Ngày 25-02-2019
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Đừng xét đoán xét để khỏi bị Thiên Chúa đoán xét
Lm. Đan Vinh
06:07 25/02/2019
Chúa Nhật VIII Thường Niên C
Hc 27,4-7; 1 Cr 15,54-58; Lc 6,39-45

I. HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG: Lc 6,39-45

39 Đức Giê-su còn kể cho môn đệ dụ ngôn này: "Mù mà lại dắt mù được sao? Lẽ nào cả hai lại không sa xuống hố? 40 Học trò không hơn thầy, có học hết chữ cũng chỉ bằng thầy mà thôi.41 Sao anh thấy cái rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của chính mình thì lại không để ý tới?42 Sao anh lại có thể nói với người anh em: "Này anh, hãy để tôi lấy cái rác trong con mắt anh ra", trong khi chính mình lại không thấy cái xà trong con mắt của mình? Hỡi kẻ đạo đức giả! Lấy cái xà ra khỏi mắt ngươi trước đã, rồi sẽ thấy rõ, để lấy cái rác trong con mắt người anh em! 43 "Không có cây nào tốt mà lại sinh quả sâu, cũng chẳng có cây nào sâu mà lại sinh quả tốt.44 Thật vậy, xem quả thì biết cây. Ở bụi gai, làm sao bẻ được vả, trong bụi rậm, làm gì hái được nho!45 Người tốt thì lấy ra cái tốt từ kho tàng tốt của lòng mình; kẻ xấu thì lấy ra cái xấu từ kho tàng xấu. Vì lòng có đầy, miệng mới nói ra.

2. Ý CHÍNH:

Trong Tin Mừng hôm nay, Đức Giê-su dạy môn đệ 3 điều :
- Phải biết tự sửa lỗi của mình trước khi sửa lỗi cho tha nhân.
- Xem quả biết cây: hành động của một người sẽ chứng tỏ họ là người tốt hay kẻ xấu.
- Lòng người giống như một cái kho. Các môn đệ Đức Giê-su cần đón nhận Lời Chúa trong lòng để từ đó phát sinh những lời nói và việc làm tốt.

3. CHÚ THÍCH:

- C 39-40: + Mù mà lại dắt mù được sao? Lẽ nào cả hai lại không sa xuống hố ? : Trong Tin Mừng Mát-thêu (Mt 15,14), câu “Mù sắt mù: này nhắm đến các đầu mục dân Do thái là các Kinh sư và người Pha-ri-sêu, là những người lãnh đạo tinh thần của dân nhưng đã bị thói kiêu căng, tự mãn làm cho ra mù lòa, không còn phân biệt được trong Luật Mô-sê điều nào là chính yếu điều nào là tùy phụ khi dạy dỗ dân chúng. Còn trong Tin Mừng Lu-ca, câu này nhằm dạy các môn đệ Đức Giê-su phải biết phân biệt trong tư tưởng lời nói và việc làm, đâu là điều chính yếu đâu chỉ là tùy phụ để khỏi bị lầm lạc khi dẫn dắt tha nhân. Những kẻ ăn nói khoác lác, giả đạo đức chỉ nhất thời lừa được một số người nhẹ dạ dễ tin, nhưng sớm muộn rồi sẽ phải chuốc lấy hậu quả tai hại khôn lường khi con người thật của họ bị lộ ra.
- C 41-42: + Sao anh thấy cái rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của chính mình thì lại không để ý tới ? : Người ta thường keo kiệt trong lời khen, nhưng lại rộng rãi trong lời chê. Một trong những tội con người thường vấp phạm là thích xét đoán ý trái và kết án tha nhân. Môn đệ cần tránh "bới lông tìm vết" để phê phán các khuyết điểm nhỏ bé như cái rác nơi mắt anh em. Nhưng cần ý thức về "cái đà" kiêu căng tự mãn, thói đạo đức giả nơi bản thân để tu sửa, hầu mắt mình nên trong sáng trước khi sửa lỗi anh em.
- C 43-45: + "Không có cây nào tốt mà lại sinh quả sâu, cũng chẳng có cây nào sâu mà lại sinh quả tốt: Các môn đệ chỉ sinh ra hoa trái tốt đẹp, nếu năng suy niệm và thực hành Lời Chúa. Những ai có tính ích kỷ kiêu ngạo thường hay xét đoán ý trái, kết án tha nhân. Sớm muộn họ cũng sẽ bị chết trong bóng tối gian ác của lòng mình. + Thật vậy, xem quả thì biết cây: Người tốt sẽ chứng tỏ sự tốt lành của mình qua hành động bên ngoài. + Người tốt thì lấy ra cái tốt từ kho tàng tốt của lòng mình; kẻ xấu thì lấy ra cái xấu từ kho tàng xấu. Vì lòng có đầy, miệng mới nói ra: Tư tưởng chứa đầy trong lòng sẽ phát lộ ra qua lời nói và hành động, nên người ta chỉ cần dựa vào lời nói việc làm của một người mà nhận biết họ có phải là môn đệ đích thực của Đức Giê-su hay không.

4. CÂU HỎI:

1) Hai câu “Mù dắt mù” của Đức Giê-su trong Tin Mừng Mát-thêu và Lu-ca nhắm tới những đối tượng nào ?
2) Khi nói “Cái rác trong mắt anh em” và “Cái xà trong mắt của mình”, Đức Giê-su muốn dạy môn đệ điều gì trong giao tiếp xã hội ?
3) Để lời nói việc làm có thể phát sinh hoa trái tốt đẹp thì người ta cần phải làm gì ?

II. SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA: Chúa phán: “Sao anh thấy cái rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của chính mình thì lại không để ý tới ? Sao anh lại có thể nói với người anh em: "Này anh, hãy để tôi lấy cái rác trong con mắt anh ra", trong khi chính mình lại không thấy cái xà trong con mắt của mình ? Hỡi kẻ đạo đức giả ! Lấy cái xà ra khỏi mắt ngươi trước đã, rồi sẽ thấy rõ, để lấy cái rác trong con mắt người anh em !” (Lc 6,41-42).

2. CÂU CHUYỆN:

1) HẬU QUẢ TAI HẠI CỦA KẺ NÓI HAY NHƯNG LÀM KHÔNG HAY:

Triệu Quát là con trai của Triệu Xa - một danh tướng thời Chiến Quốc. Thời trai trẻ anh để tâm nghiên cứu học hỏi rất nhiều binh thư. Là một người thông minh, lại có năng khiếu về các đề tài quân sự, nên Quát thường chiến thắng trong các cuộc tranh luận, kể cả với cha anh là Triệu Xa. Từ đó Triệu Quát sinh ra kiêu ngạo, cho mình là người giỏi nhất thiên hạ. Tuy nhiên ông bố Triệu Xa của anh lại rất lo cho tương lai của con trai mình. Ông đánh giá Triệu Quát chỉ là hạng người ăn nói giảo hoạt thích nói thánh nói tướng, Ông còn nói: "Sau này nước Triệu không nên cho nó cầm quân, kẻo nó sẽ làm cho quân đội bị đại bại".

Quả thật, về sau khi quân Tần kéo sang xâm lược nước Triệu, vua nước Triệu cử Triệu Quát thay Liêm Pha làm đại tướng chỉ huy chống lại quân địch. Lạn Tương Như dù đang ốm cũng lên tiếng phản đối như sau : "Triệu Quát chẳng qua chỉ là thứ mọt sách và không có kinh nghiệm vận dụng binh pháp vào thực tế, nên không thể chỉ huy ngoài mặt trận được". Mẹ của Triệu Quát cũng đến xin vua Triệu đừng cho Quát làm đại tướng. Nhưng vua Triệu không nghe, vẫn cử Triệu Quát ra tiền tuyến nghênh địch. Hậu quả là 40 vạn quân Triệu chỉ trong thời gian ngắn đã bị quân Tần đánh bại và bị tiêu diệt hoàn toàn, bản thân Triệu Quát cũng bị chết thảm.

Cha mẹ của Triệu Quát đã hiểu rõ con trai mình không thể đảm nhận được việc lớn điều binh khiển tướng. Nhưng vua Triệu lại cố chấp khi chỉ dựa vào lời nói của Triệu Quát để đánh giá anh là bậc kỳ tài trong thiên hạ và trao cho anh trách nhiệm lớn thống lĩnh quân đội. Kết quả không chỉ Triệu Quát bị hại mà còn liên quan đến tính mạng của 40 vạn quân. “Mù dắt mù” thì việc bị “lăn cù xuống hố” chỉ là chuyện sớm hay muộn mà thôi.

2) HÃY SỬA LỖI MÌNH TRƯỚC KHI SỬA LỖI ANH EM:

Trong một tu viện kia có một tu sĩ trẻ đã phạm một tội nặng, lập tức các tu sĩ trong cộng đoàn liền họp nhau lại để kết tội anh ta. Họ cử người đi trình báo sự việc với Bề Trên và mời ngài đứng ra làm quan tòa xét xử. Bề Trên liền đeo một túi cát sau lưng, trên túi có nhiều lỗ thủng đi đến nhà hội. Trên đường đi đến đâu đều có nhiều cát từ túi cát đeo sau lưng bị rơi vãi. Khi có người thắc mắc tại sao lại để cát rơi như vậy thì được bề trên trả lời : "Tôi cũng là người có nhiều tội lỗi mà không tự nhận biết, đang khi mọi người chung quanh đều thấy. Thế mà anh em lại bảo tôi làm quan tòa kết tội một người anh em sao !" Nghe vậy, các tu sĩ trong cộng đoàn đều thấy xấu hổ và bỏ ý định muốn kết án anh tu sĩ trẻ mà chỉ yêu cầu anh ta sửa lỗi.

Ai trong chúng ta cũng có thói hay xét đoán và kết án tha nhân. Nhưng Đức Giêsu lại dạy chúng ta “đừng xét đoán để khỏi bị Thiên Chúa đoán xét. Đừng kết án để khỏi bị Thiên Chúa kết án”. Để có thể sửa lỗi anh em thì trước hết phải khiêm tốn nhận biết tình trạng tội lỗi của mình để tu sửa, giống như lấy đi cái xà ra khỏi mắt mình, rồi mới thấy rõ để lấy cái rác ra khỏi mắt người anh em.

3) CẦN NĂNG XÉT MÌNH VÀ QUYẾT TÂM SÁM HỐI ĐỂ NGÀY MỘT HOÀN THIỆN HƠN:

Một người kia có thói quen hút thuốc và trong nhà có nuôi một con vẹt làm thú cưng. Một ngày kia anh thấy con vẹt của anh cứ ho khù khụ. Anh liền mang con vẹt đến bác sĩ thú y xin chữa bệnh ho cho con vẹt. Sau khi khám kỹ, bác sĩ tuyên bố con vẹt không bị bệnh gì cả. Sở dĩ nó ho khù khụ là do bắt chước những cơn ho khù khụ của ông chủ. Bấy giờ người ấy mới biết mình đang bị bệnh ho chứ không phải con vẹt. Từ khi anh quyết tâm cai thuốc và uống thuốc chữa trị hết bệnh ho, thì con vẹt của anh cũng không còn ho khù khụ như trước nữa !

Những kẻ đạo đức giả thường hay lên mặt phê bình sửa lỗi người khác, còn người đạo đức thực sự sẽ khiêm tốn tự kiểm để tìm ra các thói hư của mình mà tu sửa nên hoàn thiện hơn.

4) NGUYÊN NHÂN ĐỔI ĐỜI CỦA CON TÊ GIÁC:

Ngày xưa có một chú tê giác luôn nghĩ mình có khuôn mặt đẹp nên thường chê khuyết điểm của các con vật khác, nhất là các con có sừng trên đầu. Thế nhưng tê giác lại không biết rằng chính nó cũng đang có một cái sừng mọc trên mũi khiến mặt nó trông thật xấu xí. Các con vật khác tuy biết điều này, nhưng không con nào dám nói sự thật cho tê giác biết.

Một hôm, tê giác đang uống nước ở một dòng suối thì nghe thấy lũ chim chích choè đang thi nhau hót líu lo trên cành cây gần đó. Tê giác rất bực bội nên ra oai thét to : "Lũ chim xấu xa kia có câm miệng đi không ? Chúng bay không thấy ông đang uống nước đây sao ?". Lũ chim chích choè không chịu thua, con chim đầu đàn liền cãi lại : "Bộ ông nghĩ ông đẹp lắm sao ? Ông thử soi mặt mình trên mặt nước thì sẽ biết". Tê giác nghĩ bụng : "Soi thì soi. Ai mà không biết ta có khuôn mặt đẹp nhất". Nhưng khi nhìn xuống mặt nước, tê giác nhà ta giật mình khi thấy một chiếc sừng quái dị đang nằm chình ình ngay trên mũi mình. Khi biết mình còn xấu hơn nhiều con vật có sừng khác, tê giác mang mặc cảm xấu hổ. Từ đó, mỗi khi di chuyển, nó luôn cúi gằm mặt xuống đất và ẩn nấp trong các lùm cây, không muốn chường mặt ra cho các con vật khác xem thấy. Nhưng do không thể trốn mãi được vì ngày nào cũng phải ra dòng suối uống nước và phải đi kiếm thức ăn. Cuối cùng nó đành chấp nhận sự thật về khuôn mặt xấu xí có sừng của mình để sẵn sàng đối diện với các con vật khác. Cũng từ ngày đó, tê giác kiêu hãnh ưa chỉ trích trước đây đã biến thành anh tê giác rất hiền hòa dễ thương.

Tê giác trong câu chuyện trên đã thay đổi nên tốt nhờ biết chấp nhận sự thật của mình để không lên mặt phê phán các loài vật khác theo suy nghĩ chủ quan của mình. Nhờ đó nó cũng bỏ đi mặc cảm tự ti, để sẵn sàng gặp gỡ tiếp xũc với các loài vật khác.

3. SUY NIỆM:

1) PHẢI TRÁNH BỆNH MÙ TÂM LINH:

“Mù dắt mù, cả hai sẽ lăn cù xuống hố” là một thực tế thường xảy ra trong cuộc sông. Vì thế người mù luôn cần được người sáng mắt trợ giúp để đi đúng hướng và không bị vấp ngã hay đi lạc. Về mặt tâm linh người mù tâm hồn sẽ dễ quyết định sai lạc không những gây hại cho bản thân mà còn tác hại khôn lường cho xã hội. Tuy nhiên, thực tế vẫn có nhiều người mù tâm linh lại không nhận ra mình đang bị mù. Chính do thói xấu tự mãn kiêu ngạo khiến người ta luôn coi mình là trung tâm, suy nghĩ của mình là chân lý, và đánh giá người khác theo tầm nhìn hạn hẹp của mình. Đây chính là nguyên nhân gây ra bao nỗi đau khổ cho nhân loại. Về mặt xã hội, những kẻ mù tâm linh “hữu tài vô hạnh” thường trở thành những quan tham, những kẻ độc tài gây bao đau thương cho tha nhân.

2) PHẢI TRÁNH XÉT ĐOÁN Ý TRÁI CHO NGƯỜI KHÁC:

"Sao anh thấy cái rác trong mắt anh em, mà cái xà trong con mắt của chính mình thì lại không để ý tới" (Lc 6,41). Người ta thường hà tiện trong lời khen, nhưng lại quảng đại trong lời chê. Có thể nói một trong những tội con người thường sai phạm là thói hay xét đoán, nghĩ xấu, nghĩ quấy cho người khác, nhất là cho những kẻ mình không ưa.

Người xưa có câu : "Việc người thì sáng, việc mình thì quáng", nên việc nhìn lại bản thân để tự kiểm cần phải làm hằng ngày đối với các người tín hữu, nhất là những ai đang giữ vị trí lãnh đạo, có sứ mệnh hướng dẫn các tâm hồn. Chúng ta hãy bắt chước thánh Au-gút-ti-nô dâng lời cầu nguyện như sau:

"Lạy Chúa Giêsu, xin cho con biết Chúa, xin cho con biết con".
Xin Chúa cho con:
Biết mình cũng yếu hèn và hay sai lỗi, để con không lên mặt xét đoán và kết án anh em.
Biết mình hay che đậy và giả hình, để sẵn sàng cảm thông và bỏ qua lỗi lầm của kẻ khác.
Biết mình thích được khen khi làm được việc tốt, để con năng khen ngợi động viên người khác.

3) HÃY TỰ SỬA LỖI MÌNH TRƯỚC KHI SỬA LỖI ANH EM:

Người ta thường dễ phát hiện các khuyết điểm lỗi lầm dù nhỏ bé của người khác mà khó nhận ra sai lỗi lớn lao của mình. Nguyên nhân là do chúng ta có thói ích kỷ tự mãn nên bị mù quáng và hay xét đoán kết án anh em.
Lời Chúa hôm nay dạy chúng ta: Đừng vội kết án tha nhân vì chính mình cũng có đầy khuyết điểm, như người xưa dạy: “Chân mình những lấm bê bê, lại cầm bó đuốc mà rê chân người”. Tuy nhiên nếu là người giữ địa vị lãnh đạo trong gia đình, học đường hoặc xã hội, có trách nhiệm giữ gìn kỷ cương, thì chúng ta cũng cần sửa dạy những người sai lỗi. Khi đó để lời sửa dạy có sức thuyết phục và đạt kết quả, đòi chúng ta phải sửa mình trước khi răn dạy kẻ khác.

Một nhà thần bí Ấn độ đã phát biểu kinh nghiệm của mình như sau: "Tôi là một nhà cách mạng khi còn trẻ, và tất cả những gì tôi cầu với Chúa là : "Lạy Chúa, xin cho con quyền lực để con cải tạo thế giới ngày một nên tốt hơn". Rôì khi tới tuổi trung niên, tôi nhận ra rằng nửa cuộc đời đã qua đi rồi mà tôi vẫn chưa cải tạo được thế giới, nên tôi đã đổi lại lời cầu : "Lạy Chúa, xin cho con hoán cải những người con có dịp tiếp xúc”. Bây giờ tôi đã về già và sắp kết thúc cuộc đời, tôi thấy mình cũng vẫn chưa biến đổi được một ai, nên cảm thấy mình thật khờ dại. Vì thế tôi lại thay đổi lời cầu như sau: "Lạy Chúa, xin cho con được ơn hoán cải chính mình con". Giả như ngay từ khi còn trẻ tôi đã ý thức về sự bất lực của mình như thế, thì tôi đã không uổng phí cả cuộc đời cách vô ích mà sẽ tập trung để cải tạo bắt đầu từ chính bản thân trước".

4) CHÚNG TÔI PHẢI LÀM GÌ ?:

Trong cuộc sống, chúng ta thường hay phán xét người khác bằng lời nói, cử chỉ thái độ và luôn đánh giá không tốt về họ. Nhất là những khi chuyện trò với bè bạn, chúng ta thường khoe thành tích của bản thân hay người thân để tự đề cao mình hay đề cao gia đình mình và thường chê trách những người tự nhiên ta có ác cảm. Về vấn đề này, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã dạy: “Những ai phán xét anh chị em mình, nói xấu anh chị em mình thì họ chính là kẻ giả hình. Vì họ không đủ can đảm nhìn lại những thiếu sót, lỗi lầm của bản thân mình”. Đức Giê-su trong cũng dạy các tín hữu: “Sao ngươi nhìn thấy cái rác trong mắt anh em, còn cái đà trong chính mắt ngươi thì lại không thấy?… Hãy lấy cái đà ra khỏi mắt mình trước đã, rồi bấy giờ ngươi sẽ trông rõ để lấy cái rác khỏi mắt anh em ngươi”.

Khi phê phán chỉ trích, kết án một người nào đó là chúng ta đã biểu lộ sự ác cảm thù ghét họ. Những người có tình yêu thương sẽ không xét đoán ý trái hoặc kết tội người mình yêu thương, nhưng sẽ biểu lộ sự khoan dung tha thứ, sẽ luôn xét đoán ý tốt, trở thành luật sư bào chữa lỗi lầm thay vì làm công tố viên buộc tội cho họ, Để luôn xét đoán ý tốt cho tha nhân, chúng ta hãy xin Chúa gia tăng tình thương trong lòng chúng ta. Nhờ đó, chúng ta sẽ đối xử khoan dung nhân hậu với những kẻ thù ghét mình để xóa bỏ thù hận, biến thù thành bạn của mình.

4. THẢO LUẬN:

Để chu toàn sứ mạng loan báo Tin Mừng, Đức Phao-lô Đệ Lục đã nói: “Con người ngày nay thích nghe nhân chứng hơn thầy dạy. Nếu họ có nghe thầy dạy là vì thầy dạy cũng là chứng nhân”. Trong những ngày này chúng ta sẽ làm gì để đem Chúa đến với anh em lương dân ?

5. LỜI CẦU:

Lạy Chúa Giê-su. Xin giúp con thực hành Lời Chúa trong thư thánh Phao-lô: “Lời có ích lợi cho việc dạy dỗ, biện bác, sửa trị và rèn luyện trong công chính: để người của Thiên Chúa trở nên trọn hảo và sẵn sàng thực hiện mọi việc lành.” (2 Tm 1,16–17); Xin cho con có đôi mắt của Chúa, để con nhìn anh em như là hồng ân và là quà tặng Chúa ban; Xin cho con có trái tim của Chúa, để sống yêu thương với lòng bao dung tha thứ và biết xót thương tha nhân. Và cuối cùng xin cho con học nơi Chúa sự hiền lành và khiêm nhường trong lòng để con nên chứng nhân cho tình thương của Chúa trước mặt người đời. Amen.
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
06:44 25/02/2019
43. THỢ MAY LÀM QUAN

Giữa năm Gia Kiệt có một thợ may vì đút lót hối lộ nên cũng được đội mũ lên quan.

Cố Hà Sơn có làm một bài thơ cười nhạo như sau:

“Gần đây đường làm quan quá hồ đồ

cưỡng bức thợ may làm đại phu;

Cánh mềm gió sớm thổi đong đưa,

phân minh hai vòng của cái kéo.”


