Ngày 02-03-2024
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thánh Lễ Chúa Nhật Thứ Ba Mùa Chay 3/3 dành cho những người không thể đến nhà thờ
Giáo Hội Năm Châu
00:53 02/03/2024
BÀI ĐỌC 1 Xh 20, 1-17

Bài trích sách Xuất hành.

Ngày ấy, trên núi Xi-nai, Thiên Chúa phán tất cả những lời sau đây: “Ta là Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, đã đưa ngươi ra khỏi đất Ai-cập, khỏi cảnh nô lệ. Ngươi không được có thần nào khác đối nghịch với Ta. Ngươi không được tạc tượng, vẽ hình bất cứ vật gì ở trên trời cao, cũng như dưới đất thấp, hoặc ở trong nước phía dưới mặt đất, để mà thờ. Ngươi không được phủ phục trước những thứ đó mà phụng thờ: vì Ta, Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, là một vị thần ghen tương. Đối với những kẻ ghét Ta, Ta phạt con cháu đến ba bốn đời vì tội lỗi của cha ông. Còn với những ai yêu mến Ta và giữ các mệnh lệnh của Ta, thì Ta trọn niềm nhân nghĩa đến ngàn đời. Ngươi không được dùng danh Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, một cách bất xứng, vì Đức Chúa không dung tha kẻ dùng danh Người một cách bất xứng. Ngươi hãy nhớ ngày sa-bát, mà coi đó là ngày thánh. Trong sáu ngày, ngươi sẽ lao động và làm mọi công việc của ngươi. Còn ngày thứ bảy là ngày sa-bát kính Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi. Ngày đó, ngươi không được làm công việc nào, cả ngươi cũng như con trai con gái, tôi tớ nam nữ, gia súc và ngoại kiều ở trong thành của ngươi. Vì trong sáu ngày, Đức Chúa đã dựng nên trời đất, biển khơi, và muôn loài trong đó, nhưng Người đã nghỉ ngày thứ bảy. Bởi vậy, Đức Chúa đã chúc phúc cho ngày sa-bát và coi đó là ngày thánh.

Ngươi hãy thờ cha kính mẹ, để được sống lâu trên đất mà Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, ban cho ngươi. Ngươi không được giết người. Ngươi không được ngoại tình. Ngươi không được trộm cắp. Ngươi không được làm chứng gian hại người. Ngươi không được ham muốn nhà người ta, ngươi không được ham muốn vợ người ta, tôi tớ nam nữ, con bò con lừa, hay bất cứ vật gì của người ta.”

Đó là Lời Chúa.

BÀI ĐỌC 2 1 Cr 1, 22-25

Bài trích thư thứ nhất của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Cô-rin-tô.

Thưa anh em, trong khi người Do-thái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ, còn người Hy-lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng một Đấng Ki-tô bị đóng đinh, điều mà người Do-thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ. Nhưng đối với những ai được Thiên Chúa kêu gọi, dù là Do-thái hay Hy-lạp, Đấng ấy chính là Đức Ki-tô, sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Vì cái điên rồ của Thiên Chúa còn hơn cái khôn ngoan của loài người, và cái yếu đuối của Thiên Chúa còn hơn cái mạnh mẽ của loài người.

Đó là Lời Chúa.

TUNG HÔ TIN MỪNG Mt 4, 4b

Người ta sống không nguyên bởi bánh, nhưng bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra.

TIN MỪNG Ga 2, 13-25

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gioan.

Gần đến lễ Vượt Qua của người Do-thái, Đức Giê-su lên thành Giê-ru-sa-lem. Người thấy trong Đền Thờ có những kẻ bán chiên, bò, bồ câu, và những người đang ngồi đổi tiền. Người liền lấy dây làm roi mà xua đuổi tất cả chiên cũng như bò, ra khỏi Đền Thờ; còn tiền của những người đổi bạc, Người đổ tung ra, và lật nhào bàn ghế của họ. Người nói với những kẻ bán bồ câu: “Đem tất cả những thứ này ra khỏi đây, đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán.” Các môn đệ của Người nhớ lại lời đã chép trong Kinh Thánh: Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa, mà tôi đây sẽ phải thiệt thân.

Người Do-thái hỏi Đức Giê-su: “Ông lấy dấu lạ nào chứng tỏ cho chúng tôi thấy là ông có quyền làm như thế?” Đức Giê-su đáp: “Các ông cứ phá huỷ Đền Thờ này đi; nội ba ngày, tôi sẽ xây dựng lại.” Người Do-thái nói: “Đền Thờ này phải mất bốn mươi sáu năm mới xây xong, thế mà nội trong ba ngày ông xây lại được sao?” Nhưng Đền Thờ Đức Giê-su muốn nói ở đây là chính thân thể Người. Vậy, khi Người từ cõi chết trỗi dậy, các môn đệ nhớ lại Người đã nói điều đó, họ tin vào Kinh Thánh và lời Đức Giê-su đã nói. Trong lúc Đức Giê-su ở Giê-ru-sa-lem vào dịp lễ Vượt Qua, có nhiều kẻ tin vào danh Người bởi đã chứng kiến các dấu lạ Người làm. Nhưng chính Đức Giê-su không tin họ, vì Người biết họ hết thảy, và không cần ai làm chứng về con người. Quả thật, chính Người biết có gì trong lòng con người.

Đó là Lời Chúa.
 
Thập giá, tột đỉnh Tình yêu
Lm Phêrô Nguyễn Văn Hương
05:40 02/03/2024
CHÚA NHẬT IV MÙA CHAY
2 Sb 36,14-16.19-23; Ep 2,4-10; Ga 3,14-21
THẬP GIÁ, TỘT ĐỈNH TÌNH YÊU

Trong Tin Mừng Chúa Nhật này, chúng ta tìm thấy một trong những câu nói đẹp nhất của Kinh Thánh:
“Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16).

Để diễn tả tình yêu của Người đối với chúng ta, Thiên Chúa đã dùng những kinh nghiệm tự nhiên về tình yêu mà con người trao tặng cho nhau. Nhà thơ Dante cho rằng, tất cả mọi điều hữu hạn đều diễn tả điều vô hạn nơi Thiên Chúa. Mọi tình yêu con người như tình yêu vợ chồng, phụ tử, mẫu tử, bạn bè là những trang của một cuốn sách, hoặc những ngọn lửa của đống lửa; chúng có nguồn gốc và tìm thấy sự viên mãn trong Thiên Chúa.

1. Những dạng thức tình yêu Thiên Chúa

Trước hết, trong Kinh Thánh, Thiên Chúa nói với chúng ta về tình yêu của Người qua hình ảnh của tình yêu phụ tử. Tình yêu phụ tử được thể hiện bằng sự cổ võ, khích lệ và thúc đẩy. Một người cha muốn người con của mình lớn lên, bằng cách ông khuyến khích người con cố gắng hết mình. Đây là lý do tại sao chúng ta ít nghe người cha ca ngợi con mình trước mặt nó. Vì ông sợ rằng nó nghĩ mình đã hoàn hảo rồi nên không cần phải cố gắng nữa.

Nét đặc trưng khác của tình yêu phụ tử là sửa dạy. Người cha là thầy dạy hướng dẫn và uốn nắn người con trưởng thành. Một người cha đích thực đồng thời cũng là người ban cho con cái sự tự do và an toàn, nhờ đó, người con cảm thấy mình được bảo vệ trong đời sống. Đây là lý do tại sao Thiên Chúa giới thiệu mình với con người qua hình ảnh “đá tảng và thành lũy” để bảo vệ con người, một “thành lũy vững vàng” trước những gian nan thử thách và lo lắng (x. Tv 27,1).

Nơi khác, Thiên Chúa nói với chúng ta qua hình ảnh tình yêu mẫu tử. Người nói: “Có phụ nữ nào quên được đứa con thơ của mình, hay chẳng thương đứa con mình đã mang nặng đẻ đau? Cho dù nó có quên đi nữa, thì Ta, Ta cũng chẳng quên ngươi bao giờ” (Is 49,15).
Tình yêu của một người mẹ được ban nhờ sự đón nhận, cảm thương và sự dịu dàng; tình mẫu tử là một tình yêu sâu nặng và mênh mông như biển cả. Người mẹ luôn luôn đồng hành, bảo vệ con mình và can thiệp cho chúng trước mặt người cha. Kinh Thánh luôn nói về sức mạnh của Thiên Chúa như là sức mạnh của người cha; nhưng Kinh Thánh cũng nói về sự dịu dàng và từ tâm của Thiên Chúa như là sự dịu dàng và từ tâm của người mẹ. Đó là sự “dịu dàng mẫu tử.”

Nhờ kinh nghiệm, con người biết đến một dạng thức khác của tình yêu, tình yêu vợ chồng, đó là một thứ “tình yêu mãnh liệt như tử thần, cơn đam mê dữ dội như âm phủ. Lửa tình là ngọn lửa bừng cháy, một ngọn lửa thần thiêng” (Dc 8,6). Thiên Chúa cũng dùng hình thức tình yêu này để nói về tình yêu vô biên của Người đối với con người. Tất cả những danh từ mang sắc thái tình yêu giữa người nam và người nữ, bao gồm cả từ “quyến rũ” cũng được dùng trong Kinh Thánh để diễn tả tình yêu của Thiên Chúa đối với con người. Thiên Chúa quyến rũ chúng ta (x. Gr 20,7).

2. Đức Giêsu, sự viên mãn tình yêu

Khi đến trần gian, Chúa Giêsu kiện toàn tất cả những hình thức này của tình yêu: tình phụ tự, tình mẫu tử, tình vợ chồng (biết bao lần Người ví mình là một chàng rể) (x. Mt 9,15); nhưng Người còn thêm vào một hình thức tình yêu khác: đó là tình bạn hữu. Người nói với các môn đệ:
“Anh em là bạn hữu của Thầy, nếu anh em thực hiện những điều Thầy truyền dạy. Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết” (Ga 15,14-15).

Tình bạn hữu là gì? Nó có thể là một tương quan lớn hơn cả mối tương quan ruột thịt. Tương quan họ hàng hệ tại ở việc có cùng huyết tộc; tình bạn hệ tại ở việc có chung một quan điểm, lý tưởng và những quan tâm. Nó phát xuất từ lòng tin tưởng, nhờ đó tôi sẵn sàng thổ lộ cho người khác biết những tư tưởng, tâm tư, tình cảm sâu kín nhất, cũng như những kinh nghiệm riêng tư của mình.

Giờ đây, Chúa Giêsu gọi chúng ta là bạn hữu của Người, bởi vì những gì Người biết bởi Cha Trên Trời, Người đã mạc khải cho chúng ta, Người đã thổ lộ với chúng ta, tin tưởng chúng ta. Người đã xem chúng ta là những người bạn tri âm tri kỷ để chia sẻ với chúng ta những ẩn giấu của mầu nhiệm Ba Ngôi! Chẳng hạn, Chúa Giêsu mạc khải cho chúng ta biết rằng Thiên Chúa ưa thích những người bé mọn và những người nghèo, hay Người yêu chúng ta như người cha nhân hậu; hoặc Người chuẩn bị một nơi vĩnh cửu cho chúng ta.

3. Thập giá, tột đỉnh tình yêu

Hơn thế, Chúa Giêsu bày tỏ tình yêu lớn lao nhất của Người đối với chúng ta khi Người bước lên thập giá. Nơi thập giá, tình yêu của Người thể hiện qua ba năng động: Thứ nhất, tình yêu tự hạ (kenosis): Con Thiên Chúa trút bỏ địa vị cao cả, mặc lấy thân phận người Tôi Tớ đau khổ. Đây là tình yêu được thể hiện bằng chính hành động và dám hy sinh mạng sống mình vì bạn hữu; Thứ đến, tình yêu đảm nhận (ricapitolatio): Con Thiên Chúa cưu mang mọi đau khổ và tội lỗi của nhân loại, Người chịu chết thay cho chúng ta; Thứ ba, tình yêu tự hiến (agape): Người tự hiến vì chúng ta một cách vô điều kiện. Đây là tình yêu ở mức cao nhất. Bởi thế, thánh Gioan quả quyết:
“Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13).

Như thế, Chúa Giêsu mang đến cho hạn từ “bạn hữu” một ý nghĩa đầy đủ nhất khi hiến mình để cứu độ chúng ta. Nhờ đó, chúng ta đón nhận được lòng thương xót của Chúa và ơn cứu độ. Chính nhờ ân sủng và lòng tin mà chúng ta được sống và được cứu độ (x. Ep 2,4-10).
Chúng ta phải làm gì đối với tình yêu Chúa dành cho chúng ta? Chúng ta làm điều gì đó rất đơn giản thôi: hãy tin tưởng vào tình yêu của Thiên Chúa, hãy đón nhận tình yêu đó, hãy nhắc lại nhiều lần với thánh Gioan:
“Còn chúng ta, chúng ta đã biết tình yêu của Thiên Chúa nơi chúng ta, và đã tin vào tình yêu đó!” (1 Ga 4,16).

Đồng thời, chúng ta được mời gọi đáp trả tình yêu của Chúa bằng việc tuân giữ các giới răn, xa lánh các dịp tội và quyết tâm không phạm tội nữa. Bởi lẽ, bao lâu còn phạm tội, bấy lâu Chúa Giêsu vẫn phải hấp hối và tiếp tục chịu chết một lần nữa vì chúng ta. Như lời của Dinsmore nói: “Vẫn có một cây thập giá trong cung lòng Thiên Chúa trước khi cây thập giá đó được trồng trên một ngọn đồi bên ngoài thành thánh Giêrusalem. Và giờ đây, dù cây thập giá gỗ đã bị loại trừ, cây thập giá đó vẫn còn trong cung lòng Thiên Chúa và nó sẽ vẫn còn bao lâu vẫn còn dù chỉ một tội nhân để cho Thiên Chúa phải đau khổ.”

Ước gì trong Mùa Chay thánh này, chúng ta nhìn lên thập giá và hoán cải đời sống mình để được sống đời đời. Amen!

ĐCV Thánh Phanxicô Xaviê
Nghệ An - Việt Nam
http://nguoinguphu.blogspot.com/
 
Nơi buôn bán
Lm. Minh Anh
14:49 02/03/2024
NƠI BUÔN BÁN
“Đem tất cả những thứ này ra khỏi đây, đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán!”.

Gặp gỡ các Giám mục Armeni ngày 28/02/2024. Đức Phanxicô cảnh giác về điều mà ngài gọi là “ngoại tình mục vụ” khi một Giám mục coi Giáo Phận của mình là bước đệm để đạt tới một vị trí “uy tín” hơn, trong khi quên rằng mình ‘đã kết hôn’ với Giáo Phận. Ngài cũng cảnh giác việc lãng phí thời gian để đàm phán ‘những điểm đến’ hoặc việc ‘thăng chức mới’ bởi vì “người ta không mua các Giám mục ở chợ, nhưng chính Chúa Kitô đã chọn họ làm người kế vị các tông đồ và mục tử cho đàn chiên Ngài!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Tôi e rằng, khi Đức Thánh Cha nói những lời mạnh mẽ trên - “ngoại tình mục vụ”, “người ta không mua các Giám mục ở chợ” - hẳn ngài đã liên tưởng đến những gì Chúa Giêsu nói trong Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay, “Đừng biến nhà Cha tôi thành ‘nơi buôn bán!’”.

Mùa Chay, mùa xét xem những không gian thánh của Chúa nơi chúng ta, liệu chúng có biến dạng vì đã trở thành ‘nơi buôn bán?’. Mùa Chay còn là thời gian để tái khám phá khuôn mặt của Thiên Chúa trong mỗi người, vốn là đền thờ của Ngài, của Chúa Thánh Thần. Như vậy, những gì ‘chúng ta có’, những gì ‘chúng ta là’ đâu còn thuộc về mình!

Bài đọc Xuất Hành nói đến mười điều răn. Luật pháp Chúa luôn chuẩn mực, có giá trị cho mọi thế hệ và mọi thời đại. Bỏ qua chúng, thế giới sẽ sụp đổ, tội lỗi sẽ xảy ra. Mọi hành động tội lỗi đều bắt nguồn từ việc vi phạm nó. Chính tội lỗi và những gì ô uế đã tràn ngập, làm nhuốc nhơ linh hồn, đền thờ Chúa Kitô; nhuốc nhơ Giáo Hội, Hiền Thê của Ngài.

Tin Mừng nói đến việc Chúa Giêsu trục xuất những kẻ mua bán ra khỏi đền thờ, hành động này nhắc chúng ta rằng, có lẽ chúng ta đã làm ô uế ‘các đền thờ’ của Ngài. Không chỉ những gì chúng ta được giao - Giáo Phận, Giáo Xứ, cộng đoàn, gia đình… nhưng có thể là chính thân xác chúng ta. ‘Đền thờ’ trở thành ‘nơi buôn bán’ là điều bất thường. Việc sử dụng những ân tứ, địa vị và thân thể Chúa ban vào mục đích thương mại là một tội lỗi.

Hãy bắt đầu cuộc chiến bằng cách vạch tên chúng tại toà giải tội. Xác định được một vấn đề đã là một thành công trong việc giải quyết nó. Hãy cầu xin lòng thương xót Chúa và Ngài sẽ thứ tha. Khi đi xưng tội, chúng ta không chỉ nhận được ơn tha thứ mà còn nhận được ân sủng để vượt qua những cám dỗ trong tương lai. Nếu muốn giành chiến thắng trong cuộc chiến, bạn và tôi hãy trang bị vũ khí cho mình tại toà giải tội.

Anh Chị em,

“Đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán!”. Có lẽ chúng ta đã biến nhiều không gian thánh thành ‘nơi buôn bán’ khi tích lũy rất nhiều thứ vốn đang đè nặng về mặt tinh thần. Cuộc sống chúng ta chứa đầy những điều phù phiếm vốn đã chiếm giữ không gian của Chúa. Để mang vào cái mới, cái cũ phải nhường chỗ! Vì vậy, phải loại bỏ những thói quen, khuynh hướng và đường lối tội lỗi vốn đã làm tê liệt ân sủng thiêng liêng trong cuộc sống, khiến chúng ta phá sản về mặt thiêng liêng và chậm lớn trong việc phát triển tinh thần. Đó có thể là hám danh, tham lam, ngoại tình, thờ ngẫu tượng… khiến bạn và tôi suy sụp suốt những năm qua và khiến cuộc sống của chúng ta tràn ngập nhiều điều ô uế. Mùa Chay, mùa tuyên chiến và bày tỏ sự tức giận đối với những ‘nơi buôn bán’ không đáng có!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, con không là thiên thần, đừng để con thách thức bản thân! Dọn sạch lòng con, đừng để nó thành ‘nơi buôn bán’ hay ‘hang trộm cướp’ không hơn không kém!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Tình Lời ơi
Lm. Nguyễn Xuân Trường
18:08 02/03/2024
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
21:01 02/03/2024

12. Lãnh nhận Đức Chúa Giê-su Thánh Thể thì con ở trong Ngài, nhờ Ngài, vì Ngài mà tin, yêu và hy vọng.

(Thánh Francis de Sales)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
21:07 02/03/2024
94. ĂN BA BA ĐÁNH NGƯỜI

Thời nhà Tùy, thái bộc khanh Thôi Hoằng Độ là người rất khó phục vụ, ông ta nói với gia nhân:

- “Tụi bây không có ai có thể lừa dối ta”.

Có một lần, ông ta đang ăn thịt con ba ba thì hỏi đầy tớ:

- “Ăn ngon chứ?”

Các đầy tớ liên tục trả lời:

- “Ngon, ăn ngon”.

Thôi Hoằng Độ nghĩ thầm:

- “Tụi mày không ăn làm sao có thể biết là ăn ngon chứ, không phải là lừa ta sao?”

Thế là các gia nhân bị đánh một trận rất đau. Người trong kinh thành tức giận và nói:

- “Thà ăn ba đấu giấm chứ không thèm thấy mặt Thôi Hoằng Độ”.

(Cổ kim tiếu sử)

Suy tư 94:

Con người ta, không ai là không bị một lần lừa dối và không ai không một lần nói dối trong cuộc đời của mình, và trong cõi đất trời này ai cũng có thể lừa dối nhau, và có rất nhiều người bị dối bị gạt, cho nên chúng ta -những con người- chỉ có thể lừa dối nhau, cho nên phải nói như thế này: “không ai có thể lừa dối Thiên Chúa” thì đúng hơn...

Con người ta lừa dối nhau cũng chỉ vì cái tâm tham lam, cái tâm danh vọng, cái tâm ích kỷ mà ra.

Lừa dối là nói không đúng sự thật, lừa dối là kiếm chuyện dối trá để xin xỏ, lừa dối là đem chuyện không có của người này nói thành cho có để bêu xấu họ, lừa dối là dối gạt người khác với lý do như thật... Có những Kitô hữu lừa dối Thiên Chúa trong tòa cáo giải, họ xưng tội mà sợ linh mục giải tội biết tội mình, họ đi làm hòa với Thiên Chúa trong bí tích hòa giải nhưng lại nói dối Ngài qua vị linh mục ngồi tòa bởi vì họ ngại linh mục biết họ là ai.v.v...

Chúng ta có thể lừa linh mục ngồi tòa cáo giải nhưng chúng ta không thể lừa dối Thiên Chúa, chúng ta sợ linh mục ngồi tòa biết tội mình mà không sợ Thiên Chúa biết tận tâm can của mình, chúng ta ngại linh mục ngồi tòa biết mình là ai mà không sợ Thiên Chúa là Đấng đã biết mình từ khi mình chưa sinh ra...

Con người ta rất ghét sự dối trá huống hồ là Thiên Chúa ! Ngài ghét tội lừa dối nhất, vì chính nó đã làm cho tâm hồn các con cái của Ngài biến thành nơi nuôi dưỡng thù hận và chia rẻ...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Mật nghị bầu giáo hoàng tiếp theo nên bỏ phiếu ít hơn mỗi ngày
Vũ Văn An
13:51 02/03/2024

Ed. Condon của tạp chí The Pillar đồng ý với đề nghị của nhà giáo sử nổi tiếng của Ý, Melloni, về đề nghị chỉ nên bỏ phiếu một lần một ngày tại mật nghị bầu giáo hoàng, thay vì bốn như hiện nay. Tác giả này trưng dẫn nhiều sự kiện lịch sử gần đây để bênh vực cho lập luận của mình:



Mật nghị, các cuộc họp biệt lập của Hồng Y đoàn bầu chọn giáo hoàng, đã duy trì bầu không khí bí mật và nghi lễ trong suốt nhiều thế kỷ.

Nhưng bất chấp tính liên tục vượt thời gian biểu kiến, các vị giáo hoàng kế tiếp đã thực hiện nhiều chắp vá cho luật lệ bầu giáo hoàng, giữ cho tiến trình được cập nhật và hy vọng sẽ phù hợp với mục đích khi Giáo hội chuyển dịch qua lịch sử.

Một số thay đổi này mang tính lịch sử, nhưng đôi khi gây tranh cãi sâu sắc. Những thay đổi khác thì tầm thường hơn, đến mức chúng không được ghi nhận là những tin tức quan trọng khi diễn ra.

Ở tuổi 87, Đức Giáo Hoàng Phanxicô từ lâu đã được kỳ vọng sẽ để lại dấu ấn của mình trong các đạo luật qui định việc bầu cử người kế vị.

Năm ngoái, luật sư nổi tiếng của ngài là Đức Hồng Y Gianfranco Ghirlanda thậm chí còn được biết là đang thực hiện một số thay đổi lớn lao cho diễn trình - thu hẹp đáng kể số lượng Hồng Y có thể tham dự ngay cả các cuộc họp công khai trước mật nghị - mặc dù sau đó ngài đã phủ nhận việc này.

Trong khi những kế hoạch đó dường như đã bị gác lại, một sử gia Giáo hội quan tâm đến các vấn đề của Vatican đã đề xuất một cuộc cải cách ít gây chấn động hơn: các Hồng Y trong mật nghị ít lần bỏ phiếu hơn trong một ngày.

Trong một bài tiểu luận dài được xuất bản hôm thứ Hai, Alberto Melloni đề nghị Đức Giáo Hoàng Phanxicô giảm số lần bỏ phiếu hàng ngày trong mật nghị từ bốn xuống chỉ còn một. Vị Giáo sư này gợi ý rằng điều này chắc chắn sẽ kéo dài thời gian cần thiết để chọn một giáo hoàng mới, nhưng trong môi trường hiện đại thì đó không phải là điều xấu.

Nhưng ít phiếu bầu hơn và mật nghị dài hơn thực sự sẽ tác động đến Giáo hội như thế nào?

Khi có tin Đức Giáo Hoàng Phanxicô yêu cầu Đức Hồng Y Ghirlanda xem xét những thay đổi có thể có đối với Universi dominici gregis [Đoàn chiên phổ quát của Chúa], tông hiến quản lý các sự kiện xung quanh cái chết của một giáo hoàng và việc bầu cử người kế vị ngài, nó đã dẫn tới nhiều bình luận đáng kể.

Các đề xuất nhằm làm cho tiến trình lựa chọn một giáo hoàng tương lai trở nên “có tính đồng nghị” hơn bao gồm việc hạn chế sự tham dự của các Hồng Y tại các mật nghị chung đối với những vị đủ điều kiện tham gia cuộc bầu cử ở mật viện – những vị dưới 80 tuổi – như The Pillar đã xác nhận.

Các đề xuất khác, chưa được The Pillar xác nhận, bao gồm việc mời những giáo dân được chọn tham gia mật nghị.

Trong khi Ghirlanda nhấn mạnh rằng các báo cáo là “hoàn toàn sai”, một số nhà bình luận thân cận với Đức Giáo Hoàng đã bảo vệ các đề xuất và nhấn mạnh rằng Đức Phanxicô đã nghiền ngẫm từ lâu những thay đổi được báo cáo bởi The Pillar, và bảo vệ chúng là hữu ích và hợp pháp.

Trong khi những lời phủ nhận của Đức Hồng Y Ghirlanda dường như báo hiệu rằng những cải cách triệt để hơn đã bị loại khỏi bàn đàm phán, thì người ta vẫn kỳ vọng rằng Đức Phanxicô sẽ thực hiện một số thay đổi trong quá trình lựa chọn người kế vị cuối cùng của mình. Và nếu các giáo hoàng trước đây có dấu hiệu nào thì kỳ vọng này có vẻ hợp lý.

Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã tạo ra phương thức trong đó các Hồng Y bầu chọn giáo hoàng theo đa số đơn giản, thay vì 2/3 bắt buộc, nếu mật nghị không tìm được người kế vị Thánh Phêrô sau 33 vòng bỏ phiếu.

Sau đó, Đức Bênêđíctô XVI đã khôi phục lại đa số 2/3 cần thiết nhưng quy định rằng hai ứng viên hàng đầu sẽ qua lần bỏ phiếu vòng hai sau 33 lần bỏ phiếu.

Cả hai quy định và luật hiện hành đều bao gồm lịch trình bỏ phiếu thường xuyên hàng ngày cho mật nghị bầu cử (không tính ngày đầu tiên) gồm hai lần bỏ phiếu trong cả phiên họp buổi sáng và buổi chiều.

Mật nghị bầu Đức Gioan Phaolô II hoạt động theo luật trước đây của Romano Pontifici eligendo [bầu cử Giám mục Rôma], luật này cũng kêu gọi bỏ phiếu bốn lần mỗi ngày cho đến khi có kết quả hợp lệ được công bố, cho phép có nhiều ngày cầu nguyện, suy gẫm và thảo luận trong những khoảng thời gian đã định. Tuy nhiên, như Melloni lưu ý, những điều khoản như vậy đã chứng tỏ không còn cần thiết trong các mật nghị thế kỷ 21 vào những năm 2005 và 2013, cả hai đều chỉ kéo dài 24 giờ mỗi mật nghị.

Nói rõ các lập luận của riêng mình để ủng hộ việc chuyển sang hình thức bỏ phiếu mỗi ngày một lần, Melloni lập luận rằng các mật nghị gần đây cho thấy chúng mau chóng rơi vào xu hướng muốn đi theo ứng viên dẫn đầu sớm.

Nhà sử học lập luận rằng điều này có thể khiến mật nghị dễ bị ảnh hưởng từ bên ngoài hơn trong bối cảnh truyền thông hiện đại.

Trong khi ông dành nhiều thời gian để suy đoán lý do tại sao các tác nhân bên ngoài, bao gồm các nhóm gây áp lực của Giáo hội hoặc thậm chí các tác nhân nhà nước có thể muốn tác động đến kết quả của một cuộc bầu cử giáo hoàng, thì luận đề cơ bản của ông là: quan niệm xưa cũ cho rằng các ứng viên yêu thích “đi vào mật nghị như giáo hoàng thì trở ra vẫn là Hồng Y” không còn đúng nữa. Ngược lại, những ứng viên được ưa chuộng hoặc nổi tiếng rõ ràng với sự ủng hộ vững chắc trong các cuộc bỏ phiếu sớm rất có khả năng xuất hiện trên logga [nơi công bố tân giáo hoàng] trong thời gian ngắn.

Trong trường hợp đó, Melloni lập luận, phương tiện truyền thông - bao gồm cả mạng xã hội - có thể đóng vai trò quyết định trong việc thúc đẩy hoặc loại bỏ các ứng viên trước khi các Hồng Y có thời gian thực sự để xem xét các lựa chọn của họ trong mật nghị.

Ông có thể có lý.

Mặc dù Đức Hồng Y Joseph Ratzinger không được bầu trong lần bỏ phiếu đầu tiên, bài phát biểu công nghị của ngài về chủ nghĩa duy tương đối luân lý, được đọc trong tư cách niên trưởng Hồng Y đoàn ngay trước mật nghị, được nhiều người coi là đã bảo đảm được vị thế dẫn đầu về sự đồng thuận trên các phương tiện truyền thông và thậm chí là chiếm được đa số đơn giản trong lần bỏ phiếu đầu tiên. Từ đó, ngài có thể nhanh chóng thu hút được đa số 2/3 trong tư cách ứng viên đồng thuận, trong khi một phần ba Hồng Y đoàn tập hợp xung quanh Đức Hồng Y Jorge Maria Bergolio.

Qua đến mật nghị năm 2013, người dẫn đầu trong cuộc bầu cử được nhiều người coi là Đức Hồng Y Angelo Scola, lúc đó là tổng giám mục của Milan, đến nỗi hội đồng giám mục Ý được biết một cách rộng rãi là đã soạn thảo một thông cáo công bố việc bầu ngài.

Tuy nhiên, ngay trước khi các đại cử tri Hồng Y bước vào mật nghị, Đức Hồng Y Scola bị giới truyền thông cho là có liên quan đến một vụ tai tiếng tương đối nhỏ, trên quy mô hoàn cầu, nhưng lại xảy ra vào một thời điểm quan trọng: các phương tiện truyền thông đưa tin rằng một chính trị gia người Ý trong khu vực đang bị điều tra về tội tham nhũng là một người bạn lâu năm của Đức Hồng Y Scola, và mối liên hệ của họ là qua phong trào Hiệp thông và Giải phóng.

Ngày mật nghị bắt đầu, cảnh sát đã tiến hành các cuộc đột kích vào rạng sáng các bệnh viện và văn phòng để điều tra một đường dây tham nhũng liên quan đến Roberto Formigon, bạn thời thơ ấu của Đức Hồng Y Scola và một lãnh đạo của Hiệp thông và Giải phóng.

Trong khi Đức Hồng Y Scola đã tránh xa phong trào giáo hội này vào năm trước, và câu chuyện nhanh chóng chìm vào quên lãng sau mật nghị, tên của ngài đã được nhắc đến trên các tờ báo liên quan đến vụ tai tiếng, ngay trước khi các Hồng Y được cách ly để bầu một giáo hoàng mới.

Đức Hồng Y Scola được kỳ vọng sẽ nhận được 50 phiếu bầu trong vòng bỏ phiếu đầu tiên, nhưng các trình thuật sau đó nói rằng ngài chỉ nhận được nhiều nhất là 40 phiếu, những người khác nói rằng ít hơn 30 - và những phiếu ngài thua có thể là do viễn ảnh một vụ tai tiếng mà các Hồng Y nghĩ có thể diễn khởi ở bên ngoài mật nghị.

Đồng thời, người về nhì của mật nghị trước đó, Đức Hồng Y Jorge Bergoglio, cũng bước vào Nhà nguyện Sistine với một nhóm ủng hộ tận tình, bao gồm Đức Hồng Y người Bỉ Godfried Daneels và Đức Hồng Y Walter Kasper người Đức, cũng như các vị Hồng Y đã nghỉ hưu nhưng có ảnh hưởng lớn khác, những người đã ủng hộ tư cách ứng viên của ngài tại các mật nghị trước, bao gồm Hồng Y Cormac Murphy O'Conner của Westminster và sau đó, Theodore McCarrick thất sủng.

Theo lập luận của Melloni, tác động mặc nhiên của một câu chuyện “không có thực chất” [nothingburger] của truyền thông được đưa ra đúng thời điểm đối với vị trí được cho là dẫn đầu ban đầu của Đức Hồng Y Scola và tâm lý đám đông tập hợp lại đằng sau ứng viên được ủng hộ tốt nhất tiếp theo, theo lập luận của Melloni, càng trở nên trầm trọng hơn bởi bản chất ngày càng đa dạng của Hồng Y đoàn.

