Ngày 08-01-2008
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 8 tháng 1: Kính Thánh Apollinaris Claudius
PhóTế Huỳnh Mai Trác
17:28 08/01/2008
Thánh Apollinaris là một nhà hùng biện, Giám mục thành Hierapolis thuộc xứ Phrygia vào thế kỷ thứ hai. Ngài nổi danh là một nhà hùng biện tài ba khi tranh luận với những nhóm lạc giáo thời bây giờ vì những lý luận của nhóm này dựa trên lý thuyết của người ngoại giáo.

Ngài đã viết hai cuốn sách chống lại lý luận của người Do thái, năm cuốn sách chống lại lý thuyết người ngoại giáo, và hai cuốn đề cao “Sự Thật”. Năm 177 ngài xuất bản một sách rất hùng hồn “Biện giải” (Apologia) về người Công giáo gởi đến Marcus Aurelus và nhắc nhở Hòang Ðế về kinh nghiệm của “Ðoàn quân Viễn chinh” vì đã nhờ vào những lời cầu nguyện mà đã chiến thắng được quân của Quadi.

Người ta không biết rõ ngày qua đời của thánh nhân, nhưng có lẽ dưới thời Hoàng đế Marcus Aurelus. Những sách của ngài viết đều thất lạc không còn một bản nào lưu hành lại cho hậu thế.
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:11 08/01/2008
TỬ HOA TỬ GẶP CHIÊU HI HẦU

N2T


Nước Hàn và nước Ngụy đang tranh chấp lãnh thổ, lúc ấy Tử Hoa tử đến nước Hàn để gặp Chiêu Hi hầu, mà Chiêu Hi hầu vì chuyện tranh chấp này nên đang buồn bực. Tử Hoa tử nói: “Nếu người trong thiên hạ đứng trước mặt ngài lập thề ước, nói: “Đoạt đất được rồi thì có thể đoạt cả thiên hạ, nhưng tay trái đoạt thì phải chặt tay phải đi, tay phải đoạt thì phải chặt tay trái đi”, vậy thì ngài muốn đoạt chứ ?”

Chiêu Hi hầu nói: “Không muốn.”

-“Tốt lắm, vậy thì có thể nói hai tay không quan trọng bằng thân thể, thiên hạ lại không quan trọng bằng hai tay, nước Hàn lại không quan trọng bằng thiên hạ, bây giờ tranh đoạt lãnh thổ cũng không quan trọng bằng nước Hàn, vậy thì hà cớ gì vì cái chuyện không quan trọng ấy mà ngài phải buồn rầu, rồi làm tổn thương đến sức khỏe của mình chứ !”

(Trang tử: Nhường vương)

Suy tư:

Không ai đoạt miếng đất cỏn con để rồi nói mình đoạt được cả thiên hạ, cũng không ai đi cướp đoạt của người khác mà nói rằng mình được lòng cả thiên hạ, bởi vì những việc làm vô lương tâm thì không thể tồn tại và cũng không có gì để rêu rao.

Tử Hoa tử khuyên Chiêu Hi hầu thật chí lý: chiếm đoạt được cả thiên hạ đâu quan trọng bằng nước Hàn của mình, tức là được lòng dân của nước Hàn, bởi vì nếu được cả thiên hạ mà mất lòng dân thì thiên hạ trước sau gì cũng mất.

Chúa Giê-su dạy rằng: “Thật vậy, khi anh đi cùng đối phương ra tòa, thì dọc đường hãy cố gắng giải quyết với người ấy cho xong, kẻo người ấy lôi anh đến quan tòa, quan tòa lại nộp anh cho thừa phát lại, và thừa phát lại tống anh vào ngục. Tôi bào cho anh biết: anh sẽ không ra khỏi đó trước khi trả hết đồng kẻm cuối cùng.”( Lc 12, 58-59; Mt 5, 25-26.) Đồng kẻm (xu) thì quá nhỏ mà phải trả cho hết, huống gì là miếng đất to lớn hơn đồng kẻm cả hàng triệu lần, nếu không trả thì đúng là ở trong hỏa ngục đời đời kiếp kiếp, khiếp thật.

Người Ki-tô hữu hiểu rất rõ ràng câu Lời Chúa trên đây.
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:12 08/01/2008
N2T


20. Nghèo khó là giảm bớt lo nghĩ của thế gian, không vì cuộc sống mà buồn phiền, siêu thoát không mệt mỏi, hết lòng tuân theo quy định của giới luật, biết bổn phận của mình.

(Thánh John Climacus)
 
Chúa Giêsu chịu phép Rửa : Mẫu gương cho chúng ta
Lm. Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
19:25 08/01/2008
Người ta vẫn có cảm tưởng, suốt quãng đời ẩn dật 30 của Chúa Giêsu tại làng Nagiarét có một cái gì đó thật lặng lẽ, thật êm đềm, nếu không nói được là hầu như Người bị lãng quên. Nhân loại, con người và mỗi người vẫn chưa nhận ra được sứ mạng Thiên sai của Chúa Giêsu. Do đó, trong suốt thời gian dài dằng dặc này, Gioan Tẩy Giả vẫn tiếp tục rao giảng và làm phép rửa sám hối cho dân chúng. Rồi,tới ngày Thiên Chúa Cha định, Chúa Giêsu đã xuất hiện công khai bên bờ sông Giorđan, nơi Ông Gioan đang làm phép rửa.

MỘT BIẾN CỐ. MỘT SỨ MẠNG. MỘT CON NGƯỜI:

Có thể nói được, đây là biến cố quan trọng, trước khi khai mạc sứ mạng công khai của Chúa Giêsu bởi vì lúc ấy, Chúa Giêsu vừa tròn 30 tuổi. Chúa Giêsu đến với Gioan và xin Gioan làm phép rửa cho mình. Đây là biến cố. Một biến cố đã được chuẩn bị cả 30 năm trời ở làng Nagiarét, nơi gia đình Thánh Gia. Biến cố này được chuẩn bị kỹ càng bằng cầu nguyện, bằng sự kết hiệp mật thiết của Chúa Giêsu với Chúa Cha. Gioan đã được Chúa Thánh Thần soi sáng, Ông biết rằng Ông đang đứng trước mặt: “ Con Chiên Thiên Chúa, Đấng Thiên sai, Đấng xóa tội trần gian “. Ông cũng hiểu rằng:” Đấng xin Ông làm phép rửa bằng nước sẽ làm phép rửa trong Thánh Thần “, nên Ông Gioan đã từ chối: ” Chính tôi mới phải xin Ngài rửa cho, tại sao Ngài lại xin tôi ?”. Tuy nhiên, Chúa Giêsu đã thuyết phục Gioan Tẩy giả: ” Hãy làm theo ý Cha của Người “. Và rồi, khi Chúa Giêsu vừa lên khỏi nước, thì trời mở ra, Thánh Thần Chúa lấy hình chim bồ câu đậu xuống trên Người và có tiếng từ trời phán: ” Này là con Ta yêu dấu, đẹp lòng Ta mọi đàng”. Phép rửa, Chúa Giêsu lãnh nhận bởi tay Gioan trong dòng sông Giorđan, khai mào cho sứ mạng và con đường cứu độ, con đường cứu thế của Chúa Giêsu. Đó là con đường của người tôi tớ đau khổ, con đường khiêm nhu, hiền lành. Con đường yêu thương, hiệp nhất và hòa bình. Chúa Giêsu quả là người tôi tớ của Giavê Thiên Chúa. Người đã bắt đầu sứ vụ raogiảng bằng việc tự hạ xếp hàng với những tội nhân dù Người hoàn toàn vô tội. Đúng, đây là một biến cố rất ư quan trọng bắt đầu sứ mạng của một con người, một cuộc đời.Cuộc đời của con người có tên Giêsu, Đấng Thiên sai, Đấng Mêsia, Đấng cứu thế.

CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA ĐỂ LÀM GƯƠNG CHO CHÚNG TA:

Phép rửa mà Chúa Giêsu thiết lập hoàn toàn khác với phép rửa của Gioan tiền hô: Thánh Gioan chỉ lấy nước mà rửa để giục lòng người ta ăn năn thống hối, còn Chúa Giêsu đã rửa người ta bằng nước và Thánh Thần. Chính thánh Gioan đã tuyên bố: ” Phần ta, ta rửa các ngươi bằng nước để lo hối cải, còn Đấng sẽ đến sau ta và ta không đáng xách dép cho Ngài, Ngài sẽ rửa các ngươi trong Thánh Thần và lửa “. Chúa Giêsu đã lập phép rửa để sinh ta lại làm con cái Chúa và làm con Hội Thánh. Chúa Giêsu đã từ trời xuống thế để làm đẹp lòng Cha. Người sống hoàn toàn vâng phục và luôn hiếu thảo với Thiên Chúa Cha. Chúa Giêsu đi xuống dòng sông Giorđan để dìm mình trong dòng sông sám hối. Chúa Giêsu hòa mình với các tội nhân để chết thay cho các tội nhân. Chúa là Con Thiên Chúa mà đã chấp nhận hòa mình với các tội nhân. Do đó, chúng ta là gì mà dám tự cao, tự mãn bởi vì tất cả chúng ta đều là tội nhân. Chúa cao sang hoàn toàn thánh thiện mà đã tự hạ dìm mình trong sông Giorđan. Chúng ta là gì mà dám ngẩng cao không dám tự hạ để lãnh nhận ơn tha thứ của Chúa. Sám hối là bước đầu để đổi mới. Chúng ta hãy thực lòng sám hối, tự hạ để cúi xin Chúa thương ban ơn tha thứ. Chúa đã dìm mình trong dòng sông Giorđan sám hối để làm gương cho nhân loại, cho mọi người, cho mỗi người chúng con.

Lạy Chúa, xin giúp chúng con không ngừng canh tân đổi mới, để chúng con luôn sẵn sàng khiêm tốn lãnh nhận ơn tha thứ vì chỉ mình Chúa là Đấng thánh, là Đấng giầu lòng tha thứ. Amen.

CHÚA NHẬT LỄ CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA A

Mt 3, 13-17
 
Tình thương giữa khói lửa bạo lực và hận thù
Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt
21:37 08/01/2008
TÌNH THƯƠNG GIỮA KHÓI LỬA BẠO LỰC VÀ HẬN THÙ

Giờ tan sở làm việc ngày 29-4-1992, trên đường về nhà, mục sư Bennie Newton mở máy phát thanh nghe tin tức. Bỗng mục sư kinh ngạc khi nghe bản tin: Thẩm phán đoàn thị trấn Simi Valley xử trắng án 4 nhân viên cảnh sát thành phố Los Angeles, bị tố cáo hành hung tài xế da đen Rodney King, xảy ra năm trước đó 1991.

Mục sư Bennie Newton là người da đen và thuộc giáo hội tin lành. Tuổi trẻ của Bennie trôi qua trong bạo lực, trộm cắp và buôn bán ma túy. Chàng trai Bennie vào tù ra khám tất cả 65 lần. Một ngày Bennie giơ đấm tay lên trời chửi thề:

- Tao sẽ không bao giờ bước chân đến nhà thờ nữa!

Cuộc sống côn đồ cướp bóc của Bennie làm cho cha mẹ chàng thất vọng não nề, vì ông bà là tín hữu thật đạo đức.

Nhưng rồi cuộc đổi đời xảy ra vào năm 1978. Bennie may mắn gặp vị tuyên úy lão thành của nhà tù. Người con trai hoang đàng hối hận và quay gót trở về Nhà Cha. Chàng bắt đầu học hỏi Kinh Thánh, và đến phiên mình, chàng trở

thành mục sư tuyên úy nhà tù và cùng lúc, trông coi cộng đoàn nhỏ bé các tín hữu tin lành tại thành phố Los Angeles. Năm ấy - 1993 - mục sư Bennie Newton đúng 60 tuổi, có vợ và hai con.

Đang miên man suy nghĩ về vụ tòa tha trắng án bốn cảnh sát da trắng đã hành hung một người da đen, thì đài phát thanh loan tin nóng hổi khác: ”Tại hai đại lộ Florence và Normandie đang có cuộc nổi loạn của người da đen. Các cửa tiệm bị đập phá. Các xe hơi bị đốt cháy và nhiều tài xế bị lôi ra khỏi xe, bị đánh đập tàn nhẫn”. Mục sư Bennie lẩm nhẩm thầm thĩ cầu nguyện cho thành phố Los Angeles đang gặp hiểm nguy.

Mục sư Bennie về đến nhà lúc 6 giờ 30 phút chiều. Bà Sharon, vợ mục sư, đang theo dõi tin tức nơi truyền hình. Bà vừa lo lắng vừa kinh hãi nói với chồng:

- Xem kìa! Thật khủng khiếp! Một tài xế xe vận tải, da trắng tóc dài, bị nhóm nổi loạn lôi xuống xe và đấm đá tơi bời. Cứ mỗi lúc chàng cố gắng ngồi dậy, liền bị cú đấm khác làm chàng té nhào xuống mặt đường. Cảnh tượng thật khủng khiếp!

Với kinh nghiệm của chàng trai da đen từng đâm chém và cướp bóc, mục sư Bennie đau đớn nghĩ đến cảnh tượng đang diễn ra tại Los Angeles, thành phố của mình. Lặng lẽ, mục sư mặc lại y phục mục sư, lấy cuốn Kinh Thánh, rồi ra xe lái đến nơi xảy ra cuộc nổi loạn.

Khu phố phía Nam Los Angeles như sống trong bãi chiến trường, hay nói đúng hơn, đang sống trong hỏa ngục. Khói lửa bốc cháy ngập trời. Các cửa tiệm bị đập phá tan tành. Xe cộ bị đốt. Người thì tìm cách thoát thân chạy trốn. Kẻ thì lao mình vào cuộc nổi loạn đánh phá. Cảnh tượng vô cùng kinh hãi.

Mục sư Bennie tìm một chỗ đậu xe. Ông hơi do dự:

- Mình tay không, làm sao có thể chặn đứng làn sóng bạo lực đang sôi sục hận thù đây?

Nhưng rồi một câu Kinh Thánh lướt qua trí nhớ:

- Tình yêu hoàn hảo xóa tan sợ hãi!

Mục sư lao mình vào đám loạn với quyển Kinh Thánh trên tay. Ông la lớn:

- Hỡi anh chị em, đừng làm thế! Có nhiều cách khác kìa!

Nghe tiếng la, đám da đen kinh ngạc. Họ quay lại nhìn, xem người vừa nói là ai. Khi nhận ra mục sư Bennie, một thanh niên hét lại:

- Không ai thèm nghe mục sư đâu! Tốt hơn nên đến thị trấn Simi Valley mà giảng!

Mục sư tiếp tục len mình vào đám nổi loạn, van nài họ hãy dừng lại những hành vi đập phá bạo động. Một người tiến về phía mục sư, tay giơ cao một thanh sắt. Mục sư nhìn thẳng vào mặt khiến anh ta bỗng đứng khựng lại, lùi mấy bước, rồi quay gót bỏ đi.

Giữa đám cháy rực lửa hận thù, bỗng mục sư cảm thấy một bàn tay phụ nữ trẻ nắm lấy tay mình. Với ánh mắt đầy ân hận, nàng ấp úng:

- Xin cám ơn sự hiện diện của mục sư! Con không được giáo dục như thế. Bây giờ con về nhà. Xin mục sư cầu nguyện cho con!

Nói xong, người phụ nữ trẻ biến mất trong đám đông.

Chính lúc đó, mục sư trông thấy toán nổi loạn túm đánh tài xế xe vận tải cỡ nhỏ. Mục sư lao tới và hét lớn:

- Hãy dừng lại!

Vừa hét, mục sư vừa ngăn cản họ đánh đập người tài xế đáng thương. Nhưng đám cuồng loạn vẫn say máu hận thù đập đánh túi bụi. Mặt mũi người tài xế bê bết máu. Thấy không ngăn cản được, mục sư Bennie vừa hét lớn ”Đủ rồi!” vừa dùng chính thân mình che chở người tài xế. Mục sư nói lớn:

- Nếu anh em giết ông ta thì cũng giết cả tôi nữa!

Cử chỉ nhân ái anh hùng của mục sư Bennie Newton bỗng có sức mạnh ngăn chận hận thù của đám người nổi loạn và cứu sống người tài xế.

... ”Anh em hãy tìm sức mạnh trong Chúa và trong uy lực toàn năng của Người. Hãy mang toàn bộ binh giáp vũ khí của THIÊN CHÚA, để có thể đứng vững trước những mưu chước của ma quỷ. Vì chúng ta chiến đấu không phải với phàm nhân, nhưng là với những quyền lực thần thiêng, với những bậc thống trị thế giới tối tăm này, với những thần linh quái ác. . Bởi đó, anh em hãy nhận lấy toàn bộ binh giáp vũ khí của THIÊN CHÚA; như thế, anh em có thể vận dụng toàn lực để đối phó và đứng vững trong ngày đen tối. Vậy hãy đứng vững: lưng thắt đai là chân lý, mình mặc áo giáp là sự công chính, chân đi giày là lòng hăng say loan báo tin mừng bình an; hãy luôn cầm khiên mộc là Đức Tin, nhờ đó anh em có thể dập tắt mọi tên lửa của ác thần. Sau cùng, hãy đội mũ chiến là ơn cứu độ và cầm gươm của Thần Khí ban cho, tức là Lời THIÊN CHÚA” (Êphêxô 6,10-17).

(”Reader's Digest SÉLECTION”, Novembre/1992, trang 139-145)
 
Dòng nước nhỏ
LM. Giuse Nguyễn Hữu An
22:00 08/01/2008
DÒNG NƯỚC NHỎ

Hôm nay Chúa nhật I thường niên,Giáo hội mừng lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa. Sau 30 năm sống âm thầm, ẩn dật ở Nazareth Chúa Giêsu bắt đầu sứ vụ rao giảng công khai về Nước Thiên Chúa. Người đến chịu Phép rửa ở sông Giođan.

Đây là sự hạ mình sâu thẳm của Đấng Thánh và là một cuộc gặp gỡ lịch sư Cưụ ước – Tân ước. Biến cố không chỉ loan báo trước cuộc khổ nạn của Đức Giêsu mà còn loan báo về sự phục sinh vinh quang của Người.

1. Khiêm hạ thẳm sâu

Nếu đem so sánh với sông Cưủ Long mênh mang thuyền qua lại thì dòng nước Giođan nơi Gioan làm phép rửa cho Đức Giêsu có thể gọi là con kênh nhỏ. Nếu đặt bên cạnh sông Hồng cuồn cuộn xiết chảy thì dòng Giođan chỉ là con lạch. Nếu đứng kề bên sông Hương thơ mộng lững lờ trôi thì Giođan chỉ là con suối nhỏ. Đứng bên bờ này sông Giođan ném hòn đá qua bờ kia, nó có thể đi xa hơn.

Thế mà Đức Giêsu đã chọn dòng nước bé nhỏ này, không phải như Môisen hay Giôsua giơ tay cho dòng nước rẽ đôi, nhưng để dìm mình xuống dòng nước nhỏ cùng với đoàn chịu phép rửa của Gioan Tẩy Giả.

Thiên Chúa, Đấng cho Cửu long giang tuôn chảy tưới mát đồng bằng miền Nam; Đấng cho sông Hồng tuôn nước lũ bồi đắp phù sa cho đồng bằng miền Bắc; Đấng cho Hương giang lững lờ lãng mạng gợi hồn thơ đã chọn dìm mình vào dòng nước Giođan bé nhỏ.

Trong các dòng sông nổi tiếng khắp thế giới thì dòng sông Giođan bé nhỏ ấy là dòng sông quen thuộc nhất đối với người Kitô hữu chúng ta. Chính tại đây Đức Giêsu đã đến khai mạc sứ vụ công khai bằng cách đón nhận phép rửa bởi Gioan Tẩy Giả.

Thật lạ lùng, trong số những người đến “xưng thú tội lỗi” ( Mc1,5) và chịu “ phép rửa sám hối để đước ơn tha tội’ (Mc 1,4) lại có Đức Giêsu. Ngài là Đấng Thánh, là Thiên Chúa, siêu việt tuyệt đối, tại sao lại đến xin Gioan làm phép rửa sám hối ? Ngài là Đấng mà Gioan “không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Ngài” lại có thể đứng chung với đám đông người tội lỗi chờ đến lượt mình được chịu thanh tẩy ?

Trong đêm Giáng sinh chúng ta đã chứng kiến một Thiên Chúa hạ mình xuống làm người, sinh ra nơi hang đá máng cỏ, làm một người nghèo hèn bé nhỏ, dường như chưa đủ đối với tình yêu thương vô biên của Thiên Chúa. Hôm nay, Người lại hạ mình xuống thêm một bậc nữa, xuống tận cùng xã hội nhân loại khi đến xin Gioan làm phép rửa cho mình như một người dân tầm thường và tội lỗi. Và đã xuống bậc tận cùng khi Chúa hạ mình thẳm sâu chấp nhận chết trên thập giá vì yêu nhân loại.

Biết nói gì về Người bây giờ nếu không phải là cúi đầu cảm phục và tôn thờ sự khiêm hạ thẳm sâu đó của con Thiên Chúa làm người !

2. Cuộc gặp gỡ lịch sử

Cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và Gioan là lúc Tân - Cựu ước giao duyên, là lễ bàn giao giữa hai niên đại cũ và mới mà Chúa Giêsu và Gioan là đại biểu. Gioan, ngôn sứ cuối cùng của Cựu ước gặp gỡ trao đổi bàn giao với Đức Kitô,vị ngôn sứ của thời kỳ mới.

Cuộc gặp gỡ này không phải là một cuộc tranh cãi dành ưu thế, nhưng thật thú vị tuyệt vời khi cả hai đại biểu đều khiêm nhường đón nhận nhau trong sứ vụ. Đức Giêsu từ tốn bước xuống dòng nước Giođan và xin Gioan làm phép rửa cho mình.Gioan hân hạnh xin Đức Giêsu rửa cho mình vì ông nhìn thấy đây mới chính là nhân vật ban phép rửa trong Thánh Thần như ông đã loan báo.

Nơi cuộc gặp gỡ lịch sử này,Thiên Chúa đã xuất hiện và chứng nhận. Lúc ấy các tầng trời mơ ra, Thánh Thần đáp xuống như chim bồ câu và có tiếng Chúa Cha tuyên phán: Con là Con Ta yêu dấu. Ba Ngôi Thiên Chúa tỏ hiện vào chính lúc lịch sử của hai niên đại mới và cũ chuyển giao.Từ nay Đức Giêsu sẽ lên đường vào sứ vụ mới với niềm hy vọng mọi sự sẽ tốt đẹp theo thánh ý Chúa Cha.

Cuộc gặp gỡ giữa hai Đấng tại sông Giođan đã làm nên lịch sử và đã được Giáo hội chọn làm khởi điểm cho mùa thường niên là mùa phụng vụ cử hành các mầu nhiệm cuộc đời rao giảng tin mừng của Chúa Giêsu.

Biến cố này không chỉ là cuộc bàn giao cũ mới mà còn là điểm giao duyên giữa trời và đất, giữa Thần khí và nước, giữa Tân ước và Cựu ước.Từ nay nhân loại được tái sinh trong đời sống mới. Qua Bí tích Rửa tội của Chúa Giêsu, chúng ta nhận đước ấn tín của Chúa Thánh Thần, trở nên con cái Thiên Chúa.

3. Hãy nhớ mình đã đuợc Thanh Tẩy

Chúa Giêsu chịu phép rửa của Gioan là một sự hạ mình sâu thẳm, một sự khiêm nhường cao cả đã làm cho cửa trời mở ra, ân sủng tuôn đổ, ơn cứu độ được trao ban và lan truyền. Mỗi người Kitô hữu qua bí tích rửa tội, được thần linh ngự xuống, được nghe tiếng Chúa Cha vang dội: này là con yêu dấu của Ta, Ta đặt trọn vẹn yêu thương trên con. Tâm hồn mỗi người trở nên Đền Thờ Ba Ngôi Thiên Chúa.

Ước mong mỗi tín hữu chúng ta luôn nhớ mình đã được xức dầu, được mặc áo trắng tinh tuyền, được trao nến sáng Phục sinh, được thanh tẩy trong nước và Thánh Thần để sống xứng đáng mỗi ngày với ân huệ đã lãnh nhận.
 
Ba dấu hiệu của thời đại ân sủng
LM. Giuse Nguyễn Hữu An
22:03 08/01/2008

BA DẤU HIỆU CỦA THỜI ĐẠI ÂN SỦNG



Mt 3,13-17

Ở đời, khi người ta dựng vợ gã chồng cho con cái thường chọn nơi môn đăng hộ đối; khi chọn bạn mà chơi thì cũng chọn người hiền, bình thường ai cũng chọn cái tốt cái hay, không ai lại chọn cái xấu cái dở bao giờ.

Thiên Chúa là Đấng Thánh, nếu Người vào đời mà liên đới với những bậc Thánh Hiền, với những Người Công Chính thì chẳng ai phản đối. Nhưng không, Chúa Giêsu đã gắn bó thân phận mình với loài người tội lỗi.Trước khi bắt đầu công cuộc rao giảng Tin mừng, Chúa Giêsu đã làm một cử chỉ thật lạ lùng là Người tới bên bờ sông Giođan và xin Gioan làm phép rửa cho mình.

Dân chúng đến xin Gioan làm phép rửa thì chúng ta hiểu được, vì mọi người đều có tội, nên đã phải thú tội để biểu lộ lòng hoán cải và xin ơn tha thứ của Thiên Chúa. Còn Đức Giêsu, Người là Đấng vô tội, là Đấng Thánh, vì thế Gioan đã thốt lên: “Chính tôi cần phải được Ngài thanh tẩy cho, thế mà Ngài lại đến với tôi” (Mt 3,14). Gioan bối rối khước từ, bởi lẽ Đấng mà ông không đáng xách dép, Đấng là thẩm phán quyền uy, Đấng ban phép rửa trong Thánh Thần, Đấng ấy lại cúi mình xin ông làm phép rửa, thế nhưng Người đã trả lời: “Bây giờ cứ thế đã, vì chúng ta nên làm như vậy để giữ trọn đức công chính” (Mt 3,17).

Gioan đã kêu gọi dân chúng chịu phép rửa “để tỏ lòng sám hối và được ơn tha tội”.Chúa Giêsu là Đấng Thánh, Người không có tội gì để mà sám hối và Người cũng chẳng cần đến ơn tha tội. Vậy nếu Chúa Giêsu chịu phép rửa là chính bởi vì Ngài muốn dấn thân nhập cuộc liên đới với nhân loại, Người muốn đi tới cùng, chấp nhận mang vào thân kiếp người tội lỗi cần được thanh tẩy và đổi mới. Thánh Phêrô đã viết trong thư thứ nhất thật sâu sắc “ tội lỗi của chúng ta, Người đã mang lấy vào thân thể mà đưa lên cây thập giá” (1Pr 2,24). Chúa Giêsu không chỉ tha tội, xoá tội mà còn gánh lấy tội nhân loại, đem nó vào thân thể Người để biến đổi, gạn lọc, đổi mới thành hương thơm sắc đẹp. Người đã biến đổi ngay chính trong bản thân mình tất cả tội lỗi của trần gian, làm cho nó trở nên thánh đức.

Phép rửa mà hôm nay Chúa Giêsu lãnh nhận bởi tay Gioan Tẩy Giả chỉ là một hình ảnh báo trước phép rửa hoàn hảo và tuyệt đối hơn vì nó có khả năng tái sinh đổi mới con người. Khi chịu phép rửa của Gioan, Chúa Giêsu đã công khai liên đới thân phận mình là Thiên Chúa, là Đấng Thánh với thân phận con người tội lỗi. Người không bao giờ phạm tội, Người không vướng một vết nhơ tội lỗi nào, nhưng đã không ngần ngại đến sống giữa nhân loại tội lỗi, đồng hành, đồng bàn ăn uống với những người thu thuế và những người tội lỗi.

Kẻ tội lỗi là kẻ đáng ghét, không ai thương người đáng ghét, nhưng Chúa Giêsu lại thương người tội lỗi, vì đối với Chúa kẻ tội lỗi đáng ghét nên đáng thương, đáng được chữa lành. Chúa Giêsu ghét tội lỗi nhưng lại thương tội nhân, Người đã hoà mình sống giữa họ, chia sẽ thân phận với họ rồi laị chia sẽ cho họ niềm vui được làm con cái Thiên Chúa và sự thánh thiện của Người. Những Giakêu, Lêvi, Mađalêna, người phụ nữ Samaria bên giếng Giacop đã được Người hoán cải đổi đời. Đó là một thái độ, một lập trường đi ngược với quan niệm thông thường của tôn giáo cũng như người đời.

Tôn giáo thì luôn tách biệt cái thánh thiêng ra khỏi cái phàm tục. Người ta luôn tôn kính các bậc thánh hiền, ông thánh này bà thánh nọ, ghét bỏ người tội lỗi. Còn Chúa Giêsu thì coi việc đến với người tội lỗi là sứ mạng của Người vì Người quan niệm rằng “người mạnh khoẻ không cần đến thầy thuốc, người ốm đau mới cần”. Bởi đó, Người đã nói: “Ta đến không phải để kêu gọi người công chính, nhưng để kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năn”. Nhưng Chúa Giêsu không đứng ngoài hay đứng trên để kêu gọi sám hối mà người muốn cùng họ sám hối như thể thực sự Người cũng là một kẻ tội lỗi cần hoán cải. Do đó, Người đã xin chịu phép rửa của Gioan.

Nói theo Lão Tử, người sống 500 năm trước Chúa Giáng Sinh, thì việc làm của Chúa Giêsu khi chấp nhận dìm mình trong dòng nước sông Giođan chính là thực hiện lý tưởng “đồng kỳ trần” ( toả kỳ nhuệ, giải kỳ phân, hoà kỳ quang, đồng kỳ trần; nghĩa là làm bớt chỗ bén nhọn, bỏ phân chia, hoà ánh sáng, đồng bụi bặm. {Đạo đức kinh IV,2; LVI,2}. Ý nói: nếu muốn hoà giải, hoà hợp với người khác thì phải bỏ óc kỳ thị phân chia, giảm bớt những gì là sắc bén nơi mình có thể gây nguy hại cho người khác, hoà cái sáng của mình với cái sáng của tha nhân, và cũng chia sẽ thân phận ‘bụi bặm” với người ta. Nói tóm lại là đừng nghĩ mình hơn người mà xa cách kỳ thị, nhưng phải thấy được cái sáng của người, đồng thời cũng thấy được cái bụi bặm nơi mình. Trích dẫn theo: Trái chín đầu mùa,trang 133. Lm Thiện Cẩm).

Trước sự hạ mình thẳm sâu của Đức Giêsu, Chúa Cha đã tôn vinh Người bằng việc sai phái Thánh Thần hiện xuống và bằng lời tuyen bố: Đây là con Ta yêu dấu.

Ba dấu hiệu mà Phúc âm nêu lên không những tiên báo sự sống lại vinh hiển của Đức Kitô mà còn tiên báo thời đại ân sủng mà Người mang đến cho loài người.

- Dấu hiệu 1: Trời mở ra.

Sách Sáng thế đã nói: Ađam và Evà phạm tội, cửa thiên đàng đóng lại ( St 3,23-24). Qua biết bao thế kỷ, Dân Thiên Chúa đã thiết tha cầu nguyện “Ôi ước chi Ngài xé rách các tầng trời và ngự xuống” ( Is 64,1). Nhờ Chúa Kitô, từ nay trời mở ra, một kiểu nói của Thánh kính ngụ ý là con người từ nay được sống thông hiệp với Thiên Chúa.

- Dấu hiệu 2: Thánh thần ngự xuống như chim bồ câu.

Sách Sáng Thế có nói: Trước khi tạo dựng trời đất, thì “Thánh Thần Thiên Chúa bay lượn trên mặt nước” (St1,2) như để thông truyền sức sống. Khi Chúa Giêsu chịu phép rửa, Chúa Thánh Thần ngự xuống dưới hình chim bồ câu thì ngụ ý: Đức Giêsu là con người mới và trong Người nhân loại sẽ được tạo dựng lại, sẽ được đổi mới. Chính Thánh Phaolô xác định: “ Điều quan trọng chẳng phải là việc cắt bì hay không cắt bì, nhưng là trở thành tasọ vật mới” (Gal 6,15)

- Dấu hiệu 3: Lời của Chúa Cha: ” Con là con yêu dấu của Ta…”.

Qua lời tuyên bố này chúng ta nhận biết Đức Giêsu là con thật của Thiên Chúa, và sau này Đức Giêsu dạy cho chúng ta biết: những ai tin vào Ngươì và nhận phép rửa nhân danh Người thì cũng được thông phần vào địa vị làm con Thiên Chúa.

Ngày lễ hôm nay mời gọi chúng ta hãy ý thức tới ân huệ cao trọng mà Chúa Giêsu đã đem lại cho chúng ta nhờ Phép rửa của Người. Phép Rửa tội là cửa đưa chúng ta vào sự sống mới, vào Nước trời. Đó là bí tích đầu tiên của luật mới. Đó cũng là bí tích Chúa đã trao lại cho Giáo hội cùng với Tin mừng khi Người truyền cho các Tông đồ: “Các con hãy đi giảng dạy muôn dân, rửa tội cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần” ( Mt 28,19). Vì the, Thánh Tẩy là bí tích của đức tin, làm cho loài người được tham dự vào bản tính Thiên Chúa và được ơn làm nghĩa tử, khởi đầu cuộc sống mới trong Đức Kiô. Do vậy, trong nghi thức tiếp nhận, Giáo hội luôn hỏi người dự tòng: “Con xin gì cùng Hội Thánh ?”. “Thưa, con xin đức tin”. “Đức tin mang lại điều gì cho con ? ”. “ Thưa, sự sống đời đời”. Và trước khi nhận bí tích Thánh Tẩy, người dự tòng xác nhận công khai từ bỏ tội lỗi và tuyên xưng đức tin trước mặt cộng đoàn.

Người Kitô hữu được thánh hiến cho Thiên Chúa, đi vào đời sống hiệp thông với Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần qua bí tích rửa tội. Ý thức ân huệ cao trọng này để mỗi người chúng ta xây dựng đền thờ tâm hồn mình xứng đáng cho Ba Ngôi Thiên Chúa ngự trị bằng một đời sống công chính, đạo đức, trong sạch.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Dòng Tên Khai mạc Tổng Hội lần thứ 35
Vũ, sj
07:13 08/01/2008
ROMA (7.1.2007) – Tổng Hội thứ 35 của Dòng Tên đã được chính thức khai mạc bằng thánh lễ trọng thể do Đức Hồng Y Franc Rodé, Tổng trưởng Thánh bộ các Dòng Tu và các Tu hội Tông đồ, cử hành vào lúc 10 giờ sáng ngày 7 tháng 1 năm 2008 tại Nhà thờ Gesù. Cha Bề trên Cả Peter-Hans Kolvenbach, S.J. đã cùng đồng tế trên Cung thánh với sự tham dự của 225 thành viên tham dự Tổng Hội.

Trong bài giảng, Đức Hồng Y Rodé đã nêu lên những điểm nhấn quan trọng trong Hiến chương mà thánh I-nhã Loyola, Đấng sáng lập Dòng Tên, đã qui định ngay từ buổi đầu Dòng được phôi thai. Ngài cũng nhấn mạnh rằng sứ mạng của Tổng Hội lần này khi chọn ra một cha Bề trên Cả kế nhiệm là một nhiệm vụ có giá trị nền tảng ảnh hưởng đến sứ vụ và đời sống tương lai của toàn Dòng và vì thế ngài đã nguyện chúc cho Tổng Hội sẽ lựa chọn được “một vị sống kết hợp mật thiết với Chúa và gắn bó với cầu nguyện” như thánh Tổ phụ mong ước và qui ước (Hiến chương số 735).

Đức Hồng Y Rodé cũng đã nhấn mạnh về đặc sủng của việc huấn luyện thiêng liêng mà thánh I-nhã đã đúc kết bằng kinh nghiệm Linh Thao của thánh nhân. Ngày nay, Linh đạo I-nhã không chỉ có giá trị quan yếu trong việc huấn luyện của nội bộ Dòng Tên mà còn đóng góp những ảnh hưởng quan trọng đến việc huấn luyện của nhiều Dòng tu khác. Quá khứ cũng cho thấy Linh đạo I-nhã đã góp phần rất lớn trong việc đào luyện tông đồ và giáo dục thiêng liêng trong môi trường giáo dục Đại học mà Dòng dấn thân phục vụ. Vì thế, Đức Hồng Y Tổng trưởng cũng nhắc nhớ các tu sĩ Dòng Tên luôn cố gắng giữ gìn đặc sủng thiêng liêng mà Thiên Chúa đã ưu ái ban tặng cho Dòng qua thánh I-nhã; luôn cố gắng bảo vệ truyền thống vâng phục tuyệt đối mà di sản để lại trong việc sống lời khấn thứ tư “vâng phục Đức Thánh Cha” của các tu sĩ Dòng Tên; cố gắng thăng tiến đời sống tông đồ “hành động trong chiêm niệm” giữa lòng nhân thế, trong lòng giáo hội, và bằng sự sung mãn của sức sống rao giảng Tin Mừng.

Vào cuối thánh lễ, cộng đoàn hướng về bàn thờ kính thánh I-nhã. Bức tranh tuyệt tác của tu huynh Andrea Pozzo, SJ (1642-1709) nổi bật họa tiết mầu nhiệm Ba Ngôi, Ngôi Lời Nhập Thể, mẫu tự Thánh Danh HIS, biểu tượng sứ vụ Dòng Tên và linh đạo I-nhã hiện diện uy linh phía bên trên mộ phần của thánh nhân. Trong khoảnh khắc thinh lặng, bức danh hoạ rộ nét thiêng liêng đó dường như được 2 thiên thần từ vòm cao trang trọng ‘gieo’ xuống đất thấp để vén mở chân dung thánh I-nhã được công phu tạc đúc bằng bạc đang trang nghiêm hiện diện giữa Tổng Hội. Cha Bề trên Cả xướng lên Lời nguyện xin sự chuyển cầu của thánh Tổ I-nhã và cả cộng đoàn hiệp nguyện bằng Kinh Dâng Hiến:

Xin Chúa nhận lấy
tự do,
trí nhớ, trí hiểu,
cùng toàn vẹn ý chí của con –
tất cả những gì con đang có và sở hữu
Chúa đã ban tặng cho con,
là của Ngài, lạy Chúa, con xin trao lại,
tất cả là của Chúa;
xin dùng theo ý Chúa.
Xin chỉ ban cho con tình yêu và ân sủng của Chúa;
như thế là đầy đủ cho con.


Sau đó, cha Bề trên Cả thắp lên một ngọn đèn dầu và xông hương mộ thánh I-nhã. Ngọn đèn này được thắp sáng suốt cho đến khi kết thúc Tổng Hội 35. Ở các Tỉnh Dòng trên toàn thế giới, nhiều nơi cũng thắp lên một ngọn nến tương tự tại Nhà nguyện để thể hiện sự hiệp nhất và lòng hiệp thông.

Vào buổi chiều sau thánh lễ, Tổng Hội bắt đầu họp phiên đầu tiên. Nếu thánh lễ khai mạc đã mở cửa cho giới truyền thông được đăng kí tham dự để chứng kiến và phổ biến thì có thể nói trong những ngày cận kề sắp tới sẽ là những phiên “họp kín” vì chỉ có 225 + 1 (cha Peter-Hans Kolvenbach) đại biểu được chỉ định đại diện cho hơn 19,200 tu sĩ Dòng Tên trên toàn thế giới [Châu Phi (18 đại biểu), Châu Á và Châu Úc (64 đại biểu), Châu Âu (69), Châu Mỹ La-tinh (40 đại biểu), Bắc Mỹ (34 đại biểu)]. Theo nghị trình thì 4 ngày kế tiếp sẽ là những ngày tập trung cầu nguyện, bàn hỏi, và nhận định để tiến hành bầu chọn cha Bề trên Cả thứ 30 kể từ khi thánh I-nhã được Tổng Hội đầu tiên lựa chọn tín cử vào ngày 19 tháng 4 năm 1541. Cha Peter-Hans Kolvenbach đã được Tổng Hội thứ 33 tín cử ngay vòng phiếu đầu tiên vào ngày 13 tháng 9 năm 1983.

Theo Hiến chương của Dòng Tên thì cha Bề trên Cả không có giới hạn nhiệm kì, đây là lần thứ 2 trong lịch sử của Dòng Tên khi mà Tổng Hội được triệu tập họp bầu cha Bề trên Cả khi vị đương nhiệm còn sống; lần đầu tiên là lúc Tổng Hội thứ 33 được triệu tập (1983) trong hoàn cảnh khi cha Pedro Arrupe đột quị. Trong trường hợp của Tổng Hội 35 này, vào ngày 6 tháng 2 năm 2006, cha Bề trên Cả đã thông báo cho toàn Dòng về ý định từ nhiệm sau khi thỉnh ý và được Đức Thánh cha Benêđíctô XVI chấp thuận; Tổng Hội lần thứ 35 của Dòng Tên đã được triệu tập.

(Hình: Don Doll, SJ)
 
Viên Chức Cao Cấp của Tòa Thánh với những lời khuyên cho các Tu Sĩ Dòng Tên
Anthony Lê
08:24 08/01/2008
Viên Chức Cao Cấp của Tòa Thánh với những lời khuyên cho các Tu Sĩ Dòng Tên

ROME (LifeSiteNews.com) - Viên chức cao cấp của Tòa Thánh, Đức Hồng Y Franc Rode - người phụ trách các Dòng Tu, đã đọc bài diễn văn tại Tổng Công Hội lần thứ 35 của Dòng Tên vào ngày hôm qua.

Đức Hồng Rode (người gốc Slovenia thuộc Nam Tư cũ, 71 tuổi), Vị được Đức Thánh Cha Bênêđíctô 16 bổ nhiệm vào chức vu Tổng Trưởng Thánh Bộ đặc trách các Dòng Tu và Tu Hội Tông Đồ Đời (Congregation for Institutes of Consecrated Life and Societies of Apostolic Life), trong bài diễn văn, đã liên tục nhấn mạnh về "sự tiếc nuối và lo âu" liên quan đến việc bất tín trung với những giảng dạy truyền thống của Giáo Hội nơi một số tu sĩ của Dòng.

Đức Hồng Y nhắc lại gương sáng của Vị Thánh đã sáng lập ra Dòng, chính là Thánh Inhaxiô thành Loyola, và lời khấn chính yếu của Dòng chính là: "Để phục vụ Thiên Chúa và vị Hiền Thê của Ngài chính là Giáo Hội dưới quyền cai quản của Vị Giáo Hoàng La Mã."

Đức Hồng Y nói: "Với sự nuối tiếc và lo lắng trước việc tôi nhận thấy rằng việc suy nghĩ về Giáo Hội (sentire cum ecclesia) mà Vị Sáng Lập của Quý vị đã liên tục nhấn mạnh đến, đang giảm dần đi nơi một vài thành viên trong đại gia đình tôn giáo của Quý vị."

Những vị tu sĩ của Dòng - những người đã từng một thời rất đạo đức, rất mạnh mẽ và can trường trong việc bảo vệ đức tin trong suốt hơn 40 năm qua, bỗng dưng lại trở thành những người bất đồng với Giáo Hội.

Rất nhiều các Vị Linh Mục Dòng Tên nổi tiếng đã bị phát hiện và gian diếu đến những vụ xì-căng-đan đồng tính luyến ái; cũng như những vị Giáo Sư và Thần Học Gia Dòng Tên tại các trường Đại Học của Dòng lại trở thành những bất đồng chính kiến với những giảng dạy truyền thống của Giáo Hội có liên quan đến đời sống và gia đình.

Chính Đức Thánh Cha Bênêđíctô 16 đã cho kết thúc một vài vụ xì-căng-đan bằng cách đưa ra những lời khuyên bảo công khai phải sửa đổi đến cho những vị thần học gia nổi tiếng của Dòng. Năm ngoái, vị Tổng Biên Tập của tờ báo thuộc Dòng Tên, tờ "America" là Linh Mục Thomas J. Reese đã phải đột ngột từ chức, khi liên tục trở thành người quá khích đối với những giảng dạy truyền thống của Giáo Hội.

Bài diễn văn của Đức Hồng Y Rode, được giới quan sát tại Vaticăn xem đó là một chuyển biến mới nữa, trong nổ lực của Đức Thánh Cha nhằm khôi phục lại căn tính và sự rạng rỡ nguyên bản của Dòng.

Trong phần cuối của bài diễn văn, Đức Hồng Y nói:

"Với nổi buồn và sự lo lắng, tôi cũng đã nhìn thấy được càng ngày càng có thêm sự xa cách với cấu trúc của Giáo Triều, tức với vị Lãnh Đạo Tối Cao của Giáo Hội. Linh đạo phục vụ tông đồ của Dòng Tên là 'dưới quyền cai quản của Vị Giáo Hoàng La Mã' điều đó không cho phép sự tách rời này. Trong Hiến Pháp mà Vị Sáng Lập của Dòng đã để lại cho Quý vị, Thánh Inhaxiô đã viết rằng: 'chúng ta phải luôn luôn để cho tâm trí của chúng ta được sẳn sàng và biết nhanh chóng tuân phục'. ... hệ thống thứ bậc trong Giáo Hội."

Trong việc đề cập tới những lãnh vực cụ thể, Đức Hồng Y nói:

"Nguyện cho những ai - theo hiến pháp và sự bầu chọn của Quý vị - được chọn ra để trông nom học thuyết của các tạp chí và ấn bản, biết làm điều này trong ánh sáng và tuân thủ theo đúng với những quy luật trong việc hướng mọi suy nghĩ về Giáo Hội (rules for sentire cum ecclesia) với tình yêu và sự kính trọng."

Đức Hồng Y tự ngài không bày tỏ ra sự hài lòng về những sửa chữa của Dòng, thế nhưng ngài lại thách đố các tu sĩ của Dòng phải trở thành những người đi tiên phong trong cuộc chiến văn hóa - chính lãnh vực mà có rất nhiều vị của Dòng đã tự phản bội lại những giảng dạy truyền thống của Giáo Hội.

Đức Hồng Y nói:

"Truyền Thống của Dòng, ngay từ những lúc khởi đầu ra Collegio Romano là luôn tự đặt mình tại những giao lộ giữa Giáo Hội và xã hội, giữa đức tin và nền văn hóa, giữa tôn giáo và chủ nghĩa thế tục. Bằng việc khôi phục lại những vị thế tiên phong này vốn hết sức cần thiết để loan truyền sự thật vĩnh cữu đến cho thế giới ngày này, bằng chính ngôn ngữ của thời nay. Quý vị hãy đừng từ bỏ đi sự thách đố này."

Để đọc hay tham khảo qua toàn bộ bài diễn văn của Đức Hồng Y Rode, mới Quý vị vào trang Web sau: http://www.lifesite.net/ldn/2008/jan/080107b.html
 
21 Vị đã chết dã man vì Phúc Âm trong năm 2007
Anthony Lê
08:48 08/01/2008
21 Vị đã chết dã man vì Phúc Âm trong năm 2007

Trong Nhóm Đó Gồm Có 15 Vị Linh Mục

ROME (Zenit.org).- Hai mươi mốt người đã phải gánh chịu những cái chết rất dã mang trong năm 2007 trong việc họ rao giảng Tin Mừng của Chúa đến cho mọi người, kể cả một vị Linh Mục và 3 vị Phó Tế ở Irắc.

Thông tấn xã Fides, trực thuộc Thánh Bộ Rao Giảng Tin Mừng cho Các Dân Tộc, ngày hôm qua đã đưa ra danh sách của những vị đã bị giết chết. Nhóm bao gồm hầu hết là các vị Linh Mục và Phó Tế. Một chủng sinh, một Thầy và một Nữ Tu cũng được kể đến trong số đó.

Hãng tin làm rõ thêm rằng: "Trong những năm vừa qua, danh sách của chúng ta không chỉ bao gồm tên của những nhà truyền giáo theo đúng nghĩa mà thôi, mà còn cả những ai làm công tác mục vụ, vốn chết đi một cách dã man, bằng chính việc hy sinh mạng sống của họ, ý thức được những hiểm nguy mà họ đang gánh phải, và quyết trung thành để làm chứng tá niềm tin và lòng thiện hảo."

Con số tử vong trong năm 2007 thì ít hơn đến 3 người so với danh sách của năm 2006; và 4 người so với 2 năm trước đây.

Năm ngoái danh sách của 21 người làm công tác mục vụ gồm có 15 vị Linh Mục. Cha Ragheed Ganni và 3 vị Phó Tế đã bị giết và chết tại Irắc. Trong tháng 6/2007, có 8 người làm công tác mục vụ bị giết chết tại Á Châu.

Vị Nữ Tu, Sơ Anne Thole thuộc Dòng Hội Các Nữ Tu Thánh Gia Phanxicô, bị thiệt mạng khi một bệnh viện dành cho các bệnh nhân AIDS phát hỏa ở Nam Phi. Vị Nữ Tu 35 tuổi này trước đó cũng đã giúp được cho 5 bệnh nhân thoát khỏi cuộc hỏa hoạn đến nơi an toàn, rồi sau đó Sơ quay trở lại bệnh viện để cứu thêm 3 người nữa, thế nhưng mái bệnh việc sập xuống trước khi Sơ và các bệnh nhân có thể thoát ra.

Để xem danh sách đầy đủ và những tình huống dẫn đến cái chết của những vị bỏ mạng vì Phúc Âm, Quý vị có thể tham khảo thêm tại trang Web: www.fides.org.
 
Dự án cải táng phần mộ cha thánh Piô Năm Dấu gặp sự phản đối mạnh.
Nguyễn Long Thao
09:03 08/01/2008
San Giovanni Rotondo, 7/01/08 – Đức Tổng Giám Mục tại San Giovanni Rotondo ở Ý cho biết giáo phận sẽ cải táng mộ phần thánh Padre Pio và linh hài của Ngài sẽ được trưng bày cho công chúng.

Dự án cải táng phần mộ của cha Pio đã gặp phải sự chống đối mạnh mẽ từ phía họ hàng cha Piô vài gọi dự án này là điều “thiếu văn minh”.

Đức TGM Domenico D'Ambrosio cho biết linh hài của cha thánh Piô sẽ được trưng bày cho công chúng tôn kính vào năm 2008, nam kỷ niệm lần thứ 40 ngày cha thánh qua đời. Hàng năm có khoảng 1 triệu khách hành hương đến San Giovanni Rotondo để kính viếng phần mộ cha thánh Piô.

Hiện nay giới chức giáo hội đang tham khảo với các chuyên viên về cách khai quật phần mộ và làm sao bảo trì linh hài vị thánh.

Hiện nay bà Pia Forgione, cháu gái của thánh Padre Piô đã nhờ luật sư nộp đơn kiện tại tòa để xin án lênh buộc đức TGM không được cải táng phần mộ cha thánh Piô và trưng bày linh hài vị thánh cho các tín hữu tôn kính.

Đức TGM nói dự án cải táng phần mộ của cha thánh đã được bộ Phong Thánh chấp thuận. Ngài giải thích rằng việc này để các thế hệ sau có dịp tôn kính vị thánh Piô thành Pietrelcina. Ngài cũng nói thêm cải táng nhằm bảo trì linh hài của vị thánh.

Cha thánh Padre Pio, thường được gọi là cha Piô Năm Dấu Thánh, sinh năm 1887 và qua đời năm 1968. Ngay từ hồi còn sinh tiền, cha thánh đã nổi tiếng khắp thế giới vì lòng đạo đức. Lúc Ngài còn sống, hàng ngàn người đã báo cáo phép lạ đã xảy ra cho họ sau khi gặp cha Thánh và khi ngài qua đời rồi nhiều người đến cầu nguyện với Ngài cũng được phép lạ.

Cha Padre Pio được ĐGH phong thánh vào năm 2002 và có hai triệu người đã đến dự lễ phong thánh.
 
Bảo vệ căn cội Kitô và vai trò của tín hữu công giáo Pháp
Linh Tiến Khải
09:08 08/01/2008
Phỏng vấn Đức Hồng Y Jean Louis Tauran về lập trường của tổng thống Pháp Nikolas Sarkozy bảo vệ căn cội Kitô của Pháp và vai trò của tín hữu công giáo trong việc xây dựng quốc gia

Sáng ngày 20-12-2007 Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã tiếp kiến tổng thống Pháp ông Nicolas Sarkozy. Vào ban chiều tổng thống đã nhận chức kinh sĩ danh dự do Đức Hồng Y Camillo Ruini, Giám Quản Roma, trao trong lễ nghi cử hành tại đền thờ Gioan Laterano. Sau đó ông đã đọc một bài diễn văn mạnh mẽ tái khẳng định căn cội Kitô của nước Pháp và vai trò cùng phần đóng góp của tín hữu Công giáo cho quốc gia. Tổng thống Sarkozy nhắc lại các liên hệ chặt chẽ giữa Pháp và Tòa Thánh, được biểu lộ bằng nhiều dữ kiện lịch sử. Kể từ khi vua Clovis lãnh bí tích rửa tội, nước Pháp đã trở thành trưởng nữ của Giáo Hội và từ đó Kitô giáo lan tràn trên toàn Âu châu. Tước kinh sĩ danh dự đền thờ thánh Gioan Laterano đã được trao cho vua Henri IV lần đầu tiên, và từ đó các vua và quốc trưởng Pháp vẫn tiếp tục nhận tước hiệu truyền thống này.

Ngoài các sự kiện lịch sử, lòng tin Kitô đã đâm rễ sâu trong cuộc sống xã hội Pháp, trong nền văn hóa, trong cảnh trí cũng như cách sống và khoa kiến trúc. Tổng thống Sarkozy khẳng định rằng ”Nước Pháp có các căn cội Kitô sâu đậm, và nước Pháp đã đóng góp một cách ngoại thường cho việc giãi tỏa Kitô giáo trên thế giới, qua các thánh thuộc mọi thời đại: từ thánh Bernard thành Clairveaux cho tới vua thánh Louis, thánh Vincent de Paul, thánh nữ Bernadette của Lộ Đức, thánh nữ Terexa Hài Đồng Giêsu thành Lisieux, thánh Jean Marie Vianney, Frederic Ozanam, và Charles de Foucauld. .. Trong lãnh vực nghệ thuật có các văn sĩ và họa sĩ như Couperin, Péguy, Claudel, Bernanos, Vierne, Poulenc, Duruflé, Mauriac, Messiaen. .. Rồi có các triết gia và học giả và thần học gia nổi tiếng như Blaise Pascal, Jacques Bénigne Bossuet, Jacques Maritain, Emmanuel Mounier, Henri de Lubac, Yves Congar, René Girard... Nước Pháp cũng đóng góp nhiều cho nghành khảo cổ Kinh Thánh và khoa chú giải Kinh Thánh, đặc biệt với trường Kinh Thánh và khảo cổ Pháp tại Giêrusalem.

Sự kiện Kitô giáo ghi đậm dấu vết trong lịch sử và nền văn hóa Pháp cũng dễ nhận ra ngay tại Roma qua sự hiện diện liên tục của các nhân viên trong các cơ quan trung ương của Tòa Thánh. Điển hình như các Đức Hồng Y Roger Etchegaray, Paul Poupard, Jean Louis Tauran, và Đức Tổng Giám Mục Dominique Mamberti. Công việc của các vị làm vinh danh nước Pháp. Các căn cội Kitô của Pháp cũng còn được diễn tả ra qua các học viện và dòng tu. Kitô giáo rất quan trong đối với nước Pháp.

Tiếp đến tổng thống Sarkozy thừa nhận việc áp dụng tính cách đời đã gây ra rất nhiều khổ đau cho các tín hữu công giáo và linh mục tu sĩ nam nữ Pháp trước và sau năm 1905. Nhưng nhờ các hy sinh và việc chia sẻ số phận của người dân trong thời thế chiến, chính các linh mục tu sĩ Pháp đã đánh đổ được khuynh hướng bài giáo sĩ và nhờ trí thông minh của các vị mà nước Pháp và Tòa Thánh đã tái lập các liên hệ ngoại giao với nhau.

Ngày nay chế độ chính quyền đời của Pháp là một sự tự do: tự do tin hay không tin, tự do sống một tôn giáo và thay đổi tôn giáo, tự do không bị xúc phạm đến sự nhậy cảm bởi các thói quen phô bầy bên ngoài, tự do của giới phụ huynh trong việc lựa chọn một nền giáo dục cho con cái phù hợp với các xác tín của họ, tự do không bị lãnh vực hành chánh kỳ thị vì niềm tin của mình. Tính cách đời là một sự cần thiết và là một cơ may cũng như điều kiện chung sống hòa bình dân sự. Vì thế nó không thể là việc chối bỏ qúa khứ. Nó không có quyền cắt đứt nước Pháp khỏi các căn cội Kitô của mình. Một quốc gia không biết tới gia tài luân lý đạo đức tinh thần và tôn giáo trong lịch sử của mình, là phạm tội chống lại chính nền văn hóa của mình, chống lại sự trộn lẫn lịch sử, gia tài, nghệ thuật và truyền thống bình dân từng thấm nhuần cung cách sống và suy tư của dân Pháp. Bứt nhổ các gồc rễ của mình có nghĩa là đánh mất đi ý nghĩa, làm suy yếu nền tảng căn tính quốc gia và làm khô cằn các tương quan xã hội cần tới các biểu tượng của ký ức.

Vì thế cần phải duy trì hai đầu dây: chấp nhận các căn cội Kitô của nước Pháp, đánh giá cao các căn cội đó, và tiếp tục bảo vệ tính cách đời trưởng thành... Đã tới lúc các tôn giáo, đặc biệt là Công Giáo là tôn giáo của đa số dân và tất cả các lực lượng sinh động của quốc gia phải cùng nhau nhìn về thế đứng trong tương lai và không chỉ nhìn về qúa khứ...

Tổng thống Pháp chia sẻ xác tín của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI coi niềm hy vọng như là một trong những vấn đề quan trọng nhất của thời đại ngày nay. Từ thế kỷ của thuyết thiên quang luận cho tới nay Âu châu đã sống kinh nghiệm của nhiều ý thức hệ. Nó đã đi trệch đường trong chủ thuyết cộng sản và đức quốc xã. Và đã không có viễn tượng ý thức hệ nào đã có thể trả lời cho nhu cầu sâu thẳm của con người kiếm tìm ý nghĩa cuộc sống và lý giải được vấn nạn nền tảng liên quan tới ý nghĩa cuộc sống và cái chết.

Áp dụng vào trường hợp cụ thể của Pháp tổng thống Sarkozy khẳng định rằng cần phải chấm dứt sự kiện nhà nước duy trì một hình thức bảo hộ trên các dòng tu, không thừa nhận tính cách phụng tự của hoạt động bác ái và các phương tiện truyền thông của các Giáo Hội, không thừa nhận giá trị của các văn bằng của các học viện hay cao học của Giáo Hội Công Giáo. Tất cả những điều này gây thiệt hại cho nước Pháp. Dĩ nhiên những người không tin cần được bảo vệ khỏi thái độ bất khoan nhượng và chiêu dụ tín đồ. Nhưng một người tin là một người hy vọng, và nước Pháp được lợi lớn, nếu có nhiều người hy vọng.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn một số nhận định của Đức Hồng Y Jean Louis Tauran, Chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh đối thoại liên tôn, về lập trường của tổng thống Nikolas Sarkozy đối với căn cội Kitô của Pháp và vai trò của và phần đóng góp của tôn giáo cho nỗ lực xây dựng quốc gia.

Hỏi: Thưa Đức Hồng Y, sáng ngày 20-12-2007 tổng thống Pháp Nikolas Sarkozy đã được Đức Thánh Cha Biển Đức XVI tiếp kiến riêng. Vào ban chiều tổng thống đã tham dự lễ nghi tại đền thờ thánh Gioan Laterano và nhận chức kinh sĩ danh dự. Đức Hồng Y cũng đã hiện diện tại buổi lễ, Đức Hồng Y nghĩ gì về diễn văn tổng thống Nikolas Đarkozy đọc trong buổi lễ nhận chức kinh sĩ danh dự này?

Đáp: Diễn văn của tổng thống Sarkozy đã có tầm mức rất cao và nội dung tinh thần sâu xa và súc tích. Trong qúa khứ đã có ít quốc trưởng Pháp thừa nhận gia tài tinh thần của quốc gia một cách rõ ràng và công khai như vậy. Những gì tổng thống nói sau lễ nghi nhận tước hiệu kinh sĩ danh dự đã đánh động tôi rất nhiều.

Diễn văn đã có nhiều điểm và phán đoán rất hay. Trước hết tổng thống Sarkozy đã nhắc lại các khổ đau mà tín hữu công giáo đã phải gánh chịu sau khi nhà nước Pháp ban hành luật tách rời nhà nước Giáo Hội hồi năm 1905. Thừa nhận như thế là một bổn phận, vì đã xảy ra nhiều bạo lực chống lại tín hữu công giáo sau khi luật này được ban hành. Thế rồi tổng thống Pháp cũng đã không sợ hãi đề cập đến căn cội Kitô của nước Pháp, đồng thời cũng nói tới tính chất đời tích cực, không coi tôn giáo như là một nguy hiểm đối với quốc gia, nhưng như là một tài nguyên phong phú giúp xây dựng quốc gia. Xem ra chúng ta đang từ một tính cách đời hiếu chiến sang tính cách đời thảo luận, hay nói như Regis Debray, một tính cách đời thông minh.

Hỏi: Theo Đức Hồng Y diễn văn mà tổng thống Pháp nói chiều ngày 20-12-2007 tại đền thờ thánh Gioan Laterano có giá trị nào?

Đáp: Diễn văn chứng minh cho thấy một cách rõ ràng là trong nước Pháp đa tôn giáo, Công Giáo có một chỗ đứng quan trọng trong lịch sử, nhưng các tôn giáo khác cũng có chỗ đứng của chúng. Và Nhà Nước là cơ quan bảo đảm tự do tôn giáo. Hơn là tách rời, đúng và tốt hơn phải nói là phân biệt Nhà Nước và Giáo Hội.

Hỏi: Diễn văn đã được cử tọa tiếp nhận như thế nào thưa Đức Hồng Y?

Đáp: Tôi hài lòng ghi nhận rằng diễn văn của tổng thống Sarkozy đã được tiếp nhận một cách tốt đẹp. Cử tọa đã vỗ tay nhiều lần và đã rất chăm chú theo dõi. Các chủng sinh trẻ người Pháp hiện diện xem ra đã rất cảm động, khi tổng thống nói về ơn gọi của họ và khẳng định rằng nước Pháp rất cần đến các tín hữu công giáo xác tín, hay khi ông nói rằng sự kiện thiếu thốn các linh mục đã không khiến cho người Pháp được hạnh phúc hơn.

Hỏi: Đức Hồng Y có nghĩ rằng bài diễn văn của tổng thống Sarkozy sẽ có các ảnh hưởng cụ thể trên nước Pháp hay không?

Đáp: Tôi không biết nó có gây được các ảnh hưởng cụ thể nào không. Nhưng có điều hay là tổng thống đã nhìn nhận rằng còn có những điều chưa ổn như: chính quyền còn duy trì các dòng tu dưới sự bảo hộ của mình và không thừa nhận giá trị các văn bằng thần học của Giáo Hội. Tổng thống cũng nói thêm rằng: ”Tôi nghĩ rằng tình trạng này gây thiệt hai cho đất nước chúng ta”. Hy vọng ông sẽ thành công trong việc thay đổi các tình trạng nói trên.

Hỏi: Trong bài diễn văn của mình tổng thống Sarkozy cũng đã trích dẫn Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI, có đúng thế không thưa Đức Hồng Y?

Đáp: Vâng đúng thế, tổng thống đã trích dẫn thông điệp ”Spe salvi” của Đức Thánh Cha, và đã nói rằng niềm hy vọng là một trong những vấn đề quan trọng nhất trong thời đại chúng ta. Tôi đã bị đánh động rất nhiều vì sự kiện sau khi trích dẫn thông điệp của Đức Thánh Cha, tổng thống Sarkozy đã thừa nhận rằng ”sự kiện tinh thần là khuynh hướng tự nhiên của tất cả mọi người kiếm tìm sự siêu việt”, và ”sự kiện tôn giáo là câu trả lời của các tôn giáo cho khát vọng nền tảng đó”. Sau đó ông còn nói thêm rằng: ”Giờ đây, sau thời gian dài, nền cộng hòa đời đã đánh giá thấp tầm quan trọng của khát vọng tinh thần”. Xem ra đây là một suy tư mới và có ý nghĩa trên miệng của một quốc trưởng Pháp.

Hỏi: Thưa Đức Hồng Y, trong diễn văn tổng thống Sarkozy cũng đã nhắc tới một sự tâm đồng nào đó giữa nước Pháp và Tòa Thánh liên quan tới vài đề tài chính trị đối ngoại liên quan tới vùng Địa Trung Hải có đúng thế không?

Đáp: Xem ra thông cáo do Tòa Thánh công bố sau cuộc hội kiến giữa Đức Thánh Cha Biển Đức XVI và tổng thống Pháp, rồi giữa tổng thống Pháp với các giới chức Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh nằm trong chiều hướng ấy.

Hỏi: Đức Hồng Y có địp nói chuyện riêng với tổng thống Pháp hay không?

Đáp: Có. Tôi đã chúc mừng tổng thống sau đó. Và chúng tôi đã nhắc tới cuộc gặp gỡ đầu tiên với nhau, khi cùng nhau giải thích một câu của triết gia Alexis de Tocqueville nằm ở đầu cuốn sách của ông: ”Chủ thuyết độc tài có thể không chú ý tới lòng tin, nhưng nó không thể không chú ý tới sự tự do”. Và chúng tôi thấy điều này cũng thật đối với nước Pháp và thế giới ngày nay.

(Avvenire 21-12-2007)
 
Thủ tướng Iraq hứa bảo vệ người Kitô Giáo.
Nguyễh Long Thao
12:19 08/01/2008
Baghdad, 8/01/08 - Thủ Tướng Iraq Nouri al Maliki đã gặp đức Khâm Sứ Tòa Thánh Vatican vào ngày hôm nay và cam kết sẽ bảo vệ và chống lại các cuộc tấn công của quân khủng bố nhắm vào người Kitô giáo.

Nhà lãnh đạo Iraq đã lên án một loạt vụ đánh bom hôm Chúa Nhật vừa qua nhắm vào người Công Giáo ở Mosul và ở thủ đô Baghdad. Thủ Tướng đã nói với đức Tổng Giám Mục Francis Chullikatt, Sứ thần Tòa Thánh tại Baghdad, rằng chính quyền sẽ lùng bắt và trừng phát các kẻ đặt bom phá hủy các nhà thờ và tu viện của Công Giáo trong ngày Chúa Nhật vừa qua.

Sau khi tiếp đức Khâm Sứ, văn phòng của Thủ Tướng Malaki đã ra bản tuyên cáo báo chí nói chính quyền và nhân dân Iraq muốn sống chung hòa bình và liên kết chặt chẽ với những nhóm Kitô Giáo thiểu số tại Iraq.

Tưỏng cũng nhắc lại vào tháng 10 năm ngoái, Thủ Tướng Malaki cũng đã có những lời cam kết như vậy sau khi đức Thượng Phụ Emmanuel III Delly, lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo Chaldean, phàn nàn về vụ các nhà thờ và cơ sở của Giáo Hội bị những kẻ quá khích tấn công phá hoại.
 
Đức Giáo hoàng đọc diễn từ hàng năm trước ngoại giao đoàn
Phụng Nghi
12:32 08/01/2008
Vatican (VIS) – Sáng ngày 7 tháng giêng tại điện Sala Regia thuộc Tòa thánh Vatican, Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI đã đọc bài diễn từ hàng năm theo truyền thống trước các nhà ngoại giao đang phục vụ tại Tòa thánh.

Ngài cũng nhận được lời chúc mừng của các đại sứ trong bài diễn văn do ông Giovanni Galassi đọc. Ông là đại sứ nước San Marino và là niên trưởng ngoại giao đoàn.

Tòa thánh hiện đang duy trì quan hệ ngoại giao với 176 quốc gia, cộng thêm Liên hiệp Âu châu và Chính quyền Quân sự tối cao tại Malta. Ngoài ra Tòa thánh cũng có quan hệ đặc biệt với Liên hiệp Nga và Tổ chức Giải phóng Palestine.

Mở đầu bài diễn từ, Đức Giáo hoàng nhắc lại việc thiết lập những quan hệ ngoại giao năm qua với Vương quốc Ảrập Thống nhất. Ngài cũng đề cập đến những cuộc tông du của mình tại nước ngoài, như cuộc thăm viếng nước Ba tây hồi tháng năm năm ngoái. Về vấn đề này, ngài bày tỏ niềm hy vọng có được “sự hợp tác ngày càng tăng tiến giữa các dân tộc Châu Mỹ La tinh, và, trong phạm vi mỗi quốc gia tạo thành lục địa này, có được những giải quyết các xung đột nội bộ”.

Ngài nói: “Tôi muốn đề cập tới Cuba, nơi đang chuẩn bị mừng kỷ niệm 10 năm ngày thăm viếng của vị tiền nhiệm đáng kính của tôi. Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã được các nhà cầm quyền và dân chúng nơi đó yêu thương đón tiếp, và ngài đã khuyến khích mọi người Cuba cùng nhau làm việc cho một tương lai tốt đẹp hơn. Tôi muốn được nhắc lại sứ điệp hy vọng đó, đến nay vẫn chưa mất chút nào tính cách thích đáng.

Ngài nói tiếp: “Tôi đặc biệt tưởng nhớ và cầu nguyện cho những người gặp phải thiên tai. Tôi nghĩ tới nạn bão lụt đã tàn phá một số vùng tại Mexico và Trung Mỹ, cũng như các quốc gia tại châu Phi và châu Á, đặc biệt là Bangladesh, và một phần tại châu Đại dương”.

Phản ảnh mối quan ngại của cộng đồng quốc tế về tình hình ở Trung Đông, ngài nói: “Tôi vui mừng với việc Hội nghị Annapolis nhằm tiến tới việc bãi bỏ các giải pháp phe phái và một chiều, ủng hộ một bước tiến toàn cầu nhằm tôn trọng quyền lợi và lợi ích hợp pháp của các dân tộc trong khu vực này. Một lần nữa tôi kêu gọi người Israel và người Palestine tập trung năng lực vào việc thực thi các cam kết đã đưa ra trong dịp đó, và thi hành tiến trình đã được tái khởi đầu một cách tốt đẹp. Hơn nữa, tôi mời gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ mạnh mẽ cho hai dân tộc này và hiểu biết những nỗi đau thương cũng như niềm lo lắng của họ.

“Ai mà không cảm động về cảnh ngộ của Lebanon, giữa khi các thử thách và tất cả bạo lực tiếp tục rung chuyển xứ sở thân yêu này? Điều nguyện ước chân thành nhất của tôi là dân tộc Lebanon có thể tự do quyết định tương lai của mình, và tôi cầu nguyện Thượng Đế soi sáng cho họ, bắt đầu từ các nhà lãnh đạo đời sống công cộng, để cho, khi đặt các quyền lợi riêng tư ra bên cạnh, họ sẽ có thể sẵn sàng cam kết đi vào con đường đối thoại và hòa giải. Chỉ trong đường hướng này, quốc gia mới có thể tiến bộ trong ổn định và trở thành một lần nữa tấm gương cho sự chung sống hoà bình giữa các cộng đồng khác biệt.

