mỗi tháng trong bốn tháng liên tiếp bắt đầu từ tháng Chín.

Đáng chú ý, có đến một nửa số đạn pháo là đồ kém phẩm chất, theo một quan chức của cơ quan tình báo Ukraine. Nhưng bất chấp tỷ lệ đạn lép quá cao, người Nga vẫn bắn khoảng 10.000 quả đạn mỗi ngày dọc theo mặt trận dài 600 dặm của cuộc chiến rộng lớn hơn của họ. Người Ukraine chỉ bắn 2.000 quả đạn pháo mỗi ngày.

Trong khi người Ukraine phần nào đã bù đắp bằng cách ném tới 50.000 máy bay không người lái góc nhìn thứ nhất chứa đầy chất nổ mỗi tháng trong vài tháng nay, một máy bay không người lái FPV không thể thay thế hoàn toàn một quả đạn pháo 155 ly. Máy bay không người lái có thể bay xa hai dặm với một pound chất nổ. Đạn pháo mang tời 25 pound chất nổ và bay xa ít nhất 15 dặm.

Ngày càng không sợ hãi trước các khẩu đội pháo của Ukraine, các khẩu đội của Nga đã tập trung đông đảo, ngoài trời, để bắn những loạt đạn tàn phá nhằm san bằng các công sự của Ukraine. Với nhiều đạn hơn, các xạ thủ Ukraine có thể phân tán các xạ thủ Nga.

Công bằng mà nói, việc Quốc Hội Mỹ đột ngột phong tỏa nguồn cung cấp đạn dược có thể đã không gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến kế hoạch chiến tranh của Ukraine nếu Liên minh Âu Châu tôn trọng cam kết cung cấp cho Ukraine một triệu quả đạn vào năm 2023.

Đấu tranh để mở rộng sản xuất mà không đầu tư nhiều tiền hoặc vốn chính trị, các nước Liên Hiệp Âu Châu cuối cùng chỉ xuất khẩu được nửa triệu đạn pháo vào năm ngoái. Đó là một sự phản bội đáng xấu hổ - và một sự phản bội mà đến nay các quan chức Liên Hiệp Âu Châu mới thực hiện đúng với kế hoạch vận chuyển 170.000 quả đạn pháo cho đến hết tháng 3.

Đồng thời, Vương quốc Anh, Phần Lan và các nước NATO khác đã cam kết với Ukraine số lượng đạn pháo không được tiết lộ cho đến năm 2024. Có lẽ là vài ngàn quả mỗi tháng.

Nhưng chính Cộng hòa Tiệp đã sẵn sàng đảo ngược tình thế bất hạnh về pháo binh của Ukraine. Tại Hội nghị An ninh Munich vào ngày 18 tháng 2, nhà lãnh đạo chính sách quốc phòng của Tiệp Jan Jires đã gây sốc cho khán giả khi tuyên bố chính phủ của ông đã xác định được 800.000 quả đạn pháo “ở các nước không thuộc phương Tây”. Những quốc gia đó dường như bao gồm cả Nam Hàn.

Những quả đạn pháo này có thể có giá 1,5 tỷ Mỹ Kim.

Theo phóng viên Paul McLeary của Politico và các nguồn tin khác, “Hầu hết các quốc gia này không sẵn lòng hỗ trợ trực tiếp cho Ukraine vì lý do chính trị nên họ cần một người trung gian”. Cộng hòa Tiệp sẽ là người trung gian đó nếu các đồng minh khác của Ukraine giúp thanh toán số đạn.

Hai tuần sau, Bỉ, Canada, Đan Mạch, Hà Lan và khoảng chục quốc gia chưa xác định đã cùng nhau huy động được hơn một nửa số tiền tài trợ: đủ cho khoảng 400.000 quả đạn pháo. Và nếu người Tiệp có thể kiếm được số tiền còn lại, họ cũng có thể mua 400.000 còn lại.

Những quả đạn pháo do Tiệp làm trung gian cộng với những quả đạn pháo muộn của Liên Hiệp Âu Châu sẽ khiến Ukraine bắn trở lại trong suốt mùa xuân và mùa hè với tốc độ có lẽ là 6.000 quả đạn mỗi ngày.

Và viện trợ dành cho Ukraine được thông qua tại Quốc Hội Mỹ thì 6.000 quả đạn pháo đó mỗi ngày có thể trở thành gần 10.000 quả.

Quân đội Hoa Kỳ đã tăng cường sản xuất đạn tại các nhà máy ở Texas và Pennsylvania và hiện có thể sản xuất 36.000 quả đạn mỗi tháng - hầu hết trong số đó có thể được chuyển đến Ukraine. Nhưng chỉ khi Quốc hội trả tiền cho họ.

Có lý do để hy vọng. Brian Fitzpatrick, đảng viên Đảng Cộng hòa ôn hòa tại Hạ viện, đã đệ trình một phương tiện lập pháp đặc biệt gọi là “đơn thỉnh cầu giải nhiệm – discharge petition”, với sự ủng hộ của một số đảng viên Cộng hòa ôn hòa hơn cũng như hầu hết các đảng viên Đảng Dân chủ, để đưa viện trợ cho Ukraine ra bỏ phiếu, có thể ngay trong tháng này.

Fitzpatrick nói với Axios rằng anh tin tưởng vào bản kiến nghị sẽ nhận được đủ sự ủng hộ. Fitzpatrick nói. Có “rất nhiều người biết đó là điều đúng đắn”.

Đạn do Tiệp làm trung gian và ở mức độ thấp hơn là đạn do Liên Hiệp Âu Châu sản xuất sẽ giúp Ukraine tiếp tục chiến đấu. Và với đạn pháo của Mỹ, có thể là hàng chục ngàn quả mỗi tháng, người Ukraine có thể làm được nhiều việc hơn là chỉ sống sót. Họ có thể nghĩ đến việc quay lại tấn công.

2. Nga tố các tướng Đức bàn chuyện cho nổ cầu Crimea

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Russia Claims German Generals Discussed Blowing Up Crimean Bridge”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Truyền thông Nga hôm thứ Sáu tuyên bố rằng một tập tin âm thanh được cho là bị rò rỉ có chứa đoạn ghi âm các tướng Đức thảo luận về khả năng xảy ra một cuộc tấn công vào Cầu Crimea.

Margarita Simonyan, tổng biên tập hãng tin Russia Today, gọi tắt là RT, do Điện Cẩm Linh điều hành, cho biết bà đã lấy được hồ sơ từ các quan chức an ninh Nga. Newsweek không thể xác minh tính xác thực của âm thanh hoặc bản ghi được xuất bản trên RT.

“Chúng tôi đang điều tra xem liệu thông tin liên lạc trong khu vực không quân có bị chặn hay không. Văn phòng Liên bang về Cơ quan Phản gián Quân sự đã khởi xướng mọi biện pháp cần thiết”, phát ngôn nhân của Bộ Quốc phòng Đức nói với Newsweek. “Chúng tôi không thể nói bất cứ điều gì về nội dung của các thông tin liên lạc dường như đã bị chặn.”

Theo RT, đoạn ghi âm kéo dài 40 phút và có cuộc trò chuyện giữa 4 quan chức cao cấp của Đức trong lực lượng vũ trang của Đức, gọi tắt là Bundeswehr. RT cáo buộc ít nhất hai trong số những người này là tướng lĩnh.

Cuộc thảo luận của họ được cho là bao gồm việc nói về khả năng đánh bom Cầu Crimea. Còn được gọi là Cầu eo biển Kerch hay Cầu Kerch, công trình này kết nối vùng Krasnodar của Nga với Crimea, một bán đảo mà Nga sáp nhập từ Ukraine vào năm 2014.

Một người đàn ông được RT xác định là chỉ huy Lực lượng Không quân Đức được cho là đã nói về việc lực lượng vũ trang Ukraine muốn “phá hủy cây cầu… bởi vì nó không chỉ có tầm quan trọng chiến lược quân sự mà còn có ý nghĩa chính trị”.

Những người đàn ông này được cho là đã tranh luận liệu hỏa tiễn tầm xa Taurus của Đức có đủ mạnh để đánh sập cây cầu thành công hay không.

Ở những nơi khác trong bản ghi của RT, các quan chức được cho là đã nói về hiệu quả của hỏa tiễn hành trình được gọi là “Storm Shadow” ở Anh và “SCALP” ở Pháp. Kyiv đã được các quốc gia phương Tây cung cấp một số hỏa tiễn này để hỗ trợ phòng thủ trước cuộc xâm lược do Putin phát động cách đây hơn hai năm.

RT viết rằng các quan chức Đức cũng nói về cách họ có thể phủ nhận sự liên quan trực tiếp đến một cuộc tấn công nhằm vào các mục tiêu của Nga, một hành động mà Điện Cẩm Linh cho rằng sẽ vượt qua “ranh giới đỏ” và dẫn đến xung đột leo thang.

Một trong những “thủ đoạn” được các quan chức gợi ý là mặc quần áo dân thường và nói giọng Mỹ trong một cuộc tấn công tiềm tàng.

Một số quan chức Điện Cẩm Linh đã lên tiếng về đoạn âm thanh bị cáo buộc, bao gồm cả phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova.

“Chúng tôi yêu cầu Đức giải thích… Berlin phải đưa ra lời giải thích ngay lập tức. Những nỗ lực né tránh câu hỏi sẽ được coi là thừa nhận tội lỗi”, Zakharova nói, theo hãng tin nhà nước Nga Sputnik.

Hãng truyền thông nhà nước Nga TASS đưa tin rằng Bộ trưởng Ngoại giao Sergei Lavrov nói rằng NATO đã “nổi giận” do đoạn âm thanh bị rò rỉ, trong khi Vladimir Bulavin - nhà lãnh đạo ủy ban quốc phòng và an ninh của Hội đồng Liên bang Nga - cho biết ông muốn chính quyền Đức thực hiện một cuộc điều tra về đoạn ghi âm bị cáo buộc.

Bulavin nói với TASS: “Chúng tôi kêu gọi chính quyền Đức ngay lập tức tiến hành điều tra kỹ lưỡng về cuộc trò chuyện này và đưa ra lời giải thích cho cộng đồng thế giới”. “Đây là cách duy nhất để khôi phục niềm tin và sự tin tưởng rằng các chuẩn mực và nguyên tắc quốc tế sẽ được tôn trọng.”

Trong khi đó, cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev đã viết trên X,, “Đối thủ lịch sử của chúng ta, người Đức, một lần nữa lại trở thành đối phương không đội trời chung của chúng ta. Chỉ cần nhìn xem bọn Đức đang thảo luận kỹ lưỡng và chi tiết như thế nào về các cuộc tấn công hỏa tiễn tầm xa vào lãnh thổ Nga, đồng thời chọn ra các mục tiêu và những cách khả thi nhất để gây tổn hại cho Tổ quốc và nhân dân chúng ta.”

“Và làm thế nào để phản ứng với điều này một cách ngoại giao? Tôi không biết…”, ông Medvedev, người giữ chức phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, nói thêm. “Nhưng tôi biết một điều này. Lời kêu gọi từ thời Thế chiến thứ hai một lần nữa trở nên phù hợp: NHỮNG TÊN PHÁT XÍT ĐI CHẾT ĐI!

3. Các báo cáo cho rằng một đoạn âm thanh bị rò rỉ cho thấy Đức thảo luận về khả năng cung cấp hỏa tiễn Taurus cho Ukraine

Tờ Politico có trụ sở ở Washington DC cho biết như trên bài tường trình nhan đề “Leaked audio shows Germany discussed possible Taurus missiles delivery to Ukraine: Reports”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Các quan chức quân đội Đức đã thảo luận về việc cung cấp hỏa tiễn hành trình Taurus cực mạnh cho Ukraine, theo một đoạn ghi âm bị rò rỉ được cơ quan truyền thông nhà nước Nga Russia Today công bố hôm thứ Sáu.

Berlin cho đến nay vẫn miễn cưỡng không chịu cung cấp cho Kyiv những hỏa tiễn phá cầu cực mạnh, một vấn đề đang gây chia rẽ liên minh chính phủ nước này.

Trong đoạn ghi âm gây tranh cãi do tổng biên tập tờ Russia Today Margarita Simonyan công bố, các quan chức từ lực lượng vũ trang Đức, thường được gọi là Bundeswehr, đã thảo luận về cách thức lực lượng không quân có thể cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho việc sử dụng hỏa tiễn Taurus, nếu một quyết định chính trị của Thủ tướng Đức Olaf Scholz được đưa ra.

POLITICO không thể xác minh độc lập nội dung hoặc tính xác thực của bản ghi âm.

Truyền thông Đức Der Spiegel dẫn lời phát ngôn nhân của Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius cho biết Cơ quan Phản gián Quân sự đã bắt đầu một cuộc điều tra để tìm hiểu “liệu các liên lạc nội bộ trong lực lượng không quân” có thể bị chặn hay không.

Theo báo cáo, trong cuộc trò chuyện được ghi âm, các quan chức quân sự cũng thảo luận về các mục tiêu có thể có, bao gồm Cầu Kerch nối Nga và Crimea bị tạm chiếm.

Bộ tuyên truyền Nga đã nhanh chóng chỉ trích Đức về đoạn ghi âm bị rò rỉ, trong đó cựu tổng thống và thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đã tuyên bố sai sự thật rằng các tướng lĩnh Đức đã thảo luận về kế hoạch tấn công các mục tiêu của Nga ở Crimea. Đoạn ghi âm chỉ cho thấy các quan chức quân sự Đức đang thảo luận về các kịch bản trong đó Ukraine có thể sử dụng hỏa tiễn hành trình Taurus nếu Đức cung cấp chúng.

Ông Medvedev viết : “Đối thủ lịch sử của chúng ta, người Đức, một lần nữa lại trở thành đối phương không đội trời chung của chúng ta”.

4. Nga còn lại bao nhiêu máy bay ném bom Su-34?

Tờ Newsweek đã đặt câu hỏi như trên trong bài tường trình nhan đề “How Many Su-34 Fighter Bombers Does Russia Have Left?”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Lực lượng phòng không Ukraine tuyên bố đã bắn rơi 13 máy bay Nga trong 13 ngày, kết thúc một tháng đầy đau khổ đối với lực lượng không quân Mạc Tư Khoa, ngay cả khi các đơn vị mặt đất báo cáo những tiến bộ đáng kể trên chiến trường.

“Có vẻ như phi công lái máy bay quân sự của Nga là công việc tồi tệ nhất trên thế giới”, Bộ Quốc phòng Ukraine viết trong một bài đăng trên X hôm thứ Năm. Tháng Hai là tháng ngắn nhất trong năm, nhưng những người bảo vệ bầu trời của chúng tôi đã đạt được kết quả tốt nhất trong việc bắn hạ máy bay Nga kể từ tháng 10 năm 2022.”

Kyiv liệt kê 10 chiến đấu cơ-ném bom Su-34, hai chiến đấu cơ Su-35 và một máy bay điều khiển và phát hiện radar tầm xa A-50 là những máy bay bị bắn rơi. A-50 là chiếc thứ hai thuộc loại này bị Ukraine tuyên bố phá hủy kể từ tháng 2 năm 2022. Giám đốc cơ quan tình báo Ukraine Kyrylo Budanov cho biết trong tuần này rằng Mạc Tư Khoa chỉ còn sáu chiếc A-50.

Các máy bay Su-34 của Nga đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ cuộc tấn công mùa đông của Mạc Tư Khoa ở mặt trận phía đông. Bom lượn KAB thả từ trên không được cho là có vai trò quan trọng đối với thành công của Nga trong và xung quanh thành phố nhỏ Avdiivka, trong khi lực lượng phòng thủ Ukraine thiếu khả năng phòng không để ngăn chặn các cuộc xuất kích như vậy. Máy bay ném bom chiến đấu của Nga có thể thả đạn từ khoảng cách 25 dặm.

Tuy nhiên, có vẻ như ít nhất một số đơn vị phòng không được phương Tây hỗ trợ ở Kyiv - có lẽ bao gồm một hoặc nhiều khẩu đội hỏa tiễn đất đối không Patriot do Mỹ sản xuất - đã được triển khai gần mặt trận.

Khi được Newsweek liên hệ, phát ngôn nhân của lực lượng không quân Ukraine từ chối bình luận về loại vũ khí đã được sử dụng trong các vụ bắn hạ gần đây.

Forbes đưa tin lực lượng không quân Nga đã mua tổng cộng 140 máy bay ném bom chiến đấu Su-34. Tính đến thứ Sáu, Ukraine tuyên bố đã bắn hạ 35 chiếc trong số đó. Trình theo dõi tình báo nguồn mở Oryx liệt kê 25 chiếc Su-34 bị phá hủy.

Nếu số liệu của Ukraine là chính xác, lực lượng không quân Nga sẽ còn khoảng 105 chiếc Su-34 trong biên chế. Tuy nhiên, một số chưa xác định có thể không hoạt động do hư hỏng, thiếu phi công và cần phải bảo trì định kỳ.

Viện Nghiên cứu Chiến tranh viết trong bản cập nhật hôm thứ Năm: “Tác động của việc mất 13 máy bay trong gần như nhiều ngày và có thể cả một số phi công được đào tạo bài bản của họ là không đáng kể đối với quân đội Nga”.

Michael Bohnert, một kỹ sư tại tổ chức tư vấn RAND Corporation, đã viết vào tháng 8 rằng ngay cả một số lượng nhỏ máy bay bị tổn thất cũng sẽ có tác động dây chuyền đáng kể đối với phần còn lại của lực lượng không quân. Ông nói: “Việc sử dụng quá mức những máy bay này cũng khiến Nga phải trả giá khi chiến tranh kéo dài”.

“Trong một cuộc chiến kéo dài, khi một lực lượng cố gắng làm cho lực lượng kia kiệt sức, thì tuổi thọ của toàn bộ lực lượng quân sự mới là vấn đề quan trọng. Và đó chính là nơi không quân Nga hiện đang tìm thấy chính mình”, Bohnert nói thêm.

Ukraine vẫn đang chờ nhận chiến đấu cơ F-16 của phương Tây. Kyiv cho biết máy bay này rất cần thiết để chống lại hỏa tiễn hành trình và bom thả từ trên không của Nga. Chỉ có một số lượng nhỏ F-16 được mong đợi và việc giao chúng đã nhiều lần bị trì hoãn.

Oryx liệt kê tổng số 78 máy bay Ukraine bị phá hủy, bao gồm 37 chiến đấu cơ các loại và 35 máy bay tấn công hoặc yểm trợ tầm gần.

Bohnert cho rằng sự xuất hiện của F-16 sẽ làm tăng thêm căng thẳng cho lực lượng không quân Nga. Ông viết: “Khi VKS dành phần lớn lực lượng đang suy giảm của mình để chống lại những lực lượng đó, họ sẽ còn ít máy bay hơn để hỗ trợ các hoạt động trên bộ của Nga”.

“Các chiến đấu cơ VKS trên bầu trời cũng sẽ kém khả năng hơn, xuất phát từ việc sử dụng quá mức trong hai năm. Điều này xảy ra ngay cả khi những chiếc F-16 không ghi được một bàn thắng nào trên không và một chiến đấu cơ và phòng không Ukraine được nâng cấp sẽ ghi được nhiều bàn thắng.”

5. Đồng minh của Putin thảo luận về 'kế hoạch' chiến tranh NATO-Nga

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Putin Ally Discusses 'Plans' of NATO-Russia War”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cáo buộc Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã “sơ suất” tiết lộ “kế hoạch” NATO tấn công Nga.

Austin đã dự đoán trong phiên điều trần của Ủy ban Quân vụ Hạ viện hôm thứ Năm rằng Putin sẽ bắt đầu tấn công các quốc gia NATO ở Âu Châu nếu Nga giành chiến thắng trong cuộc chiến ở Ukraine, dẫn đến xung đột với liên minh này.

Austin nói: “Nếu bạn là một quốc gia vùng Baltic, bạn thực sự lo lắng về việc liệu mình có phải là quốc gia tiếp theo hay không. Và thành thực mà nói, nếu Ukraine thất thủ, tôi thực sự tin rằng NATO sẽ có chiến tranh với Nga”.

Theo hãng thông tấn nhà nước Nga TASS, ông Lavrov tuyên bố trong một hội nghị ngoại giao ở Antalya, Thổ Nhĩ Kỳ hôm thứ Sáu rằng Austin đã “bật mí” các kế hoạch bí mật của Mỹ nhằm bắt đầu một cuộc chiến giữa NATO và Nga.

“Ý nghĩa của tuyên bố này là nếu Ukraine thua, NATO sẽ phải chống lại Nga”, ông Lavrov nói. “Theo kiểu Freud, anh ta đã buột miệng nói ra những gì anh ta đang nghĩ trong đầu. Trước đó, mọi người đều nói: Chúng ta không thể để Ukraine thua, vì Putin sẽ không dừng lại ở việc này và sẽ chiếm các vùng Baltic, Ba Lan, Phần Lan”.

“Nhưng hóa ra, theo tuyên bố cởi mở, rõ ràng của ông Austin, thì mọi chuyện lại ngược lại. Chúng tôi không có những kế hoạch như vậy và không thể có được chúng, nhưng người Mỹ thì có”.

Trong khi ông Lavrov tuyên bố rằng nhận xét của Austin có nghĩa là Mỹ đang lên kế hoạch cho NATO tấn công Nga thì Bộ trưởng Quốc phòng gợi ý rõ ràng rằng Nga có thể tấn công ít nhất một trong các quốc gia vùng Baltic là Latvia, Lithuania và Estonia, tất cả đều là thành viên NATO.

Điều thứ năm trong tài liệu thành lập NATO, Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương, thường được gọi là Hiệp ước Washington, tuyên bố rằng “một cuộc tấn công vũ trang chống lại một hoặc nhiều” quốc gia thành viên của NATO “sẽ được coi là một cuộc tấn công chống lại tất cả họ”, nghĩa là Nga sẽ thực sự đang bắt đầu một cuộc xung đột với liên minh theo kịch bản mà Austin đã dự đoán.

Hôm thứ Sáu, ông Lavrov tiếp tục cáo buộc chính quyền của Tổng thống Joe Biden “kéo Ukraine vào NATO” và chủ mưu âm mưu phá hủy đường ống dẫn khí đốt Nord Stream của Nga nhằm thúc đẩy nền kinh tế Mỹ và giảm sự cạnh tranh từ Liên minh Âu Châu.

Ông Lavrov cho biết: “Tất cả các chi phí chính đã được chuyển sang Âu Châu”. “Người dân đang sống ngày càng tồi tệ hơn, tài nguyên năng lượng đã tăng giá gấp nhiều lần so với những gì có thể xảy ra nếu người Mỹ không cho nổ đường ống dẫn khí đốt Nord Stream.”

Ông nói thêm: “Mục tiêu này đã đạt được”. “Âu Châu giờ đây không còn là đối thủ cạnh tranh với Mỹ nữa. Tất cả các doanh nghiệp và ngành sản xuất chính đang chuyển sang Mỹ, nơi có điều kiện hoàn toàn khác biệt và năng lượng rẻ hơn nhiều”.

Cuộc xâm lược Ukraine của Nga được phát động một phần do những lo ngại của Putin về việc mở rộng NATO. Bất chấp điều đó, liên minh vẫn tiếp tục phát triển trong suốt cuộc chiến, với việc Phần Lan gia nhập vào năm ngoái và Thụy Điển có vẻ sẽ trở thành thành viên vào cuối năm nay.

Căng thẳng giữa Mạc Tư Khoa và NATO đã leo thang trong những tháng gần đây, với việc tăng cường quân sự diễn ra dọc biên giới của liên minh với Nga. Các quan chức Nga và một số nước láng giềng ngày càng bày tỏ lo ngại về cuộc chiến Ukraine ngày càng có sự tham gia của NATO.

6. Báo cáo Nga buộc phải tháo tung hệ thống phòng không để chế tạo hỏa tiễn Satan-II

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Russia Forced to Cannibalize Air Defenses to Make Satan-II Missiles—Report”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Theo một báo cáo địa phương, Nga đang phải sử dụng các bộ phận điện tử dành cho hệ thống phòng không của mình để sản xuất hỏa tiễn đạn đạo xuyên lục địa Sarmat, gọi tắt là ICBM, do sự thiếu hụt do các lệnh trừng phạt áp đặt lên cuộc chiến ở Ukraine.

Thông tin này được hãng tin VChK-OGPU đưa tin, có ý định lấy thông tin nội bộ từ lực lượng an ninh Nga, ngay sau khi Putin cho biết trong bài phát biểu thường niên trước quốc dân hôm thứ Năm rằng Nga sẽ sớm trình diễn hỏa tiễn “trong nhiệm vụ chiến đấu”.

RS-28 Sarmat là ICBM sử dụng nhiên liệu lỏng của Nga do Cục thiết kế hỏa tiễn Makeyev sản xuất và được cho là có thể mang tới 15 đầu đạn hạt nhân hạng nhẹ. Nó được chế tạo với mục đích thay thế ICBM R-36, có tên ký hiệu của NATO là Satan, và đó là lý do tại sao phiên bản kế nhiệm của nó thường được gọi một cách không chính thức là Satan II, Newsweek đưa tin trước đó.

Nga đã phải vật lộn để thay thế một số công nghệ tinh vi mà nước này nhập khẩu từ phương Tây, chẳng hạn như vi mạch, kể từ khi nước này phải hứng chịu các lệnh trừng phạt chưa từng có liên quan đến cuộc xâm lược Ukraine.

“Các nguồn tin của VChK-OGPU cho biết hiện nay Nhà máy chế tạo máy Krasnoyarsk đang gặp phải tình trạng thiếu hụt trầm trọng các phụ tùng điện tử... để sản xuất hỏa tiễn chiến lược”, kênh này cho biết.

“Các thiết bị điện tử của hệ thống hỏa tiễn RS-28 (Sarmat) mới phần lớn có nguồn gốc từ nước ngoài và do các lệnh trừng phạt nên đang bị thiếu hụt nghiêm trọng. Bây giờ mọi nỗ lực đang được thực hiện để bằng cách nào đó khắc phục tình trạng cung cấp thiết bị điện tử bị trừng phạt, họ thậm chí còn hy sinh việc sản xuất hệ thống phòng không S-400 ở Siberia, tất cả cho Sarmat”, bài viết cho biết.

Newsweek không thể xác minh độc lập các tuyên bố này và đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga để yêu cầu bình luận qua email.

Tuy nhiên, các nhà phân tích độc lập đã bày tỏ sự hoài nghi đối với tàu phi trường hạt nhân được quảng cáo rầm rộ.

Nhà quan sát quân sự và chính trị của Nhóm Kháng chiến Thông tin, Oleksandr Kovalenko, nói với RBC Ukraine rằng ông thực sự nghi ngờ rằng Sarmat có đáp ứng các thông số đã tuyên bố hay không.

“Đó là một hỏa tiễn rất có vấn đề. Người Nga thậm chí còn không quản lý được việc phóng thử, khi họ phóng mẫu ở độ cao 30 mét để kiểm tra bộ tăng lực bột, họ đã không chuẩn bị kịp. Và nhìn chung, chỉ có một cuộc thử nghiệm toàn diện về Sarmat.

“Mặc dù thời Xô Viết, hỏa tiễn đạn đạo xuyên lục địa đã được thử nghiệm trong nhiều năm nhưng cũng có hàng chục cuộc thử nghiệm liên tục gặp lỗi. Tôi nghĩ Sarmat có tồn tại nhưng hỏa tiễn này không đáng tin cậy và nguy hiểm. Đó là lý do tại sao nó không được sản xuất hàng loạt”, Kovalenko giải thích.

Putin trước đó đã nói rằng Sarmat sẽ khiến đối phương của Nga phải “suy nghĩ kỹ”. Tổng thống Nga cho biết vào năm 2022, ngay sau khi cuộc chiến ở Ukraine bắt đầu, ICBM sẽ “bảo đảm an ninh của Nga một cách đáng tin cậy trước các mối đe dọa từ bên ngoài và khiến những ai đang cố gắng đe dọa đất nước chúng tôi phải suy nghĩ kỹ”.

Putin hôm thứ Năm tăng cường đe dọa hạt nhân, nói rằng “các lực lượng hạt nhân chiến lược của Nga đang ở trạng thái sẵn sàng hoàn toàn”.

“Nga sẽ không để bất kỳ ai can thiệp vào công việc nội bộ của mình”, ông Putin nói thêm, đồng thời cho biết có nguy cơ xảy ra chiến tranh hạt nhân nếu các thành viên NATO gửi quân tới Ukraine, như Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đề xuất.

“[Các quốc gia phương Tây] phải nhận ra rằng chúng ta cũng có vũ khí có thể tấn công các mục tiêu trên lãnh thổ của họ. Tất cả điều này thực sự đe dọa một cuộc xung đột với việc sử dụng vũ khí hạt nhân và sự hủy diệt của nền văn minh. Họ không hiểu điều đó sao?!” nhà lãnh đạo Nga cho biết.

“Chúng ta tưởng nhớ số phận của những người đã từng đưa lực lượng vào lãnh thổ nước ta. Nhưng giờ đây, hậu quả đối với những kẻ can thiệp có thể sẽ bi thảm hơn nhiều”, ông Putin nói thêm.

7. Nga sẵn sàng trao trả thi thể nạn nhân vụ tai nạn cho Ukraine

Hãng thông tấn RIA dẫn lời quan chức nhân quyền Nga Tatyana Moskalkova cho biết hôm thứ Sáu rằng Nga sẵn sàng bàn giao thi thể các nạn nhân trong vụ tai nạn máy bay quân sự hồi Tháng Giêng cho Ukraine.

Mạc Tư Khoa cáo buộc Kyiv bắn rơi máy bay Ilyushin IL-76 ở vùng Belgorod của Nga và giết chết 74 người trên máy bay, trong đó có 65 binh sĩ Ukraine bị bắt trên đường đổi lấy tù binh chiến tranh Nga. Nga đã không đưa ra bằng chứng.

Ukraine không xác nhận hay phủ nhận việc họ bắn hạ máy bay và thách thức lời giải thích của Mạc Tư Khoa về những người có mặt trên máy bay và chuyện gì đã xảy ra. Reuters đưa tin Moskalkova cho biết cô đã liên lạc với các quan chức Ukraine về vấn đề thi thể.

Andriy Yusov, phát ngôn nhân của cơ quan tình báo quân sự GUR của Ukraine, nói với Reuters rằng Ukraine đã nhiều lần yêu cầu trao trả các thi thể và công việc đó vẫn tiếp tục.

Ủy viên nhân quyền Ukraine Dmytro Lubinets nhắc lại lời kêu gọi của Kyiv về một cuộc điều tra minh bạch về vụ tai nạn sẽ được tiến hành với sự cho phép của các chuyên gia quốc tế tiếp cận hiện trường vụ tai nạn.

8. Ukraine xuất khẩu lượng hàng hóa kỷ lục qua hành lang Hắc Hải trong tháng 2

Phó thủ tướng Oleksandr Kubrakov cho biết Ukraine đã xuất khẩu kỷ lục 8 triệu tấn hàng hóa, trong đó có 5,2 triệu tấn nông sản, qua hành lang Hắc Hải trong tháng 2.

Kubrakov cho biết trong một tuyên bố: “Đây là những chỉ số xuất khẩu kỷ lục không chỉ qua hành lang Ukraine mà kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược quy mô lớn của [Nga]”.
 
Tiến sĩ George Weigel: Giáo Hội Công Giáo Ukraine hai năm trong cuộc xâm lược kinh hoàng của Putin
VietCatholic Media
16:41 03/03/2024


1. 40 bài Suy Niệm Mùa Chay 2024 - Thứ Hai tuần thứ 3 Mùa Chay

THỨ HAI 4/3/2024

2 V 5:1-15

Thánh Vịnh 41(42):2-3, 42:3-4

Lc 4:24-30

“Có nhiều người cùi ở Israel, nhưng không ai trong số họ được chữa khỏi, ngoại trừ Naaman, người Syria”. Lc 4:27

Bài Tin Mừng hôm nay mô tả Chúa Giêsu trải qua một ngày rất khó khăn khi lần đầu tiên Người rao giảng tại hội đường đã gặp phải một cơn giận dữ thật dữ dội đến nỗi những người đồng hương Nazaret của Người đến nỗi họ muốn ném Người xuống vực thẳm.

Tin Mừng này đã trở thành điểm đến của tôi khi tôi muốn biết liệu Chúa Giêsu có trải qua sự từ chối và không ưa của những người xung quanh hay không.

Nhưng nguồn gốc của phản ứng dữ dội này ở quê hương Ngài là gì? Về bản chất, họ không thể chấp nhận thông điệp mà Chúa Giêsu đang rao giảng và không thể chấp nhận Ngài là sứ giả. Nhưng tại sao? Ở quê hương của mình, Chúa Giêsu có thể được biết đến bởi nguồn gốc của Ngài: Con của Đức Maria và Thánh Giuse, người thợ mộc. Ngài không xuất thân từ dòng dõi tư tế hay nhà truyền giáo, và bây giờ Ngài lại tự xưng là một nhà tiên tri! Trời đất ơi?

Chúa Giêsu đưa ra một số tuyên bố táo bạo trong bài diễn văn đầu tiên tại hội đường, đưa ra cho dân chúng một vài lý do để tức giận. Điều thích hợp nhất trong bài Tin Mừng hôm nay là việc Ngài ám chỉ rằng ơn cứu độ của Thiên Chúa sẽ đến với người ngoài dễ dàng hơn người trong cuộc - đến với dân ngoại dễ dàng hơn dân Israel là những người được Thiên Chúa tuyển chọn.

Chúa Giêsu chia sẻ về ơn cứu độ của Thiên Chúa được thể hiện và khiêm tốn chấp nhận bởi một góa phụ và Naaman - một người Syria - một thông điệp mà người dân trong thị trấn của ngài không thể chấp nhận. Trong bài đọc thứ nhất, chúng ta thấy Naaman miễn cưỡng tắm ở sông Jordan để được chữa lành. Hành động khiêm nhường này và sự cởi mở của Naaman đối với những chỉ dẫn của tiên tri Elisha, mở ra cho ông sự cứu rỗi của Thiên Chúa.

Ngược lại hoàn toàn, người dân Nazareth không thể chấp nhận vị tiên tri ở giữa họ hoặc thông điệp mà ông mang đến. Họ sống khép kín đến mức thậm chí không nhận ra Ngài khi Ngài lặng lẽ tránh xa họ trong khi họ đẩy Ngài ra ngoại ô thị trấn.

Lạy Chúa yêu thương, xin mở mắt cho chúng con mọi nẻo đường Chúa đến với chúng con. Xin giúp chúng con hạ mình để nhận được ân sủng chữa lành của Chúa. Amen.

2. Trong hai năm chiến tranh, hai mươi sáu giáo sĩ Ukraine bị Nga sát hại và cầm tù

Trong hai năm chiến tranh Nga chống Ukraine, có hai mươi sáu giáo sĩ nước này, thuộc các hệ phái Kitô, bị Nga cầm tù và ba mươi vị khác bị giết.

Ông Robert Rehak, người Tchèque, Chủ tịch Liên minh Quốc tế về tự do tôn giáo (IRFBA) tuyên bố như trên, hôm 24 tháng Hai và nói rằng: “Sự xâm nhập của Nga vào Ukraine không những làm cho tình trạng vốn đau thương về nhân quyền, đặc biệt tự do tôn giáo và tín ngưỡng tại các lãnh thổ đã bị Nga xâm lược [từ năm 2014), trở nên đồi tệ hơn, nhưng còn đưa tới việc sát hại các vị lãnh đạo và tín hữu thuộc các tôn giáo khác nhau”.

Ông Rehak cũng là một nhà ngoại giao của Cộng hòa Tchèque, đại diện nước này về vấn đề diệt chủng Do thái, đối thoại liên tôn và tự do tôn giáo. Ông là Chủ tịch Liên minh Quốc tế về tự do tôn giáo do Bộ Ngoại giao Mỹ thành lập năm 2018 để theo dõi và góp phần bảo vệ tự do tôn giáo trên thế giới.

Ông Rehak cho biết trong những tháng đầu tiên của cuộc xâm lăng rộng lớn, các cộng đoàn thuộc các hệ phái Kitô hiện hữu tại Ukraine đã bị bách hại không chút thương tiếc. “Điều đặc biệt thê thảm là nhiều vị lãnh đạo tôn giáo và tín hữu trở thành nạn nhân của chủ trương gây hấn của Nga: trong hai năm qua, ba mươi giáo sĩ bị giết và hai mươi sáu người bị quân Nga cầm tù.”

Tên của hai linh mục Chính thống Ukraine được kể ra là cha Maksym Kozachyna, và Rostyslav Dudarenko, bị giết ở vùng Kyiv và Chernihiv. Ngoài ra, có những linh mục chết vì pháo kích: Cha Feodosij và Volodymyr Bormashev thuộc Chính thống Ukraine. Có một nạn nhân khác là Giám đốc Đại chủng viện của Tin lành ở Kyiv và một giáo sư khác thuộc Học viện Chính thống. Phúc trình của Liên minh vừa nói còn liệt kê tên của nhiều nạn nhân.

