Ngày 26-02-2011
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ma quỷ cám dỗ Chúa Giêsu
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
05:34 26/02/2011
CHÚA NHẬT I MÙA CHAY, năm A

Mt 4, 1-11

Chúa nhật I Mùa chay hướng chúng ta về mầu nhiệm vượt qua của Chúa Giêsu. Và Chúa nhật này cũng đưa chúng ta đến một khung cảnh, đến một sự việc bất ngờ và kỳ diệu. Chúa Giêsu, Ngôi Hai xuống thế làm người, ngày hôm nay đã bị ma quỷ cám dỗ. Thực tế, đây là một mầu nhiệm bởi vì ma quỷ làm sao dám đối diện với Vua Trời Đất cao cả…

Quả thực, Chúa Giêsu “ vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự. Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu “ ( Pl 2, 6-9 ). Như thế, ngoại trừ tội lỗi, Chúa Giêsu đã nhập thể trong cung lòng Đức Trinh Nữ Maria và đã làm người. Nên, Ngài là con người giống chúng ta trong mọi sự. Chúa Giêsu đã phải đối đầu với cám dỗ và Ngài đã chống trả dứt khoát. Trái ngược với Ông bà nguyên tổ: Ađam và Evà. Hai Ông bà nguyên tổ trong vườn địa đàng đã bị con rắn là ma quỷ cám dỗ, nhưng nguyên tổ đã sa ngã vì bất trung với Thiên Chúa. Còn Chúa Giêsu khi sửa soạn sứ vụ công khai của Ngài, Ngài đã đi vào nơi hoang địa để đương đầu với ma quỷ trong những cám dỗ chết người, nhưng Ngài đã một mực trung thành với thánh ý của Thiên Chúa Cha và ý chí ấy đã đưa Ngài từ Sa mạc hoang vu, tới dòng sông Giorđăng, từ Giêrusalem đến vườn Cây Dầu, nơi đây, ma quỷ còn thử thách Ngài nặng nề hơn nữa, cám dỗ Ngài bỏ sứ mạng cứu thế của Ngài. Tuy nhiên, Chúa Giêsu lúc nào cũng đầy Thánh Thần và Ngài đã luôn chiến thắng những cám dỗ do ma quỷ bầy ra để kéo Ngài ra khỏi Thiên ý của Chúa Cha. Ngày Lễ Lá, chúng ta thấy Chúa Giêsu thốt lên trong vườn Cây Dầu khi Ngài đang hấp hối: ”Lạy Cha, nếu có thể được, thì xin cất chén đắng này khỏi con “. Nhưng, Chúa Giêsu luôn kiên nhẫn, luôn kết hiệp mật thiết với Chúa Cha trong lời cầu nguyện. Chính vì thế, Ngài luôn nhận được sức mạnh của Chúa Thánh Thần và Ngài luôn hết mình tuân phục Thánh ý của Thiên Chúa cha: ” Nhưng xin theo ý Cha, đừng theo ý của Con “.

Chúa Giêsu đã luôn đi theo con đường của Thiên Chúa Cha. Đó là con đường cứu độ, con đường tình yêu. Chúa Giêsu đã đi từ đau khổ, chết tới phục sinh. Đó là Mầu nhiệm Vượt Qua. Đó là cuộc đau khổ hồng phúc của Chúa Giêsu. Bởi vì, Ngài đi qua thống khổ, bị kết án tử hình, bị treo trên Thập giá, bị táng trong mồ và sau ba ngày, Ngài đã sống lại khải hoàn. Đây là mầu nhiệm vì nó được giấu kín trong sự khôn ngoan khôn lường của Thiên Chúa Cha.

Ba cám dỗ về của ăn, tiền tài vật chất, danh vọng là ba cám dỗ đã làm cho biết bao người ngã gục trước nanh vuốt đen tối của ma quỷ. Chúa Giêsu đã anh dũng chiến thắng tội lỗi, cám dỗ và sự chết. Ngài đã đi từ cõi chết đến cõi sống, đi từ bóng tối tới ánh sáng trường sinh, vĩnh cửu.

Chúa Giêsu đã chết và đã vinh thắng sự chết, khải hoàn sống lại vinh quang. Ngài đã chết cho chúng ta được sống, Ngài đã gánh tội của chúng ta không như tội nhân mà là Đấng giải thoát nhân loại khỏi tội lỗi. Mầu nhiệm phục sinh là chân lý hướng dẫn người Kitô hữu trong suốt cả cuộc hành trình đức tin dưới thế. Đặc biệt, Mùa chay ba phương thế: ăn chay, cầu nguyện, bố thí là ba phương cách truyền thống giúp người Kitô hữu kết hiệp với Chúa Giêsu và giúp người Kitô hữu hợp nhất với lời cầu nguyện của Chúa Giêsu, với lễ Vượt Qua của mỗi người chúng ta để rồi chúng ta có thể thốt lên: ” Xin cho ý Cha được thể hiện dưới đất cũng như trên trời “.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con luôn biết phó thác vào sự quan phòng của Chúa và ban cho chúng con sức mạnh của Chúa Thánh Thần để chúng con vững mạnh trong đức tin mà chiến thắng mọi cạm bẫy của ma quỷ. Amen.
 
Hoa và Rác
Lm Nguyễn Hữu An
10:33 26/02/2011
HOA VÀ RÁC
Nhạc: Tuấn Kim, Lời: Lm Nguyễn Hữu An

THỨ TƯ LỄ TRO

Những ngày gần Tết, hoa và cây cảnh được bày bán khắp mọi nẻo đường phố thị. Đủ mọi loại hoa kiểng, lắm màu hương sắc. Gia đình nào cũng mua hoa chưng Tết. Tôi cũng mua cây mai nhiều nụ và mấy chậu hoa hồng hoa cúc để làm đẹp phòng khách. Nâng niu, chăm sóc thật kỹ lưỡng. Hôm nay Mồng Ba Tết, hoa đã héo rụng đầy phòng. Phải quét rác thôi, gom cả mai cả hoa đi đốt. Ôi Hương sắc của hoa! Hôm qua tươi đẹp, hôm nay héo tàn rụng úa. Hôm qua “nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa”, hôm nay quét bỏ như rác rưởi.

Mùa Chay khởi đầu với Thứ Tư Lễ Tro, nghĩ về hoa và rác như nghĩ về thân phận tro bụi của kiếp người theo lời Thánh Vịnh 102:

Đời sống con người giống như hoa cỏ
Như bông hoa nở trên cách đồng
Một cơn gió thoảng đủ làm nó biến đi
Nơi nó mọc không còn mang vết tích.

Đời người cũng tựa đời hoa. Khi tươi nở, hoa rực rỡ khoe sắc, hoa ngào ngạt toả hương, ai cũng yêu cũng quý. Khi ủ rũ héo tàn, hương sắc của hoa rụng úa tàn tạ, chỉ mau vứt vào thùng rác. Hôm trước nâng niu, hôm sau vứt bỏ. Một đời hoa chóng tàn phai như lời sách Giảng viên:

“Phù hoa nối tiếp phù hoa,
chi chi chăng nữa cũng là phù hoa” (Gv 1,2).

Mùa Chay được khởi đầu bằng nghi thức xức tro trên đầu. Linh mục đọc "Hỡi người hãy nhớ mình là tro bụi và sẽ trở về bụi tro” và xức tro trên trán tín hữu. Đây là lời Thiên Chúa báo cho Ađam biết khi ông vừa phạm tội. Giáo Hội cũng sẽ lặp lại những lời ấy trong phần xức tro đễ nhắc nhở về thân phận cát bụi của con người.

Nghi thức xức tro bắt nguồn từ truyền thống xa xưa của dân Do thái. Trong Cựu ước, mỗi khi muốn tỏ lòng ăn năn hối cải, người Do thái thường xức tro trên đầu, ngồi trên đống tro và mặc áo vải thô hoặc xé áo ra.

Việc xức tro và xé áo trước hết nói lên sự buồn phiền đau đớn vì đã phạm nhiều tội lỗi.

Việc xức tro và xé áo cũng làm cho tội nhân ý thức thân phận con người bọt bèo, cuộc đời mau chóng tàn phai như giấc mộng. Đời người như một nắm tro bụi, chỉ một làn gió nhẹ thoảng qua đủ xoá sạch vết tích.

Sách Giảng Viên viết rằng: "Tất cả chỉ là phù vân". Phù là trôi nổi, huyền ảo. Vân là mây. Phù vân là bèo dạt mây trôi, là hay thay đổi, mau qua, tàn phai. Mọi của cải vật chất trên trần gian này, kể cả cuộc sống của mỗi người đều là phù vân.

Văn chương Việt nam khi nói tới cái gì bấp bênh, vô định, chóng tàn, thường dùng hình ảnh bọt bèo: "Chút thân bèo bọt dám phiền mai sau" (Nguyễn Du).

Bọt là bong bóng nước mong manh, tan trong chốc lát. Hình ảnh bọt diễn tả cái vắn vỏi của cuộc đời. Bèo gợi lên ý tưởng về sự lênh đênh, trôi nổi, vô định:

”Lênh đênh duyên nổi phận bèo.
Tránh sao cho khỏi nước triều đầy vơi” (Ca dao).

“Bèo dạt, mây trôi đành với phận” (Chu Mạnh Trinh)

Cuộc đời làm sao mà không bi đát khi nó là phù vân, khi nó vừa là bọt chóng tan, vừa là bèo trôi nổi, dật dờ không bến ?

Cuộc đời tuy có là bèo bọt. Phận người dù phù hoa, mau chóng tàn phai trở về bụi đất. Con người bởi đất nhưng con người không bằng đất, con người có sinh khí, có hơi thở. Con người là hoạ ảnh và hình ảnh của Đấng dựng nên mình. Sự cao cả của con người là bắt nguồn từ chính Đấng là Sự Sống, Đấng Hằng Sống, con người là hình ảnh và hoạ ảnh của Đấng vô thuỷ vô chung, nên sự sống con người mang hình thái bất diệt, vượt xa các loài được tạo dựng. Lòng thương xót của Thiên Chúa không dựng nên con người, theo cái bên ngoài của Thiên Chúa, nhưng cho con người mang hoạ ảnh và hình ảnh của Người. Theo quan niệm của Nho Giáo, con người là sự tích tụ của tinh thần và khí chất nên con người có sự sáng suốt để hiểu các sự vật. Là hoạ ảnh và hình ảnh của Thiên Chúa, con người có một phẩm giá trổi vượt trên các loài được tạo dựng, con người một phần giống Thiên Chúa bởi quyền cai quản trên vạn vật và bởi con người có trí khôn, tự do.

Ba việc đạo đức được nhắc nhở rất nhiều trong mùa chay là: Bố thí, ăn chay và cầu nguyện. Đây là ba vũ khí tuyệt hảo để chống lại sự tấn công của ma quỷ và đền bù tội lỗi mình. Những việc lành phúc đức này, khi được thi hành thì hãy làm với tất cả tấm lòng của mình; không làm để khoe khoang. Chỉ cần Thiên Chúa thấu hiểu và biết cho chúng ta là đã đủ rồi. Đừng làm để được người đời khen và vì thế mà chúng ta mất đi lời khen tặng của Thiên Chúa. (x.Mt 6,1-6).

Ăn chay và kiêng thịt, chịu tro chỉ là hình thức bên ngoài mà thôi. Canh tân nội tâm vẫn là trọng tâm của mùa chay. Kiêng bớt các tội là điều mà Thiên Chúa mong muốn. Sửa đổi tính nết để trở thành người tốt hơn, đạo đức hơn, thánh thiện hơn. Bớt nói hành, nói xấu, lười biếng việc đạo đức là điều phải thực hành.

Nói một cách hình tượng, thì con người của Mùa Vọng là một con người ÐI, con người hành hương, lòng tràn trề hy vọng đang tiến về cùng đích tối hậu của cuộc đời; con người của Mùa Phục Sinh là một con người ÐỨNG, tự do, chủ động và tự tín đối diện với thế giới, còn con người của Mùa Chay thì NGỒI trong thái độ chiêm nghiệm, trầm tư. (Đức Cha Giuse Vũ Duy Thống).

Ngay đầu Mùa Chay, Phụng vụ đã nhắc nhở ta cần phải trầm tư để chiêm niệm về thân phận: "Hỡi người, hãy nhớ mình là bụi tro và sẽ trở về tro bụi". Ý nghĩa của lời đó quá rõ ràng: mọi người sẽ phải chết. Vậy anh lao tâm khổ trí, vất vả ngược xuôi, ganh đua tranh dành để tìm kiếm của cải, danh vọng, thú vui..., anh nỗ lực học hỏi, tìm tòi, phát minh, xây dựng... nhưng khi chết đến, anh mang theo được thứ gì, tất cả có nghĩa gì cho anh? Cuối cùng thì cái gì là đáng quan tâm nhất trong đời? Ðâu là bậc thang giá trị đời anh?

Có ba quan niệm sống có thể tạo ra một thái độ tiêu cực trước cuộc đời.

Một là cho rằng chết là hết, không còn gì tồn tại. Nếu quả thực mọi sự sẽ chấm dứt với cái chết, nếu số phận người tốt kẻ xấu đều sẽ như nhau sau khi chết, thì người ta sẽ có lý mà lập luận rằng: Ta hãy ăn uống, vui chơi, hãy hưởng thụ giây phút hiện tại cho thoả thích, vì chết rồi sẽ chẳng còn gì !

Hai là tin vào thuyết định mệnh, nghĩa là tin rằng mọi sự đã được an bài sẵn và số phận của mỗi người đã được thần thánh định đoạt. Nếu thế thì con người chẳng cần và chẳng có thể làm gì nữa, mọi cố gắng đều vô ích.

Ba là tin vào thuyết luân hồi, cuộc sống là một vòng luân chuyển, hết kiếp này qua kiếp khác. Nếu kiếp này chưa đạt cõi phúc thì sẽ chờ kiếp sau, khi được đầu thai lại, luân hồi theo vòng nghiệp chướng. Dĩ nhiên thuyết luân hồi không đương nhiên dẫn tới tiêu cực, nhưng dù sao cũng không dành cho cuộc sống hiện tại một giá trị và tầm quan trọng quyết định đối với số phận mỗi người.

Khác với ba quan niệm trên, Kitô giáo dạy rằng: Thiên Chúa thực sự giao cho ta chịu trách nhiệm về thế giới này và về sự thành công của cuộc đời chúng ta. Thời gian hiện tại là thời gian quyết định đối với số phận đời đời của con người. Mỗi giây phút qua đi là không bao giờ trở lại. Thời giờ Chúa cho ta sống ở trần gian là vô cùng quý báu, đây là lúc gieo mầm cho đời vĩnh cữu.

Chúa Giêsu khuyên chúng ta “phải lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa” bằng cách “ Hãy sắm lấy những túi tiền chẳng bao giờ cũ rách, một kho tàng chẳng thể hao hụt ở trên trời, nơi kẻ trộm cắp không bén mảng, mối mọt cũng không đục phá”.

Chúa Giêsu đưa ra hai dụ ngôn minh hoạ bài học tỉnh thức của Mùa Chay.

Dụ ngôn người đầy tớ đợi chủ về: tỉnh thức như người đầy tớ đợi chủ đi ăn cưới không biết về lúc nào. Thái độ tỉnh thức là “thắt lưng cho gọn” và “thắp đèn cho sẵn”. Luôn sẵn sàng để khi chủ về thì mở cửa và ân cần phục vụ. Tỉnh thức để đợi chủ về. Người Kitô hữu chờ đợi Chúa đến trong vinh quang ngày quang lâm, chờ đợi Chúa đến trong giờ sau hết đời mình. Vì thế người Kitô hữu sống cuộc đời hiện tại một cách rất nghiêm chỉnh, họ cố gắng làm phận sự ở đời một cách hết sức tích cực vì biết rằng đó là Thánh ý của Chúa và vì biết rằng hạnh phúc đời đời của mình đang được chuẩn bị ngay bây giờ.

Dụ ngôn người quản gia trung thành. Quản gia chỉ là quản lý mà “ ông chủ đặt lên coi sóc gia nhân, cấp phát thóc gạo đúng giờ đúng lúc”. Mỗi người chúng ta là người quản lý của Thiên Chúa. Sự sống, tài năng, trí thông minh, sức khoẻ, sắc đẹp…tất cả đều là do Chúa ban tặng. Những gì mà ta có đều là của Chúa. Người quản lý khôn ngoan phải biết nhìn xa, làm sao cho sự sống, trí tuệ, tài năng… giúp ta hướng tới những giá trị vĩnh cửu.