(Hài Tùng)

Suy tư 43:

Một nhà báo của Vietnam.net đã viết: “Và hãy thử tưởng tượng thực tế này. Nếu “Luật chạy chức, chạy quyền” thành hiện thực, tất sẽ kéo theo rất nhiều hiện tượng cung- cầu khác. Vì quy luật phát triển bao giờ cũng đòi hỏi tính đồng bộ, tương đồng, tương thích của một XH. Việc mua bằng- bán điểm sẽ phải được hợp pháp, thay cho sinh viên, học trò phải khổ công học hành.Việc mua chỗ làm cũng sẽ phải được công nhận, thay cho tuyển dụng nhiêu khê.Việc mua bằng giả các ngành học từ phổ thông đến Ts cũng sẽ được công nhận hợp pháp vv.và… v.v..Bởi tất cả những hiện tượng đó đều có thể là quy luật cung – cầu, theo lý luận của ông.Chả trách trong một bài viết trên VietNamNet, ngày 26/01, tác giả Đinh Duy Hòa đã dự báo: Bộ máy nhà nước chắc sẽ bao gồm những người nhiều tiền kinh khủng, từ các bộ toàn những người tiền trên thiên hạ mới đấu thầu trúng được, rồi chủ tịch các tỉnh, huyện. Hệ thống hành chính chắc phải đổi lại là hệ thống hành chính tiền tệ cho chính xác.”

Chạy chức chạy quyền thì cũng giống như người thợ may đút lót để được làm quan vậy, họ làm quan nhưng không biết công việc của quan làm, họ coi quan chức như nghề thợ may cầm kéo cắt ngang cắt dọc trên vải, cho nên họ càng ngày càng làm nghèo đất nước, và làm khổ dân chúng vì cách trị dân của họ như cầm kéo cắt áo quần: thiển cận và độc đoán.

Mua quan bán chức là vi phạm luật pháp và đạo đức, người sống không có pháp luật và đạo đức thì không thể trở nên một quan viên tận tuỵ với nghề nghiệp chức vụ của mình.

“Ki-tô hữu” không phải là một chức vụ nhưng là một danh hiệu cao quý, không phải là một chức quyền nhưng là một tên gọi thánh thiện mà chỉ những ai đã được lãnh nhận bí tích Rửa Tội mới có, cho nên nó trở nên niềm vinh dự cho mọi người...

Người Ki-tô hữu không mua quan bán chức, nhưng trong cuộc sống của mình, cũng có những người lợi dụng lòng yêu mến của người khác để bán danh hiệu Ki-tô hữu của mình bằng cách lừa đảo, nói dối để thủ lợi cho mình.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
06:46 25/02/2019

91. Nếu tâm hồn của chúng ta kết hợp chặt chẻ với Thiên Chúa, cảm giác ngọt ngào, ngay cả cái chết cũng không sợ, mà lại mong muốn được chết sớm, để được diện kiến Thiên Chúa.

(Thánh Gregory)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Nói làm gì chuyện nhục nhã này?
Anthony Nguyễn
00:48 25/02/2019
Hội Nghị Bảo Vệ Trẻ Vị Thành Niên được tổ chức tại Vatican dưới sự chủ tọa của chính Đức Thánh Cha Phanxicô và sự tham dự của 190 vị trong đó có 114 vị Hồng Y, Tổng Giám Mục và Giám Mục là chủ tịch các Hội Đồng Giám Mục trên thế giới. Tuy nhiên, cha Raymond de Souza, Tổng Biên Tập tạp chí của tờ Convivium của Canada nhận xét cay đắng rằng hội nghị này ít được các cơ quan truyền thông Công Giáo đề cập đến.

Khi được hỏi, một vị chủ biên một phương tiện truyền thông Công Giáo hỏi ngược lại ngài rằng: “Trong Giáo Hội thiếu gì gương lành phúc đức, nói làm chi cái chuyện nhục nhã này?”

Nghĩ như thế không đúng đâu.

Một ngày trước lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, hôm 14 tháng 8 năm 2018, bồi thẩm đoàn Pennsylvania công bố một phúc trình cho thấy 301 linh mục bị buộc tội lạm dụng tình dục hơn 1,000 trẻ em trong sáu giáo phận trực thuộc tổng giáo phận Pennsylvania.

Cần phải nói ngay rằng việc chọn ngày công bố, việc truy ngược thời gian đến 70 năm, việc cố tình lờ đi thực tế là chỉ có hai trường hợp phạm tội xảy ra sau Hiến Chương Dallas và cả hai trường hợp ấy đã được Giáo Hội báo cáo với các nhà chức trách cho thấy mầu sắc ý thực hệ của phúc trình này. Nói cách khác, người ta cố gắng vẽ nên một bức tranh tiêu cực về Giáo Hội Công Giáo như thể đây là định chế duy nhất trên thế giới này phạm vào tội lỗi lạm dụng tính dục trẻ em.

Bất chấp những áp lực của các phương tiện truyền thông, Đức Thánh Cha đã mạnh mẽ chỉ ra rằng đây không phải chỉ là vấn đề của Giáo Hội mà chúng ta đang phải đối mặt với một vấn đề phổ quát của toàn xã hội, hiện diện một cách bi thảm ở hầu hết mọi nơi, đặc biệt là trong các gia đình, và ảnh hưởng đến mọi người.

Cố nhiên, chúng ta cần phải rõ ràng rằng, như Đức Thánh Cha nói: “bất kể ảnh hưởng nghiêm trọng của nó lên toàn bộ xã hội của chúng ta, tội lỗi xấu xa này không vì thế mà bớt đi sự khốn nạn của nó khi diễn ra trong Giáo Hội.”

Tuy nhiên, cần phải khẳng định rằng không được dùng chính cái bi kịch mà những trẻ thơ phải trải qua này để bôi nhọ Giáo Hội Công Giáo. Nếu thực sự nghĩ đến thiện ích trẻ thơ, những người yếu thế và dễ bị thương tổn, cần phải xác định cho đúng nguyên nhân và tầm mức của tội ác này.

Bên cạnh đó, thái độ tránh né như “đà điểu giấu đầu vào cát chỉ” là thái độ tránh né thực tại trong khi giông tố tiếp tục vần vũ trên đầu trong kỷ nguyên kỹ thuật số khi mà những hình ảnh khiêu dâm tràn lan kinh hoàng trên thế giới.

Chúng ta phải dám đối đầu với những nguyên nhân và hậu quả của những tội ác nghiêm trọng này để tìm ra các phương thế phòng ngừa và tận diệt tội ác đang có nguy cơ rao giảng Tin Mừng của Giáo Hội.

Trong tinh thần đó, người Công Giáo chúng ta nên bớt chút thời gian lắng nghe tiếng nói của vị Cha chung.
 
Cuộc họp liên bộ Toà Thánh là hành động tiếp liền sau Hội Nghị Bảo Vệ Trẻ Em trong Giáo Hội
Vũ Văn An
17:00 25/02/2019
Như để trả lời cho các phê phán của những người thiếu kiên nhẫn và hiểu biết, ngay liền sau Hội Nghị Bảo Vệ Trẻ Em Trong Giáo Hội kéo dài trong các ngày 21-24 tháng Hai, các Bộ sở thuộc Giáo Triều Rôma đã có cuộc họp liên bộ tại Vatican để chuẩn bị cho những bước cụ thể thi hành các đường hướng đã đưa ra trong Hội Nghị.



Theo tin Zenit, đó là lời phát biểu của Ông Alessandro Gisotti, Giám Đốc lâm thời của Phòng Báo Chí Tòa Thánh. Thực vậy, ngày 25 tháng Hai, Ông Alessandro Gisotti đã ra một tuyên bố cho hay: ngày 25 tháng Hai, một cuộc họp hạn chế của liên bộ Tòa Thánh đã được tổ chức tại Vatican; ông gọi đây là “hậu quả cụ thể đầu tiên của Hội Nghị Bảo Vệ Trẻ Vị Thành Niên Trong Giáo Hội".

Cuộc họp trên diễn ra từ 9 giờ sáng tới 1 giờ trưa ngày 25 tháng Hai tại Phòng Bologna trong Tông Điện, về chủ đề chống nạn lạm dụng tình dục các vị thành niên. Tham dự cuộc họp, ngoài các viên chức của Phủ Quốc Vụ Khanh và các vị đứng đầu các bộ có liên hệ đặc biệt với vấn đề, có Ban Tổ Chức và Điều hợp viên Hội Nghị là Cha Federico Lombardi, S.J., người đã trình bầy các phản ứng đối với Hội Nghị và việc theo dõi nó.

Cuộc họp trước nhất và đồng thanh nhấn mạnh tới tầm quan trọng của Hội Nghị, một Hội Nghị được Đức Giáo Hoàng Phanxicô hết lòng mong ước. Tuy nhiên, cuộc họp cũng minh xác rõ: biến cố này phải được theo dõi bằng các biện pháp cụ thể, một điều dân Chúa hằng mong đợi. Minh hoạ trong bối cảnh này là các nguyên tắc căn bản gợi hứng cho các văn kiện và các toán đặc nhiệm, được công bố trong buổi họp báo bế mạc Hội Nghị. Hội nghị đã quyết định: các sáng kiến này phải được thông tri rõ ràng, kịp thời và chi tiết bao nhiêu có thể.

Trong các đóng góp ý kiến của các vị đứng đầu các bộ, những vị xác định cam kết bước theo gương sáng của Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong cuộc đấu tranh chống nạn lạm dụng, nhấn mạnh đã được đặt lên sự cần thiết lắng nghe các nạn nhân, coi việc này như khởi điểm của cam kết này.

Các điểm khác được nhấn mạnh là: việc can dự nhiều hơn của hàng ngũ giáo dân và nhu cầu phải đầu tư vào việc đào tạo và ngăn ngừa, sử dụng thực tại với các kinh nghiệm được củng cố trong lãnh vực này.

Sau cùng, cuộc họp làm nổi bật điều này: trong dấu chỉ tính đồng nghị (synodality) và tính đồng lực (synergy), điều thích đáng là kiểm nghiệm tiến độ của việc theo dõi Hội Nghị, ở bình diện liên bộ.
 
Bốn ngày Hội Nghị Thượng Đỉnh về Bảo Vệ Trẻ Em trong Giáo Hội
Vũ Văn An
23:26 25/02/2019


Trong mấy ngày qua, chúng tôi đã cố gắng cung cấp một số thông tin liên quan đến Hội Nghị Thương Đỉnh về Bảo Vệ Trẻ Em Trong Giáo Hội, chú trọng nhiều tới các bài phát biểu của Đức Giáo Hoàng và các nhân vật khác mà chúng tôi cho là chủ yếu để nắm được đường hướng giải quyết nạn lạm dụng tình dục trong Giáo Hội, một nạn đau lòng đến độ làm cho một vị Hồng Y phải tức tưởi khóc trong lúc đọc bài thuyết trình của mình. Dòng nước mắt này nhất định mang nhiều ý nghĩa cả hối hận lẫn hối tiếc và tức giận.

Nay hội nghị đã kết thúc, thiển nghĩ ta nên duyệt lại toàn bộ các sự kiện đã diễn ra trong thời gian 4 ngày qua, căn cứ vào nội dung các buổi họp báo hàng ngày tại Phòng Báo Chí Tòa Thánh do VaticanNews cung cấp.

Ngày đầu tiên 21 tháng Hai

“Trách nhiệm, giải trình trách nhiệm, và minh bạch” cần phải là “thành phần trong DNA của Giáo Hội”. Đó là câu mở đầu Ông Alessandro Gisotti, Giám Đốc lâm thời của Phòng Báo Chí Tòa Thánh, dùng để dẫn nhập buổi họp báo Ngày Một của Hội Nghị “Bảo Vệ Trẻ Em Trong Giáo Hội”.

Ông Bộ Trưởng Bộ Truyền Thông của Tòa Thánh, Paolo Ruffini, là người đầu tiên lên tiếng với các nhà báo năm châu. Ông tóm tắt các bài phát biểu trong buổi sáng. Trước nhất là bài phát biểu của Đức Hồng Y Luis A. Tagle, Tổng Giám Mục Manila. Bài thứ hai là của Đức Tổng Giám Mục Charles Scicluna, phụ tá tổng thư ký của Bộ Giáo Lý Đức Tin; và đề cập tới các buổi hỏi thưa sau đó.

Theo vị phối trí viên Hội Nghị là Cha Federico Lombardi, SJ, Hội Nghị đi đúng đường vào sáng thứ Năm vì đã bàn tới các hạn từ chủ chốt quan yếu. Cha nhận diện được các chữ như “Lắng nghe”, “tính đồng nghị”, “tính cụ thể”, “tính mạnh bạo”, “hoán cải” và “thanh tẩy”.

Sau đó, Cha Lombardi nhắc đến “21 điểm” được Đức Giáo Hoàng Phanxicô trình bầy cho các tham dự viên lúc khởi đầu các cuộc tranh nghị buổi sáng. Các điểm này sau đó đã được nhắc đến như “một bản đồ chỉ đường” để các giám mục thảo luận, cung cấp cho các ngài “các đề xuất cụ thể” giúp các ngài tiến bước. Sau đó, Đức Tổng Giám Mục Scicluna minh xác đây không phải là các “quyết định” của Đức Giáo Hoàng, mà chỉ là “các suy tư” giúp các giám mục cả lúc các ngài ở trong hội nghị lẫn lúc đã trờ về nhà.

Trong các điểm được chú ý đặc biệt, là gợi ý của Đức Phanxicô nhằm nâng tuổi tối thiểu một thiếu nữ có thể kết hôn từ 14 lên 16, bằng tuổi của các thiếu nam, theo Giáo Luật.

Đức Tổng Giám Mục Scicluna cho hay ngài hết sức xúc động khi lắng nghe các chứng từ của các nạn nhân và người sống sót lúc bắt đầu Hội Nghị tại Phòng Họp của Thượng hội đồng giám mục vào sáng thứ Năm. Hơn một lần, ngài nhấn mạnh đến việc “lắng nghe”; ngài nói rằng nó giống như “mảnh đất thánh thiêng”: lắng nghe các nạn nhân nhưng, trong trường hợp này, cũng lắng nghe “các hiền huynh giám mục” những người xuất thân từ nhiều thực tại văn hóa và địa dư đa dạng. Đức Tổng Giám Mục nhắc lại chính diễn từ của ngài ngỏ với các giám mục trong phiên họp toàn thể buổi sáng. Ngài tóm tắt bằng các chữ “khôn ngoan”, “thực hành tốt” và “cùng làm việc với nhau”. Ngài bảo “ta không thể để các giám mục cô đơn”. Về phương diện này, chúng ta cũng cần “tạo lực cho cộng đồng”, trợ giúp và nâng đỡ đặc biệt các giám mục nào đang sống trong các khu vực chỉ có thể tiếp cận rất ít các nguồn tài lực, các chuyên gia hay nhân viên.

Quan trọng hơn cả, Đức Tổng Giám Mục Scicluna cho hay điều sinh tử là Giáo Hội phải di chuyển “từ nền văn hóa im lặng qua nền văn hóa tiết lộ”. Chúng ta phải “đối diện và giải quyết tác phong xấu xa, sửa lại nó ngay từ đầu”.

Đức Tổng Giám Mục của Brisbane, Úc, Mark Coleridge, mô tả phiên họp đầu tiên vào buổi sáng như một ‘hành trình khám phá”; ngài nói rằng nó hoàn toàn khác với bất cứ Thượng hội đồng nào ngài từng tham dự. Ngài nói tới “nghị lực” và “hăm hở” trong việc các tham dự viên đề cập tới vấn đề. Ngài bảo: “chúng tôi lắng nghe Thiên Chúa, lắng nghe các người sống sót, và lắng nghe nhau”. Đức Tổng Giám Mục đánh giá cao các bài trình bầy rất khác nhau của Đức Hồng Y Tagle và của Đức Tổng Giám Mục Scicluna, tóm tắt chúng bằng hai chữ “viễn kiến” và “chiến thuật”. Ngài nói: “chúng ta cần cả hai”.

Cha Hans Zollner SJ là thành viên của Ban Tổ Chức Hội Nghị. Ngài bắt đầu lên tiếng bằng cách cám ơn các người sống sót và nạn nhân về các chứng từ của họ, trong đó, ngài nói: “không tha điều gì” vì chúng “nóng bỏng, sống sượng [brutal], và trung thực”. Cha cho hay sau khi nghe các chứng từ này, đại diện cho năm châu và đủ mọi ngôn ngữ, các tham dự viên đã ngồi thừ ra đó trong 2 phút, tuyệt đối im lặng. Cha kết luận rằng qui định luật pháp, buộc phải giải trình trách nhiệm không đủ, trừ khi chúng được đi kèm với điều cha gọi là “cam kết tận đáy lòng”.



Ngày thứ hai: 22 tháng Hai

Chủ đề hôm nay là “Giải Trình Trách Nhiệm” (“Accountability”) và cuộc họp báo nhắc đến các đóng góp của hai Đức Hồng Y Cupich và O’Malley.

Cha Federico Lombardi bắt đầu buổi họp báo bằng cách mô tả “bầu khí” của Hội Nghị là “tích cực, xây dựng, hữu ích và cần thiết”.

Ngài nhắc đến sự hợp tác giữa Tòa Thánh và Marta Santos Pais, đại diện đặc biệt của Tổng thư lý Liên Hiệp Quốc về “bạo lực chống trẻ em”. Văn phòng Liên Hiệp Quốc đã chia sẻ các số thống kê và các chi tiết trong các cố gắng bảo vệ trẻ em của họ, và những điều này đã được phân phối cho các giám mục tại Vatican hôm thứ Sáu.

Cha Lombardi cũng cho hay “21 điểm” mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô trình bày với các Giám mục vào ngày thứ nhất, đã trở thành cơ sở để thảo luận và suy ngẫm trong các nhóm làm việc, khi các nhóm này cố gắng đem ra thực hành lời kêu gọi của Đức Giáo Hoàng phải có các đề nghị và kết quả cụ thể.

Ông Bộ trưởng Truyền thông Vatican, Paolo Ruffini, đã cung cấp các bản tóm tắt, đầu tiên là về các Phiên toàn thể, và sau đó là về các nhóm làm việc chiều thứ Năm. Các vấn đề phát sinh trong cả hai phiên nhóm này bao gồm tầm quan trọng của việc cùng nhau làm việc theo cách hợp đoàn, và của việc nhận ra rằng lạm dụng là một tội ác, bất kể nền văn hóa của bất cứ quốc gia chuyên biệt nào. Một hệ luận (out-take) của phiên họp buổi sáng là việc Cam kết của Giáo hội trong việc áp dụng các quy tắc và hướng dẫn bảo vệ trẻ vị thành niên đã dẫn đến sự sụt giảm số lượng các vụ lạm dụng ở nhiều nơi trên thế giới. Tuy nhiên, nó cũng nhấn mạnh điều này: thảo luận về tình dục không thể bị coi là điều cấm kỵ, và cần phải được xử lý như là một phần của sự đào tạo trong chủng viện.

Các nhóm làm việc nhỏ của hôm thứ Năm đã bàn đến nhiều vấn đề khác nhau, nhưng tập trung vào nhu cầu phải dành ưu tiên cho các nạn nhân và cố gắng phá vỡ chu kỳ khiến một số người bị lạm dụng, trở thành kẻ lạm dụng. Các nhóm cũng thảo luận về sự cần thiết phải tạo ra các nhóm đặc nhiệm hỗn hợp để hỗ trợ các Giáo hội nhỏ hơn và có ít tài nguyên hơn.

Đức Hồng Y Sean Patrick O’Malley, Tổng Giám mục Boston, đã phát biểu tại Buổi họp báo; ngài khẳng định “không có gì quan trọng hơn” so với việc giải quyết vấn đề bảo vệ trẻ vị thành niên này. Ngài cũng nói về việc phải tập chú vào các nạn nhân, và mô tả kinh nghiệm bản thân của ngài về việc gặp gỡ những người sống sót bị lạm dụng “giữa khi cuộc sống thay đổi”. Đức Hồng Y O’Malley nói rằng chỉ khi nào chúng ta gặp gỡ các nạn nhân, “giới lãnh đạo Giáo hội mới học được sự tàn phá giáng lên cuộc sống của họ bởi các kinh nghiệm này".

Đức Hồng Y nói đến sự cần thiết phải có “các kế hoạch hành động”, và về vấn đề này, ngài đã ca ngợi những “ý tưởng cụ thể” của ông Cameron phía sau các trình bày của Đức Hồng Y Blase Cupich, Tổng Giám mục Chicago. Ngài cũng xác nhận tầm quan trọng của việc bao gồm các giáo dân trong việc giúp khôi phục niềm tin trong Giáo hội.

Về phần mình, Đức Hồng Y Cupich nói thêm rằng các cuộc gặp gỡ nạn nhân “đã khiến chúng ta tập chú”. Ngài nói: Mỗi câu chuyện đều độc đáo. Đức Hồng Y nói rằng nhận vấn đề làm của mình, liên quan đến trách nhiệm, liên quan đến trách nhiệm của các Giám mục, xét theo cá nhân hay nhóm, đều là “động lực thúc đẩy” đứng phía sau hội nghị về Bảo vệ trẻ vị thành niên trong Giáo hội này. Ngài nói: những gì xảy ra ở một nơi ảnh hưởng đến mọi người, mọi nơi. Đức Hồng Y Cupich cũng nói về tầm quan trọng của “chiến lược”: ngài kết luận rằng Đức Giáo Hoàng muốn “những bước và các kết quả cụ thể”.

Trong Buổi họp báo này, Đức Tổng Giám Mục Charles Scicluna của Malta, đã nhắc đến bài phát biểu của Đức Hồng Y Oswald Gracias, về “Tính hợp đoàn” (Collegiality). Ngài nói: chúng tôi được kêu gọi phục vụ Giáo hội hoàn vũ trong tư cách Giám mục, và, “chúng tôi có trách nhiệm giải trình với giáo dân của chúng tôi”. Đức Tổng Giám Mục cũng đề cập đến vấn đề giáo dân tham gia vào lĩnh vực bảo vệ trẻ vị thành niên: “Việc tham gia của giáo dân không phải là một tùy chọn, hay một phụ lục, nó không phải là một việc thêm vào”. Ngài nói thêm: giáo dân là “nền tảng cho phúc lợi và ‘hữu thể’ của Giáo hội”, vì “chúng tôi đang cùng bước đi với nhau”.



Ngày thứ ba: 23 tháng Hai

Ngày thứ ba của Hội Nghị Bảo vệ Trẻ vị Thành niên trong Giáo hội tại Tòa thánh đã tập trung vào chủ đề Minh bạch. Trong số các vị tham dự buổi họp báo, có một nữ tu Châu Phi, Bề trên Cả Dòng Tên và Chủ tịch Hội đồng Giám mục Đức.

Buổi họp báo bắt đầu với Cha Federico Lombardi trình bày điều ngài gọi là bốn “quan sát” của ngài trong 24 giờ qua. Ngài đã mô tả chứng từ của một nạn nhân sống sót vào tối thứ Sáu, như là “khoảnh khắc thâm hậu nhất trong cuộc gặp gỡ của chúng ta cho đến nay”. Ngài nói, mọi người đều xúc động sâu xa bởi chứng từ của cô”; ngài cho rằng điều này xác nhận: việc “đích thân lắng nghe” đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Sau đó, Cha Lombardi đã bình luận về sự đóng góp của phụ nữ tại Hội Nghị này: Tiến sĩ Linda Ghisoni, Phó Tổng thư ký phân bộ Giáo dân của một bộ của Tòa thánh, người đã nói về chủ đề “Hiệp thông: làm việc với nhau”; và Nữ tu Veronica Openibo, Nigeria, người đã nói với các Giám mục về “Cởi mở: được sai ra thế giới”.

Cha Lombardi nói thêm: các thái độ và nhạy cảm nơi các Giám mục đã thay đổi sau ba ngày. Ngài nhấn mạnh tầm quan trọng đặc biệt của việc theo dõi dựa trên các suy tư và kết luận của các nhóm làm việc nhỏ.

Bộ trưởng Truyền thông Vatican, Paolo Ruffini, đã cung cấp một bản tóm tắt ngắn gọn về những can thiệp của các nhóm làm việc, một trong số đó mô tả Hội Nghị “Bảo vệ trẻ vị thành niên” này như “một điểm bất phản hồi đầy tích cực”. Một số nhóm thảo luận tầm quan trọng của việc đồng hành với các nạn nhân và xây dựng lại các mối liên hệ với những người sống sót và gia đình họ. Các nhóm khác thăm dò các chủ đề hợp đoàn và đồng bộ, và làm thế nào để áp dụng chúng.

Các vấn đề tiếp theo bao gồm vai trò của giáo dân và gia đình, huấn luyện trong chủng viện và đào tạo linh mục, và nhu cầu sàng lọc và lựa chọn ứng viên chính xác hơn. Cuộc khủng hoảng trong gia đình được nhận diện là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng “non nớt tình cảm” nơi một số cá nhân. Kết luận phổ quát là “mọi dân Thiên Chúa được kêu gọi thực thi trách nhiệm”, để bảo đảm việc bảo vệ trẻ vị thành niên trong Giáo hội và thế giới.

Đức Hồng Y Reinhard Marx, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Đức, đã phát biểu tại Hội Nghị hôm Thứ Bảy về chủ đề, “Minh bạch trong một cộng đồng tín hữu”. Hôm thứ Sáu, Đức Hồng Y đã gặp trong khoảng 90 phút 16 người sống sót việc lạm dụng thuộc Nhóm ECA (Ending Clerical Abuse = Kết thúc việc Giáo sĩ Lạm dụng), bên ngoài Vatican. Ngài cho biết “Chúng tôi đã nói chuyện với nhau một cách không thể có được từ nhiều năm trước”. Thực thế, chúng ta đã đạt được tiến bộ trong lĩnh vực “đối thoại và cởi mở”, Đức Hồng Y Marx nói thế và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc “diễn dịch từ ngữ thành sự kiện”. Ngài nói thêm: Kêu gọi mà thôi không đủ. Chúng ta cần theo dõi và kiểm nghiệm, “bảo đảm chúng ta đang làm những gì được chỉ định trong các hướng dẫn”. Đức Hồng Y đã mô tả Hội Nghị “Bảo vệ Trẻ Vị Thành niên trong Giáo hội” này là “một bước tiến về phía trước”, nhưng là “một bước tiến tốt về phía trước”.

Cũng trong Buổi họp báo này, Cha Arturo Sosa Abascal, SJ, Bề trên Cả Dòng Tên đã nói về “công lý và hàn gắn”, về trách nhiệm giải trình, tránh nền văn hóa im lặng, cầu xin sự tha thứ cho những sai lầm đã làm và tiến về phía trước một cách nhất quán và gắn bó. Cha Sosa cũng đề cập đến vấn đề đào tạo linh mục, nói rằng việc đào tạo như vậy cần cổ vũ “sự trưởng thành về cảm xúc cho phép chúng ta có những mối quan hệ lành mạnh”. Cha Bề trên Cả dòng Tên nói rằng, “việc thừa nhận sự thật về lạm dụng, tự nó, là một bước tiến lớn”. Tuy nhiên, theo ngài, điều cũng quan trọng là phải “nhận diện các nguyên nhân, để tìm ra thuốc chữa và áp dụng các chiến lược”.

Trong phần can thiệp của mình, Nữ tu Veronica Openibo đã mô tả phản ứng của bà đối với chứng từ của một nạn nhân lạm dụng tại Phòng Thượng hội đồng tối thứ Sáu: bà nói: “Một điều gì đó đã xảy ra trong Hội trường đó khi chúng tôi lắng nghe, như thể chúng tôi được mục kích những gì cô ấy đã trải qua". Nữ tu Veronica cho biết chứng từ bản thân gây xúc động của người sống sót này đã làm tăng khả năng “lắng nghe, thấu cảm [empahty] và thiện cảm” của các giám mục.

Bà cho hay: một phần trong phản ứng của bà là nhớ đến điều này: tất cả chúng ta phải là “người của Hy vọng”. Đồng thời, chúng ta phải “có các kế hoạch chuyên dành cho việc bảo đảm để không những các người trẻ tuổi, mà mọi người dễ bị tổn thương đều được an toàn”. Bà kết luận “quyết định nằm trong tay các vị giám mục”, nhưng tất cả chúng ta phải “cùng nhau làm việc” để chấm dứt nạn lạm dụng.

Cuối cùng, Đức Tổng Giám Mục Charles Scicluna của Malta ca ngợi sự đóng góp của phụ nữ vào Hội Nghị “Bảo vệ trẻ vị thành niên trong Giáo hội” này. Ngài gọi nó là “một chứng tá phi thường của phụ nữ” một chứng tá “mang lại khôn ngoan mà chúng ta cần”, và nhắc lại định nghĩa của Đức Giáo Hoàng Phanxicô về “Giáo hội là Phụ nữ”.

Lặp đi lặp lại lời kêu gọi của ngài về một “nền văn hóa tiết lộ”, Đức Tổng Giám Mục Scicluna nói tới minh bạch như là “hiệp thông và chia sẻ”. Ngài nói: Chúng ta cần thông đạt nhiều hơn với các nạn nhân; ngài tuyên bố rằng họ là những người “không được thông tri” và xác nhận rằng họ có “một vai trò để đóng”.

Để kết luận, Đức Tổng Giám Mục đã cảm ơn tất cả những người, trên khắp thế giới, đang đồng hành cùng các Giám mục và những người tham dự Hội Nghị này bằng lời cầu nguyện của họ: ngài nói: “Chúng ta cần Thiên Chúa giúp đỡ, nếu chúng ta muốn làm tốt việc này”



Ngày thứ tư: 24 tháng Hai

Trong cuộc họp báo tại Vatican vào ngày kết thúc Hội Nghị Bảo Vệ Trẻ Vị Thành Niên Trong Giáo Hội, các cam kết và sáng kiến cụ thể để bảo vệ trẻ em và chống lạm dụng đã được trình bầy.

Một câu hỏi mặc nhiên (và minh nhiên) đã làm nổi bật cuộc họp báo hôm nay: “Chuyện gì bây giờ đây?” Các kỳ vọng vốn khá cao, đặc biệt vì Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã giao nhiệm vụ cho những người tham gia, lúc bắt đầu Hội nghị, phải đưa ra các sáng kiến cụ thể để giúp Giáo hội bảo vệ trẻ vị thành niên.

Các Sáng kiến cụ thể

Cha Federico Lombardi SJ, trong tư cách là Người điều hợp Hội Nghị về “Bảo vệ trẻ vị thành niên trong Giáo Hội”, đã công bố ba sáng kiến sau đây:

1. Công bố nay mai một tự sắc của Đức Giáo Hoàng, cung cấp các quy tắc và quy định để bảo vệ an toàn cho các vị thành niên và người lớn dễ bị tổn thương trong Thị Quốc Vatican.

2. Phân phối một vademecum (thủ bản, hoặc sách quy tắc) cho các Giám mục trên khắp thế giới, giải thích các nghĩa vụ và trách nhiệm pháp lý và mục vụ của các ngài liên quan đến việc bảo vệ trẻ em.

3. Thành lập một “lực lượng đặc nhiệm”, bao gồm các chuyên gia có năng quyền, để hỗ trợ các Hội đồng Giám mục nào thiếu các nguồn lực hoặc chuyên môn cần thiết để đương đầu với vấn đề bảo vệ trẻ vị thành niên và xử lý việc lạm dụng.

Có một giải đáp thứ tư cho câu hỏi “Chuyện gì bây giờ đây?”, đó là sự kiện Ban tổ chức sẽ họp với những vị đứng đầu các bộ sở của Giáo Triều để thảo luận việc theo dõi và suy tư về câu hỏi có liên quan: “Chuyện gì tiếp theo đây?”

Các liên hệ truyền thông

Hội Nghị “Bảo vệ trẻ vị thành niên” tại Vatican đã nhận được sự đưa tin rộng rãi trên khắp các phương tiện truyền thông trong vài ngày qua. Bộ trưởng Truyền thông Vatican, Paolo Ruffini, đã thừa nhận như vậy khi ông cảm ơn các nhà báo vì công việc của họ. Ông nhấn mạnh vai trò của các nhà báo như là vai trò “Tìm kiếm và báo cáo sự thật”. Ông đã nói tới tầm quan trọng của việc “lắng nghe không thiên kiến”, và nhìn nhận việc “không thể nào có truyền thông nếu ai cũng nói mà không có người lắng nghe”. Ông Ruffini, và các vị khác trên bàn chủ tọa Cuộc họp báo, đã ca ngợi nhà báo Mexico, Valentina Alazraki, vì sự đóng góp “can đảm” của cô cho Hội Nghị hôm Thứ Bảy, khi cô ngỏ lời với các Giám mục về chủ đề minh bạch: “Truyền thông cho mọi người”.

Phát biểu tại buổi họp báo, Valentina Alazraki khuyến khích việc “cùng nhau làm việc với Giáo hội” về vấn đề này, nhưng nhắc nhở các Giám mục đừng bao giờ nói “miễn bình luận”, và phải bảo đảm cung cấp cho truyền thông “những thông tin kịp thời và công bằng”.

Các ấn tượng cuối cùng

Khi được hỏi mang về được gì từ Hội Nghị, Đức Hồng Y Oswald Gracias, Tổng giám mục của Bombay, đã cho nó là “điều kịp thời, hữu ích và cần thiết”. Ngài nói: ngài và các hiền huynh giám mục đã ra về với một sự hiểu biết và ý thức phổ quát rằng đương đầu với vấn đề lạm dụng là “một ưu tiên đối với Giáo hội”. Ngài cũng ca ngợi sự đóng góp của phụ nữ tại cuộc gặp gỡ, nêu bật giá trị của “những hiểu biết thông sáng và quan điểm nữ tính của họ”.

Đức Tổng Giám Mục Charles Scicluna của Malta đã cung cấp “những đoạn hồi tưởng của riêng mình trong bốn ngày này”. Ngài nói rằng ngài rất có ấn tượng bởi bài diễn văn bế mạc của Đức Cha Thánh và sự rõ ràng của ngài, định nghĩa cả việc lạm dụng lẫn việc bao che nó là “tội ác cực kỳ nghiêm trọng”. Đức Tổng Giám Mục nói: “không có chuyện trở lui nữa”. Ngài cũng nói rằng sự hiện diện của các nạn nhân sống sót là một phần quan yếu của trải nghiệm. Ngài nói thêm “Chúng ta không thể không lắng nghe các nạn nhân sống sót”. Đức Tổng Giám Mục Scicluna nhấn mạnh “dù sao, thay đổi cõi lòng mới là điều quan trọng”. Chúng ta cần động lực đúng đắn và, vì để được điều đó, chúng ta cần lắng nghe các giọng nói khác nhau - bao gồm giọng nói của phụ nữ, những người (trong trường hợp Hội Nghị này) đã mang đến “không khí tươi mát”.

Cha dòng Tên Hans Zollner, là thành viên của Ban tổ chức và Đứng đầu Trung tâm Bảo vệ Trẻ em tại Giáo hoàng Đại học Gregorian. Ngài đã nói tới “một bước nhảy vọt về phẩm và lượng dọc hành trình hàng thập niên, một bước nhẩy vọt sẽ tiếp tục”. Ngai nói, các thái độ đã thay đổi, và con người đã biến đổi: họ quyết tâm “trở về nhà và làm một điều gì đó về nó”.

Cha Zollner kết luận ngay bây giờ, “Chúng ta cần tập chú vào những gì chúng ta đã làm ở đây”, tại Hội Nghị ở Vatican và xử lý “các gốc rễ có hệ thống của vấn đề”. Những điều này, các chủ đề trong ba ngày của Hội Nghị, phản ánh cả vấn đề lẫn giải pháp: Trách nhiệm, Giải trình Trách nhiệm và Minh bạch.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
ĐGM Anphong Nguyễn Hữu Long về thăm quê quán cũ
Martino Lê Hoàng Vũ
10:42 25/02/2019
Giáo xứ Tân Phú Hòa: Niềm vui hồng ân Chúa Thánh Thần

“ Chúc các con thiếu nhi và anh chị em giáo dân luôn sống niểm vui có Chúa,anh chị em phải là những người vui tươi,dủ cho hoàn cảnh nào vẫn tin tưởng vào tình thương của Chúa” Đó là tâm tình của Đức cha An phong Nguyễn Hữu Long,Giám mục Giáo phận Vinh trong thánh lễ tại Giáo xứ Tân Phú Hòa, TGP. Sài Gòn.

Xem Hình

Chiều nay thứ bảy 23.2.2019, bà con giáo dân trong giáo xứ Tân Phú Hòa tham dự thánh lễ rất đông đảo.Trên từng khuôn mặt ai cũng rạng rỡ niềm vui tươi hạnh phúc.Niềm vui được tràn đầy hơn qua thánh lễ tạ ơn của Đức cha An Phong Nguyễn Hữu Long về thăm giáo xứ nhân dịp ngài vừa được bổ nhiệm làm Giám mục chính tòa Giáo phận Vinh. Vì giáo xứ Tân Phú Hòa là quê nhà của ngài, nơi ông bà cố anh chị em ngài đã từng sinh sống trong vài thập niên. Hôm nay cộng đoàn giáo xứ Tân Phú Hòa có 100 em được lãnh nhận bí tích Thêm sức, 64 em lớp Bao Đồng tuyên xưng đức tin và 28 Tuyên hứa Dự trưởng dạy giáo lý trong giáo xứ.

Lúc 18 giờ Thánh lễ được bắt đầu bằng cuộc rước, Đức cha chủ tế,quý cha và các em sắp được lãnh nhận bí tích Thêm sức tiến vào trong nhà thờ.

Trước khi bắt đầu thánh lễ, Đức cha An phong nói những tâm tình tri ân cha chánh xứ.Đức cha cũng diễn tả niềm vui của một người con thuộc giáo xứ Tân Phú Hòa mỗi lần về lại giáo xứ, nhất là ngài cảm thấy bầu khí sốt sắng thánh thiện của cộng đoàn phụng vụ.

Trong thánh lễ tạ ơn hôm nay cùng đồng tế với Đức cha An phong Nguyễn Hữu Long còn có Linh mục Giuse Nguyễn Văn Trọng chánh xứ Tân Phú Hòa, Linh mục Vinh sơn Nguyễn Văn Hùng dòng Don Bosco, linh mục Giuse Phùng Văn Thông Minh phó xứ Hà Nội- Xóm Mới, linh mục Giuse Tạ Huy Hoàng chánh xứ Thánh Bường cùng quý cha quê nhà giáo xứ Tân Phú Hòa.

Phần Phụng vụ Lời Chúa hôm nay là các bài đọc về Lễ Chúa Thánh Thần với bài Tin Mừng theo Thánh Gioan ( Ga 20.19-23 thuật lại câu chuyện Chúa Giêsu Phục sinh ban bình an và thổi hơi ban Thần Khí cho các tông đồ.

Huấn từ với các em sắp lãnh nhận bí tích Thêm sức và cộng đoàn,Đức Cha khai triển đề tài niềm vui.Hôm nay là ngày vui của chúng ta,các em lãnh nhận bí tích Thêm sức,cha mẹ và những người đỡ đầu.Tựu chung là niềm vui của cộng đoàn giáo xứ.Chúng ta được mời gọi sống niềm vui trong Chúa.Kitô hữu là con người của niềm vui,nhưng niềm vui không hệ tại ở những điều mau qu

a trong cuộc đời này như nhậu nhẹt, cờ bạc... Chúa Thánh Thần ban cho các em sắp lãnh nhận bí tích Thêm sức 7 ơn của Ngài.Đó là quà tặng vô cùng quý giá.Một trong những ơn Chúa Thánh Thần ban cũng có ơn của niềm vui,tức là ơn hoan lạc.Chúng ta được Chúa ban có nhiều điều kiện tốt đẹp như gần nhà thờ,ngày nào cũng có thánh lễ,vì thế, hãy tập cho mình siêng năng đi dự lễ mỗi ngày.Các em thiếu nhi thiếu niên cũng vậy, chúng ta tìm kiếm niềm vui trong việc siêng năng tham dự thánh lễ,học hỏi giáo lý,sống bầu khí cộng đoàn thờ phượng Thiên Chúa.

Sau đó là Nghi thức ban bí tích Thêm sức,kế đến là phần các em Bao Đồng Tuyên xưng Đức tin trọng thể,các em Dự Trưởng tuyên hứa chính thức gia nhập Giáo Lý Viên Huynh Trưởng trong giáo xứ.

Thánh lễ tiếp nối với phần Phụng Vụ Thánh Thể

Sau lời nguyện hiệp lễ,ông Chủ tịch HĐMVGX Tân Phú Hòa có những lời chúc mừng Đức cha An Phong trong sứ vụ Giám mục chính tòa Giáo phận Vinh.Hôm nay Đức cha về giáo xứ Tân Phú Hòa như là “vinh quy bái tổ”, cộng đoàn giáo xứ cùng với Đức cha dâng lời tạ ơn Chúa. Và cộng đoàn giáo xứ Tân Phú Hòa cũng hết lòng tri ân Đức cha vì tình thương Đức cha đã dành cho cộng đoàn giáo xứ qua những cuộc thăm viếng và thánh lễ và nhất là Đức cha đã ban bí tích Thêm sức cho con em chúng con trong giáo xứ.

Đức cha An Phong đáp từ với những lời cám ơn cha xứ và cộng đoàn giáo xứ, ngài cầu chúc cộng đoàn giáo xứ Tân Phú Hòa ngày càng phát triển hơn nữa như với tên gọi, Tân Phú Hòa có nghĩa là ngày càng giàu có an hòa yêu thương, luôn tươi mới trong ơn Chúa Thánh Thần.

Thánh lễ tạ ơn kết thúc vào gần 20 giờ. mọi người ra về trong niềm vui vì cảm nghiệm được Thiên Chúa luôn nâng đỡ và gìn giữ mỗi người.

Martinô Lê Hoàng Vũ
 
Văn Hóa
Tân Tòng “Chúa” ! Cho Một Người Vừa Đi Xa
Sơn Ca Linh
10:56 25/02/2019
Tân Tòng “Chúa” ! Cho Một Người Vừa Đi Xa

Ngôn ngữ Việt nam thường thêm chữ “chúa” (viết thường) sau hoặc trước vào một danh xưng, công việc, đơn vị…nào đó để ngụ ý : người đó, vật đó, công việc đó, đơn vị đó rất…rất quan trọng, rất đúng, rất thật, rất nhiều, rất chính danh, rất…v.v…
Ví dụ :
- Ong “chúa” : là con ong đầu đàn, quan trọng nhất trong bầy.
- Rắn hổ “chúa” : là loài rắn hổ độc nhất, hung dữ nhất trong các loài rắn hổ.

Và người ta vẫn thường nói :
- Đó là một tay “ăn trộm chúa”.
- Tên đó là một gã “tham nhũng chúa”.
- Tay nầy là một tên “cọng sản chúa”…

Hoặc :

- Tao “chúa” ghét cái bọn Bắc Kỳ.
- Đúng là một tên “chúa” ở dơ.
- Con mẹ đó “chúa” hà tiện…

Riêng tại giáo xứ Tuy Hoà, trong một dịp Đại hội Tân Tòng hàng năm, có một anh gia trưởng Công Giáo tự xưng mình là “tân tòng chúa”, để muốn nói với mọi người rằng : tôi là một tân tòng lâu năm, tân tòng thứ thiệt, tân tòng mà giữ đạo đàng hoàng và rất có uy tín.

Khi nhắc tới anh “tân tòng chúa” nầy thì giới chức việc, các anh em trong ban Truyền thông…chắc không ai là không nhận ra đó chính là anh Gioakim Võ Văn Hào, còn có biệt danh “Dư Hào” (Thường được gọi là “Dư” thôi, để phần nào phân biệt với ông nhạc vợ của anh cũng mang tên “Hào” !).

Mà đúng vậy. Là một tân tòng, nhập đạo để lấy vợ Công Giáo (Chị Danh), nhưng anh “tân tòng chúa” nầy được cả gia đình bên vợ thương yêu kính trọng và gần như giao cho trách nhiệm quản trị công việc đời cũng như đạo : hôn quan tang tế !

Là một một người tài hoa, đa tài, nhất là năng khiếu trang trí, hội hoạ, kiến trúc…lại có khiếu hài hước cùng với tấm òng quảng đại, bao dung và hoà hợp với mọi người, bạn hữu, nên anh “tân tòng chúa” nầy gần như được mọi người trong giáo xứ Tuy Hoà thương mến, trân trọng : từ cha sở, cha phó, đến quý chức, các hội đoàn, bạn hữu.

Mỗi mùa Giáng Sinh, người ta thấy anh bỏ ra có khi cả 2 tháng trước để lầm lũi âm thầm, có khi một mình, có khi kéo cả vợ con, thực hiện các hạng mục trang trí Giáng Sinh, mỗi năm mỗi bắt mắt, cách điệu, hấp dẫn. Làm việc vừa có phương pháp khoa học, tính mỹ thuật cao, lại có tầm nhìn và chiều sâu văn hoá, đức tin…nên, các “tác phẩm” của anh đều chinh phục được sự mến mộ của mọi người.

Mà không chỉ chăm chăm lo cho giáo xứ Tuy Hoà thôi đâu ! Nơi nào cần đến, anh chẳng hề từ nan. Giáng Sinh năm 2014 anh ra tận Quảng Ngãi, dành cả tháng để giúp các hạng mục trang trí cho giáo xứ cách xa quê anh đến 300 cây số.

Điều đáng trân quý, đó là anh luôn chu toàn trách nhiệm trong sự thanh thản, vui tươi, không bao giờ than phiền, chê trách, đố kỵ, bất mãn. Chỉ trong khía cạnh nầy thôi, danh xưng “tân tòng chúa” dành cho anh quả là thích hợp. “Tân tòng chúa” nầy còn lèo lái một gia đình hạnh phúc và đạo đức. Vợ và các con đều noi gương “tân tòng chúa” dấn thân vào các sinh hoạt mục vụ giáo xứ.

Riêng trong nhóm bạn truyền thông, gần như không có cuộc họp mặt nào vắng anh; và cũng vì thế, không bao giờ họp mặt mà thiếu tiếng cười.

Nghe tin anh mất vào sáng sớm ngày 25.02.2019. Rất nhiều người tiếc thương và hụt hẫng. Để ghi niệm về anh, xin có đôi dòng chia sẻ cùng với bài thơ tiển biệt anh :

CHO MỘT NGƯỜI VỪA “ĐI XA” !
(Tưởng niệm về anh Gioakim Võ Văn Hào, cựu chức việc - thành viên ban truyền thông giáo xứ Tuy Hoà, vừa về với Chúa hôm nay tại Mỹ (2 giờ sáng 25.02.2019, giờ Việt Nam)

Cứ tưởng bọn mình,
Sẽ rong chơi cho đến tận cùng thế giới.
Cùng ngắm bình minh lên,
Hay bên nhau những hoàng hôn đứng đợi.
Đợi mùa xuân đến, đợi chiếc thuyền câu,
Đợi ly rượu nồng ấm áp bên nhau,
Vài con cá giò (kình) lênh đênh giữa biển !

Nhưng rồi, đường nhân thế
luôn ngang dọc những vết hằn đau điếng.
Chưa đủ hàn huyên mà đã vội chia xa,
Bình chưa cạn rượu bỗng ngấm chua cay,
Thì ra ! Bếp lửa nhân quần nay đã tắt ?

Cho dẫu biết,
“Một cõi đi về” luôn giăng mắc,
Kiếp phù sinh loài hoa cỏ chóng tàn !
Nhưng “kẻ ở người đi”, lòng ai chẳng xốn xang !
Và hẫng hụt,
Có phải không “một người vừa nằm xuống” ?

Thôi nhé,
Anh bình an chuyến tàu về “viễn xứ”,
Rồi chúng mình “ga cuối” sẽ gặp nhau.
Khói hương thơm hoà lời kinh nhỏ nguyện cầu,
Vẫn có nhau “nối linh thiêng vào đời”, anh nhé !

Sơn Ca Linh
Qui Nhơn 25.2.2019




 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Sỏi Đá
Tấn Đạt
09:24 25/02/2019
SỎI ĐÁ
Ảnh của Tấn Đạt

Tình ta sỏi đá vững bền
Mặc cho sóng gió chẳng hề đổi thay.
(bt)
 
VietCatholic TV
TV Thời Sự Giáo Hội và Thế Giới Ngày Nay, 25/2/2019: Tóm lược về Hội Nghị Thượng Đỉnh Bảo Vệ Trẻ Em Trong Giáo Hội
VietCatholic Network
00:18 25/02/2019
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây


VietCatholic xin kính chào quý vị và anh chị em trong tình yêu thương của Chúa Kitô và Mẹ Maria. Kính thưa quý vị và anh chị em, chương trình Truyền Hình của chúng tôi hôm nay gồm có các tin chính như sau:

1- Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha, Chúa Nhật ngày 24/2/2019.

2- ĐTC khai mạc Hội Nghị Thượng Đỉnh Bảo Vệ Trẻ Em Trong Giáo Hội.

3- ĐTC đưa ra 21 điểm quan yếu để Hội Nghị Thượng Đỉnh Bảo Vệ Trẻ Em Trong Giáo Hội thảo luận.

4- Diễn tiến ngày đầu tiên của cuộc gặp gỡ bảo vệ trẻ em trong Giáo Hội.

5- Cuộc gặp gỡ bảo vệ trẻ em trong Giáo Hội, ngày thứ hai.

6- Cuộc gặp gỡ bảo vệ trẻ em trong Giáo Hội, ngày thứ ba.

7- Kinh thánh có thể truy cập bằng 3362 ngôn ngữ.

8- Đức Cha Giuse Trần Văn Toản, GM chính tòa Long Xuyên.

9- Giới thiệu Thánh Ca: Khúc Ca Tạ Ơn.
 
Giáo Hội Năm Châu 25/02/2019: Ma-rốc đang mong chờ chuyến thăm của Đức Thánh Cha
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
00:59 25/02/2019
1. Đất nước Ma-rốc đang mong chờ chuyến thăm của Đức Thánh Cha đến thăm vào 30-31 tháng 3

Đất nước Ma-rốc đang mong chờ chuyến thăm của Đức Thánh Cha đến thăm vào 30-31 tháng 3

Cha Matteo Revelli, một linh mục Truyền giáo Châu Phi, chính xứ nhà thờ Thánh FrançoisQueryssise ở Fès, cho Fides News Agency hay ngày 14 tháng 2 năm 2019 rằng: Cộng đồng Công Giáo đang chờ đợi chuyến viếng thăm sắp tới của Đức Phanxicô, tông du đất nước này vào các ngày 30-31/3/2019 trong niềm vui, cởi mở, bác ái, yêu thương vô điều kiện.

Năm nay, tôi đã nỗ lực hướng dẫn cho 450 thầy đại chủng sinh hoạt động cho người di cư nghèo túng ở Fès. Cho đến tháng 7/2018, gần một ngàn người trong số họ đã có những căn lều tạm trên khu đất bỏ hoang, ngay bên cạnh ga xe lửa thành phố làm nơi tạm trú. Nhưng vì không có nước và đèn điện nên họ buộc phải rời khỏi nơi này đến tạm định cư ở một trại tập trung của thành phố, ít ra họ có một ít nước và đèn điện.

Thành phố Fès vào mùa đông thì rất lạnh và điều kiện sinh sống cho những người tỵ nạn thì rất bấp bênh và đầy khó khăn. Theo linh mục Revelli cho hay: Ngoài tổ chức của Caritas, họ cần nhiều nguồn trợ lực và nhân lực... Một số tình nguyện viên của Caritas ở Rabat đã trợ giúp về y tế, thực phẩm và quần áo. Cha cũng cho hay các hoạt động đã mở rộng với sự tham gia của Giáo hội Tin lành địa phương: Hiện tại, cùng với một nhóm tình nguyện viên, chúng tôi cung cấp một bữa ăn cho 45 người mỗi ngày, cũng như giúp cho khoảng hai mươi người có phương tiện tắm rửa hàng tuần. Đầu bếp là một người mẹ cũng di cư: cô ấy nấu ăn và phục vụ các bữa ăn cho các người tỵ nạn trong khu phố. Phòng ăn là phòng ngủ của cô; sau khi trẻ em và người di cư về lại chỗ tạm trú của họ thì căn phòng trở thành phóng ngủ của cô. Vào mỗi buổi sáng, người trợ giúp của tôi phân phát 45 phiếu nhận phần ăn uống cho những người có nhu cầu cần thiết nhất.

Cha Revelli cho hay: Vì dịch vụ hỗ trợ thật cấp bách trong tình hình ngày càng trở nên trầm trọng vì số người được lãnh phần ăn chỉ có là 45 trong số 250 người di cư trong khu phố đông đúc này, nên mỗi đêm thường xảy ra những tranh tụng về một phần ăn. Trong khu phố cũng có rất nhiều người Ma-rốc quá nghèo đang ước muốn có một bữa ăn tương tự...

2. Tuyên bố của Giáo phận Salina về tình trạng cư trú của Mr. McCarrick

Theodore McCarrick, cựu Tổng Giám mục của Washington, DC, người vừa bị Đức Giáo Hoàng Phanxicô trục xuất khỏi hàng giáo sĩ vì lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên và người lớn, sẽ tiếp tục sống tại cư xá dành cho các tu sĩ dòng Phanxicô Capuchin ở Victoria, Kansas, nơi ông chuyển đến vào tháng 9 năm ngoái.

Giáo phận Salina đã đưa ra một tuyên bố vào hôm thứ Bảy 16 tháng Hai rằng: “Ông McCarrick sẽ tiếp tục cư trú tại Tu viện Thánh Fidelis ở Victoria, Kansas cho đến khi quyết định cuối cùng về nơi thường trú của ông được hoàn tất.”

Tu viện Thánh Fidelis được điều hành bởi dòng Phanxicô Capuchin.

Tuyên bố cũng nói rằng Đức Cha Gerald Vincke, Giám Mục giáo phận Salina, “bày tỏ lòng biết ơn của mình đối với các tu sĩ dòng Phanxicô Capuchin tại Tu viện Thánh Fidelis trước tình hình khó khăn này.”

Vẫn chưa có thông tin cụ thể về việc cựu giáo sĩ McCarrick, năm nay gần 89 tuổi, sẽ sống như thế nào trong những ngày sắp tới, mặc dù ông được tường thuật là có đủ các phương tiện tài chính để sống độc lập theo ý mình. Những câu hỏi quan trọng liên quan đến khả năng tài chính của McCarrick - một người rất thành công trong việc gây quỹ - không thể có câu trả lời. Theo thông tấn xã Catholic News Agency, vô phương mà biết được ông ta đã thu góp được bao nhiêu trong suốt hơn sáu thập kỷ làm giáo sĩ.

Vào buổi trưa ngày thứ bảy, Giám đốc lâm thời của Văn phòng Báo chí của Tòa thánh, Alessandro Gisotti, đã xuất hiện trước các phóng viên để đọc thông cáo của Bộ Giáo Lý Đức Tin bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau.

Nói bằng tiếng Anh, ông Gisotti cho biết quy trình tố tụng trong Bộ Giáo lý Đức tin có thể là một trong hai hình thức. Hình thức tư pháp thông thường là thông qua các phiên xử giáo luật. Hình thức thứ hai là hình thức ngoại thường thông qua một thủ tục tố tụng hành chính được áp dụng khi các bằng chứng phạm tội đã quá hiển nhiên. Hình thức thứ hai đã được áp dụng trong trường hợp của McCarrick nhưng ông Gisotti nhấn mạnh rằng: “Tất cả các quyền chính đáng của ông ấy đều được tôn trọng. Tôi có thể khẳng định rằng luật sư của McCarrick, đóng vai trò tích cực trong quá trình thẩm vấn”

Ông Gisotti cũng nói thêm rằng: “Tôi xin nhấn mạnh rằng quyết định này là chung cuộc, không thể kháng cáo.”

Ông Giám Đốc lâm thời của Phòng Báo Chí Tòa Thánh cũng đã trích dẫn một thông cáo ngày 6 tháng 10 năm 2018 từ Văn phòng Báo chí của Tòa Thánh, trong đó tuyên bố rằng “Sự lạm dụng và cả sự che đậy tội ác này không còn có thể dung thứ được và một cách đối xử biệt đãi dành riêng cho các Giám mục đã phạm tội hoặc bao che tội lỗi lạm dụng, trên thực tế tiêu biểu cho một hình thức của chủ nghĩa giáo sĩ trị không còn có thể chấp nhận được.”

3. Đức Phanxicô khoan hồng cho một linh mục đã từng bị Đức Gioan Phaolô II điểm mặt và treo chén

Đức Thánh Cha Phanxicô đã phục hồi cho cha Ernesto Cardenal, một nhà thơ linh mục mê say cộng sản đã từng bị Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II treo chén khoảng 35 năm trước vì không chịu rời bỏ chức vụ trong chính phủ cộng sản Sandinista tại Nicaragua.

Linh mục Cardenal, hiện đã 94 tuổi và sắp chết, đã bị vị Giáo Hoàng Ba Lan cấm cử hành Thánh lễ và ban các phép bí tích vào năm 1984.

Cha Cardenal sinh năm 1925, trong một gia đình thượng lưu tại Granada, Nicaragua. Ngài đã từng du học tại Managua, Mễ Tây Cơ và Hoa Kỳ. Năm 1950, sau khi theo học 2 năm tại New York, ngài về nước bí mật tham gia vào phong trào cộng sản và tham dự vào cuộc đảo chính tháng Tư, 1954 nhằm lật đổ tổng thống Anastasio Somoza García. Cuộc đảo chính thất bại, nhiều người thân bị giết, ngài bị truy nã nên trở lại Hoa Kỳ. Tại đây, ngài gia nhập Tu viện Giệtsimani của dòng Trap tại Kentucky. Năm 1959, ngài bỏ Tu viện này sang Mễ Tây Cơ theo học Thần học tại Cuernavaca.

Sau khi tổng thống Anastasio Somoza García bị ám sát, ngài trở về quê nhà và được thụ phong linh mục vào năm 1965 tại quê nhà Granada. Cha Cardenal được cử chăm sóc mục vụ cho người dân tại quần đảo Solentiname, nơi đa số là dân nghèo. Cuốn “El Evangelio en Solentiname” – (Tin Mừng của người Solentiname) được viết vào thời kỳ này. Cuốn sách phản ảnh những kỳ vọng hoang tưởng của ngài vào khả năng của chủ nghĩa cộng sản trong việc chấm dứt tình cảnh lầm than của dân nghèo. Đối với các Giám Mục Nicaragua, cuốn “Tin Mừng” này là một điều đáng âu lo: Nó bóp méo những giá trị chân thật của Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô dưới ‘bóng tối” [chứ không phải là ánh sáng] của học thuyết cộng sản.

Ngày 17 tháng Bẩy 1979, cộng sản chiếm được thủ đô Managua. Hai ngày sau đó, chính phủ cộng sản ra mắt dân chúng. Hàng giáo phẩm Nicaragua và người Công Giáo tại quốc gia này ngỡ ngàng thấy cha Ernesto Cardenal được giới thiệu là Bộ trưởng Văn Hoá. Em trai, nhỏ hơn ngài 9 tuổi, là linh mục dòng Tên Fernando Cardenal được giới thiệu là Bộ trưởng Giáo dục.

Cũng như ở tất cả các nước cộng sản khác, sau khi nắm được chính quyền. Bọn cộng sản Mác Sandinista thực thi một chính sách đàn áp dã man Giáo Hội tại quốc gia này.

Tấm hình bên cạnh là một tấm hình lịch sử. Khi Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đến thăm Nicaragua vào tháng Ba năm 1983, trong một cử chỉ đầy kịch tính cha Ernesto Cardenal, Bộ trưởng Văn Hoá cộng sản, quỳ trước mặt Đức Gioan Phaolô II để chào đón ngài.

Theo tiến sĩ George Weigel, người viết tiểu sử Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, toàn bộ là một vở kịch của cộng sản. Trong tính toán của chúng, Đức Gioan Phaolô II chắc không biết Ernesto Cardenal là ai. Trước một người quỳ gối trước mặt ngài như thế, ngài chắc sẽ ban phép lành cho y hay ít nhất cũng có một vài cử chỉ thân thiện nào đó. Hình ảnh đó sẽ được guồng máy tuyên truyền của cộng sản diễn dịch như thể Đức Giáo Hoàng chúc phúc cho Ernesto Cardenal và công việc của ông.

Đó là một tính toán sai lầm. Vị Giáo Hoàng Ba Lan không để mình bị lọt bẫy. Ngài chỉ thẳng vào mặt Ernesto Cardenal nói dõng dạc bằng tiếng Tây Ban Nha “Usted tiene que arreglar sus asuntos con la Iglesia” – “Ông phải làm hòa với Giáo Hội”.

Linh mục dòng Tên Fernando Cardenal đứng ngay gần bên, định quỳ xuống đóng kịch như anh, thấy không xong, lảng đi chỗ khác, bỏ lại người anh đang bơ mặt ra ngượng ngùng tê tái.

Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II còn yêu cầu Hội Đồng Giám Mục Nicaragua buộc hai anh em nhà Cardenal phải từ bỏ các chức vụ trong chế độ cộng sản. Cả hai đều bất tuân lệnh của các Giám Mục. Do đó, dòng Tên ra quyết định trục xuất Fernando Cardenal.

Ngày 4 tháng Hai, 1984, đích thân vị Giáo Hoàng Ba Lan ra lệnh treo chén cả hai anh em nhà Cardenal theo giáo luật 285 triệt 3: “Các giáo sĩ bị cấm đảm nhận các chức vụ công quyền đòi hỏi phải tham gia vào việc thực thi quyền lực dân sự”

Ernesto Cardenal vẫn tiếp tục là Bộ trưởng Bộ Văn hóa cho đến năm 1987, khi Bộ của ông bị đóng cửa vì lý do kiệt quệ kinh tế. Em trai ngài, linh mục Fernando Cardenal, đã qua đời ngày 20 tháng Hai, 2016.

Quyết định khoan hồng cho Ernesto Cardenal của Đức Thánh Cha Phanxicô, có lẽ xuất phát từ lòng thương xót, dựa trên các báo cáo là ông đang hấp hối. Quyết định này đã được chào đón một cách lạnh nhạt tại Nicaragua, nơi Giáo Hội trong những ngày này vẫn tiếp tục đụng độ với Daniel Ortega.

Thật thế, Daniel Ortega, là một lãnh tụ cộng sản trong phong trào Mác Sandinista đã lật đổ chế độ độc tài của tướng Anastasio Somoza Debayle, và đã cai trị Nicaragua từ năm 1979 cho đến năm 1990 khi trào lưu cộng sản bị lật nhào trên quy mô toàn thế giới.

Trong những năm sau đó, Daniel Ortega đã diễn nhiều vở kịch hay: tuyên bố sám hối vì tội lỗi với Giáo Hội Công Giáo, đi nhà thờ, tham dự các nghi lễ tưởng niệm. Nhờ khả năng diễn xuất quá thành công, nhờ những khó khăn trong buổi đầu chuyển từ thời cộng sản sang kinh tế thị trường tự do, Ortega lại dần dần lấy lại được uy tín và giành được thắng lợi trong các cuộc bầu cử tổng thống năm 2006 và 2011.

Ngồi vững trở lại trên quyền lực, Daniel Ortega lại bắt đầu những chiến dịch đàn áp Giáo Hội một cách tinh vi và nham hiểm hơn.

4. Đức Giáo Hoàng Phanxicô xin mọi người cầu nguyện cho Hội Nghị Thượng Đỉnh về lạm dụng tình dục

Ngày 17 tháng Hai vừa qua, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã xin các tín hữu cầu nguyện cho hội nghị bàn về việc che chở trẻ em được dự định tổ chức trong các ngày 21 tới 24 tháng Hai này, với sự tham dự của các chủ tịch các hội đồng Giám Mục thế giới.

Ngài nói: “Từ thứ Năm tới cho đến Chúa Nhật, một hội nghị sẽ diễn ra tại Vatican gồm các Chủ Tịch của mọi Hội Đồng Giám Mục, bàn về vấn đề bảo vệ các vị thành niên trong Giáo Hội. Tôi mời gọi anh chị em cầu nguyện cho hội nghị này, một hội nghị tôi muốn là một hành vi trách nhiệm mục vụ mạnh mẽ trước một thách đố cấp bách của thời ta”.

Trước đó một ngày, Giám đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh, Alessandro Gisotti, đã gặp gỡ các nhà báo. Nhân dịp này, một tuyên bố cũng đã được đưa ra, nội dung như sau:

Hội nghị tháng Hai về việc bảo vệ các vị thành niên có một mục đích cụ thể: mục tiêu là mọi Giám Mục hiểu rõ điều các ngài cần làm để ngăn ngừa và chống trả vấn đề hoàn cầu về việc lạm dụng tình dục các vị thành niên. Đức Giáo Hoàng Phanxicô biết rằng một vấn đề hoàn cầu chỉ có thể được giải quyết bằng một giải pháp hoàn cầu. Đức Giáo Hoàng muốn đây là một cuộc hội họp của các Mục Tử, chứ không phải là một hội nghị học thuật – một cuộc hội họp có đặc điểm là cầu nguyện và biện phân, một cuộc hội họp giáo lý và làm việc.

Điều nền tảng đối với Đức Thánh Cha là các Giám Mục, những vị đến Rôma sau đó trở về đất nước và giáo phận của các ngài, hiểu các luật lệ cần được áp dụng và đưa ra các biện pháp cần thiết để ngăn ngừa việc lạm dụng, săn sóc các nạn nhân, và bảo đảm để không một trường hợp nào được che đậy hay chôn vùi.

Về các hoài mong cao đã được tạo ra quanh Hội Nghị, điều quan trọng phải nhấn mạnh là Giáo Hội không phải chỉ mới bắt đầu cuộc tranh đấu chống việc lạm dụng. Hội Nghị chỉ là một giai đoạn trên cuộc hành đình đau đớn mà Giáo Hội đã không ngừng và cương quyết dấn thân hơn 15 năm qua.

5. Ban Tổ Chức Hội Nghị họp báo

Sau đó 2 ngày, tức ngày 18 tháng Hai, cũng tại Phòng Báo chí Tòa Thánh, đã có cuộc họp báo của ban tổ chức Hội Nghị Thượng Đỉnh Bảo vệ các Vị thành niên.

Trong cuộc họp báo này, Cha Lombardi, điều hợp viên của Hội nghị, công bố chương trình, các tham dự viên và các diễn giả và cho biết báo chí cũng như các quan sát viên và tín hữu quan tâm có thể vào trang mạng pbc2019.org, đã được chuyên biệt phát động để gặp gỡ, thu lượm tin tức, tài liệu về chính Hội nghị và vấn đề chủ chốt.

Đức Tổng Giám Mục Scicluna thì nhắc nhở các người hiện diện “Đây là một giai đoạn của một diễn trình tổng thể rộng lớn hơn”

Các buổi họp báo hàng ngày để tiếp đón số lượng rất đông báo chí sẽ diễn ra tại phòng Augustianum gần Quảng Trường Nhà Thờ Thánh Phêrô. Hiện diện hàng ngày, ngoài 1 vị khách sẽ được công bố một ngày trước, sẽ có Ông Alessandro Gisotti, Giám đốc Phòng Báo Chí, Ông Paolo Ruffini, Bộ trưởng Bộ Truyền Thông, Cha. Lombardi and Đức Tổng Giám Mục Charles Scicluna.

Tại Hội Nghị, mỗi ngày sẽ bắt đầu bằng việc cầu nguyện, sau đó, có hai góp ý (interventions) vào buổi sáng, và một góp ý vào buổi chiều, mỗi góp ý sẽ được tiếp nối bằng một buổi hỏi đáp, rồi chia nhóm thảo luận theo ngôn ngữ. Các cao điểm trong các ngày này sẽ là Phụng Vụ Thống Hối chiều Thứ Bẩy và Thánh Lễ sáng Chúa Nhật. Đức Giáo Hoàng sẽ giảng một bài giảng trong 1 trong 2 biến cố này; sau Thánh Lễ buổi sáng và Kinh Truyền tin buổi trưa, Đức Giáo Hoàng sẽ có diễn văn bế mạc. Một số nạn nhân, cả nam lẫn nữ, sẽ hiện diện trong các buổi cầu nguyện. Ban tổ chức sẽ gặp một số nạn nhân và những người bênh vực họ trước Hội Nghị, và điều hợp viên, tức Cha Lombardi, đã đề nghị với các nạn nhân mang theo sứ điệp viết tay của họ và phân phối cho các vị dự họp.

Một vài khoảnh khắc của Hội Nghị có thể theo dõi trên truyền hình trực tiếp (streaming): các buổi cầu nguyện buổi sáng, lời giới thiệu ngắn của Đức Thánh Cha hôm đầu tiên, mọi góp ý của Tường Trình Viên, Phụng Vụ Thống Hối và diễn văn bế mạc của Đức Thánh Cha vào ngày cuối cùng.

Các vị trong ban tổ chức nhấn mạnh rằng đã có sẵn các chỉ dẫn và qui định hữu hiệu, nhất là chính sách tuyệt đối không khoan nhượng đối với việc lạm dụng tình dục vị thành niên và đối với việc thiếu trách nhiệm của các giám mục trong tự sắc ‘Giống Một Bà Mẹ Đầy Yêu Thương’ năm 2016 của Đức Phanxicô.

Vấn đề là các hướng dẫn này phải được tuân giữ trọn vẹn chứ không được làm ngơ. Trong khi một số nơi trên thế giới, nhất là tại các nước nói tiếng Anh, và một số nước ở Châu Âu tuân giữ, thì các nơi khác chưa thi hành.

6. Các câu hỏi và trả lời về đồng tính

Được hỏi: 80% các vụ lạm dụng liên hệ tới các bé trai, như vậy vấn đề đồng tính có được bàn đến hay không, Đức Hồng Y Cupich trả lời rằng “đúng là phải nhìn nhận rằng một phần trăm khá lớn các vụ lạm dụng là lạm dụng của nam đối với nam, nhưng đồng thời, theo các báo cáo chuyên nghiệp như Báo Cáo John Ray hay Ủy Ban Hoàng Gia Úc, đồng tính cũng chỉ là một nhân tố góp phần vào việc lạm dụng y như các nhân tố khác”.

Ngài nhắc nhở rằng những vụ rất lan tràn ở Hoa Kỳ trong các thập niên 1960, 1970 nay đã giảm một cách đáng kể nhờ áp dụng các biện pháp hữu hiệu trong việc đào tạo linh mục, giám mục, nam nữ tu sĩ và cá người giữ trọng trách trong Giáo Hội. Ngài nói: từ năm 2002 trở đi, “chúng ta thấy một sự giảm thiểu khổng lồ”, chỉ còn khoảng 5 vụ 1 năm, riêng năm 2017 có 7 vụ nhưng 4 vụ phạm bởi cùng 1 linh mục.

Hỏi về việc vi phạm của chính các nhân viên ở Vatican, Đức Tổng Giám Mục Scicluna nhấn mạnh: “Rôma cần biết rằng điều họ yêu cầu nơi các giáo hội địa phương, họ cần áp dụng ngay trong nhà”.

Cha Zollner thì cho hay: “Các hướng dẫn và thực hành cần được thực thi khắp thế giới. Ở đây, chúng ta có nhiều người từ Tây Phương. Nhưng việc này cần sự chú ý và phản ứng không chỉ từ Bắc và Nam Mỹ, và Trung Âu, nhưng từ xa hơn thế”.

Được hỏi về 1 cuốn sách gần đây nói về sự giả hình của hàng giáo phẩm trong Giáo Hội, không những không giữ độc thân mà đôi khi còn đồng tính luyến ái và điều này lên sức cho việc che đậy, Đức Tổng Giám Mục Scicluna bắt đầu nói rằng “Tôi điều tra các vụ [lạm dụng], chứ không điều tra việc che đậy chúng”. Nhưng sau đó, cho biết rõ: “một hệ thống bảo vệ hay ra sức che đậy cần phải bãi bỏ và chúng ta phải kết án nó”.

Được hỏi trong số 190 tham dự viên, chỉ có 10 phụ nữ, Đức Tổng Giám Mục Scicluna và Đức Hồng Y Cupich đồng ý nên có nhiều phụ nữ hơn. Tuy nhiên các vị cho rằng các vị phó hội, trước khi đến đây, đã tham khảo các chuyên viên giáo dân, đa số là phụ nữ. Các ngài thừa nhận rằng chính phụ nữ giúp các ngài phát triển chuyên môn về chủ đề này và với việc đưa ra quyết định trong các vụ lạm dụng. Cha Zollner thì nhận định: “Các phụ nữ, nhất là các nữ tu ở Á Châu và Phi Châu có tầm quan trọng nhất trong việc bảo vệ”.

7. Đức Thánh Cha cảnh báo sự thờ ngẫu tượng, và nhấn mạnh chính Chúa Giêsu gọi mời chúng ta tới Hạnh phúc

Suy tư về Tin Mừng theo Thánh Luca của Chúa Nhật, trong đó Chúa Giêsu công bố Hiến Chương Nước trời của Ngài qua Tám mối Phúc Thật.

Đức Thánh Cha Phanxicô giải thích tại sao Chúa Giêsu lại tuyên dương phúc cho những ai nghèo khó, cho những ai đói khát, cho người đau khổ, cho những ai bị bắt bớ trong khi Ngài khuyến cáo những kẻ giàu có, những kẻ sung túc, những kẻ vui cười và được người ca ngợi tung hô.

Chúa đã dùng cụm từ “Khốn cho ai”, để gửi đến họ một tín hiệu, một sự “đánh thức” họ khỏi sự lừa dối nguy hiểm của ích kỷ hầu hướng họ tới viễn ảnh tình yêu, trong khi họ vẫn còn thời gian để thực hành yêu thương.”

Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng qua đoạn Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay, Chúa mời gọi chúng ta suy ngẫm về ý nghĩa sâu sắc của đức tin, trong sự tín thác hoàn toàn vào Chúa. .. và chỉ một mình Ngài mới có thể mang lại cho chúng ta sự tròn đầy của mọi khát vọng, một điều mà chúng ta khó mà tiến đạt tới được.

Mối nguy của sự thờ ngẫu tượng

Đức Thánh Cha lưu ý chúng ta ngay cả ngày hôm nay, có rất nhiều người tự cho mình là kẻ phân phát hạnh phúc. Họ hứa sẽ giúp người khác tiến đạt thành công một cách nhanh chóng! Đức Thánh Cha nói những phương thế dẫn tới những lợi nhuận chấp nhoáng, bất luận thông qua bằng những con đường tội lỗi là chống lại điều răn thứ nhất, đó là tôn thờ ngẫu tượng, chứ không tôn thờ một mình Thiên Chúa hằng sống.

Đó là lý do Chúa Giêsu muốn mở mắt chúng ta ra nhìn thấy được thực tại, chúng ta được kêu gọi đến hạnh phúc, nhận được ơn phước và tiến về Thiên Chúa, về Vương quốc của Ngài, chọn một cuộc sống vĩnh cửu thay vì của cải phù du trần thế! Đức Thánh Cha nói tiếp: chúng ta hạnh phúc vì chúng ta nhận biết chúng ta cần Chúa và giống như Chúa, chúng ta gần gũi với người nghèo, khổ đau và đói khát.

Tám mối phúc thật là một thông điệp cho đường đời

Đức Thánh Cha Phanxicô kết luận: Tám mối phúc thật của Chúa là một thông điệp tiên quyết, thúc đẩy chúng ta không đặt niềm tin vào vật chất nhất thời, không tìm kiếm hạnh phúc chóng qua của người đời, sống ảo!

Đức Thánh Cha nói: Để có được một cái nhìn sâu sắc về thực tại, để chữa lành những cơn bện kinh niên trần tục đang vây bủa chúng ta. Chính trong những Lời nghịch lý của Tám mối, Chúa đánh động tâm cam chúng ta, khiến chúng ta nhận ra những gì thực sự làm cho chúng ta được sung mãn, hạnh phúc và mang lại cho chúng ta sự sung mãn hạnh phúc tròn đầy của những người con cái Thiên Chúa.

8. Sứ Thần Tòa Thánh tại Pháp bị cáo buộc lạm dụng tính dục trong trường hợp lảng xẹt.

Tờ Le Monde trong số ra ngày thứ Sáu 15 tháng Hai cho biết Đức Tổng Giám Mục Luigi Ventura, 74 tuổi, là Sứ thần Tòa Thánh tại Pháp đang bị điều tra “tấn công tình dục” trong một trường hợp được một số ký giả Công Giáo thuộc hệ thống truyền hình KTO ghi nhận là “lảng xẹt”.

Ngày 17 tháng Giêng, Đức Tổng Giám Mục Luigi Ventura tham dự lễ tuyên thệ nhậm chức của một thanh niên trẻ, tên là Patrick Klugman, được chọn làm giám đốc điều hành Tòa Đô Chính thủ đô Paris. Theo truyền thống tại Pháp, trong buổi lễ này có sự hiện diện của tổng thống, đại diện các tôn giáo, và đại diện của các cơ quan ngoại giao. Đức Sứ Thần Tòa Thánh có một vai trò quan trọng trong buổi lễ này.

Patrick Klugman tố cáo Đức Tổng Giám Mục Luigi Ventura đã có cử chỉ khiếm nhã khi ôm chúc mừng anh ta trong phòng tiếp tân rất đông người.

Cáo buộc của Patrick Klugman rất vô lý, vì biến cố này diễn ra ở chỗ đông người, có nhiều người khác cũng chúc mừng anh ta theo cùng một kiểu cách tương tự. Tuy nhiên, theo điều 40 của Bộ luật Tố tụng Hình sự quy định trách nhiệm của công tố viên khi xảy ra các tố cáo, công tố viên Rémy Heitz đã chính thức mở cuộc điều tra vào ngày 23 tháng Giêng.

Được biết Patrick Klugman là luật sư cho nhóm FEMEN, một nhóm nữ quyền quá khích thường chống phá Giáo Hội Công Giáo vì lập trường phò sinh chống phá thai của Giáo Hội.

Đức Tổng Giám Mục Luigi Ventura là người miền Lombardia, Italia, sinh ngày 9 tháng 12 năm 1944 tại Borgosatollo. Ngài được thụ phong linh mục lúc mới 25 tuổi tại giáo phận Brescia và phục vụ trong ngành ngoại giao Tòa Thánh từ năm 1978.

Ngài có bằng tiến sĩ về Văn Chương và Giáo Luật. Ngài đã từng phục vụ trong các tòa Sứ Thần Tòa Thánh tại Ba Tây, Bolivia và Anh Quốc cho đến năm 1984 khi được triệu hồi về làm việc tại Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh.

Ngày 25 tháng Ba, 1995, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nâng ngài lên hàng Tổng Giám Mục và bổ nhiệm ngài làm Sứ Thần Tòa Thánh tại Bờ Biển Ngà, Burkina Faso và Niger. Năm 1999, ngài được bổ nhiệm làm Sứ Thần Tòa Thánh tại Chí Lợi. Hai năm sau, ngài được bổ nhiệm làm Sứ Thần Tòa Thánh tại Canada.

Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 bổ nhiệm ngài làm Sứ Thần Tòa Thánh tại Pháp vào ngày 22 tháng Chín, 2009. Ngài giữ nhiệm vụ này cho đến nay.

Từ câu chuyện này có lẽ các cha nên cẩn thận hơn. Nhiều vị đứng chào anh chị em sau các thánh lễ hành xử “tây” quá. Bắt tay có lẽ đủ rồi, ôm làm gì! “Cẩn tắc vô ưu.”
 
Đức Thánh Cha ca ngợi bài thuyết trình của một phụ nữ giáo dân trong Hội Nghị Bảo Vệ Trẻ Vị Thành Niên
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
03:01 25/02/2019
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Quý vị và anh chị em đang theo dõi phóng sự đặc biệt về Hội Nghị Bảo Vệ Trẻ Vị Thành Niên Trong Giáo Hội đã được khai mạc hôm 21 tháng Hai tại phòng họp Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới tại Vatican.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Trong ngày 22 tháng Hai, là ngày thứ hai trong “Hội Nghị Bảo Vệ Trẻ Vị Thành Niên Trong Giáo Hội” tại phòng họp Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới tại Vatican, sau lời nguyện ban sáng, hội nghị đã nghe 3 bài thuyết trình tập trung vào trách nhiệm giải trình (accountability) của các giám mục bản quyền và bề trên dòng trong việc giải quyết những vụ tố cáo lạm dụng.

Đức Hồng Y Oswald Gracias, Tổng Giám Mục Bombay, Ấn Độ đã đọc bài thuyết trình đầu tiên trong ngày có nhan đề “Đoàn Thể Tính – Được sai đi cùng nhau”.

Trách nhiệm giải trình với nhau là mấu chốt của “đoàn thể tính - collegiality”. Ngài thúc giục các giám mục tạo ra và thúc đẩy ý thức trách nhiệm với nhau.

“Vì chúng ta thuộc về giám mục đoàn trong sự hiệp nhất với Đức Thánh Cha, tất cả chúng ta đều phải chia sẻ trách nhiệm giải trình. Chúng ta phải tự hỏi mình có thực sự tham gia vào một cuộc đối thoại cởi mở và thành thật với các giám mục anh em hoặc các linh mục của chúng ta không, khi chúng ta nhận ra các hành vi có vấn đề nơi họ?”

“Chúng ta nên nuôi dưỡng một nền văn hóa correctio fraterna (sửa lỗi huynh đệ) cho phép chúng ta sửa lỗi cho nhau mà không xúc phạm lẫn nhau.”

Ngài cũng đưa ra nhận xét rằng tai ương lạm dụng tính dục không phải chỉ là một vấn nạn của thế giới Tây phương. Đó cũng là vấn đề tại Á Châu và Phi Châu. Đoàn Thể Tính mời gọi chúng ta xem đây là vấn đề chung của toàn Giáo Hội để tìm ra các phương thế thích hợp.

Tiếp theo, Đức Hồng Y Blaise Cupich, Tổng Giám Mục Chicago đã trình bày bài thứ hai nhan đề: “Tính Công Nghị - Phản ứng cùng nhau”, phản ảnh những điều đã được các Giám Mục Hoa Kỳ đề cập đến nhiều lần; đó là lôi cuốn sự tham gia tích cực của anh chị em giáo dân, đặc biệt là các chuyên gia giáo dân, trong các ủy ban tái xét độc lập.

Tính công nghị (synodality), được Đức Hồng Y hiểu theo nghĩa là mọi thành phần dân Chúa đều tham dự vào hoạt động của Giáo Hội, “mời gọi chúng ta hãy cứu xét rộng rãi chứng từ của anh chị em giáo dân” ngõ hầu “có thể đẩy mạnh sứ mạng chúng ta muốn chu toàn”. Cụ thể, ngài nói: “Chúng ta phải du nhập sự tham gia rộng rãi của anh chị em giáo dân vào mọi nỗ lực để nhận ra và kiến tạo những cơ cấu giải trình để phòng ngừa nạn giáo sĩ lạm dụng tính dục.”

Đức Hồng Y Cupich đã trình bày một phác thảo về đề nghị “Tổng Giám Mục chính tòa”, tức là trao quyền cho vị Tổng Giám mục phụ trách giáo tỉnh quyền điều tra, truy tố và xét xử các giám mục thuộc các giáo phận trong giáo tỉnh của mình bị buộc tội sơ suất, che đậy, hoặc những vấn đề khác liên quan đến các cáo buộc lạm dụng tính dục của các linh mục trong giáo phận. Đề nghị này xem ra không được ủng hộ rộng rãi. Tại cuộc họp báo sau đó ở Phòng Báo Chí Tòa Thánh, nhiều ký giả chỉ ra rằng Mc Carrick từng là Tổng Giám Mục chính tòa!

Ban chiều hội nghị đã nghe bài thuyết trình thứ ba của một người phụ nữ giáo dân là Tiến Sĩ Linda Ghisoni, Phụ Tá Tổng Thư Ký của Bộ Giáo dân, Gia đình và Cuộc sống. Chị trình bày đề tài: “Tính Cộng Đồng: Làm việc cùng nhau”. Bài nói chuyện của chị được đánh giá cáo vì có những ý tưởng mới mẻ và thực tiễn. Chính Đức Thánh Cha cũng đánh giá cao những ý kiến của chị.

Tiến sĩ Linda Ghisoni đã nói về tầm quan trọng của việc toàn Giáo Hội cùng nhau đối phó với cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục trẻ em trên toàn thế giới.

Chị nói:

“Tôi tin rằng thông qua việc lắng nghe tích cực lẫn nhau, chúng ta dấn thân hoạt động để trong tương lai chúng ta không còn cần đến một cuộc họp theo kiểu khủng hoảng như cuộc họp này; và Giáo Hội, dân Chúa, có thể có khả năng, có tinh thần trách nhiệm và biết chăm sóc dịu dàng những người đã bị ảnh hưởng bởi những gì đã xảy ra để việc phòng ngừa không trở thành một kế hoạch lý tưởng hóa mà có thể trở thành một thái độ mục vụ bình thường.”

Bài nói chuyện của Tiến sĩ Ghisoni đã tập trung vào chủ đề của ngày thứ hai là trách nhiệm giải trình của các giám mục bản quyền và bề trên các dòng. Trong phần đầu tiên của bài phát biểu của mình, Ghisoni đã đề cập đến “kiến thức về lạm dụng và mức độ lạm dụng”, là điểm khởi đầu cơ bản cho trách nhiệm giải trình.

Tuy nhiên, trách nhiệm giải trình cũng phải liên quan đến một cuộc đối thoại về các quyết định được đưa ra, bao gồm cả “việc đánh giá và báo cáo” về các quyết định của các nhà lãnh đạo Giáo Hội. Trách nhiệm giải trình trong Giáo Hội, theo chị, không phải là một vấn đề về các chuẩn mực xã hội học, nhưng là vấn đề về khái niệm hiệp thông trong thần học.

Những câu hỏi thần học

Điều này, theo cô, dẫn đến một số câu hỏi thần học, xoay quanh vai trò của mọi thành viên trong cộng đoàn dân Chúa, những người phải sống theo các quyền hạn và trách nhiệm xuất phát từ bí tích Rửa tội của họ, theo các điều kiện và tình trạng khác nhau của cuộc sống. Tại đây, chị đã đề cập đến tầm quan trọng của một sự hiểu biết đúng đắn về thừa tác vụ của những người được phong chức, và đặc biệt là mối quan hệ giữa các Giám mục và linh mục.

Tầm nhìn của Giáo Hội như một cộng đoàn hiệp thông - bắt nguồn từ giáo huấn của Vatican II - cũng bao hàm sự cần thiết phải có sự tương tác giữa các đặc sủng và các mục vụ khác nhau, và kêu gọi sự tham gia của toàn thể Thiên Chúa, một cách năng động.

Những gợi ý thực tế

Trong phần cuối cùng của bài nói chuyện, Tiến sĩ Ghisoni đã đưa ra các đề nghị thiết thực để thúc đẩy trách nhiệm giải trình trong Giáo Hội. Điều này, theo cô, được bắt đầu với kiến thức và những nghiên cứu sâu xa hơn về các kỹ thuật đã được kiểm chứng.

Chị cũng đưa ra một số gợi ý cụ thể: những hướng dẫn của Hội Đồng Giám Mục các quốc gia về các thủ tục liên quan đến trách nhiệm giải trình, các hội đồng độc lập để cung cấp cho các giám mục những phản hồi; khả năng thiết lập một văn phòng trung tâm để thúc đẩy hoạt động của các hội đồng độc lập, và giúp họ hoạt động đúng đường hướng; và sửa đổi luật pháp về việc giữ bí mật trong các vấn đề của Giáo Hội. Về điểm này, Tiến sĩ Ghisoni khẳng định rằng tính minh bạch cao hơn phải được cân bằng với quyền được minh bạch.

Chị kết luận rằng:

“Những điều cần cân nhắc vừa đề cập, liên quan đến các hành động khả thi được thực hiện với tư cách là Giáo Hội, với tư cách là dân Chúa, trong tình hiệp thông và với trách nhiệm chung, không có gì khác hơn là một lời mời mạnh mẽ chúng ta suy tư và trao đổi với nhau, trên hết là trong các nhóm làm việc, để tìm ra những hiểu biết và ứng dụng cụ thể.”

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Từ sau bài phát biểu khai mạc vào hôm thứ Năm 21 tháng Hai, Đức Thánh Cha Phanxicô đã giữ im lặng. Tuy nhiên, sau bài phát biểu của chị Đức Thánh Cha đã phát biểu như sau:

“Lắng nghe Tiến Sĩ Ghisoni, tôi nghe thấy Giáo Hội nói về chính mình. Nghĩa là tất cả chúng ta đã nói về Giáo Hội trong tất cả các can thiệp. Nhưng mà lần này, chính Giáo Hội đã lên tiếng. Đó không chỉ là vấn đề về phong cách: thiên tài nữ tính, được phản ảnh trong Giáo Hội, vốn là phụ nữ.

Mời một người phụ nữ lên tiếng không phải là tham gia vào trào lưu nữ quyền trong giáo hội, bởi vì cuối cùng, mọi hình thức đề cao nữ quyền như thế chung cuộc cũng là chuyện che đậy cho niềm tự hào nam giới. Không. Mời một người phụ nữ nói về những vết thương của Giáo Hội là mời Giáo Hội nói về chính mình, về những vết thương của Giáo Hội. Và điều này tôi tin là một bước mà chúng ta phải thực hiện với quyết tâm cao độ: phụ nữ là hình ảnh của Giáo Hội. Giáo Hội là phụ nữ, là cô dâu, là mẹ. Đó là một phong cách. Không có phong cách này, chúng ta cũng sẽ nói về dân Chúa, nhưng với tư cách là một tổ chức, có lẽ là một công đoàn, nhưng không phải là một gia đình được sinh ra từ Giáo Hội Mẹ.

Luận lý trong tư duy của Tiến sĩ Ghisoni chính xác là của một người mẹ, và nó kết thúc bằng câu chuyện về những gì xảy ra khi một người phụ nữ sinh con. Đó là mầu nhiệm nữ tính của Giáo Hội là cô dâu và là mẹ. Đó không phải là vấn đề trao nhiều chức năng hơn cho phụ nữ trong Giáo Hội - vâng, điều này tốt, nhưng đó không phải là cách giải quyết vấn đề - đó là vấn đề về việc hội nhập người phụ nữ như hình ảnh của Giáo Hội vào suy nghĩ của chúng ta và cũng là suy nghĩ của Giáo Hội với các phạm trù của một người phụ nữ. Cảm ơn chứng từ của bạn.”
 
Thánh lễ bế mạc Hội Nghị Bảo Vệ Trẻ Vị Thành Niên Trong Giáo Hội
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
06:03 25/02/2019
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Sau ba ngày hội thảo căng thẳng, Hội Nghị Bảo Vệ Trẻ Vị Thành Niên Trong Giáo Hội đã kết thúc với thánh lễ do Đức Thánh Cha và các Hồng Y, Tổng Giám Mục và Giám Mục đồng tế tại hành lang Regia, trong điện Tông Tòa Vatican, nơi thường diễn ra các cuộc rước long trọng vào nhà nguyện Sistina, chẳng hạn như cuộc rước của các Hồng Y trong Mật Nghị bầu Giáo Hoàng.

Đây cũng là nơi đã diễn ra Buổi Phụng Vụ Sám Hối vào chiều ngày hôm trước, tức là thứ Bẩy 23 tháng Hai.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Thánh lễ đã diễn ra vào lúc 9 giờ 30. Đồng tế với Đức Thánh Cha chúng tôi thấy có 114 vị Chủ tịch của các Hội Đồng Giám Mục trên thế giới, trong đó có Đức Tổng Giám Mục Giuse Nguyễn Chí Linh của tổng giáo phận Huế đại diện cho Giáo Hội Việt Nam. Ngoài ra còn có 14 nhà lãnh đạo của các Giáo Hội Công Giáo phương Đông, 15 vị bản quyền không thuộc về các Hội Đồng Giám Mục, 12 Bề trên tổng quyền các dòng nam, 10 vị lãnh đạo các cơ quan trung ương Tòa Thánh, và 5 vị là thành viên của Hội đồng Hồng Y Cố vấn.

Trong bài giảng thánh lễ, Đức Tổng Giám Mục Mark Coleridge, của tổng giáo phận Brisbane, Australia và cũng là chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Australia nói:

Trong Tin Mừng vừa được công bố, chỉ có một giọng nói được nghe thấy, đó là giọng nói của Chúa Giêsu. Trước đó chúng ta đã nghe giọng nói của Phaolô và vào cuối Thánh lễ, chúng ta sẽ nghe giọng nói của Phêrô, nhưng trong Tin mừng chỉ có giọng nói của Chúa Giêsu. Sau tất cả các lời lẽ của chúng ta, bây giờ, quả là tốt khi chỉ còn lại lời lẽ của Chúa Kitô: chỉ còn lại một mình Chúa Giêsu, như ở trên núi Hiển Dung (x. Lc 9:36).

Người nói với chúng ta về quyền lực, và Người làm như vậy trong Sala Regia lộng lẫy cũng đang nói về quyền lực này. Ở đây có những hình ảnh các trận chiến, các cuộc thảm sát tôn giáo, các cuộc đấu tranh giữa các hoàng đế và giáo hoàng. Đây là nơi mà các thế lực trần gian và thiên đàng gặp nhau, đôi khi cũng bị các thế lực hỏa ngục chạm vào. Trong Sala Regia này, lời Thiên Chúa mời gọi chúng ta suy ngắm quyền lực, khi chúng ta đã cùng nhau vượt qua những ngày này. Do đó, giữa cuộc gặp gỡ Sala và Kinh thánh, chúng ta có một hài hòa giọng nói tốt đẹp.

Đứng trước một vua Saul đang ngủ, David xuất hiện như một nhân vật đầy quyền lực, như Abishai thấy rất rõ: “Hôm nay, Chúa đã đặt kẻ thù vào tay ngài. Vì vậy, hãy để tôi đóng đinh hắn xuống đất bằng ngọn giáo. Nhưng David phản đối: Đừng giết ông ta! Có ai từng đặt tay lên người được Chúa xức dầu mà không bị trừng phạt đâu?” David chọn sử dụng quyền lực không phải để tiêu diệt mà là để cứu nhà vua, người được Chúa xức dầu.

Như David, các mục tử của Giáo hội đã nhận được hồng phúc quyền lực - tuy là quyền để phục vụ, để sáng tạo; một quyền hiện diện với và cho chứ không trên (người khác); một quyền, như Thánh Phaolô từng nói, “được Chúa ban cho để xây dựng anh em chứ không phải để tiêu diệt anh em (2 Cr 10: 8). Quyền lực là điều nguy hiểm, vì nó có thể tiêu diệt; và trong những ngày này, chúng ta đã suy nghĩ việc trong Giáo hội, quyền lực có thể biến thành hủy diệt ra sao khi tách khỏi phục vụ, khi không còn là một cách yêu thương, khi nó trở thành quyền lực trên người khác.

Một đoàn người thánh hiến của Chúa đã được đặt trong tay chúng ta - và bởi chính Chúa. Thế nhưng, chúng ta có thể sử dụng quyền lực này không phải để tạo ra mà là để tiêu diệt, và thậm chí cuối cùng để sát hại. Trong việc lạm dụng tình dục, những kẻ đầy quyền lực đã đặt tay lên những người thánh hiến của Chúa, thậm chí cả những người yếu đuối nhất và dễ bị tổn thương nhất trong số họ. Họ nói “có” đối với sự thúc giục của Abishai; và họ nắm lấy ngọn giáo.

Trong việc lạm dụng và che giấu nó, những kẻ quyền lực tự tỏ mình ra không như những người thuộc trời mà là những người thuộc đất, như lời của Thánh Phaolô mà chúng ta vừa nghe. Trong Tin Mừng, Chúa truyền: “Hãy yêu kẻ thù của ngươi”. Nhưng kẻ thù là ai? Chắc chắn không phải những người đã thách thức Giáo hội nhìn việc lạm dụng và che giấu nó trong chính bản chất của chúng, trước hết, là các nạn nhân và những người sống sót, là những người đã dẫn chúng ta đến sự thật đau đớn bằng cách kể lại các câu chuyện của họ với một lòng can đảm đến thế. Tuy nhiên, đôi khi, chúng ta đã coi các nạn nhân và những người sống sót như kẻ thù, nhưng chúng ta không yêu thương họ, chúng ta đã không chúc phúc cho họ. Theo nghĩa đó, chúng ta là kẻ thù tồi tệ nhất của chính mình.

Chúa thúc giục chúng ta “có lòng thương xót như Cha của các con là Đấng giàu lòng thương xót”. Thế nhưng, đối với tất cả các ước nguyện của chúng ta muốn có một Giáo hội thực sự an toàn và đối với tất cả những gì chúng ta đã làm để bảo đảm việc này, chúng ta không luôn luôn chọn lòng thương xót của người thuộc trời. Đôi khi, chúng ta thích sự thờ ơ của người thuộc đất và chỉ muốn bảo vệ danh tiếng của Giáo Hội và thậm chí danh tiếng của chính chúng ta. Chúng ta đã biểu lộ quá ít lòng thương xót, và do đó chúng ta cũng sẽ nhận được như vậy, bởi vì đấu chúng ta cho đi sẽ là đấu chúng ta nhận được trở lại. Như David đã nói, chúng ta sẽ không thoát bị trừng phạt, và chúng ta quả đã nếm hình phạt.

Người thuộc đất phải chết để người thuộc trời được sinh ra; Adam cũ phải nhường chỗ cho Adam mới. Điều này sẽ đòi hỏi một sự hoán cải thực sự, mà nếu không có nó, chúng ta sẽ ở lại mãi ở bình diện “hành chính mà thôi” - như Đức Thánh Cha viết trong Evangelii Gaudium – “hành chính mà thôi” sẽ không đụng gì tới tâm điểm của cuộc khủng hoảng lạm dụng (25).

Chỉ có việc hoán cải này mới cho phép chúng ta thấy rằng các vết thương của những người bị lạm dụng là các vết thương của chúng ta, số phận của họ là số phận của chúng ta, họ không phải là kẻ thù của chúng ta mà là xương của xương ta, thịt của thịt ta (x. St 2:23 ). Họ là chúng ta, và chúng ta là họ.

Việc hoán cải này, trong thực tế, là một cuộc cách mạng kiểu Coperních. Coperních đã chứng minh rằng mặt trời không quay quanh trái đất mà trái đất quay quanh mặt trời. Đối với chúng ta, cuộc cách mạng Coperních là khám phá rằng những người bị lạm dụng không quay quanh Giáo hội mà là Giáo hội quay quanh họ. Khi khám phá ra điều này, chúng ta có thể bắt đầu nhìn bằng mắt và nghe bằng tai của họ; và một khi chúng ta làm điều này, thế giới và Giáo hội bắt đầu nhìn rất khác. Đây là sự hoán cải cần thiết, cuộc cách mạng thực sự và là ơn thánh lớn lao, có thể mở ra cho Giáo hội một mùa truyền giáo mới.

Lạy Chúa, khi nào chúng con thấy Chúa bị lạm dụng mà không đến giúp Chúa? Nhưng Người sẽ trả lời: Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi không làm như thế cho một trong những người bé nhỏ nhất đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta vậy. (xem Mt 25: 44-45). Nơi họ, những người nhỏ bé nhất trong các anh chị em, các nạn nhân và người sống sót, chúng ta gặp Chúa Kitô bị đóng đinh, Đấng bất lực nhưng từ Người tuôn ra quyền lực của Đấng toàn năng, Đấng bất lực mà quanh Người, Giáo hội xoay quanh mãi mãi, Đấng bất lực mà các vết sẹo tỏa sáng như mặt trời.

Trong những ngày này, chúng ta đã ở trên Núi Sọ - ngay ở Vatican và trong Sala Regia, chúng ta vẫn đang ở trên núi tối tăm. Khi lắng nghe những người sống sót, chúng ta đã nghe Chúa Kitô khóc lớn trong bóng tối (x. Mc 15: 34). Và tiếng khóc này thậm chí đã trở thành âm nhạc. Nhưng ở đây hy vọng đã phát sinh từ trái tim bị tổn thương của anh, và hy vọng trở thành lời cầu nguyện, khi Giáo hội hoàn vũ tập hợp quanh chúng ta trong căn phòng trên lầu này: mong sao bóng tối Núi Sọ dẫn Giáo hội khắp thế giới tới ánh sáng Phục sinh, tới Chiên Con là mặt trời không bao giờ lặn (xem Kh 21: 23).

Cuối cùng, chỉ còn giọng nói của Chúa phục sinh, thúc giục chúng ta đừng đứng nhìn chằm chằm vào ngôi mộ trống, tự hỏi trong sự bối rối của chúng ta phải làm gì sau đó. Chúng ta cũng không thể ở lại trong phòng trên lầu nơi Người nói, “Bình an cho các con” (Ga 20: 19). Người thở hơi trên chúng ta (xem Ga 20: 22) và ngọn lửa của Lễ Ngũ tuần mới chạm vào chúng ta (xem Cv 2: 2). Đấng là bình an mở rộng cửa phòng trên lầu và các cánh cửa trái tim chúng ta. Từ sợ hãi, phát sinh một sự táo bạo tông đồ, từ chán nản sâu xa, phát sinh niềm vui Tin Mừng.

Một sứ vụ đang trải ra trước mắt chúng ta - một sứ vụ đòi hỏi không những lời nói mà là hành động cụ thể thực sự. Chúng ta sẽ làm tất cả những gì có thể để mang lại công lý và hàn gắn cho những người sống sót bị lạm dụng; chúng ta sẽ lắng nghe họ, tin họ và bước đi với họ; chúng ta sẽ đảm bảo rằng những kẻ lạm dụng sẽ không bao giờ có thể vi phạm nữa; chúng ta sẽ kêu gọi những người đã che giấu lạm dụng phải giải trình; chúng ta sẽ tăng cường các diễn trình tuyển dụng và đào tạo các nhà lãnh đạo của Giáo hội; chúng ta sẽ giáo dục tất cả mọi người về những gì việc bảo an đòi hỏi; chúng ta sẽ làm tất cả những gì trong quyền lực của mình để bảo đảm rằng những điều kinh hoàng trong quá khứ không lặp lại nữa và Giáo hội là nơi an toàn cho mọi người, một người mẹ yêu thương đặc biệt đối với người trẻ và người dễ bị tổn thương; chúng ta sẽ không hành động một mình mà sẽ làm việc với tất cả những người quan tâm đến lợi ích của người trẻ và người yếu thế; chúng ta sẽ tiếp tục đào sâu sự hiểu biết của chính mình về lạm dụng và ảnh hưởng của nó, về lý do tại sao nó đã xảy ra trong Giáo hội và những gì phải được thực hiện để xóa bỏ nó tận gốc. Tất cả những điều này sẽ cần đến thời gian, nhưng chúng ta không được kéo dài mãi mãi và chúng ta không được thất bại.

Nếu chúng ta có thể làm điều này và nhiều điều hơn thế nữa, không những chúng ta biết được sự bình an của Chúa Phục sinh mà chúng ta sẽ trở thành sự bình an của Người trong một sứ vụ đến tận cùng trái đất. Thế nhưng, chúng ta sẽ chỉ trở thành bình an khi chúng ta trở thành lễ hy sinh. Với lễ này, chúng ta đồng thanh nói “có” khi tại bàn thờ, chúng ta hòa lẫn các thất bại và phản bội, tất cả niềm tin, hy vọng và tình yêu của chúng ta vào lễ hy sinh của Chúa Giêsu, Nạn nhân và Đấng Chiến Thắng, Đấng “lau khô nước mắt khỏi mọi con mắt, và cái chết sẽ không còn nữa, sẽ không còn thương tiếc hay khóc lóc hay đau đớn nữa, vì những điều trước đây đã qua đi” (Kh 21: 4). Amen.
 
Tai tiếng lạm dụng tính dục và bàn tay của Satan - Đức Giáo Hoàng cảnh báo trong diễn từ bế mạc Hội Nghị Bảo Vệ Trẻ Em
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
07:22 25/02/2019
Quý vị và anh chị em đang theo dõi phóng sự đặc biệt về Hội Nghị Bảo Vệ Trẻ Vị Thành Niên Trong Giáo Hội khai mạc hôm 21 tháng Hai tại phòng họp Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới tại Vatican và đã kết thúc với thánh lễ bế mạc tại hành lang Regia, trong điện Tông Tòa Vatican.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Hội Nghị Bảo Vệ Trẻ Vị Thành Niên được tổ chức tại Vatican dưới sự chủ tọa của chính Đức Thánh Cha Phanxicô và sự tham dự của 190 vị trong đó có 114 vị Hồng Y, Tổng Giám Mục và Giám Mục là chủ tịch các Hội Đồng Giám Mục trên thế giới. Tuy nhiên, cha Raymond de Souza, Tổng Biên Tập tạp chí của tờ Convivium của Canada nhận xét cay đắng rằng hội nghị này ít được các cơ quan truyền thông Công Giáo đề cập đến.

Khi được hỏi, một vị chủ biên một phương tiện truyền thông Công Giáo hỏi ngược lại ngài rằng: “Trong Giáo Hội thiếu gì gương lành phúc đức, nói làm chi cái chuyện nhục nhã này?”

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Chúng tôi khẳng định nghĩ như thế là sai!

Một ngày trước lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, hôm 14 tháng 8 năm 2018, bồi thẩm đoàn Pennsylvania công bố một phúc trình cho thấy 301 linh mục bị buộc tội lạm dụng tình dục hơn 1,000 trẻ em trong sáu giáo phận trực thuộc tổng giáo phận Pennsylvania.

Cần phải nói ngay rằng việc chọn ngày công bố, việc truy ngược thời gian đến 70 năm, việc cố tình lờ đi thực tế là chỉ có hai trường hợp phạm tội xảy ra sau Hiến Chương Dallas và cả hai trường hợp ấy đã được Giáo Hội báo cáo với các nhà chức trách cho thấy mầu sắc ý thực hệ của phúc trình này. Nói cách khác, người ta cố gắng vẽ nên một bức tranh tiêu cực về Giáo Hội Công Giáo như thể đây là định chế duy nhất trên thế giới này phạm vào tội lỗi lạm dụng tính dục trẻ em.

Bất chấp những áp lực của các phương tiện truyền thông, Đức Thánh Cha đã mạnh mẽ chỉ ra rằng đây không phải chỉ là vấn đề của Giáo Hội mà chúng ta đang phải đối mặt với một vấn đề phổ quát của toàn xã hội, hiện diện một cách bi thảm ở hầu hết mọi nơi, đặc biệt là trong các gia đình, và ảnh hưởng đến mọi người.

Cố nhiên, chúng ta cần phải rõ ràng rằng, bất kể ảnh hưởng nghiêm trọng của nó lên toàn bộ xã hội của chúng ta, tội lỗi xấu xa này không vì thế mà bớt đi sự khốn nạn của nó khi diễn ra trong Giáo Hội.

Tuy nhiên, cần phải xác định rằng không được dùng chính cái bi kịch mà những trẻ thơ này phải trải qua này để bôi nhọ Giáo Hội Công Giáo.

Thái độ tránh né như đà điểu giấu đầu vào cát chỉ là thái độ tránh né thực tại trong khi giông tố tiếp tục vần vũ trên đầu trong kỷ nguyên kỹ thuật số khi mà những hình ảnh khiêu dâm tràn lan kinh hoàng trên thế giới.

Chúng ta phải dám đối đầu với những nguyên nhân và hậu quả của những tội ác nghiêm trọng này để tìm ra các phương thế phòng ngừa và tận diệt tội ác đang có nguy cơ rao giảng Tin Mừng của Giáo Hội.

Trong tinh thần đó, chúng tôi là Kim Thúy và Thụy Khanh xin giới thiệu với quý vị và anh chị em toàn văn diễn từ bế mạc Hội Nghị Bảo Vệ Trẻ Vị Thành Niên Trong Giáo Hội.

Mở đầu diễn từ của ngài, Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến,

Khi cám ơn Chúa đã đồng hành cùng chúng ta trong những ngày này, tôi muốn cám ơn tất cả anh chị em vì tinh thần giáo hội và dấn thân cụ thể mà anh chị em đã thể hiện rất hào phóng.

Công việc của chúng ta đã khiến chúng ta nhận ra một lần nữa tầm mức nghiêm trọng của tai ương lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên hiện nay, và trong lịch sử, đã trở thành một hiện tượng phổ biến trong tất cả các nền văn hóa và xã hội. Chỉ trong thời gian gần đây, nó mới trở thành chủ đề của các nghiên cứu có hệ thống, nhờ những thay đổi trong dư luận liên quan đến một vấn đề trước đây được coi là một điều cấm kỵ; mọi người đều biết về sự hiện diện của nó nhưng không ai nói về nó. Tôi cũng được nhắc nhở về tập tục tôn giáo tàn ác, đã có thời lan rộng trong các nền văn hóa nhất định, trong đó người ta sát tế con người - thường là trẻ em - trong các nghi lễ ngoại giáo. Tuy nhiên, ngay cả ngày nay, số liệu thống kê về lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên do nhiều tổ chức và cơ quan quốc gia và quốc tế (như WHO, UNICEF, INTERPOL, EUROPOL và các tổ chức khác) đưa ra vẫn không thể hiện được mức độ thực sự của hiện tượng này, thường bị đánh giá thấp, chủ yếu là vì nhiều trường hợp lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên không được báo cáo, [1] đặc biệt là con số rất lớn diễn ra trong các gia đình.

Thực tế là hiếm khi các nạn nhân lên tiếng và tìm kiếm sự giúp đỡ. [2] Đằng sau sự miễn cưỡng này có thể có sự xấu hổ, bối rối, sợ bị trả thù, sự đa dạng của các hình thức tội lỗi, mất lòng tin vào các định chế, các hình thái chi phối văn hóa và xã hội, nhưng cũng thiếu thông tin về các dịch vụ và các phương tiện có thể giúp đỡ. Nỗi thống khổ bi thảm dẫn đến cay đắng, thậm chí tự tử hoặc đôi khi tìm cách trả thù bằng cách làm điều tương tự. Một điều chắc chắn là hàng triệu trẻ em trên thế giới là nạn nhân của nạn khai thác và lạm dụng tình dục.

Điều quan trọng ở đây là trích dẫn dữ liệu tổng thể - mà theo tôi vẫn chỉ là một phần - ở bình diện toàn cầu, [3] rồi đến các dữ liệu từ Âu Châu, Á Châu, Mỹ Châu, Phi Châu và Đại Dương Châu, để hình dung ra tầm mức nghiêm trọng và quy mô của tai ương này trong xã hội của chúng ta. [4] Để tránh các tranh cãi tiểu tiết không cần thiết, tôi xin nói ngay từ đầu rằng việc đề cập đến các quốc gia cụ thể hoàn toàn là vì mục đích trích dẫn dữ liệu thống kê được cung cấp bởi các báo cáo nói trên.

Sự thật đầu tiên xuất hiện từ các dữ liệu có trong tay là những kẻ gây ra lạm dụng, nghĩa là gây ra các hành vi bạo lực thể xác, tình dục hoặc tình cảm, chủ yếu là những bậc cha mẹ, người thân, những người chồng của các cô dâu nhi đồng, các huấn luyện viên và các giáo viên. Hơn nữa, theo dữ liệu năm 2017 của UNICEF về 28 quốc gia trên toàn thế giới, cứ 10 cô gái bị ép buộc quan hệ tình dục thì có 9 cô tiết lộ rằng họ là nạn nhân của một người quen biết hoặc là người thân trong gia đình.

Theo dữ liệu chính thức của chính phủ Mỹ, tại Hoa Kỳ, hơn 700,000 trẻ em mỗi năm là nạn nhân của các hành vi bạo lực và ngược đãi. Theo Trung tâm quốc tế về trẻ em mất tích và bị khai thác (ICMEC), cứ 10 trẻ em thì có 1 trẻ đã từng bị lạm dụng tình dục. Ở châu Âu, 18 triệu trẻ em là nạn nhân của lạm dụng tình dục. [5]

Tại Ý, chẳng hạn, Phúc trình Telefono Azzurro năm 2016 khẳng định rằng 68.9% các vụ lạm dụng diễn ra trong gia đình của trẻ vị thành niên. [6]

Hành vi bạo lực không chỉ diễn ra trong gia đình, mà còn ở các khu phố, trường học, cơ sở thể dục thể thao [7] và, đáng buồn thay, cũng trong các cơ sở giáo hội.

Nghiên cứu được thực hiện trong những năm gần đây về hiện tượng lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên cũng cho thấy sự phát triển của mạng lưới điện toán toàn cầu và các phương tiện truyền thông đã góp phần làm gia tăng đáng kể các trường hợp lạm dụng và các hành vi bạo lực gây ra trên mạng. Nội dung khiêu dâm đang nhanh chóng lan truyền trên toàn thế giới thông qua mạng lưới điện toán toàn cầu. Tai ương hình ảnh khiêu dâm đã mở rộng đến mức đáng báo động, gây ra những tổn hại tâm lý và làm tổn thương mối quan hệ giữa nam và nữ, và giữa người lớn và trẻ em. Đó là một hiện tượng đang gia tăng liên tục. Điều bi thảm là, một phần đáng kể của việc sản xuất phim ảnh khiêu dâm liên quan đến trẻ vị thành niên, là những người bị vi phạm nghiêm trọng về phẩm giá của họ. Thật đáng buồn là các nghiên cứu trong lĩnh vực này ghi lại những gì đang xảy ra theo những cách thức khủng khiếp và bạo lực hơn bao giờ hết, thậm chí đến mức hành vi lạm dụng đối với trẻ vị thành niên được mua bán và xem trực tiếp qua mạng. [8]

Ở đây tôi muốn được nhắc đến Hội Nghị Thế giới được tổ chức tại Rôma về chủ đề phẩm giá trẻ em trong kỷ nguyên số, cũng như Diễn đàn đầu tiên của Liên Tôn vì Cộng đồng An toàn hơn được tổ chức với cùng chủ đề tại Abu Dhabi vào tháng 11 năm ngoái.

Một tai họa khác là du lịch tình dục. Theo dữ liệu năm 2017 do Tổ chức Du lịch Thế giới cung cấp, mỗi năm có 3 triệu người trên khắp thế giới đi du lịch để có quan hệ tình dục với trẻ vị thành niên. [9] Điều đáng đề cập đến là thủ phạm của những tội ác này trong hầu hết các trường hợp thậm chí không nhận ra rằng họ đang phạm một tội hình sự.

Do đó, chúng ta đang phải đối mặt với một vấn đề phổ quát, hiện diện một cách bi thảm ở hầu hết mọi nơi và ảnh hưởng đến mọi người. Tuy nhiên, chúng ta cần phải rõ ràng rằng, bất kể ảnh hưởng nghiêm trọng của nó lên toàn bộ xã hội của chúng ta, [10] điều xấu xa này không vì thế mà bớt đi sự khốn nạn của nó khi diễn ra trong Giáo Hội.

Sự tàn bạo của hiện tượng toàn cầu này còn trở nên nghiêm trọng và tai tiếng hơn hết trong Giáo Hội, vì nó hoàn toàn không phù hợp với thẩm quyền đạo đức và uy tín đạo đức của Giáo Hội. Những người tận hiến, được Thiên Chúa chọn để hướng dẫn các linh hồn đến với ơn cứu rỗi, lại để cho bản thân mình bị thống trị bởi sự yếu đuối hay bệnh tật của con người và do đó trở thành công cụ của Satan. Trong sự lạm dụng, chúng ta thấy bàn tay của cái ác không tha cho cả sự ngây thơ của trẻ em. Không có lời giải thích nào biện minh được cho những lạm dụng liên quan đến trẻ em. Chúng ta cần nhận ra với sự khiêm nhường và can đảm rằng chúng ta đang phải đối mặt với mầu nhiệm sự ác, đang tấn công dữ dội nhất những người dễ bị tổn thương nhất, vì họ là hình ảnh của Chúa Giêsu. Vì lý do này, Giáo Hội ngày càng nhận thức được sự cần thiết không chỉ hạn chế các trường hợp lạm dụng nghiêm trọng bằng các biện pháp kỷ luật và các tiến trình dân sự và giáo luật, mà còn phải đối đầu dứt khoát với hiện tượng này cả trong và ngoài Giáo Hội. Giáo Hội cảm thấy được mời gọi để chiến đấu với cái ác đang tấn công vào trung tâm của sứ vụ mình, đó là rao giảng Tin Mừng cho những người nhỏ bé và bảo vệ họ khỏi những con sói hung dữ.

Ở đây một lần nữa tôi khẳng định rõ ràng rằng: nếu trong Giáo Hội mà xuất hiện dù chỉ một trường hợp lạm dụng mà thôi – chứ đừng nói đến chuyện nó đã tác oai tác quái - thì trường hợp đó phải được đối diện với sự nghiêm trọng nhất. Thưa anh chị em: trong cơn giận dữ chính đáng của người dân, Giáo Hội nhìn thấy sự phản chiếu cơn thịnh nộ của Thiên Chúa, bị phản bội và xúc phạm bởi những người tận hiến gian trá này. Tiếng vang từ tiếng khóc thầm lặng của những trẻ thơ, thay vì tìm thấy những người cha và những hướng dẫn tâm linh đã gặp phải những kẻ hành hạ, làm rúng động những con tim đờ đẫn bởi sự giả hình và quyền lực. Bổn phận của chúng ta là phải chú ý đến tiếng khóc nghẹn ngào, câm nín này.

Rất khó thấu triệt được hiện tượng lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên mà không xem xét đến quyền lực, vì nó luôn là kết quả của sự lạm quyền, một sự khai thác sự yếu thế và dễ bị tổn thương của người bị lạm dụng, nhằm thao túng lương tâm và yếu điểm tâm lý và thể chất của họ. Lạm dụng quyền lực cũng có mặt trong các hình thức lạm dụng khác ảnh hưởng đến gần 85,000,000 trẻ em, đang bị mọi người lãng quên: bao gồm lính nhi đồng, gái mại dâm trẻ em, trẻ em bị đói khát và trẻ em bị bắt cóc và thường là nạn nhân của nạn buôn bán dã man cơ phận người, các trẻ nạn nhân chiến tranh, trẻ em tị nạn, trẻ em bị phá thai và rất nhiều người khác.

Trước tất cả sự tàn bạo này, trước tất cả sự sát tế trẻ em cho các thứ thần quyền lực, tiền bạc, niềm tự hào và sự kiêu ngạo, những giải thích hời hợt dựa trên kinh nghiệm mà thôi thì không đủ. Những giải thích đó không giúp chúng ta nắm bắt được bề rộng và chiều sâu của thảm kịch này. Ở đây một lần nữa chúng ta thấy những hạn chế của một cách tiếp cận thực chứng [Positivism - Chủ nghĩa thực chứng là một lý thuyết triết học nói rằng kiến thức của chúng ta có được từ việc cảm nghiệm các hiện tượng tự nhiên, rồi giải thích các hiện tượng ấy, cũng như tính chất và quan hệ của chúng thông qua lý trí và luận lý. Chủ nghĩa thực chứng cho rằng chỉ những kiến thức được tìm thấy thông qua tiến trình này mới là các kiến thức được chứng thực – chú thích của người dịch]. Nó có thể mang đến cho chúng ta một lời giải thích thực sự hữu ích cho việc thực hiện các biện pháp cần thiết, nhưng không thể cung cấp cho chúng ta một ý nghĩa. Ngày nay chúng ta cần cả lời giải thích và ý nghĩa. Lời giải thích sẽ giúp chúng ta rất nhiều trong lĩnh vực hoạt động, nhưng sẽ chỉ đưa chúng ta đi được nửa đường.

Như thế, “ý nghĩa” hiện sinh của hiện tội phạm này là gì? Dưới ánh sáng của chiều rộng và chiều sâu trần tục của nó, nó không gì khác hơn chính là biểu hiện ngày nay của ma quỷ. Nếu chúng ta không tính đến chiều kích này, chúng ta sẽ mãi cách xa sự thật và thiếu các giải pháp thực sự.

Anh chị em ơi, ngày nay chúng ta thấy mình trước một biểu hiện của một sự xấu xa trơ trẽn, hung dữ và hủy hoại. Đằng sau và bên trong nó, là ma quỷ, mà trong niềm kiêu hãnh và kiêu ngạo của nó tự coi mình là Chúa tể thế gian [11] và nghĩ rằng nó đã chiến thắng. Tôi muốn nói điều này với anh chị em với thẩm quyền của một người anh và một người cha, chắc chắn tôi chỉ là một người bé mọn và là một kẻ tội lỗi, nhưng trong tư cách mục tử cai quản Giáo Hội trong tình bác ái, tôi khẳng định rằng trong những trường hợp đau đớn này, tôi thấy bàn tay của sự ác không tha cho cả sự ngây thơ của những đứa trẻ. Và điều này khiến tôi nghĩ đến trường hợp của Herôđê, là kẻ trong nỗi sợ mất quyền lực, đã ra lệnh tàn sát tất cả những trẻ thơ thànn Bêlem. [12] Đằng sau chuyện này có satan.

Cố nhiên chúng ta phải thực hiện mọi biện pháp thực tế theo lẽ thường mà khoa học và xã hội cung cấp cho chúng ta, nhưng đồng thời chúng ta cũng không được quên đi thực tại này; chúng ta cần phải sử dụng các phương thế siêu nhiên mà chính Chúa dạy chúng ta: đó là khiêm nhường, tự cáo buộc mình, cầu nguyện và đền tội. Đây là cách duy nhất để thắng vượt ma quỷ. Đó chính là cách Chúa Giêsu đã chiến thắng nó. [13]

Mục đích của Giáo Hội, vì thế, là lắng nghe, cảnh giác, bảo vệ và chăm sóc những trẻ em bị lạm dụng, bị bóc lột và bị lãng quên, bất kể chúng ở đâu. Để đạt được mục tiêu đó, Giáo Hội phải vượt lên trên các tranh chấp về ý thức hệ và các thực hành báo chí, vốn thường khai thác, vì những lợi ích khác nhau, chính cái bi kịch mà những trẻ thơ này phải trải qua.

Đã đến lúc phải cùng nhau hoạt động để loại bỏ cái ác này khỏi cơ thể của nhân loại chúng ta bằng cách áp dụng mọi biện pháp cần thiết đã có hiệu lực trên các bình diện quốc tế và giáo hội. Đã đến lúc tìm ra một trạng thái cân bằng chính xác của tất cả các giá trị liên hệ, và đưa ra các chỉ thị thống nhất cho Giáo Hội, tránh cả hai thái cực, một bên là chủ nghĩa “duy công lý”, khơi lên bởi cảm giác tội lỗi trong quá khứ và bởi các áp lực truyền thông, và một bên là thái độ phòng thủ không thể đối đầu với những nguyên nhân và hậu quả của những tội ác nghiêm trọng này.

Trong bối cảnh đó, tôi muốn đề cập đến “các thực hành tốt nhất” được hình thành theo các hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới [14] bởi một nhóm gồm mười cơ quan quốc tế đã phát triển và phê chuẩn một tổng hợp các biện pháp gọi là INSPIRE: Bảy chiến lược nhằm chấm dứt bạo lực đối với trẻ em. [15]

Với sự giúp đỡ của những hướng dẫn này, cùng với các công việc được thực hiện trong những năm gần đây của Ủy ban Giáo hoàng về Bảo vệ Trẻ vị thành niên, và những đóng góp của Cuộc họp này, Giáo Hội, trong việc xây dựng luật pháp của mình, sẽ tập trung vào các khía cạnh sau:

1. Việc bảo vệ trẻ em. Mục tiêu chính của mọi biện pháp phải là bảo vệ những người nhỏ bé và ngăn ngừa không để họ trở thành nạn nhân của bất kỳ hình thức lạm dụng tâm lý và thể chất nào. Do đó, một sự thay đổi não trạng là cần thiết để chống lại cách tiếp cận mang tính tự vệ và phản ứng nhằm bảo vệ tổ chức mình; nhưng thay vào đó theo đuổi, hết lòng và dứt khoát, thiện ích của cộng đồng bằng cách dành ưu tiên cho các nạn nhân bị lạm dụng theo mọi nghĩa. Chúng ta phải luôn giữ trước mắt chúng ta những khuôn mặt ngây thơ của những đứa trẻ, trong khi nhớ đến những lời của Thầy Chí Thánh: “Bất cứ ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin Thầy đây phải sa ngã, thì thà treo cối đá lớn vào cổ nó mà xô cho chìm xuống đáy biển còn hơn. Khốn cho thế gian, vì làm cớ cho người ta sa ngã. Tất nhiên phải có những cớ gây sa ngã, nhưng khốn cho kẻ làm cớ cho người ta sa ngã.” (Mt 18: 6-7).

2. Sự nghiêm chỉnh tuyệt đối. Ở đây tôi xin tái khẳng định rằng “Giáo Hội sẽ không bỏ qua bất kỳ nỗ lực nào để làm tất cả những gì cần thiết nhằm đưa ra công lý bất cứ ai đã phạm những tội ác như vậy. Giáo Hội sẽ không bao giờ tìm cách che giấu hoặc coi nhẹ bất kỳ trường hợp nào (Diễn từ với Giáo Triều Rôma, ngày 21 tháng 12 năm 2018). Giáo Hội tin chắc rằng “những tội lỗi và tội ác của những người tận hiến lại càng bôi nhọ nhiều hơn bởi sự bất trung và nhục nhã; họ làm biến dạng khuôn mặt của Giáo Hội và làm giảm uy tín của Hội Thánh. Bản thân Giáo Hội, cùng với những con cái trung thành của mình, cũng là những nạn nhân của những hành vi bất trung và những tội lỗi “biển thủ” [peculation – đánh cắp hay làm mất đi những gì được trao phó cho mình – chú thích của người dịch] thực sự này (thượng dẫn.)

3. Sự thanh tẩy chân thực. Bên cạnh các biện pháp đã được thực hiện và những tiến bộ đạt được trong lĩnh vực ngăn chặn lạm dụng, vẫn cần có một cam kết liên tục đổi mới đối với sự thánh thiện của các mục tử, mà sự phù hợp của các vị với Chúa Kitô, vị Mục tử Nhân lành, là quyền chính đáng của dân Chúa. Do đó, Giáo Hội tái khẳng định “quyết tâm theo đuổi một cách quyết liệt con đường thanh tẩy, đồng thời đặt ra câu hỏi làm thế nào để bảo vệ trẻ em tốt nhất, tránh những thảm kịch này, mang lại sự chữa lành và phục hồi cho các nạn nhân, và cải thiện việc đào tạo được thực hiện trong các chủng viện…Một nỗ lực sẽ được thực hiện nhằm biến những sai lầm trong quá khứ thành các cơ hội để loại bỏ tai họa này, không chỉ từ cơ thể của Giáo Hội mà còn từ cộng đồng xã hội (thượng dẫn.) Niềm kính sợ Thiên Chúa khiến chúng ta cáo buộc chính mình - với tư cách là các cá nhân và một tổ chức - phải bù đắp cho những thất bại của chúng ta. Tự cáo buộc chính mình là khởi đầu của sự khôn ngoan và gắn bó với niềm kính sợ Thiên Chúa khi chúng ta học cách buộc tội chính chúng ta, với tư cách cá nhân, và tổ chức, cũng như xã hội. Chúng ta không được rơi vào bẫy rập đổ lỗi cho người khác, đó chỉ là một bước hướng tới “tình trạng ngoại phạm”, trong khi tách chúng ta khỏi thực tại.

4. Đào tạo. Nói cách khác, các tiêu chuẩn lựa chọn và đào tạo các ứng sinh chức tư tế không đơn thuần là tiêu cực, liên quan trên hết đến việc loại trừ các tính cách có vấn đề, mà còn phải là tích cực, nhằm cung cấp một quá trình đào tạo cân bằng cho các ứng sinh phù hợp, thúc đẩy sự thánh thiện và đức khiết tịnh. Thánh Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục, trong thông điệp Sacerdotalis Caelibatus (Tầm quan trọng của độc thân linh mục), đã viết rằng “đời sống của linh mục sống độc thân, là điều thu hút toàn bộ con người một cách rất hoàn toàn và nhạy cảm, loại trừ những người không đủ phẩm chất thể chất, tâm linh và đạo đức. Cũng đừng có ai giả vờ rằng ân sủng sẽ được cung cấp cho những khiếm khuyết tự nhiên của một người nam như thế” (Số 64).

5. Tăng cường và tái duyệt các hướng dẫn của các Hội Đồng Giám Mục. Nói cách khác, chúng tôi tái khẳng định sự cần thiết là các giám mục phải hiệp nhất với nhau trong việc áp dụng các tham số, đó phải là quy tắc chứ không chỉ đơn thuần là các chỉ dẫn. Các quy tắc, chứ không đơn giản chỉ là các hướng dẫn. Không bao giờ một trường hợp lạm dụng có thể được che đậy (như thường thấy trong quá khứ) hoặc không được giải quyết một cách nghiêm chỉnh, vì việc che đậy lạm dụng tạo điều kiện cho sự lây lan của cái ác và tạo thêm một mức độ tai tiếng hơn nữa. Ngoài ra và đặc biệt, [các Hội Đồng Giám Mục còn phải] phát triển các phương pháp mới và hiệu quả để phòng ngừa trong tất cả các tổ chức và trong mọi lĩnh vực hoạt động giáo hội.

6. Đồng hành với những người đã bị lạm dụng. Tội ác mà họ đã trải qua để lại cho họ những vết thương không thể xóa nhòa, nó cũng gây ra sự chán chường và xu hướng tự hủy. Giáo Hội, vì thế, có nhiệm vụ cung cấp cho họ tất cả những hỗ trợ cần thiết, bằng cách tận dụng các chuyên gia trong lĩnh vực này. Khi lắng nghe, hãy cho phép tôi nói đến mức này: hãy “lãng phí thời gian” vào việc nghe. Việc lắng nghe chữa lành người bị tổn thương, và cũng chữa lành cho chúng ta tính ích kỷ, xa cách và thiếu quan tâm, chữa lành thái độ của chúng ta như người tư tế và thầy Lêvi trong dụ ngôn Người Samaritô nhân lành.

7. Thế giới kỹ thuật số. Việc bảo vệ trẻ vị thành niên phải tính đến các hình thức lạm dụng tình dục mới và mọi loại lạm dụng đe dọa trẻ vị thành niên trong bối cảnh sinh sống của chúng và thông qua các thiết bị mới mà chúng sử dụng. Các chủng sinh, linh mục, nam nữ tu sĩ, các nhân viên mục vụ, thực tế là tất cả mọi người, phải nhận thức được rằng thế giới kỹ thuật số và việc sử dụng các thiết bị của nó thường có những tác động sâu sắc hơn chúng ta nghĩ. Ở đây, chúng tôi thấy cần phải khuyến khích các quốc gia và chính quyền áp dụng mọi biện pháp cần thiết để hạn chế những trang web đe dọa đến nhân phẩm, phẩm giá của phụ nữ và đặc biệt là trẻ em. Thưa anh chị em: tội ác không đáng được hưởng quyền tự do. Có một nhu cầu tuyệt đối phải chống lại những điều ghê tởm này với quyết tâm cao độ, cảnh giác và cố gắng hết sức để giữ cho sự phát triển của những người trẻ khỏi bị quấy rối hoặc gián đoạn bởi sự truy cập không kiểm soát các nội dung khiêu dâm, là điều sẽ để lại những vết sẹo sâu sắc trong tâm trí và trái tim của họ. Chúng ta phải bảo đảm rằng các thanh niên nam nữ, đặc biệt là các chủng sinh và giáo sĩ, không bị bắt làm nô lệ cho những nghiện ngập dựa trên sự bóc lột và tội ác lạm dụng những người vô tội và hình ảnh của họ, cũng như sự khinh miệt phẩm giá của phụ nữ và con người. Ở đây, chúng ta cần đề cập đến các chuẩn mực mới về graviora delicta [tội ác nghiêm trọng đối với giáo luật] được Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI phê chuẩn vào năm 2010, bao gồm một loại tội phạm mới là tội “mua lại, sở hữu hoặc phân phối hình ảnh khiêu dâm trẻ vị thành niên bởi một giáo sĩ bằng bất cứ phương tiện nào hoặc sử dụng bất cứ công nghệ nào”. Các văn bản nói về trẻ vị thành niên dưới mười bốn tuổi. Bây giờ chúng ta thấy rằng giới hạn độ tuổi này phải được nâng lên để mở rộng sự bảo vệ cho trẻ vị thành niên và cho thấy sự nghiêm trọng của những hành động này.

8. Du lịch tình dục. Hành vi, cách nhìn người khác, và chính trái tim của các môn đệ và những tôi tớ Chúa phải luôn nhìn nhận hình ảnh của Thiên Chúa trong mỗi con người, bắt đầu từ những người vô tội nhất. Chỉ khi chúng ta kín múc từ sự tôn trọng triệt để này đối với phẩm giá của người khác, chúng ta mới có thể bảo vệ họ khỏi quyền lực lan tràn của bạo lực, bóc lột, lạm dụng và tham nhũng, và phục vụ họ một cách đáng tin cậy trong sự phát triển toàn vẹn nhân bản và tinh thần của họ, trong cuộc gặp gỡ với người khác và với Thiên Chúa. Chiến đấu chống lại du lịch tình dục đòi hỏi phải đặt nó ra ngoài vòng pháp luật, nhưng đồng thời các nạn nhân của hiện tượng tội phạm này phải được hỗ trợ và giúp đỡ để tái hội nhập vào xã hội. Các cộng đồng giáo hội được kêu gọi để tăng cường chăm sóc mục vụ cho những người bị khai thác bởi du lịch tình dục. Trong số này, những người dễ bị tổn thương nhất và cần sự giúp đỡ đặc biệt chắc chắn là các phụ nữ, những trẻ vị thành niên và trẻ em; tuy nhiên những người được kể đến sau cùng này cần các hình thức bảo vệ và chú ý đặc biệt. Các cơ quan chính phủ cần phải dành ưu tiên cho điều này và hành động khẩn cấp để chống lại nạn buôn người và bóc lột trẻ em cho những mục tiêu kinh tế. Để đạt được điều này, điều quan trọng là phải phối hợp các nỗ lực được thực hiện ở mọi bình diện xã hội và hợp tác chặt chẽ với các tổ chức quốc tế để đạt được một khung pháp lý có khả năng bảo vệ trẻ em khỏi bị bóc lột tình dục trong ngành du lịch và bảo đảm truy tố pháp lý đối với người phạm tội. [16]

Cho phép tôi gửi lời cám ơn chân thành đến tất cả những linh mục và những người tận hiến, những người phục vụ Chúa cách trung thành và trọn vẹn, và những người cảm thấy thanh danh bị tổn thương và bị mất uy tín bởi những hành vi đáng xấu hổ của một số người trong hàng ngũ mình. Tất cả chúng ta - Giáo Hội, những người tận hiến, dân Chúa và ngay cả chính Thiên Chúa - đều chịu những ảnh hưởng nhất định từ sự bất trung của họ. Nhân danh toàn thể Giáo Hội, tôi cám ơn tuyệt đại đa số các linh mục, những người không chỉ trung thành với cuộc sống độc thân của họ, mà còn dành thời gian cho một sứ vụ mà ngày nay thậm chí còn khó khăn hơn nữa bởi những vụ tai tiếng do một thiểu số (nhưng vẫn luôn luôn là quá nhiều) những huynh đệ của họ. Tôi cũng cám ơn các tín hữu đã nhận thức rõ về sự lành thánh của các mục tử của họ và những người tiếp tục cầu nguyện cho các vị và hỗ trợ các ngài.

Cuối cùng, tôi muốn nhấn mạnh nhu cầu quan trọng là biến cái ác này thành cơ hội thanh tẩy. Chúng ta hãy nhìn vào gương của Thánh Edith Stein - Thánh Teresa Benedicta Thánh giá - với xác tín rằng “trong đêm tối mờ mịt nhất, sẽ xuất hiện các tiên tri và các vị thánh vĩ đại nhất. Tuy nhiên, dòng chảy ban sức sống của mầu nhiệm sự sống vẫn vô hình. Chắc chắn, các sự kiện quyết định lịch sử thế giới đã bị ảnh hưởng một cách căn bản bởi những linh hồn mà sử sách vẫn giữ im lặng. Và những linh hồn, mà chúng ta phải cám ơn vì những biến cố quyết định trong cuộc sống cá nhân của chúng ta, là những người mà chúng ta sẽ chỉ biết đến vào ngày mà tất cả những gì ẩn giấu được đưa ra ánh sáng.” dân Chúa trung thành, thánh thiện, trong sự im lặng hàng ngày, bằng nhiều hình thức và phương thế khác nhau tiếp tục thể hiện và minh chứng cho niềm hy vọng “ngoan cố” mà Chúa sẽ không bao giờ bỏ rơi nhưng nâng đỡ qua sự kiên định và trong rất nhiều trường hợp, sự sùng kính đau thương của con cái Ngài. Dân thánh thiện, kiên nhẫn, và trung thành của Thiên Chúa, được Chúa Thánh Thần nâng đỡ và linh hoạt, là khuôn mặt tốt nhất của Giáo Hội tiên tri, một Giáo Hội đặt Chúa của mình ở ví trí trung tâm trong việc trao ban chính mình hàng ngày. Chính Dân thánh của Thiên Chúa đó sẽ giải phóng chúng ta khỏi bệnh dịch của chủ nghĩa giáo sĩ trị, là mảnh đất màu mỡ cho tất cả những nhục nhã này.

Kết quả tốt nhất và giải pháp hiệu quả nhất mà chúng ta có thể cung cấp cho các nạn nhân, cho Giáo Hội Mẹ Thánh và toàn thế giới, là cam kết hoán cải cá nhân và tập thể, khiêm tốn học hỏi, lắng nghe, hỗ trợ và bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất.

Tôi chân thành kêu gọi một cuộc chiến toàn diện chống lại việc lạm dụng trẻ vị thành niên cả về tình dục và các lĩnh vực khác, về phía tất cả các nhà chức trách và các cá nhân, vì chúng ta đang phải đối phó với những tội ác ghê tởm cần phải bị xóa khỏi mặt đất: điều này được yêu cầu bởi tất cả đông đảo các nạn nhân vẫn bị che giấu trong các gia đình và trong các môi trường khác nhau của xã hội chúng ta.

[1] x. MARIA ISABEL MARTÍNEZ PÉREZ, Abusos sexuales en niños y adolescentes, ed. Criminología y Justicia, 2012, theo đó chỉ có 2% trường hợp lạm dụg được báo cáo, đặc biệt là khi việc lạm dụng xảy ra trong gia đình. Tác giả cho rằng số nạn nhân của ấu dâm trong xã hội chúng ta là từ 15% đến 20%. Chỉ 50% trẻ em tiết lộ những lạm dụng mà chúng phải chịu, và trong số những trường hợp này chỉ có 15% được thực sự báo cáo. Chỉ có 5% cuối cùng dẫn đến việc truy tố trước tòa.

[2] Một trong ba trẻ bị lạm dụng đề cập không đề cập vụ việc với ai (dữ liệu năm 2017 do tổ chức phi lợi nhuận THORN biên soạn).

[3] Trên bình diện toàn cầu: năm 2017, Tổ chức Y tế Thế giới ước tính có tới 1 tỷ trẻ vị thành niên từ 2 đến 17 tuổi đã trải qua các hành vi bạo lực hoặc bỏ bê thể xác, tình cảm hoặc tình dục. Theo một số ước tính của UNICEF vào năm 2014, lạm dụng tình dục (từ sờ mó đến cưỡng hiếp), sẽ ảnh hưởng đến 120 triệu cô gái, là những nạn nhân chủ yếu nhất. Vào năm 2017, UNICEF đã báo cáo rằng tại 38 quốc gia có thu nhập từ thấp đến trung bình trên thế giới, gần 17 triệu phụ nữ trưởng thành thừa nhận có quan hệ tình dục cưỡng bức trong thời thơ ấu.

Châu Âu: năm 2013, Tổ chức Y tế Thế giới ước tính có hơn 18 triệu vụ lạm dụng. Trong đó, 13.4% là nữ, và 5.7% là nam. Theo UNICEF, tại 28 quốc gia châu Âu, khoảng 2.5 triệu phụ nữ trẻ báo cáo đã trải qua lạm dụng tình dục có hoặc không có tiếp xúc thể xác trước tuổi 15 (dữ liệu được công bố vào năm 2017). Ngoài ra, 44 triệu (tương đương 22.9%) là nạn nhân của bạo lực thể xác, và 55 triệu (29.6%) là nạn nhân của bạo lực tâm lý. Không chỉ thế: năm 2017, Báo cáo INTERPOL về việc khai thác tình dục trẻ vị thành niên đã dẫn đến việc xác định 14,289 nạn nhân ở 54 quốc gia châu Âu. Liên quan đến Ý, năm 2017 CESVI ước tính có 6 triệu trẻ em bị lạm dụng. Ngaòi ra, theo dữ liệu do Telefono Azzurro đưa ra, trong năm 2017, 98 trường hợp lạm dụng tình dục và ấu dâm đã được Servizio 114 Recentenza Infanzia thụ lý, tương đương với khoảng 7.5% tổng số vụ được thụ lý bởi dịch vụ tư pháp này. 65% trẻ vị thành niên tìm kiếm sự giúp đỡ là nạn nhân nữ và hơn 40% dưới 11 tuổi.

Châu Á: ở Ấn Độ, trong thập niên 2001-2011, Trung tâm Nhân quyền Châu Á đã báo cáo tổng cộng 48,338 vụ hiếp dâm trẻ vị thành niên, với mức tăng tương đương 336% trong giai đoạn đó: 2,113 vụ vào năm 2001 đã tăng lên đến 7,112 vụ trong năm 2011.

Châu Mỹ: tại Hoa Kỳ, dữ liệu chính thức của chính phủ tuyên bố rằng hơn 700,000 trẻ em mỗi năm là nạn nhân của bạo lực và lạm dụng. Theo Trung tâm quốc tế về trẻ em mất tích và bị khai thác (ICMEC), cứ 10 trẻ em thì có 1 trẻ bị lạm dụng tình dục.

Châu Phi: ở Nam Phi, kết quả nghiên cứu do Trung tâm Tư pháp và Phòng chống tội phạm của Đại học Cape Town thực hiện vào năm 2016 cho thấy 1 trong 3 thanh niên Nam Phi, nam hay nữ, có nguy cơ bị lạm dụng tình dục trước tuổi 17. Theo nghiên cứu, lần đầu tiên thuộc loại này trên quy mô quốc gia ở Nam Phi, 784,967 thanh niên từ 15 đến 17 tuổi đã trải qua lạm dụng tình dục. Các nạn nhân trong hầu hết các miền là nam thanh niên. Chưa đến một phần ba trong số họ báo cáo vụ việc với chính quyền. Ở các nước châu Phi khác, các trường hợp lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên là một phần trong bối cảnh rộng lớn hơn các hành vi bạo lực liên quan đến các cuộc xung đột ảnh hưởng đến lục địa này và do đó rất khó để định lượng. Hiện tượng này cũng liên quan chặt chẽ đến việc thực hành rộng rãi các cuộc hôn nhân vị thành niên ở nhiều quốc gia Phi Châu khác nhau, cũng như ở những nơi khác.

Châu Đại Dương: tại Úc, theo dữ liệu do Viện Y tế và Phúc lợi Úc (AIHW) ban hành vào tháng 2 năm 2018 liên quan đến các năm từ 2015 đến 2017, một trong sáu phụ nữ (16%, tức là 1.5 triệu) đã báo cáo trải qua các lạm dụng thể chất và/hoặc tình dục trước 15 tuổi và một trong chín người đàn ông (11%, tức là 992,000) đã báo cáo đã trải qua các hành vi lạm dụng này khi họ còn nhỏ. Ngoài ra, trong năm 2015-2016, khoảng 450,000 trẻ em là đối tượng của các biện pháp bảo vệ trẻ em và 55,600 trẻ vị thành niên đã được đưa ra khỏi nhà để khắc phục các hành vi lạm dụng mà chúng phải chịu và để ngăn chặn những người khác. Cuối cùng, người ta không được quên những nguy cơ mà trẻ vị thành niên bản địa phải gánh chịu: một lần nữa, theo AIHW, trong năm 2015-2016, trẻ em bản địa có xác suất bị lạm dụng hoặc bị bỏ rơi cao gấp bảy lần so với những người cùng trang lứa không phải là người bản địa (x. http://www.pbc2019.org/protection-of-minors/child-abuse-on-the-global-level).

[4] Dữ liệu được cung cấp đề cập đến các mẫu thống kê được chọn trên cơ sở độ tin cậy của các nguồn có sẵn. Các nghiên cứu được UNICEF công bố trên 30 quốc gia đã xác nhận thực tế này: một tỷ lệ nhỏ nạn nhân tuyên bố rằng họ đã yêu cầu giúp đỡ.

[5] x. https://www.repubblica.it/salute/prevenzione/2016/05/12/news/maltrattamenti_sui_minori_tutti_gli_abusi-139430223.

[6] Cụ thể, những người phải chịu trách nhiệm cho những khó khăn của trẻ vị thành niên là, các bậc cha mẹ trong 73.7% trường hợp (người mẹ trong 44.2% trường hợp và người cha trong 29.5% trường hợp), người thân (3.3%), một người bạn (3.2 %), một người quen (3%), một giáo viên (2.5%). Dữ liệu cho thấy chỉ trong một tỷ lệ nhỏ các trường hợp (2.2%) người phải chịu trách nhiệm là một người lạ trưởng thành. x. thượng dẫn.

[7] Một nghiên cứu tại Anh vào năm 2011 do Hiệp hội quốc gia phòng chống các hành vi tàn ác đối với trẻ em (NSPCC) thực hiện cho thấy 29% những người được phỏng vấn cho biết họ từng trải qua các hành vi lạm dụng tình dục (thể chất và lời nói) trong các trung tâm thể thao.

[8] Theo dữ liệu năm 2017 của Tổ chức Internet Watch (IWF), cứ sau 7 phút lại có một trang web tung lên hình ảnh của những đứa trẻ bị lạm dụng tình dục. Trong năm 2017, 78,589 địa chỉ trên mạng được tìm thấy có chứa những hình ảnh lạm dụng tình dục tập trung đặc biệt ở các nước Bỉ, Hòa Lan, Lục Xâm Bảo, tiếp theo là Hoa Kỳ, Canada, Pháp và Nga. 55% nạn nhân dưới 10 tuổi, 86% là bé gái, 7% bé trai và 5% là cả hai.

[9] Các điểm đến thường xuyên nhất là Ba Tây, Cộng hòa Dominican, Colombia, cũng như Thái Lan và Campuchia. Danh sách này gần đây cón có thêm một số quốc gia Châu Phi và Đông Âu. Mặt khác, sáu quốc gia mà thủ phạm lạm dụng chủ yếu đến là Pháp, Đức, Anh, Trung Quốc, Nhật Bản và Ý. Không thể bỏ qua là ngày càng nhiều phụ nữ đến các nước đang phát triển để tìm kiếm quan hệ tình dục có trả tiền với trẻ vị thành niên: tổng cộng, họ chiếm 10% khách du lịch tình dục trên toàn thế giới. Hơn nữa, theo một nghiên cứu của ECPAT (Kết thúc mại dâm trẻ em ở du lịch châu Á) International, từ năm 2015 đến 2016, 35% khách du lịch tình dục ấu dâm là khách hàng thường xuyên, trong khi 65% là khách hàng không thường xuyên (xem https://www.osservatoriodiritti.it/2018/03/27/turismo-sessuale-juniorile-nel-mondo-italia-ecpat).

[10] “Nếu thảm kịch nghiêm trọng này có sự tham gia một số thừa tác viên thánh hiến, chúng ta phải tự hỏi nó bén rễ sâu đến thế nào trong các xã hội của chúng ta và trong các gia đình chúng ta” (Diễn văn tại Giáo Triều Rôma, 21 Tháng 12 năm 2018).

[11] x. R.H. Benson, Lord of the World, Dodd, Mead and Company, London, 1907.

[12] “Quare times, Herodes, quia audis Regem natum? Non venit ille ut te excludat, sed ut diabolum vincat. Sed tu haec non intelligens turbaris et saevis; et ut perdas unum quem quaeris, per tot infantium mortes efficeris crudelis… Necas parvulos corpore quia te necat timor in corde (Thánh Quodvultdeus, Sermo 2 de Symbolo: PL 40, 655).

[13] “Quemadmodum enim ille, effuso in scientiae lignum veneno suo, naturam gusto corruperat, sic et ipse dominicam carnem vorandam praesumens, deitatis in ea virtute corruptus interituque sublatus est” (Thánh Maximô Cha Giải Tội, Centuria 1, 8-3: PG 90, 1182-1186).

[14] (CDC: United States Centers for Disease Control and Prevention; CRC: Convention on the Rights of the Child; End Violence Against Children: The Global Partnership; PAHO: Pan American Health Organization; PEPFAR: President’s Emergency Program for AIDS Relief; TfG: Together for Girls; UNICEF: United Nations Children’s Fund; UNODC: United Nations Office on Drugs and Crime; USAID: United States Agency for International Development; WHO: World Health Organization).

[15] Mỗi chữ của từ INSPIRE tiêu biểu cho một trong những chiến lược, và trong hầu hết các miền đã chứng minh có thể phòng ngừa hiệu quả chống lại nhiều hình thái bạo lực, ngoài việc có lợi trong các lĩnh vực như sức khỏe tâm thần, giáo dục và việc giảm bớt nạn tội phạm. Có bảy chiến lược như sau: Thực hiện và thi hành pháp luật (ví dụ, tránh kỷ luật bạo lực và hạn chế quyền dùng rượu và súng); Thay đổi các chuẩn mực và giá trị (ví dụ, những điều xem nhẹ việc lạm dụng tình dục đối với các cô gái hoặc các hành vi hung hăng của nam giới); tạo ra các môi trường an toàn (ví dụ, xác định các khu vực là “điểm nóng” bạo lực và đối phó với các nguyên nhân địa phương thông qua các chính sách giải quyết vấn đề và thông qua các can thiệp khác); Nâng đỡ cho các phụ huynh và những người chăm sóc (ví dụ, bằng cách cung cấp việc đào tạo cho các bậc cha mẹ, và cho những người sắp có con); Tăng thu nhập và hỗ trợ kinh tế (ví dụ như tín dụng vi mô và cung cấp các cơ hội bình đẳng nói chung); Hình thánh và mở rộng các dịch vụ Phản ứng và Hỗ trợ (ví dụ, bảo đảm rằng trẻ em gánh chịu bạo lực có thể được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc khẩn cấp có hiệu quả và có thể nhận được những hỗ trợ tâm lý xã hội đầy đủ); Tăng cường hệ thống giáo dục và các kỹ năng sống (ví dụ, bảo đảm rằng trẻ em được cắp sách đến trường và trang bị cho họ những kỹ năng xã hội).

[16] x. Tài liệu cuối cùng của Hội nghị thế giới về Chăm Sóc Mục Vụ Du lịch, ngày 27 Tháng Bảy, 2004.


Source:Libreria Editrice Vaticana