Khi Hồng Y đoàn ngày càng trở nên đa dạng về mặt địa lý và mang tính đại diện nhiều hơn cho Giáo hội hoàn cầu trong diễn trình này, thì các thành viên của nó cũng trở nên ít quen thuộc với nhau hơn. Xu hướng đó đã tăng tốc dưới thời Đức Phanxicô, trong triều đại giáo hoàng của ngài, các mật nghị thông thường của Hồng Y đoàn ở Rome cũng trở nên ít thường xuyên hơn.

Nếu các Hồng Y ít biết nhau hơn lại dễ bị đi theo đám đông hơn, thì điều dễ hiểu là nhóm này sẽ dễ bị ảnh hưởng bên ngoài hơn, hời hợt hơn, bao gồm cả các phương tiện truyền thông, và thậm chí cả các báo cáo hay tin đồn không có căn cứ được đưa ra vào thời điểm thích hợp.

Đề xuất của Melloni cho rằng Đức Phanxicô chỉ nên cho phép các mật nghị bầu cử trong tương lai bỏ phiếu một lần một ngày, ngược lại, có thể kìm hãm bất kỳ ứng viên thắng nhanh chóng nào có được đà và được bầu ngay lập tức.

Giả sử, chỉ để tranh luận thôi, một ứng cử viên như Đức Hồng Y Ratzinger nổi lên từ cuộc bỏ phiếu đầu tiên với đa số đơn giản nhưng không phải là 2/3, thì chỉ cần tối thiểu một ngày, chứ không hai hoặc ba ngày, để các Hồng Y cân nhắc sự lựa chọn và xem xét các phương thức khác của họ.

Và, trong trường hợp xảy ra một kiểu Scola khác, một diễn trình bỏ phiếu kéo dài có thể tạo không gian cho các Hồng Y thảo luận, và khi thích hợp sẽ loại bỏ bất cứ câu chuyện truyền thông mới nào có ý đề cập đến sự phù hợp của các ứng viên.

Tuy nhiên, hơn thế nữa, việc làm chậm mật nghị để nó, một lần nữa, trở thành một cuộc thảo luận kéo dài ít nhất vài ngày thay vì vài giờ cũng sẽ tạo không gian cho các ứng viên xuất hiện không được báo trước, được xem xét và thậm chí được bầu - như trường hợp của Đức Hồng Y Karol Wojtyła người Ba Lan, người chỉ được xem xét sau sự bế tắc giữa những người dẫn đầu người Ý, các Đức Hồng Y Siri và Benelli.

Không ai hy vọng sự trở lại của các mật nghị thời trung cổ kéo dài hàng tháng.

Nhưng ngày càng có vẻ như các Hồng Y không mất nhiều thời gian để đưa ra quyết định quan trọng nhất trong đời sống của Giáo hội. Trong hoàn cảnh đó, có thể dễ dàng nhận thấy mật nghị bị thao túng, trong đó các bên quan tâm đưa ra trước một câu chuyện có khả năng mang tính quyết định.

Và kịch bản đó trái ngược với sự phân định cầu nguyện mà mật nghị nhằm tạo ra.
 
Mối nguy hiểm tồi tệ nhất ngày nay là hệ tư tưởng về giới tính
Thanh Quảng sdb
16:33 02/03/2024
Mối nguy hiểm tồi tệ nhất ngày nay là hệ tư tưởng về giới tính

(Antoine Mekary – Aleteia)

Đức Thánh Cha cho hay ngài yêu cầu thực hiện các nghiên cứu về hệ tư tưởng giới tính, mà ngài cho là “căn bệnh tồi tệ nhất của thời đại chúng ta”.

“Điều quan trọng là phải có những cuộc gặp gỡ nam nữ bởi vì ngày nay mối nguy hiểm lớn nhất là hệ tư tưởng giới tính, nó muốn hủy bỏ mọi sự khác biệt giữa nam và nữ”. Dó là lời Đức Thánh Cha Phanxicô phát biểu khi khai mạc Hội nghị Quốc tế về Ơn gọi nam nữ tại Vatican vào ngày 1 tháng 3, 2024. Ngay từ đầu triều đại giáo hoàng, Đức Thánh Cha đã thường xuyên tố giác “hệ tư tưởng giới tính”, mà ngài coi là được thúc đẩy thông qua “sự thực dân hóa ý thức hệ”.

Sáng nay, tại Hội trường Thượng Hội đồng Vatican, Đức Thánh Cha đã giới thiệu Hội nghị Quốc tế với Chủ đề “Người nam và người nữ, theo hình ảnh Thiên Chúa cho một nền nhân học về ơn gọi”. Vì bị cảm nên Đức Thánh Cha xin thư ký của ngài đọc bài phát biểu đã soạn sẵn.

ĐTC chỉ nói vài lời để nhấn mạnh với những người tham dự viên về mối quan tâm của ngài đối với “cuộc khủng hoảng nhân học” hiện nay.

Mô tả “hệ tư tưởng giới tính” như một “căn bệnh tồi tệ của thời đại chúng ta”, Đức Thánh Cha giải thích rằng “xóa bỏ sự khác biệt nam nữ là chối bỏ nhân loại. Mặt khác, nó đặt người nam và người nữ vào tình trạng ‘căng thẳng’”.

ĐTC tâm sự rằng ngài đã yêu cầu một vị Hồng Y, Tiến sĩ nghiên cứu về hệ tư tưởng này. (ĐTC có thể đang nói về Đức Hồng Y người Hà Lan Wim Eijk, Tổng Giám mục Utrecht, người nổi tiếng về bảo thủ về giáo lý, người đã đề nghị Đức Thánh Cha viết một thông điệp về chủ đề này.)

Chủ đề định kỳ

Năm ngoái, Đức Thánh Cha Phanxicô đã giải thích với nhật báo La Nacion của Argentina rằng ngài không soạn thảo một thông điệp mới về chủ đề này. Tuy nhiên, vào tháng 1 năm ngoái, Đức Hồng Y Víctor Manuel Fernández nói với cơ quan báo chí Tây Ban Nha EFE rằng Bộ Giáo lý Đức tin – do ngài đứng đầu – đang chuẩn bị một tài liệu về phẩm giá con người. Theo ĐHY, văn bản này sẽ đưa ra “những chỉ trích gay gắt” về các vấn đề đạo đức như “chuyển đổi giới tính, mang thai hộ, và các hệ tư tưởng về giới tính”.

Kể từ đầu triều đại Giáo hoàng, Đức Thánh Cha đã thường xuyên cảnh báo chống lại một “hệ tư tưởng” làm “xóa đi những khác biệt giữa người nam và nữ”.

Chẳng hạn, “sự căng thẳng giữa những khác biệt của người nam người nữ,” ĐTC giải thích trong cuộc phỏng vấn với tờ La Nacion. Tuy nhiên, ngài cũng nhấn mạnh rằng ngài luôn phân biệt “giữa công việc mục vụ cho những người có khuynh hướng đồng tính và hệ tư tưởng giới tính khác biệt vì họ là hai thực thể khác nhau."

Vào năm 2016, trên máy bay trở về sau chuyến đi Baku, Azerbaijan, ĐTC đã chỉ trích gay gắt việc “truyền bá lý thuyết giới tính”, đặc biệt là thông qua “sự thực dân hóa tư tưởng” qua sách giáo khoa của các trường học.

Ba năm sau, Bộ Giáo dục Công Giáo xuất bản một tập tài liệu dài khoảng 30 trang về vấn đề giới tính. Mục đích của Vatican là cung cấp cho các gia đình Kitô giáo và các nhà giáo dục những yếu tố cần thiết, khi đối diện với “cuộc khủng hoảng giáo dục” liên quan đến các chủ đề “cảm xúc và tính dục”.

“Đức Thánh Cha nói về điều đó một cách tự nhiên”

“Đó là một hệ tư tưởng đáng sợ. Hôm nay Đức Thánh Cha đã nói về điều này một cách tự nhiên, đây là mối quan tâm của ngài”, Đức Hồng Y Marc Ouellet, cựu Bộ trưởng Bộ Giám mục, nói với Thông tấn I như vậy. Đức Hồng Y Ouellet, vị Hồng Y 79 tuổi người Canada là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Nhân chủng học Ơn gọi (CRAV), nơi Hội nghị được tổ chức.

Trong suốt hai ngày, những tham dự viên cố gắng khám phá ra nền tảng của nhân chủng học Kitô giáo nhằm đáp lại những thay đổi văn hóa xã hội về bản sắc con người. Các vấn đề như “chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc” và thúc đẩy “văn hóa nghề nghiệp trong các trường học lấy cảm hứng từ Công Giáo” để thảo luận.

Tầm quan trọng của việc hoàn thành ơn gọi làm người

Trong bài phát biểu mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã chuẩn bị và được một thư ký đọc, ngài nhấn mạnh tầm quan trọng của việc khám phá và thực hiện ơn gọi của mình như một cách để đáp lại “ước mong sự viên mãn và hạnh phúc của con người đang ắp đầy trong trái tim chúng ta”.

“Người nam và người nữ được Thiên Chúa sáng tạo và là hình ảnh của Đấng Tạo Hóa; nghĩa là, họ mang trong mình niềm khao khát về sự vĩnh cửu và hạnh phúc mà chính Thiên Chúa đã gieo vào tâm hồn họ và điều mà họ được mời gọi thực hiện thông qua một ơn gọi cụ thể”, Đức Thánh Cha giải thích.

“Đó là lý do tại sao trong chúng ta có một sự khát khao nội tâm lành mạnh mà chúng ta không bao giờ dập tắt được. Cuộc sống của mỗi người chúng ta, không ai bị loại trừ, không phải là một đoạn đường gập ghềnh; Sự tồn tại của chúng ta trong thế giới không chỉ là ngẫu nhiên, mà chúng ta là một phần của kế hoạch tình yêu và chúng ta được mời gọi vượt lên khỏi chính mình để đạt tới sự thành toàn, cho chính mình và cho người khác.”

Tuy nhiên, Đức Thánh Cha nhấn mạnh “chương trình” này không phải là một điều gì đó được áp đặt lên cuộc sống của con người từ một nguồn siêu nhiên nào đó mà là một sự khẳng định con người là ai, như một “lời đáp trả” trước một “lời mời gọi”.

“Tôi luôn muốn nhắc nhớ rằng đây không phải là một nhiệm vụ ngoại lai được giao phó cho cuộc sống của chúng ta, mà là một chiều kích liên quan đến chính bản chất của chúng ta, cấu trúc của con người nam nữ của chúng ta theo hình ảnh Thiên Chúa. Chúng ta không chỉ được giao phó một sứ mệnh, mà mỗi người là một sứ mệnh,” ĐTC viết, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của những Hội nghị như thế này để suy tư và đào sâu ý nghĩa của ơn gọi.
 
Đức Hồng Y Sarah cảnh báo chống lại sự mất đoàn kết giữa các Kitô hữu, nói rằng đó là dấu chỉ phản chứng
Đặng Tự Do
17:36 02/03/2024


Đức Hồng Y Robert Sarah đã nói rằng sự mất đoàn kết giữa những người theo Chúa Kitô sẽ phản tác dụng đối với sứ mệnh làm chứng cho sứ điệp Tin Mừng và mục vụ truyền giáo.

Vị Tổng trưởng danh dự của Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích, người đã có bài phát biểu quan trọng tại Hội nghị chuyên đề Thần học năm 2024 do Trường Thần học thuộc Đại học Tangaza có trụ sở tại Kenya tổ chức đã cảnh báo rằng sự chia rẽ giữa các Kitô hữu đã khiến họ dễ bị “khai thác”.

“Nếu chúng ta không phải là một, nếu chúng ta bị chia rẽ, thì chứng tá của chúng ta về Chúa Kitô cũng bị chia rẽ và thế giới sẽ không tin vào Tin Mừng,” Đức Hồng Y Sarah nói hôm thứ Năm, 22 tháng 2, ngày đầu tiên của sự kiện kéo dài hai ngày.

“Trước tiên hãy tìm kiếm sự hiệp nhất trong đức tin Kitô giáo, sau đó là với những người đồng hương của chúng ta và những người Phi Châu,” ngài nói trong bài phát biểu quan trọng có tựa đề “Làm cho mọi quốc gia trở thành môn đệ: Sứ mệnh truyền giáo do Chúa Kitô ủy nhiệ,”.

Để nhấn mạnh sự cần thiết của sự đoàn kết giữa những người theo Chúa Giêsu Kitô, Đức Hồng Y 78 tuổi sinh ra ở Guinea, người bắt đầu thừa tác vụ Giám mục vào tháng 12 năm 1978 với tư cách là Tổng Giám mục Conakry tại quê hương của ngài đã cảnh báo rằng sự chia rẽ khiến các Kitô hữu “dễ bị khai thác”.

“Nếu chúng ta không nỗ lực đạt được sự hiệp nhất trong Chúa Kitô thì chúng ta còn tệ hơn nữa. Sự chia rẽ giữa chúng ta về tôn giáo, sắc tộc và chính trị rất dễ bị lợi dụng; họ có thể bị các chính trị gia tham nhũng hoặc thậm chí các thế lực nước ngoài lợi dụng”.

Đức Hồng Y Sarah trước đây đã bày tỏ sự phản đối của mình đối với Tuyên ngôn Fiducia Supplicans, vốn đã gây ra những phản ứng trái chiều và chia rẽ sâu sắc giữa dân Chúa nói chung và các Giám mục Công Giáo trên toàn thế giới nói riêng sau khi được công bố vào ngày 18 tháng 12.

Trong một suy tư ngày 6 Tháng Giêng mà ngài chia sẻ với Settimo Cielo, một blog của Ý, Đức Hồng Y từng giữ chức vụ Tổng trưởng Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích của Vatican từ năm 2014 đến năm 2021 đã duy trì lập trường trước đây của mình là không phản đối Đức Thánh Cha.

“Chúng tôi không phản đối Đức Thánh Cha Phanxicô, nhưng chúng tôi kiên quyết và triệt để phản đối tà giáo làm suy yếu nghiêm trọng Giáo hội, là Thân thể Chúa Kitô”, Đức Hồng Y Sarah nói, đồng thời làm rõ sự phản đối của ông đối với các khuyến nghị của Fiducia Supplicans, cho phép các thành viên Giáo sĩ ban phước lành cho các cặp quan hệ tình dục đồng giới và các cặp đôi trong những “tình huống bất thường” khác.

Những người thực hành đồng tính luyến ái đang “ở trong tù” của tội lỗi, và cần sự thật của “Lời Chúa” để giải thoát họ, ngài nói và nói thêm, “Sự thật là lòng thương xót đầu tiên mà Chúa Giêsu ban cho những người tội lỗi.”

“Sự tự do mà chúng ta phải trao cho những người sống trong các kết hợp đồng tính luyến ái nằm trong sự thật của lời Chúa. Làm sao chúng ta có thể khiến họ tin rằng điều đó là tốt và Chúa mong muốn họ vẫn ở trong ngục tù tội lỗi của họ?”

Sự thiếu rõ ràng của Tuyên ngôn Fiducia Supplicans “chỉ làm tăng thêm sự nhầm lẫn đang ngự trị trong lòng và một số người thậm chí còn lợi dụng nó để hỗ trợ cho nỗ lực thao túng của họ”

Vị lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo Guinea, người được phong Hồng Y vào tháng 11 năm 2010, cho biết: “Chỉ cùng nhau chúng ta mới có thể thịnh vượng”.

Theo Đức Hồng Y Sarah, những thách thức cản trở sứ mệnh làm chứng cho sứ điệp Tin Mừng và sứ vụ truyền giáo có thể được giải quyết “bằng cách hướng về Chúa trong lời cầu nguyện và ăn chay”.

“Bằng cách hướng về Chúa bằng lời cầu nguyện và ăn chay, Thiên Chúa nâng chúng ta lên. Ngài giải thoát chúng ta khỏi sự ích kỷ và hẹp hòi và mạc khải chính Ngài cho chúng ta bằng cách này hay cách khác.”

Đức Hồng Y tiếp tục nhấn mạnh sự cần thiết phải kết hợp cầu nguyện và ăn chay, hai trong ba trụ cột của Mùa Chay, bên cạnh việc bác ái qua việc bố thí.

“Việc truyền giáo phải bao gồm việc cầu nguyện và ăn chay cùng nhau, ngay cả với những truyền thống tôn giáo khác để đáp lại những tệ nạn mà chúng ta cùng nhau thừa nhận. Bằng cách cầu nguyện và ăn chay, những trở ngại cho việc truyền giáo sẽ được khắc phục”, Đức Hồng Y Sarah nói.


Source:National Catholic Register
 
Văn Hóa
Mùa Chay Tân Ghinê
Nguyễn Trung Tây
05:59 02/03/2024
Lm Nguyễn Trung Tây
Mùa Chay Tân Ghinê


Những ngày Chay 2024 ở quốc đảo Tân Ghinê nơi tôi đang sinh hoạt, vẫn rất chay. Có nghĩa là ăn chay, kiêng thịt, sám hối, và để dành những đồng tiền kiếm được qua ăn chay kiêng thịt để giúp đỡ người nghèo.

Chương trình Tết Giáp Thìn 2024 tại Đại Chủng Viện Chúa Chiên Lành của Tổng Địa phận Mt. Hagen bao gồm hai ngày, thứ Sáu, 16/2 bắt đầu với tiệc Tết, tiếp nối là Đêm Văn Hóa 2024. Thứ Bảy hôm sau, 17/2 là thánh lễ Tết.

Tết Việt Giáp Thìn 2024 tại Đại Chủng Viện được tổ chức cuối tuần sau Thứ Tư Lễ Tro. Bởi thế, tôi, trong vai trò Dean of Studies/Giám Học và cũng là người Việt Nam duy nhất của Đại Chủng Viện xin phép Đức Tổng Giám Mục Douglas Young SVD cho phép Đại Chủng Viện ăn thịt gà vào tối thứ Sáu; và đặc biệt trong thánh lễ Tết, tôi, chủ tế, sẽ mặc khăn đống áo dài the. Đức Tổng Giám Mục đồng ý. Và tôi cũng thông báo tới tất cả Cha giáo và các Thầy của Đại Chủng Viện về việc ăn thịt gà trong tiệc Tết tối thứ Sáu, và tôi sẽ mặc quốc phục Việt Nam trong thánh lễ Tết.

Tối thứ Sáu tới! 6:30 chiều! Tiệc Tết trong nhà cơm rộng lớn của Đại Chủng Viện, các Cha Giáo và các Thầy ngồi bên nhau, cùng ăn khoai lang, cùng ăn cơm với thịt gà. Ngay sau tiệc Tết, các Cha Giáo và các Thầy kéo về Social Hall của Đại Chủng Viện cho Đêm Văn Hóa 2024.

Cultural Night bao gồm 4 màn vũ điệu sắc tộc đậm nét văn hóa vùng miền PNG khác nhau do các Thầy trình diễn rộn ràng cả một Social Hall,
https://www.facebook.com/michaelquang.nguyen/videos/7531712016873275.

Nối tiếp theo sau là màn trình diễn y phục sắc tộc của văn hóa PNG. Y phục của vùng cao nguyên Mt. Hagen đoạt giải nhất. Tôi nhớ, trước đó, có một ông Thầy đã đến gặp tôi, xin được mặc quốc phục Việt Nam cho màn y phục sắc tộc. Tôi đã phải từ chối, bởi tế nhị.

Đêm Văn Hóa 2024 tại Đại Chủng Viện kết thúc. Chúng tôi, Ban Giảng Huấn dẫn nhau về phòng ăn của Ban Giảng Huấn. Các Cha Giáo PNG và một Cha Giáo gốc Ấn Độ đều chúc mừng tôi cho những nét văn hóa đa sắc tộc PNG bất ngờ xuất hiện trong Đêm Văn Hóa 2024. Các ngài cũng nhận xét, Dòng Ngôi Lời thật sự nổi bật với những nét sinh hoạt đa văn hóa. Đêm Văn Hóa 2024 mừng Tết Âm Lịch/Lunar New Year đã khẳng định điều các ngài cảm nghiệm được từ những sinh hoạt của Dòng Ngôi Lời trên toàn thế giới.

Sáng hôm sau, thứ Bảy, thánh lễ Tết được cử hành. Tôi, trong áo quốc phục, chủ tế cùng các Cha Giáo đồng tế dâng thánh lễ Tết cầu bình an cho thế giới, đặc biệt cư dân của những vùng ăn Tết Âm Lịch/Lunar New Year.

Trong thánh lễ Tết, có phần dâng của lễ, do các Thầy người Niugini trình bày. 12 Thầy cầm nến, dâng lên Thiên Chúa của lễ theo dòng nhạc của bài Ca Khúc Trầm Hương của tác giả Dao Kim, https://www.youtube.com/watch?v=Rgon4lN5-u0

Tới phần rước lễ, các Thầy hát song ngữ tiếng Pidgin và Việt ngữ bản thánh ca Mọi Nẻo Đường của Sr. Sourire. Tôi chỉ tập các Thầy Điệp khúc, và câu 1. Nhưng các Thầy mê tiếng Việt, hát luôn 3 câu. Thế là phần Rước Lễ rộn ràng thánh ca của Sr. Sourire trong hai ngôn ngữ, https://www.youtube.com/watch?v=yKYgoASuGN0

Ngày Tết dân tộc giờ này đã trôi qua. Nhưng Mùa Chay vẫn tiếp nối. Chúa Nhật mùa Chay vừa qua là bài Tin Mừng Đức Giêsu biến hình trong sa mạc.

Mùa Chay, tôi suy tư, cầu nguyện, và thấy tôi cũng vẫn đang biến hình bởi chính vùng đất thử thách Tân Ghinê, và những Thầy Đại Chủng Viện, nơi tôi đang phục vụ trong vai trò của Cha Giáo môn Kinh Thánh, Thần Học, và Nhân Chủng Học, và mới đây nhất vai trò, Dean of Studies/Giám Học.

Tân Ghinê, nơi điện, nước, internet là những thứ không xuất hiện hằng ngày như nhiều nơi trên thế giới. Có những lúc tôi rất nản khi đối diện thực tế. Tôi thoáng nghĩ đến bỏ cuộc.

Nhưng, những lúc thấy 98 ông Thầy rộn ràng, tươi nét mặt bởi những kiến thức Kinh Thánh, Thần Học, và Nhân Chủng Học trong những lớp tôi phụ trách. Những lúc các Thầy làm bài thi, viết bài luận xuất sắc phản ảnh rõ ràng những kiến thức về Kinh Thánh, Thần Học, và Giáo Hội từ những lớp tôi phụ trách, tôi biết riêng tôi, tôi biến hình bởi lòng nở hoa.

Cộng thêm vào đó, dù rất bận rộn với bao nhiêu sinh hoạt và áp lực từ những lớp học. Nhưng các Thầy Niugini vẫn tới nhà nguyện của Đại Chủng Viện mấy đêm liền để tập vũ khúc Ca Khúc Trầm Hương, và bài ca tiếng Việt của phần Rước Lễ trong thánh lễ Tết 2024.

Vào những lúc này, tôi lại cảm nghiệm sâu xa lời của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, “Giáo hội phải khiêm nhường để nhận được bản Tin Mừng từ chính những người mà chúng ta đang rao giảng và chia sẻ một bản Tin Vui.”

Mùa Chay 2024, tôi vẫn thế, vẫn biến hình theo chân một Đức Giêsu lấm lem, bị sỉ nhục, nhưng vẫn kiên nhẫn đợi chờ giây phút phục sinh như Ngài. Người, mặc dù lấm lem, bị sỉ nhục, đã phục sinh.
Tân Ghinê/ Papua New Guinea/Mùa Chay 2024
 
VietCatholic TV
3 chiếc SU-34, 150 triệu USD của Putin nổ tung. Tiên hạ thủ vi cường: NATO khuyên nên tấn công ở Nga
VietCatholic Media
02:46 02/03/2024


1. Video cho thấy hệ thống phòng không Nga bị lật nhào trong vài phút sau khi Putin cảnh báo NATO

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Video Shows Russian Air Defense Topple Over Minutes After Putin Warns NATO”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Khi Putin đe dọa tấn công hỏa tiễn vào các nước NATO gửi quân tới Ukraine, một đoạn video xuất hiện cho thấy một trong những hệ thống hỏa tiễn Pantsir được đánh giá cao của Nga bị lật ở thành phố Sochi.

Một chiếc xe quân sự chở hệ thống phòng không Pantsir-C1 quý giá của Nga dường như đã bị lật khi rẽ phải trên một con đường ở Sochi, nơi tọa lạc một trong những dinh thự xa hoa của Putin.

Putin đọc bài phát biểu quốc gia thường niên tại trung tâm hội nghị Gostiny Dvor ở trung tâm Mạc Tư Khoa vào ngày 29 tháng 2 trong đó ông ta đe dọa tấn công hỏa tiễn vào các nước NATO gửi quân vào Ukraine.

Đoạn phim CCTV, được kênh Crimea Wind Telegram công bố, ghi ngày thứ Năm, 29 tháng 2.

Đoạn phim được công bố khi ông Putin có bài phát biểu trước Quốc hội Liên bang Nga, trong đó ông đe dọa các nước phương Tây bằng các cuộc tấn công trả đũa và cảnh báo rằng có nguy cơ nổ ra chiến tranh hạt nhân.

Nhận xét của ông được đưa ra sau khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm thứ Hai gợi ý rằng các thành viên NATO có thể gửi bộ binh tới Ukraine. Các đồng minh khác của NATO bao gồm cả Mỹ đã loại trừ khả năng làm như vậy sau đề xuất của Macron.

“Các quốc gia phương Tây phải nhận ra rằng chúng ta cũng có vũ khí có thể tấn công các mục tiêu trên lãnh thổ của họ. Tất cả điều này thực sự đe dọa một cuộc xung đột với việc sử dụng vũ khí hạt nhân và sự hủy diệt của nền văn minh. Họ không hiểu điều đó sao?!” nhà độc tài Nga cho biết.

“Chúng ta tưởng nhớ số phận của những người đã từng đưa lực lượng vào lãnh thổ nước ta. Nhưng giờ đây, hậu quả đối với những kẻ can thiệp có thể sẽ bi thảm hơn nhiều”, ông Putin nói thêm.

Hệ thống hỏa tiễn và pháo phòng không tự hành Pantsir-S1 của Nga, được cho là trị giá khoảng 15 triệu Mỹ Kim, đã được quân đội sử dụng trong suốt cuộc xâm lược toàn diện của Putin vào Ukraine, mà ông đã phát động vào ngày 24 tháng 2. 2022. Hệ thống di động, tầm ngắn được thiết kế để sử dụng chống lại máy bay, hỏa tiễn hành trình, đạn dẫn đường chính xác và hỗ trợ các đơn vị phòng không khác chống lại các cuộc tấn công lớn hơn.

Trong một vụ việc tương tự khác vào năm 2023, một chỉ huy Nga đã bị phạt vào tháng 12 sau khi anh ta đâm một chiếc Pantsir vào một cây cầu hỏa xa ở St. Petersburg vài tháng trước đó, làm hỏng hệ thống hỏa tiễn.

Tòa án quân sự đồn trú St. Petersburg cho biết người chỉ huy đã không gập một phần thiết bị khi lái xe dưới cầu hỏa xa trên đường cao tốc Pulkovskoe của thành phố và phạt anh ta 50.000 rúp hay 541 Mỹ Kim và bị buộc phải trả khoảng 14 triệu rúp hay 151.500 Mỹ Kim tiền bồi thường.

2. Ukraine tuyên bố đã bắn rơi 3 máy bay Nga

Như chúng tôi đã đưa tin, trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv chiều thứ Năm 29 Tháng Hai, phát ngôn nhân của lực lượng không quân Ukraine, Đại Tá Yurii Ihnat cho biết lực lượng vũ trang Ukraine đã bắn hạ 12 máy bay quân sự Nga trong 12 ngày qua.

Tuy nhiên, hôm Thứ Sáu, 1 tháng Ba, sau khi xác minh, đích thân Tư Lệnh quân đội Ukraine, Tướng Oleksandr Syrskyi cho biết, các lực lượng Ukraine đã bắn hạ đến 3 chiến đấu cơ của Nga, bao gồm 2 chiến đấu cơ Su-34 ở thị trấn Avdiivka và một chiến đấu cơ Su-34 ở thành phố Mariupol.

Nga, quốc gia bắt đầu cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine từ hai năm trước, đã không bình luận ngay lập tức về nhận xét của Syrskyi.

Avdiivka ở miền đông Ukraine đã rơi vào tay lực lượng Nga trong hôm 17 Tháng Hai, sau các trận chiến kéo dài hơn 4 tháng. Nga nắm quyền kiểm soát hoàn toàn thành phố cảng Mariupol phía đông nam vào tháng 5 năm 2022.

Quân đội Ukraine tuần trước cho biết Nga đã mất 6 chiến đấu cơ trong 3 ngày.

3. Macron giữ nguyên nhận xét về việc gửi quân tới Ukraine

Tờ Politico có trụ sở ở Washington DC cho biết như trên bài tường trình nhan đề “Macron stands by remarks about sending troops to Ukraine”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Tổng thống Pháp đã phải đối mặt với hàng loạt chỉ trích, nhưng cho biết những bình luận của ông đã được “cân nhắc, suy nghĩ kỹ lưỡng và đo lường”.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm thứ Năm cho biết việc ông từ chối loại trừ khả năng gửi quân đội phương Tây tới Ukraine là có chủ ý, bất chấp sự náo động mà nó đã gây ra.

Ông Macron gạt bỏ hàng loạt chỉ trích mà ông phải đối mặt ở Pháp cũng như trên trường quốc tế và khẳng định những tuyên bố của ông về hành động gây hấn của Putin đối với Ukraine đã được cân nhắc kỹ lưỡng.

“Đây là những vấn đề đủ nghiêm trọng; Mỗi lời tôi nói về vấn đề này đều được cân nhắc, tính toán và đo lường”, ông Macron nói với các phóng viên bên lề chuyến thăm làng Olympic 2024 gần Paris. Nhưng ông từ chối trả lời bất kỳ câu hỏi nào thêm về chủ đề này.

Hôm thứ Hai, ông Macron cho biết - sau hội nghị các nhà lãnh đạo về việc ủng hộ Kyiv - rằng “không có sự đồng thuận” về việc gửi bộ binh tới Ukraine một cách “chính thức”, nhưng “không có gì bị loại trừ”.

Viễn cảnh đưa quân phương Tây tới Ukraine đã bị các thành viên NATO khác, bao gồm Mỹ, Anh và Đức bác bỏ, đồng thời bị các đảng đối lập ở Pháp chỉ trích gay gắt, nhưng không bị các nước Baltic như Estonia và Lithuania bác bỏ. Các quan chức Pháp cũng hạ thấp bình luận của ông Macron, chỉ ra các hoạt động như rà phá bom mìn và sản xuất vũ khí có thể liên quan đến sự hiện diện của phương Tây ở Ukraine.

Chủ tịch Hạ viện Nga thậm chí còn cảnh báo ông Macron không nên gửi quân tới Ukraine, cho rằng họ sẽ chịu chung số phận như quân đội của Napoléon.

4. Đồng minh NATO khuyên Ukraine cứ vượt qua ranh giới đỏ của Putin đi không sao đâu

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Nato Ally Tells Ukraine to Cross Putin's Red Line”, nghĩa là “Đồng minh NATO khuyên Ukraine cứ vượt qua ranh giới đỏ của Putin.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Ukraine đang được một đồng minh NATO thúc giục vượt qua cái gọi là ranh giới đỏ của Putin khi Kyiv đang phải vật lộn với tình trạng thiếu vũ khí trên chiến trường.

Putin đã nhiều lần cảnh báo các quốc gia NATO rằng họ có nguy cơ mở rộng chiến tranh nếu cung cấp cho Kyiv vũ khí có khả năng tiếp cận các mục tiêu bên trong lãnh thổ Nga. Bất chấp những lời đe dọa, những vũ khí như vậy đã được trao cho Ukraine mà không có bất kỳ dấu hiệu trả đũa nào từ Putin.

Phần Lan, quốc gia đã gia nhập NATO vào năm ngoái bất chấp việc Putin phản đối việc mở rộng liên minh chiến lược và viện dẫn những lo ngại liên quan là lý do để xâm lược Ukraine, đã phê duyệt gói viện trợ quân sự mới trị giá 205 triệu Mỹ Kim cho Ukraine vào đầu tháng này.

Bộ trưởng Quốc phòng Phần Lan Antti Hakkanen cho biết trong bài phát biểu với Công ty Phát thanh Truyền hình Phần Lan hôm thứ Năm rằng Ukraine có thể sử dụng vũ khí do Phần Lan cung cấp để tấn công các mục tiêu bên trong Nga, theo The Kyiv Independent.

Hakkanen lưu ý rằng các đồng minh khác của Ukraine đã cung cấp “các hệ thống hỏa tiễn tầm xa” và Ukraine có toàn quyền “sử dụng chúng theo đánh giá của mình”. Sau đó, ông kêu gọi Đức gửi hỏa tiễn tầm xa Taurus cho Kyiv “nếu họ muốn giúp Ukraine giành chiến thắng”.

Thành viên quốc hội Phần Lan Jukka Kopra được cho là đã tiến thêm một bước khi nói rằng Ukraine “nên” sử dụng vũ khí do Phần Lan cung cấp để tấn công “các mục tiêu quân sự bên phía Nga”.

Kopra nói: “Nếu không, những vật thể quân sự này sẽ tấn công phía Ukraine”. “Đây là một cuộc đấu tranh phòng thủ hoàn toàn hợp pháp mà Ukraine đang tiến hành. Hiến chương Liên Hiệp Quốc cho phép tấn công các mục tiêu quân sự xuyên biên giới đất liền”

Newsweek đã đưa ra bình luận với Bộ Ngoại giao Nga qua email vào thứ Năm.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã đưa ra nhận xét tương tự trong bình luận với đài phát thanh Radio Liberty do nhà nước Mỹ tài trợ vào tuần trước, nói rằng Ukraine có quyền hợp pháp để tấn công “các mục tiêu quân sự hợp pháp” ở Nga bằng vũ khí do phương Tây cung cấp.

“Theo luật pháp quốc tế, Ukraine có quyền tự vệ”, ông Stoltenberg nói. “Và nó cũng bao gồm các cuộc tấn công nhằm vào các mục tiêu quân sự hợp pháp, các mục tiêu quân sự của Nga bên ngoài Ukraine. Đó là luật pháp quốc tế và tất nhiên Ukraine có quyền làm điều đó để tự vệ”.

Ukraine gần đây đã phải chịu một loạt thất bại quân sự sau khi các đồng minh phương Tây cắt giảm viện trợ. Những tổn thất gần đây bao gồm việc thất thủ thành phố Avdiivka của Dontesk sau nhiều tháng giao tranh, trong khi ít nhất ba khu định cư khác gần thành phố đã bị mất chỉ trong ngày thứ Hai và thứ Ba vừa qua.

Trong khi 60 tỷ Mỹ Kim viện trợ bổ sung của Mỹ vẫn chưa được Quốc hội thông qua, một số đồng minh NATO ở Âu Châu của Kyiv gần đây đã đưa ra số tiền nhỏ hơn và Liên minh Âu Châu đã công bố phê duyệt gói viện trợ mới trị giá 54 tỷ Mỹ Kim cho Ukraine vào đầu tháng này.

Tuy nhiên, gói của Liên Hiệp Âu Châu dành cho viện trợ được phân phối đến năm 2027, trong khi có những vấn đề khác trong việc cung cấp cho Ukraine vũ khí và đạn dược đã hứa đủ nhanh để tạo ra sự khác biệt cho quân đội đang gặp khó khăn trên chiến trường.

Leon Hartwell, cộng tác viên cao cấp tại Trường Kinh tế Luân Đôn, tổ chức tư vấn LSE IDEAS, trước đây đã nói với Newsweek rằng việc Nga nắm quyền kiểm soát Avdiivka một phần là do “sự chênh lệch đáng kể giữa những lời hứa hỗ trợ của phương Tây dành cho Ukraine và việc thực hiện thực tế của họ”.

Hartwell nói: “Quân đội Ukraine đang hoạt động trong một thế bất lợi quá lớn, bị áp đảo 5 chọi 1 trên tiền tuyến, trong đó Avdiivka là một ví dụ điển hình”. “Trong hoàn cảnh này, làm sao chúng ta có thể mong đợi người Ukraine có thể giữ Avdiivka lâu như vậy?”

Đô đốc Sir Tony Radakin, nhà lãnh đạo lực lượng vũ trang Vương quốc Anh, cho biết hồi đầu tuần rằng Ukraine đang “gặp khó khăn về đạn dược và kho dự trữ và phần còn lại của thế giới bắt buộc phải đáp ứng điều đó”, đồng thời đề nghị Kyiv có thể không thể phát động một cuộc phản công rất cần thiết cho đến năm sau.

5. Hôm thứ Năm, Nga đã bắt giữ nhà báo Sergei Sokolov, biên tập viên của tờ Novaya Gazeta, với cáo buộc làm mất uy tín của quân đội.

Novaya Gazeta cho biết trong một báo cáo trực tuyến rằng việc giam giữ Sokolov là do quân đội Nga thực hiện, nhưng không cung cấp thêm thông tin chi tiết, theo Reuters.

Hãng thông tấn Nga Tass đưa tin Sokolov đã “đăng tài liệu trên kênh Telegram Novaya Gazeta” trong đó có “dấu hiệu có những lời nói làm mất uy tín hành động của quân đội.”

Sokolov phải đối mặt với mức phạt lên tới 50.000 rúp hay 550 Mỹ Kim, cả Tass và Novaya Gazeta đều đưa tin.

Novaya Gazeta được biết đến với các cuộc điều tra đôi khi nhắm vào Điện Cẩm Linh, chính sách của chính phủ và các quan chức hàng đầu.

Cựu tổng biên tập của tờ báo, Dmitry Muratov, một nhà báo đoạt giải Nobel, đã từ chức vào tháng 9 để phản đối việc chính quyền chỉ định ông là “đặc vụ nước ngoài”, một nhãn hiệu mà Mạc Tư Khoa sử dụng để bêu xấu và làm phức tạp cuộc sống của những người mà họ cho là đang làm việc ngược lại lợi ích của nhà nước Nga.

6. Video cho thấy tàu phá băng của Nga bốc cháy ở cảng St. Petersburg

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Russian Icebreaker Catches Fire in St. Petersburg Port: Video”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Các quan chức cho biết, một đám cháy đã bùng phát trên tàu phá băng Yermak của Nga tại cảng St. Petersburg hôm thứ Năm.

Andrey Litovka, nhà lãnh đạo cơ quan báo chí của Bộ Tình trạng khẩn cấp thành phố, cho biết “rác” đã bốc cháy ở boong dưới của tàu phá băng, hiện đang được tháo dỡ.

“Tại bến tàu có tàu phá băng chạy bằng diesel-điện Yermak đang được làm sạch, có đám cháy ở boong dưới. Rác đang cháy trong một căn phòng có diện tích 20 mét vuông”, ông nói trong một video trên kênh Telegram của bộ phận. “Tôi nhắc nhở bạn rằng chiếc tàu phá băng này đang bị loại bỏ.”

Cơ quan này đã được cảnh báo về vụ hỏa hoạn lúc 11:23 sáng giờ địa phương, cơ quan truyền thông Fontanka của St. Petersburg đưa tin.

Đã xảy ra hàng loạt vụ cháy bí ẩn ở Nga kể từ khi Tổng thống Vladimir Putin tấn công Ukraine vào ngày 24/2/2022.

Một đoạn video lan truyền trên mạng xã hội cho thấy khói bao trùm con tàu. Hiện chưa rõ có thương vong nào sau vụ cháy hay không. Bộ Tình trạng khẩn cấp cho biết 12 đơn vị thiết bị và 46 người đang làm việc để dập tắt đám cháy.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga để yêu cầu bình luận qua email.

Văn phòng công tố địa phương cho biết họ đã mở một cuộc điều tra về nguyên nhân vụ cháy.

“ Văn phòng Công tố Giao thông Tây Bắc đang kiểm tra việc thực thi luật an toàn phòng cháy chữa cháy sau vụ hỏa hoạn trên tàu phá băng không sử dụng Yermak ở cảng lớn St. Petersburg,” cơ quan này cho biết trên kênh Telegram của mình.

Molfar, một cơ quan tình báo nguồn mở, phát hiện ra rằng số vụ cháy công nghiệp kỷ lục đã nhấn chìm nước Nga trong năm qua.

Báo cáo phát hiện có 939 vụ cháy ở Nga vào năm 2023, so với 416 vụ vào năm 2022, đồng thời lưu ý rằng số vụ cháy cũng tăng 24,5% vào năm 2022 - năm bắt đầu cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine - so với năm 2021.

Một bản đồ do Molfar tạo cho Newsweek cho thấy, từ ngày 1 tháng 1 năm 2022 đến ngày 31 tháng 12 năm 2023, số vụ cháy xảy ra nhiều nhất ở khu vực Mạc Tư Khoa (156), cùng với các khu vực đáng chú ý khác bao gồm Leningrad (78), Sverdlovsk (53), Rostov (44) và Nizhny Novgorod (37).

Mặc dù Leningrad đã đổi tên trở lại thành St. Petersburg vào năm 1991, nhưng khu vực hay tỉnh xung quanh thành phố vẫn giữ nguyên tên thời Liên Xô.

7. Nghị viện Âu Châu hôm thứ Năm cho biết Putin phải chịu “trách nhiệm hình sự và chính trị” về cái chết của thủ lĩnh đối lập Alexei Navalny.

AFP đưa tin, trong một nghị quyết được thông qua với 506 phiếu bầu trong quốc hội 705 ghế, quốc hội cho biết “Chính phủ Nga và cá nhân Vladimir Putin phải chịu trách nhiệm hình sự và chính trị về cái chết của đối thủ nổi bật nhất của họ, Alexei Navalny”.

Các nhà lập pháp kêu gọi một “cuộc điều tra quốc tế độc lập và minh bạch” về hoàn cảnh cái chết của Navalny và yêu cầu 27 quốc gia thành viên Liên Hiệp Âu Châu “tăng cường” hỗ trợ cho các tù nhân chính trị Nga.

Chín nhà lập pháp vốn có lập trường thân Nga đã bỏ phiếu chống lại nghị quyết.

Trong một diễn biến khác, các đồng minh của Navalny cho biết nỗ lực thuê xe tang để đưa thi thể ông đến lễ tang vào thứ Sáu đã bị chặn. Reuters đưa tin rằng Kira Yarmysh, phát ngôn nhân của Navalny, cho biết trên mạng xã hội rằng những cá nhân không rõ danh tính đã đe dọa các nhà cung cấp xe tang qua điện thoại.

8. Putin cảnh báo lực lượng hạt nhân Nga đã sẵn sàng

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Russia's Nuclear Forces Are Ready, Putin Warns”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Tổng thống Vladimir Putin đã cảnh báo rằng “các lực lượng hạt nhân chiến lược của Nga đang ở trạng thái sẵn sàng hoàn toàn” trong bài phát biểu quốc gia hàng năm của ông.

Phát biểu tại Mạc Tư Khoa hôm thứ Năm, Tổng thống Nga nói: “Nga sẽ không để bất kỳ ai can thiệp vào công việc nội bộ của mình”.

Ông cảnh báo rằng có nguy cơ thực sự xảy ra chiến tranh hạt nhân nếu các quốc gia phương Tây gửi quân tới Ukraine, như Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đề xuất hồi đầu tuần.

Ông Putin nói thêm rằng các quốc gia phương Tây “phải nhận ra rằng chúng ta cũng có vũ khí có thể tấn công các mục tiêu trên lãnh thổ của họ. Tất cả điều này thực sự đe dọa một cuộc xung đột với việc sử dụng vũ khí hạt nhân và sự hủy diệt của nền văn minh. Họ không hiểu điều đó sao?” Putin nói.

Putin và các quan chức cao cấp của Nga đã nhiều lần đe dọa leo thang hạt nhân chống lại Kyiv và các đối tác phương Tây kể từ khi Mạc Tư Khoa tiến hành cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine vào tháng 2 năm 2022.

Các nhà lãnh đạo phương Tây bao gồm Tổng thống Joe Biden, Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã liên tục cảnh báo rằng một cuộc đối đầu trực tiếp giữa Nga và NATO là điều không thể tưởng tượng được vì nguy cơ hạt nhân.

Tuy nhiên, Putin và Điện Cẩm Linh từ lâu đã coi cuộc tấn công vào Ukraine là một cuộc chiến phủ đầu nhằm vào “tập thể phương Tây”. Tổng thống Nga hôm thứ Năm đã quay trở lại những điểm này.

“Phương Tây đã tính toán sai lầm và phải đối diện với lập trường và quyết tâm vững chắc của người dân đa quốc gia của chúng ta”, ông Putin nói với các quan chức chính phủ, các thành viên quốc hội và các nhân vật xã hội dân sự hàng đầu trong bài phát biểu thường niên của mình.

“Chúng ta ghi nhớ số phận của những người đã gửi quân đến lãnh thổ đất nước chúng ta,” Putin nói thêm, ám chỉ đến cuộc xâm lược Liên Xô của Đức Quốc xã vào năm 1941. “Giờ đây, hậu quả đối với những kẻ có khả năng can thiệp sẽ còn bi thảm hơn nhiều,” Putin nói.

Các nhà lãnh đạo NATO - đặc biệt là ở biên giới dài của liên minh với Nga - đang ngày càng cảnh báo rằng xung đột trực tiếp với Mạc Tư Khoa là một mối nguy hiểm thực tế, cho thấy phương Tây có từ 3 đến 10 năm để chuẩn bị cho chiến tranh.

Đặc biệt, ông Macron đã hứng chịu sự chỉ trích của Mạc Tư Khoa trong tuần này.

“Không có gì nên bị loại trừ”, Tổng thống Pháp nói sau cuộc họp của những người ủng hộ Ukraine ở Paris hôm thứ Hai. “Không có sự đồng thuận ở giai đoạn này,” ông nói thêm.

Phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov cho biết đề xuất triển khai quân trên đất Ukraine của ông “có thể gây ra thiệt hại không thể khắc phục đối với an ninh và ổn định trên lục địa, dẫn đến những hậu quả không thể khắc phục được”.

9. Tầm nhìn của Putin cho nước Nga 6 năm tới: Tiếp tục chiến đấu, bỏ rượu, sinh con

Tờ Politico có trụ sở ở Washington DC cho biết như trên bài tường trình nhan đề “Putin’s vision for Russia’s next 6 years: Keep fighting, quit drinking, have babies”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Tổng thống Nga có bài phát biểu gần như vận động tranh cử, hai tuần trước cuộc bầu cử mà ông chắc chắn sẽ thắng.

Tuy nhiên, bài phát biểu kéo dài hơn hai giờ của Tổng thống Nga hôm thứ Năm không mang lại kết quả như mong đợi, mặc dù Putin đã trình bày với người Nga một tầm nhìn về tương lai xen kẽ giữa việc đe dọa vũ khí hạt nhân và những lời hứa xã hội lớn lao.

Phát biểu hai ngày sau khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói rằng không thể “loại trừ” khả năng gửi quân phương Tây tới Ukraine, ông Putin cảnh báo rằng sự can dự của NATO trên thực địa ở Ukraine có thể gây ra những hậu quả “bi thảm”.

“Họ nên hiểu rằng chúng tôi cũng có vũ khí có thể tấn công các mục tiêu trên lãnh thổ của họ. Tất cả điều này có nguy cơ dẫn đến xung đột hạt nhân và do đó hủy diệt nền văn minh. Họ không hiểu điều đó sao?” Putin đã hỏi khán giả gồm có giới tinh hoa chính trị, tôn giáo và quân sự của Nga.

Sau đó, ông cáo buộc các nhà lãnh đạo phương Tây coi cuộc chiến ở Ukraine giống như đang xem một “phim hoạt hình”. Thực tế, đó là cuộc chiến mà Putin đã đơn phương leo thang bằng cách phát động một cuộc xâm lược toàn diện vào tháng 2 năm 2022, làm rung chuyển tận cốt lõi cấu trúc an ninh của Âu Châu.

Diễn ra khoảng hai tuần trước khi Putin chuẩn bị gia hạn quyền cai trị của mình thêm sáu năm nữa trong cuộc bầu cử tổng thống mà kết quả đã được định trước, bài phát biểu gần giống với một chiến dịch bầu cử, dù ông đã hoàn toàn chắc chắn thắng.

Trước bài phát biểu hôm thứ Năm, người ta tự hỏi liệu ông có tận dụng cơ hội này để gây căng thẳng ở khu vực ly khai phía đông Transnistria của Moldova, giáp biên giới Ukraine và có phần lớn dân số thân Nga hay không. Nga có khoảng 1.500 quân đồn trú ở Transnistria, nơi được gọi là “lực lượng gìn giữ hòa bình”.

Các quan chức Mạc Tư Khoa trong những tuần gần đây đã tăng cường tuyên bố về sự cần thiết phải bảo vệ công dân Nga ở Transnistria, một âm hưởng đáng ngại về việc Nga đang chuẩn bị tiến hành cuộc xâm lược, như đã làm trong cuộc xâm lược vào Ukraine.

Làm tăng thêm lo ngại Điện Cẩm Linh có thể mở rộng chiến tranh về phía tây, các quan chức Transnistria hôm thứ Tư đã tập trung tại cái gọi là đại hội đại biểu, lần đầu tiên kể từ năm 2006, và yêu cầu Nga giúp nước này chống lại “áp lực” kinh tế từ chính phủ thân Liên Hiệp Âu Châu ở Chișinău.

Hôm thứ Năm, ông Putin không đề cập rõ ràng đến Transnistria nhưng bác bỏ các báo cáo cho rằng Nga đang lên kế hoạch tấn công Âu Châu hoặc sẽ triển khai vũ khí hạt nhân trong không gian, coi đó là “một điều vô nghĩa”.

Thay vào đó, ông cáo buộc phương Tây đang cố gắng “lừa” Nga tham gia vào một cuộc chạy đua vũ trang kiểu Liên Xô, điều này sẽ nhấn chìm nền kinh tế nước này, đồng thời khoe khoang về kho vũ khí của Mạc Tư Khoa.

Không tỏ ra có ý định lùi bước trước Ukraine, Putin nhắc lại tuyên bố rằng Nga không hề khơi mào chiến tranh, nhưng nói thêm rằng nước này sẽ “làm mọi cách” để “xóa bỏ chủ nghĩa Quốc xã, bảo vệ chủ quyền của công dân chúng ta”.

'Hãy ngừng uống rượu và leo lên ván trượt của bạn'

Nửa sau bài phát biểu của Putin dành riêng cho các vấn đề trong nước khi tổng thống đưa ra các số liệu, chương trình của chính phủ và các khoản trợ cấp xã hội cho các gia đình, bỏ qua bất kỳ mối lo ngại nào mà người Nga có thể có vào thời điểm có nhiều bất ổn về kinh tế và chính trị.

Vladimir Pastukhov, một nhà phân tích chính trị có trụ sở tại Luân Đôn, cho biết: “Ông ấy hứa với mọi người rằng vào năm 2030 mọi thứ sẽ thậm chí còn tốt hơn trước chiến tranh”.

Putin, với vẻ mặt thoải mái, cũng kêu gọi bảo vệ “các giá trị gia đình truyền thống”.

Ông nói: “Chúng tôi thấy những gì đang xảy ra ở một số quốc gia, nơi các chuẩn mực đạo đức và thể chế gia đình đang bị cố tình phá hủy, đẩy toàn bộ các dân tộc đến chỗ tuyệt chủng và suy thoái”. “Chúng ta chọn cuộc sống.”

Ông cũng kêu gọi người Nga “ngưng uống rượu và đi trượt tuyết” để tăng tuổi thọ của người Nga.

Trong khi đó, ông không nêu rõ có bao nhiêu binh sĩ Nga đã thiệt mạng trên tiền tuyến ở Ukraine, thay vào đó ông tuyên bố một phút mặc niệm để tưởng nhớ họ, kết thúc sau khoảng 30 giây. Ông cũng kêu gọi các cựu chiến binh được giao vai trò trung tâm hơn trong kinh doanh và giáo dục Nga.

“Giới tinh hoa thực sự là những người phục vụ Nga, người lao động và quân đội đã chứng minh lòng trung thành với Nga bằng hành động của mình”, ông Putin nói, trong một tuyên bố dường như nhằm xoa dịu quân đội.

Tuy nhiên, nếu những tuyên bố như vậy làm khó chịu một số khán giả thuộc tầng lớp chính trị có đặc quyền, thì họ đã không thể hiện điều đó ra mặt. Truyền thông Nga ghi nhận bài phát biểu dài kỷ lục trước Quốc hội Liên bang của Putin đã bị gián đoạn bởi hơn 80 tràng pháo tay.

Nhà phân tích độc lập Abbas Gallyamov viết: “Về cơ bản, đó chỉ là một lễ hội của sự phù hoa quá mức”.

Tuy nhiên, ông nói thêm, một khi cuộc bầu cử kết thúc, người Nga đang chờ đợi “các biện pháp không được ưa chuộng: một làn sóng huy động mới, tăng tuổi chiến đấu và mọi thứ khác mà họ đã nghĩ đến”.

Lần đầu tiên, bài phát biểu của Putin không chỉ được chiếu trên truyền hình nhà nước mà còn ở các rạp chiếu phim và trên các bảng quảng cáo, điều mà phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov giải thích là kết quả tự nhiên của nhu cầu xem nội dung “thú vị” của người xem.

Những bức ảnh được các phương tiện truyền thông độc lập chia sẻ cho thấy các khán phòng trống một nửa trên khắp đất nước, trong đó một số phương tiện truyền thông đưa tin sinh viên Nga đã bị áp lực phải xem bài diễn văn này.

Không có gì đáng ngạc nhiên khi Putin không đề cập đến Alexei Navalny, đối phương chính trị số một của ông, người đã đột ngột qua đời tại một trại giam ở Bắc Cực hồi đầu tháng này và tang lễ của ông sẽ diễn ra vào thứ Sáu tại Mạc Tư Khoa. Nhóm của Navalny cho biết họ đã gặp khó khăn rất lớn trong việc tìm địa điểm đồng ý tổ chức tang lễ, sau khi chính quyền trước đó từ chối trao trả thi thể của nhà lãnh đạo bất đồng chính kiến.

Trong suốt 3 năm ngồi tù, Navalny thường xuyên kiện chính quyền nhà tù vì những hành vi mà ông cho là vi phạm. Trong một vụ kiện như vậy, chính trị gia đối lập cho biết trong một bài đăng đầy hài hước trên mạng xã hội vào tháng 7 năm ngoái rằng các quan chức nhà tù đã buộc ông phải nghe bài phát biểu tại Quốc hội Liên bang của Putin từ năm 2023 vào mỗi buổi tối trong 100 ngày liên tiếp.

“Tôi đã nói với viên chức chính trị ở nhà tù của mình: 'Các anh điên à? Ít nhất bạn không thể đưa ra những bài phát biểu khác nhau được sao? Putin chắc chắn đã làm được rất nhiều điều như vậy.”

Navalny cho biết viên chức quản tù đã trả lời: “Sau khi Putin đọc bài diễn văn thường niên tiếp theo, họ sẽ bắt đầu phát bài đó cho chúng tôi nghe.”

10. Phần Lan cho biết Ukraine được tự do ném bom trên đất Nga bằng vũ khí của Phần Lan

Tờ Politico có trụ sở ở Washington DC cho biết như trên bài tường trình nhan đề “Finland: Ukraine is free to bomb Russia with our weapons”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Helsinki cũng kêu gọi Đức “cân nhắc nghiêm chỉnh” việc gửi hỏa tiễn hành trình tầm xa Taurus tới giúp Kyiv.

Bộ trưởng Quốc phòng Phần Lan Antti Häkkänen cho biết nước ông chưa đặt ra bất kỳ hạn chế nào đối với những gì Ukraine có thể làm với số vũ khí mà Phần Lan cung cấp.

Các quan chức cao cấp ở Helsinki cho biết Ukraine có thể sử dụng vũ khí do Phần Lan cung cấp để tấn công các mục tiêu trên đất Nga.

Bộ trưởng Quốc phòng Phần Lan Antti Häkkänen cho biết nước ông không đặt ra bất kỳ hạn chế nào đối với những gì Ukraine có thể làm với số vũ khí mà nước này cung cấp, đài truyền hình Phần Lan Yle đưa tin hôm thứ Năm. Häkkänen nói thêm rằng các lệnh cấm được áp đặt chủ yếu bởi các quốc gia đã cung cấp cho Ukraine hệ thống vũ khí tầm xa.

“Nếu cần thiết, Ukraine cũng nên tấn công các mục tiêu quân sự bên phía Nga. Đó là một cuộc chiến phòng thủ hoàn toàn chính đáng mà Ukraine đang tiến hành. Hiến chương Liên Hiệp Quốc cho phép các mục tiêu quân sự bị tấn công xuyên biên giới đất liền”, Jukka Kopra, chủ tịch ủy ban quốc phòng quốc hội Phần Lan, cho biết.

Đó là sự khác biệt rõ rệt so với các nước phương Tây khác, trong đó có Đức, nơi Thủ tướng Olaf Scholz không muốn gửi hỏa tiễn hành trình tầm xa Taurus tới Ukraine vì lo ngại vũ khí này sẽ được sử dụng để tấn công các mục tiêu sâu bên trong nước Nga và trực tiếp lôi kéo Đức vào cuộc chiến với nhà lãnh đạo Nga Vladimir. Putin.

“Tôi khuyến khích Đức xem xét nghiêm chỉnh việc này. Chính phủ Đức biết rằng chúng sẽ có tầm quan trọng rất lớn”, Häkkänen nói.

11. Một tòa án ở Nga hôm thứ Năm đã bác bỏ đơn kháng cáo của một phụ nữ Mỹ gốc Nga chống lại việc giam giữ cô với cáo buộc phản quốc.

Cơ quan An ninh FSB tuần trước cho biết Ksenia Karelina đã bị giam giữ vì nghi ngờ gây quỹ cho lực lượng vũ trang Ukraine. FSB cho biết cư dân Los Angeles này đã quyên góp tiền cho một tổ chức của Ukraine mà người hưởng lợi cuối cùng là quân đội Ukraine.

Một nhóm luật sư Nga cho biết cô vừa quyên góp hơn 50 Mỹ Kim cho một tổ chức bác ái gửi viện trợ cho Ukraine.
 
Su-35 của Nga, 85 triệu USD, lao xuống Mariupol, mất khỏi radar. Nga tấn công biển người ở Kherson
VietCatholic Media
16:29 02/03/2024


1. Máy bay Su-35 của Nga 'biến mất khỏi radar'

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Russian Su-35 Jet 'Disappears from Radars'“. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Một chiến đấu cơ Sukhoi Su-35 của Nga được cho là đã “biến mất khỏi radar” gần Mariupol hôm thứ Sáu, ngay sau khi Ukraine tuyên bố đã hạ gục 13 máy bay Nga chỉ trong vòng chưa đầy hai tuần.

Nhiều kênh giám sát chiến tranh Nga-Ukraine đưa tin chiến đấu cơ đã mất tích gần thành phố Donetsk bị Nga tạm chiếm trên bờ biển phía bắc Biển Azov. Mặc dù tình trạng của chiếc máy bay phản lực này vẫn chưa được xác nhận, nhưng nếu nó biến mất là do một cuộc tấn công của Ukraine thì đây sẽ là chiếc máy bay thứ 14 bị Kyiv phá hủy trong 14 ngày.

“Một số kênh giám sát báo cáo rằng chiến đấu cơ Su-35 của Nga đã biến mất khỏi radar ở khu vực Mariupol”, tài khoản blog của Mặt trận Ukraine viết trên X,. “Có thể nó đã bị bắn rơi. Chúng tôi đang chờ thông tin từ Không quân Ukraine”.

Hôm thứ Năm, Bộ Quốc phòng Ukraine tuyên bố đã bắn rơi 2 máy bay Su-35, 10 máy bay ném bom chiến đấu Su-34 và một máy bay phát hiện và điều khiển radar tầm xa A-50 trong 13 ngày trước đó.

Viện Nghiên cứu Chiến tranh, gọi tắt là ISW, có trụ sở tại Hoa Kỳ viết trong một báo cáo được công bố: “Tác động của việc mất 13 máy bay trong vài ngày qua và có thể cả một số phi công được đào tạo bài bản của họ là rất đáng kể đối với quân đội Nga”

A-50 chỉ là chiếc máy bay thứ hai thuộc loại này mà Ukraine tuyên bố đã phá hủy trong toàn bộ cuộc chiến, chỉ còn sáu chiếc máy bay giám sát nữa được cho là vẫn còn hoạt động.

Bộ Tổng tham mưu Lực lượng vũ trang Ukraine tuyên bố rằng 345 máy bay Nga đã bị tiêu diệt kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược vào ngày 24 tháng 2 năm 2022. Con số trung bình được tuyên bố gần đây là có một máy bay bị phá hủy mỗi ngày cho thấy rằng hệ thống phòng không của Ukraine đã trở nên hiệu quả hơn khi quân đội Ukraine tấn công. chiến tranh bắt đầu năm thứ ba.

Ngoài ra, Ukraine tuyên bố đã loại bỏ ít nhất 414.680 quân nhân Nga khỏi chiến trường, bao gồm cả những người thiệt mạng và bị thương.

Công cụ theo dõi tình báo nguồn mở Oryx đã liệt kê tổng cộng 240 máy bay và trực thăng Nga bị phá hủy trong cuộc chiến Ukraine tính đến thứ Năm, trong đó có 7 máy bay phản lực Su-35.

Michael Bohnert, kỹ sư tại tổ chức tư vấn RAND Corporation, đã viết trong một bài báo đăng trên Defense News vào tháng 8 rằng việc “sử dụng quá mức” máy bay đã “gây thiệt hại cho Nga khi chiến tranh kéo dài”.

Ông viết: “Trong một cuộc chiến kéo dài, khi một lực lượng cố gắng làm cạn kiệt lực lượng kia, thì tuổi thọ của toàn bộ lực lượng quân sự mới là vấn đề quan trọng”. “Và đó chính là nơi mà Không quân Nga hiện đang rơi vào.”

Bohnert cũng chỉ ra rằng Nga sẽ sớm phải đối mặt với “mối đe dọa rất khác của Ukraine” từ chiến đấu cơ F-16. Các phi công Ukraine hiện đang được huấn luyện trên các máy bay phản lực, dự kiến sẽ tham chiến vào cuối năm nay.

2. Trung Quốc đưa ra cảnh báo về 'nguy cơ' chiến tranh hạt nhân

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “China Issues Warning on 'Risks' of Nuclear War”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Trung Quốc đã đưa ra cảnh báo về “rủi ro” của chiến tranh hạt nhân nhằm đáp trả việc Putin nói rằng lực lượng hạt nhân chiến lược của Mạc Tư Khoa đang “ở trạng thái sẵn sàng hoàn toàn” trong bài phát biểu thường niên toàn quốc hôm thứ Năm.

Putin cho biết trong bài phát biểu của mình rằng nguy cơ xảy ra chiến tranh hạt nhân sẽ tăng lên nếu các quốc gia phương Tây gửi quân tới Ukraine, như Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đề xuất hồi đầu tuần. Putin cũng cho biết Nga có “vũ khí có thể tấn công các mục tiêu trên lãnh thổ của họ” và điều đó “đe dọa xung đột bằng việc sử dụng vũ khí hạt nhân và hủy diệt nền văn minh”. Họ không hiểu điều đó sao?”

Nhận xét của ông đã làm dấy lên sự lên án toàn cầu, vì các nhà lãnh đạo thế giới khác từ lâu đã kêu gọi chống lại các mối đe dọa hạt nhân trong bối cảnh chiến tranh Nga-Ukraine.

Kể từ khi cuộc xung đột đó bắt đầu vào tháng 2 năm 2022, mối lo ngại về khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân đã tăng lên. Trong khi chính quyền Nga từ lâu đã tìm cách xoa dịu những lo ngại như vậy thì các chuyên gia trên đài truyền hình nhà nước Nga, vốn thân cận với Điện Cẩm Linh, đã nhiều lần thảo luận về khả năng xảy ra chiến tranh hạt nhân, làm dấy lên lo ngại.

Mao Ninh, phát ngôn nhân của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, đã trả lời nhận xét của Putin trong cuộc họp báo hôm thứ Sáu.

Cô ta nói: “Vào Tháng Giêng năm 2022, lãnh đạo của 5 quốc gia có vũ khí hạt nhân đã đưa ra tuyên bố chung, khẳng định rằng một cuộc chiến tranh hạt nhân không thể thắng và không bao giờ được xảy ra”. “Trung Quốc tin rằng tất cả các quốc gia có vũ khí hạt nhân cần phải nắm bắt ý tưởng về an ninh chung và duy trì sự ổn định và cân bằng chiến lược toàn cầu. “

Mao Ninh nói tiếp: “Trong hoàn cảnh hiện tại, các bên cần cùng nhau tìm cách giảm leo thang và giảm thiểu rủi ro chiến lược”.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Nga để yêu cầu bình luận qua email.

Phát ngôn nhân của Bộ Ngoại giao trước đó đã nói với Newsweek rằng chính quyền Mỹ đang xem xét “những lời đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân của Putin một cách nghiêm chỉnh, như chúng ta đã làm trong suốt cuộc chiến của Nga với Ukraine”, mô tả lời nói của ông là “vô trách nhiệm” và “không có cách nào để một nhà lãnh đạo của một quốc gia hạt nhân quốc gia vũ trang lại có thể lên tiếng như vậy.”

Phát ngôn nhân nói: “Chúng tôi sẽ không bị đe dọa bởi những những luận điệu của Putin”. “Putin biết điều gì sẽ xảy ra nếu ông ấy sử dụng loại vũ khí này – chúng tôi đã liên lạc trực tiếp và riêng tư với Nga về hậu quả.”

Mircea Geoana, phó tổng thư ký NATO, nói với tờ El Pais của Tây Ban Nha rằng những bình luận của Putin là “một phần trong kho vũ khí đe dọa và áp lực tâm lý của họ”.

“Chúng ta đã thấy những mối đe dọa hạt nhân từ các nhà lãnh đạo Nga ít nhất kể từ khi bắt đầu chiến tranh hai năm trước. Nó thể hiện sự vô trách nhiệm to lớn của một siêu cường hạt nhân như Nga, quốc gia có nghĩa vụ phải hành động chừng mực”, ông nói.

3. Kyiv cho biết Nga thực hiện các cuộc tấn công biển người mà không cần xe thiết giáp

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Russia Implementing 'Human Wave' Assaults Without Armored Vehicles: Kyiv”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Theo Natalia Humeniuk, phát ngôn nhân của Bộ chỉ huy tác chiến miền Nam Ukraine, quân đội Nga đang tiến hành các cuộc tấn công “biển người” dọc theo tiền tuyến gần làng Krynky khi cuộc chiến ở Ukraine đang diễn ra ác liệt.

Phát biểu trên đài truyền hình quốc gia hôm thứ Tư, Humeniuk cho biết Mạc Tư Khoa đang đẩy quân đội của họ ra tiền tuyến mà không sử dụng xe thiết giáp. Krynky, một thị trấn nhỏ ở vùng Kherson bên tả ngạn sông Dnipro, cách thành phố Oleshky bị Nga tạm chiếm khoảng 25 dặm về phía đông bắc.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu tuần trước tuyên bố rằng thị trấn này “hoàn toàn” nằm dưới sự kiểm soát của Mạc Tư Khoa. Tuy nhiên, các quan chức Ukraine bác bỏ tuyên bố này là “sự thao túng và làm sai lệch sự thật”, và Humeniuk hôm thứ Tư cho biết rằng Nga đã thực hiện một nỗ lực không thành công trong việc tấn công Krynky vào ngày hôm đó.

Phát ngôn nhân nói thêm rằng binh lính của Kyiv “sẵn sàng chiến đấu để giành các vị trí và hiện đang làm việc trên phần mở rộng của đầu cầu”.

Cuộc chiến ở Ukraine đã gây ra tổn thất nặng nề cho cả hai bên, mặc dù Nga được cho là đã bị thiệt hại nặng nề hơn về nhân lực và trang thiết bị. Tình báo Kyiv và phương Tây ước tính rằng quân đội của Putin đã chịu thương vong từ 300.000 đến 400.000 người kể từ khi chiến tranh nổ ra vào tháng 2 năm 2022. Cuộc tấn công kéo dài nhiều tháng của Mạc Tư Khoa vào thị trấn Avdiivka đã rơi vào tay Nga hồi đầu tháng này, được cho là đã khiến Putin thiệt hại ít nhất 17.000 binh lính.

Đã có một số báo cáo về việc quân đội Nga từ chối tuân theo mệnh lệnh trước những tổn thất đáng kinh ngạc của Mạc Tư Khoa. Một người lính cho biết trong một video được chia sẻ lên mạng xã hội vào tháng 6 rằng anh ta đã từ chối chiến đấu trong “máy xay thịt” đang diễn ra dọc tiền tuyến.

Cựu giám đốc CIA và Tướng quân đội Mỹ đã nghỉ hưu David Petraeus nói với Newsweek trong Hội nghị An ninh Munich hồi đầu tháng này rằng ông không hiểu làm thế nào Putin “có thể bình thản trước” số lượng thương vong về con người như thế.

Petraeus nói: “Tôi không biết làm thế nào Putin có thể tuân theo điều này ngoại trừ việc ông ấy chỉ là một kẻ chuyên quyền tàn bạo, máu lạnh, người rõ ràng không quan tâm gì đến hạnh phúc của người dân và đặc biệt là những người lính ở tiền tuyến”..

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy hôm Chúa Nhật cho biết Kyiv đã mất 31.000 binh sĩ kể từ khi giao tranh nổ ra hơn hai năm trước. Dù không thể biết con số chính xác nhưng các nhà lãnh đạo phương Tây ước tính thiệt hại của Ukraine còn cao hơn nhiều. Các quan chức Mỹ nói với tờ New York Times vào tháng 8 rằng khoảng 70.000 binh sĩ Ukraine đã thiệt mạng trong cuộc chiến vào thời điểm đó và có tới 120.000 người bị thương.

4. Bộ trưởng quốc phòng và ngoại giao Âu Châu sẽ gặp nhau tại Paris trong những ngày tới để thảo luận về Ukraine và Moldova

Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Pháp cho biết hôm thứ Năm rằng các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng Âu Châu sẽ gặp nhau tại Paris trong những ngày tới để thảo luận về việc hỗ trợ thêm cho Ukraine và Moldova.

Reuters đưa tin họ nói thêm rằng các quốc gia Âu Châu sẽ thảo luận về các biện pháp cụ thể hơn nữa đối với Ukraine và cách bảo vệ các quốc gia đang bị Nga gây bất ổn, đặc biệt là Moldova.

5. Nhiều người đưa tang Navalny bị bắt giữ trên khắp nước Nga

Theo OVD-Info, một nhóm bảo vệ nhân quyền độc lập của Nga, nhiều người đưa tang Alexei Navalny đã bị chính quyền Nga bắt giữ vào hôm thứ Sáu.

Các video và hình ảnh được nhóm này đăng trực tuyến cho thấy có vẻ như chính quyền Nga đang giam giữ những người đưa tang ở nhiều thành phố bao gồm Mạc Tư Khoa và Novosibirsk:

Phát biểu với CNN, nhà báo độc lập người Nga Mikhail Fishman gọi đám tang của Alexei Navalny là “một trong những ngày đau buồn nhất nhưng cũng… là một ngày đầy cảm hứng”.

Fishman, người biết cố lãnh đạo phe đối lập Nga, nói với CNN hôm thứ Sáu:

“Đây là một đám tang rất đặc biệt… Đó là một đám tang rất khác bởi vì chúng ta đang nói về đối phương lớn nhất, quan trọng nhất, đối phương riêng của Putin… Bất chấp tất cả sự đe dọa, bất chấp tất cả sự đàn áp mà nước Nga đang phải trải qua…hàng ngàn hàng ngàn người mọi người tụ tập để tỏ lòng thành kính và nói lời tạm biệt với Navalny và điều đó có nghĩa là…niềm hy vọng của anh ta về một nước Nga tươi đẹp trong tương lai vẫn chưa chết. Anh ta thì chết, nhưng hy vọng thì không… Và đó là lý do tại sao nó thật đáng buồn, nhưng nó đầy cảm hứng.”

Con gái của Navalny nói rằng cô ấy sẽ sống 'cuộc sống như cách cha đã dạy con' để tưởng nhớ

Trong một bài đăng trên Instagram hôm thứ Sáu, con gái của Alexei Navalny, Dasha Navalnaya, đã thề sẽ “sống cuộc sống của con theo cách mà cha đã dạy con, để khiến cha tự hào”.

Bố ơi, bố đã là tấm gương cho nhiều người trên khắp thế giới. Sự lạc quan và nụ cười chân thành, dễ lây lan của bố. Sự tò mò và khao khát kiến thức mới của bố. Khả năng tuyệt vời của bố là tìm được ngôn ngữ chung với mọi người. Khiếu hài hước. Kiên trì. Khả năng lựa chọn từ ngữ vào đúng thời điểm (hoặc một câu nói đùa để giúp mọi người thư giãn trong hoàn cảnh khó khăn). Lòng tốt của bố. Niềm tin vào lòng tốt, vào bản thân, vào con người.

Từ nhỏ, bố đã dạy con sống theo nguyên tắc. Hãy sống có phẩm giá. Bố đã cống hiến cuộc đời mình cho con, cho mẹ, cho Zakhar, cho nước Nga và con hứa với bố rằng con sẽ sống cuộc sống của mình theo cách bố đã dạy con, để khiến bố tự hào và quan trọng nhất là với nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt con”

6. Đại sứ Ukraine nói về thỏa thuận an ninh với đồng minh của Mỹ

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Ukraine in Security Deal Talks With US Ally, Ambassador Says”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Ukraine đang đàm phán một thỏa thuận an ninh với đồng minh của Mỹ là Nhật Bản khi cuộc chiến của Điện Cẩm Linh chống lại Kyiv vẫn tiếp diễn, đại sứ Ukraine tại Tokyo cho biết hôm thứ Ba.

“Thỏa thuận với Nhật Bản đang được đàm phán như với bất kỳ thỏa thuận nào khác. Như bạn đã nói một cách đúng đắn, chúng tôi đã ký kết một số thỏa thuận. Với Nhật Bản, điều này vẫn đang trong quá trình thảo luận”, Sergiy Korsunsky, đại sứ Ukraine tại Nhật Bản, cho biết tại một cuộc họp báo ở Tokyo.

Những tiết lộ của Korsunsky được đưa ra trong bối cảnh một loạt hiệp ước an ninh được ký kết bởi các quốc gia Nhóm Bảy nước hay G7 với Ukraine, nhằm mục đích củng cố đất nước khi nước này phải đối mặt với sự xâm lược đang diễn ra của Nga.

Korsunsky tuyên bố: “G7 và Ukraine có sự hiểu biết rõ ràng rằng các thỏa thuận bảo đảm an ninh đó sẽ được ký kết bởi mỗi quốc gia,” Korsunsky tuyên bố, nhấn mạnh đường lối đa sắc thái đối với hỗ trợ quốc tế.

Đại sứ đã làm sáng tỏ các cuộc đàm phán tỉ mỉ nhằm tạo dựng một khuôn khổ an ninh vững chắc giữa Nhật Bản và Ukraine.

Korsunsky lưu ý: “Thỏa thuận với Nhật Bản đang được đàm phán giống như với bất kỳ quốc gia nào khác, đồng thời chỉ ra tiến trình đang diễn ra và tầm quan trọng chiến lược của sự hỗ trợ của Nhật Bản trong bối cảnh rộng lớn hơn của chiến lược phòng thủ của Ukraine”.

Nhật Bản đã chính thức lên án hành động gây hấn của Điện Cẩm Linh đối với Kyiv khi cuộc chiến toàn diện ở Ukraine bước sang năm thứ ba.

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida phát biểu tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc ngày 20/9/2023: “Chúng tôi lên án bằng những ngôn từ mạnh mẽ nhất hành động gây hấn của Nga đối với Ukraine, đây rõ ràng là sự vi phạm luật pháp quốc tế, trong đó có Hiến chương Liên Hiệp Quốc”.

Ukraine đang tìm kiếm các thỏa thuận an ninh với các nước G7 sau tuyên bố chung vào tháng 7 năm 2023 khẳng định cam kết đối với mục tiêu chiến lược là một Ukraine tự do, độc lập, dân chủ và có chủ quyền.

Reuters đưa tin, vào ngày 24/2, Canada và Ý đã cùng với Anh, Đức, Pháp và Đan Mạch ký kết các thỏa thuận an ninh 10 năm với Kyiv.

Các thỏa thuận nhấn mạnh cam kết chung về chủ quyền của Ukraine và nguyện vọng gia nhập liên minh quân sự NATO.

Thủ tướng Ý Giorgia Meloni và Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã bày tỏ sự ủng hộ vững chắc đối với Ukraine sau khi ký kết các thỏa thuận.

Ông Trudeau nói: “Hôm nay, sát cánh cùng các đồng minh và đối tác của chúng tôi, Canada cam kết hỗ trợ thêm, bao gồm cả hỗ trợ quân sự và nhân đạo cho Ukraine”.

“Chúng tôi tiếp tục ủng hộ Ukraine theo điều mà tôi luôn tin rằng người dân nước này có quyền tự vệ chính đáng”, Meloni nói trong cuộc họp báo ở Kyiv hôm 24/2.

Tại Tokyo, Đại sứ Korsunsky nêu rõ hy vọng của Ukraine về viện trợ từ Nhật Bản, ưu tiên thiết bị chống hỏa tiễn và chống máy bay không người lái để chống lại các mối đe dọa quân sự của Nga.

Hãng truyền thông Nhật Bản Nippon đưa tin Korsunsky cho biết hôm thứ Ba: “Thiết bị chống hỏa tiễn và chống máy bay không người lái không được thiết kế để giết người” mà “để bảo vệ con người”.

Korsunsky nhấn mạnh rằng việc Nhật Bản cung cấp vũ khí như vậy sẽ không đi ngược lại Hiến pháp hòa bình của nước này.

7. Ukraine và Hà Lan ký thỏa thuận bảo đảm an ninh

Tổng thống Ukraine Voldymyr Zelenskiy và thủ tướng Hà Lan Mark Rutte đã ký một thỏa thuận bảo đảm an ninh vào thứ Sáu tại thành phố tiền tuyến phía đông bắc Kharkiv, Reuters đưa tin.

Zelenskiy cho biết trong một bài đăng trên mạng xã hội trên X rằng tài liệu này bao gồm 2 tỷ euro (2,2 tỷ Mỹ Kim) viện trợ quân sự từ Hà Lan trong năm nay, cũng như hỗ trợ quốc phòng hơn nữa trong 10 năm tới.

“Tôi biết ơn thủ tướng Rutte vì thỏa thuận này, nó sẽ tăng cường bảo vệ Ukraine, bao gồm cả thành phố Kharkiv, nơi chúng tôi gặp nhau hôm nay”, ông Zelenskiy nói.

Ông Zelenskiy nói thêm: “Theo tài liệu, Hà Lan cũng ủng hộ tư cách thành viên tương lai của Ukraine trong Liên Hiệp Âu Châu và NATO”.

8. Thiết bị đầu cuối Starlink được bán ở Nga bất chấp sự phủ nhận của Musk

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Starlink Terminals Sold in Russia Despite Musk's Denial”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Thiết bị đầu cuối người dùng Starlink của SpaceX đang được bán công khai ở Nga, mặc dù CEO Elon Musk đã phủ nhận việc biết về bất kỳ hoạt động bán hàng nào như vậy ở nước này.

Các thiết bị đầu cuối cung cấp cho người dùng Internet tốc độ cao thông qua chòm sao vệ tinh Starlink, có sẵn trên trang web tiếng Nga của một đại lý tự xưng là “nhà phân phối chính thức” của nhà sản xuất máy bay không người lái hàng đầu Trung Quốc DJI.

Tiết lộ này theo sau những cáo buộc rằng lực lượng Nga đang triển khai Starlink trong cuộc xâm lược Ukraine, hiện đã là năm thứ ba. DJI cho biết họ cấm các nhà phân phối bán sản phẩm của mình trong trường hợp bị nghi ngờ là sử dụng cuối cùng trong chiến đấu. Vào tháng 4 năm 2022, công ty công nghệ này thông báo họ đang tạm thời đình chỉ hoạt động kinh doanh ở cả Nga và Ukraine để chờ “đánh giá sự tuân thủ”.

“Chúng tôi có thể xác nhận rằng đây không phải là trang web chính thức của DJI,” đại diện công ty nói với Newsweek hôm thứ Năm khi được hỏi về doanh số bán hàng của Starlink.

“Chúng tôi là công ty máy bay không người lái dân sự đầu tiên lên án rõ ràng và tích cực ngăn cản việc sử dụng sản phẩm của chúng tôi trong chiến đấu. Phát ngôn nhân cho biết: “Chúng tôi đã tuân theo nguyên tắc này trong suốt quá trình tồn tại của mình”.

DJI cho biết nhóm pháp lý của họ đang xem xét khả năng vi phạm bản quyền.

Đại diện của nhà phân phối djirussia.ru, đã không trả lời yêu cầu bình luận.

Musk đã thẳng thừng phủ nhận việc bán hàng Starlink đang diễn ra ở Nga.

“ Một số tin giả cho rằng SpaceX đang bán thiết bị đầu cuối Starlink cho Nga. Điều này là sai. Theo hiểu biết tốt nhất của chúng tôi, chưa có Starlinks nào được bán trực tiếp hoặc gián tiếp cho Nga.” Musk viết trong một bài đăng ngày 12 tháng 2 trên X.

Musk đã gửi các thiết bị đầu cuối Starlink đến Ukraine để cung cấp phạm vi phủ sóng internet ngay từ đầu chiến tranh và sau đó đã từ chối cung cấp dịch vụ này trong một cuộc tấn công bất ngờ của Ukraine ở Crimea, với lý do lo ngại về sự trả đũa hạt nhân từ Nga.

SpaceX và Bộ Quốc phòng Nga đã không trả lời ngay lập tức các yêu cầu bình luận bằng văn bản của Newsweek.

Đối với máy bay không người lái của mình, DJI cho biết vào tháng 11 năm 2022: “Chúng tôi thực hiện các bước tích cực để cố gắng giữ cho máy bay không người lái của mình không bị sửa đổi để sử dụng làm vũ khí”. Họ nói thêm rằng họ sẽ chấm dứt mối quan hệ với các đối tác bán sản phẩm của công ty cho những khách hàng có ý định sử dụng sản phẩm DJI cho mục đích chiến đấu.

Tuy nhiên, các máy bay không người lái đã lọt vào tay cả hai bên xung đột, được sử dụng như công cụ trinh sát cũng như tấn công.

Faine Greenwood, một nhà khoa học dữ liệu không gian cao cấp của Bộ Giao thông Vận tải Massachusetts, đã viết trên blog của mình rằng: “Cả Ukraine và Nga đang tiếp tục sử dụng số lượng lớn máy bay không người lái DJI trên chiến trường, bất chấp những nghi ngờ lớn về sự phụ thuộc của họ vào công nghệ Trung Quốc”.

Greenwood duy trì một cơ sở dữ liệu rộng lớn về việc triển khai máy bay không người lái trong môi trường quân sự, trình bày chi tiết việc sử dụng máy bay không người lái của quân đội, bao gồm nhiều sự việc liên quan đến máy bay không người lái DJI.

Bộ Quốc phòng Mỹ vào năm 2022 đã bổ sung DJI vào danh sách đen gồm các công ty Trung Quốc được cho là có quan hệ với Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc. DJI thề sẽ thách thức động thái này.

Năm trước, Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài của Bộ Tài chính đã nêu tên DJI trong số 8 công ty công nghệ Trung Quốc bị coi là đồng lõa trong việc giám sát người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở khu vực phía tây Tân Cương.

Cả chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden và người tiền nhiệm Donald Trump đều cho rằng cách đối xử của Trung Quốc với người Duy Ngô Nhĩ giống như tội diệt chủng.

9. Ukraine: Hơn 500 người được xác định là nghi phạm tội ác chiến tranh

Ukraine đã xác định được 511 người bị tình nghi phạm tội ác chiến tranh kể từ cuộc xâm lược của Nga vào tháng 2 năm 2022 và đã đưa ra 81 bản án, tổng công tố Ukraine cho biết tại Kyiv hôm thứ Năm.

Andriy Kostin đã phát biểu tại một hội nghị về tội ác chiến tranh cùng với các công tố viên trưởng của Ba Lan, Lithuania, Rumani và Chủ tịch cơ quan tư pháp Liên Hiệp Âu Châu, Eurojust.

Tại cuộc họp báo sau cuộc họp, các công tố viên đã thông báo về việc ký gia hạn thêm hai năm cho công việc của Nhóm điều tra chung,, gọi tắt là JIT, một sáng kiến của 5 nước thuộc Liên minh Âu Châu nhằm điều tra tội ác chiến tranh trong cuộc xung đột.

Nga phủ nhận quân đội của họ phạm tội ác chiến tranh, mặc dù cuộc xung đột đã giết chết hàng ngàn thường dân Ukraine.

JIT đang tiến hành điều mà nhà lãnh đạo Eurojust Ladislav Harman gọi là “cuộc điều tra tội ác chiến tranh lớn nhất trong lịch sử”.

Công tố viên Lithuania, tướng Nida Grunskiene cho biết, cho đến nay JIT đã nói chuyện với hơn 5.000 người Ukraine trong khuôn khổ cuộc điều tra của họ.

Bình luận về 81 bản án, Kostin thừa nhận rằng hầu hết được tiến hành mà không có nghi phạm nào bị giam giữ.

Ông cho biết Ukraine muốn có được công lý càng nhanh càng tốt thay vì đợi đến khi chiến tranh kết thúc.

Ông nói: “Hầu hết những bản án này đều được xử vắng mặt, nhưng nó nói lên thực tế rằng chúng tôi hiện đang bảo vệ công lý”.

Kostin nói thêm rằng các cuộc thảo luận đang diễn ra với hơn 40 quốc gia về khả năng thành lập tòa án tội ác chiến tranh. Ông chỉ ra rằng quyết định về hình thức của hội thảo năm nay sẽ là “một tín hiệu mạnh mẽ”, nhưng không nói thêm về thời điểm nó có thể bắt đầu.

Ông cho biết một phiên tòa như vậy có thể sẽ kéo dài vài năm sau khi nó bắt đầu.

Kostin và Grunskiene cho biết các nhà điều tra đã xác định được danh tính của ba người, tất cả đều là chiến binh thân Nga từ vùng Donetsk, bị tình nghi giết chết đạo diễn phim người Lithuania Mantas Kvedaravicius ở thành phố Mariupol.

Cái chết của Kvedaravicius được Bộ Quốc phòng Ukraine công bố vào tháng 4 năm 2022. Kostin hôm thứ Năm cho biết đạo diễn phim đã chết do bị ba nghi phạm tra tấn, bao gồm gãy xương, vết dao và một vụ hành quyết giả.

Đạo diễn đang quay một bộ phim tài liệu cho thấy sự đau khổ của người dân Mariupol trong cuộc bao vây tàn bạo kéo dài nhiều tháng nhằm vào thành phố bởi lực lượng tiến công của Nga. Bộ phim tài liệu Mariupolis 2 được phát hành vài tháng sau khi ông qua đời.

10. Thủ tướng Ba Lan cho biết nước này sẽ không loại trừ việc đưa ra lệnh cấm đối với các sản phẩm nông nghiệp từ Nga.

Giống như phần lớn Âu Châu, Ba Lan đã hứng chịu các cuộc biểu tình trong những tuần gần đây khi nông dân biểu tình phản đối các quy định về môi trường của Liên Hiệp Âu Châu và điều mà họ cho là sự cạnh tranh không công bằng từ Ukraine kể từ khi khối này miễn thuế nhập khẩu vào năm 2022.

Tuy nhiên, Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk cho biết nông sản từ Nga và Belarus cũng đang gây biến dạng thị trường.

Tusk nói trong một cuộc họp báo:

Latvia quyết định thực hiện lệnh cấm nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp từ Nga.

Chúng tôi sẽ phân tích trường hợp của Latvia và tôi không loại trừ khả năng Ba Lan sẽ có sáng kiến thích hợp.

Tusk cho biết Liên Hiệp Âu Châu cần “tập trung nghiêm chỉnh vào các quy định tốt hơn khi nhập khẩu ngũ cốc và các sản phẩm thực phẩm từ phía đông”.

Tusk dự kiến sẽ gặp các nhà lãnh đạo nông dân vào cuối ngày thứ Năm.

11. Alexander Stubb ca ngợi một kỷ nguyên mới trong chính sách đối ngoại khi ông nhậm chức tổng thống mới của Phần Lan.

Cựu thủ tướng 55 tuổi, người tiếp quản vị trí tổng thống hai nhiệm kỳ của Tổng thống Sauli Niinistö hôm thứ Sáu, cho biết Phần Lan sẽ phát triển tốt với tư cách một quốc gia nếu vẫn đoàn kết với nhau.

Stubb, người tranh cử với tư cách là ứng cử viên cho đảng Liên minh Quốc gia trung hữu, đánh bại cựu ngoại trưởng Green Pekka Haavisto, đã nói trong bài phát biểu nhậm chức của mình:

Nhờ đoàn kết, chúng ta có khả năng phản ứng trước những bước ngoặt của lịch sử một cách thống nhất, nhanh chóng và vững chắc. Về phần mình, tôi muốn nuôi dưỡng và củng cố sự đoàn kết này”.

Sau đó, ông bắt tay chính phủ và các công chức, trong đó có chủ tịch quốc hội Jussi Halla-aho của đảng cực hữu Phần Lan, người đứng thứ ba trong cuộc bầu cử tổng thống.

Cựu tổng thống Phần Lan, Niinistö, người giám sát việc Phần Lan gia nhập NATO với tốc độ kỷ lục, cho biết:

Đất nước này thực sự đã được xây dựng dựa trên những giá trị nhất định. Dựa vào sự tin tưởng vào bản thân và người khác, vào việc chịu trách nhiệm về bản thân và người khác, tùy theo khả năng của mỗi người và khi nhận thức được điều gì đúng và sai.

Sau đó, ông cảm ơn đất nước của mình vì sự tin tưởng của quốc dân đồng bào dành cho ông
 
ĐHY Sarah: Mất đoàn kết giữa Kitô hữu là dấu chỉ phản chứng ảnh hưởng nghiêm trọng đến Truyền Giáo
VietCatholic Media
17:35 02/03/2024


1. Đoàn giám mục Đức đối thoại với Tòa Thánh vào ngày 22 tháng Ba tới đây

Cuộc đối thoại tới đây giữa phái đoàn Hội đồng Giám mục Đức với Tòa Thánh sẽ diễn ra từ ngày 22 tháng Ba tại Vatican.

Trang mạng của Hội đồng Giám mục Đức cho biết như trên, hôm 26 tháng Hai vừa rồi, trích thuật lời Đức Hồng Y Victor Fernandez, Tổng trưởng Bộ Giáo lý đức tin. Đây sẽ là buổi gặp đầu tiên trong một loạt các cuộc gặp gỡ đối thoại.

Trong dịp đại hội mùa thu, từ ngày 19 đến ngày 22 tháng Hai vừa qua tại thành phố Augsburg, ba Hồng Y của Tòa Thánh, gồm Đức Hồng Y Quốc vụ khanh Parolin, Đức Hồng Y Prevost, Tổng trưởng Bộ Giám mục và Đức Hồng Y Fernandez, thừa lệnh Đức Thánh Cha yêu cầu các giám mục Đức đừng bỏ phiếu thông qua Quy chế Ủy ban Tiến trình Công nghị, để tiến tới việc thành lập Hội đồng Tiến trình Công nghị, một cơ quan gồm giáo dân và giám mục điều hành Giáo Hội Công Giáo tại Đức. Tòa Thánh cũng cho biết một loạt các cuộc đối thoại với các giám mục về các vấn đề gây khó khăn.

Các giám mục đã đồng ý ngưng bỏ phiếu và đón nhận đề nghị đối thoại của Tòa Thánh.

Hồi tháng Bảy năm ngoái (2023), nối tiếp cuộc viếng thăm Ad Limina của Hội đồng Giám mục Đức ở Roma hồi tháng Mười Một năm 2022, một phái đoàn của Hội đồng Giám mục Đức cũng đã gặp gỡ đối thoại với các vị đại diện Giáo triều Roma, về Tiến trình Công nghị, dưới các khía cạnh thần học và kỷ luật, nhưng rồi kết quả cuộc đối thoại này không được áp dụng, nên Tòa Thánh đã phải can thiệp, yêu cầu Hội đồng Giám mục ngưng bỏ phiếu về quy chế Ủy ban Tiến trình Công nghị, vì có nhiều điểm đi ngược cơ cấu bí tích của Giáo hội và giáo luật hiện hành

2. Đức Hồng Y Sarah cảnh báo chống lại sự mất đoàn kết giữa các Kitô hữu, nói rằng đó là dấu chỉ phản chứng

Đức Hồng Y Robert Sarah đã nói rằng sự mất đoàn kết giữa những người theo Chúa Kitô sẽ phản tác dụng đối với sứ mệnh làm chứng cho sứ điệp Tin Mừng và mục vụ truyền giáo.

Vị Tổng trưởng danh dự của Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích, người đã có bài phát biểu quan trọng tại Hội nghị chuyên đề Thần học năm 2024 do Trường Thần học thuộc Đại học Tangaza có trụ sở tại Kenya tổ chức đã cảnh báo rằng sự chia rẽ giữa các Kitô hữu đã khiến họ dễ bị “khai thác”.

“Nếu chúng ta không phải là một, nếu chúng ta bị chia rẽ, thì chứng tá của chúng ta về Chúa Kitô cũng bị chia rẽ và thế giới sẽ không tin vào Tin Mừng,” Đức Hồng Y Sarah nói hôm thứ Năm, 22 tháng 2, ngày đầu tiên của sự kiện kéo dài hai ngày.

“Trước tiên hãy tìm kiếm sự hiệp nhất trong đức tin Kitô giáo, sau đó là với những người đồng hương của chúng ta và những người Phi Châu,” ngài nói trong bài phát biểu quan trọng có tựa đề “Làm cho mọi quốc gia trở thành môn đệ: Sứ mệnh truyền giáo do Chúa Kitô ủy nhiệ,”.

Để nhấn mạnh sự cần thiết của sự đoàn kết giữa những người theo Chúa Giêsu Kitô, Đức Hồng Y 78 tuổi sinh ra ở Guinea, người bắt đầu thừa tác vụ Giám mục vào tháng 12 năm 1978 với tư cách là Tổng Giám mục Conakry tại quê hương của ngài đã cảnh báo rằng sự chia rẽ khiến các Kitô hữu “dễ bị khai thác”.

“Nếu chúng ta không nỗ lực đạt được sự hiệp nhất trong Chúa Kitô thì chúng ta còn tệ hơn nữa. Sự chia rẽ giữa chúng ta về tôn giáo, sắc tộc và chính trị rất dễ bị lợi dụng; họ có thể bị các chính trị gia tham nhũng hoặc thậm chí các thế lực nước ngoài lợi dụng”.

Đức Hồng Y Sarah trước đây đã bày tỏ sự phản đối của mình đối với Tuyên ngôn Fiducia Supplicans, vốn đã gây ra những phản ứng trái chiều và chia rẽ sâu sắc giữa dân Chúa nói chung và các Giám mục Công Giáo trên toàn thế giới nói riêng sau khi được công bố vào ngày 18 tháng 12.

Trong một suy tư ngày 6 Tháng Giêng mà ngài chia sẻ với Settimo Cielo, một blog của Ý, Đức Hồng Y từng giữ chức vụ Tổng trưởng Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích của Vatican từ năm 2014 đến năm 2021 đã duy trì lập trường trước đây của mình là không phản đối Đức Thánh Cha.

“Chúng tôi không phản đối Đức Thánh Cha Phanxicô, nhưng chúng tôi kiên quyết và triệt để phản đối tà giáo làm suy yếu nghiêm trọng Giáo hội, là Thân thể Chúa Kitô”, Đức Hồng Y Sarah nói, đồng thời làm rõ sự phản đối của ông đối với các khuyến nghị của Fiducia Supplicans, cho phép các thành viên Giáo sĩ ban phước lành cho các cặp quan hệ tình dục đồng giới và các cặp đôi trong những “tình huống bất thường” khác.

Những người thực hành đồng tính luyến ái đang “ở trong tù” của tội lỗi, và cần sự thật của “Lời Chúa” để giải thoát họ, ngài nói và nói thêm, “Sự thật là lòng thương xót đầu tiên mà Chúa Giêsu ban cho những người tội lỗi.”

“Sự tự do mà chúng ta phải trao cho những người sống trong các kết hợp đồng tính luyến ái nằm trong sự thật của lời Chúa. Làm sao chúng ta có thể khiến họ tin rằng điều đó là tốt và Chúa mong muốn họ vẫn ở trong ngục tù tội lỗi của họ?”

Sự thiếu rõ ràng của Tuyên ngôn Fiducia Supplicans “chỉ làm tăng thêm sự nhầm lẫn đang ngự trị trong lòng và một số người thậm chí còn lợi dụng nó để hỗ trợ cho nỗ lực thao túng của họ”

Vị lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo Guinea, người được phong Hồng Y vào tháng 11 năm 2010, cho biết: “Chỉ cùng nhau chúng ta mới có thể thịnh vượng”.

Theo Đức Hồng Y Sarah, những thách thức cản trở sứ mệnh làm chứng cho sứ điệp Tin Mừng và sứ vụ truyền giáo có thể được giải quyết “bằng cách hướng về Chúa trong lời cầu nguyện và ăn chay”.

“Bằng cách hướng về Chúa bằng lời cầu nguyện và ăn chay, Thiên Chúa nâng chúng ta lên. Ngài giải thoát chúng ta khỏi sự ích kỷ và hẹp hòi và mạc khải chính Ngài cho chúng ta bằng cách này hay cách khác.”

Đức Hồng Y tiếp tục nhấn mạnh sự cần thiết phải kết hợp cầu nguyện và ăn chay, hai trong ba trụ cột của Mùa Chay, bên cạnh việc bác ái qua việc bố thí.

“Việc truyền giáo phải bao gồm việc cầu nguyện và ăn chay cùng nhau, ngay cả với những truyền thống tôn giáo khác để đáp lại những tệ nạn mà chúng ta cùng nhau thừa nhận. Bằng cách cầu nguyện và ăn chay, những trở ngại cho việc truyền giáo sẽ được khắc phục”, Đức Hồng Y Sarah nói.


Source:National Catholic Register