Ngày 23-02-2024
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
02:40 23/02/2024

5. Đức Chúa Giê-su Ki-tô đã khen ngợi đức khiêm tốn, Ngài ở trong Thánh Thể xác thực và tuyên dương sự vô song của đức khiêm tốn, đức khiêm tốn này không coi thường bất cứ người nào, nhưng bằng lòng giống như người khách ngự trong bất cứ linh hồn nào đầy ân tình, thậm chí là tâm hồn của người đã ô nhiễm tội lỗi.

(Thánh Thomas Aquinas)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
02:43 23/02/2024
87. DI HOÀNH KHÓC RỐNG

Di Hoành có tài nhưng tính ngạo mạn.

Năm nọ, vì đắc tội với Tào Tháo mà suýt bị nguy hiểm, sau đó Tào Tháo đem ông ta dâng cho Lưu Biểu, trước khi đi, dân chúng đều tụ họp ở trong Thành Nam để tiễn biệt, lúc Di Hoành chưa đến thì mọi người bàn với nhau:

- “Hôm nay chúng ta phải làm cho Di Hoành nhục nhã, đợi khi ông ta đến thì tất cả chúng ta đều không mở miệng nói, có người nằm và có người ngồi...”

Di Hoành vừa tới nơi liền khóc rống lên thảm thiết, làm cho người nghe rất là thương tâm, mọi người vội vàng hỏi ông ta tại sao khóc thảm thiết như vậy, Di Hoành cười thầm trong bụng, nói:

- “Nhìn thấy người ngồi giống như nấm mồ, thấy người nằm giống như xác chết, giữa nấm mồ và xác chết có thể không khóc lóc thảm thương sao?”

(Cổ kim tiếu sử)

Suy tư 87:

Không ai thấy nấm mộ và tử thi mà không chạnh lòng: có người thương cảm, có người hối tội, có người than khóc, có người đau khổ.v.v... bởi vì con người ta được dựng nên bằng đất sét cho nên cũng sẽ chạnh lòng trước những tử thi và nấm mồ.

“Ngồi là nấm mồ, nằm là tử thi” là câu nói rất có ý nghĩa đối với những người Ki-tô hữu có đức tin, bởi vì khi họ phạm tội trọng là linh hồn của họ đã chết, mạch ân sủng dưỡng nuôi đời sống thiêng liêng của họ đã bị cắt đứt đoạn tuyệt với Thiên Chúa, cho nên dù họ sống thì cũng như đã chết, dù họ ngồi hay nằm thì giống như nấm mồ và tử thi...

Con người ta khi ngồi là một nấm mồ...sống, khi nằm thì là một tử thi...sống, chỉ có điều là nấm mổ biết đi và tử thi biết thở mà thôi.

Nấm mồ và tử thi thì người yếu bóng vía thấy và chạy ngay nên nó ít hại người, nhưng những người sống mà còn mang tội trọng trong mình thì đáng sợ vô cùng, vì những “nấm mồ và tử thi” này sẽ gây gương mù gương xấu cho người khác, bệnh truyền nhiễm này nặng nề hơn tất cả các ôn dịch do thời tiết gây nên.

Đáng sợ thật !

Xin Thiên Chúa ban cho chúng ta ơn sủng của Ngài, để chúng ta khi nằm thì giống như giấc ngủ đầy sự bình an, khi ngồi thì giống như người đắm mình trong ơn nghĩa của Thiên Chúa.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Để nên hoàn thiện
Lm. Minh Anh
15:05 23/02/2024
ĐỂ NÊN HOÀN THIỆN
“Hãy nên hoàn thiện, như Cha các con trên trời là Đấng hoàn thiện!”.

Steffens viết, “Không gì hoàn hảo trên thế giới! Bức tranh tuyệt nhất chưa được vẽ; vở kịch hay nhất chưa được viết; bài thơ vĩ đại nhất chưa được ngâm. Không ai hoàn hảo, không chi hoàn hảo! Vậy mà, Thiên Chúa lệnh cho con người phải hoàn thành mọi sự, và nó làm cách chậm chạp, sai lầm, những gì trong nháy mắt Ngài có thể hoàn tất tuyệt vời! Dẫu thế, nó phải hoàn thiện tất cả; ngay cả bản thân nó, nó được gọi ‘để nên hoàn thiện!’”.

Kính thưa Anh Chị em,

Đúng với nhận định của Steffens, có mặt trên trần gian này, bất cứ ai cũng được gọi ‘để nên hoàn thiện’. Lời Chúa hôm nay cho biết, đó là ý muốn ngàn đời của Thiên Chúa.

Môsê mời gọi con cái Israel bước đi trong đường lối Chúa, nắm giữ huấn thị Ngài, “Để nên một dân thánh hiến cho Chúa” - bài đọc một - nghĩa là ‘để nên hoàn thiện’. Thánh Vịnh đáp ca bộc lộ nỗi vui tòng thuộc đó, “Hạnh phúc thay người noi theo luật pháp Chúa Trời!”.

‘Để nên hoàn thiện’ là ơn gọi chung ‘không hơn không kém’ của bất cứ ai theo Chúa Giêsu! Nếu chỉ nhắm đến mức ‘khá tốt’, bạn có thể trở thành thực sự ‘khá tốt’; nhưng ‘khá tốt’ vẫn ‘chưa đủ tốt’ đối với Chúa Giêsu. Ngài muốn những ai theo Ngài phải ‘thực sự tốt’, thực sự hoàn hảo! Đây là một lời mời ở cấp độ cao, ‘cấp độ nên thánh!’. Hoàn hảo, hoàn thiện có nghĩa là mỗi người cố gắng sống từng giây phút trong ân sủng. Tất cả chỉ có thế! ‘Ở đây và lúc này’, bạn đắm chìm trong ân sủng! Ngày mai chưa đến, hôm qua đã vĩnh viễn ra đi; tất cả những gì bạn có, là những khoảnh khắc hiện tại này. Đó là những khoảnh khắc ‘được thánh hoá’ để mỗi người nên giống Chúa Giêsu hơn, nghĩa là nên thánh.

Nói đến hoàn thiện, chúng ta thường nghĩ đến những gì thuộc về các thánh vĩ đại; thế nhưng, bên cạnh các ngài, chúng ta có hàng ngàn vị thánh khác chưa từng được nêu danh trong giáo sử, và nhiều vị thánh tương lai đang sống khắp nơi trên thế giới. Hãy tưởng tượng, ngày kia trên trời, chúng ta vui mừng gặp lại những vị thánh cao cả chúng ta đã từng biết; và sẽ ngạc nhiên biết bao khi nhìn thấy vô vàn khuôn mặt thánh thiện lạ lẫm chúng ta mới biết lần đầu. Đó là những thiện nam tín nữ thuộc mọi đấng bậc đã tìm cho mình con đường hạnh phúc; họ là những con người khám phá ra rằng, họ được gọi ‘để nên hoàn thiện’.

Anh Chị em,

“Để nên hoàn thiện!”. Qua thời gian, chúng ta cảm nghiệm rằng, càng sống trong ân sủng và càng cố gắng đầu phục từng giây phút theo ý muốn của Chúa, chúng ta càng trở nên mạnh mẽ và thánh thiện. Và dẫu như “bức tranh tuyệt vời nhất chưa được vẽ; vở kịch hay nhất chưa được viết; bài thơ vĩ đại nhất chưa được ngâm”, nhưng nếu chúng ta biết xây dựng dần dần những thói quen thánh hoá mọi khoảnh khắc để nên thánh, thì theo thời gian, những thói quen đó sẽ làm cho mỗi người trở nên những con người mà chúng ta phải trở thành. Và đâu là tiêu chuẩn? Chúa Giêsu tiết lộ, “Như Cha các con trên trời!”. Ngài là thước đo cho mọi cố gắng vươn lên của chúng ta. Ngài không nhìn vào kết quả, nhưng nhìn vào những nỗ lực khi mỗi người vượt lên chính mình từng ngày. Và đó là nên thánh!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, giúp con cam kết dám sống từng giây cho đẹp lòng Chúa! Được như thế, ngày kia, thiên đàng nhất định sẽ có thêm một vị thánh. Tại sao không?”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Yêu dấu đáng yêu
Lm. Nguyễn Xuân Trường
15:09 23/02/2024
YÊU DẤU ĐÁNG YÊU

Lời Chúa tuần này nói những đến ngọn núi: Núi Ápraham dâng lễ toàn thiêu, núi Chúa Giêsu biến hình. Có thể gọi những ngọn núi ấy là núi tình vì ở đó đã bày tỏ một tình yêu tha thiết và những con người đáng yêu.

1. Yêu dấu. Ápraham yêu tha thiết đứa con một yêu dấu của ông là Ixaác. Chúa Cha yêu tha thiết Đức Giêsu là Con yêu dấu của Ngài. Thiên Chúa cũng bênh đỡ chúng ta, coi chúng ta là những người con yêu dấu đến độ trao ban Con Một Ngài cho chúng ta.

2. Đáng yêu. Đáp lại tình yêu tha thiết thì hãy trở nên người đáng yêu. Ápraham là mẫu gương người đáng yêu. Ông đáng yêu vì kính sợ Thiên Chúa; Ông đáng yêu vì vâng lời Thiên Chúa; Ông đáng yêu vì chẳng tiếc hiến dâng con một của mình cho Chúa. Từ trong đám mây trời, Chúa bảo chúng ta hãy trở nên đáng yêu bằng cách vâng nghe lời Chúa, và noi gương Ápraham, chúng ta hãy sống quảng đại hiến dâng, chẳng tiếc gì, kể cả điều quý báu nhất như con một yêu dấu của mình.

Chúa Nhật thứ nhất Mùa Chay Chúa vào sa mạc để dẫn chúng ta đi vào trong cõi thinh lặng của lòng mình để sám hối trở về. Chúa Nhật này Chúa lên núi để hướng chúng ta nâng tâm hồn lên, để sống vươn cao: vươn cao lên để gặp Thiên Chúa là Cha yêu ta tha thiết, vươn cao lên cho thoát khỏi thân mình ích kỷ để trở thành người đáng yêu sống quảng đại dâng hiến, một lối sống cao đẹp, cao thượng. Được như thế, cuộc đời mỗi người và cả thế giới này sẽ biến hình lung linh đẹp đẽ như Chúa Giêsu. Amen.
 
Mỗi Tuần SỐNG Một Câu Lời Chúa (CN 2 MC)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:01 23/02/2024
CHÚA NHẬT II MÙA CHAY

Tin Mừng: Mc 9, 2-10

“Các ông chợt nhìn quanh, thì không thấy ai nữa, chỉ còn Đức Giê-su với các ông mà thôi”.


Anh chị em thân mến,

Bài Tin Mừng hôm nay Đức Chúa Giê-su dẫn ba môn đệ mà Ngài yêu quý cách đặc biệt lên một ngọn núi và tỏ cho các ông thấy được vinh quang rạng ngời của Ngài: mặt Ngài sáng như ánh mặt trời, áo Ngài trắng như tuyết. Đúng là một quang cảnh mà nằm mơ cũng không thấy được, nhưng các ông đã thấy và ngây ngất sung sướng không nói nên lời, chỉ có ông Phê-rô lên tiếng: “Thưa thầy, chúng con ở đây thật là hay ! Chúng con xin dựng ba cái lều...” Và rồi ông Phê-rô không muốn trở lại với cuộc sống đời thường nữa, ông đã quên mất thực tế đang chờ trước mắt của ông là cuộc sống nay đây mai đó không chỗ gối đầu với thầy của mình, và với những tranh biện ghen ghét của những người Pha-ri-siêu và các kinh sư, ký lục.

Cuộc sống có rất nhiều điều để cho con người chúng ta ước mơ, có người ước mơ được có công ăn việc làm đang khi thất nghiệp; có người ước mơ có cơm ngày ba bữa trong khi gia đình nghèo đói; có người mơ được ở trong căn nhà khang trang so với mái nhà ổ chuột đang ở; có người mơ được vợ đẹp con ngoan. Tất cả cuộc sống đều là ước mơ, và ước mơ này cắm mốc hy vọng cho con người.

Có những lúc chúng ta giữ đạo như trong mơ, chúng ta mơ đến một thiên đàng vĩnh cửu bất diệt và hạnh phúc, nhưng cái vĩnh cửu bất diệt và hạnh phúc ấy đang tuỳ thuộc vào thực tại mà chúng ta đang sống, đó là chấp nhận một cuộc sống gian nan với thân phận của người có niềm tin vào Thiên Chúa. Chúng ta mơ đến ngày Thiên Chúa xuất hiện và sẽ nhốt sa-tan muôn đời trong hoả ngục không cho nó tung hoành trên địa cầu, nhưng cái thực tại trước mắt là sa-tan đang thống trị địa cầu với sự dữ, chết chóc và tội lỗi đang tăng dần trong thế giới ngày nay, cái thực tại này đòi hỏi chúng ta phải thực tế hóa đời sống tín ngưỡng của chúng ta, thực tế hóa tín ngưỡng là nhìn thấy và chấp nhận một sự tồn tại của sự dữ để vươn lên đến sự trọn lành mà Đức Chúa Giê-su –trong thân phận con người- cũng đã thốt lên: “Cha ơi, nếu được, xin cho chén đắng này rời khỏi con. Nhưng xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha”. Chén đắng là sự dữ, là tội lỗi của nhân loại, của chúng ta.

“Các ông chợt nhìn quanh, thì không thấy ai nữa, chỉ còn Đức Giêsu với các ông mà thôi.”

Ba tông đồ không còn thấy ai nữa, hai ông Ê-li-a và Môi-Sê biến đâu mất tiêu, chỉ còn lại một mình Đức Chúa Giê-su, và như thế cũng đã đủ cho các ông rồi, bởi vì các ông đi theo là đi theo Đức Chúa Giê-su, theo Đấng mà họ chỉ biết có tin tưởng và phó thác, mặc dù không biết ngày mai sẽ ra sao...

Trong cuộc sống của chúng ta cũng thế, chúng ta cầu nguyện rất nhiều, chúng ta làm việc hy sinh rất nhiều, chúng ta đọc kinh rất nhiều với hy vọng được ơn lành của Thiên Chúa ban cho để bù lại những việc làm mà chúng ta đã làm vì Chúa, vì anh em, vì tha nhân. Nhưng thực tế trước mắt thì chúng ta không nhận được gì cả, thậm chí, có lúc những việc ngoài ý muốn xảy đến cho chúng ta, cho gia đình chúng ta như con bệnh, vợ ốm, chồng thất nghiệp...

Anh chị em thân mến,

Đức tin mời gọi chúng ta sống tốt đẹp giây phút hiện tại, phó dâng giây phút hiện tại cho tình yêu quan phòng của Thiên Chúa; đức tin mời gọi và giúp chúng ta chấp nhận hiện tại, vượt qua mọi khó khăn để vươn tới một đích điểm cao hơn là được phục sinh với Đức Chúa Giê-su.

Người có đức tin trưởng thành là người sống thiên đàng mai sau ngay tại cuộc sống ở trần gian này.

Nguyện xin Đức Mẹ Ma-ri-a, Đấng luôn đồng hành với Đức Chúa Giê-su trên đường khổ nạn cầu bàu cho chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Thánh Lễ Chúa Nhật Thứ Hai Mùa Chay 25/2 dành cho những người không thể đến nhà thờ
VietCatholic Media
22:20 23/02/2024

BÀI ĐỌC 1  St 22, 1-2. 9a. 10-13. 15-18

Bài Trích sách Sáng Thế.

Hồi đó, Thiên Chúa thử lòng ông Áp-ra-ham. Người gọi ông: “Áp-ra-ham!” Ông thưa: “Dạ, con đây!” Người phán: “Hãy đem con của ngươi, đứa con một yêu dấu của ngươi là I-xa-ác, hãy đi đến xứ Mô-ri-gia mà dâng nó làm lễ toàn thiêu ở đấy, trên một ngọn núi Ta sẽ chỉ cho.”

Tới nơi Thiên Chúa đã chỉ, ông Áp-ra-ham dựng bàn thờ tại đó. Rồi ông Áp-ra-ham đưa tay ra cầm lấy dao để sát tế con mình.

Nhưng sứ thần của Đức Chúa từ trời gọi ông: “Áp-ra-ham! Áp-ra-ham!” Ông thưa: “Dạ, con đây!” Người nói: “Đừng giơ tay hại đứa trẻ, đừng làm gì nó! Bây giờ Ta biết ngươi là kẻ kính sợ Thiên Chúa: đối với Ta, con của ngươi, con một của ngươi, ngươi cũng chẳng tiếc!” Ông Áp-ra-ham ngước mắt lên nhìn, thì thấy phía sau có con cừu đực bị mắc sừng trong bụi cây. Ông Áp-ra-ham liền đi bắt con cừu ấy mà dâng làm lễ toàn thiêu thay cho con mình. Sứ thần của Đức Chúa từ trời gọi ông Áp-ra-ham một lần nữa và nói: “Đây là sấm ngôn của Đức Chúa, Ta lấy chính danh Ta mà thề: bởi vì ngươi đã làm điều đó, đã không tiếc con của ngươi, con một của ngươi, nên Ta sẽ thi ân giáng phúc cho ngươi, sẽ làm cho dòng dõi ngươi nên đông, nên nhiều như sao trên bầu trời, như cát ngoài bãi biển. Dòng dõi ngươi sẽ chiếm được thành trì của địch. Mọi dân tộc trên mặt đất sẽ cầu chúc cho nhau được phúc như dòng dõi ngươi, chính bởi vì ngươi đã vâng lời Ta.”

Đó là Lời Chúa.

BÀI ĐỌC 2  Rm 8, 31b-34

Bài trích thư của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Rô-ma.

Thưa anh em, có Thiên Chúa bênh đỡ chúng ta, ai còn chống lại được chúng ta? Đến như chính Con Một, Thiên Chúa cũng chẳng tiếc, nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta. Một khi đã ban Người Con đó, lẽ nào Thiên Chúa lại chẳng rộng ban tất cả cho chúng ta? Ai sẽ buộc tội những người Thiên Chúa đã chọn? Chẳng lẽ Thiên Chúa, Đấng làm cho nên công chính? Ai sẽ kết án họ? Chẳng lẽ Đức Giê-su Ki-tô, Đấng đã chết, hơn nữa, đã sống lại, và đang ngự bên hữu Thiên Chúa mà chuyển cầu cho chúng ta?

Đó là Lời Chúa.

TUNG HÔ TIN MỪNG  Mt 17, 5

Từ đám mây sáng chói, tiếng Chúa Cha phán rằng: Đây là Con yêu dấu, làm vui thoả lòng Ta, hãy vâng nghe lời Người.

TIN MỪNG  Mc 9, 1-9

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô.

Khi ấy, Đức Giê-su đem các ông Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an đi theo mình. Người đưa các ông đi riêng ra một chỗ, chỉ mình các ông thôi, tới một ngọn núi cao. Rồi Người biến đổi hình dạng trước mắt các ông. Y phục Người trở nên rực rỡ, trắng tinh, không có thợ nào ở trần gian giặt trắng được như vậy. Và ba môn đệ thấy ông Ê-li-a cùng ông Mô-sê hiện ra đàm đạo với Đức Giê-su. Bấy giờ, ông Phê-rô thưa với Đức Giê-su rằng: “Thưa Thầy, chúng con ở đây, thật là hay! Chúng con xin dựng ba cái lều, một cho Thầy, một cho ông Mô-sê, và một cho ông Ê-li-a.” Thực ra, ông không biết phải nói gì, vì các ông kinh hoàng. Bỗng có một đám mây bao phủ các ông. Và từ đám mây, có tiếng phán rằng: “Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người.” Các ông chợt nhìn quanh, thì không thấy ai nữa, chỉ còn Đức Giê-su với các ông mà thôi.

Ở trên núi xuống, Đức Giê-su truyền cho các ông không được kể lại cho ai nghe những điều vừa thấy, trước khi Con Người từ cõi chết sống lại. Các ông tuân lệnh đó, nhưng vẫn bàn hỏi nhau xem câu “từ cõi chết sống lại” nghĩa là gì.

Đó là Lời Chúa.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Nhân vụ các nhà thờ bị lạm dụng, chủ nghĩa thực dụng Khai Sáng đã chia rẽ dư luận Kitô giáo ra sao
Vũ Văn An
14:11 23/02/2024

Gavin Ashenden, trên Catholic Herald của Anh, ngày 20 tháng 2 năm 2024, nhận định rằng những xáo trộn về những gì nên hay không nên xảy ra trong một nhà thờ đã gây chia rẽ quan điểm Kitô giáo ở Anh.

Phép lạ ở Lanciano


Điều này có lẽ một phần là do sự khác biệt giữa tâm trí người Thệ phản và Công Giáo rất sâu xa. Nó không chỉ bị thúc đẩy bởi sự khác biệt trong nội dung niềm tin mà còn bởi những quan điểm khác nhau: điều mà người ta có thể gọi là những cảnh quan đối lập của tâm trí.

Anh giáo Thệ phản ra đời trong nền văn hóa Khai sáng. Do đó, có lẽ không có gì ngạc nhiên khi những người Anh giáo hiện nay trông coi các thánh đường thời Trung cổ ở Anh coi chúng chủ yếu là những tòa nhà lớn được sử dụng cho sứ mệnh của nhà thờ của họ. Những thánh đường đó có thể tình cờ đẹp, nhưng mục đích lại trở thành đặc điểm chính của chúng. Về cơ bản chúng rất hữu ích. Mọi việc phải được thực hiện cho chúng và trong chúng.

Người Anh giáo cảm thấy ngạc nhiên khi thấy người Công Giáo muốn hạn chế những cách thức sử dụng chúng hoặc lo ngại về những gì diễn ra trong đó. Với chút thiếu kiên nhẫn, họ đưa ra ví dụ về các sự kiện hoặc cuộc họp khác nhau đã diễn ra thành công trong các thánh đường dưới sự giám hộ của họ, như thể để chứng minh khả năng linh hoạt của họ.

Giả định cơ bản là bất cứ điều gì xảy ra trong nhà thờ đều phục vụ Chúa. Người ta lo sợ rằng nó có thể mất đi mục đích vì trống rỗng và không có hoạt động.

Trong một cuộc phỏng vấn với những người phản đối điều được một số người mô tả là “Rave in the Nave” [nổi sóng ở gian giữa nhà thờ] ở Nhà thờ Canterbury, thánh địa nơi Thánh Thomas Becket tử đạo, Viện trưởng Canterbury nói rằng theo suy nghĩ của ngài, không có sự khác biệt thẩm mỹ giữa các màn trình diễn của nhạc sĩ nhạc rap người Mỹ Eminem và nhà soạn nhạc người Séc Dvořák.

Khi những người Công Giáo phản đối, những người đã yêu cầu gặp ngài, hỏi rằng liệu có điều gì mà ngài cấm diễn ra trong Nhà thờ hay không, thí dụ duy nhất mà ngài đưa ra là nếu ai đó khỏa thân xuất hiện, ngài sẽ phản đối, bởi vì điều đó sẽ phạm luật hình sự.

Đối với người Thệ phản, sự hữu ích là một đức tính cơ bản. Và đằng sau tình yêu hữu ích là cả một nền văn hóa được khai sinh bởi Thời đại Khai sáng. Nó dẫn đến cuộc cách mạng khoa học dựa trên kỹ năng khảo sát, đo lường mọi thứ và khám phá cách chúng hoạt động.

Nhưng tâm trí Công Giáo đã được hình thành khoảng 1,500 năm trước thời kỳ Khai sáng và trong khi bao gồm nó thì nó nhưng không bị hạn chế bởi nó.

Thời kỳ Khai sáng cảm thấy thoải mái nhất với những gì có thể kiểm chứng được bằng thực nghiệm. Tuy nhiên, điều này làm nghèo đi và mất cân bằng đối với một người Công Giáo. Nó tạo ra việc chỉ nói một thứ tiếng về mặt triết học. Nó giản lược toàn bộ hiện thực vào chỉ một ngôn ngữ – và một ngôn ngữ khó chịu và không thoải mái với đức tin và mầu nhiệm.

Có lẽ không có gì ngạc nhiên khi tâm trí Anh giáo không dễ dàng tính đến tính thánh thiêng của vật chất. Có một kiểu phân nhánh ngộ đạo tách biệt tinh thần khỏi vật chất, đó là hệ quả của dự án Khai sáng. Người ta trở nên mơ hồ hơn về tinh thần là gì thế nào, thì sự tập chú vào vật chất – cũng như cách bạn đo lường và sử dụng nó – ngày càng mãnh liệt hơn thế ấy.

Tâm trí Công Giáo, vốn tin vào thực tại của vật chất được Thánh Thần biến đổi mà nó gặp trong Thánh lễ, lại nhìn thực tại một cách khác. Về mặt thần học, nó bắt đầu với khái niệm Thiên Chúa (tinh thần) mặc lấy xác thịt (vật chất), sau đó chỉ đơn giản tiếp tục quỹ đạo của nguyên tắc Nhập thể bằng cách biến đổi vật chất (bánh) thành tinh thần (Chúa Giêsu).

Bản thân chủ nghĩa duy nghiệm không đủ linh hoạt để bao hàm bất cứ ý nghĩa nào nằm ngoài các chiều kích của vật chất.

Tom Holland, tác giả cuốn Dominion: The Making of the Western Mind [Thống trị: Việc Tạo nên Tâm trí Phương Tây] về ảnh hưởng của Kitô giáo ở và đối với phương Tây, lập luận rằng một trong những mối nguy hiểm của cuộc cải cách Thệ phản và tư duy đi kèm nó là nó đã dẫn đến sự phụ thuộc hoàn toàn vào duy nghiệm, đồng thời ngày càng trở nên điếc tai trước ý nghĩa: làm nảy sinh sự ra đời và phát triển của chủ nghĩa vô thần.

Nếu bạn không xử lý bản năng tôn giáo một cách chính xác trong bối cảnh đúng đắn, bạn có thể thấy nó bị xử lý một cách tồi tệ khi nó tái xuất hiện dưới một hình thức khác trong bối cảnh khác.

Nassim Nicholas Taleb, tác giả cuốn The Black Swan [Thiên nga đen], phân tích cách các sự kiện không thể đoán trước thay đổi và nhào nặn thế giới của chúng ta đến mức độ mà chúng ta thường không hiểu được, đồng thời tự mô tả mình là “nhà nhận thức luận về tính ngẫu nhiên”, trình bày chi tiết việc yếu tố tái xuất hiện này xảy ra trong thế giới kinh tế và thống kê ra sao.

Ông cảnh báo về nguy cơ mất tiếp xúc với điều thánh thiêng và sự phụ thuộc quá mức vào chủ nghĩa duy nghiệm duy vật: “Những người theo chủ nghĩa duy hiện đại… từ chối tôn giáo trên cơ sở hữu lý, nhưng sau đó lại sa vào phía các nhà dự báo kinh tế, nhà phân tích thị trường chứng khoán và nhà tâm lý học”.

Ông nhắc nhở chúng ta về một sự thật khó chấp nhận này: “chúng ta biết rằng các dự báo kinh tế không có tác dụng tốt hơn chiêm tinh học”, và đổ lỗi cho nền tảng của văn hóa Khai sáng: “một khi tôn giáo thoát khỏi điều thánh thiêng, nó sẽ trở thành đối tượng của những niềm tin nhận thức luận”.

Là một người theo Chính thống giáo Hy Lạp, Taleb cảnh báo Giáo Hội Công Giáo rằng nó sẽ không thoát khỏi việc duy lý hóa và chủ nghĩa duy vật mà đạo Thệ phản đã sa vào, nếu nó tiếp nhận cùng một quan điểm. Ông gợi ý, có lẽ hơi quá thẳng thắn nhưng dù sao cũng có lý do nào đó, rằng Công đồng Vatican II đã bắt đầu thực hiện các bước theo hướng đó:

“Thực tế là, Công Giáo đã mất đi thẩm quyền đạo đức của mình ngay khi nó trộn lẫn niềm tin nhận thức luận và triết học [liên quan đến triết lý nhận thức] – phá vỡ mối liên hệ giữa thánh thiện và phàm tục”, mà Nassim cho rằng đó là điều đã xảy ra với “aggiornamento của Công đồng Vatican II”, vào đầu những năm 1960”, một điều “nhằm 'cập nhật' đạo Công Giáo”.

Ông nói thêm: “Nhưng một khi tôn giáo thoát khỏi sự thánh thiêng, nó sẽ trở thành đối tượng của những niềm tin nhận thức luận. Chủ nghĩa vô thần là đứa con của đạo Thệ phản, và Vatican II hóa ra là một cuộc cải cách thứ hai.”

Điều này có thể hơi vụng về và phiến diện, nhưng ông ấy đã đúng khi cảnh báo về quỹ đạo đã đi theo.

Chưa hết, ngay cả khi nền văn hóa của Giáo hội bắt đầu tạm thời mất đi định hướng, nhầm lẫn geist [tinh thần cá nhân hay nhóm] với pneuma [thần khí], Chúa Thánh Thần vẫn không bỏ rơi Giáo hội.

Giáo Hội Công Giáo được định hình và xác định bởi mối quan hệ của nó với điều lạ lùng. Nó đã được định hình bởi cuộc gặp gỡ với những mầu nhiệm này. Và phép lạ là trải nghiệm vật chất được tái cấu hình bởi lòng cảm thương của Chúa Thánh Thần.

Mặc dù thường bị các nhà quan sát thế tục hiểu lầm và đánh giá sai, nhưng trải nghiệm về phép lạ có một lịch sử sâu sắc và nhất quán trong trải nghiệm Công Giáo. Cho dù đó là việc hóa lỏng máu ở Lanciano, hay những bức tượng khóc trên khắp thế giới, vật chất này có những lỗ nhỏ thông với sự hiện diện của Thiên Chúa và có thể và đôi khi được Chúa Thánh Thần tái cấu hình cho các mục đích của Tin Mừng.

Có rất nhiều trò lừa bịp và cả tin là mặt trái của niềm tin bất cẩn, nhưng dù sao cũng có những khoảnh khắc để điều thánh thiêng xuất hiện. Một sự kiện trong lịch sử gần đây mang lại cái nhìn sâu sắc về sự sống động của vật chất (và được Giáo hội xác nhận), đã diễn ra ở Nhật Bản khi một bức tượng bất chấp các định luật vật lý trong cuộc Đức Mẹ hiện ra ở Akita.

Phóng sự về sự kiện này rất hấp dẫn và cảm động. Nó diễn ra vào tháng 5 năm 1974 tại Akita, một thành phố ở bờ biển phía tây đất nước. Cùng với việc tái tạo vết thương trên tay của Sơ Agnes, nữ tu đã chứng kiến sự hiện ra, bức tượng mà qua đó Đức Maria nói chuyện đã thay đổi màu sắc. Mặt, tay và chân của bức tượng chuyển sang màu đỏ sẫm một cách đột ngột. Nhiều người chứng kiến cảnh này đã khóc rất nhiều.

Như đã được tiên đoán trong các lần hiện ra, bệnh điếc của Sơ Agnes đã được chữa khỏi vào ngày 30 tháng 5 năm 1982. Nhưng trọng tâm của sự kiện không phải là việc biến đổi của bức tượng, mà là những thông điệp kêu gọi Giáo hội cầu nguyện, sám hối và hoán cải sâu sắc hơn. Đối với những người coi trọng việc kết hợp vật chất và Tinh thần, các hiện tượng chứng thực đã được quan sát trên khắp thế giới Chính thống giáo, đặc biệt là các biểu tượng về Đức Mẹ đang khóc và tạo ra một chất có mùi thơm như mộc dược.

Giáo hội có lý khi nghi ngờ tất cả những hiện tượng như vậy cho đến khi một cuộc điều tra diễn ra. Nhưng xét đến số lượng các sự kiện như vậy đã được chứng thực – đặc biệt là các phép lạ Thánh Thể kể từ năm 1994 – thì hiệu quả là làm sâu sắc thêm nhận thức của Công Giáo rằng vật chất có những lỗ nhỏ thông với tinh thần. Hơn thế nữa, dưới sự giám hộ của lời cầu nguyện và sự sám hối của chúng ta, vật chất có mục đích cộng hưởng với sự hiện diện của Thiên Chúa.

Kinh thánh chứa đầy những tài liệu tham khảo đầy chất thơ về việc tạo vật ca ngợi Thiên Chúa như thể nó có sẵn một khả năng đáp ứng tiềm ẩn. Nhưng chiều kích Kitô học của đức tin đưa chúng ta đi xa hơn. Trong thư Cô-lô-sê 1:17, Thánh Phaolô nhắc nhở chúng ta: “Trong Chúa Kitô, mọi sự đều tồn tại”.

Người Công Giáo bác bỏ chủ nghĩa phiếm thần ngoại giáo, nhưng sửa đổi nó thành chủ nghĩa phiếm tại [panentheism= mọi sự đều ở trong Thiên Chúa] được bản vị hóa sâu sắc hơn. Vật chất chỉ tồn tại bởi vì nó được truyền dẫn sự hiện diện của Thiên Chúa và có đặc tính do mục đích của Chúa ấn định.

Vật chất không bao giờ có thể thiếu ý nghĩa thần học. Nếu vật chất có lỗ thông hoặc có khả năng có lỗ thông (porous) với Chúa Thánh Thần, thì việc vật chất được cấu hình lại một cách cụ thể và có mục đích để phục vụ Thiên Chúa sẽ có được tiếng vang, mục đích và ý nghĩa sâu sắc hơn trong động lực của Vương quốc Thiên đàng.

Tuy nhiên, những người Thệ phản có xu hướng nổi loạn vì các thánh tích. Nhưng thánh tích đối với tâm trí Công Giáo và trong kinh nghiệm Công Giáo là sự kết hợp của vật chất được chiếu sáng bởi mục đích nhân ái và sự hiện diện chữa lành của Thiên Chúa.

Các thánh đường và nhiều nhà thờ được tạo hình theo hình hài của Chúa Kitô trên thập giá. Đi qua cổng đá là thực hiện một cuộc hành trình sâu hơn vào sự hiện diện của Chúa Kitô về mặt địa hình cũng như về mặt tâm linh. Đó là cố tình đưa cả vật chất của tòa nhà và vật chất của cơ thể mình vào một thao tác song hành và gắn kết giữa tinh thần và linh hồn.

Chỉ có một hình thức phân biệt chủng tộc thần học làm đá và các tòa nhà mất hết ý nghĩa thần học và tiềm năng thần khí mới có thể nhìn một thánh đường theo những thuật ngữ thực dụng nghiêm ngặt và miễn nhiễm với sự không hòa hợp về mặt tinh thần khi sử dụng nó cho chủ nghĩa khoái lạc và sự tự thỏa mãn bị thế tục hóa.

Có lẽ một phần của sự không hòa hợp được tạo ra ở Canterbury bởi dự án kinh doanh của Cha Sở vào ngành giải trí không chỉ dừng lại ở sở thích và tiền bạc. Đó cũng là hậu quả của sự xung đột giữa quan điểm Công Giáo về sự hợp nhất giữa vật chất và tinh thần đã mang lại cho thế giới một thánh đường thời Trung cổ - một biểu hiện của tình yêu, đức tin và mục đích mà vẻ đẹp của nó khiến người ta nghẹt thở - và một cách nhìn rất khác về thế giới. Thậm chí có lẽ một cách khác để trải nghiệm Thiên Chúa.

Tiện ích và mục đích bị tước đi vẻ đẹp và mầu nhiệm đã mang lại cho chúng ta những công viên bán lẻ. Chúng ta phải có khả năng nhận ra sự khác biệt.
 
Tĩnh tâm Mùa Chay 2024 cùng Giáo triều Rôma. Bài thứ Nhất: Ta là bánh hằng sống
Bản dịch Việt Ngữ của J.B. Đặng Minh An
20:05 23/02/2024


Hàng năm, vào Mùa Vọng và Mùa Chay, Đức Hồng Y Raniero Cantalamessa, giảng thuyết viên Phủ Giáo Hoàng có bài giảng tĩnh tâm trước Giáo triều Rôma.

Lúc 9h sáng Thứ Sáu, 23 Tháng Hai, 2024, ngài đã có bài giảng Mùa Chay đầu tiên cho Giáo triều Rôma.

Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

Mở đầu các bài giảng Mùa Chay này, chúng ta lại bắt đầu với cuộc đối thoại nổi tiếng giữa Chúa Giêsu và các tông đồ ở Xêdarê Philípphê.

Khi Đức Giêsu đến vùng kế cận thành Xêdarê Philípphê, Người hỏi các môn đệ rằng: “Người ta nói Con Người là ai?” Các ông thưa: “Kẻ thì nói là ông Gioan Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Êlia, có người lại cho là ông Giêrêmia hay một trong các vị ngôn sứ.” Đức Giêsu lại hỏi: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai? “Ông Simôn Phêrô thưa: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống.” (Mt 16:13-16).

Trong tất cả những lời đối thoại, vào lúc này, chúng ta chỉ quan tâm duy nhất đến câu hỏi thứ hai của Chúa Giêsu: “Các con nói Thầy là ai?” Tuy nhiên, chúng ta sẽ không hiểu câu hỏi đó theo nghĩa mà nó thường được hiểu; nghĩa là, như thể Chúa Giêsu quan tâm đến việc biết Giáo hội nghĩ gì về Người, hoặc những nghiên cứu thần học của chúng ta đã dạy chúng ta điều gì về Người. KHÔNG! Chúng ta coi câu hỏi đó như mọi lời phát ra từ miệng Chúa Giêsu, nghĩa là, như một lời được ngỏ với những người nghe nó, với tư cách một cá nhân, cá vị.

Để thực hiện bài kiểm tra này, chúng ta sẽ nhờ Thánh Gioan Thánh Sử giúp đỡ. Trong Tin Mừng của ngài, chúng ta tìm thấy một loạt những lời tuyên bố nổi tiếng của Chúa Giêsu, “Ego eimi” hay “Ta là”, trong đó Chúa Giêsu mạc khải những gì Ngài nghĩ về chính mình, Ngài nói Ngài là ai: “Ta là bánh của sự sống,” “Ta là ánh sáng của thế gian,” v.v. Chúng ta sẽ xem xét năm trong số những sự bộc lộ bản thân này và mỗi lần chúng ta sẽ tự hỏi liệu Ngài có thực sự dành cho chúng ta những gì Ngài nói hay không và làm thế nào để khiến Ngài ngày càng trở nên như vậy.

Đó là khoảnh khắc được sống với một khuynh hướng đặc biệt. Không phải với đôi mắt hướng ngoại về những vấn đề của thế giới và của chính Giáo hội, như người ta buộc phải làm trong những bối cảnh khác, nhưng với cái nhìn nội tâm. Một khoảnh khắc thân mật và tách biệt, và do đó, phải chăng mọi thứ đều được coi là ích kỷ? Không, trái lại là đàng khác! Đó là rao giảng Tin Mừng cho chính chúng ta để rồi chúng ta có thể rao giảng Tin Mừng, đổ đầy Chúa Giêsu trong chúng ta để rồi chúng ta có thể nói về Tin Mừng “vì tình yêu tràn đầy”, như Hiến pháp nguyên thủy của Dòng tu của tôi đã khuyến cáo các nhà giảng thuyết, vì một xác tín sâu xa, chứ không chỉ là cớ để rút lui khỏi một sứ vụ.

* * *

Chúng ta hãy bắt đầu với câu đầu tiên trong số những câu nói “Ta Là” của Chúa Giêsu mà chúng ta gặp trong chương sáu của Phúc Âm thứ tư: “Ta là bánh hằng sống”. Trước tiên chúng ta hãy nghe phần bài hát mà chúng ta quan tâm trực tiếp nhất:

Họ lại hỏi: “Vậy chính ông, ông làm được dấu lạ nào cho chúng tôi thấy để tin ông? Ông sẽ làm gì đây? Tổ tiên chúng tôi đã ăn man-na trong sa mạc, như có lời chép: Người đã cho họ ăn bánh bởi trời.”

Đức Giêsu đáp: “Thật, tôi bảo thật các ông, không phải ông Môsê đã cho các ông ăn bánh bởi trời đâu, mà chính là Cha tôi cho các ông ăn bánh bởi trời, bánh đích thực, vì bánh Thiên Chúa ban là bánh từ trời xuống, bánh đem lại sự sống cho thế gian.” Họ liền nói: “Thưa Ngài, xin cho chúng tôi được ăn mãi thứ bánh ấy.” Đức Giêsu bảo họ: “Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ! (Ga 6:30-35).

Một chút vắn tắt về ngữ cảnh. Trước đây Chúa Giêsu đã làm phép lạ hóa năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá để nuôi năm ngàn người. Sau đó, Ngài biến mất để thoát khỏi sự nhiệt tình của những người muốn phong Ngài làm vua. Đám đông tìm kiếm và tìm thấy Ngài ở bên kia hồ.

Đến đây bắt đầu bài diễn văn dài mà Chúa Giêsu cố gắng giải thích “dấu chỉ bánh”. Ngài muốn nói rõ rằng có một loại bánh khác cần được tìm kiếm, mà nguyên liệu thực sự là một “dấu chỉ”. Đó là thủ tục tương tự được áp dụng với người phụ nữ Samaritanô trong Chương IV Phúc Âm. Ở đó, Chúa Giêsu muốn dẫn người phụ nữ khám phá ra một loại nước khác, ngoài thứ nước thể lý mà chỉ làm cơn khát trong một thời gian ngắn; ở đây Ngài muốn dẫn dắt đám đông đi tìm một chiếc bánh khác, khác với chiếc bánh vật chất chỉ đủ no trong một ngày. Với người phụ nữ Samari đang xin thứ nước huyền nhiệm đó và chờ đợi Đấng Messia đến để lấy nó, Chúa Giêsu trả lời: “Chính Thầy đang nói với chị đây” (Ga 4:26). Đối với đám đông đang đặt câu hỏi tương tự về bánh, Người trả lời: “Ta là bánh sự sống!”

Chúng ta tự hỏi: chúng ta ăn bánh sự sống này như thế nào và ở đâu? Câu trả lời của các Giáo phụ là: ở hai “nơi” hoặc hai cách: đó là trong bí tích và trong Lời Chúa, nghĩa là trong Bí tích Thánh Thể và Kinh thánh. Đúng là có những điểm nhấn khác nhau. Một số người, như Origen và Ambrose người Latinh, nhấn mạnh nhiều hơn đến Lời Chúa. Thánh Ambrose viết: “Chiếc bánh mà Chúa Giêsu bẻ ra” khi bình luận về việc hóa bánh ra nhiều, “có ý nghĩa huyền nhiệm là lời Chúa sẽ gia tăng khi được phân phát. Ngài đã ban cho chúng ta lời Ngài như những ổ bánh nhân lên trong miệng khi chúng ta nếm thử.” Những người khác, chẳng hạn như thánh Cyrilô thành Alexandria, nhấn mạnh đến việc giải thích Thánh Thể. Tuy nhiên, không ai trong số họ có ý định nói về một cách để loại trừ cách kia. Chúng ta nói về Lời Chúa và Bí tích Thánh Thể như “hai chiếc bàn” được Chúa Kitô dọn ra. Trong cuốn Noi Gương Chúa Kitô, chúng ta đọc thấy:

Tôi cảm thấy trong cuộc sống này có hai thứ đặc biệt cần thiết cho tôi mà không có nó sự khốn khổ sẽ không thể chịu nổi. Bị giam cầm ở đây trong nhà tù thể xác này, tôi thú nhận rằng tôi cần hai thứ đó, thức ăn và ánh sáng. Vì thế, Chúa đã ban cho con trong sự yếu đuối của con Thánh Thể Chúa để bồi dưỡng tâm hồn và thể xác con, và Chúa đã đặt lời Chúa làm ánh sáng dẫn đường cho đôi chân con. Không có hai điều đó, con không thể sống ổn thỏa, vì lời Chúa là ánh sáng tâm hồn con và Bí tích của Chúa là Bánh Sự Sống. Đây cũng có thể được gọi là hai cái bàn, một cái ở đây, một cái ở kia, trong kho báu của Giáo hội thánh thiện.

Việc đơn phương khẳng định một trong hai cách ăn bánh sự sống này để loại trừ cách kia là kết quả của sự chia rẽ tai hại xảy ra trong Kitô giáo phương Tây. Về phía Công Giáo, việc giải thích Thánh Thể cuối cùng đã trở nên vượt trội đến mức khiến chương thứ sáu của Thánh Gioan gần như tương đương với câu chuyện về việc thiết lập Bí tích Thánh Thể. Phản ứng lại, Luther đã tuyên bố ngược lại, cho rằng bánh sự sống là lời Chúa; nó được phân phát qua việc rao giảng và được ăn nhờ đức tin.

Bầu khí đại kết đã được thiết lập giữa các tín hữu tin vào Chúa Kitô cho phép chúng ta sắp xếp lại sự tổng hợp truyền thống hiện diện nơi các Giáo Phụ. Không còn nghi ngờ gì nữa, bánh sự sống đến với chúng ta qua Lời Chúa và đặc biệt là lời Chúa Giêsu trong Tin Mừng. Câu trả lời của Người đối với ma quỷ cám dỗ cũng nhắc nhở chúng ta về điều này: “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra” (Mt 4:4). Nhưng làm sao chúng ta lại không thấy trong bài diễn văn của Chúa Giêsu tại hội đường Capernaum cũng ám chỉ đến Bí tích Thánh Thể? Toàn bộ bối cảnh gợi lên một bữa tiệc: chúng ta nói về đồ ăn và đồ uống, việc ăn và uống, thân xác và máu Người. Câu nói: “Ai không ăn thịt và uống máu Ta…” gợi nhớ quá rõ những lời thiết lập bí tích Thánh Thể (“Hãy cầm lấy mà ăn, đây là mình Ta” và “Hãy cầm lấy mà uống: đây là máu Ta”) đến mức không còn có thể phủ nhận mọi mối quan hệ giữa chúng.

Nếu trong khoa chú giải Kinh Thánh và thần học, chúng ta chứng kiến một sự phân cực và đôi khi là một sự tương phản giữa bánh Lời Chúa và bánh Thánh Thể, thì trong phụng vụ, sự tổng hợp của chúng luôn được trải nghiệm một cách hòa bình. Kể từ thời xa xưa nhất, chẳng hạn như Thánh Justinô Tử đạo, Thánh lễ bao gồm hai thời điểm: phụng vụ Lời Chúa, với các bài đọc lấy từ Cựu Ước và “hồi ký của các tông đồ”, và phụng vụ Thánh Thể với thánh hiến và rước lễ.

Hôm nay, như tôi đã nói, chúng ta có thể quay trở lại với sự tổng hợp nguyên thủy giữa Lời Chúa và Bí tích. Quả thực, chúng ta phải tiến một bước theo hướng này. Nó không chỉ bao gồm việc ăn thịt và uống máu Chúa Kitô trong Lời Chúa và bí tích Thánh Thể, mà còn ở việc thấy nó được thực hiện trong mọi khoảnh khắc và mọi khía cạnh của đời sống ân sủng của chúng ta. Khi Thánh Phaolô viết: “Đối với tôi, sống là Chúa Kitô” (Pl 1:21), ngài không nghĩ đến một thời điểm nhất định nào cả. Đối với ngài, Chúa Kitô thực sự, trong mọi cách hiện diện của Người, là bánh sự sống; chúng ta “ăn” Người bằng đức tin, đức cậy và đức ái, trong lời cầu nguyện và trong mọi sự. Con người được tạo dựng để có được niềm vui và không thể sống mà không có niềm vui hoặc không có niềm hy vọng về nó. Niềm vui là bánh của trái tim. Và Thánh Tông Đồ tìm kiếm niềm vui đích thực – và khuyến khích những người theo ngài tìm kiếm nó – trong Chúa Kitô: “Gaudete in Domino semper, iterum dico, gaudete”: “Hãy vui mừng luôn trong Chúa. Tôi nói lại lần nữa: hãy vui mừng!” (Philíp 4:4).

Chúa Giêsu là bánh sự sống đời đời không chỉ vì những gì Ngài ban mà còn – và trước hết – vì con người của Ngài. Lời Chúa và Bí tích là phương tiện; sống nơi Người và trong Người là mục đích: “Như Chúa Cha là Đấng có sự sống đã sai Thầy và Thầy sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì ai ăn Thầy cũng sẽ sống nhờ Thầy như vậy” (Ga 6:57). Trong bài thánh ca Adoro te devote đã khơi dậy lòng đạo đức và tôn thờ Thánh Thể của người Công Giáo trong nhiều thế kỷ, có một câu diễn giải những lời này của Chúa Giêsu. Trong bản gốc mà nhiều người trong chúng ta chắc chắn còn nhớ, nó nghe như thế này:

O memoriále mortis Dómini,

Panis vivus vitam praestans hómini,

praesta meae menti de te vívere,

et te illi semper dulce sápere.

Nghĩa là,

Ôi hồi ức Đấng Cứu Thế của tôi hấp hối,

Bánh Hằng Sống, ban sự sống cho con người;

tạo nên linh hồn tôi, sự sống nhờ Ngài cung cấp,

nếm vị ngọt ngào của Ngài, trên trái đất như có thể.

* * *

Do đó, toàn bộ lời nói của Chúa Giêsu có xu hướng làm sáng tỏ sự sống mà Ngài ban: không phải sự sống xác thịt, mà là sự sống trong Thánh Thần, sự sống vĩnh cửu. Tuy nhiên, không phải theo hướng này mà tôi muốn tiếp tục suy tư trong vài phút còn lại. Đối với Tin Mừng, luôn có hai hoạt động phải được thực hiện, tôn trọng nghiêm ngặt thứ tự của chúng: trước tiên là chiếm hữu, sau đó là bắt chước. Cho đến nay, chúng ta đã chiếm hữu được bánh sự sống nhờ đức tin và chúng ta làm như vậy mỗi khi rước lễ. Bây giờ vấn đề là xem làm thế nào để áp dụng chúng vào thực tiễn trong cuộc sống của chúng ta.

Để làm điều này, chúng ta tự hỏi mình một câu hỏi đơn giản: Chúa Giêsu đã trở thành bánh sự sống cho chúng ta như thế nào? Chính Người đã cho chúng ta câu trả lời chính xác trong Tin Mừng Thánh Gioan: “Thật, Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác.” (Ga 12:24). Chúng ta biết rõ hình ảnh rơi xuống đất và mục nát ám chỉ điều gì. Toàn bộ lịch sử của Cuộc Khổ Nạn được chứa đựng trong đó. Chúng ta phải cố gắng xem những hình ảnh đó có ý nghĩa gì với chúng ta. Thật vậy, với hình ảnh trên hạt lúa mì, Chúa Giêsu không chỉ nói lên số phận cá nhân của Người mà còn là số phận của mỗi người môn đệ đích thực của Người.

Người ta không thể nghe những lời của Đức Giám Mục Ignaxiô thành Antiôkia ngỏ với Giáo hội Rôma mà không xúc động và không ngạc nhiên khi thấy những gì ân sủng của Chúa Kitô có thể làm được cho loài người:

Tôi đang liên lạc với tất cả các nhà thờ và yêu cầu họ nhận ra rằng tôi đang tự nguyện chết vì Chúa - nếu đúng như vậy, anh chị em đừng can thiệp. Tôi cầu xin anh chị em, đừng làm cho tôi một lòng tốt trái mùa. Hãy để tôi làm thức ăn cho dã thú - đó là cách tôi có thể đến được với Chúa. Tôi là lúa mì của Thiên Chúa và tôi đang bị thú rừng nghiền nát để làm bánh tinh khiết cho Chúa Kitô.

Trước răng của thú dữ, Đức Giám Mục Ignaxiô đã trải nghiệm những chiếc răng khác khiến ngài phải chịu đựng, không phải răng của thú rừng mà là của con người: “Từ Syria đến Rôma,” ngài viết, “Tôi chiến đấu với thú dữ, trên đất liền và trên biển, ngày đêm bị trói vào mười con báo, số ít binh lính được lợi từ tôi trở nên tồi tệ hơn.” Điều này cũng có điều muốn nói với chúng ta. Mỗi người chúng ta, trong môi trường của mình, đều có những chiếc răng của thú dữ đang nghiền nát chúng ta. Thánh Augustinô nói rằng con người chúng ta là “những chiếc bình bằng đất làm tổn thương nhau”: lutea vasa quae faciunt invicem angustias. Chúng ta phải học cách biến tình huống này thành một phương tiện thánh hóa chứ không phải làm lòng chai dạ đá với những hận thù và phàn nàn!

Một câu châm ngôn thường được lặp đi lặp lại trong các cộng đồng tôn giáo của chúng ta là vita communis mortificatio maxima: “Sống trong cộng đoàn là hình thức khổ chế lớn nhất”. Không những vĩ đại nhất mà còn hữu ích nhất, có công hơn nhiều việc hành xác tự chọn khác. Câu châm ngôn này không chỉ áp dụng cho những người sống trong các cộng đồng tôn giáo mà còn cho mọi cuộc sống chung của con người. Theo tôi, nơi mà nó đạt được một cách đòi hỏi khắt khe nhất là hôn nhân, và chúng ta phải tràn đầy ngưỡng mộ khi đối mặt với một cuộc hôn nhân được trung thành tiến hành cho đến chết. Dành cả cuộc đời, ngày đêm để đối phó với ý chí, phong cách, sự nhạy cảm và tính cách của người khác, đặc biệt là trong một xã hội như chúng ta, là một điều gì đó tuyệt vời và nếu được thực hiện với tinh thần đức tin thì nó đã được coi là “Đức anh hùng”.

Tuy nhiên, chúng ta thấy mình ở đây trong bối cảnh Giáo triều không phải là một cộng đồng tôn giáo hay hôn nhân, mà là một cộng đồng phục vụ và làm việc trong Giáo hội. Có rất nhiều cơ hội không thể lãng phí nếu chúng ta cũng muốn được nghiền nát để trở thành bột của Chúa, và mọi người phải nhận ra và thánh hóa những gì được dâng cho mình tại nơi phục vụ mình. Tôi sẽ chỉ kể tên một hoặc hai điều mà tôi nghĩ là có giá trị đối với tất cả mọi người.

Một cơ hội là chấp nhận bị mâu thuẫn, từ bỏ việc biện minh cho bản thân và luôn muốn mình đúng khi điều này không được tầm quan trọng của vấn đề yêu cầu. Đó là một cách khác để chịu đựng một người có phong cách, cách thức nói năng hoặc hành động khiến chúng ta lo lắng và làm như vậy mà bản thân không trở nên cáu kỉnh trong nội tâm, đúng hơn là nghĩ rằng có lẽ chúng ta cũng là một người như vậy đối với ai đó. Thánh Tông Đồ đã khuyên nhủ các tín hữu ở Côlôsê bằng những lời này:

Anh em là những người được Thiên Chúa tuyển lựa, hiến thánh và yêu thương. Vì thế, anh em hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hoà và nhẫn nại. Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em người này có điều gì phải trách móc người kia. Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ cho nhau. (Cl 3:12-13).

Điều khó “xé nát” nhất trong chúng ta không phải là xác thịt mà là tinh thần, tức là lòng tự ái và lòng kiêu hãnh, và những bài tập nhỏ này phục vụ mục đích đó một cách tuyệt vời.

Thật không may, ngày nay trong xã hội tồn tại những chiếc răng nghiến chặt không thương tiếc, còn tàn nhẫn hơn cả răng của con báo mà Thánh Ignaxiô tử đạo đã nói đến. Chúng là răng của các phương tiện truyền thông và cái gọi là mạng xã hội. Không phải khi họ chỉ ra những biến dạng của xã hội hay của Giáo hội (về điều này họ xứng đáng nhận được tất cả sự tôn trọng và quý trọng!), mà là khi họ tấn công ai đó vì thành kiến, đơn giản vì người đó không thuộc về phía họ. Với ác ý và với mục đích phá hoại, thay vì mang tính xây dựng. Thật đáng tiếc cho ai hôm nay lại phải vào cái máy xay thịt này, dù là giáo dân hay giáo sĩ!

Trong trường hợp này, việc khẳng định lý do của mình trên các diễn đàn thích hợp là hợp pháp và cần thiết, và nếu điều này không thể thực hiện được hoặc thấy rằng nó vô ích, thì tất cả những gì còn lại đối với một tín hữu là tham gia cùng Chúa Kitô bị đánh đòn, đội mão triều thiên gai, và bị khạc nhổ. Trong Thư gửi tín hữu Do Thái, chúng ta đọc lời khuyên này gửi đến các Kitô hữu tiên khởi, lời khuyên này có thể giúp ích trong những trường hợp tương tự: “Anh em hãy tưởng nhớ Đấng đã cam chịu để cho những người tội lỗi chống đối mình như thế, để anh em khỏi sờn lòng nản chí.” (Dt 12:3).

Ít nhất thì đó là một điều khó khăn và đau đớn, đặc biệt nếu có liên quan đến gia đình ruột thịt hoặc tôn giáo của một người, nhưng ân sủng của Thiên Chúa có thể biến – và thường đã biến – tất cả những điều này thành cơ hội để thanh tẩy và thánh hóa. Đó là việc có niềm tin rằng, cuối cùng, như đã xảy ra với Chúa Giêsu, sự thật sẽ chiến thắng sự dối trá. Và chiến thắng có lẽ sẽ được thực hiện tốt hơn bằng sự im lặng hơn là bằng cách tự vệ hung hãn nhất.

* * *

Tuy nhiên, mục đích cuối cùng của việc cho phép bản thân trở nên bình tĩnh không phải là mục đích khổ hạnh mà là mục đích thần bí; nó không phục vụ nhiều cho việc hành xác bản thân cho bằng nhằm tạo ra sự hiệp thông. Đây là một chân lý đã đồng hành với việc dạy giáo lý Thánh Thể ngay từ những ngày đầu của Giáo Hội. Nó đã có mặt trong Didache (IX,4), một văn bản có từ thời các tông đồ. Thánh Augustinô khai triển chủ đề này một cách tuyệt vời trong một bài giảng của ngài cho dân chúng. Ngài so sánh tiến trình dẫn đến việc hình thành bánh là Mình Thánh Chúa Kitô, và tiến trình dẫn đến việc hình thành thân thể mầu nhiệm của Người là Giáo hội. Ngài nói:

Hãy nhớ lại một chút lúa mì ngày xưa là gì, khi nó còn ở ngoài đồng: đất làm cho nó nảy mầm, mưa nuôi dưỡng nó; sau đó là công việc của con người mang nó đến sân đập lúa, đập nó, sàng lọc nó và đặt nó vào kho thóc; từ đây người ấy đem nó đi xay và nấu và cuối cùng nó trở thành bánh mì.

Bây giờ hãy nghĩ về chính mình: anh em đã không hiện hữu và đã được tạo dựng, anh em đã được đưa đến sân đập lúa của Chúa, anh em đã bị đánh đập… Khi anh em chịu phép rửa, anh em bắt đầu bị nghiền nát bởi việc ăn chay và trừ quỷ; rồi cuối cùng anh em đến với nước, anh em được nhào nặn và trở thành một; khi ngọn lửa của Chúa Thánh Thần đến, anh em đã được nấu chín và trở thành bánh của Chúa. Đây là những gì anh em nhận được. Vì vậy, như anh em thấy bánh được chuẩn bị là một, thì nguyện cho anh em cũng nên một, yêu thương nhau, cùng một đức tin, cùng một niềm hy vọng, và một lòng bác ái trọn vẹn.”

* * *

Tôi kết thúc bằng một tình tiết đã thực sự xảy ra, được thuật lại trong một cuốn sách vẫn còn trên thị trường có tựa đề “Cái giá phải trả” và tôi tin rằng tác giả của nó vẫn còn sống. Nó giúp ích, tốt hơn những bài diễn văn dài dòng, để nhận ra sức mạnh chứa đựng trong câu “Ta Là” trang trọng của Chúa Giêsu trong Tin Mừng và đặc biệt là những gì tôi đã bình luận trong bài suy niệm đầu tiên này.

Cách đây vài thập kỷ, tại một quốc gia Trung Đông, có hai người lính – một người theo Kitô giáo và người kia không theo đạo – cùng nhau làm nhiệm vụ canh gác tại một kho vũ khí. Người Kitô Hữu thường lấy ra, thậm chí vào ban đêm, một cuốn sách nhỏ và đọc, thu hút sự tò mò và mỉa mai của người bạn đồng hành của mình. Một đêm nọ, người sau có một giấc mơ. Anh ta thấy mình đang đứng trước một con suối mà anh ta không thể vượt qua. Anh nhìn thấy một nhân vật được bao bọc trong ánh sáng và nói với anh: “Để vượt qua nó, bạn cần có bánh sự sống”. Có ấn tượng mạnh với giấc mơ, vào buổi sáng, không hiểu tại sao, anh lại yêu cầu, hay nói đúng hơn là ép người bạn đồng hành đưa cho mình cuốn sách bí ẩn. (Tất nhiên đó là sách Phúc Âm). Anh ta mở nó ra và rơi vào Phúc Âm của Thánh Gioan. Người bạn theo Kitô giáo của anh khuyên anh nên bắt đầu với Phúc Âm của Thánh Matthêu để dễ hiểu hơn. Nhưng anh ta, không biết tại sao, vẫn khăng khăng. Anh ta đọc mọi thứ một mạch cho đến khi đọc đến chương sáu. Nhưng tại thời điểm này, sẽ rất tốt nếu nghe trực tiếp câu chuyện của anh ta:

Đọc tới chương thứ sáu, tôi dừng lại, có ấn tượng bởi sức mạnh của một câu nói. Trong một khoảnh khắc, tôi nghĩ mình là nạn nhân của một ảo giác, và tôi lại nhìn vào cuốn sách, đến lúc tôi dừng lại… Tôi vừa đọc được những dòng này: “…bánh sự sống.” Những lời tương tự tôi đã nghe cách đây vài giờ trong giấc mơ. Tôi chậm rãi đọc lại đoạn Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Ta là bánh hằng sống, ai đến với Ta sẽ không bao giờ đói nữa”. Ngay lúc đó, một điều gì đó phi thường được giải phóng trong tôi, giống như một sự bùng nổ của hơi ấm và hạnh phúc… Tôi có cảm giác như bị cuốn theo, được nâng lên bởi sức mạnh của một cảm giác mà tôi chưa từng trải qua, một niềm đam mê mãnh liệt, một tình yêu. không thể đo lường được đối với người đàn ông được gọi là Giêsu này”.

Những gì người này sau này phải chịu đựng vì đức tin của mình đã xác nhận tính xác thực của trải nghiệm của anh ta. Lời Chúa không phải lúc nào cũng hành động một cách bùng nổ như vậy, nhưng tôi xin nhắc lại, ví dụ này cho chúng ta thấy sức mạnh thần linh ẩn chứa trong câu “Ta là” trang trọng của Chúa Kitô mà với ân sủng của Thiên Chúa, chúng ta hứa sẽ bình luận trong Mùa Chay này.

1. Noi Gương Chúa Kitô, IV, 11.

2. Thư gửi giáo đoàn Rôma, IV,1.

3.Augustinô, Sermo 229 (Denis 6 (PL 38, 1103)

4. Joseph Fadelle, Le prix à payer. Les Editions de l'Oeuvre, Paris 2010. Tiếng Việt. Cái giá phải trả, Ignaxiô Press, 2012.


Source:Cantalamessa
 
Lời cầu nguyện không mệt mỏi của Đức Thánh Cha Phanxicô dành cho hòa bình ở Ukraine, một đất nước tử đạo
Thanh Quảng sdb
20:56 23/02/2024
Lời cầu nguyện không mệt mỏi của Đức Thánh Cha Phanxicô dành cho hòa bình ở “Ukraine, một đất nước tử đạo”

Đức Thánh Cha Phanxicô không ngừng mệt mỏi trong việc cầu nguyện và đưa ra lời kêu gọi hòa bình cho Ukraine trong suốt hai năm qua, đang khi quốc gia này bị dập vùi trong “sự điên rồ” của chiến tranh.

(Tin Vatican - Isabella Piro)

Đức Thánh Cha Phanxicô đã liên tục và tha thiết dâng lời cầu nguyện lên Thiên Chúa trong hai năm qua, cầu xin hòa bình cho Ukraine giữa cuộc xung đột kéo dài, đồng thời khẳng định rằng “chiến tranh luôn là một thất bại”. Ngài mô tả đây là một "thất bại thực sự của con người" vì chỉ những "nhà sản xuất vũ khí" mới là người có lợi. Đức Thánh Cha thường xuyên sử dụng thuật ngữ “tử đạo” để mô tả đặc điểm của đất nước bị tàn phá bởi bom đạn kể từ ngày 24 tháng 2 năm 2022. Kể từ ngày định mệnh đó, với một “trái tim tan vỡ”, Đức Thánh Cha đã không ngừng cổ súy những lời cầu nguyện cho hòa bình trong mọi dịp có thể.

Ngày cầu nguyện

Một số Ngày Cầu nguyện đã được công bố trong hai năm qua: Ngày cầu nguyện đầu tiên diễn ra vào ngày 26 tháng 1 năm 2022, trùng hợp với thời điểm căng thẳng gia tăng giữa Nga và Ukraine, gây ra mối lo ngại đáng kể.

Ngày cầu nguyện cầu nguyện và ăn chay thứ hai diễn ra sau đó vài tháng vào ngày 2 tháng 3, Thứ Tư Lễ Tro, với việc Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi các tín hữu “hãy cảm thương anh chị em của chúng ta” và “cầu xin Thiên Chúa chấm dứt chiến tranh”.

Vào ngày 25 tháng 3 năm 2022, Đức Thánh Cha đã chủ trì buổi cầu nguyện kính Mẹ Thiên Chúa tại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô, ngài đã thánh hiến đất nước Ukraine cho Trái tim Vô nhiễm Nguyên tội Đức Maria. Trong bối cảnh “cuộc chiến khốc liệt” gây ra biết bao đau khổ, sợ hãi và mất tinh thần cho nhiều người, Đức Thánh Cha nhấn mạnh sự cần thiết phải có sự hiện diện của Thiên Chúa và sự tha thứ của Thiên Chúa. Năm sau, vào ngày 27 tháng 10 năm 2023, một Ngày xám hối, Ăn chay và Cầu nguyện khác được Đức Thánh Cha Phanxicô cổ súy để cầu xin sự cầu bầu của Đức Maria để đạt được hòa bình. Ngài cầu xin "Lạy Mẹ nhân từ, chúng con kêu xin lòng thương xót! Lạy Nữ vương Hòa bình, chúng con khẩn xin hòa bình! Xin an ủi những người bị giam cầm vì hận thù; xin hoán cải những người gây ra và kích động cuộc xung đột. Xin lau khô nước mắt trẻ thơ - vào giờ này, rất nhiều trẻ em đang than khóc! – Xin Mẹ hãy hiện diện với những người già cả cô đơn; an ủi những người bị thương và bệnh tật; bảo vệ những người phải rời bỏ quê hương và người thân của họ; an ủi những người đang chán nản; khơi lên trong lòng họ một niềm hy vọng mới.”

Kêu gọi đàm phán

Hai năm qua ở Ukraine đã được đánh dấu bằng những dấu mốc bi thảm của sự kinh hoàng và chết chóc:

Vào ngày 24 tháng 4 năm 2022, lễ Phục sinh theo lịch Julian, trùng với đúng hai tháng kể từ khi xung đột bùng nổ. Một lần nữa, khi kết thúc kinh “Lạy Nữ Vương Thiên đàng” Regina Coeli, Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi mọi người “tăng cường lời cầu nguyện cho hòa bình và can đảm lên tiếng rằng hòa bình là điều có thể”.

Hai tháng sau, vào ngày 5 tháng 6, Lễ Trọng Hiện Xuống, cuộc chiến ở Ukraine đã đạt đến “bước ngoặt” kịch tính kéo dài hàng trăm ngày. Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc lại lời kêu gọi của mình là “Hãy để cho các cuộc đàm phán thực sự diễn ra, các cuộc đàm phán thực sự về lệnh ngừng bắn và một giải pháp lâu bền”. Ngài nhấn mạnh tầm quan trọng của việc lắng nghe “tiếng kêu tuyệt vọng của những người đau khổ” và tôn trọng sự sống con người, đồng thời tuyên bố chiến tranh là một “cơn ác mộng, là sự phủ nhận giấc mơ của Chúa”.

Thư gửi người dân Ukraina

Nhiều tháng trôi qua,
các ký giả vẫn tiếp tục tường trình những trang sử cay đắng đầy nước mắt và hủy diệt:

Vào ngày 24 tháng 8 năm 2022, đánh dấu sự khởi đầu của tháng xung đột thứ sáu, một cột mốc quan trọng khác đối với Ukraine, Đức Phanxicô, vào cuối buổi tiếp kiến chung hôm thứ Tư, đã chia sẻ những suy tư của mình về đất nước này, nhấn mạnh, “Chiến tranh là sự điên rồ”, xin cầu nguyện cho các tù nhân, những người bị thương, trẻ em, người tị nạn và "rất nhiều người vô tội" đang phải trả giá cho sự điên rồ này. Tháng 11 đã đến, đánh dấu 9 tháng chiến tranh, khiến Đức Thánh Cha Phanxicô phải viết một lá thư cho người dân Ukraine, gọi họ là “dân tộc tử đạo cao quý”, bảo đảm với họ về sự gần gũi của ngài “trong trái tim và lời cầu nguyện”. Ngài cũng đưa ra lời cảnh báo cho tất cả các dân tộc: “Đừng bao giờ quen với chiến tranh”.

Chiến tranh là sự hủy diệt

Trong khoảng thời gian từ cu
ối năm 2022 đến đầu năm 2023, lời kêu gọi của Giáo hoàng về việc “im lặng vũ khí” và chấm dứt “cuộc chiến vô nghĩa” này vẫn tiếp tục không ngừng nghỉ. Vào ngày 24 tháng 2 năm 2023, đúng một năm sau cuộc xung đột, Giáo hoàng Francis, tại Vatican, đã tham dự buổi chiếu bộ phim tài liệu “Tự do trên lửa: Cuộc chiến vì tự do của Ukraine” của đạo diễn phim Evgeny Afineevsky. "Hôm nay - ngài nói - đánh dấu một năm của cuộc chiến này; chúng ta hãy nhìn vào Ukraine, cầu nguyện cho người Ukraine và mở lòng đón nhận nỗi đau. Chúng ta đừng xấu hổ khi đau khổ và khóc lóc, vì chiến tranh là sự hủy diệt, một cuộc chiến luôn làm chúng ta suy giảm."

Khủng hoảng ngũ cốc ở Biển Đen

Nhiều tháng trôi qua, một mùa hè nữa lại đến, vẫn chìm trong bóng bom. Đức Thánh Cha Phanxicô không bao giờ quên tình hình nhân đạo thảm khốc của Ukraine, trở nên tồi tệ hơn do sáng kiến vận chuyển ngũ cốc ở Biển Đen bị đình trệ. Vào ngày 30 tháng 7 năm 2023, trong giờ Truyền Tin, ngài nhắc nhở thế giới rằng “chiến tranh đang phá hủy mọi thứ, kể cả ngũ cốc,” và ngài nói điều này thể hiện “một sự xúc phạm nghiêm trọng đối với Thiên Chúa” vì ngũ cốc là “một món quà để nuôi sống nhân loại”. Ngài kêu gọi mọi người hãy lắng nghe “tiếng kêu của hàng triệu anh chị em đang đói khát”, một tiếng kêu “lên tới tận Trời”.

Nỗi đau của trẻ em

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắc lại “chiều kích tử đạo” của Ukraine vào ngày 6 tháng 9 năm 2023, trong buổi tiếp kiến với các giám mục của Thượng Hội đồng Giáo Hội Công Giáo Hy Lạp Ukraine. Bày tỏ sự gần gũi và tham gia, ngài truyền tải “nỗi buồn trước cảm giác bất lực khi đối mặt với chiến tranh”, đặc biệt vì một trong những kết quả đáng buồn nhất của nó là “lấy đi nụ cười của trẻ em”. Những mối quan ngại tương tự đối với “một tình hình dường như ngày càng tuyệt vọng” đã được Đức Thánh Cha bày tỏ vào đầu năm 2024, trong một lá thư gửi cho Tổng Giám mục Kyiv-Halyč, Sviatoslav Shevchuk, bày tỏ hy vọng rằng Ukraine không trở thành một “cuộc chiến bị lãng quên”. " Và cộng đồng quốc tế có thể tham gia "tìm kiếm các giải pháp hòa bình."

Kêu gọi các nhà ngoại giao

Lời kêu gọi tương tự đã vang lên vào ngày 8 tháng 1 năm nay, trong buổi tiếp kiến với Ngoại giao đoàn bên cạnh Tòa thánh: “Đáng buồn thay, sau gần hai năm chiến tranh quy mô lớn do Liên bang Nga tiến hành chống lại Ukraine, nền hòa bình vô cùng mong muốn đã không được thực hiện”. nhưng vẫn tìm cách bén rễ trong tâm trí và trái tim, bất chấp số lượng lớn các nạn nhân và sự tàn phá nặng nề.Người ta không thể cho phép sự tồn tại dai dẳng của một cuộc xung đột tiếp tục di căn, gây thiệt hại cho hàng triệu người; bi kịch hiện tại thông qua đàm phán, tôn trọng luật pháp quốc tế.."

Ngoại giao Vatican

Ngoài những lời cầu nguyện và khuyến khích, Đức Thánh Cha Phanxicô còn thực hiện hành động cá nhân nhân danh hòa bình, duy trì cách tiếp cận cân bằng với các bên liên quan. Ngày 25 tháng 2 năm 2022, Ngài đến thăm Đại sứ quán Liên bang Nga tại Tòa thánh, bày tỏ quan ngại về việc chiến tranh bùng nổ. Vài ngày sau, vào ngày 16 tháng 3, ngài tổ chức một cuộc gặp trực tuyến với Thượng phụ Chính thống giáo Kirill của Mátxcơva và Toàn nước Nga, thống nhất với mong muốn “ngăn chặn ngọn lửa” chiến tranh, được thúc đẩy “bởi ý chí thể hiện, với tư cách là những mục tử của họ”. Con người, con đường dẫn đến hoà bình”. Trong nhiều tháng, đã có một số cuộc trao đổi qua điện thoại với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, người đã được Đức Thánh Cha tiếp kiến trong một buổi tiếp kiến vào tháng 5 năm 2023.

Những nỗ lực của Đức Thánh Cha nhằm chấm dứt xung đột còn có sự tham gia của Đức Hồng Y Matteo Zuppi, Tổng Giám mục Bologna và Chủ tịch Hội đồng Giám mục Ý, người đã công du với tư cách là Đặc phái viên của Đức Thánh Cha tới Nga, Hoa Kỳ và Trung Quốc vào năm 2023. Hòa bình, một niềm hy vọng không bao giờ mà Đức Thánh Cha Phanxicô từ bỏ.

Ngoài ra, hai vị Hồng Y khác, Konrad Krajewski, Phát thanh viên của Giáo hoàng, và Michael Czerny, Tổng trưởng Bộ Cổ vũ sự Phát triển Con người Toàn diện, đã được Đức Thánh Cha cử đến Ukraine với tư cách là đại diện của ngài, mang lại tình đoàn kết và hỗ trợ cho những người tị nạn và nạn nhân chiến tranh. Đức Tổng Giám Mục Paul Richard Gallagher, Chủ tịch Thánh Bộ Quan hệ với các Quốc gia và Tổ chức Quốc tế, cũng đã đến thăm Vorzel, Irpin và Bucha vào tháng 5 năm 2023, cầu nguyện trước một ngôi mộ tập thể gần Nhà thờ Chính thống Thánh Andrew, và nhấn mạnh, giống như Giáo hoàng, "sự tàn bạo và khốc liệt của chiến tranh."
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Tỉnh tâm Mùa Chay 2004_ Lm Nguyễn Khắc Hy_ CđCgVn Gx Đức Bà là Chốn Tựa Nương
Thái K Phạm
15:19 23/02/2024
 
VietCatholic TV
NATO lưu ý tình thế nan giải khi cung cấp F-16 cho Ukraine. Mỹ cảnh báo tính toán sai lầm của TQ
VietCatholic Media
17:20 23/02/2024

1. Nhà lãnh đạo NATO lưu ý 'tình thế tiến thoái lưỡng nan' trong việc cung cấp F-16 cho Ukraine

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “NATO Chief Notes 'Dilemma' in Supplying F-16s to Ukraine”, nghĩa là “Nhà lãnh đạo NATO lưu ý 'tình thế tiến thoái lưỡng nan' trong việc cung cấp F-16 cho Ukraine.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Đình Trinh.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg hôm thứ Tư cho biết vẫn chưa rõ khi nào Ukraine sẽ nhận được chiến đấu cơ F-16 đã được chờ đợi từ lâu, đồng thời cho biết các đồng minh phương Tây đang nỗ lực giúp các phi công của Kyiv bắt kịp tốc độ sử dụng máy bay hiện đại.

“Không thể nói chính xác khi nào vì đó là một vấn đề nan giải”, Stoltenberg nói với Radio Liberty. “Tất cả chúng tôi đều muốn F-16 có mặt ở đó càng sớm càng tốt.”

Ông nói tiếp: “Tất nhiên, đồng thời, tác dụng của F-16 sẽ mạnh mẽ và tốt hơn khi có nhiều phi công được đào tạo hơn”. “Và không chỉ phi công, mà còn cả vấn đề bảo trì, nhân sự và tất cả các hệ thống hỗ trợ đều phải có.”

Một liên minh gồm các thành viên NATO đã dẫn đầu các chương trình huấn luyện F-16 của Ukraine, diễn ra tại Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, Đan Mạch và Rumani. Phát ngôn nhân của Lực lượng Không quân Ukraine, Yurii Ihnat, cho biết vào Tháng Giêng rằng các phi công trong chương trình “đã bay trên bầu trời cùng với người hướng dẫn”, và Bộ trưởng Ngoại giao Kyiv Dmytro Kuleba đã nói rằng các chiến binh sẽ sẵn sàng chiến đấu chống lại cuộc xâm lược của Nga vào cuối năm nay.

Tuy nhiên, ông Stoltenberg nói với Raido Liberty rằng liên minh NATO phải “lắng nghe các chuyên gia quân sự để biết chính xác khi nào chúng tôi sẽ sẵn sàng hoặc khi nào các đồng minh sẽ sẵn sàng bắt đầu gửi và giao F-16”.

Tổng thư ký NATO cho biết thêm: “Đồng thời, nó phải là một vũ khí hiệu quả với các phi công được đào tạo bài bản, với hệ thống dịch vụ tốt sẵn có vào thời điểm chúng tôi cung cấp cơ chế này cho Ukraine”.

Bỉ, Đan Mạch, Hà Lan và Na Uy đều cam kết cung cấp F-16 cho Lực lượng vũ trang Ukraine và một số đồng minh khác hỗ trợ nỗ lực đào tạo phi công. Một phi công Ukraine, người có biệt danh Phantom, nói với Đài Tiếng nói Hoa Kỳ trong tháng này rằng anh ta “rất có ấn tượng” về chiếc máy bay này và việc chuẩn bị đưa các chiến đấu cơ tham chiến đang “hoàn thành như kế hoạch”.

“Chiếc máy bay này đơn giản là đã vượt quá sự mong đợi của họ,” Phantom nói. “Ngay cả với lượng thông tin họ nhận được trong quá trình huấn luyện, họ cũng đã nhìn thấy triển vọng và tiềm năng to lớn về việc chiếc máy bay này sẽ giúp Lực lượng Không quân của chúng tôi tăng cường khả năng chiến đấu trên không như thế nào.”

Tuy nhiên, Putin trước đó đã bác bỏ tuyên bố rằng F-16 sẽ có nhiều tác động đến cuộc chiến ở Ukraine. Lực lượng của Kyiv đã bị ảnh hưởng vào cuối tuần này sau khi quân đội buộc phải rút lui khỏi Avdiivka sau nhiều tháng giao tranh ác liệt để giành quyền kiểm soát thành phố phía đông Ukraine.

2. Đại sứ Nga tiết lộ tiến trình đàm phán hòa bình Ukraine sau hai năm

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russia's Ambassador Reveals Where Ukraine Peace Talks Stand Two Years On”, nghĩa là “Đại sứ Nga tiết lộ tiến trình đàm phán hòa bình Ukraine đang ở đâu sau hai năm” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Đại Sứ hàng đầu của Nga tại Hoa Kỳ tiết lộ với Newsweek nơi Mạc Tư Khoa đang tìm cách đạt được thỏa thuận hòa bình trong cuộc chiến ở Ukraine trước lễ kỷ niệm hai năm cuộc xung đột tàn khốc.

“Chúng tôi kiên quyết: sớm hay muộn các thỏa thuận hòa bình sẽ đạt được trước những nỗ lực của những người bảo trợ chế độ Kyiv,” Đại sứ Nga Anatoly Antonov nói trong bình luận chia sẻ với Newsweek, “những người tiếp tục bơm hàng tỷ đô la để kéo dài xung đột, khiến cuộc xung đột kéo dài khốn khổ cho hàng ngàn người.”

Đề cập đến sự bùng nổ chiến tranh ngày 24/2/2022 là “một trong những bước ngoặt của lịch sử hiện đại”, Antonov bảo vệ quyết định của Điện Cẩm Linh tiến hành “chiến dịch quân sự đặc biệt “ vào nước láng giềng Ukraine sau gần 8 năm xung đột giữa Ukraine và Ukraine. quân ly khai và phe ly khai thân Nga.

Antonov nói: “Những phát súng đầu tiên được Đức Quốc xã ở Kyiv bắn vào mùa xuân năm 2014. “Chính họ đã khiến Odessa rơi vào cảnh kinh hoàng và gửi xe tăng và máy bay tấn công người dân Donetsk và Luhansk. Điều tưởng như là cơn ác mộng đã trở thành hiện thực.”

Kyiv và Moscow có quan điểm rất khác nhau về cuộc xung đột và các sự kiện dẫn đến nó. Cuộc nổi dậy năm 2014 mà Antonov gọi là “một cuộc đảo chính với sự hỗ trợ trực tiếp của các quan chức nước ngoài, các nhân vật nhà nước, những người có ý thức hệ là chủ nghĩa dân tộc dưới những hình thức cực đoan” được chính phủ Ukraine hiện tại, dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Volodymyr Zelenskiy, và những người ủng hộ quốc tế coi là sự thể hiện chính đáng mong muốn của đất nước hướng về phương Tây.

Tuy nhiên, Nga đã can thiệp vào công việc nội bộ của Ukraine, và đất nước rơi vào xung đột và cuối cùng là một cuộc chiến tranh xâm lược toàn diện. Bây giờ, Antonov nêu quan điểm của Nga về triển vọng hòa bình cũng như những trở ngại.

Trong khi các quan chức ở Kyiv liên tục cáo buộc Mạc Tư Khoa can thiệp vào các vấn đề của Ukraine, Antonov lập luận rằng chính phương Tây đã can thiệp vào nước cộng hòa hậu Xô Viết đã giành được độc lập vào năm 1991. Sự can thiệp như vậy, theo Antonov, đã phá vỡ các cơ hội đạt được hòa bình, cả trong Thỏa thuận Minsk nhằm tìm cách giải quyết xung đột 2014-2022 và những nỗ lực hòa giải cuộc chiến lớn hơn hai năm trước.

Antonov nói: “Điều quan trọng là phải hiểu: trong nhiều thập kỷ kể từ khi Liên Xô sụp đổ, Nga luôn tôn trọng độc lập và chủ quyền của Ukraine”. “Nó nhất quán xây dựng mối quan hệ với nước cộng hòa trên cơ sở các nguyên tắc hợp tác và láng giềng tốt đẹp được công nhận rộng rãi.”

Antonov nói: “Sau khi bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt, vào mùa xuân năm 2022, một quá trình đàm phán đã được tiến hành ở Istanbul, điều đó có thể dẫn đến một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng”. “Tuy nhiên, áp lực từ các thủ đô 'thứ ba' không quan tâm đến thỏa thuận ngoại giao đã ngăn cản điều này xảy ra. Người phương Tây đã làm mọi cách để tước bỏ nền độc lập của Ukraine và biến nước này thành đầu cầu chống Nga”.

Tuy nhiên, ông lập luận rằng “Nga vẫn không từ bỏ đối thoại”, ngay cả khi ông cảm thấy rằng các đối tác ở phương Tây đang tiếp tục thúc đẩy một khuôn khổ không thể chấp nhận được.

Antonov nói: “Họ nhấn mạnh rằng không có lựa chọn thay thế nào cho 'định dạng Copenhagen' và 'công thức Zelenskiy' một chiều và vô nghĩa, mặc dù những điều này không tính đến lập trường của Liên bang Nga và bỏ qua nguyện vọng của Miền Nam Bán cầu, là điều mà những người theo chủ nghĩa thực dân mới đang cố gắng đánh lừa và sử dụng một cách đầy hoài nghi như những người quan sát câm lặng.”

Định dạng Copenhagen là tên không chính thức được đặt cho các cuộc đàm phán hòa bình bắt đầu ở thủ đô Đan Mạch vào tháng 6 năm 2023, quy tụ các đại diện của Brazil, Canada, Đan Mạch, Pháp, Đức, Ấn Độ, Ý, Nhật Bản, Đức, Nhật Bản, Nam Phi, Ả Rập Saudi Ả Rập, Nam Hàn, Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraine, Vương quốc Anh và Mỹ Ba vòng thảo luận nữa đã được tổ chức tại Ả Rập Saudi, Malta và Thụy Sĩ, với hàng chục quốc gia khác tham gia các phiên họp khác nhau.

Công thức Zelenskiy đề cập đến kế hoạch hòa bình 10 điểm của nhà lãnh đạo Ukraine lần đầu tiên được công bố vào tháng 10 năm 2022. Trong số những điều khác, nó kêu gọi rút toàn bộ lực lượng Nga khỏi lãnh thổ Ukraine, bao gồm bán đảo Crimea và các tỉnh Donetsk, Kherson, Luhansk và Zaporizhzhia, lần lượt được sáp nhập mà không được quốc tế công nhận vào năm 2014 và 2022.

Các đề xuất hòa bình khác đã được đưa ra từ các quốc gia như Brazil, Trung Quốc và liên minh các nước Phi Châu, nhưng cho đến nay vẫn chưa có đề xuất nào có thể đưa hai bên ngồi vào bàn đàm phán.

Giống như Kyiv, Washington khẳng định rằng việc quân đội Nga rút khỏi toàn bộ lãnh thổ Ukraine là điều kiện tiên quyết để chấm dứt xung đột và bất kỳ cuộc đàm phán nào cũng sẽ phải có sự tham gia của Ukraine.

“Chúng tôi trung thành với nguyên tắc 'không có gì về Ukraine nếu không có Ukraine.' Chúng tôi sẽ không ủng hộ việc Ukraine bị buộc phải từ bỏ lãnh thổ”, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ nói với Newsweek. “Nga có thể nghĩ rằng con đường dẫn đến kết thúc cuộc chiến này là thông qua Washington. Điều này tất nhiên là không đúng.”

Phát ngôn nhân nói thêm: “Và cần nói rõ hơn, Nga không tìm cách sớm kết thúc cuộc chiến tranh xâm lược chống lại Ukraine”. “Putin vẫn cam kết thực hiện mục tiêu tối đa của mình là chinh phục hoàn toàn Ukraine và người dân nước này. Putin sẽ chỉ đồng ý với các biện pháp giúp ông tiến xa hơn tới mục tiêu đó”.

Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao cũng bày tỏ sự hoài nghi về tính chân thành trong các đề nghị hòa bình của Nga.

Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao cho biết: “Nga đã gửi tín hiệu rằng họ quan tâm đến lệnh ngừng bắn dọc theo các ranh giới hiện tại trong một thời gian dài. Họ đã công khai nói rằng việc chấp nhận quyền kiểm soát của Nga đối với lãnh thổ Ukraine là điều kiện tiên quyết cho các cuộc đàm phán”. “Tuy nhiên, chúng tôi chưa thấy bất cứ điều gì cho thấy Nga thực sự sẵn sàng tham gia vào một cuộc đàm phán nào đó liên quan đến việc từ bỏ các yêu cầu theo chủ nghĩa tối đa của mình”.

Phát ngôn nhân nói thêm: “Những gì Nga muốn là các điều khoản đầu hàng”.

Các quan chức Mỹ cũng lập luận rằng việc hỗ trợ Ukraine ngay cả trong một cuộc xung đột kéo dài là rất quan trọng đối với lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ, một điểm khiến những người đồng cấp Nga tức giận. Antonov cho rằng Washington đã không tính đến lợi ích của chính Nga, do đó làm trầm trọng thêm xung đột.

Antonov nói: “Thay vì nghe và hiểu những yêu cầu chính của Nga - phi hạt nhân hóa và phi quân sự hóa những tên côn đồ Ukraine cũng như bác bỏ chủ nghĩa bài Nga và các kế hoạch của NATO đối với Kyiv - Washington và các vệ tinh của nó chỉ khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn”.

Ông nói thêm: “Họ chuyển vũ khí cho những con rối của mình và gọi đây là 'khoản đầu tư tốt'“. “Họ nhắm mắt làm ngơ trước những tội ác trắng trợn của 'khách hàng' của họ, những người sử dụng thiết bị gây chết người để thực hiện tội ác chiến tranh và các hành động khủng bố chống lại cơ sở hạ tầng công cộng, dân thường và thậm chí cả binh lính của họ. Họ che giấu nhiều bằng chứng cho thấy vũ khí phương Tây xuất hiện ở các vùng chiến sự trên khắp thế giới.”

Tuy nhiên, các quan chức Ukraine và Mỹ đã cáo buộc Nga phạm nhiều tội ác chiến tranh và kêu gọi truy tố các quan chức Nga ngay cả trong trường hợp có giải pháp ngoại giao cho cuộc xung đột. Những lời kêu gọi này đã tăng thêm sức nặng vào tháng 3 năm ngoái khi Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) có trụ sở tại Hague, Hà Lan ban hành lệnh bắt giữ Putin liên quan đến các cuộc điều tra tội ác chiến tranh.

Nga, Ukraine và Mỹ không phải là các bên tham gia Quy chế Rôma thành lập ICC, mặc dù Kyiv đã chấp nhận quyền tài phán của tòa án đối với lãnh thổ Ukraine khi cuộc xung đột lần đầu tiên xuất hiện vào năm 2014.

Zelenskiy đã nhân đôi cam kết của mình trong việc buộc các quan chức Nga phải chịu trách nhiệm trong một thông điệp hôm thứ Ba gửi tới Ủy ban Hoa Kỳ-Helsinki được tổ chức tại cùng phòng xử án, nơi diễn ra Phiên tòa Nuremberg để truy tố các quan chức Đức Quốc xã. Cả Mạc Tư Khoa và Kyiv đều cáo buộc nhau theo cùng một ý thức hệ phát xít và cả hai đều phủ nhận cáo buộc này.

Ông Zelenskiy nói: “Thế giới đã chứng kiến quân đội Nga thiêu rụi các thành phố và làng mạc của Ukraine. “Mọi người trên thế giới đều đã nghe nói về những vụ giết người hàng loạt chắc chắn tuân theo lá cờ Nga trên khắp các vùng lãnh thổ bị tạm chiếm. Không thể dung hòa với nỗi đau của những gia đình bị tan vỡ bởi cuộc chiến của Putin và việc trục xuất trẻ em Ukraine. Chúng ta không được quên hàng triệu người Ukraine đang sống sót dưới sự xâm lược của Nga, bị từ chối ngay cả những quyền con người cơ bản nhất.”

Ông nói thêm: “Đừng để điều gì cản trở công lý”. “Giống như chủ nghĩa Quốc xã bị lên án, nhà nước của Putin cũng phải chịu chung số phận. Tôi kêu gọi tất cả những ai có thể giúp đẩy nhanh việc đạt được hòa bình đích thực.”

Mạc Tư Khoa lập luận rằng những động thái như vậy chỉ thu hẹp con đường ngoại giao và làm tăng khả năng xảy ra xung đột trực tiếp giữa các cường quốc. Antonov đề cập đến đường lối hiện tại của Mỹ đối với các cuộc đàm phán trong khi tiếp tục viện trợ quân sự cho Ukraine là một chiến lược “về bản chất không khác một chút so với đối đầu quân sự”.

Trong khi đó, trên chiến trường, Ukraine tiếp tục phải đối mặt với những thách thức lớn, bằng chứng là những bước tiến gần đây của Nga trong bối cảnh bế tắc đẫm máu kéo dài nhiều năm và các cuộc tranh luận ngày càng gay gắt ở Washington về tương lai hỗ trợ quân sự cho Kyiv. Chính quyền của Tổng thống Joe Biden vẫn kiên quyết về sự cần thiết phải tiếp tục và mở rộng viện trợ như vậy, nhưng sự hoài nghi từ một số thành viên Quốc Hội đã nổi lên như một điểm nóng về chính sách đối ngoại quan trọng trước cuộc bầu cử năm 2024.

Sau cuộc hội đàm với Zelenskiy hôm thứ Hai, Tổng thống Biden nhắc lại quan điểm của mình với các phóng viên tại Tòa Bạch Ốc, khẳng định rằng “tôi hoàn toàn phản đối ý tưởng rằng chúng tôi sẽ rời khỏi Ukraine, hay ý tưởng rằng chúng tôi sẽ để NATO bắt đầu chia rẽ”. Đó không thể là lợi ích của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ và điều đó đi ngược lại lời hứa của chúng tôi kể từ thời Tổng thống Dwight Eisenhower.”

Về phần mình, Antonov vẫn tin tưởng rằng Mỹ sẽ phải là người thay đổi hướng đi nhằm đạt được một kết thúc chiến tranh bằng thương lượng.

“Không có triển vọng đàm phán với đất nước chúng tôi từ vị trí sức mạnh và áp lực trừng phạt”. “Mong muốn thống trị dai dẳng chỉ dẫn đến tác dụng ngược. Nước Mỹ nhận thức được điều này càng sớm thì thế giới càng sớm có cơ hội quay trở lại con đường phát triển ổn định, bền vững và có thể dự đoán được”.

Ông nói thêm: “Việc giải phóng các thành phố, trước hết là Mariupol, Artemovsk và Avdeevka, là những dấu hiệu rõ ràng về nỗi thống khổ của chế độ Kyiv và sự thất bại của chính sách chống Nga của phương Tây”. Người Nga dùng từ Artemovsk để chỉ thành phố Bakhmut.

3. Mỹ cảnh báo về 'tính toán sai lầm' có thể xảy ra khi Trung Quốc tăng áp lực lên Đài Loan

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “US Warns of Possible 'Miscalculation' As China Ramps Up Pressure on Taiwan”, nghĩa là “Mỹ cảnh báo về 'tính toán sai lầm' có thể xảy ra khi Trung Quốc tăng áp lực lên Đài Loan.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Đình Trinh.

Hoa Kỳ cho biết họ đang “theo dõi chặt chẽ các hành động của Bắc Kinh” sau khi lực lượng bảo vệ bờ biển Trung Quốc chặn một tàu du lịch hôm thứ Hai gần một trong những hòn đảo tiền tuyến của Đài Loan.

Lực lượng bảo vệ bờ biển Đài Loan cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Ba rằng chiếc tàu Đài Loan chở 11 thủy thủ đoàn và 23 khách du lịch đã bị 6 Cảnh sát biển Trung Quốc lên tàu và họ đã xem xét giấy thông hành của họ trong nửa giờ. Các hành khách sau đó nói với truyền thông địa phương rằng họ lo sợ cho tính mạng của mình.

Vụ việc xảy ra một ngày sau khi lực lượng bảo vệ bờ biển Trung Quốc cho biết họ sẽ tăng cường thực thi luật hàng hải xung quanh quần đảo Kim Môn xa xôi của Đài Loan để đáp lại cái chết gần đây của hai ngư dân Trung Quốc, khi chiếc tàu cao tốc của họ — chở bốn người — bị lật úp khi bị chính quyền Đài Loan truy đuổi vì cáo buộc xâm phạm trái phép trong hải phận hạn chế.

Kim Môn, nằm cách thành phố Hạ Môn của Trung Quốc chỉ 6 dặm, đã hứng chịu pháo kích dữ dội trong Chiến tranh Lạnh trong cuộc Khủng hoảng eo biển Đài Loan lần thứ hai năm 1958. Quần đảo này ngày nay là một địa điểm du lịch nổi tiếng, nhưng hầu hết các đảo nhỏ vẫn phải được canh phòng nghiêm ngặt.

Quan Bích Linh (Kuan Bi-ling), nhà lãnh đạo Hội đồng các vấn đề đại dương giám sát Cục Cảnh sát biển Đài Loan, cho biết hôm thứ Ba tại Đài Bắc rằng vụ việc gần Kim Môn đã gây ra “sự hoảng loạn trong công chúng” một cách không cần thiết.

Bà cho rằng các tàu du lịch Trung Quốc và Đài Loan thường xuyên đi vào vùng biển của nhau, nhưng việc kiểm tra là một hành động đi chệch khỏi quy định.

Các nhà quan sát ở Đài Loan cho rằng Bắc Kinh có ý sử dụng lực lượng bảo vệ bờ biển Trung Quốc như một công cụ khác để gây áp lực lên chính phủ Đài Bắc, bao gồm cả việc bác bỏ sự tồn tại của các vùng biển “cấm” hoặc “hạn chế” xung quanh Kim Môn, các ranh giới trên biển đã được cả hai bên tôn trọng trong hơn 30 năm qua.

Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói với Newsweek: “Chúng tôi tiếp tục kêu gọi kiềm chế và không đơn phương thay đổi hiện trạng, vốn đã duy trì hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan và trên toàn khu vực trong nhiều thập kỷ”.

“Chúng tôi kêu gọi Trung Quốc tham gia đối thoại có ý nghĩa với Đài Loan để giảm nguy cơ tính toán sai lầm”, quan chức này nói, đề cập đến Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

Văn phòng các vấn đề Đài Loan ở Bắc Kinh không thể đưa ra bình luận.

Cơ quan bảo vệ bờ biển ở Kim Môn cho biết họ đã trục xuất một tàu của chính phủ Trung Quốc đã ở trong lãnh hải Đài Loan một giờ vào hôm thứ Ba.

Ít nhất một tàu Cảnh sát biển Trung Quốc khác đã đến cách đảo chính Kim Môn 1,5 hải lý vào cuối ngày hôm đó, theo dữ liệu theo dõi tàu được chia sẻ với X bởi Ray Powell, giám đốc dự án SeaLight trực thuộc Đại học Stanford.

Việc liên tục xâm nhập vào lãnh hải của Đài Loan, mặc dù không xảy ra xung quanh Đài Loan, sẽ là điều chưa từng có trong những thập kỷ gần đây và Đài Bắc nhận thức được rằng một vụ việc như vậy có thể dẫn đến một cuộc đối đầu toàn diện.

Bên ngoài cơ quan lập pháp Đài Loan hôm thứ Ba, Triệu Quốc Thần (Chiu Kuo-chen), Bộ trưởng Quốc phòng Đài Loan, cho biết lực lượng vũ trang của hòn đảo sẽ không “tích cực can thiệp” để “tránh chiến tranh”.

“ Nếu chúng tôi can thiệp, xung đột sẽ leo thang và đó không phải là điều chúng tôi muốn thấy,” Ông Triệu nói và hy vọng vấn đề có thể được giải quyết một cách hòa bình.

Lưu Văn (Lii Wen), giám đốc quan hệ quốc tế của Đảng Tiến bộ Dân chủ cầm quyền của Đài Loan, cho biết hôm thứ Ba rằng vụ việc tàu cao tốc là “đáng tiếc” nhưng không nên chính trị hóa.

“Trung Quốc nên coi vụ việc đáng tiếc này là vấn đề thực thi pháp luật mà hai bên có thể cùng nhau giải quyết một cách có trách nhiệm. Nên tránh những diễn giải hoặc phản ứng mang tính chính trị”

“Những nỗ lực của Trung Quốc nhằm làm mờ ranh giới vùng biển hạn chế của Đài Loan là đáng lo ngại, vì điều này có thể dẫn đến việc mở rộng hoạt động thực thi pháp luật của Trung Quốc. Chúng tôi đã thấy xu hướng này trong các cuộc xâm nhập của Trung Quốc qua đường trung tuyến của eo biển Đài Loan và bây giờ là ở vùng biển xung quanh Kim Môn”, ông Lưu nói.

Ông nói: “Những hành động như vậy có nguy cơ gây ra những cuộc đụng độ không chủ ý và làm leo thang căng thẳng không cần thiết ở eo biển Đài Loan”.

Trung Quốc tuyên bố Đài Loan và các hòn đảo xa xôi là một phần lãnh thổ của mình, tất cả đều nằm dưới sự cai trị của Đảng Cộng sản. Đài Bắc từ lâu đã bác bỏ các yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh.

Bất chấp những căng thẳng chính trị kéo dài, hợp tác thực tế ở cấp độ thấp hơn vẫn có thể thực hiện được.

Tân Hoa Xã, cơ quan truyền thông chính thức của Trung Quốc, cho biết các quan chức của Hội Hồng Thập Tự Tuyền Châu sẽ đi cùng gia đình các ngư dân thiệt mạng trong vụ tàu cao tốc và hai ngư dân sống sót đến Kim Môn để đưa họ về nhà.

Lực lượng bảo vệ bờ biển Đài Loan hôm thứ Ba cho biết họ đã hỗ trợ nhóm này đến và sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho chuyến thăm của họ cho đến khi họ trở về Trung Quốc.

4. Tôi sống ở Crimea. Tôi đi ngủ với trang phục đầy đủ lo ngại những người đàn ông có vũ trang vào lúc bình minh

Đó là tâm sự một nữ phóng viên báo chí trong một bài trên tờ Newsweek có nhan đề “I Live in Crimea. I Go to Bed Fully Dressed Expecting Armed Men at Dawn”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Tôi hầu như luôn mặc quần áo khi đi ngủ ở nhà mình ở Crimea; nỗi sợ hãi rằng những người có vũ trang sẽ đột nhập vào phòng lúc bình minh đã ăn sâu vào tâm trí tôi và đã thay đổi thói quen đi ngủ hàng ngày của tôi.

Bạn không chỉ đánh răng và đi ngủ mà còn nhớ sạc điện thoại, máy ảnh, và máy sạc dự phòng.

Bạn không thể tắt điện thoại, ngay cả khi bạn mệt mỏi cũng không thể để nó ở “chế độ ngủ” qua đêm, vì bất cứ lúc nào cũng có thể có tin nhắn về một cuộc khám xét hoặc giam giữ khác.

Và nếu tôi nhận được cuộc gọi vào lúc 5 giờ sáng, điều đó gần như luôn có nghĩa là FSB hoặc cảnh sát Nga đã lại đến nhà ai đó.

Tôi sinh ra ở Uzbekistan, một đất nước đã trở thành quê hương tạm thời, và không tự nguyện, của người Tatars ở Crimea sau khi bị Stalin trục xuất năm 1944. Nhưng nó không thể thay thế Crimea; niềm khao khát nó luôn hiện hữu trong mắt những người lớn tuổi và cha mẹ chúng tôi.

Người ta liên tục nói về việc quay trở lại Crimea cho đến khi điều đó trở nên khả thi. Cha tôi đã tham gia các cuộc biểu tình và hoạt động chính trị của người Tatars Crimea ở Uzbekistan và ở Mạc Tư Khoa. Và cuối cùng, vào năm 1989, cha tôi đã chuyển cả gia đình chúng tôi đến Crimea.

Trong gia đình tôi, trong số tất cả những người bị trục xuất năm 1944, chỉ có bà tôi còn sống trở về nhà. Vào thời điểm đó, hàng ngàn gia đình Crimea Tatar đã ồ ạt rời bỏ nhà cửa ở Uzbekistan và chuyển đến Crimea, giống như những đàn chim.

Chúng tôi định cư ở quận Bakhchisaray của Crimea, nhưng không ở nhà mình. Một gia đình khác sống ở đó sau khi bị trục xuất và chúng tôi chỉ thỉnh thoảng đến thăm.

Tôi hiếm khi rời Crimea quá vài ngày. Tôi có một cái neo vô hình bên trong được thả an toàn ở đây. Kể từ khi kết hôn, tôi đã sống ở Dzhankoy, thị trấn cực bắc của Crimea, cách Kherson, vùng chiến sự giữa Nga và Ukraine, 200 km.

Cho đến tháng 2 năm 2022, tôi đi qua tuyến đường này đến Ukraine, giữ liên lạc với người thân, đồng nghiệp và bạn bè, những người vì sợ bị trả thù nên đã buộc phải rời Crimea sau sự can thiệp của Nga.

Hiện tại, tôi hợp tác với ban biên tập và viết bài về các phiên tòa xét xử tù nhân chính trị ở Crimea, đàn áp các nhà hoạt động dân sự, nhà báo, luật sư, đại diện các tổ chức tôn giáo độc lập.

Đây là một sự lựa chọn có ý thức – tôi không muốn “bức màn sắt” che phủ những câu chuyện này. Đây là sự đóng góp của tôi vào việc khôi phục lại công lý.

Trước năm 2014, tôi có những nguyện vọng hoàn toàn khác về tương lai của mình. Năm 2010, lúc đã có hai con, tôi tốt nghiệp đại học sư phạm và bắt đầu hoạt động giáo dục.

Tôi đang mong chờ thêm một đứa con nữa thì những người được gọi là “những người lịch sự” hay “những người đàn ông nhỏ màu xanh lá cây”, thực ra là lực lượng đặc biệt của quân đội Nga, tiến vào Crimea.

Lần làm quen cá nhân đầu tiên của tôi với họ là ở sân của bệnh viện phụ sản ở Dzhankoy, nơi họ đã bao vây vành đai và thương lượng với ban quản lý bệnh viện.

Islyam sinh ngày 28 tháng 3 năm 2014, hai tuần sau “cuộc trưng cầu dân ý”. Có một trò đùa không hay và tẻ nhạt ở bệnh viện: Tất cả những đứa trẻ trước đây đều là công dân Ukraine, còn đứa này sinh ra ở Nga.

Đối với gia đình tôi, vốn đã mất mát rất nhiều vì vụ trục xuất, điều đó giống như một bản án - chúng tôi một lần nữa phải đối mặt với nhà nước kế nhiệm cho Liên Xô.

Năm 2015, với nỗ lực rất lớn, tôi đã mở trung tâm phát triển trẻ em Crimea Tatar ở Dzhankoy. Tuy nhiên, ba tháng sau, văn phòng công tố Nga đến gặp chúng tôi với lệnh khám xét. Theo họ, chúng tôi đã bị tố cáo nặc danh. Vì bị kiểm tra nhiều lần nên chúng tôi không thể hoạt động bình thường và phải đóng cửa.

Một câu chuyện như vậy minh họa một cách sinh động cách cảnh sát làm việc với các nhà báo và người bảo vệ nhân quyền, xảy ra với tôi vào năm 2019 khi tôi bị giam giữ vì một bài đăng trên Facebook.

Cảnh sát Nga - có vài người trong số họ - đã theo dõi tôi từ sáng sớm khi tôi đi chợ mua đồ, sau đó, cách nhà tôi một dãy nhà, bao vây tôi và tống tôi vào xe hơi.

Tôi không thể từ chối; hành vi này có thể bị phạt bằng một điều khoản hành chính về việc không vâng lời cảnh sát và bị phạt quản thúc hành chính vài ngày. Tức là, dựa trên ngân sách của chính phủ, các sĩ quan cảnh sát, những người lẽ ra phải tham gia giải quyết những tội ác thực sự, đã dành hai ngày cho tôi.

Họ đến bằng xe hơi chính thức từ Simferopol đến Dzhankoy, đưa tôi đến Simferopol và giữ tôi ở đó trong vài giờ. Ngày hôm sau, phiên tòa được tổ chức. Chúng tôi ở đó cả ngày, từ sáng đến tối muộn.

Tôi hỏi họ: “Nghe này, bạn có thấy xấu hổ không?” Tôi có quan điểm khác về công việc của các nhân viên thực thi pháp luật, ngay cả khi luật pháp buộc họ phải tuân theo mệnh lệnh của cấp trên.

Khi thẩm phán quyết định phạt tôi 2.000 rúp, tôi đã bày tỏ ngắn gọn thái độ của mình trước hành động của cảnh sát bằng câu tục ngữ: “Cả một núi lao động cuối cùng chỉ tìm ra một con chuột”.

Thực ra đó là lý do hình thức, dùng để gây áp lực, ngầm nói rõ: Lần này là vụ án hành chính, lần sau có thể sẽ là vụ án hình sự.

Đây là một hoạt động đã có từ lâu nhằm “khuất phục” những người bảo vệ nhân quyền và các nhà báo. Bạn hoặc im lặng, hoặc bạn rời đi. Ngoài ra, bạn tiếp tục làm việc khi biết rằng họ sẽ đến gặp bạn lần nữa, nhưng với những cáo buộc nghiêm trọng hơn.

Và mỗi người phải tự mình lựa chọn cách ứng phó với những “cảnh báo” như vậy.

Vào tháng 7 năm 2023, tôi bị kiện hành chính lần thứ hai. Lần này tôi bị giữ bên ngoài tòa án, mặc dù có thẻ nhà báo và giải thích bằng lời rằng tôi đến để đưa tin.

Tại đồn cảnh sát, họ cố gắng lấy dấu vân tay của tôi một cách bất hợp pháp, chụp ảnh tôi đang cầm số điện thoại để làm cơ sở dữ liệu và lấy mẫu nước bọt. Tôi từ chối và đáp lại tôi bị đe dọa rằng sẽ có một vụ kiện hành chính khác chống lại tôi.

Kết quả là họ đã lập biên bản cảnh sát về tội “vi phạm trật tự công cộng” và phạt tôi thêm 12.000 rúp. Tổng cộng, tôi đã phải ở tòa và làm việc với cảnh sát khoảng 12 giờ đồng hồ. Mặc dù về mặt chính thức tôi thậm chí không bị giam giữ nhưng tôi không thể rời khỏi đồn cảnh sát.

Cảnh sát đã bắt giữ cha tôi hai lần: Vào tháng 4 năm 2017 và vào tháng 8 năm 2023. Trong vụ án đầu tiên, trong khi cuộc khám xét nhà hoạt động người Tatar ở Crimea Seidamet Mustafayev đang được tiến hành, đã xảy ra một vụ ẩu đả gần nhà giữa cảnh sát chống bạo động và người Tatars ở Crimea, những người đã đến kiểm tra. ủng hộ đồng bào của họ.

Cha tôi không thể không đến đó dù tim ông yếu, bị tiểu đường và cao huyết áp. Lần thứ hai ông bị giam bên ngoài tòa án, ông đến đó vì con trai hàng xóm của ông bị giam giữ.

Mẹ tôi cũng bị đưa đến đồn cảnh sát. Không chỉ riêng gia đình tôi - hàng ngàn người Tatars ở Crimea và người Ukraine đã phải trải qua những đợt giam giữ như vậy, bởi vì trong mắt chính quyền Nga, tất cả chúng tôi đều là “những kẻ có khả năng vi phạm pháp luật” hoặc “không đáng tin cậy”.

Về vấn đề ủng hộ Nga ở Crimea: Trước hết, sự nổi tiếng là sự lựa chọn tự nguyện. Khi bạn tự quyết định chính trị gia nào sẽ lãnh đạo đất nước của bạn và họ sẽ bảo đảm rằng các quyền và lợi ích của bạn được thực hiện như thế nào.

Người Tatars ở Crimea có lựa chọn như vậy không? Câu hỏi mang tính tu từ.

Không ai có thể kiểm tra tính xác thực của việc Nga có được lòng dân hay không vì Crimea trên thực tế đã đóng cửa đối với các nhà quan sát độc lập và người bảo vệ nhân quyền. Các tòa soạn báo độc lập đã rời khỏi bán đảo, và hoạt động báo chí phục vụ lợi ích của chính quyền lại có liên quan.

Đồng thời, có khá nhiều người ở Crimea đã “định cư” và chấp nhận quyền tài phán của Nga.

Đồng nghiệp của tôi, nhà báo Igor Vorotnikov, chắc chắn rằng nếu chính quyền Nga nhận được sự hỗ trợ vô điều kiện, họ sẽ không gặp khó khăn với các bài hát Ukraine và bộ móng tay màu vàng và xanh ở Crimea.

Kể từ năm 2014, trải nghiệm đau đớn nhất của tôi là nghe người khác kể lại việc bị tra tấn.

Tôi sẽ trích dẫn một đoạn trong lời khai của Vladislav Yesipenko, một nhà báo của dự án RadioSvoboda, trước tòa: “Một đặc vụ FSB đã đặt tôi xuống sàn bê tông. Tôi bị lột trần và đeo dây đồng vào tai. Tôi cố gắng chống cự nhưng vì đang trần truồng và bị còng tay nên tôi đã thất bại.

“Tôi khỏa thân trên sàn, dây điện được nối vào tai và dòng điện được truyền vào. Cơn đau đến mức đầu óc tôi sôi sục và mắt tôi như muốn nổ tung. Tôi đã la hét rất nhiều, yêu cầu họ dừng lại và đừng làm điều đó, nhưng chuyện đó vẫn tiếp tục.”

Các nhà hoạt động người Tatar ở Crimea Rinat Paralamov, Asan Akhtemov và Enver Krosh cũng phải trải qua hình thức tra tấn bằng điện tương tự. Tất cả họ hiện đang ở trong tù hoặc đã rời khỏi Crimea.

Irina Danilovich, một y tá và nhà báo công dân, đã phải ở trong trại giam của FSB một tuần. Cô bị kết án bảy năm tù và bị đưa đến khu dành cho phụ nữ ở vùng Stavropol của Liên bang Nga.

Điều khó chấp nhận và hiểu nhất là tất cả những người này đều bị tra tấn trong các tòa nhà của dịch vụ đặc biệt và cảnh sát, về mặt lý thuyết, trong một thế giới lý tưởng, phải bảo đảm rằng mọi người được bảo vệ—trước hết là khỏi bạo lực và các phương pháp điều tra bất hợp pháp.

Nhưng thế giới thực thường khác với những gì chúng ta tin tưởng.

Tôi lo sợ cho quốc gia nhỏ bé của mình. Nó đang trên bờ vực tuyệt chủng. Có cả những rủi ro về thể chất và mức độ đồng hóa ngày càng tăng. Mối quan tâm chung của tôi là dành cho tất cả người dân Crimea - tôi chân thành mong muốn họ không trở thành nạn nhân.

Tương lai của Crimea rất khó dự đoán nên tôi sẽ không đưa ra bất kỳ dự đoán nào.

Crimea, giống như những thế kỷ trước, vẫn là trung tâm lợi ích của chính trị quốc tế và nó đã trở thành đối tượng chú ý của nhiều “người chơi toàn cầu”.

Trong cơn bão này, điều tôi mong muốn nhất là vẫn là con người, trung thực với những nguyên tắc và ý tưởng của mình. Chúng ta chấp nhận rủi ro, chúng ta không an toàn, chúng ta không biết ngày mai sẽ ra sao. Nhưng đây là nhà của chúng tôi.
 
ĐHY Müller cảnh giác: Tuyên ngôn Fiducia có thể dẫn tới rối đạo. Hương Cảng có đến 1.788 Navalny
VietCatholic Media
17:23 23/02/2024


1. Các vụ bài Do thái tăng vọt tại Anh quốc

Những vụ bài Do thái tăng vọt tại Anh quốc, từ sau cuộc tấn công khủng bố ngày 07 tháng Mười năm ngoái của Hamas chống Israel và cuộc trả đũa khốc liệt của Israel tại Gaza.

Tổ chức tên là “Quỹ An ninh Cộng đồng” (Community Security Trust), gọi tắt là CST, chuyên kiểm điểm những vụ bài Do thái tại Anh quốc, đã thống kê được 4.103 vụ bài Do thái trong năm ngoái, tức là gần gấp đôi con số kỷ lục đã ghi nhận trong năm 2021, và tăng 147% so với năm 2022.

Hai phần ba những vụ bài Do thái xảy ra sau cuộc tấn công của Hamas chống Israel, làm cho 1.160 người chết và hơn 150 người bị Do thái bị bắt làm con tin. Số người Palestine thiệt mạng vì các cuộc tấn công trả đũa và lùng bắt của Israel tại Gaza, cho đến nay đã lên tới khoảng 30.000 người.

Quỹ CST cũng nhắm bảo đảm an ninh cho các trường học và nơi thờ phượng của người Do thái ở Anh quốc. Giám đốc điều hành Quỹ này, là ông Mark Gardner nói rằng: “những vụ tấn công người Do thái xảy ra trong các trường học, đại học và nhất là trên các mạng xã hội. Người Do thái tại Anh quốc rất mạnh và kiên cường, nhưng sự bùng nổ oán ghét chống lại cộng đoàn chúng tôi là một sự ô nhục tuyệt đối. Cộng đồng chúng tôi bị bao vây, hăm dọa, tấn công, do những thành phần cực đoan. Đó là một thách đố đối với tất cả mọi người, và chúng tôi lên án sự im lặng như tờ của những lãnh vực trong xã hội, vốn mạnh mẽ hăng hái tố giác kỳ thị chủng tộc trong tất cả những trường hợp khác, ngoại trừ trong vụ oán ghét chống người Do thái”. Bộ trưởng nội vụ Anh, ông James Cleverly, cũng lên án những vụ bài Do thái và hứa làm tất cả những gì có thể trong quyền hạn của ông để chống lại hiện tượng này.

Ngoài ra, hồi tháng Mười Hai năm ngoái, Hiệp hội Tell Mama, điều tra về những vụ chống Hồi giáo, cũng tố giác rằng con số những vụ chống Hồi giáo từ ngày 07 tháng Mười đến ngày 13 tháng Mười Hai năm ngoái, là 1.432 vụ, tức là tăng gấp bảy lần so với 195 vụ cùng thời gian trong năm 2022 trước đó.

Nói chung, tại các nước Âu châu đều có sự gia tăng mạnh những vụ tấn công, bài Do thái, tình trạng cũng đáng lo âu tại Đức, Pháp, Bỉ và cả Thụy Sĩ.

2. Asia New: Tại Hương Cảng có 1.788 Navalny

Dư luận Âu Mỹ phẫn nộ vì nhà đối lập Alexei Navalny bị chết trong nhà tù ở miền bắc Siberia. Hãng tin Công Giáo Á châu, Asia News, lưu ý dư luận thế giới rằng ở Hương Cảng đang có 1.788 người bị giam cầm giống như Navalny ở Nga.

Trường hợp nổi tiếng nhất là ông Jimmy Lai, tên Hoa đầy đủ là Lê Trí Anh, đại doanh nhân, chủ nhiệm báo Apple Daily bị nhà cầm quyền Hương Cảng đóng cửa hồi năm 2021, và hiện đang bị xét xử trong một vụ án, qua đó bất kỳ lời nói và cử chỉ này cũng có thể bị dùng như bằng chứng về “Âm mưu của ngoại bang” theo luật về an ninh quốc gia.

Ông Jimmy Lai, 76 tuổi, là một tín hữu Công Giáo, từ hơn ba năm nay đang bị cầm tù. Con ông là Sebastian nhiều lần lên tiếng bày tỏ lo âu cho sức khỏe của cha và lo ngại rằng cha có thể chết trong tù.

Nhưng trường hợp ông Jimmy Lai chỉ là một vụ hiển hiện nhất trong số hàng trăm người đối lập kiểu Navalny đang bị cầm tù ở Hương Cảng. Theo con số cập nhật của Hội đồng Dân chủ Hương Cảng, công bố hôm mùng 08 tháng Hai vừa qua, hiện nay có 1.788 tù nhân chính trị trong các nhà tù ở Hương Cảng, và con số này tiếp tục gia tăng: trong những tuần đầu năm 2024 này, có thêm 24 người bị đưa vào tù, trong năm ngoái, có 483 người và trong năm 2022 trước đó, có 376 người.

Trong những ngày này, một trong những mạng nổi tiếng nhất của những người Hoa đối lập lưu vong, mạng Mùa Xuân Bắc Kinh (Beijing Spring), đã công khai liên kết cái chết của ông Navalny bên Nga với cái chết của Lưu Hiểu Ba (Liu Xiaobo), người đối lập ở Trung Quốc, đã được giải Nobel Hòa Bình năm 2017 chết trong tù, và ông Bằng Minh (Peng Ming), một tín hữu Kitô tranh đấu cho nhân quyền bị kết án tù chung thân và chết trong tù ở tỉnh Hồ Bắc năm trước đó.

Phái viên hãng thông tấn Pháp AFP yêu cầu phát ngôn viên Bộ ngoại giao Trung Quốc bình luận về vụ Navalny chết rũ tù ở Nga, thì được trả lời rằng: “Đó là chuyện nội bộ của Nga, chúng tôi không có bình luận gì về vấn đề này”.

3. Đức Hồng Y Müller cảnh giác: Tuyên ngôn Fiducia supplicans có thể dẫn tới rối đạo

Trong một bài viết đăng trên tạp chí “First Things”, Những điều đầu tiên, mới xuất bản hôm 16 tháng Hai ở Mỹ, Đức Hồng Y Gerhard Müller, nguyên Tổng trưởng Bộ Giáo lý đức tin, cảnh giác rằng tuyên ngôn “Fiducia supplicans”, Lòng tín thác khẩn cầu, của Bộ Giáo lý đức tin, công bố ngày 18 tháng Mười Hai năm ngoái về việc chúc lành cho các cặp đồng phái, có thể dẫn tới lạc giáo, hay rối đạo.

Trong bài này, Đức Hồng Y Müller nhấn mạnh rằng: “Chúc lành cho những người như những cặp đồng phái có nghĩa là phê chuẩn sự kết hiệp của họ, cho dù không coi sự kết hiệp này như hôn phối. Vì thế, đó là một đạo lý trái ngược với giáo huấn của Giáo Hội Công Giáo, vì sự chấp nhận việc chúc lành này, cho dù không trực tiếp là rối đạo, nhưng theo đúng lý luận, thì nó dẫn đến lạc giáo”.

Bài báo của Đức Hồng Y Müller phi bác từng điểm trong bài bênh vực Tuyên ngôn do Đức Hồng Y Victor Manuel Fernandez, đương kim Tổng trưởng Bộ Giáo lý đức tin, công bố ngày 04 tháng Giêng năm nay để biện minh cho Tuyên ngôn ngài đã công bố ngày 18 tháng Mười Hai năm 2023 trước đó, để xác quyết rằng Tuyên ngôn “Lòng tín thác khẩn cầu” không đi trệch giáo huấn của Giáo hội. Đặc biệt, Đức Hồng Y Müller phi bác lập luận cho rằng kỷ luật có thể biến chuyển như ý muốn, để rồi tạo nên một sự tách biệt rõ ràng giữa đạo lý và thực hành. Trong trường hợp Tuyên ngôn “Lòng tín thác khẩn cầu”, đây là trường hợp cho phép chúc lành các cặp sống với nhau như vợ chồng hoặc đồng giới tính, đạo lý Công Giáo về hôn phối và tính dục rốt cuộc bị nói ngược lại “trong thực hành, cho dù không phải trong lời nói”.

Nguyên tắc rõ ràng cho bất kỳ ai, dù họ chỉ am tường sơ sơ về lịch sử Giáo hội, đều biết rằng trong số những tranh luận sôi nổi nhất trong những thế kỷ đầu tiên, chúng ta thấy tranh luận về thói quen rửa tội lại hoặc không tái rửa tội cho những người đã lãnh nhận bí tích rửa tội từ tay những người lạc giáo hoặc ly giáo; hoặc về sự cần thiết phải rửa tội lại cho các trẻ em. Những biện pháp thực hành này hiển nhiên là có liên hệ chặt chẽ với đạo lý.

Đức Hồng Y Müller nhấn mạnh rằng: “thực vậy, có những kỷ luật Công Giáo không thể bị thay đổi mà không loại bỏ đạo lý Công Giáo”, như nguyên tắc thần học của thánh Tôma Aquinô, theo đó đáng tiếc có thể xảy ra là người ta du nhập sự giả dối trong các dấu hiệu bí tích, cho dù trên lý thuyết người ta chấp nhận đạo lý.

Đức Hồng Y Müller đặc biệt phê bình việc phân biệt sự chúc lành theo nghi thức phụng vụ và chúc lành mục vụ, chúc lành cho sự kết hiệp và chúc lành cho cặp đôi, và sau cùng là lời quả quyết rằng sự chúc lành hướng tới thiện ích, tới điều tốt đẹp trong quan hệ giữa hai người, chứ không nhắm tới sự xáo trộn về tính dục.

Tóm lại, Đức Hồng Y Müller muốn khẳng định rằng không những là một khả thể, nhưng còn là một nghĩa vụ từ khước những thứ chúc lành mục vụ cho các cặp đồng phái, nhất là từ phía những người, khi lãnh nhận giáo vụ, họ tuyên xưng đức tin và tuyên thệ trung thành, bảo tồn trọn vẹn kho tàng đức tin. Vì lòng yêu mến đức tin Công Giáo và yêu mến chính đấng Kế vị thánh Phêrô, cần kháng cự lại điểm này. “Thánh Phaolô đã công khai và không chút do dự chống lại việc thực thi mơ hồ quyền tối thượng từ phía thánh Phêrô, người anh em trong Tông đồ đoàn, vì thánh Phêrô, với cách hành xử sai trái, gây nguy hiểm cho đức tin chân chính và phần rỗi của các tín hữu, không phải về sự tuyên xưng tín lý đức tin Kitô, nhưng về sự thực hành đời sống Kitô”.