Ngày 18-02-2022
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 19/02: Củng cố Đức Tin và hy vọng vào Thiên Chúa - Suy Niệm: Lm. Phêrô Nguyễn Văn Cao, SJ
Giáo Hội Năm Châu
04:40 18/02/2022

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô.

Khi ấy, Đức Giê-su đem các ông Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an đi theo mình. Người đưa các ông đi riêng ra một chỗ, chỉ mình các ông thôi, tới một ngọn núi cao. Rồi Người biến đổi hình dạng trước mắt các ông. Y phục Người trở nên rực rỡ, trắng tinh, không có thợ nào ở trần gian giặt trắng được như vậy. Và ba môn đệ thấy ông Ê-li-a cùng ông Mô-sê hiện ra đàm đạo với Đức Giê-su. Bấy giờ, ông Phê-rô thưa với Đức Giê-su rằng : “Thưa Thầy, chúng con ở đây, thật là hay ! Chúng con xin dựng ba cái lều, một cho Thầy, một cho ông Mô-sê, và một cho ông Ê-li-a.” Thực ra, ông không biết phải nói gì, vì các ông kinh hoàng. Bỗng có một đám mây bao phủ các ông. Và từ đám mây, có tiếng phán rằng: “Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người.” Các ông chợt nhìn quanh, thì không thấy ai nữa, chỉ còn Đức Giê-su với các ông mà thôi.

Ở trên núi xuống, Đức Giê-su truyền cho các ông không được kể lại cho ai nghe những điều vừa thấy, trước khi Con Người từ cõi chết sống lại. Các ông tuân lệnh đó, nhưng vẫn bàn hỏi nhau xem câu “từ cõi chết sống lại” nghĩa là gì. Các ông hỏi Đức Giê-su: “Tại sao các kinh sư lại nói ông Ê-li-a phải đến trước?” Người đáp: “Đúng thế, ông Ê-li-a đến trước để chỉnh đốn mọi sự. Vậy sao có lời chép rằng Con Người phải chịu nhiều đau khổ và bị khinh chê? Nhưng Thầy nói cho anh em biết : ông Ê-li-a đã đến, và họ đã xử với ông theo ý họ muốn, như Sách Thánh đã chép về ông.”

 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
07:49 18/02/2022

19. Bài giảng của linh mục phải lấy Thánh Kinh làm căn bản.

(Thánh Jerome)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


-----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
07:53 18/02/2022
101. CÙNG NHAU LÀM HỀ

Giáp và Ất vốn không quen biết nhau, Giáp hỏi Ất họ gì, Ất trả lời:

- “Tôn”.

Ất hỏi Giáp họ gì, Giáp trả lời:

- “Không dám”.

Ất nói:

- “Hỏi họ của ông, tại sao ông khiêm tốn như thế?”

Giáp vẫn cứ nói:

- “Không dám”.

Ất lại hỏi hai ba lần, Giáp mới nói:

- “Tổ”.

Ất chợt hiểu ra: té ra anh ta dùng tên họ để định kiếm chác, bèn nói:

- “Chuyện này thì có quan hệ gì chứ, anh Tổ tôi Tôn, tôi Tôn anh Tổ”.

(Nhất Tiếu)

Suy tư 101:

Con người ta không tức nhau bằng tiếng gáy như con gà, nhưng tức nhau bằng sự hơn thua nhau trong cuộc sống.

Có người thấy anh em tài giỏi hơn mình thì đem lòng ghen ghét, do đó mà sống với nhau cũng như người xa lạ; có người thấy bạn bè tính tình vui vẻ ai cũng ưa thích thì đem lòng đố kỵ, do đó mà không thoải mái khi trò chuyện tiếp xúc với nhau...

Ai hơn thua với nhau thì mặc họ, còn chúng ta -người Ki-tô hữu- thì vẫn cứ luôn vui vẻ với mọi người, vẫn cứ luôn thật lòng ca ngợi thành quả của người khác, vẫn cứ luôn cộng tác trong yêu thương với người khác, dù họ có trổi vượt hơn chúng ta về mọi phương diện, bởi vì chúng ta xác tín rằng: mọi người đều được Thiên Chúa mời gọi cộng tác với Ngài trong công cuộc tạo hạnh phúc cho người khác, do đó mà Ngài ban tài năng cho họ.

Nhân vô thập toàn thì giống như anh Tổ tôi Tôn, tôi Tôn anh Tổ có khác gì nhau đâu.

Mọi người ai cũng có sở trường và sở đoản...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


--------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Hãy nhân từ như Chúa
Lm. Nguyễn Xuân Trường
15:06 18/02/2022

HÃY NHÂN TỪ NHƯ CHÚA

Lòng dạ chi phối suy nghĩ, lời nói, hành động của mỗi người. Lòng nhân hậu, quảng đại, vị tha khiến người ta thực thi những nghĩa cử yêu thương tha thứ. Lòng tham lam, ích kỷ, độc ác đẩy người ta làm việc xấu, làm hại người khác.

Trong đời sống xã hội, người ta cư xử với nhau thường dựa trên sự “có qua có lại, ăn miếng trả miếng.” Nghĩa là, ai tốt với ta thì ta cũng tốt với họ, còn nếu kẻ làm hại ta thì ta cũng phải cho nó biết tay! Nhưng Chúa thì khác hẳn, Ngài bảo chúng ta phải có lòng nhân từ như Chúa Cha để có thể yêu cả kẻ thù.

1. Nhân từ làm đời đẹp. Chúa bảo “hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em, hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em, và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em.” Kinh nghiệm thực tế cho thấy: Lấy oán báo oán thì oán thù chồng chất. Lấy ân báo oán mới hóa giải hận thù. Như ánh sáng mới xóa tan được bóng tối, chỉ có lòng nhân từ mới xóa tan được những điều ác độc, làm cho mùa xuân yêu thương lan tỏa, thế giới này tốt đẹp hơn.

2. Nhân từ nên giống Chúa. Lòng nhân từ không chỉ làm cho thế giới này tốt đẹp, hơn thế, nó giúp con người vươn tới Trời cao. Lòng nhân từ giúp ta làm những điều vượt trên tình cảm tự nhiên, phản ứng tự nhiên của con người. Lúc đó, con người thực sự trở nên con Chúa là Đấng Tối Cao, trở nên giống Chúa là Đấng nhân từ. Người có lòng nhân từ sẽ chan chứa niềm vui vì được Thiên Chúa ban thưởng.

Hãy yêu kẻ thù - Chúa Giêsu không chỉ truyền cảm hứng cho chúng ta bằng lời nói, nhưng bằng chính hành động của Ngài. Ngay giữa giây phút đau thương tột cùng vì bị đóng đinh vào thánh giá, Ngài đã cầu xin tha thứ cho kẻ thù: “Lạy Cha xin tha cho họ.” Lòng Chúa nhân từ đã làm cho điều không tưởng trở thành hiện thực, đó là đem yêu thương vào nơi oán thù. Amen.
 
Sức mạnh nào cho ta yêu ?
Lm. JB Nguyễn Minh Hùng
15:14 18/02/2022

SỨC MẠNH NÀO CHO TA YÊU?
CHÚA NHẬT THỨ VII THƯƠNG NIÊN NĂM C

- Yêu kẻ thù;
- Làm ơn cho kẻ ghét;
- Chúc lành cho kẻ nguyền rủa;
- Cầu nguyện cho kẻ vu khống.

Những lời dạy ấy của Chúa Giêsu không là điều muốn hay không tùy ý, nhưng là mệnh lệnh, là đòi buộc. Nó cũng không dành cho hết mọi người, nhưng đặc biệt cho môn đệ, những người đang bên cạnh Chúa: "Thầy bảo các con đang nghe Thầy đây...".

Lời dạy trên còn là nội dung của Luật Thiên Chúa. Môn đệ buộc phải sống chính giáo huấn của Chúa Giêsu, sống như Chúa Giêsu. Một khi sống theo đường lối yêu thương không ranh giới của Chúa, họ tiến vào cốt lõi của tình yêu mà Chúa thể hiện. Đó là tình yêu đại lượng, tình yêu vô biên, tình yêu không mệt mỏi, tình yêu xóa mọi khoảng cách, tình yêu không điểm dừng...

Cách yêu của Chúa là yêu không phân biệt, không có lằn ranh, không bao giờ chỉ đón nhận bạn và loại trừ thù!

Chúa Giêsu muốn rằng nơi mỗi con tim, tình yêu của Thiên Chúa chiến thắng sự oán ghét hận thù. Logic của tình yêu, mà đỉnh cao là Thập giá của Chúa, nét đặc trưng cốt lõi của Kitô hữu, sẽ dìu họ ra khỏi chính mình để gặp gỡ mọi người bằng tình huynh đệ không xuất phát từ tim, mà xuất phát từ Tình Trời thấu vào tim và tràn ra đến muôn người.

Nói cách khác, Chúa muốn môn đệ tha thứ và yêu thương không phải như người thường, nhưng như Thiên Chúa, "Đấng nhân hậu cả với những phường vô ơn, với những quân độc ác”. Chúa muốn môn đệ phải "như Cha trên trời là Đấng nhân từ".

Ngày xưa, Đavid, một chàng trai trẻ, theo lời hiệu triệu của vua Saun cứu nguy đất nước, xông ra chiến trường tiêu diệt quân Philitinh đang tiến chiếm bờ cõi. Đavid chiến thắng. Lẽ ra công trạng này phải được ơn và thưởng lớn. Nhưng Đavid làm ơn mắc oán. Sự ngưỡng mộ của dân chúng dành cho Đavid khiến vua Saun ganh tức và nhiều lần rắp tâm giết chết Đavid.

Một hôm, sau cuộc rược đuổi Đavid, Saun quá mệt và ngủ thiếp đi trong hốc núi. Đây là cơ hội ngàn vàng để Đavid có thể xuống tay loại kẻ hãm hại mình. Nhưng nại vào dấu ấn quyền năng của Thiên Chúa đối với người được Chúa chọn, Đavid dừng tay. Ông lý luận: "Đừng giết vua, vì có ai đưa tay hại người Chúa đã xức dầu mà không bị phạt".

Vì lời trên, có người cho rằng, Đavid không tự nguyện tha cho Saun. Ông chỉ tha vì sợ "bị phạt" mà thôi.

Nhưng tôi muốn nhìn ở góc cạnh tích cực hơn: Nhờ lòng kính tôn dành cho Thiên Chúa, nhận ra tình yêu của Thiên Chúa, tin tưởng nơi quyền năng của Thiên Chúa, Đavid đã tha thứ cho kẻ thù của mình.

Chỉ có rập khuôn tình yêu của Chúa, con người mới có thể dung thứ và dung nạp vào trái tim mình kẻ từng nhiều lần đoạt mạng mình. Bởi không phải một mà nhiều lần Saun đã thực sự sát hại Đavid. Đavid chỉ may mắn sống sót. Hơn thế, lần này là lần Saun lên đường truy đuổi nhằm tận diệt Đavid.

Chỉ có rập khuôn tình yêu của Chúa, quyết định tha thứ cho kẻ hại mình mới nên dễ dàng, lập tức và tồn tại lâu dài.

Chỉ có rập khuôn tình yêu của Chúa, con người mới có thể nhanh chóng biến thù thành bạn không chút phân vân, không mảy may tính toán hơn thiệt.

Chỉ có rập khuôn tình yêu của Chúa, con người mới có thể đứng chung hàng ngũ với kẻ ngày đêm nuôi lòng thù dành cho mình.
Chỉ có rập khuôn tình yêu của Chúa, tình yêu của con người mới bền vững.

Chỉ có rập khuôn tình yêu của Chúa, tình yêu của con người mới ngày càng thăng tiến, trong sáng, thanh cao.

Chỉ có rập khuôn tình yêu của Chúa, tình yêu của con người mới có thể dâng hiến chính mình cho đồng loại, cho lẽ sống và cho chính Thiên Chúa, Đấng đi bước trước trong tình yêu.

Hãy như thánh vương Đavid, chúng ta lắng nghe giáo huấn của Chúa, sống chính mẫu gương tha thứ cho kẻ có tội đến độ chấp nhận dâng hiến chính mình mà Chúa Giêsu thể hiện.

Hãy để Chúa rót đầy tình yêu của Chúa và của Chúa Giêsu, Con Một Ngài vào hồn chúng ta. Một khi hồn đã dâng trào chính tình yêu của Chúa, chắc chắn ta sẽ dễ dàng học đòi và thực hành theo gương hy sinh cao cả của Chúa Giêsu để đến, sống và trao ban tình yêu tự cõi hồn mình tràn ra mọi anh chị em mà ta đang sống cùng, sống với.

Đúng hơn, sức mạnh của tình yêu Thiên Chúa là điểm tựa để ta yêu bằng tình yêu cao đẹp trên tất cả mọi thứ yêu xuất phát từ chính trái tim, từ chính cõi hồn mình.
 
Cực đoan thánh thiện
Lm. Minh Anh
23:05 18/02/2022

CỰC ĐOAN THÁNH THIỆN
“Lạy Thầy, chúng con được ở đây thì tốt lắm, chúng con xin làm ba lều, một cho Thầy, một cho Môisen, và một cho Êlia!”.

Edgar Hoover điều hành FBI, không ai nghi ngờ về khả năng của ông. Hầu như tất cả cấp dưới đều tìm cách gây ấn tượng với người sếp quyền lực của mình. Một thanh niên FBI, trong một nỗ lực cắt giảm chi phí văn phòng, muốn gây ấn tượng với sếp; anh đã giảm kích thước của tất cả giấy tờ. Hoover xem qua, tỏ vẻ không thích kích cỡ và đường viền của tờ giấy; ông viết nguệch ngoạc, “Hãy quan sát đường viền!”. Lưu ý được chuyển qua văn phòng. Sáu tuần tiếp theo, việc nhập cảnh vào Hoa Kỳ từ Mexico hoặc Canada bằng đường bộ là vô cùng khó khăn! FBI đang theo dõi biên giới. Tại sao? Họ nghĩ, họ đã nhận được một lời cảnh báo từ sếp của họ; họ đã ‘cực đoan’ biến một nhận xét vô thưởng vô phạt thành một lời cảnh báo nghiêm túc!

Kính thưa Anh Chị em,

Như những nhân viên FBI ‘cực đoan’, Phêrô trong câu chuyện Biến Hình của Tin Mừng hôm nay xem ra cũng ‘cực đoan’. Một chi tiết khá thú vị đáng dừng lại là câu nói có phần ngớ ngẩn của ông, “Lạy Thầy, chúng con được ở đây thì tốt lắm, chúng con xin làm ba lều, một cho Thầy, một cho Môisen, và một cho Êlia!”. Chi tiết này đưa chúng ta về một sự thật tinh tế; đúng hơn, một cám dỗ tinh vi trong đời sống thiêng liêng. Cám dỗ này có tên là ‘cực đoan thánh thiện!’.

Trước sự rạng ngời vinh quang Thiên Chúa nơi Thầy mình, dù trong chốc lát, ba môn đệ choáng ngợp, đến nỗi Phêrô đã thốt lên như thế! Tin Mừng nói, “Phêrô không rõ mình nói gì!”. Chứng kiến thần tính xán lạn diệu kỳ của Thầy, ba môn đệ vô cùng phấn khích; cũng thế, nhiều lúc, chúng ta có thể thấy mình rất gần gũi với Thiên Chúa và từ đó, được truyền cảm hứng sâu sắc bằng cách này, cách khác. Khi điều đó xảy ra, phản ứng cảm xúc nơi chúng ta, bấy giờ, theo một nghĩa nào đó, là đi quá đà. Đó không phải là tình yêu đối với Chúa nơi chúng ta đã đạt đến mức lý tưởng, điều đó là không thể, nhưng là một sự nhiệt thành vốn dựa trên cảm xúc nhiều hơn là dựa trên ý muốn của Chúa. Đúng hơn, đó chỉ là những phút chốc ‘sốt sắng cao độ’ mà thôi; dĩ nhiên, chúng ta ước mong trở nên thân mật với Thiên Chúa, nhưng phải luôn bảo đảm rằng, cả những cảm xúc tốt lành nhất cũng không được dẫn chúng ta đi vào những ‘cực đoan thánh thiện’, nghĩa là đi vào con đường theo ý riêng mình hơn là theo ý của Thiên Chúa.

Chi tiết này gợi lên câu chuyện Thầy trò Chúa Giêsu bị một làng nọ từ chối; Giacôbê và Gioan đã lên tiếng, “Thưa Thầy, Thầy có muốn chúng con khiến lửa từ trời xuống thiêu huỷ chúng không?”. Ôi, thiêu huỷ cả một làng! Và Chúa Giêsu đã khiển trách họ. Có lẽ vì đã nhớ lại phút chốc ‘sốt sắng cao độ’, có phần ‘cực đoan thánh thiện’ muốn đốt làng người ta, nên hôm nay, trong thư của mình, Giacôbê đã nói đến việc phải cẩn thận với ngôn từ, và nhất là, cảnh giác với chiếc lưỡi, “Ai không sai lỗi trong lời nói, thì là người trọn lành”. Vì thế, cả với miệng lưỡi, chúng ta cũng phải cậy vào ơn Chúa mới tránh được “tai hoạ bất trị, và chứa đầy nọc độc giết người” này. Thánh Vịnh đáp ca thật sâu sắc khi nói, “Vâng, lạy Chúa, Ngài bảo vệ chúng con!”.

Anh Chị em,

Mục tiêu của một đời sống đạo đức là sự quân bình đích thực giữa các thái cực, cả khi nguội lạnh hay khi sốt mến. Mặc dù phải cam kết 100% với Chúa và ý muốn của Ngài, nhưng cũng phải chắc chắn rằng, chúng ta không bị cuốn vào bên này hoặc bên kia; vì lẽ, ma quỷ luôn tìm dịp để kéo chúng ta vào những cạm bẫy khôn lường của nó. Ma quỷ có thể làm chúng ta ngây ngất trong việc đạo đức này, bác ái kia; nhưng thực chất, lôi chúng ta về những hậu quả nó nhắm đến. Chẳng hạn, khi thấy mình đạo đức, chúng ta khinh chê kẻ khác; hoặc khi đứng trước một thử thách lớn, chúng ta tuyệt vọng… Vậy hãy cầu xin Chúa gìn giữ chúng ta vững bước trên con đường dẫn đến Ngài và thánh ý Ngài; hầu tránh được những ‘cực đoan thánh thiện’.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin giúp con có được sự quân bình nội tâm; đừng để con nản lòng trước thử thách; cũng đừng để con cuốn theo những cảm xúc sản sinh từ những ‘cực đoan thánh thiện’”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Nhật ký trừ tà số 177: Địa ngục của sự cố chấp, không tha thứ
Đặng Tự Do
04:50 18/02/2022


Đức Ông Stephen Rossetti là một linh mục ở Giáo phận Syracuse, phó giáo sư nghiên cứu tại Đại học Công Giáo Hoa Kỳ và tích cực tham gia vào mục vụ trừ tà trong 13 năm qua. Trên trang web catholicexorcism.org, ngài vừa có bài viết nhan đề “Exorcist Diary #177: The Hell of Unforgiveness”, nghĩa là “Nhật ký trừ tà số 177: Địa ngục của sự cố chấp, không tha thứ”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Giữa cuộc trừ tà, K bắt đầu kêu lên, “Tôi không thể thoát ra được! Anh ta không cho tôi ra ngoài”. Tôi hỏi, “Anh ta là ai?” Cô ấy trả lời, “Baphomet.” Cô ấy nói thêm, “Anh ấy nói rằng tôi đã phá thai và cổng địa ngục đã khóa lại.”

Baphomet là tên của một con quỷ được được các nhóm thờ Satan tôn thờ, sau đó được kết hợp vào nhiều truyền thống huyền bí và ma thuật khác nhau. Cái tên Baphomet xuất hiện trong các bản cáo trạng của Tòa án Dị giáo bắt đầu từ năm 1307. Nó lần đầu tiên được sử dụng phổ biến trong tiếng Anh vào thế kỷ 19 trong các tường trình liên quan đến các nhóm thờ Satan.

K đã phá thai nhiều năm trước và những con quỷ bây giờ đang sử dụng tội lỗi của cô ấy để chống lại cô ấy. Cô khóc nức nở nói rằng những con quỷ đang khiến cô cảm thấy, về mặt tình cảm và thể chất, giống như cô đang trải qua lần phá thai một lần nữa.

Hết lần này đến lần khác, cha cô nói với cô rằng cô đã được tha thứ. Ông nói yêu thương cô ấy và đã tha thứ cho cô ấy. Tôi nói với cô ấy rằng Chúa Giêsu đã tha thứ cho cô ấy và Thập tự giá của Chúa Kitô đã mở tung các cánh cổng. Nhưng, trong địa ngục, cô không thể nghe thấy điều đó. Cô ấy liên tục nói rằng cổng đã bị khóa và cô ấy không thể ra ngoài. Cô ấy đang hoảng sợ.

Khi ma quỷ xuất hiện, người đau khổ thường cảm thấy những gì ma quỷ cảm thấy và thường trải nghiệm thế giới đen tối của chúng. Vì vậy, họ trải nghiệm các khía cạnh của địa ngục. K đã ở trong địa ngục khi phải đối mặt với sự tàn phá của tội lỗi và sự vô vọng của cảm giác không được Chúa tha thứ. Cô ấy đang ở nơi khốn nạn đời đời.

Cả cha cô và tôi đều cảm thấy bất lực trong việc cố gắng thuyết phục cô ấy nhìn theo cách khác. Trong khi cô ấy đang ở trong “địa ngục” của mình, chúng tôi không thể. Thay vào đó, chúng tôi phải cố gắng vượt lên trước trong các phiên trừ tà, bất chấp những tiếng kêu la và hoảng sợ của cô ấy, và đuổi quỷ càng nhanh càng tốt. Một lễ trừ tà là một thứ rất gian nan.

Vào cuối buổi trừ tà, K quay trở lại với chúng tôi và lũ quỷ đã biến mất, ít nhất là tạm thời. Những lời đầu tiên của cô ấy là, “Tôi muốn đi xưng tội.” *

Kinh nghiệm của K có điều gì đó muốn nói với tất cả chúng ta. Hãy thú nhận tội lỗi của bạn khi bạn vẫn còn thời gian. Trong địa ngục, thời gian đã qua.

*K nói với cha cô rằng cô đã thú nhận tội lỗi trước đây nhưng muốn đi xưng tội lần nữa. Mặc dù những tội lỗi đã thú nhận thực sự được xóa bỏ trước mắt Chúa, nhưng kinh nghiệm của tôi với tư cách là một nhà trừ tà là ma quỷ quan sát hành vi tội lỗi trong quá khứ của chúng ta và có thể chế nhạo chúng ta, cố gắng khiến chúng ta tin rằng chúng ta không được tha thứ hoặc không thể thứ tha. Đây lại là một lời nói dối khác của ma quỷ.
Source:Catholic Exorcisms
 
Công Giáo lỏng lẻo và Tiến Trình Công Nghị Đức. Nhận định đáng báo động của Tiến sĩ George Weigel
J.B. Đặng Minh An dịch
07:27 18/02/2022


Tiến sĩ George Weigel là thành viên cao cấp của Trung tâm Đạo đức và Chính sách Công cộng Washington, và là người viết tiểu sử Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Trong bài báo có nhan đề “Liquid Catholicism and the German Synodal Path”, nghĩa là “Công Giáo lỏng lẻo và Tiến Trình Công Nghị Đức”, ông khẳng định hai thái độ bội giáo của hàng giáo phẩm cấp tiến Đức và các giáo dân cực đoan trong phong trào ZdK.

Theo dòng thời gian khi con người bắt đầu âu lo về số lượng đường tiêu thụ, hãng Coca-Cola đã lần lượt cho ra mắt Coca-Cola Light, thường được gọi là Coke Lite, có ít đường hơn là loại ban đầu. Kế đó, họ cho ra mắt Coke Zero, hoàn toàn không có đường.

Tác giả đã mượn những từ này để nói về “Catholic Lite” – “Công Giáo Nhạt”, trong đó người ta hô hào giảm bớt các đòi buộc của Tin Mừng, nhạt đạo đi một chút. Theo tác giả “Catholic Lite” tất yếu sẽ dẫn đến “Catholic Zero”, chẳng còn chút sắc mầu Công Giáo nào, như các Giám Mục cấp tiến Đức đang hô hào.

Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

Hai mươi năm trước, trong Mùa Chay năm 2002, tôi đã bắt đầu sử dụng thuật ngữ “Catholic Lite” để mô tả một trào lưu muốn tách Giáo hội ra khỏi nền tảng trong Kinh thánh và truyền thống: nhằm hình thành một đạo Công Giáo không thể nói cho bạn biết chắc chắn rằng đạo ấy tin gì hoặc những gì là cần thiết cho một cuộc sống công chính; một Giáo hội của những biên giới rộng mở, không thể hoặc không muốn xác định rõ ràng những ý tưởng và hành động nào khiến cho sự hiệp thông trọn vẹn với Nhiệm thể của Chúa Kitô bị phá vỡ. Trào lưu “Catholic Lite” thường được quảng bá như một phản ứng mục vụ đối với những thách thức văn hóa của thời kỳ cận đại và hậu hiện đại; thích hợp với thời cận đại và hậu hiện đại, không phải bằng lòng nhiệt tình đối thoại, mà bằng một cái ngáp cứng họng.

Tôi chẳng hề biết một trường hợp nào mà trào lưu Catholic Lite này đã dẫn đến một đạo Công Giáo sôi nổi, thực hiện công việc mà Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII và Công đồng Vaticanô II đã đặt ra trước Giáo hội: là sự hoán cải và thánh hóa thế giới. Ngược lại, Catholic Lite luôn dẫn đến chứng xơ cứng giáo hội. Đạo Công Giáo đang tồn tại và sống còn ngày nay là một đạo Công Giáo đón nhận bản giao hưởng của chân lý Công Giáo như là câu trả lời cho lòng khao khát giải phóng con người chân chính và cộng đồng nhân loại đích thực của thế giới: một Giáo hội của những người tội lỗi phấn đấu cho sự hoàn thiện Kitô. Ngược lại, đạo Công Giáo đang chết, ở khắp mọi nơi, là Giáo Hội của thứ Catholic Lite.

Tuy nhiên, tôi đã học được một cách khó khăn rằng thuật ngữ “Catholic Lite” thực sự khó dịch sang các ngôn ngữ khác. Trong nhiều năm, tôi đã tưởng tượng rằng sự phổ biến toàn cầu của các sản phẩm Coca-Cola sẽ khiến cụm từ chưa được dịch là “Catholic Lite” trở nên dễ hiểu; cũng theo cái đà đó, hình ảnh tiếp theo mà tôi bắt đầu sử dụng là “Catholic Zero,” vì “Catholic Lite chắc chắn sẽ dẫn đến Catholic Zero” là thứ còn ngu hơn nữa. Tôi sẽ tránh cho bạn những chi tiết đẫm máu, nhưng một số bản dịch gần đây về tác phẩm của tôi đã quá khó hiểu đến nỗi tôi đã thay đổi hình ảnh và bây giờ tôi xin đề cập đến “Liquid Catholicism” - “Công Giáo lỏng lẻo”: một Giáo hội nhẹ nhàng về nội dung, chạy theo nền văn hóa xung quanh và hình dung bản thân mình chủ yếu loay hoay trong lĩnh vực làm những việc tốt, theo cách hiểu của thế gian thế nào là “việc tốt”.

Những cái chết nói trên của trào lưu Catholic Lite hoặc Công Giáo lỏng lẻo hiện đang được hiển thị đầy đủ trong “Tiến Trình Công Nghị” của Đức: một quá trình kéo dài nhiều năm, bị chi phối bởi các quan chức và học giả của Giáo hội, dường như quyết tâm tái tạo lại Giáo Hội Công Giáo như một hình thức đạo Tin lành tự do. Gần đây nhất, Tiến Trình Công Nghị đã quyết định vũ khí hóa cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục của hàng giáo sĩ như một lý do để đầu hàng tinh thần thời đại trong các vấn đề liên quan đến ý thức hệ giới tính và luân lý trong tình yêu của người. Tuy nhiên, điều quan trọng cần phải hiểu là sự đầu hàng có thể đoán trước được của Tiến Trình Công Nghị đối với những vấn đề “nóng bỏng” này phản ánh một sự bội giáo sâu sắc được thể hiện trong hai quan niệm gây chết người liên quan đến Phúc âm.

Sự bội giáo đầu tiên, lặng lẽ nhưng không thể nhầm lẫn, cho rằng mặc khải của Chúa trong Kinh thánh và truyền thống không bị ràng buộc theo thời gian. Chúa Giêsu phán rằng hôn nhân là mãi mãi; Tiến Trình Công Nghị có thể thay đổi điều đó. Thánh Phaolô và toàn bộ truyền thống Kinh thánh dạy rằng hoạt động đồng tính vi phạm kế hoạch của Thiên Chúa dành cho tình yêu con người được ghi khắc trong việc con người được tạo ra có nam có nữ; Tiến Trình Công Nghị có thể thay đổi điều đó, bởi vì chúng ta là những người hậu hiện đại biết rõ hơn Chúa. Truyền thống Công Giáo hai nghìn năm, được xác nhận một cách chung cuộc bởi Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II vào năm 1994, dạy rằng Giáo hội không được phép phong chức phó tế, linh mục hoặc giám mục cho phụ nữ, bởi vì làm như vậy sẽ làm sai lệch quan hệ phu thê giữa Chúa Kitô Thầy Cả Thượng Phẩm và Hiền thê của ngài, là Giáo Hội; tinh thần thời đại nói rằng điều đó là vô nghĩa và Tiến Trình Công Nghị Đức đồng ý với tinh thần thời đại. Như thế sự bội giáo đầu tiên là cho rằng lịch sử có thể phán xét mặc khải; không có các điểm quy chiếu ổn định cho sự hiểu biết về bản thân Công Giáo; và chúng ta có toàn quyền muốn làm gì thì làm, chứ không phải là Chúa Kitô.

Sự bội giáo thứ hai dạy một khái niệm sai lầm về tự do là “quyền tự chủ”. Tuy nhiên, tự do đích thực không phải là “quyền tự chủ”. “Quyền tự chủ” là một đứa trẻ ba tuổi đập tán loạn vào một cây đàn piano, đây không phải là âm nhạc mà là tiếng ồn (ngoại trừ Mozart). Tự do đích thực là một nhạc sĩ đã thành thạo các kỹ thuật chơi piano (thường là thông qua các bài tập mệt mỏi nhàm chán), đọc và biểu diễn một bản nhạc (là một dạng quy tắc khác phải tuân theo), từ đó tạo ra âm nhạc tuyệt vời. Như Giáo Hội Công Giáo hiểu, tự do đích thực là làm điều đúng đắn với lý do đúng đắn như một vấn đề của thói quen đạo đức (còn được gọi là “nhân đức”). Tự do đích thực không phải là “sự lựa chọn” hay bất kỳ câu thần chú vô tâm nào khác của thời đại. Tự do như là sự hoang đàng chẳng qua là sự nô lệ mình tự gây ra cho mình. Tự do đích thực là sự giải phóng thông qua chân lý đạo đức vì cái thiện và cái đẹp.

Công Giáo lỏng lẻo ngự trị tối cao trong các cuộc thảo luận của Tiến Trình Công Nghị Đức. Kết quả sẽ không phải là sự đổi mới theo phúc âm mà là sự từ bỏ phúc âm mạnh hơn nữa.
Source:First Things
 
Toàn Văn Bài Phát Biểu Khai Mạc Của Đức Thánh Cha Phanxicô Tại Hội Nghị Quốc Tế Về Chức Linh Mục
Lm. Phêrô Trần Mạnh Hùng phỏng dịch
15:25 18/02/2022


Hôm thứ Năm 17 tháng Hai, Đức Thánh Cha đã khai mạc Hội Nghị Quốc Tế Về Chức Linh Mục. Dựa trên hơn 50 năm chức vụ linh mục của mình, Đức Thánh Cha đã đưa ra một bài diễn văn giúp các linh mục ngày nay “trải nghiệm sự bình an và thành quả mà Thánh Linh mong muốn ban cho”.

Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ của linh mục Phêrô Trần Mạnh Hùng.

Anh em rất thân mến, kính chúc anh em có được một ngày tốt lành!

Tôi rất biết ơn khi có cơ hội chia sẻ với các bạn sự suy ngẫm này về một số điều mà Chúa đã dần dần giúp tôi nhận ra trong hơn năm mươi năm làm linh mục của mình. Trong sự tưởng nhớ đầy biết ơn này, tôi muốn bao gồm tất cả những linh mục, những người, bằng cuộc sống và chứng nhân của họ, đã cho tôi thấy từ những năm đầu tiên của tôi ý nghĩa của việc phản ánh khuôn mặt của Người Mục Tử Nhân Lành. Khi suy nghĩ về những điều cần chia sẻ liên quan đến cuộc sống của linh mục ngày nay, tôi kết luận rằng điều tốt nhất là nói về nhân chứng mà tôi đã nhận được từ rất nhiều linh mục trong nhiều năm qua. Những gì tôi cung cấp bây giờ là kết quả của những suy nghĩ của tôi về họ, và sự công nhận và đánh giá cao của tôi về những gì đã phân biệt họ và mang lại cho họ sức mạnh, niềm vui và hy vọng đặc biệt trong sứ mệnh mục vụ của họ.

Đồng thời, tôi cũng nên nói về những anh em linh mục mà tôi phải đồng hành vì họ đã đánh mất ngọn lửa tình yêu đầu tiên và chức vụ của họ trở nên cằn cỗi, lặp đi lặp lại và vô nghĩa. Có những thời điểm và hoàn cảnh khác nhau trong cuộc đời của mỗi linh mục. Cá nhân tôi đã trải qua nhiều thời điểm và tình huống khác nhau, và khi “suy ngẫm” về các chuyển động của Thánh Linh, tôi nhận ra rằng trong một số tình huống đó, bao gồm những khoảnh khắc thử thách, khó khăn và trống vắng, tuy nhiên khi trải qua các trải nghiệm đó, tôi vẫn luôn có một cảm giác bình yên trong cuộc sống của tôi. Tôi nhận ra rằng chúng ta có thể nói và suy đoán không ngừng về chức tư tế (hay chức linh mục), nhưng hôm nay tôi muốn chia sẻ với các bạn “cuốn album nhỏ” này, để các linh mục ngày nay, dù họ ở đâu, có thể trải nghiệm sự bình an và kết quả mà Thánh Linh mong muốn ban tặng. Có thể những suy tư này là “bài hát thiên nga” trong đời linh mục của tôi, nhưng tôi có thể đảm bảo với bạn rằng chúng là kết quả của kinh nghiệm của chính tôi.

Thời đại mà chúng ta đang sống đòi hỏi chúng ta không chỉ trải nghiệm sự thay đổi, mà còn phải chấp nhận nó khi nhận ra rằng thời điểm của chúng ta là thời kỳ của sự thay đổi mang tính lịch sử. Nếu chúng ta có bất kỳ nghi ngờ nào về điều này, Covid (đại dịch viêm phổi Vũ Hán) đã làm cho nó rõ ràng: thực sự, sự bùng phát của virus không thể bị giới hạn trong vấn đề y học và chăm sóc sức khỏe.

Chúng ta có thể phản ứng theo nhiều cách khác nhau trước thách thức của sự thay đổi. Vấn đề là trong khi nhiều hành động và thái độ có thể hữu ích và tốt, không phải tất cả chúng đều mang hương vị của Tin Mừng. Ví dụ, tìm kiếm những cách thức hoạt động đã được thiết lập, rất thường được neo trong quá khứ, "đảm bảo" một loại bảo vệ khỏi rủi ro, che chở chúng ta trong thế giới hoặc một xã hội không còn tồn tại (nếu nó đã từng tồn tại), như thể điều này trật tự xác định có thể dập tắt những xung đột mà lịch sử đặt ra trước mắt chúng ta.

Một thái độ khác có thể là của sự lạc quan quá mức - “Mọi thứ sẽ ổn thôi” - dẫn đến việc phớt lờ nỗi đau liên quan đến sự biến đổi này và không chấp nhận những căng thẳng, phức tạp và mơ hồ của thời điểm hiện tại, “hiến dâng” những điều mới lạ nhất làm hiện thực cuối cùng và do đó gạt bỏ đi sự khôn ngoan của năm tháng.

Cả hai đều là một loại chuyến bay. Chúng là phản ứng của người chăn chiên thuê khi nhìn thấy con sói đến và bỏ chạy: hoặc hướng về quá khứ hoặc hướng tới tương lai. Cả hai đều không thể dẫn đến các giải pháp trưởng thành.

Thay vào đó, tôi thích các phản ứng sinh ra từ sự chấp nhận thực tại một cách đáng tin cậy, được neo giữ trong Truyền thống khôn ngoan và sống động của Giáo hội, cho phép chúng ta đi vào vực sâu mà không sợ hãi. Vào thời điểm này của lịch sử, tôi cảm thấy rằng Chúa Giêsu một lần nữa đang mời gọi chúng ta “Hãy chèo ra chỗ nước sâu” (x. Lc 5, 4) tin tưởng rằng Người là Chúa của lịch sử và rằng với sự hướng dẫn của Người, chúng ta sẽ phân biệt được hướng đi. Sự cứu rỗi của chúng ta không phải là "vô trùng", sản phẩm của một phòng thí nghiệm hoặc một chủ nghĩa tâm linh quái gở. Phân biệt ý muốn của Thiên Chúa có nghĩa là học cách nhìn các thực tại bằng chính con mắt của Chúa. Nó có nghĩa là không trốn tránh những thực tế mà con người của chúng ta đang trải qua, hoặc lo lắng tìm kiếm một lối thoát nhanh chóng và yên tĩnh được cung cấp bởi hệ tư tưởng của thời điểm này hoặc các câu trả lời đúc sẵn.

Cả hai điều này đều không có khả năng đối phó với những thời khắc khó khăn hơn và thậm chí đen tối hơn trong lịch sử của chúng ta. Hai con đường này sẽ khiến chúng ta phủ nhận “lịch sử của chúng ta với tư cách là một Giáo hội, là một lịch sử vinh quang bởi vì đó là lịch sử của sự hy sinh, của những hy vọng và đấu tranh hàng ngày, của cuộc đời dành cho việc phục vụ và trung thành với công việc” (Xem Tông huấn Niềm vui của Tin Mừng hay còn được dịch là Niềm vui của Phúc Âm - Evangelii Gaudium, số 96).

Những thách thức này cũng đang ảnh hưởng đến cuộc sống của các linh mục; một triệu chứng của điều này là cuộc khủng hoảng ơn gọi mà các cộng đồng của chúng ta đã trải qua ở một số nơi. Tuy nhiên, thông thường, điều này xảy ra là do sự vắng bóng lòng nhiệt thành tông đồ nơi các cộng đoàn hầu dễ lây lan, kết quả là họ thiếu sự nhiệt tình và hấp dẫn. Ở đâu có sự sống và lòng nhiệt thành, và ước muốn mang Chúa Kitô đến cho người khác, các ơn gọi chân chính sẽ xuất hiện. Ngay cả trong các giáo xứ có các linh mục không đặc biệt gắn bó và vui tươi, đời sống tích cực và huynh đệ của cộng đoàn có thể đánh thức ước muốn dâng hiến trọn vẹn cuộc đời của một người cho Thiên Chúa và cho việc rao giảng Tin Mừng. Điều này đặc biệt đúng nếu cộng đoàn đó kiên trì cầu nguyện cho các ơn gọi và can đảm đề xuất cho những người trẻ của mình một con đường dâng hiến đặc biệt.

Cuộc đời của một linh mục trên hết là lịch sử cứu độ của một người đã được rửa tội. Chúng ta đừng bao giờ quên rằng mỗi ơn gọi cụ thể, kể cả ơn gọi Truyền Chức Thánh, là sự hoàn thành của bí tích rửa tội. Nói cách khác, luôn luôn sẽ là một cám dỗ lớn khi sống chức linh mục mà không có bí tích rửa tội, chúng ta quên rằng ơn gọi chính yếu của chúng ta là nên thánh. Nên thánh có nghĩa là làm cho chúng ta phù hợp với Chúa Giêsu (trở nên đồng hình đồng dạng với người), để cho tâm hồn chúng ta rộn ràng với những tâm tình giống như Người (x. Pl 2:15). Chỉ khi cố gắng yêu thương người khác như Chúa Giê-su, chúng ta mới làm cho Thiên Chúa trở nên hữu hình và hoàn thành ơn gọi nên thánh của mình. Thật vậy, Thánh Gioan Phaolô II đã nhắc nhở chúng ta rằng, “linh mục, giống như mọi thành viên khác của Giáo hội, phải lớn lên trong nhận thức rằng bản thân mình luôn cần được phúc âm hoá” (Pastores Dabo Vobis, [25 tháng 3 năm 1992], 26).

Mỗi ơn gọi cụ thể phải được phục tùng cho loại biện phân này. Ơn gọi của chúng ta trước hết là sự đáp lại Đấng đã yêu thương chúng ta trước (x. 1 Ga 4:19). Đây là nguồn hy vọng của chúng ta, vì ngay cả giữa những khủng hoảng, Chúa vẫn không ngừng yêu thương chúng ta và kêu gọi chúng ta. Mỗi người chúng ta có thể làm chứng cho điều này: một ngày kia Chúa đã tìm thấy chúng ta, nơi mà chúng ta đã trú ngụ và với những gì mình đã là, trong những hoàn cảnh không chắc chắn hoặc những hoàn cảnh phức tạp của gia đình; tuy nhiên điều này không ngăn cản Ngài sử dụng mỗi người chúng ta để viết lên lịch sử cứu rỗi. Vì vậy, ngay từ thuở ban đầu - chúng ta có thể nghĩ đến Phêrô, Phao-lô và Matthêô, chỉ để nêu tên một số. Chúa Giê-su không chọn họ vì họ hoàn hảo, nhưng vì Ngài đã cam kết cụ thể cho từng người trong số họ. Khi nhìn vào nhân tính của chính mình, lịch sử của chính mình, nhân cách của chính mình, mỗi người chúng ta nên tự hỏi, không phải là việc đáp lại một ơn gọi có đồng ý hay không, nhưng liệu trong lương tâm, ơn gọi đó có làm sáng tỏ tiềm năng Tình yêu trong chúng ta hay không, đây chính là điều mà chúng ta đã nhận được vào ngày làm chịu phép rủa.

Trong thời buổi thay đổi này, nhiều câu hỏi phải đối mặt và nhiều cám dỗ sẽ nảy sinh. Trong những nhận xét này, tôi sẽ chỉ đơn giản nói về điều mà tôi coi là quyết định đối với cuộc đời của một linh mục ngày nay. Thánh Phao-lô nói với chúng ta rằng, “trong Đức Kitô, toàn bộ công trình được kết hợp với nhau và phát triển thành đền thánh trong Chúa” (Ep 2: 21). Mọi cấu trúc, để giữ vững vị trí, cần có những nền tảng vững chắc. Vì lý do này, tôi muốn nói về những thái độ nâng đỡ chúng ta với tư cách là các linh mục. Tôi sẽ gọi bốn trụ cột đó trong đời sống linh mục của chúng ta là “bốn hình thức gần gũi”, vì chúng bắt chước “phong cách” của chính Đức Chúa, về cơ bản là phong cách gần gũi (xem Sách Đệ nhị luật - Đnl 4: 7).

Tôi đã từng đề cập đến những điều này trong quá khứ, nhưng hôm nay tôi muốn thảo luận đầy đủ hơn về chúng bởi vì, hơn cả những công thức hay lý thuyết, các linh mục cần những công cụ cụ thể để thực thi chức vụ, sứ mệnh và hoạt động hàng ngày của họ. Thánh Phao-lô khuyến khích Ti-mô-thê nhen nhóm món quà của Thiên Chúa mà ông đã nhận được qua việc đặt tay: một tinh thần không phải sợ hãi, nhưng là sức mạnh, tình yêu thương và sự tự kỷ luật (xem 2 Tm 1: 6-7). Tôi tin rằng bốn “hình thức gần gũi” này có thể giúp chúng ta một cách thiết thực, cụ thể và tràn đầy hy vọng để nhen nhóm món quà và thành quả đã từng hứa với chúng ta.

1. GẦN GŨI VỚI CHÚA

Đầu tiên là sự gần gũi với Chúa, tức là với Chúa của sự gần gũi. “Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được. Ai không ở lại trong Thầy, thì bị quăng ra ngoài như cành nho và sẽ khô héo. Người ta nhặt lấy, quăng vào lửa cho nó cháy đi. Nếu anh em ở lại trong Thầy và lời Thầy ở lại trong anh em, thì muốn gì, anh em cứ xin, anh em sẽ được như ý.” (Ga 15: 5-7).

Trên hết, một linh mục được kêu gọi để nuôi dưỡng sự gần gũi này, sự thân mật này với Thiên Chúa, và từ mối quan hệ này, anh ta sẽ có thể rút ra tất cả sức mạnh cần thiết cho chức vụ của mình. Có thể nói, mối quan hệ của chúng ta với Thiên Chúa là điều gì “gắn kết” chúng ta với Ngài và làm cho chúng ta có kết quả. Nếu không có mối quan hệ mật thiết và gần gủi này với Chúa, thánh chức của chúng ta sẽ không có kết quả. Gần gũi với Chúa Giê-su và tiếp xúc hàng ngày với lời của ngài, cho phép chúng ta đo lường cuộc sống của mình theo lời Ngài, học cách không bị tai tiếng bởi bất cứ điều gì xảy đến với chúng ta và bảo vệ bản thân khỏi “những vấp ngã”. Giống như Thầy Giê-su, bạn sẽ trải nghiệm niềm vui, tiệc cưới, phép lạ và sự chữa lành, việc hoá bánh ra nhiều, và nhặt lại các phần còn dư thừa sau đó, những khoảnh khắc ngợi khen. Nhưng bạn cũng sẽ trải qua sự vô ơn, bị từ chối, nghi ngờ và cô độc, đến mức phải kêu lên: "Chúa ơi, Chúa ơi, tại sao Chúa lại bỏ rơi con?" (Mt 27: 46).

Sự gần gũi với Chúa Giê-su khiến chúng ta không sợ hãi trong những lúc đó - không phải vì chúng ta dựa vào sức riêng của mình mà vì chúng ta nhìn vào Người, bám chặt lấy Người và kêu lên: “Lạy Chúa, xin giữ cho con khỏi sa vào cơn cám dỗ! chính điều này làm cho tôi nhận ra rằng tôi đang trải qua một thời điểm quan trọng trong cuộc đời và Ngài đang ở bên tôi, để thử thách niềm tin và tình yêu của tôi” (C.M. MARTINI, Kiên trì trong Thử nghiệm. Suy gẫm về cuộc đời của Gióp. Perseverance in Trials. Reflections on Job, Collegeville, 1996). Sự gần gũi với Chúa đôi khi có thể mang hình thức của một cuộc đấu tranh: một cuộc đấu tranh với Chúa, đặc biệt là trong những thời điểm mà sự vắng mặt của Ngài được cảm nhận rõ nhất trong cuộc sống của chúng ta và trong cuộc sống của những người được giao phó cho chúng ta. Một cuộc đấu tranh kéo dài suốt đêm, và giữa lúc đó, chúng ta cầu xin sự ban phước của Người (x. St 32: 25-7), đây sẽ là nguồn sống cho nhiều người.

Nhiều khủng hoảng trong chức tư tế (hay trong đời sống linh mục) bắt nguồn chính từ đời sống cầu nguyện nghèo nàn, thiếu thân mật với Chúa, giảm đời sống thiêng liêng xuống chỉ thực hành tôn giáo. Tôi có thể nghĩ đến những khoảnh khắc quan trọng của cuộc đời mình, nơi mà sự gần gũi với Chúa tỏ ra quyết định trong việc nâng đỡ tôi. Sự thân mật với Chúa sinh ra từ lời cầu nguyện, đời sống thiêng liêng, sự gần gũi cụ thể với Thiên Chúa qua việc lắng nghe lời Người, cử hành Thánh Thể, thinh lặng tôn thờ Chúa Giêsu trong bí tích thánh thể, phó thác cho Mẹ Maria, sự đồng hành dưới sự dẫn dắt khôn ngoan của một cha linh hướng và việc thường xuyên lãnh nhận bí tích Hòa giải… Nếu không có những điều này “các hình thức gần gũi ”, một linh mục chỉ là một kẻ làm thuê mệt mỏi không được lợi ích gì với tư cách là người bạn thân thiết của Chúa.

Chẳng hạn, trong đời sống của các linh mục, việc cầu nguyện chỉ được thực hành như một bổn phận; chúng ta quên rằng tình bạn và tình yêu không đến từ những quy tắc tuân theo, mà là sự lựa chọn cơ bản của trái tim. Cuối cùng, vị linh mục cầu nguyện vẫn với tư cách là một Kitô hữu, người đã biết trân trọng đầy đủ ân huệ nhận được khi chịu phép rửa tội. Một linh mục cầu nguyện là một người con luôn nhớ rằng mình là như vậy, và rằng, mình có một người Cha yêu thương mình sâu sắc. Một linh mục cầu nguyện là một người con luôn gần gũi với Chúa.

Tuy nhiên, không điều gì là dễ dàng cả, trừ khi chúng ta quen tìm những giây phút tĩnh lặng trong suốt ngày của mình và gác lại hoạt động của Mattha (nghĩa là sự hoạt động bên ngoài) để học việc chiêm ngưỡng thinh lặng của Đức Maria. Chúng ta cảm thấy khó từ bỏ chủ nghĩa tích cực đó, bởi vì một khi chúng ta ngừng chạy xung quanh, điều chúng ta cảm thấy ngay lập tức không phải là bình yên mà là một loại trống rỗng; và để tránh cảm giác đó, chúng ta không muốn giảm tốc độ. Tuy nhiên, một khi chúng ta chấp nhận sự “thanh vắng” sinh ra từ sự im lặng, nhanh chóng từ các hoạt động và lời nói của mình, và tìm thấy can đảm để nhìn lại bản thân một cách chân thành, mọi thứ sẽ trở nên nhẹ nhàng và bình yên không còn dựa trên sức mạnh và khả năng của chính chúng ta nữa. Chúng ta cần học cách để cho Chúa làm cho công việc của Ngài hoàn thành trong mỗi người chúng ta và “cắt tỉa” tất cả những gì không có ích, cằn cỗi hoặc không xứng đáng với sự ơn gọi của chúng ta. Sự kiên trì trong lời cầu nguyện không chỉ đơn giản là trung thành với việc thực hành nó: nó có nghĩa là không bỏ chạy trong những lúc lời cầu nguyện lôi kéo chúng ta vào sa mạc. Con đường trong sa mạc là con đường dẫn đến sự thân mật với Thiên Chúa, với điều kiện chúng ta đừng chạy trốn hay tìm cách trốn tránh cuộc gặp gỡ này. Trong sa mạc “Ta sẽ dịu dàng nói với nàng”, Chúa đã nói với dân Ngài qua những lời của tiên tri Hôsê (Hs 2:14).

Sự gần gũi với Thiên Chúa cho phép người linh mục chạm vào những tổn thương trong tâm hồn chúng ta, mà nếu được ôm ấp, chúng ta sẽ giải trừ chúng ta đến mức có thể có một cuộc gặp gỡ. Lời cầu nguyện, như lửa, khuấy động đời sống linh mục của chúng ta, là lời cầu xin của một tấm lòng kiên trung và khiêm nhường, mà như Kinh Thánh đã nói với chúng ta, Chúa không khinh bỉ (x. Tv 51:17). “Họ kêu xin, và Chúa đã nhậm lời, giải thoát khỏi mọi cơn nguy khốn. Chúa gần gũi những tấm lòng tan vỡ, cứu những tâm thần thất vọng ê chề.” (Tv 34: 17-18).

Một linh mục cần có một trái tim “mở rộng” và đủ rộng mở để đón nhận nỗi đau của những người được giao phó cho sự chăm sóc của mình, đồng thời, giống như một lính canh, có thể công bố sự rạng rỡ ân điển của Đức Chúa được bày tỏ trong chính nỗi đau đó. Ôm ấp, chấp nhận và thể hiện sự bần cùng của mình trong sự gần gũi với Chúa là phương tiện tốt nhất để dần dần học cách đón nhận sự thiếu thốn và đau đớn mà anh ta gặp phải hàng ngày trong chức vụ của mình, và do đó ngày càng nên đồng hình, đồng dạng và gần gũi hơn với trái tim của Đức Kitô. Đến lượt mình, điều đó sẽ chuẩn bị cho người linh mục một kiểu gần gũi khác: gần gũi với dân Chúa. Trong sự gần gũi với Thiên Chúa, linh mục lớn lên trong sự gần gũi với đoàn chiên (hay giáo dân) của mình; và ngược lại, khi gần gũi với giáo dân của mình, anh ta cảm nghiệm được sự gần gũi với vị Thiên Chúa của mình.

Thánh Gioan Tẩy Giả đã nói: “Người phải lớn lên, còn tôi thì phải giảm xuống” (Ga 3: 30). Sự thân mật với Chúa làm cho tất cả những điều này trở nên khả thi, vì trong lời cầu nguyện, chúng ta nhận ra rằng, mình cao cả trong ánh mắt của Ngài, và vì thế, đối với những linh mục gần gũi Chúa, chúng ta dễ trở nên nhỏ bé trong mắt người đời. Ở đó, trong sự gần gũi với Chúa, chúng ta không còn sợ hãi khi bị gán ghép với Chúa Giêsu bị đóng đinh, như đã đòi hỏi chúng ta trong Nghi thức Truyền chức Linh mục.

2. GẦN GŨI VỚI GIÁM MỤC

Hình thức gần gũi thứ hai này từ lâu đã được hiểu một cách phiến diện. Với tư cách là Giáo hội, ngày nay, quan điểm của chúng ta về sự vâng phục vẫn khác xa với ý thức của Phúc âm. Sự vâng lời không phải là một thuộc tính kỷ luật nhưng là dấu hiệu sâu xa nhất của mối dây liên kết chúng ta trong sự hiệp thông. Tuân theo (hay vâng lời bề trên) nghĩa là học cách lắng nghe, để nhớ rằng không ai “sở hữu” ý muốn của Thiên Chúa, ý muốn này chỉ được hiểu thông qua sự phân định. Vì thế, vâng lời là chú ý lắng nghe ý muốn của Thiên Chúa, ý muốn ấy được nhận biết một cách chính xác trong mối quan hệ, cụ thể là mối quan hệ với người khác. Thái độ chăm chú lắng nghe như vậy khiến chúng ta nhận ra rằng, không ai trong chúng ta là đầu và cuối của cuộc đời, mà mỗi chúng ta nhất thiết phải tương tác với người khác. “Logic nội tại” của sự gần gũi - trong trường hợp này là với Giám mục, nhưng ngay cả với những người khác nữa - cho phép chúng ta chiến thắng mọi cám dỗ về tính khép kín, tự biện minh cho bản thân và sống cuộc đời của mình như những “nhà độc thân”. Thay vào đó, nó mời gọi chúng ta lắng nghe người khác, để tìm ra con đường dẫn đến chân lý và cuộc sống.

Giám mục, dù ngài là ai, vẫn luôn duy trì và đối với mỗi linh mục và cho mỗi Giáo hội điạ phương là một mối dây liên kết giúp phân biệt ý muốn của Thiên Chúa. Tuy nhiên, chúng ta không nên quên rằng chính Giám mục chỉ có thể là một phương tiện cho sự phân định này nếu chính ngài chú ý đến đời sống của các linh mục của ngài và của dân thánh Thiên Chúa được giao phó cho ngài chăm sóc. Như tôi đã viết trong Tông huấn Niềm vui của Phúc Âm - Evangelii Gaudium, “chúng ta cần thực hành nghệ thuật lắng nghe, không chỉ đơn giản là nghe. Lắng nghe, trong giao tiếp, là một sự cởi mở của trái tim, giúp cho sự gần gũi có thể thực hiện, vì nếu không có điều này thì sự gặp gỡ thiêng liêng thực sự không thể xảy ra. Lắng nghe giúp chúng ta tìm ra cử chỉ và lời nói phù hợp cho thấy chúng ta không chỉ đơn giản là người ngoài cuộc. Chỉ nhờ vào sự lắng nghe với tính cách tôn trọng và nhân ái như vậy, chúng ta mới có thể bước vào con đường trưởng thành thực sự và đánh thức khát vọng lý tưởng Kitô giáo: ước muốn đáp lại trọn vẹn tình yêu của Thiên Chúa và kết quả những gì Người đã gieo trong cuộc đời chúng ta” (Xem Tông huấn Niềm vui của Tin Mừng hay còn được dịch là Niềm vui của Phúc Âm - Evangelii Gaudium, số 171).

Không phải ngẫu nhiên mà điều ác, để phá hủy thành quả công việc của Giáo hội, lại tìm cách phá hoại các mối dây liên kết thiết lập và gìn giữ chúng ta trong sự hiệp nhất. Bảo vệ mối liên kết của người linh mục với Giáo hội điạ phương của mình, với giáo phận mà anh ta thuộc về, và với vị Giám mục của mình, làm cho đời sống linh mục trở nên đáng tin cậy và chắc chắn. Vâng lời là quyết định cơ bản để chấp nhận những gì được yêu cầu nơi chúng ta, và làm như vậy như một dấu chỉ cụ thể của bí tích cứu độ phổ quát đó là Giáo hội. Sự vâng lời cũng có thể là thảo luận, chú ý lắng nghe và trong một số trường hợp có thể mang tính cách căng thẳng. Điều này nhất thiết đòi hỏi các linh mục phải cầu nguyện cho các Giám mục của họ và được tự do bày tỏ ý kiến của mình với sự tôn trọng và chân thành. Nó cũng đòi hỏi các Giám mục phải thể hiện sự khiêm tốn, khả năng lắng nghe, tự phê bình và để bản thân được giúp đỡ. Nếu chúng ta có thể duy trì mối ràng buộc này, chúng ta sẽ tiến lên một cách an toàn trên con đường của mình.

3. GẦN GŨI VỚI CÁC LINH MỤC KHÁC

Chính trên nền tảng của sự hiệp thông với Giám mục mà một hình thức gần gũi thứ ba xuất hiện, đó là sự gần gũi của tình huynh đệ. Chúa Giêsu hiện diện ở bất cứ nơi nào có anh chị em yêu thương nhau: “Vì ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ” (Mt 18: 20). Tình huynh đệ, giống như sự vâng lời, không thể là một sự áp đặt luân lý từ bên ngoài. Tình huynh đệ có nghĩa là lựa chọn cố ý theo đuổi sự thánh khiết cùng với những người khác, chứ không phải tự chính mình. Như một câu ngạn ngữ Châu Phi đã nói: “Nếu bạn muốn đi nhanh, hãy đi một mình; nếu bạn muốn đi xa, hãy đi cùng người khác”. Đôi khi có vẻ như Giáo hội chậm chạp, và điều đó đúng. Tuy nhiên, tôi thích nghĩ đó là sự chậm chạp của những người đã chọn bước đi trong tình huynh đệ.

Những dấu hiệu của tình huynh đệ là những dấu hiệu của tình yêu. Thánh Phao-lô, trong Thư thứ nhất gửi tín hữu Cô-rin-tô (Chương 13), đã để lại cho chúng ta một “lộ trình” tình yêu rõ ràng và theo một nghĩa nào đó, đã chỉ ra mục tiêu của tình huynh đệ. Trước hết, để học tính kiên nhẫn, khả năng cảm thấy có trách nhiệm với người khác, chia sẻ gánh nặng của họ, chịu đựng theo một cách nào đó với họ. Đối lập với sự nhẫn nại là sự thờ ơ, khoảng cách mà chúng ta tạo ra với người khác, để không dính líu đến cuộc sống của họ. Nhiều linh mục trải qua màn kịch của sự đơn độc, của sự cô đơn. Chúng ta có thể cảm thấy không cần sự kiên nhẫn hoặc cân nhắc. Thật vậy, có vẻ như chúng ta chỉ mong đợi sự phán xét từ người khác chứ không phải lòng tốt hay sự quan tâm. Những người khác dường như không thể vui mừng trước những điều tốt đẹp xảy ra trong cuộc sống của chúng ta, hoặc chính chúng ta dường như không thể vui mừng khi chúng ta thấy những điều tốt đẹp xảy ra trong cuộc sống của người khác. Đây là sự đố kỵ, rất hiện hữu trong vòng kết nối của chúng ta; nó là một trở ngại cho phương pháp sư phạm của tình yêu, không chỉ là một tội lỗi cần được thú nhận.

Để cảm thấy mình là một phần của cộng đồng hoặc “nhóm”, không cần phải đeo mặt nạ để khiến bản thân trở nên hấp dẫn hơn đối với người khác. Nói cách khác, chúng ta không cần phải khoe khoang, càng không cần phải thổi phồng, hoặc tệ hơn là trở nên kiêu ngạo hoặc thô lỗ, thiếu tôn trọng người lân cận. Nếu có một điều mà người linh mục có thể khoe khoang, thì đó là lòng thương xót của Chúa. Vì ý thức về tội lỗi, sự yếu đuối và giới hạn của chính mình, nên từ kinh nghiệm, thánh Phaolô biết rằng nơi nào tội lỗi nhiều thì ân sủng càng nhiều hơn (x. Rm 5:20). Đây là thông điệp đầu tiên và yên tâm nhất mà ngài đã mang đến cho chúng ta.

Tình yêu thương huynh đệ không cố chấp theo cách riêng của nó, hay dẫn đến n sự tức giận hay oán giận, như thể anh em tôi hoặc người hàng xóm đã lừa dối tôi điều gì đó. Khi tôi gặp sự ác ý của người khác, tôi chọn không nuôi dưỡng lòng thù hận, để làm cơ sở phán xét duy nhất của tôi, thậm chí có thể đến mức vui mừng vì điều ác trong trường hợp của những người đã gây ra cho tôi đau khổ. Tình yêu chân chính vui mừng trong lẽ thật và coi đó là tội trọng khi xúc phạm đến sự thật và phẩm giá của anh chị em chúng ta qua những lời vu khống, dèm pha và đàm tiếu.

Mặt khác, chúng ta đừng bao giờ cho phép tình yêu huynh đệ bị coi là điều không tưởng, một cụm từ sáo rỗng hữu ích để đánh thức những tình cảm nồng ấm hoặc những bất đồng vẫn còn tồn tại. Không! Tất cả chúng ta đều biết khó khăn như thế nào để sống trong cộng đồng, bên cạnh những người mà chúng ta đã chọn gọi là anh chị em của mình. Tình yêu thương huynh đệ chỉ có thể tồn tại và diễn ra, với điều kiện là chúng ta không biến nó trở thành như loại đường hoá học (ý ĐTC Phanxicô muốn nói ở đây có nghĩa là tình huynh đệ giữa các anh em linh mục không nên giả tạo như loại đường hoá học), xác định lại hoặc làm giảm bớt nó, là “lời tiên tri vĩ đại” mà chúng ta được kêu gọi để hiện thân trong xã hội vứt bỏ ngày nay. Tôi thích nghĩ về tình yêu thương huynh đệ như một “phòng tập thể dục của tinh thần”, nơi chúng ta hàng ngày kiểm tra sự tiến bộ của mình và kiểm tra nhiệt độ của đời sống tâm linh của chúng ta. Ngày nay, lời tiên tri về tình huynh đệ không hề phai nhạt, nhưng nó cần những sứ giả loan tin, những người nam và người nữ, những người ý thức về những giới hạn và thách thức của chính mình, hãy để cho mình được cảm động, thử thách và cảm kích bởi những lời của Chúa: “Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau.” (Ga 13: 35).

Tình yêu huynh đệ, đối với các linh mục, không thể bị giới hạn trong một nhóm nhỏ, nhưng được thể hiện trong lòng bác ái mục vụ (xem Pastores Dabo Vobis, 23), là nguồn cảm hứng cho chúng ta sống tình yêu đó một cách cụ thể như là sứ mệnh. Chúng ta có thể nói rằng chúng ta yêu thực sự, nếu chúng ta học cách bày tỏ tình yêu theo cách mà Thánh Phaolô mô tả. Chỉ có người tìm kiếm tình yêu mới được an toàn. Những người sống với hội chứng Cain, bị thuyết phục rằng, họ không có khả năng yêu thương người khác vì bản thân họ cảm thấy không được yêu thương, và không được đánh giá cao, cuối cùng họ luôn sống như những kẻ lang thang không yên, không bao giờ cảm thấy thoải mái như ở nhà, và chính xác vì lý do này mà họ càng dễ dàng tiếp xúc với sự dữ hay điều ác nhiều hơn: làm tổn thương chính mình và làm tổn thương người khác.

Tôi cũng muốn nói thêm rằng khi tình huynh đệ của anh em linh mục phát triển mạnh và các mối quan hệ của tình bạn chân chính tồn tại, thì họ cũng có thể trải nghiệm cuộc sống độc thân một cách thanh thản hơn. Đời sống độc thân (bao hàm ý nghĩa đời sống khiết tịnh, tiếng Anh gọi là celibacy) là một món quà (từ Thiên Chúa) mà Giáo Hội Công Giáo La Mã đã bảo vệ và gìn giữ, nhưng nó là một món quà, để được sống như một phương tiện nên thánh, đòi hỏi những mối quan hệ lành mạnh, những mối quan hệ có lòng quý trọng và sự tốt lành thực sự bắt nguồn sâu xa từ Chúa Kitô. Không có bạn bè thân và không có đời sống cầu nguyện, đời sống độc thân có thể trở thành một gánh nặng không thể chịu đựng được và là một phản chứng cho vẻ đẹp của chính chức vụ linh mục.

4. GẦN GŨI VỚI MỌI NGƯỜI

Tôi thường nhấn mạnh mối quan hệ của chúng ta với dân thánh của Thiên Chúa đối với mỗi người chúng ta không phải là nghĩa vụ mà là ân sủng: “Yêu thương người khác là sức mạnh thiêng liêng lôi kéo chúng ta kết hợp với Chúa” (Evangelii Gaudium, số 272). Vì lý do này, vị trí thích hợp của mỗi linh mục là ở giữa mọi người, trong mối quan hệ mật thiết với những người khác. Trong Tông Huấn Evangelii Gaudium (Niềm vui của Tin Mừng), tôi nhấn mạnh rằng “để trở thành những người truyền bá Phúc âm nhằm thánh hóa các linh hồn, chúng ta cần phát triển sở thích tinh thần để gần gũi với cuộc sống của mọi người và khám phá ra rằng đây chính là một nguồn của niềm vui lớn hơn. Truyền giáo đồng thời là một đam mê đối với Chúa Giêsu và đam mê đối với dân tộc của Người. Khi chúng ta đứng trước Chúa Giêsu bị đóng đinh, chúng ta thấy chiều sâu của tình yêu Ngài nâng cao và giúp đỡ chúng ta, nhưng cùng lúc, ngoại trừ chúng ta là những kẻ bị đui mù (hay khiếm thị), chúng ta bắt đầu nhận ra thêm một lần nữa rằng, Chúa Giêsu muốn tận dụng chúng ta để đến gần hơn với những người mà Ngài yêu quý. Ngài tuyển chọn chúng ta và tách các anh em linh mục ra khỏi dân của Ngài và sai chúng ta, là các linh mục đến với dân Ngài; Nếu chúng ta là những anh em linh mục mà không có ý thức điều này, nghĩa là mình thực sự thuộc về đoàn chiên của mình, thì chúng ta không thể hiểu được bản sắc sâu xa nhất của mình là vị chủ chăn hay là người linh mục” (Xem Tông Huấn Evangelii Gaudium - Niềm vui của Tin Mừng, số 268).

Tôi tin rằng, để có một sự hiểu biết mới về danh tính của thiên chức linh mục, điều quan trọng ngày nay là phải tham gia chặt chẽ vào cuộc sống thực của mọi người, sống bên cạnh các tín hữu, và không chủ trương tìm cho mình một lối thoát. “Đôi khi chúng ta bị cám dỗ để trở thành loại người Kitô hữu mà sống thờ ơ với các chứng thương của Chúa. Tuy nhiên, Chúa Giêsu muốn chúng ta chạm vào sự khốn cùng của con người, chạm vào da thịt đau khổ của người khác. Ngài hy vọng rằng chúng ta sẽ ngừng tìm kiếm những ngóc ngách cá nhân hoặc cộng đồng, nơi che chở chúng ta khỏi ma trận của sự bất hạnh của con người và thay vào đó, bước vào thực tế cuộc sống của người khác và biết sức mạnh của sự dịu dàng. Bất cứ khi nào chúng ta làm như vậy, cuộc sống của chúng ta trở nên điều phức tạp diệu kỳ (kỳ bí) và chúng ta trải nghiệm một cách mãnh liệt thế nào là trở thành con người, là một phần của cộng đồng con người” (sđd, 270).

Sự gần gũi với dân Chúa, một sự gần gũi, được phong phú bởi những hình thức gần gũi khác, mời gọi và thực sự đòi hỏi chúng ta phải bắt chước “phong cách” riêng của Chúa. Phong cách đó thể hiện sự gần gũi, từ bi và dịu dàng, trong đó chúng ta đóng vai trò không phải là thẩm phán, mà là những người Samaritanô nhân hậu, những người thừa nhận những vết thương của anh chị em của chúng ta, những đau khổ thầm lặng của họ, sự từ bỏ bản thân và hy sinh của rất nhiều người cha và người mẹ để hỗ trợ những gia đình của họ. Ai cũng thừa nhận những tác động của bạo lực, tham nhũng và sự thờ ơ mà theo họ, đang tìm cách bóp nghẹt mọi hy vọng. Một phong cách gần gũi cho phép chúng ta xoa dịu vết thương và công bố một năm ân huệ của Chúa (x. Is 61: 2). Cần phải nhớ rằng con dân Chúa đang hy vọng tìm thấy những người chủ chăn theo phong cách của Chúa Giê-su. Không phải “những người làm chức năng giáo sĩ” hay “những chuyên gia tâm linh”, mà là những người mục tử (shepherds) đầy lòng trắc ẩn và quan tâm. Những người đàn ông (người nam) can đảm, sẵn sàng đến gần những người đang đau đớn và giúp đỡ. Những người đàn ông chiêm niệm, có sự gần gũi với mọi người cho phép họ tuyên bố trước những vết thương của thế giới chúng ta về sức mạnh của Sự Phục sinh ngay cả giây phút hiện tại đang hoạt động.

Một trong những dấu ấn đặc biệt của điều này, “mạng lưới” xã hội của chúng ta, là cảm giác “mồ côi” ngày càng tăng của mọi người. Mặc dù được kết nối với mọi người và mọi thứ, chúng ta thiếu cảm giác thân thuộc, một thứ không chỉ đơn thuần là kết nối. Sự gần gũi của một linh mục (hay mục sư) giúp chúng ta có thể tập hợp một cộng đồng và thúc đẩy sự phát triển của cảm giác thân thuộc đó. Vì chúng ta thuộc về đoàn dân thánh thiện và trung thành của Thiên Chúa, điều này được coi như là dấu hiệu cho thấy vương quốc của Thiên Chúa đang triển nở và hiện diện trong lịch sử của con người ngay bây giờ và hôm nay. Nếu các vị chủ chăn của chúng ta đi lạc hoặc tháo chạy, bầy cừu sẽ chạy tán loạn và phải cam chịu, không một chút xót thương, dưới nanh vuốt của bất kỳ con sói nào.

Cảm giác thân thuộc này sẽ đến lượt chứng minh cho thấy, nó chính là một liều thuốc giải độc cho sự méo mó của ơn gọi xảy ra bất cứ khi nào chúng ta quên rằng đời sống linh mục là “sự lệ thuộc” vào người khác – và với Chúa, cũng như đối với những ai mà Chúa đã giao phó cho chúng ta chăm sóc. Một khi mà chúng ta (ở đây ám chỉ các anh em linh mục) quên đi điều này là gốc rễ của chủ nghĩa giáo sĩ, (bao gồm giáo trị, tiếng anh gọi là Clericalism) và hậu quả của nó. Chủ nghĩa giáo sĩ là một sự bóp méo vì nó không dựa trên sự gần gũi mà dựa trên khoảng cách. Khi tôi nghĩ về chủ nghĩa giáo sĩ, tôi cũng nghĩ đến việc giáo sĩ hoá của một số các giáo dân: việc tạo ra một nhóm nhỏ xung quanh các linh mục, những vị linh mục này cuối cùng phản bội sứ mệnh thiết yếu của chính họ (xem Gaudium et Spes, số 44). Chúng ta hãy nhớ rằng “sứ mệnh của tôi (ám chỉ các linh mục) là ở trong lòng mọi người, sứ mạng này không chỉ là một phần của cuộc đời tôi hay như là một bảng tên mà tôi có thể gỡ ra tuỳ tiện; nó không phải là điều được thêm vào hay chỉ là một khoảnh khắc khác trong cuộc sống. Thay vào đó, nó là thứ mà tôi không thể bứng gốc khỏi con người mình mà không gây hủy hoại đến chính bản thân. Tôi là một sứ mệnh trên trái đất này; đó là lý do tại sao tôi hiện diện trên thế giới này. Chúng ta phải coi mình là người đã được niêm phong, thậm chí có nhãn hiệu, bởi sứ mệnh này là mang lại ánh sáng, phước lành, sinh động, nâng cao, chữa lành và giải phóng” (Evangelii Gaudium, 273).

Tôi muốn liên hệ sự gần gũi này đối với dân Thiên Chúa và với sự gần gũi với Chúa, vì lời cầu nguyện của người chủ chăn (cha xứ) được nuôi dưỡng và trở nên nhập thể trong lòng dân Chúa. Khi cầu nguyện, vị linh mục ghi dấu nỗi buồn và niềm vui của đoàn dân mình, mà ngài trình bày trong thinh lặng với Chúa, để được xức dầu bởi ân sủng của Chúa Thánh Thần. Đó là niềm hy vọng của mỗi chủ chăn, kẻ tin cậy và làm việc không mệt mỏi để xin Thiên Chúa ban phước lành cho đoàn dân của mình (nghĩa là các giáo dân trong xứ đạo của mình).

Thánh Inhaxiô dạy rằng “không phải là biết nhiều nhưng nhận ra và cảm nhận những điều chứa đựng bên trong nội tâm mà nó làm thỏa mãn tâm hồn” (Các Bài Linh Thao – Spiritual Exercises, Chú Giải, 2, 4). Các giám mục và linh mục nên hỏi, “Làm thế nào tôi thực hành những hình thức gần gũi này? Làm thế nào để tôi có thể sống bốn khía cạnh này mà nó đang giao thoa lẫn nhau và hình thành trái tim linh mục của tôi, giúp tôi có thể đối phó với những căng thẳng và mất cân bằng mà chúng ta trải qua hàng ngày?” Bốn hình thức gần gũi đó là sự huấn luyện tốt để “chơi trên một bãi đất trống”, nơi mà người linh mục được kêu gọi hiện diện mà không có cảm giác sợ hãi hay qúa cứng nhắc, mà không làm giảm hoặc gây nên sự nghèo nàn trong sứ mệnh của mình.

Trái tim linh mục biết về sự gần gũi, bởi vì hình thức gần gũi chính yếu của vị linh mục là với Chúa. Xin Chúa Kitô viếng thăm các linh mục của Người trong lời cầu nguyện của họ, trong Giám mục của họ, trong các linh mục anh em của họ và trong cộng đoàn giáo hữu của họ. Xin Người làm đảo lộn thói quen của chúng ta, làm gián đoạn cuộc sống của chúng ta và làm chúng ta bớt đi những lo âu và băn khoăn - như lúc mới yêu lần đầu tiên - và dẫn dắt chúng ta sử dụng tất cả tài năng và khả năng của mình để đảm bảo rằng đoàn chiên của chúng ta có được cuộc sống phong phú và sự sống dồi dào (x. Ga 10: 10). Những hình thức gần gũi mà Chúa đòi hỏi không phải là một gánh nặng thêm: chúng là một món quà mà Người ban cho để giữ cho ơn gọi của chúng ta được sống động và kết quả. Nếu chúng ta bị cám dỗ để bị cuốn vào những bài phát biểu xen lẫn, những cuộc thảo luận về thần học của thiên chức linh mục hoặc những lý thuyết về chức tư tế phải như thế nào, thì về phần mình, Chúa chỉ nhìn chúng ta với ánh mắt dịu dàng và từ bi. Ngài chỉ cho các linh mục những tấm biển chỉ đường để đánh giá cao và khơi dậy lòng nhiệt thành truyền giáo của họ: gần gũi với Thiên Chúa, với Giám mục, với các linh mục anh em và với những người được giao phó cho họ chăm sóc. Một sự gần gũi theo “phong cách” của chính Thiên Chúa, Đấng luôn gần gũi với chúng ta, với giàu lòng trắc ẩn và tình yêu thương dịu dàng.
Source:The Tablet
 
Ukraine hoan nghênh Vatican đứng ra làm trung gian hòa giải với Nga, và muốn Đức Giáo Hoàng sớm đến thăm quốc gia này
Đặng Tự Do
16:08 18/02/2022


Hôm thứ Bẩy, Úc đã quyết định rút toàn bộ sứ quán khỏi Ukraine vì tình hình được cho là đáng báo động. Ngoại trưởng Hoa Kỳ là ông Antony Blinken, đang ở thăm Úc, đã lên đường về nước. Ông cho rằng “Nga có thể tấn công Ukraine bất cứ lúc nào, một khả năng thương thảo đã bế tắc”.

Trong bối cảnh đó, Ukraine đã yêu cầu Tòa Thánh làm trung gian hòa giải trong cuộc xung đột với Nga và muốn Đức Thánh Cha Phanxicô đến thăm càng sớm càng tốt, ngay cả trong tình hình hiện tại. Tân đại sứ của Ukraine cạnh Tòa thánh đã cho biết như trên hôm thứ Hai.

Phát biểu với Reuters trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại, Andriy Yurash, cho biết Vatican đang xem xét phản ứng của mình đối với lời mời đến thăm từ các quan chức chính trị và Giáo Hội Công Giáo ở Ukraine.

Yurash, 53 tuổi, lưu ý rằng tháng 4 năm ngoái, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy nói với một tờ báo Ý rằng Vatican sẽ là một địa điểm lý tưởng để đàm phán chấm dứt chiến tranh ở vùng Donbass, miền đông Ukraine, bắt đầu từ năm 2014.

Yurash lặp lại lòng mong mỏi của Ukraine muốn Vatican đứng ra làm trung gian hòa giải trong bối cảnh quốc tế đang bế tắc về việc Nga triển khai hơn 100,000 quân gần Ukraine. Cho đến nay, Nga tiếp tục phủ nhận việc lên kế hoạch cho một cuộc xâm lược nhưng nhiều nước phương Tây âu lo một cuộc xâm lược đang gần kề và đã yêu cầu công dân của họ di tản.

“Theo tôi hiểu, Vatican sẽ sẵn sàng và vui mừng tạo khả năng này để gặp gỡ các nhà lãnh đạo của cả hai bên,” Yurash, cựu Vụ trưởng Vụ Tôn giáo và Dân tộc tại Bộ Văn hóa Ukraine cho biết.

“Ukraine hoàn toàn ủng hộ việc dùng Vatican làm địa điểm thương thảo vì tầm ảnh hưởng, và giá trị tinh thần của Tòa Thánh đối với cuộc họp. Nếu Nga xác nhận ý muốn ngồi vào bàn, ngay lập tức Ukraine sẽ đáp trả theo hướng tích cực”, ông nói.

Vatican đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận.

Trong những thập kỷ gần đây, Vatican đã tham gia vào các cuộc hòa giải giữa các phe phái ở Nam Sudan, giữa Chí Lợi và Á Căn Đình về tranh chấp lãnh thổ và cũng làm trung gian hòa giải giữa Cuba và Hoa Kỳ.

Ukraine chủ yếu theo Chính Thống Giáo nhưng khoảng 10% dân số thuộc Giáo Hội Công Giáo Đông phương, sử dụng các nghi thức tôn giáo Byzantine nhưng trung thành với Rôma.

Vào năm 2018, Giáo Hội Chính thống Ukraine đã tách ra làm hai, với một bên tuyên bố độc lập khỏi Giáo Hội Chính thống Nga và một bên giữ quan hệ với Mạc Tư Khoa.

Đại sứ mới được bổ nhiệm đã lặp lại lời mời thường trực của các nhà lãnh đạo Công Giáo và chính trị của Ukraine mong muốn Đức Giáo Hoàng đến thăm.

Ông nói: “Tất cả các nhà lãnh đạo thế giới đều nên đến thăm Ukraine. Một chuyến Tông đồ của Đức Giáo Hoàng sẽ có tác động rất lớn đối với sự phát triển của tình hình.”

“Ukraine sẽ rất vui khi được gặp Đức Giáo Hoàng ngay cả trong hoàn cảnh hiện nay vì chúng tôi hoàn toàn chắc chắn rằng chúng tôi đang kiểm soát biên giới của mình. Chúng tôi đang kiểm soát tình hình bên trong đất nước và chúng tôi sẽ sẵn sàng bảo vệ tất cả mọi người”, ông nói.

Mạc Tư Khoa đang thúc ép yêu cầu các bảo đảm từ Hoa Kỳ và NATO, bao gồm việc ngăn chặn Ukraine gia nhập NATO, hạn chế triển khai tên lửa gần biên giới Nga và thu nhỏ cơ sở hạ tầng quân sự của NATO ở Âu Châu lên mức 1997.

Washington coi nhiều yêu cầu của Nga là không khả thi nhưng đã thúc đẩy Điện Kremlin thảo luận chung với Washington và các đồng minh Âu Châu.
Source:Reuters
 
Các cử hành Phụng Vụ của Đức Thánh Cha trong tháng Ba
Đặng Tự Do
16:09 18/02/2022


Hôm 14 tháng Hai, Tòa Thánh đã công bố các các cử hành Phụng Vụ của Đức Thánh Cha Phanxicô trong tháng Ba.

Sinh hoạt thứ nhất là vào ngày thứ Tư 2 tháng Ba, Đức Thánh Cha sẽ cử hành thứ Tư Lễ Tro, bắt đầu vào lúc 4g30 chiều tại nhà thờ Thánh Anselmo.

Theo truyền thống phụng vụ có từ thế kỷ thứ 7, ngày Thứ Tư Lễ Tro là một ngày quan trọng, và không một lễ nào có thể vượt lên trên. Người ta cũng gọi ngày này là “Ðầu Mùa Chay”. Việc ăn chay trong Mùa này đã có từ thời Ðức Giáo Hoàng Gregoriô Cả vào cuối thế kỷ thứ Sáu.

Những Quy luật tổng quát của Năm phụng vụ nói về ngày Thứ Tư Lễ Tro như sau: “Mùa Chay bắt đầu từ Thứ Tư Lễ Tro và kết thúc ngay trước Thánh lễ Tiệc Ly. Ngày Thứ Tư đầu Mùa Chay có xức tro; ngày đó khắp nơi ăn chay”. Lời chỉ dẫn này cho chúng ta biết ý nghĩa của Ngày Thứ Tư Lễ Tro trong Năm phụng vụ, cũng như trong suốt Mùa Chay thánh. Với Thứ Tư Lễ Tro, Giáo hội bắt đầu Mùa Chay Thánh.

Thông thường, vào lúc 16:30 ngày thứ Tư lễ Tro, Đức Thánh Cha chủ sự cuộc rước thống hối từ nhà thờ Thánh Anselmo của dòng Biển Đức đến Vương cung Thánh Đường Thánh nữ Sabina của dòng Đa Minh trên đồi Aventino ở Rôma.

Trên quãng đường dài 500 mét, các vị vừa đi vừa hát kinh cầu các thánh, và thánh ca thống hối.

Tại Vương cung Thánh Đường thánh nữ Sabina, có từ thế kỷ thứ 5, Đức Thánh Cha sẽ chủ sự thánh lễ đồng tế với nghi thức xức tro, cùng với các Hồng Y và Giám Mục, trước sự tham dự của các linh mục tu sĩ nam nữ và giáo dân, đặc biệt là các vị lãnh đạo Hội Hiệp sĩ Malta.

Năm ngoái, do tình trạng đại dịch coronavirus, tất cả những nghi lễ này phải hủy bỏ. Năm nay, truyền thống này được tái tục.

Sinh hoạt thứ hai là vào ngày thứ Sáu 4 tháng Ba, Đức Thánh Cha sẽ chủ sự công nghị Hồng Y bình thường để phê chuẩn một số án tuyên thánh.

Sinh hoạt thứ ba là vào ngày thứ Sáu 25 tháng Ba, lúc 5g chiều Đức Thánh Cha sẽ cử hành sáng kiến 24 giờ cho Chúa tại Đền Thờ Thánh Phêrô.

Sáng kiến 24 giờ cho Chúa là một sáng kiến được tổ chức bởi Hội đồng Giáo hoàng Cổ vũ Tân Phúc Âm hóa, và được tổ chức hàng năm vào ngày Thứ Sáu và Thứ Bảy trước Chúa Nhật thứ Tư Mùa Chay.

Theo sáng kiến này, ít nhất một nhà thờ ở mỗi giáo phận trên khắp thế giới sẽ được mở cửa trong 24 giờ liên tục. Các tín hữu được khuyến khích lãnh nhận Bí tích Hòa giải và cầu nguyện trong sự kết hiệp thiêng liêng với Đức Thánh Cha.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã gọi sáng kiến này là “một khoảng khắc cầu nguyện quan trọng trong Mùa Chay” và là một cơ hội tốt để đi xưng tội.

“Tôi khuyến khích các tín hữu kín múc một cách chân thành lòng thương xót của Chúa trong việc đi xưng tội và cầu nguyện đặc biệt cho những người đau khổ vì đại dịch này.”

Đối với những người không thể tham gia trực tiếp vào sáng kiến 24 giờ cho Chúa, Đức Thánh Cha Phanxicô nói ngài chắc chắn họ sẽ có thể trải nghiệm “khoảnh khắc sám hối này qua lời cầu nguyện cá nhân.”
Source:Holy See Press Office
 
Những câu trả lời và câu hỏi xuất sắc của Đức Hồng Y Marc Ouellet về luật độc thân linh mục
J.B. Đặng Minh An dịch
18:49 18/02/2022

Tờ Aleteia, nghĩa là Chân Lý Tỏ Tường, đã có cuộc phỏng vấn với Đức Hồng Y Marc Ouellet, tổng trưởng Bộ Giám Mục nhân hội nghị chuyên đề ở Rôma về chức tư tế, kéo dài từ hôm 17 tháng Hai đến 19 tháng Hai.

Thưa Đức Hồng Y, tại sao ngài quyết định tổ chức một hội nghị chuyên đề về chức tư tế ngày nay?

Đức Hồng Y Ouellet: Giáo hội hiện đang trong một tiến trình thượng hội đồng đặt ra vấn đề về sự tham gia của dân Chúa trong toàn bộ đời sống của Giáo hội. Khi đưa ra Thượng hội đồng về tính đồng nghị, Đức Giáo Hoàng không muốn tiến hành một cuộc khảo sát ý kiến trong Giáo hội, một hoạt động của nghị viện hoặc một tập hợp các ý kiến. Ngài muốn đánh thức niềm tin của dân Chúa.

Sau Thượng Hội Đồng về Người Trẻ và Thượng Hội Đồng về vùng Amazon, chúng tôi cảm thấy điều quan trọng là phải tiếp tục suy tư về ơn gọi của người được rửa tội. Tiêu đề của hội nghị chuyên đề này, là “Hướng tới một Thần học Cơ bản về Chức Linh mục”, cho thấy rằng chúng ta muốn tiếp nhận chủ đề của chức tư tế bằng cách quay trở lại các nguyên tắc cơ bản của nó: là Chúa Kitô và phép Rửa Tội.

Văn hóa Công Giáo đã làm cho chúng ta nghĩ đến các linh mục và giám mục khi chúng ta nói về chức linh mục, như thể đó là toàn bộ chủ đề. Công đồng Vaticanô II đã khôi phục sự cân bằng giữa chức tư tế thông thường của người được rửa tội và chức tư tế thừa tác. Nhưng trên thực tế, điều này vẫn chưa diễn ra.

Làm thế nào để có thể thiết lập sự cân bằng này, thưa Đức Hồng Y?

Đức Hồng Y Ouellet: Ý thức về truyền giáo nên có trong tất cả những người đã được rửa tội. Sứ vụ truyền giáo không chỉ được dành riêng cho các thừa tác viên được phong chức. Do đó, hội nghị chuyên đề này nhằm mục đích quay trở lại nền tảng của chức tư tế, dĩ nhiên là phản ánh mối quan hệ giữa thừa tác vụ được truyền chức và chức tư tế trong phép Rửa Tội. Vấn đề không phải là chỉ tập trung vào hình bóng của vị linh mục. Chúng tôi muốn chú ý đến sự hiệp thông của các ơn gọi và sự bổ sung của các trạng thái trong cuộc sống; chẳng hạn, làm thế nào để thực hiện chức tư tế trong phép Rửa Tội của một người với tư cách là cha mẹ, trong một gia đình, hoặc trong đời sống thánh hiến.

Hội nghị chuyên đề này đang diễn ra vào một thời điểm trong lịch sử khi hình ảnh của vị linh mục đã bị tổn hại bởi những tai tiếng lạm dụng của các thành viên trong hàng giáo phẩm. Liệu cuộc khủng hoảng lạm dụng có được giải quyết trong các bài suy tư không, thưa Đức Hồng Y?

Đức Hồng Y Ouellet: Vấn đề lạm dụng trong Giáo hội là một vấn đề rất khó khăn. Nó đã được nghiên cứu rộng rãi ở cấp độ xã hội học và lịch sử, với các nghiên cứu của các ủy ban đưa ra cái nhìn thống kê về vấn đề và chỉ ra những sai sót trong mục vụ. Giáo hội đã đi một chặng đường dài trong 25 năm qua khi nhận ra những sai lầm của quá khứ trong việc xử lý các trường hợp lạm dụng nói riêng.

Chúng ta vẫn chưa hoàn thành công việc phân tích cuộc khủng hoảng này. Việc suy tư cần phải được thực hiện trên bình diện thần học, một nhiệm vụ mà các ủy ban như CIASE, là Ủy ban Độc lập về Lạm dụng Tình dục trong Giáo hội của Pháp đã không thể thực hiện đầy đủ. Sự phân tích như vậy vượt ra ngoài khuôn khổ của hội nghị chuyên đề về chức tư tế này.

Nhưng liệu cuộc khủng hoảng lạm dụng này có thể đặt ra câu hỏi về luật độc thân linh mục không, thưa Đức Hồng Y?

Đức Hồng Y Ouellet: Bạn đã hỏi tôi câu đó, thì cho tôi hỏi lại một câu hỏi khác: những lạm dụng diễn ra trong các gia đình có thể đặt lại vấn đề hôn nhân như một lối sống không? Tôi không nghĩ như vậy. Cuộc khủng hoảng lạm dụng đặt ra câu hỏi về khả năng tự kiểm soát của một số người, những người đã có những sai lệch nghiêm trọng trong trạng thái cuộc sống của họ.

Do đó, chúng ta phải phân biệt giữa những yếu kém đạo đức của con người và tình trạng cuộc sống của họ. Hơn nữa, các nghiên cứu khoa học đã được thực hiện không kết luận rằng độc thân là nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng này.

Liệu Giáo Hội có thể tiếp tục trình bày đời sống độc thân linh mục như một khuôn mẫu về sự hiến thân triệt để cho giới trẻ ngày nay không, thưa Đức Hồng Y?

Đức Hồng Y Ouellet: Tôi tin rằng đời sống độc thân của các linh mục là không thể hiểu được nếu một người không có đức tin. Nó đến từ đâu? Thưa: Từ con người của Chúa Giêsu Kitô. Xung quanh Ngài và vì Ngài, những thực tế mới đã xuất hiện trong lịch sử. Chính Chúa Giêsu đã kêu gọi chúng ta từ bỏ mọi sự, ngay cả gia đình, để phục vụ Nước Trời.

Vì vậy, nếu chúng ta không tin rằng Chúa Giêsu là Con hằng sống của Chúa Cha đã đến thế gian, thì đời sống độc thân của Kitô hữu không có nhiều ý nghĩa. Tôi tin rằng nền tảng này đang bị thiếu trong việc biện minh cho sự độc thân ngày nay. Sự độc thân trước hết là sự công nhận Chúa Giêsu là ai. Đó là một lời tuyên xưng đức tin.

Các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng đã bỏ phiếu ủng hộ việc phong chức cho những người đàn ông đã kết hôn tại Thượng Hội Đồng trên Amazon. Trong Giáo hội ở Đức, nhiều người đang kêu gọi khả năng biến luật độc thân linh mục trở thành một tùy chọn. Hội nghị chuyên đề này có được dự định như một câu trả lời thần học cho những câu hỏi này không, thưa Đức Hồng Y?

Đức Hồng Y Ouellet: Chúng tôi không biết hết những gì đang được nói về đời sống độc thân của các linh mục. Nhưng hội nghị chuyên đề là một phản ánh cơ bản. Nó không được thiết kế để trả lời tất cả các câu hỏi đang thu hút sự chú ý của giới truyền thông hoặc để phản hồi những gì đang xảy ra ở Đức. Mục đích không phải là sửa sai hoặc chỉ tay vào người khác. Hội nghị này là nhằm giải quyết một cách nghiêm túc, sâu sắc và thanh thản với những câu hỏi cơ bản.

Những phản ánh này chắc chắn sẽ làm sáng tỏ thêm những gì có thể được nói ở nơi khác. Trong hội nghị chuyên đề này, các giám mục Đức sẽ có mặt. Nếu những gì họ nghe được có thể hữu ích cho những phản ánh của họ, tôi sẽ rất vui. Nhưng tôi nhắc lại: chúng tôi không ở đây để chỉ đạo hoặc thách thức những gì đang xảy ra ở Đức.

Các ủy ban chống lạm dụng gần đây đã chỉ ra “sự thần thánh hóa quá mức” các linh mục là nguyên nhân của việc lạm dụng quyền lực. Đức Hồng Y nghĩ gì về điều này? Làm thế nào chiều kích thiêng liêng của chức tư tế có thể được tương ứng với một quan niệm đúng đắn về quyền lực trong Giáo hội?

Đức Hồng Y Ouellet: Có một thời, các linh mục được đặt trên một cái bệ. Tâm lý này, có lẽ xuất hiện trước Công đồng và một chút sau đó, nhưng đã giảm đi rất nhiều. Nó không còn là nền văn hóa thống trị trong Giáo hội ngày nay; đặc biệt là kể từ khi Đức Thánh Cha Phanxicô liên tục tố cáo chủ nghĩa giáo sĩ trị.

Điều còn lại là linh mục có vai trò đại diện cho Chúa Kitô, điều này ban cho ngài một “sự thánh thiêng”. Nhưng điều này có nghĩa là gì? Đó là một món quà bí tích biểu thị một sự hiện diện mầu nhiệm. Khi thi hành các chức năng của mình, linh mục cho các tín hữu thấy sự hiện diện một cách mầu nhiệm Đấng Phục sinh, Đấng do đó tiếp tục tỏ mình trong lịch sử. Chúa Giêsu Thánh Thể, biểu hiện của Chúa Kitô Phục Sinh, là điều thiêng liêng nhất trong Giáo Hội. Và linh mục hoàn toàn bị ràng buộc với sứ vụ thiêng liêng này.

Theo nghĩa này, đúng, ngài có một chiều kích thiêng liêng. Nhưng đó không phải là sự thánh thiêng tự nhiên.

Làm thế nào để có thể đấu tranh một cách hợp pháp với chủ nghĩa giáo sĩ trị mà không làm tổn hại đến căn tính của chức tư tế, thưa Đức Hồng Y?

Đức Hồng Y Ouellet: Đức Giáo Hoàng nói rất nhiều về chủ nghĩa giáo sĩ trị, một “ism” ám chỉ sự lạm dụng quyền lực. Chủ nghĩa giáo sĩ trị là một sự thất bại trong việc lắng nghe dân Chúa. Đó là sự áp đặt quan điểm của chính mình; đó là một linh mục trong một giáo xứ không lắng nghe hội đồng mục vụ của mình hoặc coi phụ nữ thuộc loại những con người hạng hai. Đức Giáo Hoàng tố cáo những lạm dụng này, tâm lý này có thể dẫn đến những lạm dụng nghiêm trọng, trong những trường hợp cực kỳ nghiêm trọng.

Tuy nhiên, điều cần thiết là phải bảo vệ chức năng của linh mục, người phải thể hiện trong cộng đồng của mình một đại diện cho thẩm quyền của Chúa Kitô. Ngài phải làm điều này theo cách của một người cha và trong tình huynh đệ, với ý thức về quyền lực của một người không bảo vệ địa vị nhưng muốn giúp con mình phát triển.

Một người cha không áp đặt quyền lực bạo lực. Ngược lại, người cha ấy muốn các con của mình ngày càng phát triển. Khi một linh mục can thiệp vào cộng đoàn, thì phải làm như vậy với tinh thần của một người cha, nghĩa là, với uy quyền nhưng cũng phải dịu dàng, nhẹ nhàng, đồng hành, khích lệ. Chúng ta vẫn cần hiểu điều này sâu sắc hơn theo quan điểm thần học.

Ngày nay trở thành linh mục có khó hơn không?

Đức Hồng Y Ouellet: Tôi nghĩ vậy. Nhưng luôn có sự cám dỗ đối với một linh mục để nói với chính mình rằng mọi thứ trước đây tốt hơn nhiều lắm. Hãy đi và xem liệu nó có tốt hơn không! Trong mọi trường hợp, tôi tin rằng ngày nay sứ mệnh của linh mục có thể thú vị hơn 50 năm trước, bởi vì những thách thức là vô cùng lớn.

Việc truyền giáo đang được đặt trở lại trọng tâm của thừa tác vụ linh mục. Đức Thánh Cha Phanxicô không ngừng mời gọi chúng ta làm như vậy. Ngài tận dụng mọi cơ hội để giao tiếp. Thật đáng kinh ngạc khi ngài có thể nghĩ ra điều gì đó để tiếp cận với những người khác, cả những người tin và những người không tin, sử dụng mọi kênh, thậm chí đến mức tham gia một chương trình gần đây trên truyền hình Ý. Một số người đã chỉ trích ngài vì điều này, với lý do rằng ngài đang vô hiệu hóa chức vụ của mình.

Nhưng Đức Giáo Hoàng là một nhà truyền giáo, ngài ấy làm chứng, ngài tuyên bố. Chúng ta có nên nhìn ngài và tự hỏi liệu ngài có nên làm thế này hay thế kia không? Có lẽ chúng ta cũng nên là những người truyền giáo. Vì vậy, tôi tin rằng linh mục ngày nay phải sáng tạo, phải thực hiện những bước đầu tiên và cởi mở với sự táo bạo đối với đối thoại.
Source:Aleteia

 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Phản ứng đối với việc giết hại linh mục: Việt Nam bị đưa vào danh sách CPC
Đặng Tự Do
07:57 18/02/2022
Việt Nam vừa bị Ủy ban Tự Do Tôn Giáo của Quốc Hội Hoa Kỳ chỉ định là “Quốc gia cần quan tâm đặc biệt”.

Báo cáo của Ủy ban Tự Do Tôn Giáo của Quốc Hội Hoa Kỳ, gọi tắt là USCIRF, cho biết cuộc đàn áp của chính phủ ở Việt Nam “tiếp tục là một thực tế khắc nghiệt mà các nhóm tôn giáo độc lập với nhà cầm quyền phải đối mặt”

Vì thế, Việt Nam đã bị USCIRF đưa vào danh sách các “Quốc gia Cần Quan tâm Đặc biệt”,, gọi tắt là CPC, theo Đạo luật Tự do Tôn giáo Quốc tế.

“Vào năm 2021, các vi phạm tự do tôn giáo vẫn tiếp diễn ở Việt Nam”. Trong báo cáo về Tình trạng Tự do Tôn giáo ở Việt Nam vừa được công bố, USCIRF đã cho biết.

Bản cập nhật của USCIRF cung cấp một cái nhìn tổng quan về tình trạng tự do tôn giáo ở Việt Nam trong năm qua.

Báo cáo cho biết mặc dù có “các cải tiến đáng kể so với pháp lệnh tôn giáo trước đây,” vụ giết hại một linh mục tại Kon Tum cho thấy luật tín ngưỡng và tôn giáo năm 2018 của nước này “vẫn còn hạn chế về bản chất và bị cản trở bởi việc áp dụng không đồng đều và thiếu nhất quán trong cả nước.”

Báo cáo nhấn mạnh rằng: “Ngoài ra, các nhà chức trách tiếp tục bắt các tín hữu và những người ủng hộ tự do tôn giáo phải ngồi tù dài hạn và một số người cho biết sức khỏe ngày càng xấu đi do liên tục bị ngược đãi và hành hạ trong tù”.

USCIRF là một tổ chức chính phủ liên bang độc lập, lưỡng đảng do Quốc hội Hoa Kỳ thành lập để giám sát, phân tích và báo cáo về tự do tôn giáo ở nước ngoài.

Báo cáo cho biết chính quyền tiếp tục tích cực đàn áp các cộng đồng thiểu số tôn giáo độc lập, bao gồm cả người Hmong và người Thượng theo đạo Tin lành, Phật giáo Hòa Hảo, Phật giáo Việt Nam Thống nhất, tín đồ Cao Đài, Công Giáo và các viên Pháp Luân Công.

USCIRF chỉ ra rằng: “Các cộng đồng dân tộc thiểu số phải đối mặt với sự đàn áp nghiêm trọng nhất là trong việc thực hành đức tin của họ một cách ôn hòa, bao gồm hành hung thể xác, trục xuất, giam giữ, bỏ tù và buộc phải từ bỏ đức tin”.

Theo USCIRF, những người ủng hộ quyền tự do tôn giáo cho biết vụ giết một linh mục dòng Đa Minh Việt Nam gần đây cho thấy mối nguy hiểm do các chính sách của Việt Nam đối với các nhóm tôn giáo.

Linh mục Giuse Trần Ngọc Thanh, 41 tuổi, bị chém chết khi đang nghe giải tội tại giáo phận Kon Tum vào ngày 29 tháng Giêng.

Vụ việc xảy ra tại Nhà thờ Đăk Mót, thị trấn Plei Kần, huyện Ngọc Hồi, cách thành phố Kon Tum 40 km về phía Bắc.

Cảnh sát địa phương đã bắt giữ kẻ tấn công và tuyên bố hắn bị bệnh tâm thần. Nhưng một nhóm nhân quyền có trụ sở tại Virginia đã đổ lỗi vụ việc là do chính phủ Việt Nam nuôi dưỡng sự thù địch chống lại các tôn giáo.

Ông Nguyễn Đình Thắng, giám đốc điều hành của Boat People SOS và thành viên Ban điều hành Hội nghị bàn tròn Tự do Tôn giáo Quốc tế cho biết: “Trong hai năm qua đã có sự gia tăng những lời nói căm thù và phỉ báng chống lại các nhà lãnh đạo và tín hữu của các tôn giáo dám kháng cự lại sự kiểm soát độc tài của chế độ”

Ông Thắng nói: “Không nghi ngờ gì, điều này đã góp phần vào việc gia tăng bạo lực thể xác đối với các nhà lãnh đạo tôn giáo,” ông Thắng cho biết như trên khi kêu gọi USCIRF “thúc đẩy việc truy tố theo luật chống phỉ báng của Việt Nam đối với những thủ phạm có lời nói căm thù được chính phủ hậu thuẫn”..
Source:USCIRF
 
Người Công Giáo Việt Nam mong muốn công lý cho Cha Thanh, vị linh mục tử đạo
Đặng Tự Do
16:07 18/02/2022


Cha Giuse Trần Ngọc Thanh, một tu sĩ dòng Đa Minh, đã bị giết vào ngày 29 tháng Giêng, vào một đêm trước Tết Nguyên đán.

Sau cái chết của ngài, những người Công Giáo Việt Nam đang đòi công lý và muốn biết lý do tại sao ngài bị sát hại. Họ cũng tìm kiếm sự tha thứ cho kẻ sát nhân bởi vì, như Phúc âm của Chúa Kitô đã dạy, người ta không phản ứng bằng bạo lực đối với những tội ác bạo lực, dù tàn bạo đến đâu.

Ngoài ra, những người Công Giáo ở Việt Nam không muốn một người Công Giáo khác bị giết vì những gì họ tin rằng một âm mưu được chuẩn bị và thực hiện như một phát súng cảnh cáo, nhằm ngăn cản những người truyền giáo Công Giáo làm việc ở khu vực Tây Nguyên của đất nước.

Tuy nhiên, sự tha thứ đòi hỏi phải có công lý.

Tha thứ theo đúng nghĩa của từ này chính xác đòi phải có công lý và đứng vững hay thất bại tùy thuộc có công lý hay không. Đây là lý do tại sao Thánh Phaolô ngạc nhiên trước sự khôn ngoan của Thiên Chúa thể hiện nơi Chúa Kitô:

Rôma 3: 25-26: Thiên Chúa đã đặt Người làm nơi xá tội nhờ máu của Người cho những ai có lòng tin. Như vậy, Thiên Chúa cho thấy Người là Đấng Công Chính. Trước kia, trong thời Thiên Chúa nhẫn nại, Người đã bỏ qua các tội lỗi người ta phạm. Nhưng bây giờ, Người muốn cho thấy rằng Người vừa là Đấng Công Chính, vừa làm cho kẻ tin vào Đức Giêsu được nên công chính

Để Thiên Chúa luôn là công minh, và vẫn xá tội cho những người tội lỗi, thì công lý phải được đáp lại. Câu trả lời đó đã được đưa ra trên thập tự giá, nơi Chúa Kitô đã trả giá đầy đủ cho tội lỗi của chúng ta. Công lý của Thiên Chúa sẽ không bị tổn hại. Các yêu cầu của Luật thánh của Ngài phải được đáp ứng. Thiên Chúa không chỉ nói, “mặc kệ đi, chúng ta hãy quên điều đó đi.” Không. Không thể được.

Các tín hữu vẫn còn bị chấn động bởi cái chết đầy bạo lực của vị linh mục trẻ bị giết trong khi thực hiện bí tích hòa giải và mong muốn được thấy một số điều sáng tỏ về những chi tiết bí ẩn xung quanh biến cố.

Kể từ khi ngài được chôn cất, mộ của ngài đã trở thành một nơi hành hương, bởi các tín hữu Công Giáo và cả những người khác, đến để tỏ lòng thành kính tưởng nhớ ngài.

Thứ Hai tuần trước, Cha Toma Aquino Nguyễn Trường Tam, Bề trên Giám tỉnh Dòng Đa Minh, bày tỏ sự ủng hộ đối với thân nhân của linh mục, và gặp gỡ nhóm luật sư giúp họ.

Các nhà lãnh đạo Đa Minh, cùng với Giáo phận Kontum, đang cân nhắc việc chỉ định một nhà tư vấn có nhiệm vụ chuẩn bị tóm tắt cho các điều tra viên phụ trách vụ án.

Được thụ phong vào năm 2018, vị giáo sĩ vừa qua đời đã đến giáo xứ Đắk Mót một năm sau đó, ngài đảm nhận chức vụ phó xứ.

Tang lễ của ngài được tổ chức vào ngày 31 tháng Giêng tại tu viện Thánh Martinô ở Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, và hài cốt của ngài đã được an táng trong khuôn viên của tu viện Đa Minh địa phương.

Phát biểu với AsiaNews, Cha Toma Aquino nhấn mạnh rằng nhà Dòng muốn cuộc điều tra về vụ giết hại linh mục phải hoàn toàn minh bạch, hy vọng rằng “một phiên tòa mở sẽ sớm được tiến hành”.

Đồng thời, ngài mong muốn công lý và luật pháp Việt Nam được thực thi theo “tinh thần Công Giáo” vì “chúng tôi không muốn trả thù” hay “máu của người khác” cũng như không muốn các đền bù vật chất.

“Chúng tôi chỉ muốn biết những lý do khiến kẻ giết người phải cầm dao; mục đích là để ngăn chặn bạo lực tiếp tục. Tất cả chúng ta sẽ tha thứ cho anh ta”.

Ghi nhớ tinh thần “nhân hậu, khiêm tốn, siêng năng, thánh thiện” của vị linh mục bị sát hại, vị Giám Tỉnh dòng Đaminh cho biết nhà Dòng đã nhận được nhiều tin nhắn chia buồn và gần gũi từ các dòng tu khác. Theo quan điểm của ngài, “Cái chết của Cha Thanh là một cuộc tử vì đạo.”

Thi thể của vị giáo sĩ bị sát hại hiện nằm gần tượng Đức Mẹ Đồng Trinh, trên một ngọn đồi, với dòng người không ngừng, người Công Giáo và người không Công Giáo, đến thắp hương và cầu nguyện trước mộ của ngài.

“Tôi rất xúc động và bồi hồi khi được cầu nguyện trước mộ của Cha Thanh,” anh Giuse Phan, một người Công Giáo đến từ Sàigòn, nói với AsiaNews. “Nhiều người đang xếp hàng trong im lặng. Mọi người dường như cảm nhận được tình yêu và lòng dũng cảm của nhà truyền giáo đến từ Tây Nguyên.”

Những người khác có hoặc không có đức tin cũng đã đến để cầu nguyện và đặt hoa. Một nhóm mang theo một tờ giấy ghi: “Chúa là tình yêu. Tôi là một người vô thần, nhưng tôi đến đây để bày tỏ lòng kính trọng đối với Cha Giuse”.

Ở nước ngoài, hàng trăm nhà sư cũng đã cầu nguyện cho linh hồn của ngài, phù hợp với tập tục của Phật giáo, trước bàn thờ. Một bức ảnh về buổi cầu nguyện được đăng tải trên mạng ngay lập tức lan truyền nhanh chóng, gây xúc động cho các tín hữu Công Giáo và cả những người ngoài Công Giáo.
Source:Asia News
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Hình ảnh lòng thương xót- Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long.
10:04 18/02/2022
Trong nếp sống đạo đức có kinh nguyện “Thương người có 14 mối”. Kinh nguyện lòng thương xót này nhắc nhớ đến nghĩa vụ lòng bác ái tình liên đới giữa con người với nhau qui hướng về hai khía cạnh đời sống: thân xác và tinh thần linh hồn con người:

Thương xác bảy mối:
Thứ nhất: Cho kẻ đói ăn
Thứ hai: Cho kẻ khát uống
Thứ ba: Cho kẻ rách rưới ăn mặc
Thứ bốn: Viếng kẻ liệt cùng kẻ tù rạc
Thứ năm: Cho khách đỗ nhà
Thứ sáu: Chuộc kẻ làm tôi
Thứ bảy: Chôn xác kẻ chết

Thương linh hồn bảy mối:
Thứ nhất: Lấy lời lành mà khuyên người
Thứ hai: Mở dậy kẻ mê muội
Thứ ba: Yên ủi kẻ âu lo
Thứ bốn: Răn bảo kẻ có tội
Thứ năm: Tha kẻ dể ta
Thứ sáu: Nhịn kẻ mất lòng ta
Thứ bảy: Cầu cho kẻ sống và kẻ chết

Xưa nay hễ có thiên tai, tai nạn, chiến tranh xảy ra nơi nào trên thế giới, các cơ quan chính phủ cũng như tôn giáo đều kêu gọi mọi người rộng lượng cùng chung tay giúp đỡ những người bị vướng vào hoàn cảnh bất hạnh ở những nơi đó.

Cung cách này thể hiện sâu xa lòng bác ái tình liên đới chiều ngang đường chân trời giữa con người với nhau trong xã hội, và lòng đạo đức chiều thẳng đứng hướng lên Thiên Chúa trên trời cao.

Cung cách sống này diễn tả sự kính trọng nhân phẩm, thân xác sự sống con người, mà Thiên Chúa, Đấng Tạo Hoá tạo dựng ban cho mỗi người.

Cung cách sống này nói lên lòng biết ơn nhau. Vì trong qúa khứ đã được người khác giúp đỡ cách này cách khác rồi.

Cho người đói ăn, cho người khát uống, cho người rách rưới ăn mặc không chỉ che đậy hay muốn xoá đi sự nghèo khổ của người bị nạn lớp bề mặt bên ngoài, nhưng còn sâu xa hơn. Đó là khám phá sự sống nơi người đó, một tặng vật cao qúi của Trời cao ban cho.

Đi thăm viếng người bệnh mang đến cho người bệnh chút an ủi niềm vui nói lên họ không một mình chịu đựng đau đớn.

Thăm viếng người bệnh còn muốn nói lên sự quan tâm đến họ nhiều hơn là miếng vải băng đậy vết thương, chút dầu thoa vết thương ngoài da…Sự sống cao qúi hơn tất cả.

Thăm viếng người bệnh nhìn ra nhu cầu cùng sự yếu đau của người bệnh, cùng mang đến cho họ niềm hy vọng.

Những việc làm như thế được Kinh Thánh đặt tên là lòng thương xót, mà Chúa Giêsu nói đến trong Phúc âm ( Lc 6, 27-38).

Lòng thương xót giữa con người với nhau diễn tả hình ảnh cùng đồng hành với trong đời sống, mang lại cho nhau tình yêu thương niềm hy vọng.

Mẹ Thánh Teresa thành Calcutta thuật lại mẩu chuyện sống động về lòng bác ái tình liên đới yêu thương của một đôi vợ chồng trẻ.

“ Ở Calcutta một đôi vợ chồng trẻ đến gặp tôi, và trao cho một số tiền lớn để chung góp vào giúp người nghèo. Vì nhà chúng tôi một mình phải hằng ngày lo cho 9.000 người ăn.

Tôi cám ơn họ và hỏi lại: Làm sao các Bạn có thể có món tiền nhiều như vậy?

Họ trả lời” Trước đây hai ngày chúng tôi thành hôn với nhau. Nhưng trước đó chúng tôi đã thỏa thuận không tổ chức tiệc cưới ăn mừng. Thay vào đó hai chúng tôi muốn thực hiện một nghĩa cử dấu chỉ nói lên tình yêu của chúng tôi với những người khác. Và chúng tôi mang số tiền này cho nhà của Mẹ.”

Ôi thật là một nghĩa cử quảng đại của tâm hồn rộng lớn chan chứa tình người!

Tôi hỏi thêm: “ Nhưng tại sao các Bạn lại làm như thế?”

Họ trả lời:” Chúng tôi yêu chúng tôi sâu đậm, nên chúnng tôi mong muốn cùng chia xẻ với những người khác, đặc biệt với những người mà Mẹ và chị em phục vụ giúp đỡ họ.”

Ôi thật lạ lùng thay!”

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
 
VietCatholic TV
Great news: Italian press started calling Fr. Thanh Martine - Martyr
Giáo Hội Năm Châu
04:44 18/02/2022


1. For Vietnamese Catholics, Fr Thanh is a martyr

Fr Joseph Trần Ngọc Thanh, a Dominican clergyman, was killed on 29 January, on the eve of Lunar New Year celebrations.

Following his death, Vietnamese Catholics are demanding justice and want to know why he was murdered. They also seek forgiveness for his murderer because, as the Gospel of Christ teaches, one does not react with violence to violent crimes, however brutal. Also, Catholics in Vietnam do not want another Catholic to be killed for what they believe a plot prepared and carried out as a warning shot, to deter Catholic missionaries from working in the country’s Central Highlands region.

Hower, forgiveness requires justice.

Forgiveness in the true sense of the word precisely presupposes justice and stands or falls with it. This is why Paul marvels at the wisdom of God shown in Christ:

Rome 3:25-26 God presented Christ as a sacrifice of atonement,[a] through the shedding of his blood—to be received by faith. He did this to demonstrate his righteousness, because in his forbearance he had left the sins committed beforehand unpunished— he did it to demonstrate his righteousness at the present time, so as to be just and the one who justifies those who have faith in Jesus.

For God to remain righteous, and still justify sinners, justice had to be answered. That answer was given on the cross where Christ paid the full price for our sins. God’s justice will not be compromised. The demands of His holy Law had to be met. God did not simply say, “aw shucks, let’s just forget about it.” Nope. Impossible.

The faithful are still shaken by the violent death of the young priest who was killed while performing the sacrament of confession and are eager to see some light shed on the murky details surrounding it.

Since he was buried, his grave has become a place of pilgrimage, by Christians and others, coming to pay their respect to his memory.

Last Monday, Fr Toma Aquino Nguyễn Trường Tam, Dominican provincial superior, expressed support for the priest's relatives, and met with the group of lawyers helping them.

Dominican leaders, together with the Diocese of Kontum, are considering appointing a consultant tasked with preparing a brief for the investigators in charge of the case.

Ordained in 2018, the dead clergyman travelled to Đắk Mót parish the following year where he took up the post of deputy vicar.

His funeral was held on 31 January at St Martin’s monastery in Biên Hòa, Đồng Nai province, while his remains were buried on the grounds of the local Dominican monastery.

Speaking to AsiaNews, Fr Toma Aquino stresses that the order wants the investigation into the priest’s murder to be completely transparent, hoping that “an open trial will soon get underway.”

At the same time, he wants justice and Vietnam’s law to be enforced in a “Catholic spirit” because “we do not want revenge” or “another person's blood” nor material compensation.

“We just want to know the reasons that led the killer to take a knife; the goal is to prevent further violence. We shall all forgive him.”

Remembering the “kind, humble, diligent, saintly committed” spirit of the murdered priest, the Dominican Father said they received many messages of condolence and closeness from other religious orders. In his view, “Fr Thanh’s death was martyrdom.”

The slain clergyman’s body now lies near the statue of the Virgin Mary, on a hill, with a non-stop flow of people, Catholics and non-Catholics, who light incense and pray at his grave.

“I was moved and anxious to pray at the grave of Fr Thanh,” said Joseph Phan, a Catholic from Saigon, speaking to AsiaNews. “Many people are queuing, in silence,” he explained. “Everyone seems to feel the love and courage of the missionary from the (Central) Highlands.”

People of other or no faith have also come to pray and lay flowers. One bunch carried a note that said: “God is love. I am an atheist, but I'm here to pay homage to Fr Joseph.”

Abroad, hundreds of Buddhist monks also prayed for his soul, in accordance with Buddhist practice, in front of the altar. A picture of the prayer posted online went immediately viral, touching many Christians and non-Christians.

2. Trial begins over 2016 jihadist murder of French priest

The case against the alleged accomplices in the terrorist killing of Fr. Jacques Hamel is being heard in Paris.

Surviving members of an Islamist terror unit believed responsible for the murder of French priest Jacques Hamel five years ago got underway in Paris on Monday.

Fr. Hamel’s throat was slit in the midst of a hostage situation in a church near Rouen, in the north of France, during a weekday morning Mass. The two assailants were fatally shot by police at the scene, but a man who is believed to be the “instigator” for the attack and three accomplices are before a Paris court this week.

The “instigator,” however, is thought to have been killed in a coalition attack in Iraq, but since his death has not officially been confirmed, he is being tried “in absentia.”

The other three appeared at the Court of Assize in Paris. They face charges of membership in a terrorist organization, which they have denied, said German news agency DW. Their lawyers have described them as “scapegoats.”

Fr. Hamel, 86, was assistant priest at Saint-Étienne-du-Rouvray, a working-class suburb of Rouen. He had served as a priest for 58 years and chose to continue his ministry even after his formal retirement in 2005.

On July 26, 2016, two men came into the church just after Communion had ended, shouting “Allahu Akbar!” The Islamic State group said the two were its soldiers and that the attack was in retaliation for France’s attacks on jihadists in Syria and Iraq.

Archbishop Dominique Lebrun of Rouen said that he hopes the trial will shed light on the jihadist attack in his diocese.

One of those taken hostage at the church, Guy Coponet, 92, is expected to attend at least part of this week’s trial “to understand how these youths, barely out of adolescence, could commit such horrors,” his lawyer told the AFP news agency.

Prosecutors have said the three who are in court this week knew about the attackers’ plan, DW reported.

3. Statement of the Conference of Bishops of France on the opening of the trial of the assassination of Father Jacques Hamel

On Monday, February 14, 2022, the trial of those accused of being involved in the attack on Father Jacques Hamel begins before the Special Assize Court of Paris.

Here is the entire statement of the Conference of Bishops of France:

The death of Father Jacques Hamel on July 26, 2016 – assassinated by two young terrorists who claimed to be Daesh – shocked believers and non-believers throughout France and well beyond our borders. This elderly priest, still in service, close to the humblest and most fragile, was assassinated at the heart of the mass he was celebrating, because he was a priest, because he was a Christian.

This trial, which will last almost a month, brings back painful memories and will be difficult for many. The Conference of Bishops of France wishes to testify to the relatives of Father Jacques Hamel, to the people taken hostage that day, to the parishioners of Saint-Etienne du Rouvray, but also to the lay faithful and the priests of the diocese of Rouen, as well as to their Archbishop, Mgr Dominique Lebrun, our deep affection and prayers. We are also thinking of all the victims of terrorism – we are not forgetting in particular Simone, Nadine and Vincent, the victims of the attack on the Basilica of Nice – in France and around the world and their relatives. To all, the Conference of Bishops of Francewould like to reiterate its compassion and its communion.

We have confidence in the judicial institution: justice must be done and the truth known. It is necessary for the family of Father Jacques Hamel, it is necessary for those who lived through these tragic hours. It is also necessary for the accused and their relatives. The truth will allow justice. Truth and justice are necessary for everyone to move forward, whether for the victims or for the accused.

The death of Father Hamel remains a great suffering for many. But his life and his martyrdom bear fruit. Father Jacques Hamel will remain for the priests of France a fine example of given priestly life. He will remain for Christians the witness of a charity offered to all, a humble and generous servant to the end. His life and his death resonate for our country as a call to fidelity and fraternity, so that evil does not have the last word.

Father Hugues de Woillemont

Secretary General of the Conference of Bishops of France

Spokesperson for the bishops
 
Khí phách anh hùng: Linh mục đòi công lý cho Cha Giuse Thanh. Đức Giáo Hoàng tái cấu trúc Bộ Giáo Lý Đức Tin
VietCatholic Media
04:48 18/02/2022


1. Linh mục đòi công lý cho người anh em linh mục của mình

Các quan chức chính phủ Việt Nam đã nói rằng người đàn ông đã sát hại dã man Linh mục Giuse Trần Ngọc Thanh vào ngày 29 tháng Giêng là “tâm thần không ổn định”. Nhưng Cha Antôn Đặng Hữu Nam, Giáo phận Vinh, không tin đó là động cơ thực sự của Nguyễn Văn Kiên, kẻ sát nhân. Ngài đòi công lý cho Cha Giuse Thanh. Như hầu hết những người Công Giáo Việt Nam, ngài lo sợ rằng vụ giết người có thể nhằm mục đích cảnh báo, nhằm ngăn cản những nhà truyền giáo Công Giáo đến làm việc tại khu vực Tây Nguyên của đất nước.

Cha Antôn Đặng Hữu Nam được biết đến rộng rãi với công chúng vì đã lên tiếng phản đối việc phá hủy môi trường và lạm dụng nhân quyền ở Việt Nam. Năm 2016, khi làm chánh xứ Tân Yên. Cha Antôn Đặng Hữu Nam đã giúp những người dân có cuộc sống và sinh kế bị ảnh hưởng trực tiếp bởi việc đổ chất thải độc hại được cho là do công ty Đài Loan Formosa Plastics Group ở miền Trung Việt Nam gây ra, đệ trình 506 đơn kiện chống lại công ty này. Các yêu cầu bồi thường đã bị tòa án địa phương bác bỏ và các nguyên đơn liên tục bị quấy rối, đe dọa và tấn công thể lý. Cha Antôn Đặng Hữu Nam cũng bị côn đồ của chính phủ rình rập và hành hung.

Giáo dân đã nhiều lần ra tay cứu giúp, và bề trên của ngài, lúc đó là Đức Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp đã từ chối áp đặt các hạn chế đối với Cha Antôn Đặng Hữu Nam theo yêu cầu của nhà cầm quyền tỉnh Nghệ An, cho phép Antôn Đặng Hữu Nam tiếp tục đấu tranh đòi công lý cho các nạn nhân của vụ đổ hóa chất và sau đó là cái chết thương tâm của 39 nạn nhân, nhiều người đến từ giáo phận của ngài vào ngày 23 tháng 10 năm 2019 tại Anh khi bị các nhóm buôn người đưa lậu vào Anh.

2. Nhật ký trừ tà số 177: Địa ngục của sự cố chấp, không tha thứ

Đức Ông Stephen Rossetti là một linh mục ở Giáo phận Syracuse, phó giáo sư nghiên cứu tại Đại học Công Giáo Hoa Kỳ và tích cực tham gia vào mục vụ trừ tà trong 13 năm qua. Trên trang web catholicexorcism.org, ngài vừa có bài viết nhan đề “Exorcist Diary #177: The Hell of Unforgiveness”, nghĩa là “Nhật ký trừ tà số 177: Địa ngục của sự cố chấp, không tha thứ”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Giữa cuộc trừ tà, K bắt đầu kêu lên, “Tôi không thể thoát ra được! Anh ta không cho tôi ra ngoài”. Tôi hỏi, “Anh ta là ai?” Cô ấy trả lời, “Baphomet.” Cô ấy nói thêm, “Anh ấy nói rằng tôi đã phá thai và cổng địa ngục đã khóa lại.”

Baphomet là tên của một con quỷ được được các nhóm thờ Satan tôn thờ, sau đó được kết hợp vào nhiều truyền thống huyền bí và ma thuật khác nhau. Cái tên Baphomet xuất hiện trong các bản cáo trạng của Tòa án Dị giáo bắt đầu từ năm 1307. Nó lần đầu tiên được sử dụng phổ biến trong tiếng Anh vào thế kỷ 19 trong các tường trình liên quan đến các nhóm thờ Satan.

K đã phá thai nhiều năm trước và những con quỷ bây giờ đang sử dụng tội lỗi của cô ấy để chống lại cô ấy. Cô khóc nức nở nói rằng những con quỷ đang khiến cô cảm thấy, về mặt tình cảm và thể chất, giống như cô đang trải qua lần phá thai một lần nữa.

Hết lần này đến lần khác, cha cô nói với cô rằng cô đã được tha thứ. Ông nói yêu thương cô ấy và đã tha thứ cho cô ấy. Tôi nói với cô ấy rằng Chúa Giêsu đã tha thứ cho cô ấy và Thập tự giá của Chúa Kitô đã mở tung các cánh cổng. Nhưng, trong địa ngục, cô không thể nghe thấy điều đó. Cô ấy liên tục nói rằng cổng đã bị khóa và cô ấy không thể ra ngoài. Cô ấy đang hoảng sợ.

Khi ma quỷ xuất hiện, người đau khổ thường cảm thấy những gì ma quỷ cảm thấy và thường trải nghiệm thế giới đen tối của chúng. Vì vậy, họ trải nghiệm các khía cạnh của địa ngục. K đã ở trong địa ngục khi phải đối mặt với sự tàn phá của tội lỗi và sự vô vọng của cảm giác không được Chúa tha thứ. Cô ấy đang ở nơi khốn nạn đời đời.

Cả cha cô và tôi đều cảm thấy bất lực trong việc cố gắng thuyết phục cô ấy nhìn theo cách khác. Trong khi cô ấy đang ở trong “địa ngục” của mình, chúng tôi không thể. Thay vào đó, chúng tôi phải cố gắng vượt lên trước trong các phiên trừ tà, bất chấp những tiếng kêu la và hoảng sợ của cô ấy, và đuổi quỷ càng nhanh càng tốt. Một lễ trừ tà là một thứ rất gian nan.

Vào cuối buổi trừ tà, K quay trở lại với chúng tôi và lũ quỷ đã biến mất, ít nhất là tạm thời. Những lời đầu tiên của cô ấy là, “Tôi muốn đi xưng tội.” *

Kinh nghiệm của K có điều gì đó muốn nói với tất cả chúng ta. Hãy thú nhận tội lỗi của bạn khi bạn vẫn còn thời gian. Trong địa ngục, thời gian đã qua.

*K nói với cha cô rằng cô đã thú nhận tội lỗi trước đây nhưng muốn đi xưng tội lần nữa. Mặc dù những tội lỗi đã thú nhận thực sự được xóa bỏ trước mắt Chúa, nhưng kinh nghiệm của tôi với tư cách là một nhà trừ tà là ma quỷ quan sát hành vi tội lỗi trong quá khứ của chúng ta và có thể chế nhạo chúng ta, cố gắng khiến chúng ta tin rằng chúng ta không được tha thứ hoặc không thể thứ tha. Đây lại là một lời nói dối khác của ma quỷ.
Source:Catholic Exorcisms

3. Đức Giáo Hoàng tái cấu trúc Bộ Giáo Lý Đức Tin, cung cấp các tài nguyên để xử lý các trường hợp lạm dụng

Mục đích của cuộc cải cách là dành tầm quan trọng thích đáng cho phần giáo lý của Bộ Giáo lý Đức tin, và vai trò cơ bản của Bộ này trong việc thúc đẩy đức tin.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã sửa đổi cấu trúc nội bộ của Bộ Giáo lý Đức tin, gọi tắt là CDF, bằng cách thiết lập hai phần riêng biệt, một phần giáo lý và một phần kỷ luật, mỗi phần có thư ký riêng. Bây giờ, Đức Hồng Y tổng trưởng của Bộ sẽ có hai cấp phó. Vị tổng trưởng hiện nay là Đức Hồng Y Luis Francisco Ladaria Ferrer, 77 tuổi.

Những thay đổi được nêu ra trong một Tông Thư dưới dạng Tự Sắc có tiêu đề Fidem Servare, nghĩa là “Gìn Giữ Đức Tin” (xem 2 Timôthê 4: 7).

Mục đích của cuộc cải cách là nhằm nâng cao tầm quan trọng của phần giáo lý và vai trò cơ bản của Bộ Giáo Lý Đức Tin trong việc quảng bá đức tin, mà không làm giảm hoạt động kỷ luật của hội thánh. Điều này xảy ra sau nhiều thập kỷ, trong đó rất nhiều nỗ lực và nhân lực đã được đưa ra để xem xét các trường hợp lạm dụng tính dục của hàng giáo sĩ. Với cấu trúc mới, mỗi bộ phận, với một thư ký riêng, sẽ có quyền hạn và quyền tự chủ cao hơn.

CDF hiện có khoảng 50 nhân viên.

Phục Vụ Kho Tàng Đức Tin

Đức Thánh Cha Phanxicô giải thích trong Tự Sắc Fidem Servare, “gìn giữ đức tin,” là “nhiệm vụ chính, cũng như tiêu chí cuối cùng phải tuân theo trong đời sống của Giáo hội”.

Phần Giáo lý “giải quyết các vấn đề liên quan đến việc quảng bá và bảo vệ giáo lý đức tin và đạo đức. Phần này cũng thúc đẩy các nghiên cứu nhằm tăng cường sự hiểu biết và truyền tải đức tin nhằm phục vụ cho việc truyền bá phúc âm hóa, để ánh sáng Tin Mừng có thể là tiêu chuẩn để hiểu ý nghĩa của sự tồn tại nhân sinh, đặc biệt khi đối mặt với những câu hỏi đặt ra bởi sự tiến bộ của khoa học và sự phát triển của xã hội”. Nó cũng kiểm tra các tài liệu được xuất bản bởi các giáo phái khác, cũng như các bài viết và ý kiến “có vẻ có vấn đề đối với đức tin đúng đắn, khuyến khích đối thoại với các tác giả và đề xuất các biện pháp khắc phục phù hợp.”

Phần này cũng được giao nhiệm vụ nghiên cứu các câu hỏi liên quan đến các giáo hạt tòng nhân của các cựu thành viên Anh giáo; và sự quản lý của Văn phòng Hôn nhân, là cơ quan liên quan điều gọi là “privilegium fidei” hay “đặc ân Đức Tin” và xem xét việc giải thể các cuộc hôn nhân giữa hai người chưa được rửa tội hoặc giữa một người đã được rửa tội và một người chưa được rửa tội.

Privilegium fidei hay đặc ân đức tin nghĩa là gì?

Khi hôn phối được thành lập hữu hiệu thì tạo nên dây ràng buộc không thể tháo gỡ, bất kỳ là hôn phối được cử hành theo thể thức Công Giáo hay ngoài Công Giáo như của Tin Lành hay của người lương. Tuy nhiên trong một số trường hợp, hôn nhân có thể được tháo gỡ bởi “đặc ân Thánh Phaolô” hay “đặc ân Đức Tin”. Đặc ân Thánh Phaolô, được ban theo những nguyên tắc luật, tháo cởi dây hôn phối giữa hai người lương, nghĩa là giữa hai người không được rửa tội, khi một trong hai người ấy theo đạo Công Giáo. Đặc ân Đức Tin, được ban bởi Đức Giáo Hoàng, tháo cởi dây hôn phối mà ít nhất một trong hai người đã được rửa tội, ví dụ tháo cởi hôn nhân giữa hai người lương mà bên lương không chịu theo đạo, hoặc hôn nhân khác đạo đã cử hành hữu hiệu.

Đặc ân này có mục đích trợ giúp đức tin cho người tân tòng, dựa trên giáo huấn của Thánh Phaolô, trong thư thứ nhất gởi các tín hữu thành Côrintô:

Còn với những người khác, thì tôi nói, chính tôi chứ không phải Chúa: nếu anh em nào có vợ ngoại đạo mà người này bằng lòng ở với người ấy, thì người ấy đừng rẫy vợ. Người vợ nào có chồng ngoại đạo mà người này bằng lòng ở với người ấy, thì người ấy đừng bỏ chồng. Thật vậy, chồng ngoại đạo được thánh hóa nhờ vợ, và vợ ngoại đạo được thánh hóa nhờ người chồng có đạo. Chẳng vậy, con cái anh em sẽ là ô uế, trong khi thật ra chúng là thánh. Nếu người ngoại đạo muốn bỏ người kia, thì cứ bỏ; trong trường hợp đó, chồng hay vợ có đạo không bị luật hôn nhân ràng buộc: Thiên Chúa đã kêu gọi anh em sống bình an với nhau! Chị là vợ, biết đâu chị chẳng cứu được chồng? Hay anh là chồng, biết đâu anh chẳng cứu được vợ? (1Cr 7:12-16)

Các tội phạm liên quan đến giáo luật

Phần Kỷ luật xử lý các tội phạm được dành cho phán quyết của Bộ Giáo Lý Đức Tin, được xét xử bởi Tòa án Tông đồ Tối cao được thành lập tại Bộ này.

Phần này có nhiệm vụ “chuẩn bị và thực hiện các thủ tục được dự đoán trước bởi các quy tắc giáo luật để Thánh bộ, thông qua các văn phòng khác nhau của mình (Tổng trưởng, Thư ký, Chưởng lý, Công nghị, các Phiên họp thường lệ, và khoáng đại để xem xét các kháng cáo trong các vấn đề liên quan đến các graviora delicta, tức là các lỗi phạm nghiêm trọng, ngõ hầu có thể thúc đẩy một nền hành chính công bằng đúng đắn.”

Vì mục đích này, phần kỷ luật “thúc đẩy các sáng kiến đào tạo thích hợp,” được cung cấp cho các Giám mục và những luật gia, “nhằm thúc đẩy sự hiểu biết đúng đắn và áp dụng các quy tắc giáo luật liên quan đến thẩm quyền của mình.”

Theo thông tin từ I.MEDIA, bộ phận kỷ luật sử dụng khoảng 20 người và giải quyết hơn 1,000 trường hợp lạm dụng mới do các giáo sĩ thực hiện mỗi năm. Theo một nguồn tin nội bộ, vào năm 2020, khoảng 60% các trường hợp được cứu xét bởi bộ phận kỷ luật liên quan đến các hành vi lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên, và những trường hợp này chủ yếu đến từ các khu vực mà hiện tượng lạm dụng đã trở nên phổ biến hơn - như Bắc Mỹ, Mỹ Latinh và Âu Châu.

Tự Sắc được xây dựng dựa trên quá trình bắt đầu vào năm 2001

Bằng cách trao quyền tự chủ cho từng phần, Tự Sắc mới này tiếp tục một quá trình bắt đầu vào năm 2001, dưới triều đại giáo hoàng của Thánh Gioan Phaolô II, để đối phó theo luật pháp với cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục do các giáo sĩ gây ra.

Với Tự Sắc “Sacramentorum Sanctitatis Tutela”, nghĩa là “Bảo Vệ Các Bí Tích Thánh Thiện”, được công bố vào năm 2001, hành vi lạm dụng tình dục của một giáo sĩ đối với trẻ vị thành niên dưới 18 tuổi đã được CDF đưa vào danh sách các các lỗi phạm nghiêm trọng được giải quyết bởi CDF. Việc tập trung hóa các vụ việc ở Rôma là nhằm bù đắp cho những điểm yếu của các cơ quan tài phán địa phương.

Việc mở rộng nhiệm vụ của CDF được thúc đẩy bởi Đức Hồng Y Joseph Ratzinger, lúc đó là Tổng Trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin, Ngài đã xuất bản vào ngày 18 tháng 5, 2001, một bức thư có tựa đề Deophitis Gravioribus, nghĩa là “Về Những Tội Lỗi Nghiêm Trọng” đưa ra các quy tắc xử lý nghiêm minh của mình về những vấn đề này.

Đức Bênêđíctô XVI đã sửa đổi các điều khoản này vào năm 2010, đáng chú ý là ngài kéo dài thời hiệu tố cáo lên 20 năm, thay vì 10 năm như trước đó. Tội mua, sở hữu hoặc phân tán nội dung khiêu dâm trẻ em cũng được đưa vào danh sách các tội lỗi nghiêm trọng.

Những cải cách mới nhất của Đức Thánh Cha Phanxicô

Ngày 7 tháng 12 năm 2021, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cập nhật các quy tắc này, một vài tháng sau khi sửa đổi Quyển VI của Bộ Giáo luật, trong đó giới thiệu, trong số những điều khác, một điều khoản cụ thể về tội ác đối với trẻ vị thành niên.

Sự phát triển này theo sau hai Tự Sắc của Đức Giáo Hoàng Á Căn Đình, Vos estis lux mundi - 2019, bao gồm các quy tắc về trách nhiệm của các giám mục - và Come una madre amorevole - 2016.

Kho lưu trữ của Bộ Giáo Lý Đức Tin

Cuối cùng, Bộ Giáo Lý Đức Tin sở hữu một Kho lưu trữ để “bảo quản và tham khảo các tài liệu”, cũng là nơi lưu giữ các văn kiện lịch sử của thánh bộ trước đây.

Các quy định của Tông thư Fidem Servare có hiệu lực khi được công bố trên tờ Quan Sát Viên Rôma vào ngày 14 tháng 2 năm 2022. Văn bản của Tự Sắc sau đó sẽ được xuất bản trên Acta Apostolicae Sedis – Công báo Tòa Thánh.
Source:Aleteia
 
Xúc động: Báo Ý bắt đầu dùng từ martire - tử đạo - đối với Cha Giuse Thanh. Đức Thánh Cha sẽ cử hành Lễ Tro
VietCatholic Media
16:06 18/02/2022


1. Người Công Giáo Việt Nam mong muốn công lý cho Cha Thanh, vị linh mục tử đạo

Cha Giuse Trần Ngọc Thanh, một tu sĩ dòng Đa Minh, đã bị giết vào ngày 29 tháng Giêng, vào một đêm trước Tết Nguyên đán.

Sau cái chết của ngài, những người Công Giáo Việt Nam đang đòi công lý và muốn biết lý do tại sao ngài bị sát hại. Họ cũng tìm kiếm sự tha thứ cho kẻ sát nhân bởi vì, như Phúc âm của Chúa Kitô đã dạy, người ta không phản ứng bằng bạo lực đối với những tội ác bạo lực, dù tàn bạo đến đâu.

Ngoài ra, những người Công Giáo ở Việt Nam không muốn một người Công Giáo khác bị giết vì những gì họ tin rằng một âm mưu được chuẩn bị và thực hiện như một phát súng cảnh cáo, nhằm ngăn cản những người truyền giáo Công Giáo làm việc ở khu vực Tây Nguyên của đất nước.

Tuy nhiên, sự tha thứ đòi hỏi phải có công lý.

Tha thứ theo đúng nghĩa của từ này chính xác đòi phải có công lý và đứng vững hay thất bại tùy thuộc có công lý hay không. Đây là lý do tại sao Thánh Phaolô ngạc nhiên trước sự khôn ngoan của Thiên Chúa thể hiện nơi Chúa Kitô:

Rôma 3: 25-26: Thiên Chúa đã đặt Người làm nơi xá tội nhờ máu của Người cho những ai có lòng tin. Như vậy, Thiên Chúa cho thấy Người là Đấng Công Chính. Trước kia, trong thời Thiên Chúa nhẫn nại, Người đã bỏ qua các tội lỗi người ta phạm. Nhưng bây giờ, Người muốn cho thấy rằng Người vừa là Đấng Công Chính, vừa làm cho kẻ tin vào Đức Giêsu được nên công chính

Để Thiên Chúa luôn là công minh, và vẫn xá tội cho những người tội lỗi, thì công lý phải được đáp lại. Câu trả lời đó đã được đưa ra trên thập tự giá, nơi Chúa Kitô đã trả giá đầy đủ cho tội lỗi của chúng ta. Công lý của Thiên Chúa sẽ không bị tổn hại. Các yêu cầu của Luật thánh của Ngài phải được đáp ứng. Thiên Chúa không chỉ nói, “mặc kệ đi, chúng ta hãy quên điều đó đi.” Không. Không thể được.

Các tín hữu vẫn còn bị chấn động bởi cái chết đầy bạo lực của vị linh mục trẻ bị giết trong khi thực hiện bí tích hòa giải và mong muốn được thấy một số điều sáng tỏ về những chi tiết bí ẩn xung quanh biến cố.

Kể từ khi ngài được chôn cất, mộ của ngài đã trở thành một nơi hành hương, bởi các tín hữu Công Giáo và cả những người khác, đến để tỏ lòng thành kính tưởng nhớ ngài.

Thứ Hai tuần trước, Cha Toma Aquino Nguyễn Trường Tam, Bề trên Giám tỉnh Dòng Đa Minh, bày tỏ sự ủng hộ đối với thân nhân của linh mục, và gặp gỡ nhóm luật sư giúp họ.

Các nhà lãnh đạo Đa Minh, cùng với Giáo phận Kontum, đang cân nhắc việc chỉ định một nhà tư vấn có nhiệm vụ chuẩn bị tóm tắt cho các điều tra viên phụ trách vụ án.

Được thụ phong vào năm 2018, vị giáo sĩ vừa qua đời đã đến giáo xứ Đắk Mót một năm sau đó, ngài đảm nhận chức vụ phó xứ.

Tang lễ của ngài được tổ chức vào ngày 31 tháng Giêng tại tu viện Thánh Martinô ở Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, và hài cốt của ngài đã được an táng trong khuôn viên của tu viện Đa Minh địa phương.

Phát biểu với AsiaNews, Cha Toma Aquino nhấn mạnh rằng nhà Dòng muốn cuộc điều tra về vụ giết hại linh mục phải hoàn toàn minh bạch, hy vọng rằng “một phiên tòa mở sẽ sớm được tiến hành”.

Đồng thời, ngài mong muốn công lý và luật pháp Việt Nam được thực thi theo “tinh thần Công Giáo” vì “chúng tôi không muốn trả thù” hay “máu của người khác” cũng như không muốn các đền bù vật chất.

“Chúng tôi chỉ muốn biết những lý do khiến kẻ giết người phải cầm dao; mục đích là để ngăn chặn bạo lực tiếp tục. Tất cả chúng ta sẽ tha thứ cho anh ta”.

Ghi nhớ tinh thần “nhân hậu, khiêm tốn, siêng năng, thánh thiện” của vị linh mục bị sát hại, vị Giám Tỉnh dòng Đaminh cho biết nhà Dòng đã nhận được nhiều tin nhắn chia buồn và gần gũi từ các dòng tu khác. Theo quan điểm của ngài, “Cái chết của Cha Thanh là một cuộc tử vì đạo.”

Thi thể của vị giáo sĩ bị sát hại hiện nằm gần tượng Đức Mẹ Đồng Trinh, trên một ngọn đồi, với dòng người không ngừng, người Công Giáo và người không Công Giáo, đến thắp hương và cầu nguyện trước mộ của ngài.

“Tôi rất xúc động và bồi hồi khi được cầu nguyện trước mộ của Cha Thanh,” anh Giuse Phan, một người Công Giáo đến từ Sàigòn, nói với AsiaNews. “Nhiều người đang xếp hàng trong im lặng. Mọi người dường như cảm nhận được tình yêu và lòng dũng cảm của nhà truyền giáo đến từ Tây Nguyên.”

Những người khác có hoặc không có đức tin cũng đã đến để cầu nguyện và đặt hoa. Một nhóm mang theo một tờ giấy ghi: “Chúa là tình yêu. Tôi là một người vô thần, nhưng tôi đến đây để bày tỏ lòng kính trọng đối với Cha Giuse”.

Ở nước ngoài, hàng trăm nhà sư cũng đã cầu nguyện cho linh hồn của ngài, phù hợp với tập tục của Phật giáo, trước bàn thờ. Một bức ảnh về buổi cầu nguyện được đăng tải trên mạng ngay lập tức lan truyền nhanh chóng, gây xúc động cho các tín hữu Công Giáo và cả những người ngoài Công Giáo.
Source:Asia News

2. Ukraine hoan nghênh Vatican đứng ra làm trung gian hòa giải với Nga, và muốn Đức Giáo Hoàng sớm đến thăm quốc gia này

Hôm thứ Bẩy, Úc đã quyết định rút toàn bộ sứ quán khỏi Ukraine vì tình hình được cho là đáng báo động. Ngoại trưởng Hoa Kỳ là ông Antony Blinken, đang ở thăm Úc, đã lên đường về nước. Ông cho rằng “Nga có thể tấn công Ukraine bất cứ lúc nào, một khả năng thương thảo đã bế tắc”.

Trong bối cảnh đó, Ukraine đã yêu cầu Tòa Thánh làm trung gian hòa giải trong cuộc xung đột với Nga và muốn Đức Thánh Cha Phanxicô đến thăm càng sớm càng tốt, ngay cả trong tình hình hiện tại. Tân đại sứ của Ukraine cạnh Tòa thánh đã cho biết như trên hôm thứ Hai.

Phát biểu với Reuters trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại, Andriy Yurash, cho biết Vatican đang xem xét phản ứng của mình đối với lời mời đến thăm từ các quan chức chính trị và Giáo Hội Công Giáo ở Ukraine.

Yurash, 53 tuổi, lưu ý rằng tháng 4 năm ngoái, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy nói với một tờ báo Ý rằng Vatican sẽ là một địa điểm lý tưởng để đàm phán chấm dứt chiến tranh ở vùng Donbass, miền đông Ukraine, bắt đầu từ năm 2014.

Yurash lặp lại lòng mong mỏi của Ukraine muốn Vatican đứng ra làm trung gian hòa giải trong bối cảnh quốc tế đang bế tắc về việc Nga triển khai hơn 100,000 quân gần Ukraine. Cho đến nay, Nga tiếp tục phủ nhận việc lên kế hoạch cho một cuộc xâm lược nhưng nhiều nước phương Tây âu lo một cuộc xâm lược đang gần kề và đã yêu cầu công dân của họ di tản.

“Theo tôi hiểu, Vatican sẽ sẵn sàng và vui mừng tạo khả năng này để gặp gỡ các nhà lãnh đạo của cả hai bên,” Yurash, cựu Vụ trưởng Vụ Tôn giáo và Dân tộc tại Bộ Văn hóa Ukraine cho biết.

“Ukraine hoàn toàn ủng hộ việc dùng Vatican làm địa điểm thương thảo vì tầm ảnh hưởng, và giá trị tinh thần của Tòa Thánh đối với cuộc họp. Nếu Nga xác nhận ý muốn ngồi vào bàn, ngay lập tức Ukraine sẽ đáp trả theo hướng tích cực”, ông nói.

Vatican đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận.

Trong những thập kỷ gần đây, Vatican đã tham gia vào các cuộc hòa giải giữa các phe phái ở Nam Sudan, giữa Chí Lợi và Á Căn Đình về tranh chấp lãnh thổ và cũng làm trung gian hòa giải giữa Cuba và Hoa Kỳ.

Ukraine chủ yếu theo Chính Thống Giáo nhưng khoảng 10% dân số thuộc Giáo Hội Công Giáo Đông phương, sử dụng các nghi thức tôn giáo Byzantine nhưng trung thành với Rôma.

Vào năm 2018, Giáo Hội Chính thống Ukraine đã tách ra làm hai, với một bên tuyên bố độc lập khỏi Giáo Hội Chính thống Nga và một bên giữ quan hệ với Mạc Tư Khoa.

Đại sứ mới được bổ nhiệm đã lặp lại lời mời thường trực của các nhà lãnh đạo Công Giáo và chính trị của Ukraine mong muốn Đức Giáo Hoàng đến thăm.

Ông nói: “Tất cả các nhà lãnh đạo thế giới đều nên đến thăm Ukraine. Một chuyến Tông đồ của Đức Giáo Hoàng sẽ có tác động rất lớn đối với sự phát triển của tình hình.”

“Ukraine sẽ rất vui khi được gặp Đức Giáo Hoàng ngay cả trong hoàn cảnh hiện nay vì chúng tôi hoàn toàn chắc chắn rằng chúng tôi đang kiểm soát biên giới của mình. Chúng tôi đang kiểm soát tình hình bên trong đất nước và chúng tôi sẽ sẵn sàng bảo vệ tất cả mọi người”, ông nói.

Mạc Tư Khoa đang thúc ép yêu cầu các bảo đảm từ Hoa Kỳ và NATO, bao gồm việc ngăn chặn Ukraine gia nhập NATO, hạn chế triển khai tên lửa gần biên giới Nga và thu nhỏ cơ sở hạ tầng quân sự của NATO ở Âu Châu lên mức 1997.

Washington coi nhiều yêu cầu của Nga là không khả thi nhưng đã thúc đẩy Điện Kremlin thảo luận chung với Washington và các đồng minh Âu Châu.
Source:Reuters

3. Các cử hành Phụng Vụ của Đức Thánh Cha trong tháng Ba

Hôm 14 tháng Hai, Tòa Thánh đã công bố các các cử hành Phụng Vụ của Đức Thánh Cha Phanxicô trong tháng Ba.

Sinh hoạt thứ nhất là vào ngày thứ Tư 2 tháng Ba, Đức Thánh Cha sẽ cử hành thứ Tư Lễ Tro, bắt đầu vào lúc 4g30 chiều tại nhà thờ Thánh Anselmo.

Theo truyền thống phụng vụ có từ thế kỷ thứ 7, ngày Thứ Tư Lễ Tro là một ngày quan trọng, và không một lễ nào có thể vượt lên trên. Người ta cũng gọi ngày này là “Ðầu Mùa Chay”. Việc ăn chay trong Mùa này đã có từ thời Ðức Giáo Hoàng Gregoriô Cả vào cuối thế kỷ thứ Sáu.

Những Quy luật tổng quát của Năm phụng vụ nói về ngày Thứ Tư Lễ Tro như sau: “Mùa Chay bắt đầu từ Thứ Tư Lễ Tro và kết thúc ngay trước Thánh lễ Tiệc Ly. Ngày Thứ Tư đầu Mùa Chay có xức tro; ngày đó khắp nơi ăn chay”. Lời chỉ dẫn này cho chúng ta biết ý nghĩa của Ngày Thứ Tư Lễ Tro trong Năm phụng vụ, cũng như trong suốt Mùa Chay thánh. Với Thứ Tư Lễ Tro, Giáo hội bắt đầu Mùa Chay Thánh.

Thông thường, vào lúc 16:30 ngày thứ Tư lễ Tro, Đức Thánh Cha chủ sự cuộc rước thống hối từ nhà thờ Thánh Anselmo của dòng Biển Đức đến Vương cung Thánh Đường Thánh nữ Sabina của dòng Đa Minh trên đồi Aventino ở Rôma.

Trên quãng đường dài 500 mét, các vị vừa đi vừa hát kinh cầu các thánh, và thánh ca thống hối.

Tại Vương cung Thánh Đường thánh nữ Sabina, có từ thế kỷ thứ 5, Đức Thánh Cha sẽ chủ sự thánh lễ đồng tế với nghi thức xức tro, cùng với các Hồng Y và Giám Mục, trước sự tham dự của các linh mục tu sĩ nam nữ và giáo dân, đặc biệt là các vị lãnh đạo Hội Hiệp sĩ Malta.

Năm ngoái, do tình trạng đại dịch coronavirus, tất cả những nghi lễ này phải hủy bỏ. Năm nay, truyền thống này được tái tục.

Sinh hoạt thứ hai là vào ngày thứ Sáu 4 tháng Ba, Đức Thánh Cha sẽ chủ sự công nghị Hồng Y bình thường để phê chuẩn một số án tuyên thánh.

Sinh hoạt thứ ba là vào ngày thứ Sáu 25 tháng Ba, lúc 5g chiều Đức Thánh Cha sẽ cử hành sáng kiến 24 giờ cho Chúa tại Đền Thờ Thánh Phêrô.

Sáng kiến 24 giờ cho Chúa là một sáng kiến được tổ chức bởi Hội đồng Giáo hoàng Cổ vũ Tân Phúc Âm hóa, và được tổ chức hàng năm vào ngày Thứ Sáu và Thứ Bảy trước Chúa Nhật thứ Tư Mùa Chay.

Theo sáng kiến này, ít nhất một nhà thờ ở mỗi giáo phận trên khắp thế giới sẽ được mở cửa trong 24 giờ liên tục. Các tín hữu được khuyến khích lãnh nhận Bí tích Hòa giải và cầu nguyện trong sự kết hiệp thiêng liêng với Đức Thánh Cha.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã gọi sáng kiến này là “một khoảng khắc cầu nguyện quan trọng trong Mùa Chay” và là một cơ hội tốt để đi xưng tội.

“Tôi khuyến khích các tín hữu kín múc một cách chân thành lòng thương xót của Chúa trong việc đi xưng tội và cầu nguyện đặc biệt cho những người đau khổ vì đại dịch này.”

Đối với những người không thể tham gia trực tiếp vào sáng kiến 24 giờ cho Chúa, Đức Thánh Cha Phanxicô nói ngài chắc chắn họ sẽ có thể trải nghiệm “khoảnh khắc sám hối này qua lời cầu nguyện cá nhân.”
Source:Holy See Press Office