Ngày 20-02-2016
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
03:51 20/02/2016
97. ĐI THĂM KÊ KHANG.
Chung Sĩ và Lý Tinh đều rất có tài và có học vấn.
Họ không quen biết Kê Khang nhưng cùng nhau đi làm quen với Kê Khang, một ngày nọ thấy Kê Khang đang ngồi rèn khí cụ dưới gốc cây cổ thụ và Hướng Tử Kỳ đang ở bên kéo đồ thổi bể cho lửa cháy.
Kê Khang làm như không biết bên cạnh có người, nên chỉ lo việc rèn khí cụ và làm không ngừng tay, cho đến gần tối mà cũng không nói với họ một tiếng, họ bèn bỏ đi.
Kê Khang nói:
- “Nghe được cái gì mà đến, thấy được cái gì mà đi ?”
Chung Sĩ trả lời:
- “Nghe được cái muốn nghe mà đến, thấy được cái muốn thấy mà đi.”
(Thế Thuyết Tân Ngữ)

Suy tư 97:
Người có thực tài học vấn là người không câu nệ tiểu tiết, họ mong mỏi muốn nghe được những lời nói, những tư tưởng hay của người khác, cho nên họ không quản ngại đường xa đường gần mà đi tìm, họ không tự cao tự đại trong kiến thức và học vấn của mình.
Có người mới kết thúc khóa học thì quăng sách vở vào xó, nói: “Học nhiều quá rồi” và từ đó không còn “rờ” tới quyển sách nữa; có người khi nghe người ta nói cha này giảng hay, cha nọ giảng có tư tưởng thì phản bác: “Tư tưởng đó cũ rích rồi, không hợp thời.”...
Người thời xưa “nghe được cái muốn nghe mà đến, thấy được cái muốn thấy mà đi” nên họ đã trở thành những người uyên bác và có lòng khiêm tốn, còn người thời nay thì “nghe được cái muốn nghe mà không đến vì kiêu ngạo, thấy được cái muốn thấy mà không đi vì bận cãi lý và cho mình là hay là giỏi, cho nên suốt đời tâm hồn của họ cứ bị nhốt trong ngục tù kiêu ngạo và ích kỷ...
Người kiêu ngạo nhìn cái hay của người khác để chê bai; người khiêm tốn nhìn cái dở của người khác để răn mình.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư

-------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi Tuần SỐNG Một Câu Lời Chúa (CN 2 MC)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
03:53 20/02/2016
Chúa Nhật 2 MÙA CHAY

Tin mừng : Lc 9, 28b-36
“Đang lúc Đúc Giê-su cầu nguyện, dung mạo Ngài bổng đổi khác.”


Anh chị em thân mến,
Đức Chúa Giê-su biến hình sáng láng tốt lành là một trong những biến cố quan trọng của Phúc Âm, để củng cố đức tin cho các tông đồ, cũng như mạc khải cho các ông biết về vinh quang và nguồn gốc của Đức Chúa Giê-su, từ cuộc biến hình này của Ngài, mà Ngài muốn hướng chúng ta đến hai điểm:
- Sự đổi mới ở đời này.
- Sự biến hình ở đời sau.

1. Đổi mới ở đời này.
Điển hình một: Người hàng xóm của chúng ta có tật xấu là hay đi nói chuyện của người khác khiến ai cũng phải tránh, hôm nay tự nhiên trở nên tốt lành sẵn lòng giúp đỡ người khác, ăn nói nhỏ nhẹ: đó là cuộc biến hình đổi đời của họ...

Điển hình hai: Anh thanh niên ấy ngày ngày uống rượu, đức hạnh được gọi là xấu xa, hôm nay tự nhiên sống tốt lành, siêng năng đi lễ và hay giúp đỡ người khác: đó là cuộc biến hình đổi mới của anh ta.

Điển hình ba: Trong cuộc sống hằng ngày tôi đã tự kiêu, thường hay phê bình người khác, thường hay thoá mạ chửi bới người khác, nay tôi đã trở nên một người sống chan hoà giữa anh em chị em, tôi đã đổi mới cuộc sống của mình cho phù hợp với tinh thần Phúc Âm...

Cuộc đổi mới này của người hàng xóm, của người thanh niên, của tôi hoặc của bạn hoặc của tất cả những người tội lỗi nào khác, đều được ân sủng của Thiên Chúa đánh động trong tâm hồn, Đức Chúa Giê-su biến hình trên núi là để cho những người tội lỗi hôm nay là chúng ta có niềm hy vọng: đó là hy vọng từ cõi chết qua sự sống, từ tội lỗi đến hoán cải và trở nên con người mới trong Đức Ki-tô.

Cuộc đổi mới này không đợi đến ngày tận thế để cũng như không đợi đến ngày lên thiên đàng mới được biến hình sáng láng tốt lành, nhưng cuộc đổi mới này sẽ ảnh hưởng rất lớn trong ngày chúng ta đứng trước tòa phán xét của Thiên Chúa.

2. Biến hình ở đời sau.
Cuộc biến hình của chúng ta ở đời sau đều tuỳ thuộc vào cuộc đổi mới của chúng ta ở ngày hôm nay, ngày hôm nay chúng ta đổi mới con người cũ của mình từ cuộc sống bon chen phù phiếm vật chất, đến cuộc sống tích cực tìm Nước Chúa trong đời sống thường ngày; ngày hôm nay chúng ta đổi mới cuộc sống không phù hợp với đạo lý của Phúc Âm, để trở thành con người mẫu mực tuân giữ và thực hành Lời Chúa dạy trong cuộc sống.

Đức Chúa Giê-su đã biến hình trước mặt các tông đồ không phải là chuyện thần thoại cổ tích, nhưng là một thực tại có thật với quyền năng của Thiên Chúa, thực tại này sẽ được bày tỏ rõ ràng trong ngày Ngài phục sinh vinh hiển, và dù cho Ngài có chịu nhiều đau khổ, chịu chết nhục nhã chăng nữa, thì thực tại vinh quang này vẫn sẽ được thực hiện, bởi vì đó là chân lý của những ai tin vào Ngài...

Anh chị em thân mến,
Thánh sử Lu-ca tường thuật rằng, có ông Môi-sen và tiên tri Ê-li-a hiện ra khi Đức Chúa Giê-su biến hình sáng láng là để cho chúng ta biết: Ngài đến để làm cho lề luật nên trọn hảo, và lời loan báo của các tiên tri về Ngài đã được ứng nghiệm.

Tuy nhiên có một điều rõ ràng nhất mà chúng ta cảm nghiệm được khi đổi mới con người cũ của mình, đó là khi chúng ta tuân giữ lề luật và giới răn của Chúa, khi chúng ta quyết tâm trở nên người môn đệ của Chúa, thì chúng ta cảm thấy như có một sức mạnh thần thiêng thôi thúc trong tâm hồn, khiến chúng ta vui vẻ hân hoan và sống hướng thiện ngay trong đời sống đời thường, đó chính là sự đổi mới cuộc sống đích thực của tâm hồn chúng ta khi chúng ta thực hành Lời Chúa vậy.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.
-----------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
03:57 20/02/2016

18. Nên biết trinh khiết là đặc ân của Thiên Chúa, không nên nghĩ đến dựa vào sức mạnh của mình thì mới có thể giữ được, bởi vì con người dù lao tâm phí sức như thế nào chăng nữa, thì cũng không thể giữ được trinh khiết.

(Thánh Gatien)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức"

-----------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Những con đường thế giới sẽ đầy hoa
Lm. Giuse Trương Đình Hiền
07:57 20/02/2016
NHỮNG CON ĐƯỜNG THẾ GIỚI SẼ ĐẦY HOA

(Cn II MC năm C 2016)

Một trong những gợi ý đặc biệt của Mùa Chay dành cho cộng đoàn Kitô hữu đó chính là lên đường, ra đi, lột xác.

Một cuộc lên đường để tiến bước trên một lộ trình mới : lộ trình của một Đức Tin luôn hướng về Chúa là tiêu đích, một Đức Cậy luôn đặt niềm hy vọng nơi Chúa là điểm tựa và một Đức Ái sẵn sàng đồng hành với Chúa để gieo vãi những hạt mầm yêu thương. Ý nghĩa nầy đã âm vang đâu đó trong một định nghĩa đầy thi vị về cuộc đời của nhà văn nổi tiếng của Pháp vào thế kỷ thứ 16, Michel Montaigne (1533-1592) : “Si la vie n’est q’un passage, sur ce passage au moins semons des fleurs”. Tạm dịch : “Nếu cuộc đời chỉ là một chuyến đi, thì ít nữa, trên chuyến đi đó, chúng ta hãy gieo những bông hoa”

Và ai đó đã chuyển tác thành những câu thơ :

Đời con như một chuyến đi dài,
Dọc hành trình con âu yếm trên tay,
Những hạt mầm cho tương lai rực rỡ,
Con gieo xuống trên vệ đường đất đỏ,
Thật trìu mến như muốn ngỏ tình yêu…


Lời Chúa quả thật đã khéo léo dẫn dụ chúng ta lên đường sống các ý nghĩa thâm thúy nầy qua các hình tượng : Cụ Tổ Abraham lên đường đi khỏi thành Ur để đón nhận giao ước của Giavê (BĐ 1) ; Đức Kitô lên núi Tabor rồi biến đổi hình dạng nên rực rỡ sáng ngời (Trình thuật biến hình của Tin Mừng Luca). Ý nghĩa nầy lại được củng cố thêm với lời khuyên của thánh Phaolô kêu gọi những người Kitô hữu là những kẻ đang ngóng đợi ngày quang lâm của Đức Kitô và luôn đưa mắt hướng về quê hương Nước trời ngược lại với những kẻ “chỉ nghĩ đến những sự thế gian”và luôn “tôn thờ cái bụng” (BĐ 2).

Một cách cụ thể : trong Mùa Chay nầy làm sao thiết lập cho được những cuộc hành trình tâm linh, những cuộc lên đường đức tin : hành trình yêu thương, hành trình khoan dung tha thứ, hành trình phục vụ quảng đại, hành trình sám hối đổi đời…. Đó là những cuộc hành trình của quan hệ yêu thương gia đình từ chồng đến với vợ, từ con cái đến với cha mẹ ; đó là những cuộc hành trình bác ái yêu thương trong quan hệ giữa người với người, từ căn hộ nầy đến mái nhà kia ; đó là những cuộc hành trình đạo đức sốt sắng từ gia đình đến nhà thờ, từ lương tâm sám hối đến với tòa giải tội, từ biếng nhác nguội lạnh bên quán nhậu hay phim ảnh truyền hình đến với những tràng hạt Mân Côi hay giờ kinh tối gia đình… ; đó là những cuộc hành trình thực thi liêm chính công bình khi can đảm “nói không” với những toan tính vụ lợi của bon chen mung mánh, giả dối lọc lừa, để sẵn sàng “nói có” với việc thực thi công bình chính trực ; đó là những cuộc hành trình sẻ chia và bác ái phục vụ, cuộc hành trình sẵn sàng giã từ những hưởng thụ, nhậu nhẹt đình đám say sưa để bước đến ủi an, giúp đỡ phục vụ những người yếu đau bệnh hoạn, đói nghèo ….

Xem ra những cuộc hành trình như thế thật là quá khó đối với nhiều người. Bởi chưng, bản chất của con người sau biến cố “trái cấm” gần như muốn đi theo vết xe đỗ của A-đam, E-Va, thay vì nghiêm túc trung thành giữ luật lệ của Thiên Chúa trong khổ chế hy sinh, trong trung thành chung thủy, trong quảng đại sẻ chia…thì sẵn sàng đưa tay “hái trái cấm ngọt ngào” để “thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt, còn hơn là le lói suốt năm canh”, thà lầm lũi bước đi như Giuđa trong đêm tối với “ba mươi đồng bạc phản bội” hơn là ngồi lại với anh em trong bàn tiệc ly thân thương huynh đệ…

Trong cuộc sống đức tin giữa đời thường hôm nay, có bao nhiêu cuộc “hành trình” như thế mà chúng ta chưa làm được hoặc chúng ta cố tình lảng tránh để ở lại trong một thứ “tháp ngà” dễ chịu và quen thuộc của tính hư tật xấu, của ích kỷ nhỏ nhen, của tự hào biệt phái…

Chính vì thế, cuộc “Biến Hình” trên núi Ta-bor không bao giờ “chỉ là kỷ niệm quá khứ” để gật gù chiêm ngưỡng thán phục, mà luôn mãi là “phấn đấu nỗ lực hôm nay” để biến đổi chính mình và làm tốt xã hội chung quanh ; cũng thế, những bước chân tin tưởng vững vàng của cụ tổ Abraham không chỉ là “tìm lại ảnh hình trong cuốn nhật ký cứu độ” để giải khuây trong chốc lát, mà mãi mãi sẽ là ngọn đuốc dẫn đường cho những người tin nối gót theo sau trên cuộc hành trình về Đất Hứa. Đức tin không bao giờ là một “đức tin thụt lùi, ở lại”, hay ũ rũ nằm im trong tiêu cực, biếng lười. Bởi vì, tôi chỉ thực sự là Kitô hữu khi tôi can đảm lột xác để trở thành “muối, men, ánh sáng cho đời”, hay khi tôi thực sự “biến hình” để trở nên “đồng hình đồng dạng với Đức Kitô”.

Tóm lại, trong khi cộng đoàn đang nỗ lực tiến bước trên con đường Mùa Chay với khổ chế và hy sinh, thì sự Biến hình của Đức Kitô hôm nay là một lời nhắn gởi, động viên để tất cả chúng ta cùng vươn cao đi tới “Bàn tiệc Nước Trời” trong tin yêu và hy vọng. Tin rằng, cho dù có những lúc phải đối diện với gian nan thử thách, với cay đắng hy sinh hay đêm tối ngục tù thì Chúa vẫn hiện diện ngay bên khi ta ngước mắt kêu cầu, để “phục sinh” tất cả trong rạng ngời ân sủng hôm nay và trong hạnh phúc viên mãn của Nước Trời mai hậu.

Và như thế, cuộc "lên đường, ra đi và lột xác" của Mùa Chay, lại làm mọc lên muôn đóa hoa rực rỡ, để tô thắm cho cuộc đời rong rêu của chính ta hay của bao con đường nhân sinh trong cõi ta bà đầy hoang vu sỏi đá nầy ! Vâng, ai là người kitô hữu và thật sự sống trọn vẹn ý nghĩa của Mùa Chay đều có quyền hy vọng : những con đường thế giới sẽ đầy hoa.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Bài Ave Maria của một nữ bệnh nhân ung thư khiến người rơi lệ
VietCatholic Network
23:50 20/02/2016
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Chiều ngày 14 tháng 2, Đức Thánh Cha đã viếng thăm bệnh viện nhi đồng Federico Gómez ở thủ đô Mễ Tây Cơ, và khuyến khích phương pháp “trị liệu bằng sự dịu dàng âu yếm”.

Sau thánh lễ ban sáng tại thành phố Ecatepec, lúc gần 5 giờ chiều Chúa Nhật 14 tháng 2, Đức Thánh Cha đã đáp trực thăng bay trở về thủ đô rồi từ đây dùng xe đi tới bệnh viện nhi đồng Federico Gómez cách đó 6.5 cây số để viếng thăm. Bệnh viện này được khánh thành cách đây 73 năm (1943) và mang tên bác sĩ giám đốc đầu tiên. Bệnh viện nổi tiếng này trở thành điểm tham chiếu về y khoa cho vùng Trung và Nam Mỹ. Hơn 8 ngàn bác sĩ nhi đồng người Mễ Tây Cơ đã được huấn luyện tại nhà thương này, và bệnh viện cũng thường xuyên gởi hàng trăm bác sĩ đi học chuyên môn thêm ở nước ngoài. Bệnh viện có 212 giường được chia làm 30 khu vực chuyên môn. Đức Gioan Phaolô 2 cũng đã đến thăm nhà thương nhi đồng này trong chuyến viếng thăm đầu tiên của ngài tại Mễ Tây Cơ hồi năm 1979.

Khi đến nơi vào lúc gần 6 giờ chiều, sớm hơn chương trình dự định, Đức Thánh Cha đã được bà Angelica Rivera, phu nhân tổng thống Enrique Pena Nieto, và cũng là ân nhân của bệnh viện, bác sĩ giám đốc nhà thương, đại diện các ân nhân và một nữ bệnh nhân 38 tuổi bị ung thư, tiếp đón và hướng dẫn vào thính đường để gặp các em bệnh nhân ở đây, hàng trăm em ngồi trên xe lăn. Đức Thánh Cha chào thăm nhiều em, tặng mỗi em xâu chuỗi mân côi. Ngài cũng làm phép một xâu chuỗi của một em bé và xin em cầu nguyện cho ngài. Các em rất phấn khỏi, nhiều em đứng lên xe lăn của mình để chào Đức Thánh Cha. Có những em tặng ngài những hình các em vẽ. Nữ bệnh nhân, 15 tuổi, bị ung thư đã làm cho Đức Thánh Cha và nhiều người xúc động khi em cất tiếng hát bài Ave Maria nổi tiếng của Schubert.

Trong bài huấn từ tại đây, Đức Thánh Cha cám ơn các em vì sự đón tiếp nồng hậu. Ngài nhắc đến trình thuật Tin Mừng về việc dâng Chúa hài nhi vào Đền Thánh. Cụ già Simeon cũng ở đó, khi thấy Chúa Hài Đồng, cụ rất vui mừng, bồng ẵm Hài Nhi Giêsu trong tay, và đầy lòng vui mừng và biết ơn, cụ chúc tụng Chúa. Khi thấy Hài Nhi Giêsu khơi lên trong cụ già hai điều: cảm thức biết ơn và ước muốn chúc tụng. Ngài nói:

“Simeon là người “ông” dạy chúng ta hai thái độ cơ bản này: cảm tạ và chúc tụng.

“Ở đây (và không phải chỉ vì tuổi tác thôi), cha cũng cảm thấy rất gần hai giáo huấn này của cụ Simeon. Một đàng, khi tiến qua cửa này và thấy những đôi mắt, nụ cười và khuôn mặt của các con cha cảm thấy ước muốn cảm tạ. Cảm tạ vì lòng quí mến của các con dành cho cha, cảm tạ vì cha thấy lòng quí mến qua đó các con được săn sóc và tháp tùng. Cảm tạ vì cố gắng của bao nhiêu người đang nỗ lực hết sức để các con sớm được bình phục.

Đồng thời cha cũng muốn chúc lành cho các con. Cha muốn xin Chúa chúc lành, tháp tùng các con và gia đình các con, tất cả những người làm việc ở nhà này, và họ làm cho nụ cười tiếp tục tăng trưởng mỗi ngày.

Đức Thánh Cha nói thêm rằng:

Các con có biết thổ dân Juan Diego không? Khi chú của cậu bé Juan bị bệnh, cậu bé rát lo lắng. Trong lúc đó Đức Mẹ Guadalupe hiện ra và nói với cậu bé: “Con đừng lo lắng và lo âu điều gì. Mẹ ở đây không phải là Mẹ của con sao?”

Chúng ta có Mẹ chúng ta: chúng ta hãy cầu xin Mẹ ban Chúa Giêsu Con của Mẹ cho chúng ta. Chúng ta hãy nhắm mắt lại và xin Mẹ điều mà tâm hồn chúng đang mong ước ngày hôm nay, và cùng nhau chúng ta hãy đọc kinh Kính Mừng..

Trong cuộc viếng thăm, một nhân viên nhà thương xin Đức Thánh Cha giúp phát động và đẩy mạnh chiến dịch chủng ngừa cho các em chống bệnh sốt tê liệt.

Đức Thánh Cha nhận lời và ngài làm với sự cộng tác của em bé Rodrigo Lopez Miranda, 5 tuổi. Cậu bé há to miệng để Đức Thánh Cha bóp giọt nước vào miệng em và nói: “con nuốt đi!”. Cậu bé Rodrigo tặng Đức Thánh Cha bức tranh em vẽ và leo lên tay ngài để ôm hôn.

Đức Thánh Cha không quên cám ơn các bác sĩ và y tá, cũng như các nhân viên khác và gia đình các em vì sự dịu hiền dành cho các em bệnh nhân. Ngài nói “Dịu dàng trị liệu pháp thật là điều quan trọng; đôi khi sự vuốt ve dịu dàng có thể giúp ích nhiều cho sự phục hồi của các em”.

Ngài cũng tiến vào khu bệnh ung thư, vào các phòng để thăm hỏi các em bệnh nhân, nhất là những em không thể rời khỏi giường.

Đức Thánh Cha ban phép lành và giã từ mọi người, rồi trở về tòa Sứ Thần Tòa Thánh cách đó 11 cây số để dùng bữa tối và nghỉ đêm.

Giám đốc phòng báo chí Tòa Thánh, tháp tùng Đức Thánh Cha trong cuộc viếng thăm, cho biết trong ngày thứ bẩy 13 tháng 2, tổng cộng có tới 1 triệu người Mễ Tây Cơ đã chào đón Đức Thánh Cha. Cả ngày Chúa Nhật 14-2, cũng có tới 1 triệu người nghinh đón Đức Thánh Cha qua các lộ trình ngài đi qua, trong khi 300 ngàn tín hữu đã tham dự thánh lễ với ngài tại thành phố Ecatepec.

Trước khi đến địa điểm cử hành thánh lễ, máy bay trực thăng chở Đức Thánh Cha đã bay ở cao độ thấp gần kim tự tháp của nền văn minh tiền Axteca, tức là trước thế kỷ thứ 5.

Cha Lombardi cũng tiết lộ rằng có một nhóm 6 cha dòng Tên đã đến thăm Đức Thánh Cha tại tòa Sứ Thần Tòa Thánh ở thủ đô Mễ Tây Cơ. Trong dịp này ngài bày tỏ lòng biết ơn đối với dân chúng Mễ Tây Cơ đã đổ dồn ra các đường phố nơi ngài đi qua để bày tỏ tâm tình quí mến đối với ngài. Ngài nhận xét rằng “Tất cả những người dân ấy được thúc đẩy do tâm tình quí mến nhưng không đối với Giáo Hoàng”.

Trong cuộc nói chuyện thân mật, các tu sĩ dòng Tên ở thủ đô Mễ Tây Cơ đã tặng Đức Thánh Cha hài cốt của thánh Miguel Pro, dòng Tên, tử đạo ngày 23-11 năm 1927 trong cuộc bách hại chống các tín hữu Kitô. Cha Pro đã được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô 2 phong chân phước ngày 25-9 năm 1988 và tiến trình phong hiển thánh cho cha đang được tiến hành.

Sau cùng cha Lombardi cho biết trong lúc di chuyển bằng xe ở thủ đô Mễ Tây Cơ, Đức Thánh Cha đã dừng lại trước nữ Đan viện Đức Mẹ Thăm viếng, là Đan viện lớn nhất của Mễ Tây Cơ với 53 nữ đan sĩ và 18 tập sinh.
 
Đức Thánh Cha tưởng niệm các nạn nhân chết trên đường vượt biên từ Mễ Tây Cơ sang Hoa Kỳ
VietCatholic Network
23:50 20/02/2016
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Thứ Tư 17 tháng Hai là ngày cuối cùng trong chuyến tông du Mễ Tây Cơ, Đức Thánh Cha đã thăm vùng biên giới Mỹ Mễ. Tại đây, Đức Thánh Cha khẳng định rằng không biên giới nào ngăn cản chúng ta là một gia đình

Đức Giáo Hoàng Phanxicô lớn tiếng tố cáo các bất công trầm trọng chống lại hàng trăm nghìn di dân đang trốn chạy nghèo đói và bạo lực và lên án việc buôn người.

Cử hành Thánh Lễ tại Ciudad Juárez lúc 4 giờ chiều, biến cố cuối cùng trong chuyến viếng thăm Mễ Tây Cơ của ngài, Đức Giáo Hoàng nói về hiện tượng buộc phải di cư khắp thế giới.

Ngài cho hay: “Ở đây, tại Ciudad Juárez, cũng như tại các khu vực biên giới khác, có hàng trăm nghìn di dân từ Trung Mỹ và các nước khác, không quên nhiều người Mễ Tây Cơ cũng tìm cách vuợt qua “phía bên kia”. Mỗi bước, cuộc hành trình đều chất nặng các bất công trầm trọng: con người bị nô dịch, cầm tù và tống tiền; biết bao anh chị em này của chúng ta là hậu quả của việc buôn người”.

Bài giảng của Đức Thánh Cha được đọc trong Thánh Lễ tại Khu Chợ Phiên của Juárez City với hơn 200,000 tín hữu tham dự.

Ngài cũng vươn tới khoảng 300,000 tín hữu nữa tham dự biến cố này qua hệ thống “livestream” phát tuyến tại một sân túc cầu ở bên kia biên giới, tại thành phố Tây Texas là El Paso.

Sau đây là nguyên văn bài giảng của ngài, theo bản dịch Việt Ngữ của Vũ Văn An

Thế kỷ thứ hai, Thánh Irênê viết rằng: vinh quang Thiên Chúa là sự sống của con người. Đây là lời phát biểu vẫn còn vang vọng trong trái tim Giáo Hội. Vinh quang của Chúa Cha là sự sống cho con cái nam nữ của Người. Không có vinh quang nào lớn hơn đối với một người cha bằng được thấy con cái mình triển nở, không còn hài lòng nào lớn hơn bằng thấy con cái mình lớn lên, phát triển và nở rộ. Bài đọc thứ nhất mà chúng ta vừa nghe cho thấy rõ điều đó. Thành phố lớn Ninivê đã tự hủy hoại mình do áp bức và ô nhục, bạo lực và bất công. Ngày giờ của thành phố vĩ đại đã được đếm vì bạo lực trong nó không thể tiếp diễn được nữa. Rồi Chúa đã hiện ra và khuấy động trái tim Giôna: Chúa Cha kêu gọi và phái sứ giả của Người ra đi. Giôna được mời để tiếp nhận một sứ mệnh. Ông được bảo “Ra đi” vì trong “bốn mươi ngày nữa, Ninivê sẽ bị phá đổ” (Gn 3:4). Hãy ra đi và giúp họ hiểu rằng vì cung cách họ cư xử với nhau, tự sắp xếp và tổ chức, họ chỉ tạo nên chết chóc và hủy diệt, đau khổ và áp bức. Hãy làm họ thấy không còn đường sống nào, cho cả vua lẫn bầy tôi, cũng như cho đất cầy và gia súc. Hãy ra đi và nói với họ rằng họ đã trở nên quen thuộc với lối sống hạ cấp và đã đánh mất sự nhậy cảm đối với đau khổ. Hãy đi và nói với họ rằng bất công đã chuốc độc cách họ nhìn thế giới. “Bởi thế, hỡi Giôna, hãy ra đi!”. Thiên Chúa sai ông đi để chứng thực điều đang xẩy ra, Người sai ông đi để đánh thức một dân tộc đang say sưa với chính họ.

Trong bản văn trên, ta thấy ta đứng trước mầu nhiệm thương xót của Thiên Chúa. Lòng thương xót, một thứ luôn bác bỏ sự yếu đuối, đã sốt sắng tiếp nhận con người nhân bản. Lòng thương xót luôn kêu gọi sự tốt lành tiềm ẩn và tê cóng bên trong mỗi con người. Không hề đem lại hủy diệt, như ta thỉnh thoảng muốn xẩy ra, lòng thương xót tìm cách biến đổi mỗi hoàn cảnh từ bên trong. Mầu nhiệm thương xót của Thiên Chúa nằm ở đấy. Nó tìm cách và mời gọi ta hồi tâm, nó mời gọi ta thống hối; nó mời gọi ta nhìn thấy tai hại đang được làm ở mọi bình diện. Lòng thương xót luôn đâm nát sự ác để biến đổi nó.

Nhà vua lắng nghe Giôna, dân thành đáp ứng và việc đền tội được ban hành. Lòng thương xót của Thiên Chúa đã đi vào trái tim, mạc khải và biểu lộ sự chắc chắn và niềm hy vọng của ta nằm ở đâu: luôn luôn có khả thể thay đổi, ta vẫn còn thì giờ để biến đổi điều đang tiêu diệt ta như một dân tộc, điều đang làm nhân tính ta mất ý nghĩa. Lòng thương xót khuyến khích ta nhìn vào hiện tại, và tin tưởng điều lành mạnh và tốt lành đang đập trong mọi trái tim. Lòng thương xót của Thiên Chúa là mộc khiên và là sức mạnh của ta.

Giôna giúp họ nhìn thấy, giúp họ trở nên ý thức. Theo đó, lời kêu gọi của ông tìm được những người nam nữ có khả năng thống hối, và khả năng khóc lóc. Khóc lóc vì bất công, khóc lóc vì thối nát, khóc lóc vì áp bức. Đây là những nước mắt dẫn tới biến đổi, làm dịu tâm hồn; chúng là những giọt nước mắt thanh lọc cái nhìn của ta và giúp ta có khả năng nhìn thấy vòng tội lỗi mà ta rất thường sa vào. Chúng là những giọt nước mắt nhậy cảm hóa cái nhìn của ta và thái độ chai cứng và đặc biệt ngủ mê của ta trước nỗi đau đớn của người khác. Chúng là những giọt nước mắt có thể khuất phục ta, có khả năng mở cửa đưa chúng ta vào hoán cải hồi tâm.

Hôm nay hạn từ này vang vọng một cách mạnh mẽ giữa chúng ta; hạn từ này chính là tiếng nói trong sa mạc, mời gọi ta hoán cải hồi tâm. Trong Năm Lòng Thương Xót này, với anh chị em ở đây, tôi khẩn khoản xin Chúa thương xót; với anh chị em, tôi muốn nài xin hồng ân nước mắt, hồng ân hồi tâm.

Ở đây, tại Ciudad Juárez này, cũng như tại nhiều vùng biên giới khác, có hàng trăm nghìn di dân từ Trung Mỹ và các nước khác, không quên nhiều người Mễ Tây Cơ cũng tìm cách vuợt qua “phía bên kia”. Mỗi bước, cuộc hành trình đều chất nặng các bất công trầm trọng: con người bị nô dịch, cầm tù và tống tiền; biết bao anh chị em này của chúng ta là hậu quả của việc buôn người.

Chúng ta không thể chối bỏ cuộc khủng hoảng nhân đạo; cuộc khủng hoảng này trong mấy năm gần đây có nghĩa là việc di dân của hàng nghìn người, bất chấp bằng xe lửa, xa lộ hay cuốc bộ, vượt hàng trăm kilô mét qua núi, sa mạc và những vùng không có người. Ngày nay, thảm họa cưỡng bức di dân của con người là một hiện tượng có tính hoàn cầu. Cuộc khủng hoảng này, một cuộc khủng hoảng không thể đo bằng con số và thống kê, ta muốn, thay vào đó, đo bằng các tên, các truyện kể, các gia đình. Họ là anh chị em của những người bị xua đuổi bởi nghèo đói và bạo lực, bởi buôn bán ma túy và các tổ chức tội ác. Đứng trước biết bao nhiêu khoảng chân không luật pháp, họ bị dính cứng trong một mạng lưới chuyên gài bẫy và luôn luôn tiêu diệt những người nghèo nhất. Không những họ chịu cảnh nghèo nhưng họ còn phải chịu các hình thức bạo lực này nữa. Bất công đã bị cực đoan hóa nơi người trẻ; họ làm mồi cho trọng pháo, bị bách hại và đe dọa khi cố gắng chạy trốn cơn lốc soắn bạo lực và hỏa ngục ma túy, ấy là chưa kể tới tình trạng khó xử đầy đau lòng của nhiều phụ nữ mà nhiều đời sống đã bị cướp mất một cách bất công.

Cùng nhau ta hãy cầu xin Thiên Chúa của chúng ta ơn hồi tâm, ơn nước mắt, ta hãy cầu xin Người ban cho ta những trái tim cởi mở như người Ninivê, mở cửa đón nhận lời kêu gọi của Người nghe thấy trên gương mặt đau khổ của vô vàn người đàn ông và người đàn bà. Đừng có chết chóc nữa! Đừng có bóc lột nữa! Vẫn còn thì giờ để thay đổi, vẫn còn đường để thoát ra và cơ may, còn giờ để nài nỉ lòng thương xót của Thiên Chúa.

Như thời Giôna, cả ngày nay nữa, ước mong chúng ta cũng dấn thân hồi tâm; ước mong ta trở thành dấu soi đường và loan báo ơn cứu độ. Tôi biết công việc của vô vàn tổ chức dân sự đang làm việc để trợ giúp quyền lợi của di dân. Tôi cũng biết việc làm đầy dấn thân của rất nhiều tu sĩ nam nữ, linh mục và giáo dân để đồng hành với di dân và bảo vệ sự sống. Họ đang ở trên các tuyến đầu, thường liều chính mạng sống của họ. Bằng chính mạng sống ấy, họ là các tiên tri của lòng thương xót; họ là trái tim đang đập và là bước chân đồng hành của Giáo Hội đang mở rộng cánh tay và nâng đỡ.

Thời hồi tâm này, thời cứu rỗi này chính là thời thương xót. Và do đó, ta hãy cùng nhau nói để đáp ứng sự đau khổ của không biết bao nhiêu gương mặt: Lạy Chúa, trong lòng cảm thương và thương xót của Chúa, xin Chúa thương xót chúng con… rửa sạch chúng con khỏi tội lỗi của chúng con và tạo trong chúng con một trái tim trong sạch, một tinh thần mới (xem Tv 50).

Tôi muốn mượn dịp này gửi lời thăm hỏi từ đây tới các anh chị em thân yêu của chúng ta đang hiện diện với chúng ta ở bên kia biên giới, đặc biệt những người đang tụ họp tại Sân Vận Động Sun Bowl của Đại Học El Paso; và họ đang được Đức Ông Mark Seitz hướng dẫn. Với sự giúp đỡ của kỹ thuật, chúng ta có thể cầu nguyện, ca hát và cùng nhau cử hành tình yêu thương xót mà Chúa đã ban cho chúng ta và không biên giới nào có thể ngăn cản chúng ta chia sẻ. Xin cám ơn anh chị em tại El Paso, các anh chị em làm chúng tôi cảm thấy như một gia đình và cùng một và chỉ một cộng đồng Kitô hữu mà thôi.
 
Cuộc họp báo của Đức Giáo Hoàng trên chuyến bay từ Mexico về Roma
Giuse Thẩm Nguyễn
06:35 20/02/2016
Cuộc họp báo của Đức Giáo Hoàng trên chuyến bay trở về Roma

(Vatican Radio) Theo phóng viên Philippa Hitchen, Đức Thánh Cha Phanxicô đã dành cho báo chí cuộc họp báo dài trên chuyến bay từ Mexico về Roma vào hôm thứ Năm, chia sẻ về nhiều đề tài gồm các linh mục tội ấu dâm, “ những người đã bị giết” tại Mexico, Giáo Hội ở Ukraine và vi khuẩn sốt Zika.

Khi được hỏi là tại sao Đức Giáo Hoàng đã không tiếp thân nhân của 43 sinh viên sư phạm bị mất tích ở tiểu bang Guerrero vào năm 2014. Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói rằng ngài đã nói chuyện nhiều về những vấn nạn của việc ám sát bởi các băng nhóm tội phạm và buôn ma túy. Ngài nói rằng ngài rất muốn gặp các thân nhân nhưng có nhiều nhóm đại diện cho “ những nạn nhân” và cũng có những tranh chấp nội bộ giữa các nhóm này.

Một nhà báo người Mexico khác đã hỏi về việc lạm dụng trẻ em và hậu quả mà linh mục Marcial Mariel, cũng là một sáng lập viện của Hội Đạo Binh, để lại cho đất nước. Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói rằng một vị Giám Mục cố tình chuyển đổi một linh mục bị tố cáo là xâm phạm tình dục từ giáo xứ này đến giáo xứ khác là “ vô trách nhiệm” và nên từ chức. Ngài cũng nhấn mạnh là vị tiền nhiệm của ngài là Đức Giáo Hoàng Benedict đã phải làm việc cật lực trong thập niên qua để giải quyết vấn nạn này và chỉ ra những bước khác nhau ngài đã làm việc với Hội Đồng Hồng Y, Thánh Bộ Đức Tin và Ủy Ban Giáo Hoàng bảo vệ các trẻ vị thành niên của ngài.

Khi được hỏi về việc di dân tới Hoa Kỳ và việc ứng viên Tổng Thống Hoa Kỳ dọa sẽ xây tường thành dọc theo biên giới, Đức Giáo Hoàng nói rằng ngài không có ý kiến gì về việc bầu cử ở Hoa Kỳ nhưng thêm rằng “một người chỉ nghĩ đến việc xây tường thành ở bất cứ đâu – hơn là nghĩ về việc xây những nhịp cầu- thì không phải là một Kito hữu.”

Đức Thánh Cha cũng nói nhiều về cuộc họp lịch sử hôm thứ Sáu tuần trước với Đức Thượng Phụ Kyrill và về những lo ngại bị phản bội mà những giáo dân Công Giáo Đông phương người Ukraine đã nêu ra, cụ thể là trong cuộc họp báo của Đức Tổng Giám Mục Công Giáo Đông phương Sviatoslas Schevchuk. Đức Thánh Cha nói rằng ngài thấu hiểu những lo sợ này và ngài có những suy tư riêng liên quan đến cuộc xung đột đang diễn ra tại Ukraine. Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh rằng điều quan trọng là đừng diễn dịch quá xa những gì được đề cập trong văn bản và hãy có một cái nhìn lạc quan như Đức Tổng Giám Mục Schevchuk đã mô tả sự trực diện là “một cơ hội tốt”, đem lại hy vọng cho những cuộc đối thoại tiếp theo.

Khi được hỏi về phản ứng của vi khuẩn Zika gây dị tật bẩm sinh, đặc biệt lan tràn ở các nước Châu Mỹ La tinh, Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh rằng phá thai là một trọng tội không bao giời có thể biện minh để bớt nhẹ tội hơn và đi ngược lại lời thề lương y như từ mẫu của các bác sĩ. Dùng thuốc ngừa thai có thể được chấp nhận trong những hoàn cảnh khó khăn, ngài nói rằng Đức Giáo Hoàng Phalô VI đã cho phép các nữ tu ở Châu Phi được áp dụng ngừa thai từ nửa thế kỷ trước khi họ bị đe dọa hãm hiếp.

Đức Giáo Hoàng cũng nói về Liên Minh Âu Châu, rằng ngài sẽ sắp nhận được giải thưởng Charlemagne vì những đóng góp của ngài cho tương lai của lục địa này. Ngài nói ai sẽ là những người cha sáng lập ngày nay bằng cách công khai ủng hộ tư tưởng “tái lập” Liên Minh Âu Châu?

Một nhà báo Mỹ trở lại câu hỏi về hôn nhân hỏi rằng làm sao một Giáo Hội đầy lòng xót thương lại dễ dàng để tha tội cho kể sát nhân hơn là tha tội cho người ly dị và tái hôn? Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói rằng một tài liệu sau Thượng Hội Đồng về gia đình, sẽ được phổ biến trước lễ Phục Sinh- sẽ khám phá chiều sâu về những đổ vỡ hôn nhân và đặc biệt sự cần thiết cho việc chuẩn bị hôn nhân tốt hơn. Ngài nói rằng có nhiều cặp bị áp lực để kết hôn vội vàng vì đã có con, khi còn là Giám Mục thành Buenos Aires, ngài đã hướng dẫn các linh mục sẽ không làm đám cưới cho đến khi các cặp đôi này đã sẵn sàng cam kết sống với nhau trọn đời. Những cặp đôi ly dị hay tái hôn phải được tái hòa nhập vào trong đời sống của Giáo Hội, Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh rằng đây là một hành trình dài nhưng “ mọi cánh cửa đều rộng mở.”

Một ký giả đặt câu hỏi: “Các phương tiện truyền thông đã đề cập đến những trao đổi thư từ giữa Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II và triết gia người Mỹ, Anna Teresa Tymieniecka.. . Theo Đức Thánh Cha, liệu một vị giáo hoàng có thể có một mối quan hệ thân mật như vậy với một người phụ nữ?”

Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Tôi cho rằng một người đàn ông không biết làm thế nào để có một tình bạn với một người phụ nữ.. .là một người đang thiếu một cái gì đó.. . Một tình bạn với một người phụ nữ không phải là một tội lỗi. Nó là một tình bạn.. . Đức Giáo Hoàng là một người đàn ông Đức Giáo Hoàng cần những ý kiến của phụ nữ, và Đức Giáo Hoàng cũng có một trái tim, cho một tình bạn lành mạnh và thiêng liêng với một người phụ nữ. Có những tình bạn giữa các vị thánh như tình bạn giữa thánh Phanxicô và thánh nữ Clara, giữa thánh Teresa và thánh Gioan thánh Giá.. . Nhưng phụ nữ vẫn còn bị đánh giá thấp, chúng ta đã không hiểu rõ những gì một người phụ nữ có thể đóng góp cho cuộc sống của một linh mục và cho Hội thánh theo nghĩa tư vấn, giúp đỡ và tình bạn lành mạnh”.