“Tại Iraq cũng thế, sự hòa giải là điều khẩn thiết. Hiện nay, những cuộc tấn công khủng bố, đe dọa và bạo lực vẫn tiếp tục, nhất là đối với những cộng đồng Thiên Chúa giáo, và các tin tức mới ngày hôm qua đây xác nhận mối quan ngại của chúng ta; rõ rệt là một số vấn đề chính trị khó khăn còn chưa được giải quyết. Trong bối cảnh này, cần có một sự cải cách về hiến pháp thích hợp để bảo đảm quyền lợi của những người thiểu số. Cần có các sự cứu trợ nhân đạo quan trọng cho những người bị ảnh hưởng của chiến tranh, tôi đặc biệt nghĩ đến những người phải di tản trong nước và những người tị nạn phải trốn sang nước ngoài, trong đó có nhiều người Thiên Chúa giáo”.

“Tôi cũng muốn bày tỏ sự ủng hộ của tôi đối với công cuộc theo đuổi tiếp tục và không ngừng nghỉ con đường ngoại giao để giải quyết vấn đề chương trình hạt nhân của Iran, bằng thành tâm thương thuyết, chấp nhận các biện pháp nhằm gia tăng sự trong sáng và tin cậy lẫn nhau, và luôn luôn đặt nặng nhu cầu đích thực của các dân tộc và phúc lợi chung của gia đình nhân loại.

“Nhìn về toàn bộ châu Á, tôi muốn lưu ý quý vị về một số tình trạng khủng hoảng khác, trước nhất là tại Pakistan nơi đã bị khổ đau vì bạo lực trầm trọng trong mấy tháng qua. Tôi hy vọng là tất cả những lực lượng chính trị và xã hội sẽ cam kết xây dựng một xã hội hoà bình, tôn trọng quyền lợi của tất cả mọi người. Tại Afghanistan, ngoài bạo lực ra còn có các vấn để xã hội trầm trọng khác nữa, chẳng hạn việc sản xuất các chất ma túy”.

Về vấn đề châu Phi, Đức thánh cha nói: “Trước nhất tôi muốn nhắc lại mối đau đớn sâu xa của tôi khi thấy rằng hy vọng dường như tan biến đi do liên tiếp những đói khát và chết chóc đe dọa trải dài tại Darfur. Bằng tất cả lòng mình, tôi cầu mong rằng nỗ lực kết hợp của Liên Hiệp quốc và Liên hiệp châu Phi, mà sứ mạng mới chỉ khởi đầu, sẽ mang lại sự cứu trợ và an ủi đến cho những người đang đau khổ”.

“Somalia, đặc biệt là Mogadishu, tiếp tục bị ảnh hưởng bởi bạo lực và nghèo đói. Tôi kêu gọi các phe phái trong cuộc tranh chấp hãy ngưng các cuộc hành quân quân sự, giúp cho sự chuyên chở những cứu trợ nhân đạo, và hãy tôn trọng người dân thường.

“Trong những ngày vừa qua, Kenya đã trải qua một cuộc bùng nổ bạo lực bất ngờ. Cùng với các vị giám mục nơi đây trong lời kêu gọi ngày 2 tháng giêng, tôi mời tất cả dân chúng, đặc biệt là các nhà lãnh đạo chính trị, tìm ra một giải pháp hoà bình qua đối thoại, đặt căn bản trên công lý và tình huynh đệ”.

Cuối cùng Đức thánh cha chú ý tới châu Âu: “Tôi vui mừng vì các tiến bộ đạt được nơi nhiều quốc gia vùng Balkan, và một lần nữa tôi bày tỏ niềm hy vọng rắng quy chế dứt khoát tại Kosovo sẽ cứu xét đến các đòi hỏi chính đáng của các phe phái liên hệ và sẽ bảo đảm an ninh cũng như tôn trọng quyền lợi của tất cả dân chúng tại đất nước này để cho ám ảnh bạo lực được xóa bỏ và sự ổn định của châu Âu được củng cố”.

Cũng về vấn đề châu Âu, Đức thánh cha bảo đảm rằng ngài đang “chú ý theo dõi giai đoạn mới bắt đầu bằng việc ký kết Hiệp ước Lisbon. Bước đi này thúc đẩy tiến trình xây dựng ‘ngôi nhà châu Âu’ sẽ là nơi tốt đẹp để sinh sống cho mọi người chỉ khi nào nó được xây dựng trên nền tảng vững chắc về văn hóa và luân lý nơi các giá trị chung rút ra từ lịch sử và các truyền thống của chúng ta và nếu nó không từ chối cội nguồn Kitô giáo của mình”.

“Điểm qua nhanh chóng các sự việc, ta thấy rõ là an ninh và ổn định trên thế giới hãy còn mong manh. Các yếu tố đáng quan ngại thì thay đổi và luật pháp chỉ có thể là một sức mạnh hữu hiệu nếu nền tảng được neo chắc vào luật lệ tự nhiên do Đấng Sáng tạo ban phát. Đây là một lý do nữa cho biết không bao giờ có thể loại bỏ Thượng Đế ra ngoài chân trời của nhân loại và của lịch sử. Danh Chúa là tên của công lý, biểu dương tiếng gọi cấp thiết cho hòa bình”.

“Sự nhận thức này, cùng với nhiều điều khác nữa, có thể giúp tìm ra hướng đi cho các sáng kiến về đối thoại liên văn hóa và liên tôn giáo…Để thành sự thực, việc đối thoại này phải trong sáng, tránh chủ nghĩa tương đối và thuyết hỗn đồng, đồng thời phải được ghi dấu bằng sự tương kính và tinh thần hòa giải cũng như tình huynh đệ”.

“Ở mọi châu lục, Giáo hội Công giáo cố gắng bảo đảm rằng nhân quyền chẳng những phải được tuyên dương mà còn phải được đem ra thực hành. Hy vọng rằng các cơ quan được lập ra để bảo vệ và phát huy nhân quyền sẽ đem hết nỗ lực phục vụ công tác này và đặc biệt là Hội đồng về Nhân quyền sẽ đáp ứng được những điều ước vọng của những người thành lập ra tổ chức đó”.

“Tòa thánh, về phần mình, không bao giờ mệt mỏi khi tái khẳng định các nguyên tắc và các quyền này, đặt cơ sở trên những gì là thiết yếu và thường trực nơi nhân vị con người. Giáo hội muốn thực thi sứ vụ này nhằm đến phẩm giá đích thực của con người được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa. Và căn cứ trên các lý do này, tôi không thể một lần nữa không phàn nàn về những cuộc tấn công tiếp nối chống lại sinh mạng con người nơi mọi châu lục”.

“Tôi vui mừng vì ngày 18 tháng 12 Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã chấp thuận một nghị quyết kêu gọi các quốc gia tạm ngưng dùng án tử hình, và tôi ao ước rằng sáng kiến này sẽ đưa đến việc công khai thảo luận về tính cách thánh thiêng của mạng sống con người”.

“Một lần nữa, tôi lấy làm tiếc về những mối đe dọa làm xáo trộn sự toàn vẹn của gia đình, được thành lập trên sự hôn phối giữa một người nam và một người nữ. Các nhà lãnh đạo chính trị, dù thuộc loại nào, cũng nên bảo vệ cơ chế thiết yếu này, là tế bào căn bản của xã hội”.

“Ngay cả tư do tôn giáo, ‘một nhu cầu thiết yếu cho phẩm giá mỗi con người và viên đá nền móng của cơ cấu nhân quyền’ cũng thường bị phá hoại. Có nhiều nơi quyền này không được hoàn toàn thực thi. Tòa thánh bảo vệ quyền này, đòi hỏi phải được tôn trọng trên bình diện toàn cầu, và quan ngại về các điều kỳ thị chống lại người Kitô hữu cũng như các tín đồ các tôn giáo khác”.

“Hòa bình không thể chỉ đơn thuần là một từ ngữ và một khát khao vô vọng. Hòa bình là một cam kết và một lối sống đòi hỏi rằng nguyện vọng chính đáng của mọi người phải được thỏa mãn, chẳng hạn được có thực phẩm, nước uống và nhiên liệu, thuốc men và kỹ thuật, hoặc theo dõi sự thay đổi về khí hậu. Chỉ trong đường hướng này chúng ta mới có thể xây dựng được tương lai cho nhân loại; chỉ trong đường hướng này chúng ta mới có thể thúc đẩy một sự phát triển toàn bộ và có giá trị cho hôm nay cũng như ngày mai”.

“Sau cùng, tôi muốn thúc giục cộng đồng quốc tế cùng đưa ra lời cam kết trên bình diện toàn cầu về an ninh. Một nỗ lực liên hợp về phía các quốc gia để thực thi tất cả các nhiệm vụ đã cam kết và phòng ngừa không cho những kẻ khủng bố có được các vũ khí phá hoại hàng loạt sẽ chắc chắn củng cố chế độ không phổ biến võ khí hạt nhân và làm cho nó có hiệu quả hơn”.

Đức Giáo hoàng kết luận: “Trong một ý nghĩa nào đó, ngoại giao là một nghệ thuật về hy vọng. Nó sống động nhờ niềm cậy trông và kiếm tìm sự phân biệt ra ngay cả những dấu hiệu tế nhị nhất. Nghệ thuật ngoại giao phải phân phát ra niềm hy vọng…Ước chi Thượng đế mở lòng của những kẻ đang cai trị gia đình các dân tộc để họ đi vào niềm hy vọng mà sẽ không bao giờ làm ai thất vọng.”
 
Một Giám Mục khuyên là Người Công Giáo nên quỳ gối và Rước Mình Thánh bằng lưỡi
Bùi Hữu Thư
17:21 08/01/2008

Giám Mục Nói Người Công Giáo Nên Quỳ Gối và Rước Mình Thánh Bằng Lưỡi



Một Đức Giám Mục, tác giả một bài viết trong tờ báo Vatican cho hay sự tôn kính và ngưỡng mộ của người Công Giáo khi họ thật lòng tin họ đang tiếp nhận Chúa Giêsu trong Thánh Thể cần phải khiến cho họ quỳ gối và rước Mình Thánh bằng lưỡi.

Đức Giám Mục Athanasius Schneider tại Karaganda, Kazakhstan, trích dẫn Thư thứ nhất của Thánh Phaolô gửi tín hữu Côrintô viết, “Nếu một vài người ngoại giáo đến và quan sát thấy một hành động tôn thờ như vậy thì có lẽ người này cũng sẽ 'quỳ gối và thờ lạy Thiên Chúa, và tuyên xưng Thiên Chúa đang ở giữa chúng ta'.”

Trong một bài viết cho tờ báo phát hành ngày 8 tháng 1, Đức Giám Mục Schneider đã duyệt lại các bài viết về việc rước lễ của các nhà thần học của giáo hội tiên khởi và nói rằng việc rước Mình Thánh của người giáo dân bằng lưỡi là một tục lệ thông thường cho đến thế kỷ thứ sáu.

Bài viết đăng trên L'Osservatore Romano, báo Vatican được ấn hành với tiêu đề, "Như một hài nhi đang được bú mớm trong lòng mẹ.”

Đức Giám Mục Schneider nói là giống như một hài nhi há miệng để bú sữa mẹ, người Công Giáo cũng phải há miệng để được nuôi sống bởi Chúa Giêsu.

Ngái nói, "Đức Kitô thực sự nuôi sống chúng ta bằng mình và máu Người trong Phép Thánh Thể, và trong thời đại các tổ phụ, điều này được so sánh với việc trẻ em được bú sữa mẹ.”

Đức Giám Mục viết, “Ý thức về sự cao cả của mầu nhiệm Thánh Thể được biểu hiệu một cách đặc biệt qua phương thức Mình Thánh Chúa được ban phát và tiếp nhận.”

Ngài nói, “Ngoài việc bầy tỏ lòng tôn thờ chân chính bằng việc quỳ gối, rước Mình Thánh bằng lưỡi cũng tránh được ưu tư về việc giáo dân rước Mình Thánh Chúa bằng bàn tay không được sạch sẽ hay là để rơi mất những mảnh vụn của Mình Thánh, ưu tư này hợp lý nếu người ta thành thật tin vào bí tích Thánh Thể.”

Đức Giám Mục Schneider đặt câu hỏi, “Điều này không tương xứng với thực tại và chân lý sâu xa về bánh thánh sao, khi ngày nay tín hữu cũng quỳ gối để rước lấy, và há miệng như các tiên tri tiếp nhận Lời Chúa và để được nuôi sống như một hài nhi?”

Năm 1969 Vatican ban hành một hướng dẫn cho phép các giám mục ban phát Mình Thánh trên tay. Trong khi đó, trong các nghi thức phụng vụ của Đức Giáo Hoàng đa số các người lên rước lễ đã đón nhận trên lưỡi thay vì trên tay, họ cũng được phép rước Mình Thánh bằng tay một cách kính cẩn.
 
Có tin ĐTC Bênêđictô XVI sẽ ban hành thông điệp thứ ba về xã hội.
Nguyễn Long Thao
17:50 08/01/2008
ROME 8/01/08 - Nhật báo Il Messaggero phát hành ở Ý loan tin vào ngày 19 tháng 3 tới đây, có lẽ ĐTC Bênêđictô XVI sẽ ban hành thông điệp thứ ba về xã hội.

Tòa Thánh Vatican không xác nhận nguồn tin ĐTC đang chuẩn bị cho một thông điệp thứ ba về xã hội, nhưng trước đây đã có nhiều nguồn tin nói là ĐTC đang viết tài liệu này.

Tờ Il Messaggero đã phân tích bài giảng của ĐTC trong lễ Ba Vua vừa qua. Tờ báo thấy rằng ĐTC đã đề cập rất kỹ đến các vấn đề kinh tế thế giới và nêu ra các hệ lụy. Đồng thời ĐTC cũng nêu ra kết luật toàn cầu hóa không làm giảm thiểu các vụ xung đột và bất bình đẳng giữa các quốc gia. Từ đó tờ báo kết luận rằng những suy tư của ĐTC trong bài giản trên đây là nội dung chính trong thông điệp sắp tới của ĐTC

Tờ báo cho biết, dựa vào nguồn tin của giới chức không được nêu tên tại tòa Thánh, thông điệp của ĐTC sẽ được ban hành vào ngày 19 tháng Ba là ngảy lễ Thánh Giuse, bổn mạng của ĐGH.
 
Hiện tình Giáo Hội Pêru
Linh Tiến Khải
19:58 08/01/2008
Hiện tình Giáo Hội Pêru

Một số nhận định của Đức Cha Hector Miguel Cabrejos Vidarte, Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Perù, về hiện tình Giáo Hội tại đây

Trong thời gian qua Giáo Hội Công Giáo Perù đã phát động chiến dịch phổ biến giáo huấn xã hội của Hội Thánh qua các chương trình của đài phát thanh, là phương tiện truyền thông được dân chúng toàn nước trung thành theo dõi nhất. Hầu như mọi người: từ các linh mục tu sĩ nam nữ cho tới giới sinh viên học sinh và giới công nhân, từ giới doanh thương cho tới các bà nội trợ, ai ai cũng nghe đài phát thanh, trên xe bus, trên xe tư và tại nhà.

Đây là lý do khiến cho Ủy ban truyền thông của Hội Đồng Giám Mục Perù chọn đài phát thành làm phương tiện phố biến giáo huấn xã hội của Hội Thánh. Trong vòng 16 tuẫn lễ liên tiếp, 200 đài phát thanh toàn nước gồm các đài thương mại, đài giáo phận và giáo xứ hay đài cộng đoàn, sẽ phổ biến 112 chương trình dành cho các đề tài giáo huấn xã hội của Hội Thánh.

Đây sẽ là chương trình chắc chắn đem lại các hiệu qủa tốt, vì Perù là một môi trường còn có rất nhiều mâu thuẫn và bất công xã hội. Đức Cha Ricardo García García, Giám Mục Yauyos, chủ tịch Ủy ban truyền thông xã hội của Hội Đồng Giám Mục Perù, giải thích rằng mục đích chiến dịch nhắm tới là đem giáo huấn xã hội của Hội Thánh đến cho hàng triệu người dân toàn nước Perù, nhằm góp phần xây dựng một xã hội công bằng và liên đới hơn.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn một số nhận định của Đức Cha Hector Miguel Cabrejos Vidarte, Giám Mục giáo phận Trujillo, Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Perù, về hiện tình Giáo Hội tại đây.

Hỏi: Thưa Đức Cha, trong các thánh lễ Chúa Nhật mọi nhà thờ toàn nước Perù đều chật ních tín hữu, không phải chỉ có người già, nhưng cũng có rất nhiều gia đình trẻ, người trẻ và các trẻ em. Hiện tình của Giáo Hội Perù ra sao?

Đáp: Vâng, số tín hữu tham dự thánh lễ tại Perù rất đông, vì có tới 80% dân chúng xưng mình là tín hữu công giáo. Và theo các bản thăm dò ý kiến thì Giáo Hội là cơ cấu có uy tín và được dân chúng tín nhiệm nhất. Nói chung người dân sống lòng tin tôn giáo rất sâu đậm và rộng mở cuộc sống cho Thiên Chúa. Vì thế Perù là một quốc gia có cuộc sống tinh thần mạnh mẽ. Và đó là sự phong phú của dân nước Perù.

Riêng trong giáo phận Trujillo của tôi, tôi nhận thấy có hiện tượng thức tỉnh tôn giáo. Trong các năm qua đại chủng viện có 200 chủng sinh thuộc nhiều nơi khác nhau. Sự lớn mạnh ơn gọi này là niềm hy vọng lớn cho Giáo Hội.

Giáo Hội Perù còn có một kho tàng khác nữa: đó là các giáo phận và các giáo xứ, cũng như các phong trào và hiệp hội. Tại Perù có sự thức tỉnh dấn thân mạnh mẽ của giáo dân vào trong các phong trào, tổ chức và hiệp hội khác nhau.

Hỏi: Kết qủa một cuộc thăm dò ý kiến công bố trên nhật báo ”Thương mại” mới đây, cho thấy 71% dân chúng cho rằng Giáo Hội là cơ cấu đáng tin cậy nhất. Tại sao vậy thưa Đức Cha?

Đáp: Có nhiều lý do. Trước hết là sự can thiệp mau chóng và cụ thể của Giáo Hội mỗi khi xảy ra các tai ương thiên nhiên hay các hoàn cảnh khó khăn nào đó cần được trợ giúp. Giáo Hội luôn luôn đi tiên phong trong các sinh hoạt cứu trợ và hiên diện khắp nơi với mạng lưới cứu trợ của mình. Điển hình là trong vụ động đất hồi trung tuần tháng 8 năm 2007. Thành phố Pisco nằm gần trung tâm vùng động đất bị tàn phá như thể đã bị bỏ bom vì chiến tranh. Đó đã là cảm tưởng của tôi khi cùng Đức Hồng Y Tarcisio Bertone, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, đến viếng thăm vùng này.

Giáo Hội đã hiện diện tại chỗ ngay tức khắc và phối hợp công tác cứu trợ trên mọi bình diện. Các hoạt động cứu trợ như thế hay các hoạt động trong lãnh vực giáo dục và y tế diễn tả sự gần gũi của Giáo Hội đối với dân chúng. Ở đây cũng cần đưa ra lời phê bình xây dựng: tại những nơi nào chính quyền không hiện diện, thì Giáo Hội luôn luôn hiện diện. Luôn luôn có một linh mục hay tu sĩ nam nữ, một thừa sai hoặc giáo dân dấn thân, hay một hiệp hội nào đó của Giáo Hội hiên diện.

Hỏi: Đứng trước các hậu qủa tàn phá kinh hoàng của trận động đất bên Perù hồi trung tuần tháng 8 năm 2007, đã có cả một phong trào liên đới với Perù từ khắp nơi trên thế giới, có đúng thế không thưa Đức Cha?

Đáp: Đúng vậy. Đã có rất nhiều đồ cứu trợ được gửi tới Perù. Một số do chính quyền phân phối, số khác do tổ chức Caritas của Giáo Hội lãnh nhận và phân phát. Nhiều Hội Đồng Giám Mục các nước Mỹ châu La tinh và Âu châu cũng đã liên đới trợ giúp chúng tôi. Hội Đồng Giám Mục Italia đã trợ giúp 1 triệu Euros. Tất cả những gì chúng tôi nhận được đều đã được phân phối cho các giáo phận những vùng bị nạn: nhất là để tái thiết các nơi thờ phượng, vì 80% các nhà thờ và nơi thợ phượng trong vùng bị nạn đã bị phá hủy. Nếu Giáo Hội không lo việc xây cất, thì sẽ không có ai lo. Song song cũng còn có tất cả các chương trình tài trợ xã hội với các trợ giúp được gửi tới tổ chức Caritas Perù. Điều khó nhất là công việc sau thời gian cảm xúc ban đầu.

Hỏi: Thưa Đức Cha, hầu như phân nửa tổng số dân Perù có cuộc sống nghèo. Giáo Hội có vai trò nào trong một đất nước có tình trạng nghèo túng cao như thế?

Đáp: Giáo Hội gần gũi với người dân. Nhưng trong các thời gian qua chúng tôi cũng nhấn mạnh trên một điểm khác nữa cần suy tư: đó là sự kiện nền kinh tế đang lên tại Perù. Chúng tôi vui mừng biết ơn về sự kiện này. Nhưng bên cạnh sức lớn mạnh của kinh tế, kỹ nghệ và thương mại, chúng ta không được quên các trách nhiệm xã hội và tình liên đới với những người nghèo nhất. Kho tàng lớn nhất của đất nước Perù là dân chúng. Nhưng cần có sự dấn thân của chính quyền, tinh thần trách nhiệm của các hãng xưởng trong nhiều lãnh vực khác nhau như giáo dục và y tế, an sinh và công lý.

Hỏi: Trong toàn châu Mỹ Latinh có hiện tượng các giáo phái lan tràn. Tại Perù có xảy ra tệ nạn này không thưa Đức Cha?

Đáp: Có, tại Perù cũng có sự hiện diện mạnh mẽ của các giáo phái, cả khi các thống kê có hơi bị báo chí thổi phồng một chút. Nhưng người dân Perù cũng có thói quen chạy theo nhiều giáo phái khác nhau, họ thay đổi, nhưng cũng có nhiều người trở lại với Giáo Hội công giáo. Sự hiện diện của các giáo phái là một thực tại, nhưng tại Perù không đáng lo ngại cho lắm.

Hỏi: Hồi tháng 5 năm 2007 Liên Hội Đồng Giám Mục châu Mỹ Latinh và quần đảo Caraibi đã nhóm hội nghị lần thứ V tại Aparecida bên Brasil. Các kết qủa đã được đúc kết trong tài liệu Aparecida, Đức Cha nhận thấy tài liệu đó như thế nào?

Đáp: Trên bình diện mục vụ, nó là một tài liệu tuyệt vời. Nó diễn tả ước muốn làm cho Nước Chúa lớn lên nơi các dân tộc Mỹ châu Latinh và trong quần đảo Caraibi. Nó đã được tiếp đón một cách nồng nhiệt tại Perù. Trong phiên họp thường niên vừa qua Hội Đồng Giám Mục Perù đã suy tư về tài liệu này. Ngoài ra các giáo phận, các dòng tu, các hiệp hội cũng bắt đầu suy tư về tài liệu Aparecida và dấn thân đáp trả lại các đòi hỏi hiện nay. Hiện nay chúng tôi cũng đang chuẩn bị cho Hội Nghị truyền giáo châu Mỹ Latinh kỳ III, sẽ diễn ra tại Quito thủ đô Ecuador. Đề tài của tài liệu Aparecida và sứ mệnh truyền giáo cho Mỹ châu Latinh cũng được lấy lại.

Hỏi: Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã miêu tả châu Mỹ Latinh như là đại lục của niềm hy vọng. Đức Cha có đồng ý như thế không?

Đáp: Để trả lời câu hỏi này, tôi xin lấy lại tư tưởng của Đức Hồng Y Alfonso Lopez Trujillo, Chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh về gia đình. Đức Hồng Y nói định nghĩa của Đức Thánh Cha Biển Đức diễn tả một sự thực. Chúng ta hãy nhớ rằng phân nửa tổng số tín hữu công giáo toàn thế giới sống bên châu Mỹ Latinh. Trên bình diện này thì châu Mỹ Latinh qủa là lục địa của niềm hy vọng, của lòng tin công giáo đối với thế giới. Nhưng nó cũng là đại lục của niềm hy vọng vì sự dấn thận và tham dự của dân chúng. Châu Mỹ Latinh có thể cống hiến cho thế giới nhiều điều, cả trên bình diện lòng tin cũng như sự phong phú nhân lực và tinh thần, chứ không phải chỉ trên bình diện tài nguyên thiên nhiên mà thôi.

(Avvenire 19-12-2007)
 
Top Stories
Viet Catholics continue vigil to restore Church property
Catholic World News
13:05 08/01/2008
Hanoi, Jan. 8, 2008 (CWNews.com) - Since 18 December, thousands of Catholics in the Archdiocese of Hanoi have been organizing peaceful demonstrations outside the former apostolic delegate’s office in Hanoi to ask for the return of the building to the archdiocese.

Demonstrations began after the release of a pastoral letter from Archbishop Joseph Ngo Quang Kiet, in which he told Catholics in Hanoi that his petition to the Communist government for the return of the building seemed to go nowhere. In the letter, dated on December 15, he asked the Catholic community to pray intensively that finally justice would prevail.

On October 18, 1951, Pope Pius XII appointed Archbishop John Jarlath Dooley, as apostolic delegate to Indochina. Part of archbishop’s palace was used as his office. Soon after the Communists took control North Vietnam, it was reported that Archbishop Dooley was poisoned; he was evacuated out of Vietnam for treatment in 1959. A few weeks later Hanoi expelled all staff of the apostolic delegate’s office. Although the office was part of archbishop’s palace and legally owned by the Catholic Church, the Communists confiscated the building.

Since that time the government has used the building for various purposes. Recently it was used as rental property to provide financial support for Communist party officials. The situation became unbearable when the building was used as a night club. Music played at high volume disrupts ceremonies in the nearby Hanoi Cathedral.

Archbishop Kiet as well as his predecessors have continuously requested for the return of the building, but in vain.

In the evening of December 18, more than 2,000 Catholics in Hanoi-- priests, religious, and laity-- gathered outside the building with candles praying for the justice. The government responded by deploying more police to intimidate the protestors. Nevertheless, every day hundreds of people have been coming to the building. They stand outside it, quietly praying.

On Christmas Eve, a crowd of about 4,000 candle-holders sang and prayed in front of the building. Catholics in Hanoi made a resolution that they will pray and light candles in front of the building until it is returned to the Catholic Church.

[This article is adapted, with permission, from a piece that appeared on the VietCatholic network. Interested readers will find photos of the prayer vigils on the Viet Catholic site.]
 
Vietnamese Catholics protest stealing of church property
Catholic News Agency
13:31 08/01/2008
Vietnamese Catholics protest stealing of church property

One of the protestors in Hanoi being manhandled by the police
(CNA).- Hundreds of Catholics held prayer vigils in the Vietnamese capital over the weekend as part of a continuing effort to recover confiscated church lands, Agence France Presse reports.

After Saturday and Sunday Masses clergy and laity lit candles, placed flowers, and sang at the iron fence surrounding land once possessed by the Holy See’s delegate to Hanoi before his expulsion in the late 1950s.

"It's the land and the property of the church. We have the certificate of ownership of the property since 1933," one priest from the Hanoi archdiocese, told AFP on the condition of anonymity.

The 2.7-acre lot and the large French-colonial villa it holds have been put to other uses by the Vietnamese government. The building has been used as a discotheque, while its garden has been turned into a parking lot.

Undercover police took video and photographs of the protesters, the priest said. "Some Catholic followers were questioned by security officials, and some say they were pressured not to attend the prayers."

Vietnam has Southeast Asia’s second-largest Catholic community, with some six million adherents among a population of 84 million.

The officially communist government continues to control religious activity and forbids Catholics from studying to become diplomats or police officers. The Church remains barred from operating its own newspapers, schools, and hospitals.

Conditions for Vietnamese Catholics are reportedly improving. Christian festivals such as Christmas are increasingly popular even among non-Christians.

In a December meeting with Archbishop Joseph Ngo Quang Kiet, Prime Minister Nguyen Tan Dung pledged to consider the property disputes.
 
Polizeieinsatz gegen vietnamesische Katholiken – Friedliche Proteste weiten sich aus (Đức ngữ)
Asia-News
15:22 08/01/2008
Polizeieinsatz gegen vietnamesische Katholiken – Friedliche Proteste weiten sich aus

(Veröffentlicht am 8. Januar 2008 Katholisches Magazin für Kirche und Kultur)

(Hanoi) Der Protest vietnamesischer Katholiken, mit dem sie vom kommunistischen Regime die Rückgabe von Kircheneigentum fordern, weitet sich aus.

Angehörige der Pfarrei von Thai Ha im Norden Vietnams gingen am 6. Januar auf die Straße, um die Rückgabe jener Teile des Pfarrgrundstückes zu fordern, die im Laufe der Jahre von staatlichen Behörden widerrechtlich besetzt wurden. Damit weiten sich die friedlichen Proteste der Katholiken Vietnams aus.

Bereits am Heiligen Abend waren mehrere tausend Katholiken mit Kerzen in der Hand auf die Straße gegangen, um in der ersten katholischen Kundgebung in der Geschichte des kommunistischen Vietnam, vom Staat die Rückgabe eines Gebäudes in Hanoi zu fordern, in dem einst die diplomatische Vertretung des Heiligen Stuhls untergebracht war.

Mit einem Polizeieinsatz wurde der Protest von Thai Ha in der Nacht auf den 7. Januar aufgelöst. Das kommunistische Regime zeigt sich nicht bereit, auf die katholischen Forderungen einzugehen. Neue Enteignungsversuche scheinen durch den Protest jedoch vorerst gestoppt worden zu sein.

Die Pfarrei Thai Ha im Bezirk Dong war 1928 von Redemptoristen gegründet worden, die ein sechs Hektar großes Grundstück erwarben und darauf 1929 ein Kloster und 1941 eine Kirche errichteten. Damals zählte die Niederlassung 66 Ordensangehörige. Als 1954 die Kommunisten in Nordvietnam die Macht übernahmen, blieben drei Patres und zwei Brüder zurück, die vom Regime brutal verfolgt wurden. Bruder Marcel Nguyen starb 1959 im Gefängnis, P. Denis Pasquette und P. Thomas Côté wurden deportiert, 1970 kam Bruder Clement Pham Van Dat im Kerker ums Leben. Einzig P. Joseph Vu Ngoc Bich blieb zurück und setzte unter Drangsalen die Seelsorge fort.

Trotz der Proteste von P. Joseph besetzten staatliche Behörden Schritt um Schritt das Pfarr- und Klostergelände. Das Kloster wurde vom Regime in ein Krankenhaus umgewandelt, der Grund illegal an staatliche Einrichtungen und Parteifunktionäre weitergereicht oder verkauft.

Vietnams Katholiken berufen sich in ihren Forderungen auf einschlägige Gesetze und Bestimmungen zum Schutz religiösen Eigentums. Dennoch versuchten die Bezirksbehörden von Dong sich weiteren Kirchenbesitz unrechtmäßig anzueignen, wodurch der öffentliche Protest der Katholiken von Thai Ha ausgelöst wurde.
 
RadioVatikan: Vietnam: Katholiken beten für Rückgabe (tiếng Đức)
RadioVatikan
19:23 08/01/2008
RadioVatikan (02.1.2006)

Vietnam: Katholiken beten für Rückgabe

Der Erzbischof von Hanoi, Joseph Ngo Quang Kiet, hat am Dienstag den vietnamesische Premierminister Nguyen Tan Dung getroffen, um über die Rückgabe von Kircheneigentum zu reden. Der Regierungschef sprach auch mit einer Gruppe Katholiken, die sich seit Tagen vor der Bischofsresidenz in Hanoi versammeln.

Vu Quoc Dung von der Internationalen Gesellschaft für Menschenrechte (IGFM) kennt die Hintergründe der Versammlung.

Seit dem vergangenen 18. Dezember versammeln sich jeden Tag 2.000 bis 5.000 Katholiken auf dem Gelände des Bischofssitzes in Hanoi, um für die Rückgabe der Nuntiaturräumlichkeiten zu beten. Ich benütze bewusst das Wort ´beten´, wie dies vorsichtshalber auch die Katholiken in Vietnam tun. Denn Proteste oder Demonstrationen sind in Vietnam nicht erlaubt. Die Kirche hat bei der genannten Versammlung auf kirchlichem Boden nur eine Genehmigung für Gebetszwecke von der Regierung erhalten.“

Bei den Gesprächen zwischen dem Erzbischof und dem Premierminister ging es vor allem um das ehemalige Nuntiaturgebäude, das die Kathedrale sowie einen großen Teil der Bischofsresidenz umfasst.

Der Erzbischof von Hanoi ist der Meinung, dass die Nuntiaturräumlichkeiten Eigentum der Kirche in Vietnam sind. Doch die Regierung hat bereits den Bau einer Mauer durchgesetzt, die ein Teil des Gartens der Nuntiatur vom Bischofssitz trennt. Auf dem Gelände befindet sich bereits ein Nachtklub. Dessen laute Musik ist bis in die tiefe Nacht zu hören und stört die Ruhe der Priester in der Bischofsresidenz. Viele Katholiken sagen auch, dass der Vorgänger des jetzigen Bischofs durch diese nächtliche Ruhestörung erkrankt ist. Auch sehen es viele Gläubige als Zumutung, dass man auf dem Gelände einer Kirche solche Vergnügungsparks baut.“ (rv 02.01.2008 mg)
 
Provincial’s Letter To All The Redemptorists In Vietnam Regarding The Local Government Has Illegally Confiscated Our Monastery’s Land In Thai Ha
Rev. Fr. Joseph CAO Dinh Tri, C.Ss.R
21:11 08/01/2008
THE REDEMPTORIST PROVINCE OF VIETNAM

38 Ky Dong Street,

District 3, Hochiminh City – VIETNAM

Email: dcctsg@hcm.vnn.vn


Ky Dong, 07 January 2008

PROVINCIAL’S LETTER

TO ALL THE REDEMPTORISTS IN VIETNAM

REGARDING THE LOCAL GOVERNMENT HAS ILLEGALLY CONFISCATED OUR MONASTERY’S LAND IN THAI HA


Dear Confreres,

As you may have known about the event that took place yesterday – 06 January 2008 - in our Redemptorist Monastery in Hanoi, wherein the local government of Dong Da district has publicly provided more than a hundred police, security personnel, building inspectors, officers, etc... in order to protect Chien Thang Sewing Company’’s illegal construction on our land that is still in dispute. The land originally belongs to our monastery and the parish of Thai Ha.

Therefore, I am writing this letter to you all in the province, firstly to ask you to pray earnestly, to act moderately and wisely when we are confronting the difficult task of our confreres in Hanoi community.

Secondly, I would like to inform you about the history and the present situation of the land which is under care and managed by Hanoi monastery but has been confiscated illegally by the local government. This kind of action goes against the law of the current government.

In 1928, Bishop Francois Chaize, the Administrator of Hanoi bought the land, approximately (400m x 150m) 61.455 square meters, on our behalf. The land was on 6th street, now it is Nguyen Luong Bang town.

The Redemptorists began to live here on September 26, 1928, from that time onward, they had constructed buildings and began serving the parishioners in that area. From 1939, the Church local authority of Hanoi had established Thai Ha parish and has entrusted it to the pastoral care of the Redemptorists until now. The monastery and the parish has always belonged to us as our own property and we have the legal right to use the land and all its buildings as normal.

From 1959, after the Apostolic Nuncio had been moved out of Hanoi and all the Redemptorist foreign missioners had been expelled from Hanoi, a lot of our land had been illegally occupied and had been unjustly confiscated. For example, 16.362 square meters of land belongs to the monastery and parish, consisting of parish hall, swimming pool, animal farm and other facilities had been unlawfully seized by wool carpet manufacturer. This firm has been incorporated into Chien Thang Sewing Company on March 25, 1994. On several occasions, the illegal occupants have tried to divide the land and make it their own private property. At present, this land has been already occupied by many illegal tenants. Particularly from middle of 2006, the Chien Thang Sewing Company began to demolish some of the buildings which have been built earlier on the property by the church of Thai Ha. We have also been told that they did divide the land and sold it to different private owners for their own benefit.

When confronting with this reality, from 1996, many times Thai Ha’s parish had formally lodged an application to complain and suggested that the government get to the bottom of the problem, however there was no answer.

Recently, on January 05, 2007, the church of Thai Ha has formally submitted a complaint to the Vietnamese Prime Minster, the Minister of Resource and Environment, the President of People’s Committee of Hanoi city, making a request that they would return the land to the church.

On April 04, 2007, The People’s Committee of Hanoi city has formally replied in a letter which informs that they have authorized the People’s Committee of Dong Da district, the Ministry of Environment, the Housing Commission and the Committee of Religion to deal with the church’s complaint.

On May 07, 2007, the Ministry of Environment and the Housing Commission has formally answered in a letter, which said, the returning of the land that is being used and managed by Chien Thang Sewing Company to the church of Thai Ha has no legal ground to answer.

On May 16, 2007, We - the Redemptorists in Thai Ha - have resubmitted the complaint for a second time to the Vietnamese Prime Minster and the central government and also the local government, in order to repeat our request. So far there has been no answer.

During this time, on June 08, 2007, there were about a hundred parishioners went to the People’s Committee of Hanoi city, carrying banners and demanded the Secretary of the People’s Committee of Hanoi city to resolve the land issue which has been disputed between Thai Ha’s parish and Chien Thang Sewing Company. We (The Redemptorists and their parishioners) have determined to get back the land, because, earlier, we have intended to build a church on this property, we have already drawn the plan. However, we have not been able to start construction yet, due to circumstances; meanwhile the land has been illegally occupied.

One July 06, 2007, again there were about a hundred parishioners carrying the banners and went to the People’s Committee of Hanoi city, continuing to demand that the land which has been illegally occupied by Chien Thang Sewing Company must return to the church.

On December 03, 2007, the parishioners of Thai Ha have discovered that Chien Thang Sewing Company has unlawfully constructed a building during night time, therefore they have protested against the company. Chien Thang Company has agreed to stop awaiting the case to be resolved by local authority. From this time onward, the parishioners have been always present at the site, day and night, in order to protect church’s property. The local government has worked with the parish and the company to make sure that the land will not be developed any further.

Nevertheless, during the last few days the local government has publicly and unreservedly brought police to the site, in order to protect Chien Thang Company’s construction. Our Redemptorist confreres in Hanoi and their parishioners have responded by gathering people to pray at the construction site, asking the government to respect fairness and put justice into practice.

I would earnestly implore all of you, the whole province of Vietnam, to be in solidarity with our brother Redemptorists in Hanoi, in order to pray for our common apostolate. I ask you to inform your community, your parishes, which you are in charge of, and invite the people of God to pray for us in a united spirit. You or your own community may like to send your letter to the confreres in Hanoi which express your brotherly love and in solidarity with these confreres in their difficulty. May you do all that you can to collaborate with the province and to support the community in Hanoi.

We put our trust in God who is always on the side of those whose have been oppressed, and who is ever ready to respond to the cry of the poor, and the supplication of unfortunate people. Therefore, let’s be constant and firm and completely entrusted ourselves to Christ – the Redeemer, and his Mother Mary, Our Lady of Perpetual Help.

With this confidence, let us be united together in our brotherly love and in our communion and solidarity with one and another.

Fraternally in JMJA.

Rev. Fr. Joseph CAO Dinh Tri, C.Ss.R

Provincial of Vietnam
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo phận Thái Bình với Năm Thánh 2008-2009
Tòa Giám Mục Thái Bình
07:32 08/01/2008
THÔNG CÁO CỦA TÒA GIÁM MỤC THÁI BÌNH
V/ V. TIẾN HÀNH NĂM THÁNH HỒNG ĐÀO 2008 - 2009


MỤC ĐÍCH

Như chúng ta biết: tại Nhà thờ Chính tòa Thái Bình ngày 31 tháng 12 năm 2007, Đức Giám mục đã tuyên bố bế mạc 3 Năm thánh và tiến hành năm Hồng Đào. Bước đầu đã được sự ủng hộ nhiệt thành của các thành phần Dân Chúa giáo phận. Sẽ có thư chung để nói rõ ý nghĩa và cách tổ chức cặn kẽ hơn. Nhưng trước mắt, Tòa Giám Mục cần phổ biến một số điều cần thiết để chuẩn bị cho sự kiện này.

Mục đích của năm Hồng Đào là hướng dẫn mọi thành phần Dân Chúa sống đạo trưởng thành, như Chúa Giêsu càng thêm tuổi càng thêm đức hạnh và ân duyên trước mặt Thiên Chúa và loài người.

Ý NGHĨA

Mọi thành phận Dân Chúa tùy theo tuổi tác và khả năng, phải tiến lên mạnh mẽ hơn, nhanh nhẹn hơn, cao siêu hơn trong lãnh vực tôn giáo, đạo đức, cả tinh thần lẫn vật chất, nhằm đạt tới ý nghĩa và mục đích kể trên. Đức Giám mục sẽ công bố trọng thể năm Hồng Đào vào đêm 26 tháng Chạp năm Đinh hợi (vào tối thứ Bảy, ngày 2 tháng 2 năm 2008), với những công việc phải làm sau:

Mỗi gia đình hoặc có thể mỗi cá nhân trong các xứ họ phải có một cây đào, cành đào bằng giấy hoặc ni lông. Có thể lấy bất cứ cây hoặc cành nào tươi hoặc khô và gắn vào đó những nụ hoa đào. Trên cây hoặc cành đó có một chiếc thiếp ghi rõ họ tên, gia đình, làng xóm, và viết vào đó quyết tâm tiến vào năm Hồng Đào: phải đạo đức, gương mẫu tiến lên mọi mặt; và cam đoan: nhiệt tâm đem Tin Mừng đến cho anh em cách cụ thể.

Mỗi một xứ họ, Cha xứ hoặc Ban Chánh trương trùm trưởng phải làm các cây cổ thụ, tùy theo số nhân danh của xứ họ mình (nếu số nhân danh ít thì làm một cây, nhiều thì 3, 4, 5 cây), nhưng chỉ có cành, không có hoa. Tới ngày Chúa nhật - 20 tháng Chạp năm Đinh Hợi, tổ chức lễ nghi gắn các cành đào của các gia đình vào thân cây đó. Có thể dùng các cây đó rước chung quanh nhà thờ và chầu Thánh Thể một giờ để lĩnh ơn toàn xá. Cây đào đó để ở nhà thờ xứ họ một tuần, tới ngày 26 tháng Chạp năm Đinh Hợi (2/2/2008), chọn mỗi hạt một cây đào tượng trưng đem lên nhà thờ chính tòa Thái Bình đi rước (có thể dùng những cành đào hoặc cành nhãn hay bất cứ cành nào có dáng vẻ, để thêm vào các hoa bằng giấy hoặc nhựa, tự làm hoặc mua. Không dùng những cành đào tươi, vì không để được lâu, và có thể đêm 30 tết hái những lộc đào này mang về gia đình để trưng bày trong năm).

Ngày 26 tháng Chạp năm Đinh Hợi, tức ngày 2/2/2008, từ 17 giờ tới 21 giờ sẽ có rước kiệu và lễ khai mạc năm Hồng Đào. Tất cả các cha không được làm lễ hôm đó, phải hướng dẫn giáo dân về nhà thờ Chính Tòa đông đúc để tham dự cuộc lễ trọng này. Mỗi người được khuyến khích mang theo một cành đào và một cây nến để đi rước trong dịp này.

Đằng khác, hôm đó sẽ khai trương một tượng mẫu cho các xứ họ, lấy hình một Chúa Giêsu thanh niên tươi trẻ, đầy hồng ân. Các xứ luân phiên rước bức tượng đó trong dịp tuần chầu lượt của mình để lĩnh ơn đại xá theo thể thức Giáo Hội như: lần hạt Mân côi, viếng đàng Thánh giá, Chầu Thánh Thể một giờ vv…

Trong năm Hồng Đào, cũng cổ vũ việc tôn sùng Thánh Thể, là nơi đầy dẫy ân duyên của Thiên Chúa ban xuống cho mọi người, giúp mọi người tăng cường sức mạnh tinh thần cũng như vật chất. Vậy các xứ họ ngoài việc chầu Thánh Thể như lịch Công giáo Giáo phận đã đề ra, các hội đoàn trong giáo phận cũng chầu Thánh Thể năm Hồng Đào vào ngày thứ Năm đầu tháng theo lần lượt như sau:

Tháng 1: Các Linh mục
Tháng 2: Các Nam tu
Tháng 3: Nữ tu
Tháng 4:. Huynh đoàn Đaminh
Tháng 5: Hội Hiền mẫu
Tháng 6: Thiếu Nhi
Tháng 7: Ban Hành giáo
Tháng 8: Giới Trẻ
Tháng 9: Giới Gia trưởng
Tháng 10: Ca Đoàn
Tháng 11: Ban Kèn và Trống trắc
Tháng 12: Liên minh Thánh Tâm và các Hội đoàn khác.

Thời gian: 8 giờ Thánh lễ và chầu Thánh Thể đến 16 giờ.
Địa điểm: Tại nhà nguyện Tòa Giám Mục, hoặc lễ tại Linh đài Lavang nhà thờ Chính tòa và chầu Thánh Thể trong nhà thờ.

Đẩy mạnh việc sùng kính Đức Mẹ Lavang Thái Bình. Trước hết, tham dự Thánh lễ vào các thứ bảy đầu tháng tại linh đài Lavang nhà thờ Chính tòa; mạnh dạn làm các bia kê khai các ơn phúc để gắn chung quanh linh đài. (Nếu không đủ kinh phí thì xin Tòa Giám Mục).

Cũng có thể tôn sùng Đức Mẹ Lavang Thái Bình ngay trong các gia đình giáo phận. Nếu không đi lễ được thì ít là tối thứ Bảy đầu tháng, đọc kinh cầu nguyện cùng Đức Mẹ Lavang trong gia đình mình, hoặc hội tụ một số gia đình.

Đẩy mạnh công tác từ thiện bác ái xã hội. Các xứ họ phải nhiệt thành làm việc này, bằng cách điều tra các gia đình, cá nhân nghèo túng trong xứ họ, thiết lập các danh sách, để sau đó thực hiện việc đi thăm hỏi, giúp đỡ tinh thần vật chất. Cha xứ chịu trách nhiệm chính trong việc này, nếu có thể, cũng tham gia vào các phong trào bên ngoài như: nhà tình nghĩa, các nạn nhân bão lụt, HIV, chất độc da cam vv… Sẽ có một tiểu ban trung ương tại giáo phận đôn đốc thực hiện.

Đẩy mạnh công việc học giáo lý, kinh bổn. Khuyến khích đọc các sách báo công giáo - ngày nay rất nhiều và đem lại muôn vàn lợi ích về vấn đề này. Tòa Giám Mục kêu gọi các xứ họ, nếu có điều kiện nên xây nhà giáo lý, góp phần đào tạo các giáo lý viên thuộc các lứa tuổi, khuyến khích mọi người tùy trình độ, tuổi tác tham dự các khóa huấn luyện do giáo phận hoặc địa phương tổ chức.

Tòa Giám Mục thiết tha yêu cầu các thành phần Dân Chúa nghiêm chỉnh sốt sắng thực hiện những chỉ dẫn trên, nhằm cho năm Hồng Đào đạt được những thành công tốt đẹp như Chúa muốn và lòng chúng ta ao ước.

Xin chúc mọi người bước vào năm Hồng Đào như lời Đức Giám mục chúc trong bài giảng đêm 31/12/2007 rằng: “Mọi người như những lực sỹ thanh niên hồng hào, tươi trẻ ra đấu trường sẽ nhảy cao hơn, chạy nhanh hơn, hùng mạnh hơn trên con đường về để nhận phần thưởng lớn lao trên nước trời”.

Thái Bình ngày 5 tháng 1 năm 2008.
 
Đức cha Antôn Vũ Huy Chương thăm đại chủng viện Hà Nội
Nguyễn Xuân Trường
07:39 08/01/2008
HÀ NỘI -- Chiều ngày 8.1.2008, Đức cha Antôn Vũ Huy Chương, Giám mục giáo phận Hưng Hóa, Chủ tịch Uỷ ban Giáo sĩ - Chủng sinh thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam, đã đến thăm đại chủng viện Thánh Giuse Hà Nội. Đây là chuyến viếng thăm nằm trong chương trình huấn dụ và dâng lễ hàng tháng của Giám mục các giáo phận có chủng sinh theo học tại đại chủng viện.

Anh em chủng sinh vui mừng chào đón Đức cha. Mỗi thứ hai đầu tháng đã thực sự trở thành những ngày tràn đầy niềm vui gặp gỡ, ngày chủng sinh và Giám mục vui hưởng tình cha con.

Mở đầu giờ huấn dụ, Đức cha dí dỏm kể những mẩu chuyện mục vụ của Ngài trong dịp lễ Giáng Sinh vừa qua trên tỉnh Sơn La thuộc giáo phận Hưng Hóa. Đức cha cho biết chính quyền còn gây nhiều phiền hà, khó khăn cho các sinh hoạt tôn giáo. Thậm chí, Giám mục muốn dâng lễ cho các cộng đoàn giáo dân của Ngài mà còn phải “xin phép” và nhiều khi chính quyền lại không “cho phép”. Đức cha cho biết thêm vừa qua Ngài đã quyết định chia tách và thành lập thêm các giáo xứ, nâng tổng số giáo xứ trong phận Ngài lên con số 75 giáo xứ với 478 họ đạo.

Đi vào phần chính bài huấn dụ, Đức cha kêu mời anh em chủng sinh phải gắng sức lo chuẩn bị cho sứ vụ linh mục tương lai trong các nhiệm vụ giảng dạy, thánh hóa và lãnh đạo. Qua đoạn Kinh Thánh Mc 3,13-15, Đức cha trình bày 6 yếu tố trong ơn gọi linh mục tu sĩ:

1. Chúa gọi: Chúa gọi mỗi người vì Chúa muốn chứ không phải vì tài đức của họ.
2. Đáp trả tiếng Chúa: Chủng sinh hãy cố gắng trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa.
3. Cộng đoàn: Chúa lập Nhóm Mười Hai như những trụ cột của cộng đoàn Giáo hội.
4. Ở với Chúa: Kết hợp với Chúa liên lỉ, đặc biệt qua các giờ chầu Thánh Thể.
5. Chúa sai đi: Theo Chúa Giêsu là luôn hăng hái ra đi loan báo Tin Mừng.
6. Chúa trao ban quyền: Chúa luôn ban đủ ơn để ta hoàn thành sứ mạng Chúa trao.

Kết thúc giờ huấn dụ, niềm vui của chủng sinh được nhân lên khi Đức cha mở rộng tay lì xì cho anh em theo văn hóa Việt Nam dịp đầu năm mới.

Sáng ngày 9.1.2008, Đức cha Antôn đã chủ sự thánh lễ tại nguyện đường đại chủng viện. Cùng đồng tế với Ngài có cha giám đốc Laurensô Chu Văn Minh, cha phó giám đốc Giuse Nguyễn Văn Diễm, cha linh hướng Giuse Phan Thiện Ân và cha đặc trách sinh hoạt Giuse Nguyễn Chấn Hưng. Đầu lễ, Đức cha kêu mời anh em chủng sinh đóng góp vào công cuộc truyền giáo bằng những lời cầu nguyện và những việc hi sinh bác ái mỗi ngày.

Trong bài chia sẻ sau Tin Mừng, Đức cha cho biết: nếu đi dọc trên 1,600 km đường quốc lộ thuộc vùng đất giáo phận Hưng Hóa, chúng ta chỉ nhìn thấy một hai nhà thờ. Hình ảnh đó cho thấy cánh đồng truyền giáo quá bao la và nhu cầu loan báo Tin Mừng là vô cùng lớn lao. Đức cha cũng lưu ý về động cơ rao giảng Tin Mừng phải xuất phát từ lòng kính mến Thiên Chúa và yêu thương tha nhân. Ngài kêu mời chủng sinh noi gương Thày Giêsu biết “chạnh lòng thương”. Lòng thương xót được thể hiện qua những hành động cụ thể trong cuộc sống ngõ hầu có thể cung cấp bánh thần linh lẫn vật chất cho mọi người. Ngài lưu ý mỗi người khi làm việc tông đồ cần phải hỏi xem quyết định và các chương trình mục vụ có xuất phát và nhắm tới yêu thương hay không?

Sau thánh lễ, Đức cha Antôn cùng dùng bữa điểm tâm thân mật với quí cha và chủng sinh đại chủng viện Thánh Giuse Hà Nội.

Chuyến viếng thăm mục vụ của Đức cha Antôn tuy ngắn ngủi về thời gian, nhưng hình ảnh một vị chủ chăn với những thao thức cháy bỏng về truyền giáo và tâm hồn mục tử đầy lòng thương xót còn đọng lại mãi nơi mỗi anh em chủng sinh đại chủng viện Thánh Giuse Hà Nội.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Thư chung các Kiến trúc sư trẻ Hà Nội ủng hộ Tòa Giám Mục Hà Nội
Tập thể Kiến trúc sư trẻ
00:23 08/01/2008
On 1/7/08, kientruc sutre wrote:
File dinh kem.


THƯ CHUNG CỦA CÁC KIẾN TRÚC SƯ HÀ NỘI
GỬI QUÝ VỊ LÃNH ĐẠO CHÍNH QUYỀN CÁC CẤP
VỀ VIỆC: ỦNG HỘ TOÀ TỔNG GIÁM MỤC HÀ NỘI
XIN ĐÒI LẠI KHU ĐẤT LÀ TOÀ KHÂM SỨ

Kính thưa Quý vị Lãnh đạo Chính quyền các cấp,

Chúng tôi là tập thể Kiến trúc sư sống và làm việc tại Hà Nội.

Là Kiến trúc sư, chúng tôi cảm nghiệm được vai trò và sứ mệnh của mình trong việc Bảo tồn và phát huy những di sản Kiến trúc của Thủ đô Hà Nội, trái tim của cả nước Việt Nam thân yêu.

Chúng tôi thấy đau lòng trước bất cứ di sản kiến trúc nào bị mất đi không chỉ do sự tàn phá của thiên nhiên mà còn là do sự sử dụng phản tác dụng trong việc tôn vinh vẻ đẹp của thủ đô.

Vẻ đẹp của thủ đô nghìn năm văn hiến với phong cách kiến trúc đa dạng là chứng nhân cho các thời kỳ lịch sử tạo nên ấn tượng không thể nào quên trong tâm hồn mỗi người khách du lịch trong và ngoài nước. Đặc biệt với mỗi người dân thủ đô, những di sản kiến trúc đã tạo nên hồn của mỗi khu phố, là nỗi nhớ mà mỗi khi đi xa ai cũng muốn quay về.

Toà Khâm sứ nằm trong khuôn viên của Toà Tổng Giám Mục Tổng Giáo Phận Hà Nội số 40 Nhà Chung (nay mọc lên số 42) là một di sản Kiến trúc mang đậm dấu ấn phong cách Đông Dương cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20. Vậy mà thực trạng hiện nay cho thấy khu biệt thự duyên dáng ấy đang dần bị phá huỷ bởi sự sử dụng vào mục đích kinh doanh của một cơ quan thuộc Quận Hoàn Kiếm. Những hoạt động kinh doanh dịch vụ giải trí ồn ào náo nhiệt không phù hợp với dáng vẻ trầm mặc của khu phố và không phù hợp với nếp sống văn hoá vốn có của người Tràng An. Chúng tôi nhận thấy việc xin đòi lại đất của Toà Tổng Giám Mục và tập thể giáo dân giáo phận Hà Nội là chính đáng vì đó là đất phục vụ cho nhu cầu tôn giáo của họ cũng như nhu cầu tham quan tìm hiểu về văn hoá nhân loại, di sản kiến trúc của nhân loại của toàn thể khách du lịch trong và ngoài nước.

Chúng tôi nhận thấy cần có sự hiệp nhất trong tiếng nói khẩn thiết đề nghị Chính quyền các cấp hãy trân trọng ý kiến của các Kiến trúc sư có lương tâm và hiểu biết về việc bảo tồn và phát huy các di sản Kiến trúc đặc biệt là các di sản Kiến trúc phục vụ cho việc hoạt động của mọi tôn giáo trên đất nước Việt Nam này. Đặc biệt là ở Hà Nội, thành phố của Hoà Bình và Thân Ái.

Hãy trân trọng đất tôn giáo thiêng liêng và vẻ đẹp của thủ đô Hà Nội, trái tim của đất nước Việt Nam chúng ta.

Rất mong Lãnh đạo Chính quyền các cấp đáp ứng nguyện vọng chính đáng của chúng tôi.

Ký tên: TẬP THỂ KIẾN TRÚC SƯ THÀNH PHỐ HÀ NỘI
kientrucsutre2007@yahoo.com
 
Ý kiến độc giả: Học bài học tấm gương sáng từ Hà Nội
Đông Khê
07:54 08/01/2008
TẤM GƯƠNG SÁNG TỪ HANOI.

Đã hơn ba tuần, qua các hình ảnh và tin tức truyền thông Công giáo, giáo dân Hải Ngoại thấy Niềm Tin bất khuất của Hanoi, nơi Quê Hương yêu dấu Việt Nam. Từ hàng ngũ Lảnh Đạo, đến Anh Chị Em Giáo dân, đồng bào chúng ta ở Hanoi cùng nhau đoàn kết, một lòng một dạ sắt son, cương quyết đứng lên bảo vệ Giáo Hội, đòi lại tài sản của Giáo Hội bị xâm chiếm.

Thân cô thế cô, cái gì đã làm cho Chủ Chăn cũng như Giáo dân Hanoi dám lăn xả vào cuộc tranh đấu khó khăn này? Câu trả lời hiện ngay ra trước mắt chúng ta: họ Tin vào Quyền Lực Vạn Năng của Thiên Chúa, Tin vào Tình Yêu bất di bất dịch của Ngài, vào Lòng Hiền Mẫu của Mẹ Maria. Người làm việc vì Chính Nghĩa luôn có một sức mạnh thần thiêng bất chấp gian nguy.

Không một tấc sắt trong tay, khí giới của Toà Giám Mục và giáo dân Hanoi chỉ đơn thuần là Lòng Tin. Một Lòng Tin sắt đá, quả cảm, hào hùng, làm xúc động bao tâm hồn hướng về Quê Mẹ.

Việc dành lại quyền sở hửu đất đai, nhà cửa bị Chính Phủ chiếm đoạt không phải là vấn đề to lớn lắm đối với thế giới văn minh có pháp luật bảo vệ, nhưng là vấn đề rất cam go, không khác gì một trận chiến, ở Viet Nam.

Điều gây nên sự cảm phục của lòng người chẵng những là Đức Tin mạnh mẽ của Hanoi, mà còn là cách tranh đấu rất ôn hoà, lịch sự của họ. Một cách tranh đấu không khác gì đường lối Đức Kitô và các Thánh Tông Đồ ngày xưa. Họ Cầu Nguyện, đọc Kinh, lần chuổi Mân Côi, hát Thánh Ca trong ánh nến lung linh sáng rực Lòng Tin Yêu Thiên Chúa và Mẹ Maria.

Nhìn những hình ảnh cả trăm, cả ngàn người, nến sáng trong tay, đồng lòng hiệp ý cất tiếng Nguyện Cầu, trong lạnh rét mùa đông, tôi không cầm được nước mắt. Một điều chắc chắn không ai chối cải được là họ đã Hy Sinh vì Chúa và cho Chúa. Tất nhiên Thiên Chúa sẽ đền bù, đạp ứng cho nhu cầu chính đáng của họ.

Tự nhiên giờ này tôi nghĩ đến thắc mắc của một số người, tuy là rất ít người người, trước đây đã từng đặt vấn đề sống đạo của anh chị em Công giáo bên nhà, có khi còn chê trách họ nữa. Vậy giờ đây không biết họ có nhìn ra rằng chính các anh chị em Công giáo Việt Nam ở quê nhà, với Ơn Chúa, đã góp phần gây nên khí thế Đức Tin hôm nay. Đó là tấm gương cho tất cả chúng ta tại hải ngoại phải học hỏi. Sống đức tin không phải chỉ là hô hoán, dậy đời,.. mà là phải biết khi nào biết chịu đựng, khi nào dám hành động, và hành động như thế nào...

Là một Kitô hữu ở xa, không được cùng những Mục Tữ khôn ngoan và kiên nhẫn, và đoàn chiên ngoan đạo của Chúa, chia sẻ những gian truân, những thao thức trăn trở ngày đêm của họ, xin hãy hết lòng Cầu Nguyện, dâng lên Thiên Chúa những hãm mình, chịu khó, hy sinh để xin Ơn cho công cuộc tranh đấu chính đáng của Hanoi mến yêu. Cũng xin Quý Vị đồng tình hiệp ý làm một việc cần thiết là biểu dương tinh thần Công Giáo Hiệp Nhất bằng cách dành một chút thì giờ trong Thánh Lễ cầu nguyện cách riêng cho Giáo Hội Viêt Nam.

Lạy Chúa, chúng con xác tín Thiên Chúa nhân từ và vạn năng, xin Chúa thương xót hàng ngũ Lảnh Đạo va Giáo dân Hanoi trong cơn gian nan...
 
Giáo dân Thái Hà: đoàn kết, bác ái, tỉnh thức và cầu nguyện
Nhóm PV VietCatholic
07:59 08/01/2008
NHẬT KÝ GIÁO XỨ THÁI HÀ CHIỀU VÀ TỐI NGÀY 7.01.2008

Diễn biến các sự kiện ở Thái Hà diễn ra quá nhanh và diễn ra liên tục. Gần như 24/24 giờ khiến chúng tôi cũng mệt mỏi để theo đuổi sự kiện chứ đừng nói gì công an, cảnh sát, giáo dân và các linh mục ở đây.

Chiều nay chúng tôi thấy cảnh sát vẫn ở mức đông như ban trưa. Vẫn ba xe ba địa điểm. Hai án ngữ hai đầu đường. Một ở trong khu đất. Các cảnh sát có vẻ đã quen hơn với bầu khí cầu nguyện của giáo dân vì thế trông các anh đỡ căng thẳng hơn.

Hai trụ sở công an tạm thời ở hai nhà dân đã được giải tỏa. Mọi người chẳng làm gì mất an ninh trật tự. Khả năng xảy ra xô xát hay giằng co như hôm qua là không xảy ra.

Các giáo dân khi cầu nguyện, khi ngồi nói chuyện với nhau cười như pháo nổ khiến nhân viên mấy công ty gần đó cũng ra đứng nhìn và cười theo. Số người thường trực buổi chiều ở đây chỉ khoảng 40 chục người. Thỉnh thoảng lại có một cha, một cán bộ hay một người hiếu kỳ ở đâu đó đến thăm hiện trường.

Hễ thấy cán bộ là giáo dân a vào và bắt đầu bày tỏ các nguyện vọng của mình, chẳng cần biết vị cán bộ ấy có thẩm quyền giải quyết hay không và có đến đâu. Các cán bộ có vẻ ngại đối chất với giáo dân.

Chúng tôi nghe một cán bộ nói rằng: Chúng tôi cũng chỉ làm nhiệm vụ giữ trật tự an ninh thôi. Chúng tôi không biết lý do và cũng chẳng cần biết lý do tranh chấp. Bà con cầu nguyện cứ cầu nguyện. Cứ làm những gì được phép theo pháp luật.

Chúng tôi nghe một linh mục hỏi: “Có phải các cán bộ công an mang dây thép gai đến giăng ở đây không? Xin các ông mang đi cho chứ để đây thì không đẹp!” - Không phải chúng tôi! Chúng tôi không mang đến cho nên chúng tôi cũng không mang đi! Chúng tôi không biết lực lượng nào! Chúng tôi không trách nhiệm về hàng rào thép gai đấy- Một cảnh sát viên áo xanh trả lời.

Mấy bà mua bán đồng nát thấy linh mục thì nói: “ Thưa cha chúng con chỉ thích hàng rào kẽm gai, chúng con muốn cắt mang đi bán, từ sáng đến giờ chúng con ở đây, chúng con chưa đi mua được gì!” Vị linh mục nói vui: “Tôi cũng nghĩ thế! Vì công an thì không phải, chính quyền cũng không, vậy thì kẻ xấu nào mang đến đường này làm cản trở giao thông? Vậy là kẽm gai vô chủ rồi! Tôi mà như các bà tôi cũng cắt. Cắt dọn đường giao thông, phòng ngừa tại nạn, có khi như thế còn được cảnh sát giao thông khen thưởng”.

Tuy hàng rào thép gai vẫn còn và còn nhiều. Còn rất nhiều cuộn chưa giăng đang xếp đấy. Hình như chiều nay người ta mang về nhiều hơn? Cảnh sát hay Công ty May Chiến Thắng? Cứ như lời anh cảnh sát áo xanh nói với vị linh mục thì không phải các anh, không phải chính quyền. Vậy là Công ty May Chiến Thắng?

Càng về chiều giáo dân kéo đến càng đông. Người này vào, người kia ra. Người này nói một câu, người kia chỉ một cái, cứ vui như tết, công an cảnh sát hiện diện ở đấy đôi khi nghe cũng phải bật cười. Giáo dân lại lấy các thanh gỗ đặt lên trên hàng rào thép gai để đặt các ngọn nến lên tường bao và để nhìn vào bên trong. Cái hàng rào thep gai cứ bẹp dần trước các câu chuyện vỉa hè của mấy bà già và mấy chị mua bán đồng nát.

Chúng tôi thấy vì chuyện đất đai dân bên Cổ Nhuế giăng biểu ngữ biểu tình chỗ đường Phạm Văn Đồng, dân Nam Định cũng biểu tình chỗ gần Cầu Đá. Họ và chính quyền căng thẳng với nhau, hai bên mặt mũi đằng đằng sát khí, nhưng họ không có niềm tin và không có lời cầu nguyện, lòng bao dung và bác ái và sự kiện trì như những giáo dân này.

Khoảng 17 h, một xe công an ra về. Chúng tôi thấy giáo dân lúc này không còn có những hành động có tính cách bức xúc như hôm qua và như sáng sớm hôm nay vì vậy cũng chẳng cần thiết phải có nhiều công an như thế!

Chúng tôi vào trong sân nhà thờ Thái Hà thì thấy bảng thông tin của Giáo xứ Thái Hà tràn ngập các hình ảnh sống động có từ mấy tháng nay liên quan đến cuộc việc đòi đất này. Giáo dân túm lại xem rất đông.

Buổi chiều lúc 19 h 15, khi lễ xong, cả nhà thờ lại ra khu đất cầu nguyện. Họ thực hành cái bài bên Tòa Khâm Sứ: Thánh giá đi trước làng nước theo sau. Ở đây họ còn kiệu tượng Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp nữa. Mọi người ra đứng trước bờ tường xây và kẽm gai cầu nguyện. Qua hệ thống tăng âm làm cho cả một khu phố vang dậy lời kinh tiếng hát của gần 1000 con người tha thiết nguyện cầu.

Hôm nay giờ cầu nguyện chung ngắn hơn hôm qua. Ngay sau khi kết thúc, chúng tôi thấy rất nhiều nhân viên an ninh xuất hiện từ chỗ đất đang tranh chấp đến sân nhà thờ Thái Hà. Thỉnh thoảng các công an và các linh mục thì lại chào nhau. Một số nhân viên an ninh khác Các công an không quen biết thì chỉ đứng len lỏi đây đó để nghe ngóng và theo dõi.

Khoảng 7 h 30 h tối, chúng tôi thấy có một đoàn cán bộ vào nhà thờ gặp các linh mục. Cuộc gặp kéo dài khoảng 15 phút tại phòng thánh của nhà thờ Thái Hà. Giáo dân vây chung quanh các linh mục và cán bộ. Vì phòng quá chật cho nên chúng tôi không chen vào được. Các linh mục im lặng ghi chép gì đó theo lời đọc của ai đó. Một lát sau chúng tôi thấy một linh mục đọc to trên micro nội dung vừa ghi chép. Hóa ra là ông Phó Chủ tịch UBND Quận truyền đạt ý kiến của UBND TP trả lời đơn thư mà các linh mục nhà thờ Thái Hà đã gửi lên UBND TP Hà Nội chiều nay. Đại khái nội dung ý kiến truyền đạt cho biết rằng TP buộc Công ty May Chiến Thắng không được làm gì, TP cũng sẽ lập đoàn thanh tra liên ngành để làm rõ chuyện mua bán đất của công ty này. Còn việc xin lại khu đất đang tranh chấp của Giáo xứ Thái Hà, thì thành phố sẽ báo cáo với chính phủ để giải quyết. Các giáo dân không nên làm mất trật tự an ninh và đề nghị giáo xứ phối hợp với chính quyền địa phương để giải quyết các việc tồn đọng theo quy định của pháp luật.

Sau khi nghe đọc xong ý kiến truyền đạt. Các cán bộ ra về. Bà con vỗ tay và tiễn các cán bộ ra cổng. Các cán bộ đi thật nhanh vì sợ bà con hỏi.

Cứ tưởng thế là hết, nào ngờ trong khi chúng tôi ra ngoài, thì thấy một xe biển số xanh đi vào lối nhà thờ và mấy cán bộ khác bước ra đi vào hướng đó. Chúng tôi không biết là những ai. Khi vào sân nhà thờ, chúng tôi thấy đầy người đang ngồi cầu nguyện ở đây. Khoảng 22 h chúng tôi thấy các cán bộ kia đi ra cùng các linh mục. Các linh mục tiễn ra tận cổng. Linh mục đi đầu xin giáo dân không chụp ảnh. Giáo dân cũng đi theo ra cổng. Các linh mục và cán bộ đi thật nhanh. Chúng tôi không nhận ra ai trừ ra là anh công an Sơn.

Khi quay vào nhiều người hỏi đoàn cán bộ nào và có mang lại tin gì vui không? Lát sau chúng tôi thấy linh mục Bề trên Trịnh Ngọc Hiên thông báo gì đó với bà con. Tôi chạy lại đến nơi thì hết. Ngài quay sang hỏi các linh mục khác, còn thiếu điều gì nữa không? Một linh mục nói: Tóm lại là các cán bộ công an có nhiệm vụ giữ trật tự trị an, còn giải quyết vấn đề đất đai thì phụ thuộc nhiều cơ quan khác nữa. Chúng ta phải tiếp tục cầu nguyện không ngừng.

Vâng, phải tiếp tục cầu nguyện. Bài học của sáng nay là tỉnh thức. Bài học của trưa nay là yêu thương bác ái. Bài học của tối nay là cầu nguyện không ngừng. Đấy là ba bài chúng tôi học được với cộng đồng giáo dân này hôm nay.

Lúc đó khoảng 20 h 30, chúng tôi thấy giáo dân lại đang bàn nhau ra hiện trường khu đất cầu nguyện và ngủ ở đó qua đêm.
 
Ý kiến độc giả: Khổ sở vì hai gọng kèm Công an tôn giáo và Ban tôn giáo
Trần Khánh
11:11 08/01/2008
Ý kiến độc giả: Khổ sở vì hai gọng kèm Công an tôn giáo và Ban tôn giáo

Email từ Hà Nội (8/1/2008)

HÀ NỘI -- Từ ngày xảy ra vụ đất Tòa Khâm Sứ, người viết này như mở cờ trong bụng khi đọc những bài của độc giả Hà Nội vạch mặt các “đồng chí” công an tôn giáo đang ngày đêm rình rập ngưòi công giáo cầu nguyện ở Tòa Khâm Sứ và Xứ Thái Hà. Họ chẳng phải là những “đầy tớ của nhân dân” và vì dân. Họ là những tay chân của chính quyền để làm Giáo Hội Công Giáo chia rẽ và suy yếu. Những công an tôn giáo là bằng chứng nhà nước kỳ thị công giáo và không thật sự “đoàn kết dân tộc” như họ vẫn tuyên truyền. Công giáo Hà Nội chúng ta luôn bị đặt dưói sự theo dõi cẩn mật của Phòng PA 38 của Sở Công An Hà Nội. Đó là đơn vị “Phòng Chống Phản Động.” Điều đó đủ nói có “Đại đoàn kết toàn dân” không? Và có bình đẳng giữa các thành phần trong nưóc không?

Theo ý kiến tôi, TGP Hà Nội chúng ta bị đặt vào giữa hai gọng kèm. Gọng kèm thứ nhất là Công An Tôn Giáo mà nhiều bà con đã phản ảnh về những “chiến sĩ” công an đó như Luận, Hùng, Sơn, Dược, Lâm, Ngọc. Về cái gọng kèm này tôi phải kể thêm công an tôn giáo Thịnh chuyên đi rình mò trinh thám ở các xứ họ của Quận Hoàng Mai như Nam Dư và Kẻ Sét. Chiến sĩ này hung hăng lắm nhưng nổi tiếng nhất là sự dốt nát của anh. Nghe nói Thịnh làm nghề rình mò này lâu lắm từ thời cha già Hóa ở Đồng Trì, vậy mà giờ này chỉ làm đuợc ở cái chân trinh sát tôn giáo ở quận, chắc là dốt nát quá nên không được lòng cấp trên.

Gọng kèm thứ hai là Ban Tôn Giáo. Chắc hẳn trong những ngày vừa qua ai cũng đưọc nghe bài trả lời phỏng vấn “bất hủ” của ông Doanh, Trưởng Ban Tôn Giáo Chính Phủ, cho đài BBC. Kẻ hè này không bàn thêm nữa vì xấu hổ cho đất nước mình lắm! Tiện đây cũng phải nói năm 1988 ông Trưởng Ban Tôn Giáo Chính Phủ (tôi đã quên tên) bị chết đột tử sau khi phản đối kịch liệt vụ Phong Thánh, nhất là làm khổ ĐHY Trinh Văn Căn.

Nhưng một nhân vật đáng nói mà chưa ai đề cập đến là ông Thu trong Ban Tôn Giáo Thành Phố Hà Nội. Theo một nguồn tin cho biết, ông Thu trưóc làm Công an tôn giáo sau đó chuyển sang làm Ban tôn giáo. Ông lúc nào cũng khoe mình có bắng thạc sĩ về Tôn Giáo, nhưng học ở trong nưóc ấy mà! do cán bộ vô thần dạy về tôn giáo đấy mà! Các cha thưòng kêu than rằng ông Thu luôn làm khó dễ với Công Giáo. Ông Thu “hăng tiết vịt lắm”và hay ra oai! Nghe nói khi Toà Tổng Giám Mục xin phép xây dãy nhà Chủng viện ở Cổ Nhuế thì ông Thu trả lời phải xin Thủ Tướng. Giấy tờ của các xứ họ xin phép thành phố đều phải qua văn phòng của Thu. Ông Thu hạch sách đủ điều và thưòng làm chậm trễ.

Đấy các đầy tớ của nhân dân là vậy đấy. Bà con mình cầu nguyện để có những điều mà tờ đơn nào chúng ta cũng phải bị viết mở đầu rằng: Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, Độc Lập-Tự Do-Hạnh Phúc

Mong lắm thay!
 
Hà Nội cần được tiếp tay (thơ)
Bs Vũ Linh Huy
11:17 08/01/2008


Muốn cho Hà Nội thắng trận này
Thì toàn Dân Chuá phải tiếp tay.
Giáo Phận quê nhà xin lên tiếng;
Cộng Đoàn Hải Ngoại hãy giãi bày!
Mục tử can trường bênh lẽ phải;
Đoàn chiên anh dũng vực điều ngay.
Một khi cả nước cùng cầu nguyện,
Bạo lực bẻ sao bó đuã này?

Boston, ngày 8 tháng 1 năm 2008
 
Cần vượt qua cái vòng luẩn quẩn « ai thắng ai »
Tiến Nhân
11:52 08/01/2008

Cần vượt qua cái vòng luẩn quẩn « ai thắng ai »



Biến cố cầu nguyện đòi lại Tòa Khâm Sứ, cũng như vụ tranh chấp đất đai ở giáo xứ Thái Hà đang là một điểm nóng có tính cách thời sự đối với xã hội VN hôm nay. Dù báo chí trong nước không hề loan tin, nhưng điều đó không có nghĩa là không có vấn đề. Tốt hơn là hãy chấp nhận nhìn thẳng vào vấn đề để tìm cách giải quyết và vượt qua nó. Sự hiện diện của ông thủ tướng tại Tòa Khâm Sứ cho thấy mức nghiêm trọng của vấn đề đang diễn ra mà các cơ quan chức năng cố gắng ém nhẹm và phớt lờ những đòi hỏi chính đáng của HĐGM và người Công Giáo VN.

« Biến cố Tòa Khâm Sứ » và « biến cố Thái Hà » diễn ra đúng vào mùa Giáng Sinh 2007, mùa mà đáng lẽ những người Công Giáo cần có sự yên bình và hân hoan mừng lễ của mình. Thế nhưng, họ đã bị các cơ quan chính quyền nhà nước tước đi niềm vui của họ, đặt họ vào một hoàn cảnh « đối đầu » không cần thiết. Chính vào mùa Giáng Sinh này mà các cơ quan chính quyền VN đã có những động thái coi thường những người Công Giáo khi họ ngang nhiên đơn phương tiến hành những vi phạm trên những mãnh đất đang còn tranh chấp. Tại sao lại tìm cách phá hoại đi niềm vui linh thiêng của một tôn giáo ? Nhiều người chỉ biết đến Kitô Giáo là một tôn giáo bác ái, và đôi khi đề cập tới với vẻ mỉa mai, nhưng họ quên rằng Kitô giáo còn là một tôn giáo của công bằng và công lý. Bác ái và công bằng hay công lý là hai trụ cột chính không thể tách rời nhau của học thuyết xã hội của Giáo Hội Công Giáo. Và hai trụ cột này có một ánh sáng dẫn đường, đó là chúng được xây dựng trên phẩm giá bất khả xâm phạm của con người, con người theo hình ảnh của Thiên Chúa.

Vấn đề Tòa Khâm Sứ … thật ra chỉ là bề mặt nổi của một tảng băng chìm, vấn đề sâu xa bên dưới, đó chính là mối tương quan giữa Nhà Nước với các Tôn Giáo nói chung và với Giáo Hội Công Giáo nói riêng. Xã hội thay đổi, thế giới thay đổi, trí tuệ thay đổi…, thế nhưng não trạng và tư duy của một số người vẫn không muốn thay đổi. Họ vẫn muốn nhìn hiện tại với đôi mắt của quá khứ. Họ vẫn nhìn các tôn giáo như là một mối đe dọa, như là cái « ruột thừa » của xã hội cần phải cắt bỏ, đè bẹp và không được quyền bình đẳng trong một xã hội. Họ vẫn không thấy được tầm quan trọng của các tôn giáo trong việc xây dựng xã hội, thăng tiến hòa bình và giáo dục con người. Về phần mình, Giáo Hội Công Giáo, với bức thư chung của HĐGM VN năm 1980, « Sống đức tin giữa lòng dân tộc », đã đi một bước mạnh mẽ khép lại quá khứ để cùng nhau xây dựng xã hội hôm nay. Thế những sứ điệp « mở » và đối thoại chân thành này có đựoc lắng nghe bởi các quan chức chính quyền hay không, tại sao lại vẫn tiếp tục ký thị và chèn ép tôn giáo ? Không có tôn giáo, đó là một xã hội chết, vì nó mất đi chiều kích tâm linh của con người, cần thiết cho xã hội trong vấn đề thăng tiến nhân bản ở chiều sâu. Một chính quyền chỉ lo chú tâm vấn đề kinh tế mà quên đi vấn đề tâm linh, luân lý và nhân bản của con người, thì chính quyền đó đã và đang thấy được những hệ quả nghiêm trọng do nó gây nên là như thế nào ! Đã qua rồi cái thời xung đột và đối lập Nhà Nước và Tôn Giáo, Nhà Nước và Giáo Hội. Đây là thời của cùng nhau cộng tác trong sự tôn trọng sự khác biệt của nhau, nhằm thăng tiến và xây dựng xã hội tốt đẹp. « Hãy trả cho Thiên Chúa những gì thuộc về Thiên Chúa, trả cho Xêda những gì thuộc về Xêda ». Hãy nhìn nhận và trân trọng những thẩm quyền riêng của mỗi bên. Hòa bình và sự hài hòa sẽ đến trong đó mỗi người đều nỗ lực cho công lý và công ích. Đã đến lúc cần phải vượt qua cái não trạng hẹp hòi và hiếu chiến « ai thắng ai » để cùng nhau xây dựng một xã hội công bằng, bác ái và pháp quyền, trong đó nhân quyền và phẩm giá con người được tôn trọng.

Cách đây cũng đúng một năm, cũng đúng vào mùa Giáng Sinh này, giáo sư Tương Lai đã có viết một bài hết sức « tiến bộ » với tựa đề « Ngôi sao trên cây thông Noel 2006 », được đăng trên trang báo điện tử Vietnamnet (http://vietnamnet.vn/chinhtri/2006/12/647071/). Trong bài viết này ông đã đánh dấu cho thấy sự trở lại của « cái tôn giáo », kêu gọi nhà nước hãy nhìn nhận và đánh giá đúng tầm quan trọng của vai trò các tôn giáo trong xã hội và đồng thời ông cũng kêu gọi hãy « thể hiện một tầm nhìn mới, vượt qua những ràng buộc hạn hẹp của quan điểm “ai thắng ai” lấy vấn đề ý thức hệ là điểm quy chiếu tuyệt đối của một thời đã qua, để thấy được rằng, hiện nay đồng thuận xã hội chính là động lực thúc đẩy sự phát triển của đất nước. » Trước đó, ông đã trích dẫn lời nói của chủ tịch Hồ Chí Minh, liên quan đến truyền thống khoan dung tôn giáo của VN rằng: « “Khổng Tử, Giêsu, Mác, Tôn Dật Tiên chẳng có những điểm chung đó sao? Họ đều muốn mưu hạnh phúc cho loài người, mưu phúc lợi cho xã hội. Nếu hôm nay họ còn sống trên đời này, nếu họ hợp lại một chỗ, tôi tin rằng họ nhất định chung sống với nhau rất hoàn mỹ như những người bạn thân thiết. Tôi cố gắng làm người học trò nhỏ của các vị ấy”. phân tích những kỳ thị và xung đột tôn giáo trên thế giới, giáo sư Tương Lai đã phát biểu về Công Giáo như sau, kèm theo trích dẫn lời của chủ tịch Hồ Chí Minh: « Có thấy ra điều ấy mới càng thêm quý trọng ý nghĩa sâu xa của tinh thần thân ái mà người công giáo được răn dạy và ra sức giữ gìn và phát huy trong cuộc sống. Vì vậy, đón mùa Giáng sinh 2006, càng thấm thía ý nghĩa “cách đây một nghìn chín trăm bốn mươi năm trước, cũng ngày hôm nay, một vị thánh nhân là đức Chúa Giêsu ra đời. Suốt đời ngài chỉ hy sinh phấn đấu cho tự do, cho dân chủ. Từ ngày Ngài giáng sinh đến nay đã gần 2000 năm, nhưng tinh thần thân ái của Ngài chẳng những không phai nhạt mà tỏa ra đã khắp, thấm vào đã sâu”, đó là lời Chủ tịch Hồ chí Minh gửi các vị linh mục và đồng bào công giáo Việt Nam nhân dịp lễ NOEl, 4 tháng sau ngày Tuyên bố Độc lập 2.9.1945 ».

Một loạt những trích dẫn và bình luận trên đây của giáo sư Tương Lai cho thấy « thiện chí » của một chiến sĩ cộng sản đang tìm cách khép lại quá khứ. Vượt qua cái vòng luẫn quẫn « ai thắng ai » này. Điều đó muốn nói rằng xã hội bây giờ không phải được xây dựng trên sức mạnh quân sự hay quyền lực …, nhưng là trên chân lý, công lý, và pháp luật. Cần có bước can đảm và đột phá để vượt lên cái vòng luẫn quẫn đó.

Lời mời gọi này một lần nữa lại vang lên trong « biến cố Tòa Khâm Sứ » và « biến cố Thái Hà » hôm nay. Hãy tìm xây dựng một xã hội đồng thuần chứ đừng gây chia rẽ và bức xúc. Đừng dùng sức mạnh quân đội để đẩy người dân đến bước đường cùng. Đừng vi phạm sự thánh thiêng của các cơ sở tôn giáo nhưng hãy nhìn nhận vai trò của các tôn giáo trong xã hội, trong những gì mà chúng có thể đem lại cho các linh hồn: “ nếu các tôn giáo bắt đầu làm cho nhau trở thành phong phú hơn thì chúng sẽ cấp cho linh hồn điều mà thế giới đang tìm kiếm”. Hình như nhà nước VN đã chuẩn bị thật nhiều để mở cửa ra với thế giới, nhưng lại chưa chuẩn bị từ bên trong là mở cửa ra đón nhận các tôn giáo, vị thế và vai trò của chúng, để tất cả cùng nhau làm nên một đất nước vững mạnh thật sự. Giáo sư Tương Lai đã chỉ ra yếu kém này khi ông trích dẫn Hồ Chí Minh: « ta chưa có phương pháp thích hợp để vận động đồng bào tôn giáo. Đồng thời vì cán bộ ta kém, có nơi đã có những hành động lố lăng, phạm đến tín ngưỡng và quyền lợi của đồng bào tôn giáo”. Hơn sáu mươi năm đã trôi qua, những lời nhận xét ấy vẫn còn nguyên giá trị…». Nhìn nhận vai trò của các tôn giáo, đều đó có nghĩa trứoc tiên là cần phải tôn trọng quyền tự do tôn giáo của mỗi người dân và những gì đi kèm với quyền tự do đó. Thừa nhận trên giấy tờ, trên Hiến Pháp mà thôi thì chưa đủ, nhưng còn phải trong thực tế. Ở đây một lần nữa trích dẫn tư tưởng « tiến bộ » của giáo sư tương lai: « Tín ngưỡng hoặc không tín ngưỡng là một quyền cơ bản của con người cần được thể chế hoá và được thực sự tôn trọng. Hiểu thật đúng thì tôn giáo sẽ là một sức mạnh xây dựng và một động lực tích cực của cá nhân và cộng đồng. »

Viết bài này, người viết một lần nữa không có ý gì hơn là mời gọi mọi người cùng trở về thái độ căn bản cho việc xây dựng con người và xã hội đích thực, đó là tôn trọng công lý, nhân quyền và phẩm giá con người. Cần và phải vượt qua thái độ hả hê thắng thua để tập trung vào một xã hội pháp quyền đem lại sự an tâm và tin tửong cho người dân Việt Nam. Những người giáo dân Công Giáo Hà Nội đã chấp nhận đứng lên phản đối lại sự bất công và ngang ngược của các quan chức chính quyền VN khi cậy quyền cậy thế để trấn áp họ. Họ không muốn bước vào thế đôi co, đối đầu và hơn thua. Họ chỉ muốn công lý được tôn trọng. Họ chỉ muốn rằng tôn giáo của họ được đối xử công bằng, và họ chỉ muốn rằng họ có thể tham gia vao công cuộc xây dựng con người và xã hội VN, với những phương tiện của họ. Một lần nữa, tôi kêu gọi nhà cầm quyền VN hãy lắng nghe nguyện vọng chính đáng và hợp pháp của người Công Giáo VN, của HĐGM VN.
 
RFA: Giáo xứ Thái Hà yêu cầu nhà nước trả lại đất của dòng Chúa Cứu Thế
Lễ Dân (RFA)
17:16 08/01/2008

Giáo xứ Thái Hà yêu cầu nhà nước trả lại đất của dòng Chúa Cứu Thế



Vào khi giáo dân Hà Nội đang kiên trì cầu nguyện và yêu cầu Nhà nước trả lại cho giáo hội trụ sở Tòa Khâm Sứ cũ, thì giáo dân xứ Thái Hà, cũng tại Hà Nội, hôm Chủ nhật vừa qua, đã lên tiếng yêu cầu chính quyền buộc xí nghiệp May Chiến Thắng đang sử dụng đất dòng Chúa Cứu Thế không được sang bán chuyển nhượng.

Nguyên nhân gây tranh chấp

Chiều Chủ nhật vừa qua, tin tức cho biết có một số đông công an mặc sắc phục, phối hợp cùng dân phòng và nhân viên an ninh mặc thường phục đã đến giáo xứ Thái Hà, tại khu vực đường Trần Quang Diệu, phường Trung Liệt, quận Đống Đa.

Qua nguồn tin riêng, chúng tôi được biết giáo dân xứ Thái Hà đang phản đối việc Xí nghiệp May Chiến Thắng lợi dụng chiều thứ Bảy cuối tuần, lén lút xây tường bao phía đường Hòang Cầu. Phường Quang Trung đã cam kết là sẽ không cho việc xây dựng không phép đó tiếp tục.

Nhưng đến sáng Chủ nhật khi thấy công an, dân phòng và cảnh sát 113 kéo đến, người dân sang khu Thảm Len của xí nghiệp thì mới thấy nhân viên an ninh, thanh tra xây dựng và cả một viên chức phường Quang Trung đang chỉ đạo công nhân sắp xếp, dựng thêm hàng rào bằng lưới B40 và giây thép gai cho xí nghiệp May Chiến Thắng.

Tin từ giáo xứ Thái Hà cho biết, vào lúc đó, do các linh mục dòng Chúa Cứu Thế đang đi làm từ thiện tại trại Phong Sóc Sơn, nên đa số giáo dân chỉ biết phẫn uất ra bày tỏ sự phản đối công việc xây dựng trái phép này. Nhân viên an ninh và dân phòng phải giằng co với những người lớn tuổi, để vừa bảo đảm an toàn cho họ, mà cũng để công nhân xây dựng rảnh tay dựng hàng rào.

Một giáo dân cư ngụ tại đường Trần Quang Diệu, Ô Chợ Dừa, cho biết sau đó, việc dựng hàng rào được tạm ngưng, và các cụ ông cụ bà cũng tạm dừng phản đối, dù vẫn bảo nhau cắt cử người trông chừng: “Cái ấy bây giờ mới ngưng ở đấy thôi. Vẫn cứ để nguyên vị trí, chứ chưa có rục rịch gì thêm hết...”

Ngược dòng lịch sử, khi đất nước tạm chia đôi hồi năm 1954, dòng Chúa Cứu Thế tại Thái Hà chỉ còn lại một vài linh mục như cha Vũ Ngọc Bích, cha Denis Paquette, cha Thomas Côté cùng vài tu sĩ khác. Hai linh mục người Pháp bị trục xuất vào năm 1958 và 1959, chỉ còn lại một mình linh mục Vũ Ngọc Bích ra sức kiên trì cầm cự.

Mảnh đất của dòng Chúa Cứu Thế ở ấp Thái Hà từ 61,455 mét vuông, bị trung dụng lần hồi chỉ còn lại 2,700 mét vuông bây giờ. Nhà nước lập bệnh viện Đống Đa và dần dần dùng những phần đất còn lại cho các doanh nghiệp nhà nước sử dụng.

Yêu cầu trả lại theo Nghị định của chính phủ

Từ nhiều năm nay, giáo xứ Thái Hà nhiều lần lên tiếng yêu cầu chính quyền trả lại đất đai của giáo hội theo tinh thần nghị định số 379/TTg, nói rằng những nơi thờ phượng phải trả lại cho nguyên chủ, nếu mục tiêu khi trung dụng không còn đúng nữa.

Theo Bạn, giải pháp nào cho tình trạng giáo dân tập trung đòi chính quyền trả lại đất đai và các cơ sở tôn giáo? Hãy gửi đến Ban Việt Ngữ ý kiến của bạn. email: vietweb@rfa.org

Trong trường hợp Thái Hà, thì bệnh viện Đống Đa phục vụ dân sinh là đúng, nhưng xí nghiệp May Chiến Thắng là sai. Nhất là có tin cho biết xí nghiệp quốc doanh này thua lỗ, đầu năm ngoái đã bán lại toàn bộ cho công ty Phuớc Điền có trụ sở ở Sàigòn, một phần đất còn lại bán cho một quan chức cao cấp.

Phía chính quyền địa phương nhiều lần đánh tiếng cho rằng đất đai dòng Chúa Cứu Thế ở Thái Hà đã được cố linh mục Vũ Ngọc Bích hiến tặng Nhà nước từ lâu. Việc này không được những giáo dân cao tuổi chấp nhận. Một cụ khẳng định: “Dạ nếu thế thì phải có văn bản chứ ạ. Nếu mà cha xứ Bích mà nhượng, thì phải có văn bản giấy tờ chứ ạ...”

Nhiều người kể lại rằng cha già Bích trước khi qua đời, nhiều lần khẳng định trước giáo dân rằng "ai nói cha hiến tặng tài sản của Giáo hội là nói dối và phạm tội vu khống. Cha không hề ký bất cứ cái gì".

Một cụ giáo dân khác nhận xét rằng chuyện đời, chuyện đạo, cứ rối bời lên vào lúc tự do hóa thị trường, những mét vuông đất ở ngay quận Đống Đa đã trở thành những xấp đôla, nên việc đòi hỏi công lý của xứ Thái Hà cũng gặp nhiều gian truân hơn trước. Cụ nói: “(cười)...Vâng, vâng, nhiều cái bây giờ nó khó lắm ông ạ. Mệt mỏi lắm....(cười)...”

Tuy nhiên, nhiều người vẫn chưa hết hy vọng, nhât là sau khi nghe tin đích thân Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đến thăm giáo dân tại nhà thờ và gặp gỡ đức Tổng giám mục Ngô Quang Kiệt. Một cụ bày tỏ: “Dạ vâng. Tôi có nghe tin như thế ạ. Bên ấy họ đang họp lãnh đạo để họ bàn và còn xin ý kiến của cấp trên nữa...”

Niềm hy vọng của giáo dân liệu có thành hiện thực hay không, biên tập viên Nam Nguyên của ban Việt ngữ trong bài sau đây, tìm hiểu về khía cạnh pháp lý và chính trị của vấn đề
 
Đêm lạnh đã xuống, nhưng tại khu tranh chấp ở Thái Hà tối nay 8.01.2008 không khí vẫn còn nóng!
Nhóm PV VietCatholic
20:37 08/01/2008
HÀ NỘI -- Sáng nay 08.01.2008, khoảng 6 h, thánh lễ xong, cả nhà thờ ra cầu nguyện tại khu đất đang đòi lại. Sáng nay có khá đông sinh viên. Lúc đoàn rước đến nơi thì vẫn còn một số người đang đắp chăn nằm tại con đường ven khu đất.

Suốt ngày các ông bà chia nhau túc trực tại hiện trường cầu nguyện. Biểu hiện bên ngoài không căng thẳng như hôm qua. Các cán bộ an ninh chạy tới chạy lui liên tục đến hiện trường. Các nhân viên vẫn bảo vệ bên trong cứ nhấp nhổm canh chừng. Các xe cảnh sát vẫn thường trực ở vị trí sẵn sàng trên con đường gần khu đất.

Có một xe cảnh sát đậu bên trong khu đất và một nhóm đông công an bảo vệ ngồi với nhau. Có mấy cán bộ mà dân chúng cho biết là hình như họ có ăn phần ở đây, cũng có thể vì cớ ấy mà mặt mày họ căng thẳng, họ đứng ngồi không yên và liên tục gọi điện thoại. Các nhân viên bảo vệ thì trang bị roi điện, nấp xa xa sau một bức tường của một tòa nhà đã dỡ trong khu đất.

Mọi người ngồi ngoài tường rào kẽm gai cầu nguyện, ăn uống và trò chuyện cả ngày.

Buổi tối hôm nay lúc khoảng 19 h, khi lễ ban chiều ở nhà thờ xong, cả công đoàn người tham dự lễ ở nhà thờ đã rước một số ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp ra gắn trên tường rào làm thành một dãy bàn thờ rồi thắp nến cầu nguyện. Lúc này công an và cảnh sát đến rất đông. Nhưng họ chỉ đứng yên một chỗ nhìn giáo dân cầu nguyện. Có một nhân viên an ninh khi thấy rước ảnh Đức Mẹ ra thì nói và có vài giáo dân nghe được rằng: "Chắc em xin đi làm chỗ khác. Làm ở đây và lo sợ và căng thẳng quá!"

Thựa ra mà nói thì chiều nay và tối nay ở nơi đây tràn ngập sự hiện diện của các nhân viên an ninh. Số cán bộ quen mặt bên tòa khâm sứ đều có mặt ở đây. Các nhân viên an ninh ăn mặc như thường dân, ngồi xen vào giữa dân, có anh xưng thẳng mình là công an. Có anh đã đi làm lâu năm. Có anh đang đi thực tập.

Mình canh công an, công an canh mình! Khổ vậy đó, giời ơi!
Tối nay giáo dân bức xúc hơn thường, vì tối hôm qua đại diện chính quyền hứa là sẽ chỉ đạo Công ty May Chiến Thắng không làm gì nữa. Nhưng hôm nay nghe nói trong một văn bản thành phố gửi cho giáo xứ thì thành phố vẫn cho phép công ty này xây tường bao quanh và có ý làm khó giáo xứ. Nhiều người tham gia cầu nguyện phát biểu công khai, họ nói họ không tin vào lời nói của các cán bộ nữa!

Khoảng 22 h vẫn còn đông giáo dân và công an ở hiện trường. Giáo dân dọn chỗ ngủ qua đêm. Có hai nhân viên an ninh đi xe máy cũng ngủ lại trên vỉa hè gần chỗ giáo dân. Xe cảnh sát bên trong bên ngoài khu đất.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Cá trong lừ - Cá ngoài lừ
Nguyễn Văn Thành
05:53 08/01/2008
« Cá trong lừ đỏ dừ con mắt,

« Cá ngoài lừ ngúc ngắc muốn vô » ?

(hay là những cạm bẫy trong lý tưởng làm người)


Từ ngày 10 tháng 12 năm 2007, tôi đã rời bỏ địa chỉ tại Lausanne, vào cư ngụ trong Tu Viện « Đức Mẹ Fatima », ở CH-1694 Orsonnens-Fribourg, Thụy Sĩ, với các linh mục và tu sĩ thuộc Gia đình Xitô Việt Nam.

Sau khi nhận được tin tức về địa chỉ mới của tôi, nhiều bạn bè, thân nhân xa gần, cũng như phần lớn những học viên đã tham dự khóa học hè từ 2005 đến 2007, về trẻ em tự kỷ…đã ngỡ ngàng đặt ra cho tôi câu hỏi: Tại vì sao có sự chuyển hướng muộn màng và đột ngột như vậy ? Một số người diễn tả những phản ứng xúc động, bất bình, nghi kỵ, buồn vui lẫn lộn hay là phấn khởi và khích lệ cũng không thiếu.

Cách đặc biệt, tôi nhận được lá thư của một người bạn trẻ, mà tôi đã có dịp tiếp xúc, giúp đỡ, hướng dẫn, trên bình diện nghề nghiệp và chuyên môn…Theo thiển ý của tôi, những câu hỏi của người bạn trẻ ấy tóm lược và đại diện bao nhiêu câu hỏi khác đã và đang đến trong hộp thư của tôi.

Với mục đích giải đáp những thắc mắc khác tương tự như vậy, được trình bày dưới hình thức nầy hoặc hình thức khác, một cách trực tiếp hoặc gián tiếp, tôi đã lần lượt gửi bài chia sẻ nầy cho một số bạn bè ở rải rác khắp nơi. Trong khuôn khổ của một lá thư, tôi chỉ muốn nhấn mạnh ba ý tưởng chính yếu:

Trong phần thứ nhất, tôi cố gắng xác định trong hoàn cảnh cụ thể nào tôi đã đưa ra những nhận xét có hình thức biểu tượng trên đây, với một người bạn trẻ muốn tham khảo ý kiến của tôi.

Trong phần thứ hai, tôi khẳng định tầm nhìn về cuộc sống trong chiều hướng « muốn vươn lên và nhìn lại mình một cách can trường và có ý thức », không nhắm mắt đưa chân hay là khoán trắng trách nhiệm cho một người nào khác ở ngoài.

Trong phần kết luận, tôi phân biệt ba cạm bẫy hay là ba loại cám dỗ đã và đang đe dọa bản thân và cuộc sống làm người của tôi, cũng như của nhiều anh chị em đồng bào, nhất là trong tình huống khó khăn hiện tại của Đất Nước. Cạm bẫy thứ nhất là xu thế « làm thực dân » với những thể thức đàn áp người anh chị em. Cạm bẫy thứ hai là thấy mình « làm nạn nhân » của bao nhiêu người đang lèo lái, chỉ đạo từ trên và từ ngoài. Cạm bẫy thứ ba là « đóng vai trò cứu trợ và cứu vãn tự nguyện », hay là « làm thay nói thế », khi kẻ khác không một lời yêu cầu và nhất là không diễn tả và bộc lộ nhu cầu, trong một quan hệ giữa người với người.

***

PHẦN THỨ NHẤT: CÂU HỎI của bạn bè xa gần về cuộc sống hiện tại của tôi:

Độ 10 ngày, sau khi tôi rời khỏi Lausanne và đến cư ngụ tại Orsonnens, một người học trò cũ đã biên thư cho tôi. Trong đó có một đoạn như sau:

Nghe tin Thầy về CH-1694 ORSONNENS/FR, KN bèn nhớ lại câu nói mà chính Thầy đã một thời thốt ra nhằm nhắc nhở, khi KN muốn từ biệt lớp dạy các em tự kỷ, để đi vào sống trong một cộng đoàn ở nước ngoài…

« Cá trong lừ đỏ dừ con mắt

« Cá ngoài lừ ngúc ngắc muốn vô. ..! »

Thầy ơi, em xin thắc mắc: Phải chăng bây giờ chính thầy là " Cá trong lừ hay trong rọ Orsonnens » ?

Em thắc mắc tiếp: Bộ Thầy thấy người nầy hay người nọ « lao mình vô rọ », như TT… Cách làm ấy xem ra mang đến ổn định...Thế rồi Thầy lại muốn « ngúc ngắc hay sao?


Hẳn thực, tôi không phủ nhận sự kiện chính tôi đã trưng dẫn câu ca dao tục ngữ trên đây, trong một hoàn cảnh cụ thể như sau: Vào thời gian giữa 1993 và 1995, sau mười năm ở nước ngoài, tôi trở về lại Sàigòn, tham gia đào tạo một lớp giáo viên có trách vụ giáo dục những trẻ em mang hội chứng Down hay là « Rối loạn sắc thể số 21 ». Triệu chứng nổi bật nhất cần được phát hiện nơi những trẻ em nầy là chậm phát triển về mặt tăng trưởng tâm lý. Dấu hiệu thứ hai là trí thông minh ở dưới mức độ trung bình, với chỉ số thông minh IQ từ 50 trở xuống. Trách vụ chủ yếu của cha mẹ và người giáo viên làm việc trong lãnh vực nầy là giúp đỡ và tìm mọi cách hội nhập loại trẻ em nầy vào môi trường xã hội và học đường. Nói khác đi, những trẻ em nầy có quyền lợi « đi học », và được giáo dục giống như bao nhiêu trẻ em khác, tuy dù đang gặp những khó khăn trong vấn đề nhận thức và hành vi…

Sau một tuần quen biết, trao đổi trong lãnh vực nghề nghiệp, một trong những học viên xuất sắc của lớp đào tạo là KN đã đến gặp tôi và yêu cầu được tư vấn về một vấn đề « tiến thối lưỡng nan ». KN vừa muốn phục vụ những trẻ em chậm phát triển trong môi trường Việt Nam. Nhưng đồng thời KN cũng đang là thành viên nồng cốt của một nhóm chuẩn bị lên đường qua Canada, để gia nhập vào một cộng đoàn « chiêm niệm ». Trước khi KN chuẩn bị lên đường, nhiều bạn bè đã « nhắm mắt nhảy xuống nước », xem thử mình có khả năng bơi hay không. Theo tôi biết từ nhiều nguồn tin tức khác, một số chị em tập bơi theo kiểu ấy, đã thực sự ngụp lặn. Cho nên, sau một thời gian từ năm tháng đến một năm, họ đã phải xách gói ra về, với nhiều vết thương lở lói trong tâm hồn…

Sau khi đã lắng nghe lời trình bày của KN, với tất cả khả năng chuyên môn và tấm lòng đồng cảm, tôi đưa ra một kết luận đậm màu sắc hình tượng có mặt trong môi trường văn hóa Việt Nam: « Cá trong lừ đỏ dừ con mắt, cá ngoài lừ ngúc ngắc muốn vô ».

Ngoài ra, tôi không đưa ra một « lời khuyên ». Tôi không « quyết định thay và thế » cho KN, như một số người thường làm…Hẳn thực, theo ý kiến của Thomas GORDON, trong các văn phòng tư vấn tâm lý xã hội, thay vì giúp đỡ người thân chủ trưởng thành, đảm nhiệm vận mệnh của mình, một vài chuyên viên có xu thế làm cho họ trở nên ấu trĩ, lệ thuộc… với 12 cách làm sau đây (1):

1) điều khiển, lèo lái, đưa ra những mệnh lệnh,

2) đe dọa với những « lời tiên tri hay là dự đoán » như « Nếu… »,

3) lên mặt dạy đời, đưa ra những bài học như « Phải thế nầy, phải thế kia… »,

4) đưa ra những lời khuyên, đề nghị những cách giải quyết,

5) điều tra, đặt những câu hỏi, khảo hạch,

6) tránh né, đánh trống lảng, trào phúng,

7) giải thích, lý luận,

8) phê phán, khiển trách, bất đồng,

9) tán dương, đánh giá tích cực, đồng ý,

10) bôi nhọ, gắn nhãn hiệu,

11) thuyên giải, phân tích, định bệnh,

12) an ủi, nâng đỡ, trấn an.

PHẦN THỨ HAI: LÁ THƯ TRẢ LỜI

Sau khi nhận được lá thư, với lời phản hồi, tôi đã lập tức trả lời:

KN thân mến,

Cám ơn KN đã nhắc lại câu nói mà tôi đã một thời thường nói ra, nhất là trong tinh thần đánh thức những người thuộc giới trẻ, mà tôi cảm thấy có trách nhiệm đóng góp, xây dựng và gây ý thức.

Sở dĩ KN đã và đang còn ghi nhớ câu nói đánh thức ấy, âu đó cũng là một an ủi lớn cho bản thân và cuộc đời của tôi. Vì sao ? Vì có những người em thuộc giới trẻ, bên ngoài thì không đưa ra những câu trả lời trực tiếp và tức khắc, nhưng trong tâm hồn, họ đã lắng nghe, đón nhận và nhất là đã chia sẻ, đồng cảm với tôi. Sau hơn mười năm, họ mới gửi lại những lời phản hồi tích cực.

Bây giờ đến phiên tôi, tôi xin chân thành cám ơn KN đã có nhã ý đánh thức tôi, với tất cả tấm lòng vừa thương mến vừa lo sợ…

Thêm vào đó, tôi xin ghi nhận vai trò tư vấn của KN đối với tôi trong lúc này, một cách chân thành và biết ơn.

Tuy nhiên, trong trường hợp hôm nay của tôi, tôi đã tự mình lấy quyết định và hoàn toàn tự do dấn bước « vô trong lừ ». Trước đó, tôi cũng đã có lần lo sợ sẽ phải « đỏ dừ con mắt », giống như bao nhiêu người khác đi trước tôi. Tuy nhiên, cứ mãi hoài suốt đời sợ như vậy, nhất là vào tuổi đời hơn 70, tôi sẽ làm được cái gì ?

Gương sáng của vị Tông đồ Tôma hiện ra trước mắt tôi: cứng lòng, cương quyết không mở mắt nhìn Chúa Sống Lại, không mở tai nghe Lời Chúa đang kêu gọi tôi trở về với Ngài, không đưa tay va chạm, cảm nghiệm « một người chết, bị đóng đinh và đã tự mình chỗi dậy, trở thành Chúa Sống Lại, Phục Sinh », như Ngài đã tiên báo.

Những cảm nghiệm đã dần dần biến thành xác tín ấy, bây giờ đang thúc đẩy tôi đứng lên, đảm nhiệm vai trò « làm Chứng Nhân hay là Ngôn Sứ », được sai đi, dọn đường cho Ngài. Chính trong môi trường « Cái lừ đỏ dừ con mắt », tôi muốn chia sẻ hạnh phúc cuối đời của một con người đã hơn một lần phản bội, những vẫn còn có khả năng lắng nghe Tiếng gọi của Tình Yêu và khiêm tốn quay trở về với Con Đường Hy Vọng.

Giờ đây, ngày ngày trong hương khói của cuộc sống Nguyện Cầu, tôi không còn Nói, nghĩa là làm « thanh la phèng phèng » hay là « chũm chọe xong xoảng ». Tôi muốn trở thành người học trò « chiêm ngắm Chúa Sống Lại » và quyết tâm làm chứng rằng « Một Đấng Sống Lại » đang đóng lều và cắm trại trong tôi. Từ đây, tôi muốn chia sẻ bằng nước mắt và khổ đau trong xương da, máu thịt của tôi, cho những người em thuộc giới trẻ ý thức được rằng: Tôi thấy thực sự những điều vô hình, tôi nghe những ngôn ngữ không lời, tôi đưa tay va chạm và ôm ấp vào lòng những trẻ em khiếm thính, khiếm thị, bại liệt… và nhất là những trẻ em có nguy cơ tự kỷ, chưa biết thiết lập những quan hệ tiếp xúc và trao đổi, với người khác, thậm chí với Người Mẹ đã cưu mang mình trong cung dạ.

Hôm nay viết ra những lời thú nhận ấy, tôi xin cám ơn KN và khiêm tốn xin KN thứ lỗi đã dám lên mặt mô phạm dạy cho KN, trong quá khứ, những điều mà tôi chỉ Nói và không bao giờ Làm hay là Sống.


PHẦN THỨ BA : NHỮNG CẠM BẪY

Ở dưới chiều sâu của hai thái độ, một là « đỏ dừ con mắt, khi bị kẹt ở trong lừ », hai là « ngúc ngắc muốn vô, khi ở ngoài lừ », suốt thời gian học tập và nghiên cứu, từ những ngày ở Đại học cho đến hôm nay, nhờ những tác phẩm của Eric BERNE (2), tôi đã từ từ khám phá ba loại cạm bẫy hiểm độc, đang hà hơi và tiếp sức cho nhau.

- Cạm bẫy thứ nhất là « làm người thực dân ». Tôi đàn áp, bóc lột người anh chị em cùng chung sống với tôi, trong bất cứ môi trường nào, tôn giáo hay chính trị, xã hội hay nghề nghiệp… khi tôi cưu mang trong tâm hồn lập trường hay là lối nhìn: Tao hơn mày thua, tao đúng mày sai, tao yêu Nước mày bán Nước, tao có chân lý mày ở trong lầm lạc, tao chính mày ngụy…

- Cạm bẫy thứ hai là thấy mình « làm nạn nhân », hay là làm phế liệu, vô giá trị, bị kẻ khác lợi dụng và lạm dụng, chỉ có khả năng « dạ dạ vâng vâng », khi kẻ khác chỉ đạo, lèo lái, điều khiển từ A đến Z.

- Cạm bẫy thứ ba là « từ ngoài xung phong nhảy vào can thiệp, viện trợ, cứu vãn, làm người hùng kiểu zôrô ». Viện trợ và cứu vãn từ trên và từ ngoài như vậy chỉ mang lại một hậu quả tất yếu như sau: người đói càng kêu đói, để nhận viện trợ nhiều hơn. Người nghèo càng ngày càng nghèo hơn, vì không biết làm gì hơn là ngửa tay xin viện trợ và bố thí.

Cơ hồ trong một bi hài kịch, ba nhân vật thực dân, nạn nhân và người hùng cứu vãn sẽ từ từ luân phiên hà hơi tiếp sức, thay đổi vai trò và vị trí cho nhau. Người thực dân sẽ bị chính nạn nhân của mình cầm súng xua đuổi, lật đổ, ám sát. Người nạn nhân trước đây, bây giờ trở nên thực dân với anh chị em đồng hương và đồng bào của mình. Họ trở nên độc ác gấp nghìn lần hơn những người mà họ gọi là thực dân trước đây, trong những cuộc đấu tố, trong các trại học tập, trong các chủ trương thanh trừng thanh lọc…Người đã đóng vai trò viện trợ, cứu vãn… cuối cùng cũng chán ngấy vì ý đồ lợi dụng và lạm dụng không đáy của người chỉ biết ngửa tay xin xỏ. Cho nên, đên phiên đến lượt của họ, người hùng cảm thấy mình chỉ là nạn nhân bị người khác lường gạt. Cho nên, người hùng đại lượng trước đây, bây giờ trở thành nguời kết án, xua đuổi, tố cáo, vơ đũa cá nắm…và áp bức con người mà mình đã cứu vãn.

Phải chăng đó chính là vòng luân hồi khổ đau, do con người tạo ra cho con người, vì thiếu hiểu biết và sáng suốt còn mang tên là « thiếu ý thức » về trách nhiệm của mình và về vai trò của người anh chị em đồng bào của mình.

***

Nhằm Kết luận:

Cuộc sống vô ý thức, như bài chia sẻ đã làm cho chúng ta thấy rõ, tràn đầy những cạm bẫy chống lại con người.

Cũng vì sống vô ý thức, chúng ta tất cả không loại trừ một ai, đều có phản ứng máy móc và tự động, như:

« Cá trong lừ đỏ dừ con mắt,

« Cá ngoài lừ ngúc ngắc muốn vô ».

Thậm chí, trong lãnh vực tôn giáo hay là cuộc sống Đức Tin, cạm bẫy ấy cũng đầy nhan nhản khắp mọi nơi.

Vậy KN ơi, chúng ta cần làm gì ?

Tư Duy Cấu Trúc dạy cho chúng ta: trong bất cứ cuộc sống nào, đế sống cho ra sống, để tu cho ra tu, để làm người cho ra người, chúng ta cần biết đi lên từng bước như sau:

- Bước thứ nhất : Tôi đang ở đâu ? Tôi cần khảo sát khởi điểm của tôi bao gồm những năng động nào ? Những tồn tại hay là khuyết điểm nào ? Nếu là năng động tích cực, tôi sẽ làm gì để khai thác, phát huy ? Nếu là những điểm ù lì, bị động…tôi có nhiệm vụ thực thi những điều nào để khắc phục, vuợt qua, chuyển biến ?

- Bước thứ hai : Tôi muốn nhắm tới điều gì ? Khi hình dung tận điểm hay là cùng đích ấy, tôi thấy mình có giá trị như thế nào ?

Tôi sẽ là gì, khi mọi sự biến mất đi hết, trong vòng mười hay là hai mươi năm sắp tới ? Phải chăng khi ấy, tôi vẫn là con người có giá trị và hạnh phúc, vì biết yêu và được yêu anh chị em của mình ?

- Bước thứ ba: Ở giữa khởi điểm và tận điểm ấy, tôi có những giai đoạn đi lên và đi tới như thế nào ? Ai, người nào, vị nào sẽ có mặt với tôi, trong tôi, như một sức mạnh, như một tiếng gọi, như một Lời Nhắc Nhủ ? Như một Động Lực Bất Diệt hướng dẫn tôi đi từng bước một, trên con đường Hạnh Phúc và Phục Vụ.

KN ơi, đó là con đường đi mà tôi quyết tâm chọn lựa, để không « đỏ dừ con mắt trong lừ Orsonnens ».

Phải chăng em cũng có khả năng dư thừa, hoàn toàn giống như tôi, trong bất cứ hoàn cảnh và môi trường nào ?


Ngày 06-01-2008,- CH-1694 ORSONNENS/Fr - Thụy Sĩ

***

BÍ CHÚ:

1.-Thomas GORDON - Parents Efficaces - Marabout 2006

2.- Eric BERNE - Transactional Analysis in Psychotherapy - N.Y Grove Press, 1961
 
Thông Báo
Phân Ưu: thân mẫu LM Phan Văn Lợi qua đời tại Việt Nam
Phan văn Danh
07:22 08/01/2008

PHÂN ƯU


Chúng tôi nhận được tin

Bà Cố Phanxica Phan Văn Danh


Nhũ danh Nguyễn thị Duyên
là thân mẫu LM Phan Văn Lợi
qua đời vào lúc 17h chiều ngày 05/01/2008
Hưởng thọ 85 tuổi.

Chúng tôi xin chia buồn cùng
Linh mục Phan Văn lợi và quí bà con họ hàng tang quyến,

Nguyện xin Chúa nhân từ thương đến linh hồn Phanxica
và đưa lên chốn phúc thật là Nước Thiên Đàng

Thành kính phân ưu,
LM Trần Công Nghị
và Tòan Ban VietCatholic
 
Thư mời dự lễ kỷ niệm 45 năm Giám Mục, 60 năm Linh Mục của ĐHY Phạm Đình Tụng
TGM Hà Nội
23:34 08/01/2008

TOÀ TỔNG GIÁM MỤC HÀ NỘI

THƯ MỜI



Hà Nội, ngày 08 tháng 01 năm 2008

Nhân dịp kỷ niệm:

45 năm Giám mục

60 năm Linh mục

90 năm Hồng ân

của Đức Hồng Y Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng

Toà Tổng Giám Mục Hà Nội trân trọng kính mời đại diện Giáo xứ trong Giáo phận đến hiệp dâng Thánh lễ Tạ ơn Thiên Chúa và cầu nguyện cho Đức Hồng Y,

thời gian: 10giờ, Thứ sáu, ngày 25 tháng 01 năm 2008

địa điểm: Nhà Thờ Chính Toà Hà Nội

Sự hiện diện của Quí vị sẽ là nguồn động viên lớn lao cho Đức Hồng Y Phaolô Giuse và lời cầu nguyện của Quí vị sẽ đem ơn Chúa xuống cho Ngài và cho Tổng Giáo Phận Hà Nội.

Kính mời

Lm. Gioan Lê Trọng Cung

Chánh văn phòng
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Bay
Lm. Joseph M. Nettekoven
00:32 08/01/2008

BAY



Ảnh của Lm. Joe M. Nettekoven, St. Justin Martyr, Anaheim, Ca.(Hình chụp từ phòng lái tại Alaska 2007)

“Người can đảm cũng là người mang tràn đầy đức tin”

“A man of courage is also full of faith”

(Cicero)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền