Ngày 26-02-2017
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Suy niệm Thứ Tư Lễ Tro
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
09:40 26/02/2017
Suy niệm Thứ Tư Lễ Tro

(Mt 6, 1-6; 16-18)

Hôm nay, mùng 01 tháng 3 năm 2017, toàn thể Giáo Hội bước vào Mùa Chay Thánh, một khởi đầu mới thúc giục chúng ta hoán cải dẫn đến mục tiêu chắc chắn là Phục Sinh, chiến thắng của Chúa Kitô đối với sự chết. Mùa Chay là mùa thuận lợi để đi sâu vào đời sống thiêng liêng nhờ những phương tiện thánh hóa Giáo Hội đã đem đến cho chúng ta : ăn chay, cầu nguyện và bố thí là ba việc cần phải làm trong Mùa Chay. Những việc chúng ta làm phải xuất phát từ cái tâm sâu thẳm hướng lên Thiên Chúa và hướng đến anh em, chứ không phải là hình thức bên ngoài. Vì thế, ăn chay, cầu nguyện cũng như bố thí là những việc được làm vì đẹp lòng Chúa, chứ không phải cho người ta thấy.

Trước hết phải khiêm nhường

Ăn chay, tiếng La tinh là jejunium, nghĩa là : "tự nhịn bất kỳ thức ăn nào". Khi nhịn chay, con người nhận ra mình lệ thuộc vào Thiên Chúa, "hạ mình" trước mặt Chúa, vì cảm thấy mình mỏng giòn, yếu đuối như tác giả Thánh vịnh nói : "Phần tôi, những ngày chúng đau yếu, tôi đã từng khoác áo nhặm vào thân, lại ăn chay để hãm mình phạt xác, lòng tôi ấp ủ câu kinh lời nguyện" ( Tv 34, 13).

Khiêm nhường khi ăn chay còn để Chúa thấy rằng chúng ta chẳng là gì nếu không có Chúa và thiết tha kêu cầu Chúa : "Bấy giờ tất cả con cái Ít-ra-en và toàn dân đã lên Bết Ên; họ ngồi khóc tại đây trước nhan Ðức Chúa. Hôm ấy họ ăn chay cho đến chiều. Rồi họ dâng lễ toàn thiêu và lễ kỳ an lên trước nhan Ðức Chúa" (x. Tl 20, 26) ; "Vua Ða-vít cầu khẩn Thiên Chúa cho đứa trẻ, vua ăn chay nhiệm nhặt, và khi về nhà ngủ đêm thì nằm dưới đất ; Vua trả lời: "Bao lâu đứa bé còn sống, ta ăn chay và khóc lóc vì ta tự bảo: "Biết đâu Ðức Chúa sẽ thương xót ta và đứa bé sẽ sống!" (2 S 12, 16.22), nhất là nhận biết mình là tội lỗi, là hư vô và cầu xin ơn Chúa tha : "Tôi ăn chay, mặc áo vải thô và rắc tro lên đầu rồi ngẩng mặt lên Chúa Thượng là Thiên Chúa, để dâng lời khẩn nguyện nài van". (Dn 9, 3). Việc giữ chay thể xác chỉ có ý nghĩa khi nhịn ăn đi kèm với việc trách xa tội lỗi : " Chúng nói: "Chúng tôi ăn chay, sao Ngài không thấy, chúng tôi hãm mình, sao Ngài chẳng hay?"... Phải chăng đó là cách ăn chay mà Ta ưa chuộng trong ngày con người phải thực hành khổ chế? Cúi rạp đầu như cây sậy cây lau, nằm trên vải thô và tro bụi, phải chăng như thế mà gọi là ăn chay trong ngày các ngươi muốn đẹp lòng Ðức Chúa? Cách ăn chay mà Ta ưa thích chẳng phải là thế này sao: mở xiềng xích bạo tàn, tháo gông cùm trói buộc,trả tự do cho người bị áp bức, đập tan mọi gông cùm? " (x. Is 58, 1-12), nếu không nó chỉ là phô trương.

Đừng phô trương

Chính Chúa Giêsu đã cảnh báo : "Các người hãy cẩn thận, đừng phô trương công đức trước mặt người ta để cho thiên hạ trông thấy…khi các người bố thí, thì đừng thổi loa báo trước, như bọn giả hình làm ở nơi hội đường và phố xá, để cho người ta ca tụng… Các ngươi có bố thì, thì làm sao đừng để tay trái biết việc tay phải làm, để việc ngươi bố thí được giữ kín. Và Cha ngươi, Đấng thấu suốt mọi bí ẩn, sẽ trả công cho người" (Mt 6, 1-6).

Trong Kinh Thánh, Chúa tố cáo mạnh nhất cái vẻ bề ngoài, hay là giả hình. Vì khi giả hình, con người giáng cấp Thiên Chúa, họ đặt Ngài xuống hàng thứ hai, đặt tạo vật, công chúng lên chỗ nhất: "Người phàm chỉ thấy điều mắt thấy, còn Đức Chúa thí thấy tận đáy lòng" (1 Sm 16, 7). Trau dồi dáng vẻ bên ngoài của chúng ta hơn tâm hồn, có nghĩa là coi người phàm trọng hơn Thiên Chúa.

Như vậy, vẻ bề ngoài hay sự giả hình tự bản chất là một sự thiếu đức tin: nhưng đó cũng là một sự thiếu đức bác ái đối với tha nhân theo nghĩa nó có xu hướng qui những con người thành những kẻ say mê. Sự giả hình không công nhận phẩm giá thích đáng của họ, nhưng thấy họ tùy thuộc hình ảnh của chính mình. Thiếu đức tin và thiếu đức bác ái, việc làm sẽ trở nên vô ích, nên không có được công phúc gì. Vì thế cần phải

Nghe và thực hành lời Chúa dạy

"Lời Chúa là một hồng ân. Tha nhân là một hồng ân" là chủ đề của Sứ điệp Mùa Chay năm nay 2017. Khi trưng dẫn đoạn Tin Mừng Luca (16,19-31) để quảng diễn, Đức Thánh Cha viết: Dụ ngôn bắt đầu bằng việc giới thiệu hai nhân vật chính. Người nghèo được mô tả chi tiết hơn: người ấy thật tồi tàn và không đủ sức để đứng lên. Nằm trước cửa nhà người giàu có, anh ăn những vụn bánh từ bàn của người ấy rơi xuống. Thân thể anh đầy lở loét và mấy con chó đến liếm những vết thương của anh (x. c 20-21). Một bức tranh về nỗi khốn cùng; vẽ nên một con người hèn hạ và đáng thương. Chi tiết "người phú hộ vận toàn gấm vóc, lụa là, ngày ngày yến tiệc linh đình" (Lc 16,19) tương phản với "anh Lagiarô nghèo" (Lc 16,20). Cuối cùng cả người giàu và người nghèo đều chết, và phần quan trọng hơn của dụ ngôn này diễn ra ở đời sau. Hai nhân vật bỗng nhiên khám phá ra rằng "chúng ta đã chẳng mang gì vào trần gian này, thì cũng chẳng mang gì ra được" (1 Tm 6,7).

Đức Thánh Cha kết luận: Gốc rễ của mọi bất hạnh của ông là không chịu nghe lời Chúa. Kết quả là ông không còn yêu mến Thiên Chúa và càng ngày càng khinh miệt người thân cận của mình. Lời Chúa thì sống động và mạnh mẽ, có khả năng biến đổi những cõi lòng và đưa chúng trở về với Chúa. Khi chúng ta đóng cửa lòng mình trước hồng ân lời Chúa, thì rốt cuộc chúng ta cũng sẽ đóng cửa lòng mình trước hồng ân là những anh chị em của chúng ta.

Vậy, để khám phá hồng ân Lời Chúa, được thanh tẩy khỏi tội lỗi đã làm cho chúng ta ra mù loà, và phục vụ Chúa Kitô hiện diện trong những anh chị em của chúng ta đang túng thiếu. Chúng ta hãy xin Chúa Thánh Thần dẫn đưa chúng ta vào một cuộc hành trình hoán cải thật sự, quyết tâm thực hiện sự đổi mới thiêng liêng này bằng cách tham gia các Chiến dịch Mùa Chay được nhiều tổ chức Giáo Hội phát động, để thăng tiến nền văn hóa gặp gỡ trong gia đình nhân loại duy nhất của chúng ta

Xin Chúa Thánh Thần nâng đỡ những quyết tâm của chúng ta trong suốt hành trình của Mùa Chay Thánh này cho nên. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
Sám hối và trở về
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
21:31 26/02/2017
Thứ Tư Lễ Tro, năm A
Ge 2, 12-18 2 Co 5, 20-6, 2 Mt 6,1-6.16-18

Sám hối và trở về

Mùa chay lại bắt đầu tới. Giáo Hội là Mẹ luôn thúc giục con cái của mình thay đổi đời sống, làm mới cách sống bằng việc sám hối, ăn năn, trở về với Chúa. Giáo Hội mở màn bằng việc xức tro trên đầu các tin hữu.Việc xức tro đã có từ lâu trong Giáo Hội. Xưa Giáo Hội chỉ cử hành nghi thức xức tro trên đầu những người phạm tội công khai.Việc xức tro này do chính những phạm nhân thực hiện trước mặt cộng đoàn Dân Chúa. Người phạm tội được mời ra đứng trước cộng đồng, họ tự bốc một nắm tro bỏ lên đầu của mình và dùng tay xoa cho đầu mình trở thành nhơ bẩn.Việc làm này tượng trưng cho sự khiêm tốn, phạm nhân hạ mình xuống cách công khai. Đây là thái độ tỏ lòng ăn năn sám hối.

Giáo Hội càng ngày càng nhận ra sự canh tân đổi mới là quan trọng và cần thiết.Việc xức tro công khai của các tội nhân không còn được thực hiện như xưa nữa. Bởi vì, tất cả mọi người đều ý thức thân phận mỏng dòn, yếu hèn, tội lỗi của mình. Ai cũng có tội. Nên, việc xức tro được thực hiện nơi mọi người. Vị chủ tế sẽ dùng một chút tro được đốt ra từ những cành lá oliu, lá dừa vv…mà trong ngày Chúa Nhật lễ lá năm trước dân Chúa đã dùng để kỷ niệm việc Chúa Giêsu khải hoàn đi vào Giêrusalem để xức lên đầu mọi người. Cử chỉ này nói lên sự khiêm nhường và việc hạ mình ăn năn sám hối của mọi người. Do đó, trong ca nhập lễ chúng ta đọc thấy :” Lạy Chúa, Chúa yêu thương mọi loài và không ghét bỏ bất cứ vật gì Chúa đã tác thành.Chúa nhắm mắt làm ngơ trước tội lỗi loài người để họ ăn năn sám hối và tha thứ cho họ, vì Chúa là Thiên Chúa chúng con “. Ngôn sứ Gioel viết :” …Hãy xé tâm hồn, chớ đừng xé áo các ngươi. Hãy trở về với Chúa là Thiên Chúa các ngươi, vì Người nhân lành và từ bi, nhẫn nại và giầu lòng thương xót và biết hối tiếc vì tai họa “. Ngôn sứ kêu gọi mọi người ăn năn, sám hối, thay đổi đời sống, ăn chay, cầu nguyện để Chúa với lòng xót thương của Ngài…Chúa sẽ sẵn lòng tha thứ và chúc lành. Ca nhập lễ và bài đọc của ngôn sứ Gioel đưa chúng ta vào Thánh vịnh 50 để giúp chúng ta hiểu được Thiên Chúa sẽ nhận lời chúng ta khi chúng ta thật lòng kêu lên với Ngài :” Lạy Chúa, nguyện thương con theo lòng nhân hậu Chúa “. Thánh Phaolô trong thư thứ hai gửi tín hữu Corintô 5,20-6,2 khuyên chúng ta rằng :” Nhân danh Đức Kitô, chúng tôi năn nỉ anh em hãy làm hòa cùng Thiên Chúa.Đấng không hề biết đến tội lỗi thì Thiên Chúa đã làm Người thành thân tội vì chúng ta, để trong Người, chúng ta được trở nên sự công chính của Thiên Chúa “. Hai bài đọc này cho chúng ta hiểu rõ đoạn Tin mừng của thánh Matthêu 6, 1-6.16-18:” Những hình thức ăn chay, bố thí và cầu nguyện là những phương thế hữu hiệu để mọi người trở về với Thiên Chúa “. Việc xức tro dù có thay đổi hình thức, nhưng nội dung vẫn nói lên sự quyết tâm của con người muốn thay đổi, muốn đổi mới, muốn sám hối và trở về với Thiên Chúa là Đấng Tình Thương.