Ngoài ra, quân Nga cũng đã phá hủy nhiều nơi thờ phượng, con số này lên tới hơn 600 cơ sở, cướp phá và quân sự hóa nhiều địa điểm.

3. Đức Giám Mục Zaidan kêu gọi hòa bình và viện trợ nhân đạo khi Ukraine bị chiến tranh tàn phá kỷ niệm hai năm kể từ cuộc xâm lược của Nga

Khi cuộc chiến của Nga chống Ukraine bước sang năm thứ ba, nhu cầu hỗ trợ nhân đạo đã tăng lên rất nhiều ngõ hầu có thể giúp đỡ hàng triệu người Ukraine bị ảnh hưởng bởi bạo lực và tàn phá. Đức Giám Mục A. Elias Zaidan thuộc Giáo phận Maronite của Đức Mẹ Li Băng cho biết mọi người đang phải vật lộn để tồn tại trong mùa đông lạnh giá với ít thức ăn, nhiệt độ hoặc nơi trú ẩn. Với tư cách là Chủ tịch Ủy ban Công lý và Hòa bình Quốc tế của Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ, ngài kêu gọi chính phủ Hoa Kỳ cung cấp thêm viện trợ ngay lập tức để giảm bớt nỗi đau khổ của người Ukraine. Đức Giám Mục Zaidan cũng bày tỏ quan ngại trước việc Nga tấn công vào các cộng đồng tôn giáo ở Ukraine, phá hủy các nhà thờ, bắt giữ các nhà lãnh đạo tôn giáo, một số người trong số họ đã bị tra tấn và giết chết.

“Mức độ đau khổ trong cuộc xung đột ở Ukraine tiếp tục làm lương tâm các tín hữu bị tổn thương. Theo báo cáo của Liên Hiệp Quốc, số thường dân thiệt mạng và bị thương kể từ tháng 2 năm 2022 đã vượt quá 30.000 người. Trường học, bệnh viện, chung cư và cơ sở hạ tầng cơ bản cung cấp điện đã bị hỏa tiễn tấn công. Trước sự tàn phá và chết chóc như vậy, con người liên tục phải di dời, không biết tìm nơi nào để tìm sự an toàn.

“Giáo Hội Công Giáo, bao gồm nhiều tổ chức phúc lợi Công Giáo đang cố gắng đáp ứng những nhu cầu to lớn này cả ở Ukraine và các quốc gia khác bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến đã nổ ra suốt hai năm nay. Việc quyên góp quốc gia của USCCB dành cho Giáo hội ở Trung và Đông Âu rất quan trọng trong việc cung cấp viện trợ rất cần thiết cho khu vực. Ngoài ra, việc Nga rút khỏi Sáng kiến Ngũ cốc Hắc Hải đã làm gia tăng đáng kể mối lo ngại về an ninh lương thực toàn cầu, làm tăng giá lương thực và gây nguy hiểm cho sức khỏe cũng như cuộc sống của những người nghèo và dễ bị tổn thương phụ thuộc vào hỗ trợ lương thực để sinh tồn. Tôi kêu gọi chính phủ Hoa Kỳ làm tất cả những gì có thể để nhanh chóng cung cấp hỗ trợ nhân đạo rất cần thiết.

“Đồng thời, có những báo cáo về các cộng đồng tôn giáo, đặc biệt là Giáo Hội Công Giáo Đông Phương Ukraine, bị lực lượng Nga tấn công tại các vùng lãnh thổ mà họ đã chiếm giữ. Hơn 600 công trình tôn giáo đã bị hư hại, một số bị lực lượng Nga xâm lược và biến thành căn cứ quân sự. Các giáo sĩ đã bị quấy rối, bắt bớ, bắt cóc và thậm chí bị giết.

“Vào ngày 8 Tháng Giêng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói về Ukraine rằng chúng ta không thể cho phép sự tồn tại dai dẳng của một cuộc xung đột tiếp tục di căn gây thiệt hại cho hàng triệu người. Ông cũng nhấn mạnh cần phải chấm dứt thảm kịch hiện nay thông qua đàm phán, tôn trọng luật pháp quốc tế. Tôi cùng với Đức Thánh Cha kêu gọi chấm dứt bạo lực ở Ukraine và kêu gọi tất cả các tín hữu và những người có thiện chí tham gia Thượng Hội đồng Giám mục của Giáo Hội Công Giáo Ukraine, để dành ngày 24 tháng 2 làm ngày trọng thể cầu nguyện, ăn chay để chiến tranh kết thúc và hòa bình sẽ đến với vùng đất bị chiến tranh tàn phá này.”


Source:USCCB

4. Tiến sĩ George Weigel nhận định về tình hình Ukraine

Tiến sĩ George Weigel là thành viên cao cấp của Trung tâm Đạo đức và Chính sách Công cộng Washington, và là người viết tiểu sử Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Ông vừa có bài viết nhan đề “TWO YEARS ON, STILL UNBROKEN”, nghĩa là “Hai năm trôi qua, vẫn không bị bẻ gẫy”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Hai năm trước, lực lượng Nga đã cố gắng tấn công chớp nhoáng kiểu Hitler ở Ukraine. Theo nhà độc tài Nga Vladimir Putin, mục tiêu của nó là xóa sổ Ukraine: cả nhà nước Ukraine và dân tộc Ukraine, với ngôn ngữ và văn hóa đặc biệt. Cuộc tấn công chớp nhoáng đã thất bại nhờ vào cuộc kháng chiến hoành tráng của người Ukraine, được xác định bằng những hành động dũng cảm của Homeric và được duy trì bởi sự đoàn kết xã hội đáng chú ý. Vì vậy, một điều trớ trêu trong cuộc chiến của Putin: Dân tộc Ukraine đoàn kết hơn bao giờ hết, khả năng phục hồi kiên cường và ý chí chiến thắng được tôi luyện trong lò luyện thép của Nga.

Cái giá mà Ukraine phải trả là không thể tính toán được. Không ai biết chính xác có bao nhiêu binh sĩ, quân dự bị, tình nguyện viên và dân thường Ukraine đã thiệt mạng; con số chắc chắn là hàng trăm ngàn. Cách thức chiến tranh của Nga - bao gồm việc phá hủy bừa bãi cơ sở hạ tầng kinh tế, trường học, bệnh viện và trung tâm văn hóa - đã gây ra thiệt hại có thể lên tới hàng ngàn tỷ đô la, thậm chí các lực lượng Nga đã biến Ukraine thành bãi mìn lớn nhất thế giới, việc này sẽ phải mất hàng thập kỷ để làm sạch. Có tới 14 triệu người Ukraine đã trở thành người tị nạn quốc tế hoặc người di tản trong nước; tuy nhiên không có trại tị nạn nào ở Ukraine hoặc các nước láng giềng Âu Châu, vì những người có nhà đã mở cửa cho đồng bào hoặc đồng minh của họ. (Như Đức Tổng Giám Mục Borys Gudziak của Giáo Hội Công Giáo Ukraine đã nói gần đây, “Vào mùa đông năm 2022–23, khi Putin làm hư hại hoặc phá hủy 40% mạng lưới điện của Ukraine, không ai bị đóng băng. Mọi người thực sự đã chia sẻ sự ấm áp của họ.”)

Nga cũng không tha cho các nhà thờ ở Ukraine: Khoảng sáu trăm ngôi nhà thờ phượng đã bị hư hại hoặc phá hủy trong hai năm qua. Ở những nơi lực lượng Nga nắm giữ lãnh thổ Ukraine, quyền tự do tôn giáo đã bị dập tắt đối với người Công Giáo, Tin lành, Do Thái, Hồi giáo - và những người Chính thống giáo Ukraine, những người sẽ không khuất phục trước Giáo chủ Chính thống Nga ở Mạc Tư Khoa, mà người lãnh đạo, Thượng phụ Kirill, lặp lại ngôn ngữ thánh chiến của người Sunni và Hồi giáo Shiite ủng hộ một cách báng bổ cuộc chiến diệt chủng của Putin.

Tuy nhiên Ukraine vẫn không bị bẻ gãy.

Không ai có trái tim hay tâm hồn có thể xem một đoạn video ngắn 90 giây về những người Ukraine bị thương trong chiến tranh mà không cảm động và ngưỡng mộ những con người như vậy: một cậu bé tám tuổi bị bỏng mặt khủng khiếp đang học khiêu vũ; trẻ em và người lớn bị cụt chân, hầu hết đều có chân giả, bơi lội, chạy, học võ, bế trẻ sơ sinh — tất cả đều giữa một cuộc chiến tranh tàn khốc. Tuy nhiên, có những người Mỹ - kể cả các nhà lập pháp và một ứng cử viên tổng thống nổi tiếng - vẫn tiếp tục tưởng tượng, bằng cách nào đó, rằng có một kết quả có thể chấp nhận được về mặt đạo đức và chính trị cho cuộc đấu tranh này mà không liên quan đến việc đánh bại quyết tâm tái dựng lại Đế quốc Nga của Putin: một tham vọng không dừng lại ở biên giới của một Liên Xô quá cố, không đáng tiếc thương.

Cũng có những người Mỹ tiếp tục nuốt chửng câu nói tuyên truyền của Nga và trên thực tế, trở thành những người hỗ trợ chính trị cho Putin ở Hoa Kỳ.

Cuộc chiến của Nga ở Ukraine diễn ra trước nhiều năm bởi một chiến dịch thông tin sai lệch quy mô lớn, sử dụng các trang trại dư luận viên để tràn ngập internet và mạng xã hội với những lời dối trá: trong số đó, một tên bạo chúa giết người, kẻ ám sát những người chỉ trích trong nước đồng thời gây ra tình trạng hỗn loạn bên ngoài biên giới Nga, bằng cách nào đó tên sát nhân này lại được coi là một người bảo vệ “nền văn minh Kitô giáo”. Tính dễ bị tổn thương của người Mỹ trước tuyên truyền của Nga có một lịch sử lâu dài, bắt nguồn từ bài báo ca tụng Cách mạng Bolshevik của John Reed và tiếp tục với việc tờ New York Times của Walter Duranty che đậy việc Stalin cố tình bỏ đói hàng triệu người Ukraine trong vụ Holodomor năm 1932–33. Quỹ đạo của hành vi sai trái đó hiện đã đạt đến mức lố bịch quá đáng khi Tucker Carlson đóng vai trò liếm láp, cho phép Putin tuyên bố phi lý rằng Ba Lan phải chịu trách nhiệm về việc bị Hitler xâm lược vào năm 1939.

Cuộc tấn công tuyên truyền đương thời của Nga đã có tác động đến một Quốc hội Hoa Kỳ đang hoạt động kém hiệu quả. Quyết tâm sinh tồn của Ukraine, được bảo đảm bằng máu, đã làm suy yếu quân đội Nga, củng cố NATO, kêu gọi Âu Châu tỉnh táo và từ đó đóng góp đáng kể cho an ninh của Hoa Kỳ: một quốc gia vô cùng giàu có với 92 tỷ Mỹ Kim được chi vào cá cược túc cầu, bóng rổ và bóng chày vào năm 2022–23. Các chính trị gia lập luận rằng chúng ta không đủ khả năng để hỗ trợ Ukraine về mặt quân sự, hoặc những người khăng khăng liên kết hỗ trợ quân sự cho Ukraine với việc giải quyết các bất bình về chính sách trong nước của họ, đều ảo tưởng hoặc không muốn giải thích sự thật địa chính trị của cuộc sống cho cử tri của họ.

Trong cả hai trường hợp, họ có thể học được bài học từ Arthur Vandenberg.

Thượng nghị sĩ Vandenberg, một người bảo thủ về tài chính của Đảng Cộng hòa về cân bằng ngân sách, đã phản đối nhiều chương trình Thỏa thuận mới và Thỏa thuận công bằng trong chính quyền Roosevelt và Truman. Nhưng khi Tổng thống Truman tìm kiếm sự ủng hộ cho Kế hoạch Marshall và NATO, Vandenberg đã không yêu cầu Tổng thống Truman phải hồi đáp bằng việc bãi bỏ một trong những lỗi sai của vị Tổng thống là Đạo luật Quan hệ Lao động Quốc gia. Arthur Vandenberg đã trưởng thành. Liệu ngày hôm nay có thêm nhiều người trong số họ có mặt tại Quốc hội, đoàn kết với những người bạn và đồng minh Ukraine bất khuất của chúng ta hay không.


Source:First Things