Tỉnh thức là thái độ của một gia nhân trung thành. Tỉnh thức và đợi chờ với niềm hy vọng là chủ sẽ trở về.

Kitô giáo là tôn giáo của hy vọng vì dựa trên lời hứa của Thiên Chúa. Thiên Chúa hứa và Ngài sẽ thành tín thực hiện lời hứa.Thiên Chúa thực hiện từng giai đoạn và ngày càng trọn vẹn hơn.Vì thế người Kitô hữu luôn hướng về tương lai chờ đợi lời hứa cứu độ đã được thực hiện trong lịch sử và sẽ hoàn tất sau lịch sử.

Chờ đợi hướng về tương lai tức là hy vọng. Hy vọng luôn gắn liền với lòng tin. Không có đức tin hy vọng chỉ là ảo tưởng. Không có hy vọng đức tin sẽ chết khô. Nhờ đức tin chúng ta chọn đúng hướng. Nhưng chỉ có hy vọng mới làm cho ta đi tới cùng đường.

Biết mình đang đi về đâu, người có lòng tin không vì thế mà đương nhiên hết còn cảm nhận tính bi đát của cuộc đời “ phù vân, bèo bọt” vì họ vẫn là con người như mọi người, nhưng họ có một niềm hy vọng giúp họ giữ được thái độ lạc quan và an bình.

Biết rằng mình được cứu chuộc bằng giá máu Chúa Kitô, người Kitô hữu luôn có đựơc điểm tựa an toàn cho hạnh phúc đích thực.

Con người là “hoa” và cũng là “rác”, nhưng với tình yêu Chúa Kitô, con người không còn là bèo bọt, không là phù hoa mà là con người của thần khí, trổ sinh những hoa quả của Thánh Linh (Gal 5,22). Làm việc thiện, luôn bình an, thư thái, tự chủ. Nhờ đó, chúng ta sống một Mùa Chay thánh thiện.
 
Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi chúng ta
Jos. Tú Nạc, NMS
10:38 26/02/2011
Chúa Nhật VIII Mùa Thường Niên – Năm A (Isaiah 49: 14-15; Psalm 62; Corinthians 4: 1-5; Matthew 6: 24-34)

Tất cả ngôn ngữ của Thiên chúa đều là ẩn dụ và là tượng trưng, vì Thiên Chúa không thể mô tả hoặc hàm súc trong bất kỳ một ngôn từ hoặc một khái niệm nào khác. Trong Tin Mừng, Chúa Giê-su thường tận dụng những phép so sánh, ẩn dụ và tượng trưng để đưa ra những đề xuất và gợi ý về tính chất của Vương Quốc Thiên Chúa. Nhựng phong cách ngôn ngữ biểu trưng rất hữu ích cho việc phác họa sự thiêng liêng bằng những thuật ngữ bao hàm, súc tích.

Tuy nhiền, đồng thời những ngôn từ ấy chưa đầy đủ và không tương xứng và chúng ta không thể không đứng yên trước thực tế thiêng liêng ấy. Isaiah đã không tránh né việc sử dụng hình ảnh nữ tính thuộc người mẹ trong việc nói về Thiên Chúa. Dân Israel đã cảm thấy rất cô đơn,và bị bỏ rơi trong thời gian bị lưu đày ở Babylon. Họ đang cần sống trong thoải mái, hy vọng và an tâm. Trước tiếng khóc than của dân Israel người đang bị Thiên Chúa bỏ rơi, lời tiên tri Isaiah của Thiên Chúa đáp ứng với hình ảnh của một thiếu phụ đang nuôi con trẻ - hình ảnh của yêu thương, trìu mến và nuôi nấng chăm lo. Điều đó không thể tưởng tượng rằng một phụ nữ có thể bị thiếu sót trong tình yêu, nhân hậu và sự quan tâm đến con trẻ của mình – đó là ban phát. Và nếu một phụ nữ biểu thị cảm xúc như vậy và chăm sóc con trẻ của mình. Thậm chí làm thế nào để chúng ta có thể khuây khỏa tâm tư mà thiên Chúa sẽ làm bất kỳ điều gì ít hơn? Trong thực tế, lòng nhân từ và trắc ẩn của Thiên Chúa vượt xa hơn tất cả những phạm trù nhân loại.

Đoạn trích này dẫn đến sự tương phản hoàn toàn đối với những đoạn trích “máu và sấm sét” của Cựu Ước mà các nhà phê bình nó ưa đề xuất. Điều này nhấn mạnh tầm quan trọng và sự xem xét Thánh Kinh trong những sự trừng phạt bất ngờ tránh khỏi và ấn tượng cùng những ý tưởng ước lệ. Nhưng đoạn trích này cũng dạy chúng ta sâu xa hơn: chúng ta không bao giờ bị Thiên Chúa bỏ rơi hoăc từ bỏ bất chấp tron hoàn cành hoặc tình huống nào của chúng ta. Thiên Chúa mãi tiếp tục thể hiện lòng từ bi, dưỡng dục chúng ta thậm chí hơn cả một người mẹ.

Người ta vội vã đánh giá người khác và thậm chí lắm lúc vội vã để đánh giá chính bản thân. Thánh Phao-lô tranh né những lời buộc tội và lên án mà một số phần tử nổi loạn thuộc cộng đồng Corinthian đang ném vào ông. Ông cố tránh khỏi thậm chí việc tự đánh giá và ông nhấn mạnh rằng cuối cùng chỉ có Thiên Chúa mới có thể phán xét. Ánh sáng mà Thiên Chúa mang đến phô bày những điều thầm kín trong tâm hồn chúng ta – nỗi suy tư đáng sợ! Điều này có thể như người gây xúc động mạnh và kinh ngạc khi chúng ta đươc tạo ra để nhân biết rằng có sự thiện hảo trong tâm tưởng của những ai bị cho là xấu xa, hiện diện của tối tăm, tội ác tiềm ẩn trong những tâm hồn tưởng chừng như đạo đức. Không ai trung thực ở một vị trí để đánh giá người khác và khi chúng ta làm như vậy chúng ta hãy tự đánh giá bản thân.

Những Ki-tô hữu đầu tiên đã quan tâm đến sự lưỡng khuynh hơn hoặc trái tim bị chia đôi một tội lỗi nghiêm trọng. Một thái độ tương tự như vậy đối với sự tôn kính thiếu nhiệt thành về Thiên Chúa và điều đó cản trở một cách hiệu quả tính chất từ bi của Thiên Chúa ra khỏi việc làm về sự nhân danh của chúng ta. Phục vụ hai chủ bảo đảm rằng chúng ta không bao giờ phục vụ hoặc một người trong họ thực sự được hoàn hảo. Chúa Giê-su dùng hình ảnh chim muông và muôn hoa để minh họa cho quan điểm của Người. Chim chóc và muôn hao ấy đã cung cấp một cách hoàn thiện mà không có bất kỳ lo lắng nào về phần mình. Họ lãnh nhận được những phúc lành từ nhân của Thiên Chúa mà không cần phải đòi hỏi. Làm thế nào nhiều hơn nữa những thỉnh cầu này đối với sự sống con người. Ai là người có giá trị hơn so với chim chóc và muôn hoa. Nhiều người có thể đặt nghi vấn trí tuệ như vậy, khẳng định rằng đó là đơn giản và phi thực tế trong một thế giới thực. Sau hết, tiền trả công không đến mà không có sự nỗ lực cao độ về phần chúng ta và có hàng tần hóa đơn để được chi trả, thanh toán.

Nhưng hãy cẩn thận lưu ý, Chúa Giê-su không nói rằng không có nỗ lực nào cần đòi hỏi chúng ta thậm chí chim chóc vẫn phải tìm kiếm thức ăn không mệt mỏi. Điều gì khiếm diện là lo lắng – chủ yếu bởi vì nó hoàn toàn vô dụng. Nó không có quyền lực để thay đổi bất cứ điều gì và kết thúc nó thường là phản tác dụng. Lo lắng là hình thức tê liệt của sợ hãi và hầu hết mọi lúc những sợ hãi của chúng ta bị thổi tắt không cân xứng. Những lời khuyên này Chúa Giê-su cung cấp có thể thích hợp bây giờ và sau này, tập trung cho hôm nay, đó là tất cả chúng ta có thể vận dụng thực tế bằng bất cứ cách nào. Ngày mai có thể không bao giờ đến, nhưng nếu nó đến, sẽ có nhiều hơn đủ để đấu tranh với những khó khăn không vay mượn.

Đối với Chúa Giê-su nguyên tắc quan trọng nhất là để cố gắng phấn đấu cho Vương Quốc Thiên Chúa và sự sống công bình của Thiên Chúa. Nếu đó là mối quan tâm thiết yếu trong cuộc sống, mọi thứ khác sẽ rơi vào một vị trí tại một thời điểm thích hợp. Chúng ta sẽ làm việc như thể tất cả mọi thứ đều phụ thuộc vào chúng ta, nhưng thái độ của chúng nên là mọi điều đều lệ thuộc vào Thiên Chúa.

(Nguồn: Regis College – The School of Theology)
 
Thiên Chúa yêu thương chúng ta
Phanxicô Xaviê
10:48 26/02/2011
Tin Mừng Chúa Nhật VIII thường niên

Theo báo chí gần đây cho biết, kể từ khi xăng dầu tăng giá, thì giá cả các mặt hàng khác cũng tăng theo. Lương công nhân không đủ để chạy theo thời giá. Đời sống người dân hiện nay càng thêm khó khăn. Vấn đề lương thực vẫn là một và có lẽ phải đứng hàng đầu. Chúng ta đầu tắt mặt tối, vất vả sớm hôm mà vẫn chưa đủ cơm ăn áo mặc. Thế mà Lời Chúa trong bài Tin Mừng CN VIII thường niên hôm nay lại khuyên bảo chúng ta đừng lo lắng! Chúng ta có thể bình thản sống như Lời Chúa dạy không?

Thiết tưởng trước hết cần phải hiểu đúng ý Chúa. Không phải vô lý mà trước khi cho chúng ta nghe bài Tin Mừng, Phụng vụ đã công bố vài lời của sách Isaia. Tác giả bấy giờ đang sống cảnh lưu đày với con cái Israel ở Babylon. Ông được Chúa sai đi đến với dân loan báo cho họ biết Thiên Chúa sắp ra tay cứu Dân. Chính lúc họ thất vọng, tưởng Người bỏ rơi họ và quên họ như họ đã từng quên Người thì Thiên Chúa đã đến phục hồi họ. “Mẹ nào lại quên con đẻ của mình…?”. Isaia đã nói đến tình yêu của Thiên Chúa mà theo ông nó tha thiết, sâu lắng và êm ái như lòng mẹ. Và còn hơn thế nữa, bởi vì cho dù “chúng quên được con mình, thì phần Ta, Ta cũng chẳng quên ngươi bao giờ.”

Thật vậy, Thiên Chúa yêu thương chúng ta. Người đã sinh ra ta, nên chắc chắn Người không thể bỏ rơi và quên chúng ta được. Loài người từng lầm lạc sa ngã, nhưng Thiên Chúa đã sai Con Một Người là Đức Giêsu Kitô đến để tìm gặp và mời gọi chúng ta nhìn xem chim trời: chúng không gieo, không gặt, không thu tích vào kho, thế mà Cha anh em trên trời vẫn nuôi chúng. Anh em lại chẳng quý giá hơn chúng sao? Còn về áo mặc, hãy xem hoa đồng cỏ nội: chúng không làm lụng, không kéo sợi, nay còn mai sẽ bị quăng vào lò mà Thiên Chúa còn cho mặc đẹp hơn vua Salomon trong vinh hoa đời ông, huống chi chúng ta là con Thiên Chúa đầy tình yêu thương.

Lời Chúa dạy thật đơn sơ, chân thật và rõ ràng. Nhưng rất ít kẻ đón nhận. Đa số nhân loại vẫn dửng dưng với lời loan truyền Tin Mừng cứu độ. Vì chúng ta nghĩ rằng không tìm kiếm tiền của thì ăn gì, mặc gì? Thế là mặc nhiên chúng ta đã chối bỏ Thiên Chúa và quên Người để lo có cơm ăn áo mặc. Phải chăng chúng ta mới chỉ nghĩ tới việc “đừng” lo ăn lo mặc theo nghĩa tiêu cực, mà chưa đi sâu vào ý nghĩa tích cực lời giáo huấn của Chúa. Điều Người muốn nói với chúng ta là: hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa trước đã, còn tất cả những thứ kia Người sẽ ban thêm cho.

Khởi đầu sự khôn ngoan đích thực là lòng kính sợ Thiên Chúa, là tin vào tình thương của Người. Những con người như thế vẫn lo cơm ăn áo mặc hằng ngày, nhưng họ lo trong niềm tin vào tình yêu của Thiên Chúa. Họ không bị các lo lắng đời này lôi cuốn đến nỗi chưa lo hết hôm nay đã lo sang ngày mai, để cuối cùng không còn suy nghĩ, yêu mến gì khác nữa ngoài tiền của. Họ đã bỏ và quên Chúa, như lời nhận xét của chính Chúa: Không ai có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Chúa đã phải cảnh báo chúng ta: Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi tiền của được.

Qua đoạn thư gửi giáo đoàn Côrintô, Thánh Phaolô dạy chúng ta phải tự coi mình là những tôi tớ, những viên quản lý của Chúa. Do đó chúng ta đừng quá mất thì giờ để tìm hiểu mình đã tiến bộ bao nhiêu. Vì như thế sẽ khiến chúng ta tự cao tự đại, dẫn đến mâu thuẫn với chức năng người tôi tớ hay viên quản lý. Chúng ta cũng không phải dao động vì dư luận đánh giá đoán xét công việc và thiện ý của chúng ta. Trái lại, chúng ta phải luôn tự vấn mình đã thật là người quản lý trung thành và khôn ngoan trong tất cả những gì Chúa đã trao phó chưa? Chúa muốn chúng ta từ bỏ những lo lắng vô ích. Vì chính Người sẽ hướng dẫn chúng ta trong đời sống hằng ngày, để dù lam lũ vất vả, dù gặp những xét đoán bất lợi, chúng ta vẫn không mất niềm tin vào quyền năng và tình yêu mà Thiên Chúa dành cho ta từ muôn thuở.
 
Mạnh dạn ''quẳng gánh lo đi mà vui sống''
Lm Jos. Trương Đình Hiền
11:43 26/02/2011
Mạnh dạn "quẳng gánh lo đi mà vui sống"

CHÚA NHẬT VIII TN (Năm A, 2011)

Dẫn nhập đầu lễ:

Kính thưa cộng đoàn,

Sứ điệp Phụng vụ hôm nay vừa là một tín thư an ủi khi Lời Chúa khẳng định lại với chúng ta về dung mạo yêu thương của Thiên Chúa: “Cho dù có người mẹ quên con mình, thì Ta, Ta chẳng quên ngươi bao giờ” (BĐ 1); “Hãy xem chim trời: chúng không gieo, không gặt, không thu tích vào kho; thế mà Cha anh em trên trời vẫn nuôi chúng. Anh em lại chẳng quý hơn chúng sao ?”(Tm); vừa là một hiệu triệu chiến đấu gọi mời chúng ta quyết tâm chọn Thiên Chúa và đường lối của Ngài như một ưu tiên một trước những cám dỗ của tiền tài danh vọng: “Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi tiền của được” (Tm)

Để can đảm đáp lại Lời Chúa và nhất là xứng đáng cử hành Mầu Nhiệm Thánh, chúng ta cùng sám hối tội lỗi.

Chia sẻ Lời Chúa:

Báo chí và dư luận trong những ngày qua râm ran về vụ nhà báo Trần Hoàng Hùng ở Long An bị vợ là bà Trần thuý Liễu tưới xăng đốt đến nổi tử vong. Rồi mới cách đây vài hôm, ở Bắc Giang, hai anh em ruột đâm nhau khiến một người bỏ mạng. Cả hai vụ án mạng đều có lý do là tiền bạc: Bà Liểu do ham mê cờ bạc nợ nần chồng chất khiến chồng bực dọc nên phát sinh rạn nức tình cảm dẫn đến ngoại tình rồi thù oán chồng đã đan tâm đợi chồng ngủ tưới xăng đốt chết. Còn hai anh em ruột tại Bắc Giang vì tranh nhau tiền phúng điếu người cha vừa mới qua đời đã dẫn đến xô xát để một người phải tán mạng…

Và trong bức tranh toàn thể của xã hội hôm nay, từng ngày, không chỉ giới hạn với hai vụ án mạng vì tiền; mà có lẽ phải đến hằng trăm, hàng ngàn, hàng vạn vụ án có cùng nguyên nhân như thế.

Quả thật, một khi tiền bạc đã đứng lên trở thành một “vị thần”, mà trong ngữ nghĩa của Kinh Thánh đó là “Mamôn”, thì nó sẽ mê hoặc và khống chế con người, biến con người thành dã man, thú tính. Khi con người đã trở thành tên nô lệ cho tiền của thì không thể ngước mắt lên để thấy Thiên Chúa và cũng sẵn sàng đóng lại mọi mối tương quan huynh đệ với anh em đồng loại.

Và đó chính là điều mà hôm nay Chúa Giêsu cảnh báo chúng ta: “các con không được làm nô lệ cho hai ông chủ…không được vừa làm nô lệ cho Thiên Chúa vừa làm nô lệ cho tiền của”.

Làm Kitô hữu, chúng ta phải can đảm chọn đứng về phía Thiên Chúa, chọn Thiên Chúa làm chủ cuộc đời và toàn bộ cuộc sống mình.

Và như thế, chúng ta sẽ trở nên “trắng tay”, sẽ trở thành “khó nghèo”, một sự khó nghèo mà Đức Kitô đã long trọng công bố là mối phúc thứ nhất trong danh mục “Tám Mối Phúc Thật”: “Phúc cho ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ” (Mt 5,3)

Khi chọn sống theo định hướng nầy thì các giá trị vật chất cũng như tinh thần như: tiền bạc, nhà cửa, quyền lực, danh giá, sắc đẹp, bằng cấp, công đức, lòng đạo, tình yêu, gia đình, nhà cửa…sẽ được đặt dưới sự “quản lý và giám sát của Thiên Chúa” để phục vụ theo những ý định khôn ngoan của Ngài.

Một ty trưởng thuế vụ Gia Kê giàu có đã chọn lựa cách sống như thế nên đã đứng ra tuyên bố với Thầy Giêsu: “Thưa Thầy, hôm nay con sẽ phân chia nửa tài sản của con cho người nghèo và nếu con đã cưởng đoạt của ai cái gì con sẽ đền gấp bốn”.

Chàng thu thuế Lê-vi cũng đã đứng lên, từ bỏ bàn thu thuế ngổn ngang tiền bạc để can đảm lựa chọn bước theo Thầy Giêsu, cho dù sau đó bữa đói bữa no và nhất là, sau cùng phải hy sinh cả cuộc đời cho “đại cuộc cứu độ”.

Trong lịch sử của Hội Thánh đã có bao nhiêu con người, bao nhiêu vị Thánh nhân đã can đảm lựa Thiên Chúa như ưu tiên 1 cho cuộc đời và lý tưởng của mình mà nhờ đó, thế giới nầy đã toả muôn mùi hương thánh đức để xua tan đi bao mùi xú uế của thần lực Mamôn, của tiền của bất chính, tham lam…

Những con người như Vinh Sơn đệ Phaolô, Đon Boscô, Mẹ Têrêsa thành Calcutta, vì đã từ bỏ tất cả để chọn Thiên Chúa và người nghèo, nên đã đem lại cho bao người cuộc sống đáng sống, tấm áo che thân, miếng cơm khi đói, mái nhà che nắng che mưa, chiếc áo quan để khâm liệm khi lìa đời…; đem lại tình thương chia sẻ, huynh đệ, niềm hạnh phúc, tin yêu và hy vọng cho bao nhiêu con người đã rơi xuống tận cùng địa ngục của khổ đau thất vọng…

Còn chúng ta thì sao ? Hình như hội chứng thiếu ăn, thiếu mặc của những ngày sau năm 1975 đã biến những người Việt Nam chúng ta luôn cảm thấy thiếu và cần. Cho dù ngày hôm nay nhu cầu cơm áo gạo tiền không còn là nổi ám ảnh bi đát của thập niên 70, 80 thì hình như trong đáy sâu tiềm thức của rất nhiều gia đình, tiền bạc vẫn là một nổi no canh cánh. Có lẻ ngày hôm nay người ta lo cho có nhiều tiền hơn để hưởng thụ, để đua đòi, để xênh xang, để làm mặt, để chạy mánh…hơn là để đáp ứng những nhu cầu cần thiết. Tiền bạc trở thành một lực quyến rũ đầy hấp dẫn như kiểu nói của dân gian ngày xưa: có tiền mua tiên cũng được, hay như mấy câu vè đương đại: Tiền là tiên là phật, Là sức bật của tuổi trẻ, Là sức khỏe của tuổi già, Là cái đà của danh vọng, Là cái lọng để che thân, Là cán cân của công lý.

Và như thế, lời cảnh báo của Chúa Giêsu hôm nay một lần nữa giúp chúng ta, những người Kitô hữu, thanh lọc cuộc sống khỏi những vướng bận và nô lệ cho của cải và những đam mê trần tục, hãy thanh thản bước đi trong cuộc đời như “đôi cánh chim bay bổng giữa không trung”, như “cánh huệ rực rỡ khoe sắc nơi đồng nội” mà chẳng lo sợ thiếu tiền, thiếu bạc, thiếu ăn thiếu mặc bao giờ.

Khi chấp nhận định hướng sống đó, thì giống như Gia Kêu, chúng ta không còn đóng đôi tay lại để chỉ biết ích kỷ và tham lam thu góp cho chính mình mà luôn biết quảng đại và tự do mở ra để sẻ chia và phục vụ.

Có lẽ ai cũng đã biết, cũng đã nghe Lời Chúa phán dạy bao lần như thế. Nhưng hình như lo vẫn cứ lo. Áp lực của tiền bạc và bao nhiêu nhu cầu mưu sinh khác vẫn không ngừng đè nặng trên cuộc sống mỗi ngày. Có lẻ chúng ta chưa cảm nhận và tin tưởng đủ sự quan phòng của Thiên Chúa. Liệu lời Chúa nói hôm nay có phải dành cho tôi không hay cho một người nào khác: “Anh em đừng lo lắng về ngày mai…”.

Không. Cho chính tôi đấy. Điều quan trọng không phải là lo hay không lo mà hãy xác tín vào chân lý nền tảng nầy: “Có phụ nữ nào quên được đứa con thơ của mình, hay chẳng thương đứa con mình đã mang nặng đẻ đau ? Cho dù nó có quên đi nữa, thì Ta, Ta cũng chẳng quên ngươi bao giờ.” (BĐ 1, sách Isaia 49,14-15)

Dám tin vào một Thiên Chúa với trái tim yêu thương của người mẹ như thế, thì hạnh phúc biết chừng nào. Và như thế cứ mạnh dạn “quẳng gánh lo đi mà vui sống”.
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:01 26/02/2011
TẢNG ĐÁ

N2T


Có một tảng đá đột nhiên có thể nói chuyện, trong xóm có ông Trương Tam nhìn thấy kỳ tích như thế, bèn vội vàng chạy đi báo cho quan biết, quan sứ bèn ra lệnh cho anh ta đem tảng đá ấy đến. Sau khi Trương Tam đem tảng đá đến, quan sứ hỏi hai ba lần nhưng nó không trả lời.

Quan sứ nổi giận, nói Trương Tam là kẻ lừa dối cấp trên nên phạt đánh mười trượng, và ra lệnh ông ta đem tảng đá đi về.

Trên đường về nhà, gặp người quen hỏi: “Báo quan kết quả ra sao ?”

Trương Tam nổi giận chửi:

- “Vì cái oan gia này mà tôi bị quan đánh năm trượng”.

Tảng đá đột nhiên nói:

- “Mười trượng, tại sao ông nói dối giấu đi năm trượng”.

Suy tư:

Con người ta ai cũng có sĩ diện cả, sĩ diện chính là coi cái tôi của mình quá lớn, lớn đến nỗi phải nói dối để che lấp cái sĩ diện của mình.

Càng làm lớn, càng có chức vụ và danh tiếng thì sĩ diện càng lớn, cho nên những người này khi nói dối thì tác hại càng lớn lao có hại cho người khác và cho tập thể, cộng đoàn, bởi vì họ đặt cái tôi của mình trên ích lợi của người khác.

Tảng đá biết nói là chuyện lạ, nhưng càng lạ hơn khi nó chỉ nói sự thật với những người nói dối. Cũng vậy, lương tâm của mỗi người chính là “viên đá góc tường” luôn nói sự thật, luôn lên tiếng cảnh cáo khi chúng ta nói dối, làm sự ác, sống vô luân và bất công với anh chị em đồng loại của mình. Lương tâm không phải là tảng đá lăn lóc bên vệ đường biết nói, nhưng là viên ngọc quý mà Thiên Chúa đặt để trong tâm hồn của mỗi người, để nó trở thành người lính canh gác sự thật khi chúng ta nói dối và lừa dối tha nhân.

Càng cao danh vọng quyền thế thì càng phải trau dồi đức tính sự thật, bằng không khi lương tâm không còn nữa, thì chính Thiên Chúa sẽ ném thân xác và linh hồn chúng ta vào lửa hỏa ngục đời đời không hề tắt...

-----------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://vn.360plus.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi tuần SỐNG một câu Lời Chúa (CN 8 TN A)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:04 26/02/2011
CHÚA NHẬT VIII THƯỜNG NIÊN

Tin mừng: Mt 6, 24-34.

“Anh em đừng lo lắng về ngày mai”.


Anh chị em thân mến,

Nội dung của bài đọc thứ nhất trong sách tiên tri I-sai-a đã cho chúng ta thấy rất rõ ràng lòng yêu thương của Thiên Chúa đối với nhân loại, dù cha mẹ có bỏ rơi con mình, thì Thiên Chúa vẫn cứ yêu thương con người. Trong bài Tin Mừng Chúa Giê-su cũng khẳng định lại tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người, Ngài luôn chăm nom con người, qua hình ảnh chim trên trời không gieo không gặt, và hoa huệ ngoài đồng không dệt không thêu mà Thiên Chúa vẫn lo cho chúng nó, huống hồ chúng ta là con cái của Ngài.

1. Phó thác không có nghĩa là khoán trắng cho Chúa.

Phó thác là đem cuộc sống của mình đặt vào trong bàn tay quan phòng yêu thương của Thiên Chúa, là xác tín cuộc sống hôm nay vui buồn, đau khổ hạnh phúc là bởi tình yêu Thiên Chúa ban cho để tôi luyện đức tin và lòng yêu mến của chúng ta vào Thiên Chúa.

Phó thác không chỉ là tin yêu vào Thiên Chúa quan phòng, nhưng còn là cộng tác và chia sẻ với Thiên Chúa về những suy nghĩ lo âu vui buồn trong cuộc sống với Ngài, bởi vì Thiên Chúa tuy rằng rất yêu thương và chăm sóc chúng ta, nhưng Ngài không muốn chúng ta thụ động ỷ lại vào tình yêu của Ngài, để rồi trở thành những đứa con ù lì trong cuộc sống không trở thành những chứng nhân cho tình yêu của Thiên Chúa.

2. Hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa trước.

Có những người trong chúng ta chỉ biết Nước Thiên Chúa là thiên đàng hạnh phúc vì có Thiên Chúa hiện diện, nhưng rất ít người hiểu Nước Thiên Chúa là gì và sự công chính của nó là gì ?

Nước Trời là thiên đàng, là nơi mà Thiên Chúa thưởng kẻ lành, và sự công chính của Nước Trời là yêu thương, khiêm tốn và phục vụ. Nước Trời thuộc về tương lai của những người công chính, tức là những người ngay khi còn sống ở thế gian đã thực hành sự công chính của Nước Trời, đó là khi họ phục vụ tha nhân trong khiêm tốn, đó là khi họ vì sự công chính mà bị bách hại, đó là khi họ vì yêu thương mà tha thứ cho những kẻ hại mình.v.v...

Anh chị em thân mến,

Thiên Chúa luôn yêu thương chúng ta, Ngài tạo dựng vũ trụ là để cho chúng ta hưởng dùng, nhưng có rất nhiều lần chúng ta giận dữ nói với mọi người: Thiên Chúa bỏ rơi tôi rồi, Thiên Chúa để tôi gặp nhiều. Chúng ta quên mất lời Chúa đã hứa: Cho dù cha mẹ có quên con cái chăng nữa, thì Ngài cũng chẳng quên chúng ta bao giờ.

Chỉ có chúng ta vì tội lỗi mà quên mất Thiên Chúa, chứ Thiên Chúa không bao giờ quên chúng ta; chỉ có chúng ta vì ham mê những cám dỗ của ma quỷ và những thú vui xác thịt mà quên mất Thiên Chúa, nhưng Thiên Chúa vẫn cứ chờ đợi và sẵn sang tha thứ tội cho chúng ta.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

----------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://vn.360plus.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:06 26/02/2011
N2T


5. Con hy vọng được tha tội, vẫn không giống như Thiên Chúa hy vọng càng cấp bách tha tội cho con.

(Thánh John Chrysostom)
 
Mỗi tuần một ''Chuyện Rất Ngắn''
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:09 26/02/2011
CHA TRẺ

Linh mục trẻ được bài sai đi làm cha phó ở một giáo xứ nghèo, nhưng điều kiện phải có là phòng ốc phải đàng hoàng.

Giáo dân nghe được thì nói với nhau:

- “Chưa làm việc mà đã đòi hỏi, đi làm công chức ngồi văn phòng cho rồi?”

Linh mục là Chúa Giê-su Ki-tô thứ hai, nên phải yêu thương và hy sinh.

---------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://vn.360plus.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Tìm hiểu giá trị vật chất
Lm. Phêrô Hồng Phúc
20:21 26/02/2011
TÌM HIỂU GIÁ TRỊ VẬT CHẤT

Có một câu chuyện kể rằng: “Một người kia có tiền của, ông đã nghĩ đến chuyện lập nghiệp cho con trai của ông, nhưng trước tiên ông phải giáo dục cho người con này để có thể thừa kế cách xứng đáng. Ông gửi cậu đến một người bạn làm thợ rèn, người bạn nhận lời dạy nghề cho cậu con trai của bạn mình. Ngày qua tháng lại đến kỳ lĩnh lương, chàng trai này cũng được nhận một đồng tiền vàng để đưa về cho cha. Người cha không nói gì cả, cầm đồng tiền quẳng xuống sông. Người con trai dửng dưng như nước lã vì tiền phụ cấp cho cậu học nghề còn lớn hơn thế nhiều, cậu chẳng động tâm. Rồi cậu tiếp tục trở lại học nghề. Tay nghề của cậu lên cao, trợ cấp ít đi, lương nhiều lên. Cho đến một ngày cậu không còn cần tiền trợ cấp mà cậu cầm ba đồng tiền vàng về cho cha mình. Người cha cầm đồng tiền cậu đưa, lẳng lặng vứt đồng tiền thứ nhất xuống sông. Khi thấy cha mình cầm đồng tiền thứ hai thì cậu vội ngăn tay cha lại, cậu thưa: “Cha ơi, phải vất vả cả tháng trời con mới được ba đồng tiền vàng này. Cha nỡ lòng nào vứt đi sao?”. Lúc ấy người cha mới ôm chầm lấy đưa con trai của mình và nói:”Con ơi, không phải là cha không biết đến giá trị của đồng tiền. Nhưng vì cha muốn cho con hiểu giá trị của đồng tiền qua mồ hôi và bàn tay lao động của con. Lần trước cha vứt một đồng tiền nhưng có thấy con tiếc gì đâu. Bây giờ con đã hiểu đồng tiền do bàn tay con làm ra, con đã biết quí trọng nó thì cha có cả gia tài này để trao cho con vì con đã biết cách để sử dụng”.