Mở đầu bằng việc xức tro, Giáo Hội thông báo Mùa chay, Mùa phụng vụ mới đã khởi đầu. 40 ngày chay tịnh là những ngày của cả một Mùa chay. Thánh Công Đồng Vaticanô 2 nói một trong những đặc tính của Mùa chay là Sám hối. Vấn đề đặt ra ở đây không phải những hình thức bên ngoài là quan trọng, là cốt yếu. Vấn đề cốt yếu là vấn đề nội tâm biết quay trở về. Trở về với ai và trở về như thế nào ?

Trở về với Thiên Chúa. Trở về với Đấng từ bi nhân hậu, chậm bất bình và rất mực yêu thương. Trở về với Thiên Chúa là trở về với Cha như người con hoang đàng biết quay trở về để nhận được sự tha thứ và lòng yêu thương của cha mình. Trở về với Thiên Chúa cũng có nghĩa là trở về với chính bản thân của mỗi người. Chúng ta là tội nhân, là người yếu hèn, là kẻ tội lỗi. Hiện giờ chúng ta là kẻ có tội, đầy dãy tính hư, nết xấu. Trở về với bản thân để nhận ra mình cần phải sám hối, cần phải trở về, cần phải quay về để chúng ta biết thay đổi, làm mới tư tưởng, cách nhìn, tư duy, suy nghĩ vươn lên, vươn mãi trên đường tin yêu. Trở về với Thiên Chúa, với bản thân và với cả tha nhân nữa. Chúng ta hãy đến mọi người bằng sự thông cảm, tha thứ, chia sẻ thay vì chúng ta tự giam hãm trong sự ích kỷ, trong sự thù hận, ghen tương. Đến với mọi người, đến với tha nhân bằng thái độ cởi mở, đón nhận, bằng ánh mắt yêu thương, nụ cười cảm thông, con tim quảng đại vv…

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết nhận ra con người khiếm khuyết, yếu hèn, tội lỗi của chúng con để chúng con biết ăn năn, sám hối, biết quay trở về với Chúa, với bản thân và với tha nhân. Amen.

GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ :

1.Chúng ta phải có quyết tâm thế nào đối với Mùa Chay này ?
2.Ý nghĩa của việc xức tro ?
3.Sám hối và trở về có cần thiết không ?
4.Thế nào là trở về ?
 
Xa tan kia, xéo đi
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
21:36 26/02/2017
Chúa nhật I mùa Chay, năm A
St 2,7-9;3,1-7 Rm 5, 12-19 Mt 4, 1-11

Xa tan kia, xéo đi

Sự dữ, ma quỷ vẫn luôn có đó, vẫn luôn cám dỗ, thúc giục con người phạm tội, sa ngã, lìa xa Thiên Chúa. Bởi vi, ngay từ đầu, Xa-tan đã xúi giục ông bà Adong,Evà phản nghịch lại Thiên Chúa : ăn trái cây biết lành biết dữ. Lời đường mật của ma quỷ đã làm cho bà Evà sa ngã và rồi bà lại xúi giục chồng mình là Adong phạm tội. Cái trớ trêu là ông bà tổ tiên của nhân loại đã nghe theo lời ngọt ngào của Xa-tan mà chối bỏ Thiên Chúa, muốn ngang hàng với Thiên Chúa. Nên, ông bà nguyên tổ đã phạm tội, kéo theo sự chết. Ngày nay, sự dữ, ác thần luôn gây tang tóc, xúi bẩy con người phạm tội, phản nghịch, chối bỏ Thiên Chúa. Con người đang là nô lệ và là tay sai cho thần dữ, cho Xa-tan, cho ma quỷ !

Chúa Nhật I mùa chay, năm A là cơ hội, là dịp thuận tiện để chúng ta thấm nhuần lời Chúa, ăn năn, sám hối hầu như ca nhập lễ viết :” Nó sẽ kêu cầu Ta, và Ta sẽ nhậm lời nó.ta sẽ cứu gỡ và làm cho nó được vinh dự, Ta sẽ cho nó được sống lâu dài “ ( Tv 90, 15-16 ).Thiên Chúa luôn đáp trả lại lời khẩn cầu chân thành, tha thiết của con người. Ngài luôn rộng lòng thương xót và thứ tha.Ông bà tổ tiên vì không nghe lời Thiên Chúa :” Các ngươi được ăn trái cây trong vườn; nhưng trái cây ở giữa vườn thì Thiên Chúa bảo :” Các ngươi đừng ăn, đừng động tới nó, nếu không sẽ phải chết “. Ông bà nguyên tổ đã nghe theo lời rắn, ma quỷ, nên họ đã sa ngã, phản nghịch lại lệnh của Thiên Chúa. Bài đọc trích trong Sách Sáng Thế đưa chúng ta vào đáp ca :” Lạy Chúa nguyện thương con theo lòng nhân hậu của Chúa “ ( Tv 50 ,3-4 tt…) để chúng ta hiểu rõ đoạn thơ của thánh Phaolô gửi tín hữu Roma là Đức Giêsu Kitô đã đến trần gian theo ý định của Thiên Chúa Cha, sống công chính, gánh tội cho loài người mặc dầu Người hoàn toàn vô tội. Hai bài đọc, đáp ca và câu xướng trước Phúc Âm cho chúng ta thấy rất rõ ý định của Thiên Chúa qua Đức Giêsu Kitô : “ Chúa Con vâng lời Chúa Cha mà muôn người trở thành công chính “. Đức Giêsu Kitô đã vâng lời Thiên Chúa Cha cho đến chết và chết trên thập giá, vì thế Thiên Chúa đã siêu tôn Ngài và cho Ngài vinh dự được ngồi đồng hàng với Thiên Chúa.Tin Mừng của thánh Matthêu 4, 1-11 cho chúng ta thấy ma quỷ cám dỗ Chúa Giêsu và cách Ngài chống trả những cơn cám dỗ của Xa-tan, ma quỷ như thế nào ! Ma quỷ cứ tưởng Chúa cũng như chúng nó, nên chúng ta dùng nhiều phương thế, nhiều cách thức xảo quyệt để mong cám dỗ được Chúa. Nhưng chúng đã lầm, chúng đã bẽ mặt trước sự cương quyết, dứt khoát của Chúa. Ma quỷ tưởng Chúa đói, Chúa sẽ sa bẫy chúng khi chúng thách thức Chúa biến đá thành bánh. Chúa đã nói với chúng :” Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra “. Ma quỷ lại tưởng rằng Chúa kiêu căng, thích phô bày quyền năng, nên, chúng muốn Ngài gieo mình từ nóc nhà thờ xuống, Ngài đã cho chúng bài học đắt giá :” Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi “. Ma quỷ vẫn không tha, nó lại tưởng Chúa ham danh vọng, của cải phú quý của trần gian, nó dụ dỗ Chúa và muốn Chúa thờ lạy chúng, thì mọi sự trần gian sẽ thuộc về Ngài. Chúa Giêsu đã nêu gương cho nhân loại, cho con người, cho chúng ta về cách chống trả ma quỷ khi Ngài quát nạt chúng :” Xa-tan kia, xéo đi ! “. Chúa đã cho chúng thấy :” Mọi thụ tạo phải thờ lạy Chúa và chỉ thờ lạy một mình Ngài mà thôi “.

Thế giới hôm nay, nhân loại ngày nay tưởng rằng mình giỏi, không cần Thiên Chúa, do đó, họ đã cố tình xa lìa Thiên Chúa, không muốn đi theo đường lối thánh thiện của Ngài và tự tách rời Thiên Chúa, đi theo đường lối của ma quỷ, của sự dữ cùng với những điều xấu xa ma quỷ xíu giục như hận thù, ngoại tình, tà dâm, trộm cướp, bạo hành, khủng bố, ma túy, mãi dâm, phá thai vv…

Sự cương quyết, dứt khoát không chút khoan nhượng của Chúa :” Xa-tan kia, xéo đi !” là bằng chứng hùng hồn cho chúng ta hay chính Thiên Chúa mới là Đấng dựng nên ta giống hình ành Ngài, chúng ta phải thờ lạy và chỉ thờ phượng, thờ lạy một mình Ngài. Xác thịt, của cải, danh vọng, tất cả đều mau qua, chỉ mình Chúa, và lời của Ngài còn tồn tại mãi mãi, tồn tại muôn đời.

Lạy Chúa, xin cho chúng con một đức tin sâu xa, một đức tin vững vàng để chúng con chỉ biết thờ lạy và thờ lạy một mình Thiên Chúa. Xin cho chúng con biết can đảm khước từ mọi cám dỗ của ma quỷ. Amen.

GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ :

1.Ma quỷ cám dỗ Chúa Giêsu thế nào ?
2.Chúa Giêsu đã quát nạt ma quỷ làm sao khi nó nói Chúa thờ lạy nó ?
3.Ma quỷ có hiện diện ở thế giới này không ?
4.Muốn chống lại ma quỷ chúng ta phải làm sao ?
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Phỏng vấn Đức Thượng Phụ Alexandria, Ibrahim Isaac Sedrak về tình hình các tín hữu Kitô Ai Cập
Mỹ Hạnh
15:40 26/02/2017
Tường Thuật Tình Hình sau khi xảy ra Các Cuộc Tấn Công Ki-tô Hữu, và nói về Cuộc Diện Kiến với Đức Giáo Hoàng.

“Chúng tôi, Ki-tô Hữu Thiểu Số Ai-Cập, Đặt Trọn Niềm Tin nơi Thiên Chúa”

Theo các con số thống kê năm 1986 của chính quyền Ai-cập, có khoảng hơn 3 triệu người, tức chừng 8% dân số Ai-cập, là Ki-tô Hữu tại đất nước của các huyền thoại sư tử đầu người.

Theo sổ sách Rửa Tội, Giáo Hội Ai-cập ước tính số lượng tín hữu là khoảng 11 triệu người trong tổng số 54 triệu dân chúng.

Dù tính theo cách nào, thì Giáo Hội Ai-cập chỉ là một thiểu số, và là một cộng đoàn từ thời xưa cổ, đã sống qua hơn hai ngàn năm trên một lãnh thổ từng trải qua nhiều cuộc bách hại.

Các cuộc bách hại giống như ma quỷ, cứ thỉnh thoảng lại trở lại quấy phá các Ki-tô Hữu Ai-cập, như vừa xảy ra vào ngày 11 tháng Mười Hai năm ngoái, khi một cuộc tấn công tự sát đã khiến 27 người thiệt mạng tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Mác-cô của Chính Thống Giáo Ai-cập tại thủ đô Cairo.

Ngày 6 tháng Hai vừa qua, các giám mục thuộc Giáo Hội Chính Thống Alexandria – lúc đang hiện diện tại Vatican trong chuyến viếng thăm ad Limina -, cũng đã lên tiếng về tình hình mà cộng đoàn Ki-tô Hữu Ai-cập đang đối diện.

ZENIT thực hiện cuộc phỏng vấn sau đây với Đức Ibrahim Isaac Sedrak, Thượng Phụ Alexandria, để bàn về các đề tài chính trong cuộc thảo luận với Đức Thánh Cha, và về không khí căng thẳng mà các Ki-tô Hữu Ai-cập đang trải qua.

ZENIT: Kính thưa Đức Thượng Phụ, cuộc thảo luận của Đức Thượng Phụ với Đức Thánh Cha đã diễn tiến ra sao?

Đức Thượng Phụ Sedrak: Chúng tôi thảo luận hơn một giờ trong bầu không khí rất thân mật. Bao giờ cũng vậy, Đức Thánh Cha luôn tỏ cho chúng tôi sự niềm nở hiếu khách và khiến chúng tôi cảm thấy tình người và mối liên kết thiêng liêng gần gũi.

ZENIT: Thưa, Đức Thượng Phụ đi một mình hay đi cùng phái đoàn tín hữu Ai-cập?

Đức Thượng Phụ Sedrak: Theo quy cách của các chuyến Ad Limina, Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Ai-cập đi một mình, phái đoàn gồm có 8 vị Giám Mục.

ZENIT: Thưa, phái đoàn nghỉ ở đâu khi ở Rô-ma? Và phái đoàn có gặp gỡ với đại diện của Cộng Đoàn Công Giáo Ai-cập tại Ý hay không?

Đức Thượng Phụ Sedrak: Chúng tôi nghỉ tại Domus Romana Sacerdotalis, trên đường Traspontina. Chúng tôi cử hành Thánh Lễ vào chiều Chúa Nhật 5 tháng Hai với Cộng Đoàn Công Giáo Ai-cập ở Rô-ma. Sau Thánh Lễ, chúng tôi dành giờ gặp gỡ các tín hữu.

ZENIT: Thưa, Đức Thượng Phụ đã thảo luận các đề tài gì với Đức Thánh Cha?

Đức Thượng Phụ Sedrak: Chúng tôi thảo luận về các công tác mục vụ trong Giáo Hội Ai-cập, cụ thể là chương trình hành động để đối phó với những khó khăn trong thời đại ngày nay.

ZENIT: Thưa, tinh thần của Ki-tô Hữu Ai-cập bây giờ ra sao ạ? Sau cuộc tấn công vào ngày 11 tháng Mười Hai năm ngoái tại Vương Cung Thánh Đường Chính Thống Giáo tại thủ đô Cairo, tín hữu Ai-cập có gặp các cuộc tấn công nào khác hay không?

Đức Thượng Phụ Sedrak: Vụ tấn công tại Vương Cung Thánh Đường Chính Thống Giáo là một vụ khủng bố dữ dội xảy ra ngay giữa thánh lễ. Việc phụ nữ và trẻ em bị giết hại làm gia tăng niềm đau thương và sự bàng hoàng trong toàn thể dân chúng Ai-cập. Tuy nhiên, phản ứng của mọi người là một phản ứng hoàn toàn ôn hòa, thể hiện tình đoàn kết thực sự của toàn thể dân chúng. Thiên Chúa an ủi từng người chúng tôi trong lúc đau thương, đặc biệt đối với thân quyến của các nạn nhân. Bây giờ thì có thể nói rằng mọi sự đã trở lại bình thường, mặc dù chúng tôi không bao giờ có thể được hoàn toàn bình an, cũng như các nơi khác trên toàn thế giới ngày nay. Nhưng chúng tôi đặt trọn niềm tin nơi Thiên Chúa.

ZENIT: Thưa, về phía Tổng Thống al-Sisi, có bất cứ dấu hiệu khả quan nào cho Ki-tô Hữu Ai-cập hay không? Ngày nay việc xây dựng các nhà thờ có dễ dàng hơn trước hay không?

Đức Thượng Phụ Sedrak: Tổng Thống al-Sisi là người rất cởi mở và quan tâm đến tình thế của Ki-tô Hữu. Ông đã từng tỏ ra, và tiếp tục tỏ ra gần gũi và quan tâm đến tất cả các vấn nạn xã hội, cụ thể là các vấn nạn đối với thiểu số. Vì vậy chúng tôi tạ ơn Thiên Chúa đã ban một vị Tổng Thống như vậy. Tuy nhiên, tình thế chính trị đình trệ mọi việc do bởi hệ thống hành chánh chậm chạp và bưng bít. Điều này cũng ảnh hưởng việc xây dựng nhà thờ mới.

ZENIT: Thưa, mối liên hệ đại kết giữa Công Giáo và Chính Thống Giáo Ai-cập hiện nay ra sao ạ?

Đức Thượng Phụ Sedrak: Trong thời gian gần đây, mối liên hệ đại kết giữa Công Giáo và Chính Thống Giáo Ai-cập đã tiến những bước đáng kể. Đức Giáo Hoàng mới Tawadros Đệ Nhị của Chính Thống Giáo Ai-cập là một người rất cởi mở trong việc đối thoại và gặp gỡ. Tuy nhiên, chúng ta không thể chối cãi rằng ở tầm mức hành đạo thực tiễn, đặc biệt là về các Bí Tích, vẫn còn một con đường dài phía trước. Chúng tôi tiến bước với lòng tin tưởng hướng về đại kết, và hiểu rằng đại kết là điều thiết yếu để làm chứng nhân thực thụ của Tin Mừng.

ZENIT: Thưa, điều gì là điều cộng đoàn Ki-tô Hữu Ai-cập cần nhất trong lúc này? Điều gì là điều ưu tiên trong mục vụ?

Đức Thượng Phụ Sedrak: Cũng như các cộng đoàn Ki-tô Hữu khác, chúng tôi cần trên hết mọi sự là các ơn thiêng liêng, để chúng tôi có thể loan báo Tin Mừng trong thời đại ngày nay, trên quê hương Ai-cập thân yêu của chúng tôi. Như chúng tôi đã trình bày trước đây, điều thiết yếu mà chúng tôi cần là việc tìm kiếm mối chung trong các mối truyền thống riêng rẽ ở Ai-cập. Các việc mục vụ ưu tiên là dạy Giáo Lý, dạy dỗ hướng dẫn các thế hệ mới, giới trẻ, chăm sóc mục vụ cho các gia đình nghèo, cũng như việc gắn bó và tham gia công tác xã hội qua các học đường và bệnh viện.
 
Hãy Tin Tưởng Phó Thác Nơi Mẹ Maria
Mỹ Hạnh
15:41 26/02/2017
“Hãy Tin Tưởng Phó Thác Nơi Mẹ Maria” – đó là lời khuyên Đức Giáo Hoàng ban vào cuối buổi tiếp kiến hàng tuần hôm thứ tư 22/2/2017 khi chào đón khách hành hương người Đức tại Quảng Trường Thánh Phê-rô – đó là buổi tiếp kiến chung đầu tiên ngoài quảng trường trong năm nay.

Đức Giáo Hoàng nói: “Cha ban lời chào mừng nồng nhiệt đến các khách hành hương người Đức.” và khuyến khích “Nhân dịp năm nay là năm Kỷ Niệm 100 Năm Đức Mẹ Hiện Ra tại Fatima, chúng ta hãy tin tưởng phó thác nơi Đức Maria, Mẹ Hy Vọng, Đấng mời gọi chúng ta hướng về Ơn Cứu Độ, hướng về một thế giới mới và một nhân loại mới.

Ngài ban phép lành “Nguyện xin Thiên Chúa chúc phúc cho tất cả các con.”
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Bản tường trình về việc nhà cầm quyền dùng bạo lực ngăn chặn người dân nạp đơn khởi kiện Formosa
Lm. JB. Nguyễn Đình Thục
04:49 26/02/2017
Giáo phận Vinh
Giáo xứ Song Ngọc

Song Ngọc, ngày 15 tháng 2 năm 2017

BẢN TƯỜNG TRÌNH

V/v nhà cầm quyền dùng bạo lực ngăn chặn người dân nạp đơn khởi kiện Formosa

Kính thưa quý Đức Cha, quý Cha, quý vị và toàn thể anh chị em

Con là JB. Nguyễn Đình Thục, linh mục quản xứ Song Ngọc, giáo phận Vinh. Con xin tường trình việc nhà cầm quyền ngăn cản các nạn nhân 3 xã Quỳnh Ngọc, Sơn Hải, Quỳnh Thọ đi kiện Formosa ngày 14 tháng 2 năm 2017 như sau:

Tối 13/ 2: Đoàn xe trên đường vào Song Ngọc ( để sáng 14/ 2 chở người đi kiện) bị công an chặn tại ngã tư cầu Giát.

Sáng 14/ 2: Một số xe nỗ lực vào Song Ngọc, nhưng lực lượng công an đe dọa và bằng mọi cách ngăn chặn không cho vào.

Thấy tình hình khó khăn, bà con quyết định đi bằng xe máy. Tuy nhiên, hơn 100 người không có xe máy, hoặc không đủ điều kiện theo luật giao thông quy định, họ đã chọn phương cách đầy can đảm là đi bộ, nhất quyết không chịu ở nhà, trừ khoảng 10 người già cả và không đảm bảo sức khỏe.

Khoảng 7h30, đoàn người với các phương tiện là xe máy, mấy chiếc ô-tô con và đi bộ, xuất phát từ Nhà Thờ Giáo Xứ Song Ngọc trong niềm hân hoan, sau khi đã cầu nguyện, nhận phép lành và mỗi người nhận chuỗi Mân Côi làm hành trang đi đường. Công an giao thông đã dẹp đường để việc di chuyển của chúng con được thuận lợi. Sự đồng hành của cha quản xứ Cầm Trường (dù chỉ một đoạn đường) và bà con giáo xứ, đã tiếp thêm cho chúng con niềm vui và sức mạnh vượt khó.

Đến cầu Giát, chúng con gặp anh Hải, phó giám đốc công an tỉnh Nghệ An. Sau khi nghe chúng con trình bày sự việc, anh Hải để cho chúng con thuê thêm một xe 29 chỗ ngồi chở bà con, với điều kiện là khoảng 70 người còn lại quay về. Nhưng chỉ có hai người mẹ và con nhỏ chịu quay về, số còn lại tiếp tục đi bộ.

Ô-tô và xe máy đi chậm để chờ và hỗ trợ người đi bộ. Đoàn người đi trong ôn hòa, trật tự và đầy niềm vui, với sự giúp đỡ của công an giao thông và sự chào đón, tiếp sức của bà con các giáo xứ dọc theo lối đường, như giáo xứ Hội Nguyên, Tân Lập, Yên Lưu, Thuận Nghĩa, Đăng Cao, Phú Vinh, Yên Lý, Đồng Tháp, Vạn Phần... Bà con từ nhiều xứ trong hạt Thuận Nghĩa và một số giáo xứ ở xa cũng đến khích lễ và đồng hành với chúng con, như Nghi lộc, Kẻ dừa, Vĩnh hoà, Ngọc long...

Những cái vẫy tay chào, những ánh mắt yêu thương và cảm thông, những tâm tình chia sẻ, những chai nước, gói bánh, những đồng tiền… được trao tay cho đoàn người, như trao cả tấm lòng cảm thương của người ở lại cho kẻ lên đường, đã làm cho chúng con không ngăn nổi dòng nước mắt tuôn trào vì xúc động. Rất nhiều người đã hòa nhập vào dòng người đi đòi công lý. Chúng con cảm nhận sâu sắc rằng, chúng con không cô đơn, rằng tự sâu thẳm lương tâm con người, dù là ai, luôn hướng về chân, thiện, mỹ.

Chúng con cũng nhận được thông tin từ các giáo xứ gần đường 1A như Bến Đén, Phú Linh, Trung Song, Nhân Hòa, Bình Thuận, Ngọc Liễn, Kim Lâm, Tân Lập, Tĩnh Giang, Quý Hòa và nhiều xứ khác, là họ đang chờ đón đoàn chúng con. Giáo xứ Đông Yên đang chuẩn bị nơi ăn nơi nghỉ cho chúng con…

Khoảng 12h trưa, chúng con dừng ăn trưa và nghỉ ngơi tại giáo xứ Yên Lý. Ở đây, chiếc xe được anh Hải cho chúng con thuê chở bà con, được lệnh công an phải quay về. Chúng con phải thuê chiếc xe ở Yên Lý để thay thế. Đoàn xe máy từ giáo xứ Bình Thuận đến đón chúng con về nghỉ đêm tại giáo xứ Bình Thuận theo như dự định.

Khoảng 14h15, sau giờ kinh chung tại nhà thờ Yên Lý, chúng con lên đường tiếp tục cuộc hành trình.

Khoảng 16h, chúng con đến đoạn đường cách trạm 5, Diễn Hồng, Diễn Châu chừng 1km, chúng con thấy rất nhiều công an giao thông, trong đó có ông Phượng CSGT tỉnh Nghệ An, đứng phân luồng, tách đoàn chúng con đi riêng một bên. Điều này cho thấy việc công an vây ráp và đánh bà con là cả một kế hoạch được dàn dựng chu đáo. Đến trạm 5 thuộc xã Diễn Hồng huyện Diễn Châu, bà con cho biết là công an dùng gậy uy hiếp và ép bà con tập trung nơi bãi đất trống bên đường.

Khi con đến nơi, ông Sửu công an tỉnh giới thiệu con với giám đốc công an tỉnh Nghệ An là ông Cầu. Con bắt tay ông Cầu với lời chào thân thiện. Con đang đứng với ông Cầu và ông Sửu thì bất ngờ cả một đoàn, có lẽ là công an mặc thường phục lao vào con. Con nghĩ rằng, họ chỉ cố ý bắt con đi chứ không cố tình đánh con. Nhưng sự thô bạo của họ đã làm cho con bị thương ở miệng và gây đau đớn vài nơi khác. Nhiều giáo dân đứng gần con đã kéo con ra khỏi đám côn đồ nầy. Vấn đề ở đây là giám đốc công an và nhiều vị công an mặc sắc phục đã không ngăn cản việc côn đồ tấn công con ngay trước mặt họ. Chúng con đi qua con mương khô nước và đến con đường đất hẹp ở sát đường 1A. Bà con kéo đến xung quanh con.

Đồng thời với việc tấn công con, công an đã truy bắt các anh em cầm điện thoại hoặc cầm máy để quay phim chụp hình. Nhiều anh em bị đánh tàn nhẫn, bị cướp hoặc bị phá hoại các phương tiện truyền thông. Nhiều anh em bị cướp tiền bạc và vật dụng khác. Có anh em bị đưa đi rất xa và bỏ lại nơi hoang vu mà không còn tài sản gì. Cùng lúc đó, một chiếc xe trong đoàn bị cấu lên xe cảnh sát và chở đi. Qua video ghi lại, chúng con nhận thấy công an đấm vào kiếng xe, bẻ gãy thanh gạt nước…

Ngoài số đông người hòa nhập với chúng con trên đường đi, lúc nầy có thêm nhiều người thuộc nhiều giáo xứ đã can đảm đến với chúng con khi biết tin chúng con bị đàn áp. Đặc biệt có cha quản hạt cửa lò, cha Giuse Phan Sỹ Phương và cha quản hạt Đồng Tháp, cha Đaminh Phạm Xuân Kế.

Chừng 20 phút sau, con được đề nghị đến làm việc với phó chủ tịch tỉnh là ông Lê Xuân Đại. Con nhất quyết từ chối vì lý do con nghĩ rằng, ông vừa chỉ đạo tấn công con và lừa dối vây nhốt và đánh đập bà con, giờ lại làm việc với con là thể hiện sự thiếu tôn trọng chúng con. Ý đồ là dùng áp lực bắt chúng con phải theo ý của họ. Sau vì vâng lời cha trưởng ban hỗ trợ các nạn nhân ô nhiễm biển giáo phận Vinh, con nhượng bộ làm việc với ông Đại, nhưng ông phải đến nơi chúng con đang đứng. Sau cùng, một lần nữa, con vâng lời cha trưởng ban, đến một vùng đất khá lớn để làm việc, tất cả bà con đi theo con. Đến đây ông Đại xuất hiện, nhưng không nói với con lời nào. Chúng con nghĩ rằng, chiêu trò làm việc chỉ là cái cớ để họ đưa chúng con đến nơi thuận tiện cho việc đàn áp đẫm máu lần thứ hai.

Khoảng 17h, khi chúng con cùng đa số bà con trong đoàn đang đứng với nhau thì chúng con nghe tiếng ồn ào ở nơi cách chúng con chừng 150m. Chúng con nhìn thấy nhiều gạch đá tung lên trời. Một lúc sau, chúng con nghe rất nhiều tiếng nổ kinh hoàng và nhìn thấy hàng trăm cảnh sát cơ động truy đuổi và đánh đập bà con cách tàn nhẫn, không kể người già hay trẻ con, đàn ông hay đàn bà. Trước tình thể đó, con và một số người khuyên bảo bà con ngồi xuống đọc kinh để không bị hoảng loạn. Nhưng nhiều tiếng nổ ngay sát đoàn người đang ngồi đọc kinh, làm cho nhiều người yếu tinh thần phải bỏ chạy. Cảnh sát cơ động chỉ chờ bà con bỏ chạy để truy sát. Hàng trăm người bị đánh. Trong đó có gần 30 người bị đánh trọng thương. Nhiều người bị bắt và cướp tài sản.

Chúng con nhớ lại vũ công an đàn áp giáo dân xứ Mỹ Yên và chúng con đoán chắc là họ đã dùng chung kịch bản, đó là tự mình gây chuyện để lấy cớ đàn áp dân.

Lúc nầy, có nhiều cha, các thầy, các xơ và bà con bất chấp nguy hiểm, đến tận hiện trường thăm chúng con, trong đó có cha Anton Nguyễn Văn Thanh, cha FX. Phan Đình Giáo, cha Anton Nguyễn Quang Trung, cha FX. Đinh Văn Minh, cha Anton Nguyễn Văn Hùng…

Khoảng 17h45, thấy tình hình ổn định, chúng con di chuyển vào giáo xứ Đông Tháp.

Khoảng 20h30, Giáo xứ Đông Tháp đã cử hành giờ chầu trọng thể và thắp nến cầu nguyện cho chúng con, với sự tham dự của cha xứ và giới trẻ giáo xứ Vạn Phần. Sau giờ chầu, chúng con được cộng đoàn giáo xứ Đồng Tháp ân cần mời về các gia đình để nghỉ ngơi.

Lúc nầy, cha quản hạt Thuận Nghĩa, cha Anton Nguyễn Văn Đính cùng cha Anton Trần Đình Văn quản xứ Vĩnh Hoà đến thăm chúng con và mang theo nhiều thực phẩm.

5h ngày 15, cha quản hạt Đồng Tháp đã dâng Thánh Lễ cầu nguyện cho đoàn chúng con, cho tổ quốc Việt Nam, cho công lý được tôn trọng, cách riêng cho các nạn nhân của vụ đàn áp xảy ra ngày 14.

Sau thánh lễ, chúng con được cha Giuse Nguyễn Văn Chính cùng hội đồng mục vụ xứ Nghi Lộc đến thăm.

Khoảng 7h30, chúng con vâng lời bề trên ra về.

Kính thưa quý Đức Cha, quý Cha, quý vị và toàn thể anh chị em, chúng con không muốn đưa ra một nhận định nào về sự độc ác và gian dối của các nhà cầm quyền trong sự kiện nầy, vì tất cả đã được phơi bày trên facebook mà các bạn trẻ đã quay trực tiếp.

Chúng con sợ rằng, chính quyền sẽ gây khó khăn hoặc bắt bớ một số người như vụ Mỹ yên trước đây. Nếu chuyện nầy xảy ra, chúng con kính mong Đức Cha, quý cha và quý vị giúp chúng con đấu tranh đến cùng để bảo vệ con cái.

Việc đi tìm công lý của chúng con vẫn chưa tới đích. Kính xin Đức Cha, quý cha và quý vị tiếp tục hướng dẫn và giúp đỡ chúng con!

Chúng con chân thành cám ơn quý Đức Cha, quý cha và toàn thể quý vị đã và đang đồng hành và quan tâm giúp đỡ chúng con trên con đường đi tìm công lý.

Người tường trình,

Lm. quản xứ Song Ngọc

JB. Nguyễn Đình Thục
 
Cộng Đồng Người Việt Tự Do Sydney Thắp Nến Cầu Nguyện Cho Quê Hương Việt Nam.
Diệp Hải Dung
09:38 26/02/2017
Cộng Đồng Người Việt Tự Do Sydney Thắp Nến Cầu Nguyện Cho Quê Hương Việt Nam.

Tối Chúa Nhật 26/02/2017 Cộng Đồng Người Việt Tự Do tiểu bang New South Wales Úc Châu tổ chức đêm thắp nến tại Công viên Paul Keating Park Bankstown – Sydney cầu nguyện và cùng đồng hành với đồng bào Giáo dân Giáo xứ Song Ngọc Nghệ An tại Việt Nam khiếu kiện nhà máy Formosa đã hủy hoại môi trường.

Xem Hình

Ông Hà Cao Thắng Chủ tịch Cộng Đồng Người Việt Tự Do tiểu bang New South Wales trình bày về thảm hoạ Formosa tại Vũng Áng Hà Tĩnh đã gây biết bao nhiêu tai họa cho dân tộc Việt Nam nói chung và gây đau thương cho đồng bào miền Trung nói riêng. Đặc biệt ngày 14/02/2017 nhà cầm quyền CSVN đã ra tay đàn áp cộng đoàn giáo dân Giáo xứ Song Ngọc, Quỳnh Lưu, Nghệ An hành trình trình vào Hà Tĩnh dưới sự hướng dẫn của Linh mục Nguyễn Đình Thục đến Tòa án thị xã Kỳ Anh để đòi Formosa bồi thường những thiệt hại đã gây cho họ...đồng thời trên màn ảnh Projector cũng trình chiếu cuộc xuống đường biểu tình của Giáo dân Giáo xứ Song Ngọc, Quỳnh Lưu bị Công an ngăn chận và đàn áp đánh đập dã man.

Sau đó quý vị Lãnh đạo tinh thần các Tôn Giáo lên trước bàn thờ Tổ Quốc thắp nén hương và cùng với tất cả mọi người đều thắp nến cầu nguyện cho quê hương Việt Nam.

Diệp Hải Dung ghi nhanh.
 
Thông báo về việc đóng cửa Văn phòng Cáo Thỉnh Viên xin phong thánh cho Cha Trương Bửi Diệp tại GP Orange.
Hoàng Minh
13:19 26/02/2017
GP ORANGE - Theo thông báo mới nhất ngày 21/2/2017 của Cha Trần Văn Kiểm, Giám đốc Trung tâm CGVN Giáo phận Orange cho biết như sau:

Ngày 14/2/2017 Đức Cha Kevin W. Vann, Giám Mục GP Orange đã liên lạc với Cha Phêrô Trần Thế Tuyên trong đó Ngài quyết định rằng trong lúc này không thích hợp và không cho phép Cha Phêrô Trần Thế Tuyên thi hành mục vụ trong Địa Phận Orange.

Ngày 20/2/2017, Cha Phêrô Trần Thế Tuyên cũng thông báo là Ngài đã đóng cửa Văn Phòng Cáo Thỉnh Viên tại Địa Phận Orange và hoàn toàn vâng phục những phán quyết của Đức Giám Mục Giáo Phận Orange.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Biện phân là gì?
Vũ Văn An
03:02 26/02/2017
Đọc bài về việc Cha Bề Trên Cả Dòng Tên nói đến biện phân, có vị linh mục gọi cho người giáo dân bình thường này than phiền là tại sao không đề cập gì tới việc Cha Bề Trên Cả nói rằng Thánh Kinh là sách do người phàm viết ra và do những người phàm chấp nhận, mà thực ra là sách linh hứng và tác giả chính là Thiên Chúa mới đúng chứ. Người giáo dân bình thường này chỉ biết thưa lại: có nói thế, chắc Cha Bề Trên Cả, người mà trước đây, người Pháp quen gọi là “pape noir” (giáo hoàng áo đen), cũng sẽ trả lời như Đức Phanxicô (giáo hoàng áo trắng) rằng: khổ quá, nói mãi, tôi là con cái trung thành của Giáo Hội, tôi biết điều đó, nhưng mình cứ nói đến chuyện đó hoài làm chi!

Cha Bề Trên Cả còn nói là thế kỷ vừa qua, trong Giáo Hội Công Giáo có rất nhiều cuộc nghiên cứu xem thực sự Chúa Giêsu đã nói gì. Và kết quả, cuộc nghiên cứu này đẻ ra ông cựu linh mục John Dominic Crossan, người cuối cùng chỉ “khám phá” ra những câu không đính dáng gì tới thần linh hay siêu nhiên là của Chúa Giêsu thôi, dù ông này không hề có máy ghi âm ghi lại lời Chúa nói hồi ấy.

Nhưng có nói với ngài, ngài cũng sẽ bảo: đã đành, nhưng đâu phải ai ai cũng là John Dominic Crossan, lo bò trắng răng làm chi rứa!

Tuy nhiên, như đã hứa mục đích bài này là nói về ý nghĩa của biện phân.

Theo Từ Điển Hán Việt của Đào Duy Anh, “biện” là xét rõ để phân biệt, là tranh luận điều phải trái; “phân biện” là chia riêng ra mà xét rõ. Cụ Đào còn chua thêm tiếng Pháp cho phân biện là “distinguer, discrimination”. “Distinguer” thì quá chung chung; còn “discrimination” thì không hợp với người thời nay vì, ai cũng biết, từ này hiện nay có nghĩa xấu là kỳ thị.

Vậy thì “biện phân” liên hệ đến việc xét rõ để phân biệt điều phải trái.

Biện phân thần khí

Truyền thống Kitô Giáo không hẳn hiểu biện phân theo nghĩa tổng quát trên đây, dù hiện nay, người ta có khuynh hướng thiên về phía ấy.

Vì Kitô Giáo không khởi đầu nói đến biện phân theo nghĩa tổng quát mà nói tới việc “biện phân thần khí”. Thánh Phaolô là người đầu tiên liệt kê việc biện phân thần khí vào số các đặc sủng: “Người thì được ơn làm phép lạ, người thì được ơn nói tiên tri; kẻ thì được ơn biện phân thần khí; kẻ khác thì được ơn nói các thứ tiếng lạ; kẻ khác nữa lại được ơn giải thích các tiếng lạ” (1Cor 12:10). Sau đó là Thánh Gioan: “Anh em thân mến, anh em đừng cứ thần khí nào cũng tin, nhưng hãy cân nhắc các thần khí xem có phải bởi Thiên Chúa hay không, vì đã có nhiều ngôn sứ giả lan tràn khắp thế gian” (1Ga 4:1).

Thần khí đây, theo Từ Điển Bách Khoa Công Giáo, ấn bản đầu thế kỷ 20, nếu nói đến nghĩa rộng, chỉ một số ảnh hưởng phức tạp, có khả năng thúc đẩy ý chí, người này hướng tới điều tốt, người kia hướng tới điều xấu. Theo nghĩa này, ta có tinh thần thế gian, tinh thần chủng tộc, tinh thần Kitô Giáo… Nhưng nếu nói theo nghĩa hẹp, thần khí chỉ các tác nhân tinh thần khác nhau, qua các gợi ý và thúc đẩy của chúng, có thể ảnh hưởng đến giá trị luân lý của các hành vi của chúng ta.

Bốn thần khí thuộc hai loại tốt xấu

Dĩ nhiên, chúng ta lấy nghĩa thứ hai. Theo nghĩa này, Từ Điển liệt kê 4 tác nhân: a) Linh hồn con người; do hậu quả của tội nguyên tổ, các quan năng hạ cấp của linh hồn không đi cùng đường với các quan năng cao cấp. Có thể nói, tư dục, thứ quấy nhiễu trí tưởng tượng và các lầm lẫn của cảm giới, gây trở ngại hay làm trệch đường các vận hành của trí hiểu và ý chí, khiến người này sao lãng điều thật và người khác sao lãng điều tốt. b) Đối nghịch với bản chất hư hỏng của ta hay có thể nói với xác thịt vốn kéo chúng ta về hướng tội lỗi, Thần Khí Thiên Chúa hành động trong ta bằng ơn thánh, một ơn trợ giúp siêu nhiên cho trí hiểu và ý chí của ta để hướng dẫn ta trở về với điều tốt và tuân giữ luật luân lý. c) Ngoài ra còn có hai tác nhân nữa, đó là thần xấu (ma quỉ) và thần tốt (thiên thần); thần xấu lôi kéo ta về phía nổi loạn với chúng; thần tốt lôi kéo chúng ta về phía vâng lời với các ngài.

Tóm lại có 4 thần khí ảnh hưởng tới tự do của ta: Thiên Chúa và các thiên thần tìm điều tốt cho ta; con người (theo nghĩa trên đây) và ma quỉ tìm điều bất hạnh cho ta. Nói cho gọn, có hai loại là thần khí tốt và thần khí xấu.

Từ Điển cho rằng “biện phân thần khí” là hạn từ chỉ sự phán đoán nhờ đó ta có thể xác định từ thần khí nào các thúc đẩy của linh hồn ta phát xuất ra và ta dễ hiểu tầm quan trọng của sự phán đoán này đối với việc tự hướng dẫn mình và hướng dẫn người khác.

Nhờ Sách Thánh và truyền thống tu đức

Sự phán đoán trên có thể được huấn luyện bằng hai cách. Cách thứ nhất nhờ ánh sáng trực giác, điều không thể lầm lẫn trong việc khám phá ra phẩm chất của thúc đẩy; như thế, đây là ơn phúc của Thiên Chúa, ơn nhưng không, ban cho, chủ yếu để sinh ích cho người lân cận (1Cor 12:10). Đặc sủng này được ban cho thời Giáo Hội sơ khai và trong đời sống các vị thánh. Cách thứ hai, nhờ học tập và suy nghĩ. Như thế, đây là một kiến thức mà con người tích lũy được, ít nhiều hoàn hảo, nhưng hữu ích để hướng dẫn các linh hồn. Dĩ nhiên, kiến thức này thu tích được nhờ sự trợ giúp của ơn thánh, nhờ đọc Sách Thánh, đọc các tác phẩm thần học và tu đức, các sách tiểu sử, và thư từ của những nhà tu đức thời danh. Sự cần thiết của việc tự hướng dẫn mình và hướng dẫn người khác, khi mình có nhiệm vụ săn sóc các linh hồn, đã sản sinh ra nhiều văn kiện, được lưu giữ trong các thư viện linh đạo, mà nếu chịu khó sử dụng ta sẽ thấy việc biện phân thần khí là một khoa học vốn nở rộ trong Giáo Hội.

Từ Điển kể ra một số sách tu đức nói trên như “Người Chăn Chiên Hermas”, bài nói của Thánh Antôn với các đan sĩ Ai Cập trong sách Thánh Anathasiô viết về đời ngài; cuốn "De perfectione spirituali" (Về việc hoàn thiện hóa thiêng liêng, các chương 30-33) của Marcus Diadochus; cuốn Tự Thú của Thánh Augustinô; bài giảng XXIII của Thánh Bernađô "De discretione spirituum" (Về Biện Phân Các Thần Khí); khảo luận của Gerson, "De diversis diaboli tentationibus" (Về các cám dỗ đa dạng của ma quỉ); tự truyện của Thánh Têrêsa và “Lâu Đài Linh Hồn”; các thư linh hướng của Thánh Phanxicô De Sales.

Linh thao của Thánh Inhã

Lẽ dĩ nhiên đặc biệt phải kể đến “Linh Thao” của Thánh Inhã, Đấng sáng lập Dòng Tên, “tổ phụ” Cha Sosa, tân Bề Trên Cả Dòng này, người vừa lên tiếng về biện phân.

Thánh Inhã không những nói tới biện phân thần khí mà còn đưa ra các qui luật cho việc biện phân này. Từ điển cho rằng Thánh Inhã dựa vào ánh sáng Thiên Chúa và kinh nghiệm bản thân có thể sánh với kinh nghiệm của một tâm lý gia uyên bác để đưa ra hai loại thần khí; thần khí tốt và thần khí xấu. Ngài bắt đầu bằng cách nêu lên nguyên tắc rõ ràng này: cả thần khí tốt lẫn thần khí xấu đều hành động trên linh hồn ta tùy theo thái độ của linh hồn ta đối với chúng. Nếu các thần khí xấu giả dạng làm bằng hữu của linh hồn, chúng sẽ ve vãn linh hồn; nhưng hễ linh hồn chống cự chúng, chúng sẽ hành khổ nó. Nhưng thần khí xấu chỉ nói với trí tưởng tượng và các giác quan, trong khi các thần khí tốt thì hành động trên lý trí và lương tâm. Các thần khí xấu nhằm kích thích tư dục, còn các thần khí tốt thì nhằm tăng cường tình yêu đối với Thiên Chúa.

Thánh nhân cũng dạy ta phân biệt các thần khí bằng các hành động và mục đích của các sức mạnh này. Thánh nhân cho rằng nếu không có nguyên nhân trước, nghĩa là bỗng nhiên, không biết hay không cảm trước, một mình Thiên Chúa, bằng quyền tối thượng của Người, có thể đổ tràn ánh sáng và niềm vui vào linh hồn ta. Nhưng nếu có nguyên nhân trước, thần xấu hoặc thần tốt có thể là tác giả của niềm vui (an ủi); điều này phải được phán đoán căn cứ vào các hậu quả. Vì đối tượng của thần tốt là phúc lợi của linh hồn và đối tượng của thần xấu là nỗi bất hạnh của nó, nên nếu, trong diễn biến các suy nghĩ của ta, mọi sự êm đẹp và hướng về điều tốt, thì không có lý do gì để phải lo lắng; trái lại, nếu thấy bất cứ sai lạc nào hướng tới sự xấu hay bất cứ bối rối bất an chớm nở nào, thì đây là lý do phải lo sợ.



Tóm lại, biện phân trong truyền thống Giáo Hội là phân biệt các nguyên động lực tác động trên lý trí và ý chí ta. Và tiêu chuẩn để phân biệt là Thánh Kinh và truyền thống Giáo Hội thể hiện qua các trước tác thần học và tu đức hết sức phong phú trong suốt lịch sử của Giáo Hội.

Thần học hiện đại

Thành thử khi Cha Bề Trên Cả Dòng Tên đòi biện phân cả lời Chúa, dù là lời Chúa như Giáo Hội giảng dậy, vì không biết có phải là lời Chúa hay không, thì không hiểu, ngài có ý nói đến thứ biện phân gì. Cha nhấn mạnh nhiều tới khía cạnh nhân bản của Thánh Kinh và Truyền Thống, mà giảm nhẹ, thậm chí không nhắc gì tới khía cạnh linh hứng của chúng, thì lương tâm bản thân biết dựa vào đâu để chắc chắn là mình đi đúng đường. Đã đành là có Chúa Thánh Thần. Nhưng Chúa Thánh Thần há không: “dùng các tiên tri (nhân bản) mà phán dậy” đó sao?

Cũng có thể có người cho rằng các trình bầy trên đã lỗi thời vì căn cứ vào một bài viết từ đầu thế kỷ 20. Vậy thì xin dựa vào Tân Từ Điển Bách Khoa Công Giáo mới xuất bản cuối thế kỷ 20 đầu thế kỷ 21.

Từ Điển duyệt lại lịch sử diễn biến của việc biện phân thần khí. Như đã biết hai Thánh Phaolô và Gioan là những vị đầu tiên nói tới việc biện phân thần khí. Các ngài mời gọi mỗi Kitô hữu “đừng có rập theo đời này, nhưng hãy cải biến con người anh em bằng cách đổi mới tâm thần, hầu có thể nhận ra đâu là ý Thiên Chúa: cái gì là tốt, cái gì đẹp lòng Chúa, cái gì hoàn hảo” (Rm 12:2); “Anh em hãy xem điều gì đẹp lòng Chúa. Đừng cộng tác vào những việc vô ích của con cái bóng tối…” (Eph 5:10,11). “Và điều tôi khẩn khoản nài xin, là cho lòng mến của anh em ngày thêm dồi dào, khiến anh em được ơn hiểu biết và tài trực giác siêu nhiên, để nhận ra cái gì là tốt hơn…” (Pl 1:9,10). Thánh Phaolô mô tả cảm nghiệm nội tâm về thần khí Thiên Chúa, mà hiệu quả là ánh sáng, bình an, bác ái, và nhìn nhận Chúa Giêsu là Chúa. “Còn hoa quả của Thần Khí là: bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ…” (Gl 5:22,23). Thánh Gioan thì thêm rằng cảm nghiệm Thần Khí phải y hệt giáo huấn nhận được từ các Tông Đồ (1Ga 2:24; 4:6). Ngài nhấn mạnh tới niềm tin tưởng do cảm nghiệm này đem tới vào ngày phán xét (Đã dẫn, 4:17, 18). Như thế Thánh Phaolô và Thánh Gioan dường như ít quan tâm tới việc xác định các triệu chứng của thần khí xấu hơn là xác định các dấu chỉ của thần khí tốt.

Qua thời các giáo phụ, hạn từ dißkrij, dịch sang tiếng La Tinh là discretio, được sử dụng để chuyển tải truyền thống trên của hai Thánh Phaolô và Gioan. Các giáo phụ quan tâm nhiều hơn tới việc vạch trần các ảo tưởng qủy ma hơn là biện phân Thần Khí Thiên Chúa. Các ngài cũng đặc biệt nói tới nguồn gốc các thúc đẩy, chứ không nói tới hướng đi của chúng. Điều này dẫn tới một sự nhầm lẫn giữa hai vấn đề khác biệt nhau đối với ngày nay: đó là vấn đề “tốt” hay “xấu” của một chuyển động nội tâm, và vấn đề nguồn gốc tự nhiên hay siêu nhiên của nó.

Thời Kinh Viện, Thánh Tôma Aquinô dẫn khởi việc phân biệt giữa discretio (biện phân) đơn thuần, điều ngài ít bàn tới, và đặc sủng discretio spirituum (biện phân thần khí), một ơn đặc biệt cho phép người có nó biết được những điều bất ngờ trong tương lai hay các bí nhiệm của trái tim (Summa theologiae 1a 2ae, 111.4). Như thế, biện phân đơn thuần trở thành một thành phần của nhân đức khôn ngoan. Nó can thiệp mỗi khi bổn phận không được xác định rõ ràng bởi các qui luật hành động thông thường. Lúc đó, người Kitô hữu nên được hướng dẫn bởi các nguyên tắc cao hơn và có tính nội tâm hơn. Qua nhân đức khôn ngoan, ơn thánh ban cho họ kỹ năng thành thạo để phán đoán, nhờ đó, họ biện phân được thánh ý Thiên Chúa phía sau các qui luật chung của lối sống Kitô Giáo. Như thế, Thánh Tôma tránh việc dùng hạn từ “biện phân” và gán cho “nhân đức khôn ngoan” nhiệm vụ duy trì giáo huấn thường hằng của các tác giả thánh (đã dẫn 2a2ae, 51.4).

Tuy nhiên, một số tác giả, kể cả các người theo chủ thuyết Tôma (Thomists), vẫn tiếp tục sử dụng hạn từ cổ điển này. Nổi tiếng hơn có Đức Hồng Y Bona (De discretione spirituum liber unus), tu sĩ Dòng Tên Scaramelli, mà cuốn Discernimento degli spiriti (1753), trở thành nổi tiếng nhờ nhiều ấn bản và bản dịch. Chắc chắn họ chịu ảnh hưởng của Thánh Inhã. Cuốn Linh Thao của Thánh Inhã, dù không bao giờ nhắc tới nhân đức khôn ngoan, đã đưa ra một nền giáo dục về biện phân thần khí. Trong sự phát triển bình thường của đời sống người Kitô hữu, sẽ đến một giai đoạn khi họ không còn hài lòng với việc qui định tác phong của họ bằng luật lệ và các qui định bên ngoài mà trước đây họ vốn chấp nhận mà không đồng hóa vào cõi lòng và yêu mến. Lúc đó, họ sẽ ý thức được trọn vẹn hai thứ ảnh hưởng kình chống nhau trong họ, chen lẫn với nhau như cỏ dại và lúa mì trong dụ ngôn của Chúa Giêsu: sức mạnh của ơn thánh và sức mạnh của tội lỗi. Họ đề xuất cho mình các trường hợp đích thực theo lương tâm bản thân. Như Thánh Tôma từng nói, họ ở trên và vượt quá bên kia các communes regulas agendorum (các qui luật hành động chung). Không còn vấn đề phải phù hợp với một lề luật khách quan và tổng quát nữa, nhưng phải quyết định bước theo một ơn gọi, như Thánh Gioan, duy nhất trong các Tông Đồ, quyết định theo Thầy cho tới tận chân Thập Giá. Các khảo luận có tính giáo khoa không mời gọi chính lương tâm đảm nhiệm việc huấn luyện này, nhưng lưu tâm tới việc đem lại cho các vị linh hướng một danh mục các dấu hiệu mà các ngài có thể sử dụng để huấn đạo người khác về việc cầu nguyện, linh hứng, và các cố gắng thiêng liêng.

Thánh Inhã là một trong các bậc thầy hiếm hoi giúp người ta đi vào lương tâm họ bằng một sự biện phân năng động, nhờ một loạt các thao luyện bản thân. Nói một cách căn bản, việc thay phiên nhau cảm thấy được an ủi và buồn rầu, rất thường có trong đời sống thiêng liêng, dạy người Kitô hữu đừng chống lại khó khăn, và đừng thư giãn trong những lúc phởn phơ thơ thới. Những thăng trầm này chỉ là những trạng thái mau qua, “những tạo vật” để tín hữu sử dụng mà làm sáng danh Thiên Chúa. Đàng sau chúng, lương tâm cảm thấy sự chắc chắn không thể lung lay của đức tin và sự bình an độc đáo nó mang theo. Ta phải kiểm soát “cơn cám dỗ đội lốt điều tốt" bằng cách xét mối liên hệ của nó với sự chắc chắn và bình an này.

Thánh nhân cho rằng chỉ những người từng cảm nghiệm được sự “bình an của Thiên Chúa, thứ bình an vượt trên mọi hiểu biết” và là thứ bình an “giữ cho tâm trí anh em ở lại trong Chúa Giêsu Kitô” (Pl 4:7), mới có thể chẩn đoán được những cơn cám dỗ như trên. Bởi thế Thánh Inhã nhấn mạnh rằng các thao luyện liên quan tới việc biện phân các cơn cám dỗ kiểu trên không được dành cho mọi người. Nhưng phải có sự hướng dẫn của vị linh hướng.

Qua thời hiện đại, dựa trên lịch sử biện phân thần khí lâu đời của truyền thống Kitô Giáo, cuộc thảo luận hiện nay bàn đến chủ đề này qua việc lượng giá các linh hứng, các trực giác, các thôi thúc và các trạng thái của cảm giới nói chung, phối hợp với việc khảo sát các nguồn của các cảm nghiệm này, và việc đánh giá sự phù hợp của chúng đối với hướng đi nói chung của đời một con người. Diễn trình biện phân, với việc tập chú của nó vào hành động của Thiên Chúa ở trong đời và đáp ứng thích đáng của con người trước hành động này, cho phép một cá nhân trở nên ý thức rõ ràng hơn các yếu tố liên quan tới việc hình thành các quyết định bản thân của họ. Biện phân đem lại cái biết tốt hơn về chính bản thân và cái biết tốt hơn về một số ảnh hưởng tác động lên việc họ hướng về Thiên Chúa. Ngoài việc liên tiếp đánh giá tầm quan trọng của biện phân trong linh đạo và linh hướng, các tác giả hiện đại còn thăm dò các chủ đề như cơ cấu nền tảng đối với việc biện phân của Kitô hữu, mối liên hệ của giải thích và biện phân, và vai trò của biện phân trong đời sống luân lý.



Cơ cấu nền tảng. Jon Sobrino (1) từng ghi nhận rằng các Sách Tin Mừng mô tả Chúa Giêsu trong trạng thái luôn luôn quay trở về với thánh ý Chúa Cha, song song với một diễn trình không ngừng biện phân. Đối với Chúa Giêsu, trong ý thức nhân bản của Người, biện phân thánh ý Thiên Chúa bao hàm trước nhất việc minh giải với chính Người Thiên Chúa trước nhất là đấng thế nào. Liên tục trở về nghĩa là phải biện phân được thực tại luôn luôn lớn lao hơn của Thiên Chúa. Biện phân việc Chúa Cha là ai được dùng làm nền tảng trên đó mọi biện phân đặc thù của Chúa Giêsu được xây dựng. Chúa Giêsu trình bầy biện phân như là chọn lựa triệt để giữa các giải pháp. Người ta phải chọn lựa giữa Thiên Chúa và thần tài, giữa sống và chết. Họ phải nói “xin vâng” đối với những gì Thiên Chúa khẳng định trong lịch sử và phải nói “không” đối với những gì Thiên Chúa bác bỏ như là thế giới tội lỗi. Các chọn lựa này xuất phát từ các biện phân sơ nguyên và có tính nền tảng về việc Thiên Chúa là ai và con người là ai trong liên hệ với Thiên Chúa. Đối với Sobrino, việc biện phân của Chúa Giêsu khiến ta lưu ý tới tầm quan trọng của việc biện phân nền tảng liên quan cả với Thiên Chúa lẫn bản thân ta. Các biện phân nền tảng này khai triển trong suốt đời người, trong đó, con người tích cực tìm kiếm vị Thiên Chúa luôn vĩ đại hơn.

Giải thích và phán đoán. Cả trong nền thần học truyền thống lẫn trong nền thần học mới đây, biện phân đều liên kết một cách toàn diện với việc đưa ra các quyết định. Vì thực tại phức tạp của biện phân, S. Schneiders (2) đã đề cập tới 3 loại phán đoán khác biệt nhau nhưng có liên hệ với nhau. Thứ nhất là phán đoán có tính lượng giá, trong đó, một xác định nào đó được đưa ra liên quan tới sự chân hay sự giả của một hiện tượng. Tiếp theo việc lượng giá này, là phán đoán có tính giải thích qua đó, người ta đạt được một giải thích nào đó về hiện tượng. Và sau cùng là phán đoán thực tiễn trong đó một đáp ứng thích đáng nào đó được phát biểu.

Nhờ giải thích, các lớp lang ý nghĩa sâu xa hơn trong đời người được phát hiện. Câu truyện đời người giống như một bản văn có thể phát sinh các giải thích mới mẻ dưới ánh sáng Thánh Kinh và niềm tin vào Thiên Chúa vốn liên hệ mật thiết với đời người. Biện phân, hiểu như một thao tác giải thích, có thể phát hiện nhiều cái hiểu không thỏa đáng hay đã định trước (foreclosed) về bản thân mình và về Thiên Chúa và nhờ thế dẫn tới các hình ảnh mới về cả hai chủ thể này.

Tâm lý học hiện đại đóng góp khá nhiều vào thao tác biện phân bằng cách soi sáng các cái hiểu méo mó về bản thân và về Thiên Chúa vốn phát sinh từ các thăng trầm của việc phát triển nhân bản. Biện phân thần khí, khi trung thực giải thích quá khứ của mình, các thiếu sót cũng như các kinh nghiệm tích cực, sẽ mở đường cho một giải thích mới cho đời mình như đã được cứu chuộc trong Chúa Kitô và mở lòng ra đón nhận ơn thánh trong tương lai.

Đưa ra các quyết định luân lý. Biện phân thỉnh thoảng được thảo luận trong nền thần học luân lý của cả Thệ Phản lẫn của Công Giáo Rôma, trong đó, nó giữ vai trò nổi bật trong việc đưa ra quyết định luân lý. Việc chú ý đến biện phân trong thần học luân lý là điển hình của một phong trào tìm cách vượt quá các phương pháp luận có tính luận lý và diễn dịch để hiểu các phức tạp của đời sống luân lý. Nó nhìn nhận vai trò của óc tưởng tượng và óc sáng tạo trong việc thi hành trách nhiệm luân lý. Đối với các tiêu chuẩn để đánh giá các chọn lựa luân lý thích đáng, biện phân sử dụng các biểu tượng chính của truyền thống Kitô Giáo và các xúc cảm căn bản (basic affections) hay các nhân đức của đời sống Kitô Giáo, như triệt để lệ thuộc vào Thiên Chúa và sự ăn năn. Tác nhân luân lý, lúc này, là một bản ngã biết đáp ứng một vị Thiên Chúa luôn hoạt động trong đời sống bản thân và xã hội của ta. Các biểu tượng và câu truyện của Thánh Kinh ảnh hưởng tới óc tưởng tượng luân lý và làm phát sinh viễn kiến luân lý. Với sự giúp đỡ của các mẫu mực Thánh Kinh, con người nhận ra một cách rõ ràng hơn hành động của Thiên Chúa trong lịch sử bản thân và trong các biến cố của thời đại mình. Các trình thuật và biểu tượng Thánh Kinh cung cấp cho ta sự hướng dẫn có tính qui phạm để ta có thể có được một đáp ứng luân lý thích đáng đối với hành động của Thiên Chúa.

Biện phân mời gọi sự tham gia của toàn bộ trái tim con người, gồm mọi tâm tư, hoài niệm và óc tưởng tượng. Tác nhân luân lý đang biện phân tìm cách tuân theo một diễn trình hành động phù hợp với các xúc cảm và nhân đức được các trình thuật Thánh Kinh nâng đỡ. Dưới ánh sáng các xác tín xúc cảm bắt nguồn trong Tin Mừng, một phán đoán đẹp đẽ sẽ được đưa ra về tính thích đáng của một hoạt động đặc thù. Biện phân đặt căn bản trên cả hai tiêu chuẩn xúc cảm và biểu tượng rút ra từ truyền thống Kitô Giáo hiện vẫn đang được thực hiện trong khuôn khổ các nguyên tắc luân lý tổng quát.

Chúng tôi cố tình trình bầy chi tiết nội dung bài viết của hai tác giả J. Pegon và R. Studzinski trong Tân Bách Khoa Từ Điển Công Giáo để nhấn mạnh rằng biện phân trong truyền thống Kitô Giáo luôn lấy Thánh Kinh và truyền thống làm tiêu chuẩn. Khi mang biện phân áp dụng vào cả Thánh Kinh, nhất là vào luôn những lời nói của Chúa Giêsu mà Giáo Hội vốn coi là chân lý thì người giáo dân bình thường chắc chắn phải kết luận rằng Cha Bề Trên Cả Dòng Tên không những cắt đứt liên hệ với vị sáng lập ra Dòng mình mà còn cắt đứt liên hệ với cả Giáo Hội, thậm chí với cả Đấng Thiên Chúa làm người nữa.

______________________________________________________________________________________________

Chú thích

(1) J. SOBRINO, ‘‘Following Jesus as Discernment’’, Concilium 119 (1978) 14–24.

(2) S. SCHNEIDERS, ‘‘Spiritual Discernment in The Dialogue of Saint Catherine of Siena’’, Horizons. Journal of the College Theology Society 9 (1982) 47–59.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Lẻ Bạn
Đặng Đức Cương
19:09 26/02/2017
LẺ BẠN
Ảnh của Đặng Đức Cương
Buồn tình cha chả buồn tình
Không ai lẻ bạn cho mình có đôi.
(Ca dao)
 
VietCatholic TV
Giáo Hội Năm Châu 21-27/02/2017: 125 năm ngày sinh vị Hồng Y anh hùng Ukraine - Josyf Slipyj
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
15:24 26/02/2017
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Đức Thánh Cha kêu gọi đón tiếp, bảo vệ, thăng tiến di dân

Đức Thánh Cha tái kêu gọi đón tiếp, bảo vệ, thăng tiến và hội nhập người di dân và tị nạn. Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 21-2-2017 dành cho 250 tham dự viên Diễn đàn quốc tế về chủ đề “Hội nhập và phát triển: từ phản ứng đến hành động”.

Lên tiếng sau lời chào mừng của Đức Tổng Giám Mục Silvano Tomasi, nguyên quan sát viên thường trực của Tòa Thánh cạnh các tổ chức Liên Hiệp Quốc ở Genève, và tiến sĩ Hans-Gert Poettering người Đức, nguyên chủ tịch Nghị viện Âu Châu, Đức Thánh Cha nhắc đến hiện tượng rộng lớn di dân và tị nạn trên thế giới ngày nay, và ngài tóm tắt thái độ mà cộng đồng chính trị, xã hội dân sự và Giáo Hội cần có trước những thách đố cấp thiết do hiện tượng này đề ra, đó là: đón tiếp, bảo vệ, thăng tiến và hội nhập những người di dân và tị nạn.

Đức Thánh Cha nói: “Đối với những người trốn chạy chiến tranh và bách hại kinh khủng, nhiều khi bị rơi vào nanh vuốt của các tổ chức tội phạm vô lương tâm, cần mở những hành lang nhân đạo có thể đi qua và an toàn. Một sự tiếp đón trong tinh thần trách nhiệm và xứng đáng dành cho các anh chị em này bắt đầu trước hết bằng cách thu xếp cho họ những không gian thích hợp và xứng đáng”.

Đức Thánh Cha cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải bảo vệ những người di dân tị nạn dễ bị tổn thương nhất chống lại sự khai thác, bóc lột, lạm dụng và bạo hành.. đồng thời giúp thăng tiến các quyền lợi của họ như những nhân vị, bảo đảm cho họ những điều kiện cần thiết. Ngài nhắc nhở rằng sự thăng tiến nhân bản cho người di dân và gia đình họ bắt đầu từ những cộng đoàn nguyên quán. Tại đó ngoài quyền xuất cư, còn phải bảo đảm cho họ quyền không phải xuất cư, nghĩa là quyền tìm được nơi quê hương của mình những điều kiện để có cuộc sống xứng đáng.

Sau cùng, Đức Thánh Cha nói: “cần giúp những người di dân và tị nạn hội nhập vào xã hội nơi họ được đón tiếp. Hội nhập không có nghĩa là đồng hóa hoặc bị xáp nhập, nhưng là một tiến trình hai chiều, dựa trên sự nhìn nhận hỗ tương sự phong phú về văn hóa của tha nhân, đồng thời tránh nguy cơ sống co cụm như trong những ghetto.

Đức Thánh Cha cũng khẳng định rằng liên kết 4 động từ nói trên, ngày nay chính là một nghĩa vụ đối với các anh chị em chúng ta vì những lý do khác nhau, phải rời quê hương của họ. Đó là nghĩa vụ theo đức công bằng, văn minh và liên đới.

Ngài nói: “không còn có thể bênh vực những chênh lệch không thể chấp nhận được về kinh tế, ngăn cản việc thực thi nguyên tắc mọi của tài nguyên trái đất là để dùng chung cho tất cả mọi người... Không thể chấp nhận một nhóm nhỏ kiểm soát tái nguyên của nửa thế giới.”

Đức Thánh Cha nói: “Đứng trước những thảm trạng ghi đậm trên cuộc sống của bao nhiêu người di dân và tị nạn - chiến tranh, bách hại, lạm dụng, bạo lực, chết chóc - chúng ta không thể không có những tâm tình cảm thông tự nhiên và liên đới. “Em ngươi ở đâu?” (Xc St 4,9): câu hỏi này Thiên Chúa đặt ra cho con người từ thửơ nguyên thủy, có liên quan tới chúng ta, đặc biệt là đối với những anh chị em di dân.. “Đó không phải là câu hỏi được gửi tới những người khác, nhưng là câu hỏi được gửi tôi cho tôi, cho anh, và cho mỗi người chúng ta”.

2. Pháp cấm các trang mạng phò sinh nhưng không “công khai tuyên bố” phò sinh.

Những người phò sự sống tìm cách ảnh hưởng đến quyết định phá thai của phụ nữ có thể bị phạt tù 2 năm.

Hôm thứ Năm, 16 tháng 02 năm 2017, Quốc hội Pháp, với đa số thuộc đảng xã hội, đã thông qua đạo luật cấm những trang mạng không công khai mình phò sự sống nhưng tìm cách thuyết phục phụ nữ bỏ ý định phá thai. Họ coi đây là một tội phạm, và người vi phạm có thể bị phạt tù 2 năm hoặc phạt tiền 30 ngàn euro.

Laurence Rossignol, bộ trưởng về quyền phụ nữ nói rằng những người phò sự sống vẫn được tự do lên tiếng chống lại việc phá thai, miễn là họ công khai tuyên bố mình là ai, mình làm gì và mình muốn gì.

Luật của Pháp đã ngăn cản những người phò sinh biểu tình bên ngoài các cơ sở phá thai. Những người ủng hộ dự luật mới cho rằng chiến thuật phò sự sống đã hoạt động trên mạng internet và phải bị dừng lại.

Ðức Tổng Giám mục Georges Pontier của Marseille, chủ tịch hội đồng Giám mục Pháp đã viết thư cho Tổng thống Francois Hollande để bày tỏ lo ngại về dự luật. Ngài kêu gọi Tổng thống đừng cho phép thông qua dự luật này. Ngài gọi nó là một “vi phạm nghiêm trọng các nguyên tắc dân chủ”.

Hàng chục ngàn người đã xuống đường ở Paris để phản đối chống lại luật này. Các người biểu tình mang theo biểu ngữ viết: “Bảo vệ người yếu đuối thì thật sự mạnh mẽ.”

3. Các tín hữu Công Giáo dấn thân trong phong trào đại kết và ngành giáo dục tại Đông Timor.

“Có một hy vọng lớn lao cho tương lai của việc loan báo Tin Mừng ở Ðông Timor, nhưng luôn cần củng cố đức tin của cộng đoàn chúng ta.” Ðức cha Virgilio do Carmo da Silva của giáo phận Dili, Ðông Timor, đã chia sẻ với hãng tin Fides như thế.

Ðảo Timor bị chia làm 2: phía tây thuộc Indonesia, còn phía đông trở thành quốc gia độc lập vào năm 2001, tách rời khỏi Indonesia.

Ðông Timor có khoảng 1.2 triệu dân (96.5% là Công Giáo và 2.5% theo Tin lành), chia thành 3 Giáo phận: Dili, Baucau và Maliana.

Tháng 8 năm 2015, Tòa thánh và Cộng hòa dân chủ Ðông Timor ký hiệp ước công nhận tính cách pháp lý của Giáo Hội và các tổ chức của Giáo Hội và đảm bảo Giáo Hội được tự do thực hiện sứ mệnh của mình vì lợi ích của dân tộc Ðông Timor. Hiệp định này được phê chuẩn trong năm 2016.

Nhận định về tình hình của Giáo Hội Công Giáo ở Ðông Timor, Ðức cha da Silva nói: “Ðức tin của các tín hữu cần liên tục được củng cố và đâm rễ trong linh đạo Công Giáo và trong truyền thống của những giá trị Tin mừng.”

Ðức cha cũng nói rằng trong một đất nước được đánh dấu bởi tỷ lệ người trẻ rất cao, “các linh mục, tu sĩ và giáo lý viên được mời gọi để thực hiện các nỗ lực được phối hợp để đồng hành với việc đào tạo các tín hữu và tiếp tục các chương trình mục vụ giúp củng cố đức tin của dân chúng, từng bước một.”

Ðức cha nhấn mạnh: “Thực tế là trong một số trường hợp và hoàn cảnh của cuộc sống, người Công Giáo ở Ðông Timor có xu hướng quay trở lại hệ thống niềm tin duy linh cổ xưa của họ.” Do đó, theo ngài, “Giáo Hội cần dấn thân hoạt động với họ và cho họ, để họ học cách luôn luôn kín múc từ gia sản đức tin Công Giáo và hướng đến Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh.”

Một điểm khác nữa mà cộng đoàn Công Giáo đang đối diện, đó là sự hiện diện sinh động của các Giáo Hội Tin lành và có sự tranh đua giữa các tín hữu. Ðức cha cho biết là Giáo Hội đang bắt đầu một hành trình đối thoại với các Giáo Hội Kitô khác,, trong dấu chỉ của sự tôn trọng lẫn nhau và đại kết, để tránh việc các tín hữu chuyển từ cộng đoàn này sang cộng đoàn khác.

Theo Ðức cha, trong các nhu cầu hiện tại đối với xã hội trẻ Timor, có nhu cầu phát triển ngành giáo dục. Ðó là lý do cộng đoàn Công Giáo, đặc biệt là sự dấn thân của các dòng tu như Salêdiêng và dòng Tên, đóng góp và cộng tác với các học viện trong hệ thống giáo dục. Từ năm 2002, hệ thống giáo dục được tái xây dựng hoàn toàn.

4. Giám Mục Nam Phi lên án bạo lực chống người nước ngoài

Một giám mục Nam Phi đã lên án một loạt những vụ bạo lực chống lại người nước ngoài tại nước này, và cảnh báo rằng một cuộc biểu tình thường xuyên chống người nhập cư sẽ gây ra các vấn đề nghiêm trọng cho đất nước.

Đức Cha Abel Gabuza, chủ tịch Ủy ban công lý và hòa bình của Hội Đồng Giám Mục Nam Phi, kêu gọi các nhà lãnh đạo chính trị hãy “đưa ra cách thức hiệu quả hơn để phát hiện và chống lại những hành vi bạo lực bài ngoại trước khi nó bùng lên.”

Đồng thời, Đức Giám Mục Gabuza nói rằng những cộng đồng nào gặp rắc rối bởi tội ác của các công dân nước ngoài nên đòi hỏi hành động của cảnh sát và các nhà lãnh đạo chính trị, chứ không nên hành xử pháp luật trong tay của mình.

Ngài nhấn mạnh rằng: “Chúng tôi nhắc lại lời kêu gọi của chúng tôi là chính phủ phải tăng cường kiểm soát biên giới”.

5. Các viên chức Vatican cùng các nhà lãnh đạo Hồi giáo Ai Cập dự hội nghị chống chủ nghĩa cực đoan tôn giáo

Đức Hồng Y Jean-Louis Tauran, Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Đối thoại Liên tôn, đến Ai Cập trong tuần này để tham gia vào một cuộc họp tại Đại học Al Azhar về chống chủ nghĩa cực đoan tôn giáo.

Hội nghị được tổ chức tại tổ chức nghiên cứu hàng đầu về tư tưởng Hồi giáo Sunni, sẽ làm nổi bật sự hợp tác giữa Vatican và Al Azhar trong công cuộc “chống lại hiện tượng cuồng tín, cực đoan, và bạo lực nhân danh tôn giáo.”

Đức Hồng Y Tauran dẫn đầu một phái đoàn Vatican trong đó bao gồm Tổng Giám Mục Bruno Musaro, các sứ thần tại Cairo; Đức Giám Mục Miguel Angel Ayuso Guixot, thư ký của Hội đồng Giáo hoàng về Đối thoại Liên tôn giáo; và Đức Ông. Khaled Akasheh, chuyên gia của Hội đồng về các vấn đề Hồi giáo.

Hội nghị đã diễn ra trong 2 ngày 22 tháng 2 và 23, nhân kỷ niệm chuyến viếng thăm lịch sử của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đến Al Azhar vào năm 2000.

6. Khủng bố Hồi Giáo IS thề sẽ gia tăng tấn công các Kitô hữu tại Ai Cập

Chi nhánh bọn khủng bố Hồi Giáo IS ở Ai Cập đã tung ra một video vào hôm thứ Hai 20 tháng Hai cho thấy một tên nổ bom tự sát đã giết chết gần 30 người trong cuộc tấn công vào một nhà thờ đầy chật người hồi tháng Mười Hai năm ngoái và thề sẽ gia tăng nhiều cuộc tấn công các tín hữu Kitô Ai Cập.

Trong đoạn video dài 20 phút, bọn khủng bố Hồi Giáo IS nói các Kitô hữu Ai Cập là những “con mồi rất được ưa chuộng” của nhóm cực đoan này.

Các Kitô hữu Ai Cập, chiếm khoảng 10% dân số, đã là mục tiêu tấn công của những kẻ cực đoan Hồi giáo trong những năm vừa qua, đặc biệt kể từ năm 2013 sau vụ lật đổ một tổng thống Hồi giáo, là ông Mohammed Morsi. Kitô hữu hậu thuẫn quân đội trong cuộc chính-biến do tướng Abdel-Fattah el-Sissi cầm đầu. Bọn khủng bố Hồi Giáo IS đã coi đây là một cái cớ để gia tăng các cuộc tấn công chống lại các tín hữu Kitô.

Đoạn video cho thấy cảnh hoang tàn của nhà thờ chính tòa Thánh Máccô tại Cairo hồi trung tuần tháng mười Hai năm ngoái và nói rằng đó “mới chỉ là bắt đầu.”

Tướng El-Sissi, nay là tổng thống Ai Cập, thường xuyên đến thăm các nhà thờ Chính Thống Coptic ở Cairo vào các ngày lễ lớn, nhưng nhiều người trong cộng đồng Chính Thống Coptic phàn nàn rằng có rất ít thay đổi trong cuộc sống của họ kể từ el-Sissi nhậm chức vào năm 2014, đặc biệt là ở khu vực nông thôn, nơi người Hồi giáo thường xuyên tấn công nhà cửa và các doanh nghiệp của các tín hữu Kitô thông qua một loạt các vấn đề, bao gồm cả việc xây dựng hoặc phục hồi của các nhà thờ, tranh chấp đất đai hoặc bắt cóc đòi tiền chuộc hay buộc các thiếu nữ phải lấy người Hồi Giáo.

7. Một Giám Mục Công Giáo nghi lễ Chanđê tại California lên tiếng bênh vực lệnh cấm nhập cảnh của tổng thống Donald Trump

Khẳng định rằng “Tôi không chống lại những người tị nạn, vì bản thân tôi là một người tị nạn,” một Giám mục Công Giáo nghi lễ Chanđê tại California đã lên tiếng bênh vực lệnh cấm nhập cảnh tạm thời của Tổng thống Donald Trump đối với bảy quốc gia Hồi giáo.

Đức Giám Mục Bawai Soro, người đã đến Hoa Kỳ trong tư cách một người tị nạn từ Iraq vào năm 1973, đã viết trên tờ San Diego rằng “sự kiện ngày 11 tháng 9 năm 2001, đã minh họa mối nguy hiểm hiển nhiên mà Hoa Kỳ hiện phải đối mặt đối với trào lưu khủng bố Hồi giáo cực đoan.”

“Ông Trump không cần phải xin lỗi ai về lệnh cấm nhập cảnh của ông với lý do đơn giản rằng đến Mỹ không phải là một quyền mà là một đặc ân, đó là một đặc quyền người ta phải xếp hàng chờ đợi bất kể bao lâu để có thể đến Mỹ”.

Vị giám mục nói thêm:

“Nếu biến cố khủng bố ngày 11 tháng 9 là do người Trung Quốc gây ra, lệnh cấm sẽ được áp dụng đối với người Trung Quốc; nếu do người Nam Mỹ gây ra, lệnh cấm sẽ được áp dụng trên các quốc gia Nam Mỹ; và nếu nó do người Phi châu gây ra, lệnh cấm sẽ được áp dụng cho các nước châu Phi. Nhưng thực tế chứng minh rằng kể từ giữa những năm 1990 gần như tất cả các kẻ khủng bố thánh chiến Hồi giáo cực đoan đều là từ Trung Đông.”

8. Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk đề cao nhân đức anh hùng của Đức Hồng Y Josyf Slipyj khi đối mặt với cộng sản

Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk, là nhà lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo nghi lễ Đông phương Ukraine, đã viết một bài ca ngợi người tiền nhiệm của mình, là Đức Hồng Y Josyf Slipyj sinh năm 1892 và qua đời năm 1984, nhân dịp kỷ niệm 125 năm ngày sinh của ngài.

Đức Hồng Y Slipyj, là nhà lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo nghi lễ Đông phương Ukraine trong thời gian từ 1944 đến 1984. Ngài đã thẳng thừng “từ chối lời hứa được tự do và bổng lộc cao nếu ngài tuyên bố xóa bỏ Giáo Hội của ngài.”

Đức Hồng Y Slipyj đã bị bỏ tù 18 năm, trong đó có tám năm lao động khổ sai tại Siberia, sau khi chế độ Joseph Stalin đàn áp Giáo Hội Công Giáo nghi lễ Đông phương Ukraine. Nhiều lần Stalin cố thuyết phục ngài tuyên bố giải tán Giáo Hội tại Ukraine nhưng ngài cương quyết từ chối.

“Khi đến phương Tây, ngài trở thành một tiếng nói và biểu tượng của một 'Giáo Hội thầm lặng' ở Liên Xô đang bị bách hại bởi chế độ độc tài vô thần.”

Ðức Giáo Hoàng Gioan XXIII đã can thiệp để ngài được trả tự do vào năm 1963, và Đức Phaolô VI đã tấn phong Hồng Y cho ngài vào năm 1965.

9. Đức Hồng Y Josyf Slipyj tù nhân cộng sản Liên Xô

Đức Hồng Y Josyf Slipyj sinh ngày 17 tháng Hai năm 1893 ở làng Zazdrist, Galicia, lúc đó thuộc đế quốc Áo-Hung. Ngài theo học tại Đại học Lviv của Giáo Hội Công Giáo nghi lễ Đông phương Ukraine và Chủng viện Innsbruck ở Áo, trước khi được thụ phong linh mục ngày 30 tháng 6 năm 1917. Từ 1920 đến 1922, ngài theo học ở Rôma tại Viện Giáo Hoàng Đông phương, Đại Học Giáo Hoàng Thánh Thomas Aquinas, và Đại học Giáo hoàng Gregorian. Ngài trở lại Lviv, lúc đó là một phần của Ba Lan, và giảng dạy tại chủng viện Lviv trước khi trở thành Giám Đốc của trường này.

Ngày 22 Tháng Mười Hai năm 1939, với sự cho phép của Đức Giáo Hoàng Piô XII, ngài được tấn phong Giám mục giáo phận Serrae và kiêm nhiệm Giám Mục phó tổng giáo phận Lviv với quyền kế vị. Đức Tổng Giám Mục Andrey Sheptytsky đã tiến hành việc tấn phong này một cách bí mật vì sự hiện diện của quân Liên Xô và tình hình chính trị phức tạp tại Ukraine.

Đức Cha Slipyj trở thành người đứng đầu của Giáo Hội Công Giáo Đông phương Ukraine vào ngày 01 Tháng Mười Một năm 1944, sau cái chết của Đức Tổng Giám Mục Sheptytsky.

Sau khi quân đội Liên Xô chiếm Lviv, Đức Tổng Giám Mục Slipyj bị bắt cùng với các giám mục khác vào năm 1945, bị kết án là hợp tác với chế độ Đức quốc xã. Đây là bước đầu tiên trong kế hoạch giải tán Giáo Hội Công Giáo Đông phương Ukraine của bọn cầm quyền Xô Viết. Sau khi trải qua các nhà giam tại Lviv, Kiev và Mạc Tư Khoa, một tòa án của Liên Xô đã kết án ngài tám năm lao động khổ sai ở Siberia.

Nhiều lần Stalin cố thuyết phục ngài tuyên bố giải tán Giáo Hội tại Ukraine nhưng ngài cương quyết từ chối. Vì thế, cộng sản Liên Xô triệu tập một hội đồng gồm 216 linh mục vào ngày 09 tháng 3 năm 1946 và ngày hôm sau, cái gọi là “Thượng Hội Đồng Lviv” được tổ chức tại Nhà thờ St. George, tuyên bố giải tán Giáo Hội Công Giáo Đông phương Ukraine, và “tái hợp” với Giáo Hội Chính Thống Nga.

Trong thời gian chịu tù đầy tại Siberia, ngài vẫn lén lút viết và các tác phẩm của ngài được bí mật lưu hành. Năm 1957, Đức Giáo Hoàng Piô XII gửi cho ngài một bức thư chúc mừng nhân dịp kỷ niệm 40 năm thụ phong linh mục. Bức thư đã bị tịch thu. Vì bức thư này và các tác phẩm được lưu hành bí mật của ngài, cộng sản kết án ngài thêm bảy năm tù.

Vào ngày 23 Tháng Giêng năm 1963, ngài được Nikita Khrushchev trả tự do chính quyền sau những áp lực chính trị từ Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII và Tổng thống Hoa Kỳ John F. Kennedy. Ngài đến Rôma tham gia Công Đồng Chung Vatican II.

Năm 1949, ngài đã được Đức Giáo Hoàng Piô XII tấn phong Hồng Y in pectore, nghĩa là không công khi danh tính, nhưng điều này hết hiệu lực vào năm 1958 khi Đức Giáo Hoàng Piô XII qua đời.

Năm 1965, Đức Tổng Giám Mục Slipyj được tấn phong Hồng Y công khai, và được bổ nhiệm là Hồng Y đẳng linh mục hiệu tòa Sant' Atanasio. Vào thời điểm đó, ngài là vị Hồng Y thứ 4 trong lịch sử Giáo Hội Công Giáo Đông phương Ukraine.

Ngài qua đời tại Rôma vào ngày 7 tháng 9 năm 1984. Sau sự tan rã của Liên bang Xô viết, di tích của ngài đã được trả lại cho Nhà thờ Thánh George ở Lviv vào năm 1992.