Ngày 28-02-2009
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
00:32 28/02/2009
CHỌN VIỆC NHẸ, TRÁNH VIỆC NẶNG

N2T


Có một khách đến thăm đại sư nói về kỳ tích của một thánh nhân. Vị thánh nhân này muốn đi thăm một người bạn đang bệnh nặng, nhưng sợ đường ban đêm nguy hiểm, cho nên ra lệnh cho mặt trời: “Nhân danh Thiên Chúa, ngươi tạm thời dừng lại ở chân trời cho đến khi ta đến nhà của người bạn bị bệnh nặng, mới được lặn xuống nhé.” Quả thật mặt trời ngừng ngay lại cho đến khi vị thánh nhân ấy đi đến thôn trang nọ.

Đại sư không nhịn cười được, nói: “Vị thánh nhân ấy, nếu có thể khắc phục nỗi sợ hãi ban đêm của ông ta, thì không phải là bớt được nhiều việc sao ?”

(Trích: Huệ nhãn thiền tâm)

Suy tư:

Có quyền ra lệnh cho mặt trời ngừng lại thì nhất định cũng có quyền làm cho thú dữ, ma quỷ, kẻ cướp.v.v...chặn đường ban đêm không được đến gần mình, đó mới là người biết làm phép lạ, kỳ tích...

Có một vài người nói mình nhìn thấy Chúa Giê-su khi đọc kinh “lòng thương xót”, nhưng lại không nhìn thấy Ngài ở trong tha nhân; có người nói thấy Đức Mẹ Maria khóc khi đi hành hương ở núi Đức Mẹ Tà-Pao, nhưng lại không thấy nước mắt đau khổ của những người bất hạnh đang ngữa tay xin bố thí hai bên đường lên núi Mẹ.v.v...

Khi chúng ta vì yêu mến Chúa Giê-su mà phục vụ tha nhân là chúng ta đang làm một phép lạ: phục vụ Chúa Giê-su; khi chúng ta nói một lời an ủi với người bất hạnh, là chúng ta đang làm một phép lạ: người ấy sẽ cảm thấy ấm lòng; khi chúng ta giúp đỡ người khác thì chúng ta đang làm một phép lạ: đem hạnh phúc niềm vui đến cho họ...

Làm cho người khác vui vẻ, hạnh phúc thì không phải là làm phép lạ sao ? Đúng quá đi chứ. Ha ha ha...
 
Mỗi tuần SỐNG một câu Lời Chúa
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
00:34 28/02/2009
CHỦ NHẬT I MÙA CHAY

Tin mừng: Mc 1, 12-15.

“Đức Giê-su chịu Xa-tan cám dỗ, và có các thiên sứ hầu hạ Ngài.”


Bạn thân mến,

Để chuẩn bị cho công cuộc rao giảng tin mừng Nước Trời, Chúa Giê-su đã ăn chay bốn mươi đêm ngày trong hoang địa, không những thế, Ngài còn bị ma quỷ cám dỗ nữa, không phải chỉ cám dỗ một lần mà thôi, nhưng là ba lần, để cho chúng ta thấy rằng không một ai tránh khỏi hay được miễn trừ cám dỗ, bởi vì khi bị cám dỗ chính là lúc mà chúng ta nhận ra được quyền năng ân sủng của Thiên Chúa trên con người của chúng ta.

Bạn và tôi thường có thói quen tham dự các buổi tĩnh tâm trong mùa chay, đó là việc làm tốt và rất có ích cho phần rỗi linh hồn của mình, và nhờ tĩnh tâm mà chúng ta giống nên Chúa Giê-su ăn chay trong hoang địa hơn: kết hợp với Cha trên trời và cầu nguyện cho mọi người.

Mùa chay với những hy sinh hãm mình, không chỉ bằng thái độ bên ngoài, nhưng còn bằng sự hối cải trở về với Chúa của chúng ta nữa, sự trở về này dứt khoát không phải chỉ là trở về trong mùa chay mà thôi, những mỗi ngày trong đời sống của mình, bạn và tôi đều phải trở về với Chúa luôn luôn bằng chính sự hối cải và quyết tâm từ bỏ những gì là không phù hợp với đức tin và tinh thần của Phúc Âm.

Bạn thân mến,

Mùa chay là mùa của sám hối và hy sinh, mùa của ăn chay và cầu nguyện; mùa chay cũng là cơ hội lớn lao mà Giáo Hội muốn mỗi người Ki-tô hữu phải nhìn lại cách sống của mình, nhìn lại quãng đường mình đã đi qua có thật là con đường mà Chúa Giê-su đã vác cây thập giá đi lên đồi Golgotha hay không, để nhờ ơn Chúa soi sáng và giúp đỡ, chúng ta vững vàng tiến lên phía trước với một tâm hồn hy vọng sống lại với Chúa Giê-su.

Hy vọng bạn và tôi sống thật đúng nghĩa làm người Ki-tô hữu trong suốt mùa chay thánh này, để cùng với Chúa Giê-su, chúng ta vác thập giá của mình đồng hành với anh chị em và tha nhân trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

-----------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://360.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
00:35 28/02/2009
N2T


94. Công việc của Thiên Chúa thì tựa hồ như từng điểm từng giọt hoàn thành trong vô tình. Tinh thần làm việc của Thiên Chúa thì không mạnh mẽ, cũng không khinh suất. Thiên Chúa chúc phúc cho người mới bắt đầu công việc cách ảm đạm, so với người giàu có đàng hoàng bắt đầu công việc thì nhiều hơn.

(Thánh Vincentius)
 
Mỗi ngày một câu Cách Ngôn
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
00:36 28/02/2009
N2T


38. Không nên ức hiếp người yếu đuối, bởi vì đau khổ do ức hiếp sẽ kích thích những suy nghĩ phức tạp.

 
Bớt ăn
Lm Vũđình Tường
00:41 28/02/2009
Chỉ cần hoán chuyển đổi ngược vị trí hai chữ bớt ăn thành ăn bớt ý nghĩa câu nói hoàn toàn đối nghịch. Bớt ăn là tự nguyện chân thành với chính mình trong khi ăn bớt là tự mình lừa dối mình.

Mùa chay kêu gọi chúng ta chuyển đổi lối sống, lối suy nghĩ, cách xử thế, cách sống đạo. Tăng cường bớt ăn; đồng thời giảm thiểu ăn bớt. Hoặc là bớt lo ăn cho thân xác, tăng cường lo ăn cho linh hồn. Chú trọng nhiều hơn nữa về phần tâm linh.

Ăn bớt

Ăn bớt không đơn thuần vỏn vẹn trong việc ăn bớt tiền của, vật chất. Ăn bớt lan rộng, bàng bạc trong cuộc sống.

Với chính quyền ăn bớt xảy ra lúc khai báo sổ sách, kế toán, làm chứng, tranh tụng.

Tha nhân ăn bớt xuất hiện dưới hình thức gian tham, nói nửa sự thật.

Gia đình ăn bớt thời giờ lo cho nhau, cho con cái. Vợ chồng bất trung, thất tín. Con cái ăn nói thêm bớt, trốn học, bỏ bê bài vở, cóp bài.

Công sở ăn bớt giờ làm việc cho chủ. Biến dụng cụ, tài sải của chủ làm của riêng.

Tôn giáo ăn bớt thời giờ cầu nguyện. Chậm đến nhà thờ; nhanh lẹ về sớm. Sốt sắng phê bình; biếng nhác cộng tác. Nếu không thành thật sống ăn bớt biến ta trở thành kẻ dối ta trước khi ta lừa người.

Ranh giới giữa bớt ăn và ăn bớt không hệ tại ở tiếng chuông điểm báo hiệu canh khuya của ngày giữ chay. Chờ tiếng chuông điểm 12 giờ đêm là tự do ăn uống, thực phẩm nấu sẵn chờ khai tiệc. Sống như thế là sống theo tinh thần ăn bớt. Ăn chay hình thức, giữ luật. Hình thức vì bề ngoài ăn chay nhưng lòng thì không. Bề ngoài giữ luật nhưng lòng chẳng yên, trí chẳng sáng, linh hồn chẳng mến Chúa. Giữ chay có tính cách ép buộc hơn là tự nguyện. Tiên tri Joel 2,13 gọi chay tịnh vì sợ phạm luật, sợ phạt là giữ chay theo kiểu xé áo mà không xé lòng.

Đức Kitô dậy chớ khoe khoang công đức trước mặt người đời nhưng hãy làm âm thầm kín đáo

‘Cha anh em, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả công cho’ Mt 6.

Xã hội mới

Xã hội thời nay nhiều người kiêng ăn, bớt uống vì sợ hư cân. Kiêng cữ và khắc chế kĩ hơn người Kitô hữu giữ chay. Kiêng đến độ thiếu dinh dưỡng nhưng vẫn nghĩ là quá kí. Trung tâm chữa béo, trừ phì mọc như nấm. Câu lạc bộ thể dục quảng cáo rầm rộ và các thẩm mỹ viện lọc mỡ, căng bì làm ăn phát đạt. Nơi nào cũng tự hào có phương pháp riêng, độc đáo giúp nhẹ kí, giảm cân nhanh kỉ lục. Bảo đảm xuống kí thấy rõ. Sợ béo nên chấp nhận sống khổ, kiêng ăn, nhịn uống chống lại cơn thèm. Cẩn trọng chọn lựa món ăn, thức uống. Kẻ bài trừ thịt và các sản phẩm đến từ thịt. Kẻ kị thực phẩm liên quan đến mỡ loài vật và thức ăn nhiều đường. Thực phẩm chính là rau, đậu, trái cây tươi, hạt khô và dầu thực vật. Kham khổ như thế vì mục đích riêng. Kiêng mỡ vì máu dư mỡ, kiêng đường vì cơ thể thừa đường. Kiêng thịt vì thương gia súc. Kiêng cữ, tập thể dục vì muốn đẹp lâu hơn, sống khoẻ hơn, nổi tiếng hơn. Tâm linh không lợi gì trong việc chay trường theo xu hướng xã hội.

Đời sống thánh thiện chú trọng về tâm linh. Thay vì kiêng ăn, bớt uống cho sắc đẹp và sức khoẻ thân xác. Hãy nâng ý nguyện cao hơn, hướng thượng và hướng tâm chú trọng đến cuộc sống trường sinh, sức mạnh cho tâm hồn. Chay tịnh với mục đích cao cả, không phải cho mình nhưng cho Chúa, cho tha nhân. Xuống cân đòi trường kì. Chay tịnh không cần trường kì nhưng cần thành tâm đi đôi với mến Chúa, yêu tha nhân.

Mục đích

Mục đích giữ chay khác nhau. Chay tịnh tôn giáo hướng nội. Đặt trọng tâm vào sắc đẹp tâm linh, sức khoẻ nội tâm. Chay tịnh xã hội hướng ngoại. Mục đích bảo vệ sắc đẹp thân xác, sức khoẻ thân thể.

Xã hội tránh dùng từ tôn giáo. Không gọi là chay tịnh nhưng sáng chế ra từ mới thích hợp cho việc kiêng ăn, bớt uống. Nhờ kiêng ăn, tập thể dục, kiên trì và ăn uống đúng cách đạt mục đích. Mục đích tối hậu là xuống kí mà không bị bệnh hoặc cảm thấy suy nhược dinh dưỡng.

Chay tịnh trong tôn giáo đặt trọng tâm chính vào nội tâm. Hình thức bên ngoài quan trọng khi hình thức đó giúp nội tâm tiến trên đường thánh thiện. Chay tịnh tôn giáo kèm theo cầu nguyện và thực thi đức ái. Thiếu một trong hai điều này việc chay tịnh coi như thiếu chiều sâu. Chay tịnh, cầu nguyện và thực thi đức ái cả ba luôn chung vai, sát cánh. Cầu nguyện để kết hợp với Chúa và thi ơn vì yêu mến anh em. Như thế giữ chay không phải cho mình nhưng giữ vì yêu Chúa và mến tha nhân.

Thần lực

Sức mạnh của chay tịnh thay đổi vận mạng xã hội. Các tiên tri thời Cựu Ước kêu gọi chay tịnh, thống hối tránh khỏi bị diệt vong. Kết quả người ta mặc áo nhặm, ăn chay, đấm ngực nhận tội. Chúa tha thứ không phạt nữa. Chay tịnh thay đổi được ý Chúa.

Chay tịnh xua đuổi, trừ khử được Satan và thắng các cám dỗ của chúng. Không khử trừ được ma quỉ các tông đồ hỏi. Đức Kitô đáp

Giống quỉ ấy chỉ trừ được bằng ăn chay cầu nguyện Mc 9,29.

Chúa bắt đầu cuộc đời công khai bằng ăn chay, cầu nguyện. Để đi cùng con đường Chúa đi ta cũng phải khởi hành bằng ăn chay, cầu nguyện. Ăn chay và cầu nguyện chúng ta cũng được Lời Chúa nuôi dưỡng, Thánh Linh chúa soi sáng, hướng dẫn đường đời.

TÌM BÀI CŨ:

Suy Niệm: http://www.stmarksinala.net.au/suyniem.html

Truyện ngắn: http://www.stmarksinala.net.au/truyen.html

Hình ảnh: http://www.stmarksinala.net.au/Photos.html
 
Chứng Nhân: Thánh Damien ở Molokai
Pt Huỳnh Mai Trác
02:03 28/02/2009
Cha Damien tên thật là Josef de Veuster, được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolồ II phong Chân Phước vào ngày 4 tháng 6 năm 1995 và 13 năm sau vào ngày 3 tháng 7 năm 2008 thì được Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI chấp thuận phong hiển thánh theo lời đề nghị của Bộ Phong Thánh. Ngày lễ tuyên phong được ấn định vào ngày 11 tháng 10 sắp đến

Đức Hồng Y Godfried Danneels, Tổng Giám Mục Malines-Bruxelles, tuyên bố là sẽ đến Roma để cử hành lễ: “ “Cuộc phong thánh này làm cho tôi tràn ngập hãnh diện và vui mừng. Lẽ dỉ nhiên tôi phải đến Công Trường Thánh Phêrô vì tôi là Giám Mục nơi sinh trưởng của Cha Damien”.

Ngài nêu lên hai khía cạnh của biến cố trọng đại này: Thứ nhất là Cha Damien là vị thánh đầu tiên của giáo phận kể từ thế kỷ XVI từ thời thánh Gioan Berchmans. Thứ đến là vị thánh này có một đức tính vượt trổi lẽ thông thường. Cha Damien trở thành một nhà truyền giáo không phải là do ngài tự ý lựa chọn.

Nhưng chính là sự điền thế cho người anh bị bệnh. Một khi đến Hawai thì Cha lại xin được đi làm mục vụ giúp đỡ những người bị bệnh phong cùi ở Molokai, mà tình trạng của những người cùi ở đây là phải sống riêng biệt trên hòn đảo này. Cha đã chọn sống giữa những người cùi này và cuối cùng là mang bệnh nan y như họ. Vào thời kỳ này bệnh phong cùi là một thứ bệnh nguy hiểm chết người không có thuốc chữa.. Tuy vậy Cha Damien vẫn giữ niềm hy vọng trước định mệnh không lối thoát. Cha cũng xin được làm vật thí nghiệm để người ta thử các thứ thuốc chữa trị.

Khi họ hỏi tôi là Cha Damien sẽ là Đấng Bảo Trợ công việc gì, tôi có thể trả lời rằng: “Là Đấng Bảo Trợ cho những ai luôn mang niềm hy vọng dù không còn một chút hy vọng nào cả. Cha Damien đã cho chúng ta một bài học về chính đời sống của Ngài.”

Trong những bài viết ở KerkNet, Cha Fritz Gorissen,Giám Tỉnh Dòng các Linh mục Picpus đã bày tỏ niềm hân hoan với nguồn tin này và đã thốt lên: “Việc phong hiển thánh cho Cha Damien xác nhận công việc mục vụ vượt bực của Cha và xứng đáng là một người Bỉ cao cả.. .

Lời của Cha Damien thật là ánh sáng. “Nếu tôi không có đức tin, thì tôi không thể làm điều mà tôi đã làm”. Đức tin rất cần thiết cho Cha Damien. Đối với Cha đức tin chính là lý do mà Cha được tạo dựng nên. Điều này rất quan trọng, là con người có khả năng vượt trổi mà chính mình không hề nghĩ đến nếu có lòng tin tuởng và được hổ trợ bằng đức tin.

Về ơn gọi của Cha Damien thì Cha Fritz nói thêm: "Chúng ta nói về ơn gọi trong ơn gọi. Cha Damien đi làm công việc truyền giáo thay thế cho người anh là Cha Pamfiel, đã làm mục vụ tại Hawai trong 9 năm qua. Ơn gọi của Cha Damien thật đặc biệt có thể gọi đó là ơn gọi trong ơn gọi, là ơn gọi đi phục vụ người cùi ở Molokai. Ngày lễ tuyên phong thánh này quả có một giá trị đặc biệt.”

Đới với cha Gorissen loan báo những cuộc lễ ở Bruxelles và Louvain là cần thiết: "Một cuộc lễ cho toàn dân Bỉ. Các Giám mục Bỉ có dự định sẽ mời tất cả mọi hội đoàn mang tên Damien đến tham dự. Ngày này sẽ là ngày quốc lễ cử hành bằng hai thứ tiếng đia phương tại Vương cung Thánh đường Koekelberg và tại Louvain". (nguời Bỉ nói tiếng Pháp và tiếng Flamand)

Lại nữa Giáo Hội Bỉ có ý định nhường lại cho giáo phận Honolulu một ít hài cốt của thánh Damien. Điều này Giáo phận Honolulu đã thỉnh nguyện với Tòa Thánh và với các Giám Mục Bỉ. Đối với chúng tôi điều quan trọng là loan truyền tinh thần phục vụ yêu thương và hy sinh cao cả của Cha Damien đến cho nhièu người.
 
Thư mục vụ mùa chay 2009 của ĐGM. GP. Kontum
+GM Micae Hoang Đức Oanh
03:34 28/02/2009
THƯ MỤC VỤ MÙA CHAY 2009

Anh chị em thân mến,

Mùa Chay đã tới. Mùa chuẩn bị tâm hồn để cùng sống biến cố Vượt Qua của Chúa Giêsu. Chúng ta cùng suy niệm và giúp nhau sống Mùa Chay cách tích cực và hữu hiệu.

1. MẦU NHIỆM VƯỢT QUA

Thiên Chúa tạo dựng con người và cho con người chia sẻ sự sống của Ngài, nhưng vì nghe lời satan xúi giục, với tham vọng "muốn bằng trời" nên con người đã không tuân giữ lệnh Chúa truyền. Tội kiêu căng ngạo mạn này đã ăn sâu trong mọi con người suốt dòng lịch sử. Mùa Chay, mùa “chữa trị con người”, mùa “phục hồi lại tình bạn với Thiên Chúa”, mùa “thi hành ý Chúa”, mùa giúp “mở mắt” thấy đám đông anh chị em chung quanh đang đói. Đói của cải vật chất, đói kiến thức, đói tình thương và đói lòng tin. Mùa chay là Mùa đặc biệt nhắc nhở và giúp chúng ta "trở lại" đúng địa vị của con người được tạo dựng theo hoạ hình của Thiên Chúa, đúng địa vị trong mọi tương hệ với Thiên Chúa là Cha, với mọi người là anh chị em, với vũ trụ tạo thành là người quản lý. Con người, vì thế, chỉ là người quản lý chứ không phải là người chủ của vũ trụ. Chỉ có Chúa mới là Đấng làm chủ duy nhất và độc nhất. Tội là hành động và tình trạng phá huỷ mọi tương hệ hài hoà lành thánh này. Thánh là được sống trong mối tương hệ chân thành và thân thiết này. Vì thế, Chúa Giêsu đã đưa ra 3 việc cụ thể để giúp chúng ta “quay lại địa vị ban đầu khi được tạo dựng”: Ăn chay, cầu nguyện và chia sẻ hay “trả món nợ với Chúa”.

2. MÙA CHAY, MÙA HÀNH ĐỘNG

Mùa Chay, mùa hành động. Từ ý thức bước qua hành động với 3 việc rất cụ thể trong Mùa Chay mà chính Chúa Giêsu đã đề cập tới: ăn chay, cầu nguyện và chia sẻ.

2.1. Ăn Chay: Ăn chay là hành động bớt ăn uống, bớt chi tiêu trong Mùa Chay nhờ đó con người biết tỉnh thức, mở lòng mở trí hướng về Thiên Chúa và biết dang tay đón tiếp giúp đỡ tha nhân. Ăn chay là thay đổi con người thoát khỏi tính ích kỷ, để cho tâm hồn, trái tim và cả con người biết quay về với Chúa và với tha nhân, cách riêng người nghèo khó. Vì người nghèo cũng là người, nên họ có quyền sống đúng phẩm giá con người và được chia sẻ của cải vật chất mà Thiên Chúa đã trao cho con người quản lý. Từ năm 2007, 115 triệu người đã gia nhập thêm vào hàng ngũ những người nghèo đói và nâng con số người nghèo trên thế giới lên gần 1 tỷ người (X. Catholic Advance, The Offical Newspaper of the Docese of Wichita, Freb 6, 2009, p.1).

2.2. Chia Sẻ: Thánh Phêrô Kim ngôn đã viết: “Chay tịnh là hồn của lời cầu nguyện, lòng thương xót là máu đem lại sự sống cho chay tịnh. Vì thế nếu bạn cầu nguyện, hãy ăn chay; nếu bạn ăn chay, hãy tỏ lòng thương xót; nếu bạn muốn lời cầu xin được lắng nghe, hãy lắng nghe lời cầu xin của kẻ khác. Nếu bạn không bịt tai trước kẻ khác, bạn mở được tai Thiên Chúa cho chính bạn” (Sermo 43: PL 52, 320. 322) (trích từ Sứ Điệp Mùa Chay 2009, ĐTC Bê-nê-đíc-tô XVI). Như thế, Chay tịnh dẫn theo việc chia sẻ của cải vật chất cũng như không vật chất cho tha nhân theo đúng chương trình yêu thương của Thiên Chúa; Chay tịnh còn đưa con người đến nhận thức rõ hơn về tình trạng bất công chung quanh và trên thế giới; và Chay tịnh cũng giúp con người nhận thức trách nhiệm về tình trạng nghèo đói ngày nay. Từ nhận thức tới trách nhiệm, từ trách nhiệm tới hành động thiết thực và cụ thể.

2.3. Cầu Nguyện: Việc chia sẻ được ánh sáng đức tin soi sáng cho con người biết đặt mình vào đúng tương quan với Thiên Chúa là Đấng Tạo Thành. Cầu nguyện cung cấp ánh sáng xuyên suốt cho thấy đầy đủ tương quan ba chiều với Thiên Chúa quyền năng, giàu lòng thương, với tha nhân đều là anh chị em và với vũ trụ tạo thành đều là của chung. Mùa chay là thời gian đặc biệt giúp việc cầu nguyện trở nên sốt sắng và sinh động hơn bao giờ hết, nhất là vào thời điểm Tuần Thánh với biến cố Tiệc Ly, Tử Nạn, và đặc biệt chứng kiến biến cố Phục Sinh của Chúa Giêsu. Chứng kiến các biến cố đó, làm sao con người lại không được biến đổi nên “con người mới”, nên con người “mặc lấy chính Đức Kitô”, để “có được tâm tình như Đức Kitô…” (x. Pl 2,6-11).

3. MẦU NHIỆM HIỆP THÔNG

Anh chị em thân mến,

Câu hỏi đặt ra cho chúng ta là sống Mùa Chay sao cho thật cụ thể và hữu hiệu, vì chúng ta đều là chi thể của nhau trong trong một Thân Thể duy nhất là chính Chúa Giêsu? (x. Cv 2,37). Trong Sứ Điệp Ngày Hoà Bình Thế Giới năm 2009, Đức Thánh Cha Bê-nê-đíc-tô XVI đã đưa ra chủ đề “Chống nghèo đói, xây dựng hoà bình” mà Giáo phận đã chọn làm tài liệu sống của Năm nay. Tinh thần hiệp thông đòi hỏi chúng ta có thể làm gì?

Sau đây là một vài gợi ý với toàn thể gia đình Giáo phận:

3.1. Cùng nhau tìm hiểu để thấy rõ cảnh nghèo khổ trong cộng đoàn cũng như xã hội chung quanh và cùng nhau tìm cách giải quyết thiết thực như việc ăn, ở, môi trường sống hay nghề nghiệp nhằm cải thiện và nâng cao cuộc sống của anh chị em mình.

3.2. Nhưng đừng quên, trên đây mới chỉ là cái nghèo vật chất. Còn cái nghèo không vật chất nữa - cái nghèo kiến thức, nghèo đạo đức, nghèo lòng tin và nhất là nghèo tình thương. Đây mới thật là cái nghèo khủng khiếp. Như lời Thiên Chúa đã phán qua miệng ngôn sứ Amos: "Nầy đây sẽ đến ngày Ta gửi đói khát đến trong xứ, không phải đói cơm bánh, cũng chẳng phải là khát nước, nhưng là đói nghe Lời Chúa” (Am 8,11). Chính Chúa Giêsu cũng đã nói: “Con người không chỉ sống nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ lời từ miệng Thiên Chúa phán ra” (Mt 4,4). Còn Đức Thánh Cha Bê-nê-đi-tô XVI nhắc bảo chúng ta trong Mùa Chay này thật cụ thể: “Vì thế ước chi mỗi gia đình và cộng đoàn kitô hữu biết tận dụng thời gian Mùa Chay này, để gạt bỏ một bên những điều gì gây lo ra cho tâm trí và tăng trưởng trong những điều nuôi dưỡng tâm hồn, hầu yêu mến Thiên Chúa và tha nhân. Tôi đặc biệt nghĩ tới một sự dấn thân lớn hơn cho việc cầu nguyện, lectio divina, chạy đến bí tích hòa giải và tham dự tích cực vào bí tích Thánh Thể, đặc biệt Thánh lễ ngày Chúa nhật. Với thái độ bên trong ấy, chúng ta hãy đi vào tinh thần sám hối của Mùa Chay.” (Bê-nê-đíc-tô XVI, Sứ Điệp Mùa Chay 2009, 11.12.2008).

Anh chị em thân mến,

Xin Thánh Thần Chúa soi sáng và dạy dỗ để chúng ta biết việc phải làm. Nguyện xin Thánh Thần Chúa giúp chúng ta đủ can đảm và khôn ngoan thực hiện điều chúng ta quyết tâm. Có Mẹ Maria cùng đồng hành với chúng ta trong suốt cuộc hành trình Mùa Chay này. Đây quả là việc làm thiết thực để chúng ta chào đón Đại Lễ Mừng 50 Năm thành lập Hàng Giáo Phẩm Việt Nam sẽ diễn ra vào năm 2010 sắp tới.

Thân ái chào anh chị em trong tình yêu của Chúa Kitô Khổ Nạn và Phục Sinh.

(đã ký và đóng dấu)

X Micae Hoàng Đức Oanh

Giám mục Giáo phận Kontum
 
Mười truyện đơn sơ về Giáo lý và Giáo dục
LM Nguyễn Vinh Gioang
12:58 28/02/2009
Mười truyện đơn sơ về Giáo lý và Giáo dục (75)

751. Những hoạt động cám dỗ của ma quỷ

Phúc Âm nói đến nhiều hoạt động cảm dỗ của ma quỷ.
Ma quỷ đã nhập vào Giuđa: “Xatan đã nhập vào Giuđa, cũng gọi là Iscariốt, một người trong số Mười Hai.” (Lc 22,3).
Chúa Giêsu nói về Phêrô: “Ximong ơi, Ximong ơi, kìa Xatan đã xin sàn các con như người ta sàn gạo, nhưng Thầy đã cầu nguyện cho con để con khỏi mất lòng tin.” (Lc 22, 31-32)
Chúa Giêsu nói về các Tông đồ: “Các con hãy cầu nguyện kẻo sa chứoc cám dỗ.” (Lc 22, 39)

752. Chúa Giêsu chịu ba cơn cám dỗ của ma quỷ.

Một là cơn cám dỗ biến đá thành bánh. Đây là cơn cám dỗ về những nhu cầu vật chất của thân xác con người: con người thường rất bận rộn trong việc kiếm của ăn vật chất và rất lơ là trong việc kiếm của ăn tinh thần, của ăn đạo đức.
Hai là cơn cám dỗ nhảy từ nóc Đền Thờ xuống. Đây là cơn cám dỗ ỷ lại vào quyền phép của Thiên Chúa, buộc Ngài phải làm phép lạ cho mình mỗi khi mình muốn. Là con của Thiên Chúa, nhưng nhiều khi chúng ta không muốn tìm biết và vâng theo ý Thiên Chúa, lại đòi buộc Thiên Chúa phải làm theo ý mình, và khi thấy Thiên Chúa không hoặc chưa nhậm lời mình cầu nguyện như vậy, thì sinh ra ngã lòng trông cậy vào Thiên Chúa, hoặc giận ghét Thiên Chúa, hoặc từ bỏ Thiên Chúa.
Ba là cơn cám dỗ từ trên cao nhìn xuống các nước thiên hạ. Đây là cơn cám dỗ về lòng ham muốn quyền hành và vinh sang phú quý lợi lộc. Muốn được như vậy, phải thoả hiệp với sự xấu, sự dữ, nghĩa là phải thờ lạy ma quỷ. Chúng ta rất dễ tôn thờ những chúa khác với Chúa của chúng ta: đó là chúa tiền tài, chúa danh vọng, chúa thú vui.

753. Cảnh cáo linh mục và tu sĩ

Chúng ta thấy ma quỷ cám dỗ Chúa Giêsu sau khi thấy Ngài đã làm một việc lành rất lớn, là đã ăn chay nhịn đói 40 đêm ngày.
Đây cũng là một kinh nghiệm quý báu cho các linh mục và tu sĩ: là linh mục đã long trọng tuyên bố dâng trọn cả xác hồn cho Chúa, là tu sĩ đã khấn trọn để hoàn toàn thuộc về Chúa, chúng ta vẫn luôn luôn là con mồi để cho ma quỷ cám dỗ phạm tội trong mọi lúc và trong mọi nơi.
Thánh Bênađô cảnh cáo các tu sĩ của Dòng mình:
- “Trên trần gian nầy, trong tu viện nầy, trong nội cấm nầy, các con vẫn luôn luôn có thể bị cám dỗ sa ngã phạm tội bởi vì ngay cả trên thiên đàng, vẫn có thể phạm tội.”
Thánh Bênađô muốn nhắc đến các thần dữ đã phạm tội ngay trên thiên đàng.
Chúng ta cũng thấy rằng trong vườn địa đàng đầy tràn ơn Chúa, hai ông bà tổ tiên của loài người cũng đã phạm tội chống lại Chúa. Vì thế, chúng ta phải luôn luôn khiêm nhượng bám vào Chúa. Xa rời Chúa, thế nào chúng ta cũng bị ma quỷ vồ chộp ngay.

754. Sự cầu nguyện giúp chúng ta chiến thắng ma quỷ.

Tối hôm trước khi ra trận, ông Giuđa Macabêô bồn chồn xao xuyến và quá sợ hãi. Bỗng ông thấy trời mở ra và ngôn sứ Giêrêmia từ trời xuống, cầm một cây bảo kiếm vàng. Ngôn sứ giao cây bảo kiếm vàng nầy cho ông Giuđa và nói:
- “Hãy lãnh lấy bảo kiếm thánh nầy như quà của Thiên Chúa, nhờ đó, ngươi sẽ đánh bại địch thủ.” (2M 15,16)
Và đúng như vậy: Giuđa đã thắng trận.
Cây bảo kiếm vàng vàng làm cho chúng ta thắng được những trận cám dỗ của ma quỷ, đó là sự cầu nguyện.

755. Sợ ma quỷ cám dỗ ngã lòng trông cây khi sắp chết

Thánh Antôniô thuật lại: Lúc sắp lìa cõi thế, thánh Bênađô rất lo sợ và bị cám dỗ ngã lòng trông cậy. Nhưng ngài đã suy đến Chúa Giêsu trên Thập giá thì mọi lo sợ đêu biến tan và ngài đã hết lòng cám tạ:
- “Lạy Chúa, các Dấu Thánh của Chúa đã đền thay cho con rồi và đã làm cho con được rỗi!” (Việc Rỗi Linh Hồn)

756. Cuộc đời tuy đẹp nhưng không phải luôn luôn là màu hồng.

Cuộc sống tuy đẹp nhưng không phải lúc nào cũng một màu hồng.
Đời người vô cùng phong phú đa dạng, nhưng cũng vô vàn gian nan thử thách.
Niềm vui hay nỗi buồn, chung tình hay thất ý, bằng phảng hay gập ghềnh, thành công hay thất bại, vinh hoa hay nhục nhã. .., đối với ai, cũng đều như nhau....
Beethoven có nói:
- “Ai chưa ăn bánh mì thấm nước mắt, thì chưa thể hiểu được cuộc sống là gì.”
Thế giới không đem lại niềm vui cho Beethoven, nhưng ông lại dùng nỗi đau của bản thân để tạo nên niềm vui dâng tặng thế giới.
Lịch sử nhân loại có rất nhiều vĩ nhân giống như Beethoven. Họ đều có những hoàn cảnh khó khăn trong cuộc đời, nhưng lại làm nên những chuyện chấn động đất trời. (50 Điều Quan Trọng Làm Thay Đổi Cuộc Đời Bạn)

757. Lúc nào, việc nấy. Đừng có làm một lúc nhiều việc!

Một lần, tôi (Richard Carlson) đang lái xe trên xa lộ và thấy một ông nọ vừa lái xe, vừa cạo râu, uống café và cả đọc báo nữa....
Chúng ta có hay cố làm nhiều việc cùng một lúc không nhỉ?
Chúng ta có điện thoại di động, đúng ra là để cho cuộc sống tiện nghi hơn, nhưng đôi khi nó lại làm cho cuộc sống chúng ta gặp rắc rối.
Có một hôm, vợ chồng tôi đi ăn tối ở nhà một người bạn. Cô nầy vừa nói chuyện điện thoại, vừa mở cửa đón khách, vừa kiểm tra món ăn, và vừa thay tả cho con mình (sau đó cô ta có rửa tay, dĩ nhiên)!
Rất nhiều người chúng ta có thói quen đó, như nói chuyện với một người, nhưng đầu óc lại đang nghĩ đâu đâu, hoặc làm ba bốn việc cùng một lúc.
Khi bạn làm quá nhiều việc cùng một lúc, việc tập trung vào thực tại là không thể được. Vì thế, bạn không chỉ mất đi sự vui thú khi làm việc đó, mà còn trở nên kém tập trung và ít hiệu quả hơn. (Để Có Một Tâm Hồn Đẹp)

758. Cấp trên hãy tôn trọng cấp dưới.

Cố thủ tướng Ấn Độ Indira Gandhi luôn giữ một tình bạn đúng mức với những người làm việc dưới quyền bà.
Ở ban thư ký, có lần bà lặng lẽ đi vào phòng của một nhân viên cấp thấp mà mấy ngày bà không gặp mặt, hỏi có việc gì cần bàn bạc không.
Khi cần có ý kiến với cấp dưới, bà không cử người đi gọi hay thông qua thư ký truyền đạt, mà thường tự tay viếưt một mẫu giấy nhắn tin.
Một nhà doanh nghiệp nổi tiếng Hoa Kỳ, có lần nói:
- “Bạn có thể dùng tiền mua được thời gian của một người. Bạn có thể dùng tiền khiến một người chịu ở một nơi nhất định trong một thời gian nhất định. Bạn cũng có thể dùng tiền mua được lao động của một người... Nhưng bạn không thể dùng tiền mua được sự nhiệt tình, sự chủ động, sự trung thành, sự cống hiến,. ..”
Lời nói nầy thuyết minh đầy đủ tầm quan trọng của mối quan hệ quần chúng. .., mà mấu chốt quan trọng nhất trong việc xây dựng mối quan hệ quần chúng hài hoà, là cấp trên tôn trọng cấp dưới. (Lòng Tự Tin)

759. Đừng chỉ nhận xét bên ngoài.

Có người họ Đàm Đài, tên Tử Vũ, diện mạo cao to như đấng quân tử. Khổng Tử cho rằng anh ta sẽ là người tài cán.
Còn một người nữa, tên gọi Tể Dữ, biết ăn biết nói. Khổng Tử cũng cho rằng anh ta là một người có tài.
Sau nầy, khi cả thời gian dài sống với họ, Khổng Tử mới biết hành vi của Tử Vũ và Tể Dữ, với những biểu hiện bên ngoài, hoàn toàn khác nội tâm bên trong. Trí tuệ của Tử Vũ lại không bằng thân xác anh ta, và tài học của Tể Dữ còn lâu mới bằng cái tài mồm anh ta. Cho nên Khổng Tử mới than rằng:
- “Nhìn bên ngoài mà đánh giá con người, Tử Vũ đã làm ta sai lầm. Nghe người ta nói mà đánh giá, Tể Dữ đã đem lại sai lầm cho ta.” (Phép Dùng Người)

760. Hãy rộng lượng bao dung!

Khi Viêm Thiệu tấn công Tào Tháo, đã ra lệnh cho Trần Lâm viết ba bài tố cáo.
Trần Lâm là người rất giỏi và nhạy bén trong suy tính, vì vậy trong bài viết, không chỉ xỉ vả con người của Tào Tháo, mà còn chửi cả bố đẻ và ông nội của Tào Tháo.
Lúc ấy, Tào Tháo căm giận ngùn ngụt.
Ít lâu sau, Viêm Thiệu bại trận. Trần Lâm cũng rơi vào tay của Tào Tháo. Những người bình thường thì cho rằng phen nầy Tào Tháo chắc chắn sẽ giết chết Trần Lâm để hả mối căm giận trong lòng.
Thế nhưng Tào Tháo đã không làm như vậy. Ông ta ngưỡng mộ tài hoa của Trần Lâm, nên đã không giết, mà còn gạt bỏ những hiềm khích và trọng dụng Trần Lâm.
Trần Lâm rất cảm kích trước việc làm nầy của Tào Tháo, nên sau, đã dốc lòng và hiến cho Tào Tháo không ít những kế hay.
Những người có tấm lòng bao dung, không chỉ được người khác tôn kính, mà còn rất biết cách hoá giải những mâu thuẩn một cách rất khéo léo khi phải đối mặt với chúng, từ đó, tránh được những tổn thất. (Chi Tiết Nhỏ - Thành Công Lớn)
 
Mười tư tưởng đơn sơ về Nhân Bản và Đạo Đức mỗi tuần
LM Nguyễn Vinh Gioang
13:01 28/02/2009
Mười tư tưởng đơn sơ về Nhân Bản và Đạo Đức mỗi tuần (72)

711. Cuộc khẩu chiến về Lời Chúa trong Thánh Kinh

Đây là một cuộc khẩu chiến về Lời Chúa trong Thánh Kinh, xảy ra tại sa mạc giữa Chúa Giêsu và ma quỷ.
Hai bên đều trưng Lời Chúa: ma quỷ trưng Thánh vịnh 91,.... Chúa Giêsu trưng Đệ Nhị Luật,...
Hai bên đều tìm cách cắt nghĩa Lời Chúa theo ý mình và muổn thực hiện Lời Chúa theo ý mình. Nhưng ý của ma quỷ là ý kiêu ngạo, ý huyênh hoang. Còn ý của Chúa Giêsu là ý khiêm nhượng.
Kiêu ngạo khi nghe Lời Chúa, chúng ta thuộc thành phần ma quỷ, thành phần của những kẻ lạc đạo, rối đạo, chống đạo.
Khi nghe Lời Chúa với lòng khiêm nhượng, chúng ta mới thật sự là những môn đệ của Chúa.

712. Sự Chúa Giêsu bị cám dỗ đem lại niềm an ủi cho chúng ta.

Chúng ta là cái đích để cho ma quỷ cám dỗ.
Bị đuổi ra khỏi thiên đàng, các thần dữ, tức là ma quỷ, rất căm thù Thiên Chúa, nhưng không thể nào làm gì được, nên chúng chĩa tất cả khí giới hận thù ghen ghét điên loạn của chúng vào loài người chúng ta. Lý do là vì ma quỷ biết loài người chúng ta được Thiên Chúa dựng nên giống hình ảnh Ngài, và sau nầy, sẽ được Ngài cho về thiên đàng chiếm chỗ của chúng.
Ma quỷ cám dỗ loài người chúng ta trong mọi sự, trong mọi nơi, trong mọi lúc, trong mọi hoàn cảnh.
Chúa Giêsu là Đấng vô cùng thánh thiện, vô cùng đáng yêu, vô tội mọi đàng, thế mà vẫn phải chịu ê chề cám dỗ. Bởi thế, khi thấy Chúa Giêsu cũng chịu cám dỗ như chúng ta, chúng ta cảm thấy mình được an ủi lớn lao.

713. Sự Chúa Giêsu bị cám dỗ làm cho chúng ta yêu mến Ngài hơn.

Chúa Giêsu biết cảm thương những nỗi yếu hèn của chúng ta, nên trái tim Ngài luôn luôn mở rộng để yêu thương và tha thứ mọi khuyết điểm, mọi lỡ lầm, mọi tội lỗi của chúng ta. Vì thế, khi thấy Chúa Giêsu chịu cám dỗ, chúng ta có thiện cảm với Ngài, chúng ta thấy lòng mình muốn yêu mến Ngài hơn.

714. Sự Chúa Giêsu bị cám dỗ làm cho chúng ta càng thêm tin tưởng vào Ngài.

Vì thấy Chúa Giêsu cũng đả trải qua nhiều cơn cám dỗ thử thách, nên chúng ta tin tưởng rằng Ngài có thể cứu giúp chúng ta trong những lúc chúng ta bị cám dỗ thử thách: “Vì bản thân Người đã trải qua thử thách và đau khổ, nên Người có thể cứu giúp những ai bị thử thách” (Dt 2,18).
Ai đã từng chịu đau khổ, mới yêu thương những người khổ đau.
Ai đã từng nếm những cảnh khổ cực, mới yêu thương những người cực khổ.

715. Sự Chúa Giêsu bị cám dỗ có thể đem lại phần thưởng cho chúng ta.

Sự Chúa Giêsu bị cám dỗ, bị đau khổ - và Chúa Giêsu vẫn tiếp tục bị như vậy trong Giáo Hội của Ngài cho đến tận thế - là một điều lợi cho chúng ta vì chúng ta được Ngài thưởng khi thấy chúng ta vẫn theo Ngài trong khi Ngài bị thử thách như vậy trong Giáo Hội: “Còn các con, các con vẫn một lòng gắn bó với Thầy, giữa những lúc Thầy gặp thử thách gian nan. Vì thế, Thầy sẽ trao Vương Quốc cho các con, như Cha Thầy đã trao cho Thầy.” (Lc 22,28-29)

716. Hãy làm việc để khỏi lo lắng buồn phiền!

... Khi tôi (Tromper Longmay) trở lại Nữu Ước, cái gì cũng làm cho tôi lo: lo về số trái cây mua ở Ý, mua ở Hawai, và trăm ngàn thứ nữa.
Tôi nhăn nhó, càu nhàu, mất ngủ, và... tôi muốn loạn óc.
Trong khi thất vọng, tôi quyết định một lối sống mới, nhờ đó mà ngủ được và hết lo.
Tôi kiếm việc làm. Tôi cặm cụi vào những việc nào choán hết tâm trí tôi, đến nỗi tôi không còn thời giờ lo buồn nữa.
Trước kia, tôi làm việc bảy giờ một ngày. Bây giờ, một ngày, tôi làm 15,16 giờ. Tôi nhận những phận sự, trách nhiệm mới. Nửa đêm về nhà, tôi mệt mỏi đến nỗi vừa lăn xuống giường được vài giây, đã thiếp đi rồi.
Tôi theo đúng chương trình nầy trong khoảng ba tháng, thành thử tôi đã bỏ được tật hay lo. Sau đó, trở lại làm việc bảy tám giờ như đời sống cũ.
Chuyện đó xảy ra 18 năm trước. Từ đó đến nay, không bao giờ tôi lo lắng hoặc mất ngủ nữa.
Ông Bernard Shaw có lý. Ông tóm tắt hết những điều đó trong câu nầy:
- “Có muốn khốn khổ thì cứ phí công tự hỏi xem mình sướng hay khổ.”
Vậy bạn đừng bao giờ phí công nghĩ đến điều đó nhé!
Xăn tay lên và làm việc. Máu bạn sẽ lưu thông, óc bạn sẽ hoạt động, và chẳng lâu đâu, sự dồi dào của nhựa sống chạy khắp cơ thể bạn, sẽ đuổi ưu phiền ra khỏi đầu óc bạn ngay.
Kiếm việc ra làm! Đừng ngồi không! Đó là phương thức rẻ nhất ở đời – mà cũng thần hiệu nhất nữa.
Vậy muốn trừ tật lo lắng, xin bạn theo nguyên tắc thứ nhất nầy: “Đừng ngồi không. Hễ lo lắng thì hãy cặm cụi làm việc đi, để khỏi bị chết vì thất vọng.” (Quẳng Gánh Lo Đi và Vui Sống)

717. Thất bại? Hãy thử làm lại một lần nữa!

Những người thành công biết rằng không có điều gì xảy ra chính xác như kế hoạch. Bất kể bạn làm việc vất vả hay chăm chỉ như thế nào, sớm hay muộn, bạn cũng phải đối diện với thực tế là có ngày bạn sẽ thất bại.
Không phải lúc nào bạn cũng ký được một hợp đồng. Không phải trò chơi nào, bạn cũng thắng. Không phải lúc nào bạn cũng có được cái mình muốn.
Trên đường đời, khi đối mặt với hiểm nguy và thử thách, bạn có thể mắc sai lầm. Thậm chí, bạn có thể thất bại một, hai lần gì đó. Nhưng bạn không nên đắm chìm trong nỗi luyến tiếc.
Bạn cũng đừng tìm ai để gục đầu lên vai họ mà khóc. Mà ngược lại, bạn phải chấp nhận sự thất bại đó.
Hãy xét xem đã có những gì xảy ra. Hay bạn có thể làm được gì khác trong lần tới.
Hãy thử làm lại một lần nữa! (Vì Sao Bạn Vẫn Chưa Thành Công?)

718. Muốn thành công, phải biết mạo hiểm.

Nếu bạn lúc nào cũng sợ hải và chọn lấy cho mình phương án an toàn nhất, thì bạn khó có thể mang lại cho mình những cơ hội mới mẻ để khám phá con đường thành công của chính mình.
Để phát huy hết tiềm lực của bản thân, bạn phải có được một thái độ sẵn sàng chịu trách nhiệm trước mọi quyết định của mình, một khi bạn đã quyết tâm dấn thân vào mạo hiểm.
Bạn có thể giảm thiểu mức độ rủi ro xuống bằng cách tuân theo 3 bước sau đây: chuẩn bị kỹ càng / lên kế hoạch chi tiết / và tin tưởng vào quyết định của mình.
Việc cân nhắc, suy nghĩ thận trọng thấu đáo, có niềm tin vào chính mình, làm việc một cách khoa học, cộng với một chút ít máu mạo hiểm, đồng nghĩa với việc bạn đang đặt những viên đá kiên cố, vững chắc, xếp chồng lên nhau, nâng từng bước bạn vươn tới thành công.
Khi nắm lấy một cơ hội, khả năng xấu nhất có thể xảy ra, là thất bại. Tuy nhiên, đôi khi thất bại lại mở ra cho ta một cơ hội mới, và như thế, có nghĩa là bạn đã tạo cho mình một khả năng thành công khác.
Nếu không dám đi bước đi đầu tiên mạo hiểm ấy, bạn sẽ không bao giờ biết được chuyện gì có thể sẽ xảy ra! (Thay Thái Độ - Đổi Cuộc Đời)

719. Kiên trì đòi nổ lực hết mình.

Frank Tyger nhận xét:
- “Mọi chiến thắng đều đòi hỏi rất nhiều cố gắng.”
Nhưng kiên trì có nghĩa hơn việc cố gắng. Nó cũng có nghĩa hơn sự chăm chỉ.
Kiên trì là một sự đầu tư. Nó buộc bản thân phải đầu tư cảm xúc, trí tuệ, thể lực và tinh thần vào một ý tưởng hoặc nhiệm vụ cho đến khi chúng được hoàn tất.
Kiên trì đòi hỏi rất nhiều, và kết quả là: mọi thứ bạn cho đi, là sự đầu tư vào chính bạn. (Tài Năng Thôi – Chưa Đủ)

720. Vì chưa thực sự tìm hiểu nhau, nên cứ ác cảm với nhau hoài.

Có một bài thơ tứ tuyệt viết trên tường Đại Học Oxford rằng:
“Đốc tờ Fell, tôi chẳng quý ông!
Đừng hỏi tại sao, không nói được!
Có một điều nầy rất thật mà thôi:
Đốc tờ Fell, tôi chẳng quý ông!”
Bài thơ thật tế nhị: tác giả không thích bác sĩ Fell và không biết tại sao như vậy. Chỉ biết là mình không thích ông ta, thế thôi.
Quả là một sự ác cảm, khó hiểu vì bác sĩ Fell là một người tốt, rất tốt là khác.
Có lẽ tác giả tiếp xúc và tìm hiểu bác sĩ nhiều hơn, thì hẳn phải có cảm tình với ông nầy. Nhưng sự thật là bác sĩ nầy chưa bao giờ tiếp xúc với tác giả bài thơ đó cả.
Suy rộng thì ở đời, tại vì ta thiếu sự tiếp xúc, thông cảm lẫn nhau, chưa thực sự tìm hiểu nhau, nên cứ ác cảm với nhau hoài. (Tư Tưởng Tích Cực - Một Sức Mạnh Diệu Kỳ)
 
Giáo dục kitô giáo và công cuộc đào tạo các kitô hữu
+ ĐHY G.B. Phạm Minh Mẫn
13:05 28/02/2009
Lời Chủ Chăn tháng 3.2009

Kính gởi anh em linh mục, anh chị em tu sĩ, giáo dân, đặc biệt anh chị em đảm trách công cuộc đào tạo, huấn luyện các kitô hữu trong cộng đoàn tu cũng như cộng đoàn giáo xứ, trong các đoàn thể tông đồ giáo dân, các hiệp hội công giáo tiến hành, các giới công giáo, các phong trào đạo đức, các nhóm học hỏi Lời Chúa và cầu nguyện.

Giáo Hội xác định công cuộc giáo dục kitô giáo hôm nay cần bao gồm mọi phương diện nhân bản, tâm linh và tri thức, đồng thời cần qui hướng về "điểm tới" là mục vụ. Hy vọng cách trình bày mang chiều kích kitô và mang tính mục vụ sau đây khai mở cho giới hữu trách cập nhật cách trình bày của mình cho phù hợp với tâm thức hôm nay.
+ ĐHY Gioan B. Phạm Minh Mẫn

Giáo dục kitô giáo và công cuộc đào tạo các kitô hữu

Giáo dục kitô giáo có nhiệm vụ khai mở cho mọi kitô hữu thuộc mọi thành phần và mọi lứa tuổi trong Giáo Hội, con đường bước theo Chúa Kitô, để sống ơn bí tích Thánh Tẩy là ơn trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài là hiện thân Tình Yêu của Cha trên trời. Từ chuyên môn gọi con đường đó là linh đạo kitô giáo. Linh đạo kitô giáo là con đường bước theo Chúa Kitô trên con đường Ngài đã đi qua. Con đường Chúa Kitô đã đi qua là con đường tình yêu cứu độ. Con đường tình yêu cứu độ của Chúa Kitô được gọi là Mầu Nhiệm Chúa Cứu Độ. Giáo dục kitô giáo là tạo khả năng và thuận lợi cho người kitô hữu sống Mầu Nhiệm Chúa Cứu Độ qua ba giai đoạn sau đây:

1. Sống mầu nhiệm Nhập Thể của Đức Kitô. Đó là bước theo Con Chúa làm người để sống đạo làm con Chúa trong trời đất, sống đạo làm người trong thiên hạ. Đạo đó là đạo yêu thương và phục vụ cho Tin Mừng cứu độ, mở đường cho sự sống chân thật và tròn đầy, dồi dào và vững bền, đến trong cuộc đời của mọi người là con một Cha, là anh em một nhà. Đây là giai đoạn KHAI TÂM vào đời sống kitô hữu là đời sống yêu thương và phục vu.

2. Sống mầu nhiệm Thập Giá của Đức Kitô. Đó là chết đi cho con người cũ, khắc phục và vượt thắng những trở ngại là sự dữ và tội lỗi, những tiêu cực và tệ nạn xã hội...Chết đi vì yêu. Vượt thắng nhờ sức mạnh của Tình Yêu. Đây là giai đoạn nhờ ngọn lửa Tin Yêu và Hy Vọng THANH LUYỆN khỏi mọi tội lỗi và sự dữ, nhờ dòng sông tình thương giúp vượt qua những thác gềnh của lòng tham sân si và tính đối kháng nội tại đối với những gì trái ý mình.

3. Sống mầu nhiệm Phục Sinh của Đức Kitô. Đó là làm cho con người mới ngày càng lớn lên theo hình mẫu Đức Kitô là Đấng luôn theo sự soi dẫn và thúc đẩy của Chúa Thánh Thần để tìm và thi hành ý Cha trên trời, để trở nên men muối và ánh sáng Tin Mừng cứu độ, Tin Mừng sự sống, Tin Mừng tình thương, ở giữa xã hội loài người. Đây là giai đoạn CHIẾU SÁNG, toả sáng niềm tin yêu và hy vọng kitô giáo trong môi trường sinh sống hằng ngày.

4. Sống mầu nhiệm Phục Sinh còn là tham gia công trình cứu độ của Chúa Kitô là cùng với Chúa Thánh Thần thực hiện kế hoạch cứu độ của Chúa Cha là làm cho Nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Đây là giai đoạn KẾT HIỆP với Thiên Chúa nhất thể tam vị, từ tâm tư đến thái độ và hành vi yêu thương.

. Góp phần làm cho Nước Cha trị đến, có nghĩa là cùng với sức mạnh của Thánh Thần và cộng đồng dân Chúa, đồng thời theo thông điệp Tin Mừng cùng đường lối yêu thương của Đức Giêsu Kitô, chung sức kiến tạo một trời mới đất mới, nơi đó ngự trị chân lý và công lý, hiệp nhất và an bình, tình yêu thương chân thật và khiêm tốn phục vụ cho sự sống dồi dào của cộng dồng dân tộc cũng như của cộng đồng thế giới hôm nay.

. Góp phần làm cho ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời, có nghĩa là cùng với mọi thành phần trong Giáo Hội, nỗ lực phát huy trong đời sống gia đình và xã hội, những giá trị Tin Mừng Chúa Kitô, đồng thời cùng với mọi người anh em đồng bào và đồng loại chung sức kiến tạo nền văn hoá sự sống và văn minh tình thương trong bối cảnh xã hội còn nhiều bất cập và tiêu cực, gian dối và bất công, hận thù và bạo lực, phân rã và tan vỡ...

Thay lời kết. Giáo dục kitô giáo có nhiệm vụ tạo khả năng và thuận lợi cho người kitô hữu sống hồng ân bí tích Thánh Tẩy là hồng ân làm con Cha trên trời, trở nên chi thể của Chúa Kitô và đền thờ của Chúa Thánh Thần, là hồng ân đồng thời cũng là trách nhiệm tham gia vào đời sống hiệp thông cũng như sứ vụ yêu thương và phục vụ của Giáo Hội, nhằm đồng hành cùng cộng đồng dân Chúa cũng như cộng đồng dân tộc vượt qua nhiều trở ngại (những bất cập và sai trái, những tiêu cực và tệ nạn, tội lỗi và sự dữ...), và tiến bước đi đến sự sống mới, sự sống dồi dào, sự sống trong yêu thương và an bình, của Chúa Kitô Phục Sinh.
 
Trong khủng hoảng
LM. Đaminh Nguyễn Ngọc Long
15:49 28/02/2009
Trong khủng hoảng

Từ những tháng ngày năm 2008 tới hôm nay cuộc khủng hoảng tài chính kéo theo hệ lụy khủng hoảng kinh tế đang lan rộng khắp nơi trên thế giới. Chính phủ, Quốc Hội các quốc gia đang nỗ lực tìm phương cách cứu nguy nền tài chính kinh tế sao cho thoát khỏi cảnh suy xụp. Khủng hoảng này tạo ra ảnh hưởng sâu rộng thành mối lo lắng thời sự hàng đầu của mọi người, của mọi người về công ăn việc làm nuôi sống gia đình.

Trong đời sống Giáo Hội Công giáo cũng có những khủng hoảng đang diễn ra từ giữa lòng giáo đô Vatican tới những Giáo phận, cùng các xứ đạo. Mối lo lắng về cung cách sống đức tin vào Thiên Chúa, vào con người, vào những gía trị đạo đức ngày càng phai nhạt xuống dốc, như việc trễ nải lãnh nhận các Bí tích, tình trạng thiếu Linh mục, thiếu vắng ơn kêu gọi sống đời tu trì bên Âu Châu, bên Mỹ Châu, tình trạng ly dị gia đình đổ vỡ, tình trạng phá thai coi thường sự sống, tình trạng nam nữ sống chung không hôn phối, tình trạng tương đối hóa mọi gía trị trong đời sống, tình trạng không còn phân biệt tình yêu ơn cứu độ của Thiên Chúa là trung tâm đời sống đức tin, nhưng lại lấy những hào nhoáng hấp dẫn bề ngoài làm chính áp dụng vào cung cách sống đức tin…

Nơi cá nhân đời sống mỗi người đều có những khủng hoảng hằng xảy ra. Đó là những cám dỗ ngay trong đời sống về tiền bạc, về tình dục và về danh vọng quyền lực chức quyền.

Trong khủng hoảng như thế chúng ta thắc mắc: Phải làm gì đây? Phải đối diện với khủng hoảng như thế nào cho đúng, để mong thoát khỏi đó?

Câu trả lời cho thắc mắc về vấn đề này, như một công thức hay một toa thuốc chữa bệnh, hầu như không có sẵn, nhưng phải đi tìm kiếm xây dựng thôi.

Trong Phúc âm thuật lại, Chúa Giêsu sau thời gian sống lớn lên thành người trưởng thành bắt đầu đời sống công khai đi giảng đạo cũng gặp những căng thẳng trong xã hội thời điểm lúc đó.

Đất nước Do Thái thời Chúa Giêsu sống trong hoàn cảnh bị người Rôma đô hộ. Vì thế có những nhóm người muốn làm sao thay đổi đời sống xã hội thoát khỏi cảnh đô hộ. Hàng tư tế thời đó chỉ muốn đưa ra cung cách duy trì nếp sống đạo bảo thủ truyền thống xưa nay theo nghĩa chữ đã viết thành văn bản Kinh Thánh. Đời sống con người lúc đó, nhất là phía người nghèo, giới phụ nữ cùng trẻ con bị coi thường.

Nhìn hiểu những căng thẳng, những khủng hoảng đó, Chúa Giêsu không đưa ra một lời hô hào hay công thức nào. Trái lại người lui vào sa mạc nơi yên tĩnh vắng vẻ, sống suy nghĩ cầu nguyện tìm cho mình một con đường sống.

Những ồn ào náo động, cùng những phản ứng làm theo cảm tính, rất nhiều khi không mang lại hiệu qủa tích cực nào. Trái lại có khi còn tạo thêm bối rối lo lắng khủng hoảng nữa. Trong đời sống, một người mẹ đang thời kỳ mang thai nhi trong cung lòng, chỉ có được sức khoẻ cùng niềm vui hạnh phúc cho cả mẹ lẫn thai nhi, nếu có đời sống bình an yên tĩnh.

Sống trong sa mạc gần gũi thiên nhiên, Chúa Giêsu học hỏi và thực hành sao cho đời sống không chỉ thân xác mà còn cả tinh thần được khoẻ mạnh phong phú thêm. Ngài sống gần gũi thiên nhiên nhìn thấy những thú vật hoang dã sức lực mạnh mẽ dẻo dai. Hình ảnh này giúp phấn chấn tinh thần rất nhiều ăn sâu vào tận tâm hồn đời sống.

Hình ảnh những con thú vật hoang dã cũng vẽ nói lên hình ảnh đời sống sâu thẳm nơi tâm hồn mỗi người có những sức lực mạnh mẽ hoang dã cần phải được cảm hóa uốn nắn cho thuần thục thành nề nếp có văn hóa cùng đạo đức.

Chúa Giêsu vào sống trong sa mạc hoang dã không phải chỉ một mình, nhưng còn có sức lực phù giúp từ Trời cao của Thiên Chúa xuống nữa.

Là con người với những giới hạn về mọi mặt, chúng ta không thể nào chỉ cậy vào sức lực khả năng của riêng mình được. Những khi đời sống lâm vào đường cùng hầu như tới lúc tận cùng, lại là lúc một nguồn sức năng lực đổ vào tâm hồn tinh thần, khiến tâm trí bừng tỉnh chỗi dậy hăng hái làm việc, đầy sức năng động sáng tạo. Nguồn sức lực đó không do chính mình cũng không do ai đó mang đến, mà được ban cho tận trong thâm tâm trí khôn lan tỏa chiếu ra. Nó vô hình, vô âm thanh mầu sắc, không có tiếng nói chữ viết. Nhưng lại cuộn trào như sóng nước dâng lên trong tâm hồn thân xác.

Chúa Giêsu lui vào sống trong sa mạc yên tĩnh đã khám phá ra nguồn năng lực sức sống cho con đường sống của mình vừa là một Tiên Tri vừa là Đấng Cứu Thế: "Thời giờ đã mãn, và nước Thiên Chúa đã gần đến; anh em hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng".

Ngày nay các Chính phủ, các Tổ hợp kinh tế công ty, các Hội đoàn… thường hay dành thơì giờ đi đến một nơi riêng không bị ồn ào ảnh hưởng, cùng nhau hội họp tìm cách suy nghĩ cho chương trình dự định sắp tới sao cho có hiệu qủa tích cực tốt đẹp.

Mùa chay hằng năm Giáo Hội mời gọi mọi tín hữu Chúa Kitô dành thời giờ suy nghĩ về đời sống đức tin của mình với Thiên Chúa, với người khác và với cả chính sự sống tận trong tâm hồn của riêng mình nữa.

Thời gian suy nghĩ cũng chính là thời gian cơ hội học hỏi cho đời sống thêm phong phú, nhất là đời sống tinh thần được bồi dưỡng thêm văn hóa đạo đức.

Đời sống là một trường học. Con người, ai cũng phải học hỏi mãi để xây dựng đời sống làm người.
 
Tình Yêu Tận Hiến
LM. Anphong Trần Đức Phương
15:53 28/02/2009

Tình Yêu Tận Hiến



(CHÚA NHẬT II MÙA CHAY, NĂM B)

Chúng ta đã bước sang Chúa Nhật II Mùa Chay.Trong Chúa Nhật II Mùa Chay, bài Phúc Âm cả ba chu kỳ năm A (Matthêu 17: 1-9), năm B (Matcô 9: 2-10), và năm C (Luca 9:28-36) đều nói đến việc Chúa Giêsu dẫn ba môn đệ thân tín là Phêrô, Giacôbê và Gioan lên núi cao cầu nguyện và Ngài ‘biến hình’ trước mặt các ông. Tuy có một vài chi tiết nhỏ khác nhau, nhưng cả ba Thánh Sử đều ghi lại ‘dung nhan Chúa Giêsu biến đổi, sáng láng, áo Ngài trắng tinh tuyền…’; rồi các ông cảm thấy thật hạnh phúc và muốn ‘dựng lều’ để ở lại trên đó luôn. Đặc biệt cả ba Thánh Sử đều ghi lại lời Chúa Cha nói: “Này là Con ta yêu dấu!...” Đây cũng là lời Chúa Cha nói về Chúa Giêsu sau khi Chúa Giêsu chịu Phép rửa của Thánh Gioan Tẩy Giả (Matthêu 3:17). Lời này nhắc đến Thánh vịnh 2,7 “Con là Con Cha, hôm nay Cha đã sinh ra Con!” và lời tiên tri Isaia “Đây là tôi tớ Cha, Ta hài lòng về Người” (Isaia 42:1).

Bài Đọc I trong cả năm A, năm B và năm C đều nói về tổ phụ Abraham. Ông Abraham đã được coi như người Cha của những người có lòng tin nơi Chúa (The Father of Believers). Ông đã tin tưởng tuyệt đối nơi Chúa là Đấng đã gọi ông và ông đã vâng theo lời Chúa, từ bỏ quê hương của mình là đất Ur và ra đi đến nơi Chúa chỉ cho ông là đất Palestine (Năm A: Sáng Thế 12: 1-4). Thiên Chúa đã ký kết với ông một giao ước cho dòng dõi của ông tồn tại và phát triển và được hưởng phần đất Palestine làm gia nghiệp (Năm C: Sáng Thế 15: 5-12, 17-18). Abraham đã thấy rõ tình yêu thiên Chúa đối với ông. Ông luôn luôn tin tưởng nơi Chúa và chấp nhận mọi thử thách, gian nan trong cuộc sống theo Thánh ý Chúa. Cả khi Chúa thử thách ông và bảo ông hy sinh người con trai duy nhất của ông là Isaac cho Chúa, ông đã sẵn sàng ngay (Năm B: Sáng Thế 22: 1-2,9,10-13,15-18). Dù Isaac không bị giết, nhưng tấm lòng của Abraham đã chứng tỏ niềm tin và tình yêu tuyệt đối của ông đối với Chúa, sẵn sàng hy sinh tất cả để đáp trả tình yêu Chúa.

Bài Đọc II (Roma 8: 31-34) nhắc đến tình yêu muôn đời của Thiên Chúa đối với chúng ta; đã tạo dựng chúng ta “theo hình ảnh Chúa”, cho chúng ta vượt xa mọi loài thụ tạo, chúng ta có xác, và cũng có hồn thiêng, được chung hưởng cuộc sống đời đời với Chúa. Hơn nữa, cũng vì yêu thương chúng ta, ‘Thiên Chúa đã hy sinh chính Con một yêu dấu của Ngài để hy sinh đền vì tội lỗi chúng ta!”

“Tình yêu đáp trả tình yêu!”

Mùa Chay là thời gian ‘thuận tiện’ để chúng ta suy gẫm về tình yêu Chúa đối với nhân loại và mỗi người chúng ta. Chúng ta đã làm gì để đáp trả lại tình yêu của Chúa đối với chúng ta. Chúng ta có dám hy sinh tất cả DANH, LỢI, THÚ để sống trọn vẹn cho Chúa, để hoàn toàn tận hiến cho Chúa, dám cùng chết đi với Chúa theo tính xác thịt của chúng ta, từ bỏ tính hư nết xấu, chết đi thật cho tội lỗi để có thể sống lại thật với Chúa trong Mùa Phục Sinh.

Cuộc đời là một thử thách không ngừng qua các lỡ làng, đau khổ hàng ngày, mà bản tính con người lại thích an hưởng, thích ‘dừng lại’ và ‘dựng lều’; nhưng thử thách cứ luôn xảy ra, và mỗi người chúng ta đều “phải chịu nhiều gian khổ mới được vào nước Thiên Chúa!” (Công Vụ Tông Đồ 14,22). Chính Thánh Phêrô cũng muốn ‘dựng lều’ để hưởng hạnh phúc êm đềm khi Chúa ‘biến hình’; nhưng không được, Thày trò phải ‘xuống núi’, phải đối diện với thực tế, với bao gian truân vất vả trên đường truyền giáo, rồi cũng phải chịu khó khăn và chịu chết.

Xin cho chúng ta luôn biết nhìn lên Thập Giá của Chúa, để can đảm “bỏ mình đi, vác thánh giá hàng ngày theo chân Chúa” (Matcô 8, 34…) đến đỉnh núi Gôn-gô-ta, và chấp nhận thử thách cuối cùng là cái chết, ‘chịu táng trong mồ’, để có thể ‘được sống lại và lên trời vinh hiển’, hưởng hạnh phúc đời đời với Mẹ Maria, các Thiên Thần và các Thánh.
 
5 Phút Một Tuần với Thánh Phaolô: Bài 3 - Thánh Phaolô và Gia Sản Do Thái của Ngài
Phaolô Phạm Xuân Khôi
18:31 28/02/2009
Mặc dù tình yêu mãnh liệt của Thánh Phaolô đối với Chúa Giêsu trở thành động lực mạnh nhất trong đời ngài, nhưng không có nghĩa là Thánh Tông Đồ không còn nhìn đến căn tính Do Thái của mình. Đức Tin Do Thái sâu xa và việc ngài được đào luyện trong giáo huấn và đạo đức của đạo Do Thái không bao giờ rời xa ngài. Kiến thức và tình yêu của ngài đối với Thánh Kinh, niềm xác tín của ngài về Thiên Chúa, về bản tính nhân loại, và việc tạo dựng, lòng yêu mến của ngài đối với Giêrusalem như trung tâm của đời sống tôn giáo của người Do Thái, và trên hết, tình yêu đối với dân của ngài vẫn mạnh mẽ trong Thánh Phaolô.

Như đối với hầu hết các Kitô hữu thời Hội Thánh sơ khai, là những người Do Thái, Thánh Phaolô đã không nghĩ rằng đi theo Chúa Giêsu có nghĩa là phải từ bỏ đức tin Do Thái của ngài, nhưng là thăng tiến hoàn toàn đức tin ấy. Mặc dù Thánh Phaolô tin rằng Thiên Chúa đã gọi ngài một cách đặc biệt để đem Tin Mừng đến cho Dân Ngoại, và ngay cả khi Thánh Phaolô dũng cảm bảo vệ quyền của Dân Ngoại được hoàn toàn trở thành Kitô hữu mà không phải thực hành đạo Do Thái, tình yêu và lòng kính trọng của Thánh Phaolô đối với đức tin Do Thái vẫn cỏn nguyên vẹn.

Một trong những ví dụ rõ ràng nhất về điều này được tìm thấy trong Thư của Thánh Phaolô gửi tín hữu Rôma. Thánh Phaolô chưa đến Rôma và cũng không có trách nhiệm trong việc thành lập cộng đồng Kitô hữu ở đó. Trong khi sửa soạn để kéo dài cuộc truyền giáo của ngài đến Rôma và sau đó đến Tây Ban Nha, Thánh Phaolô viết cho các tín hữu tại Rôma bức thư bao quát nhất và phát triển nhất về thần học của ngài. Mục đích của ngài là để giải thích quan điểm của mình về Đức Tin Kitô giáo, nhưng cũng để giữ gìn sự hợp nhất giữa những tín hữu gốc Do Thái và gốc Dân Ngoại, là những thành phần của cộng đoàn căn bản nảy. Trong chương 9 đến 11 Thánh Phaolô đi đến trọng tâm của luận đề. Trong một đoạn cảm động và thẳng thắn, Thánh Phaolô cho thấy tình yêu sâu đậm ngài dành cho dân ngài và sự buồn rầu của ngài vì họ chưa chấp nhận Tin Mừng của Chúa Giêsu: “Tôi nói sự thật trong Ðức Kitô, tôi không nói dối; lương tâm tôi cũng làm chứng cho tôi trong Chúa Thánh Thần, rằng tôi rất đau sót và không ngừng sầu khổ trong tâm hồn. Vì tôi ao ước rằng chính tôi bị nguyền rủa và xa lìa Ðức Kitô vì anh em của tôi, là bà con của tôi theo huyết thống. Họ là người Israel, và quyền làm dưỡng tử, vinh dự, giao ước, việc ban bố Lề Luật, phụng tự và các lời hứa là của họ; các tổ phụ là của họ, và chính Ðức Kitô, xét theo huyết thống, cũng đồng chủng với họ” (Rom 9:1-5).

Trong Chương sau đó, Thánh Phaolô bàn về mầu nhiệm của sự quan phòng của Thiên Chúa. Ngài đề nghị rằng việc trở lại của Dân Ngoại chỉ là mở đầu cho việc gia nhập của chính dân Israel. Cho nên Dân Ngoại không nên tự hào, nhưng phải ý thức rằng đó chỉ là những hành động mở đầu. Một trong những xác tín chính hướng dẫn tư tưởng của Thánh Phaolô là việc cho rằng “hồng ần và ơn kêu gọi của Thiên Chúa không thể thu hồi được” (11:29). Cho nên Thiên Chúa không bao giờ bỏ dân Israel và Giao Ước của Ngài với Dân Ngài vẫn còn có giá trị; chỉ đến ngày tận thế, Thiên Chúa sẽ giải quyết mọi bí nhiệm và kết hợp dân Do Thái với Đấng Kitô của họ.

CÁCH THỰC HÀNH TẠI GIA


Điểm để bàn luận: Giáo huấn của Thánh Phaolô trong Thư Rôma 9 đến 11 đã ảnh hưởng lớn đến thái độ của người Công Giáo đương thời đối với dân Do Thái, và được phản ảnh trong tài liệu tiên phong của Công Đồng Vaticanô II, Nostra Aetate, là tài liệu thôi thúc các Kitô hữu kính trọng thực tại sống động của Do Thái giáo, và từ bỏ những thái độ kỳ thị người Do Thái. Các Đức Thánh Cha gần đây từ Đức Thánh Cha Gioan XXIII cho đến Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đều đã nhấn mạnh đến nhu cầu cần phải đề cao giá trị của gốc Do Thái của Kitô Giáo và kêu gọi chúng ta thành kính đối thoại vớ dân Do Thái tới nay. Tôi đã tỏ ra lòng tôn trọng gốc Do Thái của chúng ta và dân Do Thái chưa?

LM Donald Senior, C.P.

Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ từ: http://webelieveweb.com/catechist_development.cfm?cd_view=169

------------------------------------------------------------------------------

Cha Donald Senior, C.P. là Viện Trưởng Viện Đại Học Catholic Theological Union ở Chicago, đồng thới cũng là Giáo Sư về Tân Ước. Ngài thuộc dòng Passionist và thụ phong LM năm 1967. Ngài có bằng Tiến Sĩ về Tân Ước tại Đại Học Louvain, nuớc Bỉ, năm 1972. Năm 2001, ĐTC Gioan Phaolô II chỉ định ngài làm thành viên Ủy Ban Giáo Hoàng về Thánh Kinh, và ĐTC Bênêđictô XVI tái chỉ định ngài năm 2006. Bản Tiếng Anh của bài này được đăng trên webelieveweb.com.
 
Ba chước cám dỗ
+GM. Bùi Tuần
23:26 28/02/2009
BA CHƯỚC CÁM DỖ

Đời tôi là một cuộc chiến đấu triền miên. Chiến đấu vì nhiều mục đích. Mục đích quan trọng nhất là để chọn lựa những gì Chúa muốn.

Những gì Chúa muốn tôi chọn trên đường làm chứng cho Chúa không luôn dễ dàng. Những gì Chúa muốn tôi chọn trên đường truyền giáo càng không luôn nhẹ nhàng.

Chuyện Chúa Giêsu bị cám dỗ trong hoang địa là một khuyến cáo.

1/ Gương Chúa Giêsu

Phúc Âm thánh Luca viết: "Đức Giêsu được đầy Thánh thần, từ sông Giođan trở về, được Thánh thần dẫn đi trong hoang địa bốn mươi ngày, chịu quỷ cám dỗ. Trong những ngày ấy, Người không ăn gì cả. Hết thời gian đó, Người thấy đói. Bấy giờ quỷ nói với Người: 'Nếu ông là Con Thiên Chúa thì truyền cho hòn đá này hoá bánh'. Nhưng Đức Giêsu đáp lại: 'Đã có lời chép rằng: Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh'.

"Sau đó, quỷ đem Đức Giêsu lên cao, và trong giây lát, nó chỉ cho Người thấy tất cả các nước thiên hạ. Rồi nó nói với Người: 'Tôi sẽ cho ông toàn quyền cai trị cùng với vinh quang lợi lộc các nước này, vì quyền hành ấy đã được trao cho tôi, và tôi muốn cho ai tuỳ ý. Vậy nếu ông bái lạy tôi, thì tất cả sẽ thuộc về ông'. Đức Giêsu đáp lại: 'Đã có lời chép rằng: Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi'.

"Quỷ đem Đức Giêsu đến Giêrusalem, và đặt Người trên nóc đền thờ, rồi nói với Người: 'Nếu ông là Con Thiên Chúa thì đứng dậy mà nhảy xuống đi. Vì đã có lời chép rằng: Thiên Chúa sẽ truyền cho thiên sứ gìn giữ bạn'; Lại còn chép rằng: 'Thiên sứ sẽ ra tay đỡ nâng, cho bạn khỏi vấp chân vào đá'. Bấy giờ Đức Giêsu đáp lại: 'Đã có lời rằng: Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi'.

"Sau khi đã xoay hết cách để cám dỗ Người, quỷ bỏ đi, chờ đợi thời cơ" (Lc 4,1-12).

Chúng ta có thể thấy: Cả ba cám dỗ đều nhắm vào quyền lực.

Biến đá thành bánh là quyền lực kinh tế. Chiếm đoạt các nước là quyền lực chính trị. Nhảy từ cao xuống là quyền lực thần thiêng, thắng mọi hiểm nguy, kể cả sự chết.

Cả ba quyền lực đó có vẻ rất thuận lợi, để làm chứng cho Chúa, và mở rộng đạo Chúa.

Nhưng Chúa Giêsu đã chối từ dứt khoát. Người không coi quyền lực là chiến lược làm chứng cho Chúa và truyền giáo. Dùng quyền lực không là ý Chúa Cha.

Thánh ý Chúa Cha trên đường làm chứng cho Chúa và truyền giáo là:

- Cầu nguyện,

- Sám hối,

- Chay tịnh,

- Yêu thương đến cùng, dù phải chịu chết.

Gương Chúa Giêsu là thế. Gương đó đề cao những lựa chọn theo thánh ý Chúa. Để lựa chọn đúng, Đức Kitô đã phấn đấu. Phấn đấu ấy có những từ bỏ không dễ dàng.

2/ Trước gương Chúa Giêsu

Chúa Giêsu bị ma quỷ cám dỗ trong hoang địa, trước khi Người lên đường rao giảng Tin Mừng. Thiết tưởng, khi ghi lại chuyện đó trong Phúc Âm, Chúa muốn nhắn gởi các môn đệ Người một điều quan trọng. Điều quan trọng đó là:

Suốt đời, trên đường thi hành sứ vụ, người rao giảng Tin Mừng sẽ là người bị ma quỷ theo sát và mời mọc.

Cám dỗ thường xuyên nhất ma quỷ đưa ra sẽ là:

- ham mê tiền bạc, của cải,

- ham mê địa vị, danh vọng,

- ham mê quyền phép phi thường thắng vượt mọi thứ cản trở.

Những cám dỗ đó thường rất ngọt ngào, có vẻ hợp lý, có thể trở thành chiến lược truyền giáo.

Chúa Giêsu biết trước sự yếu đuối mê muội của ta, nên đã nêu gương sáng bằng cách chống lại những cám dỗ đó, thay vào đó là hãy ưu tiên dùng sự cầu nguyện, chay tịnh, sám hối, bác ái đến cùng.

Nhưng, trong chiều dài lịch sử, nhất là hiện nay, không thiếu những người lại chấp nhận ba cơn cám dỗ của Satan.

Có loại người đón nhận ba quyền lực mà quỷ đề nghị, chỉ vì động lực mưu tìm tư lợi.

Có loại người đón nhận hoặc cả ba quyền lực, hoặc từng quyền lực tuỳ theo hoàn cảnh, vì động lực có vẻ đạo đức. Như là để mở rộng Hội Thánh, để chiến thắng những người cạnh tranh về đạo, để làm chứng cho Chúa.

Một khi đã say mê với con đường quyền lực, người ta sẽ dễ ơ hờ với cầu nguyện, sám hối, chay tịnh và bác ái, hy sinh từ bỏ cái tôi của mình.

Nhất là khi con đường quyền lực lại được biện minh bằng những lý do đạo đức, người ta sẽ dễ rơi vào cạm bẫy của Satan. Cạm bẫy của Satan thường rất tinh vi và thâm độc.

Hậu quả cay đắng nhất là họ trở nên cứng lòng trong thói quen sai lầm. Họ bị quỷ xiềng xích trong mưu chước của nó, khó gỡ ra được.

Tôi lo sợ điều xấu ấy xảy ra cho chúng ta. Nên phải luôn khiêm tốn. Khiêm tốn là một phấn đấu cam go. Mỗi ngày có những cám dỗ riêng của ngày đó. Mỗi ngày có những phấnđấu mới hợp cho ngày đó.

Phấn đấu quan trọng nhất là phấn đấu với chính mình, để trở nên con người mới. Nhờ thế, càng ngày càng sáng lên nơi ta hình ảnh của Chúa Giêsu sống động, là Đấng Cứu Thế giàu lòng thương xót.

Lạy Chúa, xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Thánh Cha cám ơn những công việc bác ái
Bùi Hữu Thư
05:30 28/02/2009

Đức Thánh Cha cám ơn những công việc bác ái



Ghi nhận lòng biết ơn về các đóng góp cho Tòa Thánh

VATICAN ngày 27 tháng 2, 2009
(Zenit.org).- Đức Thánh Cha Benedict XVI bầy tỏ lòng biết ơn đối với những đóng góp cho Tòa Thánh, nhờ đó ngài có thể thực thi những “công trình bác ái cụ thể và năng động."

Đức Thánh Cha khẳng định như vậy hôm nay trong một hiểu thị ngắn gọn với thành viên của các tổ chức bác ái có tên "Pro Petri Sede" và "Etrennes Pontificales". Các nhóm này xuất xứ từ Bỉ, Lục Xâm Bảo và Hòa Lan. Hàng năm họ có đóng góp cho Tòa thánh.

Đức Thánh Cha nói, "Năm Thánh Phaolô cho chúng ta cơ hội, qua việc suy niệm về lời Thánh Tông Đồ nói với Dân Ngoại, để ý thức rõ ràng là Giáo Hội là một Nhiệm Thể, qua đó chính đời sống của Chúa Kitô được tuần hoàn – do đó mọi thành phần của giáo hội nhiệm thể này đều được kết hiệp một cách sâu xa với tất cả các thành phần khác và không thể nào làm ngơ trước những nhu cầu của họ."

Ngài khẳng định rằng được nuôi dưỡng bằng cùng một Mình Thánh, người chịu phép rửa không thể nào thản nhiên khi thiếu bánh trên bàn ăn của mọi người."

Đức Thánh Cha cám ơn các nhóm bác ái vì đã trao phó những quyên góp của họ cho người Kế Vị Thánh Phêrô, và nói rằng, “bằng cách này anh chị em cho phép tôi thực thi những việc bác ái cụ thể và năng động, để làm dấu chỉ cho sự lo lắng của Thánh Phêrô đối với tất cả các giáo hội, với tất cả những ai đã chịu phép rửa, và với tất cả nhân loại."

Ngài tiếp, "Tôi chân thành cảm tạ quý anh chị em thay mặt cho những người sẽ được nuôi dưỡng nhờ lòng quảng đại của anh chị em trong cuộc tranh đấu chống lại những sự dữ đang đe dọa phẩm giá của họ. Bằng cách chiến đấu chống nghèo khó, chúng ta có thể khiến cho đến cho hòa bình tiến vào được trong trái tim chúng ta và bắt rễ tại đó."
 
Tòa Thánh bác bỏ lời xin lỗi của Giám Mục Williamson
John Bosco Nguyễn Hoàng Thương
15:56 28/02/2009
Rôma (CNA) - Hôm Thứ Sáu 27/2, phát ngôn viên của Tòa Thánh Vatican đã bác bỏ lời xin lỗi của Giám Mục Richard Williamson về những bình luận mà ngài đưa ra nhằm giảm thiểu quy mô của nạn Diệt Chủng người Do Thái. Đức Giám Mục Williamson là trung tâm điểm của cuộc tranh cãi vì những bình luận của ngài, hôm 26/2 đã phải lên tiếng xin lỗi.

Phản ứng trước lời xin lỗi của Giám Mục Williamson, Cha Federico Lombardi, phát ngôn viên của Tòa Thánh lên tiếng chê trách vị giám mục đã đưa ra tuyên bố của mình bằng hình thức của một lá thư mở. Cha Federico phê bình: “Đây không phải là lá thư trực tiếp gửi cho Đức Thánh Cha hoặc Ủy Ban Giáo Hoàng Ecclesia Dei (Giáo Hội Chúa)”.

Trong tuyên bố hôm thứ Năm, Giám Mục Williamson cho hay: "Tôi có thể nói một cách thành thật rằng tôi rất tiếc đã có bình luận như thế, và rằng nếu tôi biết trước hoàn toàn về tổn thương và đau đớn làm cho họ phẫn nộ, không những đối với Giáo Hội, mà còn đối với những người sống sót và người thân của những nạn nhân của bất công dưới thời Đệ Tam Quốc Xã, tôi sẽ không đưa ra bình luận". Ngài cũng cho rằng trên truyền hình Thụy Điển, ngài chỉ đưa ra "quan điểm [...] của một người không là sử gia" từ một viễn tượng "được hình thành cách đây 20 năm trên cơ sở chứng cứ khả dụng thời đó, và hiếm khi được công bố". Ngài nói thêm: "Đối với tất cả những linh hồn thực sự bị phẫn uất vì những gì tôi phát biểu, trước mặt Thiên Chúa tôi xin lỗi".

Tuy nhiên, Cha Lombardi tuyên bố hôm thứ Sáu rằng tuyên bố của Giám Mục Williamson đã thiếu mất việc rút lại lời bình luận như Tòa Thánh Vatican đã yêu cầu. Cha Lombardi cho hay: “Tuyên bố của vị giám mục dường như không tôn trọng những điều kiện trong thông cáo của Phủ Quốc vụ Khanh Tòa Thánh công bố hôm 04/02/2009, trong đó tuyên bố rằng ngài phải tuyệt đối, rõ rệt và công khai tránh xa những quan điểm của chính bản thân ngài về nạn Diệt Chủng”
 
Thống kê Công Giáo toàn cầu 2007: Giáo dân tăng -giáo sĩ tăng- giáo dân Hoa Kỳ giảm
Nguyễn Long Thao
16:55 28/02/2009
VATICAN 28/2/09 – Phòng Thống Kê Tòa Thánh hôm nay đệ trình cho ĐGH Bênêđictô XVI quyển Niên Giám 2008 chứa đựng những thông kê mới nhất của Giáo Hội tính tới hết năm 2007.

Theo niên giám này số người Công Giáo toàn cầu là 1.147 tỷ người. So với dân số toàn cầu, số người Công Giáo chiếm 17.3%. Nếu tính số tăng trưởng hàng năm, dân số toàn cầu tăng 1.1% thì số người Công Giáo được rửa tội trong năm qua chiếm 1.4%

Cũng theo Niên Giám từ năm 2000 đến nay con số linh mục vẫn tiếp tục gia tăng một cách vừa phải trong khi hai thập niên 80 và 90 của thế kỷ trước số linh mục suy giảm một cách đều đặn

Trong năm 2000 số linh mục toàn cầu là 405,178 thì trong năm 2007 số linh mục là 408,024 vị tăng 2846 linh mục.

Con số linh mục tăng hầu hết ở Phi Châu và Á Châu.

- Tại Phi Châu, số linh mục tăng 27.6%

- Á Châu tăng 21.2%

- Tại Bắc và Nam Mỹ số linh mục không tăng không giảm.

- Tại Đại Dương Châu giảm 5.5%.

- Tại Âu Châu giảm 6.8%

Tưởng cũng nên nhắc lại, theo Niên Giám Thống Kê của Các Giáo Hội Hoa Kỳ và Canada phát hành năm 2009, số giáo dân của những tôn giáo lớn ở Hoa Kỳ và Canada bắt đầu giảm sút

So với năm 2008 số Giáo Dân Công Giáo năm 2009 giảm 0.59%. Số giáo dân Tin Lành có tên là Southern Baptist Convention giảm 0.24%. Nếu quy ra con số thì nội trong năm qua số giáo dân Công Giáo giảm 398,000 người. Tin Lành Southern Baptists giảm 40,000.

Được biết Giáo Hội Công Giáo là giáo hội có số đông tín hữu nhất tại Hoa Kỳ gồm 67,117,016 người trong khi đó giáo hội Tin Lành Southern Baptists đứng thứ hai có số tín hữu là 16,266,920. Cả hai Giáo Hội này theo thông kê từ trước tới nay chưa bao giờ có hiện tượng suy giảm số tín hữu, nhưng nay thì đã bắt đầu cảm nghiệm sự suy giảm.

Trong số những giáo hội tại Hoa Kỳ bị suy giảm nhiều nhất số tín hữu, người ta thấy các Giáo Hội:

1. United Church of Christ mất 6.01% số giáo hữu

2. The African Methodist Episcopal Zion Church mất 3.01%

3. The Presbyterian Church USA mất 2.79 %

4. the Lutheran Church - Missouri Synod mất 1.44 %

5. Evangelical Lutheran Church in America mất 1.35%
 
Top Stories
Vatican: Catholics make up 17 per cent of world's population
The Earth Times
16:36 28/02/2009
VATICAN - In 2007 Roman Catholics numbered 1.147 billion people, or some 17.3 per cent of the global population, the Vatican said Saturday in its latest report on church statistics. The total, which relates to the number of people baptized as Catholics, marks a 1.4 per cent increase over the previous year and is "in tune" with global population growth of 1.1 per cent during the same period, the Vatican noted.

The annual report, published in the form of a thick hard-cover book, was presented to Pope Benedict XVI in a ceremony at the Vatican on the Saturday morning.

Among the figures contained in the report was "a continuing trend of moderate growth in the number of priests in the world which began in 2000 after over two decades of disappointing results," the Vatican said.

Led by Africa and Asia with increases of 27.6 and 21.2 per cent respectively, the number of priests in the world has grown from 405,178 in 2000 to 408,024 in 2007.

During the same period the number of priests in North and South America has remained stationary while Europe and Oceania experienced a decline of 6.8 per cent and 5.5 per cent respectively, the Vatican said.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Hồng Y Phạm Đình Tụng: Người làm mục vụ bằng văn hóa
Phạm Hoàng Nghị
12:56 28/02/2009
Xin hãy cùng đọc với chúng tôi hai đoạn thơ sau đây, đều mô tả cảnh tượng quan tổng trấn Philatô xét xử Chúa Giêsu và trao cho quân lính đánh đòn Người, đoạn thơ đầu viết bằng thể lục bát thuần túy, còn đoạn sau là song thất lục bát:

1- “Quý ông đã nộp người này
Cáo y nổi loạn xúi bầy dân đen.
Tôi từng tra xét căn nguyên
Mà không thấy nó can liên tội gì.
Nhà vua đã xét hỏi y
Nhưng ngài trả lại, quả thì vô can.
Dù sao để thoả lòng dân
Tôi truyền đánh nó mấy lần rồi tha.”

Đánh xô một trận tơi bời
Máu tuôn lai láng, thịt rơi hãi hùng
Đỉnh đầu đến tận bàn chân
Không còn sót lại một phần nào nguyên


2- Họ đem Chúa đến nơi Phi-lat
Là toàn quyền thay mặt Rô-ma.
Ông này khi đã thẩm tra
Thấy rằng vô tội muốn tha cho Người.
Để dân bớt cáo nài đe dọa
Phi-lát sai đem Chúa đánh đòn.
Dưới làn roi vọt ác ôn
Mình Người rách nát, tâm hồn đắng cay.


Cũng xin đọc thêm hai đoạn khác nữa, thuật chuyện tháo đinh và táng xác Chúa:

1- Xa nhìn mấy kẻ thân nhân
Mấy bà phụ nữ đã thân quen Ngài
Bàn nhau việc táng thi hài
Cất chôn xác Chúa liệu bài trong đêm
Giu-se công chính lành hiền
Ni-cô-đêm nữa lại thêm mấy bà
Vội vàng tháo xác Chúa ra
Trầm hương mộc dược đem mà tẩm lau
Lấy khăn lượm bọc chân đầu,
Táng vào huyệt đá sẵn đâu trong vườn.


2- Chiều tối đến dăm ba thân thích
Tháo xác Người rửa sạch vết thương
Táng trong huyệt đá vội vàng
Địch thù cắt lính cạnh hang táng Người.


Và bây giờ hãy đoán xem tên tác giả những vần thơ đó là ai?

Xin trả lời: những đoạn thơ lục bát ở trên (ghi số 1) là do một nhà thơ lớn của văn học Công giáo Việt nam sáng tác: Xuân Ly Băng (*). Ông đã dùng 1100 câu thơ để thuật lại những ngày sau cùng của Chúa Cứu Thế trong tác phẩm Bài Ca Thương Khó. Xuất hiện trong thập niên 1950 của thế kỷ trước, ông đã in nhiều tập thơ như Hương Kinh, Thơ Kinh, Nỗi Niềm… và có nhiều bài thơ khác đăng rải rác trên các tạp chí Công giáo trong và ngoài nước. Tập Bài Ca Thương Khó được coi là tác phẩm đỉnh cao của toàn bộ sự nghiệp thi ca của Xuân Ly Băng theo nhận định của người viết tựa cho tác phẩm này.

Còn tên của người sáng tác những vần thơ song thất lục bát (ghi số 2) chính là Hồng Y Phạm Đình Tụng, người mới qua đời hôm 22 tháng 2 vừa qua, để lại tiếc thương cho rất nhiều người, được minh chứng bằng đám tang có đông đảo mọi thành phần Dân Chúa tham dự tiễn đưa.

Sự nghiệp của Hồng Y Phạm Đình Tụng, trong vai trò một linh mục chính xứ, một giám đốc đại chủng viện, một giám mục, một hồng y và chủ tịch Hội đồng giám mục Việt nam, đã được nhiều người viết bài ca tụng. Ở đây chúng tôi chỉ muốn nêu lên một khía cạnh khác nơi con người nhỏ bé về thể xác nhưng cao cả trong sự nghiệp còn để lại cho đời.

Con người ấy, đứng đầu sóng ngọn gió suốt hơn nửa thế kỷ, đã trải qua những ngày cực kỳ khó khăn, phải bó tay không thể thi hành được sứ vụ của mình dưới một thể chế chính trị luôn bóp nghẹt tự do tôn giáo, nhất là trong lãnh vực truyền thông.

Nhiệm sở ngài phục vụ trong vai trò giám mục từ năm 1963 là Bắc Ninh, quê hương của dân ca quan họ, của những vần thơ dân gian bàng bạc trong trí nhớ người dân xứ này, nơi có những lễ hội quan họ nổi tiếng xứ Kinh Bắc như: hội Lim, hội Ó, hội Diềm, hội Nhồi...

Tại giáo phận đã bị tan nát vì chiến tranh đó, trong thiếu thốn, khổ đau, cấm cách và bắt bớ, ngài đã có nhiều sáng kiến độc đáo trong lãnh vực mục vụ để giữ vững đức tin, chăm sóc các giáo dân, bảo vệ và xây dựng Giáo Hội. Vì không đến được với các tín hữu ở rải rác trong hơn 100 giáo xứ, không in ấn được sách vở để phổ biến Lời Chúa và giáo lý đến mọi tầng lớp giáo dân, ngài đã dùng thi ca, những vần thơ rất bình dị, dễ đọc, dễ nhớ để quảng bá Kinh Thánh và giáo lý, đặc biệt là viết ra cuốn sách nhỏ “Tóm lược Cuộc đời Chúa Kitô” mà chúng tôi đã trích ra hai đoạn thơ điển hình trên kia. Tác phẩm này thuật lại cuộc đời Chúa Cứu thế, từ ngày giáng sinh cho đến lúc về trời, cô đọng bằng 552 câu thơ viết theo thể song thất lục bát.

Song thất Lục bát cùng với Lục bát là hai thể thơ thuần túy Việt nam, không do ảnh hưởng thi văn của Tầu và những luật thơ này không có vay mượn gì của người Trung Hoa như thơ Đường Luật.
Trong thể thơ Song thất Lục bát, mỗi đoạn có 4 câu: hai câu trên là song thất, tức là hai câu mà mỗi câu có 7 chữ, và hai câu dưới là lục bát: một câu 6 chữ và một câu 8 chữ. Song thất lục bát cũng được gọi là Lục bát gián thất (gián là ngăn cách).
Điều đáng ngạc nhiên là thơ Song thất Lục bát tuy rất đặc sắc và thuần tuý dân tộc, nhưng lại ít người làm và có ít bài thơ haỵ Có lẽ đây là thể loại khó làm, hoặc vì có âm điệu cổ, khúc mắc như leo núi của hai câu song thất lại hòa với âm điệu du dương của hai câu lục bát theo sau. Trong văn học Việt nam, có hai kiệt tác viết bằng thể thơ Song thất Lục bát, đó là "Chinh Phụ Ngâm Khúc" và “Cung Oán Ngâm Khúc”, đến nay vẫn không có thi phẩm viết theo cùng thể loại nào có thể sánh được.

Tuy với thể thơ phức tạp như thế, giám mục Phạm Đình Tụng đã sử dụng nhuần nhuyễn ngôn từ để dệt nên những vần thơ rất mực dung dị để giảng dậy Lời Chúa:

Không ai được làm tôi hai chủ
Coi Chúa Trời, tiền của như nhau
Bởi vì tiền của ở đâu
Lòng ta ở đó, lo âu đêm ngày.

Người xưa bảo ghét thù yêu bạn,
Chúa không cho giới hạn hẹp hòi
Chúa truyền yêu hết mọi người
Nguyện cầu cho cả những ai địch thù.


Luật thơ được trung thành tuân giữ trong suốt tác phẩm, không hề thấy một lỗi lầm về luật bằng trắc, luật gieo vần, luật niêm, mà đôi lúc còn dùng những phương cách phá thể của thơ lục bát, như:

Các tông đồ vâng lời Chúa dậy:
“Đây Mình ta nhận lấy mà ăn.
Việc này sau phải ân cần
Làm lại nhiều lần để nhớ đến ta.”

Hiện tượng đó thật là khôn tả
Hàm ý thiêng cao cả tuyệt vời
Jêsu Chiên Đức Chúa Trời
Gánh tội loài người tự nguyện hy sinh


Chẳng khác gì lối phá thể thể hiện trong câu ca dao rất phổ thông mà ai cũng biết:

Trèo lên cây bưởi hái hoa
Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân.


Ở đầu bài viết này, khi đặt hai đoạn thơ song song về cùng một đề tài của hai tác giả, chúng tôi không dám so sánh năng khiếu làm thơ của Hồng Y Phạm Đình Tụng với thi tài của nhà thơ Xuân Ly Băng, nhưng, ở một khía cạnh nào đó, chúng ta có thể thấy nghệ thuật thể hiện nơi hai đoạn thơ cũng không quá mức chênh lệch. Vả lại, nhà thơ Xuân Ly Băng là một thi sĩ “chuyên nghiệp”, đã có danh phận, và làm thơ như một công trình xây dựng thi nghiệp, trong khi Hồng Y Phạm Đình Tụng, với thiện chí và sáng kiến, chỉ dùng thơ như một công cụ, như một hình thức văn hóa để thi hành mục vụ trong những hoàn cảnh cực kỳ khó khăn.

Ngoài ra, Hồng Y Tụng còn làm những bài thơ ngắn khác để dậy cho giáo dân về Kinh Tin Kính, Ca Nhiệm Tích (7 bài thơ về các bí tích), Kinh dọn mình hiệp lễ, Kinh cám ơn hiệp lễ … cũng bằng những vần điệu lục bát thật giản đơn, dễ nhớ:

Tôi tin một Chúa Ba Ngôi
Dựng nên vạn vật đất trời bao la
Ngôi Nhất là Đức Chúa Cha
Ngôi Hai Con Chúa, Ngôi Ba Thánh Thần
Ngôi Hai sinh xuống gian trần
Làm người, chịu chết hiến thân cho đời….


Một điểm đặc biệt khác là dưới quyền coi sóc của ngài, giáo phận Bắc Ninh đã có những sửa đổi một số thuật ngữ Công giáo cho phù hợp với thời đại và chuẩn xác hơn, như đổi các tiếng “Tôi” thành “Con” khi xưng hô với Chúa trong tất cả các kinh nguyện, và:

“Lĩnh thụ Nhiệm tích” thay cho “Chịu phép Bí tích
Thánh Bảo trợ” thay cho “Thánh Quan thầy
Hiệp lễ” thay cho “Chịu lễ”.

Hãy so sánh mấy câu trong Kinh Cầu Chịu Nạn nay vẫn còn đang đọc trong các nhà thờ Việt nam khắp nơi (và có lẽ trên toàn thế giới) trong Mùa Chay:

Chúa Giêsu ba năm giảng dậy nước Giu-dêu
Chúa Giêsu phán rằng “Đã đoạn” ấy là hết việc chuộc tội cho thiên hạ
Chúa Giêsu quân Giu-dêu ghét hơn thằng dữ là Baraba


Với những câu đã được thay đổi như sau để thấy sự tiến bộ trong cách sửa đổi ngôn từ nơi kinh sách cho phù hợp với thời đại như thế nào:

Chúa Jêsu ba năm giảng dạy Phúc âm
Chúa Giêsu nói rằng “Mọi sự đã hoàn tất”
Chúa Jêsu dân Do thái ghét hơn tên trộm cướp là Baraba


Ngoài ra, ngài còn sửa đổi cuốn sách “Bổn” -- tức là cuốn giáo lý thời xưa mà những tín hữu Công giáo sống trong khoảng từ đầu thế kỷ 20 đều đã thuộc nằm lòng, và cũng là điều kiện để được Xưng tội chịu lễ lần đầu – thành một “Bản tắt”, rất giản dị và hợp thời. Xin đơn cử một vài câu:

Hỏi- Đạo chúng ta là Đạo nào?
Thưa - Là Đạo Công giáo.
H- Đạo Công giáo dạy ta sống trên đời để làm gì?
T- Để nhận biết và phụng sự Thiên Chúa, góp phần xây dựng một xã hội tốt đẹp, mong ngày sau được hạnh phúc vô cùng.


Đó là một phương thức giảng dậy hoàn toàn canh tân, chịu ảnh hưởng của nhiều cuốn sách dạy Giáo lý của phương Tây.

Có thể nói những cải cách, san định kinh sách đó – từ những năm 60 của thế kỷ vừa qua - đã đi trước thời đại. Chúng ta ngày nay, đang ở thế kỷ 21, dù có đầy đủ phương tiện và khả năng hơn rất nhiều, vẫn còn chưa thực hiện được, vẫn còn là một ước vọng chưa thành.

Đến đây chúng tôi liên tưởng đến một linh mục khác, hơn 70 năm trước Hồng Y Tụng, đã dùng văn chương để giáo hóa lớp dân nghèo ít học. Đó là Linh mục Trần Lục, còn có tên là Cụ Sáu.

Ngoài vai trò kiến trúc sư của những công trình kỳ vĩ là quần thể thánh đường Phát diệm, vẫn còn đứng sừng sững với thời gian để triển dương thiên tài của một bậc vĩ nhân, cha Trần Lục còn là một nhà nho uyên thâm, đã viết ba tác phẩm tiêu biểu cũng trong chủ đích làm mục vu bắng văn hóa: Huấn tự ca, sáng tác khoảng năm 1891, gồm 1088 câu thơ lục bát viết về đạo hiếu của người Việt đối với tổ tiên, ông bà; Cuốn thứ hai là Nữ tắc thường lễ, gồm 1016 câu thơ lục bát, chỉ dẫn những nguyên tắc, những điều thông thường thanh thiếu nữ cần biết để trở thành người lương thiện và giáo dân đạo hạnh. Cuốn thứ ba: Nịch ái vong ân là bài học dành cho thanh niên, cũng viết theo thể thơ lục bát, gồm 440 câu. Ngoài ba tác phẩm lớn này ra, Cha Trần Lục còn là tác giả nhiều công trình văn hóa khác như Tuồng Thương khó, Vãn Dâng hoa. Than mồ, cùng rất nhiều bài ca vè về Đức Mẹ, Chúa Giêsu, các thánh… Ngày nay khi đọc lại và phân tích những tác phẩm này, nhiều người đã nhận ra chân tài văn chương của cha Trần Lục, nhưng ngài lại rất mực khiêm tốn khi cho rằng đó chỉ là những “ca vè của Cụ Sáu.”

Sự nghiệp của cha Trần Lục xứng đáng đặt ngài vào ngôi vị “người cha” của vùng địa linh nhân kiệt Phát diệm. Từ cái nôi êm ái đó đã sản sinh ra những người con sau này sẽ làm rạnh danh Giáo hội Việt nam như: Giám mục Phan đình Phùng, Phạm Ngọc Chi, Phạm Tần, Phạm Văn Dụ, Nguyễn Phụng Hiểu, Nguyễn Minh Nhật, Bùi Chu Tạo, cùng biết bao nhiêu người khác, và đặc biệt là Phạm Đình Tụng (1919-2009).
Hồng y Phạm Đình Tụng, người con của giáo phận Phát diệm, đã noi theo dấu người xưa, đem hết khả năng và sáng kiến của mình để phục vụ Giáo hội, phục vụ giáo dân và đã bình yên đi về thế giới vĩnh hằng sau 90 năm trường tại thế. Với niềm tiếc thương ngài, chúng tôi ghi lại hoài vọng được làm rạng danh Chúa mà ngài thể hiện trong hai câu thơ cuối cùng của tập Cuộc đời Chúa Kitô:

Với thời gian thảy mờ phai
Giêsu Cứu Chúa đời đời vinh quang


(*) Thi sĩ Xuân Ly Băng tên thật là Lê Xuân Hoa, sinh ngày 23.04.1926, thụ phong linh mục ngày 19.07.1959 là Tổng Đại Diện Giáo Phận Phan Thiết từ năm 1987 cho đến nay. Ngài làm bài thơ đầu tiên khi mới 12 tuổi, Thơ Kinh là tập thơ đầu tiên được xuất bản năm 1956 của thế kỷ trước trong khi còn học ở Tiểu Chủng Viện và Đại Chủng Viện, bài Chuông Chiều, Trong Tiếng Chuông Chiều, Say Noel, Nhạc Sầu Do Thái… là những bài thơ được nhiều người yêu thích… Sau Thơ Kinh là Hương Kinh, Trầm Tư, Nỗi Niềm, Kinh Sầu Trên Quê Hương, Quê Hương và Tình Đạo, Bài Ca Thương Khó, Như Trầm Hương v.v… Những năm gần đây ngài cũng cho xuất bản và tái bản nhiều tập thơ và nhiều CD Thơ.
 
Văn Hóa
Một Mai Tôi Đi
Vọng Sinh
17:59 28/02/2009

Một Mai Tôi Đi



  • Một mai rồi tôi sẽ ra đi
  • Hành lý mang theo được những gì
  • Cả thế giới…nhà to…xe đẹp…
  • Hay vành khăn trắng khóc chia ly!


  • Một mai rồi tôi sẽ ra đi
  • Bỏ lại đàng sau cả Xuân Thì
  • Bao nhiêu mộng ước đời tươi đẹp…
  • Thôi đành buông bỏ phút chia ly


  • Một mai rồi tôi sẽ ra đi
  • Bao năm dài trôi được những gì?
  • Tuổi đời chồng chất tuổi xuân mất…
  • Cả đời đổi lấy một chữ “Si” !


  • “Tham sân si” mãi rồi được chi?
  • Tham tiền tham bạc … có ích gì?
  • Mê si Tình Đời: Hình với bóng…
  • Lạc thú nửa đêm cũng tàn đi!


  • Đam mê dục vọng mãi cuồng si
  • Mải vui quên mất…Có nghĩ gì…?
  • Ngày mai Chúa gọi Ngươi về đó!
  • Cuộc vui chưa tàn đã bỏ đi ?


  • Hai tay xuôi xuống nắm được chi?
  • Làm sao níu kéo được xuân thì…
  • Trả hết cho đời Lợi Danh đó
  • Trả hết cho người những Tình Si


  • Tay trắng Ta đi Nhà Cha đợi
  • Cha ơi con đã phạm tới Trời
  • Con không đáng gọi Con Cha nữa
  • Cha cho con làm “đứa ở” thôi!


  • Thân con yếu đuối phận nhỏ nhoi
  • Làm sao giữ Tín Trung cả đời!
  • Xin Cha gia Ân Thiêng phù giúp
  • Từ nay Say Mến Tình Chúa thôi


Vọng Sinh

Về Nhà đi Cha đang đợi!

Ôm con rồi Cha tha hết tội đời.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Đường Chiều Mây Vương
Diệp Hải Dung
06:21 28/02/2009

ĐƯỜNG CHIỀU MÂY VƯƠNG



Ảnh của Diệp Hải Dung (Hình chup tại Armidale NSW)>

Bóng mây

Nhân ảnh

Chập chùng

Thương người lỡ bước

Giữa vùng giao duyên.

(Trích thơ của Nguyễn Tấn Hưng)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền
 

© 2024 - VietCatholic News - Designed by VietCatholic News