Nói về các chuyến đi và cuộc họp trong tương lai, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói ngài muốn thăm Trung Quốc và rằng ngài hy vọng sớm được gặp lãnh đạo Hồi Giáo Grand Imam of al-Azhar. Ahmed el-Tyaeb. Sau hết, cùng với các nhà báo Đức Giáo Hoàng đã cám ơn ông Alberto Gasbarri, người đã tổ chức các cuộc thăm viếng cho các Giáo Hoàng trong bốn thập niên qua, sẽ về hưu vào cuối tháng này.

Giuse Thẩm Nguyễn
 
Giáo hội Công giáo tại Israel đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng toàn diện
Đặng Tự Do
00:18 20/02/2016
Giáo Hội Công Giáo tại Israel đang phải đối mặt với một "cuộc khủng hoảng toàn diện", vì áp lực tài chính và áp lực mới từ các quan chức chính quyền địa phương. Đức Cha tổng đại diện tòa thượng phụ Giêrusalem đã nói như trên với thông tấn xã AsiaNews.

Đức Giám Mục Giacinto-Boulos Marcuzzo nói rằng một số quan chức địa phương đang gây áp lực buộc các nhà thờ Công Giáo phải nộp thuế, là điều mà trước đây các nhà cầm quyền vùng này dưới thời đế quốc Ottoman không bao giờ hỏi nơi các nhà thờ. Ngài cho biết, một số quan chức thành phố, thậm chí, đã phong tỏa các tài khoản của các nhà thờ Công Giáo và các dòng tu. Ngài lưu ý rằng họ "trích các khoản thuế trực tiếp từ tài khoản ngân hàng đang bị phong tỏa, vì thế chúng tôi có nguy cơ cuối cùng là thấy mình chẳng còn một cắc nào, thậm chí không còn tiền trả tiền điện, nước và khí đốt ... không còn thứ gì hết cả.

Đức Cha Marcuzzo nói hoàn cảnh của Giáo Hội tại Thánh Địa trở nên tồi tệ từ năm 2015 với sự sụt giảm mạnh số lượng khách hành hương đến thăm vùng này; mỗi năm giảm gần 30% so với năm trước.

Sự sụt giảm số khách hành hương khiến các Giáo Hội địa phương không nhận được sự hỗ trợ tài chính từ nguồn thu đáng kể này. Thứ hai, các Kitô hữu sống ở Đất Thánh bị mất nguồn lợi kinh doanh, "gần 30% của các Kitô hữu làm việc trong lĩnh vực du lịch và hành hương giờ đây phải bươn chải kiếm miếng ăn" Thứ ba, sự sụt giảm về số lượng du khách đang kéo theo sự sự suy giảm những hỗ trợ cho các Kitô hữu Thánh Địa.

Đức Giám Mục Marcuzzo kêu gọi Kitô hữu trong thế giới phương Tây hãy đến thăm Đất Thánh. Ngài nói rằng họ không nên sợ hãi các cuộc xung đột. "Người Do Thái và người Hồi giáo luôn xem các khách hành hương là những người tìm kiếm Thiên Chúa và họ tôn trọng những người ấy”.
 
Đức Hồng Y Rainer Woelki nói: Kitô hữu tị nạn bị những người tị nạn khác bắt nạt ngay trên đất Đức
Đặng Tự Do
00:28 20/02/2016
Đức Hồng Y Rainer Woelki của tổng giáo phận Cologne, Đức, nói rằng những Kitô hữu tị nạn phải đối mặt với các mối đe dọa và gây hấn bởi những người di cư khác ngay trong các trại quá cảnh trên đất Đức.

Trong một cuộc gặp gỡ liên tôn tổ chức tại Dusseldorf hôm 13 tháng Hai, Đức Hồng Y nói

"Lo ngại đang ngày càng tăng rằng các chính trị gia và các nhà chức trách có thể đã không xem xét các mối đe dọa như thế một cách nghiên túc".

Theo Đức Hồng Y, có những báo cáo cụ thể cho thấy các Kitô hữu tị nạn thường là mục tiêu bạo lực từ chính những người di cư là đồng bào của họ.

Ngài nhắc nhở cử tọa rằng: "Các hình thức bách hại Kitô hữu không phải là một vấn đề của quá khứ. Nó vẫn đang tiếp diễn trên thế giới và ngay trước mắt chúng ta"
 
Tòa Thượng Phụ Chính Thống Mạc Tư Khoa chỉ trích Giáo Hội Công Giáo Ukraine
Đặng Tự Do
00:43 20/02/2016
Sau một thời gian ngắn tạm lắng theo sau cuộc hội kiến giữa Đức Thánh Cha Phanxicô và Đức Thượng Phụ Kyrill tại Cuba, Tòa Thượng Phụ Chính Thống Mạc Tư Khoa đã nhanh chóng tái lập lại những chỉ trích đối với Giáo Hội Công Giáo nghi lễ Đông Phương tại Ukraine.

Đức Tổng Giám Mục Hilarion, chủ tịch Ủy Ban Quan Hệ Đối Ngoại của Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa, đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ cuộc phỏng vấn hôm 18 tháng Hai mà Đức Tổng Giám mục Sviatoslav Shevchuk dành cho báo chí sau cuộc họp thượng đỉnh tại Cuba. Trong cuộc họp này ngài lên tiếng bày tỏ những nghi ngại về những ảnh hưởng tiêu cực mà tuyên bố chung được đưa ra bởi Đức Giáo Hoàng và Đức Thượng Phụ có thể gây ra cho Ukraine.

Đức Tổng Giám Mục Hilarion chỉ trích phát biểu của nhà lãnh đạo Công Giáo Ukraine là “rất tiêu cực, rất xúc phạm không chỉ đến chúng tôi, mà còn cả đến Đức Giáo Hoàng”

“Họ có chương trình nghị sự chính trị riêng của họ, và thậm chí cả Đức Giáo Hoàng cũng chẳng có thẩm quyền gì đối với họ.”

Phát ngôn viên của Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa cáo buộc rằng các tuyên bố của Đức Thánh Cha Phanxicô và Đức Thượng Phụ Kyrill đã nhấn mạnh hòa giải, nhưng Giáo Hội Công Giáo Ukraine vẫn kiên quyết đối đầu. “Lập luận của họ vẫn giữ nguyên sự thù địch, và lỏng lẻo”.
 
Hội đồng Giám mục Phi Luật Tân ban hành thư mục vụ Mùa Chay kịch liệt chống lại văn hóa phẩm khiêu dâm.
Đặng Tự Do
00:58 20/02/2016
Mô tả các văn hóa phẩm khiêu dâm là một “tội ác nghiêm trọng” và một “tai ương” thời hiện đại, các giám mục nhấn mạnh rằng con người được tạo ra cho tình yêu và cho sự khiết tịnh và rằng “chúng ta được kêu gọi để dựa vào ân sủng và quyền năng của Chúa mà chống lại và vượt qua các cám dỗ tình dục để chúng ta có thể bắt chước Chúa Giêsu Kitô Đấng đã hoàn toàn trong sạch và hoàn toàn tinh khiết. “

Các Giám Mục nói thêm:

“Đối với những người đã bị khai thác và là nạn nhân của ngành công nghiệp văn hóa khiêu dâm, chúng tôi khích lệ anh chị em thoát ra khỏi ngành công nghiệp này vì bất chấp những tội lỗi trong quá khứ, không có gì có thể tách anh chị em ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa trong Chúa Giêsu Kitô!”

Đối với những người thực hiện và phân phối các văn hóa phẩm khiêu dâm, các Giám Mục cảnh cáo họ về lời cảnh báo nghiêm khắc của Chúa Giêsu: “Ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin Thầy đây phải sa ngã, thì thà treo cối đá lớn vào cổ nó mà xô cho chìm xuống đáy biển còn hơn. Khốn cho thế gian, vì làm cớ cho người ta sa ngã. Tất nhiên phải có những cớ gây sa ngã, nhưng khốn cho kẻ làm cớ cho người ta sa ngã.” (Mt, 18: 6-7).

Đối với những người đang phải đấu tranh với những cám dỗ của văn hóa phẩm khiêu dâm, các Giám Mục khích lệ họ đừng để cho sự xấu hổ, sợ hãi, hay niềm tự hào, ngăn cản anh chị em trở về với Thiên Chúa, là Cha của Lòng Thương Xót, là Đấng yêu thương bạn vượt xa tất cả những tình yêu khác ... Hãy cậy nhờ đến các bí tích thường xuyên, đặc biệt là bí tích hòa giải, để nhận được sức mạnh và can đảm từ Thiên Chúa để giúp anh chị em trong những cơn thử thách. Xin anh chị em hãy khấn xin sự bảo trợ của Thánh Thomas Aquinas và Đức Trinh Nữ Maria, là Đấng luôn phù trợ những ai theo đuổi con đường của đức khiết tịnh.
 
Bài giảng tĩnh tâm đầu Mùa Chay của cha Raniero Cantalamessa
Đặng Tự Do
06:22 20/02/2016
Sinh hoạt đầu tiên của Đức Thánh Cha Phanxicô sau khi trở về từ Mễ Tây Cơ là tham dự buổi tĩnh tâm đầu Mùa Chay của giáo triều Rôma vào sáng thứ Sáu 19 tháng Hai.

Cha Raniero Cantalamessa, tu sĩ dòng Capuchin Phanxicô, người đã từng là giảng thuyết viên phủ Giáo Hoàng từ năm 1980, dành bài giảng tĩnh tâm tuần thứ Nhất Mùa Chay của ngài cho chủ đề “Thờ phượng trong thần khí và trong sự thật: Những suy tư về Hiến Chế Sacrosanctum Concilium,” nghĩa là Hiến Chế về Phụng Vụ Thánh của Công đồng Vatican II.

Bài thuyết trình của cha Cantalamessa gồm 4 phần được mang tựa đề “Công đồng Vatican II: một nhánh, không phải một dòng sông”, “vị trí của Chúa Thánh Thần trong phụng vụ”, “thờ phượng trong Thần Khí”, và “lời cầu thay nguyện giúp”.

Theo cha Cantalamessa, một thành phần thiết yếu của kinh nguyện phụng vụ là việc cầu thay nguyện giúp. Trong tất cả những lời cầu nguyện của mình, Giáo Hội đang cầu xin cho chính mình và cho thế giới, cho những người công chính và cho cả các tội nhân, cho kẻ sống và kẻ chết. Điều này cũng là lời cầu nguyện mà Chúa Thánh Thần muốn làm cho sống động và tăng cường. Thánh Phaolô viết về Chúa Thánh Thần như sau, “Thần Khí giúp đỡ chúng ta là những kẻ yếu hèn, vì chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải; nhưng chính Thần Khí cầu thay nguyện giúp chúng ta, bằng những tiếng rên siết khôn tả. Và Thiên Chúa, Đấng thấu suốt tâm can, biết Thần Khí muốn nói gì, vì Thần Khí cầu thay nguyện giúp cho dân thánh theo đúng ý Thiên Chúa.” (Rm 8: 26-27).

Chúa Thánh Thần cầu thay cho chúng ta và dạy chúng ta đến lượt mình hãy cầu thay nguyện giúp cho người khác.
 
Cựu Công tố viên của Vatican nói các Giám Mục nên xem phim Spotlight
Đặng Tự Do
07:16 20/02/2016
Mỗi thành viên trong hàng giáo phẩm Công Giáo nên xem phim Spotlight. Đó là ý kiến của Đức Tổng Giám Mục Charles Scicluna người từng là công tố viên hàng đầu của Vatican trong các trường hợp lạm dụng tính dục.

“Tất cả các giám mục và Hồng Y phải xem bộ phim này”, Đức Tổng Giám Mục Scicluna của Malta nói với tờ La Repubblica, nghĩa là Cộng Hòa của Ý. Ngài giải thích rằng bộ phim cho thấy “bản năng bảo vệ danh tiếng bằng mọi giá là hoàn toàn sai lầm.”

Spotlight là một bộ phim Mỹ chiếu lần đầu vào tháng 11 năm 2015. Đạo diễn bộ phim là Tom McCarthy, kịch bản được viết bởi McCarthy và Josh Singer. Bộ phim nói về một đội có tên là Spotlight của tờ The Boston Globe chuyên điều tra các vụ giáo sĩ xâm phạm tính dục trẻ em trong khu vực Boston.
 
Tòa Thánh thương tiếc cố tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Boutros Boutros-Ghali
Đặng Tự Do
07:28 20/02/2016
Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, đã gửi một bức điện chia buồn nhân danh Đức Thánh Cha Phanxicô sau cái chết của ông Boutros Boutros-Ghali, một tín hữu Chính Thống Giáo Coptic Ai Cập.

Ông Boutros-Ghali, năm nay 83 tuổi, từng là tổng thư ký Liên Hiệp Quốc trong 4 năm từ 1992 đến 1996.

Đức Hồng Y Parolin viết:

“Nhắc lại sự phục vụ quảng đại mà ông Boutros-Ghali dành cho nước Ai Cập của mình cho và cộng đồng quốc tế, Đức Thánh Cha bảo đảm về lời cầu nguyện của ngài cho phần rỗi đời đời của vị cố Tổng thư ký, và ngài khấn xin Thiên Chúa tuôn đổ muôn ơn lành, an bình và sức mạnh cho các thành viên trong gia đình của ông và cho tất cả những ai than khóc sự mất mát này.”
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Nghiã vụ ứng cử và bầu cử
Hà Minh Thảo
15:56 20/02/2016
NGHĨA VỤ ỨNG CỬ VÀ BẦU CỬ 2

IV.- VIỆT VÀ TÀU VỚI HẠN KỲ 2020.

Muôn đời, xâm lược Trung hoa vẫn nuôi tham vọng chiếm Quê hương chúng ta và Đất Nước đã trãi qua ba lần Bắc thuộc :

- Lần đầu, năm 111 trước Tây lịch, chúng chiếm nước Giao Chỉ và cai trị hà khắc dân ta khiến Hai Bà Trưng (Trưng Trắc và Trưng Nhị) kêu gọi toàn dân phất Cờ Vàng đánh đuổi quân Tàu về nước năm 39 sau Tây lịch. Ở ngôi vua tuy chỉ được 3 năm, Hai Bà đã làm cho vua tôi nhà Hán phải lo sợ, kính nể đủ để tiếng thơm lại cho muôn đời trong sử sách ;

- Lần hai bắt đầu năm 43. Năm 544, Tiêu Tư, thứ sử Giao châu, là kẻ tàn bạo, làm cho lòng dân oán hận, nên Lý Bôn hợp toàn dân nổi dậy, tạo lập nhà Tiền Lý ;

- Lần ba khởi đi từ năm 603. Năm 938, khi quân Hán do Hoằng Tháo đến gần sông Bạch đằng, Ngô Quyền hiệu triệu quốc dân đồng bào gia tăng đề phòng và truyền lịnh quân sĩ tìm gỗ cặp sắt nhọn, cắm ngầm ở dưới lòng sông, rồi chờ địch đến lúc nước thủy triều lên, xua quân ta ra khiêu chiến, Hán quân đuổi theo. Khi nước xuống, ông phản công, địch thua chạy, các thuyền mắc vào cộc gỗ thủng nát hết, người chết quá nửa. Hoàng Tháo bị bắt và xử tử. https://www.youtube.com/watch?v=1-RTLdW5QyU

Nhờ đó, nước Nam ta thoát ách Bắc thuộc. Từ đó, tuy dưới các chế độ quân chủ Đinh, Lê, Lý, Trần, khi Đất Nước nguy biến, Triều đình biết hỏi ý người dân bị trị để chung sức đối phó mà Hội nghị Diên Hồng năm 1284 do Vua Trần Thánh Tôn triệu tập các bô lão để hội ý nên Hòa hay Chiến với quân Nguyên xâm lược. https://www.youtube.com/watch?v=r4eJAySTH6Y

Nhưng, với sự cai trị độc tài, nhà nước do Đảng Cộng sản chỉ định chứ không do dân bầu, tương lai, Việt Nam có thể phải rơi vào Bắc thuộc lần thứ tư.

Đọc bài ‘Đã đến lúc giải mật Hội nghị Thành đô’ đăng trên mạng RFA ngày 06.08.2014 ( http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/time-to-declas-thanhdo-conf-08062014082423.html ), chúng ta được biết rằng Truyền thông Tàu cộng vừa công bố những chi tiết về ‘Kỷ yếu Hội nghị Thành đô?’ như sau (xin trích): « Vì sự tồn tại sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa Cộng sản, Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam đề nghị Trung quốc giải quyết các mối bất đồng giữa hai nước. Việt Nam sẽ cố gắng vun đắp tình hữu nghị lâu đời giữa hai đảng và nhân dân hai nước do Chủ tịch Mao Trạch Đông và Hồ Chí Minh đã dày công xây đắp. Và Việt Nam mong muốn được làm một khu vực tự trị thuộc chính quyền Trung ương tại Bắc Kinh, như Trung quốc đã dành cho Nội Mông, Tây Tạng, Quảng Tây…. Trung quốc đồng ý và chấp nhận đề nghị này và cho VN thời gian 30 năm (1990-2020) để Đảng Cộng sản Việt Nam giải quyết các bước tiến hành cho việc gia nhập đại gia đình các dân tộc Trung quốc ».

Phản ứng của nhân sĩ trí thức và tướng tá Việt Nam (Thiếu tướng Lê Duy Mật, Đại tá công an Nguyễn Đăng Quang) đã phẫn nộ và đòi hỏi nhà nước phải bạch hóa sự kiện Thành đô. Họ công khai kiến nghị lãnh đạo phải giải thích minh bạch những điều mà Trung cộng đưa ra như trường hợp công hàm Phạm Văn Đồng khiến Hà nội phải nuốt căm hờn mà không thể đi kiện chống Trung cộng. Nhà nước thấy cần gì trả lời cho họ vì họ vẫn còn giữ thẻ đảng và sổ hưu. Đại tá Quang nói : « Thông tin này thì bản thân tôi nghĩ rằng không phải là thật. Hoàn Cầu Thời báo tung ra để gây chia rẽ mâu thuẫn trong nội bộ lãnh đạo Việt Nam với nhau và gây phân hóa trong người dân Việt Nam với nhau ». Thiếu tướng Mật : « Vấn đề Thành đô quan hệ như thế nào nó ảnh hưởng ra sao và hậu họa của nó thế nào thì giờ mình cũng chưa thật rõ cho nên tôi nêu ra vấn để để các đồng chí lãnh đạo xem xét và đồng thời có ý kiến với toàn bộ đảng toàn nhân dân thế thôi. Bây giờ thì cứ chờ họ xem quan điểm, thái độ và cách giải quyết như thế nào ».

Trong bài này, biên tập viên Mặc Lâm còn viết : ‘Đại tá Quang đã từng tiếp xúc với cố Ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch cho biết: « Trung quốc đưa ra một điều kiện tiên quyết đó là Việt Nam thực tâm muốn bình thường, cải thiện quan hệ ngoại giao với Trung quốc thì việc đầu tiên là Việt Nam phải loại bỏ Bộ trưởng Thạch, … Anh ấy là người rất hiểu Trung quốc và hiểu tận tim gan của họ. Ví dụ như Trung quốc nói rằng đảo Hoàng Sa có xương của người Trung quốc thì ảnh đập lại anh ấy nói nếu như thế thì ngay thủ đô Hà nội cũng sẽ là đất của Trung quốc bởi vì gò Đống Đa có rất nhiều xương của Trung quốc vì người Hán bị vua Quang Trung tiêu diệt chất thành cả một cái gò như thế… ». Do đó, năm 2011, ông Phạm Bình Minh, con ông Nguyễn Cơ Thạch, được Đảng đề cử vào chức vụ Bộ trưởng Ngoại giao với nhiều dè dặt, nhìn về Trung quốc, vừa vô Bộ Chính trị sau Đại hội 12.

Sự kiện này lẫn việc, tuần rồi, Tổng bí thư Nguyễn phú Trọng sai Phạm Bình Minh làm Trưởng đoàn Việt Nam tại Hội nghị thượng đỉnh Hoa kỳ và ASEAN thay Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, sắp mãn nhiệm. Nhưng trước sự can thiệp của Tổng thống Mỹ, Tổng Trọng buộc phải để ông Dũng cầm đầu phái đoàn Việt. Các lãnh đạo cộng sản chỉ hiếp đáp dân mình, nhưng phải vâng lời ngoại nhân.

Do lòng yêu nước thúc đẩy, ngày 15.10.2014, hai nhóm đại diện Mạng Lưới Bloggers Việt Nam đã đến tại trụ sở Ban Dân Nguyện tại thủ đô Hà nội và Văn phòng Quốc hội ở phía nam tại Sài gòn để trao văn bản ‘Yêu cầu Quốc hội bạch hóa Hội nghị Thành đô’. Nhưng tại cả hai nơi, những người can đảm này đều không được ai tiếp nhận vì tuy là đại biểu của dân, nhưng không do họ cử.

Tạm kết luận, báo Tàu cộng công khai ‘Mật nghị Thành đô’, Đảng và Nhà nước không nói và có hỏi thì cũng không thèm trả lời. Quốc hội tuy có tiếng đại diện dân, nhưng đã lánh mặt. Do đó, thượng sách của người dân không muốn Việt Nam sẽ trở thành một khu vực tự trị thuộc chính quyền Trung cộng bằng phải có đại biểu tại Quốc hội để đặt câu hỏi với Thủ tướng Nguyển xuân Phúc và, nếu cần, Quốc hội có thể biểu quyết bác bỏ Mật ước này.

V.- QUỐC HỘI CỘNG SẢN.

{chúng tôi viết Quốc hội cộng sản mà không ghi Quốc hội Việt Nam vì, trong quá khứ, đã có Quốc hội Việt Nam Cộng hòa được tổ chức dân chủ, kể cả trong thời chiến tranh do cộng sản gây ra, giết hại đồng bào Miền Nam, nhất là trong biến cố Tết Mậu Thân 1968 và, nhờ thế, các dân biểu phe thứ ba đã tiếp tay cộng để Sài gòn sớm bị mất tên.}

A./ Quyền bính chính trị.

Hiến pháp ngày 28.11.2013 Điều 6 ghi : « Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp, bằng dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, Hội đồng nhân dân và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước. » và Điều 7.1 ghi : « Việc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân được tiến hành theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín ». Những quy định đó cho phép chúng ta hiểu rằng ‘quyền lực nhà nước’ được người dân (cử tri) thực hiện trực tiếp tín nhiệm người dân (ứng cử trực tiếp) để đại diện tại Quốc hội hay Hội đồng nhân dân, không cần phải qua sự hiệp thương của một ai hay một tổ chức nào.

Khác với chế độ quân chủ, trong chế độ dân chủ, quyền bính chính trị cần thiết để điều hành xã hội phải thuộc về toàn dân. Vì toàn dân không thể, mỗi người hành sử quyền của mình, nên tín nhiệm trao việc thi hành quyền bính ấy cho những người có năng lực và tâm huyết tự do ứng cử, nhân danh một đảng phái nào hay độc lập, để trở thành đại biểu Quốc hội. Chỉ khi đó mới có Nhà nước pháp quyền ‘của dân, do dân và vì dân’ (Lời nói đầu). Đồng thời việc bỏ phiếu công khai, khách quan và công bằng, là đòi hỏi cần thiết để người dân có được những đại diện mà họ tín nhiệm. Chính họ có quyền đánh giá năng lực những đại diện họ đã bầu, và khi cần, họ có quyền thay thế những đại diện đó.

Ngoài ra, để tôn trọng quyền làm chủ của toàn dân, Hiến pháp không nên và không thể khẳng định sự lãnh đạo của bất kỳ đảng phải chính trị nào (xem điều 4), vì chính toàn dân là chủ quyền bính chính trị, và họ trao quyền bính đó cho những người họ tín nhiệm qua việc bầu cử. Những cá nhân được bầu phải chịu trách nhiệm trước toàn dân về việc họ làm, chứ không thể là một tập thể mơ hồ rồi cuối cùng không ai chịu trách nhiệm cả.

B./ Lịch sử Quốc hội cộng sản.

Đến nay, Quốc hội này có 13 khóa với những đặc điểm khác nhau :

- Khóa I được bầu ngày 06.01.1946, gồm 403 đại biểu: 333 do bầu cử và 70 ghế do Hồ Chí Minh tặng (không qua bầu cử) cho 50 người của Việt Nam Quốc dân Đảng (Việt Quốc) và 20 cho Việt Nam Cách mạng Đồng minh Hội (Việt Cách). Họ đã thông qua Hiến pháp 1946 và 1959, sắc lệnh cải cách ruộng đất (giết người dân) và phê chuẩn Hiệp định Geneva. Đến khóa mùa thu 1946, số đại biểu chỉ còn 291 và khi mãn khóa thì chỉ còn 242 vì hầu hết các đại biểu đối lập thuộc Việt Cách và Việt Quốc đã bỏ chạy sang Hoa Nam khi không còn sự hậu thuẫn về quân sự và chính trị của quân đội Trung hoa Dân quốc (Đài loan ngày nay) sau Hiệp định Sơ bộ ngày 06.03.1946. Quốc hội khóa này chỉ chấm dứt năm 1960.

- Khóa 2 được bầu ngày 08.05.1960, gồm 453 đại biểu [362 được bầu, 91 đại biểu khóa I của Miền Nam (ai bầu ?) được lưu nhiệm]. Bầu Chủ tịch nước Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng và Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Quốc hội giải tán năm 1964.

- Khóa 3 được bầu ngày 26.04.1964, gồm 453 đại biểu (366 được bầu, 87 đại biểu khóa I Miền Nam được lưu nhiệm) và chấm dứt năm 1971.

- Khóa 4 được bầu ngày 11.04.1971, gồm 420 đại biểu và mãn nhiệm năm 1975.

- Khóa 5 được bầu ngày 06.04.1975, gồm 424 đại biểu và bị giải tán năm 1976.

- Khóa 6 được bầu cả nước ngày 25.04.1976, gồm 492 đại biểu và giải tán năm 1981. Ngày 02.07.1976, Quốc hội thông qua việc đổi tên nước thành Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và đổi tên Sài gòn thành TP. Hồ Chí Minh, thông qua Hiến pháp 1980 ngày 18.12.1980 và thọ đến năm 1981.

- Khóa 7 được bầu ngày 26.04.1981, gồm 496 đại biểu. Ngày 04.07. 1981, Quốc hội bầu Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Trường Chinh, cơ quan cao nhất hoạt động thường xuyên của Quốc hội, đảm nhận chức năng của Ủy ban Thường vụ gồm 12 thành viên. Khóa này chấm dứt năm 1987.

- Từ khóa 8 đến 13 đều có nhiệm kỳ 5 năm và khóa 13 hiện có 493 đại biểu.

C./ Lợi dụng và Phá hoại Tôn giáo.

Trên giấy tờ, ‘Quyền ứng cử của công dân là một quyền căn bản được pháp luật Việt Nam tôn trọng và bảo vệ’. Nhưng, trong thực tê thì lại không hề như vậy! Để trở thành một ứng cử viên không được ‘đảng cử’ thì phải là một công dân can đảm vượt bực để vượt qua rất nhiều rào cản được tạo ra bằng những quy định vi hiến hoặc nhiều thủ đoạn được các cơ quan Nhà nước sử dụng để loại những người tự ra ứng cử ngay từ khi làm hồ sơ thủ tục. Không là người Việt Nam sống thời cộng sản không thế nào tưởng tượng nổi những rào cản này. Thêm một lần nữa, người cộng sản chứng minh lời ông Thiệu nói thật đúng ‘Đừng nghe những gì cộng sản nói mà hãy nhìn những gì họ làm’.

‘Quyền tự do ứng cử’ mà cộng sản nói đã được Mục sư Nguyễn Trung Tôn biết và viết trong bài ‘Tự ứng cử Đại biểu Quốc hội – ‘Trò chơi’ hay ‘Cuộc chiến’ ?’ trên mạng ‘Dân Làm Báo’ : Ngày 15.02.2016, ông mang hồ sơ ứng cử đến tới UBND xã Quảng Yên để đề nghị xác nhận vào hồ sơ mình. Ông đã gặp chủ tịch UBND xã Lê Quang Kỳ chào rất niềm nở ngay trước cửa nhà vệ sinh và đề nghị gặp phó chủ tịch Nguyễn Văn Huyên. Cũng niềm nở, nhưng rồi cũng bận đi họp, nên hồ sơ được trao cho các cô nhân viên. Đến chiều, sau 16 giờ, ông trở lại, hỏi cô Hoàn, nhân viên. Cô trả lời: ‘Các xếp nói rằng không xác nhận cho anh được’ và ‘Lý lịch của anh ghi là tôn giáo Tin lành, rồi là Mục sư, trong khi đó Chính quyền chưa công nhận anh. Vậy anh nên ra ngoài mua một bộ hồ sơ xin việc, lấy tờ lý lịch trong đó và khai theo mẫu. Anh cứ khai tôn giáo ‘không’, nghề nghiệp ‘làm ruộng’ bình thường thì bọn em sẽ xác nhận. Mà anh ứng cử làm sao được?! Có quy định là người ứng cử Đại biểu Quốc hội phải có bằng đại học anh ạ!’**. Ông hỏi: ‘Sao lại vớ vẩn vậy nhỉ? Anh theo tôn giáo Tin lành thì khai Tin lành chứ. Chẳng lẽ anh lại khai man lý lịch à?’ Cô Hoàn nói: ‘Thì đây cũng là quy định của pháp luật’ và chìa ra một tập giấy có chữ in ‘Anh xem đây này’. Vị mục sư chìa tay ra và nói: ‘Đưa anh xem nào! Sao lại có cái quy định vi hiến như vây?’ Nhưng cô Hoàn bỏ tập giấy xuống bàn và nói: ‘Anh cứ về vào mạng mà xem, có quy định mới về tiêu chuẩn ứng cử Quốc hội đấy anh ạ!’. Ông Tôn nói : ‘Anh là công dân chứ không phải là thần dân, Công dân là ông chủ chứ không phải là nô lệ. Ai ra quy định vi hiến người đó sẽ phải chịu trách nhiệm’. Hoàn nói: ‘Thôi bọn em không thể xác nhận vào hồ sơ của anh được. Anh cứ về làm lại, mai lên gặp các xếp nhé. Bây giờ cũng hết giờ làm việc rồi’. Vị mục sư cầm lại hồ sơ, chào các cô văn phòng và ra về.

** Một nước mà những người có bằng đại học đi làm ruộng thì thật là một sự phí phạm vô cùng.

Ngày 16.02.2016, ông trở lại Ủy ban. Gặp Phó chủ tịch, ông cho biết ‘việc hôm qua chưa xong, các cô văn phòng bảo về mua bộ hồ sơ khác khai lại mới được xác nhận. Anh ra gặp trực tiếp các chú xem sao’. Ông Phó nói : ‘… Hồ sơ anh chưa ổn, anh về lấy đúng mẫu đơn này nhưng khai lại. Anh cứ ghi là tôn giáo ‘không’, nghề nghiệp ‘làm ruộng’ bình thường, vì anh theo đạo chưa được chính quyền công nhận thì cứ xem như là không theo đạo anh ạ’. Ông Tôn nói: ‘Quyền tự do tôn giáo, theo đạo hay không là quyền của công dân chứ chú. Anh theo Tin lành thì anh khai Tin lành chứ chẳng lẽ anh lại khai man lý lịch sao? Hơn nữa chính quyền làm gì được phép can thiệp vào tín ngưỡng tôn giáo của công dân’. Ông Phó tiếp: ‘Quyền tự do ứng cử là quyền của anh, xác nhận lý lịch là nghĩa vụ của bọn em. Nhưng nói thật là: Nếu anh cứ để nguyên lý lịch thế này, bọn em không xác nhận được. Anh về làm lại đi, mai lên em ký cho’. Vị Mục sư chào và ra về.

Về nhà, Mục sư Tôn suy nghĩ mãi: ‘Sao có những chuyện trớ trêu vậy nhỉ!’ Chẳng lẽ họ đang cố tình loại mình ra khỏi danh sách ứng cử ngay từ vòng ‘gửi xe’!? Mình không thể khai lại hồ sơ, vì mình không thể nào ‘chối Chúa’ trước mặt thiên hạ’. Ông quyết định để nguyên hồ sơ lý lịch như cũ và sẽ làm đơn khiếu nại gửi lên Ủy ban Bầu cử tỉnh Thanh hóa về việc Chính quyền cơ sở gây khó khăn trong việc xác nhận lý lịch, xâm phạm quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo, vi phạm Luật Bầu cử ứng cứ; Thậm chí xúi giục công dân làm hồ sơ man… Ông biết chắc một điều: còn rất nhiều khó khăn cần phải vượt qua để có thể thực hiện được cái quyền căn bản của một công dân Việt Nam. Nhưng không bỏ cuộc, ông sẽ tiếp tục cố gắng trong mọi khả năng để ra ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa này. Mặc dù sẽ phải đối đầu với nhiều thử thách, đơn thuần như sự đeo bám của các nhân viên an ninh. (Mấy ngày nay có hàng chục người liên tục canh gác ngay cổng nhà ông, đi theo ông và vợ ông).

Trong khi đó, hồi tưởng lại trong mùa Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa 13, ba Linh mục Công Giáo (trong đó có Cha Phan Khắc Từ, sau giờ ở nhà xứ, về làm cha bầy trẻ ?) đã gây sự không tốt trong Giáo Hội. Hiện nay, chưa nghe nói gì, nhưng làm gì không có những Cha noi gương Linh mục Huỳnh Công Minh, người được Đức Tổng Thành Hồ dắt đi ‘để cám ơn’ tại Giáo đô Vatican. Việt cộng làm sao không gài những Vị này vào Quốc hội để tuyên truyền ‘Việt Nam có Tự do Tôn giáo’ chỉ để lường gạt các ‘con ngáo ộp’.

Trong cuộc bầu đại biểu Quốc hội khóa 13 ngày 22.05.2011, có ba ứng cử viên là linh mục : Phan khắc Từ (Tổng Giáo phận Sài gòn), Trần mạnh Cường (Giáo phận Ban mê Thuột) và Lê ngọc Hoàn (Giáo phận Bùi Chu). Hai Linh mục Cường và Hoàn đang là đại biểu khóa 12 (2007-2011). Nhưng, cuối cùng, Đảng đã phản Phan khắc Từ bằng cho ông thất cử. Đồng thời, ông cũng không còn là Cha sở.

Cả ba đều là thành viên Ủy ban Đoàn kết Công Giáo, một tổ chức của Đảng, vi phạm Giáo luật điều 287.2 : « Các giáo sĩ không được tham gia tích cực vào các đảng phái chính trị, hoặc dự phần lãnh đạo trong các nghiệp đoàn, trừ khi nào, theo phán đoán của nhà chức trách có thẩm quyền của Giáo Hội, việc bảo vệ quyền lợi của Giáo Hội và cổ võ công ích đòi hỏi như vậy ». Nếu là đại biểu, các vị này vi phạm thêm điều 285.3 Giáo luật : ề Cấm các giáo sĩ đảm nhận những chức vụ công quyền có kèm theo việc hành sử quyền bính dân sự ».

Cũng như họ là các giáo sĩ vi phạm Giáo luật, việc tổ chức bầu cử cũng trái Luật Bầu cử Đại biểu Quốc hội. Thí dụ điều 1 qui định : « Việc bầu cử đại biểu Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam được tiến hành theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. », tức cho phép các cử tri trực tiếp chọn ứng cử viên để bầu chứ không cần sự xét lựa của cơ quan hay nhóm người nào.

D./ Hai tài liệu góp ý :

1/ Trong nước : Thư kính gửi Đức Hồng Y và các Đức Giám mục Việt Nam về việc các Linh mục ứng cử đại biểu Quốc hội Cộng sản của Nhóm Linh mục Nguyễn Kim Điền ngày 07.04.2011

1. Chúng con được biết trong cuộc bầu cử Quốc hội Cộng sản khóa 13 ngày 22-05-2011, các Vị Bản quyền đã cho phép 3 Linh mục ứng cử đại biểu : Phan Khắc Từ, Trần Mạnh Cường và Lê Ngọc Hoàn. Các Linh mục và rất nhiều Tu sĩ, Giáo dân đều biết rằng :

a- Giáo luật 1983, điều 285.3 và điều 287.2 (xem bên trên).

Việt Nam được cai trị bởi đảng Cộng sản vô thần, độc tài và toàn trị, không có tam quyền phân lập mà chỉ có tam quyền phân công, dưới sự điều khiển của Đảng và các Linh mục vào đó không để cổ võ công ích.

b- Ngày 20.05.1992, Đức Hồng Y Angelo Sodano, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, đã gởi Đức Cha Phaolô Nguyễn Minh Nhật, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam lúc ấy, thư mang số 4708/92/RS nói về vấn đề các linh mục tham gia Ủy ban Đoàn kết Công Giáo. Đức Hồng Y nhắc lại 2 điều Giáo luật nói trên, đồng thời cũng khẳng định rằng Tuyên ngôn của Bộ Giáo sĩ ngày 08.03.1982 vẫn còn giá trị.

2- Chúng con, như mọi người, đều hiểu rằng Quốc hội khóa 13 tới, như các khóa trước, vẫn chỉ là Quốc hội độc đảng. Việc bầu cử vừa là hình thức, ‘đảng cử dân bầu’, vì thế mang tính dối trá, vừa là bó buộc đối với mọi công dân, vì thế mang tính bạo lực.

Cùng với bao Tổ chức và cá nhân tâm huyết vì một nền Dân chủ cho Đất nước, chúng con tiếp tục kêu gọi mọi công dân tại Việt Nam tẩy chay các cuộc bầu cử Quốc hội độc đảng dân chủ giả hiệu. Có người cho rằng như thế là thực hiện một hành vi chính trị. Nhưng thực chất, đi bầu cũng là một hành vi chính trị. Lương tâm Kitô hữu và nhiệm vụ linh mục buộc chúng con chọn lựa hành vi chính trị làm suy yếu một chế độ độc tài áp bức, phi dân chủ phản nhân quyền hơn là hành vi chính trị củng cố chế độ đó. Hơn nữa, chúng con quyết dấn thân ngày càng tích cực và trọn vẹn hơn cho nghĩa vụ chính trị công dân để đấu tranh cho Chân lý, Công bình, Tình thương và Tự do mà Đức Cố Giáo hoàng Gioan-Phaolô II và Đức Cố TGM Philipphê Nguyễn Kim Điền là 2 tấm gương sáng chói tiêu biểu.

2/ Ngoài nước : Bài báo của Asia-News. Đây là bài tiếng Anh mà chúng ta có thể tìm tại địa chỉ : http://vietcatholic.net/News/Html/89635.htm

Gần đến ngày bầu cử Quốc hội và các Hội đồng Nhân dân, các linh mục quốc doanh gây đau khổ cho Giáo Hội Việt Nam. Một mặt, sự ứng cử của ba linh mục vào Quốc hội vi phạm Giáo luật, điển hình là linh mục Phan khắc Từ đã được sự hỗ trợ của đảng cộng sản và nổi tiếng nhờ chỉ trích Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II và Vatican. Mặt khác, những linh mục đã lạm dụng tài sản nhà thờ và vai trò của họ để hỗ trợ cho đảng cộng sản để hưởng lợi. Do đó, giáo dân xa Giáo Hội vì không Thánh Lễ như tại nhà thờ Trung Châu (Thái Bình) ngày 29.04.2011, Linh mục cho người gọi giáo dân, đọc kinh Mân côi, ra dự cuộc họp tuyên truyền bầu cử cho đông đúc để quay phim truyền hình. Giáo dân không xưng tội vì sợ Linh mục báo cho cảnh sát. Các “linh mục của nhà nước” tạo ra sự rối loạn chức năng trong Giáo Hội. Cha Peter, Tuyên úy Quân đội Việt Nam Cộng hoà, khi mãn hạn cải tạo, cán bộ cộng sản nói ‘Hãy về nhà lấy vợ và sinh con như họ’. Cha nghĩ đó là một trò đùa, nhưng không phài vậy. Trong hai năm, Cha xin Giám mục một công việc mục vụ, dù đã làm hết sức mình nhưng vô ích. Cha phải tìm một linh mục quốc doanh. Một vài ngày sau, Cha có bài sai đi làm mục vụ và, hôm nay, Cha không biết ai điều hành Giáo phận”.

(Còn tiếp)

Hà Minh Thảo