Ngày 15-02-2015
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Tết trong Mùa Chay
Lm. Châu Linh
10:23 15/02/2015
TẾT TRONG MÙA CHAY

Thứ Tư Lễ Tro năm nay lại rơi vào 30 Tết. Đôi khi có sự trùng hợp này. Điều này làm ai cũng băn khoăn. Nhưng HĐGMVN, đã định liệu cho ta ngày 30/10/2014 rồi, để mọi người có thể ăn Tết vui vẻ, thoải mái, không phải lo nghĩ, rồi sau đó mồng 9 Tết mới ăn chay. Ăn Tết và Ăn chay có chung chữ “ăn”, nhưng lại trái ngược nhau hoàn toàn. Mỗi cái ăn có ý nghĩa và nét đẹp riêng. Ăn Tết mang đến niềm vui cuộc sống hôm nay, còn ăn chay hướng đến Thiên đàng hạnh phúc mai sau. Nhưng mùa xuân hạnh phúc mai sau cũng phải được dệt bằng mùa xuân yêu thương hôm nay. Dù sao sự trùng hợp này cũng cho ta nhiều điều đáng suy gẫm. Phải chăng ngày Tết mang hương vị của Mùa chay?

1. Tết trong Mùa Chay: ăn tết – ăn chay

- Ăn tết: Tết là ngày lễ lớn nhất trong năm của người Việt. Ít nhất cũng được vui chơi ba ngày (nên thường gọi là ba ngày Tết). Trong ba ngày Tết, mọi công việc đều tạm ngưng để tất cả ai dù giàu hay nghèo, cũng có thời giờ vui chơi, thăm viếng nhau. Vì thế, trong tháng chạp, mọi người đã chuẩn bị thức ăn cho ngày Tết, không chỉ riêng cho gia đình mà phải nhiều hơn để tiếp đãi khách. Ngày Tết, đi đến nhà nào cũng được chủ mời ăn, do đó chúng ta luôn nói là “ăn Tết”. Có những món ăn mà chỉ ngày Tết mới dùng tới như là bánh chưng, bánh tét, mứt, thịt đông, củ kiệu, v.v. Và vì thế, khi gặp nhau người ta hay hỏi: Năm này ăn Tết lớn không?

- Ăn chay: Ăn nhưng không ăn. Ăn nhưng lại nhịn ăn hay kiêng ăn, nên còn gọi là nhịn chay. Đối với người Công Giáo, chay tịnh là một trong ba hành vi được khuyên làm nhiều nhất (cùng với việc cầu nguyện và bố thí), tín hữu giữ chay để biểu lộ lòng ăn năn, sám hối. Việc chay tịnh bao gồm nhịn ăn và kiêng ăn mà chúng ta quen gọi là "ăn chay" và "kiêng thịt".

Ăn chay trong ngày chay chỉ được ăn một bữa no (chọn bữa nào cũng được), còn những bữa khác chỉ được ăn chút ít để bụng còn đói. Trong ngày chay không được ăn vặt.

Qua việc chay tịnh, con người nhìn nhận mình lệ thuộc Thiên Chúa, vì lúc không sử dụng lương thực Thiên Chúa ban, con người cảm nghiệm được tính cách bấp bênh của sức lực mình: chay tịnh để tự hạ trước Thiên Chúa (x. Tv 34,13; 68,11; Đnl 8,3).

Ngoài việc nhịn ăn và kiêng ăn nói trên, người thực hành việc chay tịnh còn phải tránh xa tội lỗi và dục vọng, như gương của Chúa Giêsu “giữ chay ròng rã bốn mươi đêm ngày” (Mt 4, 2) và thánh Luca nói rõ hơn “Trong những ngày ấy, Người không ăn gì cả” (Lc 4, 2).

Ý nghĩa đầu tiên và cụ thể nhất của giữ chay là chế ngự: không ăn hoặc ăn ít hơn bình thường. Giữ chay không chỉ là một sự chế ngự có tính cách bên ngoài, nhưng còn phải xuất phát tự trong lòng. Nó phải được kèm theo một sự thay đổi lớn lao trong đời sống (x. Giữ chay và Ăn chay, Lm. Huỳnh Trụ).

2. Tết trong Mùa Chay: chữ tết liền với chữ chết một vần.

Mùa chay mời gọi ta nhìn lại thân phận hữu hạn của con người. Nhắc đến cái chết là nói lên sự hữu hạn đó. Thật tế nhị khi nói đến chuyện chết trong ngày Tết. Chết là chuyện đau buồn, ai lại nói chuyện buồn trong ngày Tết, bởi nhà nhà ăn Tết, người người vui Tết, có mấy ai nghĩ đến chuyện chết chóc trong mấy ngày Tết bao giờ. Nhưng xét cho cùng, đó lại là chuyện rất ư bình thường. Ta đừng quên rằng: chữ “tết” liền với chữ “chết” một vần. Tiềm ẩn trong cái Tết là sự chết. Một lần vui Tết ta xích lại gần cái chết. Mỗi lần Tết đến là sự sống ta bị rút ngắn lại, như lời một bài hát sau: “Mỗi mùa xuân sang mẹ tôi già thêm một tuổi” (Mừng Tuổi Mẹ, Trần Long Ẩn). Nghĩa là ta già hơn, mà già hơn thì cận kề với cái chết hơn. Đó là lẽ thường tình: lá vàng rụng trước. Nói vậy không có nghĩa là không có điều ngược lại: “Lá vàng đeo đẳng trên cây. Lá xanh rung xuống trời hay chăng trời”.

Thật buồn cười! Đón Tết cũng là đón cái chết đang tiềm ẩn. Vui Tết cũng là vui với cái chết đang ẩn khuất. Ăn mừng Tết cũng là ăn mừng cái chết đang nấp bóng. Bằng chứng là cũng có nhiều người chết trong dịp Tết. Và cụ thể hơn là ở nước ta, dịp Tết thường chết tai nạn giao thông nhiều hơn so với trong năm. Chẳng hạn: 9 ngày nghỉ Tết Giáp Ngọ, cả nước xảy ra 338 vụ tai nạn, làm chết 286 người và bị thương 324 người. Phần lớn là tai nạn xe máy ở nông thôn. Đừng quên rằng: sự chết rất bất lịch sự: không loại trừ ai, không vị nể ai, và “kết bạn” với ta trong mọi nơi, mọi lúc và trong mọi hoàn cảnh, kể cả dịp Tết. Nói thế không có ý để hù dọa nhau đâu, nhưng đó là sự thật. Thôi Tết thì cứ Tết, ăn Tết thì cứ ăn Tết, vui Tết thì cứ vui Tết. Không phải mấy ngày Tết khi ta nghĩ đến sự chết, nói đến chuyện chết là ta lại không dám ăn Tết. Ăn Tết thì cứ ăn tết vô tư, thoải mái, khi nào chết đến thì đón nhận trong tinh thần tĩnh thức và sẵn sàng. Tiềm ẩn trong Tết là sự chết, nhưng niềm tin vào Đấng Phục Sinh giúp ta tin rằng: tiềm ẩn trong sự chết là sự sống bất diệt. Thiên Chuá luôn mời gọi ta, đặt tất cả niềm tin tưởng và phó thác vào Ngài.

Năm nào cũng đón Tết. Năm nào cũng vui Tết. Tết đến rồi Tết lại đi. Chẳng bao giờ Tết ở lại và tồn tại. Người ta cũng chẳng sống mãi để ăn Tết. Đó là quy luật. Người ta đón Tết chứ chẳng ai đón cái chết bao giờ. Nhưng sự thật sao oái ăm! Cái ta đón thì chưa tới, nhưng cái ta không đón thì lại tới. Phải chăng Mùa chay giúp ta nhìn lại thân phận con người, nhưng xét cho cùng, Tết cũng là thời gian giúp ta gẫm suy đến kiếp người mong manh. Liệu ta còn đón được bao nhiêu cái Tết?

"Ngàn năm Chúa kể là gì,

tựa hôm qua đã qua đi mất rồi,

khác nào một trống canh thôi!

Ngài cuốn đi, chúng chỉ là giấc mộng,

như cỏ đồng trổi mọc ban mai,

nở hoa vươn mạnh sớm ngày,

chiều về ủ rũ tàn phai chẳng còn.

Đời chúng con tàn tạ,

kiếp sống thoảng qua, một tiếng thở dài.

Tính tuổi thọ, trong ngoài bảy chục,

mạnh giỏi chăng là được tám mươi,

mà phần lớn chỉ là gian lao khốn khó,

cuộc đời thấm thoát, chúng con đã khuất rồi.

Xin dạy chúng con đếm tháng ngày mình sống,

ngõ hầu tâm trí được khôn ngoan. (Tv 90)

3. Tết trong Mùa Chay: hướng về cái tết ông bà tổ tiên

Tết nhắc nhở ta, không chỉ vui Tết với nhau, nhưng còn tưởng nhớ đến những người đã khuất bóng mà vui Tết với họ. Không ai bảo ai, dịp Tết là lúc ta nhớ về cội nguồn: uống nước nhớ nguồn. Nhớ về ông bà tổ tiên đó là cách thức biểu lộ tình cảm đơn thuần, nhưng trên hết, nỗi thương nhớ ấy còn khơi dậy nơi tâm hồn ta một niềm tin tưởng: tổ tiên đang vui hưởng cái Tết vĩnh cửu trên quê trời.

Tết cũng là dịp hướng về tổ tiên, nhà nào cũng trang hoàng bàn thờ tổ tiên thật đẹp, và nghĩa trang cũng dọn dẹp chu đáo: nào hoa, nào nến, nào nhang, sao cho tổ tiên được ấm cúng mà vui Tết với con cháu, đồng thời cũng chứng minh cho ông bà tổ tiên biết rằng, con cháu vẫn luôn nhớ về công ơn các ngài. Với người Công Giáo mồng hai Tết là ngày đặc biệt kính nhớ đến tổ tiên, nên nghĩa trang nào cũng vui như Tết.

Em dâu của cụ Lý Như qua đời 30 Tết, cụ đã viết lá thư để nhờ người em chuyển giúp xuống cho vợ thân yêu của mình, sau bao năm cách xa, bức thư có nội dung sau: “Miền lạc thổ thân thị gặp gỡ, có thiêng xin ngỏ chút tình này: cõi trần gian con cháu bình an không quên còn nhớ ơn nghĩa cũ.”

Vui Tết tổ tiên cũng là lời nhắc nhỡ ta một ngày nào đó chúng ta cũng sẽ quy tiên để vui Tết với ông bà. Vui hưởng cái Tết trên dương gian trong yêu thương, an bình, chia sẻ, tha thứ, quãng đại, hiếu thảo cũng là để chuẩn bị cho mình một cái Tết hạnh phúc bất diệt trên quê trời.

4. Tết trong Mùa Chay: làm phúc, bố thí

Tết thì có nhiều thứ để ăn. Thế mới gọi là ăn Tết! Nhưng Tết trong Mùa Chay nhắc nhở ta nhiều hơn về việc làm phúc và bố thí. Ăn chay không phải để đỡ bớt chi tiêu rồi cất tiền vào tủ, nhưng phải biết dùng của ăn chay mà làm phúc bố thí cho người nghèo. Bởi người nghèo ở đâu cũng có.

Mùa Xuân là mùa của niềm vui và tình thương yêu. Vào ngày Tết con người thường biểu lộ tình yêu thương cách chân thành và rõ nét: thăm viếng nhau, chúc tết cho nhau, tặng quà cho nhau và nhất là biết chia sẻ cho người nghèo khổ. Nhưng Tết cũng là cơ hội cho nhiều người phô trương sự giàu có sang trọng của mình qua việc tiêu Tết, ăn Tết, mua sắm và xài Tết. Riêng người nghèo mỗi dịp tết về lại càng thêm lo lắng. Đừng quên rằng: Giáo Hội ta là Giáo Hội của người nghèo. Yêu thương người nghèo không bao giờ là chuyện dư thừa. Và đây cũng chính là phần phúc Thiên đàng của ta mai sau. Bởi có ai sống mãi để ăn Tết bao giờ!

Làm phúc bố thí mà lâu nay ta vẫn hiểu thông thường là cho đi, là chia sẻ cho kẻ thiếu thốn, nhưng nếu hiểu sát nghĩa, và chính xác hơn theo cái nhìn đạo đức Kitô giáo, thì làm phúc, bố thí là ta trả lại cho người nghèo quyền cơ bản mà họ được hưởng đó là: cái ăn, cái mặc và nơi ở xứng đáng. Thế giới hôm nay còn quá nhiều người đói nghèo. Bao lâu còn có người nghèo đói là ta còn mắc nợ họ. Mà nợ thì phải trả! Làm phúc và bố thì là cách thức trả nợ.

5. Lời kết

Việc ăn chay, bố thì không nên đóng khung trong Mùa chay, nhưng đó chỉ là một điểm nhấn, một khoảng lặng và một thời gian dừng bước để Giáo Hội giúp ta ý thức hơn tinh thần sống đạo của người Kitô hữu. Nếu hiểu được như vậy thì cho dù Mùa chay có hòa lẫn trong mùa xuân và nhất là trong dip Tết cũng chẳng làm ta băn khoăn và nghĩ ngợi.

Trong thư “Tâm Tình Mục Tử” gửi Dân Chúa tháng 2/2015, Đức Cha Giuse viết: “Thực ra, sự trùng hợp giữa lễ Tro và ngày 30 Tết, có thể đem đến cho tín hữu hương vị tích cực là xem Mùa Chay như là Mùa Xuân tâm hồn, để tập chú vào việc canh tân đời sống thiêng liêng, mong đón nhận dồi dào ơn thánh mà tiến bước trên đường thánh đức.”

Phước An, ngày 9/10/2015

Lm. Châu Linh
 
Giữ chay thế nào cho đẹp lòng Chúa
Jos. Vinc. Ngọc Biển
18:02 15/02/2015
GIỮ CHAY THẾ NÀO CHO ĐẸP LÒNG CHÚA

(LỄ TRO - 2015)

Hôm nay, cùng với toàn thể Giáo Hội, chúng ta bước vào Mùa tập luyện thiêng liêng bằng việc xức tro và ăn chay để khởi đầu Mùa Chay Thánh. Mùa Chay được bắt đầu từ thứ Tư Lễ Tro và kết thúc vào thứ Sáu Tuần Thánh. Mùa Chay được kéo dài năm tuần lễ để chuẩn bị tâm hồn mừng đại lễ Phục Sinh là đỉnh cao của niềm tin Kitô Giáo. Tuy nhiên, có điều là: Mùa Chay đã diễn ra hằng năm, nhưng tại sao đời sống đạo của chúng ta vẫn chỉ dừng lại nhiều ở góc độ bên ngoài mà đời sống tâm linh không có gì thay đổi lắm! Nguyên nhân tại đâu và việc chúng ta ý thức về nó như thế nào? Đâu là điều Chúa và Giáo Hội muốn nơi người tín hữu mỗi khi Mùa Chay về? Nhân ngày thứ Tư Lễ Tro, chúng ta hãy làm mới lại tinh thần về ngày lễ này.

1. Xức Tro

Việc xức tro lên đầu nhắc chúng ta về thân phận hữu hạn, tro bụi của kiếp người. Vì thế, Tổ Phụ Abraham đã thưa với Chúa: “Con chỉ là thân tro bụi” (St 18, 27).

Thật vậy, con người được hiện hữu trên trần gian này là do tình thương của Thiên Chúa. Nhưng tiếc thay, tình thương ấy đã bị con người lạm dụng và hướng chiều về tội lỗi thay vì biết ơn! Mỗi khi xức tro, Giáo Hội nhắc chúng ta: “Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1, 14) để được Thiên Chúa tha thứ.

Những ý nghĩa này được khởi đi từ những câu chuyện trong Kinh Thánh Cựu Ước, điển hình như: tiên tri Giêrêmia kêu gọi sám hối: “Thiếu nữ dân tôi ơi, hãy quấn vải thô vào mình và lăn trên tro bụi” (Gr 6, 26). Không chỉ dừng lại ở lời khuyên, tiên tri Đanien xin Chúa cứu dân Itrael, và nêu gương cho họ khi nói và hành động: “Tôi ăn chay, mặc áo vải thô và rắc tro lên đầu rồi ngẩng mặt lên Chúa Thượng là Thiên Chúa, để dâng lời khẩn nguyện nài van” (Đn 9, 3). Đến thời Giona, Đức Chúa truyền cho ông loan báo về tai ương mà Đức Chúa sẽ giáng xuống trên dân, nếu dân không ăn năn sám hối. Ông đã loan báo công khai, mãnh liệt, ráo riết, nên: “Tin báo đến cho vua Ninivê; vua rời khỏi ngai, cởi áo choàng, khoác áo vải thô, và ngồi trên tro” (Gn 3, 6).

Sang thời Tân Ước, Đức Giêsu vẫn giữ nguyên giá trị và ý nghĩa của việc xức tro. Tuy nhiên, Ngài hối thúc và cảnh báo sự trai lỳ cứng cỏi của dân khi nói: “Khốn cho các ngươi, hỡi Khoradin! Khốn cho ngươi, hỡi Bétxaiđa! Vì nếu các phép lạ đã làm nơi các ngươi mà được làm tại Tia và Xiđon, thì họ đã mặc áo vải thô, rắc tro lên đầu tỏ lòng sám hối. Vì thế, Ta nói cho các ngươi hay: đến ngày phán xét, thành Tia và thành Xiđon còn được xử khoan hồng hơn các ngươi” (Mt 11, 21 - 22; x. Lc 10, 13).

Tro còn nói đến một điềm gở, mà cụ thể là cái chết của mỗi người và nhân loại. Vì thế, tiên tri Giêrêmia đã mô tả như: “Thung lũng tử thi và tro thiêu xác” (x. Gr 31, 40). Nói như thánh Phaolô: “Mỗi ngày tôi phải đối diện với cái chết” (1 Cr 15, 31). Vì thế, chúng ta phải chuẩn bị sẵn sàng, không thể trần chừ. Chuẩn bị tức là sống theo tinh thần của Chúa.

Như vậy, hành động xức tro lên đầu ngoài việc công khai nhận mình là người có tội và tỏ lòng sám hối chân thành, để xin ơn thương xót của Thiên Chúa, chúng ta còn thể hiện sự quyết tâm trở về với Chúa, đổi mới tâm hồn để xứng đáng là con Chúa.

Một trong những điều thể hiện sự trở về, đó là việc chay tịnh. Tuy nhiên, giữ chay thế nào mới đúng với tinh thần mà Chúa mong muốn?

2. Ăn Chay

Ăn chay khởi đi từ tinh thần thờ phượng Thiên Chúa và làm đẹp lòng Người, để dâng cho Người một phân nửa của cải (x. Ds 29,7; Cv 13,2), (x. Tl 20,26; Gđt 8,6). Ăn chay còn có ý nghĩa nữa là thể hiện lòng đạo đức để được Thiên Chúa nhận lời (x. 2Sm 12,16-22; Er 8,21; để đền tội, xin Thiên Chúa tha thứ (x. Lv 23,27; Hc 34,26; Đn 10,2); hỗ trợ việc để trừ quỉ... (x. Mt 17,21).

Ăn chay còn thể hiện tính vị tha là thực hiện công lý và tình thương (x. Is 58,6-7), để thánh hóa bản thân, siêu thoát tinh thần để được sự sống đời đời. Không bám vúi vào của cải, sức riêng cách thái quá, vì: “Người ta sống không nguyên bởi bánh, nhưng bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra" (Mt 4, 4).

Thật vậy, nếu không ăn chay với những mục đích đã kể trên thì sẽ trở thành công dã tràng! Điều này đã được thánh Phaolô nói: “Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi” (1Cr 13,3).

3. Cách giữ chay của người Công Giáo hiện nay

Ngày nay, tinh thần ăn chay của người Công Giáo xem ra đã bị lạm dụng, hay hướng chiều về những hành vi tiêu cực.

Có những người ăn chay, bố thí... chỉ vì mục đích được khen là đạo đức, họ ủ rột, thê lương, cốt để làm sao cho mọi người biết mình là người nghiêm chỉnh giữ chay. Lại có những người ăn chay chỉ vì vụ luật hay sợ Chúa phạt. Vì thế, nếu trong ngày, lỡ cách nào đó mà phạm luật, họ hoang mang đến bất an chỉ vì chót ăn vặt, không đúng giờ, đúng bữa... Cũng có những người tính toán đến độ ngày mai ăn chay, thì hôm nay ăn uống cho đã để ngày mai đỡ thèm, hoặc ăn trực nằm chờ cho qua thời gian luật định, tức là qua 24h, sau đó nhậu nhẹt hả hê. Họ làm như thế và an tâm vì đã giữ trọn ngày chay theo đúng luật. Vì thế, không lạ gì khi có những người mỉa mai cách thức ăn chay của chúng ta rằng: “thứ ba béo”; “thứ năm sung sướng”. Đáng buồn hơn nữa là: có nhiều gia đình ngày chay kiêng thịt thì lại đi mua những thứ cao lương mỹ vị như: hải sản, tôm hùm hay những thứ khác đắt tiền hơn thịt nhiều...

Tinh thần ăn chay như thế, hẳn chúng ta thua xa về ý thức nơi anh chị em các tôn giáo khác về việc giữ chay! Mặt khác, điều chúng ta dè bửu người Pharisêu hình thức khi xưa, khi họ lo giữ cho sạch chén bát bên ngoài, còn trong lòng thì toàn sự hận thù, ghen ghét, ích kỷ, kiêu ngạo (x. Mc 7,1-8a.14-15.21-23), thì nay, chúng ta lại đi vào chính vết xe đổ của họ, chẳng khác gì “gậy ông đập xuống lại dần lưng ông”. Nói cách khác, chúng ta là con đẻ của nhóm hình thức vụ luật. Thiết nghĩ, ăn chay như vậy, hẳn chúng ta chẳng khác gì những Pharisêu! Vì thế, chúng ta không lạ gì khi Đấng thấu suốt mọi điều kín nhiệm là Đức Giêsu đã quả trách họ cách nặng nề: “Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta” (Mc 7, 6). Ăn chay kiểu như thế quả thật vô nghĩa vì đã đánh mất đi ý nghĩa thánh thiêng của ngày Thánh, ngày dành cho Thiên Chúa và vì ơn cứu độ của mình và tha nhân.

Việc ăn chay của Kitô giáo phải gắn liền cuộc đời, lời nói và hành vi của mình với Đức Kitô, nếu không, chúng ta chỉ là cỗ máy không hồn, như chiếc thùng kêu to, nhưng thực chất nó rỗng, và đôi khi chúng ta trở thành danh hài hay con hề trên sân khấu. Thánh Phaolô đã cẩn trọng nhắc nhở những kẻ như trên trong thời của Ngài, khi nói: “Anh em mà tìm sự công chính trong Lề Luật, là anh em đoạn tuyệt với Đức Kitô và mất hết ân sủng” (Gl 5,4) khi chỉ lo giữ luật mà không có đức mến và đức ái đi kèm.

Người Công Giáo ăn chay, ngoài việc liên đới với Thiên Chúa, chúng ta còn gắn liền với các mối tương quan nơi tha nhân. Vì thế, Giáo Hội mời gọi chúng ta dành ra một chút hy sinh về của cải vật chất mà lẽ ra chúng ta được hưởng để chia sẻ cho người túng nghèo, lo truyền giáo, giúp đỡ các bệnh nhân... Nói cách khác, việc ăn chay phải nhằm xây dựng Nước Trời ở trần gian này, nghĩa là phải biến việc ăn chay thành một phong cách sống nhằm xây dựng xã hội hay Giáo Hội ngày càng tốt đẹp hơn, công lý và tình thương hơn.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta: "Hãy xé tâm hồn chứ đừng xé áo " (Ge 2, 12-18); “Hãy làm hoà cùng Chúa đi... Bây giờ là cơ hội thuận tiện" (2 Cr 5, 20 - 6, 2).

Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con hiểu rằng: muốn được phục sinh với Chúa, chúng con phải qua con đường thập giá. Phải chiến đấu và tập luyện các nhân đức cách sốt sắng, để thêm lòng yêu mến Chúa và liên đới với tha nhân. Amen.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 vẫn minh mẫn và không hề hối tiếc về quyết định thoái vị của mình
Đặng Tự Do
12:57 15/02/2015
Ngày 11 tháng Hai năm 2013, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 đã công bố quyết định thoái vị. Hai năm sau, thư ký riêng của ngài cho biết Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 vẫn còn minh mẫn và không hề hối tiếc về quyết định của mình.

Đức Tổng giám mục Georg Gänswein nói với nhật báo Corriere della Sera, tức là Tin Chiều, tại Rôma rằng Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 "đã chọn một cuộc sống ẩn tu" và chỉ xuất hiện trước công chúng khi ngài được Đức Giáo Hoàng Phanxicô mời.

Ngoài thói quen cầu nguyện, đọc sách và trả lời thư từ, Đức Bênêđíctô thứ 16 đã chơi đàn piano thường xuyên hơn. Đức Tổng Giám Mục nói: "Đặc biệt là nhạc Mozart, và cả những tác phẩm khác đến với tâm trí ngài. Ngài đánh đàn chủ yếu từ ký ức mình. "

Đức Tổng Giám mục Gänswein bác bỏ tin đồn rằng Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 đã bị áp lực phải từ chức. Những tin đồn như thế dựa trên giả thuyết thuần túy, không có sự kiện hỗ trợ. Trong thực tế, Đức Bênêđíctô thứ 16 đã rất "thanh thản" khi quyết định về hưu; ngài xác tín rằng mình đã lựa chọn đúng, và tin rằng Giáo Hội cần một nhà lãnh đạo mạnh mẽ hơn.

Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16, năm nay là 87 tuổi, vẫn còn trong tình trạng sức khoẻ khá tốt. Đôi khi ngài gặp khó khăn khi đi đứng vì một số vấn đề với đôi chân của mình, nhưng ngoài ra ngài không có vấn đề sức khỏe nghiêm trọng nào.
 
Đức Thánh Cha cử hành thánh lễ tạ ơn với các Tân Hồng Y
Đặng Tự Do
18:46 15/02/2015
Lúc 9:45 sáng Chúa Nhật Đức Thánh Cha đã cử hành thánh lễ tạ ơn với các Tân Hồng Y tại Đền Thờ Thánh Phêrô một ngày sau khi ngài trao mũ đỏ cho 20 vị tân Hồng Y từ khắp nơi trên thế giới. Trong bài giảng, Đức Thánh Cha đã tập trung vào lòng từ bi của Chúa Kitô, lòng mến, và sự cống hiến trọn vẹn của Ngài để trở thành thuyền và xe để chuyên chở lòng thương xót chữa lành của Chúa Cha là bản chất sứ vụ của Giáo Hội phải được thể hiện rõ rệt hơn hết nơi các vị Hồng Y.

Trình bày suy tư của ngài về các bài Tin Mừng trong ngày, trong đó Thánh sử Máccô nói về cuộc chiến của Chúa Kitô chống lại tất cả các hình thái của sự dữ, thể hiện đặc biệt nơi những người đang đau khổ về thể xác và tinh thần, trong trường hợp này là phép lạ Chúa chữa lành một người bị bệnh phong, Đức Thánh Cha Phanxicô nói:

"Những người cùi, một khi được Người chữa khỏi, đã trở thành một sứ giả của tình yêu Thiên Chúa.

Thưa các tân Hồng Y, điều này là ‘luận lý’, là suy nghĩ của Chúa Giêsu, và cũng là cách thức của Giáo Hội. Chúng ta không chỉ chào đón và phục hồi với lòng can đảm của Tin Mừng tất cả những ai gõ cửa chúng ta, nhưng còn phải đi ra ngoài và tìm kiếm, không sợ hãi và không có thành kiến, tất cả những người ở xa, và chia sẻ miễn phí những gì chính chúng ta đã nhận được cách nhưng không."

Đó cũng là một chủ đề mà Đức Thánh Cha đã trở lại trong bài huấn dụ của ngài trước khi đọc kinh Truyền Tin hôm Chúa Nhật trước hàng chục ngàn khách hành hương và du khách tập trung tại Quảng trường Thánh Phêrô.

"Lòng thương xót của Thiên Chúa vượt qua mọi rào cản," Đức Thánh Cha nói. "Bàn tay của Chúa Giêsu chạm vào người phong cùi, nghĩa là Chúa Kitô không hành động từ một khoảng cách an toàn, cũng không hành động qua một trung gian nhưng tiếp xúc trực tiếp với sự lây lan tội lỗi của chúng ta. Vì vậy, tội lỗi của chúng ta trở thành một nơi gặp gỡ: Đức Giêsu gánh lấy bệnh hoạn nhân sinh của chúng ta và chúng ta nhận lãnh nơi Ngài ơn chữa lành – là nhân tính lành mạnh của Ngài. Điều này xảy ra mỗi khi chúng ta nhận lãnh một bí tích với đức tin: Chúa Giêsu 'chạm' vào chúng ta và ban cho chúng ta ân sủng của Ngài. Trong trường hợp này, chúng ta đặc biệt nghĩ đến là Bí Tích Hòa Giải là bí tích chữa lành chúng ta khỏi thứ phong cùi tội lỗi. "

Đức Thánh Cha kết luận rằng, nếu chúng ta bắt chước Chúa Kitô, như Thánh Phaolô khuyên chúng ta trong Thư gửi tín hữu Côrintô (xem 1 Cor 11: 1) trước những người nghèo hoặc người bệnh, chúng ta không nên sợ nhìn vào mắt những người đau khổ này, nhưng hãy gần gũi với những người đau khổ với sự dịu dàng và lòng từ bi.

Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng:

"Nếu điều ác là truyền nhiễm, thì điều thiện cũng vậy; do đó, chúng ta phải để cho sự thiện triển nở giữa chúng ta, ngày càng nhiều; để chúng ta bị nhiễm bởi những điều thiện, và chúng ta hãy lây lan những sự tốt lành này. "

Cuối buổi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha đã chúc mừng đặc biệt tất cả những dân tộc trên thế giới đang chuẩn bị đón năm mới âm lịch. "Cầu xin những lễ hội này mang lại những dịp vui mừng để tái khám phá và sống mãnh liệt tình anh em, đó là mối giây ràng buộc quý giá của cuộc sống gia đình và là nền tảng của đời sống xã hội,"

Đức Thánh Cha cũng bày tỏ hy vọng rằng các dân tộc sẽ đánh dấu năm mới âm lịch với một quyết tâm xây dựng một xã hội trong đó các quan hệ giữa các cá nhân được hình thành với sự tôn trọng lẫn nhau, công lý và bác ái.
 
Tòa Thánh dội nước lạnh vào tin có âm mưu ám sát Đức Thánh Cha tại Phi Luật Tân
Đặng Tự Do
19:42 15/02/2015
Câu chuyện thứ nhất là khi Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục đến Manila vào năm 1970, ngay lập tức ngài đã bị một tên sát thủ ăn mặc như một linh mục đâm vào bụng và cổ. Các vết thương chỉ ở ngoài da, và kẻ tấn công bị vật ngay xuống đất, nhưng máu Đức Giáo Hoàng đã đổ ra. Tháng Mười vừa qua, chiếc áo vấy máu mà Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục đã mặc hôm đó đã được chọn làm di tích trong lễ phong chân phước cho ngài tại Vatican.

Câu chuyện thứ hai là một tuần trước khi Tháng Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đến thăm Phi Luật Tân vào tháng Giêng năm 1995, nhà chức trách phát hiện ra một âm mưu của những kẻ cực đoan Hồi giáo muốn giết Đức Giáo Hoàng sau khi một đám cháy nhà tình cờ đã giúp họ phát hiện ra nơi ẩn náu của một bọn khủng bố trong một căn hộ tại Manila, nơi họ tìm thấy những hóa chất chế tạo bom, hình ảnh của Đức Giáo Hoàng, các bản đồ cho thấy các tuyến đường, nơi ngài sẽ vượt qua và cả một biên nhận của một tiệm may áo linh mục.

Câu chuyện thứ ba mới xảy ra gần đây là cuộc chạm súng suốt 12 giờ đồng hồ hôm 25 tháng Giêng vừa qua, xảy ra trong một giai đoạn quan trọng trong nỗ lực xây dựng hoà bình giữa các phiến quân của Mặt trận Giải phóng Hồi giáo Moro (MILF) và chính phủ. Các quan chức Phi Luật Tân cho biết 44 quân nhân và khoảng một chục phiến quân đã thiệt mạng khi một lực lượng cảnh sát đặc biệt đang truy nã hai kẻ bị tình nghi khủng bố đụng độ với một số chiến binh Hồi Giáo tại thị trấn Mamasapano ở tỉnh Maguindanao.

Ba câu chuyện này có lẽ đã là bối cảnh của câu chuyện thứ tư. Đầu tháng Hai, một quan chức quân sự ở Phi Luật Tân nói với các phóng viên rằng tên khủng bố Zulkifli bin Hir đã phác thảo một kế hoạch đánh bom để giết Đức Thánh Cha Phanxicô trong chuyến thăm nước này từ 15 đến 19 tháng Giêng vừa qua.

Một phát ngôn viên của Tổng thống Benigno Aquino của Philippines khẳng định rằng các nhà lãnh đạo chính phủ "đã nhận được" báo cáo này, và các quan chức an ninh đã cảnh giác, nhưng "thông tin này chưa được xác minh."

Nguồn tin trên đã được tung ra trên nhiều phương tiện truyền thông. Tuy nhiên, Vatican đã tạt nước lạnh vào báo cáo này.

Phát biểu với các phóng viên tại Rôma hôm 11 tháng 2, Cha Federico Lombardi, giám đốc phòng báo chí Vatican, nói rằng Đức Hồng Luis Tagle của Manila, đang có mặt tại Rôma để tham dự Công Nghị Hồng Y. Đức Hồng Y “có nguồn tin đáng tin cậy” đã phủ nhận báo cáo này.

Zulkifli bin Hir, là một trong những tên khủng bố bị truy nã gắt gao nhất thế giới, đã bị giết bởi quân đội Phi Luật Tân trong cuộc chạm súng hôm 25 tháng Giêng, một tuần sau chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Ngày quốc tế bệnh nhân tại trại phong Bến Sắn
Bến Sắn
12:30 15/02/2015
NGÀY QUỐC TẾ BỆNH NHÂN TẠI TRẠI PHONG BẾN SẮN

8 giờ 00 sáng Chúa Nhật ngày 08/2/2015 Đức cha Giuse Nguyễn Tấn Tước, Giám mục Phú Cường đã về chủ tế Thánh lễ cầu cho bà con trong Trại Phong Bến Sắn nhân ngày quốc tế các bệnh nhân, cùng đồng tế có cha Đa Minh Nguyễn Đức Trung, chánh xứ Bến Sắn, phụ trách Nhà Nguyện Trại Phong Bến Sắn, cha Vinh sơn Trần Thế Thuận, quản hạt Lạc An, cha Giuse Nguyễn Trịnh Can, chánh xứ Tân Kim Bảng, cha Giuse Nguyễn Khắc Hoài, chánh xứ Tân Lập và Hội Nghĩa, cha Giuse Đặng Thanh Phong, Giáo phận Sài Gòn, và khoảng 450 bà con và giáo dân trong trại tham dự Thánh Lễ.

Trong phần chia sẻ Lời Chúa, Đức cha Giuse đã làm nổi bật lên ý nghĩa của đau khổ không phải là một hình phạt mà là một sự sẻ chia với Đức Ki tô, những người được Thiên Chúa ủy thác là những người có khả năng đón nhận và thông cảm với những kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa, chính những đau đớn về thể lý mặc cảm về xã hội lại là những chương trình yêu thương mà Chúa đã ủy cho một số người có khả năng đảm nhận, nếu mà Chúa trao cho chúng tôi chắc chúng tôi không có khả năng để sống, huống chi hoàn thành.

Vị Mục Tử giáo phận Phú Cường cũng xin quý bệnh nhân trong Trại Phong Bến Sắn tiếp tục cầu nguyện cho các Giám mục, linh mục, tu sỹ và mọi người trong giáo phận, vì những hy sinh của quý bệnh nhân sẽ giúp Giáo phận và các mục tử trở nên những mục tử như lòng Chúa mong ước, ngài cũng nhắc lại những giao kèo mà mấy năm trước khi dâng lễ cầu cho bệnh nhân với bệnh nhân trong Trại Phong, khi mà ngài mời họ đỡ đầu cho quý cha, quý thầy, làm ông bà cố trong những kinh nguyện và những hy sinh to lớn mà chỉ có những con người được Thiên Chúa tin tưởng sẻ chia là quý ông bà bệnh nhân trong Trại làm tốt nhất hiệu quả nhất.

Sau Thánh lễ, mọi bệnh nhân có khả năng di chuyển và vị Mục tử Giáo Phận cùng quý cha, quý dì và Ban Giám Đốc, tập trung tại hội trường, thưởng thức một chương trình văn nghệ mừng ngày Quốc tế Bệnh nhân và Tất Niên do con em bệnh nhân biểu diễn và những giọng ca Bo le ro thật mùi mẫn của bệnh nhân, mọi người cũng được sẻ chia bằng bữa tiệc cơm cuối năm và quà lì xi của các Ân nhân và quý Dì đang chăm sóc gởi tận tay bệnh nhân.

Truyền thông Giáo xứ Bến Sắn
 
Gia đình Phạt Tạ thăm nhà hưu dưỡng giáo phận Nha Trang
Thơí Hoa
10:12 15/02/2015
ĐOÀN GIA ĐÌNH PHẠT TẠ THÁNH TÂM GIÁO PHẬN NHA TRANG THĂM NHÀ NGHỈ DƯỠNG GIÁO PHẬN.

Được sự khích lệ của Cha Linh hướng Giáo phận Phêrô Nguyễn Thời Bá. Ban chấp hành, quý ân nhân và đại diện Gia Đình Phạt Tạ Thánh Tâm Giáo phận Nha Trang đã đến chúc mừng năm mới Đức Cha Phao lô, quý Đức Ông và quý Cha tại nhà nghỉ dưỡng giáo phận Nha Trang.

Xem Hình

Lúc 15 giờ 15 ngày 14/02/2015 đoàn Gia Đình Phạt Tạ Thánh Tâm giáo phận khởi hành từ Giáo Xứ Hòa Nghĩa gồm 16 thành viên trong BCH giáo phận, quý vị ân nhân và Đoàn viên đến nhà nghỉ dưỡng giáo phận thăm và chúc mừng năm mới Đức Cha Phaolô, quý Đức Ông và Quý Cha nhân dịp tết Ất mùi sắp đến.

Từ khi thành lập đến nay đây là lần thứ hai Gia Đình Phạt Tạ Thánh Tâm giáo phận Nha Trang đến chúc mừng năm mới Đức Cha Phao lô, quý Đức Ông và quý Cha tại nhà nghỉ dưỡng giáo phận Nha Trang. Nhằm mục đích tri ân, kính trọng và biết ơn các vị mục tử đã dâng hiến cuộc đời cho Thiên Chúa, phục vụ Giáo Hội và tha nhân.

Đến thăm và gặp gỡ Đức Cha phaolô, Quý Đức Ông và quý Cha đang nghỉ dưỡng tại nhà nghỉ dưỡng giáo phận, Một ấn tượng đẹp với mọi người, đó là các Ngài được chăm sóc chu đáo trong các phòng ốc thật ngăn nắp và sạch sẽ như gói trọn tâm tình thảo hiếu của đại gia đình Giáo phận dành cho những người Cha, người Thầy suốt một đời tâm huyết dành cho Giáo phận thân yêu.. Không ai tránh khỏi sự bùi ngùi khi tận mắt chứng kiến cuộc sống đơn sơ khiêm tốn, với tâm hồn an bình- hạnh phúc, khó nghèo của các Ngài., … Nhưng ngược lại, các Ngài sống rất thanh thản, với tâm hồn vui tươi.

Gặp Đức Cha Phaolô ai trong đoàn cũng thấy vui mừng vì Đức Cha vẫn khỏe mạnh và minh mẫn đã thổ lộ: Xin cảm ơn các thành viên GĐPTTT giáo phận đã nhớ đến Đức Cha, Quý Đức Ông và Quý cha niềm vui của tuổi già là được gặp gỡ, được nói chuyện với mọi người.

Sau khi thăm viếng đoàn xin được chụp hình chung với Đức Cha, Quý Đức Ông và Quý cha.

Xin gửi đến Đức Cha, Quý Đức Ông, Quý Cha món quà, xin cộng đoàn tiếp tục cầu nguyện, nâng đỡ các Ngài về mọi phương diện, để các Ngài được trung thành theo Chúa đến cuối đường đời.

Kính xin Đức Cha, Quý Đức Ông và quý Cha tiếp tục cầu nguyện cho chúng con để chúng con mãi trung kiên làm chứng nhân Tin mừng giữa dòng đời.
 
Giáo xứ Phú Bình mừng Xuân tình nhân ái
Martino Lê Hoàng Vũ
10:52 15/02/2015
Trong không khí vui tươi của những ngày giáp Tết,vào lúc 9 giờ sáng Chúa Nhật ngày 15.2.2015, tức 27 tháng chạp âm lịch, giáo xứ Phú Bình,Sài gòn đã tổ chức một buổi gặp gỡ và phát quà xuân Ất Mùi tại Hội trường giáo xứ.

Hình ảnh

SAIGÒN - Thành phần được mời tham dự là các bệnh nhân, quý cụ già cao tuổi,và đại diện những gia đình khó khăn trong địa bàn giáo xứ, không phân biệt lương giáo.Cha chánh xứ Phú Bình Giuse Nguyễn Văn Niệm hiện diện trong buồi phát quà.Ngài đại diện cộng đoàn giáo xứ Phú Bình chào mừng mọi người và nói lên ý nghĩa của buổi gặp gỡ: Đây là dịp giúp cho chúng ta được gặp gỡ nhau, khi mùa xuân đang về.Mỗi người một hoàn cảnh, có khi mỗi người là một chứng đau,có những giới hạn về thể lý làm cho nhiều cụ cứ thui thủi buồn rầu ở nhà, chẳng bao giờ gặp gỡ ai.Hôm nay,chúng ta gặp nhau để chia sẻ tâm tình chuyện trò, để cho mùa xuân thêm ấm áp nghĩa tình.Món quà mà mọi người nhận được chỉ là một chút “thơm thảo”,thể hiện tấm lòng yêu thương và sự quan tâm của giáo xứ dành cho tất cả mọi người.

Các em thiếu nhi trong giáo xứ đã cùng hát bài “Ngày xuân long phụng sum vầy “để chúc xuân quý cụ và mọi người.Hội Đồng Mục Vụ Giáo xứ và hội Legio Maria lo sắp xếp ổn định chỗ ngồi cho mọi người.

Tham dự buổi gặp gỡ mùa xuân của giáo xứ Phú Bình trên khuôn mặt ai cũng rạng rỡ niềm vui, dù nhiều người đi lại rất khó khăn và có ông trên khuôn mặt bị bướu thật to.Trong buổi sáng hôm nay,cha chánh xứ cũng thật vui khi được gặp gỡ các cụ,ngài năm nay 78 tuổi, có thể gần bằng tuổi các cụ và hôm nay cha mới có dịp mời bánh và thăm hỏi sức khỏe từng người.
 
Nhóm Bông Hồng Xanh chia quà Tết tại xã đảo Thạch An, Cần Giờ
Maria Vũ Loan
12:29 15/02/2015
Ngày 14/02/2015, tức là 26 tết, nhóm công tác xã hội Bông Hồng Xanh đã đến xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ, để trao 50 phần quà tết cho những cụ già, phát học bổng cho học sinh cấp 2 trên đảo và lì xì cho hơn 100 em thiếu nhi.

Hình ảnh

Cách trung tâm Sài Gòn khoảng 50 km, Cần Giờ như một ốc đảo xanh tươi với những thảm rừng đước bạt ngàn. Xã đảo Thạnh An cách đất liền 45 phút đi ghe. Gần bến đò Thạnh An có giáo xứ Cần Giờ, thế nhưng trên đảo không có một nhà nguyện nào, trong khi diện tích đảo là 131 km vuông và có đến 4.627 cư dân. Địa bàn xã gồm ấp Thạnh Hòa, ấp Thạnh Bình và ấp Thiềng Liềng.

Do cách trở về mặt địa lý nên cuộc sống nơi đây còn nhiều khó khăn. Người dân xã đảo nghèo này vẫn phải sống dựa hoàn toàn vào nghề đánh bắt. Thạnh An được xem như cửa ngõ trọng yếu của Sài Gòn - Gia Định năm xưa. Là một trong 7 xã, thị trấn của huyện Cần Giờ, Thạnh An là xã nghèo duy nhất của thành phố (dù có sung túc hơn một số vùng dân cư ở miền tây); được bao bọc hoàn toàn bằng các sông và cửa biển nên mỗi ngày xã chỉ có 6 chuyến tàu ra vào đất liền. Cư dân chủ yếu làm ruộng, hành nghề khai thác đánh bắt thủy sản, làm muối và chăm sóc rừng (khoảng 63%); còn lại lao động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ, sinh viên học sinh, công viên chức...

Trong số 10 em được hỗ trợ học bổng học kỳ II, có 2 em ở ấp Thiềng Liềng – là một hòn đảo nhỏ khác, phải đi một gần một giờ đồng hồ nữa mới đến nơi - còn 8 em là học sinh của trường THCS gần đó. Nhóm công tác đã đi về trong ngày. Có lên ghe đi ra đảo mới hiểu được nỗi khó khăn ở đây, chứ không phải sự nghèo nàn toát lên từ mái nhà tranh, hay túp lều xộc xệch.

Chia sẻ cho những người nghèo cao tuổi không Công Giáo, các thanh thiếu niên hiếu học và trẻ em trên đảo, đoàn công tác cảm thấy như có một con sóng ngầm dạt dào yêu thương đi nhẹ vào lòng, khi trở về trung tâm thành phố. Rõ ràng, vị Chúa của mùa xuân đang đến với tất cả mọi người.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Ông Địa
Nguyễn Cao Nhã
22:14 15/02/2015
ÔNG ĐỊA
Ảnh của Nguyễn Cao Nhã
Đức Di Lặc Là một vị Phật
lúc nào cũng tươi vui hiền lành.
Đức Di Lặc hoá thân làm người
gọi là ông Địa, đi đến đâu
là giáng phúc tới đó…
 
VietCatholic TV
Giáo Hội Năm Châu: 10/02 – 16/02/2015 : Medjugorje
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
06:21 15/02/2015
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Các Giám Mục Canada thất vọng trước phán quyết của Tối Cao Pháp Viện về trợ tử

Chủ tịch của Hội Đồng Giám Mục Canada nhận định rằng quyết định đồng thanh của Tòa án tối cao tại Canada bãi bỏ lệnh cấm các bác sĩ trợ tử cho thấy rõ xu hướng văn hóa "đặt quyền lợi cá nhân lên trên bất kỳ xem xét nào khác"

Đức Tổng Giám mục Paul-André Durocher cho biết các giám mục Công Giáo của Canada "rất thất vọng" trước quyết định này của Tòa án tối cao đưa ra hôm thứ Sáu 6 tháng 2, "mở rộng cửa" cho các bác sĩ trợ tử.

Tòa án cho biết việc cấm các bác sĩ trợ tử hạn chế quyền hiến định của một người về cuộc sống, quyền tự do và an ninh cá nhân của họ. Tòa án nói rằng một người lớn đang có những bệnh tật không thể chữa được là nguyên nhân khiến họ "đau khổ trầm trọng và không thể chấp nhận được" có quyền yêu cầu bác sĩ trợ giúp tự tử.

Đức Tổng Giám mục Durocher cho biết:

"Chúng tôi đã hy vọng tòa án sẽ không chọn đi theo con đường này, một con đường mà chúng ta thấy rất nguy hiểm."

"Quyết định này chắc chắn là chiến thắng của quyền cá nhân trên bất kỳ xem xét nào khác. Tôi thấy nó là một phương pháp tiếp cận của pháp luật trong đó chỉ xem xét vấn đề một cách riêng lẻ, độc lập với các khía cạnh xã hội và cộng đồng khác.”

“Tất nhiên, theo truyền thống Công Giáo, chúng tôi rất ý thức, nhạy cảm, đến chiều kích xã hội của tất cả quyết định cá nhân. Chúng ta không phải là những hòn đảo, tách biệt với nhau. Chúng ta tạo thành một dân tộc và các quyết định đều ảnh hưởng đến tất cả những người khác.”

Kinh nghiệm ở các nước cho phép trợ tử như Bỉ và Hoà Lan, phần lớn những người xin trợ tử không hề tự nguyện. Họ bị bắt buộc phải làm như thế để tránh trở thành gánh nặng cho gia đình.

2. Các Giám Mục Slovakia thất vọng trước thái độ hờ hững của người Công Giáo trong cuộc trưng cầu ý kiến về gia đình

"Không phải tất cả các thế hệ đều có cơ hội để quyết định tương lai của quê hương họ." Các giám mục Slovakia đã đưa ra lời kêu gọi trên những tấm panô lớn có hình Đức Giáo Hoàng Phanxicô được dựng khắp mọi nơi trong một chiến dịch vận động rất tốn kém để mời gọi các tín hữu tích cực tham gia vào cuộc trưng cầu ý kiến về hôn nhân và cuộc sống gia đình hôm 07 tháng Hai.

Quốc gia Trung Âu này có tới 74% Công Giáo trong tổng số 5.4 triệu dân.

Một luật mới ở Slovakia đòi hỏi một số người đi bầu tối thiểu là 50% cũng như một đa số phiếu để thông qua định nghĩa hôn nhân như sự kết hợp của một người đàn ông và một người phụ nữ và cấm các cặp vợ chồng đồng tính không được nhận con nuôi.

Luật này cũng quy định rằng "trường học sẽ không yêu cầu trẻ em tham gia vào giáo dục tính dục hay trợ tử nếu cha mẹ hay con cái không đồng ý".

Dự luật thất bại vì chỉ có 21.4% cử tri đi bầu dù rằng hầu hết những người đi bầu đều ủng hộ dự luật.

3. Đức Thánh Cha lên án cuộc chiến huynh đệ tương tàn ở Ukraine

Vào lúc kết thúc buổi tiếp kiến chung hôm 04 tháng 2 vừa qua, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã lên tiếng kêu gọi hòa bình và đối thoại ở Ukraine.

Ngài nói: "Thật không may tình hình đang xấu đi. Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho bạo lực tương tàn khủng khiếp này có thể chấm dứt càng sớm càng tốt ... Tôi nghĩ đến anh chị em, tất cả các tín hữu nam nữ Ukraine.”

Đức Thánh Cha kêu gọi chấm dứt ngay cuộc chiến này vì nó là một gương mù thê thảm cho thế giới. Đức Thánh Cha nhận xét: “Đây là một cuộc chiến tranh giữa các Kitô hữu."

Chiến thắng và thất bại "không phải là từ thích hợp trong trường hợp này. Từ ngữ duy nhất đúng là hòa bình."

4. Thượng phụ Chính Thống Giáo Mạc Tư Khoa ca ngợi lập trường “cân bằng” của Tòa Thánh về Ukraine

Thượng phụ Kirill của Chính thống Nga lên tiếng ca ngợi lập trường "cân bằng" của Vatican về cuộc xung đột ở Ukraine, trong khi lên án thái độ “bài Nga” của Giáo Hội Công Giáo Ukraine, trong một diễn từ trước các giám mục Chính thống giáo họp tại Mạc Tư Khoa.

Phát ngôn viên của Chính thống giáo Nga đã liên tục đổ lỗi cho Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Byzantine là khuấy lên sự oán giận đối với Nga, và Đức Thượng Phụ Kirill củng cố lập luận này. Ông cáo buộc rằng người Công Giáo Ukaine đã tạo ra cuộc khủng hoảng ở Ukraine hiện nay khi "thúc đẩy lật đổ chính quyền Viktor Yanukovych bằng những khẩu hiệu dân tộc và bài Nga."

Tuy nhiên, Thượng Phụ Chính Thống Giáo Nga đã phân biệt Giáo Hội Công Giáo Ukraine và Tòa Thánh, nói rằng Vatican đã "luôn luôn theo đuổi một lập trường cân bằng," kêu gọi đàm phán hòa bình và cảnh báo chống lại bạo lực.

Cuối năm 1991, Liên Sô sụp đổ và Ukraine trở thành một quốc gia độc lập như ngày nay. Tuy vậy, người Nga (chiếm ¼ dân số) vẫn tiếp tục nắm giữ những chức vụ quan trọng trong guồng máy công quyền và trong các hoạt động xã hội. Cuộc 'cách mạng' đã bắt đầu khi Tổng thống Viktor Yanukovych bất ngờ chấm dứt giai đoạn cuối cùng cuả cuộc đàm phán với Liên Hiệp Châu Âu và muốn đưa đất nước Ukraine trở lại quỹ đạo của Mạc Tư Khoa.

Người dân Ukraine muốn đoạn tuyệt với Nga và hội nhập vào Liên Hiệp Châu Âu, đã tổ chức những cuộc biểu tình khổng lồ tại quảng trường Maidan Nezalezhnosti. Giáo Hội Công Giáo đã đồng hành với dân chúng Ukraine trong những cuộc biểu tình long trời lở đất. Sau khi đàn áp dã man dân chúng không thành công, Viktor Yanukovych bỏ trốn sang Nga. Quân Nga lập tức xâm lược Crimea và kích động người Nga tại miền Đông Ukraine nổi loạn.

5. Các Giám Mục Ukraine kêu gọi cầu nguyện cho đất nước

Trước các thiệt hại nghiêm trọng của quân đội Ukraine trước sức tiến công quyết liệt của quân nổi dậy ly khai thân Nga tại miền đông Ukraine, nhà lãnh đạo của Giáo Hội Công Giáo Ukraine Hy Lạp kêu gọi các tín hữu hãy "trở thành thiên thần hộ mệnh, những người ngày đêm cầu nguyện cho quân đội Ukraine."

Quân ly khai thân Nga đã nhận được nguồn tiếp liệu và khí tài chiến tranh khổng lồ từ Nga và đang gây những thiệt hại nặng nề cho quân đội Ukraine.

Đức Tổng Giám mục Sviatoslav Shevchuk nói:

"Chúng ta hãy cầu nguyện cho những nạn nhân chiến cuộc phải bỏ nhà cửa di tản, cho những binh sĩ bị thương và những người bị giam cầm, những người chết vì đói và lạnh".

"Tôi kêu gọi tất cả các thành viên Giáo Hội chúng ta cầu nguyện không ngừng cho Ukraine."

6. Các nhà lãnh đạo Hồi Giáo trên thế giới lên án bọn khủng bố Hồi Giáo IS

Một số nhà lãnh đạo Hồi giáo nổi tiếng nhất trên thế giới đã ra tuyên bố lên án bọn khủng bố Hồi Giáo IS sau khi chúng đưa ra một video trong đó một phi công của Jordan đã bị thiêu sống.

Sheik Ahmed al-Tayeb, hiệu trưởng Đại học Al Azhar của Ai Cập, đã bày tỏ "sự tức giận sâu sắc" của mình trước sự tàn bạo của IS. Trích dẫn các hình phạt theo quy định của kinh Qu'ran dành cho những kẻ giết người vô tội, ông nói rằng IS phải chịu trách nhiệm về những hành động đáng bị trừng phạt như "giết người, đóng đinh, và chặt tay chân".

Một phát ngôn viên của chính phủ Ả Rập Saudi mô tả IS là "kẻ thù của đạo Hồi". Trong khi ngoại trưởng của United Arab Emirates nói rằng IS và các nhóm khủng bố khác "đại diện cho dịch bệnh phải được tận diệt không chậm trễ bởi các xã hội văn minh."

7. Hàng giáo phẩm Bosnia-Herzegovina bác bỏ khả năng Đức Giáo Hoàng sẽ đến thăm Medjugorje

Một số nguồn tin cho rằng trong chuyến tông du tại Bosnia-Herzegovina vào ngày 6 tháng 6 tới đây, Đức Thánh Cha Phanxicô có thể sẽ dùng trực thăng để bay từ Sarajevo đến Medjugorje.

Đức Hồng Y Vinko Puljic, Tổng Giám Mục Sarajevo bác bỏ nguồn tin trên và nhận xét rằng trong chuyến tông du này, Đức Thánh Cha sẽ dành nhiều thời gian để đề cập đến những "tình trạng nghiêm trọng" của người Công Giáo ở Bosnia. Ngài nói: "Một ngày không phải là nhiều".

Cha Federico Lombardi, giám đốc văn phòng báo chí Vatican, nói rằng các cuộc thảo luận về biến cố Đức Mẹ hiện ra tại Medjugorje "không có liên hệ" gì với mục đích của Đức Giáo Hoàng đến thăm Sarajevo.

Một ủy ban đặc biệt của Vatican đã được hình thành để nghiên cứu các cuộc hiện ra tại Medjugorje. Báo cáo của ủy ban giờ đây đang nằm trong tay của Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin. Hiện chưa có dấu hiệu cho thấy khi nào Vatican có thể đưa ra một tuyên bố công khai về vấn đề này.

8. Cuộc điều tra các sự kiện tại Medjugorje

Sau khi Đức Thánh Cha công bố sẽ thăm Bosnia-Herzegovina vào ngày 6 tháng 6 tới đây, nhiều lời đồn đoán liên quan đến những sự kiện tại Medjugorje lại rộ lên. Do đó, trong chương trình này chúng tôi xin điểm qua một vài chi tiết liên quan đến cuộc điều tra của Tòa Thánh tại đây.

Ngày thứ Bẩy 18 tháng Giêng năm ngoái 2014, Giám đốc Văn phòng Báo chí Tòa Thánh là cha Federico Lombardi, cho biết ủy ban quốc tế điều tra các sự kiện tại Medjugorje đã tổ chức cuộc họp cuối cùng một ngày trước. Ủy ban đã được Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin hình thành vào ngày 17 tháng Ba năm 2010 và do Đức Hồng Y Camillo Ruini lãnh đạo.

Medjugorje nằm trong khu vực Herzegovina ở phía Tây của nước Bosnia và Herzegovina, cách thị trấn Mostar 25km về phiá Tây Nam và gần với biên giới Crotia. Medjugorje theo tiếng điạ phương có nghĩa là “giữa những đồi núi”. Thật vậy, địa điểm này ở cao độ 200m so với mặt biển với khí hậu mát mẻ miền Điạ Trung Hải.

Sáu thanh niên, thiếu nữ nói đã thấy Đức Mẹ hiện ra tại Medjugorje vào ngày 24/06/1981. Từ đó dòng người lũ lượt đến hành hương địa điểm này để cầu nguyện với Đức Mẹ dưới hai tước hiệu là “Đức Mẹ Medjugorje” hay “Đức Mẹ là Nữ Vương Hòa Bình”.

Trước những biến cố cho rằng đã thấy những thị kiến riêng, Giáo Hội luôn có những cuộc điều tra để có thể kết luận là “constat de supernaturalitate” – tính chất siêu nhiên được chứng thực hay “non constat de supernaturalitate” – tính chất không siêu nhiên được chứng thực – nói dễ hiểu là do người ta bày vẽ ra, không phải là thật.

Ngày 10 tháng Tư năm 1991, Hội Đồng Giám Mục Nam Tư đã đưa ra tại Zadar một tuyên bố nói rằng: “Hội Đồng không thể khẳng định rằng những sự kiện này có liên quan đến các cuộc hiện ra siêu nhiên và những mạc khải hay không”

Tiếp theo đó, ngày 02 Tháng 10 năm 1997, Đức Giám Mục Ratko Peric của giáo phận Mostar-Duvno thông báo rằng: “Trên cơ sở nghiên cứu cẩn trọng về trường hợp này của 30 chuyên gia của chúng tôi, với kinh nghiệm 5 năm coi sóc Giáo Phận này, trước những bất tuân phục đầy tai tiếng xung quanh hiện tượng này, trước những điều dối trá mà đôi lúc được đặt vào miệng của Đức Mẹ, trước sự lặp đi lặp lại bất thường của những ‘thông điệp’ trong hơn 16 năm qua, trước những cách thế kỳ lạ mà các vị linh giám của những người tự xưng là đã thấy thị kiến đi cùng với họ khắp thế giới để tuyên truyền, trước cách thức mô tả ‘Đức Mẹ’ hiện ra với ‘những người đã thấy thị kiến’, xác tín của tôi và quan điểm của tôi về các cuộc hiện ra hay mạc khải tại Medjugorje không chỉ dừng ở điểm non constat de supernaturalitate [tính siêu nhiên không được chứng minh ] mà còn phải nói rõ là constat de non supernaturalitate [tính không siêu nhiên đã được chứng minh] "

Trước tuyên bố phủ nhận của Đức Cha Ratko Peric, Đức Hồng Y Tarcisio Bertone, lúc bấy giờ là Tổng Giám Mục, thư ký của Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, nói rằng những nhận xét của Đức Giám Mục Peric "cần được coi là biểu hiện của xác tín cá nhân của giám mục Mostar mà ngài có quyền bày tỏ trong tư cách là đấng bản quyền địa phương, nhưng đó vẫn chỉ là ý kiến cá nhân của ngài"

Trong lá thư ấy, Đức Tổng Giám mục Bertone cũng nhấn mạnh rằng "Tòa Thánh thường không đưa ra, ngay lập tức, quan điểm riêng của mình liên quan đến các hiện tượng được cho là siêu nhiên”.

Thánh Bộ Giáo lý Đức tin ủng hộ sự thận trọng mà các Giám Mục Nam Tư đã tuyên bố vào năm 1991 tại Zadar: đó là "Trên cơ sở các cuộc điều tra được tiến hành đến thời điểm này, không thể khẳng định rằng đó là một trường hợp của một cuộc hiện ra hoặc của một mạc khải siêu nhiên".

Vào tháng Hai năm 2008, Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin thông báo với cha Tomislav Vlasic, vị linh giám của sáu thanh niên, thiếu nữ rằng ngài đã bị điều tra vì sự loan truyền các giáo lý không minh bạch, thao túng lương tâm, sự bất tuân phục trước những yêu cầu chính đáng của đấng bản quyền hợp pháp, và ra lệnh cho ngài cư trú tại một tu viện dòng Phanxicô ở Lombardy, tham gia một khóa huấn luyện về thần học và tâm linh, và chấm dứt các liên hệ với nhóm “Nữ Vương Hòa Bình”. Tháng Bảy năm 2009, cha Vlasic, đã tự ý xin được huyền chức.

Ngày 17 tháng Ba năm 2010, Tòa Thánh công bố rằng, theo yêu cầu của các giám mục Bosnia và Herzegovina, Tòa Thánh đã thành lập một ủy ban, đứng đầu là Đức Hồng Y Camillo Ruini, lúc ấy là Giám Quản Rôma, để điều tra hiện tượng Medjugorje.

Ngày 17 tháng Giêng 2014, ủy ban đã chính thức hoàn tất cuộc điều tra. Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin sẽ công bố kết luận chung cuộc về vấn đề này. “Constat de supernaturalitate” hay “non constat de supernaturalitate?” Khó có thể nói được. Tuy nhiên, diễn biến mới nhất sau có thể cho phép dự đoán phần nào:

Ngày 21 Tháng 10 năm 2013, Sứ thần Tòa Thánh tại Mỹ, thay mặt cho Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, cho biết là dưới ánh sáng của tuyên bố do các Đức Giám Mục Nam Tư đưa ra năm 1991 tại Zadar về các sự kiện tại Medjugorje, người Công Giáo, cho dù giáo sĩ hay giáo dân, "không được phép tham gia các cuộc họp, hội nghị, lễ kỷ niệm công cộng có thể bị lợi dụng để tăng sự khả tín cho ‘những cuộc hiện ra’ như thế”

9. Triển lãm khăn niệm thành Turin thu hút đông đảo người ghi danh tham dự

Gần 600,000 người đã ghi danh tham dự một triển lãm Khăn liệm thành Turin bắt đầu vào tháng Tư này.

Khăn liệm sẽ được trưng bày cho công chúng tại nhà thờ chính tòa Turin từ ngày 19 tháng 4 cho đến ngày 24 tháng 6, như là một phần của một chương trình rộng lớn hơn nhằm đánh dấu kỷ niệm 200 năm ngày sinh của Thánh Gioan Bosco.

Du khách có thể vào cửa miễn phí, nhưng được yêu cầu ghi danh trước để ban tổ chức có thể điều phối nhân viên bảo vệ an ninh.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã cho biết là ngài sẽ đến thăm Turin để kính viếng Khăn Liệm vào ngày 21 tháng Sáu.

Lần triển lãm cuối cùng của tấm vải liệm Turin là vào năm 2010.