Câu chuyện trên đơn giản nhưng cho chúng ta một bài học, rằng tiền của vật chất tự nó chưa nói lên điều gì nhưng cách sở hữu tiền của mới là quan trọng. Cậu con trai kia chưa biết cách tiêu tiền, chưa biết giá trị của đồng tiền thì không thể trao cả gia tài cho cậu ta. Chỉ khi nào cậu ta biết quí giá trị đồng tiền làm ra thì cậu mới được người cha trao cho gia tài quí báu. Chính vì thế, Thiên Chúa đã dạy chúng ta bài học về cách sử dụng tiền của vật chất trên thế giới này. Thiên Chúa là Cha trao cho chúng ta gia tài là cả vũ trụ, Người không tiếc. Nhưng con người phải hiểu giá trị và cung cách sử dụng tiền của vật chất. Phương Tây nói: “Tiền bạc là một người đầy tớ tốt nhưng là một ông chủ tồi”. Với những người tôn tiền của thành ông chủ của mình, tôn thờ tiền của, hoặc ngược lại, coi tiền của chỉ là một cách để hưởng thụ thì tất cả những điều đó sẽ trở nên tai hại cho chính họ. Chúng ta hãy tưởng tưởng, đồng tiền ở trong tay các nhà từ thiện thì hàng ngàn hàng ngàn những người nghèo, trẻ mồ côi sẽ được hưởng; nhưng đồng tiền vào tay của con nghiện thì có hàng trăm triệu, hàng tỉ đồng cũng sẽ đi theo làn khói trắng mà bay mất. Một gia đình có con nghiện thì cả gia tài cũng tiêu tan theo làn khói trắng đó. Cho nên, điều quan trọng không phải là tiền của vật chất nhưng là cách sở hữu nó, nếu người ta biết quan niệm tiền của là phương tiện để giúp người ta đạt tới một mục đích gì cao hơn, ý nghĩa hơn thì đồng tiền khi đó trở thành người bạn giúp đỡ họ. Còn khi họ tôn thờ, họ hưởng thụ, họ ích kỷ cá nhân, họ nghiện ngập, họ phá tán thì đồng tiền khi đó không những băng hoại cuộc đời của họ mà con băng hoại cả mồ hôi nước mắt của cha mẹ, của người thân yêu vợ con trong gia đình, phá tán cả hạnh phúc của gia đình nữa. Chúng ta có thể hiểu tại sao Chúa Giê su đòi hỏi “Trước hết các con hãy tìm sự công chính và Nước Đức Chúa Trời, còn mọi sự khác Chúa sẽ thêm cho”(Mt 6,33). Vì đồng tiền trong tay người công chính sẽ là sự phục vụ công bằng; sẽ là sự bác ái đích thật; sẽ là “đồng tiền liền khúc ruột”; sẽ là những gì giúp đỡ cho thế hệ tương lai, sẽ là những đầu tư chính đáng “Vì tương lai con em chúng ta”; sẽ là công phúc để giúp cho người ta biết làm lành lánh dữ; sẽ là nhà thờ nhà thánh, nhà Chúa, trường học, các ngôi nhà từ thiện, bệnh viện... là những nơi chuyên về từ tâm bác ái. Nhưng nếu như đồng tiền ấy không được sử dụng một cách chính đáng là bởi vì người ta bất chính trước, rồi đồng tiền bị lôi cuốn theo. Vì vậy khi người ta tìm sự công chính thì tất cả đồng tiền trong tay họ cũng trở nên công chính. Nhưng người ta tìm sự bất chính thì đồng tiền đó là đồng tiền bị bẩn, như người ta hay nói là phải “rửa tiền”. Tiền đâu có bẩn mà phải rửa, lòng người ta bẩn cho nên tiền bẩn theo và mới nảy sinh chuyện rửa tiền !.

Trong Tin Mừng của Chúa Giêsu theo thánh Matthêu đã cho chúng ta thấy “Cha trên trời nuôi chim trời không kho, không gieo, không gặt. Cây huệ ngoài đồng không canh cửi mà Cha trên trời mặc cho áo đẹp đến nỗi vua Salamon dù sang trọng là thế cũng không mặc được áo đẹp như bông huệ ngoài đồng, phương chi các con” (x.Mt 6,28-29). Một cách giải thích thực tế, đơn giản nhưng rõ ràng và sâu sắc là thế mà người ta không nhận ra ý của Thiên Chúa. Thiên Chúa đâu có sợ tiền bạc, vì vũ trụ vật chất này do Chúa dựng nên. Thiên Chúa chỉ sợ người ta nâng tiền bạc lên thành chúa mình, và vì thế Chúa Giê su căn dặn “Không ai được làm tôi hai Chúa”(Mt 6, 24), coi Thiên Chúa và tiền của như nhau. Bởi vì Thiên Chúa ban cho con người làm chủ trong vũ trụ này thì họ chỉ có một Thiên Chúa là duy nhất và là Đấng thánh thiện, yêu thương, trao ban cho họ toàn thể vụ trụ này để họ sở hữu. Nhưng khi họ nâng tất cả vật chất này trở thành chúa của mình, đó không phải là một cuộc đảo chính sao? Đó không phải là một sự sai lầm mà con người đã đánh mất cả cuộc đời của mình sao? Cho nên Thiên Chúa đâu có sợ, đâu có phải đề phòng tạo vật mà Ngài đã dựng nên. Nếu Thiên Chúa xa tránh vật chất, thì ai dạy ta Kinh Lạy Cha: “…Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hàng ngày”. Nếu Thiên Chúa mâu thuẫn với vật chất thì ai dựng nên vũ trụ xinh đẹp này? Nếu Thiên Chúa loại trừ vật chất thì sao lại trao ban cho con người quyền sáng tạo để canh tân và phát triển bộ mặt trái đất này? Đừng tiếp cận sai mục đích sử dụng tiền của vật chất và kết án lầm cho Thiên Chúa ! Thế giới của chúng ta hiện nay đang có biết bao nhiêu con người thích của cải vật chất, thật sự thì không có gì là xấu, nhưng họ đã không còn biết giá trị gì cao hơn, thật là đau đớn. Vì vậy, Chúa không dạy chúng ta phải xa tránh, Chúa không dạy chúng ta là phải gớm ghét của cải, thậm chí Chúa cho phép chúng ta hãy làm giàu của cải vật chất bằng trí tuệ, hãy làm cho cuộc sống văn minh và tiện nghi, hãy sáng tạo để làm chủ trái đất này. Chúa chỉ yêu cầu chúng ta hãy tìm sự công chính và Nước Đức Chúa Trời trước để khi chúng ta đã trở nên công chính thì tất cả mọi sự ở trong tay những người con đã biết sử dụng trái đất này, vũ trụ này nhằm qui về một mối: Thiên Chúa yêu thương và chúc phúc cho họ. Vì vậy, ngày hôm nay chúng ta đừng hiểu lầm Thiên Chúa. Chúng ta cũng đừng hiểu lầm rằng Hội Thánh kết án những người giàu. Thiên Chúa ban cho chúng ta quyền làm chủ. Hãy giàu có trong tâm hồn trước, rồi mọi sự khác Chúa sẽ thêm cho. Hãy giàu có trong tư cách là công dân của Nước Trời trước, rồi cả vũ trụ vật chất này Chúa sẽ ban cho.

Ngày hôm nay chúng ta nhớ lời Chúa dạy: “Hãy tìm sự công chính và Nước Đức Chúa Trời”. Nhưng tìm ở đâu? Chúng ta không phải đi xa. Tìm ngay trong gia đình mình. Tìm ngay trong tâm hồn mình. Khi chúng ta biết sống, như lời nhà hiền triết Epictète nói “Nếu bạn sống hòa hợp với thiên nhiên. Bạn không bao giờ nghèo”. Người ta chỉ trở nên nghèo khi mà lòng tham quá độ. Lúc nào cũng thấy thiếu. Đó là nghèo. Còn khi biết sống hòa hợp với thiên nhiên, lúc nào cũng thấy đầy đủ, lúc nào cũng thấy vui, thế là giàu”. Giàu hay nghèo phải từ trong quan niệm của mình trước, rồi từ đó, giống như người đã làm chủ mình thì khi ngồi trên xe ô tô, chúng ta mới làm chủ được phương tiện, chúng ta mới đến được nơi cần đến. Còn khi người ta không làm chủ được mình, giống như người say rượu, ngồi trên xe, không làm chủ được tay lái và gây tai nạn chết người. Thiên Chúa sợ chúng ta về điều đó. Thiên Chúa sợ chúng ta đảo lộn giá trị của vật chất, Ngài sợ chúng ta đảo lộn tư cách làm con lại trở nên phung phá. Và vì vậy, Chúa căn dặn chúng ta hãy lo làm chủ chính bản thân mình, hãy quyết tâm làm chủ trái đất này như Thiên Chúa muốn và Thiên Chúa trao ban cho con người. Đừng đặt tiền của vật chất làm đối tượng trao phó hồn mình, nhưng hãy thực hiện lời thánh vịnh: “Chỉ trong Thiên Chúa mà thôi, hồn tôi mới được nghỉ ngơi yên hàn” (Tv 62, 2)

Lạy Chúa Giêsu Kitô,

Xin đừng để ai trong chúng con

đánh mất đi quyền làm con

đối với sở hữu vũ trụ này mà Chúa đã trao ban.

Xin đừng để ai trong chúng con

làm đảo lộn giá trị của vật chất

khiến cho con người mất phương hướng tìm về Nước Trời.

Xin cho chúng con luôn biết nhìn ngắm vũ trụ bao la

để nhận ra tình Cha yêu thương.

Xin cho chúng con biết sống thế nào

để trở nên những người con của Chúa,

trở nên những người công chính trong thế giới hôm nay.

Như thế chúng con sẽ được trao ban cả Nước Trời,

trao ban cả những kho tàng vật chất.

Vì chúng con tin Lời Chúa đã phán:

“Người đã có thì sẽ được cho thêm và sẽ được dư dật”. Amen.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Băng tay bằng vải đỏ cho ngày Giới Trẻ Thế Giới nhắc nhớ tình yêu của các vị tử đạo
Bùi Hữu Thư
09:18 26/02/2011
Cordoba, Tây Ban Nha, 24, tháng Hai, 2011 / 04:03 pm (CNA).- Đức Giám Mục Demetrio Fernandez Gonzalez ở Cordoba, Tay Ban Nha mới đây giải thích rằng băng vải đỏ đã được phân phát cho các tham dự viên Ngày Giới Trẻ Thế Giới trong giáo phận của ngài nhắc nhớ đến sự hy sinh của các vị tử đạo Công Giáo.

Đức Giám Mục Fernandez gửi một bài viết cho hãng thông tấn CNA ngày 21 tháng Hai, giải thích là “Đối với các Kitô hữu, qua 2.000 năm lịch sử, mầu đỏ là mầu máu tử đạo, đây là mầu của Chúa Thánh Thần.”

“Đây không phải là mầu đỏ của cuộc cách mạng Mác Xít, đã là một thất bại thảm hại, cũng không phải là thuyết hư vô của Nietzsche, dẫn đưa đến chỗ không không và vô nghĩa mặc dầu thuyết này tuyên dương một vĩ nhân.” Ngài tiếp, băng đó cũng không biểu tượng cho “cuộc cách mạng tính dục của Freud và các môn đệ của ông, nhắm nô lệ hoá con người khắp mọi nơi cho sắc dục”

Đức Giám Mục nói: Ngược lại, “Mầu đỏ của băng tay được trao cho giới trẻ của chúng ta… biểu tượng cho tình yêu Kitô, đã được xây dựng trên nền tảng của Chúa Giêsu Kitô.”

Ngày 19 tháng Hai, hàng vạn giới trẻ sẽ tụ tập tại thành phố Cordoba để chuẩn bị cho Ngày Giới Trẻ Thế Giới với âm nhạc và phụng vụ.

Đức Giám Mục Fernandez nói: “Biến cố này nhắm khuyến khích giới trẻ “biến cải đời sống, để đến gần Chúa GIêsu Kitô hơn, để sống trong tình trạng ân sủng và phục hồi sự trong sạch của linh hồn được ban phát cho họ trong bí tích hòa giải.”

Ngàì nói: “Tương lai của Giáo Hội và xã hội của chúng ta là ở nơi các người trẻ này.”
 
Đức Thánh Cha bênh vực lương tâm chống lại sự lừa đảo về sự phá thai trị liệu
LM Trần Đức Anh OP chuyển ý
10:56 26/02/2011
VATICAN. Trong buổi tiếp kiến sáng 26-2-2011, dành cho Hàn lâm viện Tòa Thánh bảo vệ sự sống, ĐTC bênh vực tiếng nói lương tâm của con người và kêu gọi các bác sĩ chống lại sự lừa đảo về sự phá thai trị liệu.

Hàn lâm viện Tòa Thánh bảo vệ sự sống nhóm khóa họp toàn thể lần thứ 17 từ ngày 24 đến 26-2-2011 tại Nội thành Vatican, dưới quyền chủ tọa của Đức Cha Chủ tịch Ignacio Carrasco de Paula, và bàn về chấn thương hậu phá thai và các ngân hàng giữ máu giây rún.

Ngỏ lời với 250 người hiện hiện tại buổi tiếp kiến, ĐTC nhận định rằng ”Đề tài hiệu chứng hậu phá thai, nghĩa là trạng thái khó chịu trầm trọng về tâm lý mà phụ nữ thường cảm thấy sau khi phá thai, biểu lộ tiếng nói không thể bóp nghẹt của lương tâm và vết thương rất nặng nề mà lương tâm phải chịu mỗi khi hoạt động của con người phản bội ơn gọi bẩm sinh làm điều thiện”.

ĐTC cũng nói rằng: ”Với những người muốn chối bỏ sự hiện hữu của lương tâm nơi con người, coi tiếng nói của lương tâm chỉ là kết quả những ảnh hưởng từ bên ngoại hoặc một hiện tượng hoàn toàn là cảm xúc, cần phải tái khẳng định rằng phẩm chất luân lý của hành động con người không phải là một giá trị bên ngoài hoặc giá trị tùy ý, và cũng không phải chỉ là đặc quyền của các tín hữu Kitô hay của những người có tín ngưỡng, nhưng nó là điều chung cho tất cả mọi người. Trong lương tâm, Thiên Chúa nói với mỗi người và mời gọi bênh vực sự sống trong mọi giai đoạn. Trong quan hệ bản thân này với Đấng Tạo Hóa, có phẩm giá sâu xa của lương tâm và lý do tại sao không thể vi phạm lương tâm”.

ĐTC đặc biệt kêu gọi các bác sĩ đừng quên thi hành ”nghĩa vụ hệ trọng là bảo vệ lương tâm của các phụ nữ chống lại sự lường gạt: các phụ nữ này nghĩ là có thể tìm được nơi sự phá thai giải pháp cho những khó khăn về gia đình, kinh tế, xã hội hoặc cho các vấn đề sức khỏe của thai nhi. Đặc biệt trong trường hợp này, phụ nữ thường bị thuyết phục, nhiều khi do chính các bác sĩ, để nghĩ rằng phá thai không những là một chọn lựa hợp luân lý, nhưng thậm chí nó còn là một hành vi trị liệu cần phải thi hành, để tránh đau khổ cho hài nhi, và cho gia đình mình, cũng như tránh một 'gánh nặng' bất công cho xã hội.

”Trong bối cảnh văn hóa có sự lu mờ ý nghĩa sự sống, và trong đó nhiều người không còn cảm nhận tính chất trầm trọng của phá thai và của những hình thức khác chống lại sự sống con người, các bác sĩ cần có một lòng can đảm đặc biệc để tiếp tục khẳng định rằng phá thai chẳng giải quyết gì cả, trái lại nó giết hại trẻ em, hủy hoại phụ nữ và làm cho lương tâm của cha hài nhi trở nên mù quáng, nhiều khi làm tan rã đời sống gia đình”.

ĐTC ca ngợi nhiều sáng kiến của cộng đồng Kitô giúp đỡ phụ nữ có thai để họ tránh giải pháp này, cũng như để nâng đỡ về tâm lý và tinh thần, giúp phụ nữ đã phá thai được phục hồi.

Sau cùng, ngài cũng cổ võ thành lập những ngân hàng máu giây rún, với mục đích trị liệu và nghiên cứu. ĐTC nói: ”Cần cổ võ những nghiên cứu có giá trị về mặt luân lý đạo đức và giá trị tình liên đới của mỗi người trong việc tham gia vào những nghiên cứu nhắm cổ võ ích chung”. Ngài phê bình hiện tượng ngày càng có nhiều ngân hàng tư giữ máu của các giây rún, để chỉ dùng riêng, mà thiếu tinh thần liên đới chân thực, vốn là điều cần phải có trong việc tìm kiếm công ích”.

Trong những ngày nhóm họp, 2 đề tài nói trên đã được khai triển trong các phiên họp nhóm, được sự gợi ý trước đó của một số bài thuyết trình của các chuyên gia: Đức ông Jacques Suaudeau định nghĩa các loại tế bào, giáo sư Justo Azanar thuộc Viện khoa học sự sống ở Valencia, Tây Ban Nha, nói về những đặc tính và hình thái phục vụ của các ngân hàng công và tư máu giây rún, bác sĩ Carlo Petrini, nghiên cứu gia tại Học viện cao đẳng y tế ở Roma nói về khuôn khổ luật pháp Âu Châu về vấn đề này. Trong số các chuyên gia trình bày về hậu quả chấn thương hậu phá thai có giáo sư Theresa Burke, sáng lập hội ”Rachel's Vineyard Minitries” chuyên nâng đỡ tinh thần và tâm lý cho các phụ nữ đã phá thai; Nữ tu Marie-Luc Rollet, giáo sư tại Nhà thương Saint-Vincent de Pual ở Bourgoin, bên Pháp, nói về những lý thuyết và chính thực tại chấn thương hậu phá thai. (SD 26-2-2011)
 
Top Stories
Pope urges doctors to protect women from abortion
Zenit
16:56 26/02/2011
VATICAN - Pope Benedict XVI has urged doctors to protect women from the deceptive thought that an abortion might be a solution to social or economic difficulties or health problems.

Benedict reaffirmed the Catholic Church's firm opposition to abortion in a speech Saturday to members of the Pontifical Academy for Life, Vatican's bioethics advisory board.

The pontiff argued that women are often convinced, sometimes by their own doctors, that abortion is a legitimate choice and in some cases even a therapeutic act to prevent their babies from suffering.

Saying "abortion solves nothing," he called on doctors not to give up their duty to defend the consciences of women from such "deception."

Church teaching holds that human life begins at conception.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Các cụ cao niên GXVN Paris đi hành hương Nevers viếng xác thánh nữ Bernadette
Trần Văn Cảnh
09:14 26/02/2011
Các cụ cao niên GXVN đi hành hương Nevers viếng xác thánh nữ Bernadette

Được thành lập từ 1999, Nhóm Chuyên Gia GXVN Paris đã khai sáng một sinh hoạt mới cho GXVN Paris, dành cho các cụ cao niên, thực hiện tử 2009. Cho niên khóa 2010-2011, năm sinh hoạt đã được lên chương trình:

1. 17.10.2010: Hành hương Nevers, kính viếng thánh nữ Bernadette, Gare de Lyon, Paris

2. 12.12.2010: Thuyết trình “Vấn đề dinh dưỡng của người già”, từ 14 giờ tại GXVN Paris

3. 27.02.2011: Tết Cao Niên Tân Mão: 11g30 Thánh lễ; 13 giờ: Tiệc Xuân, tại GXVN Paris

4. 10.04.2011: Hành hương Lisieux, Kính viếng ÔB Chân phước Martin và Thánh nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu. Gare St-Lazare, Paris.

5. 19.06.2011: Ngày hiền phụ, Ông bà Cha mẹ (Fête de la musique), từ 14 giờ, tại GXVN Paris.

Xem hình các cụ cao niên hành hương

Là một trong những người được mời tham dự Nhóm Cao Niên từ lúc đầu, tôi xin ghi tên đi hành hương với nhóm. Từ hồi sang Pháp năm 1973, đã nhiều lần tôi đi hành hương Lộ Đức, hoặc một mình, hoặc với gia đình, hoặc với phái đoàn của Giáo Xứ, hoặc để dẫn hay tháp tùng bạn bè, bà con từ những nước khác đến thăm Pháp và muốn đi kính viếng Đức Mẹ. Nhưng đi Nevers, thăm chị thánh Bernadette, thì đây là lần đầu tiên. Cuộc hành hương này, đã thực hiện ngày 17.10.2010, trên 4 tháng rồi. Hôm nay, 26.02.2011, sắp đến ngày sinh hoạt thứ ba, ngày Tết Cao Niên vào 27.02.2011, tôi hồi tưởng lại quá khứ, xin ghi ký mấy điều còn nhớ và mấy cảm tưởng khó quên, tặng những người bạn cao niên, đã cùng đi hành hương.

Nếu tôi nhớ không lầm, mà tôi dễ lầm lắm, vì nay đã bắt đầu quên, thì chúng tôi hẹn nhau khoảng 8 giờ có mặt ở nhà Gare Lyon, Paris quận 12, cùng nhau lấy xe lửa đi Nevers. Tôi đến nhà ga trước 30 phút, nhưng không thấy dáng một người việt nam nào. Lo lắng quá, tôi chạy tong tả đi kiến những người đồng hành. Ba phút sau, tôi gặp một chị việt nam, đang chạy vội vã, như đang đi kiếm đường. Chị hỏi tôi

-Bác đi Nevers phải không ?

Tôi trả lời:

-Dạ ! Chị cũng vậy sao?

-Vâng.

Chị vừa nói xong chữ vâng, thì điện thoại của chị reng.

-Xin lỗi bác.

-Alô. Dạ. Dạ, Đi lối nào... Dạ... Cám ơn anh.

Chị nhận được điện thoại của một trong những người lãnh đạo nhóm, báo tin rằng giờ chót, chương trình đã đổi lại. Xe lửa đi Nevers đình công. Phải ra phía trước nhà ga, để đợi xe ca, đi Nevers. Tôi thầm phục các anh chị trách nhiệm khéo tháo vát và tháo vát lanh lẹ.

Nhóm Cao Niên chúng tôi được hân hạnh có những người lãnh đạo rất tháo vát, tích cực và lanh lẹ. Đó là cha Đinh Đồng Thương Sách, có lẽ là người ít trẻ nhất, rồi anh Đặng Mạnh Đĩnh và anh Bùi Trọng Khang, còn khá trẻ, và những người còn trẻ, như anh Nguyễn Năng Định, Chị Nguyễn Mộng Hương, chị Nguyễn Bích Hiền, anh Phạm Đức Vượng, anh Antoine Toàn, và chị Mai Hương.

Nhờ vậy mà chỉ trong chốc lát, qua vài cú điện thoại, các anh chị đã tìm được chiếc xe ca, chở cả nhóm đi Nevers. Khoảng 9 giờ, cả phái đoàn hành hương cao niên, khoảng 50 người đã an vị trên xe. Các anh chị trưởng và cha Tuyên Úy đếm đi đếm lại nhiều lần, gọi tên từng người, kiểm đi kiểm lại kỹ lưỡng.

-Tất cả đã đủ chưa? Cha Sách hỏi.

-Dạ, thưa cha đủ rồi ạ. Anh Định trả lời.

-Thôi, thế mình lên đường nhá. Chúc các cụ ông cụ bà một cuộc hành hương tốt đẹp.

-Xin cám ơn cha. Xin kính chúc cha như vậy. Nhiều cao niên trả lời.

Thế là xe chuyển bánh, từ từ đi về xa lộ A6, trực chỉ hướng Nam, đi về Nevers. Trên đường đi, chúng tôi được cha Sách, anh Định, chị Hương kể chuyện về chị Bernadette với 18 lần Đức Mẹ hiện ra ở Lộ Đức. Được anh Khang, chị Hiền đọc sách vể chuyện Sơ Marie-Bernard (tên dòng của chi Bernadette) nhập dòng thánh Gildard, dòng nữ tu Bác Ái ở Nevers. Được cùng nhau cầu nguyện, lần chuỗi với 20 mầu nhiệm Mân Côi:

1. Năm sự vui, về Mầu Nhiệm Nhập Thể
a. Loan báo tin vui cứu độ,
b. Đức Mẹ thăm viếng bà Isave
c. Chúa Giêsu sinh tại Bêlem
d. Dâng Đức Chúa Giêsu vào Đền Thánh
e. Tìm lại Đức Chúa Giêsu trong Đền Thờ

2. Năm Mầu Nhiệm Sự Sáng:
a. Đức Chúa Giêsu chịu phép rửa
b. Đức Chúa Giêsu dự tiệc cưới Cana
c. Đức Chúa Giêsu rao giảng Nước Trời và kêu gọi sám hối
d. Đức Chúa Giêsu biến hình trên núi
e. Đức Chúa Giêsu lập Bí Tích Thánh Thể

3. Năm Sự Thương, về Mầu Nhiệm Khổ Nạn
a. Chúa Giêsu hấp hối trong vườn
b. Chúa Giêsu bị đánh đòn
c. Chúa Giêsu đội mão gai
d. Chúa Giêsu vác Thánh Giá,
e. Chúa Giêsu bị đóng đinh và chết trên thập giá

4. Năm Sự Mừng, về Mầu Nhiệm Phục Sinh
a. Chúa Giêsu sống lại
b. Chúa Giêsu lên trời
c. Chúa Thánh Thần hiện xuống
d. Đức Mẹ lên trời
e. Đức Mẹ được trao vương miện.

Nghe kể chuyện thánh, đọc sách đạo đức, cầu nguyện chung với nhau, đọc kinh chung với nhau. Đây quả thật là một hành hương. Tôi ít khi được tham dự một cuộc hành hương đúng nghĩa như vầy. Thêm nữa, tôi khám phá hai điều. Thứ nhất tôi biết hơn về chị thánh Bernadette dưới khía cạnh là một nữ tu bác ái, giúp người đau yếu, và chính chị cũng là người đau yếu. Thứ hai tôi được lần hạt lần đầu tiên với 5 sự Sáng, dẫu đã có nghe nói đến nhiều lần.

Cũng nhờ đọc kinh, nghe sách như vậy mà thấy thời giờ đi quá mau. Vừa khởi hành đó, mà thấm thoát đã gần 12 giờ. Chúng tôi đã đến Nevers. Theo lời anh Định và anh Khang, chúng tôi có 1 giờ để xở chân, chụp ảnh chung trước nhà dòng, trước hang đá, đi thăm Nhà Truyền Thống Thánh Nữ Bernadette, mua quà kỷ niệm, rồi phải trở về lều, dùng cơm trưa.

Giữa sân nhà dòng rộng rãi, phía phải là nhà nguyện, trước mặt và phía trái là hai dẫy nhà, tạo thành một hình chữ U lớn. Sừng sững một đài, trên đặt tượng thánh nữ Bernadette. Cách trang trí âu châu rộng rãi, trong sáng và đơn giản, khác hẳn với cách bày biện nhỏ nhoi, quanh co và âm u của các chùa đình việt nam. Cả sân, chỉ có đài tượng thánh Bernadette, dựng giữa một bồn bông khoáng đạt. Theo tượng thánh nữ, nếu khách hành hương quay mặt về phía sau, sẽ hiện ra một hang đá, giả, nhưng kiến trúc y hệt như hang đá thật ở Lộ Đức, với diện tích và hình dáng y hệt, với tượng Đức Mẹ như một,..Cả Phái Đoàn Cao Niên Việt Nam Hành Hương đều chung nhau chụp hai tấm hình chung: trước đài thánh nữ Bernadette và trước hang đá Lộ Đức.

Chụp hình chung xong, nhiều người tụm lại, nhóm ba, nhóm bảy, chụp hình kỷ niệm riêng. Rồi từng tốp, dăm, ba, năm, bảy, các cụ dẫn nhau đi thăm nhà dòng. Người thì đi mua ảnh tượng, đồ kỷ niệm, kẻ thì đi xả hơi, giải khát, người lại đi thăm Nhà truyền thống về cuộc đời chị thánh Bernadette. Trông các cụ đi lại, cười nói, vui tươi trong khuôn viên nhà dòng, không khác gì các em học sinh trong giờ ra chơi ở một trường học. Ai bảo đời cao niên hưu trí là buồn tẻ, là cô đơn ? Cứ vui như vầy, thì các cụ có nhiều hy vọng sống lâu, rất lâu hơn nữa. Đó cũng là nhờ sáng kiến của Ban Thường Vụ và Nhóm Chuyên gia ! Và tình việt của những anh chị trách nhiệm, đã bỏ thời giờ để điện thoại thăm hỏi, mời tham dự các sinh hoạt, mời đi hành hương. Đã bỏ công, bỏ của để tổ chức công việc chu đáo!

Trời vào thu, mới cuối tháng 10, nhưng lạnh, rất lạnh, có lẽ gần zêrô độ. Trên nét mặt nhiều cao niên đã hiện ra nét xam xám. Có lẽ thấy cái lạnh trên nét mặt các cao niên, mấy anh chị trách nhiệm chia nhau đi mời mọi người về Lều Việt Nam (lều mà các anh chị đã dành sẵn cho đoàn hành hương việt nam) dùng cơm trưa. Trời đã lạnh, lại gió heo may thổi buốt. Các anh chị trách nhiệm đã phải đi đóng hai cửa lều hai phía lại. Rồi trên 10 cái bàn đã kê sẵn, các cao niên tụm nhau, dùng cơm trưa. Cơm tự túc, mỗi người mang theo đồ ăn của mình. Người thì mang cơm tây. Kẻ thì mang cơm ta. Người thì nấu cơm Nam, kẻ lại nấu cơm Bắc. Tôi đã mang một ổ bánh mì, với mấy miếng pháo mát. Nhưng được anh chị Khang mời ăn xôi lạp xưởng, do chính chị Khang nấu. Một bên là xôi, một bên là bánh mì. Một đàng là lạp xưởng, một đàng là pháo mát. Sự chọn lựa đã hiển nhiên rồi. Xin cám ơn anh chị Khang!

Sau cơm trưa, các cao niên được mời vào nhà nguyện dâng thánh lễ, viếng xác nguyên vẹn của chị thánh Bernadette. Nhà nguyện thánh Gildard không to lắm, nhưng sạch sẽ và nghiêm trang. Cùng lúc với phái đoàn việt nam, có nhiều phái đoàn pháp cùng đến viếng không gian Bernadette. Gian cung thánh khoảng khoát, đơn sơ, có bàn thờ đặt giữa, về phía trước hai bên có bục giảng và kệ hát. Về phía phải trong một gian nhỏ, kê hòm bia giữ xác nguyên vẹn của chị thánh Bernadette. Cùng với thánh nữ Catherine Labouré, người được Đức Mẹ hiện ra truyền phải phổ biến ảnh hay làm phép lạ vào năm 1830, chị thánh Bernadette chia sẻ vinh quang được xác nguyên vẹn sau khi chết. Điều này đã được chứng thực khi người ta khám phá, vào năm 1909, thấy xác chị vẫn nguyên vẹn, sau khi đã chết và được chôn cất 30 năm (chị mất năm 1879). Từ năm 1925, năm mà chị Bernadette được Đức Thánh Cha Piô XI phong chân phước, xác nguyên vẹn của chị đã được mang về bảo quản và trưng bày cho khách hành hương kính viếng ở nhà nguyện thánh Gildard này. Chị Bernadette đã được phong hiển thánh, ngày lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, ngày 08.12.1933.

Nhà nguyện đông và sốt sắng hẳn lên với đoàn hành hương cao niên việt nam. Thánh lễ do cha tuyên úy cử hành và chia sẻ phúc âm, lại càng cảm kích hơn với lời kinh, tiếng hát của cả 50 con tim tin, cậy, mến việt nam, và với giọng hát thiên thần của các sơ dòng Chúa Thánh Thể. Sau thánh lễ, các cao niên đã dời chỗ sang cánh phải nhà nguyện, viếng xác nguyên vẹn thánh nữ Bernadette.

Sau thánh lễ và kính viếng xác nguyên vẹn chị thánh Bernadette, mọi người đã được mời vào sâu hơn trong nhà dòng, vào phòng mà Bernadette, 22 tuổi, đã rời Lộ Đức, về Nevers, xin vào dòng các nữ tu Bác Ái và trước khi vào nhà tập, đã kể lại cho khoảng 300 nữ tu nghe, ngày 08.07.1866, về chuyện Đức Mẹ Maria hiện ra ở Lộ Đức. Trong phòng hội rông rãi này, đoàn hành hương đã dành hơn một giờ để chấu thánh thể, nghe cha tuyên úy kể truyện cuộc đời nữ tu thánh Bernadette, và đọc kinh, lần hạt. Bữa trưa trong lều vải các cao niên đã dùng cơm vật chất nuôi dưỡng thân xác, buổi sau trưa, trong nhà nguyện và phòng hội, họ đã được dùng tiệc linh thiêng, nuôi dưỡng linh hồn !

Thấm thoát trời đã xế chiều. 16 giờ hơn. Xe ca vào đón mọi người. Trên đường đi, các cao niên được hướng dẫn nghe sách, đọc kinh, được nghe chuyện kể về thánh nữ Bernadette. Trên đường về, họ được mời chia sẻ cảm tưởng, phát biểu cảm tưởng, ý nghĩ. Họ kễ cho nhau, hát cho nhau. Và họ cùng đọc kinh với nhau. Họ hiểu hơn về ý nghĩa việc lần hạt mân côi. Chị thánh Bernadette đã lần hạt mân côi, đã nghe Dức Mẹ dậy: “Hãy xám hối ăn năn, hãy đền tội”, đã được Đức Mẹ cho biết “Ta là Đấng Vô Nhiễm”.

Paris, ngày 26 tháng 02 năm 2011

Trần Văn Cảnh
 
Giáo xứ Từ Châu đón chào anh chị em đến từ Pháp quốc
Gioan Đình Sơn
10:53 26/02/2011
HÀ NỘI - Vào hồi 10 giờ ngày 25 tháng 2 năm 2011, Giáo xứ Từ Châu- Hà Nội hân hạnh đón đoàn hành hương đến từ quê hương Cha Thánh Théophane Vénard (Ven)- Pháp Quốc tới thăm và dâng Thánh lễ tạ ơn. Đoàn gồm 8 linh mục, một thầy sáu và hai mươi sáu giáo dân, trong đó có một linh mục gốc Việt làm trưởng đoàn.

View photos - Xem hình ảnh

Giáo xứ Từ Châu cách Hà Nội chừng 30km, tọa lạc phía Tây Nam Hà Thành, phía Bắc giáp làng Triều Đông, phía Nam giáp làng Châu Mai và phía Đông có dòng sông Nhuệ hiền hòa chảy qua, phía Tây giáp làng Ước Lễ. Trong Đại Năm Thánh 2010, Giáo đường Từ Châu là một trong bốn điểm hành hương của Giáo phận Hà Nội. Đặc biệt, Từ Châu là nơi chôn cất và lưu giữ Thủ Cấp Cha Thánh Ven.

Đón tiếp và cùng đồng tế Thánh lễ với đoàn có cha quản xứ Antôn Trần Công Ý, hai cha bản hương và quý cha đến từ các giáo xứ lân cận.

Về phía phái đoàn, họ rất cảm kích trước tình cảm của quý cha và bà con giáo hữu đã giành thời gian đón tiếp và hiệp dâng Thánh lễ, điều đó nói lên tình cảm quý mến và hiệp thông trong Giáo Hội, cha chủ tế đã nói trước khi bước vào Thánh lễ.

Sau Thánh lễ, cha quản xứ Antôn dẫn đoàn hành hương tới Hang Toại Đạo cách nhà thờ chừng 100m. Nơi đây từng chôn cất Thủ Cấp Cha Thánh Ven và cũng là nơi tấn phong Giám Mục Theurel (Chiêu), bạn thân của Cha cố Ven, năm 1859. Sau cùng, phái đoàn thăm nhà bảo lưu Từ Châu để xem những vật tích của Cha Thánh và Giáo xứ. Gần 12 giờ phái đoàn lên đường để tiếp tục hành trình của mình.
 
Nhận định và cảm nghiệm về: Bộ DVD Bế Mạc Năm Thánh Giáo Hội Việt Nam
Độc giả VietCatholic
12:41 26/02/2011
Bộ DVD Bế Mạc Năm Thánh Giáo Hội Việt Nam & Đại Hội La Vang
tại Trung tâm Thánh Mẫu Toàn quốc La Vang -- từ ngày 4 đến 6 tháng Giêng năm 2011


Có rất nhiều người xem 'Bộ DVD Bế mạc Năm Thánh Việt Nam 2010' đã viết thư hay email về cho biết cảm nghĩ của mình. Hầu hết đều khen ngợi Bộ DVD đặc sắc này. Chúng tôi xin được trích ra một cố những nhận định và phê bình như sau:

- Agnes Hương từ Fountain Valley, California, viết: "Má con nghe trên đài quảng cáo về DVD bế mạc Năm Thánh và nghe mấy bà bạn của Má nói hay lắm, nên cứ bắt chúng con mua cho bằng được. Tìm mãi mới ra địa chỉ của VietCatholic. Chỉ vài ngày sau khi order, chúng con đã có bộ DVD này. Mấy anh chị em chúng con ít khi xem DVD Việt Nam cho rằng đâu có bằng mấy DVD người chuyên nghiệp làm, nhưng khi mở cho ba má và cả nhà cùng coi, chúng con thật rất thích thú ngỡ ngàng vì Bộ DVD được thực hiện rất điêu luyện, không những hình ảnh và âm thanh rõ ràng, nhưng diễn tiến và nội dung được trình bầy rất đặc sắc và rất lôi cuốn người xem. Xin hết lòng cám ơn quí Cha đã thực hiện bộ DVD này".

- Chị Minh Tuyết từ Honolulu, Hawaii, viết: "Chúng con ở xa dù ước ao nhưng cũng không thể về tham dự đại hội Bế mạc Năm Thánh ở La Vang, nhưng xem được bộ DVD này, chúng con rất hài lòng, cảm thấy như mình tận mắt được sống ở La Vang cùng với đoàn hành hương về với Mẹ. Chúng con rất thích buổi Rước Kiệu Đức Mẹ và Rước Kiệu Thánh Thể. Mình Thánh Chúa đi giữa biển người làm chúng con không cầm được nước mắt... Chúng con cũng rất thích xem những màn các nữ tu múa. Sao các Sơ múa đẹp và tài tình quá vậy? Chắc là mất công tập luyện nhiều lắm. Chúng con cám ơn các Sơ và những anh chị em tổ chức".

- Ông Phan Huấn từ San Jose, viết: "Tôi có đọc qua trên các diễn đàn internet thấy có người phê bình về việc tổ chức Đại hội có nhiều lộn xộn, tỉ dụ như nào là Ông chính Phủ lên tòa giảng dậy giáo dân, nào là ban trật tự thế nọ thế kia, nào là phát ngôn viên lung tung... tôi cố ý mua bộ DVD này để coi xem nó chướng đến mức độ nào! Nhưng khi xem xong và cho một số bạn bề cùng xem thì chúng tôi phải nhận định rằng: Có thể đã có những cảnh đó xẩy ra, nhưng cách mà Ban Biên Tập làm phim đã lột được ý nghĩa và tinh thần buổi lễ tôn giáo linh thiêng của Đại lễ bế mạc Năm Thánh. Không thấy bất cứ hình ảnh ông chính quyền nào có trong phim, hay phát biểu gì cả, cũng không thấy phát ngôn viên nói lung tung nào. Làm một bộ DVD không nhất thiết là phải tường trình mọi diễn tiến, nhưng là biết chọn lựa làm sao đề nói lên được tinh thần và những nét chính của đại lễ. Bộ DVD này đã thành công trong sứ mạng này".

- Anh Trần Hùng từ Paris, Pháp, viết: "Một người bạn đã tặng tôi bộ DVD Bế mạc Năm Thánh, vừa xem xong, tôi muốn viết để bầy tỏ lòng trân trọng và cảm phục những người đã thực hiện bộ DVD này. Bộ DVD làm tôi hồi tưởng lại và chia sẻ được những nét đẹp quê hương... ngoài những cảnh rước kiệu và đại lễ có đông người tham dự, tôi còn được thưởng thức những tiết mục múa trống và diễn nguyện, văn nghệ rất đặc sắc. Việc quy tụ được một số đông trên 2000 diễn giả trên sân khấu và kết hợp hài hòa họ lại với nhau là một thành tích mà chúng tôi nghiêng mình kính phục Ban bổ chức..."

- Ông Nguyễn Tùng từ Calgary, Canada, phát biểu: "Cám ơn qúi Cha đã thực hiện bộ DVD rất giá trị cả về nội dung đến hình thức: Nội dung rất xúc tích và trang nghiêm, diễn giải ngắn gọn, quay phim rất nghề và nói lên được cảnh vĩ đại và sống động của một Đại lễ tầm vóc quốc gia. Từ âm thanh, ánh sáng cho tới các buổi diễn nguyện đều đưa người xem từ thú vị hồi hộp này đến những cảnh sắc ngoạn mục khác... Chúng con cũng hiệp thông cầu nguyện và dâng tâm tình cám tạ Chúa cùng với Giáo hội Việt Nam..."

- Chị Elizabeth Nguyễn từ Santa Clara, California, viết: "Xem xong "bộ DVD Bế mạc Năm Thánh 2010" lòng chúng con thật vui mừng và phấn khởi vì nhìn thấy và cảm nghiệm được tấm lòng yêu mến Mẹ La Vang của anh chị em Việt Nam rất sốt sắng dường nào... làm chúng con cũng rung động lây... Các anh chị em không quản ngại mưa gió và khó khăn để đến với Mẹ. Hình ảnh trang nghiêm của những buổi cầu nguyện và chầu Thánh Thể hết sức cảm động và chứng tỏ một đức tin vững vàng".

Bộ bộ DVD Bế mạc Năm Thánh
• do TGP Huế và Trung Tâm Thánh Mẫu Toàn Quốc La Vang chủ trương
• với sự cộng tác của Công ty Truyền Thông Kỷ Nguyên Số (Saigòn) và VietCatholic Network (Hoa Kỳ) biên tập và phát hành.
• phần kỹ thuật tân kỳ, hình ảnh sắc nét và đẹp, nhìn được từ mọi góc độ do 6 máy ghi hình, âm thanh tuyệt hảo, biên tập vắn gọn, ý nghĩa.
Ân Nhân ủng hộ $50 trở lên sẽ được tặng miễn phí bộ DVD, và tên được ghi vào Danh sách Ân Nhân trên VietCatholic. Số tiền của qúi vị sẽ được gửi tặng lại cho Trung tâm La Vang ở Quảng Trị.
Giá ủng hộ trọn bộ DVD gồm 3 dĩa = US$29.00 (bao gồm tiền cước phí bưu điện, thuế, chi phí điều hành và các phí tổn khác)
Gửi về cho: VietCatholic P.O. Box 735, Avalon, CA. 90704, USA
Xin vào Paypal hay Credit Cards (rất an toàn)để order Bộ DVD Năm Thánh với VietCatholic như sau:

Sau khi nhấn vào nút Donate qúi vị sẽ thấy một giao diện khác cũng có chữ Donate. Xin nhấn vào đó một lần nữa, và giao diện như dưới đây hiện ra để điền vào những chi tiết cần thiết.

DVD Năm Thánh: Vũ Khai Hội


DVD Năm Thánh: Múa Trống chào mừng


DVD Năm Thánh: Khai mạc Đại Hội La Vang


DVD Năm Thánh: Diễn Nguyện: Mẹ La Vang


DVD Năm Thánh: Diễn Nguyện "Cùng Mẹ Ra Khơi"


DVD Năm Thánh: Đại Lễ Bế mạc Năm Thánh
 
Nhóm SVCG Thanh Hóa tại Hà Nội tham dự Thánh lễ cầu nguyện đầu năm
Nguyễn Thanh
12:55 26/02/2011
HÀ NỘI - Với mục đích cầu bình an cho năm mới và gặp gỡ tân niên. Thứ 4, ngày 23-2-2011, Nhóm SVCG Thanh Hóa tại Hà Nội đã tổ chức Thánh lễ cầu bình an cho năm mới tại nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế - Giáo xứ Thái Hà-Hà Nội. Thánh lễ do Cha Phêrô Nguyễn Cao Vinh - Đặc trách Sinh viên- Giới trẻ giáo phận Thanh Hóa chủ tế, với sự tham dự của các anh chị cựu sinh viên và hơn 100 thành viên Nhóm SVCG Thanh Hóa tại Hà Nội, đặc biệt có cả sự hiệp thông của các bạn không cùng tôn giáo và sinh viên thuộc các nhóm khác trong TGP Hà Nội cùng đông đảo bà con giáo dân.

Xem hình ảnh

Chương trình đã được triển khai họp bàn với tất cả các thành viên Nhóm trong buổi sinh hoạt thường kì vào thứ 6 tuần trước đó, đây là Thánh lễ đầu năm được chủ tế bởi Cha đặc trách Sinh viên- Giới trẻ Giáo phận. Ngài đã không quản ngại sự cách trở về địa lí và khó khăn bận rộn của công việc để có thể ra dâng Thánh lễ cầu nguyện cho Nhóm ngay tại Hà Nội. Thánh lễ không chỉ thể hiện sự quan tâm của Cha đặc trách mà còn là sự quan tâm to lớn của toàn Giáo phận đến những người con đang học tập, công tác xa quê hương.

17h15’ bắt đầu chương trình tiếp đón và ghi danh, Cha đặc trách đã có mặt ở nhà thờ Thái Hà từ khá sớm, ngài gặp gỡ và trò chuyện với các bạn sinh viên rất cởi mở, chân thành và ân cần. Đúng 18h00’ mọi người đã ổn định trong nhà thờ, tập hát. Thánh lễ diễn rất trang nghiêm và sốt sắng. Mở đầu Thánh lễ, Cha đặc trách nói lên sứ mạng quạn trọng của người sinh viên Công giáo là học hỏi trau dồi và tìm kiếm tri thứ để sống Đức tin. Cha cầu chúc mỗi người năm mới có đủ nghị lực, niềm tin, sức khỏe, bình an để năm Tân mão với nhiều niềm vui mới, nhất là trong thành quả học tập và sống Đức tin; Đồng thời cha kêu gọi mọi người hãy hãnh diện và tự hào vì mình là sinh viên viên Công giáo. Trong bài giảng lễ, trước hết, Cha giới thiệu sơ lược về Thanh Hóa đến những người không cùng quê hương xứ Thanh có mặt trong Thánh lễ hôm nay biết được những thông tin, đặc biệt là dấu ấn Cha Đắc Lộ năm 1627 đã đặt chân đến Cửa Bạng để truyền bá Đức tin cho giáo phận Đàng Ngoài. Cha nhấn mạnh sự tự hào của người con xứ Thanh- vùng quê nghèo nhưng hiếu học. Ngài mời gọi mỗi người hãy nhân danh Đức tin để học tập và rèn luyện; Thi hành những việc tốt, tránh xa những cám dỗ, sa ngã.

Thánh lễ kết thúc với lời cầu chúc cho một năm mới bình an, tràn đầy hồng ân của Chúa qua sự cầu bầu của Mẹ Maria, Cha đặc trách cũng không quên cầu chúc Nhóm có một năm hoạt động đạt được nhiều thành quả mới, không chỉ học tập tốt mà còn sống Đạo tốt hơn. Thay mặt Nhóm, anh Trưởng Nhóm Antôn Vũ Ngọc Thức đã nói lên tâm tình cảm tạ vì sự hiện diện của Cha đặc trách, quý cộng đoàn cùng tất cả các bạn sinh viên, đồng thời xin hứa với Cha sẽ cố gắng hơn nữa để nhóm ngày càng phát triển đi lên.

Sau thánh lễ, trong chương trình gặp gỡ, chia sẻ, Cha đặc trách thông báo một số sự kiện lớn sắp tới của Giáo phận nhà và mời gọi mọi người góp phần tham dự. Cha cũng đã có những chia sẻ và dặn dò quý báu đến tất cả các bạn về công việc học tập và đời sống. Cuối cùng, Cha và toàn thể các thành viên Nhóm cùng tham dự bữa tiệc thân mật gặp gỡ đầu năm trong không khí thật sự đầm ấm và vui vẻ. Hi vọng đây sẽ là tiền đề và động lực giúp Nhóm SVCG Thanh Hóa tại Hà Nội đạt được nhiều thành công hơn nữa, không phụ sự kì vọng và quan tâm của quý Cha đặc trách cũng như toàn Giáo phận.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Máy vi tính nhỏ nhất thế giới
Trầm Thiên Thu
01:00 26/02/2011
Máy vi tính nhỏ nhất thế giới chỉ bằng chữ N trên một đồng xu. Thiết bị cảm ứng này được phát triển bởi các nhà nghiên cứu thuộc ĐH Michigan được điều khiển bằng mắt cho các bệnh nhân bị tăng nhãn áp. Nó được truyền không dây tới một máy vi tính và được nạp một pin năng lượng mặt trời, chỉ cần 90 phút tiếp xúc ánh nắng ngoài trời hoặc 10 giờ tiếp xúc ánh sáng trong nhà là sạc đầy pin.

Tiểu vi tính này có tiềm năng sử dụng đa dạng như cảm nhận ô nhiễm, đầy đủ cấu trúc, theo dõi và giám sát – hầu như đủ cách mà người ta có thể nghĩ tới để tạo một vật “thông minh”. Hơn nữa, các nhà nghiên cứu có thể kiểm soát kích cỡ và hình dạng của chiếc ăng-ten ở máy vi tính này, điều khiển cách nó giao tiếp với các thiết bị khác. Như vậy sóng của con chip không cần dò sóng từ bên ngoài; một số máy vi tính nhỏ gọn có thể tự động bắt đầu nói chuyện với nhau ngay khi được bật mở, với điều kiện là chúng được thiết kế bắt cùng tần số.

Kích cỡ của thiết bị này có thể gây “sốc”, nhưng nhà khoa học vi tính “tiên tri” Gordon Bell đã tiên báo từ đầu thập niên 1970 về loại máy vi tính như thế. Bell nói rằng cứ khoảng mỗi thập niên lại có một loại máy vi tính mới – như PC, netbook, smartphone – xuất hiện và làm thay đổi công nghệ. Quy luật này được biểu hiện là một kết quả tất yếu (corollary) đối với quy luật của Moore, nói rằng khoảng mỗi 2 năm thì một số transistor có thể thích hợp với vi mạch (integrated circuit) tăng gấp đôi – chủ yếu là công suất của con chip.

Daft Punk đã viết trên blog về loại tiểu vi tính này: “Càng nhỏ, càng tốt, càng nhanh, càng mạnh”.

(Chuyển ngữ từ news.discovery.com)
 
Ôn cố tri tân: Thần Học ảnh hưởng đến Linh Đạo như thế nào ở Tây phương thời Trung cổ?
Thiên Phong
10:46 26/02/2011
Lời giới thiệu: Thời Trung Cổ đã lùi xa nhưng cách nào đó vẫn còn rất gần với chúng ta. Một bằng chứng là, chẳng hạn, trong sáu kiểu thức thần học sứ mạng của tác giả kinh điển David J. Bosch, thì kiểu thức “Trung Cổ” vẫn được giới chuyên môn ghi nhận là còn đang thịnh hành. Tuyển dịch những trang này từ một trong những từ điển linh đạo nổi tiếng hiện nay, mục đích duy nhất của chúng tôi là ôn cố tri tân trong lãnh vực linh đạo. Lịch sử là thầy dạy tuyệt vời, có thể giúp soi sáng chúng ta điều chỉnh cả những bất cập lẫn những thái quá. Các tiêu đề trong bản tiếng Việt này là của người dịch.

- Cách Đọc Thánh Kinh

Vì Thánh Kinh được dùng rất nhiều trong giảng thuyết, giáo huấn và hướng dẫn đời sống thiêng liêng, nên cách mà người ta đọc và giải thích Thánh Kinh có tầm quan trọng đặc biệt đối với đời sống thiêng liêng của dân chúng, nhất là đối với linh đạo của các tu sĩ nam nữ là những người dệt đời sống mình chủ yếu dựa trên thực hành lectio divina. Cách đọc Thánh Kinh cũng ảnh hưởng đến việc khảo cứu thần học và do đó ảnh hưởng đến linh đạo bởi vì Thánh Kinh thông tin cho thần học (từ thế kỷ 14 thì khuynh hướng này giảm dần).

Những người Trung Cổ đọc Thánh Kinh thường ít chú ý đến ý nghĩa lịch sử và văn chương, thay vào đó họ bám chặt vào các phương pháp chú giải thiêng liêng của các giáo phụ, thường hệ thống hóa thành ba “nghĩa” sau đây: (1) nghĩa hình tượng hay ngụ nghĩa, (2) biến nghĩa hay nghĩa luân lý, (3) nghĩa thần bí hay nghĩa cánh chung. Mặc dù các nhà chú giải như Andrew St. Victor và Thomas Aquinas nhấn mạnh rằng cần phải lấy nghĩa lịch sử và văn chương làm nền tảng vững chắc để diễn dịch và ứng dụng về mặt linh đạo, nhưng linh đạo Trung Cổ nói chung vẫn bám vào ba nghĩa kể trên.

- Cách Nhìn Thiên Chúa và Ân Sủng

Thần học ảnh hưởng đến cái nhìn tâm linh về Thiên Chúa qua việc nó khảo sát, chẳng hạn, mối quan hệ giữa công lý của một Thiên Chúa đáng khiếp sợ (nhiều người qui Nạn Dịch Hạch cho Ngài) và lòng từ bi của một Thiên Chúa nhân hậu và hay tha thứ. Sự hiện diện của Thiên Chúa nơi toàn thể thụ tạo là điều được cảm nhận rộng rãi. Giáo thuyết về các dấu vết của Thiên Chúa Ba Ngôi nơi toàn thể thụ tạo và một cách đặc biệt nơi con người là những yếu tố chủ chốt trong một số linh đạo. Giáo thuyết của Augustin về việc thần hóa nhờ ân sủng, mặc dù thường bị phớt lờ, vẫn có được một số ảnh hưởng, nhất là khi về sau nó được kết hợp với chủ đề theosis (thần hóa) của Đông phương. Những học thuyết này cung cấp một cơ sở thần học để hiểu cách thế mà đời sống thiêng liêng của một con người tiến tới trên con đường kết hiệp thần nhiệm với Thiên Chúa.

Trong khi giáo huấn này của Augustin cho thấy những hiệu quả tích cực của ân sủng, thì quan niệm của ngài về bản tính con người bị tổn thương trầm trọng do tội nguyên tổ, được truyền lại qua hành vi giao hợp nam nữ, cùng với tư tưởng bi quan của ngài về con số người được tiền định (cho ơn cứu rỗi), đã xâm nhập mạnh mẽ vào thần học và linh đạo, gây ra sự nản lòng về thân phận con người. Anselm và Aquinas thật sự đã hiệu chỉnh đáng kể giáo thuyết ấy bằng cách định vị yếu tính của tội nguyên tổ nơi ý chí bị xáo trộn của con người chứ không phải nơi nhục dục bị xáo trộn. Tuy nhiên, tư tưởng của Augustin tiếp tục gieo ảnh hưởng, gợi lên mối băn khoăn thường xuyên về vấn đề tiền định, về ân sủng, ý chí tự do, và về tiêu chuẩn để con người đáng được ơn cứu độ.

- Cách Nhìn Con Người

Trong nhân học Kitô giáo, thuyết nhị nguyên của Tân phái Platon và chủ trương khinh thường các đam mê của phái Khắc Kỷ, được truyền vào Tây phương bởi các giáo phụ, đã gây ra nỗi sợ hãi và sự xem thường các khía cạnh tốt của các đam mê hay cảm xúc, xem thường thân xác, tính dục, và các hoạt động có tính tự phát của con người. Ảnh hưởng của Aristotle giúp Albert Cả và Thomas Aquinas có những cái nhìn tích cực và toàn vẹn về vai trò của những yếu tố này trong linh đạo. Tuy nhiên, giáo thuyết của các vị này lại không thắng thế. Linh đạo Trung Cổ vì thế tiếp tục đề cao việc dùng ý chí áp chế các cảm xúc, nhấn mạnh sự hành xác gay gắt, khuyến khích một nỗi sợ hãi đầy ám ảnh đối với tính dục và một thái độ e dè đối với hoạt động của con người, nhất là các hoạt động ở trong một thế giới được coi là nguy hiểm và đầy tội lỗi.

Liên quan đến hoạt động luân lý và thiêng liêng của con người, nếu Augustin và Aquinas cùng nhấn mạnh về sự tự do của Kitô hữu được hướng dẫn bởi Thánh Thần trong khuôn khổ Luật Mới, thì khuynh hướng mạnh hơn trong linh đạo lại hướng về một nền luân lý bám vào sự vâng phục đối với các luật lệ và các mệnh lệnh. Trái ngược với linh đạo Đông phương, vai trò của Chúa Thánh Thần thường bị quên lãng hay bị coi nhẹ. Thuyết duy danh vào giai đoạn sau của thời Trung Cổ đã củng cố một nền luân lý bổn phận qua việc dạy rằng sự đúng sai về mặt luân lý tùy thuộc ở một ý chí thần linh độc đoán hơn là tùy thuộc vào “lẽ phải” của Thiên Chúa phản ảnh nơi tự nhiên và nơi cứu cánh của các thụ tạo. Sự hướng dẫn hay trợ giúp thiêng liêng nói chung là theo mẫu thức này, cổ võ sự vâng phục đối với một người khác (nguồn gốc của từ “linh hướng”). Điều này tương phản với cái nhìn của Aquinas rằng một con người, vì được tạo nên theo hình ảnh Thiên Chúa và được trợ giúp bởi Thánh Thần, cần tự quyết và tự biện phân như là cách để chuẩn bị cho những phán đoán khôn ngoan thận trọng của riêng mình.

- Xuất Thế, Nhập Thế

Chủ trương hướng nội (interiorism) của Augustin chiếm ưu thế và chi phối linh đạo Trung Cổ, trong đó phác họa một hành trình đi từ vẻ đẹp bên ngoài của thụ tạo đến thế giới bên trong tâm trí con người và từ đó hướng lên Thiên Chúa Ba Ngôi. Phụng vụ của các tu sĩ và kinh nghiệm chiêm niệm áp dụng con đường hướng nội này để tìm kiếm nếm cảm trước niềm vui thiên đàng. Linh đạo hướng nội này, đầy hoa quả trong nhiều phương diện, được phản ảnh trong những thế kỷ ban đầu không chỉ qua việc các tu sĩ rời bỏ thế gian, mà phần nào đó còn qua chủ trương khinh chê thế gian nữa (contemptus mundi). Rõ ràng là nó đã dẫn tới cái quan niệm phổ biến rằng linh đạo cấp cao nhất là linh đạo được sống bởi các tu sĩ. Còn linh đạo giáo dân thường bị coi chỉ là những mô phỏng cấp thấp của đời tu.

Trong khi Bonaventure tỏ ra là bậc thầy trong việc sử dụng con đường hướng nội nói trên của Augustin, thì Aquinas đặt ra các nền móng cho một linh đạo giáo dân đích thực bằng việc khơi lại chủ điểm của Irenaeus rằng Thiên Chúa được tôn vinh cách hoàn hảo nhất khi mỗi thụ tạo đạt tới cứu cánh mà Thiên Chúa nhắm khi Ngài tạo dựng. Đối với Aquinas, con người - do hữu thể của mình - chỉ trong hưởng kiến mới có thể đạt tới cứu cánh tuyệt đối cuối cùng cũng như niềm vui trọn vẹn của mình, dù vậy, họ cũng có thể tôn vinh Thiên Chúa qua việc đạt được những cứu cánh khác ngay trong thế giới này chứ không phải ngoài thế giới này. Việc khảo sát thêm nữa sẽ cho thấy các tầm nhìn của Aquinas ảnh hưởng mức nào đến các linh đạo ngoài khung cảnh tu trì, tức linh đạo của các giáo dân thuộc các phong trào hay các huynh đoàn được thấy nở rộ vào cuối thời Trung Cổ.

- Cách Nhìn Đức Giêsu Kitô

Những hình ảnh về Đức Giêsu Kitô và thái độ đối với Ngài hẳn nhiên ảnh hưởng đến linh đạo. Vào các thế kỷ ban đầu, hình ảnh Đức Kitô là Đấng Toàn Năng (Pantokrator) đôi khi được làm cho dịu đi qua các phác họa chân dung Ngài như vị Mục Tử Tốt Lành hay như Người Samari Nhân Hậu chữa trị người khách bộ hành bị cướp mất ân sủng và bị tổn thương trong bản tính. Thần học Trung Cổ nói chung thiên về một Kitô học “đi xuống” (Lời thần linh “hạ mình” xuống để trở thành con người), nhưng vào thế kỷ 12 thuyết “assumptus homo” (con người được đảm nhận) quảng diễn một Kitô học “đi lên” (con người này được “đưa lên” thành Thiên Chúa). Trong khi đó, cái nhìn của Augustin về Đức Kitô là Đầu của Thân Thể (là Giáo Hội) có một vai trò trong Giáo Hội học và trong lòng đạo đức bình dân. (Từ ngữ “Nhiệm Thể” không phải do Augustin đưa ra, mà đầu tiên vốn áp dụng cho Thánh Thể, rồi về sau mới được dùng để chỉ Giáo Hội.)

Cũng trong thế kỷ 12, Bernard và các tu sĩ Xitô ngày càng nhấn mạnh nhân tính của Đức Kitô trong khuôn khổ một linh đạo thiên về tình cảm. Khuynh hướng này được đào sâu hơn qua mẫu gương và giáo huấn của Phanxicô Assisi, của các tu sĩ Anh Em Hèn Mọn và các nữ tu Clara, những người ngày càng tập trung lòng mộ đạo vào cuộc khổ nạn và cái chết của Đức Kitô. Rồi tiếp theo đó là sự chú ý ngày càng tăng hướng vào các thương tích của Chúa; từ đó, với kinh nghiệm thiêng liêng của mình, một số nhà thần bí và tác giả của thế kỷ 13 đi đến phát triển sự tôn sùng Trái Tim Chúa Giêsu. Trong số các tác giả này có Gertrude, Mechtild Hackeborn, và Mechtild Magdeburg. Bonaventure và Thomas Aquinas cũng có những lời rất cảm kích về Trái Tim Chúa Giêsu. Nạn Dịch Hạch, cùng với những truân chuyên do chiến tranh dai dẳng, đưa đến sự nhấn mạnh có tính khải huyền về Đức Kitô như vị Thẩm Phán đáng sợ đang đến để tách chiên ra khỏi dê, như ta đọc thấy trong thi phẩm Dies irae (Ngày thịnh nộ). Các chủ đề cánh chung khác, vốn đã có từ trước, càng phát triển mạnh mẽ hơn vào cuối thời Trung Cổ.

- Cách Hiểu Về Thục Hồi

Những trình diễn (kịch nghệ) có tính thần học và dân gian về Công trình cứu chuộc của Chúa Kitô đã tác động sâu sắc tới linh đạo. Các giáo thuyết từ trước đó về một Đức Kitô chiến đấu và vượt qua thần dữ, cùng với sự diễn dịch thời Trung Cổ về những đau đớn trong hỏa ngục, đã khắc họa nổi bật ma quỉ và những cám dỗ của ma quỉ trong một thứ linh đạo mang đậm tính chiến đấu. Thuyết về sự thục hồi dựa trên việc lập công đền tội tương xứng (satisfaction) của Anselm đã chuyển hướng quan tâm đến các mối quan hệ giữa con người và Thiên Chúa, cũng như quan tâm tới tình yêu và sự vâng phục của Đức Kitô như cái giá vô cùng xứng đáng để đền món nợ vô cùng lớn mà con người mắc nợ với Thiên Chúa do tội lỗi. Tuy nhiên về sau thần học và linh đạo đôi khi bóp méo thuyết này thành một thứ thuyết “satis-passion” (khổ nạn để làm thỏa lòng), như thể sự cứu độ nằm chính nơi những đau khổ của Đức Kitô. Cái nhìn này đẩy một số linh đạo vào chiều hướng không lành mạnh, với những thực hành sám hối quá chuyên chú vào việc trấn áp thân xác và việc bắt chước những đau đớn của Đức Kitô. Sự nhấn mạnh về việc đền bù, ngay cả khi được nhìn cách đúng đắn qua lòng yêu mến và sự vâng phục tích cực được diễn tả trong sự đền tội, vẫn dẫn tới những sự nhấn mạnh các việc đền tội, gồm cả việc đền bù những tội đã xưng thú, và làm cho người ta quan tâm nhiều hơn về luyện ngục và về các ân xá – đây là những quan tâm đặc biệt của linh đạo cuối thời Trung Cổ. Sự phục sinh của Đức Kitô, dù được các nhà thần học đề cập, vẫn không có được tác động trong linh đạo ở Tây phương như người ta thấy bên Đông phương.

- Đức Maria và Các Thánh

Khi Đức Kitô, cũng như Chúa Cha, được quan niệm là một quan tòa nghiêm khắc, thì sự sùng bái thời Trung Cổ xoay sang các thánh, đặc biệt là Đức Maria, được xem như những vị phù trợ gần gũi hơn và có lòng cảm thông hơn, hay ngay cả được xem như những trung gian giữa con người với Chúa Kitô và Chúa Cha. Sự tôn kính dành cho Đức Maria, các thiên thần và các thánh trong giai đoạn đầu của thời Trung Cổ đã phát triển thành sự cầu khẩn tích cực hướng về các ngài.

Những ngày lễ các thánh kèm theo kinh thần vụ riêng, những cuộc hành hương các đền Đức Mẹ và các thánh, những câu chuyện về các mạc khải và các ơn đặc biệt được Đức Mẹ và các thánh ban cho, những cuộc cung hiến các thánh đường và các dòng tu, kinh Mân Côi, các kinh cầu và các kinh nguyện khác, những trình diễn nghệ thuật, những truyền thuyết, thi ca và thánh ca tôn kính Đức Maria và các thánh, vv... tất cả cùng kết hợp để chuyển hướng linh đạo thời Trung Cổ từ việc qui hướng về Đức Kitô trở thành qui hướng thái quá về Đức Maria và các thánh, chẳng hạn, Tổng Lãnh Thiên Thần Micae, các thánh Tông Đồ Phêrô và Giacôbê (những cuộc hành hương đến Rôma và Compostela), Thánh Maria Mađalêna, Thánh Martin, Thánh Tôma Becket, và nhiều vị thánh khác.

- Câu Chuyện Sùng Mộ Thánh Thể

Đối với các tu sĩ nam nữ, việc cử hành Thánh Lễ và việc hát Kinh Thần Vụ qui hướng linh đạo của họ vào Đức Kitô và công trình cứu độ của Ngài được hiện tại hóa trong Thánh Lễ. Nhưng đối với phần đông các tín hữu, do không biết tiếng La tinh, lại bị cách ly xa khỏi cung thánh trong các thánh đường rộng lớn, cùng với việc thiếu sự chỉ dạy... dẫn đến thực tế là họ không tham dự tích cực được vào những phụng vụ này. Những giải thích có tính phúng dụ về các nghi lễ, như của Amalarius, liên hệ mỗi cử chỉ phụng vụ với một yếu tố nào đó trong cuộc đời hay cuộc thương khó của Đức Kitô. Những dẫn giải ấy có thể giúp cho lòng mộ đạo bình dân, nhưng chúng cũng gây lệch lạc, không cho phép có một linh đạo Thánh Thể với nền tảng vững chắc.

Tình trạng suy giảm lòng trân trọng qui hướng về cử hành Thánh Lễ cũng là hậu quả của những tranh luận thần học về sự hiện diện của Mình và Máu Thánh Chúa Kitô trong hình bánh hình ruợu đã được truyền phép. Lòng sùng mộ ngày càng tập trung vào sự hiện diện này và vào các phép lạ gắn liền với sự hiện diện này. Nó được thấy nơi nỗi khao khát mãnh liệt được nhìn thấy hình bánh hình rượu được nâng cao lên trong Thánh Lễ (sau truyền phép), và nhất là nó được thấy nơi việc cử hành Lễ Mình Thánh Chúa, với những cuộc rước kiệu và ca hát của người tham dự. Một bằng chứng nữa về sự chuyển đổi trọng tâm, đó là ngày càng phổ biến việc lưu giữ Thánh Thể trong các Nhà Tạm được trau chuốt công phu hơn. Đôi khi các Nhà Tạm này được đặt trong những nhà nguyện đặc biệt. Những sự lưu giữ Thánh Thể như vậy trở thành trọng tâm của lòng sùng mộ Thánh Thể.

- Việc Xưng Tội và Những Thực Hành Phụng Vụ Khác

Lòng sùng mộ và linh đạo của các tín hữu được đẩy mạnh bởi những thực hành phụng vụ khác như việc kiệu rước trong phụng vụ, việc làm phép mọi thứ đồ vật, việc trừ tà, và những Ngày Cầu Mùa, vốn bao gồm những cuộc rước kiệu qua các cánh đồng kèm với việc hát các kinh cầu và các lời nguyện xin cho mùa màng được bội thu.

Trong các thể kỷ đầu việc xưng tội thường xuyên đã lan rộng từ các tu viện tới dân chúng qua sự truyền giảng của các tu sĩ dấn thân vào các việc tông đồ. Sự phát triển của thần học bí tích vào thế kỷ 12 bao gồm nhiều thảo luận về bí tích sám hối và dẫn đến việc xuất bản những sách sám hối hướng dẫn các cha giải tội. Qua việc qui định mỗi năm xưng tội ít là một lần với mục tử của mình, Công Đồng Latêranô IV (1215) càng thúc đẩy sự thực hành bí tích này. Sau công đồng này, các dòng hành khất hăng hái khích lệ dân chúng xưng tội thường xuyên hơn và thực hành nhiều việc đền tội hơn, hoặc trấn an họ hơn qua những cách thức dễ hơn để nhận lãnh các ân xá.

(Trích dịch từ Walter H Principe, C.S.B., Western Medieval Spirituality, trong “The New Dictionary of Catholic Spirituality,” do Michael Downey chủ biên, The Liturgical Press xuất bản, 1993)
 
Văn Hóa
Thuê!
lykhách
10:29 26/02/2011
Hết làm thuê, ở đợ thuê, rồi giờ mướn đẻ thuê!
Sao dân ta thời buổi này khổ nhục thế?
Khi đạo lý ông bà cũng đem ra quy hoạch kinh tế
Thì quốc hồn, quốc thể cũng có thể thuê!

Chẳng biết Tàu có thuê chính thể?
Có? không? sao đảng ta sợ Tàu như thế?
Ôi nếu “không” thì đám tham quan sẽ làm cho có thể!
Khốn nếu “có” thì bốn nghìn năm coi như một cơn mê!

Cơn mê dài, cơn ác mộng kéo dài
Ngủ tiếp, tỉnh ra, chắc chỉ thấy họa tai
Dân ta ơi réo nhau mà tỉnh lại
Dù thức dậy rồi lại xúm nhau…cãi!

Cãi…còn hơn không, cãi còn hơn không!
Có cãi mới hiểu ý nhau lòng
Có cãi lộn rồi mới biết cải lại
Cải thiện, diệt ác tự chính tâm

Thời thế sinh ra lắm kẻ ba phải
Trúng cũng ừ, cũng im lặng trước sai
Sống kiểu này cũng kể như ngủ mãi
Lúc tỉnh ra hận trường khúc Nam ai!

Quốc nhục chẳng chừa bất kỳ người
Chỉ càng làm cao nên càng nhạy cảm nhục hơn thôi
Nhưng khốn khổ luôn ập trước kẻ sống dưới
“Kẻ thù ta đâu có phải là người”?

Thế thì kẻ thù ta là ai?
Ông Phạm Duy nói đúng không sai
Nếu giết hết thì còn ai mà…cãi
Giả sử (giết) sạch rồi ta ở với ai?

Kẻ thù ta bây giờ là tham nhũng
Là bao che, là hối lộ, là độc tài
Là im lặng, là gian dâm, dối chứng
Là chính chúng ta nhắm mắt bịt tai
Còn nhiều…nhưng chỉ kể đại khái!

Sẽ còn chi nữa để cho thuê?
Nhân nghĩa thời nay giá rẻ rề
Đời cha ăn mặn đời con sẽ…
Khát nước! trời ơi Nước là Quê!

Trăm kẻ bán, vạn kẻ mua
Thế gian có tiền của dư thừa
Nước nghèo dân ăn đong từng bữa
Mãi hoài là một kẻ thuê thua?!
 
Nắng tháng Ba
Trầm Thiên Thu
10:35 26/02/2011
Nắng tháng Ba rất lạ
Trong suốt tựa pha lê
Tỏa hơi nóng như lửa
Thiêu đốt niềm đam mê

Nắng tháng Ba hờn dỗi
Quay quắt kỷ niệm xưa
Con chó nằm le lưỡi
Chờ đợi giấc ngủ trưa
Nắng tháng Ba trầm cảm
Khao khát giọt mưa hiền
Lòng người cũng hạn hán
Thao thiết những niềm riêng

THÁNG BA

Tháng Ba nồng nàn hương cỏ
Nuối tiếc mùa Xuân đi qua
Bồn chồn bước Hạ đang về
Tháng Ba thơm lừng vạt nắng
Áo em trắng muốt ca dao
Mượt mà khúc hát thương yêu
Tháng Ba bồi hồi nỗi nhớ
Ngày xưa lãng đãng trôi về
Câu thơ ngậm ngùi đam mê
Tháng Ba miên man kỷ niệm
Luân phiên Nhật Nguyệt đôi vầng
Vòng đời xoay chuyển bâng khuâng
Tháng Ba đón đưa sinh nhật
Nến hồng thắp sáng trong tim
Mơ hồ một khoảng nỗi niềm.
 
Thời gian
Kha Đông Anh
10:36 26/02/2011
THỜI GIAN

Sao lạ quá, thời gian ơi!
Tuổi xuân nay chỉ là thời xa xưa
Ai còn trẻ, ai đã già
Ai thường trầm mặc suy tư cuộc đời
Ai đang khóc, ai đang cười
Dòng thời gian chảy buồn vui quyện vào

Thời gian ngừng lại, ôi chao!
Còn đâu kỷ niệm – Giống nhau tuổi đời
Nên thời gian cứ lặng trôi
Mặc ai trách móc, mặc ai mong chờ
Đời còn ý nghĩa sâu xa
Nhờ bao gian khổ mà ta nên người

KHÔNG ĐỀ

Giật mình anh vỡ chiêm bao
Em về bất chợt ngả vào câu thơ
Sao em lại lấy chồng xa
Cha yếu, mẹ già, cơm nước ai lo?
Tình anh rồi cũng bơ vơ
Xanh xao nỗi nhớ, già nua nỗi buồn!

NGHIÊNG SẦU

Em ngồi nghiêng mái tóc thề
Xa xăm ánh mắt mộng mơ điều gì?
Hè xa thương nhớ lạ kỳ
Giao mùa kỷ niệm lưu ly sắc màu
Anh ngồi nghiêng cả buổi chiều
Chờ mong khắc khoải liêu xiêu bóng hình
Dường như em vẫn vô tình
Nên đâu hay biết giờ mình nhớ ai!
 
Viết cho người theo chân Chúa
Nguyễn Huy Hoàng
10:42 26/02/2011
Viết cho người theo chân Chúa
Gửi những người bạn chọn đời sống tu trì của tôi

Bạn thân mến,

Kiếp người thật mong manh dường bao, ấy thế mà Chúa vẫn ghé mặt nhìn đến. Khi ngồi viết những dòng này, tôi chợt nhớ câu nó của Pascal "con người đong đưa giữa hư vô và tuyệt đối". Tôi không biết đích xác nguyên văn tiếng Pháp là gì. Nhưng người dịch đã chọn một từ thật tuyệt vời "đong đưa" để diễn tả thân phận con người lơ lửng giữa hai bờ hư thực, giữa hư vô và tuyệt đối. Có lẽ phải chăng do con người mang hình ảnh Thiên Chúa nên hắn dầu trầm mình trong tội lỗi mà khát khao trời cao vẫn tồn tại dai dẳng?

Bạn thân mến, giờ đã là người của Thiên Chúa; nghĩa là bạn thuộc về Người, là dấu chỉ về sự hiện diện của người. Cám ơn bạn đã chọn bậc sống này, để tôi luôn được an ủi rằng Thiên Chúa vẫn ở quanh tôi. Ngài vô hình nhưng tạ ơn Người, bạn là dẫu chỉ về Người. Tuyệt vời làm sao đời sống bạn chọn lựa và vĩ đại dường nào tay Chúa an bài!

Tôi hiểu đời sống nào cũng gian nan. Bạn vất vả xuôi ngược là dấu chỉ về trời cao, nhưng bạn, đau đớn thay, vẫn mang kiếp người với nhiều hệ lụy. Bạn vẫn còn miệt mài trên con đường độc hành tu trì với nhiều đam mê níu gọi sau lưng. Đôi tay bạn vẫn cần đôi tay khác nắm chặt những khi nước mắt chảy ngược trong lòng. Nỗi buồn thiếu bàn tay khác giới vỗ về, nghe đắng đót, bạn nhỉ.

Đời sống bạn là niềm vui cho người khác nhưng bạn lại không thể giữ cho riêng mình một nỗi buồn ẩn kín. Thiên Chúa đòi buộc bạn tất cả. Nên hẳn có phút giây bạn nghe lòng mình trống trải. Bạn là dấu chỉ của Thiên Chúa, nhưng có đôi khi bạn lại hoang vắng đến rợn người; vì Thiên Chúa ở đâu mà bạn lại không cảm nghiệm. Sao bạn theo Người mà rã rượt đến thế này? Sao bạn theo Người mà không nhận ra Người trong chính nố̃i cô đơn đang ngặm nhắm con người bạn? Chiều trong sân giáo đường nghe mênh mông làm sao? Ơi Thượng Đế, người ở trong con hay ở ngoài trời đất? (Th. Âu-tinh)

Bạn nhớ vị thánh nào đó từng nói đời sống cộng đoàn là hoả ngục và vị triết gia hiện sinh nào đó sánh ví đời sống con người như bầy đàn chó săn chỉ biết cắn xé nhau. Bạn bao lần đăng đẳng nỗi đau không biết nói cùng ai, vì bạn đồng liêu không cùng quan điểm, bề trên không ai thấu. "Giả như Thiên Chúa xé trời nhìn xuống" (Isaia) nỗi cô đơn đến tận cùng của bạn! Phải, giả như Người nhìn thấy. Đêm trắng dài như đến vô tận. Đời như nhuốm một màu Thương Khó.

Thoáng nhìn lại sau lưng, có hình ảnh gia đình còn nhiều âu lo, mà bạn ước gì mình chia sẻ với, ước gì bạn có thể giúp được đôi chút. Bạn chìa tay cho người khốn cùng khắp nơi, nhưng than ôi, bạn dường như ở bên ngoài nỗi chật vật của gia đình bạn. Nhìn sang bên kia, là hình ảnh bạn bè đề huề nếp sống gia đình. Có vợ hiền, có con ngoan. Dẫu có đôi lúc gian nan, nhưng chỉ cần một ánh nhìn khác phái hay nụ cười con trẻ là bao giọt mồ hôi biến thành giọt pha lê lóng lánh màu hạnh phúc. Có phút giây nào bạn tự hỏi về con đường mình đang đi rồi sẽ về đâu. Lỡ Thiên Đàng không có?

Có lẽ nào đời sống chỉ một màu tím buồn tênh? Còn đó tiếng cười trẻ thơ nghèo khó khi bạn trao bàn tay nâng đỡ. Còn đó nụ cười già nhăn nheo trong nắng sớm trong nhà dưỡng lão chào đón bạn ghé thăm. Tôi tin bạn hẳn an lòng vì những điều đơn sơ như thế. Và Thiên Chúa nữa, một thoáng cảm nhận về Người, dù chỉ trong tích tắc, một phần nghìn, hay phần triệu giây, không đủ làm nên một sáng Tabore hay sao? Hạnh phúc hiện diện trên đường đi chứ không chỉ là đích đến mai hậu bạn nhỉ. Nêm trước Thiên Đàng chẳng phải là Thánh Thể ban nhỉ.

Bạn thân mến, nhắc bạn nhớ những điều trên, không phải là tôi đang hạnh phúc hơn bạn để rồi khuyên bạn cần làm gì. Tôi chỉ muốn gợi nhớ cho bạn, để muốn nói lên tiếng nói của "giáo dân" đang được bạn an ủi bằng đời sống tu trì rằng "chúng tôi" đồng chia sẻ nỗi đau của bạn, của tôi và mọi người. Dẫu đôi lúc "chúng tôi" khi tìm kiếm "dấu chỉ" thì khốn nạn thay, nó nhạt nhòa như thể vô hình.

Ơi kiếp người, một lần sống, biết bao lần cảm tạ cho vừa! Thượng Đế hỡi gian truân làm sao kiếp người và hạnh phúc làm sao kiếp người. Xin một lần nghiêng mình nhìn xuống kiếp này để thấy nhân gian tuyệt vời đến mức vừa muốn chối bỏ vừa muốn ôm chầm lấy thật chặt.

Chia cùng bạn vài dòng suy nghĩ, xin Thiên Chúa cho bạn luôn là dấu chỉ ngời sáng.

Và bạn thân mến của tôi ơi, xin một lần nữa cám ơn bạn vì bạn đã chọn đời sống làm dấu chỉ về một Thiên Chúa thường hằng yêu thương con người.