Ngày 24-02-2011
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Chọn Thiên Chúa hay tiền của
Giuse Đinh Lập Liễm
01:19 24/02/2011
CHÚA NHẬT 8 THƯỜNG NIÊN A

+++

A. DẪN NHẬP

Cuộc đời là một chuỗi những sự lựa chọn. Bất cứ ai đều phải có sự lựa chọn cho đời sống của mình về phương diện tinh thần cũng như vật chất. Trên bình diện tôn giáo, Đức Giêsu đã chỉ dẫn cho chúng ta cách lựa chọn:”Các con không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi Tiền của được”(Mt 4,24). Và Ngài đã đòi chúng ta một sự lựa chọn dứt khoát: một là Thiên Chúa, hai là Tiền của. Chúng ta có quyền tự do lựa chọn và phải gánh chịu hậu quả về sự lựa chọn đó.

Chúng ta là những người khôn ngoan đã dứt khoát chọn lựa Thiên Chúa vì chúng ta là con của Ngài, đã được dựng nên giống hình ảnh Ngài. Một khi đã chọn Thiên chúa, chúng ta phải tuyệt đối yêu mến và tin tưởng vào sự quan phòng của Ngài. Chúa khuyên chúng ta đừng quá lo lắng về cơm ăn áo mặc, hãy nhìn xem chim trời, hoa cỏ đồng nội thì biết. Nhưng chúng ta phải lưu ý: Chúa khuyên chúng ta đừng “lo lắng” nhưng phải biêt “lo liệu”. Lo lắng là dấu chỉ chưa đủ tin tưởng vào Chúa, còn lo liệu là biết khôn ngoan sắp đặt mọi sự trong hiện tại cũng như trong tương lai trong sự yêu mến và tin tưởng phó thác cho Chúa.

Tin tưởng phó thác vào Chúa quan phòng không có nghĩa là ỷ lại, để cho Chúa lo mọi sự, nhưng trái lại, phải có sự cộng tác của chúng ta. Đây là bằng chứng: ngày từ đầu Thiên Chúa đã trao trái đất cho con người coi sóc, Đức Giêsu đã làm nghề thợ mộc tại Nazareth và thánh Phaolô cũng chủ trương ai không làm việc thì không có quyền ăn. Vậy, trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta cứ làm việc bình thường, đừng bồn chồn lo lắng. Hãy quên đi quá khứ, hăng say làm việc trong hiện tại và đặt tương lai vào trong bàn tay Chúa quan phòng.

B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA

+ Bài đọc 1: Is 49,14-15

Dân Israel bị lưu đày bên Babylon, sống cơ cực dưới sự đè nén của ngoại bang, họ đâm ra chán nản, thất vọng. Họ cho rằng Thiên Chúa đã quên họ. Họ đã bị bỏ rơi. Niềm tin bị giảm sút.

Nhưng tiên tri Isaia đã khẳng định với dân: Thiên Chúa không bao giờ bỏ quên họ bởi vì họ là con của Ngài. Ông đưa ra một hình ảnh sống động và cụ thể: có người mẹ nào mà bỏ quên con mình ? Cho dù người mẹ có bỏ quên con mình đi nữa thì Thiên Chúa sẽ không bao giờ bỏ quên đâu.

+ Bài đọc 2: 1Cr 4,1-5

Tín hữu Corintô có nhiều tinh xấu như óc bè phái, tính kiêu căng, tự phụ. Hôm nay thánh Phaolô nhắc nhở họ phải đề phòng một tính xấu khác, đó là xét đoán.

Thực ra, không ai biết được con tim khối óc của người khác, chỉ là phỏng đoán, duy một mình Thiên Chúa mới biết được chính xác. Vì thế, mọi người hãy dành quyến xét xử cho Thiên Chúa “Đấng thấu suốt lòng mọi người”.

+ Bài Tin mừng: Mt 6, 24-34

Hôm nay Đức Giêsu nói với cả người giầu lẫn người nghèo phải biết lựa chọn. Chỉ có hai con đường để lựa chọn, đó là phụng sự Thiên Chúa hay phụng sự Tiền của.

Phụng sự Thiên Chúa là sống theo Tin mừng, theo Hiến chương Nước Trời và tìm kiếm sự công chính của Thiên Chúa, nghĩa là tìm biết và thi hành thánh ý Ngài.

Nếu phụng sự Chúa thì phải tin vào Chúa quan phòng. Đành rằng chúng ta phải làm việc để giải quyết đời sống vật chất như cơm ăn áo mặc… nhưng chúng ta phải dành ưu tiên cho việc tìm kiếm Nước Trời, còn mọi sự khác Ngài sẽ ban cho.

C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA

Bắt cá hai tay

Người Việt nam chúng ta thường dùng câu tục ngữ “Bắt cá hai tay” để chỉ những người tham lam, mưu cầu nhiều việc. Ta phải hiểu câu tục ngữ này như thế nào ? Nhân dân ta hiểu câu tục ngữ này theo nghĩa đen là: mỗi tay bắt một con, và kết quả là tuột mất hết chẳng bắt được con cá nào. Chẳng thế mà ca dao Việt nam đã từng khuyên nhủ mọi người:

Thôi đừng bắt cá hai tay

Cá thì xuống bể, chim bay về ngàn.

Câu tục ngữ này có thể minh họa một phần nào lời Đức Giêsu nói trong bài Tin mừng hôm nay:”Không ai có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia; hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ kia. Các con không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi Tiền của được” (Mt 6,24).

I. PHẢI BIẾT CHỌN LỰA

1. Lựa chọn là điều cần thiết

Ngày nay người ta nói nhiều đến dấn thân. Dấn thân, nhập cuộc là thân phận của con người. Sống là dấn thân, mà dấn thân thì phải lựa chọn. Sống là một chuỗi những lựa chọn. Chính những lựa chọn này sẽ làm cho người ta thành công hay thất bại, trở thành người tốt hay người xấu, được hạnh phúc hay phải đau khổ. Đã chọn lựa điều này thì phải bỏ điều kia. Từ bỏ bao giờ cũng là một giằng co, nuối tiếc.

Đức Giêsu muốn các môn đệ của Ngài phải chọn lựa dứt khoát, không có thái độ lưng chừng hoặc bắt cá hai tay. Người bắt cá hai tay bao giờ cũng là kẻ thua thiệt nhất. Hôm nay phải chọn lựa hoặc Thiên Chúa hoặc Tiền của.

2. Phải chọn lựa thế nào ?

a) Thời xa xưa, trong thời vua Achab trị vì, dân Israel đã bỏ Chúa mà đi thờ dân ngoại Baal. Tiên tri Êlia đã hô hào dân chúng hảy trở về với Thiên Chúa, phải dứt khoát lựa chon:”Các ngươi nhảy khập khiễng hai chân cho tới bao giờ ? Nếu Đức Chúa là Thiên Chúa, hãy theo Người; còn nếu là Baal thì cứ theo nó” (1V 18,21)

b) Thời nay, Đức Giêsu cũng cảnh báo cho những người tôn thờ tiền của như sau:”Các con không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi Tiền của được” (Mt 6,24)

* Ý nghĩa chữ “Tiền của”

Tiền của ở đây được viết bằng chữ hoa, tiếng Aram là MAMMON, có nghĩa là Tiền của. Nếu tiền được thần hóa như thế, thì sức mạnh thống trị của nó không thể coi thường. Nếu tiền và Thiên Chúa đã được Đức Giêsu đưa lên bàn cân để người ta lựa chọn, thì quyền lực của nó phải là vô song.

* Ý nghĩa chữ “tôi” và “chủ”.

Đối với người xưa “không ai được làm tôi hai chủ” có ý nghĩa hơn đối với chúng ta. Từ ngữ là “tôi” trong nguyên ngữ Hy lạp là “nô lệ”, làm nô lệ cho; còn từ “chủ” để chỉ quyền sở hữu tuyệt đối. Ý nghĩa câu này sẽ rõ hơn nếu chúng ta dịch: không ai có thể làm nô lệ cho hai ông chủ.

Để hiểu ý nghĩa, có hai điều chúng ta cần nhớ về người nô lệ thời xưa. Nô lệ, trong quan điểm luật pháp, không phải là một con người mà là một đồ vật. Nô lệ tuyệt đối không có gì cả, chủ có thể sử dụng nô lệ thế nào cũng được. Đối với luật pháp, nô lệ là một dụng cụ sống, ông chủ có thể bán, đánh đập, quăng ra ngoài hoặc giết đi, vì ông ta sở hữu người nô lệ y như sở hữu một đồ vật. Thứ đến, nô lệ thời xưa không có chút thời giờ nào là của riêng. Mỗi giây phút của đời sống nô lệ đều thuộc về chủ…

Đây chính là mối dây liên hệ của chúng ta đối với Thiên Chúa, ta không có quyền gì cả. Thiên Chúa là chủ tuyệt đối. Không bao giờ chúng ta được hỏi: tôi muốn làm gì ? Nhưng luôn luôn hỏi: Chúa muốn tôi làm gì ?

3. Nguy hại của thần Mammon.

Thần Mammon hay thần Tiền của có một sức mạnh vạn năng, nó giải quyết phần lớn các nhu cầu của con người, nên tiền của hấp dẫn lạ lùng. Người Việt nam chúng ta có câu:

Có tiền mua tiên cũng được

Hoặc:

Mạnh về gạo, bạo về tiền

Lắm tiền, nhiều gạo là tiên trên đời.

Ngay cả việc đạo cũng phải có tiền mới xong:

Có thực mới vực được đạo.

Nguyên ngữ Mammon chỉ có nghĩa là của cải vật chất. Nguyên nghĩa của nó không phải là một chữ mang ý nghĩa xấu. Các rabbi Do thái vẫn dạy:”Hãy quí trọng mammon của người khác như của chính ngươi”, nghĩa là mọi người phải coi tài sản vật chất của người khác quí trọng như tài sản của mình.

Tiền của là như vậy, nhưng tại sao Đức Giêsu lại gay gắt với tiền của như thế ? Thật ra, Ngài không lên án tiền của, Ngài chỉ cảnh báo những ai ham mê của cải mà thôi. Hay nói cách khác, Thánh Kinh đã nói:”Lòng ham tiền của là cội rễ mọi điều ác” (1Tim 6,10).

Và chúng ta phải công nhận rằng tiền của là phương tiện hữu hiệu Chúa ban, để bảo tồn sự sống đời này, và để mua Nước Thiên đàng đời sau. Tự bản chất của tiền là tốt, nó là hồng ân Thiên Chúa tặng ban cho con người.

Tiền của chỉ trở nên xấu khi ta quá tôn thờ nó, như một ông chủ sai khiến hành hạ đời ta, thậm chí lấy luôn mạng sống ta.

Tiền của chỉ trở nên đáng ghét khi ta quá tham lam thu tích nó mà quên đi bổn phận chia sẻ với anh em, như người giầu có xử tệ với Lazarô nghèo khó.

Tiền của chỉ trở nên án phạt khi ta quá ham mê nó mà từ bỏ Thiên Chúa, như Giuđa bán Thầy vì mê 30 đồng bạc.

Tiền của chỉ trở nên cạm bẫy khi ta quá bám víu vào nó mà không còn tin cậy vào Thiên Chúa quan phòng, như người phú hộ ham hưởng khoái lạc không kịp ăn năn.

Vì thế, Đức Giêsu thật có lý khi cấm chúng ta không được làm tôi tiền của. Ngài cảnh báo như thể để mưu cầu hạnh phúc đời đời cho chúng ta.

Truyện: Nô lệ hay tự do

Hôm ấy, trời vừa rạng đông, ông hoàng nói với tên đầy tớ: “Xem chừng anh mơ ước giầu có lắm. Vậy từ giờ này cho đến lúc mặt trời lặn, anh có sức ngần nào thì cứ chạy. Tất cả nhữngg ruộng vườn, ao cá anh chạy vòng quanh được, ta cho anh hết”.

Anh vui sướng quá ! Cha chết sống dậy cũng không bằng. Anh liền cắm đầu chạy, chạy vùn vụt như Hạng Vũ trên con ngưa Ô-Truy. Chín mười tiếng đồng hồ qua, chàng làm chủ được mấy cánh đồng bao la bát ngát. Chàng vừa dừng chân, thì một hồ cá mênh mông với mặt nước trong ngần huyền ảo phán chiếu ánh mặt trời đã xế chiều. Chang lại chạy tiếp. Sau cùng, màn đêm buông rơi. Chàng hổn hển quay bước trở về, để làm bậc tỷ phú với “Ruộng vườn cò bay thẳng cánh, ao hồ mặc sức cá đua”.

Nhưng vừa bước chân vào ngưỡng cửa, chàng ngã lăn xuống bất tỉnh. Vợ con vội vàng thuốc thang săn sóc… Nhưng vô hiệu. Nhà tỷ phú đã trút linh hồn sau một ngày dài lao lực quá mức. Người ta đào cho chàng một chỗ nghỉ trong lòng đất, vừa dài, vừa rộng, nhưng không quá ba tấc đất.

Đó là kết cục của một con người ham mê tiền của, để nó sai khiến như một tên nô lệ, phải vắt cạn kiệt sức lực cho tới chết, mà không được mảy may hưởng dùng.

Sự nô lệ cho tiền của là một bệnh “ung thư” thật sự của xã hội chúng ta. Nhắc lại như thế là việc tầm thường. Nền văn minh Tây phương đang tự phá hủy chính mình dưới nhịp độ dữ dội mà cuộc chạy đua đuổi theo cái “tiện nghi”, cái “xa hoa”, những đồ dùng lạ mắt bắt ép nền văn minh ấy. Chính con người trở thành nạn nhân của “đồ bỏ đi ấy của Satan” như cách gọi của tác giả người Ý, Papini.

II. TIN VÀO CHÚA QUAN PHÒNG

1. “Đừng lo lắng về của ăn áo mặc”

Tiếp theo việc phải chọn lưa giữa Thiên Chúa và Tiền của, Đức Giêsu khuyên chúng ta đừng lo lắng về cơm ăn áo mặc, hãy xem chim trời và hoa đồng nội, chúng sống thế nào !

Chúng ta cần phân biệt giữa “lo lắng” và “lo liệu”. Chúa bảo chúng ta đừng lo lắng chứ không phải đừng lo liệu. Lo lắng vì không tin tưởng vào Thiên Chúa quan phòng. Mọi lo lắng đều liên hệ đến tương lai, mà tương lai là điều chưa có thật. Trái lại, lo liệu là vẫn lo làm việc hôm nay, tiên liệu cho ngày mai, nhưng luôn tin cậy phó thác cho Chúa.

Lo lắng chủ yếu là không tín thác vào Chúa. Sự không tín thác như thế có thể hiểu được nơi người ngoại giáo với tin tưởng vào một thần linh ganh tị, thất thường, không thể đoán trước được, nhưng không thể hiểu được nơi một người đã học gọi Thiên Chúa là Cha. Khi chúng ta đặt chính mình vào đôi tay của Thiên Chúa, chúng ta mở lòng mình để hưởng nhờ ơn Chúa bảo vệ chúng ta. Và chúng ta có thể sống đời sống của mình và cử hành giây phút hiện tại.

2. Hãy tin vào Chúa quan phòng

Quan phòng là hành động của Thiên Chúa hướng dẫn con người và thế giới cách nào đó mà ta không ngờ. Nó không phải là định mệnh, hay số mệnh như quan niệm bình dân. Bình dân hiểu: số mệnh, định mệnh là sự ấn định trước cho mỗi người phải chịu một kiếp sống tốt hay xấu, sướng hay khổ, thành hay bại giống như rút thăm, rút số ghi sẵn cái gì thì phải lãnh cái đó.

Quan phòng là việc của người Cha khôn ngoan sáng suốt, đầy tình thương mến, hy sinh tận tụy lo toan cho con, nhưng cũng rất tôn trọng tự do sáng kiến của con, khi con hết lòng yêu mến, kính phục Cha, nó sẽ hết lòng vâng theo lời hay lẽ phải của Cha.

Phụng vụ Chúa nhật hôm nay nhắc nhở cho ta điều mà ta không bao giờ được quên là ta tùy thuộc vào Chúa từng hơi thở. Chúa là Chúa các tạo vật. Ngài nắm quyền ban sự sống và đem lại cái chết. Ngài cầm vận mạng mọi loài trong tay.

Trong bài đọc 1, tiên tri Isaia nhắc nhở cho dân chúng là ngay cả khi họ bị lưu đầy bên Babylon, Chúa vẫn nhớ họ và không bỏ rơi họ. Mặc dầu bị án phạt, Chúa vẫn nhớ họ và giải thoát họ khỏi nô lệ. Sứ điệp của tiên tri Isaia bảo ta là phải đặt tin tưởng phó thác vào Chúa, ngay cả trong những ngày đen tối, bởi vì Thiên Chúa không bỏ rơi dân Người. Isaia còn đưa ra hình ảnh người mẹ với đứa con, không bao giờ người mẹ bỏ quên con, và giả như người mẹ có quên con đi chằng nữa thì Thiên Chúa cũng không bao giờ bỏ ta là con Ngài.

Tin mừng cũng nói lên một sứ điệp tương tự Lời Chúa vang dội bên tai ta như là lời an ủi vỗ về:”Các con chớ áy náy lo lắng mà nói rằng: chúng ta sẽ ăn gì, uống gì hoặc sẽ lấy gì mà mặc… Cha trên trời biết rõ chúng con cần những sự đó” (Mt 6,31-32).

Truyện: Người mẹ không quên con

Một phụ nữ nghèo nàn ở trong một giáo xứ tại Dublin có một đứa con trai và đứa con này làm tan nát đời bà.

Anh ta không chịu làm việc mà dùng thời giờ để uống rượu và la cà với những kẻ phá rối. Anh lấy trộm hết những vật có giá trị của bà trong nhà. Bao nhiêu lần, bà đã cầu xin anh thay đổi đời sống, nhưng anh từ chối không làm. Anh làm cho trái tim mẹ anh tan nát và đời sống bà trở nên khốn khổ.

Có lúc anh ta phải vào tù. Hẳn là bà bỏ mặc anh ta ? Không đời nào. Bà đến nhà tù thăm anh ta không bỏ tuần nào, mỗi lần đều mang theo thuốc lá và những đồ dùng khác cho anh ta trong một cái bao nhỏ. Một ngày nọ, một linh mục trong giáo xứ gặp bà lúc bà đang trên đường đến nhà tù.

“Đứa con trai này làm đời bà tan nát” vị linh mục nói. “Nó sẽ không bao giờ thay đổi. Tại sao bà không quên nó đi” ?

“Làm sao tôi có thể quên nó được” ? bà đáp lại. “Tôi không thích việc nó làm nhưng nó vẫn là con tôi”.

Bạn có thể nói rằng người mẹ ấy điên. Tuy nhiên bà chỉ làm điều mà bất cứ bà mẹ nào đúng nghĩa một bà mẹ không thể không làm, đó là yêu thương con của mình dù ở hoàn cảnh nào. Một bà mẹ không bao giờ bỏ cuộc. Đối với hầu hết chúng ta, tình thương của bà mẹ là một tình yêu của con người đáng tin cậy nhất. Nên không lạ gì khi Kinh Thánh dùng tình yêu của bà mẹ như một hình ảnh của tình yêu Thiên Chúa (McCarthy).

