Ngày 06-02-2012
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Các bài đọc Tin Mừng Năm B: Phúc Âm thánh Marcô
Lm. Peter Edmonds SJ
15:41 06/02/2012
Cứ đầu Mùa Vọng là Giáo Hội bắt đầu năm phụng vụ mới. Chúng ta hiện ở năm B và hầu hết bài Tin Mừng trong năm được trích từ Tin Mừng Marcô. Ta sẽ nghe gì khi Thánh Marcô lên tiếng?

Năm phụng vụ mới trong Giáo Hội bắt đầu với Mùa Vọng. Đồng thời, chúng ta bắt đầu nghe một tiếng nói mới trong các bài Tin Mừng Chúa Nhật. Sau một năm đều đặn lắng nghe Thánh Matthêu trong các Chúa Nhật (năm A), giờ đây chúng ta chuyển sang Thánh Marcô. Xem ra đây chỉ là sự thay đổi đơn giản. Nhưng giống như trong cuộc sống, điều thoạt đầu tưởng như đơn giản hóa ra lại không dễ dàng trong thực tế. Trong bài viết ngắn ngủi này, chúng tôi muốn nói đến vài khó khăn mà những người có trách nhiệm phân bố các chu kỳ bài đọc phải vượt qua và vài giải pháp mà họ sử dụng.

Vấn đề đầu tiên có liên quan đến các bài đọc Tin Mừng ngày Chúa Nhật. Chúng ta có 4 Tin Mừng theo quy điển. Tin Mừng Thánh Luca dài nhất với 1149 câu Tin Mừng Thánh Marcô ngắn nhất với 662 câu. Mỗi Tin Mừng giới thiệu và kể lại câu chuyện về Chúa Giêsu theo cách của mình. Chuyện kể của Thánh Luca rất đầy đủ, bao gồm câu chuyện dài về thời thơ ấu và hàng loạt những cuộc hiện ra sau khi phục sinh của Chúa Giêsu. Trái lại, Thánh Marcô không nói gì về thời thơ ấu của Chúa Giêsu và dường như chỉ đề cập đến một lần hiện ra sau phục sinh. Chu kỳ sách bài đọc kéo dài trong ba năm, vậy thì làm thế nào để có thể kết hợp bốn Tin Mừng vào chu kỳ ba năm? Biện minh ra sao khi chọn bài này bỏ bài kia? Giải quyết thế nào khi các Tin Mừng trùng lặp nhau?

Thứ đến, năm phụng vụ không khớp với diễn tiến của câu chuyện Tin Mừng. Nói chung, các Tin Mừng lần lượt thuật lại thời thơ ấu và sự ra đời của Chúa Giêsu, sứ mệnh tại Galilê, hành trình lên Giêrusalem, sứ vụ cuối cùng và cái chết tại thành phố này. Năm phụng vụ bắt đầu với Mùa Vọng và Giáng Sinh, một thời gian trải dài sáu Chúa Nhật; sau cách quãng sáu tuần là đến Mùa Chay và Phục Sinh, bao gồm lễ Hiện Xuống, chiếm khoảng 13 tuần. Tiếp đến là 29 Chúa Nhật được gọi là "Các Chúa Nhật Thường Niên". Các trình thuật Tin Mừng phải thích ứng với sơ đồ này. Ta hãy xem Tin Mừng Thánh Marcô làm thế nào.

Mùa Vọng và Giáng Sinh (Mc 13, 33-37; 1, 1-8, 6-11)

Mùa Vọng chuẩn bị cho Lời Thiên Chúa đến trong thế gian vào ngày Giáng Sinh. Cuộc sống người Kitô hữu không chỉ nhìn về quá khứ nhưng nhắm đến tương lai, như Thánh Phaolô lưu ý trong thư gởi các tín hữu Philipphê: "Quên đi chặng đường đã qua và lao mình về phía trước" (Pl 3, 13). Bài đọc đầu tiên của Tin Mừng Marcô đọc vào ngày Chúa Nhật thứ nhất Mùa Vọng trích từ bài đại diễn từ của Chúa Giêsu khi kết thúc sứ vụ. Ngài truyền cho các môn đệ: "Hãy coi chừng, hãy tỉnh thức" (Mc 13, 33). Đây là những lời nói lên tâm trạng của người Kitô hữu không chỉ cho mùa Vọng mà còn cho trọn cả năm. Những lời này tiếp nối bầu khí của các bài đọc Tin Mừng Thánh Matthêu vừa mới chấm dứt (năm A).

Chúa Nhật thứ hai Mùa Vọng, chúng ta nghe những câu mở đầu Tin Mừng Marcô (Mc 1, 1-8). Cũng như Matthêu và Luca, Thánh Marcô cũng đã hoàn thành nhiệm vụ khi nhắc đến câu chuyện ấu thời của Chúa Giêsu. Những câu chuyện này cung cấp thông tin, giúp ta hiểu về Chúa Giêsu. Câu đầu tiên nói lên căn tính của Chúa Giêsu: Ngài là Đức Kitô và là Con Thiên Chúa. Trong Tin Mừng Marcô, phải đợi đến 8 chương thì mới có một con người (Thánh Phêrô) gọi Chúa Giêsu là "Đức Kitô (Mc 8, 29) và 15 chương để một người khác, một binh lính Roma, gọi Ngài là "Con Thiên Chúa" (Mc 15, 39). Và rồi Kinh Thánh được trích dẫn: không chỉ ngôn sứ Isaia (Is 40, 3), nhưng cả sách Xuất Hành (Xh 23, 20) và ngôn sứ Malakhi nữa (Ml 3, 1). Việc Chúa Giêsu đến là sự tiếp nối và hoàn tất công việc của Thiên Chúa trong quá khứ. Bằng lời nói và việc làm, Thánh Gioan Tẩy Giả đã củng cố cho công việc này. Chế độ ăn uống và cách ăn mặc của Thánh Gioan đã đặt ngài vào hàng ngũ các ngôn sứ thời Cựu Ước (2 V 1, 8). Ngài loan báo rằng Chúa Giêsu là Đấng sẽ phải đến, là "Người mạnh mẽ nhất" sẽ vào "nhà một người mạnh" và trói hắn lại (Mc 3, 27). Với những ý tưởng này, chúng ta đã được chuẩn bị cho sứ điệp và các biến cố ngày Lễ Giáng Sinh.

Ta sẽ không nghe Tin Mừng Marcô nữa cho đến ngày Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa sau Lễ Giáng Sinh. Lúc ấy ta sẽ nghe tiếng Thiên Chúa, tác nhân ẩn mặt trong Tin Mừng Thánh Marcô, nói rằng Đức Giêsu là "Con yêu dấu" của mình, một trích dẫn Kinh Thánh âm vang những lời của ngôn sứ Isaia nói về người tôi tớ của Chúa (Is 42, 1) và những lời trong sách Sáng Thế nói về Isaac, con của Abraham (St 22, 2). Nếu muốn cử hành Lễ Giáng Sinh trong ý hướng của Thánh Marcô, ta phải nhận ra sứ điệp của 11 câu đầu tiên này trong Tin Mừng của Ngài. Đây chính là nền tảng của phần còn lại trong Tin Mừng Thánh Marcô.

Các Chúa Nhật Thường Niên trước Mùa Chay [3B-7B] (Mc 1, 14 - 2, 12)

Liên tục năm ngày Chúa Nhật trước Mùa Chay, chúng ta đọc Tin Mừng Thánh Marcô, bắt đầu với việc Chúa Giêsu kêu gọi 4 môn đệ đầu tiên và kết thúc bằng việc chữa trị cho người bại liệt sau khi Ngài bị phê bình về sự tha thứ tội lỗi.

Đoạn này thật quan trọng. Trước hết, nó cho chúng ta biết những lời nói công khai đầu tiên của Chúa Giêsu trong Tin Mừng này. Lời kêu gọi hoán cải và tin tưởng vào Tin Mừng (Mc 1, 15). Từ giờ trở đi, hãy chú ý xem thử lời kêu gọi này được lắng nghe đến đâu. Thứ đến, chúng ta thấy hành động công khai đầu tiên của Chúa Giêsu là kêu gọi các môn đệ. Uy quyền của Ngài lớn đến độ những ai được kêu gọi đều lập tức bỏ nhà cửa, gia đình và công việc để đi theo Chúa Giêsu. Điều này nói lên sự triệt để và đòi hỏi của Tin Mừng. Chúa Giêsu sẽ không cô độc nữa trong Tin Mừng này. Thứ ba, chúng ta thấy Chúa Giêsu bắt đầu sứ vụ như thế nào. Ngài đi làm việc trong các thành phố và hội đường, đến từng nhà và đi vào hoang địa. Ma quỷ tuân phục Ngài; Ngài chữa lành bệnh tật, ngay cả bệnh cùi, và tha thứ tội lỗi. Ngài thi hành sứ vụ cho mọi người, ngay cả nhạc mẫu của Simon. Tuy nhiên, kết thúc "ngày ở Capharnaum", Chúa Giêsu đi ra cầu nguyện vào lúc hừng đông thì các môn đệ kéo đến làm gián đoạn việc cầu nguyện. Khi Ngài tha thứ tội lỗi thì các kinh sư thông thái đã cáo buộc Ngài tội phạm thượng và đây cũng chính là lời buộc tội Ngài vào phiên xử án cuối cùng (Mc 14, 64). Những cảnh đối nghịch tiếp theo sau đó. Sự xung đột đang dần hình thành. Ai đang hối cải và tin vào Tin Mừng, các độc giả có thể đặt câu hỏi. Nhưng bây giờ ta phải cắt ngang câu chuyện vì Mùa Chay đang bắt đầu.

Mùa Chay và Phục Sinh (Mc 1, 12-15; 9, 2-10; 11, 1-10; 14, 1 - 15, 47)

Việc chọn lựa các bài đọc Mùa Chay dựa nhiều vào truyền thống. Chúa Nhật thứ nhất luôn nói đến Sự Cám Dỗ của Chúa Giêsu và Chúa Nhật thứ hai là Sự Biến Hình. Chúa Nhật Khổ Nạn (Lễ Lá), bắt đầu Tuần Thánh, chúng ta nghe câu chuyện dài về Cuộc Khổ Nạn. Năm nay chúng ta nghe câu chuyện Cám Dỗ, Biến Hình và Khổ Nạn theo Tin Mừng Thánh Marcô.

Câu chuyện Cám Dỗ của Chúa Giêsu theo Tin Mừng Marcô là trình thuật ngắn nhất trong các Tin Mừng, tiếp nối câu chuyện Chúa Giêsu chịu phép rửa. Mặc dù ngắn ngủi (và chúng ta có khuynh hướng tô điểm thêm với những chi tiết từ Tin Mừng Matthêu và Luca), nó vẫn âm vang những cơn cám dỗ của dân Israel trong sa mạc (Tv 95, 8), lời tiên tri của ngôn sứ Isaia về sư tử nằm chung với bê (Is 11, 6), về Ađam được các thiên thần nuôi ăn theo như lời thuật lại của truyền thống rabbi cổ xưa. Độc giả được cảnh báo về sự xung đột. Satan sẽ tái xuất trong trình thuật không chỉ hiện nguyên hình của mình mà còn như là kẻ thao túng các giới chức tôn giáo của thời đại và ngay cả dưới vỏ bọc là môn đệ của Chúa (Mc 8, 33). Sự xung đột giữa Chúa Giêsu và Satan sẽ lên đến đỉnh điểm trong câu chuyện khổ nạn khi Satan lại xuất hiện như kẻ chiến thắng. Ta đọc thấy trong thư gởi các tín hữu Do Thái 2, 18: "Vì bản thân Người đã trải qua thử thách và đau khổ"

Marcô đặt trình thuật Biến Hình ngay sau khi Chúa Giêsu cảnh báo các môn đệ rằng Ngài sẽ phải chịu đau khổ và chết ở Giêrusalem. Viễn cảnh vinh quang nhằm tỏ cho các môn đệ thấy rằng số phận của Ngài cũng sẽ bao gồm cả sự phục sinh và vinh quang trong tương lai. Có lẽ vì đã có biến cố Biến Hình nên Thánh Marcô thấy không cần phải kể thêm các cuộc hiện ra của Chúa Giêsu trong Tin Mừng của mình. Sự Biến Hình tiên báo sự phục sinh và là bổ túc cần thiết cho câu chuyện Cám Dỗ. Cuộc sống người Kitô hữu là một lời hứa vinh quang cũng như cảnh báo về sự xung đột.

Cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu trong Tin Mừng Marcô là trình thuật ảm đạm nhất trong bốn trình thuật mà chúng ta có. Qua sự chịu đựng thinh lặng của mình, Chúa Giêsu đóng vai người tôi tớ đau khổ của Isaia (Is 52, 13 - 53, 12). Bị các môn đệ xa lánh, các thẩm quyền đạo đời kết án, Ngài đã chết cô đơn với tiếng kêu sầu thảm. Chỉ sau khi chết đi thì lời cầu nguyện của Ngài với Chúa Cha ở Giếtsêmani mới được đáp ứng khi màn trong Đền Thờ xé ra và viên bách quan Roma chịu trách nhiệm hành quyết Ngài đã thốt lên rằng Ngài thật là Con Thiên Chúa. Mùa Chay là thời gian thích hợp để đọc trình thuật của Thánh Marcô về cái chết của Chúa Giêsu theo kiểu cầu nguyện. Ngài đã kể lại câu chuyện theo cách này để đem lại niềm hy vọng và khuyến khích các Kitô hữu đau khổ bị bách hại ở Roma cũng như những ai đang đau khổ ở ngay thời đại chúng ta. Sự đau khổ và cái chết của Ngài đã hoàn tất những gì chúng ta biết về sự cám dỗ và biến hình ở đầu Mùa Chay.

Các Chúa Nhật Thường Niên sau Lễ Phục Sinh [11B - 16B; 22B - 33B]

Thời gian sau Lễ Hiện Xuống (được gọi là "Mùa Thường Niên") tiếp tục bài đọc Tin Mừng Marcô, mặc dù bài đọc các Chúa Nhật thứ 9 và 10 Thường Niên năm nay được thay thế bằng Lễ Chúa Ba Ngôi và Lễ Mình Thánh Chúa. Các bài đọc Tin Mừng Marcô trong thời gian này được phân ra làm hai phần, bởi vì các nhà soạn thảo sách Bài Đọc quyết định rằng trình thuật của Thánh Gioan về việc Chúa Giêsu nuôi 5000 người sẽ thay thế trình thuật của Thánh Marcô, và cũng bởi vì trình thuật này trong Tin Mừng Thánh Gioan được nối tiếp bằng bài diễn từ dài của Chúa Giêsu về chủ đề "Bánh Hằng Sống" (Ga 6, 1-69), nên Thánh Marcô sẽ phải tắt tiếng trong 5 Chúa Nhật liên tục. Như thế chúng ta chia thời gian này làm hai phần.

Mùa Thường Niên cho đến Chúa Nhật 16 năm B (Mc 4, 26 - 6, 34)

Các bài đọc Tin Mừng Marcô đứt quãng từ lúc này trở đi, đó là sự lựa chọn dành cho chúng ta. Chúng ta bắt đầu với phần cuối trong loạt diễn từ về dụ ngôn của Chúa Giêsu. Phần trước của loạt diễn từ này đã bị bỏ đi có lẽ vì chúng ta đã nghe đầy đủ bản văn của Thánh Matthêu trong năm vừa qua. Sau khi nói lên thẩm quyền giáo huấn của Chúa Giêsu, Thánh Marcô cho chúng ta thấy một loạt bốn "hành động đầy quyền năng" của Chúa Giêsu: Ngài làm bão tố yên lặng, cứu chữa một người bị cả đoàn quỷ ám, người đàn bà bị bệnh đã 12 năm và cho một bé gái 12 tuổi sống lại. Phép lạ thứ nhất (làm bão tố yên lặng), chúng ta không đọc trong năm nay vì vướng ngày lễ Sinh Nhật Thánh Gioan. Phép lạ thứ hai (chữa người quỷ ám), không bao giờ được đọc vào ngày Chúa Nhật từ bất cứ Tin Mừng nào. Sau khi biểu dương quyền năng, thật đáng ngạc nhiên là Chúa Giêsu không làm phép lạ nào ở Nazarét. Thánh Marcô chép: "Ngài đã không thể làm được một phép lạ nào tại đó… Ngài lấy làm lạ vì họ không tin" (Mc 6, 5-6).

Sau đó Chúa Giêsu sai 12 môn đệ cứ từng đôi một ra đi truyền giáo (Mc 3, 14) và khi họ trở về, Ngài mời họ vào nơi hoang vắng để nghỉ ngơi. Đến lúc này, chúng ta tạm biệt Marcô và quay sang Thánh Gioan trong 5 tuần. Marcô không nói gì về những điều mà các môn đệ đã kinh qua. Thay vào đó, ngài kể lại một trong những câu chuyện kịch tính nhất trong Tin Mừng của mình, câu chuyện về cái chết của Gioan Tẩy Giả, nhưng bài này bị bãi bỏ trong loạt bài đọc của chúng ta. Điều này ngầm nhắc nhở rằng chúng ta nên giở lại sách Kinh Thánh để đọc lại toàn bộ các trình thuật của Marcô từ Mc 2, 12 cho đến 6, 55. Tin Mừng Marcô là cả một câu chuyện vĩ đại mà ta không muốn bỏ sót bất kỳ câu chuyện nào.

Mùa Thường Niên sau Chúa Nhật 22B (Mc 7, 1 - 13, 32)

Chúng ta lại nghe Thánh Marcô thuật lại lời giáo huấn của Chúa Giêsu về sự tinh sạch và ô uế (Chúa Nhật 22) và Chúa Nhật 23 tiếp theo nói về việc Chúa Giêsu chữa lành người câm điếc. Trình thuật của Marcô về đứa con gái của người phụ nữ Syrô-Phênixê được lược bỏ bởi vì ta đã nghe bài của Thánh Matthêu trong năm vừa qua. Cũng bỏ qua trình thuật về việc hóa bánh ra nhiều lần thứ hai bởi vì năm nay ta cũng nghe quá nhiều về Bánh Hằng Sống trong Tin Mừng Thánh Gioan. Câu chuyện các môn đệ trên thuyền và việc chữa lành người mù ở Bétsaida thấy người qua lại như cây cối đang di chuyển cũng bị lược bỏ. Thay vào đó chúng ta nghe cao điểm của sứ vụ Chúa Giêsu tại Galilê khi Ngài hỏi các môn đệ tin Ngài là ai, và Thánh Phêrô trả lời Ngài là Đức Kitô.

Đến đây, bắt đầu trình thuật của Thánh Marcô về hành trình tiến về Giêrusalem, tuy không trích đọc đầy đủ nhưng cũng kéo dài 7 Chúa Nhật. Chúa Giêsu tiên báo cuộc khổ nạn và nói rằng ai muốn làm môn đệ Ngài thì phải vác thánh giá. Các môn đệ, đặc biệt là Giacôbê và Gioan, đã hiểu sai và chống đối giáo huấn như thế. Người duy nhất tỏ bày thiện cảm khi theo Chúa Giêsu là người mù Bartimê. Ba lần anh xin Chúa Giêsu cho mình được sáng mắt và kiên trì cầu khẩn, lời xin của anh được đáp ứng và anh đi theo Chúa Giêsu trên đường đến Giêrusalem cho đến khi Ngài chịu chết. Giáo huấn về ly dị và mối nguy của sự giàu có nằm trong phân đoạn này. Câu chuyện lạ thường về sự thất bại của các môn đệ khi cứu chữa một đứa bé bị quỷ ám mắc bệnh động kinh cũng được lược bỏ (Mc 9, 14-29).

Phần thứ ba của Tin Mừng Marcô cho ta biết những gì xảy ra khi Chúa Giêsu đến Giêrusalem. Trình thuật của Thánh Marcô về cuộc khổ nạn đã được đọc đầy đủ vào Chúa Nhật Khổ Nạn, tuy nhiên ta cảm thấy bất bình vì các bài đọc nói quá ít về những ngày cuối cùng của Chúa Giêsu ở Giêrusalem. Có lẽ vì đã hết chỗ: chỉ còn lại ba Chúa Nhật. Chúa Nhật 31 và 32 nói về câu hỏi của các kinh sư về giới răn trọng nhất và về bà góa phụ nghèo bỏ hết cả gia sản mình có vào quỹ đền thờ. Các trình thuật về cây vả bị nguyền rủa, làm sạch đền thờ và các tranh luận gay gắt của Chúa Giêsu với giới thẩm quyền cũng được lược bỏ. Bài đọc Tin Mừng Thánh Marcô cuối cùng trích từ bài diễn từ dài của Chúa Giêsu về thời sau hết. Chúng ta sẽ nghe nhiều về thời gian cuối cùng này trong các bài đọc năm sau (năm C) trích từ Tin Mừng Thánh Luca. Nhưng khi quay lại nơi ta bắt đầu chu kỳ năm nay, tức Chúa Nhật thứ nhất Mùa Vọng năm B (Mc 13, 33-37), ta gặp thấy đoạn tiếp theo của bài đọc cuối cùng trích Tin Mừng Marcô được đọc trong Chúa Nhật 33 năm B (Mc 13, 24-32).

Kết luận

Điều này đã khẳng định một chân lý quan trọng về Tin Mừng Marcô: Tin Mừng này không bao giờ thật sự chấm dứt. Câu đầu tiên trong Tin Mừng này nói rằng: "Khởi đầu Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô". Câu chuyện Tin Mừng vẫn còn tiếp tục cho đến cuối thời gian. Tin Mừng có lẽ đã kết thúc với sự sợ hãi của các phụ nữ khi được sai đi rằng: "hãy đi và báo cho các môn đệ của Ngài cùng ông Phêrô rằng Ngài sẽ đến Galilê trước các ông" (Mc 16, 7). Các bà đã lẫn trốn vì sợ hãi. Thế nhưng họ phải vượt qua sợ hãi và sự sợ hãi có thể là khởi đầu cho đức tin như là sự sợ hãi của các môn đệ trên thuyền ở Biển Hồ (Mc 4, 40). Chúng ta cũng được mời gọi đi đến Galilê, nơi Chúa Giêsu bắt đầu sứ vụ và cũng là nơi sứ vụ được nối tiếp sau khi Chúa Phục Sinh gặp gỡ Phêrô sau ngày sống lại.

Như vậy, đây là thời gian để chúng ta đọc lại bản văn này và hãy chú ý rằng ta sẽ thường gặp thấy những từ ngữ nói về sự chỗi dậy và phục sinh, từ lúc Chúa Giêsu cầm tay "đỡ dậy" bà nhạc mẫu của ông Simon cho đến thông điệp "Ngài đã chỗi dậy" của người thanh niên nói với các phụ nữ ở chương cuối cùng (Mc 1, 31; 16, 6). Tin Mừng Marcô không chỉ cảnh báo về cái giá của việc làm môn đệ Chúa mà còn là lời hứa tưởng thưởng: "Ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống ấy" (Mc 8, 35). Chúng ta học biết nhiều từ Tin Mừng Marcô được đọc trong năm nay và vẫn sẽ còn biết nhiều điều hơn nữa khi Tin Mừng sẽ quay lại trong các bài đọc Chúa Nhật trong ba năm tới.

(Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính chuyển ngữ)
 
Phong cùi
Lm. Giuse Trần Việt Hùng
19:11 06/02/2012
Chúa nhật 6 quanh năm (Lev 13, 1-2.44-46; 1Cor 10. 31-11,1; Mc 1, 40-45)

Cùi hủi là một con bệnh đáng ghê sợ nhất. Nhiều ngàn năm trước, bệnh phong cùi đã xuất hiện nơi thân xác của con người. Đây là một bệnh truyền nhiễm và ô uế. Theo luật của dân Do-thái, ngay từ thời Môisen đã có những hướng dẫn riêng dành cho những người bị bệnh phong cùi. Những người mắc chứng bệnh phong cùi phải ở riêng, mặc áo rách, để đầu trần, lấy tay che miệng và la cho mọi người biết để đừng ai đến gần. Thật là khổ sổ và đau lòng! Con vi trùng cùi hủi quái ác đã ăn cướp mất nhân phẩm của con người. Thân phận của những người phong cùi thật đáng thương, họ bị tách lìa khỏi gia đình, cộng đoàn và mọi sinh hoạt chung. Họ bị bỏ rơi và bị người đời khinh bỉ, xem họ như là những thân xác đáng ghê tởm mà mọi người cần xa tránh. Người xưa chưa có cách phòng bệnh và trị bệnh nên những ai bị mắc phong cùi thì như lãnh một bản án chung thân.

Nỗi đau thân xác khôn lường, mà nỗi đau của tâm hồn lại càng khốc liệt. Những người phong cùi phải xa tránh mọi người và tự lo cho cuộc sống mình. Họ bị tước mất tư cách làm người và mất cả nhân phẩm. Họ khổ đau quằn quại khi thân xác bị lở loét, cùi cụt và hôi thối. Mọi người không đến gần, ngay cả những người thân thiết trong gia đình cũng không được chung đụng. Chúng ta không thể tưởng tượng được nỗi sầu khổ và mặc cảm lấn chiếm tâm hồn họ. Họ bị rơi xuống đáy vực thẳm của kiếp nhân sinh. Lê lết sầu muộn từng ngày nơi hoang vắng cô quạnh. Đau khổ hơn nữa là khi đối diện với những ánh mắt khinh thị và kinh hãi. Chúng ta nhớ rằng khả năng khoa học y tế của con người thời đó đành bó tay với cùi hủi. Ngày nay vẫn còn nhiều người bị nhiễm chứng bệnh phong cùi nhưng nhờ có thuốc thang ngăn ngừa, họ cũng được giảm bớt đau khổ phần nào. Với cuộc sống xã hội đương thời, những người phong cùi cho dù được sự thăm viếng, chia sẻ, thông cảm và ủi an nhưng họ vẫn còn phải chịu nhiều sự tủi nhục và sầu khổ.

Chúa Giêsu xuất hiện rao giảng tin mừng giải thoát. Chúa có uy quyền chữa lành cả thân xác và tâm hồn. Hai ngàn năm trước, với khả năng của con người, sự chữa lành của cả hai nhu cầu vật chất và tâm linh đều rơi vào ngõ cụt. Cộng thêm sự phân chia giai cấp và cách đối xử bất công trong xã hội không có lối thoát. Chúa Giêsu đã xuất hiện trong bối cảnh xã hội mà nhiều người bị loại trừ. Sự thực hành đời sống tôn giáo và xã hội thiếu tình yêu thương bác ái. Những người bệnh hoạn tật nguyền, phong bại, phong cùi và qủy ám là những thứ bệnh quái ác hoành hành khắp nơi. Tất cả những ai chạy đến với Chúa đều được xót thương chữa lành. Cả những bệnh cùi hủi trong tâm hồn, Chúa Giêsu đã tẩy sạch và tha thứ.

Tâm trạng bị bỏ rơi và chối từ làm cho con người cảm thấy cô đơn sầu khổ. Không chỉ bệnh cùi mà cả những chứng bệnh thời đại. Những người già cả ốm đau bị con cái bỏ rơi. Những trẻ thành niên bị chối từ khỏi gia đình, không được yêu thương và chấp nhận. Những trẻ em sơ sinh bị bỏ rơi vì bị cha mẹ coi như một món nợ. Những người tàn tật và què quặt không được tiếp nhận vào những đại tiệc của xã hội. Những khách lạ hiền lương bị chối từ nơi ẩn trú. Những người vô gia cư và vô nghề nghiệp không có nơi nương tựa và bị coi như là những kẻ ăn bám xã hội. Những người mắc những chứng bệnh thời đại Si-đa cũng bị xô đẩy vào đường cùng phải sống trong cô đơn và loại bỏ. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, con người sống cần có tình yêu, tình người và sự chấp nhận.

Còn biết bao những khinh miệt khác đối với những con người không sống theo kỷ luật bị coi như những tội phạm của xã hội. Những nhóm người gây khủng bố, gian tham, cướp của giết người, buôn bán nô lệ, thuốc phiện, buôn bán tình dục phụ nữ trẻ em, những bà tú, ma cô và nhà độc tài gian ác…Chúng ta cũng nên nhớ rằng không phải tất cả các tù nhân đều là tội phạm cả đâu. Có nhiều người bị nhốt tù vì công lý, vì bất đồng chính kiến, vì niềm tin, vì lương tâm và vì nhiều lý do khác tùy theo từng chế độ. Xã hội có muôn mặt và muôn cách sống. Chúng ta khó có thể phân biệt trắng đen, lành dữ, xấu tốt và phải trái, khi dựa vào những phán đoán của con người. Tất cả các tệ trạng của con người xã hội đều là những căn bệnh cần phải được chữa trị. Con người phải đi tìm đúng nguồn cội quyền lực để xin ơn chữa lành cả xác lẫn hồn. Chúng ta hãy chạy đến với Chúa Giêsu là nguồn mạch mọi ân sủng chữa lành.

Bệnh nào cũng cần thuốc chữa. Con người có cả ngàn thứ bệnh khác nhau cả về thể xác lẫn tinh thần. Mỗi một thứ bệnh cần có những liều lượng thuốc chữa trị riêng. Chúa Giêsu có toàn quyền trên cả vũ trụ hữu hình và vô hình. Ngài có quyền sáng tạo, chữa trị, đổi mới và hoàn thành. Câu truyện phúc âm, người bệnh cùi đến van xin Chúa chữa lành, Chúa đã giơ tay đặt trên người đó và nói: Ta muốn, anh hãy khỏi bệnh. Chúa chỉ cần muốn là mọi sự thực hiện theo ý của Ngài. Bệnh cùi được chữa lành ngay tức khắc. Chúng ta nhớ câu truyện của ông Saulô, đang khi đi bách hại người Kitô hữu, một luồng ánh sáng đánh ngã ngựa và Chúa Giêsu đã biến đổi ông thành Phaolô, một tông đồ nhiệt thành rao giảng tin mừng cho dân ngoại. Chúa có thể biến đổi tất cả theo ý muốn của Chúa.

Thánh Phaolô sau khi đã trở lại với Chúa Kitô, ngài đã không ngừng loan báo tin mừng. Trong mọi sự như ăn, như uống hay làm bất cứ việc gì, Phaolô khuyên dậy chúng ta hãy làm mọi sự cho sáng danh Chúa. Phaolô đã hoàn toàn thuộc về Chúa. Đôi khi tôi tự hỏi tại sao Chúa không đánh ngã thêm nhiều người nữa để họ tiếp tục mở rộng Nước Chúa? Biết rằng tư tưởng của Chúa vượt hẳn trên tư tưởng loài người và đường lối của Chúa cao siêu hơn đường lối của con người. Chúa muốn chính mỗi người chúng ta làm nhân chứng cho Chúa. Chúa muốn cứu độ mỗi người bằng chính sự sám hối và trở về của họ. Chúa ban cho con người có tự do để chọn lựa thái độ. Chúng ta hãy đến quỳ gối van xin: Nếu Chúa muốn, Chúa có thể khiến con nên sạch. Đặt niềm tin vào Chúa Kitô và qua Giáo Hội, Chúa đã ban các ân điển qua các Bí Tích, Á Bí Tích, các kinh nguyện và sự thực hành sống đạo sốt mến. Từng bước phát triển đời sống đạo qua các Bí Tích chúng ta lãnh nhận, chúng ta sẽ tìm thấy nguồn ơn sủng của sự chữa lành.

Bệnh phong cùi cũng như tội lỗi của con người thật ghê gớm. Ai cũng sợ hãi những chứng bệnh cùi hủi, bệnh siđa, bệnh ung thư hay một số bệnh chết người. Khoa học y tế có phát triển vượt bực nhưng con người vẫn còn cảm thấy bất lực hoặc chào thua trước những con bệnh hiểm nghèo này. Một thực tại sống mà chúng ta không thể chối từ. Sinh, lão, bệnh và tử là lẽ thường ở đời. Điều quan trọng là chúng ta hãy đón nhận thân phận làm người với tất cả những biến chứng của nó. Hãy tôn trọng nhân phẩm, đối xử và đón nhận mọi người như là con người, cùng chung một Cha trên trời. Chúng ta đừng khinh khi loại trừ, ghét bỏ ruồng rẫy và đóng cửa gài then trước những mảnh đời cùng khổ.

Lạy Chúa, đã nhiều lần chúng con ngã bệnh và phạm tội làm nhơ nhuốc tấm linh hồn, xin Chúa giơ tay chữa lành và rửa sạch những vết nhơ bụi trần. Xin cho chúng con biết chia sẻ lòng nhân ái với những người bất hạnh, biết giơ tay đón tiếp những kẻ cùng khốn và biết chấp nhận mọi người như là anh chị em, để chúng con tìm được nguồn ủi an và chữa lành đích thực của Chúa cả trong tâm hồn lẫn thể xác. Chúng con chỉ biết dâng lên Chúa lời cảm tạ tri ân. Chúng con đã được lãnh nhận dư tràn ơn sủng của Chúa trong suốt đời sống. Chúng con cầu xin Chúa.
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
22:47 06/02/2012
ĐẬU HỦ
N2T

Có một người giữ bạn lại nhà mình ăn cơm, trong nhà không có thức ăn gì khác ngoài đậu hủ, nhưng anh ta nói với khách:
- “Tôi rất thích ăn đậu hủ, tôi vẫn cứ cảm thấy không có thức ăn nào mà ngon như đậu hủ, đậu hủ quả thật là sinh mạng của tôi”.
Về sau, người thích ăn đậu hủ ấy đến ăn cơm nơi nhà bạn, người bạn nhớ lại là anh ta rất thích ăn đậu hủ, bèn bỏ vài miếng đậu hủ vào trong thịt, trong cá cũng bỏ vài miếng đậu hủ.
Khi ăn cơm, người thích ăn đậu hủ bèn gắp thịt và cá bỏ vào chén, người bạn cảm thấy lạ, bèn hỏi:
- “Tôi còn nhớ huynh đài có nói: đậu hủ là sinh mạng của mình, tại sao hôm nay không ăn đậu hủ ?”
Người ấy trả lời:
- “Anh làm sao biết được chứ, hể tôi mà nhìn thấy thịt cá thì không cần sinh mạng nữa !”.

Suy tư:
Thích ăn món này thích ăn món nọ đều không làm mất nhân cách của mình, và cũng không phải là một điều xấu, nhưng khi được mời làm khách mà cứ gắp thịt gắp cá và những thức ăn ngon khác mà ăn, thì quả là không mấy đẹp mắt và để lại ấn tượng không mấy tốt đẹp nơi người khác.
Có những người khi được mời ăn cơm thì cúi đầu ăn mà không nói với ai một lời; có người khi được mời ăn thì chỉ uống rượu mà chê thức ăn không ngon; có những người khi được mời ăn cơm thì phê bình món này nấu thiếu gia vị này, món kia nấu chưa được đậm đà cho lắm.v.v…thế là trở thành người bất lịch sự và thiếu đi tình bác ái giữa người với nhau.
Ăn uống, thích ăn uống không phải là một điều xấu, mà có khi trở thành một nghệ thuật, cho nên khi được mời ăn cơm, hoặc đi nhà ra uqan1 ăn cơm, thì trước hết phải trở nên một người có đức ái không phê bình chê bai cơm dở cơm con; tiếp đến là cần có một phong cách lịch sự, dù trên bàn có thức ăn ngon mình thích hoặc thức ăn mình không thích thì cũng nên ăn…
Vì ăn để mà sống, nên bữa cơm là đức ái, nhưng nếu sống để mà ăn thì chỉ có cá và thịt là sinh mạng của mình. Ha ha ha...
----------------
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://vn.360plus.yahoo.com/jmtaiby
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
22:50 06/02/2012
N2T

16. Linh hồn ơi, mày không được quên các lời phán xét: người bị chúc dữ thì đi vào trong lửa chẳng hề tắt, người Cha Ta chúc phúc thì được vào nơi hằng sống.

(Thánh Bonaventura)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Khả thể đối thoại, cầu nguyện và suy gẫm trên Internet
Linh Tiến Khải
10:28 06/02/2012
Một số nhận định của Linh Mục Antonio Spadaro, dòng Tên, Giám đốc nguyệt san ”Nền văn minh công giáo” về khả thể đối thoại, cầu nguyện và suy gẫm trên mạng Internet

Ngày 24-1-2012 Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã công bố sứ điệp cho Ngày Quốc Tế Truyền Thông Xã Hội lần thứ 46, cử hành vào ngày 20-5-2012, trong đó Đức Thánh Cha đã đề cao vai trò của sự thinh lặng như là thành phần của tiến trình truyền thông, đặc biệt trong thời buổi thông tin tràn ngập như ngày nay. Đức Thánh Cha khẳng định rằng ”thinh lặng và lời nói là hai yếu tố của truyền thông, phải được quân bình, nối tiếp và hội nhập với nhau để có thể có một cuộc đối thoại đích thực và sự gần gũi sâu xa giữa con người với nhau. Khi lời nói và thinh lặng loại trừ nhau, thì truyền thông bị suy thoái, hoặc nó tạo nên một sự choáng váng, hoặc trái lại, nó tạo ra một bầu không khí lạnh lùng... Nơi nào các sứ điệp và thông tin dồi dào, thì thinh lặng cũng trở nên thiết yếu để phân định điều gì là quan trọng và điều gì là vô ích hoặc phụ thuộc. Sự suy tư sâu xa giúp chúng ta khám phá quan hệ giữa các biến cố, thoạt nhìn có vẻ không liên hệ với nhau. Nó cũng giúp thẩm định, phân tích các sứ điệp. Vì thế cần kiến tạo một môi trường thích hợp, giống như một ”hệ thống môi sinh” biết giữ quân bình giữa thinh lặng, lời nói, hình ảnh và âm thanh... Khi con người trao đổi thông tin với nhau, họ cũng đang trao đổi chính bản thân, vũ trụ quan, những hy vọng và lý tưởng của họ cho nhau”. Chính trong chiều hướng này Đức Thánh Cha cũng đề cao các mạng Internet, các thảo chương và mạng xã hội, có thể giúp con người ngày nay sống những lúc suy tư và tự vấn đích thực, cũng như tìm được những khoảng thinh lặng, cơ hội cầu nguyện, suy niệm hoặc chia sẻ Lời Chúa. ”Nếu Thiên Chúa nói với con người cả trong lúc thinh lặng, thì con người cũng có thể khám phá trong thinh lặng khả năng nói với Thiên Chúa và nói về Thiên Chúa”.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn một số nhận định của Linh Mục Antonio Spadaro, dòng Tên, giám đốc nguyệt san ”Nền văn minh công giáo”, về khả thể đối thoại, cầu nguyện và suy gẫm trên mạng Internet.

Cha Antonio Spadaro sinh năm 1966. Sau khi đậu tiến sĩ triết tại đại học Messina Nam Italia năm 1988, cha gia nhập dòng Tên, rồi về dậy văn chương tại Roma giữa các năm 1991-1993. Thụ phong linh mục năm 1996 cha học thêm về thần học và Truyền thông xã hội, rồi lấy tiến sĩ nghiên cứu thần học tại đại học giáo hoàng Gregoriana. Sau đó cha sang học thêm tại Chicago bên Hao Kỳ. Từ năm 1994 cha Spadaro đã bắt đầu viết bài cho nguyệt san ”Nền văn minh công giáo”, năm 1998 cha là thành viên ban biên tập. Cha chuyên viết về mục phê bình văn chương, âm nhạc, nghệ thuật và phim ảnh. Năm 2011 cha được chỉ định làm giám đốc nguyệt san ”Nền văn minh công giáo”. Trong cùng năm cha được Đức Thánh Cha Biển Đức XVI chỉ định làm cố vấn Hội Đồng Tòa Thánh Văn Hóa.

Hỏi: Thưa Cha Spadaro, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã nhấn mạnh tầm quan trọng của sự thinh lặng. Theo cha thinh lặng là gì? Nó có phải là sự trốn chạy lời nói không?

Đáp: Thinh lặng không phải là trốn chạy lời nói, trái lại nó là một ”không gian” mở ra cho sự lắng nghe, đối thoại, cho sự diễn tả bằng lời nói có ý nghĩa phong phú hơn. Chính ở điểm này chúng ta nhận ra giá trị ngôn sứ đích thật sứ điệp của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI cho Ngày quốc tế truyền thông xã hội năm nay.

Hỏi: Vậy thỉ sự bổ túc giữa lời nói và thinh lặng mà Đức Thánh Cha đề cập tới hệ tại chỗ nào thưa cha?

Đáp: Bình thường sự thinh lặng và các lời nói được coi như đối chọi với nhau, nhưng một quan niệm như thế không phản ánh việc truyền thông của con người, dựa trên tương quan chặt chẽ giữa lời nói và thinh lặng chung với nhau. Nhưng sự thinh lặng không chỉ là một quãng nghỉ của diễn văn, cho phép người khác nói, và như thế mở rộng cho sự lắng nghe và đối thoại.

Thât ra Đức Thánh Cha đi một bước xa hơn nữa và khẳng định rằng sự thinh lặng cũng có nhiệm vụ diễn tả: nghĩa là nó cho phép một lời nói có ý nghĩa sâu đậm hơn. Đối với Đức Thánh Cha, sự thinh lặng không phải là một điều kiện của trống rỗng hay vắng mặt, mà như là một ”quảng trường” cho phép gặp gỡ và diễn tả một ý nghĩa sâu thẳm hơn. Viễn tượng này diễn tả một điểm ngắt quãng đối với các diễn văn người ta nói trên các phương tiện truyền thông ngày nay, trong những nơi, mà người ta đề cập tới sự hỗn loạn và náo nhiệt của dòng nước truyền thông, trốn chạy việc thông tin thái quá. Trái lại Đức Thánh Cha đưa ra yêu cầu đã được chỉ dẫn bởi thơ phú, yêu cầu một lời nói được ”khắc” trong thinh lặng, theo kiểu nói của nhà văn Ungaretti.

Hỏi: Đức Thành Cha Biển Đức XVI muốn nói gì, khi đề cập tới một ”hệ thống môi sinh” của truyền thông?

Đáp: Ý niệm về ”hệ thống sinh thái” quy chiếu về một môi trường truyền thông bao gồm các lời nói và sự thinh lặng, trong một thế quân bình cần tôn trọng, nếu muốn nó sinh ích lợi. Từ khẳng định đó của Đức Thánh Cha người ta hiểu rằng môi sinh của truyền thông không phải là sự thinh lặng, mà đúng hơn là thế cân bằng giữa một loạt các yếu tố, bao gồm các tiếng động và hình ảnh có tầm quan trọng ngày nay.

Hỏi: Có phải lời mời quân bình này của Đức Thánh Cha hướng tới các chuyên viên truyền thông không?

Đáp: Trên thực tế sứ điệp của năm nay hủy bỏ tính cách kỹ thuật của truyền thông, bằng cách coi nó như là một chiều kích nhân chủng nền tảng của cuộc sống thường ngày, mà không quy chiếu rõ ràng về kỹ thuật riêng rẽ nào. Theo thiển ý tôi, điều này bao gồm cả sự kiện nhà báo không còn là một nghề nghiệp nữa, mà là một chiếu kích nhân chủng là phần cuộc sống của tất cả mọi người. Như thế sứ điệp của Đức Thánh Cha là một sứ điệp rộng mở đụng chạm tới cấu trúc nền tảng của sự truyền thông.

Hỏi: Ngày nay liên mạng không chỉ là Internet, nhưng còn là cơ cấu truyền thông. Đức Thánh Cha đề nghị quan điểm nào cho cơ cấu này thưa cha?

Đáp: Cái nguy cơ ngày nay đó là hoạt động để tầm thường hóa mạng lưới và sự thinh lặng. Trái lại, Đức Thánh Cha khẳng định rằng cả trên mạng nữa cũng có thể đem vào các khoảng thinh lặng khác nhau, sự suy tư và suy gẫm. Đây là trực giác rất đáng ghi nhận, giải thoát, tháo gông các nơi công cộng: môi trường vi tính cũng có thể trở thành một môi trường cầu nguyện, và như thế nó là môi trường của việc rao giảng Tin Mừng. Ngoài ra, Đức Thánh Cha Biển Đức còn nhắc nhớ rằng liên mạng là nơi đưa ra các câu hỏi và các câu trả lời, bằng cách cho thấy việc hiểu rõ sự năng động của lãnh vực truyền thông ngày nay. Thật vậy, Đức Thánh Cha ý thức rằng ngày trước con người đặt ra các câu hỏi và đi tìm câu trả lời, nhưng ngày nay lại thiếu các câu hỏi thích hợp. Về điểm này sự độc đáo trong sứ điệp của Đức Thánh Cha là ở chỗ khẳng định thinh lặng là nơi, trong đó con người không chỉ tìm ra các câu trả lời, mà cũng học nhận biết các câu hỏi đúng đắn nữa.

Hỏi: Khi khẳng định khả thể diễn tả các tư tưởng sâu xa trong các sứ điệp ngắn gọn, Đức Thánh Cha nghĩ tới các nơi trao đổi như Twitter, có đúng thế không thưa cha?

Đáp: Có lẽ vậy, nhưng mà không phải chỉ có thế thôi. Chắc chắn đó là việc mời gọi đánh giá tất cả một truyền thống tinh thần kitô, dựa trên việc suy niệm các sứ điệp ngắn gọn, ít lời nhưng với ý nghĩa súc tích và sâu xa. Một truyền thống mà ngày nay, một cách không ngờ, được đưa trở ra ánh sáng bởi các phương tiện vi tính. Đức Thánh Cha Biển Đức XVI nhắc nhở rằng cả với các dụng cụ này nữa, đối với những người được đào tạo trên bình diện tinh thần, có thể tìm ra một sư đồng điệu tràn đầy với các hình thức diễn tả dựa trên một sự khôn ngoan sử dụng ít lời, nhưng súc tích và sâu xa.

Hỏi: Như thế, chìa khóa định đoạt là lời kêu gọi ”tự giáo dục truyền thông”, có đúng thế không thưa cha?

Đáp: Vâng, đúng vậy. Việc dùng động từ giáo dục trong trạng thái phản tỉnh đánh động tôi rất nhiều. Như thế Đức Thánh Cha mời gọi chúng ta đừng rơi vào các phán đoán dễ dãi hời hợt bề ngoài, để tự mình hiểu biết các năng động sâu xa của lãnh vực truyền thông. Ngày nay con người không thể là các khán thính giả thụ động nữa, mà đồng thời với việc thông tin phải biết chia sẻ các nội dung và có các phản ứng. Cần phải tự giáo dục mình trở thành các tác nhân truyền thông.

(Avvenire 22-1-2012)
 
Sứ điệp của Đức Thánh Cha nhân ngày Thế Giới các bệnh nhân 2012
+ĐGH Benedictô XVI
12:33 06/02/2012
VATICAN. Thứ bẩy 11-2-2012 sắp tới là Ngày Thế Giới các bệnh nhân lần thứ 20, năm nay được cử hành với chủ đề ”Hãy đứng lên và đi; đức tin của con đã cứu con!” (Lc 17,19). Trong thời gian qua, ĐTC đã cho công bố sứ điệp của ngài để hướng dẫn suy tư và việc cử hành Ngày này, đồng thời ngài mời gọi các tín hữu nêu cao giá trị của các bí tích chữa lành là bí tích Thống Hối hòa giải và bí tích xức dầu bệnh nhân. Sau đây là bản dịch nguyên văn sứ điệp của ĐTC.

Anh chị em thân mến,

Nhân dịp Ngày Thế giới các bệnh nhân, mà chúng ta sẽ cử hành ngày 11-2-2012, lễ kính Đức Mẹ Lộ Đức, tôi muốn tái biểu lộ sự gần gũi tinh thần với tất cả các bệnh nhân đang ở nơi điều trị hoặc được chăm sóc trong gia đình, bày tỏ với mỗi người mối quan tâm và lòng quí mến của toàn thể Giáo Hội. Khi quảng đại và yêu thương đón nhận mỗi sinh mạng con người, nhất là những người yếu đuối và bệnh tật, tín hữu Kitô biểu lộ khía cạnh quan trọng trong chứng tá Tin Mừng của mình, theo gương Chúa Kitô, Đấng đã cúi mình trên những đau khổ thể lý và tinh thần của con người để chữa lành họ.

1. Năm nay, là năm chuẩn bị gần cho việc cử hành trọng thể Ngày Thế Giới các bệnh nhân sẽ tiến hành tại Đức vào ngày 11-2-2013 và sẽ suy tư về hình ảnh biểu tượng của Tin Mừng về người Samaritano (Xc Lc 10,29-37), tôi muốn nhấn mạnh về ”các bí tích chữa lành”, tức là Bí tích Thống Hối và Hòa giải, và bí tích Xức Dầu bệnh nhân, các bí tích này được viên mãn tự nhiên trong sự Hiệp Thông Thánh Thể.

Cuộc gặp gỡ của Chúa Giêsu với 10 người phong cùi, được thuật lại trong Tin Mừng theo thánh Luca (Xc Lc 17,11-19), đặc biệt là lời Chúa nói với một người trong số họ: ”Hãy đứng lên và đi, đức tin của con đã cứu con!”, giúp ta ý thức tầm quan trọng của đức tin đối với những người đang chịu đau khổ và bệnh tật mà đến gần Chúa. Trong cuộc gặp gỡ Chúa, họ có thể thực sự cảm nghiệm rằng ”ai tin tưởng thì không bao giờ lẻ loi!” Thực vậy, trong Con của Ngài, Thiên Chúa không bỏ mặc chúng ta cho những lo âu và đau khổ của chúng ta, nhưng Ngài gần gũi chúng ta, giúp chúng ta chịu đựng chúng và Ngài mong ước chữa lành tâm hồn chúng ta một cách sâu xa (Xc Mc 2,1-12).

Đức tin của người phong cùi duy nhất, khi thấy mình được chữa lành, đầy kinh ngạc và vui mừng, không như những người khác, đã lập tức trở lại gặp Chúa Giêsu để biểu lộ lòng biết ơn; đức tin ấy cho chúng ta thấy rằng sức khỏe được phục hồi là dấu chỉ một điều quí giá hơn so với sự khỏi bệnh thể lý, là dấu chỉ ơn cứu độ mà Thiên Chúa ban cho chúng ta qua Chúa Kitô; điều ấy được biểu lộ qua lời Chúa Giêsu: ”Đức tin của con đã cứu con”. Ai ở trong đau khổ và bệnh tật mà kêu cầu Chúa, thì chắc chắn tình yêu của Chúa sẽ không bao giờ bỏ rơi họ, và cả tình yêu của Giáo Hội sẽ không bao giờ thiếu, tình yêu này chính là sự kéo dài trong thời gian công trình cứu độ của Chúa”. Như thế, sự lành bệnh thể xác, diễn tả ơn cứu độ sâu xa, tỏ cho thấy tầm quan trọng của con người đối với Chúa, trong toàn thể linh hồn và thân xác của họ. Vả lại, mỗi bí tích diễn tả và thực hiện sự gần gũi của chính Thiên Chúa, Đấng theo một thể thức hoàn toàn nhưng không, ”đánh động chúng ta qua những thực tại vật chất... mà Ngài dùng chúng, biến chúng thành những phương thế để chúng ta và Ngài gặp gỡ nhau” (Bài giảng, Thánh lễ làm phép Dầu, 1-4-2010)

Nghĩa vụ chính yếu của Giáo Hội chắc chắn là loan báo Nước Thiên Chúa, ”nhưng chính việc loan báo này phải là một tiến trình chữa lành: ”.. băng bó các vết thương của tâm hồn tan nát” (Is 61,1)” (Ibid.). Vì thế, sự liên kết giữa sức khỏe thể lý và sự canh tân những sâu xé trong tâm hồn giúp chúng ta hiểu rõ hơn ”các bí tích chữa lành”.
2. Bí tích Thống Hối thường ở trung tâm suy tư của các vị Chủ Chăn trong Giáo Hội, chính vì tầm quan trọng của bí tích này trong hành trình đời sống Kitô, xét vì ”toàn thể giá trị của Sự Thống Hối hệ tại trả lại chúng ta cho ơn thánh của Thiên Chúa, liên kết chúng ta với Ngài trong một tình bạn thân mật và cao cả” (Sách Giáo lý của Hội Thánh Công Giáo, 1468). Giáo Hội, khi tiếp tục loan báo ơn tha thứ và hòa giải mà Chúa Giêsu làm vang dội, không ngừng mời gọi toàn thể nhân loại hãy hoán cải và tin vào Tin Mừng. Giáo Hội lập lại lời kêu gọi của thánh Phaolô Tông Đồ: ”Nhân danh Chúa Kitô.. chúng tôi là những sứ giả: qua chúng tôi chính Thiên Chúa nhắn nhủ. Nhân danh Chúa Kitô, chúng tôi nài xin anh em: hãy hòa giải với Thiên Chúa” (2 Cr 5,20). Trong cuộc sống của Ngài, Chúa Giêsu loan báo và làm cho lòng từ bi của Chúa Cha hiện diện. Ngài đến không phải để lên án, nhưng để tha thứ và chữa lành, để mang lại hy vọng cả trong tình trạng tăm tối nhất của đau khổ và tội lỗi, để trao ban sự sống đời đời; vì thế, trong Bí tích Thống Hối, trong ”y dược của phép giải tội”, kinh nghiệm về tội lỗi không làm nảy sinh tuyệt vọng, nhưng gặp gỡ Đấng là Tình Thương tha thứ và biến đổi (Xc Gioan Phaolô 2, Tông Huấn hậu THĐGM ”Hòa giải và Thống Hối”, 31).

Thiên Chúa, ”giàu lòng xót thương” (Ep 2,4), như người cha trong dụ ngôn của Tin Mừng (Xc Lc 15,11-32), không khép kín tâm hồn đối với một người con nào, nhưng Ngài chờ đợi họ, tìm kiếm, tìm đến với họ tại nơi mà sự phủ nhận tình hiệp thông khép kín họ trong sự cô lập và chia rẽ, kêu gọi họ tụ tập quanh bàn ăn của Ngài, trong vui mừng của đại lễ tha thứ và hòa giải. Những lúc đau khổ, khi mà bệnh nhân dễ bị cám dỗ rơi vào tình trạng nản chí và tuyệt vọng, có thể biến thành một thời điểm ân phúc, giúp họ trở về với chính mình, và như người con hoang đàng, nghĩ lại cuộc sống của mình, nhìn nhận những lỗi lầm và thiếu sót, nhớ nhung vòng tay ấp ủ của người Cha, và tái khám phá con đường về Nhà Cha. Trong tình yêu thương bao la, Ngài luôn tỉnh thức canh chừng cuộc sống chúng ta, chờ đợi chúng ta để trao tặng cho mỗi người con trở về cùng Ngài hồng ân hòa giải trọn vẹn và niềm vui mừng”.

3. Khi đọc Phúc Âm, chúng ta thấy rõ Chúa Giêsu luôn tỏ ra đặc biệt quan tâm tới những người yếu đau. Không những Ngài sai các môn đệ đi săn sóc các vết thương (Xc Mt 10,8; Lc 9,2; 10,9), nhưng Ngài còn thiết lập cho họ một Bí tích đặc biệt: bí tích Xức dầu bệnh nhân. Thư của Thánh Giacôbê làm chứng về sự hiện diện của cử chỉ bí tích này trong cộng đồng Kitô đầu tiên (Xc 5,14-16): Với việc Xức dầu bệnh nhân, kèm theo lời cầu nguyện của các linh mục, toàn thể Giáo Hội phó thác các bệnh nhân cho Chúa đã chịu đau khổ và được vinh hiển, để Ngài thoa dịu những cơ cực và cứu vớt họ, Giáo Hội cũng khuyên họ hãy kết hiệp trong tinh thần với cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa Kitô, để góp phần vào thiện ích của Dân Chúa.

Bí tích ấy đưa chúng ta đến chỗ chiêm ngắm hai mầu nhiệm về Núi Cây Dầu, nơi Chúa Giêsu đứng trước con đường Chúa Cha đã chỉ cho Ngài, con đường khổ nạn, cử chỉ tột đỉnh của tình thương, và Ngài đã đón nhận con đường ấy. Trong giờ thử thách đó, Ngài là Đấng trung gian, ”mang trong mình, nhận lấy đau thương và khổ nạn của thế giới, biến nó thành tiếng kêu lên Thiên Chúa, đưa đau khổ tới trước mắt và trong tay của Thiên Chúa, và qua đó mang đau khổ thực sự vào thời điểm cứu chuộc” (Lectio divina, Cuộc gặp gỡ hàng giáo sĩ Roma, 18-2-2010). Nhưng ”Núi Cây Dầu .. cũng là nơi từ đó Ngài lên cùng Chúa Cha, vì thế đó là nơi cứu chuộc... Hai mầu nhiệm này về Núi Cây Dầu cũng luôn luôn ”tác động” trong dầu bí tích của Giáo Hội.. dấu chỉ lòng nhân từ của Thiên Chúa Đấng động đến chúng ta” (Bài giảng, Thánh Lễ làm phép Dầu, 1-4-2010). Trong việc Xức Dầu bệnh nhân, có thể nói chất liệu bí tích dầu được ban cho chúng ta ”như dược phẩm của Thiên Chúa.. thuốc này giờ đây làm cho chúng ta chắc chắn về lòng từ nhân của Ngài, nó phải củng cố và an ủi chúng ta, nhưng đồng thời, vượt lên trên thời kỳ bệnh tật hiện nay, hướng chúng ta về sự chữa lành chung kết, là sự sống lại (Xc Gc 5,14” (Ibid.).
Ngày nay Bí tích này đáng được để ý hơn, trong suy tư thần học, cũng như trong hoạt động mục vụ cho các bệnh nhân. Khi đề cao nội dung kinh nguyện phụng vụ được thích ứng với những hoàn cảnh khác nhau của con người với bệnh tật, và không những vào lúc cuối đời mà thôi (Xc Sách Giáo Lý Công Giáo, 1514), Bí tích Xức Dầu bệnh nhân không thể bị coi là một bí tích ”hạng nhỏ” so với các bí tích khác. Sự quan tâm và chăm sóc mục vụ cho các bệnh nhân, một đàng là dấu chỉ sự dịu hiền của Thiên Chúa đối với người đang đau khổ, và đàng khác mang lại lợi điểm tinh thần cho cả các LM và toàn thể cộng đoàn Kitô, với ý thức rằng những gì được làm cho người bé nhỏ nhất, chính là làm cho Chúa Giêsu” (Xc Mt 25,40).

4. Về ”các bí tích chữa lành”, thánh Augustinô khẳng định: ”Thiên Chúa chữa lành tất cả các bệnh tật của con”. Vì thế, con đừng sợ: tất cả bệnh tật của con sẽ được chữa lành.. Con chỉ cần để cho Ngài chữa lành con và đừng đẩy xa bàn tay của Ngài” (Giải thích về Thánh Vịnh 102,5: PL 36,1319-1320). Đó là những phương thế quí giá của ân thánh Chúa, giúp các bệnh nhân ngày càng trở nên đồng hình dạng với Mầu Nhiệm sự chết và phục sinh của Chúa Kitô”. Cùng với hai Bí tích này, tôi muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của Bí tích Thánh Thể. Khi được lãnh nhận trong lúc bệnh tật, Thánh Thể góp phần đặc biệt vào công trình biến đổi ấy, liên kết người được nuôi sống bằng Mình Máu Thánh Chúa Giêsu với hy tế Ngài tự hiến dâng lên Chúa Cha để cứu độ mọi người. Toàn thể cộng đoàn Giáo Hội và nhất là các giáo xứ, hãy quan tâm đảm bảo cơ hội cho những người, vì lý do sức khỏe hoặc tuổi tác, không thể đến nơi thờ phượng, được thường xuyên rước lễ. Như thế những anh chị em ấy có thể củng cố mối quan hệ với Chúa Kitô chịu đóng đanh và sống lại, với cuộc sống của họ được dâng hiến vì tình yêu Chúa Kitô, tham dự vào sứ mạng của chính Giáo Hội. Trong viễn tượng ấy, điều quan trọng là các LM phục vụ tại các nhà thương, các dưỡng đường và tại tư gia của các bệnh nhân, hãy cảm thấy mình thực sự là những người phục vụ các bệnh nhân, là dấu chỉ và là phương tiện của lòng từ bi Chúa Kitô, cần được biểu lộ cho mọi người đang chịu đau khổ (Sứ điệp nhân Ngày Thế giới các bệnh nhân lần thứ 18, 22-11-2009).

Sự trở nên đồng hình dạng với Mầu Nhiệm Vượt Qua của Chúa Kitô, cũng được thực hiện qua việc rước lễ thiêng liêng, việc làm này có một ý nghĩa rất đặc biệt khi Thánh Thể được ban và đón nhận như của ăn đàng. Trong thời điểm ấy của cuộc sống, những lời của Chúa càng âm vang một cách quyết liệt hơn: ”Ai ăn Mình Thầy và uống Máu Thầy thì có sự sống đời đời và Thầy sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết” (Ga 6,54). Thực vậy, Thánh Thể, nhất là như của ăn đàng, theo định nghĩa của thánh Ignatio thành Antiokia, là ”phương dược bất tử, là thuốc chống lại sự chết” (Thư gửi các tín hữu Ephêsô, 20: PG 5,661), là bí tích chuyển tiếp từ sự chết đến sự sống, từ trần thế này đến cùng Chúa Cha, Đấng chờ đợi mọi người trong thành Jerusalem thiên quốc.

5. Chủ đề sứ điệp này nhân Ngày Thế Giới các bệnh nhân lần thứ 20, ”Hãy đứng lên và đi, đức tin của con đã cứu con!”, cũng liên hệ tới Năm Đức Tin sắp tới, sẽ bắt đầu từ ngày 11-10-2012, là dịp thuận tiện và quý giá để tái khám phá sức mạnh và vẻ đẹp của đức tin, để đào sâu nội dung đức tin cũng như để làm chứng đức tin trong đời sống thường nhật (Xc Tông thư Porta fidei, 11-10-2011). Tôi muốn khuyến khích các bệnh nhân và những người đau khổ luôn tìm thấy một chiếc neo chắc chắn trong đức tin, được nuôi dưỡng bằng sự lắng nghe Lời Chúa, bằng kinh nguyện bản thân và các bí tích, trong khi tôi mời gọi các vị Mục Tử ngày càng sẵn sàng cử hành các bí tích cho các bệnh nhân. Noi gương Vị Mục Tử Nhân Lành và trong tư cách là những người dẫn dắt đoàn chiên đã được ủy thác, các linh mục hãy tràn đầy vui mừng, ân cần đối với những người yếu đuối nhất, những người đơn sơ và tội nhân, biểu lộ cho họ lòng từ bi vô biên của Thiên Chúa với những lời đầy hy vọng” (Xc S. Augustino, Lettera 95, 1: PL 33, 351-352) (SD 3-1-2012)

Tôi tái bày tỏ lòng biết ơn của tôi và của Giáo Hội đối với những người hoạt động trong thế giới sức khỏe, cũng như các gia đình, nhìn thấy nơi những người thân của mình Khuôn mặt đau khổ của Chúa Giêsu, vì trong khả năng nghề nghiệp và trong thinh lặng, tuy nhiều khi không nêu đích danh Chúa Giêsu, họ vẫn biểu lộ Ngài một cách cụ thể (Xc Bài giảng, Thánh lễ làm phép Dầu, 21-4-2011).

Chúng ta hãy hướng lên Đức Maria, Mẹ Từ Bi và là Sức Khỏe của các bệnh nhân, cái nhìn đầy tín thác và kinh nguyện của chúng ta; Ước gì lòng cảm thông từ mẫu của Mẹ, - được sống cạnh Chúa Con sinh thì trên Thánh Giá, - tháp tùng và nâng đỡ đức tin và đức cậy của mỗi bệnh nhân và người đau khổ trên con đường chữa lành các vết thương thể xác và tinh thần.

Tôi cam đoan nhớ đến tất cả mọi người trong kinh nguyện, trong khi tôi ban Phép lành Tòa Thánh đặc biệt cho mỗi người.

Vatican ngày 20 tháng 11 năm 2011, Lễ Chúa Kitô, Vua Vũ Trụ.

(Bản dịch của LM Trần đức Anh, OP)
 
Bộ trưởng Thánh Bộ Vatican nói: Các dòng tu giầu có hơn nên chia xẻ với các tu sĩ nghèo hơn
Bùi Hữu Thư
13:18 06/02/2012
VATICAN (CNS) – Bộ trưởng thánh bộ Đời Tận Hiến và các Hội Dòng Tông Đồ nói: Các dòng tu giầu có hơn nên chia xẻ tài nguyên với các tu sĩ nghèo hơn.

Đức Hồng Y được chỉ định Joao Braz de Aviz nói: trong khi các tu sĩ nam nữ sống một đời sống khó nghèo và không được sở hữu một cái gì, thì các “dòng tu không luôn luôn bầy tỏ một chứng tích tương tự."

Ngài nói trong một cuộc phỏng vấn bởi tờ báo L’Osservatore Romano của Vatican ngày 2 tháng 12: "Không phải là chúng tôi chống lại sự việc giáo hội có các tài sản hay nói rằng giáo hội không thể sở hữu tất cả những gì mình cần phải có.”

Ngài nói vấn đề là tại sao các tài nguyên không được chia xẻ giữa các dòng tu khác nhau?

Đức Hồng Y người Ba Tây nói: Một thí dụ là một dòng tu có nhiều tài nguyên đáng kể có nên để ra một số tài khoản để trợ giúp các thành viên của mình khi họ về già không?

Ngài hỏi đây có phải là mục đích chân chính của các ngân khoản như vậy và số tiền này có nên được dùng để giúp đỡ các dòng tu khác đang gặp khó khăn trong việc đáp ứng các nhu cầu của họ không?

Ngài hỏi: "Tại sao chúng ta không biết nói là ‘Chúng ta sẽ để dành tài sản của chúng ta cho nhiều người khác xử dụng?’”.

Đức Hồng Y được chỉ định nói: ngài cho rằng con người không tin tưởng đầy đủ vào việc Thiên Chúa quan phòng – là Thiên Chúa sẽ lo liệu cho.

Ngài nói: "Chúng ta đang có cái nhãn quan của giới tiêu thụ một chút,” ngài ghi nhận là đôi khi ngài đã phải giúp đỡ các cộng đoàn vượt thắng những sự chia rẽ về tài sản của cộng đoàn và ngài đã thấy những thái độ không “đúng đắn.”

Ngài nói thánh bộ Vatican ngài điều khiển đã tìm hiểu hiện tượng chung đang xẩy ra tại Hoa Kỳ, Canada và Úc, nơi nhiều dòng tu đã tổ chức thành các ‘công ty’ để có “nhiều sự an toàn, hữu hiệu và giảm thiểu phí tổn hơn.”

Ngài nói: "Chúng tôi đang theo dõi hiện tượng này, nhưng vẫn chưa biết nhiều về những diễn biến của hiện tượng ấy, vì hãy còn là một cái gì quá mới mẻ.”
 
Trong lúc đau khổ, ông Job biết quay về Thiên Chúa
Bùi Hữu Thư
16:08 06/02/2012
Lời Đức Thánh Cha Benedict XVI sau Kinh Truyền Tin
ROME, Chúa Nhật 5, tháng 2, 2012 (Le Monde vu de Rome) – Đức Thánh Cha Benedict XVI đã nhận xét sau khi đọc Kinh Truyền Tin, ngày Chúa Nhật 5 tháng 2: “Trong lúc đau khổ, ông Job quay về Thiên Chúa.”

Nói với cử tọa nói tiếng Pháp và tất cả những ai theo dõi cuộc tiếp xúc hàng tuần tại Quảng Trường Thánh Phêrô, qua các đài truyền thanh và truyền hình, Đức Thánh Cha đã nhắc đến Ngày Lễ Đức Mẹ Lộ Đức và Ngày Quốc Tế Bệnh Nhân sẽ được cử hành vào Thứ Bẩy tới, 11 tháng 2.

Ngài nói: “Trong bài đọc một hôm nay, chúng ta thấy ông Job đã cảm nhận sự đau khổ tận châu thân. Nhưng mặc dù “phải sống trong đau đớn và sự từ bỏ của người thân và bạn bè”, ông đã đứng dậy, “ông không nổi loạn,” “ông đã quay về với Thiên Chúa.”

Nhân dịp Ngày Quốc Tế Bệnh Nhân lần thứ XX, Đức Thánh Cha đã gửi một sứ điệp đặc biệt, như vẫn làm hàng năm, cho các bệnh nhân trên toàn thế giới và những người thân yêu của họ, với chủ đề “Bí tích của sự chữa lành”: là các Bí Tích Thống Hối, và Hòa Giải, Bí Tích Xức Dầu Bệnh Nhân, và Bí Tích Thánh Thể.

Sứ điệp này có chủ đề: “Con hãy đứng dậy, đức tin của con đã cứu con (Lc 17,19).
Đức Thánh Cha đã viết như sau về Bí Tích Xức Dầu cho bệnh nhân: “Bí tích này đáng được chú ý đền nhiều hơn ngày nay, cả về phương diện suy tư thần học lẫn công tác mục vụ cho người bệnh,”

Đức Thánh Cha cũng nhắc đến ở đây sự liên hệ giữa Ngày Quốc Tế Bệnh Nhân và Năm Đức Tin. Về điểm này, Đức Cha Jean-Marie Mupendawatu, nhân vật thứ hai của Hội Đồng Giáo Hoàng về Mục Vụ Y Tế đã tuyên bố với hãng thông tấn Zenit là sẽ cổ võ cho Năm Đức Tin bằng các chương trình chầu Thánh Thể, với sự hiện diện của các thánh tích của Thánh Pio de Pietrelcina, sáng lập viên của Bệnh Viện tối tân và là “ngôi nhà giảm thiểu sự đau đớn”, tại San Giovanni Rotondo, và của Chân Phước Gioan Phaolô II, để cũng giúp cho việc nhận biết sứ điệp của ngài gửi các bệnh nhân, và theo ý nghĩa là người đã chịu phép rửa có thể chịu đựng sự đau khổ, vì có thể biến cải nỗi đau đớn thành tình yêu.

 
Khai mạc Hội nghị quốc tế về nạn lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên
LM . Trần Đức Anh OP
17:46 06/02/2012
Roma - Chiều ngày 6-2-2012, ĐHY William Levada, Tổng trưởng Bộ giáo lý đức tin, đã thuyết trình khai mạc Hội nghị quốc tế nhắm đối phó với tệ nạn lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên.

Hội nghị diễn ra từ ngày 6 đến 9-2 tại Đại học Giáo Hoàng Gregoriana ở Roma về chủ đề ”Tiến đến sự chữa lành và đổi mới”, với sự tham dự của lối 200 người trong đó có các GM đại diện 110 HĐGM trên thế giới và các Bề trên của 30 dòng tu, cùng với nhiều chuyên gia.

Cha Viện trưởng Đại học Gregoriana François Xavier Dumortier, cùng với Cha Bề trên Tổng quyền dòng Tên Adolfo Nicolas đã chào mừng các tham dự viên, trước khi ĐHY Levada thuyết trình từ lúc 6 giờ rưỡi về đề tài ”Nạn lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên: một câu trả lời đa diện cho thách đố này”.

ĐHY đã gợi lại tiến trình lịch sử của vấn đề, đặc biệt là vai trò của Bộ giáo lý đức tin trong việc xét xử các vụ giáo sĩ lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên, theo sự ủy thác của ĐGH Gioan Phaolô 2, sau khi tội này được xếp vào loại những tội nặng nhất. ĐHY Levada đặc biệt cám ơn ĐTC đương kim về vai trò của ngài khi còn làm Tổng trưởng Bộ giáo lý đức tin trong việc xử lý con số các phúc trình về những vụ lạm dụng này ngày càng được gửi về bộ.
ĐHY cho biết trong thập niên qua, đã có hơn 4 ngàn vụ được đệ trình Bộ giáo lý đức tin. Tình trạng này một đàng cho thấy nếu chỉ có câu trả lời cho thảm trạng này về mặt giáo luật mà thôi thì không đủ, cần có một câu trả lời đa diện nữa. Bộ thấy rằng ngoài việc áp dụng đúng đắn các qui tắc kỷ luật đối với các giáo sĩ phạm lỗi, còn phải mở rộng nhãn giới về việc giúp chữa lành các nạn nhân, thăng tiến các chương trình bảo vệ trẻ em và người trẻ, thúc giục các GM giáo dục các cộng đồng tín hữu về trách nhiệm đối với giới trẻ, cộng tác với các bộ khác của Tòa Thánh và các HĐGM để đảm bảo sự huấn luyện thích hợp cho các LM ngày nay và các LM tương lai về các khía cạnh liên quan đến vấn đề lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên.

Phần lớn bài thuyết trình của ĐHY Levada dành để quảng diễn phần đầu trong Thông tư của Bộ giáo lý đức tin ngày 3-5 năm ngoái (2011) gửi các HĐGM trên thế giới về việc đề ra những đường hướng đối phó với những vụ giáo sĩ lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên.

ĐHY lần lượt lưu ý về các nạn nhân bị lạm dụng tính dục, vấn đề bảo vệ trẻ vị thành niên, việc huấn luyện các LM và tu sĩ tương lai, sự nâng đỡ dành cho các linh mục, sau cùng là sự cộng tác với chính quyền dân sự. Giáo Hội cổ võ sự cộng tác này như một nhiệm vụ, tuy nhiên các chức sắc của Giáo Hội phải tránh mọi sự thỏa hiệp vi phạm bí tích giải tội: tòa trong của bí tích này không thể bị vi phạm.

ĐHY Tổng trưởng Bộ giáo lý đức tin nhấn mạnh rằng Tông thư của Bộ gửi các HĐGM không hề có nghĩa là có sự chuyển nhượng quyền bính hoặc trách nhiệm của các GM giáo phận và các Bề trên dòng tu cho HĐGM. Ngoài ra, chính các GM và các Bề trên thượng cấp của các dòng tu có nghĩa vụ phải tham gia việc soạn thảo các đường hướng chỉ đảo và phải tuân hành các đường hướng này vì thiện ích của Giáo Hội, sau khi các qui tắc chỉ đạo ấy được Bộ giáo lý đức tin phê chuẩn. Không một GM hoặc Bề trên thượng cấp nào có thể coi mình được miễn chuẩn khỏi sự cộng tác ấy”. (SD 6-2-2012)
 
Top Stories
Chine: Visite très encadrée de la chancelière allemande à la cathédrale de Canton
Eglises d'Asie
11:02 06/02/2012
Le 4 février, au troisième et dernier jour de sa cinquième visite en Chine, la chancelière allemande Angela Merkel a effectué une visite à la cathédrale catholique de Canton où, accompagnée d’un imposant service de sécurité, elle a rencontré l’évêque « officiel » du lieu, Mgr Joseph Gan Junqiu. Les médias chinois avaient reçu pour consigne de ne pas faire état de cette partie du programme du chef du gouvernement allemand.

Selon Mgr Gan, l’annonce par les services chinois de la visite d’Angela Merkel ne lui avait été faite que tardivement, le 1er février. Une fois la visite passée, d’une durée de 35 minutes, Mgr Gan a déclaré qu’il avait eu le sentiment qu’Angela Merkel, de confession protestante, était « une chrétienne fervente » et avait à cœur de comprendre les politiques sociales et religieuse de la Chine. La chancelière l’avait interrogé « sur son diocèse et l’Eglise catholique dans la province du Guangdong, demandant entre autres le nombre des catholiques, leurs âges, leurs professions et quels genres d’activités ils pratiquaient en dehors de l’assistance aux offices ». L’évêque a décrit les différents services sociaux que son diocèse avait organisés pour les personnes âgées, les malades et les pauvres. « Elle m’a encouragé à ouvrir davantage d’organisations caritatives, comme des jardins d’enfants ou des maisons de retraite, afin de promouvoir l’harmonie sociale, la liberté et l’égalité », a précisé Mgr Gan à la presse.

L’évêque, âgé de 48 ans, qui est reconnu par Rome et accepté par Pékin, n’a cependant donné aucun détail quant à un éventuel échange que la chancelière aurait pu avoir avec lui au sujet des pressions auxquelles il a été soumis par les autorités chinoises en juillet dernier afin de prendre part à l’ordination d’un évêque illégitime (1). Mgr Gan a seulement précisé qu’Angela Merkel, si elle ne l’avait pas directement interrogé au sujet de « la liberté religieuse », lui avait toutefois demandé s’il jouissait de sa liberté d’expression. La chancelière « m’a demandé si je pouvais m’exprimer librement, si quelqu’un me disait ce que je devais dire ou ne pas dire, par exemple lors de mes homélies dominicales. Je lui ai répondu en toute sincérité que je prêchais selon la Bible et en lien avec la vie quotidienne des gens et les réalités sociales », a encore ajouté l’évêque.

Ce n’est pas la première fois qu’Angela Merkel rencontre un évêque chinois ; lors d’une visite en 2006, elle avait eu un entretien avec l’évêque « officiel » de Shanghai, le polyglotte et germanophone Mgr Jin Luxian. Mais, selon certains analystes politiques en Allemagne et à Hongkong, il semblerait que le fait de rendre visite à un évêque catholique est une manière pour la chancelière de critiquer indirectement les nombreuses limitations que Pékin met à l’exercice de la liberté religieuse.

D’autres analystes mettent en avant une visite symbolique mais qui ne changera rien à la politique religieuse chinoise. Ils rappellent que Mo Shaoping, avocat célèbre pour avoir pris la défense de dissidents harcelés par la police, a été empêché de rencontrer, comme cela était prévu, la chancelière le 3 février et que celle-ci n’a pas pu non plus rencontrer, comme elle le souhaitait, la rédaction du Nanfang Zhoumo, hebdomadaire cantonais réputé pour sa hardiesse éditoriale.

Enfin, la chronique de la visite de la chancelière à Canton ne dit pas si Mgr Gan a introduit Angela Merkel à certains détails de l’histoire de sa cathédrale. Connue sous le nom de la « maison de pierre » (shishi), la cathédrale du diocèse, édifiée de 1863 à 1888 sur un plan inspiré de celui de l’église Sainte-Clotilde à Paris, a souffert des aléas de l’Histoire à de nombreuses reprises. Lors de sa dernière grande campagne de rénovation (2004-2007), financée à 80 % par la municipalité de Canton (2), les commanditaires du chantier ont tenu à ne pas en effacer les marques. Ainsi, les grilles qui se trouvent en avant de l’édifice portent toujours les deux lettres « ME » pour « Missions Etrangères » de Paris (les MEP ayant été très présents localement de la seconde partie du XIXe siècle jusqu’en 1949) et, derrière le maître-autel, sur un mur, des inscriptions datant de la Révolution culturelle (1966-1976) ont été préservées : « Longue vie au président Mao » et « La classe des travailleurs doit diriger en tout ».

(1) Il s’agit de l’ordination menée le 14 juillet 2011 pour Shantou, diocèse voisin de celui de Canton. Excommunié du fait d’avoir participé à cette ordination, Mgr Gan s’en est depuis expliqué auprès du Saint-Siège, en demandant et en obtenant le pardon du pape pour cet acte contraire à la communion ecclésiale. Voir dépêche EDA du 15 juillet 2011 : http://eglasie.mepasie.org/asie-du-nord-est/chine/huit-eveques-participent-a-une-nouvelle-ordination-episcopale-illicite-dans-la-cathedrale-saintjoseph-a-shantou
(2) Voir dépêche EDA du 1er mars 2007 : http://eglasie.mepasie.org/asie-du-nord-est/chine/renovee-la-cathedrale-de-canton-regagne-une.

(Source: Eglises d'Asie, 6 février 2012)
 
Cardinal Levada's Address to Sex Abuse Symposium at Pontifical Gregorian University
+ Cardinal William Levada
17:49 06/02/2012
ROME, FEB. 6, 2012 (Zenit.org).- Here is a statement from Cardinal William Levada, prefect of the Congregation for the Doctrine of the Faith, delivered today to a symposium on clergy sex abuse. The symposium is under way this week at the Pontifical Gregorian University.

The Sexual Abuse of Minors: A Multi-faceted Response to the Challenge
by Cardinal William Levada
Pontifical Gregorian University
February 6, 2012


“Toward Healing and Renewal” is the title given to this Symposium for Catholic Bishops and Religious Superiors on the Sexual Abuse of Minors. For leaders in the Church for whom this Symposium has been planned, the question is both delicate and urgent. Just two years ago, in his reflections on the “Year for Priests” at the annual Christmas greetings to the Roman Curia, Pope Benedict XVI spoke in direct and lengthy terms about priests who “twist the sacrament [of Holy Orders] into its antithesis, and under the mantle of the sacred profoundly wound human persons in their childhood, damaging them for a whole lifetime.” I chose this phrase to begin my remarks this evening because I think it important not to lose sight of the gravity of these crimes as we deal with the multiple aspects the Church’s response.

As I begin my presentation, I want to offer a word of gratitude to the Pontifical Gregorian University for this initiative. Even those of us who have been dealing with this issue for decades recognize that we are still learning, and need to help each other find the best ways to help victims, protect children, and form the priests of today and tomorrow to be aware of this scourge and to eliminate it from the priesthood. I hope that this Symposium will make a significant contribution toward these goals. I thank in particular Fr. Francois-Xavier Dumortier, S.J., the Rector of the University, and Fr. Hans Zollner, S.J., and his team for organizing these days together.

As the Symposium program indicates, the title of my presentation is “The Sexual Abuse of Minors: A Multi-faceted Response to the Challenge.” For reasons I will indicate, I have chosen as my vehicle to give shape to this response some comments about the “Circular Letter” of the Congregation for the Doctrine of the Faith [hereafter CDF], sent last year to all the Episcopal Conferences of the world, to assist them in developing guidelines for dealing with cases of sexual abuse of minors perpetrated by clerics. To put this Letter into context, I will refer to the important motu proprio Sacramentorum sanctitatis tutela, promulgated by Blessed Pope John Paul IIon 30 April 2001. This papal document clarified and updated the list of canonical crimes that had traditionally been dealt with by the CDF (classic examples would be crimes against the faith, that is, heresy, apostasy and schism; but also most serious crimes, or graviora delicta, against the sacraments, such as profaning the Eucharist or violating the seal of Confession). These included crimes connected with solicitation in Confession, and Pope John Paul explicitly included among these grave crimes the sexual abuse of minors by clerics. The motu proprio thus required all cases involving sexual abuse of minors by clergy to be reported to the Congregation, for its guidance and coordination of an equitable response on the part of Church authorities.

Under the careful guidance of the then-Prefect, Cardinal Ratzinger, the Holy See was able ensure a coordinated response to the growing numbers of reports of such sexual abuse, and to deal effectively with the canonical issues involving them, including recourse against decisions by Bishops and Major Superiors. As the storm of media reports of sexual abuse began in late 2001 and 2002, leading the U.S. Bishops to adopt their Charter for the Protection of Children and Young Adults, a committee of Bishops was able to develop the Essential Norms which, after receiving the recognitio of the Holy See, became binding supplementary legislation for the U.S. Bishops, and a great assistance in giving us guidance in dealing with large numbers of historical cases that surfaced as a result of the media publicity. I want to express my personal gratitude to Pope Benedict, who as then-Prefect was so instrumental in implementing these new norms for the good of the Church, and for his support in approving the Essential Norms for the United States. But the Pope has had to suffer attacks by the media over these past years in various parts of the world, when he should receive the gratitude of us all, in the Church and outside it.

With the explosion of media coverage of the cases of sexual abuse of minors committed by clerics in the Catholic Church, especially but not only in the United States of America, the Congregation for the Doctrine of the Faith, under the steady leadership of Cardinal Joseph Ratzinger, saw a dramatic increase in the number of cases reported; with these reports it discovered the many and complex issues involved in the crime of sexual abuse of minors by clerics. The more than 4000 cases of sexual abuse of minors reported to the CDF in the past decade have revealed, on the one hand, the inadequacy of an exclusively canonical (or canon law) response to this tragedy, and on the other, the necessity of a truly multi-faceted response. While the Congregation’s primary responsibility is the application of equitable norms in the discipline of guilty clergy, it has necessarily made its own the expanded view of how best to assist in the healing of victims, of promoting programs for the protection of children and young people, of urging bishops to provide for the education of communities of faith to responsibility for their youth, and of working with other Dicasteries of the Holy See and Episcopal Conferences in ensuring the proper formation of today’s priests, and the priests of the future, in the various aspects related to the issues of sexual abuse on minors.

Nine years after the introduction of Sacramentorum sanctitatis tutela, and in the light of her experience in dealing with the thousands of cases presented from various parts of the world, the Congregation for the Doctrine of the Faith presented to the Holy Father some proposed modifications to the legislation adopted in 2001. While the principal outlines of Sacramentorum sanctitatis tutela remain in place, certain substantive and procedural norms were modified, in an effort to render the law better able to deal with the complexities presented by these cases. Pope Benedict XVI approved and ordered the promulgation of the revised norms on 21 May 2010.

Some of the major additions to the previous legislation involve a consolidation of practices that had received previous recognition and approval of Popes John Paul and Benedict, such as the right to derogate from the prescription of these crimes (sometimes referred to as the statute of limitations); the faculty to dispense from a judicial trial in order to allow an extra-judicial (administrative) process in cases where the facts seemed clear; the faculty to present cases directly to the Holy Father for dismissal from the clerical state in cases of extreme gravity; the addition of the delict of possession and/or distribution of child pornography (regarding minors of 14 years); and other specifications regarding delicts against the Eucharist and the sacrament of Penance, as well as a delict against the sacrament of Holy Orders.

The experience of the Congregation during the past decade also suggested that the time had come to ensure that Church authorities throughout the world were prepared to respond appropriately to the crisis of sexual abuse of minors. Many Bishops’ Conferences had already developed guidelines, some even norms, to offer a uniform response to this complex problem in their national territories; by way of example, I can mention Canada and the United States in North America, Brasil in South America, Great Britain and Ireland, Germany, Belgium and France in Europe, South Africa, Australia and New Zealand in the southern hemisphere. But in many cases, such response came only in the wake of the revelation of scandalous behavior by priests in the public media. What seems useful going forward is a more proactive approach by the Conferences of Bishops throughout the world. How should this be done?

In an effort to aid the Church universal to adopt appropriate measures in view of a broad approach to the problem of sexual abuse of minors, whether by clergy or others acting in the name of the Church, the Congregation for the Doctrine of the Faith issued a Circular Letter to Assist Episcopal Conferences in developing Guidelines for dealing with cases of sexual abuse of minors perpetrated by Clerics. This letter, dated 3 May 2011, invites the Episcopal Conferences of the world to address the various aspects of this issue: they must pay due attention to the canonical discipline of the clergy who are guilty of such crimes; they must have standards to evaluate the suitability of clergy and other persons who minister in Church institutions and agencies; they should oversee education programs for families and Church communities to ensure the protection of children and young people from the crime of sexual abuse in the future; and they must be pastors and fathers to any victims of sexual abuse among their flocks who may appeal to them for remedy or help.

The Circular Letter is divided into three sections: first, some General Considerations; second, A summary of applicable canonical legislation; and third, some Suggestions for Ordinaries on Procedures. Each section of the letter proposes areas of consideration to help Episcopal Conferences provide uniform guidelines for the diocesan bishop members of the Conference, and for Major Superiors of Religious residing in the territory of the Conference, in their response to cases of sexual abuse by clerics, and in taking necessary steps to eliminate such abuse from Church and society. Church law is clear about the responsibility of diocesan bishops and those who enjoy similar territorial or personal jurisdiction, and of major superiors of religious congregations for their subjects, in the matter of accusations of sexual abuse of minors by clerics. The role of the Episcopal Conference is twofold: it is to offer assistance to the diocesan bishops members of the Conference in exercising this responsibility, and it is to coordinate an effective, uniform response in the face of the crisis of sexual abuse of minors that can be recognized as such by the Christian faithful, by the members of society at large, and by the civil authorities who have the responsibility to safeguard the public welfare in accord with the norms of law.

I want to very clear about this point. The Circular Letter to Conferences of Bishops does not imply the transfer of authority or responsibility from diocesan bishops and religious superiors to the Conference. At the same time, the Congregation considers it an obligation for Bishops and Religious Major Superiors to participate in the development of these guidelines, and to observe them for the good of the Church once they have been approved by the Congregation for the Doctrine of the Faith. No bishop or major superior may consider himself exempt from such collaboration.

I realize that other presenters at the Symposium will address the important canonical aspects of Church law, and especially the motu proprio Sacramentorum sanctitatis tutela. Thus I would like to concentrate on the first section of the letter, the General Considerations, as it is in this section, I believe, that we can best see an outline of the Church’s “multi-faceted response” to the challenge of sexual abuse of minors by clerics.

The victims of sexual abuse

The first general consideration in the Circular Letter refers to the victims of sexual abuse. For many if not most victims a first need is to be heard, to know that the Church listens to their stories of abuse, that the Church understands the gravity of what they have suffered, that she wants to accompany them on the often long path of healing, and that she has taken or is willing to take effective steps to ensure that other children will be protected from such abuse. In his address to the Bishops of the United States (16 April 2008) in the National Shrine of the Immaculate Conception in Washington, D.C., Pope Benedict XVI reminded them, “It is your God-given responsibility as pastors to bind up the wounds caused by every break of trust, to foster healing, to promote reconciliation and to reach out with loving concern to those so seriously wronged.”

OurHoly Father has given personal example of the importance of listening to victims during his many pastoral visits, in Great Britain, in Malta, in Germany, in Australia, as well as in the United States. I think is it hardly possible to overestimate the importance of this example for us Bishops, and for us priests, in being available to victims for this important moment in their healing and reconciliation. It was after all at the hands of an anointed representative of the Church that they suffered this abuse. No wonder then that they tell us how important it is for them that the Church, now again through her anointed representatives, hears them, acknowledges their suffering, and helps them see the face of Christ’s true compassion and love.

Let us listen again to the words of our chief Shepherd Pope Benedict in his Pastoral Letter to the Catholics of Ireland, speaking to the victims of sexual abuse: “You have suffered grievously and I am truly sorry. I know that nothing can undo the wrong you have endured. Your trust has been betrayed and your dignity has been violated.” The profound sympathy expressed in these words should animate the heart of all of us bishops and priests, as we – like Christ our Good Shepherd – seek out the wounded and assure them that we have begun to recognize the depth of the betrayal they have suffered. Moreover, hand in hand with the willingness to listen to victims speak of the pain caused by the sexual abuse they have suffered goes a commitment to offering them necessary spiritual and psychological assistance.

The protection of minors

The second general consideration addressed in the Circular Letter is called the “protection of minors.” In some countries programs have already been developed by local Church authorities, in an effort to create “safe environments” for minors. These efforts include the screening and education of those engaged in pastoral work in the Church, in schools and parishes, in youth outreach and recreational programs, especially offering training to recognize the signs of abuse. The hope of such training programs for the clergy and laity is of course that through increased awareness of the problem, future cases of abuse can be prevented. Many of the programs initiated in the Church for the creation of “safe environments” for children have been lauded “as models in the commitment to eliminate cases of sexual abuse of minors in society today.”

A more delicate, but no less important, area of pastoral outreach is the education of parents and children themselves regarding sexual abuse in society at large. Here the various cultural differences will be of particular significance. Episcopal Conferences who are beginning to explore the needs for such awareness programs can be helped by the experience of those that have already begun such outreach. As our Congregation evaluates the response to the Circular Letter in this area, it is my hope that we can enlist the communications network of the Vatican to provide a clearing-house for information about such programs, in order to assist the Church in those areas of the world where resources are fewer.

The formation of future priests and religious

All of us recognize the importance of ensuring a proper formation for priests and religious. This is the third general consideration addressed in the Circular Letter. In 2002, Blessed Pope John Paul II declared, “there is no place in the priesthood and religious life for those who would harm the young” (Address to the American Cardinals [n.3], 23 April 2002). This bold phrase reminds Bishops and Major Superiors of Religious Orders of the need to exercise even greater scrutiny in accepting candidates for the priesthood and religious life, as well as providing formation programs that provide the necessary foundational human formation, including the appropriate formation in human sexuality. Here I want to cite a few lines from the Circular Letter on this point: “The directions given in the Apostolic Exhortation Pastores Dabo Vobis, as well as the instructions of the competent Dicasteries of the Holy See, take on an even greater importance in ensuring a proper discernment of vocations as well as a healthy human and spiritual formation of candidates. In particular, candidates should be formed in an appreciation of chastity and celibacy, and the responsibility of the cleric for spiritual fatherhood.”

The Circular Letter also highlights an important need for vigilance when it asks that particular attention “be given to the necessary exchange of information in regard to those candidates for priesthood or religious life who transfer from one seminary to another, between different dioceses, or between religious institutes and dioceses.” I might add that the international dimension of such transfers is clearly increasing, calling for clear guidelines by Episcopal Conferences and religious orders that will be carefully observed by all for the good of the Church.

Support of Priests

The fourth general consideration contained in the Circular Letter relates directly to the clergy. The Bishop always has “the duty to treat all his priests as father and brother.” As an expression of his paternal and fraternal care for all of his priests, the Bishop should make available programs of continuing formation, particularly in the early years of priesthood. As a father, the Bishop must care for the prayer life of his priests, encouraging them to support one another as brothers and to work together in caring for one another, calling each other to holier and more perfect service to Christ’s flock.

In addition to continuing education and spiritual support of his priests, the Bishop has the responsibility to provide appropriate material support for his priests, including priests accused or found guilty of sexual abuse, in accord with the norms of canon law. While the Bishop is able to limit the exercise of an accused cleric’s ministry, as warranted by circumstances even during the preliminary investigation (cf. CIC can. 1722; SST art.19 [2010 rev.ed.]), as a father and brother he also has the responsibility to protect the good name of his priests, and should make every effort to rehabilitate the reputation of a cleric who has been wrongly accused.

Cooperation with Civil Authority

The final general consideration addressed in the Circular Letter is cooperation with civil authorities. Certainly no less important than any of the other elements, the cooperation of the Church with civil authorities in these cases recognizes the fundamental truth that the sexual abuse of minors is not only a crime in canon law, but is also a crime that violates criminal laws in most civil jurisdictions. Since civil laws vary from nation to nation, and the interaction between Church officials and civil authorities may be different from one nation to another, the manner in which this cooperation takes place will necessarily differ in various countries as well. The principle, however, must remain the same. The Church has an obligation to cooperate with the requirements of civil law regarding the reporting of such crimes to the appropriate authorities. Such cooperation naturally extends also to accusations of sexual abuse by religious or laity who work or volunteer in Church institutions and programs. In this regard, Church officials must avoid any compromise of the sacramental internal forum, which must remain inviolable.

* * * * *

In addition to these general considerations, the Circular Letter provides a summary of the canonical norms to be applied in cases of sexual abuse of a minor, as well as suggestions for procedures to be followed, based on the Congregation’s experience in dealing with these cases over the past decade. These latter sections of the Circular Letter might be called the “juridical” facet of the Church’s “multi-faceted response” to the challenge presented by the sexual abuse of minors committed by clerics.

The journey “Towards Healing and Renewal” is one that the entire Church must make together, convinced always of the power of God that “heals the brokenhearted and binds up their wounds” (cf. Ps 147:3). Our Holy Father, Pope Benedict XVI, in his encounter with the victims of sexual abuse in Malta, prayed not for a generic healing and reconciliation of victims, but one which would lead them, and the entire Church, “to a renewed hope.”

I hope my remarks here this evening may be some small contribution to this renewed hope, insofar as they call attention to concrete steps being taken by a Church that is called “Catholic” – universal – in an attempt to address the varied facets of the challenge presented by sexual abuse of minors by clerics. It bears repeating that the abusers are a tiny minority of an otherwise faithful, committed clergy. Nevertheless, this tiny minority has done great harm to victims, and to the Church’s mission of bringing Christ’s love to the world of today.

Personally I am convinced that the steps currently underway, represented by the motu proprio SST and by the Congregation’s Circular Letter, together with the innumerable local initiatives undertaken in response to the challenge of sexual abuse of minors by clerics, will help us to continue to respond in many fruitful ways to heal the wounds of the past, and to renew our commitment to a future full of hope, as our gracious God has promised. Thank you for the initiative of this Symposium “Toward Healing and Renewal”: may it be a model for future studies that can help us all confront what we need to do as Church. May it also be a source of expertise and hope for those who seek to eliminate the scourge of sexual abuse of minors from society at large.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Buổi họp mặt cầu nguyện của các em sửa soạn chịu Thêm Sức vùng New Orleans
LM Phạm Văn Tuệ
12:53 06/02/2012
NEW ORLEANS - Ngay sau ba ngày Tĩnh Tâm đặc biệt dành cho giới trẻ Công giáo vùng New Orleans, tháng 10, 2011, nhiều người trẻ, đang hàng tuần học các lớp chuẩn bị lãnh bí tích Thêm Sức, đã tỏ ý ước ao được họp mặt mỗi tháng một lần để chia sẻ, học hỏi và cầu nguyện chung với nhau. Kể từ tháng 11 năm 2011, mỗi Chúa Nhật đầu tháng, nhà thờ Thánh Lê Thị Thành, và hai họ đạo Thánh Giuse và Đức Mẹ Lên Trời, Tổng Giáo Phận New Orleans, tổ chức buổi họp mặt cho các em thực hiện được phần nào ước vọng muốn có thêm cơ hội hợp nhất với nhau trong cầu nguyện và mở lòng để nhận ơn Chúa tác động trong tâm hồn một cách rõ ràng hơn mỗi ngày.

Xem hình ảnh

Đây là lần thứ ba các em được họp mặt, lần này tại nhà thờ xứ Thánh Lê thị Thành (quen gọi là Bà Thánh Đê, người phụ nữ Việt Nam độc nhất được ghi tên trong sổ bộ các thánh Tử đạo Việt Nam).Có chừng 50 em tập trung từ 5 giờ chiều cho tới 7:30 tối (5/2/12) để chia sẻ làm quen, vui nhộn, ăn uống, ca hát, nghe thuyết giảng, và chầu Thánh Thể. Linh mục Steven Bruno, giám đốc ơn gọi của Tổng Giáo Phận, đến thuyết giảng. Bài thuyết trình về ơn kêu gọi của cha đầy ắp sức sống Thánh Thần. Các em thích thú lắng nghe liên tục 50 phút đồng hồ. Cha nhấn mạnh rằng Chúa có chương trình cho tất cả mọi người. Vì thế mỗi người đều có ơn kêu gọi riêng. Các em phải để ý cầu nguyện để tự mình khám phá ra lời kêu gọi của Chúa đối với mình. Khi Chúa kêu gọi thì Chúa ban ơn. Vì thế đừng sợ, cứ bạo dạn bước theo tiếng Chúa gọi. Cha nhắc lại một câu hỏi người trẻ ở Mỹ thường đặt ra cho mình: Lớn lên tôi sẽ làm gì? Cha nói ngay rằng trong thần khí của Chúa chúng ta không nên đặt câu hỏi như thế. Mỗi người phải tự hỏi: Chúa đã dựng nên tôi để làm gì?

Hôm nay có sự hiện diện của cha Phạm văn Tuệ, chánh xứ giáo xứ Thánh Lê Thị Thành, cha James Bách, các sơ Mân Côi, các sơ Mến Thánh Giá, các sơ Tu Đoàn Tình Thương và một số anh chị em trong giáo xứ đầy sự tích cực đóng góp. Với quyết tâm tìm mọi cách giúp các em trẻ nhận ra hướng đi theo Thánh Ý Chúa, các cha và các sơ thường xuyên cầu nguyện và tạo cơ hội cho các em có dịp gặp gỡ nhau và gặp gỡ Chúa trong cầu nguyện. Trong giờ cầu nguyện, các em có những phút riêng tư với Chúa. Tất cả các em đã thinh lặng trước Thánh Thể, chăm chú nhìn lên Thánh Thể. Chính Chúa Giê-su trong Thánh Thể lôi cuốn các em. Chúa đến với các em theo một cách mới, một cách riêng. Chúa muốn đáp lại lòng ước ao của các em, cho các em cảm nhận tình yêu của Chúa.
 
Đại Hội Song Nguyền Thế Giới Kỳ IV Tại La Vang - Phần hai
Lê Xuân Hào
13:49 06/02/2012
Đại Hội Song Nguyền Thế Giới Kỳ IV Tại La Vang - Phần hai

Thứ Ba 31/1/2012. Trời vẫn mưa trên Linh địa như ân sủng Mẹ luôn tuôn trào trên con cái.

Sau giờ Kinh sáng, 8:30 mọi người tập trung về Nhà Thờ để hâm nóng Đoàn sủng của Chương Trình. Căn cứ vào đoạn Tin Mừng Lc 9,18-22 Cha Sáng Lập diễn giả chủ đề "Chí điểm Song nguyền: Gần Nhường – Xa Chưởng". Chí điểm là điểm chí cốt, điểm cuối cùng, điểm quyết định. Ngài giải thích: nền tảng của Chương Trình là Khiêm Nhường (biết lỗi, nhận lỗi, xin lỗi, sửa lỗi và tha lỗi); vậy muốn Gần gũi yêu thương thì cần có lòng Khiêm Nhường. Mà Khiêm Nhường bắt buộc phải có việc làm cụ thể. Việc làm đó chính là lời Xin Lỗi chân thật. Vậy bất cứ ai được gọi là Song nguyền đều phải biết Xin Lỗi.

Cách vắn gọn dễ nhớ, điểm chí cốt là Gần Nhường. Định lý đảo của mệnh đề trước là Xa Chưởng; nghĩa là sự kiêu căng, tự ái, đối nghịch, thiếu thông cảm dẫn đến sự xa cách.

Tiếp đến, Quý Cha và các Song nguyền chia sẻ cảm nghiệm về chủ đề trên.

Ban trưa mọi người quây quần quanh mâm cơm đạm bạc nhưng thắm tình huynh đệ, với những câu chuyện rôm rả bất tuyệt.

15:30 anh chị Trường Thay (Đan Mạch) tập hát cho cộng đoàn để chuẩn bị cho Thánh Lễ Tạ Ơn sắp đến.

Đúng 16 giờ đoàn đồng tế do Cha Anrê Trần Xuân Cương chủ tế chậm rãi tiến lên cung thánh trong lời ca tiếng nhạc của bài ca nhập lễ "Chúng con về nơi đây dâng ngàn tiến ca. Chúng con về nơi đây để tạ ơn Thiên Chúa…"

Cùng lúc, lời dẫn lễ vang lên cách trang trọng:

"Kính thưa Cộng đoàn phụng vụ,

Chủ đề của Thánh lễ hôm nay là “Ngân khánh bên Mẹ, Song nguyền tạ ơn”. Đây là ý nghĩa cốt lõi, và cũng là đỉnh cao của những Ngày Hội trọng đại đầy hân hoan và hy vọng nầy.

Thật vậy, Thánh lễ là đỉnh cao phụng vụ và Tạ ơn Thiên Chúa là việc làm “chính đáng và phải đạo". … Giờ đây, dưới chân Mẹ La vang và cùng với Mẹ, là tác giả của bài ca ngợi tuyệt vời mang tên “Magnificat”, chúng ta hiệp dâng Thánh Lễ Tạ Ơn Thiên Chúa nhân dịp Kỷ niệm Ngân khánh của CT/TTHNGĐ…"

Phần công bố Tin Mừng (Lc 1,39-56) và giảng lễ do Cha Nguyễn Phi Long, Phụ tỉnh DCCT hải ngoại đảm trách. Căn cứ vào Lời Chúa, ngài kêu mời các đôi vợ chồng, như Đức Maria, hãy đặt tin tưởng vào Thiên Chúa Tình Yêu, tiến bước trong đường lối của Ngài và "bất cứ việc gì cũng tạ ơn".

Sau cơm tối, tất cả Song nguyền lại quay về Nhà Thờ chuẩn bị cho cuộc Cung nghinh Thánh Mẫu La Vang. Nghi thức rước kiệu do Cha Anrê Trần Xuân Cương chủ sự. Bốn đôi Song nguyền đại diện các châu lục được phân công gánh bàn kiệu. Đội tung hoa trong đồng phục áo dài xanh (Song nguyền Ban Mê Thuột) đi trước Thánh tượng.

Đoàn rước từ cung thánh tiến ra cửa chính Nhà Thờ, quay ngang lối đi ngay trước Nhà Trung tâm, đến sân Nhà Hành hương và tiến thẳng về Linh Đài. Các Song nguyền, bước đi giữa trời đêm mưa gió, như đoàn con lữ thứ muôn nơi đang tiến về quây quần trong nhà Mẹ. Họ cùng nhau tiến lên với nến sáng trên tay và lời ca "Avê Maria" trên môi miệng. Từ xa, những ánh nến nối tiếp nhau trong đêm tối tạo nên những vệt sáng lung linh thật ngoạn mục. Nến sáng biểu trưng cho lòng tin yêu dành cho Thiên Chúa, lòng mộ mến với Thánh mẫu, và sự nhiệt tình quyết tâm thăng tiến gia đình.

Đến Linh đài, cũng là lúc vừa kết thúc chuỗi Mân côi với các mầu nhiệm Năm sự Vui ngắn gọn nhưng súc tích và thắm đượm Đoàn sủng của Chương Trình do Cha Georges Nguyễn Thành Phương biên soạn. Tiếp đến, Cha Sáng lập hướng dẫn nghi thức "Hương Kinh Song Nguyền": các Song nguyền đốt những tờ giấy ghi những lời khấn xin để dâng lên Mẹ. Ngọn lửa bùng cao trên chiếc lư đồng lớn, gió quyện những làn khói bay lên chốn trời cao.

Kết thúc cuộc rước kiệu, mọi người tập trung về nhà hội để tham dự Gala "Hát Dưới Chân Mẹ" mừng Ngân Khánh Chương Trình. Các tiết mục văn nghệ thật đặc sắc và ý nghĩa. Mở đầu là màn "Múa Trống" của các em thiếu nhi ở La Vang, rất nhiều tràng vỗ tay dành cho các em, có cả những phong bì lì xì nhân dịp đầu năm mới. Lần lượt những tiết mục khác của các diễn viên song nguyền, mà đa phần đã lớn tuổi; những bước chân lỗi nhịp, những cử điệu vụng về, nhưng tất cả đều diễn xuất cách chân tình và mê say, tạo nên những hình ảnh thật dể thương và gần gũi…

Đến 22:30 Đức Cha Giuse ban phép lành kết thúc và chúc mọi người một đêm an bình.

Ngày thứ 3 của Đại Hội (1/2/2012). Cha Sáng lập diễn giải chủ đề "Đổi mới theo truyền thống" sau khi đọc kinh sáng và Suy tôn Lời Chúa (Mc 19,33-40). "Nhìn về tương lai", ngài nói "Chương Trình muốn trường tồn thì cần cả hình thức lẫn nội dung". Về hình thức ngài cho biết Cha Hoàng Văn Quảng SJ được phép bề trên đã nhận lời làm vị "Phụ tá các nơi". Về nội dung, có cha Phaolô Nguyễn Luận làm Giám nguyền Nội dung Thế giới.

Cũng theo ý nghĩa "từ cũ sinh mới", tựa sự canh tân của các Công đồng chung trong lịch sử Giáo Hội để sống Lời Chúa hữu hiệu và phù hợp hơn, ngài mong ước cứ 5 năm có một lần Đại Hội, tại La Vang, để đổi mới và thích ứng nhưng không thể bỏ Đoàn sủng của Chương Trình.

Bế mạc Đại Hội là Thánh Lễ chủ đề "Ngân Khánh bên Mẹ, Song nguyền ra đi" do Đức Cha Giuse Châu Ngọc Tri chủ tế và giảng lễ. Đoàn đồng tế xuất phát từ Tháp Cổ, được đội áo thụng với lọng dù và các Anh Chị Chủ nguyền các nơi rước về Linh Đài.

Trong bài chia sẻ, căn cứ Tin Mừng Luca 10,1-9, Đức Cha lấy hình ảnh rất ấn tượng của 1 tiết mục trong đêm văn nghệ để nhấn mạnh đến sự quan trọng của cha mẹ trong việc giáo dục con cái trong gia đình. Đôi vợ chồng song nguyền trẻ thuộc GP Kontum hát song ca với sự phụ họa của 2 đứa con nhỏ rất dể thương. Chắc chắn các em đã được bố mẹ tập tành chỉ bảo rất nhiều ở nhà, tuy nhiên lúc trên sân khấu, 2 đứa bé luôn nhìn mẹ nó để xem mẹ hướng dẫn phải làm gì… Đức Cha Giuse kết luận: các bậc cha mẹ cần ý thức bổn phận giáo dục con cái của mình, nhất là phải có ý chí tìm hiểu để làm gương lành cho con cháu.

Sau lời nguyện hiệp lễ, đại diện các Song nguyền đã đọc diễn từ bế mạc và cám ơn Đức Cha chủ tế, Cha Sáng lập, Quý Cha, Quý Tu sĩ và toàn thể anh chị em Song nguyền.

Một đôi vợ chồng thay mặt mọi người kính dâng lên Đức Cha Giuse bó hoa tươi thắm để bày tỏ lòng kính mến và biết ơn.

Tuy nhiên, sau đôi lời thân tình cám ơn Cha Sáng lập, Đức Cha chủ tế đã tặng Cha Sáng lập bó hoa của mình. Chính lúc nầy, vị Sáng lập Chương Trình TTHNGĐ đã quỳ xuống dưới chân vị Chủ Chăn để bày tỏ lòng kính mến và sự vâng phục. Hành động nầy, lột tả nền tảng Khiêm nhường của Chương Trình, đã khiến mọi người xúc động.

Hình ảnh tuyệt vời nầy chính là điểm nhấn sáng ngời nhất để kết thúc Đại Hội Song Nguyền IV trong vui mừng và hy vọng.

Lê Xuân Hào
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Đâu là...“ Sĩ Khí!”
Nhà Báo Nguyễn Thượng Long
14:15 06/02/2012
Nguyễn Thượng Long (danlambao) - Nhưng những ngày này cũng đang tồn tại một thực tế không thể bác bỏ là vẫn còn quá nhiều trí thức Việt Nam vẫn chưa có được sự tự tin cần thiết để rũ bỏ cái tư chất thần dân thâm căn cố đế, sẵn sàng trùm chăn, sắn sàng quỳ gối, khoanh tay, vâng dạ, cúi đầu trước các “Vua Tập Thể”, rồi tung hô họ bằng những sáo ngữ “muôn năm” và “đời đời”. Trí thức kiểu này, chưa hội đủ tư chất và tâm thế để vươn lên, khẳng định tư cách công dân của mình trước cộng đồng, trước xã hội. Thế nên mới có chuyện, ông này thì khẳng định: “Chưa nhất thiết phải giải thể sự lãnh đạo của Đảng”, chỉ cần Đảng nới lỏng chút xíu sợi dây xích, thì lại có những trí thức khác tự tin khẳng định tư chất ĐÔC LẬP của mình. Những trí thức tự tin này khi bị sức mạnh bạo tàn của thể chế tròng vào cổ họ một vòng dây xích, nỗi đau trong họ là nỗi đau của nhân cách bị chà đạp chứ đâu có là nỗi đau thịt da để mà van vỉ xin ông chủ nới bớt cho chúng tôi vài vòng!...

“Kẻ sĩ thời nay còn lâu mới vịn được vào vai các bậc sĩ phu thức giả đời trước” (DTH)

Hơn 7 năm trước, tại Hội Nghị UBTƯMTTQ Việt Nam lần thứ 2 diễn ra trong các ngày 11,12,13-1-2005, trong tham luận của mình, Giáo Sư Trần Văn Hà đã viết:

“… đến đây cho phép tôi mở một dấu ngoặc vì có liên quan đến một sự kiện lớn đã diễn ra vào đầu năm 1991. Khi Liên Xô vừa sụp đổ, ông Đỗ Mười nguyên tổng bí thư Đảng đã triệu tập hội nghị gồm 100 nhà khoa học, trí thức lớn tới để tham vấn. Ông Đỗ Mười hỏi: Liên Xô sụp đổ rồi, liệu Việt Nam thế nào? Tuyệt đại đa số ý kiến cho rằng, Việt Nam không thể sụp đổ và họ đã hiến nhiều kế sách liên quan đến những đổi mới đã diễn ra hơn 15 năm qua. Tôi ghi nhận 2 ý kiến chân thành khá độc đáo. Anh Đào Xuân Sâm giảng viên học viện chính trị cao cấp quốc gia HCM nói:

“Thưa Tổng bí thư! Tôi xin báo cáo: Cái bục giảng về chủ nghĩa Mác – Lê không còn thiêng liêng nữa rồi!”

Anh Minh cũng là giảng viên học viện chính trị quốc gia HCM thì nói:

“Thưa Tổng bí thư! Tôi xin nói thật lòng, nay tôi không thuyết phục nổi vợ con tôi về chủ nghĩa Mác – Lê nữa rồi!”
(hết trích).

Anh Đào Xuân Sâm nay đã về nghỉ hưu. Trong lần anh Sâm về quê (Trinh Tiết – Đại Hưng – Mỹ Đức – Hà Nội) dự tang lễ người bác ruột tôi, gặp anh tôi hỏi: “Anh nghĩ gì mà lại nói với ông Đỗ Mười như thế?”. Trước câu hỏi của tôi, anh Sâm như có một thoáng buồn rồi vẫn nói: “Thì mình tin người ta mời mình đến là để nói thật, nên mình nghĩ sao thì nói vậy thôi…”. Tôi biết sau hội thảo đó, anh tôi bị thất sủng, báo chí lề đảng lập tức lảng tránh bài vở của anh, nhiều năm anh ngồi chơi sơi nước rồi nghỉ hưu. Sau này qua anh Bùi Minh Quốc, một người anh bên ngoại của tôi và gần đây qua lời của Đại Tá Công An Lê Hồng Hà, tôi được biết anh Sâm là bậc trưởng lão trong làng lý luận cao cấp, một bề tôi lương đống của đảng và chế độ. Theo Đại Tá Lê Hồng Hà và anh Bùi Minh Quốc thì trong làng lý luận cao cấp người có suy nghĩ như anh Sâm và anh Minh là rất nhiều, nhưng đáng buồn thay cho nhân cách kẻ sĩ, phần lớn họ chỉ nói sau lưng, người dám nói thật như anh Sâm và anh Minh ngay từ 1991, lại nói trước “Thiên Tử” là quá ít. Vì mưu sinh, vì thăng tiến, những người này họ nghĩ một đàng nhưng lại nói và viết một nẻo. Họ có tội với tổ quốc này, dân tộc này. Đất nước, dân tộc rồi không biết sẽ đi về đâu khi trí thức mà lại chọn cách sống như vậy!

Sau Đông Âu tan vỡ, đến 1991 Liên Xô thành trì, phần cơ bản nhất của hệ thống XHCN cũng đã sụp đổ. Học thuyết Mác Lê được thực tế chứng minh là sai lầm, là nguyên nhân của biết bao thảm hoạ đã bị phần nhân loại văn minh thẳng tay vứt vào sọt rác. Vậy mà hôm đó, những lời nói thật của anh Sâm, anh Minh trước hàng trăm các bậc thức giả hàng đầu trong nước, lời cảnh báo sớm đó lại rơi vào thinh không, ông Đỗ Mười vẫn trở thành Thượng Hoàng, nhân dân Việt Nam, môi trường sinh thái của Việt Nam thực sự bị bóc lột đến tàn tệ bởi thứ tư bản còn rừng rú hơn cả thực dân Pháp và phát xít Nhật mà vẫn phải tiếp tục kiên định với cái đuôi định hướng XHCN, lại càng đáng buồn hơn khi nhân dân bị gán ghép cho là đã tự nguyện lựa chọn con đường khốn khổ này!

Có thể nói, chính nhờ đám lý luận gia cao cấp mách nước mà Nguyễn Văn Linh, Phạm Văn Đồng, Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu, sau này là Nông Đức Mạnh, Nguyễn Phú Trọng... đã đưa ĐCS Việt Nam vững tâm ngã vào vòng tay Trung Quốc lúc tay họ vẫn còn tanh mùi máu chiến sĩ, đồng bào chúng ta đã vong thân trong chiến trận biên giới phía Bắc 1979, để nhận “16 chữ vàng” và “4 tốt” dỏm của Thiên Triều Bắc Quốc và một thời kỳ Bắc Thuộc mới đã bắt đầu.Việt Nam thêm một lần lỡ chuyến tầu cùng các dân tộc văn minh đi đến DÂN CHỦ, để lún sâu thêm vào mê lộ cùng với những bạo chúa tham nhũng, độc tài đủ loại hạng, kẻ thì đã tắt thở, kẻ đang cố giãy giụa ở Bắc Phi, Trung Đông và vài nơi khác trên thế giới. “Công lao” của các vị trí thức mặc áo “Chùng Thâm” trong vai những quân sư, mưu sĩ của Đảng trong biến cố này quả là không nhỏ.

HAI MƯƠI NĂM SAU:

Khi nỗi đau Vinashin chưa nguôi, lo âu về “đám mây độc”, “Quả bom bùn đỏ” mang tên “Bauxite”, cùng nhiều vạn người Tầu không biết là lính hay là thợ ngang nhiên lập làng Tầu, phố Tầu trên địa bàn Tây Nguyên, nóc nhà không chỉ của Việt Nam mà là nóc nhà của cả Đông Dương chưa tan thì 2011người Việt Nam quan tâm đến thời cuộc, người Việt Nam yêu nước lại vô cùng bất an trước một Biển Đông dậy sóng vì những tham vọng của Trung Quốc, lúc mà ban lãnh đạo Việt Nam lại chủ trương ứng xử nhũn nhặn ở dưới mức bình thường.

Năm 2011 đã nổ ra giữa Sài Gòn – Hà Nội những cuộc xuống đường biểu tình của trí thức, nhân sĩ, sinh viên, học sinh yêu nước giáng trả một cách ôn hoà những tham vọng của Trung quốc, những phiên toà đầy ngang trái dành cho những người Dân Chủ…, những cuộc vây ráp, bắt bớ người biểu tình, cuộc đoạ đầy vi hiến, bất công và kỳ quặc dành cho Hoa Hậu – Nữ Tướng biểu tình Bùi Thị Minh Hằng, cờ Trung Quốc 6 sao ngang nhiên bay phấp phới giữa trời thu Hà Nội, đặc biệt vào cuối năm là biến cố Đoàn Văn Vươn và gia đình bị đám cường hào mới ở xã Vinh Quang, ở huyện Tiên Lãng, được đám chức dịch ở Hải Phòng ngầm đỡ lưng dồn họ đến chân tường nên đã liều thân vùng dậy đòi quyền sở hữu thành quả lao động khó nhọc của mình, đã chọn biện pháp không được luật pháp quy định, để giáng trả những hành động cũng không được luật pháp cho phép. Kết quả bên này là cảnh tù tội, vợ, con bị còng tay dong đường, bị đánh đập, nhà cửa bị dật đổ, cá, tôm, hoa lợi…bị cướp phá sạch sẽ. Bên kia tuy cố tỏ ra mình vẫn ở thế thượng phong, nhưng cũng ê chề trước con mắt của người dân trong nước, ngoài nước.

Biến cố này đã làm phát lộ những bất công, những thiệt thòi to lớn mà người nông dân Việt Nam nhiều thập kỷ nay phải cắn răng chấp nhận. Đó là hiện trạng: Trong lúc giới công nghệ, giới thương gia, giới quan chức tham nhũng, đại gia, tư bản đỏ…đã được công nhận quyền tư hữu, quyền sở hữu đất đai, đồn điền, trang trại, nhà xưởng, máy móc của mình, họ đang sống như vua như chúa, thì người nông dân Việt Nam, một tỉ lệ không hề nhỏ trong cơ cấu lao động cả nước sau nhiều thập kỷ đi theo đảng lại chưa hề được hưởng quyền này. Tư liệu sản xuất duy nhất của họ là đất canh tác, vẫn bị coi là “Công Thổ Quốc Gia”, là “Sở Hữu Của Toàn Dân”. Luật đất đai hiện nay vẫn coi nông dân chỉ là những đối tượng để giao đất, cho mượn đất, cho thuê đất…mà đất đó là của chính tổ tiên gia tộc họ để lại, hay của chính họ đã từng khai khẩn, ngăn sông, lấn biển, cải tạo mà hình thành. Có thể nói, đây là sự phản bội tồi tệ nhất dành cho những người một nắng hai sương làm ra hạt thóc nuôi sống cả xã hội. Hãy xem người đời, người có học và cả ít học, thậm chí vô học đã bỏ những lá phiếu nào? Đã phản biện những gì trước sự cố gia đình Đoàn Văn Vươn!. Người quan tâm tới sự kiện này, thói thường có thể sắp được thưởng thức những clip, những trích đoạn video chuyển tải lời nhận tội, lời cầu xin được hưởng lượng khoan hồng của những người đang bị lao lý sau vụ Tiên Lãng, thì đã xuất hiện rất sớm những lời nói lấy được, bất kể đúng sai, rất thiếu trách nhiệm của các “Đầy Tớ” của nhân Dân như:

- Giám đốc CA Hải Phòng Đỗ Hữu Ca nói: “Khi chúng tôi cưỡng chế, người dân nơi đây đã rất đồng tình”, “Đây là một chiến dịch phối hợp đẹp, có thể viết thành chuyện phim” (!?)… Sic

- Phó chủ tịch TP Hải Phòng ngày17/1 nói “Nhân dân Tiên Lãng bất bình phá nhà ông Vươn” (!?) đến 31/1 lại đổi giọng: “Không biết ai đã phá nhà ông Vươn (!?), đang tìm hiểu và sẽ xử lí nghiêm”…Sic

- Trần Đình Long phó chủ nhiệm Uỷ Ban Pháp Luật Quốc Hội 13 nói: “Tôi không theo dõi vụ việc này…” (!?). Tức là ông quan đại biểu của dân nói : Đây “Không thèm nghe - Không thèm thấy - Không thèm biết” (!?) …cùng với những tiếng lao xao của đám nói leo ăn theo, đám giang hồ xã hội đen, đám bồi bút giá áo túi cơm của lề phải, rằng: Đoàn Văn Vươn chẳng làm gì có lợi cho cộng đồng, ngoài việc tư lợi cho mình (!?)”, thậm chí có kẻ còn xếp bừa Đoàn Văn Vươn vào danh sách “Giang Hồ Đất Cảng”, có số có má và vụ cưỡng chế vừa qua là một trận đánh đẹp !…Sic

Đối trọng với những xuất ngôn lạc lõng này là những tiếng nói dõng dạc của các Luật Sư, Nhà Văn, Nhà Báo, Lão Thành Cách Mạng, trong và ngoài nước… điển hình là tiếng nói cũng rất sớm của:

Nhà Văn Quân Đội Phạm Đình Trọng: “Nếu quyết định của chủ tịch Tiên Lãng không bị coi là sai, hơn 500 chủ tịch huyện trên cả nước có thể noi gương thu hồi đất đáo hạn của nông dân để giao…thì không biết điều gì đã xẩy ra?”

Lê Đức Anh, Đại Tướng, nguyên CT nước: “Vụ cưỡng chế ở Hải Phòng: Chính quyền Huyện – Xã đều sai”. (Theo tôi ông này mới nói được ½ cái nguyên nhân thôi – NTL)

Trung Tướng Nguyễn Quốc Thước: “Vụ Tiên Lãng là một tổn thất chính trị to lớn”.

Ông Luân, nguyên sĩ quan biên phòng, một chủ đầm là hàng xóm nhà ông Vươn: “Tôi sẽ chiến đấu đến cùng nếu Huyện đưa người đến cưỡng chế, cướp đất nhà tôi”.

Ông Đỗ Xuân Cang, Việt kiều đang biểu tình một mình chống tiêu cực trước sứ quán Việt Nam ở Praha: “Ông Đoàn Văn Vươn và gia đình hoàn toàn vô tội”.

Luật Sư Lê Đức Tiết – Phó chủ nhiệm Hội đồng tư vấn dân chủ và pháp luật của MTTQVN nói: “Phân tích đúng sai trong vụ việc của ông Vươn là không khó!” và “Đẩy dân đến bước đường cùng để họ phải dùng vũ lực chống lại chính quyền là một thất bại của công tác dân vận”.

Giáo Sư Nguyễn Quang A đặt 11 câu hỏi xung quanh sự kiện Đoàn Văn Vươn gửi lãnh đạo đảng và nhà nước…..

Luật Gia Lê Hiếu Đằng phẫn nộ: Đây là một việc làm hết sức – tôi xin nói thẳng – là ngu xuẩn, của một cái chính quyền không kể đến lợi ích của người dân, không kể đến uy tín, thanh danh của chính quyền. Người dân sẽ đánh giá chính quyền đó là như thế nào ? Đó là biện pháp mà gần như trước đây chính quyền thực dân phong kiến dùng để đàn áp nhân dân. Do đó có thể nói hiện nay nhân dân cả nước rất phẫn uất về việc này. Tôi tin rằng sẽ còn nhiều vụ việc như ông Vươn nữa sẽ xảy ra nếu chúng ta không giải quyết êm đẹp.

Ngày 19/1/2012 tức là chỉ ít ngày sau lời kêu gọi trên Blog Nguyễn Xuân Diện đã có 278.585.271 VNĐ của người dân trong và ngoài nước đóng góp, trợ giúp gia đình Đoàn Văn Vươn đang trong cơn hoạn nạn. Một kêu gọi tương tự cũng đã xuất hiện trên Blog của Nguyễn Quang Vinh. Tôi nghĩ, nếu gia đình Đoàn Văn Vươn không phản ứng mạnh mẽ, lại ngoan ngoãn và “thuần tính” như giám đốc Công An Hải Phòng Đỗ Hữu Ca mong muốn, thì chắc chắn gia đình Đoàn Văn Vươn cũng sẽ lại gia nhập cộng đồng những người lang thang ngày đêm mỏi mòn chờ công lý ở VƯỜN HOA DÂN OAN MAI XUÂN THƯỞNG hay sẽ phải sống kiếp vật vờ ở văn phòng tiếp dân Cầu Giấy mà thôi và biết đâu Đoàn Văn Vươn và đại gia đình ông sẽ làm dài thêm danh sách những dân oan phải tìm đến cái chết tức tưởi để đánh động lương tri của đồng loại cũng nên.

Không biết các nhà Trí Thức hàng đầu, những quý vị mặc áo “Chùng Thâm” trong làng lý luận cao cấp, những quân sư mưu sĩ của ĐCS đã từng và cả chưa từng vây quanh ông Đỗ Mười ngày LBCHXHCNXV (CCCP) sụp đổ, nay đang xúm xít xung quanh ông Nguyễn Phú Trọng để rối rít lập công, tranh nhau thưa thốt … quý vị nghĩ gì về những diễn biến kể trên? Quý vị sẽ phản biện, sẽ bỏ lá phiếu nào xung quanh sự kiện này?

***

Thật bất ngờ, ngày 20 tháng 1 – 2012, trả lời phỏng vấn đăng trên tuoitre.vn: “Bạn Trẻ Vẫn Đầy Niềm Tin Tương Lai”, Giáo Sư Toán Học Ngô Bảo Châu, một giáo sư rất trẻ, một Trí Thức lớn đã từng ký tên mình trong Kiến Nghị Bauxite, đã từng lớn tiếng bênh vực Cù Huy Hà Vũ bằng khẩu khí của người đã từng coi Hector, Turnus, Kinh Kha … như mấy thằng bạn thời đánh đinh đánh đáo, sau khi nhận đủ quà của Đảng (thực ra là tiền thuế của nhân dân), của các đại gia gồm căn hộ cao cấp 17 tỉ giữa Hà Nội, tổ hợp nhà nghỉ 3 triệu USD ở Tuần Châu và 650 tỉ VND để chi dùng cho viện toán mà chẳng cần biết ông sẽ chi dùng thế nào (!?)…nay Giáo Sư đã nói những lời hình như không hoàn toàn của ông:

Tôi không đồng ý với việc coi phản biện xã hội như chỉ tiêu để được phong hàm “Trí Thức”, đến bao giờ chúng ta mới thôi thi đua để được phong hàm “Trí Thức”? Đối với tôi trí thức là người lao động trí óc. Cũng như những người lao động khác, anh ta cần được đánh giá trước hết trên kết quả lao động của mình. Theo quan niệm của tôi, giá trị của trí thức là giá trị của sản phẩm mà anh ta làm ra, không liên quan gì đến vai trò phản biện xã hội”. (NBC)

Thật là “Nhất Tự Cách Trùng”! Không biết những trí thức trùm chăn lâu nay hay những người đã từng bầy tỏ ý kiến phản biện trong sự vụ Đoàn Văn Vươn, người nào sẽ sung sướng đến phát điên lên và những ai sẽ rơi vào tâm trạng như bị dậy bảo! như bị dội một gáo nước lạnh buốt khi đọc được những dòng chữ cao đạo này? Là người quá thông tuệ, dường như thấy mình “Nổ” hơi quá, Giáo Sư Châu vội thòng những lời cũng quá là mâu thuẫn, chẳng khác gì “Quả Bóng”được đá với đã lăn đi theo một quỹ đạo vu vơ:

“Mặt khác cần trân trọng những người trí thức hoặc không trí thức tham gia công tác phản biện xã hội. Không có phản biện, xã hội đã chết lâm sàng.” (NBC)

Trong cơn bão táp các Comments của cư dân mạng xung quanh phát biểu của Giáo Sư Châu, tôi tâm đắc nhất là những lời của Giáo Sư Nguyễn Huệ Chi, đồng lãnh đạo và chủ trì trang mạng phản biện Bauxite.vn rất nổi tiếng của trí thức trong nước đã nói với BBC 1603 - Thứ Hai – 23 – 1 - 2012:

“Đã là trí thức thì phải là người có tầm, có trách nhiệm và nghĩa vụ xã hội. cho nên tôi nghĩ phản biện xã hội là chức năng của trí thức, chứ không phải là chức năng của ai hết.”(NHC) và:

Giáo Sư Ngô Bảo Châu cũng đã nói đến cái phần sau là, nếu không có phản biện thì xã hội chết lâm sàng. Nhưng trách nhiệm về cái chết lâm sàng ấy không đặt vào vai của trí thức thì đặt vào ai?” (NHC)

Thật may cho các cụ Chu Văn An, Đồ Chiểu... không phải sống ở thập kỷ này, nếu các cụ là người cùng thời với chúng ta, có lẽ cụ Chu Văn An phải thu hồi lại Thất Trảm Sớ, còn cụ Đồ Chiểu chắc phải rút lại câu:

“Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm
Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà!”…


Vì theo Giáo Sư Châu, chuyên môn của các cụ là dậy học thì ngày ngày các cụ chỉ cần chí thú vào việc gõ đầu trẻ mà thôi.

Gần như cùng thời điểm với những xuất ngôn về “TRÍ THỨC VÀ PHẢN BIÊN” của giáo Sư Ngô Bảo Châu, đầu tháng 1-2012, Giáo Sư Chu Hảo khi trả lời phỏng vấn của BBC về “TRÍ THỨC và VAI TRÒ CỦA ĐẢNG VỚI NGƯỜI TRÍ THỨC”, Giáo sư Chu Hảo cũng đã làm nóng diễn đàn cư dân mạng vì những suy nghĩ của ông. Giáo sư Chu Hảo nói tới 3 vấn đề rất hệ trọng:

1 / Theo Giáo Sư Chu Hảo, người trí thức đích thực là người có: “Khả năng độc lập tư duy, khả năng bảo vệ chính kiến của mình, khả năng dự báo và tạo ra dư luận lành mạnh trong xã hội”. Cũng theo Giáo Sư Chu Hảo: “Tầng lớp trí thức theo định nghĩa mà tôi (Giáo Sư) hiểu chưa hình thành ở Việt Nam từ sau 1954 và sau 1975 ở miền Nam”.

2 / Theo Giáo Sư Chu Hảo: “Tính chính đáng của ĐCS Việt Nam vẫn còn rất nhiều trong lòng dân. Lịch sử đã để lại những dấu ấn rõ ràng và được toàn dân thừa nhận về vai trò của đảng cộng sản đưa Việt Nam từ một nước không ai biết đến trở thành một nước độc lập. Đưa Việt Nam qua hai cuộc chiến tranh, thống nhất đất nước”.

3 / Theo Giáo Sư Chu Hảo: “Nếu như đảng cộng sản Việt Nam mở rộng dân chủ và thực sự tôn trọng tự do học thuật, thực sự tạo ra những cơ chế dân chủ để thực sự phát huy sự năng động, sáng tạo tư duy, để có thể bảo vệ được những người có những ý kiến thiểu số, nhưng chưa hẳn đã là sai trong thời điểm hiện tại” thì “Chưa nhất thiết phải giải thể sự lãnh đạo của đảng với tầng lớp trí thức ở trong nước”.

Trong khi đó, cũng về đề tài này, nhà văn Tiêu Dao Bảo Cự lại bầy tỏ:

“Hiện nay tôi là một người cầm bút tự do, tôi chẳng cần bất cứ một sự lãnh đạo nào. Tôi nhìn nhận, đánh giá mọi việc theo tư duy, trí tuệ và lương tâm của mình. Tôi viết, dù là chính luận hay sáng tác văn học đều hướng về chân – thiện – mỹ, những giá trị có tính phổ quát toàn nhân loại mà tôi có thể thu nhận qua tri thức đông tây kim cổ. Tôi không cần một lý thuyết hay sự chỉ đường của bất cứ ai.”.(TDBC)

Tiêu Dao Bảo Cự làm rõ một hiện thực mà Giáo Sư Chu Hảo không nhận thấy hay là có nhận thấy mà ông cố né tránh:

Trên lý thuyết, sự lãnh đạo của Đảng đề cập những vấn đề thiết yếu của đời sống nhưng vì nó chưa xứng tầm với đất nước và thời đại, cố gò vào những lý thuyết giáo điều và tư tưởng đã lỗi thời, mục đích là giữ vững độc quyền lãnh đạo, nên đã làm trì trệ thay vì phát triển đất nước, phục vụ xã hội. Trong tình hình đó, nhiều kẻ bám vào để mưu lợi hoặc theo đuổi những mục đích cá nhân là điều tất yếu.”

Đầu tháng 1 – 2012, Giáo Sư Huệ Chi trả lời phỏng vấn của BBC về việc nên gửi kiến nghị cho Đảng hay cho Chính Phủ hoặc cho Quốc Hội? Giáo Sư Huệ chi cũng đã thẳng thừng, không có vòng vo tam quốc:

“Trước mắt chúng tôi chỉ có Chính phủ chứ không có Đảng. Đảng đối với chúng tôi không là cái gì cả, Đảng có phải là Chính Phủ đâu? Mà tất cả những việc này là chính quyền nhà nước làm, thành ra chúng tôi chỉ gửi cho những người ở trong chính quyền nhà nước. Từ trước đến nay, chưa bao giờ tôi làm việc gì mà gửi cho Đảng cả. Đối với tôi Đảng không là cái gì, vì có ở bất kỳ nước nào là nước dân chủ mà đảng tham gia nắm chính quyền không? Đảng đứng đằng sau chứ, một đảng thắng, người ra làm chính quyền thì người đó đảm nhận cương vị với tư cách một người nhà nước, một người nắm luật pháp chứ đâu phải đảng đó đâu. Ông Obama không là người của đảng Dân Chủ mà ông ấy là đại diện cho cả nước Mỹ và ông ấy nắm đất nước Mỹ. Vậy tôi không quan niệm rằng Đảng ở đây có vai trò gì hết cả. Mặc dù Đảng là quyền lực tối cao nhất nhưng chúng tôi không bao giờ quan niệm là gửi cho Đảng.” (NHC)

Trong một lần trả lời báo chí gần đây, Giáo Sư Nguyễn Minh Thuyết, nguyên ĐBQH, người đã từng nhiều lần làm nóng hội trường Quốc Hội vì những phản biện hết sức chính xác và sắc sảo, đã bầy tỏ quan niệm của ông về “Trí Thức và Phản Biện” cũng hết sức ấn tượng:

“Tôi đồng tình với GS Châu rằng “trí thức là những người hoạt động trí óc”, nhưng nói thế cô đọng quá. Tôi hiểu trí thức là những người lao động trí óc chuyên nghiệp mà sản phẩm của họ mang tính sáng tạo cao. Trí thức là người có nhận thức sâu sắc, có tư duy độc lập, sáng tạo nên thường rất nhạy cảm trước các vấn đề. Hiếm có trường hợp nào mà trong lúc xã hội, nhân dân đòi hỏi có sự phản biện, xây dựng mà trí thức không nhận ra. Trí thức càng lớn thì càng quan tâm đến các vấn đề của xã hội, càng đưa ra những ý kiến sâu sắc, xác đáng, có tác dụng thức tỉnh xã hội.” (NMT)

Những gì đã diễn ra từ cuộc tham vấn của ông Đỗ Mười với 100 nhà trí thức lớn của đất nước 20 năm về trước đến những gì đang diễn ra trong những ngày này cho chúng ta thấy một thực tế không thể bác bỏ rằng, số trí thức trong nước cũng như ngoài nước dám nói thẳng, nói thật về hiện tình đất nước đã tăng lên, họ không đến nỗi cô đơn như ngày nào chỉ có Giáo Sư Sâm và Giáo Sư Minh đơn độc đưa ra những phản biện trái chiều trước các lãnh tụ cộng sản Việt Nam vốn nổi tiếng là giáo điều.

Nhưng những ngày này cũng đang tồn tại một thực tế không thể bác bỏ là vẫn còn quá nhiều trí thức Việt Nam vẫn chưa có được sự tự tin cần thiết để rũ bỏ cái tư chất thần dân thâm căn cố đế, sẵn sàng trùm chăn, sắn sàng quỳ gối, khoanh tay, vâng dạ, cúi đầu trước các “Vua Tập Thể”, rồi tung hô họ bằng những sáo ngữ “muôn năm” và “đời đời”. Trí thức kiểu này, chưa hội đủ tư chất và tâm thế để vươn lên, khẳng định tư cách công dân của mình trước cộng đồng, trước xã hội. Thế nên mới có chuyện, ông này thì khẳng định: “Chưa nhất thiết phải giải thể sự lãnh đạo của Đảng”, chỉ cần Đảng nới lỏng chút xíu sợi dây xích, thì lại có những trí thức khác tự tin khẳng định tư chất ĐÔC LẬP của mình. Những trí thức tự tin này khi bị sức mạnh bạo tàn của thể chế tròng vào cổ họ một vòng dây xích, nỗi đau trong họ là nỗi đau của nhân cách bị chà đạp chứ đâu có là nỗi đau thịt da để mà van vỉ xin ông chủ nới bớt cho chúng tôi vài vòng!

Để khép lại cái NỖI BUỒN MANG TÊN TRÍ THỨC này, xin được nhắc lại vài sự kiện liên quan đến thân phận và SĨ KHÍ của tầng lớp TRÍ THỨC của cả tây và ta. Đầu thế kỷ XIX không biết trí thức Nga đã trình diễn vụng dại đến thế nào mà trong thư gửi M.Goocky, Lênin lại nổi đoá lên rồi mạ lỵ họ bằng những từ ngữ hạ cấp đến thế! Cũng giai đoạn đó… trí thức Tầu có điều gì không ổn mà đến nỗi Mao phải rủa họ là “Không bằng cục phân!”. Không biết trí thức Việt Nam phạm tội tổ tông gì mà ông Trần Phú TBT đầu tiên của Đảng Cộng Sản Việt Nam lại đòi phải lôi thằng “TRÍ” ra xử bắn trước khi bắn đến bọn “PHÚ – ĐỊA – HÀO” !...và hỡi ôi! Đến nay câu mai mỉa kẻ sĩ An Nam ngày nào:

“Sĩ khí rụt rè gà phải cáo / Văn chương liều lĩnh đấm ăn xôi” vẫn được mọi người truyền tụng. Điều này hư thực thế nào? Câu hỏi này xin dành cho tất cả mọi người.

Xuân Nhâm Thìn 2012

Nhà Báo Nguyễn Thượng Long
Nguyên giáo viên dậy Địa Lý của Hoà Bình và Hà Tây
Nguyên Thanh Tra giáo dục kiêm nhiệm Hà Tây
Chỗ ở Tổ 6 Đường Văn La – Phú La – Hà Đông - Hà nội
Điện Thoại: 0433521066
Email: nguyenthuonglong571@gmail.com

danlambaovn.blogspot.com
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Sự thật về ''lời đoan nguyện thứ tư của Dòng Tên''
Hoành Sơn, S.J.
00:01 06/02/2012
Lời nguyện bốn Dòng Tên

Thánh I-nhã và anh em được ĐGH Phaolô III sai đi

Vâng, lời nguyện (votum, voeu, vow)[1], chứ chẳng có JESUIT OATH hay Lời thề Dòng Tên nào cả. Lời nguyện ấy giống như Ba lời nguyện của mọi dòng tu khác. Khác chăng chỉ là có thêm đoan hứa thứ tư : Vâng lời Đức Giáo Hoàng về sứ vụ!

Sở dĩ tôi viết bài này chỉ vì có mấy bạn chìa cho coi một bài báo ở Hồn Việt th.2/2009, trong đó tác giả đề cập đến Jesuit Oath, và đây là lời thề nghe lệnh ĐGH đi tàn sát người lạc giáo, ly giáo,v.v. Mấy ông bạn này, tuy coi đây là chuyện vớ vẩn, nhưng vẫn xin tôi viết báo giải thích để tránh thắc mắc cho một số người ngoài.

Thực ra, tôi chẳng muốn dính vào những chuyện không đâu như thế, nhưng vì e có kẻ nghe mãi cũng sinh nghi, nên đành nói rõ về Lời nguyện bốn Dòng Tên mà hẳn phe chống Công giáo đã nhại thành Jesuit Oath độc địa ấy.

Jesuit Oath

Theo giới thiệu của tác già, tôi đánh máy tìm JESUIT OATH trên mạng, và lập tức hiện lên cả trên chục bài bằng tiếng Anh. Cũng trên mạng, có nhiều bài nữa của B.K. do tác giả tự đưa lên, kể cả bài viết trong số báo Hồn Việt tháng 2 mới đây. Vâng, tác giả đưa bài lên Internet, rồi cũng từ Internet lấy xuống cái “của nợ” Jesuit Oath đó, và những thứ khác nữa.

Ai chẳng biết, Internet là địa chỉ tham khảo rất tốt, nhưng không thể là địa chỉ cho nghiên cứu được. Vì cả “trăm thứ bà giằn” trên ấy, nên “vàng thau lẫn lộn”. Cố nhiên là còn có thư viện ảo, có mấy tạp chí nghiên cứu trên mạng nữa. Nhưng dù thư viện ảo hay tạp chí trên mạng, thì gián tiếp cũng là thư viện giấy và tạp chí giấy đó thôi. Chứ Internet suông thì không thể dùng để chứng minh cho cái gì cả.

Vả nữa, dù sách giấy và thư viện giấy, thì cũng phải chọn mà đọc những tác giả lớn và đứng đắn, những nhà xuất bản nghiêm cẩn và có tên tuổi[2]. Chứ không bạ ai cũng trưng dẫn được.[3]

Thêm vào đấy, người nghiên cứu chân chính sẽ gạt bỏ thành kiến và vượt trên tình cảm để làm việc nghiêm túc với tinh thần khách quan cao, nhờ đó dễ tiếp cận sự thực để cố trình bày sự thực với độc giả.

*

Hãy trở về với Jesuit Oath.

Có rất nhiều sưu bản về Lời thề này. Một trong hai sưu bản phổ biến nhất là bản được tìm thấy trong Thư viện Quốc hội Mỹ[4]. Theo nhận xét của bài Jesuit Oath debunked, một trong những bài trong loạt bài ở địa chỉ JESUIT OATH, “hẳn vì nó có trong Thư viện Quốc hội Mỹ, nên nó hay được trưng dẫn…Người chống Công giáo xem ra tin vào nó bởi nó được gặp trong Thư viện Quốc hội Hoa kỳ, cho rằng đó là một tài liệu khả tín…Mặt khác, rất có thể một số kẻ chống Công giáo muốn trục lợi trên sự dốt nát của người khác (prey on ignorance)…”. Bài Jesuit Oath debunked còn mở đầu như sau : “Đôi khi chúng ta tự thấy như lạc khỏi giang sơn của những điều khả thể mà rơi vào vùng trởi của những cái “trời ơi đất hỡi” gì gì đó. Chuyện Lời thề DT là một trong những thí dụ như vậy. Nó thật tức cười, và nghĩ rằng có người đang tin vào nó sẽ khiến ta ngỡ ngàng…”

Vì bản văn Jesuit Oath rất dài, tới cả trang rưỡi A4, ấy là chưa kể lời huấn dụ cũng dài của linh mục đại diện cha tổng quyền, cùng với những câu vấn đáp kết thúc giữa ngài và người phát thệ, nên chúng tôi xin lược ý vắn tắt như sau:

-Con xin thề với cha và cha Tổng quyền : con xin làm hết sức để diệt đám Tin lành và Tam điểm, sẽ xâm nhập vào lũ lạc giáo để vừa dò xét (spy) vừa xúi dục chúng chém giết lẫn nhau hầu làm lợi cho ĐGH. Nếu có dịp, con sẽ khởi động chiến tranh, tiêu diệt chúng khỏi mặt đất, không tha cho bất cứ ai, dù già hay trẻ, nữ hay nam. Vâng, “con sẽ treo cổ, hủy thiêu, tàn sát, nấu chín, lột da, xiết cổ, chôn sống quân lạc giáo điếm nhục ấy, sẽ mổ bụng vợ chúng và đập đầu con thơ chúng vào tường cho vỡ nát ra, hầu tận diệt dòng giống tồi bại của chúng. Bằng như việc tàn sát ấy không thể làm công khai, thì con sẽ bí mật giết chúng bằng ly rượu độc, bằng dây xiết cổ, bằng lưỡi dao găm hay viên đạn chì…”

Nghe thật khủng khiếp mà cũng tức cười, phải không? Bất ngờ như chuyện “cá tháng tư” và dễ sợ như chuyện quỷ nhập tràng vậy! Thế nhưng ai ghét Công giáo vẫn có thể tin. Chỉ vì họ thích tin như thế. Vâng, ghét mà đối tượng dữ dằn thật thì chẳng ai dám làm gì, kẻo như Salman Rushdie phải trốn chui trốn nhủi. Bằng như đối tượng hơn mình nhưng lại không đáng sợ, thì người ta sẽ tìm một cái gì nổi nang của hắn, để nhại thành một cái gì xấu xa hầu cười cho sướng miệng. Như xưa kia khi Kytô hữu tin Chúa Giêsu là con của parthenos (trinh nữ), người Do thái đã nhại là con của panther (con báo), rồi từ đó chuyển sang con của Pander (tên một đàn ông nước ngoài không phải Giuse) để chửi Chúa Giêsu là con hoang.[5]

Cũng như Công giáo không phải là một đế quốc dù một tỉ người trên bốn biển vâng lời Tòa thánh Rôma, thì Dòng Tên cũng chẳng phải là một đội quân dù lý tưởng là “chiến đấu dưới lá cờ chữ thập”. Chỉ một lần dăm ba tu sỹ Dòng Tên đã cầm gươm và súng, nhưng không phải để giết ai, mà để bảo vệ người da đỏ khỏi bị đám da trắng bắt đi làm nông nô trong các đồn điền của họ. Vâng, DT đã lập những ấp tự vệ (reductions) ở Paraguay để bênh vực người da đỏ khốn khổ, nhưng chính họ lại bị các pháp sư người da đỏ (thuộc bộ tộc khác) giết chết năm 1628, nhờ thế ba tu sỹ đã được phong thánh năm 1988.[6]

Với quốc gia Anh giáo của Henri VIII[7], Dòng Tên cũng chỉ chiến đấu bằng hoạt động truyền giáo và với ngòi bút thôi. Ngòi bút là của thánh Robert Bellarmin đã đưa nhiều người Anh giáo tiếng tăm trở về với Hội thánh La mã. Còn hoạt động truyền giáo –nói cho đúng ra : tái truyền giáo- là của chính người Anh. Số là, đi vào phong trào đối cải cách (contre-réforme) để vực dậy hàng giáo sỹ và giáo dân thoái hóa về niềm tin và đức hạnh, Dòng Tên đã mở đó đây rất nhiều học viện bên lục địa Châu Âu. Rất nhiều gia đình từ Anh đã gửi con sang học ở các trường danh tiếng ấy. Một số thanh niên này rồi sẽ cải đạo, xin nhập dòng, và sau khi huấn luyện xong, xin trờ về truyền giáo ở quê hương. Họ trở về từng người và hoạt động tồng đồ, cố nhiên là lén lút, và đưa được khá đông gia đình Anh giáo trở về với Giáo hội La mã, cũng như củng cố được đức tin Công giáo cho nhiều gia đình khác. Nhưng cuối cùng, hầu hết đã bị bắt, bị treo cổ hay phân thây, trong số ấy 10 vị được phong thánh và 18 vị phong chân phúc.

Cái gai lớn nhất đối với cả Anh giáo lẫn Luthêrô-giáo và Calvinô-giáo là hai thánh DT: Rôbertô Bellarminô và Phêrô Canisius, cả hai đều được phong thánh sư (doctor ecclesiae). Thánh Canisius có mặt khắp nơi trong các quốc gia nói tiếng Đức đang chao đảo trước cơn bão Luther và Calvin. Ngài lập 20 học viện để huấn luyện giới trẻ và tung ra những cuốn giáo lý (sách bổn, catéchismes): giáo lý nhỏ bằng tiếng Đức cho trẻ nhỏ và giới bình dân, giáo lý lớn, rất dài và chi tiết bằng La-ngữ cho thầy dạy và những người có học[8]. Nhờ các sách giáo lý bán chạy như tôm tươi này, cũng như nhờ mấy chục học viện và biết bao hoạt động khác, thánh Canisius đã giữ vững các vùng Công giáo còn lại của Đức, và kéo rất nhiều vùng Tin lành hóa (ở Đức, Áo, Rhénanie, Ba lan…) trở về với đức tin truyền thống[9]. Do đó mà, cùng với thánh Bôniphaxiô, ngài được coi là tông đồ Đức quốc dù chính ngài là người Hà lan.

Nếu sách giáo lý của Canisius nhắm bình dân, thì bộ Tranh luận (Controverses) của Rôbertô Bellarminô lại nhắm giới học giả Tin lành. Bộ sách này, gồm nhiều tập rất đồ sộ, ghi lại giáo trình mấy mươi năm của giáo sư Bellarminô tại Học viện La mã (Collegio Romano, sau này sẽ trở thành Università Gregoriana, đại học viện giáo hoàng duy nhất suốt cho đến gần Vatican II). Sách in nhanh đến đâu cũng không kịp để bán. Chẳng những bán chạy trong vùng Công giáo, mà trong vùng Tin lành cũng vậy. Đến nỗi sách vừa in xong, đã có mặt ngay bên Anh, và vừa tới Anh đã hết sạch rồi. Chính Bách khoa từ điển của Anh (Encyclopaedia Britannica) cũng phải nhìn nhận : “(Bellarmin) được những người bênh vực Tin lành coi là nhà vô địch của phe Giáo hoàng, và báo thù cho Tin lành luôn đồng nghĩa với việc trả đũa ông ta”.

Quả thế, sự thành công vang dội của bộ Controverses khiến Tin lành người thì sửng sốt, không tin nổi đó là công trình của một người; kẻ lại mím môi tức tối muốn văng tục với DT. Trong đám người trước, khá nhiều tên tuổi đã hạ vũ khí, như Antony Carier kinh sỹ Canterbery và tuyên úy chính thức của vua Anh Jacques I : ông đã trốn sang Đức để trở lại Công giáo, bất chấp sự dọa nạt của đức vua.

Còn đám người sau, cả bên Anh giáo lẫn Luther-phái, đáp trả[10] bằng những câu chửi rủa độc địa nhất và những câu truyện dựng đứng dùng để bôi nhọ cả Giáo hoàng lẫn Dòng Tên và Bellarminô. Họ đổ cho Bellarminô những tội ác tầy trời và kể rằng: cha đã chết trong tuyệt vọng khi đang báng bổ và gầm thét như sư tử[11]. Lời thề DT hẳn cũng là một trong số những phát minh kiểu ấy. Họ cũng gọi nó là “Lời thề máu” và “Lời thề bốn”, tức nhái từ Lời đoan nguyện thứ tư của dòng.

Lời đoan nguyện thứ tư của Dòng Tên

Để hiểu tại đâu có lời nguyện bốn, thêm vào cho ba lời nguyện thông thường của các dòng, thì phải đặt nó vào bối cảnh lịch sử thành lập Dòng mang tên Chúa Giêsu (Societas Jesu, Compagnie de Jésus).

Trước hết nên nhớ, vào thời điểm ấy nhóm ông cử Paris này chỉ muốn sống suốt đời và làm tông đồ cho người Thổ (để rồi được chết bởi tay họ) ở Giêrusalem quê hương Chúa Giêsu mà họ hết lòng yêu mến. Chỉ vì đợi mãi ở Venise mà không tầu thuyền nào dám đi vì sợ các chiến thuyền Thổ Nhĩ Kỳ, nên họ mới quyết định trở về Rôma đặt mình dưới sự sai phái của Đức Giáo chủ. Tại sao lại ĐGH? Vì Ngài thay quyền Chúa dưới thế, và vì Ngài có một tầm nhìn rộng để biết chỗ nào cần đến họ, như I-nhã nghĩ.

Họ đã làm như quyết định, và Đức Phaolô III đã không bỏ lỡ dịp tốt ấy : Ngài sai ngay Lainez và Favre đến dạy học ở Sapienza, sai Salmeron và Codure đi Écosse, rồi hai người khác đi Ấn Độ. Đi làm gì? Đi truyền giáo, dạy học, thuyết đạo, thế thôi. Chỉ có khoảng chục thành viên, mà chưa chi đã phải phân tán mỏng và xa nhau như thế, nên họ mới họp nhau, xem có nên duy trì sự liên đới, và do đó lập thành một dòng hay không.

Có lẽ vì Dòng đã khởi đầu với sự sai phái của GH, và vì bầy chiên đang tan tác dưới những cơn lũ ly giáo, lạc giáo ghê gớm, nên thánh I nhã đã chọn con đường “cảm thông với Hội thánh” (sentire cum Ecclesia) và lấy ĐGH làm biểu hiệu cho sự thồng nhất xung quanh đức tin truyền thống, cho nên lời nguyện bốn Vâng lời ĐGH về sứ vụ đã được đưa vô ngay từ đầu, trong Công thức được trình lên để xin phép lập Dòng, và kế đó là trong Hiến pháp.

*

Công thức Dòng (Formula Instituti) nói trên được nhắc lại trong cả hai Tông thư (Lettres apostoliques) cho phép lập và viết hiến pháp : sắc dụ Regimini militantis Ecclesiae ngày 27-9-1544 của Đức Phaolô III, sắc dụ Injunctum Nobis năm 1544 của Đức Giuliô III.

Về Lời đoan nguyện IV này, đại khái hai Tông thư nói như sau:

Thêm vào ba lời khấn nguyện, mỗi thành viên còn được ràng buộc bởi một đoan hứa đặc biệt, với khả năng cho phép : sẽ thi hành lập tức, không né tránh và trì hoãn, tất cả những gì giáo hoàng hiện tại hay đấng kế vị ngài ra lệnh liên quan đến lợi ích các linh hồn và việc truyền bá đức tin, ở bất cứ đâu được sai đến, dù ở vùng Indiani (dân da đỏ), giữa người Thổ nhĩ kỳ hay người ngoại, người Công giáo hay lạc, ly giáo.

Đoan nguyện nói trên rồi sẽ được ghi thành công thức (cho hàng thệ sỹ bốn lời nguyện) trong Hiến pháp số [527] như sau:

“Con (tên) xin phát nguyện và hứa với Thiên Chúa toàn năng, trước mặt Đức Nữ trinh Mẹ TC, trước mặt cả triều thần thiên quốc và hết thảy những người xung quanh con, và hứa với cha đáng kính (tên) đại diện Cha Tổng quyền DT cùng những ai kế vị, cũng như thay mặt Thiên Chúa : con đoan nguyện và hứa thanh bần, khiết tịnh, vâng phục suốt đời; và theo sự vâng phục này, con hứa lo đặc biệt việc dạy dỗ trẻ em, thể theo cách sống chứa đựng trong những Tông thư và Hiến pháp Dòng Tên.

Thêm vào đấy, con hứa đặc biệt vâng lời Đức Giáo hoàng về những gì liên quan đến sứ vụ, theo những gì chứa đựng trong các Tông thư và Hiến pháp.

Tại…, ngày…tháng…năm, trong thánh đường…

Ký tên…”

Nội dung chỉ có thế, đon giản và vắn tắt. Hồi đầu như vậy, và suốt cho đến nay vẫn vậy. Và tất cả làm công khai, chẳng có gì bí mật cả. Vâng, dù đây là lời nguyện bốn! Quả thế, theo Hiến pháp số [525], ‘sau thánh lễ làm công khai trong nhà thờ, trước mặt cả người nhà (tức DT) và người ngoài (tín hữu…) đang ở đó, vị (chủ tế được ủy quyền nhận lời khấn nguyện) cầm Mình Thánh hướng về kẻ sắp phát nguyện. Người này, sau khi đọc kinh Cáo mình và những lời quen đọc trước khi chịu lễ[12], sẽ xướng to lên văn bản đoan nguyện (đã nói đến trên kia)…”

Chẳng hề có lời huấn dụ đầu, mà cũng chẳng có những câu vấn đáp kết thúc như bản JESUIT OATH diễn tả.

[1] Công giáo VN quen dịch là KHẤN. Thực ra Khấn hay Khấn vái chỉ là cầu xin thôi. Công giáo Tầu dịch là nguyện, phát nguyện. Chúng ta có thể cũng dịch là nguyện hay đoan nguyện, ít là khấn nguyện.

[2] Bên Âu Mỹ, ai cũng có quyền in sách. Chỉ khi phát hành, nghĩa là tham gia thị trường, mới cần nộp một bổn để lấy biên lai trước khi sách được bày bán.

[3] Không phải sách ăn khách nhất là sách giá trị đâu. Những cuốn như Da Vinci Code, như Cloner le Christ,v.v. từng đã làm mưa làm gió hồi đâu thế kỷ XXI (đem lại cho tác giả rất nhiều tiền bạc và vinh quang), nay cũng rơi vào quên lãng rồi, bởi vô giá trị. (Xx. Hoành sơn, Từ Da Vinci code đến…, ngs CGvDT th. 10/2006).

[4] Sưu bản kia thì được ghi nhận trong biên bản một kỳ họp Quốc hội Mỹ năm 1913, nhưng “sau đó bị vứt bỏ ra khỏi (torn out)”.

[5] Xx. Hoành sơn, Tín lý tinh yếu, nxb Tp.HCM, 1996, tr.136-139. Các truyện nhại kiểu ấy được ghi trong sách Tol’doth Yeshu, nó thành nơi chốn cho những cuốn như Gia tô bí lục đến khai thác.

[6] Được phong thánh vì đạo đức và bị giết, chứ không phải vì cầm gươm. Vâng, hồi Công giáo đánh nhau với Tin lành bên Tây Âu, biết bao lính Công giáo (của các vua và lãnh chúa Công giáo) đã bị giết, mà chẳng có ai trong số đó được coi là tử đạo cả.

[7] Henri VIII (1509-1547), mà từ điển Petit Larousse illustré đánh giá là “cruel et débauché” (tàn ác và trụy lạc) đã cưới 6 người vợ kế tiếp nhau. Hai trong số đó bị vua đưa lên máy chém. Chính vì Giáo hoàng lến án ông rẫy vợ, nên ông tách nước Anh ra khỏi quyền Giáo hoàng.

[8] Bộ giáo lý lớn này (giống như một bộ thần học tinh giản) đã được dùng làm cơ sở cho việc soạn các sách giáo lý nhỏ suốt cho đến Vatican II.

[9] Xin coi bản đồ Đối cải cách nước Đức ở cuối tập J. Brodrick, Saint Pierre Canisius, Spes, Paris, 1956.

[10] Đáp trả là động từ mới xuất hiện từ vài ba năm nay, do báo chí dùng mãi thành quen. Nhiều cây viết Công giáo cũng khoái tiếng đó, nên sử dụng nhiều, mà sử dụng sai. Như trong tập Đề cương Giáo hội tại Việt Nam của BTC Năm thánh 2010..

Đáp trả không dịch từ Answer, Répondre đâu, mà từ Reply, Répliquer, nên tương đương với Trả đũa. Sau đây là một vài dẫn chứng : 1-Tuổi trẻ 20/4/2009, tr.20, cột 4, dòng 24-27 tính từ dười lên : “Ông (Chavez) đã trục xuất đặc phái viên của Mỹ ở Caracas, và Wasington đáp trả bằng cách trục xuất đại sứ Venezuela ở nước này”. 2-Thanh niên 28/4/09, tr.20, cột 5, dòng 19 : “(Taliban) sẵn sàng đáp trả nếu chính phủ (Pakistan) không ngừng chiến dịch trên”. 3-Thanh niên 2/5/09, tr.20, cột 2, dòng 8-9 : “Moscow dọa sẽ có hành động đáp trả”. 4-Truyền hình HTV7 20g5’ tin quần vợt : tay vợt Nadal “đáp trả quyết liệt”. 5-THVL 22g10’ tin quốc tế : “Nga đáp trả NATO”…

[11] Xx. J. Brodrick, Robert Bellarmin, DDB, 1963, tr.70, 76,v.v.

[12] Xưa quen đọc như thế trước khi chịu lễ.
 
Văn Hóa
Thánh Agatha - Trinh nữ tử đạo
Thanh Sơn
07:23 06/02/2012
Thánh Agatha - Trinh nữ tử đạo

Qúy độc giả kính mến,

Có nhiều người thắc mắc muốn biết về Thánh Agatha, và luôn hỏi sao các Sơ đi tu hay có tên Thánh này. Hôm nay Thanh Sơn viết để trả lời, nhân ngày lễ kính thánh Agatha. Hy vọng bài viết này sẽ giải đáp được một ít thắc mắc của qúy vi. Đồng thời cũng chúc mừng tới qúy Sơ và Qúy chị em có thánh quan Thầy Agatha Xin chúa và thánh Quan Thầy luôn gìn giữ qúy chị.

KÍNH THÁNH AGATHA (Trinh Nữ Tử Đạo)

Agatha ngọc ngà gia giáo
Giòng cao sang chính đạo công minh
Nét xinh kiều diễm chân tình
Dâng Ngài Xuân Thánh Đồng Trinh trọn đời

Đời hiến dâng tuyệt vời! là thế
NGÀI chính là Hoàng Đế đời em
Để cho trần thế chết thèm
Lòng em đã quyết hồn em dâng NGÀI

Nét trinh trong trang đài diễm lệ
Đường công danh trần thế là đây
Trung ngôn sứ giả bậc thầy
Xứng hàng khanh tướng đời nầy, đời sau

Quintiano ác quan diệt đạo
Về cai quản tàn bạo vô song
Vừa đến nghe tiếng nàng xong
Liền cho lệnh triệu vào trong cung chầu

Vừa gặp mặt phút đầu tiên ấy
Tên ác quan đã thấy hồn phiêu
Nét đẹp làm hắn xoay chiều
Thay vì chất vấn, đòi điều xấu xa

Khuyên dụ Agatha cùng hắn
Thành một đôi chấp cánh chung nhau
Rồi đây sẽ đẹp muôn màu
Hưởng đời lạc thú sang giàu sướng thân

Nàng thẳng thắn ân cần từ chối
Sống "Đồng Trinh" dâng Đấng tối cao
Tấm thân này Chúa ban trao
Hồn con đã hiến lẽ nào đổi thay

Tên ác quan chua cay bực bội
Nên hù dọa kết tội tống giam
Nếu không chiều ý hắn làm
Nhục hình sẽ tới ngục giam đang chờ

Agatha bất ngờ lên tiếng
Tên ác quan chết điếng trong hồn
Từ ngày tôi có trí khôn
Tấm thân này đã hứa hôn mất rồi

Người là quan sao tồi như thế
Nhục cho cả hoàng đế của ngươi
Chuyên môn cướp của giết người!
Nói thì nhân nghĩa nhưng lời yêu tinh

Lời đanh thép quang minh chính đại
Tên hung thần điên dại khảo tra
Ác quan tàn độc dâm tà
Nhục hình tơi tả hắn đà ra tay

Nhốt nàng vào trong nhà gái điếm
Với mưu đồ gian hiểm ác tâm
Ngày đêm nàng cứ âm thầm
Cầu xin Thiên Chúa nhất tâm dâng Ngài

Một tháng ròng công khai cầu nguyện
Như hoa sen chẳng quyện bùn nhơ
Băng trinh Thiên Chúa phụng thờ
Ác quan vỡ mộng đường tơ cung đàn

Mang nàng ra, khảo tàn, tra độc
Nào sắt nung, gậy gộc, ra đòn
Đôi gò bồng đảo no tròn
Móc câu rạch nát, dao còn xẻo thêm

Tống vào ngục ngỡ đêm sẽ chết
Cuôc đời nàng chưa kết ở đây
Nửa đêm phép lạ đong đầy
Sáng mai bộ ngực bỗng đầy lại ngay

Quyền năng Chúa khoan thay nhiệm lạ
Lòng ác quan chai đá ngàn năm
Động lòng đất đá hỏi thăm
Chuyển rung khắp chốn hờn căm khắp vùng

Bao nhiêu người chôn cùng đất đá
Chuyện nhãn tiền này đã xảy ra
Dân đòi thả Agatha
Ác quan nhụt chí đem qua nhà tù

Đức khiết trinh chân tu đã trọn
Nàng xin Chúa tha bọn ác nhân
Phó dâng hết cả tâm thân
Linh hồn trong trắng trọn phần thế gian

Trút linh hồn không than chẳng trách
"Thánh Đồng Trinh" vẹn sạch hụê xinh
Nàng đi hết con đường tình
Như lòng dâng hiến "Đông Trinh" trọn đời

Ngày hôm nay khắp nơi mừng kính
Agatha thiên đình hiển vinh
Quan thầy những kẻ dâng mình
Đồng trinh dâng hiến bạn tình Giêsu.

Viết đôi lời khiêm nhu gởi đến
Lễ Quan Thầy ánh nến lung linh
Niềm vui sâu thẳm chân tình
HOA BÊN THẬP TỰ ĐẸP XINH DÂNG NGÀI.

Thanh Sơn .05.02.1012

Viết tặng Qúy Sơ và những ai mang tên chị Thánh Agatha nhân ngày lễ kính quan thầy.

THÁNH AGATA, trinh nữ, tử đạo

Ngày 05/2

Ca nhập lễ, lễ các thánh trinh nữ viết rằng:” Đây là một trong số các trinh nữ khôn ngoan, đã cầm đèn sáng ra đón Đức Kitô”. Thánh Agata là người trinh nữ khôn ngoan đã làm rạng danh Chúa Kitô.

THÁNH AGATA: Được sinh ra trong một gia đình đạo đức, thế giá tại Sicilia. Thánh nhân ngay từ nhỏ đã khấn giữ mình đồng trinh, hiến trọn cuộc đời cho Thiên Chúa. Các chị của thánh nữ là Anê, Lucia và Cécilia đều đã được phước tử vì đạo dưới thời bạo vương Đêciô, năm 251.

Thánh Agata chỉ có một chí hướng là hiến toàn thân của mình cho Thiên Chúa để Chúa định liệu cuộc đời của mình. Chính vì thế, khi quan trấn ở Sicilia thấy Người có nhan sắc, thùy mị, tốt lành đã động lòng xin cầu hôn với Agata. Vì đã khấn hứa giữ mình đồng trinh, thánh nhân đã từ khước lời cầu hôn của quan trấn Quintianô. Quá tức giận trước đề nghị của mình, quan trấn Sicilia đã bắt giam Agata trong ngục vịn cớ Agata có đạo. Quân lính và cai ngục đã hành hạ hết sức dã man thánh nhân và dùng nhiều cực hình để trả thù Agata. Ra lệnh nhốt nàng vào nhà thổ một tháng, nhưng Agatha luôn tín thác cầu nguyện và được chở che một cách lạ lùng không ai dám đụng đến nàng. Sau một tháng thấy thánh nhân không bị nhụt chí mà bỏ cuộc. Quan trấn Sicilia trả thù thánh Agata hết sức tàn nhẫn, Ông hạ lệnh cắt hai vú của thánh Agatha,nướng thánh nhân trên giường sắt nung đỏ và sau đó lại hạ lệnh tống ngục thánh nữ. Tuy nhiên, Thiên chúa yêu thương thánh nữ, sai thánh Phêrô đêm hôm ấy đến ngục thất chữa lành cho thánh nữ Agata, sang ngày hôm sau mọi người đều kinh ngạc về sự việc lành lặn lạ lùng này.

Thánh nhân dù nhiều lần bị quan trấn dụ dỗ, trấn áp, tra tấn dã man, vẫn một mực trung kiên với Thiên Chúa. Tức giận, quan trấn càng đàn áp, hạ lệnh nướng thánh nhân trên giường sắt, đau đớn quằn quại và dùng mảnh chai nhọn bắt thánh nữ lăn lộn trên đó, thánh nữ Agata luôn kiên trung, cậy trông, phó thác vào Thiên Chúa nhân từ, vì chỉ có Chúa mới cứu được linh hồn của Ngài. Cử chỉ anh hùng và thái độ dũng mãnh của thánh nhân đã làm cả thành phố náo động, Quintianô sợ dân chúng nổi loạn, đã hạ lệnh truyền giam thánh nữ trong ngục.

CHÚA THƯỞNG CÔNG THÁNH NỮ:


Bị nhốt trong ngục tù, bị hành hạ trăm bề, thánh nữ đã trút hơi thở cuối cùng vào ngày 5/2/251. Thiên Chúa đã thưởng công thánh nhân bằng muôn vàn phép lạ. Phép lạ lạ lùng là thánh nữ đã che chở thành Catana khỏi hiểm họa núi lửa Eùtna. Dân chúng rất sùng kính thánh nữ ngay từ thời đó.Thánh nữ đã cầu thay nguyện giúp cho dân được muôn vàn ơn phúc. Hội Thánh thưởng công Ngài bằng cách cho tôn kính thánh nữ vào ngày 5/2 mỗi năm.

Lạy Chúa, thánh nữ Agata đã luôn luôn làm đẹp lòng Chúa, vì vừa sống cuộc đời kiên trinh, vừa can trường hy sinh tử đạo. Xin nhận lời thánh nữ chuyển cầu cho chúng con được ơn tha thứ( Lời nguyện ca nhập lễ, lễ thánh Agata, trinh nữ, tử đạo ).

TS.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Bướm Xuân
Trầm Tĩnh Nguyện
22:10 06/02/2012
BƯỚM XUÂN
Ảnh của Trầm Tĩnh Nguyện (Việt Nam)
Đầu năm cánh bướm khoe mình,
Cành hoa cũng nở nụ xinh rạng ngời.
Chồi non xanh nhoẻn miệng cười.
(Trầm Tĩnh Nguyện)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền