Ngày 27-01-2024
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thầy thuốc của linh hồn
Lm. JB Nguyễn Minh Hùng
02:15 27/01/2024

THẦY THUỐC CỦA LINH HỒN
CHÚA NHẬT THỨ IV THƯỜNG NIÊN NĂM B

Chúa Giêsu đầy uy quyền: Chúa uy quyền không chỉ trong tư cách là Thầy dạy, nhưng còn uy quyền trong tư cách là Thầy thuốc: " Chúa Giêsu quát mắng nó rằng: Hãy im đi và ra khỏi người này! Thần ô uế liền dằn vật người ấy, thét một tiếng lớn, rồi xuất khỏi người ấy" (Mc 1, 23-27).

Là Thầy thuốc, Chúa không dừng lại ở việc chỉ chữa bệnh thể lý. Nhưng điều quan trọng mà Chúa nhắm đến, là làm cho tâm hồn con người khỏe mạnh, Chúa giải thoát con người khỏi ảnh hưởng của ác thần. Người làm cho ma quỷ phải khiếp sợ. Người ra lệnh và ma quỷ phải vâng nghe.

Từ sau tạo thành, ngay cuộc đọ sức đầu tiên, nguyên tổ đã thất trận, ngã nhào, bị ma quỷ khống chế. Con người dễ thất bại trước quyền lực của ma quỷ. Chúng tấn công không chỉ bằng xúi giục phạm tội, hay chống lại thánh chỉ của Thiên Chúa mà còn hành hạ, khống chế, trói buộc, bắt con người làm nô lệ cho chúng. Cũng từ sau tạo thành, con người chẳng thể tự mình thoát nanh ma quỷ.

1. Là Thầy thuốc của tâm hồn, Chúa chiến thắng ma quỷ.

Ðó là cuộc cận chiến trong sa mạc. Qua kiểu nói lặp đi lặp lại đến ba lần: "Nếu ông là Con Thiên Chúa...", kẻ cám dỗ gây nghi ngờ về danh hiệu Con Thiên Chúa với mục đích cản trở Chúa thực thi sứ mạng cứu thế của Người.

Cả ba cơn cám dỗ, ma quỷ đều cố tình đưa Chúa vào vòng hư ảo của thành công, của vinh quang trần thế, của sự thờ phượng sai mục đích, sai đối tượng.

Từ tất cả những lạc lối ấy, chúng kéo Chúa ra khỏi con đường vâng phục và khiêm hạ. Chúng biết, nhờ vâng phục, khiêm hạ, Chúa sẽ khiến sự sống của Chúa, sự cứu độ của Chúa, tình yêu giải phóng của Chúa Cha nên trọn, thành hiện thực và tràn ngập trần thế, đưa loài người xa mọi ảnh hưởng của thế giới tối tăm, chắc chắn sẽ gần gũi với sự thánh thiện của Chúa Cha.

Chúng bị đánh bại thảm hại. Chúa dùng chính khiên che, thuẫn đỡ là Lời Thiên Chúa để chống trả và chiến thắng ma quỷ.

Lời Thiên Chúa chính là ý muốn của Chúa Cha. Chúa Giêsu không tự mình nói điều gì, nhưng luôn vâng theo Lời Thiên Chúa. Người nêu gương cho ta bài học và kinh nghiệm về sự chiến thắng đối với ma quỷ, đối với tội lỗi. Sự chiến thắng lớn lao của Chúa Giêsu càng xứng với việc Người được Chúa Cha tuyên dương, xác nhận và giới thiệu ngay trước đó: "Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người" (Mt 3, 17).

2. Là Thầy thuốc của tâm hồn, Chúa xua trừ ma quỷ.

Không chỉ hôm nay Tin Mừng kể lại việc Chúa Giêsu xua đuổi thần ô uế cách công khai, nhưng nhiều lần khác nhau, Tin Mừng cho thấy, Chúa đầy quyền lực trong việc xua trừ quỷ dữ. Chẳng hạn:
- "Chiều đến, người ta đem nhiều kẻ bị quỷ ám tới gặp Ðức Giêsu. Người nói một lời là trừ được các thần dữ" (Mt 8, 16);
- Chúa Giêsu bảo nó rằng: "Hỡi thần ô uế, hãy ra khỏi người này"... Và nó nài xin Người đừng trục xuất nó ra khỏi miền ấy. Gần đó, có một đàn heo đông đảo đang ăn trên núi, những thần ô uế liền xin Chúa Giêsu rằng: "Hãy cho chúng tôi đến nhập vào đàn heo". Và Chúa Giêsu liền cho phép (Mc 5, 1-20).
- Họ vừa đi ra thì kìa người ta đem đến cho Ðức Giêsu một người câm bị quỷ ám. Khi quỷ bị trục xuất rồi, thì người câm nói được (Mt 9, 32-33).
- Một người trong đám đông trả lời: "Thưa Thầy, tôi đã đem con trai tôi lại cùng Thầy; cháu bị quỷ câm ám"... Khi thấy đám đông tuôn đến, Đức Giêsu quát mắng tên quỷ: "Thần câm điếc kia, Ta truyền cho ngươi: ra khỏi đứa bé và không được nhập vào nó nữa!". Quỷ thét lên, lay nó thật mạnh, rồi ra khỏi. Đứa bé ra như chết, khiến cho nhiều người nói: "Nó chết rồi!" (Mc 9,14-29).

Chúa muốn chúng ta được giải phóng khỏi mọi sự ràng buộc của ma quỷ, nên Người vừa chữa lành bệnh nơi thân xác, vừa ban ơn tha thứ mọi tội lỗi. Nhiều lần, trong khi chữa bệnh, Chúa tuyên bố: "Tội con đã được tha".

Trong khi tha tội, Chúa cũng ban cho con người sức mạnh để hoán cải luôn luôn, để không còn dính bén với tội lỗi, nhưng đứng lên làm lại đời mình và trở về đường thánh thiện.

Ta có thể kể đến rất nhiều những trường hợp của những người được tái sinh như thế. Chẳng hạn: Ông Giakêu, thánh Maria Mađalêna, thánh Phêrô, người trộm lành, thánh Phaolô...

Là Kitô hữu, để chống trả cám dỗ do ma quỷ gây nên, chúng ta siêng năng lãnh bí tích, nhất là bí tích giải tội để luôn sống trong ơn Chúa, sống trong tình trạng "kẻ sống" mà bích tích giải tội nói riêng, các bí tích nói chung mang lại.

Hết lòng giữ ngũ quan để ngăn mắt thấy, tai nghe, hay những loại tiếp xúc thuộc về sự tăm tối, đi ngược điều răn và giáo huấn của Chúa và Hội Thánh.

Thực lòng tìm kiếm Chúa, tìm kiếm ảnh hưởng của tình yêu và sự hiện diện của Chúa trong mọi sự, mọi lãnh vực của đời sống. Cần tách mình khỏi mọi thứ tham lam, gian xảo, đua đòi những hào nhoáng của đời này, đua đòi những thứ tưởng là quyền quý nhưng chỉ là ảo giác, là thiếu đứng đắn, thiếu trong sạch.
 
Thánh Lễ Chúa Nhật thứ Tư Mùa Quanh Năm 28 tháng Giêng dành cho những người không thể đến nhà thờ
Giáo Hội Năm Châu
02:29 27/01/2024

BÀI ĐỌC 1 Đnl 18, 15-20

Bài trích sách Đệ nhị luật.

Khi ấy, ông Mô-sê nói với dân Ít-ra-en rằng: “Từ giữa anh em, trong số các anh em của anh em, Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, sẽ cho xuất hiện một ngôn sứ như tôi để giúp anh em; anh em hãy nghe vị ấy. Đó chính là điều mà anh em đã xin với Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, tại núi Khô-rếp, trong ngày đại hội; anh em đã nói: ‘Chúng tôi không dám nghe tiếng Đức Chúa, Thiên Chúa của chúng tôi nữa, chúng tôi không dám nhìn ngọn lửa lớn này nữa, kẻo phải chết.’ Bấy giờ Đức Chúa phán với tôi: ‘Chúng nói phải. Từ giữa anh em của chúng, Ta sẽ cho xuất hiện một ngôn sứ như ngươi để giúp chúng, Ta sẽ đặt những lời của Ta trong miệng người ấy, và người ấy sẽ nói với chúng tất cả những gì Ta truyền cho người ấy. Kẻ nào không nghe những lời của Ta, những lời người ấy nói nhân danh Ta, thì chính Ta sẽ hạch tội nó. Nhưng ngôn sứ nào cả gan nhân danh Ta mà nói lời Ta đã không truyền cho nói, hoặc nhân danh những thần khác mà nói, thì ngôn sứ đó phải chết.’”

Đó là lời Chúa.

BÀI ĐỌC 2 1 Cr 7, 32-35

Bài trích thư thứ nhất của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Cô-rin-tô.

Thưa anh chị em, tôi muốn anh chị em không phải bận tâm lo lắng điều gì. Đàn ông không có vợ thì chuyên lo việc Chúa: họ tìm cách làm đẹp lòng Người. Còn người có vợ thì lo lắng việc đời: họ tìm cách làm đẹp lòng vợ, thế là họ bị chia đôi. Cũng vậy, đàn bà không có chồng và người trinh nữ thì chuyên lo việc Chúa, để thuộc trọn về Người cả hồn lẫn xác. Còn người có chồng thì lo lắng việc đời: họ tìm cách làm đẹp lòng chồng. Tôi nói thế là để mong tìm ích lợi cho anh chị em, tôi không có ý gài bẫy anh chị em đâu, nhưng chỉ muốn đề nghị với anh chị em một điều tốt, để anh chị em được gắn bó cùng Chúa mà không bị giằng co.

Đó là lời Chúa.

TUNG HÔ TIN MỪNG Mt 4,16

Alleluia. Alleluia.

Đoàn dân đang ngồi trong cảnh tối tăm, đã thấy một ánh sáng huy hoàng, những kẻ đang ngồi trong vùng bóng tối của tử thần, nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi. Alleluia.

TIN MỪNG Mc 1, 21-28

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô.

Tại thành Ca-phác-na-um, ngày sa-bát, Đức Giê-su vào hội đường và giảng dạy. Thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Người, vì Người giảng dạy như một Đấng có uy quyền, chứ không như các kinh sư.

Lập tức, trong hội đường của họ, có một người bị thần ô uế nhập, la lên rằng: “Ông Giê-su Na-da-rét, chuyện chúng tôi can gì đến ông mà ông đến tiêu diệt chúng tôi? Tôi biết ông là ai rồi: ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa!” Nhưng Đức Giê-su quát mắng nó: “Câm đi, hãy xuất khỏi người này!” Thần ô uế lay mạnh người ấy, thét lên một tiếng, và xuất khỏi anh ta. Mọi người đều sững sờ đến nỗi họ bàn tán với nhau: “Thế nghĩa là gì? Lời giảng dạy thì mới mẻ, người dạy lại có uy quyền. Ông ấy ra lệnh cho cả các thần ô uế và chúng phải tuân lệnh!” Lập tức danh tiếng Người đồn ra mọi nơi, khắp cả vùng lân cận miền Ga-li-lê.

Đó là lời Chúa.
 
Có thể bay lên
Lm. Minh Anh
12:52 27/01/2024

CÓ THỂ BAY LÊN
“Thần ô uế lay mạnh người ấy, thét lên một tiếng, và xuất khỏi anh ta”.

Một đêm yên tĩnh, có tiếng ngỗng trời bay trong đêm, R. Meredith vội vào nhà, viết xuống những cảm xúc. “Đàn ngỗng trời hoang dã bay về phía mặt trăng và mất hút vào chị Hằng; tuyệt vời! Tội nghiệp các chú ngỗng trời của tôi đang ‘hạnh phúc’ bì bõm trong ao! Chúng nghe tiếng gọi hoang dã của đồng loại như những mũi tên bắn vào tim. Cánh chúng yếu ớt rung lên; bản năng bay thôi thúc chúng, ‘Bay lên đi!’. Tiếng gọi thì thầm vang lên trong bộ ngực lông vũ; nhưng chúng không thể bay lên. Vấn đề đã rõ. Ruộng ngô và đồng cỏ quá hấp dẫn! Giờ đây, ước muốn bay của chúng chỉ làm chúng khó chịu. Những gì chúng an hưởng đang quyến rũ chúng với cái giá khá đắt: mất khả năng bay!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Thiên Chúa muốn giải thoát con người khỏi mọi ác thần bất cứ giá nào để nó ‘có thể bay lên’. Đó là những gì câu chuyện Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay tường thuật. Những chi tiết Marcô kể lại khác nào cảnh trong phim kinh dị. Vậy mà, đó là một hành động yêu thương của Thiên Chúa; qua Chúa Giêsu, quyền năng và tình yêu Ngài thể hiện.

Biến cố Chúa Giêsu trừ quỷ cho thấy một sự thật hiển nhiên là ma quỷ đang hoạt động trong thế giới. Chúng có khả năng điều khiển, thao túng; hoặc ít nhất, cám dỗ con người. Chúng là những thiên thần sa ngã chống lại Thiên Chúa; giờ đây, căm thù loài người, và đang tìm cách tiêu diệt nó. Đây là một sự thật bạn và tôi phải nhận thức sâu sắc; dẫu thế, không lý do gì để chúng ta đánh mất hy vọng, nhượng bộ hoặc sợ hãi. Bởi lẽ, ma quỷ, cuối cùng sẽ phải khuất phục Thiên Chúa; chúng không thể làm gì được nếu Chúa không cho phép. Với sức mạnh của Ngài, bạn và tôi vẫn ‘có thể bay lên’. Tuy nhiên, cần nhận ra rằng, tà lực và ảnh hưởng của ma quỷ không hề nhỏ; và không ai có thể coi thường!

Với người lành thánh, ma quỷ có những chiến lược tinh quái hơn. Một trong những cám dỗ dành cho các ‘Kitô hữu trưởng thành’ là nó khiến họ quen nhờn với các ân huệ của Chúa. Bằng mọi cách, ma quỷ khiến các phúc lành của Chúa như là những gì hiển nhiên khiến chúng ta không còn nhận ra quyền năng và tình yêu quan phòng của Ngài. “Nếu các ngôi sao chỉ xuất hiện mỗi năm một lần, mọi người sẽ thức suốt đêm để ngắm nhìn chúng. Đằng này, chúng thường xuyên xuất hiện hằng đêm nên không ai buồn ngước mắt nhìn chúng nữa. Tương tự như thế với những phúc lành của Chúa!” - Emerson.

Thánh Vịnh đáp ca thật thâm trầm, “Ngày hôm nay, ước gì anh em nghe tiếng Chúa! Người phán: Các ngươi chớ cứng lòng!”. Nghĩa là anh em đừng bưng tai bịt mắt trước những gì Thiên Chúa đã làm cho anh em! Bởi “Chính Người là Thiên Chúa ta thờ, còn ta là dân Người lãnh đạo, là đoàn chiên tay Người dẫn dắt!”.

Anh Chị em,

‘Bay lên đi!’. Như những chú ngỗng trời, chúng ta muốn bay lên. Việc bạn và tôi chiến đấu mỗi ngày chống lại cám dỗ của ‘những hạt ngô, cọng cỏ’ là cần thiết; và nhất là, một chỉ luôn hạ mình trước mặt Chúa, liên lỉ tạ ơn Ngài và tuyệt đối tin cậy. Khiêm tốn là chìa khoá cho cuộc chiến này, chìa khoá để vượt qua các cuộc tấn công và cám dỗ của ác thần cách này cách khác. Đặt niềm tin vào Chúa, bạn và tôi sẽ không bao giờ thất vọng. Quyền năng và tình yêu Ngài sẽ làm tất cả. Và chắc chắn, chúng ta vẫn ‘có thể bay lên!’.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để con đùa với lửa khi con thoả hiệp, nhượng bộ cám dỗ; xin hoán cải con, cho con biết luôn cảm tạ và sợ tội. Nhờ đó con ‘có thể bay lên’ trở lại!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Các giám mục Đức bày tỏ mối quan ngại sâu xa trước sự gia tăng của Đảng bảo thủ AfD
Vũ Văn An
14:20 27/01/2024

Luke Coppen của The Pillar, ngày 26 tháng 1 năm 2024, tường trình rằng vào một ngày Thứ Bảy tháng Giêng đầy tuyết, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Đức, Đức Cha Georg Bätzing, đã tham gia cùng những người biểu tình tại một cuộc biểu tình gần nơi ở của ngài ở Limburg, thuộc tiểu bang Hesse ở miền trung.

Giám mục Georg Bätzing tham dự cuộc biểu tình ngày 20 tháng 1 năm 2024 chống phân biệt chủng tộc, chủ nghĩa phát xít và AfD ở Limburg, Đức. © S.Schnelle/Bistum Limburg


Bätzing là một trong số hơn 100,000 người xuống đường trên khắp nước Đức vào ngày 20 tháng 1 để phản đối đảng Alternative für Deutschland (AfD, Thay thế cho Đức) đang nổi lên, thường được mô tả là cực hữu.

Đội một chiếc mũ lưỡi trai phẳng và mặc nhiều lớp áo mùa đông ấm áp, Bätzing được chụp ảnh cầm biểu ngữ của Liên đoàn Công đoàn Đức (DGB) có nội dung “Sự thay thế của chúng tôi được gọi là… sự tôn trọng và đoàn kết”.

Gần đó là một người đàn ông đội chiếc mũ rộng vành - có lẽ là một kẻ ghé chụp hình để chơi khăm (photobomber]- với một tấm biển đánh vần chữ viết tắt “AfD” bằng dòng chữ “Apes Fascists Dummies [khỉ giả phátxít]”.

Giáo phận Limburg cho biết các nhà tổ chức dự kiến sẽ có 300 người tham dự cuộc biểu tình “chống phân biệt chủng tộc, chủ nghĩa phát xít và Giải pháp thay thế cho nước Đức”, nhưng 3,000 người đã đến tham dự.

Bätzing nói: “Cái lạnh, băng và tuyết không thể ngăn cản chúng tôi. Điều quan trọng là có mặt ở đây và làm gương cho nền dân chủ, sự đa dạng và lòng khoan dung.”

Vậy chính xác thì điều gì đã thúc đẩy người đứng đầu các giám mục Đức biểu tình chống lại một trong các đảng chính trị của đất nước?

Giám mục Georg Bätzing tham dự cuộc biểu tình ngày 20 tháng 1 năm 2024 chống phân biệt chủng tộc, chủ nghĩa phát xít và AfD ở Limburg, Đức. © S.Schnelle/Bistum Limburg


‘Những kẻ phát xít và những kẻ tài phiệt’

Giáo phận Limburg đã giải thích lý do cơ bản của cuộc biểu tình trong một thông cáo báo chí phát hành một ngày trước cuộc biểu tình, được các nhóm bao gồm Đảng Cánh Tả của Đức, Thanh niên Xanh và Liên đoàn Công đoàn Đức ủng hộ.

Thông cáo báo chí cho biết: “Bối cảnh của các cuộc biểu tình là cuộc họp bí mật được tiết lộ gần đây giữa các thành viên hàng đầu của Thay thế cho Đức với những kẻ phát xít và tài chính ở Potsdam, trong đó kế hoạch trục xuất hàng loạt người dân sau khi Thay thế cho Đức lên nắm quyền đã được thảo luận”.

Giáo phận có ý đề cập đến cuộc họp ngày 25 tháng 11 năm 2023, tại đó nhà hoạt động cực hữu người Áo Martin Sellner được cho là đã thảo luận về kế hoạch “di cư” - tức là trục xuất - một bộ phận người dân Đức.

Cuộc họp được hãng tin điều tra Correctiv đưa tin trong một bài báo ngày 10 tháng 1 có tựa đề “Kế hoạch bí mật chống lại nước Đức”. Người ta nói rằng Sellner đã ủng hộ việc di chuyển ba loại cư dân - “những người xin tị nạn, những người không phải người Đức có quyền cư trú và những công dân Đức 'không chịu đồng hóa'" - đến "cái gọi là 'quốc gia kiểu mẫu' ở Bắc Phi, rõ ràng có thể cung cấp không gian cho tối đa hai triệu người.”

Correctiv cho rằng đề xuất này “gợi nhớ một cách kỳ lạ đến kế hoạch năm 1940 của Đức Quốc xã nhằm trục xuất bốn triệu người Do Thái đến đảo Madagascar” - ám chỉ Kế hoạch Madagascar của Đế chế thứ ba.

Tờ báo này cho biết những người tham gia cuộc họp, bao gồm cả các thành viên của Liên minh Dân chủ Thiên chúa giáo trung hữu của Đức (CDU), đã thảo luận về “một 'kế hoạch tổng thể' để trục xuất công dân Đức vì 'sắc tộc' của họ - một kế hoạch sẽ làm suy yếu Điều 3, 6 và 21 của hiến pháp Đức.”

Ba điều khoản liên quan đến sự bình đẳng trước pháp luật, bảo vệ hôn nhân và cuộc sống gia đình, và nghĩa vụ của các đảng phái chính trị không được “tìm cách phá hoại hoặc xóa bỏ trật tự cơ bản dân chủ tự do”.

Thay thế cho Đức đã phản hồi báo cáo của Correctiv bằng cách nói rằng các vấn đề mà Sellner thảo luận không phải là chính sách của đảng. “Thay thế cho Đức sẽ không thay đổi quan điểm của mình về chính sách nhập cư chỉ vì một ý kiến duy nhất tại một cuộc họp không thuộc Thay thế cho Đức,” nó nói.

Trong khi cuộc điều tra của Correctiv là ngòi nổ gây ra các cuộc biểu tình trong tháng này, thì những lo ngại về điều mà người Đức gọi là “Rechtsruck” hay sự chuyển dịch qua cánh hữu của quốc gia đã có từ nhiều năm trước.

Trước nguy cơ đơn giản hóa quá mức, nền chính trị Đức sau Thế chiến thứ hai bị thống trị bởi hai đảng lớn: Đảng Dân chủ Xã hội Đức (SPD) trung tả và Liên minh Dân chủ Thiên chúa giáo trung hữu.

Sau nỗi kinh hoàng của Chủ nghĩa Quốc xã, đã có một thỏa thuận ngầm rằng sẽ không có lực lượng chính trị đáng kể nào ở bên phải Liên minh Dân chủ Thiên chúa giáo. Nhưng sau khi Thay thế cho Đức được thành lập vào năm 2013, sự xuất hiện của con số kỷ lục 1.1 triệu người xin tị nạn vào năm 2015, đại dịch coronavirus, chiến tranh Ukraine và cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt, bối cảnh chính trị của Đức bắt đầu thay đổi.

Trong bầu không khí căng thẳng mới này, những kẻ cực đoan cực hữu đã bị cáo buộc có những hành động như thâm nhập vào lực lượng đặc biệt của đất nước và thậm chí âm mưu đảo chính.

Trong khi đó, Thay thế cho Đức đã phát triển kể từ khi được thành lập lần đầu tiên với cương lĩnh bãi bỏ đồng euro, đồng tiền của 20 quốc gia thành viên châu Âu. Chương trình của họ cho cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu năm nay bao gồm các chính sách như tạo ra “Pháo đài châu Âu”, chấm dứt các biện pháp trừng phạt chống lại Nga và mở lại các nhà máy điện hạt nhân đã đóng cửa gần đây.

Cuộc tranh luận về “Rechtsruck” của Đức đã trở nên cấp bách hơn sau màn trình diễn thành công của Thay thế cho Đức vào tháng 10 cuộc bầu cử ở tiểu bang Bavaria và Hesse. Kết quả thật đáng kinh ngạc vì đảng này trước đây được coi là bị giới hạn ở Đông Đức cũ, nơi có tỷ lệ nghèo đói và thất nghiệp cao hơn ba thập niên sau khi thống nhất nước Đức.

Bavaria và Hesse nằm ở miền Tây nước Đức, khiến đồng chủ tịch Thay thế cho Đức Alice Weidel phải tuyên bố sau cuộc bầu cử cấp tiểu bang rằng “Thay thế cho Đức không còn là một hiện tượng phía Đông nữa - nó là một đảng chính thống, toàn Đức”.

Thay thế cho Đức cũng tự tin sẽ hoạt động tốt trong việc bỏ phiếu vào năm 2024. Ngoài cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu vào tháng 6, sẽ có các cuộc bầu cử cấp tiểu bang vào tháng 9 tại Saxony, Thuringia và Brandenburg, thuộc Đông Đức cũ. Thay thế cho Đức hiện đang dẫn đầu ở cả ba bang.

Những biểu lộ mạnh mẽ hơn sẽ tạo động lực cho đảng trước cuộc bầu cử liên bang có thể sẽ được tổ chức vào năm 2025, trong bối cảnh cuộc tranh luận ngày càng gia tăng về việc liệu đảng này có thể bị cấm hợp pháp do bị coi là vi phạm hiến pháp Đức hay không.

Thách thức ‘đối với bên ngoài’

Sự trỗi dậy của Thay thế cho Đức đặt ra cả thách thức đối với bên ngoài lẫn đối với bên trong của Giáo Hội Công Giáo ở Đức.

Thách thức đối với bên ngoài là ngày càng nhiều giám mục nghĩ rằng đảng này đại diện cho một mối đe dọa đối với “trật tự cơ bản dân chủ tự do” mà họ cam kết rõ ràng. Nhưng để gióng lên hồi chuông cảnh cáo, họ phải phá vỡ một quy tắc bất thành văn của giáo hội.

Ở thế giới phương Tây kể từ Công đồng Vatican II, các nhà lãnh đạo Giáo hội thường hạn chế trình bày cho cử tri Công Giáo những nguyên tắc hướng dẫn rộng rãi trước các cuộc bầu cử. Rất hiếm khi họ lên án đích danh các đảng phái một cách rõ ràng.

Nhưng cá nhân các giám mục Đức và các nhóm giám mục khu vực đang ngày càng tố cáo Thay thế cho Đức một cách trực tiếp.

Các thành viên của Hội đồng Giám mục Freising, ở miền nam nước Đức, cho biết vào tháng 11 rằng họ “quan ngại về nền dân chủ, vì có những đảng phái lợi dụng trật tự hiến pháp tự do để cuối cùng bãi bỏ nó”.

Họ nói: “Giải pháp thay thế cho nước Đức phải được tính đến trong số các đảng phái này”.

Vào ngày 19 tháng 1 năm nay, sáu giám mục người Đức có giáo phận bao gồm Đông Đức cũ đã đưa ra một thông điệp có tựa đề “Đứng lên vì dân chủ”.

Các giám mục liệt kê các ý kiến chính trị mà họ cho là không phù hợp với các giá trị cơ bản của xã hội Đức, bao gồm “những tưởng tượng trục xuất thô bạo” liên quan đến người di cư, “phủ nhận biến đổi khí hậu do con người tạo ra” và “sự chê bai toàn diện các chủ thể và thể chế chính trị”.

Họ nói: “Do đó, các giám mục chúng tôi nói rất rõ ràng rằng, dựa trên lương tâm của chính mình, chúng tôi bác bỏ quan điểm của các đảng cực đoan như Con đường thứ ba, Đảng Tổ quốc hoặc Thay thế cho Đức”.

Những lời chỉ trích của các bên cụ thể mang đến hai rủi ro lớn. Đầu tiên là các giám mục có thể bị lôi kéo sâu hơn vào chính trị đảng phái, có thể làm tổn hại đến khả năng mục vụ của họ đối với mọi người thuộc mọi khuynh hướng chính trị.