3. Quan phòng và hành động.

Tin vào Chúa quan phòng không phải là trao hết mọi việc vào tay Chúa rồi sống ỷ lại với tư tưởng:”Trời sinh voi, trời sinh cỏ” rồi “ngồi há miệng chờ sung rụng”. Tin Chúa quan phòng không được mang tính cách thụ động, không phải thái độ vô vi, yếm thế, buông trôi. Đức tin chân chính phải thể hiện bằng việc làm, càng tin, càng phải đem hết sức mình cộng tác vào công trình sáng tạo của Thiên Chúa: biết xây dựng trần thế tốt đẹp như khi Ngài dựng nên mọi sự tốt đẹp.

Nếu Đức Giêsu nói:”Các con không phải làm gì cả, cứ tin vào Chúa quan phòng” thì tại sao trong toàn bộ Thánh Kinh, ngay từ đầu, Thiên Chúa đã nói điều ngược lại ? Chương đầu tiên của sách Sáng thế đã cho chúng ta lệnh truyền:”Hãy thống trị đất và bắt nó pục tùng”.

Thật ra, Đức Giêsu khẳng định:”Vì thợ đáng được nuôi ăn”(Mt 10,10). Điều này được hiểu ngầm rằng người nào không làm việc, người đó không có quyền ăn như thánh Phaolô kết luận (2Tx 3,10). Và cũng phải đọc lại lời lên án nghiêm khắc của người đã không làm sinh lợi nén bạc mà người đó đã lãnh nhận (Mt 25,14-30). “Còn tên đầy tớ vô dụng kia, hãy quăng nó ra chỗ tối tăm bên ngoài”.

Vả lại, Ở Nazareth, Đức Giêsu đã có một nghề nghiệp: Ngài đã trải qua kinh nghiệm sống đổ mồ hôi, sôi nước mắt. Và cũng như 20 gia đình tạo thành ngôi làng nhỏ miền quê ấy, Ngài cũng phải sở hữu ít đồng ruộng và một vài gia súc. Đức Giêsu hoàn toàn biết rằng tiền bạc có ích và cần thiết cho cuộc sống.

Nhà nho cũng hiểu điều đó khi nói:”Thiên hành kiện, quân tử dĩ tự cường bất tức”: trời hành động kiên cường thế nào thì quân tử cũng phải tự cường, hết sức làm như thế, không ngưng nghỉ. Quân tử là con trời, con vua, là hiền nhân, minh triết, phải biết tri thiên mệnh: biết ý trời, biết mệnh lệnh của trời để làm theo. Tin có thiên mệnh, tin cáo đạo Trời, chính là tin Thiên Chúa quan phòng sắp xếp mọi trật tự cho muôn loài trong trời đất.

Nhà nho chân chính Nguyễn công Trứ luôn luôn kiên cường hành đạo không mỏi mệt, không vụ danh lợi, dù làm tướng, làm quan hay làm lính “vẫn ra tay buồm lái với cuồng phong”. Nhờ thế, ông đã biến biển cả thành nương dâu, đồng ruộng Kim Sơn, Tiền Hải cho nhân dân ấm no. Nhất là ông đã biến những con người yếm thế thành những nam nhi anh hùng:”Chí những toan xẻ núi lấp sông”, biến những tâm hồn tham danh lợi thành trong sáng thanh tao:”Chẳng lợi danh gì lại hóa hay”. Một con người đầy chí khí không cầu thành công danh lợi, chỉ cầu thành nhân mưu ích cho đời:”Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”.

Đức Giêsu đâu có thành công lúc sinh thời, nhưng đã thành Đấng Cứu Độ của muôn dân.

III. TÌM CÁI ƯU TIÊN CHO CUỘC SỐNG

Trong tất cả các tạo tạo vật nơi vũ trụ và tất cả các sinh vật trên mặt đất, mối quan tâm trước tiên của Chúa là con người, vì con người là một tuyệt tác phẩm của Thiên Chúa. Nếu Chúa quan tâm đến chim trời, đến hoa đồng cỏ nội, thì Chúa còn quan tâm hơn gấp bội đến con người, được tạo dựng giống hình ảnh của Chúa.

Nhưng chúng ta phải đặt vấn đề và giải quyết: Tại sao với đủ mọi thứ bảo hiểm cho thân xác mà ta vẫn cảm thấy bồn chồn lo lắng, chưa có hạnh phúc ? Thưa, vì ta thiếu bảo hiểm cho tâm hồn. Khi mà chủ thể, cùng đích và lẽ sống của ta không phải là Chúa nhưng là thứ gì khác, và khi thứ khác đó bị mất đi, ta sẽ ngã gục, vì không còn gì để bám víu. Chúa không muốn ta để cho những hoàn cảnh hay trạng huống của cuộc sống điều khiển và chi phối. Chúa muốn ta sống thế nào để có thể cảm nghiệm được tình yêu và quan phòng của Chúa từ lúc này qua lúc khác, từ ngày nọ qua ngày kia. Để được như vậy, ta cần chiêm niệm Lời Chúa:”Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Người, còn mọi sự khác, Người sẽ ban cho”(Mt 6,33).

Truyện: Nguyên tắc sinh tồn

Một giáo sư thực vật học, tay cầm một hạt giống nhỏ mầu nâu và nói với cả lớp rằng:

- Tôi biết rõ hợp chất của hạt giống này. Nó gồm Hydro, carbon và nitro. Tôi biết đúng tỉ lệ và có thể tạo ra một hạt giống khác trông y như hạt giống này.

Một học sinh đứng lên hỏi:

- Thưa thầy, nếu đem hạt giống thầy chế tạo đó mà gieo xuống đất, nó có thể mọc lên không ạ ?

Giáo sư trả lời:

- Với hạt giống của tôi, điều đó không thể được. Nhưng nếu tôi đem hạt giống mà Thiên Chúa đã làm ra, nó sẽ mọc lên thành cây, vì nó chứa đựng nguyên tắc mầu nhiệm mà chúng ta gọi là nguyên tắc sinh tồn.

Hạt giống là một cái gì chứa đựng sự sống. Con người, có thể với sự tài giỏi của khoa học, tạo ra những hạt giống tương tự hoặc tạo ra những người máy robot, song không thể tạo ra được sự sống được. Quyến sống chết chỉ duy nhất ở trong tay Thiên Chúa thôi.

Nếu Chúa đã nói:”Các con đừng lo lắng về ngay mai: ngày mai, cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày đó”(Mt 6,34) thì chúng ta phải hiểu là: quá khứ đã qua đi rồi, hãy quên nó đi; hiện tại đang nằm trong tay, phải chu toàn nó; tương lai là của Chúa, hãy phó thác cho Ngài và sống trong an bình thư thái.
 
Đừng nhiều lời khi cầu nguyện
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
06:55 24/02/2011
CHÚA NHẬT 9 THƯỜNG NIÊN, năm A

Mt 7, 21-27

Sống ở trần gian này, người ta cứ tưởng phải nói nhiều mới có tác dụng, phải nói lắm lời mới được người khác nghe vv…” Lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau “. Do đó, sống, tiếp xúc cư xử với nhau là cả một nghệ thuật. Biết cư xử, biết tiếp cận với nhau, biết sống với nhau luôn có một ý nghĩa quan trọng. Còn đối với Chúa, lời cầu nguyện của con người cũng phải được con người thành thực nói ra từ cõi lòng. Chúa Giêsu đã quả quyết: ” Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: ” Lạy Chúa! Lạy Chúa ! là được vào Nước Trời cả đâu. Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời mới được vào mà thôi “ ( Mt 7, 21 ).

Thực tế, lời nói mau qua, gương lành sáng chói. Ở đây, chúng ta phải nhớ rằng “ Lời nói lung lay, gương lành lôi kéo “. Bao giờ việc làm tốt, gương tốt luôn luôn có sức mạnh tỏa sáng, luôn thuyết phục được con người. Người Israel có truyền thống như sau: ” Hãy nghe đây, hỡi Israel ? Chúa là Thiên Chúa ngươi, Chúa duy nhất ? Do đó các ngươi sẽ yêu mến Chúa là Thiên Chúa các ngươi hết lòng, hết linh hồn và hết sức lực ngươi “, những ngôn từ, những lời này rất quan trọng khi Môsê dạy dân chúng: ” Hãy ghi nhớ những lời của tôi vào trái tim và linh hồn các ngươi “. Và Môsê nói tiếp:” Hãy buộc chúng nơi cổ tay các ngươi như một dấu hiệu, hãy đeo chúng như đồ trang sức trên trán của các ngươi “. Đây là tục lệ của người Do Thái, một hình thức diễn tả lòng đạo đức và sốt sắng của những người Do Thái sốt sắng.

Chúa Giêsu thường lên án thói giả hình của những người Biệt phái, Kinh sư và Pharisêu. “ Họ nói nhiều “ “ Họ ra luật tỉ mỉ “, nhưng không làm không thực hiện. Họ chất trên vai người khác những gánh nặng, còn mình thì không giơ ngón tay mà lay thử ! Đó là sự giả hình nguy hiểm. Ra đường họ nới rộng thẻ kinh, may dài tua áo vv…Lời nói của những người giả hình không đi đôi với việc họ làm. Chính vì thế, lời nói của họ là những lời đạo đức giả, những lời không có giá trị. Thánh Phêrô, tuyên xưng: ” Thầy là Đức Kitô Con Thiên Chúa hằng sống “, nhưng liền sau đó lại ngăn cản ý định cứu độ thế giới, loài người của Thầy. Hiểu được hai mặt của vấn đề này, thánh Giacôbê viết: ” Một thân xác không hơi thở là một xác chết, cũng vậy, đức tin không có hành động là đức tin chết “ ( Gc 2, 26 ). Chúa Giêsu khi nào cũng làm gương cho con người. Ngài không bao giờ rao giảng điều gì mà không thi hành, không thực hiện điều ấy trước. Chúa Giêsu luôn thực thi thánh ý của Cha Ngài: ” Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy, và hoàn tất công trình của Người “ (Ga 4, 34 ). Ngài nói tiếp: ” Tôi đến không phải để làm theo ý Tôi, mà là làm theo ý Đấng đã sai Tôi “ ( Ga 5, 30 ). Chúng ta có thể hiểu được rằng cả cuộc đời của Chúa Giêsu là làm đẹp lòng cha, Ngài luôn sống tình con thảo đối với Thiên Chúa Cha. Ngài luôn cho chúng ta thấy Ngài đến vì thánh ý Cha Ngài và đến trần gian để thực thi thánh ý Cha của Ngài: ” Này con đến để thực thi ý Cha “ ( Dt 10, 7 ). Ngay trên Thập giá, Chúa Giêsu cũng luôn một mực làm theo thánh ý Thiên Chúa: ” Lạy Cha, xin đừng theo ý Con mà là theo ý Cha “ ( Mt 26, 39 ).

Người Kitô hữu thực sự sống sự sống của Chúa khi họ hiểu được lời truyền phép: ” Đây là Mình Ta “ “ Đây là Máu Ta “. Từ Lời này: ” Bánh trở nên Mình “ và “ Rượu trở thành Máu Chúa Kitô “. Bí Tích Thánh Thể làm hiện thực hóa lời xác quyết của Chúa Giêsu: ” Không có tình yêu nào cao vời bằng tình yêu của người hiến mạng sống vì người mình yêu “ ( Ga 15, 13 ).

Giữ lòng trung tín với Chúa, sống mật thiết với Chúa qua lời cầu nguyện và hiệp nhất với Chúa trong Bí Tích Thánh Thể, Bí Tích Tình Yêu, người Kitô hữu sẽ không ngần ngại thưa với Chúa: ” Lạy Chúa, Lạy Chúa “. Nhưng những lời này phải phát xuất tự cõi lòng chân thành và trung tín với Chúa của chúng ta.

Lạy Chúa Giêsu, xin ban thêm đức tin cho chúng con để chúng con luôn biết sống yêu thương và dám chết cho yêu thương như Chúa: ” Yêu như Thầy đã yêu “ ( Ga 15, 12 ). Amen.
 
Hãy xé lòng, đừng xé áo_ Thứ Tư Lễ Tro
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
07:06 24/02/2011
THỨ TƯ LỄ TRO, năm A

Mt 6, 1-6.16-18

Chu kỳ Phụng Vụ lại xoay chuyển vần xoay. Mùa chay, bắt đầu từ ngày hôm nay và Mùa chay là thời gian chuẩn bị, dọn lòng con người. Mùa chay hướng chúng ta, đưa con người đến việc tưởng niệm mầu nhiệm Phục Sinh của Đức Kitô, Đấng đã chiến thắng tội lỗi và sự chết.

Mùa chay được khai mào bằng việc xức tro trên đầu ngày thứ tư lễ tro. Nghi thức xức tro gợi cho con người, loài người và mỗi người chúng ta về sự thực hiển nhiên là cái chết. Trong nghi thức xức tro, vị Chủ tế xức tro trên đầu mỗi người và nói: ” Hãy sám hối và Tin vào Tin mừng “. Lời mời gọi của vị Chủ tế gợi cho mỗi người về thân phận yếu hèn, tội lỗi của mình. Sám hối là kêu gọi mỗi người hãy nhìn lên Chúa để thấy Chúa cao cả, thánh thiện biết bao và nhờ đó, con người sẽ phải cố gắng, vượt thắng để noi gương bắt chước Chúa và nhận lấy tấm lòng từ ái, nhân hậu của Chúa. Giáo Hội trong nghi thức đầu Mùa chay này, cũng cho chúng ta thấy một sự thực đáng sợ mà mỗi Kitô hữu phải đối diện là cái chết. Một sự thực hiển nhiên và cũng thật bất ngờ bởi vì ai cũng phải chết nhưng giờ chết hay lúc nào con người phải chết thì không ai biết được. Đúng là sự chết thật chắc chắn những cũng thật là bấp bênh: ” Người ơi hãy nhớ mình là tro bụi, một mai người sẽ trở về bụi tro “. Con người vẫn biết mình là bụi tro như Thiên Chúa đã phán với Ông bà nguyên tổ là Ađam và Evà rằng: ” Con người từ bụi đất sẽ trở về với bụi đất “. Đó là một sự thực thật rõ ràng, nhưng cũng rất bấp bênh. Nhiều người đã cùng chúng ta sống Mùa chay năm trước cũng như các năm trước nữa, vô số người đã gặp gỡ chúng ta, đã trao đổi, trò chuyện cùng chúng ta, nhưng hôm nay trong thánh lễ này, họ đã khuất, họ đã ra đi. Đó là sự kinh ngạc, bỡ ngỡ, bấp bênh của kiếp người. Nhưng hiển nhiên, chúng ta không hề biết tại sao họ lại ra đi như thế. Đó cũng là mầu nhiệm của sự chết và là huyền nhiệm của kiếp người xem ra rất vững chắc nhưng cũng lại thật là mong manh, mỏng dòn và dễ vỡ. tuy nhiên, có một điều tối quan trọng là chúng ta có đủ chuẩn bị chắc chắn cho cái chết của chúng ta hay không ? Cái chết của chúng ta có dẫn chúng ta tới sự sống đời đời và đưa chúng ta tới sự phục sinh của Chúa ?

Chúa ban chúng ta cơ hội, thời gian để sám hối và tỉnh thức chờ đợi Ngài tới trong vinh quang. Chết là hết. Chúa không cho chúng ta cơ hội, dịp thuận tiện thứ hai để dọn mình chờ đón cái chết. Điều quan trọng nhất, chúng ta có trung thành với Chúa suốt cả cuộc đời hay không, hay chúng ta ơ hờ, buông xuôi mặc thời gian Chúa ban để chơi bời, phung phí những giây phút quí báu của cuộc sống con người. Cái chết đáng sợ thật, nhưng nếu chúng ta đã sẵn sàng, gắn bó với Chúa, trung thành với sứ mạng Thiên Chúa trao phó: quá khứ, hiện tại, tương lai đều là của Chúa. Chúng ta không thể thay đổi, đẩy lùi quá khứ, chúng ta cũng chẳng hiểu được, đoán được tương lai. Hiện tại là quan trọng bởi vì tất cả đều là hồng ân và đều là thời gian của Chúa. Chúng ta hãy sống khoảnh khắc hiện tại với mức cao độ của yêu thương thì chúng ta sẽ sống tốt khoảnh khắc cuối cùng của đời mình. Chúng ta hãy đọc lại những lời của Đức Cố Giáo Hoàng Phaolô VI viết trong “ Tư Tưởng Về Cái Chết “ như sau: “ Không nhìn lại đàng sau nữa, nhưng con vui vẻ làm bổn phận trong lúc này đây như là ý Chúa, một cách đơn sơ, khiêm tốn, và mạnh mẽ. Làm nhanh, làm tất cả, làm tốt. Làm một cách tươi vui: điều mà Chúa muốn nơi con trong lúc này đây, cả khi nó vượt quá sức lực của con và cả khi nó đòi hỏi mạng sống của con đi nữa. Sau cùng, trong giờ phút này “.

Mỗi lời nói, mỗi cử chỉ, mỗi cú điện thoại, mỗi quyết định, phải là điều xinh đẹp nhất của cuộc đời chúng ta. Chúng ta hãy dành cho tất cả mọi người tình yêu thương, nụ cười của chúng ta mà không mất đi một giây nào.

Mỗi khoảnh khắc của cuộc sống chúng ta hãy là

khoảnh khắc đầu tiên

khoảnh khắc cuối cùng

khoảnh khắc duy nhất.

( Trích trong Chứng Nhân Hy Vọng, TGM F.X Nguyễn Văn Thuận, Công Đoan Đức Mẹ La Vang ấn hành 2.000, trg 98-99 ).

Vâng, Chúa mời gọi chúng ta sám hối nghĩa là chúng ta phải tránh xa tội lỗi mà trở về với Chúa đồng thời chúng ta phải để Chúa thay đổi thực sự tâm hồn mỗi người chúng ta. Suốt Mùa chay, mỗi Kitô hữu hãy siêng năng tham dự thánh lễ hằng ngày, năng chịu các Bí tích, nhất là Bí tích Hòa giải và siêng năng lãnh nhận Mình Máu Chúa Kitô. Đây là việc sám hối đích thực và là cơ hội thuận tiện, giờ cứu độ để chúng ta sám hối ăn năn và nhìn lên Chúa để lãnh nhận ơn tha thứ của Chúa. Chúng ta hãy nhớ lại giáo huấn của Giáo Hội qua Phụng vụ hôm nay: ” Người là tro bụi và sẽ trở về với bụi tro “. Chúa nói: ” Hãy xé lòng chứ đừng xé áo “.Phải cải hóa nội tâm, phải thay đổi chứ không chỉ sống bề ngoài.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết vượt thắng các cám dỗ như Chúa đã đối diện với những cám dỗ và đã vượt thắng một cách vẻ vang. Amen.

GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ MÙA CHAY:

1.Tại sao Chúa nói: ” Hãy xé lòng. Đừng xé áo ? “.

2.Nghi thức xức tro gợi cho chúng ta điều gì ?

3.Tại sao mọi người đều phải chết ?

4.Phải chăng Chúa quá oan nghiệt khi đem lại sự chết cho con người ?

5.Chúng ta phải sống quá khứ, hiện tại và tương lai ra sao ?

6.Tại sao lại có nhiều người đi xem bói bài, bói toán, rút xăm vv…Phải chăng họ quá yếu tin vào Thiên Chúa ?
 
Thánh Giuse bên Ai Cập
+GM Gioan B. Bùi Tuần
09:20 24/02/2011
Tháng Ba là tháng kính thánh Giuse. Trong thời gian này, khắp nơi trong Hội Thánh đều hướng về thánh Giuse. Hướng về bằng nhiều cách, như những suy gẫm, những hình ảnh, những kinh nguyện, những thánh tích. Có những việc tôn kính do truyền thống và cũng có những việc học hỏi do thời cuộc.

Năm nay, tháng Ba bùng nổ một tình hình có nhiều diễn biến phức tạp tại Ai Cập. Thời sự này gợi ý cho tôi nhớ về thánh Giuse tại Ai Cập. Phúc Âm tả việc thánh Giuse sang Ai Cập là một cuộc đi trốn. Ngài vâng lệnh Chúa, đưa Đức Mẹ và Chúa Hài Đồng bỏ quê hương mình sang đó để lánh nạn. Sự kiện ấy nên được hiểu thế nào trong chương trình cứu độ của Chúa? Hiểu biết đó sẽ soi sáng cho tôi về việc cộng tác vào chương trình cứu độ của Chúa tại Việt Nam hôm nay.

Với ý hướng trên đây, tôi chạy đến với thánh Giuse. Tôi xin Ngài dạy bảo. Trong âm thầm, Ngài dẫn nội tâm tôi bước đi từ ý nghĩa này tới ý nghĩa khác. Tôi có cảm tưởng là Ngài chia sẻ cho tôi những gì Ngài đã học được về tình yêu cứu độ của Chúa Cứu Thế. Ngài học được từ chính những từ bỏ, những vất vả, những khổ cực do việc vâng lời Chúa mà đem Đấng Cứu Thế và Mẹ Người đi lánh nạn.

Ở đây, tôi cố gắng diễn tả vài điều đã được lãnh nhận. Điều căn bản nhất mà Chúa đã dạy thánh Giuse là: Đức Kitô chính là tình yêu Thiên Chúa. Người giáng thế không phải để kết án, mà để cứu chuộc nhân loại. Người cứu chuộc bằng con đường nhập thể. Người mặc lấy thân phận con người, nên giống như con người về mọi mặt, chỉ trừ tội lỗi.

Trong thân phận con người, Đấng Cứu Thế được thánh Giuse cảm nhận qua những nét như sau:

1. Một tình yêu khiêm tốn vâng phục

Chúa Cứu Thế vâng phục mọi luật của thiên nhiên và xã hội.

Sự sống có luật của nó. Sinh ra thì bé nhỏ. Phát triển thì từ từ với vô vàn yếu tố. Có những yếu tố do tự mình đảm trách được. Có những yếu tố phải nhờ đến những người khác.

Cuộc sống giữa đời có luật của xã hội. Xã hội được xây dựng với những tương quan tự do và bắt buộc.

Sống là sống với những hoàn cảnh lịch sử của nơi ở và thời gian mình sống. Những hoàn cảnh đó thường rất phức tạp.

Khi đem Đức Mẹ và Chúa Hài Đồng đi lánh nạn, thánh Giuse nhận thấy Đấng Cứu Thế đã tỏ ra rất khiêm nhường. Người vâng phục những luật căn bản của sự sống nói chung và cuộc sống giữa đời trong lịch sử nói riêng. Chính nhờ sự khiêm tốn vâng phục đó, mà Đấng Cứu Thế được xã hội chấp nhận. Người trở nên một người gần gũi của họ.

Nhất là Đức Kitô đã triệt để vâng phục thánh ý Chúa Cha. Chúa Cha muốn Người cứu chuộc nhân loại bằng con đường nghèo khó khiêm nhường, chấp nhận mọi đớn đau dành cho những kẻ khốn khổ cùng cực.

Thánh Giuse nhận thấy bản thân mình được kêu gọi cộng tác với Chúa trong chương trình cứu độ. Điều kiện đầu tiên Chúa đòi Ngài là khiêm nhường vâng phục. Ngài hiểu kiêu căng, bất phục tùng là đầu mối gây nên mọi sa đoạ nơi Lucife, nơi tổ tông Ađam, và nơi Israel dân Chúa. Ngài khiêm nhường vâng phục sống đời từ bỏ mình, chấp nhận để Chúa dùng mình vào những việc âm thầm khó khăn, hoàn toàn mặc ý Chúa.

2. Một tình yêu nhưng không

Với tâm tình khiêm tốn vâng phục, thánh Giuse bên Ai Cập có thể đã tự hỏi mình: Tại sao Chúa đã chọn tôi làm kẻ bảo vệ Chúa Cứu Thế và Mẹ của Người? Câu trả lời chắc chắn sẽ là: Vì Chúa thương yêu. Chúa yêu thương tôi, trước khi tôi biết Người. Chúa chọn tôi, mặc dầu tôi bất xứng. Tình yêu của Chúa dành cho tôi là tình yêu nhưng không. Đáp lại tình yêu nhưng không phải là chiêm ngắm tình yêu bao la ấy với tâm tình tạ ơn và tuỳ thuộc phó thác.

Ngài sống tâm tình ấy bằng biến đời mình nên như một của lễ toàn thiêu.

Trái tim sẽ rực lửa tình yêu. Tình yêu thờ phượng. Tình yêu cảm tạ. Tình yêu đền tội. Tình yêu cầu khẩn.

Tấm lòng sẽ vắng bất kỳ ham muốn nào, trừ khao khát được mến yêu và đáp lại tình yêu.

Tâm hồn sẽ không tìm vinh quang nào cho mình, nhưng chỉ tìm vinh quang cho một Chúa mà thôi.

Tất cả con người thánh Giuse là một Đền Thờ dâng của lễ toàn thiêu. Có Chúa Giêsu và Đức Mẹ Maria cùng dâng lễ với Ngài.

Một tình yêu lớn lao đã ban cho Ngài nhưng không. Ngài chỉ biết đón nhận bằng cách để mình hoà tan vào tình yêu bao la đó. Thiết tưởng đấy là loan báo Tin Mừng một cách rất đơn sơ mà cũng rất sâu sắc.

Mang Tin Mừng là tình yêu Chúa trong lòng, thánh Giuse luôn toả ra bầu khí bình an và thanh thản, chan chứa yêu thương. Do đó, Ngài là một nhân chứng về tình yêu Chúa bằng chính đời sống thường ngày của Ngài.

3. Một tình yêu nâng đỡ

Khi đến Ai Cập, thánh Giuse chắc cảm thấy rất rõ trách nhiệm Chúa trao phó cho Ngài là rất nặng nề. Thiếu thốn mọi sự, xa lạ với mọi người. Ngài phải lo cho gia đình được an ổn về mọi mặt. Ngài phấn đấu hết mình.

Phấn đấu của Ngài được nâng đỡ. Nâng đỡ đặc biệt nhất là từ Đức Mẹ Maria và Chúa Giêsu. Ngay một sự có hai Đấng thân yêu ở bên mình cũng đã là nguồn an ủi vô giá. Hai Đấng chia sẻ cho Ngài niềm tin, lòng cậy trông và lửa mến. Đặc biệt là giúp Ngài tham dự vào chương trình cứu độ loài người bằng cách thực thi thánh ý Chúa Cha trong mọi sự.

Trách nhiệm thánh Giuse phải bảo vệ Chúa Giêsu và Đức Mẹ là hết sức quan trọng. Ngài bảo vệ hai Đấng bằng cuộc sống nghèo âm thầm và lao động. Công việc bảo vệ ấy được chính hai Đấng nâng đỡ bằng cuộc sống tự hạ của các Ngài. Bên hai Đấng, Ngài tỉnh thức lắng nghe ý Chúa. Lòng Ngài vững vàng tựa nương ở Chúa, không bị tác động bởi những dư luận, mưu chước quỷ ma và thế tục. Thánh Giuse sống bên hai Đấng, và sau này đã chết trong tay hai Đấng.

***

Viết tới đây, tôi thầm hỏi thánh Giuse, xin Ngài cho biết tôi phải bảo vệ Hội Thánh Chúa hiện nay bằng cách nào thích hợp nhất. Ngài soi sáng để tôi thấy rằng: Mỗi người chúng ta hãy biết đón nhận Chúa Giêsu và Đức Mẹ vào lòng mình, và hãy biết bảo vệ hai Đấng ngự trong lòng mình.

Với gợi ý đó, thánh Giuse cho tôi hiểu: Cảnh nội tâm thiếu vắng Chúa Giêsu và Đức Mẹ chính là một thảm hoạ cần phải sửa, trước khi đề cập đến vấn đề bảo vệ Hội Thánh Chúa. Có Chúa Giêsu và Đức Mẹ trong lòng, chúng ta sẽ biết bảo vệ Hội Thánh bằng những cách mà Chúa muốn.
 
Nguồn sống
Lm Vũđình Tường
16:38 24/02/2011
Cơm ăn, áo mặc là nhu yếu cần thiết cho cuộc sống con người. Vì là nhu yếu không thể thiếu nên nó chi phối cuộc sống đến độ trở thành mối lo, phiền toái chính cho mọi lứa tuổi. Giầu hay nghèo, Đông hay Tây, nơi nào cũng có mối lo riêng liên quan tới vấn đề cơm ăn, áo mặc.

Dân chúng nơi các quốc gia nghèo đói mong sao cho đủ cơm ăn, áo mặc hàng ngày. Ăn bữa sáng, lo bữa chiều. Ăn no, mặc ấm là hạnh phúc rồi. Họ rất thấm Lời Chúa nói

Ngày nào có cái lo của ngày ấy.

Quả thực, gạo chợ, nước sông là vấn đề thực tế mỗi ngày. Ngày nào cũng lo đến miếng cơm, manh áo. Tảng sáng thức giấc mối lo ập đến; trưa đến chưa kiếm đủ cho bữa tối càng lo hơn. Càng về chiều niềm hy vọng nhạt dần như nắng chiều vàng úa quyện chặt gót chân. Mệt, đói lả nhưng vẫn phải lê chân bước về nhà, túi trống, bụng không. Niềm hy vọng cả nhà chợt tắt. Mắt nhìn nhau thông cảm. Lại một tối uống nước muối đi ngủ. Cái đói hành hạ về đêm, đòi ngủ chung giường. Có đêm nó xuất hiện dưới cơn ác mộng nhắc lại đói, khát. Đôi khi may mắn chiêm bao được hưởng bữa tiệc đầy cao lương, mỹ vị. Về y phục cũng thế lo sao cho đủ ấm, đủ áo quần che thân, tránh rét giá đông. Được như thế là hạnh phúc hơn người. Tết đến mong có áo mới, đóng bộ chúc tuổi bà con.

Nơi các quốc gia kĩ nghệ hoá vấn đề cơm ăn, áo mặc cũng đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống. Người ta không hài lòng với ăn no mặc đẹp. Quảng cáo tới tấp dậy người ta đua đòi, hơn thua nhau. Không phải lo đến miếng nên cần phải có tiếng. Chúng đội lốt dưới chiêu bài kiến thức, hiểu biết về xã hội đang sống. Chúng mặc cho lớp áo trưởng giả, giới thượng lưu. Trí thức cao hơn kẻ thất học, thượng lưu thuộc giai cấp cao hơn. Từ lối suy nghĩ đó người ta lao đầu chạy theo quảng cáo. Làm thế nào để ngồi ghế nhà hàng mới khai trương trước người khác. Như thế đủ hãnh diện có kiến thức hơn người. Mặc sao phải đẹp hơn người mới đáng hàng thượng lưu. Để thiên hạ ngồi sau ngắm lưng trần, như thế mới là có vai vế trong xã hội. Chưa hài lòng, phải diện đúng thời trang, theo mùa, vừa trình làng. Như thế mới đúng điệu, đi trước thiên hạ một bước. Đủ ăn, đủ mặc là một nhu cầu. Mong muốn hơn nhu cầu là xa xỉ. Mọi xa xỉ đều phí phạm. Phí phạm đáng chê, trách.

Xa xỉ

Gọi là xa xỉ vì đó không phải là nhu cầu mà là ước muốn. Ước muốn có cũng được mà không có cũng chẳng sao. Tuy nhiên nhiều người muốn là phải được nên lầm lẫn ước muốn và nhu cầu là một. Lầm lẫn chết người này là một đại hoạ cho nhiều gia đình. Nhà người ta cái gì cũng mới; nhà mình toàn đồ cũ. Đây không phải là so sánh, không chạy theo thiên hạ, không đua đòi mà giải thích là cho có với người ta. Không hơn người ít ra cũng phải bằng người. Để thoả mãn ý tưởng hơn người thì phải làm tăng, dài giờ hơn. Căng thẳng, đè nén sinh ra từ đó. Rõ khổ.


Nhiều trường hợp cho thấy bề ngoài trưng diện sang trọng, sạch sẽ, ngăn nắp nhưng lòng người thì sô bồ, bề bộn, gian tham, mưu kế, rình rập, hằn thù, rối hơn tơ vò. Lo chạy đua để hơn người còn giờ đâu cho đời sống nội tâm. Có chăng thì qua loa, mong cho xong sớm còn lo việc riêng, gia đình, sinh nhai, tính kế. Một số tỏ ra hào hoa phong nhã, rộng rãi nơi công cộng. Về nhà thì thu lại, nhỏ mọn, tính toán hơn thiệt. Dễ hiểu vì nơi đô hội tiếng hoan hô, tiếng vỗ tay tạo nên cảm giác quan trọng, hào sảng hơn người. Đối với niềm tin còn thu nhỏ hơn nữa. Tính toán chi li, từng phút giây cho Chúa. Không đủ giờ cho việc làm dấu đi ngủ nói chi đến đọc kinh tối. Đây không phải là xét đoán, tò mò hay dò lòng người. Nhìn cử chỉ bên ngoài để biết bên trong. Phản ảnh khao khát đời sống bên trong bộc lộ qua ao ước, lời nói, cử chỉ, hành động bên ngoài. Người giầu đời sống nội tâm không khao khát tràng pháo tay bề ngoài. Một người có nguồn vui nội tâm không cần bon chen, ao ước nguồn vui phù du, chóng qua, mau tàn.

Thực tế cuộc sống

Thực tế cuộc sống cho thấy ai cũng có mối lo. Kẻ ít người nhiều. Mấy ai thoát khỏi, trừ trẻ sơ sinh. Tuy nhiên có mối lo chi tiêu cần thiết, chính đáng. Bên cạnh đó có mối lo chi tiêu hầu như dư thừa, hoặc ngay cả bất chính. Chi tiêu chính đáng như tiền bắt buộc chi tiêu hàng tuần. Ngoài tiền mua thực phẩm còn nhiều thứ khác phải chi. Không tiền nhà, tiền điện, nước, thì tiền học phí, tiền xăng xe, tiền thuốc, tiền điện thoại. Thêm cả tiền bảo hiểm, quà tặng, nhà thờ, quyên góp lụt lội.

Chi tiêu thừa là chi tiêu không cần thiết, đôi khi để thoả mãn điều ước muốn, tệ hơn nữa là thoả mãn dục vọng. Chi tiêu mua vui bất chính làm cho đời thêm ưu phiền. Thực tế cho thấy càng lệ thuộc, bám víu vào vật chất nhiều chừng nào cuộc sống càng nặng nề, thêm đau khổ, lắm ưu phiền và giầu âu lo. Ít khao khát, dính bén vinh quang trần thế cuộc sống sẽ êm đềm hơn. Điều này không có nghĩa là phí phạm tài năng Chúa ban. Xử dụng chúng để phục vụ, mang lợi ích cho xã hội và Giáo Hội là cần thiết, rất thực tiễn. Điều nên nhớ là nguồn hạnh phúc thật không nhất thiết hệ tại ở bên ngoài. Lệ thuộc vào đời sống vật chất sẽ làm nghèo, giảm sức sống đời sống nội tâm. Một tâm hồn tìm nguồn an vui nơi ân sủng Chúa luôn sống vui tươi, hồn nhiên. Một tấm lòng khao khát đi tìm vật chất, nguồn vui trần thế, hào nhoáng ngoài xã hội là dấu chỉ nội tâm nghèo nàn. Như thế nguồn vui đích thực chỉ có thể tìm thấy trong Chúa, ân sủng Chúa ban.

Nguồn sống thật không đến từ vật chất, địa vị, vô tri, vô giác. Nguồn sống thật đến từ chủ thể sống động. Nguồn sống vĩnh cửu đến từ chủ thể vĩnh cửu. Ngoài Thiên Chúa ra không còn chủ thể nào vĩnh cửu. Chỉ ân sủng Chúa mà thôi, hồn tôi cũng đủ thảnh thơi muôn đời.
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:31 24/02/2011
MỜI THẦN Ở XA

N2T


Một nhà giàu bủn xỉn, trong nhà có chuyện nên mời đạo sĩ đến thay ông ta cầu thần đến bảo hộ. Đạo sĩ niệm thần chú: mời thần ở Đông kinh, mời thần ở Tây kinh.

Người giàu có bủn xỉn hỏi:

- “Tại sao ông thay tôi mời thần ở xa quá vậy ?”

Đạo sĩ trả lời:

- “Bởi vì thần ở gần đều biết rõ về ông, nói ông mời họ, họ cũng sẽ không tin”.

Suy tư:

Người ta nói “gần chùa gọi bụt bằng anh” là bởi vì quá “quen thân” rồi đi đến nhờn mặt không còn kính trọng bụt thần nữa.

Có một vài giáo dân rất lo ra, có khi bực mình, khi thấy cha sở làm lễ nhanh như chớp, nghĩa là từ đọc các lời nguyện cho đến cử chỉ thái độ khi cử hành thánh lễ không đoan trang nghiêm túc, mà giống như làm lễ cho nhanh kẻo có người đợi. Do đó mà có giáo dân đã phát biểu: ông cha làm lễ nhanh như bị ma đuổi. Tại sao vậy ?

Thưa là vì cha sở ngày nào cũng làm lễ, ngày nào cũng lập đi lập lại những động tác cử chỉ ấy, thì quả thật cũng có khi nhàm chán, do đó mà các ngài không mấy nghiêm trang khi cử hành thánh lễ.

Nhà thờ khác nhà chùa, bởi vì trong nhà thờ có Chúa Giê-su Thánh Thể ngự trong nhà tạm; thánh lễ khác với việc thờ cúng, bởi vì thánh lễ là diễn tả lại hy tế trên Thánh Giá của Chúa Giê-su Ki-tô; lời nguyện trong thánh lễ khác với lời tụng kinh, bởi vì mỗi một lời nguyện là thay mặt cho toàn thể Giáo Hội dâng lên Thiên Chúa toàn năng nhờ danh thánh của Chúa Giê-su. Do đó mà không thể nói nhàm chán được, không thể nói là không nghiêm trang được, không thể nói chỉ là biểu diễn mà thôi.

Cha sở không “gần chùa gọi bụt bằng anh” thì giáo dân nhất định sẽ càng yêu mến Chúa Giê-su Thánh Thể hơn; cha sở yêu mến Chúa Giê-su Thánh Thể khi cử hành thánh lễ, thì chắc chắn thái độ lời nói của ngài sẽ làm cho giáo dân múc lấy rất nhiều ơn sủng của Chúa Giê-su trong thánh lễ mà ngài cử hành...

Chúa Giê-su không ở xa trên trời hay ở đông kinh tây kinh, nhưng ở với chúng ta mọi ngày cho đến tận thế. Đó chính là lời hứa của Ngài chứ không phải của ai khác.

------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://vn.360plus.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:33 24/02/2011
N2T


4. Sự trả thù của giáo hữu chính là tha thứ.

(Thánh John Bosco)
 
Sống Và Chia Sẻ Lời Chúa - Đừng Lo Lắng Về Ngày Mai
Phó tế: JB Nguyễn văn Định
20:10 24/02/2011
Sống và chia sẻ Lời Chúa CN8TN/A

TA CHẲNG QUÊN CÁC NGƯƠI

“ĐỪNG LO LẮNG VỀ NGÀY MAI”

* Chuyển các Gia đình –Nhóm - Hội đoàn – Phong trào…

A- Cảm nghiệm Sống và chia sẻ dưới sự dẫn dắt của Thánh Linh:

* Bài đọc 1: Isaia: 49: 14-15 = Ta chẳng quên ngươi bao giờ. “Có phụ nữ nào quên được đứa con thơ của mình, hay chẳng thương đứa con mình đã mang nặng đẻ đau ? Cho dù nó có quên đi nữa, thì Ta, Ta cũng chẳng quên ngươi bao giờ.” (c. 15)

1/ Chia sẻ những cảm nhận Chúa yêu bạn trong lúc khó khăn ?

2/ Thiên Chúa vẫn lo cho nhân loại những gì trong thế giới này?

3/ Tại sao tôi chưa nhận ra Chúa đang yêu thương tôi hôm nay?

* Bài Tin Mừng: Mt 6: 24-34 = Đừng lo lắng về ngày mai.

“Vì vậy Thầy bảo cho anh em biết: đừng lo cho mạng sống: lấy gì mà ăn; cũng đừng lo cho thân thể: lấy gì mà mặc…” (c. 25)

1/ Chúa đã lo cho những loài vật Ngài dựng lên như thế nào?

2/ Những tại hại do bạn quá lo lắng cho cuộc sống hiện nay ?

3/ Tôi hay quá lo lắng về cơm ăn, áo mặc, tiền của. Tại sao ?

4/ Trước những biến cố hiện nay, tôi có cảm nghĩ gì về của cải?

5/ Thiên Chúa đang thức tỉnh bạn về địa vị và của cải thế nào?

B- Câu Kinh Thánh đánh động tôi chọn làm Châm ngôn Sống:

TRƯỚC HẾT HÃY TÌM KIẾM NƯỚC THIÊN CHÚA VÀ ĐỨC CÔNG CHÍNH CỦA NGƯỜI, CÒN TẤT CẢ NHỮNG THỨ KIA, NGƯỜI SẼ THÊM CHO. (C. 33)

* Ngay bây giờ tôi phải làm gì? (So what am I doing/ for Action)

1/ Tôi bình tâm cầu nguyện với Lời Chúa khi gặp túng thiếu, …

2/ Vợ chồng yên ủi nhau, tránh phàn nàn, kêu ca lúc thất nghiệp.

C - Bạn và tôi cầu nguyện với Lời Chúa và Sống Cầu nguyện:

Lạy Cha, Đức Giêsu đã nói: Đừng lo lắng về ngày mai, ngày mai cứ để ngày mai lo…Nhờ ơn Chúa Thánh Linh, con quyết thực hành Lời Cha dạy trong cuộc sống khó khăn hôm nay. Con noi gương Mẹ Maria thưa với Chúa: “Xin vâng” như lời thiên thần.

Phó tế: GBM. Nguyễn Định
 
Chúa là chọn lựa ưu tiên của chúng ta
Lm Jude Siciliano OP
22:49 24/02/2011
CHÚA NHẬT 8 MÙA THƯỜNG NIÊN A

Isaia 49: 14-15; 1 Côrintô 4:1-5;Matthêu: 6: 24-34

Phải chăng Đức Giêsu đã bảo các môn đệ đừng lo lắng “về cuộc sống của anh em: sẽ ăn gì hay uống gì, hoặc lo lắng về thân thể… ”, vì Ngài không sống trong thế kỷ 21 này, trong lúc các nền kinh tế lớn suy sụp, thất nghiệp gia tăng và nhà cửa bị phát mãi để trừ nợ? Con người ngày nay đã chịu đựng những tình cảnh như thế có lẽ không muốn ngước nhìn nơi “chim trời, không gieo không gặt”. Họ quá bận rộn nhìn xuống đôi chân hối hả bon chen của mình. Nhiều người trong đất nước chúng ta và hàng tỉ người ở những nơi khác nữa đang chỉ biết hy vọng sống đến ngày mai.

Có lẽ chúng ta cần chờ đợi cho đến khi nền kinh tế phục hồi trở lại, hoặc nếu như đang thất nghiệp, chúng ta chờ cho đến khi tìm được một công việc tốt đẹp và chắc chắn. Rồi chúng ta mới có thời gian mở Tin Mừng thánh Matthêu chương 6, đọc thông điệp hôm nay và thanh thản “nhìn ngắm hoa huệ đồng”. Hay là, Đức Giêsu chỉ ngỏ lời với một nhóm riêng các thương gia giàu có ở những nơi nghỉ dưỡng quanh bờ Địa Trung Hải: những người có nhiều thời giờ nhàn rỗi và cũng như cuộc sống được bảo đảm hơn. Nếu quả là vậy thì chúng ta có thể dễ dàng quên đi những gì Ngài nói hôm nay vì nó chẳng đụng chạm với “thế giới thực” – của chúng ta.

Bài Tin Mừng cho thấy, Đức Giêsu không nói cho những người giàu và những người nổi tiếng ở nơi nghỉ dưỡng kia. Ngài nói cho các môn đệ, một nhóm người đa tạp dưới cái nhìn của những người kẻ đã ổn định cuộc sống. Và Ngài cũng không bỏ mặc sự vất vả mưu sinh hằng ngày của họ; Ngài vốn xuất thân từ tầng lớp và địa vị như họ. Dân thành Giêrusalem xem người Galilê như là dân “vùng sâu vùng xa”.

Dù vậy, với người nghèo và những người bị gạt ra bên lề xã hội Ngài dạy rằng khi mơ ước cho mình và con cái, phải lấy Đức Chúa làm trọng tâm. Đức Chúa và sự công chính của Người phải là ưu tiên số một khi đưa ra những dự phóng cho tương lai và những chọn lựa hằng ngày.

Nếu Chúa cũng là sự chọn lựa ưu tiên của chúng ta, thì Chúa là Đấng chúng ta tín thác để giúp chúng ta hoàn thành những mục tiêu và nỗ lực của mình. Không phải bất kỳ điều gì chúng ta hy vọng cũng đều thành toàn, ngay cả khi mong ước với ý ngay lành. Ngay cả trong thất bại, chúng ta tin cậy vào chương trình và sự quan phòng của Chúa dành cho chúng ta. Chúa không bỏ rơi chúng ta khi kế hoạch chúng ta thất bại hoặc xảy ra sai sót.

Tuy nhiên, nếu chúng ta chọn tiền tài làm chủ hay như là tiêu chí xác định chúng ta là ai và chúng ta muốn gì ở cuộc đời này, thì chúng ta đã “xây nhà trên cát”, như Đức Giêsu sẽ nói với chúng ta trong Tin Mừng tuần sau. Cơn bão đầu tiên chúng ta trải qua sẽ cho thấy là dự án xây dựng cuộc đời của chúng ta mới mỏng manh làm sao; hậu quả sẽ là sự thất vọng và thậm chí sụp đổ tan tành.

Các môn đệ Đức Giêsu đã quyết định từ bỏ gia đình và của cải để bước theo Ngài. Chúa thực là ông chủ của họ. Lúc đầu, thời gian mà Đức Giêsu được đám đông nhiệt liệt đón nhận, thì các môn đệ nghĩ rằng mình đã chọn lựa thành công. Thế rồi, niềm hy vọng ấy tan biến với cái chết của Người. Nhưng với sự phục sinh của Người, cuộc sống mới mở ra cho các ông; và giờ đây, một tương lai sáng lạn mà các ông chưa bao giờ dám tưởng tượng, đang sẵn chờ các ông. Trong Giêsu, các môn đệ chọn phục vụ Thiên Chúa chứ không phải tiền tài và điều đó đã làm nên tất cả sự khác biệt.

Trong khi phần đông chúng ta đang vật lộn và lo lắng cho những nhu cầu thường ngày, thì vẫn có đó bao người quanh ta sống nghèo mạt và đang tuyệt vọng mỗi ngày. Có lẽ những lời của Đức Giêsu hôm nay đã mở rộng tầm nhìn của chúng ta và giúp chúng ta: bớt quan tâm đến mình nhưng quan tâm hơn đến những người thiếu thốn; hạn chế nhận lãnh nhưng cho đi nhiều hơn; bớt lo lắng về phúc lợi của chúng ta để quan tâm đến người khác nhiều hơn – nỗi vất vả của những người nhập cư, thiếu chăm sự sóc sức khoẻ, thiếu thốn về dinh dưỡng và giáo dục cần thiết cho con cái họ, v.v..

Những chọn lựa mà Đức Giêsu muốn chúng ta thực hiện không chỉ là một lần trong cuộc đời. Chúng ta phải chọn lựa mỗi ngày, dù quan trọng hay bình thường. Trong tư cách là môn đệ Đức Giêsu tác động thế nào đến quyết định lúc này của tôi? Đâu là kết quả từ những chọn lựa của tôi? Quyết định của tôi ảnh hưởng thế nào đến người khác? Đức Giêsu để lại cho chúng ta một khoảng rất bấp bênh, “không ai có thể làm tôi hai chủ. Bạn hoặc sẽ ghét chủ này và yêu chủ nọ, sẽ quan tâm đến chủ này và bỏ mặc chủ kia ”.

Ngay từ đầu, Đức Giêsu đã nói những lời này với các môn đệ nghèo. Người đã mời gọi các ông theo Người và tin tưởng Đức Chúa sẽ lo liệu cho các ông. Hơn 50 năm sau, thánh Matthêu đã viết Tin Mừng này cho cộng đoàn của ngài ở Antiôkhia. Họ đã là một cộng đoàn ổn định và chắc chắn hơn những người theo Đức Giêsu thuở đầu. Họ giống chúng ta hơn. Đối với họ, những lời của Đức Giêsu là một thách thức cũng như đối với chúng ta ngày hôm nay.

Ngay sau khi nghe tin đoạn Tin Mừng này, chúng ta sẽ Hiệp Lễ. Trước đó, chúng ta cùng nhau dâng lời Kinh Lạy Cha và cầu nguyện, “Danh Cha cả sáng”. Chúng ta muốn cuộc sống chúng ta phản ánh sự thánh thiện của Thiên Chúa để người ta có thể thấy qua hành động của chúng ta rằng chúng ta đã chọn phụng sự một Thiên Chúa quan phòng chăm sóc, mà Đức Giêsu mạc khải. Chúng ta cũng sẽ thưa lên “xin cho chúng con lương thực hằng ngày”, bởi vì chúng ta biết rằng mỗi ngày chúng ta sẽ cần sức mạnh và sự sáng suốt để chọn Chúa chứ không phải những sự giả trá khéo léo mà tiền tài mang lại.

Mùa Chay sắp đến. Đó là mùa mà nhiều người trong chúng ta quyết định thực hiện các việc hy sinh. Chúng ta thực hiện việc hy sinh vì nhiều lý do: đào sâu nhận thức về đời sống tâm linh và sự khao khát Thiên Chúa của chúng ta; từ bỏ điều ưa thích và bố thí tiên để dành cho người nghèo; tỏ lòng sám hối ăn năn tội của chúng ta; v.v. Những việc này và nhiều việc khác nữa thực sự là những ý định cao quý và đáng giá. (Kém cao quý nhất có lẽ là ước muốn dùng Mùa Chay này cho việc giảm cân).

Chúng ta có thể sử dụng Bài Giảng Trên Núi đã nghe trong những Chúa Nhật này như là kim chỉ nam cho những thực hành Mùa Chay. Sao lại không dùng một phần Bài Giảng để xét mình vào mỗi buổi tối? Trước lúc nghỉ đêm chúng ta có thể hỏi: Tôi sống ngày hôm nay ra sao?

Chẳng hạn, nhìn lại Tin Mừng ngày hôm nay chúng ta hỏi: phải chăng hôm nay chúng ta đã cố phục vụ hai ông chủ và làm tổn thương đến tình yêu Đức Kitô? Dù chúng ta có thể đang trong hoàn cảnh khó khăn về tài chính, liệu việc lo lắng của chúng ta có loại bỏ hình ảnh Thiên Chúa quan phòng yêu thương không ra khỏi ức tranh cuộc sống của ta không?

Chúng ta có quá bận tâm về sức khoẻ của chúng ta mà bỏ mặc những nhu cầu của gia đình, bạn bè và anh khách lạ hay không? Chúng ta có chi tiêu quá nhiều vào quần áo và chải chuốt cá nhân, có trở nên vô cảm đối với người nghèo thiếu thốn quần áo và việc chăm sóc sức khoẻ cho gia đình của họ không? Chúng ta có mua sắm và tiêu dùng quá mức cần thiết những thực phẩm đắt đỏ và đặc sản, trong khi không nhận thấy những người đang đói trong cộng đồng chúng ta không?

Nói cách khác, nỗi quan tâm của Chúa có là bận tâm của chúng ta hay không? Ngày hôm nay, chúng ta làm gì để diễn tả cho người khác một Thiên Chúa công chính, Đấng đã tha thứ tội chúng ta và đưa chúng ta vào tình thân nghĩa thiết nhờ Đức Kitô? Với những người trong chúng ta đang lo lắng về tương lai, về sự đau yếu và cái chết tất yếu, những lo lắng đó có làm chúng ta xao lãng việc nhận biết Chúa ban ân sủng trên chúng ta trong mỗi ngày chăng?

Tùy vào hoàn cảnh trong cuộc đời chúng ta, mà các giáo huấn của đức Giêsu trong các Bài Giảng Trên Núi của Đức Giêsu được hiểu khác nhau – đôi khi ngay giữa những Kitô hữu đang nỗ lực sống Bài Giảng ấy trong hoàn cảnh riêng của họ. Tuy nhiên, chúng ta không tự do bỏ qua cách dễ dàng điều Đức Giêsu dạy như là, “không thể ứng dụng được” hoặc “quá phi thực tế trong thế giới thực này”. Chúng ta phải dành chỗ cho Thần Khí hoạt động trong mỗi người. Chúng ta có thể bắt đầu việc xét mình mỗi tối với lời cầu xin Chúa Thánh Thần làm sáng tỏ tận sâu thẳm những gì xảy ra với chúng ta ngày hôm nay. Khi chúng ta hoàn tất việc xét mình, chúng ta có thể cầu nguyện với Chúa Thánh Thần, nài xin cho chúng ta sống tràn đầy những Bài Giảng ấy trong những ngày tiếp theo.

Bài Giảng Trên Núi, mà chúng ta đọc trong các Chúa Nhật trước và sẽ tiếp tục vào tuần sau, có thể được tìm thấy trong Matthêu chương 5 đến chương 7. Từng chương từng đoạn, chúng ta sẽ nghiêm túc để ý đến chúng trong tới Mùa Chay này và để Bài giảng này giúp ta trở nên một Kitô hữu dễ nhận thấy hơn. Hoặc là, chúng ta có thể cho rằng chúng chẳng thực tế chút nào và rồi chọn để giảm 5 cân.

Chuyển ngữ Anh Em HV Đaminh Gò Vấp

8th SUNDAY IN ORDINARY TIME (A)

Isaiah 49: 14-15; I Corinthians 4:1-5; Matthew 6: 24-34

Fr. Jude Siciliano, OP

Did Jesus tell his disciples not to worry "about your life, what you will eat or drink, or about your body…", because he wasn’t living in the 21st century, during a major economic downturn with high unemployment and home foreclosures? Modern people suffering in these situations might not want to look up at "the birds in the air who do not sow or reap." They are too busy looking down at their feet, putting one foot in front of the other. Many in our country and billions elsewhere, are just hoping to make it through to tomorrow.

Perhaps we need to wait till things turn around in our economy or, if we are unemployed now, till we get a good, secure job. Then we will have time to open to chapter 6 in Matthew, read today’s passage and tranquilly "consider the lilies." Or, maybe Jesus was only addressing a select group of prosperous merchants at a seaside Mediterranean retreat somewhere: people with plenty of time, leisure and security. If he were, we could easily dismiss what he says today as being out of touch with "the real world," – our world.

It turns out Jesus wasn’t speaking at a seaside spa for the rich and famous. He was talking to his disciples, a motley group in the eyes of the established. Nor was he unaware of their daily struggles to survive; he came from their class and location. Galilee was considered the "boonies" in the eyes of the big city Jerusalem folk.

Still, to the poor and disenfranchised he advises that when they dream their dreams for themselves and their children, God must be their focus. God and God’s righteousness were to take first place when they considered their plans for the future and their choices for each day.

If God is also our first consideration, then God is the one we must trust to help us fulfill our goals and endeavors. Not all we hope to accomplish, even with the best intentions to do good, will succeed. Even in failure, we trust God’s plans and care for us. God does not desert us when our projects fail or come up short.

If however, we choose mammon as the "master" or guiding principle that defines who we are and what we want out of life, then we have, as Jesus will tell us in next week’s gospel, "built a house on sand." The first storm we experience will show how fragile our life’s building project has been, disappointment and even collapse will be the outcome.

Jesus’ disciples had made their choice to leave their families and possessions behind to follow him. Christ would be there master. At first, during the days when Jesus was enthusiastically received by the crowds, those disciples must have thought they had made a choice for success. Then their hopes collapsed with his death. But with his resurrection new life opened for them and, the bright future they never could have imagined in their lives, now was available to them. In Jesus, they chose to serve God not mammon and that made all the difference.

While many of us are struggling and worrying over real concerns these days, still there are so many people in our surrounding world who are miserably poor and live in desperation each day. Perhaps Jesus’ words today broaden our vision and help us focus: less on ourselves and more on those in need; less about getting and more about giving; less worrying about our own welfare and more attention to others–their struggles as immigrants, their lack of healthcare, their children’s need for proper nutrition and education, etc.

Choices Jesus asks us to make don’t happen just once in our lifetime. They come every day, in large and small ways. How will my being Jesus’ disciple affect the decision I must make right now? What will be the consequences of my choice for me? How will my decision affect others? Jesus leaves very little wiggle room for us, "no one can serve two masters. You will either hate one and love the other, will be attentive to one and despise the other."

Originally Jesus spoke these words to very poor disciples. He was inviting them to follow him and trust that God would provide for them. Over 50 years later Matthew wrote his gospel for his community in Antioch. They were a more secure and established community than Jesus’ original followers. They were more like us. To them Jesus’ words would be as challenging as they are to us today.

Soon after hearing this gospel we will be receiving the Eucharist. Before that we will pray the Lord’s Prayer together and say, "hallowed be thy name." We want our lives to reflect the holiness of God so that people will be able to discern in our actions that we have chosen to serve the caring and providential God Jesus revealed to us. We will also pray, "give us this day our daily bread," because we know that each day we are going to need strength and wisdom so that we can keep choosing God over both the obvious and also subtle disguises mammon takes.

Lent is coming. It’s a season when many of us decide to make some personal sacrifices. We do it for many reasons: to deepen our awareness of our spiritual life and our inner hunger for God; to give up something we like and give the money we save to the poor; to express sorrow for our sins, etc. These and many others are noble and worthy intentions indeed. (Less noble perhaps is the desire to use the season for weight loss–a kind of Lenten Weight Watchers!)

We could use the Sermon on the Mount we have been hearing these Sundays as a guide for our Lenten practice. Why not use a portion of the Sermon each evening as our nightly examen? Before retiring for the night we might ask: How did we do this day?

So, for example, reviewing today’s gospel we ask: Did we try to serve two masters today and compromise our love for Christ? Though we might be in tight financial situations, did our worrying leave God’s loving providence out of the picture?

Were we so preoccupied with our health that we were less sensitive to the needs around us of family, friends and stranger? Are we spending too much on clothes and personal grooming, becoming insensitive to the very poor who lack decent clothing and health care for their families? Are we overdoing the purchase and consumption of pricey and specialty foods, while not seeing the hungry in our community?

In other words, are God’s concerns our concerns? What have we done this day to manifest to others the "righteous" God who has forgiven our sins and brought us into loving relationship through Christ? For those of us who worry about the future, possible loss of health and our inevitable deaths, did those worries distract us from seeing God acting graciously towards us this day?

Depending on our life situations, embodying Jesus’ teachings in the Sermon on the Mount will vary–sometimes greatly among Christians, who are also attempting to live the Sermon in their own situation. Nevertheless, we are not free to easily dismiss what Jesus says as, "non-applicable," or "too impractical in the real world." We have to leave room for the Spirit to work in each of us. We might begin our evening examen with a prayer to the Spirit for clearer insights into what happened to us this day. When we complete our examen we might pray to the Spirit asking that we more fully live the Sermon the next day.

The Sermon on the Mount, which has been our Sunday gospel these past weeks and will be again next week, can be found in Matthew 5 through 7. Section by section, verse by verse, we pay serious attention to it this Lent and let it form us into very recognizable Christians. Or, we can decide it’s not practical and turn our attention to losing 10 pounds by Easter.
 
Người gieo hạt
Trầm Thiên Thu
23:36 24/02/2011
Vì anh em đã được tái sinh, không phải do hạt giống mục nát, mà do hạt giống bất diệt, nhờ Lời Thiên Chúa hằng sống và vĩnh tồn (1 Peter 1:23).

Người chọc tức cơn sốt mùa Xuân. Mẹ tôi gọi cuốn catolog hạt giống được gởi đến nhà mỗi tháng Một hằng năm. Ngồi trong căn phòng ấm áp, chúng tôi mải mê xem những trang đầy màu sắc của hoa thủy tiên, uất kim hương, và nghệ tây. Thi thoảng chúng tôi dừng lại, nhìn ra ngoài cửa sổ có những con chim sẻ giành nhau tìm hạt vương vãi trên đất. Chúng tôi rùng mình nhớ lại thời gian hạnh phúc đã qua, mơ ước nhiều về những vườn hoa mà chúng tôi đã trồng suốt tháng ngày mùa Xuân, và mùa Hạ đang đến.

Khi tôi lớn khôn, tôi thấy những thứ đó không là những hạt giống quan trọng nhất mà Mẹ đã gieo trồng với những đứa con. Mỗi đêm, trước khi chúng tôi ngủ, Mẹ thường cùng chúng tôi đọc những lời khôn ngoan trong Kinh thánh.

Mẹ nhỏ nhẹ: “Bây giờ đây là hạt giống tốt để suy nghĩ”, rồi chia sẻ những đoạn Mẹ thích. Giọng Mẹ êm dịu như ru chúng tôi vào miền hạnh phúc tĩnh lặng. Không có nơi nào trên thế gian này làm chúng tôi muốn ở bằng nằm nghe giọng Mẹ êm ái, ấm áp và ngọt ngào khi Mẹ chia sẻ Lời Chúa.

Trước khi biết điều này, tôi cũng từng nuôi con tôi. Giống như Mẹ, chúng tôi chăm chú xem cuốn catolog hạt giống mỗi mùa Đông. Các con tôi, Thu và Hoàng, đều thích cắt dán hình để trang trí phòng ngủ. Khi hoàng hôn buông xuống, tôi lấy cuốn Kinh thánh như Mẹ tôi đã làm, gieo những hạt giống Lời Chúa nơi các con tôi. Bây giờ các con tôi đã lớn khôn và cũng có gia đình riêng.

Chiều tối hôm trước, con gái lớn gọi điện cho tôi từ Nhật, nơi nó và gia đình chuẩn bị lên máy bay về thăm tôi. Hạnh phúc mới đang khởi đầu.

Giọng của Thu phấn khởi: “Cháu ngoại của Mẹ muốn nói chuyện với Mẹ nè”. Và tôi có thể nghe giọng líu lo của cháu ngoại qua điện thoại: “Chào bà ngoại, con yêu ngoại! Từ nguyên thủy, Thiên Chúa đã tạo dựng trời và đất!”.

Bất ngờ, tôi như được chuyển tới một khu vườn hoa đẹp nhất thế gian. Hạt giống của mẹ vẫn đang được thu hoạch…

(Chuyển ngữ từ Chicken Soup for the Soul: Devotional Stories for Mothers)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Phép lạ của ĐGH Gioan-Phaolô II
Lê Đình Thông
06:09 24/02/2011
PHÉP LẠ CỦA ĐỨC GIOAN-PHAOLÔ II

Trong thánh lễ lúc 18 giờ 30 ngày 23-2-2011 tại Học viện La Salle ở Roma (hình trên) với sự hiện diện của nữ tu Nguyễn Hồng Quỳ, bề trên tổng quyền và các nữ tu giám tỉnh dòng Đức Bà từ bốn châu lục Âu, Á, Phi châu, Mỹ châu La tinh về tham dự Hội đồng Trung ương mở rộng của Dòng Đức Bà Nữ Kinh sĩ Thánh Augustinô do linh mục Walter Insero, giáo sư thần học Đại học Gregoriana cử hành. Năm 2011, ngài từng là trợ lý Ủy ban Tổ chức Thượng hội đồng Giám mục do Đức Gioan-Phaolô II làm chủ tịch. Thánh lễ ở Roma gợi ý giúp chúng tôi lược trình về phép lạ của Đức Gioan-Phalô II.

Phép lạ thứ nhất

Nữ tu Marie-Simon-Pierre dòng Tiểu muội chuyên chăm sóc các sản phụ và hài nhi ở Puyricard, gần Aix-en-Provence (Pháp) thuật lại phép lạ thứ nhất như sau:

‘‘Tháng 6-2001, tôi bị bệnh Parkinson ảnh hưởng đến bán cầu não phía trái, trong khi tôi viết tay trái. Tháng 3 năm sau, bệnh tăng dần, chưa đầy 3 năm mà thân mình run rẩy, bị cứng tay, cảm thấy đau đớn và mất ngủ. Từ 2-5-2005, cơn bệnh tàn phá tấm thân tiều tụy này. Tay trái không cử động, chữ viết thì nghuệch ngoạc. Tuy kiệt sức nhưng tôi vẩn cố gắng làm việc trong bệnh viện. Khi biết là tôi bị bệnh Parkinson, tôi ngước mắt thấy Đức Gioan-Phaolô II trên truyền hình. Tôi biết rằng chỉ có ngài mới thấu hiểu tâm trạng của tôi: đồng bệnh tương lân (同病相憐): cùng bệnh thương xót nhau. Tôi phải chiến đấu từng ngày với tâm nguyện luôn sống vững vàng trong ba nhân đức tin, cậy, mến, nhất định không bỏ cuộc.

Phục sinh năm 2005, tôi muốn dự thánh lễ truyền hình do Đức Gioan-Phaolô II cử hành, thầm nghĩ sau này sẽ còn được thấy ngài nữa. Suốt buổi sáng, tôi phải vất vả lắm mới chuẩn bị được để dự thánh lễ. Nhưng một sự việc bầt ngờ xảy ra trong nhà thương khiên tôi không thực hiện được ý nguyện.

Tối 2-5-2005, cả nhà dòng quây quần xem truyền hình công giáo KTO, tình cờ nghe tin tức từ quảng trường thánh Phêrô loan báo Đức Gioan-Phaolô II vừa mất. Như vậy là tôi đã mất người cha ban cho tôi sức mạnh tiến tới. Mấy ngày sau, tôi cảm thấy trong lòng trống trải, nhưng tôi xác tín có ngài ở gần bên.

Ngày 13-5-2005, Đức Bênêdictô XVI công bố việc mở hồ sơ phong chân phước cho Đức Gioan-Phaolô II. Bắt đầu từ hôm sau, tất cả các nữ tu trong dòng ở Pháp và châu Phi cầu bầu Đức Phaolô-Gioan II cứu vớt tôi được lành bệnh. Mấy hôm đó tôi còn được nghỉ. Ngày 14-5, tôi đọc một câu trong Phúc âm theo thánh Gioan, 3,16-17: ‘‘Nếu con tin, con sẽ được thấy vinh hiển của Thiên Chúa’’.

Ngày 12-6, tôi ráng hết sức mới đứng dậy nổi. Chiều hôm sau, tôi xin mẹ bề trên cho thôi việc. Mẹ nói tôi ráng thêm đến tháng 8 vì ‘‘chưa thấy Đức Gioan-Phaolô Ì nói năng gì’’. Trong khi nói chuyện với mẹ bề trên, tôi cảm thấy Đức Gioan-Phaolô hiện diện. Mẹ đưa bút bảo tôi viết ‘‘Gioan-Phaolô II’’. Lúc đó là 17 giờ. Tôi phải vất vả lắm mới viết được mấy chữ: ‘‘Gioan-Phaolô II’’. Sau đó là sự thinh lặng.

Sau khi đọc kinh tối 21 giờ, tôi đi qua bàn giấy trước khi về phòng. Trong khoảng từ 21 giờ 30 đến 21 giờ 45, tôi cảm thây như có ai thúc giục tôi cầm bút viết. Viết xong, tôi kinh ngạc vì chữ viết ngay ngắn. Ngày này là đúng 2 tháng sau khi Đức Gioan-Phaolô từ trần.

Vào lúc 4 giờ 30, tôi chợt thức giấc, ra khỏi giường, không còn cảm thấy đau đớn nữa. Sau đó, tôi cảm thấy có ai thúc giục đến cầu nguyện trước Mình Thánh Chúa, trong lòng tràn ngập niềm vui. Thất khó mà diễn tả được mầu nhiệm này. Trước Thánh Thể tôi suy ngẫm mầu nhiệm năm sự sáng do Đức Gioan-Phaolô II soạn. 6 giờ sáng, tôi đọc kinh sang với cộng đoàn. Tôi đi khoảng 50 mét, tay trái cử động được, khắp thân mình cảm thấy nhẹ nhõm. Trước Mỉnh Thánh Chúa, tôi cảm thấy tâm hồn bình an. Hôm đó là ngày 3-6, lễ Thánh tâm Chúa Giêsu. Sau khi dự thánh lễ, tôi cảm thấy đã lành bệnh. Tôi cầm bút viết, hàng chữ không còn xiêu vẹo nữa, đến trưa tôi ngưng không uống thuốc nữa. Ngày 7-6, bác sĩ chữa tôi từ 4 năm nay kinh ngạc thấy tôi bỏ thuốc mà vẫn lành bệnh. Cả cộng đoàn làm tuần cửu nhật tạ ơn Đức Gioan-Phaolô II. Sau đó, tôi làm việc bình thường, tiếp tục lái xe, cầm bút.

Hôm nay, tôi có thể nói được rằng Đức Gioan-Phaolo II từ cõi xa xăm nhưng gần gũi trong tâm nguyện. Ngài thôi thúc tôi thờ phượng Thánh thể. Nhờ lời cầu bầu của ngài, Thiên Chúa đã nhậm lời cho tôi được cải tử hoàn sinh.

Dòng Tiểu muội chuyên chăm sóc các sản phụ và hài nhi thành lập tại Bourgoiun-Jallieu cách nay 75 năm. Năm 1982, tu hội được Đức Gioan-Phaolô II chuẩn nhận. Từ khi lập dòng, các nữ tu cứu được 56 ngàn trẻ sơ sinh.


Mộ ĐGH Gioan - Phaolô II (1920-2005)
Trường hợp Kubica

Anh Robert Kubica 26 tuổi là vận động viên người Ba Lan đua xe Formule 1. Trong lần đua xe (rallye) ở Rondo di Ligurie (nước Ý) ngày 6-1-2011, xe của anh bị đụng rào cản vòng đua, thập tử nhất sinh. ĐHY Stanislaw Dziwisz, tổng giám mục Cracovie cho biết ngài đã cho Kubica hôn xương Đức Gioan-Phaolô II và một mẩu áo áo của vị giáo hoàng Ba Lan quá cố. Năm 2007, anh đã gặp tai nạn lưu thông ở Canada. Kubica thổ lộ anh làm cho mẹ khổ đau vì không lường được các hậu quả. Nếu Kubina được bình phục, đây sẽ là phép lạ thứ hai của Đức Gioan-Phaolô II.

Chương trình lễ phong chân phước

Chúng tôi ghi lại chương trình đại lễ phong chân phước Đức Gioan-Phaolô II để các bệnh nhân người Việt ở trong nước và hải ngoại cùng thông công nguyện, xin ngài cẩu bẩu cứu chữa:

- Thứ bảy 30-4-2011 (20.30 – 22.30): giáo phận Roma tổ chức canh thức cầu nguyện tại Circo Massimo. Từ điện Vatican, Đức Bênêdictô XVI hiệp ý cẩy nguyện.

- Chủ nhật 1-5 (10.00 tại quảng trường thanh Phêrô): lễ lòng thương sót Chúa, Đức Bênêdictô XVI chủ lễ phong chân phước Đức Gioan-Phaolô II. Sau thánh lễ, di hài vị chân phước tân phong được đặt trước bàn thờ giải tội trong đền thanh Phêrô để khách thập phương tôn kinh.

- Thứ hai 2-5 10.30 tại quảng trường thánh Phêrô: ĐHY Tarcisio Bertone, Quốc vụ khanh Tòa thánh, cử hành lễ tạ ơn. Sau đó di hài được chuyển về nguyện đường Saint-Sébastien trong Đền thánh Phêrô.

Thay lời kết luận

Tháng 10-1978, Đức Gioan-Phaolô chọn khẩu hiệu giáo hoàng là ‘‘Totus Tuus ego sum’’ (con hoàn toàn thuộc về Mẹ).

Trong thông điệp Mẹ Đấng Cứu chuộc (Redemptoris Mater) ngày 25-3-1987, Đức Gioan-Phaolô II đã xưng tựng Đức Bà là Sao Mai (Stella Matutina), viết tắt S.M. cả La ngữ lẫn tiếng Việt.

Chúng tôi xin dịch bài thơ ‘‘Coeur Immaculé de Marie’’ của Đức Gioan-Phaolô ÌI sang thể lục bát, nguyện xin Đức Gioan-Phaolô II, nhờ lời cẩu cầu của Đức Nữ Đồng trinh Maria, cứu chữa các bệnh nhân người Việt ở khắp nơi.

Trái tim vẹn sạch Đức Bà

Trái tim vẹn sạch Đức Bà,
Ban ơn chiến thắng quỷ ma xác hồn.
Con nay kiếp sống mỏi mòn,
Với bao rào cản lối mòn mai sau.

Chiến tranh đói khát thương đau,
Mẹ ơi nhân loại giết nhau hằng hà.
Hận thù nhân cách sót sa,
Trái tim từ mẫu thứ tha lỗi lầm.

Từ lâu tắt lửa lương tâm,
Không còn lẽ phải trầm luân đọa đầy.
Lời kinh lan khắp trời mây,
Mẹ ơi cứu vớt vũng lầy thế gian.

Trái tim vẹn sạch thương ban,
Lương tâm biến đổi tâm can lỗi lầm.
Với lòng thương sót mẫu tâm,
Mẹ ơi cứu vớt trầm luân thế trần.


Roma, ngày 23 tháng 2 năm 2011

 
ĐTC: Muốn cải cách Giáo Hội phải canh cải cá nhân và thay đổi con tim
Linh Tiến Khải
09:33 24/02/2011
Không thể cải cách Giáo Hội một cách đích thực, nếu không có sự canh cải cá nhân và thay đổi con tim. Đích điểm cuộc sống chúng ta là Thiên Chúa, Đấng tự tỏ hiên ra nơi Đức Giêsu Kitô và qua Người tiếp tục mời gọi chúng ta sống hiệp thông với Người, tin tưởng nơi Người, trung thành với Tin Mừng, chấp nhận và soi sáng mọi hoàn cảnh và hoạt động cuộc sống với đức tin và lời cầu nguyện.

Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã khẳng định như trên trong buổi tiếp kiến chung 8.000 tín hữu và du khách hành hương năm châu trong đại thính đường Phaolô VI sáng thứ tư 23-2-2011.

Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã giới thiệu gương mặt thánh Roberto Bellarmino, sống trong thời khủng hoảng chính trị và tôn giáo làm nảy sinh ra cuộc ly giáo đớn đau bên tây phương. Đức Thánh Cha nói về tiểu sử thánh nhân như sau:

Sinh ngày mùng 4 tháng 10 năm 1542 tại Montepulciano gần Siena, Bắc Italia, thánh nhân là cháu đàng ngoại của Đức Giáo Hoàng Marcello II. Người đã nhận được một nền giáo dục nhân bản tuyệt hảo trrớc khi gia nhập dòng Tên ngày 20 tháng 9 năm 1560. Các năm học triết lý và thần học tại Trường Roma, Padova và Louvain tập trung nơi thánh Toma Thiến Sĩ và các Giáo Phụ đã định đoạt đối với hướng đi thần học của người. Tiếp đến cha Bellarmino được gọi về Roma làm giáo sư tại Trường Roma và giữ ghế dậy môn ”Hộ giáo” trong 10 năm trời (1576-1586). Các bài giáo trình sẽ trở thành nội dung tác phẩm ”Các cuộc tranh luận” lập tức trở thành nổi tiếng vì sự rõ ràng, nội dung phong phú và chiều kích lịch sử của nó. Hồi đó Công Đồng Chung Trento mới kết thúc, và Giáo Hội Công Giáo cần củng cố và xác định căn tính của mình đối với cuộc Cải Cách tin lành. Từ năm 1588 tới 1594 cha Bellarmino làm linh hướng cho các sinh viên dòng Tên tại Trường Romano và cũng hướng dẫn thánh Luigi Gonzaga, rồi làm Bề Trên. Đức Giáo Hoàng Clemente VIII chỉ định người làm thần học gia Phủ Giáo Hoàng, cố vấn Thánh Bộ và giám đốc các cha giải tội đền thờ Thánh Phêrô. Trong hai năm 1597-1598 người soạn cuốn ”Toát yếu Giáo Lý kitô” là tác phẩm được phổ biến nhất.

Ngày mùng 3 tháng 3 năm 1599 Đức Giáo Hoàng Clemente VIII vinh thăng người làm Hồng Y, và ngày 18 tháng 3 năm 1602 người được chỉ định làm Tổng Giám Mục Capua.

Trong 3 năm làm chủ chăn thánh nhân nổi bật về lòng nhiệt thành giảng dậy trong nhà thờ chính tòa, viếng thăm các giáo xứ hằng tuần, tổ chức 3 Công Nghị giáo phận và một Công Đồng miền. Sau khi tham dự các Hội Nghị Mật bầu các Giáo Hoàng Lêô XI và Phaolô V, người được triệu vời về Roma làm thành viên các Bộ khác nhau như Thánh Bộ, Kiểm Soát, Lễ Nghi, Giám Mục và Truyền Giáo. Ngoài ra Đức Hồng Y Bellarmino cũng giữ các chức vụ ngoại giao tại Cộng Hòa Venezia và Anh quốc. Trong các năm cuối đời người biên soạn nhiều sách thiêng liêng cô đọng hoa trái các bài giảng tĩnh tâm hàng năm trước kia và sinh rất nhiều lợi ích cho tín hữu. Người qua đời tại Roma ngày 17 tháng 9 năm 1621. Đức giáo Hoàng Pio XI phong chân phước cho người năm 1923 rồi phong người làm Hiển Thánh năm 1930 và tuyên bố thánh Bellarmino là Tiến sĩ Giáo Hội năm 1931.

Thánh Bellarmino đã nắm giữ vai trò quan trọng trong các thập niên cuối cùng của thế kỷ XVI và các thập niên đầu của thế kỷ XVII. Tác phẩm ”Các Cuộc Tranh Luận” của người là điểm tham chiếu vẫn còn có giá trị đối với giáo hội học công giáo liên quan tới các vấn đề như Mặc khải, bản chất Giáo Hội, các Bí Tích và nhân chủng học thần học. Khía cạnh tổ chức của Giáo Hội được trình bầy rõ ràng để trả lời cho các sai lầm lưu hành thời đó liên tới các vấn đề này. Tuy nhiên thánh Bellarmino cũng minh giải các khía cạnh vô hình của Giáo Hội như Thân Mình Mầu Nhiệm, và người minh giải nó với hình ảnh thân xác và linh hồn, hầu miêu tả tương quan giữa các phong phú của Giáo Hội và các khía cạnh bên ngoài của nó. Thánh nhân tránh mọi giọng điệu tranh cãi và gây hấn đối với các tư tưởng của phong trào Cải Cách, nhưng chỉ dùng các lý lẽ của lý trí và Truyền Thống Giáo Hội để minh giải một cách rõ ràng hữu hiệu giáo lý của Giáo Hội.

Gia tài thánh nhân để lại là quan niệm của người về công việc. Biết bao nhiêu bổn phận nặng nề đã không cản ngăn người hằng ngày tiến tới sự thánh thiện với sự trung thành với các bổn phận tu sĩ, linh mục và giám mục. Như là chủ chăn người cảm thấy bổn phận giảng dậy kiên trì. Thánh nhân đã viết hằng trăm bài giảng tại Fiandre, Roma, Napoli và Capua trong các dip lễ. Các giải thích cho các cha sở, các nữ tu, và sinh viên Trường Roma của dòng Tên cũng rất phong phú, và thường liên quan tới Thánh Kinh, đặc biệt là các thư của thánh Phaolô. Chúng mang sắc thái nền giáo dục tu đức của thánh Ignazio tập trung nơi các sức mạnh của linh hồn, việc hiểu biết sâu xa Chúa Giêsu, noi gương và yêu mến Chúa. Đức Thánh Cha nói về con người của thánh Bellarmino như sau:

Trong các bút tích của con người cai quản này, mặc dù các tâm tình bị dấu kín, người ta nhận ra một cách rất rõ ràng quyền tối thượng mà thánh nhân dành cho giáo huấn của Chúa Kitô. Thánh Bellarmino cống hiến cho chúng ta một mẫu gương cầu nguyện, là linh hồn của mọi sinh hoạt: một lời cầu nguyện lắng nghe Lời Chúa và chiêm ngưỡng sự cao cả của Chúa, không khép kín trong chính mình, nhưng tươi vui tín thác cho Chúa. Dấu chỉ đặc thù nền tu đức của thánh Bellarmino là nhận thức sống động và cá nhân của người đối với lòng tốt bao la của Thiên Chúa; vì thế thánh nhân cảm thấy mình thật là người con được Thiên Chúa yêu thương, là suối nguồn của niềm vui lớn lao, khi cầm trí cầu nguyện trong sự đơn sơ thanh thản và khi chiêm ngưỡng Thiên Chúa, như thánh nhân diễn tả trong cuốn ”Nâng tâm trí lên tới Thiên Chúa”.

Thánh Bellarmino đã từng phải sống trong xã hội xa hoa không lành mạnh của cuối thế kỷ XVI đầu thế kỷ XVII, nhưng người rút tỉa ra từ sự chiêm ngưỡng đó các áp dụng cụ thể, và dự phóng tình hình của Giáo Hội thời đó với linh hứng mục vụ. Trong cuốn ”Nghệ thuật chết tốt” thánh nhân chỉ cho thấy điều luật giúp sống tốt và chết lành, bằng cách năng suy tư về việc phải trả lẽ trước mặt Thiên Chúa về tất cả mọi hành động và cách sống của mình, không tìm tích trữ của cải trên trần gian này, nhưng sống một cách đơn sơ và với tình bác ái để tích chứa của cải trên Trời.

Trong cuốn ”Tiếng rên rỉ của chim bồ câu” thánh nhân mạnh mẽ mời gọi hàng giáo sĩ và tất cả mọi tín hữu canh cải cuộc sống của mình một cách cụ thể, theo các giáo huấn của Thánh Kinh và các Thánh, đặc biệt là các thánh Gregorio thành Nazianzeno, thánh Gioan Kim Khẩu, thánh Girolamo và thánh Agostino, cũng như các thánh sáng lập các dòng tu nam nữ, trong đó có thánh Biển Đức, thánh Đa Minh và thánh Phanxicô thành Assisi. Thánh Bellarmino dậy dỗ một cách rất rõ ràng qua thí dụ cuộc sống riêng của người, và cho thấy rằng không thể cải cách Giáo Hội một cách đích thực, nếu không cải cách cá nhân và hoán cải con tim.

Người kín múc nơi sách Tĩnh Tâm của thánh Ignazio các lời khuyên nhủ và thông truyền một cách sâu sắc, cả cho những người đơn sơ nhất, các vẻ đẹp của mầu nhiệm đức tin. Người viết: ”Nếu bạn có sự khôn ngoan, hãy hiểu rằng bạn được tạo dựng cho vinh quang của Thiên Chúa và cho ơn cứu rỗi đời đời. Đó là cứu cánh của đời bạn, đó là trung tâm của linh hồn bạn, đó là kho tàng của trái tim bạn. Vì thế hãy coi là hạnh phúc thật cho bạn điều dẫn đưa bạn tới mục đích ấy, và coi là sự dữ điều khiến cho bạn đánh mất nó. Các biến cố thuận lợi hay đối nghịch, của cải giầu sang sự nghèo khó, sức khỏe hay bệnh tật, danh giá hay nhục nhã, sống hay chết, người khôn ngoan không được tìm kiếm chúng, cũng không trốn tránh chúng vì chính mình. Nhưng chúng chỉ tốt và đáng ước ao, nếu chúng góp phần vào vinh danh của Thiên Chúa và cho hạnh phúc vĩnh cửu, chúng xấu và cần xa lánh, nếu chúng ngăn cản hạnh phúc vĩnh cửu” (De ascensione mentis in Deum, gra. I).

Đức Thánh Cha đã chào các tín hữu bằng nhiều thứ tiếng khác nhau. Bằng tiếng Anh người đã chia buồn với các nạn nhân trận động đất tại New Dilen và nói: ”Một trận động đất mạnh và tàn phá hơn trận động đất hồi tháng 9 vừa qua đã xảy ra tại Christchurch bên Niu Dilen gây ra các thiệt hại nhân mạng và khiến cho nhiều người bị mất tích cũng như làm cho nhiều dinh thự nhà cửa bị hư hại. Lúc này đây tâm trí tôi hướng tới các anh chị em đang bị thử thách nặng nề vì thảm cảnh này. Chúng ta hãy cầu xin Chúa thoa dịu các khổ đau của họ và nâng đỡ tất cả mọi người đang cứu trợ họ. Tôi cũng xin anh chị em hiệp ý với tôi cầu nguyện cho tất cả những người đã qua đời”.

Ngài đã chào nhóm tín hữu đến với ”Ngọn đuốc biển đức”, trong các ngày tới sẽ được đem sang London cho một lễ nghi đại kết. Các tín hữu được hướng dẫn bởi Đức Cha Renato Boccardo, Tổng Giám Mục Spoleto-Norcia và cha Pietro Vittorelli, Viện phụ Đan viện Biển Đức Montecassino. Ngài cầu mong sáng kiến truyền thống này góp phần khơi dậy ngọn lửa đức tin, đặc biệt tại Âu châu và đem lại hòa thuận và hòa giải.

Chào giới trẻ, các người đau yếu và các cập vỡ chồng mới cưới, Đức Thánh Cha nhắc tới lễ thánh Policarpo Giáo Hội cử hành ngày 23-2 và cầu mong gương trung thành với Chúa Kitô của thánh nhân khơi dậy nơi người trẻ các quyết định can dảm làm chứng cho Tin Mừng. Ngài xin các anh chị em đau yếu dâng các khổ đau hằng ngày lên cho Chúa để cầu nguyện cho nền văn minh tình yêu làn rộng trên thế giới. Ngài xin thánh Policarpo nâng đỡ các cặp vợ chồng mới cưới trong dấn thân lấy sự kết hiệp thân tình với Chúa làm nền cho cuộc sống gia đình.

Sau cùng Đức Thánh Cha chúc tín hữu và du khách những ngày hành hương thánh thiên bổ ích, rồi cất kinh Lậy Cha và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.
 
Đức Thánh Cha nói: Mùa Chay là lúc tử bỏ lòng ích kỷ
Bùi Hữu Thư
11:56 24/02/2011
VATICAN (CNS) -- Đức Thánh Cha Benedict XVI nói: Mùa Chay là lúc xét mình và từ bỏ mọi dấu vết của lòng ích kỷ, là gốc rễ của bạo lực.

Đức Thánh Cha nói trong thông điệp mùa Chay hàng năm: "Lòng tham lam chiếm hữu các của cải dẫn đưa tới sự bạo hành, khai thác và giết hại,” vì vậy trong mùa Chay Giáo Hội khuyến khích việc bố thí, “đó là khả năng biết chia sẻ.”

Bản văn của thông điệp của Đức Thánh Cha cho Mùa Chay 2011, sẽ khởi sự ngày 9 tháng 3 cho người Công Giáo theo nghi thức La Tinh, được phổ biến trong một buổi họp báo tại Vatican ngày 22 tháng Hai.

Đức Hồng Y Robert Sarah, người Guinée, chủ tịch Hội Đồng Giáo Hoàng Cor Unum, là cơ quan cổ võ cho việc chia sẻ Bác Ái Công Giáo, nói với các phóng viên: “Những đau khổ cùng cực đưa đến sự khủng hoảng về kinh tế và chính trị, và tạo nên một chân không cho những tranh chấp và bất an, và dẫn đưa đến một chu kỳ tệ hại của những khó khăn sâu xa, nhất là cho những người yếu đuối nhất."

Đức Hồng Y nói, thông điệp của Đức Thánh Cha nhấn mạnh về sự kiện là “việc gặp gỡ Đức Kitô trong thế giới này và các bí tích được bầy tỏ trong những công trình cụ thể về lòng xót thương.”

Chủ đề của thông điệp của Đức Thánh Cha được trích trong Thư Thánh Phaolô gửi tín hữu Côlôsê: “Anh em được mai táng với Người trong phép rửa, trong đó anh em cũng sẽ được sống lại với Người.”

Đức Thánh Cha Benedict nói Mùa Chay là một thời gian đặc biệt để mọi người hoặc chuẩn bị cho phép rửa, hoặc để tăng cường lời cam kết theo chân Đức Kitô đã làm lúc rửa tội.

Đức Thánh Cha nói: "Sự kiện trong đa số các trường hợp, việc rửa tội được thực hiện khi còn là hài nhi đề cao việc này là một ân sủng của Thiên Chúa: Không ai tự mình đạt được đời sống vĩnh cửu nhờ những cố gắng của riêng mình.”

Trong thông điệp, Đức Thánh Cha dùng các Phúc Âm trong các Chúa Nhật Mùa Chay để rút tiả các bài học ngài nói sẽ ích lợi cho việc giúp cho hành trình Mùa Chay dẫn đưa được tới việc hoán cải các Kitô hữu.

Trình thuật Phúc Âm Chúa Giêsu chiến thắng các cám dỗ trong sa mạc “là một lời mời gọi chúng ta thấu hiểu sự mỏng dòn của chúng ta, để chấp nhận ân sủng giải phóng chúng ta khỏi tội lỗi, và đem đến cho chúng ta những sức mạnh mới.”

Ngài nói: Câu chuyện Chúa Giêsu gặp người phụ nữ bên bờ giếng là một nhắc nhớ rằng tất cả mọi người, cũng như người phụ nữ, đều mong ước “nước” ban sự sống. Như thánh Âu Tinh nói: Chỉ có nước Chúa Giêsu ban cho “mới có thể tưới mát sa mạc của linh hồn bất an và khao khát của chúng ta, cho đến khi tìm được ‘sự an nghỉ trong Thiên Chúa’.”

Đức Thánh Cha nói: Trình thuật Phúc Âm về Chúa Giêsu chữa lành người mù từ lúc mới sinh “là một dấu chỉ rằng Chúa Kitô không những chỉ muốn ban cho chúng ta thị giác, Người còn muốn cởi mở cái nhìn nội tâm để cho đức tin chúng ta mạnh mẽ hơn và chúng ta có thể nhận biết Người là Đấng Cứu Cuộc duy nhất.”

Ngài nói: Câu chuyện làm cho Lazarô sống lại, được đọc vào Chúa Nhật thứ Năm Mùa Chay, nhắc nhớ các Kitô hữu định mệnh của họ là đời sống vĩnh cửu với Thiên Chúa, Đấng “tạo dựng những người nam và nữ cho sự sống lại và sự sống.”

Ngài nói: thể thức hoán cải Mùa Chay được phác họa để “giải phóng tâm hồn chúng ta hàng ngày khỏi gánh nặng của vật chất, của mối tương quan vị kỷ của chúng ta đối với ‘thế giới’ đang làm cho chúng ta nghèo nàn và ngăn cản chúng ta không sẵn sàng cởi mở cho Thiên Chúa và tha nhân.”

Ngài nói: Qua việc ăn chay, bố thí và cầu nguyện, “Mùa Chay dạy chúng ta cách sống tình yêu Chúa Kitô một cách ngày càng tích cực hơn. "

Ăn chay giúp con người vượt thắng sự vị kỷ và chỉ biết đến riêng mình; bố thí nhắc nhớ về sự chia sẻ cần đánh dấu cho mỗi ngày trong đời sống Kitô hữu; và thời gian dành cho việc cầu nguyện nhắc nhớ rằng thời gian thuộc về Thiên Chúa, và mong ước của Chúa là để chúng ta được sống đời đời với Người.
 
Các Giám Mục Hoa Kỳ chỉ trích chính phủ Obama ngưng ủng hộ Luật Bảo Vệ Hôn Nhân.
Trần Mạnh Trác
15:16 24/02/2011
(Theo CNS) - Văn phòng Luật của Hội Động Giám Mục Hoa Kỳ đã lên tiếng chỉ trích chính quyền Obama về quyết định sẽ không biện hộ cho Luật Bảo Vệ Hôn Nhân trước những thách thức về pháp lý.

Tổng thống Barack Obama đã chỉ thị cho Bộ Tư pháp ngưng việc bảo vệ bộ luật Bảo Vệ Hôn Nhân của liên bang, đã được Quốc hội thông qua và ban hành vào năm 1996 dưới thời Tổng thống Bill Clinton. (Đây là một quyết định quá khích mới ngay sau khi Obama ngưng thi hành những điều khỏan bảo vệ lương tâm cho nhân viên y tế chỉ vài ngày trước.)

Tuyên bố ngày 23 tháng 2 của Văn Phòng Luật của HĐGMHK cho đó là một "sự thoái vị" trước nghĩa vụ hiến pháp "để đảm bảo rằng mọi luật pháp của Hoa Kỳ được thực hiện một cách trung thành."

"Hôn nhân đã được hiểu trong nhiều thiên niên kỷ và trong các nền văn hóa như là sự kết hợp của một người đàn ông và một người phụ nữ," bàn tuyên bố viết.

Bộ Luật Bảo Vệ Hôn nhân qui định rằng chính phủ Liên Bang định nghĩa hôn nhân là một liên minh giữa một người đàn ông và một người phụ nữ và các Tiểu bang không bị buộc phải công nhận hôn nhân đồng tính từ một Tiểu Bang khác.

"Nguyên nhân chính làm cơ sở cho quyết định này của Hành Pháp là Tổng Thống đã coi bộ luật là một hình thức phân biệt đối xử ngăn cấm khuynh hướng tình dục," Văn Phòng Luật HĐGMHK cho biết.

Trong một tuyên bố ngày 23 Tháng Hai, Bộ trưởng Tư pháp Eric Holder nói rằng mặc dù chính quyền đã bảo vệ bộ luật năm 1996 tại một số tòa án liên bang, họ sẽ không tiếp tục làm như vậy trong những trường hợp được thụ lý tại Tòa Thượng Thẩm quận 2. Ông Holder cho biết không giống như các trường hợp trước đây, các vụ kế tiếp "không thể dựa vào một tiêu chuẩn hoặc một tiền lệ nào để qui định giới tính."

Phản ứng với thông báo của chính phủ, Tổ chức National Organization for Marriage, một tổ chức chống hôn nhân đồng tính, đã kêu gọi Quốc hội hãy "cung cấp luật sư tới phòng xử với những vị luật sư thành thật muốn bảo vệ pháp luật, chứ không phải vì những tổ chức chính trị có quyền thế chỉ mưu cầu lợi ích đặc biệt cho phe nhóm của họ."

Ông Brian Brown, chủ tịch của tổ chức tuyên bố "Cuộc chiến mới chỉ bắt đầu." Ông cho rằng, với lời tuyên bố của bộ trưởng Holder thì chính quyền Obama sẽ "đơn phương" tuyên bố đồng tính luyến ái là "một giai cấp được bảo vệ" theo Hiến pháp và hiệu quả là mọi quyết định của tòa án liên bang sẽ "không thể kháng án lên tòa cao hơn."

Trong khi Tổng Thống Obama ủng hộ giải pháp bãi bỏ tòan bộ bộ luật, bộ trưởng Holder nói rằng ông đã hỗ trợ sự bảo vệ nó theo qui định của hiến pháp trong những tiểu bang hay địa phương mà pháp luật đáp ứng các tiêu chuẩn pháp lý của việc có "một cơ sở hợp lý" để tin cậy rằng một người không bị phân biệt đối xử vì giới tính.

Nhưng trong các trường hợp sẽ đến, Holder cho biết, chính quyền "lần đầu tiên phải đối diện với một câu hỏi rằng liệu pháp luật về khuynh hướng tình dục phải tuân theo một tiêu chuẩn rộng rãi hơn hoặc nghiêm ngặt hơn, mà nếu theo những tiêu chuẩn nghiêm ngặt thì tòa án, với một lịch sử phân biệt đối xử, đã thường có những quyết định đáng nghi ngờ liên quan đến người thiểu số."

Obama "đã kết luận rằng, đứng trước một số yếu tố, bao gồm một lịch sử kỳ thị, thì sự phân loại dựa trên khuynh hướng tình dục sẽ bị giám sát với một tiêu chuẩn nghiêm ngặt". Holder nói thêm rằng Obama đã kết luận rằng luật pháp "áp dụng cho các cặp vợ chồng đồng tính kết hôn hợp pháp, sẽ không đáp ứng tiêu chuẩn đó và do đó là vi hiến. Như vậy, Tổng Thống đã chỉ đạo không bảo vệ đạo luật trong trường hợp như vậy.. Tôi hoàn toàn đồng tình với quyết định của Tổng Thống. "

Holder tiếp tục nói rằng môi trường pháp lý đã thay đổi sau khi bộ luật được thông qua, bao gồm việc Tòa Án Tối Cao đã đảo ngược những luật coi hành vi đồng tính là tội và mới đây Bộ Tham Mưu Liên Quân đã bãi bỏ chính sách "không hỏi, không nói".

Trừ khi Quốc hội bãi bỏ Đạo Luật Bảo Vệ Hôn nhân, hoặc một phán quyết cuối cùng của tòa án hủy bỏ nó, thì bộ luật này sẽ vẫn có hiệu lực và chính quyền sẽ tiếp tục thực thi nó, Holder lưu ý thêm.

"Nhưng trong khi mà người ta còn tranh luận công khai và kiện cáo nhiều sự về sự khôn ngoan và tính hợp pháp của của bộ luật, thì chính quyền này sẽ không khẳng định tính cách hợp hiến của nó tại tòa án," Holder nói.

(Nhận định về những hành động dồn dập của chính quyền Obama trong những ngày qua, hết tấn công vào quyền lương tâm trên lãnh vực y tế, lại đến việc bỏ rơi những sự bảo vệ cho hôn nhân truyền thống, người ta có cảm tưởng phải chăng đây là những đòn phép chính trị mà Obama tung ra để mưu tìm một vài nhượng bộ đổi chác với một quốc hội bảo thủ, thù địch với các chương trình cấp tiến của ông? Hay phải chăng Obama muốn dốc tòan lực vào một ván bài liều như Lyndon B. Johnson đã làm, là trong khi từ bỏ tham vọng tái cử một nhiệm kỳ thứ hai, ông sẽ dùng mọi quyền hạn có thể để thúc đẩy các chương trình cấp tiến trước khi mãn nhiệm?

Chúng ta phải đợi thời gian trả lời sau.)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Món quà đặc biệt đến từ Việt Nam cho giáo phận Mobile và Giáo hội Hoa Kỳ
Đ.Ô. Phạm xuân Thắng
09:26 24/02/2011
Ngồi viết những giòng chữ nầy chúng tôi vẫn chưa vơi được những cảm xúc, ngỡ ngàng và xúc động trong giờ phút ở phi trường Mobile, Alabama sáng Chúa Nhật, ngày 20 tháng 2 năm 2011. Ngỡ ngàng vì sự chuẩn bị đón tiếp trọng đại ngoài sự tưởng tượng. Chúng tôi nhận thấy rất nhiều những đại diện của các Dòng Tu nam nữ đến từ những tiểu bang khác nhau, các nhân viên và các các vị lãnh đạo trong Tổng Giáo Phận Mobile. Ngoài ra còn có sự có mặt của hơn 50 nhạc công của ban nhạc đến từ trường trung học McGill Toolen. Theo ước tính khoảng chừng 500 người hiện diện mang theo hoa hồng và các biểu ngữ để đón quý Sơ với những lời chào mừng nồng nhiệt. Trên nét mặt mọi người biểu lộ niềm vui và hồi hộp, riêng thầy Nguyễn Bảo với những lo lắng bồn chồn hòa lẫn niềm vui lộ rõ trên khuôn mặt của người tu sĩ trẻ. Họ đến để đón ai vậy? Thưa họ đến để đón 8 Nữ Tu của Dòng Cát Minh Việt Nam. Các nữ tu đển đây từ nửa vòng trái đất để mở một trang sử mới trong Tổng Giáo Phận Mobile nầy.

Chúng tôi nhận thấy giây phút xúc động nhất và sẽ không bao giờ xóa nhòa được nơi tâm hồn mọi người hiện diện đó là hình ảnh 4 vị nữ tu già yếu ngồi trên xe lăn để đợi đón tiếp các chị em trong đại gia đình Đan viện Carmelot mà họ chưa một lần gặp gỡ. Họ ngồi đây nơi vành xe lăn định mệnh nói lên sự nghiệt ngã của đời người, chấp nhân lui vào bóng tối để mở lối cho một thế hệ trẻ vươn lên. Trong cái tàn lụi của những mảnh đời nghiệt ngã, các Sơ vẫn dùng hơi sức, vẫn cố gắng gieo mầm cho một mùa lúa mới trong tin tưởng và phó thác hy vọng vào một mùa lúa bội thu. Tám hạt giống mới nơi miền đất hứa rồi đây sẽ nẩy mộng đâm chồi hứa hẹn một mùa lúa chín vàng. Giây phút xúc động nhất là hình ảnh 8 nữ tu trẻ khi các Sơ vừa xuất hiện, khi đến thay vì hôn đất họ đã lần lượt quỳ xuống nơi 4 chiếc xe lăn để trao ban nụ hôn tình yêu và lãnh nhận phép lành của các Sơ gìa yếu. Bốn bàn tay run run gắng gượng nhưng vẫn không đủ sức giơ lên để ban phép lành. Nhưng hương thơm tình yêu tỏa lan không chỉ đến với tám Sơ trẻ nhưng bao trùm mọi người hiện diện.

Sau giây phút tiếp đón thật cảm động, các Sơ được đưa về tu viện của các chị em Nữ Tu Hèn Mọn (Little Sisters of the Poor). Nơi đó hai Đức Tổng Giám Mục của Tổng Giáo Phận Mobil đã đến để tiếp đón và chúc lành cho các Sơ. Trong bữa ăn rất thân mật, những lời huấn từ trong tình nghĩa cha con của hai Đức Tổng Giám Mục và những tâm tình biết ơn của Sơ bề trên đại diện 8 chị em nữ tu, đã thể hiện tình nghĩa đầy yêu thương trong đại gia đình con cái Chúa. Tất cả những hình ảnh nơi phi trường về đến nhà Dòng chúng tôi chỉ có thể mượn một câu trong Kinh Thánh để diễn tả đó là: “ Kìa xem anh em sướng vui trong một nhà bao là êm đẹp, bao là đềm êm”.

Xin cám ơn Tổng Giáo Phận Mobil, cám ơn Đan viện Carmelite, cám ơn các Sơ Dòng Chị Em Hèn Mọn đã yêu thương và tiếp nhận 8 nữ tu bé nhỏ vào trong đại gia đình Giáo Hội Công Giáo nơi Tổng Giáo Phận Mobil, Alabama. Chào mừng Quý Sơ và cầu chúc mọi ơn lành, xin Chúa chúc phúc lành cho các Sơ trong cánh đồng lúa mới nơi miền đất tạm dung Hoa Kỳ của chúng con.

Đan Viện Cát Minh tại Mobile, Alabama
Sr. Josepha Nguyễn Thị Lệ Thảo
Bề Trên Đan Viện
716 Dauphin Island Parkway
Mobile - AL 36606
(251) 471-3991
 
Văn nghệ « Tình Xuân » Tân Mão của đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể GXVN Paris
Trần Văn Cảnh
10:48 24/02/2011
Văn nghệ « Tình Xuân » TÂN MÃO của đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể GXVN Paris

Chúa nhật 20.02.2011: sau khi đã dâng Thánh Lễ đầu xuân, Đoàn Kytô Vua, Thiếu Nhi Thánh Thể GXVN Paris đã cùng Cộng Đoàn vui xuân qua buổi VĂN NGHỆ « TÌNH XUÂN » TÂN MÃO.

Khung cảnh: Tết là một lễ hội quan trọng vào bậc nhất trong truyền thống văn hóa việt nam. Có trách nhiệm giáo dục thiếu nhi, năm nào Đoàn Kytô Vua, TNTT, cũng tổ chức tết, để các thiếu nhi sống tết một cách cụ thể, tết qua khía cạnh Lễ nghi của thánh lễ và tết qua khía cạnh hội vui của văn nghệ. Đặc biệt Tết Tân Mão 2011 năm nay, Văn Nghệ « Tình Xuân » độc đáo đã được thiết kế và thực hiện trong tinh thần khai mạc năm sinh nhật thứ 25 thành lập đoàn (1986-2011).

Ngay lối vào, hai bảng thông tin và chào mừng đã rõ rệt vồn vã đón tiếp: « Gia đình TNTT Mừng Năm Mới », « Chức mừng Tân Xuân ». Xuống cầu thang, mỗi lúc khung cảnh và bầu khí càng nhộn nhịp hơn. Cả không gian hành lang là không gian của phụ huynh với ba quầy hàng “ăn mặn », « ăn ngọt », « giải khát » và một quầy « bán vé ». Chung quanh nhộn nhịp và vui tươi với những lời chúc mừng: « Phụ huynh TNTT chúc mừng Năm Mới Tân Mão 2011 », « Ngày xuân hạnh phúc…Năm mới vinh hoa… », « Cung chúc…An khang… ». Với những bảng ghi tên các món ăn, nước uống, món chè, món đậu.

Vào trong, cả không gian rộng rãi, gồm nhà nguyện và hội trường, đã biến thành không gian văn nghệ. Trên bục sân khấu, một khung đỏ rất to, đập vào mắt mọi người với hai chữ vàng « Tình Xuân ». Chung quanh bục, người người, lớp lớp, thiếu nhi có, thanh niên có, trung niên có, lão niên có,…các khán thính giả, người đã yên vị tìm được chỗ tốt, người đứng, đi đi, lại lại, tìm chỗ.

Chương trình: Đi ra, đi vào, người ta nhìn thấy những bản chương trình giới thiệu nội dung buổi văn nghệ « Tình Xuân » với hai phần rõ rệt; Phần I: XUÂN với 9 mục: Múa lân, Lời mở đầu của cha tuyên úy, Hợp ca con mèo, Múa Mùa Xuân đến, Hợp ca Vui xuân, Kịch Sự tích con mèo và con cọp, Múa Chúc xuân, Múa Xuân mộng và Múa võ; Phần II: TÌNH với 7 mục: Kịch Trọng Thủy Mỵ Châu, Múa Anh cứ hẹn, Múa Liên khúc xuân yêu thương, Kịch Câu chuyện tình bạn, Múa Khúc xuân tình, Múa Em đi hội trăng rằm, Nhạc cảnh Chuyện hẹn hò.

Múa lân: Thời gian ồn ào tự nhiên biến đi, nhường chỗ cho tiếng trống nhịp múa. Một con lân xuất hiện, vui nhộn, nhảy nhót, vũ múa từ phải sang trái, rồi lên sân khấu. Tiếng vỗ tay, tiếng reo hò, khi to, khi nhỏ, theo nhịp điệu của trống và theo lối múa của Lân Tân Xuân.

Xem hình trình diễn văn nghệ của đoàn TNTT gx Việt Nam Paris

Lời mở đầu của Cha Tuyên Úy: Rồi tiếng vỗ tay ngừng, thiếng hò reo thôi. Lân đã đến phủ phục trước khán giả, bên bục vi âm. Một giọng trẻ trung trong trẻo phát ra « Xin cha tuyên úy cho Lời Mở Đầu ». Cha Đinh Đồng Thượng Sách tiến lên sân khấu. Ngài nhắc đến ý nghĩa của ngày Tết, đến xuân và tuổi trẻ, đến xuân TÂN MÃO. Rồi ngài đọc và cắt nghĩa cho các em mấy câu tục ngữ về MÈO: « Nói như rồng bay, Làm như mèo mửa ». « Con mèo, con mẻo, con meo, muốn ăn thịt chuột thì leo xà nhà ». « Có ăn nhạt mới thương đến mèo ». Ngài thông tin về trại sắp tới ở Château de Jambville kỷ niệm 25 năm thành lập Phong Trào Thiếu Nhi Thánh Thể Việt Nam tại Pháp hai ngày thứ bảy và chúa nhật, 2-3 tháng 7 năm 2011. Rổi kết thúc với lời chúc các em thiếu nhi và các bậc phụ huynh một buổi chiều Văn Nghệ vui vẻ và một năm mới hạnh phúc.

Lới giới thiệu chung về Văn Nghệ « Tình Xuân »: Tiếng vỗ tay cám ơn cha tuyên úy nhẹ dần theo ánh sáng rọi vào hai trưởng Thiên Ân và Nga đang tiến lên sân khấu. Thay đổi nhau, hai trưởng dẫn giải ý nghĩa Văn nghệ Tình Xuân hôm nay:

« Xuân đã về ! Dù ở hoàn cảnh nào, xuân về, tết đến, người dân việt nam ở hải ngoại vẫn nhớ và đón mừng xuân. Nhân dịp vui này, gia đình thiếu nhi cũng tụ họp xum vầy mừng xuân. Đúng thế, xuân đã về, xuân thể hiện tràn đầy sức sống, trời ấm áp, cảnh vật xinh tươi, đàn trẻ tung tăng vui vẻ với áo quần xinh. Một mùa xuân đầy những lá xanhđâm chồi. Tình yêu của mọi người cũng hé như bông hoa nở trong đầu xuân, đắm say hạnh phúc bên nhau.

Như muôn hoa đua tươi nở, lòng chúng ta cũng rộng mở. Xuân đem lại cho chúng ta niềm vui, xuân đem lại cho chúng ta hạnh phúc. Vì thế, chúng ta sẽ mừng xuân với chủ đề TÌNH XUÂN.

Kính thưa quý cha, quý sơ, quý phụ huynh, chiều hôm nay chúng ta sẽ hiểu biết thêm về tình yêu, không phải chỉ giữa hai người nam nữ, nhưng còn tình yêu Thiên Chúa, tình yêu Cha mẹ dành cho con cái, tình yêu bạn bè,…vân vân. Tất cả mọi khía cạnh sẽ được thể hiện qua những điệu múa, bài ca và những vở kịch thật hấp dẫn.

Và bây giờ, để bắt đầu chương trình, chúng con xin mời các em Dự Bị Ấu đến với chúng ta qua một bài hát thật dễ thương, bài hợp ca « Con mèo ».

Phần I: chương trình xoay quanh chủ đề XUÂN TÂN MÃO.

Về XUÂN, ba bài múa và một bài ca đã được trình diễn. Hợp ca « Vui Xuân » do các em Ấu nhi trình bày, vừa đơn sơ dễ thương, vừa lỗng lẫy vui tươi với những mầu sắc của ngày Tết.

Ba điệu múa chúc mừng năm mời do ba ngành trình diễn, khác nhau về biểu lộ, nhưng nhất trí về ý định chúc mừng: Múa « Mùa Xuân đến » do các em Ấu nhi, Múa « Xuân mộng » do các em Thiếu nhi và Múa « Chúc Xuân » do các em Nghĩa sỹ. Cả ba bài múa đều có nội dung kính chúc Ông bà, Cha mẹ và mọi khán giả một năm mới tốt đẹp, sức khỏe, sống lâu, thuận hòa, khang an, hạnh phúc, may mắn,…. Các em chúc cho hai cha tuyên úy được luôn dồi dào sức khỏe; Chúc cho các phụ huynh mạnh khỏe, làm ăn phát đạt, tiền vô như nước; Chúc cho các thiếu nhi luôn hiếu thảo, học giỏi, nên người. Các em hy vọng và ước mơ cho con người, mọi người được tiến tới trên cuộc đời; cho mọi người được nhiều hy vọng và mộng lành.

Về TÂN MÃO, ngoài bài hợp ca của các em Dự Bị Ấu, còn có vở Kịch « Sự tích con mèo và con cọp » do các em Áu nhi trình diễn. Con mèo tuy nhỏ, nhưng lại là thầy con cọp, vì nó rất thông minh và mau lẹ.

Rồi để kết thúc phần I về Xuân Con mèo, các em nghĩa sỹ đã cống hiến khán thính giả một màn múa rất linh hoạt với nhiều động tác. Đó là màn Múa võ. Màn này đã khép lại phần I. Mọi người được mời giải lao, ra thưởng thức bánh chưng xanh, dưa hấu đỏ, mứt ngọt thơm, chả giò nóng, và bao nhiêu món khác: bánh ướt, bánh cuốn, bánh giò, bánh bèo, bánh cam, bánh khúc, bánh bột lọc,…cơm chiên thập cẩm, chả giò, chả lụa, hoành thánh chiên, gỏi cuốn, mì xào,…

Phàn II: chủ đề chuyển sang TÌNH

Về TÌNH, bốn màn múa, hai vở kịch và một nhạc cảnh đã được trình diễn. Nói đến tình, người ta hay nghĩ ngay đến tình yêu nam nữ. Cả 4 màn múa đều minh nhiên hay mặc nhiên, rõ rệt hay ẩn dụ diễn tả tình yêu này. Múa « Em đi hội trăng rằm » do các em Ấu nhi trình bày, diễn tả một tình yêu ngây thơ, vui vì được áo mới, quần mới; vui vì được đi vui Tết, được đi chợ Tết, được coi và nghe pháo nổ, được tham dự những hội hội xuân, được ngắm trăng xuân, xem hội trăng rằm. Múa « Khúc xuân tình » do các em Thiếu nhi diễn tả, nói lên cái lạnh lẽo của cuối đông và cái ấm áp của đầu xuân, nhất là ấm áp tâm tình. Điệu múa và hát «Liên khúc Xuân Yêu thương » do các em Thiếu nhi trình diễn, là một màn mô tả tình yêu ban đầu yêu thương, một tiếng yêu thương chân thành, phát sinh từ lòng chân thành, là nghĩa cho lòng chung thủy tào khang, là nền tảng cho đức hòa thuận vợ chồng, là dường cột cho sự cư xử ngũ thường gia đình, là căn bản của giáo dục tình yêu con cái của cha mẹ. Dáng múa « Anh cứ hẹn » do các em nghĩa sĩ trình bày, nhắc cho thanh nam thanh nữ nhớ đến ngày Lễ tình yêu, ngày La Saint-Valentin, ngày tình nhân, ngày thế giới tình yêu.

Kịch « Trọng Thủy Mỵ Châu » do các em Thiếu Nhi trình diễn, nói lên cái tình yêu ngây thơ của nam nữ, chen lẫn với tình yêu cha mẹ, tình yêu tổ quốc, nêu lên lòng chân thành, nhưng cũng vạch ra những phản bội, những mưu đồ, những ẩn ý, những lừa lọc, những đam mê, những thất vọng. Kịch « Câu chuyện tình bạn » do các em Nghĩa sĩ diễn tả, nói đến một khía cạnh khác của chữ tình. Đó là tình bạn: « Bạn bè là nghĩa tương thân, Khó khăn thuận lợi ân cần có nhau. Bạn bè là nghĩa trước sau, tuổi thơ cho đến bạc đầu không phai ».

Lời cám ơn của Ban Tổ Chức: Lời kết thúc « Văn Nghệ Xuân Tân Mão » đã được anh Quân, đại diện Ban Điều Hành và Tổ Chức, gửi đến các khán thính giả:

« Kính thưa quý cha, quý sơ, quý phụ huynh, cùng quý huynh trưởng, và các em thiếu nhi thân mến,

Thay mặt Ban Tổ Chức, con xin cám ơn tất cả các cha, các sơ, các phụ huynh, các huynh trưởng và các em thiếu nhi đã dành thời giờ quý báu, đến chung vui xuân với đoàn chúng con.

Xin cám ơn các anh chị huynh trưởng đã dành nhiều thời giờ soạn thảo và tập dượt những màn ca, múa, kịch thật hay.

Xin cám ơn quý phụ huynh đã chuẩn bị cho chúng con những món ăn thật ngon của ngày tết.

Chương trình Văn Nghệ của chúng con xin chấm dứt sau Nhạc cảnh Chuyện hẹn hò. Xin kính chào ».


Paris, ngày 24 tháng 02 năm 2011
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Bé đầy năm
Trầm Thiên Thu
23:40 24/02/2011
Làm cha mẹ không dễ. Với những người mới làm cha mẹ, công việc càng khó hơn. Vài tháng đầu là mớ hỗn độn những tã lót, cho con bú, con ợ ra, lau chùi và ngủ vào lúc khác thường, đứa trẻ sẽ có vài sự thay đổi khi nó được 1 tuổi.

Nhà trị liệu phát triển Mugdha Wagh nói rằng đa số trẻ đều bắt đầu biết đi lúc khoảng 13 hay 14 tháng. Đó là lúc trẻ chập chững những bước chưa vững, hai tay giơ ra giữ thăng bằng và thường hay té nhào.

Khoảng 15 tới 18 tháng, trẻ bắt đầu đi vững hơn, có thể kéo đẩy những đồ chơi có bánh lăn, có thể bước đi với bàn tay hỗ trợ, nhặt đồ chơi lên mà không ngã, tự đứng lên và ngồi xuống. Khoảng 18 tới 24 tháng, bé có thể chạy, leo cầu thang nhờ vịn vô tường, ngồi chồm hổm và leo lên ghế thấp. Sự phát triển thính giác của bé cũng cải thiện mau. Lúc 12 tới 18 tháng, bé có thể nghe hiểu những từ có ý nghĩa, quay về hướng có tiếng nói, tuân theo những hướng dẫn đơn giản, bắt chước âm thanh, dùng các “đặc ngữ” (jargon) và những từ có thể hiểu đúng lúc 14 tới 15 tháng. Khoảng 18 tới 24 tháng, bé hiểu những lời nói và hướng dẫn đơn giản, bắt đầu ghép từ thành những câu ngắn lúc 20 tới 22 tháng.

TS Suman Bijlani nói rằng “bó tay” trước cơn giận của trẻ là một trong những sai lầm lớn nhất của cha mẹ. Hãy ngăn ngừa cơn giận của trẻ bằng cách tập thói quen cho trẻ như ăn uống, chơi và ngủ đúng giờ. Hãy giải thích mọi thứ theo ngôn ngữ của trẻ – dùng từ đơn giản và khái niệm rõ ràng. Hãy thưởng cách cư xử tốt. Cho trẻ ăn có thể là một thử thách trong giai đoạn này. Một người mẹ không thể cho con ăn trọn bữa, có thể cảm thấy thất vọng và có thể ép trẻ ăn để cảm thấy không áy náy.

Hãy điều chỉnh giờ ăn hợp lý và chuẩn bị đồ dinh dưỡng mà trẻ thích. Hãy khuyến khích trẻ ăn nhiều loại thực phẩm. Nếu trẻ không ăn một loại thực phẩm nào đó, hãy thử cho ăn lại. Đừng kéo dài thời gian bữa ăn quá 30 phút.

BS khoa nhi Barkha Chawla nói rằng thói quen ăn uống rất quan trọng. Bốn bữa mỗi ngày là chính. Việc bú sữa mẹ nên được tiếp tục cùng với thực phẩm. Tuy nhiên, bú nhiều với ăn không đủ sẽ khiến trẻ thiếu máu do thiếu chất sắt. Trẻ ở độ tuổi này có thể bắt đầu thích bánh mì, cơm và ngũ cốc, hãy điều chỉnh chế độ ăn uống để có cả trái cây và rau đậu. Trẻ cần có thời gian để quen trước khi chấp nhận.

Sô-cô-la, nước lạnh, đồ gia vị, trà, cà-phê,… nên tránh vì có các hóa chất có thể hại cho trẻ. Những thứ đó có thể làm hại khẩu vị của trẻ đối với những bữa ăn bổ dưỡng. Tránh quả hạch, bắp nổ, khoai tây chiên, nho tươi, nho khô,… vì có thể làm trẻ hóc hoặc nghẹn. Hãy có thời khóa biểu ăn uống, nên có một bữa ăn chung với gia đình để tạo sự thân thiện tình cảm. Hãy khuyến khích trẻ tự ăn, dù có thể trẻ còn lúng túng. Điều này giúp trẻ phát triển kỹ năng chuyển động và hợp tác, giúp trẻ biết độc lập, và giúp trẻ tận hưởng bữa ăn hơn.

Vệ sinh miệng là điều quan trọng ở trẻ 1 tuổi. Hãy dạy trẻ dùng bàn chải răng mỗi ngày 2 lần vì lúc này trẻ có 4 răng, hàm trên hoặc hàm dưới. Hãy chọn loại bàn chai sợi nylon mềm. Có thể làm mềm bằng cách nhúng bàn chải vô nước ấm vài phút, dùng loại kem dành cho trẻ em trải đều mặt bàn chải và nhúng vô nước. Trẻ có thể nuốt kem đánh răng nên phải nhắc nhở trẻ cẩn thận. Có thể lau nướu bằng loại vải mềm. Hư răng vì bú bình có thể xảy ra khi răng tiếp xúc nhiều với đường từ carbohydrate một thời gian dài. Carbohydrate trong nước ép trái cây sẽ biến thành đường đơn giản khiến vi khuẩn phát triển. Hãy vệ sinh răng miệng cho trẻ sau mỗi lần ăn uống hoặc bú sữa.

Nhà trị liệu trẻ em Seema Hingorrany nói rằng, ngày nay các quan niệm truyền thống về nuôi dạy trẻ đã thay đổi. Ngoài người mẹ, người cha và các thành viên gia đình cũng giữ vai trò quan trọng. Nghiên cứu cho thấy trẻ dành nhiều thời gian ở bên người cha sẽ học giỏi hơn và tự tin hơn. Cha mẹ thường có kiểu cách và sự mạnh mẽ khác nhau trong vai trò phụ huynh. Các vai trò này bổ sung cho nhau – không thể thay thế lẫn nhau và cả hai đều cần thiết đối với việc nuôi dạy trẻ lành mạnh. Cha mẹ cũng cần nỗ lực thêm trong chính mối quan hệ phu thê của mình. Người chồng cần trau dồi thêm kỹ năng lắng nghe trong giai đoạn này và đừng phê bình người vợ. Giúp đỡ việc nhà hằng ngày tạo sự khác biệt rất nhiều. Một trong các lý do chính gây xung đột cũng từ đó phát sinh. Cẩn tắc vô ưu!

(Chuyển ngữ từ Times Of India)
 
Tin Đáng Chú Ý
Phát biểu của Tổng thống Obama về Libya
Tạ Dzu
09:23 24/02/2011
Phát biểu từ Nhà Trắng, Tổng thống nói rằng bạo lực ở Libya là "thái quá", "không thể chấp nhận được," và rằng nội các của ông đang xem xét "nhiều chọn lựa để chúng ta có thể ứng phó với cuộc khủng hoảng này." Dưới đây là phần phát biểu đầy đủ của ông:

Tổng thống: Thân chào tất cả các bạn. Ngoại trưởng Clinton và tôi vừa kết thúc cuộc họp tập trung vào tình hình đang diễn ra tại Libya. Trong vài ngày qua, toán an ninh quốc gia đã làm việc liên tục để theo dõi tình hình ở đó và phối hợp với các đối tác quốc tế về một phương án khả thi.

Trước hết, chúng ta đang làm tất cả mọi việc để có thể bảo vệ công dân Mỹ. Đó là ưu tiên hàng đầu của tôi. Tại Libya, chúng ta khẩn thiết kêu gọi công dân rời khỏi nơi đây và Bộ Ngoại giao đang hỗ trợ những người cần sự giúp đỡ. Trong khi đó, tôi nghĩ rằng tất cả người Mỹ nên biết ơn việc làm anh hùng được thực hiện bởi các nhân viên phục vụ kiều bào và những nhân viên nam nữ đang phụng sự tại các tòa đại sứ và lãnh sự quán của chúng ta khắp nơi trên toàn thế giới. Họ đại diện cho những gì là tốt đẹp nhất của đất nước và các giá trị của nó.

Hiện tại, trong suốt giai đoạn đầy bất ổn và biến động trên toàn khu vực, Hoa Kỳ đã duy trì một tập hợp các nguyên tắc quan trọng cốt lõi để hướng dẫn cách tiếp cận của chúng ta. Những nguyên tắc này áp dụng cho tình hình Libya. Như tôi đã nói tuần trước, chúng ta cực lực lên án việc sử dụng bạo lực tại Libya.

Nhân dân Hoa Kỳ gửi lời thành kính phân ưu đến gia đình và tất cả những người thân yêu đã bị giết và bị thương. Sự đớn đau và đổ máu là thái quá và không thể chấp nhận được. Cũng vậy, đe dọa, ra lệnh bắn giết những người biểu tình ôn hòa và tiếp tục trừng phạt người dân Libya là không thể được chấp nhận. Những hành động này vi phạm các tiêu chuẩn quốc tế và là tiêu chuẩn đạo đức thông thường. Bạo lực này phải dừng lại.

Hoa Kỳ cũng mạnh mẽ ủng hộ các quyền phổ quát của nhân dân Libya. Điều đó bao gồm các quyền hội họp ôn hòa, quyền tự do ngôn luận và khả năng nhân dân Libya quyết định vận mệnh [chính trị] của mình. Đây là những quyền con người. Chúng không thể bị tước bỏ. Những quyền này phải được tôn trọng ở mọi quốc gia. Và chúng không thể bị từ chối thông qua bạo lực hoặc cưỡng ép.

Tình hình bất ổn tại Libya đòi hỏi mọi quốc gia và nhân dân thế giới phải nói cùng một giọng điệu, đã là quan tâm của chúng ta. Ngày hôm qua, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc thống nhất gửi một thông điệp rõ ràng đứng về phía nhân dân Lybia, lên án bạo lực và lên án thủ phạm giết người phải lãnh trách nhiệm.

Tương tự, thông điệp này cũng được chuyển giao cho Liên minh châu Âu, Liên đoàn Ả Rập, Liên minh châu Phi, Tổ chức Hội nghị Hồi giáo và các quốc gia khác. Từ bắc xuống nam, từ đông sang tây, mọi tiếng nói đang cùng cất lên chống lại sự đàn áp và hỗ trợ dân quyền của nhân dân Libya.

Tôi đã yêu cầu nội các của tôi chuẩn bị đầy đủ các chọn lựa thích hợp để ứng phó với cuộc khủng hoảng này. Điều đó bao gồm những hành động khả thi và liên kết phối hợp với đồng minh và các đối tác, hoặc những động thái mà chúng ta sẽ thực hiện thông qua các tổ chức đa phương.

Như mọi chính phủ, chính phủ Libya phải có trách nhiệm tránh bạo lực, cho phép viện trợ nhân đạo đến tay những người cần giúp đỡ và phải tôn trọng các quyền công dân. Nhà nước phải chịu trách nhiệm nếu thất bại trong việc đáp ứng các điều trên và phải đối diện với những tổn thất nếu tiếp tục vi phạm nhân quyền.

Điều này không chỉ đơn giản là một mối quan tâm của Hoa Kỳ. Cả thế giới đang theo dõi. Chúng ta sẽ phối hợp hỗ trợ của chúng ta và các biện pháp trách nhiệm đối với cộng đồng quốc tế. Để đạt mục tiêu đó, Ngoại trưởng Clinton và tôi đã yêu cầu ông Bill Burns, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao đặc trách chính trị nhiều lần dừng chân tại châu Âu và trong khu vực để tăng cường tham khảo ý kiến của chúng ta với các đồng minh và đối tác về tình hình Libya.

Tôi cũng đã yêu cầu Ngoại trưởng Clinton ghé đến Geneva vào thứ hai, nơi một số bộ trưởng các nước sẽ triệu tập phiên họp Hội đồng Nhân quyền. Tại đó, bà sẽ tham khảo các đồng nghiệp về những sự kiện đang xảy ra trên toàn khu vực để tiếp tục bảo đảm rằng chúng ta tham gia cộng đồng quốc tế nói cùng một giọng điệu đối với chính phủ và nhân dân Libya.

Và ngay cả khi đang tập trung vào tình hình khẩn cấp tại Libya, hãy cho tôi nói rằng những nỗ lực của chúng ta tiếp tục để giải quyết các sự kiện diễn ra ở các nơi khác, trong đó bao gồm cách nào cộng đồng quốc tế có thể hỗ trợ hiệu quả nhất đối với sự chuyển đổi dân chủ ôn hòa ở cả Tunisia lẫn Ai Cập.

Vì vậy, hãy để tôi tuyên bố rõ ràng rằng, những thay đổi đang diễn ra trong khu vực được thúc đẩy bởi chính những người dân trong khu vực. Sự thay đổi này không do hành động của Hoa Kỳ hoặc bất cứ quyền lực nước ngoài nào. Nó đại diện cho nguyện vọng của những người đang tìm kiếm cuộc sống tốt đẹp hơn.

Tựa một người Libya đã nói, "Chúng tôi chỉ muốn có thể sống như những con người." Vâng, chúng tôi chỉ muốn có thể sống như những con người là khát vọng căn bản nhất đem đến sự thay đổi này. Và trong suốt trong quá trình chuyển đổi, Hoa Kỳ sẽ tiếp tục đứng lên cho tự do, đứng lên cho công lý và đấu tranh cho phẩm giá của tất cả mọi người.

Chân thành cảm ơn các bạn.

(Nguồn: http://www.whitehouse.gov/the-press-office/2011/02/23/remarks-president-libya -- Tạ Dzu chuyển ngữ)
 
Văn Hóa
Ngày Mai Hãy Để Ngày Mai
Tuyết Mai
23:22 24/02/2011
Chúa Nhật Thứ 8 Mùa Thường Niên, Năm A








Việc gì hôm nay ta phải làm ngay

Hai bốn tiếng cho cả ngày

Đầu ngày kính Chúa cuối ngày tạ ơn



Tạ ơn Chúa Trời ban ơn

Sức khỏe, công việc, vẫn luôn bình thường

Vợ chồng, con cái, yêu thương

Họ hàng, bằng hữu, hỗ tương nhau cùng



Trong công sở hãy cùng chung

Chia nhau công việc chia chung tấm lòng

Đừng gây chia rẽ mất lòng

Đừng vì ích kỷ thông đồng hại nhau



Giúp nhau người trước kẻ sau

Vui tươi làm việc giúp nhau đến cùng

Đừng để ý đừng dòm chừng

Đừng gây xích mích cũng đừng vu oan



Việc chung thì mọi lo toan

Cùng nhau sắp xếp gian nan chẳng nề

Việc anh việc tôi bộn bề

Cùng làm vui vẻ giờ về cũng xong



Xong việc, cả nhà cùng trông

Vợ thời ngóng đợi, con trông bố về

Gia đình hạnh phúc một bề

Cơm lành canh ngọt đuề huề ấm êm



Chồng thương vợ lo ngày đêm

Vợ thương chồng không quản đêm quản ngày

Vợ chồng hợp lực đắp xây

Gia đình đầm ấm tương lai rạng ngời



Chắp tay cảm tạ Chúa Trời

Người hằng tuôn đổ xuống đời yêu thương

Người dậy nhân loại tình thương

Anh em trần thế phải thương nhau cùng



Sống sao phải biết tận cùng

Ngày Quang Lâm đến chẳng ngừng được đâu!

Cuộc đời kéo được bao lâu?

Sống sao hữu ích để mau trở về



Sống sao giữ trọn lời thề!

Giữ Giới Răn Chúa chẳng hề lãng sao

Thờ phượng Thiên Chúa Tối Cao

Yêu thương đoàn kết, cao rao Chúa Trời



Thế mới cùng đích sống đời!

Một đời yêu Chúa một đời của ta

Hôm nay mới thật của ta

Ngày mai chưa tới, hôm qua qua rồi!





Y Tá Của Chúa

 
Xây nhà Đức Tin
Trầm Thiên Thu
23:31 24/02/2011
(CN IX TN/A – Mt 7:21-27)

Không phải bất cứ ai nói

“Lạy Chúa!” là vào Nước Trời

Nhưng ai thi hành Thiên Ý

Mới vào Nước Trời mà thôi

Khi đó, nhiều người sẽ nói

Chúng tôi từng trừ quỷ ma

Làm phép lạ, nói tiên tri

Hoàn toàn nhân danh Thiên Chúa

Và Thầy tuyên bố với họ:

Ta không hề biết các ngươi

Hãy xéo đi cho khuất mắt

Hỡi bọn gian ác kia ơi!

Ai nghe những lời Thầy nói

Mà biết đem ra thực hành

Ví được như người khôn ngoan

Xây nhà vững bền trên đá

Dù cho mưa sa, nước đổ

Dù cho bão táp ập vào

Nhà ấy cũng không sụp đổ

Vì nền đá chắc biết bao!

Còn ai nghe lời Thầy nói

Mà chẳng đem ra thực hành

Ví được như người ngu dại

Xây nhà trên cát mong manh

Gặp khi mưa sa, nước cuốn

Hay là bão táp ập vào

Nhà ấy sẽ mau sụp đổ

Và tan tành hết còn đâu!

Lạy Thiên Chúa, Đấng chí thiện

Xin giúp con sống thẳng ngay

Xây nhà Đức tin kiên vững

Làm theo Thiên Ý hôm mai
 
Chúa Rửa Tội Con
Giuse Nguyễn Hữu Đạt
23:49 24/02/2011






( Cảm tác từ Bí Tích Rửa Tội)


Đời con nhiễm nhuộm tội đầu
Từ khi sinh hạ đớn đau tông truyền !

Lọt lòng khóc chuỗi oan khiên
Chạ chung cõi thế cội nguồn bất trung
Bao nhiêu lầm lỗi thất thường
Cỏ lùng lẫn lúa, mù sương đoạn đường !
Chúa giận mà cứ cứ thương
Cỏ lùng chậm nhổ, vén đường lúa lên
Sai Con Một xuống cứu liền
Tình yêu chữa bệnh thiên duyên Ngôi Lời !
Ân sủng nâng đỡ phận người
Bí Tích Rửa tội tốt tươi xác hồn
Được lãnh nhận lúc còn son
Tuổi cao khi lớn vẫn còn luật ban
Rửa hồn trong trắng tân toan
Tổ tông gội sạch, cưu mang tinh tuyền.

Bí Tích Rửa Tội một lần
Suốt đời kín múc ơn lành đức tin
Sấp mình thờ lạy Vô Biên
Cúi đầu cảm tạ Mẹ hiền Ngôi Hai.

(25/2/11)
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Tính Nước Cờ
Joseph Ngọc Phạm
22:01 24/02/2011
TÍNH NƯỚC CỜ

Ảnh của Joseph Ngọc Phạm

Mã nhật tượng điền xe liền pháo cách

Vô sư vô sách bất trách qủy thần ….

(Ca dao)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền