Ngày 27-01-2014
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Đừng Lo, năm Giáp Ngọ
+GM Giuse Vũ Duy Thống
19:55 27/01/2014
ĐỪNG LO, NĂM GIÁP NGỌ

Những ngày trước Tết, qua trang Tin nhanh (VnExpress), người ta đọc được nỗi lắng lo của đủ mọi thành phần xã hội. Nào là của công nhân phải xếp hàng rồng rắn lâu giờ đợi chờ mua vé tàu về quê ăn tết; nào là của địa phương như Phú Yên dẫu trúng mùa vẫn lo xa xin trung ương hỗ trợ lúa gạo. Xí nghiệp này phải lo tiền thưởng Tết; nhà vườn kia thấy trời rét lo hoa không nở làm sao kịp bán vụ mùa. Và cũng có nỗi lo của các vị lãnh đạo xã hội, mong sao cho mọi nhà có cái Tết bình yên, cả trong lãnh vực vệ sinh thực phẩm, an toàn giao thông lẫn lãnh vực an ninh xã hội. Tất cả đều là những nỗi lo chính đáng.

Bài hát "Đừng Lo" do GM Vũ Duy Thống sáng tác

Nhưng hôm nay, mồng một Tết, Chúa Giêsu lại bảo “đừng lo”, như thể cứ thoải mái ăn Tết đi, rồi tự nhiên sẽ có tất cả. Chắc chắn không phải thế. Vậy phải hiểu lời “đừng lo” của Chúa Giêsu ở đây thế nào? Có nhiều cấp độ:

1. Ở cấp độ thực tiễn

“Đừng lo” không phải là không lo gì, mà là đừng lo vu vơ, nhưng biết lo những gì đáng phải lo và biết lo liệu sao cho những điều đó có thể được thực hiện. Thật vậy, khác xa thái độ “vô ăn vô lo” của trẻ thơ và càng khác nữa thái độ của những kẻ chỉ biết một việc làm là “làm biếng”, lời “đừng lo” của Chúa Giêsu gợi lên thái độ sống tích cực ngay từ việc nhận thức về trách nhiệm đến việc lượng giá tình hình điều kiện cũng như việc sắp xếp thực thi. Muốn có vụ thanh long bội thu không phải chỉ làm cọc, xuống gốc, tưới tắm là xong, rồi phó mặc cho thời tiết bất kể nắng mưa đêm ngày, mà nhà vườn còn phải nhọc công vun chăm, lên lịch thắp sáng đúng hạn cho cây trổ hoa và khi kết trái, còn phải diệt trừ sâu bệnh cũng như chăm chút cho trái tròn, tai vểnh, hai da, đẹp mầu. Đừng lo những gì vượt khỏi tầm tay, nhưng vẫn tiên liệu lo toan thực hiện những gì ở trong khả năng của mình. “Đừng lo” rốt cuộc lại là biết rõ phải lo điều gì, lo đến đâu, lo cách nào, để đạt được thành quả và để mình không bị quá tải hoặc bị nghiền nát bởi điều mình lo. Không nên lo âu phiền muộn hoặc lo lắng vu vơ, nhưng biết lo liệu tính toán và lo toan thực hiện, đó chẳng phải là một khía cạnh của khôn ngoan thực tiễn đó sao?

Như vậy trong lời dạy “đừng lo”, dù được phát biểu dưới hình thức phủ định, Chúa Giêsu kín đáo đề nghị cách giải quyết nỗi lo mang lại hiệu quả. Nếu có điều gì đáng phủ nhận, thì đó chính là kiểu khôn ngoan thực dụng, chỉ nhắm lợi lộc cá nhân mà chẳng quan tâm đến ai cũng như chẳng đếm xỉa gì đến lẽ phải. Đừng lo quá mức, quá đáng; đừng lo linh tinh, lung tung, nhưng biết điều hướng nỗi lo về nẻo thăng hoa tinh thần.

2. Ở cấp độ tâm linh

“Đừng lo” cũng là lời gọi mở sang lòng trông cậy. Ngày xưa cha ông Việt Nam chỉ sống nhờ nông nghiệp, mỗi nhà tùy điều kiện đều có thể sở hữu một số đất cấy cày trồng tỉa lúa thóc hoa màu. Nguồn sống là đó và cuộc sống cũng tùy thuộc vào đó. Năm nào trúng mùa có “của để của ăn” thì xóm làng mọi người hạnh phúc, còn năm nào thời tiết thất thường khiến mùa màng thất bát phải lấy “của ruộng đắp bờ” thì đói ăn là điều khó tránh khỏi. Vì thế nỗi lo đeo đẳng len lỏi vào trong bữa ăn hằng ngày và giấc ngủ hằng đêm. Chả thế mà người xưa dù nỗ lực làm việc vẫn có đó một khoảng tâm linh dành cho lời kinh trông cậy: “Lạy Trời mưa xuống, lấy nước tôi uống, lấy ruộng tôi cày, lấy đầy bát cơm, lấy rơm đun bếp” (ca dao). Khó có thể bảo đây là một thái độ tôn giáo theo nghĩa hiện đại, nghĩa là có giáo lý, có tín đồ và có lễ nghi; nhưng từ sâu thẳm của vô thức đã là một thái độ tâm linh, nhận biết đời sống gắn liền với nỗi lo chính đáng, biết giới hạn của những phương tiện giải quyết và thường khi không thể tự giải quyết được, mà phải cậy nhờ vào sự hỗ trợ trên cao, dẫu sự hỗ trợ trên cao này chỉ là của Trời vốn được hình dung như cao xanh không xác định ngôi vị. Một thái độ tâm linh như thế, dù chưa phải là tôn giáo, nhưng đã là tình trạng chuẩn bị để khi Tin Mừng được rao giảng thì sẵn sàng đón nhận.

Trước đây, tủ sách “học làm người” của nhà xuất bản Phạm văn Tươi, dù chủ đích là học làm người nhưng đã lấy châm ngôn “Nỗ lực và cậy trông” như định hướng vươn lên. Có lẽ ở cấp độ tâm linh, đây cũng là hướng đi của lời “đừng lo” trong bài Phúc Âm.

3. Ở cấp độ niềm tin Công Giáo,

“Đừng lo” còn là lời cổ võ lòng tin tưởng phó thác vào sự quan phòng của Thiên Chúa, Đấng luôn muốn sự tốt sự lành cho mọi người. Loài vô tri vô giác như chim trời, hoa đồng nội còn được chăm sóc huống chi “con người là loài chỉ thua kém thiên thần một chút” (x. TV 8), phải không? Cách đặt vấn đề của Chúa Giêsu rất sát sườn và hình ảnh Người đưa ra rất cụ thể khiến lời dạy “đừng lo” trở thành một bài học quý giá trong thái độ sống, nhất là vào những lúc phải đối mặt với nỗi lo nhiều mặt như vào dịp Tết chẳng hạn. Lo chuyện này chuyện kia là điều không thể tránh trong kiếp phận con người, nhưng lo đúng hướng lại là điều phải học biết, học tập và học hành suốt đời sống đức tin. Như vậy “đừng lo” là đừng lo lắng thái quá kẻo phải hao phí sức lực hoặc hao tốn sức của, nhưng biết phải lo sao cho phù hợp lẽ công bình và tình bác ái với mình và với tha nhân, nhất là với tình yêu của Thiên Chúa.

Nhưng vượt trên những điều đặt con người trước nỗi lo, có một điều tín hữu phải chủ động ưu tiên lo liệu xây dựng và tính toán thực thi, như Chúa Giêsu nói rõ trong bài Phúc Âm, đó là “lo tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Người”, nghĩa là chăm lo chu toàn phận vụ kẻ làm con Chúa, nghĩa vụ thành viên trong Giáo Hội phù hợp với bậc sống, chức vụ làm người giữa gia đình và xã hội. Nếu Nước Thiên Chúa không ở đâu xa, mà ở trong lòng của mỗi người, thì bằng tình mến cũng như niềm thao thức sống tốt, sống đẹp, sống lành, sống thánh hằng ngày, mỗi tín hữu đã biết đảm lĩnh nỗi lo chính yếu trong đời một cách đúng hướng, và điều còn lại là xin phó thác nơi bàn tay quan phòng kỳ diệu của Thiên Chúa, như lời Người đã hứa “còn mọi sự khác sẽ được ban cho sau”.

Tóm lại, lời “đừng lo” có thể hiểu ở ba cấp độ. Ở cấp độ thực tiễn, xin cho tín hữu với nỗi lo “cơm áo gạo tiền” gặp được nâng đỡ cần thiết để diễn tả đức tin cách lạc quan hơn; ở cấp độ tâm linh, xin cho mỗi người khi nỗ lực khẳng định bản thân vượt lên những nỗi lo lớn nhỏ, luôn hiểu rằng đi đôi với “miệt mài” còn có “may mắn” của ơn thánh để thêm trông cậy; và ở cấp độ niềm tin, xin cho mọi kitô hữu đừng lo gì khác ngoài việc tìm kiếm Thiên Chúa là Đấng cho mình sự sống và ý nghĩa sống, còn kỳ dư là trọn niềm phó thác tin yêu.

Tết là dịp gia đình quây quần hạnh phúc, mừng chúc, hun đúc nghĩa sống Tin Mừng, nhất là trong năm “phúc âm hóa đời sống gia đình”. Đừng biến thời gian này thành dịp dị đoan mê lạc, cờ bạc rượu chè, xì ke ma túy, lãng phí xa hoa. Thánh Vịnh 37,5 bảo: Hãy ký thác đường đời cho Chúa, tin tưởng vào Người, Người sẽ ra tay. Riêng tôi năm nay, cùng với những lời chúc đẹp lành cho ơn thánh, sức khỏe, phúc lộc và bình an, xin gửi đến mọi nhà một vần điệu vui:

Năm Giáp Ngọ, chúc vận đỏ: Tiền nặng giỏ, bạc đầy kho.

Trời ban cho, thêm tuổi thọ: Ngày ăn no, tối ngủ khò.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Thánh tích chứa bửu huyết của ĐGH Gioan Phaolô II bị đánh cắp.
Nguyễn Long Thao
21:59 27/01/2014
Tin của BBC cho biết thánh tich có chứa bông gòn thấm bửu huyết của đức thánh Giáo Hoàng Gioan II đã bị đánh cắp.

Hộp chứa bửu huyết của ĐGH Gioan Phaolô II
Theo tin kẻ trộm đã lấy đi lấy thánh tích mà không lấy hộp sưu tập chứa thánh tích.
Hiện nay cảnh sát Ý đang truy lùng kẻ đánh cắp thánh tích.

Cuối tuần qua kẻ gian đã phá song sắt an ninh gắn ngoài cửa sổ rồi chui vào nhà nguyện có tên là San Pietro della Ienca nằm ở một vị trí biệt lập ở vùng núi của khu vực Abruzzo . Nhà nguyện này là nơi đức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II có nhiều kỷ niệm, Ngài hay lui tới nơi này để nghỉ ngơi. Do vậy, sau khi Ngài qua đời, bí thư của ĐGH mà hiện nay là Đức Hồng Y Stanislaw Dziwisz đã đến nơi này xin để thánh tích của ĐGH Gioan Phaolô II.

Ông Franca Corrieri, thành viên của hiệp hội văn hóa yểm trợ nhà nguyên San Pietro tuyên bố với BBC :

Chúng tôi rất bất mãn với kẻ gian. Chúng tôi không thể hiểu được kẻ nào có thể làm được điều này”.

Được biết có ba nơi trên thế giới lưu trữ thánh tích bửu huyết của ĐGH Gioan Phaolô II mà một trong ba nơi đó là nhà nguyện St. Pietro Della Lenca.
 
Đức Thánh Cha ca ngợi đông đảo các linh mục thánh thiện
LM. Trần Đức Anh OP
12:38 27/01/2014
VATICAN. ĐTC Phanxicô ca ngợi đông đảo các linh mục thánh thiện, âm thầm phục vụ dân Chúa và ngài phê bình báo chí thường chỉ để ý đến thiểu số linh mục phạm lỗi.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong bài giảng thánh lễ sáng thứ hai 27-1-2014, tại Nguyện đường Nhà trọ Thánh Marta ở nội thành Vatican.

ĐTC đã diễn giải bài đọc thứ I trong ngày, nói về các chi tộc Israel xức dầu tôn Davit làm Vua. Ngài nêu rõ ý nghĩa thiêng liêng của việc xức dầu và nói rằng: ”Nếu không có sự xức dầu ấy thì Davit chỉ là thủ lãnh của một xí nghiệp, một xã hội chính trị là Vương quốc Israel, chỉ là một nhà tổ chức chính trị. Trái lại, sau khi được xức dầu, Thần Khí Chúa ngự xuống trên Davit và ở lại với ông. Và Kinh Thánh nói: ”Davit ngày càng tăng trưởng trong sức mạnh và Chúa là Thiên Chúa các đạo binh ở với ông”. ĐTC nhận xét rằng ”Đây chính là sự khác biệt của việc xức dầu. Người được xức dầu là người được Chúa chọn. Đó cũng là điều xảy ra trong Giáo Hội với các Giám mục và Linh mục:

”Các Giám mục không được bầu để điều khiển một tổ chức, gọi là Giáo Hội địa phương, các vị được xức dầu, và Thần Khí Chúa ở với các vị. Nhưng tất cả các Giám Mục, tất cả chúng ta đều là người tội lỗi! Chúng ta được xức dầu. Nhưng tất cả chúng ta muốn nên thánh hơn mỗi ngày, trung thành hơn với việc xức dầu ấy. Và người tạo nên Giáo Hội, người mang lại sự hiệp nhất cho Giáo Hội, chính là Đức Giám Mục, nhân danh Chúa Giêsu Kitô, không phải vì ngài được đa số bỏ phiếu cho, nhưng vì ngài được xức dầu. Và trong sự xức dầu này, một Giáo Hội địa phương được sức mạnh của mình. Và cả các Linh mục cũng được tham dự vào sự xức dầu ấy”.

ĐTC cũng giải thích rằng ”sự xức dầu đưa các Giám Mục và Linh mục đến gần Chúa và mang lại cho các vị niềm vui và sức mạnh ”săn sóc dân Chúa, giúp đỡ dân, sống phục vụ dân”, làm cho các vị được vui mừng cảm thấy ”mình được Chúa chọn, được Chúa hướng dẫn, Chúa hướng dẫn tất cả chúng ta bằng tình yêu thương. Vì thế, khi chúng ta nghĩ đến các Giám mục và các linh mục, chúng ta phải nghĩ các vị được xức dầu”.

”Nếu không như thế, ta sẽ không hiểu được Giáo Hội, và ta cũng không thể giải thích được Giáo Hội tiến bước với sức mạnh của con người. Giáo phận này tiến triển vì có một dân thánh thiện, bao nhiêu sự, và cũng có một vị được xức dầu giúp Giáo phận tiến bước, tăng trưởng. Giáo xứ này tiến triển vì có bao nhiêu hội đoàn và nhiều điều khác, nhưng cũng có một Linh mục, được xức dầu làm cho Giáo xứ tiến triển. Và trong lịch sử chúng ta chỉ biết một phần rất nhỏ, thực tế có bao nhiêu Giám mục thánh thiện, bao nhiêu Linh mục thánh thiện đã hiến thân phục vụ giáo phận, giáo xứ, bao nhiêu người đã nhận được sức mạnh đức tin, sức mạnh tình yêu, hy vọng từ các cha sở vô dân mà chúng ta không biết. Có bao nhiêu Linh mục như thế.. Bao nhiêu cha sở miền quê hoặc cha sở thành thị, với việc xức cầu, đã mang lại sức mạnh cho dân, đã thông truyền đạo lý, đã ban các bí tích, nghĩa là sự thánh thiện”.

ĐTC nhận xét có những người nêu vấn nạn: ”Nhưng thưa cha, con đã đọc trên một tờ báo, một Giám mục đã làm chuyện này, một linh mục đã làm chuyện kia!”. Đúng vậy, tôi cũng đọc điều ấy, nhưng xin bạn hãy nói cho tôi, trên các báo chí có đăng tin về điều mà bao nhiêu linh mục, trong bao nhiêu giáo xứ thành thị và miền quê đã làm, bao nhiều việc bác ái, bao nhiêu công việc các vị đã làm cho dân không?”. Không, những điều ấy không phải là tin tức. Một điều vẫn thường xảy ra là: một cây đổ xuống thì gây nhiều tiếng ồn hơn là cả một rừng cây tăng trưởng. Hôm nay, khi nghĩ đến sự xức dầu cho Davit, chúng ta cũng hãy nghĩ đến các Giám Mục, các Linh mục can đảm, thánh thiện, tốt lành, trung thành của chúng ta và cầu nguyện cho các vị. Chính nhờ các vị mà chúng ta ở đây hôm nay!” (SD 27-1-2014)
 
Đức HY O’Malley chỉ trích truyền thông thế tục
Vũ Văn An
18:29 27/01/2014
Cuộc diễn hành phò sự sống hàng năm thường gây ra nhiều tranh luận và phê phán về cách báo chí tường thuật biến cố hay không tường thuật về nó.

Tuy nhiên, một trong các trích dẫn đáng lưu ý nhất trong tuần lễ này là nhận định “nhẹ nhàng” của Đức HY Sean O’Malley đối với những giải thích thiếu đứng đắn của truyền thông thế tục liên quan đến lời lẽ của Đức Phanxicô mới đây: “Ta không thể chỉ nhấn mạnh tới những vấn đề liên quan tới phá thai, hôn nhân đồng tính và việc sử dụng các phương pháp ngừa thai. Điều ấy không thể được… Giáo huấn của Giáo Hội… rất rõ ràng và tôi là con cái Giáo Hội, nhưng không cần phải nói về những vấn đề ấy ấy mọi lúc được”. Và lời này nữa: Giáo Hội: “… không thể bị ám ảnh bởi việc thông truyền một mớ học thuyết rời rạc để áp đặt chúng một cách khăng khăng… Ta cần tìm ra một quân bình mới; nếu không ngay đến tòa nhà luân lý của Giáo Hội cũng có khi sụp đổ như căn nhà bằng quân bài, mất hết nét tươi mát và hương thơm của Tin Mừng”.

Trên báo chí chính dòng, điều trên được hiểu là Đức Giáo Hoàng muốn nói với người Công Giáo rằng họ quá bị “ám ảnh” với chuyện phá thai và nay đã đến lúc họ phải ngưng đừng có diễn hành nữa, đừng có “răn đời” tại các bệnh xá phá thai nữa, đừng có giảng dạy tín lý đối với con cái họ trong các học đường Công Giáo nữa…

Cái hiểu “hỗn xược” ấy đã khiến Đức HY O’Malley, người xưa nay nổi tiếng là ôn hòa, thậm chí cấp tiến nữa trong hàng giáo phẩm Mỹ, phải nhập cuộc. Trong cuộc phỏng vấn của tờ The Boston Herald, Đức HY O’Malley, vốn đứng đầu Ủy Ban Các Sinh Hoạt Phò Sự Sống của Hội Đồng GM Hoa Kỳ và là người từng đọc diễn văn tiền diễn hành phò sự sống, đã đưa ra nhận định sau đây đối với cái hiểu của truyền thông chính dòng, nhất là đối với việc “ám ảnh”:

“Người Công Giáo bình thường trong giáo xứ thường mỗi năm chỉ nghe một bài giảng nói về phá thai. Có lẽ họ chưa bao giờ nghe một bài giảng nói về đồng tính luyến ái hay hôn nhân đồng tính. Có lẽ họ chưa bao giờ nghe một bài giảng nói về ngừa thai. Nhưng nếu anh chị em đọc tờ New York Times, chỉ trong vòng một tuần lễ thôi, đã có tới 20 bài báo nói về các chủ đề đó. Như thế ai là người bị ám ảnh đây?”

Chưa hết, còn nữa:

“Vả lại, chủ trương của Giáo Hội rất rõ ràng và nhất quán. Đối với chúng ta, sự sống nằm ở ngay tâm điểm giáo huấn xã hội của ta. Sự sống là điều quí giá. Nó là một mầu nhiệm. Nên cần được nuôi dưỡng, bảo vệ, việc truyền sinh là việc thánh thiêng. Và việc chúng ta bảo vệ sự sống là một phục vụ lớn lao đối với xã hội. Khi nhà nước bắt đầu quyết định ai đáng sống ai không đáng sống, mọi nhân quyền đều bị đặt vào thế nguy hiểm, nhưng tiếng nói của Giáo Hội thật hết sức rõ ràng. Và chúng ta không chỉ cho rằng sự sống quí giá trong bụng mẹ mà sự sống quí giá ngay cả khi ai đó mắc bệnh Alzheimer, khi ai đó mắc bệnh AIDS, khi ai đó nghèo khó, khi ai đó mắc bệnh tâm thần. Nhân tính của họ không hề suy giảm, và họ có quyền đòi ta yêu thương và phục vụ họ.

“Thành thử, chủ trương của Giáo Hội là một chủ trương rất nhất quán. Tôi không nghĩ là chúng ta bị ám ảnh, dù tờ New York Times muốn cho người ta cảm tưởng ấy, khi hàng tuần họ viết tới 20 bài về những việc này mà hết một nửa nhắc tới Giáo Hội. Nhưng tôi nghĩ tại các giáo xứ, những vấn đề ấy thường được đề cập trong các lớp của Huynh Đoàn Tín Lý Kitô Giáo (CCD), cùng với các tín lý Công Giáo khác nhưng các Giáo Huấn của ta gắn bó với nhau. Chúng là thành phần của một toàn bộ. Có sự nhất quán trong đạo đức học của ta về sự sống”.

Đọc trọn vấn đề, ta sẽ thấy Đức HY O’Malley muốn nói tới một nghị trình có liên quan tới truyền thông trong mặt trận này, một mặt trận có liên hệ gần gũi với điều Đức Phanxicô gọi là phương thức xử lý “quân bình” hơn đối với các vấn đề luân lý tại diễn đàn công cộng, một phương thức bảo vệ tín lý bằng việc gia tăng chăm sóc mục vụ và biểu lộ cảm thương.

Một trong những thể hiện của phương thức trên được chính Đức HY đề cập tới trong câu hỏi về Dự Án Rachel (Project Rachel), là dự án giúp đỡ các phụ nữ tìm được hàn gắn sau khi phá thai. Giáo Hội không bị ám ảnh bởi phá thai đến xua đuổi họ, Giáo Hội sẵn sàng nối vòng tay lớn đối với các phụ nữ phá thai này.

“Chúng ta thấy rằng phá thai không hẳn chỉ là hủy hoại một đứa trẻ mà còn làm hại tới chính cha mẹ nữa. Với hàng triệu vụ phá thai hàng năm, có nhiều bà mẹ cảm thấy nỗi chấn thương này, nên Giáo Hội muốn vươn tay ra cảm thương họ và giúp đem tới cho họ ơn chữa lành của Thiên Chúa để họ thoát khỏi kinh nghiệm (đau thương) này. Chúng ta thấy rằng dự án này đã giúp đỡ khá nhiều bà mẹ và cả các người cha nữa nắm vững được điều thực sự xẩy ra trong đời họ và cảm nhận được ơn chữa lành của tha thứ. Đức Thánh Cha từng mô tả Giáo Hội như một bệnh viện dã chiến và theo tôi một trong các chức năng của Dự Án Rachel là giúp người ta trong cảnh đổ vỡ của họ và giúp đem tới một cảm thức chữa lành và hòa giải cho những người mà cuộc đời bị ảnh hưởng bởi phá thai…

“Tôi tin chắc đó là loại sáng kiến được Đức Thánh Cha ủng hộ rất nhiều vì ngài thực sự muốn Giáo Hội trở thành gương mặt thương xót của Thiên Chúa, nơi họ cảm thấy được chào đón, yêu thương, tha thứ, xác nhận, và chắc chắn chương trình này thực hiện được mọi điều vừa nói vì đây là một thừa tác vụ hàn gắn. Người ta thường quá tập chú vào vấn đề phá thai và tính hợp pháp chung quanh việc phá thai, còn Giáo Hội thì hết sức quan tâm đối với các vấn đề của cá nhân mà cuộc đời bị thảm họa phá thai tác động…

“Vấn đề phá thai sẽ được giải quyết bằng việc chăm sóc người mẹ và đây là một phương thức chúng tôi dùng để cố gắng vươn tay ra chăm sóc các bà mẹ. Về việc này, chúng tôi hết sức kín đáo và các phụ nữ cảm thấy họ ở trong một môi trường yên ổn, chịu tiếp nhận họ".

Thành thử, Đức HY O’Malley muốn độc giả cũng như các nhà báo chịu khó tìm hiểu sâu xa lời phát biểu đây đó của Đức Giáo Hoàng. Chúng là thành phần của một giáo huấn toàn bộ và nhất quán. Về việc phá thai, Giáo huấn này từng được thể hiện quân bình, rất quân bình, bởi các chương trình cụ thể như Dự Án Rachel.
 
Một thông điệp về môi sinh của Đức Thánh Cha Phanxicô có thể được công bố trong tương lai gần
Đặng Tự Do
05:53 27/01/2014
Đức Thánh Cha Phanxicô “đã khởi sự viết một dự thảo về chủ đề sinh thái, có thể sẽ trở thành một thông điệp”

Hôm thứ Sáu 24 tháng Giêng, cha Federico Lombardi, giám đốc phòng Báo chí Tòa Thánh, nói rằng Đức Giáo Hoàng "dự định đặt trọng tâm đặc biệt về chủ đề ‘môi sinh nhân bản’, một cụm từ đã được sử dụng bởi Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 để mô tả rằng con người phải bảo vệ và tôn trọng cả thiên nhiên lẫn bản chất của con người - nam tính và nữ tính như được tạo dựng bởi Thiên Chúa.”

Trong thông điệp Caritas in Veritate, (Bác ái trong sự thật) được công bố ngày 7/7/2009, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 đã dành những đoạn cuối cùng (48-52) trong chương thứ IV để nói về môi sinh.

Đối với tín hữu, thiên nhiên là một món quà của Thiên Chúa cần phải sử dụng trong tinh thần trách nhiệm. Trong bối cảnh đó, ngài nói đến các vấn đề năng lượng. Ngài tố giác ”sự kiện một số quốc gia và các nhóm quyền lực vơ vét các nguồn tài nguyên là một cản trở nghiêm trọng đối với sự phát triển các nước nghèo”.

Vì thế, cộng đồng quốc tế phải tìm ra những con đường cơ chế để kỷ luật hóa việc khai thác các tài nguyên không tái sinh được. Các xã hội kỹ thuật tân tiến có thể và phải giảm bớt nhu cầu năng lượng của mình, đồng thời phải gia tăng việc nghiên cứu các năng lượng khác.

Đức Bênêđíctô thứ 16 nói rằng cần phải thực sự thay đổi não trạng để đi tới chỗ chấp nhận những lối sống mới. Ngày nay có một lối sống tại nhiều nơi trên thế giới, có xu hướng duy khoái lạc và duy tiêu thụ. Vấn đề quyết định là lối sống luân lý toàn bộ của xã hội.

“Nếu người ta không tôn trọng quyền sống và cái chết tự nhiên, thì lương tâm con người rốt cuộc sẽ đánh mất ý niệm về môi sinh nhân bản và ý niệm môi trường sống”
 
Top Stories
Vietnam: L’avocat catholique Lê Quôc Quân comparaîtra devant un tribunal de seconde instance le 8 février 2014
Eglises d'Asie
10:39 27/01/2014
L’avocat dissident, Me Lê Quôc Quân, aujourd’hui détenu dans une prison du Nord-Vietnam, sera jugé en appel le 8 février prochain. La nouvelle a été annoncée à l’avocat chargé de sa défense, le 22 janvier, par le Tribunal populaire suprême de Hanoi.

Des nouvelles du prisonnier politique ont été diffusées peu après la visite qu’a pu lui rendre sa famille, le 21 janvier. Au cours de cette rencontre qui a permis à ses proches de lui apporter quelque ravitaillement, le prisonnier a pu s’entretenir quelque temps avec eux. Selon son frère, Lê Quôc Quyêt, l’état de santé du prisonnier est satisfaisant.

Après sa condamnation en première instance, il a été placé dans une cellule où étaient déjà enfermés 24 prisonniers. La moitié d’entre eux sont d’anciens drogués. Ses parents ont aussi rapporté que l’avocat est seulement autorisé à lire deux journaux : l’organe national du Parti communiste vietnamien, le Nhân Dân, et l’organe de la Sécurité publique, l’An Ninh. D’autres lectures lui sont interdites, en particulier celle de la Bible, pour laquelle il a demandé en vain une autorisation.

Me Lê Quôc Quân avait été arrêté en décembre 2012. Son procès en première instance avait été annoncé pour le 9 juillet 2013. L’avocat s’y était préparé d’une façon toute spéciale. Quelques jours auparavant, il avait entamé une retraite spirituelle associant le jeûne et la prière. A la veille de la date prévue pour le procès, le tribunal avait annoncé que la juge devant diriger les débats était tombée malade et que le procès était reporté à une date ultérieure.

Il eut finalement lieu le 2 octobre 2013. L’avocat catholique fut condamné à 30 mois de prison ainsi qu’à une très lourde amende. Dans la sentence, aucune référence n’était faite à son activité militante critique à l’égard du pouvoir. L’accusation portait uniquement sur une prétendue fraude fiscale de l’entreprise dont il était le principal dirigeant.

Dès le lendemain du procès, l’ambassade des Etats-Unis au Vietnam avait publié un communiqué exprimant ses préoccupations au sujet des accusations comme de la sentence de 30 mois de prison prononcée à l’encontre de l’avocat dissident. Le communiqué dénonçait aussi l’utilisation de dispositions légales contre la fraude fiscale, à des fins de répression politique. Par la suite, de très nombreuses associations humanitaires ont rendu publique leur indignation devant la sentence portée contre l’avocat.

La fraude fiscale fut l’accusation officielle inscrite sur l’acte d’accusation et reprise dans le réquisitoire. Elle motiva la condamnation en première instance. C’est sur elle que, sans doute, porteront les débats du procès en appel. Mais peu de gens seront dupes, convaincus que le passé militant de l’avocat est, de toute évidence, à l’origine de sa condamnation. Ses écrits appelant à la liberté démocratique, sa participation au mouvement pour la liberté religieuse, aux manifestations contre l’expansionnisme chinois, son influence auprès des jeunes jouent très certainement un grand rôle dans l’acharnement de la justice à son égard, même s’il n’en est pas question dans le réquisitoire du procureur et dans la sentence des juges. (eda/jm)

(Source: Eglises d'Asie, le 27 janvier 2014)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Đại Hội Đồng Mục Vụ TGP Sydney
Diệp Hải Dung
11:02 27/01/2014
Chiều thứ Hai 27/01/2014 các anh chị em trong Hội Đồng Mục Vụ TGP Sydney đã đến Trung Tâm Tĩnh Huấn Thánh Giuse Bringelly Sydney tham dự Đại Hội Đồng Mục Vụ thường niên nhân dịp đầu năm mới 2014. Sau khi dâng lời Kinh Nguyện khai mạc Đại Hội. Ban Thường Vụ trình chiếu những hình ảnh sinh hoạt của Cộng Đồng trong năm qua và anh Trần Anh Vũ Chủ tịch Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam TGP Sydney lên báo cáo những sinh họat trong năm vừa qua và báo cáo dự án xây dựng Đền Các Thánh Tử Đạo Việt Nam trên Trung Tâm và mái che nắng, che mưa trước Lễ đài.

Hình ảnh

Cha Tuyên úy Trưởng Nguyễn Khoa Toàn chia sẻ với mọi người về đề tài Phụng Vụ Lời Chúa hôm nay. Tôi xin các thành viên HĐMV trong đầu năm 2014 này chúng ta hạ quyết tâm, cố gắng cùng với Ban Thường Vụ dưới sự lãnh đạo của Ban Tuyên Úy tiếp tục truyền thống phát huy Cộng Đồng và cái sự bỏ lưới ra đi bên cạnh đó nó đòi hỏi nhiều sự hy sinh của mỗi người. Tôi thay mặt cho Ban Tuyên Úy chân thành cám ơn tất cả các anh chị em đã hy sinh gấp đôi gấp ba để cho chồng để cho vợ, để cho những người thân yêu của mình có cơ hội phục vụ Cộng Đồng, và tôi tin rằng trước mặt Chúa những hy sinh thầm lặng đó rất quý giá vô cùng…

Sau đó là phần chia sẻ và phát biểu đóng góp ý kiến của các thành viên Hội Đồng Mục Vụ. Mọi thắc mắc và những câu hỏi nêu nên đã được Ban Tuyên Úy giải đáp thỏa đáng.

Trước khi kết thúc Đại Hội Đồng Mục Vụ, anh Trần Anh Vũ Chủ tịch Cộng Đồng ngỏ lời tri ân cám ơn Cha Tuyên Úy Trưởng Nguyễn Khoa Toàn hôm nay là ngày họp mặt đầu năm thường niên của HĐMV TGP Sydney, có lẽ cũng là lần sau cùng chúng con được vinh dự có Cha hiện diện với tư cách Tuyên Úy Trưởng hướng dẫn chúng con sinh hoạt Hội Đồng Mục Vụ. Nhân dịp này con xin thay mặt quý Bác, anh chị em trong đại gia đình HĐMV bày tỏ lòng tri ân đến với Cha về những đóng góp cho Cộng Đồng. Chúng con kính chúc Cha dồi dào sức khỏe, nhiều hồng ân Chúa trong năm mới Giáp Ngọ để Cha tiếp tục phục vụ Cộng Đồng Dân Chúa trong môi trường mới. Con cũng thay mặt HĐMV chào mừng Cha Phêrô Dương Thanh Liêm đã được Đức Hồng Y Georges Pell Tổng Giám Mục Giáo Phận Sydney bổ nhiệm Cha trong chức vụ Tuyên Uý Trưởng CĐCGVN TGP Sydney với nhiệm kỳ 3 năm, và nghi thức bàn giao sẽ được cử hành trong Thánh lễ Giao Thừa vào tối Thứ Năm 30/01/2014.

Thay mặt HĐMV chúng con xin chân thành chúc mừng Cha trong chức vụ Tân Tuyên Úy Trưởng trong những ngày tới đây. Nguyện xin Chúa qua lời cầu bầu của Mẹ La Vang ban nhiều ơn lành trên Cha, để Cha can đảm cùng với Ban Tuyên Úy, Ban Thường Vụ và HĐMV chu toàn sứ vụ mới lèo lái Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam Tị Nạn tại TGP Sydney thăng tiến hơn.

Sau cùng Cha Tuyên uý Trưởng Nguyễn Khoa Toàn cũng ngỏ lời cám ơn đến quý Cha, Sơ và mọi người sau đó cùng ở lại dự tiệc liên hoan mừng Tất Niên tại nhà ăn Trung Tâm.
 
Phát quà Tết cho các gia đình nghèo tại Nghệ An
William Nguyễn
11:11 27/01/2014
NGHỆ AN - Hội Trái Tim Bác Ái tại Orange California Hoa Kỳ phát Quà Tết cho các Gia Đình nghèo tại Xóm 1, Xã Quỳnh Thanh, Huyện Quỳnh Lưu Tỉnh Nghệ An vào buổi sáng ngày 24/1/2014, buổi chiều phát tại Giáo Xứ Phú Long huyện Hưng Nguyên tỉnh Nghệ An Việt nam, là Giáo xứ nghèo, thất nhọc, ghiền ma túy, sống dọc theo Sông Lam, Linh Mục Chánh xứ Trần Văn Niên đi vào từng Giáo Họ, từng Gia Đình lo cho từng người về đời sống tâm linh. Được sự hướng dẫn của Cha Chánh xứ nên vào tận nhà phát quà cho từng Giáo Dân.

Hình ảnh

 
Giáo xứ Bắc Thần, GP Xuân Lộc dâng lễ mừng tuổi các vị cao niên trong giáo xứ
Phước Lý
22:02 27/01/2014
Phước Lý: Mỗi dịp tết về, giáo xứ Bắc Thần (hạt Phước Lý, Giáo Phận Xuân Lộc) trong và ngoài nước cùng với cha xứ dành một ngày đặc biệt cùng dâng lễ và mừng tuổi các cụ cao niên từ 70 tuổi trở nên.

Sáng nay, ngày 28.01(28 tết) trước thềm Năm mới Giáp ngọ, Cha xứ, cha phó cùng với đại gia đình Giáo xứ dâng lễ Tạ ơn, cầu bình an và chúc thọ các cụ trong giáo xứ. Hiện Giáo xứ có 157 trên 70 tuổi. Các cụ đều nhận được thư mời tham dự dâng Lễ tạ ơn.

Trước Thánh lễ ông Chánh đại diện gia đình Giáo xứ dâng lên các cụ lời chúc xuân đến các cụ hiện diện hay vì tuổi già sức yếu không hiện diện được.

Trước lễ, cha xứ chủ tế có lời mừng chúc, cảm ơn các cụ đã tích cực xây dựng gia đình Giáo xứ thêm hiệp thông yêu thương, nhất là nêu gương sáng thánh đức cho con cháu.

Trong bài chia sẻ Lời Chúa (do cha phó phụ trách), Tin Mừng hôm nay (Mc 3, 31-35) cho thấy từ mối liên hệ gia đình tự nhiên (Đức Mẹ và bà con đến gặp Chúa) Đức Giêsu hướng đến về gia đình thiêng liêng, gia đình Thiên Chúa: “Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh em, chị em, là mẹ tôi” (Mc 3,35).

Điều này cho thấy rõ, ngoài gia đình tự nhiên dựa trên huyết tộc, mỗi Kitô hữu còn có gia đình thiêng liêng dựa trên nền tảng Đức tin, thuộc về gia đình Thiên Chúa. Và trong đại gia đình Thiên Chúa ấy, các cụ- dù không thuộc dòng họ mình theo huyết thống, dù không thuộc tổ tiên theo chủng tộc… vẫn là, luôn là Ông Bà Cha Mẹ của chúng ta, đòi ta phải hiếu kính. Đặc biệt trong ngày đầu xuân năm mới, Trong lăng kính nền văn hóa dân tộc- là những ngày gia đình sum họp, Ông Bà Cha Mẹ con cháu quây quần, là ngày hơn lúc nào hết nền văn hoa dân Việt đề cao Đạo hiếu.

Mượn lời ĐTC Phanxicô, cha giảng lễ nói: “Dân tộc nào không tôn trọng các Ông Bà thì không có ký ức và vì thế không có tương lai”.

Sau Thánh lễ, hai cha thay mặt gia đình giáo xứ mừng thọ đến từng cụ với bao thư hiện kim. Những cụ vì tuổi cao sức yếu sẽ nhờ người chuyển đên tân tay món quà mừng tuổi này.

Tin, ảnh: Phước Lý
 
Văn Hóa
Bài Hát ý lực Năm Phúc Âm Hóa Gia Đình: ''Là Muối là Men''
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Hoa Mai Mùa Tết
Nguyễn Ngọc Liên
22:21 27/01/2014
HOA MAI MÙA TẾT
Ảnh của Nguyễn Ngọc Liên
Nhớ ơi một sáng Sài Gòn
Cô hàng ngày ấy có còn bán hoa
Xuân này hun hút trời xa
Tôi còn chăm sóc cành hoa Mai vàng
Dù xuân có đến ngỡ ngàng
Nhưng tôi nhớ mãi cô hàng tên Mai ...
(Trích thơ của Đỗ Hữu Tài)