Thứ hai là, lời kêu gọi tuy bắt mắt nhưng có thể không hiệu quả.

Hãy xem xét tuyên bố của sáu giám mục ở Đông Đức cũ. Sau 40 năm chủ nghĩa vô thần được nhà nước thực thi nghiêm ngặt, Giáo hội ở phía đông tương đối yếu kém. Tại ba tiểu bang tổ chức bầu cử vào tháng 9, người Công Giáo chiếm từ 4% đến 8% tổng dân số.

Vì vậy, ngay cả khi sáu giám mục có thể thuyết phục tất cả người Công Giáo bỏ phiếu chống lại Thay thế cho Đức, Con đường thứ ba và đảng Tổ quốc, điều đó có thể ít ảnh hưởng đến kết quả bầu cử.

Không chỉ các giám mục miền đông nước Đức đang đấu tranh để tiếng nói của họ được lắng nghe ở quảng trường công cộng. Với hàng trăm ngàn người Công Giáo chính thức rời bỏ Giáo hội mỗi năm, toàn bộ hệ thống giáo quyền ở Đức đang thay mặt cho ngày càng ít công dân lên tiếng.

Vấn đề này không chỉ giới hạn ở Đức. Các giám mục ở các quốc gia châu Âu bị tục hóa nặng nề khác cũng nhận thấy rằng những cảnh cáo của họ về các đảng cực hữu chỉ tiếp cận được một lượng khán giả hạn chế.

Ngày 20 tháng 1 năm 2024, cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc, chủ nghĩa phát xít và AfD ở Limburg, Đức, bên cạnh dinh thự màu đỏ và trắng của Giám mục Limburg. © S.Schnelle/Bistum Limburg


Thách thức ‘đối với bên trong’

Trên thực tế, các giám mục Đức không thể tin tưởng vào việc người Công Giáo bỏ phiếu chống lại Thay thế cho Đức.

Khi đảng đứng ở vị trí thứ ba trong cuộc bầu cử tiểu bang Bavaria vào tháng 10, theo báo cáo, đảng này đã giành được sự ủng hộ của 14% cử tri Công Giáo, chỉ thấp hơn mức 14.6% mà Thay thế cho Đức giành được trong số tất cả cử tri.

Không có gì đáng ngạc nhiên khi có nhiều quan điểm khác nhau về Thay thế cho Đức trong số 20.9 triệu người Công Giáo ở Đức. Nhiều người - có lẽ là đa số - đồng ý với các giám mục thẳng thắn nhất rằng đảng này đe dọa cơ cấu dân chủ của quốc gia.

Những người khác - thật khó để nói chính xác tỷ lệ - bị thu hút bởi điều có thể gọi là “giá trị gia đình truyền thống” của Thay thế cho Đức. Chương trình hiện tại của đảng hứa hẹn các biện pháp giúp nước Đức “thân thiện với gia đình và trẻ em hơn” và tuyên bố rằng “trẻ chưa sinh ra cũng có quyền sống”.

Những người Công Giáo ủng hộ Thay thế cho Đức thường phản đối nhãn hiệu “cực hữu” được áp dụng rộng rãi cho đảng và đặt câu hỏi tại sao các nhà lãnh đạo Giáo hội Đức không chỉ trích các đảng chính thống có chính sách đi ngược lại giáo huấn Công Giáo về các vấn đề như phá thai và trợ tử.

Tuy nhiên, một số người Công Giáo có thể bị lôi kéo vào đảng đặt câu hỏi liệu đảng này có cam kết chân thành với những chính sách như vậy hay chỉ đơn giản là tìm cách mở rộng cơ sở bầu cử của mình. Họ nhận thấy các nhân vật Thay thế cho Đức có xu hướng coi Kitô giáo chỉ là một công cụ hữu ích để đạt được các mục tiêu chính trị nhất định.

Cho rằng sự ủng hộ dành cho Thay thế cho Đức dường như chỉ thấp hơn một chút trong số những người Công Giáo so với dân số rộng hơn, một số người Công Giáo Đức có ảnh hưởng lo lắng rằng những người đồng tình với Thay thế cho Đức có thể trở thành một thế lực trong Giáo hội địa phương.

Irme Stetter-Karp, chủ tịch Ủy ban Trung ương Giáo dân Công Giáo Đức (ZdK), năm ngoái đã đề xuất cấm các thành viên Thay thế cho Đức nắm giữ các chức vụ trong Giáo hội. Khi nói đến “các chức vụ”, bà muốn nói đến tất cả các vị trí trong thế giới rộng lớn của các hiệp hội Công Giáo ở Đức, từ hội đồng giáo xứ đến các trung tâm giữ trẻ.

Stetter-Karp lập luận rằng đảng đã “ngày càng tiến xa hơn về phía cánh hữu” kể từ khi được thành lập và “rõ ràng là các thái độ và tuyên bố bài Do Thái, phân biệt chủng tộc, vô nhân đạo không có chỗ đứng trong một tổ chức Công Giáo”.

Bà nói: “Sự ủng hộ tích cực dành cho Thay thế cho Đức đi ngược lại các giá trị cơ bản của Kitô giáo”, điều này gây ra phản ứng dữ dội từ các thành viên Công Giáo Thay thế cho Đức.

Đánh giá của Stetter-Karp đã nhận được sự ủng hộ đáng chú ý trong những tháng gần đây. Đức Hồng Y Reinhard Marx, một trong những giáo sĩ nổi tiếng nhất của Đức, cho biết vào tháng 11 rằng ngài tin tư cách thành viên Thay thế cho Đức không phù hợp với việc nắm giữ các chức vụ trong Giáo hội.

Nhưng Tổng Giám mục Munich và Freising đề nghị rằng các quyết định liên quan đến đảng viên nên được đưa ra ở cấp địa phương, thay vì thông qua lệnh cấm toàn diện.

“Tôi đang do dự về việc đưa ra các quy tắc bằng văn bản vào lúc này,” ngài nhận xét, nhấn mạnh sự phức tạp của thách thức nội bộ.

Các giám mục chia rẽ

Quan điểm của Giáo hội về Thay thế cho Đức có thể là chủ đề thảo luận tại hội nghị toàn thể mùa xuân của các giám mục Đức ở Augsburg vào tháng tới.

Các giám mục chắc chắn có thể đồng ý về một tuyên bố nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì “trật tự cơ bản dân chủ tự do” của đất nước. Tuy nhiên, họ có thể sẽ khó đạt được sự đồng thuận về lệnh cấm các thành viên Thay thế cho Đức nắm giữ các chức vụ trong Giáo hội.

Chẳng hạn, Giám mục Bertram Meier của Augsburg đã được hỏi trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 9 năm 2023 rằng liệu các thành viên Thay thế cho Đức có nên được phép làm người đọc sách hay giúp việc trao Mình Thánh Chúa hay không.

“Chỉ tư cách đảng viên không phải là tiêu chuẩn để loại trừ người dân. Trong những trường hợp như vậy, vấn đề là tìm kiếm một cuộc đàm luận,” ngài nói. “Nếu chúng ta bắt đầu loại trừ mọi người, chúng ta chỉ có thể đẩy họ vào một góc cực đoan.”

Trong trường hợp không có quan điểm chung rõ ràng về Thay thế cho Đức, cá nhân các giám mục Đức không thể làm gì hơn ngoài việc tham dự các cuộc biểu tình và bày tỏ quan điểm của mình rằng người Công Giáo không nên bỏ phiếu cho đảng này.

Điều nguy hiểm với cách tiếp cận này là nó có thể khiến các giám mục chỉ rao giảng cho những người đã hoán cải.
 
Diễn văn của Đức Phanxicô với toàn thể Bộ Giáo Lý Đức Tin
Vũ Văn An
18:47 27/01/2024

Theo tin Tòa Thánh, tại Hội trường Clementine, thứ sáu, ngày 26 tháng 1 năm 2024, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tiếp kiến các tham dự viên Phiên Họp Toàn Thể của Bộ Giáo Lý Đức Tin. Trong bài diễn văn của ngài, Đức Phanxicô có nhắc đến Tuyên bố Fiducia supplicans đang gây rất nhiều tranh cãi và bối rối trong Giáo Hội.

Sau đây là nguyên văn bài diễn văn của ngài dựa vào bản tiếng Anh do Tòa Thánh cung cấp.



Thưa các Đức Hồng Y
Anh em trong hàng giám mục và linh mục thân mến,
Thưa các anh chị em!


Tôi chào mừng anh chị em ở cuối phiên họp toàn thể của anh chị em. Tôi chào mừng bộ trưởng và các bề trên khác, các viên chức và thành viên của Bộ: tôi gửi lời cám ơn tới tất cả anh chị em vì công việc quý giá của anh chị em.

Như Tông hiến Praedicate Evangelium quy định, “Nhiệm vụ của Bộ Giáo lý Đức tin là giúp Đức Giáo Hoàng và các Giám mục công bố Tin Mừng trên khắp thế giới bằng cách thúc đẩy và bảo vệ tính toàn vẹn của giáo huấn Công Giáo về đức tin và luân lý. Nó thực hiện điều này bằng cách dựa vào kho tàng đức tin và tìm kiếm sự hiểu biết sâu sắc hơn về đức tin trước những vấn đề mới” (Điều 69).

Chính để đạt được những mục tiêu này, với Tự sắc Fidem servare (11 tháng 2 năm 2022), hai Ban Giáo lý và Kỷ luật riêng biệt đã được thành lập trong Bộ. Trong bức thư tôi gửi cho bộ trưởng vào ngày 1 tháng 7 năm 2023, nhân dịp ngài được bổ nhiệm, tôi đã đề cập đến điều khoản này để xác định rõ hơn vai trò của ngài và sứ mệnh hiện tại của Bộ. Một mặt, tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của sự hiện diện của các chuyên gia lành nghề trong Ban Kỷ luật, để đảm bảo sự cẩn trọng và chặt chẽ trong việc áp dụng giáo luật hiện hành, đặc biệt trong việc xử lý các trường hợp giáo sĩ lạm dụng trẻ vị thành niên, và cổ vũ các sáng kiến đào tạo hợp giáo luật cho các Đấng Bản quyền và những người hành nghề luật lệ. Mặt khác, tôi nhấn mạnh đến sự cấp bách của việc dành nhiều không gian và sự chú ý hơn cho lĩnh vực riêng của Phân bộ Giáo lý, nơi không thiếu các nhà thần học được đào tạo và các nhân viên có trình độ, cũng như cho công việc của Văn phòng và Văn khố Hôn nhân, trong đó tôi nhắc lại lễ kỷ niệm 25 năm ngày mở cửa cho công chúng bởi Thánh Gioan Phaolô II và Đức Hồng Y Ratzinger, trong giai đoạn hướng tới Đại Năm Thánh 2000.

Do đó, Bộ dấn thân vào lĩnh vực hiểu biết về đức tin trước sự thay đổi mang tính thời đại vốn là đặc điểm của thời đại chúng ta. Theo chiều hướng này, tôi muốn chia sẻ với anh chị em một số suy nghĩ mà tôi sẽ tập hợp quanh ba hạn từ: Bí tích, phẩm giá và đức tin.

Bí tích. Trong những ngày này anh chị em đã suy tư về chủ đề giá trị thành sự của các Bí tích. Đời sống của Giáo hội được nuôi dưỡng và phát triển nhờ chúng. Vì lý do này, các thừa tác viên cần phải có sự quan tâm đặc biệt trong việc điều hành chúng và chỉ cho các tín hữu thấy những kho tàng ân sủng mà chúng truyền đạt. Qua các Bí tích, các tín hữu trở nên có khả năng nói tiên tri và làm chứng. Và thời đại chúng ta đặc biệt cần đến những vị tiên tri của cuộc sống mới và những chứng nhân của đức ái: do đó chúng ta hãy yêu mến và trân trọng vẻ đẹp cũng như sức mạnh cứu độ của các Bí tích!

Hạn từ thứ hai: phẩm giá. Với tư cách là Kitô hữu, chúng ta không được mệt mỏi khi nhấn mạnh “về tính ưu việt của con người và bảo vệ phẩm giá của con người trong mọi hoàn cảnh” (Tông huấn Laudate Deum, 39). Tôi biết rằng anh chị em đang làm việc cho một tài liệu về vấn đề này. Tôi hy vọng rằng nó có thể giúp chúng ta, như một Giáo hội, luôn gần gũi “với tất cả những người, không phô trương, trong cuộc sống cụ thể hàng ngày, đấu tranh và đích thân cầu nguyện về cái giá phải trả cho việc bảo vệ quyền lợi của những người không đáng kể” (Kinh Truyền Tin, 10 tháng 12 năm 2023), và để đảm bảo rằng, “trước những nỗ lực ngày nay nhằm loại bỏ hoặc phớt lờ người khác, chúng ta có thể chứng tỏ khả năng đáp ứng bằng một tầm nhìn mới về tình huynh đệ và tình bạn xã hội không chỉ ở mức độ lời nói” (Thông điệp Fratelli tutti, 6).

Hạn từ thứ ba là đức tin. Về vấn đề này, tôi muốn nhớ đến hai biến cố: cách đây không lâu, kỷ niệm 10 năm Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng và Năm Thánh sắp tới, trong đó chúng ta sẽ đổi mới đức tin của chúng ta vào Chúa Giêsu Kitô, Thiên Chúa thật và là con người thật, hy vọng của lịch sử và thế giới. Tuy nhiên, chúng ta không thể che giấu sự thật rằng, ở những khu vực rộng lớn trên hành tinh, đức tin, như Đức Bênêđíctô XVI đã nói, không còn tạo thành “một tiền giả định hiển nhiên cho cuộc sống trong xã hội… nhưng thường bị công khai phủ nhận”, bị chế giễu, bị gạt ra ngoài lề và làm trò cười. (Tông thư ban hành Tự sắc Porta fidei, 2). Do đó, đã đến lúc phải suy gẫm một cách mới mẻ và với niềm đam mê lớn hơn về một số chủ đề: việc loan báo và truyền đạt đức tin trong thế giới ngày nay, đặc biệt là cho các thế hệ trẻ; việc hoán cải truyền giáo của các cơ cấu giáo hội và các tác nhân mục vụ; các nền văn hóa đô thị mới, với gánh nặng thách thức nhưng cũng có những câu hỏi chưa từng có về ý nghĩa; và cuối cùng, trên hết, tính trung tâm của kerygma [giáo lý sơ truyền] trong đời sống và sứ mệnh của Giáo hội.

Ở đây, sự trợ giúp được mong đợi từ phía Bộ: “giữ đức tin” ngày nay chuyển thành một cam kết suy tư và phân định, để toàn thể cộng đồng cố gắng đạt được một việc hoán cải mục vụ rao giảng và truyền giáo có tính giáo lý sơ truyền thực sự, một điều cũng có thể giúp ích cho hành trình đồng nghị đang diễn ra. Điều thiết yếu nhất, đẹp nhất, hấp dẫn nhất và đồng thời cần thiết nhất đối với chúng ta là đức tin vào Chúa Giêsu Kitô. Cùng nhau, nếu Chúa muốn, chúng ta sẽ long trọng canh tân nó trong suốt Năm Thánh sắp tới, và mỗi người chúng ta được mời gọi loan báo nó cho mọi người nam nữ trên trái đất. Đây là nhiệm vụ cơ bản của Giáo hội, nhiệm vụ mà tôi đã lên tiếng trong Niềm Vui Tin Mừng.

Trong bối cảnh truyền giáo này, tôi cũng đề cập đến Tuyên bố Fiducia supplicans gần đây. Mục đích của “các phép lành mục vụ và tự phát” là thể hiện một cách hữu hình sự gần gũi của Chúa và của Giáo hội đối với tất cả những ai, khi thấy mình trong những hoàn cảnh khác nhau, xin được giúp đỡ để tiếp tục – đôi khi là bắt đầu – một hành trình đức tin. Tôi muốn nhấn mạnh ngắn gọn hai điều: thứ nhất là những phúc lành này, ngoài bất cứ bối cảnh và hình thức phụng vụ nào, không đòi hỏi sự hoàn hảo về mặt đạo đức để được lãnh nhận; thứ hai, khi một cặp tự phát tới gần để yêu cầu chúng, người ta không chúc phúc cho sự kết hợp mà chỉ đơn giản là những người đã yêu cầu điều đó cùng với nhau. Không phải sự kết hợp, mà là con người, một cách tự nhiên có tính đến bối cảnh, sự nhạy cảm, nơi chốn nơi người ta sống và những cách thích hợp nhất để thực hiện điều đó.

Anh chị em thân mến, tôi nhắc lại lòng biết ơn của tôi đối với sự phục vụ của anh chị em và tôi khuyến khích anh chị em tiếp tục với sự giúp đỡ của Chúa. Và xin đừng quên cầu nguyện cho tôi.
 
VietCatholic TV
Kyiv: Tù binh không có trên IL-76, Nga hành quyết họ trả thù. Anh kêu gọi Đức trao Taurus cho Kyiv
VietCatholic Media
02:48 27/01/2024


1. Đồng minh NATO đề xuất giải pháp hỏa tiễn Taurus cho Ukraine

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “NATO Ally Proposes Taurus Missile Solution for Ukraine”, nghĩa là “Đồng minh NATO đề xuất giải pháp hỏa tiễn Taurus cho Ukraine.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Theo một báo cáo mới, Chính phủ Anh đã đề nghị bổ sung thêm kho hỏa tiễn Storm Shadow tầm xa của Ukraine, và kêu gọi cung cấp thêm cho Kyiv hỏa tiễn Taurus của Đức, theo một báo cáo mới, trong một động thái có thể nhằm phá vỡ nhiều tháng bế tắc trong việc gửi hỏa tiễn tới Ukraine.

Bộ trưởng Quốc phòng Grant Shapps cho biết Vương Quốc Anh “và các đối tác của chúng tôi, bao gồm cả Đức, tiếp tục hợp tác để trang bị tốt nhất cho Ukraine nhằm bảo vệ lãnh thổ chủ quyền của mình – cung cấp số lượng viện trợ quân sự đáng kể thông qua Cơ quan Điều phối các nhà tài trợ quốc tế ở Stuttgart”.

“Gần đây, chúng tôi đã tuyên bố tăng viện trợ quân sự cho Ukraine lên 2,5 tỷ bảng Anh hay 3,2 tỷ Mỹ Kim, tiếp tục sự ủng hộ không ngừng của chúng tôi, đồng thời là quốc gia đầu tiên tuyên bố rằng chúng tôi sẽ cung cấp hỏa tiễn chính xác tầm xa và xe tăng hiện đại của phương Tây,”

Vương quốc Anh đã cam kết cung cấp hỏa tiễn hành trình phóng từ trên không Storm Shadow vào năm ngoái, giúp tăng cường khả năng của Ukraine trong việc thực hiện các cuộc tấn công vào các mục tiêu có giá trị cao của Nga ở xa tiền tuyến. Pháp đã hứa sẽ giao một số phiên bản SCALP của mình, đồng thời công bố lô hàng mới vào đầu tháng này nhằm gây thêm áp lực lên Đức trong việc bật đèn xanh cho hỏa tiễn Taurus của nước này.

Kyiv đã yêu cầu hỏa tiễn Taurus, với tầm bắn hơn 300 dặm, vào tháng 5 năm 2023. Các hỏa tiễn này nhìn chung giống với Storm Shadow, nhưng các chuyên gia cho rằng hỏa tiễn Taurus sẽ phù hợp hơn để tấn công vào cơ sở hạ tầng như cầu.

Các lời kêu gọi cam kết cung cấp hỏa tiễn Taurus ở Berlin và trong đảng của Thủ tướng Olaf Scholz đã ngày càng gia tăng trong nhiều tháng. Đức, mặc dù là nước đóng góp thiết bị quân sự lớn nhất Âu Châu cho Ukraine, đã chần chừ trong việc triển khai hỏa tiễn. Đầu tuần này, họ đã triển khai sáu máy bay trực thăng “Sea King”, tăng cường lực lượng của Kyiv ở Hắc Hải để chống lại hạm đội hải quân Nga.

Marie-Agnes Strack-Zimmermann, chủ tịch ủy ban quốc phòng của Bundestag, nói với hãng truyền thông t-online của Đức hồi đầu tháng này: “Ukraine cần thêm đạn dược, nhiều phụ tùng thay thế và hỏa tiễn Taurus”. Bà nói rằng chúng phải được chuyển đến Kyiv “ngay lập tức”.

Chuyên gia vũ khí David Hambling trước đây nói với Newsweek: “Những thành công của Ukraine với các hỏa tiễn tầm xa do phương Tây cung cấp, bao gồm SCALP và Storm Shadow, đưa ra lập luận mạnh mẽ rằng cần phải cung cấp nhiều hơn nữa”.

Ông nói: “Các hỏa tiễn được cung cấp trước đây đã được sử dụng để tấn công các mục tiêu hợp lệ, đã tạo ra sự khác biệt thực sự đối với Ukraine và không dẫn đến leo thang”. “Thật khó hiểu tại sao Đức vẫn do dự trong việc cung cấp cho Ukraine những hỏa tiễn như vậy khi các đồng minh của họ đều đang tham gia và khi thực sự cần sự hỗ trợ rõ ràng. “

Hỏa tiễn Storm Shadow và SCALP mang lại nhiều thành công nổi bật cho Ukraine. Kyiv đã sử dụng chúng để tấn công cơ sở hạ tầng quan trọng của Nga ở bán đảo Crimea bị sáp nhập và làm hư hại tàu ngầm Rostov-on-Don của Nga và tàu đổ bộ Minsk vào giữa tháng 9.

Vào cuối tháng 12, Kyiv đã sử dụng hỏa tiễn hành trình để tấn công tàu đổ bộ Novocherkassk của Nga ở căn cứ Feodosia phía đông Crimea. Các quan chức Ukraine cho rằng hỏa tiễn Storm Shadow hoặc SCALP phải chịu trách nhiệm.

William Freer, một nhà nghiên cứu của Hội đồng Địa chiến lược có trụ sở tại Anh, trước đây đã nói với Newsweek rằng Đức có thể lo ngại về việc duy trì kho dự trữ hỏa tiễn Taurus của riêng mình và các hỏa tiễn tầm xa này sẽ được sử dụng để tấn công Cầu Kerch.

Ngay sau khi Mạc Tư Khoa sáp nhập Crimea vào năm 2014, nước này đã xây dựng Cầu Crimea, còn được gọi là Cầu Kerch. Đây là tuyến đường quan trọng để cung cấp quân sự đi qua bán đảo và duy trì nỗ lực chiến tranh của Điện Cẩm Linh ở miền nam Ukraine. Cầu Kerch nhiều lần bị hỏa tiễn tầm xa Ukraine tấn công

2. Người lính Nga kể lại cuộc tấn công FPV với 'Đàn máy bay không người lái' do 'Nữ hoàng' chỉ huy

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russian Soldier Recounts FPV Assault with 'Flock of Drones' Led by 'Queen'“, nghĩa là “Người lính Nga kể lại cuộc tấn công FPV với 'Đàn máy bay không người lái' do 'Nữ hoàng' chỉ huy.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Một người lính Nga đã kể lại khoảnh khắc anh chứng kiến một cuộc tấn công từ máy bay không người lái góc nhìn thứ nhất, gọi tắt là FPV, của Ukraine, vốn được Kyiv ca ngợi là kẻ thay đổi cuộc chơi trên chiến trường.

Một thành viên của lực lượng dự bị quân sự Nga, gọi tắt là BARS, đã được tờ báo Izvestia của Nga phỏng vấn. Một đoạn trích của cuộc phỏng vấn đã được chia sẻ trên X bởi người dùng Dmitri từ War Translated, một dự án độc lập chuyên dịch các tài liệu về chiến tranh, vào hôm thứ Sáu.

Dmitri viết trong chú thích kèm theo video: “Người quân nhân Nga này rõ ràng là nhân chứng cho một 'đàn' máy bay không người lái FPV của Ukraine do nữ hoàng máy bay không người lái dẫn đầu, đã lao xuống các vị trí của Nga và bắt đầu vụ đánh bom”.

Máy bay không người lái FPV đã được Nga và Ukraine sử dụng rộng rãi trong cuộc chiến đang diễn ra, bắt đầu vào tháng 2 năm 2022. Chúng có thể được sử dụng để ghi lại những thước phim kịch tính về chiến trường trong đó máy bay không người lái hướng về phía xe Nga trước khi phát nổ hoặc được sử dụng làm công cụ trinh sát để hướng dẫn các cuộc tấn công bằng pháo binh, Newsweek bài báo cáo trước.

Người lính Nga giấu tên, người được phỏng vấn bởi phóng viên Izvestia, Dmitry Zimenkin, cho biết: Quân đội Ukraine đang “cử một cánh lớn với thiết bị phát tín hiệu và bên dưới là một đàn máy bay không người lái FPV”.

“Một đàn khoảng 10 con—Nữ hoàng ở đâu đó trên độ cao lớn trong phạm vi khó phát hiện. Nó đưa một đàn máy bay không người lái xuống vị trí và bắt đầu hoạt động”, anh ta nói thêm.

Zimenkin cho biết chiến thuật như vậy sẽ cho phép các máy bay không người lái nhỏ “hạ cánh và chờ đợi, tiết kiệm pin”.

“Khi một máy bay không người lái lớn mà anh ta gọi là Nữ hoàng phát hiện mục tiêu, các máy bay cảm tử sẽ cất cánh, đôi khi cách mục tiêu vài mét và tấn công. Nếu Nữ hoàng bị loại bỏ thì toàn bộ bầy đàn của bà ta có thể bị vô hiệu hóa”, anh ta nói.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga để yêu cầu bình luận qua email.

Vào tháng 12 năm 2023, Mykhailo Fedorov, Bộ trưởng chuyển đổi kỹ thuật số của Kyiv, người đang lãnh đạo các nỗ lực sử dụng máy bay không người lái của Ukraine chống lại Nga, nói với Newsweek rằng máy bay không người lái FPV giờ đây trở nên hữu ích hơn đối với các chiến binh tiền tuyến của Kyiv hơn là pháo binh.

Fedorov cho biết, máy bay không người lái đã nhanh chóng trở thành “kẻ thay đổi cuộc chơi” trên chiến trường Ukraine, hạ gục hàng loạt khí tài của Nga.

Ông nói thêm: “Đôi khi chúng hoạt động còn hiệu quả hơn cả pháo binh”. “Vì vậy, máy bay không người lái FPV thực sự là một cuộc cách mạng công nghệ, mặc dù bản thân công nghệ này khá dễ dàng. Nhưng hóa ra nó lại rất hiệu quả.”

Máy bay không người lái FPV cũng được lực lượng Mạc Tư Khoa sử dụng hiệu quả. Hôm thứ Sáu, Bộ Quốc phòng Nga cho biết một lính dù Nga đến từ Tula, một thành phố ở miền Tây nước Nga, đã giết chết hơn 100 binh sĩ Ukraine và phá hủy 20 đơn vị thiết bị sử dụng máy bay không người lái FPV.

3. Tuyên bố của Tổng Công Tố Nga về vụ bắn rớt máy bay IL-76 của Nga

Nga cho biết họ đã thu hồi được giấy tờ tùy thân của Ukraine và các bộ phận cơ thể có hình xăm từ địa điểm nơi chiếc máy bay quân sự của Nga chở tù nhân chiến tranh Ukraine bị rơi hai ngày trước đó gần biên giới Ukraine.

Trung Tướng Igor Krasnov, Tổng Công Tố Nga, cáo buộc Kyiv đã bắn rơi chiếc máy bay Ilyushin Il-76 ở vùng Belgorod của Nga, khiến 74 người trên máy bay thiệt mạng, trong đó có 65 binh sĩ Ukraine bị bắt trên đường trao đổi cho tù binh Nga.

Ukraine không xác nhận cũng không phủ nhận việc lực lượng của họ bắn rơi máy bay và cho biết không có bằng chứng nào về những người có mặt trên máy bay. Kyiv đã thách thức các chi tiết trong tài khoản của Mạc Tư Khoa và kêu gọi một cuộc điều tra quốc tế.

Krasnov cho biết các bộ phận cơ thể đang được thu thập và loại bỏ để xét nghiệm di truyền, và một số trong số đó có những hình xăm đặc biệt giống như những hình xăm trên người những người Ukraine bị bắt mà Nga đã thẩm vấn.

Krasnov cho biết bằng chứng thu thập được còn bao gồm “tài liệu của các quân nhân Ukraine đã chết trong thảm họa, xác nhận danh tính của họ, cũng như các tài liệu kèm theo từ Cơ quan Nhà tù Liên bang Nga”.

Chỉ có Nga mới có quyền truy cập vào địa điểm máy bay rơi. Reuters không thể xác minh độc lập các báo cáo của Krasnov về những gì đã xảy ra và bằng chứng nào đã được thu hồi. Hôm thứ Sáu, Krasnov cho biết những phát hiện sơ bộ cho thấy chiếc máy bay đã bị tấn công bởi một hỏa tiễn đất đối không được bắn từ Ukraine.

Ukraine bác bỏ khẳng định của Nga rằng nước này đã được cảnh báo trước rằng một chiếc máy bay chở tù binh Ukraine sẽ bay qua khu vực Belgorod vào thời điểm đó.

Kyiv cũng chỉ ra sự khác biệt trong danh sách 65 người Ukraine được truyền thông Nga công bố, nói rằng một số trong số này là những người lính đã trở về trong một cuộc trao đổi trước đó.

Phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov cho biết ông không biết bất kỳ danh sách chính thức nào được công bố. Ông nói với các phóng viên rằng ông không có thông tin về điều gì sẽ xảy ra với những hài cốt thi thể và liệu chúng có được bàn giao cho Ukraine hay không.

Khi được hỏi liệu Nga có cung cấp cho Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và các tổ chức quốc tế khác bằng chứng cho thấy Ukraine đã bắn hạ máy bay hay không, ông Peskov nói:

Tôi chưa có gì để thêm vào. Cơ quan điều tra đang làm việc, quyết định sẽ được đưa ra sau khi cơ quan điều tra nhận được đầy đủ thông tin cần thiết.

Truyền thông nhà nước Nga cho biết các hộp đen của máy bay đã được chuyển đến phòng thí nghiệm đặc biệt của Bộ Quốc phòng ở Mạc Tư Khoa và các nhà điều tra đang làm việc với chúng.

4. Cuộc khủng hoảng biên giới Hoa Kỳ tiếp thêm sức mạnh cho Nga. Truyền thông Nga hô hào thành lập 'Cộng hòa nhân dân Texas!'

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russians Gleeful over US Border Crisis: 'Texas People's Republic!”, nghĩa là “Người Nga vui mừng trước cuộc khủng hoảng biên giới Hoa Kỳ: 'Cộng hòa nhân dân Texas!'“ Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Người Nga đang chia sẻ niềm hân hoan của họ trên mạng xã hội về cuộc khủng hoảng biên giới Hoa Kỳ, bày tỏ sự ủng hộ của họ đối với việc tiểu bang “Ngôi sao Cô đơn” tuyên bố độc lập khỏi Hoa Kỳ.

Trong một chương trình truyền hình hôm thứ Sáu 26 Tháng Giêng, các tuyên truyền viên trên TV của Điện Cẩm Linh đã hô hào thành lập 'Cộng hòa nhân dân Texas!'.

Phong trào Dân tộc Chủ nghĩa Texas, gọi tắt là TNM, cũng còn được gọi là TEXIT, là tổ chức lớn nhất thúc đẩy việc tiểu bang tách rời khỏi Hoa Kỳ. Một quyết định của Tòa án Tối cao vào ngày 22 Tháng Giêng cho phép các quan chức liên bang dỡ bỏ các phần của hàng rào dây thép gai mà Thống đốc Texas Greg Abbott đã thực hiện được lắp đặt dọc biên giới với Mễ Tây Cơ để ngăn chặn tình trạng di cư bất hợp pháp đã khiến vụ việc trở nên táo bạo hơn.

Abbott cho biết kẽm gai được lắp đặt ở Texas là một biện pháp ngăn chặn hiệu quả đối với việc “vượt biên trái phép” mà Tổng thống Joe Biden khuyến khích. Abbott và Tổng thống Biden đã nhiều lần xung đột về các vấn đề biên giới và các biện pháp của viên thống đốc nhằm chống lại tình trạng nhập cư bất hợp pháp vào bang. Một dòng người đã vượt biên giới từ Mễ Tây Cơ vào Texas.

Theo vụ kiện của Tòa án Tối cao Hoa Kỳ năm 1869 giữa Texas và White, tất cả các bang riêng lẻ, bao gồm cả Texas, đều bị cấm đơn phương quyết định ly khai khỏi Hoa Kỳ. Nó cho rằng Hoa Kỳ là “một liên minh không thể phá hủy” mà không quốc gia nào có thể ly khai.

Nhiều bài đăng đã xuất hiện trên các nền tảng truyền thông xã hội Telegram và X, từ những người Nga bày tỏ sự ủng hộ đối với việc Texas ly khai khỏi Hoa Kỳ.

Trong cuộc tranh luận trên TV, một người nói:

“Texas chúng tôi ở bên bạn! Tự do cho Texas!”

“Tất nhiên, Texas là một cường quốc. Lãnh đạo tiểu bang kháng chiến”, một người khác nói.

Một người thứ ba nói: “Hãy mạnh mẽ lên Texas! Chính nghĩa của chúng ta sẽ đến sớm thôi.”

Những người khác nói đùa rằng Putin “đã ký sắc lệnh công nhận nền độc lập của Cộng hòa Nhân dân Texas” ám chỉ việc Putin xâm lược bất hợp pháp các vùng Luhansk và Donetsk phía đông Ukraine; Mạc Tư Khoa gọi chúng là Cộng hòa Nhân dân Luhansk và Cộng hòa Nhân dân Donetsk. Cả hai đều là những nước cộng hòa không được quốc tế công nhận của Nga ở miền đông Ukraine.

Một người dùng X đã chia sẻ bức ảnh lá cờ có dòng chữ “Cộng hòa Nhân dân Texas”, trong khi một người khác viết trên nền tảng nhắn tin Telegram: “Cộng hòa Nhân dân Texas hả?”

Một người khác bày tỏ sự ủng hộ đối với việc tiểu bang này tuyên bố độc lập khỏi Hoa Kỳ, viết: “Tất nhiên, chúng tôi ủng hộ Texas, tiểu bang Lone Star hay Ngôi Sao Cô Đơn, nơi đã hoàn toàn giành được quyền tự quyết của mình”.

Một người khác hát một bài có vẻ là bản hòa tấu của một bài hát tiếng Nga: “Dậy đi, Texas, dậy đi, quê hương của tôi. Đứng dậy đi Texas, chúng ta hãy cùng nhau đánh đuổi bọn Yankees. Hãy đứng lên, Texas, Mẹ Nga ở cùng các bạn... không còn nơi nào để rút lui nữa, chuyện này đã xảy ra hơn một lần, tổ quốc sẽ tái sinh, Texas sẽ tái sinh!

Daniel Miller, người lãnh đạo trên thực tế của phong trào TEXIT, nói với Newsweek rằng ông tin rằng Texas có thể trở thành một quốc gia độc lập trong vòng ba thập kỷ.

“Tôi nghĩ quỹ đạo mà chính phủ liên bang đang đi, quỹ đạo mà Texas đang đi, tôi nghĩ chúng ta đang đi theo hướng đó, cho dù là do quyết định có ý thức hay sự sụp đổ của hệ thống liên bang do không thể đáp ứng các yêu cầu cơ bản của nó, tôi nghĩ Texas chắc chắn sẽ trở thành một quốc gia độc lập trong vòng 30 năm,” Miller nói.

5. Tuyên bố của phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Nga về vụ máy bay IL-76

Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova đã cáo buộc Ukraine có liên quan đến vụ tai nạn máy bay ở khu vực Belgorod hồi đầu tuần này, và nhấn mạnh rằng vụ tấn công xảy ra là do Kyiv mong muốn thu hút sự chú ý của thế giới trở lại cuộc xung đột ở Ukraine.

Bà ta nói: “Bằng cách thực hiện những hành động tàn bạo như vậy, chế độ Kiev /ki-ép/ hy vọng sẽ thúc đẩy sự quan tâm ngày càng giảm của cộng đồng thế giới đối với cuộc khủng hoảng Ukraine, khuyến khích các nhà tài trợ không chỉ duy trì mà còn tăng khối lượng hỗ trợ tài chính và cung cấp vũ khí.” Nga gọi Thủ đô của Ukraine là Kiev thay vì Kyiv như chính người Ukraine và các nước phương Tây gọi.

Các quan chức Ukraine hôm thứ Năm không phủ nhận rõ ràng việc bắn hạ máy bay nhưng cho biết họ không thể xác nhận rằng các binh sĩ Ukraine đang trên đường tới một cuộc trao đổi tù nhân có ở trên máy bay.

6. Putin cáo buộc Kyiv bắn rơi máy bay quân sự Nga chở tù binh Ukraine

Tổng thống Nga chỉ bày tỏ sự đau buồn trước cái chết của các phi công chứ không phải các tù nhân Ukraine trong vụ tai nạn hôm thứ Tư.

Putin đổ lỗi cho Kyiv về vụ rơi máy bay vận tải quân sự trong tuần này mà Mạc Tư Khoa tuyên bố đã giết chết hàng chục người, chủ yếu là tù nhân chiến tranh Ukraine.

“Tổng cục Tình báo Chính của Lực lượng Vũ trang Ukraine biết rằng chúng tôi đang đưa quân nhân đến đó… và biết điều này nên đã tấn công chiếc máy bay này”, Putin nói hôm thứ Sáu, trong bài phát biểu đầu tiên về vụ tai nạn máy bay Ilyushin Il-76 gần Belgorod xảy ra vào hôm thứ Tư 24 Tháng Giêng.

“Tôi không biết họ cố tình hay nhầm lẫn”, Putin nhấn mạnh.

Ông tuyên bố quân đội Nga đã phát hiện hai vụ phóng hỏa tiễn từ khu vực do Ukraine kiểm soát đã bắn trúng máy bay.

“Rất có thể đó là hệ thống Patriot của Mỹ hoặc Âu Châu, có thể là của Pháp”, Putin nói.

Putin bác bỏ giả thuyết về “hỏa lực thân thiện” trong vụ bắn rơi máy bay. Putin nói: “Có những hệ thống bạn hoặc thù, và cho dù người điều khiển có nhấn nút bao nhiêu lần thì hệ thống phòng không của chúng ta cũng sẽ không tham gia”.

Ông nói thêm: “Chúng tôi chỉ thương tiếc cho các phi công của mình.”

Ủy ban Điều tra Nga báo cáo đã thu thập hài cốt và tài liệu của các quân nhân Ukraine đã chết. Chỉ có Nga mới có quyền truy cập vào địa điểm máy bay rơi.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy hôm thứ Năm đã kêu gọi một cuộc điều tra quốc tế về vụ tai nạn. Kyiv cho biết họ không thể xác nhận chiếc máy bay chở tù binh Ukraine. Truyền thông Ukraine ban đầu đưa tin Lực lượng vũ trang Ukraine đã bắn rơi chiếc máy bay.

Tổng cục Tình báo Quốc phòng Ukraine xác nhận một cuộc trao đổi tù nhân theo lịch trình vào ngày xảy ra vụ tai nạn nhưng cho biết điều đó đã không xảy ra. Cũng có những lo ngại rằng chiếc máy bay không hề chở các tù binh chiến tranh Ukraine nhưng chở các hỏa tiễn S-300. Sau khi nó bị bắn hạ, Nga đã giết 65 quân nhân Ukraine như một hình thức trả thù và loan tin rằng họ đã thiệt mạng trong vụ tấn công chiếc máy bay IL-76.

Ukraine bác bỏ tuyên bố của Nga cho rằng Nga đã cảnh báo Ukraine trước đó về máy bay chở tù binh trên bầu trời Belgorod.

Tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc hôm thứ Năm, được triệu tập theo yêu cầu của Mạc Tư Khoa, các đại diện của Nga và Ukraine vẫn giữ nguyên lập trường của chính phủ họ. Phó đại diện Liên Hiệp Quốc của Ukraine, Khrystyna Hayovyshyn, cho biết Kyiv không được thông báo về phương tiện vận chuyển những người bị bắt. Dmitry Polyanskiy của Nga coi vụ việc là một “tội ác có tính toán của Kyiv”.

Rosemary DiCarlo, Phó tổng thư ký Liên Hiệp Quốc phụ trách các vấn đề chính trị và xây dựng hòa bình, cho biết Liên Hiệp Quốc không thể xác minh sự hiện diện của tù binh trên chiếc máy bay bị bắn rơi.

7. Điện Cẩm Linh bác bỏ tin cho rằng Putin muốn đàm phán chấm dứt chiến tranh

Điện Cẩm Linh hôm thứ Sáu đã bác bỏ thông tin của Bloomberg rằng Vladimir Putin đang “đưa ra những thông tin thăm dò” cho Hoa Kỳ về các cuộc đàm phán có thể nhằm chấm dứt chiến tranh ở Ukraine và có thể xem xét từ bỏ các yêu cầu chính về tình trạng an ninh của Ukraine, Reuters đưa tin.

Báo cáo của Bloomberg cho biết ông Putin đang “thăm dò” xem liệu Washington có sẵn sàng tham gia đàm phán hay không và đã liên hệ với Mỹ thông qua các kênh gián tiếp.

Nó trích dẫn hai người thân cận với Điện Cẩm Linh nói rằng Putin “có thể sẵn sàng xem xét việc từ bỏ yêu cầu duy trì tình trạng trung lập của Ukraine và thậm chí cuối cùng từ bỏ phản đối việc trở thành thành viên NATO của Ukraine – mà Mạc Tư Khoa coi là mối đe dọa mà Nga. cũng như là lý do chính cho cuộc xâm lược”.

Phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov đã được các phóng viên hỏi về câu chuyện, và cụ thể là liệu Mạc Tư Khoa có thực sự sẵn sàng từ bỏ các yêu cầu về tính trung lập và việc gia nhập NATO hay không.

Peskov nói: “Không, đây là một báo cáo sai. Nó hoàn toàn không tương ứng với thực tế.”

8. Hỏa tiễn Kh-47 'Dagger' của Putin có thể đã mất lợi thế

Theo Tờ Newsweek hỏa tiễn Kh-47 'Dagger' của Putin có thể đã mất lợi thế trước các hệ thống phòng không của Ukraine. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Hỏa tiễn siêu thanh Kh-24 Kinzhal hay Dao găm được Putin đánh giá cao dường như không đáp ứng được yêu cầu của họ ở Ukraine, khi Mạc Tư Khoa tiếp tục chiến dịch ném bom tầm xa vào mùa đông nhằm vào Kyiv và các thành phố lớn khác.

Các lực lượng Nga thường xuyên sử dụng Kinzhals – được Putin mô tả vào năm 2018 là một trong những loại vũ khí “bất khả chiến bại” của Mạc Tư Khoa – để tấn công các thành phố và mục tiêu cơ sở hạ tầng của Ukraine trên toàn quốc trong suốt cuộc xâm lược quốc gia láng giềng kéo dài hai năm của họ.

Nhưng các lực lượng Ukraine đã nhiều lần chứng minh khả năng đánh chặn hỏa tiễn Kinzhal bằng hệ thống hỏa tiễn đất đối không Patriot do Hoa Kỳ sản xuất, hệ thống đầu tiên xuất hiện vào mùa xuân năm 2023. Các nhà phân tích Ukraine cũng ghi nhận số lượng Kinzhal có khả năng đánh chặn ngày càng tăng.

Phát ngôn nhân của Lực lượng Không quân Ukraine, ông Yurii Ihnat, nói với Newsweek hôm thứ Năm rằng “có những dấu hiệu” cho thấy vũ khí được quảng cáo rầm rộ của Nga không hoạt động tốt như mong đợi, mặc dù các giả thuyết bổ sung về lý do tại sao chỉ là những phỏng đoán.

“'Dao găm' bay qua ngày càng thường xuyên hơn,” Ihnat nói. “Chỉ có Patriot mới đánh bại được nó.”

Vào tháng 10, Bộ Quốc phòng Anh lưu ý rằng hiệu suất của loại vũ khí này ở Ukraine cho đến nay là “kém” và đánh giá nó vẫn đang trong giai đoạn “thử nghiệm hoạt động”.

“Trên lý thuyết, nó vẫn có khả năng cao, có thể bay ở tốc độ siêu thanh và tránh các hệ thống phòng không hiện đại, mặc dù gần như chắc chắn cần phải cải thiện đáng kể cách Nga sử dụng nó để đạt được tiềm năng này”, Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh viết.

Theo The Kyiv Post, Ukraine đã có thể bắn hạ khoảng 1/3 số hỏa tiễn Kinzhal được bắn vào nước này kể từ tháng 2 năm 2022. Những thành công đáng chú ý gần đây được ghi nhận nhờ các hệ thống phòng không Patriot và các biện pháp tác chiến điện tử mới.

Ví dụ, vào ngày 2 Tháng Giêng, 10 Kinzhal nằm trong số 100 hỏa tiễn được bắn vào Ukraine. Không hỏa tiễn nào trong số các Kinzhal trong trận địa pháo đó tìm thấy mục tiêu của mình. Vào ngày 8 và 13 tháng 1, khoảng 40% số Kinzhal bắn vào Ukraine đã bị bắn hạ.

Ihnat cho biết sau cuộc tấn công thứ hai: “Hỏa tiễn của Nga đang trở nên kém phẩm chất hơn và không tiếp cận được mục tiêu”.

Hỏa tiễn siêu thanh phóng từ trên không dựa vào dữ liệu định vị vệ tinh liên tục, nếu không có dữ liệu này chúng không thể cơ động thành công trong chuyến bay để tránh các hệ thống phòng thủ chống hỏa tiễn. Vũ khí siêu thanh của Nga sử dụng hệ thống vệ tinh dẫn đường toàn cầu GLONASS. Nhưng mạng lưới này được cho là còn thiếu, chỉ có 24 trong số 133 vệ tinh được cho là đang hoạt động. Các biện pháp chiến tranh điện tử có thể làm suy yếu thêm quỹ đạo đã lên kế hoạch.

Chính quyền Ukraine báo cáo đã tìm thấy một số Kinzhal chưa nổ. Ví dụ, trong số 10 chiếc bị bắn rơi vào ngày 2 tháng 1, có 3 đầu đạn không hoạt động. Bảy quả còn lại đã phát nổ nhưng trượt mục tiêu.

Ấn phẩm của Defense Express của Ukraine cho rằng tỷ lệ va đập rõ ràng có thể là do thiếu ngòi nổ tác động thông thường trong đầu đạn Kinzhal. Thay vào đó, chất nổ mạnh bên trong được kích nổ bằng hệ thống điện tử hai giai đoạn có dây được điều khiển bởi bộ điều khiển vi tính bên trong hỏa tiễn.

Giai đoạn đầu tiên của hệ thống sẽ hoạt động ngay sau khi phóng khi hỏa tiễn đã di chuyển một khoảng cách an toàn so với máy bay bắn nó. Giai đoạn thứ hai sau đó chuẩn bị cho đạn tác động. Về mặt lý thuyết, việc đánh chặn bằng phòng không hoặc chiến tranh điện tử có thể làm gián đoạn hệ thống kích nổ và tấn công.

Các nhà phân tích Trung Quốc đã công bố một bản phân tích về hiệu suất chiến đấu của Kinzhal vào đầu tháng này, cho thấy loại vũ khí được cho là mang tính đột phá này vẫn còn nhiều nhượv điểm.

“Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy những gì Mỹ và Ukraine nói về vấn đề này là đúng”, các nhà phân tích nói về thông tin cho rằng hỏa tiễn Patriot đã bắn hạ Kinzhals.

So sánh loại vũ khí này với “một hỏa tiễn siêu thanh thực sự”, các nhà phân tích Trung Quốc không mấy ấn tượng. Việc nền tảng này thiếu khả năng cơ động trong suốt chuyến bay và quỹ đạo đạn đạo của nó có nghĩa là ngay cả các hệ thống chống hỏa tiễn hiện có – như Patriots – cũng có thể đánh chặn nó.

Chuyên gia quân sự David Hambling trước đây đã nói: “Nếu Kinzhal thực sự là một hỏa tiễn siêu thanh như Putin tuyên bố – tức là một hỏa tiễn có khả năng thực hiện các thao tác phức tạp ở tốc độ hơn Mach 5 – thì việc đánh chặn bằng các hệ thống chống hỏa tiễn hiện tại sẽ cực kỳ khó khăn”.

Hệ thống này có thể được mô tả chính xác hơn là một hỏa tiễn đạn đạo có khả năng cơ động trong khi bay, Hambling nói thêm.

Với các biện pháp trừng phạt của phương Tây, đã có nhiều hoài nghi về khả năng tiếp tục sản xuất vũ khí tiên tiến của Nga. Ví dụ, Kinzhals chứa rất nhiều phụ tùng được nhập khẩu từ Liên minh Âu Châu và Bắc Mỹ.

Các nhà phân tích Trung Quốc viết trong phân tích gần đây của họ: “'Dao găm' không được sản xuất và trang bị với số lượng lớn. “Sau một năm rưỡi hoang phí, trong kho có thể còn lại rất ít.”

9. Hỏa tiễn siêu thanh Zircon thế hệ mới của Nga sẽ cần thử nghiệm thêm

Reuters đưa tin hỏa tiễn siêu thanh Zircon thế hệ mới của Nga sẽ cần thử nghiệm thêm trước khi có thể đưa vào sử dụng. Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu nhận xét rằng “Đó không phải là một thủ tục nhanh chóng” và sẽ liên quan đến “một số lượng thử nghiệm nhất định”.

Các hỏa tiễn phóng từ biển có tầm bắn được báo cáo là 900km và di chuyển gấp nhiều lần tốc độ âm thanh, khiến việc phòng thủ trước những hỏa tiễn này trở nên khó khăn.

Trung Quốc và Mỹ cũng đang phát triển công nghệ mà Nga tuyên bố đã thử nghiệm ở Đại Tây Dương.
 
Hi hữu: Taliban cướp được của Nga 1,2 triệu USD. Tướng Lithuania: Putin có dám tấn công NATO không?
VietCatholic Media
16:38 27/01/2024


1. Taliban bị nghi ngờ cướp 1,2 triệu Mỹ Kim từ máy bay phản lực Nga bị rơi

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Taliban Under Scrutiny After $1.2M 'Stolen' From Crashed Russian Jet”, nghĩa là “Taliban bị nghi ngờ sau khi 1,2 triệu Mỹ Kim bị đánh cắp từ máy bay phản lực Nga bị rơi.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Taliban đang bị nghi ngờ sau khi 1,2 triệu Mỹ Kim được cho là đã bị “đánh cắp” từ một máy bay tư nhân của Nga bị rơi ở tỉnh Badakhshan phía bắc Afghanistan vào ngày 21 Tháng Giêng.

Theo Trung Tướng Igor Krasnov, Tổng Công Tố Nga, bốn trong số sáu người trên máy bay Dassault Falcon 10 sống sót sau vụ tai nạn. Cơ quan Vận tải Hàng không Liên bang Nga cho biết chiếc máy bay đang thực hiện di tản y tế từ Thái Lan đến Nga, đi từ phi trường Utapao, gần Pattaya, đến Mạc Tư Khoa qua Ấn Độ và Uzbekistan.

Anna Evsyukova, người phải vào bệnh viện khẩn cấp ở Thái Lan và dự kiến tiếp tục điều trị ở Nga, cùng chồng cô là Anatoly Evsyukov, đã thiệt mạng trong vụ tai nạn. Những người sống sót đã đến Mạc Tư Khoa vào hôm thứ Sáu qua ngã Dubai.

Một trong những phi công của Falcon 10, Arkady Grachev, cho biết hôm thứ Sáu rằng vụ tai nạn là do “vấn đề kỹ thuật”. Cơ phó Dmitry Belykov cũng cho biết nguyên nhân vụ tai nạn của Falcon 10 là do trục trặc kỹ thuật, “rõ ràng là do vấn đề với nhiên liệu”, hãng thông tấn nhà nước Tass đưa tin.

Sau vụ tai nạn, Krasnov, dẫn các nguồn tin trong khu vực, cho rằng 1,2 triệu Mỹ Kim đã bị “đánh cắp” từ máy bay tư nhân. Các cơ quan truyền thông Nga cũng đưa tin rằng Mohammad Ayub Khalid, thống đốc Taliban ở tỉnh Badakhshan phía đông bắc, đã ra lệnh điều tra vấn đề.

Chính thức là Tiểu vương quốc Hồi giáo Afghanistan, Taliban là một tổ chức quân sự và phong trào ở giữa cuộc nội chiến ở Afghanistan. Được thành lập vào năm 1994, nhóm này đã có lúc kiểm soát Afghanistan, một lần từ năm 1996 đến năm 2001 và sau đó một lần nữa từ năm 2021.

Phi công Grachev nói “Lời buộc tội quân Taliban ở Badakhshan ăn cắp số tiền này đã khiến nhóm phi công và ba thành viên phi hành đoàn này không thể giao máy bay cho đại sứ quán Nga ở Kabul”.

Trả lời các báo cáo rằng hơn 1 triệu Mỹ Kim đã bị đánh cắp khỏi máy bay, anh ta nói “ở đó không có tiền” nhưng cho biết các thành viên phi hành đoàn đã đưa “một số tiền nhỏ” cho người Afghanistan như một biểu tượng cảm ơn vì đã hỗ trợ họ sau vụ tai nạn máy bay.

“Có tiền cá nhân ở đó… Người Afghanistan đến giúp đỡ, chúng tôi phải cảm ơn họ bằng cách nào đó,” anh nói.

Grachev cho biết những người sống sót đã phải trải qua một ngày rưỡi trong giá lạnh và phải “đốt dây giày” để giữ ấm.

“Sau đó các bác sĩ bắt đầu kéo chúng tôi ra ngoài. Chúng tôi được đưa ra khỏi độ cao 4.000 mét qua lớp tuyết dày, chúng tôi đi bộ khoảng 5 giờ mới đến ngôi làng”, anh nói.

2. Putin có dám tấn công NATO không? Tướng Lithuania trả lời: Putin không dám đâu

Khi các quan chức Âu Châu ngày càng lo ngại về một cuộc tấn công tiềm tàng của Nga vào NATO, chỉ huy lực lượng vũ trang của Lithuania vẫn giữ bình tĩnh.

Tướng Valdemaras Rupšys nói với đài phát thanh Lithuania Žinių Radijas hôm thứ Sáu: “Năm nay, năm tới, khả năng xảy ra chiến tranh giữa Nga và NATO là rất thấp, cực kỳ thấp”.

Ông đồng ý rằng các điều kiện có thể thay đổi, nhưng hiện tại lực lượng Nga ở quân khu phía Tây nước này đang tham gia đầy đủ vào Ukraine, không gây ra mối đe dọa ngay lập tức.

Về phần mình, Ngoại trưởng Lithuania Gabrielius Landsbergis cho rằng đất nước nên chuẩn bị sẵn sàng để tự vệ.

“ Chúng ta phải cảm thấy chiến tranh đang đến gần chúng ta. Chúng ta phải hiểu rằng nếu Nga không bị chặn đứng ở Ukraine thì điều đó có thể tiếp tục”, Landsbergis nói và nhấn mạnh rằng “tiếp theo sẽ là các quốc gia vùng Baltic.”

“Đó không phải là sự ngờ vực. Nó thực sự đang chuẩn bị cho những gì có thể xảy ra tiếp theo. Và hy vọng, điều này có thể gửi một thông điệp đủ tới bạn bè và đối tác của chúng ta ở Âu Châu, trong NATO rằng chúng ta phải xem xét vấn đề này một cách nghiêm chỉnh”, Landsbergis nói thêm.

Các quan chức hàng đầu của một số nước Âu Châu trong những tuần gần đây đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về mối đe dọa xâm lược rộng rãi hơn của Putin.

Rupšys nói, “Khi chúng tôi phải thảo luận về lời khuyên quân sự với những người không thực sự đủ trình độ để đưa ra lời khuyên quân sự, sẽ có một số nhầm lẫn” và đề nghị các chính trị gia nên tập trung vào vai trò cụ thể của họ.

Vị tướng nhấn mạnh: “Sẽ tốt cho mọi người thực hiện công việc của mình trong toàn bộ quá trình ra quyết định”.

Tuy nhiên, ông ca ngợi công tác chuẩn bị đang diễn ra cho cuộc xung đột tiềm ẩn và kêu gọi hành động nhanh chóng để thành lập một lữ đoàn quân sự có quy mô từ hạng nhẹ đến trung bình và trang bị cho lực lượng này các phương tiện chiến đấu bộ binh và xe tăng.

Lithuania, Latvia và Estonia đã đồng ý thiết lập khu vực phòng thủ chung ở Baltic trên biên giới của họ với Nga và Belarus trong bối cảnh lo ngại an ninh ngày càng gia tăng vào thứ Sáu tuần trước.

Theo đó, Estonia sẽ xây dựng 600 hầm trú ẩn dọc biên giới dài 333 km với Nga. Đài truyền hình công cộng ERR của Estonia đưa tin nó sẽ có giá 60 triệu euro. Estonia hứa sẽ bắt đầu xây dựng vào đầu năm 2025.

Kế hoạch của Latvia chưa được xác định rõ ràng, nhưng Bộ trưởng Quốc phòng Andris Sprūds đã nói rằng sẽ mất một thập kỷ để xây dựng. Tổng thống Latvia Edgars Rinkēvičs kêu gọi Phần Lan và Ba Lan tham gia khu vực phòng thủ Baltic: “Nếu muốn có một cơ chế phòng thủ hiệu quả, các nước phải hợp tác cùng nhau”.

Putin hôm thứ Năm đã bay qua Biển Baltic lần đầu tiên kể từ khi nó trở thành hồ của NATO, với Phần Lan và Thụy Điển gia nhập liên minh. Putin đã đến Kaliningrad, một thành phố được quân sự hóa mạnh mẽ của Nga.

Phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov cho biết: “Khi tổng thống đến thăm các khu vực của Nga, ông ấy chắc chắn không cố gắng gửi bất kỳ thông điệp nào tới các nước NATO”. Ông nói thêm, Điện Cẩm Linh coi việc xây dựng quân đội ở vùng Baltic là mối nguy hiểm đối với Kaliningrad.

3. Cựu tướng an ninh NATO nói: 'Chúng ta cần phải làm nhiều hơn nữa' để hỗ trợ người dân Ukraine

Cựu tướng an ninh NATO, Lord Robertson, nói với Sky News rằng người Ukraine đang “chiến đấu vì chúng ta” và “chúng ta cần phải làm nhiều hơn nữa”.

Robertson nói:

Cuộc xâm lược Ukraine của Nga đã hoàn toàn đảo lộn trật tự mà chúng ta đã quen thuộc. Nếu hắn ta nuốt chửng được một đất nước 44 triệu dân, ngay tại trung tâm Âu Châu, liệu hắn ta có thực sự dừng lại không?

Ông nói thêm rằng “phần còn lại của chúng ta” khi đó sẽ gặp nguy hiểm vì Putin sẽ “được thúc đẩy bởi bất kỳ thành công nào mà hắn đạt được ở Ukraine”.

“Vì vậy, họ đang chiến đấu vì chúng ta và đó là lý do tại sao tôi tin rằng chúng ta cần tăng cường sản xuất vũ khí và đạn dược cho đất nước này để bảo đảm rằng họ có được trang bị cần thiết vào thời điểm này.”

“Họ đang chiến đấu vì chúng ta và đó là lý do tại sao chúng ta cần phải làm nhiều hơn nữa.”

4. Trục Iran - Nga hợp tác chống lại phương Tây

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Iran and Russia Strengthen Ties in Partnership Against the West”, nghĩa là “Iran và Nga tăng cường quan hệ hợp tác chống lại phương Tây.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy

Mạc Tư Khoa và Tehran sẽ tăng cường quan hệ đối tác an ninh và hợp tác để chống lại các lệnh trừng phạt do phương Tây áp đặt, một kiến trúc sư chủ chốt của cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine của Vladimir Putin cho biết.

Nikolai Patrushev, thư ký Hội đồng An ninh Nga, tuyên bố hợp tác chặt chẽ hơn giữa các đồng minh sau cuộc gặp với nhà lãnh đạo Hội đồng An ninh Quốc gia Tối cao Iran Ali Akbar Ahmadian.

Mối quan hệ giữa Tehran và Mạc Tư Khoa đã trở nên sâu sắc hơn kể từ khi bắt đầu cuộc chiến ở Ukraine, với việc Iran cung cấp cho lực lượng Nga các máy bay không người lái Shahed đã tàn phá cơ sở hạ tầng của Ukraine. Cả hai quốc gia có vũ khí hạt nhân đều phải đối mặt với các lệnh trừng phạt quốc tế cứng rắn.

Trong cuộc gặp hôm thứ Tư, Patrushev và Ahmadian đã thảo luận về mối quan hệ chặt chẽ hơn giữa hội đồng an ninh, cơ quan thực thi pháp luật và tình báo của các nước, theo hãng thông tấn nhà nước Nga Tass.

Cuộc thảo luận của các quan chức tập trung vào “an ninh thông tin và an ninh kinh tế trước áp lực trừng phạt từ các nước phương Tây”, cơ quan này cho biết khi Patrushev khoe rằng mối quan hệ giữa các nước đang “đạt đến một tầm cao mới”.

Patrushev trước đây là nhà lãnh đạo cơ quan tình báo chính của Nga, FSB. Là một trong ba người trung thành với Putin đã phục vụ tổng thống Nga từ những năm 1970 ở St Petersburg, quan điểm diều hâu của ông đã khiến ông trở thành nhân vật chủ chốt trong cuộc xâm lược nước láng giềng của Nga của Putin.

Ông đã đến thăm Tehran vào tháng 11 năm 2022 để gặp người tiền nhiệm của Ahmadian, Ali Shamkhani. Vào tháng 6 năm 2023, Patrushev đã tổ chức một cuộc gặp với Chuẩn tướng Cảnh sát trưởng Iran Ahmad Reza Radan tại Mạc Tư Khoa, hãng tin Fars của Iran đưa tin.

Theo truyền thông nhà nước Iran, Ahmadian đã sử dụng các cuộc đàm phán hôm thứ Tư để chỉ trích phương Tây về cuộc chiến của Israel chống lại Hamas, nói với người đồng cấp Nga rằng: “Sự vĩ đại của nước Mỹ đã tan vỡ và ngày nay, nước này thậm chí không thể tập hợp được các đồng minh truyền thống của mình”.

Ông nói thêm: “Một quốc gia tự coi mình là siêu cường đang tham gia vào cuộc chiến chống lại các nhóm kháng chiến và người dân trong khu vực”.

Cuộc chiến ở Gaza tiếp tục khi Israel chiến đấu với Hamas, sau các cuộc tấn công của nhóm này vào miền nam Israel vào ngày 7 tháng 10. Trong khi Israel tiến hành các cuộc tấn công vào Li Băng và biên giới của nước này, các nhóm liên kết với Iran đã tấn công vào các lợi ích của Mỹ và quốc tế trong khu vực, làm dấy lên lo ngại về một xung đột khu vực rộng hơn.

Nga cũng lên án hành động của Israel ở Gaza.

Vụ đánh bom hôm 3 Tháng Giêng, trong buổi lễ đánh dấu vụ Mỹ ám sát Qasem Soleimani, cựu chỉ huy Lực lượng Quds, tại thành phố Kerman của Iran đã giết chết ít nhất 94 người mà nhóm cực đoan Hồi giáo Sunni Nhà nước Hồi giáo đã nhận trách nhiệm.

Hôm thứ Tư, Patrushev bày tỏ lời chia buồn về vụ tấn công và ông và người đồng cấp Iran đã thảo luận về việc hợp tác chặt chẽ hơn với nhau để chống khủng bố.

Theo Tass, Bộ Ngoại giao Nga cho biết, một thỏa thuận song phương toàn diện giữa Iran và Nga dự kiến sẽ được tổng thống các nước ký kết, mặc dù ngày tháng chưa được ấn định.

5. Số phận hẩm hiu của người đàn ông Nga: đã thoát khỏi tòa nhà đang cháy, mấy ngày sau lại thiệt mạng trong một vụ cháy khác

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Man Escapes from Burning Building, Dies in Another Fire Days Later”, nghĩa là “Người đàn ông thoát khỏi tòa nhà đang cháy, mấy ngày sau lại thiệt mạng trong một vụ cháy khác.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Theo truyền thông nhà nước Nga, một người đàn ông thoát khỏi một đám cháy đã chết sau khi không thể chạy thoát khỏi một ngọn lửa khác chỉ hai ngày sau đó.

Theo đài truyền hình RTVI của Nga, người đàn ông chưa rõ danh tính sống ở thành phố Saratov phía tây nam nước Nga đã cố gắng thoát khỏi đám cháy ở căn phòng tầng 4 của mình vào ngày 23 Tháng Giêng, nhưng đã chết trong một vụ hỏa hoạn khác vào ngày 25 Tháng Giêng.

RTVI dẫn lời Bộ Tình trạng khẩn cấp khu vực cho biết: “Do tình trạng khẩn cấp, một người đàn ông sinh năm 1973 đã chết”, đồng thời nói thêm rằng người ta cho rằng một điếu thuốc được cho là đã gây ra hỏa hoạn.

Trong trận hỏa hoạn ngày 23 Tháng Giêng, một tấm nệm trong nhà của người đàn ông đã bốc cháy nhưng anh ta đã chạy trốn đến nơi an toàn. Không rõ liệu anh ta có bị thương trong vụ việc này hay không.

Nhà chức trách chưa xác nhận liệu anh ta chết ở cùng địa điểm nơi xảy ra vụ cháy đầu tiên hay ở nơi nào khác.

RTVI cho biết: “Một cuộc khám nghiệm pháp y đã được yêu cầu để xác định nguyên nhân chính xác dẫn đến cái chết của người đàn ông”.

Newsweek đã cố gắng liên hệ với Hội đồng Saratov để xin bình luận qua điện thoại vào ngày 26 Tháng Giêng nhưng không nhận được câu trả lời.

Một báo cáo của Newsweek cho thấy số vụ cháy công nghiệp kỷ lục đã nhấn chìm nước Nga vào năm ngoái, theo dữ liệu từ Molfar, một cơ quan tình báo nguồn mở ở Ukraine.

Số vụ cháy như vậy ở Nga vào năm 2023 đã tăng hơn gấp đôi so với năm trước, dựa trên phân tích các báo cáo truyền thông về các vụ cháy ở các nhà máy, trung tâm mua sắm, trung tâm quân sự và hậu cần, nhà kho và kho chứa dầu.

Molfar nhận thấy có 939 vụ cháy như vậy ở Nga vào năm 2023, so với 416 vụ vào năm 2022, có nghĩa là số vụ cháy kiểu này ở Nga đã tăng 125,7% vào năm ngoái so với năm trước.

Molfar lưu ý rằng số vụ hỏa hoạn vào năm 2022 cũng tăng 24,5% - năm bắt đầu cuộc xâm lược toàn diện của Vladimir Putin vào Ukraine - so với năm 2021.

Nhiều vụ cháy trong số này không thể giải thích được, và Điện Cẩm Linh cũng như các quan chức địa phương hiếm khi đưa ra tuyên bố công khai về các vụ cháy cũng như nguyên nhân của chúng, mặc dù ngón tay đổ lỗi đôi khi nhắm vào những người theo đảng phái hoặc “những kẻ phá hoại” người Ukraine. Kyiv hiếm khi tuyên bố chịu trách nhiệm về các sự việc trên đất Nga.

Tình trạng thiếu lính cứu hỏa cũng đã được báo cáo. Trang tin Ura.ru có trụ sở tại Yekaterinburg đưa tin chuyên gia dân phòng Oleg Bazhanov cho biết: “Bộ Tình trạng khẩn cấp Nga thiếu hơn 20.000 lính cứu hỏa”.

Ông cho biết thêm, ngoài việc thiếu nhân sự còn có vấn đề về nhiên liệu, đồng phục, máy bay sử dụng trong các đơn vị chữa cháy và tìm kiếm cứu nạn.

6. Đại Sứ Hoa Kỳ thất vọng trước sự cù nhầy của Hung Gia Lợi trong việc phê chuẩn cho Thụy Điển gia nhập NATO

Đại sứ Hoa Kỳ tại Hung Gia Lợi, hay còn gọi là Hungary, cho biết Mỹ thất vọng vì việc Hung Gia Lợi phê chuẩn việc Thụy Điển gia nhập NATO mất quá nhiều thời gian, đồng thời cảnh báo rằng Budapest “thực sự đơn độc” và chính phủ Hung Gia Lợi đang theo đuổi “ảo tưởng đối ngoại” thay vì chính sách đối ngoại.

Sau nhiều tháng trì hoãn, Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ đã phê chuẩn tư cách thành viên NATO của Thụy Điển trong tuần này. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, Recep Tayyip Erdoğan, đã ký vào thứ Năm, khiến Hung Gia Lợi trở thành quốc gia duy nhất trong liên minh gồm 31 thành viên vẫn chưa phê chuẩn đơn xin gia nhập đơn xin gia nhập của Thụy Điển.

Trong khi chính phủ Hung Gia Lợi chính thức ủng hộ việc Thụy Điển gia nhập, quốc hội nước này đã tránh bỏ phiếu về vấn đề này, gây ra sự thất vọng giữa các đồng minh NATO và đặt ra câu hỏi về động cơ của thủ tướng Hung Gia Lợi, Viktor Orbán.

Nhà lãnh đạo Hung Gia Lợi thường xuyên chỉ trích các đồng minh phương Tây của mình và đang nuôi dưỡng mối quan hệ với Mạc Tư Khoa và Bắc Kinh.

Trong một cuộc phỏng vấn tại đại sứ quán Mỹ ở Budapest vào chiều thứ Năm, đại sứ Mỹ, David Pressman, cho biết:

Một liên minh chỉ mạnh mẽ khi chúng ta thực hiện những cam kết mà chúng ta đưa ra với nhau cũng như những cam kết mà chúng ta hứa tuân thủ.

Tôi nghĩ rằng điều quan trọng là chính phủ Hung Gia Lợi phải thực hiện đúng cam kết của mình và cam kết của họ là sẽ không phải là đồng minh cuối cùng phê chuẩn việc gia nhập của Thụy Điển.

Giữ lời hứa rõ ràng là một yếu tố quan trọng của sự tin tưởng trong bất kỳ mối quan hệ nào.”

Khi được hỏi liệu Hung Gia Lợi có đưa ra bất kỳ yêu cầu nào không, Pressman nói:

Hoa Kỳ không biết điều gì đã gây ra sự chậm trễ của chính phủ Hung Gia Lợi.

Và ông đã thẳng thắn nói về quan điểm của Washington.

Chúng tôi thất vọng vì việc này kéo dài quá lâu. Và chúng tôi mong muốn Hung Gia Lợi thực hiện đúng cam kết đã đưa ra với Hoa Kỳ và các đồng minh khác.

Đại sứ cũng nhấn mạnh sự cô lập ngoại giao ngày càng sâu sắc của Budapest, ngoài vấn đề Thụy Điển gia nhập NATO.

Ông nói: “Hung Gia Lợi thực sự đơn độc - và điều đó không cần thiết phải như vậy”, đồng thời trích dẫn các quyết định của chính phủ Hung Gia Lợi như chặn nguồn tài chính của Liên Hiệp Âu Châu cho Ukraine, hội đàm với Vladimir Putin và phản đối các nỗ lực đa dạng hóa nguồn năng lượng của Nga là “những dấu hiệu đáng lo ngại”.

7. Cơ quan an ninh FSB của Mạc Tư Khoa cho biết hai công dân Nga đã bị bắt vì chuyển thông tin về quân đội nước này cho Ukraine.

Nga đã bắt giữ một số công dân của mình mà họ cho rằng đã làm việc với Ukraine hoặc tài trợ cho quân đội Ukraine kể từ khi Mạc Tư Khoa phát động cuộc tấn công quân sự toàn diện vào tháng 2 năm 2022.

FSB hôm thứ Sáu cho biết họ đã bắt giữ hai người đàn ông ở thành phố Rostov-on-Don phía nam với tội danh phản quốc – là tội danh có thể phải chịu án tù lên tới 20 năm.

FSB, sử dụng ngôn ngữ ưa thích của Mạc Tư Khoa cho chiến dịch quân sự của mình, cho biết:

Theo một cuộc điều tra, họ đã chủ động thiết lập liên lạc với một đại diện của cơ quan an ninh Ukraine.

Trong quá trình liên lạc, họ đã đồng ý thu thập và truyền tải thông tin về các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang Nga tham gia hoạt động quân sự đặc biệt.

Nó cáo buộc 2 người này đã được trả tiền để cung cấp thông tin về vị trí của thiết bị quân sự và nhân sự.

Rostov-on-Don là trụ sở chỉ huy cuộc tấn công của Nga vào Ukraine.

Thành phố này nằm trên Biển Azov và cách biên giới với các khu vực Donetsk và Lugansk của Ukraine chưa đầy 100 km - hai trong số bốn khu vực mà Mạc Tư Khoa tuyên bố đã sáp nhập.

8. Putin tìm cách mở rộng sang Bắc Cực bằng tàu phá băng hạt nhân

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Putin Looks to Expand Into Arctic With Nuclear Icebreaker”, nghĩa là “Putin tìm cách mở rộng sang Bắc Cực bằng tàu phá băng hạt nhân.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Putin hôm thứ Sáu đã phê duyệt việc xây dựng một tàu phá băng hạt nhân, có thể giúp mở rộng các tuyến thương mại của đất nước ông.

Theo hãng thông tấn nhà nước Nga TASS, ông Putin đã cấp phép cho con tàu có tên “Leningrad” được đóng trong buổi lễ khởi công ở St. Petersburg.

AFP lưu ý tin tức về tàu phá băng chạy bằng năng lượng hạt nhân, có khả năng xuyên qua băng để tạo ra các tuyến đường đi qua tốt hơn cho các tàu chở hàng, được đưa ra khi Mạc Tư Khoa đang tìm cách mở cửa các tuyến hàng hải thương mại ở phía bắc Bắc Cực.

AFP viết: “Dưới các lệnh trừng phạt của phương Tây vì cuộc tấn công vào Ukraine, Nga hy vọng sẽ dựa vào Tuyến đường biển phía Bắc - một tuyến đường vận chuyển đi qua Bắc Băng Dương - để tạo điều kiện giao thương nhiều hơn với Á Châu bằng cách cắt giảm khoảng cách và chi phí”.

Trong buổi lễ hôm thứ Sáu tại Nhà máy đóng tàu Baltic, Andrey Kostin, chủ tịch hội đồng quản trị của Tập đoàn đóng tàu thống nhất của Nga, đã xin phép Putin “cho phép lắp đặt một bảng trọng tải trên khoang đầu tiên của tàu phá băng hạt nhân tương lai Leningrad”.

“Hãy để việc đó được thực hiện”, ông Putin trả lời, theo TASS.

Tổng thống Nga cũng được cho là thừa nhận tàu phá băng sẽ được sử dụng cho “cuộc thám hiểm quan trọng nhất ở Bắc Cực” và đề cập đến một số khu vực của Nga nơi ông hy vọng đội tàu phá băng của mình sẽ sớm được sử dụng.

Putin nói: “Ở Chukotka, Yamal, Taimyr, Yakutia, ở tất cả các khu vực Bắc Cực khác của chúng ta, những tàu phá băng mạnh mẽ mới và các tàu phá băng cao cấp khác đang rất được chờ đợi”. “Chúng ta chắc chắn sẽ giải quyết những vấn đề này một cách nhất quán, mở rộng hạm đội Bắc Cực của mình, đặt ra những mục tiêu đầy tham vọng mới trước mắt. Chúng ta sẽ tiếp tục làm việc theo hướng này.”

Nga hiện là quốc gia duy nhất trên thế giới chế tạo và vận hành tàu phá băng hạt nhân.

Leningrad là tàu phá băng chạy bằng năng lượng hạt nhân thế hệ thứ năm. TASS đưa tin con tàu sẽ dài 173,3 mét, rộng 34 mét và cao 52 mét. Hãng thông tấn này cũng cho biết Leningrad được thiết kế để tồn tại trong 40 năm và sẽ có thủy thủ đoàn gồm 52 người điều khiển.

Việc bắt đầu công việc ở Leningrad chỉ là một bước hướng tới việc giải quyết điều mà một số người cho là một vấn đề lớn hơn. Vào mùa thu, xuất hiện các báo cáo cho biết Nga đang thiếu tàu phá băng, dẫn đến suy đoán rằng Putin sẽ gặp khó khăn trong việc đạt được các mục tiêu trong kế hoạch mà ông đã đặt ra với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Trong chuyến thăm Mạc Tư Khoa của ông Tập vào tháng 3, Putin đã công bố một cơ quan làm việc chung để phát triển Tuyến đường biển phía Bắc như một con đường thay thế cho Kênh đào Suez.

Tuy nhiên, quan chức Nga phụ trách phát triển Bắc Cực, Alexei Chekunkov, nói với tờ báo kinh doanh RBC vào tháng 9 rằng kế hoạch của Putin nhằm tăng gấp đôi lượng hàng hóa được cung cấp qua Tuyến đường biển phía Bắc vào năm 2024 có thể bị cản trở do tình trạng thiếu tàu phá băng trên toàn thế giới.

Chekunkov cho rằng việc thiếu các nhà máy đóng tàu có khả năng sản xuất tàu phá băng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu hụt, đồng thời nói thêm rằng phải mất “không phải vài tháng mà là nhiều năm” để đóng một trong những con tàu phá băng.

9. HIMARS tấn công Trung Tâm Huấn Luyện quân sự của Nga

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Ukraine Video Shows HIMARS Hit Russian Military Range as 24 Reported Dead”, nghĩa là “Video Ukraine cho thấy HIMARS tấn công khu vực quân sự của Nga khiến 24 người được tường trình đã chết.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Một đoạn video lan truyền trên mạng xã hội dường như cho thấy khoảnh khắc lực lượng Kyiv tấn công một nhóm người điều khiển máy bay không người lái tại khu huấn luyện quân sự của Nga ở vùng Donetsk phía đông Ukraine bằng Hệ thống hỏa tiễn pháo binh cơ động cao, gọi tắt là HIMARS, do Mỹ sản xuất.

Đoạn phim, được các kênh Telegram của Ukraine lưu hành rộng rãi, được công bố sau khi blogger quân sự Nga Vladimir Romanov đưa tin về vụ tấn công, được cho là đã giết chết 24 người điều khiển máy bay không người lái gần thành phố Ilovaisk hôm thứ Tư.

“Đoạn phim xuất hiện rõ ràng cho thấy cuộc tấn công HIMARS được thực hiện nhằm vào trung tâm huấn luyện máy bay không người lái của Nga ở Ilovaisk, tỉnh Donetsk,” người dùng X Dmitri, từ War Translated, một dự án độc lập dịch tài liệu về chiến tranh, cho biết khi chia sẻ clip vào thứ Sáu.

Cho đến nay, Mỹ đã tặng 39 HIMARS cho Ukraine thông qua các gói viện trợ quân sự.

“Theo các nguồn tin của Nga, một số 'kỳ thi' đã diễn ra tại địa điểm này. Địa điểm của kỳ thi đã được gửi đi khắp nơi qua Telegram. Mọi người tụ tập lại với nhau và có thể nhìn thấy các phương tiện”, ông nói thêm. “Cuộc tấn công này đã khiến ít nhất hàng chục người điều khiển máy bay không người lái có giá trị của Nga thiệt mạng.”

Đoạn phim dài 52 giây ghi lại những khoảnh khắc trước cuộc tấn công và cắt cảnh một đám khói đen và lửa bốc lên bầu trời.

Romanov, một blogger ủng hộ Điện Cẩm Linh, nói rằng ông được một số người điều khiển máy bay không người lái cho biết rằng họ có thể đã bị tấn công vì nhà lãnh đạo nhóm Sudoplatov, hay “Ngày phán xét”, của họ đã bất cẩn đưa ra tọa độ vị trí của mình cho “người lạ” thông qua bot về “nơi đào tạo”.

“HIMARS đã đến. Có người chết”, những người điều khiển máy bay không người lái được tường trình đã cho biết như trên.

Sudoplatov là một nhóm tình nguyện viên người Nga cho biết họ sản xuất 1.000 máy bay không người lái mỗi ngày, Forbes đưa tin vào tháng 12. Máy bay không người lái đóng vai trò quan trọng đối với các nỗ lực chiến tranh của cả Nga và Ukraine trong cuộc xung đột kéo dài gần hai năm. Hãng thông tấn nhà nước Tass đưa tin Bộ Quốc phòng Nga cho biết nhóm tình nguyện này được thành lập vào tháng 11 năm 2023. Nó cho biết đây cũng là một trường đào tạo những người điều khiển máy bay không người lái.

Kênh VChK-OGPU, có ý định thu thập thông tin nội bộ từ lực lượng an ninh Nga, cho biết hôm thứ Năm rằng 24 quân nhân Nga đã thiệt mạng và 4 người bị thương trong vụ tấn công.

Kênh Telegram Astra của Nga cho biết khu huấn luyện quân sự bị tấn công “có lẽ là từ hệ thống hỏa tiễn HIMARS”.

“ Lực lượng vũ trang Ukraine đã tấn công một cơ sở huấn luyện quân sự ở Ilovaisk bị tạm chiếm. Có người chết và bị thương”, kênh này cho biết. “Con số thương vong đang được xác định. Cả phía Nga và phía Ukraine đều không chính thức thông báo về vụ pháo kích.

Romanov cho biết ban quản lý dự án Sudoplatov hiện đang “cố gắng bưng bít tình hình” và đổ lỗi cho những người thiệt mạng trong vụ tấn công.

Ông viết: “Không có ai khác bị trúng đạn ở sân tập, mặc dù có hơn 150 người ở đó.