Ngày 12-01-2018
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Chu tòan sứ mệnh giới thiệu Chúa cho tha nhân
Lm Đan Vinh – Hiệp Hội Thánh Mẫu
04:13 12/01/2018
Chúa Nhật II Thường Niên Năm B
1 Sm 3,3b-10.19; 1 Cr 6,13c-15a.17-20; Ga 1,35-42.

1) Tin mừng Gio-an đã thuật lại việc ông An-rê đã giới thiệu em là Si-mon với Đức Giê-su như sau: An-rê là anh của Si-mon Phê-rô, ông đã được thầy là Gio-an Tẩy giả giới thiệu Đức Giê-su với ông. Ông đã đi theo Đức Giê-su đến nơi Người ở và ở lại với Người ngày hôm đó. Sau khi đã tin Người là Đấng Thiên Sai, An-rê liền đi gặp em là Si-mon và nói: "Chúng tôi đã gặp Đấng Mê-si-a" (Ga.1,41), rồi dẫn em đến gặp Đức Giê-su. Đức Giê-su nhìn Si-mon và nói: “Anh là Si-mon, con ông Gio-an, anh sẽ được gọi là Kê-pha” nghĩa là Đá. Ngày nay Chúa Giê-su cũng muốn chúng ta giới thiệu Người với những ai chưa nhận biết, để họ tin và được hưởng ơn cứu độ của Người.

2) Vào một ngày nọ, một ông cụ khoảng 70 tuổi được đưa vào phòng cấp cứu tại một bệnh viện tư trong thành phố. Ông đang trong tình trạng suy tim và khó thở do bệnh thấp khớp thời kỳ cuối. Sau khi đã được bác sĩ chích thuốc trợ tim và cho uống thuốc giảm đau, ông cụ đã tỉnh táo hơn. Bấy giờ một y tá đến bên hỏi ông mấy câu để điền vào tờ phiếu nhập viện. Khi cô y tá hỏi: “Ông quý trọng tôn giáo nào nhất?” thì vẻ mặt ông cụ rạng rỡ hẳn lên. Ông đã tâm sự với cô y tá rằng: “Từ trước đến nay tôi cứ ước mong có ai hỏi tôi về tôn giáo, và mãi đến hôm nay cô là người đầu tiên hỏi tôi câu ấy. Thực ra từ nhỏ tới lớn tôi chưa theo đạo nào. Còn bây giờ thì tôi muốn theo đạo Công Giáo. Lý do là vì cách đây mười năm, khi tôi còn đi lại bình thường, mỗi sáng sớm tôi đều chạy đến công viên gần nhà tập dưỡng sinh. Tại đó tôi đã làm quen với một ông bạn công giáo. Chúng tôi thường ngồi trao đổi hàng giờ về các vấn đề thời sự quốc tế trên đài truyền hình hay báo chí, trong đó có vấn đề tôn giáo. Nhờ vậy tôi đã hiểu về đạo công giáo và tự nhiên tôi muốn theo đạo này. Tuy nhiên, do gặp cản trở từ phía gia đình nên tôi chưa làm theo ý nguyện được. Đàng khác tôi cũng ngại bày tỏ ý muốn trực tiếp với ông bạn của tôi. Rồi khi ông ta đi xuất cảnh, thì tôi mất liên lạc do không biết địa chỉ của ông. Từ đó, tôi ước mong có một người Công Giáo nào khác giúp tôi theo đạo. Tuy nhiên, dù đã gặp nhiều người công giáo, nhưng tôi chẳng thấy có ai sẵn sàng trao đổi về đạo giống như ông bạn cũ của tôi. Gần đây, bệnh thấp khớp ngày một nặng hơn. Tôi nghĩ mình sẽ chẳng còn sống được bao lâu và càng mong sớm hoàn thành tâm nguyện là được theo đạo công giáo. Hôm nay tôi rất vui khi nghe cô hỏi về tôn giáo. Bây giờ, ước nguyện duy nhất của tôi là gặp một linh mục để xin gia nhập đạo Công Giáo”. Sau đó, cô y tá người công giáo này đã mời một linh mục đến dạy đạo và ban phép Rửa Tội trước khi ông cụ nhắm mắt lìa đời. Ông đã ra đi trong an bình thanh thản, vì giờ đây cái chết không còn là đi vào chốn vô định, nhưng là một cuộc hành trình lên trời để gặp Thiên Chúa là Cha của ông.

3) Một vấn nạn được đặt ra là: Tại sao có nhiều tín hữu Công Giáo lại có thái độ thờ ơ, không nhiệt thành giới thiệu Chúa cho người thân và bạn bè để họ cũng được ơn cứu độ giống như mình ?

- Có thể do họ nghĩ việc loan báo Tin Mừng là nhiệm vụ của các linh mục, mà chưa ý thức đó cũng là trách nhiệm của mọi tín hữu. Thực vậy, do đã được chịu phép rửa tội và Thêm Sức, họ được trở nên con Thiên Chúa và môn đệ Đức Giê-su, nên cũng có sứ mệnh làm chứng cho Người như lời Chúa phán với các môn đệ trước khi lên trời: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em” (Mt 28,19-20). “Anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giê-ru-sa-lem, trong khắp các miền Giu-đê, Sa-ma-ri và cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1,8b).

- Có thể do họ chưa ý thức giá trị của thức ăn tinh thần là Lời Chúa, nên chỉ biết lo tìm kiếm cơm ăn áo mặc vật chất, đang khi Chúa dạy: “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho” (Mt 6,33).

- Có thể do họ mang mặc cảm tự ti về vốn liếng giáo lý Thánh kinh ít ỏi của mình, nên không dám mạnh dạn đề cập về đức tin tôn giáo với những người không cùng tín ngưỡng.

- Nhưng lý do chính yếu là do thiếu lòng tin yêu Chúa, do chưa được tái sinh bởi Thánh Thần, nên họ không thiết tha với sứ mệnh loan báo Tin Mừng. Nếu có lòng tin yêu Chúa thật sự, thì chắc mỗi người chúng ta sẽ nhiệt tình giới thiệu Chúa như thánh Phao-lô đã viết : “Tình yêu Đức Ki-tô thôi thúc chúng tôi” (2 Cr 5,14); “Khốn thân tôi, nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (1 Cr 9,16); Từ nay “Tôi sống nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi” (Gl 2,20).

4) Lạy Chúa Giê-su. Qua bài Tin Mừng hôm nay Chúa muốn chúng con làm chứng cho Chúa cụ thể bằng đôi tay sẵn sàng chia sẻ cơm áo cho những người nghèo đói; Chúa nhờ trái tim của chúng con để yêu thương tha nhân, nhất là những người đau khổ bất hạnh; Chúa nhờ miệng lưỡi của chúng con để giới thiệu Chúa cho những người chưa nhận biết Chúa. Ước gì chúng con nên khí cụ bình an của Chúa, để xây dựng hòa bình và tích cực góp phần kiến tạo Trời Mới Đất Mới, bắt đầu từ gia đình, đến khu xóm và môi trường chúng con đang sống.- Amen.

 
Tin Tưởng
Lm Vũdình Tường
06:39 12/01/2018
Tin tưởng là điều cần thiết trong cuộc sống. Bởi thiếu tin tưởng sẽ không đạt được điều mong muốn. Thiếu tin tưởng sẽ không học được và cũng không thể cộng tác chung, cùng làm việc với người khác nên thiếu tin tưởng là sống trong cô đơn, nghèo nàn tình người.Con người tin tưởng nhau là điều quan trọng. Còn một nguồn tin tưởng giúp con người tin tưởng nhau vô điều kiện đó chính là nguồn ân sủng Thiên Chúa ban tặng cho con người để họ học hỏi đặt tin tưởng nơi người anh em và đặt tin tưởng nơi Thiên Chúa. Thiên Chúa tin tưởng con người nên ban cho con người sự sống đời này và còn hứa ban cho sự sống trường sinh. Thiên Chúa tin tưởng ta nên mời gọi ta cộng tác vào chương trình cứu độ nhân loại mà chính Đức Kitô Con Một Chúa xuống trần gian chung sống với nhân loại, mở đầu chương trình cứu rỗi nhân loại. Các bài đọc hôm nay có chung một chủ đề đó là tin tưởng. Trước hết cha mẹ của Samuel tin tưởng Eli nên trao phó con mình cho Eli coi sóc. Samuel tin vào cha mẹ và đến sống cùng Eli và lắng nghe, vâng lời Eli hướng dẫn. Giữa đêm khuya Samuel nghe tiếng gọi cậu tưởng thầy Eli gọi nên đến cùng Eli. Sau ba lần như thế Eli nghiệm ra tiếng Chúa kêu gọi Samuel và hướng dẫn Samuel cách đáp lại tiếng gọi. Lần thứ tư nghe tiếng gọi Samuel lên tiếng đúng theo điều Eli dặn bảo, cậu thưa 'Xin Ngài phán vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe'. Samuel đặt trọn niềm tin vào thầy mình là Eli và cũng đặt trọn niềm tin vào Thiên Chúa từ đó cậu sống theo hướng dẫn của Thần Khi và lớn lên trong ơn nghĩa Chúa trung thành với Chúa suốt đời phục vụ dân Chúa. Một bằng chứng khác của tin tưởng là lời đáp trong thánh vịnh hôm nay nói lên niềm tin tưởng phó thác.

Này con xin đến để làm theo í Chúa.

Những ai đặt trọn niềm tin vào Thiên Chúa mới có thể đáp trả như thế bởi câu đáp trả trên cho thấy người đó không sống cho mình nhưng sống cho Chúa và người đó biết rõ mục đích đời họ là phục vụ dân Chúa. Phục vụ Chúa hết tâm tình, một niềm phó thác, thân xác, tâm trí và linh hồn với mục đích duy nhất là làm cho Danh Chúa cả sáng trước muôn dân. Bước sang phần Tân Ước người đọc gặp ngay thánh Phêrô trong thư gởi tín hữu Côrintô, thánh nhân nhắc nhở chúng ta được Thiên Chúa tạo dựng theo hình ảnh Chúa vì thế hãy gìn giữ thân xác cho trong sáng, xứng đáng làm Đền Thờ Chúa Thánh Thần. Bởi thân xác ta là Đền Thờ Chúa Thánh Thần, được Thiên Chúa ban cho, nên chúng ta không làm chủ thân xác mà chính là nhận quà tặng Thiên Chúa trao ban để chúng ta hưởng dùng và coi sóc, bảo vệ thân thể. Lí luận cho rằng 'Cơ thể tôi, tôi làm chủ và toàn quyền tự do xử dụng theo í riêng' không phải là cách lí luận, tin tuởng của các Kitô hữu. Tôi không tạo dựng nên cơ thể tôi mà tôi chỉ xử dụng vì thế nói là tôi toàn quyền làm chủ thân xác là thiếu thực tế. Toàn quyền xử dụng thân xác làm điều tốt là điều đáng khen, đáng khuyến khích nhưng lợi dụng thân xác, lạm dụng thân xác, làm điều sai có hại, ngay cả coi thường thân xác mình và thân xác anh em là phạm tội đến đền thờ Chúa Thánh Thần. Thực tế cho biết con người không hoàn toàn làm chủ thân xác mình và thân xác không phải lúc nào cũng chiều theo hay lắng nghe lời ta hướng dẫn. Con người và tiến bộ khoa học hoàn toàn thất bại, không thể làm chủ nhiều con bệnh, không thể giữ cho người ta trẻ mãi và càng không thể xác định mức độ thông minh, tài năng, trí nhớ tốt như người đó mong muốn. Điều này cho biết con người không hoàn toàn làm chủ những gì thưộc về mình. Thánh Phaolô nhắc nhở ta không làm chủ thân xác nên luôn nhớ dâng lời tạ ơn Thiên Chúa vì Ngài ban cho món quà vô cùng quí giá là sự sống đời này và sự sống trường sinh.

Phúc âm nhắc việc thánh Gioan Tiền Hô dùng thân xác Chúa ban, trọn đời phó thác tin tưởng, phục vụ Đức Kitô. Ông giới thiệu Đức Kitô cho môn đệ ông và khuyến khích họ gặp Đức Kitô mong được Ngài nhận làm tông đồ. Bởi làm được điều đó là ông đã hoàn thành nhiệm vụ đi trước mở đường; hoàn thành nhiệm vụ làm tiếng hô trong samạc bởi tiếng hô đó có người đáp trả. Những môn đệ Đức Kitô tin theo và trọn niềm phó thác đời mình cho Đức Kitô. Các ngài trung thành tin tưởng Đức Kitô đổ đến giọt máu cuối cùng đề làm chứng lòng thành, tín trung.
Tin tưởng giúp ta mở ra chân trời mới đón nhận hướng dẫn chỉ bảo để thay đổi. Học sinh tin tưởng vào thầy giáo sẽ học giỏi hơn. Chính quyền nào gây được tin tưởng nơi đại chúng chính quyền đó làm được nhiều việc tốt và làm cho xã hội lành mạnh. Cha mẹ gây được tin tưởng nơi con cái gia đình hạnh phúc, yên vui. Cha mẹ dậy con đặt niềm tin nơi cha mẹ ngay khi chúng còn là trẻ thơ, cha mẹ cũng hướng dẫn chúng tin tưởng vào Thiên Chúa. Đây là việc làm tốt lành cần khuyến khích nhau làm việc tốt.

Lm Vũđình Tường

TiengChuong.org
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Vài nét về thủ đô Lima của Peru
Đặng Tự Do
05:46 12/01/2018
Theo chương trình, sau hơn 2 giờ bay từ thành phố Iquique của Chí Lợi, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ đến phi trường quốc tế Jorge Chavez của thủ đô Lima vào lúc 5h20 giờ địa phương. Tại đây sẽ diễn ra nghi thức đón tiếp chính thức Đức Thánh Cha. Sau nghi thức, Đức Thánh Cha sẽ về nghỉ đêm tại tòa Sứ Thần Tòa Thánh ở thủ đô Lima.

Lima / liːmə / là thủ đô và là thành phố lớn nhất của Peru. Nó nằm ở lưu vực 3 con sông Chillón, Rímac và Lurín, thuộc vùng duyên hải miền Trung, nhìn ra Thái Bình Dương. Lima, ngày nay bao gồm cả vùng hải cảng Callao, là khu vực đô thị đông dân nhất của Peru với hơn 10 triệu dân. Lima là thành phố lớn thứ ba ở châu Mỹ, chỉ sau São Paulo và thành phố Mễ Tây Cơ.

Lima được nhà thám hiểm Francisco Pizarro thành lập vào ngày 18 tháng 1 năm 1535, và gọi là thành phố Ciudad de los Reyes, tên một vị vua Tây Ban Nha. Đúng vào ngày ấy ông truyền cho khởi công xây dựng một đại đền thờ kính thánh Gioan Tông Đồ Thánh Sử. Ba năm sau ngôi thánh đường được hoàn tất. Trải qua bao nhiêu lần trùng tu, ngôi thánh đường vẫn đứng vững tới ngày nay và được nâng lên hàng Vương Cung Thánh Đường.

Năm 1540, thành phố được đổi tên lại là Lima. Sau khi giành được độc lập, Peru chọn nơi này làm thủ đô của Cộng hòa Peru. Khoảng một phần ba dân số quốc gia sống ở thành phố này.

Lima là nơi có một trường đại học thuộc hàng lâu đời trên thế giới. Đại học Quốc gia San Marcos, được thành lập vào ngày 12 tháng 5 năm 1551 thời thực dân Tây Ban Nha, là trường đại học hoạt động liên tục từ đó cho đến nay.

Vào ngày 24 tháng 5 năm 1940, một trận động đất phá huỷ hầu hết thành phố. Vào những năm 1940, Lima gần như được kiến thiết lại từ đầu nhưng thành phố được xây lại rất nhanh nhờ sự tăng trưởng các làn sóng di cư từ vùng Andean khi người dân nông thôn đổ xô về thành phố tìm kiếm cơ hội làm việc và giáo dục. Dân số ước tính khoảng 0.6 triệu vào năm 1940, đạt 1.9 triệu vào năm 1960 và 4.8 triệu vào năm 1980. Ngày nay, thành phố có hơn 10 triệu dân.

Vào tháng 10 năm 2013 Lima đã được chọn để đăng cai Thế vận hội Pan American 2019. Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thay đổi Khí hậu tháng 12 năm 2014 và cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ 1982 cũng đã được tổ chức tại Lima.

Tháng 10 năm 2015, Lima cũng được chọn để đăng cai cuộc họp thường niên của Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế.

Ngày 14 tháng 5 năm 1541, Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Tam thiết lập giáo phận Lima và bổ nhiệm Đức Cha Jerónimo de Loaysa làm Giám Mục tiên khởi. Chỉ 5 năm sau đó, ngày 12 tháng 2, 1546, Đức Phaolô Đệ Tam nâng giáo phận Lima lên hàng tổng giáo phận.

Hiện nay, tổng giáo phận Lima được coi sóc bởi Đức Hồng Y Juan Luis Cipriani Thorne. Ngài được Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II bổ nhiệm Tổng Giám Mục Lima ngày 9 tháng Giêng năm 1999 và hai năm sau đó ngài được vị Giáo Hoàng Ba Lan tấn phong Hồng Y.

Tổng giáo phận Lima hiện có 3,224,000 người Công Giáo trong tổng số 3,582,000 dân, chiếm tỉ lệ 90% dân số. Anh chị em giáo dân sinh hoạt trong 119 giáo xứ, do 591 linh mục coi sóc, trong đó có 174 linh mục triều và 417 linh mục dòng. Bên cạnh đó còn có 3 phó tế vĩnh viễn, 876 nam tu sĩ không có chức linh mục và 1275 nữ tu.
 
Bốn nhà thờ Công Giáo ở thủ đô Santiago bị đánh bom, rải truyền đơn dọa giết Đức Thánh Cha
Đặng Tự Do
11:47 12/01/2018
Nhà thờ Thánh Isabel Hoàng Hậu Hung Gia Lợi bị đánh bom cháy cửa ra vào
Truyền đơn dọa giết Đức Giáo Hoàng
Sáng sớm ngày thứ Sáu 12 tháng Giêng, chỉ vài ngày trước chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô, ba nhà thờ Công Giáo ở thủ đô Chí Lợi đã bị cháy vì bị đánh bom. Quả bom ở nhà thờ thứ tư được vô hiệu hóa trước khi phát nổ.

Các thủ phạm đã đặt các thiết bị gây ra hỏa hoạn vào cả ba nhà thờ ở Santiago, và trong một nhà thờ chúng đã để lại các truyền đơn đe dọa trực tiếp Đức Giáo Hoàng, và nói rằng sẽ có những quả bom tiếp theo được ném vào trong áo chùng của ngài.

Bà tổng thống Michelle Bachelet của Chí Lợi cho biết các vụ đánh bom này “rất lạ, bởi vì nó không phải là cái gì đó có thể được xác định với một nhóm cụ thể”.

Một số truyền đơn rải trong các nhà thờ được viết bằng tiếng Tây Ban Nha, nhưng với chữ “x” thay thế cho tất cả các chữ cái có thể nói lên giới tính của người viết. Đây là một thực hành tiêu biểu của những người tả phái cực đoan.

Một truyền đơn viết: “Chúng tôi sẽ không bao giờ khuất phục sự thống trị của ông trên cơ thể, ý tưởng và hành động của chúng tôi, bởi vì chúng tôi được sinh ra có tự do để chọn con đường mà chúng tôi muốn. Chống lại mọi tu sĩ nam nữ và chống lại mọi nhà truyền giáo. Cơ thể tự do, dâm ô và muốn làm gì thì làm.”

Các thủ phạm cho biết họ sẽ tấn công thứ “đạo đức ghê tởm” của Đức Giáo Hoàng bằng “ngọn lửa chiến đấu”.

Luận điệu này thường thấy trong các cuộc biểu tình ủng hộ các đề nghị nới rộng luật cho phép phá thai của tổng thống Michelle Bachelet.

Tuy nhiên, cùng trong những truyền đơn này cũng có những nội dung đấu tranh cho những tranh chấp đất đai của người Mapuche khiến người ta khó đoán ra thủ phạm. Những truyền đơn này viết tiếp:

“Tự do cho tất cả các tù nhân chính trị của thế giới! Giải phóng Wallmapu [một lãnh thổ của người bản địa]! Tự trị và kháng cự! Giáo Hoàng Phanxicô, sẽ có những quả bom tiếp theo trong áo chùng của ông!”

Cảnh sát đã vô hiệu hóa một quả bom tại một nhà thờ thứ tư. Những kẻ tấn công viết những chữ ngoằn nghèo trên tường thắc mắc về chi phí cho chuyến tông du của Đức Giáo Hoàng trong khi “người nghèo sắp chết đói”.

Tưởng cũng nên nói thêm là hôm 23 tháng Mười năm ngoái, ngoại trưởng Chí Lợi là bà Paula Narváez nói với báo chí là chính quyền Chí Lợi phải chi ra ít nhất là 7 tỷ Peso Chí Lợi, tức là khoảng 11 triệu Mỹ Kim cho chuyến tông du 3 ngày của Đức Thánh Cha. Đó là chưa kể con số 4 tỷ Peso Chí Lợi mà Giáo Hội Công Giáo nước này đã bỏ ra trước đó. Người ta không rõ động cơ thực sự của bà Paula khi công bố những con số này là gì. Cách thức hành xử của bà Paula trái với các thông lệ ngoại giao và ngay cả các chuần mực xã giao hàng ngày. Ta không mời khách đến nhà rồi lại rêu rao tốn bao nhiêu tiền để đãi khách. Những người tử tế không hành xử lạ lùng như vậy.

Thứ trưởng nội vụ Chí Lợi, là ông Mahmud Aleuy, nhận xét rằng cuộc tấn công nhắm vào bốn nhà thờ “có những điểm tương đồng nhưng không nhất thiết có quan hệ với nhau. Bạn thừa biết rằng ở đây có nhiều nhóm hoạt động độc lập.”
 
Tội lỗi của Luis Fernando Figari gây nhiều khó khăn cho chuyến tông du Peru của Đức Thánh Cha
Đặng Tự Do
17:47 12/01/2018
Tuyên bố của Tòa Thánh

Với một sắc lệnh được ban hành hôm Thứ Tư 10 tháng Giêng, Bộ Đời Sống Thánh Hiến Và Các Hiệp Hội Đời Sống Tông Đồ của Tòa Thánh đã chỉ định một ủy viên Tông Tòa coi sóc Sodalitium Christianae Vitae (SCV – Hiệp Hội Đời Sống Kitô). Đây là một hiệp hội tông đồ giáo dân có trụ sở tại Peru. Hiệp Hội đã rơi vào khủng hoảng kể từ khi người sáng lập bị buộc tội lạm dụng tình dục và tâm lý.

Một tuyên bố của Phòng Báo Chí Tòa Thánh cho biết Đức Giáo Hoàng đã theo dõi cẩn thận tất cả những thông tin nhận được về Hiệp Hội trong nhiều năm qua. Đức Thánh Cha “đã đặc biệt quan tâm đến mức độ nghiêm trọng của thông tin liên quan đến chính sách nội bộ, việc đào tạo và tình trạng quản lý kinh tế và tài chính”. Đó là cơ sở cho những chỉ thị nhất quán của ngài cho Bộ Đời Sống Thánh Hiến Và Các Hiệp Hội Đời Sống Tông Đồ chú tâm đặc biệt đến tình huống.

Luis Fernando Figari
Quyết định đặt Hiệp Hội dưới sự điều hành trực tiếp của một ủy viên Tông Tòa cũng chú ý đến các biện pháp mới nhất của hệ thống tư pháp Peru chống lại người sáng lập tổ chức là Luis Fernando Figari; và chỉ được đưa ra sau khi đã có “một phân tích sâu sắc” tất cả các tài liệu liên quan đến Hiệp Hội này.

Tân ủy viên Tông Tòa là Đức Cha Noel Antonio Londoño, dòng Chúa Cứu Thế, Giám Mục giáo phận Jericó, Colombia.

Bản tuyên bố của Văn phòng Báo chí lưu ý rằng Đức Hồng Y Joseph Tobin, Tổng giám mục của Newark, với tư cách là đặc sứ “ad nutum” (hành động theo chỉ thị của Đức Giáo Hoàng), sẽ tiếp tục là điểm tham chiếu cho Bộ Đời Sống Thánh Hiến Và Các Hiệp Hội Đời Sống Tông Đồ, đặc biệt là đối với các vấn đề kinh tế.

Hiệp Hội Đời Sống Kitô là gì?

Sodalitium Christianae Vitae (SCV) được thành lập như là một hiệp hội giáo dân ở Lima, Peru, năm 1971.

Các đạo luật của hiệp hội này như là một hiệp hội dành cho anh chị em tín hữu đã được thông qua vào năm 1977 và năm 1997 đã được phê chuẩn như một Hiệp Hội Đời Sống Tông Đồ được Tòa Thánh công nhận dành cho những người nam muốn sống đời thánh hiến và cho các linh mục.

SCV có đến 20,000 thành viên ở Peru, Á Căn Đình, Ba Tây, Colombia, Costa Rica, Chí Lợi, Ecuador, Ý và Hoa Kỳ.

Người sáng lập, Luis Fernando Figari, là một người có ảnh hưởng rất lớn trong các Giáo Hội tại Nam Mỹ. Ông đã từng được mời tham dự hai Thượng Hội Đồng Giám Mục: một lần về Bí Tích Thánh Thể năm 2005 và một lần khác về Kinh Thánh vào năm 2008. Ông cũng được mời làm cố vấn cho Hội Đồng Giáo Hoàng về Giáo Dân vào năm 2002.

Những cáo buộc

Một cuộc điều tra được những nhà lãnh đạo mới của Hiệp Hội công bố vào năm ngoái 2017 cáo buộc Figari đã phạm tội lạm dụng tình dục, thể chất và tâm lý đối với các thành viên của Hiệp Hội.

Báo cáo, được viết bởi ba chuyên gia và do lãnh đạo mới của tổ chức này công bố, cho biết ông Figari đã “lạm dụng tình dục ít nhất một thiếu niên, lạm dụng tình dục hoặc lôi kéo nhiều nam thanh niên khác, và lạm dụng thể chất hoặc tâm lý hàng chục người khác”. Báo cáo nói thêm rằng ông “đã sử dụng vị trí lãnh đạo của mình để chỉ đạo và kiểm soát độc đoán hầu hết các hội viên”.

Báo cáo cho biết có cả bốn cựu thành viên khác của phong trào này cũng đã lạm dụng tình dục.

Báo cáo năm 2017 cho thấy sự lạm dụng của Figari “xảy ra dưới chiêu bài cung cấp tư vấn tâm linh cho các nạn nhân”. Lạm dụng thể lý đã được sử dụng như là một cách để kỷ luật thành viên. Những người bị trừng phạt có thể bị cấm không cho ăn uống, buộc phải ngủ trên những bậc cầu thang, hoặc buộc phải thức suốt đêm. Các kỹ thuật huấn luyện kiểu quân sự đã được sử dụng, bao gồm cả bơi lội trong đại dương trong nhiều giờ.

Một số thành viên báo cáo rằng Figari dường như thích nhìn thấy những đau khổ của người khác. Ông ta thậm chí đã dùng nến đốt một hội viên hoặc đe dọa các thành viên với con chó của mình, mà nhiều người đã từng bị con chó này cắn nhiều lần.

Mặt khác, báo cáo cũng ghi nhận những khía cạnh tích cực, chẳng hạn, đa số các thành viên của phong trào “có một lòng đạo đức cao độ, được thu hút bởi Tin Mừng và những khía cạnh tích cực của SCV”.

SCV cũng từng đào tạo được nhiều linh mục.

Những hệ lụy

Vấn đề trở nên nghiêm trọng là vì báo chí tại Peru cáo buộc là Tòa Thánh đã nhận được các báo cáo từ năm 2011 nhưng không có hành động cụ thể nào. Về điểm này, Cha Federico Lombardi, nguyên giám đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh, giải thích với tờ Crux rằng sự chậm trễ này là do “sự phức tạp và sự đa dạng của các quan điểm và những cách diễn giải” liên quan đến những cáo buộc chống lại Figari cũng như các vấn đề pháp lý.

Các cơ quan tư pháp Peru đã bắt đầu điều tra những cáo buộc vào tháng 12 năm 2015, nhưng vì các nạn nhân không muốn lộ diện, đã bị buộc phải bỏ vụ án. Các nạn nhân lo sợ vụ việc không đi đến đâu: vì những lạm dụng xảy ra ở hải ngoại nằm ngoài thẩm quyền tài phán của Peru, họ tin rằng họ không có khả năng tìm được công lý. Tuy nhiên, ba trong số các nạn nhân đã xuất hiện trước các cơ quan điều tra của tổng giáo phận ở Lima hồi năm 2011. Ba người khiếu nại này cảm thấy thoải mái hơn với tiến trình điều tra của Giáo Hội vì danh tính họ được bảo mật.

Báo chí quay qua tấn công Đức Hồng Y Juan Luis Cipriani Thorne không báo cáo lên Tòa Thánh. Tuy nhiên, tổng giáo phận Lima đưa ra được các bằng chứng cho thấy tổng giáo phận đã báo cáo rất nhanh chóng vụ việc này. Các mũi dùi, do đó, lại hướng về Tòa Thánh.

Vào ngày 30 tháng Giêng năm 2017, Bộ Đời Sống Thánh Hiến Và Các Hiệp Hội Đời Sống Tông Đồ của Vatican đã truyền cho Figari “không được tiếp xúc với bất kỳ ai thuộc Sodalitium Christianae Vitae, và không được liên lạc trực tiếp với họ.” Nhiều người cho rằng quyết định này lẽ ra phải được đưa ra sớm hơn.

Ông Figari hiện nay đang cư ngụ tại Rôma và các cơ quan tư pháp Peru đang có lệnh truy nã đương sự.
 
Puerto Maldonado, tình trạng hủy hoại môi trường, bóc lột thiên nhiên và con người
Đặng Tự Do
19:53 12/01/2018
Thông thường, khi đến thăm một quốc gia, Đức Giáo Hoàng sẽ có cuộc gặp gỡ với các nhà lãnh đạo dân sự và ngoại giao đoàn trước khi có các cuộc gặp gỡ khác. Chương trình tông du của Đức Thánh Cha tại Peru ban đầu cũng được hoạch định như vậy. Tuy nhiên, vào giờ chót đã có những thay đổi lớn.

Sáng thứ Sáu, 19 tháng Giêng, sau thánh lễ sáng tại Tòa Sứ Thần ở thủ đô Lima, lúc 8h30, Đức Thánh Cha sẽ đáp máy bay đi Puerto Maldonado. Nơi đây, ngài sẽ có cuộc gặp gỡ với các sắc dân thiểu số vùng Amazon tại sân vận động Mẹ Thiên Chúa, gặp dân chúng địa phương ở Viện Jorge Basadre, thăm trung tâm chăm sóc trẻ em Hogar Principito, và dùng bữa trưa với các đại diện thổ dân miền Amazon ở trung tâm mục vụ Apaktone trước khi lên máy bay trở về Lima để có cuộc gặp gỡ với các nhà lãnh đạo dân sự và ngoại giao đoàn vào ban chiều.

Chữ Maldonado bao gồm hai từ mal là xấu xí, và donado là “được cho”. Trong tiếng Tây Ban Nha maldonado thường được dùng để chỉ những người xấu xí hay ngu xuẩn. Puerto nghĩa là một cảng (port). Tuy nhiên, Puerto Maldonado không có ý chỉ một cảng nhìn không có cảm tình lắm. Tên Maldonado được đặt để vinh danh nhà thám hiểm Faustino Maldonado.

Amazon là rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới. Hai khu rừng nhiệt đới tiếp theo, ở Congo và Indonesia, kết hợp lại cũng không bằng.

Lưu vực Amazon bao gồm 7 triệu cây số vuông, trong đó có 5.5 triệu cây số vuông được rừng nhiệt đới bao phủ. Khu vực này bao gồm lãnh thổ thuộc 9 quốc gia, trong đó 60% rừng Amazon nằm trong lãnh thổ Ba Tây, 13% thuộc Peru, 10% thuộc Colombia, và phần còn lại thuộc về Venezuela, Ecuador, Bolivia, Guyana, Suriname và Guiana thuộc Pháp.

Đây là một vài hình ảnh giúp ta hình dung rừng Amazon lớn đến cỡ nào: Diện tích rừng Amazon có thể bao phủ 40 tiểu bang lớn nhất của Hoa Kỳ; hay là 40% lục địa Nam Mỹ.

Sông Amazon là con sông lớn nhất thế giới. Nó có hơn 1,100 nhánh, trong số đó 17 nhánh dài hơn 1600 km. Những nhánh này sẻ ngang, sẻ dọc khu rừng Amazon.

Vấn nạn lớn nhất trong khu vực này là tình trạng khai thác thiên nhiên bừa bãi, gây ra những thiên tai nghiêm trọng mà chung cuộc là những người nghèo trong khu vực phải lãnh đủ. Bên cạnh đó còn có tệ nạn cướp bóc đất đai của người nghèo và bóc lột nhân công, đặc biệt là nhân công trẻ em.

Ngày 12 tháng 2 năm 2005, nữ tu Dorothy Mae Stang, người Mỹ, là một thành viên của dòng nữ Notre Dame de Namur bị sát hại tại Anapu, một thành phố thuộc bang Pará, thuộc lưu vực sông Amazon của Brazil. Sơ Dorothy đã nỗ lực đấu tranh cho người nghèo và môi trường, và trước đó đã nhận được những lời dọa giết từ những người khai thác gỗ và các chủ đất. Nhiều bộ phim đã được làm để ca ngợi chị; và án phong thánh tử vì đạo cho chị đang được tiến hành tại Bộ Tuyên Thánh của Vatican.

Puerto Maldonado là một thành phố ở đông nam Peru trong vùng rừng Amazon, cách biên giới Bolivia 55km; nằm ở hợp lưu của hai con sông Tambopata và Madre de Dios (Mẹ Thiên Chúa). Đây là thủ phủ của vùng Madre de Dios.

Gần đó là Vườn Quốc gia Manu, Khu bảo tồn Quốc gia Tambopata và Vườn Quốc gia Bahuaja-Sonene, được thành lập để bảo vệ tài nguyên thiên nhiên là những cánh rừng nguyên sinh nhất trên thế giới.

Trong những thế kỷ trước, đường giao thông đến miền Madre de Dios rất khó khăn. Do đó, những cánh rừng nguyên sinh này không bị xâm phạm.

Khu vực này chỉ được khám phá trong thời kỳ bùng nổ việc khai thác cao su vào cuối thế kỷ 19. Một trong các ông trùm cao su hoạt động trong khu vực này là Carlos Fermín Fitzcarrald. Trong một chuyến thám hiểm, Fitzcarrald đã tìm được cách vận chuyển cao su dọc theo sông Madre de Dios, rồi vào một chi lưu của sông Amazon để đến cảng Atlantic và thị trường xuất khẩu. Ông cũng xác định Puerto Maldonado là một địa điểm chiến lược. Ông qua đời vào năm 1897 khi con tàu Contamana của ông bị chìm tại địa điểm nơi Puerto Maldonado sau đó được thành lập.

Năm 1901, chính phủ Peru đã thành lập một ủy ban để khám phá rừng nhiệt đới của quốc gia này. Don Juan Villalta dẫn đầu cuộc thám hiểm dọc theo con sông Tambopata, và ông đã đề nghị với chính phủ chính thức thành lập Puerto Maldonado vào ngày 10 tháng 7 năm 1902.

Ông đã đặt tên cho cảng đường sông này là Maldonado để vinh danh nhà thám hiểm Faustino Maldonado, là người đã khám phá vùng Madre de Dios vào năm 1861 và bị chết đuối trên sông Mamoré.

Thị trấn Madre de Dios được chính thức thành lập theo sắc luật ngày 26 Tháng Mười Hai năm 1912, và Puerto Maldonado được chọn là trung tâm hành chính. Năm 1985, thị trấn này được chính thức công nhận là một thành phố.

Cũng như các nơi khác trong vùng Amazon, vấn nạn lớn nhất tại Puerto Maldonado là tình khai thác thiên nhiên bừa bãi, bóc lột nhân công, đặc biệt là nhân công trẻ em; và tình trạng nhiều thiếu nữ phải hành nghề mãi dâm để nuôi sống gia đình.

Cha Xavier Arbex de Morsier là một nhà truyền giáo người Thụy Sĩ. Ngài đã cống hiến 45 năm đời mình sống ở Pêru, và là một tiếng nói mạnh mẽ tố cáo sự khai thác trẻ em và môi sinh. Cha đã dùng tiền gia tài của cha mẹ mình để thành lập Hogar Principito (nhà dành cho các hoàng tử nhỏ), một nhà chăm sóc cho khoảng 250 trẻ em từ 3 đến 25 tuổi, và cả các thiếu nữ muốn thoát khỏi nghề mãi dâm. Đó là nơi Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ viếng thăm ngày 19 tháng Giêng. Dịp này, cha Xavier sẽ có hân hạnh đọc một diễn từ trước Đức Thánh Cha.

Trong một cuộc phỏng vấn dành cho tờ Jean-Claude Gerez, cha cho biết có nhiều người dân trong vùng sống nhờ việc khai thác mỏ không chính thức và bất hợp pháp mà mỗi năm có thể sản xuất hàng chục tấn vàng. Những người dân lành ở đây bị bóc lột thê thảm, nhất là các trẻ em. Tuy nhiên, họ lại hài lòng với việc bị bóc lột như vậy. Thậm chí, cha Xavier cho biết khi hay tin Đức Giáo Hoàng đến thăm vùng này họ sợ lắm. Ngài nói:

“Theo tôi nghĩ, thì trong thâm tâm người dân không muốn Đức Giáo Hoàng đến đây. Họ không nói lên, nhưng chúng tôi nhìn ra được. Dân chúng nghĩ rằng Đức Giáo Hoàng đến để lên án sự khai thác quặng mỏ và phá rừng bất hợp pháp cùng với các hệ quả xã hội và môi sinh. Họ sợ sau chuyến đi của Đức Giáo Hoàng, chính quyền có lý do để mang quân đội đến càn quét, làm cho họ mất công ăn việc làm.”

Ngày 5 tháng Giêng năm 1900, Đức Giáo Hoàng Lêô thứ 13, ban hành sắc lệnh thành lập miền Phủ Doãn Tông Tòa San Domingo de Urubamba và cử Cha Ramón Zubieta y Les coi sóc. Ngài được tấn phong Giám Mục một năm sau đó. Đến ngày 4 tháng 7 năm 1913, Đức Giáo Hoàng Piô thứ 10, nâng miền Phủ Doãn Tông Tòa San Domingo de Urubamba lên miền Giám Quản Tông Tòa Mẹ Thiên Chúa. Ngày 10 tháng Ba năm 1949, Đức Giáo Hoàng Piô thứ 12 truyền đặt tên lại là miền Giám Quản Tông Tòa Puerto Maldonado.

Hiện nay, miền Giám Quản Tông Tòa Puerto Maldonado do Đức Cha David Martínez De Aguirre Guinea, dòng Đa Minh, coi sóc cùng với 55 linh mục trong đó có 29 linh mục triều và 26 linh mục dòng. Miền Giám Quản Tông Tòa Puerto Maldonado được chia thành 22 giáo xứ. Bên cạnh các linh mục còn có 32 nam tu sĩ không có chức linh mục và 35 nữ tu.
 
Phép lạ tại Damascus: Chúa Quan Phòng cứu Đức Tổng Giám Mục và các nữ tu thoát chết trong gang tấc
Đặng Tự Do
21:03 12/01/2018
Đức Tổng Giám Mục Công Giáo Nghi Lễ Maronite của thủ đô Damascus đã thoát khỏi cái chết chỉ trong gang tấc khi một quả hoả tiễn rơi xuống giường ngài trong khi ngài chuẩn bị ngủ trưa.

Trong một email gởi cho các tín hữu Công Giáo Nghi Lễ Maronite, được thông tấn xã Independent Catholic News trích thuật, Đức Tổng Giám Mục Samir Nassar nói rằng hôm 8 tháng Giêng ngài định đi ngủ trưa thì cảm thấy nóng nực nên đi tắm. Trong lúc còn đang ở trong phòng tắm thì một quả hỏa tiễn do phiến quân bắn vào thành phố rơi đúng ngay chiếc giường của ngài, và xé toạc nó tan tành.

Sức công phá của quả hỏa tiễn cũng làm bể 43 cửa sổ và cửa ra vào và làm bể nát các bồn chứa nước và nhiên liệu.

Vị tổng giám mục nói rằng các linh mục của ngài chạy đến nơi tiếp cứu đã gào lên trong vui mừng khi thấy ngài lóp ngóp bò lên từ đống đổ nát mà không bị thương.

Đức Tổng Giám Mục nói: “Chúa Quan phòng chăm sóc cho đầy tớ thấp hèn của Ngài”.

Tòa Giám Mục bị đổ nát không thể cư ngụ nổi. Do đó, Đức Tổng Giám Mục nói thêm ngài hiện đang “bị lưu đày như 12 triệu người tị nạn Sy-ria”.

Ngài kết luận bằng một lời tạ ơn: “Cảm ơn Chúa cho con một khởi đầu mới. Cuộc sống của con thuộc về Chúa”

Một số nữ tu ở Damascus do sơ bề trên Annie Demerijan hướng dẫn cũng đang di tản khỏi Damascus. Các chị cũng cho biết đã thoát chết tương tự như thế.
 
Trujillo, thành phố của mùa xuân vĩnh cửu, chặng chót trong chuyến tông du thứ 22 của Đức Thánh Cha
Đặng Tự Do
21:36 12/01/2018
Trujillo là thành phố thứ ba và cũng là thành phố sau cùng được Đức Thánh Cha Phanxicô viếng thăm trong chuyến tông du thứ 22 của ngài tại Chí Lợi và Peru.

Sáng thứ Bẩy, 20 tháng Giêng, lúc 7h40, Ðức Thánh Cha sẽ bay đến thành phố Trujillo cách thủ đô Lima 490 cây số về hướng bắc để cử hành thánh lễ lúc 10h tại quảng trường Huanchaco cạnh bờ biển. Sau đó, ngài đến thăm những người đồng hương của mình tại khu Buenos Aires. Ban chiều, lúc 3h, ngài viếng nhà thờ chính tòa địa phương và gặp gỡ các linh mục, tu sĩ nam nữ và chủng sinh thuộc giáo tỉnh miền bắc Peru tại Chủng viện thánh Carlo và Marcelo. Hơn một giờ sau đó, lúc 4h45, Ðức Thánh Cha chủ sự buổi phụng vụ kính Ðức Mẹ Hải Cảng ở quảng trường quân đội rồi đáp máy bay trở về thủ đô Lima lúc 6h15.

Trujillo là một thành phố duyên hải thuộc vùng tây bắc Peru và là thủ phủ của vùng La Libertad. Đây là thành phố đông dân thứ ba của Peru. Nó nằm trên bờ sông Moche, gần cửa sông đổ ra Thái Bình Dương.

Trujillo được tuyên bố độc lập khỏi người Tây Ban Nha tại Trung tâm Lịch sử Trujillo vào ngày 29 tháng 12 năm 1820, và thành phố này đã được Quốc hội Peru công nhận vào năm 1822 với danh hiệu “Thành phố đáng kính và trung thành với Tổ quốc” vì vai trò định đoạt của thành phố này trong cuộc đấu tranh cho sự độc lập của Peru.

Trujillo cũng là nơi khai sinh ra hệ thống tư pháp Peru, và nó đã từng được chỉ định làm thủ đô của đất nước trong hai lần khác nhau. Đây cũng là nơi xảy ra cuộc cách mạng Trujillo năm 1932 của giới thợ thuyền. Vì thế, Trujillo được coi là “cái nôi của tự do và cái nôi của nền tư pháp Peru”.

Trujillo còn được gọi là “Thành phố của mùa xuân vĩnh cửu”, “Thủ đô của Marinera” - một điệu múa truyền thống ở Peru - “Cái nôi của ngựa Paso ở Peru,” cũng như “Thủ đô Văn hoá Peru”.

Trujillo đã đăng cai rất nhiều sự kiện văn hoá quốc gia và quốc tế. Các lễ hội hiện nay bao gồm “Lễ hội Marinera Quốc gia”, Lễ hội mùa xuân Trujillo và Lễ hội Sách Quốc tế, là một trong những sự kiện văn hoá quan trọng nhất trong nước.

Nhà thờ chính tòa của tổng giáo phận Trujillo và 10 nhà thờ khác được xây từ thời thuộc địa Tây Ban Nha được coi là các di sản lịch sử quốc gia.

Từ năm 2011, thành phố đã và đang phát triển dự án thí điểm Trujillo nhằm cải thiện an toàn và giao thông công cộng thông qua công nghệ điện toán.

Ngày 15 tháng 4 năm 1577, Đức Giáo Hoàng Grêgôriô thứ 13 ra sắc lệnh thành lập giáo phận Trujillo và bổ nhiệm Đức Cha Alonso Guzmán y Talavera làm giám mục tiên khởi. Giáo phận Trujillo được Đức Thánh Cha Piô thứ 12 nâng lên hàng tổng giáo phận vào ngày 23 tháng 5 năm 1943.

Trong tổng số 1,535,800 dân, có 1,229,855 người Công Giáo, chiếm tỉ lệ 80.1%. Tổng giáo phận có 74 giáo xứ dưới quyền cai quản của Đức Tổng Giám Mục Héctor Miguel Cabrejos Vidarte, dòng anh em hèn mọn, cùng với 133 linh mục, trong đó có 73 linh mục triều và 60 linh mục dòng. Bên cạnh đó, còn có một phó tế vĩnh viễn, 129 nam tu sĩ không có chức linh mục và 188 nữ tu.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Phỏng vấn Đức Cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng về ngày Quốc tế Di dân
Nữ tu Maria Nguyễn Thị Minh Du
00:34 12/01/2018
Ngày 14/1 hàng năm là ngày quốc tế Di dân. VietCatholic có được những giây phút hiếm hoi được Đức Cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng- Chủ tịch Ủy Ban Di Dân trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam dành cho VietCatholic cuộc phỏng vấn về những hoạt động Di dân của Giáo Hội Việt Nam nhân ngày quốc tế này.

Nt. Maria Minh Du: Chúng con xin kính chào Đức Cha, thay mặt cho Anh Chị Em độc giả VietCatholic, chúng con kính gửi đến Đức Cha lời chào trong Đức Kitô.

Kính thưa Đức Cha, ngày quốc tế di dân năm nay Đức Cha có những hoạt động gì cho người di dân trên toàn diện lãnh thổ VN không và các giáo phận tổ chức ngày di dân như thế nào ạ?

Đức Cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng: Tại VN có 26 giáo phận, mỗi giáo phận đều có một linh mục đặc trách di dân, nhưng thường là những di dân xuất cư; vì giáo phận nào cũng có người đi học hay đi làm việc ở nơi khác. Chỉ có một số giáo phận lớn mới có di dân nhập cư như : Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Tp. HCM; người dân, nhất là giới trẻ, đến những thành phố lớn để học tập và làm việc. Vì thế, mỗi giáo phận tùy hoàn cảnh tổ chức ngày di dân. Riêng tại Saigon số di dân nội địa đông nhất nước (khoảng 5 triệu người), có tổ chức “Tuần Lễ Di Dân”

- Chúa Nhật 07/01/2018 : Khai mạc tại Tu Viện Don Bosco Bến Cát: 258/3 Dương Quảng Hàm, P.5, Gò Vấp – từ 13g00 đến 20g30

- Chúa Nhật 14/01/2018 : Bế mạc tại Tại Giáo xứ Phaolô, số 280 đuờng Vành Đai Trong, khu phố 3, phuờng Bình Trị Đông B, Q.Bình Tân – từ 14g00 đến 20g00

- Chương trình sinh họat trong tuần : (Từ Chúa Nhật 07/01/2018 đến Chúa Nhật 14/01/2018) (tại các giáo xứ có đông di dân) :

- Chầu Thánh Thể - cầu nguyện Taize .

- Học hỏi sứ diệp di dân 2017 của Đức Thánh Cha Phanxicô

- Đọc kinh phòng trọ - chia sẻ Lời Chúa và các sinh họat chung tại nhà thờ.

* Đối tượng đặc biệt năm nay: các gia đình di dân trẻ

Nt. Maria Minh Du: Đó là những sinh hoạt dành cho di dân người Việt mình. Vậy thưa Đức Cha, đối với Anh Chị Em ngoại kiều Công Giáo đang sinh sống tại Saigon thì chúng ta có những hoạt động gì dành cho họ trong tuần lễ đặc biệt này không ạ?

Đức Cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng: Đây là những người nước ngoài đến làm việc tại Tp. HCM được chia làm 5 nhóm ngôn ngữ chính : Anh, Pháp, Hàn, Đức, Ý.

Chiều thứ bảy 13-01-2018 (từ 15g00 đến 18g00) tại Trung tâm Mục vụ của Tổng Giáo phận có buổi Gặp gỡ Đức tin cho các cộng đoàn ngôn ngữ: Anh, Pháp, Hàn, Đức, Ý. Chương trình buổi Gặp gỡ Đức tin như sau:

+15g00 - 16g30: Tôi có cuộc gặp gỡ với anh chị em. Mỗi cộng đoàn sẽ cử đại diện trình bày về lịch sử và sinh hoạt của cộng đoàn tại thành phố này.

+ 17g00: Thánh lễ chung bằng tiếng Anh (mỗi cộng đoàn hát 1 bài trong Thánh lễ); Ca nhập lễ: tiếng Anh, Thánh vịnh đáp ca: tiếng Đức, Dâng lễ: tiếng Hàn, Hiệp lễ: tiếng Pháp, Kết lễ: bài hát đa ngôn ngữ.

Thánh lễ đồng tế do Đức Tổng Giám Mục Phaolô Bùi Văn Đọc chủ tế. Tôi giảng lễ cùng đồng tế có quý cha đang phụ trách giúp các cộng đoàn di dân ngoại kiều.

- Sáng Chúa Nhật 14-01-2018 (đúng ngày Quốc Tế di dân 2018) Tối sẽ chủ sự thánh lễ tiếng Anh cho cộng đồng người nước ngoài tại Nhà thờ Chánh Tòa Sàigòn.

Nt. Maria Minh Du: Sứ điệp di dân ngày 14/8/2017 của Đức Thánh Cha Phanxico, Ngài kêu gọi tiếp đón, bảo vệ, thăng tiến và hội nhập người di dân và tị nạn. Vậy với đặc thù của GHVN chúng ta sẽ áp dụng sứ điệp ấy như thế nào ạ ? Cha nhắm đến điều gì đặc biệt cho người di dân năm nay?

Đức Cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng: Hưởng ứng lời mời gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô trong Sứ điệp di dân ngày 14/8/2017 với 4 hành động : tiếp đón, bảo vệ, thăng tiến và hội nhập người di dân, Ủy ban Di Dân của HĐGMVN tập trung vào 2 chương trình chính :Chương trình 1: Phổ biến và áp dụng Văn bản Hướng dẫn Mục vụ Di dân vừa được HĐGMVN phê chuẩn cho thử nghiệm trong 2 năm, vào kỳ họp HĐGMVN tháng 10/2017. Để anh chị em di dân được tiếp đón, bảo vệ, thăng tiến và hội nhập, đặc biệt trong lãnh vực đời sống đức tin, cần có sự thống nhất về mục vụ di dân trong tất cả cá giáo phận (nơi xuất cư và nhập cư). Có thể tìm được Văn bản Hướng dẫn Mục vụ Di dân tại trang Web của HĐGMVN: http://hdgmvietnam.org/huong-dan-muc-vu-di-dan/9207.32.21.aspx hay http://www.mucvudidan.com/vi/

Dự tính có một Đại hội Toàn quốc tại Trung Tâm Mục vụ Tổng giáo phận Sàigòn từ ngày 23 đến 26/4/2018; trong đó đại diện của Ủy ban Di dân của 26 giáo phận gặp gỡ, học hỏi, chia sẻ… đặc biệt là áp dụng Văn bản Hướng dẫn Mục vụ Di dân thế nào.

Chương trình 2: Khảo sát thực trạng di dân tại VN, để có thể có được những chương trình cụ thể nhằm tiếp đón, bảo vệ, thăng tiến và hội nhập người di dân. Ủy Ban Di Dân VN có nhờ Giáo sư Nguyễn Đức Lộc, Phó giáo sư Tiến sĩ chuyên ngành Nhân học, Chuyên gia nghiên cứu các vấn đề xã hội đương đại viết một phần mềm ứng dụng (apps) trên Smartphone, được giới thiệu và phổ biến trên : ICAN.COM.VN (Mạng lưới thông tin dịch vụ xã hội). Với ứng dụng này, các bạn di dân tại Tp.HCM (phần đông là giới trẻ) có thể dùng SmartPhone của mình vào trang ICAN.COM.VN để cung cấp thông tin về mình (tên, tuổi, làm gì, đang ở đâu, thuộc giáo xứ nào, cần nhu cầu gì…). Nhờ đó Ủy Ban Di Dân có thể biết được tình hình cụ thể của những người di dân, từ đó có thể có những chương trình cụ thể giúp đỡ họ. Xin xem Hướng Dẫn Sử Dụng Ican.com.vn (trên YouTube) https://www.youtube.com/watch? v=WWq3HawZ1Rs

Tổng Giáo phận Sàigòn có 230 giáo xứ, trong đó 35 giáo xứ ở ngoại ô là có nhiều anh chị em di dân nhập cư nhất. Ủy Ban Di Dân phối hợp với Ban Caritas của 35 giáo xứ trên để thực hiện Khảo sát này.

Vào Chúa Nhật 14-1-2018, ngày Bế mạc “Tuần lễ Di dân” tại giáo xứ thánh Phaolô, sẽ chính thức giới thiệu cho các bạn di dân về “Ứng dụng Khảo sát Di dân”, và thực tập ngay trên Smartphone của mình. Chương trình Khảo sát này sẽ áp dụng trước hết tại Tổng giáo phận Sàigòn (tại 35 giáo xứ với sự hỗ trợ của Ban Caritas), sau đó sẽ lần lượt áp dụng tại các giáo phận khác.

Nt. Maria Minh Du: Điều gì làm Đức cha quan tâm và lo lắng cho người di dân nhất ạ?

ĐC Giuse Đỗ Mạnh Hùng: Trước thực trạng 5 triệu người di dân tại Tp. HCM, trong đó có hơn 300.000 người Công Giáo, có 2 nhu cầu cho đời sống đức tin của di dân tại Tp.HCM là cơ sở : cần thiết lập những giáo điểm tại những vùng ngoại ô của thành phố, để có thể “đón tiếp” anh chị em di dân đang tuôn về những nơi này (có những khu công nghiệp mới…). Có những chỗ phải đi từ 10-15km mới có nhà thờ để tham dự lễ Chúa Nhật. Khi có bệnh nhân hấp hối cần linh mục xức dầu, thì thật khó khăn… Cả Tổng giáo phận Sàigòn, với chương trình Truyền giáo do Đức Tổng Giám Mục Phaolô đề xuất, đang nỗ lực xây dựng những giáo điểm này. Thứ đến là nhân sự : cần có và đào tạo nhân sự (linh mục, tu sĩ, giáo dân) để phục vụ tại các giáo điểm này. Ngoài ra Ủy ban Di dân đang cộng tác với Ủy ban Caritas và Ủy ban Truyền giáo trong công tác phục vụ anh chị em di dân.

Chúng con xin chân thành cám ơn Đức Cha đã dành thời gian quý báu cho quý vị Độc giả VietCatholic được chia sẻ những hoạt động, những hướng đi và những công việc của Ủy Ban Di Dân đã, đang và sẽ thực hiện. Nguyện xin Thiên Chúa ban cho Đức Cha dồi dào sức khỏe thể xác và tinh thần; cũng như cho những công việc mà Ủy Ban Di Dân đang và sẽ làm luôn được Thiên Chúa chúc lành hầu mang lại nhiều lợi ích thiêng liêng cho Anh Chị Em Di Dân.

ĐC Giuse Đỗ Mạnh Hùng: Xin cảm ơn Sơ Minh Du, cám ơn Quý vị Độc giả VietCatholic. Nguyện xin Thiên Chúa hằng chúc lành cho Anh Chị Em.

Saigon 12/1/2018
Nữ tu Maria Nguyễn Thị Minh Du
Dòng Đa Minh Rosa Lima
 
Hai mục sư VN lão thành theo đạo Tin Lành xin về đạo Công Giáo
Thanh Phong / Viễn Đông
16:41 12/01/2018
"Đây không phải tôi cải đạo mà là trở về cái nhà nguyên thủy của mình"

LITTLE SAIGON - Xuất thân trong một gia đình mà thân phụ là cố Mục Sư Nguyễn Văn Xuân, người sáng lập Hội Thánh Cơ Đốc Phục Lâm Việt Nam, và mở Bệnh Viện Cơ Đốc Phục Lâm đầu tiên tại Saigon trước 1975, Mục Sư Nguyễn Quang Minh đã theo thân phụ hầu việc Chúa từ năm lên 8 tuổi, đến năm 18 tuổi trở thành nhà truyền đạo (sau này là Mục Sư), tính đến nay ông vừa tròn 80 tuổi.

Mục Sư Nguyễn Quang Minh và linh mục Anh Giáo Minh Hạnh tại tòa soạn Viễn Đông ngày thứ Ba, 9 tháng 1, 2018.


Tuy bị đau yếu nhưng tinh thần Mục Sư vẫn còn sáng suốt, ông cùng với Mục Sư Hà Cẩm Đường, cả hai xin trở về đạo Công Giáo.

Tin này được loan ra, chắc chắn sẽ gây chấn động trong các Hội Thánh Tin Lành và Công Giáo, vì Mục Sư Nguyễn Quang Minh là vị Mục Sư lão thành đã có 60 năm truyền giáo.

Nhật báo Viễn Đông đã mời Mục Sư Nguyễn Quang Minh đến tòa soạn vào trưa thứ Ba, ngày 9 tháng 1, 2018, để xin Mục Sư cho biết nguyên nhân nào khiến Mục Sư trở về đạo Công Giáo. Cùng đi với Mục Sư có hiền thê của ông là bà Minh Hạnh, linh mục Anh Giáo đang phục vụ cộng đồng Mỹ, Việt tại nhà thờ Saint Anlsem, Garden Grove. Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn của chúng tôi với Mục Sư Nguyễn Quang Minh.

Viễn Đông: Xin Mục Sư cho biết ý định trở về đạo Công Giáo đã có từ bao giờ?

MS. Nguyễn Quang Minh: Tôi đã có ý định này từ lâu. Trước đây Đức Ông Nguyễn Đức Tiến với chúng tôi rất thân và Đức Ông thương mến chúng tôi, chúng tôi cũng rất qúy mến, kính trọng Đức Ông. Trong buổi mừng Đức Ông 80 tuổi, ngài có mời chúng tôi đến dự và đặt ngồi ở hàng ghế danh dự. Một vài lần Đức Ông và chúng tôi cũng nói chuyện với nhau về Kinh Thánh, Đức Ông Tiến cũng mong muốn tôi trở về đạo Công Giáo nhưng tôi nói với ngài, tôi cần thời gian suy nghĩ, và tôi đã cầu nguyện xin Chúa soi sáng, đồng thời nghiên cứu Kinh Thánh và có ý muốn trở về đạo Công Giáo là đạo do chính Chúa Giêsu thành lập từ trên 2000 năm nay.

VĐ: Với suy nghĩ như vậy, Mục Sư đưa ra quyết định trở về đạo Công Giáo vào lúc nào?

MS. Minh: Tôi đã ngỏ ý đó với Đức Ông Tiến và không may, bệnh tình Đức Ông ngày càng suy sụp. Khi biết tin ngài đang hôn mê, chúng tôi lại thăm ngài ngay nhưng không còn nói chuyện với nhau được nữa. Tôi có thầm hứa với Đức Ông bên giường bệnh là tôi sẽ trở về đạo Công Giáo. Tôi cho thân nhân của Đức Ông Tiến biết, và người nhà Đức Ông mời một linh mục đến gặp tôi, đó là cha Joseph Nguyễn Thái. Tôi và cha Thái đã cùng nhau cầu nguyện cho Đức Ông Tiến, và từ đó đến nay tôi và cha Thái vẫn liên lạc với nhau.

VĐ: Phản ứng của cha Thái như thế nào, thưa Mục Sư?

MS. Minh: Cha Thái rất vui, cha xưng em với tôi và hứa sẽ trình với Đức Cha Mai Thanh Lương thu xếp cho tôi sớm được toại nguyện, nhưng chưa kịp thì Đức Cha Lương lại qua đời, bây giờ chỉ còn cha Thái lo cho tôi, và cha có hứa sẽ lo các nghi thức cho tôi trở về đạo Công Giáo theo giáo luật Công Giáo.

VĐ: Mục Sư có cho biết, ngoài Mục Sư còn có một Mục Sư lão thành khác cũng xin trở về đạo Công Giáo. Xin cho biết vị ấy là ai?

MS. Minh: Đó là Mục Sư Hà Cẩm Đường, vị này nguyên là một Đại Đức Phật Giáo, theo Tin Lành từ khi còn ở bên đảo, và khi sang Mỹ học đạo rồi được phong Mục Sư, cùng giảng đạo với tôi trên Youtube. Tôi có cho Mục Sư Hà Cẩm Đường biết ý định của tôi, lúc đầu Mục Sư Đường hơi giật mình, nhưng sau đó tôi với MS Đường tâm sự với nhau nhiều về thần học, và nhất là câu mà người Công Giáo khi nói đến Tin Lành thì thường gọi là “Anh em Tin Lành,” ngược lại, không bao giờ người Tin Lành gọi người Công Giáo là anh em. Chúng ta không phải có một Cha chung là Thiên Chúa hay Đức Chúa Trời hay sao? Họ quên rằng các đạo Tin Lành đều tách ly ra khỏi đạo Công Giáo mới 400 năm nay sao? Kinh Thánh Tin Lành từ Công Giáo mà ra, Giáo Lý cũng ra cùng một Kinh Thánh. Sau đó, Mục Sư Hà Cẩm Đường rất mừng, đồng ý sẽ theo tôi cùng trở về đạo Công Giáo, và chắc tôi sẽ phải nhờ cha Thái hay một cha nào trên San Jose lo việc này cho Mục Sư Hà Cẩm Đường vì ông đang phục vụ trên đó.

VĐ: Xin cho biết nguyên do nào thúc đẩy Mục Sư trở về đạo Công Giáo?

MS. Minh: Tôi có cái may mắn là đã phục vụ Chúa 60 năm, qua bảy Giáo Hội, gần đây là Giáo Hội Luther; sau giáo hội Luther lại qua Anh Giáo vì nhà tôi được bổ nhiệm linh mục Anh Giáo nên tôi cũng qua tìm hiểu và càng nghiên cứu, tìm hiểu tôi càng thấy Anh Giáo giống Công Giáo đến 90% chỉ có cái là không có Đức Giáo Hoàng mà thôi. Tôi đã đi qua nhiều Giáo Hội nên càng lúc càng thấy nó gần với Công Giáo, thực sự tôi cũng nói với các cha cũng như các bạn bè rằng, tôi không có “cải đạo..” Đây là mình đi về cái nhà nguyên thủy của mình.

Rất nhiều người Tin Lành không biết điều này; họ chỉ giống như là sản phẩm của một cái hoa lan trên cây cổ thụ thôi, chỉ biết enjoy cái đẹp của hoa lan nhưng mà không biết cái móc nối với cây đại thụ, cái đó là cái nguồn gốc, mà Giáo Hội Công Giáo xuất phát ra từ thời Chúa Giêsu và mười hai Tông Đồ, mới có Hội Thánh đầu tiên với Thánh Phêrô làm đầu và sau này các Đức Giáo Hoàng kế nhiệm thánh Phêrô.

Tôi thấy việc bầu chọn vị Giáo Hoàng một cách dân chủ, tôi rất thích. Bên Công Giáo rất hiệp nhất và có hệ thống tổ chức từ trên xuống dưới. Còn bên Tin Lành rất khó hiệp nhất là đương nhiên rồi mà cũng không thống nhất về thần học nữa, thành ra mỗi một Hội Thánh Tin Lành có cách giải nghĩa Kinh Thánh khác nhau, nếu mà thả ra thì ai xét cái nào đúng cái nào sai? Thành ra mình thấy quý Công Giáo ở chỗ thống nhất về tổ chức, thống nhất về thần học và nếu có điều gì thì Đức Giáo Hoàng là người có ý kiến cuối cùng nhưng không phải mình ngài quyết định, mà còn có Hội Đồng Tòa Thánh, có hàng trăm Hồng Y, Tổng Giám Mục, Giám Mục.

Về Tin Lành, cái này nó liên quan đến thần học mà tôi học 9 năm thần học và thấy cũng không có cái gì mà trách cứ anh em, họ làm việc hết sức, làm việc với hết tấm lòng kể cả các Mục Sư nhưng nhiều khi vì công ăn việc làm, đa số Mục Sư bên này đều lãnh lương từ trước đến giờ, kể cả ở VN thành ra ăn cây nào phải rào cây đó. Còn tôi, từ 60 năm nay tôi không có chịu ảnh hưởng tiền bạc gì của bất cứ Giáo Hội nào, tôi hầu việc Chúa như thời thánh Phaolô, cái tinh thần nó là như vậy.

VĐ: Khi ngỏ ý trở về đạo Công Giáo, Mục Sư có nhận được ý kiến hay phản ứng gì của các Mục Sư khác?

MS. Minh: Quả thật, đây là một quyết định đòi hỏi sự can đảm và hy sinh vô cùng; chỉ vì Thiên Chúa chứ không phải vì một lý do ích kỷ gì của mình đâu. Nó là cả một diễn trình dài và suy nghĩ, và mình làm mình phải cân nhắc vì anh em, vì bạn bè, gia đình và tất cả. Nếu là một tay tơ lơ mơ hay một tân tòng thì không nói, nhưng mình là một người xuất thân từ gia đình một Mục Sư sáng lập Cơ Đốc Phục Lâm, lại có thời gian lâu dài truyền đạo Tin Lành, nay quyết định về đạo Công Giáo thì không phải chuyện dễ, khó lắm chứ, nên tôi chỉ loan báo cho những người thân biết mà thôi, và “Vì Chúa,” tôi chấp nhận tất cả những ý kiến hay lời phê bình, nếu có, dành cho tôi.

VĐ: Trong thư gửi cho linh mục Nguyễn Thái, mục sư có nói là đã làm xong bổn phận đạo Tin Lành với Phật Giáo, xin Mục Sư nói rõ về điều này.

MS. Minh: Tôi có hứa đóng vai Liên Tôn cho hai khối Tin Lành và Phật Giáo nhỏ để lập một Hội Đồng Tôn Giáo VN cầu nguyện cho hòa bình thế giới và cho quốc thái dân an. Tôi đã làm xong lời hứa trên đúng vào ngày kỷ niệm Chúa Giáng Sinh 25 tháng 12, 2018 vừa qua tại Phật Viện Minh Đăng Quang, Santa Ana. Phật Viện đã chơi nhạc Giáng Sinh cho toàn thể 100 chức sắc và Phật tử nghe cách vui mừng. Buổi lễ, tôi và linh mục Anh Giáo là Minh Hạnh, hiền thê của tôi cầu nguyện xin Chúa chúc lành cho sự hiệp nhất tôn giáo mà Giáo Hội Công Giáo luôn chủ trương.

VĐ: Trong lúc này Mục Sư có điều mong ước gì?

MS. Minh: Tôi mong sớm trở về đạo Công Giáo. Chỉ sợ điều mong ước của mình chưa thành thì mình đã ra đi.

VĐ: Thưa linh mục Minh Hạnh. Là một linh mục Anh Giáo, linh mục có đồng ý để phu quân từ cương vị một Mục Sư trở về làm một tín hữu đạo Công Giáo hay không?

LM. Minh Hạnh: Tôi tôn trọng ý kiến của nhà tôi, tôi tán đồng việc ông trở về đạo Công Giáo.

VĐ: Liệu sau này linh mục có theo phu quân trở về Công Giáo?

LM. Minh Hạnh: Có thể lắm chứ.

Chúng tôi cũng điện thoại hỏi Linh Mục Joseph Nguyễn Thái, nguyên Giám Đốc Trung Tâm Công Giáo, hiện là Quản nhiệm Cộng Đoàn Thánh Giuse, giáo xứ Saint Barbara.

LM. Nguyễn Thái trả lời: Việc Mục Sư Nguyễn Quang Minh xin trở về đạo Công Giáo là chính xác, còn thủ tục tiến hành theo giáo luật thì đang xúc tiến.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Bài Giáo Lý Thứ 7 của Đức Thánh Cha Phanxicô về Thánh Lễ: Kinh Vinh Danh và Lời Nguyện Nhập Lễ
Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ
11:19 12/01/2018
“Nguyện xin phụng vụ trở thành một trường dạy cầu nguyện đích thực cho tất cả chúng ta”.

Dưới đây là bản dịch bài giáo lý thứ bảy của ĐTC Phanxicô về Thánh Lễ, được ban hành ngày 10 tháng 1, 2018 tại Đại Sảnh Phaolô VI ở Vatican. Hôm nay ĐTC giải thích về Kinh Vinh Danh, và đặc biệt là về ý nghĩa của Lời Nguyện Nhập Lễ (The Collect) và giây phút im lặng trước Lời Nguyện này: “Với lời mời ‘Chúng ta hãy cầu nguyện’, vị linh mục khuyên nhủ dân chúng cùng hồi tâm với ngài trong một lúc im lặng để ý thức rằng mình đang ở trong sự hiện diện của Thiên Chúa và mỗi người nói lên trong lòng mình những ý chỉ riêng mà với chúng họ tham dự Thánh Lễ…. Nếu không có phút im lặng này, chúng ta có nguy cơ bỏ qua việc hồi tâm của linh hồn”. Ngài kết luận rằng các Lời Nguyện này chứa đầy ý nghĩa, và chúng ta có thể suy niệm chúng ngoài Thánh Lễ để “học cách hướng về Thiên Chúa ra sao, cầu xin gì, sử dụng những lời nào” vá gọi phụng vụ là “trường dạy cầu nguyện đích thực cho tất cả chúng ta”.


Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Trong các bài Giáo Lý về việc cử hành Thánh Lễ, chúng ta đã thấy rằng cử chỉ sám hối giúp chúng ta lột bỏ những tự phụ của mình và trình bày trước mặt Thiên Chúa thực trạng của mình, ý thức rằng mình là những người tội lỗi và hy vọng được ơn tha thứ.

Chính từ cuộc gặp gỡ giữa cảnh khốn cùng của con người và lòng thương xót của Thiên Chúa đưa đến lòng biết ơn được bày tỏ trong kinh “Vinh Danh”, “một bài thánh thi rất cổ kính và đáng kính, trong đó Hội Thánh, tập trung trong Chúa Thánh Thần, ca ngợi và nài xin Đức Chúa Cha và Con Chiên” (Quy Chế Tổng Quát về Sách Lễ Rôma, 53).

Lời mở đầu của bài thánh thi này - “Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời” - tiếp tục bài hát của các Thiên Thần khi Chúa Giêsu ra đời ở Bethlehem, lời loan báo vui mừng về vòng tay ôm ấp giữa trời và đất. Bài hát này cũng liên quan đến việc chúng ta tụ tập trong cầu nguyện: “Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời và bình an dưới thế cho người thiện tâm”.

Sau kinh “Vinh Danh”, hoặc, khi không có kinh ấy, thì ngay sau cử chỉ sám hối, kinh nguyện có một hình thức cầu nguyện đặc biệt gọi là “colletta” (Lời Nguyện Nhập Lễ), mà qua đó đặc tính chính xác của cuộc cử hành được diễn tả, được thay đổi theo ngày và giờ trong năm (x. ibid, 54). Với lời mời “Chúng ta hãy cầu nguyện”, vị linh mục khuyên nhủ dân chúng cùng hồi tâm với ngài trong một lúc im lặng để ý thức rằng mình đang ở trong sự hiện diện của Thiên Chúa và mỗi người nói lên trong lòng mình những ý chỉ riêng mà với chúng họ tham dự Thánh Lễ (xem ibid., 54). Linh mục nói “chúng ta hãy cầu nguyện”; và sau đó đến một lúc im lặng, và mỗi người nghĩ về những điều mình cần và mình muốn cầu xin trong lời nguyện này.

Sự im lặng không chỉ rút lại thành việc không có tiếng nói, nhưng là chuẩn bị sẵn sàng để lắng nghe những tiếng nói khác: của tâm hồn chúng ta, và trên hết là tiếng nói của Chúa Thánh Thần. Trong phụng vụ, bản chất của sự im lặng thánh thiêng tùy thuộc vào thời điểm mà nó xảy ra: “Trong cử chỉ sám hối và sau lời mời cầu nguyện, nó giúp cho việc hồi tâm; sau bài đọc hoặc bài giảng, nó là một lời mởi gọi để suy niệm một cách ngắn gọn về những gì đã nghe; sau khi Rước Lễ, nó giúp cho việc cầu nguyện ngợi khen và khẩn cầu nội tâm” (ibid., 45). Vì vậy, trước Lời Nguyện Nhập Lễ, sự im lặng giúp chúng ta chú tâm vào chính mình và suy nghĩ về lý do tại sao chúng ta ở đó. Cho nên, việc lắng nghe tâm hồn chúng ta ở đây và sau đó mở nó cho Chúa là điều quan trọng. Có lẽ chúng ta đến từ những ngày khó nhọc, vui mừng, đau buồn, và chúng ta muốn thưa chuyện với Chúa, cầu khẩn sự giúp đỡ của Ngài, để xin Ngài ở gần chúng ta; chúng ta có các phần tử trong gia đình và bạn bè đang bị ốm đau hoặc đang trải qua những thử thách khó khăn; chúng ta muốn trao phó cho Thiên Chúa số phận của Hội Thánh và thế giới. Và đó là lý do tại sao chúng ta cần phút im lặng ngắn này trước khi vị linh mục, thu thập những ý chỉ của mỗi người, lớn tiếng thay mặt tất cả mọi người trình bày nó lên Thiên Chúa, lời cầu nguyện chung kết thúc các nghi thức đầu lễ, bằng cách làm chính việc “thu thập” các ý chỉ cá nhân. Tôi chân thành khuyên các linh mục giữ phút im lặng này và đừng vội vã: “chúng ta hãy cầu nguyện”, và hãy im lặng. Tôi đề nghị điều này với các linh mục. Nếu không có phút im lặng này, chúng ta có nguy cơ bỏ qua việc hồi tâm của linh hồn.

Các linh mục đọc lời cầu khẩn này, lời cầu nguyện thu thập (Lời Nguyện Nhập Lễ) này, với cánh tay dang rộng, là tư thế của người cầu nguyện, được các Kitô hữu thực hiện ngay từ các thế kỷ đầu - được minh chứng bởi các bức họa của các hang toại đạo ở Rôma – để bắt chước Đức Kitô với đôi tay rộng mở trên cây gỗ thập giá. Và ở đó, Đức Kitô là Đấng Cầu Nguyện và là cùng nhau cầu nguyện! Trong Đấng Chịu Đóng Đanh, chúng ta nhận ra vị Linh Mục đang dâng lên Thiên Chúa sự thờ phượng mà Ngài vui lòng, đó là sự vâng phục con thảo.

Trong Nghi Thức Rôma, các lời cầu nguyện đều chính xác nhưng đầy ý nghĩa: có thể thực hiện nhiều suy niệm đẹp về các lời cầu nguyện này. Quá đẹp! Trở lại việc suy niệm về các bản văn, ngay cả ngoài Thánh Lễ, có thể giúp chúng ta học cách hướng về Thiên Chúa ra sao, cầu xin gì, sử dụng những lời nào. Nguyện xin phụng vụ trở thành một trường dạy cầu nguyện đích thực cho tất cả chúng ta.

Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ

Nguồn: http://w2.vatican.va/content/francesco/it/audiences/2018/documents/papa-francesco_20180110_udienza-generale.html
 
Bài Giáo Lý Thứ 5 của Đức Thánh Cha Phanxicô về Thánh Lễ: Nghi Thức Đầu Lễ
Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ
17:24 12/01/2018
Bài Giáo Lý Thứ 5 của Đức Thánh Cha Phanxicô về Thánh Lễ: Nghi Thức Đầu Lễ

“Những cử chỉ này, … là những cử chỉ rất quan trọng bởi vì chúng diễn tả ngay từ ban đầu rằng Thánh Lễ là một cuộc gặp gỡ yêu thương với Đức Kitô.”

Dưới đây là bản dịch bài giáo lý thứ năm của ĐTC Phanxicô về Thánh Lễ, được ban hành ngày 20 tháng 12, 2017 tại Đại Sảnh Phaolô VI ở Vatican. Hôm nay ĐTC giải thích về Nghi Thức Đầu Lễ: “Mục đích của chúng … là để đảm bảo ‘rằng các tín hữu đến với nhau, hợp thành một cộng đồng, và chuẩn bị chính mình để lắng nghe Lời Chúa với đức tin và cử hành Thánh Lễ một cách xứng đáng’”.

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Hôm nay tôi muốn bước vào trung tâm của việc cử hành Thánh Lễ. Thánh Lễ gồm có hai phần, là Phụng Vụ Lời Chúa và Phụng Vụ Thánh Thể, được nối kết chặt chẽ với nhau để tạo thành một việc thờ phượng duy nhất (x Sacrosanctum Concilium, 56; Hướng dẫn chung của Sách Lễ Rôma, 28). Được mở đầu bằng một số nghi thức chuẩn bị và kết thúc bằng những nghi thức khác, do đó việc cử hành là một khối duy nhất và không thể tách rời được, nhưng để giúp anh chị em hiểu biết hơn tôi sẽ cố gắng giải thích một số giây phút của nó, mỗi giây phút này có khả năng chạm đến và liên quan đến một khía cạnh nhân loại của chúng ta. Cần phải biết những dấu chỉ thánh này để sống Thánh Lễ cách trọn vẹn và để thưởng thức tất cả vẻ đẹp của nó.

Khi dân chúng đã tụ tập, cuộc cử hành bắt đầu với nghi thức đầu lễ, bao gồm việc tiến vào của các vị cử hành hoặc vị chủ tế, lời chào - “Chúa ở cùng anh chị em”, “Bình an [của Chúa] ở cùng anh em” -, nghi thức sám hối - “tôi thú nhận,” ở đó chúng ta xin Chúa tha thứ các tội lỗi của mình – kinh Kyrie, Gloria, và Lời Nguyện Nhập Lễ: lời nguyện này được gọi là “Lời nguyện thu thập” không phải vì có việc thu góp các của lễ; nó là sự thu góp các ý chỉ cầu nguyện của mọi người; và sự thu góp các ý chỉ của mọi người được nâng lên trời như lời cầu nguyện. Mục đích của chúng - các nghi thức đầu lễ - là để đảm bảo “rằng các tín hữu đến với nhau, hợp thành một cộng đồng, và chuẩn bị chính mình để lắng nghe Lời Chúa với đức tin và cử hành Thánh Lễ một cách xứng đáng” (Hướng Dẫn Chung của Sách Lễ Rôma, 46). Thật không phải là một thói quen tốt khi nhìn đồng hồ và nói: “Tôi đến đúng giờ, tôi đến sau bài giảng và như thế tôi làm tròn lề luật”. Thánh Lễ bắt đầu bằng dấu Thánh Giá, với các nghi thức đầu lễ này, bởi vì chúng ta bắt đầu thờ phượng Thiên Chúa như một cộng đồng. Và chính vì điều ấy mà việc quan trọng là lo liệu sao để đừng đến trễ, nhưng đến sớm, để chuẩn bị tâm hồn cho nghi thức này, cho việc cử hành của cộng đồng.

Thường thì trong khi hát bài ca nhập lễ, vị linh mục với các thừa tác viên khác trong cuộc rước tiến đến cung thánh, và ở đây ngài chào bàn thờ với một cúi đầu và một dấu chỉ tôn kính, ngài hôn bàn thờ, và khi có xông hương thì ngài xông hương. Tại sao? Bởi vì bàn thờ là Đức Kitô: Bàn thờ là một hình ảnh của Đức Kitô. Khi chúng ta nhìn lên bàn thờ, chúng ta nhìn lên nơi Đức Kitô ngự. Bàn thờ là Đức Kitô. Những cử chỉ này, là những cử chỉ có nguy cơ không mấy được chú ý, là những cử chỉ rất quan trọng bởi vì chúng diễn tả ngay từ ban đầu rằng Thánh Lễ là một cuộc gặp gỡ yêu thương với Đức Kitô, Đấng “hiến thân mình trên thập giá [...] đã trở thành bàn thờ, lễ vật và tư tế” (Kinh Tiền Tụng Phục Sinh V). Thực ra, bàn thờ như một dấu chỉ của Đức Kitô, “là trung tâm của cử chỉ tạ ơn được thực hiện với Thánh Thể” (Hướng dẫn chung của Sách Lễ Rôma, 296), và cả cộng đồng chung quanh bàn thờ, là Đức Kitô; không phải để nhìn mặt, mà để nhìn vào Đức Kitô, bởi vì Đức Kitô là trung tâm của cộng đồng, Người không cách xa nó.

Rồi có dấu Thánh Giá. Vị linh mục chủ tế làm dấu Thánh Giá trên mình và tất cả các thành viên của cuộc tụ họp cũng làm như thế, ý thức rằng hành động phụng vụ được thực hiện ‘nhân danh Cha và Con và Thánh Thần.” Và ở đây tôi chuyển sang một chủ đề rất nhỏ khác. Anh chị em có thấy các trẻ em làm dấu Thánh Giá như thế nào không? Chúng không biết mình đang làm gì: đôi khi chúng vẽ một hình, mà không phải là dấu Thánh Giá. Các cha mẹ, ông bà, làm ơn dạy dỗ con cái, ngay từ ban đầu - từ khi còn nhỏ - biết làm dấu Thánh Giá cho đúng. Và giải thích cho chúng biết rằng [làm dấu Thánh Giá] là để được Thánh Giá Chúa Giêsu bảo vệ. Và Thánh Lễ bắt đầu bằng dấu Thánh Giá. Có thể nói được rằng tất cả các lời cầu nguyện di chuyển trong không gian của Thiên Chúa Ba Ngôi - “Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần” - đó là không gian của sự hiệp thông vô hạn; nó bắt nguồn và kết thúc ở tình yêu của Một Thiên Chúa Ba Ngôi, được biểu lộ và ban cho chúng ta trong Thánh Giá của Đức Kitô. Thật vậy, mầu nhiệm Vượt Qua của Người là một hồng ân của Thiên Chúa Ba Ngôi, và Thánh Thể luôn phát sinh từ trái tim bị đâm thủng của Người. Cho nên, khi làm dấu Thánh Giá trên mình, chúng ta không những chỉ nhớ đến Bí Tích Rửa Tội của mình, mà còn khẳng định rằng cầu nguyện phụng vụ là cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa trong Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã nhập thể, đã chết trên Thập Giá và đã sống lại trong vinh quang vì chúng ta.

Sau đó, linh mục nói lời chào phụng vụ, với câu: “Chúa ở cùng anh chị em” hoặc một câu tương tự khác - có nhiều câu khác -; và cộng đồng thưa: “Và ở cùng [thần khi] Cha”. Chúng ta đang đối thoại; chúng ta đang ở đầu Thánh Lễ và chúng ta phải nghĩ về ý nghĩa của tất cả những cử chỉ và lời nói này. Chúng ta đang bước vào một “buổi hòa tấu”, trong đó vang lên các giọng khác nhau, bao gồm cả thời gian im lặng, tạo ra ''sự đồng thuận” giữa những người tham dự, nghĩa là nhận ra mình được sinh động hóa bởi một Thần Khí duy nhất, và có cùng một mục đích. Thực ra “lời chào của linh mục và lời đáp của dân chúng cho thấy mầu nhiệm của Hội Thánh được quy tụ lại” (Hướng dẫn chung của Sách Lễ Rôma, 50). Như vậy, đức tin chung và ước vọng chung được ở với Chúa và sống hiệp nhất với toàn thể cộng đồng được diễn tả.

Và đây là một hòa tấu cầu nguyện, được tạo ra và lập tức trình bày một giây phút rất cảm động, bởi vì vị chủ tế mời mọi người nhìn nhận tội lỗi mình. Tất cả chúng ta đều là những người tội lỗi. Tôi không biết, có thể một số người trong anh chị em không phải là người tội lỗi ... Nếu ai không phải là người tội lỗi, xin làm ơn giơ tay lên, để tất cả chúng tôi đều thấy. Nhưng không có tay nào giơ lên cả, tốt quá: anh chị em có đức tin tốt! Tất cả chúng ta đều là những người tội lỗi; và vì điều này mà ở đầu Thánh Lễ chúng ta cầu xin ơn tha thứ. Đó là cử chỉ sám hối. Đó không phải chỉ là nghĩ về những tội mình đã phạm, nhưng còn hơn nữa: đó là một lời mời gọi thú tội của mình trước mặt Thiên Chúa và trước mặt cộng đồng, trước mặt anh chị em, với lòng khiêm nhường và chân thành, như người thu thuế ở trong Đền Thờ. Nếu Bí Tích Thánh Thể thực sự làm cho mầu nhiệm Vượt Qua, nghĩa cuộc vượt qua của Đức Kitô từ cõi chết sang sự sống, được hiện diện, thì việc trước hết chúng ta phải làm là nhận ra những gì là tình trạng chết của mình để có thể sống lại với Người trong đời sống mới. Điều ấy làm cho chúng ta hiểu được hành vi sám hối quan trọng như thế nào. Và vì điều ấy, chúng ta sẽ tiếp tục đề tài này trong bài giáo lý sau.

Chúng ta hãy đi từng bước một để giải thích Thánh Lễ. Nhưng tôi khuyên anh chị em: làm ơn dạy cho con cái mình biết làm dấu Thánh Giá đúng cách!

Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ

Nguồn: http://w2.vatican.va/content/francesco/it/audiences/2017/documents/papa-francesco_20171220_udienza-generale.html
 
Bài Giáo Lý Thứ 6 của Đức Thánh Cha Phanxicô về Thánh Lễ: Cử Chỉ Sám Hối
Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ
17:25 12/01/2018
Bài Giáo Lý Thứ 6 của Đức Thánh Cha Phanxicô về Thánh Lễ: Cử Chỉ Sám Hối

“Chúng ta biết từ kinh nghiệm rằng chỉ có những ai có thể nhìn nhận các lỗi lầm và xin lỗi thì mới nhận được sự thông cảm và sự tha thứ của người khác”.

Dưới đây là bản dịch bài giáo lý thứ sáu của ĐTC Phanxicô về Thánh Lễ, được ban hành ngày 3 tháng 1, 2018 tại Đại Sảnh Phaolô VI ở Vatican. Hôm nay ĐTC giải thích về ý nghĩa của Cử Chỉ Sám Hối: Cử chỉ sám hối “củng cố thái độ mà với nó chúng ta dọn mình để xứng đáng cử hành các mầu nhiệm thánh, nghĩa là nhìn nhận các tội lỗi của mình trước mặt Thiên Chúa và anh chị em mình…. Tội lỗi cắt đứt: cắt đứt mối liên hệ với Thiên Chúa và cắt đứt mối liên hệ với anh chị em, mối liên hệ trong gia đình, ngoài xã hội và trong cộng đồng: Tội lỗi luôn cắt đứt, phân cách và chia rẽ”.


Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Tiếp tục bài giáo lý về việc cử hành Thánh Lễ, hôm nay chúng ta xét đến cử chỉ sám hối trong bối cảnh của nghi thức đầu lễ. Trong sự đơn sơ của nó, nó củng cố thái độ mà với nó chúng ta dọn mình để xứng đáng cử hành các mầu nhiệm thánh, nghĩa là nhìn nhận các tội lỗi của mình trước mặt Thiên Chúa và anh chị em mình, nhìn nhận rằng mình là những kẻ tội lỗi. Thật ra, lời mời gọi của linh mục được nói với toàn thể cộng đồng trong cầu nguyện, vì tất cả chúng ta đều là những kẻ tội lỗi. Chúa có thể ban gì cho những kẻ có một con tim chứa đầy chính mình, đầy thành công của mình? Không ban gì cả, bởi vì kẻ hợm mình, đầy sự tự nhận mình là công chính, thì không thể đón nhận được ơn tha thứ. Chúng ta hãy nghĩ đến dụ ngôn người Pharisêu và người thâu thuế, chỉ có người thứ hai - người thu thuế - mới trở về nhà được nên công chính, nghĩa là được tha thứ (x. Lc 18: 9-14). Ai ý thức được những khốn khổ của mình và cúi mắt nhìn xuống với lòng khiêm nhường, thì cảm nhận được cái nhìn chăm chú đầy thương xót của Thiên Chúa soi trên mình. Chúng ta biết từ kinh nghiệm rằng chỉ có những ai có thể nhìn nhận các lỗi lầm và xin lỗi thì mới nhận được sự thông cảm và sự tha thứ của người khác.

Lắng nghe tiếng lương tâm trong im lặng cho phép chúng ta nhận ra rằng các suy nghĩ của mình thật khác xa các suy nghĩ của Thiên Chúa, các lời nói và hành động của mình thường là phàm tục, nghĩa là bị hướng dẫn bởi các chọn lựa ngược với Tin Mừng. Do đó, ở đầu Thánh Lễ, chúng ta cùng nhau thực hiện cử chỉ sám hối qua một công thức thú tội chung, được nói lên ở ngôi thứ nhất số ít. Mọi người đều thú tội với Thiên Chúa và với các anh chị em rằng mình “đã phạm tội nhiều trong tư tưởng, lời nói, việc làm và những điều thiếu sót”. Vâng, ngay cả trong sự thiếu sót, nghĩa là đã không làm những điều tốt mà tôi có thể làm. Chúng ta thường cảm thấy tốt bởi vì – chúng ta nói - “Tôi đã không làm tổn thương ai cả”. Trong thực tế, chỉ không làm tổn thương người khác thì chưa đủ, cần phải chọn để làm điều tốt bằng cách nắm lấy những cơ hội để làm chứng tốt rằng chúng ta là các môn đệ của Chúa Giêsu. Thật tốt khi nhấn mạnh rằng chúng ta thú nhận với cả Thiên Chúa lẫn anh chị em rằng mình là những kẻ tội lỗi: điều này giúp chúng ta hiểu được chiều kích của tội lỗi là điều, trong khi tách rời chúng ta khỏi Thiên Chúa, cũng chia cách chúng ta với anh chị em mình và ngược lại. Tội lỗi cắt đứt: cắt đứt mối liên hệ với Thiên Chúa và cắt đứt mối liên hệ với anh chị em, mối liên hệ trong gia đình, ngoài xã hội và trong cộng đồng: Tội lỗi luôn cắt đứt, phân cách và chia rẽ.

Các lời chúng ta nói qua miệng của mình đi kèm với cử chỉ đấm ngực của mình, nhìn nhận rằng tôi đã phạm tội do lỗi của chính tôi, chứ không phải của người khác. Thường xảy ra là chúng ta chỉ ngón tay để tố cáo người khác vì sợ hoặc xấu hổ. Nhìn nhận có tội như thế này, nhưng thật tốt khi thú nhận nó với lòng chân thành. Chúng ta hãy thú nhận tội lỗi của mình. Tôi nhớ một giai thoại mà một vị thừa sai già đã kể về một phụ nữ đi xưng tội và bắt đầu kể các sai lầm của chồng; rồi bà ấy tiếp tục kể các sai lầm của mẹ chồng và sau đó là tội lỗi của các người láng giềng. Đến một lúc, cha giải tội nói với bà: “Nhưng, thưa bà, cho tôi biết: bà đã xong chưa? - Rất tốt: bà đã xong với tội của người khác. Bây giờ hãy bắt đầu xưng tội của bà đi”. Xưng các tội lỗi của mình!

Sau khi thú nhận tội lỗi, chúng ta khẩn cầu Đức Trinh Nữ Maria, các Thiên Thần và các Thánh cầu cùng Chúa cho chúng ta. Việc các thánh cùng thông công này cũng thật là quý giá: nghĩa là, sự cầu bầu của các “bạn hữu và các mẫu gương của cuộc sống” (Kinh Tiền Tụng ngày 1 tháng 11) nâng đỡ chúng ta trên con đường hướng về sự hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa, khi tội lỗi sẽ bị hủy diệt vĩnh viễn.

Ngoài “Kinh Cáo Mình”, chúng ta có thể làm nghi thức sám hối với các công thức khác, chẳng hạn như: “Lạy Chúa, xin thương xót chúng com / Vì chúng con đã xúc phạm đến Chúa / Lạy Chúa, xin tỏ lòng từ bi Chúa cho chúng con / Và ban ơn cứu độ cho chúng con.” (x. Tv 123:3, 85:8, Gr 14:20). Đặc biệt vào ngày Chúa Nhật, chúng ta có thể thực hiện việc làm phép nước và rảy nước thánh để nhớ lại Bí Tích Rửa Tội (x. Quy Chế Tổng Quát về Sách Lễ Roma, 51), đã xoá bỏ mọi tội lỗi. Như một phần của cử chỉ sám hối, chúng ta cũng có thể, hát kinh Kyrie eleison (Kinh Thương Xót): với một biểu thức Hy Lạp cổ xưa, chúng ta tung hô Chúa - Kyrios - và nài xin lòng thương xót của Ngài (nt., 52).

Thánh Kinh cho chúng ta các mẫu gương sáng ngời của những nhân vật điển hình về “thống hối”, trở lại với chính mình sau khi đã phạm tội, tìm được can đảm để tháo bỏ mặt nạ và mở lòng mình ra cho ân sủng là điều canh tân tâm hồn. Chúng ta hãy nghĩ đến Vua Đavid và các lời được ghi lại trong Thánh Vịnh: “Ôi lạy Thiên Chúa, xin thương con, trong tình yêu của Chúa; trong lòng thương xót vô bờ của Chúa, xin xóa sạch các lỗi lầm của con” (Tv 5:.3). Chúng ta hãy nghĩ đến người con hoang đàng trở về cùng cha mình; hoặc lời kêu xin của người thu thuế: “Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi” (Lc 18:13). Chúng ta cũng nghĩ đến Thánh Phêrô, ông Giakêu, và người Samaritanô. So mình với sự dễ bể của đất sét mà với nó chúng ta đã được nhào nắn là một kinh nghiệm củng cố chúng ta: trong khi làm cho chúng ta đối phó với sự yếu đuối yếu của mình, nó mở lòng chúng ta ra để cầu xin lòng thương xót của Thiên Chúa, là điều biến đổi và hoán cải. Và đó là những gì chúng ta làm trong cử chỉ sám hối ở đầu Thánh Lễ.

Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ

Nguồn: http://w2.vatican.va/content/francesco/it/audiences/2018/documents/papa-francesco_20180103_udienza-generale.html